TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬN

BỘ KINH SỚ

SỐ 1771 - DI-LẶC KINH DU Ý

Đại Sư Cát Tạng soạn.

MỤC LỤC

I. TỰA VƯƠNG:

II. GIẢI THÍCH TÊN KINH:

III. LUẬN VỀ TÔNG THỂ CỦA KINH:

IV. LUẬN VỀ NHÂN QUẢ:

V. LUẬN VỀ THỜI GIAN XUẤT THẾ XA HOẶC GẦN

VI. LUẬN VỀ THÀNH ĐẠO:

VII. BA HỘI THUYẾT PHÁP ĐỘ NGƯỜI ÍT NHIỀU KHÁC NHAU:

VIII. LUẬN VỀ ĐỨC THÍCH CA VÀ ĐỨC DI LẶC ĐỒNG THỜI NIẾT BÀN MÀ KHÔNG ĐỒNG DIỆT ĐỘ.

IX. PHÂN BIỆT ĐẠI TIỂU THỪA:

X. TẠP LIỆU GIẢN:

 


Luận gồm mười phần:

1. Tựa vương.

2. Giải thích tên kinh.

3. Luận về tông thể của kinh.

4. Luận nhân quả.

5. Luận về việc xuất thế từ lâu xa.

6. Luận về thành đạo ứng chân.

7. Luận về số lượng người nhiều ít. Trong ba hội thuyết pháp:

8. Luận về việc cùng với Đức Thích-ca đồng thời Niết-bàn.

9. Luận về Đại Tiểu thừa giáo.

10. Tạp liệu giản.

I. TỰA VƯƠNG:

Chư Phật xuất hiện ở thế gian là vì một việc lớn, cho nên khi trụ ở giai vị mới phát tâm không đủ, chuyên giác ngộ Đại thừa vô sở đắc và tu các vạn hạnh, hoặc là lên cõi trời Đâu-suất thuyết cho chư Thiên nghe kinh Bátnhã Ba-la-mật, hoặc khi mãn năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm liền hạ sinh xuống Diêm-phù-đề mà thành Chánh giác. Cho nên sau đức Phật, trước là hiện tám tướng thành đạo, tiếp nối dòng thánh, đều ở giai vị Nhất sinh bổ xứ. Vì thế đầu tiên thọ ký cho Thích-ca. Kế đó truyền trao cho Di-lặc. Rõ ràng vị Bồ-tát này công ngang Thập địa, đức viên thành hạnh cao tột đạt đến thượng nhẫn trong ba nhẫn mới chuyển đổi uế độ này thành tịnh độ, khiến cho nhân dân thọ tám mươi bốn ngàn tuổi, vườn ruộng phì nhiêu, một gieo trồng bảy thu hoạch, cho đến hoa thơm lan tỏa khắp không gian, cỏ lạ trải đầy mặt đất, rồi kho báu thần châu đầy dãy, ba hội thuyết pháp đạo mầu trùm cả nhân thiên, tất cả đều từ danh tự mà ngộ Vô sinh pháp nhẫn.

II. GIẢI THÍCH TÊN KINH:

Kinh này, nếu gọi theo âm Phạm là Phật-đà-bàn-già A-na-la Di-lặc Bồ-tát nậu-đa-la Tu-ma-suất-đà-đề-bà Tu-đa-La, Hán dịch là Giác Giả Thuyết Quán Từ Thị Đại Tâm Chúng Sinh Thượng Sinh Tri Túc Thiên Kinh.

Nay phân biệt các tên khác, thứ nhất gọi là Tỳ lưu cũng gọi là Xà-na-ca, Hán dịch là Thành (tựu); Phật Đà dịch là Giác giả, Tri giả, Kiến giả; ngài Tam tạng dịch là Thanh tịnh giác. Tu-đa-la còn gọi là Tu-đế-lộ, Tu-trá-la, Tu-lâm-lam, có bốn tên khác, ngài Tam tạng ghi: "Tuđa-la gồm có năm tên." Hai kinh Thượng Sinh và hạ sinh đều nêu lên hai âm Hồ và Hán, cùng với hai loại nhân pháp và vì kinh nói rằng người tu hành đều là người tiền sinh, hậu sinh được thành Phật.

Phân biệt A-dật-đa và Di-lặc.

A-dật-đa, Hán dịch là Vô năng thắng cho nên kinh Tịnh độ ghi là Mạc năng thắng. Di-lặc còn gọi là Di-đếlễ, Di-đế-lệ-ca. Kinh Ba-la-mật cũng là Kinh Hòa-tumật thì ghi là A-la-Di-lặc, Hán dịch là Quán Từ thị. Nhưng tương truyền thì cho A-dật-đa là tên, Di-lặc họ, hoặc cho A-dật-đa là họ, là Di-lặc là tên; hai cách giải thích này, chưa biết là đúng hay sai trong danh hiệu. Vì người này bao kiếp hành từ, lâu ngày huân tập nhân từ, cho nên lấy Từ làm tên; nêu lên đức hạnh để chỉ cho người, cho nên gọi là Từ thị. Thích Luận ghi: "A-nan bạch Đức Phật rằng: Vì nhân duyên gì mà gọi là Di-lặc, Đức Phật đáp: Vào thời quá khứ lâu xa, nơi cõi Diêmphù-đề, có một vị Phật ra đời gọi là Phật Phất-sa, lúc bấy giờ, có một vị quốc vương tên Đàm-ma-lưu-chi, đến chỗ Đức Phật, thấy các vị Tỳ-kheo đang nhập định Từ tâm, thân hình an tĩnh, phóng hào quang sáng chói vua thấy thế liền hỏi Phật Phất-sa, vị Tỳ-kheo nhập Tam-muội gì mà có ánh sáng như thế? Phật đáp: "Vị Tỳ-kheo đang nhập Từ tâm Tam-muội", vua nghe lời này tín tâm tăng trưởng và rất kính phục nói rằng: "Định từ tâm này kiên cố oai lực như thế, ta cũng nên tu tập theo." Đàm-malưu-chi lúc bấy giờ, tức nay là Di-lặc, đời đời phát tâm từ này, nên mãi mãi đặt tên là Di-lặc. Vì lâu ngày huân tập cho nên đến khi thành Phật, cũng gọi là Di-lặc. Như Phật Nhiên Đăng, lúc còn tại thế chung quanh thân thường sáng như đèn, cho nên gọi là Phật Nhiên Đăng, Đầu tiên, nhờ nhân duyên xin dầu cúng dường các Tỳ-kheo, nên gọi là Nhiên đăng, cũng gọi là Đĩnh quang;

Thanh Loại Thơ ghi: "Có chân gọi là đỉnh, không chân gọi là Đăng." Kinh Hiền Ngu mười hai quyển ghi: "Dilặc sinh trong nhà của phụ tướng ở thôn Kiếp-ba-lợi, nước Ba-la-nại, lúc mới sinh có ba mươi hai tướng, thân phát ánh sáng vàng, tía, dung nghi đỉnh đạt, Phụ tướng rất vui mừng mời thầy tướng đến xem, thầy tướng thấy thế liền khen ngợi, nhân lúc đặt tên thầy tướng hỏi rằng: "Lúc sinh ra có hiện tướng gì?" Vua đáp: "Mẹ của đứa bé tánh vốn không tốt, nhưng từ khi mang thai đến nay, lòng từ sinh khởi, chịu nhiều khổ nhọc? Thầy tướng nghe thế vui mừng nói rằng: "Đứa bé này ắt có lòng từ, do đó mà đặt tên là Di-lặc." Cha mẹ từ đó hết lòng thương yêu không thể kể xiết. Tên họ và tướng mạo tương xứng nhau, khiến cả nước đều biết đến; quốc vương nước Ba-la-nại là Phạm-ma-đạt biết được, sinh tâm kinh sợ, e đoạt mất vương vị, ý muốn trong lúc còn nhỏ nên tìm cách khử trừ. Cha mẹ của Từ Thị biết được sai giai nhân ngầm dẫn đến gởi nơi người cậu tên là Babà-lợi, đang dẫn năm trăm đệ tử du học ở một nước khác. Người cậu nhận Di-lặc liền dạy dỗ học vấn chưa được vài năm đã thông thạo hết tất cả kinh thư. Sau đó người cậu nghe Đức Phật xuất thế, liền bảo Di-lặc và mười lăm người khác đến trụ xứ của Phật thưa hỏi bốn câu, đó là hỏi về cơ tướng, tuổi thọ, đệ tử và chủng tánh. Di-lặc hỏi xong Như Lai vui vẻ đáp. Đức Phật lại thuyết pháp khai thị khiến cho mười lăm người được pháp nhãn tịnh, từ tòa đứng dậy cầu xin xuất gia. Phật nói "Thiện tai!" thì râu tóc của họ liền rụng, lại lập bày phương tiện, thuyết pháp cho họ nghe, mười lăm vị này chứng quả A-la-hán, còn Di-lặc mới bảy tuổi chỉ phát tâm mà thôi.

Sau Di-lặc theo Đức Phật trở về Ca-duy-la, Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo tự may một chiếc ca-sa màu vàng óng, tâm suy nghĩ muốn dùng cúng dường Đức Thế Tôn, nhưng Thế Tôn không nhận, bảo cúng dường chúng Tăng, bà liền đến trong hội chúng, thưa thỉnh cúng dường nhưng không ai muốn nhận, Di-lặc liền bước ra thọ lãnh và đắp vào. Bấy giờ, Đức Phật qua nước Ba-la-nại. Di-lặc thân hình vốn đã có màu vàng tía lại đắp ca-sa dệt bằng tơ vàng trong ngoài tương xứng, ôm bát khất thực vừa đến đường lớn thì đứng lại, nhân dân trông thấy, liền đến chiêm ngưỡng rất đông, tuy đều kính trọng nhưng không ai cúng dường thức ăn. Bấy giờ có một vị thầy xâu hạt châu, thỉnh Di-lặc về nhà cúng dường, người vợ giận dữ la mắng làm mất đi lợi ích cúng dường của vị này. Dilặc liền dẫn vị này về trụ xứ của chúng Tăng, chúng tăng lại thuyết pháp về sự lợi ích của cúng dường, Đức Phật cũng thuyết cho vị ấy nghe về quá khứ của A-na-luật, đời đời không bao giờ nghèo cùng, đó cũng là nói về quả báo ở vị lai của việc cúng dường cho ngài Di-lặc."

III. LUẬN VỀ TÔNG THỂ CỦA KINH:

Từ xưa đều phán rằng kinh Thượng Sinh dùng Đại thừa làm tông thể, kinh Hạ Sinh lấy Tiểu thừa làm tông thể cho nên trong kinh Thượng Sinh có luận đủ các hạnh của Bồ-tát như sáu độ, bốn đẳng tâm, và cũng nói rõ về Trung giả. Vì thế cho rằng nhân quả của Đại thừa là tông, như đoạn thứ chín sẽ phân biệt. Còn kinh Hạ Sinh chỉ luận biện về ba phẩm giới, định, tuệ, là Tam tạng giáo cho nên lấy Tiểu thừa làm tông. Vả lại trong ba hội thuyết pháp người chỉ chứng đến bốn quả Thanh văn mà thôi, cũng chỉ là nói giả mà chẳng nói trung.

Hỏi: Trong kinh Hạ Sinh cũng có nói đến bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh vì sao nói chỉ lấy Tiểu thừa làm Tông?

Đáp: Nghĩa của bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là luận về nghĩa Niết-bàn của Tiểu thừa. Nói bốn đức cũng là đối phá bốn chấp vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh, nói thường lạc chưa hẳn là để phá tam tu của Tỳ-kheo. Nói bốn đức thường lạc... hoặc là phụ nói đến Đại Thừa, cho nên kinh Hạ Sinh ghi: "Thì ngày ấy xuất gia liền đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác." Dùng nghĩa của nhất thừa làm Tông, thì các pháp đều là kinh, sắc biểu thị phi sắc, hương biểu thị phi hương, mà tất cả pháp tắc cũng đều là kinh. Nhưng theo giáo nghĩa của Thích-ca thì sắc thanh đều là thể của kinh, bất nhị mà dùng nhị để làm sáng tỏ. Trong mười lăm sắc thì ba loại sắc được dùng làm thể của kinh. Nếu nói rằng Tông khác thể, trong đó chánh pháp là thể, nhân quả là Tông, thì cũng như nói Đại kinh sớ và Đại phẩm sớ giống nhau vậy.

IV. LUẬN VỀ NHÂN QUẢ:

Gồm ba phần

1. Nhân hạnh.

2. Quả đức.

3. Thỉ chung.

1. Nhân hạnh: về việc này thì kinh và luận giải thích khác nhau. Như kinh Ma Đức lăng-già Tạng ghi: "Trong mỗi một địa, phải trải qua hàng trăm ngàn đại kiếp, mới thành tựu công hạnh, không tinh hạng người hạ căn." Luận Đại Trí Độ, Ca-chiên-diên Tử nói: "Ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập quả hạnh."

