TẠNG LUẬN
SỐ 1725 - PHÁP HOA TÔNG YẾU
Pháp sư Nguyên Hiểu soạn
Để giải thích kinh này, lược phân chia làm sáu môn:
1. Trình bày đại ý,
2. Nói về tông chỉ của kinh,
3. Nói về giải thích dụng,
4. Giải thích tên đề kinh,
5. Nói thuộc về giáo nào,
6. Giảm bớt văn nghĩa.
I. Thứ nhất trình bày đại ý: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đây chính là đại ý ra đời của Chư Phật ba đời mười phương, là cửa ngỏ rộng lớn của bốn thứ chúng sanh trong ba cõi sau khi hoại diệt cùng nhau đi vào. Văn từ khéo léo nghĩa lý sâu xa, không có sự mầu nhiệm nào mà không đạt tới cực điểm. Ngôn từ diễn lý thông suốt, không pháp nào không thể nói ra. Văn từ khéo phô diễn hoa mà ngậm chứa quả hạt, nghĩa lý sâu xa thông suốt Thật mà có Quyền. Lý sâu xa thông suốt không hai-không khác. Từ khéo phô diễn thì mở Quyền chỉ ra Thật. Khai quyền: Mở ra ngoài cửa có ba xe là Quyền, thành báu giữa đường là hóa, dưới cội cây thành đạo không phải bắt đầu, trong rừng cây diệt độ chẳng phải kết thúc. Thị Thật: là chỉ ra tất cả chúng sanh đều là con của mình, nhị thừa đều được thành Phật, tính toán không đủ để lường tính tuổi thọ đó. Kiếp hỏa không thể nào đốt cháy hết sự tồn tại đó thì gọi là tính chất khéo léo mầu nhiệm của ngôn từ văn chương. Nói không hai, là chỉ có một đại sự, tức khai, thị, ngộ, nhập ở tri kiến Phật, không có việc gì hơn, việc gì là khiến cho chúng sanh hiểu và chứng được tri kiến ấy.
Nói không khác, là ba thứ bình đẳng, các thừa các thân đều chung một mẫu mực, thế gian và Niết-bàn lìa hẳn hai bên, đây gọi là tính chất sâu xa mầu nhiệm của nghĩa lý. Đây là văn lý diệt diệu không có gì chẳng phải là sâu xa, bởi xa lìa khuôn khép thô thiển mới gọi là Diệu Pháp, Hoa Quyền bày ra đầy đủ thì quả Thật làm sáng tỏ hết mức, vẻ đẹp trong Vô Nhiễm mượn ví dụ là Liên Hoa. Nhưng Diệu Pháp mầu nhiệm vô song, nào là ba-nào là một, rất dài lâu, rất sâu xa, ai là ngắn, ai là dài? Các nghĩa ấy không dễ gì thâm nhập. Các đệ tử hồn nhiên rất khó đưa ra, cho nên Như-lai gợi ra niềm ao ước thích ứng với ba loại xe, ở tại vườn Nai bày tỏ có thân tướng thô thiển, xe trâu trắng ở núi Thứu biểu hiện cho tuổi thọ lâu dài vô hạn. Đây chính là dùng một để phá bỏ ba, ba trừ thì một cũng bỏ, mượn dài để bày tỏ ngắn, ngắn dừng lại thì dài quên hết, là pháp không thể chỉ ra được, tướng ngôn từ vắng lặng, sạch hết không còn chứng cứ, thi hành rõ rệt mà xa lìa nương tựa, không biết dùng ngôn từ gì nói về điều ấy nên gượng gọi là Diệu Pháp Liên Hoa. Tuy là để phân biệt ngồi nghe giáo pháp ấy, mà đang tiếp nhận chỗ ngồi của Luân Vương Thích
Phạm, người nào nghe thông suốt một câu đều được thọ ký thành Bồ-đề vô thượng, huống chi đối với phước thọ trì giảng nói, há có thể nghĩ bàn được số lượng ấy hay sao! Đưa ra đại ý này để nêu lên tựa đề kinh, cho nên nói là kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
II. Thứ hai, nói về tông chỉ của kinh: Kinh này chính là dùng Nhất Thừa Thật Tướng rộng lớn sâu xa làm tông chỉ sở thuyên. Nói chung tuy là như vậy, nhưng trong đó phân biệt rõ ràng. Nhất thừa Thật Tướng nói sơ lược có hai, đó là người Năng thừa và pháp Sở thừa. Kinh này vốn nói về người Nhất thừa, là người tu hành ba Thừa, bốn thứ Thanh-văn. Trong ba cõi vốn có bốn thứ chúng sanh, cùng là người năng thừa, là người đang trong một Phật thừa, đều là Phật tử, đều là Bồ-tát, vì đều có Phật tánh cho nên sẽ kế thừa Phật vị, thậm chí vô tánh hữu tình cũng đều có thể thành Phật. Như kinh Bảo Vân chép: "Bồ-tát phát tâm liền nghĩ: Chúng sanh kém hiểu biết ngu si câm ngọng trong tất cả thế giới không có phần Niết-bàn không phát sinh tín tâm, đã vứt bỏ quả vị Bồtát của họ, Chúng sanh như vậy Ta đều điều phục cho đến ngồi nơi đạo tràng đạt được A-nậu Bồ-đề. Lúc phát tâm này, cung điện ma quân rung chuyển dữ dội." Lại nói: "Bồ-tát thành Phật thì mọi thệ nguyện được đầy đủ." Phẩm Phương Tiện chép: "Chư Phật ba đời chỉ giáo hóa Bồ-tát." Phẩm Thí Dụ chép: "Tất cả chúng sanh đều là con của Ta." Lại chép: "Các pháp từ trước đến nay tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hiểu đạo rồi, đời sau được thành Phật." Vậy thì không có một chúng sanh nào mà chẳng phải Phật tử, cho nên nghĩa rộng lớn. Thế giới chúng sanh này chính là cõi Niết-bàn, cho nên nghĩa sâu xa. Như luận giải thích: "Tướng của ba cõi ấy, có nghĩa là cõi chúng sanh chính là cõi Niết-bàn, không lìa cõi chúng sanh mà có Như-lai tạng", đây gọi là người năng thừa đều là người chung một Phật thừa. "Pháp sở thừa của người trong một thừa này, nói sơ lược thì có bốn thứ, đó là Lý Nhất thừa và giáo Nhất thừa, Nhân Nhất thừa và Quả Nhất thừa. Lý Nhất thừa: Gọi là một pháp giới, cũng gọi là pháp thân, gọi là Như-lai tạng. Như kinh Tát Già Ni-kiền-tử chép: "Văn Thù Sư Lợi thưa với Đức Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nếu không có tánh sai khác của Ba thừa, vì sao Như-lai nói pháp ba thừa? Đức Phật chép: Chư Phật Như-lai nói pháp ba thừa, là chỉ rõ địa vị sai khác chứ không phải thừa sai khác, nói về con người sai khác chứ không phải là thừa sai khác." Chư Phật Như-lai nói ra ba thừa, là chỉ ra công đức ít để biết đến công đức nhiều, mà trong Phật Pháp không có sai khác về thừa, vì sao? Vì pháp của pháp giới không có gì sai khác. Trong kinh Kim Quang Minh chép: "Pháp giới không có gì sai khác, cho nên không có thừa khác nhau, vì cứu độ chúng sanh cho nên phân biệt để nói ra ba thừa." Lại kinh này chép: "Chư Phật Như-lai có năng lực biết rốt ráo thật tướng của pháp kia." Luận giải thích điều này: "Thật tướng ấy gọi là Như-lai Tạng, là thể của pháp thân, là tướng bất biến." Còn văn đoạn sau chép: "Đồng là chỉ ra tánh pháp thân của chư Phật Như-lai giống như các hàng phàm phu-Thanh-văn Bích-chi-Phật... Pháp thân bình đẳng cho nên không có sai khác." Xét rằng: Pháp thân Như-lai là tánh Như-lai tạng, tất cả chúng sanh bình đẳng vốn có, thường chuyển vận tất cả cùng trở về cội nguồn ban đầu, vì đạo lý không có thừa khác nhau ấy, nên nói pháp này là tánh nhất thừa, như vậy là lý Nhất thừa.
