PHẦN THỨ NHẤT
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh Tỳ-kheo Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
V. NGỦ CHUNG BUỒNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ TÚC
XIV. TRẢI TOẠ CỤ TĂNG KHÔNG CẤT
XV. TRẢI NGỌA CỤ TRONG PHÒNG TĂNG
XXI. GIÁO GIỚI NI KHÔNG ĐƯỢC TĂNG SAI
XXII. GIÁO THỌ NI SAU MẶT TRỜI LẶN
XXIII. GIÁO THỌ NI VÌ LỢI DƯỠNG
XXVI. NGỒI VỚI TỲ-KHEO-NI Ở CHỖ KHUẤT
XXVII. HẸN ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI TỲ-KHEO-NI
XXVIII. ĐI CHUNG THUYỀN VỚI TỲ-KHEO-NI
XXIX.THỨC ĂN DO TỲ-KHEO-NI KHUYẾN HÓA
XXX. ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NGƯỜI NỮ
XXXIX. BỎ VÀO MIỆNG VẬT KHÔNG ĐƯỢC CHO
XLII. TRƯỚC SAU BỮA ĂN ĐI ĐẾN NHÀ KHÁC KHÔNG BÁO
XLIII. NGỒI TRONG NHÀ ĐANG CÓ ĂN
XLIV. NGỒI VỚI NGƯỜI NỮ Ở CHỖ KHUẤT
XLV. NGỒI MỘT MÌNH VỚI NGƯỜI NỮ TẠI CHỖ TRỐNG
XLVI. ĐUỔI ĐI KHÔNG CHO THỨC ĂN
LVIII. GIẤU VẬT DỤNG CỦA TỲ-KHEO
LIX. TỰ TIỆN DÙNG Y KHÔNG HỎI CHỦ
LXV. TRUYỀN CỤ TÚC CHO NGƯỜI CHƯA ĐỦ HAI MƯƠI TUỔI
LXIX. HỖ TRỢ TỲ-KHEO BỊ XẢ TRÍ
I. NHẬN THỨC ĂN PHI THÂN LÝ NI NƠI TỤC GIA
IV. THỌ THỰC NGOÀI TRÚ XỨ A-LAN-NHÃ
CHƯƠNG VII - THỨC-XOA-CA-LA-NI
[634a9]Một thời, đức Phật ở Thích-súy-sấu,[2] trong vườn Ni-câuloại, nước Ca-duy-la-vệ. Bấy giờ trong dòng họ Thích có người con trai nhà họ Thích tên là Tượng Lực[3] có tài đàm luận, thường cùng Phạm-chí ngoại đạo luận bàn. Trường hợp bị thua, liền nói ngược lại điều đã nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì Tượng Lực cũng nói ngược lại lời đã nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng ông vẫn nói dối. Các Phạm-chí thường biếm nhẽ rằng:
“Sa-môn Thích tử không có tàm quý, thường nói lời vọng ngữ, mà tự xưng là ta phụng hành chánh pháp. Nhưng nay như vậy có gì là chánh pháp? Luận bàn không hơn, liền nói ngược lại điều đã nói trước. Khi ở trong chúng Tăng, được hỏi đến thì cũng nói ngược lại điều đã nói trước. Ở trong chúng, biết nhưng vẫn nói dối.” Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách Thích tử Tượng Lực:
“Sao thầy cùng Phạm-chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền nói ngược lại điều đã nói trước. Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng nói ngược lại điều đã nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?” Khi ấy các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. ĐứcThế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Tượng Lực: “Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm.”
“Tỳ-kheo Tượng Lực, sao cùng Phạm-chí ngoại đạo luận bàn, trường hợp bị thua, liền nói ngược lại điều đã nói trước? Giữa Tăng, khi hỏi đến việc ấy thì cũng nói ngược lại điều đã nói trước. Ở giữa chúng, biết nhưng vẫn nói dối?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo: “Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo [634b] kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết mà nói dối, ba-dật-đề.[4]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Biết mà nói dối: không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không xúc giác nói xúc giác, không hay biết nói hay biết,[5] thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, xúc giác nói không xúc giác, hay biết nói không hay biết.
Thấy: thấy bởi thức con mắt.
Nghe: nghe bởi thức của tai.
Xúc: xúc giác bởi ba thức: mũi, lưỡi và thân.
Hay biết: hay biết bởi ý thức.
Không thấy: trừ nhãn thức ra, còn lại năm thức kia.
Không nghe: trừ nhĩ thức ra, còn lại năm thức kia.
Không xúc giác: trừ ba thức ra, còn lại mắt, tai và ý.
Không hay biết: trừ ý thức ra, còn lại năm thức kia.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết mà nói như vầy: “Tôi thấy, nghe, xúc giác, hay biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc giác, không hay biết, mà trong đó có tưởng thấy, tưởng nghe, tưởng xúc, tưởng biết, mà lại nói, “Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người nào không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý sanh nghi nhưng lại nói như vầy, “Tôi không có nghi”, rồi nói “Tôi thấy, tôi nghe, tôi xúc, tôi biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề. Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý có nghi nhưng lại nói “Trong đây tôi không nghi”, rồi nói “Tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Nếu người không thấy, không nghe, không xúc, không biết, mà trong ý lại không nghi, rồi nói, “Tôi có nghi ngờ rằng tôi thấy, tôi xúc, tôi biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề. Trong ý không nghi ngờ rằng: “Tôi không thấy, tôi không nghe, tôi không xúc, tôi không biết”, nhưng lại nói “Tôi có nghi ngờ rằng tôi không thấy, không nghe, không xúc, không biết”; biết mà nói dối, ba-dật-đề.
Điều này nên nói rộng: Trước đó khởi lên ý nghĩ, “Ta sẽ nói dối.” Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề.
Trước đó khởi lên ý nghĩ, “Ta sẽ nói dối.” Khi nói dối, tự biết là nói dối; nói dối rồi, không tự nhớ là đã nói dối: Cố ý nói dối, phạm ba-dật-đề.
Trước đó không khởi lên ý nghĩ, “Ta sẽ nói dối.” Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, biết là nói dối: Cố ý nói dối, ba-dật-đề.
Trước đó không khởi lên ý nghĩ nói dối. Khi nói dối, biết là nói dối; nói dối rồi, không nhớ là nói dối: [634c] Cố ý nói dối, ba-dậtđề. Cái được thấy có khác, cái được nhìn nhận có khác, cái được ham muốn có khác, cái được xúc có khác, cái được tưởng có khác, cái được tâm tưởng có khác,[6] những việc như vậy đều là nói dối.
Giữa đại chúng, biết mà vẫn nói dối, ba-dật-đề. Nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Khi thuyết giới cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không nói, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không thấy nói không thấy; không nghe nói không nghe; không xúc nói không xúc, không hay biết nói không hay biết; thấy nói thấy; nghe nói nghe; xúc nói xúc, hay biết nói hay biết; ý tưởng có thấy, nói có thấy, thì không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khi giải quyết việc tranh cãi, mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài.[8] Tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước quên sau nên không nói được.
Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao nhóm sáu tỳ-kheo giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho tỳ-kheo hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được?”
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân
Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục tỳ-kheo bằng giống loài, khiến họ hổ thẹn quên trước quên sau không nói được?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Thuở xa xưa, tại nước Đắc-sát-thi-la,[9] có người bà-la-môn nuôi một con bò,[10] ngày đêm cho ăn, vuốt ve, chải chuốt. Lúc ấy, cũng tại nước Đắc-sát-thi-la, có ông trưởng giả[11] đi khắp hang cùng ngõ hẻm lớn tiếng rao rằng:
“Ai có con bò nào đủ sức mạnh, cùng con bò của tôi đấu sức kéo 100 xe, tôi sẽ cá 1.000 lượng vàng.”[12]
Con bò của người bà-la-môn nghe rao như vậy, tự nghĩ: “Người bàla-môn này ngày đêm hết lòng nuôi nấng ta, vuốt ve, chải chuốt ta. Nay ta nên đem hết sức mình ra kéo để lấy 1.000 lượng vàng kia,
[635a1] ngõ hầu trả ơn người này.”
Con bò nghĩ xong liền nói với người bà-la-môn rằng:
“Ông chủ có biết chăng? Trong nước Đắc-sát-thi-la có ông trưởng giả rao rằng, ai có bò cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, ông chịu mất 1.000 lượng vàng. Ông chủ có thể đến nhà ông trưởng giả kia nói, ‘Tôi có con bò có thể cùng với bò của ông đấu sức kéo 100 xe, với số vàng cá là 1.000 lượng.’”
Người bà-la-môn nghe xong liền đến nhà ông trưởng giả nói, ‘Tôi có con bò với sức mạnh có thể cùng với con bò của ông đấu sức kéo 100 xe, số vàng cá là 1.000 lượng.’ Ông trưởng giả trả lời, ‘Nay chính là lúc.’ Người bà-la-môn liền dắt con bò của mình đem đến để cùng đấu sức với con bò của ông trưởng giả, kéo 100 xe để lấy 1.000 lượng vàng. Khi ấy có nhiều người đứng xem. Trước đám đông, người bà-la-môn dùng lời mạ nhục, gọi con bò bằng cách kêu:
“Một Sừng,[13] kéo đi!”
Con bò của người bà-la-môn nghe lời mạ nhục liền xấu hổ nên không ra sức kéo để cạnh tranh cùng đối thủ của mình. Do đó, con bò của ông trưởng giả thắng cuộc, con bò của người bà-la-môn bại trận. Người bà-la-môn phải mất 1.000 lượng vàng.
Bấy giờ, người bà-la-môn nói với con bò của ông ta rằng:
“Ngày đêm ta nuôi nấng, vuốt ve, chải chuốt, với hy vọng ngươi sẽ vì ta đem hết sức lực để thắng con bò của ông trưởng giả. Nhưng tại sao sự việc hôm nay ngược lại, khiến ta phải mất 1.000 lượng vàng?”
Con bò liền nói với bà-la-môn rằng: “Trước đám đông ông nhục mạ tôi, ông bảo tôi là ‘Một Sừng, kéo đi!’ Tôi rất lấy làm xấu hổ đối với mọi người. Do đó, tôi không thể dùng hết sức để cùng cạnh tranh với con bò kia được. Nếu ông có thể thay đổi cách gọi, đừng đem tên gọi hình tướng, mà nhục mạ tôi, thì ông cứ đến nói với ông trưởng giả rằng, ‘Bò của tôi có thể cùng bò của ông đấu sức, kéo 100 xe với giá đấu gấp đôi là 2.000 lượng vàng.’”
Người bà-la-môn nghe xong liền nói với con bò của ông rằng:
“Chớ để ta mất thêm 2.000 lượng vàng nữa.” Con bò trả lời với người ba-la-môn rằng:
“Trước đám đông ông đừng nhục mạ tôi, gọi tôi là ‘Một Sừng, kéo đi!’ Mà trước đám đông ông nên khen ngợi tôi, bảo tôi kéo cho giỏi; ông gọi sừng tôi rất xinh đẹp.”
Bấy giờ, người bà-la-môn đến nhà ông trưởng giả nói rằng: “Nay bò của ông có thể cùng bò của tôi đấu sức kéo 100 xe với số vàng đánh cá là 2.000 lượng, dưới sự chứng kiến của nhiều người.”
Ông trưởng giả nói: “Thật đúng lúc.”
Khi ấy, người bà-la-môn trước đám đông khen ngợi con bò của ông rằng, ‘Kéo giỏi lên! Cặp sừng xinh đẹp ơi!’
Con bò nghe lời khen như vậy liền đem hết sức mình để đấu với con bò kia, nên con bò của người bà-la-môn thắng cuộc, con bò của ông trưởng giả thua trận. Người bà-la-môn thu được 2.000 lượng vàng.”
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
[635b] “Phàm người ta khi muốn nói phải nói lời khéo léo, không nên nói lời xấu ác. Nói lời khéo léo là thiện. Nói lời xấu ác là tự gây phiền não cho mình. Bởi vậy cho nên, các tỳ-kheo, súc sanh bị người mạ nhục, còn tự xấu hổ không thể dùng hết sức mình để kéo xe, huống là đối với người mà bị kẻ khác hủy nhục làm sao không hổ thẹn! Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người si, khi giải quyết việc tranh cãi lại mạ nhục các tỳ-kheo bằng giống loài, khiến cho họ hổ thẹn, quên trước, quên sau không nói được.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhục mạ bằng giống loài, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhục mạ người bằng giống loài:[14] như nói, “Ngươi sanh trong gia đình dòng họ thấp hèn, hành nghề cũng thấp hèn, kỹ thuật công xảo cũng thấp hèn.” Hoặc nói, “Ngươi là người phạm tội; ngươi là người nhiều kiết sử; ngươi là người mù, ngươi là người trọc mù...”
- Thấp hèn: là dòng dõi chiên-đà-la, dòng dõi hốt rác, dòng dõi thợ đan,[15] dòng dõi thợ đóng xe.[16]
- Họ thấp hèn: chỉ những họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, A-đề-lị-dạ, Bà-la-đọa.[17] Hoặc chẳng phải họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ thuật thấp hèn, tức thành họ thấp hèn.
- Nghề nghiệp thấp hèn: tức là mua bán heo, dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, thợ săn, chài lưới, làm giặc, bắt giặc, thủ thành, coi ngục.
- Kỹ nghệ thấp hèn: như làm nghề thợ rèn, thợ mộc, thợ gốm, thợ da, thợ hớt tóc, thợ đan nia.[18]
- Phạm tội: phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đềđề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.
- Kết: từ sân nhuế cho đến 500 kết sử.
- Mù lòa:[19] mù lòa, gù, què quặt, câm điếc và các tật bệnh khác.
Hoặc tỳ-kheo mắng nhiếc các tỳ-kheo khác rằng, “Thầy sanh nơi nhà ti tiện; hành nghiệp thấp hèn, kỹ thuật thấp hèn. Thầy phạm tội, thầy bị kết sử, thầy là kẻ trọc đầu mù lòa...” Mạ nhục như vậy. Hoặc mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn lời dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục.
Mạ nhục ngay trước mặt: như nói, “Ngươi sanh trong nhà Chiênđà-la, sanh trong nhà hốt rác, sanh trong dòng thợ đan, dòng thợ đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-lađọa.” Hoặc người kia vốn không phải dòng họ thấp hèn mà tập làm theo kỹ nghệ thấp hèn tức thành họ thấp hèn, như nói, “Ngươi là người mua bán, người giết bò, heo, dê. Ngươi là người làm nghề ăn trộm, bắt kẻ trộm. Ngươi là người giữ thành, giữ ngục, là người thợ rèn, [635c] làm đồ mộc, làm lò gốm, làm thợ giày, thợ hớt tóc. Ngươi là người phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-lađề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết. Ngươi là người từ kết sử sân nhuế, cho đến là người 500 kiết sử. Ngươi là người trọc đầu mù lòa, què quặt, điếc câm và là người có các bệnh hoạn khác…”
- Mượn dụ để mạ nhục: như nói, “Ngươi giống như Chiên-đà-la, giống như dòng hốt phân, giống như dòng thợ đan, giống như dòng đóng xe. Ngươi giống như dòng họ Câu-tấu, giống như dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa. Ngươi giống như người mua bán heo, dê; giống như người giết bò; giống như người thả chim ưng, chim diêu; giống như người lưới cá, thợ săn; giống như kẻ trộm, như người bắt kẻ trộm, giống như người giữ thành, giữ ngục; giống như người làm đồ gốm, giống như người làm giày dép, giống như người thợ hớt tóc; giống như người phạm ba-la-di, giống như người phạm tăng-già-bà-thi-sa, giống như người phạm ba-dật-đề, giống như người phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, giống như người phạm thâu-lan-giá, giống như người phạm đột-kiết-la, giống như người phạm ác thuyết, giống như người kiết sử, giống như người mù lòa, giống như người không có tóc, giống như người què chân, giống như người câm điếc...”
- Tự so sánh để mạ nhục: như nói, “Tôi không phải dòng Chiên-đàla, tôi không phải dòng hốt phân, tôi không phải dòng thợ đan, tôi không phải dòng đóng xe. Tôi không phải dòng họ Câu-tấu, dòng họ Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa; cũng không phải người mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, chim diêu, lưới cá, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ mộc, thợ đan, đóng xe, thợ lò gốm, thợ giày, thợ cạo... Tôi không phải là người phạm ba-la-di, phạm tăng-già-bà-thi-sa, phạm ba-dậtđề, phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, phạm thâu-lan-giá, phạm đột-kiết-la, phạm ác thuyết. Tôi chẳng phải bị kiết sử, tôi chẳng phải là người trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm…”
Nếu tỳ-kheo đem giống loài mà mạ nhục, nói như trên, phạm ba-dật-đề. Nếu đem giống loài để mạ nhục, nói rõ ràng phạm ba-dậtđề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Hoặc là nói thiện pháp để mạ nhục ngay trước mặt, hoặc mượn dụ để mạ nhục, hoặc tự so sánh để mạ nhục.
- Dùng thiện pháp để mạ nhục: như nói, “Ngươi là người a-lan-nhã, hành khất thực, hành mặc y vá[20], cho đến người ngồi thiền.”
- - Dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt: như nói, “Ngươi là [636a1] người a-lan-nhã, hành khất thực, hành mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.”
- Mượn dụ để mạ nhục: như nói, “Ngươi tợ như người a-lan-nhã, hành khất thực, hành mặc y vá, cho đến người ngồi thiền.” - Tự so sánh để mạ nhục: như nói, “Tôi chẳng phải là người ở alan-nhã,… cho đến người ngồi thiền.”
Nếu tỳ-kheo dùng thiện pháp mạ nhục ngay trước mặt, mượn dụ để mạ nhục, tự so sánh để mạ nhục; nói mà rõ ràng phạm đột-kiết-la, không rõ ràng cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: cùng có lợi cho nên nói, vì pháp cho nên nói, vì luật cho nên nói, vì giáo thọ cho nên nói, vì thân hậu cho nên nói, hoặc vì vui chơi mà nói, hoặc vì nói lỡ miệng do lộn thứ tự lời,[21] hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhằm nói việc khác; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo truyền rao lời nói bên này bên kia; truyền lời nói kín đáo của người này đến nói người kia; truyền lời nói kín đáo của người kia đến nói người này.
Họ cứ làm như vậy mãi, đưa đến tình trạng trong chúng chưa có đấu tranh liền sanh ra sự đấu tranh này, và đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được.
Các tỳ-kheo đều nghĩ: “Do nhân duyên gì trong chúng Tăng vốn không có sự đấu tranh mà nay lại có sự đấu tranh này, và đã có sự đấu tranh rồi thì sao không chấm dứt được?”
Các tỳ-kheo tìm biết là do nhóm sáu tỳ-kheo này truyền rao lời nói bên này bên kia, nên đưa đến tình trạng trong chúng Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có, nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không thể chấm dứt được.
Khi ấy trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao các thầy truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong Tăng có sự đấu tranh, việc tranh cãi này vốn trước đây không có nay lại có, và khi đã có sự đấu tranh rồi thì không chấm dứt được? “
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao các ông truyền rao lời nói bên này bên kia, đưa đến tình trạng trong chúng Tăng trước không có đấu tranh, nay lại sanh ra đấu tranh, và khi đã có đấu tranh thì không chấm dứt được?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Các ông nên lắng nghe! Xưa kia, có hai con ác thú làm bạn với nhau, một con sư tử tên là Thiện Nha,[23] [636b] con thứ hai là hổ tên Thiện Bác,[24] ngày đêm cùng rình bắt các con nai.
Khi ấy, có một con dã can thường đi sau hai con thú này, ăn thịt dư còn lại của chúng để sống. Bấy giờ, con dã can kia lén lút suy nghĩ: ‘Nay ta không thể cứ đi theo sau mãi thế này. Bằng phương tiện thế nào ta phải làm để hai con ác thú này cùng loạn đấu với nhau khiến cho chúng không còn đi với nhau nữa.’ Nghĩ xong, dã can liền đến chỗ con sư tử Thiện Nha nói như vầy:
“Này Thiện Nha! Tôi nghe con cọp Thiện Bác nói rằng, ‘Chỗ sanh của ta hơn hết; dòng họ của ta hơn hết; hình sắc của ta hơn nó, thế lực của ta hơn nó. Tại sao vậy? Vì hàng ngày ta được thức ăn bổ, ngon. Sư tử Thiện Nha đi theo sau ta ăn thức ăn còn dư lại của ta để sống.’” Dã can liền nói kệ:
Hình sắc và nơi sanh,
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Nha không sánh kịp.
Thiện Bác nói như vậy.
Thiện Nha nghe xong hỏi dã can rằng: “Do đâu mà ngươi biết được? “
Dã can trả lời: “Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này.”
Lúc bấy giờ, con dã can lén lút nói với Thiện Nha xong, liền đến cọp Thiện Bác nói rằng:
“Ông biết chăng! Sư tử Thiện Nha đã nói như vầy, ‘Hiện tại chủng tánh và chỗ sanh của ta, tất cả đều hơn nó, thế lực cũng hơn. Tại sao vậy? Vì thường ta ăn thức ăn ngon; cọp Thiện Bác chỉ ăn thức ăn dư còn lại của ta để sống.” Dã can liền nói kệ:
Hình sắc và nơi sanh,
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Bác không sánh kịp.
Thiện Nha nói như vậy.
Thiện Bác nghe xong hỏi: “Tại sao ngươi biết được việc ấy?” Dã can trả lời:
“Hai ông cùng tập hợp lại một chỗ, gặp nhau thì sẽ tự biết rõ điều này.”
Sau đó, hai con thú cùng tập họp lại một chỗ, cùng nhìn nhau với cặp mắt sân hận. Sư tử Thiện Nha liền nghĩ, ‘Ta không thể không hỏi trước khi hạ thủ cọp.’
Bấy giờ, sư tử Thiện Nha hướng đến cọp Thiện Bác nói kệ rằng:
Hình sắc và nơi sanh
Sức mạnh cũng lại hơn
Thiện Nha không bằng ta
Thiện Bác có nói không?
Thiện Bác tự nghĩ rằng, ‘Chắc là do dã can gây sự loạn đấu giữa chúng ta.’ Cọp Thiện Bác nói kệ để trả lời cho sư tử Thiện Nha rằng:
Thiện Bác không nói vậy:
Hình sắc và nơi sanh,
[636c]
Sức mạnh cũng lại hơn;
Thiện Nha không thể sánh.
Nếu nhận lời vô ích,
Tin theo lời bỉ thử,
Tự phá hoại tình thâm,
Bèn thành kẻ oan gia.
Bằng lẽ thật để biết;
Phải diệt trừ sân não.
Đây là lời thành thật,
Khiến ta được lợi ích.
Nay nên khéo hàng phục,
Trừ diệt ác tri thức.
Cần giết dã can này,
Chính nó gây loạn đấu.
Sư tử Thiện Nha liền giết dã can.”[25] Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Hai con thú này bị con dã can phá, nên khi họp nhau một chỗ, gặp nhau mà không vui, huống là đối với người, bị người khác phá rối, làm sao không bực lòng? Nhóm sáu tỳ-kheo, sao gây loạn đấu bên này bên kia, việc tranh cãi này trước đây không sanh ra nay lại sanh ra, và khi đã có việc tranh cãi rồi thì không thể chấm dứt?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy”:
Tỳ-kheo nào, nói hai lưỡi,[26] ba-dật đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Hai lưỡi:[27] gây chuyện cho tỳ-kheo loạn đấu với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ,ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn.
Tỳ-kheo-ni lại loạn đấu với tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sadi-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo.
Thức-xoa-ma-na lại loạn đấu với thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni.
Sa-di loạn đấu với sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni.
Ưu-bà-tắc lại loạn đấu với ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, [637a1] dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc.
Ưu-bà-di lại loạn đấu với ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-mana, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc.
Quốc vương lại loạn đấu với quốc vương, đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.
Đại thần lại loạn đấu với đại thần, ngoại đạo, dị học sa-môn, bà-lamôn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di, quốc vương.
Tất cả ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn lại loạn đấu với tất cả ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần.
- Loạn đấu: như người nào đó nói,[28] “Ông là dòng dõi Chiên-đà-la, dòng dõi hốt phân, dòng dõi thợ đan, dòng dõi đóng xe, họ Câu-tấu, Câu-thi, Bà-tô-trú, Ca-diếp, Đề-lê-dạ, Bà-la-đọa, mua bán heo dê, giết bò, thả chim ưng, lưới chim, thợ săn, làm giặc, bắt giặc, giữ thành, giữ ngục, thợ rèn, thợ giày, thợ cao; ông phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết.”
- Nói kết sử: từ sân nhuế cho đến 500 kết, trọc đầu, mù lòa, què quặt, điếc câm. Tỳ-kheo nào phá hoại đều là tỳ-kheo loạn đấu. Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: vì phá ác tri thức, phá ác bạn đảng, phá phương tiện phá hoại Tăng, phá việc trợ giúp để phá hoại Tăng, phá hai người ba người tác yết-ma, phá tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi luật; hoặc vì người phá Tăng, phá tháp, phá miếu, phá Hòa thượng, đồng Hòa thượng, phá A-xà-lê, đồng A-xà-lê, phá tri thức, phá thân hữu, phá những người nói nhiều mà vô nghĩa, vô lợi, muốn dùng phương tiện làm việc vô nghĩa; phá những người như vậy thì không phạm.
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước
Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả [637b] A-na-luật từ nước Xá-vệ đến nước Câu-tát-la, giữa đường, đến nơi thôn không có trú xứ của tỳ-kheo,[30] hỏi thăm, “Có ai cho tôi chỗ trọ?” Tôn giả nghe người ta nói nơi kia có nhà của dâm nữ thường cho khách tạm trú ban đêm.[31] Bấy giờ, ngài A-na-luật đến nhà dâm nữ, hỏi:
“Thưa đại tỷ, tôi muốn xin trọ lại một đêm, có được không?”
Dâm nữ nói: “Được! Nhà rộng, Tôn giả cứ tùy ý nghỉ.”
Tôn giả A-na-luật bước vào nhà, trải tọa cụ bằng cỏ, xếp tréo chân ngồi, nhất tâm tư duy, buộc niệm trước mặt.
Hôm ấy, cũng có các trưởng giả ở nước Câu-tát-la có việc cần cũng đến nơi thôn đó tìm nơi nghỉ lại đêm. Họ cũng được nghe nhà dâm nữ kia thường tiếp khách tạm trú. Các trưởng giả đến nhà đó, hỏi:
“Chúng tôi cần nghỉ lại một đêm, cô có thể cho chúng tôi tá túc được không?”
Dâm nữ trả lời:
“Trước đây tôi đã hứa cho một sa-môn ở lại. Các ông hỏi vị sa-môn ấy, có thể được cùng nghỉ thì các ông cứ nghỉ.”
Các trưởng giả đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng:
“Chúng tôi đã xin người chủ nhà được ở lại một đêm và đã được sự chấp thuận. Vậy chúng ta cùng nghỉ, không có gì trở ngại?”
Tôn giả A-na-luật trả lời:
“Tôi đã trải nệm cỏ rồi. Nhà còn rộng, các ông cứ tùy ý nghỉ, chớ nghi ngại.”
Lúc ấy, các trưởng giả liền vào nhà. Vì bạn bè các trưởng giả nhiều nên ngồi quá chật. Bấy giờ, dâm nữ thấy vậy sanh lòng thương mến, trong lòng nghĩ rằng, “Vị A-na-luật này là con nhà hào quý, từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật.” Nghĩ vậy, bèn đi đến chỗ A-na-luật, nói rằng, “Tôn giả từ lâu quen sung sướng không thể chịu khổ được. Nay cùng với các trưởng giả chung nhà quá chật. Tôn giả có thể vào trong buồng[32] tôi nghỉ được không?” Tôn giả trả lời đồng ý.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật vào trong buồng, nơi chỗ ngồi đó, xếp tréo chân ngồi, buộc niệm trước mặt. Lúc ấy trong nhà dâm nữ, đèn thắp suốt đêm không tắt.
Đầu đêm, dâm nữ đến chỗ Tôn giả A-na-luật nói rằng:
“Gần đây có các trưởng giả bà-la-môn có nhiều của cải quý báu, đến nói với tôi, ‘Cô có thể làm vợ tôi?’ Tôi liền nói với các trưởng giả ấy rằng, ‘Các ông xấu xí lắm. Tôi không thể làm vợ các ông. Nếu là người xinh đẹp, tôi sẽ làm vợ họ.’ Tôi xem Tôn giả tướng mạo xinh đẹp. Tôn giả có thể làm chồng tôi được không?”
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật tuy nghe những lời nói ấy nhưng vẫn lặng thinh không trả lời và cũng không [637c] nhìn ngó. Tại sao vậy? Vì Tôn giả đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần[33]. Đến cuối đêm, lúc bình minh sắp xuất hiện, cô ta lại nói với A-na-luật rằng:
“Các trưởng giả dòng bà-la-môn có nhiều của cải quý báu nói với tôi: ‘Cô vì tôi làm vợ.’ Tôi dứt khoát không hứa khả. Nhưng Tôn giả với nhan mạo đoan chánh, có thể vì tôi làm chồng được không?”
Tôn giả A-na-luật cũng lại im lặng, không trả lời và cũng không nhìn ngó cô ta. Tại sao vậy? Vì chính Tôn giả là người đã chứng đắc giải thoát vô thượng gồm cả hai phần.
Lúc bấy giờ, dâm nữ liền thoát y đến trước mặt và nắm Tôn giả. Tôn giả liền dùng sức thần túc vụt mình lên hư không. Dâm nữ thấy vậy hết sức xấu hổ, vì sự lõa hình của mình, bèn ngồi xổm xuống; rồi vội vàng lấy áo che thân lại. Xong xuôi, chắp tay ngửa mặt lên không trung, hướng về Tôn giả A-na-luật nói:
“Con xin sám hối! Con xin sám hối!” Nói như vậy ba lần. Rồi, thỉnh nguyện Tôn giả trở lại chỗ ngồi.
Tôn giả hạ mình, ngồi trở lại chỗ ngồi như cũ. Người dâm nữ này đảnh lễ dưới chân Tôn giả xong, lui ngồi qua một bên. Tôn giả vì cô mà nói các pháp vi diệu, như ý nghĩa về bố thí, về trì giới, về ý nghĩa sanh thiên. Tôn giả chê trách dục là bất tịnh, là thấp hèn, là hữu lậu, là kết phược.[34] Tôn giả khen ngợi sự an lạc của xuất ly,[35] ích lợi của giải thoát.
Lúc ấy, dâm nữ liền từ chỗ ngồi dứt hết trần cấu, được sự trong sạch của con mắt pháp. Khi dâm nữ thấy pháp, đắc pháp rồi, thỉnh nguyện, “Nguyện xin Tôn giả chấp thuận con được làm người ưu-bà-di, quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay trở đi, suốt đời không sát sanh cho đến không uống rượu. Ngày hôm nay, xin Tôn giả nhận lời thỉnh cầu thọ thực của con.” Tôn giả mặc nhiên chấp thuận. Người dâm nữ kia biết Tôn giả đã mặc nhiên chấp nhận lời thỉnh cầu rồi, liền sửa soạn đồ ăn thức uống ngon bổ để cúng dường. Tôn giả thọ thực xong, cô lấy một chiếc ghế nhỏ đến ngồi trước Tôn giả A-na-luật. Tôn giả vì cô mà nói các pháp, dùng nhiều hình thức khuyến dụ, khiến cho lòng cô sanh hoan hỷ. Thuyết pháp xong, Tôn giả rời chồ ngồi ra về. Về đến Tăng già-lam, đem nhân duyên này nói với các tỳ-kheo một cách đầy đủ.
Khi ấy, trong chúng có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, cơ hiềm A-na-luật rằng:
“A-na-luật, sao thầy cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?”[36]
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi A-na-luật:
“Thật sự ông có một mình cùng với người nữ ngủ chung buồng hay không?”
A-na-luật thưa:
“Thật vậy, bạch đức Thế Tôn!”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện [638a1] quở trách A-na-luật rằng:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. A-na-luật sao lại cùng với phụ nữ ngủ chung buồng?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng với phụ nữ ngủ một buồng, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Phụ nữ: người nữ có hiểu biết,[37] mạng căn chưa đoạn.
Buồng:[38] xung quanh có tường vách ngăn che, bên trên có lợp; hoặc trước trống, không có bức vách; hoặc có vách nhưng bên trên không che lợp; hoặc tuy có che nhưng không giáp hết; hoặc tuy có che khắp nhưng có chỗ trống. Đó gọi là nhà.
Hoặc tỳ-kheo đã ngủ trước, phụ nữ đến sau; hoặc phụ nữ đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc hai người cùng đến. Nếu nghiêng mình mà nằm, hông dính chiếu, phạm ba-dật-đề. Mỗi lần trở mình là một ba-dật-đề.
Nếu cùng thiên nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, ngạ quỷ nữ, chung nhà mà ngủ, đột-kiết-la. Trong loài súc sanh cái, có khả năng biến hóa hay không có khả năng biến hóa, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Nếu cùng với người huỳnh môn, hai căn, ngủ chung buồng, đột-kiết-la. Ban ngày, phụ nữ đứng, tỳ-kheo nằm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu tỳ-kheo không biết trong nhà kia có phụ nữ mà ngủ, hoặc tỳ-kheo đến trước, phụ nữ đến sau, tỳ-kheo không biết; hoặc nhà có lợp mà chung quanh không có ngăn, hoặc lợp hết mà ngăn phân nửa, hoặc lợp hết mà ngăn một ít, hoặc ngăn hết mà không lợp, hoặc ngăn hết mà lợp một ít, hoặc nửa lợp, nửa ngăn, hoặc một ít lợp một ít ngăn, hoặc không lợp không ngăn, nơi đất trống thì không phạm. Ở trong nhà này, hoặc đi, hoặc ngồi cũng không phạm, hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất, hoặc bị bệnh mà nằm thì không phạm; hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị người trói, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn cũng không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở tại thành Khoáng dã.[40] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với các trưởng giả ngủ nơi nhà giảng.[41]
Lúc ấy, trong nhóm sáu, có một vị khi ngủ với tâm tán loạn [638b] không hề hay biết gì, lăn mình qua, hình thể loã lồ. Lúc ấy có tỳ-kheo lấy y tủ lại. Sau đó lại lăn mình nữa, lộ hình như trước. Một tỳ-kheo khác cũng lấy y tủ lại. Vị ấy giây lát lại lăn mãi, dựng hình lên. Các trưởng giả thấy liền sanh cơ hiềm, cười lớn, chế giễu.
Bấy giờ, vị tỳ-kheo ngủ kia thức dậy, trong lòng hổ thẹn, sắc mặt bạc nhợt. Các tỳ-kheo cũng hổ thẹn. Trong số ấy có vị thiểu dục tri túc, biết tàm quý, sống đầu-đà, ưa học giới, hiềm trách tỳ-kheo này rằng, “Sáu tỳ-kheo này sao lại cùng với các trưởng giả ngủ chung?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng với các trưởng giả ngủ chung?” Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Một thời, đức Phật ở nước Câu-thiệm-tỳ.[42] Các tỳ-kheo nói như vầy, “Đức Phật không cho phép chúng ta cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới. Vậy bảo La-vân[43] đi chỗ khác.”
La-vân không có nhà để ngủ, phải đến ngủ nơi nhà vệ sinh. Khi ấy đức Phật biết, liền đến nơi nhà vệ sinh, tằng hắng. La-vân cũng tằng hắng lại. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi: “Ai ở trong này?” La-vân trả lời: “Con là La-vân.” Lại hỏi:
“Con làm gì ở đây?” Đáp rằng:
“Các tỳ-kheo nói, không được cùng với người chưa thọ cụ túc giới ngủ chung, nên đuổi con ra.” Đức Thế Tôn liền nói:
“Các tỳ-kheo này sao lại ngu si, không có từ tâm, đuổi trẻ nít ra khỏi phòng? Đó là con của Phật, mà không thấu rõ được ý Ta hay sao? “
Đức Phật liền đưa ngón tay bảo La-vân nắm và dẫn vào phòng, cho ngủ đêm đó. Sáng sớm, tập hợp các tỳ-kheo, Ngài bảo rằng:
“Các ông không có từ tâm, nên mới đuổi con nít đi. Đây là con của Phật,[44] mà không thấu rõ được ý Ta hay sao?[45] Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo cùng [638c] người chưa thọ đại giới cùng ngủ hai đêm. Nếu đến đêm thứ ba khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên thức dậy tránh đi. Nếu đến đêm thứ tư, hoặc tự mình đi, hay bảo người chưa thọ đại giới đi.[46]“
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ngủ chung với người chưa thọ đại giới, quá hai đêm, đến đêm thứ ba,[47] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người chưa thọ (đại) giới: trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ngoài ra đều là người chưa thọ đại giới.
Ngủ chung buồng: Như trước đã nói.[48]
Nếu tỳ-kheo đến trước, người chưa thọ đại giới đến sau; người chưa thọ giới đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai đều đến một lượt, nếu hông chấm đất là phạm, nghiêng mình một chút phạm. Nếu nam cõi trời, nam a-tu-la, nam càn-thát-bà, nam dạ-xoa, nam ngạ quỷ và trong loài súc sanh có thể biến hóa hay không thể biến hóa, cùng ngủ quá hai đêm, ba đêm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu tỳ-kheo trước không biết ở tại ấy, mà người chưa thọ giới đến sau; hoặc người chưa thọ giới đến trước, mà tỳ-kheo đến sau; hoặc nhà có lợp mà bốn phía không ngăn che; hoặc lợp hết mà ngăn che một nữa, hoặc ngăn che hết mà lợp một phần; hoặc ngăn phân nửa lợp phân nửa; hoặc ngăn một phần, lợp một phần; hoặc chỗ đất trống không; hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành; tất cả đều không phạm. Hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất; hoặc bệnh nằm, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng các trưởng giả tập hợp tại giảng đường tụng kinh Phật, cao tiếng lớn giọng như âm thanh bà-la-môn đọc sách không khác, làm loạn tâm các vị tọa thiền.
Trong số các tỳ-kheo đã nghe có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo, “Sao lại cùng các trưởng giả tập hợp nơi giảng đường tụng kinh như âm thanh bà-la-môn đọc sách?”
Lúc ấy, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao các ông lại cùng với trưởng giả tập hợp nơi [639a1] giảng đường tụng kinh, âm thanh như bà-la-môn không khác?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tụng đọc chung với người chưa thọ giới, ba-dật-đề.[50]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người chưa thọ đại giới: như giới trước (tức ngoài tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ra).
Cú nghĩa, phi cú nghĩa, cú vị, phi cú vị; tự nghĩa, phi tự nghĩa.[51]
- Cú nghĩa: là cùng người đọc tụng, không trước, không sau, như tụng:
Chớ làm các việc ác,
Hãy làm các điều lành; Tự lắng sạch tâm ý,
Chư Phật dạy như vậy.
- Phi cú nghĩa: như một người nói ‘Chớ làm các việc ác’ chưa xong, người thứ hai nói lại câu ‘Chớ làm các việc ác.’
- Cú vị: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng,
“Mắt vô thường. Tai vô thường. Cho đến, ý vô thường.”
- Phi cú vị: như một người chưa nói xong “Mắt vô thường...”, người thứ hai lập lại lời nói trước, “Mắt vô thường...”
- Tự nghĩa: hai người cùng tụng, không trước không sau, như tụng, ‘A-la-ba-giá-na.’
- Phi tự nghĩa: như một người chưa nói xong âm “A…”, người thứ hai lập lại âm “A…” trước đó.
- Cú pháp: lời Phật nói, Thanh văn nói, Tiên nhân nói, Chư thiên nói.
Nếu tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới đồng tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, hoặc truyền trao bằng miệng, hoặc truyền trao bằng chữ viết, tất cả nếu rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la.
Cùng thiên tử, a-tu-la tử, dạ-xoa tử, long tử, càn-thát-bà tử, súc sanh có thể biến hóa, tụng một lời nói, hai lời nói, ba lời nói, dù nói rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la. Nếu vị thầy không dạy rằng:
“Để tôi nói xong ông sẽ nói”, thì thầy phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: “Tôi nói xong rồi, ông mới nói.” Một người tụng rồi, một người chép. Hoặc hai người đồng nghiệp đồng tụng; hoặc nói giỡn chơi, hoặc nói vội vàng,[52] hoặc nói một mình, hoặc nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, tại thành Laduyệt có tỳ-kheo đang hành [639b] ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa, nên ngồi dưới hết. Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi các bạch y rằng: “Các người có biết tại sao người đó lại ngồi dưới chót không?” Các bạch y thưa: “Chúng con không biết.” Nhóm sáu tỳ-kheo nói:
“Người ấy phạm tội như vậy. Do phạm tội như vậy nên chúng Tăng phạt khiến ngồi dưới hết.”
Vị tỳ-kheo có lỗi nghe, lấy làm hổ thẹn, và các tỳ-kheo khác khi nghe những lời này cũng hổ thẹn. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao các ông lại đem việc tỳ-kheo phạm tội thô ác nói với người bạch y?” Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy[54]:
Tỳ-kheo nào, có tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
Khi đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy rồi, bấy giờ có tỳ-kheo hoặc không biết thô ác, hay không thô ác, sau mới biết là thô ác; hoặc có người đã tác pháp sám hối ba-dật-đề, hoặc có người lo sợ. Đức Phật dạy: “Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo phạm tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất được Tăng sai đến giữa triều thần của vua và trong nhân dân kể rõ tội lỗi của Điều-đạt,[55] rằng những gì Điều-đạt làm, đừng nói đó là Phật, Pháp, Tăng, nên biết đó là việc làm của Điều-đạt. Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong liền sanh lòng cẩn thận và lo sợ.[56] Các tỳ-kheo biết như vậy, nên đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
“Chúng Tăng sai thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ đại giới, trừ tăng yết-ma, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Chưa thọ đại giới: (ngoài tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra) như giới trước. Tội thô ác: ba-la-di, [639c] tăng-già-bà-thi-sa.
Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới.
Nếu tỳ-kheo biết vị khác có tội thô ác, đến nói với người chưa thọ đại giới, trừ Tăng yết-ma, ba-dật-đề. Nói rõ ràng, ba-dật-đề; không rõ ràng, đột-kiết-la.
Ngoài tội thô ác ra, đem các tội khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la.
Tự mình phạm tội thô ác đem nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, đem tội thô ác của người khác nói với người chưa thọ đại giới, đột-kiết-la.
Tội thô ác tưởng là tội thô ác, ba-dật-đề. Tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà tưởng là tội thô ác, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô ác mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu không biết, hoặc Tăng sai. Thô ác mà tưởng chẳng phải thô ác, hoặc bạch y trước đó đã biết tội thô ác này rồi, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở tịnh xá Lầu các, bên bờ ao Di hầu, tại Tỳ-xály. Bấy giờ tỳ-kheo nơi vườn Bà-cầu, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhân. Vì nhân duyên này Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà cố hỏi tỳ-kheo nơi vườn Bà-cầu: “Có thật như vậy không?”
Thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.”
Đức Phật quở: “Các ông là người si. Nếu là thật đi nữa còn không đem nói với người, huống chi là không thật.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo nơi vườn Bà Cầu, rồi bảo các tỳ-kheo:
“Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhân, nói rằng, ‘Tôi thấy điều này, tôi biết điều này.’ Nếu đây là sự thật, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Chưa thọ đại giới: như giới trước.
Pháp về con người:[58] giới của con người, uẩn của con người, xứ của con người.[59]
Pháp thượng nhân:[60] chỉ cho các pháp xuất yếu.
Tự mình nói: nói mình đắc thân niệm, thiện tư duy, có giới, có dục,[61] có không phóng dật, có tinh tấn, có định, có chánh định, có đạo, có tu hành, có trí tuệ, có kiến, có đắc, có quả. Nếu vị ấy thật sự có điều này, mà đến người chưa thọ đại giới nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng đột-kiết-la.
Nếu dùng dấu tay, chữ viết, hoặc [640a1] ra hiệu khiến cho người biết rõ ràng, ba-dật-đề, không rõ ràng, đột-kiết-la.
Nếu hướng đến các trời, a-tu-la, dạ-xoa, càn-thát-bà, rồng, ngạ quỉ, súc sanh có thể biến hóa mà nói pháp thượng nhân, dù rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la.
Nếu thật sự đã đạt được pháp thượng nhân, lại hướng đến người đã thọ đại giới, nhưng họ chẳng đồng ý mà nói thì phạm đột-kiết-la; hoặc tự xưng là “Tôi đã đạt được căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, nhập tam muội”; hướng đến người mà nói thì phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu là Tăng thượng mạn; hoặc tự nói là do nghiệp báo chứ không nói là do mình tu mà được; hoặc thật sự đã đạt được pháp thượng nhân, đến tỳ-kheo đồng ý mà nói; hoặc nói căn, lực, giác, đạo, giải thoát, nhập tam muội, mà không nói với người là “Tôi chứng đắc”; hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Ca-lưu-đà-di, vào lúc thích hợp, khoác y, bưng bát, đến nhà một trưởng giả. Trước mặt bà mẹ chồng, ông ghé bên tai nói pháp cho con dâu. Bà mẹ chồng thấy vậy liền hỏi con dâu: “Vừa rồi tỳ-kheo nói gì vậy?”
Con dâu trả lời: “Tỳ-kheo nói pháp cho con nghe.” Bà mẹ chồng nói với con dâu rằng:
“Nếu nói pháp thì phải nói lớn cho chúng ta cùng nghe. Sao lại ghé bên tai nói cho một mình cô nghe thôi?” Con dâu nói:
“Vừa rồi tỳ-kheo nói như chuyện anh em không có gì khác. Đâu có điều gì là lỗi!”
Lúc ấy, tỳ-kheo khất thực nghe được, liền quở trách Ca-lưu-đà-di, “Sao Tôn giả lại ghé tai nói pháp cho con dâu trước mặt bà mẹ chồng?”
Khi ấy, tỳ-kheo khất thực xong trở về trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này nói đầy đủ cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm Ca-lưu-đà-di: “Sao lại ghé tai nói pháp cho con dâu trước mặt bà mẹ chồng?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà ngài cố ý hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Thật sự ông có ghé tai nói pháp cho con dâu trước mặt bà mẹ chồng?”
Thưa rằng: “Có thật như vậy.”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn [640b] dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại ghé tai nói pháp cho con dâu trước mặt bà mẹ chồng?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Calưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Ca-lưu-đà-di này là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy.
Bấy giờ, có người nữ thỉnh cầu các vị tỳ-kheo rằng:
“Cúi xin chư tôn vì chúng con nói pháp.”
Lúc ấy các tỳ-kheo đều có tâm dè dặt về việc Thế Tôn chế giới, tỳ-kheo không được nói pháp cho người nữ.
Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn bảo:
“Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo nói pháp cho người nữ năm, sáu lời.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ nghe quá năm, sáu lời, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Tỳ-kheo lại có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết nên thôi, không nói pháp cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, nếu có mặt người nam có trí, cho phép nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề.
Khi ấy có các người nữ thỉnh các tỳ-kheo rằng:
“Bạch Đại đức, xin ngài trao năm giới cho con.”
Các tỳ-kheo có tâm dè dặt vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không trao năm giới cho người nữ. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trao năm giới cho người nữ.”
Bấy giờ, có người nữ thỉnh các tỳ-kheo:
“Đại đức vì con nói pháp năm giới.”
Bấy giờ, không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp năm giới cho người nữ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp năm giới cho người nữ.”
Khi ấy, các người nữ muốn thọ pháp bát quan trai, các tỳ-kheo có tâm dè dặt, vì không có mặt người nam có hiểu biết, nên không dám cho thọ thực pháp. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo không có mặt người nam có hiểu biết, [640c] được trao pháp bát quan trai cho người nữ.” Khi ấy, các người nữ thỉnh các tỳ-kheo:
“Đại đức vì con nói pháp bát quan trai.”
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát quan trai. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát quan trai cho người nữ.” Lúc ấy các người nữ bạch các tỳ-kheo:
“Đại đức, chúng con nghe pháp bát thánh đạo.”
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp bát thánh đạo. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp bát thánh đạo cho người nữ.” Khi ấy có các người nữ bạch với các tỳ-kheo:
“Đại đức, xin ngài vì con nói mười pháp bất thiện.”
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói pháp mười bất thiện cho người nữ.” Khi ấy có các người nữ bạch các tỳ-kheo:
“Đại đức, vì chúng con nói mười pháp thiện.”
Khi ấy không có mặt người nam có hiểu biết, tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói mười pháp thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, được nói mười pháp thiện cho người nữ.”
Khi ấy có những người nữ đến vấn nghĩa các tỳ-kheo. Tỳ-kheo có tâm dè dặt, không nói pháp mười bất thiện. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, không có mặt người nam có hiểu biết, các tỳ-kheo được trả lời sự vấn nghĩa của người nữ. Nếu họ không hiểu nên vì họ nói rộng ra.”
Từ nay trở đi, muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói pháp cho người nữ quá năm, sáu lời, trừ có mặt người nam có hiểu biết, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người nữ: nghĩa cũng như trước.
Năm lời: sắc vô ngã; thọ, tưởng, hành, thức vô ngã.
Sáu lời: mắt vô thường; tai, mũi, lưỡi, thân, ý vô thường.[63] Người nam có hiểu biết: hiểu rõ việc thô ác hay không thô ác.
Tỳ-kheo nói pháp cho người nữ quá năm sáu lời, trừ có mặt người nam có trí, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Đối với thiếu nữ, a-tu-la nữ, long nữ, dạ-xoa nữ, càn-thất-bà nữ, ngạ quỷ nữ, súc sanh cái có thể biến hóa, vì chúng nói pháp quá năm sáu lời, rõ ràng hay không đều phạm đột-kiết-la.
Trong loài súc [641a1] sanh, loài không thể biến hóa, vì chúng nó nói quá năm sáu lời đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: chỉ nói năm sáu lời, nếu nói quá mà có mặt người nam có hiểu biết. Không có mặt người nam có hiểu biết mà trao năm giới cho ưu-bà-di, nói pháp năm giới, trao pháp bát quan trai, nói pháp bát quan trai, nói bát chánh đạo, nói pháp thập bất thiện, và người nữ vấn nghĩa, không có mặt người nam có hiểu biết vẫn được trả lời. Nếu họ không hiểu được, vì họ nói rộng ra. Hoặc nói đùa giỡn, nói vội vàng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo vì đức Phật sửa chữa giảng đường, đào đất xung quanh giảng đường.[65] Các cư sĩ thấy chê bai: “Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ, đoạn mạng sống của kẻ khác; bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? Tự mình đào đất, đoạn mạng sống của các loài khác!”
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao vì đức Phật sửa chữa giảng đường mà lại tự tay đào đất để các trưởng giả cơ hiềm?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại tự mình đào đất, khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng: “Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sửa chữa giảng đường, chỉ sai người đào đất, bảo rằng: “Đào chỗ này, bỏ chỗ này.” Các trưởng giả thấy rồi cơ hiềm: “Sao sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, sai bảo người [641b] đào đất, đoạn mạng sống của loài khác, không có từ tâm. Bên ngoài tự xưng là ta biết chánh pháp, cứ xem việc hôm nay, có gì là chánh pháp? “
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao sửa chữa giảng đường của Phật, lại chỉ bảo sai người đào đất, bảo rằng: ‘Đào chỗ này, bỏ chỗ này;’ khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?”
Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, vị thiểu dục đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao sửa chữa giảng đường lại chỉ sai người đào đất, bảo rằng: ‘Đào chỗ này, bỏ chỗ này;’ khiến cho các trưởng giả cơ hiềm?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo rằng:
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới”:
Tỳ-kheo nào, tự tay đào đất, hoặc sai người đào,[66] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Đất: đất đã đào hay đất chưa đào.[67] Nếu đất đào rồi trải qua bốn tháng mưa thấm trở lại như cũ, hoặc lấy bừa bừa, hoặc dùng xuổng đào, hoặc dùng vồ đập, hoặc dùng liềm, dao cắt; cho đến dùng móng tay bấm làm cho đất bị tổn thương, tất cả đều phạm ba-dậtđề. Lấy nọc đóng vào đất, ba-dật-đề. Đốt lửa trên đất, ba-dật-đề. Đất hay có ý tưởng là đất, ba-dật-đề. Nếu không dạy rằng: “Xem cái này, biết cái này!”[68] phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu có nói, “xem cái này, biết cái này!” Hoặc kéo cây, kéo tre, hoặc rào ngã đỡ lên; hoặc lật đá để lấy phân; hoặc bờ đất bị sập; hoặc lấy đất ổ chuột; hoặc dọn đất nơi chỗ đi kinh hành; hoặc dọn đất trong nhà; hoặc dọn chỗ tới lui kinh hành; hoặc quét đất; hoặc cây tích trượng chống xuống đất; hoặc không cố ý đào. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [69]
[641c7]Một thời, đức Phật ở thành Khoáng dã.[71] Thế Tôn vì nhân duyên trên tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo rằng:
“Có một tỳ-kheo ở nơi Khoáng dã, khi sửa chữa phòng ốc, cố ý tự tay mình chặt cây phải không?”
Thưa: “Bạch đức Thế Tôn, thật vậy, có chặt.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao sửa chữa phòng ốc lại tự tay chặt cây? “ Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, phá hoại mầm giống thực vật,[72] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thực vật (quỷ): không phải loài người.
Mầm giống (thôn):[73] chỉ chung cho tất cả cỏ cây. Chặt đốn cho nó ngã xuống nên gọi là phá hoại.
Mầm giống (thôn), có năm loại: củ, nhánh, lóng, phú la, hạt.[74]
- Củ: như loại ha-lê-đà, củ gừng, ưu-thi-la, mậu-tha-trí-tra, lư-kiệnđà-lâu và các loại củ khác có thể sanh ra mầm cây.[75]
- Nhánh: như loại liễu, xá-ma-la, bà-hê-tha[76] và các loại nhánh khác có thể sanh ra cây con.
- Lóng: như loại hoa tô-man-na, tô-la-bà, bồ-hê-na, la-lặc-liệu[77] và các loài từ lóng khác có khả năng sanh ra cây.
- Phú la:[78] như loại cây mía, tre, lau, củ ngó[79] và các loại phú-la khác có thể sanh ra cây.
- Hạt: như các loại hột sinh ra cây.
Các loài đang có sự sống hay tưởng đang có sự sống, tự mình cắt đứt sự sống, hoặc sai người khác chặt đứt sự sống, hoặc tự tay sao, hoặc sai người sao, hoặc tự tay nấu, hoặc sai người nấu, ba-dật-đề.
Nếu nghi đang có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống; tự mình sao, sai người sao, tự tay nấu, sai người nấu, đột-kiết-la.
Đang có sự sống tưởng là chẳng có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, đột-kiết-la.
Chẳng có sự sống tưởng là có sự sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, cũng phạm đột-kiết-la.
Chẳng có sự sống mà nghi, tự tay chặt đứt, [642a1] sai người chặt đứt sự sống, cho đến nấu, cũng phạm đột-kiết-la.
Cỏ cây bảy thứ sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, xanh nhạt, tía. Cây cỏ đang tươi sống khởi lên ý nghĩ cây cỏ tươi sống, tự tay chặt đứt, sai người chặt đứt, cho đến nấu, ba-dật-đề.
Nghi là cây cỏ đang tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, ba-dật-đề. Cây cỏ đang tươi sống tưởng chẳng phải cây cỏ tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la.
Chẳng phải cây cỏ đang tươi sống tưởng là cây cỏ tươi sống, tự mình chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la. Nghi là chẳng phải cây cỏ đang tươi sống, tự tay chặt, sai người chặt, cho đến nấu, đột-kiết-la.
Đóng nọc trên cây, ba-dật-đề. Dùng lửa đốt trên cây cỏ đang tươi sống, ba-dật-đề. Chặt cây cỏ đa phần đang tươi sống, ba-dật-đề. Chặt cây cỏ phân nửa khô, phân nửa đang tươi sống, đột-kiết-la. Nếu không nói: ‘Xem cái này, biết cái này!’ đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có nói, ‘Xem đây, biết đây!’ Nếu chặt cây cỏ khô héo vì dọn rào dậu, dẹp đá gạch nên kéo cành tre, cày trên cỏ cây tươi sống; hoặc vì lấy phân, hoặc cỏ bò lấp đường dùng gậy vẹt cho trống để đi; hoặc dùng gạch đá làm trụ mà thương tổn đến cây cỏ; hoặc dọn đất đi kinh hành; hoặc quét chỗ thường đi tới đi lui; hoặc nhầm cỏ cây sống mà chặt, hoặc dùng cây gậy chống xuống đất mà cây cỏ bị đứt tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà[81] phạm tội. Các tỳ-kheo hỏi:
“Thầy có tự biết là mình phạm tội không?”
Xiển-đà đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo: “Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội.
Sao nói tôi có tội?”
Các tỳ-kheo nghe như vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm tỳ-kheo Xiển-đà: “Tại sao thầy tự biết phạm tội, mà khi các tỳ-kheo hỏi, lại đem các việc khác để trả lời với các tỳ-kheo, rằng: ‘Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội. [642b] Sao nói tôi có tội?’”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà tỳ-kheo, tại sao ông phạm tội, khi các tỳ-kheo hỏi: ‘Thầy tự biết có tội không?’ Ông lại đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo rằng: ‘Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội, sao nói tôi có tội?’”
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép Tăng tác bạch rồi nên gọi đương sự làm pháp dư ngữ.[82] Nên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Các tỳ-kheo hỏi, ‘Thầy có tự biết là mình phạm tội không?’ Xiển-đà đem những việc khác để trả lời với các tỳ-kheo, ‘Thầy nói với ai vậy? Nói chuyện gì? Luận bàn về lý lẽ gì? Nói với tôi hay nói với ai? Ai phạm tội vậy? Tội do đâu sanh? Tôi không thấy tội, sao nói tôi có tội?’ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sẽ gọi Xiểnđà tỳ-kheo đến làm pháp dư ngữ. Đây là lời tác bạch.”[83]
“Tác bạch như vậy gọi là pháp dư ngữ.”
“Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói dư ngữ, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy.
Bấy giờ Tôn giả tỳ-kheo Xiển-đà bị chúng Tăng cấm chế không được nói dư ngữ, sau đó lại gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến;[84] nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói.
Các tỳ-kheo nghe vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm Xiển-đà tỳ-kheo: “Tại sao sau khi chúng Tăng tác pháp dư ngữ rồi lại cố ý gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách [642c] tỳ-kheo Xiển Đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà tỳ-kheo, tại sao sau khi chúng Tăng chế cấm tác pháp dư ngữ, rồi lại cố ý gây phiền nhiễu chúng Tăng bằng cách kêu đến thì không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, cho phép Tăng tác bạch rồi, gọi tỳ-kheo Xiển-đà đến tác pháp xúc não[85] như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Xiển-đà, Tăng gọi đến tác pháp dư ngữ rồi lại xúc não chúng Tăng bằng cách kêu đến không đến, không kêu lại đến; nên đứng lên không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói không nói, không nên nói lại nói.[86] Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chế cấm tỳ-kheo Xiển-đà gọi là tác pháp xúc não. Đây là lời tác bạch.”
“Bạch như vậy rồi, gọi là tác pháp xúc não.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói dư ngữ và gây phiền nhiễu người khác, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Dư ngữ:[87] Tăng chưa tác bạch mà nói lãng, như nói, “Thầy nói với ai? Nói chuyện gì? Bàn luận chuyện gì? Nói với tôi hay nói với ai? Tôi không thấy tội này.” Nói như vậy đều phạm đột-kiết-la. Nếu tác bạch rồi mà nói như vậy, tất cả đều phạm ba-dật-đề.
Gây phiền nhiễu:[88] Nếu trước khi tác bạch, gọi đến thì không đến, không gọi mà đến; nên đứng lên thì không đứng lên, không nên đứng lên lại đứng lên; nên nói thì không nói, không nên nói lại nói; tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu bạch rồi mà nói như vậy, tất cả đều phạm ba-dật-đề. Nếu Thượng tọa kêu đến mà không đến, phạm đột-kiết-la.[89]
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nghe lại lời nói trước không hiểu vì có sự mập mờ, cho nên hỏi lại: “Thầy nói với ai?.. cho đến, Tôi không thấy tội này.”
Nếu vì sự tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, [643a1] muốn làm yết-ma không lợi ích, không đem lại sự hòa hợp, khi ấy gọi đến mà không đến, thì không phạm.
Nếu vì sự tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, muốn làm yết-ma không lợi ích, khi ấy muốn biết lời dạy, tuy bảo đừng đến, mình lại đến, thì không phạm.
Hoặc nhất tọa thực, hoặc không tác pháp dư thực mà ăn, hoặc bệnh, tuy được bảo đứng lên mà không đứng lên, vẫn không phạm.
Hoặc nhà bị sập đổ, hoặc bị cháy, hoặc rắn độc vào nhà, hoặc gặp giặc, hoặc hổ lang, sư tử, hoặc bị cường lực bắt dẫn đi, hoặc bị người khác trói, hoặc mạng nạn, hoặc phạm hạnh nạn; tuy bảo đừng đứng lên mà đứng lên, thì không phạm.
Hoặc được người hỏi với ác tâm, hoặc hỏi pháp thượng nhân, bảo, “Thầy hãy nói điều này”; khi ấy không nói vẫn không phạm.
Hoặc khi tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tỳ-ni; hoặc Tăng, hoặc chùa tháp, hoặc Hòa thượng, đồng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, hoặc tri thức quen biết cũ, muốn làm yết-ma không lợi ích; khi ấy bảo đừng nói mà nói, không phạm.
Hoặc nói nhỏ, hoặc nói vội vàng, hoặc nói trong mộng, hoặc nói một mình, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc kia thì không phạm.
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt.
Bấy giờ, tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử[91] được Tăng sai phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và thỉnh Tăng đi thọ thực. Khi ấy, các tỳ-kheo Từ và Địa,[92] đứng nơi khoảng cách Tôn giả trong tầm mắt thấy mà tai không nghe, cùng nhau bàn nói: “Đạp-bà-ma-la Tử có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.”
Các tỳ-kheo nói: “Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực. Các thầy chớ nên nói tôn giả là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.”
Tỳ-kheo Từ và Địa trả lời:
“Chúng tôi không nói trước mặt mà cơ hiềm nơi chỗ khất kín.”[93] Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Từ, Địa:
“Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực. Sao các thầy lại nói Tôn giả là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Từ, Địa:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thế nào, tỳ-kheo Từ, Địa, Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực; [643b] sao các ngươi lại nói ông ấy là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ, Địa rồi bảo các tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo Từ, Địa này là người ngu si, trồng nhiều giống hữu lậu, lần đầu tiên phạm giới này.[94] Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, chánh pháp cửu trú.”
Muốn nói giới, nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào biếm nhẽ, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Các tỳ-kheo Từ, Địa sau đó lại tạo phương tiện khác. Ở chỗ Đạp-bà-ma-la Tử mà nghe nhưng không thấy, họ nói với nhau: “Đạp-bà-ma-la Tử này là người có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.” Các tỳ-kheo nói với Từ, Địa rằng:
“Phật há đã không chế giới rằng, biếm nhẽ[95] là phạm Ba-dật-đề hay sao?” Tỳ-kheo Từ, Địa trả lời:
“Chúng tôi không biếm nhẽ, mà là mạ lị.”[96]
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, chỉ trích tỳ-kheo Từ, Địa rằng:
“Tôn giả Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực, sao các thầy lại mạ lị tôn giả? “
Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Từ, Địa:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đạp-bà-ma-la Tử này được chúng giao phụ trách việc phân phối ngọa cụ cho Tăng và mời Tăng đi thọ thực, sao các ông lại mạ lị.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Từ, Địa rồi bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, Ta vì các Tỳ-kheo kết giới:
Tỳ-kheo nào, biếm nhẽ và mắng chửi, ba-dật-đề.[97]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Hoặc biếm nhẽ trước mặt, hoặc mạ lị sau lưng.
- Biếm nhẽ trước mặt: là đứng nơi địa điểm có thể thấy mà không nghe, mà nói “có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.” - Mạ lị sau lưng: là đứng nơi chỗ tai có thể nghe, mắt không thấy, mà nói “có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.” Tỳ-kheo chê bai và mắng chửi tỳ-kheo, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng đột-kiết-la. Nếu Thượng tọa bảo người chê bai và mắng chửi, nếu nhận lời chê bai và mắng chửi, thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: người kia thật có việc như vậy, tức là có thiên vị, có giận hờn, [643c] có sợ hãi, có bất minh. Sợ sau đó có sự hối hận nên nói để khiến như pháp mà phát lồ; khi ấy nói, “có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh”, thì không phạm. Hoặc nói vui chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nhầm nói việc khác thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả muốn thỉnh chúng Tăng dùng cơm. Trong thời gian chờ đợi cho đến giờ ăn, lúc ấy có nhóm mười bảy tỳ-kheo mang tọa cụ của Tăng đem trải nơi đất trống, rồi kinh hành, chờ đến giờ ăn. Khi đến giờ, không thu dọn tọa cụ của Tăng, liền đến chỗ mời ăn, nên tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch.
Các tỳ-kheo thọ thực xong trở về trong Tăng-già-lam, thấy tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, ô uế không sạch, liền hỏi rằng:
“Ai đã trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, khiến gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?” Chư Tăng nói:
“Nhóm mười bảy tỳ-kheo đó trải.”
Trong số các tỳ-kheo nghe chuyện, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm mười bảy tỳ-kheo:
“Sao các ông trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, để gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch thế này?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông mang tọa cụ của Tăng trải mà bỏ đi không thu dọn, gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, mang giường dây, giường gỗ, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi[99] của Tăng, bày nơi đất trống hoặc bảo người bày, khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không sai người dọn cất, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vật của chúng Tăng, dành cho Tăng, thuộc về Tăng.
- Vật của Tăng: vật đã xả [644a1] cho Tăng.
- Vật dành cho Tăng: vật vì Tăng mà làm nhưng chưa xả cho Tăng.
- Vật thuộc về Tăng: vật đã nhập vào Tăng, đã xả cho Tăng. Giường dây:[100] có năm loại, giường nằm chân xoay, giường nằm chân thẳng, giường nằm chân cong, giường nằm ráp mộng, giường nằm không có chân.
Giường gỗ:[101] cũng như vậy.
Ngọa cụ: hoặc dùng để ngồi, hoặc dùng để nằm.
Đệm: dùng để ngồi.
Nếu tỳ-kheo đem giường nằm, ghế ngồi, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng bày nơi đất trống, hoặc bảo người bày; khi đi, nếu ở đó có cựu trú tỳ-kheo hoặc Ma-ma-đế,[102] hoặc người quản sự,[103] nên nói, “Nay tôi giao cho ông. Ông coi sóc giữ gìn cho.” Nếu không có người nào thì phải dọn cất nơi chỗ vắng rồi đi. Nếu không có chỗ vắng, mà tự biết chỗ đó không bị phá hoại, được an ổn, thì lấy cái thô (xấu) phủ lên trên cái tốt rồi đi. Nếu đi rồi về lại liền thì đi. Nếu mưa gấp về gấp, tọa cụ không bị hư hoại thì nên đi. Nếu mưa vừa, về lại kịp thì nên đi. Nếu mưa lâm râm đi một chút về kịp thì nên đi. Vị Tỳ-kheo kia nên tuần tự làm theo phương tiện như vậy rồi đi. Không theo phương tiện như vậy mà đi; khi bắt đầu ra khỏi cửa, ba-dật-đề. Nếu một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, ý muốn đi mà không đi lại hối hận, tất cả đều đột-kiết-la.
Nếu hai người cùng ngồi trên giường nằm, ghế ngồi, vị hạ tọa phải thu dọn rồi đi. Hạ tọa nếu có ý nghĩ là để Thượng tọa dọn cất, nhưng cuối cùng Thượng tọa không dọn cất thì hạ tọa phạm ba-dậtđề và còn trái với oai nghi nên phạm thêm đột-kiết-la. Thượng tọa có ý nghĩ là để hạ tọa dọn cất, hạ tọa không dọn cất thì Thượng tọa phạm ba-dật-đề.
Nếu hai người đồng đi một lượt, không ai trước ai sau mà không dọn cất thì cả hai đều phạm ba-dật-đề.
Ngoài ra cho đến giường dây, giường nằm, ghế ngồi, ghế dựa để tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, hoặc lấy dây buộc bằng lông hay dây gai bỏ nơi đất không thu dọn mà bỏ đi, tất cả phạm đột-kiết-la.
Nếu trải ngọa cụ của Tăng nơi đất, không thu dọn mà vào phòng ngồi tư duy cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu lấy giường dây, giường cây, ghế ngồi hoặc ghế dựa, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng, tự mình bày nơi đất, hoặc sai người bày, khi đi có nói với vị cựu trú, hoặc Ma-ma-đế, người quản sự, giữ gìn vật này thu dọn giúp.
Nếu không có ai thì thu xếp nơi chỗ vắng [644b] rồi đi. Nếu không có chỗ vắng an toàn mà tự mình biết chỗ nào đó không bị quên mất, không sợ hư nát thì dùng vật thô phủ lên trên vật tế mà đi.
Nếu đi rồi trở về liền, hoặc gặp mưa to gió lớn, đi gấp về gấp được, hoặc mưa vừa vừa, vừa đi vừa trở về, hoặc mưa lâm râm đi thong thả trở về kịp, theo thứ tự phương tiện rồi đi thì không phạm.
Hoặc bị thế lực trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không làm theo thứ tự như vậy, thì không phạm. Hoặc hai người cùng ngồi trên một giường dây, vị hạ tọa thu dọn.
Ngoài ra cho đến các loại giường không khác như giường gỗ, giường dây, ghế ngồi, ghế dựa, ghế ngồi tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, dây buộc lông mịn, bỏ nơi đất thu dọn mà đi.
Hoặc nơi đất trống trải tọa cụ của Tăng, thu dọn rồi vào phòng tư duy thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có vị tỳ-kheo khách nói với các vị tỳ-kheo cựu trú rằng:
“Tôi trải ngọa cụ trong phòng của Tăng kế bên để nghỉ.”