Hỏi: Ca-chiên-diên Tử luận về bán giáo và hạnh giải trong nhiều kiếp của Bồ-tát, thế nào gọi là bán giáo, là Tiểu thừa, Đại thừa mãn giáo.

Đáp: "Điều này cũng khó nhận biết, nhưng gồm hai nghĩa là chánh và phụ (bàng). Ca-chiên-diên tuy chánh thức luận về giáo Tiểu thừa. Nhưng bên cạnh đó cũng có đề cập đến Bồ-tát hạnh của Đại thừa mãn giáo; sao gọi là phụ?"

Luận Thành Thật ghi: "Chân chánh giải thích thật nghĩa trong tam tạng, mà không ngại luận đến Đại Tiểu." Phẩm Lợi Nghiệp ghi: "Sáu độ Ba-la-mật như bố thí... chứng đắc quả A-nậu Tam-bồ-đề." A-tăng-kỳ, mười nhân mười là trăm, mười lần trăm thành một ngàn, mười lần ngàn thành vạn, mười lần vạn thành ức, ngàn vạn ức thành na-do-tha, ngàn na-do-tha là tần-bà, một ngàn tầnbà là già-đà, trên già-đà thì gọi là a-tăng-kỳ, nếu căn cứ theo việc thực hạnh phát tâm của Bồ-tát Thích-ca thì ở a-tăng-kỳ thứ nhất đã có hành giải mà chưa tự biết mình sẽ làm Phật, nhưng chẳng dám luận bàn, tâm không sợ sệt thấy biết đầy đủ. Đức Di-lặc phát tâm trước, Đức Thích-ca phát tâm sau. Kinh Phật Tạng ghi: "Thuở xưa, Di-lặc gặp Đức Phật Thiện Minh, nơi trụ xứ của Phật, ngài phát sơ tâm Bồ-đề." Vì thế kinh này ghi: "Đức Dilặc phát tâm trước Đức Thích-ca bốn mươi kiếp." Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân ghi: "Trước Đức Phật Thích-ca, đã có một vị Phật ra đời, tên là Đại Thích-ca Mâu-ni, lúc bấy giờ, Đức Thích-ca còn là một tội nhân bị thọ khổ ở địa ngục Hỏa xa, mới phát đại tâm. Thời gian ở quá khứ từ Đức Đại Thích-ca đến Phật Kế-na-thi là a-tăng-kỳ thứ nhất, bấy giờ Bồ-tát Thích-ca chưa lìa thân nữ; từ Phật Kế-na-thi đến Phật Nhiên Đăng là atăng-kỳ thứ hai, bấy giờ mới lìa khỏi thân nữ, Bồ-tát dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng, trải áo da nai, xõa tóc lót trên bùn để Phật đi qua, được Phật Nhiên Đăng thọ kí: "Hơn chín mươi mốt kiếp ở vị lai, ông sẽ làm Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni." Từ Phật Nhiên Đăng đến Phật Tỳ-bà-thi là a-tăng-kỳ thứ ba, Bồ-tát tu tập đầy đủ trí tuệ, thành tựu Phật quả.

2. Quả đức: Gồm có cận quả và viễn quả. Kinh ghi: "Vào ngày mười lăm tháng hai năm thứ mười hai ở kiếp hậu, trở về chỗ đã sinh, mệnh chung sinh lên cõi trời Đệ tứ thiên, gọi đó là cận quả (quả gần) Viễn quả gồm hai loại:

Khi năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm đã mãn, sinh xuống Diêm-phù-đề, thành chánh giác, ứng với cận quả.

Tu hành nhiều kiếp, mãn kim cang tâm thì thành Phật, đó là chân quả tức viễn quả.

Hỏi: Luận theo hoàn sơ (không gian), thì có thể như thế, còn theo thụ mật (thời gian) thì vì sao không luận đến chánh quả?

Đáp: Chánh quả chẳng phải cận, chẳng phải viễn, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, cho nên không luận đến. Nhưng nếu muốn gượng biện minh thì cũng tạm được.

3. Luận thỉ chung và thời gian:

Như các kinh Hiền Kiếp... đều nói: kiếp có ba thời, mỗi một kiếp thời có một ngàn Đức Phật, đó là kiếp quá khứ Trang Nghiêm một ngàn Đức Phật, hiền kiếp hiện tại một ngàn Đức Phật và kiếp vị lai tinh tú một ngàn Đức Phật, ba ngàn vị Phật này, thuở xưa cũng tu hành thú thắng nhân, theo thứ tự dần dần đắc quả ở ba kiếp thời, lại ngàn Đức Phật ở kiếp quá khứ chỉ cùng một tên nhưng trong một ngàn vị Phật ở hiền kiếp hiện tại thì mới có bốn vị xuất thế, nay Đức Di-lặc là vị thứ năm sẽ ra đời hưng thịnh Phật pháp, vì xuất thế có trước sau, nên nay luận về điều này. Trong Đại Luận, Ca-chiêndiên Tử nói rằng: "vào quá khứ cách đây hơn ba a-tăngkỳ kiếp; bấy giờ Bồ-tát đang ở trong thời gian một trăm kiếp tu hành ba mươi hai tướng tự tại; thành tựu tùy theo nhanh chậm, chậm thì một trăm kiếp, nhanh thì chín mươi mốt kiếp." Bồ-tát mua năm hoa sen tung lên hư không cúng dường Phật, nên sau chín mươi mốt kiếp sẽ thành Phật. Nhưng nếu giải thích rõ ràng thì nên biết, đáng lẽ ra đầy đủ một trăm kiếp mới thành Phật, nhưng do tinh tấn tu hành khổ hạnh, nên vượt qua được chín kiếp, còn chín mươi mốt kiếp. Nếu chẳng vượt chín kiếp thì thành Phật sau ngài Di-lặc. Vì thế trong kinh thường nói: "Đức Di-lặc phát tâm tu hành trước Đức Thích-ca, không tinh tấn khổ hạnh nên thành Phật sau. Ngài Di-lặc tự nghĩ rằng: Trong một ngàn a-tăng-kỳ kiếp ta thà sinh ở cõi trời Đâu-suất-đà, thuyết pháp độ chư Thiên, chứ chẳng thể tạm xả thân mà tu tập các hạnh khổ." Đức Thích-ca vì tinh tấn, khổ hạnh nên vượt chín kiếp được thành Phật, như trong Đại kinh từng nói: "Bồ-tát nghe La-sát nói kệ vượt mười hai kiếp, được thành Phật." Còn Đại Luận thì nói: Vượt chín kiếp, về chỗ bất đồng này các sư giải thích rằng: Theo tiểu kiếp thì nói vượt mười hai kiếp, theo đại kiếp thì nói vượt chín kiếp, hoặc cho rằng trong ba kiếp mỗi mỗi vượt ba kiếp, tất cả chín kiếp. Hỏi: Vì sao Đại kinh cho rằng Bồ-tát nghe kệ, vượt được mười hai, còn Đại Luận thì ghi là chín kiếp?

Đáp: Như Đại kinh nói Bồ-tát ở Tuyết sơn nghe Lasát nói bài kệ: "Các hành vô thường, các pháp sinh diệt, sinh diệt đã diệt, tịch diệt an lạc" cho nên vượt qua được mười hai kiếp. Đại Luận thì nói rằng: luận về thời gian xuất thế của Đức Phật Phất-sa, không nhất định nói đến thời gian lâu xa, chỉ vì Đức Phật kia có hai vị đệ tử là Thích-ca và Di-lặc. Đức Phật Phất-sa quán biết Bồ-tát Thích-ca tâm chưa thuần thục, nhưng tâm hóa tha đã thuần thục. Vì sao? Vì Đức Phật Thích-ca cho việc tự lợi là phụ, hóa tha là chánh, còn quán Đức Di-lặc thì thấy tâm tự lợi đã thuần thục mà tâm hóa tha chưa thuần thục. Vì sao? Vì Đức Di-lặc cho việc tự lợi là chính hóa tha phụ. Lúc bấy giờ, Đức Phật Phất-sa tư duy rằng: Tâm của một người dễ hóa độ, tâm của nhiều người khó điều phục, vì muốn làm cho Đức Thích-ca mau thành Chánh giác nên Đức Phật liền vào hang động ở núi Tuyết, nhập đại quang minh Tam-muội, khi ấy Bồ-tát Thích-ca, hóa làm một Tiên nhân ngoại đạo lên núi hái các loại danh hoa, thấy Đức Phật Phất-sa đang thiền định trong động, toàn thân phát ra ánh sáng rực rỡ. Bồ-tát liền sinh tâm đại hoan hỷ, kiểng chân, vòng tay nhìn Phật, nhất tâm quán Phật, mắt chẳng từng chớp, trải qua bảy ngày đêm, rồi đọc kệ tán ngưỡng rằng: "Trên trời dưới trời không ai bằng Phật, mười phương thế giới cũng không gì sánh được, những điều con nghe thấy ở thế gian, thảy đều không bằng Đức Phật." Bảy ngày đêm nhất tâm quán Phật, mắt chưa từng chớp như thế, mà vượt qua chín kiếp lớn, thành Phật ở hiền kiếp.

Có người cho rằng, nay nói vượt qua là trong việc tu nghiệp tướng hảo, vượt qua vì có chủng trí. Nay chẳng phải như thế, vì vượt qua mà chẳng vượt qua và đồng thời sau đó cả hai được thuần thục, nghiệp Bát-nhã siêu việt, nếu đạt được nghiệp Bát-nhã thì vạn sự tăng tiến. Nhưng trong chín mươi mốt kiếp này chư Phật xuất thế không đồng thời. Như Thích Luận quyển chín ghi: "Trong chín mươi kiếp trước có ba vị Phật ra đời, mười kiếp sau có một ngàn vị; kiếp đầu tiên của chín mươi kiếp có Phật Tỳ-bà-thi ra đời. Tỳ-bà-thi, Hán dịch là Chủng Chủng kiến. Kiếp thứ ba mươi hai có hai vị là Phật Thi Khí, Hán dịch là Hỏa hoặc Đảnh Kế và Phật Tỳ-nô-bà-phụ, Hán dịch là Nhất thiết thắng. Đầu kiếp chín mươi mốt, có bốn vị xuất thế, đó là Phật Ca-la-cưuthực-đà, còn gọi Câu-lâu-tôn. Đại Luận không phiên dịch, Côn lôn Tam tạng Quan Đảnh gọi đây là Mạo Phật, khi vị Phật này ra đời như có điều kì lạ xuất hiện, Phật Ca-na-hàm Mâu-ni, Hán dịch là Kim Tiên nhân, Khuất Tiên nhân; Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni. Bốn vị Phật này và ba vị Phật trước ra đời trong chín mươi kiếp, vị đầu tiên thọ tám mươi ngàn tuổi thọ, vị thứ hai thọ bảy mươi ngàn tuổi thọ và vị thứ ba thọ sáu mươi ngàn tuổi; bốn vị Phật sau ra đời trong kiếp thứ chín mươi mốt. Kiếp tên là Hiền kiếp, đầu tiên con người thọ vài ngàn vạn tuổi, giảm dần dần còn năm trăm tuổi thì có Chuyển luân vua vua ra đời giáo hóa chúng sinh, sau đó lại dần dần giảm tiếp. Kinh Hiền Kiếp ghi: "Khi con người giảm còn bốn vạn tuổi thì có Phật Câu-na-đề, tức Phật Câulưu-tôn xuất hiện ở đời ngũ trược, trải qua sáu vạn năm khi tuổi thọ con người còn ba vạn năm thì có Phật Câuna-hàm xuất hiện ở đời ngũ trược, trải qua bốn vạn năm khi con người còn hai vạn tuổi có Đức Phật Ca-diếp ra đời thọ mạng hai vạn năm. Sau đó thọ mạng con người giảm dần còn một ngàn hai trăm năm thì Đức Thích-ca mới sinh lên cõi trời Đâu-suất, ở cõi trời này bốn ngàn năm, tương đương với năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, lúc bấy giờ, tuổi thọ con người còn một trăm năm, Đức Thích-ca từ cung trời Đâu-suất sinh xuống Diêmphù-đề, thành Phật, thời kỳ chánh pháp năm trăm năm, tượng pháp một ngàn năm, sau một ngàn năm trăm năm này thì giáo pháp của Đức Thích-ca bị diệt tận. Kinh khác ghi rằng: "Thời mạt pháp một vạn năm chỉ có Bíchchi-phật giáo hóa chúng sinh, khi tuổi thọ con người rút ngắn mười năm thì tam tai phát khởi, cảnh tượng điêu tàn, kẻ ác đã chết hết, cõi nước hoang vu, gặp nhau thì giết. Bấy giờ có một Tiên nhân tên Quách Tướng, cũng gọi là Quách Trí xuất hiện, khuyên bảo rằng chớ nên giết hại lẫn nhau, tạo nhân duyên con người dần dần gần gũi nhau dạy tu thiện hạnh từ, những kẻ ác cãi hối tội lỗi, tu tập điều thiện, nhân đó gặp nhau, lại sinh con cái, thọ mạng hai mươi năm, cứ như thế con lại sinh cháu chắt, tuổi thọ được bốn mươi năm, dần dần tăng lên một trăm, rồi một vạn, ba vạn, khi đến sáu vạn thì có Chuyển luân thánh vương xuất thế giáo hóa chúng sinh, từ đó Thánh vương lần lượt ra đời, đến vị thứ bảy, tuổi thọ con người lên đến tám mươi sáu ngàn năm, thì Phật Di-lặc lại xuất hiện làm hưng thịnh Phật pháp ở thế gian. Lúc bấy giờ, là thời kỳ cường thịnh, nhân dân an lạc, Đức Phật hạ sinh.