Giáo Nhất thừa: Tất cả chư Phật khắp mười phương ba đời, từ lúc mới thành đạo cho đến Niết-bàn, trong thời gian này đã nói ra tất cả ngôn giáo, không có ngôn giáo nào không làm cho đến được địa vị Nhất-thiết-trí, vì vậy đều gọi là giáo Nhất thừa. Như phẩm Phương Tiện chép: "Chư Phật cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ loại nhân duyên, thí dụ, ngôn từ, mà vì giảng nói các pháp cho chúng sanh nghe. Pháp này đều chung một Phật thừa, các chúng sanh này từ Phật nghe pháp, rốt ráo đều đạt được nhất thiết chủng trí." Giáo này thông suốt khắp ba đời mười phương, vô lượng vô biên cho nên rộng lớn. Vì một lời một câu đều là Phật thừa, một tướng một vị cho nên rất sâu, như vậy gọi là Giáo nhất thừa.
Nhân Nhất thừa: Nói chung có hai loại, một là tánh nhân, hai là tác nhân. Nói về Tánh nhân, thì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là quả của ba thân làm thành nhân. Như phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát chép: "Tôi không dám coi thường các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật." Luận giải thích điều này: "Nêu rõ các chúng sanh đều có Phật tánh." Lại chép: "Hai loại Thanh-văn là quyết định và tăng thượng mạn, vì căn cơ chưa thuần thục, do đó Phật không thọ ký cho, mà Bồ-tát thọ ký. Bồ-tát thọ ký cho là phương tiện làm cho phát tâm." Nên biết rằng dựa vào ý kinh này mà nói người Nhị thừa hướng về vắng lặng và loài hữu tình vô tánh đều có Phật tánh thảy đều được thành Phật. Nói về tác nhân, thì hoặc thánh hay phàm, nội đạo hay ngoại đạo, tất cả gốc lành thuộc phần đạo hay phần phước, chẳng loài nào không cùng đến Bồđề vô thượng. Như kinh chép: "Hoặc có người lễ bái, hoặc chỉ chắp tay, cho đến giơ một tay, hoặc hơi nghiêng đầu. Nếu người tâm tư tán loạn đi vào tháp miếu chỉ xưng một tiếng Nam mô Phật cũng đều đã thành tựu Phật đạo," cho đến nói rộng. Kinh Bổn Thừa chép: "Tất cả các gốc lành hạng phàm hay bậc thánh không tiếp nhận quả hữu lậu, chỉ tiếp nhận quả thường trụ." Kinh Đại Bi chép: "Đức Phật bảo A-nan: Nếu người nào ưa thích đắm vào quả báo ba cõi, đối với ruộng phước của Phật hoặc thực hành bố thí hay các gốc lành khác, nguyện mình đời đời không nhập Niết-bàn. dùng gốc lành này không nhập Niết-bàn, thì điều này không thể có được. Người này tuy không mong cầu Niết-bàn, nhưng đối với Phật đã gieo trồng các gốc lành, thì Ta nói người này chắc chắn nhập Niết-bàn." Phẩm Nhất thừa trong kinh Ni-kiền-tử nói; "Phật bảo với Văn-thù: Cõi Phật của Ta vốn có hàng Nikiền-tử, đều là do năng lực trụ trì của Như-lai cho nên phương tiện thị hiện các ngoại đạo này. Những người thiện nam này, tuy tướng trạng thực hành đủ loại các học nói khác nhau, mà đều đi qua một chiếc cầu Phật pháp như nhau, chứ không có đi qua chiếc cầu nào khác." Xét rằng: Dựa vào các văn như vậy, nên biết những gốc lành trong ngũ thừa của Phật pháp cùng với các loại gốc lành khác nhau của ngoại đạo, tất cả gốc lành như vậy đều là nhất thừa, đều dựa vào Phật tánh chứ không có thể nào khác. Như Pháp Hoa Luận biểu hiện nghĩa này: "Sao nói là thể pháp? Nghĩa là lý không có hai thể. Không có hai thể, nghĩa là vô thượng thừa đều là nhất thừa." Nhưng kinh chép: "Giáo pháp các người đang thực hành đều là đạo Bồ-tát", nghĩa là phát tâm Bồ-đề lùi sụt, rồi phát khởi lại, thì gốc lành tu hành trước đó không diệt mất mà giống như về sau đạt được quả," vì vậy trái với văn đã dẫn ra ở trước. Do đó chép: Tất cả chúng sanh hoặc phàm phu hay bậc thánh, tất cả gốc lành nội đạo hay là ngoại đạo, đều có Phật tánh và cùng quay về cội nguồn ban đầu, đó từ trước đến nay chỉ có Phật mới xuyên suốt tận cùng, vì nghĩa này cho nên nói là nghĩa rộng lớn rất sâu. Như vậy gọi là nhân Nhất thừa.
