TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬT

TỨ PHẦN LUẬT

PHẦN THỨ BA

Quyển 4

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm

Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh Tỳ-kheo Thích Đức Thắng

Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng

MỤC LỤC

Quyển 4

MỤC LỤC

PHẦN THỨ BA - TĂNG SỰ

CHƯƠNG I - THỌ GIỚI

I. THÍCH THỊ THẾ PHỔ

II. TRUYỆN ĐỨC THÍCH TÔN

1. Xuất gia và thành đạo

1.1. Vương tử họ Thích

1.2. Xuất gia tầm đạo

1.3. Sáu năm khổ hạnh

1.4. Thành Đẳng chánh giác

1.5. Hai người khách thương

1.6. Nhân duyên quá khứ

1.7. Hai quy y

1.8. Long vương Mục-chân-lân-đà

1.9. Phạm thiên khuyến thỉnh

2. Sơ chuyển Pháp luân

2.1. Trung đạo

2.2. Chuyển Pháp luân kinh

2.3. Vô ngã tướng kinh

3. Da-xá

3.1. Thiện lai Tỳ-kheo

3.2. Ba quy y

3.3. Những người bạn

4. Long vương Y-la-bát-la

III. TĂNG PHÁP THỌ GIỚI

1. Sơ chế Pháp

1.1. Tam ngữ đắc giới

1.2. Bạt-đà-la-bạt-đề

1.3. Uất-tì-la Ca-diếp

1.4. Ba thị đạo

1.5. Vua Bình-sa

1.6. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên

2. Hòa thượng pháp

2.1. Hoà thượng truyền giới

2.2. Tuổi hạ của Hoà thượng

2.3. Phận sự của Hoà thượng

2.4. Phận sự của đệ tử

2.5. A-xà-lê

2.6. Y chỉ và dứt y chỉ

2.7. Phẩm chất Hoà thượng

2.8. Ngoại đạo xuất gia

2.9. Các già nạn (1)

2.10. Dữ học giới

2.11. Sa-di xuất gia

3. Nhân và sự như pháp

3.1. Kết và giải tiểu giới

3.2. Hòa thượng như pháp

3.3. Truyền tứ y

3.4. Các già nạn (2)

3.5. Các liên hệ già nạn

4. Pháp thức truyền thọ cụ túc

4.1. Giáo thọ giới tử

4.2. Giới tử bạch Tăng

4.3. Bạch tứ yết-ma

4.4. Truyền pháp tứ khí và tứ y

4.5. Giáo giới và đắc giới

CHƯƠNG II - THUYẾT GIỚI

I. PHÁP THỨC THUYẾT GIỚI

1. Bố-tát

2. Thuyết pháp

3. Ba-la-đề-mộc-xoa

4. Lịch pháp

II. KẾT GIỚI

1. Giới trường

2. Đại giới cộng trú

3. Thất y giới

4. Đại giới liên kết

5. Tiểu giới

III. TẬP TĂNG

1. Bạch Tăng

2. Dữ dục

3. Thuyết giới

4. Sám hối

5. Hạn kỳ

6. Phá yết-ma

7. Chuyển trú xứ

8. Hòa hiệp thuyết giới

CHƯƠNG III - AN CƯ

1. Kết giới an cư

2. Phân phòng xá

3. Phân ngọa cụ

4. Tiền hậu an cư

5. Trú xứ an cư

6. Xuất giới

8. Phá hạ

9. Ước định an cư

CHƯƠNG IV - TỰ TỨ

1. Á pháp

2. Cầu thính

3. Pháp thức tự tứ

4. Chúc thọ tự tứ

5. Phá tự tứ

6. Già tự tứ

7. Hạn kỳ tự tứ

8. Khách tự tứ

CHƯƠNG V - DA THUỘC

I. NHÂN DUYÊN THỦ-LUNG-NA

1. Hai bàn chân

2. Giây đàn căng

3. Sáu tín giải

II. NHÂN DUYÊN ỨC NHĨ

1. Tăng-già biên địa

2. Những quy định về da thuộc

2.1. Quy định chung về dép

2.2. Các loại da

2.3. Các vật dụng bằng da

CHƯƠNG VI - Y

I. Y PHẤN TẢO

II. KỲ-BÀ ĐỒNG TỬ

1. Kỹ nữ thành Vương xá

2. Học thuốc

3. Chữa bệnh

III. ĐÀN VIỆT THÍ Y

1. Kỳ-bà thỉnh nguyện

2. Các loại y quý

3. Nhận và chia

4. Y cát tiệt

5. Kỹ nữ thành Tỳ-da-ly

6. Ba y

7. Pháp thức phân vật

8. Tăng vật

9. Tỳ-lưu-ly

10. Thân hậu

11. Di vật của Tỳ-kheo

12. Tạp sự

PHẦN THỨ BA - TĂNG SỰ

CHƯƠNG I - THỌ GIỚI[1]

I. THÍCH THỊ THẾ PHỔ

[779a7] Tôi từng nghe chuyện được kể như vầy:

Từ xa xưa về trước, có vị vua đầu tiên xuất hiện trong đời, tên là

Đại Nhân, được đại chúng suy cử.[2] Nhà vua có thái tử tên là Thiện Vương. Thiện Vương có thái tử tên là Lâu-di. Vua Lâu-di có con tên là Trai.[3] Trai vương có con tên là Đảnh Sanh.[4] vua Đảnh Sanh có con tên là Giá-la. Vua Giá-la có con tên là Bạt-giá-la. Vua Bạtgiá-la có con tên là Vi. Vua Vi có con tên là Vi-lân-đà-la. Vua Vilân-đà-la có con tên là Tì-hê-lê-tứ. Vua Tì-hê-lê-tứ có con tên là Xá-ca-đà. Vua Xá-ca-đà có con tên là Lâu-chi. Vua Lâu-chi có con tên là Tu-lâu-chi. Vua Tu-lâu-chi có con tên là Ba-la-na. Vua Bala-na có con tên là Ma-ha-ba-la-na. Vua Ma-ha-ba-la-na có con tên là Quý-xá. Vua Quý-xá có con tên là Ma-ha-quý-xá. Vua Ma-ha-quý-xá có con tên là Thiện Hiện. Vua Thiện Hiện có con tên là Đại Thiện Hiện. Vua Đại Thiện Hiện có con tên là Vô Ưu.[5] vua Vô Ưu có con tên là Quang Minh. Vua Quang Minh có con tên là Lê-na. Vua Lê-na có con tên là Di-la. Vua Di-la có con tên là Mạt-la. Vua

Mạt-la có con tên là Tinh Tấn Lực. Vua Tinh Tấn Lực có con tên là Lao-xa. Vua Lao-xa có con tên là Thập Xa. Vua Thập Xa có con tên là Bách Xa. Vua Bách Xa có con tên là Kiên Cung. Vua Kiên Cung có con tên là Thập Cung. Vua Thập Cung có con tên là Bách Cung. Vua Bách Cung có con tên là Năng Sư Tử. Vua Năng Sư Tử có con tên là Chân-xà. Từ vua Chân-xà theo thứ tự về sau có mười đời Chuyển luân thánh vương: 1. Già-nâu-chi. 2. Đa-lâu-tỳ-đế. 3. A-thấp-tỳ. 4. Càn-đà-la. 5. Già-lăng-ca. 6. Chiêm-tỳ. 7. Câu-la-bà. 8. Bát-xà-la. 9. [779b] Di-tất-lê. 10. Ý-sư-ma.

Già-nâu-chi theo thứ tự tương thừa có năm vua. Đa-lâu-tỳ-đế theo thứ tự có năm vua. A-thấp-tỳ có bảy vua. Càn-đà-la có tám vua. Già-lăng-ca có chín vua. Chiêm-tỳ có mười bốn vua. Câu-la-bà có ba mươi mốt vua. Bát-xà-la có ba mươi hai vua. Di-tất-lê, theo thứ tự có 84.000 vua. Vua Ý-sư-ma, theo thứ tự có 100 vua. Từ vua Ýsư-ma về sau có nhà vua tên là Đại Thiện Sanh. vua Đại Thiện Sanh có con tên là Ý-sư-ma. vua Ý-sư-ma có con tên là Ưu-la-đà. Ưu-la-đà có con tên là Cù-la. Cù-la có con tên là Ni-phù-la. Niphù-la có con tên là Sư Tử Giáp.[6] Sư Tử Giáp có con tên là Duyệtđầu-đàn. Duyệt-đầu-đàn có con tên là Bồ-tát. Bồ-tát có con tên là La-hầu-la.

II. TRUYỆN ĐỨC THÍCH TÔN

1. Xuất gia và thành đạo

1.1. Vương tử họ Thích

Bồ-tát là con nhà họ Thích, bên cạnh Tuyết sơn, quốc giới phía bắc; thuộc dòng dõi hào quý, cha mẹ chân chánh,[7] các tướng đầy đủ. Khi vừa mới sanh, các thầy tướng bà-la-môn đều đến xem tướng. Họ luận đoán: “Đại vương, hài nhi đây có đầy đủ ba mươi hai tướng của đại nhân. Người có tướng này sẽ hướng đến hai con đường, chắc chắn không sai. Một là, nếu không xuất gia, sẽ là vua Sát-lợi Quán đảnh[8] Chuyển luân thánh vương, có khả năng chinh phục tất cả, làm chủ bốn thiên hạ, được gọi là Pháp vương,[9] vì chúng sanh mà làm vị Tự tại,[10] đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu là: 1. Luân bảo, 2. Tượng bảo, 3. Mã bảo, 4. Châu bảo, 5. Ngọc nữ bảo, 6. Chủ tàng thần bảo, 7. Điển binh bảo. Thái tử có đầy đủ một ngàn người con hùng mãnh, dũng kiện có khả năng đẩy lui tất cả quân địch trên lãnh thổ, không cần dùng đao trượng, tự sử dụng sức của mình, bằng chánh pháp cai trị giáo hóa, không hề có sự sợ hãi khi hành vương sự. Vua thi hành mọi việc một cách tự tại, không hề khiếp nhược. Hai là, nếu Thái tử xuất gia, sống không gia đình, thì sẽ thành bậc Vô thượng Chánh chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa các chúng hội của Ma, của Phạm, của sa-môn, bà-la-môn, chúng hội chư thiên và loài người, đã tự thân chứng ngộ, tự thân an lạc, rồi vì chúng sanh nói pháp; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện xảo, có đủ nghĩa và vị, với phạm hạnh được hiển hiện.”

Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt là Bình-sa[11] lo ngại các nước ở biên giới; sai người thám sát khắp nơi. Nhà vua nghe quân thám sát tâu rằng, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chân chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhân. Các thầy xem tướng nói [779c] như trên.

Bấy giờ, quân thám sát đến tâu với vua rằng:

“Đại vương nên biết, dưới chân Tuyết sơn, quốc giới phía bắc, có một người con trai dòng họ Thích, dòng dõi hào quý, cha mẹ chân chánh, có đủ ba mươi hai tướng đại nhân, như trên đã nói. Nay nhà vua nên tìm cách trừ khử người kia đi. Nếu không, sợ sau này sẽ gây hại cho vua. Việc mất nước, mất đất, sẽ do từ đây phát sinh.” Vua nói: “Làm thế nào mà trừ khử được! Nếu vị kia không xuất gia, sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm Chuyển luân thánh vương, có đủ bảy báu, thống lãnh bốn thiên hạ, là bậc Tự tại, không hề khiếp nhược. Ta sẽ là thần thuộc phục mệnh. Nếu vị ấy xuất gia học đạo, chắc thành bậc Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác, nói pháp cho mọi người; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, đều thiện xảo. Ta sẽ làm đệ tử của vị ấy.”

Theo thời gian Bồ-tát khôn lớn, các căn đầy đủ. Từ chỗ nhàn tịnh, Ngài suy nghĩ: “Nay, Ta xét thấy thế gian này thật là khổ não. Có sanh, có già, có bệnh, có chết. Chết đây sanh kia. Do thân này mà biên tế của khổ không được chấm dứt. Làm thế nào để chấm dứt cái thân khổ này?”

1.2. Xuất gia tầm đạo

Lúc bấy giờ, Bồ-tát vừa tuổi thanh xuân, đầu tóc đen mướt, tướng mạo thù đặc, đang thời thịnh tráng, mà tâm không ham muốn dục lạc. Cha mẹ sầu ưu khóc lóc, không muốn để Bồ-tát xuất gia học đạo.

Rồi thì, Bồ-tát cưỡng ý cha mẹ, tự mình cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, từ bỏ gia đình để sống không gia đình. Bồ-tát du hành, dần dà đi từ biên giới nước Ma-kiệt đến thành La-duyệt.[12] Nghỉ đêm tại núi kia.[13] Sáng sớm tinh sương, Ngài khoác ca-sa, cầm bát, vào thành La-duyệt khất thực. Tướng mạo cực kỳ đẹp đẽ. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Khi ấy, vua Ma-kiệt ở trên lầu cao, các đại thần vây quanh trước sau. Vua từ xa nhìn thấy Bồ-tát vào thành khất thực. Co duỗi, cúi ngước, bước đi ung dung, nhìn thẳng trước mà đi tới, không liếc ngó hai bên. Thấy vậy, nhà vua nói bài kệ khen ngợi cho các đại thần nghe:

Các ngươi xem người kia,
Cử chỉ Thánh tuyệt vời.
Tướng hảo thật trang nghiêm;
Chẳng phải hàng hạ tiện.
Nhìn thẳng, không liếc ngó;
Trực chỉ tiến bước lên.
Vua liền sai người hỏi:
Tỳ-kheo muốn đi đâu?

[780a1]

Người sứ được vua sai
Theo sau chân tỳ-kheo;
Xem tỳ-kheo đến đâu,
Nghỉ đêm ở chỗ nào?
Xin xong khắp mọi nhà,
Các căn định, trầm tĩnh.
Bát cơm nhanh chóng đầy;
Ý chí thường vui tươi.
Sau khi khất thực xong,
Thánh liền ra khỏi thành.
Trên núi Ban-trà-bà,[14]
Sẽ tạm nghỉ nơi đây.
Biết chỗ tỳ-kheo nghỉ;
Một người ở lại đó,
Một người trở về tâu.
Để nhà vua biết rõ
Tỳ-kheo hiện nghỉ đêm
Tại núi Ban-trà-bà.
Nằm ngồi như sư tử;
Như cọp tại rừng sâu.
Vua nghe sứ thần tâu,
Lệnh trang hoàng cỗ voi.
Cùng quân hầu tùy tùng,
Đồng đến lễ Bồ-tát.
Khi đến hỏi chào xong,
Rồi ngồi qua một bên.
Sau khi chào hỏi rồi,
Vua lại nói như sau:
“Xem Ngài đang tráng thịnh,
Các hành rất thanh tịnh;
Lẽ đáng ngự đại xa
Quần thần hầu giá nghiêm.
Tướng mạo rất đoan chánh,
Tất sanh dòng Sát-lợi?”
“Nay tôi trả lời ngài;
Xin nói quê hương mình.
Nay phía Bắc núi Tuyết,
Có nước Đại vương trị.
Nay ở Bắc tuyết sơn
Họ cha gọi là Nhật[15]
Sinh xứ là Thích-ca.
Tài bảo, kỹ thuật đủ,
Cha mẹ đều chân chánh.
Bỏ nhà, tầm học đạo;
Không ưa chốn ngũ dục.
Xem dục nhiều khổ não.
Ly dục thường an ổn.
Tìm cầu chỗ diệt dục,
Là tâm ý của tôi.”

Bấy giờ, vua nói với Thái tử rằng:

“Nay Ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ chia cho phân nửa nước.” Bồ-tát trả lời:

“Tôi không thể nghe theo lời đó được.” Nhà vua lại nói:

“Ngài có thể làm Đại vương. Nay tôi cho Ngài tất cả những gì có trong nước này. Tôi tặng Ngài luôn cả vương miện báu này. Ngài ở trên ngôi vua để trị vì. Tôi sẽ làm thần hạ.” Bồ-tát trả lời:

“Tôi bỏ ngôi vị Chuyển luân vương để xuất gia học đạo, đâu [780b] có thể ham ngôi vị vua nơi biên quốc mà sống ở thế tục. Nay vua nên biết, cũng như một người đã từng thấy nước trong đại dương, sau đó thấy nước trong vũng chân trâu mà há lại có thể sanh tâm mê đắm ở đó. Việc này cũng như vậy. Tôi há lại bỏ ngôi

Chuyển luân vương để nhận ngôi vị tiểu vương chư hầu.[16] Việc này không thể như vậy được.” Bấy giờ, nhà vua thưa rằng:

“Nếu Ngài thành Đạo vô thượng, xin hãy đến thành La-duyệt này trước để tôi được thăm.” Bồ-tát trả lời:

“Được.”

Vua liền rời chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân Bồ-tát, nhiễu ba vòng, rồi cáo lui.

Bấy giờ, có người tên A-lam-ca-lam,[17] là bậc thầy trong mọi người, dạy cho các đệ tử môn thiền định vô sở hữu xứ.[18] Bồ-tát đến chỗ của A-lam-ca-lam thưa hỏi:

“Ngài dạy các đệ tử để cho họ chứng đắc bằng những pháp gì?” A-lam-ca-lam trả lời:

“Này Cù-đàm, tôi nói cho các đệ tử khiến cho họ chứng đắc định vô sở hữu.”

Bấy giờ, Bồ-tát liền nghĩ: “Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có lòng tin, mà nay Ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có tinh tấn, mà Ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ có A-lam-ca-lam có trí tuệ, mà nay Ta cũng có trí tuệ. Nay, A-lam-ca-lam bằng pháp này mà chứng đắc, Ta há không tĩnh tọa tư duy, bằng trí tuệ, mà chứng đắc? Nay, Ta hãy siêng năng tinh tấn để chứng pháp này.” Bồ-tát liền nỗ lực tinh tấn, không bao lâu, chứng đắc pháp này. Bồtát sau khi chứng đắc, bèn đi đến chỗ A-lam-ca-lam nói rằng:

“Phải chăng Ngài chỉ chứng pháp vô sở hữu định này và rồi dạy cho người khác?”

A-lam-ca-lam trả lời:

“Tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.” Bồ-tát nói:

“Tôi cũng đã chứng pháp vô sở hữu định này mà tôi nói cho người khác.”

A-lam-ca-lam hỏi:

“Cù-đàm, thật sự người đã chứng vô sở hữu định này mà không nói cho người chăng? Tôi cũng chứng vô sở hữu định này rồi lại nói cho người khác. Cù-đàm, những gì tôi biết thì người cũng biết. Những gì người biết thì tôi cũng biết. Người như tôi. Tôi như người. Này Cù-đàm, người có thể cùng tôi lo Tăng sự[19] chăng?” Bấy giờ, A-lam-ca-lam sanh lòng hoan hỉ, cung kính thừa sự Bồtát, coi ngang hàng với mình.

Rồi thì, Bồ-tát lại nghĩ: “Loại thiền định vô sở hữu này không phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi chứng đắc Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt. Ta không vui thích với pháp này.” Bồ-tát bèn bỏ A-lam-ca-lam ra đi để cầu pháp cao siêu hơn.

Bấy giờ, có Uất-đầu-lam Tử[20] là bậc thầy đứng đầu ở trong đại chúng. Vị này sau khi thầy mạng chung, [780c] dạy các đệ tử của thầy thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.[21] Bồ-tát đi đến chỗ Uấtđầu-lam Tử thưa hỏi:

“Thầy của Ngài dạy đệ tử bằng những pháp gì?” Uất-đầu-lam Tử trả lời:

“Thầy của tôi dạy các đệ tử môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ.”

Bồ-tát nghĩ rằng: “Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có lòng tin, mà Ta cũng có lòng tin. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có tinh tấn, mà Ta cũng có tinh tấn. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử có trí tuệ, mà Ta cũng có trí tuệ. Đâu phải chỉ Uất-đầu-lam Tử chứng pháp này rồi nói cho người khác. Ta há không thể chứng pháp này sao? Nay Ta hãy nỗ lực tinh tấn để chứng pháp này.” Bồ-tát liền nỗ lực tinh tấn, không bao lâu chứng được pháp này.

Bấy giờ, Bồ-tát đi đến chỗ Uất-đầu-lam Tử hỏi:

“Ngài chỉ có môn thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ này, hay còn có pháp nào nữa?”

Uất-đầu-lam Tử trả lời: “Cù-đàm, tôi chỉ có pháp này. Ngoài ra không có pháp nào nữa.”

Bồ-tát hỏi: “Nay, tôi cũng đã chứng định phi tưởng phi phi tưởng xứ này.”

Uất-đầu-lam Tử nói: “Người thật sự có định phi tưởng phi phi tưởng này rồi chăng? Thầy của Uất-đầu-lam Tử tôi cũng đã chứng nghiệm định phi tưởng phi phi tưởng xứ này. Những gì Thầy tôi biết thì nay người cũng biết. Những gì người biết thì Uất-đầu-lam Tử cũng biết. Người giống như Uất-đầu-lam Tử, Uất-đầu-lam Tử cũng giống như người. Này Cù-đàm, nay người hãy cùng tôi trông coi Tăng sự này.”

Bấy giờ, Uất-đầu-lam Tử phát tâm hoan hỷ, thừa sự Bồ-tát, tôn lên bậc Thầy để thờ kính. Bấy giờ, Bồ-tát lại nghĩ: “Ta quán sát định phi tưởng phi phi tưởng xứ này chẳng phải là pháp tịch diệt, không ly dục, chẳng phải là diệt tận, chẳng phải là tịch tĩnh, chẳng thể thành Đẳng chánh giác, chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là nơi Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt. Ta không vui thích với pháp này.”

Bồ-tát bỏ Uất-đầu-lam Tử ra đi để tìm cầu pháp cao siêu hơn.

Pháp thù thắng mà Bồ-tát tìm cầu, đó là pháp tịch tĩnh tối thượng.[22]

1.3. Sáu năm khổ hạnh

Bồ-tát từ bờ cõi Ma-kiệt du hóa về phương Nam, đến núi Tượng đầu,[23] trong thôn Đại tướng, ở Uất-tì-la.[24] Nơi đó, có một vùng đất sạch sẽ, bằng phẳng, xinh đẹp, khả ái; cỏ xanh non mềm mại đều xoay về phía hữu; ao tắm trong mát mẻ, nước sạch sẽ; vườn rừng rậm rạp bao quanh; thôn xóm dân cư ở xung quanh đông đảo. Thấy vậy, Bồ-tát nghĩ: “Thiện nam tử nào muốn tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây là chỗ tốt. Nay Ta tìm cầu nơi đoạn trừ kết sử, đây chính là chỗ Ta muốn. Vậy Ta hãy ngồi nơi đây để đoạn kết sử.” Bấy giờ có năm người[25] đi theo Bồ-tát, nghĩ rằng: “Nếu Bồ-tát thành đạo, Ngài sẽ nói pháp cho chúng ta.”

Bấy giờ, Uất-tì-la có bốn người con gái: một tên là Bà-la, hai tên là

Uất-bà-la, ba tên là Tôn-đà-la, bốn tên là Kim-bà-già-la, thảy đều [781a1] có tâm lưu luyến Bồ-tát. Họ suy nghĩ: “Nếu Bồ-tát xuất gia học đạo, chúng ta sẽ làm đệ tử. Nếu Bồ-tát không xuất gia học đạo, ở tại gia theo thế tục thì chúng ta sẽ là thê thiếp.”

Ở đây, Bồ-tát khổ hạnh sáu năm, nhưng vẫn không chứng được pháp thù thắng của Thánh trí tăng thượng. Rồi Bồ-tát nhớ lại. Xưa kia, nơi bờ ruộng, chỗ phụ vương hạ điền, ngài ngồi dưới bóng cây diêm-phù, với sự ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán,[26] có hỷ lạc phát sanh do viễn ly,[27] ngài chứng nghiệm và an trú sơ thiền.

Bồ-tát lại nghĩ: “Có con đường nào để từ đó đi đến chỗ dứt sạch nguồn gốc khổ?” Lại nghĩ tiếp, “Con đường này sẽ dẫn đến chỗ dứt sạch nguồn gốc khổ.” Rồi Bồ-tát nỗ lực tinh tấn tu tập trí này; từ con đường này, sẽ đạt đến chỗ dứt sạch nguồn gốc khổ.

Bồ-tát lại nghĩ: “Có hay chăng, nhân bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc?” Rồi lại nghĩ: “Không thể do bởi pháp bất thiện, ái dục, mà đạt được pháp an lạc.”

Ngài lại nghĩ, “Có phải chăng, do tập hành vô dục, xả pháp bất thiện, mà đạt được pháp an lạc? Nhưng Ta không do bởi sự tự hành khổ thân này mà đạt được pháp an lạc. Nay, Ta có nên ăn một ít cơm, bánh bột, để có được sức khoẻ trở lại chăng?”

Sau đó Bồ-tát bắt đầu ăn một ít cơm khô[28] để có được sức khỏe. Khi Bồ-tát ăn một ít thức ăn đó, năm người đi theo đều thất vọng và từ bỏ Bồ-tát ra đi. Họ nói với nhau rằng: “Sa-môn Cù-đàm cuồng mê, mất đạo. Đâu còn có đạo chân thật nữa!”

1.4. Thành Đẳng chánh giác

Bấy giờ, Bồ-tát đã phục hồi sức lực, liền đến nơi dòng nước sông Ni-liên-thiền[29] tắm rửa thân thể. Sau đó, Ngài lên bờ, đến dưới gốc cây Bồ-đề. Khi ấy, cách gốc cây không xa có một người cắt cỏ tên là Cát An.[30] Bồ-tát đến trước người này, nói rằng: “Tôi cần cỏ. Ông làm ơn cho tôi một ít.” Cát An thưa: “Được, tốt lắm!”

Không chút luyến tiếc, Cát An trao cỏ cho Bồ-tát.

Bồ-tát đem cỏ đến dưới gốc cây Cát tường,[31] trải cỏ, rồi ngồi thẳng người, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Bồ-tát trừ dục ái, trừ pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do sự viễn ly,[32] chứng và an trú Sơ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng đầu tiên. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý chuyên niệm, không phóng dật.

Bấy giờ, Bồ-tát lại trừ bỏ giác, quán,[33] đạt được nội tín,[34] có hỷ lạc do định sanh,[35] với không giác quán, chứng và an trú Nhị thiền. Đó là Bồ-tát đạt được pháp thiện thù thắng thứ hai. Tại sao vậy? Vì buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.

Rồi Bồ-tát trừ bỏ hỷ, an trú xả, chánh niệm chánh tri, thân cảm giác lạc, mà [781b] bậc Thánh nói là xả, niệm, an trụ lạc,[36] chứng và an trú Tam thiền. Đó là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ ba. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.

Rồi Bồ-tát xả khổ lạc, dứt ưu hỷ đã cảm thọ từ trước, không khổ không lạc, với xả, niệm thanh tịnh,[37] chứng và an trú Tứ thiền. Đó gọi là Bồ-tát đạt được thắng pháp thứ tư này. Tại sao vậy? Vì nhờ buộc ý, chuyên niệm, không phóng dật.

Bấy giờ, với tâm định tĩnh như vậy,[38][39] Bồ-tát trừ sạch các kết sử, thanh tịnh không còn tỳ vết, được sử dụng một cách nhuần nhuyễn,2 an trụ kiên cố, chứng trí túc mạng, nhớ biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai chục đời, ba chục đời, bốn chục đời, năm chục đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời; kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô số kiếp bại, vô số kiếp thành bại, “Ta đã từng sanh nơi kia, có tên như vậy, họ như vậy, sanh như vậy, thức ăn như vậy, thọ mạng như vậy, giới hạn thọ mạng như vậy, sống ở đời dài vắn như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy; từ nơi này chết, tái sinh nơi kia; từ nơi kia chết, tái sanh nơi này, với tướng mạo như vậy.” Ngài nhớ biết vô số việc của mạng sống đời trước.

Bấy giờ, Bồ-tát lúc đầu đêm đạt được minh thứ nhất này, vô minh diệt và minh phát sanh, bóng tối hết ánh sáng xuất hiện. Đó gọi là sự chứng túc mạng thông. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật.

Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát biết sự sống, sự chết của chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh, Ngài xem thấy sự sống sự chết của chúng sanh,[40] với hình sắc đẹp, hình sắc xấu, đường lành, đường dữ; hoặc sang, hoặc hèn, tùy thuộc vào hành động của chúng sanh, tất cả đều biết rõ. Bồ-tát tự quán sát biết chúng sanh này, do thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, tà kiến, hủy báng Hiền thánh, tạo nghiệp báo tà kiến; thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Bồ-tát lại quán sát chúng sanh, do thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện; chánh kiến, không hủy báng Hiền thánh, tạo nghiệp báo chánh kiến; thân hoại mạng chung sanh trong thiên thượng, nhân gian. Bằng thiên nhãn thanh tịnh như vậy, Ngài quán sát thấy sự sống, chết của chúng sanh tùy theo nghiệp mà chúng đã làm. Đó gọi là, vào lúc nửa đêm, Bồ-tát đạt được minh thứ hai này, vô minh hết, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng xuất hiện. Tức là trí thiên nhãn nhìn thấy chúng sanh. Tại sao vậy? Vì nhờ tinh tấn, không phóng dật.

[781c] Lại với tâm định tĩnh của tam-muội, thanh tịnh không tỳ vết, không kết sử, các cấu bẩn đã sạch, được sử dụng nhuần nhuyễn, an trụ kiên cố, Bồ-tát đạt được lậu tận trí hiện tiền. Với tâm duyên trí lậu tận, Ngài biết như thật rằng, “Đây là khổ”, “Đây là tập”, “Đây là khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến khổ diệt.” Do Bồ-tát biết như vậy, quán như vậy, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu. Đã giải thoát, biết rõ là đã giải thoát, biết rằng, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sanh nữa. Đó là, vào lúc cuối đêm, Bồtát đạt được minh thứ ba này, vô minh diệt, minh phát sanh, bóng tối hết, ánh sáng phát sanh. Đó là trí lậu tận. Tại sao? Vì nhờ Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, phát khởi trí này, đạt được vô ngại giải thoát.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ này đoạn tận tất cả các lậu, trừ tất cả kết sử. Dưới gốc cây Bồ-đề, Ngài ngồi kết già bảy ngày, bất động, hưởng thọ an lạc của giải thoát.

1.5. Hai người khách thương

Qua bảy ngày, Thế Tôn xuất khỏi định tâm. Trong bảy ngày, Ngài chưa ăn thứ gì. Bấy giờ, có hai anh em lái buôn, một người tên là Trảo, một người tên là Ưu-ba-ly,[41] điều khiển năm trăm chiếc xe chở tài bảo đi ngang qua cách cây Bồ-đề không xa. Bấy giờ có vị thần cây chí tín đối với đức Phật, là tri thức quen biết từ lâu đối với hai khách buôn này. Muốn khiến cho hai người khách buôn được Phật độ, ông đến chỗ hai người, nói:

“Các ông biết chăng? Đức Thích-ca Văn[42] Phật, Như Lai, Đẳng chánh giác, trong bảy ngày đã thành tựu tất cả các pháp. Trong bảy ngày ấy Ngài cũng chưa ăn thứ gì. Các ông có thể đem mật ong, cơm khô phụng hiến Như Lai, để các ông được lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.”

Hai anh em người lái buôn nghe vị thần cây nói như vậy, hoan hỷ; liền đem mật ong và cơm khô[43] đến cây Bồ-đề để phụng hiến. Từ xa, họ trông thấy đức Như Lai với tướng mạo khác thường, các căn tịch định, với sự điều phục tối thượng, như con voi được điều phục thuần thục không còn hung hăng, như nước được lóng trong không có bụi nhơ. Thấy vậy, họ phát tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. Họ đến trước đức Như Lai, đảnh lễ, rồi đứng qua một bên. Hai người lái buôn bạch đức Thế Tôn:

“Chúng con xin phụng hiến mật ong và cơm khô. Ngài thương xót thâu nhận cho.”

Đức Thế Tôn lại nghĩ như vầy: “Mật ong và cơm khô do hai người này dâng cúng; lấy thứ gì đựng đây?” Đức Thế Tôn lại nghĩ tiếp: “Quá khứ, [782a1] chư Phật Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, dùng vật gì để đựng thức ăn? Chư Phật Thế Tôn không dùng tay để nhận thức ăn.” Bấy giờ, Tứ Thiên vương đứng hai bên, biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến bốn phương, mỗi vị lấy một bình bát bằng đá đem đến dâng lên đức Thế Tôn và bạch rằng:

“Cúi xin Ngài lấy bình bát này để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn với lòng từ mẫn, liền nhận bốn chiếc bát của

Tứ Thiên vương, rồi hiệp lại thành một cái để nhận mật ong và cơm khô của người lái buôn. Nhận thức ăn bằng lương khô trộn với mật của người lái buôn rồi, nhân cơ hội này đức Phật khai hóa họ bằng lời chú nguyện rằng:

Ai sở hành bố thí
Chắc chắn được lợi ích
Ai vì lạc bố thí,
Sau tất được an lạc.

“Này thương khách, nay các người hãy quy y Phật, quy y Pháp.” Hai người lái buôn liền nhận lời dạy của đức Phật, thưa:

“Bạch Đại đức! Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.”

Đó là, trong những người ưu-bà-tắc đầu tiên nhận lãnh hai quy y, chính là hai anh em người lái buôn này.

Bấy giờ, hai người lái buôn bạch với đức Phật rằng:

“Nay chúng con muốn về lại quê nhà. Nếu khi về đến nơi rồi, muốn làm phước thì làm thế nào? Muốn lễ kính cúng dường thì lễ kính cái gì?”

Đức Thế Tôn biết ý muốn của họ, Ngài liền đem móng tay và tóc cho và nói rằng: “Các ngươi đem vật này về đó, làm phước, lễ bái, cung kính cúng dường.”

Bấy giờ, hai người lái buôn tuy nhận tóc và móng tay, nhưng không thể chí tâm cúng dường vì nghĩ rằng:

“Tóc và móng tay là những vật mà người đời coi rẻ, vất bỏ. Sao đức Thế Tôn lại bảo chúng ta cúng dường!”

Đức Thế Tôn biết trong tâm của người lái buôn nghĩ như vậy, Ngài liền nói với hai người lái buôn:

“Các ngươi chớ nên có tâm niệm coi thường tóc và móng tay của Như Lai như thế, cũng đừng nói, tại sao vật ngươi đời vất bỏ mà Như Lai bảo chúng ta cúng dường. Các người nên biết, khắp thế giới bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, trời và người, đối với tóc cũng như móng tay của Như Lai đều cung kính cúng dường, khiến cho tất cả bao gồm cả Ma chúng, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn chúng, đều được công đức không thể kể xiết.”

Người lái buôn bạch Phật:

“Sự cúng dường tóc và móng tay này có những chứng nghiệm gì?” Đức Phật nói với hai người lái buôn:

1.6. Nhân duyên quá khứ

“Này khách thương, thuở quá khứ xa xưa, có một vị vua tên là

Thắng Oán, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề. Lúc bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-đề lúa gạo đầy đủ, nhân dân hưng thịnh, cuộc sống rất là vui sướng. Cõi nước có tám mươi bốn ngàn thành quách, năm mươi lăm ức thôn xóm, sáu vạn quốc thổ nhỏ. Cung thành vua [782b] Thắng Oán ngự trị tên là Liên hoa, từ đông sang tây mười hai do-tuần, từ nam qua bắc bảy do-tuần. Đất đai phì nhiêu, lúa gạo đầy đủ, nhân dân hưng thịnh, cõi nước an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, ao nước mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông.

“Khách thương, các ngươi nên biết, bấy giờ vua Thắng Oán có người bà-la-môn làm đại thần tên là Đề[44]-diêm-phù-bà-đề. Người này, lúc vua còn bé nhỏ, cùng nhau vui đùa rất thân mật. Sau khi làm đại thần, nhà vua chia cho phân nửa nước. Vị đại thần nhận được phân nửa nước rồi, liền xây dựng thành quách cho quốc gia mình từ đông sang tây dài mười hai do-tuần, từ nam đến bắc rộng bảy do-tuần, lúa gạo dư dật, nhân dân hưng thịnh, quốc độ an lạc, vườn rừng sum sê, thành quách kiên cố, nước ao mát mẻ, mọi thứ đầy đủ, đường sá hanh thông. Đô thành tên là Đề-bà-bạt-đề, đẹp đẽ hơn đô thành Liên hoa.

“Khách thương nên biết, vua không có người kế thừa, nên đi đến các miếu thờ thần, các thần suối, thần sông, thần núi, thần hà thủy, thần ao hồ, mãn thiện thần, bảo thiện thần, mặt trời, mặt trăng, Đế Thích, Phạm thiên, hỏa thần, phong thần, thủy thần, Ma-hê-thủ-la thần, thần vườn, thần rừng, thần chợ, thần ngã tư, thần thành, quỉ tử mẫu, miễu thờ Trời, miễu thờ phước thần, đều cầu khẩu, cho được sanh con trai. Sau đó, đệ nhất phu nhân có thai. Người phụ nữ có ba thứ trí tuệ như thật không hư dối: một là biết mình có thai, hai là biết từ đâu có thai, ba là biết đàn ông có ái dục đối với mình. Bấy giờ phu nhân đến thưa với vua rằng: ‘Thưa đại vương, tôi vừa có thai.’ vua nói: ‘Lành thay! Lành thay!’ vua liền ra lệnh cho các quan tả hữu cung cấp, cung phụng nhiều thức ăn, y phục, ngọa cụ; tất cả những nhu cầu cho phu nhân đều là những thứ tốt nhất. Mười tháng trôi qua, phu nhân hạ sanh một hài nhi nam, xinh đẹp cực kỳ, hy hữu trong đời. Vừa mới sanh, không ai đỡ mà hài nhi tự mình đứng dậy, đi bảy bước và nói: ‘Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi khổ sanh-lãobệnh-tử.’ Tức thì được hiệu là Định Quang Bồ-tát.

“Khách thương nên biết, bấy giờ quốc vương liền đòi các thầy tướng giỏi trong dòng bà-la-môn đến nói: ‘Các người nên biết, phu nhân của ta vừa sanh một nam hài nhi, tướng mạo xinh đẹp, hiếm có trên đời. Vừa mới sinh không ai đỡ mà tự mình đứng dậy đi bảy bước và nói: ‘Trong thiên thượng thế gian, tôi là bậc tối tôn tối thắng. Tôi sẽ độ tất cả chúng sanh khỏi [782c] khổ sanh-lão-bệnhtử.’ Các người rành nghề tướng số, hãy xem tướng hài nhi cho ta.’ Các thầy tướng tâu vua rằng: ‘Xin Đại vương cho bồng hài nhi ra để chúng tôi xem.’ vua liền đích thân vào cung bồng hài nhi ra để cho các thầy tướng xem. Các thầy tướng xem xong, tâu với vua: ‘Đại vương sanh hài nhi này, có đại thần lực, có đại phước công đức, sở nguyện đều đầy đủ. Nếu Vương tử này ở tại gia sẽ là vua Sát-lợi quán đảnh, làm vị Chuyển luân vương bảy báu đầy đủ, thống lãnh bốn thiên hạ, có ngàn người con, dũng kiện, hùng mãnh, có thể đánh bại các kẻ địch, dùng pháp trị mà không cần đến đao trượng. Nếu xuất gia, thì sẽ thành Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, bậc Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa các chúng hội của chư thiên và loài người, giữa các chúng Ma thiên, Phạm thiên, bà-la-môn, Ngài tự thân tác chứng, tự thành tựu rồi nói pháp; pháp ấy thượng trung hạ đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.’

“Khách thương nên biết, bấy giờ vua khen thưởng cho bà-la-môn rồi, sai bốn bà vú nuôi, bồng ẵm, chăm sóc Bồ-tát Định Quang. Bà thứ nhất bồng ẵm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, bà thứ tư dẫn đi chơi. Bà vú bồng ẵm có phận sự bồng ẵm, xoa bóp, khiến cho tất cả bộ phận trong cơ thể đều được ngay thẳng. Bà vú tắm rửa có phận sự tắm rửa, giặt giũ áo quần. Bà vú cho bú có phận sự tùy thời cho bú. Bà vú dẫn đi chơi có bổn phận cùng các công tử tập cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, đi kiệu và các thứ tạp bảo, nhạc khí, các loại máy móc. Với tất cả các thứ đầy đủ như vậy để phục vụ cho Bồ-tát Định Quang vui chơi. Mỗi khi đi, có người cầm lọng báu hình con công đi theo.

“Khách thương nên biết, Bồ-tát Định Quang khi vừa tám tuổi, mười tuổi, được dạy các thứ kỹ thuật, kinh sách, toán số, ấn, họa, ca vũ, trống, đàn, cách cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi xe, bắn cung, giác đấu. Tất cả các kỹ thuật, không một thứ nào Bồ-tát không tinh luyện.

“Khách thương nên biết, khi Định Quang tuổi được mười lăm, mười sáu, vua liền cho xây cất ba cung điện mùa, cho đông, hạ và xuân; cấp hai vạn thế nữ để vui chơi. Tạo vườn ao dọc ngang mười hai do-tuần. Tất cả loại cây hoa, cây ăn trái, cây tỏa hương, tất cả cây kì lạ toàn cõi Diêm-phù-đề đều đem về trồng nơi vườn đó.

“Khách thương nên biết, vị trời Thủ-đà-hội[45] hằng ngày đến hầu hạ, hộ vệ. Vị trời ấy nghĩ: ‘Nay Bồ-tát ở tại gia đã lâu rồi, ta nên làm cho Bồ-tát sinh yếm [783a1] ly. Bồ tát sau khi đã yếm ly, sẽ sớm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, tu đạo vô thượng.’ Chờ khi

Bồ-tát vào phía sau vườn, vị trời liền hóa thành bốn người, một người già, một người bệnh, một người chết và một người sa-môn xuất gia. Bồ-tát thấy bốn người như vậy rồi, lòng sanh ưu sầu, nhàm chán sự khổ của cuộc đời:

‘Xem đời như vậy rồi, có gì để tham luyến?’ “Khách thương nên biết, Bồ-tát nhàm chán rồi, ngay ngày ấy xuất gia, nội nhật thành đạo vô thượng.

“Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang, Chí nhân, Chánh đẳng chánh giác, quan sát khắp tất cả thấy chưa có người nào thích hợp, để chuyển Pháp luân vô thượng mà hóa độ người ấy. Bấy giờ, cách thành Đề-bà-bạt-đề không xa, Định Quang Như Lai hóa làm một thành trì lớn, cao rộng, tốt đẹp, treo tràng phan bảo cái, khắp nơi chạm trổ hình tượng các loài chim hay các loài thú; ao hồ; vườn cây trái; trong sạch nhiệm mầu hơn hẳn thành Đề-bàbạt-đề. Như Lai hóa làm dân, tướng mạo hình sắc cũng hơn nhân dân của nước kia, khiến nhân dân của nước mình cùng nhau tới lui giao tiếp thân hữu.

“Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai quán sát nhân dân trong thành Đề-bà-bạt-đề, thấy các căn đã thuần thục, liền khiến cái thành được biến hóa ấy bỗng nhiên phát hỏa. Nhân dân trong thành Đề-bà-bạt-đề thấy sự việc như vậy trong lòng sầu ưu, sanh tâm yểm ly. Đức Như Lai Định Quang trong bảy ngày độ sáu mươi sáu na-do tha người, năm mươi lăm ức Thanh văn.

“Khách thương nên biết, bấy giờ đức Như Lai Định Quang nổi tiếng vang lừng, giáp khắp mười phương mọi người đều nghe biết. Tất cả đều xưng tụng rằng ‘Định Quang Như Lai, là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài, ở giữa tất cả thế giới, bao gồm Ma, hoặc Ma thiên, Phạm chúng, sa-môn, bà-la-môn, trời và người, đã tự thân tác chứng, và an trú, rồi thuyết pháp cho người; pháp ấy, khoảng đầu, chặng giữa và đoạn sau thảy đều thiện, có nghĩa có vị, với phạm hạnh được hiển hiện.’

“Khách thương nên biết, Đức Định Quang Như Lai, bình thường từ thân phát ra ánh sáng chiếu trăm do-tuần. Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, ánh sáng chiếu vô lượng, khi nhiếp thu ánh sáng lại thì ánh sáng còn bảy thước.

“Khách thương nên biết, khi vua Thắng Oán nghe trong cung của vua Đề-diêm-bà-đề sanh một vị thái tử, phước đức oai thần, các tướng đầy đủ, ngay trong ngày xuất gia liền thành bậc Vô thượng Chánh chân, Đẳng chánh giác, tiếng đồn vang khắp, mọi người đều xưng tụng, ‘Đức Như Lai Định Quang là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác... cho đến [783b] phạm hạnh được hiển hiện.’ vua Thắng Oán liền sai sứ đến nơi vua Đề-diêm-bà-đề nói: ‘Ta biết khanh sanh Thái tử phước đức oai thần, đầy đủ các tướng, ngay trong ngày xuất gia liền thành đạo quả... cho đến phạm hạnh hiển hiện, danh xưng vang lừng, đồn khắp mười phương. Nay ta muốn được xem Thái tử. Nếu khanh không cho Thái tử đến thì ta sẽ tự thân đến đó.’ vua Đề-diêm-bà-đề nghe như vậy, trong lòng sầu ưu, tập trung quần thần bàn thảo: ‘Các ngươi hãy suy nghĩ, chúng ta nên trả lời như thế nào? Làm thế nào để vừa ý vua kia?’ Quần thần đề nghị: ‘Nên đến hỏi Như Lai Định Quang. Tùy theo lời Phật dạy thế nào thì chúng ta làm thế ấy.’

“Bấy giờ vua Đề-diêm-bà-đề cùng các quần thần đến chỗ Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo vua: ‘Vua thôi chớ sầu ưu. Ta sẽ tự thân đến đó.’ “Khách thương nên biết, bấy giờ, vua Đề-diêmbà-đề tại quốc nội suốt bảy ngày cúng dường y phục, ẩm thực, giường nằm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh cho đức Như Lai Định Quang và Tăng tỳ-kheo, không thiếu một thứ gì.

“Khách thương nên biết, Đức Như Lai Định Quang sau bảy ngày cùng các tỳ-kheo du hành trong nhân gian, đến bên ao của Long vương Dược Sơn.

“Khách thương nên biết, cung của Long vương này, dọc ngang năm trăm do-tuần. Định Quang Như Lai và Tăng tỳ-kheo trụ nơi núi kia. Bấy giờ, Định Quang Như Lai phóng đại quang minh khắp soi các quốc độ trong ba ngàn đại thiên, sáng chói không phân biệt ngày đêm. Khi các loại hoa, như hoa ưu-bát, bát-đẩu-ma, cưu-vật-đẩu, phân-đà-lợi, đều búp lại; và khi các loài chim không hót, thì biết đó là đêm. Khi các loài hoa như hoa ưu-bát v.v... nở và các loài chim hót, biết đó là ngày. Như vậy trải qua mười hai năm, không phân biệt được ban ngày và ban đêm. Bấy giờ, vua Thắng Oán liền tập hợp các đại thần lại và nói: ‘Ta nhớ xưa kia có ngày có đêm. Sao nay không có ngày, không có đêm? Khi các loài hoa ưu-bát nở, và các loài chim hót thì biết là ngày. Nếu hoa búp, chim không kêu, biết là đêm. Vì ta có làm điều gì lầm lỗi hay trong thế gian này có điều phi pháp, hoặc là các khanh có điều gì tội lỗi chăng? Các người cứ thành thật cho ta biết.’ Chư thần tâu: ‘Vua cũng không có điều gì lầm lỗi. Nước cũng không có điều chi phi pháp. Chúng tôi cũng không có điều chi tội lỗi. Mà hiện nay Định Quang Như Lai ở trên núi Ha-lê-đà, bên cung Long vương, phóng đại hào quang, khắp soi các quốc độ trong ba ngàn đại thiên. [783c] Do oai thần đó, khiến ngày đêm không phân biệt được. Muốn biết ngày đêm phải dựa vào khi hoa búp, chim không kêu là đêm; hoa nở, chim kêu là ngày. Vua không có lầm lỗi. Nước không có phi pháp. Chúng tôi cũng không có tội lỗi gì. Đây là oai thần của Định Quang Như Lai. Chúng ta không nên lo sợ.’ vua hỏi chư thần tả hữu: ‘Cung Long vương, núi Ha-lê-đà, cách đây xa gần?’ Các đại thần tâu: ‘Cách đây không xa, độ chừng ba mươi lí thôi.’

“Vua truyền lệnh cho các quan tả hữu nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim,[46] nói: ‘Nay ta muốn đến đó để lễ bái Định Quang Như Lai.’ “Các quan tả hữu tuân lệnh, liền nghiêm chỉnh cỗ xe có gắn lông chim, rồi đến tâu với nhà vua: ‘Xa giá đã chuẩn bị xong. Tâu đại vương biết cho.’ “Khách thương nên biết, vua liền lên xe. Quần thần thị tùng, cùng đến cung Long vương trên núi Ha-lê-đà. Đoàn xe đi đến chỗ xe không đi được, vua và đoàn tùy tùng xuống đi bộ đến cung Long vương.

“Khách thương nên biết, bấy giờ, vua từ xa trông thấy Định Quang Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định. Thấy vậy vua phát tâm hoan hỷ, liền đến trước đức Phật Định Quang, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự nói pháp vi diệu cho vua nghe, khuyến khích, khiến hoan hỷ. Vua nghe Phật nói diệu pháp, khuyến khích, hoan hỷ rồi, bạch Phật: ‘Nay thật hợp thời, kính cung thỉnh đức Như Lai vào thành Liên Hoa.’

“Định Quang Như Lai im lặng nhận lời vua cung thỉnh. Vua Thắng Oán biết đức Phật nhận lời thỉnh cầu bằng cách im lặng rồi, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và cáo lui.

“Trở về lại quốc nội, vua ra lệnh cho nhân dân: ‘Các ngươi, hãy đào đất đắp đường thật kiên cố, từ thành Liên hoa đến Dược sơn; hãy đào đất ngập đầu gối, rồi lấy chày nện cho chặt cứng. Dùng nước thơm rưới trên đất. Hai bên đường, trồng các loại cây hoa. Lề đường làm lan can. Đốt đèn dầu tốt để lên trên. Làm lò hương bằng bốn món báu, là kim, ngân, lưu ly, pha lê.’

“Nhân dân nhận lệnh của vua như trên. Sau đó vua lại tập hợp các đại thần bảo rằng: ‘Các khanh phải trang hoàng đại thành Liên hoa này. Dọn dẹp tất cả các rác rưởi, đất cát, sỏi đá bẩn thỉu. Dùng bùn đất tốt mịn trét lên trên mặt đất. Treo tràng phan, bảo cái. Xông các loại hương đặc biệt. Dùng các loại nệm dệt bằng lông để trải. Dùng các loại hoa tốt rải trên mặt đất.’

“Quần thần vâng lệnh vua mà trang trí. Vua Thắng Oán lại bảo các đại thần: ‘Nhân dân trong quốc độ, cấm không cho người bán hương hoa. Nếu có người nào bán thì không được mua. Ai mua bán [784a1] sẽ bị trừng phạt. Tại sao vậy? Vì Trẫm muốn cúng dường

Định Quang Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.’

“Bấy giờ, có vị đại thần bà-la-môn tên là Tự Thí, có nhiều tài bảo chân châu, hổ phách, xa cừ, mã não, thủy tinh, kim, ngân, lưu ly, trân kỳ dị bảo, không thể kể xiết. Bà-la-môn kia trong mười hai năm tế tự, cầu rằng, ‘Trong nhân gian, nếu có người nào có nhiều trí tuệ đệ nhất, ta sẽ đem cho bình bát bằng vàng đựng đầy thóc lúa bằng bạc; hoặc bát bằng bạc đựng đầy thóc lúa bằng vàng; và cả cái âu rửa cũng bằng vàng; bảo cái, guốc dép tốt đẹp lạ thường; còn hai tấm thảm đẹp, các loại tạp bảo làm song giường, luôn cả một cô gái trang nghiêm xinh đẹp tên là Tô-la-bà-đề; tất cả để biếu tặng cho vị ấy.’

“Lúc ấy, trong chúng hội tế tự, có một đại bà-la-môn đệ nhất thượng tọa, là đại thần của vua, có mười hai tướng xấu xí: chột, gù, gầy, bướu cổ, da vàng, đầu vàng, mắt xanh, răng lưỡi cưa, răng đen, tay chân khèo, thân cong, lùn, lòi xương đầu gối.

“Khách thương nên biết, bà-la-môn Tự Thí kia nghĩ rằng: ‘Nay, trên chỗ ngồi cao nhất này, người ngồi có mười hai cái xấu, là đại thần của vua, làm sao ta có thể đem những vật quý báu và người nữ của ta trao cho người ấy được? Ta hãy kéo dài ngày tế tự để thật sự có người bà-la-môn thông minh trí tuệ, dung mạo đẹp đẽ, ta sẽ dâng cho.’

“Khách thương nên biết, phía nam Tuyết sơn có một Tiên nhân, tên là Trân Bảo, thiểu dục, ưa nhàn tịnh, không có lòng tham, tu tập thiền định, đặng năm thần thông, dạy năm trăm phạm-chí[47] khiến cho tụng tập. Tiên nhân năm thần thông có một người đệ tử, tên là Di- khước, cha mẹ chân chánh, bảy đời thanh tịnh, cũng lại dạy cho năm trăm đệ tử.

“Khách thương nên biết, bấy giờ, đệ tử Di-khước đến chỗ Trân Bảo Tiên nhân thưa: ‘Nay học vấn của con đã xong. Con nên học thêm thứ gì?’ Trân Bảo Tiên nhân liền trước tác kinh thơ, mà tất cả bàla-môn không có. Trước tác xong, bảo đệ tử rằng: ‘Ngươi hãy học tập tụng đọc sách này. Sách này, các bà-la-môn không có. Học tập đọc tụng xong, đối với các bà-la-môn, ngươi có thể là đệ nhất tối thắng.’

“Khách thương nên biết, bấy giờ người đệ tử kia liền học tập sách ấy một cách thông suốt. Học xong, đến chỗ Trân Bảo Tiên nhân thưa: ‘Con học xong sách này rồi. Còn học thứ gì nữa?’ Vị thầy nói: ‘Nếu ngươi học xong sách ấy rồi, thì phàm người đệ tử nên trả ơn thầy. Nay, con hãy trả ơn!’ Người đệ tử thưa: [784b] ‘Con phải trả ơn thầy bằng cách nào?’ Vị thầy nói: ‘Ta cần có năm trăm đồng tiền vàng.’

“Di-khước nghe thầy nói rồi, liền dẫn năm trăm đệ tử đến phía nam Tuyết sơn, du hành trong nhân gian. Từ nước này đến nước kia; từ thôn kia đến thôn nọ; lần hồi, họ đi đến thành Liên-hoa. Họ nghe mọi người nói: ‘Bà-la-môn Da-nhã-đạt,[48] trong mười hai năm tế tự thiên thần, khấn rằng, nếu có người thông minh đệ nhất, sẽ dùng bình bát bằng vàng đựng thóc lúa bằng bạc, bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bình rửa bằng vàng, bảo cái tốt, nệm rất tốt, các đồ dùng bằng bảy báu trang nghiêm và Tô-la-bà-đề người nữ đoan chánh đẹp đẽ để hiến dâng.’ Di-khước bèn nghĩ, ‘Ta hãy đi vào trong chúng kia, hoặc giả có thể được năm trăm đồng tiền vàng.’ “Khách thương nên biết, Di-khước liền đi vào trong tế đàn. Ngay khi vừa mới vào, đại oai thần của ông trở nên sáng chói. Bấy giờ, bà-la-môn Da-nhã-đạt nghĩ rằng: ‘Người này vào tế đàn mà có đại oai thần chói sáng. Nay ta nên dời vị Thượng tọa kia đi, để lấy chỗ cho Ma-nạp này ngồi. Nếu Ma-nạp này ngồi nơi chỗ Thượng tọa rồi, các ngươi sẽ cùng ta cao giọng tung hô: Lành thay! Rồi trổi nhạc, rải hoa, đốt hương, cung kính lễ bái.’ Bấy giờ, mọi người đều vâng lời, nói: ‘Nên như vậy. Chúng tôi sẽ theo lời dạy mà làm.’ “Khi Ma-nạp Di-khước vào trong chúng kia, ông đứng dưới mà hỏi bên trên: ‘Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít?’ Trả lời: ‘Tôi tụng được những kinh như vậy; chừng ấy.’ So với những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, số ấy không thể sánh được. Ma-nạp tiếp đến lại hỏi hai, ba người cho đến trăm ngàn người: ‘Các ông tụng những thứ kinh gì? Tụng được bao nhiêu thứ? Tụng nhiều ít?’ Họ trả lời: ‘Chúng tôi tụng được những thứ kinh đó; chừng ấy.’ So với những kinh Ma-nạp tụng được nhiều gấp trăm vạn ức lần, số ấy không thể sánh được. Kế đến hỏi vị thượng tọa đệ nhất: ‘Ngài biết được những thứ kinh gì? Tụng được những thứ kinh gì?’ Vị ấy trả lời, ‘Tôi tụng đọc như vậy; chừng ấy.’ Ma-nạp Di-khước lại cũng vượt hơn vị này. Ma-nạp Di-khước nói: ‘Những thứ kinh mà tôi tụng được nhiều hơn ngài!’ Ma-nạp lại nói tiếp, ‘Ngài nên nhường chỗ cho tôi ngồi!’ Vị thượng tọa nói: ‘Nếu ngài không bảo tôi dời chỗ, thì những vật cúng dường và vàng bạc nhận được ở đây tôi sẽ chia cho ngài. ‘Ma-nạp Di-khước trả lời: ‘Dù ông cho tôi bảy báu đầy cõi Diêm-phù-đề, tôi cũng không nhận. Chỉ có việc là ông dời đi chỗ khác. Tại sao vậy? Vì tôi có pháp này, là phải ngồi vào chỗ ngồi này.’

“Khách thương [784c] nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di-khước dời vị thượng tọa ấy đi, rồi ngồi lên chỗ đó. Khi Ma-nạp Di-khước ngồi lên chỗ ngồi, tức thì đất rung động sáu cách, liền có tiếng tung hô lớn: Lành thay! và âm nhạc trỗi, hương hoa cúng dường.

“Khách thương nên biết, Da-nhã-đạt rất hoan hỷ, vui mừng vô lượng; đem bát bằng vàng đựng thóc lúa bằng bạc, bát bằng bạc đựng thóc lúa bằng vàng, bảo cái bằng vàng bảy báu trang nghiêm, chậu rửa cũng bằng vàng bạc rất là đẹp đẽ, nệm bằng lông tốt kỳ lạ để trang trí và dẫn người nữ trang nghiêm xinh đẹp đến trước Manạp Di-khước thưa: ‘Cúi xin ngài thọ nhận các bảo vật này và người nữ trang nghiêm xinh đẹp này.’ Di-khước trả lời: ‘Tôi không cần những thứ đó.’ Da-nhã-đạt liền hỏi: ‘Vậy, ngài cần thứ gì?’ Trả lời: ‘Tôi cần năm trăm đồng tiền vàng.’ Da-nhã-đạt liền đem năm trăm đồng tiền vàng đến trao.

“Khách thương nên biết, bấy giờ, Ma-nạp Di-khước nhận năm trăm đồng tiền vàng rồi, rời chỗ ngồi đứng dậy cáo lui. Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề cũng đi theo. Ma-nạp Di-khước quay lại nói: ‘Tại sao cô đi theo tôi?’ Người nữ trả lời: ‘Cha mẹ em bảo em đi theo anh để làm vợ.’ Ma-nạp Di-khước trả lời: ‘Tôi tu phạm hạnh, đâu cần đến cô. Ai có ái dục thì mới cần đến cô.’ Người nữ kia đành phải trở về, vào trong vườn của cha. Trong vườn có cái ao tắm trong sạch. Trong ao có bảy cành bông sen. Năm bông chung một cành, mùi thơm ngào ngạt màu sắc đặc biệt. Lại có hai bông chung một cành, hương sắc thù diệu. Thấy vậy, người nữ nghĩ, ‘Ta thấy hoa sen này thật là vi diệu tuyệt hảo. Nay ta nên hái hoa này để tặng cho Ma-nạp Di-khước, khiến cho người được vui thích.’ Nghĩ xong cô liền hái hoa, cắm vào trong bình nước, rồi ra khỏi vườn, đi khắp nơi tìm Ma-nạp Di-khước.

“Bấy giờ, Ma-nạp Di-khước trở lại đại quốc Bát-ma,[49] thấy nhân dân trong nước quét dọn đường sá, trừ bỏ tất cả các thứ rác bẩn, tu bổ sửa chữa bằng phẳng, dùng hoa trải trên đất, rưới nước hương, treo tràng phang bảo cái, trải đệm dệt bằng lông... Thấy vậy, Dikhước liền hỏi người trong thành: ‘Nay trong thành tu bổ trang trí đẹp đẽ như thế này là để phục vụ cho ngày tiết hội hay là dùng vào ngày sao tốt?’ Người trong thành trả lời: ‘Phật Định Quang sẽ đến thành này, cho nên mới trang trí đẹp đẽ như thế...’

“Ma-nạp Di-khước tâm niệm: ‘Nay ta nên dùng năm trăm đồng tiền vàng này để mua tràng hoa tốt đẹp, hương thơm, kỹ nhạc đặc biệt tràng phan bảo cái quý báu, trước là để cúng dường Định Quang Như Lai, sau sẽ vì thầy mà cầu tài.’ Di-khước liền đi khắp nước Bát-ma [785a1] để mua mà không có. Tại sao vậy? Vì vua Thắng Oán đã ra lịnh cấm việc mua bán hoa.

“Bấy giờ, người nữ Tô-la-bà-đề từ xa thấy Ma-nạp Di-khước đi đến, cô liền hỏi: ‘Thưa ngài Niên thiếu,[50] vì sao ngài bước đi vội vã như thế? Ngài cần gì?’ Ma-nạp Di-khước trả lời: ‘Tôi cần hoa tốt.’ Người nữ hỏi: ‘Ngài dùng hoa làm gì?’ Đáp rằng: ‘Tôi muốn gieo trồng rễ vô thượng để làm hạt giống Phật.’ Người nữ hỏi: ‘Hoa này đã khô héo rồi, màu sắc đã biến đổi, không thể trồng lại được, làm sao có thể dùng nó để gieo trồng rễ vô thượng làm hạt giống Phật?’ Ma-nạp nói với người nữ: ‘Ruộng này rất tốt phì nhiêu. Dù cho hoa này đã khô héo, biến sắc, hạt giống bị hư nát, vẫn có thể sống lại.’ Người nữ liền nói: ‘Vậy ông hãy lấy hoa này để gieo trồng rễ vô thượng để làm hạt giống Phật đi!’ Ma-nạp hỏi: ‘Cô bán với giá bao nhiêu, tôi sẽ lấy cho?’ Người nữ liền nói: ‘Ma-nạp, tiếc gì tài vật của tôi? Cha tôi tên là Da-nhã-đạt, tài bảo rất nhiều. Ma-nạp muốn mua hoa này, chỉ cần cùng tôi thề ước, là bất cứ sanh ở nơi đâu, luôn luôn làm chồng tôi.’ Ma-nạp đáp rằng: ‘Tôi thật hành đạo Bồtát; tất cả không có gì thương tiếc cả. Nếu có người xin, kể cả xương thịt, tôi cũng không luyến tiếc. Chỉ trừ cha, mẹ. Nhưng chỉ sợ rằng cô làm trở ngại cho tôi.’ Người nữ nói; ‘ Chỗ nào ông sinh ra, nơi đó tất có đại oai thần, tôi cũng theo đó mà có oai thần. Muốn đem tôi để bố thí thì tùy ý ông cứ bố thí.’

“Bấy giờ, Ma-nạp lấy năm trăm đồng tiền vàng mua năm cành hoa, hai cành còn lại, người nữ trao cho Ma-nạp Di-khước và nói: ‘Đây là hoa của tôi gởi cho ông, để dâng cúng Định Quang Như Lai. Tại sao vậy? Tôi nguyện cùng ông sanh bất cứ nơi nào, thường không xa nhau.’

“Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp Di-khước được bảy cành hoa sen này rồi, hết sức vui mừng, không thể kể xiết. Ông liền đến cửa đông thành. Vào lúc đó, số người nhiều không tính hết, tất cả đều cầm hương hoa, tràng phan bảo cái, trổi nhạc, đợi rước Định Quang Như Lai. Ma- nạp Di-khước muốn đến trước để rải hoa mà không đến được, liền trở lại hỏi vua Thắng Oán rằng: ‘Vì lý do nào mà Ngài tu sửa thành nội khang trang thế này? Ngày tiết hội hay ngày sao tốt?’ vua trả lời: ‘Nay có Định Quang Như Lai đến nơi thành nầy, nên ta mới cho trang hoàng đẹp đẽ như vậy.’ Ma-nạp hỏi vua: ‘Làm sao biết được [785bs] Như Lai có ba mươi hai tướng?’ vua nói: ‘Các sách sấm ký của bà-la-môn cho biết.’ Manạp thưa: ‘Nếu vậy, tôi có tụng sách này, sẽ chứng biết được việc ấy.’ vua nói:

‘Nếu ông có khả năng biết điều đó, thì ông đến trước để xem có ba mươi hai tướng không, sau đó, tôi sẽ đến diện kiến.’

“Khách thương nên biết, bấy giờ Ma-nạp nghe vua nói rồi, vui mừng không xiết kể, liền đến bên ngoài cửa thành phía đông. Dân chúng thấy Ma-nạp đến thì vui mừng, đều tự tránh đường cho Manạp đi. Tại sao vậy? Vì vâng theo lệnh của vua.

“Khách thương nên biết, Ma-nạp từ xa thấy đức Như Lai, trong tâm hoan hỷ, liền đem bảy cành hoa rải trên đức Phật Định Quang Như Lai. Do oai thần của Phật, từ trên hư không hoa kia biến thành bảo cái bằng hoa, rộng mười hai do-tuần, cành bông ở phía trên, lá ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt, che khắp nước kia, không chỗ nào không được che, nhìn không biết chán. Đức Phật đi đến đâu bảo cái bằng hoa che đến đó. Nhân dân nam nữ trong thành đều cởi áo mới của mình đem trải dưới đất.

“Khi ấy, Ma-nạp đang mặc hai chiếc áo bằng da nai. Ông liền cởi một cái trải dưới đất. Nhân dân trong thành lượm chiếc áo ấy mà vất đi. Ma-nạp suy nghĩ trong lòng: ‘Ta không được Định Quang Như Lai thương tưởng.’ Định Quang Như Lai biết ý nghĩ ấy của ông, liền hóa đất thành bùn, khiến cho không một người nào trải áo lên trên được.

“Khách thương nên biết, Ma-nạp lại nghĩ: ‘Người trong thành ngu si, không có sự phân biệt, chỗ nên trải lại không trải.’ Ma-nạp liền lấy chiếc áo da nai trải vào chỗ bùn. Song không che hết bùn.

“Khách thương nên biết, tóc của Ma-nạp năm trăm năm thường búi lại, chưa từng mở ra. Ma-nạp liền thưa hỏi đức Như Lai: “Thế Tôn có thể bước qua trên tóc của con mà đi qua được không?’ Thế Tôn đáp: ‘Được.’ Ma-nạp liền xổ đầu tóc ra, trải lên trên chỗ bùn, tâm phát nguyện: ‘Nếu Định Quang Như Lai không thọ ký riêng, thì con ở chỗ bùn này dù hình khô mạng chung, quyết không đứng dậy.’ Định Quang Như Lai biết được lòng chí thành của Ma-nạp, đời trước có trồng căn lành, các đức đầy đủ, nên Ngài dùng chân bên tả bước qua trên tóc và nói: ‘Ma-nạp, hãy đứng dậy! Trong đời vị lai vô số a-tăng-kỳ kiếp, ngươi sẽ thành Phật, hiệu là Thích-ca Văn Như Lai, Chí nhân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.’ Nghe lời biệt ký rồi, Ma-nạp liền vụt bay lên không trung, cách mặt đất bảy cây đa-la mà tóc vẫn còn trải nơi đất cũ.

“Khách thương nên biết, bấy giờ, [785c] Định Quang Như Lai, Chí nhân, Đẳng chánh giác, xoay qua bên hữu, như con đại tượng vương, bảo các tỳ-kheo: ‘Các ông chớ nên bước lên trên tóc của Ma-nạp. Tại sao vậy? Đây là tóc của Bồ-tát. Tất cả Thanh văn,

Bích-chi-phật đều không được bước lên trên.’

“Bấy giờ, trăm ngàn vạn ức người đều rải hoa đốt hương cúng dường tóc kia. Người lái buôn nên biết, bấy giờ, vị đại thần của vua Thắng Oán có mười hai tật xấu ấy nghe Định Quang Như Lai thọ ký cho Ma-nạp, liền đến nơi vua Thắng Oán tâu: ‘Tôi có khả năng trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh.’ vua nói với bà-la-môn rằng: ‘Ý ông rất hay. Ông hãy biết thời.’ Bà-lamôn này trong vòng hai vạn năm cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh rồi phát nguyện: ‘Trong vòng hai vạn năm tôi cúng dường Định Quang Như Lai và chúng Tăng y phục, ẩm thực, giường nằm, ngoạ cụ, thuốc chữa bệnh. Song, đối với Ma-nạp, người đã dời chỗ ngồi của tôi, đoạt sự cúng dường của tôi, hủy báng danh dự của tôi; duyên vào phước báo nhân duyên này, người này bất cứ sanh chỗ nào, tôi luôn luôn theo hủy nhục kẻ ấy, cho đến khi y thành đạo, cũng không xả ly.’

“Khách thương nên biết, bà-la-môn Da-nhã-đạt thuở ấy đâu phải ai khác, mà nay là Chấp Trượng họ Thích.[51] Người nữ Tô-ma-bà-đề, nay chính là Thích nữ Cù-di.[52] Đại thần của vua Thắng Oán, bà-lamôn có mười hai tật xấu ấy, nay chính là thân của Đề-bà-đạt. Trân Bảo Tiên nhân, đâu phải ai khác mà là Bồ-tát Di-lặc. Ma-nạp Dikhước chính là Ta vậy.

“Khách thương nên biết, ai có thể cúng dường móng tay và tóc của người học đạo Bồ-tát chắc chắn thành vô thượng đạo. Bằng con mắt của Phật mà nhìn, Ta thấy trong thiên hạ không một ai như vậy mà sẽ không vào Bát-niết-bàn trong Niết-bàn giới Vô dư. Huống chi đối với vị không dục, không sân, không nhuế, không si. Bố thí cho vị ấy là bậc nhất trong các bố thí, là phước tối tôn. Bậc nhất trong các người thọ nhận, há lại không báo ứng sao?”

Bấy giờ, hai anh em người lái buôn liền rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Đức Thế Tôn ăn cơm khô trộn với mật của người lái buôn rồi, liền ngồi kết già bảy ngày bất động dưới gốc gốc cây Bồ-đề, an trú tam-muội giải thoát mà tự thọ dụng an lạc.

1.7. Hai quy y

[786a1] Qua bảy ngày, Ngài từ tam-muội xuất. Do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân di động. Sở dĩ gọi là đất Diêm-phù-đề vì có cây là diêm-phù.[53] Cách đó không xa có cây ha-lê-lặc.[54] Vị thần của cây ấy có lòng tin sâu đậm đối với Phật, liền hái trái ha-lê-lặc đến dâng cúng dường đức Thế Tôn.[55] Vị thần cây đảnh lễ Phật, rồi đứng qua một bên bạch Phật:

“Kính bạch đức Thế Tôn, do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân Ngài di động. Nay xin Ngài dùng trái cây này để làm vị thuốc trừ bệnh nội phong.”

Đức Thế Tôn từ mẫn thọ nhận và bảo:

“Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.”

Vị thần ấy liền quy y Phật, quy y Pháp. Các vị thần quy y Phật, Pháp trước nhất là thọ thần Ha-lê-lặc.

Đức Thế Tôn ăn trái ha-lê-lặc rồi, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày, từ tam-muội dậy, đến giờ, Thế Tôn khoác y, bưng bát, vào thôn Uất-tì-la khất thực.

Ngài đi lần đến nhà bà-la-môn thôn Uất-tì-la, đứng lặng im trước sân. Bà-la-môn thấy đức Thế Tôn im lặng đứng trước sân, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra cúng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn thọ nhận thức ăn và nói:

“Nay ông nên quy y Phật, quy y Pháp.”

Bà-la-môn liền thưa: “Nay con quy y Phật, quy y Pháp.”

Đức Thế Tôn nhận thức ăn của bà-la-môn nầy, ăn xong, Ngài đi đến dưới gốc cây ly-bà-na,[56] ngồi kết già bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội đứng dậy, đến giờ, khoác y bưng bát vào thôn Uất-tì-la khất thực, theo thứ tự đến nhà bà-la-môn, im lặng đứng trước sân, vợ của người bà-la-môn kia là con gái của đại tướng tên Tô-xà-la,[57] thấy đức Như Lai im lặng đứng trước sân, liền phát tâm hoan hỷ đem thức ăn ra cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn từ mẫn đối với thí chủ nên nhận thức ăn, ăn rồi và bảo:

“Nay, người nên quy y Phật, quy y Pháp.” Vợ bà-la-môn liền thưa:

“Nay con quy y Phật, quy y Pháp.”

Như vậy trong chúng ưu-bà-di quy y Phật, quy y pháp, thì Tô-xà-la con gái của đại tướng, vợ của Uất-tì-la là ưu-bà-di đầu tiên.

Bấy giờ đức Thế Tôn ăn thức ăn ấy, liền trở lại cây ly-bà-na, ngồi kết già dưới gốc cây bảy ngày, tư duy bất động, an trú giải thoát [786b] tam-muội mà tự thọ dụng an lạc.

Sau bảy ngày, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn khoác y bưng bát vào thôn Uất-tì-la khất thực, theo thứ tự đến trong sân nhà bà-lamôn Uất-tì-la, đứng im lặng. Bấy giờ con trai, con gái của bà-lamôn Uất-tì-la thấy đức Như Lai rồi, phát tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ra dâng cúng dường Như Lai. Đức Như Lai rủ lòng thương đối với họ, nhận thức ăn, ăn rồi bảo rằng: “Nay, các con nên quy y Phật, quy y Pháp.” Các nam nữ con của bà-la-môn thưa:

“Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp.”

1.8. Long vương Mục-chân-lân-đà

Đức Thế Tôn ăn xong, liền đến cây văn-lân,[58] bên bờ sông Văn-lân,[59] cung điện của Long vương Văn-lân. Khi đến nơi, Ngài ngồi kết già suốt bảy ngày tư duy bất động, an trú giải thoát tam-muội mà tự thọ dụng an lạc. Vào lúc ấy, trời mưa to, gió rất lạnh, suốt bảy ngày Long vương tự ra khỏi cung, đi đến chỗ Phật ngồi, dùng thân hình của mình quấn xung quanh đức Phật, đầu che trên đỉnh đức Phật, bạch Phật rằng:

“Ngài không bị lạnh, không bị nóng, không bị gió, không bị nắng, không bị muỗi mòng gây bất an chăng?” Sau bảy ngày, cơn mưa to gió lớn chấm dứt, bầu trời quang đãng, Long vương tự tháo mình ra, không quấn xung quanh đức Phật nữa, và biến hóa làm một thiếu niên bà-la-môn, đến trước đức Như Lai, chấp tay, quỳ gối, kính lễ sát chân Như Lai. Sau bảy ngày đức Thế Tôn từ tam-muội dứng dậy, liền dùng bài kệ này tán thán:

Ly dục, có hỷ lạc,
Quan sát pháp, cũng lạc;
Trong đời, không sân, lạc,
Không nhiễu hại chúng sanh.
Đời vô dục, là lạc,
Vượt khỏi cõi dục giới;
Chế phục tánh ngã mạn,
Đấy là đệ nhất lạc.[60]

Lúc bấy giờ, Long vương Văn-lân đến trước đức Phật thưa: “Sở dĩ con dùng thân hình con quấn quanh đức Như Lai, đầu che trên đỉnh đức Như Lai, vì không muốn đức Như Lai bị quấy rầy bởi lạnh nóng, gió mưa, muỗi mòng, cho nên con mới làm như vậy.” Đức Phật bảo Long vương: “Nay ngươi nên quy y Phật, quy y Pháp.” Long vương nói: “Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp.”

Như vậy trong hàng súc sanh, nhận hai quy y, Long vương là đầu tiên.

1.9. Phạm thiên khuyến thỉnh

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau thời gian an trú dưới gốc cây Văn-lân Long vương, Ngài liền đến dưới gốc cây a-du-ba-la ni-câu-luật,[61] trải tọa cụ, ngồi kết già và nghĩ rằng:

“Nay Ta đã chứng đắc pháp này, rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, [786c] tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ.[62] Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay, Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với ta có nhọc công vô ích chăng?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói hai bài kệ, mà trước đây chưa ai được nghe, cũng chưa từng nói:

Đạo Ta chứng, khó hiểu;
Nói cho kẻ trong hang.
Người tham, nhuế, ngu si,
Không thể vào pháp này.
Lội ngược dòng sanh tử,
Sâu kín, rất khó hiểu.
Tham dục không thấy được,
Vì ngu tối che lấp.[63]*

Thế Tôn tư duy như vậy rồi, im lặng không nói pháp. Bấy giờ, Phạm thiên vương,[64] từ xa trên cõi Phạm thiên, biết được tâm niệm của đức Như Lai, tự nghĩ: “Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đặng pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp?”

Rồi Phạm thiên, khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi kia hiện đến trước đức Như Lai, đảnh lễ rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn:

“Cúi xin đức Như Lai nói pháp! Cúi xin đức Thiện Thệ nói pháp! Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi bẩn mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.”

Đức Thế Tôn bảo Phạm thiên vương:

“Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói. Vừa rồi Ta ở nơi nhàn tịnh khởi lên ý nghĩ rằng: Nay Ta đã chứng đắc pháp này. Pháp [787a1] này rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ. Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với Ta có nhọc công vô ích chăng?” Thế Tôn nói hai bài kệ mà trước đây chưa ai từng được thấy, từng được nghe, và cũng chưa từng nói:

Đạo Ta chứng, khó hiểu,
Nói cho kẻ trong hang.
Người tham, nhuế, ngu si,
Không thể vào pháp này.
Lội ngược dòng sanh tử,
Sâu kín, rất khó hiểu.
Tham dục không thấy được,
Vì ngu tối che lấp.

“Này Phạm thiên! Vì vậy Ta im lặng, không nói pháp cho người đời.”

Phạm thiên lại bạch Phật:

“Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đắc pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp? Cúi xin đức Thế Tôn diễn nói chánh pháp để lưu bố trong đời. Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi bẩn mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.”

Phạm thiên nói rồi, lại nói kệ:

Ma-kiệt, nơi cấu uế,[65]
Phật từ đó sanh ra.
Nguyện mở cửa cam lồ,
Vì chúng sanh nói pháp.

Đức Thế Tôn sau khi nhận lời khuyến thỉnh của Phạm thiên, bằng con mắt Phật, quan sát chúng sanh trong thế gian: Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có kẻ lợi căn, có kẻ độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau nên có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp. Cũng như trong ao ưu-bát, ao bát-đầu, ao câu-mâu-đầu, ao phânđà-lợi có hoa ưu-bát, hoa bát-đầu, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đàlợi; có cái mới ra khỏi bùn mà chưa lên khỏi nước; hoặc có cái đã ra khỏi bùn mà lên ngang mặt nước; hoặc có cái lên khỏi nước mà không bị bụi trần nơi nước thấm vào. Đức Như Lai cũng như vậy, bằng Phật nhãn quán chúng sanh trong thế gian: Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có lợi căn, có độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau, có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp. Bấy giờ, đức Thế Tôn [787b] nói bài kệ cho Phạm thiên nghe:

Phạm Thiên, Ta bảo ông:
Nay mở cửa cam lồ,
Cho người nghe tin nhận.
Vì nhiễu loạn, không nói,[66]
Phạm Thiên, pháp vi diệu,
Pháp Mâu-ni chứng được.

Phạm thiên biết đức Thế Tôn nhận lời khuyến thỉnh rồi, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, đi nhiễu bên hữu ba vòng, cáo lui, ẩn mình, không thấy nữa.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nghĩ: ‘Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?’ Ngài liền nghĩ, ‘A-lan-ca-lan[67] trần cấu ít, lợi căn, thông minh có trí. Nay Ta nên nói pháp cho ông ấy.’ Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‘Alan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.’ Chư thiên cũng đến cho biết: ‘A-lan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.’ Đức Phật nghĩ rằng: ‘Khổ thay, ông ấy mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.’

Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‘Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?’ Ngài liền nghĩ, ‘Uất- đầu-lam Tử, người này có trần cấu mỏng, lợi căn, thông minh có trí. Nay ta nên nói pháp cho ông ấy nghe trước.’ Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‘Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.’ Chư thiên cũng đến thưa: ‘Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.’ Đức Phật nói: ‘Khổ thay, ông mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.’

Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‘Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?’ Ngài liền nghĩ, ‘Năm tỳkheo đã từng phục vụ Ta khổ nhọc, không ngại sự lạnh nóng, hầu hạ, hộ vệ, cúng dường Ta. Nay Ta có nên nói pháp cho họ trước hay chăng?’ Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‘Năm vị tỳ-kheo này hiện nay ở đâu?’ Ngài liền dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát trong nhân thiên, thấy năm vị tỳ-kheo ở tại nước Ba-la-nại, trong vườn Nai Tiên nhân.

Thấy vậy rồi, Ngài liền đi đến đó. Trên đường đi, Phật gặp phạmchí Ưu-đà-da.[68] Từ xa thấy đức Thế Tôn, phạm-chí đi đến trước đức Phật, thưa rằng:

“Cù-đàm, các căn tịch tịnh, nhan sắc tươi đẹp. Vậy thầy của Ngài là ai? Ngài theo học với ai? Ngài học pháp gì?” Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời:

[787c]

Nhất thiết trí, trên hết,
Mở mọi gút ái dục.
Tự nhiên được ngộ giải,
Nào có theo ai học.
Ta cũng không có thầy,
Bè bạn cũng lại không.
Thế gian chỉ một Phật,
Trầm lặng, thường an ổn.
Ta không bị đời nhiễm,
Ta vượt trên thế gian.
Chư thiên và người đời,
Không ai sánh bằng Ta.
Ta đến Ba-la-nại,
Chuyển vô thượng pháp luân.
Thế gian đều tăm tối,
Ta đánh trống cam lồ.[69]

Phạm-chí hỏi rằng:

“Vừa rồi Cù-đàm nói: Ta là người không nhiễm trước, tối thắng.[70] Tôi muốn được nghe ý nghĩa nầy.” Đức Phật dùng kệ trả lời:

Ta mở tất cả gút,
Ta hết tất cả lậu;
Ta thắng các pháp ác,
Ưu-đà, Ta tối thắng.[71]

Phạm-chí nghe xong im lặng. Đức Thế Tôn liền từ giã tiếp tục đi, nhắm đến Tiên nhân Lộc uyển.

2. Sơ chuyển Pháp luân

2.1. Trung đạo

Năm vị tỳ-kheo, từ xa trong thấy đức Thế Tôn đến, dặn bảo nhau rằng:

“Sa môn Cù-đàm này đã đi lạc đường, mê mờ, mất chí hướng. Nếu ông ấy đến đây, chúng ta đừng nói năng gì với ông ta. Cũng đừng kính lễ. Chỉ nên cho một chỗ ngồi nhỏ, bảo ngồi mà thôi.”

Thế Tôn từ từ đi đến chỗ năm vị tỳ-kheo. Bấy giờ, năm vị tỳ-kheo bỗng nhiên đứng dậy nghinh đón, lễ kính. Người thì trải chỗ ngồi. Người thì rước y bát. Người lấy nước rửa chân. Bấy giờ đức Thế Tôn nghĩ: ‘Những người ngu si này đã không cố giữ được ý chí của mình. Đã cùng nhau giao ước, rồi lại phá bỏ. Tại sao vậy? Vì không thể nào cưỡng lại oai lực của Phật. Nay Ta nên đến chỗ ngồi mà an tọa.’ Năm tỳ-kheo thấy Như Lai đến ngồi nơi chỗ ngồi rồi, bèn gọi tên Như Lai, và gọi Ngài bằng ‘Ông bạn.’[72]. Đức Phật bảo năm vị tỳ-kheo:

“Các ông chớ nên gọi tên Như Lai, và gọi bằng ‘Ông bạn.’ Như Lai, là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, oai thần tối thắng vô lượng. Nếu các ngươi gọi tên Như Lai, và gọi bằng ‘Ông bạn’ thì các ngươi sẽ thọ khổ vô lượng và lâu dài.” Năm người nói:

“Này Cù-đàm, ngài trước kia với cuộc sống khổ hạnh, chấp trì oai nghi, còn không thể đạt được thần thông, trí kiến của pháp thượng nhân, để có thể tự mình chứng nghiệm lợi ích tối thượng. Huống chi là nay không đi đúng đường, đã lạc lối, mê mờ, mất chí hướng?”

Đức Phật bảo năm người rằng:

“Các ông đã từng nghe, có khi nào Ta nói hai lời mâu thuẫn nhau hay chăng?”

Năm tỳ-kheo nói:

“Xưa kia, chúng tôi không từng nghe ngài nói hai [788a] lời.” Đức Phật nói:

“Các ông, hãy đến đây! Nay ta đã đặng cam lồ. Ta sẽ chỉ dạy cho các ông. Các ông có khả năng tiếp nhận lời nói của Ta, không bao lâu, các ông sẽ có sở đắc; đạt được mục đích mà vì đó thiện nam tử với lòng tin kiên cố, từ bỏ gia đinh, sống không gia đình, hành đạo, tu vô thượng phạm hạnh, ở ngay trong đời hiện tại, tự thân tác chứng, tự mình an trú an lạc, biết rằng, ‘sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.’

“Này Tỳ-kheo, kẻ xuất gia không được thân cận hai cực đoan,[73] ưa hưởng thụ ái dục hoặc tự hành khổ. Đó không phải là pháp Hiền Thánh. Hành hạ thân xác không thành tựu được gì. Tỳ-kheo từ bỏ hai cực đoan này, lại có con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuệ, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn.[74]

“Thế nào gọi là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuê, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông,[75] đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn? Đó là con đường tám chánh[76] của các bậc Thánh gồm có: chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn[77], chánh niệm và chánh định.[78] Đó tức là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuệ, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn.

2.2. Chuyển Pháp luân kinh

“Bốn Thánh đế.[79] Thế nào gọi là Thánh đế? Là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ tận Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế.

“Những gì gọi là Khổ Thánh đế? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù ghét nhau mà tụ hội khổ, ái biệt ly khổ, muốn điều gì mà không được là khổ. Nói một cách gọn, là năm thủ uẩn là khổ.[80] Đó gọi là Khổ Thánh đế. Lại nữa, Khổ Thánh đế cần được biết thì Ta đã biết. Đây nên tu đạo tám chánh: chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

“Những gì là Khổ tập Thánh đế? Ái lạc vốn được phát sinh từ trước do duyên nơi ái,[81] và tương ưng với dục.[82] Đó là Khổ tập Thánh đế. Lại nữa, Khổ tập Thánh đế cần diệt thì Ta đã diệt và tác chứng. Đây nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

“Những gì là Khổ tận Thánh đế? Ái kia đã vĩnh viễn đoạn tận, vô dục, tịch diệt, xả, xuất ly, giải thoát, vĩnh viễn diệt tận, tĩnh chỉ,[83] không còn hang ổ.2 Đó gọi là Khổ tận Thánh đế. Lại nữa, Khổ tận Thánh đế cần được chứng đắc, Ta đã tác chứng. Đây nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

“Những gì là Khổ xuất yếu Thánh đế ? Con đường Hiền Thánh có tám chánh này, chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó là Khổ xuất yếu thánh đế. Lại nữa, Khổ xuất yếu Thánh đế này cần được tu tập thì Ta đã tu tập.

“Khổ thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh [788b] thông, phát sinh huệ, đắc chứng.[84] Lại nữa, nên biết Khổ Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.

Lại nữa, Ta đã biết Khổ Thánh đế mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ Thánh đế.

“Khổ tập Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Lại nữa, nên diệt Khổ tập Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa Ta đã diệt Khổ tập Thánh đế nầy mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ tập Thánh đế.

“Khổ tận Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.

Lại nữa, nên tác chứng Khổ tận Thánh đế nầy, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, ta đã tác chứng, Khổ tận Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.

“Khổ xuất yếu Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, nên tu Khổ xuất yếu thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, Ta đã tu Khổ xuất yếu Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.

“Đó là bốn Thánh đế. Nếu Ta không tu bốn Thánh đế nầy, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, mà không biết như thật, thì nay Ta không thành đạo Vô thượng chánh chân. Song Ta đối với bốn Thánh đế, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, như thật đã biết, nên nay Ta thành đạo Vô thượng chánh chân, không còn gì nghi ngờ.

“Như Lai nói bốn Thánh đế này mà trong chúng không có người giác ngộ thì Như Lai không chuyển pháp luân. Nếu Như Lai nói bốn Thánh đế nầy, mà trong chúng có người giác ngộ thì Như Lai vì họ chuyển pháp luân, là bánh xe mà Sa-môn, Bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người trong thế gian, đều không thể vận chuyển được. Cho nên, hãy nỗ lực tinh tấn tu bốn Thánh đế: Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế. Hãy nên học như vậy.”

Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo, A-nhã Kiều-trần-như, dứt sạch các trần cấu, pháp nhãn được sanh.[85] Đức Thế Tôn biết sở đắc trong tâm A-nhã Kiều-trần-như, liền khen rằng:

“A-nhã Kiều-trần-như, đã biết! A-nhã Kiều-trần-như, đã biết!”[86] Từ đó về sau gọi là A-nhã Kiều-trần-như.

Bấy giờ, các vị Địa thần đã nghe những gì đức Như Lai đã nói, bèn cùng bảo với nhau:

“Nay đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhân ở Ba-la-nại, đang chuyển [788c] pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà Sa-môn, Bàla-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.”

Tiếng của Địa thần xướng lên như vậy, được nghe lần lượt lên đến Tứ Thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-thuật-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hoá thiên. Các chư thiên này lần lượt truyền nhau, nói rằng:

“Nay đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhân ở Ba-la-nại, đang chuyển pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà Sa-môn Bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.” Chỉ trong khoảnh niệm, âm thanh ấy đã lên đến trời Phạm thiên.

Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, đã đạt quả chứng, bạch Phật rằng:

“Nay, con ở trong giáo pháp của đức Như Lai tu phạm hạnh.” Phật nói:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo![87] Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.”

Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như liền xuất gia, thọ giới cụ túc. Như vậy, trong hàng tỳ-kheo, người đầu tiên thọ giới cụ túc là A-nhã Kiều-trần-như.

Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thưa với đức Thế Tôn rằng:

“Nay con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực. Xin Thế Tôn cho phép.”

Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.”

Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho các Tôn giả A-thấp-ti, tỳ-kheo Ma-ha-ma-nam, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên.[88] Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai:

“Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”

Đức Phật nói: “Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.”

Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo A-thấp-ti, Ma-ha-manam bạch Phật:

“Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.”

Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.”

Các Tôn giả liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho Bà-đề, Bà-phu, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ.

Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, [789a1] được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai:

“Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.” Đức Phật nói:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.”

Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc, rồi hai vị Bà-đề, Bà-phu bạch

Phật: “Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.”

Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.”

Các Tôn giả Bà-đề, Bà-phu liền rời chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.

Khi đức Thế Tôn nói pháp cho ba người, thì hai người đi khất thực; hai người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn. Nếu đức Thế Tôn nói pháp cho hai người trong năm người, thì ba người khất thực; ba người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn khuyến hóa năm tỳ-kheo, tuần tự dạy dỗ, khiến cho tâm họ hoan hỷ.

2.3. Vô ngã tướng kinh

Sau bữa ăn, đức Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:

“Sắc là vô ngã. Nếu sắc là ngã, thì sắc không suy lão[89] để cho ngã thọ khổ. Nếu sắc là ngã thì phải được tự tại mà muốn rằng ‘sắc phải là như vậy’, hay ‘sắc không nên là như vậy’. Vì sắc vô ngã nên sắc tăng trưởng, khiến cho thọ các khổ, và cũng không thể tuỳ ý muốn mà được rằng, ‘sắc phải là như vậy’, hay ‘sắc không nên là như vậy’.

“Thọ tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

“Thế nào, các tỳ-kheo, sắc là thường hay sắc là vô thường?” Các tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sắc là vô thường.” Đức Phật dạy:

“Nếu sắc là vô thường, vậy sắc là khổ hay là lạc?” Các tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, sắc là khổ.” Đức Phật dạy:

“Nếu sắc là vô thường, khổ, thì nó là pháp biến dịch. Các ngươi nghĩ sao, có phải sắc là ta, là cái kia, là cái kia; ta là sắc, là cái kia, là cái kia chăng?”[90]

Thưa rằng: “Chẳng phải như vậy.” “Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy.

“Cho nên, các tỳ-kheo, tất cả sắc, sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả sắc hoặc ở trong hoặc ở ngoài, hoặc tế hoặc thô, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần. Tất cả sắc chẳng phải là ta, là cái kia, chẳng phải sở hữu của cái kia, chẳng phải sở hữu của ta. Hãy dùng trí tuệ mà chánh quán như thực như vậy.

“Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy.

“Này các tỳ-kheo, Thánh đệ tử quán như vậy rồi, nhàm tởm sắc. Khi đã nhàm chán thì không đắm trước. Không đắm trước thì được giải thoát. Khi đã giải thoát rồi, thì biết là đã giải thoát; biết rằng ‘Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.’

[789b] “Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy.”

Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo, tâm giải thoát khỏi tất cả hữu lậu, được vô ngại giải thoát, chánh trí phát sanh.

Bấy giờ, trong thế gian có sáu vị A-la-hán. Năm vị đệ tử, và đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác là sáu.

3. Da-xá

3.1. Thiện lai Tỳ-kheo

Bấy giờ, đức Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Tại đây, có người thiện gia nam tử[91] tên là Da-thâu-già.[92] Cha mẹ chỉ có một người con cho nên rất thương yêu quí mến, chăm sóc trông nom, không bao giờ không để ý đến. Cha mẹ cho xây cất ba cung điện mùa, để cho Da-thâu-già ở theo thời tiết ba mùa, xuân hạ và đông, khiến cho con mình vui chơi theo năm thứ dục lạc.

Một thời, cậu con trai say đắm mình trong năm thứ dục lạc đến cực độ, quá mệt mỏi nên ngủ. Khi thức dậy, cậu thấy ở cung điện thứ nhất các nhạc cụ mà các kỹ nữ đã sử dụng, giờ bỏ dọc ngang, bừa bãi; bọn chúng gối đầu lên nhau, tóc rối bời, nằm loạn xạ; ngáy, nghiến răng, nói mớ. Thấy vậy, cậu hoảng sợ, lông trong người dựng ngược lên, sanh tâm nhàm tởm, không còn một chút ý muốn tụ hội, tự than: “Khổ thay! Có gì đáng ham muốn ở đây?”

Cậu liền bỏ cung điện này, đến nơi cung điện giữa. Tại đây, cậu nhìn thấy điện đài, cùng các kỹ nữ, giống như chỗ kia không khác. Cậu lại hoảng sợ gấp bội, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội. Cậu tự than: “Khổ thay! Có gì đáng để ham muốn?” Cậu liền bỏ đi, đến cung điện thứ ba, lại cũng như trên, hoảng sợ gấp bội lần, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội, cũng như trên.

Công tử liền ra khỏi cung điện, đi đến cổng thành Thi-khư.[93] Bấy giờ, vị thần giữ cửa thành Thi-khư, từ xa trông thấy cậu đến, bèn nghĩ: “Công tử này đến, chắc muốn yết kiến đức Như Lai, chứ không có đường nào khác. Ta nên mở cửa cho đi.” Nghĩ xong vị thần liền mở cửa thành. Cậu ra khỏi thành, đến bên bờ sông Bà-la. Khi đến trên bờ sông, cậu cởi bỏ guốc bằng vàng, lội qua sông Bàla, đến vườn Nai chỗ Tiên nhân ở.

Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi kinh hành nơi đất trống, từ xa thấy cậu đến, Ngài liền trải chỗ ngồi mà ngồi. Như thường pháp của chư Phật, thân Ngài tỏa ánh sáng tròn đầy chiếu khắp. Da-thâu-già từ xa trông thấy đức Như Lai, tướng mạo đoan chánh, sanh tâm vui kính, tiến đến trước Thế Tôn bạch: “Nay con khốn khổ, không có nơi nương tựa. Cúi xin Ngài cứu vớt giúp con.” Đức Phật bảo cậu đồng tử:

“Hãy đến đây! Chỗ này là vô vi. Chỗ này là nơi không nguy khốn. Chỗ này là nơi an ổn; là nơi dục vọng đã được đoạn tận, vĩnh viễn tĩnh chỉ, vô vi; là chỗ ái không còn, diệt tận, là Niết-bàn.”

Khi ấy [789c] cậu công tử Da-thâu-già đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói pháp, khuyên dạy, khiến phát tâm hoan hỷ. Ngài nói về pháp bố thí, pháp trì giới, và pháp sanh thiên. Ngài chỉ trích dục là bất tịnh. Ngài khen ngợi tịnh lạc của xuất ly. Cậu công tử ngay trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự thân đạt được quả chứng, liền bạch Phật rằng:

“Con muốn tu phạm hạnh trong pháp của đức Như Lai.” Đức Phật dạy:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Ngay lúc ấy, Da-thâu-già liền thọ giới cụ túc.

Bấy giờ, cung nhân và kỹ nữ trong cung điện thứ nhất thức dậy, tìm Da-thâu-già không thấy. Đến cung điện giữa để tìm, cũng không có. Chúng lại đến tìm nơi cung điện thứ ba, cũng không có. Khi ấy, cung nhân và kỹ nữ đến chỗ bà mẹ cậu, báo rằng: “Thưa đại gia! Da-thâu-già hiện nay không biết đi đâu!” Bà mẹ được tin báo liền tức tốc đến tin cho cha cậu:

“Hiện không biết đứa con cưng của mình ở đâu?”

Lúc ấy người cha đang tắm gội trong cung điện giữa. Nghe tin, ông liền vội vàng chải tóc, cấp tốc ra lệnh cho người hầu rằng: “Chận tất cả các nẻo đường nơi nước Ba-la-nại.”

Tự thân ông đi ra cửa thành Thi-khư, đến sông Bà-la. Ở đây ông bắt gặp đôi guốc bằng vàng của cậu con trai bỏ bên bờ sông. Người cha liền nghĩ: “Con ta chắc đã qua sông.” Ông liền tìm theo dấu qua sông, đến mãi trong vườn Nai của Tiên nhân.

3.2. Ba quy y

Bấy giờ, đức Như Lai từ xa trông thấy cha của Da-thâu-già đến, liền dùng thần lực khiến cho cha của Da-thâu-già thấy Phật mà không thấy con của mình. Ông đến chỗ Phật, thưa rằng:

“Thưa Đại Sa-môn, Ngài có gặp đứa con của tôi tên là Da-thâu-già không?”

Đức Phật nói rằng:

“Bây giờ ông hãy ngồi xuống, không chừng sẽ thấy con của ông.”

Cha của Da-thâu-già nghĩ rằng: “Đại Sa-môn nầy rất là kỳ lạ, nên mới có lời an ủi mời ta như vậy.” Bấy giờ, cha của Da-thâu-già đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn tuần tự nói pháp, khiến ông phát tâm hoan hỷ. Ngài chê trách dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất yếu là an lạc. Cha của Da-thâu-già liền ngay trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự xét[94] đã đạt được quả chứng; ông bạch Phật: “Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc. Từ nay về sau trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.” Như vậy cha của Da-thâu-già là vị ưu-ba-tắc đầu tiên thọ ba quy y.

Khi đức Thế Tôn [790a1] vì cha Da-thâu-già nói pháp, trong lúc ấy Da-thâu-già, với tâm giải thoát khỏi hữu lậu[95], đắc trí vô ngại, giải thoát. Hiện trong thế gian có bảy vị A-la-hán, gồm sáu vị đệ tử và Phật là bảy. Đức Thế Tôn liền thâu nhiếp thần túc, khiến cho cha của Da-thâu-già thấy con mình, đang ngồi cách Phật không xa. Ông liền đến chỗ Da-thâu-già nói rằng:

“Mẹ con đang chờ. Mất con, không biết con đi dâu, bà hết sức sầu ưu, muốn tự tử. Con nên về thăm mẹ. Chớ để mẹ con tự hại.” Bấy giờ, Da-thâu-già nhìn lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo cha của Da-thâu-già rằng:

“Thiện gia nam tử học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Thế nào, trưởng giả, khi người đã bỏ dục, lại có thể thân cận dục trở lại được chăng?” Trả lời:

“Thưa, không. Đúng vậy, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu, không bao giờ thân cận dục trở lại như trước khi còn ở thế tục. Nay, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã khéo đạt được lợi lớn, học trí, học đạo được tâm giải thoát vô lậu, dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp. Sau khi quán như vậy, tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh của con; cùng với Da-thâu-già và tỳ-kheo thị giả.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Nhưng Da-thâu-già không nhận thọ biệt thỉnh vì chưa được đức Thế Tôn cho phép thọ biệt thỉnh. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép thọ biệt thỉnh.”

Thỉnh có hai cách: thỉnh Tăng rồi Tăng sai đi và thỉnh riêng.[96] Bấy giờ, cha của Da-thâu-già biết đức Như Lai nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Phật, rồi cáo lui.

Về đến nhà, ông nói với mẹ của Da-thâu-già và vợ của con mình rằng: “Các người nay có biết chăng? Da-thâu-già hiện ở tại chỗ Đại Sa-môn, tu phạm hạnh. Hôm nay ta thỉnh Đại Sa-môn và Da-thâugià, cùng vị thị giả đến đây thọ thực. Các người hãy biết thời, sửa soạn tất cả mọi thứ cần dùng.”

Mẹ và vợ của Da-thâu-già liền sắm sửa đủ các thứ cần dùng và thức ăn, rồi đến mời đức Phật quang lâm thọ thực.

Bấy giờ đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, Da-thâu-già theo hầu, đồng đến nhà của cha Da-thâu-già, an tọa trên chỗ ngồi dọn sẵn. Mẹ và vợ của Da-thâu-già dâng thức ăn và các thứ cần dùng lên đức Thế Tôn. Ngài thọ thực xong, dọn bát rồi, hai người dọn chỗ ngồi nhỏ, ngồi trước đức Thế Tôn. Đức Phật vì họ tuần tự nói pháp vi diệu, khuyến khích, khiến họ phát [790b] tâm hoan hỷ, liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp. Họ bạch đức Phật rằng:

“Kính bạch đức Thế Tôn, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-di. Từ nay về sau trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.”

Như vậy, người thọ ba tự quy, làm người ưu-bà-di đầu tiên là mẹ và vợ của Da-thâu-già. Đức Thế Tôn vì mẹ và vợ của Da-thâu-già nói pháp rồi, Ngài rời chỗ ngồi ra về.

3.3. Những người bạn

Một thời, đức Thế Tôn du hóa nước Ba-la-nại. Nơi đây có bốn người bạn lúc nhỏ của Da-thâu-già. Một người tên là Vô Cấu. Người thứ hai tên là Thiện Tý. Người thứ ba tên là Mãn Nguyện. Người thứ tư tên là Già- phạm-bà-đề.[97] Nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh tại chỗ Đại Sa-môn, mỗi người tự nghĩ rằng: “Giới đức nầy chắc chắn không hư dối. Pháp tu phạm hạnh của Sa-môn cũng không hư dối. Tại sao vậy? Vì nó đã khiến cho con nhà tộc tánh này chấp nhận tu và học phạm hạnh theo nó. Con nhà tộc tánh kia đã đối với giới đức kia tu phạm hạnh, thì chúng ta nên đến chỗ Đại Sa-môn tu phạm hạnh.”

Rồi bốn người bạn liền đến chỗ Da-thâu-già, nói rằng:

“Sự tu phạm hạnh của bạn nơi Đại Sa-môn có phải là rất đặc biệt?”

Da-thâu-già trả lời: “Sự tu phạm hạnh của nơi Đại Sa-môn thật là rất vi diệu.”

Bốn người bạn nói với Da-thâu-già:

“Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh nơi Đại Sa-môn.” Da-thâu-già liền dẫn họ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch:

“Đây là bốn người bạn của con, ở Ba-la-nại, nay muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương cho phép các bạn của con xuất gia tu phạm hạnh.”

Đức Thế Tôn thuận ý và tuần tự giảng cho họ pháp thù thắng. Pháp thù thắng là bố thí, trì giới, sanh thiên; chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi mà họ sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; họ liền bạch Phật:

“Chúng con muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.” Đức Phật nói:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.

Như những gì đã thấy, bốn người quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm chứng đắc giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát.

Bấy giờ, trong thế gian có mười vị A-la-hán; các đệ tử và đức Như Lai là mười một.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn [790c] du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy, có năm mươi người bạn thiếu thời của Da-thâu-già cư trú bên ngoài thành, nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn đều nghĩ rằng: “Tu phạm hạnh trong giới này hẳn không hư dối. Tại sao vậy? Bởi vì con nhà tộc tánh ấy đã tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn này. Con nhà tộc tánh ấy đã tu phạm hạnh, nay chúng ta nên đến chỗ Sa-môn để tu phạm hạnh được chăng?”

Bấy giờ, năm mươi người đồng bạn đều đến chỗ Da-thâu-già hỏi: “Chỗ này tối thắng chăng? Tu phạm hạnh vi diệu không?” Da-thâu-già trả lời:

“Đây là chỗ tối thắng và tu phạm hạnh cũng vi diệu.” Năm mươi người nầy đều nói với Da-thâu-già:

“Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Đại

Sa-môn.”

Da-thâu-già dẫn họ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch: “Kính bạch đức Thế Tôn, năm mươi người đồng bạn của con đây, cư trú bên ngoài thành Ba-la-nại, nay nuốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Như Lai. Cúi xin đức Thế Tôn rủ lòng thương cho phép họ xuất gia tu phạm hạnh.”

Đức Thế Tôn liền cho phép và tuần tự vì họ nói pháp thù thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, họ được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng. Họ liền thưa rằng:

“Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Như Lai.”

Đức Phật dạy: “Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

Như những gì đã thấy, họ lại quán sát thêm nữa, liền đoạn tận hữu lậu, tâm chứng đắc giải thoát, phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ, trong thế gian có sáu mươi vị A-la-hán đệ tử và đức Như Lai là sáu mươi mốt.

Bấy giờ Thế Tôn du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy có nhóm năm mươi người đồng bạn đến nước Ba-la-nại, thành hôn nhân tại nước Ba-la-nại. Họ đi du ngoạn khắp nơi ngoài thành, lần hồi đến chỗ vườn Nai của Tiên nhân. Năm mươi người từ xa trông thấy đức Thế Tôn tướng mạo đoan chánh, đặc biệt, liền phát tâm hoan hỷ, đến chỗ Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Pháp tối thắng được Ngài dạy là bố thí, trì giới, phước báo sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của [791a1] con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền thưa:

“Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.”

Đức Phật dạy: “Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

Như những gì đã thấy, quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát.

Bấy giờ, trong thế gian có một trăm mười vị A-la-hán; các đệ tử, và đức Phật là một trăm mười một.

4. Long vương Y-la-bát-la

Bấy giờ, Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Khi ấy có Long vương Y-la-bát-la,[98] vào những ngày mồng tám, mười bốn và rằm,[99] tự ra khỏi cung điện của mình nơi sông Hằng, tay bưng bát bằng vàng đựng đầy thóc bằng bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng, dẫn các long nữ đi theo, nói bài kệ như sau:

Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?

Long vương nói tiếp:

“Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy thóc bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng và dẫn các long nữ tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai,

Đẳng chánh giác.”

Bấy giờ, mọi người tụ tập thành đám đông rất lớn. Có người đến để xem bát vàng thóc bạc, bát bạc thóc vàng; có người đến để xem long nữ; có người muốn đến để cùng Long vương phân biệt nghĩa của bài kệ.

Lúc đó, có một phạm-chí tên là Na-la-đà[100] ở bên cạnh thành Ba-lanại, ít cấu bẩn, lợi căn, nhiều trí thông minh. Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ Long vương, nói rằng: “Tôi muốn giải nghĩa bài kệ đó.”

Long vương Y-la-bát-la hướng về Na-la-đà nói lại bài kệ:

Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?

Long vương nói:

“Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và dẫn long nữ [791b] tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai, đẳng chánh giác.”

Phạm-chí Na-la-đà nói với Long vương Y-la-bát-la rằng:

“Sau đây bảy ngày tôi sẽ giải bày nghĩa bài kệ này.”

Phạm-chí Na-la-đà đọc tụng thuộc lòng bài kệ này rồi trở lại thành Ba-la-nại. Ông suy nghĩ: “Ở đây sa-môn, bà-la-môn nào tài cao đức cả, để ta hỏi nghĩa của bài kệ này?” phạm-chí lại nghĩ: “Bất-lan Cadiếp[101] là người trưởng thượng trong mọi người, là bậc thầy của người, mọi người đều tôn ngưỡng, danh tiếng khắp nơi. Sở tri của ông như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên hỏi vị ấy nghĩa của bài kệ này được chăng?”

Bấy giờ, phạm-chí Na-la-đà đến chỗ Ca-diếp hỏi nghĩa bài kệ. Bấtlan Ca-diếp nghe bài kệ xong, thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm-chí liền bỏ đi và nghĩ: “Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-la-môn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.” Đi giữa đường, phạm-chí lại nghĩ: “Mạt-khư-lê-cù-xa-li, Adi-đầu-sí-sá-khâm-bà-la, Mâu-đề-xỉ-bà-hưu-ca-chiên-diên, Sannhã-tỳ-la-tra-tử, Ni-kiền Tử,[102] hiện là bậc thầy ở trong mọi người được mọi người đều tôn ngưỡng, xa gần ai cũng biết, sở tri như biển, nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ nầy.”

Bấy giờ, phạm-chí Na-la-đà đến nơi Mạt-khư-lê-cù-xa-li, cho đến, Ni-kiền Tử. Đem bài kệ này nói cho họ nghe. Nghe xong, vị ấy thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm-chí liền bỏ đi và nghĩ: “Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-lamôn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.” phạm-chí nghĩ tiếp: “Đại Samôn Cù-đàm là bậc thầy trong đại chúng, được mọi người tôn ngưỡng, tiếng đồn khắp nơi. Sở tri rộng như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.” Nhưng rồi phạm-chí lại nghĩ: “Những vị sa-môn, bà-la-môn kia lớn tuổi, xuất gia đã lâu, còn không thể giải thích được bài kệ này, huống là Sa-môn Cù-đàm tuổi còn non trẻ, lại mới xuất gia, làm sao giải thích được?” Tuy nhiên, phạm-chí nghĩ lại: “Tuy tuổi nhỏ ấu trĩ, nhưng không thể khinh. Cũng có người xuất gia tuổi nhỏ, học đạo đắc A-la-hán, thần túc tự tại. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.”

Bấy giờ, [791c] phạm-chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ vườn Nai nơi ở Tiên nhân, đưa tay chào đức Như Lai. Hai bên thăm hỏi xong, ông ngồi qua một bên, thưa đức Thế Tôn rằng:

“Tôi có điều muốn hỏi. Sa-môn Cù-đàm cho phép tôi được hỏi hay không?”

Đức Phật nói:

“Nầy phạm-chí, ông muốn hỏi điều chi cứ tùy ý hỏi.”

Bấy giờ Na-la-đà nghĩ: “Các sa-môn, bà-la-môn kia không có được nhan sắc như vậy. Không cởi mở cho ta. Không nói rằng, ‘Tùy ý cứ hỏi.’ Vị Sa-môn Cù-đàm này rất là kỳ lạ, hy hữu.” Phạm-chí liền đọc bài kệ:

Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?

Đức Thế Tôn trả lời cho phạm-chí Na-la-đà bằng bài kệ:

Thứ sáu[103] vua lớn nhất.
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng.[104]
Không nhiễm thì vô cấu.
Người nhiễm là người ngu.
Người ngu bị nước cuốn.
Người hay diệt là trí.
Hay xả tất cả dòng.
Trời cho đến thế gian.
Không cùng dòng tương ưng.
Không bị chết mê hoặc.
Hay lấy niệm làm chủ.
Các dòng đều giải thoát.

Na-la-đà sau khi nghe đức Như Lai nói bài kệ này, ông đọc tụng thuộc lòng xong, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân đức Thế Tôn, nhiễu ba vòng, rồi trở về thành Ba-la-nại. Sau bảy ngày, Y-la-bát-la Long vương ra khỏi long cung, dẫn các long nữ, đem bát vàng đựng đầy lúa bạc, bát bạc đựng đầy lúa vàng đến nói kệ:

Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?

Long vương nói: “Ai có thể diễn nói nghĩa của bài kệ này, tôi sẽ dùng bát bằng vàng đựng đầy [792a1] lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và đem các long nữ tặng thưởng vị ấy. Vì muốn cầu tìm Vô thượng, Chánh chân, Đẳng chánh giác.”

Bấy giờ, có nhiều người tập hợp, hoặc để xem bát vàng đựng lúa bạc, hay bát bạc đựng lúa vàng; hoặc có người đến để xem long nữ; hoặc có người đến để nghe phạm-chí Na-la-đà giải thích nghĩa của bài kệ. Phạm-chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ long cung của Long vương Y-la-bát, nói với Long vương:

“Tôi sẽ vì người phân biệt luận giải từng câu một của bài kệ ấy.” Long vương liền hướng về Na-la-đà nói kệ:

Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?

Na-la-đà dùng bài kệ trả lời Long vương:

Thứ sáu, vua lớn nhất.
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng.
Không nhiễm thì vô cấu.
Người nhiễm là người ngu.
Người ngu bị nước cuốn.
Người hay diệt là trí.
Hay xả tất cả giòng.
Trời cho đến thế gian.
Không cùng giòng tương ưng.
Không bị chết mê hoặc.
Hay lấy niệm làm chủ.
Các giòng đều giải thoát.

Bấy giờ, Long vương Y-la-bát hỏi phạm-chí:

“Tự ông có đủ trí để nói bài kệ này hay là ông được nghe từ samôn, bà-la-môn nào rồi nói lại?” Phạm-chí trả lời Long vương:

“Tôi không đủ trí để nói; mà là được nghe từ Sa-môn Cù-đàm Thích tử, xuất gia học đạo thành Vô thượng Chánh chân, Chánh đẳng giác, rồi nói lại mà thôi.”

Long vương liền nghĩ: “Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Chánh đẳng giác đã xuất hiện ở đời chăng? Đã xuất hiện ở đời chăng?” Long vương liền hỏi phạm-chí: “Hiện đức Như Lai đang ở chỗ nào?” Phạm-chí nói:

“Hiện Như Lai đang ở gần đây, tại vườn Nai của Tiên nhân.” Long vương nói với Na-la-đà:

“Ông có thể cùng tôi đến đó để kính lễ đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác chăng?”

Bấy giờ, Na-la-đà và Long vương dẫn theo tám vạn bốn ngàn đồ chúng nhân vây quanh trước sau, đi đến vườn Nai Tiên nhân, [792b] đến chỗ đức Thế Tôn. Sau khi kính lễ sát chân Ngài, Long vương đứng qua một bên. Na-la-đà cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên.

Trong tám vạn bốn ngàn đồ chúng, có người kính lễ sát chân đức Như Lai, rồi đứng qua một bên; có người đưa cao nắm tay lên, cùng chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên; có người hướng về đức Như Lai tự xưng danh tánh, rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay nhìn đức Như Lai, rồi ngồi xuống một bên; có người lặng lẽ không nói, ngồi xuống một bên.

Tám vạn bốn ngàn đồ chúng ổn định chỗ ngồi rồi, đức Thế Tôn tuần tự vì họ nói pháp tối thắng, khuyến khích, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ Na-la-đà và tám vạn bốn ngàn đồ chúng ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng. Họ đến trước Phật bạch rằng:

“Chúng con từ nay về sau xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.”

Khi ấy Long vương Y-la-bát buồn khóc, không thể ngăn được nước mắt. Rồi lại vui mừng phấn khởi. Na-la-đà hỏi Long vương: “Tại sao buồn khóc? Vì tiếc bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng và long nữ các thứ mà khóc phải không?” Long vương nói:

“Tôi không phải vì những vật ấy mà buồn khóc đâu. Na-la-đà nên biết, nay ông cần lấy bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng thì cứ lấy, chớ có ngại. Nếu ông cần người nữ sát-lợi, người nữ bàla-môn, người nữ cư sĩ, người nữ công nghệ trong thành Ba-la-nại, tôi cũng khiến họ trao tặng cho ông. Tại sao vậy? Này Na-la-đà, vì ông không thể cùng với long nữ chung hội được.” Na-la-đà trả lời Long vương:

“Bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng, tôi không cần. Long nữ, tôi cũng không cần. Nay tôi chỉ muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.”

Phạm-chí Na-la-đà đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự biết[105] đạt được quả chứng, liền bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.”

Phật bảo: “Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

Như trước đã thấy, ông sau khi quán sát lại nữa, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ trong thế gian, có một trăm mười một vị A-la-hán. Với Phật nữa, là một trăm mười [792c] hai vị.

Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi Long vương rằng:

“Vì sao ngươi buồn khóc không thể tự ngăn chận được?” Long vương bạch Phật:

“Kính bạch đức Thế Tôn, con nghĩ xưa kia, khi đức Phật Ca-diếp ra đời, con tu phạm hạnh mà phạm giới, phá hoại lá cây y-la-bát[106] nên mắc phải quả báo thế này. Bạch đức Thế Tôn, do nghiệp báo này nên con sanh trong loài rồng trường thọ. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt tận, con mới chuyển được thân loài rồng này. Con bị mất cả hai điều lợi; không được tu phạm hạnh. Cho nên con buồn khóc, không thể ngăn chận được.”

Bấy giờ đức Thế Tôn lại hỏi Long vương rằng: “Vì lý do gì ngươi lại vui mừng?” Long vương thưa:

“Chính con được nghe đức Phật Ca-diếp nói, ‘Sau này sẽ có đức

Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện trong đời, là Như Lai, Chí nhân, Đẳng chánh giác.’ Những điều con thấy hôm nay là đúng như thật không hề sai khác. Con nghĩ, ‘Đây là điều chưa từng có. Sở kiến, tuệ của Như Lai, là như thật, không hai.’ Vì điều đó, cho nên con vui mừng phấn khởi, không tự ngăn được.” Đức Phật bảo Long vương:

“Nay, ngươi hãy quy y Phật, Pháp, Tăng.” Long vương thưa:

“Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng.”

Như vậy, trong hàng súc sanh, lần đầu tiên thọ ba tự quy y trước nhất là Long vương Y-la-bát. Đức Thế Tôn nói bài kệ bảo các tỳkheo:

Ta bứt mọi lưới bủa,
Trên trời và trong đời;
Ngươi cũng bứt tất cả
Trên trời và trong đời.[107]

Bấy giờ, Ma Ba-tuần dùng bài kệ hướng về Thế Tôn nói:

Ông bị các lưới trói,
Trên trời và trong đời;
Trói bởi mọi thứ lưới,
Sa-môn, không thể thoát.

Đức Thế Tôn cũng dùng bài kệ để trả lời Ba-tuần rằng:

Ta đã thoát tất cả,
Trên trời và trong đời.
Thoát tất cả các lưới;
Ta nay chiến thắng ngươi.

Ba-tuần lại dùng bài kệ để trả lời Phật rằng:

Trong ông có kết phược;
Tâm hành ở trong đó.
Vì vậy nó theo ông;
Sa-môn, không thể thoát.

Đức Thế Tôn lại cũng dùng kệ để trả lời rằng:

Thế gian có năm dục.
Ý thức là thứ sáu.

[793a1]

Ta ở trong không dục.
Ta đã chiến thắng người.

Bấy giờ, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Như Lai đã thấu suốt ý nghĩ của ta; đã biết tất cả.” Do vậy, nó ôm lòng sầu ưu không vui, ẩn mình mà trở về bản xứ.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các tỳ-kheo bài kệ này:

Ta nay bứt mọi lưới,
Trên trời và trong đời.
Các ngươi cũng bứt cả,
Trên trời và trong đời.

Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Các ông hãy du hành trong thế gian. Không nên hai người cùng đi. Nay Ta muốn đến thôn Đại tướng ở Ưu-lưu-tần-loa để thuyết pháp.”

Các tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

III. TĂNG PHÁP THỌ GIỚI

1. Sơ chế Pháp

1.1. Tam ngữ đắc giới

Các tỳ-kheo vâng lời đức Thế Tôn dạy, họ du hành trong nhân gian để thuyết pháp. Lúc bấy giờ có người nghe pháp sanh lòng tin, muốn thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ cụ túc về chỗ đức Như Lai. Khi chưa đến nơi, giữa đường họ thoái thất tín tâm, nên không được thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép các ông trực tiếp cho người xuất gia, thọ giới cụ túc. Nên dạy bảo người muốn thọ giới cụ túc như vầy: bảo cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, cởi bỏ dày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Dạy nói như vầy:

“Con tên là ... quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.” Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Rồi, nói tiếp:

“Con tên là ..., đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.” Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép nói ba câu[108] như vậy tức là thọ giới cụ túc.”

1.2. Bạt-đà-la-bạt-đề

Một thời, đức Thế Tôn trú trong vườn Kiếp-ba[109] tại Uất-tì-la. Bấy giờ có Uất-tì-la Bạt-đà-la-bạt-đề,[110] gồm có năm mươi người đồng bạn, dẫn các phụ nữ đến nơi vườn này, cùng nhau vui chơi. Trong số đồng bạn đó, có một người không có vợ, thuê một dâm nữ dẫn đến vui chơi. Dâm nữ này trộm lấy của cải của người ấy, rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Đồng bọn biết bạn của mình bị mất của, liền rảo khắp vườn để tìm người dâm nữ. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định, họ bèn phát tâm hoan hỷ, đến trước đức Thế Tôn thưa hỏi:

“Đại Sa-môn có thấy một người đàn bà đến đây hay không?” Đức Phật nói:

“Các cậu là công tử nhà ai? Đi tìm [793b] người đàn bà nào?” Các cậu nói:

“Đại Sa-môn nên biết, Uất-tì-la Bạt-đà-la-bạt-đề, và đồng bạn gồm năm mươi người, cùng các phụ nữ vui chơi trong vườn nầy. Một người trong số đồng bạn không có vợ, nên dùng tiền thuê một dâm nữ dẫn đến cùng vui chơi. Dâm nữ ấy trộm lấy của cải của anh ta rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Nay, chúng tôi vì là đồng bạn đến đây để tìm dâm nữ kia.” Đức Phật nói:

“Sao các công tử, nên tự tìm chính mình,[111] hay nên tìm người phụ nữ?”

Các cậu trả lời:

“Nên tìm chính mình, hơn là tìm người phụ nữ.” Đức Phật bảo các cậu:

“Các cậu công tử hãy ngồi lại đây. Ta sẽ nói pháp cho các công tử.” Bấy giờ, các công tử kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các cậu nói pháp tối thắng, khuyến khích, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các công tử ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; họ đến trước Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.” Phật bảo:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.[112]

1.3. Uất-tì-la Ca-diếp

Một thời đức Thế Tôn du hóa tại Uất-tì-la. Nơi Uất-tì-la[113] có phạmchí tên là Uất-tì-la Ca-diếp,[114] đang cư trú tại đó. Ông là bậc thầy cao cả đối với năm trăm phạm-chí bện tóc.[115] Người trong nước Ươnggià[116] và Ma-kiệt đều xưng ông là A-la-hán.[117] Đức Thế Tôn đến chỗ Uất-tì-la Ca-diếp, nói:

“Tôi muốn nghỉ lại một đêm trong thất này,[118] được không?” Uất-tì-la Ca-diếp trả lời:

“Được thôi. Không có gì trở ngại. Chỉ có điều, trong thất đó có con độc long cực ác. Sợ nó làm hại ông chăng?” Đức Phật nói:

“Không can gì. Miễn ông đồng ý. Độc long không hại tôi đâu.” Ca-diếp trả lời:

“Thất này rộng rãi. Tùy ý ông cứ nghỉ.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn vào trong thạch thất, tự trải tọa cụ, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý. Con độc long thấy đức Như Lai ngồi im lặng, nó liền khạc ra khói mù. Đức Như Lai cũng phóng ra khói mù. Con rồng thấy đức Như Lai phóng ra khói mù, nó lại khạc ra lửa. Như Lai cũng phóng ra lửa.

Khi ấy, trong thạch thất bốc lên khói lửa. Ca-diếp từ xa thấy lửa và khói nơi thạch thất, bèn nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm rất xinh đẹp. Đáng tiếc là bị độc long làm hại rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa.” Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: “Nay Ta hãy bắt con độc long này,

[793c] không gây thương tổn thân nó mà chỉ hàng phục nó.” Như Lai liền dùng thần lực hàng phục độc long, không làm thương tổn đến thân con độc long. Khói và lửa từ thân của độc long phóng ra, từ từ yếu dần. Trong thân Như Lai phóng ra vô số ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, lưu ly, pha lê. Đức Như Lai hàng phục con độc long rồi, đựng nó trong bình bát. Sáng sớm, Ngài đem đến chỗ Uấttì-la Ca-diếp và nói:

“Ông muốn biết không? Con độc long mà ông nói đó, tôi đã hàng phục. Hiện đựng trong bát này.”

Ca-diếp nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm có đại oai đức, thần túc tự tại, nên mới có thể hàng phục được con độc long này, mà không bị nó làm hại. Sa-môn Cù-đàm này, tuy đạt thần túc tự tại, nhưng ông không bằng ta, người đã chứng đắc A-la-hán.”[119] Ca-diếp nói:

“Đại Sa-môn có thể nghỉ đêm nơi đây, tôi sẽ cung cấp thức ăn“ Đức Phật bảo Ca-diếp:

“Nếu ông tự thân báo giờ đã đến, tôi sẽ nhận lời mời của ông.”

Ca-diếp bạch:

“Đại Sa-môn tạm nghỉ đêm nơi đây. Tôi sẽ đến báo giờ.”

Đức Như Lai sau khi thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về nghỉ đêm tại thạch thất. Đêm hôm ấy tĩnh mịch, đức Thế Tôn nhập hỏa quang tam-muội, làm cho thạch thất kia sáng rực lên. Trong đêm, Ca-diếp thức dậy, thấy thạch thất tỏa ánh sáng của lửa rực chiếu, liền nghĩ:

“Ngài Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, nay nghỉ đêm nơi thạch thất này, bị lửa thiêu mất.” Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đến đứng vây xung quanh thạch thất.

Sáng ngày, Ca-diếp bạch Phật: “Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.”[120] Lại hỏi:

“Đại Sa-môn, đêm qua vì sao có ánh lửa sáng lớn vậy?” Đức Phật nói:

“Đêm vừa rồi, tôi nhập hỏa quang tam-muội nên thạch thất tỏa ánh sáng chiếu rực.” Ca-diếp nghĩ:

“Đại Sa-môn này có đại oai thần. Trong đêm tịch tĩnh, nhập hỏa quang tam-muội chiếu sáng thạch thất. Sa môn Cù-đàm tuy đã chứng đắc A-la-hán, nhưng ông không bằng ta, người đã chứng đắc A-la-hán.” Sau khi đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, đến một khu rừng, nghỉ đêm nơi đó.

Sáng ngày, ông Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa: “Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.” Đức Phật nói:

“Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.”

Đức Thế Tôn bảo ông Ca-diếp về trước, rồi Ngài đến cây diêmphù-đề.[121] Gọi là Diêm-phù-đề vì nơi đó có cây diêm-phù-đề.[122] Đức Như Lai đến đó lấy trái diêm-phù,[123] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:

“Đại Sa-môn [794a1] bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?”

Phật nói với Ca-diếp:

“Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề lấy trái diêmphù, về đây trước và ngồi ở đây. Trái diêm-phù này sắc đẹp, thơm, ngon. Ông có thể dùng đi.” Ông Ca-diếp nói:

“Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Samôn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.”

Ca-diếp nghĩ rằng: “Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: “Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.” Phật bảo:

“Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.”

Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đến Diêmphù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. [124]Ngài hái lấy trái ha- lê-lặc, rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Cadiếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:

“Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?” Phật nói với Ca-diếp:

“Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. Tôi đến lấy trái ha-lê-lặc, rồi mới đến đây. Trái ha-lê-lặc này sắc đẹp, thơm ngon, ông có thể dùng đi.” Ca-diếp nói:

“Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Samôn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.”

Ca-diếp nghĩ rằng: “Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: “Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.” Phật bảo:

“Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.”

Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt,[125] lấy lúa chín tự nhiên,[126] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:

“Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?”

Phật nói với Ca-diếp:

“Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt, lấy lúa chín tự nhiên, rồi mới lại ngồi đây. Gạo này sắc đẹp thơm ngon, ông có thể lấy dùng.” Ca-diếp nói:

“Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng [794b] dường tôi rồi.

Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là gạo mà đại Sa-môn nên dùng.” Ca-diếp nghĩ rằng: “Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa: “Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.” Phật bảo:

“Ca-diếp, ông về trước. Tôi sẽ đến sau.”

Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên trời Đao-lợi lấy hoa mạn-đà-la,[127] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:

“Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?” Phật nói với Ca-diếp:

“Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên trời Đao-lợi, lấy hoa mạn-đàla, rồi mới lại ngồi đây. Hoa nầy sắc đẹp, mùi thơm sực nức. Ông cần có thể lấy dùng.” Ca-diếp nói:

“Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Samôn tự dùng đi.”

Ca-diếp nghĩ rằng: “Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về khu rừng cũ nghỉ đêm. Trong đêm ấy Tứ Thiên Vương mang phẩm vật cúng dường đến chỗ đức Thế Tôn để cúng dường và nghe pháp. Trong đêm tối, họ toả ánh sáng chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa lớn, chấp tay kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi đứng phía trước. Khi ấy Ca-diếp thức dậy, thấy trong khu rừng có ánh sáng lớn, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa to. Sáng ngày, đến chỗ đức

Thế Tôn thưa: “Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.”

Rồi ông hỏi: “Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng lớn này, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa rực cháy?”

Đức Phật nói với ông Ca-diếp: “Đêm qua, Tứ Thiên vương đem phẩm vật cúng dường đến chỗ tôi để cúng dường và nghe pháp. Họ tỏa ánh sáng chiếu soi bốn phương, chứ chẳng phải là lửa.” Ca-diếp nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Tứ Thiên Vương đến nghe pháp. Đại Samôn có đại thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc Ala-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong, trở về lại khu rừng cũ. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân[128] đem phẩm vật đến cúng dường và muốn nghe pháp; toả ánh sáng lớn trong đêm tối, chiếu bốn phương, như vòm lửa lớn rực cháy, vượt hơn ánh sáng trước, thanh tịnh không tỳ vết; chấp tay [794c] kính lễ đức Như Lai, rồi đứng phía trước để nghe pháp. Ca-diếp trong đêm thức dậy, thấy ánh sáng chiếu bốn phương, hơn cả ánh sáng hôm trước, trong sạch không tỳ vết. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:

“Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.”

Rồi ông hỏi: “Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng chiếu soi bốn phương như vòm lửa to rực cháy, hơn cả so với ánh sáng hôm trước, thanh tịnh không tỳ vết. Ánh sáng đó từ đâu mà có?”[129] Đức Phật nói với ông Ca-diếp:

“Đêm vừa qua, Thích Đề-hoàn Nhân mang phẩm vật đến cúng dường tôi và nghe pháp nên có ánh sáng đó.”

Ca-diếp nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Thích Đề-hoàn Nhân mang phẩm vật đến cúng dường nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc A-la-hán.” Đức Thế Tôn thọ thực rồi trở về rừng cũ.

Bấy giờ, Phạm Thiên vương muốn dâng phẩm vật cúng dường lên đức Như Lai, tỏa ánh sáng soi khắp bốn phương trong đêm tối, như một vừng lửa lớn, hơn ánh sáng trước, trong sạch không tỳ vết. Ông chấp tay kính lễ đức Như Lai rồi đứng phía trước. Trong đêm ông Ca-diếp thức dậy thấy trong khu rừng có ánh sáng chiếu soi bốn phương như một vừng lửa lớn, trong sạch không tỳ vết, hơn ánh sáng trước. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:

“Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.”

Rồi ông hỏi: “Đêm vừa rồi có áng sáng lớn hơn so với ánh sáng trước, ánh sáng ấy do đâu mà có?”

Đức Phật nói với ông Ca-diếp: “Đêm vừa rồi Phạm Thiên vương đến nghe pháp, cho nên có ánh sáng đó.”

Ca-diếp nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực nên mới khiến Phạm Thiên vương đến nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng ông không bằng ta, người đắc [795a1] A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng kia.

Bấy giờ, Ca-diếp tổ chức một cuộc tế lễ lớn. Dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ông nghĩ rằng: “Trong cuộc tế lễ này của ta, dân chúng tập hợp đông. Đại Sa-môn không đến chẳng là điều tốt sao? Tại sao vậy? Vì nay trong tế lễ này của ta, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Nếu Đại Sa-môn có mặt, với tướng mạo đoan chánh trên đời rất ít có của Sa-môn, dân chúng thấy ắt sẽ bỏ ta, thờ cúng Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.” Đức Thế Tôn biết Ca-diếp nghĩ như vậy nên Ngài đi lên Uất-đơn-việt lấy gạo lúa chín tự nhiên, và ngồi nghỉ ban ngày tại suối lớn A-nậu.[130] Ca-diếp lại nghĩ: “Hôm nay Đại Sa-môn sao không đến thọ thực. Ta có lễ cúng lớn, nhân dân trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?” Nghĩ xong, Ca-diếp liền bảo người để phần. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa: “Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.” Rồi ông hỏi:

“Đại Sa-môn, sao ngày hôm qua không đến? Ngày hôm qua tôi có lễ cúng lớn, nhiều người tập hợp. Tôi có nghĩ: ‘Hôm nay Đại Samôn không đến. Ta nên để phần cho Sa-môn chăng?’ Và tôi có để phần.”

Đức Phật nói với ông Ca-diếp:

“Tôi cũng biết trước ý ông nghĩ. Ông nghĩ rằng, ‘Hôm nay đại Samôn không đến thì đại tế đàn của ta thành tựu. Tại sao vậy? Vì trong đại tế đàn của ta hôm nay, dân chúng trong nước Ma-kiệt tập hợp đông. Đại Sa-môn với tướng mạo đoan chánh, mọi người thấy, họ sẽ bỏ ta thờ kính Sa-môn làm thầy, không thờ kính ta nữa.’ Tôi biết trong tâm ông nghĩ như vậy nên tôi đến Uất-đơn-việt lấy gạo lúa chín tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn A-nậu.”

Ca-diếp nghĩ: “Đại Sa-môn nầy thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, có đại thần lực, biết những điều trong tâm ta đã nghĩ nên đến Uất-đơnviệt lấy gạo lúa chín tự nhiên và ngồi nghỉ ngày bên suối lớn Anậu. Đại Sa-môn tuy có đại thần túc tự tại. Nhưng ông bằng ta, đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi trở về lại khu rừng cũ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá,[131] liền nghĩ: ‘Làm sao có nước để giặt chiếc y này?’ Khi ấy Thích Đềhoàn Nhân biết đức Phật nghĩ như vậy, liền đến trước Như Lai, dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ. Thích Đề-hoàn Nhân thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.”

Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Nên giặt y [795b] trên cái gì đây?” Thích Đề-hoàn Nhân biết đức Như Lai nghĩ như vậy, liền đến núi Mađầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa:

“Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.”

Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Giặt rồi lại phơi ở đâu?” Thích Đề-hoàn Nhân lại cũng biết đức Như Lai đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức để trước đức Phật và thưa:

“Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.”

Đức Thế Tôn giặt và phơi y rồi lại nghĩ: “Bây giờ Ta hãy xuống ao Chỉ đất2 này tắm.” Ngài liền cởi y xuống tắm. Tắm xong đức Thế

Tôn nghĩ: “Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?” Khi ấy, bên bờ ao có một cây ca-hưu[132] lớn, trước đó nó nghiêng mình ra phía ngoài. Nhưng khi đức Thế Tôn nghĩ như vậy rồi, nó liền xoay trở lại, nghiêng mình vào phía trong. Đức Thế Tôn vịn vào nó để lên khỏi ao. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa:

“Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.”

Rồi ông hỏi: “Đại Sa-môn, sao nay có cái ao đẹp thế này, mà trước đây không thấy có?”

Đức Phật nói với Ca-diếp:

“Gần đây tôi nhận được một chiếc y phấn tảo quý giá, liền nghĩ:

‘Làm sao có nước để giặt chiếc y này?’ Khi ấy Thích Đề-hoàn Nhân biết tôi nghĩ như vậy, liền dùng ngón tay chỉ xuống đất, một cái ao lớn liền hiện ra, nước rất trong không có bợn nhơ, rồi thưa:

‘Cúi xin đức Thế Tôn dùng nước này để giặt chiếc y.’

“Ca-diếp nên biết, ao này gọi là ‘ao Chỉ đất’, cũng như miễu thần không khác.”

Ca-diếp lại hỏi: “Do đâu mà có hòn đá vuông vức lớn như thế này, trước đây không có?”

Đức Phật nói: “Tôi lại nghĩ: ‘Nên giặt y trên cái gì đây?’ Thích Đềhoàn Nhân biết Tôi nghĩ như vậy, liền đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy một hòn đá lớn vuông vức để trước đức Thế Tôn và thưa: ‘Cúi xin ngài giặt y trên hòn đá này.’” Ca-diếp lại hỏi:

“Hòn đá thứ hai do đâu mà có, trước đây cũng không thấy?” Đức Phật nói: “Tôi giặt y rồi, nghĩ: ‘Giặt rồi lại phơi ở đâu?’ Thích

Đề-hoàn Nhân lại cũng biết Tôi đang nghĩ như vậy, nên lại đến núi Ma-đầu-cưu-la lấy thêm một hòn đá vuông vức đến thưa với Tôi rằng, ‘Xin Thế Tôn phơi y trên tảng đá này.’”

Ca-diếp hỏi tiếp: “Đại thọ trên bờ ao này, trước kia nghiêng xa phía ngoài, tại sao nay lại nghiêng vào phía trong?” Phật nói với Ca-diếp:

“Tôi giặt và phơi y rồi lại nghĩ: ‘Bây giờ Ta hãy xuống ao này tắm.’ Tôi liền cởi y xuống tắm. Tắm xong, Tôi nghĩ: ‘Bây giờ Ta vin cái gì để lên khỏi ao?’ Khi ấy, [795c] cây này nghiêng mình vào phía trong. Tôi vịn vào nó để lên khỏi ao.” Rồi Ngài nói với Ca-diếp:

“Nên biết, giống như cây thần không khác.”

Khi ấy, Ca-diếp nghĩ rằng: “Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu! Thật là kỳ diệu! Có đại thần lực nên Thích Đề-hoàn Nhân mới cung cấp những thứ cần dùng và mới khiến các vật vô tình theo ý muốn của Sa-môn.” Ca-diếp nói, “Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã đắc A-lahán. Tuy nhiên không bằng ta đắc A-la-hán.”

Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong trở về lại khu rừng cũ.

Bấy giờ ông Ca-diếp lại nghĩ: “Nếu có người đến đây ta sẽ mời ăn cơm.” Đức Thế Tôn biết ý nghĩ đó, liền hóa năm trăm vị tỳ-kheo, khoác y bưng bát, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị tỳkheo khoác y bưng bát đi đến, lại nghĩ: “Than ôi, các tỳ-kheo từ đâu đến? Ta làm sao đủ thức ăn để mời.” Đức Thế Tôn liền thâu thần túc, khiến năm trăm vị tỳ-kheo này biến mất. Ca-diếp nghĩ: “Đây là do thần lực của Đại Sa-môn biến hiện thế này.” Sau đó Cadiếp lại nghĩ: “Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.” Đức Thế Tôn dùng thần lực hóa thành năm trăm vị phạm-chí bện tóc, tay xách bình nước rửa, từ xa đi đến. Ca-diếp từ xa thấy năm trăm vị phạmchí búi tóc, tay xách bình nước rửa[133] đi đến, liền nghĩ: “Than ôi, năm trăm phạm-chí đến, thức ăn ở đâu đủ để mời.” Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị phạm-chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: “Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.” Ca-diếp lại nghĩ: “Nếu có người đến đây ta sẽ mời cơm.” Đức Thế Tôn lại hóa năm trăm vị phạm-chí thờ lửa, cách thạch thất không xa, đều cùng nhau kính lễ thần lửa. Ca-diếp thấy vậy, nghĩ: “Than ôi, họ ở đâu đến? Thức ăn làm sao có đủ để mời.” Đức Thế Tôn liền nhiếp thần túc khiến năm trăm vị phạm-chí biến mất. Ca-diếp nghĩ: “Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.”

Bấy giờ, các phạm-chí đệ tử ông Ca-diếp mỗi ngày ba lần xuống nước để tắm. Nhưng quá lạnh không thể chịu nổi, họ rét run. Bấy giờ đức Phật liền hóa năm trăm lò sưởi mà không có lửa khói và bảo các phạm-chí tự mình sưởi ấm. Các phạm-chí nghĩ: “Đây là do Đại Sa-môn biến hóa.” Các phạm-chí đều muốn bửa củi mà không thể bửa được. Các phạm-chí nghĩ: “Đây là do đại lực của Đại Samôn làm nên.” Sau đó họ [796a1] bửa được. Họ lại nghĩ: “Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.” Họ muốn đưa búa lên, mà không thể đưa được; họ nghĩ: “Do thần lực của Đại Sa-môn làm nên.” Sau đó họ lại đưa búa lên được; họ cũng nghĩ, do Đại Sa-môn làm ra. Các phạm-chí muốn hạ búa xuống không thể hạ được, họ nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó họ lại hạ búa được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Các phạm-chí muốn nhen lửa mà không thể nhen được, nghĩ rằng: do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại nhen được, họ cũng nói, do Đại Sa-môn làm nên. Họ muốn tắt lửa, không thể tắt được, nói là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại tắt được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Họ xách bình nước rửa muốn đổ nước ra mà không đổ được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm ra. Sau đó lại đổ được, họ cũng nghĩ do Đại Sa-môn làm ra. Các phạm-chí muốn thôi không trút nước vào bình nước rửa nữa, vẫn không thôi được, họ nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên. Sau đó lại thôi được, họ cũng nghĩ là do Đại Sa-môn làm nên.

Lúc bấy giờ, bốn phía có đám mây đen kéo đến, trời mưa lớn như trút nước xuống, nước lụt lên đến ngang lưng, Ca-diếp nghĩ: “Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, bậc nhất trong loài người này, có lẽ bị nước cuốn mất.” Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đi trên một chiếc thuyền bằng một cây đại thọ, đến để cứu đức Thế Tôn. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang kinh hành nơi vùng đất khô ráo bên ngoài, như mấy bữa trước. Ca-diếp thấy đức Phật đi kinh hành nơi vùng đất khô ráo như trước, như trong nhà, bèn nghĩ: “Đại Sa-môn này thật là kỳ diệu, thật là kỳ diệu, nên mới khiến những vật vô tình vẫn xoay theo ý muốn của mình. Đại Sa-môn này thần túc tự tại đã được A-la-hán. Tuy nhiên vẫn không như ta đắc A-la-hán.” Qua một ngày khác, ông Ca-diếp lại đến chỗ đức Thế Tôn mời Ngài thọ thực. Phật bảo Ca-diếp về trước, Ngài sẽ đến sau. Sau khi bảo Ca-diếp về, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, Ngài biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của Ca-diếp mà xuất hiện. Thấy vậy, Ca-diếp nói:

“Đại Sa-môn này có đại thần đức, bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà nay lại có mặt nơi thuyền ta trước.”

Đức Phật nói với Ca-diếp: “Tôi bảo ông về trước, sau đó trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay, tôi biến mất khỏi chỗ đang đi kinh hành, xuyên qua đáy thuyền của ông mà xuất hiện.”

Ca-diếp nghĩ và nói: “Đại Sa-môn này có đại thần lực nên bảo ta về trước rồi sẽ đến sau, mà rồi chỉ trong khoảnh khắc đã có mặt trên thuyền. Đại Sa-môn này có [796b] đại thần lực, đã đạt A-la-hán. Tuy nhiên không như đạo chân thật[134] của ta.” Đức Thế Tôn biết trong tâm Ca-diếp nghĩ như vậy, liền nói:

“Ông thường xưng rằng ‘Đại Sa-môn tuy đã đạt A-la-hán nhưng không như ta đắc A-la-hán. Nay tôi quán sát, thấy ông chẳng phải là A-la-hán, cũng chẳng phải là hướng A-la-hán đạo.”

Ca-diếp nghĩ và nói: “Đại Sa-môn này có đại oai thần nên biết điều ta nghĩ trong tâm. Đại Sa-môn này có thần túc lớn tự tại, chứng đắc A-la-hán. Nay ta hãy theo đại Sa-môn để tu phạm hạnh.”

Ca-diếp liền đến trước đức Phật thưa:

“Kính bạch đức Thế Tôn, nay con muốn theo đức Như Lai để tu phạm hạnh.”

Đức Phật nói với ông Ca-diếp: “Ông có năm trăm người đệ tử theo ông học phạm hạnh. Ông nên nói cho họ biết. Nếu họ có ý vui theo thì tùy sở thích mà tu hành.”

Ca-diếp liền đến chỗ đệ tử, nói: “Các ngươi biết chăng? Nay thầy muốn theo Sa-môn Cù-đàm để tu phạm hạnh. Nếu tâm các ngươi muốn thì tùy ý các ngươi.”

Các người đệ tử thưa: “Từ lâu chúng con đã có lòng tin đối với đại

Sa-môn, chỉ chờ đợi ý của thầy mà thôi.”

Bấy giờ năm trăm người đệ tử liền đem dụng cụ thờ lửa của bện tóc như tịnh y, bình nước rửa ném xuống dòng nước sông Ni-liênthiền, rồi đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, và ngồi qua một bên.

Bấy giờ đức Thế Tôn vì năm trăm người tuần tự nói pháp tối thắng khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Năm trăm người liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng. Họ đến trước Phật bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.”

Phật bảo: “Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

Bấy giờ, người em giữa của ông Ca-diếp tên là Na-đề Ca-diếp,[135] cư trú bên dưới dòng sông Ni-liên-thiền, có ba trăm đệ tử. Người em

ấy được trong chúng tôn trọng, là bậc thầy của họ. Ngay lúc ấy, trong chúng có một vị đệ tử đến dòng sông Ni-liên-thiền, bỗng thấy trong dòng nước có dụng cụ thờ lửa, tóc bện, bình nước rửa, tịnh y, trôi trên dòng nước. Thấy vậy, người đệ tử vội vã chạy đến chỗ Nađề Ca-diếp báo:

“Thưa thầy, hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có dụng cụ thờ lửa, tóc, tịnh y, bình nước rửa, trôi trên dòng nước. Không biết Đại sư ở trên đó có bị kẻ ác hãm hại hay chăng?” Na-đề Ca-diếp bảo một người đệ tử:

“Ngươi đến gấp núi Tượng đầu báo với Già-da Ca-diếp[136] rằng: ‘Hiện nay trên dòng sông Ni-liên-thiền có đủ tất cả thứ dụng cụ thờ lửa đang trôi bồng bềnh trên đó. Ông phải đến mau để cùng với anh của ông đến xem có thể đại huynh đã bị kẻ ác hãm hại rồi chăng?” Khi ấy, [796c] Già-da Ca-diếp là người em nhỏ của Uất-tì-la Cadiếp đang cư trú trong núi Tượng đầu, có hai trăm người đệ tử, ông là bậc thầy ở trong chúng.

Người đệ tử vâng lời Na-đề Ca-diếp, liền đến chỗ Tiểu sư Già-da Ca-diếp thưa: “Tiểu sư có biết chăng, thầy của con nói hiện trên dòng sông Ni-liên-thiền có bình nước rửa, tịnh y, tóc, các dụng cụ thờ lửa đang trôi. Tiểu sư phải đến đó để thăm đại huynh phải chăng đã có kẻ ác hãm hại?”

Tiểu sư nghe nói rồi liền dẫn hai trăm đệ tử đến chỗ ở Na-đề Cadiếp. Khi đến nơi, Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp lại nói với một người đệ tử rằng:

“Ngươi phải mau mau đến chỗ đại huynh để thăm, phải chăng đã có kẻ ác hãm hại Đại huynh?”

Bấy giờ người đệ tử vâng lời hai vị thầy liền đến chỗ đại huynh. Khi đến nơi, thưa xong và hỏi:

“Sao, Đại sư theo Đại Sa-môn này tu học phạm hạnh có tốt hơn chăng?”

Ca-diếp trả lời: “Các ngươi nên biết, ta theo đức Thế Tôn xuất gia học đạo, thật là cực kỳ thắng diệu.”

Người đệ tử kia trở về chỗ hai vị thầy báo:

“Hai Tôn sư nên biết, Đại sư của con đã dẫn các đệ tử đến chỗ Đại

Sa-môn xuất gia tu phạm hạnh rồi!”

Bấy giờ hai vị thầy nghĩ rằng: “Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà để tu phạm hạnh, điều ấy chắc chắn là không hư dối! Tại sao vậy? Anh của ta thông minh, ít trần cấu, có nhiều trí tuệ mà dẫn các đệ tử đến thọ học nơi kia, chắc chắn có sự suy nghĩ kỹ. Chúng ta không thể không đến đó để thọ học.”

Bấy giờ Na-đề Ca-diếp và Già-da Ca-diếp đều dẫn các đệ tử đến chỗ đại huynh. Đến nơi, họ thưa hỏi người anh rằng:

“Đại huynh, chỗ này tốt đẹp hơn chăng?” Ông Ca-diếp trả lời với hai người em rằng:

“Nơi đây là chỗ rất tốt. Từ bỏ nhà đến chỗ không phải nhà, theo Đại Sa-môn tu phạm hạnh, thật là cực kỳ thắng diệu.” Hai người em thưa với ông anh rằng:

“Chúng em cũng muốn theo Đại Sa-môn tu học phạm hạnh.”

Bấy giờ, Uất-tì-la Ca-diếp dẫn hai người em và đệ tử của họ gồm năm trăm người đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, Uất-tì-la Ca-diếp đến trước đức Phật thưa:

“Kính bạch đức Thế Tôn, con có người em giữa tên là Na-đề Cadiếp, cư trú bên sông Ni-[797a1]liên-thiền, thường giáo thọ ba trăm đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Người em thứ ba của con cư trú tại núi Tượng đầu, giáo thọ hai trăm người đệ tử, là vị thầy đứng đầu. Nay hai em của con đều muốn đến cầu tu học phạm hạnh trong giáo pháp của Thế Tôn. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép họ xuất gia thọ giới cụ túc, tu phạm hạnh.”

Đức Thế Tôn nhận lời, và tuần tự vì họ nói pháp tối thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng. Họ đến trước Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.” Phật bảo:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

1.4. Ba thị đạo

Đức Thế Tôn độ một ngàn phạm-chí này thọ giới cụ túc rồi, dẫn đến trong núi Tượng đầu. Ở đây hiện có một ngàn Tăng tỳ-kheo, Ngài dùng ba việc để giáo hóa.[137] Một là giáo hóa thần túc, hai là giáo hóa ức niệm, ba là giáo hóa thuyết pháp.

Giáo hóa bằng thần túc[138] là một hóa thành vô số, hoặc vô số trở lại thành một; trong ngoài thông suốt, vách đá đều xuyên qua được, như đi giữa hư không, không có gì trở ngại; ngồi kiết già giữa hư không, cũng như con chim bay qua lại khắp nơi; vào đất như xuống nước, chìm nổi tự tại; đi trên nước như đi trên đất mà không bị chìm; thân bốc khói lửa, như vừng lửa lớn; mặt trời, mặt trăng kia có thần đức lớn, không chỗ nào không chiếu soi, mà có thể dùng tay sờ đến; thân cao đến trời Phạm Thiên, tới lui không trở ngại. Đó gọi là đức Thế Tôn dùng thần túc để giáo hoá một ngàn vị tỳ-kheo.

Giáo hóa bằng ức niệm[139] là nói rằng, “Ngươi nên[140] suy nghĩ điều này. Ngươi chớ suy nghĩ điều này. Ngươi nên niệm tưởng điều này. Người chớ niệm tưởng điều này. Hãy diệt cái này. Hãy thành tựu cái này.” Đó gọi là đức Như Lai dùng sự ức niệm để giáo hóa cho một ngàn vị Tỳ-kheo.

Giáo hóa bằng sự thuyết pháp[141] là dạy rằng, “Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy.

“Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ. “Cho đến ý cũng vậy.”[142]

Bấy giờ đức Thế Tôn [797b] bằng ba sự này mà giáo thọ một ngàn Tỳ-kheo. Một ngàn tỳ-kheo nhờ sự giáo thọ bằng ba việc này rồi, liền đạt được tâm vô lậu giải thoát, phát sanh trí vô ngại giải thoát.

1.5. Vua Bình-sa

Đức Thế Tôn sau khi giáo hóa một ngàn vị tỳ-kheo này rồi, liền nghĩ: “Trước đây Ta có nhận lời mời của vua Bình-sa[143] và có hứa, nếu khi thành Phật, đắc nhất thiết trí, thì trước hết Ta sẽ đến thành

La-duyệt. Nay Ta hãy đến đó để thăm vua Bình-sa.”

Nghĩ xong, đức Phật liền sửa y phục, dẫn một ngàn vị đại tỳ-kheo, đều là những người trước kia tu học theo phạm-chí bện tóc. Tất cả đều đã đắc định, được điều phục nhu nhuyến, vĩnh viễn được giải thoát.

Từ quốc giới nước Ma-kiệt, đức Phật du hóa lần hồi đến Trượng lâm.[144] Nơi đây, đức Thế Tôn nghỉ dưới cây chúa Ni-câu-luật Thiện trụ.[145] vua Bình-sa nghe đồn rằng, Sa-môn Cù-đàm xuất thân từ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, dẫn một ngàn đệ tử du hóa đến nước Ma-kiệt. Họ là những người trước đây tu học theo phạm-chí bện tóc, đã đắc định, được điều phục nhu nhuyến, vĩnh viễn được giải thoát; từ quốc giới nước Ma-kiệt, du hành tuần tự đến Trượng lâm, nghỉ dưới cây chúa Ni-câu-luật Thiện trụ. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm rất lớn, không ai không nghe biết. Tiếng đồn rằng, Ngài là Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa chư thiên và thế gian, giữa các chúng Ma hoặc Thiên ma và Phạm thiên chúng, Sa-môn, Bà-la-môn chúng, Ngài tự mình chứng biết, đắc thần thông trí chứng, tự mình an trú, rồi nói pháp cho người; pháp ấy, khởi đầu, khoảng giữa, và đoạn cuối đều thiện xảo; có nghĩa vị sâu xa, được trình bày đầy đủ, với các phạm hạnh được tu tập. [146] “Tốt đẹp thay, nếu được gặp vị A-la- hán như vậy. Nay ta hãy tự thân đến đó để kính thăm Đại Sa-môn Cù-đàm.”

Bấy giờ, vua Bình-sa chuẩn bị một vạn hai ngàn cộ xe, dẫn theo tám vạn bốn ngàn người hộ giá trước sau, với oai thế của vương quyền, ra khỏi thành La-duyệt để đến viếng thăm đức Thế Tôn. Vua Bình-sa đến trong Trượng lâm, đến chỗ xe có thể đến, tức thì xuống xe, đi bộ vào rừng. Từ xa trông thấy tướng mạo thù thắng tuyệt diệu của đức Thế Tôn, giống như sắc vàng tía, vua sanh tâm hoan hỷ, đến trước đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt, hoặc kính lễ sát chân Ngài rồi ngồi, hoặc có người đưa tay lên chào hỏi rồi ngồi, hoặc có người tự xưng danh tánh rồi ngồi, hoặc có người vòng tay, chắp tay hướng về đức Như Lai rồi ngồi, hoặc có người im lặng mà ngồi xuống.

Khi ấy, người trong nước Ma-kiệt suy nghĩ, “Không biết Đại Samôn theo Uất-tì-la Ca-diếp [797c]học phạm hạnh, hay là Uất-tì-la Ca-diếp và đệ tử theo đại Sa-môn Cù-đàm học phạm hạnh ?” Bấy giờ đức Thế Tôn biết ý nghĩ người trong nước như vậy, liền dùng bài kệ nói với Uất-tì-la Ca-diếp:

Các ông thấy sự gì,
Mà bỏ việc thờ lửa?
Nay Ta hỏi Ca-diếp:
Sao bỏ đồ thờ lửa?

Ca-diếp lại dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn:

Ẩm thực, các mỹ vị,
Ái dục, nữ, tế tự.[147]
Tôi thấy là cấu bẩn;
Nên bỏ đồ thờ lửa.

Đức Thế Tôn lại dùng bài kệ hỏi ông Ca-diếp:

Ẩm thực, các mỹ vị,
Trong đó không có lạc;
Trên trời và thế gian,
Hãy nói, chỗ nào lạc?

Ca-diếp lại cũng dùng bài kệ để trả lời đức Thế Tôn:

Tôi thấy dấu tịch tĩnh,
Ba cõi không trở ngại;[148]
Không khác không thể khác,[149]
Nên không ưa thờ lửa.

Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt lại nghĩ:

“Đại Sa-môn nói hai bài kệ, Uất-tì-la Ca-diếp cũng nói hai bài kệ. Chúng ta cũng chưa phân biệt được là Đại Sa-môn thọ học nơi Cadiếp hay là Ca-diếp và đệ tử thọ học nơi Đại Sa-môn?” Đức Thế Tôn biết họ nghĩ như vậy, nên bảo ông Ca-diếp:

“Ông đứng dậy. Hãy quạt sau lưng Ta!”

Ca-diếp vâng lời Phật dạy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy bay lên trên hư không rồi hạ xuống, kính lễ sát chân đức Phật, lấy tay xoa bóp chân Như Lai, hôn chân Ngài rồi tự xưng tên họ và nói:

“Đức Thế Tôn là Thầy của con. Con là đệ tử.”

Nói xong, Ca-diếp lấy quạt, đứng phía sau đức Như Lai hầu quạt. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt nói với nhau:

“Không phải Đại Sa-môn Cù-đàm đến học phạm hạnh nơi Ca-diếp; mà là Ca-diếp và chúng đệ tử đến học phạm hạnh nơi Đại Sa-môn Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn biết người trong nước Ma-kiệt không còn nghi ngờ nữa, bèn tuần tự vì họ nói pháp, khuyến khích, khiến cho họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ người trong nước Ma-kiệt, vua Bình-sa đứng đầu, gồm tám vạn bốn ngàn người, mười hai na-dotha loài trời đều dứt sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, [798a1] thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng. Họ đến trước Phật bạch rằng:

“Chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.”

Vua Bình-sa thấy pháp, đắc pháp, đến trước đức Phật bạch:

“Kính bạch đức Thế Tôn, xưa kia khi còn là Thái tử, trong lòng con có sáu ước nguyện:[150] 1. Khi thân phụ mãn phần, con lên ngôi làm vua. 2. Khi con đang trị nước, nguyện Phật ra đời. 3. Cho con được gặp đức Thế Tôn. 4. Được thấy đức Như Lai rồi, sanh tâm hoan hỷ đối với đức Như Lai. 5. Phát tâm hoan hỷ rồi được nghe chánh pháp. 6. Nghe pháp rồi tức thì được sự tín giải.

“Nay phụ vương của con đã mạng chung. Con được lên ngôi vua, đang trị vì mà gặp Phật ra đời, chính mình thấy được Phật. Thấy Phật rồi phát tâm hoan hỷ, ở chỗ đức Phật đã phát tâm hoan hỷ rồi liền được nghe pháp. Nghe pháp rồi liền được tín giải. Kính bạch đức Thế Tôn, nay chính là lúc, cúi xin cung thỉnh Thế Tôn vào thành La-duyệt.”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua Bình-sa. Rồi đức Thế Tôn liền rời chỗ ngồi đứng dậy, khoác y, dùng oai thần của mình dẫn một ngàn tỳ-kheo là cựu học phạm-chí bện tóc, đã đạt được định, đã được điều phục nhu nhuyến, vĩnh viễn được giải thoát; cùng với một vạn hai ngàn chiếc xe, tám vạn bốn ngàn dân chúng trước sau hộ giá; thảy đều nương oai thần của Phật mà vào thành La-duyệt. Vào lúc ấy, gặp khi trời mưa, nhưng phía trước, phía sau và ngay chỗ đức Thế Tôn đi thì vòm trời trong sáng, bên trên có mây che. Đức Thế Tôn hiện sự biến hóa này để vào thành Laduyệt.

Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân hóa làm một người bà-la-môn tay cầm gậy bằng vàng, bình nước rửa bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân tại không trung, cách mặt đất bốn ngón tay, dẫn đường đi trước đức Như Lai, và dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng.

Bấy giờ, người trong nước Ma-kiệt đều nghĩ, “Đây là oai thần của ai mà hóa làm người bà-la-môn cầm gậy vàng, bình nước rửa bằng vàng, cây quạt cán bằng vàng, thân ở không trung, cách đất bốn ngón tay, đi trước đức Như Lai để dẫn đường và dẹp đường, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, Pháp, Tăng?” Nhân dân nước Ma-kiệt nói với Thích Đề-hoàn Nhân bằng bài tụng:

Ai hóa làm phạm-chí,
Hiện ở trước chúng Tăng;
Khen tụng công đức Phật,
Ông đang thừa sự ai?

Thích Đề-hoàn Nhân dùng kệ trả lời cho nhân dân nước Ma-kiệt:

Đấng dõng mãnh, toàn tri[151]
Ái dục và ẩm thực;

[798b]

Hổ thẹn, niệm, biết đủ.
Tôi đệ tử vị ấy.
Trong đời không ai bằng,
Không thấy ai như vậy;
Chí chân, Phật Như Lai,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Diệt dục và sân nhuế,
Vô minh đã dứt sạch;
A-la-hán lậu tận,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Như người vớt kẻ trôi,
Cù-đàm là thuyền pháp;
Chiến thắng, qua bờ kia,
Tôi hầu hạ vị ấy.
Đã vượt bốn dòng thác,[152]
Hay nói pháp bất tử;
Pháp tối thắng vô ngại,
Tôi hầu hạ vị ấy.

Bấy giờ vua Bình-sa nước Ma-kiệt lại nghĩ: “Nếu đức Thế Tôn dẫn các đệ tử vào thành La-duyệt, Ngài vào vườn nào trước, ta sẽ đem khu vườn này dâng cúng để lập tịnh xá.” Bấy giờ, trong số các khu vườn trong thành La-duyệt chỉ có Trúc viên khu Ca-lan-đà[153] là hơn hết. Đức Thế Tôn biết trong tâm của vua Ma-kiệt nghĩ như vậy. Ngài liền dẫn đại chúng đến Trúc viên. Vua liền xuống voi, tự tay xếp yên voi thành bốn lớp, trải trên mặt đất, mời Phật an toạ. Đức Thế Tôn liền đến ngồi. Vua Bình-sa bưng bình nước rửa bằng vàng đựng nước dâng đức Như Lai để Ngài rửa sạch[154] và bạch Phật rằng: “Trong số các khu vườn trong thành La-duyệt này, Trúc viên này là hơn hết. Nay con xin dâng cúng đức Như Lai. Mong Thế Tôn thọ nhận cho.”

Đức Phật bảo nhà vua: “Nay vua nên đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và Tăng bốn phương.[155] Tại sao vậy? Vì nếu Như Lai có riêng vườn và sản vật của vườn; phòng xá và vật dụng trong phòng xá; y bát, ni-sư-đàn, ống đựng kim, thì chư thiên, người đời, Ma hoặc Ma thiên, sa-môn, bà-la-môn không thể sử dụng được.” Vua thưa:

“Nay con xin đem Trúc viên này dâng cúng cho Phật và Tăng bốn phương.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn rủ lòng thương xót thọ nhận Trúc viên, rồi nói lời chú nguyện:

Gieo trồng các cây vườn,
Làm cầu, thuyền qua sông,
Quả vườn, các ao tắm,
Và chỗ ở cho người:
Những người làm việc ấy,
Ngày đêm phước thêm lớn.
Trì giới, theo chánh pháp;
Người kia được sanh thiên.

Bấy giờ, vua Bình-sa kính lễ sát chân Phật rồi lấy một chiếc ghế nhỏ[156] [798c] ngồi phía trước Ngài để nghe pháp. Đức Thế Tôn tuần tự vì vua nói pháp, khuyến khích khiến tâm được hoan hỷ. Phát tâm hoan hỷ rồi, vua liền rời chỗ ngồi đứng dậy kính lễ đức Phật và cáo lui.

1.6. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên

Khi đức Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong thành này có một phạm-chí tên là San-nhã[157] với hai trăm năm mươi người đệ tử, mà Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà[158] là bậc thượng thủ. Bấy giờ Tôn giả Athấp-ti[159] hầu đức Như Lai. Đến giờ, Tôn giả khoác y bưng bát vào thành khất thực, nhan sắc an lạc, các căn tịch định, y phục tề chỉnh, bước đi khoan thai, không nhìn ngó hai bên, oai nghi đĩnh đạc. Khi ấy Ưu-bà-đề-xá đi đến công viên để dạo, thấy oai nghi của Tôn giả A-thấp-ti như vậy bèn khởi lên ý nghĩ: “Tỳ-kheo này oai nghi đầy đủ, ta hãy đến hỏi đạo lý.” Nhưng rồi lại nghĩ: “Tỳ-kheo này đang đi khất thực. Không phải giờ để ta hỏi đạo lý. Ta nên đợi vị này khất thực xong rồi sẽ hỏi.” Ưu-bà-đề-xá đi theo sau để chờ. Tỳkheo A-thấp-ti vào thành La-duyệt khất thực rồi, để bình bát xuống đất, xếp y tăng-già-lê. Ưu-bà-đề-xá nghĩ rằng: “Tỳ-kheo này khất thực đã xong. Nay chính là lúc ta có thể hỏi được.” Nghĩ như vậy xong, ông liền đến hỏi:

“Ông là ai ? Ai là thầy của ông? Ông học pháp gì?”

Tôn giả trả lời: “Thầy tôi là Đại Sa-môn. Ngài là Thế Tôn của tôi. Tôi theo học nơi Ngài.” Ưu-bà-đề-xá lại hỏi:

“Thầy Đại Sa-môn của ông nói những pháp gì?” Tôn giả trả lời:

“Tôi tuổi đạo còn non trẻ,[160] mới xuất gia, chưa có thể trình bày được những nghĩa lý sâu xa. Nay tôi chỉ lược nói những nghĩa thiết yếu.”

Ưu-ba-đề-xá nói:

“Tôi chỉ thích nghe điều thiết yếu, khỏi phiền nói rộng.” Tôn giả A-thấp-ti nói:

“Ông nên biết, đức Như Lai nói về nhân duyên các pháp sanh, cũng nói nhân duyên pháp diệt. Nếu pháp do nhân nào mà sanh, đức Như Lai nói nhân đó. Nếu pháp do nhân nào diệt, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa này. Đây là những lời dạy của Thầy tôi.[161]

Ưu-ba-đề-xá nghe rồi liền sạch hết các trần cấu, đạt được sự trong sạch của con mắt pháp. Ưu-ba-đề-xá nghĩ rằng: “Chỉ chừng ấy pháp cũng đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức trăm ngàn na-do-tha kiếp vốn chưa từng được thấy.”

Ưu-ba-đề-xá với Câu-luật-đà trước đây có lời cam kết: “Nếu ai được pháp mầu trước sẽ nói cho nhau.” Bấy giờ Ưu-ba-đề-xá liền đến chỗ Câu-luật-đà. Câu-luật-đà thấy Ưu-ba-đề-xá đến bèn nói như vầy:

“Nay nhan sắc của bạn an lạc, các căn tịch định, [799a1] như có sở đắc cái gì. Bạn thấy được pháp chăng?” Ưu-ba-đề-xá trả lời:

“Đúng như lời của bạn nói.”

Câu-luật-đà nói: “Bạn được những pháp gì?” Ưu-ba-đề-xá nói:

“Đức Như Lai kia nói về nhân duyên pháp sanh; cũng nói về nhân duyên pháp diệt. Nếu pháp sanh do bởi nhân gì, đức Như Lai nói nhân. Nếu pháp diệt do bởi nhân gì, Đại Sa-môn cũng nói nghĩa ấy.”

Khi Câu-luật-đà nghe nói như vậy rồi liền dứt sạch các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Câu-luật-đà nghĩ: “Chỉ bằng chừng ấy pháp đã đưa đến chỗ vô ưu, mà vô số ức ngàn na-do-tha kiếp chưa hề được thấy.”

Câu-luật-đà hỏi: “Không biết hiện nay đức Thế Tôn ở chỗ nào?”

Ưu-ba-đề-xá nói: “Như Lai hiện ở tại Ca-lan-đà trong Trúc viên.” Câu-luật-đà nói với Ưu-ba-đề-xá rằng: “Hôm nay chúng ta có thể cùng đến chỗ đức Như Lai kính lễ, hỏi chào và nói rằng, Ngài là thầy của chúng ta.”

Ưu-ba-đề-xá nói: “Trước chúng ta có hai trăm năm mươi đệ tử theo ta tu phạm hạnh. Ta nên cho họ biết việc này rồi tùy ý họ muốn.” Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá cùng Câu-luật-đà đến chỗ các đệ tử nói:

“Các ngươi nên biết, hai người chúng tôi muốn theo Đại Sa-môn học phạm hạnh. Tùy ý các ngươi muốn thế nào thì muốn.” Các đệ tử đều nói: “Bọn chúng con từ trước theo Thầy thọ học. Nay đại sư còn theo Đại Sa-môn cầu học, huống là chúng con đâu không theo học. Những gì Thầy đã chứng đắc, chúng con cũng sẽ chứng đắc.”

Bấy giờ, Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử dẫn nhau đến Trúc viên. Vào lúc ấy, đức Thế Tôn đang vì vô số trăm ngàn chúng nói pháp. Từ xa thấy Ưu-ba-đề-xá và Câu-luật-đà cùng các đệ tử đến, Ngài bảo các tỳ-kheo: “Hai người đang đến từ xa ấy, một người tên là Ưu-ba-đề-xá, người thứ hai tên là Câu-luật-đà. Trong hàng đệ tử của Ta, hai người này là bậc tối thượng thủ, trí tuệ vô lượng, vô thượng, sẽ đạt được hai giải thoát.”[162] Trước khi chưa đến Trúc viên, hai người cùng là bạn đã được Như Lai thọ ký.

Hai người cùng các đệ tử đến chỗ đức Như Lai đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn tuần tự nói thắng pháp khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Họ liền ngay trên chỗ ngồi, sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh [799b] trong giáo pháp Như Lai.” Phật bảo:

“Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.” Đó gọi là thọ giới cụ túc.

Bấy giờ Thế Tôn đang dừng chân tại thành La-duyệt. Khi ấy Tôn giả Uất-tì-la Ca-diếp cùng các đệ tử xuất gia học đạo, lại có hai trăm năm mươi phạm-chí từ San-nhã cũng xuất gia học đạo. Các con nhà hào quý tộc tánh trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Bấy giờ, các trưởng giả trong thành La-duyệt tự cảnh giác với nhau rằng:

“Các người có con nên tự giữ gìn cẩn thận. Vợ thì có phu chủ cũng phải giữ gìn cẩn thận. Hiện nay, có Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm-chí. Rồi họ đi theo, nay đã đến đây. Coi chừng họ sẽ dẫn người ở đây đi nữa.” Các tỳ-kheo khất thực nghe người ta nói:

“Đại Sa-môn này dẫn các phạm-chí tự nguyện đi theo đến đây. Nay lại dẫn người ở đây đi nữa.” Các tỳ-kheo nghe đều ôm lòng hổ thẹn, đến chỗ đức Thế Tôn, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Khi các ông vào trong thành La-duyệt khất thực, nghe các trưởng giả nói rằng, ‘Đại Sa-môn, từ quốc giới nước Ma-kiệt đã độ các phạm-chí, rồi dẫn họ theo. Nay họ sẽ độ những người ở đây dẫn đi nữa’, các ông nên dùng bài kệ này trả lời với họ:

“Như Lai đại thế lực,
Dẫn đi bằng chánh pháp.
Được dẫn bằng chánh pháp,
Các người lo sợ gì?”

Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, vào thành La-duyệt khất thực, nghe các ông trưởng giả nói như vậy, liền dùng kệ này trả lời:

Như Lai đại thế lực,
Dẫn đi bằng chánh pháp.
Được dẫn bằng chánh pháp,
Các người lo sợ gì?

Các ông trưởng giả nghĩ: “Như chúng ta nghe, đại Sa-môn dẫn người đi bằng Chánh pháp, đâu phải là bằng phi pháp.”

2. Hòa thượng pháp

2.1. Hoà thượng truyền giới

Bấy giờ Tôn giả Uất-tì-la Ca-diếp dẫn các đệ tử xuất gia học đạo. Đệ tử[163] của San-nhã phạm-chí dẫn hai trăm năm mươi đệ tử xuất gia học đạo. Con các hào tộc trong thành La-duyệt cũng xuất gia học đạo. Đại chúng tập trung và sống nơi thành La-duyệt. Bấy giờ những người chưa được giáo giới không xét biết oai nghi của mình, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh.2 [799c] Lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la, như pháp bà-la-môn nhóm họp. Bấy giờ có một tỳ-kheo bệnh, không có đệ tử, không ai chăm sóc, phải mạng chung. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:

“Từ nay về sau cho phép cầu thỉnh Hòa thượng.[164] Hòa thượng chăm sóc đệ tử[165] với tâm ý đó là con. Đệ tử chăm sóc Hòa thượng với tâm ý đó là cha.[166] Trên dưới kính trọng lẫn nhau, chăm sóc cho nhau. Có như vậy chánh pháp mới được lâu dài, mới được lợi ích rộng lớn.” Pháp thỉnh Hòa thượng như sau: Hãy dạy để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

“Con tên là..., nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng. Cúi xin Đại đức vì con làm Hòa thượng. Con nương theo Đại đức được thọ giới cụ túc.”

Lần thứ hai, thứ ba cũng thưa như vậy.

Hòa thượng nên trả lời, “Được.” Hoặc nói, “Như vậy.” Hoặc nói, “Tôi sẽ dạy bảo ngươi.” Hoặc nói, “Thanh tịnh chớ buông lung.” Phật dạy:

“Từ nay về sau nên bỏ pháp thọ giới cụ túc bằng tam ngữ. Từ nay về sau cho phép phải đủ mười vị mới trao cho giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma.”

Phép thọ cụ túc như sau:

Người muốn thọ giới cụ túc phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là..., theo tỳ-kheo tên là..., cầu thọ giới cụ túc. Con tên... nay đến giữa Tăng cầu thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Cúi xin Tăng vì lòng thương tưởng tế độ con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Trong chúng nên sai một người có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là..., theo tỳkheo tên là... cầu thọ giới cụ túc. Người có tên... này, nay đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên ..., theo tỳkheo tên ... cầu thọ giới cụ túc. Nay người có tên... đến giữa Tăng cầu xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng. Vậy, trưởng lão nào chấp thuận, Tăng cho phép người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

“Tăng đã đồng ý cho người có tên... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo tên... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi nhi nhận như vậy.”

2.2. Tuổi hạ của Hoà thượng

[800a1] Bấy giờ các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn chế giới cho phép trao giới cụ túc cho người. Tỳ-kheo mới thọ giới vội trao giới cụ túc cho người, mà không đủ khả năng giáo thọ. Vì không đủ khả năng giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.

Các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn hiềm trách tỳ-kheo kia: “Đức Thế Tôn chế giới, cho phép trao giới cụ túc cho người. Nhưng các ông mới thọ giới tỳ-kheo, sao lại vội trao giới cụ túc cho người để rồi không thể giáo thọ cho họ được. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực, đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.”

Bấy giờ Tôn giả Hòa-tiên[167] mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi:

“Đây là tỳ-kheo nào?”

Tôn giả thưa: “Đó là đệ tử của con.”

Đức Phật hỏi: “Nay ông bao nhiêu tuổi?”

Tôn giả thưa: “Bạch Thế Tôn, con hai tuổi.”

Đức Phật lại hỏi: “Đệ tử của ông mấy tuổi?”

Tôn giả thưa: “Một tuổi.”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

“Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người; làm sao giáo thọ cho người được?”

Vào lúc đó có các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân

Ngài rồi ngồi qua một bên, cũng đem nhân duyên này bạch lên đức

Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn nói: “Vừa rồi có tỳ-kheo Hòa-tiên mới hai tuổi mà dẫn đệ tử một tuổi đến Ta, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Ta biết mà vẫn cố hỏi: ‘Tỳ-kheo này là ai?’ Hòa-tiên nói, ‘Đệ tử của con.’ Ta hỏi, ‘Ông bao nhiêu tuổi?’ Hòa-tiên thưa, ‘Con hai tuổi.’ Ta hỏi, ‘Đệ tử của ông mấy tuổi?’ Hòa-tiên thưa, ‘Một tuổi.’ Ta liền dùng vô số phương tiện quở trách: ‘Ông làm việc chẳng phải pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Hòa-tiên, ngươi tự thân chưa hết bú sữa mà đã nhận giáo thọ người, làm sao giáo thọ cho người được?’ Phật đã cho phép trao giới cụ túc cho người, nhưng ngươi mới thọ giới tỳ-kheo lại vội trao [800b] giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.” Bấy giờ Phật dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳkheo: “Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người.”

Bấy giờ các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi mới được trao giới cụ túc cho người. Có tỳ-kheo mười tuổi mà ngu si, vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn.

Các tỳ-kheo, nghe trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo này rằng: “Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được trao giới cụ túc cho người. Thầy dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si sao lại vội trao giới cụ túc cho người, nên không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không biết xét oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia:

“Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Ông dù là tỳ-kheo mười tuổi nhưng ngu si, sao lại vội trao giới cụ túc cho người, không biết giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như pháp nhóm họp của bà-la-môn.” Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳkheo: “Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới trao giới cụ túc cho người.”

[800c] Các tỳ-kheo khi nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳkheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người, bèn tự nói là: “Tôi đủ mười tuổi, có trí tuệ, được phép trao giới cụ túc cho người.” Rồi vội trao giới cụ túc cho người mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia, nói:

“Đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ mới được trao giới cụ túc cho người. Tại sao thầy lại tự nói là có trí tuệ, vội trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:

“Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Như Lai chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ được trao giới cụ túc cho người. Tại sao các thầy tự nói mình có trí tuệ, để rồi trao giới cụ túc cho người mà không giáo thọ được? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận thức ăn bất tịnh chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; lúc tiểu thực đại thực lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.”

2.3. Phận sự của Hoà thượng

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳkheo: Từ nay về sau phải chế pháp tắc của Hòa thượng, bắt buộc phải làm theo pháp Hòa thượng. Hòa thượng đối với đệ tử phải có phận sự như vầy, nên thực hành pháp như vầy:

Nếu đệ tử bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, [801a1] tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng đối với đệ tử ấy không tác pháp yết-ma. Nếu trường hợp phải tác pháp, thì khiến cho đúng pháp. Nếu Tăng đối với đệ tử ấy tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội; thì Hòa thượng nên liệu lý như pháp, khiến đệ tử thuận tùng Tăng không trái nghịch, cần cầu, trừ bỏ tội lỗi, khiến cho Tăng sớm vì đệ tử giải pháp yết-ma.

Trường hợp đệ tử phạm Tăng tàn, Hòa thượng nên liệu lý như pháp. Cần cho ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần cho bổn nhật trị thì cho bổn nhật trị. Cần cho ma-na-đỏa thì cho ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội.

Nếu đệ tử bị bệnh, Hòa thượng nên chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc cho đến khi lành hay mạng chung. Nếu đệ tử không thích sống nơi trú xứ này, nên tự mình đưa đi hay nhờ người đưa đi đến trú xứ khác.

Nếu đệ tử có điều nghi, nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giáo dục đúng như pháp để trừ nghi. Nếu đệ tử sanh ác kiến, nên giáo thọ khiến cho bỏ ác kiến, an trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai pháp để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ là dạy tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng huệ, dạy học vấn, tụng kinh. Dùng y thực nhiếp hộ là cho y thực, giường, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh theo khả năng có thể.

“Từ nay về sau chế pháp tắc cho Hòa thượng như vậy. Hòa thượng nên làm như vậy. Nếu Hòa thượng không làm thì như pháp trị.”

2.4. Phận sự của đệ tử

Bấy giờ có Hòa thượng đối với đệ tử thì thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành đúng pháp của đệ tử. Họ không bạch với Hòa thượng[168] khi vào thôn, đến nhà bạch y; hoặc đi theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳkheo khác, hoặc cho, hoặc nhận, hoặc giúp đỡ các việc, hoặc nhận sự giúp đỡ của người khác, hoặc cạo đầu cho người, hoặc nhờ người khác cạo đầu. Không bạch với Hòa thượng mà vào phòng tắm; hoặc xoa kỳ thân cho người, hoặc nhờ người xoa kỳ thân mình. Hoặc không bạch với Hòa thượng mà ban ngày đến các phòng khác trong trú xứ, hoặc đến nơi gò mả, hoặc ra ngoài giới, hoặc đến phương khác.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo kia, nói: “Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử?

Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến,

(không bạch mà) đến phương khác?”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn do [801b] nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo quở trách tỳ-kheo kia: “Ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao Hòa thượng đối với đệ tử thi hành đúng pháp của Hòa thượng, mà để đệ tử đối với Hòa thượng lại không phụng hành pháp của đệ tử? Không bạch với Hòa thượng mà vào thôn, đến nhà bạch y, cho đến, (không bạch mà) đến phương khác?”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo kia rồi, bảo các tỳ-kheo: “Từ nay về sau nên chế pháp của đệ tử. Đệ tử phụng hành pháp gì, khiến cho đệ tử đối với Hòa thượng phải phụng hành pháp đệ tử. Pháp của đệ tử là: Nếu Hòa thượng bị chúng Tăng tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử phải nên như pháp liệu lý, khiến cho Tăng không tác pháp yết-ma đối với Hòa thượng. Nếu phải tác pháp thì khiến cho nhẹ bớt. Nếu Tăng tác pháp yết-ma đối với Hòa thượng, tác pháp ha trách, tác pháp tẫn xuất, tác pháp y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội, thì đệ tử nên liệu lý như pháp, khiến Hòa thượng thuận tùng Tăng, không trái nghịch. Cần cầu, trừ tội, khiến Tăng mau giải yết-ma.

Trường hợp Hòa thượng phạm Tăng tàn, đệ tử nên liệu lý như pháp. Cần hành ba-lợi-bà-sa thì cho ba-lợi-bà-sa. Cần trao bổn nhật trị thì trao bổn nhật trị. Cần trao ma-na-đỏa thì trao ma-na-đỏa. Cần xuất tội thì nên xuất tội.

Nếu Hòa thượng bị bệnh, đệ tử phải chăm sóc hoặc nhờ người chăm sóc cho đến khi mạnh khoẻ hay mạng chung. Nếu ý của Hòa thượng không muốn ở trú xứ này thì nên tự dời hay nhờ người khác dời.

Nếu Hòa thượng có điều gì nghi ngờ thì nên đem pháp, đem luật, đem lời Phật dạy giải quyết như pháp. Nếu Hòa thượng sanh ác kiến thì khuyên khiến cho bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến. Nên dùng hai việc để nhiếp hộ, tức là pháp và y thực. Dùng pháp nhiếp hộ: là khuyên khiến cho tăng giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, tụng kinh. Y thực nhiếp hộ: là phải cúng dường y thực, giường nệm, ngọa cụ, thuốc chữa bệnh, vật cần dùng theo khả năng của mình có thể.[169] “Từ nay về sau nên chế pháp cho đệ tử. Pháp của đệ tử là như vậy, nên phụng hành, nếu không phụng hành thì như pháp trị.”

Đệ tử đối với Hòa thượng không phụng hành pháp của đệ tử.[170] Đệ tử không thưa với Hòa thượng thì không được vào thôn, không được đến nhà người, không được theo các tỳ-kheo khác, hoặc làm bạn với các tỳ-kheo khác; không được cho, [801c] không được nhận, không được giúp đỡ các việc, không được cạo đầu cho người khác, không được nhờ người khác cạo đầu, không được vào nhà tắm để tắm, không được xoa kỳ thân cho người, không được nhờ người xoa kỳ thân, không được ban ngày đến phòng (khác) của trú xứ, không được đến nơi gò mả, không được ra ngoài giới, không được đến phương khác.

Đệ tử nên mỗi sáng sớm vào phòng Hòa thượng thọ pháp, tụng kinh hỏi nghĩa; nên đem đổ đồ tiểu tiện, nên bạch giờ cơm; cung cấp tháo đậu hoặc phân bò, tro để rửa tay.

Nếu có thức ăn gì thì nên nhận phần của Hòa thượng. Nếu trong Tăng có lợi dưỡng, nên nhận cho Hòa thượng. Nên đem tháo đậu, tăm xỉa răng trao cho Hòa thượng để Hòa thượng rửa tay, súc miệng. Có thức ăn dâng cho Hòa thượng. Trong Tăng có lợi dưỡng nên bạch với Hòa thượng: ‘Có phẩm vật như vậy là phần của Hòa thượng.’

Đệ tử muốn xin phép Hòa thượng vào thôn, nói: ‘Con xin phép vào thôn, bạch Hòa thượng, được không?’ Nếu Hòa thượng nói: ‘Không được vào’, thì hỏi: ‘Vậy lấy thức ăn ở đâu?’ Nếu Hòa thượng nói: ‘Lấy thức ăn tại chỗ nào đó’, thì nên như lời dạy, đến đó để lấy. Nếu Hòa thượng trả lời: ‘Tôi vào thôn’, đệ tử nên rửa tay, nhẹ nhàng lấy y từ trên giá, đừng cho nhầm lộn; lấy an-đà-hội trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, ong không; kế đó lấy dây buộc, lấy tăng-kỳ-chi,[171] uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ, xem xét có các loài ác trùng như rắn, bọ cạp, ong không, trao cho Hòa thượng. Nên xếp tăng-già-lê đội trên đầu hay trên vai. Kế đó lấy bình bát, dùng tháo đậu, tro, phân bò, rửa cho sạch, đựng vào trong đãy lưới, hoặc lấy khăn tay gói lại, hoặc để trong đãy đựng bát, rồi mang đi. Nên lấy áo lót cho Hòa thượng. Lại lấy những vật rửa chân, tấm giạ để nằm, chăn, trao cho Hòa thượng.

Khi Hòa thượng xuất hành, nên lấy đôi guốc đi đường của Hòa thượng ra ngoài phòng. Khi ra khỏi phòng xá nên xem lại cửa, lấy tay xô thử cánh cửa có chắc hay không. Nếu không chắc, phải đóng lại. Nếu chắc rồi thì bỏ sợi dây vào trong. Xem khắp bốn bên, cất chìa khóa chỗ kín. Nếu sợ người thấy hay sợ không chắc, bị người thấy, thì nên đem theo, hoặc dời chỗ khác kín và chắc. Mời Hòa thượng đi trước. Trên đường đi gặp người quen biết, nên khéo lời chào hỏi với thiện tâm ghi nhớ. Khi đi, nên tránh người đi đường.

Khi thầy muốn vào thôn, [802a1] nên tạm dừng lại bên đường, để bát xuống một bên, lấy y tăng-già-lê từ trên đầu hay trên vai xuống, trương ra xem coi có rắn, bọ cạp, loài ác trùng hay không, rồi mới trao cho Hòa thượng. Nếu bên ngoài thôn có khách xá hay quán bán hàng hay phường hội, thì nên đem đôi guốc đi đường gởi trong đó, rồi hỏi Hòa thượng: ‘Thưa thầy, con có đi theo hay không?’

Nếu thầy bảo đi thì đi. Nếu nói không cần đi, thầy bảo chờ chỗ nào đó, thì chờ.

Nếu Hòa thượng vào thôn mà trở ra không đúng giờ, thì nên nghĩ như sau, ‘Vào thôn khất thực, đây là phần dành Hòa thượng, đây là phần thuộc về mình.’

Khi thầy ra khỏi thôn, nên đến chỗ gởi đôi guốc đi đường lấy lại, rồi ghé bên đường, để bình bát xuống đất, xếp tăng-già-lê, đội lại trên đầu hay trên vai. Giữa đường gặp người quen biết nên với thiện ý hỏi chào. Nếu Hòa thượng dùng cơm chỗ nào thì nên quét dọn cho sạch, trải tọa cụ, bình nước sạch đầy đủ, đồ tắm rửa, đồ đựng thức ăn. Nên trao cho Hòa thượng ghế ngồi tắm, hòn đá rửa chân, khăn lau chân.

Từ xa thấy Hòa thượng đến, liền đứng dậy nghinh đón, rước bình bát nơi tay, đặt trên đế để bát[172] hay trên dàn để bát,[173] hoặc treo nơi đầu võng; lấy tăng-già-lê từ trên đầu hay trên vai, trương ra xem có mồ hôi, đất bẩn hay không, hoặc bị bùn nhơ hay phân chim v.v... Nếu có các thứ bẩn ấy thì đem giặt cho sạch, vắt ráo nước, trương ra phơi trên giường cây hay giường dây. Lại nên trải chỗ ngồi cho Hòa thượng; mang guốc dép, đá rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước cho Hòa thượng. Đập đôi guốc rồi nên để bên tả, chỗ đất không ẩm thấp. Nếu chỗ đất bị ẩm thấp thì nên dời chỗ khác. Hòa thượng rửa chân rồi nên đổ nước, đem hòn đá rửa chân, khăn lau chân để lại chỗ cũ, rồi rửa tay mình cho sạch, trao nước sạch cho Hòa thượng rửa tay.

Mình có thức ăn gì nên đem dâng lên Hòa thượng và thưa: ‘Đây là phần ăn của con, mời Hòa thượng dùng.’ Nếu Hòa thượng dùng thì phải đứng hầu, cung cấp các thứ cần dùng. Sau bữa ăn, có sữa, nước nấu cao, nước muối chua, nước đại mạch, rau hay củ, nên dâng cho thầy. Nếu nóng thì quậy cho nguội, cần nước thì dâng nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng thầy đồng ăn. Hòa thượng dùng rồi nên rước bình bát từ nơi tay đem rửa. [802b] Mình ăn rồi, còn thức ăn dư, nên cho người hoặc phi nhân, hay đổ nơi chỗ đất sạch không có cỏ, hoặc chỗ nước sạch không có quăng. Lấy đồ đựng thức ăn rửa sạch để lại chỗ cũ. Lấy tọa cụ, đồ rửa chân, bình tịnh thủy, bình súc miệng để trở lại chỗ cũ; đem dẹp sạch sẽ chỗ ăn.”

Có người dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ. Các tỳ-kheo thấy đều nhờm gớm.

Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau không được dùng bình bát đựng thức ăn dư đem đổ; mà nên dùng đồ để đựng thức ăn dư riêng, như đồ bể hay đồ cũ, sọt bằng tre, hoặc dùng chổi quét cho sạch. Bình bát dùng để ăn phải là thứ tốt và tinh-khiết mới thọ trì.

Khi vào phòng Hòa thượng, nên để ý xem có bụi đất hay không; nếu có phải lau quét. Giường dây, giường cây, tọa cụ, nệm lớn nệm nhỏ, gối, chăn, mền, chân giường,[174] đồ trải dưới đất, nên ghi nhớ chỗ để của nó, rồi đem ra ngoài hong phơi. Khi lau quét, dọn dẹp trong phòng nên để ý, nếu có ống đựng kim chỉ, dao, hoặc vải y rách cũ, cho đến một vài viên thuốc cũng phải để chỗ dễ thấy, để người chủ thấy mà lấy.