Kinh Đại Hiền Kiếp ghi: "Hào quang của Phật Từ Thị chiếu soi bốn mươi dặm. Ngài thuộc dòng Phạm chí, cha tên Phạm Ma, mẹ tên Phạm Đức." Đại Di-lặc Kinh Ý ghi: "Cha là Quốc Duyên có đức hạnh của một đấng nhân chủ cho nên gọi là Tu-phạm-ma, Hán dịch là Thiện Đức, cũng gọi là Thiện Tịnh; mẹ tên là Phạm-ma-bạt-đề, Hán dịch là Đức Chủ, Tịnh Chủ." Kinh Hiền Kiếp lại ghi: "Con tên Đức Lực, thị giả đa văn tên là Hải thị, đệ tử trí tuệ tên là Tuệ Quang, đệ tử thần thông tên là Tọa Tinh Tấn, Phật thọ tám mươi bốn ngàn tuổi, chánh pháp trụ ở đời tám mươi ngàn năm, xá-lợi được tôn thờ trong một ngôi chùa lớn để hoằng pháp. Ánh sáng của Phật Sư Tử chiếu bốn mươi dặm. Phật thuộc dòng vua chúa, cha tên là Dũng Sư Tử, mẹ tên Giang Ý, con tên là Đại Lực, thị giả đa văn tên Thiện Lạc, đệ tử thần túc tên Vũ thị, đệ tử trí tuệ tên Trí Tích. Phật sống bảy vạn tuổi có ba hội thuyết pháp. Chánh pháp trụ thế một ức năm, xá-lợi lưu bố tám phương thượng hạ." Từ Phật Câu-lâu-tần đến vị Phật chín mươi chín đều xuất hiện vào nửa kiếp trước, sau cùng chỉ Đức Lâu-chí Như Lai xuất hiện ở nửa kiếp sau. Khi Phật Lâu-chí diệt độ, trong sáu mươi hai kiếp không có Phật xuất thế, đến kiếp sáu mươi ba có Đức Tịnh Quang xưng Vương Như Lai xuất hiện, thọ mười kiếp giáo hóa chúng sinh. Sau Đức Phật này, ba trăm kiếp lại không có Phật xuất thế. Ở đây tuy nói có một ngàn Đức Phật nhưng trước và sau tính chung thành ba ngàn vị.

Hỏi: Vì sao Đức Lâu Chí Như Lai một mình xuất hiện trong nửa kiếp?

Đáp: Tùy thuận cơ duyên mà ứng hợp như thế! Hỏi: Vì sao trong hiền kiếp có một ngàn vị Phật?

Đáp: Kinh Kim Cang Lực Sĩ ghi: "Xưa có vị Chuyển luân thánh vương xuất thế, có một ngàn người con, mỗi mỗi đều phát tâm Bồ-đề, cầu thành Phật, người cha là bậc Thánh vương muốn khuyên hóa một ngàn vị vương tử này, tuy một ngàn vị này trước đã là những vị Phật, nhưng nay cũng phải đề tên vào thẻ, rồi dùng nước hương tắm gội, kế đó bắt thăm ai sẽ là vị Phật đầu tiên. Người bắt được thẻ thứ nhất là vị sẽ thành Phật đầu tiên cho đến vị thứ chín trăm chín mươi chín, còn một vị cuối cùng là vị thứ một ngàn. Các vị vương tử kia khinh chê vị vương tử thứ một ngàn rằng: "Chúng ta thành Phật đã hóa độ hết chúng sinh rồi, ngươi mới thành Phật, thì độ nơi nào?." Vị ấy nghe vậy liền buồn khóc, nhưng lại suy nghĩ rằng, thế giới vô biên, chúng sinh vô tận, ta nay phát nguyện rằng: "Khi ta thành Phật thì thọ mạng của chúng sinh ở cõi ta hóa độ sẽ bằng thọ mạng của tất cả chúng sinh mà các vương tử đã hóa độ. Số lượng chúng sinh được độ cũng như thế. Khi phát nguyện xong thì mặt đất khởi lên sáu thứ chấn động và Phật liền thọ ký." Do nhân duyên này mà một vị Phật cuối cùng độc chiếm nửa kiếp sau. Vì buồn khóc nên có tên là Đề-khấp-Phật, cũng là Lâu-chí Phật, Quang Minh Phật, vì khi vị Phật này xuất sinh thì ánh sáng thù thắng chiếu soi, lúc bấy giờ, các vương tử đều phát nguyện rằng: "Khi Thái tử thành Phật thì chúng ta là những thần Kim Cang hộ trì Phật Lâuchí." Nhưng Kim Cang Hộ này là Xúc Kim Cang thần hộ trong năm tánh chấp Kim Cang hộ.

Hỏi: Một ngàn vị Phật trong hiền kiếp, đều là một ngàn người con của bậc Thánh vương ở thế gian, đề tên bắt thẻ lần lượt xuất hiện ở thế gian thành Phật, đến đi hai lần, ở hai thời tổng cộng hai ngàn vị, vì nhân duyên gì chỉ nói có một ngàn vị Phật xuất thế?.

Đáp: Các sư đều cho rằng, các kinh không nói đến nhân duyên này, nhưng ở đây thì có, mà dùng thí dụ tương tợ để giải thích, như nói nhân duyên xuất hiện một ngàn vị Phật, kinh Đại Phẩm ghi: "Trong đây Thiên Chủ hỏi, Tu-bồ-đề đáp." Giải thích Bát-nhã ghi: "Trong hằng hà sa Phật độ ở mười phương cũng như Thiên chủ hỏi. Tu-bồ-đề đáp. Vì sao? Vì đạo của chư Phật đều đồng nhất." Tổng hợp yếu nghĩa của Địa luận và Nhiếp luận cũng như tông chỉ hai nhà Thành Thật và Tỳ-đàm thì biết rằng thể thành Phật chẳng là vật khác, mà đó là thần thức của chúng sinh có tánh nối tiếp không gián đoạn, rốt cuộc sẽ đạt thành quả vị cùng tột, như lóng bỏ cặn dơ, thì các chất thô xấu trừ sạch, chủng trí hiển hiện tròn đầy, lặng trong thường trụ, đó gọi là tu tập viên mãn vạn hạnh muôn thiện, mà thành tựu vạn đức; vì thế khi Kim cang tâm đã tận thì pháp thân hiển hiện. Chuyển vô minh thành minh vậy. Đại kinh ghi: "Vô minh chuyển lại thành minh" "Nếu luận chung về thành Phật thì phàm có thức tâm đều có thể ấy (Thể thành Phật), cho nên Đại Kinh ghi: "Tất cả chúng sinh đều có tâm, phàm kẻ có tâm thì sẽ thành Tam-bồ-đề." Nếu luận riêng thì chỉ là do nhiều kiếp tu hành tích tập, sau giai vị Kim cang tâm, công đức đầy đủ, gọi là chân thành Phật. Nay các nhà Đại thừa luận theo chiều ngang và giả danh thì cũng có ý này, nhưng dùng nghĩa của một nhà mà tổng hợp các thuyết kia, nếu các thuyết kia chủ trương có tâm thức là thành Phật, thì đã phá trừ giả danh nơi tâm gọi là chân thành Phật, mà Đức Di-lặc như kinh Thập Trụ Đoạn và kinh Chư Phật Hạ Sinh, đều cho rằng đã thành Phật từ lâu xa. Nhưng trong Tích thì ngày xuất gia là ngày thành Phật. Nếu luận theo thể của pháp thân thì danh ngôn và tâm thức đều bặt, nhưng lòng Từ bi đã đầy đủ, chẳng trái với thệ nguyện, vạn đức trang nghiêm. Vì sao? Vì hóa độ chúng sinh nên hiện các hình sắc ứng hợp với quốc độ. Vì thị hiện Tích chúng sinh, cho nên thị hiện làm muôn loài. Vì hóa độ mà hiện hữu vô sinh tử, cho nên hình thể khác nhau, như sắc thân và thọ mạng của bảy Đức Phật đều khác nhau. Kinh Trường A-hàm... đều nói rằng: "Đức Phật thứ nhất là Tỳ-bà-thi, cũng gọi là Duy vệ, thuộc dòng dõi Sát-đế-lợi Sát-lợi Hán dịch là Phân Điền họ Kiều-trần-như, thân Phật cao hai ngàn bốn trăm dặm, màu vàng tía." Cây trâm vàng được làm bằng loại vàng dưới cây uế, một hôm phu nhân lễ Phật làm rơi cây trâm cài trên đầu xuống đất, nhưng không ai thấy cây trâm bị rơi, bỗng nhiên ánh sáng của Phật không hiện, cho nên biết màu sắc của thân Phật là màu vàng tía, làm mờ vàng Diêm-phù-đề; Diêm-phù-đề A-xà-na, Hán dịch là Uế thọ. Cõi Nam Diêm-phù-đề lấy cây này làm tên, cây cao bốn chục ngàn dặm. Đức Phật Tỳ-bà-thi có cha tên là Bát-đầu-ma-đa, mẹ tên là Bàn-na-để, con tên Phương Cựu, thành ấp tên Bàn-đầu-ma-dã-đa, hào quang chiếu xa một trăm hai mươi do-tuần, thọ tám mươi ngàn tuổi.

Đức Phật thứ hai là tên là Thi Khí, cũng gọi là Thức Phật, thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Kiều-trần-như, thân cao một ngàn sáu trăm tám mươi dặm, màu vàng tía, ánh sáng toàn thân chiếu xa một trăm do-tuần, thọ mạng bảy mươi ngàn tuổi, cha của Đức Phật tên là Minh Tướng, mẹ tên Quang Diệu, con tên Vô Lượng.

Đức Phật thứ ba tên là Tỳ-xá-bà, cũng gọi là Tỳ-nộphụ, thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Kiều-trần-như, thân cao một ngàn hai trăm tám mươi dặm, hào quang chiếu xa bốn mươi do-tuần, ánh sáng toàn thân chiếu sáu mươi do-tuần, thọ mạng sáu mươi ngàn tuổi. Luận Tỳ-bà-sa ghi, cha của Đức Phật tên Thiện Chứng, mẹ tên Xưng Giới, con tên Sa Học, thành ấp tên là Vô Du.

Đức Phật thứ tư tên là Câu-lưu-tôn cũng gọi là CA-la-cưu-xan-đà, Hán dịch là Tịnh Hạnh, thuộc dòng Bàla-môn, họ Ca-diếp, thân Phật cao một ngàn dặm, hào quang chiếu ba mươi hai do-tuần, ánh sáng toàn thân chiếu xa năm mươi do-tuần, thọ mạng bốn mươi ngàn năm. Luận Tỳ-bà-sa bốn mươi sáu ghi rằng đệ tử đa văn của Phật tên là Tán-xa-bà-tôn, cha của Phật tên là Lễ Đức, mẹ tên Thiện Chi, con tên Thượng Thắng, thành tên An Hòa.

Đức Phật thứ năm tên là Câu-na-mâu-ni, thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp, thân cao tám trăm dặm, hào quang chiếu một ngàn hai trăm dặm, ánh sáng toàn thân chiếu xa một ngàn sáu trăm dặm, thọ mạng ba mươi ngàn tuổi, có đệ tử đa văn tên Tô Chỉ cha tên là Nữ Đức, mẹ tên là Thiện Thắng, con tên Đạo Sư, thành ấp tên Thanh Tịnh.

Đức Phật thứ sáu tên là Ca-diếp, Hán dịch là Quy, thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca-diếp, lấy họ làm tên; thân cao mười sáu trượng, thọ mạng hai mươi ngàn tuổi, có thuyết nói ba mươi ngàn tuổi; Đại Kinh ghi Đức Phật Ca-diếp bảy ngày nhập diệt; có nhiều ý khác nhau, hoặc cho rằng bảy tháng nhập diệt, hoặc cho rằng bảy ngày Phật thuyết thường, lạc, ngã, tịnh mà chẳng phải nhập diệt, ý này tựa như hợp với thuyết cho rằng Phật có thọ mạng hai mươi ngàn tuổi. Cha Đức Phật tên Phạm Đức, mẹ tên Tài Chủ, con tên Tấn Vận, thành ấp tên Ba-lanại, đệ tử đa văn tên Dược-bà-tham.