Quả Nhất thừa: Nói lược có hai thứ, đó là quả vốn có và quả mới phát sinh. Quả vốn có, đó là Bồ-đề pháp Phật. Như phẩm Thọ Lượng chép: "Như-lai thấy biết như thật tế, tướng trạng của ba cõi không có sanh tử, hoặc thoái hoặc xuất, cũng không tại thế và diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải dị." Xét rằng: Văn này ngay nơi một pháp giới biểu hiện thể của một quả, thể chẳng thật có nên chẳng phải thật, thể chẳng phải không có nên chẳng phải hư, không phải là chân đế cho nên chẳng phải như, chẳng phải là tục đế cho nên chẳng phải khác. Như kinh Bổn Thừa chép: "Thể của quả tròn đầy không có đức nào không đầy đủ, không có lý nào không hoàn bị, không có tên gọi, không có hình tướng, chẳng phải tất cả các pháp có đạt được, thể chẳng phải có thể, chẳng phải không cho đến nói rộng." Lại chép: "Ngoài hai thể chỉ ở không hai." Đây là trình bày về thể của quả Bồ-đề pháp Phật. Quả mới phát sinh, đó là hai thân. Như luận giải thích: "Bồđề báo Phật, là thập địa hạnh đầy đủ chứng được Niếtbàn thường trụ." Như kinh chép: "Ta thật từ lúc thành Phật đến nay, trải qua vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp." Bồ dề ứng hóa, là tùy theo những nơi thích ứng ngay lúc đó để mà thị hiện, đó là vượt ra cung điện giòng họ Thích-thành đạo dưới cội Bồ-đề cho đến chư Phật phân thân khắp mười phương. Như phẩm Bảo Tháp đã trình bày rộng. Tóm lại, tất cả chúng sanh đều tu muôn hạnh cùng đạt được quả vị Bồ-đề như vậy. Đây gọi là quả Nhất thừa. Như phẩm Phương Tiện chép: "Xálợi-phất nên biết: Ta vốn lập thệ nguyện, muốn cho tất cả chúng sanh đồng như Ta không khác. Như xưa ta đã nguyện, bây giờ lời nguyện đã tròn đầy, giáo hóa tất cả chúng sanh đều làm cho đi vào Phật đạo." Đối chiếu chép: Văn này chính là trình bày sở nguyện của Như-lai tròn đầy. Vì sao như vậy? Vì khắp nơi giáo hóa cho tất cả chúng sanh trong ba đời, như thích ứng đều khiến cho đạt được Phật đạo. Như kinh Bảo Vân chép: "Ví như bát dầu đã đầy ngang miệng lại rót vào một giọt thì chắc chắn không tiếp nhận được, Bồ-tát thành Phật các nguyện đầy đủ cũng giống như vậy, lại không giảm bớt một nguyện nhỏ nào." Kinh Đại Vân Mật Tạng chép: "Bồ Đại Vân Mật Tạng bạch Đức Thế Tôn: Cúi xin Thế Tôn vì chúng sanh kém phước ở đời vị lai, giảng nói tường tận tiến sâu vào Tam-muội Đại hải thủy triều như vậy! Đức Phật dạy:
Này người thiện nam! đừng nói như vậy! Vì sao? Vì gặp Phật ra đời là khó, nghe được kinh Đại Vân này cũng khó, vì sao chỉ vì chúng sanh đời vị lai? Ta sẽ vì tất cả chúng sanh ba đời phân biệt nói rộng các pháp môn." Kinh Hoa Nghiêm chép: "Như-lai xoay bánh xe pháp, đối với ba đời không có đời nào chẳng đến được." Dựa vào các văn này, nên biết rằng chư Phật từ lúc mới thành tựu Chánh Giác, ý nghĩ đầu tiên là giáo hóa tất cả chúng sanh ba đời, không một chúng sanh nào không thành tựu vô thượng bồ dề, giống như những nguyện xưa kia đã đầy đủ, nếu có một người không thành vô thượng Bồ-đề, thì những nguyện xưa kia sẽ không trọn vẹn. Tuy thật sự đều hóa độ mà không có ranh giới tận cùng, tuy thật không có ranh giới mà không đâu chẳng hóa độ, chính là dùng trí lực vô hạn hóa độ chúng sanh vô hạn. Nhưng đoạn văn dưới đây trong kinh này chép: "Ta vốn thực hành Bồ-tát đạo đã thành tựu tuổi thọ, nay còn chưa hết mà lại gấp bội số trước." Luận giải thích điều này: "Ta vốn thực hành Bồ-tát đạo nay hãy còn chưa đầy đủ, là vì bổn nguyện, cõi chúng sanh chưa hết thì nguyện chẳng tận cùng, cho nên nói là chưa đầy đủ, chẳng phải nói là Bồ-đề không đầy đủ. Đã thành tựu tuổi thọ mà lại gấp bội số trước, là thị hiện phương tiện tuổi thọ thường trụ của Như-lai, biểu hiện nhiều hơn số lượng trước không thể tính đếm biết được." Ý luận này là trình bày dựa theo chúng sanh đời hiện tại chưa hết, thì thời gian bổn nguyện chưa đầy đủ như vậy, chứ không phải là nói Bồđề đã thoả mãn mà bổn nguyện đó chưa đầy đủ, cũng không phải là bổn nguyện chưa đầy đủ, mà nói Phật Pháp đã đầy đủ. Như kinh Hoa Nghiêm chép: "Tất cả chúng sanh chưa thành tựu Bồ-đề, thì Phật Pháp chưa đầy đủ, bổn nguyện chưa tròn đầy." Vì thế nên biết rằng nguyện và Bồ-đề không viên mãn thì đều không tròn đầy như nhau, đầy đủ thì đầy đủ như nhau. Như vậy gọi là Quả Nhất Thừa.
Hợp lại mà nói thì lý-giáo-nhân-quả, bốn pháp như vậy lại theo nhau cùng chuyển vận một người đến Nhất-thiết-trí (Tát-bà-nhã), cho nên nói bốn pháp này gọi là pháp Nhất thừa. Giống như bốn con ngựa lại tùy theo nhau cùng làm một phương tiện chuyên chở cho nên nói bốn con ngựa gọi là Nhất thừa. Nên biết rằng đạo lý trong đây cũng như vậy.
Hỏi: Lý-giáo và nhân cùng vận chuyển chúng sanh đến Nhất-thiết-trí, việc này có thể như vậy, nhưng quả đã đến chỗ rốt ráo, làm sao cùng với ba pháp kia vận chuyển chúng sanh được? Giải thích rằng: Điều này có bốn nghĩa:
1. Vì đời vị lai có năng lực của quả Phật, ngầm giúp đỡ chúng sanh làm cho phát sinh thiện tâm, như vậy mở rộng ra chuyển tiếp khiến được Địa vị Phật. Như kinh Niết-bàn chép: "Vì đời hiện tại bị nhân duyên phiền não có thể đoạn mất gốc lành, ở đời vị lai nhờ năng lực nhân duyên của Phật tánh cho nên gốc lành phát sinh trở lại."
2. Tương ứng với quả báo thân Phật thị hiện các ứng hóa thân giáo hóa chúng sanh này làm cho được tiến lên hơn nữa. Như kinh Bổn Thừa chép: "Tự thấy bản thân đạt được quả, chư Phật xoa đầu nói pháp nên thân tâm hành riêng không thể nghĩ bàn được."
3. Kinh này có sáu nơi thọ ký, thọ ký sẽ được thành tựu A-nậu Bồ-đề, do được thọ ký như vậy nên tâm vui mừng tiến tu và quả tương lai thuộc về người đó, vì thế người đó được chuyển vận. Đoạn văn sau chép: " Ban cho tất cả các con cùng một loại xe lớn."
4. Trong kinh này nói Nhất-thiết-chủng-trí chẳng lý nào không thấu suốt, chẳng đức nào không đầy đủ, tất cả chúng sanh cùng đạt đến quả này. Chúng sanh duyên vào Năng thuyên Sở thuyên này mà phát tâm, tiến lên thêm nữa trải qua bốn mươi tâm du hý thần thông giáo hóa bốn thứ chúng sanh, cho nên nói là chúng sanh thừa hướng về quả thừa, từng thừa từng thừa có năng lực chuyển vận nhân địa của chúng sanh. Như tụng dưới đây: "Các con đến lúc này, vui mừng hớn hở, ngồi trên xe báu này, dạo chơi khắp mọi nơi." Căn cứ vào bốn nghĩa này nên biết quả thừa và ba pháp còn lại cùng nhau chuyển vận một người. Mỗi người có bốn pháp nhân duyên hòa hợp xa lìa các bên không thể nào phá hoại được. Trừ ra điều này thì không còn gì vượt qua hay tăng thêm. Như vậy gọi là rộng lớn, rất sâu rốt ráo tướng nhất thừa chân thật. Tông chỉ sở thuyên lược thuật như vậy.