Sau đó, không nói với vị tỳ-kheo cựu trú mà đi. Ngọa cụ của Tăng bị hư mục, trùng kiến cắn biến sắc. Trong những lúc tiểu thực, đại thực, nói pháp ban đêm, nói giới, vị cựu trú tỳ-kheo không thấy vị khách tỳ-kheo có mặt, nên vị tỳ-kheo cựu trú nghĩ: “Sao không thấy vị tỳ-kheo khách? Phải chăng vị ấy qua đời, hoặc đi xa, hoặc trả lại giới để làm bạch y, hoặc bị cướp bắt, hoặc bị ác thú ăn, hoặc bị nước trôi?” Vị cựu trú liền đến phòng đó, thấy ngọa cụ của chúng Tăng bị hư mục, trùng kiến cắn biến sắc. Thấy như vậy rồi, vị cựu trú hiềm trách vị tỳ-kheo khách kia rằng:
“Sao tỳ-kheo khách nói với tôi là dùng ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với tôi, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?” Trong số các tỳ-kheo nghe, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm tỳ-kheo khách kia rằng:
“Sao khách tỳ-kheo nói với cựu trú tỳ-kheo là lấy ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với tôi, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo khách:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, [644c] chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông ta bày ngọa cụ của chúng Tăng trải trong phòng kế bên để ngủ, khi ra đi lại không nói với cựu trú tỳ-kheo, khiến cho tọa cụ của chúng Tăng bị trùng kiến cắn phá biến sắc hư mục?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo khách, rồi bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ở trong phòng của Tăng, trải ngọa cụ của Tăng, hoặc tự mình trải, hoặc bảo người trải, hoặc ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự dọn cất, không bảo người dọn cất, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vật của chúng Tăng: như trước đã nói.
Ngọa cụ, giường nằm, ghế ngồi, đệm nằm, tọa cụ, gối, đồ trải dưới đất, cho đến đồ nằm bằng lông, mà tỳ-kheo kia nếu muốn trải ngọa cụ của chúng Tăng trong phòng của Tăng, hoặc tự mình trải, bảo người trải, hoặc ngồi, hoặc nằm, khi đi không tự dọn cất, không sai người dọn cất. Trong đó, nếu có cựu trú tỳ-kheo, có người kinh doanh, hoặc Ma-ma-đế, nên nói, “Dọn cất giùm tôi.” Trong trường hợp không có người để giao phó mà không sợ mất, nên di chuyển giường ra cách vách, kê chân giường lên cao, đem gối, nệm, ngọa cụ để bên trong, rồi lấy ngọa cụ khác phủ lên trên mà đi. Nếu sợ bị hư hoại thì nên lấy ngọa cụ, nệm kết lông, gối, máng, lên trên giá móc áo, dựng đứng giường lên mà đi. Tỳ-kheo kia nên làm như vậy rồi mới đi. Nếu không làm như vậy mà đi, ra ngoài giới, phạm ba-dật-đề.
Một chân ngoài giới, một chân trong giới, rồi ăn năn không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tính đi mà không đi, đột-kiết-la. Nếu đi rồi về liền, hoặc hai đêm ở ngoài giới, đến đêm thứ ba, bình minh chưa xuất hiện, hoặc tự mình về trong phòng, hoặc sai người đến, hoặc nói với Ma-ma-đế, hoặc vị tri sự rằng, “Thầy coi chừng vật này.” Nếu tỳ-kheo đi ra, ngủ ngoài giới hai đêm, đến đêm thứ ba khi bình minh chưa xuất hiện, không tự mình về trong phòng, không sai người nói: “Thầy coi chừng vật này”, phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu tự tay trải ngọa cụ của chúng Tăng, hoặc sai người trải để ngồi hoặc nằm. Khi đi nơi đó có cựu trú tỳ-kheo hoặc Ma-ma-đế, hoặc vị tri sự, [645a1] nói rằng: “Thầy coi chừng vật này; ở trong đây mà làm Ma-ma-đế.” Nếu không có người để giao phó mà đoán biết không bị hư hại thì dời giường cách vách, đem ngọa cụ gối, nệm để lên trên giường, phủ hai lớp rồi đi. Nếu sợ bị hư hoại thì nên đem ngọa cụ máng trên giá y, dựng đứng giường lên rồi đi, làm như vậy rồi đi thì không phạm.
Nếu phòng xá bị sập đổ, lửa cháy, rắn độc ở bên trong, trộm cướp, hổ lang, sư tử, kẻ có cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc không lâu sẽ trở ngại, hoặc ngủ ngoài giới hai đêm, đến đêm thứ ba, bình minh chưa xuất hiện, tự mình về hoặc sai người nói với cựu trú tỳ-kheo, “Thầy coi chừng vật này mà làm Ma-ma-đế.” Hoặc bị thủy đạo trở ngại, hoặc trên tuyến đường có giặc cướp, hổ lang, sư tử, hoặc nước lụt, bị kẻ thế lực cầm giữ, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, mà hai đêm ở ngoài giới, đến đêm thứ ba, bình minh đã xuất hiện tự mình không đến được, không thể sai người đến nói:
“Thầy coi chừng vật này mà làm Ma-ma-đế giùm tôi. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo[106] và nhóm mười bảy tỳ-kheo ở tại nước Câu-tát-la, trên tuyến đường đi đến nơi tụ lạc khác, nơi đó không có trú xứ của tỳ-kheo. Lúc này, nhóm mười bảy tỳ-kheo nói với nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Các thầy hãy đi trước tìm chỗ nghỉ ngơi.” Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng:
“Các ông tự đi tìm. Chúng tôi dính gì đến việc các ông?”
Nhóm sáu tỳ-kheo là bậc Thượng tọa của nhóm mười bảy tỳ-kheo, nên nhóm mười bảy mới thưa với nhóm sáu tỳ-kheo như vầy:
“Các thầy là Thượng tọa đối với chúng con. Thượng tọa nên tìm nơi nghỉ trước. Chúng con sẽ tìm sau.” Nhóm sáu tỳ-kheo bảo:
“Các ông hãy đi. Chúng tôi không cần tìm chỗ nghỉ.”
Lúc ấy, nhóm mười bảy tỳ-kheo liền đi tìm nơi để nghỉ. Tìm xong, tự trải ngọa cụ nghỉ ngơi. Nhóm sáu tỳ-kheo biết nhóm mười bảy tỳ-kheo đã tìm ra được chỗ nghỉ và đã trải ngọa cụ rồi, đến bảo rằng:
“Các ông đứng lên. Phải theo thứ tự lớn nhỏ mà nghỉ ngơi.” Nhóm mười bảy nói:
“Chúng con không thể đứng lên để nhường cho các thầy được.” Nhóm sáu hỏi rằng:
“Các ông nay bao nhiêu tuổi?”
Nhóm mười bảy thưa: “Các trưởng lão thật sự là bậc Thượng tọa của chúng con. Trước đây, chúng con đã thưa với các trưởng lão là đi tìm nơi nghỉ ngơi trước. [645b] Sau đó, chúng con sẽ tìm chỗ nghỉ ngơi. Nay chúng con tìm rồi, không thể nào dời đi được.” Khi ấy nhóm sáu tỳ-kheo cưỡng bức, trải tọa cụ vào giữa để ngủ. Nhóm mười bảy tỳ-kheo lớn tiếng la rằng:
“Chư tôn đừng làm vậy! Chư tôn đừng làm vậy! “
Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe được. Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao nhóm mười bảy tỳ-kheo tìm chỗ nghỉ trước, các thầy đến sau lại cưỡng bức trải ngọa cụ vào giữa để ngủ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao nhóm mười bảy tỳ-kheo tìm chỗ nghỉ trước, các thầy đến sau lại cưỡng bức trải ngọa cụ vào giữa để ngủ?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi chỗ nghỉ của tỳ-kheo đã đến trước, mình đến sau cố chen vào khoảng giữa trải ngọa cụ để nghỉ, với ý nghĩ rằng: ‘Người kia nếu hiềm chật thì tự tránh đi nơi khác;’ hành động với nhân duyên như vậy chứ không gì khác, chẳng phải oai nghi, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo không biết trước đó chỗ này đã có vị nào tìm nghỉ hay chưa tìm nghỉ, sau đó mới biết là có người tìm trước, nên tác pháp sám hối ba-dật-đề, hoặc có ý dè dặt. Phật dạy:
“Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đã biết đó là chỗ nghỉ của tỳ-kheo đến trước, mình đến sau cố chen vào khoảng giữa trải ngọa cụ để nghỉ, với ý nghĩ rằng: ‘Người kia nếu hiềm chật thì tự tránh đi nơi khác;’ hành động với nhân duyên như vậy chứ không gì khác, chẳng phải oai nghi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Khoảng giữa: tức một bên đầu, một bên chân hay một bên của hai bên hông.
Ngọa cụ: trải cỏ, trải lá lên mặt đất, trải dạ để nằm.
Tỳ-kheo nào đã biết tỳ-kheo khác chọn chỗ nghỉ rồi, mình đến sau cố chen vào giữa trải ngọa cụ để nghỉ; tùy theo mỗi lần trở mình, [645c] hông dính giường, phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước không biết, hoặc nói với người nằm trước, hoặc cửa mở, hoặc nơi rộng rãi không trở ngại, hoặc có người thân cũ. Người thân cũ nói rằng:
“Cứ trải bên trong ngủ đi. Tôi sẽ nói với người chủ cho.” Hoặc bị té xuống đất, hoặc bị bệnh xoay chuyển ngã lên trên. Hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo và nhóm mười bảy tỳ-kheo từ thị trấn Khoáng dã nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một trú xứ nhỏ.[108] Lúc ấy, nhóm mười bảy tỳ-kheo nói với nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Quý trưởng lão tìm nơi trải ngọa cụ trước đi.” Nhóm sáu bảo:
“Các ông cứ tự đi! Chúng tôi dính gì đến việc các ông?”
Nhóm sáu tỳ-kheo là bậc Thượng tọa đối với nhóm mười bảy tỳ-kheo, do vậy nhóm mười bảy thưa:
“Quý trưởng lão là bậc Thượng tọa của chúng con. Quý ngài nên đi trải ngọa cụ trước, chúng con sẽ trải sau.”
Nhóm sáu nói rằng:“Các ông cứ đi. Chúng tôi không trải.”
Nhóm mười bảy tỳ-kheo thích sạch sẽ, vào chùa quét phòng xá cho sạch, trải ngọa cụ tốt, ngủ nghỉ ở đó.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo biết nhóm mười bảy tỳ-kheo đã vào chùa quét dọn phòng xá sạch sẽ, trải ngọa cụ tốt rồi, liền vào phòng nói rằng:
“Trưởng lão, hãy đứng dậy. Theo thứ tự mà ngồi.” Nhóm mười bảy tỳ-kheo thưa rằng:
“Chúng con không dậy.” Nhóm sáu tỳ-kheo liền hỏi:
“Các ông nay bao nhiêu tuổi?”
Nhóm mười bảy tỳ-kheo thưa:
“Quý trưởng lão thật sự là bậc Thượng tọa đối với chúng con. Nhưng trước đây chúng con đã thưa, chư Thượng tọa hãy trải ngọa cụ trước. Chúng con theo thứ lớp sẽ trải sau. Nay chúng con đã ngồi rồi; không thể dậy được. Lúc này trời đã tối rồi, tất cả nên cùng ngủ đi.”
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo với ý giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng. Nhóm mười bảy tỳ-kheo cao giọng kêu la:
“Chư hiền, đừng làm vậy! Chư hiền, đừng làm vậy!” Lúc ấy, có tỳ-kheo phòng gần nghe, liền hỏi:
“Các thầy cớ gì kêu to tiếng như vậy?”
Nhóm mười bảy tỳ-kheo trình bày đầy đủ sự việc. Trong số người nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các ngài giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng của Tăng?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ [646a1] dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, tại sao các ông giận, không vui, dùng sức mạnh xô kéo nhóm mười bảy tỳ-kheo, đuổi họ ra khỏi phòng của Tăng?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, giận tỳ-kheo khác, không vui, tự mình kéo ra hay bảo người khác kéo tỳ-kheo ấy ra khỏi Tăng phòng,[109] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tăng phòng: cũng như trước.
Tỳ-kheo nào giận tỳ-kheo khác, không vui, tự mình kéo hoặc bảo người kéo tỳ-kheo ấy ra khỏi phòng Tăng, tùy theo sự lôi kéo nhiều hay ít, tùy thuộc vào việc ra khỏi phòng, ba-dật-đề. Hoặc kéo nhiều người ra khỏi nhiều cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo nhiều người ra một cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo một người ra nhiều cửa, phạm nhiều ba-dật-đề. Hoặc kéo một người ra khỏi một cửa, phạm một ba-dật-đề. Nếu cầm đồ của người khác ra ngoài, phạm đột-kiết-la. Hoặc cầm đồ của người khác quăng ra ngoài cửa, phạm đột-kiết-la. Hoặc đóng cửa để người ở ngoài, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không có tâm giận hờn, đi ra theo thứ tự; hoặc cùng ngủ hai đêm, đến đêm thứ ba bảo người chưa thọ giới đi ra; hoặc vì người phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc vì người bị cử tội, hoặc vì người bị tẫn, hoặc đang bị tẫn, vì những nhân duyên như vậy, hay có mạng nạn, phạm hạnh nạn, đuổi hạng người như vậy thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo ở trên lầu gác,[111] ngồi trên giường chân ráp,[112] không được an toàn lắm, phía dưới gác có tỳ-kheo đang ngủ. Vì sàn gác mỏng nên chân giường bị sút, rơi xuống trúng tỳ-kheo bên dưới bị thương đến chảy máu. Tỳ-kheo bên dưới ngửa mặt lên giận dữ mắng:
“Tỳ-kheo gì mà ở tầng gác trên, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến cho giường sút chân, [646b] đả thương thân tôi đến nỗi chảy máu?”
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, “Sao tỳ-kheo ở trên tầng gác, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến chân giường sút ra, rơi trúng thân hình của tỳ-kheo kia làm bị thương đến chảy máu?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia rằng:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo ở trên tầng gác, ngồi trên giường chân ráp không an toàn khiến chân giường sút ra, rớt trúng thân hình của tỳ-kheo kia làm bị thương đến chảy máu?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, hoặc trong phòng, hoặc trên tầng gác, nằm hay ngồi [113] trên giường, ghế bằng chân ráp, ba-dật đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhà:[114] chỉ cho phòng Tăng hay phòng riêng.
Tầng gác:[115] người đứng dưới không đụng đầu.
Giường chân ráp: loại giường chân giáp vào lỗ mộng.
Tỳ-kheo ở trên tầng gác, hoặc ngồi hay nằm trên giường chân ráp, tùy thuộc vào hông dính nơi giường, hay tùy theo sự trở mình, phạm ba-dật-đề. Trừ giường chân ráp ra, hoặc giường độc tọa,[116] hoặc giường một tấm ván, hoặc giường tắm,[117] tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu ngồi giường chân xoay, giường chân thẳng, giường chân cong, giường không chân, hoặc giường chân lớn, hoặc giường chân ráp mà có buộc cẩn thận, hoặc trên tầng gác có ván lót, hoặc cây chạm hoa để che, hoặc phủ dày, hoặc lật ngửa giường mà ngồi hay tháo chân giường mà ngồi, tất cả không phạm. Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa kết giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di.[119] Bấy giờ có tỳ-kheo Xiển-đà[120] xây cất nhà lớn,[121] tự mình lấy nước có trùng hòa vào bùn, và bảo người hòa. Các trưởng giả thấy thế hiềm trách rằng, “Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không có từ tâm, [646c] hại mạng chúng sanh. Bên ngoài tự nói, ta tu chánh pháp, nếu nhìn vào việc hiện tại thì đó có chi gọi là chánh pháp? Dùng nước có trùng hòa vào bùn, và bảo người hòa, hại mạng chúng sanh.”
Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng: “Sao xây cất phòng ốc, lấy nước có trùng hòa vào bùn, hay bảo người hòa, hại mạng chúng sanh?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Xiển-đà rằng:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển-đà! Sao xây cất phòng ốc, lấy nước có trùng hòa vào bùn, hay bảo người hòa, hại mạng chúng sanh?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà rồi bảo các tỳ-kheo: “Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự mình dùng nước có trùng hòa vào bùn, hoặc sai người hòa, ba-dật đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo trước đó chưa biết nước có trùng hay nước không có trùng, sau đó mới biết là nước có trùng, nên có vị làm pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị vì dè dặt. Phật dạy: “Không biết, không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng, mà tự mình rưới lên bùn hoặc cỏ, [122] hoặc bảo người rưới, ba-dật đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nếu biết nước có trùng, mà dùng cỏ hay đất ném vào trong đó, ba-dật-đề. Ngoài nước ra, nếu nước trái cây, nước trái cây trong,[123] trong dấm, trong nước ngâm gạo mà có trùng, tự mình hoặc bảo người tưới lên bùn hoặc cỏ, ba-dật-đề.
Nếu tự mình hoặc bảo người dùng đất hoặc cỏ bỏ vào nước trái cây, nước trái cây trong, dấm, nước ngâm gạo mà có trùng, ba-dậtđề.
Nếu nước có trùng, tưởng là nước có trùng, ba-dật-đề. Nước có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Nước không có trùng, tưởng là nước có trùng, đột-kiết-la. Nước không có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không biết là có trùng; nghĩ rằng không có trùng; hoặc là trùng lớn, dùng tay khua động khiến cho nó tránh đi; hoặc là nước đã lọc tưới đất, hoặc sai người tưới; tất cả đều [647a1] không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Tôn giả Xiển-đà tỳ-kheo xây cất phòng xá lớn,[125] cỏ lợp còn dư, lợp thêm, lợp đến lớp thứ ba rồi mà vẫn còn dư. Khi ấy Xiển-đà có ý nghĩ rằng: “Ta không thể thường xuyên đến nơi đàn-việt cầu xin cỏ.” Bèn tiếp tục lợp mãi, cho đến lúc (không chịu được nổi), nhà bị sập. Các cư sĩ thấy thế chê trách: “Sa-môn Thích tử không biết tàm quý nên cầu xin không chán. Bên ngoài tự xưng rằng, ta biết chánh pháp. Như nay xem ra thì có gì là chánh pháp? Làm phòng xá lớn, lợp mãi không thôi, đến nỗi nhà bị sập. Dù đàn-việt muốn cho, nhưng người nhận phải biết đủ chứ!”
Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Xiển-đà: “Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển Đà! Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Xiển-đà tỳ-kheo, kẻ ngu si này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ và các thứ trang trí,[126] chỉ dẫn lợp[127] tranh ngang bằng hai, ba lớp;[128] nếu lợp quá, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Phòng xá lớn:[129] là nhà dùng nhiều vật liệu.
Các thứ trang trí khác: tức là chạm trổ, vẽ vời.
Lợp:[130] có hai loại, lợp bề dọc, lợp bề ngang.
Tỳ-kheo kia chỉ dẫn lợp hai lớp rồi, khi lớp thứ ba chưa xong, nên đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe. Nếu lợp hai lớp rồi, lớp thứ ba chưa xong mà tỳ-kheo không đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe, khi lớp thứ ba lợp xong, phạm ba-dật-đề. Nếu bỏ chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, bỏ chỗ mắt thấy, đến chỗ tai nghe, [647b] tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: chỉ bảo lợp lớp thứ hai xong, lớp thứ ba lợp chưa xong bèn đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe. Nếu đường bộ, đường thủy bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; chỉ bảo lợp xong lớp thứ hai đến lớp thứ ba chưa xong, khi ấy không đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe; tất cả đều không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ cùng với đại chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị. Các ngài hạ an cư ở đó. Họ đều là những vị nổi tiếng như Tôn giả Xá-lợiphất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Đại
Ca-chiên-diên, Tôn giả Kiếp-tân-na, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, Tôn giả Ma-ha Châu-na, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Ly-việt, Tôn giả A-nan, Tôn giả Nan-đà, Tôn giả Na-đề cùng với năm trăm vị như vậy.
Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo, tỳ-kheo-ni Sai-ma, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc, tỳ-kheo-ni Đề-xá Cù-đàm-di, tỳ-kheo-ni Ba-lê-giála-di, tỳ-kheo-ni Tố-di, tỳ-kheo-ni Sổ-na, tỳ-kheo-ni Tô-la, tỳ-kheo-ni Giá-la-di, tỳ-kheo-ni Bà-giá-la, tỳ-kheo-ni Thi-la-bà-giána, tỳ-kheo-ni A-la-bà, tỳ-kheo-ni Ma-la-tỳ, tỳ-kheo-ni Châu-nể, tỳ-kheo-ni Bà-nể. Cùng năm trăm tỳ-kheo-ni như vậy; Đại Ái Đạo là vị đứng đầu. Tất cả đều an cư trong vườn vua,[132] nước Xá-vệ.
Lúc bấy giờ, Đại Ái Đạo[133] đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi, Đại Ái Đạo bạch đức Thế Tôn rằng:
“Cúi xin đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo thuyết pháp giáo giới cho chúng tỳ-kheo-ni.”
Đức Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di rằng:
“Từ nay cho phép các tỳ-kheo thuyết pháp giáo giới cho tỳ-kheo-ni.”
Đại Ái Đạo đảnh lễ dưới chân Phật rồi cáo lui. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A-nan rằng:
“Từ nay trở đi, Ta cho phép theo thứ lớp mà sai Thượng tọa đại tỳ-kheo giáo giới cho tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ.”
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe đức Phật dạy rồi, liền đến chỗ tỳ-kheo Ban-đà[134] thưa rằng:
“Trưởng lão, ngài đi giáo giới và thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni.” [647c] Ban-đà nói với A-nan rằng:
“Tôi chỉ tụng được một bài kệ. Làm sao giáo giới tỳ-kheo-ni? Làm sao thuyết pháp?”
Tôn giả A-nan lại nói với Ban-đà:
“Trưởng lão, ngài đi giáo giới và thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni.” Ban-đà lại bảo A-nan rằng:
“Tôi chỉ tụng được một bài kệ. Làm sao giáo giới tỳ-kheo-ni? Làm sao thuyết pháp?”
Lần thứ ba, Tôn giả A-nan lại thưa với Ban-đà rằng:
“Đức Thế Tôn có dạy, sai tỳ-kheo bậc Thượng tọa giáo giới tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ. Vậy trưởng lão nên giáo giới tỳ-kheo-ni và thuyết pháp cho họ.”
Lúc ấy, Tôn giả Ban-đà im lặng vâng lời Phật.
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni khi nghe tin Tôn giả Ban-đà tỳ-kheo theo thứ tự ngày mai sẽ đến giáo thọ; họ nói với nhau, “Ban-đà ngu ám này, chỉ tụng được một bài kệ. Tụng xong chắc chắn sẽ nín thinh. Còn gì để nói nữa?”
Sáng sớm hôm đó, Tôn giả Ban-đà khoác y, bưng bát, vào thành Xá-vệ khất thực; rồi trở về trong Tăng-già-lam, sửa lại y phục, dẫn theo một tỳ-kheo, đến chỗ tỳ-kheo-ni an cư trong vườn vua. Các tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Ban-đà đến, tất cả đều ra trước đón rước, có vị phủi bụi y phục, có vị bưng bát, trải tọa cụ, có vị chuẩn bị nước sạch và đồ rửa chân. Tôn giả Ban-đà liền đến chỗ ngồi an tọa. Các tỳ-kheo-ni đều sắp hàng đảnh lễ dưới chân ngài, rồi ngồi qua một bên.
Lúc bấy giờ Đại Ái Đạo bạch với Tôn giả Ban-đà rằng:
“Bây giờ chính là lúc thích hợp. Xin ngài giáo giới và thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni.”
Tôn giả Ban-đà liền nói bài kệ:
Người chứng tịch tịnh thì hoan hỷ;
Thấy pháp, được an vui.
Thế gian không sân, tối hoan lạc,
Không tổn hại chúng sanh.
Thế gian vô dục, tối an lạc,
Ra khỏi các ái dục.
Nếu điều phục ngã mạn
Ấy là lạc đệ nhất!
Tôn giả Ban-đà nói bài kệ này xong liền vào đệ tứ thiền. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng nhau trêu cợt rằng:
“Trước đây tôi đã nói lời này: ‘Ban-đà tỳ-kheo là người si, chỉ tụng được một bài kệ. Nếu đến nói cho chúng ta, thì khi nói xong bài kệ ấy rồi, có gì để nói nữa?’ Quả như lời nói, hiện tại ngài ấy đang im lặng.”
Khi ấy, các tỳ-kheo-ni La-hán nghe Ban-đà nói xong, tất cả rất vui mừng, vì biết Ban-đà [648a1] có đại thần lực. Rồi Đại Ái Đạo lại thỉnh Tôn giả Ban-đà giáo giới, thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni. Ban-đà tỳ-kheo lại cũng đọc lại bài kệ đã đọc rồi vào đệ tứ thiền trở lại, ngồi im lặng.
Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni lại cùng nhau bàn tán: “Tôn giả Banđà là người ám độn, chỉ tụng được một bài kệ. Nếu đến nói cho chúng ta, thì khi nói xong bài kệ ấy rồi, có gì để nói nữa? Quả như lời nói, hiện tại ngài ấy đang im lặng.”
Ở đây chỉ có các tỳ-kheo-ni La-hán mới biết Ban-đà là vị A-la-hán có đại thần lực. Bấy giờ, Tôn giả Ban-đà khởi lên ý nghĩ: “Nay ta nên quan sát tâm niệm của mỗi người khi nghe ta nói có hoan hỷ hay không?”
Sau khi quan sát, Tôn giả thấy tâm niệm của các tỳ-kheo-ni hoặc có người hoan hỷ, hoặc không có người hoan hỷ. Tôn giả liền nghĩ lại: “Nay ta nên làm cho họ tỏ dấu hiệu hối hận.” Tôn giả liền thăng lên hư không, hoặc hiện thân nói pháp, hoặc ẩn hình nói pháp, hoặc hiện nửa thân nói pháp, hoặc không hiện nửa thân nói pháp, hoặc từ thân tuôn ra khói lửa, hoặc không hiện như vậy. Tôn giả Ban-đà ở trong hư không vì các tỳ-kheo-ni hiện các thần biến để nói pháp rồi, liền từ hư không mà đi.
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sai người tin cậy đến nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng:
“Theo thứ tự, chúng tôi sẽ giáo giới thuyết pháp cho các tỳ-kheo-ni.”
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni liền bạch với Tăng tỳ-kheo-ni: “Theo thứ tự nhóm sáu tỳ-kheo sẽ đến giáo giới, thuyết pháp.”
Đêm đã qua, sáng sớm hôm đó, nhóm sáu tỳ-kheo khoác y, bưng bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong về lại trong Tănggià-lam, sửa soạn y phục, nhiếp trì oai nghi, đến chỗ các tỳ-kheo-ni an cư trong vườn nhà vua, an tọa nơi tòa. Khi ấy các tỳ-kheo-ni kính lễ dưới chân rồi, tất cả đều về chỗ mà ngồi.
Khi nhóm sáu tỳ-kheo giáo giới tỳ-kheo-ni, lại đem những chuyện linh tinh khác mà nói, không luận bàn đến giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; không luận bàn đến thiểu dục tri túc, sự xuất yếu, sự tấn tu, xả ly, hướng đến pháp thiện, không ở chốn náo nhiệt, luận mười hai nhân duyên; mà chỉ luận bàn câu chuyện về vua chúa, về nhân dân, về quân mã, luận về đấu tranh, chuyện về đại thần, chuyện cưỡi ngựa, chuyện phụ nữ, chuyện tràng hoa, chuyện tiệc rượu, chuyện dâm nữ, chuyện giường nằm, chuyện y phục, chuyện ăn uống ngon bổ, chuyện tắm ao [648b] vui chơi, chuyện chòm xóm, chuyện linh tinh, chuyện tư duy thế sự, chuyện vào biển cả.[135]
Trong khi luận bàn những vấn đề như vậy, hoặc giỡn cười, hoặc múa hát, hoặc đánh trống, khảy đàn, thổi tù và, hoặc làm tiếng kêu chim khổng tước, chim hạc, hoặc cùng chạy, hoặc đi một chân, đi cà nhót, hoặc đánh trận giả.
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nghe thấy những việc như vậy rất là hoan hỷ, nói rằng:
“Nhóm sáu tỳ-kheo giáo thọ như vậy là hết sức thích hợp.”
Các vị tỳ-kheo-ni La-hán vì lòng cung kính nên im lặng không nói. Rồi thì, Đại Ái Đạo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên. Trong giây lát, bạch đức Thế Tôn:
“Theo thứ tự, nhóm sáu tỳ-kheo đến giáo thọ tỳ-kheo-ni lại đem bao nhiêu việc khác ra mà nói, không nói giới, không luận về định… cho đến không nói tránh chỗ ồn ào, và không luận bàn về mười hai nhân duyên, mà chỉ luận bàn câu chuyện về vua chúa, cho đến chuyện tư duy thế sự, chuyện vào biển cả. Rồi lại cười giỡn ca múa… cho đến việc đi một chân, đi cà nhót, cùng đánh trận giả.” Lúc bấy giờ, Đại Ái Đạo bạch đức Thế Tôn rõ ràng mọi việc rồi, đảnh lễ dưới chân Phật và cáo lui.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà ngài vẫn hỏi nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Có thật sự các ông giáo giới tỳ-kheo-ni như vậy chăng?” Nhóm sáu tỳ-kheo thưa: “Bạch đức Thế Tôn, thật có như vậy.” Đức Thế Tôn quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại giáo thọ tỳ-kheo-ni như vậy?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi ở trong chúng Tăng nên sai người giáo thọ tỳ-kheo-ni bằng cách bạch nhị yết-ma. Nên sai vị có khả năng yết-ma, dựa vào sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni. Đây là lời tác bạch.”
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo này tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.”
“Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo tên là…, giáo thọ tỳ-kheo-ni rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Khi ấy nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng: “Tăng không sai chúng ta giáo thọ tỳ-kheo-ni.”
Rồi họ ra ngoài giới, cùng tác pháp sai lẫn nhau đi giáo thọ tỳ-kheo-ni. Sau đó, họ sai người đến nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
“Hãy vì chúng tôi thưa với Ni Tăng [648c] rằng, nhóm sáu tỳ-kheo được Tăng sai sẽ đến giáo giới tỳ-kheo-ni.”
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Tăng không sai các thầy giáo thọ tỳ-kheo-ni. Sao ra ngoài giới cùng nhau sai giáo giới tỳ-kheo-ni, rồi sai người nói với tỳ-kheo-ni rằng, Tăng đã sai chúng tôi giáo giới tỳ-kheo-ni?” Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì nhóm sáu tỳ-kheo mà bạch với Tăng tỳ-kheo-ni rằng:
“Chúng Tăng đã sai nhóm sáu tỳ-kheo giáo giới tỳ-kheo-ni.” Khi ấy, Đại Ái Đạo nghe nói như vậy, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật; đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, rồi đảnh lễ và cáo lui.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, Ngài biết mà vẫn hỏi nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Các ông thật sự có ra ngoài giới cùng sai lẫn nhau giáo thọ Tăng tỳ-kheo-ni không?”
Nhóm sáu thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, thật như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thật là những người si. Tăng không sai giáo thọ tỳ-kheo-ni mà sao lại ra ngoài giới cùng sai lẫn nhau giáo thọ tỳ-kheo-ni, rồi lại sai người nói với nhóm sáu tỳ-kheo-ni rằng, ‘Vì chúng tôi thưa với ni Tăng, Tăng sai chúng tôi giáo thọ tỳ-kheo-ni, nay chúng tôi sẽ đến giáo thọ Tỳ-kheo-ni?’”
Đức Thế Tôn quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, nếu có tỳ-kheo thành tựu mười pháp,[136] nhiên hậu mới được giáo thọ tỳ-kheo-ni. Mười pháp là: Giới luật đầy đủ; đa văn, tụng thuộc luật của hai bộ; quyết đoán không nghi; khéo thuyết pháp; tộc tánh xuất gia; nhan mạo đoan chánh, chúng tỳ-kheo-ni thấy liền sanh tâm hoan hỷ; đủ khả năng vì chúng tỳ-kheo-ni nói pháp khuyên bảo khiến họ hoan hỷ; không vì Phật xuất gia mặc pháp phục mà phạm trọng pháp; đủ hai mươi tuổi, hoặc hơn hai mươi tuổi. Đủ những điều kiện như vậy mới cho giáo giới tỳ-kheo-ni.
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo-ni kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, không được Tăng sai mà giáo giới tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trước.
Tăng: cùng một thuyết [649a1] giới, cùng một yết-ma. Sai: trong Tăng được sai bằng bạch nhị yết-ma.
Giáo thọ: dạy tám điều không thể vượt qua.[137] Tám điều ấy là:
1/ Tỳ-kheo-ni dù một trăm tuổi hạ, khi thấy tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy đón chào, lễ bái, mời ngồi. Pháp này nên tôn trọng cung kính tán thán; trọn đời không được trái phạm.
2/ Tỳ-kheo-ni không được mắng tỳ-kheo, không được phỉ báng nói phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
3/ Tỳ-kheo-ni không được cử tội tỳ-kheo nói, “Việc thầy đã làm như vậy, việc thầy đã làm không phải vậy.” Không được tác pháp tự ngôn, không được ngăn người khác tác pháp mích tội.[138] Không được ngăn tỳ-kheo thuyết giới, tự tứ. Tỳ-kheo-ni không được nói lỗi lầm của tỳ-kheo. Tỳ-kheo được nói lỗi lầm của tỳ-kheo-ni. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
4/ Thức-xoa-ma-na đã học những điều cần học rồi, phải đến chúng Tăng cầu thọ đại giới. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
5/ Nếu tỳ-kheo-ni phạm trọng pháp, phải nửa tháng đến trong hai bộ Tăng hành pháp ma-na-đỏa. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
6/ Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến trong chúng Tăng cầu thỉnh vị giáo thọ. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
7/ Tỳ-kheo-ni không nên an cư nơi không có tỳ-kheo. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
8/ Tỳ-kheo-ni hạ an cư xong phải đến trong chúng Tăng cầu ba việc tự tứ là thấy, nghe và nghi. Đây là pháp nên tôn trọng, cung kính, tán thán; trọn đời không được trái phạm.
Khi thuyết giới, Thượng tọa nên hỏi:
“Chúng tỳ-kheo-ni có sai vị nào đến thỉnh giáo thọ không?”
Nếu có, liền đứng dậy bạch với Tăng rằng:
“Tỳ-kheo-ni Tăng hòa hợp, xin lễ dưới chân Tăng tỳ-kheo, cầu thỉnh người giáo giới.”
Khi thuyết giới, Thượng tọa nên hỏi rằng:
“Có vị nào đi giáo giới tỳ-kheo-ni?”
Nếu có người thì nên sai. Nếu người giáo giới tỳ-kheo-ni nhiều, thì nên hỏi vị sứ giả của Tăng tỳ-kheo-ni rằng:
“Trong chúng Tăng có nhiều vị giáo giới tỳ-kheo-ni, vậy cô thỉnh vị nào?”
Hoặc ni kia thưa: “Con xin thỉnh thầy gì đó.”
Hoặc vị sứ giả của ni nói: “Con xin tùy theo xử phân của Tăng.” Như vậy thì Tăng nên theo thứ tự, sai các vị đã thường giáo thọ tỳ-kheo-ni đi giáo thọ.
Tỳ kheo [649b] được sai đúng giờ hẹn mà đến. Tỳ-kheo-ni cũng phải đúng giờ hẹn mà nghinh đón. Nếu tỳ-kheo đúng giờ hẹn mà không đến thì phạm đột-kiết-la. Đến giờ hẹn mà tỳ-kheo-ni không đón cũng phạm đột-kiết-la. Khi nghe vị giáo thọ đến, tỳ-kheo-ni phải ra nửa do-tuần để đón, cung cấp những thứ cần dùng, có đủ đồ để rửa; nấu cháo, các thức ăn uống. Nếu ni không sửa soạn đầy đủ như vậy thì phạm đột-kiết-la.
Nếu không được Tăng sai, hoặc chẳng phải ngày giáo thọ mà đến, vì ni nói Tám pháp không thể vượt qua, phạm đột-kiết-la.
Nếu không được Tăng sai mà đến nói pháp, thì phạm ba-dật-đề.
Nếu Tăng tỳ-kheo bệnh, (tỳ-kheo-ni) nên sai người đến hỏi thăm. Nếu tỳ-kheo không hòa hợp, chúng không đầy đủ, (tỳ-kheo-ni) cũng nên sai người đến lễ bái thăm hỏi. Nếu không làm như vậy, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni Tăng bệnh, (tỳ-kheo) cũng nên sai người đến làm lễ thăm hỏi. Nếu chúng tỳ-kheo-ni không hòa hợp, chúng không đầy đủ, (tỳ-kheo) cũng nên sai người đến làm lễ thăm hỏi. Không làm như vậy phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: chúng Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni; khi thuyết giới Thượng tọa hỏi: “Có ai sai tỳ-kheo-ni đến (thỉnh giáo giới) không?” Nếu có, vị ấy đứng dậy bạch Tăng rằng: “Tăng tỳ-kheo-ni hòa hợp, lễ dưới chân Tăng tỳ-kheo, cầu xin người giáo thọ tỳ-kheo-ni.” Thượng tọa nên hỏi Tăng: “Vị nào có thể giáo hối tỳ-kheo-ni?” Nếu có thì nên sai vị ấy đến giáo thọ. Nếu có nhiều người có thể đến giáo thọ, thì Thượng tọa nên hỏi ni: “Muốn thỉnh vị giáo thọ nào?” Nếu tỳ-kheo-ni thưa: “Chúng con xin được thỉnh vị Tăng có tên như vậy.” Tăng nên theo sự yêu cầu mà sai. Hoặc tỳ-kheo-ni thưa, “Chúng con nhất trí theo sự phân định của Tăng.” Lúc bấy giờ, Tăng nên theo thứ tự sai trong số những vị thường đã giáo thọ ni. Chúng Tăng nên ấn định thì giờ để đến. Tỳ-kheo-ni theo giờ ấn định mà nghinh đón. Khi vị giáo thọ tỳ-kheo-ni đến, ni chúng phải ra nửa do-tuần để nghinh đón; an trí chỗ ngồi, sửa soạn đồ để rửa, nấu cháo, đồ ăn thức uống. Hoặc được Tăng sai, đến ngày hội họp vì nói tám pháp, không trái phạm. Nên theo thứ tự đến nói pháp. Hoặc chúng Tăng bệnh, tỳ-kheo-ni gởi thư đến lễ bái chúng Tăng. Chúng Tăng không đầy đủ, biệt bộ, bộ không hòa hợp, (tỳ-kheo-ni) nên gởi thư đến lễ bái. Hoặc tỳ-kheo-ni bệnh, hoặc chúng không đầy đủ, không hòa hợp, (tỳ-kheo) cũng gởi thư đến lễ bài hỏi chào Ni Tăng. Hoặc đường thủy bị trở ngại, đường bộ bị hiểm nạn, giặc cướp, hổ lang, sư tử, nước lớn, bị thế lực bắt, bị trói nhốt, [649c] mạng nạn, phạm hạnh nạn, không thể gởi thư đến lễ bái hỏi chào, những trường hợp trên đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.[139]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà được chúng Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. Giáo thọ tỳ-kheo-ni xong, Tôn giả ngồi im lặng.
Bấy giờ Đại Ái Đạo thưa:
“Tôn giả Nan-đà, chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói thêm nữa.”
Tôn giả Nan-đà nói pháp cho họ xong, cũng ngồi im lặng.
Đại Ái Đạo lại thưa thỉnh lần nữa:
“Chúng con muốn được nghe pháp. Xin Tôn giả vì chúng con mà nói.”
Tôn giả Nan-đà thuyết pháp cho họ với âm thanh tốt nên thính giả thích nghe. Vì vậy mãi đến mặt trời lặn mới thôi.
Khi tỳ-kheo-ni ra khỏi tịnh xá Kỳ-hoàn để về thành Xá-vệ thì cửa thành đã đóng, không vào được, phải dựa vào hào ở ngoài cửa thành mà nghỉ đêm. Sáng sớm, cửa thành vừa mở thì các cô ni vào trước. Các trưởng giả thấy thế, đều nói, “Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không có hạnh thanh tịnh. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Các ông xem những tỳ-kheo-ni này, suốt đêm cùng ngủ với tỳ-kheo, sáng ngày họ mới cho ra về.” Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Nan-đà rằng, “Sao thầy thuyết pháp cho tỳ-kheo-ni mãi cho đến măt trời lặn, khiến cho các trưởng giả chê trách?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn [650a1] hỏi Tôn giả Nan-đà:
“Thật sự ông có giáo giới cho tỳ-kheo-ni đến mặt trời lặn hay không?”
Tôn giả thưa: “Bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tôn giả Nan-đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Nan-đà, sao ông thuyết pháp giáo giới cho tỳ-kheo-ni mãi đến mặt trời lặn?”
Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Nan-đà kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, tuy được Tăng sai, nhưng giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn,[141] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tăng: như giới trước.
Giáo thọ: trong chúng Tăng, được sai bằng pháp bạch nhị yết-ma.
Vị tỳ-kheo được Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni nên trở về trước khi mặt trời lặn. Nếu tỳ-kheo nào giáo thọ tỳ-kheo-ni cho đến mặt trời lặn, ba-dật-đề. Trừ giáo thọ ra, nếu dạy kinh, tụng kinh hoặc tham vấn bao nhiêu việc khác cho đến mặt trời lặn, đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo-ni ra, nếu vì các phụ nữ khác tụng kinh, dạy kinh, tham vấn việc khác đến mặt trời lặn, đột-kiết-la.
Mặt trời lặn tưởng là mặt trời lặn, ba-dật-đề. Nghi là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Mặt trời lặn tưởng là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la. Mặt trời chưa lặn tưởng là mặt trời lặn, đột-kiết-la. Nghi là mặt trời chưa lặn, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: giáo thọ tỳ-kheo-ni, mặt trời chưa lặn liền dừng. Trừ phụ nữ ra, nếu vì người khác dạy tụng kinh, thọ kinh, hoặc tham vấn việc khác, không phạm.
Nếu nói pháp trên thuyền đò, tỳ-kheo-ni nghe cùng với khách lái buôn đồng hành ban đêm; hoặc đến trong chùa tỳ-kheo-ni nói pháp; hoặc đến ngày thuyết giới, ni đến trong Tăng thỉnh vị giáo thọ, gặp khi nói pháp ni liền nghe; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni nghe vị giáo thọ sư đến, nghinh đón cách nửa do-tuần, sắp đặt phòng xá, chuẩn bị cơm, cháo, đồ ăn, thức uống, giường, tọa cụ, nơi tắm rửa.
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, [650b] “Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.” Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, “Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chân thật, mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.”
Bấy giờ, trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Sao lại nói như vậy, rằng, ‘Các Tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.’ Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‘Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chân thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông lại nói rằng, ‘Các tỳ-kheo kia không sai chúng ta đi giáo thọ tỳ-kheo-ni.’ Rồi sanh tâm ganh ghét, nói rằng, ‘Các tỳ-kheo kia giáo thọ tỳ-kheo-ni không phải với tâm chân thật. Mà chỉ vì đồ ăn, thức uống, nên giáo thọ tỳ-kheo-ni tụng kinh, thọ kinh tham vấn.’?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói với các tỳ-kheo như vầy: ‘Tỳ-kheo vì sự ăn uống[143] mà giáo thọ tỳ-kheo-ni,’ ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo kia nói như vầy: “Các tỳ-kheo vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni. Vì sự ăn uống nên dạy tụng kinh, tham vấn.” Nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: việc kia sự thật là như vậy, vì sự ăn uống nên giáo thọ tỳ-kheo-ni, vì sự cúng dường ăn uống nên dạy tụng kinh, thọ kinh, tham vấn. Hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc khác; tất cả không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[650c2]Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳđà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có một tỳ-kheo khất thực, oai nghi đầy đủ. Lúc ấy, có một tỳ-kheo-ni gặp ông, liền sanh thiện tâm, nhiều lần thỉnh vị tỳ-kheo kia, nhưng vị tỳ-kheo kia không nhận lời.
Một thời gian sau, chúng Tăng Kỳ-hoàn chia y vật. Tỳ-kheo kia đem phần y của mình ra khỏi cửa ngõ Kỳ-hoàn thì lại gặp tỳ-kheo-ni này vừa mới đến. Tỳ-kheo kia nghĩ rằng:
“Tỳ-kheo-ni này nhiều lần mời ta mà ta không nhận lời. Nay ta nên đem phần y này trả lễ sự mời thỉnh kia. Nhưng chắc cô không nhận. Việc này cũng đủ đáp trả nhau.” Nghĩ xong, tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo-ni rằng:
“Đại muội, đây là phần y của tôi. Đại muội cần thì có thể lấy dùng.”
Tỳ-kheo-ni liền nhận. Tỳ-kheo kia hiềm trách tỳ-kheo-ni này rằng, “Ta đã nhiều lần nói với người khác rằng, ‘Tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi. Đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận. Do đó tôi nghĩ rằng, tỳ-kheo-ni này nhiều lần thỉnh tôi, đem phần ăn của cô để dành cho tôi, tôi không nhận; nay tôi đem phần y này biếu cho tỳ-kheo-ni này với ý nghĩ rằng, cô cũng không nhận, đủ để đáp trả nhau. Nhưng cô lại nhận.’”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia rằng: “Sao tỳ-kheo đem y cho tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia: “Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo cho y đến tỳ-kheo-ni mà tâm không xả, lại đi nói với người khác?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Trong số tỳ-kheo có vị dè dặt, không dám cho y đến tỳ-kheo-ni thân lý, bạch Phật. Phật dạy:
“Từ nay trở đi [651a1] được phép cho y tỳ-kheo-ni thân lý, nếu cho y tỳ-kheo-ni không thân lý, ba-dật-đề.”
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ trong Kỳ-hoàn, hai bộ Tăng cùng phân chia y vật, phần y của tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni nhận được; phần y của tỳ-kheo-ni thì tỳ-kheo nhận được.
Lúc tỳ-kheo-ni nhận lộn phần y đó bèn mang đến trong Tăng-già-lam bạch các tỳ-kheo:
“Đại đức, đem y này trao đổi được không?” Tỳ-kheo trả lời:
“Này các cô, chúng tôi không được phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Từ nay trở đi, nếu là trao đổi, cho phép cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến.”
Từ nay trở đi nên nói giới này như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho y đến tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thân quyến, chẳng phải thân quyến: như đã giải trước.[145]
Y: có mười loại như trước đã nói.[146]
Trao đổi: đem y đổi y, đem y đổi phi y, đem phi y đổi y, đem kim đổi dao hoặc chỉ may, cho đến một ngọn cỏ thuốc.
Nếu tỳ-kheo cho y cho tỳ-kheo-ni chẳng phải thân quyến, trừ trao đổi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: cho y cho thân quyến, cùng nhau trao đổi, hoặc cho tháp, cho Phật, cho Tăng; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni[148] muốn may tăng-già-lê; vì cần may y nên đến trong Tăng-già-lam, thưa với Tôn giả Ca-lưu-đà-di:[149] “Thưa Đại đức, con đem vải may y[150] này đến, muốn may tăng-giàlê. Xin Tôn giả may cho con.”
Ca-lưu-đà-di nói: “Tôi không thể may được.”
Cô ni hỏi: “Tại sao Đại đức không may cho con?”
Ca-lưu-đà-di nói: “Các cô ưa đến hối thúc nên tôi không may.” Tỳ-kheo-ni thưa:
“Con không đến hối. Khi nào Đại đức may xong cũng được.”
Ca-lưu-đà-di trả lời: “Được.”
Tỳ-kheo-ni trao vải y cho Ca-lưu-đà-di rồi về.
Ca-lưu-đà-di có tay nghề cao về pháp may y, liền cắt may. Ca-lưuđà-di vẽ hình nam nữ giao hợp may vào y. Khi cô ni đến trong Tăng-già-lam, hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:
“Thưa Đại đức, pháp y của con may xong chưa?”
Ca-lưu nói: “Xong rồi.”
Tỳ-kheo-ni thưa: [651b] “Nếu xong, cho con nhận.” Ca-lưu-đà-di xếp y lại cho cô ni, và dặn rằng:
“Này cô, y này không được tự tiện mở ra xem; cũng không được đưa cho người xem. Khi bạch thời đến[151] mới đem ra mặc, và khi đi phải đi sau tỳ-kheo-ni Tăng.
Tỳ-kheo-ni y theo lời dặn, không mở ra xem, cũng không nói cho ai biết. Một thời gian sau, khi bạch thời đến, cô ni liền mặc y này và đi sau Tăng tỳ-kheo-ni. Các cư sĩ thấy tất cả đều cơ hiềm, cười chê, hoặc vỗ tay chỉ trỏ, hoặc gõ cây, hoặc huýt gió, hoặc lớn tiếng cười to, nói:
“Mọi người hãy xem y mà tỳ-kheo-ni này khoác! Mọi người hãy xem y mà Tỳ-kheo-ni này khoác!”
Khi ấy, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề[152] thấy vậy rồi, liền bảo tỳ-kheo-ni này rằng: “Hãy cởi chiếc y ấy và xếp lại gấp!”
Cô ni liền cởi và xếp, vắt trên vai mà đi, sau khi thọ thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề bảo tỳ-kheo-ni này rằng: Lấy chiếc y mà cô vừa mặc khi nãy đem cho tôi xem!” Cô ni kia liền đem chiếc y ấy ra trình. Bà hỏi:
“Ai may y này cho cô?”
“Thưa, ngài Ca-lưu-đà-di may.”
“Sao cô không mở ra xem hay đưa cho đồng bạn coi thử may có tốt, có bền chắc hay không?”
Lúc ấy tỳ-kheo-ni mới đem lời dặn của Ca-lưu-đà-di thưa lại đầy đủ.
Khi ấy, trong chúng tỳ-kheo-ni có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: “Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?”
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni bạch lại các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo liền đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Phật vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di rằng: “Thật sự ông có may y cho tỳ-kheo-ni như vậy không?” Ca-lưu-đà-di thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, thật như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?” Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, may y cho tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.
Thế Tôn đã vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. [651c] Các tỳ-kheo dè dặt không dám may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến, đến bạch Phật. Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép tỳ-kheo may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến.” Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, may y[153] cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Chẳng phải thân quyến, thân quyến: như trên đã nói. Y: Có mười loại như đã giải ở trước.
Nếu tỳ-kheo kia may y cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, tùy theo dao cắt rọc nhiều hay ít, phạm ba-dật-đề. Cứ một lần may, mỗi mũi kim là một phạm ba-dật-đề.
Hoặc mặc thử để xem, hoặc kéo ra ủi cho thẳng, hoặc dùng tay vuốt, hoặc kéo góc cho ngay, hoặc kết, hoặc viền, hoặc cột chỉ, hoặc nối chỉ; tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến; may cho Tăng, may cho tháp; hoặc mượn mặc rồi giặt, nhuộm trả lại cho chủ, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Ca-lưu-đà-di tướng mạo xinh đẹp và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cũng có dung nhan xinh đẹp khác người. Cả Ca-lưu-đà-di và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đều có dục ý với nhau.
Một buổi sáng nọ, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến chỗ Thâula-nan-đà. Cả hai người cùng ngồi một chỗ ở ngoài cửa. Các cư sĩ thấy thế, cùng nhau cơ hiềm, nói với nhau rằng: “Mọi người xem! Hai người này cùng ngồi với nhau giống như đôi vợ chồng, cũng như cặp uyên ương.”
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đàdi: “Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Thật sự ông có cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa hay không?” Ca-lưu-đà-di thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
[652a1] “Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà ngồi chung một chỗ ở bên ngoài cửa?”
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, một mình[155] cùng với một tỳ-kheo-ni ngồi chỗ khuất kín, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trước.
Một chỗ:[156] chỗ chỉ có một tỳ-kheo và một tỳ-kheo-ni.
Chỗ khuất kín[157]: chướng ngại khuất kín đối với sự thấy, khuất kín đối với sự nghe.
Khuất kín đối với sự thấy là bị bụi, bị sương, hoặc khói, mây hay bóng tối làm không thấy.
Khuất kín đối với sự nghe là chỗ cho đến cả tiếng nói với giọng bình thường vẫn không nghe được.
Ngăn che:[158] hoặc do cây, do tường, do bờ rào, màn vải hay do các vật khác làm chướng ngại không thấy được.
Nếu tỳ-kheo một mình ở chỗ khuất kín, cùng ngồi với một tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Hoặc mù mà không điếc, điếc mà không mù, phạm đột-kiết-la. Cùng đứng, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu khi ấy tỳ-kheo có bạn, hoặc có người trí, phải có cả hai điều này: không mù, không điếc, hay không điếc không mù; hoặc trên lộ trình đi qua mà bị xỉu té, hoặc bị bệnh ngã xuống, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni ở tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian.[160] Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm, “Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng ta tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng với tỳ-kheo-ni du hành trong nhân gian, nếu khi ham muốn nổi lên, thì xuống ngay bên đường chứ gì?” Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao lại cùng du hành trong nhân gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp [652b] Tăng tỳ-kheo, quở trách khách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng du hành trong nhân gian với nhóm sáu tỳ-kheo-ni?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo không cùng hẹn trước với tỳ-kheo-ni, mà tình cờ gặp giữa đường, vì e sợ, không dám cùng đi.
Đức Phật dạy:
“Không hẹn trước thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi với tỳ-kheo-ni khoảng cách từ một thôn đến một thôn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo ở nước Xá-vệ muốn đến Tỳ-xá-ly. Trong lúc đó cũng có số đông tỳ-kheo-ni ở nước Xá-vệ cũng muốn đến Tỳ-xá-ly, nên các tỳ-kheo-ni thưa hỏi các tỳ-kheo rằng: “Đại đức muốn đi đâu?”
Các tỳ-kheo nói: “Chúng tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.” Tỳ-kheo-ni thưa: “Chúng con cũng muốn đến đó.” Các tỳ-kheo bảo:
“Này các cô, nếu các cô muốn đến đó thì, một là các cô đi trước, chúng tôi đi sau; hai là các cô đi sau, chúng tôi đi trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế Tôn đã chế giới, chúng tôi không được cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni.” Các tỳ-kheo-ni liền thưa:
“Như vậy chư Đại đức là bậc tôn kính đối với chúng con. Xin các
Ngài đi trước, chúng con sẽ đi sau.”
Các tỳ-kheo-ni đi sau, bị giặc cướp đoạt hết y bát. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dạy:
“Từ nay trở đi, hoặc cùng đi với khách buôn, hoặc nếu nơi nghi ngờ có kinh sợ, cùng đi không phạm.”
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung đường với tỳ-kheo-ni từ một thôn đến một thôn, trừ trường hợp khác, ba-dật-đề. Trường hợp khác là, cùng đi với khách buôn;[161] hoặc khi có nghi ngờ, có kinh sợ. Đó gọi là trường hợp khác.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Hẹn: cùng bảo nhau đi đến thôn đó, thành đó, quốc độ có.
Chỗ có nghi ngờ:[162] nghi có giặc cướp.
Kinh sợ: là chỗ có [652c] giặc cướp.
Đường: là khoảng cách giữa hai thôn có ranh giới cho lối đi.[163] Nếu tỳ-kheo hẹn và cùng đi một đường với tỳ-kheo-ni cho đến ranh giới giữa hai thôn, tùy theo số chúng nhiều và phân giới nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Chẳng phải thôn mà đi chỗ đồng không, cho đến mười dặm, phạm ba-dật-đề.[164] Chưa đến một thôn hay ít hơn mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi trong phạm vi một phân giới chung cho nhiều thôn, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi, cùng hẹn chuẩn bị hành lý, tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không cùng hẹn; có nhiều bạn cùng đi; chỗ có sợ hãi, có nghi ngờ; hoặc đến nơi đó được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo-ni[166] đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước.
Các cư sĩ thấy cơ hiềm, cùng nhau họ bàn tán: “Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không tu phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng, ta tu chánh pháp, như vậy có gì là chánh pháp? Trong khi cùng tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước, nếu khi ham muốn nổi lên thì dừng thuyền bên cạnh bờ sông mà tuỳ ý chứ gì?” Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni đi chung trên một thuyền xuôi ngược dòng nước?”
Đức Thế Tôn quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề.
Thế Tôn [653a1] vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo vì không hẹn mà gặp, nên e sợ. Đức Phật dạy:
“Không hẹn thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc ấy có số đông tỳ-kheo muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông Hằng. Vào thời điểm ấy, có số đông tỳ-kheo-ni cũng muốn từ bờ bên này vượt qua bờ bên kia sông Hằng, nên các tỳ-kheo-ni đến thưa:
“Chư Đại đức muốn đi đâu?”
Tỳ-kheo nói: “Chúng tôi muốn qua sông Hằng.”
Tỳ-kheo-ni thưa hỏi: “Chúng con có thể cùng qua được không?” Các tỳ-kheo nói:
“Các cô qua trước, chúng tôi qua sau. Nếu không thì các cô qua sau, chúng tôi qua trước. Tại sao vậy? Vì đức Thế Tôn chế giới, không được đi chung một thuyền với tỳ-kheo-ni qua sông. Cho nên không được.”
Tỳ-kheo-ni thưa: “Chư Đại đức là bậc tôn kính của chúng con.
Thỉnh các ngài qua trước, chúng con sẽ qua sau.”
Lúc ấy, vào mùa hạ, mưa lớn, nước lớn, thuyền đến bờ bên kia, trong khi chưa trở lại thì trời đã sẫm tối. Các tỳ-kheo-ni phải ngủ lại bờ bên này, đêm ấy gặp phải giặc cướp. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật, Phật dạy: “Cùng qua ngang thì không phạm.” Từ nay trở đi ta sẽ kết giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và cùng đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, ngược dòng nước hay xuôi dòng nước,[167] trừ sang ngang, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Cùng hẹn: cũng như trước.
Thuyền: như trước đã giải.[168]
Nếu tỳ-kheo nào hẹn và đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni, đi ngược dòng hay xuôi dòng nước, trừ qua ngang, nếu vào trong thuyền, ba-dật-đề. Một chân trong thuyền, một chân ngoài đất, hoặc phương tiện muốn vào mà không vào, hoặc cùng hẹn chuẩn bị hành trang, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không hẹn, hoặc ngang qua đến bờ bên kia (đò ngang); hoặc vào trong thuyền, thuyền sư lạc hướng phải đi ngược dòng hay đi xuôi dòng nước; hoặc đến bờ bên kia được an ổn; hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, [653b] trong thành Xá-vệ có một cư sĩ thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên thọ thực.
Đêm ấy, cư sĩ chuẩn bị đầy đủ các thức ăn ngon, sáng ngày trải tọa cụ tốt, sửa soạn chỗ ngồi, cho đến lúc đi báo giờ.[170]
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà trước đó có thân quen với nhà cư sĩ. Sáng hôm đó, Thâu-la-nan-đà khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ kia; thấy cư sĩ đã trải nhiều tọa cụ tốt nơi đất trống rồi, liền hỏi cư sĩ rằng:
“Trải nhiều tọa cụ như thế này là muốn thỉnh các tỳ-kheo phải không?”
Cư sĩ trả lời: “Đúng như vậy.”
Cô hỏi: “Thỉnh những tỳ-kheo nào?”
“Thưa, tôi thỉnh ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên.” Tỳ-kheo-ni nói rằng:
“Những vị được thỉnh đó đều là những người hèn mọn. Trước kia, nếu hỏi tôi thì tôi sẽ vì cư sĩ thỉnh những vị rồng trong loài rồng.” Cư sĩ hỏi rằng:
“Rồng trong loài rồng là những vị nào?” Tỳ-kheo-ni trả lời rằng:
“Như Tôn giả Đề-bà-đạt, Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…”[171]
Trong khi cô đang nói thì ngài Xá-lợi-phất và Mục-liên vừa đến nơi. Tỳ-kheo-ni vừa thấy liền trở lời, nói với cư sĩ rằng: “Rồng trong loài rồng đã đến.” Cư sĩ liền hỏi tỳ-kheo-ni rằng:
“Vừa rồi cô nói là hạng người hèn mọn, sao bây giờ cô lại nói là rồng trong loài rồng? Từ nay trở đi cô đừng đến nhà tôi nữa.” Lúc bấy giờ cư sĩ thỉnh hai ngài ngồi. Hai ngài đến chỗ ngồi an tọa. Cư sĩ đem những đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng cúng dường. Hai ngài thọ thực xong, thu dọn chén bát rồi, thí chủ đảnh lễ dưới chân, lấy cái ghế nhỏ ngồi qua một bên, bạch rằng:
“Con muốn được nghe pháp.”
Hai ngài vì gia chủ nói các pháp vi diệu, khuyến khích khiến cho họ hoan hỷ. Vì thí chủ nói pháp rồi, hai ngài từ tòa cáo lui, về lại trong Tăng-già-lam. Đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả Xá-lợiphất và Mục-liên:
“Hôm nay hai thầy thọ thực có được đầy đủ không?” Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên bạch Phật rằng:
“Thức ăn tuy đầy đủ nhưng khi chúng con ở nhà cư sĩ thì vừa là hạng người hèn mọn, vừa là rồng trong loài rồng.” Đức Phật hỏi rằng:
“Vì sao có việc như vậy?”
Hai Tôn giả đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật rằng:
“Đó là Đề-bà-đạt khiến tỳ-kheo-ni bè đảng khuyến hóa sự cúng dường để được nhận ẩm thực.”
Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn [653c] hỏi tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa:
“Thật sự các ông có sai tỳ-kheo-ni đến nhà đàn-việt khen ngợi các ông để khuyến hóa thức ăn hay không?” Các tỳ-kheo bè đảng thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo bè đảng Đề-bà-đạt-đa rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa đànviệt để nhận thức ăn của họ?”
Quở trách tỳ-kheo bè đảng của Đề-bà-đạt-đa rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, sai tỳ-kheo-ni khuyến hóa, nhận được thức ăn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo không biết có khuyến hóa hay không khuyến hóa, sau đó mới biết nên hoặc có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi ngờ. Đức Phật dạy: “Trước đó không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đã biết tỳ-kheo-ni giáo hóa,[172] nhận được thức ăn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành Laduyệt có đại trưởng giả là thân hữu tri thức của Lê-sư-đạt,[173] nói rằng: “Nếu Đại đức Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt thì chúng ta sẽ vì việc mới đến của Lê-sư-đạt mà cúng dường chúng Tăng.”
Tỳ-kheo-ni, người trong nhà của trưởng giả nghe lời nói ấy, im lặng để bụng.
Sau đó, khi Tôn giả Lê-sư-đạt đến thành La-duyệt. Tỳ-kheo-ni nghe Tôn giả Lê-sư-đạt đến, liền đến nói với trưởng giả rằng: “Trưởng giả muốn biết không? Lê-sư-đạt đã đến thành La-duyệt.” Ông trưởng giả liền sai người tin cậy đến trong Tăng-già-lam thỉnh Tôn giả và chúng Tăng nhận bữa cơm cúng dường sáng ngày mai.
Trong đêm đó trưởng giả sửa soạn đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, sáng sớm, khi đến giờ, mời các ngài thọ thực.
Lúc ấy, các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Ông trưởng giả đến chỗ Lê-sư-đạt nói rằng:
“Chính vì Tôn giả nên tôi cúng dường chúng Tăng bữa trai hôm nay.”
Lê-sư-đạt hỏi ông trưởng giả: “Tại sao biết tôi đến đây?”
Ông trưởng giả trả lời: “Tỳ-kheo-ni được gia đình tôi cúng dường báo cho biết.”
Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả rằng:
“Nếu [654a1] thật như vậy thì tôi không thể ăn thức ăn này.” Ông trưởng giả thưa:
“Không phải do cô tỳ-kheo-ni này nói nên tôi thiết lập bữa ăn hôm nay, mà chính trước đây tôi có thệ nguyện, nếu Tôn giả đến thì tôi thiết trai cúng dường cho chúng Tăng.” Lê-sư-đạt nói với ông trưởng giả:
“Tuy ông có nguyện như vậy nhưng tôi cũng không thể nhận ăn bữa ăn hôm nay được.”
Lê-sư-đạt liền thôi không ăn.
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật một cách đầy đủ, đức Phật bảo: “Nếu trước đó đàn-việt đã có ý thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni khen ngợi giáo hóa, trừ đàn-việt có chủ ý trước,[174] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Giáo hóa:[175] như nói, “Vị này sống a-luyện-nhã, sống với hạnh khất thực, mặc y phấn tảo, tác pháp dư thực[176] rồi không ăn, nhất tọa thực,[177] nhất đoàn thực,[178] ở nơi gò mả, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới gốc cây, thường ngồi không nằm,[179] trì ba y, tán thán kệ, đa văn pháp sư, trì luật, tọa thiền…
Thức ăn: đồ ăn nhận được khoảng từ sáng đến trưa.
Tỳ-kheo kia ăn thức ăn được biết là do tỳ-kheo-ni giáo hóa, mỗi miếng nuốt là phạm một ba-dật-đề. Trừ thức ăn bằng cơm ra, các thứ khác được biết do khuyến hoá mà được, như áo lót, đèn dầu, dầu thoa chân, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Biết là giáo hóa, tưởng giáo hóa, ba-dật-đề. Giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la. Không giáo hóa tưởng giáo hóa, đột-kiết-la. Không giáo hóa mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc không biết, hoặc đàn-việt có ý trước; hoặc giáo hóa mà tưởng là không giáo hóa; hoặc tỳ-kheo-ni tự làm, đànviệt khiến tỳ-kheo-ni phụ trách, không cố ý giáo hóa mà khất thực được; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có người Tỳ-xá-ly gả con gái cho người nước Xávệ. Sau đó, nàng dâu cùng mẹ chồng cãi lộn, nên cô trở về bổn quốc.
Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật cũng từ nước Xá-vệ muốn đến nước Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, người phụ nữ kia hỏi tôn giả A-na-luật rằng: “Tôn giả muốn đến đâu?”
Tôn giả trả lời: “Tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.”
Người phụ nữ liền thưa: “Cho con đi theo được không?” Tôn giả chấp thuận.
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật cùng người phụ nữ này đi chung một đường.
Lúc người phụ nữ ra đi thì trước đó phu chủ của cô đã không có ở nhà. [654b] Ngày hôm sau trở về nhà, không thấy vợ mình đâu, liền hỏi bà mẹ rằng: “Vợ của con làm gì? Ở đâu?”
Bà mẹ ông trả lời:
“Nó cãi lộn với ta, bỏ nhà trốn đi rồi. Không biết hiện ở đâu.” Bấy giờ người phu chủ vội vã đuổi theo. Trên đường đi bắt gặp được vợ. Ông chồng đến hỏi Tôn giả A-na-luật rằng: “Tại sao ông dẫn vợ của tôi chạy trốn?” Lúc ấy A-na-luật liền nói:
“Thôi! Thôi! Đừng nói vậy. Chúng tôi không có vậy đâu!” Ông trưởng giả nói rằng:
“Tại sao nói không như vậy? Hiện tại ông cùng đi chung với vợ tôi!”
Vợ ông ta nói với chồng rằng:
“Em cùng Tôn giả này đi, cũng như anh em cùng đi. Không có gì là tội lỗi.”
Người chồng nói rằng:
“Hôm nay người này dẫn mày chạy trốn cho nên mới nói như vậy.”
Người đàn ông ấy vừa nói xong liền đánh Tôn giả A-na-luật gần chết.
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật liền bước xuống đường, vào nơi chỗ vắng vẻ, kiết già phu tọa, thẳng mình chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập hỏa quang tam-muội. Lúc ấy trưởng giả thấy vậy liền khởi thiện tâm, ông nghĩ rằng: “Nếu Tôn giả A-na-luật này từ nơi tam-muội xuất, thì tôi sẽ lễ bái sám hối.”
Khi ấy Tôn giả A-na-luật từ tam-muội xuất, ông trưởng giả bèn thưa để sám hối:
“Cúi xin Đại đức nhận sự sám hối của con.”
Tôn giả A-na-luật chấp nhận sự sám hối của ông. Lúc ấy trưởng giả kính lễ dưới chân Tôn giả xong, ngồi qua một bên. Tôn giả vì trưởng giả nói các pháp vi diệu khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Nói pháp xong, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy đi.
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật thọ thực xong, đến trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này kể đầy đủ lại cho các tỳ-kheo.
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách A-na-luật: “Sao ngài A-na-luật lại một mình đi chung một đường cùng với người phụ nữ?”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi A-na-luật:
“Thật sự ông có đi chung một đường với người phụ nữ hay không?”
Tôn giả thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy. “
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rằng:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông đi chung một đường cùng với người nữ? “ Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, [654c] nói với các tỳ-kheo:
“A-na-luật này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới ban đầu. Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc ấy có các tỳ-kheo không hẹn nhưng giữa đường tình cờ gặp, vì e sợ, không dám đi chung.
Đức Phật dạy: “Không hẹn thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn,[181] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người nữ: như trước đã nói.
Cùng hẹn: cũng như đã nói trước.2
Đường: như trước đã giải.[182]
Nếu tỳ-kheo hẹn và đi chung đường với người phụ nữ, nhẫn đến khoảng giữa hai thôn, tùy theo giới vức hoặc nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Nếu trong khoảng đồng trống không có thôn mà đi khoảng mười dặm, phạm ba-dật-đề.
Nếu đi chưa tới một thôn, hay chưa tới mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi chung trong phần giới của thôn, phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn chuẩn bị mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc trước đó không cùng hẹn; hoặc việc cần đến đó được an ổn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời đức Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ nước Câu-tát-la có thôn không có trú xứ,[184] nên có cư sĩ xây cất trú xứ[185] cho tỳ-kheo, thường cung cấp đồ ăn, thức uống. Nếu trụ nơi trú xứ này sẽ được nhận sự cúng dường một bữa ăn.
Lúc bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo muốn đến thôn không có trú xứ nước Câu-tát-la. Khi đến trú xứ kia trải qua một đêm. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng. Lại qua đêm thứ hai cũng nhận được đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng, nên nhóm sáu tỳ-kheo khởi lên ý nghĩ rằng: “Sỡ dĩ chúng ta du hành là vì thức ăn. Nay thì đã được.” Rồi họ thường xuyên ăn ở trú xứ này.
Bấy giờ, các cư sĩ đều cùng cơ hiềm, “Sa-môn Thích tử này không biết chán, không biết đủ, không biết tàm quý. Bên ngoài [655a1] tự xưng ta biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Họ thường xuyên đến nhận thức ăn ở nơi trú xứ này. Làm như chúng ta phải thường xuyên cung cấp thức ăn cho sa-môn Thích tử này. Bản nguyện của chúng ta là cung cấp cho những vị tạm trú một đêm mà thôi.”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe được; trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các Thầy cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cứ ở nơi trú xứ này để nhận thức ăn hoài vậy?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cho một bữa, chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợiphất ở nước Câu-tát-la du hành cũng đến nơi thôn không có trú xứ ấy, trụ lại một đêm, sáng ngày nhận được thức ăn ngon.
