PHẦN THỨ BA
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh Tỳ-kheo Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
a. Thế nào là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni?
b. Thế nào là yết-ma như pháp như tỳ-ni?
c. Thế nào là yết-ma phi pháp biệt chúng?
d. Thế nào là yết-ma phi pháp hòa hợp?
đ. Thế nào là yết-ma như pháp biệt chúng?
e. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ biệt chúng?
g. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ hòa hợp?
[866c8]
1. Lúc bấy giờ, tại nước Ba-la-nại, có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Đại đức, chúng con nên ăn thức ăn nào?” Đức Phật dạy:
“Cho phép ăn thức ăn do khất thực được, gồm có năm loại thức ăn.”[1]
Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm. Phật dạy:
“Cho phép ăn.”
Nhận được các thức ăn bằng cơm, như cơm gạo lúa tẻ, cơm đại mạch, cơm gạo mì,[2] cơm lúa kê, cơm câu-bạt-đạt-la.[3] Phật dạy:
“Cho phép ăn cơm như vậy.”
Nhận được lương khô,[4] đức Phật cho phép ăn các loại thuộc lương khô. Nhận được cơm khô, đức Phật cho phép ăn các loại cơm khô. Nhận được cá, đức Phật cho phép ăn các loại cá. Nhận được thịt, đức Phật cho phép ăn các loại thịt. Nhận được canh, đức Phật cho phép ăn các loại canh. Nhận được tu-bộ,[5] đức Phật cho phép ăn.
Nhận được sữa, đức Phật cho phép dùng các loại sữa. Nhận được sữa đông,[6] đức Phật cho phép ăn các loại sữa đông. Nhận được nước sữa chua,[7] đức Phật cho uống các loại nước sữa chua. Nhận được kiết-la,[8] đức Phật cho phép dùng. Nhận được man-nâu,[9] đức Phật cho phép dùng các loại man-nâu. Nhận được rau, đức Phật cho ăn các loại rau. Nhận được thức ăn khư-xà-ni,[10] đức Phật cho phép ăn các thức ăn khư-xà-ni. Khư-xà-ni gồm có rễ, cọng, lá, bông và trái, cũng như dầu mè, đường mía,[11] các thức ăn bằng chưng nấu.
2. Đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại, bấy giờ có năm tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: “Chúng con nên uống thứ thuốc nào?” Đức Phật dạy:
“Cho uống thứ thuốc hủ lạn.[12] tỳ-kheo bệnh nào có nhân duyên thì được phép dùng loại thuốc suốt đời.”
3. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng, có tỳ-kheo bệnh, theo lời dạy của thầy thuốc, dùng trái ha-lê-lặc.[13] Đức Phật dạy:
“Cho phép tỳ-kheo bệnh, có nhân duyên suốt đời được dùng trái ha-lê-lặc.”
Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chứng thống phong,[14] thầy thuốc bảo dùng nước trấp lúa mạch chua.
Phật cho phép dùng. [867a1] tỳ-kheo không biết làm cách nào. Đức Phật dạy:
“Bảo tịnh nhân rửa sạch đồ đựng, đem lúa mạch ngâm cho nát, rồi lọc lấy nước trấp mà uống. Nếu nước lúa mạch bị hôi thì đậy lại. Có cặn thì cho phép dùng đồ lọc.”
Tỳ-kheo không biết làm cái lọc thế nào. Đức Phật dạy:
“Cho phép dùng các loại như đồng, gỗ, hay tre làm đồ để lọc, như đãy lọc nước, có ba góc, hoặc lớn hoặc nhỏ. Nếu trong lúa mạch bị khô thì bảo tịnh nhân cho thêm nước vào.”
Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh uống nước lúa mạch ngâm trước mặt mọi người, khiến các tỳ-kheo thấy vậy đều nhờm gớm. Phật dạy:
“Trước nhiều người không được uống như vậy. Nên uống chỗ vắng.”
Bấy giờ tất cả Tăng đều cần nó. Đức Phật dạy:
“Tất cả Tăng có thể uống chung.”
Các tỳ-kheo mỗi người dùng đồ đựng riêng để uống, nên những đồ đựng đó có mùi hôi xông khắp nơi. Đức Phật dạy:
“Không được chứa riêng mà nên dùng một cái rồi chuyền nhau uống chung.”
Có tỳ-kheo uống rồi không rửa chén, đưa cho tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy:
“Không được như vậy. Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.”
4. Phật ở tại nước Xá-vệ. Có tỳ-kheo bị thổ tả. Tỳ-kheo nấu cháo, phút chốc đã quá ngọ. Đức Phật dạy:
“Cho phép, nếu là lúa mạch nguyên hạt; hay bằng lúa tẻ nguyên hạt. Nấu cho chín, không để cho vỡ hạt; rồi lọc lấy nước uống.” Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng tì-hê-lặc,[15] đức Phật cho phép dùng.
Thầy thuốc bảo dùng a-ma-lặc,[16] đức Phật cho phép dùng. Nếu có tỳ-kheo vì nhân duyên bệnh thì có thể dùng suốt đời.
4. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng tô-la,[17] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh thì được phép dùng trọn đời.
Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng thuốc trái cây,[18] đức Phật cho phép dùng. Nếu không phải là thức ăn thường thì tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được phép dùng trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần năm loại thuốc rễ lớn.[19] Đức Phật dạy: cho phép dùng. Cần năm loại thuốc rễ nhỏ,[20] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo vì nhân duyên có bệnh được uống trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc chất-đa-la.[21]
Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh trọn đời được dùng.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc kế-sa.[22] Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời. Kế-sa gồm cả rễ, cọng, lá, hoa và trái của kế-sa.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng sa-lê-sa-bà.[23] Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo bệnh cho phép dùng sa-lê-sa-bà, gồm cả rễ, cọng, lá, hoa, quả. Nếu cứng thì nghiền cho nhỏ. Thức-cừ[24] cũng như vậy, đế-thố[25] cũng như [867b] vậy.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống cây tất bạt[26], hột tiêu, Phật dạy:
“Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh cho phép dùng trọn đời.”
5. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần các thứ thuốc bột mịn[27] để tắm rửa, đức Phật cho phép dùng các thứ thuốc bột mịn như bột cây hồ đồng, bột cây tai ngựa,[28] bột cây xá-ma-la,[29] hoặc tự mình chà xát hay thay nhau chà xát. Khi cần chày và cối, đức Phật cho phép chứa dùng. Cần nia, sàng, chổi để quét đức Phật cho phép chứa dùng.
Bấy giờ các tỳ-kheo e ngại không dám lấy hương bột bỏ vào thuốc bột để xoa, đức Phật cho phép chứa dùng. Khi thuốc bột không có đồ đựng, đức Phật cho phép dùng bình để đựng. Nếu bụi đất vào, Phật cho phép dùng nắp đậy lại. Muốn cần bảo đảm, Phật cho phép buộc dưới giường, hoặc treo trên vách hay trên cọc ngà voi.[30]
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh dùng thuốc bột thô xoa vào người để tắm rửa, bị đau. Đức Phật cho phép dùng bột mịn, hoặc bùn mịn, hay lá hay hoa hay trái làm thành bột mịn, khiến cho bệnh nhân được khoan khoái. Các bệnh trong đây là, hoặc thân thể bị ghẻ lở, hoặc hắc lào, hay nhọt, ghẻ ngứa, cho đến thân thể bị hôi thối.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần muối để làm thuốc, đức Phật cho phép dùng. Muối[31] ở đây gồm muối sáng, muối đen, muối viên, muối lâu-ma, muối chi-đầu-bệ, muối mỏ, muối than, muối tân-đàbà, muối thi-lô-bệ, muối biển.[32] Nếu tỳ-kheo nào có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời.
6. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần tro[33] để làm thuốc, Phật cho phép dùng tro để làm thuốc. Trong các loại tro này gồm có tro tát-xà, tro tân-na, tro ba-la-ma. Nếu tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng suốt đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc xà-bà,[34] đức Phật cho phép dùng. Trong thuốc xà-bà gồm có hinh-ngưu, hinh-nga-bà-đề, thi-bà-lê-đà, bộ-thê-dạ-bà-đề, tát-xà-la-sà,[35] nếu tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời.
7. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc trị con mắt,[36] đức Phật cho phép dùng. Loại thuốc nhỏ mắt gồm có: đà-bà-xà-na, kỳ-la-xà-na. Nếu tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế[37] sanh nơi mắt, cần huyết của người; bạch Phật. Phật cho phép dùng.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế làm cho con mắt bị bệnh, cần xương người. Đức Phật cho phép dùng.
Bấy giờ, có tỳ-kheo mắt bị bệnh bạch ế, cần tóc mịn nhuyễn. Đức Phật cho phép đốt tóc lấy bột thoa mắt.
Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta bị bệnh đau mắt, cần cái lược bằng lưu ly để chữa. Đức Phật dạy:
“Vì chữa trị bệnh mắt nên được phép tích trữ để dùng.”
9. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo ăn ngó sen. [867c] Tôn giả Mục-liên đến chỗ Tôn giả Xá-lợiphất, chào hỏi xong, ngồi một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: “Bệnh có bớt không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói: “Chưa bớt.”
Tôn giả Mục-liên lại hỏi: “Cần thứ gì?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: “Cần ngó sen.”
Tôn giả Mục-liên nói: “Nơi phương đông có ao lớn A-nậu[38] nước trong veo, không bụi bặm, uống nước đó không sanh bệnh hoạn gì cả. Cách đây không xa lại có cái ao rộng năm mươi do-tuần, nước trong sạch, không có bợn nhơ, có ngó sen như cái trục bánh xe. Khi bẻ, nó tiết ra nước trấp như sữa. Ăn vào, ngọt như mật. Và cách ao này không xa, có núi vàng. Sườn núi cao năm mươi do-tuần, trong đó có bảy đại long tượng vương, anh em cùng ở với nhau. Con nhỏ nhất cung cấp cho một vua Diêm-phù-đề. Con lớn kế đó cung cấp cho vua hai thiên hạ. Con lớn hơn nữa cung cấp cho Chuyển luân Thánh vương của bốn thiên hạ. Y-la-bà-ni[39] long tượng vương thì cung cấp cho Thiên đế Thích. Các long tượng vương kia xuống ao tắm rửa và uống nước trong sạch đó, rồi dùng vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn để ăn, nên sắc da rất tốt, khí lực dồi dào. Ngó sen nơi ao đó có thể ăn được.”
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng chấp thuận. Khi Tôn giả Mục-liên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất chấp thuận bằng cách im lặng, liền biến khỏi nước Xá-vệ, trong chớp nhoáng như co tay vào duổi tay ra, hiện đến bên bờ ao kia, hoá làm đại long tượng vương, có hình sắc to đẹp hơn bảy tượng vương kia. Bảy tượng vương kia khi thấy, đều kinh hoàng, lông trong mình dựng ngược lên, vì sợ rằng nó sẽ đoạt ao của mình. Bấy giờ, Đại Mục-liên thấy bảy long tượng vương kia ôm lòng sợ sệt liền hiện nguyên hình. Bảy long tượng vương hỏi Mục-liên rằng: “Tỳ-kheo cần gì?”
Tôn giả Mục-liên nói: “Tôi cần ngó sen.”
“Tỳ-kheo cần ngó sen sao không nói sớm. Khiến chúng tôi sợ hoảng hồn, lông trong người dựng ngược lên cả.”
Bảy long tượng vương liền vào trong ao tắm rửa và uống nước, rồi lấy vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn, trao cho Mục-liên.
Mục-liên nhận được ngó sen rồi, liền biến khỏi ao này, hiện lại nước Xá-vệ, đến trong Kỳ-hoàn, trao ngó sen cho Xá-lợi-phất và nói: “Ngó sen đây.”
10. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất ăn xong, bệnh lành liền. Số ngó sen còn dư trao cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
“Cho phép người nuôi bệnh, đã nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được ăn thức ăn của người bệnh còn lại.”
Có các tỳ-kheo trước đó đã nhận thức ăn, rồi đến tụ lạc kia có [868a1] đàn-việt mời ăn, ăn xong trở về đến trong Tăng-già-lam, đem thức ăn đã nhận cho các tỳ-kheo khác. Các tỳ-kheo này trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám nhận, vì không ai nhận nên vị ấy đem thức ăn bỏ. Các loài chim quạ đến dành ăn, kêu la inh ỏi.
Bấy giờ đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:
“Vì sao chim quạ kêu la inh ỏi như thế?”
Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ sự việc lên đức Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau cho phép làm pháp dư thực[40] để ăn.” Vị kia đem thức ăn đến trước một tỳ-kheo thưa:
“Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin Đại đức chứng biết cho.”
Vị tỳ-kheo tác dư thực pháp nên lấy một ít thức ăn mà ăn; rồi nói: “Tôi đã ăn rồi, thầy có thể dùng đi.” Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn.
Bấy giờ, có vị trưởng lão Thượng tọa, được rất nhiều người biết, vào thôn khất thực, rồi đem đến một nơi, ngồi ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư đến trong Tăng-già-lam cho các tỳ-kheo khác. Các Tỳ-kheo trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Không ai ăn nên đem bỏ. Chim quạ tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: “Vì sao chim quạ kêu la như thế?” Tôn giả A-nan đem sự việc bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Ngài dạy: “Từ nay về sau, cho phép, tự mình đem thức ăn về, làm pháp dư thực, thì được ăn.”
Làm pháp dư thực bằng cách đem thức ăn đến trước tỳ-kheo kia nói:
“Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin thầy chứng biết cho.”
Vị tác pháp dư thực kia nên lấy một ít thức ăn, ăn rồi nói: “Tôi ăn rồi đó. Thầy cứ dùng đi.” Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn.
Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu nhận được nhiều trái cây tươi. Bà liền nghĩ như vầy: “Nay ta nên làm thức ăn thỉnh Phật và Tăng thọ thực rồi dùng trái cây này dâng cúng.” Nghĩ xong, bà liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa: “Cúi xin chư Đại đức nhận bữa ngọ trai của chủ con vào ngày mai.”
Trong đêm đó, bà lo sửa soạn các thức ăn ngon. Sáng ngày sai người đến báo giờ.
Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo đến nhà Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳxá-khư Mẫu dùng các thức ăn ngon bổ dâng cúng Phật và Tăng. Ăn xong, dẹp cất bát rồi, bà lấy một chiếc ghế thấp ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến bà hoan hỷ. Đức Thế Tôn nói pháp rồi rời chỗ ngồi ra về.
Khi Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu dâng thức ăn, quên đem quả để dâng. [868b] Bà nghĩ: “Ta vì trái tươi này nên thỉnh Phật và Tăng dùng cơm. Nay lại quên đem quả để dâng.” Nghĩ như vậy rồi, bà liền sai người đem trái tươi đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn rồi, nên không dám nhận. Đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu từ thí chủ kia đem đến thì nên làm pháp dư thực để ăn.” Pháp dư thực như trước đã nói.
1. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, có tỳ-kheo bị bệnh điên cuồng, đến nơi lò giết bò trâu, ăn thịt sống và uống máu. Bệnh lành, bản tâm hồi phục, lo sợ phạm giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không phạm. Nếu các tỳ-kheo khác bị bệnh như vậy, ăn thịt sống và uống máu mà bệnh được lành thì cũng được phép dùng.”
2. Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được. Các tỳ-kheo khất thực không được nên đến chỗ nuôi voi để xin. Bấy giờ các quỷ thần vì tín kính samôn nên khiến voi chết. Các tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt voi để ăn. Đức Thế Tôn khởi từ niệm, bảo các tỳ-kheo: “Voi là một binh chúng của vua. Nếu vua nghe được việc này tất không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt voi.”
3. Bấy giờ, các tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được nên đến nơi chuồng ngựa để xin. Lúc ấy có quỷ thần vì tín kính sa-môn, liền khiến ngựa chết. Các tỳ-kheo nhờ đó mà nhận được thịt ngựa để ăn. Đức Thế Tôn từ mẫn, bảo các tỳ-kheo: “Ngựa là một binh chúng của vua. Nếu vua nghe được chắc không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt ngựa.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nơi người đánh cá[41] để xin. Bấy giờ có quỷ thần vì tin kính sa-môn nên khiến các loài rồng chết. Tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt rồng[42] để ăn.
Bấy giờ, Thiện Hiện Long vương[43] ra khỏi ao của mình, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có loài rồng có thể làm khô ráo một quốc độ hay ít hơn một quốc độ, mà nay các tỳ-kheo lại ăn thịt loài rồng này. Lành thay! Đức Thế Tôn, đừng cho tỳ-kheo ăn thịt loài rồng.”[44] Đức Thế Tôn nghe Thiện Hiện Long vương nói, im lặng nhận lời. Khi Thiện Hiện Long vương biết đức Phật hứa khả rồi, đầu mặt kính lễ Phật, rồi về lại bản xứ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp các Tăng Tỳ-kheo , bảo: “Hiện có loài rồng có đại thần lực, có oai đức, có thể làm khô ráo một quốc độ, hay ít hơn một quốc độ, mà các tỳ-kheo ăn thịt loài rồng này. Từ nay về sau không được ăn thịt loài rồng.”
5. Bấy giờ, [868c] có tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nhà Chiên-đà-la, nơi đó nhận được thịt chó và ăn. Các tỳ-kheo đi khất thực, chó ghét chạy theo sủa. Các tỳ-kheo nghĩ: “Trong số chúng ta, chắc có người ăn thịt chó nên khiến chúng nó ghét, chạy theo chúng ta sủa.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay về sau không được ăn thịt chó, nếu ăn phạm đột-kiết-la.”
6. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo uống thuốc tiêu xổ. Có vị ưu-bà-di tên là Tô-tỳ,[45] đến Tăng-già-lam, thăm viếng các phòng. Đến chỗ tỳ-kheo, bà hỏi rằng: “Thầy bệnh thế nào?”
Tỳ-kheo nói: “Tôi uống thuốc tiêu xổ.”
Tô-tỳ lại hỏi: “Thầy cần gì?”
Tỳ-kheo bệnh nói: “Cần thịt.”
Tô-tỳ thưa: “Con sẽ đem thịt đến.”
Tô-tỳ liền trở về Ba-la-nại, sai người cầm tiền đi mua thịt. Tô-tỳ nói với người chạy việc rằng:
“Anh cầm tiền này đi mua thịt đem về đây.”
Hôm đó tại Ba-la-nại người ta không mổ thịt. Người đàn ông đi khắp nơi tìm mua mà không có, trở về đến chỗ ưu-bà-di thưa:
“Thưa đại gia, đại gia biết cho, hôm nay người ta không mổ thịt, con tìm mua khắp nơi mà không có thịt.”
Ưu-bà-di nghĩ như vầy: “Ta hứa cúng thịt cho tỳ-kheo bị tiêu xổ. Sợ rằng tỳ-kheo này không nhận được thịt, hoặc có thể qua đời. Nếu vì sanh tử này mà tỳ-kheo phải qua đời thì đối với pháp người xuất gia bị thối chuyển. Nếu là bậc hữu học thì không được thăng tiến. Nếu là A-la-hán thì khiến cho thế gian bị mất phước điền.” Nghĩ như vậy xong, ưu-bà-di liền vào phòng sau, lấy dao bén tự cắt thịt trong người, gói lại. Bảo đứa ở nấu, rồi đem đến Tăng-già-lam cho tỳ-kheo bị bệnh tiêu xổ. Đứa ở làm theo lời dạy, đem đến dâng cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo ăn xong bệnh liền lành. Vị ưu-bà-di kia sau khi tự cắt thịt mình rồi, cả người bị đau nhức vô cùng, hết sức khổ não. Trước đó phu chủ của ưu-bà-di đi khỏi, khi về không thấy Tôtỳ nên hỏi: “Ưu-bà-di Tô-tỳ ở đâu?”
Gia nhân thưa: “ Bà bệnh nằm trong nhà.”
Phu chủ hỏi: “Bệnh gì?”
Tô-tỳ trình bày rõ nhân duyên. Phu chủ nói:
“Chưa từng có người nào có lòng tin kính sa-môn như Tô-tỳ, đến mức không thương tiếc kể cả thân mạng như vậy.”
Tô-tỳ ưu-bà-di nghĩ: “Nay ta đang bị đau nhức vô cùng, có thể do đây mạng sống sẽ chấm dứt. Nay ta nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống để thỉnh Phật và Tăng đến thọ thực, ngõ hầu có cơ hội ta được chiêm ngưỡng lần cuối.” Tô-tỳ liền sai người đến Tăng-già-lam, thưa: “Kính thỉnh Đại đức Tăng sáng mai đến thọ thực.” Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.
Liền trong [869a1] đêm hôm đó, các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ được chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm sứ giả đến thưa đã đến giờ. Bấy giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng các Tăng tỳ-kheo đến nhà của ưu-bà-di Tô-tỳ , an tọa nơi chỗ ngồi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi: “Ưu-bà-di Tô-tỳ đâu không thấy?” Gia chủ thưa: “Vì bệnh nên ở trong nhà.”
Đức Phật bảo: “Gọi ưu-bà-di Tô-tỳ ra đây.”
Gia chủ liền vào trong nhà nói: “Đức Phật bảo gọi cô ra.”
Ưu-bà-di Tô-tỳ nghĩ như vầy: “Ta đã được đức Thế Tôn gọi.” Bà liền đứng dậy bước ra, đột nhiên sự đau nhức bỗng chấm dứt, vết thương lành lại như cũ, không hề có tỳ vết chi cả. Khi ưu-bà-di Tôtỳ đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy! Không được làm như vậy! Tô-tỳ ưu-bà-di nên bố thí như vầy, nên học như vầy. Không được tự gây khổ cho mình. Cũng không được gây lo rầu cho người.”
Bấy giờ, ưu-bà-di Tô-tỳ tự tay châm sớt các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật và Tăng ăn xong, cất bát. Tô-tỳ lấy chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Bấy giờ đức Phật vì ưu-bà-di phương tiện nói các thứ pháp, khiến bà được hoan hỷ. Đức Thế Tôn vì bà nói các pháp xong liền từ chỗ ngồi ra về. Đến trong Tăng-già-lam, qua chỗ tỳ-kheo bị tiêu xổ, hỏi rằng: “Ông được ưu-bà-di Tô-tỳ đem thịt đến cho ông ăn phải không?” Vị ấy thưa: “Bạch Thế Tôn, có.”
Đức Phật hỏi: “Ông có ăn không?”
Vị ấy thưa: “Có ăn.”
Đức Phật lại hỏi: “Ngon không?”
Vị kia thưa: “Ngon, thịt thơm ngon như vậy khó mà có được.” Đức Phật dạy:
“Ông là người ngu si, ăn thịt người. Từ nay về sau không được ăn thịt người. Nếu ăn, phạm tội thâu-lan-giá. Các thứ thịt đáng tởm khác cũng không được ăn. Nếu ăn thì phạm đột-kiết-la.”
6. Thế Tôn ở nước Ba-la-nại. Có cư sĩ, cha của Da-thâu-già[46] đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp khai hóa khiến ông được hoan hỷ. Cha của Da-thâu-già nghe Phật nói pháp khai hóa tâm sanh đại hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: “Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của con.” Bấy giờ Da-thâu-già đang đứng hầu sau đức Phật, đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời thỉnh, còn Da-thâu-già không nhận lời mời, vì đức Phật chưa cho phép ông nhận biệt thỉnh.[47] Đức Phật dạy: “Có hai cách thỉnh cho phép được nhận. Hoặc là thỉnh Tăng, hoặc là thỉnh riêng.”
Bấy giờ, có một cư sĩ khác có ý nghĩ: “Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?” Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép thường làm thức ăn cho Tăng.”
Ông thưa như vầy: “Con không thể thường làm thức ăn cho chúng Tăng được.”
“Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?”
Cư sĩ liền bạch [869b] Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép tỳ-kheo thường đến nhà ông thọ thức ăn.”
Vị kia liền thưa: “Con không thể thường làm thức ăn cho đạo nhân ăn được.”
“Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?”
Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng sai đến thọ thực, hoặc đưa thức ăn[48] đến trong Tăng; hoặc thức ăn ngày mồng tám, ngày bố-tát, thức ăn ngày mồng một[49] trong tháng.
Bấy giờ, có cư sĩ nghĩ: “Cần làm phước gì để cúng dường thuốc chữa bệnh cho chúng Tăng?” Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép cúng tiền thuốc cho chúng Tăng.”
Bấy giờ, có cư sĩ vừa làm xong phòng xá mới mà không có đạo nhân ở, nghĩ rằng: “Cúng dường chúng Tăng thứ gì để các tỳ-kheo đến ở nơi phòng này?” Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép nấu cháo để trong phòng.”
Nếu các vị không ở thì lại cho phép làm các thứ bánh và trái trong phòng. Nếu các vị không ở thì nên làm thức ăn cho. Nếu không ở thì cho phép cho tiền phòng.[50] Nếu các vị vẫn cố không chịu ở thì cho phép cho giường dây, giường cây, nệm ngồi, gối, đồ trải dưới đất. Nếu vẫn cố không ở thì nên cho áo lót, giạ, mền. Nếu vẫn cố không ở thì cho bình bát cùng ba y. Nếu vẫn cố không ở, thì nên làm cánh cửa, móc cửa, cho cây gậy, cho dép, cúng dù, cho quạt, cho bình nước, cho bình nước rửa, cho đồ đựng nước, cho các thứ dùng trong nhà tắm như bình đựng nước tắm, giường, cho vật cạo ghét, cho hương xông, cho hương hoàn, cho y của phòng.[51] Nếu vẫn cố không chịu ở, thì nên cúng tất cả vật cần dùng của sa-môn.
7. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng. Các tỳ-kheo đi khất thực, thấy một người nặn sữa bò cho bò bê uống. Rồi lại nặn. Từ miệng con bò nghé, tiết ra một thứ nước bọt giống như sữa. Sau đó các vị nghi không dám uống sữa, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép uống sữa.” Ngài nói, phương pháp nặn sữa là như vậy.
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh nên nhan sắc tiều tụy, hình dung khô gầy, sanh ghẻ lở.[52] Khi ấy, đức Thế Tôn ở nơi tịnh thất khởi lên ý nghĩ như vầy: “Tháng mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh, nhan sắc tiều tụy, thân hình khô gầy sanh ghẻ. Nay ta nên cho phép các tỳ-kheo ăn thứ gì để trị các chứng bệnh ấy?” Ngài liền nghĩ: “Có năm thứ thuốc người đời thường dùng[53] là bơ, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.[54] Ta nên cho các tỳ-kheo dùng để làm thuốc chữa bệnh gầy ốm, như phương pháp dùng lương khô[55] vậy.” Nghĩ như vậy rồi, xế hôm ấy, từ nơi chỗ vắng đứng dậy, đem việc này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, [869c] Phật dạy: “Vừa rồi ở chỗ vắng Như Lai tư duy sự việc như vậy, như vậy. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng năm thứ thuốc: bơ, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.” Các tỳ-kheo nhận được các thứ thuốc ăn béo bổ; trong thời gian giữa ngày, không thể ăn kịp, huống chi nay lại thêm năm thứ thuốc này cũng trong thời gian giữa ngày. Lúc ấy, thuốc tuy nhiều mà người bệnh không kịp giờ để uống, nên các tỳ-kheo bệnh hoạn càng tăng, hình thể vẫn khô gầy, nhan sắc vẫn tiều tụy. Bấy giờ, đức Thế Tôn biết mà vẫn cứ hỏi Tôn giả A-nan:
“Sao các tỳ-kheo hình thể nhan sắc vẫn như vậy?”
Tôn giả A-nan đem nhân duyên trên bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, nếu tỳ-kheo nào có bệnh, thời hay phi thời, đều được phép dùng năm thứ thuốc ấy.”
Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn béo bổ, không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nhận lời thỉnh rồi, nên không ăn mà đem bỏ. Các chim quạ tranh nhau ăn kêu la inh ỏi. Đức Phật biết mà vẫn cố ý hỏi A-nan:
“Tại sao các loài chim quạ kêu la như thế?”
Tôn giả A-nan đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép người nuôi tỳ-kheo bệnh, dù nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được phép ăn thức ăn của người bệnh ăn chưa hết; không phạm.”
Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh thống phong, thầy thuốc bảo ăn năm thứ mỡ: Mỡ gấu, mỡ cá, mỡ lừa, mỡ heo, mỡ cá sấu.[56] Tôn giả bạch Phật, Phật cho phép dùng. Nhận đúng thời, lọc đúng thời, nấu đúng thời như phương pháp dùng dầu. Nhận phi thời, lọc phi thời, nấu phi thời; không được dùng. Nếu dùng thì như pháp trị.
9. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo du hành trong nhân gian tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có năm trăm người ăn xin thường đi theo sau đức Phật. Đức Thế Tôn đi chưa xa lắm, đến dưới một bóng cây bên đường, trải ni-sư-đàn ngồi. Lúc ấy có một cư sĩ tên là Tư-ha-tỳ-la,[57] là người huấn luyện voi, chở đường cát đen[58] trên năm trăm cỗ xe, đi ngang qua đường. Trên đường đi, thấy tướng bánh xe nghìn căm[59] nơi dấu chân đức Phật có ánh sáng rõ ràng, liền theo dấu chân tìm đến. Từ xa thấy đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, điều phục tối thượng, cũng như long tượng vương, tối thắng không ai sánh kịp, thí như đáy nước lóng trong không có bợn nhơ. Thấy đức Thế Tôn như vậy, người huấn luyện voi sanh lòng kính tín, đến trước Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi lui ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì cư sĩ Tư-ha mà phương tiện nói các pháp, khai hóa, [870a1] khiến được hoan hỷ. Bấy giờ, Tư-ha cư sĩ nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, liền cúng dường các tỳ-kheo mỗi vị một tô đường cát đen. Các tỳ-kheo không nhận vì đức Phật chưa cho phép nhận đường cát đen. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép nhận đường cát đen. Đức Phật bảo Tư-ha cúng cho mỗi Tỳ-kheo một tô đường cát đen. Tư-ha vâng lời Phật dạy. Cúng cho mỗi vị một tô đường cát đen. Cúng xong, còn dư đường cát đen. Phật bảo tuỳ ý cúng lại lần thứ hai, lần thứ ba. Cúng ba lần xong vẫn còn dư. Phật bảo cho người ăn xin. Cho rồi vẫn còn dư, Phật bảo cho lại lần thứ hai, lần thứ ba, để người ăn xin được no đủ. Cho người ăn xin đầy đủ rồi vẫn dư. Đức Phật bảo Tư-ha, nên đem đường cát đen còn dư để chỗ tịnh địa, hoặc trong nước không trùng. Tại sao vậy? Vì chưa từng thấy chư thiên hay loài người, các Ma, Phạm vương, hay Sa-môn, Bà-la-môn nào ăn loại đường cát đen này mà có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác.
Bấy giờ, Tư-ha vâng lời đem đường cát đen còn dư đổ chỗ nước không trùng. Nước liền tuôn khói và phát lên âm thanh, như cây sắt nóng đỏ bỏ vào trong nước, âm thanh chấn động. Đường cát đen dư này bỏ vào trong nước, nước sôi, cũng phát ra âm thanh như vậy. Tư-ha thấy vậy hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui qua ngồi một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật. Đức Thế Tôn biết Tư-ha ôm lòng hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, nên phương tiện nói các pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Liền từ chỗ ngồi, Tư-ha lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đặng tăng thượng quả; ông liền bạch đức Thế Tôn:
“Kính bạch Đại đức, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưubà-tắc. Từ nay về sau con không sát sanh cho đến không uống rượu.” Tư-ha nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi cáo lui.
Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực thấy bạch y khi làm đường cát đen, có bỏ kế-ny.[60] Các tỳ-kheo sanh nghi không dám ăn quá ngọ, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: “Phương pháp làm như vậy. Cho phép ăn.” Bấy giờ, các tỳ-kheo khất thực nhận được đường cát dẻo,[61][62] nên bạch Phật. Đức Phật cho phép ăn. Nhận được nước đường,3 Phật cho phép uống. Nhận được thứ mật đường đặc,[63] Phật cho phép ăn. Nhận được đường cát trắng,[64] Phật cho phép dùng; nhận được ô-bàđà-phả-ni,[65] đức Phật cho phép dùng. Nhận được nước hòa với nước mía, đức Phật cho phép uống. Nhận được [870b] nước mía, đức Phật cho phép uống. Nếu là các loại nước uống không làm người say, cho phép uống vào lúc phi thời. Nếu là loại nước uống làm người say, không được uống. Nếu uống thì sẽ như pháp trị. Nhận được mía, đức Phật cho phép ăn.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian từ nước Makiệt-đề đến thành Vương-xá. Tất-lăng-già-bà-ta[66] được nhiều người biết, có nhiều đồ chúng, nhận được nhiều tô, du, mật, sanh tô, thạch mật đem cho đồ chúng. Đồ chúng tập trung tích trữ, các đồ chứa đựng đều đầy hết. Bồn lớn, bồn nhỏ, chõ lớn, đãy đựng lạc, đãy lọc, treo trên vách, trên móc long nha, trên trụ, hoặc dưới gian nhà, chảy xuống ướt, làm cho phòng nhà hôi thối.
Bấy giờ, nhiều cư sĩ đến thăm Tăng-già-lam, thấy các phòng xá của đồ chúng Tất-lăng-già-bà-ta dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, các loại thuốc, cùng ngủ chung với chúng ở trong phòng, hôi thối bất tịnh, tất cả đều cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử mà còn nhiều ham muốn, không biết nhàm chán, tự xưng là mình biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh Pháp? Cứ xem họ dồn chứa các thứ đồ ăn thức uống, các loại thuốc nhiều như vậy đâu khác gì kho chứa của vua Bình-sa?”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, biết hổ thẹn, ưa học giới, hiềm trách Tất-lăng-già-bà-ta rằng, “Sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều thứ thuốc ở trong phòng và cùng ngủ chung với chúng, hôi thối bất tịnh như vậy?” Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dùng nhân duyên này tập hợp Tăng Tỳ-kheo , khiển trách đồ chúng của Tất-lăng-già-bà-ta rằng: “Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều loại thuốc ở trong phòng và cùng ngủ với chúng, hôi thối bất tịnh như vậy?” Dùng vô số phương tiện khiển trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Từ nay về sau, nếu có tỳ-kheo bệnh nào cần tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật, được phép dùng đến bảy ngày. Nếu quá hạn còn dùng thì sẽ như pháp trị.”[67]
10. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ thành Vương-xá du hành trong nhân gian (điều này như trên, không khác với giới lần lượt ăn, nên không chép ra).
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh hoạn phong, cần thuốc. Thầy thuốc bảo ngâm nước lúa mạch,[68] đức Phật cho phép uống. Trường hợp cần dầu ngâm với nước lúa mạch; cần phả-ny[69] ngâm với nước lúa mạch, đức Phật cho phép dùng. Có trường hợp thuốc đúng thời[70] hòa với thuốc đúng thời; thuốc phi thời[71] hòa với thuốc đúng thời; thuốc bảy ngày[72] hòa với thuốc đúng thời; thuốc trọn đời[73] hòa với thời dược thì nên thọ như thuốc đúng thời. Hoặc thuốc phi thời hòa với thuốc phi thời; thuốc bảy ngày hòa với thuốc phi thời; thuốc trọn đời [870c] hòa với thuốc phi thời, thì nên thọ như thuốc phi thời.
Hoặc thuốc bảy ngày hòa với thuốc bảy ngày; thuốc trọn đời hòa với thuốc bảy ngày, thì nên thọ như thuốc bảy ngày.
Hay thuốc trọn đời hòa với thuốc trọn đời, thì thọ như thuốc trọn đời.
11. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, cần thuốc để thoa; dùng cái soong để sao thuốc. Bạch Phật. Phật cho phép dùng. Bấy giờ, có Tỳ-kheo bị giộp,[74] thầy thuốc bảo dùng mỡ người để trị. Đức Phật cho phép dùng. Lúc ấy có tỳ-kheo bị ói mửa, cần tóc mềm mịn. Đức Phật dạy cho phép đốt lấy tro hòa với nước, lọc rồi uống.
Bấy giờ có tỳ-kheo tự mình đến bãi tha ma, lấy tóc người, lấy mỡ người đem về, các cư sĩ thấy đều ghét tởm, cho là xấu, là bần tiện. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép lấy lúc vắng người.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo thân bị bệnh nhiệt, thầy thuốc bảo dùng chiên-đàn sẽ lành bệnh. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép dùng. Nếu là trầm thủy hay chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la,[75] Phật cho phép dùng để thoa thân.
Bấy giờ, các phòng tỳ-kheo bị rắn vào. Tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Phật cho phép đuổi nó, hoặc dùng ống đồng đựng nó, hoặc lấy dây cột nó rồi mang đi vất. Vị kia không mở dây khi đặt xuống đất để thả, nên rắn bị chết. Đức Phật dạy: “Không nên không mở dây khi thả.”
Bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị chuột vào. Tỳ-kheo chưa ly dục đều sợ hãi. Đức Phật dạy: “Nên đuổi nó chạy ra ngoài. Hoặc dùng bẫy để bắt rồi đem thả đi.”
Vị kia để trong bẫy đem bỏ luôn cả bẫy. Chuột ở trong bẫy chết. Đức Phật dạy: “Khi thả, không được không mở bẫy ra.”
Lúc bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị bò cạp, rít, sâu vào. Các tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Đức Phật dạy: Dùng vật gì xấu hay cục bùn, hay lấy đồ quét, túm nó đem bỏ đi. Khi bỏ, không mở ra nên bị chết, Phật dạy: “Khi bỏ, không được không mở ra.”
12. Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại thành Vương-xá. Các tỳ-kheo phá nhà tắm. Có con rắn trong bọng cây chạy ra, cắn thầy tỳ-kheo chết. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ niệm bảo các tỳ-kheo: “Vị tỳ-kheo kia không sanh từ tâm đối với vua của rắn là tám vị Long vương nên bị rắn cắn chết. Tám Long vương[76] là Tỳ-lâu-lặc-xoa Long vương, Già-ninh, Cù-đàm-minh, Thí-bà-di-đa-la, Đa-xà-y-la-bà-ny, Già-tỳla-thấp-ba-la, Đề-đầu-loại-thác Long vương. Nếu tỳ-kheo từ tâm đối với tám rắn Long vương thì không bị rắn cắn chết. Nếu tỳ-kheo này [871a1], có từ tâm đối với tất cả chúng sanh thì cũng không bị rắn kia cắn chết.”
Đức Phật cho phép làm bài chú tự bảo hộ niệm từ:
“Tỳ-lâu-lặc-xoa-từ, Già-ninh từ, Cù-đàm-minh từ, Thí-bàdi-đa-la từ, Đa-xà-y-la-bà-ny từ, Già-tỳ-la-thập-ba-la từ, Đề-đầu-lại-thác từ. Từ niệm chư Long vương, kiền-thát-bà, la-sát-sa. Nay tôi tác từ tâm trừ diệt các độc ác, từ đây được bình phục, đoạn độc, diệt độc, trừ độc. Nam mô Bà-giàbà.”[77]
Đức Phật cho phép dùng dao mổ ra máu rồi dùng thuốc thoa,[78] cũng cho phép chứa con dao nhọn.
13. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh độc,[79] thầy thuốc bảo uống hủ lạn dược.[80] Nếu hủ lạn dược này đã rơi xuống đất[81] thì nên lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi thọ, sau đó mới uống. Nếu thuốc chưa rơi xuống đất, thì lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi uống chứ khỏi phải thọ.
Bấy giờ, cũng có tỳ-kheo bị bệnh độc, thầy thuốc bảo uống bùn ở trong ruộng. Đức Phật cho phép dùng đồ đựng đầy nước hòa với bùn và lọc, sau đó thọ rồi mới uống.
14. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách của tỳ-kheo bệnh. Lúc ấy đức Thế Tôn vì từ niệm, bảo các tỳ-kheo: “Kỳ-bà Đồng tử này dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách cho tỳ-kheo bệnh. Người bệnh không được dùng dao chữa như vậy. Tại sao? Vì dao bén, nên nơi bị mổ ăn sâu vào trong thịt. Từ nay về sau, cho phép dùng dây gân hay dây bằng lông cột thắt lại hoặc lấy móng tay ngắt cho đứt da, sau đó mới sức thuốc. Đức Phật dạy tiếp: “Cho phép làm thuốc bằng tro. Nếu tay cầm không bảo đảm, Phật cho phép làm đồ đựng thuốc tro. Nếu đồ đựng dễ vỡ, cho phép làm bằng xương.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo hòa ba loại thuốc để uống, nên bảo A-nan lấy ba thứ thuốc để hòa, mang ra. Bấy giờ, A-nan vâng lời Phật, tự hòa ba thứ thuốc lại nấu với nhau, rồi đem dâng cho Phật. Lúc ấy đức Thế Tôn biết mà cố ý hỏi A-nan: “Ai nấu thuốc này?”
A-nan thưa: “Con tự nấu.”
Đức Phật bảo A-nan: “Không được tự nấu. Nếu tự nấu, sẽ như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có sáu trăm chiếc xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khi ấy, từ nước Bà-xà du hành trong nhân gian đến Tỳ-xály. Lúc ấy, các tịnh nhân sửa soạn đầy đủ các thức ăn thanh tịnh. Họ lớn tiếng cao giọng, hoặc kêu người bảo dùng nắp đậy đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia. Đức Thế Tôn [871b] biết mà vẫn cố ý hỏi tôn giả A-nan: “Tại sao các tỳ-kheo kêu la lớn tiếng như bọn người chài cá vậy?”
Tôn giả A-nan bạch Phật: “Các tịnh nhân sửa soạn các thức ăn thanh tịnh nên lớn tiếng cao giọng, hoặc bảo đậy nắp đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia, cho nên lớn tiếng như vậy.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Không được trong cương giới, cùng ngủ với thức ăn, cùng nấu đồ ăn để ăn. Nếu ăn thì sẽ như pháp trị.” Bấy giờ, các tỳ-kheo đem đồ ăn thức uống để nơi đất trống, tích trữ không bảo đảm, khiến trẻ chăn bò chăn dê, hoặc kẻ trộm cướp lấy đi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nên kết nhà tịnh trù nơi chỗ đất vắng, hay ở bên phòng.”
1. Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có tướng quân Tư-ha[82] là đệ tử của Ni-kiền. Tại công đường,[83] có năm trăm Lê-xa ngồi ăn, họ dùng vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, tướng quân Tư-ha tại chỗ ngồi nghe vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng nên sanh lòng tin ưa, muốn đến yết kiến đức Phật. Ông ta nghĩ như vầy: “Nay ta hãy đến thưa với thầy Ni-kiền để đến chỗ Cù-đàm.” Bấy giờ, Tư-ha liền đến thưa với Ni-kiền rằng:
“Tôi muốn đến chỗ sa-môn Cù-đàm.”
Ni-kiền nói rằng: “Ông chủ trương nên làm.[84] Cù-đàm giáo hóa đệ tử bằng thuyết không nên làm. Thôi, đừng nên đến đó.”
Bấy giờ, tướng quân Tư-ha rút lại ý định đi gặp Phật trước đó. Các Lê-xa lần thứ nhì, lần thứ ba cũng khen ngợi Phật, Pháp, Tăng như vậy. Tướng quân Tư-ha khi nghe lần thứ hai, lần thứ ba sự khen ngợi như vậy, khởi ý nghĩ như vầy: “Nay ta hãy đi gặp Cù-đàm, khỏi phải từ giã thầy Ni-kiền. Xem Thầy sẽ làm gì được ta?” Bấy giờ, Tư-ha liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Tư-ha nghe Phật phương tiện nói pháp tâm sanh đại hoan hỷ bạch Phật rằng:
“Tôi nghe nói Cù-đàm giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm. Các sa-môn đồn như vậy, có đúng sự thật, có đúng như pháp chăng?”
Đức Phật nói với Tư-ha rằng:
“Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết hãy nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng pháp đoạn diệt;[85] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp uế ác;[86] [871c] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp điều phục;[87] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử, đó là thuật ngữ bằng pháp diệt ám;[88] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng ‘Sự sanh của ta đã dứt; không còn tái sinh nữa’[89]; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng, Ta đã đến chỗ vô uý, thuyết vô uý pháp;[90] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.”
Đức Phật nói với Tư-ha:
“Vì sao Ta nói ‘Không nên làm’ cho đến ‘chỗ vô úy’ để giáo hóa đệ tử, rằng lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp?”
“Ta nói ‘không nên làm’, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác.
“Ta nói ‘nên làm’, là nên làm ba pháp thiện.
“Ta nói ‘pháp đoạn diệt’, là đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si.
“Ta nói ‘pháp uế ác’ là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý.
“Ta nói ‘pháp điều phục’ là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si.
“Ta nói ‘diệt ám’ là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện.
“Ta nói ‘sự sanh của ta đã dứt’ là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai, và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử.
“Ta nói ‘đến chỗ vô úy’ là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh.
“Này Tư-ha, đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‘không nên làm’ cho đến, ‘vô úy’, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.”
Tư-ha bạch Phật: “Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau, con không sát sanh cho đến không uống rượu.”
Đức Phật bảo Tư-ha: “Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.”
Tư-ha thưa: “Khi mà con đến làm đệ tử của ngoại đạo sa-môn, bàla-môn, họ liền cầm phan, xướng lệnh khiến cho người trong nước biết: ‘Tư-ha là đệ tử của Ni-kiền.’ Nay con nghe đức Thế Tôn ân cần dạy bảo rằng: ‘Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm, việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.’ Điều này làm cho con càng tin tưởng sâu xa hơn.”
Tư-ha lại bạch Phật: “Bạch Đại đức’ lần thứ hai, con xin trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh, cho đến không uống rượu. Từ nay về sau, cửa ngõ nhà con Ni-kiền ngoại đạo không được [872a1] vào. Phật và các đệ tử tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưubà-di, ra vào cửa ngỏ nhà con không có sự trở ngại.”
Đức Phật nói với Tư-ha rằng: “Trước đây, ông như là nguồn suối ngày đêm cung cấp cho ngoại đạo Ni-kiền, nay làm sao đoạn tuyệt được?”
Tư-ha lại hỏi đức Phật: “Con được nghe người ngoài nói rằng: Samôn Cù-đàm tự nói, ‘Bố thí, nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác. Bố thí cho Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho người khác sẽ không được quả báo. Nên bố thí cho đệ tử của Ta. Không nên bố thí cho đệ tử người khác. Bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho đệ tử người khác sẽ không được quả báo.’”
Đức Phật trả lời cho Tư-ha rằng: “Ta không nói như vậy, mà ta nói: Nếu người có từ tâm, chỉ đem nước vo gạo cho đến như nước cơm, đem đổ chỗ nước bất tịnh có trùng, khiến cho loài trùng kia được thọ hưởng chất này; Ta nói người kia còn có phước. Huống chi là cho con người. Nhưng Ta cũng nói, bố thí cho người trì giới được quả báo lớn hơn so với cho người phá giới.”
Tư-ha bạch Phật rằng: “Như lời đức Thế Tôn đã nói, như lời đức
Thế Tôn đã nói. Chúng con xin tự biết.” Rồi đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Ngay trên chỗ ngồi mà ông được xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; liền bạch Phật rằng: “Nay, lần thứ ba, con nguyện trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.”
Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tư-ha biết đức Thế Tôn hứa khả, liền đứng dậy kính lễ sát chân Phật cáo lui.
Trong đêm ấy, Tư-ha sắm sửa đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đúng giờ, đến thỉnh Phật thọ thực. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo, đến nhà Tư-ha, trải ni-sư-đàn an tọa. Ngay lúc ấy, các Ni-kiền Tử đến chỗ ở của Lê-xa hoa tay cao lên, kêu la lớn tiếng với giọng oán giận rằng: “Tướng quân Tư-ha này, đã tự giết con bò lớn để thiết đãi bữa cơm cho Sa-môn Cù-đàm và các đệ tử. Biết thí chủ vì mình giết mà vẫn cố ăn!”
Lúc ấy, có người đến chỗ Tư-ha nói cho biết rằng: “Hiện có các Nikiền Tử đến trú xứ của Lê-xa, đưa tay cao lên, lớn tiếng kêu gào, oán hận, nói: ‘Tướng quân Tư-ha, tự giết bò thiết đãi bữa ăn cho Sa-môn Cù-đàm và các Tăng tỳ-kheo.’”
Tư-ha nghe rồi nói: “Những người đó là ngày đêm thường xuyên coi Phật và Tăng tỳ-kheo là oan gia. Ta không bao giờ vì mạng của ta mà cố ý đoạn mạng chúng sanh.” Bấy giờ, tướng quân Tư-ha dùng [872b] các đồ ăn thức uống ngon bổ dâng lên. Bữa ăn của đức Phật và Tăng tỳ-kheo đã xong, bình bát được thu dọn, ông lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Phật vì ông mà phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Vì ông nói pháp xong, rời chỗ ngồi ra về.
Khi về đến Tăng-già-lam, vì nhân duyên này, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng: “Từ nay về sau, nếu có thí chủ vì mình cố ý giết thì không được ăn. Vì mình cố ý giết ở đây là cố ý thấy, cố ý nghe, cố ý nghi. Có ba nhân duyên như vậy là thịt bất tịnh, Ta nói không được ăn. Nếu thấy vì ta mà cố ý giết, hoặc nghe từ người đáng tin nói, vì ta mà cố ý giết, hoặc thấy trong nhà có đầu, có da, có lông, có máu, có chân, và người này có khả năng làm mười điều ác, thường là người sát hại, có thể vì ta mà cố ý giết. Ba nhân duyên như vậy gọi là thịt không thanh tịnh, không được ăn. Có ba loại thịt tịnh nên ăn: Không cố ý thấy, không cố ý nghe, không cố ý nghi. Nếu không thấy vì ta mà giết, không nghe vì ta mà giết, hoặc không thấy trong nhà có đầu, chân, da, lông máu, và người kia không phải là người giết hại, cho đến thọ trì mười điều thiện, người kia không bao giờ vì ta mà đoạn mạng chúng sanh. Ba thứ thịt như vậy gọi là tịnh, được ăn. Nếu là thịt làm ở nơi thờ tự thì không được ăn. Tại sao vậy? Người kia với dụng ý làm để đem đến cúng tế. Cho nên không được ăn, nếu ăn sẽ như pháp trị.”
2. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Từ Tỳ-xá-ly, đến Tô-di; từ Tô-di đến ở thành Bạt-đề.[91] Bấy giờ, ở thành Bạt-đề có đại cư sĩ tự Mântrà,[92] là đệ tử của Bất-lan Ca-diếp,[93] giàu có rất nhiều của báu, nhiều voi ngựa xe cộ, nô tỳ, người ăn kẻ ở, kho lẫm nhẫy đầy, có đại oai lực, tùy theo ý muốn, chu cấp người vật. Khi người cư sĩ này vào kho, thì như lỗ trục của bánh xe, lúa thóc tự nhiên tuôn ra mãi, cho đến khi nào cư sĩ ra khỏi kho. Người vợ của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu gạo nấu cơm cung cấp cho cả bốn binh chủng; và người bốn phương đến xin đều cho họ ăn đầy đủ, không khi nào hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Người con cũng có phước lực như vậy. Dùng cái đãy đựng đầy một ngàn lượng vàng, cho cả bốn binh chủng và người bốn phương đến xin theo ý muốn của họ đều được đầy đủ, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Con dâu của cư sĩ cũng đều có phước lực như vậy; dùng một gói hương thoa cho [872c] bốn binh chúng và người bốn phương đến xin, một cách đầy đủ theo ý muốn, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Tôi tớ trai của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng một cái cày, cày bảy khu đất gò. Đứa tớ gái cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu thóc mà cho bốn bộ binh ăn không hết. Trong gia đình ấy, người nào cũng tranh nói đó là phước lực của mình.
Lúc bấy giờ, cư sĩ Mân-trà nghe đức Phật từ Tô-di du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Cư sĩ nghĩ như vầy: “Nay ta đến xin phép thầy Bất-lan Ca-diếp để đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.” Nghĩ như vậy rồi, đến chỗ vị thầy thưa: “Bạch Đại sư, con nghe Phật từ Tôdi, du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Nay con muốn đến đó để gặp Sa-môn Cù-đàm.”
Bất-lan Ca-diếp nói với cư sĩ rằng: “Cư sĩ, ông có đại thần lực, tự tại theo ý, không nên đến gặp Sa-môn Cù-đàm, mà Sa-môn Cùđàm phải đến yết kiến ông. Theo pháp là như vậy. Người xuất gia nên đến thăm hỏi người bạch y.”
Vị cư sĩ nghĩ như vầy: “Chưa từng có Sa-môn nào (không) là cái gai đối với Sa-môn khác. Ta cần gì phải xin phép Bất-lan Ca-diếp? Không từ biệt mà đi, Bất-lan Ca-diệp có thể làm gì ta được? Ta cứ đến gặp Cù-đàm.”
Cư sĩ Mân-trà đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì ông dùng nhiều phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho cư sĩ được hoan hỷ. Bấy giờ, Mân-trà nghe Phật nói pháp, sanh tâm vui mừng lớn, liền bạch Phật rằng: “Con là cư sĩ ở thành Bạt-đề, đệ tử của Bất-lan Ca-diếp.”
Ông đem đầy đủ tất cả việc phước lực gia nghiệp của mình bạch lên đức Thế Tôn và hỏi rằng: “Trong nhà của con, mọi người đều tranh nhau bảo đó là phước lực của mình. Vậy xin đức Thế Tôn vì con mà cho biết đó là phước lực của ai?”
Đức Phật bảo cư sĩ Mân-trà rằng: “Thuở quá khứ, tại nước Ba-lanại, ông là một cư sĩ giàu có, nhiều của cải, kho chứa đầy nhẫy. Vợ con, tớ trai, tớ gái của ông lúc bấy giờ, cũng là vợ con, tớ trai, tớ gái của ông hiện nay. Cư sĩ, bấy giờ là lúc lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Một hôm nọ, trong nhà cư sĩ đang ngồi ăn thì có một vị Phật-bích-chi tên là Đa-ha-lâu-chi[94] vào khất thực. Cư sĩ nói: ‘Các người cứ ăn đi, để tôi đem phần ăn của tôi cúng dường vị Tiên nhân này.’ Vợ của ông lại nói như vầy: ‘Anh cứ ăn đi, để em đem phần ăn của em cúng cho vị tiên nhân này.’ Tớ trai, tớ gái của ông cũng đều nói như vầy: ‘Xin các đại gia [873a1] cứ ăn đi để chúng con đem phần ăn của tụi con hiến cúng cho vị Tiên nhân này.’ Tất cả mọi người đều muốn đem phần ăn của mình cúng cho vị Phật-bích-chi thôi. Cư sĩ biết không? Vì nhân duyên quả báo như vậy nên ngày nay mọi người đều chung có phước lực như vậy.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ, từ nơi chỗ ngồi xa lìa trầu cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, thành tựu quả chứng, và bạch Phật rằng: “Từ nay về sau, trọn đời con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của con, bảy ngày ở lại thành Bạt-đề.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi cư sĩ Mân-trà biết đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo đã chấp nhận lời mời bằng cách im lặng rồi, liền chuẩn bị đầy đủ các thức ăn đủ mùi vị để cúng dường bảy ngày cho Phật và Tăng tỳ-kheo trong thành Bạt-đề.
Sau khi qua bảy ngày thọ thỉnh, Thế Tôn đi qua vùng hoang mạc.
Bấy giờ, Mân-trà cư sĩ sai người dùng một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái, và dùng voi chở đầy các thức ăn để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo theo lộ trình trên.
Đức Thế Tôn sau khi nhận sự cúng dường bảy ngày xong, liền đến vùng hoang mạc. Trên đường đi, các tỳ-kheo thấy có người vắt sữa bò cho con bò nghé uống. Rồi lại vắt. Từ miệng con bò nghé chảy ra một thứ nước bọt giống như sữa.[95] Do đây mà các tỳ-kheo sau đó không dám uống sữa, nên bạch Phật. Đức Phật dạy: “Phương pháp vắt sữa là như vậy. Cho phép uống.”
Sữa bò cho ra năm loại: sữa tươi, sữa đông, sữa bơ, bơ, bơ trong.[96] Qua khỏi hoang mạc rồi thức ăn vẫn còn dư. Sứ giả kia khởi ý nghĩ như vầy: ‘Cư sĩ Mân-trà giàu có, nhiều tài bảo, nên làm các thức ăn này để các tỳ-kheo dùng dọc đường. Nay ta nên đem hết đồ ăn thức uống này cúng cho các tỳ-kheo.’ Nghĩ xong, sứ giả liền đem đồ ăn thức uống cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận vì bảo đức Phật chưa cho phép nhận lương thực dọc đường. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Từ nay về sau, cho phép nghĩ là thức ăn của đàn-việt để nhận, rồi khiến tịnh nhân cất giữ, chứ không được tự thọ nhận. Khi nào cần thì tùy ý sử dụng.”
1. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ nước A-mâu-đa-la,[97] du hành nhân gian đến thành A-ma-na[98] trú trong vườn của bà-la-môn bện tóc Sí-nậu.[99]
Lúc ấy, bà-la-môn bện tóc Sí-nậu nghe Sa-môn Cù-đàm xuất gia từ dòng họ Thích, từ nước A-mâu-đa-la đến thành A-ma-na, trú trong vườn của ta. Vị kia khởi lên ý nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng, gọi là Như Lai, Vô sở trước, Ứng cúng,[100] [873b] Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điền ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Lành thay, nay ta nên đến yết kiến con người Vô trước như vậy.”
Bấy giờ, bà-la-môn bện tóc đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính hỏi chào rồi, lui qua một bên mà ngồi. Đức Phật vì ông dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Khi bà-la-môn nghe Phật nói pháp rất hoan hỷ rồi, bạch Phật: “Cúi xin Phật và Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.” Đức Phật nói: “Hiện tại Tăng tỳ-kheo đông, mà ông là người tin ngoại đạo.”
Bà-la-môn thưa: “Dù chúng Tăng hiện nay đông, con tuy là người tin theo ngoại đạo, nhưng cũng xin Thế Tôn và chúng Tăng nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.”
Tuy đức Thế Tôn nói đi nói lại ba lần, nhưng bà-la-môn cũng lại ba lần thưa đức Thế Tôn như vậy. Đức Thế Tôn bấy giờ im lặng nhận lời thỉnh. Bà-la-môn biết đức Phật đã nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi về nhà, và nói với thân quyến rằng:
“Sáng mai tôi thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực, các người nên tiếp tay với tôi trong việc cúng dường này.”
Những người trong thân quyến nghe nói đều hoan hỷ. Kẻ thì bửa củi, người thì nấu cơm, người khác xách nước. Bà-la-môn thì tự trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi, để Phật và Tăng tỳ-kheo sẽ ngồi.
Lúc ấy trong thành A-ma-na có bà-la-môn Thí-lô cùng ở với năm trăm bà-la-môn khác, mà bà-la-môn Sí-nậu thường cung kính tôn ngưỡng họ. Bấy giờ bà-la-môn Thí-lô cùng năm trăm bà-la-môn đều đến nhà của bà-la-môn Sí-nậu. Theo phép thường ngày của bàla-môn Sí-nậu là mỗi khi thấy quý vị ấy đến nhà liền ra nghinh đón, mời vào nhà an tọa, nhưng nay thấy, không ra nghinh đón, cũng không mời ngồi, mà cứ lo trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi tốt đẹp. Thí-lô hỏi rằng: “Ông sắp sửa cưới vợ? hay gả con gái lấy chồng? hay muốn rước vua? hay sắp cử đại tế tự?”
Người nhà trả lời: “Nhà chúng tôi không phải sắp cưới vợ, cho đến, cũng không rước vua, mà chúng tôi muốn làm đại lễ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sa-môn Cùđàm có đại danh xưng là Như Lai, Vô sở trước, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.”
Thí-lô hỏi Sí-nậu rằng: “Thật là Phật hay chăng?”
Sí-nậu trả lời: “Thật là Phật.”
Thí-lô ba phen hỏi: “Thật là Phật hay chăng?”
Sí-nậu cũng trả lời: “Thật vậy.”
Thí-lô hỏi: “Phật ở đâu? Tôi muốn yết kiến.” Bấy giờ Sí-nậu đưa tay bên phải chỉ và nói:
“Ngài [873c] đang ở trong rừng tịnh[101] kia.”
Thí-lô nghĩ như vầy: “Ta không được đến bằng hai tay không, mà nên có một phẩm vật gì đem đến để yết kiến Sa-môn Cù-đàm.” Nghĩ xong Thí-lô liền nói: “Nay có tám thứ nước mà xưa kia Tiên nhân vô dục thường uống. Đó là: nước lê, nước diêm-phù, nước táo chua, nước mía, nước quả thị, nước xá-lâu-già, nước bà-lâu-sư và nước nho.”[102] Bấy giờ, bà-la-môn Thí-lô đem tám thứ nước này đến chỗ đức Phật, cung kính hỏi chào, rồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì ông mà phương tiện nói pháp khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Thí-lô nghe pháp rất hoan hỷ, liền đem tám thứ nước cúng cho Tăng tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận và nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận tám thứ nước này, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép dùng tám thứ nước này, nếu nó không say. Có thể uống vào lúc phi thời. Nếu say thì không được uống, uống sẽ như pháp trị. Cũng không được nhận ngày nay để ngày mai uống. Nếu để như vậy sẽ như pháp trị.”
2. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian. Từ trú xứ này đến Ma-la,[103] hướng đến thành Ba-bà. Bấy giờ các Ma-la nơi thành Ba-bà,[104] nghe đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian từ Ma-la hướng đến thành Ba-bà. Họ cùng nhau đặt ra quy chế: Khi đức Thế Tôn đến mọi người đều phải nghinh đón, nếu ai không nghinh đón sẽ bị phạt một trăm lượng vàng.
Bấy giờ, có Ma-la Tử tên là Lô-di[105] không tin ưa đối với Phật, Pháp, Tăng. Lô-di là thân hữu của A-nan khi còn bạch y. A-nan từ xa thấy Lô-di liền nói rằng:
“Rất hay, Lô-di! Bạn có thể tự đến nghinh đón đức Phật.”
Lô-di trả lời: “Đại đức, tôi không phải đến đây nghinh đón, mà vì trong thành Ma-la lập ra quy chế, ai không nghinh đón Phật sẽ bị phạt một trăm lượng vàng. Vì lí do ấy nên tôi mới có mặt ở đây, chứ chẳng phải tin ưa mà đến.”
Khi Tôn giả A-nan nghe như vậy không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn thưa rằng: “Trong thành Ma-la này, có Ma-la Tử tên Lô-di, là bạn của con khi còn bạch y. Lành thay! Đức Thế Tôn nguyện xin Ngài vì con mà giúp đỡ để bạn của con được tin ưa Phật.”
Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: “Việc này có gì là khó! Nếu có khó cũng chẳng phải là thật khó.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền dùng từ tâm cảm hóa Lô-di Ma-la, khiến Lô-di tự động đến chỗ đức Thế Tôn. Giống như có người hướng dẫn, cũng vậy, Lô-di đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng ra một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Ngay lúc đó [874a1] ông liền được viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; ông bèn bạch Phật:
“Đại Đức, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc, không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của con.”
Đức Phật bảo Lô-di: “Nay ông đã là học nhân, có trí sáng suốt, đã viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của ông. Nhưng nếu có các học nhân khác có trí thông minh viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, cũng lại thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của họ thì sao?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại thành Ba-bà không thể nhận sự thỉnh mời riêng từng người. Bấy giờ trong thành tất cả mọi gia đình đều tập trung thức ăn tại một địa điểm để cúng Phật và Tăng. Lúc ấy Lô-di đến chỗ làm thức ăn xem xét thì thấy không có bánh, ông liền về nhà, trong đêm đó sắm sửa đầy đủ các thứ bánh, sáng ngày đem đến cúng dường cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận lời, và nói đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận bánh trước khi thọ thực. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”
3. Thế Tôn từ thành Ba-bà đến A-đầu.[106][107] Bấy giờ tại trú xứ A-đầu, có hai tỳ-kheo là hai cha con xuất gia,2 trước kia thường làm nghề hớt tóc. Bấy giờ, hai tỳ-kheo nghe đức Phật từ Ba-bà đến A-đầu, họ nghĩ: “Chúng ta nên sắm sửa thứ gì để cúng dường đức Thế Tôn.” Người cha nói với người con rằng:
“Nay cha sẽ đi tìm chỗ hớt tóc. Con lấy tiền ấy sắm sửa cháo để cúng dường đức Thế Tôn. Nói xong người cha đi hớt tóc; người con lấy tiền đã được đó đi sắm sửa cháo, đem đến cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan: “Cháo này ở đâu?” Tôn giả bạch đầy đủ vấn đề lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy: “Người xuất gia không được hớt tóc cho bạch y, trừ khi họ muốn xuất gia. Nếu người thợ hớt tóc đã xuất gia thì không được tích trữ dao cạo. Nếu chứa sẽ như pháp trị.”
Bấy giờ, chúng Tăng nhận được dao cạo tóc, bạch Phật. Đức Phật cho phép tích trữ.
4. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ A-đầu đến Ca-ma-la. Các tỳ-kheo được cúng thuốc rễ như a-lậu-di, na-lậu-tỳ, na-lậu-đề, bà-đàn, lưcàn-lậu, tư-la-nậu.[108] Các tỳ-kheo không nhận và nói: Đức Phật chưa cho chúng tôi thọ dụng những căn dược như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”
Trong khi ấy tại nước Ca-ma-la, các tỳ-kheo được người cho
[874b] các thứ thuốc trọn đời[109] như sa-mạn-na, ma-ha sa-mạn-na, hạnh tử, nhân-đâu-đâu-lậu, sát-địch-lê. Các tỳ-kheo không nhận, và nói: “Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận các thứ thuốc tận hình thọ như vậy.” tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép nhận.”
5. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ Ca-ma-la đến nước Ca-duy-la-vệ. Tất-lăng-già-bà-ta hiện trú tại nước đó, chân bị đau, thầy thuốc bảo xoa cái chân, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép xoa.”
Nhưng không biết dùng thuốc gì để xoa, bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép dùng dầu bơ hoặc mỡ để xoa. Khi tay cầm dầu bơ bị hôi, đức Phật bảo lấy que xức thuốc. Khi tay xoa chân, tay bị nhớt, đức Phật bảo lấy chân xoa chân. Thuốc xoa chân đựng trong cái tô không bảo đảm, đức Phật cho phép đựng trong cái bình. Nếu sợ bụi bặm, Phật cho phép đậy lại bằng cái nắp. Bình đựng dầu, để chỗ không bảo đảm, đức Phật cho phép treo dưới giường hoặc treo trên vách, trên long nha, trên cây trụ.
Bấy giờ, các tỳ-kheo bị đau đầu, thầy thuốc bảo thoa dầu trên đầu, bạch Phật. Đức Phật cho phép thoa. Vị kia vì e ngại không dám dùng dầu thơm thoa. Phật dạy cho phép thoa. Phương pháp dùng dầu phải như vậy.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh phong, thầy thuốc bảo làm thuốc trừ phong. Trong phương thuốc trừ phong gồm có nấu gạo thóc, chưng bả rượu; hoặc đại mạch, hoặc các loại cỏ trừ phong, hoặc trấu, hoặc nấu nước tiểu, bạch Phật. Đức Phật cho phép.
6. Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta cần cái soong để nấu, đức Phật cho phép chứa dùng. Chúng Tăng nhận được cái soong lớn, đức Phật cho phép tích trữ. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được ba loại chõ: chõ đồng, chõ thiết, chõ đất, đức Phật dạy cho phép tích trữ. Chúng Tăng cũng được cho phép tích trử như vậy. Sau đó Tất-lăng-già-bàta nhận được cái bình bằng đồng, bình bằng thiết, bình bằng đất, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy.
Tất-lăng-già-bà-ta nhận được bánh nướng, đức Phật dạy cho phép cất. Chúng Tăng cũng được phép cất như vậy. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được cái âu bằng đồng, nhận được cái tô, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy.[110]
[874c8] Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh ói mửa, nhờ người trong thành Xá-vệ nấu cháo. Hôm đó, vì có nhân duyên nên cửa thành mở trễ, chưa nhận kịp cháo, bệnh nhân qua đời. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng-già-lam nên kiết tịnh địa,[111] bằng pháp bạch nhị yết-ma.” Nên kiết như vầy: Công bố địa điểm, hoặc phòng nào, hay nhà tắm nóng hay chỗ kinh hành. Trong chúng nên sai người có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã chấp thuận, Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Có bốn thứ tịnh địa:[112]
a. Đàn-việt hoặc người tri sự, khi xây cất Tăng-già-lam, đã phân định, nói như vầy: “Chỗ đó sẽ dùng làm tịnh địa cho Tăng.”
b. Hoặc là xây cất Tăng-già-lam cho Tăng, mà chưa dâng cúng cho Tăng.
c. Hoặc phân nửa có rào ngăn, hoặc phần nhiều không rào ngăn, hoặc tất cả không rào ngăn; hoặc tường hoặc hào cũng như vậy. d. Tăng bạch nhị yết-ma để kết.
Các tỳ-kheo nghĩ: “Có thể lấy phòng của tỳ-kheo kiết làm tịnh địa không?” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Có thể lấy làm. Trừ tỳ-kheo đi vắng.”
Phòng của tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni cũng như vậy. Hay miễu, nhà của quỉ thần, cũng được phép kiết làm tịnh địa như vậy.
Bấy giờ, có các tỳ-kheo không biết nơi nào là tịnh địa. Bạch Phật. Phật dạy: “Chỗ được quy định. Nếu nghi trước đó có tịnh địa rồi thì nên giải, sau đó mới kết lại.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đang sửa lại Tăng-già-lam cũ, không biết được phép kết tịnh địa không? Đức Phật dạy: “Được phép kết.”
Bấy giờ, có cây mọc trên đất không tác tịnh, [875a1] cành lá che phủ đất đã tác tịnh. Các tỳ-kheo muốn an trí vật được tác tịnh lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: “Gốc thuộc đất không được tác tịnh, thì cả cây cũng không được tịnh.”
Trường hợp có gốc cây thuộc đất tịnh, cành lá che phủ đất không tịnh. Các tỳ-kheo muốn an trí tịnh vật lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
“Gốc thuộc đất tịnh, thì cả cây được tịnh.”
Trường hợp có gốc thuộc nơi đất không tác tịnh, cành lá che phủ đất tịnh, và trái rơi xuống đất tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không? Đức Phật dạy:
“Không có người xúc chạm, tự rơi xuống là tịnh.”
Trường hợp gió thổi mưa sa làm cho rơi xuống; hoặc có loài khỉ vượn hay chim chóc xúc phạm đến làm cho rơi xuống, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
“Nếu không có ý muốn khiến cho rớt xuống, tức là tịnh.”