Nên lau quét trên các cây móc y, trên cọc, hoặc trên móc ngà voi,[175]v.v… Nếu trong phòng bị hư mục, hay bị chuột làm ổ, thì phải tu bổ sửa sang lại; cần trét thì trét, cần nện thì nện, cần làm cho bằng thì làm cho bằng, cần dùng nước bùn rưới lên trên cho sạch sẽ thì nên dùng nước bùn rưới lên cho sạch, nên dùng đất trải lên trên cho khô ráo thì làm cho khô ráo. Trong phòng, thảm ngồi nếu không được trải ngay thẳng thì sửa lại cho ngay thẳng. Nếu đã ngay thẳng rồi thì phải để như cũ. Trước hết lau chân giường, xếp giường dây, chân giường dây đem để trong phòng. Trên giường, lấy nệm lớn nệm nhỏ, gối, chăn, y để trong phòng. Trải nệm lớn trước, trải nệm nhỏ sau, chăn gối để ngay bên trên.

Có người lấy y thường mặc và y không thường mặc để chung một chỗ, bấy giờ bị lẫn lộn. Phật dạy:

“Từ nay về sau không nên đem y thường mặc để chung một chỗ với y không thường mặc. Mỗi thứ nên để riêng một chỗ.”

Có người lấy đãy đựng bình bát, đãy đựng giày guốc, ống đựng kim, đồ đựng dầu để chung một chỗ. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy. Từ nay về sau, đãy dựng bình bát, ống đựng kim để một chỗ; đãy đựng guốc dép, đồ đựng dầu để một chỗ.

Nên ở trong phòng mà đặt cây gài cửa cẩn thận, đừng cao quá, thấp quá. Ra ngoài phòng, cần xem lại [802c] cửa. Xem trong sân có đất bụi, đồ bất tịnh hay không. Nếu có, phải quét cho sạch. Nên lấy bình nước sạch rửa cho sạch, rồi lấy đầy bình nước để lại chỗ cũ.

Lại nên trao cho Hòa thượng đầy đủ bình nước, bình nước tắm, đồ đựng cơm nước.

Đến giờ tắm, nên đến thưa với Hòa thượng xem ngài có muốn tắm không. Nếu ngài cần tắm nên vào trong nhà tắm trước, xem dưới đất có bẩn thì phải quét dọn cho sạch. Cần rưới nước thì rưới nước. Cần quét thì quét. Có nước không sạch, cần đổ thì đổ. Cần đem nước vào thì đem. Cần đem củi vào thì đem. Cần bửa củi thì bửa. Cần đem bếp vào thì đem vào. Nên trao cho Hòa thượng đầy đủ phương tiện nơi nhà tắm,[176] như bình và ghế nhỏ ngồi, dụng cụ cạo đất, đồ đựng nước, đồ đựng bùn đất, tháo đậu, các dụng cụ tắm rửa. Vị ấy nên thưa với Hoà thượng trước khi nhen lửa. Nhen lửa rồi phải thưa thầy biết để thầy vào tắm. Nếu Hòa thượng bệnh yếu hay quá già, mình nên dìu Hòa thượng vào, hay mời Hòa thượng ngồi trên giường cây, giường dây, hay dùng y khiêng Hòa thượng vào. Khi vào trong nhà tắm, nên rước y nơi tay Hòa thượng. Trong nhà tắm có móc áo, hoặc móc ngà voi, hay giá y thì đem y máng nơi đó. Nếu có dầu thì đem dầu thoa mình Hòa thượng. Đồ đựng dầu nên để dưới đất, lấy sợi dây cột lên cây trụ hay móc long nha. Nếu Hòa thượng già yếu bệnh hoạn, nên dìu Hoà thượng vào nhà tắm. Khi đến, nên lấy ghế ngồi tắm, bình nước rửa, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, tháo đậu, các dụng cụ để tắm. Nếu có khói xông vào mặt Hòa thượng, phải lấy khăn ngăn khói. Nếu đầu và lưng Hòa thượng bị nóng thì lấy khăn che lại.

Vị ấy nên bạch với Hòa thượng, sau mới vào nhà tắm. Nếu Hòa thượng đã vào trước, sợ trong nhà tắm ồn không dám vào nên khởi ý nghĩ: ‘Nay ta không vì mình, mà vào để tắm rửa cho Hòa thượng.’ Có thể nghĩ như thế rồi vào. Vào rồi, nên xoa chà thân thể cho Hòa thượng. Nên đứng sau Hòa thượng. Nếu muốn xoa chà thân thể người khác hay nhờ người khác xoa chà thân thể thì nên bạch với Hòa thượng, sau đó mới xoa chà hay nhờ xoa chà. Vị ấy nên rửa cho Hòa thượng rồi mới rửa cho mình. Nếu Hòa thượng quá già bệnh hoạn, ốm yếu thì nên dìu Hòa thượng ra khỏi phòng tắm, lấy ghế mời Hòa thượng ngồi, lấy khăn lau thân thể, lấy khăn lau mặt, lấy khăn lau mắt trao cho Hòa thượng rồi nên để cục đá rửa chân, lấy nước rửa chân, lấy [803a1] khăn lau chân, trao xong nên lấy nước rửa chân, đập giũ hay lau guốc dép trao cho Hòa thượng. Kế đến lấy y trương ra xem, đập giũ trao cho Hòa thượng. Nếu có thuốc nhỏ con mắt hoặc bột thơm, trao cho Hòa thượng.

Hoặc có nước cam, nước mật, rửa tay rồi trao cho Hòa thượng. Nếu Hòa thượng già yếu bị bệnh gầy ốm, thì nên lấy giường dây, giường cây mời Hòa thượng ngồi lên trên, hoặc dùng y khiêng Hòa thượng trở vào trong phòng. Khi vào trong phòng rồi, lấy tay sửa soạn chỗ nằm, xem xét trải ngọa cụ, mời Hòa thượng nằm. Trước hết trao áo lót cho Hòa thượng, sau đó lấy y hay chăn phủ lên mình Hòa thượng. Khi ra khỏi phòng, nhớ đóng cửa phòng, rồi đến nhà tắm xem xét lại bình nước, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, ghế ngồi tắm, bình đựng nước, đồ đựng bùn đất, thuốc bột, tháo đậu, các vật dùng để tắm, phải để lại vị trí cũ của nó. Nếu trong nhà tắm có chứa nước không sạch, phải đổ đi. Nên tắt lửa thì tắt, nên vùi lửa thì vùi, nên đóng cửa thì đóng, nên đem khóa cửa đi thì đem đi.

Đệ tử mỗi ngày ba lần nên đến thăm hỏi Hòa thượng. Đệ tử nên vì Hòa thượng làm hai việc nhọc nhằn không được từ khước: một là sửa soạn phòng xá, hai là may vá và giặt y phục. Hòa thượng như pháp dạy bảo điều gì, đệ tử phải phụng hành. Nếu Hòa thượng sai đi đâu, làm việc gì thì không được từ nan, viện cớ không đi. Nếu từ nan thì sẽ như pháp trị. Từ nay về sau quy định người đệ tử tu theo pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Nếu đệ tử không phụng hành pháp của đệ tử sẽ như pháp trị.”[177]

2.5. A-xà-lê

Bấy giờ các tỳ-kheo mới thọ giới, Hòa thượng mạng chung, không biết ai giáo thọ. Do không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; [803b] trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-lamôn nhóm họp không khác. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

“Từ nay về sau cho phép có pháp của A-xà-lê[178] và pháp của đệ tử.[179] A-xà-lê đối với đệ tử như con, đệ tử đối với A-xà-lê tưởng như cha, trên dưới dạy bảo nhau, trên dưới phụng sự nhau. Có như vậy ở trong Phật pháp mới thêm sự lợi ích, mới lưu truyền rộng rãi.” Pháp thức thỉnh A-xà-lê như sau: người thỉnh để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

“Đại đức một lòng thương tưởng, con tên là..., nay cầu Đại đức làm vị y chỉ, nguyện Đại đức vì con làm y chỉ, con y chỉ nơi Đại đức mà an trú.” Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Vị Đại đức nên nói:

“Được, tôi cho ông y chỉ. Ông chớ buông lung.”

Các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tác pháp y chỉ. Tỳ-kheo mới thọ giới mà cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên người ấy không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa ăn chính ăn phụ lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh ưa học giới, biết hổ thẹn quở trách tỳ-kheo kia: “Đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ, mà các thầy là tỳ-kheo mới thọ giới tại sao lại nhận người y chỉ để không biết giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh, trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la, như bà-la-môn nhóm họp.”

Các tỳ-kheo quở trách rồi, họ đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳkheo, quở trách tỳ-kheo kia:

“Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp samôn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều chẳng nên làm. Này tỳ-kheo, tại sao đức Thế Tôn chế giới cho phép nhận người y chỉ mà các ông là tỳ-kheo mới thọ giới, lại nhận người khác y chỉ, không biết giáo thọ? Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, [803c] kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳkheo: “Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ.”

Khi các tỳ-kheo kia nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi cho người y chỉ, thì có tỳ-kheo mười tuổi kia ngu si, không trí tuệ, cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo kia: “Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Mà các thầy tuy mười tuổi, nhưng ngu si, lại cho người y chỉ, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.” Tỳ-kheo quở trách rồi, đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:

“Các ông làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc chẳng nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi được cho người y chỉ. Các ông tuy mười tuổi mà ngu si lại cho người y chỉ, để rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh... cho đến như pháp của bà-la-môn nhóm họp.”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳkheo: “Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ.”

Khi các tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Có tỳ-kheo kia tự xưng rằng, tôi mười tuổi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Song vị kia cho người y chỉ rồi không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bà-la-môn nhóm họp.

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học [804a1] giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo kia: “Thế Tôn chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà thầy tự nói, tôi có trí tuệ, bèn cho người y chỉ. Cho rồi mà không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong bữa đại thực, tiểu thực, lớn tiếng kêu la như bà-la-môn nhóm họp.” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo kia:

“Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Ta chế giới cho phép tỳ-kheo mười tuổi có trí tuệ cho người y chỉ. Mà ông tự nói có trí tuệ, để cho người y chỉ, cho y chỉ rồi, không biết giáo thọ. Vì không được giáo thọ nên họ không xét biết oai nghi, khoác y không tề chỉnh, khất thực không như pháp, nhận bất tịnh thực chỗ này chỗ kia, hoặc nhận thức ăn với bát bất tịnh; trong đại thực, tiểu thực, kêu la lớn tiếng như pháp của bàla-môn nhóm họp?”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳkheo:

Từ nay về sau nên chế pháp A-xà-lê, khiến cho hành pháp A-xà-lê.

A-xà-lê đối với đệ tử nên tác pháp như vầy, nên phụng hành pháp như vầy: (A-Xà-lê đối với đệ tử phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của Hòa thượng đối với đệ tử. Đệ tử đối với A-xàlê phải làm như thế nào, tất cả đều giống như pháp của đệ tử đối với Hòa thượng. Văn đồng nên không chép ra).[180]

2.6. Y chỉ và dứt y chỉ

Bấy giờ các đệ tử không thừa sự cung kính Hòa thượng, cũng không thuận pháp của đệ tử. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

“Từ nay về sau nên cho tác pháp khiển trách.[181]” Các tỳ-kheo không biết khiển trách như thế nào.

Đức Phật dạy:

Cho phép khiển trách bằng năm cách. Hòa thượng nói như sau:

“Nay ta quở trách ngươi: ‘Ngươi đi đi!’, ‘Ngươi đừng vào phòng ta.’, ‘Ngươi đừng làm việc gì cho ta.’,’Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.’, ‘Ta không nói chuyện với ngươi.’” Đó gọi là năm việc Hòa thượng quở trách đệ tử.

A-xà-lê quở trách đệ tử cũng có năm cách, nói:

“Nay ta quở trách ngươi: ‘Ngươi đi đi!’, ‘Ngươi đừng vào phòng ta.’, ‘Ngươi đừng làm việc gì cho ta.’, [804b]’Ngươi cũng đừng đến chỗ ta.’, ‘Ta không nói chuyện với ngươi.’”[182] Đó gọi là năm việc A-xà-lê quở trách đệ tử.

Đức Thế Tôn cho phép khiển trách. Các tỳ-kheo không biết nên khiển trách vì chuyện gì. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Phật. Đức Phật dạy:

Đệ tử có năm việc, Hòa thượng, A-xà-lê nên khiển trách đệ tử: không biết xấu, không biết hổ, không nghe lời dạy, làm điều phi oai nghi, không cung kính. Đệ tử có năm việc như vậy Hòa thượng, Axà-lê cần phải quở trách.

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà dâm nữ.

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến nhà phụ nữ.[183]

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà đồng nữ lớn.[184]

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến nhà huỳnh môn.

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa đến tinh xá của tỳ-kheo-ni.

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, cùng người ác làm bạn, ưa đến tinh xá của thức-xoa-ma-na, sa-di-ni.

Lại có năm việc: không biết xấu, không biết hổ, khó dạy, làm bạn cùng kẻ ác, ưa xem bắt ba ba, rùa.

Đệ tử có năm việc như vậy thì Hòa thượng, A-xà-lê nên tác pháp quở trách.

Đức Thế Tôn cho phép khiển trách đệ tử. Các tỳ-kheo lại khiển trách suốt đời.

Đức Phật dạy: “Không được khiển trách suốt đời.” Vị ấy khiển trách suốt mùa an cư.

Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Vị kia khiển trách người bệnh. Trong khi Hòa thượng, A-xà-lê không trông nom người bệnh, tỳ-kheo khác cũng không trông nom khiến cho người bệnh khốn đốn.

Đức Phật dạy: “Không được khiển trách người bệnh.”

Vị kia khiển trách người vắng mặt. Các tỳ-kheo nói: “Ngươi bị khiển trách.” Đương sự nói: “Con không bị khiển trách.” Đức Phật dạy: “Không nên quở trách người vắng mặt.”

Vị kia không nói rõ tội lỗi mà quở trách, các đệ tử nói: “Con phạm tội gì mà bị quở trách?”

Đức Phật dạy: “Không nên không nói rõ tội trạng mà khiển trách. Nên nói rõ tội trạng như vầy: ‘Ngươi phạm tội như vậy, như vậy.’” Người bị khiển trách rồi lại cung cấp vật dụng và chịu sai khiến.

Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.”

Vị kia đã tác pháp quở trách rồi vẫn nhận sự cung cấp và sai khiến người ấy.

Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.” Ngưòi khiển trách rồi mà vẫn ở đó y chỉ.

Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Vị kia đã [804c] tác pháp khiển trách rồi mà vẫn cho người ấy y chỉ.

Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Người bị quở trách rồi không sám hối Hòa thượng, A-xà-lê, bèn đi. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.”

Người bị quở trách rồi bèn ở bên các tỳ-kheo khác, không chấp sự cho Hòa thượng, A-xà-lê, mà cũng không chấp sự các tỳ-kheo khác.

Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.”

Người bị quở trách rồi không có người hướng dẫn việc tùy thuận nên bỏ đi xa hoặc thôi tu, hoặc không tin ưa Phật pháp.

Đức Phật dạy: “Những vị khác nên với ý nghĩ vì Hòa thượng, A- xà-lê của vị ấy khuyên họ sám hối để thầy trò hòa hợp.”

Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo dụ dẫn đệ tử người khác đi. Các tỳ-kheo đến bạch đức Phật.

Đức Phật dạy: “Không được dụ dẫn đệ tử người khác đi. Nếu dụ dẫn đi thì nên như pháp trị.”

Vị Hòa thượng, A-xà-lê kia hoặc phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, đối với pháp sa-môn không lợi ích. Các tỳ-kheo đến bạch Phật.

Phật dạy: “Cho phép dụ dẫn đi, với ý nghĩ khuyên bảo để cho vị ấy được thêm lớn sự lợi ích đối với pháp sa-môn.”

Người bị quở trách rồi, không chịu đến Hòa thượng, A-xà-lê để sám hối. Đức Phật dạy: “Bị quở trách rồi, nên đến Hòa thượng, Axà-lê sám hối.” Pháp thức sám hối: người sám trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

“Bạch Đại đức! Nay con xin sám hối. Con không dám tái phạm.”

Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không cho phép thì mỗi ngày ba lần, sáng, trưa, chiều xin được sám hối. Nếu thầy cho phép sám hối thì tốt, bằng không thì phải hạ ý tùy thuận,[185] cầu phương tiện để giải bày tội phạm kia. Người ấy hạ ý tùy thuận không trái nghịch, cầu giải bày tội lỗi thì vị thầy nên nhận sự sám hối. Nếu không nhận sự sám hối sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, có tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần y chỉ. Quan sát phòng xá, thấy chỗ a-lan-nhã có một cái hang, liền có ý nghĩ: “Nếu được sự y chỉ, ta sẽ ở nơi đây.” Vị ấy đem việc này nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới, ưa nhàn tịnh, nhưng còn cần phải y chỉ cho phép y chỉ chỗ khác, nếu nội trong ngày trở về lại được. Nếu không được, thì tỳ-kheo mới thọ giới mà ưa ở chỗ nhàn tịnh, được cho phép sống không y chỉ.”

Bấy giờ tỳ-kheo cựu trú[186] mới thọ giới cần y chỉ, nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn chế giới không được sống không y chỉ.” [805a1] Vị kia bèn bỏ trú xứ đi,[187] trú xứ bị hư hoại.[188] Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, trường hợp tỳ-kheo cựu trú mà mới thọ giới cần y chỉ, cho phép sống không y chỉ. Vì thủ hộ trú xứ.”

Có tỳ-kheo nghĩ quyết định ra ngoài giới rồi đi luôn. Nhưng khi ra ngoài giới, trong ngày ấy lại trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật, trường hợp như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:

“Trường hợp đó mất y chỉ.”

Hòa thượng, A-xà-lê có ý nghĩ quyết định ra ngoài giới và đi luôn, không trở lại. Nhưng trong ngày lại trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật trường hợp này có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: “Mất y chỉ.”

Có tỳ-kheo bạch với Hòa thượng, A-xà-lê, tạm thời ra ngoài giới. Sau khi ra ngoài giới, trong ngày trở về lại. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:

“Không mất y chỉ.”

Có Hòa thượng, A-xà-lê, nghĩ rằng tạm thời ta ra ngoài giới, trong ngày, vị ấy trở về. Các tỳ-kheo bạch Phật có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy:

“Không mất y chỉ. “

Có các tỳ-kheo dẫn người thọ giới ra ngoài giới, mời nhóm sáu tỳkheo đến trao giới cho họ. Nhóm sáu tỳ-kheo không đến nên không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem vấn đề này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, nếu người tác pháp ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, a-phù-ha-na, tác yết-ma, hoặc lập chế, hoặc thọ giới, hoặc người được chúng sai, hoặc có việc cần giải bày, những việc như vậy, kêu đến mà không đến thì phải như pháp trị.”

Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác yết-ma. Thượng tọa nói: “Tôi không tụng.” Tỳkheo lại thưa với Trung tọa, Hạ tọa tác bạch, các vị cũng lại nói: “Tôi không tụng.” Vì vậy bị trở ngại, không được thọ giới. Các tỳkheo đem nhân duyên này bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng bạch yết-ma. Nếu không sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới, ra ngoài giới, thưa với Thượng tọa, tác bạch. Thượng tọa nói: ‘Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.’ Tỳ-kheo lại thưa với Trung tọa, Hạ tọa tác bạch, quý vị cũng nói: ‘Tôi từng tụng; nhưng nay không thuộc.’ Vì vậy người đó không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:

“Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo năm tuổi phải bạch yết-ma cho thuộc lòng. Nếu không thuộc sẽ như pháp [805b] trị.”

Có tỳ-kheo dẫn người muốn thọ giới ra ngoài giới, nghe có giặc đến; tất cả đều sợ sệt, rời chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, không được thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau, có tám việc nạn và các duyên khác cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người; chứ không được quá.” Nạn xứ là: một, nạn vua; hai, nạn giặc cướp; ba, nạn nước; bốn, nạn lửa; năm, bệnh; sáu, nhân sự; bảy, phi nhân; tám, sâu thất-lêsa.[189] Các nhân duyên khác là: chúng họp nhiều, tọa cụ ít, hoặc nhiều người bệnh; cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba người.

Hoặc chúng tập đông mà phòng xá ít; hoặc trời mưa dột, thì cho phép một lần tác pháp yết-ma cho hai, ba vị.

Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ly liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

“Nếu có các việc quan trọng, có được phép một lần có thể tác pháp yết-ma cho hơn hai, ba vị hay không?”

Đức Phật dạy: “Không được quá.”

Có vị nhờ người nhận y chỉ thay. Phật dạy:

“Không được làm như vậy.”

Có vị nhờ người trao y chỉ thay, Phật dạy:

“Không được làm như vậy.”

Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, đệ tử nghĩ rằng: “Hòa thượng, A-xà-lê đi không lâu sẽ trở về, ta vẫn sống theo y chỉ cũ.” Do đó, hiện sống mà không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép, khi Hòa thượng, A-xà-lê đi ra ngoài giới, ngay trong ngày đó phải xin y chỉ khác, nếu không nhận sẽ như pháp trị.”

Các đệ tử đi xa ra ngoài giới, nghĩ rằng chúng ta đi không lâu sẽ trở về, nên vẫn sống với y chỉ nơi Hòa thượng, A-xà-lê như cũ; cho nên, trong thời gian đó, sống không có y chỉ. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép tỳkheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ. Nhưng không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước khi cầu y chỉ.” Tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ, các vị ấy nghĩ: “Đức Thế Tôn chế giới, tỳ-kheo khách mới thọ giới phải y chỉ; không được rửa chân trước, không được uống nước trước, trước hết phải thọ y chỉ đã.” Vì mệt mỏi nên ngay khi thọ y chỉ, bị té xỉu, bị bất tỉnh, khiến ngã bệnh. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đức Thế Tôn. Thế Tôn dạy: “Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo khách mới thọ giới phải xin y chỉ, rửa chân trước, uống nước trước, nghỉ khỏe một chút rồi mới cầu thọ y chỉ.”

Có vị không lựa [805c] chọn người để nhận y chỉ, trúng ông thầy phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, đã tác pháp y chỉ, bị tác pháp tẫn, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, hoặc bị cử tội, không có điều lợi ích đối với hạnh của samôn. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, không được không lựa chọn vị thầy để nhận y chỉ.” Có thầy không lựa chọn người mà cho y chỉ, trúng người đệ tử phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị tác pháp quở trách, hoặc bị tẫn, đã tác y chỉ, bị tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, bị tác pháp cử tội. Đức Phật dạy:

“Không được không lựa chọn người mà cho y chỉ.”

Bấy giờ có tỳ-kheo mới thọ giới, cần phải y chỉ, nhưng bị bệnh nên có ý nghĩ, “Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.” Vì vậy, vị ấy liền bỏ trú xứ đi, nên bệnh tình trầm trọng. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, tỳ-kheo mới thọ giới cần phải y chỉ. Nếu bị bệnh, được phép sống không y chỉ.”

Có tỳ-kheo mới thọ giới cần y chỉ. Nhưng vì nuôi bệnh, nên có ý nghĩ, “Thế Tôn chế giới, không được sống với sự không có y chỉ.” Vị kia liền bỏ người bệnh đi. Người bệnh phải mạng chung. Các tỳkheo đến bạch Phật, Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo mới thọ giới nếu nuôi bệnh được sống không y chỉ.”

Hòa thượng, A-xà-lê của các tỳ-kheo bị chúng Tăng trao pháp tác yết-ma, trao pháp ha trách, trao pháp tẫn, tác y chỉ, tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử tội. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất y chỉ hay không? Đức Phật dạy: “Không mất y chỉ.” Các đệ tử kia bị chúng Tăng trao cho tác pháp yết-ma, tác pháp ha trách, cho đến tác pháp ngăn không cho đến nhà bạch y, tác pháp cử yết-ma. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không?

Đức Phật dạy: “Không mất y chỉ.”

Hòa thượng, A-xà-lê bị chúng Tăng tác yết-ma diệt tẫn. Các tỳkheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy:

“Mất y chỉ.”

Các đệ tử kia bị chúng Tăng tác pháp yết-ma diệt tẫn. Các tỳ-kheo nghĩ như vậy có mất pháp y chỉ không? Đức Phật dạy: “Mất y chỉ.” Thế Tôn du hóa đến thành La-duyệt. Bấy giờ, Uất-tì-la Ca-diếp dẫn các đồ chúng bỏ nhà học đạo. Đệ tử của San-nhã dẫn hai trăm năm mươi đệ tử bỏ nhà học đạo. Con của đại phú hào quý trong thành La-duyệt, cũng xuất gia học đạo. Đại chúng đông như vậy đang trụ tại thành La-duyệt. Các đại thần nói với nhau rằng: “Nay các ngoại đạo xuất gia học đạo, xuân-thu-đông-hạ thường du hành trong nhân gian. [806a1] Sa-môn Thích tử này tập trung ở nơi đây, không du hành nơi khác. Có lẽ vì nơi đây là tối thắng vậy.” Các tỳ-kheo nghe, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn bảo ông A-Nan: “Ông đến từng phòng, rao nói với các tỳ-kheo rằng: ‘Nay đức Thế Tôn muốn đến phương nam du hóa trong nhân gian. Vị nào muốn tùy tùng thì tùy ý.’”

Tôn giả A-nan vâng lời dạy đức Phật, đến từng phòng nói với các tỳ-kheo: ‘Nay đức Thế Tôn muốn du hóa phương nam. Các tỳ-kheo nào muốn tháp tùng thì tùy ý.’

Bấy giờ các vị tân tỳ-kheo với lòng tin sâu đậm, thưa Tôn giả Anan rằng: “Nếu Hòa thượng, A-xà-lê của chúng con đi thì chúng con sẽ đi. Nếu quý ngài không đi thì chúng con cũng không đi. Tại sao vậy? Chúng con là tỳ-kheo mới thọ giới, đi thì cần phải cầu y chỉ khác, khi trở về phải thọ lại. Người ta sẽ bảo là chúng con bộp chộp không có quyết chí.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn dẫn một số ít tỳ-kheo du hành phương nam. Sau khi trở về thành Vương xá, đức Thế Tôn quan sát số tỳ-kheo du hành ít, biết mà Ngài vẫn hỏi Tôn giả A-nan:

“Vì lý do gì các tỳ-kheo đi ít như vậy?”

Tôn giả A-nan trình bày đầy sự việc lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng:

“Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo năm tuổi có trí tuệ đối với tỳkheo mười tuổi có trí tuệ; tỳ-kheo năm tuổi nên thọ y chỉ với tỳkheo mười tuổi. Nếu ngu si không có trí tuệ thì phải y chỉ trọn đời.” Có năm pháp bị mất y chỉ:[190] 1. Thầy khiển trách. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Vào trong giới trường.

Lại có năm pháp: 1. Chết. 2. Bỏ đi. 3. Thôi tu. 4. Không cùng ở với vị y chỉ. 5. Năm tuổi hay quá năm tuổi.

Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ , hoặc gặp Hòa thượng cũ.

Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, gặp Hòa thượng, A-xà-lê thôi tu.

Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử thôi tu.

Lại có năm pháp: hoặc chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc Hòa thượng, A-xà-lê mạng chung.

Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, hoặc đệ tử mạng chung.

Lại có năm pháp: chết, bỏ đi, thôi tu, không cùng ở với vị y chỉ, trở lại ở ngay chỗ Hòa thượng. [806b] Đó gọi là năm pháp mất y chỉ.

2.7. Phẩm chất Hoà thượng

Có năm pháp không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: giới không thành tựu, định không thành tựu, trí tuệ không thành tựu, giải thoát không thành tựu, giải thoát tri kiến không thành tựu. Năm pháp này không thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.

Nếu thành tựu năm pháp này thì được trao giới cụ túc cho người (ngược lại với nghĩa trên).

Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: Tự thân giới không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ nơi giới. Tự thân định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không thành tựu, không thể dạy người kiên trụ đối với định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc.

Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

Lại nữa, nếu năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không tín, không tàm, không quí, biếng nhác, quên nhiều. Năm pháp trên thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.

Ngược lại, với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

Lại nữa, có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: phá tăng thượng giới, phá tăng thượng kiến, phá tăng thượng oai nghi, ít học, không trí tuệ. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

Lại có năm pháp này nếu thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không chăm sóc bệnh cho đệ tử, không thể nhờ người chăm sóc cho đến khi lành hay qua đời; đệ tử không thích sống trú xứ này mà không thể phương tiện gởi đi chỗ khác; đệ tử có điều nghi không thể giải quyết được như pháp, như luật, như lời Phật dạy; không thể giáo thọ để bỏ ác kiến, trụ nơi thiện kiến; hoặc dưới mười tuổi. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

“Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết điều gì phạm, không biết điều gì không phạm, không biết điều gì khinh, không biết điều gì trọng, dưới mười tuổi hạ. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết giáo thọ đệ tử tăng thượng oai nghi,[191] tăng thượng tịnh hạnh,[192] tăng thượng [806c] Ba-la-đề-mộc-xoa, bạch và yết-ma.[193] Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người. Ngược lại với sự thành tựu năm pháp trên thì được trao giới cụ túc cho người.

Lại có năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người: không biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, không biết bạch, không biết yết-ma. Năm pháp này thành tựu thì không được trao giới cụ túc cho người.

Năm pháp sau đây nếu thành tựu thì được trao giới cụ túc cho người: biết tăng giới, tăng tâm, tăng trí tuệ, biết bạch, biết yết-ma. Năm pháp này nếu thành tựu thì được phép trao giới cụ túc cho người.

Cũng như vậy không được cho y chỉ và được phép cho y chỉ, không được nuôi sa-di và được phép nuôi sa-di, đều như trên.

2.8. Ngoại đạo xuất gia

Khi đức Phật ở tại thành La-duyệt, thì bấy giờ trong thành có lõa thể ngoại đạo tên là Bố-tát,[194] có khả năng luận nghị, thường tự tuyên bố: “Tại đây có sa-môn Thích tử nào có thể cùng ta biện luận thì mời đến.” Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Tôi có thể cùng ông biện luận.”

Các tỳ-kheo đem việc này bạch đến đức Phật. Phật dạy:

“Luận có bốn loại: Nghĩa rốt ráo, văn không rốt ráo. Văn rốt ráo, nghĩa không rốt ráo. Văn, nghĩa đều rốt ráo. Văn, nghĩa đều không rốt ráo.

Biện có bốn:[195] pháp biện, nghĩa biện, liễu liễu biện và từ biện. Nếu luận sư có bốn biện tài này mà nói văn nghĩa đều bị cụt, điều này không xảy ra. Nay, Xá-lợi-phất thành tựu bốn món biện tài này, mà nói văn nghĩa đều bị cụt; điều này không thể có.

Lõa hình kia liền vấn nghĩa Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất trả lời lại. Lõa hình liền dùng năm trăm bức nạn để nạn vấn Xá-lợi-phất. Xá-lợiphất liền tương ứng với năm trăm bức nạn để trả lời, rồi dùng nghĩa sâu sắc để nạn vấn lại. Lõa hình bị nạn vấn không thể giải thích được, Lõa hình kia liền khởi lên ý nghĩ:

“Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Sa-môn Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta hãy theo xuất gia học đạo.”

Ông đến trong Tăng-già-lam. Từ xa trông thấy Bạt-nan-đà Thích tử, liền nghĩ: “Sa-môn Thích tử, ít người biết đến mà còn có trí tuệ như vậy, huống là người được biết đến nhiều, đâu có thể không giỏi hơn.” Lõa hình đến chỗ Bạt-nan-đà thưa:

“Tôi muốn xuất gia học đạo.” Bạt-nan-đà liền độ cho làm đệ tử, trao giới cụ túc. Sau đó, lõa hình hỏi Bạt-nan-đà về nghĩa lý, Bạtnan-đà không thể trả lời được. Lõa hình lại sanh [807a1] ý nghĩ này:

“Sa môn Thích tử ngu ám. Không hiểu biết gì. Ta hãy thôi tu.” Lõa hình liền khoác áo ca-sa mà qua chúng ngoại đạo. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép ngoại đạo có bốn tháng cộng trú[196] ở trong Tăng, bằng pháp bạch nhị yết-ma.” Nên tác pháp cho như vầy: Trước hết cho họ cạo tóc, mặc áo ca-sa, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con vốn là ngoại đạo, tên … quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con cầu xuất gia hành đạo trong giáo pháp đức Thế Tôn. Như Lai, Chí nhân, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

“Con vốn là ngoại đạo, tên ... , đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi. Con xin theo đức Như Lai xuất gia học đạo. Như Lai, Chí nhân, Đẳng chánh giác là Thế Tôn là của con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Nên dạy thọ giới: trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, cho đến trọn đời không chứa vàng bạc vật báu là giới của sa-di. Mười giới sa-di này trọn đời không được phạm. Ngoại đạo kia trước hết nên đến trong chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, dạy ngoại đạo ấy thưa:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con vốn là ngoại đạo, tên ..., theo chúng Tăng xin bốn tháng cộng trú. Nguyện chúng Tăng rủ lòng thương cho con bốn tháng cộng trú.” Lần thứ hai, lần thứ ba thưa như vậy.

Rồi bảo ngoại đạo kia đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người vốn là ngoại đạo tên là... kia, nay đến xin chúng Tăng bốn tháng cộng trú. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho ngoại đạo tên... kia bốn tháng cộng trú. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người vốn là ngoại đạo tên là... kia theo chúng Tăng xin bốn tháng cộng trú. Nay Tăng cho ngoại đạo kia bốn tháng cộng trú. Trưởng lão nào chấp nhận cho người ấy bốn tháng cộng trú thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.”

“Chúng Tăng đã chấp thuận cho ngoại đạo kia bốn tháng cộng trú rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Ngoại đạo kia hành pháp cộng trú rồi, khiến tâm các tỳ-kheo vui vẻ, sau đó mới đến trong Tăng thọ giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma.

Thế nào gọi là ngoại đạo không thể khiến cho tâm các tỳ-kheo hoan hỷ? Ngoại đạo kia tâm cố chấp trì theo pháp của ngoại đạo bạch y, không gần gũi tỳ-kheo mà gần gũi ngoại đạo, [807b] không tùy thuận tỳ-kheo mà lại tập tụng dị luận; hoặc khi nghe người nói việc không tốt của ngoại đạo, bèn giận dữ, hoặc nghe người chê bai thầy dạy, ngoại đạo cũng sanh lòng giận dữ; nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp, Tăng thì vui mừmg hớn hở. Hoặc có ngoại đạo khác đến khen ngợi việc tốt của ngoại đạo thì vui mừng hớn hở; hoặc có thầy của ngoại đạo đến nghe khen ngợi việc của ngoại đạo cũng vui mừng hớn hở; hay nghe nói việc phi pháp của Phật, Pháp,Tăng cũng vui mừng hớn hở. Đó gọi là ngoại đạo không thể khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ.

Thế nào gọi là ngoại đạo khiến cho các tỳ-kheo hoan hỷ? Nghĩa là ngược lại với các điều trên. Đó gọi là ngoại đạo cộng trú tâm ý điều hòa khiến các tỳ-kheo hoan hỷ.

Bấy giờ có một ngoại đạo, chúng Tăng cho bốn tháng cộng trú. Khi cộng trú thì có tâm chánh quyết định. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: “Nếu đã có tâm chánh quyết định chánh thì nên bạch tứ yết-ma cho thọ giới cụ túc.”[197]

2.9. Các già nạn (1)

1. Bấy giờ, lõa hình Bố-tát nghe những lời này liền nghĩ, “Sa-môn

Thích tử trí tuệ thông minh. Nay ta nên trở lại xuất gia học đạo.” Bố-tát liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia học đạo.” Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy: “Đây là kẻ phá hoại nội ngoại đạo, ở trong pháp của Ta không thể trưởng ích. Nếu chưa thọ giới cụ túc thì không nên cho thọ giới cụ túc. Đã thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”

2. Thế Tôn du hóa tại thành La-duyệt. Bấy giờ vua Bình-sa nước Ma-kiệt bảo người trong nước rằng: “Ai muốn xuất gia học đạo trong sa-môn Thích tử thì được phép ở trong pháp của Như Lai để tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ.”

Bấy giờ có một người đầy tớ đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: “Con muốn xuất gia làm tỳ-kheo.” Các tỳ-kheo liền cho xuất gia làm đạo. Sau đó người ấy lần lượt đi khất thực trong nhân gian, bị người chủ cũ bắt. Vị này kêu la:

“Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!”

Các cư sĩ ở gần hỏi: “Tại sao ngươi kêu la lớn tiếng như vậy?” Đáp: “Người này bắt tôi.”

Các cư sĩ hỏi người kia: “Tại sao bắt người ta?”

Người kia nói: “Người ấy là gia nô của tôi.”

Cư sĩ nói: “Ông nên thả ra, chứ không được bắt. Người không thể nào bắt được đâu; có thể sẽ bị nhà quan phạt. Tại sao vậy? Ông nên biết, vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh, bất cứ ai có thể ở trong hàng sa-môn Thích tử [807c] xuất gia học đạo, đều được phép ở trong giáo pháp của đức Như Lai khéo tu phạm hạnh, để diệt tận gốc khổ. Vì vậy ông đừng nên gây trở ngại.”

Người chủ kia liền thả tỳ-kheo ấy ra. Nhưng giận dữ, la lớn: “Thật là tai họa! Đầy tớ của tôi mà tôi không được tự do bắt. Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn đầy tớ tụ họp.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật bảo: “Từ nay về sau không được độ đầy tớ. Nếu độ sẽ như pháp trị.”

3. Bấy giờ có một tên giặc cướp ở tù vượt ngục, chạy đến trong vườn Tăng, thưa với các tỳ-kheo rằng: “Con muốn xuất gia học đạo.” Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Quan giám ngục kiểm tra danh bộ tù nhân, hỏi người coi tù:

“Kẻ trộm ở tù tên này nay ở đâu?”

Người coi tù trả lời: “Kẻ trộm ở tù, tên này vượt ngục; theo sa-môn Thích tử xin xuất gia rồi.”

Quan giám ngục cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy, có gì là chánh pháp? Xem thế thì sa-môn Thích tử đều là bọn giặc tập trung.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau không được độ kẻ giặc. Nếu độ sẽ như pháp trị.”

4. Bấy giờ có người mắc nợ, trốn tránh chủ nợ, đến trong vườn[198] thưa với các tỳ-kheo: “Xin quý thầy độ con xuất gia làm đạo.” Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Vị ấy khất thực trong nhân gian, bị người chủ nợ bắt, liền lớn tiếng kêu:

“Đừng bắt tôi! Đừng bắt tôi!”

Các cư sĩ ở gần nghe liền hỏi: “Tại sao thầy kêu la lớn tiếng vậy?”

Vị này nói: “Người này bắt tôi.”

Các cư sĩ hỏi người kia: “Tại sao ông bắt người này?” Người kia trả lời: “Người này mắc nợ tôi.” Các cư sĩ nói với người kia rằng:

“Ông nên thả chứ không được bắt. Có thể ông bắt, không đòi được nợ mà lại bị quan phạt. Tại sao vậy? Vì vua Bình-sa nước Ma-kiệt trước đây có ra lệnh ‘Nếu ai có khả năng có thể xuất gia học đạo thì được phép theo ý muốn tu phạm hạnh, để dứt sạch nguồn gốc khổ.’ Vì vậy ông đừng nên gây trở ngại.”

Người chủ nợ nghe xong liền thả vị tỳ-kheo và giận dữ nói: “Mắc nợ tôi mà tôi không được quyền đòi! Cứ theo việc này suy ra thì sa-môn Thích tử đều là bọn trốn nợ.”

Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:

“Từ nay về sau không được độ người mắc nợ. Nếu độ sẽ như pháp trị.”

5. Một thời đức Phật du hóa tại Ca-lan-đà Trúc viên thành Laduyệt. Bấy giờ có mười bảy cậu bé là bạn quen thân với nhau.[199] [808a1] Lớn nhất là mười bảy tuổi, nhỏ nhất là mười hai tuổi. Giàu nhất là tám trăm ngàn, nghèo nhất là tám mươi ngàn. Trong đó có một cậu tên là Ưu-ba-ly,[200] cha mẹ chỉ có một đứa con nên rất thương yêu, chưa bao giờ xa cách, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cha mẹ nghĩ rằng: “Ta nên cho con ta học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?” Hai ông bà tự nghĩ và nói: “Ta nên cho nó học viết chữ.[201] Sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.” Hai ông bà lại nghĩ: “Nếu cho nó học viết chữ thì cũng vất vả thân xác.[202] Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn?” Nghĩ như vậy xong, hai ông bà nói: “Nên cho nó học toán số, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.” Rồi lại nghĩ: “Học toán cũng vất vả thân xác. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn? Ta nên cho nó học nghề họa tượng, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.” Rồi lại nghĩ: “Nghề họa tượng sợ mệt nhọc con mắt của con ta. Vậy nên cho học nghề gì để sau khi ta qua đời, nó có thể sống được thoải mái, không bị thiếu thốn, không mệt nhọc con mắt?” Rồi lại nghĩ: “Sa-môn Thích tử khéo tự nuôi thân, an lạc, không hề có các khổ não. Ta nên cho con ta xuất gia hành đạo trong pháp của samôn Thích tử, sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác.” Một thời gian sau, nhóm đồng tử mười bảy người nói với cậu Ưu-ba-ly rằng:

“Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo?”

Ưu-ba-ly nói: “Tôi đâu xuất gia làm gì? Các bạn tự mình xuất gia đi.”

Nhóm các cậu mười bảy người, lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy với Ưu-ba-ly rằng: “Bạn có thể cùng chúng tôi xuất gia làm đạo. Tại sao vậy? Nay chúng ta cùng nhau vui đùa, khi đến đó chúng ta cũng đùa giỡn vui chơi với nhau.”

Ưu-ba-ly nói với các cậu bé rằng: “Các bạn chờ tôi một chút. Tôi phải xin phép cha mẹ tôi đã.”

Ưu-ba-ly liền đến chỗ cha mẹ thưa: “Thưa ba má, nay con muốn xuất gia làm đạo. Ba má cho phép con.”

Cha mẹ Ưu-ba-ly trả lời [808b] rằng: “Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!”

Ưu-ba-ly thưa như vậy ba lần để xin cha mẹ được xuất gia. Hai ông bà cũng trả lời:

“Ba má chỉ có một mình con là con, lòng ba má luôn rất thương yêu, cho đến dù khi chết cũng không muốn xa nhau, huống là còn sống mà phải cách biệt!”

Lúc bấy giờ hai ông bà được Ưu-ba-ly ba lần ân cần thưa xin, bèn nhớ lại, “Trước đây chúng ta có ý này: Chúng ta nên cho con mình học nghề gì để sau khi ta qua đời nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Sau đó chúng ta định cho con mình học kinh thơ, cho đến họa tượng, để sau khi chúng ta qua đời, con của chúng ta có nó sẽ có thể sống thoải mái, không thiếu thốn, khỏi phải vất vả thân xác. Nhưng rồi chúng ta vẫn lo sợ nhãn lực của con chúng ta bị lao nhọc. Cuối cùng chúng ta suy nghĩ: Duy chỉ có sa-môn Thích tử là khéo tự nuôi thân, không có các khổ não. Nếu như con của chúng ta xuất gia trong đó chắc chắn có thể sống thoải mái, không có các khổ não.”

Bấy giờ hai ông bà nói với Ưu-ba-ly: “Nay thật đúng lúc ba má cho con xuất gia.”

Bấy giờ Ưu-ba-ly đến chỗ nhóm các cậu mười bảy người nói:

“Ba má tôi đã cho tôi xuất gia. Các bạn muốn xuất gia thì nay là đúng lúc.”

Các cậu liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:

“Bạch Đại đức, chúng con muốn xuất gia học đạo. Xin các Đại đức cho phép chúng con xuất gia làm đạo.”

Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Các cậu còn nhỏ, mới đây đã quen sống vui đùa, ăn một bữa không chịu nổi, nên đến giữa đêm bị đói, lớn tiếng đòi ăn, kêu la:

“Cho tôi ăn! Cho tôi ăn!”

Các tỳ-kheo nói: “Các ngươi chờ một chút. Đợi sáng, chúng Tăng có thức ăn gì sẽ cho các ngươi ăn. Nếu không có sẽ cùng các ngươi khất thực. Tại sao vậy? Vì trong đây không có chỗ để nấu ăn.”

Bấy giờ đức Thế Tôn trong đêm tư duy nơi yên tịnh nghe tiếng trẻ khóc la, biết mà vẫn cố hỏi Tôn giả A-nan:

“Tại sao trong đêm có tiếng khóc la của trẻ nhỏ?”

Tôn giả A-nan đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật, đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Không được trao giới cụ túc cho người chưa đủ tuổi hai mươi. Tại sao vậy? Tuổi chưa đủ hai mươi không thể nhẫn chịu được các thứ lạnh nóng, đói khát, gió mưa, muỗi mòng, độc trùng; không nhẫn nhịn được tiếng hung dữ; hoặc trong thân có các khổ thống không thể chịu đựng được; lại không thể giữ được giới một ngày ăn một bữa. Nếu ai độ cho xuất gia thọ giới cụ túc, [808c] thì sẽ như pháp trị.”

Phật bảo: “A-nan nên biết, người đủ hai mươi tuổi mới kham nhẫn được các việc như trên.”

6. Lúc bấy giờ, trong cương giới nước Ma-kiệt xuất hiện năm loại bệnh: một là bệnh hủi, hai là bệnh ung thư, ba là bệnh hủi trắng, bốn là bệnh can tiêu,[203] năm là bệnh điên cuồng.[204] Người trong nước kia bị các chứng bệnh này, bèn đến nơi Kỳ-bà Đồng tử[205] nói: “Yêu cầu ông chữa bệnh cho chúng tôi, tôi sẽ tặng ông tài vật như vậy... như vậy...”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Tôi không thể trị bệnh cho các người được.” Các người bệnh lại nói: “Xin ông cứu giúp cho. Chúng tôi sẽ đem tất cả gia tài sự nghiệp và vợ con để cung cấp cho ông sai khiến.”

Kỳ-bà Đồng tử trả lời: “Tôi không thể chữa bệnh cho các người được.”

Các bệnh nhân nói với nhau rằng:

“Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến chỗ chữa bệnh kia.”

Bấy giờ các người bệnh đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳkheo:

“Chúng con muốn xuất gia học đạo.”

Các tỳ-kheo liền độ cho xuất gia. Kỳ-bà Đồng tử chữa bệnh cho Phật và Tăng tỳ-kheo, cung cấp thuốc tiêu xổ, hoặc cần canh thì cấp canh, thứ nào cần kiêng cử thì kiêng cử. Hoặc cung cấp loại canh bằng thịt chim đồng, tùy theo bệnh mà cung cấp thực đơn để cho căn bệnh được lành. Lành rồi họ không tu nữa. Kỳ-bà Đồng tử trên đường đi gặp họ, hỏi:

“Hình như ông trước đây có xuất gia phải không?” Họ trả lời: “Tôi đã từng xuất gia.” Kỳ-bà Đồng tử hỏi:

“Tại sao ông thôi tu?”

Họ trả lời: “Trước đây tôi mắc bệnh đến nhờ ông chữa, tôi nói: ‘Ông chữa, tôi sẽ đem tài vật như vậy, như vậy để trả ơn cho ông.’ Ông nói: ‘Tôi không thể chữa.’ Tôi yêu cầu lần thứ hai, tôi nói: ‘Tôi sẽ đem hết gia tài sự nghiệp và bản thân tôi như vợ con tôi cung cấp cho ông sai sử,’ ông cũng vẫn không chịu chữa. Chúng tôi tự nói với nhau rằng: ‘Chủ ý của người này không chịu chữa bệnh cho chúng ta. Chúng ta nên đến nơi phòng chữa bệnh kia để chữa. Nơi đó người này sẽ vì ta mà chữa.’ Chúng tôi vì chữa bệnh nên đến trong Tăng-già-lam quyền biến thưa xin xuất gia để chữa bệnh chứ bản thân chúng tôi không có lòng tin đối với Phật pháp và chúng Tăng mà xuất gia.”

Kỳ-bà Đồng tử nghe như vậy rồi, không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch với đức Thế Tôn:

“Trước kia con vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ việc vua, mà các tỳ-kheo độ những người có năm chứng bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, can tiêu và điên cuồng. Cúi xin [809a1] đức Thế Tôn rủ lòng thương ra lệnh các tỳ-kheo từ nay về sau đừng độ những người có năm chứng bệnh này xuất gia làm đạo nữa.”

Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử biết đức Thế Tôn nhận lời rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, đi quanh ba vòng rồi cáo lui. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:

“Các ông nên biết, Kỳ-bà Đồng tử trước kia vì chữa bệnh cho chúng Tăng nên bỏ công việc của vua, mà các tỳ-kheo lại độ những người có năm chứng bệnh như vậy. Từ nay về sau không được độ những người có năm chứng bệnh như vậy mà trao giới cụ túc. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.”

2.10. Dữ học giới

Một thời, đức Phật ở tại thành La-duyệt. Trong thành này có một tỳ-kheo tự là Nan-đề,[206] thường ưa tọa thiền, được định của thế tục, tâm giải thoát.

Một lúc nọ, tỳ-kheo này từ tứ thiền xuất định, khi ấy có ma nữ đến đứng trước mặt. Tỳ-kheo kia nắm lấy, muốn phạm giới. Ma nữ liền ra ngoài. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài. Ma nữ ra ngoài lan can nhà. Tỳ-kheo cũng theo ra ngoài lan can nhà. Ma nữ kia ra giữa sân. Tỳkheo cũng đến giữa sân. Ma lại ra ngoài chùa. Tỳ-kheo cũng ra ngoài chùa. Bên ngoài chùa có một con ngựa mới chết. Bấy giờ ma đến nơi con ngựa chết liền biết mất, thân thời không thấy nữa. Bấy giờ tỳ-kheo Nan-đề hành bất tịnh hạnh với con ngựa chết. Hành bất tịnh hạnh rồi, Nan-đề hoàn toàn không có tâm che giấu, liền nghĩ:

“Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới: Nếu tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che giấu, sẽ không phạm ba-la-di chăng? Nay ta nên thế nào đây?” Nan-đề liền nói với tỳ-kheo quen thân rằng:

“Đức Thế Tôn vì tỳ-kheo chế giới, người nào làm bất tịnh hạnh, phạm ba-la-di, không được sống chung. Nay ta phạm dâm, bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che giấu. Tôi há không phạm ba-ladi chăng? Lành thay, trưởng lão vì tôi đến bạch với đức Thế Tôn. Ngài dạy như thế nào tôi sẽ phụng hành như thế ấy.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo rằng:

“Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di bằng pháp bạch tứ yết-ma như vầy: bảo tỳ-kheo Nan-đề đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Nan-đề phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che giấu. Nay đến xin Tăng cho giới ba-la-di. [809b] Cúi xin Tăng cho tôi giới ba-la-di. Từ mẫn cố.”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, hoàn toàn không có tâm che giấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề này phạm bất tịnh hạnh, không có tâm che giấu. Nay đến giữa Tăng xin giới ba-la-di. Nay Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-ladi. Đại đức nào chấp thuận Tăng cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

“Tăng đã đồng ý cho tỳ-kheo Nan-đề giới ba-la-di rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Cho giới ba-la-di rồi, mỗi việc, mỗi việc phải tùy thuận phụng hành. Pháp tùy thuận phụng hành là: không được trao giới cụ túc cho người; không được cho người y chỉ; không được nuôi sa-di; nếu được Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni thì không được nhận, dù đã sai cũng không được đến giáo thọ; không được thuyết giới cho Tăng; không được hỏi đáp tỳ-ni trong Tăng; không được nhận làm người tri sự cho Tăng; không được nhận làm người xử đoán cho Tăng; không được nhận làm người sứ mạng cho Tăng; không được sáng sớm vào tụ lạc xẩm tối mới về; phải gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi ngoại đạo bạch y; phải thuận tùng pháp của tỳ-kheo; không được nói việc của thế tục; không được tụng luật trong chúng, nếu không có người tụng thì được phép; không được tái phạm tội này hay các tội khác, hoặc tội tương tợ hay tùng sanh, hoặc nặng hơn; không được phi Tăng yết-ma và tác yết-ma; không được nhận sự trải chỗ ngồi, nước rửa chân, lau guốc dép, xoa chà nơi thân và lễ bái, nghinh đón, thăm hỏi của tỳ-kheo thanh tịnh; không được nhận sự cầm nắm y bát của tỳ-kheo thanh tịnh; không được cử tội tỳ-kheo thanh tịnh, tác ức niệm, tác tự ngôn trị; không được làm chứng cho người chân chánh; không được ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới, tự tứ; không được cùng tỳ-kheo thanh tịnh tranh luận. Tỳ-kheo được trao giới ba-la-di rồi, khi Tăng thuyết giới yết-ma, đến hay không đến, Tăng không phạm.

Các tỳ-kheo nói như sau: Nếu tỳ-kheo được cho giới ba-la-di rồi, [809c] vị ấy lại phạm dâm bất tịnh hạnh thì có cho lại giới ba-la-di lần thứ hai không?

Đức Phật dạy:

“Không cho, mà phải diệt tẫn.”

2.11. Sa-di xuất gia

1. Bấy giờ đức Phật ở tại vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, giữa những người họ Thích.[207] Đến giờ, Ngài khoác y bưng bát vào thành Ca-duy-la-vệ khất thực. Khất thực xong, ra khỏi thành. Vào lúc đó mẹ của La-hầu-la[208] cùng La-hầu-la ở trên lầu cao, thấy đức Phật đi đến, nói với La-hầu-la rằng:

“Người đang đi đến là cha của con.”

La-hầu-la liền vội vàng xuống lầu, đến chỗ đức Như Lai, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn đưa tay sờ lên đầu La-hầu-la. La-hầu-la tự nghĩ rằng: “Từ nhỏ đến nay mình chưa từng có được cảm giác sung sướng nào cực kỳ dịu dàng như thế này.”

Đức Phật hỏi: “Con có thể xuất gia học đạo hay chăng?”

La-hầu-la thưa: “Con có thể xuất gia.”[209]

Đức Phật đưa một ngón tay cho La-hầu-la và dẫn về trong Tănggià-lam, bảo Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Ông độ cậu bé La-hầu-la này như pháp sau đây: cho cạo tóc, dạy mặc ca-sa, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

“Con là La-hầu-la, quy y Phật, quy y Pháp, quy Tăng tỳkheo. Con ở trong pháp của Như Lai xuất gia học đạo. Đức Như Lai là bậc Chí chân Đẳng chánh giác của con!”[210]

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

“Con là La-hầu-la, đã quy y Phật, Pháp, Tăng. Con xuất gia học đạo trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác của con !” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

Nên dạy thọ giới, nói: Trọn đời không được giết hại là giới của sadi, cho đến không cầm vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di. Mười giới này của sa-di trọn đời không được phạm.

Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời dạy của đức Như Lai, độ đồng tử Lahầu-la, rồi dẫn đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân xong, đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất bạch đức Thế Tôn:

“Con đã độ La-hầu-la xong. Việc phân phòng xá, ngọa cụ cho sa-di như thế nào?”

Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, từ đại tỳ-kheo trở xuống, theo thứ tự phân chia.”

Bấy giờ các sa-di nhỏ đại tiểu tiện, khạc nhổ, làm bẩn giường dây dệt,[211] tọa cụ, ngọa cụ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau không được cho sa-di ngồi, nằm trên giường dây dệt. Nếu có thể giữ gìn sạch sẽ, không làm bẩn, thì mới cho nằm ngồi.”

[810a1] Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:

“Nếu khi chúng Tăng được phẩm vật cúng dường, thì phân cho sadi như thế nào?”

Phật bảo Tôn giả:

“Nếu chúng Tăng hòa hợp thì nên chia đều. Nếu không hòa hợp thì nên cho phân nửa. Nếu không hòa hợp nữa thì cho một phần ba. Nếu không như vậy thì chúng Tăng không được chia. Nếu chia, sẽ như pháp trị.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bữa đại thực, tiểu thực, chia cho sa-di như thế nào?” Đức Phật dạy:

“Tùy đại Tăng, chia theo thứ tự.”

Bấy giờ vua Thâu-đầu-đàn-na[212] nghe đức Phật độ La-hầu-la xuất gia, buồn khóc, đến trong Tăng-già-lam, chỗ đức Phật Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: “Thế Tôn xuất gia, tôi còn một chút hy vọng nơi Đồng tử Nan-đà, sẽ kế thừa gia nghiệp. Nhưng rồi Thế Tôn lại độ cho xuất gia. Nanđà xuất gia rồi, tôi vẫn còn một chút hy vọng nơi La-hầu-la, sẽ kế thừa sự nghiệp, không bị tuyệt tự. Nay Thế Tôn lại độ La-hầu-la xuất gia. Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không cho, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Cúi xin đức Thế Tôn từ nay về sau bảo các tỳ-kheo không được độ xuất gia những người con mà cha mẹ không đồng ý.” Đức Thế Tôn im lặng chấp thuận thỉnh cầu vua. Vua biết đức Thế Tôn nhận lời yêu cầu của mình bằng cách im lặng rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng, cáo lui.

Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo:

“Cha mẹ mang lại cho con nhiều điều lợi ích, nuôi nấng bú mớm, chăm sóc, trông ngày trưởng thành. Quan niệm của người đời là thế. Nhưng cha mẹ không đồng ý, mà các tỳ-kheo vẫn độ xuất gia. Từ nay về sau, cha mẹ họ không cho phép thì không được độ xuất gia. Nếu ai độ, sẽ như pháp trị.”

2. Phật du hóa tại vườn Cù-sư-la, Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ có con của người thợ công xảo[213] đến trong Tăng-già-lam yêu cầu các tỳ-kheo cho xuất gia hành đạo. Các tỳ-kheo liền cho xuất gia hành đạo. Cha mẹ của nó đến trong Tăng-già-lam khóc than và hỏi các tỳ-kheo: “Có thấy đứa nhỏ hình dáng như vậy, như vậy đến đây không?” Tỳ-kheo không thấy nên trả lời không thấy. Cha mẹ nó liền đến các phòng tìm, thấy được con họ, nên cơ hiềm nói:

“Sa môn Thích tử không biết thẹn, nói láo. Bên ngoài tự xưng tôi tu chánh pháp. Có chánh pháp nào như vậy? Độ [810b] con của tôi xuất gia mà nói không có?”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

“Các ông hãy nghe kỹ, từ nay về sau, nếu muốn cạo tóc để độ người tại trong Tăng-già-lam thì phải bạch tất cả Tăng. Nếu tập hợp không được thì đến từng phòng để thưa cho biết, rồi sau mới cạo tóc. Nếu Tăng tập hợp được thì phải tác bạch rồi sau mới cho cạo tóc.”

Văn tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người có tên là... nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu... cạo tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... nầy cạo tóc. Đây là lời tác bạch.”

Nếu muốn độ cho xuất gia trong Tăng-già-lam nên bạch tất cả Tăng. Bạch rồi mới được phép xuất gia. Và tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người có tên là..., nầy muốn cầu tỳ-kheo hiệu..., cho xuất gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người có tên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.”

Bạch như vậy rồi sau mới cho xuất gia. Hướng dẫn người xuất gia mặc áo ca-sa, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bảo họ chắp tay thưa:

“Con tên là... quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chân, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

“Con tên là...đã quy y Phật, Pháp, Tăng, theo đức Như Lai xuất gia, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đức Như Lai bậc Chí chân, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Trao giới cho họ như vầy:

1- Trọn đời không sát sanh là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

2- Trọn đời không ăn trộm là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

3- Trọn đời không dâm dục là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

4- Trọn đời không nói dối là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

5- Trọn đời không uống rượu là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

6- Trọn đời không được đeo tràng hoa, thoa đồ thơm vào mình là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

7- Trọn đời không ca múa, xướng hát và cố ý xem nghe là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

8- Trọn đời không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

9- Trọn đời không ăn phi thời là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

10-Trọn đời không cầm nắm sanh tượng vàng bạc, vật báu, là giới của sa-di, ngươi giữ được không? Nếu giữ được thì trả lời: Được.

Đây là mười giới của sa-di, [810c] trọn đời không được phạm. Nếu giữ được thì trả lời: Được.

3. Bấy giờ, có một sa-di nhỏ. Chúng Tăng không cho phép vào ở trong chùa gần xóm,[214] và chỗ a-lan-nhã, nên sa-di nọ bị con beo làm hại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: “Không được ngăn cả hai đường biên[215] đối với sa-di nhỏ.” Trường hợp chùa ở trên biên của thôn mà không phải a-lan-nhã, lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Trường hợp chỗ a-lan-nhã mà không có chùa ở biên thôn, vị kia lại ngăn ông sa-di. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Vị kia lại ngăn ông sa-di không cho phép đến chỗ nhiều người, nơi nhà tắm, nhà ăn, nhà kinh hành, ông sa-di không có chỗ để nghỉ đêm. Đức Phật dạy: “Không được ngăn vào chỗ nhiều người, cho đến chỗ nhà kinh hành.”

Nếu trên tầng gác chỗ nhiều người ngủ, dưới tầng gác chỗ nhiều người đi, dưới tầng gác chỗ nhiều người ngủ, trên tầng gác chỗ nhiều người đi thì cho phép nói: “Đừng vào chỗ tôi ngủ.”

Bấy giờ có sa-di không hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê, cũng không hầu hạ các vị khác, nên ngăn không cho sa-di nhận vật lợi dưỡng trong Tăng. Đức Phật dạy: “Không được ngăn; vì đây là vật của thí chủ.”

Đức Phật dạy: “Từ nay về sau nên nói với sa-di rằng: Ngươi nên như pháp hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê và chúng Tăng. Nếu Tăng phân công theo thứ tự thì nên làm.”

4. Bấy giờ có tỳ-kheo trưởng lão dẫn một đứa trẻ nít xuất gia, vào thôn khất thực, đến chỗ chợ quán, nó thấy bánh và cơm, chìa tay ra và nói: “Cho tôi bánh. Cho tôi cơm.”

Các trưởng giả thấy, đều cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, vi phạm phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là Chánh pháp? Xuất gia mà còn có con, dẫn đi theo!’

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: “Từ nay về sau không được độ trẻ nít dưới mười hai tuổi.”[216]

Lúc bấy giờ Tôn giả A-nan gặp phải trường hợp có một đứa trẻ nhỏ con của nhà đàn-việt, mà gia đình đều chết hết. Tôn giả dẫn nó đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật biết mà cố vẫn hỏi: “Đứa nhỏ này là con ai?”

Tôn giả A-nan đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn, đức Thế Tôn hỏi: “Tại sao không độ cho nó xuất gia?”

Tôn giả thưa: “Trước đây đức Thế Tôn có chế giới không được độ người dưới mười hai tuổi, cho con nên không độ.” Đức Phật hỏi Tôn giả A-nan:

“Đứa trẻ này có thể đuổi quạ, có thể trì giới, có thể ăn một bữa được [811a1] không? Nếu có thể thì cho phép độ nó xuất gia.”

5. Bấy giờ Bạt-nan-đà có nuôi hai sa-di, một tên là Kế-na, thứ hai tên là Ma-khư,[217] không biết hổ thẹn, phạm bất tịnh hạnh với nhau. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn, đức

Thế Tôn dạy: “Từ nay về sau không được nuôi hai sa-di.”

Bấy giờ, có một đứa nhỏ đến trong Tăng-già-lam chơi. Một tỳ-kheo nói pháp cho nó như vầy: “Con nên biết, địa ngục là khổ, súc sanh là khổ, ngạ quỷ là khổ. Phật ra đời là điều khó gặp, như hoa Ưuđàm-bát lâu năm mới nở một lần. Tại sao con không xuất gia làm đạo?”

Thiếu nhi thưa: “Nếu Đại đức làm Hòa thượng thì con sẽ xuất gia.” Tỳ-kheo kia vì đã có nuôi một sa-di rồi nên nghĩ: “Thế Tôn chế giới không được nuôi hai sa-di.” Vị ấy nghi, nên không dám nuôi hai sa-di. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: “Nếu có khả năng dạy cho nó trì giới, tăng tâm, tăng huệ, học vấn, phúng tụng thì cho phép nuôi.”

Bấy giờ có vị tuổi chưa đủ hai mươi mà thọ giới cụ túc, sau đó sanh nghi. Các tỳ-kheo đến thưa hỏi đức Phật, đức Phật nói: “Từ nay về sau, nếu thọ giới cụ túc rồi, có sự nghi ngờ như vậy, cho phép tính thêm tháng ở trong thai, hoặc tính tháng nhuần, hoặc tính mỗi lần thuyết giới mười bốn ngày cho đủ. Nếu đạt được A-la-hán tức là đã xuất gia thọ giới cụ túc vậy.”

3. Nhân và sự như pháp

3.1. Kết và giải tiểu giới

Bấy giờ có người muốn thọ giới, nên ra ngoài cương giới. Nhóm sáu tỳ-kheo đến ngăn việc thọ giới. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:

“Các ông hãy nghe kỹ đây! Từ nay về sau, nếu người không đồng ý chưa ra ngoài cương giới; các tỳ-kheo ở ngoài cương giới nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới bằng bạch nhị yết-ma rồi trao giới.” Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng tập hợp một chỗ kết tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp lại một chỗ kết tiểu giới. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng tập hợp lại một chỗ để kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận kết tiểu giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Nếu người nào không đồng ý, ở ngoài cương giới mà ngăn; không thành ngăn.

Các vị kia không giải giới mà đi. Các [811b] tỳ-kheo khác nghi, bạch Phật. Phật dạy: “Từ nay về sau, nên giải giới rồi mới đi.” Tác pháp giải giới bằng bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tập hợp để giải giới. Các trưởng lão nào chấp thuận chúng Tăng giải giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng chấp thuận giải giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

3.2. Hòa thượng như pháp

Trường hợp không có Hòa thượng mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không được.”

Khi thọ giới, có hai Hòa thượng, được hay không? Đức Phật dạy:

“Không được.”

Với ba Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy: “Không được.”

Thọ giới cụ túc với số đông Hòa thượng, được thọ giới hay không? Đức Phật dạy: “Không được thọ giới cụ túc.”

Thọ giới với Hòa thượng chín tuổi hạ, được gọi là thọ giới cụ túc; nhưng Chúng Tăng có tội.

3.3. Truyền tứ y

1. Phật du hóa tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, trong nước mất mùa, cơm gạo khan hiếm, khất thực khó được, nhân dân bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường. Có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và chúng Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, bèn tự cạo tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia thọ giới. Sau đó, phẩm vật cúng dường cho chúng Tăng không được nhận nữa. Các tỳ-kheo nói với thiếu niên: “Ông vào trong thôn khất thực.”

Thiếu niên hỏi: “Chúng Tăng không có thức ăn sao?”

Các tỳ-kheo nói: “Không.”

Thiếu niên nói: “Tôi sẽ phải làm sao đây!”

Các tỳ-kheo nói: “Ông phải đi khất thực.”

Thiếu niên nói: “Nếu phải khất thực thì ở đây khất thực, bên kia cũng khất thực, tôi sẽ trở về lại bên kia để khất thực.” Thiếu niên kia liền thôi tu.

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép trao tứ y[218] trước.”

Bấy giờ lại có một thiếu niên ngoại đạo đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, “Con muốn xuất gia.” Các tỳ-kheo liền cho xuất gia và trước hết trao pháp tứ y. Ngoại đạo kia nói:

“Thưa Đại đức, tôi có thể thọ hai y (chỉ) là y (chỉ) khất thực và y (chỉ) thọ hạ tọa. Tôi có khả năng thọ trì hai y này. Còn nạp y và hủ lạn dược, tôi không thể thọ trì hai y này. Tại sao vậy? Ai mà có thể đụng chạm đến hai thứ này.” Do vậy, thiếu niên liền thôi tu không xuất gia. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy: “Ngoại đạo này không xuất gia, có điều mất mát lớn. Nếu xuất gia, sẽ chứng đắc đạo.” Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, trước hết thọ giới rồi sau mới thọ [811c] tứ y.”

3.4. Các già nạn (2)[219]

7. Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một đại tướng dũng kiện[220] đến trong Tăng-già-lam, nói với các tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia làm đạo.”

Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc. Sau đó, trong nước của vua Ba-tư-nặc, nhân dân nổi loạn,[221] cần phải dùng binh lực để chinh phạt. Xuất quân lần đầu bị quân của bọn phản loạn đánh bại. Lần thứ hai cũng bị đánh bại. Nhà vua liền hỏi: “Kiện tướng của ta hiện nay ở đâu?”

Các quan tả hữu tâu: “Ông ấy xuất gia làm đạo trong sa-môn Thích tử rồi!”

Nhà vua liền cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn,[222] nhiều ham muốn, không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp, mà độ vị đại tướng dũng kiện của Ta xuất gia làm đạo. Như vậy có gì là chánh pháp? Cứ theo trường hợp này mà suy sét thì Samôn Thích tử đều là các nhà quan.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đầy đủ lên đức Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau không được độ các quan, nếu độ sẽ như pháp trị.”

8. Tỳ-kheo cho người không có y bát xuất gia thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo nói với vị ấy rằng: “Thầy vào thành khất thực.”

Vị ấy trả lời: “Tôi không có y bát.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:

“Từ nay về sau, kẻ không có y bát không được thọ giới cụ túc.” Có nhiều người mượn y bát của người khác thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi, người chủ đòi lại. Vị ấy bị loã hình, ngồi xổm, hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật, Phật dạy:

“Từ nay về sau không được mượn y bát để thọ giới cụ túc. Người cho mượn y nên bảo họ xin rồi cho. Nếu không cho, thì phải trả đúng giá.

9. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi đến bên sông Hắc ám,1[223] trong số đó có một tỳ-kheo nói:

“Trong đây[224], đã từng có người bạch y cùng với người mặc áo ca-sa hành dâm.”

Mọi người hỏi: “Tại sao thầy biết?”

Vị ấy nói: “Tôi là một người trong số đó”.

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch đức Phật. Phật dạy: “Nếu người phạm đến tỳ-kheo-ni thì ở trong pháp luật của ta không có trưởng ích, không được cho xuất gia thọ đại giới. Nếu đã xuất gia thọ đại giới rồi thì nên diệt tẫn.”

10. Phật ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ trong nước lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được, mọi người đều bị đói. Vào lúc đó, đức Phật và Tăng tỳ-kheo lại nhận được nhiều món cúng dường. Bấy giờ có một thiếu niên ngoại đạo thấy Phật và Tăng nhận được nhiều phẩm vật cúng dường, [812a1] bèn nghĩ: “Nên làm cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia?” Thiếu niên kia liền tự cạo tóc mặc áo ca-sa, tay bưng bình bát, vào trong chúng ăn. Các tỳ-kheo hỏi rằng: “Thầy bao nhiêu tuổi?” Vị kia không biết.

Lại hỏi: “Thầy thọ giới lúc nào?” Vị kia trả lời không biết.

Các tỳ-kheo hỏi tiếp:

“Hòa thượng của thầy là ai?” “A-xà-lê thầy là ai?”

Vị kia cũng nói: “Không biết.” Các tỳ-kheo lại hỏi: “Thầy là ai?” Vị kia nói:

“Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Vì thấy Phật và Tăng nhận được nhiều vật cúng dường bèn nghĩ: ‘Bằng cách nào để được thức ăn này mà khỏi phải xuất gia.’ Tôi bèn tự cạo râu tóc, mặc áo ca-sa vào trong chúng để tìm cầu thức ăn.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, người vào đạo với tặc tâm thì ở trong giáo pháp của ta không có lợi ích nào. Không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.” Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ- kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng,[225] cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, cùng yết-ma mà không thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới. Hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, mà không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma nhưng thuyết giới;[226] hoặc đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo mà không đến chỗ ba tỳkheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; hoặc đến chỗ một tỳ-kheo mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, hay ba tỳkheo, chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới.[227]

Trong đây,[228] người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, mà không đến chỗ hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Người như vậy, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.[229]

Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, mà không đến chỗ ba tỳ-kheo hay chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới. Nếu người ấy chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì được phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳkheo, ba tỳ-kheo, không đến chỗ chúng Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo hoặc Tăng, không cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì cho phép gọi là xuất gia thọ giới cụ túc. Trong đây, người vào đạo với tâm giặc là, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng, yết-ma mà không cùng thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.[230] Trong số người vào đạo với tâm giặc, đến chỗ một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, chúng Tăng cùng yết-ma thuyết giới; nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc thì không cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”[231]

[812b23]

11. Bấy giờ, có kẻ huỳnh môn[232] đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, “Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.” Các tỳkheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc.

Thọ giới cụ túc rồi, vị ấy nói với các tỳ-kheo: “Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.”

Các tỳ-kheo nói: “Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?” Vị kia lại đến nơi người giữ vườn và sa-di nói: “Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.”

Người giữ vườn và sa-di nói: “Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?”

Kẻ huỳnh môn kia ra ngoài chùa cùng [812c] người chăn bò chăn dê làm việc dâm dục. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử đều là huỳnh môn, trong đó có đàn ông làm việc dâm dục với nhau.”

Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy: “Huỳnh môn ở trong pháp của ta không có điều trưởng ích, không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.”

Trong đây, huỳnh môn có huỳnh môn do bẩm sinh (sanh), huỳnh môn do thiến (kiền), huỳnh môn do ghen (đố), huỳnh môn do đổi (biến), và huỳnh môn nửa tháng (bán nguyệt).[233] Sanh: Khi sanh liền thành huỳnh môn.

Kiền: Sau khi sanh, cắt bỏ hết để làm huỳnh môn.

Đố: Thấy người khác hành dâm, mình khởi tâm dâm.

Biến: Khi cùng với người khác hành dâm, nam căn mất, biến làm huỳnh môn.

Nửa tháng: Nửa tháng có khả năng của người nam, nửa tháng không có khả năng của người nam.

12. Phật du hóa nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thiện Hiện Long vương[234] thọ mạng rất lâu, sanh tâm nhàm tởm thân rồng (rắn), bèn nghĩ: “Đời nay sanh trong loài rồng trường thọ này, không biết khi nào thoát khỏi được thân này?” Long vương lại nghĩ: “Sa môn Thích tử này tu hạnh thanh tịnh. Nay ta hãy đến đó cầu xuất gia làm đạo, có thể lìa khỏi thân hình rồng nầy.” Long vương nghĩ xong, liền biến làm một thân hình thiếu niên ngoại đạo, đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.”

Các tỳ-kheo không quán sát bổn nguyên, vội cho xuất gia thọ giới cụ túc và cho ở cùng phòng với một tỳ-kheo. Khi tỳ-kheo kia có việc ra ngoài, Thiện Hiện Long vương buông mình xuống ngủ.

Theo thường pháp của loài rồng, có hai trường hợp không lìa được nguyên hình; một là khi ngủ, hai là khi hành dâm.

Bấy giờ, thân của Long vương trương ra đầy cả phòng, lòi ra cả ngoài cửa sổ nơi lỗ trống. Tỳ-kheo kia khi trở lại, lấy tay đẩy cánh cửa, chạm phải thân con rồng, hốt hoảng, biết bên trong phòng có gì khác, bèn lớn tiếng kêu: “Rắn! rắn!”

Tỳ-kheo ở phòng gần nghe tiếng kêu lớn, liền hỏi:

“Chuyện gì la lớn vậy?”

Vị kia trình bày đầy đủ sự việc. Long vương cũng nghe tiếng tỳkheo kêu nên thức dậy, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý, buộc ý niệm trước mặt. Tỳ-kheo liền vào hỏi: “Ngươi là ai?” Người ngồi kết già trả lời:

“Tôi là Thiện Hiện Long vương. Tôi sanh trưởng trong loài rồng, vì chán thân này, nên nghĩ: ‘không biết bao giờ ta mới thoát khỏi thân rồng này?’ Tôi lại nghĩ: ‘Sa môn Thích tử tu hạnh thanh tịnh, nay ta có thể đến đó xin xuất gia làm đạo, ngõ hầu thoát khỏi thân hình rồng nầy.’”

Các tỳ-kheo [813a1] đem nhân duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy: “Loài súc sanh ở trong pháp của ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”

13.1. Bấy giờ, có một thiếu niên ngoại đạo cố ý giết mẹ. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: “Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?” Thiếu niên lại nghĩ: “Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.” Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳkheo: “Tôi muốn xuất gia học đạo.”

Các tỳ-kheo thấy vậy, tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi: “Người là giới nào?”

Thiếu niên trả lời: “Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết mẹ tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‘Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?’ Tôi lại nghĩ: ‘Sa môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.’ Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:

“Kẻ giết mẹ ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”

13.2. Bấy giờ, có một ngoại đạo cố ý giết cha. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: “Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?” Thiếu niên lại nghĩ: “Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.” Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia học đạo.”

Các tỳ-kheo tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi: “Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết cha tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‘Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?’ Tôi lại nghĩ: ‘Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.’ Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:

“Kẻ giết cha ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”

13.3. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, gặp chỗ có a-lan-nhã, [813b] cùng nhau bàn nói: “A-lan-nhã này tên như vậy. Nơi đây có A-la-hán bị giết.” Trong số đó có người nói: “Vị ấy thật là A-la-hán.” Có người hỏi: “Tại sao biết?”

Đáp rằng: “Vì trong lúc bị giết, tâm không thay đổi.”

Có người hỏi: “Tại sao thầy biết?”

Vị ấy nói:“Tôi là một trong số người giết ấy.”

Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy:

“Người giết A-la-hán ở trong pháp của ta không có lợi ích gì, nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.”

13.4. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

“Kính bạch đức Thế Tôn, nếu có người phá hoại Tăng, thì nên thế nào?”

Đức Phật dạy: “Hạng người như Đề-bà-đạt. Nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.” 13.5. Ưu-ba-ly lại hỏi:

“Kẻ ác tâm làm thân Phật chảy máu thì nên thế nào? “ Đức Phật dạy:

“Hạng người như Đề-bà-đạt, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.”

3.5. Các liên hệ già nạn

1. Bấy giờ có một tỳ-kheo biến đổi giống thành người nữ. Các tỳkheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không nên diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây, cùng với (tên của) Hòa thượng, A-xà-lê chuyển sang cho ở bên chúng của tỳ-kheo-ni.”

2. Có một tỳ-kheo-ni biến thành hình nam tử. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không được diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây, cùng với (tên) Hòa thượng (-ni), A-xà-lê (-ni) chuyển sang cho ở bên chúng của Tỳ-kheo.”

3. Có một tỳ-kheo biến thành nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo nghĩ:

“Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy: “Nên diệt tẫn.”

Có một tỳ-kheo-ni biến làm nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: “Nên tẫn xuất chăng?” Đức Phật dạy: “Nên tẫn xuất.”

4. Có tỳ-kheo bị giặc chặt đứt nam căn và luôn cả hai trứng. Các tỳkheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không nên diệt tẫn.”

Có tỳ-kheo bị oan gia cắt nam căn và luôn cả hai cái trứng. Các tỳkheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không nên diệt tẫn.”

Có tỳ-kheo bị thú dữ cắn đứt nam căn và trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không nên [813c] diệt tẫn.”

Có tỳ-kheo vì nghiệp báo nhân duyên nam căn tự rụng. Các tỳkheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy:

“Không nên diệt tẫn.”

Có tỳ-kheo tự cắt nam căn. Các tỳ-kheo nghĩ: “Nên diệt tẫn chăng?” Đức Phật dạy: “Nên diệt tẫn.”

5. Có vị muốn thọ giới cụ túc, được dẫn ra ngoài giới. Các tỳ-kheo hỏi: “Ngươi là ai?” Người ấy không chịu xưng danh. Lại hỏi: “Hòa thượng của ngươi là ai?” Lại cũng không nói tên của Hòa thượng. Được hướng dẫn bảo cầu xin giới, cũng không chịu xin. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Có ba hạng người không được thọ giới cụ túc: không tự xưng tên mình, không chịu xưng tên Hòa thượng, dạy xin giới không chịu xin. Ba hạng người như vậy không được thọ giới cụ túc.”

6. Có người khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi: “Ông là ai?”

Vị ấy trả lời: “Tôi là sa-môn Thích tử.”

Cư sĩ nói: “Sa môn Thích tử không phải như vậy.”

Đức Phật dạy: “Không được khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc.”

Lại có người khoác y của ngoại đạo thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi:

“Ông là hạng người nào?”

Vị ấy trả lời: “Tôi là sa-môn Thích tử.”

Cư sĩ nói: “Sa-môn Thích tử không phải như vậy.”

Đức Phật dạy: “Người khoác y phục ngoại đạo không được trao giới cụ túc.”

Có người mang các đồ trang sức thân mình mà thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc rồi vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi:

“Ông là hạng người nào?”

Vị ấy trả lời: “Tôi là sa-môn Thích tử.”

Cư sĩ nói: “Sa-môn Thích tử không phải như vậy.”

Đức Phật dạy: “Người mang các đồ trang sức thân mình không được cho thọ giới cụ túc.”

Có ba hạng người không được gọi là thọ giới cụ túc: mặc đồ thế tục, mặc đồ ngoại đạo, mang đồ trang sức thân mình. Ba hạng người này thọ giới cụ túc không thành.

7. Có vị trao giới cụ túc cho người ngủ. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: “Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.”

Vị kia trả lời: “Tôi không thọ giới cụ túc.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

“Không được trao giới cụ túc cho người đang ngủ.”

8. Có vị trao giới cụ túc cho người say rượu. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:

“Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.”

Vị kia trả lời: “Tôi [814a1] không thọ giới cụ túc.”

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy: “Không được trao giới cụ túc cho người đang say rượu.”

9. Có vị trao giới cụ túc cho người cuồng. Khi hết cuồng, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:

“Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.” Vị kia trả lời: “Tôi không thọ giới cụ túc.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

“Không được trao giới cụ túc cho người cuồng.”

Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người ngủ, người say, người cuồng. Đó gọi là ba hạng người không được thọ (truyền) giới cụ túc.

10. Có vị trao giới cụ túc cho người lõa hình. Khi được y phục rồi, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: “Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.” Vị kia trả lời: “Tôi không thọ giới cụ túc.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

“Không được trao giới cụ túc cho người lõa hình.”

Có vị trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế. Khi hết sân nhuế, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói: “Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.” Vị kia trả lời: “Tôi không thọ giới cụ túc.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

“Không được trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế.”

Có vị trao giới cụ túc cho người bị ép thọ. Sau đó, người ấy bèn trốn chạy về nhà. Các tỳ-kheo nói: “Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.” Vị kia trả lời: “Tôi không thọ giới cụ túc.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:

“Không được trao giới cụ túc cho người bị cưỡng ép.”

Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người lõa hình, người đang sân nhuế, người bị cưỡng ép. Đó gọi là ba hạng người không được thọ giới cụ túc.

Cũng như vậy, bị chặt tay, bị chặt chân, bị chặt cả tay chân; bị xẻo tai, bị xẻo mũi, bị xẻo tai mũi; bị cắt nam căn, bị thiến trứng, bị cắt nam căn và thiến trứng; bị chặt tay, bị chặt khủy tay, bị chặt ngón tay, thường bị ghẻ nhọt, hiện tướng chết, thân bị bướu, thân như thân người nữ, có danh tịch trốn thuế nhà quan, ung thư, thân minh loang đốm,[235] đầu nhọn, cánh tay bên tả hư hoại,[236] cánh tay bên hữu hư hoại, răng cưa, thân trùng,[237] đầu trùng, tóc trên đầu bị bệnh tê,[238] ngón tay bị cong, sáu ngón, ngón tay không có đốt,[239] chỉ có một trứng, không có trứng, sa đì[240], thân trong cong, thân ngoài cong, cả trong lẫn ngoài cong, bệnh thượng khí, mụt cóc[241], bệnh ói nước bọt, v.v... hoặc bệnh, hoặc các khổ não, hoặc bệnh nam căn, hoặc mắt xanh, mắt vàng, mắt đỏ, mắt bét[242], hoặc mắt có màu hồng, mắt có màu vàng đỏ,[243] mắt có đốm xanh,[244] mắt đốm vàng[245], mắt đốm trắng, mắt đốm thủy tinh, mắt quá sâu, hoặc [814b] mắt ba góc, mắt khỉ,[246] mắt to bự, mắt lồi, hoặc một mắt, mắt lé, mắt mù, mắt nhọn,[247] mắt xếch, mắt sân nộ, mắt trắng dã, hoặc mắt có mụt nhọt, hoặc thân bị lang lỗ, hoặc thân bị ghẻ chóc, hoặc mụt nhọt cùng mình; hoặc câm, điếc, hay điếc câm, hoặc ngón chân cuốn lại, hoặc thọt, hoặc lết, hoặc một tay, một chân, một tai, hoặc không tay, không chân, không tai, hoặc không tóc, không lông, không răng, hoặc tóc xanh, tóc vàng, tóc trắng, cao quá, thấp quá, bắp chân phụ nữ, con trời, con a-tu-la, con kiền-thát-bà, hoặc đầu voi, đầu ngựa, đầu lạc đà, hoặc đầu bò, đầu lừa, đầu chó, đầu dê đen, đầu dê trắng, đầu nai, đầu rắn, đầu cá, đầu chim, hoặc hai đầu, ba đầu, nhiều đầu, tất cả xanh, tất cả vàng, tất cả đen, tất cả đỏ, tất cả trắng, tất cả giống như sắc con khỉ, hoặc bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm ấm, bệnh ăn không tiêu[248], hoặc đau cuống họng,[249] hoặc sứt môi, hoặc không có lưỡi, hoặc bị cắt lưỡi, hoặc không biết tốt xấu, hoặc ưởn ra phía trước, hoặc thân ưởn ra phía sau, hoặc cả trước lẫn sau đều ưởn, hoặc bệnh trùng, hoặc bệnh nước, hoặc bệnh trong, bệnh bên ngoài, hay trong ngoài đều bệnh, hoặc bệnh nghiện,[250] bệnh thường nằm không chuyển động, hoặc quá già, hoặc có bệnh can tiêu, hoặc mất oai nghi đi đứng. Tất cả những trường hợp như trên, đưa đến sự xấu cho chúng Tăng. Những người như vậy không được độ thọ giới cụ túc.[251]

11. Lúc bấy giờ, có người có thần túc, ở trên hư không thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.” Hòa thượng ở trên hư không cho người ở dưới thọ giới cụ túc. Đức

Phật dạy: “Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.”

Dùng thần túc ở trên hư không, đủ túc số, thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Có người ẩn hình không xuất hiện mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Hòa thượng ẩn hình truyền[252] giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Túc số, tỳ-kheo ẩn hình truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:

“Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Có người lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Hòa thượng lìa chỗ thấy nghe truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Đủ số [814c] người, mà lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc. “

Có người ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Hòa thượng ở ngoài giới truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:

“Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Đủ số người mà ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:

“Không gọi là thọ giới cụ túc.”

Có vị không được trao giới sa-di mà trao giới cụ túc. [253]Đức Phật dạy: “Vị ấy đắc cụ túc giới, mà chúng Tăng mắc tội.”

Đức Thế Tôn cũng dạy như vầy: “Tất cả những người làm xấu chúng Tăng, không được thọ giới cụ túc.”

4. Pháp thức truyền thọ cụ túc

4.1. Giáo thọ giới tử

Bấy giờ, có người muốn thọ giới. Vị kia dẫn đến chỗ ngoài giới, cởi y phục để khám. Người thọ giới hổ thẹn. Việc thọ giới bị đình lại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật, Phật dạy: “Không được lộ hình như vậy để khám rồi truyền thọ giới. Từ nay về sau, cho phép hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới trao giới cụ túc, bằng bạch tứ yết-ma. Nên hỏi như vầy:

“Ngươi không phạm biên tội chăng? Ngươi không xúc phạm tỳkheo-ni chăng? Ngươi không phải là người vào đạo với tâm giặc chăng? Ngươi chẳng phải là người phá hoại nội và ngoại đạo chăng? Ngươi chẳng phải là huỳnh môn chăng? Ngươi chẳng phải là người giết cha, giết mẹ chăng? Ngươi chẳng phải là người giết A-la-hán chăng? Ngươi chẳng phải là người phá Tăng chăng? Ngươi chẳng phải là người với ác tâm làm cho thân Phật chảy máu chăng? Ngươi chẳng phải là phi nhân chăng? Ngươi chẳng phải là súc sanh chăng? Ngươi chẳng phải là người có hai hình chăng?” Đức Phật dạy: Từ nay về sau, cho phép trước hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới cho thọ giới cụ túc. Nên tác pháp yết-ma như sau để thọ giới cụ túc.

Bấy giờ bảo người muốn thọ giới đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Giới sư tác bạch yết-ma như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Vị kia tên là..., theo tỳ-kheo hiệu..., cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo hiệu... làm giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.”

Bấy giờ, thầy giáo thọ đến chỗ người kia, nói:

“Đây là an-đà-hội, đây là uất-đà-la-tăng, đây là tăng-già-lê, đây là bát. Y bát này là của ngươi phải không?”

Vị kia trả lời:

“Vâng, là của con.”

Thầy giáo thọ nói:

“Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành. Tôi sẽ hỏi ông. Theo lời hỏi của tôi, ông cứ trả lời đúng như sự thật. Điều nào thật ông cứ nói thật. Điều nào không thật ông cứ nói không thật. Tên ông là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát của ông đầy đủ không? Cha mẹ ông có cho phép không? Ông không phải là người mắc nợ chăng? Ông không phải là đầy tớ chăng? Ông không phải là quan chức chăng? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông, có những chứng bệnh như hủi, ung thư,[815a1] hủi trắng, càn tiêu, điên cuồng. Hiện tại ông có các chứng bệnh đó không?”

Nếu người thọ giới nói không, thầy giáo thọ nói tiếp:

“Như tôi vừa hỏi ông, lát nữa giữa Tăng ông cũng sẽ được hỏi như vậy. Vừa rồi ông trả lời với tôi như thế nào thì giữa Tăng ông cũng trả lời như vậy.”

Vị giáo thọ nói như vậy rồi, trở vào trong chúng, với oai nghi như thường lệ, đứng chỗ vừa tầm tay đối với chúng,[254] tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳkheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã hỏi xong, cho phép người ấy vào. Đây là lời tác bạch.”

4.2. Giới tử bạch Tăng

Người thọ giới vào rồi, thầy giáo thọ cầm hộ y bát, bảo người ấy kính lễ dưới chân Tăng, rồi dạy, trước giới sư, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, hướng dẫn họ tác bạch để xin giới như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Con tên là... nay đến trong chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Xin chúng Tăng rủ lòng thương cứu vớt con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Bấy giờ vị giới sư nên tác pháp yết-ma như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳkheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.” “Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành, lúc nói thật. Nay tôi sẽ hỏi ông. Ông nên theo sự thật mà trả lời. Ông tên là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Ba pháp y và bát có đủ không? Cha mẹ ông có cho phép ông không? Ông có mắc nợ ai không? Ông có phải là đầy tớ không? Ông có phải là người của nhà quan không? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông có những chứng bệnh hủi, ung thư, hủi trắng, càn khô, điên cuồng. Hiện tại ông có những chứng bệnh như vậy không?

Nếu người ấy nói không, thì bạch tứ yết-ma như sau:

4.3. Bạch tứ yết-ma

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳkheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Người này tên là..., nay đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho người tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.”

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là..., theo tỳkheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... đến xin Tăng thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự [815b] nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nay Tăng trao cho người tên là... nầy giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho người tên... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma thứ nhất.”

Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

“Tăng đã chấp thuận cho người tên là... thọ giới cụ túc, tỳkheo hiệu... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

4.4. Truyền pháp tứ khí và tứ y

Bấy giờ, có tỳ-kheo thọ giới cụ túc rồi, Chúng Tăng đều về lại trú xứ. Vợ cũ của vị ấy ở cách chỗ thọ giới không xa, đến hỏi:

“Vừa rồi ông làm gì?”

Vị ấy trả lời: “Tôi thọ giới cụ túc.”

Vợ cũ nói: “Bây giờ ông có thể làm chuyện như vậy, như vậy, gọi là lần cuối cùng không?”

Người thọ giới cụ túc ấy liền làm việc bất tịnh như vậy như vậy rồi, sau đó mới về lại trú xứ. Các tỳ-kheo hỏi:

“Thầy làm gì mà về sau?”

Vị kia liền đem nhân duyên trên trình bày đầy đủ lại với các tỳkheo. Các tỳ-kheo nói: “Ngươi hãy diệt nhanh đi! Ngươi hãy biến mất nhanh đi! Ngươi đã làm việc như vậy, không được ở lại đây nữa.”

Người kia nói: “Việc tôi làm đó là việc không nên làm sao?”

Các tỳ-kheo nói: “Dĩ nhiên là điều không được làm.”

Vị ấy nói: “Tại sao không nói trước với tôi, để tôi tránh không làm điều đó?” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

a. Tứ khí

Từ nay về sau, tác pháp yết-ma rồi nên nói trước bốn pháp ba-la-di.

“Thiện nam tử lắng nghe! Đức Như Lai, bậc Chí chân, Đẳng chánh giác nói bốn pháp ba-la-di. Nếu tỳ-kheo nào phạm mỗi một trong bốn thì chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử.

(1) “Tuyệt đối, ông không được phạm dâm, làm bất tịnh hạnh. Nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng loài súc sanh, thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Đức Thế Tôn nói thí dụ: Như người bị chặt đầu không thể sống trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, phạm pháp ba-la-di rồi, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Đây là điều mà trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

(2) “Tuyệt đối, ông không được trộm cắp, cho đến một lá cây, cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo ăn trộm của người năm tiền trở lên, tự mình lấy, bảo người lấy, tự mình phá, bảo người phá, tự mình chặt, bảo người chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm cho hoại sắc. Vị ấy chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử. Thí như [815c] cây đa-la bị moi ruột, không thể sanh trưởng. Tỳ-kheo phạm ba-la-di cũng vậy, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

(3) “Tuyệt đối, ông không được đoạn mạng sống của chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo cố ý tự tay mình đoạn mạng người, tìm dao trao cho người, dạy bảo cách chết, khen sự chết, khuyên cho chết, trao cho người phi dược, hoặc làm đọa thai, nguyền rủa cho chết, tự mình tạo phương tiện, bảo người tạo phương tiện, thì chẳng phải samôn, chẳng phải Thích tử. Thí như cây kim bị sứt trôn không thể dùng được nữa. Tỳ-kheo cũng vậy, nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh nữa. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

“Tuyệt đối, ông không được nói dối, cho đến nói giỡn chơi. Nếu tỳ-kheo chẳng phải chân thật, chẳng phải mình tự có mà tự nói: ‘Tôi được pháp thượng nhân, được thiền, được giải thoát, được định, được bốn không định, được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến,’ thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Thí như hòn đá lớn bị vỡ làm hai không thể hiệp lại được. Tỳ-kheo cũng vậy, phạm pháp bala-di, không thể trở thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

b. Tứ y

“Thiện nam tử, hãy lắng nghe! Đức Như Lai là bậc Chí chân, Đẳng chánh giác, nói pháp tứ y. Tỳ-kheo y nơi đây được xuất gia, thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo.

(1) “Tỳ-kheo y nơi y phấn tảo, nương nơi đây đặng xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được. “Nếu được của lợi do đàn-việt thí y, y cắt rọc hư hoại, thì được nhận.

(2) “Tỳ-kheo y nơi khất thực. Tỳ-kheo nương vào đây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

“Nếu được của lợi, hoặc Tăng sai đi thọ thực hay đàn-việt dâng thức ăn vào những ngày mồng tám, rằm, mồng một, hoặc thường thực của Tăng, đàn-việt mời, thì được nhận.

(3) “Tỳ-kheo nương dưới gốc cây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

“Nếu được của lợi hoặc phòng riêng, nhà nóc nhọn, phòng nhỏ, hang đá, hai phòng một cửa, thì được nhận. (4) [816a1] “Tỳ-kheo nương nơi thuốc hủ lạn này được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Đây là điều trọn đời không được phạm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.

“Nếu được của lợi như bơ, dầu, sanh tô, mật, thạch mật thì được thọ.”

4.5. Giáo giới và đắc giới

“Ông nay đã thọ giới rồi. Bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu đúng quy cách. Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, chúng Tăng đúng số đầy đủ. Ông nên khéo thọ nhận giáo pháp, nên siêng năng giáo hóa, làm việc phước đức, tu bổ tháp, cúng dường Phật, Pháp, Chúng Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê. Những gì các Ngài dạy như pháp, không được chống trái. Nên hỏi về tụng kinh, siêng năng cần cầu phương tiện, để ở trong Phật pháp mà đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-đàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có như vậy mới khỏi uổng công ban đầu phát tâm xuất gia, quả báo của nó sẽ không cùng tận. Ngoài ra những gì chưa biết, nên thưa hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.”