III. Thứ ba, là giải thích rõ ràng về dụng: Như phẩm Pháp Sư chép: "Tất cả Bồ-tát chứng được A-nậu Bồ-đề đều thuộc về kinh này, mở cửa phương tiện-bày rõ tướng chân thật," Văn này chính là trình bày về hoạt dụng thù thắng của kinh. Dụng có hai thứ, đó là khai và thị. Khai là mở ra cánh cổng phương tiện đi vào ba thừa, Thị là bày rõ tướng chân thật ở tại nhất thừa. Nói chung tuy là như vậy, mà trong đó có ba phần: Trước là khai, kế là là thị, thứ ba hợp lại trình bày về tác dụng của khai thị.
Trước trình bày về nghĩa khai thì có hai thứ, đó là Môn sở khai và Dụng năng khai. Môn sở khai tức là ba thừa giáo, ở đây gọi là phương tiện lược có bốn nghĩa:
1. Đức Phật nói giáo bằng trí phương tiện, dựa vào người chủ đặt thành tên gọi, gọi là phương tiện giáo.
2. Ngay giáo ba thừa khéo léo thuận theo ba cơ, giữ thừa làm tên gọi, gọi là giáo phương tiện.
3. Vì giáo Nhất thừa mà làm phương tiện trước, dựa vào đây về sau nói chánh giáo Nhất thừa, đối với chánh giáo sau gọi là phương tiện.
4. Đối với Nhất thừa lý tùy cơ nói ra phương tiện chứ không phải là chân thật nói, là nghĩa phương tiện đối với thuyết chân thật gọi là phương tiện. Dựa vào bốn nghĩa này cho nên gọi là phương tiện.
Ở đây gọi là Môn, có hai nghĩa: 1. Nghĩa xuất, vì các con theo nơi này vượt ngoài ba cõi. 2. Nghĩa nhập, lại dựa theo giáo pháp này đi vào Nhất thừa. Nhưng Môn có hai tên gọi, nếu nói là cửa nhà Phật-cửa nhà người, thì Môn chẳng phải Phật, là người, nếu nói là cửa gỗ-cửa tre, thì Môn là gỗ, là tre. Nay giáo ba thừa gọi là phương tiện Môn, thì giống như cửa gỗ-cửa tre, cửa nhà tức là phương tiện, vì vậy gọi là cửa phương tiện. Mở cửa phương tiện, phương tiện có hai nghĩa của nó, nếu lúc đối với nghĩa xuất mà nói giáo Ba thừa, thì mở mà không đóng, nếu đối với nghĩa nhập mà nói Ba thừa thì đóng mà không mở, vì tuy vượt qua ba cõi nhưng chưa đi vào Nhất thừa. Nay nói về Nhất thừa giáo thì chép: Ba là phương tiện, mới mở cửa phương tiện khiến cho đi vào Nhất thừa. Như văn kinh chép: "Nên biết rằng chư Phật dùng năng lực phương tiện, đối với một Phật thừa phân biệt nói thành ba". Ở đây nói là đích thực mở ra cánh cửa phương tiện, các ngôn ngữ còn lại theo đây có thể biết.
Kế là trình bày về Dụng của Thị, trong đó cũng có hai: Trước là trình bày về sở thị, tiếp là trình bày năng thị. Tướng chân thật là sở thị, nghĩa là như trước đã chép: Nhất thừa người pháp, pháp tướng thường trụ, đạo lý rốt ráo, thiên ma ngoại đạo vốn không thể nào phá hoại được, chư Phật ba đời vốn không thể nào thay đổi được. Vì nghĩa này cho nên gọi là tướng chân thật, mà không phải là ba không phải là một, không có người, không có pháp, hoàn toàn không có gì đạt được. Chánh quán như vậy mới gọi là chân thật rốt ráo Nhất thừa. Vì sao như vậy? Vì những gì có đạt được là không có đạo, không có quả, không biến động, không vượt ra, cho nên biết như trước chẳng phải là ba mà chính là một. Tướng của người năng thừa pháp sở thừa không ra ngoài bốn câu, thì có sở đắc, làm sao nói đây là tướng chân thật. Giải thích rằng: Lời nói này không phải đúng. Lý do thế nào? Vì nếu nói không phải là ba mà chính là một, không ra ngoài bốn câu nên đều có sở đắc, không phải là rốt ráo, thế thì có đạt được là sai-không đạt được gì là thích hợp cũng vào trong bốn câu, cho nên tuy là có sở đắc cũng chẳng phải chánh quán. Nếu nói nhờ vào lời nói không có gì đạt được mà chẳng phải như ngôn nói chọn lấy không đạt được gì cho nên không đạt được gì chẳng đi vào bốn câu, thì người khác cũng nhờ vào ngôn từ giả định nói về nhất thừa mà chẳng phải như ngôn từ chọn lấy Nhất thừa cho nên nhất thừa cũng ra ngoài bốn câu. Vì vậy nên biết rằng tùy theo ngôn từ đều không phải, không giống như ngôn từ chọn lấy hai thuyết chẳng khác nhau. Hỏi: Nếu không chọn lấy ngôn từ đều là thật, thì ba thừa giáo kia cũng chính là thật hay sao?
Đáp: Tất cả đều chấp nhận, nhưng mà có nghĩa sai khác, vì trong ba thừa giáo hoàn toàn không có ba lý, trong nhất thừa giáo chỉ thuần một lý. Ba thừa là Quyền, nhất thừa là Thật, tuy đều là một mà chẳng phải là có một, vì vậy cũng không phải là có sở đắc. Sở thị tướng chân thật đó như vậy.
Năng thị về dụng có hai loại:
1. Nêu ra khuôn phép khai mở, như lúc trước mở ra ba giáo là phương tiện, ngay nơi đó biết nhất thừa là chân thật, giống như lúc mở cửa thì nhìn thấy đồ vật bên trong. 2. Nêu ra cách khai mở khác, khác với trước đây mở ra ba giáo riêng biệt nói về nhất thừa, nghe rồi hiểu được nghĩa lý Nhất thừa; giống như dùng tay mở ra mới thấy đồ vật bên trong. Như văn kinh chép: "Chư Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở thế gian." Những lời như vậy đều chỉ ra tướng chân thật.
Thứ ba là hợp lại trình bày về tác dụng của khai thị. Trong một khai thị hợp lại có bốn nghĩa: 1. Dùng ba giáo trước làm thành một công dụng, vì giáo của ba thừa ở trước chính là nhất thừa giáo. 2. Lấy ba bày tỏ một, là làm cho người cửa ba thừa kia cùng đạt đến nhất thừa quả.
3. Tập trung ba trở về một, là tập trung nhân quả ba thừa đã nói trước kia trở về hướng nhất thừa lý ban đầu.
4. Phá ba lập một, là phá bỏ nơi chốn riêng biệt của ba thừa đã chấp vào đó để thành lập nghĩa cùng nhau trở về nhất thừa. Kinh này có đủ bốn công dụng cao siêu như vậy, cho nên nói mở cửa phương tiện chỉ ra tướng chân thật.