Đức Phật thứ bảy tên là Thích-ca Mâu-ni, thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Thích-ca, thân cao một trượng sáu, hào quang chiếu xa bảy thước thọ mạng tám mươi tuổi. Về thọ mạng của Đức Thích-ca, các kinh luận ghi khác nhau. Như kinh Trung Bản Khởi ghi Phật thọ tám mươi tuổi, kinh Nê-hoàn (hai quyển) ghi Phật thọ bảy mươi chín gần tám mươi tuổi; phẩm Vương Thế trong Thai Kinh ghi thọ mạng của Đức Thích-ca là tám mươi bốn tuổi, kinh A-hàm ghi Phật thọ tám mươi lăm tuổi, Thích luận quyển ba mươi bốn ghi Phật thọ một trăm tuổi luận, Bà-sa ghi thọ mạng của Đức Thích-ca ngang với trời Tha hóa tự tại là mười sáu ngàn năm nhưng chỉ thọ được tám mươi năm, là vì ứng theo căn cơ thể chất của chúng sinh chỉ kham thọ chừng ấy mà thôi. Nhập diệt hóa độ chúng sinh, nghĩa là phó chúc cho hàng Thanh văn và Bồ-tát. Những thời gian bất đồng như thế, hoặc là tùy nghi theo chúng sinh mà ứng hiện thọ mạng không nhất định. Trong thọ mạng tám mươi năm, vào năm thứ bảy mươi chín Đức Phật nói Đại kinh; nếu thế kinh Pháp Hoa ghi: "Hơn bốn mươi năm", tức là thời gian nói Kinh Niết-bàn lùi lại một năm, là năm thứ bảy mươi tám nói Kinh Pháp Hoa. Nếu ấn định thọ mạng Đức Phật là tám mươi tuổi, thì mười chín tuổi ngài xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo, khoảng thời gian chính thức còn lại là thuyết pháp độ sinh. Khi Phật thuyết pháp có người chỉ mới mười một tuổi, đã đến trụ xứ của Phật, cho rằng có thể kham nhận được Phật pháp, đến khi Phật diệt độ thì người này đã sáu mươi mốt tuổi, bốn mươi năm sau thì người này được một trăm lẻ một tuổi, đều được nghe thuyết pháp. Trong tất cả các thời thuyết pháp, từ đầu đến cuối, người này còn tại thế. Do có thể nói pháp độ sinh, cho nên thuần phong vẫn còn hưng thạnh Phật pháp. Đây là ý của các sư vậy. Đức Thích-ca, cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là Ma Gia, con là La-hầu-la, thành ấp tên là Ca-tỳ-la-bạtđề-pháp. Đệ tử đa văn... như đã ghi trong kinh Cư Sĩ. Từ Phật Tỳ-bà-thi cho đến Phật Thích-ca, lúc các ngài hiện sinh đều đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất nói rằng: "Ba cõi đều khổ, trên trời dưới đất chỉ ta là tôn quý." Sau đó lại dạo bốn cửa thành gặp già bệnh chết và Sa-môn, bèn xuất gia học đạo; sau khi thành đạo đều đến Lộc dã, chuyển pháp luân, thuyết Tứ đế. Các thuyết đều luận như thế. Bảy vị Phật đều có thân sắc vàng; kinh Quán Phật Tam-muội quyển tám ghi: "Thân của Đức Di-lặc cao một ngàn thước." Kinh Thành Phật lại ghi: "Thân cao mười sáu trượng, hào quang chiếu xa một trăm do-tuần, thọ mạng tám mươi bốn ngàn năm, thuộc dòng Bà-lamôn, họ Phạm Chí, cha tên Tu-phạm-ma, Hán dịch là Tịnh Đức, Thiện Đức, mẹ tên là Phạm-ma-bạt-để, Hán dịch là Đức Thù, con tên là Đức Lực, thành ấp tên Síđầu-mạt, đệ tử đa văn tên là Hải Thị. Thai kinh quyển hai ghi: "Thích-ca sinh ra từ hông, Di-lặc sinh ra từ đảnh. Ta thọ một trăm tuổi, Di-lặc thọ tám mươi bốn ngàn tuổi, quốc độ của ta toàn là đất, quốc độ của Di-lặc là vàng, quốc độ của ta khổ, của Di-lặc vui sướng." Đức Di-lặc là vị Phật thứ năm trong một ngàn vị Phật ở hiền kiếp. Kiếp quá khứ tên là Trang Nghiêm kiếp, có một ngàn Đức Phật, Đức Phật xuất thế đầu tiên là Đức Phật Hoa Quang, Đức Phật cuối cùng tên là Tỳ-xá-bà Như Lai. Hiện tại hiền kiếp có một ngàn vị Phật, vị thứ nhất tên là Câu-lâu-tôn, vị cuối cùng là Lâu-chí. Kiếp vị lai tên là Tinh Tú kiếp cũng có một ngàn vị Phật, vị đầu tiên tên Nhật Quang Tịnh Quang Xưng Vương Như Lai, vị cuối cùng tên là Tu-di Tướng. Nếu căn cứ theo kinh Xưng Dương chư Phật Tam Thiên Phật, thì trong một ngàn Đức Phật ở kiếp quá khứ, Đức Phật đầu tiên xuất thế tên là Nhân Trung Tôn, kế đó là Phật Sư Tử Bộ và cuối cùng là Đức Phật Kim Cang Vương; còn trong một ngàn Đức Phật ở hiền kiếp thì Đức Phật đầu tiên tên là Câu-na-đề, kế đó là Đức Phật Già-na-hàm Mâu-ni và Đức Phật cuối cùng là Lâu Chí; trong một ngàn Đức Phật kiếp ở vị lai thì Đức Phật đầu tiên là Vương Trung Vương và Đức Phật cuối cùng là Chuyển Tràng Tôn Thượng Đức.

V. LUẬN VỀ THỜI GIAN XUẤT THẾ XA HOẶC GẦN

Vào thời kiếp sơ thọ mạng con người không giống nhau, hoặc là ngàn vạn ức năm, hoặc là bốn vạn năm, hoặc là tám vạn bốn ngàn năm, dần dần rút ngắn khi tuổi thọ con người từ một trăm xuống còn mười năm thì tâm tánh hỗn tạp lại giống nhau. Kinh Lâu Thán ghi: "Khi con người tuổi thọ chỉ còn mười năm, thì có ba kiếp nạn nhỏ đó là, nạn đao kiếm, nạn đói kém, nạn dịch bệnh.

Vào thời kỳ nạn đao kiếm, con người phần nhiều tham lam ác độc, chỉ làm theo mười điều ác, nếu làm việc thiện thì bị mọi người chê cười cho là ngu si, luôn luôn tranh đấu nhau để hoại diệt, bảo nhau làm ác, không có một người thiện nào. Bấy giờ nhân dân ở cõi nước ấy cũng chỉ thọ mười tuổi, người nữ có thai năm tháng sinh con, tất cả đều làm những việc phi pháp. Những món cần dùng như gạo thóc, nước uống, áo quần... đều hết sạch, núi rừng, hang động, bờ vực... tự nhiên hiện ra, tất cả châu báu đều chìm vào lòng đất, chỉ còn gai góc. Bấy giờ nhân dân không được dạy dỗ, cha mẹ không có người nuôi dưỡng, lại không có Sa-môn, mọi người gặp nhau liền muốn giết hại giống như thợ săn thấy hươu nai...; cây cỏ ngói đá đều biến thành đao kiếm, xoay vần đâm chém mọi người. Bấy giờ có người ở trong thọ mạng mười năm này hiểu biết, sợ hãi việc giết hại lẫn nhau, bèn trốn vào núi rừng, khe, rạch, hang động sâu thẩm, cho rằng không có người giết ta, ta cũng không giết người rồi ở tại đây ăn trái và rễ cây. Qua bảy ngày nạn giết nhau mới dứt. Kinh lại ghi: "Bảy ngày mới dứt, những người chết đọa vào Nê-lê. Lúc bấy giờ, người trí mới ra khỏi núi rừng... gặp nhau liền cùng giao kết không nên giết hại lẫn nhau, thiên hạ nhân dân lại bắt đầu làm việc thiện, sinh con cái, thọ mạng tăng lên hai mươi tuổi, sau đó con lại sinh cháu chắt, thọ mạng tăng lên bốn mươi tuổi, dần dần tăng lên tám mươi, một trăm, một ngàn, rồi một vạn, hai vạn, bốn vạn, sáu vạn. Đã cùng nhau khuyên răn giữ giới, hành thiện nên thọ mạng dần tăng, lâu ngày mọi người trong thiên hạ thọ đến tám mươi bốn ngàn tuổi lúc bấy giờ, mới có Đức Phật ra đời gọi là Di-lặc." Việc hưng suy trong thiên hạ, tướng trạng hiện ra như thế thì thuộc về kiếp đao binh.

Nạn đói kém: Vào kiếp nạn này, con người phần nhiều làm những việc phi pháp, ác độc, tà kiến, tham lam, bỏn sẻn, ganh tỵ chỉ cất chứa của cải, không hành bố thí, nắng mưa không đúng thời, mùa màng mất trắng, gạo thóc hết sạch, lương thực khan hiếm, phải ăn cả tấm cám, lá cây ngoài đường để tự sinh tồn, đến khi tấm cám lá cây đã hết, thì mọi người đào đất, ăn rễ cỏ cây, người chết trước thì làm thức ăn cho người còn sống, ăn xong lại bị đói khát, lại kiếm thu nhặt xương cốt ở những nơi sát sinh, bãi tha ma để chứng ép nấu nướng mà ăn, do đó mà tự tiêu diệt, những kẻ đói khát chết đi, sinh vào ngạ quỉ, nên gọi là Ngạ quỉ kiếp.

Nạn dịch bệnh: Nếu như người đều có chánh kiến, tu hành theo thập thiện thì chẳng sinh vào thời có ba kiếp nạn. Nhưng vì không có phước đức, gặp thời ác và người ác, cho nên sinh nhiều bệnh tật, lại không còn phương kế nào khác; ít có thiện nghiệp, tuy có tu thiện nghiệp nhưng không thể tránh được kiếp nạn, gặp bệnh liền chết. Lúc bình thường chỉ biết thiêu đốt loài vật đánh đập người khác, tâm thành loạn động, nên lúc sắp chết, thần thức kia lại rơi vào ba đường ác, chịu khổ vô cùng, kinh ghi: "Nếu một ngày một đêm mà giữ gìn không sát sinh, khi mệnh chung sẽ không sinh vào kiếp đao binh và bệnh tật." Kinh còn ghi; "Nếu cúng dường quả Ha-lê-lặc cho chúng tăng, thì mệnh chung sẽ không sinh vào kiếp dịch bệnh. Nếu cúng đường cho chúng tăng một bữa ăn, thì sau khi chết sẽ không sinh vào kiếp đói khát." Cõi Diêm-phù-đề này, kiếp ác hay sinh khởi các phương khác thì ít có. Nơi đây kiếp đao binh khởi, nơi kia chỉ có lòng sân hận; nơi đây kiếp bệnh dịch khởi, nơi kia chỉ có khí lực suy kém. Nơi đây kiếp đói khát khởi, nơi kia chỉ tạm hơi thiếu thốn. Ba kiếp này được nói trong các kinh Trường

A-hàm quyển ba, kinh Pháp Độ, kinh Hoa nghiêm, Đại Luận và luận tạp Tâm. Kinh ghi: "Ba kiếp nghĩa là thời tiết thay đổi sinh khởi thời ác là tiểu kiếp, chẳng phải bốn mươi dặm mới gọi là bằng ba kiếp tiểu, trung, đại."

VI. LUẬN VỀ THÀNH ĐẠO:

Trước tiên nêu lên việc bảy vị Phật thành đạo dưới các loại cây khác nhau. Kinh Trường A-hàm ghi rằng Phật Tỳ-bà-thi thành đạo dưới cây Ba-la, Phật Thi Khí thành đạo dưới cây Phân-đà-lợi, Phật Tỳ-xá-bà thành đạo dưới cây Bác-lạc-xoa, Phật Câu-lâu-tôn thành đạo dưới cây Câu-luật-đà, Phật Thích ca thành đạo dưới cây Thi-câu-lưu, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni thành đạo dưới cây Ưu-đàm-bà-la, Phật Ca-diếp thành đạo dưới cây Bối-đa-la. Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa cho rằng sáu vị Phật trước đều thành đạo dưới một loại cây, chỉ có Đức Phật Thích-ca thành đạo dưới cây A-thâu-đà. Phật Di-lặc thành đạo dưới cây Long Hoa. Nhưng thành Phật có hai loại là chân và ứng, như trong Đệ tứ trùng đã nói, nay dẫn văn để minh chứng lý thành Phật tức là chân thành Phật và Ứng tích thành Phật.