Từ nay về sau, nên bảo người thọ cụ túc nên đi trước rồi giải tán.

1. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chúng cử tội liền thôi tu. Sau đó đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia trở lại.”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: “Nên hỏi người kia: ‘Ông có tự thấy tội hay không?’ Nếu người ấy trả lời: ‘Tôi không thấy tội’, thì không được cho xuất gia. Nếu nói, ‘Tôi thấy tội’, thì cho xuất gia.

Sau đó lại hỏi: ‘Ông có thấy tội hay không?’ Nếu trả lời ‘Không thấy tội’, thì không được cho thọ giới cụ túc. Nếu nói ‘Thấy tội’ thì nên cho thọ giới cụ túc. Cho thọ giới cụ túc rồi nên nói: ‘Ông có thuận sám hối không?’ Nếu nói ‘Không thuận sám hối’, thì không được giải yết-ma. Nếu nói ‘Có thể thuận sám hối’, thì nên giải yết-ma.

Giải yết-ma rồi bảo: ‘Ông hãy sám hối.’ Nếu người ấy phải sám hối, thì tốt. Nếu không vậy, chúng Tăng hòa hợp thì lại trao cho pháp cử tội. Nếu chúng Tăng không hòa hợp thì cùng chung sống, không phạm.

2. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất rời chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa:

“Bạch đức Thế Tôn, người chưa đủ hai mươi tuổi mà thọ giới cụ túc, được gọi là người thọ giới cụ túc hay không?”[255]

Đức Phật dạy: “Được gọi là người thọ giới cụ túc.”

Lại hỏi: “Người trao giới cụ túc như vậy có phải là người trao đúng hay không? Đức Phật dạy: “Là người trao đúng.”

“Người yết-ma như vậy là người làm yết-ma đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là người làm yết-ma đúng.”

Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc đúng.

3. Lại hỏi: “Tam ngữ thọ giới cụ túc, có phải là [816b] thọ giới cụ túc hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là thọ giới cụ túc.”

“Người trao giới cụ túc là người trao đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là người trao đúng.”

“Người làm yết-ma là người làm yết-ma đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là người làm yết-ma đúng.”

Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc.

4. “Không hỏi mười ba nạn sự mà thọ giới cụ túc như vậy có gọi là thọ giới cụ túc chăng?”

Đức Phật dạy: “Là thọ giới cụ túc.”

“Người được thọ giới cụ túc như vậy là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là thọ giới cụ túc đúng.”

Hỏi: “Người làm yết-ma như vậy được gọi là tác yết-ma đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là làm yết-ma đúng.”

Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.

5. Bấy giờ Tôn giả A-nan liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

“Nếu Hòa thượng có một trong mười ba nạn sự, mà trao giới cụ túc cho đệ tử, như vậy có gọi là thọ cụ túc đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là thọ giới cụ túc đúng.”

Lại hỏi: “Người được thọ giới cụ túc có gọi là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?”

Phật dạy: “Là thọ đúng.”

“Người làm yết-ma như vậy là làm yết-ma đúng hay chăng?”

Đức Phật dạy: “Là làm yết-ma đúng.”

Từ khi đã chế giới rồi, nếu trao giới cụ túc cho người như vậy, chúng Tăng có tội.

6. Bấy giờ, có người theo Hòa thượng không trì giới mà cầu thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi:

“Ông có biết vị Hòa thượng ấy không trì giới hay không?”

Vị ấy thưa: “Không biết.”

Đức Phật dạy: “Như vậy được gọi là thọ giới cụ túc.”

Lại có người theo Hòa thượng không trì giới mà thọ giới cụ túc, sau đó lại có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi:

“Ông có biết Hòa thượng ấy không trì giới hay không?”

Vị ấy trả lời: “Biết.”

Đức Phật bảo: “Ông có biết là không được theo người như vậy thọ giới cụ túc hay không?”

Vị ấy trả lời: “Không biết.”

Đức Phật dạy: “Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.” Lại có vị theo Hòa thượng không trì giới mà thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi. Đức Phật hỏi: “Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?”

Vị ấy trả lời: “Biết.”

Đức Phật bảo: “Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?”

Vị ấy trả lời: “Biết.”

Đức Phật bảo: “Ông có biết, người như vậy theo thọ giới cụ túc thì không đắc giới cụ túc hay không?”

Đáp rằng: “Không biết.”

Đức Phật dạy: “Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.” Bấy giờ, lại có vị theo Hòa thượng không trì giới mà thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi.

Phật hỏi: “Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?”

Vị ấy trả lời: “Biết.”

[816c] Đức Phật dạy: “Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?” Vị ấy trả lời: “Biết.”

Phật hỏi: “Ông có biết, theo người như vậy thọ giới cụ túc thì không thành thọ giới cụ túc hay không?”

Vị ấy trả lời: “Biết.”

Đức Phật dạy: “Không gọi là thọ giới cụ túc.”

CHƯƠNG II - THUYẾT GIỚI[256]

I. PHÁP THỨC THUYẾT GIỚI

1. Bố-tát

[816c6] Phật ở tại thành La-duyệt. Bấy giờ trong thành, các phạmchí ngoại đạo mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15.[257] Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết.

Khi ấy vua Bình-sa ở trên lầu cao, từ xa nhìn thấy quần chúng đến tụ hội chỗ phạm-chí, bèn hỏi các quan tả hữu:

“Hôm nay những người này muốn đi đâu mà đông thế?”

Các quan tâu với vua: “Đại Vương nên biết, trong thành này, các phạm-chí mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Vì vậy, mọi người đang đi đến chỗ các phạm-chí đang tập hội.”

Vua Bình-sa nghe xong, liền xuống lầu, đi đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Hiện nay trong thành La-duyệt, các phạm-chí mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Lành thay! Thế Tôn dạy cho các tỳ-kheo mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày 8, 14 và 15, để mọi người các nơi tới lui, cùng giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Con và quần thần cũng sẽ đến tập hội.”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vua Bình-sa biết đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo:

“Hiện nay trong thành La-duyệt, các phạm-chí mỗi [nửa] tháng tập hợp ba ngày mồng 8, 14 và 15, mọi người ở khắp nơi tới lui đông đảo, giao hữu với nhau, cung cấp đồ ăn thức uống. Các ông cũng nên mỗi [nửa] tháng tập hội ba ngày mồng 8, 14 và 15, để mọi người ở các nơi tới lui cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa và quần thần cũng sẽ đến tập hội.” Các tỳ-kheo thưa:

“Chúng con sẽ phụng hành như vậy.”

Các tỳ-kheo phụng hành lời dạy của đức Thế Tôn rồi, mỗi [nửa] tháng tập hội ba lần, vào các ngày mồng 8, 14 [817a1] và 15. Mọi người các nơi tới lui, cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa cũng dẫn các quần thần đến tập hội. Các tỳkheo đến tập hội đều ngồi im lặng. Các trưởng giả thưa với các tỳkheo: “Chúng con muốn nghe nói pháp.”

Các tỳ-kheo không dám nói. Đem nhân duyên này bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép các ông nói pháp.”

Đã được phép nói pháp rồi, các tỳ-kheo lại không biết nói pháp gì. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép nói Khế kinh.”

Các tỳ-kheo muốn phân biệt thuyết nghĩa.[258] Trong khi thuyết nghĩa, không nói đủ văn cú. Các vị đều sanh nghi. Đức Phật dạy:

“Cho phép thuyết nghĩa, khỏi phải nói đủ văn cú[259].”

2. Thuyết pháp

Có hai tỳ-kheo cùng một tòa cao[260] nói pháp.

Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Có hai tỳ-kheo có chung một tòa cao để thuyết pháp, nên tranh cãi nhau.

Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Các vị ấy cùng trải toà cao gần nhau để thuyết nghĩa, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Các vị kia nhân việc thuyết nghĩa mà bức bách nhau. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Bấy giờ, hai tỳ-kheo đồng thanh ngâm nga.[261] Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết pháp với giọng ca vịnh. Đức

Phật nói: “Cho phép.”

Có một tỳ-kheo, ở cách đức Thế Tôn không xa, nói pháp bằng âm thanh ca vịnh quá du dương.[262] Đức Phật nghe, liền bảo tỳ-kheo này rằng:

“Ngươi không được nói pháp với âm thanh như vậy. Ngươi nên nói pháp giống Như Lai, đừng như người phàm thế. Muốn nói pháp nên bình đẳng như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà nói pháp, đừng nói như người phàm tục.

“Này các tỳ-kheo, nếu nói pháp với giọng ca vịnh quá du dương, có năm điều lỗi: Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá, tự mình sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh; đây là lõi thứ nhất. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá, người nghe sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh kia; đây là lỗi thứ hai. Nếu tỳkheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá sẽ khiến cho người nghe ham muốn học tập theo; đây là lỗi thứ ba. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá, các trưởng giả nghe sẽ cơ hiềm rằng: ‘Chúng ta học tập ca vịnh, tỳ-kheo nói pháp cũng như vậy.’ Họ bèn sanh tâm khinh thường, không cung kính; đây là lỗi thứ tư. Nếu tỳkheo thuyết pháp với giọng ca vịnh thái quá, các vị tư duy nơi tịch tịnh sẽ duyên nơi âm thanh, loạn [817b] thiền định; đây là lỗi thứ năm.”

Bấy giờ có các tỳ-kheo muốn tập hội lại một chỗ vào ban đêm để nói pháp. Phật nói: “Cho phép.”

Các tỳ-kheo không biết tập hội vào ngày nào. Đức Phật nói: “Cho phép ngày rằm, mười bốn, mười ba, mồng mười, mồng chín, mồng tám, mồng năm, mồng ba và mồng hai; hoặc mỗi mỗi ngày nói cũng được. Nếu người thuyết pháp ít, thì theo thứ tự thỉnh để nói.” Có vị không chịu nói. Đức Phật dạy: “Không được như vậy. Dù chỉ nói một bài kệ, cũng phải nói.”

Một bài kệ là:

Các điều ác chớ làm, Điều thiện phải phụng hành. Giữ tâm ý thanh tịnh, Là lời chư Phật dạy.

Nếu không chịu nói sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp muốn nói pháp, chỗ ngồi thấp,[263] sanh nghi. Đức Phật dạy:

“Nếu ban đêm tập hợp nói pháp, chỗ ngồi cao hay thấp không ngại gì.” Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp, muốn ngồi thiền, Phật dạy: “Được phép ngồi.”

Các tỳ-kheo ngủ gật. Phật dạy:

“Tỳ-kheo ngồi gần phải đánh thức họ. Hoặc bằng tay; nếu tay với không đến thì cầm cây gài cửa, hay cán cây phất trần để đánh thức. Nếu như họ đồng ý[264] thì có thể lấy guốc dép liệng đến họ. Nếu họ vẫn cứ ngủ, nên cầm cây thiền trượng để cảnh giác.”

Có vị bị cảnh giác bằng thiền trượng; khi tỉnh, bèn phản đối. Đức Phật dạy: “Không được như vậy. Nếu không thuận, mà còn phản đối, thì như pháp trị.”

Có vị vẫn cứ ngủ, đức Phật nói: “Cho phép dùng nước rảy.”

Ai bị rảy nước, mà phản đối không chịu, thì cũng nên như pháp trị. Nếu vẫn cố ngủ trở lại. Đức Phật bảo: “Nên dụi con mắt, hoặc dùng nước rửa mặt.” Có vị vẫn cứ ngủ. Đức Phật nói:

“Nên tự véo tai hay mũi; hoặc chà sát nơi trán.”

Nếu lại cứ ngủ thì nên vén kéo uất-đa-la tăng rồi lấy tay xoa chà mình; hoặc nên đứng dậy đi ra ngoài cửa xem ngắm bốn phương, ngửa mặt nhìn tinh tú; hoặc đến chỗ kinh hành, thủ nhiếp các căn, khiến tâm không tán loạn.

3. Ba-la-đề-mộc-xoa

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ nhàn tịnh, tư duy rằng: “Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa được nghe, không biết làm sao để học giới. Nay Ta nên cho phép các tỳ-kheo tập trung lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.” Đức Thế Tôn ra khỏi chỗ tịch tịnh, do nhân duyên tập hợp các tỳ-kheo và bảo rằng:

“Vừa rồi Như Lai từ chỗ yên tịnh tư duy, suy nghĩ rằng: ‘Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa [817c] được nghe, không biết làm sao để học giới.’ Ta lại suy nghĩ tiếp: ‘Nay Ta nên cho phép các tỳkheo tập họp lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.’ Vì vậy, các tỳ-kheo nên cùng nhau tập hợp lại một chỗ, thuyết giới ba-lađề-mộc-xoa.

Thuyết giới như vầy:

“Các Đại đức! Nay tôi muốn thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa. Các thầy lắng nghe,[265] khéo tâm niệm kỹ. Nếu tự mình biết có phạm, nên tự mình sám hối.[266] Không phạm thì im lặng. Do sự im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời. Cũng vậy, tỳkheo nào ở trong chúng cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ có tội mà không sám hối, mắc tội cố ý vọng ngữ. Đức Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Nếu tỳ-kheo kia nhớ nghĩ có tội, muốn cầu thanh tịnh, nên sám hối. Sám hối sẽ được an lạc.”

Ba-la-đề-mộc-xoa: là giới vậy. Đó là sự tự mình nhiếp trì oai nghi, trú xứ, hành vi; là gốc rễ, là mặt, là đầu, tập hợp các pháp lành, thành tựu tam-muội.[267]

Tôi sẽ nói: nghĩa là, sẽ kết, sẽ phát khởi, diễn giải, tỏ bày, phân biệt lập đi lập lại.

Thưa các đại đức, nay tôi sẽ thuyết giới, (các tỳ kheo) cùng tập hợp lại một chỗ:[268] nghĩa là, đồng yết-ma tập hợp lại một chỗ. Cần dữ dục, thì người nhận đem dục đến. Người hiện diện đáng quở trách thì không quở trách.[269] Cho nên nói nên tập hợp lại một chỗ. Lắng nghe, khéo suy niệm kỹ: gom ý chuyên tâm nghe pháp, cho nên gọi là lắng nghe khéo suy niệm kỹ.

Có phạm: có trái phạm mà chưa sám hối.

Không phạm: không trái phạm, hay phạm mà đã sám hối.

Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời: nghĩa là, giống như từng tỳ-kheo cùng hỏi và trả lời nhau.

Đức Phật nói, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo:[270] tức là chướng ngại sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; chướng ngại quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán.

Sám hối thì an lạc: được những gì là an lạc? Là đạt được sơ thiền, cho đến tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; là đắc quả Tu-đàhoàn, cho đến quả A-la-hán. Cho nên sám hối thì được an lạc.

Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết giới với giọng ca vịnh. Đức Phật bảo:

“Cho phép thuyết giới bằng giọng ca vịnh.”

Các tỳ-kheo ngày nào cũng thuyết giới, nên mỏi mệt. Phật dạy:

“Không được thuyết giới hằng ngày. Từ nay về sau, cho phép thuyết giới vào ngày Bố-tát.”

4. Lịch pháp

Có trưởng giả hỏi Tỳ-kheo:

“Hôm nay là ngày mấy?”

Tỳ-kheo không biết nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật, Phật dạy:

[818a1] “Từ nay về sau nên đếm số ngày.”

Đếm ngày mà phần nhiều quên. Phật dạy: “Nên ghi số đếm.”[271] Các tỳ-kheo dùng vật báu để ghi số đếm. Phật dạy:

“Không được như vậy. Cho phép dùng xương, ngà, sừng, hoặc đồng, thiếc, chì, kẽm, bạch lạp, đá, viên đất sét để ghi.”

Các tỳ-kheo lo ngại số đếm được ghi bị lạc mất. Phật dạy: “Cho phép làm cái lỗ, dùng dây xâu lại, treo chỗ đại thực, tiểu thực của Tăng, hoặc chỗ ban đêm tập hợp để thuyết giới; hoặc móc trên cây trụ, trên móc ngà voi.”

Một hôm có các trưởng giả đến hỏi Tỳ-kheo:

“Nay là hắc nguyệt hay là bạch nguyệt?”[272]

Các tỳ-kheo không biết, nên ôm lòng hổ thẹn, đem việc này đến bạch đức Phật. Phật dạy: “Cho phép làm ba mươi con số đếm. Mười lăm con số thuộc hắc nguyệt, mười lăm con số thuộc bạch nguyệt.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng số đếm lẫn lộn. Con số ghi hắc nguyệt rơi qua bên số ghi bạch nguyệt. Con số ghi bạch nguyệt rơi qua số ghi hắc nguyệt. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, con số ghi hắc nguyệt nhuộm màu đen. Con số ghi bạch nguyệt nhuộm màu trắng.”

Nếu lo ngại con số chạm nhau bị vỡ, Đức Phật dạy:

“Cho phép khoảng chính giữa dùng vật cách ly.”

Các tỳ-kheo muốn thuyết giới vào ngày thứ mười bốn hoặc ngày thứ mười lăm.[273] Đức Phật dạy: “Nếu vua đổi ngày, thì theo ngày mà vua định.”[274]

Các tỳ-kheo không biết hôm nay thuyết giới hay sáng mai thuyết giới. Đến bạch Phật. Phật dạy:

“Ngày bố-tát, vị Thượng tọa nên xướng rằng: ‘Hôm nay chúng Tăng thuyết giới.’”

Các tỳ-kheo không biết nói vào lúc nào. Đức Phật dạy:

Cho phép đo bóng để định giờ. Rồi báo hiệu bằng gõ thẻ tre, hay đập xuống đất, hoặc đốt khói, hoặc thổi tù và, hoặc đánh trống, hoặc đánh kiền chùy, hay rao bảo nhau: “Thưa các Đại đức, giờ bốtát thuyết giới đã đến.”

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, bèn ở trong vườn hay phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu tương thuận, thuyết giới riêng bộ.[275]

Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quí, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, sao lại tự tiện ở trong vườn hoặc phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ?”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-tân-nậu[276] ở tại trú xứ Tiên nhân, bên núi

Hắc thạch,[277] chỗ yên tịnh tư duy với ý niệm: “Nay ta có đến hay không đến dự [818b] thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.”

Đức Thế Tôn, biết trong tâm trưởng lão Đại Ca-tân-nậu nghĩ như thế. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, thoạt nhiên biến mất khỏi núi Kỳ-xà-quật, Thế Tôn hiện đến trú xứ Tiên nhân, bên núi Hắc thạch, trước mặt Đại Ca-tân-nậu, trải tòa ngồi. Đại Catân-nậu kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết vẫn cố hỏi:

“Vừa rồi nơi chỗ nhàn tịnh, ông tư duy với ý nghĩ: ‘Nay ta có đến hay không đến dự thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.’ Có phải như vậy không?” Trưởng lão thưa: Vâng!

Đức Phật dạy:

“Như vậy, đúng như vậy Ca-tân-nậu! Như lời ông nói, Ông có đến hay không đến dự thuyết giới, ông vẫn thường thanh tịnh bậc nhất. Song, này Ca-tân-nậu, pháp thuyết giới cần phải được cung kính, tôn trọng, thừa sự. Nếu ông không cung kính bố-tát, không tôn trọng thừa sự, thì ai cung kính, tôn trọng, thừa sự? Cho nên ông phải đến dự thuyết giới, không được không đi. Nhưng nên đi bộ, không nên dùng thần túc mà đi. Ta cũng sẽ đến.” Ca-tân-nậu mặc nhiên vâng lời Phật dạy.

Đức Thế Tôn vì nhân duyên này dạy bảo Ca-tân-nậu rồi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay ra, liền biến khỏi trú xứ Tiên nhân, bên núi Hắc thạch, trở lại núi Kỳ-xà-quật, an tọa nơi chỗ ngồi.

II. KẾT GIỚI

1. Giới trường

Bấy giờ, có các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật thuật lại đầy đủ sự việc trên và bảo các tỳ-kheo:

“Ta cho phép các tỳ-kheo tại một trú xứ hòa hợp thuyết giới. Tại sao các ông cùng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng Axà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ? Nếu cùng một trú xứ mà không hòa hợp thuyết giới, mắc tội đột-kết-la. Từ nay về sau cho phép tập hợp lại một chỗ để thuyết giới.”

Các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn cho phép thuyết giới một chỗ, nên cùng đợi nhau. Hoặc cùng đợi nhau tại núi Hắc thạch, Tiên nhân trú xứ. Hoặc đợi nhau tại hang Thất diệp trong núi Tỳ-ha-lặc. Hoặc cùng đợi nơi gò mả. Hoặc cùng đợi nhau bên suối nước; đợi nhau tại khu Ca-lan-đà trong Trúc viên; đợi nhau tại núi Kỳ-xà-quật; hoặc cùng đợi nơi có nhà lớn, nhà ăn, nhà kinh hành, dưới bóng cây, nơi bãi cỏ. Khiến mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, tùy theo người ở nhiều hay ít tại một trú xứ, cùng tập họp lại một chỗ để thuyết giới.”

Các tỳ-kheo [818c] không biết nên thuyết giới chỗ nào. Đức Phật dạy:

“Cho phép làm thuyết giới đường, bằng pháp bạch nhị yết-ma để làm. Tác bạch như vầy: nên xưng tên của địa điểm, như đại đường, trên nhà gác, nhà kinh hành, bên mé sông, dưới bóng cây, bên hòn đá, hoặc chỗ bãi cỏ.v.v... Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, làm thuyết giới đường tại chỗ... Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng tại chỗ... làm thuyết giới đường. Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng tại chỗ... làm thuyết giới đường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận tại chỗ... làm thuyết giới đường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, trước đó đã lập thuyết giới đường trong núi Kỳ-xà-quật. Sau đó lại muốn lập thuyết giới đường tại Ca-lan-đà Trúc viên. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, cho phép giải thuyết giới đường trước, bằng bạch nhị yết-ma để giải. Sau đó kết lại thuyết giới đường. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải thuyết giới đường tại địa điểm... Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay giải thuyết giới đường tại chỗ... Trưởng lão nào chấp thuận Tăng giải thuyết giới đường tại chỗ... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận giải thuyết giới đường tại chỗ... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, có trú xứ làm hai thuyết giới đường. Hai vị doanh sự cùng cạnh tranh nhau. Hai người đều nói chúng Tăng nên đến nơi thuyết giới đường của tôi trước. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép hai vị thay nhau, bắt đầu từ vị Thượng tọa.”[278]

Có trú xứ, đến ngày bố-tát, chúng tập hợp để thuyết giới đông mà nhà thuyết lại nhỏ, không đủ để chứa. Các tỳ-kheo nghĩ rằng:

“Đức Thế Tôn đã chế giới, nếu không kết thuyết giới đường, không được thuyết giới. Nay nên làm thế nào?” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:

“Tăng được tự tại. Kết hay không kết, đều được thuyết giới.”[279]

Có vị tỳ-kheo Thượng tọa đến nơi thuyết giới đường trước; lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la, nên quá mỏi mệt. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật.

Phật dạy: “Từ nay về sau tỳ-kheo nhỏ tuổi nên làm các việc ấy.”

Đến ngày bố-tát [819a1] tỳ-kheo nhỏ tuổi nên đến thuyết giới đường lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì Thượng tọa nên dạy. Nếu Thượng tọa không dạy thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳkheo nhỏ tuổi không nghe theo lời Thượng tọa dạy cũng phạm độtkết-la.

Có khi Thượng tọa thuyết giới rồi, phải ở lại sau, tự mình dọn dẹp sàng tòa, bình tịnh thủy, bình rửa chân, tắt đèn lửa, xá-la, v.v... để mọi thứ lại chỗ cũ, nên quá mệt mỏi. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, thuyết giới rồi, tỳ-kheo nhỏ tuổi phải dọn dẹp bình tịnh thủy, bình rửa chân, đèn lửa, xá-la, để lại chỗ cũ. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì Thượng tọa nên dạy. Thượng tọa không dạy phạm đột-kết-la.”

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, nhóm sáu tỳ-kheo làm các việc như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. [280] Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn dạy:

“Đây là việc làm của vị Thượng tọa.”

Có một trú xứ, Si Hòa-tiên là hàng Thượng tọa, nhưng không có khả năng làm các việc trong ngày thuyết giới như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép thỉnh vị có khả năng để tác pháp thay Thượng tọa. Nếu Thượng tọa không thỉnh người có khả năng, thì phạm đột-kết-la. Nếu vị có khả năng mà không nhận lời thỉnh của Thượng tọa cũng phạm đột-kết-la.”

Bấy giờ, các bạch y hỏi tỳ-kheo, khi thuyết giới có bao nhiêu vị. Các tỳ-kheo không biết số lượng nên hổ thẹn. Đến bạch đức Phật. Phật dạy:

“Cho phép đếm số tỳ-kheo.”

Tuy đếm rồi vẫn quên. Đức Phật dạy:

“Nên đếm xá-la.”[281]

Có vị dùng vật báu làm xá-la. Phật dạy:

Không được dùng vật báu làm xá-la mà nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm. Sợ lạc mất. Phật dạy:

“Nên dùng dây buộc lại.”

Tuy buộc, vẫn còn thất lạc. Phật dạy:

“Nên làm cái hộp để đựng.”

Vị ấy lại dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.” Nếu đựng trong hộp bị đổ ra, Phật dạy:

“Nên làm cái nắp để đậy lại.”

Vị ấy lại dùng vật báu để làm cái nắp. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.”

Các vị không biết để cái hộp ấy vào chỗ nào. Phật dạy:

“Nên để dưới giường dây hoặc giường cây, trên cây trụ, hoặc trên cây long nha, trên móc áo.”

2. Đại giới cộng trú

Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép các [819b] tỳ-kheo đến thành La-duyệt thuyết giới. Các nơi xa nghe, nhưng phải đến tập hợp để thuyết giới nên mỏi mệt. Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

Từ nay về sau, thuyết giới tùy theo từng trú xứ, trong phạm vi hoặc thôn hoặc ấp. Cho phép kết giới bằng pháp bạch nhị yết-ma, như sau:

Xướng tiêu tướng cương giới của mỗi phương: hoặc khoảng không, hoặc cây, hoặc núi, hoặc hang đá, hoặc hang núi cao, hoặc đất trống, hoặc đụn cỏ, hoặc gần bên vườn, hoặc gò mả, hoặc mé nước, hoặc đống đá, hoặc nơi chòm cây, bên đống gai, nơi vực sâu, bên ngòi kênh, hoặc nơi đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... làm tiêu tướng. Một vị xướng tướng bốn phương rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nơi đây kết giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nay Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. “Chúng Tăng đã chấp thuận kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Đức Phật dạy tiếp: Từ nay về sau cho phép kết giới theo pháp thức như vầy: Nên trải tòa, đánh kiền chùy, tất cả đều tập trung lại một chỗ, không cho phép nhận dục. Trong chúng vị nào là tỳ-kheo cựu trú nên xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới: phương đông có núi thì lấy núi làm tiêu tướng; hoặc thôn, hoặc thành, hoặc bờ, hoặc ruộng, hoặc vườn, hoặc rừng, hoặc ao, hoặc cây, hoặc đá, hoặc tường, hoặc miễu thần, hoặc nhà... Như tiêu tướng của phương đông, các phương kia cũng vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng dựa vào nội tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Chúng Tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi.[819c] Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ có trường hợp các tỳ-kheo chỉ cần chúng bốn người để tác yết-ma; hoặc chúng tỳ-kheo năm người, chúng tỳ-kheo mười người, chúng tỳ-kheo hai mươi người, để tác yết-ma. Trong khi đó, tập hợp cả đại chúng rất mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

Cho phép kết giới trường, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy:

Xướng giới tướng bốn phương: hoặc đóng nọc để làm tiêu tướng, hoặc đá, hoặc bờ ruộng... qui định ngang với mức nào đó. Rồi trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Chúng Tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ. Các tỳ-kheo có ý muốn mở rộng giới, hoặc thu hẹp giới lại. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, nếu muốn thay đổi tiêu tướng của giới thì trước hết phải giải cương giới của giới cũ, sau đó mới nới rộng ra hay thu hẹp lại tùy ý. Giải cũng bằng pháp bạch nhị yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nay giải giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Chúng Tăng đã chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

3. Thất y giới

Bấy giờ, có một tỳ-kheo yểm ly, thấy nơi a-lan-nhã có một cái hang lý tưởng, tự nghĩ rằng: “Nếu ta được lìa y để ngủ đêm,[282] thì ta sẽ ở hang này.”

Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, nên kết giới không mất y, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết [820a1] giới không mất y. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, nay Tăng kết giới không mất y. Các trưởng lão nào chấp thuận, nơi đây đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, Tăng kết giới không mất y, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận, nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo thay y để nhà cư sĩ. Trong khi thay y, loã hình. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết giới không mất y trừ thôn và ranh giới ngoài của thôn, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ đồng một thuyết giới. Nay Tăng kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng ở trú xứ này đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới này, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo kết hai giới tiếp nhau. Đức Phật dạy: “Không được như vậy. Cần phải có tiêu tướng.” Hai cương giới chồng lên nhau. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy. Cần phải có khoảng trống giữa hai giới.” Có các tỳ-kheo nọ giải đại giới trước rồi giải giới không mất y. Đức Phật dạy: “Không được như vậy. Trước phải giải giới không mất y, rồi mới giải đại giới.”

Trường hợp kết giới không mất y cách dòng nước chảy mạnh, khi tỳ-kheo đến lấy y, bị nước cuốn trôi. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, không được kết giới không mất y cách bởi dòng nước chảy mạnh, trừ có cầu đi qua lại.”

4. Đại giới liên kết

Bấy giờ có hai trú xứ có lợi dưỡng riêng, thuyết giới riêng. Các tỳkheo muốn kết chung lại thành đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, cho phép giải giới; rồi sau đó mới kết, bằng pháp bạch nhị yết-ma.

Hai trú xứ đều tự giải giới, rồi tập họp hết lại một chỗ; không được nhận [820b] dục. Nên xướng tướng của cương giới bốn phương hoặc chỗ a-lan-nhã, nơi gốc cây, chỗ đất trống, hoặc núi, hoặc hang, hoặc hang núi, cỏ, vườn, rừng, gò, mả, bên sông, hoặc đá, gốc cây chặt trụi, hoặc chòm gai, hoặc hào, kênh, ao, đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... xướng cương giới ngang bằng chỗ nào rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên nên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nay Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.” Bấy giờ có hai trú xứ thuyết giới riêng, có lợi dưỡng riêng. Ý các tỳ-kheo muốn kết thành đồng một thuyết giới nhưng lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, cho phép giải giới, sau đó kết lại bằng bạch nhị yết-ma. Hai bên đều tự giải rồi, tập trung lại một chỗ, không được nhận dục. Nên xướng tướng ở cương giới hoặc a-lan-nhã, hoặc chỗ trống không... cho đến cương giới của thôn như trước. Xưng tên của hai trú xứ. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi đây kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nay Tăng nơi trú xứ này kết đồng một thuyết giới, nhưng lợi dưỡng riêng. Các trưởng lão nào đồng ý, trong phạm vi cương giới bốn phương, Tăng kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý trong cương giới bốn phương nầy kết đồng một thuyết giới nhưng riêng lợi dưỡng rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ có hai trú xứ thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Các tỳkheo muốn thuyết giới riêng nhưng đồng một lợi dưỡng, lý do là để giữ gìn trú xứ. Đức Phật dạy:

Cho phép tập Tăng giải giới, rồi bạch nhị yết-ma kết. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi [820c]trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì để giữ gìn trú xứ vậy. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng nơi trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì muốn giữ gìn trú xứ. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý nơi trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ có hai trú xứ đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Các tỳ-kheo muốn được thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau cho phép tập họp một chỗ để giải giới, rồi tùy theo trú xứ kia, mỗi bên đều tự kết giới.

Bấy giờ có hai trú xứ cách xa nhau, đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Trú xứ kia nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều đem đến trú xứ này, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Trú xứ này nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều mang đến trú xứ kia, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được hai trú xứ cách xa nhau mà đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Từ nay về sau cho phép nói lời như vầy: nếu trú xứ này đặng một ít đồ ăn thức uống cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ này. Trú xứ kia được một ít đồ cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ kia mà thôi.”

5. Tiểu giới

Bấy giờ gặp ngày bố-tát, có số đông tỳ-kheo, trên đường kinh qua đồng trống, không thôn xóm, tâm tự nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn chế giới, phải tập hợp lại một chỗ hòa hợp để thuyết giới. Chúng ta nên làm sao đây?” Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:

“Các tỳ-kheo lắng nghe, nếu ngày bố-tát mà đang đi nơi đồng trống, không có thôn xóm, chúng Tăng nên hòa hợp, tập trung lại một chỗ để cùng nhau thuyết giới. Nếu Tăng hòa hợp không được thì tùy theo đồng Hòa thượng, đồng yết-ma, thiện hữu tri thức, cùng nhau dừng bên đường, tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới để thuyết giới, bằng pháp bạch nhị yết-ma, như vầy:

Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay chừng này tỳ-kheo gồm... vị tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay có chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới. Các trưởng lão nào chấp thuận nay chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận, chừng này tỳ-kheo[821a1] tập hợp kết tiểu giới rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo kết giới rồi, nhưng không giải giới mà bỏ đi, mọi người cơ hiềm; đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Không được không giải giới mà bỏ đi. Nên bạch nhị yết-ma để giải như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải tiểu giới nơi đây. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp để giải tiểu giới này. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải tiểu giới nơi đây thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý giải tiểu giới này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, trời mưa nước sông lớn. Các tỳ-kheo lại kết giới cách một con sông mà đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Ngày mười lăm, muốn qua bên kia sông thuyết giới mà không thể lội qua được, nên không thành tựu được việc thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật dạy:

Không được cách hai bên dòng sông mà kết đồng một thuyết giới, trừ có thuyền, cầu qua lại.

Trường hợp có hai trú xứ cách xa nhau, kết đồng một thuyết giới. Đến ngày mười lăm, các tỳ-kheo muốn đến tụ hợp để thuyết giới mà nội trong ngày không đến kịp nên không thành tựu việc kết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: Không được hai trú xứ cách xa nhau mà kết chung một thuyết giới. Nếu trú xứ cách dòng sông quá xa mà đồng một trú xứ đồng một thuyết giới thì các tỳ-kheo ngày mười lăm thuyết giới, ngày mười bốn phải đến trước; ngày mười bốn thuyết giới, ngày mười ba phải đến trước. Không được nhận dục.

III. TẬP TĂNG

1. Bạch Tăng

1. Trường hợp có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có một tỳ-kheo vào phòng đóng cửa ngủ. Các tỳ-kheo thuyết giới rồi, vừa đứng dậy để giải tán, vị tỳ-kheo ngủ kia nghe tiếng khua động thức dậy, hỏi các tỳ-kheo: “Các Đại đức, muốn đi đâu, không thuyết giới sao?” Các tỳ-kheo trả lời: “Chúng tôi đã thuyết giới rồi. Vậy nãy giờ thầy đi đâu?”

Vị kia nói: “Sáng giờ tôi ở nhà đóng cửa phòng ngủ chứ đi đâu.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Ngày thuyết giới, không được đóng cửa phòng mà ngủ. Từ nay về sau, cho phép vị ngồi gần kiểm tra để biết người nào đến, người nào không đến.

Từ nay cho phép bạch trước, sau đó mới thuyết giới. Văn bạch như vầy:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay là ngày mười lăm, chúng Tăng thuyết [821b] giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch.”

Tác bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.[283]

2. Lúc bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có tỳ-kheo ở một mình tại một trú xứ, tự nghĩ rằng: “Đức Phật chế pháp, nên hòa hợp tập trung lại một chỗ để thuyết giới. Nay ta nên thế nào đây?” Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Các ông nên lắng nghe kỹ: Nếu đến ngày thuyết giới, tỳ-kheo ở một mình, tỳ-kheo ấy nên đến nơi thuyết giới đường, lau quét sạch sẽ, trải tọa cụ, múc bình nước súc miệng và rửa chân, thắp đèn, sắp xá-la. Nếu có khách tỳ-kheo đến, bốn vị hay hơn bốn vị thì tác bạch rồi mới thuyết giới.

Nếu có ba vị thì mỗi vị hướng vào nhau nói: ‘Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo... thanh tịnh.’[284] Nói như vậy ba lần. Nếu có hai vị cũng hướng vào nhau nói: ‘Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tên là... thanh tịnh.’ Nói như vậy ba lần. Nếu có một vị thì nên tâm nghĩ miệng nói: ‘Hôm nay là ngày mười lăm chúng Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo tên là... thanh tịnh.’ Nói như vậy ba lần.

Nếu ba người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ tư, và bạch thuyết giới. Hai người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ ba, mà mỗi người nên nói ba lời. Một người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ hai, nên tâm niệm nói ba lần.

3. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Ngài dạy:

Không được phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng. Không được dùng pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới. Thuyết giới có bốn cách:

Bấy giờ, các tỳ-kheo phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp [821c] chúng, như pháp biệt chúng, như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới. Nếu tỳ-kheo kia phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới thì vị kia không thành thuyết giới. Nếu phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, thì không thành thuyết giới. Chỉ có như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới, gọi là thuyết giới. Nên thuyết giới như vậy, đó là pháp của Ta.

2. Dữ dục

1. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, Tăng tập hợp vì có Tăng sự. Đức Thế Tôn bảo:

“Nay có việc của Tăng, các tỳ-kheo tĩnh lặng.”[285]

Có tỳ-kheo đến bạch Phật: “Bạch Đại Đức, có tỳ-kheo bệnh không đến được.”

Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép dữ dục.[286] Người nhận dục nên đem dục đến.” Vị kia nên gởi dục như vầy: Nên nói, ‘Tôi gởi dục nơi Đại đức’, hay nói, ‘Tôi thuyết dục’, hay nói, ‘Nhớ thuyết dục dùm tôi’, hoặc ra dấu để dữ dục; tất cả đều thành dữ dục. Hoặc nói đầy đủ để dữ dục thì thành dữ dục. Nếu không hiện thân tướng, miệng không thuyết dục thì không thành dữ dục, cần phải dữ dục trở lại.

Nếu tỳ-kheo nhận dục đến chỗ tỳ-kheo bệnh để nhận dục; nhận dục rồi qua đời, hoặc đi chỗ khác, hoặc thôi tu, hoặc vào trong ngoại đạo, hoặc vào nơi bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc minh tướng xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ- kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhân, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; tất cả không thành dữ dục, phải gởi dục cho người khác. Trường hợp đến giữa đường hay đến trong Tăng cũng như vậy. Nếu người nhận dục ngủ, hoặc nhập định hay quên; không cố ý làm như vậy thì thành dữ dục. Nếu cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu bệnh nhân có thể làm được như vậy thì tốt, bằng không thì dìu tỳ-kheo bệnh đến, hay để trên giường cây, giường dây khiêng đến trong Tăng. Nếu sợ khua động tỳ-kheo bệnh ảnh hưởng đến căn bệnh có thể bị chết, thì tất cả chúng Tăng nên đến xung quanh chỗ tỳ-kheo bệnh để tác yết-ma. Nếu số tỳ-kheo bệnh đông mà tập họp được lại một chỗ thì tốt, bằng không thì các tỳ-kheo phải ra ngoài giới tác yết-ma. Không có cách nào được phép biệt chúng tác yết-ma.

2. Bấy giờ, [822a1] đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ để thuyết giới, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: “Đã đến giờ thuyết giới, các ông nên tĩnh lặng.” Khi ấy có tỳ-kheo nọ bạch đức Thế Tôn rằng: “Hiện có tỳ-kheo bệnh không đến được.” Đức Phật dạy:

Từ nay về sau cho phép gởi sự thanh tịnh,[287] cho phép tỳ-kheo đến nhận sự thanh tịnh. Tỳ-kheo kia nên gởi như sau: Nói “Tôi thanh tịnh” tức thành gởi sự thanh tịnh, cho đến, nói đầy đủ để gởi sự thanh tịnh như pháp dữ dục trên, thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu thân không hiện tướng, miệng không nói lên sự thanh tịnh thì không thành gởi sự thanh tịnh. Cũng như pháp gởi dục trên kia, pháp gởi sự thanh tịnh cũng vậy. Nếu người nhận thanh tịnh đến chỗ tỳ-kheo bệnh nhận sự thanh tịnh; khi nhận sự thanh tịnh rồi thì mạng chung hay đi nơi khác, hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc tướng bình minh xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát cha mẹ, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhân, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; thảy đều không thành gởi sự thanh tịnh, cần gởi cho người khác.

Trường hợp đến giữa đường hoặc đến trong chúng cũng như vậy. Người nhận sự thanh tịnh hoặc ngủ, hoặc nhập định hoặc quên, mà không cố ý làm như vậy thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu vị ấy cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳ-kheo bệnh có thể làm như vậy được càng hay, bằng không thể làm được thì nên dìu người bệnh đến hay để trên giường dây, giường cây khiêng đến trong Tăng.

Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ rằng: Nếu khiêng tỳ-kheo bệnh đến sợ bệnh tình tăng thêm, hoặc đưa đến mạng chung, chúng Tăng nên đến đó tác yết-ma thuyết giới. Nếu có số đông tỳ-kheo bệnh thì tập hợp lại một chỗ được thì càng hay, nếu không thì các tỳ-kheo nên ra ngoài giới để tác yết-ma thuyết giới. Nếu không ra ngoài giới thì không được biệt chúng tác yết-ma thuyết giới, không có cách nào cho phép biệt chúng yết-ma thuyết giới.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo gởi dục mà không gởi thanh tịnh, trong Tăng có sự việc khởi lên, không thuyết giới được. Bấy giờ, tỳ-kheo mang dục đến nói:

“Tôi đem dục đến chứ không đem được sự thanh tịnh.” Việc yết-ma thuyết giới được đình lại, khiến các tỳ-kheo mỏi mệt, nên đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Từ nay [822b] về sau, khi gởi dục nên gởi thanh tịnh. Nên nói như sau: “Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dựa theo sự việc, nói:

“Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy theo sự việc này.”

Trong Tăng có nhiều sự việc khác khởi lên, bấy giờ tỳ-kheo đem dục đến nói:

“Tôi đem dục và thanh tịnh cho sự việc này chứ không đem dục và thanh tịnh cho việc khác.” Do vậy, công việc bị đình lại. Các tỳkheo đều bị mỏi mệt, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được theo từng sự việc mà gởi dục và thanh tịnh. Cho phép gởi dục và thanh tịnh cho Tăng sự như pháp.”

Trường hợp tỳ-kheo nhận dục thanh tịnh hoặc qua đời, hoặc thôi tu, hoặc vào trong chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc dấu hiệu bình minh xuất hiện. Các tỳkheo nghĩ, “Gởi dục và thanh tịnh như vậy bị mất hay không?” Đức Phật dạy: “Bị mất.”

Trường hợp tỳ-kheo nhận dục và thanh tịnh trên đường đi bị cách trở,[288] hay nạn giặc, nạn thú dữ, hoặc nước lụt, không thể đến nơi được, bèn từ ngoài cương giới[289] mà đến trong Tăng-già-lam gởi dục thanh tịnh. Các tỳ-kheo nghĩ, có bị mất dục và thanh tịnh chăng ? Đức Phật dạy: “Không mất.”

Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo gởi dục và thanh tịnh gặp mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc trong giới mà không đến được trong Tăng, cho phép từ ngoài cương giới mà đến trong Tăng gởi dục và thanh tịnh, như vậy không bị mất dục. Gởi dục thanh tịnh như vậy là đúng lời Ta dạy.

Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận dữ dục thanh tịnh một người rồi, nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ hai. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”

Vị kia nhận dục thanh tịnh hai người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ ba. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.” Vị kia nhận dục thanh tịnh ba người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ tư. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.” Đức Phật dạy tiếp: “Nếu có thể nhớ tên bao nhiêu thì tùy theo đó nhận nhiều hay ít. Nếu không thể nhớ tên thì nói họ, không thể nhớ họ thì nói tướng mạo. Không nhớ tướng mạo thì nói số đông tỳkheo như pháp Tăng sự dữ dục thanh tịnh.”

3. Thuyết giới

1. Bấy giờ, có một nơi, đến ngày thuyết giới, đại chúng tập hợp thuyết giới, nhưng âm thanh nhỏ, đại chúng không nghe được. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép đứng giữa chúng để thuyết giới. Nếu đứng nói mà vẫn không nghe thì nên lập tòa rất cao giữa chúng để ngồi nói. Nếu vẫn không nghe thì nên làm toà cao chuyển luân[290] đứng thẳng người ngang tầm tay với, từ nơi đó thuyết giới.

“Khi tụng bị quên hay lộn thì tỳ-kheo [822c] ngồi gần nên nhắc. Nếu vẫn quên thì vị tỳ-kheo thứ hai nên thay thế để nói. Nên nói tiếp theo chứ không được nói trở lại.”

2. Trường hợp có việc xảy ra cho tỳ-kheo đem dục thanh tịnh, như việc Tăng, việc Phật, việc Pháp, việc tỳ-kheo bệnh. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, cho phép chuyển trao dục thanh tịnh cho các tỳkheo khác. Nên nói như sau: ‘Tôi nhận dục thanh tịnh cho số đông tỳ-kheo. Vị kia và bản thân tôi, Tăng sự như pháp, gởi dục thanh tịnh.’

3. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói đến tên Hòa thượng, A-xà-lê. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được gọi tên Hòa thượng, A-xà-lê.”

Các tỳ-kheo hỏi với nhau, Hòa thượng, A-xà-lê của thầy tên là gì? Vị kia không dám trả lời.

Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có người hỏi thì cho phép xưng tên của Hòa thượng, A-xàlê.”

Trường hợp tỳ-kheo hành ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, aphù-ha-na, hoặc khi yết-ma lập chế, hoặc khi thọ giới, hoặc khi sai người, hoặc khi giải (yết-ma) thì nên xưng tên Hòa thượng, A-xàlê.

Khi tỳ-kheo có nhân duyên nên xưng tên Hòa thượng, A-xà-lê mà không dám xưng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có nhân duyên thì cho phép xưng danh tự Hòa thượng, A-xà-lê.” Nếu tỳ-kheo bận việc nên dữ dục thanh tịnh, dữ dục rồi, công việc xong, sanh nghi không dám đến chỗ thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu công việc xong nên đến, không đến nên như pháp trị.” Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ không đến chỗ thuyết giới do sợ tỳkheo khác vì mình tác yết-ma ngăn không cho thuyết giới. Các tỳkheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.” Vị kia lại nghĩ không đến chỗ thuyết giới sợ vì thân hữu tri thức của ta tác yết-ma hoặc ngăn việc thuyết giới. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Vị kia lại nghĩ, ta đến chỗ thuyết giới không ngồi, sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Nếu vì thân hậu tri thức mà đến chỗ thuyết giới không ngồi, cũng như vậy.

4. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp đông. Khi sắp thuyết giới, nghe có giặc đến, thảy đếu sợ hãi nên rời chỗ ngồi bỏ đi, [823a1] không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, khi tám nạn sự khởi, hoặc có các duyên, cho phép thuyết giới lược. Tám nạn sự là: vua, giặc cướp, lửa, nước, bệnh, nhân, phi nhân, ác trùng. Các duyên khác là: đại chúng tập hợp đông mà chỗ ngồi ít, hoặc phần đông trong chúng bị bệnh, thì cho phép thuyết giới lược.”

“Trường hợp đại chúng tập hợp đông mà trên chỗ ngồi che không hết, hoặc trời mưa thì cho thuyết giới lược. Hoặc bố-tát nhiều,[291] đêm đã khuya, hoặc có tranh cãi, hoặc luận biện A-tỳ-đàm, Tỳ-ny, hoặc nói pháp quá khuya. Từ nay về sau, cho phép tất cả chúng chưa đứng dậy, khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên tác yết-ma thuyết giới, chứ không có cách nào có thể được phép thọ dục và thanh tịnh cách đêm[292] yết-ma thuyết giới.”

Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, vì nạn duyên cho phép thuyết giới lược, nạn duyên chưa đến gấp, chúng ta có thể thuyết giới đầy đủ. Tỳ-kheo kia nên thuyết giới đầy đủ; không thuyết giới đầy đủ, sẽ như pháp trị.

Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, vì nạn duyên này đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ, chỉ có thể nói đến chín mươi sự.[293] Vị tỳ-kheo nọ nên nói chín mươi sự; không nói sẽ như pháp trị. Các tỳ-kheo có ý nghĩ, vì nạn sự đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ đến chín mươi sự, mà chỉ có thể nói đến ba mươi sự[294] thì nên nói đầy đủ ba mươi sự; không nói sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo nghĩ, vì nạn sự này gần, chúng ta nói đầy đủ ba mươi sự không được, chỉ có thể nói đến hai pháp bất định. Tỳ-kheo nên nói đến hai pháp bất định; không nói sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, các tỳ-kheo khởi nghĩ, vì nạn sự gần quá, chúng ta không thể nói đầy đủ đến hai pháp bất định, có thể nói đến mười ba sự. Vị kia phải nói đến mười ba sự, không nói sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo kia nghĩ, nạn sự này gần, không thể nói đến mười ba việc, có thể nói đến bốn việc. Tỳ-kheo kia nên nói bốn việc; không nói sẽ như pháp trị.

Tỳ-kheo kia nghĩ, vì nạn sự này, chúng ta nói bốn việc không được, chỉ có thể nói bài tựa của giới. Vị kia phải nói đến bài tựa của giới; không nói sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ, nạn sự này đến rồi, chúng ta nói bài tựa của giới không được. Do nhân duyên của nạn sự này, các tỳ-kheo phải rời chỗ ngồi đứng dậy đi liền.

Năm cách [823b] thuyết giới: Nói bài tựa rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa và bốn việc rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn sự và mười ba sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn sự, mười ba sự, và hai việc rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói đầy đủ là thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới.

Lại có năm cách nói: Nói bài tựa và bốn sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn sự và mười ba sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn sự, mười ba sự và hai sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, mười ba sự, hai sự và ba mươi sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói đầy đủ là thứ năm.

Lại có năm cách nói: Nói bài tựa, bốn sự, và mười ba sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn sự, mười ba sự, và hai sự rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, và ba mươi việc rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, ba mươi việc, chín mươi việc rồi, còn lại nên nói ‘Như Tăng thường nghe.’ Nói đầy đủ là cách thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới.

5. Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ có một tỳ-kheo tên là Na-na-do[295] tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ, có khi đến có khi không đến. Các tỳkheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Từ nay về sau, trao cho tỳ-kheo Na-na-do pháp bạch nhị yết-ma tâm loạn cuồng si, theo phương thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ; có khi đến, có khi không đến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc Tăng tác yết-ma thuyết giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ ngày thuyết giới, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nana-do yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc yết-ma thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao cho Na-nado này pháp [823c] cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến đối với việc yết-ma thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận, trao cho tỳ-kheo Na-na-do yết-ma cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Có ba loại cuồng si: Một là khi thuyết giới, nhớ không nhớ, đến không đến. Hai là loại cuồng si nhớ thuyết giới mà không đến. Ba là loại cuồng si không nhớ thuyết giới, không đến. Trong ba loại cuồng si này, loại có nhớ thuyết giới, không nhớ thuyết giới, có đến không đến, tỳ-kheo như vậy chúng Tăng nên trao cho yết-ma cuồng si. Vị kia nhớ thuyết giới mà không đến, chúng Tăng không nên trao yết-ma cuồng si. Vị cuồng si không nhớ thuyết giới cũng không đến, không được trao yết-ma cuồng si.

Tỳ-kheo kia, Tăng trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si chấm dứt, khởi lên ý nghĩ, “Nay ta nên làm thế nào?” Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

Nếu người cuồng si được trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si hết, nên bạch nhị yết-ma để giải, theo pháp thức như sau: Tỳ-kheo Nana-do nên đến giữa chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Na-na-do, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến, Tăng đã cho tôi yết-ma bệnh cuồng si. Nay tôi trở lại được chánh niệm, cầu giải yết-ma cuồng si.”

Cầu xin như vậy ba lần. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, chúng Tăng đã trao cho yết-ma cuồng si. Sau đó bệnh cuồng si hết, nay tỳkheo này cần cầu giải yết-ma bệnh cuồng si. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép giải yết-ma bệnh cuồng si. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước kia mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, Tăng đã trao cho pháp yết-ma bệnh cuồng si. Sau khi trao yết-ma rồi, bệnh cuồng si chấp dứt, nay tỳ-kheo này cần cầu chúng Tăng giải yết-ma cuồng si. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do[824a1] thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận giải yết-ma bệnh cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo đều nghĩ, người được trao cho pháp yết-ma cuồng si rồi, sau đó bệnh lành, được giải yết-ma bệnh cuồng si; thời gian sau, bệnh cuồng si lại trở lại, có được trao pháp yết-ma lại hay không?

Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, tùy theo bệnh cuồng si phát khởi thì trao pháp yết-ma, khi bệnh cuồng si hết thì giải.”

6. Bấy giờ đức Thế Tôn ở nước Chiêm-bà, bên bờ sông Già-già. Vào ngày thứ mười lăm thuyết giới, Thế Tôn ngồi nơi đất trống, chúng Tăng ngồi vây xung quanh. Phần đầu của đêm đã qua, bước sang phần giữa của đêm, Tôn giả A-nan rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa với đức Phật rằng: “Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.”

Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan thấy đức Phật im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm, giữa đêm đã qua, Tôn giả A-nan lại rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

“Đầu đêm, giữa đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.”

Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Tôn giả thấy đức Thế Tôn im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm giữa đêm cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu kêu. Tôn giả liền rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:

“Đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim đã bắt đầu kêu, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới. Đức Phật bảo A-nan:

“Trong chúng có người bất tịnh. Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan im lặng về lại chỗ ngồi. Tôn giả Đại Mụckiền-liên nghĩ, trong chúng này có ai bất tịnh nên đức Như Lai mới nói, ‘Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.’ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền quán sát nhân tâm của chúng, thấy có một vị bất tịnh, ngồi cách đức Như Lai không xa, chẳng phải sa-môn mà xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà nói là phạm hạnh, phạm giới, phạm ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che giấu ác nghiệp, bên trong ôm ấp sự hủ mục, giống như bộng cây không khác. Thấy như vậy rồi, Tôn giả liền nghĩ chính do người này mà đức Phật nói với Tôn giả A-nan, ‘Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.’ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ người kia nói:

“Ngươi đứng dậy! Đức Như Lai đã thấy ngươi rồi, đã [824b] biết ngươi rồi. Ngươi phải mau mau đứng dậy, ra khỏi chỗ này, không được ở nơi đây.”

Tôn giả Mục-liên nắm tay vị ấy kéo ra ngoài cửa, rồi trở vào, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và bạch Phật:

“Trong chúng đã thanh tịnh, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.” Đức Phật nói với Tôn giả Mục-liên:

“Hiện tại, ông không được làm như vậy, và sau này cũng không được làm như vậy. Này Mục-liên, từ nay về sau cho phép tác tự ngôn trị. Nếu không tự ngôn thì không được trị. Từ nay về sau, các ông tự tác yết-ma thuyết giới.”

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

“Đây là lần thuyết giới cuối cùng của Như Lai. Tại sao vậy? Người có phạm không được dự thuyết giới. Người có phạm không được nghe giới. Không được hướng đến người phạm giải tội. Người có tội không được giải tội cho người khác.” Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

“Nước biển cả có tám điều hy hữu, cho nên A-tu-la thích sống nơi đó. [296] Tám điều ấy là:

“Tất cả các dòng sông đều chảy dồn về nơi đó. Đó là một kỳ đặc, A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó. Đó là kỳ đặc thứ hai của nước biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, Mục-liên, năm dòng sông lớn như sông Hằng-hà, Diêmma, Na-tát-la, A-di-la-bà-đề, Ma-hà,[297] khi đã chảy nhập vào biển thì cái tên cũ của nó đều mất. Đó là đặc kỳ thứ ba của biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, nầy Mục-liên, nước năm dòng sông lớn nầy và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm. Đây là kỳ đặc thứ tư mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, toàn bộ nước biển đều cùng một vị là mặn. Đó là kỳ đặc thứ năm của biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa nó vào bờ. Đây là kỳ đặc thứ sáu của biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, này Mục-liên, nước biển sản xuất nhiều trân bảo đặc biệt mà nơi lục địa không có. Các loại trân bảo ấy như vàng bạc, chân châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Đó là kỳ đặc thứ bảy của biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Lại nữa, nầy Mục-liên, nơi đại hải, loài sinh vật có thân hình lớn cư trú nơi đó. Loài sinh vật có thân hình lớn tì dài đến cả một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, ba trăm do-tuần cho đến bảy trăm dotuần. Đây là kỳ đặc thứ tám của biển mà A-tu-la thích vui sống.

“Do tám đặc tánh này của biển cả mà A-tu-la [824c] thích vui sống nơi đó. Cũng như vậy, nầy Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng có tám đặc tánh, khiến cho các đệ tử sau khi thấy rồi đều tự mình thích vui sống trong đó. Tám đặc tánh ấy là:

“Như nước biển lớn đều do tất cả mọi dòng sông chảy về, cũng vậy, Mục-liên, các đệ tử của Ta lần lượt học giới cũng đều trở về giáo pháp của Ta, ở trong đó học các pháp lành. Như vậy, này Mục-liên, đây là một kỳ đặc khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Này Mục-liên, cũng như nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó; các đệ tử của Ta trụ ở trong giới cho đến trọn đời không phạm. Đó là kỳ đặc thứ hai khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Này Mục-liên, như nước năm dòng sông lớn khi chảy về biển cả thì tên cũ của nó đều mất, chỉ còn gọi là biển; cũng như vậy, Mụcliên, trong giáo pháp của Ta bốn chủng tánh sát-lợi, bà-la-môn, tỳxá, thủ-đà, với đức tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo thì cái tên cũ không còn được gọi mà chỉ xưng là Sa-môn Thích tử. Đó là đặc tánh thứ ba của giáo pháp Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Này Mục-liên, cũng như nước năm dòng sông lớn và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm; cũng như vậy, Mục-liên, trong giáo pháp của Ta các tộc tánh, với lòng tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo vào cảnh giới vô dư Niết-bàn mà cảnh giới vô dư Niết-bàn không tăng không giảm. Đó là đặc tính thứ tư trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Mục-liên, cũng như nước trong biển cả đồng một vị mặn; giáo pháp của Ta đồng một vị giải thoát. Này Mục-liên, đây là đặc tánh thứ năm trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Mục-liên, cũng như biển cả không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa vào bờ. Trong giáo pháp của ta cũng như vậy, không chấp nhận thây chết. Thây chết là chẳng phải sa-môn mà tự xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, phạm giới, ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che giấu nghiệp bất thiện, bên trong ôm ấp sự hư mục giống như cây bị thúi trong ruột, tuy ngồi ở trong chúng mà thường xa lìa chúng Tăng, chúng Tăng cũng không gần họ. Mục-liên, đây là đặc tánh thứ sáu trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Mục-liên, cũng như [825a1] nước biển cả sản xuất nhiều trân bảo khác lạ, nơi lục địa không thể có như vàng, bạc, chân châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Trong giáo pháp của Ta cũng sản xuất nhiều trân bảo, như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ thiền, ngũ căn, ngũ lực, thất giác ý, bát hiền Thánh đạo.

Như vậy, này Mục-liên, đó là kỳ đặc thứ bảy trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.

“Này Mục-liên, cũng như nước trong biển cả là nơi cư trú của nhiều loài vật có thân hình lớn hằng trăm do-tuần, cho đến bảy trăm do-tuần. Cũng như vậy, này Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng dung chứa các đại hình, như trong chúng Tăng những vị hướng đến Tu-đà-hoàn, đắc quả Tư-đà-hàm, cho đến những vị hướng đến A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Này Mục-liên, đây là kỳ đặc thứ tám ở trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.”

7. Bấy giờ, một trú xứ đến ngày thuyết giới, có số đông tỳ-kheo ngu si tập trung lại một chỗ, mời vị Thượng tọa thuyết giới. Vị Thượng tọa nói: “Trước đây tôi không tụng giới.”

Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời:

“Không tụng.”

Do vậy không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Số đông tỳ-kheo ngu si không nên tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải yết-ma tụng giới. Nếu không yết-ma tụng giới thì sẽ như pháp trị.” Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ngu si, tập trung ở một chỗ, mời các Thượng tọa thuyết giới. Các Thượng tọa nói:

“Trước đây chúng tôi có tụng, nhưng nay quên rồi.”

Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời: “Trước đây có tụng, nhưng nay quên hết rồi.”

Do đó không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Số đông tỳ-kheo ngu si không được tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng giới, tụng yết-ma cho thông suốt. Nếu không thuộc sẽ như pháp trị. Từ nay về sau cho phép nương nơi tỳ-kheo có khả năng tụng giới để hạ an cư.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo nương nơi vị tụng giới hạ an cư. Trong thời gian an cư vị tụng giới mạng chung. Các tỳ-kheo nghĩ, chúng ta làm thế nào đây? Các tỳ-kheo liền đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy: “Các ông lắng nghe, nếu có tỳ-kheo [825b] nương theo tỳkheo tụng giới hạ an cư; trong khi an cư, vị tụng giới mạng chung, hoặc đi xa hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng ngoại đạo, hoặc đến trong bộ chúng khác, hoặc phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc làm sa-môn với tâm giặc, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhân, hoặc súc sanh, hoặc hai hình. Nếu chưa đến thời kỳ hậu an cư thì nên đến nơi trú xứ gần đó kết hậu an cư. Nếu không được thì nên mời vị ở gần, có khả năng tụng luật đến để an cư. Nếu đã hậu an cư rồi, các tỳ-kheo nên đến nơi trú xứ gần học tụng. Có vị học được bài tựa, hay tụng bốn việc, hoặc tụng mười ba việc, hoặc hai bất định, hoặc ba mươi việc, chín mươi việc, hoặc tụng pháp dư tàn. Vị kia tụng được bao nhiêu thì trở về lại trú xứ dạy lại cho một người tụng. Nếu một người không thể tụng hết thì tùy theo người trước người sau nối tiếp nhau tụng, chứ không được tụng trở lại. Nếu được như vậy thì tốt, bằng không thì chỉ nên thuyết pháp, tụng kinh rồi giải tán.”

Bấy giờ, Nan-đà có người đệ tử thông minh, có khả năng liệu việc. Bạt-nan-đà nói với người ấy rằng:

“Ông cùng tôi du hành trong nhân gian.”

Người kia nói: “Chờ tôi một chút để tôi về xin phép Hòa thượng tôi đã.”

Người kia đến chỗ Nan-đà thưa: “Xin Hòa thượng cho phép con cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian.”

Nan-đà trả lời: “Tùy ý ông.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Nan-đà:

“Tại sao thầy lại cho đệ tử của mình theo Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bốtát.”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem sự việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn cố hỏi Nan-đà rằng:

“Ông có thật cho đệ tử cùng với Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian hay không? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bốtát.”

Nan-đà thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy.”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà:

“Ông làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp samôn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. [825c] Nan-đà, sao ông lại khiến đệ tử cùng Bạtnan-đà du hành trong nhân gian; trong khi ông ấy là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát?”

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:

“Các ông lắng nghe, nếu có đệ tử xin phép Hòa thượng để đi xa thì Hòa thượng nên hỏi đệ tử, ông đi vì mục đích gì? Ai là bạn đồng đi với ông? Ông đến chỗ nào? Nếu việc kinh dinh[298] là sai quấy, hoặc bạn đồng hành sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến là sai quấy thì nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến cũng sai quấy, mà bạn đồng hành tuy có tốt thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến là tốt, bạn đồng hành bất thiện, thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến thì tốt, bạn đồng hành là kẻ thiện, cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến không tốt, bạn đồng hành cũng không tốt, nên ngăn khiến đừng đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành không tốt, cũng nên ngăn đừng cho đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành cũng tốt, thì nên cho phép đi.”

8. Có trú xứ nọ, nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở với nhau. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly là tỳ-kheo khách đến trú xứ này. Các tỳ-kheo ngu si ở trong chúng nầy đều không nghinh tiếp, đón rước, thừa sự. Do không có sự nghinh tiếp thừa sự đúng lễ nên trong ngày ấy Ưu-baly lìa khỏi trú xứ này. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, trú xứ nào có nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở một chỗ, mà có khách tỳ-kheo có khả năng nói pháp, trì luật, trì Ma-di,[299] có thể nói nghĩa khế kinh đến; các tỳ-kheo ở đó khi nghe, phải ra ngoài trú xứ nửa do-tuần đón rước, thừa sự nghinh tiếp, cung cấp nước tắm rửa, các thứ cần dùng, thức ăn thức uống. Nếu không vậy sẽ như pháp trị.”

4. Sám hối

1. Trường hợp trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở, ngay ngày thuyết giới phạm tội, tự tâm suy nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận người khác sám hối, nay ta nên làm thế nào?” Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, nếu ngày thuyết giới có tỳ-kheo phạm tội, suy nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, [826a1] không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Tỳ-kheo kia nên đến chỗ tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Vị tỳ-kheo thanh tịnh kia là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch:

“Đại đức nhớ cho, tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội... nay đến trước Đại đức sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì an vui, không sám hối không an vui. Tôi nhớ nghĩ có phạm tội, phát lồ, biết mà không che giấu. Nguyện trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ thanh tịnh bốtát.”

Thưa như vậy ba lần. Vị kia nên nói:

“Ngươi nên sanh tâm yểm ly.”

Tỳ-kheo trả lời: “Vâng.”

Tác pháp như vậy rồi mới được phép nghe thuyết giới.”

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới có một tỳ-kheo đối với vấn đề phạm tội có sự nghi ngờ, tự nghĩ rằng, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?” Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo.

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, ngày thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội phạm sanh nghi, tự nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm không được nhận sự sám hối của người khác.

Tỳ-kheo kia nên đến trước tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch như sau:

“Tôi tên là... đối với việc phạm tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức tự nói lên điều đó. Sau này, khi không còn sự nghi ngờ nữa, tôi sẽ sám hối như pháp.”

Thưa như vậy rồi mới được phép nghe giới.”

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội tự nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?” Vị ấy nói với vị thuyết giới rằng: “Ngưng một chút! khoan thuyết giới! Tôi phạm tội. Tôi muốn đến trưởng lão để sám hối.”

Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông hãy lắng nghe, nếu ở trú xứ nào đó chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội. Tỳ-kheo [826b] ấy bị người cử tội hay không, hoặc tác ức niệm, hoặc không tác ức niệm, tự nhớ tội mà phát lồ, tự biết có tội như vậy, nên nói với người một bên rằng: ‘Tôi phạm tội... nay hướng đến trưởng lão sám hối.’ Vị ấy nghĩ, dầu chỉ nói với người bên cạnh cũng sợ ồn ào, chúng Tăng không thành thuyết giới, Tỳkheo kia nên tâm niệm đợi khi giải tán rồi sẽ như pháp sám hối.

Với tâm niệm như vậy rồi, mới được phép nghe thuyết giới.” Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi, bèn nghĩ, ‘Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?” Vị ấy liền nói với người thuyết giới rằng: “Thầy ngưng một chút. Tôi nghi có phạm tội.... muốn đến trưởng lão nói lên điều đó.”

Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Các ông hãy lắng nghe, nếu chúng Tăng tập hợp tại một chỗ muốn thuyết giới, ngay khi thuyết giới có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi. Tỳ-kheo kia có bị cử tội hay không, có tác ức niệm hay không, vị kia nhớ lấy điều tội lỗi, nên nói với vị ngồi gần rằng: ‘Tôi đối với tội có sanh nghi, nay hướng đến trưởng lão nói lên điều đó, đợi giải tán rồi, lúc không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.’

“Vị ấy lại nghĩ, ta hướng đến vị ngồi gần nói như vậy, sợ ồn ào trở ngại việc thuyết giới chúng Tăng, thì vị kia nên tâm niệm: đợi giải tán rồi, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối. Với tâm niệm như vậy rồi, được phép nghe thuyết giới.”

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ nọ tất cả Tăng đều phạm tội, nên cùng nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?” Những tỳ-kheo này liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, nếu có trú xứ nào mà tất cả Tăng đều phạm tội, do đó nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp như vậy, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm tội đến thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân [826c] rồi tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau:

“Tôi tên là... phạm tội.... nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó.”

Vị nhận sám nên nói:

“Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.”

Tỳ-kheo thưa:

“Xin vâng.”

Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch như sau:

“Tôi phạm tội... nay hướng đến các Đại đức để nói lên điều đó.”

Vị nhận sám nên nói:

“Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.” Phạm nhân thưa:

“Xin vâng.”

Tỳ-kheo này nên trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo nơi trú xứ đó nên hướng đến vị tỳ-kheo này để nói lên tội phạm của mình rồi sẽ thuyết giới.”

Bấy giờ, có trú xứ nọ, tất cả Tăng đều nghi mình có tội và đều nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?” Các vị liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông hãy lắng nghe, nếu trú xứ nào đó mà tất cả đối với tội sanh nghi, do đó nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm đến, thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau:

“Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.”

Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị tỳ-kheo đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch:

“Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này không còn nghi, sẽ như pháp sám hối.”

Tỳ-kheo kia trở về trú xứ cũ. Các tỳ-kheo nên hướng đến tỳ-kheo này nói lên tội phạm của mình rồi, sau đó mới thuyết giới.

Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không [827a1] được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông hãy lắng nghe, Chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên mọi người tự nghĩ, ‘Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm giới không được nhận sự sám hối của người khác.’ Các tỳ-kheo kia tác bạch rồi mới sám hối, bằng lời văn như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tất cả Chúng Tăng nầy đều phạm tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tất cả Tăng xin sám hối. Đây là lời tác bạch.”

Bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.”

Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đối với tội có điều nghi, nên mọi người tự nghĩ, “Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?”

Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật.

Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, nếu chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới; ngay khi thuyết giới tất cả Tăng đối với tội sanh nghi, nên nghĩ, ‘Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác.’ Tất cả Tăng đó nên tác bạch rồi, mới nói tội phạm, bằng lời văn như sau:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tất cả Tăng ở đây đối với tội có điều nghi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chúng Tăng ở đây tự nói lên tội của mình. Đây là lời tác bạch.”

Tác bạch rồi, sau đó mới thuyết giới.”

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội, song không biết tên tội đã phạm, không biết tướng của tội. Các tỳ-kheo tự nghĩ, “Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội mà không biết tên tội, không biết tội tướng. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di đến, nên tới chỗ vị đó, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

“Bạch Đại đức! Có tỳ-kheo làm như vậy, như vậy, thì thuộc về tội phạm gì?” Vị trì luật kia trả lời, làm như vậy thuộc về tội v.v… Khách tỳ-kheo [827b] biết tỳ-kheo kia dễ dàng nhận sự dạy bảo thì dẫn đến chỗ vắng. Khiến các tỳ-kheo đứng chỗ mắt thấy tai không nghe, sai vị ấy sám hối như pháp. Sám hối rồi, vị ấy trở về chỗ các tỳ-kheo kia. Các tỳ-kheo nói như vầy:

“Tỳ-kheo này phạm tội, nay đã sám hối.”

Các tỳ-kheo khác còn lại tin tỳ-kheo ấy đã sám hối như vậy là tốt, bằng không tin sự sám hối của vị ấy thì các tỳ-kheo còn lại ấy không được cưỡng bức khiến sám hối.”

5. Hạn kỳ

1. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới. Khách tỳkheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu trú tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Các tỳ-kheo không biết nên như thế nào, liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, nếu có trú xứ, vào ngày thuyết giới có khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳkheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo ít nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không như vậy sẽ như pháp trị.”

Bấy giờ, có trú xứ, ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới, số lượng bằng với cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo bằng với cựu tỳ-kheo thì nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không theo sẽ như pháp trị. Nếu ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Cựu tỳ-kheo ít nên theo khách tỳ-kheo để cần sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, cựu tỳkheo nên ra ngoài giới để thuyết giới.

Ngày thuyết giới đến, có trú xứ nọ, khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo ít nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu cùng hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳkheo nên ra ngoài giới thuyết giới.

Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới bằng với số lượng cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo bằng, nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới để thuyết giới.

Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Cựu tỳ-kheo ít, nên theo khách tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu theo được thì tốt. Bằng không, sẽ như pháp trị.

Ngay ngày thuyết giới khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳkheo thuyết giới ngày mười sáu,[300] cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm cũng như vậy.

2. Ngày thuyết giới, tại trú xứ kia cựu [827c] tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số ít. Các vị ấy nghĩ, “Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền thưa các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu ngày thuyết giới, có trú xứ mà cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới; khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Cựu tỳ-kheo nếu đã thuyết tựa giới xong thì khách tỳ-kheo nên bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo ít, nên báo thanh tịnh. Không báo thanh tịnh, sẽ như pháp trị.”

Ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo sắp sửa thuyết giới. Khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới. Không thuyết, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, nhưng cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy; khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ, cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Lúc ấy, có khách tỳ-kheo đến với số lượng đông, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số đông, cựu tỳkheo nên cùng thuyết giới trở lại.[301] Không vậy sẽ trị như pháp.

3. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, sắp sửa thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít. Nếu khách tỳkheo đã nói xong bài tựa của giới thì cựu tỳ-kheo nên cáo bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít thì nên cáo bạch thanh tịnh, bằng không sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, muốn thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Khách tỳkheo nên cùng thuyết giới, không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy. Cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi muốn thuyết giới. Cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy sẽ như pháp trị.

Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. Khách tỳkheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến [828a1] cũng như vậy.

4. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, bèn nói: “Nếu chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.” Họ bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, khách tỳ-kheo nghĩ, “Chúng ta nên giải quyết thế nào?”

Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Các ông lắng nghe, nếu ngày thuyết giới, trú xứ kia có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nên nói, ‘Chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.’ Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ- kheo đến với số lượng ít hơn. Nếu đã nói xong bài tựa của giới thì nên báo thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít hơn thì nên báo thanh tịnh. Không vậy, sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, nếu không sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị. Có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo tới biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông hơn, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị.

6. Phá yết-ma

Có trú xứ, đến ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo đến, biết khách tỳkheo chưa đến, hoặc ít, hoặc bằng hay nhiều hơn cũng vậy. Khách tỳ-kheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy.

1. Hoặc nói, nên thuyết giới. Hoặc nói, không nên thuyết giới. Hoặc người không đến,[302] bèn nói “Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!” Muốn làm mọi cách để phá hoại người khác, bèn tác y [828b] thuyết giới. Kia tác yết-ma thuyết giới không thành, mắc tội thâu-lan-giá.[303]

Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới, thấy phòng xá trú xứ cựu tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo liền nghĩ, “Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳkheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông nên lắng nghe, nếu trú xứ nào mà ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến thấy cựu trú tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, hòn đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại có tội.[304] Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, liền kêu. Nếu không kêu, liền tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại mắc tội.”

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm, tìm kiếm mà không được, nói “Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!” Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.[305]

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành nhưng không phạm.

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm được, hòa hợp tác yết-ma thuyết giới, thành yết-ma thuyết giới, không phạm. Thấy và nghi cũng như vậy.

2. Bấy giờ, tại trú xứ kia cựu tỳ-kheo đến thấy dấu hiệu của khách Tỳ-kheo, như y bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, chỗ rửa chân. Thấy rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia tác yết-ma thuyết giới không thành, lại có tội.

Nếu thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, nên gọi. Nếu không gọi mà tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới lại có tội.

Thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, liền nói, “Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!” Dùng nhiều phương tiện muốn người kia bị phá hoại, bèn tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành, lại phạm thâu-lan-giá.

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, bèn gọi. Gọi rồi, tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới tuy không thành nhưng không phạm.

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới thành tựu và không phạm

Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

3. Bấy giờ, [828c] vào ngày thuyết giới, tại một trú xứ nọ, khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp; nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Họ không biết làm thế nào, liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Các ông lắng nghe, nếu ngày thuyết giới, trú xứ có khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp, nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu mà lại mắc tội.”

Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được, không gọi. Tác y thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu lại mắc tội.

Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được mà lại không gọi, bèn nói “Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!” Làm mọi phương tiện muốn cho người kia phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.

Nếu nghe rồi tìm kiếm. Kiếm không được, bèn gọi, rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy yết-ma của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội.

Nghe rồi tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì yết-ma thuyết giới tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

5. Bấy giờ, tại một trú xứ, vào ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, nghe tiếng của khách tỳ-kheo đi kinh hành, tiếng tằng hắng, tụng kinh, nói pháp, đập, dũ y. Nghe rồi không tìm kiếm lại tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội.

Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội.

Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, lại nói “Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!” Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.

Nghe rồi tìm. Tìm không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội.

Nghe rồi tìm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành, và không tội.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

6. Bấy giờ, tại trú xứ nọ, vào ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến thấy [829a1] cựu tỳ-kheo ở trên giới trường.[306] Thấy mà không tìm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo nghĩ, “Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Các ông lắng nghe, tại một trú xứ, vào ngày thuyết giới, khách tỳkheo đến thấy cựu tỳ-kheo ở trên giới trường, thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.”

Nếu thấy rồi liền tìm. Tìm mà không được, nhưng không gọi, tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.

Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội.

Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

7. Bấy giờ, tại một trú xứ, vào ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến thấy khách tỳ-kheo ở trên giới trường. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.

Nếu thấy rồi liền tìm, tìm không được mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.

Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Bấy giờ, tại trú xứ nọ, vào ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến nghe cựu tỳ-kheo ở trên giới trường. Nghe rồi không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Nghe rồi tìm. Tìm rồi không kêu, mà tác y thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.

Nghe rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

Cựu tỳ-kheo đến, nghe khách tỳ-kheo ở trên giới trường cũng như vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

8. Bấy giờ, tại trú xứ nọ, vào ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, họ nghĩ, “Chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo.

Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Các ông lắng nghe, nếu tại một trú xứ kia, vào ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới; thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành tựu, mà có tội.”

Thấy mà tìm. [829b] Tìm nhưng không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới không thành tựu, lại có tội.

Thấy dấu hiệu liền tìm, tìm rồi gọi, gọi rồi hòa hợp tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

9. Có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, thấy khách tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Thấy nhưng nghi cũng như vậy. Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Nghenghi cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo ở trong giới cũng vậy.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

7. Chuyển trú xứ

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, “Chúng ta hãy đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ mà không tỳ-kheo,[307] để tránh các tỳ-kheo khác tác yết-ma chống lại chúng ta, hoặc ngăn thuyết giới.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật.

Đức Phật dạy:

“Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ không tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.”

Tỳ-kheo kia có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không Tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.

Đức Phật dạy:

“Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.”

Tỳ-kheo kia nghĩ, ta hãy đi từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.

Đức Phật dạy:

“Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.

“Nếu không có Tăng cùng đi, hoặc không có nạn sự mà đi,[308] phạm đột-kết-la.”

Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳkheo không trú xứ cũng vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo không trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ [829c] không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ không trú xứ cũng như vậy. Hoặc vì thân hậu tri thức cũng như vậy.

8. Hòa hiệp thuyết giới

1. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ nên đến trong chùa (Tăng) ngăn các tỳ-kheo khác rằng, “Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.” Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

“Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ đến trong chùa ngăn các tỳkheo rằng, ‘Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳkheo.’ Cũng không được trước tỳ-kheo-ni mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.”[309]

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đến trong chùa, ngăn các tỳ-kheo khác: “Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác ‘Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.’ Cũng không được trước thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.”

Các tỳ-kheo-ni kia, lại có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được đối trước bạch y tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.”

2. Bấy giờ, vua Bình-sa nước Ma-kiệt vì đức Phật và chúng Tăng nên sai các vị tướng đến bảo vệ Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo nói với các vị tướng rằng: “Quý vị nên ra ngoài, chúng tôi muốn tác yết-ma thuyết giới.”

Các vị tướng trả lời: “Vua Bình-sa sai chúng tôi đến đây để bảo vệ đức Phật và chúng Tăng. Ý của vua, chúng tôi không dám sai phạm. Chúng tôi không thể ra ngoài.”

Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch với Phật. Đức Phật dạy: “Nên hòa nhã khéo léo nói để cho họ ra ngoài được càng tốt. Bằng không, các ông nên tự bảo nhau ra ngoài, đến chỗ không thấy không nghe, tác yết-ma cùng thuyết giới. Không được ở trước người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.”

3. Bấy giờ, có thiên long quỷ thần đến nghe thuyết giới. Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy, với tâm sợ hãi, nghĩ rằng, “Đức Thế Tôn chế [830a1] giới không cho chúng ta đối diện với người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.”

Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép trừ ở trước (loài) người chưa thọ đại giới, ngoài ra được phép tác yết-ma thuyết giới.”

4. Bấy giờ, chúng Tăng ở Câu-thiểm-di bị phá làm hai bộ. Các tỳkheo muốn đến Xá-vệ để hòa hợp. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép bạch rồi, sau đó mới hòa hợp.” Văn bạch như sau:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Vì do tranh sự đã khiến Tăng đấu tranh, hai bên không hòa hợp. Người phạm tội kia đã được cử tội, trở lại giải tội, trần cấu của Tăng đã chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp. Đây là lời tác bạch.”

Nên tác bạch như vậy, rồi tác pháp hòa hợp.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

“Kính bạch đức Thế Tôn, nhân tránh sự mà chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, Tăng chia rẽ phân làm hai bộ. Nhưng sự việc này chưa quyết đoán trừ diệt, chúng Tăng có thành hòa hợp như pháp hay không?” Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:

“Nếu nhân bởi tránh sự chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ, phân làm hai bộ. Nếu trong đó có thể cải hối không nêu tội lẫn nhau, thì đây được gọi là chúng Tăng y theo pháp hòa hợp.”

Từ nay về sau, cho phép bạch trước như vậy, rồi sau đó thuyết giới:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Chúng Tăng do vì tránh sự nên Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị cáu bẩn, Tăng chia rẻ phân làm hai bộ. Người kia tự biết phạm tội, nay đã cải hối trừ diệt trần cấu của Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch”

Bạch như vậy rồi, sau đó hòa hợp thuyết giới.[310]

CHƯƠNG III - AN CƯ

1. Kết giới an cư

[830b7] 1. Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian. Gặp tháng mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ cơ hiềm:

“Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, đạp chết cỏ non. Bên ngoài tự nói tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì gọi là chánh pháp? Trong ba mùa xuân, hạ và đông du hành trong nhân gian. Mùa hạ trời mưa nước lớn, trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác. Pháp của các ngoại đạo còn an cư ba tháng, mà các Thích tử này trong ba mùa xuân, hạ và đông đều du hành trong nhân gian, trời mưa nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác. Cho đến như các loài chim, côn trùng, còn có hang tổ là trú xứ nghỉ ngơi của chúng. Sa-môn Thích tử ba mùa xuân, hạ và đông, du hành trong nhân gian, trời mưa nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non, đoạn mạng sống của các loài khác.”

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, biết hổ thẹn, sống khổ hạnh, ưa học giới, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Sao các thầy du hành trong nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông? Mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ tin tưởng cây cỏ có mạng sống[311], khiến họ cơ hiềm nên có mắc tội hay chăng?’”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo: “Các ông làm đều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên [830c] làm. Nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông du hành trong nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông? Mùa hạ, trời mưa, nước lớn trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đạp chết cỏ non. Các cư sĩ tin tưởng cây cỏ có mạng sống, khiến họ cơ hiềm nên có mắc tội hay chăng?’” Dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: “Các ông không được du hành nhân gian suốt cả ba mùa xuân, hạ, đông. Từ nay về sau, cho phép các tỳkheo an cư ba tháng mùa hạ, bạch với người chỗ mình đang sống rằng: ‘Tôi hạ an cư nơi trú xứ này.’ Hoặc thưa: ‘Trưởng lão một lòng nghĩ đến cho. Tôi tỳ-kheo tên là... nương tựa nơi tụ lạc... hay Tăng-già-lam... hoặc nơi phòng... an cư ba tháng trước của mùa hạ. Phòng xá bị hư hỏng cần phải sửa chữa.’ Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Pháp an cư ba tháng sau của mùa hạ cũng như vậy.”

2. Các tỳ-kheo ở trong một trú xứ không có người để nương tựa, không biết bạch với ai. Các tỳ-kheo nghi không biết thành an cư hay không, liền bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: “Phát khởi ý vì an cư liền thành an cư. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo, nếu không có người để nương tựa thì tâm niệm an cư.” Tỳ-kheo ở trong trú xứ muốn an cư mà không có người để nương tựa, không bạch chỗ an cư, quên không tâm niệm an cư, nghi không biết thành an cư hay không đến bạch Phật. Phật dạy: “Nếu vì an cư mà đến, liền thành an cư.”

3. Các tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, vào trong cương giới, tướng bình minh xuất hiện,[312] nghi không biết có thành an cư hay không, liền đến bạch đức Thế Tôn. Phật dạy:

“Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.”

Tỳ-kheo ở chỗ an cư, muốn an cư, vào trong vườn của Tăng, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, liền đến bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy: “Nếu vì an cư mà đến tức thành an cư.”

Tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, một chân vào trong cương giới, một chân ngoài cương giới, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, bèn bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:

“Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.”

Tỳ-kheo đến chỗ an cư, muốn an cư, một chân vào trong Tăng viên, một chân ngoài Tăng viên, tướng bình minh xuất hiện, nghi không biết thành an cư hay không, liền bạch đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: “Nếu vì an cư mà đến liền thành an cư.”

[831a1] Nếu an cư xong rồi, khách tỳ-kheo đến dời chỗ của cựu tỳkheo. Đức Phật dạy:

“Không được dời. Cũng không nên đi.”

2. Phân phòng xá

1. Tại một trú xứ, các tỳ-kheo không xem kỹ phòng xá ngọa cụ, liền nhận phải phòng không tốt, ngọa cụ xấu, nên nổi sân, nói với cựu tỳ-kheo:

“Tâm thầy không bình đẳng. Người nào thầy ưa thì thầy trao cho phòng tốt, ngọa cụ tốt; người nào thầy không ưa, thầy trao cho phòng xấu, ngọa cụ xấu. Thầy không ưa tôi, nên thầy trao cho tôi phòng xấu, ngọa cụ xấu!”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

“Nếu tỳ-kheo muốn an cư nơi trú xứ nào thì tự mình nên đến trước xem coi phòng xá, ngọa cụ, sau đó mới nhận phòng. Từ nay về sau cho phép phân phòng xá, phân ngọa cụ. Nên sai người phân phòng xá, phân ngọa cụ bằng bạch nhị yết-ma.”

Người có năm pháp sau đây không nên sai phân chia phòng xá, ngọa cụ: thiên vị, hay giận, nhát sợ, ngu si, không biết nên chia hay không nên chia.

Người có năm pháp sau đây nên sai phân chia phòng xá, ngọa cụ: không thiên vị, không hay giận, không sợ, không si, biết nên chia hay không nên chia. Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc là bậc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng (thuộc) luật được hay không tụng (thuộc) luật được, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên... chia ngọa cụ, phòng xá. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói.

“Tăng đã chấp thuận sai Tỳ-kheo... chia phòng xá, ngọa cụ rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

2. Sai người phân chia phòng xá, ngọa cụ rồi, nên đếm số tỳ-kheo, đếm số phòng xá, số ngọa cụ. Vị kia nên hỏi bao nhiêu phòng có người ở, bao nhiêu phòng trống, bao nhiêu phòng có ngọa cụ, bao nhiêu phòng không có ngọa cụ, bao nhiêu phòng có chăn, bao nhiêu phòng không có chăn, bao nhiêu phòng có lợi dưỡng, bao nhiêu phòng không có lợi dưỡng, bao nhiêu phòng có đồ vật, bao nhiêu phòng không có vật dụng, bao nhiêu phòng có đàn-việt thí y, bao nhiêu phòng không có đàn-việt thí y, bao nhiêu phòng có phước nhiêu,[313] bao nhiêu phòng không có phước nhiêu, ai là người kinh dinh phòng chủ.[314] Nếu có người kinh dinh thì nên hỏi, “Trưởng lão muốn trụ nơi phòng nào? Không trụ [831b] nơi phòng nào?”[315] Vị kia biết rõ số lượng phòng xá, ngọa cụ rồi, đến trước Thượng tọa thưa:

“Đại đức Thượng tọa, phòng xá như vậy, ngọa cụ như vậy, tùy ý

Thượng tọa nhận lấy phòng xá nào?”

Trao phòng cho Thượng tọa rồi, kế đến vị Thượng tọa thứ hai, thứ ba, thứ tự cho đến vị hạ tọa cuối cùng. Nếu có dư phòng hay ngọa cụ thì nên từ Thượng tọa phân lại. Có dư nữa thì cũng từ Thượng tọa phân lại. Nếu có dư nhiều thì nên để dành phần cho khách tỳkheo đến. Có khách tỳ-kheo đến thì nên phân. Ác tỳ-kheo đến thì không nên phân. Thiện tỳ-kheo đến thì nên phân. Nếu có dư thì để dành. Trường hợp để dành phòng thì không được ngăn. Ai ngăn sẽ như pháp trị.

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận phải phòng hư mục, có ý nghĩ: “Phòng này phải tu sửa, ta không nên nhận.” Các tỳ-kheo liền bạch đức Thế Tôn, đức Thế Tôn dạy:

“Nên nhận, rồi theo khả năng tu sửa lại.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo phân chia nhà hội của Tăng,[316] hoặc nhà tắm nóng,[317] hoặc hạ đường,[318] hoặc nhà kinh hành, khách tỳ-kheo đến không có phòng ở. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên phân chia nhà hội của Tăng, hay nhà tắm nóng, hoặc hạ đường, hoặc nhà kinh hành. Hoặc gác dưới là chỗ Tăng tập hợp thì gác trên nên chia cho Tăng ở. Nếu gác trên là chỗ Tăng tập hợp thì nhà gác dưới nên chia cho Tăng ở.”

3. Các tỳ-kheo đi xem khắp phòng xá, thấy một cái hang nơi a-lannhã, bèn nghĩ: “Ta sẽ an cư nơi hang này.” Sau đó lại có các tỳkheo khác thấy cái hang a-lan-nhã này, cũng lại nghĩ: “Ta nên an cư nơi đây.” Trong vòng mười sáu ngày đầu đã có số đông tỳ-kheo cùng tập hợp ở nơi hang này, vì chật hẹp nên sanh nhiều tật bệnh. Các tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn. Ngài dạy:

“Nếu tỳ-kheo muốn an cư một chỗ như vậy, vị nào đến đó trước, phải làm dấu, hoặc làm dấu bằng tay, hoặc vẽ vòng tròn, hoặc tượng Ma-hê-đà-la,[319] hoặc hình lượn sóng, hoặc hình dây nho, hoặc làm cái hoa, hoặc vẽ năm sắc, hoặc viết tên mình... là muốn an cư nơi đây.”

Đức Phật cho phép ai làm dấu báo hiệu như vậy trước thì người đó ở. Tỳ-kheo trụ nơi đây, khi đi không xóa tên, hay dấu hiệu; các tỳkheo khác thấy, đã có người chiếm trước rồi nên không dám ở. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên không xoá tên hay dấu hiệu mà bỏ đi.”

3. Phân ngọa cụ

[831c] 1 . Bấy giờ nhân dân vùng biên quốc làm phản, vua Ba-tưnặc đích thân cầm quân đến chinh phạt. Các tỳ-kheo đến vùng biên quốc, nơi đó phòng xá chật hẹp, không đủ dung chứa. Các tỳ-kheo nói như vầy: “Phải chi đức Phật dạy chúng ta nên phân chia ngọa cụ.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép phân chia bằng giường nằm. Nếu không đủ thì chia đều giường dây. Nếu vẫn không đủ thì chia đều chỗ ngồi.”

Tỳ-kheo kia di chuyển giường cố định, chăn mền, ngọa cụ nơi phòng này đến các phòng khác. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được di chuyển.”

Có phòng nhiều ngọa cụ, có phòng ít ngọa cụ. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép các tỳ-kheo nói với vị cựu trú, hoặc vị chủ phật-đồ,[320] hoặc nhờ người tri sự. Trường hợp ba tháng an cư nhận được phòng như vậy thì nên nói với các vị trên, rồi sau đó mới di chuyển.”

Các tỳ-kheo không hoàn ngọa cụ lại nơi phòng cũ, bỏ đi. Tỳ-kheo đến sau, tưởng là ngọa cụ của phòng này bèn xử dụng. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên không hoàn ngọa cụ lại nơi phòng cũ mà bỏ đi. Phải hoàn lại ngọa cụ cho phòng cũ trước khi đi. Không vậy, sẽ như pháp trị.”

Bấy giờ có phòng xá bị hư hoại. Các tỳ-kheo e ngại, vì đức Phật không cho phép di chuyển ngọa cụ từ phòng này đến phòng khác. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đức Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu phòng xá bị hư hoại thì cho phép dời ngọa cụ phòng này qua các phòng khác.”

Ngọa cụ được dời mà không dùng nên bị sâu trùng phá hư nát. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên xử dụng ngọa cụ ấy.”

Khi đức Phật cho phép xử dụng, có vị lại không dùng rửa chân, không dùng lau chân, mà dùng làm áo lót thân. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên dùng rửa chân, lau chân và không nên làm áo lót.”

Các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật dạy không được làm áo lót nên không dám xúc phạm bằng tay chân. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ đầu gối trở lên, từ nách trở xuống không được lót thân, chứ tay chân xúc chạm không sao.”

Bấy giờ các đàn-việt bố thí áo lót cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo cẩn thận không dám nhận, vì đức Phật không cho phép dùng áo lót thân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Đàn-việt dâng cúng, cho phép tùy ý nhận.”

Có vị sửa chữa phòng xá rồi, không đem ngọa cụ của phòng này trả lại chỗ cũ. Các tỳ-kheo đem việc này [832a1] bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Sửa chữa phòng xá rồi nên trả ngọa cụ trước đó di chuyển đến phòng khác trở về lại chỗ cũ. Không vậy, sẽ như pháp trị.” Có tỳ-kheo di chuyển ngọa cụ nơi chùa này đem đến các chùa khác. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được di chuyển ngọa cụ chùa này đem đến các chùa khác.” Trường hợp vì sự khủng bố hoặc oan gia, hoặc nhân dân phản loạn, hoặc quốc ấp bị phá hoại, nhân dân bị phá tán, trú xứ cũng hư hoại; các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật không cho phép dời ngọa cụ cố định nơi chùa này đến chùa khác. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có sự khủng bố, oan gia, hoặc quốc ấp phản loạn, nhân dân phá tán, trú xứ cũng hư hoại, thì cho phép di chuyển ngoạ cụ đến nơi khác.”

Khi dời ngọa cụ, các tỳ-kheo e ngại vì đức Phật dạy không cho phép dùng ngọa cụ của Tăng lót thân nên không cất giữ tốt. Các tỳkheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tùy nghi cất dấu và di chuyển. Nếu có các tỳ-kheo nào khác đến hỏi mượn thì không nên trao cho, trừ trường hợp có thể tin, sau này họ có thể trả lại thì nên đưa.”

Trường hợp sau khi quốc ấp trở lại yên bình, nhân dân trở về lại, nhà chùa phục hồi mà ngọa cụ không được trả lại. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu quốc ấp trở lại yên bình, nhân dân trở về lại, nhà chùa phục hồi, thì nên trả lại ngọa cụ cho chùa. Không trả, sẽ như pháp trị.” Bấy giờ có trú xứ chúng Tăng bốn phương[321] nhận được nhiều loại ngọa cụ bất định, giường dây, giường cây, loại tốt, loại xấu, chăn mền, gối các loại dệt bằng lông, các thứ trải trên đất, bình nước rửa, gậy, quạt. Các tỳ-kheo không biết nên phân chia như thế nào, đem thưa hỏi đức Phật. Phật dạy:

“Cho phép trao cho các phòng không có ngọa cụ. Nếu còn dư thì từ

Thượng tọa chia xuống.”

4. Tiền hậu an cư

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất với Mục-liên muốn cùng đức Thế Tôn an cư. Ngày mười lăm, từ trú xứ đi, ngày mười bảy mới đến nơi. Không biết nên thế nào,[322] liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép hậu an cư.”