Hôm ấy, Tôn giả lâm bệnh nhưng nghĩ, đức Thế Tôn đã chế giới, tỳ-kheo nơi ngủ trọ một đêm chỉ nhận một bữa ăn, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Vì vậy, dù bị bệnh, Tôn giả vẫn dời đi chỗ khác. Do vậy bệnh tình càng nguy kịch. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép tỳ-kheo bệnh nhận quá một bữa ăn.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nơi trú xứ cho một bữa, tỳ-kheo không bệnh chỉ nên nhận một bữa; nếu nhận quá một bữa, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trú xứ: nơi đó được ở một đêm.
Bữa ăn: nhẫn đến bữa ăn đúng thời.
Bệnh: rời khỏi thôn đó thì bệnh bị tăng.
Nếu tỳ-kheo không bệnh, đối với nơi nghỉ tạm một đêm đó, mà nhận quá bữa ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Ngoài thức ăn ra, nhận các thứ áo lót, dầu thắp đèn, dầu thoa chân, tất cả phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nghỉ một đêm nhận một bữa ăn; bệnh thì được nhận hơn một bữa ăn. Nếu cư sĩ mời: [655b] “Mời Đại đức ở lại. Con sẽ cúng thức ăn. Chúng con vì sa-môn Thích tử cho nên thiết lập nơi nghỉ đêm này và cung cấp đồ ăn thức uống. Nếu không có sa-môn Thích tử thì cũng sẽ cúng cho người khác vậy.”
Hoặc đàn-việt theo thứ tự mời thọ thực, hoặc các cậu, các cô, các chị, các bà theo thứ tự mời thọ thực thì không phạm. Hoặc hôm nay thọ của người này, ngày mai thọ của người khác. Hoặc bị nước lụt, đạo lộ gặp nguy hiểm; hoặc có giặc cướp, hổ lang sư tử, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhận quá bữa ăn không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ. Từ thành La-duyệt, đức Thế Tôn cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị du hành trong nhân gian.
Vào lúc đó, trong nước mùa màng không thu hoạch được, giá lúa gạo tăng cao, khất thực khó khăn. Người người có sắc diện đói.
Bấy giờ, có năm trăm hành khất đi theo sau đức Thế Tôn. Lúc ấy, có người bà-la-môn tên là Sa-nậu[187] vận chuyển năm trăm cỗ xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo sau đức Thế Tôn, hết mùa đông đến mùa hạ, chờ ngày nào không có ai cúng thì thiết trai cúng dường Phật và Tăng.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, từ nước Ma-kiệt-đà, tuần tự giáo hóa đến quốc giới của A-na-tần-đầu.[188] Nhân dân trong nước kia tranh nhau cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng tỳ-kheo, không có ngày nào thiếu vắng. Người bà-la-môn chờ mãi không có ngày trống nào để thiết trai cúng dường, liền đến chỗ Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả rằng:
“Tôi là Sa-nậu có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế Tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn chưa cúng dường được vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.”
Tôn giả A-nan bảo:
“Chờ một chút. [655c] Tôi vào bạch đức Thế Tôn ngay bây giờ.”
Bấy giờ Tôn giả đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có bà-la-môn Sa-nậu vừa đến chỗ con thưa như vầy, ‘Tôi có chở đầy đồ ăn thức uống trong năm trăm cỗ xe. Đã trải qua cả mùa đông sang mùa hạ, theo sau đức Thế Tôn, chờ ngày nào không có người cúng thì thiết trai cúng dường. Song đến nay tôi vẫn không được cúng dường, vì không có ngày nào mà không có người cúng. Chúng tôi là người thế tục, có nhiều việc khó khăn; hoặc phải phục dịch theo lệnh nhà quan, cho đến đối với ngày đoán sự phải có mặt, lại phải lo liệu lý về gia nghiệp, và phải cung cấp của cải gạo thóc cho nhà quan. Mãi chạy theo những công việc công có tư có nên không hề có thời gian dừng nghỉ. Cúi xin Tôn giả vì tôi bạch lên đức Phật.
Đức Phật dạy thế nào chúng tôi sẽ phụng hành thế đó. Nếu đức Phật và Tăng không thể nhận phẩm vật cúng dường của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ dùng thức ăn hiện ở trên năm trăm chiếc xe này, trải trên đường đi. Cầu Phật và Tăng bước lên trên mà đi qua, tức là nhận sự cúng dường của chúng tôi rồi vậy.’ Con có nói với người bà-la-môn Sa-nậu rằng, ‘Chờ tôi một chút. Tôi vào bạch đức Phật.’ Cho nên con đến thưa, xin tôn ý đức Thế Tôn.” Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Ông có thể đến nói với người bà-la-môn, sáng mai đem đồ ẩm thực đó nấu thành cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, liền đến chỗ người bàla-môn nói rằng: “Ông có thể dùng những thức ăn ấy nấu cháo cúng các tỳ-kheo ăn trước khi thọ bữa ăn chính.”
Bấy giờ người bà-la-môn quan sát thấy trong những thứ đã được cúng dường không hề có bánh, nên trong đêm ấy sửa soạn các loại mỹ vị như: dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bạt[189] để nấu các loại cháo và làm các thứ bánh.[190] Đêm đã qua, Sa-nậu đem cháo cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo. Song các tỳ-kheo không dám thọ nhận, và nói với bà-la-môn rằng: “Đức Thế Tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bơ dầu cho đến ba món thuốc[191] mà nấu thành cháo.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận dầu bơ cho đến ba món thuốc nấu thành cháo để ăn. Ăn cháo có năm điều lành: Trừ đói, trừ khát, làm tiêu thức ăn qua đêm, điều hòa tiểu tiện và trừ bệnh phong. Ăn cháo có năm việc hay như vậy.”
Bấy giờ, người bà-la-môn đem bánh[192] dâng. Các tỳ-kheo không dám nhận và bảo người bà-la-môn rằng:
“Đức Thế Tôn chưa cho phép tỳ-kheo nhận bánh.” Các tỳ-kheo liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay cho phép các tỳ-kheo nhận bánh để ăn.”
Bấy giờ, [656a1] các cư sĩ ở nước A-na-tân-đầu nghe đức Thế Tôn cho phép nhận bánh và cháo để ăn, đều hết sức vui mừng, họ nói với nhau:
“Chúng ta có cơ hội được làm phước cúng dường.”
Sau khi họ cúng dường xong, lại có một vị đại thần mà tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và chư Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn nói như vầy:
“Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong lúc gạo khan hiếm mà đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được phẩm vật cúng dường nhiều đến như thế này. Nay ta nên sắm sửa các loại đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt.”
Bấy giờ, vị đại thần liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa:
“Bạch Đại đức Tăng, cúi xin quý ngài ngày mai nhận lãnh bữa cúng dường của tôi.”
Đêm ấy đại thần cho sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt bổ dưỡng và sáng ngày đi báo đã đến giờ.
Hôm đó, đức Thế Tôn ở lại Tăng-già-lam; sai người nhận phần ăn.[193]
Bấy giờ, có các cư sĩ nơi nước A-na-tân-đầu trước đó đã nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo, nên trong đêm đó cũng sửa soạn các thứ cháo như trên đầy đủ, sáng sớm đem đến trong Tănggià-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo trước đó cũng đã nhận sự mời ăn của người khác, và lại ăn loại cháo đặc này, sau mới đến nhà vị đại thần. Khi ấy vị đại thần tín tâm mỏng ấy dâng các loại đồ ăn thức uống lên các tỳ-kheo, các tỳ-kheo nói:
“Thôi, thôi, sớt một ít thôi!”
Vị đại thần thưa các tỳ-kheo: “Tôi vì các tỳ-kheo nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ dâng cúng, mỗi vị một tô thịt. Các Đại đức chớ nên nghĩ rằng lòng tin mỏng mà không dùng cho no. Quý ngài cứ ăn. Tôi cũng có tín tâm vậy.”
Các tỳ-kheo bảo: “Không phải vì vậy mà chúng tôi dùng ít đâu. Vì nhân dân trong thành nghe tin đức Phật cho phép các tỳ-kheo ăn cháo và bánh, nên đêm vừa rồi họ đã sắm sửa đầy đủ các thứ dầu bơ, hạt vừng, sữa tươi, nước sạch, gừng, tiêu, tất bạt để nấu cháo. Sáng ngày đã đem đến trong Tăng-già-lam dâng cúng các tỳ-kheo. Chúng tôi đã ăn cháo trước rồi nên bây giờ không thể ăn nhiều được. Đại thần chớ nên ngại như vậy.”
Bấy giờ, vị đại thần tín tâm nông cạn liền cơ hiềm rằng:
“Tôi cố tâm vì chúng Tăng làm các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt với ý nghĩ, mong muốn chúng Tăng dùng hết. Sao chư Tăng lại ăn cháo đặc trước khi đến thọ thực chúng tôi?”
Bấy giờ, vị đại thần sân hận, liền cất đi các thứ bánh thịt, những thứ mỹ vị; chỉ bố thí cơm canh mà thôi. Rồi vị đại thần liền đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng: “Vừa rồi con thiết trai cúng dường; được phước nhiều hay tội nhiều?”
Đức Phật bảo vị đại thần:
“Sự cúng dường mà ông sửa soạn mang lại phước rất nhiều. [656b] Chính đó là nhân lành để sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm của ông đi nữa, nhưng phước đức ấy cũng vô lượng.” Rồi đức Thế Tôn tuần tự nói các pháp bố thí, trì giới, sanh thiên. Ngài quở trách dục là tai hại, là ô uế;[194] khen ngợi ích lợi thiết thực của sự xuất ly, và giải thoát. Đức Phật vì Đại thần nói các pháp này rồi, ngay nơi chỗ ngồi, vị đại thần đoạn trừ các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp mà được tăng thượng quả.[195] Ông bạch Phật rằng:
“Từ nay trở đi con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-tắc; trọn đời không sát sinh, cho đến không uống rượu. “
Sau bữa ăn, đức Phật vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:
“Sáng sớm hôm nay các ông ăn cháo đặc của người khác rồi, sau đó mới thọ thực do vị đại thần dâng cúng phải không?” Đáp:
“Kính bạch đức Thế Tôn, thật như vậy.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn mới dùng vô số phương tiện, quở trách các tỳ-kheo rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại ăn cháo đặc trước rồi mới nhận sự cúng dường? Không được, đã nhận lời thỉnh trước mà còn ăn cháo đặc.[196] Cháo đặc là cháo lấy cọng cỏ kẻ ngang qua mà nó không hiệp lại. Cháo như vậy không được ăn, nếu ăn thì trị như pháp.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ nước A-na-tần-đầu du hành trong nhân gian cùng với chúng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ trong nước gặp lúc lúa thóc khan hiếm, khất thực khó được. Người người có sắc diện đói. Nhưng lại có năm trăm hành khất thường đi sau đức Thế Tôn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn tuần tự du hành trong nước Ma-kiệt-đà, trở về thành La-duyệt. Trên đường đi đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều sự cúng dường. Trong thành La-duyệt có một vị nhạc sư tín tâm nông cạn, thấy đức Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được nhiều sự cúng dường liền nghĩ rằng: “Đây không phải là thửa ruộng ít phước. Trong khi lúa gạo khan hiếm thế này mà Phật và Tăng tỳ-kheo nhận được quá nhiều phẩm vật cúng dường. Hôm nay ta hãy dùng vật sở hữu trong một năm, sắm sửa các đồ ăn thức uống béo bổ để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo, riêng mỗi vị một tô thịt.” Nghĩ xong liền đến trong Tăng-già-lam bạch với các tỳ-kheo rằng:
“Sáng mai tôi xin được cúng dường một bữa ăn.”
Rồi trong đêm đó, ông sắm sửa mọi thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày nhạc sư đến báo các ngài đã đúng giờ ăn. Bấy giờ, trong thành La-duyệt nhằm ngày tiết hội, các cư sĩ tranh nhau đem cơm, lương khô,[197] cơm khô, cá và thịt đến trong Tăng-già-lam để dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận được thức ăn và ăn, xong sau đó mới đến thọ thỉnh nơi nhà nhạc sư. [656c] Bấy giờ nhạc sư đích thân tiếp các đồ ăn thức uống để cúng dường. Các tỳ-kheo nói: “Thôi, thôi, cư sĩ đừng sớt nhiều thức ăn quá! “ Vị nhạc sư nói:
“Tôi tích lũy vật sở hữu một năm, cố tâm vì Tăng tỳ-kheo sắm sửa những thức ăn ngon bổ để dâng cúng mỗi vị một tô thịt. Xin quý vị đừng nghĩ rằng tín tâm của tôi mỏng, sợ sanh lòng bất tín mà không ăn nhiều. Xin các ngài cứ thật tình thọ dụng. Tôi có lòng tin ưa thật sự.”
Các tỳ-kheo trả lời vị nhạc sự rằng:
“Chúng tôi không phải nghĩ như vậy nên không ăn nhiều. Mà vì vừa rồi chúng tôi đã nhận thức ăn của các người trong thành Vương-xá, cho nên bây giờ chỉ ăn ít thôi. Ngoài ra không có ý gì. Ông chớ nghi ngại như vậy.” Khi vị nhạc sự tín tâm mỏng nghe những lời như vậy, liền sanh cơ hiềm: “Sao, tôi dùng tất cả những vật sở hữu trong một năm, một lòng vì chúng Tăng sắm sửa các thức ăn ngon bổ cúng dường mỗi vị một tô thịt, mà các tỳ-kheo lại đi nhận cơm, lương khô, cơm khô, thịt và cá của người khác trước khi đến thọ thức ăn của tôi?” Vì vậy vị nhạc sư hờn giận, liền dọn cất hết các thức ăn béo bổ, chỉ để lại cơm canh mà thôi.
Sau đó, vị nhạc sư đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Sau khi ngồi xong, liền thưa hỏi đức Phật:
“Vừa rồi con thiết trai cúng dường, phước nhiều hay tội nhiều?” Đức Phật bảo: “Sự dâng cúng của ông vừa rồi là nhân lành sẽ được sanh thiên. Các tỳ-kheo dù chỉ nhận một vắt cơm đi nữa, thì phước đức cũng đã là vô lượng, huống là ông dâng cúng như vậy, phước này không thể lường được.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhạc sư nói diệu pháp: Bố thí, trì giới, sanh thiên. Đức Phật chỉ trích dục là tai hại, là ô uế. Nhạc sư nghe Phật nói pháp rồi liền từ chỗ ngồi các trần cấu đều hết sạch, đặng sự trong sạch của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, ở trong chánh pháp đặng quả tăng thượng, liền bạch đức Phật:
“Từ nay trở đi con nguyện được làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sinh cho đến không uống rượu.”
Bấy giờ, đức Phật vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Đức Phật biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo: “Có thật các ông nhận và ăn năm loại thức ăn[198] của người khác rồi sau mới thọ sự thỉnh mời của người đã thỉnh trước hay không?”
Các tỳ-kheo thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ngươi ngu si, sao lại thọ năm loại thức ăn của người khác rồi sau mới đến thọ thỉnh của người đã thỉnh trước?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, nói với [657a] các tỳ-kheo:
“Không nên nhận năm loại ăn của người khác mà ăn, rồi sau mới đến nhận lời mời của người thỉnh trước. Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, nơi mời thọ thực không có thức ăn cho người bệnh, không có thuốc cho căn bệnh. Hoặc có thức ăn thích hợp đối với bệnh, có thứ thuốc đúng căn bệnh, nhưng các tỳ-kheo e sợ không dám dùng, sợ phạm tội ăn nhiều lần. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các Tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.” Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dậtđề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực. Lại cũng có một cư sĩ khác cũng thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thiết trai cúng dường, và dâng y. Cư sĩ ấy đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng: “Tôi muốn thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo cúng dường thức ăn.” Tỳ-kheo trả lời:
“Chúng tôi đã nhận lời mời của cư sĩ khác rồi!”
Cư sĩ thưa: “Bạch Đại đức, tôi muốn dâng cúng thức ăn và y. Cúi xin chúng Tăng nhận sự mời thỉnh của tôi.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo e sợ, liền đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, trường hợp có người dâng cúng y thì được phép ăn nhiều lần.” Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn nhiều lần, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dậtđề. Trường hợp đặc biệt là khi bị bệnh, khi thí y. Đó gọi là trường hợp đặc biệt.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Ăn nhiều lần:[199] được mời ăn. Mời có hai cách: thỉnh theo thứ tự của Tăng, và thỉnh riêng.
Thức ăn: cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.2 Bệnh: không thể ngày ăn một bữa mà đủ no được.
Thí y: Tự tứ rồi, không thọ y ca-thi-na là một tháng, có thọ y ca-thina thì năm tháng.
Nếu có nhiều chỗ mời thọ thực và dâng y, như hôm nay nhận được nhiều chỗ thỉnh, thì mình nên nhận một chỗ, còn các chỗ kia mình nhường lại cho các vị khác. Nói như thế này để nhường: “Thưa trưởng lão, lẽ ra tôi phải đến đó nhưng xin cúng dường cho ngài.” Nếu tỳ-kheo không xả chỗ mời trước mà nhận chỗ mời sau thì mỗi một miếng ăn phạm một ba-dật-đề. Không xả chỗ mời sau mà nhận chỗ thỉnh trước thì mỗi một miếng ăn phạm một đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni cũng đột-kiết-la. [657b] Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi bệnh, khi thí y. Nếu trong một ngày mà có nhiều chỗ thỉnh, mình chỉ nhận một chỗ, còn các nơi khác nhường lại cho các vị khác; hoặc thỉnh chẳng phải dùng thức ăn, hoặc ăn không đủ, hoặc không thỉnh ăn, hoặc ăn xong lại nhận được thức ăn, hoặc một chỗ gồm cả bữa ăn trước và bữa ăn sau thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [200]
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa đã sai người hại Phật, lại xúi giục A-xà-thế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị cắt đứt.[202]
Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà.
Năm tỳ-kheo này tên là: Tam-văn-đà-la-đạt, Khiên-đà-la-đạt-bà, Cù-bà-ly, Ca-lưu-la-đề-xá…[203]
Các tỳ-kheo nghe Đề-bà-đạt-đa sai người hại Phật, xúi giục A-xàthế giết cha, tiếng ác lan truyền, nên lợi dưỡng bị đoạn tuyệt, đã cùng với năm tỳ-kheo đi khất thực từng nhà một.[204]
Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Đề-bà-đạt-đa:
“Có thật ông cùng với năm tỳ-kheo đến từng nhà khất thực hay không?”
Đề-bà đáp lời: “Có thật như vậy.”
[657c] Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà-đạtđa:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đề-bà-đạt-đa, sao ông cùng với năm tỳ-kheo đi đến từng nhà khất thực?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Đề-bà đạtđa rồi bảo các tỳ-kheo: “Đề-bà-đạt-đa ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng,[205] ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh có nơi thỉnh thọ thực không có những thức ăn và món thuốc theo chứng bệnh, và có nơi có các thức ăn tốt cùng các loại thuốc theo chứng bệnh, nhưng họ e sợ không dám thọ nhận vì sợ phạm điều ăn theo chúng riêng. Đức Thế Tôn biết nên bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi cho phép tỳ-kheo bệnh được ăn chúng riêng.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào ăn chúng riêng, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo đã tự tứ; trong tháng Ca-đề,[206] là thời gian may y. Các ưu-bà-tắc khởi lên ý nghĩ, ‘Các tỳ-kheo này tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Ta nên làm thức ăn cúng dường chúng Tăng. Tại sao vậy? Vì sợ các tỳ-kheo này may y vất vả nên không thể ăn được.’ Các vị ưu-bà-tắc ấy đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
“Sáng mai, chúng con cúng dường cơm. Xin chư tôn nhận lời cho.”
Các tỳ-kheo trả lời:
“Chỉ mời được ba vị[207] ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.”
Các ưu-bà-tắc thưa với các tỳ-kheo rằng:
“Bọn chúng tôi đều có ý nghĩ rằng, chư tôn tự tứ rồi, đang may y trong tháng Ca-đề. Sợ các tỳ-kheo vất vả không thể ăn được cho nên mời chư tôn thọ thực. Các tỳ-kheo lại nói, chỉ mời được ba vị, vì không được phép ăn chúng riêng.”
Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo: “Từ nay trở đi, cho phép khi may y được ăn chúng riêng.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y. Đó là các trường hợp khác.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có các cư sĩ muốn cúng thức ăn và y, lại đến trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo:
“Sáng mai tôi muốn cúng đồ ăn. Xin chúng Tăng nhận lời.” Các tỳ-kheo trả lời:
“Chỉ mời được ba vị ăn chứ chúng tôi không được phép ăn thành chúng riêng.” Cư sĩ thưa:
“Đại đức, tôi muốn cúng thức ăn và y. Xin quý ngài nhận [658a1] lời mời cho.”
Nhưng vị tỳ-kheo kia nói, “Chỉ mời được ba vị ăn vì không được phép ăn thành chúng riêng.”
Bấy giờ các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo khi thọ sự dâng y được ăn chúng riêng.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y. Đó là các trường hợp khác.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và các cư sĩ đi cùng đường đến nước Câu-tát-la. Giờ khất thực đến, các tỳ-kheo nói với cư sĩ:
“Chúng tôi muốn vào xóm khất thực. Xin chờ một chút, chúng tôi sẽ trở lại, rồi cùng nhau đi.” Các cư sĩ trả lời:
“Hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống.” Các tỳ-kheo nói:
“Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.” Các cư sĩ thưa:
“Đại đức, đường này nguy hiểm có sự nghi ngờ khủng bố. Hãy đến đây! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho. Chớ nên đi sau vì quý thầy ít người quá.” Các Tỳ-kheo nói:
“Chỉ được trao thức ăn cho ba vị thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.”
Rồi các tỳ-kheo liền vào trong thôn khất thực. Các cư sĩ đi trước; tỳ-kheo đi sau, theo không kịp, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi trên đường có nguy hiểm, cho phép tỳ-kheo được ăn chúng riêng.” Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường. Đó là các trường hợp khác.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo cùng các cư sĩ đi trên thuyền xuôi theo dòng nước. Giờ khất thực đến, nói với các cư sĩ rằng:
“Cho thuyền dừng lại thời gian ngắn. Chúng tôi cần vào trong thôn khất thực, và sẽ trở lại cùng đi.” Các cư sĩ nói:
“Chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.” Tỳ-kheo nói rằng:
“Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.”
Các cư sĩ nói rằng:
“Nơi khoảng bờ sông này có nhiều giặc cướp, nơi có nghi ngờ, kinh sợ. Các thầy ít người, không nên đi sau, sẽ bị giặc cướp đoạt. Các thầy chớ đi! Chúng tôi sẽ cung cấp đồ ăn thức uống cho.” Các tỳ-kheo nói rằng: “Chỉ được cung cấp ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.”
Rồi các tỳ-kheo vẫn lên bờ để khất thực. Bạn đồng thuyền đi trước; các tỳ-kheo đi sau, bị giặc cướp đoạt y phục. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo rằng:
“Từ nay trở đi [658b] cho phép các tỳ-kheo khi đi thuyền được ăn chúng riêng.”
Từ đây trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền. Đó là các trường hợp khác.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành đến một thôn nhỏ. Các cư sĩ nghĩ rằng, “Chúng Tăng thì lại nhiều mà thôn xóm thì lại nhỏ. Chúng ta hãy làm thức ăn cho chúng Tăng dùng, đừng để cho chúng Tăng vất vả, khổ cực.”[208] Họ liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
“Bạch chư Đại đức, ngày mai xin nhận thức ăn của chúng tôi.” Các tỳ-kheo nói rằng:
“Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.” Các cư sĩ nói:
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng Tăng thì nhiều mà thôn xóm lại nhỏ. Chỉ sợ không đủ thức ăn khiến chúng Tăng phải vất vả thôi.” Tỳ-kheo lại nói rằng:
“Chỉ được mời ba vị mà thôi. Chúng tôi không được phép ăn chúng riêng.”
Bấy giời các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, khi đại chúng tập hợp đông, được ăn chúng riêng.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp. Đó là các trường hợp khác.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có người con của chị vua Bình-sa[209] tên là Ca-la3 dâng thức ăn cho các sa-môn, trước khi xuất gia trong phái dị học ngoại đạo, đến chỗ vua Bình-sa thưa:
“Tôi đã vì các sa-môn thiết trai cúng dường rồi. Nay muốn xuất gia.”
Vua Bình-sa hỏi rằng: “Muốn xuất gia nơi nào?” Đáp rằng:
“Muốn xuất gia trong phái Ni-kiền Tử.” Nhà vua lại hỏi:
“Có làm thức ăn cúng dường sa-môn của ta không?” Ca-la bảo:
“Tâu Đại vương, đó là hạng sa-môn nào?” Nhà vua bảo:
“Đó chính là sa-môn họ Thích.” Ca-la nói:
“Tôi chưa làm thức ăn cúng dường các vị đó.” Nhà vua nói rằng:
“Ngươi nay nên dọn đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử.” Ca-la liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
“Nay tôi muốn làm đồ ăn cúng dường Tăng tỳ-kheo. Xin quý ngài nhận lời mời của tôi.” Các tỳ-kheo nói rằng:
“Chỉ được cúng cho ba vị. Chúng tôi không được ăn chúng riêng.” Bấy giờ, Ca-la nói với các tỳ-kheo:
3 Ca-la 迦羅. Ngũ phần 7 (tr.50c27): em trai của vua tên là Ca-lưu 迦留. Thập tụng 13 (tr.94c25), Căn bản 36 (tr.824a01): cậu của vua. Pāli, Vin.iv.747, một người thân tộc của vua Seniya Bimbisāra xuất gia theo nhóm lõa hình tà mạng (Ājīvaka); không nói tên.
“Tôi làm đồ cúng dường các sa-môn trước khi xuất gia trong phái ngoại đạo. Rồi tôi đến chỗ vua Bình-sa thưa, ‘Tôi đã làm đồ cúng dường các sa-môn. Nay tôi muốn xuất gia.’ [658c] Vua hỏi tôi, ‘Muốn xuất gia nơi nào?’ Tôi trả lời, ‘Muốn xuất gia trong phái Nikiền Tử.’ Nhà vua lại hỏi tôi, ‘Đã làm đồ ăn cúng dường sa-môn của ta chưa?’ Bấy giờ tôi hỏi, ‘Đó là hạng sa-môn nào?’ Vua nói với tôi, ‘Đó chính là sa-môn Thích tử.’ Vua bảo tôi, ‘Ngươi hãy đến đó làm đồ ăn cúng dường sa-môn Thích tử, sau đó mới xuất gia.’ Vì lý do ấy cho nên tôi đến trong Tăng-già-lam mời các Đại đức. Cúi mong các vị nhận thỉnh lời mời của tôi.”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nghe kể như vậy liền đến bạch đức Thế Tôn. Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo khi có sa-môn thí thực[210] thì được phép ăn chúng riêng.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ các trường hợp khác, ba-dật-đề. Các trường hợp khác là khi bệnh, thời may y, thời thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập hợp, khi sa-môn thí thực. Đó là các trường hợp khác.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Ăn chúng riêng: hoặc bốn người hay hơn bốn người.
Thức ăn: chỉ cho cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.[211].
Bệnh: cho đến cái gót chân bị trẹo.
Thời may y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y ca-thi-na thì khoảng năm tháng, cho đến trên y chỉ may một đường như răng con ngựa.
Thời thí y: sau khi tự tứ rồi, nếu không thọ y ca-thi-na thì khoảng một tháng; nếu có thọ y ca-thi-na thì khoảng năm tháng; và các trường hợp thí thực và y khác.
Khi đi đường: cho đến chỉ đi trong nửa do-tuần gồm cả đi tới và đi lui.
Khi đi thuyền: cho đến nương trên thuyền xuôi hay ngược dòng nước trong vòng nửa do-tuần.
Khi đại chúng tập hợp:[212] thức ăn đủ cho bốn người mà dư một người là có sự khốn đốn. Năm người, mười người, cho đến trăm người mà dư một người là khốn đốn.
Sa-môn thí thực:2 đây chỉ cho những người xuất gia theo ngoại đạo bên ngoài sa-môn Thích tử.
Nếu tỳ-kheo không có lý do ăn chúng riêng, tỳ-kheo ấy nên đứng dậy thưa: “Tôi không có nhân duyên gì trong bữa ăn chúng riêng này. Tôi muốn ra khỏi chúng.” Đức Phật nói:
“Cho phép ra.”
Nếu những người nào không có lý do cũng được phép cho ra khỏi chúng. Nếu hai người, ba người, thì tùy ý thọ thực. Nếu bốn người hay hơn bốn người thì nên chia ra làm hai bộ, thay nhau vào ăn.
Nếu tỳ-kheo có nhân duyên để ăn theo chúng riêng mà muốn vào, thì hãy đứng dậy thưa: “Tôi có nhân duyên ăn chúng riêng. Tôi muốn vào.”
Đức Phật dạy:
“Nên chấp thuận. Tùy theo thứ tự Thượng tọa [659a] mà ngồi vào.”
Nếu tỳ-kheo nào ăn chúng riêng, mỗi miếng ăn phạm một ba-dậtđề. Nếu có lý do mà không nói, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại chúng tập họp, khi sa-môn thí, hoặc ba người, bốn người đổi nhau ăn, hoặc đi có nhân duyên; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một người nữ tên Già-nhã-na,[214] trước đó ở nơi đại thôn, sau lấy chồng người nước Uất-thiền. Qua vài tháng thì có mang, nên trở về nhà cha mẹ ở. Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà đó khất thực; cô đích thân dâng thức ăn, trái cây cho các tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian, người chồng sai người đến kêu về. Cô nói với sứ giả rằng:
“Hãy ở lại đây chờ một chút! Để tôi sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống và trang điểm y phục rồi sau đó cùng đi.”
Lúc ấy có các tỳ-kheo đến nhà này khất thực, người nữ thấy, nên đem đồ ăn thức uống vừa sửa soạn, cúng hết cho các tỳ-kheo và thưa:
“Đại đức có thể nhận thức ăn này.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận hết thức ăn, không để lại chút nào. Sau đó, cô phải sửa soạn và trang điểm trở lại xong mới ra đi.[215]
Trong khi cô chưa kịp trở lại đó, thì chồng cô đã lấy vợ khác và sai sứ giả nói với cô rằng, “Nay tôi đã lấy vợ khác rồi, về hay không về tùy ý.”
Cha của Già-nhã-na nghe như vậy, đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo thấy liền nói:
“Già-nhã-na, con gái của ông có tín tâm bền chặt và ưa bố thí.” Cha của cô nói:
“Đúng như tôn giả nói, con của tôi thật có tín tâm bền chặt. Nhưng cũng vì thế mà ngày nay nó gặp phải điều mà phụ nữ không vui.” Các tỳ-kheo hỏi:
“Gặp chuyện gì?”
Cha của Già-nhã-na nói:
“Chồng của nó đã lấy vợ khác rồi.”
Khi ấy, ngoài cửa thành Ba-la-nại có nhiều đoàn khách thương đang nghỉ đêm cùng với xe cộ. Hôm đó có một tỳ-kheo khất thực, đến giờ mặc y bưng bát vào trong doanh trại của đoàn thương khách này khất thực.
Tỳ-kheo kia theo thứ tự đi xin, và đến đứng im lặng trước mặt thương chủ có lòng tin sâu đậm. Thương chủ thấy vậy, hỏi: “Ngài đứng nơi đây có việc gì?” Tỳ-kheo trả lời:
“Tôi khất thực.”
Thương chủ liền [659b] nói:
“Ngài đưa bình bát đây.”
Tỳ-kheo trao bình bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bình bát. Tỳ-kheo khất thực mang thức ăn ra khỏi trại. Cách đó không xa, lại có một tỳ-kheo khất thực cũng muốn vào trong doanh trại khất thực, nên hỏi vị tỳ-kheo vừa nhận được thức ăn:
“Xin thức ăn được không?”
Đáp rằng: “Được.”
Lại hỏi: “Nhận được từ người nào?”
Đáp rằng: “Nhận được từ thương chủ nọ.”
Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực liền đến đứng yên lặng trước thương chủ nọ. Thương khách hỏi: “Ngài đứng đây làm gì?” Tỳ-kheo đáp rằng?
“Tôi khất thực.” Thương khách nói:
“Đưa bình bát của ngài đây.”
Tỳ-kheo liền trao bát cho. Thương chủ lấy thức ăn ngon cho vào đầy cả bát rồi trao lại cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận được thức ăn vừa mang ra khỏi trại. Đi khỏi trại không xa, lại gặp một tỳ-kheo cũng muốn vào nơi doanh trại khất thực, nên hỏi:
“Xin thức ăn được không?”
Đáp rằng: “Được.”
Lại hỏi: “Nhận được từ người nào?” Đáp rằng:
“Nhận được từ thương chủ nọ.”
Các tỳ-kheo khất thực thông tin cho nhau như vậy, đã khiến cho thương chủ hết cả lương thực đi đường.
Bấy giờ, thương chủ phải vào trong thành Ba-la-nại sắm lại lương thực. Trong khi đó các đồng bạn đã đi. Thương chủ phải đi sau, nên không theo kịp, dọc đường bị giặc cướp.
Các tỳ-kheo nghe được, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rằng: “Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của thương khách?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo đó: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo lại ăn hết thức ăn của người đàn bà đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo ấy rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô,[216] nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam [659c] không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo bệnh, e sợ không dám nhận thức ăn quá mức, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các Tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn quá mức đã ấn định.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đến nhà bạch y được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nếu cần tỳ-kheo nên nhận hai, ba bát; nhận hai, ba bát rồi về trong Tăng-già-lam[217] nên phân cho các tỳ-kheo khác dùng; nếu tỳ-kheo không bệnh nhận quá hai, ba bát về đến trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhà bạch y: nhà có nam, có nữ.
Bệnh: không thể ăn một bữa mà no đủ.
Nếu tỳ-kheo đến nhà bạch y, được mời cúng thức ăn như bánh, hoặc lương khô, nên hỏi người chủ rằng, “Có phải là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn?” Nếu họ nói là thức ăn người phụ nữ đem về nhà chồng và lương thực đi đường của khách buôn, thì nên ăn xong rồi ra về. Về lại trong Tăng-già-lam, bạch với các tỳ-kheo, “Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu muốn ăn, hãy ăn xong rồi ra về. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai, ba bát.[218] Còn tôi hiện giờ không mang thức ăn về.”
Nếu muốn mang về một bát ăn, khi về đến trong Tăng-già-lam phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Nên nói với tỳ-kheo khác rằng, “Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang hai bát.[219] Còn tôi hiện giờ mang về một bát.”
Nếu mang hai bát thức ăn về trong Tăng-già-lam, phải phân chia cho các tỳ-kheo cùng ăn. Rồi lại nói với các tỳ-kheo khác rằng, “Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì mang một bát.[220] Còn tôi hiện giờ mang về hai bát.”
Nếu mang hết ba bát về phân chia cho các tỳ-kheo khác dùng thì nói với các tỳ-kheo khác rằng, “Nơi nhà kia có thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng, hay lương thực đi đường của khách buôn. Nếu có ai muốn đến đó, ăn tại đó. Nếu muốn mang thức ăn về, thì cẩn thận chớ mang về. Vì tôi hiện giờ mang về đủ ba bát rồi.”
Nếu tỳ-kheo không có bệnh, nhận thức ăn quá hai ba bát nơi nhà đó mang về, ra khỏi cửa phạm ba-dật-đề. [660a1] Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện muốn đi mà đứng lại, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu mang về trong Tăng-già-lam không chia cho các tỳ-kheo khác dùng mà ăn một mình, phạm đột-kiết-la. Nếu không nói với các tỳ-kheo khác, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nhận hai, ba bát; vì bệnh mà nhận quá; có hỏi để biết là thức ăn của người phụ nữ đem về nhà chồng hay lương thực đi đường của khách buôn; mang về trong Tăng-già-lam chia cho các tỳ-kheo khác dùng; bạch với các tỳ-kheo khác biết nơi chốn như vậy. Hoặc tự họ đưa đến trong Tăng-già-lam thì được phép nhận. Hoặc họ đưa đến trong chùa của tỳ-kheo-ni, nhận thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một lần,[222] khen ngợi pháp ăn một lần.
Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn dạy về pháp ăn một lần, khen ngợi pháp ăn một lần, nên các tỳ-kheo ăn thức ăn khư-xà-ni,[223] hoặc ăn năm loại chánh thực,[224] hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn uống một lần không dám ăn lại, khiến cho hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Bấy giờ đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: “Các tỳ-kheo này tại sao hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?” Tôn giả A-nan bạch Phật: “Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo dạy về pháp ăn một bữa, khen ngợi pháp ăn một bữa. Các tỳ-kheo nghe rồi, tại một chỗ ngồi ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi ăn cho thật no.”
Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào thật no. Khi ấy các tỳ-kheo hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.
Bấy giờ đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
“Các tỳ-kheo này tại sao hình thể khô héo, nhan sắc tiều tụy?” Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn [660b] cho phép các tỳ-kheo tại một chỗ ngồi cứ ăn cho đến khi nào đầy đủ; hoặc ăn thức ăn khư-xà-ni, hoặc ăn năm loại thức ăn, hoặc uống nước trái cây, hoặc uống thuốc, dồn lại ăn một lần, rồi không dám ăn lại nữa. Do vậy hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.” Đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo ăn năm loại thức ăn hoặc cơm, hoặc lương khô, hoặc cơm khô, cá và thịt, khiến cho thật no. Đối với trong năm món ăn này, sẽ tùy thuộc vào thứ nào đã nhận được theo đó ăn cho thật no.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo bệnh, tuy đã nhận được thức ăn ngon như, cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt, mà không đủ sức khỏe để ngồi ăn luôn một lần cho nên hình thể bị gầy còm, nhan sắc tiều tụy. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
“Tại sao các tỳ-kheo bệnh hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy?” Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:
“Tỳ-kheo bệnh này tuy nhận được năm món ăn ngon, nhưng không đủ sức khỏe ngồi ăn một lần cho đủ no nên hình thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy.”
Đức Phật bảo A-nan:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh ăn nhiều lần.[225] Người bệnh không cần có phép túc thực.[226]“
Lúc ấy các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn ngon bổ không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn bèn đem bỏ. Các loài chim tranh nhau đến, giành ăn kêu la inh ỏi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan rằng: “Tại sao các loài chim kêu la inh ỏi thế?” Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Các tỳ-kheo bệnh này nhận được thức ăn ngon bổ ăn không hết, còn dư đem cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Cho nên các loài chim giành nhau ăn kêu la inh ỏi như thế.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Từ nay trở đi cho phép người nuôi bệnh được ăn thức ăn dư của người bệnh, khỏi phải làm pháp dư thực.”
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi, không dám ăn nữa, đem bỏ các loài chim tranh nhau ăn kêu la. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:
“Tại sao các loài chim kêu la như thế?” Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Các tỳ-kheo sáng sớm nhận được thức ăn, đem cất; rồi vào thôn khất thực. Ăn xong, trở về lấy thức ăn cất cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn nữa, đem bỏ cho nên các loài chim tranh nhau ăn kêu la như vậy.”
Đức Phật bảo A-nan:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo lấy thức ăn nhận được làm pháp dư thực rồi ăn. [660c] Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‘Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.’ Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‘Thầy tùy ý lấy ăn.’ Nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.”
Về sau, có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: “Tại sao các loài chim kêu la như thế?”
Tôn giả A-nan bạch: Có một trưởng lão, vốn là tỳ-kheo được nhiều người biết, vào trong thôn khất thực, được nhiều thức ăn, tập trung lại một chỗ cùng ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư về trong Tăng-già-lam cho các vị tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn đủ rồi không dám ăn, đem bỏ. Các loài chim tranh nhau ăn, kêu la như vậy.”
Đức Phật bảo A-nan: “Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, thức ăn từ nơi khác đem về nên làm pháp dư thực để ăn. Tác pháp dư thực bằng cách đem thức ăn ấy đến trước một Đại đức ăn chưa xong nói, ‘Thưa đại đức, tôi đã ăn đủ rồi, biết cho, xem cho.’ Đây là tác pháp dư thực. Vị tỳ-kheo kia nên lấy một ít để ăn, rồi nói với vị tác pháp rằng, ‘Thầy tùy ý lấy ăn.’ Vị tỳ-kheo kia nên tác pháp dư thực như vậy rồi mới ăn.”
Khi ấy trong nước Xá-vệ có một tỳ-kheo tham ăn, không biết ăn đủ là thế nào, ăn không đủ là thế nào; không biết pháp dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia, ‘Sao lại tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ, không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?’
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
“Thật sự ông có tham ăn, không biết thế nào là ăn đủ, thế nào là không ăn đủ; không biết dư thực, hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn?”
Tỳ-kheo kia thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, thật vậy.”
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại tham ăn như vậy?” Đức Thế Tôn quở trách xong, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo [661a1] kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn đã đủ, hoặc khi thọ thỉnh,[227] không làm pháp dư thực[228] mà ăn nữa, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn: gồm năm thứ: cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt. Trong năm loại thức ăn này, bất cứ ăn một thứ nào, hoặc cơm, hoặc lương khô, hoặc cơm khô, hoặc cá và thịt khiến cho no đủ. Có năm loại ăn đủ:[229] biết là cơm, biết được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Ăn đủ rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực mà nhận được và ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
Lúc bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, quỳ gối chấm đất, chắp tay bạch Phật: “Tỳ-kheo đang đi, có bao nhiêu trường hợp được xem là túc thực?”
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: “Có năm trường hợp được xem túc thực. Thế nào là năm? Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết mình đang đi, biết thức ăn là cơm, biết đã được đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Biết túc thực rồi, đã xả oai nghi,[230] không tác pháp tàn thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó,[231] Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết mình đang đi, biết lương khô, biết cơm khô, cá và thịt, biết sự mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi, đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là lương khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm khô, biết cá và thịt, cơm, lương khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cơm khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cá và thịt, cơm, lương khô, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, [661b] tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là cá, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thịt, cơm, lương khô, cơm khô, biết người đem đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết thức ăn là thịt, biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Trong đó, Ưu-ba-ly, tỳ-kheo biết khi đi, biết cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt biết người mang đến, biết ngăn, biết oai nghi, biết xả oai nghi. Túc thực rồi đã xả oai nghi, không làm pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
“Ưu-ba-ly, như vậy gọi là năm trường hợp túc thực của tỳ-kheo trong khi đang đi. Đứng, ngồi, nằm cũng như vậy.”
Thức ănkhư-xà-ni,[232] gồm có thức ăn khư-xà-ni củ, thức ăn nhánh, lá, hoa, trái khư-xà-ni, thức ăn dầu, mè, đường mía, (thức ăn) nghiền nát.[233] Tỳ-kheo nào túc thực rồi, không tác pháp dư thực, nhận được thức ăn mà ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu túc thực rồi vì người khác làm pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu biết người khác túc thực rồi, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, tác pháp dư thực mà không thành pháp dư thực, đột-kiết-la.
Nếu cầm thức ăn để dưới đất, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo khiến tịnh nhân cầm thức ăn, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo tác pháp dư thực trước tịnh nhân, phạm đột-kiết-la. Lấy thức ăn không ngon phủ lên trên thức ăn ngon, tác pháp dư thực không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo nhận pháp dư thực của người khác đem hết đi, không thành pháp dư thực, phạm đột-kiết-la.
Nếu túc thực tưởng là túc thực, ba-dật-đề. Nếu túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo không túc thực tưởng là túc thực, phạm đột-kiết-la. Không túc thực mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn mà tưởng chẳng phải thức ăn, không nhận tác pháp dư thực; [661c] chẳng phải thức ăn, không tác pháp dư thực; tự tay giữ lấy, làm pháp dư thực; không để dưới đất tác pháp dư thực; cho đến tay sờ đụng đồ đựng thức ăn; hoặc vì người, người vì mình, tác pháp dư thực; hoặc bị bệnh không tác pháp dư thực; thức ăn dư của người bệnh, không tác pháp dư thực; hoặc đã tác pháp dư thực. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong nước Xá-vệ có hai anh em đều làm tỳ-kheo. Một người ham thích ăn uống, không biết túc thực hay không túc thực; dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn. Có vị tỳ-kheo khác nói rằng: “Chưa từng có một người nào như thầy, ham thích ăn uống, không biết túc thực, không túc thực; dư thực, không dư thực; nhận được thức ăn là ăn liền.”
Tỳ-kheo kia nghe câu nói như vậy, ôm lòng thù hận. Sau đó, một thời gian, thấy vị tỳ-kheo này ăn rồi không làm pháp dư thực liền ân cần mời ăn. Tỳ-kheo này ăn. Tỳ-kheo tham ăn kia nói rằng:
“Chưa từng thấy có thầy nào ham thích thức ăn như thầy, không biết túc thực hay không túc thực; không biết dư thực hay không dư thực; nhận được thức ăn là ăn, không biết nhàm chán, không biết đủ.”
Tỳ-kheo này nói: “Tuy tôi đã ăn nhưng chưa đủ.”
Tỳ-kheo kia nói: “Thầy trước đó đã ăn no đủ rồi.” Tỳ-kheo này nói: “Thầy đã biết tôi ăn đủ rồi phải không?” Đáp rằng:
“Vâng, tôi biết.” Tỳ-kheo này hỏi rằng:
“Thầy biết tôi như vậy mà cố mời tôi ăn phải không?” Đáp rằng: “Vâng, tôi biết.”
Khi ấy tỳ-kheo này hiềm trách tỳ-kheo kia rằng:
“Tại sao biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người khác phạm giới?” Bấy giờ các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo kia: “Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn khiến cho họ phạm tội?” Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Phật vẫn hỏi tỳ-kheo kia rằng:
“Có thật ông biết người kia đã ăn đủ rồi mà ân cần mời ăn, muốn cho người kia phạm giới hay không?”
Vị tỳ-kheo kia thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo kia:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, [662a] làm điều không nên làm. Tại sao biết người khác đã ăn đủ rồi lại ân cần mời ăn, muốn cho họ phạm giới?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi bảo các tỳ-kheo: “Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, ân cần mời ăn, nói rằng, ‘Trưởng lão hãy dùng món ăn này!’ chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc ấy các tỳ-kheo chưa biết đã ăn hay chưa ăn, không biết đã ăn đủ hay chưa ăn đủ, sau đó mới biết là đã ăn đủ, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ. Đức Phật bảo: “Không biết thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, hoặc thọ thỉnh,[235] mà ân cần mời ăn, nói rằng, ‘Trưởng lão hãy dùng món ăn này!’ chỉ vì mục đích muốn cho người khác phạm giới chứ không gì khác, ba-dật đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn: có năm thứ như trước đã giải.
Mời: cũng có năm cách như đã nói trước.[236]
Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác đã ăn đủ, không làm pháp dư thực, mà ân cần mời ăn, nói rằng, “Trưởng lão, hãy dùng món ăn này.” Vị kia nhận ăn, mỗi miếng, cả hai đều phạm ba-dật-đề. Nếu mời ăn, tỳ-kheo được mời không ăn, đem bỏ, thì người mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời ăn, người kia nhận mà không ăn, đem cất thì kẻ mời phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo mời, người kia nhận rồi chuyển cho người khác, thì người mời phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không tác pháp dư thực, đem cho người. Người ấy tác pháp dư thực rồi ăn. Người cho phạm đột-kiết-la. Nếu đem thức ăn người bệnh cho, muốn người khác phạm. Người cho phạm đột-kiết-la. Đem thức ăn dư của người bệnh cho người khác, muốn người khác phạm thì người cho phạm đột-kiết-la. Nếu tác pháp dư thực rồi, đem cho người khác muốn cho người khác phạm, thì người cho phạm đột-kiết-la.
Ăn đủ tưởng là ăn đủ, ba-dật-đề. Đủ mà nghi, đột-kiết-la. Không ăn đủ tưởng là ăn đủ, đột-kiết-la. Không ăn đủ mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: nếu [662b] trước không biết; hoặc ăn đủ tưởng là không ăn đủ; hoặc cho để bỏ mà ăn; hoặc cho để cất mà ăn; hoặc bảo đem cho người mà lấy ăn; hoặc chưa làm pháp dư thực mà cho; bảo làm pháp dư thực mà ăn; người kia không làm pháp dư thực mà ăn; hoặc đem thức ăn dư của người bệnh mà cho, không khiến cho người khác phạm; tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Bấy giờ nhân dân trong thành La-duyệt làm lễ tiết hội, tổ chức kỹ nhạc.
Khi ấy, hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà đến xem kỹ nhạc. Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà vì tướng mạo đoan chánh nên mọi người đều muốn ngắm nhìn. Khi ấy có một người trong đám đông nói: “Quý vị chỉ ngắm suông sa-môn Thích tử. Sao không cung cấp thức ăn? Phải cúng dường, sau đó mới ngắm!”
Lúc ấy, mọi người đều cho thức ăn. Hai Thích tử Nan-đà, Bạt-nan-đà ăn xong, tiếp tục coi ca nhạc mãi cho đến chiều tối mới về đến núi Kỳ-xà-quật. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: “Các thầy sao lại đi vào lúc tối mịt thế?” Nan-đà, Bạt-nan-đà đem nhân duyên ấy thuật lại các tỳ-kheo. Cũng trong khi sẩm tối ấy, Ca-lưu-đà-di[238] khoác y, bưng bát vào thành La-duyệt khất thực. Trong lúc trời đang nhá nhem tối, Ca-lưu-đà-di lại đến khất thực nhằm nhà người đàn bà đang mang thai. Người đàn bà ấy mang thức ăn ra cửa ngõ, gặp lúc trời chớp, chợt thấy sắc diện của Ca-lưu-đà-di,[239] hoảng sợ hét to: ‘Quỷ! quỷ!’ Do đó trụy thai. Ca-lưu-đà-di nói rằng:
“Đại muội, tôi chẳng phải là quỷ mà là sa-môn Thích tử.” Người đàn bà nổi giận nói:
“Sa-môn Thích tử, hãy lòi ruột ra đi, chứ đừng đi khất thực ban đêm!”
Ca-lưu-đà-di nghe câu nói ấy, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe.
Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách việc làm Nan-đà, Bạt-nan-đà thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di: “Này Nan-đà, Bạt-nan-đà và Ca-lưu-đà-di, sao các thầy lại đi khất thực vào lúc phi thời cùng xem ca nhạc?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà [662c] Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, Bạt Nan-đà, Ca-lưu-đà-di, sao các ông lại khất thực lúc phi thời, cùng xem ca nhạc?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà, Bạt-nan-đà Thích tử, cùng Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, không được xem kỹ nhạc. Xem kỹ nhạc phạm đột-kiết-la.
“Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhận thức ăn[240] phi thời và ăn, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thời: từ khi sáng xuất hiện cho đến giữa ngày. Đây là thời giờ đúng pháp để ăn. Bốn châu thiên hạ cũng ăn như vậy.
Phi thời: từ giữa ngày cho đến khi bình minh chưa xuất hiện. Thức ăn: có hai loại: khư-xà-ni và bồ-xà-ni,[241] mỗi thứ có năm loại như trên.
Nếu tỳ-kheo nào nhận được thức ăn phi thời và ăn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Nếu phi thời, quá phi thời, ba-dật-đề. Bảy ngày,[242] mà để quá bảy ngày, ba-dật-đề. Thuốc trọn đời,[243] không nhân duyên mà dùng, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là phi thời, ba-dật-đề. Phi thời mà nghi, đột-kiết-la. Phi thời tưởng là thời đột-kiết-la. Thời tưởng là phi thời đột-kiết-la. Thời mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực thấy người ta làm đường đen,[244] trong đó có chất kế-ni,[245] vì e sợ nên cẩn thận không dám dùng phi thời. Đức Phật dạy, “Cho phép dùng, không phạm. Phương pháp chế biến phải như vậy.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh uống thuốc xổ. Tỳ-kheo nấu cháo. Thời gian chờ cháo chín quá giờ. Nên nấu lúa mạch, đừng cho nó bể vỏ, lọc lấy nước mà dùng thì không phạm. Thức ăn trong cổ ói ra, mà nuốt vào không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Ca-la[247] cũng đang tọa thiền tư duy ở trong đó. Hằng ngày, đến giờ Tôn giả khoác y, bưng bát, vào thành La-duyệt, khất thực.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt khất thực dễ dàng, nên Ca-la khởi lên ý nghĩ: “Phiền gì hằng ngày ta phải vào thành khất thực cho vất vả. Ta hãy ăn những thức ăn được trước; [663a1] thức ăn đang được thì mang về.” Sau đó, làm theo như điều suy nghĩ.[248] Tôn giả liền thực hiện theo ý nghĩ ấy.
Bấy giờ các tỳ-kheo không thấy Ca-la vào giờ tiểu thực, và đại thực, nên cùng nhau bàn tán, “Chúng ta không thấy Ca-la vào tiểu thực, và đại thực. Phải chăng thầy ấy đã qua đời, hay đi xa, hoặc thôi tu, hay bị giặc giết, bị ác thú hại, cũng có thể bị nước cuốn trôi lắm!” Sau đó một thời gian lại thấy Ca-la xuất hiện. Các tỳ-kheo hỏi: “Mấy hôm nay thầy đi đâu mà vào giờ tiểu thực, và đại thực không thấy thầy? Chúng tôi tưởng thầy đã qua đời hay đi xa, hay là thôi tu, hoặc bị ác thú hại.”
Bấy giờ, Ca-la đem sự việc trên kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-la: “Sao lại chứa cất thức ăn cách đêm mà ăn?”
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà ngài vẫn hỏi Ca-la:
“Thật sự ông có cất thức ăn cách đêm để ăn hay chăng?”
Ca-la thưa: “Thật như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-la:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-la, sao ông lại cất đồ ăn cách đêm mà ăn? Ý nghĩ của ông tuy là thiểu dục tri túc, nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo.”
Đức Thế Tôn quở trách Ca-la rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn cách đêm,[249] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn cách đêm:[250] nhận được hôm nay để đến ngày mai. Tất cả sa-môn Thích tử, đã thọ đại giới, mà ăn thức ăn như vậy, đều không thanh tịnh. Thức ăn có hai loại: Thức ăn chánh và thức ăn phi chánh.[251] Thức ăn phi chánh là thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn được nghiền vụn. Thức ăn chính là thịt, cá, cơm khô, lương khô và cơm. Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm, mỗi miếng phạm một ba-dậtđề. Thức ăn phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có lý do bệnh mà dùng, đột-kiết-la.
Cách đêm khởi ý tưởng cách đêm, ba-dật-đề. Cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà tưởng là cách đêm, đột-kiết-la. [663b] Chẳng phải cách đêm mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn nhận được dư cách đêm, còn dư đem cho cha mẹ. Hay cho người làm tháp, người làm phòng xá, tính giá công bằng thức ăn; sau đó, tỳ-kheo khất thực nơi người làm ấy mà được lại thức ăn. Nơi bát có lỗ nứt, thức ăn nhét vào, khi rửa cạy sợ bể thì nên cẩn thận như pháp mà rửa, nếu nó không ra thì không phạm. Nếu ban đêm nhận sữa, dầu, bơ, mỡ dùng để nhểu vào lỗ mũi; nếu khi nhểu vào, sữa, dầu theo nước mũi chảy xuống miệng, nên nhổ ra hết, nếu còn dư, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [252]
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ trong thành Xá-vệ có một tỳ-kheo[254] nghĩ rằng, “Ta nên thường đi khất thực với chiếc y phấn tảo.”[255] Và vị ấy liền thực hành theo ý nghĩ. Bấy giờ, có các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, anh em, chị em, hay chồng vợ, con trai con gái của họ qua đời, làm đồ ăn thức uống thiết lễ cúng tế ở ngã tư đường, hoặc nơi cửa ngõ, hoặc bên bờ sông, dưới gốc cây, hoặc bên hòn đá, hoặc trong miếu thờ. Bấy giờ, vị tỳ-kheo khất thực kia tự lấy phẩm vật họ cúng đó ăn. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm, “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn; phạm điều lấy vật không cho. Bên ngoài tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy thì có chánh pháp gì? Chúng ta vì cha mẹ, anh em, chị em… qua đời, sắm [663c] đồ ăn thức uống tế tự cúng dường, mà họ lại lấy ăn. Hình như chúng ta vì họ làm đồ ăn thức uống, đặt nơi đó, để cúng dường cho họ vậy! Sự thật, chúng ta vì cha mẹ, cho đến anh chị em của chúng ta qua đời cho nên mới thiết lập thức ăn này để tế tự, mà họ lại tự ý lấy ăn.” Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo khất thực rằng:
“Tỳ-kheo khất thực, sao các cư sĩ trong thành Xá-vệ, vì cha mẹ, cho đến anh chị em của họ qua đời; họ sửa soạn thức ăn để tế tự cúng dường, mà thầy lại tự tiện lấy ăn?”
Bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia: “Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo khất thực, sao ông tự tiện lấy thức ăn cúng tế của các cư sĩ trong thành Xá-vệ mà ăn?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo khất thực kia rồi, bảo các tỳ-kheo: “Tỳ-kheo khất thực ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đối trong vấn đề ấy có nghi, không dám tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống. Đức Phật bảo: “Tỳ-kheo tự tay lấy tăm xỉa răng và nước uống, không phạm.” Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho vào miệng thức ăn, hoặc thuốc không được trao nhận,[256] trừ nước và tăm xỉa răng,[257] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Không được cho:[258] tức là chưa được trao nhận.
Nhận: có năm cách nhận. Tay trao tay mà nhận; hoặc tay trao dùng vật mà nhận; dùng vật trao tay mà nhận; dùng vật trao dùng vật nhận, từ xa dùng vật trao cho người nhận lấy, giữa người trao và người nhận đều biết có khoảng cách không xúc ngại; vật cho được rơi vào trong tay. Đó gọi là năm cách nhận.
Lại có năm cách nhận thức ăn: cho qua thân và nhận qua thân, cho qua y (áo, vải) và nhận qua y; cánh tay này co lại để trao, cánh tay kia co lại để nhận; dùng vật đựng để cho, dùng vật đựng để nhận; hoặc có nhân duyên để dưới đất cho. Đó gọi là năm cách nhận thức ăn.2
Thức ăn khư-xà-ni: thức ăn từ rễ, cho đến thức ăn được nghiền nhỏ mịn.
Thức ăn:[259] gồm có cơm, lương khô, cơm khô, thịt và cá.
Thức ăn xà-da-ni: gồm có tô, du, sanh tô, mật, thạch mật.[260] Tỳ-kheo nào, thức ăn không được trao mà tự tay lấy bỏ vào miệng, trừ nước và tăm xỉa răng, [664a1] mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có nhân duyên, không được trao cho nhận mà dùng, đột-kiết-la. Không được trao cho nhận, tưởng không được trao cho nhận, ba-dật-đề. Không được trao cho nhận mà nghi, đột-kiết-la. Nhận mà khởi ý tưởng không nhận, đột-kiết-la. Nhận mà có nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: lấy nước và tăm xỉa răng; hoặc sữa, dầu, mỡ không được trao nhận mà nhểu vào mũi; chảy vào miệng rồi nhổ ra hết, còn dư,[261] không phạm. Hoặc tỳ-kheo khất thực, chim ngậm thức ăn bay rơi vào bát, hay gió thổi rớt vào bát, muốn trừ bỏ thức ăn ấy, cho đến chỉ bằng một móng tay cũng có thể trừ bỏ, còn dư, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có một thương chủ là đàn-việt. Đến giờ khất thực, Bạt-nan-đà Thích tử khoác y, bưng bát, đến nơi nhà thương chủ đó, nói như vầy: “Nay tôi muốn có được thức ăn mỹ diệu.[263]“ Thương chủ hỏi:
“Nay, Đại đức có bệnh gì mà phải nghĩ đến thức ăn ấy?”
Đáp rằng: “Tôi không có bệnh hoạn gì cả. Mà muốn được thức ăn như vậy thôi.”
Thương chủ thưa:
“Chúng con là nhà buôn, buôn bán để sinh sống, còn không thể có được thức ăn như vậy, huống là người xuất gia.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nghe những lời này, hiềm trách Bạtnan-đà Thích tử:
“Tại sao thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu[264] như thế?”
Khi tỳ-kheo khất thực thọ thực rồi, trở về trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này nói lại cho các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Tại sao thầy chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà, sao chỉ vì tự thân mà cầu xin thức ăn mỹ diệu như vậy?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, [664b] nói với các tỳ-kheo:
“Bạt-nan-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Nếu có các thức ăn mỹ diệu như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào, với thức ăn ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nghe vậy, vì e sợ không dám xin, không dám vì tỳ-kheo bệnh xin, nhận được không dám ăn.
Đức Phật dạy: “Từ nay trở đi cho phép tỳ-kheo bệnh được xin; người kia vì tỳ-kheo bệnh được xin. Xin được rồi, cho phép ăn.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Nếu có[265] các thức ăn mỹ diệu[266] như sữa, bơ, cá và thịt, tỳ-kheo nào không bệnh, với thức ăn[267] ngon như vậy, chỉ vì tự thân, đòi hỏi để được ăn, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn mỹ diệu: sữa, bơ, cá và thịt.
Bệnh: cho đến không đủ sức ngồi để ăn xong một bữa.[268]
Tỳ-kheo nào không bệnh, vì tự thân, xin thức ăn mỹ diệu này mà ăn, mỗi miếng ăn phạm một ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: người bệnh tự xin; vì người bệnh xin; khất thực được mà ăn; hoặc mình vì người, người vì mình xin; hoặc không xin mà được, thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử từ nước Câu-tát-la du hành đến nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, có các đàn-việt cúng dường Phật và chúng Tăng rất nhiều bánh. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
“Ông đem bánh này chia cho chúng Tăng.”
Tôn giả vâng lời Phật dạy đem chia. Chia xong còn dư. Đức Phật bảo tôn giả đem cho người đi xin. Tôn giả vâng lời dạy của Phật đem cho mỗi người một cái. Trong số người hành khất kia có một người nữ ngoại đạo lõa thể,[270] dung mạo xinh đẹp. Khi tôn giả A-nan phân phối bánh, bánh dính vào nhau tưởng là một, phát cho cô ta. Cô ta hỏi người đứng gần rằng:
“Bà được mấy cái?” Người kia trả lời:
“Tôi được một cái.”
Trả lời xong bà ấy lại hỏi cô ta:
“Cô được mấy cái?”
Cô ta nói: “Tôi được hai cái.” Người đàn bà kia liền nói với cô:
“Tỳ-kheo đó [664c] cùng cô tư thông, cho nên cô mới được hai cái.”
Bấy giờ tôn giả A-nan nghe những lời này, trong lòng ưu sầu. Các tỳ-kheo nghe cũng không vui.
Trong số những người tụ hội kia, có một phạm-chí,[271] nhận thức ăn này xong, lại lên đường đến Câu-tát-la. Trên đường đi gặp một người bà-la-môn chí tín, làm nghề xem tướng, hỏi: “Ông từ đâu đến?” Phạm-chí trả lời: “Tôi từ Xá-vệ đến.” Bà-la-môn hỏi:
“Sao, trong nước Xá-vệ khất cầu thức ăn dễ dàng lắm không? Có thể còn thừa mang theo không?” Phạm-chí nói: “Có thể xin được.” Bà-la-môn hỏi:
“Xin nơi ai mà dễ được vậy?” Phạm-chí trả lời:
“Xin từ cư sĩ trọc đầu.” Người bà-la-môn lại hỏi:
“Cư sĩ trọc đầu là ai?” Phạm-chí nói:
“Chính là sa-môn Cù-đàm.” Người bà-la-môn bất bình nói:
“Ông là người gì mà ăn của người ta lại nói lời ác như vậy?” Người bà-la-môn kia đến trong Tăng-già-lam, đem sự việc đã nghe kể lại cho các tỳ-kheo.
Các tỳ-kheo này đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn vì nhân duyên trên tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng:
“Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Các ngoại đạo đều có lời oán trách: “Một người, hai người ngoại đạo có lỗi, chớ chúng tôi đâu có tội gì mà không cho thức ăn?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Từ nay trở đi, các tỳ-kheo nào muốn cho thức ăn, nên để dưới đất mà cho, hoặc sai người cho.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy.
Tỳ-kheo nào, tự tay cho thức ăn đến lõa hình ngoại đạo nam hoặc nữ,[272] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Ngoại đạo: chỉ cho người lõa hình dị học.[273]
Ba-tư-ba-la-xà:[274] là người xuất gia trong chúng ngoại đạo ấy.
Thức ăn khư-xà-ni: thức ăn bằng rễ củ, cho đến thức ăn bằng quả, thức ăn bằng dầu cho đến thức ăn được nghiền nát.
Thức ăn:[275] cơm, lương khô, cơm khô, cá và thịt.
Nếu tỳ-kheo tự tay cho thức ăn đến lõa hình, nam nữ ngoại đạo, ba-dật-đề. Nếu cho mà họ nhận phạm ba-dật-đề; họ không nhận phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn cho mà không cho, hối hận, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu để dưới đất mà cho; hoặc sai người cho; hoặc biếu cho cha mẹ; [665a1] cho thợ làm tháp, người thợ làm phòng, tính theo giá trị mà trả công; hoặc bị thế lực cưỡng bức thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả hào tộc là bạn thân hữu trước kia của Bạt-nan-đà Thích tử, nghĩ rằng: “Nếu Bạt-nan-đà Thích tử đến thành này, ta sẽ vì Bạt-nan-đà thiết trai cúng dường chúng Tăng.”
Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử vào đến thành. Trưởng giả biết, liền sai người đến trong Tăng-già-lam mời các tỳ-kheo sáng ngày mai thọ thực.
Trong đêm ấy, trưởng giả sửa soạn đầy đủ các đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đến báo đã đến giờ. Các tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả an tọa nơi chỗ ngồi. Các tỳ-kheo bảo ông trưởng giả rằng: “Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống nếu đã sửa soạn xong, hãy dọn ra.”
Ông trưởng giả thưa: “Xin chư tôn chờ một lát. Đợi Thích tử Bạtnan-đà đến.”
Các tỳ-kheo bảo: “Chúng Tăng đã tập họp rồi. Đồ ăn thức uống nếu đã sửa soạn xong, thì cứ dọn ra. Sao lại phải đợi? Mặt trời gần xế rồi. E rằng các tỳ-kheo thọ thực không kịp no.” Khi ấy, ông trưởng giả thưa với các tỳ-kheo:
“Trước đây, tôi có lời nguyện, nếu Thích tử Bạt-nan-đà đến thành này, tôi sẽ vì Bạt-nan-đà Thích tử thiết cơm cúng dường chúng tăng. Vậy xin chư tôn chờ một chút, đợi Bạt-nan-đà.”
Hôm ấy, Bạt-nan-đà vào giờ tiểu thực lại đến nhà khác, mãi gần giữa ngày mới lại. Khi ấy, các tỳ-kheo thấy gần quá giữa ngày, tuy được ăn uống nhưng không được no lắm.
Trong số các tỳ-kheo có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Bạt-nan-đà Thích tử, sao giờ tiểu thực thầy lại đến nhà khác, gần giữa trưa mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, [665b] làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà Thích tử, tại sao giờ tiểu thực, ông lại đến các nhà khác, gần quá giữa ngày mới đến, khiến cho các tỳ-kheo thọ thực không được đầy đủ?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, vào giờ tiểu thực[277] lại đến nhà khác, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Khi ấy, trong thành Laduyệt có một đại thần là bạn thân quen trước kia của Thích tử Bạtnan-đà. Một hôm vị đại thần kia có được một số quả ngọt,[278] liền sai một người và dặn rằng:
“Bạt-nan-đà Thích tử là bạn thân quen trước kia của ta. Ngươi mang quả này đến trong Tăng-già-lam cho ông ấy rồi nói rõ rằng, ‘Tôi với ông là bạn cũ. Nhờ ông mang số quả này phân chia trong chúng Tăng.’”
Người sứ kia vâng lời, mang cam đến trong Tăng-già-lam, thưa với các tỳ-kheo:
“Thưa chư Đại đức, đây là trái cây mới, cho Tăng.” Các tỳ-kheo bảo:
“Nếu cúng cho chúng Tăng thì nên chia liền đi.” Người kia thưa:
“Vị Đại thần trong thành La-duyệt sai tôi rằng, ‘Ngươi mang số quả này đến trong Tăng-già-lam nhờ Thích tử Bạt-nan-đà chia cho Tăng.’ Bây giờ, cần phải chờ Thích tử Bạt-nan-đà đến rồi sẽ chia cho Tăng.”
Bấy giờ, Bạt-nan-đà sau bữa ăn đã đến nhà khác rồi. Khi trở về thì đã quá giờ, khiến chúng Tăng không dùng được số quả tươi ấy.
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà: “Tại sao sau bữa ăn, lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới như vậy?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thích tử Bạt-nan-đà, tại sao sau khi ăn xong, ông lại đến nhà khác, quá giờ mới trở lại, khiến cho các tỳ-kheo dùng không được số quả mới?”
Thế Tôn sau khi bằng vô số phương tiện quở trách rồi, nói với các tỳ kheo: Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
[665c]Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, trong thành Laduyệt có nhiều chỗ thỉnh Tăng, nhưng các tỳ-kheo e sợ, không dám nhận lời thỉnh vào thành. Bạch Phật. Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo báo cho nhau để vào thành.”
Tỳ-kheo không biết nên báo cho ai. Phật dạy: “Nên báo cho tỳ-kheo. Nếu ở một mình trong phòng thì báo cho vị tỳ-kheo phòng gần.”
Từ nay trở đi, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, trước đó bảo nhà đàn-việt nấu canh, nấu cháo, nấu cơm; vị ấy e sợ, không dám vào thành, ngại phạm sau bữa ăn mà đến nhà khác. Bạch Phật, Phật dạy:
“Cho phép tỳ-kheo bệnh, không báo, được vào thành.” Từ nay, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian may y đã đến. Các tỳ-kheo cần những thứ như nồi lớn, nồi nhỏ, bình, thìa, bát, búa, chén, chậu, bát nhỏ, ấm, dây phơi, đồ treo y, y-ni-diênđà,[279] vải lông. Các tỳ-kheo vì e sợ, nên không dám vào thành, ngại phạm không báo mà vào thôn. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo khi may y, không báo được vào thành.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác mà không báo cho tỳ-kheo khác, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, thời gian thí y đã đến. Hoặc có chỗ đã được thí y, có chỗ đang tìm cầu. Các tỳ-kheo kia e sợ không dám vào thành, lo ngại phạm không báo mà vào thành. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi, thời gian thí y cho phép các tỳ-kheo không báo vẫn được phép vào thành.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận lời mời, trước bữa ăn hay sau bữa ăn lại đến nhà khác [666a1] mà không báo cho tỳ-kheo khác,[280] trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y. Đó là những trường hợp đặc biệt.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trước bữa ăn: từ bình minh xuất hiện, đến khi ăn. Sau bữa ăn: từ khi ăn cho đến giữa ngày.[281] Nhà: nơi có nam nữ cư trú.
Các Tỳ-kheo khác: những người sống chung đồng trong một cương giới.
Bệnh: như trên đã nói.
Thời gian may y: sau tự tứ, không thọ y ca-thi-na thì một tháng, có thọ y ca-thi-na thì năm tháng. Ngoài ra những khi khuyến hóa cúng thức ăn kể cả thí y, cũng thuộc về thời gian thí y.