Gốc cây thuộc nơi đất tịnh, trái rơi xuống nơi đất không tịnh. Tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: “Là tịnh.” Bấy giờ, có các tỳ-kheo trồng đậu, trồng dưa, mía, rau nơi đất không tịnh, cành lá che phủ nơi đất tịnh, không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: “Không tịnh.”
Trường hợp đậu, dưa, mía, rau trồng nơi đất tịnh, cành lá che phủ nơi đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy: “Tịnh.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn quả không tịnh,[113] các cư sĩ thấy cơ hiềm rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không biết nhàm chán và biết đủ mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Trái không tác tịnh mà ăn, như vậy có gì là chánh pháp?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được ăn trái không tịnh. Nên tác tịnh rồi mới ăn. Nên làm theo năm pháp tịnh mới ăn:[114] Tác tịnh bởi lửa, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt,[115] tác tịnh bởi chim cắn, tác tịnh bởi loại hột trỉa không mọc. Trái được làm theo năm pháp tịnh này thì được ăn. Ở đây, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt, tác tịnh bởi chim ăn thì nên bỏ hột rồi ăn. Tác tịnh bằng lửa và tác tịnh bằng hột trỉa không mọc thì ăn hết. Lại còn có năm pháp tịnh nữa như: gọt vỏ, lột vỏ, bị hư mục, bị nứt ra, bị khô héo.
Lúc bấy giờ, chúng Tăng nhận được vườn trái cây. Đức Phật dạy:
“Cho phép nhận.”
Nhưng không biết giao cho ai liệu lý. Đức Phật dạy:
“Giao cho nhưng người giữ Tăng-già-lam, hoặc sa-di, hay ưu-bàtắc.”
Người liệu lý muốn được chia phần. Đức Phật dạy:
“Nên quy giá trị thành thức ăn để trả cho họ.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ăn trái nhai không nát nên đại tiện hột mọc thành cây. Các tỳ-kheo e ngại nói: “Mình đã phạm tội ăn hạt trỉa mọc.” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không phạm, vì đó là tịnh.”
Bấy giờ các tỳ-kheo trồng rau, tự mình rải hạt giống. Sau đó sanh nghi nói, “Mình tự trồng” nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy:
“Hạt giống đã biến đổi, cho phép ăn.”
Tỳ-kheo dời rau trồng chỗ khác, [875b] nghi nói, “Mình tự trồng” nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy:
“Vì sanh trở lại, cho phép được ăn.”
Hoặc tự mình trồng đậu, dưa, mía, nho, lê, ha-lê-lặc, bệ-lê-lặc, ama-lặc, tiêu, gừng, lá lốt, hay di chuyển trồng chỗ khác vẫn được ăn. Có một sa-di nhỏ cầm đồ tịnh thực qua sông, tự mình không mang nổi. Phật cho phép tỳ-kheo lớn đỡ cho sa-di qua.
Bấy giờ, có một sa-di nhỏ mang đồ tịnh thực không thể leo lên bờ sông được. Phật cho phép tỳ-kheo lớn dìu lên. Có một sa-di nhỏ không thể đưa đồ tịnh thực lên treo trên vách tường hay treo lên trên cây long nha, cây trụ, và cũng không lấy xuống được. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép để trên giường. Hoặc dùng ghế hay bục đứng để treo lên hay lấy xuống.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo có bình đựng sữa đông, bình đựng dầu mà không đậy. Bạch Phật. Đức Phật bảo, khiến tịnh nhân đậy lại. Nếu không có tịnh nhân, thì tự tay lấy cái nắp đặt lên trên, chứ không được dùng tay mình chạm vào.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn rau không tịnh,[116] các cư sĩ thấy vậy cùng nhau cơ hiềm rằng: “Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không nhàm chán và biết đủ. Đoạn mạng chúng sanh, mà tự nói mình biết chánh pháp.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được ăn rau không tịnh. Phải tác tịnh.”
Lúc ấy tỳ-kheo kia tự tác tịnh. Đức Phật dạy: “Không được tự tác tịnh. Phải khiến tịnh nhân tác tịnh.”
Có tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người ta tác tịnh.[117] Đức Phật dạy: “Không được tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người khác tác tịnh. Phải để xuống đất, rồi khiến người tác tịnh.”
Vị kia tác tịnh rồi, không thọ mà ăn.[118] Đức Phật dạy: “Không được tác tịnh rồi, không thọ mà ăn. Nên tác tịnh rồi, rửa tay thọ, rồi mới ăn.”
Vị kia rửa rau Liên căn rồi tác tịnh. Đức Phật dạy:
“Không được rửa rồi lại tác tịnh. Ở đây rửa tức là tịnh.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo trước đó hiềm nhau, nên sờ vào tịnh thực của vị khác với ý nghĩ: “Khiến tỳ-kheo kia đặng thức ăn không tịnh.” tỳ-kheo kia không biết là tịnh hay không tịnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm đột-kiết-la.”
Bấy giờ, tỳ-kheo nọ hiềm tỳ-kheo khác, đến chỗ sa-di nhỏ của vị kia sờ vào thức ăn tịnh, với ý nghĩ: “Khiến cho Hòa thượng, A-xàlê của sa-di nhỏ kia nhận được thức ăn không tịnh.” tỳ-kheo kia không biết tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm độtkiết-la.”
Bấy giờ, có tịnh nhân nghĩ: “Sớt nhiều [875c] thức ăn cho tỳ-kheo, để tỳ-kheo ăn không hết, rồi mình ăn.” tỳ-kheo kia phải lên tiếng ngăn, “Đừng sớt nữa.” Nếu người kia không ngưng, tỳ-kheo hãy tạm rời một lát. Tỳ-kheo kia không biết tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tịnh.”
Bấy giờ, có các cư sĩ mang dụng cụ ẩm thực đến Tăng-già-lam nhờ cất. Sau đó các cư sĩ đến hoặc tự ăn, hoặc đem về, hoặc cho Tỳ-kheo ăn. Tỳ-kheo e ngại không dám ăn, vì nghĩ: “Trước đây, tự tay chúng ta mang đi cất.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Đây là những vật sở hữu của đàn-việt. Cho phép, vì đàn-việt, rửa tay thọ rồi ăn.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần cháo. Đức Phật cho phép nấu. Nếu không có người thì tự tay nấu, hay thay nhau nấu. Họ không biết nấu cách nào. Đức Phật bảo: “Sai tịnh nhân rửa cái nồi cho sạch, đổ nước vô, bỏ gạo vào rồi nấu cho sôi. Tỳ-kheo rửa tay để thọ. Sau đó, tự mình nấu cho chín. Người nấu không biết đến mức độ nào gọi là chín? Đức Phật dạy: “Nên lấy cái thìa múc để xem. Nếu chảy xuống dọc theo thìa, là chín.” Cháo chín rồi, nên múc đổ vào đồ đựng khác. Vị kia vừa rót cháo, vừa giữ đồ đựng, nên vất vả.
Phật dạy: “Không nên vừa rót cháo vừa giữ đồ đựng. Nên để người khác cầm đồ đựng.”
Nếu bị nóng tay thì phải dùng cái khăn để kẹp cho khỏi nóng. Cỏ hoặc trùng rơi vào cháo, vị kia dùng tay lấy ra bị nóng. Đức Phật dạy: “Nên dùng cái thìa để múc.”
Vị kia muốn chia cháo. Đức Phật cho phép chia. Vị kia không biết lấy vật gì để chia. Phật dạy: “Dùng cái bát cạn hoặc cái bát nhỏ, hay cái chén, hoặc dùng cái thìa để làm bát lường. Nếu bát để không ngay, nên làm cái chân bát. Nếu bị bụi bẩn dính thì nên làm cái nắp đậy.” Vị kia không rửa sạch bát đựng mà đem cất. Các Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: “Nên rửa cho sạch rồi mới đem cất.”
Khi rửa không dùng tro hay bột đậu để rửa nên không sạch. Đức Phật dạy: “Nên dùng tro hay bột đậu để rửa.”
Rửa rồi, không để khô, liền đem cất, nên trùng sanh. Đức Phật dạy: “Không được không để khô mà đem cất. Nên hơ cho khô rồi sau đó đem cất.”
Đồ đựng kia bị lổ hổng, nên thức ăn nhét và trong đó. Nhiều lần cạy rửa nên bị vỡ. Đức Phật dạy: “Tùy theo những chỗ có thể rửa được thì rửa. Ngoài ra không phạm.”
Có các tỳ-kheo nghĩ: Trong cương giới có được phép ngủ chung với cháo;[119] trong cương giới, có được phép nấu,[120] và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: “Không được cùng ngủ chung (với thức ăn) trong cương giới, nấu trong cương giới (trong cương giới), cho phép tự nấu.”
Các tỳ-kheo nghĩ: Cháo được hâm lại, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: “Không được trong cương giới nấu cùng ngủ chung; nhưng được phép tự nấu.” Các tỳ-kheo nghĩ: [876a1] thuốc dùng trọn đời, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy: “Cho phép, thuốc dùng trọn đời, trong cương giới, được phép ngủ chung; trong cương giới, được phép nấu, và tự nấu.” Bấy giờ, có tỳ-kheo muốn thọ bơ mà nhầm thọ dầu. Nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy: “Không thành thọ.” Có tỳ-kheo muốn thọ dầu mà nhầm thọ bơ. Nghi không biết có thành thọ hay không? đức Phật dạy: “Không thành thọ.”
Muốn thọ thứ này mà nhầm thọ thứ kia, nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy: “Không thành thọ.”
Có tỳ-kheo quên không thọ thực, nên mang đi đường, qua sông rồi mới nhớ, liền nghĩ: “Ta nên giải quyết thế nào?” Liền bạch Phật. Phật dạy: “Nếu quên không thọ thực, mang đi đường như vậy, nếu gặp tịnh nhân, nên để thức ăn xuống đất, rửa tay sạch rồi thọ[121] mà ăn.”
Đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa lúa gạo kham hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được. Các Tỳ-kheo đem thức ăn để chỗ đất trống, không đậy cất, bị người chăn bò, chăn dê, hay kẻ trộm lấy đi mất. Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: “Quốc độ này gặp lúc đói khát, đức Thế Tôn có cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới hay không?” Bạch Phật. Phật dạy: “Nếu gặp lúc lúa gạo quí, cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nấu thức ăn nơi chỗ trống, mà không cất đậy, nên người chăn bò, dê, hay kẻ trộm thấy lấy đi. Các tỳ-kheo nghĩ: “Lúc lúa gạo quí, có nên xin phép Phật cho nấu thức ăn trong cương giới?” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Lúc lúa gạo quí, cho phép nấu thức ăn trong cương giới.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo bảo tịnh nhân nấu thức ăn. Họ lấy bớt phần ăn hay ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: “Lúc lúa gạo quí, có nên tự nấu thức ăn?” Bạch Phật. Phật dạy: “Lúc lúa gạo quí, cho phép tự nấu thức ăn.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo trên đường đi, thấy trên mặt đất có trái cây.
Tỳ-kheo tìm tịnh nhân để lượm, thì người khác thấy lượm đi. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép dùng cỏ hay lá tủ trái cây lại.” Nhưng người khác vẫn lấy đi. Bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép lấy. Nếu gặp tịnh nhân nên để dưới đất, rửa tay rồi thọ mà ăn.” Các tỳ-kheo nghĩ: “Khi lúa gạo quí, đức Thế Tôn có nên cho phép chúng ta tự lấy thức ăn?” Đức Phật dạy: “Khi lúa gạo quí, tự mình được phép lấy thức ăn để ăn.”[122]
Bấy giờ, các tỳ-kheo, sáng sớm dậy, thọ thực rồi cất thức ăn. Sau đó vào thôn, được mời ăn. Khi trở về, đến bên tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia ăn một phần hoặc ăn hết. Tỳ-kheo nghĩ: “Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, sáng sớm thọ thực rồi, không làm pháp dư thực, được ăn lại.” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép, lúc lúa gạo quí, không làm pháp dư thực, được ăn lại.”
[976b] Bấy giờ, có vị trưởng lão được nhiều người biết đến, vào thôn khất thực. Được thức ăn rồi, đem đến một chỗ để ăn. Sau đó, mang thức ăn còn dư về trong Tăng-già-lam, đến tỳ-kheo khác làm pháp dư thực để ăn lại. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: “Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta từ nơi chỗ ăn, mang thức ăn về, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Lúc lúa gạo quí, từ chỗ ăn mang thức ăn về, không làm pháp dư thực vẫn được ăn lại.” Bấy giờ, có các tỳ-kheo thọ thực rồi nhận được quả hồ đào, quả thị,[123] bà-đà, am-bà-la, a-bà-lợi, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: “Khi lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, nhận được quả như vậy, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Lúc lúa gạo quí, nhận được trái cây như vậy, không làm pháp dư thực được ăn.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo ăn xong, nhận được thức uống, trong đó có ngó sen, gốc sen, ca-bà-đà, củ ấu, hạt sen, có thể ăn được, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ:
“Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho chúng ta ăn rồi nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không tác pháp dư thực mà được ăn.” Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Khi lúa gạo quí, ăn xong, nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không làm pháp dư thực vẫn được ăn.”
Bấy giờ lúa gạo rẻ trở lại, đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan: “Lúc lúa gạo quí, Ta đã từ mẫn đối với các tỳ-kheo nên cho phép tám trường hợp được phép: trong cương giới cùng ngủ với thức ăn, trong cương giới nấu, tự mình nấu, tự mình lấy thức ăn, sáng sớm thọ thực rồi từ chỗ ăn mang thức ăn đến chỗ khác ăn, ăn trái hồ đào..., trong nước có thức ăn có thể ăn, ăn rồi không làm pháp dư thực được ăn. Nay các tỳ-kheo áp dụng luôn như vậy sao?”
Tôn giả thưa: “Áp dụng luôn.”
Đức Phật dạy: “Không được áp dụng luôn như vậy. Nếu ăn như vậy sẽ như pháp trị.”
Lúc bấy giờ, nhà bếp của chúng Tăng bị hư hoại. Các tỳ-kheo lấy cây chống. Chân của các cây đứng trên đất không tịnh. Các tỳ-kheo nghi, không biết có tịnh hay không? Phật dạy: “Tịnh.” Ban đêm di chuyển, đồ ăn bị rơi vào đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tịnh.”
Bấy giờ, có con chó từ nơi đất tịnh tha miếng thịt đến chỗ đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh, [876c] bạch Phật. Phật dạy: “Tịnh. Các ác thú hay chim tha đi cũng như vậy.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác, nên dời thức ăn của vị này đến chỗ không tịnh, với ý nghĩ: khiến cho vị này không được tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Phật dạy: “Vật bị chạm là bất tịnh.[124] (Tỳ-kheo kia) phạm đột-kiết-la. Không bị chạm đến thì tịnh.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác với ý nghĩ: chạm tay vào tịnh địa của vị kia, khiến cho nó trở thành không tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Bị chạm đến, thành không tịnh. (Người kia) mắc đột-kiết-la. Không xúc chạm là tịnh.”
Bấy giờ, có vị khách tỳ-kheo đến, tìm đất tịnh muốn để thức ăn. Nhưng chưa đến đất tịnh thì tướng ánh sáng xuất hiện. Vị kia không biết tịnh hay không tịnh? bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tịnh. Muốn đi xa cũng như vậy.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tích trữ thưng, đấu, hộc, cân. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được tích trữ.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được vừng, lúa tám, đại đậu, tiểu đậu, đại mạch, tiểu mạch, tự mình muốn cân lường, bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép cân lường. Hoặc dùng cái bát cạn, hoặc cái bát hay cái chén để lường. Nghĩa là dùng dụng cụ lớn nhỏ này làm chuẩn để đong lường.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được sữa đông, dầu, mật, đường cát đen, muốn cân lường. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép, lấy cây khắc vào làm cán cân, như chuẩn cân đến mức bốn, năm lượng.” Vị kia lấy phòng tốt nhất làm tịnh xứ, khiến sữa, dầu, mỡ dính nhơ bẩn, hoặc khói xông đen. Đức Phật bảo: “Không được lấy cái phòng tốt nhất kiết làm tịnh xứ, mà nên lấy phòng xấu nhất để kiết làm tịnh xứ.”
Các tỳ-kheo nhận được trái cây. Đức Phật cho phép chia đều. Nếu không đủ thì nhớ theo thứ tự, để khi nhận được chia tiếp theo. Nếu nhận được nhiều thì chia một người bốn năm trái. Hoặc chia bằng cái vá, hay bằng cái bát cạn, hoặc bằng cái bát nhỏ hơn; hoặc tùy theo khả năng có thể ăn mà chia. Nếu còn dư thì chia lại lần thứ hai. Lúc ấy, có vị đem cho bạch y và ngoại đạo. Đức Phật dạy:
“Không được cho ngoại đạo và bạch y.”
Tỳ-kheo kia e ngại không dám cho cha mẹ, hoặc người bệnh, trẻ nít, người đàn bà có thai, người bị nhốt trong tù, hoặc bạch y đến trong Tăng-già-lam. Đức Phật dạy: “Những người như vậy nên cho. Nếu còn dư, nên ép lấy nước để uống.”
Bấy giờ cần dụng cụ để ép, đức Phật cho phép sắm. Nếu nước chưa lên men, không làm cho người uống say thì được dùng. Nếu nước uống mà bị say thì không được uống. Vị nào uống sẽ như pháp trị.
Thế Tôn ở Tỳ-xá-ly. Bấy giờ chúng Tăng nhận được nhiều đồ ăn thức uống cúng dường. Cơ thể các tỳ-kheo bị bệnh thấp.[125] [877a1]
Bạch Phật. Đức Phật cho phép làm thuốc thổ hạ; cần cháo canh, cho phép cháo canh. Cần thịt chim rừng, cho phép.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ nước vào lỗ mũi. Phật cho phép nhỏ. Vị ấy không biết dùng nước gì để nhỏ. Đức Phật bảo: Dùng bơ, dầu, mỡ, để nhỏ. Vị ấy không biết phương pháp nhỏ như thế nào? Đức Phật bảo: Cho phép dùng lông dê hay kiếp-bối, lông chim, nhúng vào dầu rồi sau đó nhỏ vào lỗ mũi. Khi nhỏ dầu chảy ra xung quanh. Đức Phật bảo làm cái ống để nhỏ. Vị kia dùng vật quý giá làm cái ống. Đức Phật dạy: Không được dùng vật quý giá để làm, mà nên dùng xương, răng, sừng, thiếc, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, trúc, tre, hay cây để làm. Vị kia không rửa sạch mà đem cất. Đức Phật dạy: Không được không rửa mà đem cất. Rửa rồi chưa khô nên sau đó trùng sanh. Đức Phật dạy: Rửa sạch chưa khô không được đem cất. Nên hơ cho khô rồi mới đem cất.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ thuốc vào lỗ mũi, thuốc không vào. Đức Phật cho phép lấy tay xoa trên đầu, hoặc chà xát ngón chân cái, hay dùng váng sữa đông đặc trét vào lỗ mũi.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo mắc bệnh thống phong, thầy thuốc bảo xông hơi. Đức Phật cho phép dùng hơi để xông. Bấy giờ cần cái ống đồng để xông hơi. Đức Phật cho phép làm cái ống. Vị kia dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy: Không được dùng vật báu để làm. Nên dùng xương, răng, sừng, thiếc, đồng, bạch lạp, chì, kẽm hoặc cây để làm. Nếu sợ lửa đốt cháy, bị hở hơi, cho phép dùng thiết để lót. Hoặc sợ ống đồng rơi xuống. Đức Phật cho phép làm cái đãy để đựng. Dùng tay cầm không chặt; Đức Phật cho phép làm cái dây để cột đeo trên vai. Vị kia cần dùng thuốc hoàn. Đức Phật cho phép chế. Nếu tay cầm không bảo đảm thì nên để trong cái đãy của ống đồng để xông.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, thầy thuốc bảo làm thuốc để thoa mụt nhọt. Đức Phật dạy cho phép làm. Mụt nhọt kia bị cương mủ, nên dùng dao mổ ra để thoa thuốc. Từ nay trở đi đức Phật cho phép dùng dao để mổ mụt nhọt. Mụt nhọt bị hôi thối, nên rửa cho sạch bằng nước rễ cây, cành cây, cọng cây, lá, bông, trái đã nấu sôi; hoặc rửa bằng nước tiểu. Bấy giờ, dùng tay kì rửa, bị đau, nên dùng lông chim để rửa. Nếu nước thuốc bị chảy, nên dùng vật gì ngăn xung quanh. Nếu sợ khô, thì dùng dầu thoa ở trên, lấy cái gì che lại. Nếu mụt bị thối, thì dùng hương thơm để thoa.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh sốt rét, đức Phật cho phép dùng cái y dày để đắp. Nếu vẫn còn lạnh, nên dùng cái ngọa cụ bằng dạ chăn phủ lên trên. Nếu không hết lạnh, thì cho phép một tỳ-kheo cùng nằm. Có vị cẩn thận sợ không dám cùng nằm với tỳ-kheo bệnh.
Đức Phật dạy: “Cho phép cùng nằm với tỳ-kheo bệnh.”
Bấy giờ, có bạch y bệnh, đến trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo phải chăm sóc bệnh. Các tỳ-kheo bạch [877b] Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép. Phương tiện hướng dẫn họ khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Việc gì cần giúp thì giúp cho họ.”
Khi người bệnh ấy qua đời. Các tỳ-kheo e ngại không dám chôn, vì đức Thế Tôn có dạy: Không được chôn cất người bạch y. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Nên vì tịnh Tăng-già-lam mà chôn cất.” Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cạo lông ba chỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được cạo lông ba chỗ.”
Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng nhau xem lông hậu môn, xem thử lông ai dài lông ai ngắn và đã thoa thuốc gì? Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Không được cùng nhau xem lông hậu môn, và hỏi ai lông dài lông ngắn, cùng đã thoa thuốc gì.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng dầu bơ nhểu vào đường đại tiện.
Đức Phật dạy: “Không được nhểu.”
Vị kia nhờ người nhểu. Đức Phật dạy: Không được nhờ người nhểu. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo an cư ở phương bắc xong, thân thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy, đến chỗ đức Phật nơi tịnh xá Kỳ-hoàn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo: “Nơi trú xứ của các thầy có được an lạc hay không? có hòa hợp không? Không vì vấn đề khất thực mà vất vả chăng?”
Khách tỳ-kheo thưa: “Trú xứ được an lạc; hòa hợp không có tranh cãi. Nước đó không có cháo, nên con không nhận được cháo, do đó khí lực bị tiều tụy.”
Đức Phật hỏi rằng: “Nước kia thường ăn những thức ăn gì?”
Các tỳ-kheo thưa: “Nước kia thường dùng thức ăn bằng bánh.”
Đức Phật dạy: “Cho phép ăn bánh.”
Lúc bấy giờ, có người mua ngựa ở nước Ba-la-nại đến nước Xá-vệ, muốn làm cho chúng Tăng những bánh, bột đậu,[126] lương khô, hũ đựng bột,[127] đồ lường bột, muối và hũ đựng muối; dấm và bình dấm; thùng gỗ[128], cái thìa, cái vá, ma cao, chén, cúng gối, cúng thức ăn bằng củ, bằng cọng, bằng lá, bằng hoa, bằng trái, bằng dầu, bằng mè, bằng đường cát đen, đồ ăn nghiền nát. Đức Phật dạy:
“Tất cả thức ăn trên được thọ nhận.”
Các tỳ-kheo ăn như vậy, không biết cháo này thuộc về thức ăn hay chẳng phải thức ăn,[129] được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, túc thực hay chẳng phải túc thực.[130] Phật dạy: “Nếu lấy cọng cỏ vẽ ngang qua mà không có dấu là chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.”
Bấy giờ, tỳ-kheo có ý nghĩ: Uống nước nấu cơm là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy: “Nếu không chen lẩn cơm nát mà uống thì chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.” Bấy giờ, các tỳ-kheo có ý nghĩ: Không biết bánh là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, là thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy: “Chẳng phải thức ăn, cho đến chẳng phải túc thực.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo trộn thức ăn với muối cách đêm.[131] Phật dạy: “Không được trộn muối cách đêm với thức ăn để ăn.”
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-li để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu sát đất, chấp tay bạch Phật: “Nên uống thuốc tận hình thọ vào lúc nào?”
Đức Phật dạy tôn giả: “Không được dùng tuỳ tiện. Mà chỉ khi nào tỳ-kheo có nhân duyên bệnh mới uống thuốc tận hình thọ.
[877c6] Bấy giờ, Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy có số đồng Tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la[132] xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tăng-già-lê quá nặng. Họ đến chỗ đức Thế Tôn tại Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi các tỳ-kheo rằng:
“Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp, an lạc không? Khất thực có bị vất vả không? Đi đường có bị mỏi mệt không?” Các tỳ-kheo thưa:
“Chúng con trụ chỉ được hòa hợp an lạc. Không khổ sở vì khất thực.
“Bạch Đại Đức, có số đồng tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tănggià-lê quá nặng.”
Lại có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả. Về đến tịnh xá Kỳhoàn, họ đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật an ủi các tỳ-kheo:
“Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp an lạc không? Không bị khổ sở vì khất thực chăng?”
Trả lời: “Chúng con sống hoà hiệp, an lạc. Không vất vả vì khất thực.
“Bạch Đại đức, có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo: “An cư xong, có bốn việc cần phải làm: Tự tứ, giải giới, kết giới, thọ y công đức.[133] Bốn việc này, an cư xong cần phải làm.
Có năm nhân duyên để thọ y công đức: Có y dư,[134] không [878a1] mất y,[135] ăn biệt chúng,[136] lần lượt ăn,[137] trước bữa ăn và sau bữa ăn được vào xóm làng mà không dặn tỳ-kheo khác.[138] Có năm nhân duyên như vậy nên thọ y công đức.
“Thọ y công đức rồi sẽ được năm việc lợi: Được chứa y dư, lìa y ngủ, ăn biệt chúng, lần lượt ăn, trước bữa ăn và sau bữa ăn không dặn tỳ-kheo khác được vào xóm làng. Thọ y công đức rồi sẽ được năm điều lợi như vậy.”
Chúng Tăng nên thọ y công đức như vầy:
Y mới nhận được, y do đàn-việt cúng, y phấn tảo, y mới, y cũ. Y mới thì thiếp[139] rồi tác tịnh; hoặc đã giặt;[140] giặt xong rồi nạp,[141] sau đó tác tịnh.
Y không do tà mạng được, không do xem tướng số mà được, không do móng ý mà được, không để cách đêm, không phải y xả đọa[142] rồi tác tịnh. Phải là y nhận trong ngày. Những trường hợp trên là y đúng pháp.
Y năm điều thì mười ô, bốn phía có viền. Y như vậy, Tăng nên thọ dùng làm y công đức. Nếu quá mức này cũng có thể thọ được. Nên tự giặt nhuộm, trương ra, cắt may làm thành mười mảnh, rồi ráp lại thành y. Nên thọ ở trước chúng Tăng, như vậy là Tăng đã thọ y công đức xong.
Thế nào gọi là Tăng thọ y công đức không thành?
Không phải chỉ giặt rồi là thành thọ y công đức. Không phải chỉ trương ra may. Không phải chỉ viền. Không phải chỉ cắt thành bức. Không phải chỉ viền biên. Không phải chỉ kết cái khuy. Không phải chỉ làm thành lá. Không phải chỉ đặt cái khâu, là thành y công đức. Hoặc do tà mạng mà được y; do siểm khúc được y; do xem tướng số mà được y; do mớm ý được y; hay cách đêm được y; y xả đọa không tác tịnh; không phải y nhận trong ngày. Các trường hợp trên, không đúng pháp thọ y. Y bốn phía không được viền; không thọ trước Tăng; hoặc có nạn; hoặc không có tăng-già-lê; ngay dù Tăng thọ y công đức như pháp mà vị kia ở ngoài giới, tự mình thọ y, như vậy cũng không thành thọ y công đức.
Thế nào gọi là thọ y công đức được thành tựu?
Hoặc y mới được, y đàn-việt cúng, y phấn tảo, hoặc là y mới, hay y cũ. Y mới thì phải thiếp rồi tác tịnh. Nếu (y cũ) đã giặt, giặt rồi nạp và tác tịnh. Chẳng phải do tà mạng mà được, chẳng phải do siểm khúc mà được, chẳng phải do xem tướng số mà được, chẳng phải cách đêm, không phải y xả đọa tác tịnh, y nhận được trong ngày. Y năm điều mười khoảng cách, bốn phía có viền, hoặc y quá hơn mức độ đó thọ làm y công đức. Tự mình giặt nhuộm, tự tay trương ra, cắt may thành mười mảnh rồi ráp lại thành y. Cần phải thọ giữa chúng Tăng. Như vậy là chúng Tăng đã thọ y công đức xong. Hoặc y công đức được thọ như pháp như vậy, ở trong giới mà thọ y công đức, như vậy gọi là thành thọ công đức y.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng [878b] y được nhuộm màu lớn[143] làm y công đức để thọ trước Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được dùng y nhuộm màu lớn làm y công đức.”
Vị kia dùng gấm làm. Đức Phật dạy: “Không được dùng gấm làm.” Vị kia dùng sắc trắng, Phật dạy: “Không được dùng sắc trắng để làm. Từ nay về sau cho phép dùng màu ca-sa.”
Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y công đức đại quý giá, tỳ-kheo kia không biết nên như thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
Cho phép tác pháp, bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng thọ y công đức. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thọ y công đức. Đây là lời tác bạch.”1
Tác bạch như vậy rồi, sai một tỳ-kheo hỏi rằng:
“Vị nào có thể thọ trì y công đức này?” Trả lời:
“Tôi có thể thọ trì.”
Trong chúng nên sai một người có khả năng tác yết-ma tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tăng yết-ma giao y cho tỳ-kheo thọ trì. Văn yết-ma như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng nơi trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng giao y này cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo này vì Tăng thọ trì y công đức này, ở trong trú xứ này. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng trong trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nay Tăng đem y này giao cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo này sẽ vì Tăng thọ trì y công đức này, trong trú xứ này. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng giao y này cho tỳ-kheo... thọ làm y công đức trong trú xứ này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
1 Tác bạch này của Tứ phần gồm luôn cả ba pháp yết-ma trong Ngũ phần: 1. Bạch yết-ma chuẩn nhập một y vật làm y ca-thi-na; 2. Bạch yết-ma Tăng sai một hay nhiều tỳ-kheo may y ca-thi-na; 3. Bạch yết-ma Tăng sai tỳ-kheo làm người thọ trì ca-thi-na.
Tăng đã đồng ý giao y cho tỳ-kheo... này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo kia [878c] nên đứng dậy cầm y đưa đến từng tỳ-kheo một, tùy theo khoảng cách mà tay các tỳ-kheo vừa sờ đụng y, nói rõ ràng tướng của y và nói tiếp như vầy:
“Y này chúng Tăng sẽ thọ làm y công đức. Y này nay chúng Tăng thọ làm y công đức. Y này chúng Tăng đã thọ làm y công đức rồi.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Các tỳ-kheo kia nên nói như vầy:
“Người thọ y này đã thiện thọ. Công đức trong đây có phần của tôi.”
Vị tỳ-kheo kia nên trả lời:
“Vâng.”
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn rằng:
“Ba câu[144] này là vì đời quá khứ, hay vì đời vị lai, hay vì đời hiện tại để thọ y công đức hay chăng?”
Đức Phật dạy Tôn giả Ưu-ba-ly:
“Nếu nói đầy đủ, nên nói chín câu[145] như vậy, chứ không phải vì quá khứ thọ y công đức mà nói ba câu. Cũng không phải vì vị lai thọ y công đức mà nói ba câu hay vì hiện tại thọ y công đức mà nói ba câu. Tại sao vậy? Này, Ưu-ba-ly, quá khứ đã qua rồi, vị lai chưa đến. Cho nên, vì hiện tại thọ y công đức nên nói ba câu mà thôi.” Nếu nhận được y chưa may thành thì chúng Tăng nên tác yết-ma sai tỳ-kheo may. May thành y xong nên như pháp thọ liền.
Nhóm sáu tỳ-kheo xuân-hạ-đông, lúc nào cũng thọ y công đức. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được xuân, hạ, đông lúc nào cũng thọ y công đức. Từ nay về sau cho phép tự tứ xong, không thọ y công đức thì một tháng, có thọ y công đức thì năm tháng.” [146]
Nhóm sáu tỳ-kheo không chịu xuất y công đức vì nghĩ rằng, để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
“Không được có ý nghĩ như vầy: để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn mà không xuất y công đức. Từ nay về sau, cho phép hết bốn tháng mùa đông, Tăng phải xuất y công đức.” Nên xuất y công đức như vầy:
Tập Tăng hòa hợp, người chưa thọ đại giới đã ra; người không đến thuyết dục. Tăng nay hợp để làm gì? Trả lời rằng: Xuất y công đức.
Tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng xuất y công đức, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng hòa hợp xuất y công đức. Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy để xuất y công đức. Nếu không xuất, để quá thời gian đã định của y công đức, phạm đột-kiết-la.
Có tám nhân duyên để xả y công đức:[147] Ra đi, y thành, y chưa thành, mất y, mất hy vọng, nghe xả, xuất giới, đồng xả.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới [879a1] với ý nghĩ đi luôn không trở lại. Ra đi,[148] liền mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới để may y. Vị kia may y xong, liền mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ: Không may y cũng không trở lại trú xứ. Y chưa xong[149] là xả y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y đã xong. Khi tỳ-kheo mất y ấy, y công đức cũng mất.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với hy vọng được y. Tỳ-kheo kia ra ngoài giới, đến chỗ hy vọng được y. Tỳ-kheo thấy chỗ đó rồi, mà không được y. Hy vọng bị mất, không có chỗ nào để đặt hy vọng nữa. Hy vọng ấy đã bị mất, mất luôn y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y. May y rồi, nghe tin chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia khi vừa nghe, khi ấy mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y xong. Nhiều lần có ý nghĩ là trở về. Khi còn ở ngoài giới, chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia ở ngoài giới mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ở ngoài giới may y. Y kia dù may xong hay may chưa xong, trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo kia hòa hợp cùng xuất y công đức. Đó là tám trường hợp xả y công đức.[150] Lại có sáu nhân duyên: tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ không trở lại. Ra đi tuy chưa được y, nhưng vẫn mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng).
Lại có sáu nhân duyên: tỳ-kheo thọ y công đức rồi, mang y ra ngoài giới để may y. Khi ngoài giới may y xong, liền mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng).
Chưa được y lại có mười lăm vế. (Kế đó, đã được y, cũng có mười lăm vế). Được y, chưa được y, cũng có mười lăm vế. (Trường hợp này lẫn lộn với tám điều trên nên không chép ra).
Lại có mười hai nhân duyên.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng cầu y, đạt được chỗ hy vọng cầu y. Ở ngoài giới may y, may y xong mất y công đức (vế ‘may chưa xong’ cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng được y, không nói với người sẽ trở lại. Ra ngoài giới đến chỗ hy vọng y, mà không được y hy vọng, lại được y chẳng phải chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi,[879b] ra đi, không nói với người sẽ trở lại, cũng không có ý trở lại. Ở ngoài giới đến chỗ hy vọng y, được y chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May không thành cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Lại có mười hai nhân duyên: Đặng y chỗ hy vọng, không đặng y chỗ hy vọng, đồng như mười hai nhân duyên trên.