Có hai cách an cư: tiền an cư và hậu an cư.[323]

Nếu tiền an cư thì ở vào ba tháng trước, hậu an cư thì ở vào ba tháng sau.

Các vị tiền an cư tự tứ. Các vị hậu an cư không biết có được phép tự tứ hay không. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép thọ tự tứ nhưng phải ở cho đủ ngày.”

Người tiền an cư tự tứ rồi tính tuổi. Các vị hậu an cư không biết có được tính tuổi hay không. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật [832b] dạy:

“Không nên chưa đủ ba tháng mà tính tuổi.”

Các vị tiền an cư tự tứ xong đuổi các vị hậu an cư. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được xua đuổi. Cũng không nên đi.”

Các vị tiền an cư tự tứ rồi phân chia các phẩm vật nhận được trong mùa hạ. Các vị hậu an cư e ngại không dám nhận vì Phật không cho phép họ chưa đủ ba tháng mà khất cầu và nhận phẩm vật. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép tỳ-kheo thọ. Nhưng số ngày còn thiếu, nên ở lại cho đủ.”

Các vị tiền an cư tự tứ rồi phân chia ngọa cụ. Các vị hậu an cư e ngại không dám thọ vì ba tháng chưa đủ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép thọ, xét theo chuẩn vị lai.”

5. Trú xứ an cư

Bấy giờ các tỳ-kheo an cư nơi chỗ đất trống, bị nắng gió suốt ngày, hình thể đen đúa, da bị tróc, nứt nẻ, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi: “Tại sao hình thể các ông bị đen đúa, da bị tróc, nứt nẻ, như vậy?” Các tỳ-kheo bạch Phật: “Vì an cư nơi đất trống cho nên như vậy.” Đức Phật dạy:

“Không nên an cư nơi đất trống. Từ nay về sau, cho phép các tỳkheo an cư chỗ có che bên trên.”

Các tỳ-kheo an cư trên cây. Từ trên cây đại tiểu tiện xuống. Vị thọ thần nổi giận, chê trách và chờ tỳ-kheo sơ hở sẽ đoạn mạng căn.

Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, không cho phép tỳ-kheo an cư trên cây; cũng không cho leo lên cây quá đầu người. Không được đại tiểu tiện xung quanh làm cho bẩn nhúa.”[324]

Bấy giờ các tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, trên đường đi gặp phải thú dữ. Các tỳ-kheo leo lên cây quá đầu người, e ngại lại leo xuống, vì nghĩ rằng: ‘Phật không cho phép chúng ta leo lên cây cao quá đầu người,’ nên bị ác thú làm hại. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, trường hợp vì mạng nạn, tịnh hạnh nạn, được phép leo lên cây cao quá đầu người.”

Các tỳ-kheo muốn lấy củi khô trên cây. Đức Phật cho phép làm cái móc móc lấy, hay làm cái thang để lấy, hoặc dùng dây cột kéo xuống để lấy. Sau đó các tỳ-kheo e ngại không dám leo lên cây khô. Đức Phật dạy: “Nếu cả thân cây đều khô hết thì cho phép leo.” Các tỳ-kheo muốn an cư dưới gốc cây, bạch Phật, Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép an cư dưới gốc cây, nếu cây ấy cao quá đầu người và nhánh lá che đủ mát một [832c] chỗ ngồi.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng sáp ong[325] trét lên trên bức màn rồi ngồi trong đó an cư, nghĩ rằng: “Ban đêm chúng ta ngủ trong đó. Sáng ngày đem dấu hết. Nếu có người thấy, họ sẽ gọi chúng ta là người được thần thông.” Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau không cho phép dùng sáp ong trét lên trên màn rồi an cư trong đó. Cũng không được dối trá vì mình mà thay đổi oai nghi thường.”

Bấy giờ, tỳ-kheo muốn an cư trong một cái nhà nhỏ, đến bạch Phật. Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư trong cái nhà nhỏ, miễn là đứng dậy không đụng đầu và đủ một chỗ ngồi, đủ để che mưa.”

Các tỳ-kheo muốn an cư trong hang núi, đến bạch Phật. Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép an cư trong hang núi, miễn nơi đó đứng dậy không đụng đầu, đủ dung một chỗ ngồi, đủ để che mưa.” Các tỳ-kheo muốn an cư trong hang núi tự nhiên, đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo an cư trong hang núi tự nhiên, miễn là đứng dậy không đụng đầu, đủ một chỗ ngồi, đủ để mưa.” Các tỳ-kheo muốn an cư trong hốc cây, đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo an cư trong hốc cây, miễn là đứng dậy không đụng đầu, đủ một chỗ ngồi, đủ để che mưa.” Tỳ-kheo muốn y nơi người chăn bò[326] để an cư, đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép y nơi người chăn bò để an cư. Trong khi an cư tùy theo sự di chuyển của người chăn bò mà di chuyển theo.”

Các tỳ-kheo muốn nương nơi người ép dầu[327] để an cư, đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép nương nơi người ép dầu để an cư. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của người ép dầu mà di chuyển.” Các tỳ-kheo muốn an cư trên thuyền, đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo an cư trên thuyền. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của thuyền mà di chuyển.”

Tỳ-kheo muốn nương nơi người thợ đốn gỗ để an cư, đến bạch Phật. Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo nương nơi người thợ đốn gỗ để an cư. Trong khi an cư, tùy theo sự di chuyển của họ mà di chuyển.”

Các tỳ-kheo muốn nương nơi xóm làng để an cư, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo nương nơi xóm làng để an cư. Trong khi đang an cư, nếu xóm làng [833a1] chia làm hai phần, tùy theo sự cung cấp những vật cần dùng, nơi nào đầy đủ thì di chuyển theo nơi đó để an cư.”

6. Xuất giới

Bấy giờ có đàn-việt thưa thỉnh tỳ-kheo: “Con muốn cúng dường vật thực và phòng xá.” Tỳ-kheo kia tự nghĩ: “Chỗ đó xa, không thể trong ngày trở về kịp. Đức Phật chưa cho phép nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nhưng không nên chỉ vì vấn đề ăn uống mà thọ pháp bảy ngày để ra đi, trừ khi có nhân duyên khác. Nếu đi vì y bát, tọa cụ, ống đựng kim cho đến thuốc men, mãn ngày thứ bảy nên trở về.”

Bấy giờ các tỳ-kheo thưa thỉnh các trưởng lão tỳ-kheo khác: “Chúng tôi mắc tội Tăng tàn, xin vì chúng tôi trị pháp phú tàng, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.” Các vị tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Khi có sự việc như vậy, cho phép thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni thưa thỉnh các trưởng lão tỳ-kheo: “Chúng con mắc tội Tăng tàn, xin vì chúng con tác pháp ma-na-đỏa, xuất tội.” Các vị tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.”

Có thức-xoa-ma-na thỉnh tỳ-kheo trưởng lão, thưa: “Chúng con phạm giới. Cho chúng con sám hối, hoặc thọ giới lại. Hay thọ đại giới.” Các vị tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.”

Các sa-di mời trưởng lão tỳ-kheo đến để thọ giới. Các vị tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.”

Có sa-di-ni mời các Đại đức tỳ-kheo đến để thọ sáu pháp. Các vị tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày trở lại.”

Bấy giờ có vị đại thần không có tín tâm, mời Đại đức tỳ-kheo [833b] đến, “Tôi muốn gặp.” Tỳ-kheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nếu hữu ích, chứ không phải vô ích. Đủ bảy ngày trở lại.” Có vị đại thần có tín tâm, mời Đại đức tỳ-kheo, “Tôi muốn gặp.” Tỳ-kheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Vì người ưu-bà-tắc có tín tâm này hoặc bệnh hay có các việc lo buồn, hoặc vì lợi dưỡng. Đủ bảy ngày nên trở về lại.”

Bấy giờ, có cha mẹ không có tín tâm mời Đại đức Tỳ-kheo, “Tôi muốn gặp.” Tỳ-kheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳkheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Vì để giáo hoá khiến cho người không có tín tâm kia sanh tín tâm; có ác giới khiến cho trì giới; có xan tham khiến cho họ bố thí; vô trí khiến cho có trí. Đủ bảy ngày trở về lại.”

Có trường hợp cha mẹ có tín tâm sai người đến thỉnh Đại đức tỳkheo, “Tôi muốn gặp.” Tỳ-kheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Nếu vì cha mẹ có tín tâm bị bệnh hoặc có các việc lo buồn, hoặc có việc lợi ích. Đủ bảy ngày trở lại.”

Trường hợp có bà mẹ thỉnh Đại đức tỳ-kheo, “Tôi muốn gặp.” Tỳkheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.”

Trường hợp có người cha thỉnh tỳ-kheo cũng như vậy; anh em, chị em các thân lý tri thức cũng như vậy.[328]

Trường hợp có tỳ-kheo tụng sáu mươi thứ kinh,[329] như kinh “Phạm động,”[330] vì tìm cầu người đồng tụng nên muốn du hành trong nhân gian. Tỳ-kheo nghĩ, “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo tri sự có [833c] công việc cần vào trong rừng cây[331] một thời gian, tự nghĩ rằng: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.”

Bấy giờ nhân dân vùng biển quốc nổi loạn, vua Ba-tư-nặc tự cầm quân đến để chinh phạt. Vua cúng dường Phật và chúng Tăng y, chăn mền, thức ăn và vật dụng cần dùng. Vị đại thần không có tín tâm bèn tước đoạt, không trao cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo muốn đến báo cho vua biết nhưng lại nghĩ:

“Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.”

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc tự cầm quân chinh phạt số nhân dân nổi loạn nơi biên giới, vị đại thần không có tín tâm, với ác tâm đố kị, muốn đào một con kênh thông qua Kỳ-hoàn.[332] Tỳ-kheo muốn đến báo cáo với vua nhưng lại nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, thọ pháp bảy ngày để ra đi. Đủ bảy ngày nên trở lại.”

Lúc bấy giờ có đàn-việt sai người đến thỉnh Đại đức tỳ-kheo đến để cúng dường thức ăn và phòng xá, tỳ-kheo tự nghĩ: “Nơi đó xa không thể về kịp trong ngày. Đức Phật chưa cho phép có nhân duyên như vậy được đi.” Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép, có việc như vậy, cho phép thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, bằng pháp bạch nhị yết-ma để đi.”

Chúng Tăng sai một vị có khả năng tác yết-ma, hoặc Thượng tọa, thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được mà có thể tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, để ra ngoài giới vì công việc như vậy, như vậy... Xong việc sẽ trở về trong giới để an cư. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hay mười lăm ngày, hoặc một tháng, ra ngoài giới vì công việc như vậy... Xong việc sẽ trở về trong giới để an cư. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng cho phép tỳkheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý cho tỳ-kheo tên là... thọ pháp quá bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, hay một tháng, để ra ngoài giới làm công việc như vậy. Xong việc sẽ trở về đây an cư [834a1] rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Tỳ-kheo khiến tín sứ thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma cũng như vậy. Sa-di thỉnh tỳ-kheo, thọ giới cũng như vậy. Sa-di-ni thỉnh tỳ-kheo, thọ yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Đại thần bất tín thỉnh tỳ-kheo, thọ pháp yết-ma quá bảy ngày cũng như vậy. Đại thần có tín tâm, yết-ma cũng như vậy. Cha mẹ không tín tâm, cha mẹ tín tâm, anh em, chị em, các thân lý tri thức, tỳ-kheo tụng sáu mươi loại kinh, tỳ-kheo kinh dinh, đại thần không tín tâm đoạt vật cúng dường, đào kênh xuyên qua,[333] cũng như vậy. Tất cả pháp thọ yết-ma quá bảy ngày đều đồng như trên.

8. Phá hạ

Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di. Có đại thần dũng kiện, đánh giặc giỏi, đến chỗ đức Phật với tín tâm xuất gia làm đạo. Bấy giờ, vua Ưu-điền bảo rằng: “Tại sao ông không bỏ đạo, để cùng vợ ông tạo ra nhà cửa, ruộng vườn, của cải, vật báu?”

Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.”

Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư tại một trú xứ nọ, có đàn bà chưa chồng đến cám dỗ tỳ-kheo, nói rằng: “Sao thầy không thôi tu? Tôi sẽ làm vợ thầy.” Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.”

Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Tỳ-kheo an cư tại một trú xứ nọ, có dâm nữ đến cám dỗ tỳ-kheo, nói rằng: “Sao thầy không thôi tu? Tôi sẽ làm vợ thầy. Hoặc tôi gả con gái cho thầy.”

Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.”

Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư tại trú xứ, có huỳnh môn vì tham ái tỳ-kheo nên đến kêu gọi tỳ-kheo cùng làm chuyên bất tịnh hạnh. Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tịnh hạnh của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Có tỳ-kheo đang an cư tại trú xứ, quỷ thần nói với tỳ-kheo: “Nơi đây có kho tàng chôn dấu.” Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây [834b] có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo đang an cư nơi trú xứ, quỷ thần muốn đoạn mạng sống tỳ-kheo nên rình chờ sơ hở. Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Có tỳ-kheo đang an cư nơi trú xứ, có bọn giặc muốn đoạn mạng sống tỳ-kheo nên rình, chờ cơ hội thuận tiện. Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, rắn độc hung dữ, rình cơ hội thuận tiện sẽ đoạn mạng sống. Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức

Phật dạy: “Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.”

Có tỳ-kheo an cư nơi trú, các thú dữ hung dữ, rình cơ hội thuận tiện để đoạn mạng căn. Tỳ-kheo tự nghĩ: “An cư tại đây có thể nguy hiểm cho tính mạng của ta.” Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có nạn sự như vậy thì nên bỏ đi. “

Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ không được như ý đối với vấn đề ăn uống, thuốc men không đủ, người giúp việc không như ý. Vị kia tự nghĩ: “Ta nên làm thế nào đây?” Tỳ-kheo liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu tỳ-kheo an cư chỗ mà ăn uống không được như ý, thuốc men không có dùng, người giúp việc không theo ý muốn, thì nên bỏ đi.” Tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, chỗ đi kinh hành có nhiều loại trùng độc. Tỳ-kheo kia có tập quán kinh hành; vì kinh hành thì cơ thể khỏe mạnh, không kinh hành thì không bình an. Tỳ-kheo kia tự nghĩ: ‘Sống ở đây sẽ tai hại cho mạng căn.’ Nghĩ xong đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có việc nạn sự như vậy thì nên bỏ đi.” Bấy giờ có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo đang tạo phương tiện phá Tăng vị kia nghĩ: “Phá Tăng là việc làm rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này. Ta nên làm thế nào đây ?” Vị ấy liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo đang vận động phương tiện phá Tăng; vị ấy [834c] nghĩ: ‘Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc phá Tăng.’ Tỳkheo kia nên vì việc này mà bỏ đi.”

Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, thấy có tỳ-kheo-ni đang vận động phương tiện phá Tăng, vị kia nghĩ: ‘Phá Tăng là việc làm rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này.’ Vị kia liền vì việc này mà bỏ đi.

Có tỳ-kheo đã an cư nơi trú xứ rồi, nghe có tỳ-kheo đang vận động phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‘Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta chớ nên dự vào việc này.’ Vị kia liền vì việc này mà bỏ đi.

Có tỳ-kheo đã an cư nơi trú xứ rồi, nghe có tỳ-kheo-ni đang vận động phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‘Tăng vỡ là việc rất nghiêm trọng, rất xấu ác. Ta không nên dự vào việc này.’ Vị kia liền vì việc này bỏ đi.

Bấy giờ, có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe tỳ-kheo kia muốn phương tiện phá Tăng. Vị kia nghĩ: ‘Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.’ Vị kia lại nghĩ: ‘Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia. Vậy ta nên như thế nào đây?’ Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe có tỳ-kheo muốn phương tiện phá Tăng, tỳ-kheo nghĩ: ‘Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.’ Vị kia lại nghĩ: ‘Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.’ Ngay lúc đó, tỳkheo ấy nên vì sự việc này mà đi.

Có tỳ-kheo an cư nơi trú xứ, nghe kia có tỳ-kheo-ni đang vận động phương tiện phá Tăng, tỳ-kheo nghĩ: ‘Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.’ Vị kia lại nghĩ: ‘Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.’ Tỳ-kheo ấy nên vì sự việc này mà đi.

Có tỳ-kheo trong khi an cư nghe Tăng kia bị vỡ liền nghĩ: ‘Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.’ Vị kia lại nghĩ: ‘Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. [835a1] Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.’ Tỳ-kheo ấy nên vì việc này mà đi.

Có tỳ-kheo trong khi an cư nghe tỳ-kheo-ni Tăng kia bị vỡ, nghĩ: ‘Nếu ta đến can gián, la rầy, chắc họ sẽ nghe lời ta mà đình chỉ việc phá Tăng.’ Vị kia lại nghĩ: ‘Nếu ta tự đến, có thể họ không nghe lời ta chấm dứt việc phá Tăng. Ta có thân hữu có thể chấm dứt việc phá Tăng kia. Nếu ta nói, chắc họ sẽ vì lời nói của ta mà chấm dứt việc phá Tăng kia.’ Vị kia nên vì việc này mà đi.”

Bấy giờ có tỳ-kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài cương giới, bị mẹ giữ lại, mặc dù với ý muốn về mà vẫn không kịp. Vị ấy nghĩ: “Như vầy ta có bị mất hạ hay không?” Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không mất tuổi hạ.”

Đối với cha mẹ,[334] anh em, chị em, vợ cũ, hoặc người trước kia tư thông, hoặc nạn do dạ xoa quỷ thần cũng như vậy.

Có tỳ-kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài cương giới bị đường bộ, đường nước không thông, hoặc bị nạn giặc cướp, hổ lang, sư tử, bèn nghĩ: “Ta có bị mất tuổi hạ hay không?” Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không mất tuổi hạ.”

9. Ước định an cư

1. Phật ở vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưuđà-diên[335] là bạn thân quen của Bạt-nan-đà Thích tử, mời Bạt-nan-đà hạ an cư. Bạt-nan-đà đã kết an cư nơi nước Câu-thiểm-di. Nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ đó một thời gian ngắn rồi trở lại Câu-thiểm-di. Vua Ưu-đà-diên nghe rồi cơ hiềm nói:

“Bạt-nan-đà Thích tử đã nhận lời mời an cư của tôi nơi đây. Sao nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ kia ở; rồi lại trở về nơi đây?”

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, biết hổ thẹn, ưa học giới, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử: “Sao thầy hạ an cư nơi kia, nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, y vật, lại đến đó ở một thời gian ngắn; rồi trở về nơi đây?” Vị ấy đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà: “Ông là người không biết gì, chẳng phải oai nghi, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này Bạt-nan-đà, sao ông [835b] hạ an cư nơi Câuthiểm-di; nghe trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, nhiều y vật, đến đó ở; rồi lại trở về Câu-thiểm-di?”

Quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: “Nếu tỳ-kheo nào thọ tiền an cư nơi trú xứ này, nghe nơi trú xứ khác nhận được nhiều lợi dưỡng, liền đến nơi kia; tỳ-kheo đó không được nhận tuổi hạ của tiền an cư. Vì trái với điều bạch trước kia, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời của người tiền an cư nơi đây, đến ngoài giới bố-tát xong[336] rồi đi đến chỗ khác,[337] tỳ-kheo này phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội.

2. Tỳ-kheo nào nhận người thỉnh tiền an cư, ở ngoài giới bố-tát xong, đến chỗ thỉnh;[338][339] trong ngày liền bỏ đi, tỳ-kheo đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, bố-tát ngoài giới xong, đến chỗ thỉnh, nhận phòng xá, ngọa cụ; không có duyên sự gì lại bỏ đi,2 vị đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội. Tỳ-kheo nào nhận lời tiền an cư của người, bố-tát ngoài giới xong, đến trú xứ (an cư), thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới với ý muốn trở lại; quá bảy ngày, tỳ-kheo đó phá tiền an cư, trái với điều tác bạch trước, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, bố-tát ở ngoài giới, bố-tát rồi xong đến trú xứ, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, đủ bảy ngày trở về, tỳ-kheo đó thành tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, bố-tát ở ngoài giới, bố-tát xong đến trú xứ, hạn sau cùng,[340] thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, tỳ-kheo kia trở lại hay không trở lại trú xứ cũng thành tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội.

3. Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, đến trong giới bố-tát xong rồi đến trú xứ (tiền an cư), trong ngày lại bỏ đi, tỳ-kheo kia phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, đến trong giới bốtát, bố-tát xong rồi đến trú xứ nhận phòng xá, ngọa cụ, không có lí do gì mà bỏ đi, tỳ-kheo kia phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, đến trong giới bốtát, bố-tát xong rồi đến trú xứ, nhận pháp bảy ngày ra ngoài giới, với ý muốn trở lại nhưng không kịp bảy ngày, tỳ-kheo này phá tiền an cư, trái với lời bạch trước, mắc tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, đến bố-tát trong giới xong rồi đến trú xứ, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, [835c] bảy ngày trở về kịp, tỳ-kheo kia không phá tiền an cư, không trái với lời bạch trước, không tội.

Tỳ-kheo nào nhận lời mời tiền an cư của người, bố-tát trong giới xong rồi đến trú xứ; hạn cuối cùng, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, trở lại hay không trở lại trú xứ vẫn không phá an cư, không trái với lời bạch trước, không tội.” Hậu an cư cũng vậy.

4. Bấy giờ có tỳ-kheo nhận lời mời tiền an cư của người, sau đó thấy có mạng nạn hoặc tịnh hạnh nạn, vị kia ý nghĩ, “Ta nên làm thế nào đây?” Vị ấy liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu tỳ-kheo ở nơi trú xứ hoặc thọ tiền an cư, hậu an cư mà thấy có mạng nạn, tịnh hạnh nạn, tỳ-kheo kia tự đến hoặc sai người tin cậy đến tin cho đàn-việt biết, yêu cầu dời chỗ. Nếu họ đồng ý thì tốt. Bằng không, vẫn cứ phải bỏ đi.”

CHƯƠNG IV - TỰ TỨ

1. Á pháp

[835c13] Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳđà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ có số đông tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, hạ an cư nơi trú xứ nọ, suy nghĩ rằng, “Làm cách nào chúng ta sống an lạc, không vất vả vì sự ăn uống?” Rồi họ bảo nhau, “Chúng ta nên lập quy chế. An cư, không nói chuyện với nhau. Không lễ bái, hỏi chào nhau. Ai vào tụ lạc khất thực trước và về trước, thì dọn dẹp chỗ ngồi ăn, trải tọa cụ, sửa soạn đồ đựng nước, đồ rửa chân, đồ đựng thức ăn. Mỗi người tự đem thức ăn đến để chỗ ngồi ăn.

Nếu ai nhận được thức ăn nhiều, trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn. Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người kế tiếp vào tụ lạc khất thực; nhận được thức ăn rồi trở về, đem thức ăn đến chỗ ngồi ăn.

Nhận được thức ăn nhiều thì trước hết nên sớt bớt để lại, nhận đủ thì ăn. Nếu nhận được không đủ thì lấy thức ăn người trước để lại đó mà ăn. Ăn xong, im lặng trở về phòng. Người sau cùng vào xóm khất thực, được thức ăn mang về, đem đến chỗ ngồi ăn. Nếu nhận được thức ăn nhiều thì trước hết nên sớt bớt để lại. Nếu nhận đủ thì ăn. Nhận không đủ để ăn thì lấy thức ăn của người trước để lại đó mà ăn. Thức ăn dư thì cho người hành khất hoặc phi nhân. Trường hợp không có người để cho thì đem bỏ chỗ đất sạch, không có cỏ, hoặc để nơi vũng nước không có trùng. Vị ấy dọn dẹp đồ đựng thức ăn để lại chỗ cũ, và ngọa cụ, đồ đựng nước, đồ rửa chân tọa cụ; tất cả đều để lại chỗ cũ. Dọn quét chỗ ngồi ăn.

Nếu thấy [836a1] đồ đựng nước, đồ rửa chân trống không, thì đi xách. Nếu tự mình có thể khiêng trở về thì tốt. Bằng không, dùng tay ngoắt bạn để cùng khiêng về chỗ cũ. Rồi im lặng trở về phòng.

Chứ không vì lí do nào mà nói bằng lời. Chúng ta lập quy chế như vậy, có thể sống an lạc, không vì sự ăn uống mà khổ sở.”[341]

Các tỳ-kheo áp dụng quy chế trên trong thời gian an cư. Tự tứ xong, họ đến chỗ đức Phật trong Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn ủy lạo các tỳ-kheo:

“Các ông có an lạc chăng? Thức ăn uống có đủ chăng? Trụ chỉ có được hòa hợp chăng? Không vì thức ăn mà vất vả chăng?” Các tỳ-kheo[342] bạch Phật:

“Chúng con sống được an lạc. Đồ ăn thức uống không thiếu thốn. Chúng con đều hòa hợp. Không vì đồ ăn thức uống mà phải khổ.” Đức Phật hỏi các tỳ-kheo:

“Nhờ phương tiện nào mà các ông sống được an lạc, giữa các ông hòa hợp, không vì đồ ăn thức uống mà phải khổ?”

Các tỳ-kheo đem nhân duyên trên bạch lên đức Phật một cách đầy đủ, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Các ông là những người si, tự cho đó là vui mà thật sự là khổ. Các ông là những người ngu si, tự cho đó là điều không tai hoạn, mà thật sự là đại hoạn. Các ông là những người ngu si, cùng ở với nhau như oan gia, như những con cừu. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện dạy bảo các tỳ-kheo, cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau. Các ông là những người ngu si, đồng như ngoại đạo thọ pháp câm. Các ông không được làm theo pháp câm như vậy. Nếu làm theo pháp câm, phạm đột-kết-la.”[343]

2. Cầu thính

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói như vầy: “Đức Phật dạy, ‘Các tỳkheo phải cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau.’” Họ liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được vô cớ cử tội người vô tội. Nếu muốn cử tội tỳ-kheo hữu sự thì trước hết phải nói cho biết, để vị ấy cầu thính,[344] sau đó mới cử.”

Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật dạy: “Trước hết phải nói cho biết, để vị ấy cầu thính, sau đó mới cử.” Tỳ-kheo thanh tịnh trước kia đến nhóm sáu tỳ-kheo cầu thính, nhóm sáu tỳ-kheo do hờn giận nên úp. Nay đến nhắc tỳ-kheo thanh tịnh cầu thính trở lại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo thanh tịnh trước đó, không được đến nhóm sáu tỳ-kheo cầu thính. Nhóm sáu tỳ-kheo không được vì hờn mà lại đến bảo tỳkheo thanh tịnh cầu thính. Từ nay về sau cho phép người đủ năm pháp sau mới được cầu thính: Biết thời chứ không phi thời; như thật chứ không hư dối; có lợi ích chứ không [836b] lợi ích; dịu dàng chứ không thô lỗ; từ tâm chứ không sân hận.”

Nhóm sáu tỳ-kheo bản thân không có năm pháp. Các tỳ-kheo thanh tịnh thì đầy đủ năm pháp. Các vị ấy đến nhóm sáu tỳ-kheo bảo cầu thính, họ không chịu cầu thính. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép, khi tỳ-kheo đầy đủ năm pháp bảo cầu thính thì phải cầu thính.”

Nhóm sáu tỳ-kheo đến người cầu thính rồi bỏ đi; hoặc cho người khác cầu thính rồi lại rời trú xứ. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được cầu thính nơi người được thính rồi lại bỏ đi, cũng không được cho người cầu thính rồi lại bỏ đi. Từ nay về sau, cho phép, đã hứa hẹn thì không được bỏ đi.”

Nhóm sáu tỳ-kheo hứa với người rồi tự ý bỏ đi, hoặc nhận lời hứa của người rồi cũng lại bỏ đi. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được hứa với người rồi tự ý bỏ đi. Không được nhận lời hứa của người rồi lại tự ý bỏ đi. Từ nay về sau cho phép an cư rồi tự tứ.[345] Cho phép tự tứ khỏi phải cầu thính. Tại sao vậy? Tự tứ tức là thính.”

3. Pháp thức tự tứ

1. Các tỳ-kheo nghĩ: ‘Phật cho phép các tỳ-kheo tự tứ.’ Các tỳ-kheo đồng loạt tự tứ gây nên sự ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên đồng loạt tự tứ. Từ nay về sau cho phép tự tứ từng người một.”

Các tỳ-kheo không theo thứ tự mà tùy ý tự tứ khiến Thượng tọa mệt nhọc. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được tùy ý tự tứ, mà phải tự tứ từ nơi Thượng tọa. Cho phép sai người thọ tự tứ bằng bạch nhị yết-ma. Người có năm pháp sau đây không được sai làm người thọ tự tứ: có ái, có nhuế, có bố, có si, không biết tự tứ rồi hay chưa. Người có năm pháp sau đây nên sai làm người thọ tự tứ: không ái, không nhuế, không bố, không si, biết người tự tứ rồi hay chưa. Pháp thức sai như sau: Người đủ điều kiện là Thượng tọa hoặc thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được mà có khả năng bạch nhị yết-ma; dựa theo sự việc trên tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ. Đây là lời tác bạch!

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng [836c] sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo có tên... làm người thọ tự tứ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

2. Có các tỳ-kheo ngồi tại chỗ tự tứ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch với Phật. Đức Phật dạy:

“Không được ngồi tại chỗ mà tự tứ. Phải rời chỗ ngồi, và quỳ để tự tứ.”

Bấy giờ, Thượng tọa rời chỗ ngồi để tự tứ. Tất cả Tăng lại ngồi tại chỗ mà tự tứ. Đức Phật dạy:

“Nếu Thượng tọa rời chỗ ngồi và quỳ thì tất cả Tăng cũng phải rời chỗ ngồi và quỳ.”

Thượng tọa tự tứ rồi vẫn quỳ, chờ tất cả Tăng tự tứ xong. Thượng tọa bị mỏi mệt. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tự tứ xong, cho phép tùy ý ngồi.”

3. Nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ: “Chúng ta lén nói tự tứ. Nếu không, tỳkheo kia hoặc có thể vì tác yết-ma ngăn ta tự tứ.” Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được có ý nghĩ lén nói tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma hoặc ngăn mình tự tứ. Phải nói tự tứ một cách rõ ràng, đầy đủ, khiến cho người khác nghe được.”

Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: “Ta nên tự tứ nhanh. Nếu không, tỳkheo khác vì ta tác yết-ma ngăn tự tứ.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được có ý nghĩ, ta nên tự tứ nhanh; nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn ta tự tứ. Từ nay về sau cho phép an cư rồi thong thả tự tứ.”

Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: “Ta nên nói tự tứ một lần. Nếu không, tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.” Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được có ý nghĩ: Ta nên nói tự tứ một lần. Nếu không, tỳkheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.”

Nhóm sáu tỳ-kheo tự nghĩ: “Ta phải nói lại tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được có ý nghĩ: ta phải nói lại tự tứ, sợ tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ. Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo nói tự tứ ba lần.”

Nhóm sáu tỳ-kheo lật ngược y tự tứ, quấn y nơi cổ tự tứ, trùm trên đầu tự tứ, phủ cả hai vai tự tứ, mang dép tự tứ, hoặc ngồi nơi đất tự tứ, hoặc [837a1] ngồi trên giường tự tứ. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm trên đầu, phủ cả hai vai, mang dép, ngồi nơi đất, ngồi trên giường để tự tứ. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, cùng quỳ chắp tay, tác bạch như sau:

“Hôm nay Đại đức chúng Tăng tự tứ, tôi Tỳ-kheo... cũng tự tứ. Nếu thấy, nghe, nghi tôi có tội, xin Đại đức Trưởng lão thương xót chỉ bảo tôi. Nếu tôi thấy có tội sẽ như pháp sám hối.”

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.

Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối, chấp tay trong thời gian lâu nên bệnh tăng thêm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo bệnh với bất cứ hình thức nào mà thân được an, thì thọ tự tứ.”

4. Bấy giờ có trú xứ nọ, tỳ-kheo tự tứ, có tỳ-kheo ở ngoài thuyết giới đường. Các tỳ-kheo tự tứ rồi đi ra ngoài, tỳ-kheo ấy hỏi:

“Các trưởng lão đi đâu? Không tự tứ hay sao?” Các tỳ-kheo kia trả lời:

“Tôi tự tứ rồi. Thầy từ đâu đến?

Vị kia nói:

“Tôi ở ngoài thuyết giới đường.”

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, khi tự tứ không được ở ngoài thuyết giới đường. Tỳ-kheo ngồi gần nên biết vị ấy có đến hay không. Tác bạch trước rồi sau mới tự tứ.” Văn tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng tự tứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp tự tứ. Đây là lời tác bạch.”

Bạch như vậy rồi tự tứ.

Nhóm sáu tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp chúng, tự tứ pháp biệt chúng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp chúng, tự tứ pháp biệt chúng.”

Có bốn loại tự tứ: tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp, tự tứ như pháp biệt chúng, tự tứ như pháp hòa hợp. Nếu tỳ-kheo tự tứ phi pháp biệt chúng, tự tứ phi pháp hòa hợp, tự tứ như pháp biệt chúng, như vậy là không thành tự tứ. Tự tứ như pháp hòa hợp là đúng pháp tự tứ. Đó là pháp tự tứ mà Ta dạy.

5. Bấy giờ, khi tự tứ, nơi trú xứ nọ, người tiền an cư, hậu an cư ở chung, không biết nên tự tứ theo tiền an cư hay hậu an cư. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tùy theo Thượng tọa ở nơi đó mà tự tứ. Thượng tọa có tiền an cư, có hậu an cư thì nên theo vị cựu trú mà tự tứ. Vị cựu trú [837b] cũng có tiền an cư, có hậu an cư thì nên theo số đông mà tự tứ.”

Các tỳ-kheo muốn tự tứ vào ngày mười bốn hay rằm. Đức Phật dạy: “Cho phép tự tứ như vậy. Nếu vua có thay đổi ngày thì nên tùy theo đó.”

Các tỳ-kheo không biết nên tự tứ ngày hôm nay hay để ngày mai. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép vào bữa đại thực hay tiểu thực, Thượng tọa xướng: Hôm nay chúng

Tăng tự tứ.”

Các tỳ-kheo không biết nên vào lúc nào. Đức Phật dạy: “Cho phép báo hiệu bằng cách đánh kiền chùy hay thổi ốc, đánh trống, hay un khói, hoặc dựa theo bóng, xướng rằng: Giờ tự tứ đến!”

Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật cho phép tự tứ liền ở trong phòng riêng cùng những vị đồng Hòa thượng, A-xà-lê quen biết, đồng học và ăn ý với nhau, riêng rẽ tác pháp tự tứ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được ở trong phòng riêng cùng những vị đồng Hòa thượng, A-xà-lê quen biết, đồng học và ăn ý với nhau riêng rẻ tác pháp biệt bộ tự tứ. Từ nay về sau hòa hợp lại một chỗ để tự tứ.”

Các tỳ-kheo lại không biết tự tứ ở chỗ nào, bạch Phật, Phật dạy: “Cho phép tự tứ nơi thuyết giới đường.”

6. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo, ngày tự tứ, nơi chẳng phải thôn, alan-nhã, chỗ chưa kết giới, ngay trên đường đi, suy nghĩ: ‘Đức Phật dạy chúng ta hòa hợp tự tứ. Bây giờ chúng ta nên làm thế nào?’ Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có số đông tỳ-kheo, đến ngày tự tứ, nơi chẳng phải phải thôn, a-lan-nhã, chỗ chưa kết giới, ngay trên lộ trình, nếu các tỳ-kheo hòa hợp được tự tứ là tốt, bằng không thể hòa hợp được, tùy theo đồng Hòa thượng, A-xà-lê, quen biết đồng ý với nhau dời đến chỗ khác, kết tiểu giới để tác pháp tự tứ, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Pháp kết tiểu giới như sau:

Sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, hoặc tụng luật được hay không tụng luật được, miễn có khả năng yết-ma tác bạch:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Chỗ ngồi các tỳ-kheo vừa đủ kín. Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi đó, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Chỗ ngồi các tỳ-kheo vừa đủ kín. Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng kết tiểu giới nơi đây. Các trưởng lão nào đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng kết tiểu giới nơi đây, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý trong giới hạn chỗ tỳ-kheo ngồi, kết tiểu giới rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, [837c] các tỳ-kheo bỏ đi mà không xả giới. Các tỳ-kheo không vui, liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được bỏ đi mà không xả giới, nên xả giới rồi sau đó mới đi.”

Pháp thức xả bằng bạch nhị yết-ma như sau: sai một vị có khả năng hoặc thượng tọa hay thứ tọa, hoặc tụng luật được hay không, miễn có thể tác yết-ma, tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng giải tiểu giới này, đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trong vòng chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng giải tiểu giới nơi đây. Các truởng lão nào đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, Tăng giải tiểu giới, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã đồng ý trong giới hạn chỗ các tỳ-kheo ngồi, giải tiểu giới rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.” [346]

Bấy giờ, đến ngày tự tứ, trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở. Vị ấy nghĩ: ‘Đức Thế Tôn dạy hòa hợp một chỗ cùng nhau tự tứ. Nay ta nên làm thế nào?’ Vị ấy liền bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Ngày tự tứ, trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở, vị kia nên đến chỗ thuyết giới lau quét, trải tọa cụ, chuẩn bị đồ đựng nước, đồ rửa chân, đốt đèn, sắp xá-la, chờ khách tỳ-kheo đến. Nếu khách tỳ-kheo đến năm người[347] hay hơn năm người thì nên tác bạch yết-ma, sai người thọ tự tứ.”

Nếu chỉ bốn người, thì cùng tự tứ lẫn nhau, nói: ‘Hôm nay chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo tên là... cũng thanh tịnh tự tứ.’ Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Nếu có ba người, hai người cũng tự tứ như vậy. Nếu có một người thì tâm niệm, miệng nói: [838a1] ‘Hôm nay chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo tên là... cũng thanh tịnh tự tứ.’ Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.

Nếu có năm người, một người thọ dục, thì không được bạch yết-ma sai người thọ tự tứ. Nếu có bốn người, không được nhận dục của người thứ năm,[348] lại cùng tự tứ lẫn nhau.[349] Nếu có ba người, không được nhận dục của người thứ tư, lại cùng tự tứ lẫn nhau. Nếu có hai người không được nhận dục của người thứ ba, ngoài ra hai người lại cùng tự tứ lẫn nhau. Nếu có một người không được nhận dục của người thứ hai để tâm niệm tự tứ.

4. Chúc thọ tự tứ

Bấy giờ, đến ngày tự tứ, chúng Tăng tập hợp để tự tứ, đức Phật bảo, “Các tỳ-kheo hãy tĩnh lặng, hôm nay chúng Tăng tự tứ.” Các tỳ-kheo khác bạch Phật: “Có tỳ-kheo bệnh không đến được.” Đức

Phật dạy: “Cho phép gởi tự tứ, cho phép chúc thọ tự tứ.”

Người bệnh gởi dục như sau: ‘Tôi gởi tự tứ cho thầy.’ Hoặc nói: ‘Tôi xin nói với thầy tự tứ.’ Hoặc nói: ‘Xin thầy nói tự tứ giùm tôi.’ Hoặc dùng thân cử động để ra dấu hiệu tự tứ, hoặc nói đầy đủ việc tự tứ. Như vậy gọi là gởi tự tứ. Nếu không cử động thân hoặc không nói bằng lời thì không thành gởi tự tứ, nên gởi tự tứ lại.

Tỳ-kheo chúc thọ đến chỗ người bệnh rồi mạng chung, hoặc ra khỏi giới, hoặc thôi tu, đến nơi trú xứ ngoại đạo, hoặc hùa vào với đồng bọn phá Tăng, hay đến trên giới trường, hay khi dấu hiệu bình minh xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc vào đạo với tặc tâm, hoặc từ ngoại đạo trở lại, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha mẹ, hoặc giết A-la-hán, hoặc phá Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc là phi nhân, hoặc là súc sanh, hoặc hai căn, hoặc bị người cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn. Nếu gởi cho những hạng người như vậy thì không thành chúc thọ tự tứ, nên gởi lại người khác.

Hoặc trên đường đi, hoặc đến trong Tăng có sự việc như vầy phát sinh: bị Tăng tác yết-ma bất kiến tội, hoặc tác yết-ma không sám hối tội, hoặc tác yết-ma không xả ác kiến; thì không thành chúc thọ tự tứ. Nên gởi lại cho người khác.

Nếu (người nhận chúc thọ) vì ngủ mà quên nói; hoặc nhập định; hoặc nhầm lẫn quên; hoặc không cố ý làm; đến chỗ tự tứ thì vẫn gọi là vì chúc thọ tự tứ mà đến.

Nếu (người nhận chúc thọ) cố ý không nói, phạm đột-kết-la. (Đối với người bệnh) nếu có thể làm (những việc như trên) như vậy thì tốt, bằng không thể làm được thì vị kia nên dìu người bệnh đi, hay dùng giường dây, giường cây, hoặc xếp y lại khiêng đến chỗ tự tứ. Nếu [838b] tỳ-kheo kia nghĩ rằng, chúng ta dìu đến sợ bệnh càng tăng, hoặc có thể đưa đến sự chết, thì chúng Tăng nên đến hết nơi chỗ người bệnh để tác yết-ma tự tứ. Nếu có nhiều tỳ-kheo bệnh tập trung lại một chỗ thì tốt, bằng không thì các tỳ-kheo nên ra ngoài giới để tác yết-ma tự tứ, chứ không được biệt chúng tự tứ.

Có tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ rồi mạng chung, hoặc thôi tu, hoặc đến trên giới trường, hoặc khi dấu hiệu bình minh xuất hiện. Các tỳ-kheo nghĩ: “Như vậy có mất chúc thọ tự tứ hay không?” Đức Phật dạy: “Mất.”

Có tỳ-kheo chúc thọ tự tứ rồi, trên đường đi bị trở ngại, bị nạn giặc, hổ lang, sư tử, nước lụt, trong cương giới đường bị đứt không thể đến, mang chúc thọ tự tứ đến ngoài giới. Các tỳ-kheo nghĩ: “Có mất chúc thọ tự tứ hay không ?” Đức Phật dạy:

“Không mất.”[350]

“Từ nay về sau, tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ, gặp phải mạng nạn, phạm hạnh nạn, trong cương giới không có đường đi, cho phép từ ngoài giới mang chúc thọ tự tứ đến, trường hợp đó Ta nói không mất chúc thọ.”

Các tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ của một người, e ngại không dám nhận chúc thọ tự tứ người thứ hai, bèn đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”

Tỳ-kheo nhận hai người chúc thọ tự tứ, e ngại không dám nhận chúc thọ tự tứ người thứ ba, bèn đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nhận.”

Tỳ-kheo nhận ba người chúc thọ tự tứ, e ngại không dám nhận bốn người chúc thọ tự tứ, liền bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nhận nhiều hay ít theo khả năng có thể nhớ được tên. Nếu nhớ hết được tên thì nói tên, bằng không nhớ hết tên thì nói họ, hoặc nói tướng mạo, hoặc nói ‘Tôi nhận một số đông tỳ-kheo chúc thọ tự tứ, các vị ấy, Tăng sự như pháp xin gởi dục nói tự tứ.”

Tỳ-kheo tuổi nhỏ không biết tự tứ, báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, Hòa thượng, A-xà-lê nên dạy bảo. Nếu dạy mà họ ưa quên không nhớ, nên khiến người thọ tự tứ dạy. Nếu họ vẫn quên, nên đọc từng câu một.”

Tỳ-kheo nhận chúc thọ tự tứ rồi, có công việc xảy đến. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép chuyển dục cho các người khác như sau: ‘Tôi đã nhận chúc thọ tự tứ cho số đông Tỳ-kheo. Nay tôi bận việc, tôi gởi dục cho các vị kia và tôi gởi luôn dục của tôi. Tăng sự như pháp gởi dục nói tự tứ.’”

Tỳ-kheo kia gởi dục rồi, công việc xong, trở về. Vị ấy e ngại rằng, tôi [838c] đã chuyển chúc thọ tự tứ rồi, không biết nên như thế nào. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Việc xong nên đến. Không đến, như pháp trị.”

5. Phá tự tứ

Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‘Ta không nên đến chỗ tự tứ. Vì ta sợ bị tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.’[351] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được nói có ý nghĩ: ‘Ta không nên đến chỗ tự tứ, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.’”

Nếu vì tri thức thân hậu không đến chỗ tự tứ cũng như vậy.

Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: ‘Ta đến chỗ tự tứ nhưng không ngồi, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.’ Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được nói có ý nghĩ: đến chỗ tự tứ nhưng không ngồi, sợ các tỳ-kheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.”

Nếu vì tri thức quen biết cũng như vậy.

Có vị tự nghĩ: ‘Nếu ta đến đó nhưng không nói tự tứ, sợ các tỳkheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.’ Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được có ý nghĩ: ta đến đó nhưng không nói tự tứ, sợ các tỳkheo vì ta tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.” Nếu vì tri thức thân hậu cũng như vậy.

Bấy giờ, ngày tự tứ đến, có trú xứ nọ chúng Tăng hòa hợp, chuẩn bị tự tứ, nghe có giặc đến; họ sợ hãi nên rời chỗ ngồi bỏ đi, không tự tứ. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có tám nạn sự xảy đến thì cho phép nói lược tự tứ. Trong đó, tám nạn và sự là: nạn vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn bệnh, nạn người, nạn phi nhân, nạn độc trùng.

Trong đó, sự là, chúng Tăng đông mà chỗ ngồi chật hẹp, hoặc nhiều vị bị bệnh thì nên nói lược tự tứ. Nếu chúng Tăng đông mà phòng xá nhỏ, hoặc trời mưa thì nên nói lược tự tứ. Hoặc bố-thí[352] mà đêm đi qua đã lâu, hoặc có sự đấu tranh, hoặc luận bàn A-tỳđàm, hay đoán sự Tỳ-ni, thuyết pháp mà đêm đã lâu, chúng Tăng chưa đứng dậy, tướng bình minh chưa xuất hiện thì nên yết-ma tự tứ.[353]

Nhận sự chúc thọ của người khác, không được để đến tướng bình minh xuất hiện. Nếu đến khi tướng bình minh xuất hiện thì không được yết-ma tự tứ.

Các tỳ-kheo nói như vầy: “Vì nạn sự nên nói lược tự tứ. Nếu nạn sự còn xa, chúng ta có đủ thì giờ để nói tự tứ đầy đủ.” Các tỳ-kheo nên nói tự tứ đầy đủ. Nếu không nói tự tứ đầy đủ thì sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo [839a] nói như vầy: “Vì nạn sự nên lược nói tự tứ. Nay nạn sự không còn xa. Chúng ta không nói đủ tam ngữ tự tứ được nên chỉ nói hai lần tự tứ.” Tỳ-kheo nên nói hai lần tự tứ. Nếu không nói hai lần tự tứ thì sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo nói: “Vì nạn sự nên lược nói tự tứ. Nay nạn sự đã gần, chúng ta không thể nói hai lần tự tứ được. Có thể chỉ nói một lần tự tứ.” Tỳ-kheo nên nói một lần tự tứ. Nếu không nói sẽ như pháp trị.

Các tỳ-kheo lại nói: “Vì nạn sự nên lược nói tự tứ. Nạn sự quá gần, không đủ thì giờ nói một lần tự tứ. Chúng ta có thể đủ thì giờ tất cả đồng loạt nói tam ngữ tự tứ.” Trường hợp này văn tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đồng loạt nói tam ngữ tự tứ. Đây là lời tác bạch.”

Tác bạch như vậy rồi đồng loạt nói tam ngữ tự tứ.

Đồng loạt nói hai lần, nói một lần, cũng vậy.

Các tỳ-kheo lại nói: “Vì nạn sự nên đồng loạt nói tam ngữ tự tứ. Nạn sự gần, không thể nói đồng loạt tam ngữ tự tứ, cũng không thể tác bạch.” Tỳ-kheo vì nạn sự này nên ra đi.

6. Già tự tứ

Bấy giờ có trú xứ, tỳ-kheo phạm tăng tàn, vị kia không biết nên làm thế nào, nên báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu tỳ-kheo nơi trú xứ nào đó có phạm Tăng tàn, tỳ-kheo đó cần được cho phú tàng thì phải trao phú tàng. Trao yết-ma phú tàng rồi mới tự tứ. Cần trao cho bổn nhật trị thì phải trao bổn nhật trị. Trao yết-ma bổn nhật trị rồi mới tự tứ. Cần trao mana-đỏa thì phải trao ma-na-đỏa. Trao yết-ma ma-na-đỏa rồi mới tự tứ. Cần trao pháp xuất tội thì phải trao pháp xuất tội. Trao yết-ma xuất tội rồi mới tự tứ.”

Bấy giờ, đến ngày tự tứ, một trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Có vị nói phạm ba-dật-đề; có vị nói phạm ba-la-đề đề-xá-ni. Các tỳ-kheo ở đó nói, ‘Chúng ta nên như thế nào?’ Liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào đó có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Tỳkheo nơi đó hoặc nói phạm ba-dật-đề, hoặc nói phạm ba-la-đề đềxá-ni. Nếu biết vị ấy phạm ba-dật-đề thì nên đưa người này đến một nơi, rồi khiến người nói vị ấy phạm ba-la-đề đề-xá-ni thì ở chỗ mắt [839b] thấy tai không nghe; sau đó hướng dẫn tỳ-kheo phạm sám hối. Rồi đến chỗ tỳ-kheo cho rằng vị ấy phạm ba-la-đề đề-xáni nói: ‘Tỳ-kheo phạm tội, tôi đã bảo sám hối rồi.’ Nên phương tiện tác pháp như vậy rồi tự tứ.

Bấy giờ, ngày tự tứ, trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá. Trong các tỳ-kheo, vị thì nói phạm thâu-lan-giá, vị thì nói phạm ba-la-di. Những vị nói phạm thâu-lan-giá đều là hàng đa văn, thông suốt Ahàm, A-tỳ-đàm, trì Luật, thuộc hạng tỳ-kheo có nhiều quen biết với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc vua, hoặc đại thần, hoặc các hàng ngoại đạo, sa-môn, phạm-chí. Tỳ-kheo nói phạm bala-di cũng là hàng đa văn, thông A-hàm, A-tỳ-đàm, trì Luật, lại cũng thuộc hạng có nhiều tri thức với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni... cho đến sa-môn, phạm-chí. Các tỳ-kheo nói, “Nếu tự tứ hôm nay, có thể chúng Tăng có sự tranh cãi. Có thể Tăng bị vỡ. Hoặc sanh ra trần cấu ô nhiễm cho Tăng, khiến chúng Tăng chia rẽ. Vậy chúng ta nên làm thế nào?” Họ liền báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào đó có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo, người thì nói phạm thâu-lan-giá, kẻ thì nói phạm ba-la-di. Tỳ-kheo nói phạm thâu-lan-giá là hạng đa văn, thông A-hàm, A-tỳđàm, trì Luật, có nhiều tri thức với tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc vua, hoặc đại thần, hoặc các hàng ngoại đạo, samôn, phạm-chí. Tỳ-kheo nói phạm ba-la-di cũng thuộc về hàng đa văn, thông A-hàm, A-tỳ-đàm, trì Luật, có nhiều tri thức với tỳkheo, tỳ-kheo-ni... cho đến sa-môn, phạm-chí. Các tỳ-kheo nói, ‘Nếu tự tứ hôm nay, có thể chúng Tăng có sự tranh cãi. Có thể

Tăng bị vỡ. Hoặc sanh ra trần cấu ô nhiễm cho Tăng, khiến chúng Tăng chia rẽ.’ Nếu sợ Tăng bị vỡ thì không nên tự tứ liền ngày hôm đó mà nên đình lại thời gian rồi sẽ tự tứ.”

Khi tự tứ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép ngăn tự tứ,[354] liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh không cho tự tứ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được ngăn tỳ-kheo thanh tịnh tự tứ. Nếu ngăn thì giống như không ngăn. Nếu ngăn mà không có căn cứ, không tác nhân,[355] đó gọi là không ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân, đó mới gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn không căn cứ, không tác nhân hữu dư,[356] đó không gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân hữu dư,[357] [839c] đó gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn không căn cứ, không tác nhân vô dư, đó không gọi là ngăn tự tứ. Nếu ngăn có căn cứ, có tác nhân vô dư, đó gọi là ngăn tự tứ.

Nếu ngăn khi chưa nói tam ngữ tự tứ, gọi là không ngăn tự tứ. Nói tam ngữ tự tứ rồi mà ngăn tự tứ, cũng không gọi là ngăn tự tứ. Ngay khi nói tam ngữ tự tứ nếu ngăn tự tứ mới gọi là ngăn tự tứ. Nói một lần, nói hai lần, cũng như vậy.

Người ngăn tự tứ, nếu thân nghiệp mà không thanh tịnh, khẩu không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này: ‘Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên việc tranh cãi.’ Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ.

Nếu người ngăn tự tứ mà thân nghiệp thanh tịnh, nhưng khẩu, ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời. Các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này rằng: “Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên tránh sự này.” Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ.

Nếu người ngăn tự tứ mà thân, khẩu nghiệp thanh tịnh, nhưng ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không phân minh, không biết hỏi, không biết trả lời, thì các tỳ-kheo nên nói với tỳ-kheo này rằng: “Thôi đi, trưởng lão khỏi phải khởi lên tránh sự này.” Rồi không nghe theo tỳ-kheo đó, mà nên tự tứ.

Nếu người ngăn tự tứ mà thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh, có trí, phân minh, có khả năng hỏi và trả lời, thì các tỳ-kheo nên hỏi tỳkheo này rằng: “Vì sao mà thầy ngăn tỳ-kheo này tự tứ? Vì phạm giới nên thầy ngăn? Hay vì phá kiến mà ngăn? Hay vì thầy này phá oai nghi mà thầy ngăn?” Nếu vị kia trả lời: “Vì phá giới cho nên ngăn” thì nên hỏi phạm những giới nào? Nếu nói phạm ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, đó gọi là phạm giới. Nếu nói không vì phá giới mà ngăn mà vì phá kiến nên ngăn thì nên hỏi: “Phá kiến nào?” Nếu nói sáu mươi hai kiến, các tà kiến, đó gọi là phá kiến. Nếu nói không vì phá kiến mà ngăn, mà vì phá oai nghi nên ngăn thì hỏi: “Phá oai nghi nào?” Nếu nói phạm ba-dật-đề, ba-la-đề đềxá-ni, đột-kết-la, ác thuyết, đó gọi là phá oai nghi. Nên hỏi thêm: “Do sự[358] gì mà ngăn người khác tự tứ ? Vì thấy, nghe hay nghi mà ngăn?”

Nếu trả lời vì thấy thì nên hỏi: “Thấy việc gì? Thấy như thế nào? Bởi nguyên nhân nào mà thấy? Tỳ-kheo kia lại vì nguyên nhân gì khiến cho thầy thấy? Thầy [840a1] ở tại chỗ nào? Thầy kia ở tại chỗ nào? Thấy việc gì mà nói là phạm ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kết-la, ác thuyết?”

Nếu nói không thấy, nhưng do nghe thì nên hỏi: “Nghe việc gì? Nghe như thế nào? Nghe từ ai? Nghe từ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di? Nghe phạm việc gì: ba-la-di, tăng tàn, cho đến ác thuyết chăng?”

Nếu nói không nghe mà do nghi, thì hỏi: “Nghi việc gì? Nghi như thế nào? Nghe từ ai mà sanh nghi: từ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di chăng? Nghi việc gì: ba-la-di, tăng tàn... cho đến ác thuyết chăng?”

Nếu người ngăn tự tứ không thể trả lời. Nếu người ấy có trí mà dùng ba-la-di để ngăn thì phải trao cho người ấy tội tăng tàn,[359] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu vị dùng tội tăng tàn để ngăn, thì phải trao cho tội ba-dật-đề,[360] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu người ấy dùng tội ba-dật-đề để ngăn thì phải trao cho các tội khác,[361] rồi Tăng mới tự tứ. Nếu người ấy dùng các tội khác để ngăn thì nên như pháp trị, rồi Tăng mới tự tứ.

Nếu người ngăn tự tứ có trí, có thể trả lời. Nếu ngăn vì phạm ba-ladi thì nên diệt tẫn,[362] rồi Tăng tự tứ. Nếu ngăn vì phạm tăng tàn, thì nên trao cho ba-lợi-bà-sa hay bổn nhật trị, hoặc ma-na-đỏa, hay xuất tội, rồi tự tứ. Nếu ngăn vì phạm ba-dật-đề, thì cho sám hối, rồi tự tứ. Nếu dùng các việc khác để ngăn thì nên như pháp trị rồi tự tứ.[363]

Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh tự tứ. Vị kia không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có trú xứ nào, ngày tự tứ, tỳkheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh tự tứ, thì tỳ-kheo kia nói với tỳ-kheo này rằng, đức Phật dạy như vầy: ‘Hiện đang bệnh, không được ngăn. Phải đợi bệnh lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp. Vị kia cũng sẽ nói như pháp.’ Tác pháp như vậy rồi sau đó tự tứ.” Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo không bệnh tự tứ. Tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo này rằng: ‘Này trưởng lão, đức Phật có nói như vầy: ‘Phải đợi bệnh lành đã. Ngài nên nói như pháp. Vị kia cũng nói như pháp.’’ Tác pháp như vậy rồi, sau đó tự tứ.

Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày tự tứ, tỳ-kheo không bệnh ngăn [840b] tỳ-kheo bệnh tự tứ. Tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo này rằng,: ‘Đức Phật dạy như vầy: ‘Phải đợi bệnh lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp. Vị kia cũng nói như pháp.’’ Tác pháp như vậy rồi, sau đó tự tứ.

7. Hạn kỳ tự tứ

1. Bấy giờ, có trú xứ, có số đông tỳ-kheo an cư tinh tấn tu hành chứng đặng tăng thượng quả, quý vị khởi lên ý nghĩ: “Hôm nay chúng ta tự tứ. Nếu di chuyển đến các trú xứ khác, sợ không được pháp lạc như vầy. Chúng ta nên làm thế nào?” Các vị liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu trú xứ có số đông tỳ-kheo an cư tinh tấn tu hành chứng đặng tăng thượng quả. Các tỳ-kheo có ý nghĩ: ‘Hôm nay chúng ta tự tứ. Nếu di chuyển đến các trú xứ khác, sợ không được pháp lạc như vầy.’ Các tỳ-kheo nên tác bạch tăng ích tự tứ.” Văn tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay không tự tứ. Đủ bốn tháng sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.”

Nên tác bạch như vậy rồi sau đó đủ bốn tháng mới tự tứ.

2. Bấy giờ có trú xứ, có số đông tỳ-kheo cùng sống với nhau. Ngày tự tứ, các tỳ-kheo nghe các tỳ-kheo nơi trú xứ kia đấu tranh không hòa hợp, muốn đến nơi đây tự tứ.[364] Các vị không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu trú xứ nào có số đông tỳ-kheo cùng sống với nhau, ngày tự tứ, nghe các tỳ-kheo trú xứ khác đấu tranh không hòa hợp, muốn đến đây tự tứ, thì tỳ-kheo kia nên tự tứ trước hai, ba ngày. Nếu tự tứ vào ngày mười lăm thì nên tự tứ ngày mười bốn. Nếu ngày mười bốn tự tứ thì nên tự tứ ngày mười ba. Nếu nghe họ đến vào ngày hôm nay thì nên tập Tăng tự tứ gấp. Nếu nghe họ đã đến trong giới thì nên ra ngoài giới tự tứ. Nếu nghe họ đã đến trong chùa thì nên sửa soạn nước rửa, nước tắm, ghế ngồi tắm, bình nước rửa, dụng cụ cào đất, đồ đựng bùn, tháo đậu, dược thảo, rồi bạch Thượng tọa nhen lửa, thỉnh Tăng vào nhà để tắm. Các cựu Tăng tỳ-kheo nên kín đáo từ nhà tắm mọi người ra ngoài giới tự tứ. Nếu khách tỳkheo kêu bảo tự tứ thì nên trả lời: ‘Chúng tôi tự tứ rồi.’ Nếu cựu tỳkheo tự tứ rồi, khách tỳ-kheo ngăn tự tứ thì không được ngăn.2 Khi khách tỳ-kheo đang tự tứ, cựu tỳ-kheo ngăn thì được ngăn. Nếu có thể tạo phương tiện như vậy để tác pháp thì tốt, bằng không tỳ-kheo kia nên tác bạch tăng thượng tự tứ.[365] [840c] Văn bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay Tăng không tự tứ, đến ngày thứ mười lăm không trăng sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.”

Nên tác bạch tăng thượng tự tứ như vậy. Nếu khách tỳ-kheo ở cho đến ngày thứ mười lăm không trăng, cựu tỳ-kheo nên tác bạch tăng thượng tự tứ lần thứ hai. Văn bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay Tăng không tự tứ, đến ngày thứ mười lăm có trăng sau sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.”

Nếu tác bạch tăng thượng tự tứ lần thứ hai như vậy mà khách tỳkheo không đi, cựu tỳ-kheo nên như pháp, như luật cưỡng hòa hợp tự tứ.

3. Bấy giờ có trú xứ, đến ngày tự tứ, khi tự tứ không biết tội, không biết người. Tự tứ rồi biết tội biết người. Các tỳ-kheo kia tự nghĩ, chúng ta nên làm thế nào? Các vị liền báo với các tỳ-kheo.

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Trú xứ nào, khi tự tứ không biết tội, không biết người, tự tứ rồi biết tội biết người; nếu tự tứ rồi, không được đem những việc đã qua của người cử tội lại.”

Trú xứ nào, khi tự tứ không biết tội, biết người. Tự tứ rồi biết tội, biết người. Nếu tự tứ rồi, thì không được đem những việc trước của người mà cử tội lại.

“Trú xứ nào, khi tự tứ có biết tội, không biết người. Tự tứ rồi biết tội, biết người. Nếu tự tứ rồi thì không được đem những việc trước của người cử tội lại.

4. Có trú xứ, ngày tự tứ của khách tỳ-kheo đến là ngày mười bốn, còn cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Các tỳ-kheo không biết nên thế nào, nên báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật.

Đức Phật dạy:

Nếu có trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo ngày mười bốn (tự tứ), cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo nên tùy theo. Không theo, nên như pháp trị. Có trú xứ khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng nhau cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo ngày mười bốn tự tứ, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo bằng nhau đó nên theo cựu Tỳ-kheo.

Không theo, sẽ như pháp trị.

Khi tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến đông. Khách tỳ-kheo thì ngày mười bốn tự tứ, còn cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Cựu tỳ-kheo ít, nên cùng khách tỳ-kheo cầu hòa hợp.

Nếu cùng hòa hợp thì tốt. Bằng không hòa hợp, cựu tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ.

Ngày tự tứ, [841a1] có trú xứ, khách tỳ-kheo đến ít. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo đến ít nên theo cựu tỳ-kheo cầu hòa hợp, nếu cùng hòa hợp thì tốt, bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ.

Ngày tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến số lượng bằng cựu tỳkheo. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo bằng nên theo cựu tỳ-kheo cầu hòa hợp, cùng hòa hợp thì tốt, bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới tự tứ.

Ngày tự tứ, có trú xứ, khách tỳ-kheo đến nhiều. Khách tỳ-kheo ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo ngày mười bốn. Cựu tỳ-kheo ít nên theo khách tỳ-kheo cầu hòa hợp, theo được thì tốt, bằng không, như pháp trị. Khách tỳ-kheo ngày mười sáu, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm cũng như vậy.

5. Ngày tự tứ, có trú xứ cựu tỳ-kheo tập hợp muốn tự tứ. Khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Tỳ-kheo kia nghĩ: chúng ta nên làm thế nào? Họ liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

Nếu ngày tự tứ, trú xứ nào cựu tỳ-kheo tập hợp muốn tự tứ. Khi tự tứ, khách tỳ-kheo đến ít. Khách tỳ-kheo nếu là cấp thượng tọa thì tùy theo cấp thượng tọa mà thứ tự tự tứ. Nếu cấp hạ tọa thì theo cấp hạ tọa mà thứ tự tự tứ.

Nếu đã nói tự tứ xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số ít, nên công bố sự thanh tịnh. Nếu không công bố thì sẽ như pháp trị.

“Ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo muốn tự tứ. Có khách tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, cựu tỳ-kheo nên cùng tự tứ. Nếu không tự tứ, sẽ như pháp trị. Tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, nên tiếp tục tự tứ cho khách tỳ-kheo. Nếu không, sẽ như pháp trị.[366]

“Ngày tự tứ, trú xứ cựu tỳ-kheo sắp sửa tự tứ, khách tỳ-kheo đến với số nhiều. Cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không tự tứ sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng nhiều, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp sửa tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số ít. Nếu cựu tỳ-kheo là hàng Thượng tọa thì theo chỗ hàng Thượng tọa tự tứ. Nếu là hạ tọa theo chỗ của hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa [841b] đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số ít, nên nói thanh tịnh tự tứ. Nếu không nói, sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp sửa tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng nhau. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị. Trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đang ngồi sắp tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Không tự tứ, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Không vậy, sẽ như pháp trị.

Cựu tỳ-kheo tự tứ, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. Khách tỳ-kheo tự tứ, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy.

8. Khách tự tứ

1. Có một trú xứ, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nói: “Chúng ta có năm người, hoặc hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.” Bèn tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo nghĩ:

“Ta nên làm thế nào?” Họ liền báo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu ngày tự tứ trú xứ nào có khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết có cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‘Chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.’ Vị ấy liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số ít. Cựu tỳ-kheo là hàng thượng tọa thì tỳ-kheo theo thứ tự của thượng tọa tự tứ. Hạ tọa theo thứ tự của hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít. Cựu tỳ-kheo nên nói thanh tịnh tự tứ. Nếu không, sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào ngày tự tứ khách tỳ-kheo đến, khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‘Chúng ta có năm người hay hơn năm người có thể tác yết-ma tự tứ.’ Họ liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không sẽ như pháp trị. Tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hay phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại, nếu không sẽ như pháp trị.

[841c] Trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‘Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể cùng tác yết-ma tự tứ.’ Các vị ấy liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến với số lượng nhiều. Khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc hầu hết chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳ-kheo chưa đến, nhưng nói: ‘Nếu chúng ta có năm người hay hơn năm người có thể tác yết-ma tự tứ.’ Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳkheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo cấp Thượng tọa thì theo cấp Thượng tọa mà tự tứ, hạ tọa thì theo thứ tự hạ tọa tự tứ. Nếu tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hay đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số ít, nên nói thanh tịnh tự tứ, nếu không nói sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳkheo chưa đến, nhưng nói: ‘Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.’ Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳkheo đến với số lượng bằng. Cựu tỳ-kheo nên tác pháp tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị. Tự tứ đã xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳkheo nên tự tứ lại. Bằng không, sẽ như pháp trị.

Trú xứ nào ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Cựu tỳ-kheo biết khách tỳkheo chưa đến, nhưng nói: ‘Nếu chúng ta có năm người, hay hơn năm người, có thể tác yết-ma tự tứ.’ Khi tác yết-ma tự tứ, khách tỳkheo đến với số lượng đông hơn, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Bằng không sẽ như pháp trị. Nếu tự tứ rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hay số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số lượng nhiều hơn, cựu tỳ-kheo nên tự tứ lại. Nếu không, sẽ như pháp trị.

Khách tỳ-kheo tự tứ, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo tự tứ, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy.

2. Hoặc nói nên tự tứ,[367] hoặc nói không nên tự tứ. Nếu có người không đến, bèn nói rằng, ‘Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!’ Muốn làm mọi phương tiện, để phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Nếu kia tác yết-ma, tỳ-kheo kia không thành tựu pháp tác yết-ma, mắc tội thâu-lan-giá.”

Bấy giờ vào ngày tự tứ, nếu khách tỳ-kheo đến [842a1] thấy dấu hiệu của cựu tỳ-kheo như treo giường dây, trải giường cây, phu cụ, nệm lông, gối, chỗ rửa chân. Thấy dấu hiệu rồi, không tìm kiếm, bèn tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo tự nghĩ: ‘Ta nên làm thế nào?’ Các vị ấy liền báo các tỳkheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu ngày tự tứ, có khách tỳ-kheo đến, thấy có dấu hiệu của cựu trú tỳ-kheo như treo giường dây, trải giường cây, phu cụ, nệm lông, gối, chỗ rửa chân. Thấy có dấu hiệu mà không tìm kiếm liền tác yết-ma tự tứ. Nếu tác yết-ma tự tứ như vậy, thì không thành yết-ma tự tứ, lại có tội.

Thấy dấu hiệu rồi tìm kiếm. Tìm mà không được, nên kêu. Nếu không kêu mà tác yết-ma tự tứ, không thành yết-ma tự tứ, lại có tội. Thấy có dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm không được, bèn nói: ‘Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!’ Dùng nhiều phương tiện muốn phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc thâu-lan-giá.

Thấy dấu hiệu liền tìm. Tìm không được, bèn kêu. Kêu rồi tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma của tỳ-kheo kia tuy không phạm tội nhưng không thành tựu.

Thấy rồi liền tìm. Tìm được, hòa hợp yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không mắc tội.” Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Có trú xứ, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo đến thấy dấu hiệu khách tỳ-kheo như y bát, tọa cụ, ống đựng kim, chỗ rửa chân, mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc tội.

Thấy dấu hiệu liền tìm. Tìm không được nên kêu. Nếu không kêu mà tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ không thành tựu, lại có tội.

Thấy có dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm không được, bèn nói: ‘Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!’ Dùng nhiều phương tiện muốn phá hoại người khác, bèn tác yết-ma tự tứ. Sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia không thành tựu, mắc thâu-lan-giá.

Thấy dấu hiệu rồi liền tìm. Tìm không được, bèn kêu. Kêu rồi, tác yết-ma tự tứ. Yết-ma của tỳ-kheo kia tuy không thành tựu, nhưng không phạm tội.

Thấy dấu hiệu rồi tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp yết-ma tự tứ. yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không mắc tội.” Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Ngày tự tứ, có trú xứ khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng bàn luận. Nghe [842b] mà không tìm kiếm, liền tác yết-ma tự tứ. Khi tác yết-ma tự tứ, cựu tỳ-kheo đến; vị kia không biết nên như thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu ngày tự tứ, có trú xứ nào, khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo đi kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng bàn luận. Nghe tiếng mà không tìm cầu liền tác yết-ma tự tứ, thì không thành tựu mà mắc tội.

Từ ‘nghe rồi tìm’ cho đến ‘hòa hợp tự tứ‘ cũng như vậy.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

Có trú xứ nào, ngày tự tứ, cựu tỳ-kheo lại, nghe tiếng khách tỳkheo đến, tiếng tụng kinh, tiếng tằng hắng, tiếng kinh hành, tiếng bàn luận, tiếng đập dũ y. Nghe rồi mà không tìm liền tác yết-ma tự tứ, yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, lại có tội.

Từ ‘nghe rồi tìm’ cho đến ‘hòa hợp tự tứ’ cũng như vậy.

“Nghe, nghi cũng như vậy.”

Có trú xứ, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo trên giới trường mà không tìm. Các tỳ-kheo liền tác pháp yết-ma tự tứ. Các tỳ-kheo không biết thế nào liền bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Trú xứ nào, ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trên giới trường mà không tìm, liền tác yết-ma tự tứ. Yết-ma của tỳ-kheo kia tuy thành tựu nhưng có tội.

Nếu thấy mà tìm. Tìm mà không kêu bèn tác yết-ma tự tứ. Yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành tựu nhưng có tội.

Nếu thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu, tác yết-ma tự tứ, tỳ-kheo kia không phá yết-ma, không tội.

Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Trú xứ nào, ngày tự tứ cựu tỳ-kheo đến, thấy khách tỳ-kheo ở trên giới trường, thấy mà không tìm cầu. Các tỳ-kheo liền tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành tựu, nhưng có tội. Nếu thấy liền tìm cầu, tìm cầu không được mà không kêu bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia tuy thành, nhưng có tội.

Nếu thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu, tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.

Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo cũng như vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo cũng như vậy.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.”

Có trú xứ ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong cương giới. Thấy mà không tìm cầu, liền tác yết-ma [842c] tự tứ. Khi tự tứ, thấy cựu tỳ-kheo đến, không biết làm thế nào, liền báo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có trú xứ nào ngày tự tứ, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong cương giới, thấy mà không tìm cầu liền tác yết-ma tự tứ, yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, có tội.

Thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi không kêu bèn tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma của tỳ-kheo kia không thành tựu, và có tội.

Thấy mà tìm cầu, tìm cầu rồi kêu hòa hợp tác yết-ma tự tứ, thì sự yết-ma tự tứ của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.

Thấy nhưng nghi cũng như vậy.

Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo cũng như vậy.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.

Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo cũng như vậy.

Nghe nhưng nghi cũng như vậy.”

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ: “Chúng ta hãy từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi có trú xứ không tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì chúng ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.”[368] Các tỳ-kheo liền bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên có ý nghĩ như vậy.”

Từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi có trú xứ không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Vị kia nghĩ: ‘Ta hãy từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi không trú xứ không Tỳkheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.’ Đức Phật dạy: “Không nên có ý nghĩ như vậy.”

Từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến nơi không trú xứ không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Vị kia có ý nghĩ: ‘Ta hãy từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, hay không trú xứ, hoặc ở trên giới trường. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ.’ Đức Phật dạy:

“Không nên có ý nghĩ như vậy.”

Từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ hay không trú xứ, hoặc [843a1] ở trên giới trường với tỳ-kheo, sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma, hoặc ngăn tự tứ. Nếu không có Tăng cùng đi, không nạn sự mà đi thì mắc đột-kết-la.

Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy.

Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo không trú xứ cũng như vậy.

Từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy.

Vì thân hữu tri thức cũng như vậy.

3. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý như vầy: “Chúng ta hãy đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ như vầy: ‘Đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳkheo.’ Không được trước tỳ-kheo-ni tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.” Các tỳ-kheo-ni, sai thức-xoa-ma-na, sa-di ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo-ni không được sai thức-xoa-ma-na, sa-di-ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được trước thức-xoa-ma-na, sa-di ni tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.”

Các tỳ-kheo-ni lại có ý sai bạch y thân hữu đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳkheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo-ni không nên có ý nghĩ sai bạch y thân hữu đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác, đừng tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được trước bạch y tác yết-ma hoặc ngăn tự tứ.”

4. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc sai quân đến hộ vệ cho chúng Tăng. Các tỳ-kheo nói với các binh lính rằng:

“Quý vị đi ra ngoài một chút, chúng tôi muốn tác yết-ma tự tứ.”

Quân lính nói: “Vua sai chúng tôi [843b] đến đây để hộ vệ chúng Tăng. Chúng tôi không dám đi chỗ khác.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên nói một lần nữa, yêu cầu họ tránh đi chỗ khác. Nếu họ đi thì tốt, bằng không đi tự mình nên đi đến chỗ không thấy không nghe tác yết-ma tự tứ, chứ không được ở trước người chưa thọ đại giới tác yết-ma tự tứ.”

5. Khi các loại trời rồng, dạ xoa đến nghe tự tứ. Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy, sanh tâm e ngại, vì đức Phật không cho phép tỳ-kheo trước người chưa thọ đại giới tự tứ, nên liền bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Trừ loài người chưa thọ đại giới, ngoài ra cho phép yết-ma tự tứ.”

Có vị tự tứ rồi lại thuyết giới nên ngồi lâu mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được tự tứ rồi lại thuyết giới. Tự tứ tức là thuyết giới.” Đức Phật dạy như vậy.

CHƯƠNG V - DA THUỘC

I. NHÂN DUYÊN THỦ-LUNG-NA

1. Hai bàn chân

[843b12] Một thời, đức Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ tại thành Chiêm-ba[369] có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na.[370] Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua nước Ma-kiệt[371] nghe trong thành Chiêm-ba có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na. Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua muốn được thấy, liền ra lệnh cho ông chủ thành Chiêm-ba[372] bảo các trưởng giả đều đem con của mình đến chỗ nhà vua. Ông chủ thành Chiêm-ba ra lệnh các ông trưởng giả đem con của họ đến chỗ vua Ma-kiệt. Khi đến nơi, họ đảnh lễ sát chân vua, rồi đứng qua một bên, tâu với vua:

“Đại vương muốn thấy con của các đại trưởng giả trong thành

Chiêm-ba. Đây là một đứa từ nhỏ đến lớn quen sống sung sướng, cha mẹ rất thương yêu, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Xin vua cho phép dùng vải trải trên đất.” Vua cho phép lấy vải trải trên đất. Con ông trưởng giả có tên Thủlung-na liền dùng vải trải trên đất, bước đến chỗ vua, đầu mặt kính lễ. Vua thấy dưới bàn chân mọc lông. Lòng vua rất hoan hỷ, liền ban cho[373] những lợi ích trong đời hiện tại và nói:

“Ta đã cho các ngươi những lợi ích trong đời hiện tại. Đức Thế Tôn hiện ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá. Các ngươi có thể đến đó để chiêm ngưỡng và lễ bái hỏi chào Ngài. Ngài sẽ cho ngươi những điều có lợi ích cho đời sau.”

Bấy giờ, chủ thành Chiêm-ba và các trưởng giả nghe vua nói, rồi cùng nhau đến trong núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy Trưởng lão Ta-kiệtđà[374] là thị giả của Phật, đang ngồi trên tảng đá lớn [843c] ở một chỗ nọ. Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ trưởng lão Ta-kiệt-đà, hỏi:

“Hiện nay đức Thế Tôn ở đâu? Chúng tôi muốn diện kiến đức Như Lai.”

Ta-kiệt-đà bảo:

“Chờ một chút! Trưởng giả hãy để tôi bạch Phật.”

Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất khỏi tảng đá, trong khoảnh khắc như đại lực sĩ co duỗi cánh tay, đến trước đức Phật, bạch: “Trưởng giả Chiêm-ba muốn diện kiến đức Thế Tôn.” Phật bảo:

“Ông đến nơi nhà mát trải chỗ ngồi. Ta sẽ đến đó.”

Ta-kiệt-đà vâng lời dạy, trải chỗ ngồi xong, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch:

“Con đã trải chỗ ngồi xong. Bây giờ là phải thời.”

Đức Thế Tôn từ trong nhà bước ra, đến ngồi vào chỗ ngồi đã trải sẵn, bảo Ta-kiệt-đà:

“Mời trưởng giả Chiêm-ba đến.”

Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất trước đức Phật, trong khoảnh khắc như kẻ lực sĩ co duỗi cánh tay, đã có mặt nơi tảng đá.

Ông trưởng giả thấy liền khen:

“Thật chưa từng có! Đệ tử đức Thế Tôn thần túc còn như thế, huống là đức Như Lai.” Ta-kiệt-đà nói:

“Thưa Trưởng giả, bây giờ là phải thời.”

Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ rồi lui ra ngồi một bên. Đức Thế Tôn liền vì ông chủ thành Chiêm-ba và các con trưởng giả phương tiện nói pháp. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Họ liền ngay trên chỗ ngồi mà được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, đạt được quả chứng, không còn thối lui; bạch Phật rằng:

“Đại Đức, chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.”

Con ông trưởng giả có tên Thủ-lung-na ngồi trong đám đông, nghĩ rằng: “Ta nghe lời Phật dạy, ở tại gia cùng vợ con khó tu hạnh thanh tịnh. Nay ta nên theo Phật, xin cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo.” Rồi có ý chờ mọi người giải tán.

Bấy giờ, chủ thành Chiêm-ba nghe đức Phật phương tiện nói các pháp, sanh tâm đại hoan hỷ, liền rời chỗ ngồi đứng dậy làm lễ, nhiễu quanh đức Phật và cáo lui. Con ông trưởng giả tên là Thủlung-na trở lại, đến chỗ đức Phật, đầu mặt làm lễ, rồi lui ra đứng một bên, bạch đức Thế Tôn:

“Con vừa nghe Phật nói, nếu ở tại gia cùng vợ con khó có thể tu hạnh thanh tịnh. Nay con muốn theo đức Thế Tôn, xin cạo bỏ râu tóc, cho con xuất gia làm đạo.”

Đức Phật hỏi Thủ-lung-na. “Cha mẹ ông đã cho phép chưa?” Thủ-lung-na thưa:

“Thế Tôn, cha mẹ con chưa cho phép.” Đức Phât [844a1] dạy:

“Nếu cha mẹ con không cho phép, Như Lai không nhận con xuất gia.”

Thủ-lung-na thưa:

“Con sẽ tìm cách để cha mẹ con cho phép.”

Đức Phật dạy: “Nay phải thời.”

Bấy giờ Thủ-lung-na trở lại thành Chiêm-ba, đến chỗ cha mẹ thưa:

“Con vừa nghe Phật nói, sống tại gia cùng vợ con không thể tu hạnh thanh tịnh được. Nay con muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc để xuất gia hành đạo. Xin cha mẹ cho phép.” Cha mẹ Thủ-lung-na nói:

“Phép xuất gia quá khó. Làm sa-môn cũng không phải dễ. Chi bằng con sống tại gia, vui với ái dục, tuỳ ý làm việc phước. Khỏi phải xuất gia.”

Thủ-lung-na nghe cha mẹ nói như vậy, vẫn cố xin lần thứ hai, lần thứ ba như vậy, chứ không chịu thôi. Thủ-lung-na ba lần thưa xin cha mẹ như vậy, cha mẹ vẫn không cho. Bấy giờ, Thủ-lung-na liền rời chỗ ngồi đứng dậy, rồi ngồi xuống đất và nói:

“Từ nay trở đi, con không tắm rửa, không thoa hương thơm, không uống nước, không ăn. Hoặc chết, hoặc xuất gia.”

Một ngày không ăn, cho đến năm ngày không ăn. Bà con, bạn bè của Thủ-lung-na nghe Thủ-lung-na muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo mà cha mẹ không cho, đã không ăn cho đến năm ngày. Các bà con thân quen của Thủ-lung-na bèn đến chỗ Thủlung-na, nói:

“Đứng dậy đi, Thủ-lung-na. Hãy đi tắm, thoa hương thơm, ăn uống, làm việc phước đức theo ý muốn. Chứ xuất gia không phải dễ. Làm sa-môn cũng rất khó. Thôi đi, đừng xuất gia nữa.” Thủ-lung-na nghe các bà con thân quen nói như vậy, vẫn giữ nguyên ý nguyện. Bấy giờ các bạn của Thủ-lung-na đến chỗ cha mẹ của Thủ-lung-na nói: “Hãy cho Thủ-lung-na xuất gia làm đạo. Nếu vui sống xuất gia thì còn thường gặp. Nếu không vui xuất gia nữa, sẽ trở về lại. Chứ nếu để Thủ-lung-na chết thì làm sao?” Cha mẹ Thủ-lung-na nghe xong liền nói:

“Thôi thì tùy ý xuất gia.”

Thủ-lung-na nghe cha mẹ cho phép rồi, trong lòng tự nghĩ: “Nay ta gầy yếu thế này không kham ngày ăn một bữa. Cần phải bồi dưỡng một chút.” Khi Thủ-lung-na có ít nhiều sức khỏe, liền đến chỗ cha mẹ thưa:

“Nay con xin đi xuất gia.” Cha mẹ nói:

“Nay hợp thời.”

Thủ-lung-na liền đến chỗ đức Thế Tôn trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá, đầu mặt kính lễ rồi đứng qua một bên, bạch Phật [844b] rằng:

“Cha mẹ con đã cho con xuất gia làm đạo. Cúi xin Phật độ cho con, được thọ đại giới.”

Đức Phật liền cho xuất gia thọ đại giới.

Bấy giờ cha mẹ Thủ-lung-na, trong khoảng cách giữa hai thành, thiết lập bảy trạm ngựa để mang thức ăn còn nóng đến Thủ-lung-na cho kịp thời.

Đến giờ, Thủ-lung-na đem thức ăn này cúng dường các Thượng tọa, rồi tự mình vào thành khất thực. Cha mẹ Thủ-lung-na nghe con mình đem thức ăn này dâng cúng cho các tỳ-kheo, rồi tự mình khất thực, nên từ đó về sau không đưa thức ăn nữa.

2. Giây đàn căng

Rồi thì, Thủ-lung-na đến ở bên sông Ôn thủy, trong rừng Thi-đà,[375] siêng năng tinh tấn kinh hành, đến độ bàn chân rỉ máu, khiến chỗ kinh hành đất dính đầy máu như chỗ lò sát sanh. Thủ-lung-na ở chỗ vắng tư duy như vầy: “Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.” Bấy giờ đức Thế Tôn biết tâm niệm đó của Thủ-lung-na nên trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi tay, từ Kỳ-xà-quật đến rừng Thi-đà, thấy chỗ kinh hành đất dính máu như lò sát sanh. Ngài biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:

“Ai kinh hành nơi đây mà đất dính máu, như chỗ lò sát sanh thế này?”

Các tỳ-kheo bạch Phật: “Tỳ-kheo Thủ-lung-na siêng năng tinh tấn kinh hành, bàn chân rỉ máu, nên đất dính máu như vậy.”

Đức Phật bảo kêu Thủ-lung-na đến. Tỳ-kheo vâng lời dạy của đức Phật đến chỗ Thủ-lung-na nói:

“Đức Thế Tôn bảo gọi thầy đến.”

Thủ-lung-na nghe đức Phật gọi liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi lui ra ngồi một bên. Đức Phật biết mà vẫn cố hỏi:

“Vừa rồi ở nơi chỗ vắng ông nghĩ như vầy: ‘Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.’ Có thật vậy chăng?”

“Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nay Ta hỏi ông. Cứ tuỳ ý mà trả lời. Khi ông còn ở nhà, có hay chơi đàn không?”

“Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy, lúc còn ở nhà con hay chơi đàn.”

“Này Thủ-lung-na, khi dây đàn căng quá thì âm thanh có hay hay không?”

“Bạch Đức Thế Tôn, không.”

“Này Thủ-lung-na, khi dây đàn chùng, âm thanh có hay hay không?”

“Bạch Đức Thế Tôn, không.”

“Này Thủ-lung-na, khi dây đàn không chùng không căng quá, thì âm thanh có tốt hay không?”

“Kính bạch Đức Thế Tôn, âm thanh hay.” [844c] Đức Thế Tôn nói:

“Cũng vậy, này Thủ-lung-na, nếu tinh tấn quá thì bị chao động. Ít tinh tấn thì sanh biếng nhác. Nên tinh tấn vừa phải đối với các căn.”[376]

Thủ-lung-na nghe đức Phật lược nói giáo giới rồi, một mình ở nơi chỗ vắng siêng năng tinh tấn, tâm không phóng dật, đầu đêm, sau đêm cảnh giác lòng mình, tu hành pháp trợ đạo, để đạt mục đích của người xuất gia, không bao lâu đắc quả, ngay trong đời này mà chứng đắc vô thượng tịnh hạnh, biết rằng, ‘Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.’ Thủ-lung-na đắc quả A-la-hán.

3. Sáu tín giải

Khi Thủ-lung-na đắc đạo A-la-hán rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch Phật:[377] “Nếu có tỳ-kheo đạt được A-la-hán rồi, dứt sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc trong sáu trường hợp:[378] an lạc với xuất ly, an lạc nơi sự không sân hận, an lạc nơi đời sống tịch tĩnh, an lạc nơi sự diệt tận ái dục, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi sự không si. Nếu có tỳ-kheo đạt được Ala-hán, sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc nơi sáu xứ này. Bạch đức Thế Tôn, có trường hợp nào không y nơi tín mà được xuất ly hay chăng?” “Không nên có ý nghĩ là không y trên tín mà có an lạc nơi sự xuất ly để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.”[379]

“Bạch Đức Thế Tôn, có trường hợp nào, không y vào trì giới mà được an lạc nơi sự không sân nhuế hay chăng?”[380]

“Không nên có ý nghĩ là không y vào trì giới mà có an lạc nơi sự không sân nhuế để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.” “Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào, không đoạn các lợi dưỡng mà có an lạc nơi sự tịch tĩnh[381] hay chăng?”[382]

“Không nên có ý nghĩ là không đoạn lợi dưỡng mà có an lạc sự tịch tĩnh để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.

“Vị kia do có sự an lạc nơi ái tận, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi vô si mà đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.

“Tỳ-kheo như vậy tâm giải thoát hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô. Thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.

“Bạch Thế Tôn, cũng như núi đá lớn nguyên vẹn, không bị sứt, không không bị thủng, không kẽ nứt. Nếu từ phương đông có trận mưa to gió lớn đưa đến thì núi này không bị di chuyển, không bị lay động. Từ phương nam, tây, bắc cũng như vậy. Cũng vậy, bạch đức Thế Tôn, nếu tỳ-kheo được đạo A-la-hán, tâm được giải thoát, dứt sạch các hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm [845a1] giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô, thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.”

Nói như vậy rồi nói kệ:

Người tin tưởng xuất ly,
Tỳ-kheo ưa vắng lặng,
Ưa thích không sân nhuế,
An lạc nơi ái tận,
An lạc không thủ uẩn,
Tâm không còn ngu si,
Xét biết không khởi nữa;
Từ đây được giải thoát.
Chính nhờ giải thoát này
Liền được tâm tĩnh lặng.
Đã đạt được vô quán,
Không còn gì phải làm.
Thí như hòn núi lớn
Gió không thể hoại được.
Sắc, thanh cũng như vậy,
Cùng hương, vị, xúc, pháp;
Đối với pháp thiện ác,
Kẻ trí không dao động
Tâm an trụ giải thoát,
Mà quán sự diệt tận.[383]

Thủ-lung-na sau khi nói bài kệ như vậy, được đức Phật ấn chứng, rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật kính lễ sát chân rồi cáo lui.

Thủ-lung-na ra đi không lâu, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Nên tự ghi nhận như vầy về sự đắc đạo. Chỉ nói về nghĩa, chứ không nói thẳng là đã đắc. Đừng nên như những tỳ-kheo ngu si kia hoan hỷ tự ghi nhận, rồi sau không có sở đắc, luống tự khổ nhọc.” Một hôm, Thủ-lung-na đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi qua một bên, đức Phật bảo Thủ-lung-na:

“Bình sanh của ông quen sung sướng, không quen đi bộ. Cho phép ông ở trong chùa mang dép một lớp.” Thủ-lung-na liền bạch Phật:

“Con đã xả bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo. Nay nếu con mang giày một lớp không khỏi có người cười rằng, Thủ-lung-na bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo, lại tham dép một lớp. Nếu đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo dùng thì con mới dùng.”

Đức Phật im lặng chấp nhận và do nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, rồi bảo các tỳkheo:

“Vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, cho phép khi ở trong chùa được mang dép một lớp.”

Bấy giờ các tỳ-kheo mang dép một lớp, không bao lâu bị lủng hư. Đức Phật cho dùng vỏ cây hoặc da vá lại, dùng chỉ để may. Nếu bị đứt thì nên dùng gân hay lông may lại. Bấy giờ cần dùi để dùi, tỳkheo bạch Phật. Đức Phật cho phép sử dụng dùi để dùi.[384]

II. NHÂN DUYÊN ỨC NHĨ

1. Tăng-già biên địa

[845b7]Bấy giờ Đại Ca-chiên-diên ở trong sườn núi Câu-lưu Hoan hỷ[385] tại nước A-bàn-đề,[386] cùng với Ức Nhĩ ưu-bà-tắc,[387] có cả người sai khiến.[388]

Bấy giờ, Ức Nhĩ lòng tự nghĩ rằng:

“Như lời Phật dạy, nếu ta sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Ta hãy cạo bỏ râu tóc xuất gia làm đạo.” Ức Nhĩ liền đến chỗ Đại Ca-chiên-diên thưa:

“Con nghe lời Phật dạy, nếu sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Cúi xin Đại đức cho con xuất gia thọ đại giới.”

Ca-chiên-diên nói:

“Xuất gia là việc rất khó. Làm sa-môn cũng không phải là dễ. Ông nên sống tại gia, hộ trì Phật giới, tùy theo thời tu hành theo lời Phật dạy.”

Ức Nhĩ thưa xin ba lần. Đại Ca-chiên-diên thấy Ức Nhĩ ân cần ba phen, bèn cho xuất gia, nhưng đến ba năm[389] mới được thọ đại giới. Tại sao vậy? Bởi vì không đủ Tăng gồm mười vị. Ức Nhĩ thọ giới chưa bao lâu liền đắc đạo A-la-hán. Tự ghi nhận sự đắc đạo như trước đã nói.

Bấy giờ Ức Nhĩ nghe đức Phật có công đức tướng hảo trang nghiêm, các căn tịch tịnh, vô thượng điều phục, như tượng vương, như vực suối trong vắt, người nghe đều hoan hỷ. Ức Nhĩ muốn đến yết kiến đức Phật nên đến chỗ Ca-chiên-diên thưa:

“Con nghe công đức của Phật như vậy, muốn đến yết kiến Như Lai,

Vô sở trước, Đẳng chánh giác.”

Ca-chiên-diên nói: “Công đức của Phật như lời ông nói.” Ca-chiên-diên nói tiếp:

“Ông nhân danh tôi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Thế Tôn: ‘Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít bệnh, an lạc không?’ Rồi ông đem năm việc sau đây đến bạch đức Thế Tôn:

“1. Tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề ít tỳ-kheo, nên thọ đại giới khó khăn, ba năm mới tổ chức được. Tại sao như vậy? Vì không đủ Tăng mười vị. Từ nay về sau, cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho thế nào để nước A-thấp-bà A-bàn-đề được thọ đại giới dễ dàng.

“2. A-thấp-bà A-bàn-đề nhiều [845c] gai gốc, sỏi đá; dép một lớp dễ bị hư rách. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép mang dép hai lớp.

“3. A-thấp-bà A-bàn-đề người đời ưa tắm. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo thường thường tắm rửa.

“4. Như các phương khác có những loại ngọa cụ tốt như y-lê-diênđà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu[390] như vậy. Nước A-thấp-bà A-bànđề cũng dùng da làm ngọa cụ như da sơn dương, da cừu, da hươu.[391] Cúi xin đức Thế Tôn cho phép được dùng ngọa cụ bằng da.

“5. Có tỳ-kheo đến địa phương khác. Sau đó, trú xứ cũ được y,[392] không dám nhận; vì sợ phạm ni-tát-kỳ. Cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho được nhận.”

Tỳ-kheo Ức Nhĩ nghe Đại Ca-chiên-diên nói, im lặng thọ trì, rời chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt kính lễ, nhiễu quanh rồi cáo lui. Ức Nhĩ nghe đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá. Ức Nhĩ mang đầy đủ ba y và bát đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật liền ủy lạo bằng cách hỏi:

“Các ông sống có được an lạc hay không? Có vất vả vì sự ăn uống không ?”

Ức Nhĩ bạch Phật, đời sống được an lạc, không bị vất vả bởi thức ăn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Sửa soạn chỗ cho khách tỳ-kheo nghỉ.”

Tôn giả A-nan tự biết, theo thường pháp của đức Thế Tôn, là muốn cho khách tỳ-kheo cùng nghỉ với Ngài, nên mới bảo A-nan sửa soạn. Tôn giả vâng lời Phật dạy, vào trong phòng nơi đức Phật nghỉ, sửa soạn một chỗ ngồi đối diện với chỗ ngồi của Phật. Rồi trở lại chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn:

“Con đã sửa soạn chỗ cho khách tỳ-kheo nghỉ xong. Con xin phép được mời khách vào.”

Đức Thế Tôn liền đứng dậy vào phòng, đến chỗ ngồi. Ức Nhĩ cùng vào phòng với đức Phật, ngồi vào chỗ ngồi đối diện. Đức Thế Tôn ngồi tĩnh lặng trong giây lát, rồi bảo Ức Nhĩ: “Ông có thể nói pháp không?”

Ức Nhĩ nghe lời Phật dạy, bèn ở trước đức Phật, nói “Mười sáu cú nghĩa“,[393] không thêm, không bớt, không hoại, âm thanh trong trẻo, chương cú thứ tự rõ ràng có thể hiểu được. Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: ‘Hay thay, tỳ-kheo này nói kinh pháp mười sáu cú nghĩa, không tăng, không giảm, không hư hoại, âm thinh trong trẻo, thứ tự chương cú rõ ràng, có thể hiểu được.’ Đức Phật hỏi Ức Nhĩ: “Trước đây ông làm gì?” Ức Nhĩ thưa:

“Từ lâu, con thấy dục là tai hại. Nhưng thọ giới được thì rất khó.