Lý thành Phật: Từ hàng phàm phu tu hành cho đến Thập địa, chưa được thường trụ tu học rốt ráo mới đạt được tâm. Còn Như Lai thì đã viên mãn. Đây tức là xưa không nay có, nên gọi là lý chân thành Phật. Ứng tích thành Phật: Như Đức Di-lặc, ngay vào ngày xuất gia, liền thành đạo dưới cội Long Hoa.

Nếu luận theo nhân quả cũng có hai loại:

Tu nhân thực hạnh được quả thật hạnh, tức là hàng phàm phu nương vào giáo pháp, sợ hãi tu hành vô sở đắc, cho đến Thập địa đó đều là tu nhân thực hạnh, sau Kim Cang tâm được quả Phật, tức là quả thực hạnh.

Trong tích tu nhân được quả ứng thân, như Đức Thích-ca sáu năm khổ hạnh, là trong tích tu nhân, ba mươi tuổi thành đạo, tức là được quả ứng thân. Nay Đức Di-lặc thành đạo cũng là trong tích tu nhân mà được quả ứng thân.

VII. BA HỘI THUYẾT PHÁP ĐỘ NGƯỜI ÍT NHIỀU KHÁC NHAU:

Theo kinh Quán Phật Tam-muội thì số lượng chúng sinh được độ trong ba hội thuyết pháp của bảy Đức Phật không đồng nhau.

Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp, hội thứ nhất độ một trăm sáu mươi tám ngàn người, hội thứ hai độ một trăm ngàn, hội thứ ba độ tám mươi ngàn.

Đức Phật Thi Khí có ba hội thuyết pháp, hội thứ nhất độ một trăm ngàn người, hội thứ hai độ tám mươi ngàn, hội thứ ba độ bảy mươi ngàn.

Đức Phật Tỳ-xá-bà có hai hội thuyết pháp, hội thứ nhất độ bảy mươi ngàn người, hội thứ hai độ sáu mươi ngàn

Đức Phật Câu-lâu-tôn có một hội thuyết pháp độ bốn mươi ngàn người.

Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni có một hội thuyết pháp độ ba mươi ngàn người.

(Đức Phật Ca-diếp có một hội thuyết pháp độ hai mươi ngàn người).

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có một hội thuyết pháp độ một ngàn hai trăm năm mươi người, đều là những bậc "Thiện Tai" đắc giới.

Các sư nói rằng kinh Quán Phật Tam-muội chưa biết trong mấy thời mà độ một ngàn hai trăm năm mươi người. Lần đầu tiên độ Đề-vị, Bà-lợi... không thấy đề cập đến nhiều người, kế đó thuyết pháp độ năm người như Câu-lân... nếu tính chư Thiên, thì kinh ghi rằng có tám vạn vị trời ngộ đạo, cho nên cũng khó giải thích được, vả lại cũng chẳng phải chỉ có một hội thuyết pháp độ người. Nhưng chỉ một hội tòa mà người nghe khác nhau ngộ đạo, nên gọi là một ngàn hai trăm năm mươi người. Hoặc có thể cho rằng ba anh em Ưu-lâu-tỳ-loa Ca-diếp gồm một ngàn người, Xá-lợi-phất, Mục-kiềnliên và đệ tử gồm hai trăm năm mươi người. Hoặc nói Thân tử và đệ tử gồm sáu trăm năm mươi người, Mục-liên và đệ tử gồm sáu trăm người, tổng cộng là một ngàn hai trăm năm mươi người. Nói Đức Thích-ca có một hội thuyết pháp là chỉ căn cứ theo chuyển pháp luân bốn đế ở vườn Lộc dã mà thôi. Trong bảy vị Phật này số hội thuyết pháp cũng khác nhau, hoặc ba hội, hoặc hai hội, một hội. Vị Phật thứ tám là Di-lặc có ba hội thuyết pháp độ người. Số lượng người được độ nhiều ít khác nhau, như Thai Kinh có ghi bài kệ của Đức Thích-ca nói với ngài Di-lặc rằng: "ngươi sinh nước an lạc, chẳng lụy khổ như ta, ngươi thuyết pháp thuận lợi, ta thuyết pháp khó khăn, hội một độ chín mươi sáu, hội hai độ chín mươi bốn, hội ba độ chín mươi hai, ta đầu tiên độ mười hai, thứ hai độ ba mươi sáu, số người ngươi giáo hóa, trong ba hội thuyết pháp, ta đã độ từ trước, chín mươi sáu ức người, thọ trì năm giới cấm, chín mươi bốn ức người chỉ giữ gìn ba giới, chín mươi hai ức kia, chỉ xưng Nam-mô Phật, cha ông là Phạm-ma-tịnh, cùng tám vạn bốn ngàn, chẳng được ta độ trước, mà do ông khai hóa." Kinh Báo Ân và kinh này đều nêu lên ba hạng người, tức là những người đã được Thích-ca độ từ trước được kinh Thai nói đến. Phẩm Pháp Trụ, kinh Thai quyển ba ghi: "Đức Phật nói với Bồ-tát Di-lặc rằng: "Duyên ta nay đã hết, không còn nơi giáo hóa, nay việc độ chúng sinh chia ra làm ba phần, một phần do A-nan, một phần là Nan-đà, phần kia trao Di-lặc.

VIII. LUẬN VỀ ĐỨC THÍCH CA VÀ ĐỨC DI LẶC ĐỒNG THỜI NIẾT BÀN MÀ KHÔNG ĐỒNG DIỆT ĐỘ.

Đức Phật xuất thế vào ngày Tân mão mồng tám tháng tư mùa hạ, năm thứ mười đời Chu Trang vương (tức năm 687 TCN) khi sao Độ hằng chưa hiện, ngài xuất gia vào ngày mồng tám tháng tư năm thứ tám đời Tuệ vương (669 TCN), lúc bấy giờ, mười chín tuổi, thành đạo ngày mồng tám tháng tư năm thứ mười chín đời Huệ Vương (658 TCN), lúc ba mươi tuổi, và trải qua năm mươi năm sau, vào ngày mười lăm tháng hai, Đức Phật diệt độ, lúc bấy giờ, là tám mươi tuổi, từ khi Đức Phật xuất thế, vào thời Chu Trang vương đến nay (tạo sớ) vừa đúng một ngàn hai trăm bốn mươi năm, như các kinh sớ đã giải thích phẩm Tập pháp kinh Bồ-tát Xử Thai ghi: "Mồng tám tháng hai Như Lai thành đạo, mồng tám chuyển pháp luân, mồng tám tháng hai hàng ma, mồng tám tháng hai Niết-bàn." Các kinh luận nói có ít nhiều sai biệt.

Luận về thời gian Đức Phật Di-lặc Niết-bàn, Di-lặc

Quán Kinh ghi Ưu-ba-ly bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Trong Tỳ-ni và các bộ kinh xưa nay, Đức Thế Tôn đều nói rằng A-dật-đa sẽ làm Phật, người này còn mang thân phàm phu, chưa đoạn trừ kiết hoặc, nay tuy đã xuất gia, nhưng không tu thiền định, không đoạn phiền não, Đức Phật nói người này nhất định làm Phật, vậy khi mệnh chung sinh vào quốc độ nào?" Đức Phật đáp: "mười hai năm sau người này mạng chung vãng sinh về cõi trời Đâu-suất, tuyên thuyết giáo pháp cho chư Thiên nghe." Ưu-ba-ly lại hỏi: "Vị đại sĩ này bao giờ thì từ Diêm-phù-đề sinh lên cõi trời kia?" Đức Phật đáp: "Vào ngày mười lăm tháng hai của mười hai năm sau, A-dậtda sẽ về nơi mình đã sinh ra, là nhà của Bà-la-môn Kiếpba-lợi, nước Ba-la-nại, ngồi kiết-già, nhập diệt tận định mà diệt độ, mọi người liền xây tháp để tôn trí cúng dường xá-lợi. Bấy giờ Bồ-tát bỗng nhiên hóa sinh nơi tòa sư tử trên điện ma-ni ở đài báo thuộc cõi trời Đâusuất, ngồi kiết-già trên hoa sen, toàn thân màu vàng Diêm-phù-đàn, cao mười sáu do-tuần, có ba mươi hai tướng trượng phu, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, ngày đêm sáu thời thuyết pháp giáo hóa chư Thiên, mãn năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm liền hạ sinh về cõi Diêm-phù mà thành Phật."

Nói không tu thiền định, không đoạn phiền não, thì các sư thuộc Cựu luận giải thích rằng: "Quán Kinh này đồng với thời sơ chuyển pháp luân, cũng như Đức Thíchca, hiện thân phàm phu, tu tập sáu năm khổ hạnh mới thành đạo. Nay kinh này đã nói ứng hiện ở giai vị từ tâm, cho nên trong kinh Thượng Sinh, có nói đầy đủ các hạnh

Bồ-tát như sáu độ, bốn đẳng: Tức là hạnh bất thoái chuyển. Nếu luận theo trung và giả, thì có thể nói là không tu thiền định, không đoạn phiền não được sao? Chỉ vì Ưu-ba-ly chấp vào ý nghĩa của Tiểu thừa giáo mà có những câu hỏi kia. Vả lại theo Tông chỉ của Bán giáo, thì ngay nơi thân phàm phu chân thật thành Phật, mà không luận đến tiền thân đã chứng Thánh hoặc đã thành Phật, cho nên có những câu hỏi như thế. Nay Đại thừa luận cả Bản và Tích, cho nên Đức Phật trình bày thẳng việc sinh vào cõi Đâu-suất, cùng với y báo và chánh báo, chỉ rõ các việc không tu, không đoạn, kinh Đại Phẩm ghi "người vào pháp vị được thọ ký đầu tiên". Kinh Thập trụ Đoạn kết nói: "Đức Di-lặc đã thành Phật từ lâu xa, nhưng vì lòng Từ bi và sức bản nguyện, cho nên thị hiện phàm thân mà thành Phật." Phẩm Mộng Hành kinh Đại Phẩm ghi rằng: "Đức Di-lặc đã tu hành lục độ từ lâu xa, đã đạt được vô sở đắc." Kinh Đại Phẩm lại ghi: "Thuở xưa ở thành Hoa Nghiêm thấy Đức Phật Nhiên Đăng, liền tu tập hạnh sáu Ba-la-mật." Như thế thì đâu được nói là không tu thiền định, không đoạn phiền não? Kinh Đại Bát-niết-bàn phẩm ba mươi bốn ghi: "Sơ phát tâm và lúc đã rốt ráo thành tựu đều không khác nhau, như thế trong hai tâm, thì tâm đầu tiên khó đạt, tự chưa độ đã độ tha, cho nên ta lễ kính người sơ phát tâm, vì vừa phát tâm đã là thầy của trời người, hơn cả Thanh văn cùng Duyên giác, phát tâm như thế siêu việt ba cõi, cho nên gọi là đạo tối thượng? Kinh Hoa Nghiêm quyển bốn mươi bảy, bốn mươi tám ghi: "Bồ-tát Di-lặc bảo Thiện Tài Đồng tử rằng: "Ta khi xưa sinh ra trong gia đình Bà-la-môn ở làng Câu-đề nước Ma-ly thuộc cõi Nam Diêm-phù-đề, vì muốn diệt trừ tâm ngã mạn của họ, hóa độ cha mẹ và thân tộc cho nên thọ sinh vào nơi ấy. Cũng tại nơi đây ta mệnh chung, sinh vào cõi trời Đâu-suất, vì hóa độ chư Thiên cho nên sinh về, khi thọ mạng ở cõi trời này đã tận, thì sinh xuống Diêm-phù, đạt thành chánh giác, ông và Văn-thù-sư-lợi, cho rằng đã gặp ta, ông nên đến chỗ ngài Văn-thù, thăm hỏi về hạnh Bồ-tát, tu đạo Bồ-tát. Vì sao? Vì Văn-thù-sư-lợi là mẹ của chư Phật là thầy các Bồ-tát." Nếu các kinh đã chỉ bày rõ ràng như thế, thì có thể nói là không tu thiền định, không đoạn phiền não được chăng? Nhưng tổng quát nghĩa của các luận sư ở giai vị sơ phát tâm, định hạ là giả danh, định tiền là phát tâm, tức là căn cứ theo giai vị chân phàm phu mà phán định như thế. Nay luận về giai vị phát tâm, nếu căn cứ theo trung và giả để luận tức hai vị đồng nhau. Nhưng kiểm xét các kinh, thì thời gian diệt độ của Đức Thíchca và Đức Di-lặc giải thích có khác. Các Sư Địa luận, Thành thật, Nhiếp luận, Tỳ-bà-sa cho rằng: "Di-lặc tại thế gian nhập Niết-bàn trước hay sau khi Đức Thích-ca diệt độ, làm sao biết được? Khi Đức Thích-ca thuyết kinh Pháp Hoa thì cũng có Di-lặc. Nhưng ở pháp hội TA-la Song thọ thì không thấy nêu tên, vả lại thời Pháp hoa là cuối năm trước, thuyết Niết-bàn ở đầu năm sau, nếu Di-lặc sinh về Đâu-suất sau khi Đức Thích-ca diệt độ, lẽ ra phải có tại hội Niết-bàn, nhưng nay lại không có, cho nên biết Đức Di-lặc nhập Niết-bàn trước Đức Thích-ca." Đại Kinh ghi: "Di Quảng Bồ-tát là luận chung các Bồtát, nếu Di-lặc dự vào trong số Hoằng Quảng Bồ-tát, thì không có một Bồ-tát nào có tên là Hoằng Quảng." Nay cho rằng chẳng phải như thế, như thuyết của các sư thứ nhất và Đại kinh đã ghi, tựa hồ như có nghĩa đó, nhưng Thích luận quyển một và một trăm lại cho rằng: "Sau khi Phật diệt độ thì A-nan, Văn-thù, và Di-lặc kiết tập tạng Đại thừa", cho nên biết Di-lặc Bồ-tát Niết-bàn sau khi Đức Thích-ca diệt độ, vì lược nói nên không dẫn tên, hoặc giải thích như Đại kinh đã ghi.