Nếu tỳ-kheo nào báo đến thôn mà giữa đường trở lại, thời lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đi nữa, thì phải báo trở lại. Nếu tỳ-kheo nào báo đến trong thôn mà không đến chỗ đã báo đó, lại đến nhà khác, thì lời báo trước không còn giá trị; nếu muốn đến đó thì phải báo trở lại mới được đi.
Nếu báo đến nhà bạch y mà lại đến nơi nhà kho và tụ lạc hay phòng biên;[282] hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo-ni hay đến nhà bạch y rồi về liền cũng mất đi lời báo trước; phải báo trở lại mới được đi. Nếu tỳ-kheo đã nhận lời mời rồi trước bữa ăn hay sau bữa ăn đến nhà khác, mà không báo cho tỳ-kheo để vào thôn, trừ trường hợp đặc biệt, ba-dật-đề. Một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, phương tiện trang nghiêm, muốn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi bệnh, thời gian may y, thời gian thí y, đã báo cho tỳ-kheo khác; hoặc không có tỳ-kheo, không báo;[283] đến nơi nhà kho, tụ lạc, phòng biên; hoặc đến Tăng-già-lam của tỳ-kheo, đến dặn nhà bạch y được dặn báo; hoặc nơi nhiều nhà, trải tọa cụ, thỉnh tỳ-kheo; hoặc bị thế lực ép buộc; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn ở đời quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên Trai, có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. [666b] Khi ấy Calưu-đà-di để ý đến Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý đến Calưu-đà-di.
Hôm ấy đến giờ khất thực Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà Trai ưu-bà-tư, an tọa nơi chỗ ngồi. Trong lúc ấy, Trai ưu-bà-tư tắm rửa trang điểm thân hình, phu chủ đang lúc hết lòng yêu kính, nên không hề rời nhau.
Phu chủ hỏi Ca-lưu-đà-di: “Ông cần gì?”
Ca-lưu-đà-di trả lời: “Tôi cần thức ăn.”
Người chồng liền bảo vợ đem thức ăn cho. Như lời nói của chồng, bà vợ đem thức ăn trao cho Ca-lưu-đà-di. Ca-lưu-đà-di ăn xong, vẫn ngồi một chỗ không đi. Người chồng hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:
“Vừa rồi ông nói cần thức ăn. Đã ăn rồi, sao không đi?”
Khi ấy,Trai ưu-bà-tư ra dấu hiệu khiến Ca-lưu-đà-di đừng đi. Phu chủ của bà nổi giận nói với Ca-lưu-đà-di rằng:
“Tỳ-kheo làm trở ngại việc của ta.[285] Nói cần ăn, cho ăn rồi, sao không đi. Lại muốn làm gì đây? Tôi giao nhà cho ông mà đi. Ở lại đó, muốn làm gì thì làm!”
Người chồng giận, nói như vậy, rồi bỏ nhà ra đi.
Vào lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực vừa đến nhà đó, nghe như vậy, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng:
“Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn[286]?”
Tỳ-kheo khất thực ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này bạch đầy đủ với các tỳ-kheo. Trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng:
“Tại sao thầy lại ngồi lì tại nhà đang có thức ăn?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Thật sự ông có ngồi yên tại nhà đang có thức ăn?”
Ca-lưu-đà-di thưa: “Bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông lại ngồi yên nơi nhà cho ăn có của quý?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
[666c] Tỳ-kheo nào, tại nhà có thức ăn,[287] có vật báu,[288] mà cố nán ngồi,[289] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn: nam dùng nữ làm thức ăn, nữ dùng nam làm thức ăn, cho nên gọi là thức ăn.
Nhà: như trước đã nói.
Vật báu: xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách, kim ngân.
Nếu tỳ-kheo tại nhà có thức ăn, có vật báu, duỗi cánh tay mà đụng cánh cửa thì được ngồi.[290] Nếu tỳ-kheo nơi nhà có thức ăn, có vật báu mà cố nán ngồi, ba-dật-đề. Mù mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không mù, cũng đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa ma ni, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu vào trong nhà ăn có vật báu, ngồi duỗi cánh tay ra đụng cửa; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen; hoặc có người khách ở chỗ đó mà không mù không điếc, không điếc không mù; hoặc đi ngang qua mà không đứng lại; hoặc bất ngờ bệnh phát té xuống đất; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn là người thế tục, có quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Calưu-đà-di.
Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của
Trai ưu-bà-tư, tự nghĩ rằng, “Đức Thế Tôn cấm trong nhà có ăn, có vật báu không được ngồi và được ngồi chỗ nào duỗi cánh tay ra đụng cửa.” Nên ông ngồi phía sau cánh cửa.
Khi Ca-lưu-đà-di cùng với Trai ưu-bà-tư đang nói chuyện, có tỳ-kheo khất thực đến, nghe có tiếng Ca-lưu-đà-di đang nói, mà không thấy Ca-lưu-đà-di ở chỗ nào, bèn hiềm trách Ca-lưu-đà-di:
“Tại sao, trong nhà có ăn [667a1], có của báu mà lại ngồi chỗ khuất khiến cho chúng tôi không biết đang làm gì?”
Tỳ-kheo khất thực ra khỏi thành Xá-vệ, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng:
“Tại sao, trong nhà có ăn, có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Có thật, trong nhà có ăn, có vật báu, mà ông ngồi chỗ khuất hay không?”
Ca-lưu-đà-di thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có đúng như vậy.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, trong nhà có ăn, có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?”
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, trong nhà có ăn, có vật báu mà ngồi nơi khuất,[292] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thức ăn: nữ là thức ăn của nam, nam là thức ăn của nữ.
Vật báu: xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách, kim ngân.
Chỗ khuất: hoặc cây, tường, vách, rào dậu, hoặc y, các vật khác che ngăn.
Tỳ-kheo vào trong nhà có ăn có vật báu, ngồi nơi chỗ khuất, duỗi tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy. Tỳ-kheo nào trong nhà có ăn có vật báu, mà ngồi nơi chỗ khuất, ba-dật-đề. Đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu nơi nhà có ăn, có vật báu mà ngồi chỗ duỗi cánh tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen biết gần bên; hoặc cùng một chỗ với người khách mà không đui không điếc; hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại; hoặc bất ngờ bị bệnh té xỉu hay bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; thảy đều [667b] không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi chưa xuất gia, có thân quen với người vợ của ông bạn bạch y. Người đàn bà ấy tên là Trai,[294] có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Calưu-đà-di.[295]
Đã đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, ngồi chỗ trống cùng nhau nói chuyện. Một tỳ-kheo khất thực đến, thấy Ca-lưu-đà-di cùng Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ nói chuyện, liền hiềm trách Ca-lưu-đà-di: “Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?”
Tỳ-kheo khất thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, đem nhân duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Calưu-đà-di rằng:
“Sao thầy lại cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi tại chỗ trống cùng nhau nói chuyện?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Ngài biết mà vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Thật sự ông có cùng với Trai ưu-bà-tư ngồi một chỗ trống nói chuyện hay không?”
Ca-lưu-đà-di thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-lưu-đà-di, sao ông lại cùng với Trai ưu-bà-tư chỗ trống nói chuyện?”
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống,[296] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người nữ: người có trí, mạng căn không đoạn.
Một mình: một người nữ, một tỳ-kheo.
Chỗ khuất:[297] khuất đối với thấy, khuất đối với nghe.
- Khuất [667c] đối với thấy: do bụi, sương, bóng tối, mà không thấy mặt.
- Khuất đối với nghe: không nghe được tiếng nói bình thường.
Tỳ-kheo nào một mình ngồi với người nữ tại chỗ trống, ba-dật-đề. Nếu đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đột-kiết-la. Đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có hai tỳ-kheo làm bạn, hoặc có người quen biết gần bên, hoặc có người khách nơi đó mà không đui không điếc, không điếc không đui, hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại, hoặc bất ngờ bị bệnh té xuống hay bị thế lực bắt buộc, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử cùng với các tỳ-kheo khác[299] cãi nhau, bắt phải sám hối. Bạt-nan-đà ôm hận trong lòng. Sau đó, Bạt-nan-đà Thích tử nói với vị tỳ-kheo rằng: “Thầy đi theo tôi vào trong thôn. Tôi sẽ cho thầy thức ăn.” Tỳ-kheo kia đồng ý.
Giờ khất thực đến, Bạt-nan-đà khoác y, bưng bát, cùng với tỳ-kheo kia vào thành Xá-vệ. Dẫn đến vùng không có thức ăn. Bạt-nan-đà đi vòng quanh khắp nơi. Mãi đến khi gần quá giữa ngày, Bạt-nanđà toan tính:
“Nếu tỳ-kheo này ra khỏi thành Xá-vệ, về đến trong Kỳ-hoàn thì đã quá ngọ.”
Bạt-nan-đà bèn nói với tỳ-kheo kia rằng:
“Chưa từng có người nào đại ác như thầy!”
Tỳ-kheo kia hỏi rằng: “Tôi đã gây ra những tội gì?”
Bạt-nan-đà trả lời: “Hôm nay, thầy đã làm cho tôi không nhận được thức ăn. Trưởng lão hãy đi chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.”
Bạt-nan-đà nói với tỳ-kheo này như vậy rồi, vào chỗ có thức ăn trong thành Xá-vệ nhận ăn. Trong khi tỳ-kheo kia ra khỏi thành Xá-vệ về đến Kỳ-hoàn thì đã quá giữa ngày, nên không thể ăn được, phải nhịn đói.
Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Sao thầy bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho tỳ-kheo kia thức ăn, lại nói rằng, ‘Trưởng lão hãy đi chỗ khác nhanh lên. Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.’ Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳ-hoàn. Đã quá giữa ngày, [668a1] cuối cùng phải nhịn đói?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại bảo tỳ-kheo kia cùng đi với thầy vào tụ lạc, thầy sẽ cho thức ăn. Cuối cùng thầy không cho thức ăn cho tỳ-kheo kia lại nói rằng, ‘Trưởng lão hãy đi chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.’ Đuổi tỳ-kheo kia trở lại trong Kỳhoàn. Đã quá giữa ngày, cuối cùng phải nhịn đói?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nanđà Thích tử rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói với tỳ-kheo khác như vầy, “Đại đức, hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Đại đức ăn.” Tỳ-kheo ấy cuối cùng không cho tỳ-kheo kia thức ăn, nói rằng: “Trưởng lão hãy đi chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.” Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thôn:[300] có bốn loại như đã nói ở trước.
Thực: thời thực (ăn đúng thời)
Tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng, “Vào tụ lạc, tôi sẽ cho thầy thức ăn.” Cuối cùng tỳ-kheo kia không cho thức ăn cho tỳ-kheo này, lại nói, “Trưởng lão hãy đi chỗ khác nhanh lên! Tôi mà ngồi hay nói chuyện với thầy thì bị bất hạnh. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc.” Tỳ-kheo kia phương tiện đuổi đi đến chỗ không thấy nghe, phạm ba-dật-đề; đến chỗ không thấy mà nghe, phạm đột-kiết-la; đến chỗ không nghe mà thấy, phạm đột-kiết-la. Phương tiện đuổi đi, tự bỏ chỗ thấy nghe, phạm ba-dật-đề; bỏ chỗ thấy đến chỗ nghe; bỏ chỗ nghe đến chỗ thấy, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trao cho thức ăn rồi bảo đi; hoặc bệnh, hoặc không có oai nghi, người thấy không vui nên nói, ‘Thầy đi! Tôi sẽ đưa thức ăn đến trong Tăng-già-lam.’ Hoặc vị kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc trong chúng cử tội, hay bị tẩn, hoặc đáng bị tẫn, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, phương tiện bảo đi, không vì thù hận mà khiến đi, thảy đều không phạm.
[668b]Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, tại Thích-suý-sấu.[302] Bấy giờ, Ma-ha-nam giòng họ Thích phát nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Ông cung kính các Thượng tọa, nên cúng dường thứ tốt, dù họ cần hay không cần cũng cúng. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng, “Ma-ha-nam Thích tử này, nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng, cung kính bậc Thượng tọa, cúng dường thứ tốt. Đối với chúng ta, không có lòng cung kính, nên dùng thứ xấu để cho chúng ta. Khi yêu cầu còn không cho; huống chi lúc không yêu cầu.” Rồi bảo nhau: “Chúng ta hãy đến nhà đó yêu cầu thứ khó kiếm, và loại thuốc không thể có.”[303] Bàn xong họ liền đến nhà của Ma-ha-nam nói rằng:
“Chúng tôi cần thứ thuốc như vậy, như vậy.”
Ma-ha-nam nói: “Nếu trong nhà tôi có thì sẽ cúng dường. Nếu không, tôi sẽ ra chợ mua để cung cấp.” Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng:
“Trong nhà ông, không thể có thứ thuốc như vậy, như vậy hay sao?”
Ma-ha-nam nói: “Trong nhà có thì cúng liền. Nếu không, sẽ ra chợ mua để cúng.”
Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói:
“Ông nguyện cúng dường thuốc cho chúng Tăng. Mà ông cung kính bậc Thượng tọa, nên ông cúng thứ tốt. Dù họ cần hay không cần ông cũng cúng. Còn đối với Hạ tọa, ông không ân cần cung kính, nên cho thứ xấu. Có yêu cầu còn không được; huống chi không yêu cầu? Trong nhà ông không có thuốc, tại sao ông lại nguyện cúng thuốc cho chúng Tăng? Ông là người có thiên vị, lại vọng ngữ nữa.”
Ma-ha-nam nói:
“Trước đây, tôi có nguyện cung cấp cho chúng Tăng thuốc mà trong nhà có. Nếu trong nhà không có, sẽ ra chợ mua cho. Tại các thầy lại nói tôi là người thiên vị và lại vọng ngữ, không có lòng chí thành? Trưởng lão hãy đi đi! Từ nay trở đi tôi không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa.”
Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Ma-ha-nam Thích tử ưa cung kính, thích bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, tại sao các thầy lại mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên [668c] đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao Ma-ha-nam Thích tử có tín tâm, ưa bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, mà các ông mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông ta không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được thỉnh cầu cúng dường thuốc bốn tháng[304] thì có thể nhận, nếu nhận quá, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh có tâm e sợ không dám nhận thuốc quá, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thuốc quá bốn tháng.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thường thỉnh cung cấp thuốc cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo có tâm e sợ không dám nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc ấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, Ma-ha-nam Thích tử lại nghĩ, “Nay, ta không thể vì một hay hai người mà chấm dứt sự cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Nay, ta nên thỉnh chúng Tăng cung cấp thuốc trở lại.” Nghĩ như vậy rồi, Ma-ha-nam liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:
“Nguyện xin chư Đại đức Tăng nhận lại sự cung cấp thuốc của tôi.”
Các tỳ-kheo vì cẩn thận nên sợ, không dám nhận sự cung cấp thuốc trở lại. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận thuốc được thỉnh cầu cung cấp trở lại.”
Các tỳ-kheo tính cộng lại những ngày trước.[305] Bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không nên tính lại những ngày trước. Nên tính kể từ ngày cắt đứt thuốc rồi cho trở lại.”[306] Từ nay trở đi nên nói giới như vầy: Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, [669a] nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo nhận thuốc chia phần. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận, bạch Phật, đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc chia phần.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo cung cấp thuốc trọn đời. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận thuốc trọn đời, bạch Phật, đức Phật dạy: “Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc trọn đời.” Từ nay trở đi vì các tỳ-kheo kết giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần, thỉnh trọn đời.[307]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Bốn tháng: là bốn tháng mùa hạ.
Nhân duyên:[308] nguyện cung cấp thuốc.
Bệnh: thầy thuốc bảo uống thứ thuốc đó.
Thường thỉnh: thí chủ thưa, “Tôi nguyện thường xuyên cúng thuốc.”
Thỉnh trở lại: chấm dứt rồi, thỉnh trở lại.
Thỉnh chia phần: thí chủ đem thuốc đến Tăng-già-lam cúng rồi phân chia.
Thỉnh trọn đời: thí chủ thưa, “Tôi sẽ cúng thuốc trọn đời.”
Thỉnh: có bốn cách. Có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc; có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn; có giới hạn thuốc, không có giới hạn ngày; ngày không giới hạn thuốc cũng không giới hạn.
Thế nào gọi là có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc? Thí chủ có quy định thời gian mà không ấn định số thuốc.
Như nói, “Tôi nguyện cúng thuốc với chừng đó ngày.” Đó gọi là thỉnh có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc.
Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, không giới hạn ngày? Thí chủ xin cúng một số thuốc, nhưng không giới hạn thời gian. Nói như vầy, “Tôi cúng loại thuốc như vậy.” Đó gọi là thỉnh thuốc có giới hạn mà thời gian không giới hạn.
Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn? Thí chủ nguyện cúng một số thuốc trong thời gian đã được ấn định. Nói như vầy, “Tôi hứa cúng thuốc như vậy trong khoảng thời gian như vậy.” Đó là thuốc và thời gian được ấn định.
Thế nào gọi là không giới hạn thuốc, không giới hạn ngày. Thí chủ xin cúng thuốc, chứ không nói số thuốc bao nhiêu và thời gian bao lâu. Nói như vầy, “Tôi xin cúng thuốc cho thầy.” Đó [669b] gọi là thỉnh thuốc và thời gian không hạn định.
Trong bốn cách thỉnh trên, thời gian có hạn định, thuốc không hạn định, và thời gian có hạn định, thuốc có hạn định, tức là thọ thỉnh bốn tháng mùa hạ.
Trong bốn cách thỉnh trên, thuốc có hạn định, thời gian không hạn định. Thời gian không hạn định, thuốc cũng không hạn định, tùy theo thời gian dâng cúng mà nhận. Tỳ-kheo kia không có bệnh, nên nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng mùa hạ. Nếu nhận quá, trừ thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời, mỗi lần nuốt là phạm một ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng; có bệnh nên nhận quá; thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vùng trong nước vua Ba-tư-nặc,[310] người dân phản loạn, nhà vua phải đích thân thống lãnh sáu loại quân để chinh phạt.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đến đó xem coi quân trận. Vua Ba-tưnặc hỏi rằng:
“Chư Tôn có mặt giữa ba quân này muốn làm việc gì?”
Lục quần trả lời: “Chúng tôi không có việc gì cả. Chỉ đến xem coi mà thôi.”
Vua Ba-tư-nặc nghe nói như vậy lòng không vui. Nhà vua lại hỏi:
“Các thầy sẽ đi đâu?”
Lục quần nói: “Chúng tôi sẽ đến nước Xá-vệ yết kiến đức Thế Tôn.”
Nhà vua nói: “Nếu quý Đại đức đến nước Xá-vệ, xin nhân danh tôi lễ bái, thăm hỏi đức Thế Tôn, rằng nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc nhằn lắm không? Tôi xin gởi gói mật mía này dâng cúng đức Thế Tôn, và quý Đại đức đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.” Lúc Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo liền đến Tịnh xá Kỳ-hoàn ở nước Xá-vệ, kính lễ dưới chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên, nhân danh vua Ba-tư-nặc lễ bái vấn tấn đức Thế Tôn rằng: “Nằm ngồi có khinh an không? Đi đứng được mạnh khỏe chăng? Giáo hóa có nhọc mệt lắm không? Dâng gói mật mía lên đức Thế Tôn, và đem nhân duyên trên bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.”
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các ông thật là người ngu si, sao lại xem coi thế lực quân trận của nhà vua?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“[669c] Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bây giờ, có một vùng trong nước vua Ba-tư-nặc, nhân dân phản loạn, nhà vua sai hai vị đại thần, là anh em với nhau, người anh tên là Lị-sư-đạt-đa, người em tên là Phú-la-na,[311] cầm quân đi chinh phạt. Hai vị đại thần này khát ngưỡng, muốn diện kiến tỳ-kheo nên sai sứ đến thỉnh các đại đức tỳ-kheo đến để hai vị gặp. Các tỳ-kheo vì có tâm cẩn thận sợ nên bảo, đức Thế Tôn đã chế giới: “Nếu tỳ-kheo nào đi xem quân trận, ba-dật-đề.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Phật bảo: “Nếu cần có sự cáo bạch hay được mời gọi, thì cho phép đến.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận,[312] ba-dật-đề. Trừ nhân duyên hợp thời.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trận: Hoặc chiến, hoặc đấu.
Quân: hoặc một quân, hai quân, ba quân, bốn quân.
- Một quân: một quân voi, một quân ngựa, một quân xe, một quân bộ. Hoặc toàn là quân ngựa, quân voi, quân bộ, quân xe.
- Hai quân: hai voi, hai ngựa, hai xe, hai bộ, hoặc gồm có voi và ngựa, hoặc voi và xe, hoặc voi và bộ, hoặc ngựa và xe, hoặc ngựa và bộ, hoặc xe và bộ.
- Ba quân: ba voi, ba ngựa, ba xe, ba bộ, hoặc voi, ngựa và xe, hoặc voi, ngựa và bộ, hoặc ngựa, xe và bộ.
- Bốn quân: bốn voi, bốn ngựa, bốn xe, bốn bộ, hoặc voi, ngựa, xe và bộ.
Tỳ-kheo kia đến xem quân trận, từ đường này đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường; từ thấp đến cao, từ cao đến thấp, đến mà thấy thì phạm ba-dật-đề. Đến mà không thấy, phạm đột-kiết-la.
Nếu phương tiện chuẩn bị, muốn xem mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi nơi đường trước, quân trận mới đến sau, tỳ-kheo nên tránh qua bên lề đường, không tránh phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: tỳ-kheo có việc cần đến; hoặc được mời đi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc đi phía trước quân trận đến sau, có tránh qua bên lề đường; hoặc đường nước, đường bộ bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực [670a1] trói dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không tránh bên lề đường thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo có nhân duyên đến trong quân trại và ngủ lại. Các cư sĩ thấy, bèn nói với nhau rằng: “Chúng ta vì ân ái nên ngủ đêm nơi đây. Còn các sa-môn này, ở lại đây có việc gì?”
Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Đức Thế Tôn chế giới, khi có duyên sự mới đến trong quân trại. Sao các thầy lại ngủ đêm trong quân trại?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, có nhân duyên mới được vào trong quân trại. Các ông không có việc gì sao lại ngủ lại trong quân trại?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại, ngủ lại hai, ba đêm; nếu quá, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo nào có nhân duyên muốn đến trong quân trại, được phép ngủ lại hai đêm; cho đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, nên đi đến chỗ không thấy không nghe. Tỳ-kheo kia ở trong quân trận đủ hai đêm rồi; đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, không lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy, lúc bình minh xuất hiện, phạm ba-dật-đề. Nếu lìa khỏi chỗ mắt thấy mà đến chỗ tai nghe, phạm đột-kiết-la. Lìa chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hai đêm rồi, đến đêm thứ ba, khi bình minh chưa xuất hiện, lìa khỏi chỗ tai nghe, mắt thấy. Hoặc đường thủy, đường bộ bị đứt đoạn; hoặc nạn ác thú, hoặc đạo tặc, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt ở lại, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều được ngủ hai đêm trong quân đội; đến đêm thứ ba, khi bình minh[670b] xuất hiện, không lìa khỏi chỗ thấy nghe, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [314]
[671a7] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳđà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo có nhân duyên được ở trong quân đội hai đến ba đêm. Họ lại ở trong quân đội để xem quân trận chiến đấu, xem voi, ngựa của các bên. Trong nhóm sáu người này có người do xem coi quân trận chiến đấu mà bị tên bắn trúng. Các tỳ-kheo đồng bạn liền dùng y băng bó khiêng về. Các cư sĩ thấy thế, hỏi tỳ-kheo: “Vị này bệnh hoạn gì?” Các tỳ-kheo trả lời:
“Không bệnh hoạn gì cả. Vừa rồi đi xem quân trận chiến đấu nên bị trúng tên.”
Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: “Chúng tôi vì ân ái cho nên mới diễn tập quân trận này. Các thầy là người xuất gia, đến trong quân đội có việc gì?”
Các tỳ-kheo nghe qua, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Đức Thế Tôn chế giới cho phép các tỳ-kheo có nhân duyên đến trong quân trại, ngủ lại hai đến ba đêm. Các thầy đã ngủ trong quân trại hai, ba đêm rồi. Sao các thầy lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, tại sao Thế Tôn chỉ cho phép các tỳ-kheo, có nhân duyên mới được đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm. Mà các ông ngủ lại trong quân đội hai, ba đêm rồi, lại còn đi xem quân trận chiến đấu, để phải bị thương?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười [671b] cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ở trong quân trại hai, ba đêm, hoặc khi xem quân đội chiến đấu, hoặc xem thế lực quân bộ, quân voi, quân ngựa,[316] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Đấu: chiến đấu giả hay chiến đấu thật.
Quân: từ một binh chủng cho đến bốn binh chủng. Hoặc có quân của vua, quân của giặc, quân của cư sĩ.
Thế lực: sức của voi hạng nhất, sức của ngựa hạng nhất, sức của xe hạng nhất, sức của bộ binh hạng nhất.
Trận:[317] có trận đồ hình vuông, có trận đồ hình tròn, có trận đồ hình bán nguyệt, có trận đồ hình ngói lợp,[318] có trận đồ hình giảm tướng,[319] trận của tượng vương, mã vương, nhơn vương.
Tỳ-kheo nào đến xem quân đội chiến đấu, thế lực của voi ngựa. Từ đường này đến đường kia, từ đường đến chẳng phải đường, từ chẳng phải đường đến đường, từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, đến xem mà thấy, phạm ba-dật-đề. Xem mà không thấy, phạm đột-kiết-la. Phương tiện chuẩn bị, muốn đến mà không đến, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo đi trước trên đường, quân đội đến sau thì nên tránh, không tránh thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có nhân duyên, hoặc có người mời, người thỉnh; hoặc bị thế lực bắt dẫn đi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; hoặc đi trước, quân đội đến sau, tránh bên lề đường; hoặc đường bộ, đường thuỷ bị đứt đoạn, đạo tặc, ác thú, nước lụt; hoặc bị cưỡng bức bắt trói, mạng nạn, tịnh hạnh nạn; tất cả không tránh bên lề đường, thảy không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở nước Chi-đà,[321] cùng với đại chúng tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc bấy giờ, tôn giả Sa-già-đà[322] làm thị giả[323] của Phật.
Sa-già-đà ghé đến chỗ ở của phạm-chí bện tóc, nói với phạm-chí này rằng:
“Tôi muốn tạm nghỉ ở đây một đêm, tại phòng đệ nhất,[324] nơi trú xứ của ông. Ông có thuận ý hay chăng?”
Phạm-chí trả lời: “Không có gì trở ngại đối với tôi. Song trong phòng ấy có con độc long. Sợ nó làm tổn hại ông thôi.” Tỳ-kheo nói:
“Miễn là ông cho phép nghỉ. Có thể nó không hại tôi.”
Phạm-chí bện tóc nói: “Phòng ấy rộng rãi lắm. Tùy ý ông cứ ở.” Bấy giờ, trưởng lão Sa-già-đà vào phòng đó, tự trải cỏ làm nệm, ngồi kiết già, cột niệm trước mặt. Con độc long[325] kia [671c] thấy Sa-già-đà ngồi kiết già, liền phóng khói lửa ra. Sa-già-đà cũng phóng khói lửa. Độc long giận, tuôn lửa ra nơi thân. Sa-già-đà cũng tuôn lửa ra nơi thân.
Bấy giờ, phòng kia giống như một trận cháy lớn vậy. Sa-già-đà tự nghĩ: “Nay ta có nên dập tắt lửa nơi con rồng này, mà không làm tổn thương đến thân nó chăng?” Nghĩ xong, Sa-già-đà liền dập tắt lửa nơi con rồng mà không thương tổn nó.
Bấy giờ, hỏa quang của độc long không có màu sắc. Còn hỏa quang của Sa-già-đà thì chuyển đổi đủ thứ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, lục bích, pha lê.
Trong đêm ấy, Sa-già-đà hàng phục con độc long này, đựng vào trong bình bát. Sáng sớm tinh sương, đem đến cho phạm-chí bện tóc, nói rằng: “Con độc long đã bị tôi hàng phục và hiện đang đựng ở trong bình bát. Đem cho ông xem đây.”
Trong lúc đó, ông chủ Câu-thiểm-di[326] cũng đang ngủ tại nhà Phạmchí bện tóc, nghĩ rằng, “Thật là điều chưa từng có! Đệ tử của đức Thế Tôn mà còn có đại thần lực như vậy, huống là Như Lai.” Ông liền thưa với Sa-già-đà rằng:
“Khi nào đức Thế Tôn đến nơi Câu-thiểm-di, xin ngài cho tôi biết.
Tôi muốn kính lễ đức Như Lai.”
Sa-già-đà nói: “Tốt lắm!”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ nước Chi-đà, du hành trong nhân gian, đến nước Câu-thiểm-di. Vị quốc chủ của nước nghe đức Thế Tôn hướng dẫn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử đến nơi đó, liền cưỡi xe đến nghinh đón đức Thế Tôn.
Từ xa, thấy đức Thế Tôn, nhan sắc đoan chánh, các căn tịnh định, tâm của Ngài vắng lặng, đạt mức tối thượng điều phục cao nhất, như con voi chúa đã được điều phục, giống như vực sâu trong vắt. Thấy vậy, tâm sanh chí tín. Với tâm cung kính, vị quốc chủ liền xuống xe, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khuyến hóa, khiến quốc chủ được hoan hỷ. Khi ấy, quốc chủ Câu-thiểm-di nghe đức Phật nói pháp khuyến hóa, tâm đại hoan hỷ rồi, xoay lại nhìn chúng Tăng, không thấy tôn giả Sa-già-đà, liền hỏi các tỳ-kheo rằng:
“Sa-già-đà hiện đang ở đâu?” Các tỳ-kheo trả lời:
“Sa-già-đà đi sau. Sẽ đến bây giờ.”
Khi ấy, Sa-già-đà cùng với nhóm sáu tỳ-kheo đến sau. Quốc chủ Câu-thiểm-di thấy Sa-già-đà đến, liền ra nghinh tiếp, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên.
Sa-già-đà lại dùng tất cả phương tiện nói pháp khuyến hóa, khiến tâm quốc chủ hoan hỷ. Quốc chủ Câu-thiểm-di nghe Sa-già-đà dùng mọi phương tiện nói pháp khuyến hoá, được hoan hỷ rồi, bạch với tôn giả rằng:
“Ngài cần gì xin cho tôi được biết.” Tôn giả Sa-già-đà trả lời:
“Thôi, được rồi! Như thế tức là [672a1] cúng dường tôi rồi đó.” Quốc chủ lại thưa: “Nguyện xin được biết, ngài cần thứ gì.” Nhóm sáu tỳ-kheo nói với quốc chủ rằng:
“Ông biết chăng? Y, bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, đối với tỳ-kheo là vật dễ có được. Còn có vật đối với tỳ-kheo rất khó được, ông nên cho.”
Quốc chủ liền thưa: “Đối với tỳ-kheo, vật gì là vật khó có được?”
Nhóm sáu tỳ-kheo trả lời: “Vật cần muốn có là rượu đen[327].” Quốc chủ nói:
“Cần thứ đó thì sáng mai đến nhận, nhiều hay ít tùy ý.” Bấy giờ, quốc chủ kính lễ Sa-già-đà, đi nhiễu quanh rồi cáo lui.
Sáng sớm hôm sau, Sa-già-đà mặc y, bưng bát đến nhà của quốc chủ Câu-thiểm-di, an tọa nơi chỗ ngồi. Khi ấy quốc chủ đem các thức ăn ngon bổ, trong đó có cả rượu đen để dâng cúng, khiến cho được no đủ.
Sa-già-đà ăn uống no đủ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Giữa đường, bị rượu làm cho say nên té xuống đất và ói thức ăn ra. Các loài chim tranh ăn kêu la. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:
“Tại sao các loài chim kêu la như thế?” Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Đại đức Sa-già-đà nhận sự mời thỉnh của quốc chủ Câu-thiểm-di, ăn uống các thứ, trong đó có rượu đen, bị say nằm bên đường và ói mửa ra, cho nên các loài chim tranh ăn kêu la.” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Tỳ-kheo Sa-già-đà người si này, ngay lúc này không thể hàng phục được con rồng nhỏ, huống là hàng phục con rồng lớn!” Đức Phật bảo A-nan:
“Người uống rượu có mười điều tai hại: 1. Nhan sắc xấu xí. 2. Kém sức khỏe. 3. Mắt nhìn không tỏ. 4. Hiện tướng hung dữ. 5. Phá hỏng tài sản, gia nghiệp. 6. Tăng thêm bệnh hoạn. 7. Thêm đấu tranh kiện tụng. 8. Không ai khen, tiếng xấu truyền khắp. 9. Trí tuệ giảm thiểu. 10.Thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác.”
“A-nan, đó gọi là mười điều tai hại của việc uống rượu.” Đức Phật bảo A-nan:
“Từ nay trở đi, người nào đã tôn giáo pháp của Ta làm thầy thì cho dù chỉ dùng đầu ngọn cỏ thấm rượu rồi để vào miệng cũng không được.”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Sa-già-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Sa-già-đà ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, uống rượu, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Rượu: rượu nấu bằng cây,[328] rượu nấu bằng lúa, rượu nấu bằng gạo, chỉ chung cho tất cả các loại rượu bằng gạo, bằng đại mạch, hoặc các phương pháp biến chế rượu khác.
- [672b]Rượu nấu bằng cây: như rượu nước quả lê, rượu quả diêmphù, rượu mía, rượu quả xá-lâu già,[329] rượu nước quả uy nhuy[330], rượu nho.
- Rượu nước quả lê: dùng mật hay đường mía trộn vào để làm. Cho đến rượu nho cũng pha chế như vậy.
Rượu: có sắc rượu, hương rượu, vị rượu, đều không nên uống. Hoặc có loại rượu chẳng có sắc rượu mà có hương vị rượu, không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu, không nên uống. Hoặc có thứ rượu chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, chẳng có vị rượu, cũng không nên uống. Chẳng phải rượu mà có sắc rượu, hương vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu mà có hương rượu, vị rượu, thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có sắc rượu, chẳng có hương rượu, mà có vị rượu thì được uống. Chẳng phải rượu, chẳng có hương rượu chẳng có vị rượu, thì được uống.
Tỳ-kheo nào uống rượu, nấu rượu, hòa rượu, hoặc ăn, hoặc uống, ba-dật-đề. Nếu uống rượu có vị ngọt,[331] đột-kiết-la. Nếu uống rượu có vị chua, phạm đột-kiết-la. Ăn mem rượu, hèm rượu, đột-kiết-la.[332] Rượu, khởi ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Rượu mà nghi, ba-dật-đề. Rượu mà không có ý tưởng là rượu, ba-dật-đề. Không phải rượu mà có ý tưởng là rượu, đột-kiết-la. Không phải rượu mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu có bệnh như vậy, như vậy; trị các thứ thuốc khác không lành, dùng rượu để làm thuốc; hoặc dùng rượu thoa nơi mụt ghẻ; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đang đùa giỡn trong sông A-kỳ- la-bà-đề;[334] từ bờ bên này, đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng hoặc nghịch dòng, hoặc lặn nơi này, trồi lên nơi kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau.
Vừa lúc đó, vua Ba-tư-nặc cùng với Mạt-lợi phu nhân[335] ở trên lầu cao, từ xa trông thấy nhóm mười bảy tỳ-kheo đùa giỡn trong sông kia; từ bờ bên này đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này, trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau. Thấy vậy, nhà vua nói với Mạt-lợi phu nhân rằng:
“Khanh xem, những người mà khanh thờ kính kia kìa.” Lúc ấy Mạt-lợi phu nhân liền trả lời với nhà vua rằng:
“Các tỳ-kheo đó tuổi còn nhỏ, mới xuất gia, ở trong Phật pháp chưa bao lâu. Hoặc là lớn tuổi nhưng si không biết gì.”
[672c]Rồi Mạt-lợi phu nhân vội vàng xuống lầu bảo bà-la-môn Na-lăng-ca[336] rằng:
“Ngươi nhân danh ta, đến trong Kỳ-hoàn thăm hỏi đức Thế Tôn, đi đứng được khoẻ mạnh không? Giáo hóa có nhọc nhằn không? Đem gói thạch mật này dâng cúng đức Thế Tôn, và đem nhân duyên này trình lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. “
Người bà-la-môn kia liền nhận lời của phu nhân, đến chỗ đức Thế Tôn; thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
“Mạt-lợi phu nhân sai con đến thăm hỏi đức Thế Tôn, ‘Đi đứng có vững vàng không? Đời sống được khinh an không? Giáo hóa có nhọc nhằn không? Phu nhân gởi gói mật mía này dâng cúng Thế Tôn.’” Và trình sự việc lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm mười bảy tỳ-kheo, tại sao các ông đùa giỡn trong nước, nơi sông A-kỳ-bà-đề. Từ bờ bên này đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau?”
Đức Thế Tôn quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Giỡn trong nước: buông lung theo ý muốn, từ bờ này bơi qua bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc ngược dòng, hoặc lặn chỗ này, nổi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau, cho đến dùng bình bát đựng nước, đùa giỡn bằng mọi cách đều phạm ba-dật-đề.
Ngoài nước ra, nước trái cây, nước sữa trong, hoặc rượu đắng, nước vo gạo, đựng trong đồ để đùa giỡn thì cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trên đường đi phải lội qua sông, từ bờ bên này đến bờ bên kia; hoặc kéo cây gỗ trong nước; hoặc kéo tre, kéo nứa, lên xuống dòng nước; hoặc lấy đá, lấy cát; hoặc mất vật gì lặn xuống đáy nước để tìm, lặn xuống nổi lên; hoặc muốn học bơi, nên phải dùng tay quạt nước, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[673a1] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo cù nôn một vị trong nhóm mười bảy tỳ-kheo, đến nỗi khiến cho họ mạng chung.[338] Các tỳ-kheo nghe việc này trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, “Tại sao cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến bỏ mạng?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo! Tại sao các ông cù nôn nhóm mười bảy tỳ-kheo cho đến phải chết?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, dùng ngón tay cù nôn nhau, ba-dật-đề
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Ngón tay: tay có mười ngón, chân có mười ngón.
Nếu tỳ-kheo nào dùng ngón tay, ngón chân thọc lét nhau, ba-dậtđề.[339] Ngoài ngón tay ngón chân ra dùng cây gậy, chốt cửa, phất trần và tất cả các vật khác để thọc lét nhau, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, ca-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu không cố ý cù nôn; hoặc đang ngủ, cần xúc chạm để kêu dậy; hoặc ra vào tới lui, hay quét đất đụng nhằm; hoặc lấy cây gậy vướng phải; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Xiển-đà[341] có cơ[342] phạm giới, các tỳ-kheo can gián rằng, “Thầy chớ có nghĩ như vậy. Đó là điều không nên.” Xiển-đà không nghe lời các tỳ-kheo can gián, liền phạm giới.
Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Xiển-đà rằng, “ Xiển-đà, sao khi thầy có cơ phạm giới, các tỳ-kheo can gián mà không nghe, để cho phạm?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, [673b] đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Xiển-đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Xiển-đà, sao các tỳ-kheo can gián mà ông không nghe theo, để cho phạm giới?”
Dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián,[343] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Không nhận lời can gián: người khác can, bảo đừng làm như vậy mà cứ làm, vì vậy cho nên phạm căn bản bất tùng ngữ (không nghe lời), đột-kiết-la. Nếu tự biết mình làm như vậy là sai, song cố làm, phạm căn bản bất tùng ngữ, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: người vô trí đến can, nên nói: “Ông cần hỏi thầy Hòa thượng của ông để học vấn, tụng kinh, mà biết pháp can gián, sau đó mới có thể can gián. Khi ấy, tôi mới nghe theo.” Hoặc nói giỡn chơi, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nhằm nói việc khác; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở nước Ba-la-lê-tỳ.[345] Bấy giờ, tôn giả Na-ca-bala[346] tỳ-kheo làm thị giả đức Thế Tôn, cung cấp các thứ cần dùng. Phật bảo Na-ca-ba-la:
“Ông lấy cái áo mưa đem đây. Ta muốn đến chỗ kinh hành để đi kinh hành.”
Tôn giả vâng lời, lấy áo mưa đem đến cho đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mang áo mưa, đến chỗ kinh hành để đi kinh hành.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân biến hóa làm nhà kinh hành bằng vàng,[347] rồi chắp tay đứng trước đức Thế Tôn thưa rằng:
“Đức Thế Tôn của con đi kinh hành! Đức Thiện Thệ của con đi kinh hành!”
Pháp thường của chư Phật, khi kinh hành, người cúng dường đứng đầu con đường kinh hành.
Khi ấy, tỳ-kheo Na-ca-ba-la đứng nơi đầu đường đi kinh hành, biết phần đầu của đêm đã qua, bạch Đức Thế Tôn rằng: “Đầu hôm đã qua, thỉnh Thế Tôn vào phòng.”
Thế Tôn im lặng. Giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy, trời sắp sáng, [673c] lại bạch đức Thế Tôn:
“Đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm đã qua, bình minh xuất hiện, các loài chim bắt đầu thức dậy, trời sắp sáng tỏ. Cung thỉnh đức Thế Tôn trở lại phòng.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn vẫn im lặng.
Khi ấy, Na-ca-ba-la nghĩ rằng: “Nay ta có nên dọa Phật, để khiến cho đức Phật vào phòng nghỉ hay không?” Tức thì, Na-ca-ba-la liền lật ngược chiếc y câu-chấp[348] trùm lên trên đầu, đến chỗ đức Phật giả làm tiếng phi nhơn khủng bố, “Sa-môn! Ta là quỷ đây.” Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Ta biết, cái tâm của người ngu thật là xấu.” Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
“Trong chúng cũng có hạng người như vậy hay sao?” Đức Phật bảo Thích Đề-hoàn Nhân rằng:
“Người này ở trong đời này sẽ được pháp thanh tịnh.”[349] Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ khen Phật:
Thánh độc hành không phóng dật,
Ai khen chê không dao động;
Sư tử rống nghe không sợ,
Như gió qua cỏ không ngại.
Dẫn đạo tất cả các chúng,
Quyết định tất cả trời người.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cũng dùng kệ trả lời:
Thiên đế nghĩ Ta sợ,
Nên nói lời này chăng!
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân kính lễ dưới chân Phật, rồi ẩn hình lui đi. Sau khi đêm qua, bình minh vừa ló dạng, đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, đem nhân duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe và nói: “Na-ca-ba-la này là người si, lại muốn dọa cho Ta sợ!” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Na-ca-bala rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, dọa tỳ-kheo khác, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Dọa:[350] tức là dùng sắc, tiếng, hương, vị, xúc và pháp để dọa người sợ.
- Thế nào gọi là dùng sắc khủng bố? Hoặc làm thành hình con voi, hình con ngựa, hoặc làm thành hình con quỷ, hình cầm thú. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người, khiến cho người thấy, dù sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Dùng những hình sắc như vậy để khủng bố người mà người ấy không thấy, phạm đột-kiết-la.
- Thế nào gọi là dùng tiếng để khủng bố người? Hoặc dùng tiếng tù và, tiếng trống, tiếng ba-la,[351] tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng lạc đà kêu rống. Dùng những âm thinh như vậy để khủng bố, [674a1] khiến cho người kia nghe, dù họ sợ sệt hay không sợ sệt đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng âm thanh như vậy để khủng bố mà người kia không nghe, phạm đột-kiết-la.
- Thế nào gọi là dùng hương để khủng bố người? Hoặc dùng hương của rễ cây, hương của cây tát-la,[352] hương của nhựa cây, hương của vỏ cây, hương của bì phu, hương lá, hương bông, hương quả, hoặc là mùi thơm hoặc là mùi thối. Nếu dùng các loại hương này để khủng bố người, người kia ngửi mùi hoặc sợ hoặc không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng các loại hương như vậy để khủng bố người, người ấy không ngửi, phạm đột-kiết-la.
- Thế nào gọi là dùng vị khủng bố người? Dùng vị trao cho người, như vị chua, vị ngọt, vị đắng, vị chát, vị mặn, vị ca-sa.[353] Dùng những vị như vậy để khủng bố người, khiến cho họ nếm vị ấy, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Nếu đem những vị ấy để khủng bố người mà họ không thưởng thức, phạm đột-kiết-la.
- Thế nào gọi là dùng sự xúc chạm để khủng bố người? Như dùng sức nóng, sức lạnh, sức nhẹ, sức nặng, hoặc mịn, hoặc thô, hoặc trơn, hoặc rít, hoặc mềm, hoặc cứng. Dùng các vật như vậy để chạm xúc, khủng bố người, khiến cho người kia xúc chạm, dù họ sợ hay không đều phạm ba-dật-đề. Dùng những vật xúc chạm như vậy để khủng bố, mà người không xúc chạm, phạm đột-kiết-la.
Thế nào gọi là dùng pháp để khủng bố người? Nói với người trước, “Tôi thấy tướng thầy như vậy; hoặc thấy mộng như vậy, ông sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu. Hòa thượng và A-xà-lê của thầy cũng sẽ chết, hoặc mất y bát, hoặc thôi tu, hoặc cha mẹ thầy lâm bệnh nặng, hoặc qua đời.” Dùng những pháp như vậy khủng bố người, khiến họ biết, dù sợ hay không sợ đều phạm ba-dật-đề. Nếu dùng những pháp như vậy để khủng bố người, mà người ấy không biết, đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để khủng bố người, nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sadi, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc ngồi chỗ tối, không đèn không lửa; hoặc nơi nhà đại tiểu tiện. Nhìn từ xa bảo là voi là giặc, hoặc ác thú đâm ra sợ sệt, cho đến trong nhà tối chỗ không đèn, không lửa, nơi đại tiểu tiện nghe tiếng người đi; hoặc tiếng động chạm của cây cỏ, hoặc tiếng tằng hắng tạo ra sợ sệt; hoặc dùng sắc chỉ cho người, không tạo ra sự sợ sệt; hoặc dùng thinh, hương, vị, xúc trao cho người, không có ý tạo cho họ sợ; hoặc thật có việc như vậy, hoặc thấy tướng như vậy, hoặc thấy trong mộng; hoặc (thầy) sẽ chết, mất y bát thôi tu; hoặc[674b] cha mẹ bệnh nặng sẽ chết, liền nói như vầy, “Tôi thấy thầy có các biến tướng như vậy”; hoặc nói đùa, hoặc nói nhanh vội, hoặc nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Laduyệt-kỳ, nơi đó có một cái ao.[355] Bấy giờ, vua Bình-sa nước Makiệt[356] cho phép các tỳ-kheo được vào tắm giặt trong ao.
Một hôm, vào lúc cuối đêm khi bình minh chưa xuất hiện, nhóm sáu tỳ-kheo vào tắm giặt trong ao. Cũng vào lúc đó, khi bình minh chưa xuất hiện, vua Bình-sa cùng với các thể nữ muốn đến nơi ao để tắm rửa. Khi đến nơi, nhà vua nghe tiếng người đang tắm rửa nơi ao, liền hỏi quân hầu cận hai bên rằng:
“Ai đang tắm trong ao?”
Tâu: “Đó là các tỳ-kheo.”
Nhà vua ra lệnh: “Không nên khua động lớn tiếng. Đừng để cho các tỳ-kheo không kịp tắm phải ra về.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng các loại thuốc bột mịn, thoa tắm với nhau, cho đến khi mặt trời mọc mà chưa tắm xong. Rốt cuộc nhà vua không tắm được phải hồi cung. Các đại thần đều giận và cơ hiềm. Họ nói với nhau rằng:
“Những sa-môn họ Thích này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Cuối đêm dẫn nhau vào ao nước, dùng các loại thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi cho đến khi ánh sáng xuất hiện. Cuối cùng khiến nhà vua không tắm rửa được phải hồi cung.”
Các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao vào trong ao nước lúc cuối đêm, lại dùng các thứ thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến khi ánh sáng xuất hiện, khiến nhà vua không tắm được?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vào trong ao tắm lúc cuối đêm, lại dùng thuốc bột mịn tắm rửa cho nhau, mãi đến trời sáng, khiến cho nhà vua không tắm được phải về?”
Đức Thế Tôn [674c] dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo rằng:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo lúc trời nóng bức, thân thể bị mọc nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, e sợ không dám tắm, ngại vi phạm giới quá nửa tháng tắm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép các tỳ-kheo lúc trời nóng bức được tắm rửa thường xuyên. Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Trong số các tỳ-kheo bệnh, thân thể bị mụn nhọt, mồ hôi tiết ra hôi hám, hoặc khi đại tiểu tiện, đổ đồ bất tịnh, e sợ không dám tắm, lo ngại phạm quá nửa tháng tắm rửa. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: “Cho phép các tỳ-kheo bệnh được tắm rửa theo nhu cầu.” Từ nay, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Các tỳ-kheo khi làm việc, thân thể bị mồ hôi tiết ra hôi hám, các tỳ-kheo có tâm e sợ, không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép các tỳ-kheo lúc làm việc được tắm rửa theo yêu cầu.
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo đi trong cơn mưa gió, thân hình bị mọc nhọt, mồ hôi ra nhớp nhúa, đất bụi không sạch, vì cẩn thận sợ không dám tắm, bạch Phật. Phật cho phép tỳ-kheo khi mưa gió được tắm rửa theo yêu cầu.
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng, sanh ghẻ, mồ hôi đổ nhớp đầy bụi ô uế, không sạch, sợ và cẩn thận không dám tắm, bạch Phật. Phật dạy, “Cho phép các tỳ-kheo [675a1] khi đi đường được tắm rửa theo yêu cầu.” Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo, nửa tháng nên tắm một lần; nếu quá, ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt là thời gian nóng bức, khi bệnh, lúc làm việc, khi mưa gió, lúc đi đường, đó là những trường hợp đặc biệt.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thời gian nóng: bốn mươi lăm ngày cuối mùa xuân và tháng đầu mùa hạ là thời gian nóng bức.
Bệnh: cho đến thân thể bị xú uế, như vậy gọi là bệnh.
Làm việc: cho đến như việc quét đất phía trước phòng.
Khi mưa gió: cho đến một trận gió lốc, một giọt mưa rớt trên thân.
Lúc đi đường: cho đến chỉ đi trong vòng nửa do-tuần, kể cả đi tới và đi lui.
Nếu tỳ-kheo nửa tháng tắm một lần, trừ trường hợp đặc biệt; nếu quá, kể cả chỉ dội nước ướt khắp thân, ba-dật-đề; hoặc nước dội chỉ ướt nửa thân cũng phạm ba-dật-đề, hoặc chuẩn bị phương tiện muốn tắm mà không tắm; tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nửa tháng tắm một lần; lúc nóng, lúc bệnh, lúc làm việc, lúc gió, lúc mưa, lúc đi đường, nên tắm rửa thường xuyên; hoặc bị thế lực bắt, cưỡng bức bảo tắm thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở tại thành Khoáng dã.[358] Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo bảo nhau, “Trước mặt Thượng tọa, chúng ta nói năng không được tự do.” Họ liền cùng nhau ra ngoài phòng, nơi đất trống, tập trung cây cỏ dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm. Bấy giờ, trong gốc cây có một con rắn độc, bị hơi lửa xông nóng, từ trong bộng cây chạy ra. Các tỳ-kheo thấy đều hoảng sợ, la hét, “Rắn độc! Rắn độc!” Rồi lấy củi đang cháy ném lung tung. Lửa văng, cháy giảng đường của Phật. Các tỳ-kheo nghe thấy việc này, trong đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng, “Sao các thầy cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy ném tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của đức Phật?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, [675b] đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế
Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng bảo nhau rằng, trước mặt Thượng tọa chúng ta nói năng không được tự do. Rồi các thầy ra ngoài phòng tập trung cây cỏ, nơi đất trống, dưới gốc đại thọ, đốt lửa để sưởi ấm, khiến cho rắn độc ở trong bộng cây chạy ra, các thầy hoảng sợ, lấy củi đang cháy ném tứ tung, lửa văng, đốt cháy giảng đường của Phật?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cẩn thận sợ không dám tự nhóm lửa, không nhờ người nhóm. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Cho phép tỳ-kheo bệnh được tự nhóm lửa nơi đất trống hay nhờ người nhóm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo muốn nấu cháo cho tỳ-kheo bệnh, hoặc nấu canh, nấu cơm, hoặc nơi nhà ấm,[359] nơi nhà trù, nơi nhà tắm, hoặc xông bát, nhuộm y, hoặc thắp đèn, thắp hương; các tỳ-kheo đều cẩn thận sợ không dám làm. Đức Phật dạy:
“Những việc trên cho phép được nhóm lửa.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc sai người nhóm, ba-dật-đề. Trừ có nhân duyên.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Bệnh: cần lửa để sưởi ấm.
Nếu tỳ-kheo không bệnh, vì mình tự nhóm lửa nơi đất trống, hoặc đốt cỏ cây, nhánh lá, gai, cây gai, sô ma hoặc phân bò, trấu… đốt bất cứ thứ gì cũng đều phạm ba-dật-đề.
Nếu lấy lửa để trên cỏ cây, nhánh lá, gai, cây gai, phân bò, trấu… nếu cháy đều phạm ba-dật-đề.
Nếu lấy cây bị đốt phân nửa ném vào trong lửa, đột-kiết-la; đốt than đột-kiết-la.
Nếu không nói với người đối diện.
“Người xem cho, biết cho!”, [675c] đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nói với người đối diện.
“Hãy xem đây!”
Hoặc người bệnh tự nhóm lửa, hay nhờ người nhóm lửa, có nhân duyên chăm sóc người bệnh, vì người bệnh nấu cháo, nấu canh, nấu cơm, hoặc ở nơi nhà trù, nơi nhà ấm, nơi nhà tắm; hay xông bát, hoặc nấu thuốc nhuộm y, đốt đèn, đốt hương, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Liền trong đêm đó sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sang rạng ngày hôm sau đến báo tin giờ thọ thực.
Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim đến để một bên rồi thong thả kinh hành, chờ giờ ăn đến. Nhóm sáu tỳ-kheo rình lúc nhóm mười bảy tỳ-kheo đi kinh hành quay lưng lại chỗ để đồ, liền lấy y bát, tọa cụ, ống kim của họ giấu. Khi nhóm mười bảy tỳ-kheo nghe báo tin giờ thọ thực đã đến, thì phát hiện, nên hỏi:
“Y bát, tọa cụ, ống kim của chúng tôi để tại đây, ai đem đi đâu?” Các tỳ-kheo khác hỏi:
“Các ông ở đâu đến?” Nhóm mười bảy trả lời:
“Chúng tôi ở đây. Mang y bát, tọa cụ, ống đựng kim để một bên, rồi đi kinh hành, chờ đến giờ ăn.”
Trong khi đó, nhóm sáu tỳ-kheo đang đùa giỡn ở trước. Các tỳ-kheo khác quan sát, thấy nhóm sáu đang đùa giỡn, khẳng định những người này lấy y bát đi giấu.
Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Sao các thầy lấy y, bát, tọa cụ, ống kim của nhóm mười bảy giấu đi?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông rình lúc nhóm mười bảy tỳ-kheo đi kinh hành quay lưng lại, lấy y bát tọa cụ ống kim của họ giấu đi?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết [676a1] giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo khác, tự mình giấu hoặc bảo người giấu, cho đến giỡn chơi, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo giấu y bát tọa cụ ống đựng kim của tỳ-kheo khác, hoặc sai người giấu, kể cả giỡn chơi, Ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức xoa-ma na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu thật biết rõ vật của người kia, thể tất cho nhau mà lấy cất; hoặc để nơi đất trống, bị mưa gió làm tổn hoại nên lấy cất; hoặc người chủ của vật tánh bừa bãi, bỏ y bát tọa cụ ống kim một cách lung tung, nhằm mục đích cảnh giới họ nên lấy cất; hoặc mượn y của người kia mặc mà người kia không thu xếp, sợ mất nên lấy cất; hoặc vì y bát các vật này mà đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên lấy cất; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chân thật thí[362] y cho tỳ-kheo thân hậu; sau đó, không nói với chủ mà lấy mặc.
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống phạm hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Tại sao trước đây, các thầy đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu, sau không nói với chủ mà lấy mặc?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông, trước đã đem y thí cho tỳ-kheo thân hậu rồi, sau không nói với chủ mà lấy mặc?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đã cho y đến tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoama-na, sa-di, sa-di-ni, về sau không nói với [676b] chủ mà lấy mặc,3 ba-dật- đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Y: có mười loại như trước đã nói.
Cho y: tức là tịnh thí y. Tịnh thí y có hai cách: Chân thật tịnh thí và triển chuyển tịnh thí.
- Chân thật tịnh thí: người cho nói, “Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão, để làm chân thật tịnh thí.”4 - Triển chuyển tịnh thí: người cho nói, “Đây là y dư của tôi chưa tác tịnh. Nay vì để tịnh, tôi cho trưởng lão.” Vị được cho nên nói như vầy, “Trưởng lão nghe cho. Trưởng lão có y dư như vậy, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, tôi xin nhận.” Nhận rồi nên hỏi, “Trưởng lão muốn cho ai?” Người cho nên nói, “Cho vị có tên như vậy.” Vị kia nên nói, “Trưởng lão có cái y dư này, chưa tác tịnh. Nay cho tôi để được tịnh, nên tôi nhận. Nhận rồi tôi chuyển cho Tỳ-kheo có tên như vậy. Như vậy y này là sở hữu của tỳ-kheo có tên như vậy. Trưởng lão vì Tỳ-kheo có tên như vậy cất giữ hộ trì, tùy ý xử dụng.”5
Chân thật tịnh th thì phải hỏi chủ, sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không nói, tùy ý lấy dùng. Nếu tỳ-kheo y đã chân thật tịnh thí, không nói với chủ mà lấy dùng, phạm ba-dật-đề.
3 Tăng kỳ: “không xả mà thọ dụng.” Thập tụng: người khác không trả mà cưỡng đoạt lấy.” Căn bản: “nhận y người khác gởi, tự tiện dùng mà không hỏi chủ.” 4 Pāli: sammukhāvikappanā, tác tịnh hiện tiền (trực tiếp), cho trực tiếp người hiện diện; cf. Vin. iv. 122.
5 Pāli: paraṃmukhāvikappanā, cho qua trung gian, nhờ chuyển đến một người khác. Người cho nói: “Vì để tác tịnh, tôi cho ngài y này.” Người nhận hỏi: “Ai là thân hữu của ngài?” Đáp: Vị có tên như vậy.” Người nhận nói: “Tôi sẽ chuyển cho vị ấy. Vật sở hữu của vị ấy, xin ngài cứ dùng, hoặc xả, hoặc làm gì tùy ý ngài.” Cf. Vin.iv. 122.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nói với chủ rồi mới lấy dùng, nếu chân thật tịnh thí. Nói hay không nói trước khi lấy dùng, nếu là triển chuyển tịnh thí.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mặc y màu trắng mà đi. Các cư sĩ đều cơ hiềm, “Sa-môn Thích tử này không biết tàm quý. Thu nhận thọ dụng không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng, tôi tu chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Tại sao mặc đồ mới màu trắng mà đi, giống như nhà vua, hay đại thần của vua?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Sao các thầy mặc y mới màu trắng mà đi?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm [676c] là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông mặc áo màu trắng mà đi?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nhận được y mới, tùy ý sử dụng một trong ba màu hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan làm cho hoại sắc; nếu không làm cho hoại sắc bằng ba thứ hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan[364] mà mặc nguyên y mới, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Mới: là y mới, hoặc mới nhận được từ người, đều gọi là y mới. Y: có mười loại như đã nói trước.
Hoại sắc: nhuộm thành màu xanh, đen, mộc lan.
Tỳ-kheo kia nhận được y (vải) mới không nhuộm làm thành ba hoại sắc xanh, đen, mộc lan. Tỳ-kheo được y mới, không nhuộm ba màu xanh, đen, mộc lan, mà mặc y mới với màu khác, ba-dật-đề. Nếu có y kép không tác tịnh mà cất chứa, phạm đột-kiết-la. Y đơn không tác tịnh phạm đột-kiết-la. Nếu chẳng phải y, đãy đựng y bát, đãy đựng guốc dép, đãy đựng kim chỉ, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, bít tất, nhíp, khăn lau, khăn gói giày dép, không tác tịnh mà chứa cất đều phạm đột-kiết-la. Nếu đem y chưa nhuộm mà gởi nhà bạch y, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu nhận được y màu trắng, dùng ba màu xanh, đen và mộc lan để nhuộm. Y kép, y đơn tác tịnh rồi mới chứa. Nếu chẳng phải đãy đựng y bát, cho đến khăn gói giày dép, đều tác tịnh rồi mới chứa cất; hoặc y nhuộm rồi mới đem gởi nhà bạch y; hoặc y đã phai màu nhuộm lại, đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-Vệ. Bấy giờ, tôn giả [677a1] Ca-lưu-đà-di không thích thấy quạ, nên làm cung bằng tre để bắn quạ, bắn mãi không thôi, đã sát hại rất nhiều quạ, chất thành đống trong Tăng-già-lam.
Bấy giờ, các cư sĩ đến trong Tăng-già-lam lễ bái, thấy đống quạ chết lớn này, mọi người đều cùng nhau cơ hiềm bàn với nhau rằng, “Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ, không có lòng thương, giết mạng chúng sanh. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Như vậy, có gì là chánh pháp? Bắn giết loài quạ cho đến chất đống.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng, “Sao thầy bắn giết loài quạ, nhiều đến nỗi dồn thành đống to?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo. Biết mà Ngài cố hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Có thật sự ông không ưa thấy loài quạ, nên làm cung bằng tre để bắn chúng, nhiều đến nỗi dồn thành đống to hay không?”
Ca-lưu-đà-di thưa: “Sự thật như vậy!”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-lưu-đà-di, sao lại bắn giết các loài quạ, chất thành đống như vậy?”
Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đoạn mạng sống loài vật, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo khi đứng, khi ngồi, đi tớí đi lui, phần nhiều giết chết nhiều loại tiểu trùng, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, có vị e sợ. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Thế Tôn dạy:
“Không biết thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cố ý đoạn mạng sống loài vật,[366] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Loài vật: chỉ cho loài không thể biến hóa mà đoạn mạng sống của nó; hoặc tự mình đoạn,[367] hay sai người đoạn, hoặc sai sứ giết, hoặc sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển giết, hoặc tự mình tìm để sai, hoặc sai người tìm để sai, hoặc tự tìm người cầm dao, sai người tìm cầm dao, hoặc dùng thân ra dấu hiệu, hoặc dùng miệng nói, hoặc dùng thân và miệng, [677b] hoặc sai sứ bảo giết[368], hoặc gửi bảo giết, hoặc sai sứ mang thư bảo giết, hoặc đào hầm để sập chết, hoặc đặt dao nơi chỗ thường tới lui,[369] hoặc thuốc độc, hoặc an trí dụng cụ giết ở trước, làm tất cả phương tiện như vậy, hoặc các cách khác, với dụng tâm giết súc sanh, do đó mà nó chết, ba-dật-đề.
Phương tiện muốn giết mà không giết, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: không có ý giết; hoặc dùng ngói, đá, dao, gậy, quăng ném chỗ khác mà trúng nhầm khiến đoạn mạng của chúng; hoặc tỳ-kheo có bổn phận xây cất nhà, phòng, lỡ tay rơi gạch, đá, trúng phải nó chết; hoặc ngói, gỗ, cây, gậy, hoặc trụ cột, rui mè, kèo… cầm những thứ như vậy, sút tay rơi xuống, nó bị chết. Hoặc dìu người bệnh đứng dậy mà họ bị chết, hoặc đặt nằm trở lại mà họ chết, hoặc khi tắm rửa bị chết, hoặc khi uống thuốc mà chết, khi đỡ vào phòng chết, khi ra phòng chết, hoặc khi giữa ngày ngồi mà chết, hoặc nơi chỗ râm mà chết, đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy nước có tạp trùng dùng uống. Các cư sĩ thấy, đều cơ hiềm, “Những sa-môn Thích tử này không có từ tâm, sát hại mạng loài trùng. Bên ngoài tự xưng là ta tu chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Dùng nước có tạp trùng.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Tại sao các thầy không có từ tâm, uống nước có trùng, hại mạng sống?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao uống và dùng nước có tạp trùng, hại mạng sống?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười [677c] cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, uống nước hoặc dùng nước có tạp trùng, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các tỳ-kheo không biết nước có trùng hay không có, sau mới biết là có, nên tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị e sợ nên bạch Phật. Phật dạy:
“Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết nước có tạp trùng mà uống hoặc dùng, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia biết nước có tạp trùng mà uống hoặc dùng, phạm ba-dật-đề. Ngoài nước ra, tạp trùng trong nước gạo, trong chất đắng, chất rượu, trong sữa trong, trong nước lúa mạch mà uống hoặc dùng, đều phạm ba-dật-đề. Nước có trùng, tưởng là có trùng mà dùng, ba-dật-đề. Nước có trùng mà nghi, đột-kiết-la. Nước không trùng, tưởng là nước có trùng, đột-kiết-la. Nước không trùng mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước không biết có trùng; tưởng là không trùng, hoặc có loài trùng lớn, khua động nước nó tránh đi; hoặc nước lọc rồi mới uống thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [371]
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đến hỏi nhóm sáu tỳ-kheo:
“Kính thưa trưởng lão, thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-lahán?”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo bảo rằng: “Như những điều các ông đã hỏi, thời các ông đã phạm pháp ba-la-di, chẳng phải là tỳ-kheo.”[373]
Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo liền đến chỗ [678a1] vị tỳ-kheo Thượng tọa, hỏi rằng:
“Nếu có các tỳ-kheo hỏi như vầy, ‘Thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiến? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán?’ Thì bị phạm tội gì?” Vị Thượng tọa bảo:
“Hỏi như vậy không phạm tội gì cả.” Nhóm mười bảy tỳ-kheo nói:
“Chúng con có đến nhóm sáu tỳ-kheo hỏi, ‘Thế nào là vào sơ thiền? Đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiến? Thế nào là vào không, vô tướng, vô nguyện? Thế nào là đắc quả Tu-đà-hoàn? Quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán?’ Các thầy nhóm sáu tỳ-kheo lại nói, ‘Các ông tự xưng được pháp thượng nhân,[374] phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo!’”
Vị Thượng tọa tỳ-kheo kia quán sát, biết nhóm sáu tỳ-kheo muốn gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo.
Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Tại sao các thầy gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại gieo nghi ngờ hoang mang cho nhóm mười bảy tỳ-kheo?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện khiển trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, gieo nghi ngờ hoang mang cho người khác, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có số đông tỳ-kheo tập họp lại một chỗ, cùng bàn luận về pháp luật, nhưng có một tỳ-kheo bỏ đi. Sau khi ra đi, vị ấy khởi tâm nghi nói rằng, “Các tỳ-kheo kia có cho là ta đã gieo nghi ngờ cho họ hay không?” Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: “Không cố tâm làm thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, cố ý gieo nghi ngờ hoang mang cho người khác, khiến cho không an tâm, dù chỉ trong chốc lát,[375] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nghi ngờ:[376] làm cho nghi ngờ về sự sanh, tuổi tác, thọ giới, yết-ma, phạm tội, các pháp.[377]
- Làm cho nghi ngờ về sự sanh: Như hỏi, “Thầy sanh bao lâu rồi?” Người ấy trả lời, “Tôi sanh vào lúc ấy.” [678b] Lại nói, “Thầy không sanh vào lúc đó đâu. So với thời gian sanh của người khác, thầy chẳng phải sanh lúc đó.” Đó gọi là gieo nghi ngờ về sự sanh.
- Thế nào gọi là gieo nghi ngờ khi hỏi đến tuổi tác? Như hỏi, “Thầy bao nhiêu tuổi?” Vị ấy trả lời: “Tôi được chừng ấy tuổi.” Lại nói, “Thầy chẳng phải tuổi đó đâu. So với người khác thọ giới, thầy chưa tới tuổi đó.” Đó gọi là hỏi về tuổi tác để gieo nghi ngờ cho người.
- Thế nào gọi là hỏi để gieo nghi ngờ về việc thọ giới? Như hỏi, “Khi thầy thọ giới, chưa đủ hai mươi tuổi. Lại nữa, trong cương giới biệt chúng.” Đó gọi là gieo nghi ngờ khi thọ giới.
- Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về yết-ma? Như hỏi, “Khi thầy thọ giới, tác bạch bất thành, yết-ma bất thành, phi pháp biệt chúng?” Đó gọi là hỏi để gieo nghi ngờ khi tác pháp yết-ma.
- Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về tội phạm? Như nói, “Thầy phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-langiá, đột-kiết-la, ác thuyết.” Đó gọi là gieo nghi ngờ về tội phạm.
- Thế nào gọi là gieo nghi ngờ về các pháp? Như nói, “Thầy hỏi pháp như vậy, tức phạm ba-la-di, chẳng phải tỳ-kheo.” Đó gọi là gieo nghi ngờ đối với pháp.
Nếu tỳ-kheo nào cố ý làm cho tỳ-kheo khác nghi; hoặc bằng sự sanh, hoặc về tuổi tác, cho đến gieo nghi ngờ đối với pháp, nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Sự thật là như vậy, không cố ý tạo nên. Người kia không phải sanh lúc đó; sợ sau này họ nghi hối, vô cớ mà để cho họ thọ sự cúng dường của người, nhận sự kính lễ của đại Tỳ-kheo, nên nói “Thầy chẳng phải sanh vào lúc ấy. So với thời gian sanh của những người khác, nên biết thầy chẳng phải sanh vào thời gian đó.”
Sự thật là như vậy, người kia không phải với số tuổi đó; sợ sau này họ có sự nghi hối, vô cớ mà họ thọ sự lợi dưỡng của người, nhận sự kính lễ của đại tỳ-kheo, cho nên nói:
“Thầy không phải với số tuổi tác đó. Như tuổi của các tỳ-kheo khác, thì thầy chưa phải là số tuổi đó.”
Sự thật là như vậy, nếu tuổi không đủ hai mươi, trong cương giới biệt chúng; sợ sau họ có sự nghi hối, vô cớ mà họ nhận lợi dưỡng của người, thọ sự kính lễ của đại tỳ-kheo, khiến cho họ biết để trở về trường hợp cũ, sẽ thọ giới lại, nên nói:
“Thầy chưa đủ hai mươi tuổi, trong cương giới biệt chúng.” Sự thật là như vậy, bạch không thành, yết-ma không thành, phi pháp biệt chúng; sợ sau này họ có sự nghi hối, vô cớ mà thọ lợi dưỡng của người, nhận kính lễ của đại tỳ-kheo, nên nói để cho họ biết, trở về lại vị trí cũ, rồi thọ giới lại, nên nói:
“Trường hợp thầy, bạch không thành, yết-ma không thành tựu, [678c] phi pháp biệt chúng.”