Phải đợi đến ba năm. Vì sao vậy? Vì không đủ chúng mười vị.”

Ức Nhĩ nghĩ rằng nay đã đúng lúc bạch lên đức Thế Tôn năm việc mà Hòa thượng Ca-chiên-diên dặn. Ức Nhĩ bạch Phật:

“Hòa thượng Ca-chiên-diên của con dặn con nhân danh người đê đầu đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn và xin được vấn an sức khỏe Thế Tôn: Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít [846a1] bệnh, an lạc không?”

Rồi Ức Nhĩ trình bày năm việc như trên lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chấp thuận bằng sự im lặng.

Sáng sớm hôm sau, đức Phật vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳkheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, oai nghi tề chỉnh, thiểu dục tri túc, ưa nơi không nhàn, và bảo các tỳ-kheo:

“Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề có người thứ năm là người trì luật[394] thì được thọ đại giới. Các nơi khác gặp trường hợp như vậy cũng cho phép. Nơi khác là: phương Đông có nước tên là Bạch mộc điều;[395] ngoài nước ấy thì được phép. Phương Nam có tháp tên là Tĩnh thiện,[396] ngoài tháp ra thì được phép. Phương Tây có Quốc sơn tên là Nhất-sư-lê Tiên nhân chủng,[397] ngoài núi ra thì được phép. Phương Bắc có nước tên là Trụ,[398] ngoài ra thì được phép. Ngoài các nơi như trên nếu có người thứ năm là người trì luật thì được phép thọ giới.

“Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề mang dép hai lớp.

“Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề thường xuyên được tắm rửa.

“Cho phép nước đó trải da của loài sơn dương, cừu, da hươu làm ngọa cụ.

“Cho phép các tỳ-kheo nhận được y đủ mười ngày. Quá hạn nên xả. Xả rồi sám hối.”

2. Những quy định về da thuộc

2.1. Quy định chung về dép

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được đôi dép vá bằng da; khi ở cách Phật không xa, bèn xé lột ra cho hư hoại, vì sợ phạm mang dép hai lớp. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo ấy:

“Sao ông xé đôi dép cho hư hoại?” Vị tỳ-kheo thưa:

“Vì con sợ phạm giới mang dép hai lớp.”

Đức Phật dạy: “Dép bị lủng hư, được phép vá hai lớp.” Các tỳ-kheo nhận được loại da chưa thuộc. Đức Phật dạy: “Cho phép thuộc da cho mềm. Hoặc tự mình làm cho nó mềm, hoặc nhờ người làm cho mềm rồi mới cắt làm dép một lớp.” Cần dao, Phật cho phép chứa dao. Cần ván, Phật cho phép chứa ván. Cần gân, cần lông, cần chỉ da... đức Phật đều cho phép chứa. Cần kéo, đức Phật cho phép chứa kéo. Dao lụt, cho phép mài, cho phép chứa đá mài.

Bấy giờ, các tỳ-kheo để rải rác dao, dùi, gân, lông, chỉ da, kéo, không có chỗ cất. Đức Phật dạy:

“Cho phép làm cái túi để đựng. Hoặc lấy tre đan thành lồng; hoặc lấy vỏ cây làm thành cái lồng. Cho phép dùng đãy bằng lông bọc bên ngoài. Có thể dùng một trong mười loại vải để làm cái đãy.

Các tỳ-kheo dùng da để làm. Đức Phật dạy: “Không được dùng da làm.”

Các tỳ-kheo để y mới trên dép da rồi ngồi, làm bẩn y. Đức Phật dạy:

“Không được để y mới lên trên dép da rồi ngồi lên trên. Các tỳkheo cũng không được ngồi trên da. Trừ nước A-thấp-bà A-bànđề.”

Các tỳ-kheo đem [846b] dép da để ở trước rồi ngủ, chó ngậm đem đi. Đức Phật dạy:

“Không được để dép da ở trước rồi ngủ. Nên lấy cỏ phủ lại. Hoặc úp hai đế lại với nhau rồi để dưới ni-sư-đàn.”

Tỳ-kheo đem dép da để một bên rồi ngủ. Khi lăn qua, nằm trên dép da, với tâm cẩn thận, vị ấy sợ phạm tội nằm ngủ trên da. Đức Phật dạy:

“Không phạm.”

Có tỳ-kheo đem dép da để trong bình bát rồi mang đi. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy:

“Không nên để dép da trong bình bát. Nên giữ bát cho sạch sẽ.” Có tỳ-kheo một tay cầm cả dép da và bình bát. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy:

“Không được một tay cầm cả dép da và bình bát. Nên một tay cầm bình bát, một tay xách dép.”

Các tỳ-kheo lội qua nước bùn, vén y không được. Y rớt trong nước bùn. Đức Phật dạy:

“Cho phép dùng ngón tay móc dép. Bình bát để trong bàn tay. Một tay vén y.”

2.2. Các loại da

Các tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian. Đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Nghỉ đêm tại nhà ông thợ làm đồ gốm, gần bên chỗ nhồi bùn có da thú. Tỳ-kheo ngủ bên trên, sáng ngày mới thấy, sợ phạm ngủ trên da. Đức Phật dạy:

“Không phạm.”

Nhóm sáu tỳ-kheo tích trữ loại da lớn[399] như sư tử, cọp, beo, rái cá, mèo rừng, ca-la,[400] cáo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được chứa tất cả da lớn.”

Nhóm sáu tỳ-kheo ngồi trên giường cao lớn, hoặc ngồi một mình trên giường dây, giường cây, giường ngà voi, trải bằng da ngựa, da voi; đệm bông, ngọa cụ tạp sắc, cù lâu,[401] dùng các loại lông con rái cá độn làm nệm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được ngồi trên giường cao lớn, cho đến dùng lông con rái cá độn làm nệm.”

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường cao rộng tốt đẹp cho tỳ-kheo, mời tỳ-kheo ngồi. Các tỳ-kheo nói:

“Đức Phật không cho phép chúng tôi ngồi trên giường cao lớn.” Các bạch y thưa: “Chúng con đâu có cái giường nào khác.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép ngồi. Trừ loại giường bằng vật báu, ngoài ra, nơi nhà bạch y, được phép ngồi.”

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ vì tỳ-kheo trải giường bằng da, giường đơn.[402] Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi, nghĩ rằng: ‘Đức Phật không cho chúng ta ngồi trên da thú, trừ tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề.’ Các bạch y thưa:

“Chúng con không có cái giường nào khác.”

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.”

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường dây, giường cây dài. Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi vì Phật không cho phép họ và thượng tọa cùng ngồi trên một giường. Các bạch y [846c] thưa: “Chúng con không đủ chỗ cho mỗi vị ngồi riêng một giường.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi chung.”

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải đãy bằng da. Tỳ-kheo có tâm e ngại, nghĩ rằng: ‘Đức Phật không cho phép ngồi trên da.’ Các cư sĩ thưa:

“Chúng con không có chỗ ngồi nào khác.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.”

Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có đàn-việt là một người chăn bò. Sáng sớm, Bạt-nan-đà khoác y đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi. Lúc đó, người chăn bò đến ngồi nghe pháp. Bạt-nan-đà Thích tử khéo léo vì ông nói pháp, dùng mọi phương tiện khuyến hóa người đànviệt khiến rất hoan hỷ, nên hỏi: “Đại đức cần gì?” Bạt-nan-đà nói:

“Thôi. Tôi không cần gì. Như thế là cúng dường rồi.” Người đàn-việt lại thưa: “Xin thầy cần gì cứ nói.” Bạt-nan-đà nói:

“Thôi, tôi không cần gì. Tôi có nói ra cũng không đáp ứng được đâu!”

Người đàn-việt nói: “Đại đức cứ nói, con sẽ dâng cúng.”

Cách đó không xa có một con bê khoang, Bạt-nan-đà nói: “Tôi cần loại da đó.” Người đàn-việt thưa:

“Xin ngài đợi một chút, để con giết nó đã.”

Người ấy liền giết con bê, lột da cúng cho Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà nhận được da rồi, rời chỗ ngồi đứng dậy mang đi. Con bò mẹ rống la thống thiết, đi theo Bạt-nan-đà đến cửa Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo thấy hỏi:

“Con bò này tại sao rống la và đi theo thầy?” Bạt-nan-đà nói:

“Đây là da của con nó. Tôi mang về nên nó đi theo.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được xin da sống. Nếu xin, sẽ như pháp trị.”

2.3. Các vật dụng bằng da

1. Các tỳ-kheo e ngại không dám đeo phao nổi qua sông. Đức Phật dạy: “Được phép.”

Các tỳ-kheo nắm đuôi bò lội qua sông. Khi qua khỏi sông mới biết là trâu cái nên e ngại. Đức Phật dạy:

“Không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau, không nên nắm đuôi trâu cái qua sông.”

Các tỳ-kheo không dám ngồi trên thảm bằng da để qua sông. Đức Phật dạy: “Được phép ngồi.”

Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Đức Phật dạy:

“Cho phép được ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Hoặc ngồi hay nằm tùy ý.”

2. Các tỳ-kheo dùng da làm đãy đựng dao, không dùng vật gì bao phủ dao lại nên bị hư. Đức Phật dạy: “Nên dùng lông mịn hoặc kiếp-bối hay da lớn bao phủ dao lại.”

Các tỳ-kheo chứa dép da hai lớp. Đức Phật dạy:

“Không được chứa dép da hai lớp.”

Các tỳ-kheo chứa dép da ca-na-phú-la.[403] Đức Phật dạy:

“Không được chứa dép da ca-na-phú-la.”

Tỳ-kheo cùng với bạch [847a1] y nước Câu-tát-la cùng đi trên đường, bị vật nhọn đâm chảy máu dưới chân rất trầm trọng, không thể đi được. Bạch y thấy vậy liền đưa dép mình mang cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo e ngại phạm xử dụng dép da ca-na-phú-la nên không dám nhận. Đức Phật dạy:

“Có nhân duyên như vậy thì cho phép thọ dụng.”

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa dép da bằng sừng xoay.[404] Đức Phật dạy:

“Không được chứa dép bằng sừng xoay.”

Các tỳ-kheo chứa dép bằng sừng nai. Đức Phật dạy:

“Không được chứa dép bằng sừng nai.” Các tỳ-kheo chứa dép a-la-lê.[405] Đức Phật dạy:

“Không được chứa như vậy.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da nhiều màu làm dây cột dép. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng bố bằng lụa làm dây cột dép. Đức Phật dạy: “Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa dép phú-la-bạt-đà-la.[406] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép chân-thệ-lê.[407] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép bện hai bên.[408] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép có nhiều dây. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép hình cuốn.[409] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép bằng da lớn, da sư tử, da cọp, da beo, da rái cá, da mèo rừng, da nhiều màu, da cáo. Đức Phật dạy:

“Tất cả loài da đó không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da lớn viền dép hoặc dùng làm dây, hoặc dùng để vá. Đức Phật dạy:

“Không được dùng để viền hay làm dây hoặc vá.” Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép màu xanh. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng màu xanh viền dép, hoặc dùng làm dây hay vá. Đức Phật dạy:

“Không được dùng màu xanh viền dép, hoặc làm dây hay vá.” Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép màu vàng. Đức Phật dạy:

“Không được mang.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép viền màu vàng, hoặc làm dây cột hay vá. Đức Phật dạy:

“Không được dùng dép da, hoặc dây cột vá có viền màu vàng.” Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép màu đỏ. Đức Phật dạy:

“Không được mang dép màu đỏ, dây cột và vá cũng như vậy.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép da màu trắng. Đức Phật dạy:

“Không được mang dép da màu trắng, dây cột viền, đường vá viền cũng như vậy.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép da giống như lông công. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép da màu gấm.[410] Đức Phật dạy:

“Không được dùng như vậy.”

Tỳ-kheo kia nhận được dép màu gấm đã làm thành. Đức Phật dạy: “Không được chứa; nếu làm mất màu thì được phép chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép độn bằng loại lông mịn. Đức Phật dạy:

“Không được [847b] chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mang dép độn bằng kiếp-bối.[411] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng tơ lụa độn dép. Đức Phật dạy:

“Không được chứa dùng.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng cỏ bẹ, cỏ bà-sa, cỏ xá-la, cỏ hán-đà-la[412] độn dép. Đức Phật dạy: “Không được chứa.”

“Này nhóm sáu tỳ-kheo, các ông là những người si. Điều này Ta ngăn cấm, lại làm các điều khác. Từ nay về sau, tất cả loại dép có độn đều không được chứa để dùng.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo gặp trời mưa bùn bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân ngọa cụ. Đức Phật cho phép vì hộ thân, hộ tọa cụ, trong Tănggià-lam được mang dép bằng cỏ bồ để rửa chân. Khi mang dép bằng cỏ bồ để rửa chân rồi, nước vào trong dép bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật cho phép dùng vỏ cây, hoặc da đóng dưới gót.

3. Bấy giờ, trong nước Xá-vệ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng khâm-bà-la.[413] Đức Phật dạy:

“Không được dùng guốc bằng bốn loại cỏ như vậy và không được mang.”

Bấy giờ đức Phật ở tại thành Vương xá, nhóm sáu tỳ-kheo lột vỏ cây đa-la[414] để làm guốc, nên cây bị khô héo. Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm: ‘Sa môn Thích tử không biết hổ thẹn, đoạn mạng sống mà tự nói tôi biết chánh pháp. Lột vỏ cây đa-la để làm guốc khiến cho cây bị khô chết. Như vậy có gì là chánh pháp?’ Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”

Bấy giờ Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng gỗ đi như ngựa, âm thanh rối loạn các vị tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được mang guốc gỗ.”

Các tỳ-kheo e ngại không dám mang guốc vào nhà đại tiểu tiện, không dám mang guốc để rửa chân. Đức Phật dạy:

“Trừ mang đi đường. Các trường hợp trên được mang.”

Thế Tôn ở tại nước Ta-kiệt-đề. Bấy giờ, tỳ-kheo Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử[415] mang guốc bằng vàng, guốc bằng bạc. Đức Phật dạy:

“Không được mang.”

Ông ta lại mang guốc bằng lưu ly. Đức Phật dạy:

“Không được dùng.”

Ông ta tự làm và mang guốc bằng vật báu. Đức Phật dạy:

“Không được mang.”

Sau đó ông lại mang guốc gỗ quí. Đức Phật dạy: “Không được mang.” Đức Phật dạy tiếp:

“Ông là người si. Ta cấm thứ này, ông lại vội sắm các thứ khác để mang. Từ nay về sau, không được mang tất cả loại guốc.”

4. Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng đức Phật đi kinh hành mà mang dép. Phật bảo các tỳ-kheo:

“Đệ tử thọ học với các công xảo sư ở bên ngoài còn có sự cung kính đối với thầy. Còn nhóm sáu tỳ-kheo này là những người ngu si, mới mang dép [847c] cùng Phật đi kinh hành.” Đức Phật dạy tiếp:

“Từ nay về sau, không được mang tất cả mọi thứ dép như vậy.” Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đối với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê, mà kinh hành nơi chỗ tốt, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ xấu. Mình kinh hành nơi chỗ cao, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ thấp. Mình đi trước, còn đồng hàng Hòa thượng đi sau. Cùng nói với đồng hàng Hòa thượng, cùng kinh hành, lật ngược y, y quấn cổ, y trùm đầu, trùm hai vai, mang dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được để Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, hoặc A-xàlê, đồng hàng A-xà-lê kinh hành nơi chỗ xấu mà mình kinh hành nơi chỗ tốt, cho đến mang dép, tất cả đều không được.”

Nhóm sáu tỳ-kheo đối trước Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê mà phủ y lên hai vai, mang dép, hoặc có việc trao hay nhận, không trống vai bên hữu, không cởi bỏ dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.” Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, khi đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê phải trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, khi có việc trao hay nhận.”

Các tỳ-kheo ở tại nhà bạch y đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê, có việc trao hay nhận, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, nên bị lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Tại nhà bạch y, đối trước Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, Axà-lê, đồng hàng A-xà-lê khỏi phải trống vai bên hữu, khỏi phải cởi bỏ dép, khi có việc trao hay nhận.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo khác cùng đi trên đường. Một tỳkheo đến tỳ-kheo khác xin nước. Các tỳ-kheo nghĩ: ‘Đức Phật không cho phép mang dép khi có việc trao hay nhận.’ Tỳ-kheo kia liền cởi bỏ dép để lấy nước, nên bị mất dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép trên đường đi, tùy ý mang dép khi có việc trao hay nhận.”

Có tỳ-kheo, lúc xẩm tối, đến tỳ-kheo khác xin nước. Vị kia nghĩ:

‘Đức Phật không cho phép mang dép khi có việc trao hay nhận.’ Bấy giờ, trú xứ nọ lại cách xa chỗ lấy nước, tuy sợ độc trùng, nhưng tỳ-kheo kia vẫn cởi bỏ dép, đến đó để lấy nước, nên bị độc trùng cắn chân đau nhức, không an lạc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Sau khi mặt trời lặn mà phải đi xa lấy nước, vì sợ độc trùng nên được phép mang dép, khi có việc trao hay nhận.”

Nhóm sáu tỳ-kheo thấy Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xàlê, đồng hàng A-xà-lê mà không đứng dậy đón rước. Các [848a1] tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên đứng dậy chào tiếp. Trừ khi ăn hoặc khi làm pháp dư thực, hay khi bệnh thì nói: ‘Đại đức biết cho, tôi vì nhân duyên như vậy nên không đứng dậy chào đón được.’”

Hòa thượng là người trao giới cho mình. Đồng hàng Hòa thượng là những vị đã đủ mười hạ.

A-xà-lê có năm hạng: xuất gia A-xà-lê, thọ giới A-xà-lê, giáo thọ A-xà-lê, dạy kinh A-xà-lê, y chỉ A-xà-lê.

Xuất gia A-xà-lê là người hướng dẫn mình xuất gia.

Thọ giới A-xà-lê là vị làm yết-ma khi mình thọ giới.

Giáo thọ A-xà-lê là vị dạy mình oai nghi.

Dạy kinh A-xà-lê là từ nơi vị đó mình được học kinh, đọc kinh, noi theo đường tu hành, hoặc thuyết nghĩa cho đến một câu trong bốn câu của bài kệ.

Y chỉ A-xà-lê là vị ấy mình nương vào để sống, dù chỉ trong một đêm.

Đồng hàng A-xà-lê là những vị đã đủ năm tuổi. Trừ y chỉ A-xà-lê.[416]

5. Phòng ở của tỳ-kheo này nên lau quét. Lau quét rồi mà còn bụi thì dùng nước bùn trét lên trên. Trét bùn rồi mà còn bẩn thì lấy đồ trải lên. Đồ trải đó hoặc là y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu, hoặc một trong mười loại y.

Các tỳ-kheo không rửa chân mà đi trên đồ trải. Đức Phật dạy:

“Bên cửa nên để đồ chùi chân. Nếu vẫn không sạch, thì ngoài cửa nên để nước rửa chân.”

Tỳ-kheo rửa chân rồi, khi chân chưa khô, bước lên trên đồ trải, nên đồ trải bị hư mục. Đức Phật dạy:

“Chân chưa khô, không được bước lên trên đồ trải. Nếu có việc gấp thì lấy chân chùi trên đầu gối, hoặc chùi nơi lòng bàn chân, hoặc lấy tay chùi, hoặc dùng vật xấu chùi.”

Các tỳ-kheo vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê trao hay nhận điều gì, phải rửa chân mãi cực nhọc, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, nếu vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xàlê, đồng hàng A-xà-lê cần trao hay nhận điều gì cho phép dùng cái mâm đồng, cái khay, cái kỷ. Tất cả vật cần dùng hay thức ăn đều để hết lên trên đó, rồi trao một lần.”

Có tỳ-kheo dưới chân bị thủng, gặp lúc trời mưa. Các tỳ-kheo dìu đến nơi nhà vệ sinh bị ngã, nằm trên bùn rất khổ sở. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, trong Tăng-già-lam được mang dép một lớp.”

Các tỳ-kheo trên đường đi với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê [848b] có việc trao hay nhận, phải trống vai bên hữu, cởi bỏ dép mệt nhọc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu trên đường đi mà có việc trao hay nhận, nên đưa lên trên đầu hoặc trên vai để trao hay nhận với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê.”

6. Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang dép vào tụ lạc. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm nói: ‘Sa-môn Thích tử tự nói mình biết chánh pháp. Nhưng vào tụ lạc mà mang dép, giống như vua hay đại thần của vua. Như vậy có gì là chánh pháp?’ Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được mang dép vào tụ lạc.”

Các tỳ-kheo bệnh, với tâm e ngại không dám mang dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép các tỳ-kheo bệnh mang dép vào tụ lạc.”

Nhóm sáu tỳ-kheo mượn cớ bệnh mang dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo thấy nói: ‘Đức Phật đâu cho phép mang dép vào tụ lạc?’

Vị kia nói: “Tôi bị bệnh.”

Các tỳ-kheo hỏi: “Bệnh gì?”

Vị kia nói: “Thưa trưởng lão, đức Phật há không nói, nếu có người nào đó chỉ trong chốc lát mà không an lạc, thì gọi là bệnh hay sao? Vì vậy cho nên chúng tôi mượn cớ bị bệnh.”

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được mượn cớ bệnh để mang dép vào tụ lạc.”

Bấy giờ, trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta có gót chân bị đau, cần mang dép trùm ngoài gót chân. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép mang dép trùm ngoài gót chân. Trưởng lão Tất-lăng-giàbà-ta trên đường đi, mắt bị mờ, ngón chân bị thương tích bởi đá sỏi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép mang dép trùm ngoài ngón chân.”

Tất-lăng-già-bà-ta có nhiều thân hữu, trên đường cùng đi, nhận được nhiều đại mạch, tiểu mạch, đậu ban, gạo tẻ. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nhận.”

Các tỳ-kheo nhận rồi không biết để đâu, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép đựng trong cái đãy hay cái khăn.”

Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi, nhận được bơ, dầu, mật, mật mía. Các tỳ-kheo không dám lấy bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nhận lấy.”

Nhận lấy rồi không biết để đâu bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Dùng cái bát cạn cho vào trong cái bát nhỏ hay cái bát vừa để nhận. Cái bát cạn để vào trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào cái bát vừa, cái bát vừa để vào trong cái bát lớn.”

Các tỳ-kheo không biết cái bát cạn để trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào trong cái bát vừa, thì cái bát vừa phải tịnh thí [848c] hay không,[417] bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Khỏi phải tịnh thí.”

7. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta già yếu không thể đi bộ được, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép dùng cái xe kéo bộ hay cái kiệu, hoặc xe ngựa. Nhưng không được kéo bởi người nữ, trâu bò cái, ngựa cái, không được sử dụng.”

Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi có người cúng loại xe kéo,[418] không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận.

Lại có người cúng loại xe kéo bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, rồi dùng một trong mười loại vải phủ lên trên chỗ da.

Lại có người cúng loại xe kéo được bện bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, với điều là bỏ loại dây bằng da, bằng tóc, còn các loại dây khác thì không sao.

Các tỳ-kheo cần cái càng xe, bạch Phật; đức Phật cho phép làm.

Các tỳ-kheo cần dây cột xe, bạch Phật. Đức Phật cho phép làm. Nếu dây thừng bị đứt thì cho phép làm bằng da.

Nếu khiêng xe, vai bị đau; cho phép làm gối để lót. Nếu phía sau đau, cũng cho phép làm cái gối để lót. Bấy giờ không biết nên để ai khiêng, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di. Nếu nhận được xe thì cũng như vậy. Nếu xe bằng da thì nên dùng một trong mười loại vải phủ chỗ da lại rồi dùng. Nếu được xe bện bằng da thì trừ loại dây bằng da, bằng tóc, ngoài ra được dùng.” Các vị không biết nên để ai kéo, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di kéo.”

Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta nhận được người coi Tăng-già-lam.

Đức Phật dạy: “Được phép nuôi.”

8. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm giường bằng da, giường đơn bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Họ lại làm nệm da, gối da, ngọa cụ da, đồ trải dưới đất bằng da. Khi trải dưới đất bị sanh trùng, đem vào phòng, hôi thối. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Bấy giờ, có bà-la-môn xuất gia làm đạo, đem da y-sư[419] làm vật chùi chân, để trong cửa. Đức Phật dạy: “Cho phép chứa.”

Các tỳ-kheo xách nước, dây xách nước thường bị đứt. Đức Phật dạy:

Cho phép dùng da làm dây để xách. Nếu gàu bị hư, Phật cho phép dùng da để làm. Dây bị đứt, Phật cho phép làm bằng da.

Dây cửa ngõ thường bị đứt, Phật cho phép làm bằng da. Khi mở cửa, đóng cửa đau tay, Phật cho phép dùng miếng da lớn trùm lên.

Chốt cửa không xoay được, đức Phật cho phép để miếng da. Trên cái chốt bị hư, Phật cho phép dùng da xâu lại. Nếu bị kêu cũng vậy.

Chân giường dây, giường cây bị hư, Phật cho phép dùng da xâu lại.

Có các tỳ-kheo bị đau chân, Phật cho phép dùng miếng da lớn phủ lên trên cho [849a1] chỗ đau lành. Sau đó, bỏ đi.

Tỳ-kheo dùng dây lợp lại nhà bị đứt, Phật cho phép dùng da làm. Dây cửa sổ thường bị đứt, Phật cho phép dùng cước hay lông để làm.

9. Nhóm sáu tỳ-kheo chứa đãy đựng bình bát, đãy đựng dép, đãy đựng kim chỉ bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được chứa như vậy.”

Bấy giờ có người thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, chứa đãy da để đựng đồ nghề. Đức Phật dạy: “Không được chứa.”

Thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, tất cả đồ nghề không được cất chứa. Chúng Tăng được gỗ làm đồ dùng, bạch Phật. Đức Phật cho phép chứa. Không biết dùng đựng vật gì. Đức Phật dạy: “Mười loại vải, tùy ý chứa đựng.”

Bình đựng dầu, bơ của tỳ-kheo để không kín đáo. Đức Phật dạy:

Cho phép dùng da ướt phủ lên. Nếu bị trùng cắn lủng thì dùng bùn trét lên.

Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng da có hình hoa, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa.

Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng sừng, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa. Nếu phía trên, phía dưới hay bên hông bị lủng thì dùng da ràng lại.

10. Khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương xá, bấy giờ có tỳ-kheo bị cây nhọn đâm vào chân bị thương, cần dép mềm. Đức Phật cho phép sử dụng.

Bấy giờ, đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi đến rừng Thi-đà, cách chỗ gò mả không xa, thấy có đôi giày hai lớp quý giá. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: “Tại sao ông không lấy đôi giày ấy?”

Tôn giả A-nan thưa: “Sợ phạm phải điều dùng giày hai lớp.”

Đức Phật dạy: “Xem đó như vật phấn tảo thì được lấy.”

Có tỳ-kheo trên đường đi, cách chỗ gò mả không xa, thấy da người chết dày, được xâu nơi cây gỗ, bèn lột lấy đem về phòng cắt làm đôi giày một lớp. Trong phòng có mùi thối. Các tỳ-kheo khác hỏi:

“Tại sao trong phòng có mùi hôi thối?”

Tỳ-kheo kia trình bày sự việc với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được chứa da người. Nếu chứa, phạm thâu-lan-giá. Ngoài ra, các thứ da bất tịnh khả ố khác cũng không được chứa, nếu chứa phạm đột-kết-la.”

11. Bấy giờ, có tỳ-kheo từ nước giá lạnh[420] đến, chân bị nứt, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật biết mà vẫn hỏi: “Tại sao chân ông bị nứt?”

Vị ấy bạch Phật: “Con từ xứ lạnh đến nên bị nứt.” Đức Phật hỏi tỳ-kheo ấy: “Nước đó họ mang bằng thứ gì?” Vị tỳ-kheo ấy thưa:

“Mang dép da phú-la-am-đề.”[421]

Đức Phật dạy:

“Cho phép mang như vậy. Nếu cần dùng tất thì cho phép dùng bít tất (vớ). Cho phép đến nơi cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải bà con để xin. Không được dùng vào việc khác. Nếu dùng vào việc khác, sẽ như pháp [849b] trị.”

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da làm dây lưng. Đức Phật dạy:

“Không được dùng da làm dây lưng, dây thiền.”[422] Tỳ-kheo chứa đồ bằng da. Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Tỳ-kheo dùng da làm mão. Đức Phật dạy:

“Không được dùng như vậy.”

Tỳ-kheo làm khẩn-thù-thán[423] bằng da. Phật dạy:

“Không được.”

Tỳ-kheo không lau chùi dép nên bẩn chân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy:

“Phải lau chùi dép.”

Tỳ-kheo rửa chân chưa khô mang dép nên dép bị hư mục. Phật dạy:

“Không được như vậy.”

Tỳ-kheo không thường giặt vật lau chân. Các tỳ-kheo thấy bẩn gớm. Đức Phật dạy: “Nên giặt.”

Vị ấy giặt rồi không vắt không phơi, bị sanh trùng. Phật dạy:

“Nên giặt rồi vắt, hong cho khô.”

CHƯƠNG VI - Y

I. Y PHẤN TẢO

Một thời Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Chúng con nên thọ trì loại y nào?” Đức Phật dạy:

“Nên thọ trì y phấn tảo[424] và mười loại y[425] như: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-la, thẩn-la-bát. Mười loại y như trên nhuộm thành màu sắc ca-sa[426] để thọ trì.

Tỳ-kheo được y nơi gò mả, đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo nhận được y nguyện,[427] đức Phật cho phép dùng.

Tỳ-kheo trên đường đi cách gò mả không xa, thấy y phấn tảo quý giá,[428] e ngại không dám lấy, đức Phật cho phép lấy.

Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Có một người con của một giòng họ lớn xuất gia. Từ những nơi chợ búa, nơi đường hẻm đi đến nghĩa địa, chỗ bỏ đồ rác rưới, ông lượm được y xấu cũ đem về làm y tăng-giàlê để thọ trì. Phu nhân vua Ba-Tư-Nặc trông thấy, tâm từ niệm phát sanh, liền lấy y rất quý giá xé ra, dùng đồ bất tịnh bôi rồi đem bỏ nơi đó để tỳ-kheo lượm. Tỳ-kheo e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu họ vì tỳ-kheo thì nên lấy.”

Có tỳ-kheo thuộc giòng họ lớn xuất gia. Ông lượm những y cũ xấu nơi đống rác, nơi cầu tiêu, nơi đường hẻm, nơi chợ búa đem về làm tăng-già-lê. Vị trưởng giả thành Xá-vệ thấy, sanh tâm từ mẫn, đem nhiều y tốt bỏ nơi đường hẻm, nơi cầu tiêu, và sai người coi chừng đừng cho ai lấy, để cho tỳ-kheo lấy. Bấy giờ có các tỳ-kheo đi vào thôn xóm, nhìn thẳng xuống trước bước chân mà đi nên không thấy. Người được sai coi chừng kia, thưa [849c] rằng:

“Sao Đại đức không nhìn qua nhìn lại?”

Khi ấy tỳ-kheo nhìn thấy, nhưng e ngại không dám lấy. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu họ vì tỳ-kheo thì cho phép nhận.”

Có tỳ-kheo lấy áo của người chết ở nơi hố chôn, e ngại, bạch Phật, đức Phật hỏi: “Với tâm niệm nào khi ông lấy chiếc áo ấy?” Vị ấy thưa: “Với tâm niệm là đồ phấn tảo, chứ không với tâm trộm.”

Đức Phật dạy: “Như vậy thì không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau không được lấy áo người chết nơi hố chôn người.”

Có cư sĩ giặt y rồi phơi nơi tường rào. Các tỳ-kheo mặc nạp y, thấy tưởng là y phấn tảo nên lấy. Cư sĩ thấy, kêu nói:

“Y của tôi đó, đừng lấy!”

Tỳ-kheo nói: “Tôi tưởng là y phấn tảo nên lấy.”

Nói xong, bỏ y lại đi. Tỳ-kheo kia e ngại, bạch Phật. Đức Phật hỏi:

“Với tâm niệm gì khi ông lấy y đó?”

Tỳ-kheo kia thưa: “Với ý nghĩ là y phấn tảo cho nên lấy, chứ không lấy có tâm của kẻ trộm.”

Đức Phật dạy: “Không phạm. Từ nay về sau không được lấy y phấn tảo nơi tường, nơi rào.”

Bấy giờ, có y một người chết ở trước đại quan đoán sự. Tỳ-kheo lấy y của người ấy. Sau đó quan đoán sự sai Chiên-đà-la đem xác chết bỏ. Chiên-đà-la nói:

“Tại sao không bảo người lấy y đem xác chết bỏ?”

Quan đoán sự hỏi: “Người nào lấy y?”

Chiên-đà nói: “Sa-môn Thích tử lấy.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên lấy y người chết, chỗ quan đoán sự.”

Bấy giờ tỳ-kheo trên đường đi, cách gò mả không xa, thấy y của người chết chưa rã, liền lấy đi. Người chết liền đứng dậy nói:

“Đại đức chớ lấy y của tôi đi!”

Tỳ-kheo nói: “Ngươi là người chết, làm gì có y!”

Nói rồi vẫn lấy y đi, không bỏ lại. Người chết theo tỳ-kheo đến ngoài cửa ngõ Kỳ-hoàn, ngã xuống đất. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi tỳ-kheo này: “Người ấy nói gì vậy?”

Tỳ-kheo này trả lời: “Tôi tưởng người ấy đã chết nên lấy y đem về đây.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên lấy y của người chết chưa rã.”

Có người chăn bò để áo trên đầu ngủ. Tỳ-kheo thọ trì y phấn tảo thấy tưởng là người chết, nhưng nghĩ: “Đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo lấy áo của người chết chưa rã.” Nghĩ như vậy xong, liền lấy xương tay của người chết đánh trên đầu của người chăn bò; khiến cho vỡ đầu. Người chăn bò liền đứng dậy hỏi:

“Tại sao Đại đức đánh tôi?”

Tỳ-kheo nói: “Tôi tưởng ông chết.”

Người chăn bò nói: “Thầy không phân biệt được tôi sống hay chết sao?”

Nói xong liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo [850a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: “Người chết chưa rã, không được đánh.” Nhóm sáu tỳ-kheo sử dụng phi y làm đãy đựng bát, đãy đựng dép, ống đựng kim, và chứa ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được dùng phi y làm đãy đựng bát, cho đến đựng kim, không được chứa ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, nệm gối, da rái cá.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo bắt gặp ngọa cụ bằng gấm bông, đệm bằng dạ, gối, nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy dùng.”

Có tỳ-kheo bắt gặp y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù-lâu,[429] nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da và cỏ; ngoài ra, được phép chứa làm đồ trải đất.”

Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây bằng da, giường cây, giường đơn nơi gò mả, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép lấy, nhưng lột bỏ da, rồi chọn một trong mười loại y bao lại.”

Có tỳ-kheo bắt gặp giường dây, giường cây, giường đơn nơi gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép lấy, trừ hai loại giường làm bằng dây da và tóc.”

Có tỳ-kheo thấy được xe kéo, dù, xe kéo bộ tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy.”

Có tỳ-kheo thấy được bình đựng nước rửa, gậy, quạt tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy.” Có tỳ-kheo thấy được liềm, lưỡi dao, móc tại gò mả, e ngại không dám lấy, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy.”

Có tỳ-kheo thấy được tiền nơi gò mả, tự mình mang đi. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được lấy.” Có tỳ-kheo cầm lấy đồng, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Phải đập cho mất hình tướng rồi mới được mang đi.”

Có tỳ-kheo thấy được y bị bò nhơi, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy dùng.”

Có tỳ-kheo thấy được y chuột gặm, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy dùng.”

Có tỳ-kheo thấy được y bị cháy, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép lấy dùng.”

Y phấn tảo có mười loại:[430] y bị bò nhơi, y bị chuột gặm, y bị lửa cháy, y kinh nguyệt, y sản phụ, y trong miếu thần hoặc y bị chim tha đi hay gió bay rơi các nơi thì được lấy, y gò mả, y nguyện,[431] y thọ vương chức, y vãng hoàn. Mười loại y trên gọi là y phấn tảo.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cùng với vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà đánh nhau, nên có nhiều người chết. Các tỳ-kheo muốn đến đó để lấy [850b] y người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép đến đó. Nếu có người thì nên nói rồi mới lấy. Không có người thì mới tự ý lấy.”

Bấy giờ vua A-xà-thế cùng Tỳ-lê-xa đánh nhau, có nhiều người chết. Tỳ-kheo muốn đến lấy y của người chết, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên đến nói rồi mới lấy. Nếu không có người thì tùy ý lấy.” Trường hợp có số đông cư sĩ tụ họp nơi gò mả, cởi y bỏ một đống, để chôn người chết. Tỳ-kheo trì phấn tảo thấy, tưởng là y phấn tảo, nên lấy đi. Các cư sĩ thấy nói:

“Y của chúng tôi. Chớ lấy!”

Các tỳ-kheo nói: “Chúng tôi tưởng là y phấn tảo.”

Nói xong liền bỏ xuống đất rồi đi. Tỳ-kheo e ngại, bạch Phật. Đức

Phật hỏi: “Các ông lấy với tâm niệm thế nào?”

Các tỳ-kheo thưa: “Chúng con nghĩ là y phấn tảo chứ không lấy với tâm trộm cắp.”

Đức Phật dạy: “Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y đang để thành đống.”

Có các cư sĩ đốt người chết nơi gò mả. Các tỳ-kheo trì phấn tảo thấy khói, gọi các tỳ-kheo khác đến để lấy y phấn tảo. Các vị ấy nói: “Vâng.”

Các tỳ-kheo liền đến, im lặng đứng một chỗ. Bấy giờ có cư sĩ trao cho tỳ-kheo một chiếc y quý giá. Vị tỳ-kheo thứ hai nói:

“Hãy mang lại đây. Tôi chia với thầy.”

Vị tỳ-kheo kia nói: “Chia cho ai? Người cư sĩ nói cho tôi kia mà!” Hai tỳ-kheo tranh nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên đến hỏi người cư sĩ y này cho ai, tùy theo người cư sĩ trả lời mà quyết định. Nếu người cư sĩ nói, ‘Không biết’, hoặc nói, ‘Cho cả hai’ thì mới phân làm hai phần.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nơi gò mả lấy y phấn tảo. Từ xa trông thấy y phấn tảo, một tỳ-kheo liền chỉ và nói: “Y đó của tôi.”

Tỳ-kheo thứ hai liền chạy đến lấy. Hai vị tranh nhau, đều nói là của mình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Y phấn tảo không có chủ, ai lấy trước thì được.”

Có hai tỳ-kheo cùng đến nơi gò mả để lấy y phấn tảo. Hai vị từ xa thấy y, đều chỉ tay, và nói y ấy của tôi. Vừa nói hai người đều chạy đến để lấy. Hai người cùng tranh nhau, đều nói của mình. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Y phấn tảo không có chủ. Hai người đồng thời lấy thì chia làm hai phần.”

Bấy giờ có số đông cư sĩ chở người chết đến gò mả. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, liền nói với các tỳ-kheo khác: “Chúng ta nên đến để lấy y phấn tảo. Hôm nay chắc lấy được nhiều.”

Tỳ-kheo kia nói: “Các thầy đi đi. Tôi không đi được.”

Các tỳ-kheo liền đi, lấy được nhiều y phấn tảo, đem về [850c] trong Tăng-già-lam, giặt sạch, sửa sang lại. Tỳ-kheo kia thấy, nói với tỳkheo này rằng: “Thầy làm gì mà không cùng tôi đi lấy y? Tôi đi lấy được khá nhiều đem về đây.”

Tỳ-kheo này nói: “Đem đến đây chia cho tôi với.”

Tỳ-kheo kia nói: “Thầy không cùng tôi đi lấy, sao đòi chia?” Hai vị tranh cãi nhau. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Thuộc về vị đi lấy kia.”

Có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo, hẹn nhau đến gò mả lấy y phấn tảo. Có hai tỳ-kheo được y quý giá. Các tỳ-kheo kia nói: “Chia cho chúng tôi với.”

Tỳ-kheo kia trả lời: “Tôi được y này, tại sao bảo chia cho thầy?”

Nhiều vị cùng tranh, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tùy theo sự cam kết trước. Được nhiều ít nên cùng chia cho nhau.”

Phật ở tại nước Xá-vệ. Có các cư sĩ, khi ông bà hay cha mẹ chết, dùng tràng phan bảo cái, y vật trang trí nơi mộ của ông bà hay cha mẹ. Tỳ-kheo trì y phấn tảo thấy, bèn lột lấy đi. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, trộm lấy vật của người mà tự nói tôi biết chánh pháp. Xem thế thì có gì là chánh pháp? Chúng ta vì tổ phụ mẫu hay phụ mẫu xây mộ phần, dùng tràng phan bảo cái để cúng dường, sao họ tự tiện lột lấy đi. Làm như chúng ta vì sa-môn Thích tử xây mộ phần cúng dường! Sự thật chúng ta vì ông bà, cha mẹ của chúng ta mà dùng tràng phan bảo cái trang trí nơi mộ phần để cúng dường kia mà!” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được lấy vật như vậy.”

Trường hợp các vật ấy gió thổi bay đến chỗ khác, hoặc chim ngậm bay đi rớt chỗ khác. Tỳ-kheo thấy, e ngại không dám lấy, bạch

Phật. Đức Phật dạy: “Trường hợp như vậy thì cho phép lấy.” Các tỳ-kheo thấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp, liền lấy. Lấy rồi e ngại, bạch Phật. Phật hỏi:

“Với tâm niệm nào khi ông lấy?”

Tỳ-kheo thưa: “Với ý nghĩ là y phấn tảo nên lấy, chứ không với tâm niệm trộm cắp.”

Đức Phật dạy: “Như vậy thì không phạm. Nhưng không được lấy y vật trang nghiêm cúng dường nơi tháp.”

II. KỲ-BÀ ĐỒNG TỬ

1. Kỹ nữ thành Vương xá

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, ở Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi,[432] nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lượng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Quốc pháp nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.

Các đại thần thành Vương xá nghe đồn: “Tỳ-xá-ly có một dâm nữ [851a1] tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lượng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xály do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳda-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.”

Các đại thần đến chỗ vua Bình-sa tâu:

“Đại vương biết chăng, tại nước Tỳ-xá-ly có một dâm nữ tên là Am-bà-la-bà-lợi, nhan sắc vô cùng xinh đẹp. Ai muốn cùng ngủ một đêm thì phải trả năm mươi lượng vàng. Ban ngày cũng phải trả năm mươi lượng vàng như vậy. Bấy giờ, Tỳ-xá-ly do có dâm nữ này nên người trong bốn phương tụ tập về đó. Tỳ-xá-ly nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói.”

Vua nghe xong liền ra lệnh cho các đại thần:

“Các khanh sao không đưa dâm nữ ấy về đây?”

Bấy giờ trong thành Vương xá, có một đồng nữ tên là Sa-la-bạtđề,[433] xinh đẹp không ai sánh kịp, hơn cả Am-bà-la-bà-lợi. Các đại thần liền an trí dâm nữ này. Ai muốn ngủ với dâm nữ này một đêm phải trả với giá một trăm lượng vàng, và một ngày cũng như vậy. Bấy giờ thành Vương xá nhờ có dâm nữ này nên người bốn phương tụ tập về, nhờ vậy mà cực kỳ sáng chói. Bấy giờ con vua Bình-sa tên là Vô Úy[434] cùng dâm nữ này chung ngủ trong đêm. Dâm nữ có thai. Từ đó dâm nữ ra lệnh cho người giữ cửa rằng: “Nếu có khách cần gặp thì nói tôi bị bệnh.” Sau đó, đủ ngày tháng, dâm nữ hạ sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Dâm nữ liền dùng vải trắng bọc hài nhi này, bảo tớ gái đem bỏ ra ngoài đường. Người tớ gái làm theo lời sai bảo, bồng hài nhi đem bỏ.

Cũng vào buổi sáng tinh sương lúc ấy, Vương tử Vô Úy muốn đi xe đến yết kiến phụ vương nên sai người dọn dẹp dọc đường. Bất ngờ, từ xa Vương tử trông thấy một vật trắng dọc đường, liền dừng xe, hỏi người bên đường rằng:

“Cái gói trắng đó là gì?”

Người bên đường trả lời: “Một đứa bé.” Vương tử hỏi: “Còn sống hay chết?

Người bên đường nói: “Nó sống.”

Vương tử liền ra lệnh bồng về. Vương tử Vô Úy không có con nên đem về nhà giao cho nhũ mẫu nuôi dưỡng. Vì “Nó sống” nên đặt tên là Kỳ-bà.[435] Đồng tử được vương tử lượm nên gọi là Đồng tử.[436] Theo thời gian lớn khôn, Vương tử rất yêu mến.

Một hôm Vương tử kêu Kỳ-bà Đồng tử đến và nói:

“Con muốn ở lâu nơi vương gia mà không có tài nghề gì thì không được thọ hưởng bổng lộc của vua. Con cần học kỹ thuật.” Kỳ-bà Đồng tử trả lời:

“Con sẽ học.”

2. Học thuốc

Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: “Nay ta nên học nghề gì để có được nhiều của cải mà ít bận rộn?” Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử quyết định học nghề thầy thuốc. Nghề này đại tài phú mà ít bận rộn. Kỳ-bà Đồng tử nghĩ tiếp: “Ai dạy nghề thầy thuốc cho ta đây.” Thời gian ấy,

Kỳ-bà Đồng tử nghe tại nước Đắc-xoa-thi-la[437] [851b] có vị thầy thuốc họ A-đề-lê, tên là Tân-ca-la,[438] tay nghề rất cao. Vị này có thể dạy ta được.” Kỳ-bà Đồng tử liền đến nước kia, chỗ Tân-ca-la ở, thưa:

“Con muốn theo thầy học nghề làm thuốc, xin thầy dạy cho con.”

Tân-ca-la trả Lời: “Được!”

Thời gian bảy năm, Kỳ-bà Đồng tử theo học nghề thầy thuốc. Một hôm tự nghĩ: “Nghề thầy thuốc này ta phải học tập bao lâu mới xong?” Nghĩ rồi, Kỳ-bà Đồng tử liền đến chỗ vị thầy thưa:

“Con học nghề làm thuốc này bao lâu mới xong?”

Vị thầy liền trao cho một cái giỏ và dụng cụ đào rễ cây, nói với Kỳbà Đồng tử:

“Con đến nơi nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do-tuần, tìm xem các loại cây, có loại cây nào không phải là thuốc đem về đây.” Kỳ-bà Đồng tử liền vâng lời thầy dạy, đến nước Đắc-xoa-thi-la, trong phạm vi một do-tuần tìm kiếm mà không thấy loại cây nào không phải là thuốc. Những loại cây mà Kỳ-bà Đồng tử thấy đều là vật có thể phân tích để dùng vào thuốc được cả. Kỳ-bà Đồng tử mang giỏ không trở về, đến chỗ vị thầy thưa:

“Thưa thầy con đã đến nước Đắc-xoa-thi-la tìm loại cây nào không phải là thuốc, trong phạm vi một do-tuần. Con tìm khắp nơi, không thấy có loại cây nào là chẳng phải thuốc. Tất cả đều có thể phân chất dùng vào thuốc được hết.”

Ông thầy dạy thuốc trả lời Kỳ-bà Đồng tử rằng:

“Nay con có thể về. Y đạo như vậy đã thành. Trong cõi Diêm-phùđề này, ta là hạng nhất. Sau khi thầy qua đời, con là người kế thế.”

3. Chữa bệnh

1. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử tự nghĩ: “Nay ta, trước hết nên trị bệnh cho ai? Nước này vừa nhỏ, lại ở vùng biên phương. Ta nên về lại bổn quốc để bắt đầu mở y đạo tại đó.” Nghĩ xong, Kỳ-bà Đồng tử liền trở về lại thành Bà-già-đà.[439]

Trong thành Bà-già-đà, bấy giờ có người vợ của đại trưởng giả mang phải trọng bệnh đau đầu mười hai năm, các thầy thuốc đều không thể chữa trị được. Kỳ-bà Đồng tử nghe liền đến nơi nhà đó nói với người giữ cửa rằng: “Nhà ngươi vào thưa với trưởng giả là có người thầy thuốc ở ngoài cửa.”

Người giữ cửa liền vào thưa. Vợ ông trưởng giả hỏi: “Tướng mạo của ông thầy thuốc thế nào?”

Người giữ cửa thưa: “Ông thầy thuốc tuổi còn nhỏ.”

Bệnh nhân liền nghĩ: “Các vị thầy thuốc lớn tuổi có kinh nghiệm kia còn chưa chữa trị được, huống là tuổi nhỏ.” Bà ta liền bảo người giữ cửa ra nói với ông thầy thuốc là nay ta không cần thầy thuốc nữa. Người giữ cửa liền ra nói: “Tôi đã vì ông vào thưa với vợ ông trưởng giả. Mà vợ ông trưởng giả nói nay không cần thầy thuốc nữa.”

Kỳ-bà Đồng tử lại nói: “Người có thể vì tôi vào thưa với vợ ông trưởng giả cho phép tôi chữa trị. Nếu lành thì tùy ý cho tôi thứ gì cũng được.”

Bấy giờ người giữ cửa lại vào thưa với bà chủ: “Ông thầy thuốc nói cho phép ông ấy được chữa. [851c] Nếu lành thì tùy ý cho ông ấy thứ chi cũng được.”

Vợ ông trưởng giả nghe xong liền nghĩ: “Nếu như vậy thì không tốn gì.” Bà ra lệnh cho người giữ cửa gọi vào. Được gọi, Kỳ-bà Đồng tử vào, đến chỗ vợ ông trưởng giả hỏi: “Bệnh khổ của bà thế nào?”

Vợ ông trưởng giả trả lời: “Bệnh như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi: “Bắt đầu từ chỗ nào?” Bà ta nói: “Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: “Bệnh bao lâu rồi?”

Bà trả lời: “Bệnh chừng ấy thời gian.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi xong nói: “Bệnh này tôi có thể chữa trị được.”

Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thuốc tốt như bơ đem chưng rồi nhểu vào lỗ mũi bệnh nhân. Bơ được nhểu vào đó đều chảy ra nơi miệng của bệnh nhân. Bà vợ ông trưởng giả liền lấy đồ hứng lấy tinh bơ ấy để riêng một chỗ. Kỳ-bà Đồng tử thấy vậy, trong lòng rầu rĩ, vì nghĩ: “Với một ít bơ bất tịnh như vậy mà bà ta còn tiếc như thế, huống chi khi lành bệnh bà này trả ơn ta được là bao!” Bà vợ ông trưởng giả thấy Kỳ-bà Đồng tử có vẻ buồn hỏi: “Tại sao thầy có vẻ rầu rĩ?”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Thật vậy, tôi có hơi rầu rĩ.”

Bà ta hỏi: “Tại sao thầy rầu rĩ?”

Kỳ-bà Đồng tử đáp: “Vì tôi tự nghĩ với một ít bơ bất tịnh như thế mà bà còn tiếc, thì khi bà lành bệnh trả ơn cho tôi thế nào? Vì vậy mà rầu.”

Bà vợ trưởng giả nói: “Vì việc nhà nên không dễ vất bỏ. Nó có thể dùng thắp đèn được nên tôi hứng lấy. Thầy cứ chữa bệnh chuyện gì phải sầu ưu.”

Kỳ-bà Đồng tử nghe nói như vậy liền tiếp tục chữa trị. Sau khi bệnh lành, vợ ông trưởng giả tạ ơn Kỳ-bà Đồng tử bốn trăm ngàn lượng vàng và tôi tớ, xe cộ. Kỳ-bà Đồng tử nhận được những phẩm vật này rồi, về lại thành Vương xá. Đến cửa nhà của Vô Úy Vương tử, nói với người giữ cửa:

“Người vào tâu với Vương tử rằng Kỳ-bà Đồng tử ở ngoài cửa.”

Người giữ cửa liền vào tâu. Vương tử ra lệnh người giữ cửa gọi vào. Kỳ-bà Đồng tử vào rồi, đầu mặt kính lễ xong, đứng qua một bên, tường trình đầy đủ tất cả sự việc đã qua với Vô Úy Vương tử và nói: “Tất cả tặng vật nhận được xin dâng lên Vương tử.” Vương tử nói:

“Thôi đi! Khỏi phải làm điều đó. Con cứ tự tiện sử dụng.”

Đây là con bệnh đầu tiên mà Kỳ-bà Đồng tử chữa trị.[440]

[852a8] 2. Lúc bấy giờ, vua Bình-sa mắc phải chứng bệnh xuất huyết nơi đường đại tiểu tiện. Các thị nữ thấy đều cười bảo rằng:

“Hiện Đại vương cũng mắc phải bệnh như bọn phụ nữ chúng ta.” Vua Bình-sa nghe qua hổ thẹn, liền kêu Vô Úy Vương tử bảo rằng:

“Hiện cha mắc chứng bệnh như vậy, con có thể vì cha tìm thầy thuốc chữa gấp được không?”

Vô Úy thưa: “Có Kỳ-bà Đồng tử rành về nghề thuốc, có thể chữa trị bệnh cho phụ vương được.”

Vua bảo gọi đến. Vô Úy vương tử gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng:

“Con có thể chữa bệnh cho phụ vương của ta được không?”

Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Có thể chữa được.”

Vô Úy bảo: “Nếu được, con hãy đến chữa gấp.”

Kỳ-bà Đồng tử đến chỗ vua Bình-sa, kính lễ sát chân vua xong, đứng lui qua một bên, rồi hỏi vua rằng:

“Đại vương bị bệnh khổ thế nào?”

Nhà vua trả lời: “Bị bệnh như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi: “Bệnh phát khởi từ đâu?”

Vua trả lời: “Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: “Bệnh phát bao lâu rồi?”

Nhà vua nói: “Bệnh phát từ lúc đó.”

Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Có thể chữa trị được.”

Kỳ-bà Đồng tử liền lấy cái máng bằng sắt, đựng đầy nước ấm, bảo vua Bình-sa vào trong máng nước. Vua liền vào. Bảo vua ngồi trong nước, vua liền ngồi. Bảo vua nằm trong nước, vua liền nằm. Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử dùng nước rưới lên vua mà chú thuật; vua liền ngủ. Kỳ-bà Đồng tử nhanh nhẹn bước vào trong nước, dùng dao bén mổ ngay chỗ ung nhọt của vua; rửa sạch, dùng thuốc thoa. Thoa xong, bệnh lành. Nơi mụt nhọt mọc lông lại, giống như chỗ không bệnh. Đâu đó xong, Kỳ-bà Đồng tử liền thay máng nước đầy, dùng nước rưới lên vua, chú thuật. Vua tỉnh dậy hỏi: “Chữa cho ta đi!”

Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Tôi đã trị xong.”

Nhà vua nói: “Chữa khỏi không?”

Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Đã khỏi rồi.”

Nhà vua liền dùng tay sờ mà không biết mụt nhọt ở chỗ nào. Vua hỏi: “Nhà ngươi chữa trị bằng cách nào, đến nỗi không còn dấu mụt nhọt nữa?”

Kỳ-bà Đồng tử thưa:

“Tôi chữa bệnh há có thể còn lại dấu mụt nhọt ư?” Bấy giờ vua tập hợp các thị nữ mà nói [852b] rằng:

“Kỳ-bà Đồng tử, người thầy thuốc này đại lợi ích. Ta nghĩ rằng ta phải ban thưởng của cải rất nhiều mới được.”

Các thị nữ liền lấy các loại anh lạc, vòng xuyến đeo nơi tay chân, kể cả các vật quý báu dùng để che kín thân người nữ và tiền vàng, ma ni, chân châu, lưu ly, bối ngọc, pha lê, gom thành một đống lớn.

Bấy giờ, vua kêu Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng: “Nhà ngươi chữa bệnh cho ta lành, ta dùng những vật này để trả ơn ngươi.”

Kỳ-bà Đồng tử thưa với đại vương: “Thôi, tâu Đại vương, như vậy đã là ban cho tôi rồi. Tôi vì Vương tử Vô Úy mà chữa bệnh cho Đại vương.”

Khi ấy, vua ra lệnh rằng: “Nhà ngươi không được chữa bệnh cho người khác.[441] Chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi.” Đây là con bệnh thứ hai mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị.

3. Lúc bấy giờ, tại thành Vương xá có ông trưởng giả thường bị đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa trị được. Bấy giờ, có vị thầy thuốc nói với ông trưởng giả là sau bảy năm ông trưởng giả sẽ chết. Có ông lại nói, sau sáu năm, sau năm năm, cho đến sau một năm sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy tháng sẽ chết, hoặc sáu tháng, cho đến một tháng sẽ chết. Có ông lại nói sau bảy ngày sẽ chết.

Ông trưởng giả tự mình đến nhà Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: “Ông chữa bệnh cho tôi. Tôi sẽ đền ơn ông một trăm ngàn lượng vàng.”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Không thể được.”

Ông trưởng giả lại nói: “Tôi sẽ trả ơn ông hai trăm ngàn. Ba trăm ngàn. Bốn trăm ngàn lượng vàng.”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Không thể được.”

Bệnh nhân nói: “Tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ thuộc về ông.”

Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: “Không phải tôi vì tiền bạc ít mà nói là không thể chữa được bệnh cho ông. Nhưng vì trước đây vua Bìnhsa có ra lệnh cho tôi rằng: ‘Khanh chỉ chữa bệnh cho ta, cho Phật, cho Tăng tỳ-kheo và người trong cung mà thôi, chứ không được chữa cho người khác.’ Cho nên tôi nói không thể được. Nay nếu ông đến xin phép vua thì tôi mới dám chữa.”

Ông trưởng giả liền đến tâu với vua: “Nay tôi có bệnh ngoặt nghèo.

Xin vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử trị bệnh cho tôi.”

Vua liền gọi Kỳ-bà Đồng tử đến nói rằng: “Trong thành Vương xá có ông trưởng giả bị bệnh, ông có thể trị được không?”

Kỳ-bà Đồng tử trả lời: “Được.”

Nhà vua nói: “Nếu trị được thì đến trị.”

Lúc ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền đến nhà ông trưởng giả, và hỏi rằng:

“Chứng bệnh của ông thế nào?”

Trưởng giả trả lời: “Chứng bệnh tôi như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử lại hỏi: “Bệnh phát khởi từ đâu?”

Bệnh nhân nói: “Bệnh từ như vậy, như vậy khởi phát.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: “Thời gian bệnh lâu mau rồi?”

Trưởng giả nói: “Thời gian bệnh là chừng ấy.”

Hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói: “Bệnh này tôi chữa được.”

Khi ấy, Kỳ-bà Đồng tử liền cho uống nước muối, khiến bệnh nhân bị khát; rồi cho uống rượu đến say. Kế đó, buộc bệnh nhân vào giường, tập hợp thân nhân đến xung quanh. Kỳ-bà Đồng tử dùng dao bén mổ đầu, banh xương sọ ra, chỉ cho thân quyến [852c] thấy trùng đầy trong đầu của bệnh nhân. Đây là căn nguyên của chứng bệnh. Kỳ-bà Đồng tử nói với mọi người:

“Như lời thầy thuốc trước đây đã nói, sau bảy năm bệnh nhân sẽ chết. Ý là sau bảy năm cái não hết nên phải chết. Nói như vậy là vì không khéo thấy. Hoặc có những vị nói sau sáu, năm, bốn, ba, hai và một năm sẽ chết, vì nghĩ rằng, sau khi hết não sẽ chết. Tất cả cũng không thấy rõ. Hoặc nói sau bảy tháng cho đến một tháng sẽ chết, cũng không thấy rõ. Còn vị thầy thuốc nói bảy ngày sẽ chết. Nói như vậy là vì nghĩ, trong vòng bảy hôm, não của bệnh nhân sẽ hết nên phải chết. Chính vị thầy thuốc này mới là người khéo thấy. Nếu nay không chữa trị, qua bảy ngày, não hết, sẽ phải chết.” Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử trừ sạch bệnh trong đầu xong, đổ bơ, mật vào đầy trong đầu, sau ghép xương sọ rồi may lại, dùng thuốc tốt bôi. Tức thì, bệnh khỏi, thịt đầy lại như cũ, tóc mọc lại, như chỗ không bị mổ không khác.

Kỳ-bà Đồng tử hỏi ông trưởng giả:

“Ông nhớ lời hứa trước đây không?”

Ông trưởng giả trả lời: “Tôi nhớ trước đây có nói, ‘Nếu thầy chữa bệnh tôi lành, tôi sẽ làm tôi tớ và tất cả gia nghiệp của tôi sẽ giao cho thầy.’”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Thôi, trưởng giả, như thế là đã cho tôi rồi. Cần gì nhắc lại lời hứa đầu tiên.”

Khi ấy, ông trưởng giả liền đem bốn mươi vạn lượng vàng để tạ ơn. Kỳ-bà Đồng tử dùng một trăm ngàn lượng dâng lên vua; một trăm ngàn lượng cho cha; hai trăm ngàn lượng tự mình sử dụng. Đây là bệnh nhân thứ ba, mà Kỳ-bà Đồng tử chữa trị.

4. Lúc bấy giờ, tại nước Câu-thiểm-di có con ông trưởng giả vì ham đùa trên cái bánh xe,[442] nên ruột bên trong bị thắt lại, ăn uống không tiêu, không bài tiết được, nhưng tại nước đó không ai chữa trị được. Ông nghe nước Ma-kiệt có vị thầy thuốc rất giỏi, có thể chữa được bệnh này, liền sai sứ đến tâu với vua:

“Con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bệnh. Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa được. Cúi xin vua cho phép đến.”

Vua Bình-sa cho gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi rằng:

“Có con ông trưởng giả nước Câu-thiểm-di bị bệnh, ngươi có thể chữa được không?”

Kỳ-bà Đồng tử trả lời là được.

Vua nói: “Nếu chữa được, thì đi chữa cho họ.”

Kỳ-bà Đồng tử đi xe đến nước Câu-thiểm-di. Kỳ-bà Đồng tử vừa mới đến nơi thì con ông trưởng giả đã chết, nghe tiếng kỹ nhạc đưa ma. Kỳ-bà Đồng tử liền hỏi rằng:

“Ở đây có việc gì mà có tiếng kỹ nhạc, tiếng trống kèn vậy?” Người bên cạnh trả lời:

“Con ông trưởng giả bị bệnh mà ông đến chữa đó, đã chết rồi. Đó là tiếng kèn trống đưa đi chôn.”

Cậu Kỳ-bà Đồng tử có tài giỏi phân biệt tất cả các loại âm thanh, nên bảo khiêng trở lại, và nói: “Người này chưa chết.” Kỳ-bà Đồng tử nói như vậy, họ liền khiêng trở lại.

Kỳ-bà Đồng tử xuống xe, lấy dao bén mổ ngay bụng, vạch chỗ ruột bị thắt, chỉ cho cha mẹ và thân nhân của bệnh nhân xem và nói rằng: “Đây là vì đùa trên bánh xe nên khiến cho ruột bị thắt lại như vầy. Do đó ăn uống không [853a1] tiêu, chứ không phải là chết.” Kỳ-bà Đồng tử liền giải thông ruột ra, sắp lại như cũ, rồi may ngoài da, dùng thuốc tốt thoa nó. Sau đó vết mổ lành, lông mọc trở lại giống như chỗ không mổ.

Con ông trưởng giả trả ơn cho Kỳ-bà Đồng tử bốn mươi vạn lượng vàng. Vợ của con ông cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để đền ơn người đã cứu chồng mình sống lại. Cha mẹ của bệnh nhân mỗi người cũng đem bốn mươi vạn lượng vàng để hậu tạ cho Kỳ-bà Đồng tử. Đây là bệnh thứ tư mà Kỳ-bà Đồng tử đã cứu chữa.

5. Lúc bấy giờ, quốc vương Úy-thiền[443] là vua Ba-la-thù-đề,[444] ròng rã mười hai năm bị bệnh đau đầu, không có thầy thuốc nào chữa được. Vua nghe vua Bình-sa có vị thầy thuốc đại tài có thể chữa trị chứng bệnh của mình được, liền sai sứ đến tâu với vua Bình-sa rằng: “Ba-la-thù-đề mắc bệnh, Kỳ-bà Đồng tử có thể chữa trị được. Xin vua cho phép Kỳ-bà Đồng tử được đến chữa.” Vua liền gọi Kỳ-bà Đồng tử đến hỏi:

“Ngươi có thể chữa bệnh cho Ba-la-thù-đề không?”

Kỳ-bà Đồng tử trải lời: “Có thể được.”

Nhà vua nói: “Nếu chữa được thì đi chữa.”

Vua nói tiếp: “Vua ấy từ bọ cạp mà ra. Khanh khéo giữ mình, chớ để mất mạng.”

Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Xin vâng.”

Kỳ-bà Đồng tử đến nước Úy-thiền, chỗ của Ba-la-thù-đề, kính lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, hỏi vua rằng:

“Bệnh trạng thế nào?”

Nhà vua trả lời: “Bệnh trạng như vậy, như vậy.” Kỳ-bà Đồng tử hỏi: “Bệnh bắt đầu từ đâu?”

Nhà vua nói: “Bệnh bắt đầu như vậy, như vậy.”

Kỳ-bà Đồng tử hỏi tiếp: “Từ khi phát bệnh đến nay, bao lâu rồi?” Bệnh nhân nói: “Thời gian bệnh là chừng ấy.” Theo thứ tự hỏi xong, Kỳ-bà Đồng tử nói:

“Bệnh này tôi có thể chữa được.”

Vua nói: “Nếu dùng bơ hay thuốc trộn bơ, ta không uống được.

Nếu cho ta uống thuốc trộn bơ, ta sẽ giết ngươi.”

Chứng bệnh này các thứ thuốc khác không trị được. Chỉ có bơ trị được mà thôi.

Kỳ-bà Đồng bèn bày chước, tâu với vua: “Y pháp trị bệnh của tôi, mai, trưa, chiều, tối xin được phép tự do ra vào.” Vua nói với Kỳ-bà Đồng tử: “Tùy ý ngươi cứ ra vào.” Kỳ-bà Đồng tử lại tâu tiếp.

“Nếu cần vị thuốc quý giá, phải cởi ngựa để đi cho nhanh, xin vua cho phép.”

Vua liền cấp cho con lạc đà đi năm mươi do-tuần ngày. Kỳ-bà Đồng tử liền dùng thức ăn rất mặn cho vua ăn. Rồi ở chỗ kín đáo, nấu bơ làm thuốc. Làm cho nó thành màu nước, vị nước. Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của vua và dặn:

“Khi nào vua thức dậy, khát nước, đòi uống nước, thì đưa thứ thuốc này cho vua dùng.”

Kỳ-bà Đồng tử đưa thuốc cho mẹ của vua rồi, liền cưỡi con lạc đà có sức chạy năm mươi do-tuần ngày mà đi.

Vua thức dậy khát nước, đòi uống. Bà mẹ đưa thứ thuốc nước đó cho vua uống. Khi thuốc tiêu hóa, cảm thấy có mùi bơ, vua nói:

“Kỳ-bà cho ta uống bơ, là oan gia của ta, làm sao chữa bệnh ta được. Hãy cấp tốc kiếm nó, đưa đến đây.”

Sứ giả liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử ở mà tìm, không thấy có. Hỏi người [853b] giữ cửa rằng: “Kỳ-bà Đồng tử ở đâu?”

Người giữ cửa nói: “Kỳ-bà Đồng tử cưỡi con lạc đà đi năm mươi do-tuần ngày, đã đi rồi.”

Vua càng thêm lo sợ, nói: “Cho ta uống bơ là oan gia của ta, làm sao chữa trị cho ta được!”

Lúc ấy, nhà vua có một người đi bộ giỏi, tên là Ô, một ngày có thể đi sáu mươi do-tuần. Vua liền kêu đến bảo:

“Ngươi có thể truy đuổi Kỳ-bà Đồng tử được chăng?”

Người ấy thưa: “Có thể.”

Vua nói: “Ngươi đi gọi nó về đây!”

Vua dặn: “Kỳ-bà Đồng tử có kỹ thuật cao, ngươi chớ nên ăn những thức ăn gì do Kỳ-bà Đồng tử đưa. Có thể ngươi bị thuốc độc đó.”

Ô thưa: “Vâng.”

Và y theo lời dạy của vua.

Kỳ-bà Đồng tử đi đến nửa đường, khỏi phải lo sợ nữa, ngừng lại làm thức ăn, nên Ô, người chạy nhanh, đuổi theo kịp. Y nói với Kỳ-bà Đồng tử: “Vua Ba-la-thù-đề sai gọi ông.” Đáp: Tôi sẽ đi liền.

Kỳ-bà Đồng tử mời Ô ăn. Ô không chịu ăn. Kỳ-bà Đồng tử tự mình ăn nửa trái a-ma-lặc,[445] để lại nửa trái, uống nước cũng để lại nửa ly.

Dưới móng tay Kỳ-bà Đồng tử đã phục sẵn thuốc độc, thuốc ấy ngấm vào nửa trái và nửa ly nước còn lại. Kỳ-bà Đồng tử nói với ông Ô rằng: “Tôi đã ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, còn lại mỗi thứ phân nửa đây, ông có thể dùng đi.”

Ô liền nghĩ: “Kỳ-bà Đồng tử đã tự mình ăn nửa trái và uống nửa ly nước rồi, số còn lại bảo ta ăn, chắc không có độc.” Nghĩ như vậy rồi, Ô liền ăn nửa trái a-ma-lặc và uống nửa ly nước còn lại. Y liền bị ói,[446] không thể đi được nữa. Kỳ-bà Đồng tử đem thuốc để trước Ô và nói rằng: “Giờ đó, giờ đó, ông uống thuốc này sẽ khỏi bệnh.” Kỳ-bà Đồng tử liền cưỡi con lạc đà đi năm mươi do-tuần ngày đó tiếp tục đi.

Sau đó, vua cùng Ô đều lành bệnh. Vua Ba-la-thù-đề sai sứ gọi Kỳbà Đồng tử, nói rằng: “Nhà ngươi đã trị lành bệnh cho ta. Ta xin tạ ơn nhà ngươi gấp bội lần so với phẩm vật mà nhà ngươi đã thu được nhiều hay ít nơi nước kia.”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Thôi, tâu Đại vương, như thế là đã ban cho tôi rồi. Tôi vì vua Bình-sa nên trị bệnh cho vua mà thôi.”

Bấy giờ, vua Ba-la-thù-đề cho đưa đến một chiếc y quý giá, trị giá bằng phân nửa nước để tạ ơn.

Nhà vua nói với Kỳ-bà Đồng tử: “Nhà ngươi không thuận ý, nay ta xin biếu chiếc y này để gọi là báo ân.”

Đây là con bệnh thứ năm mà Kỳ-bà Đồng tử đã chữa trị.

7. Bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh dư nước,[447] nói với Tôn giả A-nan:

“Ta bị bệnh dư nước. Cần được chữa trị.”[448]

Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nơi thành Vương xá, nói rằng:

“Đức Như Lai bị chứng dư nước, cần được chữa trị.”

Kỳ-bà Đồng tử cùng A-nan đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Đức Như Lai bị chứng dư nước phải không?”

Đức Phật dạy: “Đúng như vậy, Kỳ-bà Đồng tử. Như Lai muốn chữa trị.”

Kỳ-bà Đồng tử bạch Phật: “Như Lai muốn xổ bao nhiêu lần?”

Phật dạy: “Cần ba mươi lần.”

Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử cùng [853c] A-nan đến thành Vương xá lấy ba bó hoa ưu-bát[449] đem về nhà. Kỳ-bà Đồng tử lấy một bó xông thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần. Lấy bó thứ hai, xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, sẽ xổ được mười lần nữa. Sau lấy bó thứ ba xông với thuốc và chú thuật, dặn đưa đức Như Lai ngửi, thì sẽ xổ được chín lần. Kế đó uống một bụm nước nóng,[450] sẽ xổ được một lần nữa. Theo đó Kỳ-bà Đồng tử lấy ba bó hoa đặt trên tay Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan đem hoa ra khỏi thành Vương xá, đến chỗ đức Thế Tôn, lấy một bó hoa dâng lên đức Thế Tôn. Ngài ngửi, liền xổ được mười lần. A-nan dâng bó hoa thứ hai, lại xổ được mười lần tiếp. Bó thứ ba, xổ được chín lần. Kỳ-bà Đồng tử quên dặn Tôn giả A-nan dâng nước nóng lên đức Phật. Nhưng đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm Kỳ-bà Đồng tử, liền kêu A-nan bảo lấy nước nóng đem đến. A-nan nghe Phật dạy liền lấy nước nóng đem đến dâng lên đức Phật. Đức Phật liền uống một bụm nước nóng. Chứng dư nước liền khỏi. Phong khí cũng theo đó mà điều hoà.

8. Bấy giờ, vua Bình-sa nghe đức Phật bị bệnh, liền cùng tám vạn bốn ngàn người hộ giá đi đến chỗ đức Thế Tôn; kính lễ hỏi thăm Ngài, rồi ngồi lui qua một bên.

Lúc ấy, vua Ưu-điền nghe Đức Thế Tôn bệnh, cũng dẫn bảy vạn người đến thăm. Vua Ba-la-thù-đề cùng với sáu vạn người đến thăm. Vua Phạm Thí cùng với năm vạn người.

Mạt-lợi phu nhân, Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na; bốn Đại thiên vương và các thuộc hạ tuỳ tùng; Thích Đề-hoàn Nhân cùng Đao-lợi chư thiên; Diệm thiên tử cùng với Diệm thiên; Đâu-suất thiên vương cùng Đâu-suất chư thiên; Hóa lạc thiên vương cùng Hóa lạc chư thiên; Tha hóa tự tại thiên vương cùng Tha hóa tự tại thiên; Phạm thiên vương cùng với chúng Phạm thiên; Ma-hê-thủ-la thiên vương cùng với Ma-hê-thủ-la chư thiên; tất cả đều đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng cùng với năm trăm tỳ-kheo đi đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, lui đứng qua một bên.

Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe đức Thế Tôn bệnh, cũng cùng năm trăm tỳ-kheo-ni; A-nan-tân-đê[451] cùng năm trăm ưu-bà-tắc; Tỳxá-khư Mẫu cùng năm trăm ưu-bà-di, đều đi đến chỗ đức Thế Tôn, [854a1] đầu mặt kính lễ thăm hỏi Ngài.

Bấy giờ, Đề-bạt-đạt-đa nghe đức Thế Tôn bị bệnh cũng đi đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Đềbạt-đạt-đa thấy trước đức Thế Tôn bốn bộ chúng nhóm hợp, liền khởi ý nghĩ như vầy: “Nay ta có thể uống thuốc như Phật, khiến bốn bộ chúng đến thăm hỏi ta.” Nghĩ xong, liền đến chỗ Kỳ-bà Đồng tử nói rằng: “Tôi muốn uống thứ thuốc như Phật uống. Ông có thể cho tôi uống được không?”

Kỳ-bà Đồng tử nói: “Thứ thuốc đức Thế Tôn dùng tên là Na-la- diên,[452] thứ thuốc này chẳng phải ai cũng dùng được. Chỉ có Chuyển luân vương, bậc đã thành tựu Bồ-tát, đức Như Lai mới có thể dùng được.”

Đề Bà nói: “Nếu không cho tôi dùng tôi sẽ hại ông.”

Kỳ-bà Đồng tử sợ bị hại mạng nên liền đưa thuốc cho Đề-bà-đạtđa. Do uống thuốc này mà Đề-bà-đạt-đa bị bệnh nặng, thân tâm đều đau khổ, cô đơn một mình, không ai tới lui thăm viếng, cũng không có bà con chăm sóc. Đề-bà-đạt-đa tự nghĩ: “Như ta hiện nay, không ai cứu giúp. Chỉ có đức Như Lai.”

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm nghĩ Đề-bà-đạt-đa như vậy, liền từ núi Kỳ-xà-quật, thân phóng ra ánh sáng “thi dược”[453] chiếu đến Đề-bà-đạt-đa, khiến tất cả bệnh khổ liền được chấm dứt. Sau khi Đề-bà-đạt-đa được lành bệnh không lâu, đến các ngả đường trong thành Vương xá xướng lên rằng:

“Thái tử Tất-đạt-đa xả bỏ ngôi vị Chuyển luân vương xuất gia làm đạo. Nay làm nghề thầy thuốc để nuôi sống. Tại sao biết như vậy?

Chính tôi vừa được chữa lành đây, nên tôi biết.”

Các tỳ-kheo nghe biết; trong đó có vị thiểu dục tri túc sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Đề-bà-đạt-đa: “Đức Như Lai rủ lòng thương đối với ông, sao ông không biết đền đáp?”

Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Phật: “Thật chưa từng có! Thế Tôn đã rủ lòng thương đối với Đềbà-đạt-đa. Nhưng Đề-bà-đạt-đa lại không trả ơn.”

Đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Không phải chỉ đến hôm nay Ta rủ lòng thương đối với Đề-bà-đạt-đa mà không được trả ơn đâu. Vào đời quá khứ, có vua tên là Nhất Thiết Thí,[454] làm vua cõi Diêm-phù- đề. Khi ấy cõi đất Diêm-phù-đề rộng và bằng phẳng, nhân dân đông đúc, no đủ vui sướng vô cùng. Hồi ấy Diêm-phù-đề có tám vạn bốn ngàn thành, năm ngàn ức tụ lạc, sáu vạn biên thành. Bấy giờ, có bệnh nhân đến chỗ vua Nhất Thiết Thí, thưa với vua rằng:

“Tôi nay không ai cứu giúp. Chỉ có vua thôi.”

Vua liền tập hợp các danh y trong cõi Diêm-phù-đề, chỉ cho thấy bệnh nhân này và hỏi các lương y rằng: “Bệnh nhân này [854b] cần dùng thứ thuốc gì?” Các lương y khám bệnh rồi thưa:

“Theo bệnh của người này, người thường không thể cho thuốc được. Chỉ có các bậc thành tựu Bồ-tát mới có thể cho phương thuốc được.”

Vua hỏi: “Cần thứ thuốc gì?”

Lương y nói: “Bệnh nhân này nếu có được thịt máu sống do Bồ-tát từ tâm để ăn trong hai mươi chín ngày thì mới lành được.” Vua Nhất Thế Thí khởi tâm nghĩ rằng:

“Sanh tử miên viễn, luân chuyển không bờ, chịu các khổ não; hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh bị chặt chân tay, xẻo tai, xẻ mũi, móc mắt, bổ đầu, cuối cùng đâu có ích gì” vua liền giao việc nước cho quần thần, vào trong chỗ vắng, tư duy bốn hạnh vô lượng. Bấy giờ, vua Nhất Thế Thí dùng dao bén cắt thịt nơi đùi vế, sai người đem đến cho bệnh nhân ăn, trải qua hai mươi chín ngày như vậy, sau đó vua hỏi sứ giả rằng:

“Bệnh nhân thế nào?”

Sứ giả tâu với vua: “Bệnh nhân đã lành.” Nhà vua bảo, dẫn đến ta xem.

Sứ giả liền tắm rửa người bệnh, mặc áo mới dẫn đến chỗ vua. Vua hỏi: “Bệnh của ngươi thế nào?”

Người bệnh nói: “Đã lành.”

Nhà vua nói: “Thôi, nhà ngươi tuỳ ý mà lui.”

Khi người kia ra khỏi cửa, chân bên hữu vấp phải đá chảy máu. Người khác thấy vậy hỏi:

“Này nam tử, tại sao chân của ngươi bị chảy máu?” Người kia liền nói:

“Ông vua phi pháp này! vua tệ ác này! vua dâm dục phi pháp này! vua ham mê tà kiến này! Tôi vấp phải then cửa trong nhà của ông

ấy, nên chân bị thương chảy máu như vậy.” Mọi người nói:

“Chưa từng có hạng người nào vô ân như thế này. Vua Nhất Thiết Thí trong vòng hai mươi chín ngày tự lấy thịt và máu thân mình, để chữa trị bệnh cho được lành, mà đối với vua không có sự trả ơn, lại còn thêm tiếng oán!”

Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Vua Nhất Thiết Thí lúc bấy giờ chính là thân Ta vậy. Bệnh nhân lúc ấy chính là Đề-bà-đạt-đa hiện nay. Đời trước Ta tỏ lòng từ mẫn đối với Đề-bà-đạt-đa, nhưng đã không được trả ơn. Hiện nay cũng như vậy, không hề trả ơn.”

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì Đề-bà-đạt-đa nói kệ này rằng:

Tất cả núi và biển,
Ta không cho là nặng.
Người không trả ơn kia,
Ta cho đó là nặng.
Người không đền đáp ơn,
Như bệnh hủi xấu ác;
Hoặc là bệnh hủi trắng,
Không trả ơn cũng vậy.

“Vậy các tỳ-kheo luôn luôn cần nghĩ đến việc trả ơn. Hãy học như vậy.” Lúc bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử chăm sóc bệnh đức Thế Tôn và dùng [854c] thang tiêu xổ, cùng thịt loài chim đồng nội, chữa lành căn bệnh. Đây là bệnh nhân thứ sáu được Kỳ-bà Đồng tử chữa lành.

III. ĐÀN VIỆT THÍ Y

1. Kỳ-bà thỉnh nguyện

Một hôm, Kỳ-bà Đồng tử mang chiếc y quý giá[455] đi đến chỗ đức

Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn: “Con trị bệnh cho Quốc vương, trị bệnh cho Đại thần, hoặc được một quốc độ, hoặc được một tụ lạc. Cúi xin đức Thế Tôn cho một ước nguyện.”

Đức Phật dạy: “Ta không hề cho ai ước nguyện mà vượt quá điều nguyện.”[456]

Kỳ-bà Đồng tử lại thưa: “Con xin một ước nguyện thanh tịnh.”[457]

Đức Phật dạy: “Nguyện thanh tịnh ấy là gì?”

Kỳ-bà Đồng tử thưa: “Chiếc y quý giá này, con nhận được từ vua Ba-la-thù-đề, giá trị bằng phân nửa đất nước. Cúi xin đức Thế Tôn ai mẫn, vì con nạp thọ. Từ nay về sau, nguyện đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo nào muốn khoác y của đàn-việt cúng, hay y phấn tảo, thì tùy ý được mặc.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử được đức Thế Tôn chấp thuận, liền đem bình nước rửa bằng vàng rửa tay đức Phật, rồi đem chiếc y rất quý giá dâng lên Ngài. Đức Phật vì lòng từ mẫn nên vì ông mà nhận. Kỳ-bà Đồng tử đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì Kỳ-bà Đồng tử nói các bài pháp, khiến sanh hoan hỷ, rồi Kỳ-bà Đồng tử lễ Phật cáo lui.

Bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo mà tùy thuận nói pháp, Ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, nhiếp trì oai nghi, thiểu dục tri túc, có trí tuệ, ưa xuất ly. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Tất cả các loại y quý giá, y nầy là bậc nhất. Như bò cho ra sữa, trong sữa cho ra lạc, trong lạc cho ra tô, trong tô cho ra thục tô, trong thục tô cho ra đề hồ là tinh chất đệ nhất. Y nầy cũng như vậy, trong tất cả các loại y nó là đệ nhất. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo tùy ý khoác y của đàn-việt dâng cúng, hay y phấn tảo.”

2. Các loại y quý

Bấy giờ, vua Bình-sa nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền đem y khâm-bà-la quý giá đang mặc dâng cúng cho tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận nói:

“Đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại y quý giá. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép chứa y quý giá khâm-bà-la.”

Sau đó, vua lại sai người đem y quý giá cù-lâu[458] đến. Các tỳ-kheo không dám nhận, vì đức Phật chưa cho phép chứa y quý giá cù-lâu. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa cù-lâu bằng lông vừa rộng vừa dài. Các tỳkheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy [855a1] rằng:

“Không được chứa.”

Đức Phật dạy tiếp: “Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chứa cùlâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay, tịnh thí rồi mới chứa.”

Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y của đàn-việt cúng, liền sai người đem cù-lâu bằng lông ngắn mà nhà vua mặc, đến cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không dám nhận, và nói vì đức Phật chưa cho phép chúng tôi chứa loại cù-lâu bằng lông ngắn này. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép chứa.”

3. Nhận và chia

Bấy giờ, nơi thành Vương xá có các ưu-bà-tắc nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo chứa y đàn-việt cúng, liền sai người đem rất nhiều loại y tốt cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, liền đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép nhận và chia.”

Các tỳ-kheo không biết nên chia như thế nào. Đức Phật dạy: “Nên đếm số người nhiều hay ít. Như mười người thì chia làm mười phần. Cho đến trăm người thì chia làm trăm phần. Khi chia y, số y vừa có thứ tốt, vừa có thứ xấu, người chia y vội lấy phần mình. Đức Phật dạy: “Không được như vậy, mà nên sai người khác chia, khiến người khác lấy phần.”

Người kia tự lấy phần của mình. Đức Phật dạy:

“Không được tự lấy phần, mà nên rút thăm để chia.”

Vị tỳ-kheo kia tự rút thăm. Đức Phật dạy: “Không được tự mình rút thăm khi chia. Khi rút thăm, không được để cho thấy.”

Bấy giờ, có vải y quý giá thứ vua mặc, không thể chia được. Đức Phật cho phép cắt ra để chia. Từ nay về sau, cho phép dùng dao để cắt rọc vải.

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được vải chưa giặt. Đức Phật cho phép tự mình giặt, hoặc sai người giặt. Lúc ấy, cần chậu để giặt. Đức Phật cho phép dùng chậu để giặt. Hoặc không có ván để giặt, đức Phật cho phép sắm ván để giặt. Hay cần kéo để cắt, đức Phật cho phép sắm kéo để dùng.

4. Y cát tiệt

Khi đức Thế Tôn từ thành Vương xá du hành trong nhân gian đến phương nam. Trên đường đi, Phật thấy cánh đồng ruộng, người ta đắp bờ xung quanh những thửa ruộng rất khéo. Thấy vậy, đức Phật bảo Tôn giả A-nan: “Ông có thấy những thửa ruộng này không?” Tôn giả thưa: “Có thấy, bạch đức Thế Tôn.” Đức Phật hỏi ông A-nan:

“Ông có thể vì các tỳ-kheo mà chế pháp y như vậy được không?”

Tôn giả thưa: “Bạch đức Thế Tôn, con có thể chế được.”

Đức Phật bảo Tôn giả: “Ông nên trở về dạy các tỳ-kheo.”

Tôn giả A-nan trở về lại thành Vương xá dạy các tỳ-kheo may y cắt rọc như vầy: Đây là điều dài, đây là điều[459] ngắn, đây là lá,[460] đây là đường may thứ nhất, đây là đường may thứ hai, đây là đường may giữa, đây là lá điều hướng hai bên.[461]

Bấy giờ, tại thành Vương xá có số đông tỳ-kheo đã khoác y cắt rọc.[462] Sau khi đức Thế Tôn du hành trong nhân gian từ phương nam trở về thành Vương xá, thấy các tỳ-kheo số đông đã khoác y cắt rọc nên nói rằng: “A-nan là người thông minh, đại trí tuệ. Ta [855b] chỉ nói sơ qua mà có thể giải nghĩa rộng rãi. Đệ tử các đức Như Lai, Vô sở trước, đời quá khứ, đã mặc pháp y như vậy; như Ta hiện nay. Đệ tử của các đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, đời vị lai, cũng sẽ mặc pháp y như vậy; như Ta hiện nay. Vì y của samôn được dùng dao cắt rọc may thành nên không bị oán tặc cướp đoạt. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cắt rọc may thành y anđà-hội, y uất-đà-la-tăng, y tăng-già-lê.

Bấy giờ, các tỳ-kheo cắt rọc may thành y an-đà-hội, mặc sát thân, lá y ngoài đường biên mau hư, bụi đất vào trong lá, từ đó về sau cho phép may y an-đà-hội không cắt rọc. Các tỳ-kheo khoác y uất- đà-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, lá y ngoài đường biên cũng mau bị hư, bụi đất vào bên trong ẩm ướt. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau cho phép khoác y uất-đa-la-tăng, tăng-già-lê cắt rọc, nhưng lá y ngoài đường biên may thành chân chim, hoặc lá y ngoài đường biên may thành cái lề, hoặc may thành răng con ngựa.” Các tỳ-kheo không biết may bao nhiêu điều. Đức Phật dạy:

“Nên may năm điều, không được may sáu điều. Nên may bảy điều, không được may tám điều. Nên may chín điều, không được may mười điều. Cho đến mười chín điều, không được may hai mươi điều. Nếu quá số điều này, không được chứa.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo vận xếp ngược niết-bàn-tăng[463] mà đi vào nhà bạch y, bị bung nên lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được như vậy. Cho phép làm cái dây để cột.”

Bầy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa và xử dụng cái dây cột có màu sắc đẹp. Đức Phật dạy:

“Không được tích chứa và sử dụng cái dây có màu sắc đẹp như vậy.”

Các tỳ-kheo dùng gấm để làm. Đức Phật dạy:

“Không được làm bằng gấm.”

Các tỳ-kheo chứa và sử dụng cái dây màu trắng. Đức Phật dạy:

“Không được dùng màu trắng để làm. Cho phép nhuộm màu ca-sa để chứa dùng.”

Nhóm sáu tỳ-kheo may dây đai thắt lưng vừa rộng, vừa dài. Các tỳkheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được may như vậy. Cho phép may rộng hai[464] ngón tay, vòng quanh lưng ba bận. Nếu nhận được cái đã may rồi, nên làm hai lớp, ba lớp, bốn lớp. Nếu ba, bốn lớp bị rối loạn thì cho phép may dính lại. Nếu ngắn thì cho phép làm dây nối thêm. Nếu mỏng manh mà thường buộc, sợ chóng đứt thì nên làm cái khâu hay cái móc.”

Các tỳ-kheo dùng vật báu làm (khâu và móc). Đức Phật dạy:

“Không được dùng những vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, sừng, thiếc, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, chỉ, cây, hồ giao để làm.”

Các tỳ-kheo không biết đặt cái móc thế nào. Đức Phật dạy:

“Dùng chỉ khâu hoặc xâu lỗ rồi buộc vào.”

Dây đai của các tỳ-kheo bị đứt, đức Phật cho phép khâu vá lại. Nhưng lại không biết khâu vá thế nào? Phật bảo chồng lên rẻo vải rồi dùng chỉ khâu. Nếu lề đai bị sờn rách, cho phép dùng chỉ bện lại. Hoặc tua đầu dây đai sờn hư [855c] thì cho phép lấy chỉ khâu nối lại, hoặc vá lại.

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo vào tụ lạc không chịu cột tăng-kỳ-chi.[465] Khi đi y bị rơi, lộ hình. Đức Phật dạy:

“Không được không buộc y mà vào tụ lạc. Cho phép buộc dây đai hay khâu lại.”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất vào nhà bạch y, bị gió thổi, y cắt rọc bị tuột khỏi vai. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:

“Cho phép trên đầu vai đặt cái khâu hay cái móc.”

Thế Tôn ở tại thành Vương xá, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, phần đông tỳ-kheo cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hoặc quấn nơi thắt lưng. Khi ấy, có tỳ-kheo tự là Già-phạm-bà-đề,[466] đến bên sông Hằng, chỗ đức Phật muốn lội qua, dùng thần lực vẹt nước để Phật lội qua. Khi Phật lội qua sông rồi, thấy các tỳ-kheo phần nhiều cầm y, hoặc đội y trên đầu, hoặc choàng nơi vai, hay quấn nơi thắt lưng. Thấy vậy, Ngài nghĩ: “Các tỳ-kheo này cầm nhiều y như vầy. Ta nên vì các tỳ-kheo quy định số lượng y hoặc nhiều hoặc ít như thế nào cho có giới hạn. Nếu quá thì không được chứa.”

5. Kỹ nữ thành Tỳ-da-ly

Thế Tôn từ nước Bà-xà, du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Am-bà-la-bà-đề[467] nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành nhân gian đến Tỳ-xá-ly, liền đi xe đến chỗ đức Thế Tôn. Từ xa nhìn thấy đức Thế Tôn, tướng hảo đoan nghiêm, sanh tâm cung kính hoan hỷ, liền xuống xe đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng một bên. Bấy giờ, đức Phật nói pháp khuyến hóa khiến sanh hoan hỷ. Nghe đức Phật nói pháp rồi, Am-bà-la-bà-đề vui mừng hớn hở bạch Phật:

“Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo, sáng mai con thỉnh thọ thực và nghỉ lại tại vườn con một đêm.”[468]

Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Am-bà-la-bà-đề biết đức Phật hứa khả rồi, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh đức Phật rồi cáo lui.

Thế Tôn đang ở trong vườn Am-bà-la[469] tại Tỳ-xá-ly.

Các Lê-xa[470] nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử du hành nhân gian, đang đến nơi Tỳ-xá-ly, liền mặc đủ loại y phục, trang sức bằng anh lạc, đi các loại xe đến nghinh đón đức Thế Tôn. Các Lê-xa hoặc có người khoác y phục anh lạc màu thiên thanh, thắng xe màu thiên thanh, ngựa màu thiên thanh, thị tùng cũng mặc màu thiên thanh, đao, mâu, phan, cái cũng màu thiên thanh; hạt châu, lông, phất trần màu xanh. Vàng, đỏ, trắng, đen, ngựa xe, thị tùng, trang sức cũng như vậy. Có năm trăm Lê-xa như vậy đi đến chỗ đức Phật. Khi Am-bà-la-bà-đề nghinh đón đức Phật trở về, giữa đường gặp các Lê-xa, không bên nào chịu tránh nhường đường, nên vòm xe [856a1] đụng nhau. Trong số Lê-xa có một vị kỳ lão hỏi Am-bà-la-bà-đề rằng: “Vì lý do gì cô này không tránh đường, ép sát nhau khiến vòm xe đụng nhau?”

Bà-đề trả lời: “Sở dĩ như vầy là vì tôi thỉnh đức Phật và chư Tăng về nghỉ nơi vườn tôi. Tất cả tâm tôi đều hướng về đức Phật, nên không để ý các việc khác.”

Lê-xa nói: “Tôi trao cho cô một trăm ngàn lượng vàng, cô nhường cho tôi được thỉnh Phật cúng dường có được không?”[471]

Bà-đề nói: “Tôi đã thỉnh Phật và Tăng nghỉ đêm nơi vườn tôi, làm sao thay đổi được.”

Lê-xa nói: “Tôi sẽ trao cho cô hai trăm ngàn lượng vàng. Cho đến, mười sáu trăm ngàn, để được thỉnh đức Thế Tôn về cúng dường một ngọ trai.”

Am-bà-la-bà-đề đều trả lời: “Không thể được.”

Lê-xa lại nói: “Đem tài sản phân nửa nước đưa cho cô. Cô để tôi được thỉnh Phật thọ thực, có được không?”

Am-bà-la-bà-đề nói: “Dầu ông cho tôi toàn bộ nước Tỳ-xá-ly, tôi cũng không thể thay đổi được.” “Tại sao vậy?”

“Vì tôi đã nguyện được thỉnh Phật và Tăng đến nơi vườn để cúng dường.”

Bấy giờ, năm trăm Lê-xa vung tay giận dữ, nói: “Chúng ta bị loại bỏ rồi.”

Rồi họ liền cho xe đến vườn Am-bà-la.

Thế Tôn ở tại vườn kia, đang nói pháp cho vô số chúng vây quanh. Từ xa thấy năm trăm Lê-xa đến, Ngài bảo các tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo nào chưa thấy chư thiên Đao-lợi xuất du, thì nên xem các Lê-xa này. Khi chư thiên Đạo-lợi muốn xuất du thì cũng giống như các Lê-xa này không khác.”

Đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Các ngươi hãy thận trọng tâm niệm, nhiếp trì oai nghi.”[472] Đây là lời dạy của Ta.

Tỳ-kheo, thế nào là các ngươi hãy thận trọng tâm niệm?

“Tỳ-kheo quán thân trên nội thân, an trụ chánh niệm[473]; tinh cần, nhiếp trì niệm không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên ngoại thân, an trụ chánh niệm; tinh cần, nhiếp trì niệm, không tán loạn, điều phục xan tham, tật đố, ưu não thế gian. Quán thân trên nội ngoại thân, quán thọ, ý và pháp cũng như vậy. Tỳ-kheo như vậy được chánh tâm.