Lại có chín nhân duyên:
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, chưa đặng y. Ở ngoài giới, các tỳ-kheo khác hỏi: “Thầy ngủ ở đâu? Y thầy ở đâu? Sao không mang đến tôi sẽ may y cho thầy?” tỳ-kheo kia trở về đến trú xứ, nghe chúng Tăng xuất y công đức. Ông nghĩ như vầy: “Nay Tăng xuất y công đức mà ta mới may y.” May y xong mất y công đức. (Không may y cũng như vậy; mất y cũng như vậy. Đây là ở trong giới nghe, có ba vế. Mang y ra ngoài giới, trên đường đi mà nghe, ba vế cũng như vậy. Mang y đến chỗ tỳ-kheo kia, ba vế cũng như vậy. Đây là chín nhân duyên. Kế đó, chín vế được y cũng như vậy. Được y không được y đều có chín nhân duyên cũng như vậy).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới, đến địa phương khác, vị ấy nghĩ rằng: Nếu gặp được bạn lành thì sẽ đi, không gặp được bạn lành thì sẽ trở về. Đến giữa đường nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nghĩ rằng ta đang may y. May y xong, vị kia mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, muốn đến chỗ vắng vẻ thanh tịnh; nếu thích thì vị kia sẽ ở, không thích thì về lại. Tỳ-kheo kia đến chỗ đó, nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nói rằng ta đang may y, may y xong, tức xả y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế).
Có hai loại xả y công đức, tỳ-kheo trì y công đức ra ngoài giới ngủ, chúng Tăng hòa hợp cùng xả.
[879b24] Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di.[151] Bấy giờ có tỳ-kheo phạm giới. Trong chúng, có vị nói phạm; có vị nói không phạm. Trong số tỳ-kheo thấy phạm nói với tỳ-kheo không thấy phạm rằng: “Tỳ-kheo này thực sự có phạm chứ không phải là không phạm.” Vị tỳ-kheo không thấy có tội kia hiểu, liền nói:
“Tỳ-kheo này thật sự phạm giới, chứ chẳng phải là không phạm.” Sau đó, cùng hoà hiệp, tác pháp cử tội.[152] tỳ-kheo phạm tội nói:
“Tôi không phạm. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.”
[879c] tỳ-kheo này3 bèn đi vào nhân gian tìm bộ đảng; nói với các tỳ-kheo khác rằng:
“Tôi không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội. Yết-ma đối với tôi không thành tựu.”
Tỳ-kheo kia thấy như vầy: “Tỳ-kheo này không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.”
Tỳ-kheo phạm tội liền dẫn các tỳ-kheo tùy cử1 là bộ đảng của mình, đến chỗ tỳ-kheo mà trước kia nói là không thấy phạm, nói rằng:
“Này trưởng lão, tỳ-kheo này không phạm giới, không thành cử, phi pháp cử tội kẻ khác, yết-ma không thành.”
Tỳ-kheo này[154] trở lại thấy không phạm nên nói:
“Vị kia không phạm tội, không thành cử tội, phi pháp cử tội yết-ma không thành.”
Vị bị cử kia cùng tỳ-kheo tùy cử, bèn yết-ma thuyết giới tách riêng[155] các tỳ-kheo thấy tội.
Bấy giờ tỳ-kheo cử tội đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
“Tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử yết-ma cùng với chúng con đã thành yết-ma thuyết giới biệt bộ.” Đức Phật dạy:
“Đây là những kẻ ngu si phá Tăng. Nếu những vị kia yết-ma thuyết giới như lời Ta dạy thì yết-ma thành tựu, không phạm.[156] Nếu các ngươi cũng yết-ma thuyết giới như lời Ta dạy thì cũng thành tựu, không phạm. Tại sao vậy? Vì có hai trú xứ bất đồng: tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng, hoặc chúng Tăng cho tác thành trú xứ bất đồng.”
Thế nào gọi là tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng?
Nếu tỳ-kheo phá Tăng kia đi ra ngoài tìm cầu bạn đảng. Như vậy, tỳ-kheo tự tác thành trú xứ bất đồng.
Thế nào gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng?
Tăng tác pháp yết-ma không thấy phạm, yết-ma không sám hối, yết-ma không bỏ ác kiến.[157] Như vậy gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng. Đây là hai trú xứ bất đồng.
Có hai đồng trú xứ: tỳ-kheo tự tác thành đồng trú xứ, hoặc Tăng tác thành cho đồng trú xứ.
Thế nào gọi là tự tác thành đồng trú xứ?
Tỳ-kheo phá Tăng này cùng với bộ đảng của mình đi tìm cầu bộ đảng tốt bên ngoài. Như vậy là tỳ-kheo tự tạo sự chung sống.[158] Thế nào là Tăng tác thành cho đồng trú xứ?
Chúng Tăng hòa hợp, trước kia tác pháp yết-ma bất kiến phạm, yết-ma bất sám, yết-ma bất xả ác kiến; nay Tăng hòa hợp giải các yết-ma đó. Như vậy gọi là Tăng tác thành cho đồng trú xứ. Đó là hai đồng trú xứ.
Tỳ-kheo bị cử kia và tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử này, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
“Bạch Đại đức Thế Tôn, tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử này, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở [880a1] đoản của nhau. Chúng con phải làm thế nào?”
Đức Phật dạy: “Cho phép, khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, hãy nên cùng ngồi tại một chỗ như vậy, sao cho thân và miệng không phát sinh sự xấu ác.[159] Khi Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, hãy ngồi xen kẽ từng người một.”[160]
Rồi thì, đức Thế Tôn đến chỗ tỳ-kheo bị cử, nói như vầy: “Các ngươi chớ nên phạm tội mà nói là không phạm, không sám hối. Tại sao vậy? Nếu tỳ-kheo phạm tội; các tỳ-kheo khác nói, ‘Trưởng lão phạm tội, có tự thấy hay không?’ Đáp rằng: Không thấy. Nhưng Tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì Pháp, trì Luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo phạm tội kia liền nghĩ rằng, ‘Tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì Pháp, trì Luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Nay, nếu ta không thấy tội, tỳ-kheo kia liền vì ta tác pháp yết-ma bất kiến tội, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Hoặc tỳ-kheo kia tác pháp cử tội ta: yết-ma bất kiến, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Tỳ-kheo kia lại không cùng ta yết-ma thuyết giới, không cùng ta tự tứ, đồng ở một nhà, đồng trú một chỗ, ngồi một giường, một phản, trước bữa ăn sau bữa ăn cũng không cung kính lễ bái, chấp tay tiếp đón nhau theo tuổi lớn nhỏ. Hay tỳ-kheo kia không cùng ta đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới... cho đến không chấp tay tiếp đón nhau.[161] Như thế thì trong Tăng sẽ phát sinh sự đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Như vây, Tăng sẽ bị vỡ, khiến cho Tăng bị bôi bẩn, khiến cho Tăng sống chia rẽ.’
“Nếu tỳ-kheo thấy sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì nên theo lời người kia mà nói rằng ‘Tôi có tội.’ Hãy nên như pháp sám hối.
“Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.”
Đức Thế Tôn sau khi khuyên bảo tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử như vậy rồi, liền đến chỗ tỳ-kheo tác cử kia, nói rằng:
“Các ngươi chớ nên thường xuyên cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Trong khi tỳ-kheo phạm sự được tỳ-kheo kia hỏi, ‘Trưởng lão có tự thấy phạm tội hay không?’ Vị kia nói: Không thấy. Nhưng Tỳ-kheo kia, nếu đa văn, biết A-hàm, trì Pháp, trì Luật, biết Ma-di, [880b] nhiều bạn bè thuộc tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‘Tỳ-kheo ấy đa văn, biết A-hàm, trì Pháp, trì Luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Nếu vị kia nói không thấy tội, nay chúng ta yết-ma tác cử vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến. Nếu chúng ta tác pháp yết-ma vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến; chúng ta không cho vị kia cùng một yết-ma thuyết giới, không cùng tự tứ cho đến, không chấp tay tiếp đón, chúng ta không cùng một yết-ma thuyết giới, cho đến không chấp tay tiếp đón; thế thì trong Tăng sẽ có sự đấu tranh, mạ nhục, phỉ báng lẫn nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng sống chia rẽ.’ “Nếu tỳ-kheo coi sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì không được cử tội tỳ-kheo kia.
“Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.”
Thế Tôn, sau khi nói với tỳ-kheo kia rồi, khi đêm đã qua, tảng sáng, khoác y, bưng bát, vào Câu-thiểm-di khất thực. Sau đó, về lại trong Tăng-già-lam, do nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng:
“Thuở quá khứ xa xưa vua Phạm Thí[162] nước Già-xa[163] có oán thù với tổ phụ vua Trường Sanh[164] nước Câu-tát-la. Vua Phạm Thí có binh chúng oai lực dũng mãnh, tài bảo lại nhiều. Oai lực binh chúng của vua Trường Sanh không bằng, của báu lại ít. Sau một thời gian, vua Phạm Thí cử bốn bộ binh kéo đến nước Câu-tát-la chinh phạt vua Trường Sanh, đoạt cả quốc độ, binh chúng cùng kho tàng trân bảo. Vua Trường Sanh cùng đệ nhất phu nhân tẩu thoát đến nước Ba-lanại, giả làm người bà-la-môn bện tóc. Cả hai ở trong nhà người thợ đồ gốm.
Sau đó một thời gian, đệ nhất phu nhân của vua Trường Sanh khởi lên ý nghĩ: ‘Ta muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Thiếp muốn uống nước rửa đao kiếm.’
Phu nhân nghĩ xong, liền đến chỗ nhà vua nói:
“Vua có biết không? Vừa rồi thiếp có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Tôi muốn uống nước rửa đao kiếm.”
[880c] Nhà vua nói: “Khanh làm sao có được ước nguyện đó? vua Phạm Thí có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!”
Phu nhân nói: “Nếu không được mãn nguyện, thiếp sẽ chết.”
Bấy giờ, vua Phạm Thí có một vị đại thần tự là Phú-lô-hê-đa,[165] là bạn của vua Trường Sanh. Vua Trường Sanh nói với vợ rằng: “Ta cần phải nói với người bạn ta biết việc này.”
Rồi vua Trường Sanh liền đến chỗ Phú-lô-hê-đa nói như vầy:
“Này, ông bạn có biết không? Đệ nhất phu nhân của ta có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và muốn uống nước rửa đao kiếm. Nghĩ xong liền đến nói với tôi sự việc như vậy. Tôi nói với vợ tôi rằng: ‘Khanh làm sao có được ước nguyện đó? vua Phạm Thí có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!’ Vợ ta liền nói: ‘Nếu không được toại ngyện thì thần thiếp sẽ chết.’ Ta liền nói rằng: ‘Ta cần phải nói cho bạn ta biết nhân duyên này.’” Phú-lô-hê-đa nói:
“Hãy chờ một chút, để tôi xem trong bụng của phu nhân đã.” Phú-lô-hê-đa đến xem trong bụng của đệ nhất phu nhân vua Trường Sanh xong, liền để trống vai bên hữu, quỳ thẳng gối, chấp tay ba lần xưng nói: “Vua của nước Câu-tát-la hiện đang ở trong bụng.” Rồi ông nói với phu nhân: “Phu nhân sẽ được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và sẽ uống nước rửa đao kiếm, tại chỗ đó.”
Bấy giờ, Phú-lô-hê-đa đến chỗ vua Phạm Thí tâu như vầy:
“Vua biết chăng? Khi có vì tinh tú như vậy xuất hiện, thì cần phải vào buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, cho bốn bộ thao diễn tại ngã tư đường, và rửa đao kiếm.”
Phú-lô-hê-đa: “Nay chính là lúc thích hợp.”
Bấy giờ, Phú-lô-hê-đa liền tập hợp bốn bộ binh tại ngã tư đường thao diễn, rồi rửa đao kiếm.
Khi ấy, phu nhân của vua Trường Sanh được nhìn thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và bà được uống nước rửa đao kiếm.
Sau đó, thai đủ tháng, phu nhân hạ sanh một nam nhi, tướng mạo đoan chánh, liền được đặt tên là Trường [166] . Khi khôn lớn, vua Trường Sanh rất yêu mến.
Bấy giờ, vua Phạm Thí nghe vua Trường Sanh nước Câu-tát-la cùng đệ nhất phu nhân trốn thoát làm bà-la-môn bện tóc ở tại nhà người thợ đồ gốm, liền ra lệnh người hầu cận rằng:
“Ngươi đến nơi nhà người thợ gốm [881a1] bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói cho kỹ dẫn về đây. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dẫn ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần; bêu trên đầu cây nhọn.”
Bấy giờ, vua Trường Sanh khi nghe vua Phạm Thí ra lệnh như vậy, liền kêu người con trai dặn dò rằng: “Này Trường con, nay con có biết không? vua Phạm Thí nước Già-xa, là oán cừu của Tổ phụ cha, đã chiếm đoạt tất cả quốc độ, binh chúng, cùng tài sản của ta và nay ra lệnh người hầu cận giết bố mẹ con. Con nên trốn thoát, đừng để vua Phạm Thí giết.”
Vương tử Trường trốn thoát. Vua Phạm Thí sai người đến bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói kỹ. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dân chúng tụ tập rất đông.
Lúc ấy, con của vua Trường Sanh cải trang đi theo sau cha mẹ mình khóc kể, nước mắt chảy ròng rã. Vua Trường Sanh xoay lại thấy con mình liền nói như vầy: “Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.” Nhà vua nói như vậy ba lần.
Khi ấy dân chúng nghĩ rằng: “Vua nước Câu-tát-la tâm cuồng điên loạn. Hôm nay mới dạy Trường Ma-nạp. Nay đây ai là Trường Manạp?” Đám đông cùng nói như vậy ba lần.
Rồi thì, vua Phạm Thí sai người dẫn vua Trường Sanh đi ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần, bêu lên đầu cây nhọn.
Bấy giờ, con vua Trường Sanh là Trường từ đó trở lại trong thành Ba-la-nại, học các kỹ thuật, học kinh thơ, học xem tướng, tinh tú, học bói toán, học vẽ hình tượng, âm nhạc, hý kịch, xuất sắc nhất trong số học chúng.
Lúc bấy giờ, ở chỗ của kỹ nữ vua Phạm Thí cách đó không xa có một người huấn luyện voi. Vương tử Trường đến nơi tượng sư xin được học. Tượng sư chấp thuận.
Một thời, Trường Ma-nạp, vào lúc quá nửa đêm, gảy đàn và ca vũ, tấu lên âm thanh tuyệt diệu. Trong đêm đó vua Phạm Thí sau khi nghe tiếng đàn cầm ca vũ du dương, liền hỏi người hầu cận: “Quá nửa đêm rồi, ai là người gảy tiếng đàn cầm và ca vũ với âm thanh tuyệt diệu như thế?”
Người hầu cận thưa: “Tâu Đại vương, cách chỗ ở kỹ nữ của vua không xa, có một người huấn luyện voi đang ở. Người học trò của ông tên là Trường Ma-nạp, thường quá nửa đêm gảy đàn cầm ca vũ với âm thanh du dương đó.”
Vua nghe rồi liền bảo, “Gọi đến đây. Ta muốn gặp.” Người hầu cận vâng lệnh đi gọi. Ma-nạp đến, đảnh lễ sát chân vua rồi đứng qua một bên. Vua hỏi:“Có thật vào lúc [881b] quá nửa đêm, ngươi gảy đàn và ca hát với âm thanh vi điệu đó hay chăng?”
Ma-nạp thưa: “Đúng như vậy.”
Nhà vua nói: “Nay trước mặt ta, ngươi hãy gảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó.”
Ngay trước mặt nhà vua Ma-nạp liền gảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó. Nhà vua nghe xong, rất hoan hỷ, nói: “Ngươi ở lại đây. Ta sẽ nuôi ngươi.”
Ma-nạp tâu: “Vâng.”
Lúc bấy giờ, nơi nhà ở của đệ nhất phu nhân vua Phạm Thí không ai được vào, chỉ có phu nhân của vua và Ma-nạp Trường mà thôi. Sau đó một thời gian, ngọc ma-ni của phu nhân bị mất. Phu nhân đến chỗ vua thưa rằng: “Bệ hạ biết không? Ngọc ma-ni của thần thiếp đã bị mất rồi.”
Nhà vua hỏi: “Có ai vào nhà hay không?”
“Không có ai vào cả. Chỉ có vua và thần thiếp cùng Ma-nạp Trường mà thôi.”
Vua liền kêu Trường Ma-nạp hỏi: “Đệ nhất phu nhân của ta bị mất viên ngọc ma-ni, ngươi có lấy không?”
Ma-nạp liền nghĩ: “Nhà của phu nhân vua ở không ai được vào. Chỉ có phu nhân và ta. Nếu ta nói không lấy thì nhà vua sẽ trị tội ta. Từ nhỏ tới lớn ta đã quen sống sung sướng, không thể chịu khổ hình được.”
Ma-nạp liền thưa vua rằng: “Con lấy.”
Nhà vua hỏi cùng với ai lấy? Thưa rằng: “Cùng với Thái tử của vua lấy.”
Nhà vua lại hỏi: “Cùng với ai lấy nữa.”
Tâu rằng: “Cùng với đại thần có trí tuệ bậc nhất của vua lấy.”
Nhà vua hỏi: “Cùng với ai lấy nữa?”
Thưa rằng: “Cùng với đại trưởng giả bậc nhất lấy.”
Vua hỏi: “Cùng với ai lấy nữa?”
Thưa rằng: “Cùng với đệ nhất dâm nữ.”
Nhà vua liền bắt Ma-nạp, thái tử, đại thần, trưởng giả, đệ nhất dâm nữ trói lại.
Bấy giờ, thái tử nhà vua hỏi Trường Ma-nạp: “Nhà ngươi biết thật sự ta không lấy viên ngọc. Nhưng tại sao nhà ngươi vu oan cho ta lấy? “
Trường Ma-nạp trả lời: “Thật sự thái tử không lấy mà tôi cũng không lấy. Nhưng Thái tử là người được nhà vua yêu trọng nhất, chắc chắn không vì viên ngọc mà nhà vua đoạn mạng thái tử, do đó tôi khai.”
Vị đại thần có trí tuệ bậc nhất hỏi Trường Ma-nạp rằng: “Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?”
Trường Ma-nạp nói: “Thật sự ông không lấy, tôi cũng không lấy. Nhưng ông là vị đại thần có trí tuệ. Ông có thể tìm được viên ngọc, do đó tôi khai ông.”
Đại trưởng giả nói với Trường Ma-nạp rằng: “Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?” Trường Ma-nạp nói: “Ông thật sự không lấy. Thật sự tôi cũng không lấy. Nhưng ông là đại trưởng giả trong nước này. Ông là một nhà đại phú tài bảo vô số. Nếu vua cần viên ngọc thì ông có thể bồi thường được, do đó tôi khai cho ông.”
Đệ nhất dâm nữ nói với Trường Ma-nạp rằng: “Ông biết tôi không lấy viên ngọc, tại sao khai oan cho tôi?”
Trường Ma-nạp nói: “Thật sự cô không lấy mà tôi cũng [881c] không lấy viên ngọc. Nhưng cô là đệ nhất dâm nữ, có nhiều người để ý cô nhưng chưa đoạt được cô. Do đó thế nào họ cũng tìm cho được ngọc. Cho nên tôi khai cho cô.”
Bấy giờ, Bạch Tặc ở nước Ba-la-nại, nghe đệ nhất phu nhân của nhà vua bị mất viên ngọc, nhà vua bắt trói Trường Ma-nạp, thái tử, đại thần, đại trưởng giả, dâm nữ nên liền đến chỗ Trường Ma-nạp hỏi rằng: “Thật sự phu nhân nhà vua bị mất viên ngọc không?”
Ma-nạp nói: “Thật sự có mất.”
Bạch Tặc hỏi: “Có ai vào nhà của phu nhân không?”
Ma-nạp nói: “Chỉ có phu nhân của vua và tôi mà thôi.”
Bạch Tặc hỏi: “Vậy có ai đang đi trong đó?”
Ma-nạp nói: “Con khỉ cái đi trong đó.” Bạch Tặc nói với Trường Ma-nạp rằng:
“Như vậy viên ngọc có thể tìm được.”
Bấy giờ, Bạch Tặc liền đến chỗ vua Phạm Thí tâu rằng: “Vua biết không? Nay viên ngọc có thể tìm được. Vua hãy cho mang ra các thứ anh lạc trang sức của các nữ nhân.” Vua liền ra lệnh đem tất cả những đồ trang sức anh lạc ra, và tập trung những con khỉ cái lại, mang cho chúng các anh lạc, để chúng ở trong cung. Lúc ấy, con khỉ cái trước kia ở trong nhà phu nhân, thấy những con khỉ cái kia mang anh lạc. Nó cũng liền lấy viên ngọc đã lấy trộm của phu nhân đem ra tự trang sức cho mình. Bấy giờ Bạch Tặc liền bao vây xung quanh và bắt con khỉ cái tâu với vua rằng: “Vua nay có biết không?
Tôi đã lấy lại được viên ngọc ma-ni rồi.”
Khi ấy, vua Phạm Thí liền kêu Trường Ma-nạp đến hỏi rằng: “Ngươi không lấy ngọc châu; tại sao nhận là có lấy?”
Ma-nạp liền thưa: “Vì con nghĩ như vầy: Phòng của phu nhân ở không ai được vào. Chỉ có phu nhân và con mà thôi. Nếu con nói không lấy, thì sợ vua trị tội, tra tấn, làm con đau khổ. Nhưng con thì không thể chịu được đau khổ, nên con nói có lấy.”
“Tại sao ngươi lại khai cho thái tử?”
“Con nghĩ rằng, thái tử rất được vua yêu quí, không lẽ vì hạt châu mà nhà vua đoạn mạng thát tử. Nên con khai cho thái tử.”
“Tại sao ngươi khai cho đại thần?”
“Con khai cho vị đại thần vì con nghĩ: Vị đại thần có nhiều trí tuệ, có khả năng tạo phương tiện tìm lại được viên ngọc. Cho nên con khai cho vị đại thần.”
“Tại sao ngươi lại khai cho đại trưởng giả?”
“Đại trưởng giả là người đại phú gia, nhiều của cải châu báu, có thể bồi hoàn lại viên ngọc cho vua. Nên con khai cho đại trưởng giả.”
“Tại sao ngươi lại khai cho dâm nữ?”
“Con nghĩ như sau nên khai cho dâm nữ: Người trong nước cũng như các nơi nhiều kẻ để tâm cô ta, nhưng chưa đoạt được cô ta. Họ có thể vì dâm nữ mà tìm được viên ngọc. Nên con khai cho đệ nhất dâm nữ.”
Nhà vua nói: “Chưa từng có người nào nhiều trí tuệ như Trường Ma-nạp.” Vua liền dùng Trường Ma-nạp để làm tất cả các nơi quan trọng.
Sau đó một thời gian, vua Phạm Thí nghiêm giá bốn bộ binh để đi săn bắn. Bấy giờ vua cũng như bốn bộ binh [882a1] đều ham mê đuổi theo những con nai, gặp lúc trời nóng bức nên mỏi mệt. Trường Ma-nạp liền hướng dẫn xe vua đến chỗ khuất kín để nghỉ ngơi. Vua xuống xe, vào dưới bóng mát của xe, gối đầu trên đầu gối của Trường Ma-nạp ngủ. Bấy giờ, Trường Ma-nạp nghĩ như vầy: “Nhà vua này là oán cừu của ông nội của cha ta, đã phá hoại quốc độ ta, đã đoạt bốn bộ binh chúng của ông nội của cha ta, cùng kho tàng bảo vật tất cả đều thu hết; đã giết cha mẹ ta, đã tàn sát giòng họ vua Câu-tát-la.” Nghĩ đến mối thù xưa, Trường Ma-nạp liền rút gươm muốn chém đầu nhà vua. Nhưng lại nghĩ đến lời dạy của cha: “Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.” Bèn bỏ gươm vào bao trở lại. Khi ấy, vua Phạm Thí kinh sợ, tỉnh dậy. Trường Ma-nạp hỏi: “Sao vua thức dậy?”
Vua nói: “Vua nước Câu-tát-la có người con tên là Trường Ma-nạp rút gươm muốn chém ta.”
Ma-nạp thưa với vua rằng: “Nay đây, chỗ nào có Trường Ma-nạp, con của vua Trường Sanh? Chỉ có vua và con mà thôi. Xin Ngài cứ yên tâm nghĩ.”
Vua ngủ lần thứ hai, lại cũng như vậy. Cho đến ngủ lần thứ ba, Trường Ma-nạp cũng suy nghĩ như trước, lại rút gươm ra. Vua liền kinh sợ thức dậy. Bấy giờ Trường Ma-nạp liền nắm đầu vua. Vua hỏi: “Ngươi muốn giết ta sao?”
Trường Ma-nạp trả lời: “Vâng.”
Nhà vua hỏi: “Vì lí do gì?”
Trường Ma-nạp trả lời: “Tôi là Trường Ma-nạp, con của vua Trường Sanh. Vua có oán cừu với ông nội của cha tôi. Vua đã phá tan quốc độ của tôi, đã chiếm đoạt hết tất cả binh chúng kho tàng bảo vật; đã giết cha mẹ tôi, đã tàn sát giòng họ vua Câu-tát-la. Nghĩ đến cừu oán này cho nên tôi muốn giết vua!”
Vua Phạm Thí liền nói: “Nay ta sẽ trả lại binh chúng, quốc độ cùng tất cả trân bảo của cụ cố của ông. Ông đừng giết tôi!”
Trường Ma-nạp nói: “Tôi sẽ để mạng sống cho nhà vua. Nhà vua cũng đừng giết tôi.”
Vua Phạm Thí trả lời: “Ta sẽ tha mạng sống cho nhà ngươi.” Bấy giờ, hai bên đồng xóa hết oán cừu tổ phụ, cùng nhau hòa hợp như cha với con, cùng đi một xe trở về nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, vua Phạm Thí tập hợp các đại thần và bảo như vầy: “Nếu bắt gặp Trường Ma-nạp, con vua Trường Sanh, thì giải quyết như thế nào?”
Có người nói phải xử trị thế này; có người nói phải dùng dao giết nó; có người nói phải dùng xe nghiền nát nó; có người nói phải treo đầu nó lên; có người nói phải đốt nó như cây đuốc; có người nói phải lấy dầu nấu nó; có người nói phải chẻ thân nó ra; có người nói phải dùng móc câu câu vào thịt của nó; có người nói phải lấy mật nấu nó; có người nói phải trói nó quăng trong lửa; có người nói phải lấy vải quấn nó rồi đốt; có người nói [882b] phải chặt tay, chặt chân, xẻo mũi, xẻo tai nó; có người nói phải xâu nó rồi bêu nó trên đầu cây nhọn; có người nói phải chặt đầu nó. Nhà vua liền chỉ cho các vị đại thần mà nói:
“Người này là con vua Trường Sanh tên là Trường Ma-nạp. Từ nay về sau tất cả mọi người không được bàn luận đến việc đó nữa. Tại sao vậy? Vì người này đã cho ta mạng sống và ta cũng đã cho người này mạng sống.”
Bấy giờ, vua công bố hoàn trả lại tất cả binh chúng và quốc độ cũng như kho tàng trân bảo của vua Trường Sanh lại cho Trường
Ma-nạp, và sửa soạn trang sức con để gã cho Trường Ma-nạp.”
“Này các tỳ-kheo, Trường Ma-nạp kia, vốn là kẻ chấp nhận gươm đao,[167] có oán cừu của tổ phụ của cha, mà còn trở lại hòa hợp như cha với con. Huống chi các người đã xuất gia làm đạo, đồng học một thầy, như sữa hòa với nước thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc.
“Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.”
Trong khi đức Phật dạy như thế, các tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng
Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã phải hai ba lần ngăn chận các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, chớ cùng nhau đấu tranh, mạ nhục phỉ báng lẫn nhau, moi móc tội lỗi nhau, mà nên hòa hợp chung sống, đồng một thầy học, như nước hòa với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc. Tỳ-kheo kia lại nói với đức Thế Tôn như vầy: “Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di nói bài kệ:
Đám đông dậy tiếng xấu,
Chẳng cần pháp Thượng tôn[168]
Khi phá vỡ chúng Tăng,
Còn biết lẽ gì khác?[169]
Bứt xương, hại sanh mạng,
Cướp bò, ngựa, tài bảo;
Đất nước loạn, đấu tranh,
Còn trở lại hòa hợp.
Các ngươi đáng lẽ không
Bao giờ nhục mạ nhau.
Nếu có sự như thế,
Oán kia không thể trừ.
Đối các mạ lỵ ác,
Không bao giờ đáp trả.
Người hay im lặng nhẫn,
Oán kia tự nhiên hết.
Lấy oán trừ oán cừu;
Oán cừu không hết được.
Không oán, oán tự tiêu.
Pháp kia vui dõng mãnh.[170]
Không bảo người khác làm,
Chính mình cũng không làm.
[882c]
Người thật hành như vậy,
Như mưa dập bụi trần.
Không thật, nói chắc thật;
Chắc thật, nói không thật.
Nó không rõ cái thật,
Rơi vào ức niệm tà.
Chắc thật, biết chắc thật.
Không thật, biết không thật.
Ai hiểu pháp chắc thật,
Vào trong chỗ chánh niệm.[171]
Cũng như người cầm tên
Cầm lỏng, hại tay mình.
Sa-môn không khôn khéo,
Tăng thêm số địa ngục.
Người biết khéo cầm tên,
Cầm chặt, không hại tay.
Sa-môn biết khôn khéo,
Liền được sanh đường lành.
Tuy mặc áo cà-sa,
Ôm chặt các kết sử,
Không thể trừ oán hại,
Không xứng mặc cà-sa.
Kết sử đã trừ diệt,
Tự trang nghiêm bằng giới,
Chế ngự các oán cừu,
Người ấy xứng cà-sa.
Tìm kiếm bạn khắp nơi,
Không có người hợp ý;
Thà một mình bền lòng,
Không đồng hành kẻ ngu.
Nếu khắp nơi tìm bạn,
Không được người như mình;
Thà một mình làm lành,
Không bạn kẻ ngu ác.
Độc hành, không làm ác;
Như voi rừng núi cao.
Nếu tìm được bạn lành,
Cùng chung sống, dũng mãnh.[172]
Đi, ở, giữa các chúng,
Tâm họ thường hoan hỷ.
Nếu không có bạn lành,
Độc hành, thường dũng mãnh;
Xa lánh nơi đô hội,
Vô sự như voi rừng.
Lúc bấy giờ, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di [883a1] trở về nước Xá-vệ.[173]
Bấy giờ, các vị ưu-bà-tắc ở Câu-thểm-di nghe nói, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di trở về nước Xá-vệ. Bấy giờ, các ưu-bà-tắc cùng nhau tự lập ra quy chế:
“Tất cả chúng ta, khi gặp các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, không được đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, nói năng và cúng dường y phục ẩm thực, thuốc men chữa bệnh.”
Các tỳ-kheo kia giống như người bị cử tội, nên tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn ngoại đạo đều tránh xa không giao tiếp. Các tỳ-kheo đấu tranh kia, do vậy không có sự lợi dưỡng, nên nghĩ như vầy: “Chúng ta cần phải đến chỗ đức Thế Tôn để chấm dứt việc đấu tranh này.” Họ liền đến nước Xá-vệ.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nghe các tỳ-kheo đấu tranh nơi Câuthiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thểm-di đến nước Xá-vệ. Tôn giả liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
“Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, cùng nhau đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, miệng tuôn ra những lời như gươm như đao. Nay họ từ Câuthiểm-di đến nước Xá-vệ, chúng con nên làm thế nào?”
Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: “Hãy cho phép hai bộ nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì nên chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, cùng làm người bạn.”
Tôn giả Xá-lợi-phất lại bạch Phật: “Làm thế nào để biết tỳ-kheo kia nói đúng pháp hay phi pháp?”
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất: “Có mười tám sự việc khiến Tăng bị vỡ: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, phạm, không phạm, nhẹ, nặng, hữu dư, vô dư, thô ác, không thô ác, nên làm, không nên làm, chế, không chế, thuyết, không thuyết.”[174]
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: “Ông nên xem xét việc này thời sẽ biết lời nói của tỳ-kheo kia là như pháp hay phi pháp.”
Tôn giả lại bạch Phật rằng: “Phân phối phòng xá ngọa cụ cho các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di như thế nào?”
Đức Phật dạy: “Nên cho họ phòng xá ngọa cụ ở chỗ khuất kín[175]. Nếu không có chỗ khuất kín thì hãy lập ra chỗ khuất kín cho họ, cũng như cách thức phân phối ngọa cụ cho chúng Tăng.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: “Chia y vật của chúng Tăng cho tỳ-kheo Câu-thiểm-di như thế nao?”
Đức Phật dạy: “Tùy theo thứ bậc mà chia.”[176]
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: “Đối với tỳ-kheo Câu-thiểmdi, nên sắp xếp chỗ ngồi như thế nào để chia cháo trong bữa tiểu thực?”
Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất: “Trước kia Ta há đã không nói điều này? Khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, ngồi sao cho không phát sanh sự dữ của thân và miệng. Chúng Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, sự việc đã chấm dứt, nên ngồi chỗ ngồi cách khoảng một người.”[177]
Lúc bấy giờ, [883b] tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nghe các Tỳ-kheo đấu tranh nơi Câu-thiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thiểm-di đến nước Xávệ, liền cùng với năm trăm tỳ-kheo-ni đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng: “Đại Đức Thế Tôn, tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di này cùng nhau đấu tranh, cùng nhau mạ nhục phỉ báng, xoi mói tốt xấu nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xávệ. Chúng con nên đối xử với họ như thế nào?”
Đức Phật bảo Cù-đàm-di: “Hãy nghe cả hai bên nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, coi đó là bạn hữu.”
Cù-đàm-di bạch Phật: “Làm sao biết lời nói của tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp?” Phật dạy: “Có mười tám việc phá Tăng: Pháp phi pháp... cho đến thuyết không thuyết.” (như trên)
“Nên xem xét việc này để biết lời nói tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp. Tỳ-kheo-ni Cù-đàm-di, nên đến cầu giáo thọ trong bộ chúng tỳ-kheo như pháp.”
Lúc bấy giờ, trưởng giả A-nan-bân-đê[178] nghe các tỳ-kheo nơi Câuthiểm-di đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-tắc đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật: “Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xávệ. Bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?”
Thế Tôn dạy: “Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có đàn-việt cúng dường nên chia hai phần, đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Này các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng.
Do vậy, này các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.”
Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu nghe các tỳ-kheo nơi Câu-thiểmdi đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-di đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên bạch Phật: “Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di đấu tranh phỉ báng mạ nhục xoi bói tốt xấu nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, nay từ Câuthiểm-di đến Xá-vệ, kính bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?” Đức Phật dạy: “Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có bố thí y vật, nên chia hai phần. Đây cũng là Tăng, kia cũng là [883c] Tăng. Này các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng. Do vậy, này các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.”
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo bị cử, trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: “Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp, yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.” Bấy giờ vị ấy liền xem xét Tu-đa-la, Tỳni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: “Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.” Vị ấy liền đến chỗ các tỳ-kheo tùy cử nói như vầy: “Tôi trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: ‘Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.’ Bấy giờ tôi liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: ‘Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.’”
Bấy giờ các tỳ-kheo tùy cử dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ tỳ-kheo tác cử bạch rằng: “Tỳ-kheo bị cử này nói với tôi như vầy: ‘Trên đường đi nơi chỗ vắng, tôi tư duy (nói đầy đủ như trên).’”
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo cử tội dẫn tỳ-kheo tùy cử, tỳ-kheo bị cử đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: “Tỳ-kheo tùy cử này dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ con, đem nhân duyên của tỳ-kheo bị cử trình bày đầy đủ. Nay con cũng đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.” Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: “Đó là phạm chứ chẳng phải không phạm. Cử tội đúng chứ chẳng phải không đúng; như pháp cử Tỳ-kheo này, yết-ma thành tựu. Nếu tỳ-kheo kia thuận tùng chúng Tăng để sám hối, hoán cải tội lỗi, thì yêu cầu giải yết-ma bất kiến cử.”