Sự thật là như vậy, phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, bala-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết; sợ sau họ có sự nghi hối, vô cớ họ thọ lợi dưỡng của người, nhận sự kính lễ của tỳ-kheo trì giới, muốn khiến cho họ biết để như pháp sám hối, nên mới nói:
“Thầy phạm ba-la-di cho đến ác thuyết.”
Lại nữa, nếu người kia tánh cạn cợt, không biết cách nói năng, cho nên mới nói:
“Thầy nói như vậy tức là tự xưng pháp thượng nhân, phạm ba-ladi, chẳng phải hạnh của tỳ-kheo.”
Hoặc nói đùa giỡn, nói gấp gáp, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhằm nói việc khác. Tất cả trên, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử quen thân cùng một tỳ-kheo. Song Bạt-nan-đà Thích tử thường hay phạm tội, nên đến nói với tỳ-kheo kia, “Trưởng lão, tôi thật có phạm tội như vậy, như vậy. Ngài chớ nên nói với người.” Tỳ-kheo kia thuận ý.
Sau đó một thời gian, Bạt-nan-đà Thích tử cùng với tỳ-kheo kia mâu thuẫn nhau. Bấy giờ, tỳ-kheo kia đến nói với các tỳ-kheo khác: “Bạt-nan-đà Thích tử phạm tội như vậy, như vậy.” Các tỳ-kheo hỏi tỳ-kheo kia:
“Sao thầy biết?” Tỳ-kheo kia nói:
“Chính Bạt-nan-đà Thích tử đã nói với tôi.” Các tỳ-kheo nói:
“Sao thầy không cho các tỳ-kheo khác biết?” Vị tỳ-kheo kia nói:
“Trước đây tôi thuận tình với Bạt-nan-đà nên không nói. Nay tôi không thuận tình nên nói.”
Các tỳ-kheo nghe biết, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, chê trách Tỳ-kheo kia: “Tại sao thầy che giấu tội của Bạt-nan-đà Thích tử?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo, sao lại che giấu tội của Bạt-nan-đà Thích tử?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói [679a1] giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, che giấu thô tội của tỳ-kheo khác, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có tỳ-kheo kia không biết có phạm tội thô hay không phạm tội thô, sau mới biết là có phạm tội thô, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề. Có vị nghi hỏi. Phật dạy: “Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, đã biết tỳ-kheo khác phạm thô tội mà che giấu,[379] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tội thô: là bốn tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa.
Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo khác phạm tội thô; biết lúc tiểu thực, ăn xong mới nói, phạm đột-kiết-la. Sau bữa trưa biết, đến phần đầu của nửa đêm mới nói, phạm đột-kiết-la. Phần đầu của đêm biết, giữa đêm nói, phạm đột-kiết-la. Giữa đêm biết, đến sau đêm muốn nói mà chưa nói, khi bình minh xuất hiện, phạm ba-dật-đề.
Trừ tội thô, che dấu các tội khác, phạm đột-kiết-la. Tự mình che giấu tội thô, phạm đột-kiết-la.
Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, che giấu tội thô của người khác, phạm đột-kiết-la.
Tội thô, tưởng tội thô, ba-dật-đề. Tội thô mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải tội thô, tưởng tội thô, đột-kiết-la; chẳng phải tội thô mà nghi, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sadi-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước không biết là tội thô, tưởng là không tội thô, hoặc cho người khác biết, hoặc không có người để nói; tâm niệm rằng ‘Tôi sẽ nói,’ trong thời gian chưa nói, bình minh xuất hiện, hoặc nói sẽ đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên không nói; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Thế Tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Laduyệt.
Lúc bấy giờ, trong thành La-duyệt có 17 đồng tử,[381] trước là bạn thân với nhau. Lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Nhà giàu nhất là 80 trăm ngàn;[382] nghèo nhất 80 ngàn. Trong số đó, có một đồng tử tên là Ưu-ba-li.[383] Cha mẹ nó chỉ sanh có một mình nó, vì vậy rất thương yêu, không khi nào muốn nó vắng mặt. Cha mẹ nó nghĩ, “Chúng ta nên cho đứa con này học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực?” Rồi lại nghĩ, “Nên cho học viết chữ[384] trước. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.” Cha mẹ nó lại nghĩ, “Cho con học viết chữ, cũng làm cho thân sức mệt nhọc.[385] [679b] Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực?” Lại suy nghĩ, “Nay, nên cho con học kỹ thuật toán số. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.” Rồi cha mẹ nó lại nghĩ, “Nay, cho học toán số cũng làm cho thân sức mệt nhọc.[386] Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực? Nên cho con học kỹ thuật họa tượng. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không phải lao lực.” Sau đó, lại nghĩ, “Nay ta cho học họa, sợ mệt nhọc cho con mắt của nó. Nên cho nó học kỹ thuật gì, để sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, không mệt nhọc cho con mắt?” Lại nghĩ, “Sa-môn Thích tử khéo tự nuôi thân, an lạc, không có các khổ não. Ta nên cho con ta xuất gia tu đạo trong pháp của sa-môn Thích tử. Sau này khi chúng ta qua đời, nó sẽ có được cuộc sống bảo đảm, khỏi phải thiếu thốn, thân không khổ nhọc.” Sau đó một thời gian, nhóm mười bảy cậu bé nói với đồng tử Ưuba-li rằng: “Bạn có thể theo tụi mình đi xuất gia làm đạo?” Đồng tử Ưu-ba-li trả lời:
“Mình xuất gia làm gì? Bạn cứ xuất gia đi.”
Bạn thứ hai, bạn thứ ba, trong bọn 17 đồng tử, bảo đồng tử Ưu-bali:
“Hãy cùng nhau xuất gia làm đạo. Vì sao? Như bây giờ chúng ta cùng vui đùa với nhau. Khi ấy, chúng ta cũng sẽ vui chơi nô đùa với nhau như bây giờ.”
Khi ấy, đồng tử Ưu-ba-li nói với các đồng tử kia rằng:
“Các bạn đợi mình một chút. Mình phải thưa với cha mẹ mình đã.” Đồng tử Ưu-ba-li liền đến chỗ cha mẹ thưa:
“Nay con muốn xuất gia làm đạo. Xin ba má cho phép con.” Cha mẹ Ưu-ba-li liền trả lời:
“Ba má chỉ sanh một mình con. Lòng rất thương yêu. Cho đến, dù chết còn không muốn rời, đâu thể sống mà xa cách.” Đồng tử Ưu-ba-li xin cha mẹ ba lần như vậy:
“Xin ba má cho phép con được xuất gia.”
Cha mẹ của Ưu-ba-li cũng trả lời như vậy ba lần, rằng:
“Ba má chỉ sanh một mình con. Lòng rất thương yêu. Cho đến, dù chết còn không muốn rời, đâu thể sống mà xa cách.”
Lúc bấy giờ, cha mẹ nghe Ưu-ba-li ba lần ân cần cầu xin xuất gia, hai ông bà liền nghĩ, “Trước đây chúng ta cũng đã có ý này, ‘Nên cho con của ta học kỹ thuật nào để sau khi chúng ta qua đời, khiến nó được sự sống đảm bảo, khỏi bị thiếu hụt, không khổ cực thân xác?’ [679c] Chúng ta định cho nó học viết chữ cho đến học họa để sau khi chúng ta mất đi nó có cuộc sống bảo đảm, không thiếu hụt, thân nó không vất vả. Nhưng lại lo ngại cho con mắt và thân thể phải khổ nhọc. Chúng ta đã nghĩ, chỉ có sa-môn Thích tử mới khéo tự nuôi thân, không có các khổ não. Nếu cho con của chúng ta xuất gia trong đó, quyết định nó sẽ được cuộc sống bảo đảm không có các khổ não.”
Bấy giờ, cha mẹ bảo con mình rằng:
“Nay đã đúng lúc, cha mẹ cho phép con đi xuất gia.”
Bấy giờ, đồng tử Ưu-ba-li trở lại chỗ 17 đồng tử nói:
“Cha mẹ mình đã cho mình đi xuất gia, nếu các bạn muốn, thì nay đã đúng lúc.”
Các đồng tử liền đến trong Tăng-già-lam, thưa với các tỳ-kheo:
“Bạch chư Đại đức! Chúng con muốn xuất gia học đạo. Xin chư tôn độ cho chúng con được làm đạo.”
Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia, thọ đại giới.
Bấy giờ, các đồng tử vì trước kia đã quen sống sung sướng, không kham ngày ăn một bữa. Nửa đêm đói bụng, lớn tiếng kêu khóc: “Cho cơm tôi với! Cho cơm tôi với.” Các tỳ-kheo bảo:
“Trẻ con, hãy đợi trời sáng, nếu chúng Tăng có thức ăn sẽ cùng ăn. Nếu không có, sẽ cùng đi xin. Tại sao vậy? Nơi đây, từ trước đến nay hoàn toàn không có chỗ nấu ăn.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi tư duy nơi chỗ vắng trong đêm, nghe tiếng trẻ nít khóc. Biết mà Ngài vẫn cứ hỏi tôn giả A-nan: “Trẻ con ở đâu mà nửa đêm có tiếng khóc ?”
Bấy giờ, tôn giả A-nan đem nhân duyên trên bạch đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan:
“Không nên trao đại giới cho người chưa đủ hai mươi tuổi. Tại sao vậy? Người chưa đủ hai mươi tuổi, không kham nổi sự nóng, lạnh, đói khát, gió mưa, mòng muỗi, độc trùng và các lời hung dữ. Nếu thân có các khổ đau thì không thể chịu được. Lại nữa, không kham trì giới; không kham ăn một bữa. A-nan, nên biết, tuổi đủ hai mươi mới kham nổi những việc như trên.”
Bấy giờ, đêm đã qua, đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, do nhân duyên này, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, người đủ hai mươi tuổi mới cho thọ đại giới; nếu người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ đại giới, thì người này không đắc giới, tỳ-kheo kia bị quở trách là người si, phạm ba-dật-đề.
Đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo kia không biết người kia đủ hai mươi tuổi hay [680a1] không đủ hai mươi. Sau mới biết là không đủ hai mươi, nên hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có sự nghi. Đức Phật dạy: “Không biết thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên kết giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, người đủ hai mươi tuổi mới cho thọ đại giới; nếu biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ đại giới, thì người này không đắc giới, tỳ-kheo kia bị quở trách là người si,[387] phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Người thọ giới kia, chưa đủ hai mươi tuổi. Hòa thượng biết không đủ hai mươi tuổi. Chúng Tăng và người thọ giới cũng biết không đủ hai mươi. Khi hỏi trước chúng, “Ngươi tuổi đủ hai mươi?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc không đủ hai mươi, hoặc nghi, hoặc không biết rõ số năm, hoặc nín thinh. Hoặc chúng Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng, “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Khi hỏi giữa chúng: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng cũng biết tuổi chưa đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Khi hỏi giữa chúng: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới biết tuổi chưa đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và [680b] người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Khi hỏi giữa chúng: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng cũng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Khi hỏi giữa chúng: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng bảo tuổi đủ hai mươi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng cũng không phạm.
Người chưa thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới biết không đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới cũng nghi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng nghi. Chúng Tăng và người thọ giới không biết. Trong chúng khi hỏi:
“Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Chúng Tăng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới [680c] biết tuổi chưa đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới bảo tuổi đủ hai mươi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng và chúng Tăng không phạm.
Người thọ giới kia, tuổi chưa đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới nghi. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng không phạm. Chúng Tăng phạm đột-kiết-la.
Người thọ giới kia, tuổi không đủ hai mươi. Hòa thượng không biết. Chúng Tăng và người thọ giới cũng không biết. Trong chúng khi hỏi: “Ngươi tuổi đủ hai mươi chưa?” Người chưa thọ giới trả lời: Hoặc đủ hai mươi, hoặc chưa đủ, hoặc nghi, hoặc không biết, hoặc nín thinh. Hoặc Tăng không hỏi. Hòa thượng và chúng Tăng không phạm.
Tỳ-kheo kia biết người chưa đủ hai mươi tuổi, mà trao đại giới. Ba lần yết-ma xong, Hòa thượng phạm ba-dật-đề. Bạch rồi, hai yết-ma xong, Hòa thượng phạm ba đột-kiết-la. Bạch rồi, một yết-ma xong, Hòa thượng phạm hai đột-kiết-la. Bạch xong, Hòa thượng phạm một đột-kiết-la. Bạch chưa xong, Hòa thượng phạm đột-kiết-la.
Nếu chưa bạch, tác phương tiện, hoặc cạo tóc, hoặc muốn tập chúng Hòa thượng và tất cả đều đột-kiết-la. Hoặc chúng Tăng tập họp, Hòa thượng đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước không biết; tin người thọ giới nói; hoặc người ngoài xác chứng; hoặc tin lời cha mẹ; hoặc thọ giới rồi nghi. Đức Phật dạy:
“Cho phép tính năm tháng trong thai, tính tháng nhuần, hoặc tính tất cả 14 ngày thuyết giới để làm niên[388] số thì không phạm.” Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo khơi lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: “Thầy không khéo [681a1] quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết, không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ rằng: “Tại sao trong Tăng chưa có sự tranh cãi, lại gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có thì không trừ diệt được?”
Các tỳ-kheo quán sát biết do nhóm sáu tỳ-kheo khơi lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi, nói rằng: “Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.”
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Sao các thầy khơi lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: ‘Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ngươi khơi dậy lại sự tranh chấp sau khi đã được chấm dứt như pháp rồi; nói rằng: ‘Thầy không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt. Do vậy, khiến cho trong Tăng chưa có sự tranh cãi thì gây nên sự tranh cãi. Sự tranh cãi đã có rồi thì không trừ diệt được.’?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đấu tranh đã được dập tắt như pháp rồi, sau đó lại khơi dậy, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo không biết việc đấu tranh đã được dập tắt như pháp hay không như pháp, sau đó mới biết là đã được dập tắt như pháp rồi, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi. Đức Phật dạy:
“Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên kết giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết tránh sự đã được dập tắt như pháp rồi,[390] sau đó lại khơi dậy,[391] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
[681b] Như pháp: tức là như pháp, như luật, như lời Phật dạy.
Tránh: có bốn thứ: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.[392]
Tỳ-kheo kia biết tránh sự đã như pháp diệt rồi, sau đó khởi dậy, nói như vầy: “Không khéo quán sát, nên không thành quán sát. Không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết. Không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt.” Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm đột-kiết-la. Trừ việc đấu tranh này, nếu gợi lại về sau các việc đấu tranh mắng nhiếc khác, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Nếu tự khơi lại việc đấu tranh của mình, phạm đột-kiết-la.
Ngoài tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni ra, nếu cùng với các người khác đấu tranh mắng nhiếc nhau, sau đó khơi lại, đột-kiết-la.
Quán sát, khởi tưởng quán sát, ba-dật-đề. Quán sát mà nghi, đột-kiết-la. Không thành quán sát, tưởng có quán sát, đột-kiết-la.
Không thành quán sát mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu trước không biết; hoặc quán sát, tưởng không quán sát. Hoặc sự thật là không khéo quán sát, nên không thành quán sát; không khéo giải quyết, nên không thành giải quyết; không khéo chấm dứt, nên không thành chấm dứt; bèn nói: “Không khéo quán sát, cho đến không thành chấm dứt.” Hoặc nói vui đùa, hoặc nói vội gấp, nói trong mộng, muốn nói việc này nhầm nói việc kia. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo từ nước Xá-vệ muốn đến Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, có đoàn khách buôn cùng đi.[394] Đoàn khách buôn này muốn tìm cách lén qua ải trốn thuế vua. Đoàn buôn hỏi các tỳ-kheo rằng: “Chư Đại đức muốn đi đâu?” Các tỳ-kheo trả lời:
“Chúng tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.” Bọn khách buôn nói:
“Chúng tôi có thể cùng đi chung với các ngài được không?”
Các tỳ-kheo nói: “Được.”
Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo cùng bọn khách buôn đi chung đường lén qua ải. Nhưng người giữ ải bắt được, bèn áp giải đến vua Ba-tưnặc, và tâu:
“Những người này muốn lén qua ải để trốn thuế.”
Nhà vua hỏi rằng: “Bọn khách buôn này muốn lén qua ải trốn thuế còn các sa-môn này lại có việc gì?” Nhân viên quan thuế thưa:
“Họ cùng đi chung với bọn người này.” Nhà vua hỏi các tỳ-kheo:
“Thật sự các Đại đức có cùng bọn khách buôn này đi chung hay không?”
Các tỳ-kheo trả lời: “Thật sự có như vậy.” Nhà vua lại hỏi:
“Các ngài có biết bọn khách buôn này [681c] trốn thuế không?” Các tỳ-kheo nói: “Có biết.”
Nhà vua phán: “Nếu thật sự có biết, theo pháp luật thì đáng tội chết.”
Bấy giờ, nhà vua lại tự nghĩ: “Ta là vua Quán đảnh, đâu nên sát hại sa-môn Thích tử!” nhà vua dùng vô số phương tiện khiển trách các tỳ-kheo rồi, trước mọi người, ra lệnh thả các tỳ-kheo. Vâng lệnh vua, họ liền phóng thích các tỳ-kheo. Bấy giờ, trong đám thần thuộc của vua đều lớn tiếng nói rằng:
“Sa-môn Thích tử phạm trọng pháp của nhà vua, tội đáng chết, song nhà vua chỉ la rầy sơ sơ rồi thả!”
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, chê trách nhóm sáu tỳ-kheo[395]: “Tại sao các thầy cùng đi chung với bọn khách buôn?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo: “Tại sao các ông cùng đi với bọn khách buôn?” Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, nói với các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, kết bạn với bọn giặc cướp cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Các tỳ-kheo không biết khách buôn trốn thuế là đồng bọn giặc cướp hay không, sau đó mới biết họ là đồng bọn giặc cướp, nên có vị tác pháp sám ba-dật-đề, có vị nghi. Đức Phật dạy: “Không biết thì không phạm.” Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp mà cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn, ba-dậtđề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo không giao hẹn mà cùng đi nên nghi. Phật dạy: “Không giao hẹn thì không phạm.”
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết đó là đồng bọn giặc cướp mà giao hẹn cùng đi chung đường, cho đến khoảng cách giữa hai thôn,[396] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Bọn giặc: hoặc đi cướp rồi trở về, hay mới bắt đầu đi.
Giao hẹn: cùng hứa với nhau đến nơi thành nào đó, hoặc thôn nào đó.
Đường: các con đường đi trong khoảng giữa hai thôn.
Nếu tỳ-kheo biết là bọn giặc, cùng giao hẹn đồng đi chung trên một đường, khoảng giữa khoảng cách của thôn, trong các nẻo đường đó, mỗi đường phạm một ba-dật-đề. Nơi không có thôn, chỗ khoảng đồng không, không có ranh giới của thôn, đi đến mười lý[397] [682a] thì phạm ba-dật-đề.
Nếu giao hẹn cùng đi chung nửa đường khoảng giữa hai thôn, phạm đột-kiết-la; dưới mười lý, phạm đột-kiết-la. Đi trong phạm vi của một thôn, phạm đột-kiết-la. Phương tiện muốn đi mà không đi, cùng giao hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu trước không biết; không cùng giao hẹn đồng đi; vì sự an ổn mà đến đó. Hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói dẫn đi, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo tự là A-lê-tra,3 sanh ác kiến như vầy: “Tôi
[399] hiểu pháp mà đức Thế Tôn nói, theo đó phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.”[400]
Khi ấy, các tỳ-kheo nghe tỳ-kheo A-lê-tra khởi sanh ác kiến rằng, “Tôi hiểu pháp do đức Thế Tôn nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.” Các tỳ-kheo nghe đó, muốn trừ bỏ ác kiến ấy của tỳ-kheo A-lê-tra, nên liền đến chỗ A-lê-tra, cung kính chào hỏi xong, ngồi qua một bên. Các tỳ-kheo nói với tỳ-kheo A-lê-tra rằng:
“Có thật thầy hiểu pháp do đức Thế Tôn nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo không?” A-lê-tra trả lời:
“Thật sự tôi hiểu pháp do đức Thế Tôn nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn trừ bỏ ác kiến ấy của A-lê-tra, nên ân cần nói:
“Này A-lê-tra, chớ nói lời như vậy. Chớ xuyên tạc đức Thế Tôn. Xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. A-lê-tra, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, dạy bảo đoạn ái dục, biết dục tưởng,[401] dạy trừ ái dục, đoạn ái dục tưởng; trừ sự thiêu đốt do ái dục, vượt qua kết sử ái. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói: ‘Dục như hầm lửa lớn, dục như cây đuốc, cũng như trái chín, dục như vật vay mượn, dục như xương khô, dục như miếng thịt, như cảnh thấy trong mộng, dục như dao bén, dục như đồ gốm mới nặn đựng nước để giữa nắng, dục như đầu rắn độc, dục như nắm lưỡi gươm bén[402], dục như cây gai nhọn.’ Đức Thế Tôn nói về dục như vậy.
“A-lê-tra, pháp mà Đức Thế Tôn khéo nói là như vầy: đoạn trừ dục, không còn dục, trừ cáu bẩn, không cáu bẩn, điều phục khát ái, diệt trừ hang ổ,[403] thoát ly tất cả các sự trói buộc, ái tận Niết-bàn. Pháp mà Đức Phật nói là như vậy. [682b] Sao thầy lại nói, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?”
Các tỳ-kheo ân cần khuyên nói với A-lê-tra như vậy. Tỳ-kheo A-lêtra vẫn kiên trì ác kiến, lại nói một cách quả quyết khẳng định rằng: “Đây là điều chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo không thể trừ bỏ ác kiến đó của tỳ-kheo A-lêtra, nên đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn bảo một tỳ-kheo:
“Ngươi thừa lệnh của Ta, đi gọi tỳ-kheo A-lê-tra đến đây.” Tỳ-kheo kia vâng lời dạy, liền đến chỗ tỳ-kheo A-lê-tra nói rằng: “Đức Thế Tôn sai gọi thầy.”
Bấy giờ, tỳ-kheo A-lê-tra nghe Phật gọi liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên. Phật hỏi Tỳ-kheo A-lê-tra:
“Thật sự ông có nói, ‘Tôi biết pháp do Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’ hay không?” A-lê-tra trả lời:
“Kính bạch Đại đức, sự thật con có nói như vậy.” Đức Phật bảo A-lê-tra:
“Sao ông lại hiểu pháp Ta nói là như vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện nói đoạn dục ái... “ như trên đã nói.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-lêtra rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép chúng Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp can gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma ha gián.[404] Nên ha gián như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng làm yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lê-tra này, nói như vầy: ‘Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đối với tỳ-kheo A-lê-tra mà tác pháp ha gián, cho bỏ việc này. Rằng, ‘Này A-lê-tra, ngươi chớ nên nói như vậy. Chớ nên xuyên tạc đức Thế Tôn. Xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói dâm dục là pháp chướng đạo. Nếu phạm dâm dục là pháp chướng đạo.’ Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lê-tra này nói như vầy: ‘Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’. Nay Tăng tác pháp can gián, để bỏ việc này. Rằng, ‘Này A-lê-tra, ngươi chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế Tôn, xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói dâm dục là pháp chướng đạo, nếu phạm dâm dục tức là pháp chướng đạo.’ [682c] Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng vì tỳ-kheo Alê-tra tác pháp can gián cho bỏ việc này, thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
“Tăng đã vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp can gián rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này ghi nhận như vậy.” Nên tác pháp khiển trách tỳ-kheo A-lê-tra như vậy để bỏ việc ấy, bằng bạch tứ yết-ma. Các tỳ-kheo bạch Phật.[405] Đức Phật dạy:
“Nếu có tỳ-kheo khác mà cũng nói như vậy, ‘Tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo;’ thì chúng Tăng cũng can gián bằng pháp bạch tứ yết-ma như vậy. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, nói như vầy: ‘Tôi biết, theo pháp do đức Phật nói, sự hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.’ Các tỳ-kheo kia nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‘Đại đức, chớ nói như vậy; chớ xuyên tạc đức Thế Tôn; xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói rằng sự hành dâm dục là pháp chướng đao.’ Khi các tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này mà tỳ-kheo này không bỏ, thì các tỳ-kheo kia nên can gián ba lần cho bỏ sự này. Nếu can gián ba lần, bỏ thì tốt, không bỏ, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia nói như vầy: “Tôi biết pháp do Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo”. Tỳ-kheo kia can gián Tỳ-kheo này rằng: “Thầy chớ nên nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế Tôn, xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt! Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói rằng, sự hành dâm dục là pháp chướng đạo. Nay, thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm tội.”
Nếu vị ấy nghe theo lời can gián thì tốt; bằng không, nên tác bạch. Bạch rồi nên nói: “Tôi đã tác bạch xong. Còn có các yết-ma nữa. Thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng quở trách mà phạm tội.”
Vị ấy nghe theo lời can thì tốt. Bằng không, nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi nên nói: “Tôi đã tác pháp sơ yết-ma rồi. Còn hai pháp yết-ma nữa. Thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm tội.”
Nếu nghe theo lời thì tốt. Bằng không thì nên tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi nên nói: “Đã tác yết-ma lần thứ hai rồi. Còn lại một pháp yết-ma nữa. [683a1] Thầy nên bỏ việc này, đừng để chúng Tăng quở trách mà phạm tội.”
Nếu nghe lời can càng tốt. Bằng không, xướng yết-ma lần thứ ba xong, vị ấy phạm ba-dật-đề.[406]
Tác bạch rồi, yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ thì phạm ba đột-kiết-la. Tác bạch rồi, yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ thì phạm hai đột-kiết-la. Tác bạch rồi mà bỏ, phạm một đột-kiết-la. Nếu tác bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Nếu chưa tác bạch mà nói: tôi biết pháp do đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Khi tỳ-kheo kia can gián tỳ-kheo này, có tỳ-kheo khác ngăn, hoặc tỳ-kheo-ni ngăn, hay là kẻ khác ngăn rằng: “Thầy đừng bỏ việc ấy.” Chúng Tăng can gián, dùng cách không can gián để ngăn, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới bắt đều nói liền bỏ; hoặc là can gián phi pháp biệt chúng, hay can gián phi pháp hòa hợp, pháp biệt chúng, pháp tương tợ biệt chúng, pháp tương tợ hòa hợp, phi pháp, phi tỳni, phi Phật sở thuyết; hoặc không can gián; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, tỳ-kheo A-lê-tra sanh ác kiến, chúng Tăng can gián mà cố không bỏ.
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo A-lê-tra: “Tại sao thầy phát sanh ác kiến, chúng Tăng can gián, mà thầy không bỏ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo A-lê-tra:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. A-lê-tra! Tại sao ông phát sanh ác kiến, chúng Tăng can gián mà ông cố không bỏ?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo A-lê-tra rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, chúng Tăng đối với tỳ-kheo A-lê-tra tác cử vì không bỏ ác kiến,[408] bằng bạch tứ yết-ma. Chúng Tăng nên vì tỳ-kheo A-lê-tra tác cử. Tác cử tội rồi tác ức niệm. Tác ức niệm như vậy rồi dữ tội.[409] Trong chúng nên [683b] cử một vị có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! A-lê-tra này phát sanh ác kiến. Chúng Tăng ha gián mà cố ý không bỏ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng đối với A-lê-tra tác pháp Yết-ma không bỏ ác kiến. Đây là lời tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo A-lê-tra này sanh ác kiến. Chúng Tăng can gián mà cố tâm không bỏ. Nay Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng vì tỳ-kheo A-lê-tra tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
“Tăng đã chấp thuận tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến cho tỳ-kheo A-lê-tra rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Khi Tăng tác pháp yết-ma không bỏ ác kiến cho tỳ-kheo A-lê-tra, nhóm sáu tỳ-kheo lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng chung yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tỳ-kheo A-lê-tra bị Tăng cho pháp cử yết-ma vì không bỏ ác kiến. Tại sao các thầy lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng ngủ, cùng nói chuyện?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, tỳ-kheo A-lê-tra bị Tăng cho pháp cử yết-ma vì không bỏ ác kiến, tại sao các ông cung cấp các thứ cần dùng, cùng ngủ, cùng nói chuyện?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, cùng với người chưa được tác pháp (giải),[410] có ác kiến như vậy mà chưa bỏ,[411] lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy rồi. Khi ấy các tỳ-kheo không biết có nói như vậy hay không nói như vậy, sau mới biết là có nói như vậy, nên có vị tác pháp [683c] sám ba-dật-đề, hoặc có vị nghi. Đức Phật dạy:
“Không biết thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, biết người nói lời như vậy, chưa được tác pháp (giải), có tà kiến như vậy mà chưa bỏ, lại cung cấp những thứ cần dùng, cùng yết-ma, cùng ngủ, cùng nói chuyện, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nói lời như vậy: là như nói: “Tôi nghe đức Thế Tôn nói pháp, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo”
Chưa tác pháp giải: nếu bị cử, mà chưa được giải.
Thấy như vậy: như hiểu biết rằng pháp do Đức Thế Tôn nói chẳng phải pháp chướng đạo.
Không bỏ ác kiến: chúng Tăng can gián mà không bỏ ác kiến.
Cung cấp những thứ cần dùng: có hai thứ là pháp và tài.
- Pháp: dạy tu tập tăng thượng giới, tăng thượng ý, tăng thượng trí, học vấn, tụng kinh.
- Tài: cung cấp y phục, ẩm thực, giường, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh.
Đồng yết-ma: tức đồng thuyết giới.
Cùng ngủ: nhà có bốn vách, lợp tất cả và ngăn che tất cả; hoặc lợp tất cả mà không ngăn tất cả; hoặc tất cả có ngăn mà không lợp tất cả; hoặc không lợp hết, không ngăn hết. Nếu tỳ-kheo vào trong nhà trước, sau đó có người nói như vậy mới đến; hay là người nói như vậy vào trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc hai người đều vào ngủ, tùy theo hông dính chiếu tất cả đều phạm ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la.Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: tỳ-kheo không biết nên vào ngủ; tỳ-kheo ở trong nhà trước, người nói như vậy đến sau, vào nhà tỳ-kheo không biết; hoặc là nhà có lợp tất cả mà không ngăn bốn bên; hoặc lợp tất cả mà ngăn phân nửa; hoặc lợp tất cả mà ngăn một ít thôi; hoặc ngăn tất cả mà không lợp; hoặc ngăn tất cả mà lợp một phần hai, hoặc ngăn tất cả mà lợp một ít thôi; hoặc lợp một phần hai, ngăn một phần hai, hoặc lợp một ít; hoặc không lợp không ngăn, hoặc đất trống, tất cả những trường hợp như vậy mà không biết; thảy đều không phạm. Hoặc bị bệnh té xuống đất; hoặc bị bệnh chuyển mình; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc bị mạng nạn; phạm hạnh nạn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có hai ông sa-di, một ông tên là Yếtna,[413] ông thứ hai tên là Ma-hầu-ca. Hai người này không biết hổ thẹn, cùng nhau làm việc bất tịnh. Chúng tự [684a1] nói với nhau: “Chúng tôi nghe pháp từ Phật nói, rằng hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách hai sa-di rằng:
“Sao hai ngươi lại nói với nhau rằng, ‘Pháp tôi nghe từ đức Phật, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách hai sa-di:
“Việc các ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ngươi nói với nhau rằng, pháp mà các ngươi nghe từ đức Thế Tôn, trong đó hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách hai sa-di rồi, bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi, cho hai sa-di này pháp ha gián[414] cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma, tác pháp ha gián như sau: Bảo hai sa-di đứng trước chúng Tăng, nơi mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai sa-di kia cùng nhau nói rằng: ‘Tôi nghe pháp từ đức Phật nói, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, quở trách hai sa-di kia cho bỏ việc này. Rằng, ‘Này sa-di! Chớ nói như vậy. Chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Này sa-di, đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo.’ Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai sa-di kia cùng nói với nhau rằng, ‘pháp tôi nghe từ đức Thế Tôn, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.’ Nay, Tăng tác pháp can gián quở trách hai sa-di kia cho họ bỏ việc này, rằng, ‘Này sa-di! Chớ nói như vậy. Chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Này sa-di, đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo.’ Các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng quở trách hai sa-di kia khiến cho họ bỏ việc này thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” (lần thứ hai và thứ ba cũng nói như vậy).
“Tăng đã chấp thuận quở trách hai sa-di này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.” Hai sa-di kia, đã bị chúng Tăng quở trách, nhưng cố tâm không bỏ việc này.
[684b] Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách hai Sa-di: “Tại sao các ngươi đã được Tăng quở trách mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách hai sa-di:
“Việc các ngươi làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này hai sa-di! Tại sao đã bị chúng Tăng quở trách mà các ngươi không chịu bỏ ác kiến?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách hai sa-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Chúng Tăng nên cho hai sa-di pháp diệt tẫn[415] vì không bỏ ác kiến, bằng bạch tứ yết-ma, diễn tiến như sau:
“Đem hai sa-di đến trước chúng, bảo họ đứng chỗ thấy mà không nghe. Trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai sa-di này, đã bị chúng Tăng quở trách mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp diệt tẫn hai sa-di này vì không bỏ ác kiến. Từ nay trở đi hai sa-di này không nên nói: ‘Đức Phật là Thế Tôn của tôi.’ Không được đi theo các tỳ-kheo. Như các sa-di khác, được phép cùng các tỳ-kheo ngủ hai, ba đêm, các ông không được điều đó. Các ông phải đi cho khuất, không nên ở nơi đây. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai sa-di này đã bị chúng Tăng quở trách, mà vẫn cố tâm không bỏ ác kiến, nay chúng Tăng trao pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này, vì không bỏ ác kiến. Từ nay trở đi, hai sa-di này không được nói: ‘Đức Phật là Thế Tôn của tôi.’ Không được đi theo các tỳ-kheo. Như các sa-di khác được phép cùng các tỳ-kheo ngủ hai, ba đêm, nay hai ông không được điều đó. Các ông phải đi khỏi chỗ này, không được ở nơi đây. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng tác pháp diệt tẫn đối với hai sa-di này vì không bỏ ác kiến, thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói: Đây là yết-ma lần thứ nhất” (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
“Tăng đã đồng ý tác pháp diệt tẫn đối với hai sa-di vì không chịu bỏ ác kiến rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn cho hai sa-di này vì không chịu bỏ ác kiến, nhưng họ vẫn dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ đêm.
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, [684c] ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này vì không xả bỏ ác kiến, mà vẫn dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ với chúng?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông biết Tăng đã tác pháp yết-ma diệt tẫn hai sa-di này vì không bỏ ác kiến, mà lại dụ dẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Sa-di nào, nói như vầy: ‘Tôi nghe pháp từ đức Thế Tôn, nói rằng hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’. Các tỳ-kheo nên can gián sa-di này như vầy: Ông chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc đức Thế Tôn, xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói rằng hành dâm dục là pháp chướng đạo.’ Khi tỳ-kheo kia can gián như vậy, sa-di này vẫn kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo kia nên can gián đến ba lần, khiến cho bỏ việc ấy. Can gián ba lần, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo kia nên nói với sa-di ấy rằng: ‘Từ nay trở đi, ông không được nói: ‘Đức Phật là Thế Tôn của tôi.’ Không được đi theo các tỳ-kheo khác. Các sa-di khác được cùng tỳ-kheo ngủ hai ba đêm; nhưng ông không được việc ấy nữa. Ông phải ra khỏi nơi này, không nên ở đây nữa.’’ Nếu tỳ-kheo biết sa-di đã bị tẫn ở trong chúng như vậy, mà vẫn đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Hai sa-di kia bị tẫn xuất khỏi thành, liền ra ngoài thôn xóm để xin ở, nhưng ngoài thành cũng bị tẫn xuất nên lại vào trong thành xin ở. Các tỳ-kheo không biết người ấy bị tẫn xuất hay không bị tẫn xuất, sau đó mới biết là họ bị tẫn xuất, hoặc tác pháp sám ba-dật-đề, hoặc có sự nghi. Đức Phật dạy:
“Không biết thì không phạm.”
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, [685a] biết sa-di nói như vầy: ‘Tôi nghe pháp từ đức Phật, nói rằng: ‘hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’. Các tỳ-kheo nên can gián sa-di này như vầy: ‘Ông đừng xuyên tạc đức Thế Tôn, xuyên tạc đức Thế Tôn là không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Này sa-di, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói rằng hành dâm dục là pháp chướng đạo.’ Khi các tỳ-kheo kia can gián sadi này mà vẫn kiên trì không bỏ. Các Tỳ-kheo nên can gián cho đến ba lần, khiến cho sa-di bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, các tỳ-kheo nên nói với sa-di ấy rằng: ‘Từ nay trở đi, ông không được nó rằng: ‘Đức Phật là Thế Tôn của tôi.’ Không được đi theo các tỳ-kheo khác. Các sa-di khác được phép cùng ngủ hai, ba đêm với tỳ-kheo, nhưng nay ông không được phép đó. Ông phải ra khỏi nơi này, không nên ở đây nữa.’’ Nếu tỳ-kheo biết sa-di đã bị tẫn ở trong chúng như vậy, mà vẫn dụ đem về nuôi dưỡng, cùng ngủ chung, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Diệt tẫn: Tăng tác pháp bạch tứ yết-ma để đuổi.
Nuôi dưỡng: hoặc tự mình nuôi, hoặc cho người nuôi.
Dụ: hoặc tự mình dụ hoặc sai người dụ.
Cùng ngủ chung: như đã nói ở trước.
Nếu tỳ-kheo vào ngủ trước, người bị diệt tẫn đến sau; hoặc người bị diệt tẫn vào trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai người cùng đến, tùy theo hông dính xuống chiếu, chuyển mình, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước không biết; hoặc tỳ-kheo đến trước, người bị diệt tẫn đến sau, tỳ-kheo không biết. Hoặc phòng ở bốn bên, không ngăn, trên có lợp… (nt) nơi đất trống thì không phạm. Hoặc cơn đảo lộn phát sanh té xuống đất, hoặc bệnh động chuyển, hoặc bị thế lực bắt, trói, mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [416]
[685b7] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la tại nước Câuthiểm-tỳ. Lúc ấy, tỳ-kheo Xiển-đà[418] được các tỳ-kheo khác như pháp can gián, mà lại nói: “Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà: “Tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, thầy lại nói rằng, ‘Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.’?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà: “Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo Xiển-đà, tại sao các tỳ-kheo như pháp can gián, ông lại nói, ‘Nay tôi không học giới này, tôi phải hỏi các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã.’?”
Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào,[419] khi được các tỳ-kheo khác như pháp can gián lại nói như vầy: ‘Tôi nay không học giới này, tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác đã’, ba-dật-đề. Nếu vì muốn biết hay vì muốn học thì mới nên nạn vấn.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Như pháp: là như pháp, như luật, như lời Phật dạy.
Tỳ-kheo kia như pháp can gián tỳ-kheo này, tỳ-kheo này nói:
“Nay tôi không học giới này. Tôi sẽ nạn vấn các tỳ-kheo trì luật có trí tuệ khác.” Nếu nói rõ ràng thì phạm ba-dật-đề, nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, [685c] sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: tỳ-kheo can gián kia ngu si, không hiểu rõ; tỳ-kheo này nên nói:
“Thầy trở về hỏi Hòa thượng, A-xà-lê của thầy đã. Thầy phải học hỏi thêm, tụng kinh thêm.”
Hoặc là sự thật đúng như vậy. Hoặc nói vui đùa, nói nhanh vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni.[421] Nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng: “Các tỳ-kheo này tập họp một chỗ tụng chánh pháp, tụng tỳ-ni. Các tỳ-kheo kia tụng luật thông suốt, tất sẽ thường xuyên cử tội ta. Nay, ta nên đến nơi chỗ các tỳ-kheo kia nói rằng, ‘Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt[422] này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.’”
Rồi nhóm sáu tỳ-kheo bèn đến nói với tỳ-kheo kia rằng:
“Trưởng lão, tụng các giới vụn vặt này làm gì? Nếu muốn tụng thì nên tụng bốn sự. Nếu quyết muốn tụng nữa thì tụng bốn sự và mười ba sự. Còn lại, không nên tụng. Tại sao vậy? Nếu các trưởng lão tụng những giới này thì khiến cho người hoài nghi, ưu não.” Các tỳ-kheo quan sát liền biết, nhóm sáu tỳ-kheo này muốn diệt pháp nên nói như vậy.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao, các thầy muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao, các ngươi muốn diệt pháp, nên nói như vậy phải không?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười [686a1] cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới,[423] nói như vầy: ‘Đại đức, thuyết những giới vụn vặt như vậy để làm gì? Khi nói các giới ấy, khiến cho người sanh ra hoài nghi, phiền muộn xấu hổ;’ vì khinh chê giới, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia, khi tự mình nói giới hay người khác nói giới, hoặc khi tụng giới mà nói như vầy: “Trưởng lão, tụng những giới vụn vặt này để làm gì? Nếu muốn tụng nên tụng bốn sự; nếu quyết tụng nữa thì chỉ nên tụng bốn sự và mười ba sự. Tại sao vậy?
Vì khi tụng các giới này thì khiến cho người sanh lòng hoài nghi, phiền não xấu hổ.” Nói như vậy mà rõ ràng, thì phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Chê bai tỳ-ni ba-dật-đề. Chê bai A-tỳ-đàm, đột-kiết-la, chê bai các thứ khế kinh khác, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu nói trước tụng A-tỳ-đàm, sau đó mới tụng luật, trước tụng các khế kinh, sau mới tụng luật. Hoặc có bệnh, đợi cho lành, sau đó mới tụng luật. Đối trong Phật pháp phải cần cầu phương tiện, đắc bốn quả A-la-hán, sau đó sẽ tụng luật. Nói lời nói cố tâm không cho chánh pháp bị tiêu diệt, hoặc nói vui giỡn, hoặc nói nhanh vội, nói trong mộng, nói một mình, muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xávệ. Có một tỳ-kheo trong nhóm lục quần, khi đang nghe giới, phạm tội và tự biết mình phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu lên, bèn đến trước vị tỳ-kheo thanh tịnh nói:
“Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.”
Các tỳ-kheo xét biết, đây là khi đang thuyết giới nhóm sáu tỳ-kheo phạm tội, tự mình biết rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói:
“Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao, các thầy, khi đang thuyết giới, phạm tội, tự mình biết rõ tội chướng, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: [686b] ‘Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao khi nói giới, tự biết có phạm tội, sợ tỳ-kheo thanh tịnh phát giác nêu tội nên tự đến trước tỳ-kheo thanh tịnh nói: ‘Nay tôi mới biết, pháp này chép trong giới kinh, mỗi nửa tháng nói một lần, rút ra từ giới kinh.’?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách một vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi thuyết giới, nói như vầy: ‘Nay tôi mới biết, pháp này ghi trong giới kinh mỗi nửa tháng tụng một lần, xuất từ trong giới kinh.’ Các tỳ-kheo khác biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà nhiều lần có ngồi trong chỗ thuyết giới. Tỳ-kheo kia, không phải do vì không rõ.[425] Nếu có phạm tội thì nên xử trị như pháp, lại chồng thêm tội vô tri,[426]bảo rằng: ‘Trưởng lão, thật không ích lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không dụng tâm suy nghĩ, không một lòng nhiếp niệm để nghe pháp. Vị kia, là kẻ vô tri,[427] ba-dật-đề.[428]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia: khi chính mình thuyết giới, hay người khác thuyết giới, hoặc khi tụng giới, nói như vầy: “Này, trưởng lão, nay tôi mới biết pháp này có ghi trong giới kinh, mỗi nửa tháng tụng một lần xuất từ trong giới kinh.’ Các tỳ-kheo biết tỳ-kheo này không những hai, ba lần mà là nhiều lần dự Bố-tát. Tỳ-kheo kia không phải do vì không biết rõ, mà tuỳ theo chỗ phạm tội mà xử trị như pháp, lại tăng thêm tội vô tri, rằng,[429] “Trưởng lão, thật không lợi, không có sở đắc tốt đẹp nào cho ngài, vì khi tụng giới ngài không khéo dụng ý tư duy, không một lòng nghe pháp.” Vì vô tri cho nên bị tác pháp chồng thêm, ba-dật-đề. Nếu không tác pháp, tỳ-kheo đó phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: vị ấy chưa từng nghe nói giới, nay mới nghe; hoặc chưa từng nghe nói rộng, nay mới nghe; hoặc nói vui đùa, [686c] nói nhanh vội, nói một mình, nói trong mộng; muốn nói việc này nhầm nói việc khác; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Lúc ấy, tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách quản lý giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ.
Một hôm, có người dâng cho chúng Tăng một chiếc y quý giá. Chúng Tăng cùng bảo nhau rằng, “Tôn giả tỳ-kheo Đạp-bà-ma-la Tử được chúng Tăng sai phụ trách quản lý giường nằm, chỗ ngồi, ngọa cụ của chúng Tăng, và phân phối ẩm thực. Tôn giả bận lo việc của Tăng, việc của tháp, nên những lễ hội bố thí của các gia chủ bên ngoài, nhân xây cất chùa mới, xây cất phòng mới, đào ao mới, đào giếng mới, Tôn giả không rảnh để đến dự. Do vậy, y phục của tôn giả bị rách nát, cáu bẩn, không sạch sẽ. Chúng ta nên đem y này trao cho tôn giả.”
Rồi chúng Tăng, sau khi tác bạch nhị Yết-ma, đem y trao cho Tôn giả.
Trong lúc bạch yết-ma, nhóm sáu tỳ-kheo cũng có mặt trong chúng. Khi trao y cho tôn giả rồi, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói: “Các tỳ-kheo này theo chỗ quen thân của mình, mà lấy y của chúng Tăng đem cho.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rằng:
“Sao, các thầy cùng có mặt trong chúng khi tác yết-ma trao y cho vị kia; sau lại nói, ‘Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng Tăng đem cho.’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông cùng tập hợp một chỗ tác bạch yết-ma đem y trao cho vị kia. Sau khi y đã được trao, các ông lại nói, ‘Các tỳ-kheo, theo chỗ quen biết riêng của mình, lấy y của chúng tăng đem cho.’?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm [687a1] mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, sau khi cùng chung yết-ma rồi, lại nói như vầy: ‘Các tỳ-kheo, theo chỗ thân hậu mà lấy vật của chúng Tăng đem cho,’ ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thân hậu: đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê; cùng ăn, ở, chuyện trò, gần gũi với nhau.
Vật của Tăng: như trên đã nói.[431]
Vật: Y, bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, cho đến đồ uống nước.
Tỳ-kheo kia, trước cùng chúng Tăng yết-ma rồi, sau hối hận, nói: “Các tỳ-kheo, theo chỗ thân hậu, lấy y vật của Tăng cho người thân hậu của mình.” Nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề, không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: sự việc thật như vầy: lấy vật của Tăng đem cho người quen biết của mình, thì nói mà không phạm. Hoặc là nói vui đùa, nói nhanh vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Lúc ấy, có số đông tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ cùng nhau luận bàn pháp Tì-ni.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói với nhau rằng: “Hãy xem các tỳ-kheo này cùng nhau tập hợp lại một chỗ, hình như muốn vì chúng ta tác yết-ma.” Tức thì, nhóm sáu người liền đứng dậy bỏ ra đi. Các tỳ-kheo nói rằng:
“Các thầy ở lại, chớ nên đi. Chúng Tăng hữu sự, mà lại cố ý bỏ đi, không chịu ở lại.”
Trong số các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Chúng Tăng đang tập hợp, muốn luận pháp sự. Sao các thầy lại đứng dậy bỏ đi?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, chúng Tăng tập hợp muốn luận pháp sự, các ông lại đứng dậy bỏ đi?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần xong, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, [687b] gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, đứng dậy bỏ đi, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Các tỳ-kheo, hoặc có vị bận việc của Tăng, hoặc bận việc của tháp, hoặc bận việc chăm sóc tỳ-kheo bệnh, nghi. Đức Phật dạy: “Từ nay cho phép dữ dục.” Từ nay nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi Tăng đoán sự chưa xong, không dữ dục mà bỏ đi,[433] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tăng: cùng một thuyết giới, cùng một yết-ma.
Sự: có mười tám sự phá Tăng: pháp, phi pháp… cho đến thuyết, phi thuyết.[434] Nếu tỳ-kheo đoán sự chưa xong mà bỏ đứng dậy đi ra, chân bước ra khỏi cửa, ba-dật-đề; một chân ngoài cửa, một chân trong cửa, phương tiện muốn đi mà không đi; hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có bận việc Tăng, việc tháp, việc chùa chăm sóc người bệnh, dữ dục thì không phạm.
Hoặc bị câm không nói dữ dục[435] được.
Hoặc yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni.
Hoặc đang phương tiện tác yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi, liên hệ sự việc Tăng, sự việc chùa tháp; nhắm đến Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu; [436] các trường hợp như vậy, không dữ dục mà bỏ đi, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Khi ấy, trong nhóm sáu tỳ-kheo có sự vi phạm, sợ chúng Tăng cử tội, nên sáu người cứ đi chung với nhau. Trong giờ đại thực, tiểu thực, khi chúng Tăng tập hợp thuyết pháp, hoặc lúc nói giới, sáu người không rời nhau, khiến cho các tỳ-kheo không do đâu để tác pháp yết-ma được.
Sau đó một thời gian, vào lúc nhóm sáu tỳ-kheo may y. Các tỳ-kheo cùng bảo nhau, “Nhóm sáu tỳ-kheo hiện đang ở đây may y. Nếu cần tác pháp yết-ma thì nay chính là lúc.” Các tỳ-kheo liền sai một vị đến kêu: “Chúng Tăng hữu sự. Mời các thầy đến.” Nhóm sáu tỳ-kheo hỏi:
“Tăng có việc gì? Chúng tôi không thể ngưng việc may y để đến được.”
Tăng trả lời:
“Nếu các thầy không thể đến được, thì cử một hai vị mang dục đến.”
Nhóm sáu tỳ-kheo liền sai [687c] một tỳ-kheo nhận dục mang đến. Chúng Tăng tác pháp yết-ma cho một tỳ-kheo này. Tác pháp yết-ma xong, tỳ-kheo ấy liền trở về chỗ nhóm sáu tỳ-kheo. Nhóm sáu tỳ kheo hỏi: “Chúng Tăng làm việc gì?”
Tỳ-kheo này đáp: “Bất lợi cho bản thân tôi.”
Lục quần hỏi: “Chuyện gì mà bất lợi cho bản thân thầy?”
Vị ấy nói: “Chúng Tăng tác yết-ma nhắm đến tôi.”
Nhóm sáu tỳ-kheo, trước đó dữ dục rồi, sau lại hối hận, nói:
“Chúng Tăng tác yết-ma như vậy, chẳng phải là yết-ma. Yết-ma không thành. Chúng tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy dữ dục rồi, sau lại ăn năn nói: Chúng tôi dữ dục việc kia, chứ không dữ dục việc này?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông trước đã dữ dục sau lại ăn năn nói: Tôi dữ dục việc này chứ không dữ dục việc kia?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, dữ dục rồi, sau lại hối hận, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nếu tỳ-kheo dữ dục rồi sau ăn năn nói: “Các thầy tác yết-ma, phi yết-ma, yết-ma không thành. Tôi dữ dục việc kia chứ không dữ dục việc này”; nói rõ ràng, ba-dật-đề; nói không rõ, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la.
Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: sự thật là như vậy, phi yết-ma, yết-ma không thành cho nên nói như thế. Phi yết-ma không thành thì không phạm. Hoặc nói giỡn chơi, nói nhanh vội nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này, nhầm nói việc kia, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[688a1] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo rồi đem đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì khởi lên việc tranh cãi, đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được.
Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Vì nguyên nhân nào khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi thì không trừ diệt được?” Các tỳ-kheo quán sát, liền biết điều đó là do nhóm sáu tỳ-kheo nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với người kia, cho nên như vậy.
Các tỳ-kheo nghe việc này, trong số đó có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Tại sao các Thầy nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có việc tranh cãi thì phát khởi việc tranh cãi; đã có việc tranh cãi, thì không trừ diệt được?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nghe những lời đấu tranh của các tỳ-kheo, rồi đem việc ấy đến nói với người kia, khiến cho Tăng chưa có sự tranh cãi, khởi lên sự tranh cãi; đã có sự tranh cãi thì không trừ diệt được?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người ban đầu phạm giới này. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo chế giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, sau khi các tỳ-kheo cùng tranh cãi nhau, nghe[439] lời người này đem qua nói với người kia, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Đấu tranh:[440] có bốn loại. Đó là ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.
Nghe: lén nghe người kia nói.
Nếu tỳ-kheo nào đến nghe những lời tranh cãi của tỳ-kheo khác, từ đường này đến đường kia; từ đạo đến phi đạo; từ phi đạo đến đạo; từ cao đến thấp, từ thấp đến cao, đến mà có nghe, phạm ba-dật-đề, không nghe phạm đột-kiết-la.
Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn đi mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người nói chuyện ở chỗ tối; nên búng ngón tay hay tằng hắng để cảnh giác họ, không làm vậy thì phạm đột-kiết-la. Hoặc hai người ở chỗ kín nói, cũng phải búng ngón tay hay tằng hắng, không làm như vậy [688b] thì phạm đột-kiết-la. Hoặc trên đường đi, hai người đi trước đang nói, cũng phải búng ngón tay, tằng hắng; nếu không làm vậy, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu hai người nói chuyện với nhau ở chỗ tối, mình tằng hắng hay búng ngón tay, hoặc hai người ở chỗ kín nói chuyện, mình búng ngón tay, tằng hắng. Trên đường đi, hai người đi trước cùng nói chuyện, mình từ sau đi đến, tằng hắng, búng ngón tay. Hoặc muốn tác yết-ma phi pháp, yết-ma phi tì-ni, các yết-ma không trụ xứ, tổn giảm, không lợi liên hệ chúng Tăng, liên hệ tháp, liên hệ Hòa thượng, đồng Hòa thượng hoặc A-xà-lê, đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức. Đối với các yết-ma như vậy, muốn được biết nên đến nghe thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước
Xá-vệ. Bấy giờ, trong nhóm sáu tỳ-kheo có một vị vì sân nhuế đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo. Người bị đánh lớn giọng kêu rằng:
“Thôi, thôi, đừng đánh tôi!”
Lúc ấy tỳ-kheo ở phòng gần nghe hỏi rằng: “Chuyện gì mà la to thế?”
Tỳ-kheo bị đánh nói: “Vừa rồi tôi bị tỳ-kheo kia đánh.”
Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách người nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao lại sân nhuế đánh đập (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại đánh (người) nhóm mười bảy tỳ-kheo?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo.
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vì nóng giận, không hoan hỉ, đánh tỳ-kheo, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Đánh: hoặc dùng tay, đá hay gậy.
Tỳ-kheo dùng tay, đá hay gậy đánh tỳ-kheo, [688c] tất cả đều phạm ba-dật-đề.[442] Ngoài cây, tay, đá ra, dùng các thứ khác như chìa khóa cửa, móc câu, cán phủ phất, cán thủ lư, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh cần đấm bóp; hoặc ăn bị nghẹn cần vuốt cho xuống; hoặc nói không nghe cần đụng vào người, khiến cho họ nghe; hoặc lúc ngủ mà đụng phải; hoặc khi đi kinh hành tới lui mà đụng nhau; hoặc khi quét đất, đầu cán chổi dài đụng nhầm phải; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo dùng tay tát nhóm mười bảy tỳ-kheo. Vị bị tát,3 lớn tiếng la rằng:
“Thôi, thôi đừng làm vậy!”
Tỳ-kheo ở phòng gần nghe, liền hỏi: “Vì sao kêu la lớn tiếng như thế?” Nhóm mười bảy nói:
“Tỳ-kheo này khoa tay đánh tôi, nên tôi phải la lớn.”
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách vị nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Tại sao thầy khoa tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông dùng tay đánh nhóm mười bảy tỳ-kheo?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vì giận hờn không vui, dùng tay (nhá) đánh[444] tỳ-kheo, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tay: chỉ cho hai bàn tay.
Tỳ-kheo kia vì giận hờn lấy tay đánh[445] tỳ-kheo khác ba-dật-đề. Trừ tay ra, nếu dùng then cửa, phất trần, thủ hương, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: người khác muốn đánh, đưa tay chận lại. Hoặc voi đến, giặc cướp đến, ác thú đến, kẻ cầm gai nhọn [689a1] đến, lấy tay ngăn chận lại thì không phạm. Hoặc muốn qua sông; hoặc muốn vượt qua chỗ bùn lầy, nước đọng, gần nhau đưa tay ngoắt tỳ- kheo khác đến, chạm trúng họ thì không phạm. Hoặc người kia không nghe, mình dùng tay ra hiệu khiến cho họ nghe; hoặc khi ngủ; hoặc khi tới lui qua lại, hay quét đất; hoặc quơ cây gậy đụng nhầm, chứ không cố ý làm, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xa Vệ. Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ.[447]
Khi ấy, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo, “Tại sao các thầy vì giận hờn, vu khống nhóm mười bảy tỳ-kheo bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vì giận hờn lại dùng tăng-giàbà-thi-sa vô căn cứ để hủy báng nhóm mười bảy Tỳ-kheo?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ- kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống (tỳ-kheo khác) bằng pháp tăng-già-bà-thi-sa không căn cứ, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Căn cứ: có ba: Chứng cứ do thấy, do nghe, do nghi.
- Chứng cứ do thấy: thật thấy vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc thấy cùng phụ nữ thân xúc chạm nhau, hoặc thấy cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc thấy đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc thấy khi đang cùng nhau làm môi giá. Hoặc là người khác thấy, rồi nghe từ người đó. Đó gọi là chứng cứ do thấy.
- Chứng cứ do nghe: nghe (tiếng) vị ấy lộng âm xuất tinh, hoặc cùng phụ nữ thân gần gũi nhau, hoặc nghe (tiếng) cùng phụ nữ nói thô ác, hoặc nghe (tiếng) đối trước người phụ nữ tự khen thân mình, hoặc nghe (tiếng) cùng nhau môi giá. Hoặc là người khác nghe (tiếng), rồi từ người đó mà nghe. Đó gọi là chứng cứ do nghe.
[689b]- Chứng cứ do nghi: có hai nhân duyên sanh nghi: Do thấy sanh nghi, và do nghe sanh nghi.
* Thế nào là thấy sanh nghi? Thấy người kia cùng người phụ nữ, khi từ trong rừng đi ra, hay khi vào trong rừng, hoặc trần truồng không có y, đồ bất tịnh tiết ra nhớp thân; hoặc thấy cùng ác tri thức hành sự, hoặc cùng vui đùa. Đó gọi là do thấy sanh nghi.
* Thế nào là nghe sanh nghi? Hoặc nghe (tiếng) nơi chỗ đó, nghe tiếng động nơi giường, nghe tiếng nệm cỏ, nghe tiếng thở mạnh, nghe tiếng nói, nghe tiếng giao hội; hoặc nghe người kia tự nói: “Tôi phạm xuất tinh. Tôi cùng người nữ thân chạm nhau. Tôi cùng người nữ nói lời thô ác. Tôi đối trước người nữ tự khen thân mình. Tôi làm mai mối nam nữ.” Trong khi nghe những việc như vậy mà sanh nghi.
Ngoài ba căn ra, dùng các việc khác vu khống; đó gọi là không căn cứ. Tỳ-kheo nào, vì giận hờn, vu khống bằng pháp tăng-già-bà-thisa không căn cứ, nói rõ ràng phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có thấy, có nghe, có nghi, nói đúng sự thật, muốn khiến cho người kia ăn năn mà không vu khống; hoặc nói vui, nói nhanh vội, nói một mình, nói trong mộng, hoặc muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Khi ấy, trong thành Xá-vệ có một bà-la-môn thuộc dòng họ lớn, tên là Da-nhã-đạt,[449] có nhiều của cải quý báu, sanh nghiệp không lường, ruộng đất, gạo lúa không thể kể xiết, vàng bạc, xa cừ, mã não chân châu, hổ phách thủy tinh, lưu ly, voi ngựa, tôi tớ, kho tàng đầy đủ dư dật; oai tướng đầy đủ. Da-nhã-đạt có một tớ gái tên là Hoàng Đầu, [450] thường trông coi vườn Mạt-lợi. [451] Đứa tớ gái kia thường ưu sầu nói: “Đến khi nào ta mới thoát khỏi kiếp sống tôi tớ?”
Một sớm mai nọ, đứa tớ gái kia nhận phần cơm khô của mình, mang vào trong vườn. Vào lúc đó, giờ khất thực đã đến, đức Thế Tôn mặc y bưng bát vào thành khất thực. Người tớ gái Hoàng Đầu từ xa trông thấy đức Như Lai, tâm tự nghĩ rằng:
“Nay ta nên đem phần cơm khô này dâng cúng cho Sa-môn kia, may ra, ta có thể thoát khỏi kiếp tôi đòi.” Nghĩ xong, Hoàng Đầu liền đem phần cơm dâng cúng đức Như Lai.
Đức Thế Tôn rủ lòng thương nhận sự cúng dường rồi trở về tịnh xá. Người tớ gái Hoàng Đầu tiếp tục trên đường đến vườn Mạt-lợi.
Lúc bấy giờ, vua Ba-tư-nặc, điểm bốn binh chủng xuất thành [689c] du ngoạn săn bắn. Đoàn tùy tùng phân tán ra đuổi theo bầy hươu. Lúc này thời tiết đang nóng bức, nhà vua mệt mỏi. Từ xa, vua trông thấy vườn Mạt-lợi gần đó, liền cho lệnh quay xe đến. Để xe bên ngoài, nhà vua đi bộ vào trong vườn.
Bấy giờ, Hoàng Đầu từ xa thấy vua Ba-tư-nặc đến, liền khởi sanh ý nghĩ: “Người đang tiến đến với dáng bộ cử chỉ, chẳng phải là người thường.” Liền tiến đến trước mặt để nghinh đón, với lời kính cẩn chào hỏi:
“Chào Đại nhơn mới đến! Mời ngài đến ngồi trên chỗ ngồi này.”
Hoàng Đầu liền cởi áo trải ra, mời nhà vua ngồi. Hoàng Đầu thưa hỏi:
“Ngài cần nước rửa chân hay không?”
Nhà vua nói: “Cần.”
Hoàng Đầu liền lấy lá sen múc nước đem đến cho nhà vua. Nhà vua tự dùng nước rửa. Hoàng Đầu chà, kỳ chân cho nhà vua và thưa:
“Ngài có cần nước để rửa mặt không?”
Nhà vua nói: “Cần.”
Hoàng Đầu lại lấy lá sen múc đầy nước đem đến để nhà vua rửa mặt.
Hoàng Đầu thưa tiếp:
“Ngài cần nước để uống hay không?” Nhà vua nói:
“Muốn uống.”
Hoàng Đầu liền đến nơi ao; rửa tay sạch sẽ, rồi lấy lá sen tốt, múc đầy nước đem đến cho nhà vua uống. Hoàng Đầu lại thưa vua rằng: “Không biết, Ngài có cần nghỉ một chút hay không?” Nhà vua nói:
“Cần yên nghỉ một chút.”
Hoàng Đầu lại liền cởi một chiếc áo trải ra, mời vua nằm nghỉ. Khi nhà vua nằm xong, Hoàng Đầu đến một bên quỳ thẳng gối xoa bóp cơ thể để giải tỏa mỏi mệt cho nhà vua. Thân của Hoàng Đầu mềm mại dịu dàng như thân của thiên nữ. Khi nhà vua được xoa bóp êm dịu, khởi lên ý nghĩ: “Chưa từng có một người nữ nào thông minh như thế này. Ta không bảo mà làm tất cả việc theo ý muốn của ta.” Nhà vua liền hỏi:
“Người là con gái nhà ai?” Hoàng Đầu trả lời:
“Tôi là người ở của gia đình Da-nhã-đạt. Chủ tôi sai tôi giữ vườn
Mạt-lợi này.”
Trong khi nhà vua hỏi Hoàng Đầu như vậy thì Đại thần của vua Ba-tư-nặc tìm theo dấu vết của xe, đến nơi vườn Mạt-lợi, quỳ lạy dưới chân vua xong, đứng qua một bên. Nhà vua ra lệnh cho một người:
“Người hãy đến kêu bà-la-môn Da-nhã-đạt đến chỗ vua.”
Người nhận lệnh nhà vua liền đến kêu bà-la-môn. Bà-la-môn đến quỳ lạy dưới chân nhà vua xong, đứng qua một bên.
Nhà vua hỏi: “Người nữ này là tôi tớ của ngươi phải không?” Bà-la-môn trả lời: “Đúng như vậy.” Nhà vua nói:
“Nay ta muốn lấy người này làm vợ, ý ngươi thế nào?” Người bà-la-môn tâu:
“Người này là tôi đòi, làm sao làm vợ của nhà vua được?” Nhà vua khẳng định:
“Điều đó không can gì. Ngươi chỉ cho biết là phải trả giá bao nhiêu mà thôi.”
Người bà-la-môn tâu:
“Dù là giá đáng trăm ngàn lượng vàng; tôi đâu dám nhận. Tôi xin dâng hiến lên Đại vương.” Nhà vua nói:
“Không thể được. Nay ta lấy làm vợ, tại sao lại không tính giá?”
[690a1] Nhà vua liền ra lệnh xuất trăm ngàn lượng vàng giao cho người bà-la-môn. Giao xong, nhà vua liền sai người về cung, lấy các thứ anh lạc, áo xiêm đồ phục sức. Sau khi tắm gội, trang điểm thân mình, Hòang Đầu ngồi chung xe với vua trở về cung, cùng với các đại thần hộ vệ tháp tùng.
Bấy giờ, Hoàng Đầu mới nghĩ: “Người này không phải là ai khác mà chính là vua Ba-tư-nặc.” Hoàng Đầu được đưa vào ở trong cung, tập học các thứ kỹ thuật thơ toán, in, họa các thứ hình tượng, ca vũ hý nhạc, không bộ môn nào không biết. Vì từ trong vườn Mạt-lợi đem về, nên bà được đặt tên Mạt-lợi phu nhân. Cho đến khi tuổi lớn, vua càng ái kính. Sau đó một thời gian, trong số năm trăm người nữ, Mạt-lợi được nhà vua lập làm Đệ nhất phu nhân. Khi ở trên điện cao, Mạt-lợi phu nhân tự nghĩ rằng: “Do nhân duyên nghiệp báo gì mà ta được thoát khỏi kiếp tôi đòi, nay được sống khoái lạc thế này?” Rồi nghĩ tiếp: “Phải chăng, do trước đây ta đã dùng phần ăn của ta là cơm khô trộn với mật, dâng cúng sa- môn; vì nhân duyên ấy mà nay ta được thoát khỏi thân tôi đòi, thọ sự khoái lạc thế này?” Mạt-lợi phu nhân liền hỏi người hầu cận: “Trong thành Xá-vệ có sa-môn hình mạo như vậy chăng?”
Người hầu cận thưa: “Có. Đó chính là đức Như Lai Vô sở trước,
Chí chơn, Đẳng chánh giác.”
Phu nhân nghe rồi, lấy làm hoan hỷ, liền muốn đến chỗ đức Phật, nên đến thưa với vua Ba-tư-nặc:
“Tâu đại vương, tôi muốn đến yết kiến và lễ bái thăm hỏi đức Phật.”
Nhà vua nói: “Nên biết là đúng thời.”
Mạt-lợi phu nhân liền sửa soạn xe ngựa đến năm trăm chiếc, cùng năm trăm thể nữ thị tùng, ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến tịnh xá Kỳhoàn. Đến nơi, Mạt-lợi xuống xe, đi bộ vào. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịnh định, thành tựu vô thượng điều phục, như voi chúa đã được điều phục, như hố thẳm trong lặng, thanh tịnh không nhớp. Phu nhân thấy vậy liền sanh hoan hỷ, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
“Do nhân duyên nào, thọ thân người nữ, nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải thiếu thốn, không có oai lực? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, không có oai lực lớn? Do nhân duyên nào nhan sắc xấu xí, người thấy không ưa, của cải không thiếu, có oai lực lớn? Do nhân duyên nào, nhan sắc xinh đẹp, người thấy hoan hỷ, của cải không thiếu, có oai lực lớn?”
Bấy giờ, đức Thế Tôn mới giảng cho Mạt-lợi phu nhân nghe:
“Hoặc có người nữ, lòng nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây não hại cho người. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Cũng không bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người già cô quả bần cùng, [690b] mỗi khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc. Tất cả đều không bố thí. Thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, này Mạt-lợi nữ nhơn, do nhiều sân nhuế nên tướng mạo xấu xí, người thấy không ưa. Do không bố thí nên của cải thiếu thốn. Do thấy người được lợi dưỡng sanh tâm tật đố, nên không có oai lực.
“Này Mạt-lợi phu nhân! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, đối với người ưa gây phiền não. Hoặc vì ít lời mà nổi thịnh nộ. Hoặc vì nhiều lời nên sân nhuế cũng nhiều. Nhưng hay bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người già cô quả, bần cùng, mỗi khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, voi ngựa xe cộ, hương hoa anh lạc, phòng xá ngọa cụ đều cung cấp cho họ. Nhưng thấy người khác được lợi dưỡng sanh tâm tật đố. Cho nên, người nữ đó, do nhiều sân nhuế mà tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu; và do tâm tật đố nên không có oai lực.
“Này Mạt-lợi phu nhân! Người nữ mà tâm nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít hiện sân nhuế nhiều, nói nhiều cũng hiện sân nhuế nhiều, mà hay bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người già cô đơn, bần cùng, khi họ đến cầu xin, y phục, ẩm thực, hoa hương anh lạc, cho đến phòng xá ngọa cụ, đèn đuốc, đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng, tâm không sanh tật đố. Cho nên, người nữ này, do sân nhuế nên tướng mạo xấu xí; nhờ bố thí nên của cải không thiếu, và do thấy người được tài lợi không sanh tật đố nên có oai lực lớn.
“Này Mạt-lợi! Người nữ mà không có sân nhuế, không gây não hại cho người; nói ít, nói nhiều cũng không hiện sân nhuế; hay bố thí ba-môn, bà-la-môn, người cô quả, già nua, bần cùng, khi họ đến xin voi ngựa xe cộ, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc đều cung cấp cho họ; thấy người được lợi dưỡng không sanh tật đố. Này, Mạt-lợi nữ nhân! Vì không sân nhuế nên nhan sắc đoan chánh, vì bố thí nên của cải không thiếu và vì không tật đố nên có oai lực lớn.