Hỏi: Sử dụng ba làm thành một, đem ba dẫn đến một, hai loại này chưa hiểu biết thì lấy gì làm chứng?
Đáp: Trong phẩm Phương tiện chép: "Phật dùng vô số phương tiện để giảng nói các pháp, pháp này đều là một Phật thừa". Văn này chính là chứng minh cho sử dụng ba làm thành một. Lại chép: "Những chúng sinh này từ Phật nghe được pháp rốt ráo, đều đạt được Nhấtthiết-chủng-trí". Lời này chính là chứng minh cho đem ba dẫn đến một.
Hỏi: Tập trung ba nhân quả trở về một nguồn gốc, là ba loại ấy đều chẳng phải thật cho nên quy về một thật chăng? Hay là chỉ có hai loại chẳng phải thật cho nên quy về một thật vậy? Nếu như là loại sau thì vì sao kinh chép: "Ta có lực phương tiện khai bày chỉ ra Ba thừa pháp". Nếu như là loại trước thì vì sao lại chép: "Chỉ là một sự thật, hai loại còn lại thì chẳng phải là chân?".
Đáp: Hoặc có người nói rằng cả ba đều chẳng phải là thật. Như văn trước giải thích. Nhưng nói một là thật mà hai chẳng phải là chân, thì một của trong ba cùng với một không có ba, đều là Phật thừa, nói chung là thật, hai loại còn lại không cần mở ra sai khác cho nên nói chẳng phải là thật. Căn cứ vào nghĩa này, cho nên hai văn thể hiện không trái ngược nhau. Hoặc có người nói rằng chỉ có hai là chẳng phải thật, vì dựa theo văn sau. Nhưng nói
Ba thừa đều là phương tiện, là từ trong một thật thêm vào hai loại chẳng phải thật hợp lại nói là ba, thì ba chẳng phải thật, giống như trong tay người thật sự có một quả cây phương tiện nói là ba, ba chẳng phải là thật, vì không có ba quả cây. Suy nghĩ mà luận về điều đó, thì một quả cây là thật, hai quả cây còn lại là phương tiện, vì chỉ có một quả cây thật sự. Như Trí Độ Luận chép: "Từ một Phật thừa mở ra làm ba phần, như người chia một đấu gạo ra làm thành ba nắm, cũng có thể nói gom ba nắm làm thành một, cũng có thể nói gom hai nắm về lúc ban đầu, gom ba hay gom hai giống như là một, nghĩa không trái ngược nhau". Hoặc có người giải thích: Hai văn trước sau đều có ý khác nhau, không thể nào cùng hợp lại được. Vì sao vậy? Vì giáo nghĩa của Ba thừa có hai loại riêng biệt: Một là Thông giáo, hai là Biệt giáo. Biệt giáo Ba thừa thì cả ba đều chẳng phải là thật, đều là phương tiện. Vì giáo ấy nói rằng ba-tăng-kỳ kiếp chỉ tu bốn độ, trong trăm kiếp tu về nghiệp tướng hảo, trong thân sau cuối tu về định tuệ, dưới cội Bồ-đề thành tựu quả vị Vô thượng giác. Nhân quả như vậy cho là Phật thừa, vì thế Phật thừa cũng là phương tiện. Nếu luận theo Thông giáo nói về Ba thừa, thì Phật thừa là thật, chắc chắn hai thừa còn lại chẳng phải là chân. Vì giáo ấy nói rằng ở trong thập địa vốn có tu lục độ muôn hạnh tròn đầy đạt đến Nhất-thiết-trí (Tát-bà-nhã), quả Nhất-thiếttrí này không kết hợp cùng với ba đời. Nhân quả như vậy rốt ráo chân thật thì đây là Phật thừa, lẽ nào là phương tiện? Vì vậy nên biết rằng ý trong hai văn khác nhau. " Ta có lực phương tiện khai bày chỉ ra ba thừa pháp", là biểu hiện biệt giáo đã nói ra ba thừa. "Chỉ là một sự thật, hai loại còn lại thì chẳng phải là chân", là đối với thông giáo đã nói ra ba thừa, các văn còn lại đều nối thông với nhau.
Hỏi: Nếu nói nhân quả ba thừa theo biệt giáo đều là phương tiện cho nên trở về một, là trở về một nhân hay là trở về một quả?
Đáp: Đối với một Phật thừa phân biệt nói ra thành ba, tùy theo nguồn gốc đó mà trở về nhân trở về quả ban đầu. Nghĩa như vậy vì sao Thanh-văn-Duyên-giác hoặc là nhân hoặc là quả đều ở tại một nhân phân biệt làm thành hai? Như kinh giải thích: "Thanh-văn-Duyêngiác hoặc là trí hoặc là đoạn, đều là Bồ-tát vô sanh pháp nhẫn". Nên biết rằng hai loại này đều trở về một nhân, về một nhân cho nên rốt ráo đạt đến một quả. Trong giáo kia nói đến nhân quả của Phật thừa phân biệt thành phần ít Phật địa hóa thân. Như kinh giải thích: "Ta từ lúc thật sự thành Phật đến nay, trải qua trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp". Nên biết kinh ấy nói về nhân quả Phật thừa cùng trở về trong quả nhất thừa này. Nếu có Bồ-tát dựa vào giáo ấy cho nên hướng về Phật dưới cội Bồ-đề phát tâm tu hành, thì nguyện hạnh như vậy hướng về một nhân, vì giống như hàng nhị thừa kia chưa đến nơi quả. Nối thông với nhau mà nói thì phải làm thành bốn câu: 1. Dùng nhân phương tiện trở về nhân chân thật, đó là nhân Bồ-tát và nhân nhị thừa. 2. Dùng quả phương tiện trở về quả chân thật, đó là ở dưới cội Bồ-đề thành tựu vô thượng giác. 3. Dùng nhân phương tiện trở về quả chân thật, đó là thực hành Bồ-tát hạnh trước khi thành Phật dưới cội Bồ-đề. 4. Dùng quả phương tiện trở về nhân chân thật, đó là quả vô học của người hàng nhị thừa. Thâu nhiếp chung vào bốn câu như vậy, theo đó nói về hội ba quy một.
Hỏi: Trong giáo phương tiện có thừa trời người, vì sao không tụ hội hai thừa này mà chỉ tụ hội ba thừa kia? Đáp: Nói là tụ hội ba cũng thâu nhiếp cả hai thừa này. Vì sao như vậy? Vì trong giáo Pháp Hoa giải thích: "Ba thừa có hai loại: Một là được ví dụ bằng ba xe, xem trong phẩm Thí Dụ. Hai là ba loại cỏ được thấm ướt, xem trong phẩm Dược Thảo. Nghĩa này thế nào? Đó là hai thừa nhân thiên hợp lại thành tiểu thừa, giống như cây thuốc nhỏ, Thanh-văn, Duyên-giác gọi là Trung thừa, giống như cây thuốc loại vừa, dựa vào biệt giáo kia phát tâm Bồ-tát, nói tên gọi là Đại thừa, giống như cây thuốc loại lớn. Hội tụ ba thừa này chính là thuộc về năm thừa. Nhưng Nhân Thiên thừa hội tụ nhân mà không hội tụ quả, quả là vô ký, cho nên không làm thành một nhân. Nhân thiện pháp của nhân thiên có hai công năng, báo nhân công năng cũng không hội tụ nơi đó, vì có thọ chấm dứt, Đẳng lưu nhân dụng thì nay hội tụ, vì không có thọ chấm dứt. Hội tụ nghĩa của nhân này vào trong câu thứ nhất.