“Tỳ-kheo, thế nào gọi là nhiếp trì oai nghi?

“Tỳ-kheo hoặc ra hoặc vào, co duỗi, cúi ngước, chấp trì y bát, hoặc ăn, hoặc uống, hoặc uống thuốc, đại tiểu tiện lợi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc đi, hoặc lại, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc nói năng hay im lặng, tâm thường chuyên nhất. Đó gọi là tỳ-kheo nhiếp trì oai nghi.”

Bấy giờ, năm trăm Lê-xa ở Tỳ-xá-li đến chỗ đậu xe, xuống xe, đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi năm trăm Lê-xa ở bên đức Phật thì oai thần của họ không còn nữa. Chỉ có ánh sáng oai đức [856b] tối thắng của đức Phật Thế

Tôn ở giữa đại chúng không có gì sánh kịp. Như mặt trời đi trong bầu trời mùa thu không chút mây che, oai thần rực rỡ không gì sánh bằng. Cũng vậy, Đức Thế Tôn ở giữa năm trăm Lê-xa với thần đức danh xưng, tướng mạo đoan chánh không gì sánh kịp. Lúc ấy, trong chúng có bà-la-môn tự là Tân-kỳ-dương-nâu.[474] Bà-la-môn này rời chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật: “Con có điều muốn nói.”

Đức Phật dạy: “Ông cứ nói.”

Bà-la-môn này liền đối trước Phật nói kệ khen ngợi đức Như Lai:

Vua Ma-kiệt được thiện lợi,
Vua Ương già cầm giáp ngọc;
Phật xuất hiện nơi nước này,
Tiếng chấn động như núi Tuyết.
Như hương sen tinh khiết,
Khi nở thơm ngào ngạt.
Nay xem ánh sáng Phật,
Như mặt trời mới mọc;
Như mặt trăng trên không,
Không có mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy,
Sáng chói trong thế gian.
Xem trí tuệ của Phật,
Như đuốc sáng ban đêm;
Cho đời con mắt sáng,
Giải quyết các nghi hoặc.

Các Lê-xa nói với bà-la-môn: “Yêu cầu ông nói lại bài kệ này.” Người bà-la-môn nói lại bài kệ này ba lần. Các Lê-xa cho đây là bài kệ rất hay, tặng thưởng năm trăm chiếc y. Người bà-la-môn nhận được số y này rồi, liền đem dâng lên đức Phật, nguyện cầu đức Phật rủ lòng thương vì họ mà nhận cho.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Lê-xa: “Thế gian có năm thứ quý báu khó được. 1. Phật Thế Tôn ra đời trong thế gian là điều quý báu khó có được. 2. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe được lời thuyết giảng của Ngài là điều quý báu khó có được. 3. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà tin và hiểu là điều quý báu khó có được. 4. Đức Phật ra đời trong thế gian, nghe Ngài thuyết pháp mà thật hành như pháp là điều quý báu khó có được. 5. Đạt được chánh tín và ưa thích là điều quý báu khó có được.”

Bấy giờ, năm trăm Lê-xa nghe Phật dùng mọi phương tiện nói pháp khai hóa rất vui mừng, bạch Phật: “Chúng con xin phép được thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo ngày mai thọ thực.”

Đức Phật nói: “Ta đã nhận lời mời của Am-bà-la-bà-đề rồi.” Bấy giờ năm trăm Lê-xa vung tay lên nói: “Am-bà-la-bà-đề đã bỏ qua chúng con rồi!”

Nói xong, liền rời chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật kính lễ sát chân, nhiễu quanh rồi cáo lui.

Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề [856c] về nhà, sắm sửa đầy đủ các loại đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng hôm sau đúng giờ đến thỉnh đức Thế Tôn thọ thực. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Am-bà-la-bà-đề, an toạ nơi chỗ ngồi.

Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề dâng cơm lên đức Phật và Tăng tỳ-kheo với tất cả các loại đồ ăn thức uống ngon bổ. Khi đức Phật thọ thực xong, thì Am-bà-la-bà-đề rước bình bát của Ngài để xuống đất và đem bình nước rửa bằng vàng đến rửa tay Ngài, rồi đến trước đức Phật bạch: “Nước Tỳ-xá-ly này thì có nhiều khu vườn, nhưng quang cảnh vườn ở đây là đẹp nhất. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn làm chỗ nghỉ ngơi. Cúi xin Thế Tôn nhận cho.”

Đức Phật dạy: “Cô nên dâng cúng Phật và Tăng tứ phương. Tại sao vậy? Vì nếu vườn của Phật, và vật trong vườn hoặc phòng xá, và vật trong phòng xá hay bình bát, y, tọa cụ, ống đựng kim, cũng như tháp miếu của Phật thì tất cả thế gian chư thiên, long thần, phạm thiên, sa-môn, bà-la-môn, chư thiên và người không thể sử dụng được.”

Am-bà-la-bà-đề thưa: “Như vậy con xin dâng cúng Phật và Tăng tứ phương. Cúi xin Ngài nhận cho.”

Đức Phật rủ lòng thương nhận và chú nguyện cho:

Nếu xây cất chùa miễu,
Trồng vườn cây ăn trái,
Làm cầu đò người qua,
Đồng hoang cho nước, trái,
Cho luôn nơi trú ngụ;
Những hạng người như vậy,
Ngày đêm phước thêm lớn.
Thường như pháp trì giới,
Người ấy hướng đường lành.

Bấy giờ, Am-bà-la-bà-đề lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Thế Tôn nói các bài pháp, khiến Am-bà-la-bà-đề rất hoan hỷ, rời chỗ ngồi, liền được tiêu trừ các trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đã thành tựu chứng quả, bạch Phật:

“Từ nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tư, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.”

Am-bà-la-bà-đề được nghe đức Phật dùng mọi phương tiện nói pháp, lòng rất vui mừng, rời chỗ ngồi đứng dậy kính lễ sát chân Ngài, rồi cáo lui.

6. Ba y

1. Bấy giờ, đức Thế Tôn ở nơi tịnh xứ tư duy, trong lòng suy nghĩ: “Các tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng. Sau khi thấy, Ta đã suy nghĩ như vầy: Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá.”

Hôm đó, đức Thế Tôn ngồi nơi đất trống. Đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh, khoác chiếc [857a1] y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, mặc chiếc y thứ ba. Bấy giờ, đức Thế Tôn mới nghĩ như vầy: “Đời sau, người thiện nam không chịu đựng được sức lạnh, thì nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta nên cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá.”

Sáng hôm sau, nhân việc này đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo: “Ở nơi chỗ yên tĩnh, Ta suy nghĩ: Tỳ-kheo trên đường đi quảy theo nhiều y. Có vị đội y trên đầu. Có vị vắt nơi vai. Hoặc có vị quấn nơi thắt lưng. Sau khi thấy như vậy, Ta suy nghĩ như vầy: Ta hãy chế định cho các tỳ-kheo số lượng y nhiều ít thế nào, chứ không được chứa nhiều quá. Chính ta ngồi nơi đất trống, đầu đêm khoác một chiếc y, đến nửa đêm cảm thấy lạnh, khoác chiếc y thứ hai, đến cuối đêm vẫn cảm thấy lạnh, khoác chiếc y thứ ba. Nên Ta khởi lên ý nghĩ: Đời sau, người thiện nam sẽ không thể chịu đựng được sức lạnh, nên cho phép chứa đầy đủ ba y. Ta qui định cho các tỳ-kheo chứa ba y, không được quá. Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo chứa ba y, nếu quá, không được chứa.”

2. Bấy giờ, có một trú xứ nọ, Tăng bốn phương nhận được tănggià-lê quý giá, đem làm ngọa cụ. Các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên đem đổi vật khác rồi tùy chỗ dùng.”

Các tỳ-kheo không biết sai ai đi đổi, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép tỳ-kheo đem đổi. Hoặc sai người giúp việc Tăng-giàlam. Hoặc sa-di, ưu-bà-tắc đem đổi. Hoặc thí chủ tự đổi. Rồi tùy chỗ sử dụng.”

3. Thế Tôn ở tại nước Bạt-đề. Có tỳ-kheo nhận được y sô-ma, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép dùng.”

Có tỳ-kheo nhận được y la-hầu-đa,[475] bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép dùng.”

Có tỳ-kheo nhận được y a-đa-hầu-đa,[476] bạch Phật, Phật cho phép chứa dùng.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa y có màu sắc rực rỡ, Phật dạy:

“Không được chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y bằng gấm có màu sắc rực rỡ. Đức Phật dạy: “Không được chứa y bằng gấm. Y trắng nên nhuộm màu ca-sa rồi chứa.”

Nhóm sáu tỳ-kheo lại khoác y không bỏ tua.[477] Đức Phật dạy:

“Không được chứa.”

Có nhóm sáu tỳ-kheo lại dùng gấm làm tua y, Phật không được phép chứa.

Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa y phả-na-đà-thi,[478] Phật dạy: “Không được chứa. Những người ngu si này! Ta chế cái này; các ngươi lại làm cái khác!”

4. Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Có đàn-việt mời cơm. Theo thường pháp của các đức Phật, nếu không đến phú trai thì Phật ở nhà đi xem xét các phòng ốc. Khi xem xét các phòng ốc, Ngài thấy có tỳ-kheo trải tăng-già-lê dưới đất, muốn ráp [857b] tấm vải mạng[479] vào. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo hỏi: “Sao ngươi trải y dưới đất?”

Tỳ-kheo thưa: “Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.”

Đức Phật dạy: “Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, việc ông làm là phải.”

Khi các tỳ-kheo thọ thực xong trở về, đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo nói: “Sau khi các tỳ-kheo đi thọ thực, Ta đi xem xét các phòng ốc, thấy có tỳ-kheo bung y dưới đất, muốn ráp tấm vải mạng vào. Thấy vậy ta đến chỗ tỳ-kheo hỏi tại sao ngươi bung y dưới đất? Tỳ-kheo thưa, ‘Con muốn khi mặc, mặt trong lộn ra ngoài thì tấm mạng này hiện ra.’ Ta liền kheo ngợi: ‘Lành thay! Lành thay! Việc ông làm là phải.”

“Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo may y mới, an-đà-hội một lớp, uất-đa-la-tăng một lớp, tăng-già-lê hai lớp. Nếu y cũ thì cho phép an-đà-hội hai lớp, uất-đa-la-tăng hai lớp, tăng-già-lê bốn lớp. Nếu y phấn tảo thì lớp nhiều ít tùy ý.”

5. Thế Tôn ở nước Khoáng dã. Chúng Tăng nhận được y khéo được thể hiện,[480] đức Phật cho phép chứa dùng. Nhận được y gấm, Phật không cho phép dùng. Các tỳ-kheo nhận được cái mùng (màn), đức Phật cho phép dùng.

6. Một thời đức Thế Tôn ở tại nước Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai. Khi ấy, có Bồ-đề Vương tử làm ngôi điện đường mới, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Mọi người đang chờ đợi. Một hôm, Vương tử nghe đức Phật từ nước Bạt-kỳ du hành trong nhân gian, đến núi Thất-thủ-ma-la, rừng Khủng úy, trụ trong vườn Nai, liền sai người kêu Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, nói rằng:

“Ngươi nhân danh ta đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi đức Thế Tôn đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Rồi bạch như vầy: Thỉnh Phật và Tăng nhận lời mời thọ thực của ta, và bạch Phật rằng: Ta vừa xây ngôi điện đường mới, chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đều đang mong chờ, cúi xin thỉnh đức Phật đến an tọa trước, sau đó, Bồ-đề vương tử ngồi mới được phước vô lượng.”

Khi ấy, Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, kính lễ sát chân Vương tử, rồi đến chỗ đức Thế Tôn, thành kính thăm hỏi, rồi lui ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: “Bồ-đề Vương tử cúi đầu dưới chân đức Thế Tôn, vấn an Thế Tôn, đi đứng có được nhẹ nhàng không? Ít bệnh ít não không? Trụ chỉ có an lạc không? Bồđề vương tử xin được phép thỉnh Phật và Tăng nhận lời mời thọ thực. Bồ-đề vương tử vừa mới xây xong ngôi điện đường, nhưng chưa có sa-môn, bà-la-môn nào đến cả. Tất cả nhân dân đang mong chờ, xin thỉnh Phật đến an toạ trước, sau đó Vương tử sẽ ngồi mới được phước vô [857c] lượng.”

Đức Thế Tôn hứa khả bằng cách im lặng. Tát-xà, con trai của người bà-la-môn, biết đức Phật hứa khả rồi, rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật cáo lui, về lại chỗ Vương tử thưa như vầy:

“Sa môn Cù-đàm đã nhận lời thỉnh thọ thực bằng cách im lặng rồi. Bây giờ là lúc thích hợp”.

Vương tử chuẩn bị cho sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đêm vừa qua, sáng đến cho lau quét điện đường, dùng vải mới tốt trải từ tam cấp vào đến điện.

Đến giờ, sai người thỉnh Phật thọ thực. Đức Thế Tôn khoác y bưng bát cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo đến nhà Bồ-đề vương tử. Bấy giờ, vương tử ra ngoài cửa cung nghinh Phật.

Từ xa thấy đức Phật đến, liền đến trước Phật đảnh lễ sát chân, rồi theo hầu Phật đi vào, như người đệ tử biết vâng lời. Đức Thế Tôn vào trước nhà Vương tử, đứng im lặng.

Vương tử thưa: “Cung kính thỉnh Thế tôn bước lên vải để đi lên điện, khiến cho con được phước an lạc.”

Lần thứ hai, lần thứ ba Vương tử cũng thưa đức Thế Tôn như vậy.

Đức Thế Tôn vẫn im lặng, quay lại nhìn Tôn giả A-nan. Tôn giả Anan biết đức Phật không muốn bước lên trên vải mới để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh.

Tôn giả A-nan nói với vương tử rằng: “Xếp vải này lại. Như Lai không muốn bước lên trên để đi, là vì lợi ích sau này cho chúng sanh vậy.”

Vương tử vội vàng cho xếp vải lại và thỉnh Phật lên điện để cho con được phước. Lúc ấy, đức Phật mới lên điện, ngồi an nơi chỗ ngồi. Bấy giờ, vương tử bắt đầu dâng cơm lên Phật và Tăng với tất cả đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật thọ thực và rửa bát xong, vương tử lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng mọi phương tiện vì Vương tử nói pháp rồi, rời chỗ ngồi trở về trú xứ.

Vì nhân duyên này, Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo nói: “Vải quý trải dưới đất, không được đi lên trên, nếu đi thì sẽ như pháp trị.” Bấy giờ, phòng xá của tỳ-kheo nhiều bụi đất, Phật cho phép rưới nước quét, rưới nước quét rồi lại có bụi, Phật cho phép dùng nước trộn bùn để trét. Nếu vẫn có bụi, đức Phật cho phép dùng các loại thảm y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu, và một trong mười loại vải, trải trên đất.

7. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ bà mẹ ghẻ của vua Ba-tư-nặc có tín tâm nơi Phật pháp, đem vải gấm quý giá thứ vua mặc dâng cúng cho tứ phương Tăng sau đó mạng chung. Bấy giờ các tỳ-kheo đem trải trên đất. Có những đại thần không tin ưa Phật pháp, có việc đến Tăng-già-lam, thấy các tỳ-kheo đem vải gấm đại quý giá thứ vua mặc [858a1] làm đồ trải đất, họ cơ hiềm nói: “Sa môn Thích tử không biết nhàm chán, không biết đủ, có nhiều tham cầu, chứa dư thừa, tự nói là biết chánh pháp, mà đem vải gấm đại quý giá thứ vua mặc trải dưới đất. Như vậy có gì là chánh pháp? Đànviệt tuy dâng cúng, nhưng người thọ nhận phải biết đủ chứ?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được dùng vải quý giá thứ vua mặc trải dưới đất. Từ nay về sau cho phép làm nệm ngồi, nệm nằm, gối, màn che ở trên.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo quấn đầu, đến chỗ đức Phật thưa:

“Bạch Đại đức, đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin đức Phật chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo không được quấn đầu như pháp của bạch y. Nếu quấn đầu thì sẽ như pháp trị.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo đầu bị lạnh, bạch Phật. Phật cho phép dùng lông mịn kết lại để quấn hay làm mão để đội. Tỳ-kheo khoác y Đãn-đà-lư-đa-lê[481] đến chỗ Phật thưa: “Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Không được khoác y như vậy, trừ trong Tăng-giàlam. Đây là pháp của bạch y. Nếu mặc như vậy sẽ như pháp trị.” Có tỳ-kheo khoác một y đến chỗ Phật, bạch: “Đây là pháp trang nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Không được mặc một y, trừ nơi đại tiểu tiện. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo khoác y chui đầu,[482] đến chỗ Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.” Đức Phật dạy: “Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo khoác áo choàng đi đến chỗ đức Thế Tôn thưa: “Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo khoác y bằng da,[483] đến chỗ Phật bạch: “Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, cúi xin Ngài chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo mặc áo kép[484] đến chỗ đức Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.” Đức Phật dạy: “Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo mặc khố đến chỗ Phật, bạch:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.” Đức Phật dạy: “Không được khoác. Đây là pháp của bạch y. Nếu khoác sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo quấn xà cạp đi đến chỗ Phật, thưa:

“Đây [858b] là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y. Nếu quấn sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo quấn chân xà cạp bằng cỏ bồ đi đến chỗ Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.”

Đức Phật dạy: “Không được quấn như vậy. Đây là pháp của bạch y, nếu quấn sẽ như pháp trị.”

Đức Phật nói các tỳ-kheo tiếp: “Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta cấm chế, lại tạo ra những việc khác. Tất cả các pháp của bạch y như vậy, không được mặc.”

Bấy giờ. Các tỳ-kheo giả bện tóc thành búi tó, đến chỗ Phật thưa: “Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin Thế Tôn cho phép.”

Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo, nếu làm như vậy sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo thọ trì bát bằng cây, đến chỗ Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.”

Đức Phật dạy: “Không được thọ trì bát như vậy. Đây là pháp của ngoại đạo không được chứa, nếu chứa sẽ như pháp trị.” Có tỳ-kheo thọ trì lầu đựng bát[485] đến chỗ Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.”

Đức Phật dạy: “Đây là pháp của ngoại đạo. Không được thọ trì. Nếu chứa sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo khoác mang khăn tay thêu[486] đi đến chỗ đức Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.” Đức Phật dạy: “Đây là pháp của ngoại đạo, không được mang. Nếu mang sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo mặc áo cỏ đến chỗ đức Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép.” Đức Phật dạy: “Không được mặc, đây là pháp của ngoại đạo, nếu mặc sẽ như pháp trị.”

Các loại y như vầy: “hoặc bằng cỏ, bằng cỏ bà-sa, bằng vỏ cây, bằng lá cây, bằng châu anh lạc, tất cả những loại y như vậy, đều không được chứa dùng, nếu chứa dùng sẽ như pháp trị.” Có tỳ-kheo khoác y bằng da của ngoại đạo, đến chỗ Phật, thưa: “Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin thuận cho.”

Đức Phật dạy: “Không được chứa, nếu chứa sẽ như pháp trị.” Có tỳ-kheo mặc lông chim kên kên đến chỗ đức Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.”

Đức Phật dạy: “Đây là pháp của ngoại đạo, không được dùng. Nếu dùng sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng tóc người đến chỗ Đức Phật thưa: “Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin chấp thuận.” Đức Phật dạy: “Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc mắc thâu-lan-giá.”

Có tỳ-kheo khoác y khâm-bà-la bằng đuôi ngựa, đuôi trâu nước, đến chỗ Phật thưa:

“Đây [858c] là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin cho phép dùng.”

Đức Phật dạy: “Đây là pháp của ngoại đạo, không được mặc, nếu mặc sẽ như pháp trị.”

Có tỳ-kheo loã thể đến chỗ Phật thưa:

“Đây là pháp đoan nghiêm của hạnh đầu đà, xin hứa khả.”

Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy, đây là pháp của ngoại đạo. Nếu lộ thân thì phạm thâu-lan-giá.”

Đức Phật dạy tiếp: “Các ngươi là những người ngu si. Tránh những điều Ta đã ngăn cấm, lại tạo ra bao nhiêu cái khác. Tất cả các pháp của ngoại đạo như vậy không được làm.”

7. Pháp thức phân vật

Bấy giờ, có tỳ-kheo nơi trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Các tỳ-kheo không biết nên làm như thế nào, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép phân chia.” Các tỳ-kheo không biết cách chia.

Đức Phật dạy: “Nên đếm số người nhiều hay ít, hoặc mười vị, hoặc hai mươi vị, cho đến trăm vị, thì chia trăm phần. Nếu có hai thứ tốt xấu, cho phép trộn lộn với nhau để chia.”

Vị chia tự lấy phần mình trước. Phật dạy:

“Không được tự lấy phần mình trước, mà nên bốc thăm để chia.”

Vị chia tự bốc thăm. Đức Phật dạy: “Không được tự mình bốc thăm. Khi bốc thăm, không nên để cho thấy.”

Khi bốc thăm chia vật có khách tỳ-kheo đến. Đức Phật dạy:

“Nên chia phần cho họ.”

Hoặc khi vừa chia phần xong, hoặc lúc chưa bốc thăm, hay lúc đang bốc thăm mà có khách tỳ-kheo đến, thì tất cả đều chia phần cho họ. Chỉ trừ khi bốc thăm rồi, có khách tỳ-kheo đến thì không được chia phần, hay khi đã vui vẻ nhận phần rồi, dù có khách tỳkheo đến cũng không được chia phần, hay chia còn dư đem chia trở lại, đã xong mà có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần, hoặc đã cho sa-di, hay sai người chia rồi, dù có khách tỳ-kheo đến cũng không được chia phần.

Trường hợp, khi tỳ-kheo đang chia y, mà khách tỳ-kheo đến quá nhiều, nên việc chia y bị vất vả phiền phức, có thể sai một người đứng ra chia, bằng pháp bạch yết-ma.

Trong chúng nên sai một người có khả năng yết-ma hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Y hoặc phi y của trú xứ này nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai Tỳ-kheo... làm người chia y. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Trú xứ này nhận được y hoặc phi y, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nay Tăng sai Tỳkheo... làm người chia. Các trưởng lão nào chấp thuận trú xứ này, y hoặc phi y nhận được, nên chia cho hiện tiền Tăng, Tăng sai Tỳ-kheo... làm người chia, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận sai Tỳ-kheo... làm người phân chia rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

Bấy giờ, tỳ-kheo nhận được y bà-thâu-già,[487] bạch Phật, đức Phật cho phép chứa dùng.

Các tỳ-kheo bị lạnh, bạch Phật. Phật [859a1] cho phép khoác y có độn bông.

Có trú xứ nọ, chỉ có một Tỳ-kheo, hiện tiền Tăng nhận được nhiều y, Tăng có thể chia. Các tỳ-kheo không biết làm sao, bạch Phật. Phật dạy: “Nếu tại một trú xứ nào, chỉ có một tỳ-kheo ở, mà hiện tiền Tăng nhận được nhiều y. Tăng có thể chia.”

Nhưng các tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật, Phật dạy: “Nếu trú xứ nọ, có một tỳ-kheo ở, mà nhận được y, hiện tiền Tăng có thể chia. Nếu có khách tỳ-kheo đến từ bốn người hoặc hơn bốn người thì nên đem y trao cho một Tỳ-kheo, khiến bạch nhị yết-ma rồi chia. Nếu có ba người nên cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu có hai người cũng cùng nhau nói ba lời để thọ. Nếu chỉ có một người thì tâm niệm miệng nói: “Đây là phần của tôi.”

Có trú xứ nọ, có Tỳ-kheo, tưởng có Tỳ-kheo, muốn chia y theo biệt bộ.[488] Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy:

“Không thành chia, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, nghi có Tỳ-kheo, chia y theo biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: “Không thành chia, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, khởi tưởng không tỳ-kheo, chia y biệt bộ. Tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: “Không thành chia, không phạm.”

Có trú xứ nọ, không có tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo nên chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật,

Phật dạy: “Thành chia, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo, chia y. Không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật, Phật dạy: “Thành chia, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo tưởng là không tỳ-kheo, chia y. Các tỳ-kheo không biết thành chia hay không thành chia. Bạch Phật,

Phật dạy: “Thành chia, không phạm.”

Bấy giờ, có trú xứ nọ có tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ y hay không. Bạch Phật, Phật dạy: “Không thành thọ y, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, nghi có tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Không thành thọ, mắc tội đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo, thọ y biệt bộ. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy:

“Không thành thọ, không phạm.”

Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng có tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch [859b] Phật, Phật dạy: “Thành thọ, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, nghi là không tỳ-kheo thọ y. Các tỳ-kheo không biết thành thọ hay không. Bạch Phật, Phật dạy: “Thành thọ, mắc đột-kiết-la.”

Có trú xứ nọ, không tỳ-kheo, tưởng không tỳ-kheo thọ y. Các tỳkheo không biết thành thọ hay không, bạch Phật. Phật dạy: “Thành thọ, không phạm.”[489]

8. Tăng vật

1. Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều vị tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, nên để lại nhiều Tăng-già-lam và nhiều cây ăn trái, ruộng vườn thuộc Tăng-già-lam; có nhiều phòng riêng và các vật dụng thuộc phòng riêng; có nhiều bình đồng, chậu đồng, búa, đục, giá đèn; có nhiều vật nặng; có nhiều giường dây, giường cây, nệm nằm, nệm ngồi, gối, chứa nhiều y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu; có nhiều người giữ Tăng-già-lam, nhiều xe cộ, nhiều bình nước rửa, tích trượng, quạt; nhiều đồ nghề thợ sắt, đồ nghề thợ mộc, đồ nghề thợ gốm, đồ nghề thợ da, đồ nghề đan, dao cạo tóc; nhiều y bát, nisư-đàn, ống đựng kim. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Phật dạy: “Người nổi tiếng nhiều hay không nổi tiếng, tất cả đều thuộc về Tăng.”

Các tỳ-kheo đem cây ăn trái ruộng vườn của Tăng ra chia. Đức Phật dạy:

“Không được chia. Những thứ ấy thuộc về tứ phương Tăng.” Các tỳ-kheo đem phòng riêng, và các vật thuộc phòng riêng ra chia.

Phật dạy: “Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.” Các tỳ-kheo đem bình đồng, chậu đồng, búa, đục và các thứ trọng vật khác ra chia. Phật dạy:

“Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.”

Các tỳ-kheo đem giường dây, giường cây, nệm ngồi, nệm nằm, gối ra chia. Phật dạy:

“Đó là vật của tứ phương Tăng, không được chia.”

Các tỳ-kheo đem y-lê-diên-đà, mạo-la mạo-mạo-la, cù lâu ra chia. Phật dạy: “Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo chỉ có cù lâu rộng ba khủy tay, dài năm khủy tay, lông dài ba ngón tay thì được chia cho hiện tiền Tăng.” Các tỳ-kheo đem xe cộ, người giữ Tăng-già-lam ra chia. Phật dạy:

“Không được chia, vì thuộc tứ phương Tăng.”

Các tỳ-kheo đem bình nước, [859c] chậu rửa, tích trượng, quạt ra chia. Phật dạy: “Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng.” Các tỳ-kheo đem đồ nghề sắt, đồ nghề mộc, đồ nghề gốm, đồ nghề da, đồ nghề tre ra chia. Phật dạy: “Không được chia, vì vật của tứ phương Tăng. Từ nay về sau chỉ cho phép chia dao cạo tóc, y bát, tọa cụ, ống đựng kim.”

2. Các tỳ-kheo đem đồ câu-dạ-la[490] ra chia. Phật dạy:

“Hiện tiền Tăng nên chia.”

Bấy giờ, có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia, mà số lượng Tăng tỳ-kheo thì nhiều, tỳ-kheo-ni ít. Các tỳkheo không biết làm như thế nào. Bạch Phật. Phật dạy:

“Nên chia làm hai phần.”

Bấy giờ không có tỳ-kheo-ni, chỉ có thức-xoa-ma; cũng chia làm hai phần. Khi ấy, không có tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na cũng không có, chỉ có sa-di-ni. Đức Phật dạy:

“Cũng chia làm hai phần. Nếu không có sa-di-ni thì chia hết cho Tăng (tỳ-kheo).”

Có trú xứ nọ, hai bộ Tăng nhận được nhiều vật. Tỳ-kheo ít, tỳkheo-ni nhiều. Bạch Phật. Phật dạy:

“Nên chia làm hai phần. Không có tỳ-kheo chỉ có sa-di, cũng chia làm hai phần. Không có sa-di thì chia hết cho tỳ-kheo-ni.”

3. Có tỳ-kheo-ni ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Sau khi đến đó thì mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị ấy nên chia cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nơi đó, nếu có ưu-bà-tắc tin Phật, hoặc người giữ vườn, nên lấy cất, sau đó trong năm chúng xuất gia, người nào đến trước thì trao cho họ. Nếu không có ai đến, thì đem đến trú xứ Tăng-già-lam nào gần đó để giao.”

4. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có trú xứ có nhiều tỳ-kheo, tỳ-kheoni, ưu-bà-tắc, ưu bà di, quốc vương, đại thần, và nhiều ngoại đạo, sa-môn, bà-la-môn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: “Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng: “Đức Thế Tôn dạy như vầy, ‘Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.’ Người nào vào, phải sám ba-dậtđề.”

Bấy giờ, có trưởng lão Hòa-tiên Bạt-đàn-đà Tử[491] cùng cả thảy sáu mươi vị tỳ-kheo, tất cả đều sống ở a-lan-nhã, khất thực, trì y phấn tảo, làm pháp dư thực không ăn, nhất tọa thực, nhất đoàn thực,[492] ngồi nơi gò mả, ngồi nơi đất trống, ngồi dưới gốc cây, thường xuyên ngồi và chỉ ngồi, thọ trì ba y. Họ từ nước Ba-la đến tịnh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo:

“Phòng của đức Như Lai ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.” Các tỳ-kheo [860a1] nói:

“Như Lai dạy như vầy: ‘Ta muốn tịnh tọa tư duy ba tháng, đừng cho phép người ngoài vào. Chỉ trừ người mang thức ăn.’ Nếu người nào vào phải sám ba-dật-đề.”

Hòa-tiên hỏi: “Thế Tôn có nói như vậy sao?”

Các tỳ-kheo đáp lời: “Các tỳ-kheo tự lập quy chế rằng: ‘Nếu vị nào vào sẽ phải sám ba-dật-đề.’” Hòa-tiên nói:

“Tôi không chấp thuận quy chế của các trưởng lão. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: ‘Phật không chế thì không được tự chế. Phật đã chế thì không được trái phạm.’ Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những tỳ-kheo a-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn.”

Bấy giờ, trưởng lão Hòa-tiên cùng sáu mươi tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn an ủi và hỏi rằng: “Nầy Hòa-tiên, ông có được an lạc không? Ăn uống có bị thiếu thốn không? Trụ chỉ an tịnh không? Ông từ đâu đến đây? Ông không nghe tỳ-kheo nói những gì hay chăng?”

Hòa-tiên thưa: “Con trụ chỉ được an lạc, không bị chuyện ăn uống làm khổ nhọc. Con cũng có nghe các tỳ-kheo khác nói. Bạch Đại Đức, con cùng cả thảy sáu mươi tỳ-kheo nước Ba-la, đều sống alan-nhã, cho đến thọ trì ba y. Chúng con từ nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian đến nước Xá-vệ, hỏi các tỳ-kheo ở tại Kỳhoàn, ‘Phòng đức Thế Tôn ở chỗ nào? Chúng tôi muốn đến thăm.’ Các tỳ-kheo nói như vầy, ‘Đức Thế Tôn cần tịnh tọa tư duy ba tháng, không cho người ngoài vào, chỉ trừ người mang thức ăn. Nếu vị nào vào thì phải sám ba-dật-đề.’ Con liền hỏi, ‘Đức Thế

Tôn có bảo sám ba-dật-đề như vậy không?’ Các tỳ-kheo nói, ‘Chúng tôi tự lập ra quy chế như vậy.’ Con liền nói, ‘Tôi không chấp thuận quy chế ấy. Tại sao vậy? Vì đức Phật có dạy như vầy: Phật không chế không được tự chế. Nếu đã chế không được trái phạm. Phải tùy thuộc vào những pháp đã chế mà học tập. Chúng tôi đều là những người sống a-lan-nhã, cho đến thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn.’”

Đức Phật dạy: “Lành thay, lành thay Hòa-tiên! Các ông đều là những người a-lan-nhã thọ trì ba y, được tùy ý thăm hỏi. Nếu có ai như vậy, thì cũng được thăm hỏi đức Thế Tôn, theo ý muốn.” Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép các vị a-lannhã được tùy ý thăm hỏi đức Thế Tôn. Có vị hoặc trở thành tỳ-kheo a-lan-nhã, hoặc có vị không thọ thỉnh mà thường đi khất thực; hoặc có vị xả bỏ y của đàn-việt dâng cúng mà trì y phấn tảo, hoặc có vị xả bỏ y dư mà chỉ trì ba y.

Bấy giờ, các tỳ-kheo xả bỏ [860b] y, dồn lại thành một đống lớn. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào, bèn bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên bố thí cho chúng Tăng, hoặc cúng cho Phật, hoặc cúng cho tháp, hoặc cúng cho một người.”

Các tỳ-kheo nghe nói cho một người, bèn mang cho bạch y. Có tỳkheo thấy vậy bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được cho bạch y hay ngoại đạo.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo e ngại không dám cho tỳ-kheo-ni những thứ như phi y, đãy đựng bát, đựng dép, ống đựng kim, dây ngồi thiền, dây lưng, mão, khăn chùi chân, khăn trùm đầu, khăn gói giày guốc.

Đức Phật dạy: “Nên cho tỳ-kheo-ni phi y.”

Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Có nên chia phần cho những vị đang hành ba-lợi-bà-sa, ma-na-đỏa hay không?” Họ bạch Phật. Phật dạy:

“Nên chia.”

Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Những vị bị tác yết-ma ha trách, hoặc bị yết-ma tẫn xuất, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma tác cử, những người bị các yết-ma như vậy, có nên chia phần hay không?” Họ bạch Phật. Phật dạy:

“Nên để dưới đất hay sai người đưa.”

Bấy giờ, có các tỳ-kheo nhận được y ngoại đạo, không nhuộm, liền mặc. Bạch Phật. Phật dạy:

“Không được mặc y như vậy. Nên nhuộm rồi sẽ mặc.”

Có các tỳ-kheo sai bạch y làm việc. Bạch y đòi phần y. Họ bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép tính công của họ nhiều hay ít, trả bằng thức ăn hay bằng vật ngang giá.”

Các tỳ-kheo tự nghĩ: “Nên chia đồng phần vải cho người giữ Tănggià-lam, sa-di, hay không?” Họ bạch Phật. Phật dạy:

“Nếu Tăng hòa hợp thì cho phép chia cho sa-di đồng một phần vải. Nếu không hòa hợp thì nên chia cho phân nửa, hay một phần ba. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Người giữ Tăng-già-lam thì chia cho một phần tư. Nếu Tăng không cho thì không được chia. Nếu chia thì sẽ như pháp trị.”

Các tỳ-kheo e ngại không dám đem vải biếu cho cha mẹ, bạch Phật.

Đức Phật dạy: “Nên biếu.”

9. Tỳ-lưu-ly

Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ những người họ Thích ở Ca-duy-la xây xong một ngôi nhà mới, chưa có sa-môn hay bà-la-môn nào đến ngồi. Thái tử Tỳ-lưu-ly[493] lại đến ngồi trước, các Thích tử đều giận dữ, mắng:

“Ta mới xây xong ngôi nhà mới. Đức Phật chưa ngồi mà con của một nữ tỳ hạ tiện đã ngồi trước rồi.”

Bấy giờ, có kẻ thị tùng bà-la-môn không tin ưa Phật, nói rằng:

“Các Thích tử Xá-di mắng ông là con của một nữ tỳ hạ tiện, mà ông có thể nhịn được chăng?”

Thái tử nói: “Hiện tại ta không có thế lực nên chưa được tự do. Nếu cha ta qua đời, khi ta lên làm vua, lúc ấy ngươi sẽ nhắc lại ta.” Sau đó, vua Ba-tư-nặc bị mất ngôi, thái tử Lưu-ly tự lên làm vua. Vị đại thần không tin Phật kia [860c] tâu:

“Trước đây các Thích tử đã mắng vua. Vua có thể nhịn được sao? Nay cần phải chinh phạt họ.”

Vua liền tập hợp bốn binh chủng ra khỏi thành Xá-vệ; kéo đến nước Xá-di. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn nên đã hiện trước trên đường đi của vua Lưu-ly. Phật ngồi dưới một bóng cây cằn cỗi bên đường. Khi vua Lưu-ly đến, thấy đức Phật đang ngồi dưới bóng cây cằn cỗi, liền xuống xe đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:

“Có nhiều cây đại thọ tốt tươi nhiều bóng mát, tại sao Thế Tôn không ngồi, lại ngồi dưới bóng cây cằn cỗi thế này?” Đức Phật nói:

“Đại vương, dưới bóng mát của thân quyến, thật là an lạc.” Nhà vua nghe câu nói ấy liền nghĩ:

“Đức Thế Tôn vì từ mẫn nước Xá-di nên nói như vậy.” Nhà vua liền kéo quân trở về nước Xá-vệ.

Vị đại thần bà-la-môn không tin Phật, lần thứ hai, lần thứ ba cũng tâu rằng:

“Trước đây các Thích tử mắng nhà vua là con của nữ tỳ hạ tiện. Nay cần phải chinh phạt họ.”

Nhà vua liền tập hợp bốn binh chủng, ra khỏi Xá-vệ, cách nước Caduy-la-vệ[494] không xa, nhà vua cho dựng một doanh trại nhỏ để phòng vệ.

Bấy giờ các Thích chủng ở Ca-duy-la-vệ đều có khả năng bắn xa không trật. Có người bắn xa một do-tuần vẫn trúng đích. Có người bắn xa bảy mươi dặm vẫn trúng đích. Có người bắn sáu mươi dặm, năm mươi dặm, bốn mươi dặm, ba mươi dặm vẫn trúng đích. Bấy giờ có người bắn trúng doanh trại của nhà vua, có người bắn trúng nóc trại, hoặc trúng càng xe hoặc trúng yên ngựa, dàm ngựa, cương ngựa, hoặc trúng ngón tay, hoặc trúng ngọc trai nơi tai, ngọc trai nơi tóc, hạt ngọc trai bị hư nhưng không gây thương tích. Lúc ấy, vua Lưu-ly rất hoảng sợ hỏi:

“Các Thích tử cách đây xa gần?”

Quan hầu cận thưa: “Cách đây bảy mươi dặm.” Nhà vua nghe xong càng thêm hoảng sợ bội phần, nói: “Không lẽ binh chúng của ta sẽ bị hại bởi các Thích tử sao?” Bấy giờ, đại thần không tin Phật tâu với nhà vua rằng:

“Các Thích tử kia đều thọ trì năm giới, làm người ưu-bà-tắc; chịu chết chứ họ không bao giờ đoạn mạng chúng sanh đâu. Vua cứ tiến quân chớ nên sợ sệt.”

Do vậy, nhà vua tiến quân đến bao vây thành Ca-duy-la-vệ. Các tỳkheo đem nhân duyên này bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu ở đó không mở cửa thành thì không thể được. Hiện nay người trong thành tự họ đã không nhất trí. Người thì nói nên giao thành. Người nói không nên giao. Tình thế buộc phải bốc thăm.”

Bấy giờ Thiên ma Ba-tuần đứng về phía người giao thành. Qua bảy lần bốc thăm, số thăm đồng ý giao thành cho vua Lưu-ly nhiều hơn, nên cửa thành được mở để giao. Quân nhân ồ ạt kéo vào thành, và đóng cửa thành lại. Hang cùng ngỏ hẻm đều được đào hầm, tì sâu đến ngang lưng người; chôn [861a1] trai gái lớn nhỏ trong dòng Thích chủng, đặt sát nhau không có khoảng hở; rồi cho voi lớn đạp lên.

Lúc ấy, Thích tử Ma-ha-nam là ông ngoại của Lưu-ly nói với các người họ Thích rằng: “Các người đừng nghĩ là vua Lưu-ly thả voi đạp chết người, mà nên quan sát nghiệp báo nhân duyên của các Thích chủng ngày xưa đã tạo. Quả báo của định nghiệp mà nay phải nhận lấy.”

Vua Lưu-ly nghe, bèn hỏi Thích Ma-ha-nam:

“Ông muốn được nguyện gì?”

Ma-ha-nam nói: “Các người họ Thích đã chết, là điều khổ não hiện nay của ta. Nguyện để làm gì? Nếu muốn ta nguyện, thì để cho ta vào trong hồ nước. Trong khi ta đang lặn dưới nước, thì các người họ Thích được tự do ra khỏi thành mà không bị giết.”

Vua Lưu-ly nghĩ rằng: “Lặn dưới nước thì không lâu được. Có thể cho ông như nguyện.”

Ma-ha-nam liền lặn xuống hồ nước, lấy tóc mình cột vào trong gốc cây để chết luôn dưới nước.

Vua Lưu-ly hỏi các đại thần: “Thích Ma-ha-nam lặn xuống nước sao lâu thế?”

Quan hầu cận đến xem rồi tâu: “Ma-ha-nam đã chết rồi.”

Nhà vua bảo đem thi hài đến nhà vua xem. Các quan tả, hữu liền đem thi hài đến để vua xem. Vua Lưu-y thấy liền sanh từ tâm, nói:

“Ma-ha-nam vì thân quyến nên không tiếc thân mạng.”

Liền ra lệnh cho thả các người họ Thích. Các quan liền y lời, phóng thích các Thích chủng.

Các Thích chủng đều đã bị lột hết nên trần truồng chạy đến trong Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo e ngại nên không dám cho y để họ mặc, vì đức Phật không cho phép cho y đến người bạch y.

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho họ mượn y để khỏi trần truồng khi họ đến gặp Ta.” Các tỳ-kheo liền cho họ mượn y.

10. Thân hậu

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng đức Phật du hành đến nước Câu-tát-la, tạm thời ngồi nghỉ một nơi, khi đi bỏ quên chiếc y tănggià-lê lại trên đất. Sau đó đức Phật nhớ lại, bảo A-nan rằng: “Hãy lấy chiếc y này. Khởi lên ý tưởng thân hữu mà lấy.” Tôn giả A-nan thưa:

“Thế nào là tác ý thân hữu để lấy?” Đức Phật dạy:

“Tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ.”

“Thế nào là tùy thuộc vào thái độ lấy của mình mà khiến cho họ hoan hỷ?”

Đức Phật dạy:

“Có bảy pháp gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu: Cho thứ khó cho, làm việc khó làm, nhẫn điều khó nhẫn, việc mật nói cho nhau, không phanh phui việc của nhau, gặp khổ không bỏ nhau, nghèo hèn không khinh. Như vậy, A-nan, bảy pháp này gọi là do thương yêu mà làm lợi ích cho thân hữu, khiến kia hoan hỷ.” Đức Phật liền nói kệ:

Cho thứ khó cho,
Làm việc khó làm;
Nhẫn điều khó nhẫn,
Là bạn thân tốt.
Việc mật nói nhau,
Bao che cho nhau;

[861b]

Gặp khổ không bỏ,
Nghèo hèn không khinh.
Bảy pháp như vậy,
Người nào làm được;
Gọi là bạn thân,
Nên gần gũi họ.

Đức Phật dạy: “Nên lấy, với ý thân hữu như vậy.”

Có tỳ-kheo nọ chẳng phải thân hữu mà tác ý thân hữu để lấy. Đức Phật dạy:

“Chẳng phải thân hữu, không được tác ý thân hữu để lấy.”

Có tỳ-kheo nọ, tác ý thân hữu để lấy y ba-lợi-ca-la.[495] Đức Phật dạy:

“Không được tác ý thân hữu để lấy y này. Nếu không đủ thì không được lấy.”

Phật ở tại thành Ba-bà.[496] Có một người Ma-la[497] tự là Lâu-diên,[498] là bạn của Tôn giả A-nan khi còn bạch y. Bấy giờ, A-nan khoác y, bưng bát, đến nhà ông ấy, an tọa chỗ ngồi. Lâu-diên đi vắng không có ở nhà, Tôn giả A-nan hỏi người vợ của ông:

“Lâu-diên đâu?”

Vợ Lâu-diên trả lời: “Đi khỏi.”

A-nan bảo: “Đưa cho tôi cái sọt y.”[499]

Vợ Lâu-diên liền lấy đem đặt trước A-nan. Tôn giả A-nan lựa lấy vải đại giá[500] đem về trong Tăng-già-lam, làm khăn lau mặt, khăn lau thân cho các Thượng tọa. Khi Lâu-diên Ma-la về, người vợ thuật lại sự việc. Ông liền đến trong Tăng-già-lam, đến chỗ A-nan, hỏi:

“Thầy có đến nhà tôi?”

“Vâng, có.”

“Thầy có lấy thứ gì không?”

“Có lấy.”

“Sao thầy không lấy thứ tốt mà lại lấy thứ xấu?”

“Chính tôi cần vải như vậy.”

Bấy giờ các tỳ-kheo có ý nghĩ: Với thân hữu bạch y, có nên lấy vải như vậy không. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên lấy.”

“Thân như thế nào để đáng lấy?”

“Như A-nan với Lâu-diên Ma-la thì nên lấy.” Các tỳ-kheo thưa:

“Nếu chủ không có ở nhà, có nên lấy hay không?”

Đức Phật dạy: “Cho phép, nếu là thân hậu, dù ở nhà hay đi vắng, đều được phép lấy.”

11. Di vật của Tỳ-kheo

Bấy giờ, đức Phật ở tại nước Xá-vệ, không đi phó trai. Theo thường pháp của chư Phật, nếu không đi phó trai thì sau đó đi xem xét các phòng. Khi xem xét các phòng, Phật thấy có tỳ-kheo bệnh nằm một mình không ai chăm sóc, phục dịch. Vị ấy nằm chung với vật đại tiểu tiện. Thấy vậy, đức Phật đến chỗ tỳ-kheo bệnh, biết mà vẫn hỏi: “Sao ông nằm chung với vật đại tiểu tiện? Có ai chăm sóc cơm cháo không?”

Vị tỳ-kheo bệnh thưa: “Không.”

Đức Phật lại hỏi: “Sao không có ai chăm sóc?” Vị tỳ-kheo bệnh thưa:

“Vì khi con mạnh, con không thăm viếng bệnh người khác. Nên nay con bệnh, không có vị nào nuôi nấng cơm cháo.”

Đức Phật dạy: “Ông không chăm sóc, phục dịch người bệnh, nên thất lợi, không được gì. Các ông là tỳ-kheo, không cùng chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc bệnh các ông?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn [861c] liền đỡ tỳ-kheo bệnh dậy, lau đồ bất tịnh nơi thân. Lau xong, rửa sạch. Rửa rồi, giặt y phơi khô. Đức Phật dọn dẹp những cỏ lá hư, cũ, mục mà vị tỳ-kheo bệnh đã nằm. Lấy nước bùn trét lên trên, rưới nước khiến cho sạch sẽ. Lại trải cỏ mới lên, bên trên trải một chiếc y, để tỳ-kheo bệnh nằm trở lại, lấy một chiếc y đắp lên trên, rồi Như Lai mới ra đi.

Sau khi đức Thế Tôn thọ thực xong, vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, đem sự việc vừa xảy ra, không thỉnh mà nói: “Khi không đi thọ thực, Ta đến xem xét các phòng, thấy có tỳ-kheo bệnh. Ta tự lo liệu mọi việc.”

Ngài kể rõ mọi việc cho các tỳ-kheo nghe, rồi bảo:

“Này các tỳ-kheo, từ nay về sau, nên chăm sóc tỳ-kheo bệnh, không được không chăm sóc. Nên cử người chăm sóc bệnh, không được không cử người chăm sóc bệnh. Nếu muốn cúng dường Ta thì nên cúng dường cho người bệnh. Cho phép các tỳ-kheo cùng Hòa thượng, hoặc đồng Hòa thượng, cùng A-xà-lê, hoặc đồng A-xà-lê, hoặc đệ tử nên chăm sóc lẫn nhau. Nếu vị nào không có người chăm sóc thì chúng Tăng nên cử người chăm sóc. Nếu không ai chịu chăm sóc thì sai theo thứ tự. Nếu theo thứ tự sai mà không chịu thì sẽ như pháp trị.”

Nếu không có tỳ-kheo thì tỳ-kheo-ni tùy theo công việc mà giúp đỡ, nhưng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có tỳkheo-ni thì thức-xoa-ma-na cũng tùy theo công việc mà chăm sóc, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có thức-xoa-ma-na thì sa-di nên làm. Nếu không có sa-di thì sa-di-ni, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được đụng chạm đến tỳ-kheo. Nếu không có sa-di-ni thì ưu-bà-tắc nên làm, nếu không có ưu-bà-tắc thì ưu-bà-di, cũng tùy theo công việc mà làm, nhưng cũng không được xúc chạm đến tỳ-kheo.

Người bệnh có năm việc khó chăm sóc: 1. Thèm ăn những thứ không được ăn, và không chịu uống thuốc. 2. Người nuôi bệnh có chí tâm mà người bệnh không nói như thật. 3. Cần đi lại không đi, cần đứng không chịu đứng. 4. Thân thể có đau nhức thì không thể chịu đựng nỗi. 5. Dù việc nhẹ có thể làm được, nhưng không làm, phải cậy nhờ người làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì rất khó chăm sóc.

Người bệnh có năm việc dễ chăm sóc: 1. Không ăn những thứ không được ăn; chịu uống thuốc. 2. Nói như thật cho người nuôi bệnh. 3. Cần đi thì đi, không cần đi thì không đi, cần đứng thì đứng. 4. Thân thể có đau nhức thì có khả năng chịu đựng. 5. Việc nhẹ có thể làm được thì làm. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc. Người bệnh lại có năm việc khó chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là không thể trụ tâm tĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc này rất khó nuôi.

Người bệnh lại có năm việc dễ chăm sóc, ngoài bốn việc như trên, việc thứ năm là có thể [862a1] trụ tâm tĩnh tọa được. Người bệnh có năm việc như vậy thì dễ chăm sóc.

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ở tại nước Câu-tát-la, trên đường đi đến một trú xứ nhỏ, thấy có tỳ-kheo bệnh không ai chăm sóc, nằm chung với vật đại tiểu tiện. Vị ấy liền nghĩ như vầy: “Đức Thế Tôn đã dạy, ‘Phải chăm sóc người bệnh, không được không chăm sóc. Phải cử người coi sóc bệnh, không được không cử người coi sóc người bệnh. Nên cúng dường người bệnh, không được không cúng dường người bệnh. Người nào cúng dường người bệnh tức là cúng dường Ta.’ Vị kia liền chăm sóc tỳ-kheo bệnh, sau đó người bệnh qua đời. Lúc bấy giờ, tỳ-kheo mang y, bát của người qua đời đến Kỳ-hoàn tinh xá, nước Xá-vệ, qua đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy:

“Lành thay, lành thay, tỳ-kheo! Ông là người có thể chăm sóc tỳkheo bệnh. Nên cúng dường người bệnh. Nên cử người chăm sóc tỳ-kheo bệnh. Cúng dường tỳ-kheo bệnh là cúng dường Ta.” Vị kia đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời đến, hiện tiền Tăng trú xứ này nên chia.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của tỳ-kheo qua đời cho người nuôi bệnh, nên bạch nhị yết-ma cho. Người nuôi bệnh đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... tại trú xứ kia đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y; hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.

Tăng nên sai một vị có khả năng làm yết-ma, hoặc thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn là có thể làm yết-ma, tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đem cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là... Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo... đã qua đời. Y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, hiện tiền Tăng nơi trú xứ này nên chia. Nay Tăng cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên là... Trưởng lão nào đồng ý đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị này để lại cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

“Tăng đã chấp thuận đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ đựng y của vị ấy để lại, cho tỳ-kheo nuôi bệnh tên... rồi,[862b] nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”

(Nếu Tăng yết-ma sai một vị chia y vật của vị qua đời, pháp yết-ma đó cùng pháp yết-ma này không khác, chỉ thêm một câu: “Nay Tăng trao y cho tỳ-kheo tên.... Tỳ-kheo tên... sẽ hoàn lại cho Tăng. Đây là lời tác bạch.”).[501]

Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết nên dùng y nào để cho người nuôi bệnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép lấy y mà vị qua đời thường dùng để cho. Đức Phật cho phép cho y người nuôi bệnh rồi, lúc ấy có tỳ-kheo chỉ nuôi sơ sơ; hoặc có vị chỉ đỡ bệnh nhân ngồi dậy, hay nằm xuống; hoặc đưa cây tăm xỉa răng, hay tách nước, cũng lấy y bát của người qua đời. Đức Phật dạy: “Không được chỉ nuôi sơ sơ như vậy mà lấy y bát của người bệnh qua đời.”

Có năm việc mà người nuôi bệnh không được lấy y vật của người bệnh: 1. Không biết người bệnh nên ăn thứ gì và không được ăn thứ gì; thứ nên ăn thì không cho ăn, thứ không đáng ăn lại cho ăn. 2. Nhờm gớm đại tiểu tiện đàm dải của người bệnh. 3. Không có tâm từ mẫn, chỉ vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh, không thể vì bệnh nhân lo liệu thuốc thang cho đến khi bệnh lành hay qua đời. 5. Không thể nói pháp cho bệnh nhân khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, có sự tổn giảm thiện pháp.

Người nuôi bệnh có năm việc như vậy không được nhận lấy y vật của bệnh nhân.

Lại cũng có năm pháp, người chăm sóc bệnh nhân đáng được chia: 1. Biết người bệnh ăn thứ gì được, thứ gì không được. Thứ nên ăn thì cho ăn. 2. Không nhờm gớm đại tiểu tiện, đàm dãi của bệnh nhân. 3. Có tâm thương yêu, không vì y thực. 4. Trong thời gian nuôi bệnh có lo liệu thuốc thang cho bệnh nhân đến khi lành bệnh hoặc qua đời. 5. Có thể vì bệnh nhân nói pháp khiến cho hoan hỷ. Đối với bản thân, pháp lành được tăng ích. Người có năm việc như vậy thì nên lấy y vật của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân gần trút hơi thở cuối cùng nói: “Các thứ này của tôi. Sau khi tôi chết, dâng cúng cho Phật, Pháp, Tăng, tháp hoặc cho người. Nếu tôi không chết thì trả lại cho tôi.”

Đức Phật dạy: “Không được di chúc như vậy, mà nên chia hiện tiền Tăng.”

Tỳ-kheo bệnh kia khởi ý nghĩ: “Tôi sẽ thọ trì ba y xấu.” Vì sợ người nuôi bệnh lấy đi.”

Đức Phật dạy: “Nên thọ trì thứ tốt.”

Bấy giờ, bệnh nhân đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi bệnh lấy. Sau bệnh lành, không có để dùng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được có ý đem y bát gởi chỗ khác, sợ người nuôi [862c] bệnh lấy như vậy.”

Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có nhiều tỳ-kheo nổi tiếng qua đời, để lại ba y rất nhiều. Các tỳ-kheo không biết đem loại y nào để cho tỳkheo nuôi bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên nhận xét người nuôi bệnh như thế nào? Nếu tỳ-kheo nuôi bệnh tốt nhất thì cho ba y tốt. Nếu nuôi bệnh bực trung thì cho ba y vừa. Nếu nuôi bệnh tồi thì cho ba y xấu.”

Lúc bấy giờ, tại nước Xá-vệ có tỳ-kheo mắc nợ người khác, qua đời. Các tỳ-kheo không biết ai sẽ trả nợ đó, bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép đem trưởng y[502] để trả. Nếu không có thứ gì, thì bán ba y để trả; còn dư thì cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nên hỏi tỳ-kheo bệnh, ‘Y nào là ba y? Y nào là trưởng y? Thầy có mắc nợ ai? có ai nợ thầy không? Thầy có hứa cho ai thứ gì không?’ Nếu người nuôi bệnh không hỏi như vậy thì sẽ như pháp trị.”

12. Tạp sự

1. Bấy giờ, có tỳ-kheo thân hình bị bệnh ghẻ nhọt làm nhớp y và ngọa cụ. Phật dạy: “Cho phép chứa y che thân.”[503]

Hoặc có y mà lông dính vào mụt ghẻ làm cho đau nhức, Phật cho phép dùng y mịn tốt để phủ bên trong, ngoài mặc niết-bàn-tăng. Nếu đến nhà bạch y thì nên nói rằng: “Tôi bị bệnh ghẻ.” Nếu bạch y nói: “Không sao, cứ ngồi,” thì nên vén niết-bàn-tăng rồi ngồi.

Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh lòi trĩ, dùng cây khô để gạt nên bị đau. Phật cho phép dùng lông mịn hoặc kiếp-bối, lông chim, y cũ để chùi. Dùng rồi, treo lên mà không giặt. Các tỳ-kheo thấy nhờm gớm, bạch Phật. Phật dạy:

“Không được dùng rồi treo lên mà không giặt. Phải giặt sạch.” Có vị giặt rồi, nhưng không vắt nước cho khô, bị hư mục, sanh trùng. Phật dạy: “Nên vắt khô nước rồi phơi cho khô.”

2. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị ghẻ; bẩn y, ngọa cụ. Bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép sắm y che ghẻ.[504] Nếu tự mình không có thì cho phép lấy y ở trong Tăng để dùng.”

Khi lấy dùng, tỳ-kheo kia khi di chuyển không dám mang y che ghẻ từ trú xứ nầy đến trú xứ khác để dùng. Bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép di chuyển.”

Nhưng tỳ-kheo kia sau khi ghẻ lành, không đem về trả lại chỗ cũ. Phật dạy: “Nếu ghẻ lành rồi, thì phải giặt, nhuộm, xếp ngay thẳng, trả lại chỗ cũ. Nếu không trả lại trú xứ cũ, sẽ như pháp trị.”

3. Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm màn che. Các bạch y thấy đều cơ hiềm rằng: “Sa-môn Thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương đại thần không khác!” Các tỳ-kheo [863a1] bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được may màn che.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo đại tiểu tiện, lộ hình nơi chỗ trống. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép dùng cỏ hoặc lá cây, nhánh cây, hay y-lê-diên-đà, mạola, mạo-mạo-la, hoặc cù lâu để ngăn che.”

Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm mái che,[505] các bạch y thấy điều cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như quốc vương, đại thần không khác!” Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Không được làm mái che.”

Bấy giờ, các tỳ-kheo đi đường bị nóng. Bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép dùng cỏ hay lá, hoặc một trong mười thứ y để làm đồ che.”

Bấy giờ chúng Tăng nhận được y kép.[506] Phật dạy:

“Cho phép chứa dùng.”

4. Bấy giờ có tỳ-kheo không biết thọ trì[507] ba y. Phật dạy:

“Nên thọ trì. Nếu nghi nên xả. Xả rồi thọ lại. Nếu có ba y mà không thọ trì, phạm đột-kiết-la.”

Đức Phật dạy nên thọ trì ba y. Có vị thọ trì các loại tiểu y thay cho ba y, như khăn lau thân, khăn lau mặt, tấm dạ lót nằm. Bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không được thọ trì các loại tiểu y như vậy để thay thế ba y.” Phật dạy cho phép dùng y, dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay làm an-đà-hội; rộng ba khuỷu tay, dài năm khuỷu tay làm uất-đa-latăng; tăng-già-lê cũng vậy.

5. Bấy giờ, các tỳ-kheo y bị rách. Phật dạy: “Cho phép vá đắp lại.” Họ không biết vá đắp như thế nào. Phật dạy:

“Đặt một lớp vải lên trên rồi may lại, tùy theo miếng rách lớn hay nhỏ, vuông hay tròn mà vá.

Bấy giờ, các tỳ-kheo không mặc y cắt rọc vào tụ lạc. Bạch y thấy, đều cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử không biết đủ để dừng lại, không biết hổ thẹn, giống như ngoại đạo.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Không nên không mặc y cắt rọc mà vào tụ lạc. Có năm nhân duyên được lưu y tăng-già-lê lại: Hoặc nghi có sự khủng bố, hoặc có mưa, hoặc nghi có mưa, hoặc tăng-già-lê may chưa xong, hay giặt nhuộm hư rách dày nặng. Năm nhân duyên như vậy được lưu y tăng-già-lê lại.”

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo lật ngược tăng-già-lê mặc vào tụ lạc. Tỳkheo khác thấy, không vui, bèn bạch Phật. Phật dạy:

“Không được lật ngược y mặc vào tụ lạc.”

Có tỳ-kheo e ngại, nên ngay ngoài tụ lạc cũng không dám lật ngược y để mặc, nên bị nắng gió bụi trùng chim làm bẩn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Ngoài tụ lạc, cho phép lật ngược y để mặc.”

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được man y,[508] rộng và dài vừa đủ, liền

[863b] cắt rọc may y, hoặc muốn may y thiếp diệp[509], bèn bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép may. Tỳ-kheo nhận được man y, tì rộng tì dài đủ, muốn may y năm mảnh.[510] Bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép may.”

6. Bấy giờ các tỳ-kheo vì y phạm nên xả,[511] bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Cho phép xả giữa Tăng, hoặc trước đông người, hoặc trước một người, sau đó tịnh thí. Không được không xả. Khi xả rồi sau mới chỉ định.[512] Không được không xả mà chỉ định. Có tỳ-kheo nọ y không xả mà thọ dụng làm ba y, làm y ba-lợi-ca-la,[513] cố ý để hư hoại, cố ý làm cháy để dùng làm phi y hay mặc thường xuyên.[514] Phật dạy:

“Nếu không xả không được đem làm ba y thọ dụng, hay làm y balợi-ca-la, cố ý để hư hoại, cố ý làm cháy, dùng làm phi y, hay mặc luôn luôn.” Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Ba-lợi-ca-la không hiện có trước mặt, có phạm ni-tát-kỳ hay không?” Đức Phật dạy:

“Không phạm ni-tát-kỳ.”

Vị kia y không xả bèn mặc. Bạch Phật. Phật dạy:

“Không được không xả mà mặc.”

Vị kia nghĩ không dám dùng y xả đọa;[515] đem cho người hay làm chăn đắp.[516] Bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép cho người khác làm đồ đắp.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo e ngại không dám mặc y bị cháy, y bị cướp, y bị trôi, bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép mặc.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo y không xả, bèn cùng người trao đổi. Bạch Phật. Phật dạy:

“Không được không xả y. Nên xả rồi sau mới trao đổi.”

Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Y của chúng Tăng quá mười ngày, phạm xả đọa hay không?’ Bạch Phật. Phật dạy: “Không phạm.” Tỳ-kheo nào y tịnh thí không trả lại chủ, phạm đột-kiết-la. Vị nào ngăn không cho trả, cũng phạm đột-kiết-la.

7. Bấy giờ, có các tỳ-kheo y không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Bạch y lấy mặc. Phật dạy:

“Không được không nhuộm cho hoại sắc mà đem gởi nhà bạch y. Nên nhuộm cho hoại sắc làm y sa-môn. Sau đó mới đem gởi nhà bạch y.”

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo được y trên hẹp dưới rộng đem làm tăngkỳ-chi, bạch Phật. Đức Phật cho phép làm.

8. Bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đem ra ngoài ranh giới chia nhau. Các tỳkheo bạch Phật. Phật dạy: “Không được ra ngoài giới chia.” Bấy giờ có Trưởng lão tỳ-kheo, được nhiều người biết tiếng, du hành trong nhân gian, nhận được nhiều y vật mà hiện tiền Tăng nên chia, nhưng khó chia vì e ngại đức Phật không cho phép ra ngoài giới chia y vật. Các tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch Phật. Phật dạy:

“Nên sai người xướng như vầy: ‘Đến tại địa điểm đó để [863c] phân chia y vật. Y vật nào đáng chia thì sẽ được chia.’” Vị kia không biết chia khi nào. Phật dạy:

“Phải làm dấu hiệu. Hoặc đo theo bóng mà qui định thời gian; hoặc un khói; hay thổi ốc; hoặc đánh trống, đánh kiền chùy, công bố đến giờ. Người tự đến hay nhờ người đến cũng nên chia phần.”

9. Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ. Đức Phật dạy:

“Không được di chuyển.”

Trường hợp có phòng nhiều ngọa cụ, có phòng ít ngọa cụ. Đức Phật dạy:

“Từ nay về sau, cho phép vị cựu trú, hoặc ma-ma-đế, hay người tri sự làm việc di chuyển ấy. Người nhận phòng nên hỏi trước, sau đó mới di chuyển.”

Có tỳ-kheo nọ đã di chuyển ngọa cụ, khi đi không trả lại chỗ cũ. Tỳ-kheo khác lại dùng. Phật dạy:

“Phải trả ngọa cụ lại chỗ cũ rồi mới đi, nếu không trả lại sẽ như pháp trị.”

Phòng xá bị hư sập. Các tỳ-kheo e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì Phật có dạy: “Không nên di chuyển ngọa cụ.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Nếu phòng xá bị hư sập thì nên di chuyển ngọa cụ.”

Có vị di chuyển ngọa cụ đến các phòng khác. Các phòng khác không dám nằm nên bị hư hoại. Phật dạy: “Nên sử dụng.”

Khi đức Phật đã cho phép dùng rồi, các tỳ-kheo không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm y lót thân. Các tỳkheo bạch Phật. Phật dạy:

“Không được không rửa chân, không lau chân (mà sử dụng); hoặc dùng làm áo lót.”

Khi đức Phật đã không cho phép làm áo lót, các tỳ-kheo e ngại không dám đụng đến tay chân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Không được dùng làm y lót thân, chỉ giới hạn từ nách đến đầu gối mà thôi.”

Bấy giờ, các bạch y cúng y lót thân cho tỳ-kheo, tỳ-kheo e ngại không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Y do đàn-việt dâng cúng nên tùy thuận mà nhận.”

Khi phòng xá bị hư hoại kia đã được sửa sang rồi, nhưng ngọa cụ không được trả lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Nếu phòng xá đã sửa sang rồi thì nên trả ngọa cụ lại. Nếu không trả, sẽ như pháp trị.”

Có các tỳ-kheo nọ di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia. Phật dạy:

“Không được di chuyển ngọa cụ của trú xứ này đến trú xứ kia.” Trường hợp nhân dân trong nước phản loạn khủng bố, nên trú xứ đó cũng bị hoại, các vị e ngại không dám di chuyển ngọa cụ, vì đức Phật không cho phép di chuyển ngọa cụ cố định của trú xứ này đến trú xứ kia. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu có trường hợp như vậy thì cho phép di chuyển.”

Vị kia, khi di chuyển ngọa cụ, không dám che giấu, sợ chạm phải trong thân,[517] vì đức Thế Tôn không cho phép làm y lót thân. Các tỳkheo bạch Phật. Phật dạy:

“Tùy theo đó mà phương [864a1] tiện che giấu khi di chuyển. Nếu người khác đuổi, bảo đứng dậy cũng không được đứng dậy. Cũng không được đuổi người khác đứng dậy. Nếu có tỳ-kheo khác có thể thương yêu che chở thì nên giao cho.”

Khi trong nước ổn định lại, nhân dân an khương, phòng xá sửa rồi, mà ngọa cụ chưa mang trở lại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nếu không trả ngọa cụ trở lại, sẽ như pháp trị.”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nhận được vải từng đoạn vụn, màu sắc bậc nhất, muốn cắt may y năm mảnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép may.”

10. Bấy giờ, có trú xứ hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật có thể chia. Nhóm sáu tỳ-kheo đều nạnh nhau, không chịu đem cất nên bị mất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Người nào thấy phải đem cất.”

Lúc ấy khách tỳ-kheo đến, di chuyển y vật để qua phòng khác; không đảm bảo. Bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép lấy một phòng riêng kết làm kho chứa, bằng pháp bạch nhị yết-ma.”

Xướng tên phòng: hoặc nhà tắm, nhà tầng, hay nhà kinh hành.[518] Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận lấy phòng... kết làm kho chứa. Đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng lấy phòng... kết làm kho chứa. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng lấy phòng... kết làm kho chứa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận Tăng lấy phòng... làm kho chứa rồi.

“Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.”

Lúc ấy, kho chứa không có người coi giữ nên không an toàn chắc chắn. Đức Phật cho phép sai người coi giữ vật, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng sai một vị có khả năng yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không, miễn là có khả năng tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo... làm người coi giữ kho, đây là lời tác bạch.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai Tỳ-kheo... làm người coi giữ. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai tỳkheo... làm người bảo quản thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo... làm người bảo quản rồi.

“Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc ấy được ghi nhận như vậy.”

“Nếu tỳ-kheo đó không chịu làm người coi giữ thì nên cho phước nhiêu[519] và cháo. Nếu vẫn không chịu, thì tất cả y thực đã nhận được, nên chia cho hai phần. Nếu vẫn cố không chịu, thì nên như pháp trị.”

Lúc bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu[520] sắm nhiều áo tắm mưa, sai người đem đến tinh xá dâng cúng. Các tỳ-kheo không biết sẽ làm như thế nào. Bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên chia theo thứ tự [864b] từ Thượng tọa. Nếu không đủ thì ghi nhớ. Rồi sau đó nhận được, tiếp tục chia.”

Bấy giờ Tăng nhận được y đại quý giá nên vẫn tiếp tục chia. Phật dạy:

“Không được đem y đại quý giá tiếp tục chia mà phải đổi cho Thượng tọa. Nếu nhận được y vật không bằng nhau thì nên lấy y vật có thể phân chia trong Tăng cho đủ số bằng nhau để phân chia.”

11. Lúc bấy giờ, Tăng nhận được y ương-già-na-la,[521] bạch Phật. Phật dạy:

“Cho phép tích trữ.”

Bấy giờ có tỳ-kheo mặc y phú thân của Tăng [522] đến trong nhà tắm, trong nhà ăn, làm cho cơm canh bẩn, bùn nhơ, khói hun, bụi bám. Phật dạy:

“Không được mặc y phú thân của Tăng vào phòng tắm, nhà ăn.” Bấy giờ, tháng mùa đông, các tỳ-kheo bị lạnh. Bạch Phật. Phật cho phép mặc (đồ ấm), nhưng phải yêu quý gìn giữ đừng để bẩn. Lúc ấy có tỳ-kheo mặc vào nhà vệ sinh, bẩn thỉu hôi thúi. Phật dạy:

“Không được mặc vào nhà vệ sinh.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo phải đem y về phòng, rồi mới đến nhà vệ sinh nên bị cấp bách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên có cái giá y bên ngoài nhà vệ sinh, hoặc móc ngà voi hay cái trụ, hoặc nhà, hoặc cây, hoặc cỏ, hay đá; cho phép đem y móc hay để trên đó. Nếu trời mưa, nên để chỗ không mưa. Nếu mưa văng ướt vào chỗ để, tốt nhất đừng cho đụng đến cửa nhà vệ sinh. Khi lên nhà vệ sinh, ngồi xổm cho gọn đừng để bẩn y.”

Có tỳ-kheo nọ mặc y đến chỗ đi kinh hành bị vướng cỏ, dính côn trùng, đất bụi bám, mưa thấm ướt, hư hoại Tăng y. Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Không được mặc Tăng y đến chỗ kinh hành.”

Lúc bấy giờ, có vị Thượng tọa tỳ-kheo bệnh già yếu, từ đường xa nhọc mệt đến. Phật cho phép phủ miếng dạ trên khăn trải nằm. Nên yêu quý giữ gìn mà nằm.

12. Bấy giờ, tại trú xứ nọ có tỳ-kheo kiết hạ an cư rồi, lại đến trú xứ khác ở, không biết nên nhận vật an cư nơi trú xứ nào. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

“Nơi nào ở nhiều ngày nhất thì nhận vật an cư chỗ đó. Nếu hai nơi bằng nhau thì nhận mỗi nơi phân nữa. Có tỳ-kheo nọ đem chia thức ăn của hạ an cư. Đức Phật dạy:

“Không được chia. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ thực.”

Khi đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh của bà-la-môn Tỳ-lan-nhã [523] đã qua rồi, bảo Tôn giả A-nan rằng:

“Ông đến nói với bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, đức Phật đã nhận lời thỉnh của ông ba tháng hạ an cư xong, nay muốn du hành trong nhân gian.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng lời đức Thế Tôn dạy liền đến chỗ Tỳlan-nhã bảo rằng:

“Đức Thế Tôn nói như vầy: Ngài đã nhận lời mời của ông ba tháng hạ an cư xong rồi, nay muốn du hành trong nhân gian.”

Tỳ-lan-nhã nghe [864c] A-nan nói rồi, mới tự nhớ lại rằng: “Mình thỉnh sa-môn Cù-đàm và Tăng tỳ-kheo trong chín mươi ngày rồi mà không cúng dường.”

Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính thăm hỏi rồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khiến cho ông được hoan hỷ. Tỳ-lan-nhã nghe đức Phật nói pháp rồi, rất hoan hỷ, liền bạch Phật rằng:

“Cúi xin đức Thế Tôn và các Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh chín mươi ngày nữa của con.” Đức Phật trả lời:

“Đã nhận lời thỉnh chín mươi ngày của ông rồi. Nay ta muốn du hành trong nhân gian.”

Tỳ-lan-nhã bạch Phật:

“Cúi xin Thế Tôn và chư Tăng nhận cho con cúng dường một bữa ngọ vào ngày mai.”

Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tỳ-lan-nhã biết được đức

Phật nhận lời rồi, liền rời chỗ ngồi đứng dậy vui vẻ, nhiễu quanh Phật rồi lui về. Trong đêm đó sắm sửa, đầy đủ các đồ ăn thức uống, sáng ngày đến thỉnh Phật và chư Tăng phó trai.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng năm trăm Tăng tỳ-kheo khoác y, bưng bát, đến nhà Tỳ-lan-nhã, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳ-lan-nhã dâng các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ cúng dường Phật và chư Tăng. Các Ngài ăn xong để bát xuống, Tỳ-lan-nhã dùng ba y dâng cúng lên đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo mỗi vị hai tấm điệp làm y mùa hạ. Tỳ-kheo không nhận, nói rằng:

“Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận y mùa hạ.”

Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”

Lúc bấy giờ, Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép nhận y mùa hạ, nên lúc nào trong ba mùa xuân, hạ và đông, cũng đều tìm cầu y mùa hạ. Hạ an cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y. Có lúc Bạt-nan-đà Thích tử đang an cư tại một trú xứ này mà nghe trú xứ khác nhận được nhiều y an cư mùa hạ, liền đến trú xứ đó hỏi rằng: “Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?”

Các vị trả lời: “Chưa chia.”

Bạt-nan-đà bảo: “Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.” Bạt-nan-đà lại đến các trú xứ khác cũng hỏi rằng:

“Các thầy đã chia y mùa hạ chưa?”

Các vị trả lời: “Chưa chia.”

Bạt-nan-đà bảo: “Mang ra đây. Tôi cùng các thầy chia.”

Bấy giờ, Bạt-nan-đà ở nhiều chỗ chia y nên nhận được nhiều y mang về Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo khác thấy hỏi rằng: “Đức Thế Tôn cho phép tích trữ ba y. Vậy số lượng y này là y của ai?”

Bạt-nan-đà nói: “Nhiều trú xứ chia nên tôi nhận được số lượng y nhiều như vậy.”

Trong các tỳ-kheo, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳ-kheo rằng: “Đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo nhận y mùa hạ. Sao thầy tìm cầu y mùa hạ vào tất cả thời xuân, hạ, và đông? An cư chưa xong cũng tìm y, cũng [865a1] thọ y? An cư nơi này đã nhận phần y rồi, lại đến nơi khác cũng nhận phần y?”

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà:

“Ông làm điều sai quấy, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Bạt-nan-đà, Ta cho phép tỳ-kheo tích trữ y mùa hạ, tại sao ông lại tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân hạ và đông? An cư chưa xong cũng tìm cầu y, cũng thọ y? An cư chỗ này đã nhận y rồi, lại đến chỗ khác nhận phần y nữa?”

Dùng vô số phương tiện quở trách Bạt-nan-đà trong nhóm sáu tỳkheo rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

“Từ nay về sau, không được tìm cầu y mùa hạ trong tất cả các thời xuân, hạ và đông. An cư chưa xong cũng không được tìm cầu y, thọ y. Cũng không được an cư nơi này đã nhận y rồi, lại đến nơi khác nhận y nữa. Nếu nhận như vậy sẽ như pháp trị.” Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khi đi, y mùa hạ chưa chia. Sau đó các tỳ-kheo chia y mùa hạ. Tỳ-kheo kia trở về hỏi rằng: “Y mùa hạ chia chưa?” Tỳ-kheo trả lời: “Chia rồi.”

Tỳ-kheo kia hỏi: “Có lấy phần y của tôi không?”

Tỳ-kheo nói: “Không lấy.”

Khi đó tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng: “Chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó mới chia y mùa hạ. Tôi an cư tại đây mà sao không lấy phần y của tôi?”

Các tỳ-kheo nghĩ: “Như vậy có thành pháp chia y không?” Các tỳkheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Đã thành chia y rồi, nhưng phải đợi nhau. Hay dặn dò lại người chưa đi nhận giùm phần y mùa Hạ.”

Lúc ấy có tỳ-kheo chưa chia y đã đi. Khi ra đi dặn chung chung lại người chưa đi, là nhận phần y cho tôi với. Sau đó các tỳ-kheo chia y hỏi: “Vị nào nhận phần y cho tỳ-kheo kia?”

Khi đó không ai nhận cả. Tỳ-kheo kia trở về hỏi: “Chia y chưa?”

Các tỳ-kheo trả lời: “Chia rồi.”

Vị kia hỏi tiếp: “Có ai nhận phần y của tôi không?”

Các tỳ-kheo nói: “Không ai nhận cả.”

Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo: “Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Tôi dặn quí vị chia y vì tôi mà nhận giùm y. Tôi an cư tại đây. Tại sao khi chia y không vì tôi nhận phần?”

Các tỳ-kheo nghĩ: “Đã thành chia y chưa?” Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Đã thành chia y rồi. Nhưng nên đợi người kia trở về. Hay người kia phải nhờ một vị nào nhận cho rõ ràng, chứ không được dặn chung chung.”

Bấy giờ, có tỳ-kheo khi chưa chia y đã ra đi, có dặn một tỳ-kheo nhận giùm phần y mùa hạ của mình. Khi các tỳ-kheo chia y hỏi:

“Vị nào [865b] nhận phần y của tỳ-kheo kia?”

Người được dặn quên không nhận. Các tỳ-kheo chia y xong, tỳkheo kia trở về hỏi: “Y mùa hạ chia chưa?”

Các tỳ-kheo nói: “Chia rồi.”

Tỳ-kheo kia hỏi: “Có nhận giùm phần y của tôi không?”

Các tỳ-kheo nói: “Không nhận.”

Tỳ-kheo kia giận, trách các tỳ-kheo rằng:

“Khi chưa chia y, tôi đi vắng. Sau đó tôi có nhờ một tỳ-kheo nhận phần y của tôi. Tôi an cư tại đây, tại sao không vì tôi mà nhận phần giùm?”

Các tỳ-kheo không biết có thành chia y hay không? Đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Thành chia. Người quên có tội.”

13. Lúc ấy, có tỳ-kheo lưu lại thức ăn của mùa hạ an cư. Đức Phật dạy: “Không được lưu lại. Tùy theo sự dâng cúng mà thọ dụng.” Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên vào Niết-bàn, có nhiều y vật có thể chia cho hiện tiền Tăng. Tỳ-kheo nọ để quá mùa an cư. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được lưu lại. Nên chia y này cho hiện tiền Tăng.”

Vào lúc đó, có một đàn-việt muốn dâng cúng cho tháp, dâng cúng cho Tăng, cho phòng xá Tăng-già-lam, dâng cúng áo tắm, lý do là mới sanh con, hoặc mới cạo tóc, hay vì để tóc dài, hoặc về nhà mới, hay vì thân quyến qua đời làm lễ, nên hiện tiền Tăng nhận được nhiều y vật. Các tỳ-kheo lưu lại đến mùa hạ an cư. Tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được lưu lại. Đây là y phi thời, hiện tiền Tăng nên chia.”

Lúc bấy giờ, có một tỳ-kheo ở tại trú xứ mình, nhận được nhiều y vật của mùa hạ an cư, vị ấy với ý nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào đây?” Vị ấy bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có một tỳ-kheo an cư mà nhận được nhiều y vật hạ an cư của Tăng, vị tỳ-kheo kia nên tâm niệm rằng: ‘Đây là vật của tôi.’” Hoặc thọ hay không thọ. Các tỳ-kheo khác đến không được nhận phần.

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được số nhiều y vật có thể chia, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên chia làm hai phần.”

Chưa nhận được y vật có thể chia, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Đức

Phật dạy: “Nên hỏi đàn-việt cúng cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy... thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hoặc nói cúng cho tất cả thì nên chia làm hai phần.

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo, có một số y đã nhận được, có một số y chưa nhận được, mà Tăng bị phá làm hai bộ. Số y đã nhận được thì chia làm hai phần. Số y chưa nhận được nên hỏi thí chủ để biết họ cúng cho ai. Nếu họ nói: ‘Cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, như vậy’, thì nên theo lời nói của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu thí chủ nói: [865c] ‘Không biết’, hoặc nói: ‘Cúng cho tất cả’ thì nên chia làm hai phần.

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được y vật có thể chia. Có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) bộ kia không được trao phần y cho họ. Hoặc trường hợp chưa nhận được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ.

Hay trường hợp được y vật hay chưa được y vật, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia. (Phật dạy) không được trao phần y cho họ.

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia mà đi chưa đến, thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị ấy nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Giao cho trú xứ vị kia muốn đến.”

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo từ bộ này đến bộ kia, vừa đến nơi thì bị chết. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên trao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên giao cho bộ Tăng mà vị ấy đến.” Bấy giờ, có tỳ-kheo bị cử tội rồi mạng chung. Các tỳ-kheo không biết y bát của vị kia nên giao cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy:

“Nên giao cho cộng đồng yết-ma Tăng cử.”

Bấy giờ, Tăng nơi trú xứ nọ bị phá làm hai bộ. Có đàn-việt thỉnh hai bộ Tăng nầy thọ thực chung một chỗ, có dâng y và chỉ tơ. Các tỳ-kheo không biết nên chia y cho ai, chia chỉ tơ cho ai, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên hỏi đàn-việt để biết họ cúng tơ cho ai, cúng chỉ cho ai. Nếu họ nói cúng cho Thượng tọa có tên như vậy, thì nên theo lời của họ mà giao cho Thượng tọa đó. Nếu họ nói không biết, hay nói cúng cho tất cả, thì nên chia làm hai phần.”

Bấy giờ, chúng Tăng nhận được y an cư mùa hạ, nhưng Tăng bị phá làm hai bộ, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên đếm số người nhiều hay ít để chia.”

Hoặc chưa nhận được y an cư, mà Tăng bị chia làm hai bộ, bạch

Phật. Phật dạy: “Nên đếm số người để chia.”

Hay trường hợp nhận được y mùa hạ, hay chưa nhận được y mùa hạ, Tăng bị phá làm hai bộ (bạch Phật. Phật dạy): Nên đếm số người để chia.

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được y mùa hạ, rồi đến bộ khác. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên trao cho.”

Hoặc chưa nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Phật dạy:

“Nên trao cho họ.”

Hay chưa nhận được y mùa hạ, hoặc đã nhận được y mùa hạ mà đến bộ khác. Đức Phật dạy: “Nên trao cho họ.”

14. Bấy giờ, có một cư sĩ thỉnh chư Tăng các trú xứ về một địa điểm cúng dường và dâng y. Các tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Có tám loại dâng y: dâng cho Tăng tỳ-kheo, dâng cho Tăng tỳ-kheo-ni, dâng cho hai bộ Tăng, dâng cho tứ phương Tăng, dâng cho Tăng trong một cương giới, dâng cho Tăng đồng một yết-ma, dâng cho người có nói rõ tên, [866a1] hay dâng cho một người. Đức Phật dạy tiếp: Nếu dâng cho Tăng tỳ-kheo thì Tăng tỳ-kheo nên chia... cho đến dâng cho một người thì thuộc về một người.

Lúc bấy giờ, tháng mùa đông các tỳ-kheo bị lạnh. Họ bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép đội mão.”

Hoặc ngồi giữa đất trống bị nhức mỏi. Đức Phật cho phép sắm dây đai thiền[524]. Tỳ-kheo mình bị ghẻ và mồ hôi bẩn, Phật cho phép sắm khăn lau thân. Nơi mặt có mồ hôi, Phật cho phép sắm khăn lau mặt. Mắt bị chảy nước, cho phép sắm khăn lau mắt.

15. Lúc bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta nhận được y mỏng đại quý giá, muốn chứa làm y mùa hạ. Phật dạy: “Cho phép tịnh thí rồi thọ trì.”

Tịnh thí[525] có hai cách: Chân thật tịnh thí, triển chuyển tịnh thí.

Chân thật tịnh thí là nói:

“Đại đức nhất tâm niệm! Tôi có y dư (trưởng y) nầy, chưa tác tịnh. Nay vì muốn tịnh nên xả cho Đại đức, để làm chân thật tịnh thí.”

Triển chuyển tịnh thí là nói:

“Đại đức nhất tâm niệm! Đây là y dư của tôi, chưa tác tịnh. Vì muốn cho tịnh nên xả cho Đại đức, để làm phép triển chuyển tịnh thí.”

Vị nhận làm pháp tịnh thí nên nói như vầy:

“Đại đức nhất tâm niệm! Thầy có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tác tịnh nên cho tôi. Nay tôi xin nhận.”

Nhận rồi nên nói:

“Y này thầy muốn chuyển cho ai?”

Vị kia nên nói:

“Tôi chuyển cho tỳ-kheo tên như vậy.” Vị thọ tịnh nên nói:

“Đại đức nhất tâm niệm! Thầy này có dư y chưa tác tịnh, vì muốn tịnh nên cho tôi, nay tôi nhận. Nhận rồi tôi sẽ cho tỳkheo... Y này thuộc về tỳ-kheo ấy rồi. Thầy đã vì tỳ-kheo... nên khéo giữ gìn mà mặc, tùy nhân duyên sử dụng.”

Chân thật tịnh thí phải nói với chủ rồi sau đó mới lấy dùng. Còn triển chuyển tịnh thí thì nói hay không, tùy ý mặc.

16. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ người đem y cho tỳ-kheo kia mượn. Người được nhờ nghĩ là mình thân hậu với tỳ-kheo kia, bèn lấy dùng. Lấy như vậy có được hay không? Đức Phật dạy: “Không được khởi ý thân hậu để lấy.”

Hoặc đến đường đi,[526] có nên khởi ý thân hậu để lấy hay không? Đức Phật dạy: “Không được lấy.”

Hoặc đến nơi kia,[527] có nên khởi ý nghĩ thân hậu để lấy hay không?

Đức Phật dạy: “Không được lấy.”

Hoặc tác ý thân hậu với người chủ sai mang y rồi lấy dùng;[528] thì có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.”

Hoặc đến nơi đường đi, nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.”

Hoặc đến nơi kia có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.” Tỳ-kheo được cho mượn y qua đời. Người được nhờ mang y cho mượn bèn nhận với ý nghĩ là của tỳ-kheo kia đã qua đời. Nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Hoặc đến nơi đường đi, [866b] có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Hoặc người chủ nhờ mang y đi cho mượn ấy qua đời. Người được nhờ mang khởi ý nghĩ là nhận y của tỳ-kheo qua đời; có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Nên nhận.”

Hoặc đến nơi đạo lộ, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Nên nhận.”

Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Nên nhận.”

Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo nhờ mang y cho tỳ-kheo kia. Người được nhờ khởi ý nghĩ là mình thân tình với người nhờ,[529] nên lấy để dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Không nên lấy.”

Hoặc đến nơi đường đi, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Không nên lấy.”

Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Không nên lấy.” Tỳ-kheo được nhờ kia, khởi ý thân hậu với người được cho[530] y để lấy dùng; có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.”

Hoặc đến nơi đường đi, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.”

Hoặc đến nơi kia, có nên lấy hay không? Đức Phật dạy: “Nên lấy.” Người chủ nhờ mang y đi cho chết. Tỳ-kheo kia khởi ý là nhận y của người qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Hoặc đến nơi đường đi, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Không nên nhận.”

Tỳ-kheo được gởi cho y qua đời. Tỳ-kheo được nhờ kia liền nghĩ nhận y của vị qua đời. Có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Nên nhận.”

Hoặc đến nơi đường đi, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy:

“Nên nhận.”

Hoặc đến nơi kia, có nên nhận hay không? Đức Phật dạy: “Nên nhận.”

17. Bấy giờ, có cư sĩ đem y đến trong Tăng-già-lam thưa:

“Y này cúng cho Đại đức tỳ-kheo có tên là...”

Tỳ-kheo kia nói: “Tôi không cần y.”

Cư sĩ liền đem y đến để trước tỳ-kheo rồi đi. Tỳ-kheo kia e ngại, nên không biết làm thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép, vì thí chủ nên lấy cất. Khi cần, cho phép thọ trì.[531]


[1] Trong bản Hán, Chương V của phần II. Cf. Ngũ phần 15 (tr.101a13tt); Tăng kỳ 23 (tr.412b24tt); Thập tụng 21 (tr.148a6tt); Căn bản xuất gia sự, No 1444, tr.1020b17. Pāli, Mahāvagga, vin. i. 1ff.

[2] Trường A-hàm 6, kinh số 5 “Tiểu duyên” (T01n01 tr.38b21): “Bấy giờ đại chúng suy cử một người để giải quyết những tranh chấp; gọi là Bình đẳng chủ 平等主.” Cf. Trung A-hàm 39, kinh 154 “Bà-la-bà-đường”. Pāli, D. 27. Aggañña (D.iii.92): nhân dân suy cử một người phân xử, gọi là Mahāsammato. Họ gọi người này là rājā (vua). Đó là vị vua tối sơ xuất hiện trong thế gian.

[3] Các bản đều đọc là Tề 齊. Nhưng nguyên tên tiếng Phạn là Upoṣadha, nên phải đọc là Trai 齋.

[4] Danh sách các vị vua kể theo Mahāvastu (tr.289): vua Mahāsammata (Đại Nhân 大人), Kalyāṇa (Thiện 善), Upoṣadha (Trai 齋), Māndhātṛ (Đảnh Sanh 頂 生). Kể xuống nữa có vua Ikśvāku (Ý-sư-ma 懿師摩). Ikśvāku (Pāli: Okkāka) là ông tổ của dòng họ Thích. Xuống nữa là Siṃhahanu (Sư Tử Giáp 師子頰). Ông này có bốn người con trai. Con cả là Śuddhodana (Duyệt-đầu-đàn 悅頭檀) sinh Bồ-tát sau thành Phật.

[5] Vương thống từ vua Đảnh Sanh trở xuống, kể theo tư liệu Pāli (Mhv. ii): Mandhātā, Caraka, Upacara, Cetīya, Mucala, Mahāmucala, Mucalinda, Sāgara, Sāgaradeva, Bharata, Aṅgīrasa, Ruci, Suruci, Patāpa, Mahāpatāpa, Panāda, Mahāpanāda, Sudassana, Neru.

[6] Pāli: Sīhahanu; Mhv. ii. 15, Dpv. ii. 44, con trai của Jayasena.

[7] Cha mẹ thuần chủng, không lai tạp.

[8] Nguyên Hán: Sát-lợi thuỷ nghiêu đảnh 剎利水澆頂, vua dòng Sát-lợi được truyền ngôi. Sau đó, nếu bảy báu xuất hiện và chinh phục được cả bốn châu thiên hạ, bấy giờ thành Chuyển luân vương. Xem Trường A-hàm 7, kinh 6 “Chuyển luân vương tu hành”; Trung A-hàm 15, kinh 70 “Chuyển luân vương”; Pāli, D. 26. Cakkavatti.

[9] Pháp Vương 法王, vì “Sau khi chinh phục, vua cai trị bằng Pháp, không bằng đao kiếm” (adaṇḍena asatthena dhammena abhivijiya ajjhāvasi; D. 26, iii. 59).

[10] Tự Tại 自在. Pāli: Issara (Skt. Īśvara), ông chủ, hay vị Chúa tể.

[11] Ma-kiệt vương Bình-sa 摩竭王洴沙; Pāli: rājā Māgadho Seniyo Bimbisāro.

[12] La-duyệt thành 羅閱城, thủ phủ nước Ma-kiệt-đà.

[13] Bản Cao Ly: chỉ túc 止宿. Tống-Nguyên-Minh: sơn túc 山宿.

[14] Ban-trà-bà 班荼婆. Pāli: Paṇḍava, ngọn đồi gần thành Rājagaha (Vương-xá hay La-duyệt).

[15] Nhật 日. Pāli: Ādicca. Tên chỉ họ của bộ tộc Thích-ca. Do đó, Phật cũng được gọi là đấng Nhật Tôn, hay Nhật Thân, bà con của Mặt Trời (Pāli: Ādiccabanhddhu).

[16] Nguyên Hán: Túc tán tiểu vương 粟散小王 (vua rải thóc), chỉ vua nhỏ, chư hầu. Sk. koṭa-rāja, pradeśa-rāja. Pāli: padesa-rājā.

[17] A-lam-ca-lam 阿藍迦藍. Pāli: Āḷāra-Kālāma.

[18] Nguyên trong bản: bất dụng xứ định 不用處定. Bậc thứ ba trong bốn Vô sắc định. Xem, Trung A-hàm 56, kinh 204 “La-ma” (T01n26 tr.776b08). (Pāli: ākiñcaññāyatanaṃ) Cf. Pāli, M. 64. Ariyapariyesana (i. 160).

[19] Tăng, đây chỉ chúng đệ tử của A-lam-ca-lam.

[20] Uất-đầu-lam Tử 鬱頭藍子. Xem Trung A-hàm 56, ibd. T1n26 tr.776c06. Pāli: Udako Rāmaputto, M. 26, ibid.

[21] Trong bản: hữu tưởng vô tưởng định 有想無想定. Bậc thứ tư trong bốn vô sắc định. Pāli: nevasaññānāsaññāyatanaṃ.

[22] Hán: vô thượng hưu tức pháp 無上休息法. Xem, Trung A-hàm 56, đã dẫn: vô thượng an ổn Niết-bàn 無上安隱涅槃. Pāli: anuttaraṃ yogakkhemaṃ nibbānaṃ pariyesamāno.

[23] Tượng đầu sơn 象頭山. Pāli: Gayāsīsa, núi đầu voi, ngọn đồi gần thị trấn Gayā. Tạp 8 (T2n99, tr.50b14): Ca-xà-thi-lị-sa chi-đề 迦闍尸利沙支提; tại đây lần đầu tiên Phật hiện ba loại thần thông giáo hóa cho 1000 tì-kheo nguyên nhóm đạo sỹ bện tóc; xem đoạn sau, tr. 797a. Cf. Ngũ phần 16 (tr.109b24): Giàda sơn 伽耶山.

[24] Uất-tì-la Đại tướng thôn 鬱毘羅 (đoạn sau chép là 鬱鞞羅) 大將村. Trung Ahàm 56 (T1n26, tr.777a6): thôn Tư-na 斯那. Pāli: Uruvelā, Senā-nigama.

[25] Các vị này về sau được gọi là nhóm năm tỳ-kheo五比丘; Pāli: pañcavaggiya.

[26] Hữu giác hữu quán 有覺有觀: hữu tầm hữu tứ 有尋有伺, hai chi đầu của sơ thiền Pāli: savitakka, savicāra.

[27] Nguyên Hán: hỉ lạc nhất tâm 喜樂一心. Hán dịch không chính xác. Cần sửa lại theo định cú về Sơ thiền.

[28] Phạn khứu 飯糗.

[29] Ni-liên-thiền 尼連禪. Pāli: Nerañjarā.

[30] Cát An 吉安. Pāli: Sotthiya.

[31] Cát tường thọ 吉祥樹. Có lẽ, Pāli, là cây assattha, về sau được gọi là cây Bồđề.

[32] Xem cht. 26 trước.

[33] Tầm và tứ, là hai yếu tố quan trọng khi chứng Sơ thiền. Sang Nhị thiền, hai yếu tố này bị vượt qua, gọi là trạng thái “vô tầm vô tứ” (không giác, không quán).