“Này Mạt-lợi! Do những nhân duyên này cho nên người nữ tướng mạo xấu xí, của cải thiếu thốn, không có oai lực. Do những nhân duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, mà lại không có oai lực. Do những nhân duyên này, người nữ tướng mạo xấu xí; nhưng của cải không thiếu, có oai lực lớn. Do nhân duyên này, người nữ tướng mạo đoan chánh, của cải không thiếu, có oai lực lớn.”
[690c] Lúc bấy giờ, Mạt-lợi phu nhân lại bạch đức Phật:
“Kính bạch Đại đức! Đời trước con nhiều sân nhuế, ưa gây não hại cho người, nói ít mà hiện nhiều sân nhuế, nói nhiều cũng hiện nhiều sân nhuế. Tại sao vậy? Vì đời này, con thọ thân hình xấu xí, người không ưa thích. Nhờ vậy cho nên biết được.
“Bạch Đại đức! Đời trước con hay làm việc bố thí cho sa-môn, bàla-môn, người già cô đơn bần cùng. Khi họ đến cầu xin, y phục ẩm thực, cho đến đèn đuốc, đều cung cấp cho họ, cho nên ngày nay của cải không thiếu.
“Bạch Đại Đức! Đời trước con thấy người khác được lợi dưỡng, không sanh tâm tật đố, cho nên ngày nay có oai lực lớn. Trong cung của vua Ba-tư-nặc có năm trăm người nữ, đều là dòng họ Sátlợi, mà con là người được tôn quý tự tại trong đó. “Kính bạch Đại đức! Từ nay trở đi, con không sân nhuế, không gây não hại cho người, không dựa vào nói ít nói nhiều mà hiện sân nhuế; thường bố thí sa-môn, bà-la-môn, người già cô quả bần cùng; khi họ đến cầu xin y phục, voi ngựa, xe cộ, cho đến đèn đuốc, con đều cung cấp cho họ. Nếu thấy người được lợi dưỡng thì tâm con không sanh tật đố. “Kính bạch đức Thế Tôn! Từ nay trở đi, trọn đời con nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư. Từ nay trở đi, con nguyện thọ trì không sát sanh, cho đến không uống rượu.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì Mạt-lợi phu nhân dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Những pháp ấy là bố thí, trì giới, và sanh thiên. Nói dục là tội lỗi, dục là bất tịnh, là hữu lậu ô nhiễm, là trói buộc. Khen ngợi sự ích lợi của xuất ly, giải thoát. Mạt-lợi liền từ nơi chỗ ngồi mà sạch hết các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt, thấy pháp, đắc pháp, được chứng quả.
Rồi phu nhân lại bạch đức Phật:
“Nay con, lần thứ hai, lần thứ ba, quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tư, Từ nay trở đi trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.” Mạt-lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính đảnh lễ dưới chân đức Phật, nhiễu Phật ba vòng rồi cáo lui.
Khi về đến cung, Mạt-lợi khuyến dụ vua Ba-tư-nặc, khiến nhà vua tin ưa Phật pháp. Sau khi vua đã có tín tâm, vua cho phép các tỳ-kheo ra vào trong cung, các, không trở ngại.
Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di, đến giờ, mặc y, bưng bát vào hoàng cung của vua Ba-tư-nặc. Trong lúc ấy, nhà vua và phu nhân còn đang ngủ ngày. Phu nhân từ xa thấy Ca-lưu-đà-di đến, liền đứng dậy mặc áo vào. Rồi lấy chiếc áo rất quý lau chỗ ngồi để mời Ca-lưu ngồi. Phu nhân để tuột y, [691a1] rớt xuống đất, lộ hình, nên xấu hổ, ngồi xuống. Ca-lưu-đà-di thấy, xoay mình ra khỏi hoàng cung. Nhà vua liền hỏi phu nhân:
“Vừa rồi, tỳ-kheo thấy hình của khanh?” Phu nhân thưa với nhà vua:
“Tuy thấy, nhưng như anh chị em chứ không chi khác. Việc ấy không bận tâm.”
Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di trở về lại trong Tăng-già-lam; rồi đem nói với tỳ-kheo:
“Đệ nhất bảo của vua Ba-tư-nặc, nay tôi được thấy rõ.” Tỳ-kheo hỏi: “Thầy được thấy bảo vật gì?” Ca-lưu-đà-di nói:
“Tôi thấy Mạt-lợi phu nhân lộ hình. Tôi thấy tất cả!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: “Sao lại vào trong cung, đến chỗ ở của thể nữ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài cố hỏi Ca-lưu-đà-di:
“Sự thật ông có vào trong vương cung, đến chỗ ở của thể nữ không?”
Ca-lưu-đà-di thưa: “Kính bạch đức Thế Tôn, sự thật có như vậy.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện, quở trách Ca-lưu-đà-di:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông vào trong cung nội, chỗ ở của thể nữ?” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo: “Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi nhà vua thuộc hàng Sát-lợi Quán đảnh[452] chưa ra khỏi, bảo vật chưa được thu cất mà vào; nếu qua khỏi ngạch cửa cung, phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vua thuộc hàng Sát-lợi Quán đảnh:[453] lấy nước trong bốn đại hải, lấy cái sừng bên hữu con bò trắng, thu thập tất cả hạt giống, đựng đầy bên trong, để trên chiếc xe của nhà vua, khiến các Tiểu vương khiêng. Nhà vua cùng Đệ nhất phu nhân ngồi trên xe. Đại bà-lamôn dùng nước rưới trên đảnh của vua. Nếu là dòng Sát-lợi, khi làm phép rưới nước trên đầu tức là lập vương vị. Do vậy, gọi là vua thuộc hàng Sát-lợi Quán đảnh. Nếu là dòng bà-la-môn, tỳ-xá, thủđà-la được làm phép lấy nước rưới lên đầu để lập vương vị, nhà vua ấy cũng gọi là vua Quán đảnh dòng Sát-lợi.
Chưa ra khỏi: tức là nhà vua chưa ra khỏi, thể nữ chưa trở về chỗ cũ.
Chưa giấu bảo vật: [691b] vàng bạc chân châu, xa cừ mã não, thủy tinh lưu ly, bối ngọc.[454] Tất cả các vật báu anh lạc chưa đem cất.
Tỳ-kheo nào, khi vua Sát-lợi quán đảnh chưa ra khỏi, chưa cất của quý, mà vào ngạch cửa của vương cung, ba-dật-đề. Một chân ngoài, một chân trong, ý muốn đi, hoặc cùng hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la. Trừ vua Sát-lợi, nếu vào các nhà Túc tán tiểu vương,[455] trưởng giả hào quý, bước qua ngạch cửa đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nhà vua đã ra khỏi, thể nữ về chỗ cũ; bảo vật, anh lạc đã cất; hoặc có việc cần đến tâu với nhà vua; hoặc bị gọi đến, hoặc bị thế lực bắt đi; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Lúc ấy, có cư sĩ đệ tử của ngoại đạo, ở nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé nghỉ một bên đường, bỏ quên một cái đãy, trong đó đựng một ngàn lượng vàng. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo cũng đi trên đường này, sau đó cũng dừng nghỉ bên đường, nơi chỗ người cư sĩ nghỉ. Các tỳ-kheo thấy chiếc đãy đựng vàng để nơi đất, cùng bảo nhau rằng: “Ta nên mang đi. Nếu có người chủ nào biết, sẽ trả lại cho họ.” Nói xong, liền mang đi theo.
Người cư sĩ quên gói vàng kia đi chừng vài dặm, nhớ lại, liền gấp gáp đi trở lui.
Các tỳ-kheo từ xa thấy, nói với nhau:
“Người vội vàng đi ngược chiều đó chắc là người chủ vàng.” Khi đến, các tỳ-kheo hỏi: “Ông muốn đi đâu?” Người cư sĩ nói:
“Các ông cứ đi. Chuyện gì phải hỏi việc của tôi?” Các tỳ-kheo nói:
“Chúng tôi muốn ông khỏi phải phiền đến chỗ đó.” Người cư sĩ ngạc nhiên nói:
“Tôi vừa nghỉ nơi chỗ đó, bỏ quên túi vàng, nên bây giờ trở lại để lấy.”
Các tỳ-kheo liền lấy túi vàng đưa ra và hỏi: “Vật này không phải của ông à?” Người cư sĩ nói:
“Chính là đãy của tôi đây. Mà sao vật đựng bên trong thiếu?” Các tỳ-kheo nói:
“Thật sự chúng tôi chỉ lượm được cái gói như vậy mà thôi” Người cư sĩ liền đến nhà quan khiếu nại.
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc đích thân ngồi ghế đoán sự. Nhà vua cho mời các tỳ-kheo đến hỏi:
“Này Đại đức! Việc này thế nào? Theo lời người kia nói như vậy có đúng hay không?”
Các tỳ-kheo thưa với nhà vua:
“Chúng tôi chỉ lượm được cái túi như vậy thôi chứ không thấy gì khác.”
[691c] Người cư sĩ nói:
“Số vàng của tôi chừng ấy lượng.”
Nhà vua liền sai người mang đủ số vàng như người cư sĩ nói và bảo người ấy bỏ vào cái đãy đó, nhưng cái đãy lại chứa không hết. Nhà vua liền nói với người cư sĩ:
“Như vậy, đây không phải là vật của ngươi, ngươi đi tìm nơi khác.” Nhà vua liền trị tội vu khống và tịch biên tài sản, tất cả số vàng đều nhập vào kho nhà quan.
Bấy giờ, có các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo:
“Sao tự tay cầm lấy vàng bạc để khiến cho cư sĩ phải bị nhà quan trị tội, lại bị tịch biên tài sản, tất cả sự nghiệp đều vào kho nhà quan?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo ấy rằng:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông tự tay cầm vàng bạc, khiến cho nhà vua trị phạt cư sĩ, tịch biên tài sản?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, hoặc vật báu, hoặc đồ trang sức quý báu, tự tay cầm nắm, hay sai người cầm nắm, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ trong thành Xávệ, theo pháp thường của thế tục, ngày lễ hội của phụ nữ, Tỳ-xákhư Mẫu[457] tự trang điểm anh lạc, đi ngang qua tịnh xá Kỳ-hoàn. Lòng kính tin của bà phát khởi, bà nghĩ: “Ta cần gì đến nơi lễ hội của người nữ. Nay ta nên đến chỗ đức Thế Tôn để lễ bái thăm hỏi Ngài.”
Tỳ-xá-khư Mẫu liền quay trở lại, vào tịnh xá Kỳ-hoàn. Bà lại tự nghĩ: “Ta không nên mang những đồ trang sức bằng anh lạc này đến gặp đức Thế Tôn. Nay ta nên cởi ra, sau đó mới đến lễ bái
Ngài.”
Bấy giờ, bà bèn nơi gốc cây cởi y báu và chuổi anh lạc, gom lại thành một đống lớn. Rồi bà đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, và đứng qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn phương tiện nói pháp, khai hóa hoan hỷ. Tỳ-xá-khư Mẫu nghe đức Như Lai nói pháp rồi sanh lòng hoan hỷ kính lễ dưới chân Phật, rồi nhiễu quanh [692a1] và cáo lui.
Bấy giờ, tâm bà còn để nơi pháp, đi thẳng ra khỏi cửa Kỳ-hoàn, quên đến lấy những đồ trang sức y báu và chuỗi anh lạc. Về đến nhà, bà mới nhớ, bèn nghĩ: “Nếu ta sai người đến lấy, sợ không có thì có thể làm nhục các tỳ-kheo.” Do vậy bà không sai sứ đến lấy.
Có một tỳ-kheo thấy Tỳ-xá-khư Mẫu khi vào Kỳ-hoàn thì đến nơi gốc cây, nhưng khi bà ra về thì không đến nơi chỗ đó. Vị tỳ-kheo kia liền đến chỗ gốc cây, thấy những đồ trang sức, chuỗi anh lạc, y báu tập trung một chỗ, tâm sanh nghi, không dám lấy, bèn nghĩ: “Đức Thế Tôn chế giới: tỳ-kheo nào tự cầm nắm vật báu, hoặc đồ trang sức quý báu, hay bảo người khác cầm nắm, Ba-dật-đề.”
Tỳ-kheo kia đến bạch Phật, đức Phật bảo:
“Từ này về sau, cho phép trong Tăng-già-lam, thấy có vật bỏ quên, để khỏi mất, phải lấy cất.”
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự cầm nắm kim bảo, hoặc đồ trang sức quý báu,[458] hay bảo người cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong Tănggià-lam.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Khi ấy, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, ghé vào một thôn không có trú xứ, hỏi thăm rằng:
“Nơi đây chỗ nào có phòng xá trống, có thể tạm nghỉ lại đêm?” Những người ở đó nói:
“Nơi đây có nhà người thợ kim hoàn,[459] có phòng xá trống. Có thể đến đó nghỉ được.”
Các tỳ-kheo đến nơi nhà thợ kim hoàn, nói rằng:
“Chúng tôi muốn xin nghỉ nhờ một đêm, có được không?”
Thợ kim hoàn trả lời: “Được.”
Các tỳ-kheo vào nhà trải nệm cỏ an tọa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Hôm ấy, người thợ kim hoàn có những thứ vàng đã chế biến, có vàng chưa chế biến, có thứ đồ vàng mới chế biến một phần; có đồ bằng bạc đã chế biến, có thứ bạc chưa chế biến, có đồ bạc chế biến chưa thành, để trong nhà đó. Tối đó, các tỳ-kheo vì bảo vệ những thứ đó nên suốt đêm không ngủ, vì sợ kẻ trộm đến lấy. Sáng ngày, thợ kim hoàn đi vào nhà, hỏi thăm các tỳ-kheo:
“Thưa quý Ngài, đêm qua, ngủ có được ngon giấc không?”
Các tỳ-kheo trả lời: “Ngủ không được.”
Ông thợ vàng liền hỏi: “Sao ngủ không được?”
Các tỳ-kheo trả lời: “Ông để một số vật quý ở trong nhà. Chúng tôi suốt đêm lo giữ hộ nên không ngủ được.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch, đức Thế Tôn bảo rằng:
“Từ nay [692b] trở đi, cho phép các tỳ-kheo, khi tạm nghỉ đêm nơi nhà người khác, trong nhà đó, nếu có vật quý, để khỏi mất, nên lấy cất.”
Từ nay nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, tự mình cầm nắm bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm nắm, ba-dật-đề. Trừ trong tăng-già-lam, hay chỗ ký túc. Nếu trong tănggià-lam, hoặc chỗ ký túc, mà tự mình cầm nắm bảo vật, hay đồ trang sức bằng bảo vật, hoặc bảo người khác cầm, nên nghĩ như vầy: ‘Nếu sở hữu chủ nhận ra, sẽ nhận lại.’ Chỉ với nhân duyên như vậy chứ không gì khác.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vật báu: vàng, bạc, chân châu hổ phách, xa cừ, mã não, lưu ly, bối ngọc sanh tượng.
Trang sức bằng bảo vật: đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp; dùng các vật quí báu làm đồ trang sức.
Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam, hoặc trong nhà, đối với những vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm hay bảo người khác cầm, nên phải biết tướng trạng của cái đãy, nên biết tướng trạng của mặt trong, nên biết tướng của cách cột, nên mở đãy ra xem, để biết bao nhiêu cái dính liền với nhau, bao nhiêu cái rời ra, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái cũ, bao nhiêu cái mới. Nếu có người tìm hỏi thì nên hỏi họ: Vật của ngươi giống như cái gì? Nếu họ nói đúng thì trả lại cho họ. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: “Tôi không thấy cái vật như vậy.” Nếu có hai người đều đến tìm hỏi thì nên hỏi: “Vật của ông hình trạng của nó như thế nào?” Nếu họ nói đúng thì nên trả lại. Nếu họ nói không đúng thì nên nói với họ rằng: “Tôi không thấy vật như vậy.” Nếu cả hai người đều nói đúng thì đem vật ấy ra trước mặt họ và nói: “Đây là vật của các người. Lấy đi.”
Nếu tỳ-kheo ở trong Tăng-già-lam hoặc trong nhà, đối với vật báu, hay đồ trang sức bằng vật báu tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm, hoặc không biết hình tướng của cái đãy, hình tướng của cái gói, hình tướng cách cột, thì phạm đột-kiết-la. Nếu không mở ra xem để biết bao nhiêu cái dính liền nhau, bao nhiêu cái không dính chùm với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ, thì tất cả đều phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu đến trong Tăng-già-lam, hoặc chỗ nghỉ đêm, đối với vật báu, đồ trang sức bằng vật báu, tự tay mình cầm, hay bảo người khác cầm; biết tướng của cái đãy, tướng của mặt trong, tướng của cách cột, mở gói ra xem, biết bao nhiêu cái dính liền với nhau bao nhiêu cái chưa dính liền với nhau, bao nhiêu cái vuông, bao nhiêu cái tròn, bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái cũ. Nếu hai người đều đến hỏi, thì nên hỏi: “Vật của người tình trạng thế nào?” Họ nói đúng trả lại. Nếu họ nói không đúng, nói với họ: “Tôi không thấy vật như vậy.” Nếu hai người đều nói đúng, đem vật ấy ra trước họ, nói: “Vật của các người đó. Lấy đi.” Nếu đó là các phẩm vật trang nghiêm cúng dường tháp, chùa, để giữ lâu bền, nên thu cất. Thảy đều [692c] không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [460]
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích Tử vào thôn lúc phi thời, cùng các cư sĩ đánh cờ.[462] Tỳ-kheo thắng, các cư sĩ thua nên không bằng lòng, ghét nói: “Tỳ-kheo buổi sáng vào thôn để khất thực. Còn phi thời vào thôn, có việc gì?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích Tử:
“Sao lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ ?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích Tử:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Bạt-nan-đà Thích Tử, sao ông lại vào thôn lúc phi thời, cùng đánh cờ chơi với các cư sĩ?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà Thích tử rồi bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vào thôn lúc phi thời, ba-dật-đề.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo hoặc vì việc của Tăng, hoặc vì việc của tháp, của chùa, hoặc vì nuôi bệnh, không biết phải làm sao? Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo có duyên sự thì phải dặn lại rồi vào tụ [693a1] lạc.”
Các tỳ-kheo không biết dặn lại ai. Đức Phật dạy:
“Nên dặn lại tỳ-kheo. Nếu ở riêng một phòng thì dặn lại tỳ-kheo ở phòng gần.”
Từ nay trở đi nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào,[463] phi thời vào tụ lạc mà không báo cho tỳ-kheo khác,[464] ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Thời: lúc bình minh xuất hiện cho đến giữa trưa.
Phi thời: từ quá giữa trưa cho đến lúc bình minh hôm sau chưa xuất hiện.
Thôn tụ lạc:[465] có bốn loại thôn như đã nói trước.
Có tỳ-kheo: người đồng ở hay khách mới đến.
Nếu tỳ-kheo vào xóm lúc phi thời, có tỳ-kheo mà không báo lại, bắt đầu bước chân vào cửa ngõ thôn, phạm ba-dật-đề. Một chân trong cửa thôn, một chân ngoài cửa thôn, phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: tỳ-kheo lo việc của chúng Tăng, việc chùa tháp, việc nuôi bệnh, có báo lại tỳ-kheo khác; hoặc trên đường đi qua thôn; hoặc có việc cần nói; hoặc bị gọi; hoặc bị thế lực bắt; hoặc bị trói buộc dẫn đi; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bây giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di đoán biết đức Thế Tôn sẽ đi qua con đường này,[467] liền trải dọn giường chõng cao đẹp ngay giữa đường. Ca-lưu-đà-di từ xa trông thấy đức Thế Tôn đến, bạch Phật rằng:
“Thế Tôn xem giường chõng của con đây! Thiện Thệ xem giường chõng của con đây!” Đức Thế Tôn dạy:
“Nên biết, kẻ ngu si này trong lòng chứa đầy điều xấu ác.” Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo rằng:
“Ca-lưu-đà-di ngu si này trải dọn giường cao rộng lớn chỉ vì mình.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm giường dây hay giường gỗ, chân giường chỉ cao bằng tám ngón tay của đức Như lai,[468] đã trừ phần từ lỗ mộng để ráp thanh giường trở lên. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Giường: có năm thứ giường như trước đã nói.[469]
Nếu tỳ-kheo tự làm giường dây, [693b] giường gỗ, bề cao của chân giường cắt rồi bằng 8 ngón tay của đức Như Lai, nếu quá, ba-dậtđề. Làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Sai người làm, cắt xong quá tám ngón tay, ba-dật-đề, làm mà không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành không thành, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: làm với chiều cao bằng tám ngón tay hoặc thấp hơn tám ngón tay; người khác làm thành đem cho; cắt bỏ khúc dư rồi dùng; hoặc tháo chân bỏ thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đem nệm lớn, nệm nhỏ, giường gỗ, giường dây, độn đâu-la-miên[471] vào trong. Các cư sĩ thấy đều cùng nhau cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, không có lòng thương, đoạn mạng sống của chúng sanh. Bên ngoài tự xưng rằng tôi tu chánh pháp mà độn đâu-la-miên vào trong giường cây, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, giống như quốc vương, như Đại thần. Như vậy có gì là Chánh pháp?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao độn đâu-la-miên vào trong giường dây, giường gỗ, nệm lớn, nệm nhỏ, khiến cho cư sĩ cơ hiềm?”
Quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, dùng bông đâu-la, dồn làm nệm lớn, nệm nhỏ, giường dây, giường gỗ,[472] đã dồn thành, ba-dật-đề.[473]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Đâu-la: bông cây bạch dương, bông cây dương liễu, bông bồ đài.[474] Giường cây: có năm thứ như trước.
Giường dây: cũng có năm thứ như đã giải ở trước.
Nệm lớn: dùng để nằm.
Nệm nhỏ: dùng để ngồi.
[693c]Nếu tỳ-kheo dùng đâu-la-miên dồn vào trong giường gỗ, giường dây, nệm lớn, nệm nhỏ, tự mình làm mà thành ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người làm mà thành thì phạm ba-dật-đề, không thành phạm đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc cỏ cưu-la-da, cỏ văn nhã, cỏ ta-bà[475] hoặc dùng lông chim, kiếp bối, giẻ rách các thứ, hoặc dùng làm vật lót vai, làm gối để trên xe thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt. Bấy giờ, có người thợ [477] tin ưa Phật pháp. Vì làm ống đựng kim cho tỳ-kheo bằng các loại xương, răng, sừng… khiến cho người thợ này bỏ phế công ăn việc làm của nhà, của cải bị khánh tận, không đủ cơm ăn áo mặc.
Bấy giờ, người đời đều nói: “Người thợ này khi chưa cúng dường sa-môn Thích tử thì của cải dồi dào. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, nhà bị nghèo khốn, cơm không có để ăn. Sở dĩ cúng dường, hy vọng là được phước, mà lại gặp phải tai ương!” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: “Sao các thầy khiến ông thợ làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ họ bỏ công việc làm, của cải bị khánh tận?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này các tỳ-kheo, sao các ông lại khiến người thợ công nghiệp làm ống đựng kim bằng xương, ngà, sừng, đến độ tài sản của họ khánh tận?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, dùng xương, răng,[478] sừng, làm ống đựng kim, đục khoét, và làm thành, phạm ba-dật-đề.[479]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nếu tỳ-kheo tự mình đục khoét xương, ngà, sừng để làm ống đựng kim mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu dạy người khác làm mà thành, [694a1] ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Nếu vì người khác làm, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu làm bằng sắt, bằng đồng, bằng chì, bằng thiếc, bạch lạp, tre, cây, trúc hoặc cỏ xá-la… thì không phạm. Hoặc làm chóp bịt đầu tích trượng, hoặc làm chóp bịt cán lọng, hoặc làm chóp bịt cán vá, hoặc làm móc để móc, hoặc làm dao cạo bẩn, làm cái như ý, làm khoen nút, thìa, cán gáo, câu móc y, đồ để nhỏ thuốc con mắt, đồ nạo lưỡi, cây xỉa răng, đồ móc tai, thiền trấn,[480] ống xông lỗ mũi. Làm các vật dụng linh tinh trên đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Ngày hôm ấy, đức Thế Tôn không đi thọ thỉnh, đàn-việt đem thức ăn đến dâng. Như thường pháp của chư Phật, ngày nào không đi thọ thỉnh, Phật đi xem các phòng xá. Hôm ấy, đức Phật đến các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau ngọa cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính dơ bởi bất tịnh. Lúc ấy, trời sắp mưa lớn. Đức Thế Tôn liền dùng thần lực khiến cho các ngọa cụ của chúng Tăng khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Khi các tỳ-kheo trở về, đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, nói:
“Vừa rồi, Ta có đi xem các phòng xá, thấy nhiều chỗ khác nhau, ngoạ cụ của chúng Tăng trải trên đất bị dính bẩn bởi sự bất tịnh. Lúc ấy trời sắp mưa, Ta dùng thần lực khiến cho ngọa cụ khỏi bị thấm ướt bởi nước mưa. Các ông nên biết, sự bẩn thỉu này là của người có dục, chẳng phải là người không có dục; là người sân nhuế, chẳng phải là kẻ không sân nhuế, là người si, chẳng phải là người không si. Những người ly dục, Tiên nhân ngoại đạo ly dục còn không có việc này, huống chi là A-la-hán. Nếu tỳ-kheo chánh niệm không tán loạn thì ngủ cũng không có việc này, huống chi là
A-la-hán. Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo, vì để ngăn che thân, ngăn che y, ngăn che ngọa cụ, cho sắm ni-sư-đàn.”
Khi đức Thế Tôn cho phép sắm ni-sư-đàn, nhóm sáu tỳ-kheo liền sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng, vừa dài. Các tỳ-kheo thấy hỏi:
“Đức Thế Tôn chế giới cho phép chứa ba y, không được dư, đây là y của ai?”
Nhóm sáu tỳ-kheo nói:
“Đó là ni-sư-đàn của chúng tôi.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, [694b] ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao các thầy lại sắm nhiều ni-sư-đàn, vừa rộng vừa dài?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông may ni-sư-đàn vừa rộng vừa lớn?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo xong, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang tay, và rộng một gang tay rưỡi của Phật. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Khi ấy tôn giả Ca-lưu-đàdi thân hình thì lớn, ni-sư-đàn lại nhỏ; không đủ để ngồi. Tôn giả biết đức Thế Tôn sẽ đi qua con đường đó, bèn đứng bên đường, lấy tay kéo ni-sư-đàn ra, muốn cho nó dài rộng thêm. Đức Thế Tôn thấy Ca-lưu-đà-di lấy tay kéo ni-sư-đàn ra; biết mà Phật vẫn cố hỏi: “Vì sao kéo ni-sư-đàn như vậy?” Tôn giả thưa:
“Con muốn khiến cho nó dài rộng thêm, cho nên kéo như vậy.” Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nhân việc này, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, khen ngợi hạnh đầu-đà, thiểu dục tri túc, an lạc của sự xuất ly, và bảo các tỳ-kheo: “Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo may ni-sư-đàn dài rộng thêm, mỗi bên nửa gang tay.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm ni-sư-đàn, cần phải làm cho đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài hai gang, rộng một gang tay rưỡi Phật;[482] lại thêm một bên nửa gang tay nữa làm lề. Nếu quá, ba-dật-đề, phải cắt bỏ.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Ni-sư-đàn:[483] đồ trải xuống để ngồi. Nếu tỳ-kheo làm ni-sư-đàn, chiều dài quá mức định, chiều rộng không quá; hoặc chiều rộng quá, chiều dài không quá; hay là chiều rộng cũng như chiều dài đều quá, tự mình may mà thành, ba-dật-đề. Không thành, phạm đột-kiết-la. Bảo người khác may mà thành, ba-dật-đề; không thành, đột-kiết-la. Vì người khác may, thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, [694c] sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: may đúng lượng, hoặc giảm hơn; hoặc từ người khác nhận được vật đã làm thành, cắt bỏ đúng mức định; hoặc may xấp lại thành hai lớp thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh ghẻ nhọt. Các loại ghẻ phát sinh, máu mủ chảy ra nhớp thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo chứa y che ghẻ.[485]“
Các tỳ-kheo sắm y che ghẻ bằng loại vải thô, nên nhiều lông dính vào mụt ghẻ, lúc gỡ ra bị đau. Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo dùng thứ vải cao giá, mềm mịn, làm y che ghẻ rồi khoác niết-bàn-tăng[486] lên. Nếu khi đến nhà bạch y, được mời ngồi, thì nói: “Tôi có nhọt.” Nếu người chủ nói: “Thầy cứ ngồi.” Khi ấy vén niết-bàn-tăng lên, dùng y này phủ lên trên mụt ghẻ rồi ngồi.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép may y che ghẻ bèn may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi:
“Đức Thế Tôn chế giới, chỉ cho chứa ba y, không được quá. Vậy y này của ai?”
Nhóm sáu tỳ-kheo nói: “Y che ghẻ của chúng tôi đấy!”
Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng thế?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y che ghẻ, vừa dài vừa rộng?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm y che ghẻ, cần phải làm đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài bốn gang, rộng hai gang tay Phật, sau khi đã cắt,[487] nếu quá, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Y che ghẻ: y dùng phủ lên thân khi có các loại ghẻ.
Nếu chiều dài [695a1] đúng lượng, chiều rộng không đúng lượng; hay chiều dài không đúng lượng, chiều rộng đúng lượng; hoặc cả chiều dài và chiều rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Bảo người may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người mà (may) thành hay không thành đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hoặc nhận được từ người khác mà cắt may đúng lượng; hay may xấp thành hai lớp; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Mẫu[489] nghe đức Như Lai cho phép các tỳ-kheo may áo tắm mưa,[490] liền may rất nhiều áo tắm mưa, sai người mang đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nhận xong liền đem phân chia.
Đức Phật dạy: “Loại y này không nên phân chia như vậy. Từ nay trở đi, nếu nhận được y tắm mưa, theo thứ bậc Thượng tọa mà trao. Nếu không đủ thì ghi nhớ. Khi nhận được lần kế tiếp, theo thứ tự đó mà trao cho đủ.”
Sau đó, được y quý giá, theo thứ tự trao. Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy. Nên đổi cho bậc Thượng tọa. Rồi lấy y mà Thượng tọa đã nhận trước kia, chuyển đến vị thứ tọa. Nếu không đủ hết, thì nên lấy y vật có thể phân của Tăng, đem trao cho đủ hết.”
Lúc ấy, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Như Lai chế giới cho phép các tỳ-kheo may y tắm mưa, liền tự mình may nhiều y tắm mưa, vừa dài vừa rộng. Các tỳ-kheo thấy, hỏi: “Đức Như Lai chế giới, cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Vậy y này là y của ai?” Nhóm sáu tỳ-kheo nói: “Đó là y tắm mưa của chúng tôi.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy lại may nhiều y tắm mưa vừa dài vừa rộng thế?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông may nhiều y tắm mưa vừa dài vừa rộng?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều [695b] giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, may áo tắm mưa phải may đúng lượng. Trong đây đúng lượng là dài sáu gang rộng hai gang rưỡi tay Phật, sau khi đã cắt. [491]Nếu quá, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Áo tắm mưa: áo dùng để các tỳ-kheo mặc tắm khi trời mưa.
Nếu tỳ-kheo may áo tắm mưa bề dài không đúng lượng, bề rộng đúng lượng, hoặc bề rộng không đúng lượng, bề dài đúng lượng, hay cả bề dài và bề rộng đều không đúng lượng, tự tay mình may mà thành, ba-dật-đề; không thành, phạm đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành, ba-dật-đề, không thành đột-kiết-la. Nếu vì người may, thành không thành đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: may đúng lượng hoặc giảm hơn; hay là nhận được từ người khác, cắt may đúng như pháp; hoặc may xấp lại thành hai lớp; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Thích-súy-sấu.[493] Bấy giờ, chiều cao của Tôn giả Nan-đà thấp hơn đức Phật chỉ bốn ngón tay. Các tỳ-kheo từ xa thấy Nan-đà đến đều tưởng nhầm là đức Phật đến, nên liền đứng dậy để nghinh đón. Khi đến nơi mới biết là Nan-đà.[494] Các tỳ-kheo đều xấu hổ trong lòng. Nan-đà cũng xấu hổ.
Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, quy định tỳ-kheo Nan-đà mặc y màu đen[495].”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo may y bằng hay quá với mức lượng của đức Phật.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy may y bằng của y đức Phật hay quá mức lượng?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông may y bằng hay quá mức lượng y của Như Lai?”
Bằng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật [695c] nói với các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, may bằng lượng y của Như Lai, hoặc may quá lượng đó, ba-dật-đề. Trong đây lượng y của Như Lai là dài mười gang và rộng sáu gang tay Phật. Đó gọi là lượng y của Như Lai.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Y: có mười loại như đã nói ở trước.
Nếu tỳ-kheo may y, bằng lượng y của đức Như Lai, trong đó dài không đúng lượng, rộng đúng lượng, hoặc rộng không đúng lượng, dài lại đúng lượng, hay là cả dài và rộng đều không đúng lượng, tự mình may mà thành, phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu bảo người may mà thành thì phạm ba-dật-đề; không thành đột-kiết-la. Nếu vì người khác may, thành hay không thành cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nhận từ người khác, vật đã may thành; cắt may như pháp. Hoặc không cắt bỏ mà xấp lại may thành hai lớp. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[695c17] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói kém, người chết vô số, khất thực khó được.
Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc[498] đến giờ khất thực đắp y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ngày đầu nhận được thức ăn, mang đến cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, ngày thứ ba nhận được thức ăn, Liên Hoa sắc cũng mang đến cho tỳ-kheo.
Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc khoác y bưng bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một ông trưởng giả đi xe cùng đoàn tuỳ tùng đến yết kiến vua Ba-tư-nặc. Đám tuỳ tùng xua đuổi người dẹp đường để đoàn xe ông truởng giả đi. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc tránh qua bên lề đường, bị sụp chân vào chỗ bùn, té úp mặt xuống đất. Ông trưởng giả thấy, động lòng thương liền dừng xe, bảo người hầu cận ông xuống đỡ Liên Hoa Sắc đứng dậy và dìu ra khỏi chỗ bùn. Ông trưởng giả hỏi: “Dì bị bệnh gì mà té ngã như thế?”
Liên Hoa Sắc trả lời: “Tôi không có bệnh hoạn gì cả. Chỉ vì đói nên như vậy.”
Ông trưởng giả hỏi:
“Vì sao mà đói, khất thực khó được hay chăng?” Liên Hoa Sắc trả lời:
“Khất thực dễ được. Nhưng ngày thứ nhất tôi xin được, đem về cho tỳ-kheo. Ngày thứ hai, thứ ba, thức ăn tôi xin được cũng đem cho tỳ-kheo. Cho nên đói.”
[696a1] Ông trưởng giả hiềm trách, nói:
“Sa-môn Thích tử thọ nhận không biết đủ, không nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn của tỳ-kheo-ni không biết chút nhường nhịn. Người cho tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết đủ chứ!”
Ông trưởng giả liền dẫn tỳ-kheo-ni này về nhà. Cho tắm rửa. Giặt y phục. Bảo người nấu cháo cho ăn. Cung cấp vật cần dùng; rồi nói: “Từ nay trở đi, cô cứ đến nhà tôi mà ăn. Khỏi phải đi đâu. Nếu có nhận được thêm nơi nào khác, thì tuỳ ý cho người.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách những tỳ-kheo kia rằng: “Sao các thầy nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo kia:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lại nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc kia mà không biết vừa phải?”
Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo kia rồi Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, vào trong thôn xóm, tự mình nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni để ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng:[499] ‘Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghi, không dám nhận thức ăn nơi tỳ-kheo-ni bà con. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con.”
Các tỳ-kheo bệnh lại có sự nghi, không dám nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải bà con. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo lại có sự nghi, nên khi tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con đem thức ăn để dưới đất, không dám nhận, hoặc khiến người trao cho cũng không dám nhận, đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi, cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, vào trong thôn xóm,[500] [696b] nếu không bệnh mà tự tay[501] nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni không phải thân quyến mà ăn, tỳ-kheo ấy cần phải đối trước tỳ-kheo khác[502] phát lồ rằng: ‘Đại đức,[503] tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.[504]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Bà con và chẳng phải bà con: như trước đã giải.
Bệnh: cũng như trước.
Thức ăn: có hai loại như trước đã giải.
Tỳ-kheo kia vào trong thôn xóm, đến tỳ-kheo-ni chẳng phải bà con, nếu không có bệnh mà tự tay nhận thức ăn để ăn. Ăn như vậy, mỗi miếng phạm một ba-la-đề đề-xá-ni.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nhận thức ăn từ tỳ-kheo-ni bà con; hoặc có bệnh; hay để dưới đất mà cho;[505] hoặc khiến người trao; hoặc cho trong Tăng-già-lam; hoặc cho ngoài thôn xóm; hay là cho trong chùa ni. Trao như vậy, nhận để ăn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo cùng ngồi ăn trong nhà bạch y.[507] Khi ấy, có nhóm sáu tỳ-kheo-ni đòi cơm canh cho nhóm sáu tỳ-kheo, nói rằng: “Đem canh cho vị này! Đem cơm cho vị kia.” Họ bỏ qua các vị khác ở trung gian, chỉ đem thức ăn cho sáu tỳ-kheo này thôi.
Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy lại ăn thức ăn do nhóm sáu tỳ-kheo-ni yêu sách?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông ăn thức ăn do tỳ-kheo-ni yêu sách, trong khi các tỳ-kheo khác không được?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói [696c] như vầy:
Tỳ-kheo nào, khi ăn trong nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni, chỉ bảo rằng: ‘Đem canh cho vị này, dâng cơm cho vị kia.’ tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‘Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!’ Nếu không có một tỳ-kheo nào nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‘Này cô, hãy thôi đi! Hãy để yên cho các tỳ-kheo ăn xong!’ tỳ-kheo cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‘Bạch Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây gọi là pháp hối quá.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trong nhà: nơi có nam nữ ở.
Thức ăn: như trước đã nói.
Tỳ-kheo kia thọ thực nơi nhà bạch y, trong đó có tỳ-kheo-ni chỉ bảo rằng:
“Đem canh cho vị này! Đem cơm cho vị kia.” Tỳ-kheo kia nên nói: “Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.” Nếu không có một tỳ-kheo nào nói như vầy: “Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.”; mỗi miếng ăn phạm một ba-la-đề-đề-xá-ni.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu có nói: “Này cô, hãy thôi đi! Để yên cho các tỳ-kheo ăn xong.” Nếu tỳ-kheo-ni tự mình là đàn-việt hoặc đàn-việt thiết trai nhờ tỳ-kheo-ni chiếu liệu; hoặc không có tâm thiên lệch đối với các tỳ-kheo, như vậy thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành La-duyệt. Khi ấy, có gia đình cư sĩ, vợ chồng đều có tín tâm, làm người đệ tử đức Phật. Thường pháp của người đệ tử chư Phật đã kiến đế,[509] đối với các tỳ-kheo không có cái gì tiếc nuối, kể cả thịt trong thân mình. Mỗi khi các tỳ-kheo đến nhà thì luôn dùng thức ăn và các vật dụng cúng dường. Cúng dường như vậy cho đến nỗi nghèo khổ, cơm áo đều thiếu thốn. Những người hàng xóm đều nói như vầy: “Gia đình kia trước đây rất giàu có, của cải dư dật. Từ khi cúng dường sa-môn Thích tử đến nay, của cải khô cạn, bần cùng đến thế. Như vậy việc cung kính cúng dường chỉ đem lại sự nghèo khổ!”
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo: “Sao các thầy đến mãi nơi cư sĩ để nhận thức ăn và đồ cúng dường, không biết đủ, đến nỗi khiến cho của cải gia đình họ phải cạn kiệt như thế?”
Các tỳ-kheo đến [697a1] chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại đến mãi nơi nhà cư sĩ để nhận thức ăn cúng dường, đến nỗi khiến gia đình họ nghèo túng như vậy?”
Sau khi bằng vô số phương tiện quở trách các Tỳ-kheo, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Từ nay trở đi cho phép Tăng tác pháp học gia[510] cho gia đình kia, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Tác pháp như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị cạn kiệt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tác pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến gia đình kia nhận thức ăn mà ăn. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử của Phật. Gia tài họ bị khô kiệt. Nay Tăng trao cho pháp yết-ma học gia, các tỳ-kheo không được đến nhà đó để nhận thức ăn mà ăn. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không chấp thuận xin nói.
“Tăng đã chấp thuận trao cho cư sĩ kia pháp yết-ma học gia rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy.
Tỳ-kheo nào, đã biết là nhà học gia, Tăng đã cho pháp yết-ma học gia rồi, mà đến nhà ấy nhận thức ăn để ăn, phải đối trước các tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‘Thưa Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Trong đó có tỳ-kheo trước có nhận sự thỉnh của gia đình, có sự nghi không dám đến. Đức Phật dạy:
“Có thỉnh trước thì cho phép đến.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh không dám nhận thức ăn của học gia, đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn nơi học gia để ăn.”
Khi ấy các tỳ-kheo thấy người cho thức ăn để thức ăn xuống đất mà cho, nghi không dám nhận. Hoặc khiến người mang cho cũng không dám nhận. Đức Phật dạy:
“Cho phép nhận.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, nếu trước đó đã tác yết-ma học gia, đối với học gia đó, [697b] không có sự thỉnh trước, không bệnh, tự tay nhận thức ăn và ăn. Tỳ-kheo ấy cần đối trước tỳ-kheo khác phát lồ rằng: ‘Tôi phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không đáng làm. Nay tôi đối trước Đại đức, xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Học gia:[511] là Tăng trao cho pháp bạch nhị yết-ma.
Nhà cư sĩ: như trước đã nói.
Bệnh: cũng đã nói ở trước.
Tỳ-kheo nào, học gia như vậy, trước đó Tăng đã trao cho pháp yết-ma cho họ rồi mà tỳ-kheo không được thỉnh trước lại không bệnh. Đối với trong nhà học gia như vậy mà nhận thức ăn để ăn, thì mỗi miếng ăn phạm ba-la-đề đề-xá-ni.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu đã được thỉnh trước; hoặc có bệnh; hoặc để xuống đất mà cho; hoặc nhận từ nơi người khác; hoặc học gia sau khi dâng cúng tài sản vẫn còn nhiều. Thảy đều thì không phạm.
Học gia kia, tài sản có lại dồi dào, đến trong Tăng xin giải yết-ma học gia. Các Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
“Nếu tài sản của học gia có lại dồi dào, họ đến giữa Tăng, xin giải pháp yết-ma học gia thì Tăng nên tác pháp bạch nhị yết-ma, giải cho họ. Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, như trên mà tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải pháp yết-ma học gia. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong thành La-duyệt này có một gia đình cư sĩ, cả vợ lẫn chồng đều đắc tịnh tín, làm đệ tử Phật, ưa thích cúng dường nên của cải bị khánh kiệt. Trước đây Tăng đã cho pháp yết-ma học gia. Nay của cải có lại dồi dào, họ đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma học gia. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng vì cư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã chấp thuận vì cư sĩ kia giải pháp yết-ma học gia rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Khi ấy các tỳ-kheo đều nghi không dám nhận thức ăn từ cư sĩ đã được giải yết-ma học gia, bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn nơi nhà đó. Nhận như vậy không phạm.”
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[697c] Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-loại, Ca-duy-la-vệ, Thích-suý-sấu. Các phụ nữ trong thành Xá-di[513] và các phụ nữ Câulê[514] cùng nhau mang thức ăn đến trong Tăng-già-lam, cúng dường.
Bấy giờ bọn giặc[515] biết được, chặn đường nhiễu hại.[516] Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy.
“Từ nay trở đi, các tỳ-kheo nên nói với các phụ nữ, ‘Đừng đi ra. Đường có bọn giặc cướp khủng bố.’ Nếu họ đã ra ngoài thành thì nên nói: ‘Đừng đến Tăng-già-lam vì dọc đường có giặc khủng bố.’ Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, sống tại a-lan-nhã, chỗ ở đáng nghi ngờ, có kinh sợ, không nhận thức ăn bên ngoài tăng-già-lam, mà chỉ bên trong tăng-già-lam nhận thức ăn để ăn,[517] cần đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‘Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách, nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, các đàn-việt biết trước là có sự khủng bố mà cố mang thức ăn đến. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận để ăn. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.” Khi ấy, các tỳ-kheo bệnh cũng nghi không dám nhận thức ăn như vậy. Đức Phật bảo:
“Từ nay cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thức ăn như vậy.”
Bấy giờ, có thí chủ cúng dường bằng cách đem thức ăn để dưới đất, hoặc bảo người trao, các tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy:
“Từ nay cho phép các tỳ-kheo được nhận thức ăn như vậy.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, sống nơi a-lan-nhã, xa xôi hẻo lánh, chỗ đáng nghi, có kinh sợ. Tỳ-kheo sống tại trú xứ a-lan-nhã như vậy, trước không nói cho đàn-việt biết,[518] không thọ nhận thức ăn bên ngoài Tăng-già-lam; trái lại, không bệnh mà ở bên trong Tăng-già-lam, tự tay nhận thức ăn để ăn; tỳ-kheo ấy cần phải đến đối trước tỳ-kheo khác mà phát lồ rằng: ‘Đại đức, tôi phạm pháp đáng khiển trách. Nay tôi đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối.’ Đây là pháp hối quá.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Chỗ a-lan-nhã: là nơi cách thôn năm trăm cung. Cung là cách đo của nước Giá-ma-la.
Có nghi ngờ, kinh sợ: là nghi có giặc cướp, khủng bố.
Bệnh: như trước đã nói.
Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã ở chỗ xa vắng như vậy, trước không nói với đàn-việt, không nhận thức ăn ngoài Tăng-già-lam mà nhận trong Tăng-già-lam, không bệnh, tự tay nhận lấy thức ăn để ăn; mỗi miếng ăn phạm [698a] ba-la-đề-đề-xá-ni.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trước có nói với đàn-việt; hoặc có bệnh; hoặc để dưới đất mà trao; hoặc bảo người trao; hoặc khi đến thọ giáo sắc, lúc thính pháp, tỳ-kheo tự có thức ăn riêng nay trao cho; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[698a9] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mặc niết-bàn-tăng,[521] có lúc mặc thấp, có lúc mặc cao,[522] hoặc làm như vòi con voi, hoặc như lá cây đa-la, hoặc có lúc xếp nhỏ lại. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại bận niết-bàntăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại, giống như quốc vương, trưởng giả, đại thần, cư sĩ; giống như những ngày tiết hội, người trong phường chèo mặc y để làm trò?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy lại bận niết-bàn-tăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại bận niết-bàn-tăng khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đala, khi thì xếp nhỏ lại?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn [698b] nói giới nên nói như vầy:
Phải bận niết-bàn-tăng cho tề chỉnh,[523] thức-xoa-ca-la-ni.[524]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trong đó, bận không tề chỉnh, có nghĩa là khi bận thấp, khi bận cao, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại.
- Bận thấp: cột dây lưng dưới rốn, cao là trên đầu gối.
- Vòi con voi: phía trước thòng xuống một góc.
- Lá cây đa-la: phía trước thòng xuống hai góc.
- Xếp nhỏ lại: xếp nhỏ quấn quanh eo lưng nhăn nhó.
Tỳ-kheo bận niết-bàn-tăng cao hay thấp hoặc làm như cái vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại. Cố ý làm, phạm đột-kiết-la cần phải sám.[525] Do cố ý làm cho nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.[526] Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có khi bệnh như vậy, trong rốn sanh ghẻ nhọt nên phải mặc thấp, nơi ống chân có ghẻ nên phải mặc cao, hoặc trong Tăng-già-lam, hoặc bên ngoài thôn xóm, hoặc lúc làm việc, hoặc khi đi đường thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo quấn y,[528] hoặc quấn cao, hoặc quấn thấp, hay làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc xếp nhỏ lại. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại quấn y khi thì thấp, khi thì cao, khi thì làm như vòi con voi, khi thì làm như lá cây đa-la, khi thì xếp nhỏ lại, giống như quốc vương, trưởng giả, đại thần, cư sĩ?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy quấn ba y khi cao, khi thấp, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như là cây đa-la, hoặc có khi xếp nhỏ lại?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông quấn y khi cao, khi thấp, [698c] hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hay có lúc xếp nhỏ lại?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Phải quấn ba y cho tề chỉnh,[529] thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trong đây, không tề chỉnh: có nghĩa là khi quấn cao, khi mặc thấp, hoặc làm như vòi con voi, hoặc làm như lá cây đa-la, hoặc có lúc xếp nhỏ lại.
Quấn thấp: thòng xuống quá khuỷu tay, trống bên hông.
Quấn cao: quấn cao quá ống chân.
Làm như vòi con voi: thòng xuống một góc.
Như lá cây đa-la: phía trước thòng xuống hai góc, phía sau vén cao lên.
Xếp nhỏ lại: là xếp nhỏ làm thành viền của y.
Nếu tỳ-kheo cố ý quấn cao, quấn thấp, làm thành vòi con voi, làm thành là cây đa-la, hoặc có khi xếp nhỏ lại, cố ý làm thì nên sám đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm. Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy, hoặc nơi vai, nơi cánh tay có ghẻ phải mặc thấp, hay nơi ống chân có ghẻ nên phải mặc cao, hoặc ở trong Tăng-già-lam, hay bên ngoài thôn xóm, hoặc trên đường đi, hay lúc lao tác… thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo vắt ngược ba y mà đi vào nhà bạch y.[531] Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết tàm quý. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như thế có gì là chánh pháp? Tại sao vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y, giống như quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, [699a] chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không vắt ngược y khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani.[532]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhà bạch y: chỉ cho thôn xóm.
Vắt ngược y: hoặc vắt ngược y hai bên tả và hữu lên trên vai. Nếu tỳ-kheo cố ý vắt ngược y bên tả và bên hữu lên trên vai đi vào nhà bạch y, cố ý làm nên phạm đột-kiết-la. Do vì cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy, hoặc bên hông có ghẻ, hoặc ở trong Tăng-già-lam, hoặc ngoài thôn xóm, hoặc trên đường đi, hay lúc làm việc thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không vắt ngược y khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni. (như trên)[533]
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy y quấn cổ đi vào nhà bạch y, các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn mới lấy y quấn cổ khi đi vào nhà bạch y, như quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy quấn y nơi cổ khi đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tuỳ thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các ông lấy y quấn nơi cổ khi đi vào nhà bạch y?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo [699b] kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không quấn y nơi cổ khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Quấn vào cổ: nắm hai chéo y quấn trên vai tả.
Cố ý lấy y quấn vào cổ đi vào nhà bạch y, phạm tội nên sám đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm tội phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc là bị bệnh như vậy, có ghẻ trên vai, hoặc ở trong Tăng-già-lam hay ngoài xóm làng, hoặc khi làm việc hay lúc đi đường thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không quấn y nơi cổ khi ngồi nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani. (như trên)
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lấy y trùm lên đầu, vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn.
Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì gọi là chánh pháp? Tại sao lấy y trùm đầu đi như kẻ trộm.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy lấy y trùm lên đầu vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lấy y trùm lên đầu khi vào nhà bạch y?”
Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không lấy y trùm đầu khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.[535]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhà bạch y: là thôn xóm.
Trùm đầu: Hoặc lấy lá cây, [699c] hay dùng vật xé thành mảnh, hoặc dùng y trùm trên đầu đi vào nhà bạch y.
Cố ý phạm nên sám, đột-kiết-la. Do cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy, hoặc bị lạnh trên đầu, hoặc có ghẻ trên đầu, hay mạng nạn, phạm hạnh nạn phải trùm đầu để chạy thì không phạm,
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không lấy y trùm đầu khi vào nhà bạch y mà ngồi, thứcxoa-ca-la-ni. (như trên)[536]
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo vừa đi vừa nhảy[537] đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhún nhảy đi vào nhà như con chim sẻ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy nhún nhảy đi vào nhà bạch y?” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các ông lại nhún nhảy đi vào nhà bạch y?” Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này,[700a1] là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không vừa đi vừa nhảy[538] khi đi vào nhà bạch y, thức-xoaca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: cũng như trước.
Vừa đi vừa nhảy: hai chân nhảy.
Tỳ-kheo cố ý vừa đi vừa nhảy đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc bị người đánh; hoặc có giặc, hoặc có ác thú, hoặc bị chông gai, hoặc lội qua rãnh, qua hầm, qua chỗ bùn lầy phải nhảy; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không vừa đi vừa nhảy đi vào nhà bạch y ngồi, thức-xoaca-la-ni. (như trên)
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày mai về nhà thọ thực. Đêm ấy cư sĩ chuẩn bị đầy đủ thức ăn ngon bổ. Sáng sớm đến báo giờ đã đến.
Bấy giờ các tỳ-kheo đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Nhóm sáu tỳ-kheo ngồi chồm hổm tại nhà bạch y. Tỳ-kheo ngồi gần dùng tay đụng vào người, nhóm sáu tỳ-kheo té ngửa lộ hình. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ngồi chồm hổm trong nhà giống như bà-la-môn lõa hình.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy lại ngồi chồm hổm trong nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông [700b] ngồi chồm hổm trong nhà bạch y?”
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không ngồi chồm hổm trong nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani.[539]
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Nhà bạch y: cũng như trước.
Ngồi chồm hổm: ở trên đất hay ở trên giường mà mông không chạm đất.
Tỳ-kheo cố ý ngồi chồm hổm trong nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy; hoặc bên mông có ghẻ; hoặc có đưa vật gì, hoặc lễ bái, sám hối, hoặc thọ giáo giới; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chống nạnh tay đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm:
“Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vênh váo đắc chí giống như người đời mới cưới vợ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy chống nạnh đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông chống nạnh đi vào nhà bạch y?” Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không chống nạnh khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani.
Tỳ-kheo: nghĩa [700c] như trước.
Nhà bạch y: như đã nói ở trước.
Chống nạnh: lấy tay chống lên hông thành góc vuông.
Nếu tỳ-kheo cố ý chống nạnh đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh như vậy; hay dưới hông có sanh ghẻ; hoặc ở trong Tăng-già-lam hay ngoài xóm làng; hoặc lúc làm việc, hay trên đường đi; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không chống nạnh khi ngồi trong nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.
Tay chống lên hông, khuỷu tay thành góc vuông, khi ngồi trong nhà bạch y, trở ngại người ngồi kế, cũng như vậy.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đi lắc lư [542] khi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đi lắc lư khi vào nhà bạch y, giống như quốc vương, đại thần!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy lắc lư thân mình đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông đi lắc lư khi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không lắc lư thân mình khi vào nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: cũng nghĩa như trước.
Đi lắc lư: thân nghiêng bên tả, bên hữu khi rảo bước.
Nếu tỳ-kheo cố làm cho thân lắc lư, nghiêng bên tả bên hữu, rảo bước vào nhà bạch y, phạm [701a1] đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì bị chứng bệnh như vậy; hoặc bị người đánh phải nghiêng mình để tránh; hoặc voi dữ đến; hoặc bị giặc, sư tử, ác thú tấn công, hoặc gặp người vác gai. Những trường hợp như vậy phải nghiêng mình để tránh. Hoặc lội qua hầm, qua mương, qua vũng bùn, cần nghiêng thân để lướt qua. Hoặc khi mặc y, xoay nghiêng mình để nhìn xem y có tề chỉnh không, có cao thấp không, có như cái vòi con voi không, có như lá cây đa-la không, có xếp nhỏ lại hay không. Vì vậy mà phải xoay mình để xem. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không lắc lư thân mình khi ngồi trong nhà bạch y, thứcxoa-ca-la-ni. (như trên)
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo vung cánh tay[544] khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đi đánh đàng xa khi vào nhà bạch y giống như quốc vương, đại thần, trưởng giả.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy đi đánh đàng xa khi vào nhà bạch y?”
Quở trách rồi, tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vung tay khi đi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không vung cánh tay khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vung cánh tay: thòng [701b] cánh tay đưa ra trước bước đi. Nếu tỳ-kheo cố đánh đàng xa đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm thì chỉ phạm đột-kiết-la mà thôi.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh nào đó; hoặc bị người đánh đưa tay chận lại; hoặc gặp voi dữ đến, hoặc sư tử, ác thú, trộm cướp, người vác gai chạy lại nên phải đưa tay chận lại. Hoặc lội qua sông, nhảy qua hầm nước, vũng bùn, hoặc cùng đi với bạn mà không kịp, lấy tay ngoắt kêu. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Điều 17
...ngồi. (cũng như trên)
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Mặc y phục không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y, giống như bà-la-môn.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy không khéo che kín thân đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông mặc y không khéo che thân, đi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Phải che kín thân thể khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: tức xóm làng.
Không khéo che kín thân: là trống trước trống sau.
Nếu tỳ-kheo cố tâm không khéo che thân, đi vào nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố tâm [701c] làm thì chỉ phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc bị trói hay bị gió thổi bay y lìa thân thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Điều 19
...ngồi, (cũng như trên).
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y, các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Như kẻ trộm rình người, liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không liếc ngó hai bên khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-cala-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Nhà bạch y: nơi xóm làng.
Liếc ngó hai bên: nhìn quanh nhìn quất.
Nếu tỳ-kheo cố ý liếc ngó hai bên, đi vào nhà bạch y phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị bệnh như vậy; hay vì ngước mặt xem thời tiết; hoặc mạng nạn, phạm hạnh [702a1] nạn phải ngó mọi hướng để tìm cách thoát thân; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Điều 21
...ngồi, (cũng như trên).
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lớn tiếng kêu réo, khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ nghe thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Kêu la lớn tiếng giống như chúng bà-la-môn!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy kêu la lớn tiếng khi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lớn tiếng cao giọng khi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Phải yên lặng[548] khi đi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trong đây, không yên lặng, là lớn tiếng cao giọng. Hoặc dặn dò, hoặc lớn tiếng thí thực. Nếu tỳ-kheo cố ý cao tiếng lớn giọng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc điếc không nghe tiếng nói phải lớn tiếng kêu, hoặc cao tiếng dặn dò, hoặc cao tiếng thí thực, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cao giọng để tẩu thoát thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Điều 23
... ngồi, (cũng như trên).
[702b] Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cười giỡn khi đi vào nhà bạch y. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vừa đi, vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y, giống như con khỉ đột.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy vừa đi vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vừa đi vừa cười giỡn khi vào nhà bạch y?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được cười giỡn khi vào nhà bạch y, thức-xoa-ca-lani.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Cười giỡn: cười để lộ răng.
Nếu tỳ-kheo cố ý cười cợt khi đi vào nhà bạch y thì phạm nên sám đột-kiết-la. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc môi bị đau không phủ được răng; hoặc nghĩ đến pháp, hoan hỷ mà cười; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Điều 25
... ngồi, (cũng như trên).
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng mai thọ thực. Đêm ấy, cư sĩ chuẩn bị đủ các thức ăn ngon bổ, sáng ngày đến thỉnh chúng tăng thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo không chú ý khi nhận thức ăn, nên cơm canh bị rơi rớt. [702c] Cư sĩ thấy vậy, cùng nhau bàn tán: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại không chú ý khi nhận thức ăn, nhận nhiều với tâm tham, như thời đói kém!” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy không để ý khi nhận thức ăn?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông không chú ý khi nhận thức ăn, để cơm canh bị rơi rớt?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Phải dụng ý khi nhận thức ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia không dụng ý khi nhận thức ăn, để thức ăn bị rơi rớt, nếu cố tâm không để ý khi nhận thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố tâm thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc bát nhỏ nên khi nhận thức ăn bị rơi rớt; hoặc rớt trên bàn; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày thọ thực. Trong đêm chuẩn bị các thức ăn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chúng Tăng đi thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt cơm canh đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận [703a1] thức ăn đầy tràn cả bát, giống như những người đói ham nhiều.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nhận thức ăn đầy tràn cả bát, làm đổ cơm canh?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Thọ nhận thức ăn vừa ngang bát, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Không ngang bằng bình bát: có nghĩa là đầy tràn.
Nếu tỳ-kheo cố ý nhận thức ăn không ngang bằng bình bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: ban đầu chưa chế giới, si cuồng loạn tâm, thống não bức bách; hay có bệnh, hoặc bát nhỏ, hoặc thức ăn rơi trên bàn.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày thọ thực. Trong đêm sắm sửa đầy đủ các thức ăn, sáng sớm đến báo chư Tăng giờ thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay của cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận cơm quá nhiều, không còn chỗ để chứa canh, cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn quá nhiều không còn chỗ để nhận canh, giống như người đói khát tham ăn!” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy [703b] nhận cơm quá nhiều, không còn chỗ để nhận canh?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo.
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nhận cơm quá nhiều, đến nỗi không còn chỗ để chứa canh?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Thọ nhận canh vừa ngang bát,[553] thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo cố ý nhận canh không ngang bằng với bình bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì có chứng bệnh như vậy, hoặc là cái bát nhỏ nên đổ thức ăn trên bàn, hoặc thọ ngang bằng với bát thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm, ông chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo chư Tăng giờ thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn, cơm và canh đến chư Tăng. Khi cư sĩ sớt cơm xong, vào trong nhà bưng canh. Canh bưng đến thì nhóm sáu tỳ-kheo đã ăn hết cơm. Cư sĩ hỏi: “Cơm đâu rồi?”
Tỳ-kheo trả lời: “Tôi ăn hết rồi.”
Cư sĩ sớt canh rồi, lại vào nhà bưng cơm. Cơm bưng ra thì canh đã ăn hết.
Cư sĩ hỏi: “Canh đâu rồi?” Tỳ-kheo trả lời:
“Tôi ăn hết rồi.”
Cư sĩ bèn cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Cơm đến, canh chưa đến; đã ăn hết cơm. Canh đến, cơm chưa hết đã ăn hết canh. Giống như người đói khát!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết [703c] tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy nhận thức ăn, canh chưa đến cơm đã ăn hết; canh đến cơm chưa đến, canh đã ăn hết?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông nhận cơm, canh chưa đến, cơm ăn đã hết; canh đến, cơm chưa đến, canh đã ăn hết?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Ăn cơm và canh đồng đều, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Không bằng nhau có nghĩa là cơm đến, canh chưa đến mà cơm đã hết. Canh đến, cơm chưa đến mà canh đã hết. Tỳ-kheo cố ý ăn cơm canh không đều nhau, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni. đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc lúc cần cơm không cần canh, hay là cần canh không cần cơm. Hoặc gần quá giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn cần ăn mau. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày mai thọ thực. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo chư Tăng giờ thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Tự tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn.[556] Các cư sĩ thấy cơ hiềm: “sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp.
Như vậy có gì là chánh pháp? Không theo thứ tự nhận thức ăn để ăn; ăn giống như heo, chó; ăn giống như lừa, bò, chim, quạ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, [704a1] ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông không theo thứ tự để lấy thức ăn?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Theo thứ tự mà ăn,[557] thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Không theo thứ tự có nghĩa là trong bát chỗ nào cũng moi để lấy thức ăn. Tỳ-kheo kia cố ý làm, không theo thứ tự lấy thức ăn để ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni. đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc sợ nóng nên moi lấy chỗ nguội để ăn, hoặc sắp quá giữa trưa, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn nên cần ăn vội; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng sáng ngày mai cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm, ômg chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đi thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn bằng cách moi trống giữa bình bát. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói:
“Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Nhận thức ăn giống như bò, lừa, lạc đà, heo, chó, chim quạ không khác!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: [704b] “Sao các thầy lại moi trống giữa bát để ăn?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông thọ thực lại moi một lỗ trống giữa bát để ăn?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên moi giữa bát[559] mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Moi giữa bát mà ăn: nghĩa là để chừa xung quanh mà khoét chính giữa bát xuống tới đáy.
Tỳ-kheo kia cố ý moi giữa bát để ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoama-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc sợ nóng nên moi chính giữa cho nguội, hoặc quá giữa trưa, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn gấp nên khoét giữa để ăn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng sáng ngày mai cúng dường các thức ăn tốt. Trong đêm, ông sửa soạn đủ rồi, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát tới nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn ngon đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo tự mình yêu sách thức ăn như kẻ đói khát. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy yêu sách thức ăn cho mình?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, [704c] đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông yêu sách thức ăn cho mình?” Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được yêu sách thức ăn cho mình, thức-xoa-ca-la-ni.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bệnh, nghi không dám vì mình yêu cầu thức ăn, cũng không dám vì người khác yêu cầu thức ăn; người khác yêu cầu thức ăn đem cho cũng không dám ăn. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được vì mình yêu cầu thức ăn, vì người khác yêu cầu, hoặc người khác vì mình yêu cầu, thì được ăn.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, không được vì mình yêu sách cơm canh, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo kia không bệnh, cố ý tự mình đòi hỏi cơm, canh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: vì bệnh nên tự đòi, hoặc vì người khác hay người khác vì mình mà đòi, hoặc không đòi hỏi mà tự được thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng Tăng cúng dường các thứ cơm canh vào ngày mai. Tối đó, ông sửa soạn đủ mọi thứ, sáng ngày đến mời chư Tăng đi thọ thực.
Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y bưng bát tới nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt cơm canh đến chư Tăng. Khi ấy cư sĩ đem canh đến sớt vào bát cho một tỳ-kheo trong nhóm sáu tỳ-kheo, rồi ghi nhớ theo thứ tự để lấy canh sớt tiếp. Sau đó tỳ-kheo này lấy cơm phủ lên trên canh. Khi trở lại, cư sĩ hỏi:
“Canh đâu rồi?” Tỳ-kheo nín thinh. Cư sĩ liền cơ hiềm, nói: “sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. [705a1] Như vậy có gì là chánh pháp? Lấy cơm phủ lên trên canh, giống như người đói khát!”
Các tỳ-kheo nghe rồi đều hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy thọ thực lại lấy cơm phủ lên canh, mong được nhận canh thêm?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông lấy cơm phủ lên canh để mong nhận thêm canh?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được dùng cơm che lấp canh, thức-xoa-ca-la-ni.
Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo được mời ăn, canh làm bẩn tay, bẩn bát, bẩn khăn tay, vì có sự nghi, không dám dùng cơm phủ lên canh. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép khi được mời ăn thì không phạm.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được dùng cơm che lấp canh để mong được thêm,[562] thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Tỳ-kheo cố ý dùng cơm phủ lên canh, mong nhận được thêm canh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc được mời ăn; hoặc khi chỉ cần canh hay chỉ cần cơm; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo sáng mai cúng dường cơm canh và các thức ăn ngon. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt cơm canh và các thức ăn ngon đến chư Tăng. Trong nhóm sáu tỳ-kheo có một vị nhận được [705b] phần ăn ít, thấy vị ngồi gần nhận được nhiều, liền nói với cư sĩ:
“Nay ông thỉnh Tăng đến thọ thực, tuỳ ý ông muốn sớt ai nhiều thì sớt, muốn sớt ai ít thì sớt phải không? Ông là một cư sĩ có thiên vị.”
Cư sĩ trả lời:
“Tôi sớt thức ăn với tâm niệm bình đẳng, tại sao nói tôi có thiên vị?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy liếc hai bên nhìn vào bát của người ngồi cạnh?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông liếc hai bên nhìn vào bát người ngồi cạnh để biết nhiều hay ít?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không liếc nhìn vào trong bát người ngồi bên cạnh sanh tâm tỵ hiềm,[564] thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Trong đây, liếc nhìn vào bát người ngồi cạnh là để biết ai nhiều ai ít. Tỳ-kheo cố ý liếc nhìn vào trong bát người ngồi cạnh để biết nhiều ít, phạm đột-kiết-la cần phải sám.
Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc tỳ-kheo ngồi gần bị bệnh, hoặc mắt bị mờ, ngó để biết họ nhận được thức ăn hay chưa, tịnh hay bất tịnh, thọ hay chưa thọ, như vậy thì không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh Tăng tỳ-kheo sáng ngày mai cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm ấy, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đi thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Có vị tỳ-kheo trong nhóm sáu tỳ-kheo nhận cơm canh rồi, nhìn ngó chung quanh. Bất ngờ tỳ-kheo ngồi cạnh lấy phần canh của vị ấy giấu. Vị tỳ-kheo nhìn lại không thấy canh, hỏi [705c] rằng: “Phần canh tôi vừa nhận đâu rồi?” Vị tỳ-kheo ngồi gần nói: “Thầy đi đâu mới lại hay sao?” Vị kia trả lời:
“Tôi ngồi đây, để canh trước mặt, mắt nhìn ngó hai bên thì phần canh đâu mất!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao thầy nhận canh rồi lại nhìn ngó hai bên?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông nhận cơm canh rồi, nhìn ngó hai bên?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Phải chú tâm vào bát mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Không chú tâm nơi bình bát, có nghĩa là nhìn ngó hai bên. Tỳ-kheo cố ý không chú tâm nơi bát, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc bệnh như vậy; hoặc tỳ-kheo ngồi cạnh bị bệnh; hoặc mắt bị mờ; vì để nhận thức ăn mà xem ngó, tịnh bất tịnh, được chưa được, thọ chưa thọ; hay xem coi thời giờ; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn cần xem ngó hai bên để trốn thoát; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo sáng ngày mai cúng dường thức ăn ngon bổ. Trong đêm ấy, ông chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo vắt nắm cơm lớn, miệng không đủ chứa. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, thọ nhận không biết nhàm chán. Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, bò, chim, quạ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu [706a] dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao lại vắt nắm cơm lớn như thế?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vắt năm cơm lớn như thế?”
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ăn vắt cơm lớn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo: nghĩa như trước.
Vắt lớn: tức là miệng không chứa hết.
Tỳ-kheo cố ý vắt cơm lớn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy, hoặc thời giờ muốn quá giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn gấp; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo thọ thực vào sáng mai với những thức ăn ngon. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời các tỳ-kheo thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo nhận thức ăn để ăn. Trong khi thức ăn chưa vào miệng đã há lớn miệng để đợi. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Tại sao thức ăn chưa đến mà đã há lớn miệng để chờ? Ăn giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy há lớn miệng để đợi ăn?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Việc các ông [706b] làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông há lớn miệng chờ thức ăn?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không há miệng lớn đợi cơm mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Há lớn miệng: vắt cơm chưa đến mà đã há lớn miệng trước để đợi.
Tỳ-kheo cố ý há lớn miệng đợi vắt cơm, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh nào đó; hoặc thời giờ sắp quá giữa ngày; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, cần ăn vội; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chúng tăng cúng dường cơm canh, các thức ăn tốt vào sáng ngày mai. Trong đêm lo chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn để cúng dường. Nhóm sáu tỳ-kheo vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện. Các cư sĩ cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán. Tại sao vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện? Ăn tuồng như heo, chó, lạc đà, chim, quạ!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện?”
Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông vừa ngậm thức ăn vừa nói chuyện?” Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo: “Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười [706c] cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngậm thức ăn mà nói chuyện, thức-xoa-ca-lani.