Hỏi: Hội tụ ba quy về một thì nghĩa đó đã lộ rõ, phá bỏ ba thành lập một làm sao có thể biết được?
Đáp: Muốn biết nghĩa này, thì phải có mở rộng có tóm lược. Tóm lược mà nói thì phá bỏ bốn thứ của ba:
1. Chấp ba giáo chắc chắn không phải là phương tiện.
2. Chấp ba người chắc chắn là hướng về khác nhau.
3. Chấp ba nhân cảm ứng khác nhau.
4. Chấp ba quả rốt ráo khác nhau.
Phá bỏ bốn thứ tướng của sở chấp này, loại trừ bốn thứ kiến năng chấp kia, cho nên thiết lập nhất thừa chân thật. Đó là lập một giáo thì phá bỏ ba giáo, lập một người thì phá bỏ ba người, lập một nhân thì phá bỏ ba nhân, lập một quả thì phá bỏ ba quả, lập một lý tánh nối thông với nhau phá bỏ tất cả bốn thứ của ba, vì bốn thứ đều là lý nhất thừa như nhau. Sơ lược giải thích như vậy. Luận bàn một cách rộng rãi về điều đó, là phá trừ mười thứ chấp của phàm thánh, nói về bảy loại thí dụ và ba bình đẳng, nghĩa này đến phần thứ sáu ở sau sẽ giải thích. Phần thứ ba giải thích về dụng đã xong.
IV. Thứ tư, giải thích tên gọi đề kinh: Vốn có bảo lưu âm tiếng Phạm, phải gọi là Tát Đạt Ma Phân Đà Lợi Tu-đa-la, Hán dịch là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Nói về Diệu Pháp thì sơ lược có bốn nghĩa: 1. Xảo diệu, 2. Thắng diệu. 3. Vi diệu. 4. Mầu nhiệm.
- Nói về Xảo diệu: Kinh này khéo léo mở cửa phương tiện, khéo léo dứt trừ kiến chấp ba thừa, khéo léo chỉ ra tướng hoàn toàn chân thật, khéo léo phát sinh một trí tuệ hoàn hảo. Dùng bốn nghĩa này mà làm quỹ phạm chân thật cho nên gọi là Diệu Pháp.
- Nói về Thắng diệu: Kinh này có thể tuyên bày cho tất cả Phật pháp, có thể chỉ ra tất cả thần lực, có thể hiền bày tất cả bí tạng, có thể nói ra tất cả sự việc sâu xa. Vì bốn nghĩa này rất là kỳ diệu thù thắng cho nên gọi là Diệu pháp. Như phẩm Thần Lực chép: "Lấy điều cốt yếu mà nói thì tất cả các pháp vốn có của Như-lai, tất cả thần lực tự tại của Như-lai, tất cả kho tạng bí mật của Nhưlai, tất cả sự việc rất sâu xa của Như-lai, đều từ kinh này tuyên bày rõ ràng biểu hiện một cách hoàn hảo", nên gọi là Diệu pháp.
- Nói về Vi diệu: Kinh này nói về quả nhất thừa, chẳng có diệu đức nào mà không trọn vẹn, chẳng có tạp nhiễm nào không sạch sẽ, không có nghĩa lý nào không cùng tận, chẳng có thế gian nào mà không vượt qua. Vì bốn nghĩa này cho nên gọi là Pháp vi diệu. Như phẩm Thí Dụ chép: "Thừa này vi diệu thanh tịnh bậc nhất, vượt lên trên các thế gian không có gì hơn được", cho nên nói là Diệu Pháp.
- Về mầu nhiệm: Kinh này đã nói về pháp tướng nhất thừa, rộng lớn bao la sâu xa vô cùng, vượt khỏi ngôn từ bặt dứt nghĩ suy. Vì bốn nghĩa này nên trở thành pháp mầu nhiệm. Như phẩm Phương tiện chép: "Pháp này không thể nào chỉ ra, tướng ngôn ngữ văn từ bặt dứt, các loại chúng sanh khác, không có ai có thể hiểu được." Trong bốn nghĩa này, pháp xảo diệu-thắng diệu là năng thuyên và dụng lập thành tên gọi, nghĩa vi diệu-mầu nhiệm từ sở thuyên về tông làm thành đề mục. Hợp lại mà nói, bao gồm đầy đủ như vậy. Xảo-thắng-vi-tuyệt có mười sáu nghĩa kỳ diệu, là khuôn phép không hai của ba đời chư phật khắp mười phương. Vì nghĩa này cho nên gọi là Diệu Pháp. Tên gọi của Diệu pháp sơ lược giải thích như vậy.
Dụ về liên hoa có riêng có chung. Chung thì hoa này chắc chắn có đủ bốn thứ là: Hoa, nhị hoa, đài hoa và hạt, hợp lại thành đoá hoa rất tuyệt vời dụ cho kinh này có đủ bốn nghĩa diệu hợp lại thành một bộ kinh, nên gọi là Diệu Pháp. Tách biệt mà nói thì có bốn nghĩa: 1. Chủng loại hoa sen có bốn loại, trong đó Phân Đà Lợi là loại hoa sen trắng, tươi sáng rõ ràng, hoa nỡ thì hạt bày rõ, dụ cho kinh này sáng tỏ rõ ràng mở thông quyền biểu hiện Thật một cách khéo léo tuyệt vời. 2. Hoa này gồm có ba tên gọi, lúc chưa nở gọi là Khuất Ma La, lúc sắp tàn gọi là Ca Ma La, ở trong thời gian đã nở mà chưa tàn thì xòe rộng tròn đầy gọi là Phân Đà Lợi, dụ cho kinh này vào lúc hưng thịnh căn cơ Đại thừa đang phát khởi sung mãn để tuyên bày chỉ rõ giáo gợi mở nồng nàn pháp thù thắng vi diệu. 3. Hoa này không phải là dứt khoát lìa xa ra khỏi nước bùn, mà cũng chính ngay nơi nước bùn hương thơm vẫn đầy đủ thuần khiết với mọi vẻ đẹp hoàn hảo, dụ cho kinh này đã nói về Phật thừa vượt ra ngoài bùn lầy của phiền não, xa lìa biển cả của sanh tử, tròn đầy mọi công đức vô cùng vi diệu. 4. Hoa này không hẳn chịu đựng giữa vùng nước sâu nước rộng, mà cũng chính là ngay nơi bùn sâu nước rộng nhưng không dính một giọt nước, không vương chút bụi bẩn, dụ cho kinh này nói về nhất thừa là pháp môn rộng lớn, đạo lý rất sâu xa, lìa ngôn từ bặt suy nghĩ thật vô cùng mầu nhiệm. Y cứ vào bốn nghĩa này có cùng chung diệu pháp, dựa theo dụ này để đặt tên gọi của đề kinh.
