TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ LUẬN SỚ

SỐ 1663 - BỒ ĐỀ TÂM QUÁN THÍCH

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Thiên.


Quy mạng Đức Bổn Sư, Đấng Thế Tôn Đại Giác, nay con lược giải thích về quán tâm Bồ-đề.

Như Đức Phật đã nói: Tất cả các pháp từ tâm sanh ra. Nay con hướng về bàn luận tâm Bồ-đề ấy. Sao nói là tánh? Đáp: Lìa tất cả các tánh. Sao nói là tất cả các tánh? Đó gọi là các tánh uẩn-xứ-giới. Vì tâm Bồ-đề ấy lìa bỏ thủ-xả, thì pháp vô ngã, tự tánh bình đẳng, từ trước đến nay không sanh nên tự tánh vốn là không. Nói tất cả tánh, ấy là tánh của tất cả các ngã… Đó gọi là tánh của ngãnhân-chúng sanh-thọ giả, Bổ-đặc-già-la, Ma-noaphược-ca…, nhưng các tánh ấy không phải là tâm Bồđề, đối với ý đó nói thế nào? Đó là các tánh ngã-nhân… ấy, nhưng ở trong tự tánh lìa xa tất cả các tướng, đã sanh ra ngã kiến, thuận theo ngã kiến phát sanh tất cả phiền não, ở đây không nảy sanh tâm kia. Hoặc nói là các uẩnxứ-giới cũng lìa thủ-xả, nghĩa là tánh các uẩn-xứ-giới theo lý chân thật thì không thể đạt được. Sao nói là sắc tướng đều không có thật? Đó là vì sắc uẩn do bốn đại chủng hòa hợp mà thành. Bốn đại chủng ấy, tức là địa-thủy-hỏa và phong. Tiếp tục phát sanh năm sắc, đó là sắc-thanh-hương-vị và xúc. Các đại chủng ấy cùng với năm sắc, mỗi một loại đều có tự tánh không thể đạt được. Như vậy các pháp đều như thế. Vì vậy biết sắc chỉ là tên gọi hư giả. Từ đây biết sắc uẩn là không, ví như nhờ cây mà có bóng, cây mất thì bóng không còn. Sắc uẩn như vậy, thọ uẩn cũng thế. Sao nói là thọ? Thọ có ba loại, đó là khổ thọ-lạc thọ-phi khổ lạc thọ, nhưng ba thọ nầy nhân duyên với nhau. Lại có hai loại, đó là thân thọ và ý thọ. Thân gồm vào sắc uẩn, vì thế thân không thể đạt được. Nếu như không có thân thì không có cảm thọ, cũng không thể nói năng-cũng không thể giải thích, chẳng phải ngắn-chẳng phải dài, không hình sắc-không tướng mạo, không có thật-không vướng mắc, không thể biết được. Thân thọ như vậy, Ý thọ cũng như thế. Thọ uẩn như vậy, thấy thọ uẩn là không, tưởng uẩn cũng hư giả không thật, duyên lự đã thâu tóm. Nhưng duyên lự ấy không thể đạt được, vì thế chính là không phải duyên lự. Không phải duyên lự cho nên thấy tưởng uẩn là không. Tưởng uẩn như vậy, hành uẩn cũng như thế. Tâm đã tạo tác các hành động thiện và ý ghi nhớ, vì không hề có gì, tâm pháp kia đã sanh các uẩn như sắc-thọ…, tất cả các uẩn không hề sanh ra. Vì thế biết nghiệp tướng của hành uẩn không thật cũng không có chi phối thì thấy hành uẩn là không. Hành uẩn như vậy, thức uẩn cũng như thế, cho đến nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân-ý, nhãn thức-nhĩ thức… ấy tất cả tự tánh đều không thể đạt được. Nhãn ấy duyên với hữu sắc, thuận theo duyên sanh ra thức, không có duyên thì không sanh ra thức, mà nhãn sắc nầy và các sắc uẩn kia đều không phân biệt như nhau, phân biệt nhãn sắc nầy tức là không phải nhãn sắc, thức không hề sanh khởi. Nhãn thức như vậy, nhĩ-tỷ-thiệt-thân và ý cũng như thế. Như vậy biết thức nầy dựa vào Mạt-na thức (Ma năng thức), vì dựa vào Mạt-na thức, cho nên đã phát sanh các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại. Sao nói là pháp quá khứ, vị lai và hiện tại? Đó là quá khứ đã diệt đi, vị lai chưa sanh khởi, hiện tại không dừng lại. Vì vậy biết thức uẩn là không. Như vậy từng loại một nói về uẩn-xứ-giới, tất cả đều phân biệt, tự tánh đều là không, chẳng phải vô tánh kia chính là câu nói chân thật, ví như không có hạt giống (chủng tử) thì không sanh ra mầm cây. Vì thế cho nên nói các uẩn-xứ-giới ấy cũng lìa thủ-xả.