Ngậm thức ăn mà nói chuyện: thức ăn ở trong miệng thì lời nói không rõ, người nghe không hiểu. Nếu tỳ-kheo cố ý ngậm thức ăn nói chuyện, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Không cố ý, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy; hoặc bị nghẹn, kêu nước; hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn mà lên tiếng khi đang ăn; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xávệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường cơm canh và các thức ăn tốt vào sáng ngày mai. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo cầm vắt cơm từ xa thảy vào miệng. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán. Giống như nhà ảo thuật!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách… (như trên) rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… (như trên), cho đến “Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không vắt cơm thảy vào miệng, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo cố ý vắt cơm từ xa thảy vào miệng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy; hoặc bị cột trói, quăng thức ăn vào miệng không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
[707a1] Một thời đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo thọ thực với các thức ăn ngon bổ vào sáng ngày mai. Trong đêm, ông chuẩn bị đầy đủ xong, sáng sớm đến mời chư Tăng thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo thọ thức ăn không như pháp, tay cầm vắt cơm, cắn phân nữa để ăn.[571] Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, thọ nhận không nhàm chán, không biết đủ. Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, bò, chim, quạ!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dụ tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo (như trên) cho đến câu đầu tiên phạm giới này, rồi bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên để cơm rơi vãi khi ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Trong đây, rơi vãi,[572] nghĩa là phân nửa vào miệng, phân nửa ở nơi tay. Tỳ-kheo cố ý lấy tay cầm vắt cơm, ăn phân nửa, để lại phân nửa, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy; hoặc ăn bánh tráng, hoặc ăn thịt, hay ăn dưa, ăn mía, ăn rau trái, như trái am-bà-la, trái diêm-bặc, trái nho, tim, lá, nhụy của thảo mộc; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách. [573]
[707b7]Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳđà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh chư Tăng cúng dường cơm vào ngày mai. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ thực.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến chư Tăng. Nhóm sáu tỳ-kheo phồng má mà ăn,[575] cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết xấu hổ, ăn giống như con khỉ.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu Tăng tỳ-kheo như trên, cho đến:
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không phồng má mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni.[576]
Trong đây, ăn phồng má tức là đưa thức ăn vào khiến cho hai má phồng lên, giống như tướng trạng của con khỉ. Nếu cố ý làm cho đầy miệng bằng thức ăn, khiến cho hai má phồng lên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc gần qua giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ăn vội thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon bổ, vào sáng ngày mai. Trong đêm, ông sửa soạn đủ tất cả, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, [707c] an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo nhai cơm có tiếng, cư sĩ cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Ăn giống như heo, chó, lạc đà, lừa, chim, quạ!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao nhai thức ăn có tiếng?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn liền vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nhai thức ăn có tiếng,[578] thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý nhai thức ăn có tiếng, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó; hay ăn cơm khô, cơm cháy, mía, dưa, xoài, trái diêm-bặc, bồ đào, hồ đào, ty đào lê, phong lê… thì không phạm.
Người không phạm: Phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh các tỳ-kheo đến thọ trai.
Các tỳ-kheo đắp y mang bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn. Nhóm sáu tỳ-kheo lua húp cơm canh có tiếng.[580] Cư sĩ cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến câu ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này tập hợp đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-[708a1] kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên húp thức ăn có tiếng mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*.
Trong đây, húp thức ăn có nghĩa là trương miệng lớn từ xa húp thức ăn vào. Nếu tỳ-kheo cố ý húp thức ăn có tiếng phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc thời có mắc chứng bệnh thế nào đó; hay miệng bị đau, hoặc ăn canh, ăn lạc, lạc tương, tô-tỳ-la tương, hay rượu đắng; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm, ông chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến thỉnh chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân tự tay sớt thức ăn đến các ngài. Nhóm sáu tỳ-kheo le lưỡi ra liếm thức ăn. Cư sĩ cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không có tàm quý… cho đến ăn như heo, chó, lạc đà, bò, lừa, chim, quạ!” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên lấy lưỡi liếm thức ăn,[582] thức-xoa-ca-la-ni*.
Lấy lưỡi liếm: tức là dùng lưỡi đưa ra để thu lấy thức ăn.
Nếu tỳ-kheo cố ý le lưỡi liếm thức ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì mắc bệnh như vậy, [708b] hoặc bị trói, hoặc tay bị bùn, hay đất nhớp, mồ hôi tay nên lấy lưỡi liếm thức ăn; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm, ông sửa soạn đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài. Khi ấy có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo rảy tay[584] khi ăn. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không có hổ thẹn… cho đến ăn như nhà vua, như đại thần của vua!”
Bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... cho đến câu “Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên rảy tay khi ăn, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo cố ý rảy tay phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có bệnh thế nào đó, hoặc trong thức ăn có cỏ, có trùng, hoặc trong tay có bất tịnh muốn rảy bỏ đi, hoặc lúc chưa ăn tay xúc chạm vật không sạch cần rảy; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào ngày mai. Trong đêm, ông chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng đến thọ trai.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các tỳ-kheo. Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lượm thức ăn rơi mà ăn. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không có tàm quý, như trên, ăn như gà, như chim, [708c] quạ.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên nhặt thức ăn rơi mà ăn, thức-xoa-ca-la-ni*.
Cơm rơi: là cơm đã rớt dưới đất. Nếu tỳ-kheo cố ý lượm cơm rơi ăn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm, phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh như vậy, hoặc thức ăn có cỏ, có trùng, hoặc có vật gì bất tịnh, hoặc lúc chưa ăn có cái gì cần bỏ, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có cư sĩ thỉnh các tỳ-kheo cúng dường các thức ăn ngon vào sáng ngày mai. Trong đêm, ông chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm đến mời chư Tăng phó trai.
Các tỳ-kheo mặc y bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Cư sĩ đích thân sớt thức ăn đến các ngài.
Khi ấy có nhóm sáu tỳ-kheo lấy tay không sạch bưng đồ đựng nước uống. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói:
“Sa-môn Thích tử này không có xấu hổ… cho đến dùng tay không sạch cầm đồ đựng nước uống, giống như vua, đại thần của vua.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu:
“Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tay dơ không nên cầm đồ đựng nước uống, [709a1] thứcxoa-ca-la-ni*.
Trong đây, tay dơ có nghĩa là có cơm dính nơi tay.
Nếu tỳ-kheo cố ý dùng tay dơ cầm đồ đựng nước uống, phạm đột-kiết-la cần phải sám.
Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc là mắc phải chứng bệnh như vậy, hoặc nhận thức ăn trên cỏ, trên lá thì rửa tay nhận; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo tại nhà cư sĩ ăn xong rửa bát, đổ nước rửa bát, có cả thức ăn dư, bừa bãi ra đất. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không có xấu hổ… (cho đến) nhận nhiều thức ăn như kẻ đói khát, để rồi vất bỏ bừa bãi như đại thần của vua!”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách (…) rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu “Từ nay trở đi ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên đổ nước rửa bát[587] trong nhà bạch y, thức-xoaca-la-ni.
Nước rửa bát: ở đây có nghĩa là nước có lẩn cơm và những thức ăn còn thừa.
Nếu tỳ-kheo cố ý đổ nước rửa bát trong nhà bạch y, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc là rửa mâm, bàn, rồi hứng lấy nước ấy đem đổ ra ngoài, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không có hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là ta biết chánh [709b] pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, giống như heo, chó, lạc đà, bò, lừa.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo bệnh, mệt nhọc không thể tránh chỗ rau cải và cỏ tươi được. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo bệnh, không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo không bệnh cố ý đại tiểu tiện và khạc nhổ trên rau cải và cỏ tươi, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đại tiểu tiện nơi chỗ không có rau cải và cỏ tươi mà nước chảy đến nơi đó, hay gió thổi, chim ngậm rớt nơi có rau cải hay cỏ tươi; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đại tiểu tiện và khạc nhổ trong nước. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đại tiểu tiện trong nước giống như heo, chó, bò, lạc đà, lừa.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo... như trên, cho đến câu “Từ nay [709c] trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, thức-xoaca-la-ni.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Lúc ấy có t -kheo bệnh, nếu tránh chỗ có nước để đại tiểu tiện và khạc nhổ thì hơi khó nhọc. Đức Phật dạy:
“Người bệnh không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, trừ bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
Nếu tỳ-kheo cố ý đại tiểu tiện, khạc nhổ trong nước, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc là đại tiểu tiện trên bờ sông rồi rơi vào dòng nước, hoặc bị gió thổi, chim ngậm bay đi rơi rớt vào trong nước; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đứng đại tiểu tiện. Cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đại tiểu tiện mà đứng, giống như bò, ngựa, heo, dê, lạc đà.” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo (…) rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng t -kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được đứng đại tiểu tiện, thức-xoa-ca-la-ni*. Thế Tôn vì tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo bệnh, không thể ngồi để đại tiểu tiện vì mệt nhọc. Đức Phật dạy:
“Người bệnh thì không phạm.” Từ nay trở về sau nên nói giới như vầy:
Không được đứng đại tiểu tiện, trừ bệnh, thức-xoa-ca-lani*.
Nếu tỳ-kheo cố ý đứng đại tiểu tiện, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý, [710a1] phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như vậy, hoặc bị trói buộc, hoặc nơi chỗ đứng bị nhớp, bùn nhơ; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo nói pháp cho người vén ngược y không cung kính.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng t -kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi ta vì các Tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, thức-xoa-ca-la-ni*.
Bấy giờ các tỳ-kheo nghi không dám nói pháp cho người bệnh mà họ vén ngược y. Đức Phật dạy: “Người bệnh thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được nói pháp cho người vén ngược y không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý nói pháp cho người lật ngược y không cung kính, không bệnh, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì nhà vua hay đại thần của nhà vua mà nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được nói pháp cho người quấn y nơi cổ, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được nói pháp cho người trùm đầu[593]3 trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni *. (như trên)
Không được nói pháp cho người quấn đầu,[595] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được nói pháp cho người chống nạnh, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
[710b](như trên)
Không được nói pháp cho người mang dép da,[598] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được nói pháp cho người mang guốc gỗ,[600] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được nói pháp cho người đi xe cưỡi ngựa,[602] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo ngủ nghỉ trong tháp Phật. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo:
“Sao ngủ nghỉ trong tháp Phật?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy, có tỳ-kheo nghi, vì để giữ tháp vẫn không dám ngủ trong tháp Phật. Đức Phật dạy:
“Vì bảo vệ tháp thì không phạm.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ vì canh giữ, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngủ nghỉ trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc vì mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc vì bảo vệ mà ngủ nghỉ, hoặc vì sức mạnh bắt, hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn nên phải ngủ nghỉ; không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo cất giấu tài vật trong tháp Phật.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách [710c] nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các Tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được cất giấu tài vật của cải trong tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có tỳ-kheo nghi, vì để bền chắc vẫn không dám chứa cất của cải trong tháp Phật. Đức Phật dạy:
“Vì bảo quản thì không phạm.”
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được chôn giấu tài vật trong tháp Phật, trừ để cho bền chắc, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý đem của chôn giấu trong tháp Phật, trừ vì muốn chắc chắn, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hay vì bảo đảm chắc chắn nên đem của cải chôn cất trong tháp Phật, hoặc vì cường lực bắt, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; không phạm. Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc dép vào trong tháp Phật. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy mang guốc dép vào trong tháp Phật?” Các tỳ-kheo quở trách rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trên, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được mang dép da vào trong tháp Phật, thức-xoaca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý mang dép da vào trong tháp Phật, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố ý làm, phạm [711a1] đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được tay cầm giày dép da vào trong tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được mang giày dép da đi quanh tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được mang giày phú-la[603] vào trong tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được xách giày phú-la vào trong tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi ăn dưới tháp, ăn xong lưu lại thức ăn thừa và cỏ rác, làm dơ đất, rồi bỏ đi.
Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngồi ăn dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ các tỳ-kheo làm tháp rồi thí thực, làm phòng rồi thí thực, hoặc thí ao giếng, nhiều người tập hợp, chỗ ngồi chật hẹp không dám ngồi dưới tháp ăn vì chưa được đức Phật cho phép, đến bạch. Phật dạy:
“Cho phép ngồi ăn, nhưng không được bỏ cỏ rác, và thức ăn dư làm dơ đất.”
Bấy giờ có một tỳ-kheo nhất tọa thực, hoặc tỳ-kheo tác pháp dư thực không ăn, hay có tỳ-kheo bệnh không dám lưu lại thức ăn dư và cỏ làm dơ đất, đức Phật cho phép dồn lại một bên chân rồi đem ra ngoài bỏ. Phật dạy:
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được ngồi ăn dưới tháp lưu lại cỏ và thức ăn dư làm dơ đất, [711b] thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi dưới tháp ăn, rồi bỏ lại đồ ăn dư làm dơ đất, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc gom lại một chỗ rồi đem ra ngoài bỏ thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khiêng tử thi đi qua dưới tháp làm cho thần bảo vệ tháp giận. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Tại sao các thầy khiêng tử thi đi qua dưới tháp Phật?”
Quở trách rồi, tỳ-kheo thiểu dục đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được khiêng tử thi đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-lani*.
Nếu tỳ-kheo cố tâm khiêng tử thi đi qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh thế nào đó, hoặc khi cần phải đi qua con đường này, hoặc bị cường lực dẫn đi thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được chôn tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được thiêu tử thi dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được đối diện tháp thiêu tử thi, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được thiêu tử thi quanh bốn phía tháp, làm mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
[711c] Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳđà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang áo và giường của người chết đi qua dưới tháp, làm cho vị thần nơi trú xứ đó giận.
Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách, rồi đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… như trước, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được mang áo và giường của người chết đi qua dưới tháp, thức-xoa-ca-la-ni*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo mặc y phấn tảo, nghi không dám mang loại y như vậy đi ngang qua dưới tháp. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
“Cho phép giặt, nhuộm, xông mùi hương rồi mang qua.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được mang áo và giường của người chết đi ngang qua dưới tháp, trừ khi đã giặt, nhuộm và xông hương, thức-xoa-ca-la-ni.
Nếu tỳ-kheo cố ý mang y phấn tảo của người chết, không giặt, không nhuộm, không xông hương, đi ngang qua dưới tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố tâm làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc là có chứng bệnh thế nào đó, hoặc đã giặt nhuộm xong thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-lani*.
(như trên)
Không được đại tiểu tiện trước tháp Phật, thức-xoa-ca-lani*.
(như trên)
Không được đại tiểu tiện quanh bốn phía tháp Phật khiến mùi hôi xông vào, thức-xoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được đem tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Có 3 trường hợp sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trên đường phải [712a1] đi ngang qua đó, hay bị cường lực bắt đi; không phạm.
Không được nhăm nhành dương[604] dưới tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni*.
(như trên)
Không được nhăm nhành dương đối diện tháp Phật, thứcxoa-ca-la-ni.
(như trên)
Không được nhăm nhành dương xung quanh bốn phía tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được khạc nhổ dưới tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Điều 82
Không được khạc nhổ trước tháp Phật, thức-xoa-ca-la-ni*.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp Phật.
Các tỳ-kheo thấy, cơ hiềm:
“Tại sao các thầy khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được khạc nhổ quanh bốn phía tháp, thức-xoa-cala-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý khạc nhổ xung quanh bốn phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc do chim quạ ngậm đến bên tháp, hoặc là gió thổi đến thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ngồi duỗi chân về phía tháp. Các tỳ-kheo thấy, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách, liền đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu [712b]”Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, thức-xoa-ca-lani*.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Có tỳ-kheo nghi, cách xa tháp không dám ngồi duỗi chân, đức Phật dạy: “Trung gian có gián cách thì cho phép.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được ngồi duỗi chân về phía tháp, trừ có gián cách, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý ngồi duỗi chân về phía tháp, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó, hoặc trung gian có gián cách, hay bị cường lực bắt thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở nước Câu-tát-la, trên đường du hành đến thôn Đô tử bà-la-môn. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo an trí tháp Phật nơi phòng dưới, mình ở phòng trên. Các tỳ-kheo biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được an trí tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý để tháp Phật nơi tầng dưới, mình ở tầng trên, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó. Hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, thỉnh tháp Phật để nơi phòng dưới, mình ở nơi phòng trên thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được nói pháp cho người ngồi mà mình đứng, thứcxoa-ca-la-ni*. (như trên)[606]
[712c] Có người nghi không dám nói pháp cho người bệnh. Đức Phật dạy:
“Từ nay trở đi nên nói giới như vầy”:
Không được nói pháp cho người ngồi mà mình đứng, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo nào người ngồi mình đứng, cố ý vì họ nói pháp phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la.
Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc vua, đại thần của vua bắt nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được nói pháp cho người nằm mà mình ngồi, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
Không được nói pháp cho người ngồi chính giữa, còn mình ngồi một bên, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
Không được nói pháp cho người ngồi chỗ cao, còn mình ngồi chỗ thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên)
Không được nói pháp cho người đi trước, còn mình đi phía sau, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni.
(như trên)
Không được nói pháp cho người ở chỗ kinh hành cao, còn mình ở chỗ kinh hành thấp, trừ người bệnh, thức-xoa-cala-ni.
(như trên)
Không được nói pháp cho người ở giữa đường, còn mình ở bên đường, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni. (như trên)
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, có khi làm cản trở những nam nữ khác. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, mà đi ngoài lộ nắm tay nhau như nhà vua, đại thần của vua, hào quý trưởng giả. Như vậy có gì là Chánh pháp?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầuđà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo… cho đến câu [713a]”Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không nên nắm tay nhau khi đi đường, thức-xoa-ca-la-ni.
Tỳ-kheo cố ý làm, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di-ni, đột-kiết-la.
Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó, hoặc có vị tỳ-kheo mắt bị mờ, cần dìu để đi thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một tỳ-kheo nhập hạ an cư ở trên một cây đại thọ. Từ trên cây đại thọ đại tiểu tiện xuống, khiến vị thọ thần nổi giận, muốn đoạn mạng căn vị tỳ-kheo kia.
Các tỳ-kheo nghe, hiềm trách rồi đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách vị tỳ-kheo này:
“Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao lại từ trên cây đại tiểu tiện xuống?” Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay trở đi, không được an cư trên cây. Không được đại tiểu tiện xung quanh cây. Nếu chỗ đã có sẵn thì đại tiểu tiện không phạm.”
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này đầu tiên. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được leo lên cây cao quá đầu người, thức-xoa-ca-lani.
Thế Tôn vì các tỳ-kheo kết giới như vậy. Bấy giờ có các tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la du hành, trên đường đi gặp phải ác thú tấn công, leo cao lên cây ngang người với ý nghĩ:
“Đức Thế Tôn chế giới không được leo cây cao quá đầu người.” Do đó không dám leo lên, nên họ bị ác thú hại. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật, Phật dạy:
“Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, được phép leo lên cây cao quá đầu người.” Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Không được leo lên cây cao quá đầu người, trừ khi có nhân duyên, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo cố ý leo lên cây cao quá đầu người, phạm đột-kiết-la cần phải sám. [713b] Do bởi cố tâm làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc có chứng bệnh như thế nào đó, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, leo lên cây cao quá đầu người thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy vác trên vai mà đi. Các cư sĩ thấy, tưởng là người của nhà quan, đứng tránh bên đường, tìm chỗ vắng núp để xem. Thì ra, khi đến mới biết đó là Bạt-nan-đà. Các cư sĩ cơ hiềm:
“Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn, tại sao bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào gậy, vác trên vai mà đi giống như người của nhà quan khiến chúng ta phải tránh bên lề đường?”
Các tỳ-kheo nghe, quở trách rồi đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà:
“Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao ông bỏ bình bát vào trong đãy, xỏ vào đầu gậy, vác trên vai đi, khiến cho các cư sĩ phải tránh bên lề đường?” Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.”
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được bỏ bình bát vào đãy, xỏ vào đầu gậy quẩy trên vai mà đi, thức-xoa-ca-la-ni*.
Nếu tỳ-kheo cố ý làm phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như thế nào đó, hoặc bị cường lực bắt ép hoặc bị trói, hay vì mạng nạn, phạm hạnh nạn thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có vị trong nhóm sáu tỳ-kheo nói pháp cho người cầm gậy, không cung kính.
Các tỳ-kheo biết, quở trách như trên rồi, đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn cũng quở trách…[713c] như trên, cho đến câu “Từ nay trở đi, Ta vì các tỳ-kheo kết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.” Muốn nói giới nên nói như vầy:
Không được nói pháp cho người cầm gậy, thức-xoa-ca-lani*.
Có vị nghi, không dám nói pháp cho người bệnh cầm gậy, đức Phật dạy: Vì người bệnh thì không phạm. Từ nay trở đi Ta vì các tỳ-kheo kết giới:
Không được nói pháp cho ngươì cầm gậy, không cung kính, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*.
Tỳ-kheo nào cố ý nói pháp cho người cầm gậy, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi, đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni cho đến sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị chứng bệnh thế nào đó, hay vì nhà vua, đại thần của vua nói thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
Không được nói pháp cho người cầm kiếm, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được nói pháp cho người cầm mâu,[616] trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được nói pháp cho người cầm dao, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Không được nói pháp cho người cầm dù, trừ người bệnh, thức-xoa-ca-la-ni*. (như trên)
Bảy pháp hối quá như vậy nửa tháng, nửa tháng tụng một lần, chép ra từ trong giới kinh. Nếu có việc tranh cãi khởi lên, liền phải trừ diệt.
Nên áp dụng pháp hiện tiền tỳ-ni thì sử dụng pháp hiện tiền tỳ-ni.
Nên áp dụng pháp ức niệm tỳ-ni thì sử dụng pháp ức niệm tì-ni.
Nên áp dụng pháp bất si tỳ-ni thì sử dụng pháp bất si tỳ-ni.
Nên áp dụng pháp tự ngôn trị thì sử dụng pháp tự ngôn trị.
Nên áp dụng pháp mích tội tướng thì sử dụng pháp mích tội tướng.
Nên áp dụng pháp đa nhơn mích tội thì sử dụng pháp đa nhơn mích tội.
Nên áp dụng pháp như thảo phú địa thì sử dụng pháp như thảo phú địa.[620]
[1] Cf. Ngũ phần 6 (tr.37b14); Tăng kỳ 12 (tr.324c07); Thập tụng 7 (tr.63b16); Căn bản 25 (tr.760b16). Pāli, Pācittiya 1. Mūsavāda,Vin.iv. 2.
[2] Thích-súy-sấu 釋翅瘦 (Pāli. Sakkesu), giữa những người họ Thích; không phải địa danh. Các Bộ khác đều nói Phật tại Xá-vệ; Pāli cũng vậy.
[3] Tượng Lực 象力. Ngũ phần 6 (tr.37b15): tỳ-kheo pháp sư Sa-lan 法師比丘名沙蘭. Tăng kỳ 12 (tr.324c08): Trưởng lão Thi-lị-da-bà 長老尸利耶婆; Thập tụng 7 (tr.63b22): tỳ-kheo họ Thích Ha-đa 訶哆釋子比丘; Căn bản 25 (tr.760b17): duyên khởi từ Tôn giả La-hầu-la 具壽羅怙羅 (Cụ thọ La-hỗ-la), nhưng chưa chế giới; cho đến duyên khởi bởi tỳ-kheo Pháp Thủ 法手苾芻 mới chế giới. Pāli: Hatthako Sakyaputto.
[4] Ba-dật-đề. Thập tụng 7 (tr.63c19): “Ba-dạ-đề 波夜提, tội danh; có nghĩa là thiêu đốt, ngăn bít. Nếu không sám hối, có thể chướng ngại đạo.” Pāli: pācittiya.
[5] Thấy, nghe, xúc giác, hay biết, Hán: kiến, văn, xúc, tri 見聞觸知, cũng thường nói là kiến, văn, giác, tri. Tăng kỳ: kiến văn tri thức 見聞知識. Pāli: diṭṭhaṃ, sutaṃ, mutaṃ, viññaṃ, điều được thấy (bởi mắt), điều được nghe (bởi tai), điều được giác tri (bởi mũi, lưỡi, thân), điều được nhận thức (bởi ý).
[6] Cf. Pāli, Vin.iv. 2, nói dối với bảy hình thức về một trong bốn chức năng nhận thức: trước khi nói dối, trong khi nói dối, sau khi nói dối đều biết rõ mình sẽ, đang và đã nói dối; (cố ý) diễn tả sai lạc quan điểm, sự tán thành, sở thích và ý hướng; (…) vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ.
[7] Các bộ giống nhau, ba-dật-đề 2.
[8] Chủng loại mạ 種類罵. Xem giải thích nơi phần giới tướng.
[9] Đắc-sát-thi-la quốc 得剎尸羅國. Ngũ phần: Đắc-xoa-thi-la 得叉尸羅. Pāli: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, nổi tiếng về giáo dục. Được đề cập rất nhiều trong các chuyện tiền thân.
[10] Pāli, con bò tên là Nandivisāla.
[11] Pāli, seṭṭhi, nhà phú hộ, hay đại thương gia.
[12] Pāli, sahassena abbhutaṃ karoti, đánh cuộc một nghìn. Không nói “một nghìn” cái gì. Bản dịch Anh phỏng định: kahāpaṇa (tiền vàng). Ngũ phần 6 (tr.37c21), 50 tiền vàng. Căn bản 15 (tr.765a22), 500 tiền vàng.
[13] Hán: nhất giác 一角, tên gọi diễu cợt con bò. Pāli: kūṭa, không sừng; bò cụt sừng.
[14] Hán: chủng loại huỷ tỷ ngữ 種類毀呰語. Tăng kỳ 12 (tr.325b28): chủng loại hình tướng ngữ 種類形相語; có 7 cách: chủng tánh, nghề nghiệp, tướng mạo, bệnh tật, tội, bệnh, kết sử (ô nhiễm). Pāli (Vin.iv. 4): omasavāda. Có 10 cách mắng nhiếc: bằng gia đình (jātiyā), tên tuổi (nāmena), tộc họ (gottena), nghề nghiệp (kammena), công xảo (sippena), chứng (bệnh) tật (bādhena), dấu hiệu (liṅgena), phiền não (thói xấu) (kilesena), tội lỗi (āpattiyā), và sự hèn hạ (hīnena).
[15] Trúc sư chủng 竹師種: thợ làm đồ tre. Pāli: veṇajāti.
[16] Xa sư chủng 車師種. Pāli: rathakārajāti.
[17] Câu-tấu 拘湊, Câu-thi 拘尸, Bà-tô-trú 婆蘇晝, Ca-diếp 迦葉, A-đề-lị-dạ 阿提梨夜, Bà-la-đọa 婆羅墮. Pāli, giòng họ có thấp và cao. Giòng họ thấp: Kosiya, Bhāradvāja; giòng họ cao: Gotama, Moggallāna, Kaccāyana, Vāsiṭṭha.
[18] Hán: bá ki 簸箕. Pāli: naḷakāra, nghề đan/dệt cói.
[19] Manh hạt 盲瞎, chỉ chung các khuyết tật và các chứng bệnh.
[20] Bổ nạp y, đây chỉ cho y phấn tảo; tỳ kheo hành đầu đà chỉ khoác y phấn tảo.
[21] Đoạn trên: tật tật ngữ (thuyết), nói nhanh vội.
[22] Ngũ phần tr.38a20; Tăng kỳ tr.326b7; Thập tụng tr.66a1; Căn bản 26 tr.767c20. Vin. iv. 12. pācittiya 3.
[23] Thiện Nha 善牙. Thập tụng 9 (tr.66a27): Hảo Mao 好毛.
[24] Thiện Bác 善博. Ngũ phần 6 (tr.38b05): Thiện Trảo 善抓. Thập tụng 9 (tr.66a27): Hảo Nha 好牙. Căn bản (tr.768c11): con cọp vằn tên Thiện Bác 善髆, và con sư tử tên Thiện Nha 善牙.
[25] Tăng kỳ 12 (tr.326b19): truyện kể trong “Tam thú bản sanh kinh”; không nêu chi tiết.
[26] Ngũ phần, nt.: “Nói hai lưỡi khiến tỳ-kheo loạn đấu.” Căn bản: ly gián ngữ 離間語. Pāli: bhikkhupesuñña, lời nói ly gián tỳ-kheo.
[27] Pāli, có hai hình thái ly gián ngữ (dvīhākārehi pesuññaṃ hoti): nói với mục đích gây cảm tình, nói với mục đích gây chia rẽ.
[28] Tức là, thuật lại lời của người này cho người kia. Pāli, có 10 loại nói ly gián, như 10 loại nói ác khẩu mạ lỵ: từ chuyện bêu xấu dòng họ, cho đến mắng chửi.
[29] Ngũ phần 8 (tr.59b09), ba-dật-đề 56; Tăng-kỳ 19 (tr.381c28), ba-dật-đề 69; Thập tụng 16 (tr.112c22), ba-dật-đề 65; Căn bản 40 (tr.849b25), Ba-dật-đề 65. Pāli, Vin. iv. 17, Pācittiya 6.
[30] Thập tụng: tụ lạc không có tăng phường.
[31] Pāli: một người nữ có dựng một phúc đức xá (āvasathāgāra), nhà trọ miễn phí.
[32] Nguyên Hán: xá nội 舍內; chính xác, nên hiểu là buồng trong. Pāli: mañcakaṃ abbhantaraṃ, giường ở buồng trong.
[33] Hán: nhị câu giải thoát 二俱解脫. Tức với tâm giải thoát và huệ giải thoát. Ala-hán chứng đắc diệt tận định, gọi là có câu (phần) giải thoát. Xem Câu-xá (T22n1558, tr.131b26). Pāli: ubhatobhāga-vimutta, cf. D.ii. 71; M.i. 477; S.i. 191.
[34] Hán: dục bất tịnh độ hữu lậu phược 欲不淨度有漏縛. Cf. Pāli, Mahāvagga, Vin. i. 16: bhagavā… anupubbiṃ kathaṃ kathesi seyyathidaṃ dānakathaṃ sīlakathaṃ sagga-kathaṃ, kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānisaṃsaṃ, “… rồi Thế tôn tuần tự thuyết pháp, nói về bố thí, về trì giới, về sinh thiên, về sự nguy hiểm, sự thấp hèn, sự ô nhiễm của các dục, và sự ích lợi do thoát ly dục.
[35] Cf. A.i.80, dvemāni … sukhāni… kāmasukhanca nekkhammasukhañca, có hai sự khoái lạc: khoái lạc do dục vọng, và khoái lạc do thoát ly.
[36] Nguyên Hán: đồng thất 同室, chung nhà. Chính xác, chung buồng. Pāli: sahaseyya.
[37] Hán: hữu tri 有知. Ngũ phần: nữ sơ sanh cho đến 2 căn. Tăng kỳ: nữ, là mẹ, chị em gái, lớn hay nhỏ, tại gia hay xuất gia. Thập tụng: nữ loài người, phi nhơn, súc sanh. Căn bản: nữ, đàn bà hay con gái, đối tượng có thể hành dâm. Cf. định nghĩa của Pāli, Vin. iv. 20: (…) manussitthī na yakkhī na oetī na tiracchānagatā…, nữ thuộc loài người, không phải yakkha, không phải quỷ, không phải súc sanh.
[38] Hán: thất 室. Thập tụng: xá 舍. Các bộ khác đều nói là thất. Pāli: seyya, buồng ngủ; định nghĩa: hoặc được che lợp kín; hoặc được bao che kín; hoặc che lợp một phần; hoặc bao quanh một phần.
[39] Ngũ phần 6, (tr.40a7), ba-dật-đề 7; Tăng kỳ 17, (tr.365b03), ba-dật-đề 42; Thập tụng 15, (tr.105b09), ba-dật-đề 54; Căn bản 39, (tr.838c07), ba-dật-đề 54. Pāli: Pāc. 5. sahaseyya, Vin. iv.15.
[40] Khoáng Dã thành 曠野城. Ngũ phần nt., A-trà-tì ấp 阿荼脾邑. Tăng kỳ nt., Khoáng Dã tinh xá 曠野精舍. Thập tụng nt., A-la-tì quốc 阿羅毘國. Căn bản nt., Phật tại Thất-la-phiệt thành 室羅伐城 (Xá-vệ). Pāli, nt., āḷaviyaṃ viharati aggāḷave cetiye, trú tại Āḷavi, trong ngôi miếu lớn của Āḷavi.
[41] Pāli, navakā bhikkhū … upāsakehi saddhiṃ…, các tân tỳ-kheo… cùng với các cư sĩ.
[42] Câu-thiệm-tỳ quốc 拘睒毘國. Ngũ phần nt., tại nước Câu-xá-di, vườn Cù-sư-la 拘舍彌國瞿師羅園. Tăng kỳ nt., nhân duyên tại Ca-duy-la-vệ. Thập tụng nt.,
[43] La-vân: La-hầu-la (Rāhula).
[44] Ý nói, Sa-di đã xuất gia, không còn nhận cha mẹ ngoài đời, mà là con của Phật. Không chỉ riêng La-hầu-la là con Phật.
[45] Ngũ phần nt. (tr.40b17): “Sao bầy cáo lại đuổi sư tử?” Thập tụng nt. (tr.105c11): “Sa-di này không cha mẹ. Nếu các ngươi không thương tưởng che chở, làm sao sống nổi?” Căn bản nt. (tr.839c02): “Các cầu tịch (tức sa-di) không có cha mẹ. Duy chỉ các ngươi, những người đồng phạm hạnh, phải thương yêu che chở .”
[46] Tăng kỳ nt. (tr.365c11): “được phép ngủ chung buồng ba đêm; bốn đêm thì nên biệt trú.”
[47] Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, “quá hai đêm, ba-dật-đề.” Tăng kỳ: “quá ba đêm, ba-dật-đề.” Pāli: uttaridirattatirattaṃ, “quá hai hoặc ba đêm”; được hiểu là “từ hai đến ba đêm”. Giải thích ý nghĩa để chấp hành, Pāli, Vin.iv. 17, nói: “Nếu đã trải qua hai đêm, thì đến đêm thứ ba nên ra đi trước khi có dấu hiệu bình minh.”
[48] Đồng thất túc 同室宿, ba-dật-đề 4 trước. Pāli: sahaseyyaṃ kappeyya. Phật tại Xá-vệ. Căn bản nt., Phật tại Kiều-thiểm-tì, trong vườn Diệu âm 憍閃毘妙音園. Pāli: Kosambī.
[49] Các bộ, ba-dật-đề 6. Pāli, Pāc. 4 Padasodhammasikhā.
[50] Thập tụng 6, ‹Đem cú pháp dạy người chưa thọ cụ túc…›
[51] Ngũ phần 6, cú pháp: cú (Pāli: pada), vị (Pāli: vyañjana) và tự Pāli: akkhara) tức câu, âm tiết (vì tiếng Phạn đa âm tiết) và từ ngữ. Thập tụng 6, cú pháp: túc cú (mệnh đề trọn), bất túc cú (mệnh đề không trọn); túc tự (từ ngữ trọn, đa âm tiết), bất túc tự (từ ngữ không trọn), túc vị (âm tiết trọn), bất túc vị (âm tiết không trọn). Pāli: anupda, tùy cú, người trước đọc dứt câu người sau lặp lại. anvakkha, tùy tự, người trước đọc dứt một từ, người sau lặp lại. anubyañjana, tùy vị, người trước vừa dứt một âm tiết, người sau lặp lại.
[52] Xem cht. Ch ba-dật-đề 2.
[53] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 9; Tăng kỳ 14, ba-dật-đề 8; Thập tụng 10, ba-dật-đề 8. Căn bản 27, ba-dật-đề 7. Pāli, Pāc. 9 Duṭṭhullārocana.
[54] Ngũ phần và Tứ phần, giới được kết ba lần. Thập tụng, kết một lần. Căn bản, kết hai lần. Pāli, một lần.
[55] Xem Ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa 10.
[56] Hán: uý thận 畏慎.
[57] Tăng kỳ 13, Thập tụng 10, ba-dật-đề 7; Ngũ phần 6, Căn bản 27, ba-dật-đề 8. Pāli, Pāc.8 Bhūta-rocanasikhā. Tham chiếu Ch.i ba-la-di iv.
[58] Hán: nhân pháp, trong quá nhân pháp 過人法 (thượng nhân pháp) Pl. uttarimanussa-dhamma). Xem giải thích, Ch.i ba-la-di 4
[59] Giới 人界, ấm 人陰, nhập 人入, hay giới (Pāli. dhātu), uẩn (khandha), xứ (āyatana).
[60] Nguyên Hán: quá nhân pháp 過人法.
[61] Dục, chỉ dục trong bốn thần túc.
[62] Ngũ phần 6, ba-dật-đề 4; Tăng kỳ 13, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 5; Pāli, Pāc. 7 Dhammadesanasikhā.
[63] Tăng kỳ: ngũ lục ngữ 五六語, có 2 loại: trường cú và đoản cú. Trường cú, như “chư ác mạc tác.” Đoản cú như “Mắt là vô thường.”
[64] Pāli, Pāc. 10 Pathavīkhaṇana. Ngũ phần 8, ba-dật-đề 59; Tăng kỳ 19, ba-dật-đề 73; Thập tụng 16, Căn bản 41, ba-dật-đề 73.
[65] Ngũ phần, nt.: Phật từ Câu-tát-la đến ấp A-trà-tỳ. Các tỳ-kheo sửa chữa nhà cửa để đón Phật. Tăng kỳ, nt.: doanh sự tỳ-kheo.
[66] Ngũ phần 8 (tr.60c22): “sai người đào, hoặc bảo đào chỗ này.” Tăng kỳ 19 (tr.384c): “Sai người đào, hoặc chỉ điểm chỗ đào.” Thập tụng: “Chỉ dạy người khác đào, bảo, ‹Ngươi hãy đào chỗ này.›”
[67] Tăng kỳ nt., hai loại đất: sanh 生, chỉ đất tự nhiên; tác 作: đất nền để canh tác. Thập tụng nt., hai loại đất: sinh địa 生地, đất sinh sản vào tháng 8 ở những nước có mưa nhiều; ở nước mưa ít, tháng 4 đất sinh sản. Bất sinh địa 不生地, ngoài sinh địa ra. Pāli, Vin. iv. 33: jātā ca pathavī ajātā ca pathavī.
[68] Ngũ phần nt.: “Hãy biết cái này, hãy xem cái này. Tôi cần cái này. Cho tôi cái này.” Cf. Pāli: imaṃ jāna, imaṃ dehi, imaṃ āhara, iminā attha, imaṃ kappaṃ karohi, “Hãy nhận rõ cái này; hãy cho đi cái này; hãy mang đi cái này; tôi cần cái này; hãy làm cho cái này hợp thức.”
[69] Bản Hán, hết quyển 11.
[70] Các bộ: ba-dật-đề 11. Ngũ phần tr. 41c5; Tăng kỳ tr. 339a6; Thập tụng tr. 74c22; Căn bản tr. 775c11. Vin. iv. 34 Pāc. 11. bhūtagāma.
[71] Khoáng dã 曠野. Ngũ phần, A-trà-tỳ ấp 阿荼脾邑. Tăng kỳ: Khoáng dã tinh xá 曠野精舍. Thập tụng: A-la-tỳ 阿羅毘. Căn bản: Phật tại Thất-la-phiệt. Nhân duyên: Mạc-ha-la bí sô 莫訶羅苾芻.
[72] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼神村; do dịch nghĩa đen. Pāli, bhūtagāma, chủng loại (hạt giống) có mầm sống; Vin.A., (iv.761) giải thích: jāyanti vaḍḍhanti jātā vaḍḍhitā cāti attho, chúng sinh sản, tăng trưởng, và những cái đã sinh sản, đã tăng trưởng. Ngũ phần 6, sát sinh thảo mộc 殺生草木. Tăng kỳ 14: hoại chủng tử phá quỷ thôn 壞種子破鬼村; giải thích: quỷ thôn, chỉ cây cối, cỏ các loại. Thập tụng: chước bạt quỷ thôn chủng tử 斫拔鬼村種子; giải thích: quỷ thôn, các loại cỏ, cây, chỗ y trú của chúng sanh như thần cây, thần suối v.v. Căn bản 27: hoại chủng tử hữu tình thôn 壞種子有情村. Pāli: bhūtagāmapātavyatāya.
[73] Pāli: gāma, thôn ấp, tụ lạc.
[74] Hán, năm loại giống: căn chủng, chi chủng, tiết sinh chủng, phú la chủng, tử tử chủng. 根種枝種節生種覆羅種子子種. Ngũ phần nt, bốn loại: từ rễ, từ cọng, lóng, quả 根種子莖種子節種子實種子. Tăng kỳ nt, năm loại: từ rễ, từ cọng, ruột, lóng, quả 根種莖種心種節種子種. Thập tụng 12, năm loại: từ rễ, từ cọng, lóng, tự rụng, từ quả 根種子莖種子節種子自落種子實種子. Pāli: mūlabījaṃ, mầm từ rễ, khandhabījaṃ, mầm từ thân, phaḷubījaṃ, mầm từ đốt, aggabījaṃ, mầm từ đọt, bījabījaṃ, mầm từ hạt giống.
[75] Ha-lê-đà 呵梨陀 (Pāli: haliddi: củ nghệ), ưu-thi-la 憂尸羅 (Pāli: usīra: hương căn), mậu (ha?)-tha-trí-tra 貿(呵?)他致吒 (Skt. ativiṣā, Pāli: ativisā, mạch đông?), lư-kiện-đà-lâu 盧揵陀樓 (?).
[76] liễu 柳, xá-ma-la 舍摩羅, bà-la-hê-tha 婆羅醯他(?). Thập tụng nt, giống từ cọng: thạch lựu 石榴, bồ-đào 葡萄 (nho), dương liễu 楊柳, sa-lặc 沙勒. Pāli: assattho nigrodho pilako udumbaro kacchako kapithano.
[77] Tô-man-na 蘇蔓那 (Skt. sumanas; Pāli: sumanā, tố hương, nhục quan hoa, tương tợ hoa mồng gà), tô-la-bà 蘇羅婆 (Phiên phạn ngữ, T54n2130, tr.1049a16: dịch là hảo đắc 好得, Skt. sulabha?), bồ-hê-na 蒱醯那 (?), la-lặc-liệu 羅勒蓼 (?).
[78] Phú la 覆羅. Pāli: phaḷubījaṃ: ucchu, veḷu, nāḷo, mía, tre và lau.
[79] Cam giá 甘蔗 (mía), trúc vĩ 竹葦 (tre và lau) ngẫu căn 藕根 (ngó sen).
[80] Thập tụng 12, Căn bản 28: ba-dật-đề 13. Các bộ khác: ba-dật-đề 12. Pāli, Pāc. 12 aññavādaka.
[81] Xiển-đà tỳ-kheo 闡陀比丘. Xem ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa xiii. Ngũ phần: Nhóm sáu tỳ-kheo phạm tội.
[82] Tứ phần (tr.642b10): Đương danh tác dư ngữ 當名作餘語. Thập tụng 12 (tr.76b14), ức thức pháp 憶識法. Căn bản 28 (tr.778b7), tác yết-ma ha trách 羯磨呵責. Pāli (Vin.iv. 35): aññavādakaṃ ropetu, khiển trách sự nói lảng.
[83] Thập tụng, Căn bản, Pāli, đều nói yết-ma bạch nhị.
[84] Thập tụng: Xiển-na (đà) trở chứng bằng cách im lặng không trả lời khi các tỳ kheo hỏi.
[85] Xúc não 觸惱. Thập tụng: ức thức pháp đối với việc im lặng gây phiền nhiễu.
Pāli, nt.: vihesakaṃ ropetu, khiển trách sự gây não loạn.
[86] Pāli: tuṇhībhūto saṅghaṃ viheseti, gây phiền nhiễu Tăng bằng thái độ im lặng.
[87] Dư ngữ 餘語. Trong giới văn, dị ngữ 異語. Pāli: aññavādaka, sự nói lảng, nói quanh để chối tội.ả
[88] Hán: xúc não 觸惱. Pāli: vihesako, sự gây rối: ở giữa Tăng khi được hỏi về sự vi phạm mà cố tình im lặng để gây phiền nhiễu Tăng.
[89] Thập tụng: Tăng chưa tác pháp ức thức mà im lặng để gây phiền nhiễu, độtkiết-la; đã tác ức thức, ba-dật-đề.
[90] Pāli. Pāc. 13 ujjhāpanaka. Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 12.
[91] Xem Ch.ii, tăng-già-bà-thi-sa viii & ix.
[92] Ch.ii, tăng-già-bà-thi-sa viii. Tăng kỳ 14: Ưu-ba-nan-đà. Căn bản 28: Hai tỳkheo Hữu và Địa cùng bàn chuyện với Ô-ba-nan-đà.
[93] Căn bản, nt. đối diện nói xấu.
[94] Căn bản nt., Phật khiến Tăng tác yết-ma ha trách cho Từ, Địa, sau đó mới chế giới.
[95] Hán: cơ hiềm 譏嫌. Ở đây, nói xấu sau lưng. Ngũ phần, vu thuyết 誣說; nói xấu. Tăng kỳ, hiềm trách 嫌責. Thập tụng, sân cơ 瞋譏, giận hờn mà chỉ trích. Căn bản, hiềm hủy 嫌毀. Pāli: ujjhāpanaka, sự bêu xấu hay nói xấu; giải thích (Vin.iv. 38): “Muốn làm cho người đó xấu hổ, mất danh dự; gây khó khăn cho người đó.”
[96] Căn bản nt., đối diện nhưng không gọi thẳng tên mà giả thác sự kiện khác.
[97] Thập tụng: sân cơ sai hội nhân 瞋譏差會人, giận hờn mà nói xấu người được Tăng sai, hay chức sự Tăng. Nếu không phải là chức sự Tăng sai, phạm đột-kiếtla.
[98] Các bộ khác, như Tứ phần. Pāli: Pāc. 14. mañcā (pathamasenāsanasikkhāphadaṃ)
[99] Thằng sàng, mộc sàng, ngọa cụ, tọa nhục 繩床木床臥具坐褥. Tăng kỳ: ngọa sàng, tọa sàng, nhục, chẩm 臥床坐床褥枕: giường nằm, giường ngồi, đệm, gối.
[100] Thằng sàng 繩床. Chỉ các loại giường nằm. Tăng kỳ: ngọa sàng 臥床. Thập tụng: tế thằng sàng 細繩床. Pāli: mañca, giải rằng có bốn loại: masāraka, trường kỷ; bundikābaddha, giường trải vạt; kuḷīrapādaka, giường chân cong (chân quỳ); āhaccapādaka, giường chân ráp (tháo gỡ được).
[101] Mộc sàng 木床. Tăng kỳ: tọa sàng 坐床. Thập tụng: thô thằng sàng 麤繩床. Pāli: pīṭhaṃ.
[102] Ma-ma-đế 摩摩帝; Tăng sử lược (T54n2126, tr.244c18): “Chùa lập ba giềng mối… Tiếng Phạn nói, Ma-ma-đế 摩摩帝, Tất-thế-na 悉替那, Yết-ma-na-đà 羯磨那陀; Hoa nói là Tự chủ 寺主, Thượng tọa 上座, Duyệt chúng 悅眾…” Theo đó, Ma-ma-đế có thể phiên âm không chỉnh của [vihāra-]svāmin: chủ tinh-xá, hay chủ chùa.
[103] Kinh doanh nhân 經營人, hay doanh sự tỳ-kheo, tức vị tri sự của Tăng, Skt. karma-dāna.
[104] Các bộ như nhau. Pāli. Pāc. 15. seseyya (dutiyasenāsana-sikkhāpadaṃ).
[105] Tứ phần & Pāli, giống nhau: ba-dật-đề 16. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 17. Pāli. Pāc. 16. anupakhaja.
[106] Thập tụng, nguyên nhân do Ca-lưu-đà-di.
[107] Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 16. Pāli, như Tứ phần. Pāli, Pāc. 17. nikkaḍḍhana.
[108] Pāli, Vin.iv. 43: các tỳ-kheo này dọn tinh xá lớn gần Kỳ hoàn để an cư.
[109] Tăng kỳ thêm chi tiết: “…cho đến, bảo tỳ-kheo: Ông hãy đi ra!” Thập tụng cũng thêm: “…Đi ra, si nhân! Không nên ở đây.” Căn bản thêm: “Trừ duyên cớ khác…” Pāli: saṅghikā vihārā, (kéo) ra khỏi tinh xá của Tăng.
[110] Các bộ như nhau. Pāc. 18. vehāsakuṭi.
[111] Trùng các 重閣. Pāli: upari-vehāsa-kuṭī, nghĩa không rõ, có lẽ chỉ tầng trên của gác cao, hay gác lửng; Ngũ phần: trùng các ốc 重閣屋; nhà có gác cao. Thập tụng 11 (tr.79a22): “Một người được chỗ trên gác; một người được chỗ dưới gác.” Cf. Nam Truyền, Luật tạng 2: “Một tỳ-kheo ở trên lầu, một tỳ-kheo ở dưới lầu.”
[112] Thoát cước sàng 脫腳床. Pāli: āhaccapādakaṃ mañcaṃ, giường có chân tháo gỡ được. Ngũ phần 6 (tr.44b18): tiêm cước sàng 尖腳床, giường chân nhọn.
[113] Ngũ phần thêm: dụng lực toạ ngoạ 用力坐臥, dùng sức ngồi hay nằm. Căn bản: phóng thân tọa ngọa 放身坐臥, buông người ngồi hay nằm.
[114] Hán: xá 舍; trong giới văn nói là phòng 房.
[115] Trùng các 重閣 . Pāli: vehāsakuṭī, giải thích: majjhimassa purisassa asīsaghaṭṭā, (gác cao) mà một người cao trung bình đứng không đụng đầu. Căn bản: trùng phòng 重房, giải thích: “tầng gác cao nguy hiểm, hư mục.”
[116] Độc tọa sàng 獨坐床. Có lẽ chỉ một loại ghế ngồi cho một người.
[117] Dục sàng 浴床. Ghế nhỏ, để ngồi mà tắm.
[118] Ngũ phần, ba-dật-đề 20. Pāli, Pāc. 20 sappāṇaka. Các bộ khác, như Tứ phần.
[119] Pāli: Phật tại Āḷavī (Khoáng dã).
[120] Xem Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa xiii. Tăng kỳ, doanh sự tỳ-kheo 營事比丘.
[121] Đại ốc 大屋. Ngũ phần: đại phòng xá 大房舍.
[122] Ngũ phần thêm: “hoặc uống, hoặc dùng vào các việc khác…” Căn bản thêm, “…hoặc hòa với phân bò…” Pāli: tiṇṇaṃ vā mattikaṃ vā siñceyya, tưới lên cỏ hoặc đất sét (hay đất bùn).
[123] Lạc tương và thanh lạc tương 酪漿清酪漿.
[124] Pāli, Pāc. 19: mahallaka-vihāra. Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 19. Cf. Ch.ii, Tăng-già-bà-thi-sa vii.
[125] Ngũ phần: có thí chủ cất cho. Tăng kỳ, Xiển-đà đi khuyến hoá để cất phòng.
[126] Ngũ phần: “…từ đất bằng, đắp lên đến chỗ chừa cửa sổ, khiến cho hết sức bền chắc, bên trên lợp ba lớp…” Thập tụng: “…dựng nhà lớn, đắp vách chừa cửa, trên đặt rường, dọn đất thật chắc, nên lợp hai, hay ba lớp…” Căn bản: “… ở bên phên cửa nên đặt thanh xà ngang và khung cửa sổ; đặt đường thoát nước. Khi dựng vách, nếu là đất bùn, nên đắp hai, ba lớp, cho đến xà ngang…:”
[127] Hán: chỉ thọ phú 指授覆, chỉ dẫn người khác lợp. Pāli: adhiṭṭhātabbaṃ, được lợp theo quy định.
[128] Tăng kỳ thêm “…nên làm (trụ) nơi chỗ đất ít cỏ…” Pāli: appaharite ṭhitena, “dựng trên chỗ ít cỏ tươi.” Căn bản: “…ở hai bên khung cửa nên đặt ngạch ngang, và các cửa sổ, đồng thời đặt lỗ thoát nước; khi dựng tường, nếu là bùn sình, đắp hai, ba lớp, ngang đến chỗ ngạch ngang thì thôi…”
[129] Đại xá 大舍. Trong giới văn: đại phòng xá. Tăng kỳ, Thập tụng: đại phòng 大房. Căn bản: đại trú xứ 大住處. Pāli: mahallakaṃ…vihāraṃ, tinh xá cỡ lớn.
[130] Phú 覆.
[131] Các bộ giống nhau. Pāc. 21. ovāda.
[132] Vương viên 王園. Pāli: Rājakārāma, khu vườn gần Jetavana do vua Pasenadi lập, phía đông nam Xá-vệ. Pāli không nói chi tiết này.
[133] Đại Ái Đạo 大愛道. Ngũ phần: Ba-xà-ba-đề 波闍波提. Căn bản: Đại Thế Chủ 大世主.
[134] Ban-đà 般陀. Thập tụng: Ban-đặc 般特. Pāli: Cūḷa-Panthaka (Châu-lợi Bànđà-già).
[135] Các đề tài được gọi là tạp luận hay súc sinh luận, Pāli: tiracchāna-kathā, cf. D.i. 7, 178, 179, liệt kê 28 loại. Cf. Hán, T1, tr.896b.
[136] Pāli: 8 đức tính.
[137] Bát bất khả vi pháp 八不可違法; tức 8 kỉnh pháp.
[138] Tự ngôn và mích tội: 2 trong 2 diệt tránh.
[139] Bản Hán, hết quyển 12
[140] Các bộ đều như nhau: ba-dật-đề 22. Pāc. 22. atthaṅgata.
[141] Tăng kỳ 15: “… từ sau mặt trời lặn cho đến trước khi bình minh xuất hiện…”
[142] Ngũ phần 7 (tr.46c22), Tăng kỳ (tr.347b25): ba-dật-đề 24; Thập tụng (tr.82c1), Căn bản (tr.804b26): ba-dật-đề 23. Vin. iv. 57. Pāc. 24 āmisa.
[143] Ngũ phần: “vì lợi dưỡng.” Thập tụng: “vì tài lợi.” Pāli: āmisahetu, “vì lợi lộc vật chất.”
[144] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 26; Tăng kỳ: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 24. Vin. iv. 59. Pāc. 25. cīvaradāna.
[145] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ iv.
[146] Xem Ch.iv. Ni-tát-kỳ i.
[147] Ngũ phần, Thập tụng: ba-dật-đề 27. Tăng kỳ: ba-dật-đề 29. Căn bản: ba-dật-đề 25. Vin. iv. 61. Pāc. 26 cīvarasibbana.
[148] Tăng kỳ: tỳ-kheo-ni Thiện Sinh 善生比丘尼, vợ cũ của Ưu-đà-di. Thập tụng: Quật-đa tỳ-kheo-ni 掘多比丘尼, quen biết cũ với Ca-lưu-đà-di. Căn bản: Cấp-đa bí-sô-ni 笈多苾芻尼.
[149] Ngũ phần: Ưu-đà-di 優陀夷. Pāli: Udāyin, khéo may y.
[150] Y tài, bản Cao Ly: 衣財; Tống-Nguyên-Minh: 衣裁.
[151] Hán: bạch thời đáo 白時到. Đoạn sau nói sau khi ăn xong trở về. Vậy, đây chỉ sự báo hiệu đã đến giờ đi thọ thực. Có lẽ Pāli: yadā bhikkhuni-saṅgho ovādaṃ āgacchati, khi nào chúng tỳ-kheo-ni đi nghe giáo giới.
[152] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提; trước kia nói là Đại Ái Đạo 大愛道.
[153] Pāli: sibbeyya vā sibbāpeya vā, may và khiến (người khác) may.
[154] Ngũ phần, Tăng kỳ: ba-dật-đề 25; Thập tụng: ba-dật-đề 28; Căn bản: ba-dật-đề 29. Vin. iv. 68. Pāc. 30. rahonisajja.
[155] Nguyên văn không có. Nhưng trong phần thích từ có, nên thêm vào cho đủ. Xem phần thích từ.
[156] Nhất xứ 一處; không có trong giới văn. Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản: độc 獨, một mình.Pāli: eko ekāya, một người với một người.
[157] Bình chướng xứ 屏障處, trong giới văn: bình xứ 屏處.
[158] Chướng 障; từ được giải không có trong giới văn.
[159] Ngũ phần (tr.48a17), ba-dật-đề 28; Tăng kỳ (tr.348b1), ba-dật-đề 26; Thập tụng (tr.82c2), ba-dật-đề 24; Căn bản (tr.806a19), ba-dật-đề 26. Vin. iv. 62. Pāc. 27 saṃvidhāna.
[160] Ngũ phần 7 (tr.48b24) các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni ở Ma-kiệt-đà.
[161] Ngũ phần: hoặc có nhiều đồng bạn. Tăng kỳ, Căn bản: không có yếu tố này. Thập tụng: hoặc đường đi cần có nhiều đồng bạn. Pāli: satthagamanīyo hoti maggo sāsaṅkasammato sappaṭibhayo, đường đi nguy hiểm, không an ninh, cần đi với một thương đội. Pāli: sattha, có nghĩa là gươm dao, cũng có nghĩa là thương đội, Anh dịch (Horner) hiểu là “cần đi với vũ khí”.
[162] Hán: hữu nghi xứ 有疑處. Cụm từ không có trong giới văn. Giới văn nói: nhược nghi 若疑. Pāli: sāsaṅkasammato.
[163] Tăng kỳ 15 (tr.348c7): đường, tính từ 1 câu-lô-xá đến 3 do-diên (do-tuần).
[164] Tăng kỳ nt, Thập tụng 11: đoạn đường không có thôn xóm, đi hết 1 câu-lô-xá là 1 ba-dật-đề.
[165] Ngũ phần, ba-dật-đề 29. Tăng kỳ, ba-dật-đề 27. Thập tụng 12, ba-dật-đề 25; Căn bản 23, ba-dật-đề 27. Pāli: Pāc. 28. nāvābhiruhana.
[166] Thập tụng 12: các tỳ-kheo-ni đồng bọn của Đề-bà-đạt-đa.
[167] Căn bản: hoặc duyên ba 沿波, hoặc tố lưu 泝流. Giải thích: duyên ba, đi xuôi dòng; tố lưu, đi ngược dòng.
[168] Các đoạn trên, không thấy định nghĩa liên hệ.
[169] Các bộ, ba-dật-đề 30. Pāli. Pāc. 29 bhikkhuniparipācitaṃ.
[170] Bạch thời đáo 白時到. Pāli: kālaṃ āroceti.
[171] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. Tăng-già-bàthi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn.
[172] Giáo hoá 教化, trên kia nói là khuyến hoá 勸化.
[173] Lê-sư-đạt 梨師達.
[174] Tăng kỳ: trừ cựu đàn-việt 除舊檀越.
[175] Trong giới văn, tán thán giáo hoá 讚歎教化; các bộ: tán thán 讚歎 Pāli: bhikkhunī-paripācita, gây ảnh hưởng bởi tỳ-kheo-ni.
[176] Dư thực pháp 餘食法; xem ba-dật-đề 36.
[177] Nhất tọa thực, ăn chỉ một lần ngồi, tức ăn một bữa. Cf. Trung A-hàm 50 (T1, tr.744b11); cf. ba-dật-đề 37. Pāli, ekāsana-bhojana, M.i.124.
[178] Nhất đoàn thực 一摶食, mỗi lần ăn một vắt cơm.
[179] Thường tọa tùy tọa 常坐隨坐.
[180] Ngũ phần, ba-dật-đề 67, Tăng kỳ, ba-dật-đề 68; Thập tụng, ba-dật-đề 70; Căn bản, ba-dật-đề 70; Pāli. Pāc. 67. saṃvidhāna.
[181] Hán: nãi chí thôn gian 乃至村間. Pāli: antamaso gāmantarampi. 2 Xem ba-dật-đề 27.
[182] ibid.
[183] Ngũ phần, ba-dật-đề 33; Tăng kỳ, ba-dật-đề 31; Thập tụng, ba-dật-đề 32; Căn bản, ba-dật-đề 32. Pāli Pāc. 31 āvasathapiṇḍa.
[184] Tức không có tinh xá của Tăng.
[185] Thập tụng 12: phước đức xá 福德舍 (nhà từ thiện), với phụ chú (tr.89c25): “Chính xác, gọi là nhất túc xứ 一宿處 (chỗ ngủ trọ một đêm).”. Pāli: āvasaṭhapiṇḍa, lữ xá có bố thí thức ăn.
[186] Ăn nhiều lần. Ngũ phần, Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 31; Tăng kỳ, ba-dật-đề 32; Pāli, Pāc. 33 paramparabhojana, ăn từ chỗ này đến chỗ khác.
[187] Sa-nậu 沙㝹. Ngũ phần 7: nhân duyên từ một người làm mướn nghèo khó. Thập tụng 12: một tiểu nhi mồ côi làm thuê. Pāli (Vin.iv. 75): aññatarassa daliddassa kammakārassa.
[188] A-na-tần-đầu 阿那頻頭. Cf. Mahāvagga 6, Vin.i. 220: Andhakavindha, một thị trấn trong vương quốc Magadha.
[189] Tất bạt 蓽苃, loại cỏ có bông trắng trổ vào mùa xuân, dùng làm thuốc. Không rõ Pāli.
[190] Pāli, nt., yāguñca madhugoḷakañca, cháo (sữa cháo) và kẹo mật (mật viên).
[191] Tức gừng, tiêu và cỏ tất bạt.
[192] Không rõ loại bánh gì. Pāli, nt. madhugoḷaka, mật hoàn.
[193] Thỉnh thực 請食.
[194] Hán: thượng hữu lậu 上有漏 . Cf. Pāli: kāmānaṃ ādīnavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ, sự tai hại, tháp hèn và ô nhiễm của các dục. Có lẽ Hán dịch tương đương: upakkiliṭṭha, ô nhiễm.
[195] Tăng thượng quả 增上果; chỉ quả Thánh. Đây chỉ quả Tu-đà-hoàn. Chính xác, nên hiểu: ở trong Chánh pháp mà đạt được sự vô uý.
[196] Trù chúc 稠粥; trên nói là nùng chúc 濃粥.
[197] Hán: xiếu 麨, mạch yến mài nát vụn (Khang Hy). Hoặc đọc là khứu 糗, lương khô (Thiều Chửu). Từ nguyên: xiếu 麨, tức khứu 糗; gạo, lúa mạch các thứ rang chín sau đó nghiền thành bột làm lương khô.
[198] Năm loại thức ăn: xem định nghĩa đoạn sau, cht. 201; cf. xem ba-dật-đề 35.
[199] Triển chuyển thực 展轉食: ăn luân phiên. Ngũ phần, Thập tụng: sác sác thực 數數食. Tăng kỳ: xứ xứ thực 處處食; ăn nhiều chỗ. Pāli: paraṃparabhojana. 2 Năm loại thức ăn, Hán: phạn, khứu, can phạn, ngư, cập nhục 飯糗乾飯魚及肉. Pāli: odana (cơm chín), kummāsa (bánh bột, hay cháo chua), sattu (bánh khô), maccha (cá), maṃsa (thịt). Cf. Căn bản (tr.821b24), 5 loại thực phẩm bồ-thiệnni thực 蒲繕尼: cơm, đậu mạch, lương khô, thịt, bánh 飯麥豆飯糗肉餅.
[200] Bản Hán, hết quyển 13.
[201] Ngũ phần 7 (tr.50b12), ba-dật-đề 32; Tăng kỳ , ba-dật-đề 40, lời chú (tr.362b24) nói: bản Phạn lưu trong tinh xá Kỳ-hoàn bị mọt ăn mất điều 40 biệt chúng thực; Thập tụng (tr.39b11), ba dật-đề 36; Căn bản (tr.823b13), ba-dật-đề 36. Pāli, Pāc. gaṇabhojana.
[202] Xem Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 10.
[203] Đề-bà-đạt 提婆達, Tam-văn-đà-la-đạt 三聞陀羅達, Khiên-đà-la-đạt-bà 騫駄羅達婆, Cù-bà-ly 瞿婆離, Ca-lưu-la-đề-xá 迦留羅提舍. Xem Ch.ii. tăng-già-bàthi-sa x & cht.123, Đề-bà-đạt-đa và đồng bọn.
[204] Bốn tỳ-kheo trở lên, nhưng chưa đủ yếu tố để thành Tăng (Pāli. Saṅgha), thì gọi là biệt chúng (gana).
[205] Biệt chúng thực 別眾食. Xem giải thích đoạn sau. Ngũ phần 7 (tr.50c24): biệt thỉnh chúng thực 別請眾食.
[206] Ca-đề nguyệt 迦提月; Xem Ch. iv, ni-tát-kỳ 29.
[207] Xem cht. trên.
[208] Tăng chia làm nhiều chúng riêng. Mỗi chúng thọ thực tại mỗi nơi khác nhau.
[209] Bình-sa vương 瓶沙王. Xem Ch. i ba-la-di 2; Ch. ii tăng-già-bà-thi-sa 10.
[210] Tức chúng tỳ-kheo được tu sĩ đạo khác mời ăn.
[211] Năm loại thức ăn, xem ba-dật-đề 32 trước.
[212] Pāli: mahāsamayo, bản Anh dịch hiểu là sự khan hiếm cực kỳ, do Pāli samaya có nghĩa: thời tiết, cơ hội. Trong Skt., samaya còn có nghĩa “tập hội.” Ngũ phần: đại hội thời 大會時. Thập tụng: đại tập hội. Căn bản: đại chúng thực 大眾食. 2 Pāli: samaṇabhattasamayo, được giải thích: “bữa ăn của sa-môn, nghĩa là bữa ăn được làm bởi sa-môn.” (Vi. iv. 475).
[213] Ngũ phần, ba-dật-đề 34. Tăng kỳ, ba-dật-đề 38; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 33. Pāli, Pāc. 34.
[214] Già-nhã-na 伽若那. Tăng kỳ: Hạt Nhãn 瞎眼. Thập tụng: Lai Nhãn 睞眼; vì mắt lé. Pāli: Kāṇamātā.
[215] Pāli: ba lần cô chuẩn bị lương thực đi đường đều lần lượt bố thí hết cho ba tỳkheo, nên trễ chuyện về nhà chồng. Các bộ khác cũng vậy.
[216] Hán: bính, khứu 餅糗. Pāli: pūvehi vā manthehi, giải thích, pūva, bánh để làm quà; mantha, lương khô để đi đường.
[217] Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: xuất ngoại 出外, ra khỏi chỗ đó. Căn bản: trở về trú xứ. Pāli: tato nīharitvā, sau khi mang ra khỏi chỗ đó; giải thích: nhận xong rồi trở về (paṭikkamaṃ).
[218] Tỳ-kheo này không mang về bát nào, nhắc tỳ-kheo khác biết có thể mang về hai hoặc ba bát.
[219] Tỳ-kheo này đã mang về một bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về tối đa hai bát.
[220] Tỳ-kheo này đã mang về hai bát, nhắc tỳ-kheo kế tiếp biết chỉ được mang về một bát nữa thôi.
[221] Ngũ phần, ba-dật-đề 35; Tăng kỳ, ba-dật-đề 33; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 34. Pāli, Pāc. 35.
[222] Nhất thực pháp 一食法 hay nhất tọa thực, ngày ăn một bữa. Pāli: ekāsana/ ekabhatta. Bản Hán đọc là eka-asana: một lần ăn, nhất thực. Các bản khác đọc eka-āsana, một chỗ ngồi, nhất tọa (thực). Cf. M.i. 437.
[223] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pāli: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn). Xem giải thích đoạn giới tướng, và cht. 201 ba-dật-đề 32.
[224] Chánh thực 正食. Pāli: bhojanīya, thức ăn loại mềm. Xem cht. ch ba-dật-đề 32.
[225] Sác sác thực 數數食.
[226] Túc thực pháp 足食法. Xem đoạn sau.
[227] Tăng kỳ: “… ăn đã đủ, đã rời chỗ ngồi…” Pāli: bhuttāvī pavārito, ăn đã xong, và đã no. Bản Hán hiểu pavārito là “được yêu cầu.”
[228] Dư thực pháp 餘食法. Ngũ phần, và các bộ khác: tàn thực pháp 殘食法.
[229] Cf. Ngũ phần 7 (tr.52c13), mỗi loại thức ăn có 5 sự được nói là túc thực: có thức ăn, đã trao cho, đã nhận và đã nhai và nuốt, ăn đã xong, đã rời khỏi chỗ ngồi, gọi là túc thực (ăn đã đủ). Pāli, Vin. iv. 82, 5 yếu tố để thành túc thực: 1. được biết là đang ăn (asanaṃ paññāyati), 2. được biết là có thức ăn (bhojanaṃ paññāyati), 3. đứng gần trong tầm tay (hatthapāse ṭhito), 4. mang đến cho (abhiharati), 5. được biết là đã từ chối, vì đã ăn no (paṭikkhepo paññāyati).
[230] Nghĩa là, không còn “đang đi” nữa.
[231] Nội dung các đoạn lặp chỉ khác nhau về thức ăn.
[232] Pāli: khādanīya, thức ăn loại cứng (cần phải cắn), được giải thích (Vin. iv. 83): trừ 5 loại thức ăn chính (bhojanīya, loại mềm), trừ thực phẩm loại để qua đêm, 7 ngày, và suốt đời, còn lại đều là thức ăn loại cứng. Thập tụng (tr.91b11), 5 loại khư-đà-ni 佉陀尼: rễ, cọng, lá, mài, quả 根莖葉磨果. Căn bản (tr.821b22): rễ, cọng, lá, hoa, quả 根莖葉花果. Ngũ phần 7 (tr.52c12): phạn (cơm), can phạn (cơm khô), bính xiếu (bánh bột), ngư (cá), nhục (thịt) 飯乾飯餅糗魚肉
[233] Ma tế mạt 磨細末. Đoạn sau nói là tế mạt thực 細末食.
[234] Ngũ phần, ba-dật-đề 36; Tăng kỳ, ba-dật-đề 34; Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 35. Pāli, Pāc, 36.
[235] Xem cht.ch ba-dật-đề 35.
[236] Thỉnh 請. Các bản khác: thuyết thỉnh. Giải thích từ “thọ thỉnh” trong giới văn, nhưng đoạn trên không có giải thích. Chính xác, đây giải ý nghĩa “túc thực” (Pāli: pavārita) mà bản Hán hiểu là “thọ thỉnh (được yêu cầu).” Xem cht.ch ba-dật-đề 35 trước.
[237] Ngũ phần 8, ba-dật-đề 38; Tăng kỳ, ba-dật-đề 36; Thập tụng, Căn bản, ba-dậtđề 37. Pāli, Pāc. 37.
[238] Ca-lưu-đà-di 迦留陀夷. Cf. M.i. 437 (Bhaddālisutta): chuyện tôn giả Bhaddāli. Xem Trung A-hàm 51, kinh 194 Bạt-đà-hòa-lợi, T1, tr.746.