V. Thứ năm, là nói thuộc về giáo nào: Kinh Pháp Hoa này thuộc về giáo, là liễu nghĩa hay là bất liễu nghĩa? Có chỗ nói: Kinh này là bất liễu nghĩa. Vì sao như vậy? Vì phần lớn giáo pháp của Phật có ba pháp luân:
1. Hữu tướng pháp luân, là chỉ Thanh-văn thừa phát tâm hướng về, dựa vào tướng trạng bốn đế mà xoay bánh xe pháp, như kinh A-hàm...
2. Vô tướng pháp luân, chỉ vì Bồ-tát thừa phát tâm hướng về dựa vào tánh không của pháp mà xoay bánh xe pháp, như kinh Bát-nhã...
3. Vô tướng vô thượng pháp luân, vì tất cả ba thừa phát tâm hướng về, dựa vào tánh không của các pháp vốn không có tự tánh mà xoay bánh xe pháp vô thượng vô tướng, như kinh Giải Thâm Mật... Trong này hai loại trước là bất liễu nghĩa, loại thứ ba là chân liễu nghĩa. Nghĩa này đầy đủ như luận kia giải thích mở rộng. Kinh Pháp Hoa này là thuộc về loại thứ hai vô tướng pháp luân. Như kệ giải thích rằng: "Các pháp từ xưa đến bây giờ, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử thực hành đạo thuần thục, đời vị lai nhất định thành Phật." Vì vậy nên biết rằng đã thuộc về vô tướng pháp luân thứ hai. Đã thuộc về pháp luân thứ hai, là bất liễu nghĩa. Nghĩa này chính là lấy hai văn làm chứng cứ: Tức là kinh Giải Thâm Mật chép: "Bổ-đặc-già-la chủng tánh Thanh-văn xưa nay hướng về vắng lặng, tuy được chư Phật lập cho các loại gia hạnh dũng mãnh để phương tiện hóa đạo, nhưng rốt ráo không thể nào làm cho hướng về ngồi nơi đạo tràng chứng được vô thượng chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì người kia từ trước đến nay chỉ có chủng tánh thấp kém, thường từ bi bạc nhược, thường sợ hãi các nỗi khổ đau, cho đến nói rộng ra." Đối pháp luận chép: " Chúng sanh ý vui mừng vì được thỏa mãn. Người vui mừng cực độ, như là hạng chủng tánh bất định lìa bỏ ý vui mừng thấp kém, được thọ ký là Đại Thanh-văn sẽ có thể thành Phật. Lại nói về nhất thừa, hoàn toàn không có thứ hai." Xét rằng: Kinh ấy đã nói là rốt ráo chân thật liễu nghĩa, nói rằng Thanh-văn vĩnh viễn không thành Phật, thì biết Pháp Hoa nói rằng các Thanh-văn sẽ được thành Phật, là phương tiện mà nói chứ không phải là nói về liễu nghĩa. Vì vậy A-tỳ-đạt-ma luận chép: "Là thuận theo ý vui mừng của chúng sanh mà nói, chứ không phải là thẳng thắng nói về đạo lý chân thật" Tu-đa-la thì lấy văn làm căn bản, A-tỳ-đạt-ma lấy lý làm căn bản. Vì có hai loại chứng cứ rõ ràng như vậy, nên biết rằng nhất thừa giáo của Pháp Hoa chắc chắn không phải là nói về rốt ráo liễu nghĩa. Hoặc có người nói rằng: Kinh Pháp Hoa là rốt ráo liễu nghĩa. Vì sao như vậy? Vì giáo môn đã nói suốt một đời của Như-lai, sơ lược thâu nhiếp không ra ngoài ba loại pháp luân. Những gì là ba loại? Đó là:1. Căn bản pháp luân; 2. Chi mạt pháp luân; 3. Nhiếp mạt quy bổn pháp luân.
Căn bản pháp luân: Đó là lúc Phật mới thành đạo mở pháp hội Hoa Nghiêm vì Bồ-tát mở rộng thiết lập pháp môn một nhân một quả gọi là thời giáo căn bản. Nhưng hàng độn căn phước ít vì quá sâu sắc nên không thể nghe nổi pháp môn một nhân một quả, đối với một Phật thừa phân biệt nói ra ba pháp, gọi là thời giáo chi mạt. Hơn bốn mươi năm nói ba thừa giáo rèn luyện nuôi dưỡng tâm tánh chúng sanh, nay đến hội Pháp Hoa mới có thể tập hợp ba quy về một, tức là thời giáo nhiếp mạt quy bổn như phẩm Tín Giải chép: "Trưởng giả ngồi nơi toà sư tử, quyến thuộc vây quanh, bày ra vô số vật báu", chính là chỉ về giáo căn bản của Hoa Nghiêm. "Gọi con không được cho nên bí mật sai hai người, cởi y phục giá trị mặc quần áo rách rưới dơ bẩn", đó là giáo chi mạt ẩn kín một nói ra ba thời giáo. "Như trưởng giả giàu có biết được tâm của con mình thấp kém đã được hàng phục mới dạy cho đại trí," đó chính là giáo nhiếp cành quy gốc. Các pháp môn như vậy khắp nơi đều có văn, nên biết hai giáo đầu và cuối trong này cùng nói về giáo pháp rốt ráo liễu nghĩa này. Giáo thứ hai thì đối với một nói ra thành ba, đều là phương tiện nói về bất liễu nghĩa. Để thành tựu nghĩa này, chứng cứ rõ ràng có hai: 1. Tu-Đa-la. 2. Tỳ-đạt-ma. Trong Tu-đa-la thì sơ lược dẫn ra ba văn:
1. Như phẩm An Lạc Hạnh chép: "Kinh Pháp Hoa này có năng lực làm cho chúng sanh đến được Nhấtthiết-trí. Tất cả thế gian phần nhiều oán trách khó tin, trước đã chưa nói đến nay mới nói, là giáo nói bậc nhất của các đức Như-lai, ở trong các giáo nói thì giáo nói này là sâu xa nhất, rốt ráo ban cho giống như vị vua hùng mạnh kia bảo vệ hạt minh châu đã lâu nay mới ban cho".
2. Phẩm Hóa Thành chép: "Là chư Phật phương tiện phân biệt nói ra ba thừa, chỉ có một Phật thừa mà tùy duyên nói hai".
3. Kinh Thắng man chép: "A-la-hán-Bích-chi-Phật, bốn trí rốt ráo đạt đến cảnh xứ yên nghỉ, cũng là Như-lai nói ra phương tiện hữu dư bất liễu nghĩa này". Những văn như vậy không thể thuật ra hết được. A-tỳ-đạt-ma thì sơ lược dẫn ra văn ba nơi: Pháp Hoa luận chép: "Hai loại Thanh-văn quyết định tăng thượng mạn, vì căn chưa thuần thục cho nên Phật không thọ ký cho, mà Bồ-tát thọ ký cho, Bồ-tát thọ ký cho vì phương tiện làm cho phát tâm". Trí Độ luận giải thích:
Hỏi: "A-la-hán do nhân duyên đời trước đã thọ nhận thân tất nhiên sẽ phải hoại diệt, trụ tại nơi nào mà đầy đủ Phật đạo?