Nên bạch tứ yết-ma để giải, cách giải như vầy: Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã bị
Tăng cử tội, yết-ma bất kiến cử. Nay tôi thuận tùng chúng Tăng, cải hoán tội lỗi, sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nguyện Tăng từ mẫn, vì tôi giải cho.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong đây, [884a1]Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử. Nay thuận tùng chúng Tăng, hoán cải tội lỗi sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử, vị kia đã thuận tùng chúng Tăng cải hoán tội lỗi sám hối, nay cần cầu Tăng giải yết-ma bất kiến cử. Trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho tỳ-kheo tên là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
“Tăng đã đồng ý giải yết-ma bất kiến cử cho tỳ-kheo... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Đức Phật dạy tiếp: cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp, nên bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ lẫn nhau, xoi mói sở trường sở đoản nhau. Người phạm sự bị cử kia nay đã được giải rồi, trần cấu của Tăng được diệt sạch. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng tác pháp hòa hợp. Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy để hòa hợp.
Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch đức Thế Tôn rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi mói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Việc kia chưa liệu lý, chưa phân xử, Tăng chưa diệt trần cấu, như vậy có được hòa hợp như pháp hay không?”
Phật dạy: “Không được như pháp hòa hợp. Này Ưu-ba-ly, nhân bởi tránh sự[179] kia, khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ nhau, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến cho Tăng bị trần cấu. Khi tránh sự ấy đã được liệu lý, đã được giải quyết. Tăng đã diệt trần cấu, bấy giờ được hòa hợp như pháp.”
Đức Phật dạy: Từ nay về sau cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp Bố-tát. Nên bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nhân bởi tránh sự kia đã khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi mói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Người ấy đã được Tăng tác cử, và đã được giải rồi, Tăng đã được diệt trần cấu. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng tác pháp hòa hợp bố-tát. Đây là lời tác bạch.”
Nên bạch như vậy rồi hòa hợp [884b] bố-tát.
Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với Ưu-ba-ly: “Có năm hạng người phạm tội. Những gì là năm?
“Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Các tỳ-kheo khác bảo rằng, ‘Thầy phạm tội, có thấy hay không?’ Vị kia trả lời, ‘Không thấy.’ Vị kia nói với vị tỳ-kheo này rằng: ‘Nếu thấy tội này thì nên sám hối.’ Đây là người phạm tội thứ nhất.
“Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‘Thầy phạm tội, có thấy hay không?’ Vị kia trả lời: ‘Không thấy.’ tỳ-kheo kia nói: ‘Thầy nếu thấy tội nên đến trong Tăng sám hối.’ Đây là người phạm tội thứ hai.
“Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‘Thầy phạm tội, có thấy hay không?’ Vị kia trả lời: ‘Không thấy.’ tỳ-kheo kia nói: ‘Thầy nếu thấy tội nên ở trong Tăng này mà sám hối.’ Đây là người phạm tội thứ ba.
“Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‘Thầy phạm tội, có thấy hay không?’ Vị kia trả lời: ‘Không thấy.’ Chúng Tăng nên xả trí, không hỏi nữa, mà nói như vầy, ‘Nay thầy không thấy tội. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó cũng sẽ cử tội thầy. Đối với thầy, họ sẽ tác pháp tự ngôn, không cho thầy tác pháp a-nậu-bà-đà,[180] không cho phép bố-tát, tự tứ. Như người điều khiển ngựa, đối với con ngựa chứng khó điều khiển, họ phải buộc nó vào cây nọc, bỏ mặc nó nơi đó. Thầy là tỳ-kheo không tự thấy tội cũng lại như vậy. Tất cả mọi người đều phải bỏ mặc thầy. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó, cho đến, sẽ không cho phép thầy bố-tát, tự tứ. Người như vậy, không được đến họ để cầu thính.[181] Ở đây như vậy tức là thính. Đây là người phạm tội thứ tư.
“Tỳ-kheo phạm tội như vậy, tỳ-kheo khác bảo rằng, ‘Thầy phạm tội, có thấy hay không?’ Vị kia trả lời, ‘Không thấy.’ Đối với vị ấy chúng Tăng nên tác pháp yết-ma, bằng pháp bạch tứ bất kiến cử, đây là người phạm tội thứ năm.”
Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng:
“Có bao nhiêu pháp để thành người liệu lý sự vụ?” Đức Phật dạy:
“Có năm pháp để thành người liệu lý sự vụ:
“Muốn thành tỳ-kheo tác sự, nên quan sát việc này thật hay không thật. Hoặc giả có việc không thật. Tỳ-kheo kia, nếu biết việc này không thật thì không được làm.
“Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là thật, thì lại phải quan sát việc này có lợi ích hay không có lợi ích. Hoặc giả có việc không lợi ích. Tỳ-kheo kia, nếu biết được việc này không lợi ích thì không được làm.
“Nếu tỳ-kheo kia biết việc này có lợi ích, thì lại phải quan sát việc này là đúng thời hay không đúng thời. Hoặc giả có việc làm phi thời. Tỳ-kheo kia nếu biết việc này là làm phi thời thì không [884c] được làm.
“Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là đúng thời, thì lại phải xem xét, là làm việc này hoặc sẽ khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng mạ nhục nhau, sẽ khiến Tăng bị phá, sẽ khiến Tăng chia rẽ, sẽ khiến Tăng bị trần cấu; hoặc sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến sẽ không khiến Tăng bị trần cấu. Tỳ-kheo kia, nếu biết làm việc này, khiến Tăng đấu tranh, cho đến khiến Tăng trần cấu, thì không được làm.
“Nếu tỳ-kheo biết làm việc này sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến không khiến Tăng trần cấu, thì tỳ-kheo kia lại phải quan sát, nếu tỳ-kheo làm việc này có được bạn hữu hay không được bạn hữu. Hoặc giả làm việc này, không có được tỳ-kheo bạn hữu. Nếu tỳ-kheo kia biết được làm việc này không có được tỳ-kheo bạn hữu thì không được làm. Nếu tỳ-kheo kia biết có tỳ-kheo bạn hữu thì nên làm đúng thời, với hảo tâm thiện niệm.
“Này Ưu-ba-ly, tỳ-kheo nào biết được năm pháp này thì sẽ được làm người liệu lí sự vụ.”
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay hướng về đức Phật nói bài kệ rằng:
Vì Tăng nói điều này,
Nghĩa lợi quyết định vậy.
Thế nào biết là hơn?
Tỳ-kheo được kiên trì?
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trả lời Ưu-ba-ly bằng bài kệ sau:
Đệ nhất trì giới không hủy hoại,
Tỳ-kheo oai nghi tự trang nghiêm;
Oan gia không thể như pháp trách.
Người kia được vậy khỏi ai chê.
Người kia trụ nơi thanh tịnh giới,
Nói không sợ và không nghi nan,
Giữa chúng không đổi dời, không sợ,
Hỏi đâu đáp đó không mất nghĩa.
Trong chúng dù hỏi nghĩa lý gì,
Liền đáp, khỏi nghĩ, không ưu lự.
Lúc nào hỏi nghĩa cũng đáp được.
Ứng đáp nhiều câu, lòng không đổi.
Cung kính các tỳ-kheo Trưởng lão,
Thượng tọa, trung tọa và hạ tọa.
Nói được nguồn gốc, khéo phân biệt,
Hiểu các oan gia lời dối trá.
Oan gia không thể hơn vị ấy.
Cũng lại điều phục được nhiều người.
Thường làm thầy dạy, không thiếu sót.
Trang nghiêm trí tuệ người đều biết.
Nếu phạm việc như vậy.
Không phạm, tội được trừ.
Biết cả hai cáu bẩn.
Biết bẩn, sám hối trừ.
Không hối, Chúng bỏ mặc.
Nếu hối, Chúng không đuổi.
[885a1]
Nên khuyên người như vậy;
Phân minh biết như vậy.
Có tín thì hay thọ.
Vì Tăng nên mới đuổi.
Chúng đuổi, hãy nghe lời,
Tuân hành, không tự cao;
Cung kính bậc Trưởng lão,
Thượng, trung và hạ tọa,
Trí tuệ nhiều lợi ích.
Người này hay hộ pháp.[182]
[885a15] Thế Tôn ở tại thành Chiêm-ba.[183] Tại nước Già-thi,[184] có thôn Bà-sa-bà.[185] Bấy giờ, trú xứ nọ có cựu tỳ-kheo,[186] thường tiếp mọi người, giống như nguồn suối,[187] nói như vầy: “Nếu tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách[188] tôi sẽ cung cấp các thứ cần dùng, như nấu nước tắm, đồ ăn, thức uống để cúng dường.”
Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ở nước Già-thi du hành trong nhân gian đến nơi xóm Bà-sa-bà. Tỳ-kheo kia liền cung cấp các thứ cần dùng, và cúng dường đồ ăn thức uống. Sau đó một thời gian, Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy:
“Ta không thể thường xuyên đến bạch y hỏi xin đồ ăn thức uống, và cung cấp đầy đủ như nước để tắm rửa, hay nấu cháo để cúng dường nữa. Khách tỳ-kheo6này từ xa đến, hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết chứ hiện nay đã có. Nay ta không thể đi hỏi xin thêm được nữa.” Rồi ông ngưng.
Tỳ-kheo khách này lại nghĩ như vầy: “Tỳ-kheo kia ghét chúng ta. Trước đây đã cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng, như đồ ăn thức uống, nước tắm rửa cho chúng ta. Nay lại ngưng, không cung cấp cho ta. Chúng ta có nên cử tội tỳ-kheo kia không?” Họ liền nhóm họp để cử tội tỳ-kheo kia.
Tỳ-kheo kia nghĩ: “Nay ta không thể tự biết là phạm hay chẳng phạm, là cử tội đúng hay cử tội không đúng, là như pháp cử yết-ma thành tựu, hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu. Vậy ta [885b] hãy đến chỗ đức Thế Tôn ở Chiêm-ba, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ với đức Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có chỉ dạy gì thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn ta sẽ thi hành.”
Rồi thì, cựu tỳ-kheo kia khoác y mang bát đến Chiêm-ba, qua chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ, rồi đứng qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo:
“Khất cầu có dễ được không? Sống có hòa hợp không? Đi đường có mệt nhọc lắm không?” Tỳ-kheo khách thưa:
“Con sống hòa hợp. Khất cầu dễ được. Đi đường không mệt nhọc.” Đức Phật hỏi tiếp:
“Ông ở đâu đến?” Tỳ-kheo thưa:
“Con ở nơi xóm Bà-sa-bà, nước Già-thi, là cựu trú tỳ-kheo ở một trú xứ nọ. Con thường đón tiếp và cung cấp những gì cần thiết cho những vị khách giống như dòng nước suối. Nếu có khách tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách đều được cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống hoặc làm cháo, nước tắm... Sau đó có số đông tỳ-kheo tại nước Già-thi du hành trong nhân gian đến xóm Bà-sa-bà, bấy giờ con liền cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống, hoặc làm cháo, nước tắm rửa... Bạch Đại đức, khi ấy con nghĩ như vầy: ‘Ta không thể thường xuyên đến nhà bạch y hỏi xin đồ ăn thức uống, và những thứ cần dùng được. Quý khách tỳ-kheo này hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết, hiện tại đã có rồi. Nay ta không thể đến hỏi xin được nữa.’ Rồi con ngưng cung cấp. Khách tỳ-kheo này lại nghĩ, ‘Tỳ-kheo cựu trú kia ghét chúng ta. Trước đây thường cung cấp đầy đủ cho ta các thứ cần dùng như thức ăn uống, cháo, nước tắm rửa... Nay lại không cung cấp cho chúng ta nữa. Chúng ta có thể cử tội tỳ-kheo kia.’ Các vị ấy liền họp lại để cử tội. Bạch Đại đức Thế Tôn con nghĩ như vầy, ‘Ta không thể biết là phạm hay không phạm, là cử tội đúng hay sai, là như pháp cử yết-ma thành tựu hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu? Nay ta nên đến chỗ đức Thế Tôn ở thành Chiêm-ba đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Nếu đức Thế Tôn có dạy gì, thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn mà thi hành.’” Đức Phật bảo tỳ-kheo kia:
“Ông là tỳ-kheo không phạm, chẳng phải phạm. Cử tội sai quấy, không thành cử. Cử tội ông như vậy là phi pháp. Tỳ-kheo ấy yết-ma không thành tựu. Này tỳ-kheo, ông trở về xóm Bà-sa-bà, cung cấp những thứ cần dùng cho khách tỳ-kheo như trước giống như nguồn suối. Này tỳ-kheo, Ta hỗ trợ ông, như pháp, chẳng phải chẳng như pháp.”
Bấy giờ các khách tỳ-kheo kia từ xóm Bà-sa-bà du hành trong nhân gian đến nước Già-thi, tới chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ rồi đứng lui qua một bên. [885c] Đức Thế Tôn hỏi han khách tỳ-kheo:
“Các ngươi trụ chỉ có hòa hiệp không? Không do khất thực mà phải vất vả chăng?”
Tỳ-kheo này thưa:
“Trụ chỉ được hòa hiệp. Không do khất thực mà phải vất vả.”
Đức Phật hỏi tiếp: “Các ông từ đâu đến?” “Chúng con từ tụ lạc Bà-sa-bà đến.” Đức Phật hỏi?
“Nghe nói có cựu trú tỳ-kheo thường hay cung cấp cho khách Tỳ-kheo những thứ cần dùng, như nước suối, mà các thầy cử tội người ấy, phải không?” Các vị ấy trả lời: “Sự thật như vậy.” Đức Thế Tôn hỏi:
“Bằng vào sự gì các ông cử tội như vậy?” Các vị này thưa:
“Không sự việc, không nhân duyên.”[189]
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách các Tỳ-kheo này:
“Các ông làm điều sai quấy chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ông là những người ngu si. Sao cựu tỳ-kheo kia, như nguồn nước suối, cung cấp cho khách tỳ-kheo, mà các ông không duyên, không sự gì, lại cử tội?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Có bốn loại yết-ma: phi pháp yết-ma, phi pháp biệt chúng yết-ma, phi pháp hòa hợp yết-ma, pháp biệt chúng yết-ma.[190] Trong này, hai yết-ma: phi pháp yết-ma, biệt chúng yết-ma, thì không được làm. Nếu làm sẽ như pháp trị. Chỉ có pháp yết-ma, và hòa hợp yết-ma thì nên làm.[191]
“Có bốn trường hợp túc số:[192] Có người được kể trong túc số nhưng không được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà cũng không được quyền ngăn. Có người được kể trong túc số và cũng được quyền ngăn.
“Thế nào là người được quyền túc số mà không được quyền ngăn? Là người bị tác pháp yết-ma ha trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Những người này được kể túc số mà không được quyền ngăn.
“Thế nào là người không được kể túc số mà được quyền ngăn? Là người muốn thọ đại giới. Người này không được kể túc số mà được quyền ngăn.
“Thế nào là người không được kể túc số cũng không được ngăn? tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni không được kể túc số cũng không được ngăn. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc thọ giới với tặc tâm, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha giết mẹ, hoặc giết A-lahán, hoặc phá Tăng, hoặc ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhân, súc sanh, hoặc hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt; hoặc biệt trú, hoặc ở trên giới trường, thần túc trên hư không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy nghe, hoặc là người tác yết-ma: Những người như vậy không được kể túc số cũng không được ngăn.
[886a1] “Thế nào là người được kể túc số cũng được quyền ngăn? Là thiện tỳ-kheo, đồng trụ một giới, không dùng thần túc ở trên không, không ẩn hình, không lìa chỗ thấy nghe, cho đến nói với người gần bên. Những người như vậy được kể túc số mà cũng được quyền ngăn.” Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo, một người cử tội một người, một người cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Hai người cử tội một người, hai người cử tội hai người, hai người cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Ba người cử tội một người, hoặc cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng, hay Tăng cử tội Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được một người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được hai người cử tội một người, hai người, ba người, cử tội Tăng. Không được ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được Tăng cử tội Tăng.
“Nếu một người cử tội một người là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy. Hoặc một người cử tội hai người, ba người hay Tăng. Hoặc hai người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc Tăng cử tội Tăng, là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy.”
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác pháp yết-ma chồng,[193] như tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn; tác y chỉ rồi lại ngăn không cho đến nhà bạch y; trao cho pháp cử tội rồi lại cho pháp ba-lợi-bàsa; cho pháp bản nhật trị rồi lại cho pháp ma-na-đỏa; cho pháp aphù-ha-na rồi, lại cho pháp hiện tiền tỳ-ni; cho pháp ức niệm tỳ-ni rồi, lại trao cho pháp bất si tỳ-ni; cho pháp tự ngôn rồi, lại cho pháp mích tội; cho pháp mích tội tướng rồi, lại cho pháp như cỏ che đất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được tác pháp yết-ma chồng. Không được tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất.”
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Có bốn loại Tăng:[194] Tăng bốn vị, Tăng năm vị, Tăng mười vị, Tăng hai mươi vị.
“Tăng bốn vị: trừ tự tứ, thọ đại giới, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.
“Tăng năm vị: trừ trường hợp thọ đại giới nơi đô hội, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.
“Tăng mười vị: chỉ trừ xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.
“Tăng hai mươi vị: tất cả các pháp yết-ma như pháp đều làm được, huống nữa là hơn hai mươi vị.
“Nếu cần bốn vị để tác pháp yết-ma mà thiếu một vị thì [886b] yết-ma ấy là phi pháp, phi tỳ-ni. Nếu dùng tỳ-kheo-ni làm người thứ tư, hoặc dùng thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhân hoặc súc sanh, hoặc người hai căn, hoặc kẻ bị cử, diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, người tác yết-ma; lấy những hạng người như vậy để được túc số bốn vị, thì yết-ma đó phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. Tăng năm vị, mười vị, hai mươi vị cũng như vậy.”
Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Họ tác yết-ma phi pháp biệt chúng, yết-ma phi pháp hòa hợp, yết-ma pháp biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, tác yết-ma ha bất chỉ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được tác yết-ma phi pháp biệt chúng, không được tác yết-ma phi pháp hòa hợp, không được tác yết-ma pháp biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, không được tác yết-ma ha bất chỉ.”
Bạch nhị yết-ma mà tác bạch rồi không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch nhị yết-ma, tác hai lần bạch mà không tác yết-ma; tác ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần tác bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch hai lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch mà ba lần yết-ma, một lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần tác bạch mà một lần yết-ma, hai lần tác bạch mà hai lần yết-ma; hai lần tác bạch mà ba lần yết-ma; hai lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần tác bạch mà một lần yết-ma; ba lần tác bạch mà hai lần yết-ma; ba lần tác bạch mà ba lần yết-ma; ba lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà một lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà hai lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà ba lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy. Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma, không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch nhị yết-ma mà hai lần yết-ma không tác bạch, ba lần yết-ma không tác bạch, nhiều lần yết-ma [886c] không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma hai lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch nhị yết-ma, một lần yết-ma mà ba lần bạch; một lần yết-ma mà nhiều lần bạch; hai lần yết-ma mà một lần bạch; hai lần yết-ma mà hai lần bạch; hai lần yết-ma mà ba lần bạch; hai lần yết-ma mà nhiều lần bạch; ba lần yết-ma mà một lần bạch; ba lần yết-ma mà hai lần bạch; ba lần yết-ma mà ba lần bạch; ba lần yết-ma mà nhiều lần bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần bạch; nhiều lần yết-ma mà hai lần bạch; nhiều lần yết-ma mà ba lần bạch; nhiều lần yết-ma mà nhiều lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được như vậy.
Bạch nhị yết-ma mà không như pháp tác bạch, không như yết-ma pháp tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch tứ yết-ma, mà một lần bạch không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch tứ yết-ma, hai lần bạch mà không tác yết-ma; ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni yết-ma. Không được như vậy. Với bạch tứ yết-ma, một lần bạch mà một lần yết-ma, một lần bạch mà hai lần yết-ma, một lần bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần bạch mà một lần yết-ma, hai lần bạch mà hai lần yết-ma, hai lần bạch mà ba lần yết-ma, hai lần bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần bạch mà một lần yết-ma, ba lần bạch mà hai lần yết-ma, ba lần bạch mà ba lần yết-ma, ba lần bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần bạch mà một lần yết-ma, nhiều lần bạch mà hai lần yết-ma, nhiều lần bạch mà ba lần yết-ma, nhiều lần bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch tứ yết-ma, một lần tác yết-ma mà không tác bạch. Đó là yết-ma phi pháp, phi tỳ ni, không được làm.
Với bạch tứ yết-ma, hai lần yết-ma mà không tác bạch, ba lần yết-ma mà không tác bạch, nhiều lần yết-ma mà không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Với bạch tứ yết-ma, một lần yết-ma mà một lần tác bạch, một lần yết-ma mà hai lần tác bạch, một lần yết-ma mà ba lần tác bạch, một lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; hai lần yết-ma mà một lần tác bạch, hai lần yết-ma mà hai lần tác bạch, hai lần yết-ma mà ba lần tác bạch, hai lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; ba lần yết-ma mà một lần tác bạch, ba lần yết-ma mà hai lần tác bạch, ba lần yết-ma mà ba lần tác bạch, ba lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà hai lần [887a1] tác bạch, nhiều lần yết-ma mà ba lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Tác bạch tứ yết-ma mà không như pháp bạch mà tác bạch, không như pháp ba yết-ma mà tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.
Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội.[195] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy phạm tội, có thấy không?’ Vị ấy trả lời: ‘Không thấy.’ Bấy giờ tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội.[196] Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trong đây, có tỳ-kheo không có tội phải sám hối.[197] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy phạm tội, nên sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không sám hối.’ Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trong đây, có tỳ-kheo không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không xả.’ Vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy: “Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội, và không có tội phải sám hối. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội không? Thầy nên sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội không sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trong đây, có tỳ-kheo thấy không tội, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy có tội? Có ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không thấy tội. Không có ác kiến không xả.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, và ác kiến không xả. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trong đây, có tỳ-kheo không có tội sám hối, không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội nên sám hối. Có ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không xả.’ Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không có tội sám hối, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội? Thầy nên sám hối. Thầy hãy xả ác kiến.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không bỏ.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không tội [887b] thấy không tội. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội hay không?’ Vị ấy trả lời: ‘Thấy.’ tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội nên sám.’ Vị ấy trả lời: ‘Sẽ sám hối.’ tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi sẽ xả.’ Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không tội, thấy không tội, không sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội nên sám hối.’ Vị ấy đáp: ‘Tôi thấy tội, sẽ sám hối.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không thấy tội, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội, ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.’ Vị kia cử yết-ma không thấy tội, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo kia nói rằng: ‘Thầy có tội sám hối, ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Sẽ sám hối, xả ác kiến.’ Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội, nên sám hối, ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi thấy tội, sẽ sám hối, xả ác kiến.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, ác kiến không bỏ. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội, thấy không?’ Vị ấy trả lời:
‘Thấy.’ Nhưng vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy: “Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám hối. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội nên sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi sẽ sám hối.’ Nhưng vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. [887c] Không được làm như vậy.” Trường hợp, có tỳ-kheo có ác kiến không xả, các tỳ-kheo nói rằng: ‘Thầy có ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Sẽ xả.’ Nhưng vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có tội nên sám hối. Các Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy có tội nên sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi thấy có tội sẽ sám hối.’ Nhưng vị kia liền tác yết-ma bất kiến tội, bất sám hối. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Các Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy có tội. Ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.’ Nhưng tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội nên sám hối. Ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi sẽ sám hối. Sẽ xả ác kiến.’ Nhưng vị kia liền cử yết-ma bất kiến sám hối, bất xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.”
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy tội. Nên sám hối. Ác kiến nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi thấy tội. Sẽ sám hối. Xả ác kiến.’ Nhưng vị kia cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm vậy.
Đó là những yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni.
Bạch nhị yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.
Bạch tứ yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.
Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội,[198] tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‘Thầy có tội, thấy không?’ Vị ấy trả lời: ‘Không thấy.’ Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.”
Trường hợp có tỳ-kheo có tội nên sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội nên sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không sám hối.’ Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. [888a1] Nên làm như vậy.” Trường hợp có tỳ-kheo ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Không xả.’ Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.”
Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có tội sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy có tội. Có tội sám hối.’ Vị ấy trả lời: ‘Không thấy. Không sám hối.’ Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.”
Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội. Có ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không thấy tội, ác kiến không xả.’ Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả, Phật dạy: “Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.”
Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi không sám hối. Không xả ác kiến.’ Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không sám hối, không xả ác kiến, đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.”
Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‘Thầy thấy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.’ Vị ấy trả lời:
‘Tôi không thấy tội. Không sám hối. Không xả ác kiến.’ Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:
“Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.” Tất cả những yết-ma đó đều như pháp như tỳ-ni.
Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến, cần phải dữ dục nhưng không dữ dục. Người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, nhưng lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó gọi là yết-ma phi pháp và biệt chúng.
Trường hợp đồng một trú xứ, hòa hợp một chỗ để yết-ma, người nên dữ dục thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó là yết-ma phi pháp nhưng hòa hợp.
Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến [888b] cần phải dữ dục lại không dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì ngăn. Vị kia tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma như pháp tác. Đó là yết-ma như pháp nhưng biệt chúng.
Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến cần phải dữ dục mà không dữ dục, người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma, (đúng pháp nhưng), trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, và biệt chúng.
Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Bạch nhị, bạch tứ yết-ma, trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, nhưng hòa hợp.
Những hạng người nào ngăn[199] thành ngăn? Hoặc có người ngăn thành ngăn, có người ngăn không thành ngăn?
Người nào ngăn không thành ngăn?
Tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni ngăn, không thành ngăn. Thức-xoama-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc người được nói phạm biên tội, phạm Tỳ-kheo -ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng, phi nhân, súc sanh, hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc nên diệt tẫn, hoặc ở trên giới trường, hoặc tác biệt trú, hoặc dùng thần túc ở trên không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy, nghe, hoặc vị làm yết-ma; những người như vậy ngăn, không thành ngăn.
Thế nào gọi là ngăn thành ngăn?
Thiện tỳ-kheo đồng ở trong một giới, không ở trên hư không, không ẩn hình, không lìa chỗ nghe thấy, cho đến nói tỳ-kheo ngồi gần. Những hạng người như vậy ngăn, thành ngăn. Đó là ngăn yết-ma.
Lúc bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
“Đáng làm yết-ma ha trách mà cho làm yết-ma tẫn; yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?”
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
“Đó không phải là yết-ma như pháp.” Ưu-ba-ly lại bạch Phật rằng:
“Cần trao cho yết-ma ha trách, mà trao cho pháp yết-ma y chỉ, hay là pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, cho đến như cỏ che đất, như vậy yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?” Đức Phật dạy:
“Không như pháp. Không được phép, đáng cho pháp yết-ma ha trách mà lại trao cho pháp yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất. Đó là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. [888c] Cũng vậy cho đến như cỏ che đất đều là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.” Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:
“Đáng làm yết-ma ha trách thì nên cho làm pháp yết-ma ha trách. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm. Cũng vậy, cho đến yết-ma như cỏ che đất, đều là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm.
Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ chúng Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách,[200] mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng. Chúng Tăng khác nghe[201] Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành, bèn nói, “Chúng ta hãy cùng tác yết-ma ha trách. “Liền tác yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp.
Lại có chỗ khác,[202] Tăng nghe chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp, nên yết-ma không thành; bèn nói, “Chúng ta hãy làm yết-ma ha trách.” Họ liền làm yết-ma ha trách như pháp biệt chúng.
Tăng chỗ khác nghe chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, yết-ma như pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành; bèn nói, “Chúng ta hãy làm pháp yết-ma ha trách.” Liền tác yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng.
Tăng chỗ khác nghe chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng nên yết-ma không thành; bèn nói, “Chúng ta hãy tác yết-ma ha trách.” Yết-ma như pháp tương tợ hòa hợp.
Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Các yết-ma như trên không như pháp, không thành tựu. Tất cả những yết-ma nào như vậy đều không thành tựu.” Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ chúng Tăng vì tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, có vị nói phi pháp hòa hợp, có vị nói pháp biệt chúng, có vị nói pháp tượng tợ biệt chúng, có vị nói pháp tương tợ hòa hợp, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Các tỳ-kheo không biết như thế nào, báo lại tỳ-kheo khác, đến bạch Phật. Đức Phật dạy: “Trú xứ kia, chúng Tăng vì Tỳ-kheo tác yết-ma ha trách, phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, cho đến, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Trong tăng, vị nào nói phi pháp biệt chúng, thì đây là lời nói đúng pháp. Cho đến vị nào nói pháp tương tợ hòa hợp, thì đây cũng là lời nói đúng pháp.”
Lúc bấy giờ [889a1], Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
“Nếu có tỳ-kheo trước đó Tăng trao cho pháp yết-ma, sau đó chúng Tăng cho giải. Như vậy có thành giải hay không thành giải?” Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: “Hoặc thành, hoặc không thành.” Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Thế nào là thành, thế nào là không thành?” Đức Phật dạy:
“Này Ưu-ba-ly, có mười ba hạng người,[203] trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, thì không thành giải. Trừ mười ba hạng người này ra, còn các người khác, tác yết-ma rồi, nếu Tăng trao cho pháp giải thì thành giải.”
Ưu-ba-ly lại hỏi Phật:
“Nếu trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, rồi cho yết-ma giải. Khi ấy, người bị đuổi, có trở thành bị đuổi hay không?” Đức Phật dạy:
“Hoặc thành đuổi, hoặc không thành đuổi. Đối với mười ba hạng người, nếu tác yết-ma rồi đuổi thì thành đuổi. Ngoài mười ba hạng người này ra, các người khác tác yết-ma, sau yết-ma giải thì được giải. Khi ấy, nếu đuổi thì không thành đuổi.”
[889a14] Phật ở tại nước Xá-vệ. Có hai tỳ-kheo, một vị tên là Trí Tuệ, một vị tên là Lô-hê-na,[205] thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các Tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: “Các thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.” Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được.
Các tỳ-kheo nghĩ như vầy: “Vì lý do gì trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được?” Các tỳ-kheo tìm hiểu, biết do hai Tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào gây gổ nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‘Các Thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.’ Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được.”
Bấy giờ trong chúng có tỳ-kheo nghe biết, là vị thiểu dục tri túc, tu hạnh đầu-đà, ưa học giới, có tàm quý, [889b] hiềm trách hai Tỳ-kheo kia rằng: “Sao các thầy thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, khiến cho Tăng xảy ra sự tranh cãi không thể nào diệt trừ được?”
Bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn đem nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách hai tỳ-kheo kia: “Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không được làm. Này Trí Tuệ và Lôhê-na, sao các ông thích gây gổ, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, khiến cho Tăng xảy ra sự tranh cãi không thể nào diệt trừ được?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách, rồi bảo các tỳ-kheo: “Cho phép các tỳ-kheo trao cho Trí Tuệ và Lô-hê-na pháp ha trách[206] bằng bạch tứ yết-ma. Nên họp Tăng, họp Tăng xong, đối với Trí Tuệ... tác cử, tác cử rồi vì họ tác ức niệm, tác ức niệm rồi cho tội.[207] Trong Chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lôhê-na này thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‘Các thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.’ Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng đối với hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tác yết-ma ha trách. Nếu sau này còn đấu tranh, mạ lỵ nữa, thì chúng Tăng sẽ tăng thêm tội để trị. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lôhê-na này thích tranh tụng, mạ lỵ nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, tìm tòi sở trường, sở đoản của nhau. Các vị ấy tự mình gây gổ, mạ lỵ nhau. Nhưng nếu có các tỳ-kheo khác nào tranh tụng nhau, thì liền đến chỗ họ để khuyến khích rằng: ‘Các thầy hãy cố gắng cho tốt lên, chớ để thua họ. Các thầy đa văn trí tuệ, của cải cũng hơn, được nhiều người biết đến. Chúng tôi đứng về phía các thầy.’ Do đó, trong Chúng nếu chưa có sự đấu tranh liền phát sanh sự đấu tranh; đã có sự đấu tranh rồi thì không thể nào diệt trừ được. Tăng đối với hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp yết-ma ha trách. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho hai tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na pháp yết-ma ha trách, nếu sau này đấu tranh lại, mạ lỵ nhau nữa, chúng Tăng sẽ tăng thêm tội để trị, [889c] thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận đối với Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp yết-ma ha trách rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Người bị tác yết-ma ha trách rồi, có năm việc không được làm: 1. Không được trao đại giới cho người. 2. Không được nhận người y chỉ. 3. Không được nuôi sa-di. 4. Không được nhận Tăng sai giáo thọ tỳ-kheo-ni. 5. Nếu Tăng đã sai rồi, không được giáo thọ. Đó là năm việc không được làm khi yết-ma ha trách rồi.
Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được thuyết giới. 2. Chúng Tăng hỏi nghĩa tỳ-ni, không được đáp. 3. Chúng Tăng sai làm yết-ma, không được làm. 4. Chúng Tăng chọn người trí tuệ họp để bình luận việc của Chúng, không được dự. 5. Chúng Tăng sai người làm tín mạng, không được làm. Đó là năm việc không được làm sau khi yết-ma ha trách rồi.
Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được vào tụ lạc quá sớm. 2. Không được về quá muộn. 3. Phải gần gũi tỳ-kheo, không được gần gũi người ngoại đạo. 4. Phải khéo thuận tùng lời dạy của các tỳ-kheo. 5. Không được nói quanh co.[208] Đó là năm việc không được làm khi ha trách rồi.
Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Chúng Tăng tùy theo việc phạm giới đã tác yết-ma ha trách rồi thì không được phạm lại tội đó. 2. Cũng không được phạm các tội khác. 3. Hoặc tương tợ hoặc từ giới này mà sanh. 4. Hoặc nặng hơn tội này. 5. Không được chỉ trích yết-ma và người tác yết-ma. Đó là năm việc không được làm khi bị ha trách rồi.
Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Thiện tỳ-kheo trải chỗ ngồi cúng dường, không được nhận. 2. Không được nhận người khác rửa chân cho. 3. Không được nhận người khác đặt đồ rửa chân cho. 4. Không được nhận người khác lau dép cho. 5. Không được nhận người khác xoa chà thân thể cho. Khi đã tác yết-ma ha trách rồi, không được làm những việc trên.
Lại có năm việc không được làm nữa: 1. Không được nhận thiện tỳ-kheo lễ bái. 2. Không được nhận thiện tỳ-kheo chấp tay. 3. Không được nhận thiện tỳ-kheo chào hỏi. 4. Không được nhận thiện tỳ-kheo nghinh đón. 5. Không được nhận thiện tỳ-kheo cầm y bát cho. Khi đã yết-ma ha trách rồi, không được làm năm việc trên.
Lại có năm việc không được làm: 1. Không được cử tội thiện Tỳ-kheo . 2. Không được tác ức niệm, tác tự ngôn[209] đối với thiện Tỳ-kheo . 3. Không được làm chứng việc người khác. 4. Không được ngăn bố-tát, tự tứ. 5. Không được cùng thiện tỳ-kheo tranh tụng. Đó là năm việc người bị ha trách rồi không được làm. Phải chấp hành như vậy.
Chúng Tăng đối với Trí Tuệ và Lô-hê-na tác pháp ha trách bằng bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy [890a1]: “Có ba pháp tác yết-ma ha trách phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu: Không nêu tội, không tác ức niệm, không phục thủ tội.[210] “Lại có ba việc: không phạm tội, không thuộc tội cần sám hối,[211] hoặc phạm tội nhưng đã sám hối rồi.