[239] Pāli, Kāḷudāyi (Skt. Kālodāyin): Kāḷa + Udāyī, nghĩa là, Udāyi đen, vì nước da ông ngăm đen.
[240] Pāli: thức ăn loại cứng (khādānīya) và loại mềm (bhojanīya).
[241] Xem các đoạn trên, và cht. liên hệ.
[242] Loại thức ăn (xem là thuốc) được phép để dùng trong thời hạn bảy ngày.
[243] Thuốc (thức ăn) cất dùng không kể thời hạn.
[244] Hắc thạch mật 黑石蜜, loại đường cát chưa tinh luyện.
[245] Pāli: kiṇṇa, chất gây men.
[246] Ngũ phần, ba-dật-đề 39; Tăng kỳ, ba-dật-đề 37 (chung với phi thời thực); Thập tụng, Căn bản, ba-dật-đề 38. Pāli, Pāc. 38.
[247] Ca-la 迦羅. Thập tụng 13, tỳ-kheo Thượng Thắng 上勝. Căn bản 36, Cụ thọ Ca-la 具壽哥羅 . Pāli: Belaṭṭhasīsa, Hoà thượng của A-nan (ānandassa upajjhāyo).
[248] Văn Hán đoạn này hơi tối. Cf. Căn bản 36 (tr.824c24): Nếu khất thực được thức ăn ướt, lấy bát mà nhận rồi ăn ngay. Nếu là thức ăn khô, lấy khăn gói lại mang về cất. Hôm nào trời mưa không đi khất thực được, lấy ra ăn. Cf. Pāli, Vin. iv. 86: Belaṭṭha để dành cơm, phơi khô. Khi cần ăn, mang ra rưới nước vào rồi ăn.
[249] Tàn túc thực 殘宿食. Tăng kỳ: đình thực 停食, thức ăn để dành. Căn bản 36: tăng xúc thực 曾觸食. Pāli: sannidhikāraṃ khādānīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā khādeyya vā bhuñjeyya vā, ăn các thức ăn được tích trữ.
[250] Hán: túc thực 宿食, trong giới văn: tàn túc thực 殘宿食. Pāli: sannidhikarānaṃ khādanīyaṃ vā bhojanīyaṃ vā, tích trữ các loại thức ăn cứng và mềm.
[251] Chánh thực và phi chánh thực 正食非正食; tức bồ-xà-ni (loại mềm) và khư-đàni (loại cứng). Xem giải thích các đoạn trên.
[252] Bản Hán, hết quyển 14.
[253] Ngũ phần 7, ba-dật-đề 37; Tăng kỳ 16, ba-dật-đề 35; Thập tụng 13, Căn bản 36, ba-dật-đề 38. Pāli, Pāc.40 dantapona.
[254] Ngũ Phần 7 (tr.53a20): Đại Ca-diếp lượm và ăn đồ ăn người ta bỏ đống rác; bị chê là ăn đồ dơ. Tăng kỳ 16 (tr.357a05): A-na-luật sống hoàn toàn bằng phấn tảo: lượm giẻ rách làm y, nhặt cơm từ đống rác mà ăn; bị chỉ trích tranh ăn với chim chóc. Thập tụng 13 (tr.95c25): tỳ-kheo Ma-ha Ca-la; Căn bản 36 (tr.825a27), cụ thọ Ca-la; nhân duyên tương tợ như các bộ, chỉ khác nhân vật. Pāli, Vin. iv. 89: aññataro bhikkhu sabbapaṃsukūliko susāne viharati, một tỳ-kheo nọ, là vị trì phấn tảo toàn diện, sống trong khu mộ.
[255] Pāli: adinnaṃ... āhāraṃ, thức ăn không được người khác trao cho.
[256] Bất thọ 不受. Trong giải thích, nói là bất dữ 不與. Thập tụng: bất thọ 不受, không nhận từ người khác. Tăng kỳ: bất dữ thủ 不與取. Pāli: adinna, (vật) không được cho; giải thích: appaṭiggahitakaṃ, (vật) chưa được nhận lấy, hay chưa được tiếp nhận.
[257] Ngũ phần thêm: “trừ thức nếm (thường thực 嘗食).” Căn bản: “bỏ vào miệng rồi nhai, nuốt.” Pāli: aññatra udakadantapoṇā, bản Anh hiểu là “nước súc miệng.”
[258] Bất dữ 不與. Trong giới văn nói bất thọ 不受. Pāli: adinnaṃ. Xem cht. trên. 2 Cf. Ngũ phần7 (tr.53c20) có bốn cách nhận. Trao và nhận bằng thân với thân; trao và nhận qua một vật; trao và nhận qua tay với tay; bảo cầm lấy mà nhận.
[259] Chỉ chánh thực hay bồ-xà-ni.
[260] Tô, du, sanh tô, mật, thạch mật
[261] Vì không thể nhổ sạch hoàn toàn.
[262] Ngũ phần 8, ba-dật-đề 41; Tăng kỳ 16, ba-dật-đề 39. Thập tụng 13, Căn bản 36: ba-dật-đề 40. Pāli, Pāc. 39.
[263] Tạp thực 雜食. Giới văn nói là mỹ thực 美食. Xem giải thích sau.
[264] Trong bản: mỹ thực. Trên, nói là tạp thực. Pāli: paṇītabhojāni, thức ăn mỹ vị.
[265] Trong bản: đắc 得. Thập tụng: “…có 有 trong nhà bạch y.” Ngũ phần: “… có 有 trong các gia đình.” Pāli: yāni …tāni, liên hệ đại từ: những gì là (thức ăn mỹ diệu) mà…Vì Hán không có yếu tố ngữ pháp tương đương nên các bản dịch đều tỏ ra lúng túng.
[266] Căn bản. “loại ẩm thực mà Thế tôn nói là mỹ diệu.” Pāli: pāṇitabhojanāni, liệt kê: sappi, bơ lỏng (trong) hay đề hồ, navanīta. bơ tươi (đặc) hay sanh tô, tela, dầu mè, madhu, mật ong, phāṇita, đường mía hay mật mía, maccha, cá, maṃsa, thịt, khīra, sữa, dadhi, sữa đặc.
[267] Trong bản: ẩm thực; các đoạn trên không có chữ ẩm 飲 .
[268] Nhất tọa gian 一坐間; chính xác, hiểu là không thể ăn ngày một bữa mà no đủ. Định nghĩa của Pāli: người bệnh (gilāno), là người cần thức ăn mỹ diệu mới thấy khoẻ khoắn.
[269] Ngũ phần, ba-dật-đề 40; Tăng kỳ: 52; Thập tụng, Căn bản, 44. Pāli. Pāc.41.
[270] Hán: lõa hình ngoại đạo (xuất) gia nữ 裸形外道家女. Bản Hán có sự chép nhầm. Chính xác, ngoại đạo xuất gia nữ (Pāli: paribbājikā). Trong giới văn Pāli, loã hình acelakassa (Skt. acelakāya) thuộc nam tánh.
[271] Phạm-chí, phiên âm từ tương đương Pāli: pabbājaka, người xuất gia thuộc các nhóm ngoại đạo. Thỉnh thoảng từ này cũng chỉ cho bà-la-môn (brāhmaṇa). Trong Luật Pāli, chuyện kể nam loã hình ngoại đạo (acelaka).
[272] Trong bản Hán chép thiếu hai chữ lõa hình 形外 đã được nêu trong văn kết giới lần đầu. Pāli: acelakassa vā paribbājakassa vā paribbājikāya vā, cho các lõa hình (nam), hay xuất gia (ngoại đạo) nam hay xuất gia (ngoại đạo) nữ; không có lõa hình ngoại đạo nữ. Ngũ phần: cho ngoại đạo lõa hình nam hay nữ. Tăng kỳ: vô y ngoại đạo và xuất gia nam, nữ. Căn bản: vô y ngoại đạo, và các nam, nữ ngoại đạo khác.
[273] Chính xác, giải thích từ lõa hình trong giới văn. Có lẽ do người chép nhầm nên đảo ngược thành giải thích từ ngoại đạo.
[274] Ba-tư-ba-la-xà 波私波羅闍. phiên âm không chuẩn của từ Skt. parivrāja (nam), parivrājikā (nữ); hoặc Pāli, paribbājaka (paribbājikā): người xuất gia, chỉ các du sĩ (nam, nữ) ngoại đạo. Giải thích từ ngoại đạo 外道 trong giới văn.
[275] Đây chỉ chánh thực hay bồ-xà-ni.
[276] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 82; Tăng kỳ 20, Thập tụng 17, Căn bản 43: ba-dật-đề 81. Pāli, Pāc. 46.
[277] Các đoạn sau nói thực tiền, trước bữa ăn.
[278] Cam quả 甘果. Ngũ phần: thục thực 熟食, thức ăn chín (trái cây). Pāli: khādānīya, thức ăn loại cứng.
[279] Y-ni-diên-đà 伊尼延陀, Skt. aiṇeya, lông dê(?)
[280] Ngũ phần: không báo cho tỳ-kheo ở gần. Nếu không có tỳ-kheo gần đó để báo, không phạm.
[281] Thực hậu 食後. Tăng kỳ: ăn xong rồi, vẫn còn sớm, gọi là thực hậu. Thập tụng: trung tiền trung hậu 中前中後, trước và sau giữa trưa.
[282] Biên phòng 邊房. Thập tụng: Tăng phường 僧坊.
[283] Cf. Ngũ phần.
[284] Ngũ phần: không có. Tăng kỳ, ba-dật-đề 54; Thập tụng, Căn bản: 42. Pāli, Pāc. 43.
[285] Duyên khởi theo Thập tụng và Căn bản: người chồng đang có dục tâm với vợ nhưng bị tỳ-kheo ngồi lì gây trở ngại. Chi tiết này giải thích từ hữu thực gia: gia đình đang hưởng thọ dục lạc.
[286] Thực gia 食家; xem giải thích sau.
[287] Thực gia 食家. Thập tụng: hữu thực gia 有食家; giải thích: người nữ là thức ăn của người nam. Căn bản: tri hữu thực gia 知有食家, biết trong nhà nam nữ đang có dục tâm với nhau. Tăng kỳ: biết nhà có ăn, ngồi chỗ hành dâm; giải thích: nam là thức ăn của nữ; nữ là thức ăn của nam. Pāli: sabhojana, giải thích: nhà có nam và nữ; nam nữ đang có dục tâm với nhau (ubho avītarāgā).
[288] Vật báu: các bộ khác không có yếu tố này. Có thể bản Hán hiểu sabhojana (có thức ăn) đồng nghĩa với sabhoga (có tư cụ hay tài bảo).
[289] Hán: cưỡng an tọa. Pāli: anupakkhajja nisajjaṃ, xâm nhập (đột nhập) mà rồi ngồi.
[290] Vin. iv. 95 (Pāc. 43): trong nhà lớn, nếu ngồi cách ngạch cửa mà tay có thể vươn đến (hatthapāsaṃ vijahitvā), phạm ba-dật-đề. Trong nhà nhỏ, nếu ngồi chỗ qua khỏi đòn dông (piṭṭhivaṃsaṃ atikkamitvā), ba-dật-đề.
[291] Ngũ phần: ba-dật-đề 42; Tăng kỳ: 70; Thập tụng, Căn bản: 42.
[292] Ngũ phần: ngồi với người nữ. Tăng kỳ: ngồi với người nữ độc nhất tại chỗ khuất vắng. Căn bản: ngồi tại chỗ khuất kín. Pāli, Pāc. 44: mātugāmena saddhiṃ raho paṭicchanne āsane nisajjaṃ, ngồi với người nữ tại chỗ vắng khuất được che kín (không có yếu tố thực gia).
[293] Ngũ phần: ba-dật-đề 44; Tăng kỳ, không có. Căn bản, không có. Thập tụng: 29. Pāli, Pāc. 45.
[294] Thập tụng: tỳ-kheo-ni Quật-đa 掘多比丘尼, quen thân cũ.
[295] Cf. điều 33 & 34 trên, và các cht. liên hệ.
[296] Lộ địa, hay lộ xứ. Nhưng trong phần thích từ giải là bình xứ, chỗ khuất. Tăng kỳ: tại chỗ trống vắng 空靜處. Pāli: raho, tại chỗ vắng khuất; giải thích: khuất mắt không thấy, khuất tai không nghe.
[297] Bình xứ 屏處. Nhưng, giới văn: lộ địa 露地.
[298] Ngũ phần: ba-dật-đề 76; Tăng kỳ: ba-dật-đề 44; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 51. Pāli Pāc. 42.
[299] Ngũ phần: tỳ-kheo Đạt-ma 達摩比丘.
[300] Thôn 村. Giới văn: tụ lạc 聚落.
[301] Ngũ phần: ba-dật-đề 62; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 74. Pāli, Pāc. 47.
[302] Thích-suý-sấu 釋翅搜. Pāli: Sakkesu, giữa những người họ Thích.
[303] Pāli: họ tìm cách làm mất tiếng Mahānāma.
[304] Tứ nguyệt (thỉnh) nhân duyên thỉnh dữ dược 四月(請)因緣請與藥. trong này dư chữ thỉnh đầu. Từ nhân duyên 因緣 tức Pāli paccaya, duyên; đây chỉ một trong bốn duyên hay bốn nhu yếu của tỳ-kheo là thuốc. Ngũ phần: tứ nguyệt tự tứ thỉnh 四月自恣請. Tăng kỳ: tứ nguyệt biệt tự tứ thỉnh 四月別自恣請. Thập tụng: tứ nguyệt tự tứ thỉnh 四月自恣請. Pāli: cātumāsapaccaya-pavāraṇā, được yêu cầu tuỳ ý đối với các nhu yếu trong bốn tháng.
[305] Tính thời gian liên tục, cộng luôn những ngày bị cắt đứt.
[306] Trừ (những) thời gian bị gián đoạn, cộng thời gian trước đó và sau khi nối lại cho đủ bốn tháng.
[307] Căn bản, bốn ngoại trừ: biệt thỉnh, cánh thỉnh, ân cần thỉnh, thường thỉnh. Thập tụng, trừ ba: thường thỉnh, sác sác thỉnh, biệt thỉnh. Ngũ phần, trừ ba: cánh thỉnh, tự tống thỉnh, trường thỉnh. Tăng kỳ, trừ hai: cánh thỉnh và trường thỉnh. Pāli, trừ hai: yêu cầu thêm nữa (punapavāraṇa) và yêu cầu thường xuyên
(niccapavāraṇa).
[308] Từ được dùng trong văn kết giới lần đầu. Các lần sau, bản Hán lược bỏ. Pāli: paccaya, duyên; đây chỉ thuốc là một trong bốn duyên của tỳ-kheo.
[309] Ngũ phần: ba-dật-đề 45; Tăng kỳ: ba-dật-đề 55; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 45. Pāli, Pāc. 48.
[310] Ba-tư-nặc 波斯匿王. Pāli: Pasenadi, vua nước Kosala.
[311] Lị-sư-đạt-đa và Phú-la-na 利師達多富羅那. Xem ch. iv. ni-tát-kỳ 28.
[312] Ngũ phần: quán quân phát hành 觀軍發行, xem quân đội xuất trận. Pāli: uyyuttaṃ senaṃ dassanāya, xem quân đội xuất chinh; giải thích: hoặc ra khỏi làng (gāmato kikkhamitvā), hoặc đồn trú (niṭṭhitvā), hoặc xuất phát (payātā).
[313] Ngũ phần: ba-dật-đề 46; Tăng kỳ: ba-dật-đề 56; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 46. Pāli, Pāc. 49.
[314] Bản Hán, hết quyển 15.
[315] Ngũ phần: ba-dật-đề 47; Tăng kỳ: ba-dật-đề 57; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 47; Pāli, Pāc. 50.
[316] Thập tụng: xem dụng binh khí, tù và, cờ xí, hai bên giao chiến. Căn bản: xem chỉnh trang quân đội, cờ xí, bố trận.
[317] Thập tụng 14 (tr.102a04), bốn thế trận: trận hình cánh cung, trận hình bán nguyệt, trận hình mặt trời, trận hình mũi nhọn. Căn bản 37 (tr.832c13), bốn thế trận: thế mũi nhọn, thế gọng xe, thế bán nguyệt, thế cánh đại bàng.
[318] Hán: trương chân 張甄.
[319] Hán: giảm tương (tướng?) trận 減相陣, không rõ nghĩa.
[320] Ngũ phần: ba-dật-đề 57; Tăng kỳ: 76; Thập tụng, Căn bản: 79. Pāli, Pāc. 51.
[321] Chi-đà 支陀國 . Pāli, Vin.iv. 108: cetiyesu...bhaddavatikā. Ngũ phần 8 (tr.59c26): tại Câu-xá-di 拘舍彌. Thập tụng 17 (tr.120b29): Phật tại nước Chiđề, ấp Bạt-đà-la-bà-đề 支提國跋陀羅婆提邑.
[322] Sa-già-đà 娑伽陀. Thập tụng: Sa-già-đà 莎伽陀. Ngũ phần: Sa-kiệt-đà 沙竭陀. Tăng kỳ, Căn bản: Thiện Lai 善來. Pāli: Sāgata.
[323] Cúng dường nhân (Pāli: upaṭṭhāka).
[324] Đệ nhất phòng 第一房. Pāli: agyāgāra, căn nhà thờ lửa; bản Hán đọc là aggāra.
[325] Tăng kỳ: tên nó là Am-bà-la 菴婆羅. Thập tụng: Am-bà-la-đề-tha 菴婆羅提他.
[326] Câu-thiểm-di chủ 拘睒彌主. Có lẽ là quốc chủ, như kể ở đoạn sau.
[327] Hắc tửu 黑酒. Tăng kỳ: thạch mật tửu 石蜜酒, rượu mía. Pāli: kāpotikā, loại rượu quý, có lẽ màu trắng hay xám tro như màu lông chim bồ câu (kapota) nên gọi như thế.
[328] Mộc tửu 木酒; rượu chế biến từ trái cây.
[329] Xá-lâu già 舍樓伽. Pāli: sālūka, rễ hay củ sen.
[330] Nhuy trấp 蕤汁. Uy nhuy, một loại dược thảo, hoa màu xanh (Khang Hy).
[331] Chính xác, nước ngọt có vị rượu. Thập tụng, tỳ-kheo uống rượu ngọt (điềm tửu 甜酒) và rượu chua (thố tửu 酢酒) đều phạm ba-dật-đề.
[332] Căn bản: uống những thứ làm cho say, ba-dật-đề; nhưng thứ không làm cho say, đột-kiết-la.
[333] Ngũ phần 8: ba-dật-đề 55; Tăng kỳ 19: ba-dật-đề 66; Thập tụng 16, Căn bản 40: ba-dật-đề 64. Pāli, Pāc. 53.
[334] A-kỳ-la-bà-đề 阿耆羅婆提. Ngũ phần: A-di-la hà 阿夷羅河. Thập tụng: A-chỉla hà 阿脂羅河. Căn bản: A-thị-la-bạt-để hà 阿市羅跋底河. Pāli: Aciravatī.
[335] Mạt-lợi phu nhân 末利夫人 (Mallikā-devī) chánh cung của vua Ba-tư-nặc (Pl. Pasenadi). Căn bản: Thắng Man phu nhân 勝鬘夫人.
[336] Na-lăng-ca 那陵迦. Ngũ phần: Na-lân-già 那鄰伽. Có lẽ Pāli: Nāḷijaṅgha, người bà-la-môn mà Phu nhân thường sai đến Phật thỉnh ý kiến; cf. M. ii. 108. Các bộ khác không đề cập. Luật Pāli: vua Pasenadi nhờ các tỳ-kheo này mang về cho Phật một thỏi đường. Phật biết ý vua, khiển trách các tỳ-kheo nghịch phá.
[337] Ngũ phần: ba-dật-đề 54; Tăng kỳ: ba-dật-đề 67; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 63. Pāli, Pāc. 52.
[338] Phần lớn các bộ giống nhau. Thập tụng thêm: các tỳ-kheo nghi phạm ba-la-di, bạch Phật. Phật nói, không có ý sát, không phạm. Tăng kỳ 19: các tỳ-kheo trẻ lấy ngón tay thọc nhau đùa giỡn, không có án mạng.
[339] Tăng kỳ: thụi bằng nắm đấm, thâu-lan-giá.
[340] Ngũ phần: ba-dật-đề 58; Tăng kỳ: ba-dật-đề 77; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 78. Pāli, Pāc. 54.
[341] Xem Ch.ii. tăng-già-bà-thi-sa 12, ch. v. ba-dật-đề 12, và các cht. liên hệ.
[342] Hán: dục; trợ ngữ, thường dùng để dịch các động từ thì tương lai của tiếng Phạn.
[343] Ngũ phần: khinh sư 輕師; bất kính đối với Hoà thượng, A-xà-lê. Tăng kỳ: khinh tha 輕他; coi thường các tỳ-kheo, khi Tăng gọi thì không đến. Thập tụng, Căn bản: bất cung kính 不恭敬; coi thường đại chúng tỳ-kheo. Pāli: anādariye, bất kính.
[344] Ngũ phần: ba-dật-đề 73; Tăng kỳ: ba-dật-đề 65; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 66. Pāli. Pāc. 55.
[345] Ba-la-lê-tỳ 波羅梨毘. Thập tụng: Phật tại Duy-da-li 維耶離, trong núi Ma-câula 摩俱羅.
[346] Na-ca-ba-la 那迦波羅. Thập tụng: tỳ-kheo thị giả bấy giờ là Tượng Thủ 象守 (Nāgapāla?). Cf. Tạp A-hàm 49 (Kinh 1320). Cf. Pāli, Udāna 1.7. Pāṭalī.
[347] Kim kinh hành đường 金經行堂. Thập tụng: hoá thành hang lưu ly 琉璃窟.
[348] Câu-chấp. Pāli: kojava (kocava): chăn lông. Nhưng, Wogihara cho là dịch từ Skt. kauśeya: lụa, quyến, đoạn.
[349] Thập tụng: sau này sẽ lậu tận, đắc quả A-la-hán.
[350] Khủng bố 恐怖. Pāli: bhiṃsāpeyya.
[351] Ba-la thanh 波羅聲; chưa rõ tiếng gì.
[352] Tát-la thọ 薩羅樹; có lẽ Pāli: sāla.
[353] Ca-sa vị; có lẽ tương đương Pāli: kasaṭa: vị đắng chát, hay chua chát.
[354] Ngũ phần: ba-dật-đề 70; Tăng kỳ: ba-dật-đề 50; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 60. Pāli, Pāc. 57.
[355] Pāli: hồ nước Tapodā.
[356] Xem Ch.i. ba-la-di 2 & cht. 64.
[357] Ngũ phần, ba-dật-đề 68. Tăng kỳ: ba-dật-đề 41; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 52; Pāli, Pāc. 56.
[358] Xem Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 6.
[359] Ôn thất 溫室; nhà tắm có nước nóng. Pāli: jantāghara.
[360] Ngũ phần: ba-dật-đề 78; Tăng kỳ: ba-dật-đề 64; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 67. Pāli, Pāc. 60.
[361] Ngũ phần: ba-dật-đề 81; Tăng kỳ: ba-dật-đề 63; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 68. Pāli, Pāc. 59.
[362] Xem cht. Ch.iv, Ni-tát-kỳ 1.
[363] Ngũ phần: ba-dật-đề 77; Tăng kỳ: ba-dật-đề 48; Thập tụng, ba-dật-đề 59. Căn bản: ba-dật-đề 58. Pāli, Pāc. 58.
[364] Ngũ phần 9 (tr.68a25) xanh, đen, mộc lan. Thập tụng 15 (tr.109b11) màu xanh, màu bùn, nâu đỏ 青 (thanh) 泥 (nê) 茜 (thiến). Căn bản 39 (tr.845a14) màu xanh, màu bùn, màu đỏ 青泥赤. Pāli: nīla (xanh lá cây), kaddama (bùn), kāḷasāmaka (màu đen, hay gần đen).
[365] Ngũ phần: ba-dật-đề 51; Tăng kỳ: ba-dật-đề 61; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 61. Pāli, Pāc. 61.
[366] Hán: súc sanh mạng. Căn bản: bàng sanh mạng 傍生命. Pāli: pāṇaṃ jīvitā, sinh mạng của loài có hơi thở.
[367] Xem Ch.i ba-la-di 3, phần thích nghĩa.
[368] Để bản: giáo. Bản khác chép: sát.
[369] Được hiểu là cắm chông.
[370] Xem ba-dật-đề 19.
[371] Bản Hán, hết quyển 16.
[372] Ngũ phần: ba-dật-đề 52; Tăng kỳ: ba-dật-đề 62; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 62. Pāli, Pāc. 77.
[373] Các bộ đều nói, gieo nghi ngờ 17 tỳ-kheo này không đắc giới cụ túc vì thọ không như pháp.
[374] Đoạn trên, không nêu tội danh này.
[375] Tăng kỳ: bất an trong chốc lát. Căn bản: cho đến khiến chỉ bất an trong chốc lát. Thập tụng 16 (tr.111b17) “Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác.” Pāli: “khiến cho vị ấy cảm thấy bất an chỉ trong chốc lát; chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác.”
[376] Nghi não 疑惱. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: nghi hối 疑悔. Căn bản: não 惱 . Pāli: sañcicca kukkuccaṃ upadaheyya, cố ý khơi dậy sự hoang mang (hối tiếc).
[377] Tăng kỳ: trưng dẫn gây nghi ngờ về sự đắc giới: sanh hay tuổi tác; yết-ma, hình tướng, bệnh, tội, mạ lỵ, kết sử.
[378] Ngũ phần: ba-dật-đề 74; Tăng kỳ: ba-dật-đề 60; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 50; Pāli, Pāc. 64.
[379] Ngũ phần: “che giấu qua một đêm.” Thập tụng: “che giấu nhẫn đến một đêm.”
[380] Ngũ phần: ba-dật-đề 61; Tăng kỳ: ba-dật-đề 71; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 72. Pāli, Pāc. 65.
[381] Tăng kỳ 19 (tr.383a14): nhân duyên bởi “thập lục quần tỳ kheo,” và cha con Ma-ha-la.
[382] Tức 8.000.000 (tiền vàng).
[383] Cf. Vin.i. 77 Upāli (dāraka).
[384] Hán: học thư 學書. Pāli nt.: lekhaṃ sikkheyya.
[385] Pāli nt.: lekhaṃ sikkhissati aṅguliyo dukkhā bhavissanti, “Nếu nó học viết, sẽ khổ cho các ngón tay.”
[386] Pāli, nt.: gaṇaṃ sikkhissati urassa dukkho bhavissati, “Học toán số, sẽ khổ cho cái ngực.”
[387] Si cố 癡故. Tăng kỳ 19, không nói. Ngũ phần 8, thay bằng “pháp ấy phải như vậy 是法應爾.” Thập tụng 16: “sự việc ấy phải như vậy 是事應爾.” Pāli: te ca bhikkhū gārayhā, idaṃ tasmiṃ pācittiyan’ti, “các tỳ-kheo ấy đang bị khiển trách; cái này trong đây ba-dật-đề.” Bản Skt. ayaṃ tatra samaya, “trong đây sự việc này là hợp thức.”
[388] Tính tất cả các tháng âm lịch thiếu.
[389] Ngũ phần 6: ba-dật-đề 5; Tăng kỳ 12: ba-dật-đề 4; Thập tụng, Căn bản 26: ba-dật-đề 4. Pāli, Pāc. 63.
[390] Giới văn trong bản: “đã được sám hối như pháp.” Ngũ phần: “Sự việc đã được Tăng xử đoán như pháp.”
[391] Tăng kỳ thêm: “… nói rằng, yết-ma này bất thành. Hãy tác pháp lại với nhân duyên như vậy, không khác…”
[392] Xem Ch. viii. Diệt tránh.
[393] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 66; Tăng kỳ 19: ba-dật-đề 72; Thập tụng 16, Căn bản 41: ba-dật-đề 71. Pāli, Pāc. 66.
[394] Ngũ phần (tr.63b22): biên giới hai nước không an ninh, tỳ-kheo đi chung với bọn cướp để được bảo vệ. Tăng kỳ (tr.384a01): tỳ-kheo đi chung với bọn cướp để không lạc đường.
[395] Đoạn trên nói “số đông các tỳ-kheo.”
[396] Nhất thôn gian 一村間. Ngũ phần: “từ tụ lạc này đến tụ lạc kia…”
[397] Thập tụng (tr.116b04): một câu-lô-xá.
[398] Ngũ phần: ba-dật-đề 48; Tăng kỳ: ba-dật-đề 45; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 55. Pāli, Pāc. 68.
[399] A-lê-tra 阿梨吒. Căn bản: Vô Tướng 無相. Pāli: Ariṭṭha, Vin. iv. 133; M.i. 130; S.v. 314.
[400] Cf. Trung A-hàm 54, kinh 200 “A-lê-tra”, (T1. tr.763b). M. i. 130-2. Ngũ phần: “Pháp chướng đạo mà Phật nói, thật sự không chướng ngại đạo.”
[401] Tri dục: nên hiểu là đoạn tri hay đoạn biến tri, biết rõ đã hoàn toàn đoạn trừ.
[402] Nên hiểu là như mũi tên tẩm độc.
[403] Hán: sào quật (= khốt) 巢窟; Pāli: ālaya (= a-lại-da) xem đoạn sau, quyển 32, “Thọ giới kiền độ.”
[404] Ha gián yết-ma 呵諫. Xem thêm điều 69 dưới: can gián không bỏ, Tăng tác cử yết-ma. Thập tụng 15 (tr.106a20): tăng tác yết-ma ước sắc 約敕. Nếu vẫn không bỏ, tác tẩn yết-ma pháp 擯羯磨法. Căn bản 39 (tr.840b25, tr.840c26): yết-ma can gián (biệt gián sự別諫事) mà không bỏ, tăng tác yết-ma xả trí 捨置羯磨. Tăng kỳ 18 (tr.367b13): tác cử yết-ma 作舉羯磨. Vin.ii. 25: ukkhepaniyakamma, yết-ma xả trí.
[405] Trong bản có thể nhảy sót.
[406] Xem cht. trên.
[407] Ngũ phần: ba-dật-đề 49; Tăng kỳ: ba-dật-đề 46; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 56. Pāli, Pāc. 69.
[408] Yết-ma “ác kiến bất xả 惡見不捨.” Xem cht. điều 68 trên. Pāli, Vin.ii. 28: pāpikāya diṭṭhiyā appaṭinissagge ukkhepanīya-kammaṃ.
[409] Diễn tiến tác pháp: tác cử 作舉, nêu tội danh; tác ức niệm 作憶念, khiến cho tự thú nhận; dữ tội 與罪, phán quyết có tội. Pāli: codetvā...sāretvā āpattiṃ āropetabbo.
[410] Ngũ phần: “không như pháp hối.” Tăng kỳ: “đã bị tăng tác cử yết-ma mà chưa như pháp giải.”
[411] Căn bản: “Chư tuỳ thuận pháp không bỏ ác kiến.”
[412] Ngũ phần: ba-dật-đê 50; Tăng kỳ: ba-dật-đê 47; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đê 57. Pāli, Pāc. 70.
[413] Yết-na 羯那; và Ma-hầu-ca 摩睺迦. Căn bản: hai sa-di tên Lợi Thích 利刺 và Trường Đại 長大. Tăng kỳ: đệ tử của A-lê-tra là sa-di Pháp Dữ 法與. Thập tụng, có (một) sa-di tên Ma-ca 摩伽. Ngũ phần: hai sa-di của Bạt-nan-đà. Pāli: sa-di Kaṇḍaka.
[414] Ngũ phần, và các bộ: Tăng khuyên dạy ba lần cho bỏ; không có văn yết-ma ha gián.
[415] Ác kiến bất xả diệt tẫn yết-ma 惡見不捨滅擯羯磨. Pāli, Vin. iv. 138: Tăng đuổi Sa-di Kaṇḍaka, không có văn yết ma.
[416] Bản Hán, hết quyển 17.
[417] Ngũ phần: ba-dật-đề 63; Tăng kỳ, Thâp tụng, Căn bản: ba-dật-đề 75; Pāli, Pāc. 71.
[418] Xem Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 12. Ngũ phần, nguyên nhân, Nhóm sáu tỳ-kheo.
[419] Ngũ phần: “Tỳ-kheo thường xuyên phạm tội…” Thập tụng: “Tỳ-kheo, khi thuyết giới, nói rằng…”
[420] Các bộ: ba-dật-đề 10. Pāli, Pāc. 72.
[421] Thập tụng, Căn bản: Tỳ-kheo tụng giới bố-tát mỗi nửa tháng. Lục quần chống việc các tiểu giới.
[422] Tạp toái giới 雜碎戒. Pāli: khuddānukhuddaka sikkhāpada. Cf. Cullavagga, Vin. ii. 287: tại kết tập, Tăng thảo luận các giới nhỏ mà Phật cho phép bỏ. Hoặc cho rằng, trừ bốn ba-la-di, còn lại là giới nhỏ. Hoặc duy chỉ 92 ba-dật-đề là giới nhỏ. Xem Tứ phần 54, đoạn sau, về kết tập lần thứ nhất, (T22, tr.967b).
[423] Tăng kỳ: “khi tụng ba-la-đề-mộc-xoa mỗi nửa tháng mà nói như vầy…” Ngũ phần: không có chi tiết “thuyết giới.” Pāli: uddissamāne, trong khi đang thuyết giới; sớ giải, VA. 876: ācariyena antevāsikassa uddissamāne, “trong khi thầy đang thuyết cho đệ tử.”
[424] Ngũ phần: ba-dật-đề 64; Tăng kỳ: ba-dật-đề 92; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 83. Pāli, Pāc. 73.
[425] Vô như vô giải 無如無解. Ngũ phần: bất dĩ bất tri cố đắc thoát 不以不知故得脫: “tỳ-kheo ấy không phải do vì không biết mà thoát khỏi tội.” Các bộ cũng đồng. Pāli: na ca tassa bhikkhuno aññakena mutti atthi, nghĩa như các bản Hán.
[426] Tăng kỳ: “cần khiển trách rằng…” Nghĩa là, cần tác yết-ma ha trách.
[427] Pāli: idaṃ tasmiṃ mohanake pācittiyaṃ, “đây là ba-dật-đề, vì có sự vô tri ấy.” Nghĩa là, do có yết-ma vô tri. Xem cht. trên. Skt. āyuṣman tatra kaukṛtyāt pāyantikā, “Trưởng lão, trong đây, vì có sự hối quá, phạm ba-dật-đề.” Tức sau khi có yết-ma hối quá.
[428] Tăng kỳ: “Tỳ-kheo…, sau khi bị khiển trách, ba-dật-đề.”
[429] Trùng tăng vô tri tội 重增無知罪; các tỳ-kheo tác pháp yết-ma vô tri để khiển trách lỗi không chú tâm nghe thuyết giới. Bản Skt. uttaraṃ ca kaukṛtyam āropayitavyaṃ, “thêm nữa, cần phải bắt hối quá.” Pāli: uttariñc’ assa moho āropetabbo, “thêm nữa, cần phải áp đặt sự vô tri cho tỳ-kheo ấy.” Luật Pāli, yết-ma bạch nhị, khiển trách sự vô tri. Nếu không có yết-ma vô tri, người ấy chỉ phạm đột-kiết-la.
[430] Ngũ phần: ba-dật-đề 80; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 9. Pāli, Pāc.81.
[431] Xem ba-dật-đề 15.
[432] Ngũ phần: ba-dật-đề 53; Tăng kỳ: ba-dật-đề 79; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 77. Pāli, Pāc. 80.
[433] Tăng kỳ: “không bạch tỳ-kheo.” Căn bản: “mặc nhiên đứng dậy (bỏ đi), không chúc thọ 不囑授.” Pāli: chandaṃ adatvā, không dữ dục.
[434] Xem ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa 10.
[435] Các loại yết-ma được thực hiện không vì ích lợi của đối tượng; xem Tứ phần, phần ba, ch.xi, (T22, tr.906a17)
[436] Tham chiếu Luật Pāli, Vin. iv. 153: không dữ dục, bỏ đi mà không phạm nếu nghĩ rằng, sẽ có sự tranh chấp giữa Tăng, sẽ có sự phá tăng; hay yết-ma phi pháp, biệt chúng; hay yết-ma chống lại đối tượng không như pháp; hoặc có việc cần làm cho người bệnh; hoặc đi giải; hoặc không muốn phải ngăn yết-ma.
[437] Ngũ phần: ba-đề 79; Tăng kỳ: ba-dật-đề 43; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề: 53. Pāli, Pāc. 79.
[438] Ngũ phần: ba-đề 60; Tăng kỳ: ba-dật-đề 78; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 76. Pāli, Pāc. 78.
[439] Ngũ phần: “Nghe lén trong chỗ khuất 屏處默聽.”
[440] Nói chính xác là tránh sự. Pāli: những tranh cãi, bất hòa làm phát sanh tránh sự (adhikaraṇajātānaṃ).
[441] Ngũ phần: ba-đề 71; Tăng kỳ: ba-dật-đề 58; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 48. Pāli, Pāc. 74.
[442] Ngũ phần: nếu không vì sân mà đánh, không phạm ba-dật-đề.
[443] Ngũ phần: ba-dật-đề 72; Tăng kỳ: 59; Thập tụng, Căn bản: 49. Pāli, Pāc. 75. 3 Hán: bác 搏, đánh hay tát. Ngũ phần: nghĩ như đả tướng 擬如打相, làm bộ như đánh. Tăng-kỳ: trắc chưởng đao nghĩ 側掌刀擬, nghiêng bàn tay làm bộ dao chém. Pāli: talasattikaṃ uggireyya, “đưa lòng tay lên,” nghĩa là, doạ đánh.
[444] Dĩ thủ bác 以手搏: lấy tay tát; xem cht. trên. Có lẽ người dịch nhầm nghĩa chữ Hán. Nên hiểu là nhá đánh hay dọa đánh.
[445] Nên hiểu là nhá đánh hay dọa đánh. Nếu đánh thật, ba-dật-đề 78 trên.
[446] Ngũ phần: ba-dật-đề 75; Tăng kỳ: ba-dật-đề 90; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 69. Pāli, Pāc. 76.
[447] Xem Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8& 9.
[448] Ngũ phần: ba-dật-đề 65; Tăng kỳ: ba-dật-đề 82; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 82. Pāli, Pāc. 83.
[449] Da-nhã-đạt 耶若達 (Pāli: Yaññadatta, nhưng không có chuyện kể liên hệ trong các tư liệu Pāli). Nhân duyên của Mạt-lỵ phu nhân, không được kể trong các bộ. Tăng kỳ giới thiệu đọc trong Trung A-hàm.
[450] Hoàng Đầu 黃頭. Tài liệu Pāli nói bà là con gái của một người làm tràng hoa ở Kosala.
[451] Mat-lị viên 末利園. Pāli: Mallikārāma, khu vườn trong thành Xá-vệ, vì của Mạt-lị phu nhân nên được gọi tên như vậy. Truyện kể ở đây, tên của phu nhân được gọi như vậy vì nguyên là cô gái giữ vườn hoa mallikā.
[452] Ngũ phần: không có chi tiết vua Quán đảnh. Tăng kỳ: vua nhưng không phải dòng Sát-lợi; hoặc Sát-lợi nhưng không phải quán đảnh; đều không phạm.
[453] Hán: Sát-lợi thuỷ nghiêu đầu chủng 剎利水澆頭種. Tăng kỳ: Sát-lợi Quán đảnh vương 剎利灌頂王.
[454] Ngũ phần: vật quý trọng, và nữ sắc, đều được gọi là bảo vật. Tăng kỳ: bảo vật, chỉ cho Vương Phu nhân.
[455] Túc tán tiểu vương 粟散小王. Tiểu vương (nhiều như thóc được rải) cai trị một tiểu quốc, phụ thuộc Quán đảnh vương.
[456] Ngũ phần: ba-dật-đề 69; Tăng kỳ: ba-dật-đề 49; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 58. Pāli, Pāc. 84.
[457] Tỳ-xá-khư Mẫu 毘舍佉母. Pāli: Visākā Migāramātā.
[458] Thập tụng: “hoặc bảo, hoặc tợ bảo.” Giải thích, bảo: tiền, vàng bạc…; tợ bảo: đồng, thiếc, bạch lạp, chì,… Pāli: ratanaṃ vā ratanasammaṃ, bảo vật hay vật tương đồng bảo vật.
[459] Nguyên Hán: xảo sư 巧師.
[460] Bản Hán, hết quyển 18.
[461] Ngũ phần 9: ba-dật-đề 83; Tăng kỳ 20, Thập tụng 17, Căn bản 42: ba-dật-đề 80. Pāli, Vin.iv. 164, Pāc. 85.
[462] Xu bồ 樗蒱. Ngũ phần, nt.: bàn chuyện thế sự với các bạch y. Pāli: sabhāyaṃ nisīditvā anekavihitaṃ tiracchānakathaṃ kathenti, ngồi ở hội trường, bàn đủ các đề tài súc sinh luận.
[463] Tăng kỳ: “tỳ-kheo a-lan-nhã.” Điều luật áp dụng cho tỳ-kheo sống trong rừng.
[464] Ngũ phần: “trừ có nhân duyên.” Và giải thích: nhân duyên, tức khi có tai nạn. Tăng kỳ: “trừ dư thời.” Giải thích: dư thời, những lúc có việc khẩn cấp (như có người bị rắn độc cắn). Pāli: aññatra tathārūpā accāyikā karaṇīyā, trừ có sự việc khẩn cấp nào đó.
[465] Trong giới văn không có từ thôn 村. Tụ lạc hay thôn đều thường là dịch từ gāma: làng xóm.
[466] Ngũ phần, và các bộ: ba-dật-đề 85. Pāli, Pāc. 87.
[467] Pāli, Vin.iv. 168: bhagavā … senāsanacārakaṃ āhiṇḍanto, Thế tôn đi xem xét chỗ nằm của các tỳ-kheo. Ngũ phần 9 (tr.70b15): thông lệ, mỗi năm ngày Thế tôn đi tuần phòng các tỳ-kheo một lần.
[468] Ngũ phần: của tu-già-đà 修伽陀. Tăng kỳ: của tu-già-đà, và giải thích: của Phật. Căn bản: của Phật; và giải thích: 8 ngón tay (chỉ 指) của Phật dài bằng 1 khuỷu (chẩu 肘) của người trung bình. Pāli: sugataṅgula: ngón tay của Sugata (Thiện Thệ). Cước chú của bản dịch Anh: sugata đây có nghĩa là “tiêu chuẩn” được chấp nhận (không phải chỉ cho ngón tay của Phật).
[469] Xem Ch.iv, ba-dật-đề 14 & cht. 100.
[470] Ngũ phần: ba-dật-đề 84; Tăng kỳ, Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 86. Pāli, Pāc. 88.
[471] Đâu-la-miên 兜羅綿. Xem giải thích đoạn sau. Pāli: tūla, bông gòn.
[472] Ngũ phần: độn đâu-la làm tọa cụ.
[473] Tăng kỳ 20 (tr.392a28): “... sau khi đã móc ra, ba dật-đề.” Pāli: ... uddālanakaṃ pācittiyaṃ, (phạm) ba-dật-đề, phải xé bỏ (móc bông gòn ra bỏ).
[474] Ngũ phần: đâu-la, gồn hoa bạch dương, hoa liễu, hoa bồ-lê. Tăng kỳ: các loại đâu-la: a-già đâu-la, bà-ca đâu-la, cưu-tra-xà đâu-la, giác (sừng) đâu-la, thảo (cỏ) đâu-la, hoa đâu-la. Thập tụng: đâu-la miên: hoa bạch dương, hoa liễu, hoa a-cưula, hoa ba-ưu-la, hoa cưu-xá-la, hoa gian-xà, hoa ba-ba, hoa li-ma. Căn bản: các thứ nhồi độn (trữ vật 貯物): bông cây, bông cỏ, bồ-đài, kiếp-bối, lông dê; độn năm thứ này làm nệm, ba-dật-đề. Pāli: tūla, bông gòn, có loại: rukkhatūla, bông của cây; latātūla, gòn dây leo; poṭakitūla, bông cỏ.
[475] Cưu-la-da, văn nhã, sa-bà 鳩羅耶草文若草娑婆草;
[476] Ngũ phần: ba-dật-đề 86; Tăng kỳ: ba-dật-đề 83; Thập tụng, Căn bản: ba-dật-đề 84. Pāli, Pāc. 86.
[477] Công sư 工師. Ngũ phần: nha giác sư 牙角師; thợ chế biến răng thú và sừng. Thập tụng: trị giác sư 治角師; thợ chế biến sừng. Căn bản: công nhân 工人. li: dantakāra, thợ chế biến ngà voi.
[478] Nha 牙. Thập tụng: nha xỉ 牙齒; giải thích: nha, chỉ ngà voi, răng nanh của ngựa, răng nanh heo; xỉ, chỉ răng voi, răng ngựa, răng heo. Pāli: danta, giải thích: danto nāma hatthidanto vuccati, răng, là nói răng của voi (ngà voi).
[479] Tăng kỳ 20: “... sau khi đập vỡ, ba-dật-đề.” Nghĩa là, đập vỡ rồi sám, ba-dật-đề. li: bhedanakaṃ pācittiyaṃ, ba-dật-đề, cần đập vỡ (ống đựng bằng ngà).
[480] Thiền trấn 禪鎮, không rõ cái gì. Ngũ phần: làm ống nhỏ mũi 灌鼻筒, không phạm. Pāli: dùng làm các thứ sau đây không phạm: gaṇṭhika, nút móc y; araṇka, dùi lửa; vidha, hộp nhỏ; añjani, hộp đựng thuốc bôi mắt; añjanisalāka, que bôi thuốc; vāsijaṭa, cán búa nhỏ; udakapuñchani, đồ chùi bụi.
[481] Ngũ phần, Căn bản, ba-dật-đề 87; Tăng kỳ, 86; Thập tụng: ba-dật-đề 89. Pāli, c. 89.
[482] Phật trách thủ 佛搩手. Ngũ phần: tu-già-đà trách thủ 修伽陀磔手 Căn bản: Phật trương thủ 佛張手; giải thích: 1 gang tay Phật bằng ba gang tay người trung bình. Pāli: sugatavidatthiyā, gang tay (tiêu chuẩn) được chấp nhận (theo bản Anh); xem cht. ch ba-dật-đề 84 trên.
[483] Pāli: nisīdanaṃ nāma sadasaṃ vuccati, nói ni-sư-đàn, là cái có viền. Căn bản: ni-sư-đán-na 尼師但那 là đồ trải lót (phu cụ 敷具).
[484] Tăng kỳ: ba-dật-đề 87; các bộ khác: ba-dật-đề 88. Pāli, Pāc. 90.
[485] Phú sang y 覆瘡衣. Pāli: kaṇḍupaṭicchādi.
[486] Niết-bàn-tăng 涅槃僧. Pāli: nivāsana, nội y.
[487] Tăng kỳ: nếu quá, sau khi cắt bỏ (rồi sám ba-dật-đề). Căn bản: nếu quá, cần phải cắt bỏ. Pāli: taṃ atikkāmayato chedanakaṃ, nếu quá, phải cắt bỏ.
[488] Ngũ phần, Căn bản: ba-dật-đề 89; Thập tụng: 87; Tăng kỳ: ba-dật-đề 88. Pāli, Pāc. 91.
[489] Tỳ-xá-khư Mẫu 毘舍佉母, xem cht. chương 3, Bất-định 1; Ch.iv ni-tát-kỳ 27.
[490] Vũ dục y 雨浴衣. Xem Ch.iv ni-tát-kỳ 27.
[491] Xem ba-dật-đề 88, cht. 495.
[492] Tăng kỳ: ba-dật-đề 89; các bộ: ba-dật-đề 90. Pāli, Pāc. 92.
[493] Thích-súy-sấu: giữa những người họ Thích (không phải địa danh).
[494] Thập tụng: “Trưởng lão Nan-đà, em trai của Phật, con của bà dì; thân hình gần giống Phật, có 30 tướng, thấp hơn Phật 4 ngón tay; lại khoác y giống Phật, nên các tỳ-kheo nhầm.” Tăng kỳ: Tôn-đà-la Nan-đà 孫陀羅難陀, con của Di mẫu của Phật. Kể thêm nhân duyên A-la-quân-trà 阿羅軍荼 khoác y giống như Phật.
[495] Hắc y 黑衣; bản Hán có thể nhầm. Các bộ không thấy có chi tiết này.
[496] Tức Ba-la-đề đề-xá-ni 波羅提舍尼. Trong giới văn, dịch là hối quá 悔過. Ngũ phần 10 (tr.71c06): hối quá pháp 悔過法. Tăng kỳ 21 (tr.396b16): Đề-xá-ni 提舍尼. Thập tụng 19 (tr.131a05): Ba-la-đề-xá-ni pháp 波羅提舍尼法. Căn bản 49 (tr.897a18): Ba-la-để đề-xá-ni pháp 波羅底提舍尼法. Pāli, Vin.iv. 175: cattāro pāṭidesanīyā.
[497] Tăng kỳ: Đề-xá-ni 2. Các bộ, như Tứ phần.
[498] Liên Hoa Sắc 蓮華色. Xem Ch. iv ni-tát-kỳ 4 & cht.36
[499] Nguyên Hán: hướng dư tỳ-kheo thuyết 向餘比丘說. Ngũ phần: ưng hướng chư tỳ-kheo hối quá 應向諸比丘悔過. Tăng kỳ: ưng dư tỳ-kheo biên hối quá 應餘比丘邊悔過. Thập tụng: ưng hướng dư tỳ-kheo thuyết thị tội 應向餘比丘說是罪. Căn bản: nghệ chư bí-sô sở các biệt cáo ngôn 詣諸苾芻所各別告言. Pāli: paṭīdesetabbaṃ tena bhikkhunā.
[500] Căn bản: ư thôn lộ trung 於村路中, “ở đường trong thôn xóm.” Ngũ phần: “tại các con đường…” Tăng kỳ: “trong nhà bạch y…” Pāli: (bhikkuniyā) antaragharaṃ paviṭṭhāya, “(tỳ-kheo-ni) sau khi đã đi vào nhà trong;” và giải: nhà (gharam) ở đây cũng chỉ luôn đường xe đi, đường hẻm, đường chữ thập…” Trong văn án, được hiểu là tỳ-kheo vào. Trong văn Pāli, nên hiểu là tỳ-kheo-ni đã vào.
[501] Pāli, hatthato, (đựợc trao) từ tay (của tỳ-kheo-ni) thay vì để xuống đất mà nhận; không nói đến yếu tố “trừ bệnh.” Trong bản Hán, được hiểu là tự tay của tỳ-kheo nhận.
[502] Ngũ phần, Căn bản: “trước các tỳ-kheo khác.”
[503] Tăng kỳ: Trưởng lão 長老. Ngũ phần: Chư Đại đức 諸大德. Pāli: āvuso, từ hô khởi, số nhiều. Vì sám hối trước nhiều tỳ-kheo, chứ không phải một như ba-dậtđề.
[504] Tức Ba-la-đề-đề-xá-ni pháp 波羅提提舍尼法, dịch là Hối quá pháp 悔過法 Pāli: pāṭidesanīya dhamma (Skt. pratideśanīya dharma). Tăng kỳ (tr.396c25): “Ba-la-đề-đề-xá-ni, vì tội này hướng đến người (tỳ-kheo) mà phát lồ, không che giấu.”
[505] Tỳ-kheo-ni để xuống đất; tỳ kheo nhận không trực tiếp từ chính tay tỳ kheo ni trao cho.
[506] Tăng kỳ: đề-xá-ni 3.
[507] Ngũ phần, Thập tụng: có thí chủ thỉnh thực hai bộ Tăng.
[508] Tăng kỳ: đề-xá-ni 4.
[509] Kiến đế 見諦: đã thấy bốn Thánh đế, chứng đắc Tu-đà-hoàn. Ngũ phần: Trưởng giả Cù-sư-la 瞿師羅 tin ưa Phật pháp, thấy pháp, đắc quả. Tăng kỳ: Đại thần Tỳ-xà bố thí thái quá, gia sản khánh tận. Tăng tác yết-ma học gia. Thập tụng: tượng sư Thủ-la, thấy Bốn đế, đắc Sơ đạo. Căn bản: trưởng giả Sư Tử, đắc Sơ quả.
[510] Yết-ma học gia; Pāli: sekkhasammuti, xác nhận là học gia, cư sĩ thuộc hàng Hữu học.
[511] Học gia 學家. Thập tụng: chỉ gia đình đã đắc Sơ quả. Pāli: sekkhasammatāni kulāni, những gia đình đã được xác nhận là hữu học; giải thích: đó là gia đình tăng trưởng với tín, nhưng tổn giảm với tài sản.
[512] Tăng kỳ: đề-xá-ni 1.
[513] Xá-di thành trung chư phụ nữ 舍夷城中諸婦女. Xá-di, chỉ các Thích nữ (Xem Tứ phần đoạn sau, phần ba, Ch. xiv, T22, tr.922c8). Ngũ phần, Thập tụng: chư Thích phụ nữ 諸釋婦女. Căn bản: Thích ca nữ 釋迦女. Pāli: Sākiyāniyo.
[514] Câu-lê chư nữ nhân 俱梨諸女人. Không rõ. Ngũ phần: chư nô 諸奴. Pāli: sākiyadāsakā, những người nô lệ của họ Thích.
[515] Pāli: tena kho pana samayena sākiyadāsakā avaruddhā honti, vào lúc đó, các nô lệ của dòng họ Sakka nổi loạn. Ngũ phần: các nô lệ của dòng họ Thích đón đường các Thích nữ để cướp.
[516] Pāli: Các tỳ-kheo biết có giặc chặn đường, nhưng không báo cho các phụ nữ họ Thích biết để đừng đi.
[517] Vì bọn cướp ẩn núp trong phạm vi Tăng-già-lam nên tỳ-kheo phải ra khỏi phạm vi ấy mà nhận thức ăn.
[518] Pāli: pubbe appaṭíaṃviditaṃ, không báo cho biết trước (rằng trong phạm vi Tăng-già-lam có giặc cướp).
[519] Lời chua nhỏ trong bản Hán: “Tiếng của người Hồ (chỉ Ấn độ) chính xác phải nói là thức-xoa-ca-la-ni. Những chỗ nào đọc và viết, nên theo từ này. Vì không thể nhất nhất đều theo văn mà sửa, do đó mà cứ để nguyên như vậy. Đan bản gọi Trăm pháp Chúng học.” - Thức-xoa-ca-la-ni, phiên âm Phạn: śikṣā karaṇīyā, “điều cần phải học.” Căn bản: Chúng đa học pháp 眾多學法. Các bộ khác: Chúng học pháp 眾學法. Pāli: sekhiyā dhammā (sikkhā karaṇīyā). Bản Skt. saṃbahulāḥ śaikṣā dharmāḥ (śikṣā karaṇīyā). Cf. Ngũ phần 10 (tr.73c27); Tăng kỳ 21 (tr.399b07); Thập tụng 19 (tr.133b14); Căn bản 50 (tr.901b17). Pāli, Vin. iv. 185.
[520] Tăng kỳ, điều 1; Thập tụng, điều 12.
[521] Xem Ch.v, Ba-dật-đề 88 & cht.494.
[522] Pāli: puratopi pacchatopi olambentā, quấn nội y để phía trước, phía sau thòng xuống.
[523] Pāli, Sik. 1: parimaṇḍalaṃ nivāsessāmi, tôi sẽ quấn nội y tròn trịa.
[524] Thức-xoa-ca-la-ni 式叉迦羅尼. Tứ phần tỳ-kheo giới bản (No 1429) và Tứ phần Tăng giới bản (No 1430) đều nói “ưng đương học 應當學.” Pāli: sikhkā karaṇīyā.
[525] Hán: ưng sám đột-kiết-la 應懺突吉羅. Tứ phần phân biệt hai loại đột-kiết-la: nếu cố ý, phạm đột-kiết-la cần phải sám hối. Nếu không cố ý, phạm đột-kiết-la chỉ phải tự trách tâm. Xem thêm cht. 8 sau.
[526] Ngũ phần (tr.74a13): “Nếu không hiểu, không hỏi mà làm như vậy, phạm độtkiết-la. Hiểu, nhưng không cẩn thận, làm như vậy phạm đột-kiết-la. Hiểu, nhưng khinh giới, khinh người mà làm như vậy, phạm ba-dật-đề.” Tăng kỳ: việt học pháp 越學法, không phân biệt hiểu hay không hiểu, cố ý hay không cố ý. Pāli: anādariyaṃ paṭicca ...āpatti dukkaṭassa. anāpatti asañcicca, “...vì thiếu cung kính, phạm đột-kiết-la. Không cố ý, không phạm.”
[527] Tăng kỳ, điều 2. Thập tụng, điều 16; Căn bản, điều 8. Pāli, Sikkhā 2.
[528] Hán: trước y 著衣. Pāli: pārupanti, quấn (thượng) y, phân biệt với nivāsenti, quấn nội y.
[529] Pāli, Sikkhā. 2: parimaṇḍalaṃ pārupissāmi, tôi sẽ quấn (thượng) y cho tròn trịa. Thập tụng (tr.134a23): châu tề bị y ưng đương học 周齊被衣應當學.
[530] Ngũ phần, điều 15; Tăng kỳ, điều 8; Thập tụng, điều 41; Căn bản, điều 16.
[531] Pāli, Sikkhā. 9, ukkhittakāya antaraghare gacchati, vén y lên mà đi vào nhà thế tục. Sớ giải, VA 891: ekato vā ubhato vā ukkhittacīvaro hutvā ti attho, y được vén lên ở một bên, hay cả hai bên. Cf. Ngũ phần (tr.74a22): “...hoặc vắt ngược y lên vai phải... hoặc vắt ngược y lên vai trái... hoặc vắt ngược y lên cả hai vai...”. Thập tụng (tr.136b04): “Lấy y trùm vai phải, vắt cả lên vai trái.”
[532] Cf. Thập tụng, điều 37-38: tả hữu phản sao y 左右反抄衣, vắt ngược y hai bên; điều 39-40: thiên sao y 偏抄衣, vắt ngược y một bên.
[533] Pāli, Sikkhā 10.
[534] Ngũ phần, điều 43; Tăng kỳ, điều 7; Thập tụng, điều 30; Căn bản, điều15. Pāli, Sikkhā 23.
[535] Thập tụng điều 29-30: phú đầu 覆頭; điều 31-32: bộc đầu 襆頭.
[536] Pāli, Sikkhā 24. Bản Hán, hết quyển 19.
[537] Khiêu hành 跳行.
[538] Cf. Căn bản 50 (tr.902a11).
[539] Ngũ phần 10 (tr.74b01), điều 40: tốn hành 蹲行, ngồi chồm hỗm (?). Cf. Căn bản 50 (tr.902a06). Thập tụng (tr.135b16), điều 27. Pāli: ukkuṭikāya.
[540] Ngũ phần 10 (tr.74a26), điều 29. Tăng kỳ 21 (tr.401a14), điều 10. Thập tụng 19 (tr.136a01), điều 35. Căn bản 50 (tr.901c28), điều18. Pāli, Sikkhā 21.
[541] Ngũ phần, điều 19; Tăng kỳ, điều 11; Căn bản, điều 25; Thập tụng, điều 53. Pāli, Sikkhā 15.
[542] Dao thân hành 搖身行. Pāli: kāyappacālaka, dao động thân.
[543] Pāli, Sikkhā 17; Ngũ phần, điều 33; Tăng kỳ, điều 13; Thập tụng, điều 47; Căn bản, điều 26.
[544] Trạo tý hành 掉臂行 ; vừa đi vừa vung tay, đánh đàng xa. Pāli: bāhuppacalakaṃ.
[545] Pāli: Sikkhā 3; Ngũ phần, điều 11; Tăng kỳ, điều 3; Thập tụng, điều 17; Căn bản, điều 12.
[546] Pāli, Sikkhā 7; Ngũ phần điều 37; Tăng kỳ, điều 4; Thập tụng, điều 21.
[547] Ngũ phần, điều 47; Tăng kỳ, điều 5; Căn bản, điều 13; Thập tụng, điều 27; Pāli, Sikkhā 13.
[548] Hán: tĩnh mặc 靜默.
[549] Pāli. Sikkhā 11.
[550] Pāli, Sikkhā 27; Ngũ phần, điều 51; Tăng kỳ, điều 24; Thập tụng, điều 62; Căn bản, điều 43.
[551] Pāli, Sikkhā 30; Ngũ phần, điều 52; Căn bản, điều 40; Thập tụng, diều 64.
[552] Pāli, Sikkhā 29. Thập tụng, điều 60.
[553] Pāli, samasūpakaṃ piṇḍapātaṃ, nhận phần canh vừa phải.
[554] li, Sikkhā 34; Ngũ phần, điều 53; Tăng kỳ, điều 25; Thập tụng, điều 61.
[555] Pāli, Sikkhā 33. Thập tụng, điều 83.
[556] li: tahaṃ tahaṃ omasitvā piṇḍapātaṃ bhuñjanti, thọc chỗ này chỗ kia mà ăn.
[557] Pāli, sapadānaṃ piṇḍapātaṃ bhuñjissāmi. Giải thích: sapadānanti tattha tattha odhiṃ akatvā anupṭipāṭiya, theo thứ lớp, không phân biệt lựa chọn chỗ này, chỗ kia.
[558] li, Sikkhā 35.
[559] Pāli: thūpakato omaditvā, moi trên chóp (bát). Sớ giải: thūpakatoti matthakato vemajjhato ti attho, moi chóp bát, tức moi giữa bát.
[560] Pāli, Sikkhā 37; Ngũ phần, điều 79; Tăng kỳ, điều 44; Thập tụng, điều 84.
[561] Pāli, Sikkhā 36; Ngũ phần, điều 79; Tăng kỳ, điều 44; Thập tụng, điều 80.
[562] Pāli: sūpaṃ vā vyañjanaṃ vā ... bhiyyokamyataṃ upādāyāti, để nhận thêm canh hay gia vị.
[563] Pāli, Sikkhā 38; Ngũ phần, điều 80; Tăng kỳ, điều 42; Căn bản, điều 65; Thập tụng, điều 81.
[564] ujjhānasaññī paresaṃ pattaṃ olokessāmi, liếc nhìn vào bát người khác với tâm tưởng bất mãn.
[565] Pāli, Sikkhā 32; Ngũ phần, điều 58; Tăng kỳ, điều 43; Căn bản, điều 64; Thập tụng, điều 82.
[566] Pāli, Sikkhā 39; Ngũ phần, điều 64; Tăng kỳ, điều 29; Căn bản, điều 45; Thập tụng, điều 64.
[567] Pāli, Sikkhā 41; Ngũ phần, điều 66; Tăng kỳ, điều30; Căn bản, điều 47; Thập tụng, điều 66.
[568] Pāli, Sikkhā 43; Ngũ phần, điều 68; Tăng kỳ, điều 33; Căn bản, điều 48; Thập tụng, điều 67.
[569] Pāli, Sikkhā 44.
[570] Pāli, Sikkhā 48; Ngũ phần, điều 59; Tăng kỳ, điều 40; Căn bản, điều 55. Thập tụng, điều 67.
[571] Trong giới văn: làm rơi vãi cơm. Xem cht. dưới.
[572] Hán: di lạc 遺落. Pāli: sitthāvakārakaṃ, làm rơi vãi hạt cơm. Giải thích: sitthaṃ avakiritvā avakiritvā, làm rơi hạt cơm chỗ này chỗ kia. Cf. Thập tụng (tr.138a18): bán giảo thực 半咬食, “cắn một nửa (vắt cơm) mà ăn”.
[573] Bản Hán, hết quyển 20.
[574] Pāli, Sikkhā 46; Ngũ phần, điều 69; Tăng kỳ, điều 27; Căn bản, điều 56; Thập tụng, điều 71.
[575] Thập tụng (tr.138b13): “Bỏ cơm đầy miệng rồi mới nuốt.”
[576] Trong bản Hán: thi-xoa-kế-lại-ni 尸叉罽賴尼. Các đoạn sau đều giống như vậy.
[577] Pāli, Sikkā 50 (cf. 51); Ngũ phần, điều 62; Tăng kỳ, điều 37; Căn bản, điều 51; Thập tụng, điều 70.
[578] Pāli, Sikkhā 50: capucapukārakaṃ, nhai có tiếng “cháp cháp.”
[579] Pāli, Sikkhā 51, cf. 50.
[580] Hán: đại hấp phạn thực 大噏飯食. Pāli, Sikkhā 51: surusurukārakaṃ khīraṃ pivanti, húp sữa thành tiếng “xu-ru-xu-ru.”
[581] Pāli, Sikkhā 52; Ngũ phần điều 63; Tăng kỳ, điều 35; Căn bản, điều 61; Thập tụng, điều 74.
[582] Thập tụng: để thủ thực 舐手食 , liếm tay mà ăn. Pāli, Sikkhā 52: hatthanillehakaṃ, liếm tay. Cf. Sikkhā 49: jivhānicchārakaṃ, le lưỡi. Sikkhā 53: pattanillehakaṃ, liếm bát.
[583] Pāli, Sikkhā 47; Ngũ phần, điều 72; Tăng kỳ, điều 41; Căn bản, điều 62; Thập tụng, điều 76.
[584] Chấn thủ 振手. Thập tụng (tr.138c02): thức ăn dính tay, rảy cho rơi.
[585] Pāli, Sikkhā 55; Ngũ phần, điều 60; Tăng kỳ, điều 46; Căn bản, điều 66; Thập tụng, điều 78.
[586] Pāli, Sikkhā 56; Ngũ phần, điều 76; Tăng kỳ, điều 47; Căn bản, điều 67; Thập tụng, điều 84.
[587] Pāli: nước rửa bát có lẩn hạt cơm. Thập tụng (tr.139a20): phải hỏi gia chủ chỗ đổ.
[588] Pāli, Sikkhā 74; Ngũ phần, điều 83; Tăng kỳ, điều 64; Căn bản, điều 96; Thập tụng, điều 104.
[589] Pāli, Sikkhā 75; Ngũ phần, điều 82; Tăng kỳ, điều 65; Căn bản, điều 97; Thập tụng, điều 105.
[590] Pāli, Sikkhā 73; Ngũ phần, điều 81; Tăng kỳ, điều 66; Căn bản, điều 95; Thập tụng, điều 106.
[591] Ngũ phần, điều 93; Căn bản, điều 97; Thập tụng, điều 95, 96, 97.
[592] Thập tụng, điều 91. Tăng kỳ, điều 53; Căn bản, điều 78. Pāli, Sikkhā 67.
[593] Hán: phú đầu 覆頭. Pāli: oguṇṭhitasīso nāma sasīsaṃ pāruto vuccati, trùm đầu, nghĩa là lấy vạt áo trùm kín đầu.
[594] Pāli, Sikkhā 66; Tăng kỳ, điều 54; Căn bản, điều 92; Thập tụng, điều 92.
[595] Hán: lý (lỏa) đầu 裹頭. Pāli: veṭhitasīso nāma kesantaṃ na dassapetvā veṭhito hoti, quấn đầu, nghĩa là quấn khăn không để cho thấy chân tóc.
[596] Thập tụng, điều 94; Căn bản, điều 81.
[597] Pāli, Sikkhā 62; Ngũ phần, điều 85; Tăng kỳ, điều 51; Căn bản, điều 88; Thập tụng, điều 98.
[598] Hán: cách tỷ 革屣. Pāli: upāhana, giày hay dép (thường làm bằng da).
[599] Pāli, Sikkhā 61; Ngũ phần, điều 84; Tăng kỳ, điều 65; Căn bản, điều 87; Thập tụng, điều 99.
[600] Hán: mộc kịch 木屐. Thập tụng: kịch 屐. Pāli: pādukā.
[601] Pāli, Sikkhā 63; Ngũ phần, điều 96; Tăng kỳ, điều 62; Căn bản, điều 84; Thập tụng, điều 85.
[602] Hán: kỵ thừa (thặng) 騎乘 . Pāli: yānaṃ nāma vayhaṃ ratho sakaṭaṃ sandamānikā sivikā pāṭaṅkī, xe cộ: cộ (cáng), xe ngựa kéo, xe chở hàng, chiến xa, kiệu, ghế khiêng.
[603] Phú-la 富羅; Phiên Phạn ngữ (T54n2130, tr.987b13): “Phú-la, dịch là mãn 滿, Skt. pūra? (dẫn Thập tụng 9, tr.65a15: dùng da thuộc khâu lại làm giày phú-la).” Nhất thiết kinh âm nghĩa (T54n2128, tr.740b7): phú-la, các phiên âm khác: phúc-la 福羅/腹羅, bố-la 布羅, một loại ủng cổ ngắn (đoản áo ngoa 短靿靴). Skt. pūlā.
[604] Tức đánh (xỉa) răng, súc miệng.
[605] Pāli, Sikkhā 70; Ngũ phần, điều 87; Tăng kỳ, điều 48; Căn bản, điều 73; Thập tụng, điều 88.
[606] Từ u 86-92, xem các điều 52-59 trên. Có sự sắp xếp lẫn lộn trong bản Hán.
[607] Pāli, Sikkhā 64; Ngũ phần, điều 89; Tăng kỳ, điều 49; Căn bản, điều 74; Thập tụng, điều 90.
[608] Pāli, Sikkhā 69; Ngũ phần, điều 88; Tăng kỳ, điều 50; Căn bản, điều 75; Thập tụng, điều 89.
[609] Pāli, Sikkhā 71; Ngũ phần, điều 90; Tăng kỳ, điều 61; Căn bản, điều 76; Thập tụng, điều 86
[610] Thập tụng, điều 89.
[611] Pāli, Sikkhā 92; Ngũ phần, điều 91; Tăng kỳ, điều 63; Căn bản, điều 77; Thập tụng, điều 87.
[612] Ngũ phần, điều 84; Căn bản, điều 98; Thập tụng, điều 107.
[613] Pāli, Sikkhā 58; Ngũ phần, điều 97; Tăng kỳ, điều 59; Thập tụng, điều 100.
[614] Thập tụng, điều 102.
[615] Pāli, Sikkhā 60; Ngũ phần, điều 99; Tăng kỳ, điều 64; Căn bản, điều 96; Thập tụng, điều 103.
[616] Pāli: āvudhapāṇi, cầm vũ khí. Thập tụng: cầm thuẫn, cầm cung tên.
[617] Pāli, Sikkhā 59; Ngũ phần, điều 98; Tăng kỳ, điều 57; Thập tụng, điều 102.
[618] Pāli, Sikkhā 57; Ngũ phần, điều 95; Tăng kỳ, điều 60; Căn bản, điều 94; Thập tụng, điều 101.
[619] Ngũ phần 10 (tr.77b06); Tăng kỳ 22 (tr.412b5); Thập tụng 20 (tr.141b12); Căn bản 50 (tr.904b5). Pāli: adhikaraṇasamathā, Vin. iv. 207.
[620] Bản Hán, hết quyển 21.