Đáp: Lúc đạt đến A-la-hán, nhân duyên các lậu ba cõi đã hết, lại không tiếp tục sanh vào ba cõi, có Đức Phật thanh tịnh lập tức xuất hiện ở tại ba cõi, cho đến không có tên gọi của phiền não, ngay sau đó cõi Phật thành lập được nghe kinh Pháp Hoa có đầy đủ Phật đạo".
Bảo Tánh luận chép:
Hỏi: "Nói rằng hạng Xiển-đề không có tánh Niếtbàn thường không vào Niết-bàn được, nghĩa này thế nào? Vì muốn chỉ ra rõ ràng nhân tố phỉ báng đại thừa. Điều này trình bày về nghĩa gì? Vì muốn hồi chuyển tâm phỉ báng đại thừa-tâm không cầu đại thừa, dựa vào vô lượng thời gian, cho nên khởi lên nói như vậy, vì hạng kia thật sự có tánh thanh tịnh". Dựa vào những văn này, nên biết các giáo nói có nhị thừa chắc chắn không thành Phật, và những lời giải thích về vô tánh hữu tình đều là phương tiện nói về bất liễu nghĩa, như nói nhất thừa lại không có thứ hai, tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Kinh điển như vậy là chân liễu nghĩa.
Hỏi: Nếu tồn tại nghĩa của sư trước, thì văn đã dẫn ra của sư sau làm sao hòa hợp?
Các sư ấy cùng chép: Các giáo nhất thừa đã nói ra các văn, đều vì bảo vệ cho hạng bất định tánh kia, đều là phương tiện, cho nên không trái ngược nhau. Văn trong Pháp Hoa luận và Bảo Tánh luận, cũng là thuật rõ ý của phương tiện giáo sau. Văn trong Trí Độ luận giải thích A-la-hán sanh ở tịnh độ, là dựa theo hàng Thanh-văn bất định chủng tánh, vì vậy đạo lý cũng không trái ngược nhau. Hỏi: Nếu tồn tại nghĩa của sư sau, thì những dẫn chứng trước đó làm sao có thể thông suốt? Các sư ấy cùng chép: Kinh Giải Thâm Mật chép: "Rốt ráo không thể nào làm cho hướng về ngồi nơi đạo tràng chứng được vô thượng chánh đẳng Bồ-đề", là rõ ràng quyết định sẽ nhập vô dư vĩnh viễn không thể nào làm cho không nhập vô dư thẳng đến chứng được vô thượng chánh đẳng Bồđề. Vì vậy nói là xưa nay hướng về vắng lặng. Nhưng hàng Thanh-văn kia lúc nhập vô dư, trụ tám muôn kiếp hoặc trụ sáu muôn-bốn muôn-hai muôn kiếp, sau đó phát tâm đi vào đại thừa sanh trong tịnh độ có đầy đủ Phật đạo. Nếu như luận về người chủng tánh bất định, thì chỉ trụ trong phạm vi hữu dư y mà đi vào đại thừa. Như Du-già luận giải thích rõ ràng, vì vậy kinh ấy cũng không trái ngược nhau. Văn trong đối pháp luận chép: Nhất thừa giáo là phương tiện là thuật rõ ý của ba thừa quyền giáo mà không phải là nói về đạo lý rốt ráo. Như người kia chấp vào ba thừa chép: Mười lăm loại hữu lậu vô ký ấy, là dựa theo thô tướng cảnh giới mà nói, chứ không phải là đạo lý chân thật rốt ráo. Vì vậy nên biết trong đối pháp luận hoặc có văn thuật về phương tiện giáo, căn cứ vào đạo lý này thì không có gì trái nhau.
Hỏi: Hai sư thông suốt một chứng cứ trái nhau, thì vị nào là thật vị nào là hơn?
Đáp: Đều là kinh luận, có gì là không thật? Vì sao như vậy? Vì ý bảo vệ cho người xưa nay hướng về vắng lặng, thì giống như sư trước đã thông suốt là thật, ý bảo vệ cho người có chủng tánh bất định, thì như sư sau đã giải thích là thật, đều làm cho mọi căn cơ cùng được hòa hợp thông suốt. Nếu dựa vào đạo lý mà phân định xem người nào hơn kém, thì nghĩa của sư trước hẹp hòi mà lại thiếu, vì sư ấy nói Phật không ở khắp mọi nơi, còn nói nhị thừa rốt ráo sẽ đoạn diệt. Nghĩa của sư thứ hai thì rộng rãi mà lại đầy đủ, với nghĩa hẹp hòi thiếu sót ở trước thì nghĩa đó có thể biết. Vậy thì lấy nghĩa hẹp hòi thiếu sót để lãnh hội văn rộng rãi đầy đủ, văn sẽ làm cản trở cho sự lãnh hội, sử dụng nghĩa rộng rãi đầy đủ dung nạp văn hẹp hòi thiếu sót, thì văn hẹp hòi sẽ không cản trở gì đến nghĩa, do đó sẽ dễ dàng lãnh hội. Căn cứ vào lý lẽ này thì sư sau giải thích là hơn. Vì vậy nên biết kinh Pháp Hoa này chính là giáo rốt ráo liễu nghĩa. Nay dựa vào nghĩa này để nối chung các văn, các văn trái ngược nhau để được thông suốt dễ dàng. Vì sao như vậy? Vì trong các giáo liễu nghĩa rốt ráo không có giáo nào không nói đến phương tiện bất liễu nghĩa. Như trong kinh Giải Thâm Mật giải thích rằng: "Tất cả Thanh-văn-Duyên-giác-Bồ-tát như nhau cùng chung một đạo pháp thanh tịnh mầu nhiệm này, đều cùng chung một giáo nghĩa thanh tịnh rốt ráo này". Đạo lý như vậy là tông chỉ của kinh ấy, cho nên kinh ấy là chân liễu nghĩa, mà kinh ấy giải thích rằng hàng Thanh-văn hướng về vắng lặng rốt cuộc chẳng có thể được ngồi nơi đạo tràng. Những văn như vậy là phương tiện mà nói ra, là ý bảo vệ cho Thanh-văn có chủng tánh quyết định, cho nên thực hiện phương tiện này nói về bất liễu nghĩa. Y cứ vào lý này nói tánh của tất cả chúng sanh đều bình đẳng, cho nên vì điều đó mà nói ra giáo pháp bất liễu nghĩa. Hai văn như vậy không hề trái ngược nhau. Vả lại, trong kinh Pháp Hoa này giải thích: "Vì hàng nhị thừa, hóa hiện rõ ràng khu thành quý báu, đã dừng nghỉ, rốt ráo dẫn lối đến quả Phật". Dựa vào lý lẽ này để nói ra nhất thừa, thì kinh này là rốt ráo liễu nghĩa. Kinh này cũng có nói đến bất liễu nghĩa, vì thẳng thắn nói chỉ có nhất thừa chứ không có nhị thừa-không có ba thừa, văn này vì hàng đại thừa Bồ-tát nên chắc chắn nói là không có Thanh-văn hướng về vắng lặng, mà thật sự thì chẳng thể không có hàng nhị thừa hướng về trong cảnh giới vắng lặng. Vì vậy nói không có là nói phương tiện. Căn cứ vào lý này thì luận đối pháp nói là giáo phương tiện, cũng có đạo lý.