Tại sao nói tâm Bồ-đề không có thủ-không có xả? Như Đức Phật đã thuyết: Nói với Bồ-tát Bí Mật Chủ về tâm Bồ-đề ấy: Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết rõ tâm ấy, chẳng phải xanh-chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ-chẳng phải trắng, chẳng phải màu hồng-chẳng phải màu pha lê, chẳng phải ngắn-chẳng phải dài, chẳng phải tròn-chẳng phải vuông, chẳng phải sáng-chẳng phải tối, chẳng phải nữ-chẳng phải nam, chẳng phải hoàng môn. Lại nữa, Bí Mật Chủ! Tâm Bồ-đề không phải là tánh cõi Dục, không phải là tánh cõi Sắc, không phải là tánh cõi Trời-không phải tánh Dạ-xoa, không phải tánh Càn-thát-bà

-không phải tánh A-tu-la, không phải tánh người-không phải tánh phi nhân, thậm chí Nhất thiết trí cầu mong cũng không thể đạt được. Như vậy đạt được (Thủ) tâm chẳng phải là có.

Tại sao nói là có xả? Lại như Đức Phật thuyết: Nói với Bồ-tát Bí Mật Chủ, tâm Bồ-đề chẳng phải trong-chẳng phải ngoài-chẳng phải trung gian, vì thế không thể đạt được. Ý đó thế nào? Vì tự tánh vắng lặng. Lại Bí Mật Chủ! Tâm Bồ-đề ấy Nhất thiết trí cầu không thể đạt được, sao nói có thể thủ-xả? Như vậy đối với pháp có thể xa rời thủ-xả, bình đẳng vô ngã, như tất cả các pháp, vô ngã cũng vậy. Như Đức Phật đã thuyết, tâm Bồ-đề cũng vậy. Tất cả các pháp là không, vô tướng, vô ngã, các pháp tịch tĩnh không có tướng tịch tĩnh, tâm vốn bình đẳng từ trước đến nay không sanh ra cũng không phải không sanh ra.

Lại nữa, sao nói là tánh? Đáp: Tánh rỗng lặng. Rỗng lặng sao nói là tánh? Đó là vì như hư không. Như đức Phật đã thuyết, tánh của hư không vì rỗng lặng chẳng có gì rõ ràng, tâm Bồ-đề cũng lại như vậy. Tên gọi của Bồđề chẳng phải là tánh-chẳng phải là tướng, không có sanh-không có diệt, chẳng phải giác-chẳng phải vô giác, nếu hiểu rõ như vậy, thì gọi là tâm Bồ-đề.

Lại như Đức Phật thuyết, nói với Bồ-tát Bí Mật Chủ: Đối với tâm vốn có của mình biết rõ như thật, đối với pháp không và có cũng không thể nào đạt được, vì thế nên gọi là Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Lại nói với Bồ-tát Bí Mật Chủ: Phải đối với tự tâm quán sát như thật rồi, sau đó hãy phát khởi phương tiện quán sát đối với chúng sanh, biết các chúng sanh đối với tánh Giác của mình không hiểu biết như thật, dấy lên những nghi hoặc sai lạc chấp trước điên đảo, nhận chịu các loại đau khổ to lớn nơi vòng luân hồi, vì vậy nên Ta khởi tâm đại bi, khiến cho các chúng sanh giác ngộ chứng thực như thật đối với chính tâm pháp của họ, đây chính gọi là tâm Bồ-đề, là tâm lợi ích, là tâm an lạc, là tâm tối thượng, là tâm pháp giới thiện giác. Dùng trí như vậy thâu tóm các chúng sanh, cho nên gọi là tâm Bồ-đề. Phát ra tâm nầy, phước đức thu được cũng không có giới hạn, bao la như hư không, biển công đức đó lại cũng vô lượng. Tuy kiếp có tận cùng nhưng công đức chẳng bao giờ cùng tận. Như vậy gọi là phát tâm Bồ-đề tối thượng làm căn bản cho Nhất thiết trí.


[Đầu trang][Mục lục bộ Luận Tập][Mục lục tổng quát]