“Lại có ba việc: không tác cử, phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: không phục tội,[212] phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: không phạm, phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: phạm tội không cần sám hối, phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: phạm tội nhưng đã sám hối rồi, phi pháp, biệt chúng.
“Lại có ba việc: không hiện tiền,[213] phi pháp, biệt chúng. Ba pháp như vậy, tác yết-ma ha trách, phi pháp, phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu.
“Có ba việc tác yết-ma ha trách, như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu. Ba việc ấy là gì? Tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn.
“Lại có ba việc: phạm tội, thuộc tội phải sám tội, phạm chưa sám tội.
“Lại có ba việc: tác cử, như pháp, hòa hợp. Tác ức niệm, như pháp, hòa hợp.[214] Tác tự ngôn, như pháp, hòa hợp. Phạm tội, như pháp, hòa hợp. Thuộc tội phải sám hối, như pháp, hòa hợp. Có phạm mà chưa sám hối, như pháp hòa hợp. Có hiện tiền, như pháp, hòa hợp. Đó là (những) ba pháp tác yết-ma ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu.
“Có năm pháp tác yết-ma ha trách phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu: Không hiện tiền, không tự ngôn, nhắm người thanh tịnh, biệt chúng. Đó là năm việc tác yết-ma ha trách, phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu.
“Có năm pháp tác pháp ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu. Năm pháp ấy là gì? Hiện tiền, tự ngôn, nhắm người không thanh tịnh, pháp hòa hợp. Đó là năm pháp tác yết-ma ha trách như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu.”
Khi chúng Tăng đang bữa tiểu thực hay bữa ăn chính, hoặc nói pháp, hoặc bố-tát, người bị yết-ma ha trách sửa y phục ngay thẳng, cởi bỏ dép, đứng qua một bên, quỳ gối, chấp tay bạch như sau:
“Xin Đại đức nhận sự sám hối của tôi.”
“Từ nay về sau, tự trách tâm mình. Thôi, không tái phạm nữa.”
Bấy giờ, tỳ-kheo Trí Tuệ và Lô-hê-na tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, cần cầu giải yết-ma ha trách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu đã tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, mà cần cầu giải yết-ma, thì cho phép giải [890b] bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
“Có năm pháp không được giải yết-ma ha trách: vì trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Người bị ha trách có năm việc như vậy không được vì họ giải yết-ma ha trách.[215]
“Có năm pháp nên giải: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Người bị yết-ma ha trách có năm pháp như vậy thì nên giải.”
Nên giải như vầy: Người bị yết-ma ha trách nên đến giữa chúng Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... Tăng trao cho pháp yết-ma ha trách. Nay tôi thuận tùng chúng Tăng, không chống trái, cầu xin chúng Tăng giải yết-ma ha trách. Cúi xin Tăng dũ lòng thương, vì tôi giải yết-ma ha trách.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy.
Trong Chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... đã bị Tăng yết-ma ha trách. Tỳ-kheo kia tùy thuận chúng Tăng, không chống trái, cần cầu chúng Tăng giải yết-ma ha trách. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải yết-ma ha trách, cho tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên... đã bị Tăng tác yết-ma ha trách, tỳ-kheo kia tùy thuận chúng Tăng không chống trái. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma ha trách. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma ha trách. Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma ha trách, thì im lặng. Vị nào không đồng ý hãy nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy.
“Tăng đã đồng ý giải yết-ma ha trách cho tỳ-kheo... rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, ở nước Ki-li-na[216] có hai cựu Tỳ-kheo , một vị tên A-thấp-tỳ, vị thứ hai tên Phú-na-bà-sa.[217] Tại nước Ki-li-na họ đã có hành vi xấu, làm hoen ố nhà người. Hành vi xấu mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Sự làm hoen ố nhà người, mọi người đều thấy, mọi người đều nghe. Họ làm những hành vi xấu như sau: tự mình trồng bông, trồng cây, bảo người trồng; tự mình tưới nước, bảo người tưới nước; tự mình hái hoa, bảo người hái hoa; tự mình làm tràng hoa, bảo người làm tràng hoa; tự mình mang các loại hoa đi, bảo người mang các loại hoa đi. Đến nhà bạch y có con trai, con gái, đồng ngồi trên một giường, đồng ăn trong một bát, đồng uống một ly; ca múa, vui đùa, làm các trò kỹ nhạc. Nếu có người khác làm thì liền xướng họa theo; [890c] hoặc huýt sáo, hoặc đánh đàn, đánh trống, thổi sáo, hoặc thổi ống bối, hoặc làm tiếng chim khổng tước, hoặc làm tiếng con hạc, hoặc chạy hoặc đi nhót chân, hoặc huýt gió, hoặc hát chèo, hoặc làm tiếng chim đùa giỡn.
Bấy giờ, có một số đông tỳ-kheo từ nước Già-thi du hành trong nhân gian, đến nước Ki-li-na. Sáng sớm khoác y, bưng bát, vào thành khất thực, bước đi khi tiến, khi dừng, oai nghi rõ nét, mắt nhìn ngay thẳng, cúi ngước, co duỗi thong thả; khoác y, bưng bát, nhìn thẳng trước bước đi, các căn không loạn; khất thực tại nước Ki-li-na. Các cư sĩ thấy vậy nói như vầy: “Đây là những người nào, mà nhìn ngay, không giỡn cười, không liếc ngó hai bên, không gần gũi vui đùa, cũng không chào hỏi nhau? Chúng ta không nên cho những người này ăn. Họ không như sa-môn của chúng ta là A-thấptỳ và Phú-na-bà-ta, không cần nhìn ngay thẳng, nói đùa cười giỡn, nhìn ngó bên này bên kia, cùng nhau vui nhộn, hỏi chào an ủi nhau. Người như vậy chúng ta sẽ cho đồ ăn.” Bấy giờ các tỳ-kheo ở nước Ki-li-na khất thực khó được no đủ. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: “Nơi đây có cựu trú tỳ-kheo xấu. Tỳ-kheo xấu ở, nên tỳ-kheo tốt bị xa lánh. Họ làm các hành vi xấu như trồng các loại cây bông, cho đến nhận làm các sứ giả cho người.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo từ nước Ki-li-na du trong hành nhân gian trở về nước Xá-vệ, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi các tỳ-kheo: “Các thầy sống có được hòa hợp an lạc không? Không vì vấn đề ăn uống mà vất vả chăng?”
Các tỳ-kheo bạch Phật rằng: “Chúng Tăng sống được hòa hợp an lạc. Chúng con từ nước Già-thi du hành nhân gian, đến nước Ki-lina.” Trình bày đầy đủ nhân duyên lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn lúc bấy giờ dùng vô số phương tiện quở trách rằng:
“Các ông đó làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta, tại sao các ông đó làm ô uế nhà người, có hành vi xấu? Sự làm hoen ố nhà người, ai cũng thấy, ai cũng nghe; hành vi xấu, ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ông đó làm các hành vi xấu như trồng các loại hoa, các loài cây tạp, cho đến nhận làm sứ giả của người.”
Lúc bấy giờ, Thế Tôn ha trách A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta, rồi bảo các tỳ-kheo: “Cho phép Tăng vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp tẫn[218] bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên làm như vầy: Tập Tăng rồi, vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác cử [891a1], tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao cho tội trạng. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta này ở tại nước Ki-li-na làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đối với A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác yết-ma tẫn. Nói rằng, ‘Các ngươi làm hoen ố nhà người, làm hành vi xấu. Các ngươi làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ngươi nên rời khỏi trú xứ này, không được ở đây nữa.’ Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta này ở tại nước Ki-li-na làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận đối với A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác yết-ma tẫn. Nói rằng, ‘Các ngươi làm hoen ố nhà người, làm hành vi xấu. Các ngươi làm hoen ố nhà người ai cũng thấy, ai cũng nghe. Hành vi xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Các ngươi nên rời khỏi trú xứ này, không được ở đây nữa.’ Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đối với hai tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp yết-ma tẫn thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta tác pháp yết-ma tẫn rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Người bị tác yết-ma tẫn có năm pháp không được làm: Không được trao giới cụ túc cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.[219] Nên tác pháp như pháp yết-ma ha trách trên, chỉ trừ ở chỗ ‘trong chúng khác thuyết giới.’[220]
Chúng Tăng đã tác pháp tẫn bằng bạch tứ yết-ma cho hai tỳ-kheo A-thấp-tỳ và Phú-na-bà-ta rồi. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
“Có ba pháp và năm pháp tác yết-ma tẫn phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu như trước.[221] Có ba pháp và năm pháp tác yết-ma tẫn như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trước.
Tỳ-kheo bị tẫn kia không được gọi mà tự đến trong cương giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được tự đến trong cương giới.[222] Cho phép ở ngoài cương giới khi chưa được gọi, sai người gởi tin đến trong Tăng, bạch Đại đức Tăng xin sám hối, từ nay về sau tự trách lòng mình không để tái phạm.”
Tỳ-kheo A-thấp-tỳ kia đã tùy thuận chúng Tăng không dám chống trái, đến Tăng [891b] cầu xin giải yết-ma tẫn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu đã tùy thuận chúng Tăng, không còn chống trái nữa, thì nên đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn. Nên bạch tứ yết-ma giải.” “Có năm pháp không nên giải yết-ma tẫn: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Lại có năm pháp nên giải yết-ma tẫn: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.”
Giải như vầy: tỳ-kheo bị tẫn kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con là tỳ-kheo tên... Tăng đã trao cho con pháp yết-ma tẫn, nay con đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch nữa, đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn, cúi xin Tăng dũ lòng thương xót, vì con mà giải yết-ma tẫn.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... này, Tăng đã trao pháp yết-ma tẫn, nay tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch nữa, đến Tăng cầu xin giải yết-ma tẫn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma tẫn. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên... Tăng đã được tác yết-ma tẫn, nay tùy thuận chúng Tăng không dám chống trái nữa, đến giữa Tăng cầu xin tăng giải yết-ma tẫn. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma tẫn. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma tẫn, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như trên.
“Tăng đã vì tỳ-kheo... giải yết-ma tẫn rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo tên là Tăng-sô,[223] ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Tăng-sô: “Thầy ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội. Sao lại sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Bấy giờ, đức Thế Tôn tập họp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách [891c] tỳ-kheo Tăng-sô:
“Ông đã làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp?”
Quở trách rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép Tăng vì tỳ-kheo Tăng-sô tác pháp y chỉ[224] bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Tác pháp như vầy: Họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi cho tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Tăng-sô này ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho Tỳ-kheo Tăng-sô pháp yết-ma y chỉ. Đây là lời tác bạch. “Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Tăng-sô ngu si không hiểu biết, phạm rất nhiều tội; sống lẫn lộn với các bạch y, gần gũi chung chạ, không hợp với Phật pháp. Nay Tăng vì tỳ-kheo Tăng-sô tác pháp yết-ma y chỉ. Các Trưởng lão nào chấp thuận vì tỳ-kheo Tăng-sô này tác pháp yết-ma y chỉ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo Tăng-sô tác yết-ma y chỉ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tác yết-ma y chỉ, năm việc không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không cùng với thiện tỳ-kheo đấu tranh.[225] Nên làm như vậy. Chúng Tăng đã trao cho tỳ-kheo Tăng-sô tác yết-ma y chỉ bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có ba pháp và năm pháp được tác yết-ma y chỉ, không được tác yết-ma y chỉ, như trước.”
Vị kia xưng địa phương[226] tác yết-ma y chỉ. Địa phương kia bị phá hoại, nhân dân phản loạn. Đức Phật dạy:
“Không được xưng địa phương tác yết-ma y chỉ.”
Vị kia xưng quốc độ tác yết-ma y chỉ. Quốc độ kia bị phá hoại, nhân dân tán loạn. Đức Phật dạy:
“Không được xưng quốc độ tác yết-ma y chỉ.”
Vị kia xưng trú xứ tác yết-ma y chỉ. Trú xứ kia nhân dân phá hoại. Đức Phật dạy:
“Không được xưng trú xứ tác yết-ma y chỉ.”
Vị kia xưng người tác yết-ma y chỉ. Người kia hoặc bị phá giới, hoặc bị phá kiến, hoặc phá oai nghi, hoặc bị cử, hoặc bị diệt tẫn, hoặc bị nên diệt tẫn, không thể tăng ích cho pháp Sa-môn, Phật [892a1] dạy: “Không được xưng người tác yết-ma y chỉ.”
Vị kia xưng an cư tác yết-ma y chỉ. Người bị yết-ma kia trong an cư đắc trí tuệ. Đức Phật dạy:
“Không được xưng an cư tác yết-ma y chỉ, mà cho phép nói rằng: ‘Ngươi hãy thọ y chỉ, nương theo mà sống.’”[227]
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Tăng-sô đến chỗ tỳ-kheo thân hậu đa văn trí tuệ, giỏi về việc ăn nói, ở trong tụ lạc xin học pháp tỳ-ni. Trong khi an cư đặng trí tuệ, tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng xin giải yết-ma y chỉ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo Tăng-sô tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước chúng Tăng, cầu xin giải yết-ma y chỉ thì nên cho giải bằng pháp bạch tứ yết-ma.
“Có năm pháp không được giải yết-ma y chỉ: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Có năm pháp cho giải yết-ma y chỉ: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Năm pháp như vậy nên cho giải yết-ma y chỉ.”
Nên giải như vầy: Vị bị tác pháp yết-ma y chỉ nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho con pháp yết-ma y chỉ. Nay con tùy thuận chúng Tăng đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì con giải yết-ma y chỉ.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã được Tăng trao cho pháp yết-ma y chỉ. Tỳ-kheo kia đã tùy thuận chúng, không dám trái phạm nữa, (nay) đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma y chỉ. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã được Tăng trao cho yết-ma y chỉ, nay tùy thuận chúng Tăng, không dám trái phạm nữa, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma y chỉ. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo tên... pháp yết-ma giải y chỉ. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho Tỳ-kheo ... pháp yết-ma giải y chỉ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên... pháp yết-ma giải y chỉ rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Đức Thế Tôn [892b] ở nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên cùng năm trăm tỳ-kheo ở nước Già-thi du hành trong nhân gian đến nơi Mật lâm.[228] Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất và Mụcliên ở trong vườn A-ma-lê.[229] Cư sĩ Chất-đa-la[230] nghe hai Tôn giả du hành nhân gian đến nơi Mật lâm hiện đang ở trong vườn A-ma-lê. Người cư sĩ kia đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên vì cư sĩ nói các pháp, khuyến khích, khiến được hoan hỷ. Khi cư sĩ nghe Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên nói pháp, được khuyến khích, hoan hỷ rồi, bạch rằng: “Xin Đại đức cùng chúng Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.” Tôn giả Xá-lợi-phất và Mụcliên nhận lời bằng cách im lặng. Cư sĩ biết Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên đã hứa khả rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy kính lễ rồi cáo lui.
Về đến nhà, cư sĩ sắm sửa đủ các loại đồ ăn thức uống ngon bổ nhất trong thế gian, không thiếu một thứ gì.
Bấy giờ, trong vườn A-ma-lê, tỳ-kheo cựu trú tên là Thiện Pháp[231] nghĩ như vầy: “Ta hãy đến nhà cư sĩ Chất-đa-la xem coi ông ta sửa soạn đồ ăn thức uống, làm thức ăn cho tỳ-kheo khách như thế nào; làm thức ăn cho tỳ-kheo cựu trú như thế nào?”
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo cựu trú Thiện Pháp liền đến nhà cư sĩ, đến chỗ làm thức ăn để xem coi thì thấy họ sửa soạn đầy đủ các đồ ăn thức uống tối thượng trong thế gian, không thiếu một thứ gì. Thấy rồi, ông nói như vầy: “Cư sĩ làm các thứ đồ ăn thức uống cho Tỳ-kheo khách và làm các thứ đồ ăn thức uống vì cựu trú tỳ-kheo khác nhau.”
Rồi ông khởi tâm ganh tị, sân hận, liền nói những lời ác như vầy:
“Trong các thứ đồ ăn thức uống mà cư sĩ sắm sửa, có đủ những thứ đồ ăn thức uống tối thượng trong thế gian, không thiếu một thứ gì. Chỉ thiếu một thứ, đó là cặn mè (vừng)[232].” Cư sĩ Chất-đa-la liền nói rằng:
“Thưa Trưởng lão Thiện Pháp, ngài ôm trong lòng nhiều bảo vật như căn, lực, giác ý, thiền định, chánh thọ, mà nói những lời thô ác như vậy! Ngài Thiện Pháp, tôi sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ như vậy thì dùng cặn bã cây vừng để làm gì?” Cư sĩ nói tiếp:
“Nay tôi xin nói một thí dụ. Người có trí nhờ thí dụ mà hiểu rõ. Thí như có một quốc độ không có giống gà, trong khi đó có một người khách buôn đem đến một con gà mái. Con gà mái kia, vì không có gà trống, cùng với con quạ giao nhau. Con gà đẻ trứng ấp thành con, không gáy tiếng gà, lại cũng không kêu tiếng của quạ, nên gọi là gà quạ.[233] Cũng vậy, ngài Thiện Pháp, ngài ôm trong lòng nhiều bảo vật như căn, lực, giác ý, thiền định, [892c] chánh thọ, mà nói những lời thô ác như vậy! Ngài Thiện Pháp, tôi sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ như vậy thì dùng cặn bã cây vừng để làm gì?”
Tỳ-kheo Thiện Pháp nói như vầy: “Cư sĩ mạ nhục tôi. Vậy thì tôi sẽ bỏ đi!” Cư sĩ nói:
“Thưa đại đức Thiện Pháp, tôi không ác ngôn cũng không mạ nhục Đại đức. Ngài nên vui vẻ an trụ nơi Mật lâm này, chúng tôi sẽ cung cấp y phục, chăn màn, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men chữa bệnh.” Thiện Pháp lại nói như vầy:
“Cư sĩ mạ nhục tôi. Tôi sẽ đi!” Cư sĩ nói rằng: “Đại đức muốn đi đâu?” Tỳ-kheo Thiện Pháp nói:
“Tôi muốn đến chỗ đức Thế Tôn, nơi nước Xá-vệ.”
Cư sĩ nói: “Như những lời giữa tôi và ngài, Ngài cứ trình bày đúng sự thật với đức Thế Tôn. Chứ đừng thêm bớt. Tại sao vậy? Vì ngài sẽ còn trở lại chỗ này.”
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Thiện Pháp mang y bát đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi bằng cách hỏi thăm: “Các tỳ-kheo trụ chỉ có được an lạc không? Không bị vất vả vì thức ăn chăng?”
Thiện Pháp thưa: “Trụ chỉ được an lạc. Không vì sự ăn uống mà phải khổ.”
Rồi đem những sự việc cùng lời nói của cư sĩ bạch lên đức Thế Tôn đầy đủ, không thêm bớt. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Thiện Pháp rằng: “Ông làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Thiện Pháp, sao cư sĩ kia là người đàn-việt có tâm tin tưởng, làm nhiều việc lợi ích, cung cấp thực phẩm cho chúng Tăng, mà ông dùng những lời hạ tiện mạ nhục?”
Khi đức Thế Tôn ha trách Thiện Pháp rồi, bảo các tỳ-kheo: “Cho phép các tỳ-kheo vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp bạch tứ yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.[234]
“Đối với tỳ-kheo có năm pháp, không được tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Không cung kính cha mẹ, không kính sa-môn, bà-la-môn, điều nên trì mà không kiên trì. Năm pháp như vậy, Tăng không được trao pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.[235]
“Có năm pháp nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Cung kính cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn, điều nên trì kiên trì không bỏ. Năm pháp như vậy Tăng nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.
“Tỳ-kheo có mười pháp nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Ác khẩu mạ lỵ nhà bạch y; phương tiện khiến nhà bạch y tổn giảm; làm điều không lợi; làm cho không có trú xứ; đấu loạn bạch y;[236] trước bạch y hủy báng Phật; báng Pháp; báng Tăng; trước bạch y [893a1] mắng chửi hạ tiện; như pháp hứa bạch y mà không thực hiện.[237] tỳ-kheo có mười pháp như vậy nên trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.
“Có chín pháp, tám pháp, cho đến một pháp ác khẩu mạ lỵ nhà bạch y, nên tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.”
Nên làm như vầy: Họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Thiện Pháp này đối với cư sĩ Chất-đa-la là người đàn-việt có tâm tín mộ, thường hay cung cấp bố thí cúng dường cho Chúng Tăng, mà lại dùng lời hạ tiện xấu xa để mạ lỵ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Thiện Pháp đối với cư sĩ Chất-đa-la là người đàn-việt có tâm tín mộ, thường hay cung cấp bố thí cúng dường cho chúng Tăng, mà Tỳ-kheo Thiện Pháp dùng lời hạ tiện để mạ lỵ. Nay Tăng vì Tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo Thiện Pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia đã được tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.
Tăng đã vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y bằng pháp bạch tứ rồi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y là phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu, như trước.[238] “Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y là như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu, như trước.” Đức Phật cho phép sai một sứ giả đến nhà cư sĩ Chất-đa-la vì Tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Sai bằng pháp bạch nhị yết-ma. Sứ giả có tám pháp nên sai: 1. Nghe nhiều. 2. Khéo nói. 3. Đã tự biết rõ. 4. Hiểu được ý người. 5. Chấp nhận lời của người. 6. Có khả năng ghi nhớ. 7. Không sơ sót. 8. Rõ được nghĩa của lời nói thiện ác. Người có tám pháp như vậy thì nên sai làm sứ giả. [893b] Phật liền nói kệ rằng:
Trước mặt những người trí,
Nói không hề nhầm lẫn,
Cũng không hề thêm bớt,
Không quên lời đã dạy,
Lời nói không thể hoại,
Nghe không bị khuynh động:
Tỳ-kheo được như vậy,
Có thể làm sứ giả.
A-nan là người có đủ khả năng thực hiện tám pháp như vậy: Khéo nghe, khéo nói, tự mình hiểu rõ, hiểu được ý người, chấp nhận lời của người, đủ khả năng ghi nhớ, không sơ sót, rõ được nghĩa của lời nói thiện ác. Đức Phật cho phép Tăng sai A-nan làm người sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la, sai bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai A-nan làm người sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai A-nan làm sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai A-nan làm sứ giả, vì Tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng chấp thuận sai A-nan làm sứ giả, vì tỳ-kheo Thiện Pháp sám hối cư sĩ Chất-đa-la rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.
Tăng đã sai sứ giả. Vị được sai đến nhà cư sĩ nói lời sám hối như vầy: “Tăng đã vì tỳ-kheo Thiện Pháp tác pháp khiển trách phạt vị ấy.”[239] Nếu cư sĩ nhận sự sám hối thì tốt. Bằng không, thì nên đưa cư sĩ đến chỗ mắt thấy, tai không nghe.[240] Rồi để tỳ-kheo bị yết-ma ở chỗ mắt thấy, tai không nghe, khiến như pháp sám hối. Sau đó, đến nói với cư sĩ đó rằng: “Tỳ-kheo kia trước phạm tội. Nay đã sám hối. Tội đã trừ.” Nếu cư sĩ nhận sự sám hối thì tốt, bằng không thì tỳ-kheo phạm tội tự mình đến để sám hối.[241]
Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, dẫn tỳ-kheo Thiện Pháp đến nhà cư sĩ Chất-đa-la nói lên lời sám hối cư sĩ: “Tỳ-kheo kia Tăng đã làm pháp khiển phạt.” Cư sĩ Chất-đa-la liền chịu nhận cho sám hối.
Bấy giờ tỳ-kheo Thiện Pháp thuận tùng chúng Tăng không dám trái nghịch, đến giữa Tăng cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu [893c] tỳ-kheo Thiện Pháp đã thuận tùng chúng Tăng không dám trái nghịch, mà cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma.
“Có năm pháp không được giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Có năm pháp nên giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Năm pháp như vậy thì nên giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.”
Nên giải như vầy: Người bị yết-ma nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nay tôi đã thuận tùng chúng Tăng không dám trái nghịch, nên đến giữa Tăng cầu xin giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì tôi giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng cầu xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... Tăng đã vì ông tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Tỳ-kheo kia tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, (nay) đến giữa chúng Tăng cầu xin giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì ông mà giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo kia tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, tỳ-kheo kia đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo... giải yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.”[242]
[894a8] 1. Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ tỳ-kheo Xiển-đà[243] phạm tội, tỳ-kheo khác bảo rằng: “Thầy phạm tội có thấy không?” Xiển-đà trả lời: “Không thấy.”
Các tỳ-kheo nghe biết, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà rằng: “Thầy phạm tội, các tỳ-kheo nói, ‘Thầy phạm tội có thấy không?’
Sao thầy lại nói ‘Không thấy’?”
Các tỳ-kheo liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:
“Này tỳ-kheo Xiển-đà, ông phạm tội, các tỳ-kheo nói, ‘Thầy phạm tội có thấy không?’ Sao ông lại nói ‘Không thấy’?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Xiển-đà, rồi bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép chúng Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà yết-ma bị cử vì không thấy tội,[244] bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Nên làm như vầy: Tập họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‘Thầy phạm tội; có thấy không?’ Xiển-đà đáp: ‘Không thấy.’ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì Xiển-đà tỳ-kheo tác yết-ma bất kiến tội cử. Đây là lời tác bạch .
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‘Thầy phạm tội; có thấy không?’ Xiển-đà đáp: ‘Không thấy.’ Nay Tăng vì Xiển-đà tác yết-ma bất kiến tội cử. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo Xiển-đà tác yết- ma bất kiến tội cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo Xiển-đà tác yết-ma bất kiến cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. [894b]Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Đã tác yết-ma bất kiến tội cử rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.
Chúng Tăng đã vì tỳ-kheo Xiển-đà tác pháp bất kiến tội cử bằng bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có ba pháp, năm pháp tác yết-ma bất kiến tội cử là phi pháp phi tỳ-ni không thành tựu, như trước.
“Lại có ba pháp, năm pháp tác yết-ma bất kiến tội cử thì như pháp như tỳ-ni yết-ma thành tựu như trước.”
Tỳ-kheo bị cử bất kiến tội kia, khi chúng Tăng tiểu thực hay đại thực, lúc nói pháp, lúc bố-tát, nên đến giữa Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa: “Xin Đại đức nhận sự sám hối tự trách tâm của tôi, từ đây về sau không dám trái phạm nữa.”
Tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Nếu Xiển-đà đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử thì nên trao cho pháp yết-ma giải, bằng pháp bạch tứ.
“Có năm pháp không được giải yết-ma bất kiến tội cử: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Có năm pháp nên giải yết-ma bất kiến tội cử: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.”
Nên giải như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo kia tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất kiến tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên là... giải yết-ma bất kiến tội cử. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã được Tăng tác yết-ma bất kiến tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái phạm, nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến tội cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất kiến tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất kiến tội cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận [894c] giải yết-ma bất kiến tội cử cho tỳ-kheo... rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
2. Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, các Tỳ-kheo hỏi rằng: “Thầy có tội, cần sám hối.” Xiển-đà trả lời: “Không sám hối.”
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo Xiển-đà rằng: “Thầy phạm tội, tỳ-kheo khác bảo: ‘Thầy phạm tội, cần sám hối.’ Sao Thầy lại trả lời: ‘Không sám hối’?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo Xiển-đà:
“Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa- môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ông phạm tội, tỳ-kheo khác bảo: ‘Thầy phạm tội, cần sám hối.’ Sao Ông lại trả lời: ‘Không sám hối’?” Đức Phật ha trách rồi bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép chúng Tăng trao cho tỳ-kheo Xiển-đà pháp bị cử vì không chịu sám hối[245] bằng pháp bạch tứ yết-ma. Nên làm như vầy: Tập họp Tăng, Tăng họp rồi tác cử, tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác bảo: ‘Thầy phạm tội, cần sám hối.’ Xiểnđà đáp: ‘Không sám hối.’ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho Xiển-đà pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Đây là lời tác bạch .
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Xiển-đà này phạm tội. Tỳ-kheo khác bảo: ‘Thầy phạm tội, cần sám hối.’ Xiểnđà đáp: ‘Không sám hối.’ Nay trao cho Xiển-đà pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Xiển-đà yết-ma bất sám hối tội cử, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì Xiển-đà tác yết-ma bất sám hối tội cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia đã được tác pháp bất sám hối tội cử rồi, thì có năm pháp không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không được cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.
Chúng Tăng vì Xiển-đà tác yết-ma bất sám hối tội cử bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma bất sám hối tội cử là phi pháp phi tỳ-ni [895a1], yết-ma không thành tựu, như trước.” [246]
Có ba pháp, có năm pháp tác yết-ma bất sám hối tội cử thì như pháp như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trên.
Vị đã bị tác yết-ma bất sám hối tội cử kia, khi Chúng Tăng, hoặc vào bữa tiểu thực, hay đại thực, hoặc khi thuyết pháp, bố-tát, nên đến trong Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch: “Xin Đại đức nhận sự sám hối tự trách tâm mình của tôi, từ nay về sau không dám tái phạm.”
Tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến trước Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo Xiển-đà đã tùy thuận Chúng Tăng không dám trái phạm, cầu xin giải yết-ma bất sám hối tội cử thì Tăng nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma.
“Có năm pháp không được giải yết-ma bất sám hối tội cử: Trao đại giới cho người cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Có năm pháp nên giải yết-ma bất sám hối tội cử: Không trao đại giới cho người cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.” Nên giải như vầy: Vị tỳ-kheo không sám hối tội cử kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... Tăng đã tác yết-ma bất sám hối tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái phạm. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết- ma bất sám hối tội cử. Cúi xin Tăng dũ lòng thương vì tôi mà giải yết-ma bất sám hối tội cử.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất sám hối tội cử. Vị kia đã tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch. Nay đến trước Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo giải yết-ma bất sám hối tội cử. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất sám hối tội cử, đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma bất sám hối tội cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất sám hối tội cử. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì Tỳ-kheo ... giải yết-ma bất sám hối tội cử, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là lời yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý [895b] trao cho tỳ-kheo... pháp giải yết-ma bất sám hối tội cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
4. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Tỳ-kheo tự là A-lợi-tra,[247] đã sanh ác kiến như vầy: “Tôi hiểu pháp nghĩa do đức Phật nói, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.” Các tỳ-kheo nghe Tỳ-kheo tự là A-lợi-tra, đã sanh ra ác kiến nói: “Tôi biết pháp nghĩa do đức Phật nói, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, muốn trừ khử ác kiến đã sanh ra nơi tỳ- kheo A-lợi-tra, nên liền đến chỗ tỳ-kheo A-lợi-tra, cung kính chào hỏi rồi ngồi qua một bên. Các tỳ-kheo nói với A-lợi-tra, rằng:
“Thật sự thầy hiểu pháp do đức Phật nói ra, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo?”
A-lợi-tra, trả lời: “Thật sự tôi hiểu pháp do đức Phật nói ra, theo đó, phạm dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.”
Các tỳ-kheo muốn trừ khử ác kiến đã sanh ra nơi A-lợi-tra, nên liền ân cần khuyên bảo: “Này A-lợi-tra, chớ nói như vậy, chớ hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt, đức Thế Tôn không bao giờ nói như vậy. Này A-lợi-tra, đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói pháp để đoạn dục, đoạn dục tưởng, diệt dục niệm, trừ bỏ lửa dục, vượt qua ái kết. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói dục như hầm lửa lớn, dục như đuốc cỏ khô, dục như trái chín muồi, như vật tạm mượn, như xương khô, như miếng thịt, dục như cảnh trong mộng, dục như mũi kiếm nhọn, dục như đồ gốm mới làm mà đựng nước để giữa nắng, dục như đầu con rắn độc, dục như nắm lưỡi gươm bén, dục như cây kích nhọn bén. Đức Thế Tôn đã nói như vậy. Này A-lợi-tra, đức Như Lai đã khéo léo nói pháp đoạn dục, không dục, loại bỏ cấu uế, không uế, diệt trừ khát ái, diệt trừ hang ổ;[248] thoát ly tất cả các sự ràng buộc, Niết-bàn với sự diệt tận của ái. Đức Phật nói như vậy đó. Sao lại nói dâm dục chẳng phải là chướng đạo?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo ân cần hỏi tỳ-kheo A-lợi-tra như vậy, nhưng tỳ-kheo A-lợi-tra vẫn kiên trì ác kiến, quả quyết nói:
“Điều đó là chân thật, ngoài ra là hư vọng.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo vì không thể loại trừ được ác kiến của A-lợitra, nên liền đến chỗ đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn lúc bấy giờ bảo một tỳ-kheo khác rằng:
“Ông nhân danh Ta, gọi tỳ-kheo A-lợi-tra đến đây.”
Bấy giờ, tỳ-kheo kia vâng lời đức Thế Tôn, đến chỗ tỳ-kheo A-lợitra bảo rằng:
“Đức Thế Tôn gọi thầy.”
A-lợi-tra nghe đức Thế Tôn kêu, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đức Thế Tôn bảo:
“Này A-lợi-tra, thật sự ông có [895c] nói ‘Tôi hiểu pháp do đức Thế Tôn nói, dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo’, phải không?”
A-lợi-tra thưa: “Bạch Đại đức, thật sự con có nói như vậy.” Đức Phật hỏi:
“Sao ngươi biết điều Ta nói như vậy? Ta đã từng dùng vô số phương tiện để đoạn ái dục, như trên đã nói hay sao?”
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo A-lợi-tra rồi bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp ha gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên can gián như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-lợi-tra này đã nói như vầy, ‘Hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.’ Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra pháp can gián cho bỏ việc này. Tăng nói: ‘A-lợi-tra, đừng nói như vậy. Đừng hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo; nếu phạm dâm dục tức là chướng đạo.’ Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-lợi-tra đã nói như vầy: ‘Tôi đã biết pháp do Phật nói ra, hành dâm dục chẳng phải là pháp chướng đạo.’ Nay Tăng tác pháp can gián cho bỏ việc này. Tăng nói: ‘A-lợi-tra, đừng nói như vậy. Đừng hủy báng đức Thế Tôn, hủy báng đức Thế Tôn không tốt. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói, hành dâm dục là pháp chướng đạo; nếu phạm dâm dục tức là chướng đạo.’ Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp can gián cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp can gián ha trách rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo A-lợi-tra đã được Tăng trao cho pháp can gián ha trách rồi mà cố ý không bỏ ác kiến. Bấy giờ các tỳ-kheo nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, ha trách tỳ-kheo A-lợi-tra: “Tăng trao cho pháp can gián mà sao thầy cố ý không bỏ ác kiến?”
Lúc ấy các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách Tỳ-kheo A-lợi-tra rằng:
“Ông làm điều [896a1] sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tăng trao cho pháp can gián mà sao thầy cố ý không bỏ ác kiến?”
Dùng vô số phương tiện ha trách, rồi đức Phật bảo các tỳ-kheo: “Cho phép các tỳ-kheo trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra pháp bất xả ác kiến cử[249] bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Nên tác pháp như vầy: Tập họp Tăng. Tăng họp rồi tác cử, tác cử rồi tác ức niệm, tác ức niệm rồi trao tội. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-lợi-tra đã sanh ra ác kiến. Tăng đã trao cho pháp can gián mà cố tâm không chịu bỏ ác kiến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma ác kiến bất xả cử. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo A-lợi-tra không bỏ ác kiến, Tăng đã trao cho pháp can gián ha trách mà cố tâm không xả ác kiến. Nay Tăng vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác yết-ma bất xả ác kiến cử. Các Trưởng lão nào đồng ý nay Tăng trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma bất xả ác kiến cử thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo A-lợi-tra yết-ma bất xả ác kiến cử rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Người đã được tác pháp ác kiến bất xả rồi, thì có năm việc không được làm: Không được trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh. Nên làm như vậy.