IX. PHÂN BIỆT ĐẠI TIỂU THỪA:

Các cựu sư cho rằng, Đức Thích-ca một đời thị hiện giáo hóa chúng sinh, không ngoài hai đường là thế gian giáo và xuất thế gian giáo.

1. Thế gian giáo: Gồm có ba là: Tam quy, ngũ giới và thập thiện.

2. Xuất thế gian giáo cũng có ba là:

- Đốn giáo: Thuyết cho hàng lợi căn có đại hạnh, như các kinh Đại Thừa, Hoa Nghiêm...

- Thiên phương bất định giáo: Thuyết cho hàng trung căn, như các kinh Phu Nhân và Kim Quang Minh...

- Giai tiệm thứ đệ giáo: Thuyết cho hàng hạ căn, tức là các kinh nói về năm thời, bốn thời...

Luận đến kinh này, đối với hai loại xuất thế giáo Trung đạo và ba giáo, các sư giải thích dường như đồng nhau. Có sư cho rằng kinh này thuận thiên phương giáo, nói các việc về nhân quả vị lai, nhân quả thành Phật ở tịnh độ, những vi diệu của hai quả Y và Chánh, như văn kinh đã nói. Có sư cho rằng kinh này thuộc thứ đệ giáo, là thời giáo đầu tiên trong năm thời giáo, luận về Đức Thích-ca và một đời thành Phật của ngài, cũng thuộc giáo Tiểu thừa, như kinh Thọ Ký Sự Danh Bản Mạt đã nói, vả lại kinh này xuất từ kinh A-hàm, A-hàm thuộc về tam tạng giáo lý của kinh này do đó cũng thuộc về Tiểu thừa giáo. Nhưng nếu chỉ luận riêng về kinh Đại Di-lặc thì chưa hẳn đã thuộc A-hàm.

Lại có sư cho rằng kinh này thuộc Đại thừa, rồi giải thích kinh Trung A-hàm là Đại thừa, vì trong kinh văn có nói đến Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nay cho rằng chẳng phải như thế ông đã nói kinh A-hàm là Đại thừa, nhưng đó chẳng phải chánh tông mà chỉ là phụ nói mà thôi. Vì thế, nay cho rằng kinh Thượng Sinh là chính là thuộc về giáo Đại thừa, vì trong văn kinh phần nhiều nói đến tâm đại bi, Vô thượng đạo và các hạnh Bồ-tát như sáu độ, bốn đẳng... đó cũng là luận về Trung giả, tức nhân quả Đại thừa vậy, trong phần thứ ba giả luận về tông cho rằng kinh Hạ Sinh lấy Tiểu thừa làm Tông, cho nên văn chỉ nói đến việc chứng đắc tứ quả mà thôi.

Hỏi: Nếu như thế vì sao trong văn lại nói chứng bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh?

Đáp: Xét những lời thường lạc này thì trong vô vi diệt độ của Tiểu thừa giáo cũng có luận đến nghĩa thường lạc... và trong Đại thừa diệu hữu cũng có luận đến thường lạc...; vì giả thuộc Đại thừa, cho nên có thể ví như giáo Bát-nhã, như đã có thí dụ nêu trên, hoặc đối với việc liễu ngộ vô thường mà nói các việc thường...; đâu phải chỉ có phá Tam tu Tỳ-kheo mà nói Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

X. TẠP LIỆU GIẢN:

Hỏi: Kinh này đã là kinh Đại thừa, vì sao chẳng lập năm việc? Đáp: Theo lời truyền dạy rằng: Kinh này xuất xứ từ kinh Đại

Thành Phật, cho nên lược bỏ, không nêu lên năm việc, Đại Kinh ghi: "Đã có năm việc, cho nên tiểu bản không nêu." Như kinh Quán Âm không có năm việc kinh, Thành Phật Đại Bản đã có năm việc, "Đức Phật trụ ở nước Ưu-ma-gia-đà, du hóa đến Sa sơn, Trung Quốc phiên là Cô-đà sơn là nơi mà xưa kia chư Phật hàng phục ác ma, trong hạ an cư, Đức Phật cùng Xá-lợi-phất... kinh hành trên đỉnh núi và Ngài đã thuyết kinh này".

Hỏi: Tông chỉ kinh này, có phải lấy nhân quả Tịnh độ làm tông, căn cứ theo Tịnh độ mà lập danh chăng?

Đáp: Quốc độ này là tịnh uế độ trong uế độ, chẳng phải như tịnh độ của Đức Vô Lượng Thọ, vì sao biết được? Đại Luận ghi: "Ở mặt đất, cho nên chẳng phải là chư Thiên; vô dục cho nên chẳng phải là cõi Dục." Kinh Hiền Ngu ghi: "Phật Di-lặc xuất thế, năm trăm năm sau mới có việc cưới gả, mới có phụ nữ." Do đó biết đây là Tịnh độ.

Hỏi: Vì sao Đức Thích-ca mười chín tuổi xuất gia, đến ba mươi tuổi mới thành Phật, còn Phật Di-lặc thì vừa xuất gia ngay đêm thứ nhất đã thành đạo?

Đáp: Các thuyết xưa cho rằng: Di-lặc phát tâm đã từ lâu xa, cho nên trong thời gian ngắn thì thành đạo, còn Đức Thích-ca mới phát tâm sau này, cho nên phải tu tập lâu ngày mới thành Phật.

Hỏi: Đức Thích-ca mới phát tâm gần đây, thì chẳng liền thành Phật; Vậy phát tâm gần đây, phải thành Phật sau, vì sao lại nói là thành Phật trước?

Đáp: Đức Thích-ca tinh tấn, cần khổ tu hành, cho nên thành Phật trước.

Hỏi: Do tinh tấn nên thành Phật trước, vậy tinh tấn khổ hạnh cho nên vừa xuất gia liền thành Phật, nay vì sao chẳng phải như thế?

Đáp: Đó là tùy theo duyên, thuận theo cơ nghi của chúng sinh mà phương tiện hiển bày thời gian lâu xa khác nhau.

Hỏi: Vì sao Đức Thích-ca lại gá thai vào nhà thuộc dòng Sát-đế-lợi, còn Đức Di-lặc thì thác sinh vào gia đình thuộc dòng Bà-la-môn.

Đáp: Vì Đức Thích-ca phải hóa độ, những chúng sinh cang cường khó điều phục, cho nên phải sinh vào nhà có dòng dõi cao quý, để có thể hóa độ họ. Còn Đức Di-lặc thì hóa độ những chúng sinh có tâm tánh thuần thiện nhu hòa dễ điều phục, cho nên sinh vào nhà thuộc dòng Bà-la-môn. Vì thế kinh Bồ-tát Xử Thai ghi: "Ông thuyết pháp độ người dễ dàng, ta thuyết pháp độ người rất khó khăn." Thích Luận ghi: "Tám tướng thành đạo của chư Phật là: Sinh thiên, gá thai xuống nhân gian, ở trong thai, ra khỏi thai, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp diệt độ." Kinh Đại Di-lặc ghi: "Thứ bảy là khất thực, thứ tám là tìm Ca-diếp, thứ chín là diệt độ." Kinh Thụy Ứng ghi: "Cỡi voi trắng nhập vào chỗ thù thắng, thân ở trong bào thai, như ở cung trời." Kinh Hoa Nghiêm cũng có luận đến việc nhập thai kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn, khi Phật Di-lặc xuất thế thì ruộng vườn tốt tươi, gieo cấy một phần mà thu hoạch được bảy phần, bông lúa dài bảy tấc, gạo trắng như ngọc kha, ngon ngọt như mật, gạo vào thời kiếp sơ dài bốn tấc, áo quần từ cây sinh, tự nhiên mà có, giống như ở nước Bắc-Uất-đơn-việt. Lại có trụ minh châu cao. Tiểu bản ghi: "Cao mười dặm, chiếu sáng tám do-tuần, tức ba ngàn hai trăm dặm, trụ minh châu, hoặc cho là minh châu gắn vào trụ, hoặc cho rằng trụ được tạo bằng minh châu, như dùng vàng làm trụ. Kinh Hiền Ngu ghi: "Con người thọ tám vạn bốn ngàn tuổi." Kinh lại ghi: "Khen ngợi cốt thân." Đại bản ghi: "ngài Ca-diếp nhập diệt tận định, đợi đến khi Phật Dilặc xuất thế, dâng lại ba y, bình bát, tọa cụ, cho nên vẫn chưa nhập vô vi Niết-bàn." Có người cho rằng vì đó là cốt thân Xá-lợi, cho nên phóng ánh sáng, cùng hiển hiện ra tám mươi tám điềm lành. Nhập diệt tận định, cốt thân chẳng hư hoại, vì giống như xương cứng chắc, cho nên gọi là cốt thân. Nay cần phải giải thích lại như sau: Kinh A-hàm ghi: "Hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật Thíchca, còn bốn vị đến nay vẫn chưa vào Niết-bàn, mà vẫn truyền bá Phật pháp, cho đến lúc diệt tận mới nhập vô dư, đó là Ma-ha Ca-diếp, Hòa thượng Tân-đầu-lô, Quânđầu-bạt-thán và La-hầu-la. Bốn vị Tỳ-kheo này, thì ngài Ca-diếp nhập diệt tận định mà không nhập Vô dư Niếtbàn, khi Đức Di-lặc thành Phật, dẫn đại chúng đến chỗ Ca-diếp dùng ba phương pháp khiến cho Ca-diếp xuất định là vẫy dầu thơm, gõ kiền chùy và thổi pháp loa, Cadiếp xuất định, vì phá tâm mê mờ cho chúng sinh, nên xoay thân mười tám vòng, như chim đại bàng cánh vàng vút lên hư không cao bằng núi Tu-di, thân vàng phóng ánh sáng rực rỡ chiếu phá tâm mê của chúng sinh. Hỏi: Như chỉ dùng ba việc để làm ngài Ca-diếp xuất định diệt tận.

Vậy khi A-nan vào đệ nhị thiền, ma vương đánh vào đảnh A-nan, mà A-nan vẫn không xuất định thì làm sao ba việc trên có thể làm cho Ca-diếp xuất định Diệt tận?

Đáp: Vì ngài Ca-diếp khi xưa đã có kỳ hẹn rằng lúc Đức Di-lặc xuất thế thì ngài sẽ xuất định, kế đó là nhờ ba phương pháp để khởi thân.

Hỏi: Xưa núi Xà-quật gọi là Lang tích. Vì sao?

Đáp: Núi Lang tích là một ngọn của núi Xà quật như núi Chung sơn có ngọn Độc long.

Hỏi: Ngài Ca-diếp nhận được đại y và tám vạn bốn ngàn pháp tạng của Phật từ lúc nào, mà đợi đến khi Đức Di-lặc đến núi Lang tích mới xuất định diệt tận mà trao cho?

Đáp: Khi Đức Phật Thích-ca Niết-bàn, thì A-nan và Ca-diếp, đến gần kim quan Phật, bấy giờ Đức Phật từ kim quan đứng dậy, tuyên thuyết pháp yếu và trao cho Ca-diếp, Ca-diếp được hai vật này về sau trao lại cho Phật Di-lặc.

Hỏi: Đã có kinh Di-lặc thành Phật, vì sao không có kinh Thích-ca thành Phật?