[34] Nội tín 內信; Huyền Trang dịch là nội đẳng tịnh 內等淨: trạng thái trong suốt quân bình của nội tâm khi chứng Nhị thiền.

[35] Do đó, Nhị thiền cũng được gọi là “định sanh hỷ lạc địa” (trạng thái hỷ và lạc phát sanh do định hay nhất tâm).

[36] Nguyên Hán: Thánh trí sở kiến hộ niệm lạc 聖智所見護念樂. Bản Hán hiểu Pāli upekkha (Skt. upekṣa: xả) là hộ. Pháp uẩn 6 (T26n1537 tr.482b05): Thánh thuyết ưng xả. Pāli: yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti uppekkhako satimā sukkhavihārī, “điều mà Thánh giả nói là xả, an trú lạc với chánh niệm.”

[37] Nguyên Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Xem cht. 33 trên. Xem giải thích, Pháp uẩn 7 (T26n1537 tr.485a09): “Bấy giờ, xả và niệm thảy đều thanh tịnh.” Pāli: upekkhā sati pārisuddhaṃ.

[38] Hán: định ý 定意. Pāli: samāhite citte.

[39] Trong bản: sở hành nhu nhuyến 所行柔軟. Pāli: mudubhūte kammaniye.

[40] Ngài hướng tâm đến “sanh tử trí” (Pāli: cūtapapāta-ñāṇā).

[41] Trảo 瓜 (Nakha?); Ưu-ba-li 優波離 (Upāli?). Ngũ phần: Li-vị và Ba-lị 離謂 波利. Pāli: hai anh em thương khách: TapussaBhallika.

[42] Văn 文; phiên âm từ Muni.

[43] Mật khứu 蜜糗. Pāli: manthañca madhupiṇḍikañca, cháo lúa mạch và mật ong.

[44] Để bản: đề 提. Tống-Nguyên-Minh: sư 師. Đề-diêm-phù-bà-đề 提閻浮婆提, các đoạn sau: Đề-diêm-bà-đề.

[45] Thủ-đà-hội thiên 首陀會天. Pāli: Suddhāvāsa. Tức trời Tịnh cư, cao nhất trong trời Vô sắc giới, Tứ thiền; chỗ các Thánh A-na-hàm nhập Niết-bàn.

[46] Hán: vũ bảo xa 羽寶車.

[47] Phạm-chí 梵志, dịch âm, chỉ người xuất gia theo ngoại đạo; Pāli: paribbājaka; cũng có khi dịch vừa âm vừa nghĩa của từ bà-la-môn.

[48] Da-nhã-đạt 耶若達; phiên âm từ Skt. Yajñadatta, trên kia dịch là Tự Thí.

[49] Bát-ma 缽摩; phiên âm từ Skt. Padma (Pāli: Paduma), trên kia đã dịch là Liên hoa.

[50] Niên thiếu, dịch nghĩa của từ Ma-nạp (Skt., Pl: mānava) trên.

[51] Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pāli: Daṇḍapāṇī. Tài liệu Pāli (Mhv.ii. 18,19) nói ông là anh của Māyā và Pajāpatī. Truyền thuyết phương Bắc nói ông là bố vợ của Thái tử Siddhārtha.

[52] Cù-di 瞿夷. Pāli: Gotamī; thường để gọi Di mẫu của Phật. Nhưng đây chỉ Dadu-đà-la.

[53] Trong bản: diêm-phù-đề 閻浮提. Có thể người chép đã chép dư chữ đề. Phiên âm từ jambu-dvipa, hòn đảo của những rừng cây jambu (Eugenia Jambolana). Đề là phiên âm tắt của dvipa.

[54] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pāli (Skt.): harīṭaka.

[55] Ngũ phần 15, tr. 103a8: thần núi Ma-tu-la 摩修羅山神.

[56] Ly-bà-na 離婆那; không rõ.

[57] Tô-xà-la 蘇闍羅. Ngũ phần, tr.103b22: Tu-xà-đà 須闍陀, con gái của bà-la-môn Tư-na 斯那婆羅門.Pāli: Sujāta, con gái của Senānī (Tướng quân) ở thị trấn Senānigama.

[58] Văn lân thọ 文驎樹. Tên cây, Pāli: Mucalinda (âm khác: Mục-chân-lân-đà), gần cây bàng Ajapāla-nigrodha ở Uruvelā. Chính cây này là cung điện của Long vương Mucalinda.

[59] Trong bản: Văn-lân thủy 文驎水; có lẽ chỉ hồ Mucalinda (Pāli), Nhưng hồ này ở trên núi Himavā.

[60] Bài kệ tương đương Pāli, xem Mahāvagga, Vin. i. 3.

[61] A-du-ba-la ni-câu-luật thọ 阿踰波羅尼拘律樹. Pāli: ajapāla-nỉgodha, một loại cây đa.

[62] Hán: sào quật 樔窟. Ngũ phần 15, tr. 103c: quật trạch 窟宅. Pāli (Skt.) ālaya, chỉ vật được yêu thích, được cất giữ; chỉ tất cả sở y và đối tượng của ái dục; cũng chỉ vật mà sinh vật tựa vào làm chỗ che chở an toàn cho đời sống, như nhà cửa các thứ. Hán dịch ở đây theo nghĩa thứ hai. Từ Phạn này, trong Duy thức dịch âm là A-lại-da. Đoạn tương đương, dẫn trong Nhiếp Đại thừa 1 (T31n1594 tr.134a17), Huyền Trang dịch: “Thế gian chúng sanh ái a-lại-da, lạc a-lại-da, hân a-lại-da, hỷ a-lại-da 世間眾生愛阿賴耶。樂阿賴耶。欣阿賴耶。憙阿賴耶.” Pāli tương đương (M. i. 167): ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā.

[63] Bài kệ tương đương Pāli, xem Mahāvagga, Vin.i. 5; M.i. 168, D. ii. 38, S. i. 136. * Bản Hán, hết quyển 31.

[64] Vin. i.5: Phạm thiên Sahampati, Sa-bà thế giới chủ.

[65] Cf. Vin.i. 6: pāturahosi magadhesu pubbe, dhammo asuddho samalehi cintito, “Trước đây, giữa những người Magadha, xuất hiện pháp bất tịnh được tư duy với sự cấu uế.” Sớ giải nói, cấu uế ở đây chỉ nhóm Lục sư Ngoại đạo.

[66] Bất vi nhiễu cố thuyết ...不為嬈故說. Theo văn cú thông thường mà hiểu: “Không vì nhiễu loạn mà thuyết.” Nhưng đây văn dịch đảo trang, nên phải hiểu là: vi nhiễu cố bất thuyết...vi diệu pháp: vì nhiễu loạn (=mệt nhọc), nên Ta không nói pháp vi diệu.” Tham chiếu Pāli, Vin.i. 7 (Cf. D.ii. 39, M. i. 169): vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ dhammaṃ paṇītaṃ... vì có ấn tượng não hại, Ta đã không giảng thuyết pháp vi diệu.

[67] A-lan-ca-lan 阿蘭迦蘭. Các đoạn trên, âm là A-lam-ca-lam.

[68] Ưu-đà-da phạm-chí 優陀耶梵志, chỉ ngoại đạo xuất gia, không phải bà-la-môn. Ngũ phần 15, tr. 104a: Ưu-bà-kì-bà 優婆耆婆. Pāli: Upaka ājīvaka, tà mạng ngoại đạo Upaka.

[69] Cam lộ cổ 甘露鼓. Pāli: amatadundubhi, trống bất tử.

[70] Bản Pāli (Vin, i. 8), Upaka nói: arahosi anantajino’ti, “Ngài xứng đáng là vị Chiến Thắng vô cùng tận.”

[71] Bản Pāli: jitā me, “Ta, người đã chiến thắng.”

[72] Nguyên Hán: xưng danh nhữ Như Lai 稱名汝如來. Pāli (Vin. i. 9): nāmena ca āvusovādena samudācaranti. Gọi (Phật) bằng tên và bằng từ “ông bạn (hiền giả).”

[73] Nhị biên 二邊; chỉ hai cực đoan.

[74] Niết-bàn hành 涅槃行; Pāli (Vin. i. 10): nibbānāya saṃvattati, vận chuyển đến Niết-bàn.

[75] Pāli: abhiññāya, chứng thắng trí.

[76] Bát chánh đạo, không nên hiểu là tám con đường chánh, mà nên hiểu là con đường gồm tám sự chân chánh. Pāli: aṭṭhaṅgiko maggo, con đường có tám chi; hay ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Thánh đạo tám chi.

[77] Nguyên trong bản: chánh phương tiện.

[78] Bản Hán này không có chánh tư duy mà thay bằng chánh hành. Có lẽ, Pāli: sammāsaṅkappa (Skt. samyaksaṅkalpa) được đọc là sammāsaṅkamma?

[79] Văn Hán thiếu đoạn trung chuyển.

[80] Nguyên trong bản: ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pāli: pañcupādānakkhandā dukkhā, năm thủ uẩn là khổ.

[81] Duyên ái bản sở sanh 緣愛本所生. Pāli: taṇhā ponobhavikā, ái với khát vọng sự hữu tương lai. Nhưng bản Hán đọc (nhầm) là: taṇhā pubbabhavikā, ái liên hệ với hữu có từ trước. Tuy vậy, bản Việt tạm thời dịch sát y theo Hán. Xem thêm cht. tiếp theo.

[82] Pāli: nandīrāgasahagatā tatratatrabhinandinī, (ái) câu hành với hỉ tham, ước vọng (tái sinh) nơi này hay nơi kia. Pāli, nói thêm: (…) seyyathidaṃ kāmataṇhā bhavataṇhā vibhavataṇhā, đó là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Cf. Trung 3 (tr. 435c): thử ái thọ đương lai hữu, lạc dục cọng câu, cầu bĩ bĩ hữu 此愛受當來有樂欲共俱求彼彼有, ái này đưa đến hữu đương lai câu hữu với lạc dục, mong cầu hiện hữu chỗ này chỗ kia.

[83] Vô dục, diệt, xả, xuất yếu, giải thoát, vĩnh tận, hưu tức: tất cả các từ này đồng nghĩa với ái diệt. So sánh Pāli: asesavirāganirodho, cāgo, paṭinissago, mutti,…, hoàn toàn ly dục và diệt tận (đối với ái), xả bỏ và thoát ly và giải thoát (khỏi ái). 2 Hán: vô hữu sào quật 無有樔窟. Pāli: anālayo, không còn sự chấp chứa. Xem cht. 61 trên.

[84] Tham chiếu Pāli: …pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ…, paññā…, vijjā…, āloko udapādi, (Thánh đế) đã làm phát sinh con mắt (để thấy) Pháp chưa từng được nghe từ trước; làm phát sinh trí, phát sinh huệ, phát sinh minh, phát sinh ánh sáng (để soi) trên các pháp vốn chưa từng được nghe từ trước.

[85] Có nghĩa là chứng đắc Sơ quả Dự lưu.

[86] Kiều-trần-như 憍陳如 (Pāli: Koṇḍañña; Skt. Kauṇḍinya) là tên thật. A-nhã 阿若, là phiên âm từ añña (Pāli) hay ajña (Skt.), do bởi Phật khen (Pāli, Vin.i. 12): aññasi vata, bho koṇḍañño, aññasi vata, bho koṇḍañño, “Thật sự, ngươi đã biết, Koṇḍañña.”

[87] Lai, tỳ-kheo來比丘 (Pāli: ehi bhikkhu); Luật tạng nói đây là sự truyền cụ túc, đắc pháp tỳ-kheo đầu tiên. Các tỳ-kheo được Phật trực tiếp truyền cụ túc gọi là đắc pháp bằng “Thiện lai, tỳ-kheo.” (ehi-bhikkhu-upasampada).

[88] Bố thí, trì giới, sanh thiên, là ba pháp tu chính của người tại gia, trước khi tu bốn Thánh đế. Thêm niệm Phật, Pháp, Tăng, thành pháp Sáu niệm của người tại gia.

[89] Nguyên Hán: bất tăng ích 不增益; các đoạn dưới: (bất) tăng trưởng 增長. Tham chiếu Pāli: (…) nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya, “(Nếu…) Sắc này sẽ không đưa đến bệnh khổ.” Có lẽ bản Hán hiểu saṃvatteyya (Skt. saṃvarteya) là tăng thịnh, thay vì dẫn khởi hay dẫn đến. Đây cố dịch sát bản Hán.

[90] Hán tối nghĩa: sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ 色是我是彼是彼色 是我是彼是彼. Tham chiếu Pāli, ibid., etaṃ mama eso’ham asmi eso me attā, “cái này là của tôi; tôi là cái này; cái này là tự ngã của tôi.”

[91] Nguyên Hán: tộc tánh tử 族姓子. Pāli: kulaputta.

[92] Da-thâu-già 耶輸伽; Ngũ phần 15: Da-xá 耶舍. Pāli: Yasa, con trai một thương gia rất giàu có. Vin. i. 15ff.

[93] Thi-khư thành 尸佉城. Có lẽ Skt. śikhi-diś, góc thành đông nam.

[94] Tự thẩm 自審; như tự tri 自知. Nhưng có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán. Xem cht. 105.

[95] Nguyên trong bản: thân lậu tận, ý giải 身漏盡意解. Có lẽ chép nhầm: hữu lậu ý giải (=tâm giải thoát). Đoạn dưới, bản Hán, tr. 790b27: đắc tận hữu lậu, tâm đắc giải thoát, vô ngại giải thoát trí sanh 得盡有漏心得解脫無礙解脫智生.

[96] Tăng thứ thỉnh 僧次請, và biệt thỉnh 別請.

[97] Bốn người bạn của Da-xá: Vô Cấu 無垢, Thiện Tý 善臂, Mãn Nguyện 滿願, Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提. Pāli: Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati.

[98] Y-la-bát-la Long vương 伊羅缽羅龍王. Skt.: Elāpatra (Pāli: Erāpatha). Đại trí độ (T25n1509, tr.242c18): Y-la-bát-đa-la Long vương 伊羅缽多羅. Truyện kể chi tiết, Căn bản Tạp sự 21 (T24n1451, tr.303a6): Hê-la-bát long 醯羅缽龍.

[99] Đây kể tháng 15 ngày. Nếu kể tháng 30 ngày, thêm các ngày 23, 19 và 30.

[100] Căn bản tạp sự 21: Na-lặc-đà 那剌陀.

[101] Sáu tôn sư ngoại đạo: Bất-lan Ca-diếp 不蘭迦葉 (Pāli: Pūraṇo Kassapo), Mạtkhư-lê-cù-xa-li 末佉梨劬奢離 (Pāli: Makkhali-Gosāla), A-di-đầu-sí-sá-khâmbà-la 阿夷頭翅舍欽婆羅 (Pāli: Ajito Kesa-kambalo), Mâu-đề-xỉ Bà-hưu-cachiên-diên 牟提侈婆休迦栴延 (Pāli: Pakudho Kaccāyano), San-nhã-tỳ-la-tra-tử 訕若毘羅吒子 (Pāli: Sañjayo Belaṭṭhi-putto), Ni-kiền Tử 尼揵子 (Pāli: Nigaṇṭho Nāta-putto).

[102] Xem cht. trước.

[103] Đệ lục 第六; chỉ ý thức.

[104] Căn bản tạp sự, đã dẫn: “Nơi chỗ nhiễm ô mà sinh dính trước.”

[105] Tự tri 自知. Người chứng quả Dự lưu, không thể tự biết; mà cần được Phật thọ ký. Bản Hán có thể nhầm. Hoặc quan điểm của Đàm-vô-đức như vậy chăng?

[106] Y-la-bát 伊羅缽. Skt. elā-pattra, lá cây elā, một loại tiểu đậu khấu, hay hoắc hương.

[107] Loạt các bài kệ, Pāli, Vin.i. 21.

[108] Hán: tam ngữ; chỉ ba quy y. Pāli, Mahāvagga, Vin. i. 22: anujānāmi, bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadan ti, “Các tỳ-kheo, Ta cho phép xuất gia thọ cụ túc bằng quy y này.” Hán dịch ba quy không đủ ba câu đúng theo công thức. Khiến cho ý nghĩa “tam ngữ” mơ hồ. Trong văn Pāli, mỗi quy y là một câu nói.

[109] Kiếp-ba viên 劫波園. Mahāvagga, Vin.i. 23: aññataro vanasaṇḍo, một khu rừng dày nọ; và được giải thích (Jātaka i. 82) là rừng kappāsiya, rừng cây gòn. Ngũ phần 15: Phật từ Lộc uyển đi lần đến rừng sa-la 娑羅林.

[110] Bạt-đà-la-bạt-đề 跋陀羅跋提. Pāli: Bhaddavaggiyā; không phải tên riêng một người, mà chỉ một nhóm người. Nhóm này, Mahāvagga, Vin. i. 23, gồm 30 người đàn ông là những vương tôn công tử, 29 bà vợ và một kỹ nữ.

[111] Vin.i. 23: … yaṃ vā attānaṃ gaveseyyātha, hay là nên tìm tự ngã?

[112] Tổng kết của Ngũ phần 15: đến đây thế gian có 62 vị A-la-hán. Sau đó, có 60 người vì việc hôn nhân mà đi ngang qua rừng sa-la, nghe Phật thuyết pháp, họ xuất gia, đắc quả A-la-hán. Bấy giờ thế gian có 152 vị A-la-hán.

[113] Trong bản: Uất-bệ-la-bà giới 鬱鞞羅婆界. Pāli: Uruvelā, địa danh đã gặp trên, chỗ Phật thành đạo.

[114] Uất-tì-la Ca-diếp 鬱鞞羅迦葉. Pāli: Uruvela-Kassapa.

[115] Loa kế phạm chí 螺髻梵志; phạm-chí búi tóc hình con sò. Pāli: jaṭila, một phái tu khổ hạnh, bện tóc (không bao giờ cắt).

[116] Ương-già 鴦伽; Pāli: Aṅga. Một trong 16 đại quốc thời Phật, phía đông Makiệt. Hai nước bấy giờ thân thiện, nên dân chúng coi như một.

[117] A-la-hán, chỉ chung các Thánh giả, không riêng đệ tử Phật.

[118] Pāli: agyāgāre, trong căn nhà thờ lửa.

[119] Mahāvagga, ibid.: na tveva ca kho arahā yathā ahan ti, “Nhưng ông chưa phải là vị A-la-hán như ta.”

[120] Pāli nói: kālo, mahāsamaṇa, niṭṭhaṃ bhattaṃ, thưa Đại Sa-môn, đã đến giờ, cơm đã dọn xong. Đây là định cú mời thọ thực trong văn Pāli.

[121] Trong bản: diêm-phu-đề thọ 閻浮提樹.

[122] Dịch sát Hán, nhưng ý nghĩa lẩn quẩn. Có thể hiểu: “Phật đến cõi Diêm-phù-đề. Gọi là Diêm-phu-đề, vì ở đó có nhiều cây diêm-phù. Rồi Ngài hái quả diêmphù…”

[123] Diêm-phù quả 閻浮果. Skt: jambu, quả đào đỏ.

[124] Ngũ phần 16: rừng ha-lê-lặc 訶梨勒林, ngoài biên cõi Diêm-phù-đề.

[125] Uất-đơn-việt 鬱單越; Pāli: Uttarakuru-dīpa (Skt. Uttara-dvipa), châu lục phía bắc Tu-di. Xem Trường A-hàm 18, kinh 30 “Thế ký” phẩm Uất-đan-viết, T01, tr. 117 tt.

[126] Tự nhiên canh mễ 自然粳米. Pāli: akaṭṭhapākasāli, lúa tự chín, không cần gieo trồng. Thứ lúa của loài người thời nguyên thuỷ, và của chúng sinh Bắc Câu-lô châu. Tự nhiên mọc và chín sẵn ngoài đồng. Xem Trường A-hàm 6 (T01, tr.38a1), Trung A-hàm 39 (T1, tr.675a19). Pāli, D.iii. 87.

[127] Mạn-đà-la hoa 曼陀羅花. Skt. mandāra-puṣpa (Pāli: mandārava-puppha), thiên diệu hoa; hoa cây san-hô.

[128] Thích Đề-hoàn Nhân 釋提桓因. Pāli: Sakko devānam Indo (Skt. śakro devendraḥ), Sakka (Thích-ca), vua của chư thiên. Cũng thường gọi là Thiên đế Thích.

[129] Bản Hán, hết quyển 32.

[130] A-nậu đại tuyền 阿耨大泉. Skt. Anavatapta; Pāli: Anottata, một trong 7 hồ lớn trên Đại Tuyết sơn. Cf. Mahāvagga, Vin. i. 28: Phật lên Uttarakuru, khất thực và ăn bên hồ Anottata, rồi nghỉ ngay tại đó.

[131] Quý giá phấn tảo 貴價糞掃. Y phấn tảo (Pāli: paṃsukūla; Skt. pāṃśukūla) là vải lượm từ các đống rác và trong bãi tha ma. Cf. Vin.i. 28: bhagavato paṃsukūlaṃ uppapannaṃ hoti, “Thế Tôn nhận được một tấm y phấn tảo.” Không có từ phẩm định “quý giá.” 2 Chỉ địa trì 指地池.

[132] Ca-hưu thọ 迦休樹. Ngũ phần 16: kha-hầu thọ 柯睺樹. Pāli: atha kho kakudhe adhivatthā devatā, khi ấy vị thần ngụ trên cây kakudha, cây mồng gà (?).

[133] Táo bình 澡瓶. Skt. (Pāli) kamḍalu, bình đựng nước bằng gỗ hay đất của các đạo sĩ ngoại đạo thường mang theo.

[134] Nguyên Hán: đạo chân 道真, tức các đoạn trên nói là A-la-hán.

[135] Na-đề Ca-diếp 那提迦葉. Nadī-kassapa, “Ca-diếp Sông”, vì sống bên bờ sông.

Vin. i. 33.

[136] Già-da Ca-diếp 伽耶迦葉. Pāli: Gayā-Kassapa, Vin.i. 34. Về Gayā, xem cht. 23 trước.

[137] Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 “Kiên cố” (T01, tr.101c8), có ba thần túc: thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Xem Tập dị môn 6 (T26, tr.389b17), ba thị đạo: thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Cf. Pāli, Saṅgīti, D. iii. 222: tīṇi pāṭihāriyāni, iddhi-pāṭihāriyaṃ, ādesanāpāṭihāriyaṃ, anusāsani-pāṭihāriyaṃ.

[138] Thần túc giáo hoá 神足教化; hay thần biến thị đạo, dùng thần thông để dẫn người vào đạo.

[139] Ức niệm giáo hoá 憶念教化; hay ký tâm thị đạo, hướng dẫn bằng cách đọc biết tâm ý của người. Truyện kể trên, Phật nhiều lần nói lên ý nghĩ của Ca-diếp, khiến ông cuối cùng quy phục.

[140] Hán: nhữ đương… mạc…汝當…莫, “ngươi nên…chớ…” Có thể bản Hán hiểu sai về thị đạo này. Theo đó, các Kinh đã dẫn, ký tâm thị đạo là đọc được ý nghĩ của người khác. Cf. Pāli, Kevaddha-sutta, D. i/ 213: …bhikkhu parasattānam…cittampi ādisati…evampi te mano itthampi te mano itipi te cittaṃ, “Tỳ-kheo nói lên tâm tư của các chúng sinh khác… Như vậy là ý của ngươi, thế này là ý của ngươi, tâm ngươi nghĩ rằng…”

[141] Thuyết pháp giáo hoá 說法教化; hay giáo giới thị đạo, hướng dẫn bằng sự khuyên răn dạy bảo.

[142] Tĩnh lược: “Tai…, tiếng…, thức của tai…, cho đến ý…, pháp…”

[143] Xem cht. 11 trước.

[144] Trượng lâm 杖林. Pāli: laṭṭhivane, trong rừng cây cọ.

[145] Thiện trụ Ni-câu-luật thọ vương 善住尼拘律樹王. Pāli: …suppatiṭṭhite cetiye, nghỉ trong miếu Suppatiṭṭhita (Thiện trụ).

[146] Pāli: kevala-paripunnaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, “Ngài thuyết minh phạm hạnh; phạm hạnh ấy tuyệt đối viên mãn, thanh tịnh.”

[147] Cf. Pāli, Vin.i. 35: rūpe ca sadde ca atho rase ca/ kāmitthiyo cābhivadanti yaññā, “Các tế tự ca ngợi sắc, thanh, vị, dục và nữ.”

[148] Pāli. ibid.: disvā padaṃ santam anūpadhīkaṃ, akiñcanaṃ kāmabhave assattaṃ, sau khi thấy con đường an tĩnh, không vướng mắc; con đường không vướng gì cả, không tồn tại trong cõi dục.

[149] Bất dị, bất khả dị 不異不可異. Pāli: anaññathābhāvim anaññaneyyaṃ, (con đường) không đổi khác, không lạc hướng.

[150] Pāli: năm ước nguyện. Không có nguyện thứ 4 của bản Hán.

[151] Nhất thiết giải 一切解, theo nghĩa là “thấu hiểu tất cả.” Tham chiếu Pāli: sabbadhi danto, được chế ngự trong mọi trường hợp; tức các căn hoàn toàn được nhiếp phục. Trong bản Hán, sabbadhi (mọi trường hợp) được đọc là sabbadhī: thấu hiểu tất cả.

[152] Chỉ bốn bộc lưu: dục, hữu, kiến và vô minh. Xem Tập dị 8 (T26, tr. 399b29)

[153] Ca-lan-đà Trúc viên 迦蘭陀竹園. Pāli: Kalandakanivāpa-Veḷuvana, chỗ nuôi sóc trong khu rừng Trúc. Trúc lâm, hay rừng Trúc (Veḷuvana) là lạc viên (uyyāna) của vua Bimbisāra. Kalandaka, hay Ca-lan-đà, là một khu trong rừng Trúc; không phải là vườn Trúc có tên là Ca-lan-đa như thường hiểu theo văn Hán.

[154] Nghi lễ tiếp nhận khu Rừng.

[155] Tứ phương Tăng 四方僧, cũng thường gọi là chiêu-đề Tăng, chỉ cộng đồng tỳkheo sống cố định một nơi. Ngũ phần 16 (tr. 110b): “Hãy chỉ cúng dường cho

Tăng, trong đó có Ta.”

[156] Nguyên Hán: tiểu sàng 小床, cái giường nhỏ.

[157] San-nhã phạm chí 刪若梵志. Pāli (Vin. i.39): Sañco paribbājako; thường được đồng nhất với Sañjaya-Belaṭṭhiputta, một trong sáu tôn sư ngoại đạo đương thời Phật. Ngũ phần 16: phạm chí Sa-nhiên 沙然 ở Na-la-đà 那羅陀.

[158] Ưu-bà-đề-xá Câu-luật-đà 優波提舍拘律陀. Ưu-ba-đề-xá (Pāli: Upatissa) là tên khác của Xá-lợi-phất (Sāriputta). Câu-luật-đà (Pāli: Kolita) là tên khác của Mụckiền-liên (Moggallāna).

[159] A-thấp-ti 阿濕卑. Pāli: Assaji, một trong năm tỳ-kheo đầu tiên. Ngũ phần 16: Át-tì 頞鞞.

[160] Niên ấu trĩ 年幼稚. Hán nói theo sáo ngữ; hoặc nuốn nói tuổi đạo còn non trẻ.

Pāli: …navo acirapabbajito, người mới (thọ tỳ-kheo), xuất gia chưa bao lâu.

[161] Pāli (Vin.i. 40): ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ tathāgato āha/ tesañca yo nirodho, evaṃvādi mahāsamaṇo, “Những pháp gì sinh khởi do nhân, Như Lai nói nhân của các pháp đó, và cũng nói sự diệt tận của chúng. Đó là lời dạy của Đại Sa-môn.”

[162] Hán: Đắc nhị giải thoát得二解脫. Có lẽ văn cú đảo trang; ý muốn nói: “cả hai đều trí tuệ vô lượng, vô thượng, đạt được giải thoát.” Không nhất thiết chi câu phần giải thoát của A-la-hán. Pāli, Vin.i. 42: sāvakayugam... aggaṃ bhaddayugaṃ, một đôi thượng túc đệ tử; một đôi hiền triết.

[163] Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nguyên là đệ tử của San-nhã. Xem đoạn kể trên. 2 Bất tịnh thực 不淨食 và bất tịnh bát 不淨缽, nhận thức ăn không như pháp, và dùng bình bát không đúng quy định. Tham chiếu Pāli, Vin. i. 44: khi mọi người đang ăn, họ đưa bát ngay trên thức ăn, trên gia vị, trên thức uống để nhận phần dư.

[164] Hoà thượng 和尚. Pāli (Vin. i. 45): upajjhāya (Skt. upādhyāya), hoặc âm là Ôba-đà-da 鄔波馱耶; dịch là thân giáo sư 親教師. Ngũ phần 16, tr.110c11. Thập tụng 21, tr. 148b.

[165] Đệ tử 弟子. Pāli: saddhivihārika, chỉ đệ tử là người đang sống chung trong cùng một trú xứ. Phân biệt với đệ tử thị giả, luôn luôn đi theo hầu thầy, Pāli gọi là antevāsika (Skt. antevāsa). Và đệ tử chỉ đến thọ giáo thôi, gọi là sāvaka (Skt. śrāvaka; dịch là Thanh văn).

[166] Hán: nhi ý 兒意, và phụ ý 父意. Pāli: puttacitta (tâm của người con), pitucitta (tâm của người cha).

[167] Tống-Nguyên-Minh: Hòa-tiên 和先; bản Cao Ly: Bà-tiên 婆先. Pāli (Vin.i. 59): Upasena (Vaṅgataputta); được cho là em ngài Xá-lợi-phất. Ngũ phần 17, tr.114a13: Ưu-ba-tư-na 優波斯那. Cf. Thập tụng 21, tr.148c.

[168] Từ “không bạch Hoà thượng” này đọc thông xuống các đoạn dưới. Nghĩa là, đệ tử không hỏi xin phép Hoà thượng, mà tự ý làm.

[169] Đoạn văn này, bản Hán theo quán tính nên sao nguyên pháp Hoà thượng vào pháp đệ tử.

[170] Trong bản Hán, nguyên câu này nên xem là dư.

[171] Tăng-kỳ-chi 僧祇支, yếm của tỳ-kheo-ni. Xem Phần II, Ni luật, Ba-đạt-đề 160 & cht. 360. Trong đoạn văn này, tăng-kỳ-chi hiểu là phú kiên y, tức y để trùm vai. Pāli: saṃkacchika.

[172] Bát chi 缽榰 (Tống-Nguyên-Minh 枝).

[173] Bát sàng 缽床.

[174] Sàng chi 床榰 (Tống-Nguyên-Minh: 支).

[175] Long nha 龍牙, răng rồng hay ngà voi, hay các vật tương tự dùng làm đinh móc đóng trên vách tường để máng áo chăn các thứ; một loại gạc nai. Pāli: nāgadantaka; cf. Vin.ii. 152

[176] Hán: ôn thất 溫室; nhà ấm; tức nhà tắm có nước nóng. Thường chỉ chung nhà tắm. Pāli: jantāghara.

[177] Bản Hán, hết quyển 33.

[178] A-xà-lê 阿闍梨, giáo sư, quỹ phạm sư. Pāli (Vin.i. 60): ācariya (Skt. ācārya). Ngũ phần 16, tr. 112c29.

[179] Đệ tử, ở đây Pāli: antevāsika; xem cht. 168 trước.

[180] Tiểu chú trong nguyên bản.

[181] Ha trách 呵責. Cảnh cáo hay đuổi cảnh cáo. Đây muốn nói là dứt y chỉ. Pāli (Vin.i. 53): paṇāmita: đuổi (đệ tử).

[182] Ngũ phần 17, tr.113c3, năm pháp bất cộng ngữ: 1. “Ngươi đừng nói với ta.” 2. “Ngươi làm gì cũng đừng thưa gởi với ta.” 3. “Ngươi chớ vào phòng ta.” 4. “Ngươi chớ cầm y bát của ta; chớ giúp ta làm việc của chúng.”

[183] Phụ nữ 婦女; đây chỉ đàn bà đã có chồng.

[184] Đại đồng nữ 大童女; con gái lớn tuổi nhưng chưa chồng.

[185] Thuận ý Thầy, để cho bị đuổi.

[186] Cựu trú 舊住; thường trú tại một trú xứ.

[187] Vì chỗ cũ không có thầy để y chỉ.

[188] Không có người thường trú coi, nên chùa bị sập.

[189] Thất-lê-sa trùng 失梨[沙/虫]虫. Pāli (Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 113): sirīsapa, loài bò sát (rắn, rết các thứ).

[190] Cf. Mahāvagga, Vin.i. 61, nissayapaṭippassadhika.

[191] Tăng thượng oai nghi 增上威儀. Pāli (Vin. i. 64): abisamācārikā, tăng thượng hành nghi, oai nghi tế hạnh, oai nghi lễ tiết.

[192] Tăng thượng tịnh hạnh 增上淨行. Pāli, ibid., ādibrahma- cāriyikā, căn bản phạm hạnh, những nguyên tắc căn bản cho đời sống tịnh tu. Bản Hán đọc adhi- (tăng thượng), thay vì ādi- (tối sơ, căn bản).

[193] Đọc bạch và yết-ma riêng cho đủ năm pháp.

[194] Bố-tát 布薩. Pāli (Vin. i. 69): yo so aññatitthiyapubbo, một người nguyên trước kia là ngoại đạo.

[195] Tứ biện 四辯, 法辯義辯了了辯辭辯. Xem Câu-xá 27 (T29, tr.142a22), có 4 vô ngại giải Skt. catasraḥ pratisaṃvidaḥ; Pāli: catasso paṭisambhidā): pháp (Skt. dharma), nghĩa (Skt. artha), từ (Skt. nirukti), biện (Skt. pratibhāna).

[196] Cộng trú 共住. Pāli (Vin. i. 67): parivāsa; từ này cũng dùng trong tăng-già-bàthi-sa; nhưng phiên âm là ba-lợi-bà-sa, hoặc dịch là biệt trú. Ngũ phần 17, tr.115a1.

[197] Pāli (Vin.i. 71), có hai trường hợp vốn ngoại đạo nhưng không cần bốn tháng cộng trú: 1. Các nhà khổ hạnh bện tóc thờ lửa; 2. Những người gốc họ Thích-ca.

[198] Hán: viên 園, chỉ Tăng viên, hay Tăng-già-lam.

[199] Thập thất quần đồng tử 十七群童子. Xem Phần I, Ch. v. Ba-dật-đề 65.

[200] Ưu-ba-li 優波離. Pāli (Vin.i. 77): Upāli.

[201] Pāli: lekhaṃ sikhassati.

[202] Pāli: học viết thì đau ngón tay.

[203] Can tiêu 乾痟; không rõ bệnh gì. Từ nguyên nói: tiêu, bệnh đầu thống. Có lẽ là bệnh lao. Xem cht. 207 dưới.

[204] Lại 癩, ung 癰, bạch lại 白癩, can tiêu 乾痟, điên cuồng 顛狂. Pāli, Vin. i. 72, năm chứng bệnh: kuṭṭhaṃ (phong hủi), gaṇḍo (ung nhọt), kilāso (chàm vảy), soso (lao phổi), apamāro (động kinh).

[205] Kỳ-bà Đồng tử 童子. Pāli, Jīvaka-komārabhacca, vị y sỹ trị bệnh nhi đồng tên là Jīvaka. Bản Hán đọc là -kumāra: đồng tử hay vương tử, thay vì komārabhacca: y sĩ nhi đồng, hay y sĩ của vương tử.

[206] Ngũ phần 28 (T22n2421, tr.182c10): một tỳ-kheo tọa thiền, không nói tên. Tăng kỳ 26 (T22n1425, tr.441a28): tỳ-kheo Thiền Nan-đề, phân biệt với các Nan-đề cùng tên khác. Thập tụng 57 (T23n1435, tr.425a14): tỳ-kheo khất thực (hành đầu-đà) tên là Nan-đề.

[207] Hán: Thích-súy-sấu 釋翅搜; phiên âm cách số 6 (ư cách), số nhiều, śakyeṣu (Skt.) hay sakkesu (Pāli). Ngũ phần 17, tr.116c6.

[208] La-hầu-la mẫu 羅睺羅母. Pāli: Rahulamātā.

[209] Pāli, Vin.i. 82 kể như sau: Rāhula đứng trước Phật nói: “Cái bóng của Sa-môn mát quá.” Rồi đi theo sau Phật, nói: “Bạch Sa-môn, cho con di sản.” (dāyajjaṃ me, samaṇa, dehi) Phật liền dẫn về tinh xá.

[210] Đọc đúng, nên đọc: “Như Lai, Chí chân... là Thế Tôn của con.” Xem mục “Tam ngữ đắc giới” ở trước.

[211] Chức thằng sàng 織繩床.

[212] Thâu-đầu-đàn-na 輸頭檀那. Trên kia, âm là Duyệt-đầu-đàn. Xem đoạn I. Thích thị thế phổ & cht. 4, Ch.i, Thọ giới. Pāli, Vin. i. 82, Suddhodana. Cf. Thập tụng 21, tr.152c13.

[213] Xảo sư 巧師. Pāli (Vin.i. 76): kammārabhaṇḍu, người thợ rèn đầu trọc. Thập tụng 21, tr.152a18: đoàn kim tiểu nhi 鍛金小兒.

[214] Vin. i. 83: các sa-di phạm luật, các tỳ-kheo không biết trị pháp như thế nào; Phật dạy: cho phép cấm chỉ (anujāmi, bhikkave, āvaraṇaṃ kātun ti). Các tỳ-kheo bèn cấm sa-di vào Tăng viên...

[215] Lưỡng biên 兩邊; chỉ đường biên của thôn xóm, và bìa rừng. Rừng không có thú dữ gọi là a-lan-nhã.

[216] Pāli, Vin.i. 79, không được độ con nít dưới 15 tuổi (na ūnapannarasavasso dārako pabbājetabbo).

[217] Kế-na 罽那 và Ma-khư 摩佉. Pāli: Kaṇḍaka và Mahaka. Ngũ phần 17, tr.115c17: Khiên-trà 騫茶 và Ma-kiệt-đà 磨竭陀. Thập tụng, tr.151c2: Ti-đà 卑陀 và Ma-già 摩伽.

[218] Tứ y 四依; xem giải thích đoạn sau. Pāli, Vin. i. 58, cattāro nissayā.

[219] Tiếp theo nhân duyên già nạn thứ 6 ở trước.

[220] Ngũ phần 17, tr.116b2: kiện tướng của vua A-xà-thế.

[221] Vin. i. 73: quốc cảnh của Ma-kiệt-đà, dưới thời vua Bimbisāra có loạn. Nhưng phần lớn quân sĩ đã xuất gia, nên quân số thiếu.

[222] Người biên tập thuật sự theo quán tính, nên gán cho vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nói điều chỉ trích Tăng như vậy. Tham chiếu, Pāli, ibid., trước khi xuất quân, vua (Bimbisāra) tập hợp tướng lãnh, thấy thiếu mấy viên dũng tướng, nên hỏi và được tâu trình. Vua liền tự thân đến hầu Phật. Thỉnh nguyện, không xuất gia cho quan viên chưa được vua cho phép. Bởi vì, có những vua chúa không tin Phật, nhân sự việc này sẽ chỉ trích. Vua không chống đối việc các tướng tá xuất gia. Ngũ phân 17, lời chỉ trích là của vua A-xà-thế.

[223] Hắc ám hà 黑闇河. Ngũ phần 17: con sông gần khu rừng sa-la, thuộc nước Câu-tát-la. Pāli: chuyện xảy ra trên con đường giữa Sāketa vāvatthi.

[224] Hán: thử trung 此中, phiếm chỉ. Ngũ phần 17, tr.117b27: trong rừng sa-la bên bờ sông Hắc ám, nước Câu-tát-la. Đây là nơi nhiều tỳ-kheo phá phạm hạnh.

[225] Đến chỗ có từ bốn tỳ-kheo trở lên, gọi là đến chỗ Tăng.

[226] Đến chỗ có ba tỳ-kheo trở xuống, vì không túc số, nên chỉ có thể thuyết giới mà không thể làm các yết-ma.

[227] Trở lên, nêu các trường hợp được gọi là tặc tâm xuất gia.

[228] Từ đây trở xuống, phân biệt các trường hợp tặc tâm nhưng không bị diệt tẫn.

[229] Chỉ dự nghe thuyết giới, chứ không dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên tuy tặc tâm, nhưng không bị diệt tẫn. Các trường hợp tiếp theo cũng vậy.

[230] Trường hợp không dự nghe thuyết giới, nhưng đã dự tác pháp yết-ma chung với Tăng, nên phải bị diệt tẫn.

[231] Bản Hán, hết quyển 34.

[232] Huỳnh môn 黃門. Pāli, Vin.i. 85 paṇḍaka, người bị thiến.

[233] Năm huỳnh môn: sanh huỳnh môn 生, kiền huỳnh môn 犍, đố huỳnh môn 妒, biến huỳnh môn 變, bán nguyệt huỳnh môn 半月. Pāli, Sớ giải, v.1016: āsittapaṇḍako usūyapaṇḍako opakkamika-paṇḍako pakkhapaṇḍako nupuṃsapaṇḍako ti pañca paṇḍakā.

[234] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pāli, Vin. i. aññataro nāgo, một con rắn (thần) nọ. Các từ “long” trong Hán dịch, thường chỉ loại rắn thần của Ấn Độ.

[235] Để bản: thân bác 身駮, thân hình loang lổ (lang ben?). TNM: thân giao 身鲛, thân mình cá nhám. Cf. Mahāvyutpatti 270(23): citrāṅga, thân mình loang đốm.

[236] Nên hiểu là bị bại liệt.

[237] Trùng thân 虫身: mình như con sâu (?).

[238] Hán: đầu phát thiển thoản 頭髮痶瘓. Có lẽ chỉ bệnh hói đầu (?). Khang Hy: thiển thoản 痶瘓 (cũng đọc là than hoán), một chứng bệnh, từ chỉ bại liệt.

[239] Mạn chỉ 縵指.

[240] TNM: đồi (để bản: [病-丙+貴]) Khang Hy: đồi, tức đồi sán 頹疝.

[241] Hầu bệnh 瘊病.

[242] Lạn nhãn 爛眼.

[243] Hoàng xích sắc nhãn 黃赤色眼.

[244] Thanh ế nhãn 青翳眼.

[245] Hoàng ế nhãn 黃翳眼.

[246] Để bản: di li nhãn 彌離眼. TNM: di hầu nhãn 彌猴眼.

[247] Tiêm xuất nhãn 尖出眼.

[248] Tịch bệnh 癖病. Khang Hy: tịch, thực bất tiêu 癖食不俏. Hoặc chỉ bệnh ghiền gì đó.

[249] Hầu lệ 喉戾.

[250] Hữu tịch bệnh 有癖病. Xem cht. 251 trước.

[251] Danh sách các chứng tật không cho thọ cụ túc, Ngũ phần 17, tr.119a29; Thập tụng 21, tr.155b1; Xuất gia sự 4, tr.140c18.

[252] Trong bản, chép nhầm chữ thọ 受 là nhận.

[253] Cf. Ngũ phần 17, tr.119b12.

[254] Khoảng cách giữa giáo thọ với các tỳ-kheo khác trong giới trường.

[255] Những câu hỏi của Xá-lợi-phất đều liên hệ đến sự việc trước khi Phật quy định pháp thức thọ giới bằng bạch tứ yết-ma.

[256] Trong bản Hán, Chương VI của Phần II.

[257] Tính theo tháng 15 ngày. Nếu tính theo tháng 30 ngày, thì mỗi tháng có sáu lần hội, vào các này: 8, 14, 15, 23, 29, 30.

[258] Thuyết nghĩa 說義, một loại thể tài văn học, Skt. upadeśa (ưu-ba-đề-xá), cũng dịch là luận nghị, giảng giải ý nghĩa kinh mà Phật đã nói tóm tắt.

[259] Không cần phải dẫn chánh văn.

[260] Pháp chúng học, điều 89: Tỳ-kheo không được thuyết pháp cho người ngồi chỗ cao hơn mình.

[261] Hiệp bối 合唄. Bối, hay phạn bối, phiên âm từ Skt. bhāṇaka. Cũng âm là bối nặc. Chỉ sự tụng đọc kinh điển (tiếng Phạn) với giọng ngâm vịnh.

[262] Nguyên Hán: quá sai 過差.

[263] Xem cht. 5 trước.

[264] Đây chỉ với bạn đồng tâm chí.

[265] Hán dịch ở đây có nhảy sót. Xem đoạn giải thích tiếp theo

[266] Sám hối 懺悔; tức phát lồ, hay thuyết tội. Vin.i. 103: So āvikareyya, giải thích: “phát lồ là, ở giữa Tăng, hoặc trước nhiều người, hoặc trước một người, mà cáo bạch, thuyết minh, giải bày, nêu rõ (điều đã vi phạm).”

[267] Định nghĩa từ Ba-la-đề-mộc-xoa. Vin. i. 103: pātimokkhan’ti ādimetam mukhametam pamukhametam kusalānam dhammānam. “Ba-la-đề-mộc-xoa, đây là khởi điểm (căn bản), là mặt, là đầu của hết thảy pháp thiện.” Xem Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.122a15): “Nói là ba-la-đề-mộc-xoa, vì do giới này mà phòng hộ các căn, tăng trưởng thiện pháp. Đối với các thiện pháp, đây là cánh cửa đầu tiên vậy.”

[268] Giải thích các câu trong phần mở đầu thuyết giới nêu trên. Nhưng bản Hán thường không nhắc lại đúng nguyên văn như đã nêu.

[269] Nếu có tỳ-kheo phạm giới, đã phát lồ, cần tác yết-ma ha trách (cảnh cáo) thì hoãn lại để sau khi thuyết giới sẽ tác pháp riêng. Xem các đoạn sau, mục iii.4 “Sám hối”.

[270] Chướng đạo pháp 障道法. Pāli: antarayiko dhammo.

[271] Tức làm lịch.

[272] Hắc nguyệt 黑月, bạch nguỵêt 白月. Một tháng chia làm hai phần: 15 ngày trăng tối (hắc nguyệt) và 15 ngày trăng sáng (bạch nguyệt).

[273] Tức nghi ngờ về tháng thiếu hay tháng đủ.

[274] Nghĩa là, tháng thiếu hay đủ, y theo lịch riêng của mỗi nước.

[275] Biệt bộ thuyết giới 別部說戒, thuyết giới theo nhóm, không theo toàn thể Tăng trong trú xứ.

[276] Đại Ca-tân-nậu 大迦賓㝹 , cũng phiên âm là Ma-ha Kiếp-tân-na. Pāli, Mahāvagga ii, Vin. i. 105, Mahā-Kappinna. Ngũ phần 18, tr.121c27: Kiếp-tân-na 劫賓那. Thập tụng 22, tr.158a18: Đại Kiếp-tân-na 大劫賓那.

[277] Tiên nhân trú xứ Hắc thạch sơn 仙人住處黑石山. Pāli: tại Maddakucchi, trong vườn Nai. Ngũ phần, ibid.: núi Ất-sư-la 乙師羅山.

[278] Pāli, Vin. i. 107: Phật quy định: trong một trú xứ không được có hai thuyết giới đường (uposathāgāra). Ai làm thế, phạm đột-kiết-la.

[279] Pāli, Vin.i. 108: nếu ngồi trên mặt đất mà nghe giới được, kết hay không kết, đều được thuyết giới. Sớ giải: ngồi trong phạm vi duỗi tay chạm nhau (hatthapāse nisinno).

[280] Mahāvagga ii. Vin.i. 113ff, phận sự Thượng tọa trong ngày thuyết giới: thuyết pháp, vấn đáp luật giữa Tăng, và thuyết giới.

[281] Xá-la 舍羅, thẻ hay thăm, hay phiếu. Pāli (Vin.i. 117): salāka.

[282] Xem Phần III, Ch. iv. ni-tát-kỳ 2.

[283] Bản Hán, hết quyển 35.

[284] Pāli, Vin.i. 124: trường hợp tác pháp chỉ có ba tỳ-kheo, được gọi là thanh tịnh bố-tát (pārisuddhi-uposatha).

[285] Ngũ phần 18 (T22n1421, tr.126a05): “Thế Tôn… ngày thuyết giới… bảo các tỳ-kheo, các ngươi hãy tĩnh lặng. Nay sẽ bố-tát thuyết giới.” Liền đó, tỳ-kheo báo: có tỳ-kheo bệnh. Phật dạy: cho gởi dục thanh tịnh…” Cf. Pāli, Vin.i. 123: (…) santi saṃghassa karanīyaṃ, cho gởi dục và thuyết tịnh, vì có Tăng sự cần phải làm.

[286] Dữ dục 與欲. Pāli, Vin. 121, chandaṃ dātum, gởi cho sự thuận tình, tức gởi phiếu thuận (chấp thuận Tăng tác pháp).

[287] Dữ thanh tịnh 與清淨. Pāli (Vin.i. 120): pārisuddhiṃ dātuṃ. Gởi thanh tịnh, trong trường hợp yết-ma thuyết giới.

[288] Đường đi trong phạm vi trú xứ.

[289] Đi vòng ra khỏi phạm vi trú xứ.

[290] Chuyển luân cao tòa 轉輪高座; không hiểu làm như thế nào. Có lẽ là một kiểu bục giảng, hay pháp tòa.

[291] Có lẽ muốn nói là quá đông người.

[292] Theo cách tính của Luật, khi ánh sáng ban mai xuất hiện mới tính là sang ngày khác, chứ không kể bắt đầu từ giữa khuya. Thọ dục và thanh tịnh trước khi ánh sáng ban mai xuất hiện, nhưng lại thuyết giới sau khi nó đã xuất hiện, gọi là thuyết giới với thọ dục và thanh tịnh cách đêm.

[293] Tức 90 pháp ba-dật-đề.

[294] Tức 30 ni-tát-kỳ.

[295] Nguyên trong bản: Na-na (-do) 那那由. Các đoạn dưới đều gọi là tỳ-kheo Nana-do; có thể dư từ “do” vì ảnh hưởng của sự ngắt từ sai ở đây. Ngũ phần 18 (T22n1421, tr.125c10): Già-già 伽伽; Thập tụng 22 (T23n1435, tr.161a29): Thiviệt 施越. Pāli, Vin. i. 123, Gagga.

[296] Xem Trung a-hàm 8 (kinh 35, tr. 476a). Pāli, A. viii. 19.

[297] Ngũ đại hà: Hằng-hà, Diêm-ma, Na-tát-la, A-di-la-bà-đề, Ma-hà 恒河閻摩那薩羅阿夷羅婆提摩河. Trung, ibid.: Hằng-già 恆 伽, Diêu-vưu-na 搖尤那, Xa-laophù 舍牢浮, A-di-la-bà-đề 阿夷羅婆提, Ma-xí 摩企. Pāli, theo thứ tự: Gaṅgā, Yamunā, Sarabhū, Aciravatī, Mahī.

[298] Doanh sự 營事, thường chỉ sự xây dựng tinh xá, tu bổ phòng ốc, hay liệu lý sự việc trong tinh xá cho Tăng. Pāli, Cf. Vin.ii.119, 159; iii.81: navakamma.

[299] Ma-di 摩夷; cũng phiên âm là Ma-đắc-lặc-già 摩得勒伽; dịch nghĩa: Luận mẫu 論母, Trí mẫu 智母 hay Bản mẫu 本母. Luận tạng và Luật tạng đều có thêm bộ phận này để tóm tắt tinh nghĩa. Trong Luật tạng, phần này được dịch nghĩa là Tỳ-ni mẫu: cương yếu, hay tinh nghĩa của Luật. Pāli: Mātikā (Skt. Mātṛkā).

[300] Hoặc ngày mồng 1, nếu tính tháng 30 ngày.

[301] Ưng cánh dữ thuyết giới 應更與說戒. Cf. Mahāvagga ii, Vin. i. 130: Tăng vừa thuyết giới xong (chưa giải tán); có tỳ-kheo chỗ khác đến với số lượng đông hơn. Phải thuyết giới trở lại cho các tỳ-kheo này (tehi bhikkhūhi puna pātimokkhaṃ uddisitabbaṃ). Nếu đã thuyết giới xong, tất cả đã đứng dậy; tỳ-kheo khách số lượng đông này phải thuyết tịnh. Không thuyết giới trở lại (uddiṭṭhaṃ suuddiṭṭhaṃ, tesaṃ santike pārisuddhi ārocetabbā).

[302] Biết có tỳ-kheo (khách) đến trong trú xứ, không chịu tìm và gọi, mà vẫn tiến hành yết-ma thuyết giới. Tham chiếu Pāli, Vin.i. 133: nghi bèn tìm nhưng không thấy; bèn yết-ma thuyết giới: vô tội. Tìm thấy, cùng hoà hiệp bố-tát: vô tội. Tìm thấy, nhưng biệt hành bố-tát: phạm đột-kiết-la.

[303] Vì tội gần mức phá hoà hiệp Tăng. Hay có ý phá nhưng không thành. Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 133: passitvā - nassantete, vinassantete, ko tehi atthi - bhedapurekkhārā uposathaṃ karonti, āpatti thullaccayassa, “sau khi tìm thấy, bèn nói: Các ngươi hãy diệt đi! Các ngươi hãy hoại đi! Các ngươi có ích lợi gì? Rồi bố-tát với mục đích phá hoại (hoà hiệp Tăng), phạm thâu-lan-giá.”

[304] Pāli, Vin.i. 133, phạm đột-kiết-la.

[305] Xem đoạn trên & cht. 48 trước.

[306] Để bản: giới trường 界場, chỉ trong phạm vi trú xứ. Tống-Nguyên-Minh: giới trường 戒場, chỉ trong phạm vi nhà thuyết giới.

[307] Cf. Vin. i. 134: vào ngày bố-tát, tỳ-kheo không được đi từ trú xứ có tỳ-kheo đến trú xứ không có tỳ-kheo, trừ phi (đi với túc số để tại đó) có Tăng; hoặc trừ phi có nạn sự (phải bỏ đi).

[308] Xem cht. 52 trước.

[309] Cf. Vin. i. 135: không được thuyết ba-la-đề-mộc-xoa trước tỳ-kheo-ni, thứcxoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni,…

[310] Bản Hán, hết quyển 36.

[311] Pāli (Vin. i. 137), ekindriyaṃ jīvaṃ, loài có sự sống với một căn; chỉ một căn duy nhất là mạng căn.

[312] Bình minh của ngày 16, tháng tiền an cư.

[313] Phước nhiêu 福饒. Không rõ vật gì. Xem cht. 3, Ch. xviii, Phần III.

[314] Chỉ tỳ-kheo giám sự, quản lý phòng ốc của tinh xá.

[315] Tỳ-kheo giám sự được ưu tiên tự chọn phòng. Xem Phần IV, Ch. i “Phòng xá”, mục 16 “Tỳ-kheo tri sự.”

[316] Tăng tập xứ 僧集處; có lẽ tương đương Pāli: upaṭṭhānasālā, phòng họp của Tăng, đồng thời là nhà của thị giả, hay cúng dường thất.

[317] Ôn thất 溫室; nhà tắm nóng. Cũng chỉ chung nhà tắm.

[318] Hạ đường 夏堂; nhà mùa mưa (?). Có lẽ tương đương Pāli: vaccakuṭi, nhà cầu, nhưng bản Hán đọc là vassa-kuṭi, nhà mùa Hạ.

[319] Ma-hê-đà-la 摩醯陀羅. Skt. Mahīdhara (?): trì địa (một biệt hiệu của Viṣnu); hoặc hình một ngọn núi.

[320] Phật-đồ chủ 佛圖主. Tức tháp chủ.

[321] Tứ phươngTăng 四方僧, hay chiêu-đề Tăng, phân biệt với Tăng thường trú.

[322] Vì trễ hạn nhập an cư một ngày.

[323] Cf. Mahāvagga iii, Vin. i. 137: dvemā vassūpanāyikā, purimikā pacchimikā, “có hai hạn khởi đầu mùa mưa: hạn đầu và hạn sau.” Mùa hạ, theo lịch Ấn Độ, có bốn tháng. Tiền kỳ hạ bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Āsāḷhī (tháng 6-7, DL). Hậu kỳ hạ, ngày trăng tròn một tháng sau đó. Cf. Ngũ phần 19, tr.129b20.

[324] Xem Phần I, Ch. vii. Chúng học, điều 94.

[325] Lạp mật 蠟蜜.

[326] Mục ngưu giả 牧牛者. Pāli: vaja, chuồng bò (hay nhà của người chăn bò). Ngũ phần, ibid.: các trường hợp nương nơi người chăn dê, chăn bò, đóng bè, chèo thuyền. v.v.

[327] Áp du nhân 壓油人(?) Xem Vin. i. 152: sattha, thương đoàn. Phật cho phép y thương đoàn mà an cư; và di chuyển theo thương đoàn. Ngũ phần: y cổ khách (lái buôn) an cư.

[328] Cf. Mahāvagga iii (Vin.i. 139): có bảy hạng người, khi có việc cần và họ yêu cầu, tỳ-kheo được đi trong vòng bảy ngày: tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di.

[329] Thập tụng 24 (tr.174b18) liệt kê 17 kinh.

[330] Trường A-hàm 1, kinh số 21; cf. Pāli, Dīgha-kāya 1. Brahmajāla.

[331] Cf. Vin. i. 148: Chùa bị hư. Có cư sĩ cung cấp cho Tăng một số vật liệu đã đốn ở trong rừng. Tỳ-kheo vào rừng để vận chuyển về.

[332] Xem Phần I, Ch. v. ba-dật-đề, điều 49 (mục Duyên khởi).

[333] Như các nhân duyên thọ pháp bảy ngày kể trên.

[334] Cf. Vin. i. 148: Xuất giới 7 ngày vì người đời dù họ tin Phật hay không: mẹ, cha, anh em, chị em, thân tộc (nātāka) và bạn cũ (bhikkhugatika).

[335] Vương Ưu-đà-diên 王憂陀延 Pāli: Udena, quốc vương Kosambī. Ngũ phần 19, tr.129b28: trưởng giả Ưu-đà-diên 長者名憂陀延.

[336] Ngày 15 bố tát, hôm sau ngày 16 thọ pháp an cư.

[337] Tham chiếu Pāli (Vin. i. 154): tỳ-kheo ấy đang đi đến trú xứ (tiền an cư) này, bèn bố-tát ngoài giới (trú xứ tiền an cư), rồi ngày hôm sau đi đến trú xứ khác (cũng để nhận tiền an cư tại đây). Tại trú xứ này, tỳ-kheo nhận phòng xá, v.v. rồi đi trong ngày, hay ở lại đó vài ngày, hay sau đó đi cho công việc thời hạn bảy ngày xuất giới nhưng đi quá: tất cả đều phá tiền an cư. Nếu đi không quá bảy ngày, không phá tiền an cư. Xem thêm Ngũ phần 19 (tr.130b): Thọ thỉnh tiền an cư. (Ngày 15) Bố-tát xong (ngày 16) liền đến, nhưng giữa đường qua trú xứ khác mà an cư. Phá tiền an cư, cũng không có hậu an cư, đột-kiết-la. Hứa nhận tiền an cư, sau bố tát (ngày 16) mà không đến đó; ngày 17, minh tướng hiện, mất cả tiền và hậu an cư. Hứa đến thọ tiền an cư, bố tát xong liền đến; xuất giới mà không thọ pháp 7 ngày, trong vòng 7 ngày không trở về, tỳ-kheo này không có tiền an cư, mà có hậu an cư. Xem thêm Thập tụng 24 (tr.177c): tại trú xứ thỉnh tiền an cư mà tỳ-kheo chưa qua bố-tát (ngày 15 bố tát, ngày 16 tho an cư), chưa nhận phân phòng xá, nếu xuất giới, chỗ đó không thành tiền an cư.

[338] Thành tiền an cư tại trú xứ đó.

[339] Cf. Pāli, ibid., … bố-tát ngoài giới rồi, đến trú xứ khác, (tại đó) nhận…, không có sự việc gì mà bỏ đi, qua hai hoặc ba ngày: phá tiền an cư.

[340] Mạt hậu 末後, hạn của mùa an cư, còn không quá bảy ngày. Pāli, ibid., pavāranāya sakaraṇīyo, trước ngày tự tứ, có công việc.

[341] Cf. Trung A-hàm, kinh 77 (Sa-kê-đế).

[342] Tăng kỳ 27, tr.451a26: ba tỳ-kheo A-na-luật, Kim-tì-lô, Bạt-đề lập ước an cư như vậy, bị Phật khiển trách: “Chẳng khác nào kẻ thù sống với nhau.” Trung Ahàm, ibid.: ba vị này được Phật khen.

[343] Thập tụng 23 (T23n1435 tr.165b11): thâu-lan-giá. Ngũ phần (T22n1421 tr.131a06): đột-kiết-la.

[344] Cầu thính 求聽: “xin được nghe.” Cf. Ngũ phần 19 (tr.131a15), vấn thính 問聽: trước hết phải hỏi vị ấy có chịu nghe không. Nếu chịu nghe thì mới được chỉ điểm. Cầu thính hay vấn thính, đồng nghĩa với tự tứ. Chỉ có khác, tự tứ thực hiện bởi Tăng.

[345] Ngũ phần, đã dẫn: Các tỳ-kheo nói, duy chỉ A-la-hán mới xứng đáng bảo cầu thính thôi. Nhân đó, Phật dạy pháp tự tứ.

[346] Bản Hán, hết quyển 37.

[347] Năm người, kể luôn tỳ-kheo trú xứ.

[348] Bốn người hiện diện, không được nhận dục để báo có người thứ năm nhưng vắng mặt.

[349] Cf. Pāli, Vin. i. 163: Ở đó có 5 tỳ-kheo, không được nhận tự tứ dục (ekassa pavāraṇaṃ āharitvā) để tác Tăng pháp tự tứ (saṅghe pavāretabbaṃ). Có bốn, không được nhận dục một người để tác đối thủ tự tứ.

[350] Xem Chương Thuyết giới, mục “Dữ dục.”

[351] Cf. Vin. i. 170: Phật quy định tác bạch ngăn không cho tỳ-kheo phạm tội tự tứ (pavāranaṃ ṭhapetuṃ).

[352] Để bản chép là bố-tát. nên sửa lại là bố thí; xem Thập tụng 23, tr. 171a28 và cht. 13 dưới.

[353] Tăng kỳ 27, tr.452c14: Nếu đại chúng nhiều một vạn , hai vạn, tất cả tập họp tại một chỗ… Những người khác có thể làm các công việc khác như đại tiểu v.v., suốt cả ngày luôn đêm, chưa rời chỗ ngồi, không ngồi cách xa nhau, trước khi minh tướng xuất, ở trong phạm vi đó mà tự tứ. Cf. Thập tụng 23 tr.171a15: về nhất thuyết tự tứ, tại trú xứ khi Tăng tập hội quá đông;… hoặc vua, v.v. muốn nghe pháp cho đến quá khuya;… hoặc bố thí lớn, kéo dài đến quá khuya… Bấy giờ bạch yết-ma để nhất thuyết tự tứ, vì nói ba lần không đủ thời gian, trước khi minh tướng xuất hiện.

[354] Già tự tứ 遮自恣. Ngũ phần 19, tr.131c28: trụ tự tứ 住自恣.

[355] Vô căn, bất tác 無根不作. Cf. Pāli, Vin.i. 170: avatthusmiṃ akāraṇe, không có cơ sở (căn), không có lý do (tác). Thập tụng 23, tr. 170c27: bốn tường hợp già tự tứ bất thành (phi pháp): già vì lý do phá giới, phá chánh kiến, phá chánh mạng, phá oai nghi, tất cả đều không căn cứ (vô căn già). Ngũ phần 19, như Thập tụng.

[356] Hữu dư bất tác 有餘不作. Không có lý do, chưa đầy đủ.

[357] Hữu dư tác 有餘作. Có lý do tuy chưa đầy đủ.

[358] Sự 事, trên kia nói là căn 根 (Pāli: vatthu) tức cơ sở nêu tội để ngăn tự tứ.

[359] Xem Phần I, Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa 8: vô căn ba-la-di báng; và 9: giả căn báng.

[360] Xem Phần I, Ch. v. ba-dật-đề 80: vô căn tăng-già-bà-thi-sa pháp báng.

[361] Đột-kiết-la hoặc ác thuyết.

[362] Đối với tỳ-kheo phạm tội bị ngăn tự tứ có căn cứ.

[363] Tuỳ ý sự (tr.1047b15): nếu phạm ba-la-thị-ca thì tẫn xuất. Nếu phạm tăng giàphạt-thi-sa, thì tạm gác đó chờ tự tứ xong sẽ trị tội. Các tội khác, sám hối xong mới tự tứ.

[364] Ngũ phần 19 (tr.133c03): sợ các tỳ-kheo kia sẽ đến ngăn trú xứ này tự tứ. 2 Cf. Vin.i. không được ngăn (phủ nhận) tự tứ đối với người đã tự tứ (na…pavāritamapi pavāraṇā ṭhapetabbā).

[365] Tăng thượng tự tứ 增上自恣, chồng thêm ngày tự tứ.

[366] Thập tụng 23 (No.1435, tr.167b7): “Các tỳ-kheo ấy nên tự tứ lại, tỳ-kheo trước đó đã tự tứ như vậy, không có tội.” Cf. Pāli, Vin. i. 165: Trong khi đang tự tứ, khách tỳ-kheo đến, đông hơn; các tỳ-kheo trú xứ tự tứ lại (tehi bhikkhūhi puna pavāretabbaṃ). Khách tỳ-kheo với số lượng bằng, hay ít hơn, ai đã tự tứ là tự tứ tốt. Ai chưa tự tứ thì tự tứ. (pavāritā suppavāritā, avasesehi pavāretabbaṃ).

Những người đã tự tứ, không có tội (pavāritānam anāpatti).

[367] Xem Ch.ii. Thuyết giới, mục III. 6. Phá yết-ma.

[368] Xem Ch. ii. Thuyết giới, Mục iii. 7 Chuyển trú xứ.

[369] Chiêm-ba 瞻婆. Pāli: Campā, thủ phủ của nước Aṅga, lân bang thân thiện với Magadha.

[370] Thủ-lung-na 守籠那. Pāli (Vin.i. 179): Soṇo-Koḷiviso seṭṭhi-putto, SoṇaKoḷivisa, con trai của một nhà phú hộ. Ngũ phần 21: Thủ-lâu-na 首樓那. Trung A-hàm, kinh 123: Sa-môn Nhị Thập Ức 沙門二十億. Bì cách sự, tr.1055c14:

Câu-chi Nhĩ 俱胝耳; tr.1055c25: Ức Nhĩ 億耳.

[371] Pāli, ibid., rājā Magadho Seniyo Bimbisāro.

[372] Thành chủ Chiêm-ba là vua nước Ương-già, không phải thần dân của vua nước Ma-kiệt. Nhưng Ma-kiệt và Ương-già có thời liên kết. Vin. ibid., Bimbisāra cai trị 80 ngàn thôn. Vua tập họp 80 ngàn thôn trưởng.

[373] Pāli, cho 80 ngàn thôn trưởng.

[374] Ta-kiệt-đà 娑竭陀. Pāli: Sāgata. Truyện về vị thị giả này, xem Phần I, Ch. v, duyên khởi ba-dật-đề 51 (tỳ-kheo uống rượu).

[375] Thi-đà lâm 尸陀林. Pāli: Sītavana, bãi tha ma ngoại thành Vương-xá. Chỗ thiêu vất xác người chết.

[376] Cf. Vin.i. 183: accāraddhavīriyaṃ uddhaccāya saṃvattati, atilīnavīriyaṃ kosajjāya saṃvattati…indriyānañca samataṃ paṭivijjha, “nỗ lực tinh tấn thái quá đưa đến loạn động. Ít gắng sức tinh tấn sinh ra dã dượi. Hãy giữ các căn quân bình.”

[377] Tham chiếu, Trung A-hàm 29 (T01, tr.611c), Tạp A-hàm 9 (T02, tr.62b), Tăng nhất 13 (T02, tr.162). Pāli, A. iii. 374 Soṇa-sutta.

[378] Cf. Vin.ibid., chaṭṭhāni adhimutto, sáu thắng giải hay tín giải (xác tín): nekkhamma, xuất ly hay thoát ly gia đình; paviveka, viễn ly hay sống ẩn dật; avyāpajja, không thù hận; upādānakkhata, đã sạch các thủ (phiền não); taṇhakkhaya, ái tận; asammoha, vô si.

[379] Tham chiếu, Pāli, Vin.i.ibid., “Chớ có quan điểm rằng, tôn giả này duy chỉ y trên tín mà có tín giải về sự xuất ly... Y trên sự diệt tận của tham, do ly tham, có tín giải về xuất ly. Y trên sự diệt tận sân, do vô sân, mà có tín giải xuất ly…”

[380] Tham chiếu Pāli, ibid., “Đừng nên có quan điểm rằng, tôn giả này tin giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tối thắng, do đó mà có tín giải nơi sự không não hại.”

[381] Tịch tĩnh; Pāli: paviveka: viễn ly, sống xa lánh, ẩn dật.

[382] Tham chiếu Pāli, ibid., “Đừng có quan điểm rằng, tôn giả này vì tham trước lợi dưỡng mà có tín giải nơi sự viễn ly.”

[383] Tham chiếu Pāli, ibid., ṭhitaṃ cittaṃ vippamuttaṃ, vayañcas-sānupassatīti, Tâm đã giải thoát, an trụ; vị ấy quan sát sự chìm xuống của nó.

[384] Bản Hán, hết quyển 38.

[385] Câu-lưu Hoan hỷ sơn khúc 拘留歡喜山曲. Pāli, Vin.i. 194: Kuraraghare papāte pabbate, trên sườn núi Papāta, thị trấn Kuraraghara. Ngũ phần 21 (tr.144a13): A-thấp-ba A-vân-đầu quốc Ba-lâu-đa sơn 阿濕波阿雲頭國波樓多山. Thập tụng 25: A-thấp-ma-già A-bàn-đề quốc 阿濕摩伽阿槃提國.

[386] A-bàn-đề quốc, 阿槃提國. Pāli, Vin.i. 194, Avantī.

[387] Ức Nhĩ ưu-bà-tắc 億耳優婆塞. Ngũ phần 21, ibid., cư sĩ tên là Sa-môn Ức Nhĩ 沙門億耳. Pāli, Vin.i. 194, Soṇa Kuṭikaṇṇa. Tăng kỳ 23: trưởng giả Thát-bà 闥婆, người ở nước Thâu-na 輸那國土. Bấy giờ Phú-lâu-na 富樓那 đang du hóa ở đây.

[388] Hán: sử nhân câu 使人俱. Cf. Pāli, ibid., Soṇo upasako Kuṭikaṇṇo āyasmato Mahā-Kaccānassa upaṭṭhako hoti, ưu-bà-tắc Soṇa Kuṭikaṇṇa là người phục vụ cho Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên. Bản Hán hiểu upaṭṭhako, người phục vụ, là nhân vật thứ ba; không phải là từ đồng cách với Soṇo.

[389] Ngũ phần 21: hành sa-di 6 năm. Tăng kỳ 23: Thát-bà hành sa-di 7 năm.

[390] Y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu 伊梨延陀耄羅耄耄羅氍氀. Pāli (Vin.i. 195): eragu, moragu, majjhāru, jantu. Thập tụng: ma nhục phú (phủ đệm gai), mao nhục phú (phủ đệm lông), hoa y nhục phú (phủ đệm áo bông) 麻褥覆毛褥覆花衣褥覆.

[391] Cổ dương, bạch dương, lộc 羖羊白羊鹿. Pāli: eḷakacamma, ajacamma, migacamma.

[392] Y được dành cho tỳ-kheo vắng mặt tại trú xứ cũ.

[393] Thập lục cú nghĩa 十六句義. Ngũ phần, ibid., Thập lục nghĩa phẩm kinh 十六義品 經. Thập tụng 25 (tr.181b25): Ba-la-diên-tát-giá-đà-xá-tu-đố-lộ 波羅延薩遮陀舍修妒路. Pāli, Vin.i. 196, Aṭṭhakavaggikāni, được hiểu là Nghĩa phẩm, hay Bát kệ phẩm, gồm 16 kinh, 210 kệ, Phẩm thứ tư thuộc bộ Suttanipāta.

[394] Trì luật ngũ nhân 持律五人. Nên hiểu, thứ năm là người trì luật. Tăng năm người, có một người trì luật. Không đòi hỏi tất cả năm vị đều là trì luật. Do đó không nên hiểu nhóm từ Hán này là “Năm người trì luật.” Thập tụng 25 (tr.181c29): trì luật đệ ngũ 持律第五. Cf. Vin.i. 197: vinayadharapañcamena.

[395] Bạch mộc điều 白木調. Hán dịch này phù hợp Pāli: Setakaṇṇika; nhưng Vin.i.197 nói thị trấn này ở về phía nam, gần với Thập tụng, ibid., trung nam phương, Bạch mộc tụ lạc 白木聚落. Lấy đây làm mốc. Qua khỏi đây, được xem là biên địa. Bì cách sự, tr.1053a9: phía đông qua khỏi sông Bôn-trà 奔荼, rừng Bôn-trà, là biên địa.

[396] Tĩnh thiện 靜善. Không tìm thấy tương đương trong Thập tụng và Pāli. Tham chiếu, Thập tụng: phương đông có tụ lạc bà-la-môn tên là Già-lang 伽郎. Tương đương Pāli: Kajaṅgala, thị trấn nhỏ ở về phía đông. Bì cách sự, tr.1053a10: phía nam qua khỏi nước Nhiếp-phạt-la-phật-để 攝伐羅佛底.

[397] Nhất-sư-lê Tiên nhân chủng 一師梨仙人種. Có lẽ Thập tụng nói là Ưu-thi-la sơn 優尸羅山, ở phương bắc; Tương đương Pāli: Usīraddhaja, về phía bắc. Bì cách sự: phía tây qua khỏi nước Tốt-thổ-nô 窣吐奴.

[398] Trụ 柱. tên nước. Thập tụng: phương tây có tụ lạc bà-la-môn tên là Trụ 住婆羅門聚落. Pāli: về phía tây có ngôi làng bà-la-môn tên là Thūna, mà hai bản Hán đều đọc là Thāna. Bì cách sự: phía bắc qua khỏi núi Ôn-thi-la 嗢尸羅.

[399] Đại bì 大皮; Cf. Thập tụng 25 (tr.182a 23), da của năm loại thú gọi là da lớn (kích cỡ): sư tử, cọp, beo, rái cá và chồn.

[400] Ca-la 迦羅. không biết con gì. Có lẽ Pāli (Vin.i.186): kāḷaka, con sóc (?). Hoặc Skt. kālaka, một loại rắn nước (Wogihara: hắc long).

[401] Cù-lâu 氍氀; chưa rõ. Có lẽ như cù-du 氍毹, Skt. citrāstaraṇa, đệm hay thảm nhiều màu. Xem cht. 31 Ch. vi: Y ở sau. Tham chiếu Trương A-hàm 3, kinh số 2. Du hành, T01, tr. 23b.

[402] Độc tọa sàng 獨坐床. Xem Phần I, ch. v, ba-dật-đề 18 & cht. 116; Phần II, tỳkheo-ni, ba-dật-đề 83, cht. 106.

[403] Ca-na-phú-la 迦那富羅. Phiên Phạn ngữ 10 (T54n2130, tr.1052a9): ca-na-phúla 迦那腹羅, một loại giày ống có tai? (ca-na: lỗ tai); Skt. karṇapūla? Xem Phần I, Ch. vii chúng học, điều 65, cht. 85.

[404] Triền giác cách tỷ 旋角革屣. Không hiểu “sừng xoay” là cái gì. Đoạn tương đương trong Mahāvagga v (Vin.i.186): meṇḍavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng con cừu), ajavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng hươu).

[405] A-la-lê cách tỷ 阿羅梨革屣. Phiên phạn ngữ 10 (tr.1052a10): a-la-lê dịch là cỏ 草. Skt. alāri?

[406] Phú-la-bạt-đà-la 富羅跋陀羅. Pāli, ibid., puṭabaddha, một loại giày ống, cao đến đầu gối. Phiên phạn ngữ 10 (tr.1052a11): phú-na bạt-đà-la thảo tỷ腹羅跋陀羅草屣; nên đọc là đâu-la-bạt-la, dây làm bằng sợi gòn. Tức loại dép cỏ có dây buộc làm bằng gòn.

[407] Chân-thệ-lê 真誓梨. Phiên phạn ngữ 10 (tr. 1052a12): chân-thệ-lê thảo tỷ真誓梨草屣; chân-thệ-lê dịch là tế thanh 細聲, Skt.?

[408] Biên biên cách tỷ 編邊革屣.

[409] Quyển hình cách tỷ 捲形.

[410] Cẩm sắc 錦色; nên hiểu là “được thêu màu.”

[411] Tức bông gòn.

[412] Bà-sa 婆娑, Pāli (Vin.i. 189): pabbaja, một loại cỏ lau (cỏ tim đèn). Hán-đà-la 漢陀羅; Pāli: hintāla, giống cây chà-là; một loại cây cọ. Xá-la 舍羅. Chưa rõ loại cỏ này; hoặc Pāli: sara, cỏ lau.

[413] Khâm-bà-la 欽婆羅, vải dệt bằng lông thú. Pāli (Vin. i. 190): kambala.

[414] Đa-la 多羅. Pāli (Vin.i. 189): tālataruṇa, tāla non hay chồi cây tāla; loại cây lá hình quạt; loại cây cọ.

[415] Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử 毘舍離跋闍子. Người họ Bạt-xà (Pāli: Vajjiputta) ở Tỳxá-ly (Pāli: Vesāli).

[416] Chưa đủ 10 tuổi hạ, không được làm y chỉ.

[417] Tác tịnh, vì sợ phạm súc trưởng bát; ni-tát-kỳ 21.

[418] Liễn 輦; xe do người kéo.

[419] Y-sư bì 伊師皮.

[420] Hàn tuyết quốc 寒雪國.

[421] Phú-la-am-đề 富羅菴鞮. Cf. Bì cách sự (T23, tr.1059b1): tại vùng có tuyết lạnh, cho dùng giày phú-la. Xem thêm Ngũ phần 21 (T22n1421 tr.146c24) Có lẽ là một loại giày ống. Wogihara, Skt. pūla: loại giày có dây đai. Mahāvyutpatti, 272 (21): pūlā, hữu đái ngoa 有帶靴, phú-la 富羅. Nhất thiết kinh âm nghĩa (T54n2128 tr.740b07): phúc-la 腹羅, cũng viết là 福羅; hoặc nói là phú-la 富羅, chính xác nói là bố-la 布羅; dịch là đoản áo ngoa 短靿靴, loại giày ống cổ ngắn (?). Phiên dịch danh nghĩa (T54n2131, tr.1108b17): phú-la 富羅, chính xác là phúc-la 腹羅, dịch là đoản áo ngoa 短靿靴. Không rõ Pāli tương đương.

[422] Thiền đái 禪帶, không rõ.

[423] Khẩn-thù-thán 緊殊炭. Chưa rõ cái gì.

[424] Phấn tảo 糞掃. Thập tụng: bàn-tẩu y 槃藪衣. Pāli: paṃsukūla, (vải) lượm từ đống rác.

[425] Mười loại y hay mười loại vải: 1. câu-xá 拘舍, Pāli: koseyya (Skt. kauśeya), vải quyến, lụa; 2. kiếp-bối 劫貝, Pāli: kappāsa (Skt. karpāsa), miên bố, vải bông; 3. khâm-bạt-la 欽跋羅, Pāli: kambala (Skt. nt.), mao bố, vải lông, lông thú; 4. sôma 芻摩, Pāli: khoma (Skt. kṣauma), ma bố, á ma, vải lanh; 5. xoa-ma 叉摩, Pāli: ? 6. xá-nâu 舍兔, Pāli: sāṇa (Skt. śāṇa), vải gai thô; 7. ma 麻 Pāli: bhaṅga (Skt. đồng); 8. sí-di-la 翅夷羅, Pāli: (?); 9. câu-nhiếp-la 拘攝羅, Pāli: (?); 10. thẩn-la-bát 嚫羅缽, Pāli: (?); . Phiên âm ở đây không giống với các chương trước. Xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 1 & cht. 9. Cf. Mahāvagga viii, Vin.i. 281: chỉ quy định sáu loại y hợp pháp: anujānāmi bhikkhave cha cīvarāni - khomaṃ kappāsikaṃ koseyyaṃ kambalaṃ sāṇaṃ bhaṅganti.

[426] Ca-sa 袈裟. Pāli: kāsāya (Skt. kāṣāya), hạt sắc y, hoại sắc y, y màu vàng nâu.

[427] Nguyện y 願衣, lượm được do đứng chờ người vất bỏ trong bãi tha ma (Pāli: āgamenta: đến đợi), xem đoạn dưới.

[428] Quý giá phấn tảo y 貴價糞掃衣. Vải tốt, quý, nhưng được vất bỏ đống rác. Thường là vải bọc thây người chết của phú gia. Xem đoạn sau.

[429] Xem cht. 22, Ch. v. Da thuộc.

[430] Thập tụng 27 (tr.195a27), 4 loại phấn tảo: 1. trũng gian y, bọc thây người chết, vất trong bãi tha ma; 2. xuất lai y, lượm trong bãi tha ma đem về cho tỳ-kheo; 3. vô chủ, bọc xác chết vô chủ; 4. thổ y, vất trong các đống rác trong xóm.

[431] Cầu nguyện y 求願衣; trên kia nói là nguyện y. Vải lượm từ bãi tha ma đem về chia giữa các tỳ-kheo, do có giao ước trước. Thập tụng gọi là xuất lai y; Pāli: āgamenta: đến và đợi (paṃsukūlapariyesana, tìm cầu y phấn tảo)

[432] Am-bà-la-bà-lợi 菴婆羅婆利. Pāli: Ambapālī.

[433] Sa-la-bạt-đề 娑羅跋提. Trong Để bản đọc là Bà-la…婆羅. Theo âm Pāli mà sửa lại. Vin.i. 268: Sālavatī.

[434] Vô Úy vương tử 無畏王子. Pāli: Abhaya-rājakumāra.

[435] Kỳ-bà 耆婆. Pāli: do được trả lời jīvati (nó sống), nên đặt tên là Jīvaka.

[436] Đồng tử 童子 . Do Vương tử (Kumāra) lượm được, nên cho hiệu là Komārabhacca. Hán dịch không phân biệt hai từ Phạn khác nhau này: Komārabhacca, hiệu riêng của Kỳ-bà, và Kumāra, danh từ chung, Vương tử hay Đồng tử.

[437] Đắc-xoa-thi-la 得叉尸羅. Pāli: Takkasilā, thủ phủ của Gandhāra, được xem là một trung tâm học thuật danh tiếng thời bấy giờ. Nhiều vua chúa học ở đó.

[438] Tân-ca-la 賓迦羅, Skt. Piṅgala (?). Cf. Jātaka 240: chuyện Mahā-piṅgala.

[439] Bà-già-đà thành 婆伽陀城, tức thành Ma-kiệt-đà hay Vương xá.

[440] Bản Hán, hết quyển 39.

[441] Trong truyện kể Pāli, Kỳ-bà không nhận tiền, mà xin chức thái y. Vua chấp nhận, và bảo kiêm luôn việc chữa bệnh cho Phật và các tỳ-kheo.

[442] Chơi trò nhào lộn, dộng ngược đầu xuống đất, rồi di chuyển như bánh xe lăn. Pāli (Vin.i. 275): mokkhacikāya kīlantassa.

[443] Úy-thiền 尉禪. Pāli: Ujjenī, thủ phủ của nước Avantī (A-bàn-đề).

[444] Ba-la-thù-đề 波羅殊提. Pāli: Pajjota (Caṇḍa-Pajjota).

[445] A-ma-lặc 阿摩勒. Hán thường dịch là dư cam tử. Pāli: āmalaka.

[446] Nguyên Hán: tiệp 啑; không có nghĩa gì ở đây. Pāli: nicchāresi, tiêu chảy (hạ lỵ).

[447] Hán: hoạn thuỷ 患水. Pāli: kāyo dosābhisanno, rối loạn dịch trong cơ thể (theo bản dịch Anh, B.D.iv. 394, n.1).

[448] Pāli (Vin.i. 279): icchati tathāgato virecanaṃ pātun ti, “Như Lai muốn uống thuốc xổ (hạ tể).”

[449] Ưu-bát 優缽; hay ưu-bát-la, hoa sen xanh. Pāli: uppala (Skt. utpala).

[450] Nhất chưởng noãn thuỷ 一掌煖水. Pāli, ibid., xổ xong lần thứ 29, Thế Tôn sẽ tắm (bhagavā viritto nahāyissati), sau đó sẽ xổ thêm một lần nữa.

[451] A-nan-tân-đê 阿難 賓 坻 ; phiên âm từ Skt. Ānāthapiṇḍada (Pāli:

Āanāthapiṇḍika), dịch nghĩa: Cấp Cô Độc.

[452] Na-la-diên 那羅延. Skt. nārāyaṇa, lực sĩ của trời; biệt danh của thần Víṣṇu.

[453] Thi dược quang minh 施藥光明, ánh sáng cho thuốc. Tống-Nguyên-Minh: thi lạc...施樂. Cf. Skt. bhaiṣjya-da(-raśmi) (Bodhisattva-bhūmi).

[454] Pāli: Sabbadatta, nhưng nội dung truyện kể không đồng. Xem Jataka, truyện 460.

[455] Pāli: y Siveyyaka, vải được sản xuất tại nước Sivi, cao giá nhất.

[456] Câu văn chuẩn khi Phật chấp thuận một ước nguyện. Nhưng văn Hán tối nghĩa. Xem Phần I, Ch.iv ni-tát-kỳ 27 & cht. 170.

[457] Thanh tịnh, ở đây nên hiểu là “hợp thức.” Tham chiếu, Pāli, ibid., yañca kappati, yañca anavajanti, ước nguyện ấy đúng pháp và không lỗi.

[458] Xem cht. 33, Chương v (Da thuộc), Phần III.

[459] Điều 條, rẻo vải hẹp mà dài, tượng trưng bờ ruộng.

[460] Diệp 葉, rẻo vải như chiếc lá, chỉ khâu một biên dính vào y.

[461] Tham chiếu Ngũ phần 20 (T22n1421 tr.137a27): lá điều nửa bên trái để hở đường biên trái. Lá điều phải, hở biên phải. Lá điều giữa, hở cả hai phía.

[462] Cát tiệt y 割截衣. Pāli: chinnaka, vải được cắt thành từng miếng vuông như thửa ruộng, rồi may lại thành. Thường gọi là phước điền y.

[463] Niết-bàn-tăng 涅槃僧; Pāli: nivāsana, hạ y, nội y.

[464] Bản TNM: ba ngón.

[465] Xem cht. 174, Ch.i (Phần III).

[466] Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提; hay Kiều-phạm-ba-đề; Pāli: Gavampati, con trai phú hộ ở Ba-la-nại, một trong bốn người bạn của Da-xá.

[467] Am-bà-la-bà-đề 菴婆羅婆提, trên kia âm là Am-bà-la-bà-lợi 菴婆羅婆利. Pāli: Ambapālī.

[468] Xem Trường A-hàm 2 (T1, tr.13b20), kinh số 2 “Du hành”

[469] A-bà-la viên 菴婆羅園, vườn xoài của kỹ nữ Am-ba-bà-lợi (Am-bà-la-bà-lợi).

[470] Lê-xa 梨奢. Pāli: Licchavī, một bộ tộc rất hùng mạnh thời Phật, là chủ nhân của thành Vesāli (Tỳ-xá-ly).

[471] Truyện kể bị nhảy sót nên thiếu mạch lạc.

[472] Có sự đảo lộn thứ tự đoạn mạch trong bản Hán dịch này.

[473] Nguyên Hán: ý chỉ 意止, tức niệm xứ. Cf. Trường A-hàm, tr.13c, đã dẫn, đoạn này, Phật giảng bốn niệm xứ cho các tỳ-kheo để cảnh giác khi Am-ba-bà-lị đến. Vì sợ các tỳ-kheo trẻ sẽ bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô. Trong bản Hán trên, mạch lạc bị đảo lộn.

[474] Tân-kỳ-dương-nâu 賓耆羊菟. Ngũ phần 20 (tr.135c19): Ma-nạp danh Tân-kỳda 摩納名賓祇耶. Trương A-hàm: Tịnh ký 并 暨.

[475] La-hầu-đa y 羅睺多衣. Có lẽ chỉ một loại vải mỏng, Pāli (=Skt.): lahuta (?).

[476] A-đa-hầu-đa y 阿哆睺多衣. Không rõ loại vải gì.

[477] Ngũ phần 20 (tr.137a17): Tỳ-kheo được y kiếp-bối, không cắt tua (râu) ở đầu.

[478] Phả-na-đà-thi 頗那陀施. Cf. Ngũ phần 20 (tr.138b1): có tỳ-kheo xin Phật cho dùng y chui đầu (quán đầu y 貫頭衣) rồi khoác y bạt-na 跋那 lên. Phật không cho. Có lẽ phả-na-đà-thi và bạt-na là một, nhưng không rõ phiên từ Skt. gì.

[479] Để bản: thiếp 帖. TNM: diệp 葉.

[480] Thiện hiển hiện y 善顯現衣.

[481] Đãn-đà-lư-đa-lê 誕陀盧多梨. Có thể không phải tên riêng mà là một kiểu y phục nào đó. Hoặc y được nhuộm màu thế nào đó, xem Tăng kỳ 28 (tr.454c24): lô-đà-la nhiễm 盧陀羅染, loại nhuộm màu mà Phật cấm.

[482] Quán đầu y 串頭衣. Loại y có cổ; khi khoác chui đầu qua.

[483] Bì y 皮衣, có lẽ là vỏ cây, tức thọ bì, chứ không phải da thú. Cf. Vin. i. 305: vākacīraṃ nivāseti.

[484] Hán: điệp 褶, loại áo kép xếp gấp. Cf. Vin. ibid.: phalakacīraṃ, y bằng mảnh gỗ ghép (ghép nhiều miếng ván lại).

[485] Bát lâu 缽樓, với lời chua trong bản Hán: “Ba cây gậy chống xuống đất, đặt bát vào trong; bên trên, xỏ ngang các vật, rồi gánh trên vai mà đi. Vì thế gọi là lầu đựng bát.”

[486] Tú thủ y 繡手衣.

[487] Bà-thâu-già y 婆輸伽 y.

[488] Biệt bộ, chia theo nhiều nhóm riêng rẽ, trong cùng một trú xứ.

[489] Bản Hán, hết quyển 40.

[490] Câu-dạ-la 俱夜羅.

[491] Hòa-tiên Bạt-đàn-đà Tử 和先跋檀陀子. Pāli: Upasena Vaṅgataputta, em trai của Sāriputta, có tài hùng biện, tu hạnh đầu đà; Vin. iii. 230.

[492] Nhất đoàn thực 一摶食, ăn chỉ một vốc cơm, tức ăn tiết lượng.

[493] Tỳ-lưu-ly 毘琉璃. Pāli: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi (Ba-tư-nặc) với Vāsabhakhattiyā (một nữ tỳ của nhà họ Thích).

[494] Ca-duy-la-vệ quốc 迦維羅衛國; hay Ca-tỳ-la-vệ. Vì nhà nước theo chế độ thành bang, nên gọi quốc hay gọi thành đều được.

[495] Ba-lợi-ca-la y 波利迦羅衣. Pāli: parikara, dây đai, dây nịt; hoặc cái khố. Xem cht. 90.

[496] Ba-bà 波婆. Pāli: Pāvā, thị trấn của những người Malla (Lực sĩ). Phật đã ghé lại đây trên đường lên Câu-thi-na nhập Niết-bàn.

[497] Ma-la 摩羅, Pāli: Mallā, tên một bộ tộc. Xem cht. 73 trước.

[498] Lâu-diên 樓延. Pāli, Vin. i. 296, Roja.

[499] Y lộc 衣簏. Cái sọt hay cái giỏ để đựng vải hay y. Pāli, ibid.: Bấy giờ Roja trao tay cho A-nan một giỏ bố (khomapilotā).

[500] Đại giá y 大價衣. Có sự nhầm lẫn ở đây. Chi tiết tiếp theo nói, chỉ là thứ vải xấu. Xem cht. 74 trước.

[501] Trong ngoặc, phụ chú nhỏ trong bản Hán.

[502] Trưởng y 長衣; xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 1.

[503] Phú thân y 覆身衣; xem Phần I, Ch.v, ba-dật-đề 88 về phú sang y: y che ghẻ.

[504] Xem Phần I, Ch. v, ba-dật-đề 88.

[505] Hiến 幰; màn xe.

[506] Phức y 複衣.

[507] Thọ trì 受持; Pāli: adhiṭṭhita, được xử lý, hay được chỉ định như là sở hữu của cá nhân. Đây chỉ cách thức chỉ định, nghĩa là, phải làm thủ tục xả, nhận trước khi sử dụng.

[508] Man y 縵衣. y trơn, không cắt rọc.

[509] Thiếp diệp y 帖葉衣.

[510] Ngũ nạp y 五納衣: cơ bản chỉ y năm điều, tức năm mảnh ghép lại; nhưng cũng chỉ chung tất cả loại y cắt rọc; hoặc gọi tắt là nạp y. Hành sự sao (tr.105b26) giải thích là nạp y năm màu. Không đúng. Ấn Độ không có khái niệm ngũ sắc (năm màu) như Trung Quốc.

[511] Phạm xả, tức phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề; xem Phần I, Ch. iv.

[512] Chỉ định giao y được xả cho người nào.

[513] Ba-lợi-ca-la 波利迦羅: Còn gọi là ba-già-la, là tên gọi chung cho tất cả những y phụ ngoài ba y ra như: tăng-kỳ-chi (áo che vai), niết-bàn-tăng (xà rông), phú thân y (y che thân), thức thân cân (khăn lau thân), thức diện cân (khăn lau mặt), Cf. Hành sự sao (tr.109b21): dịch là trợ thân y 助身衣.

[514] Các quy định sử dụng y bị xả. Xem các điều ni-tát-kỳ, mục phạm tướng.

[515] Y xả đọa, tức y phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

[516] Bị y 被衣.

[517] Sợ bị cướp, phải nhét vào người để giấu.

[518] Kết khố tàng 庫藏, nhà kho để cất chứa đồ của Tăng. Pāli, Vin.i. 284, bhaṇḍāgāra. Những nơi trong trú xứ Tăng được phép dùng làm nhà kho: aḍḍhayoga, nhà một mái, hay nhà mái bằng; pāsāda, lầu (trùng ốc); hammiya, biệt phòng, hay phòng hai tầng (có gác xép), hoặc hang.

[519] Phước nhiêu. Xem cht. 3 ch. iii (An cư).

[520] Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu 毘舍佉無夷羅母, hay Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu; xemPhần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 27 & cht. 167.

[521] Ương-già-na-la y 鴦伽那羅衣. Chẳng biết thứ y gì. Hoặc một loại vải được sản xuất bởi người Aṅga.

[522] Tăng phú thân y 僧覆身衣, y phú thân của Tăng, cho dùng riêng; xem cht. 80 & 90 trước.

[523] Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã, xem Phần I, Ch.i, điều 1, duyên khởi.

[524] Thiền đới 禪帶. Cf. Ngũ phần 21 (tr.143c6): dây lưng, dây đai thiền, mũ, đãy lọc nước.

[525] Xem Phần I, Ch.iv. ni-tát-kỳ 1, cht. 14.

[526] Đã mang ra đường, quyền sử dụng y không còn thuộc về người cho mượn, nên người được nhờ khởi ý thân hậu với người mượn để lấy dùng.

[527] Bấy giờ, quyền sử dụng thuộc về người được cho mượn.

[528] Vì người sai mang đi là chủ y đích thực. Xem trường hợp A-nan với Lâu-diên trước.

[529] Vì là cho thật, không phải cho mượn như trên kia, nên người nhờ mang đi cho này không còn là chủ đích thực của y nữa. Chỉ có thể sử dụng vật khi mà mình có ý nghĩ là thân tình với chủ nhân đích thực của vật đó.

[530] Người được cho bây giờ là chủ đích thực của y.

[531] Bản Hán, hết quyển 41.


[Đầu trang] [Mục lục tổng quát] [Mục lục]