Tăng đã vì tỳ-kheo A-lợi-tra tác pháp ác kiến bất xả bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có ba pháp, có năm pháp tác ác kiến bất xả cử yết-ma thì phi pháp phi tỳ-ni, yết-ma không thành tựu, như trước.[250]
“Có ba pháp, năm pháp tác ác kiến bất xả cử yết-ma thì như pháp, như tỳ-ni, yết-ma thành tựu như trước.”
Vị đã bị cử ác kiến bất xả yết-ma kia, vào lúc Tăng tiểu thực, đại thực, hay lúc nói pháp, lúc bố-tát, nên đến trước Tăng, đứng qua một bên, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất chấp tay bạch:
“Xin Đại đức nhận sự sám hối, tự trách tâm tôi, từ nay về sau không dám tái phạm.”
Tỳ-kheo A-lợi-tra đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, nên đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo A-lợi-tra [896b] đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đã đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử, thì chúng Tăng nên giải bằng pháp bạch tứ yết-ma.
“Có năm pháp không được giải yết-ma bất xả ác kiến cử: Trao đại giới cho người, cho đến cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.
“Có năm pháp nên giải bất xả ác kiến cử yết-ma: Không trao đại giới cho người, cho đến không cùng thiện tỳ-kheo đấu tranh.” Nên giải như vầy: Vị tỳ-kheo đã bị yết-ma bất xả ác kiến cử kia, nên đến trước Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... Tăng đã trao cho pháp yết-ma bất kiến xả cử, đã tùy thuận Tăng không dám trái phạm, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Cúi xin Tăng vì tôi giải yết-ma ác kiến bất xả cử, từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên mà tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã bị Tăng tác yết-ma bất kiến xả cử. Nay tùy thuận chúng không dám trái phạm, đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma bất xả ác kiến cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma ác kiến bất xả cử. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... đã bị Tăng trao cho pháp yết-ma ác kiến bất xả cử, đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch. Nay đến trước Tăng cầu xin giải yết-ma ác kiến bất xả cử. Nay Tăng vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất xả ác kiến. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng vì tỳ-kheo... giải yết-ma bất xả ác kiến cử thì im lặng.
Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng chấp thuận vì tỳ-kheo tên... giải yết-ma bất xả ác kiến cử rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo phạm tăng tàn mà che giấu. Vị kia nghĩ như vầy: ‘Ta nên làm như thế nào?’ Rồi bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng tùy theo ngày che giấu, trao cho tỳ-kheo kia pháp trị tội phú tàng[252] bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên làm như vầy: tỳ-kheo [896c] kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối chấp tay, bạch những lời như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn[253] mà che giấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, tùy theo số ngày che giấu,[254] nay đến giữa Tăng xin yết- ma phú tàng.[255] Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày, từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên... kia đã phạm tội tăng tàn mà che giấu, tùy theo ngày che giấu đến giữa Tăng xin yết-ma phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn. Tỳ-kheo tên là... kia đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo tên là... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo kia khi hành phú tàng lại phạm tội chồng.[256]-[257] Vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên như thế nào?” rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng vì tỳ-kheo kia tác pháp bản nhật trị[258] bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên bạch như vầy: tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tôi tỳ-kheo tên là... trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ.[259] Tôi tỳ-kheo tên là... nay đến trước Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Cúi xin Tăng cho tôi tỳ-kheo tên là... yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn [897a1] đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng, lại tái phạm tội cũ.
Nay đến giữa Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo tên là... yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Đây là lời tác bạch.”
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo này đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng lại tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo kia đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng.
Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tỳ-kheo ... yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo... yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng tác pháp sáu đêm ma-na-đỏa[260] cho tỳ-kheo kia bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên trao cho như vầy: tỳ-kheo kia đến giữa Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tôi trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ, đến trước Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã cho tôi yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tôi là tỳ-kheo tên... đã hành pháp bản nhật trị của pháp phú tàng xong, nay đến giữa Tăng xin yết-ma sáu đêm ma-nađỏa. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma theo sự việc như trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đã đến tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. [897b] tỳ-kheo... này đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bản nhật trị của pháp phú tàng rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo ... này đã hành pháp bản nhật trị của pháp phú tàng rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia đã hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội[261] bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên xuất tội như vầy: tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tôi tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, đã đến tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu. Tôi trong khi hành phú tàng, tái phạm tội cũ, đến trước Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã cho tôi yết-ma bản nhật trị của phú tàng. Tôi là Tỳ-kheo ... đã hành bản nhật trị của phú tàng rồi, đến Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa. Tăng đã cho tôi yết-ma sáu đêm ma-nađỏa. Tôi là tỳ-kheo tên... hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
[897c] Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo ... pháp yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo ... này đã hành pháp bản nhật trị của pháp phú tàng rồi, đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến trong Tăng xin yết-ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo... tác pháp yết-ma xuất tội. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo tên... này, đã phạm tội tăng tàn mà che giấu. Tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng theo số ngày che giấu. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết- ma phú tàng theo số ngày che giấu. Trong khi vị kia hành pháp phú tàng tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo... này, đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma bản nhật trị của pháp phú tàng. Tỳ-kheo... này đã hành pháp bản nhật trị của pháp phú tàng rồi, đến trước Tăng xin yết-ma ma-na-đỏa sáu đêm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo... yết-ma sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Nay đến trong Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng vì tỳ-kheo tác pháp yết-ma xuất tội. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tỳ-kheo ... yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận vì tỳ-kheo... tác pháp yết-ma xuất tội rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà không che giấu, suy nghĩ: “Ta nên như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo.
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma.” Cách trao như sau:
Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại [898a1] đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn mà không che giấu. Nay đến giữa Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn mà không che giấu. Nay đến trước Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm mana-đỏa. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... đã phạm tội tăng tàn không che giấu. Nay đến trước Tăng xin sáu đêm mana-đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-nađỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia trong thời gian hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‘Ta nên làm sao đây?’ Rồi bạch các Tỳ-kheo . Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia pháp bản nhật trị của ma-nađỏa bằng bạch tứ yết-ma.”
Cách trao như sau: tỳ-kheo kia nên đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm mana-đỏa, Tăng đã trao tội sáu đêm ma-na-đỏa. Trong khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, nay đến Tăng xin pháp yết-ma bản nhật trị ma-na-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma ma-na-đỏa của bản nhật trị. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-nađỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! [898b] tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này khi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đến Tăng cầu xin yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma ma-na-đỏa của bản nhật trị. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo, các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng vì tỳ-kheo kia xuất tội bằng pháp bạch tứ yết-ma.” Nên xuất như sau: tỳ-kheo kia phải đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến trong Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Khi tôi hành pháp ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đã đến trước Tăng xin bản nhật trị của ma-na-đỏa. Tăng đã cho tôi yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Tôi là tỳ-kheo tên... đã hành bản nhật trị của ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội, cúi xin Tăng cho tôi yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-nađỏa, Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia khi hành pháp sáu đêm ma-na-đỏa lại tái phạm tội cũ, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Vị kia đã hành ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng vì tỳ-kheo... xuất tội, đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-nađỏa. Tăng đã cho sáu đêm ma-na-đỏa. Vị kia khi hành pháp ma-na-đỏa lại phạm trọng tội, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị [898c] của ma-na-đỏa. Tăng đã cho yết-ma bản nhật trị của ma-na-đỏa. Tỳ-kheo này đã hành pháp bản nhật trị của ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội. Các Trưởng lão nào đồng ý nay Tăng cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng chấp thuận cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội rồi, Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
1. Bấy giờ, có một tỳ-kheo phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc phạm rồi che giấu một đêm, hoặc phạm rồi che giấu hai đêm, như vậy cho đến che giấu mười đêm. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: “Ta làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia, gộp lại làm mười ngày phú tàng cho nhiều tội tăng tàn đã phạm,[262] bằng pháp bạch tứ yết-ma.” Cách trao cho như sau: tỳ-kheo kia đến trong Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che giấu một đêm, hoặc đã che giấu hai đêm cho đến che giấu mười đêm. Nay đến trước Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Cúi xin Tăng cho tôi yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm, từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che giấu một đêm cho đến mười đêm. Nay đến trong Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... pháp yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này ã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc đã che giấu một đêm cho đến mười đêm. Nay đến trước Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm. Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng từ một đêm cho đến mười đêm rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này [899a1] tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo kia hành phú tàng rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Tỳ-kheo kia nên đến trước Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che giấu một đêm hoặc hai đêm, cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng một đêm cho đến mười đêm, Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng. Tôi Tỳ-kheo ... hành phú tàng rồi, nay đến xin Tăng sáu đêm mana-đỏa. Cúi xin Tăng cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Từ mẫn cố.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này, đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che giấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, và Tăng đã cho tỳ-kheo... này yết-ma phú tàng mười đêm.
Tỳ-kheo này đã hành phú tàng rồi, nay đến xin Tăng sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng,
Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu êm mana-đỏa. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này đã phạm nhiều tội tăng tàn, đã che giấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo kia đã hành mười đêm phú tàng xong, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nay Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thư hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-nađỏa rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia thi hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội bằng bạch tứ yết-ma.”
Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo... đã phạm nhiều tội tăng tàn, che giấu một đêm hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến trong Tăng xin [899b] yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng mười đêm. Tôi đã hành phú tăng tàn xong, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Tôi đã hành sáu đêm ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nguyện Tăng cho tôi yết-ma xuất tội. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này ã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc che giấu một đêm hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho vị kia yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo ... kia đã hành pháp mười đêm che giấu rồi, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo đã hành pháp sáu đêm mana-đỏa rồi, nay đến trước Tăng xin yết-ma xuất tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo... yết-ma xuất tội. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này, đã phạm nhiều tội tăng tàn, hoặc che giấu một đêm, hoặc hai đêm cho đến mười đêm, đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng mười đêm, Tăng đã cho yết-ma phú tàng mười đêm. Tỳ-kheo... kia đã hành pháp mười đêm phú tàng rồi. Đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia hành pháp ma-na-đỏa rồi, nay đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Nay Tăng cho tỳ-kheo... kia yết-ma xuất tội. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tỳ-kheo kia yết-ma xuất tội thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất” Lần thứ hai, lần thư ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... kia yết-ma xuất tội rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
2. Bấy giờ, có một tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che giấu, chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Tỳ-kheo kia tùy theo chỗ nhớ được, tùy theo ngày che giấu, đến trước Tăng xin yết-ma theo ngày che giấu, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo chỗ nhớ, tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo kia khi thi hành pháp phú tàng nhớ tội thứ hai, không biết nên làm thế nào? Bạch các tỳ-kheo.
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu của tội thứ hai đã nhớ.”
Bấy giờ có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn [899c] đều che giấu cả hai, một tội có nghi ngờ, một tội không nghi ngờ. Vị kia đối với tội không nghi ngờ, tùy theo ngày che giấu, đến trong Tăng xin yết-ma ngày che giấu, và Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo ngày che giấu. Khi tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng, đối với tội có nghi ngờ kia không còn nghi ngờ nữa, tự nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu.” Bấy giờ có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn cả hai đều che giấu; biết một tội, không biết một tội. Vị kia đối với tội đã biết đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng liền biết trở lại tội thứ hai, tự nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng vì tỳ-kheo kia tùy theo chỗ biết tội thứ hai, với số ngày che giấu cho yết-ma phú tàng.” Bấy giờ có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn cả hai đều che giấu. Khi vị kia xin tội che giấu, chỉ nói một tội, che giấu một tội. Vị kia tùy theo tội được nói đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng đã cho yết-ma phú tàng. Vị kia thi hành pháp phú tàng, đối với tội phạm thứ hai, tâm tàm quý sanh, tự nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tăng nên cho yết-ma phú tàng tùy theo số ngày che giấu của tội phạm thứ hai.”
Đức Phật bảo tiếp: “Các ông hãy lắng tai nghe cho kỹ, trường hợp nếu tỳ-kheo nào phạm hai tăng tàn, cả hai đều che giấu. Chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Tỳ-kheo kia đối với tội nhớ và tội không nhớ, đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng, và Tăng cũng cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng cho cả hai tội. Khi vị kia hành pháp phú tàng, có khách tỳ-kheo đến, biết pháp, biết luật, biết Ma-di. Khách tỳ-kheo kia hỏi cựu tỳ-kheo:
“Này Trưởng lão, tỳ-kheo này phạm tội gì? Tại sao hành pháp phú tàng?
“Cựu tỳ-kheo trả lời: “Thưa Trưởng lão, tỳ-kheo này phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che giấu. Chỉ nhớ một tội, không nhớ một tội. Đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng cho cả hai tội. Cho nên, tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng.
“Tỳ-kheo khách kia nói: “Này Trưởng lão, yết-ma phú tàng cho Tỳ-kheo kia là bất thành. Tại sao vậy? Yết-ma phú tàng cho tội mà Tỳ-kheo kia nhớ thì đúng. Yết-ma phú tàng đối với tội mà tỳ-kheo kia không nhớ là không đúng, phi pháp; yết-ma bất thành. Chúng Tăng nên tác sám đột-kiết-la. Vị kia nên trao cho ma-na-đỏa.” [900a1] Nghi, không nghi; biết, không biết; cũng như vậy.
3. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà che giấu hai tháng. Vị kia chỉ nhớ một tháng, một tháng không nhớ. Vị kia theo chỗ nhớ một tháng, đến Tăng xin yết-ma phú tàng; Tăng cho yết-ma phú tàng một tháng. Vị kia khi hành pháp phú tàng, nhớ lại tháng thứ hai, tự nghĩ: “Ta nên thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo chỗ nhớ tháng thứ hai.”
Nghi, không nghi, cũng như vậy. Biết, không biết, cũng như vậy. Khi xin pháp phú tàng, che giấu một tháng phát lồ một tháng cũng như vậy.
Đức Phật nói: “Các tỳ-kheo, hãy lắng nghe! Trường hợp nếu có Tỳ-kheo phạm tội tăng tàn che giấu hai tháng, chỉ nhớ một tháng, không nhớ một tháng; đem cả hai đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng cũng cho vị kia yết-ma phú tàng hai tháng. Khi vị kia hành pháp phú tàng, có khách tỳ-kheo đến, biết Pháp, biết Luật, biết Madi. Tỳ-kheo khách hỏi cựu tỳ-kheo: ‘Này Trưởng lão, vị kia phạm tội gì? Tại sao hành phú tàng?’
“Cựu tỳ-kheo đáp: ‘Tỳ-kheo này phạm tội tăng tàn che giấu hai tháng. Nhớ một tháng, không nhớ một tháng. Vị kia đem cả hai, nhớ và không nhớ, đến Tăng xin yết-ma hai tháng che giấu. Tăng cũng tùy theo vị kia cho yết-ma hai tháng che giấu, cho nên tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng.’
“Tỳ-kheo khách kia nói với cựu tỳ-kheo rằng: ‘Cho phép phú tàng không đúng. Tại sao vậy? tỳ-kheo kia nhớ một tháng thì cho pháp phú tàng là đúng. Còn một tháng không nhớ mà cho pháp phú tàng là không đúng, phi pháp; yết-ma không thành tựu. Tăng nên tác pháp sám đột-kiết-la. Nên trao ma-na-đỏa cho tỳ-kheo kia.’
“Nghi, không nghi; biết, không biết; cũng vậy.”
4. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn. Cả hai đều che giấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, đối với hai tội đã che giấu (trước kia), tự nghĩ: “Ta nên làm như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu cả hai. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, đối với hai tội đã che giấu, Tăng nên tùy theo số ngày che giấu đã phạm trước kia, và số ngày che giấu sau, trao cho yết-ma phú tàng. Cho yết-ma phú tàng xong, cho ma-na-đỏa.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều che giấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi phát lồ hai tội. Tăng nên tùy theo [900b] số ngày che giấu trước kia của Tỳ-kheo mà trao cho yết-ma phú tàng. Trao cho yết-ma phú tàng rồi, trao cho ma-na-đỏa.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che giấu. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, che giấu hai tội. Vị kia tự nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che giấu. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi che giấu hai tội. Tăng nên tùy theo số ngày che giấu sau của tỳ-kheo kia trao cho yết-ma phú tàng. Sau đó mới trao cho pháp ma-na-đỏa.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, cả hai đều không che giấu. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi phát lồ hai tội. Tăng nên trao cho hai tội ma-na-đỏa.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu một tội, không che giấu một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, trước kia chỉ phát lồ một tội, sau lại che giấu cả hai. Vị kia nghĩ: “Ta nên như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu một tội, không che giấu một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, trước kia chỉ phát lồ một tội, sau lại che giấu cả hai. Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma tùy theo ngày, một tội đã phạm mà trước sau đều che giấu; và một tội sau mới che giấu.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tội trước kia che giấu, sau cũng che giấu. Tội trước kia phát lồ, sau cũng phát lồ. Tăng nên tùy theo tội mà trước sau đều che giấu trao cho yết-ma phú tàng, tội thứ hai không che giấu nên trao cho pháp ma-na-đỏa. Có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tội trước kia che giấu, sau lại phát lồ. Tội trước kia phát lồ, sau lại che giấu. Tăng nên trao cho vị kia tùy theo một tội trước kia che giấu trao cho yết-ma phú tàng, và theo tội thứ hai mà sau che giấu, trao cho yết-ma phú tàng.
Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm hai tội tăng tàn, che giấu một tội, phát lồ một tội. Vị kia thôi tu, [900c] rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, cùng với tội trước kia che giấu, sau cả hai đều phát lồ. Tăng nên trao cho yết-ma phú tàng cho tỳ-kheo kia tùy số ngày của một tội phạm mà trước kia che giấu. Cho pháp ma-na-đỏa cho cả hai, kể luôn tội thứ hai.
Nhớ một tội, không nhớ một tội, tạo thành bốn vế; cũng như vậy.
Nghi một tội, không nghi một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy.
Biết một tội, không biết một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy.
Khi xin tội phú tàng, che giấu một tội, phát lồ một tội, tạo thành bốn vế; cũng lại như vậy.
(Trong đây, từ che giấu của một tội, không che giấu một tội, cho đến đây, có tất cả năm nhóm. Mỗi nhóm đều có bốn vế, như che một không che một thành bốn vế. Tổng cộng thành hai mươi vế).
Khi hành pháp phú tàng, hai mươi vế; cũng lại như vậy. Hành pháp phú tàng rồi, hai mươi vế; cũng lại như vậy. Khi hành pháp ma-nađỏa, hai mươi vế; cũng như vậy. Hành pháp ma-na-đỏa rồi, hai mươi vế; cũng lại như vậy.
Làm sa-di rồi trở lại thọ đại giới, một trăm vế; cũng lại như vậy. Điên cuồng, một trăm vế; cũng lại như vậy. Thống não, một trăm vế; cũng lại như vậy. Tăng trao cho pháp bất kiến tội cử, một trăm vế; cũng lại như vậy. Không sám hối tội cử, một trăm vế cũng lại như vậy. Ác kiến bất xả tội cử, một trăm vế cũng lại như vậy.
5. Bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành phú tàng thì bãi đạo. Sau đó, trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, vị kia tự nghĩ: “Ta nên như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo đang hành phú tàng, bãi đạo, rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, nên nối lại số ngày đã hành trước kia, rồi tiếp tục hành phú tàng số ngày còn lại.”
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đáng cho bản nhật trị. Tỳ-kheo kia bãi đạo rồi trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên tác pháp bản nhật trị cho tỳ-kheo kia, bằng pháp bạch tứ yết-ma.
Bấy giờ, có tỳ-kheo hành phú tàng xong rồi, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa bằng pháp bạch tứ yết-ma.
Bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành ma-na-đỏa, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, tỳ-kheo kia đã hành bao nhiêu ngày ma-na-đỏa rồi mới nghỉ, còn số ngày chưa hành nên tiếp tục hành.
Bấy giờ, có tỳ-kheo hành ma-na-đỏa xong rồi, bãi đạo. Sau đó trở lại thọ đại giới. Thọ đại giới rồi, Tăng nên trao cho vị kia pháp xuất tội bằng pháp bạch tứ yết-ma.
Trường hợp trở lại làm Sa-di, năm vế cũng như vậy. Điên cuồng, năm vế cũng như vậy. Loạn tâm, năm vế cũng [901a1] như vậy. Thống não, năm vế cũng như vậy. Tăng trao cho các pháp yết-ma bất kiến tội cử, bất sám hối tội cử, ác kiến bất xả cử, mỗi tội cử năm vế cũng như vậy.
6. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo khi hành pháp phú tàng, trung gian phạm tội, biết số ngày mà che giấu. Vị kia tự nghĩ rằng: “Ta nên như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu khi hành phú tàng, trung gian lại phạm tội, biết số ngày mà che giấu. Tăng nên tùy theo trung gian phạm tội mà trao cho yết-ma phú tàng. Cho yết-ma phú tàng rồi trao cho bản nhật trị. Hành bản nhật trị của phú tàng rồi, trao cho ma-na-đỏa. Trao cho ma-nađỏa rồi, nên xuất tội cho người đó.”
Không biết số ngày che giấu cũng như vậy. Biết số ngày che giấu, không biết số ngày che giấu cũng như vậy. Hành phú tàng rồi, cũng như vậy.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đang hành ma-na-đỏa, trung gian phạm tội, biết số ngày, không che giấu. Vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo trong khi hành ma-na-đỏa, trung gian lại phạm chồng, biết số ngày, không che giấu. Tăng nên trao cho pháp mana-đỏa. Trao ma-na-đỏa rồi, nên trao cho pháp bản nhật trị của mana-đỏa. Hành bản nhật trị ma-na-đỏa rồi, nên trao cho yết-ma xuất tội.”
Không biết số ngày, không che giấu; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che giấu; cũng như vậy. Hành ma-nađỏa rồi, biết số ngày, không che giấu; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che giấu; cũng như vậy.
7. Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che giấu, không che giấu, che giấu hoàn toàn, không che giấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao yết-ma phú tàng cho tỳ-kheo kia tùy theo ngày che giấu.”
Nên trao như vầy: tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa rằng:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che giấu, không che giấu, che giấu hoàn toàn, không che giấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Tùy theo ngày che giấu, đến bên Chúng Tăng xin yết-ma phú tàng. Cúi xin Tăng cho tôi [901b] yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu Từ mẫn cố!”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, che giấu, không che giấu, che giấu hoàn toàn, không che giấu hoàn toàn, một tội danh, nhiều chủng loại, tự tánh, phi tự tánh; chỗ trú khác nhau. Vị kia tùy theo ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo kia tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Vị kia tùy theo ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Nay Tăng cho tỳ-kheo tên... yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo... kia yết-ma tùy phú tàng theo ngày che giấu thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo... yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị kia đang hành pháp phú tàng, trung gian lại tái phạm tội, biết số ngày che giấu, vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo kia bạch tứ yết-ma bản nhật trị đối với trung gian phú tàng của tội trước.”
Nên trao như vầy: tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tôi tùy theo số ngày che giấu đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng; Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng. Tôi tỳ-kheo... khi hành pháp phú tàng phạm tội trở lại, biết số ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Cúi xin Tăng trao cho tôi yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian phạm [901c] tội, lại biết số ngày che giấu, nay đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho Tỳ-kheo này yết-ma tội phạm trước, trung gian tái phạm phú tàng bản nhật trị. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này tùy theo ngày che giấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng, Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian lại tái phạm biết số ngày che giấu, nay đến Tăng xin yết bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo này yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo tên... yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo tên là... yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tỳ-kheo hành pháp phú tàng, trung gian lần thứ hai tái phạm, cũng như vậy. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo này sáu đêm ma-na-đỏa bằng bạch tứ yết-ma.”
Nên trao cho như vầy: tỳ-kheo kia nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi tỳ-kheo tên là... đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tùy theo ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Khi tôi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tôi yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng khi tôi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tôi yết-ma bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tôi tỳ-kheo tên là... đã hành pháp phú tàng rồi, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, từ mẫn cố.”
[902a1] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo này tùy theo ngày che giấu, đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã cho tỳ-kheo này yết-ma phú tàng. Tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo này khi hành pháp phú tàng lại trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đã đến bên Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước.
Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, nay đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo... này đã phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tùy theo ngày che giấu, đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã cho tỳ-kheo này yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Khi tỳ-kheo này hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng của trung gian tái phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, nay đến xin sáu đêm ma-na-đỏa. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa, các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo... sáu đêm ma-na-đỏa thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo.... sáu đêm ma-na-đỏa rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Bấy giờ, tỳ-kheo kia hành ma-na-đỏa rồi, bạch các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. [902b] Đức Phật dạy: “Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia pháp xuất tội bằng bạch tứ yết-ma, như trên. Nên xuất tội như vầy.”
Khi Chúng Tăng xuất tội cho tỳ-kheo kia mà không như pháp, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe kỹ: Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu, Tăng trao cho yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Vị kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu. Vị kia đến bên Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm của tội phạm trước. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia tưởng là đúng, hành pháp phú tàng rồi đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa phi pháp. Tỳ-kheo kia tưởng là đúng, hành ma-na-đỏa xong, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp, Ta nói tỳ-kheo này không thanh tịnh, tội không khỏi.
“Trường hợp có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che giấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước như pháp. Nhưng tỳ-kheo kia hành pháp phú tàng rồi, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa, Tăng trao cho Tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa không như pháp. Tỳ-kheo kia tưởng là như pháp, hành ma-na-đỏa rồi, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng trao cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp. Ta nói tỳ-kheo kia không thanh tịnh, tội không [902c] khỏi.
“Trường hợp có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che giấu đã đến bên Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước như pháp. Tỳ-kheo kia hành phú tàng xong, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã trao cho Tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa như pháp. Tỳ-kheo kia hành ma-nađỏa rồi, đến tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng trao cho tỳ-kheo kia xuất tội phi pháp. Ta nói người này không thanh tịnh, tội không khỏi.”
Trong đây, biết số ngày, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số che giấu, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số ngày, che giấu, không che giấu; ba bế cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số ngày, không biết số ngày, che giấu, không che giấu, ba vế; cũng như vậy.
“Trong đây, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không biết số ngày, cho đến chỗ trụ khác nhau. Tỳ-kheo kia tùy theo ngày che giấu đã đến Tăng xin yết-ma phú tàng, Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm, biết số ngày che giấu, đã đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tăng đã trao cho tỳ-kheo này yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm. Nhưng tỳ-kheo kia khi hành pháp phú tàng, trung gian tái phạm lần thứ hai, biết số ngày che giấu, đến Tăng xin yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai. Tăng trao cho tỳ-kheo kia [903a1] yết-ma bản nhật trị của phú tàng đối với trung gian trùng phạm lần thứ hai của tội phạm trước. Tỳ-kheo kia hành phú tàng xong, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa như pháp. Tỳ-kheo kia hành mana-đỏa rồi, đến Tăng xin yết-ma xuất tội. Tăng đã trao cho tỳ-kheo kia xuất tội như pháp. Ta nói tỳ-kheo này thanh tịnh không phạm, tội được khỏi.”
Biết số, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, che giấu, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Không biết số, che giấu, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, không che giấu, ba vế; cũng như vậy. Biết số, không biết số, che giấu, không che giấu, ba vế cũng như vậy.
Lúc bấy giờ, trú xứ nọ có hai tỳ-kheo phạm tội tăng tàn. Tỳ-kheo kia trong ngày rời khỏi trú xứ và nói: “Nếu gặp được tỳ-kheo thanh tịnh tôi sẽ sám hối.” tỳ-kheo thứ nhất khi bắt đầu đi, lại che giấu. Tỳ-kheo thứ hai khi gặp tỳ-kheo khác bèn che giấu. Như vậy cả hai đều che giấu. Vị thứ nhất nhớ tội. Vị thứ hai không nhớ tội. Vị kia nhớ mà che giấu là phú tàng. Vị không nhớ, chẳng phải phú tàng. Vị thứ nhất nghi, vị thứ hai không nghi. Vị nghi mà che giấu tức là không phú tàng. Vị không nghi mà che giấu tức là phú tàng. Vị thứ nhất biết, vị thứ hai không biết. Vị biết mà che giấu tức là phú tàng. Vị không biết mà che giấu tức là không phú tàng.
8. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, mà bảo là phạm ba-la-di che giấu. Vị kia nghĩ rằng: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các Tỳ-kheo . Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà bảo là ba-la-di che giấu, nên trao cho pháp sám đột-kiết-la, sau đó trao cho ma-na-đỏa.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, mà bảo là phạm ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết che giấu, vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn mà gọi là ba-dật-đề cho đến ác thuyết che giấu, dạy họ tác pháp sám hối đột-kiết-la rồi trao cho ma-na-đỏa.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề [903b] mà bảo là ba-la-di che giấu. Đức Phật dạy: “Nếu tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà bảo là ba-ladi che giấu, nên dạy họ sám đột-kiết-la rồi sau như pháp sám.” Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà bảo là phạm tăng tàn, cho đến ác thuyết che giấu. Đức Phật dạy:
“Nên dạy họ sám đột-kiết-la rồi sau như pháp sám. ba-dật-đề, bala-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết cũng như vậy.” Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, nếu tác ý tăng tàn phú tàng, thì nên dạy họ sám đột-kiết-la, sám rồi trao cho phú tàng. Phạm badật-đề cho đến ác thuyết cũng như vậy.
10. Bấy giờ, nơi trú xứ nọ có tỳ-kheo phạm nhiều tội tăng tàn. Tỳ-kheo kia không nhớ số tội phạm, không nhớ số ngày. Vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, không nhớ số tội phạm, không nhớ số ngày, thì nên kể từ lúc thanh tịnh về sau là phú tàng. Nếu nhớ số tội phạm mà không nhớ ngày cũng nên kể từ lúc thanh tịnh về sau là phú tàng. Nếu nhớ số ngày mà không nhớ tội phạm nên tính theo ngày mà trao cho tội phú tàng.
“Nghi, không nghi; cũng như vậy. Biết, không biết; cũng như vậy.”
Tỳ-kheo kia hoặc nhớ số lượng một tội, hoặc không nhớ số lượng một tội, hoặc nhớ số ngày một tội, hoặc không nhớ số ngày một tội, nên kể từ ngày thanh tịnh về sau là che giấu. Nếu nhớ số lượng phạm hoặc nhớ số ngày phạm một tội, không nhớ số ngày phạm một tội, nên kể từ thanh tịnh về sau là che giấu. Nếu nhớ số ngày hoặc nhớ số tội phạm, hoặc không nhớ số tội phạm, nên tính ngày trao cho tội che giấu. Nghi, không nghi; cũng như vậy. Biết, không biết; cũng như vậy.”
11. Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số lượng, không che giấu. Vị kia đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng che giấu, vị kia nghĩ như vầy: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các Tỳ-kheo . Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm tội tăng tàn biết số lượng, không che giấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng trao cho sáu đêm ma-na-đỏa. Liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng che giấu, Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia ma-na-đỏa và nói:
‘Này tỳ-kheo, thầy nên hành lại pháp ma-na-đỏa.’ Nếu hành pháp ma-na-đỏa một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, biết số lượng che giấu, Tăng [903c] nên trao cho tỳ-kheo này mana-đỏa. Trao cho ma-na-đỏa rồi, nên trao cho bản nhật trị của mana-đỏa. Hành bản nhật trị ma-na-đỏa rồi, nên cho pháp xuất tội.” Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số lượng không che giấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia liền trong ngày ấy, trung gian tái phạm, không biết số lượng che giấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa và nói: “Này tỳ-kheo, thầy nên hành ma-na-đỏa lại.” Nếu hành một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, không biết số lượng che giấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia ma-na-đỏa. Trao cho họ ma-na-đỏa rồi, nên trao cho ma-na-đỏa bản nhật trị, trao cho ma-na-đỏa bản nhật trị rồi, nên trao cho pháp xuất tội.
Bấy giờ, có tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, biết số ngày, không che giấu, đến Tăng xin sáu đêm ma-na-đỏa. Tăng trao cho vị kia sáu đêm ma-na-đỏa. Tỳ-kheo kia liền trong ngày ấy tái phạm, biết số lượng, không biết số lượng che giấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa và nói: “Này tỳ-kheo, thầy nên hành ma-na-đỏa lại.” Nếu hành một đêm, cho đến sáu đêm, trong thời gian ấy tái phạm, biết số lượng, không biết số lượng, che giấu. Tăng nên trao cho tỳ-kheo kia sáu đêm ma-na-đỏa. Vị kia hành ma-na-đỏa rồi, nên trao cho bản nhật trị ma-na-đỏa, trao cho bản nhật trị ma-nađỏa rồi, nên trao cho pháp xuất tội.
Không biết số lượng, không che giấu; cũng như vậy. Biết số lượng, không biết số lượng, không che giấu; cũng như vậy.[263]
[904a7] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo bản thân hành phú tàng, lại cùng nhau trao yết-ma phú tàng, yết-ma bản nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không nên bản thân hành phú tàng mà trao cho người khác yết-ma phú tàng, bản nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.”
Tỳ-kheo hành bản nhật trị kia lại thay nhau tác phú tàng bản nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội. Đức Phật dạy: “Không nên bản thân hành bản nhật trị, lại thay nhau tác phú tàng, bản nhật trị, ma-na-đỏa, xuất tội.”
Tỳ-kheo bản thân hành ma-na-đỏa, lại thay nhau tác phú tàng. Đức Phật dạy: “Không nên bản thân hành ma-na-đỏa, và trao cho người khác tác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội.”
Tỳ-kheo bản thân xuất tội, lại thay nhau tác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội. Đức Phật dạy: “Không nên bản thân xuất tội, và trao cho người khác yết-ma phú tàng, cho đến xuất tội.”
Có vị hành phú tàng, lại thay nhau tác yết-ma phú tàng, bản nhật trị, ma-na-đỏa, túc số hai mươi vị để xuất tội. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy; bản thân hành phú tàng, bản nhật trị cũng như vậy; bản thân hành ma-na-đỏa cũng như vậy; bản thân hành xuất tội cũng như vậy.
Có vị hành phú tàng, lại trao cho người khác thọ đại giới, cho người khác y chỉ, nuôi sa-di, thọ Tăng sai, sai rồi giáo thọ tỳ-kheoni. Đức Phật dạy: “Người hành phú tàng không được làm như vậy.” Có vị khi hành phú tàng, biết có tỳ-kheo khác có thể thuyết giới, lại thuyết giới cho các vị ấy. Ở trong Tăng, hoặc hỏi, hoặc trả lời nghĩa Tỳ-ni. Hay ở trong túc số khi Chúng Tăng làm yết-ma. Hoặc nhận Tăng yết-ma sai làm người bình đoán sự; nhận làm sứ giả cho chúng Tăng. Đức Phật dạy: “Người hành phú tàng không được làm như vậy.”