Đáp: Theo lý phải có nhưng chưa thấy mà thôi, chỉ vì Đức Thích-ca hiện tại muốn chúng sinh kết nhân duyên với Đức Di-lặc nên chỉ nói kinh ấy. Chư Phật ở ba đời xuất hiện thế gian, trước phải sinh về cõi trời Đâusuất, rồi mới hạ sinh thành Phật, cho nên phải có kinh thành Phật, các Đức Phật mỗi mỗi cũng đều có nói đến, cũng giống như luận về thọ ký, Đức Phật Đại Thích-ca Mâu-ni nói rằng: "Đến đời vị lai, ông sẽ làm Phật, cũng có cùng một tên hiệu với ta là Thích-ca Mâu-ni." Đức Phật Nhiên Đăng, nhân Bồ-tát Thích-ca cúng dường năm hoa sen, liền thọ ký vị lai sẽ thành Phật.

Hỏi: Bồ-tát Di-lặc thành Phật, nay có làm hoại nghĩa Phật chăng?

Đáp: Nghĩa lý đã có hiển bày đầy đủ ý này, mới sinh gọi là thành, hết thành thì gọi là hoại, hoặc có thể nói rằng, ma phá hoại Phật pháp, cũng có nghĩa xả bỏ Phật, hoặc cho rằng vốn trường tồn mà bị hoại diệt cũng là thân... thì cũng có nghĩa xả bỏ Phật. Nay nói thành Phật, tức là căn cứ vào nghĩa mới sinh mà nêu bày sự thù thắng, cho nên gọi là thành Phật.

Hỏi: Thọ ký có chung và riêng chăng?

Đáp: Có! Như thọ ký vị lai sẽ làm Phật, Đại Kinh ghi: "Phàm có tâm thì đều có thể làm Phật." Đạo lý này tức là thọ ký chung, như Đạo Sinh pháp sư cho rằng Nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, đó cũng có nghĩa là thọ ký chung. Thọ ký riêng như nói: Thọ mạng ở quốc độ ấy... Đây là Biệt trong Tích như kinh này đã nói.

Hỏi: Thân Phật cao bao nhiêu?

Đáp: Về điều này các kinh nói không giống nhau, như kinh Thành Phật, kinh Quán Phật Tam-muội, đều ghi thân Phật cao tám mươi trửu hai thước tức là mười sáu trượng, có nơi cho là một trửu, là bốn thước, nếu thế thì thành ba mươi hai trượng. Kinh Hạ Sinh ghi thân Phật cao một ngàn thước, tức một trăm trượng gấp đôi thân người năm mươi trượng, lưng dài rộng ba mươi trượng, mặt hai trượng bốn thước, thân và mặt bằng tay, xưa phân đó làm một phần, còn ngực là bằng một phần năm của thân, như thế thân tám thước thì mặt và tay đều bằng tám tất, ngực rộng sáu thước, thân đức Thích-ca cao trượng sáu, mặt và tay đều một thước sáu tấc, ngực rộng ba thước như thế mới cân xứng. Nhưng cho rằng thân Đức Di-lặc cao một trăm trượng, mặt dài bốn trượng e rằng người truyền kinh lầm lẫn, từ chỗ sai lệch mà sinh ra như thế. Hình thể con người không giống nhau như ở xứ này có mũi thấp, người Hồ thì có mũi cao, hà tất phải nói là lầm lẫn. Kinh Quán Phật Tam-muội: "Chư Phật xuất thế đều có thân màu vàng ròng." Kinh Hạ Sinh ghi: "Phật Di-lặc ứng sinh, cũng có thân màu vàng ròng" Về số năm Đức Di-lặc thành Phật ở vị lai, các kinh cũng ghi không đồng nhất, như kinh Nê-hoàn (hai quyển) ghi: "Hơn một ức bốn ngàn năm nữa sẽ có Phật Di-lặc ra đời." Kinh Hiền Kiếp Định Ý ghi: "Năm ức bảy mươi sáu vạn năm nữa, Bồ-tát sẽ hạ sinh nhân gian làm Phật." Quán kinh và kinh Nhất Thiết Trí Quang Tiên Nhân, đều cho rằng năm mươi sáu ức vạn năm nữa Đức Di-lặc sẽ hạ sinh thành Phật. Kinh Bồ-tát Xứ Thai và kinh Hiền Ngu kinh Hiền Kiếp đều ghi là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm Đức Di-lặc mới hạ sinh thành Phật. Bồtát Di-lặc nói rằng: "Sau khi Đức Thích-ca diệt độ, nếu như tính theo ngày tháng của Diêm-phù-đề, thì năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm ta mới xuất thế."

Hỏi: Bồ-tát Bổ Xứ, vì sao phải sinh vào cõi trời thứ tư, mà không sinh vào cõi trời thấp hơn hoặc cao hơn?

Đáp: Vì sao Bồ-tát Bổ xứ phải sinh vào cõi trời thứ tư, thì kinh Niết-bàn và Đại Luận đều có nói đến. Đại kinh ba mươi ghi: "Những cõi trời dưới thì tâm tánh chúng sanh tối tăm ngu độn, còn chúng sinh ở những cõi trời trên thì tâm lại buông lung, chỉ có cõi trời thứ tư là tốt nhất, thích hợp nhất, cho nên phải sinh vào nơi ấy." Dại Luận ghi: "Chúng sinh ở cõi trời dưới thì kết sử dày, cõi trời trên thì kết sử nhẹ, chỉ có cõi Đâu-suất không dày không nhẹ, trí tuệ bình ổn. Vả lại chúng sinh ở cõi trời dưới thì thọ mạng ngắn ngủi, khi mạng chung, chư Phật mới xuất thế, nên chẳng hợp thời cơ, chúng sinh những cõi trời trên thì thọ mạng quá dài, thời vị lai khi Phật xuất thế, thì thời cơ đã quá độ. Chỉ có cõi trời thứ tư thì thời gian và thọ mạng thích hợp nhất, vì hợp thời cơ nên ắt phải sinh về cõi ấy. Kinh Trường A-hàm, kinh Hoa Nghiêm, kinh Lâu Thán, luận Câu-xá, luận Lập Thế A-tỳ-đàm, cũng đại khái như thế.

Hỏi: Các việc của chư Thiên ở bốn cõi trời Dục giống như nhân gian chăng?

Đáp: Có những việc giống mà thân thì chẳng giống. Như thân của bốn vị thiên vương đều nửa do-tuần, y dài một do-tuần, gồm hai phần: Thọ mạng năm trăm tuổi, thân lớn mà sáng; nhân gian năm mươi năm thì bằng một ngày một đêm ở cõi trời này, cũng có ba mươi ngày trong một tháng, và một năm có mười hai tháng. Năm trăm năm ở cõi trời này bằng chín mươi ngàn năm ở nhân gian. Ăn thức ăn nhuyễn mịn, cũng có việc tẩy giặt y phục. Trời nam cưới trời nữ, hành việc âm dương cũng như ở nhân gian. Vì xưa ba nghiệp đều thiện, cho nên nay tự nhiên hóa hiện tại đầu gối của người nữ mà sinh vào cõi trời, lúc mới sinh bằng đứa bé hai tuổi ở nhân gian. Truyện ghi: "Người nam thì sinh từ đầu gối của cha, người nữ thì sinh tại đầu gối của mẹ." Đã có nam nữ, thì đâu cần phải sinh từ đầu gối người nam, nếu thế thì không phân biệt được nam và nữ; nhưng nam nữ khác nhau, căn cứ vào hoa trên đầu nhiều ít mà phân biệt nam nữ. Đứa trẻ sinh ra không bao lâu đã biết đói khát; có chén bát bằng bảy báu, chứa nhiều thức ăn trăm vị, nếu nhiều phước thì cơm có màu trắng, nếu phước trung bình thì cơm màu xanh, nếu phước kém thì cơm màu đỏ. Cơm có mùi vị ngon ngọt như cam lồ, tô lạc, đề hồ. Ăn xong thì chén bát vẫn không dơ vì dính thức ăn. Vả lại trong chén thức ăn luôn luôn đầy đủ không bao giờ hết, như đổ tô vào lửa và nước. Chư Thiên tắm trong ao, thì các cành cây có mùi thơm quanh ao rủ xuống, mỗi mỗi tự lấy xoa thân. Các vật trang sức như vòng hoa, vật báu, quả thuốc, những nhạc khí quý báu đều từ cây sinh ra. Chư Thiên khắp nơi đến đây, tùy ý lựa trọn, rồi vào vườn hoa, có vô số Thiên nữ với trống nhạc đàn ca cùng nhau khen tặng từ đó sinh nghiệp, tham đắm dục lạc nhìn phía tây thì quên phía Đông, do say mê vui chơi mà quên cả phương hướng Đông Tây.... Bỗng nghĩ lại biết rằng do trước kia tạo nhiều điều thiện mà hôm nay sinh về cõi trời, được vui chơi ca hát, có ao tắm trong mát, đầy dẫy hoa thơm trái ngọt, thành có bảy lớp đều rộng sáu ngàn do-tuần, lan can mành lưới, cung điện tường vách, hàng cây đều bảy lớp. Trời Tỳ-sa-môn, thường có năm vị Đại quỉ thần bảo vệ, là thần Na-xà-lâu, Đàn-đà-la, Hê-mabạt-đà, Đề-vị-la, Tu-dật-sớ-ma, nửa tháng ở nhân gian có ba ngày trai giới là mồng tám, mười bốn, mười lăm. Vào ngày mồng tám Tứ thiên vương thường bảo các sứ giả rằng: "Các ông nên xuống nhân gian, xem xét họ có kính Sa-môn và Bà-la-môn trưởng lão chăng? Có thọ trì trai giới và bố thí chăng? Sứ giả tuân hành rồi về bẩm báo lại những việc thiện ác nghe thấy ở thế gian, các Thiên vương nghe việc ác thì buồn bã, nghe việc thiện thì vui mừng. Còn vào ngày mười bốn thì Tứ thiên vương sai các thái tử xuống thế gian, ngày mười lăm thì bốn vị thiên vương thân hành xuống thế gian, xem xét các việc thiện ác, sau đó khải trình lên Đế Thích. Trời Đế Thích nghe nhân gian làm nhiều việc ác thì tâm lo buồn, nghe điều thiện thì tâm hoan hỷ, nói kệ khen ngợi khuyến tấn người thọ trì trai giới đã cùng ta tu tập thiện pháp. Những ý này đều rút từ Kinh Trường A-hàm, luận Đại Trí Độ, kinh Lâu Thán; thế lực lớn của ba vị thiên vương kia cũng như thế.

Trời Đao-lợi, Hán dịch là Tam thập tam thiên. Cõi trời này trên đỉnh núi Tu-di, có ba mươi ba cung, vua trời này tên là Thích Đề-hoàn Nhân, Hán dịch là Năng tác thiên chủ. Thân cao một do-tuần, y dài hai do-tuần, rộng hai do-tuần, nặng sáu thù, thọ mạng sáu ngàn tuổi. Khi sắp mệnh chung thì có năm tướng hiện ra, đó là y tự nhiên dơ dáy, hoa trên đầu héo, thân thể hôi hám, dưới nách đổ mồ hôi, và không thích chỗ ngồi của mình. Khi có năm tướng này hiện ra, thì tâm sinh sầu não, như chịu khổ ở địa ngục. Việc ăn uống cưới gả đều giống như trời Tứ thiên vương, ôm nhau, dùng khí mà thành âm dương.

Kinh Tam Pháp Độ ghi: "Hành dục như nhân gian." Vì ba nghiệp thân miệng ý hành thiện, nên sinh vào cõi trời Đao-lợi, tự nhiên hóa sinh từ đầu gối. Lúc mới sinh như đứa bé ba tuổi ở nhân gian, vị trời liền tự nói rằng ta là nam hoặc ta là nữ, biết được kiếp trước hành bố thí và trì giới nên được thân này. Nếu muốn ăn uống thì thức ăn hiện ra đầy đủ trong bát bằng vàng. Tùy theo phước nhiều ít mà thức ăn uống khác nhau, cũng giống như màu cơm của Tứ Thiên vương. Ở cõi này có thành rộng tám vạn do-tuần. Kinh Lâu Thán ghi: "Dài rộng mỗi chiều đều ba trăm vạn do-tuần, có bảy lớp, chín trăm chín mươi cửa, mỗi cửa có sáu mươi cây cờ do các Dạ-xoa áo xanh canh giữ, thành bằng vàng cửa bằng bạc, tất cả đều do bảy báu xen lẫn tạo thành, lầu gác, điện báu, đền đài quay quanh, lại có vườn rừng, ao hồ, hoa quả nở đầy, cây cối mọc thành hàng, cành lá tươi tốt, hương hoa lan tỏa khắp nơi, làm vui tâm ý của các vị trời, lại có vô số các loài chim xanh cùng nhau ca hót, trong vườn có ao tắm rộng một trăm do-tuần, nước lắng trong, với bảy lớp vách bằng bảy báu, trong ao sinh bốn loài hoa xanh, vàng, trắng, đỏ, xen lẫn các màu sắc khác, mùi hương xông khắp, xa hơn một do-tuần. Hoa lớn như bánh xe, nhựa trắng như sữa, vị ngọt như mật. Lại có các khu vực khác như Đại Hoan Hỷ viên, Tạp viên, trong đó có một loại cây tên là Tận độ thân lớn bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá che phủ phạm vi có đường kính năm mươi do-tuần, hương thơm của loại hoa này nghịch gió mà lan xa đến một trăm do-tuần, bên trong có điện Đaolợi, phía nam điện có cây Ba-lợi-chất-đa, cao bốn ngàn dặm, cành lá che phủ một phạm vi có đường kính hai ngàn dặm, mùi hương lan xa, nghịch gió cách hai ngàn dặm mà vẫn nghe. Khi cây trỗ hoa, chư Thiên thường đến tụ tập dưới gốc để hưởng thú vui. Vì có Đế thích và ba mươi hai vị trời cận thần, cho nên gọi là cõi trời ba mươi ba.

Việc của trời Diêm-ma thì Đại luận ghi: "Diệu hỷ thiên cung ở trên hư không được phong luân giữ gìn, vua tên là Thời Thiện thân cao hai do-tuần, y dài bốn dotuần, rộng hai do-tuần, nặng ba thù, từ cây hiện sinh, phát ra ánh sáng thanh tịnh nhiều màu sắc. Thân của vua trời cũng phát ra ánh sáng, không cần mặt trời, mặt trăng. Vì xưa tu ba nghiệp thuần thiện, nên sinh ra đuốc Đà nhiên và minh châu này. Vì xưa hay bố thí, trì giới, thiền định nên được sinh vào cõi trời này. Thọ mạng của chư Thiên ở đây là hai ngàn tuổi, ăn uống, cưới gả, hành dục cũng như các cõi trời dưới. Kinh Pháp Độ ghi: "ôm nhau là thành dục." Khi mới sinh đã bằng đứa bé bốn tuổi ở nhân gian, thân có ánh sáng hơn thân của các chư Thiên ở cõi trời dưới.

Cõi trời Đâu-suất, Hán dịch là Tri túc thiên cung cũng ở trên hư không nương vào phong luân. Cung tên là Thiện hỷ, là trụ xứ của Bồ-tát thân cuối cùng. Thân chư Thiên ở đây cao bốn do-tuần, y dài tám do-tuần rộng bốn do-tuần nặng một thù rưỡi, thọ mạng bốn ngàn tuổi, thức ăn cũng giống như ba cõi trời kia. Cũng có việc cưới gả, vừa nắm tay là thành dục, thân lúc mới sinh bằng đứa bé năm tuổi ở nhân gian, nhưng khi Đức Dilặc sinh về đây thì khác với các vị trời khác, kinh Di-lặc thượng sinh ghi: "Bỗng nhiên hóa sinh nơi tòa sư tử, trên điện ma-ni, trong đài bảy báu ở cõi trời Đâu-suất-đà." Đại kinh ghi: "Ba loại danh, sắc, mạng, đều khác với các vị trời kia. Chư Thiên ở cõi trời này cũng tự biết kiếp trước, cũng giống các việc ở các cõi đã nêu. Áo mũ, ca nhạc vũ, ánh sáng của thân, tốt đẹp hơn ba cõi trời dưới. Trời Hóa lạc, cung trời Hóa lạc cũng ở trên hư không nương vào phong luân, vua tên là Danh Thiện, tự hóa ra ngủ dục để vui, thân cao tám do-tuần, y dài mười sáu dotuần, rộng tám do-tuần, nặng một thù, thọ mạng tám ngàn năm, việc ăn uống phần nhiều giống các cõi trời dưới, cũng có việc cưới gả, vừa nhìn nhau là thành dục. Kinh Pháp Độ ghi: "vì có tâm nhiễm ô sâu nặng, cho nên vừa nói chuyện với Thiên nữ liền thành dục." Khi mới sinh đã bằng đứa bé tám tuổi ở nhân gian, ánh sáng của thân sáng chói hơn chư Thiên ở cõi Đâu-suất.

Trời Tha hóa tự tại, cung trời này cũng ở trong hư không nương vào phong luân. Vua trời tên là Tự Tại, tức là đợi gom góp các vật do người khác hóa hiện để làm thú vui. Trời còn gọi là Ái Lạc, vì trong sáu cõi trời Dục, chỉ một cõi trời này là được tự tại hưởng thú vui. Thân cao mười sáu do-tuần, y dài ba mươi hai do-tuần, nặng nửa thù, thọ mạng một vạn sáu ngàn năm, việc ăn uống cũng như chư Thiên ở các cõi trời kia, có cưới gả, vừa chớp mắt là thành dục. Kinh Lâu Thán ghi: "Vừa nghĩ đến là thành dục." Kinh Tam Pháp Độ ghi: "Nếu có ái nhiễm sâu nặng đối với Thiên nữ, thì vừa nhìn nhau liền thành dục, nếu không có tâm ái nhiễm thì không thành dục, nhưng chỉ tự vui với mình, khi thấy người ở nhân gian ôm nhau thì sinh tâm ưa thích." Ở cõi trời này khi mới sinh ra thì bằng đứa trẻ bảy tuổi ở nhân gian. Chư Thiên cõi này, khi thấy các việc biến hóa của người khác thì liền đến hưởng lạc cho nên gọi là Tha hóa tự tại.

Thiên ma ba tuần, cung của thiên ma, ở khoảng giữa cõi Sắc và cõi Dục. Ma ví như Thạch ma, thường phá hoại đệ tử Phật, sợ người có đức. Cung điện rộng sáu mươi do-tuần, có bảy lớp thành hào, rộng và trang nghiêm cũng như cõi trời thứ sáu, lại có mười pháp là bay đi không giới hạn; bay đến không giới hạn; đi vô ngại; đến vô ngại; không có thân da xương gân mạch máu huyết; không có thân đại tiểu tiện bất tịnh; thân không lao nhọc; không có người nữ nên không sinh sản; mắt không nháy; thân tùy theo ý muốn màu xanh thì màu xanh, muốn màu vàng thì hiện màu vàng, muốn màu đỏ thì hiện màu đỏ, nghĩa là theo ý muốn mà hiện ra. Đó là do pháp của thiên ma. Lại có mười việc đặc biệt là: phi hành đi vô cùng; phi hành trở lại cũng vô cùng, không có trộm cướp; không cùng bảo mình làm việc thiện; cũng không nói người làm việc ác; không làm tổn hại nhau; răng như dao nhọn; tóc rất dài sạch sẽ và màu xanh tía; chư Thiên tóc màu xanh, thì thân màu xanh; muốn được màu trắng thì được màu trắng, muốn thân màu đen thì được màu đen. Những sự khác nhau của bảy tầng trời này được ghi trong kinh Trường A-hàm, kinh Niết-bàn, kinh Lâu Thán, kinh Tam Pháp Độ, kinh Hoa Nghiêm, Thích Luận, nhưng trong đó cũng có những điểm bất đồng, nay chỉ chọn một thuyết để nêu lên mà thôi.

Hỏi: Khi Đức Thích-ca và Đức Di-lặc xuất thế thì đất nước có diện tích rộng hẹp thế nào?

Đáp: Rộng hẹp của đất và nước ở hai thời khác nhau, khi Đức Di-lặc vừa xuất thế thì diện tích mặt nước rộng, ít người, đất bị thu hẹp; sau đó thì người đông, nước giảm dần, diện tích mặt đất mở rộng; con người tạo nhiều phước đức nơi nơi người ở đông đúc, thọ hưởng thú vui, không có việc tổn hại lẫn nhau. Nước biển giảm, nghĩa là khi Đức Di-lặc xuất thế, mặt nước của bốn biển, mỗi mỗi đều giảm ba ngàn do-tuần, tức một trăm hai mươi ngàn dặm, bấy giờ cõi Diêm-phù-đề, mặt nước bị thu hẹp diện tích mặt đất tăng người vật đều đông nhiều. Khi Đức Thích-ca xuất thế thì biển rộng, diện tích đất bị thu hẹp bảy ngàn do-tuần, đến Đức Di-lặc xuất thế đất mở rộng mười ngàn do-tuần do-tuần tức là ba trăm ngàn dặm.

Hỏi: Trong bốn cõi, Nam Diêm-phù-đề đất nước đều có tăng giảm, vậy còn ba cõi kia có tăng giảm chăng?

Đáp: Khi Thích-ca xuất thế, thì việc tăng giảm có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng chỉ có tuổi thọ giảm tổn và một cõi có tăng giảm, nghĩa là Phật xuất gia, giáo hóa ba cõi, Nếu Phật chẳng xuất gia, thì không có tăng giảm. Có thuyết cho rằng bốn cõi đều có tăng giảm, vậy đồng với thuyết vừa giải thích trên. Phật hóa độ hai mươi lăm hữu là, bốn châu, bốn ác thú, sáu tầng trời cõi Dục, Đẳng gián, bốn thiền, bốn vô sắc, vô tướng thiên và A-na-hàm, hoặc nói hóa độ trăm ức Tu-di sơn, trăm ức cõi nhật nguyệt. Lại các pháp nương vào đâu mà tạo một cõi Sắc? Kinh ghi: "Phía bắc núi Tu-di, có nước

Uất đơn việt, Hán dịch là Thượng địa rộng lớn dài rộng đều ba trăm sáu mươi ngàn dặm, bốn phương bằng phẳng, mặt người xứ này cũng như thế, đất bốn phía vuông vức giống cái gương vuông, vì có phước đức cho nên tự nhiên sinh thức ăn, không phân biệt vua tôi, không lo sợ bệnh khổ. Phía đông của núi có nước Phấtvu-đãi Hán dịch là Sơ nguyệt địa, dài rộng mỗi chiều đều ba mươi sáu vạn dặm, hình thể như gương tròn, mặt người như thế, đất giống mặt trăng tròn ngày mười lăm. Phía Tây núi có nước Cù-da-ni, Hán dịch là Mãn nguyệt, Hóa ngưu, vì đem loài bò ra chợ đổi chác, cho nên gọi là Hóa ngưu. Đất rộng ba mươi hai vạn dặm, thế đất như mặt trăng rằm, mặt người, theo thế đất trên bằng phẳng dưới tròn. Phía nam của núi là cõi Diêm-phù-đề, Hán dịch là Thế thọ, Uế thọ châu, cao bốn ngàn vạn dặm dài rộng mỗi chiều hai mươi tám vạn dặm, địa hình phía Bắc rộng phía Nam hẹp, mặt người theo hình thể của đất, trên rộng dưới hẹp. Khi Đức Di-lặc xuất thế, nước trong bốn biển giảm một diện tích ba ngàn do-tuần bốn phương đều có nước, đất đai rộng và bằng phẳng như gương, giống như lưu ly. Tuy đất bằng như gương nhưng hoặc là đất trống với các loại cây quý có hoa thơm trang nghiêm, hoặc là danh hoa trang nghiêm mà chưa có thành ấp, bạc vàng, người, nhà, cho nên dùng sắc để tỉ dụ, gà cùng nhau bay đến nhưng không đối chọi nhau. Tuy có các thứ trang nghiêm như thế, nhưng không có người ở, cho nên nói rằng người có phước đức mới được sinh vào nơi ấy.

Hỏi: Ai dịch kinh này?

Đáp: Kinh này do Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch vào ngày mười lăm tháng hai năm Hoằng Thỉ thứ tư, đời Ngụy Tần, Sa-môn Đạo Tập bút thọ.

Hỏi: Kinh này gồm mấy bản? Đáp: Gồm năm bản, đó là:

1. Kinh Đại Thành Phật, một quyển mười lăm trang, có năm việc như vậy. Có thuyết cho rằng kinh Tiểu Thành Phật được trích ra từ kinh này.

2. Kinh Di-lặc Bản Nguyện một quyển. Do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào ngày mười bảy tháng bảy niên hiệu Đại An thứ hai, đời Tấn.

3. Di-lặc Quán kinh một quyển, tức là bản do An Dương Hầu dịch vào năm Hiếu kiến đời Lưu Tống.

4. Di-lặc Vấn Giới một quyển.

5. Kinh Di-lặc Quang Thân một quyển.

6. Kinh Di-lặc Khẩu Giáo một quyển. (Chú ý: Tại sao ở đây lại 6 quyển???)

Hỏi: Bạch Ngân Di-lặc xuất xứ từ kinh nào?

Đáp: Kinh Nhất Thiết Trí Quang Tiên Nhân Từ Tâm ghi: "Đức Di-lặc thân màu vàng ròng phóng ánh sáng trắng bạc. Vàng ròng trang sức, như núi Bạch ngân." Chỉ có lời này, mà không có nói đến màu Bạch ngân. Các từ Đâu-suất-đà, Đâu-thuật-đà, Đâu-sư-đà, Na-đâu-suất-đà, Đâu-suất-vật-thán (Trung A-hàm ba mươi) đều dịch là Tri túc, Đại Luận cũng dịch như thế.

 


[Đầu trang][Mục lục bộ Kinh Sớ][Mục lục tổng quát]