Có vị hành phú tàng vào tụ lạc quá sớm, về quá trễ; hoặc không gần gũi sa-môn, lại gần gũi với ngoại đạo; không tùy thuận Tỳ-kheo , nói quanh co. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.” Có vị hành phú tàng, hoặc phạm tội này, hoặc tương tợ tội này, hoặc từ tội này sanh, hoặc trùng phạm [904b] tội này, ngăn trách yết-ma của người khác và làm người tác yết-ma. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”
Có vị hành phú tàng, nhận tỳ-kheo thanh tịnh trải chỗ ngồi, rửa chân, lau dép, xoa chà thân thể. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Có vị hành phú tàng, nhận sự đón rước, lễ bái, vòng tay cung kính hỏi chào và rước y bát của tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Có vị hành phú tàng, tác ức niệm, tác tự ngôn đối với tỳ-kheo thanh tịnh, làm chứng cho người khác, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ, cùng với tỳ-kheo thanh tịnh tranh tụng. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Có vị hành phú tàng, cùng với tỳ-kheo thanh tịnh đi vào nhà bạch y, hoặc theo tỳ-kheo khác đi, hoặc dẫn tỳ-kheo khác đi, hoặc nhận người khác cúng dường, hoặc nhận sự cạo tóc của tỳ-kheo thanh tịnh, hay nhờ tỳ-kheo thanh tịnh làm sứ giả. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Có vị hành phú tàng, cùng tỳ-kheo thanh tịnh đi đến bữa ăn trước và bữa ăn sau; đi trước, cùng nói, hay đi ngang hàng, hoặc lật ngược y, hoặc trùm y phủ hai vai, hoặc trùm đầu, hoặc phủ hai vai, hoặc mang dép. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy. Từ nay về sau cho phép để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đi theo sau.”
Có tỳ-kheo đang hành phú tàng, có ý nghĩ, không lên đến nơi ăn. Sợ tỳ-kheo khác biết là mình đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Vị đang hành phú tàng kia lại nghĩ, lên đến bữa ăn nhưng không ngồi. Sợ tỳ-kheo khác biết mình đang hành phú tàng. Có tỳ-kheo đang hành phú tàng nọ có ý nghĩ, chỉ ăn thức ăn được mời. Sợ Tỳ-kheo kia biết ta hành phú tàng. Đức Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Vị hành phú tàng kia cùng tỳ-kheo thanh tịnh theo thứ tự ngồi. Đức
Phật dạy: “Không được ngồi như vậy. Cho phép đi và ngồi sau.”
Đức Thế Tôn có dạy: “Người phạm tội nên đi và ngồi sau.” Có vị bèn ngồi sau bạch y. Đức Phật dạy: “Không nên ngồi như vậy.”
Có vị ngồi dưới sa-di. Đức Phật dạy: “Không nên ngồi như vậy.
Nên ngồi và đi sau đại tỳ-kheo.”
Vị hành phú tàng nọ đi kinh hành chung chỗ kinh hành của tỳ-kheo thanh tịnh. Vị kia kinh hành chỗ thấp, mình kinh hành chỗ cao. Hoặc đi trước, hoặc cùng nói, hoặc đi ngang hàng, lật ngược y, trùm y hai vai, trùm đầu, phủ hai vai, mang dép. Đức Phật dạy: “Cho phép để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đi phía sau.”
Vị hành phú tàng kia trên đường đi khởi lên [904c] ý nghĩ, không đi trên đường chánh; sợ các tỳ-kheo khác biết ta đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: “Không nên nghĩ như vậy.”
Vị hành phú tàng kia, trên đường đi, khởi ý nghĩ, hãy đi phía sau. Sợ tỳ-kheo khác biết ta đang hành phú tàng. Đức Phật dạy: “Không nên nghĩ như vậy.”
Vị hành phú tàng kia ngồi chung một giường, một ván với tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Không nên ngồi như vậy.
“Nếu giường dài hay ván dài thì Phật cho phép làm cách đoạn, sau đó mới ngồi. Nếu các loại giường khác thì ngồi đằng sau.”
Vị hành phú tàng kia vào bữa tiểu thực, đại thực nên lau quét, trải chỗ ngồi, lấy bình đựng nước rửa, dụng cụ đựng đồ ăn thừa. Trải tọa cụ cho tỳ-kheo thanh tịnh; cho đến đồ rửa chân, vật lau chân, đồ đựng nước. Tỳ-kheo thanh tịnh đến, nên ra ngoài xa đón, rước y bát. Nếu có giường nào khác, chỗ để bát, thì đặt nơi đó. Nếu tănggià-lê được đội ở trên đầu hay trên vai, nên lấy xuống xem có bụi, đất bẩn hay không. Nếu có bụi đất bẩn thì nên đập giũ. Nên giặt thì giặt. Giặt rồi nên phơi khô, treo trên giường dây, giường cây. Nên trải chỗ ngồi cho tỳ-kheo thanh tịnh, lấy đồ rửa chân, khăn lau chân, đồ đựng nước, lau dép rồi để phía bên tả, xem coi đừng để nước bùn làm bẩn. Nếu bị nước bùn làm bẩn thì nên di chuyển đến chỗ khác. Tỳ-kheo thanh tịnh rửa chân rồi, nên dọn dẹp tảng đá rửa chân, đồ đựng nước; đem để lại chỗ cũ. Vị kia nên rửa tay sạch, trao thức ăn buổi chiều cho tỳ-kheo thanh tịnh. Khi tỳ-kheo thanh tịnh ăn, nên cung cấp các thứ cần dùng như sữa, tương, man-nâu, dấm chua, muối, rau. Nếu thời tiết nóng thì nên quạt, cần nước thì đưa nước. Nếu sợ quá giữa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo thanh tịnh ăn xong, nên rước lấy bình bát, đưa nước rửa tay. Nếu tự mình ăn rồi, thức ăn còn nên cho người, hoặc phi nhân, hoặc đổ chỗ nước không có trùng, hay chỗ đất không có cỏ. Rửa đồ đựng thức ăn rồi để lại chỗ cũ. Quét dọn nhà ăn, dọn dẹp sạch sẽ. Tỳ-kheo kia dùng cái bát mình thường ăn đựng rác đem đổ. Tỳ-kheo khác thấy vậy nhờm gớm. Đức Phật dạy: “Không nên dùng bình bát đựng đồ rác rưới. Cho phép dùng cái bồn, cái mâm. Hoặc quét. Bình bát chỉ nên đựng đồ sạch sẽ mà thôi.”
Tỳ-kheo hành phú tàng kia, khi Tăng cần tắm rửa,[265] nên đến tỳ-kheo thanh tịnh hỏi: ‘Thưa Đại đức, ngài có tắm không?’ Nếu vị đó trả lời là tắm, thì tỳ-kheo này nên đến xem coi nhà tắm có bẩn không. Nếu bẩn thì nên quét dọn. Cần dội nước thì nên [905a1] dội nước; cần củi thì lấy củi; củi cần bửa thì bửa; cần lửa thì nhen lửa; cần đun nước thì đun. Nên trao cho tỳ-kheo thanh tịnh bình đựng nước tắm, ghế ngồi tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, hoặc bùn. Nên hỏi Thượng tọa trước khi nhen lửa. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh bệnh, hoặc già yếu, thì nên dìu đến nhà tắm. Nếu không thể đi được thì nên dùng giường dây, giường cây hoặc y khiêng đến nhà tắm. Nên lấy y của tỳ-kheo thanh tịnh treo trên cây sào, hay móc ngà voi hoặc cây trụ. Nếu có dầu thì nên thoa nơi thân vị ấy. Đồ đựng dầu để chỗ không bảo đảm, đức Phật bảo treo trên móc ngà voi hay cây trụ, hoặc treo trên vách tường.
Nếu tỳ-kheo thanh tịnh bệnh già yếu thì nên dìu vào trong nhà tắm, trao giường dây, giường cây, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, bình đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, bùn. Nếu bị khói xông lên con mắt thì nên dùng đồ che. Nếu đầu bị nóng, lưng bị nóng nên lấy đồ che. Nếu muốn vào nhà tắm để tắm thì nên bạch với tỳ-kheo thanh tịnh ý muốn của mình. Nếu sợ bạch tỳ-kheo thanh tịnh phiền ngài, hay bị trở ngại thì hầu ngài vào nhà tắm, đứng sau tỳ-kheo thanh tịnh xoa chà thân người. Vị kia liền vào nhà tắm, đến đứng sau lưng tỳ-kheo thanh tịnh, nên xoa chà thân thể cho các tỳ-kheo khác, không nên nhận sự xoa chà của người khác. Chờ tỳ-kheo thanh tịnh tắm rồi mình mới tắm. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh già thì nên dìu ngài ra. Nếu bệnh thì dùng giường dây, giường cây khiêng ra nhà tắm. Nên trao cho tỳ-kheo thanh tịnh tòa ngồi, đồ rửa chân, khăn lau chân, dép. Nên lấy y của tỳ-kheo thanh tịnh trương ra xem, đập giũ, đừng để rắn, bò cạp, các loại độc trùng ở trong đó, rồi sau đó mới trao cho ngài. Nếu có thuốc nhỏ mắt và có hương bằng viên thì trao cho ngài. Nếu có nước cam, bồ đào, mật, mật mía, rửa tay sạch để thọ rồi trao cho ngài. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh già bệnh, khí lực kém thì nên dìu, hay dùng giường dây, giường cây hoặc y khiêng trở về phòng.
Nên vào trước trong phòng của tỳ-kheo thanh tịnh trải ngọa cụ, hoặc giạ bằng lông, rồi bồng ẵm, hay đỡ tỳ-kheo thanh tịnh nằm xuống, lấy áo lót mặc vào trong, lấy mền đắp lên trên. Khi ra khỏi phòng nên đóng cửa, và trở lại trong nhà tắm xem coi. Nếu có giường dây, giường cây, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, đồ đựng nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn hay bùn thì để lại chỗ cũ;
[905b] cần dội nước rửa nhà tắm thì dội; có nước không sạch cần đổ thì đổ; có lửa cần tắt thì tắt, cần che phủ lại thì che phủ; cửa nhà tắm cần đóng thì đóng, cần tháo ra thì tháo ra. Một ngày ba lần đến chỗ tỳ-kheo thanh tịnh, vị ấy cần việc gì thì nên như pháp làm tất cả. Nếu tỳ-kheo thanh tịnh có việc gì cần làm thì không được chống trái. Nếu chống trái thì sẽ như pháp trị.
Đến ngày bố-tát, vị hành phú tàng kia phải lau quét chỗ bố-tát, trải chỗ ngồi, lấy bình đựng nước, bình rửa chân, đèn dầu, sắp thẻ xála. Bố-tát xong, vị hành phú tàng kia phải dọn dẹp ghế ngồi, bình nước, bình rửa chân, thẻ xá-la để lại chỗ cũ.
Vị tỳ-kheo hành phú tàng ở nơi phòng tốt. Các tỳ-kheo khách không có chỗ ở. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo hành phú tàng không nên ở phòng tốt. Cho phép ở nơi phòng nhỏ.” Tỳ-kheo khách đến, bảo tỳ-kheo hành phú tàng ra ngoài. Đức Phật dạy: “Không nên bảo như vậy mà cũng không nên đi ra. Cho phép nói như vầy: ‘Chúng tôi không được phép ngủ chung hai, ba người.’”
Tỳ-kheo hành phú tàng có ý nghĩ, y vật của Chúng Tăng tùy theo thứ tự nhận lấy hay tùy theo chỗ ngồi mà nhận? Đức Phật dạy: “Tùy theo thứ tự mà nhận. Nhận rồi phải về chỗ sau mà ngồi.”
Tỳ-kheo hành phú tàng nghĩ, chúng ta có được sai sử lẫn nhau không? Đức Phật dạy: “ Được.”
Chúng ta được tự cung kính nhau, lễ bái, đón tiếp, vòng tay hỏi chào nhau không? Đức Phật dạy: “Được.”
Có vị nghĩ, chúng ta có được phép sai người của Tăng-già-lam hay sa-di không? Đức Phật dạy: “Được phép.”
Chúng ta có được phép nhận sự lễ bái, đón tiếp, vòng tay hỏi chào của người Tăng-già-lam và sa-di không? Đức Phật dạy: “Được phép nhận.”
Vị hành phú tàng kia không bạch với tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Cho phép bạch.”
Nên bạch như sau: Đến ngày bố-tát, tỳ-kheo kia phải đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên bữu chấm đất, bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... phạm tội tăng tàn, tùy theo ngày che giấu, đến Tăng xin yết-ma phú tàng. Tăng cho tôi yết-ma phú tàng tùy theo ngày che giấu. Tôi là tỳ-kheo tên... đã phụng hành (bao nhiêu)... ngày, còn... (bao nhiêu) ngày. Bạch Đại đức Tăng chứng tri cho, tôi là người đang hành phú tàng.”
Nếu đại chúng khó tập họp, hoặc không muốn phụng hành, hoặc vị kia có nhiều khiếp nhược, có hổ thẹn thì nên đến tỳ-kheo thanh tịnh thưa:
“Bạch Đại đức Thượng tọa! Nay tôi xin tạm thời xả giáo sắc, [905c] không phụng hành.”
Nếu khi nào muốn phụng hành, thì nên đến tỳ-kheo thanh tịnh thưa:
“Bạch Đại đức! Nay tôi xin tùy theo giáo sắc, phụng hành lại.”
Vị hành phú tàng kia đến chỗ khác, gặp tỳ-kheo khác, không bạch. Đức Phật dạy: “Phải bạch. Không bạch thì mất một đêm; mắc tội đột-kiết-la.”
Đức Thế Tôn cho phép bạch, có tỳ-kheo bèn từ đây đến chỗ khác bạch. Từ đây đến chỗ khác bạch nhiều lần nên mỏi mệt. Đức Phật dạy: “Không nên từ chỗ này đến chỗ khác bạch. Cho phép nếu có nhân duyên đến thì nên bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm; lại mắc tội đột-kiết-la.”
Vị hành phú tàng kia, có khách tỳ-kheo đến, không bạch. Đức Phật dạy: “Phải bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm; lại phạm độtkiết-la.”
Đức Thế Tôn cho phép bạch. Vị kia bạch khách tỳ-kheo ngay trên đường đi. Khi các tỳ-kheo cần đi gấp, nên bực bội. Đức Phật dạy:
“Không nên bạch với các tỳ-kheo đi gấp trên đường. Nên ở trong Tăng-già-lam. Đối vời những vị đi thong thả, hãy bạch. Nếu không bạch thì mất một đêm, mắc tội đột-kiết-la.”
Vị hành phú tàng kia bị bệnh, không nhờ gởi tin thưa. Đức Phật dạy: “Phải thưa. Nếu không thưa, mất một đêm và phạm tội độtkiết-la.”
Vị hành phú tàng kia cùng hai, ba người ngủ chung một phòng. Đức Phật dạy: “Không được ngủ như vậy. Nếu hai, ba người cùng ngủ một phòng thì mất một đêm, lại phạm đột-kiết-la.”
Vị hành phú tàng kia cư trú chỗ không có tỳ-kheo. Đức Phật dạy: “Không nên ở như vậy. Nếu ở thì mất một đêm, mắc đột-kiết-la.” Vị hành phú tàng kia, vào kỳ thuyết giới mỗi nửa tháng, không bạch. Đức Phật dạy: “Cho phép bạch. Nếu không bạch, mất một đêm và mắc đột-kiết-la.”
Có tám việc mất đêm: 1. Đến chùa khác mà không bạch. 2. Có khách tỳ-kheo đến mà không bạch. 3. Có duyên sự tự đi ra ngoài mà không bạch. 4. Trong chùa, những vị đi thong thả mà không bạch. 5. Bệnh không gởi tin bạch. 6. Hai, ba người ngủ chung một phòng. 7. Ở chỗ không có tỳ-kheo. 8. Vào kỳ thuyết giới mỗi nửa tháng, không bạch. Đó là tám việc mất đêm.
Đức Phật cho bạch khi thuyết giới nửa tháng. Bạch như vầy: Vị hành phú tàng kia nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... phạm tội Tăng tàn, che giấu. Tôi là tỳ-kheo... tùy theo ngày che giấu, đến trong Tăng xin yết-ma phú tàng ngày che giấu. Tăng đã cho tôi yết-ma phú tàng ngày che giấu. Tôi là tỳ-kheo... đã hành... (bao nhiêu) [906a1] ngày, chưa hành... (bao nhiêu) ngày. Bạch đại đức chứng tri. Tôi là người đang hành phú tàng.”
Đức Phật cho phép tỳ-kheo hành ma-na-đỏa cũng phụng hành như trên. Vị hành ma-na-đỏa nên thường ngủ ở trong Tăng, hằng ngày bạch như sau: vị ấy để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo... phạm tội tăng tàn, không che giấu, đã đến Tăng xin sáu đêm ma-nađỏa. Tăng đã cho tôi sáu đêm ma-na-đỏa. Tôi là tỳ-kheo... đã hành... (bao nhiêu) ngày, còn... (bao nhiêu) ngày chưa hành. Bạch các Đại đức Tăng chứng tri, tôi là người đang hành ma-na-đỏa.”
[906a10] Đức Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện dạy các tỳ-kheo phải hỗ tương dạy bảo nhau, nghe lời lẫn nhau; liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: “Không nên cử tỳ-kheo thanh tịnh vô tội.”
Đức Phật dạy tiếp: “Cho phép phải cầu thính[267] trước.”
Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép cầu thính trước, liền đến tỳ-kheo thanh tịnh mà trước kia đã theo nhóm sáu tỳ-kheo để cầu thính, bảo vị này cầu thính.[268] Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy, từ nay về sau cho phép tự mình có năm pháp mới được nhận cầu thính: 1. Đúng thời chứ chẳng phải phi thời. 2. Chân thật chứ chẳng phải không chân thật. 3. Vì lợi ích chứ chẳng phải thiệt hại. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải thô lỗ. 5. Với từ tâm chứ chẳng phải sân nhuế.”
Nhóm sáu tỳ-kheo tự mình không có năm pháp, tỳ-kheo khác thì tự thân có năm pháp này. Nhóm sáu tỳ-kheo đến cầu thính, vị ấy không cho. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu vị nào tự thân có năm pháp mà được cầu thính thì nên cho.”
Khi người khác cầu thính, nhóm sáu tỳ-kheo liền bỏ đi. Có khi hứa cho người khác, rồi cũng bỏ đi. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy. Cho phép tác tự ngôn.”[269]
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đã hứa với người khác cầu tự ngôn[270] rồi mà vẫn bỏ đi; tự mình tác tự ngôn,[271] tác rồi lại bỏ đi. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.”
Đức Phật dạy: “Cho phép khi bố-tát thuyết giới, có thể ngăn thuyết giới.”Nhóm sáu tỳ-kheo khi nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới, liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy: “Không nên làm như vậy. Các ông lắng nghe. Có trường hợp ngăn thuyết giới như pháp, có trường hợp ngăn thuyết giới không như pháp: một phi pháp, một như pháp; hai phi pháp, hai như pháp; ba phi pháp, ba như pháp; bốn phi pháp, bốn như pháp; năm phi pháp, năm như pháp; sáu phi pháp, sáu như [906b] pháp; bảy phi pháp, bảy như pháp; tám phi pháp, tám như pháp; chín phi pháp, chín như pháp; mười phi pháp, mười như pháp.
Thế nào là một phi pháp? Nếu ngăn với tác nhân[272] vô căn cứ[273] là một phi pháp.
Thế nào là một như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ là một như pháp.
Thế nào là hai phi pháp? Ngăn với tác nhân không căn cứ, và không tác nhân không căn cứ[274] là hai phi pháp.
Thế nào là hai như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ, hay không có tác nhân nhưng có căn cứ, là hai như pháp.
Thế nào là ba phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, mà không có căn cứ là ba phi pháp.
Thế nào là ba như pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, có căn cứ, là ba như pháp.
Thế nào là bốn phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi không căn cứ, và tà mạng không căn cứ, là bốn phi pháp.
Thế nào là bốn như pháp? Ngăn bằng phá giới, phá kiến, phá oai nghi có căn cứ, và tà mạng có căn cứ, là bốn như pháp.
Thế nào là năm phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà không căn cứ, là năm phi pháp.
Thế nào là năm như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà có căn cứ, là năm như pháp.
Thế nào là sáu phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà không có căn cứ; là sáu phi pháp.
Thế nào là sáu như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà có căn cứ; là sáu như pháp.
Thế nào là bảy phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-để-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà không căn cứ, là bảy phi pháp.
Thế nào là bảy như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà có căn cứ, là bảy như pháp.
Thế nào là tám phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà không căn cứ là tám phi pháp.
Thế nào là tám như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà có căn cứ, là tám như pháp.
Thế nào là chín phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, [906c] hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà không căn cứ, là chín phi pháp.
Thế nào là chín như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà có căn cứ, là chín như pháp.
Thế nào là mười phi pháp? Chẳng phải ba-la-di; không được kể vào trong ba-la-di;[275] chẳng phải xả giới.
Không được kể vào trong xả giới; tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng;[276] không trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng;[277] không được kể vào trong sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng; phá giới không được thấy, nghe, nghi phá kiến không được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi không được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười phi pháp.
Thế nào là mười như pháp? Ba-la-di; được kể vào trong ba-la-di; xả giới; được kể vào trong xả giới; không tùy theo Tăng yếu như pháp; trái nghịch Tăng yếu như pháp; được kể vào trong sự trái nghịch Tăng yếu như pháp; phá giới được thấy, nghe, nghi; phá kiến được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười như pháp.
(1-2) Thế nào là phạm ba-la-di? Như dựa vào tướng phạm ba-la-di. Tỳ-kheo thấy những tướng trạng này biết là có phạm ba-la-di. Nếu không thấy tỳ-kheo này phạm ba-la-di, mà nghe tỳ-kheo kia phạm ba-la-di. Tỳ-kheo, bằng vào sự thấy-nghe-nghi này, với sự hiện diện của tỳ-kheo kia, khi bố-tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo này tên là... phạm ba-la-di. Chúng Tăng không nên thuyết giới trước Tỳ-kheo này. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn thuyết giới.
Khi thuyết giới, chúng Tăng gặp phải tám nạn sự khởi lên như nạn vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn bệnh, nạn người, nạn phi nhân, nạn trùng độc. Tỳ-kheo đó nếu muốn bằng vào sự thấy-nghe- nghi này,[278] khi thuyết giới tại trú xứ này hay trú xứ kia,[279] thì phải đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... được kể vào trong số ba-la-di, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn thuyết giới.
(3-4) Thế nào gọi là xả giới? Như dựa vào những tướng trạng mà biết là tỳ-kheo xả giới. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện của tỳ-kheo này là tỳ-kheo xả giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này xả giới, mà nghe tỳ-kheo tên... kia đã xả giới tỳ-kheo. Nếu muốn bằng vào sự thấy-nghe-nghi này, thì trong khi bố-tát phải ở trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... đã xả giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi [907a1] ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn thuyết giới.
Khi ấy có tám nạn sự khởi, như nạn vua, cho đến nạn trùng độc. Tỳ-kheo kia nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, tại trú xứ này hay trú xứ kia, ở trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... được kể vào trong số xả giới, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn.
(5-6) Thế nào là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên... kia là tỳ-kheo không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn bằng vào sự thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn. (7-8) Thế nào là trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này như pháp Tăng yếu trái nghịch, mà chỉ nghe tỳ-kheo... kia là tỳ-kheo trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn bằng vào sự thấynghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn.
Khi ngăn thuyết giới mà trong tám nạn sự có bất cứ nạn sự nào khởi lên, từ nạn vua cho đến nạn trùng độc, thì tỳ-kheo kia nếu muốn bằng vào kiến-văn-nghi này nơi trú xứ này hay trú xứ nọ, thì khi bố-tát đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... được kể trong số trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước vị này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn.
Thế nào là phá giới? Như dựa vào tướng mạo là phá giới. Tỳ-kheo thấy [907b] những biểu hiện này biết tỳ-kheo kia phá giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này phá giới, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên... phá giới. Tỳ-kheo này nếu muốn bằng vào kiến-văn-nghi này, thì khi bố-tát, với dự hiện diện tỳ-kheo này, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Tỳ-kheo tên... phá giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.” Như vậy thành ngăn.
(9-10) Phá kiến, phá oai nghi cũng như vậy. Đó là mười như pháp.
“Nếu tỳ-kheo nào muốn cử tội tỳ-kheo khác, thì chính mình phải có năm pháp sau đây mới được cử tội người khác: 1. Đúng lúc chứ chẳng phải không đúng lúc. 2. Chân thật chứ chẳng phải là không chân thật. 3. Vì ích chứ chẳng phải là thiệt hại. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ. 5. Với từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế.
“Tỳ-kheo có năm pháp này được cử tội người khác. Tại sao vậy? Ta thấy tỳ-kheo cử tội người khác bằng phi thời chứ chẳng phải bằng đúng thời, bằng sự không chân thật chứ không bằng chân thật, cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm.”
Các tỳ-kheo khác kia nên nói tỳ-kheo này rằng: ‘Tội của thầy bị cử phi thời chứ chẳng phải là đúng thời. Đừng vì lời ấy mà khởi sân hận. Bằng sự không chân thật chứ chẳng phải là chân thật; cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm. Đừng nên vì vậy mà sân nhuế.’
Nếu tỳ-kheo bị người khác cử tội không chân thật, nên đem năm việc này giải thích và hiểu dụ: ‘Thầy bị cử tội phi thời, không chân thật, thiệt hại, thô lỗ, sân hận. Đừng nên vì vậy mà ưu sầu.’ Người bị cử tội không chân thật nên dùng năm việc này giải thích và hiểu dụ. Có vị cử tội người khác bằng sự không chân thật, cần phải bị khiển trách bằng năm sự này: ‘Thầy cử tội người khác phi thời chứ không đúng thời, bằng sự không chân thật chứ không bằng sự chân thật, cố gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng sự dịu dàng, bằng sân hận chứ không dùng từ tâm. Thật đáng hổ thẹn.’ Ai cử tội người khác bằng sự không chân thật, cần phải bị khiển trách bằng năm việc này. Tại sao vậy? Để cho sau này không cử tội tỳ-kheo thanh tịnh bằng sự không chân thật. Khiển trách rồi, nên như pháp trị.
Tỳ-kheo bị cử tội chân thật thì nên bằng vào năm pháp này để khiển trách như sau: ‘Thầy bị cử tội là đúng thời chứ chẳng phải phi thời. Chớ nên sanh sân hận. Chân thật chứ chẳng phải là không chân thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế. Chớ nên sanh sân hận.’ tỳ-kheo bị cử chân thật, cần được khiển trách bằng năm pháp này. Khiển trách rồi, nên như [907c] pháp trị.
Vị kia cử tội người khác bằng sự chân thật, cần được khen ngợi bằng năm pháp này: ‘Thầy cử tội người khác đúng thời chứ chẳng phải là phi thời. Chớ nên hối hận. Chân thật chứ chẳng phải là không chân thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân hận. Chớ nên sanh hối hận.’ Người cử tội người khác chân thật nên được khen ngợi bằng năm pháp này. Tại sao vậy? Để sau này vị ấy có cử tội người khác cũng bằng sự chân thật mà cử.
Tỳ-kheo muốn ngăn thuyết giới, đến trước Thượng tọa thưa: “Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới, xin Thượng tọa cho phép.” Vị Thượng tọa nên hỏi: “Chính thầy bên trong có năm pháp không?” Nếu nói không thì nên khuyên vị ấy đừng nên ngăn. Nếu nói có, thì hỏi năm pháp là những gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì nên bảo: “Đừng ngăn.” Nếu vị ấy có thể nói được thì nên hỏi: “Thầy đã hỏi ý kiến Trung tọa chưa?” Nếu vị ấy nói chưa hỏi thì nên khiến hỏi ý kiến Trung tọa.
Có vị đến trước tỳ-kheo trung tọa nói: “Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới. Cúi xin trưởng lão chấp thuận.” Trung tọa nên hỏi: “Chính thầy bên trong có năm pháp không?” Nếu vị ấy nói không thì nên khuyên đừng ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì khiến đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì hỏi: “Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?” Nếu nói chưa thì nên bảo nên hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi ý kiến rồi thì nên nói: “Thầy đã hỏi ý kiến Hạ tọa chưa?” Nếu vị ấy nói chưa thì bảo nên hỏi ý kiến Hạ tọa.
Có vị đến trước tỳ-kheo Hạ tọa thưa: “Tôi muốn ngăn tỳ-kheo... thuyết giới, cúi xin Hạ tọa chấp thuận.” Hạ tọa nên hỏi: “Chính thầy có năm pháp không?” Nếu vị ấy nói không thì khuyên đừng ngăn. Nếu nói có, thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì bảo đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: “Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?” Nếu vị ấy nói chưa thì nên khiến hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: “Thầy đã hỏi ý kiến Trung tọa chưa?” Nếu nói chưa thì bảo nên hỏi. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: “Thầy đã hỏi tỳ-kheo kia chưa?” Nếu nói chưa hỏi thì khiến hỏi.
Tỳ-kheo này nên đến chỗ tỳ-kheo kia nói: “Tôi muốn ngăn trưởng lão thuyết giới. Xin trưởng lão biết cho.” Có vị hỏi: “Bản thân thầy có đủ năm pháp không?” Nếu nói không thì nên khuyên đừng nên ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu không thể nói được thì khuyên chớ nên ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: “Thầy đã hỏi Thượng tọa chưa?” Nếu chưa hỏi thì bảo nên [908a1] hỏi. Với Trung tọa, Hạ tọa cũng như vậy. Tỳ-kheo ngăn nên tự quán sát: “Ta làm việc này, có tỳ-kheo đồng bạn hay không?” Nếu không có đồng bạn thì nên nói với tỳ-kheo ngăn kia rằng: “Đừng ngăn.” Nếu có đồng bạn thì nên nói: “Cần phải tùy thời.”
Bấy giờ có trú xứ nọ, khi bố-tát có tỳ-kheo phạm tăng tàn, suy nghĩ: “Ta nên làm như thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:“Nếu có trú xứ nào tỳ-kheo phạm tội tăng tàn, chúng Tăng nên trao cho ba-lợi-bà-sa.[280] Cho ba-lợi-bà-sa rồi, nếu cần cho bản nhật trị thì cho, nên cho ma-na-đỏa thì cho, nên cho xuất tội thì cho xuất tội. Tác pháp như vậy rồi thì thuyết giới.”
Bấy giờ có trú xứ nọ,[281] có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Trong đó, có Tỳ-kheo nói phạm ba-dật-đề; có người nói phạm ba-la-đề đề-xá-ni. Tỳ-kheo kia nghĩ: “Ta nên thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm ba-dật-đề mà có người nói phạm ba-dật-đề, có người nói phạm bala-đề đề-xá-ni. Trong trường hợp đó, tỳ-kheo nào thấy là phạm badật-đề thì nên hướng dẫn tỳ-kheo kia đến chỗ mắt thấy tai không nghe, bảo như pháp sám hối. Sám hối rồi đến chỗ tỳ-kheo kia nói: “Tỳ-kheo này đã như pháp sám hối tác pháp như vậy rồi thuyết giới.”
Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, trong khi đó có Tỳ-kheo nói phạm thâu-lan-giá, có tỳ-kheo nói phạm ba-la-di. Những vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa văn, học A-hàm, trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưubà-di, quốc vương, đại thần, các ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn. Còn những vị nói phạm ba-la-di thì cũng đều là đa văn, học A-hàm, trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưubà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các ngoại đạo sa-môn bà-lamôn. Vị kia khởi lên ý nghĩ: “Nếu nay thuyết giới, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến cho Tăng bị vỡ, khiến cho Tăng bị trần cấu, khiến cho Tăng chia rẽ. Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các Tỳ-kheo . Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu có trú xứ nào mà tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, trong đó có vị nói phạm thâu-lan-giá, có vị nói phạm ba-la-di. Các vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa [908b] văn, cho đến trì Ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Còn những vị nói phạm bala-di cũng đều là đa văn, cho đến trì Ma-di, được tán trợ bởi tỳ- kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Có tỳ-kheo khởi lên ý nghĩ: ‘Nếu thuyết giới hôm nay, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ. Nếu tỳ-kheo coi vấn đề phá Tăng này là quan trọng thì không nên thuyết giới hôm nay.’” Đức Phật dạy: “Cho phép ngăn thuyết giới.”
1. Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới; họ liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy: “Không nên ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Các ông nên lắng nghe, tuy ngăn thuyết giới nhưng không thành ngăn. Ngăn có tác nhân nhưng không căn cứ, không thành ngăn. Nếu ngăn có tác nhân có căn cứ mới thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân nhưng có căn cứ, cũng thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không tác nhân, đều không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, thảy đều có căn cứ, thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân đều không đầy đủ, và không có căn cứ, cũng vậy. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, đều đầy đủ, nhưng có căn cứ, cũng vậy.
2. Trong năm cách thuyết giới, khi chưa thuyết giới mà ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Thuyết giới rồi mới ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Khi đang thuyết giới mà ngăn thuyết giới, thành ngăn.
Nếu tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thạnh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không khả năng biết phương tiện, không hiểu rõ vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: “Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.” Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy có thân hành thanh tịnh, nhưng khẩu hành không thanh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: “Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.” Nói như vậy rồi thuyết giới.
Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, nhưng tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: “Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.” Nói như vậy rồi thuyết giới.
Tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, không tà mạng, có trí tuệ, có khả năng nói, biết phương tiện, rành việc vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: “Trưởng lão ngăn Tỳ-kheo này thuyết giới vì lý do gì? Vì phá giới chăng? Vì phá kiến chăng? Vì phá oai nghi chăng?” Nếu vị đó nói, ‘vì phá giới’ [908c] thì nên hỏi phá những giới nào? Nếu nói, ‘phá ba-la-di’ hay nói ‘phá tăng tàn’, hay ‘phá thâu-lan-giá’, như vậy mới gọi là phá giới. Nếu nói không phá giới mà phá kiến cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‘Phá những kiến nào?’ Nếu nói ‘sáu mươi hai kiến‘ thì đây là phá kiến. Nếu nói không phá kiến mà phá oai nghi cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‘Phá những oai nghi nào?’ Nếu nói, ‘phá ba-dật-đề, ba-lađề đề-xá-ni, đột-kiết-la, ác thuyết’, như vậy mới gọi là phá oai nghi.
Hỏi tiếp: ‘Do bởi đâu mà ngăn tỳ-kheo này thuyết giới? Do thấy chăng, vì nghe, nghi chăng?’ Nếu nói do bởi thấy, thì nên hỏi: ‘Thấy việc gì? Thấy thế nào? Thầy ở chỗ nào? Vị ấy ở chỗ nào? Thấy những gì thuộc ba-la-di, hay là tăng tàn, hay là ba-dật-đề, hay là ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?’ Nếu nói không thấy mà nghe, thì nên hỏi: ‘Nghe những gì? Nghe từ ai? Người ấy là tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni? Là ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghe chỗ nào? tỳ-kheo này phạm ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?’ Nếu nói không nghe, mà là nghi, thì nên hỏi: ‘Nghi việc gì? Tại sao nghi? Nghe từ ai mà nghi? Từ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghi phạm việc gì? Là ba-la-di, là tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-langiá, đột-kiết-la, ác thuyết?”
Tỳ-kheo ngăn thuyết giới không thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới khiến cho hoan hỷ; nếu vị ấy ngăn bằng pháp ba-la-di thì nên kết cho vị ấy pháp tăng tàn;[282] rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng pháp tăng tàn thì kết cho ba-dật-đề; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng ba-dật-đề, thì nên dùng các pháp sám hối; rồi thuyết giới.
Tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới khiến hoan hỷ. Nếu ngăn bằng ba-la-di thì phải diệt tẫn người phạm nên bị ngăn; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng tăng tàn, nên buộc người phạm cho phú tàng; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành bản nhật trị thì cho hành bản nhật trị; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành ma-na-đỏa thì cho hành ma-na-đỏa; rồi thuyết giới. Nếu cần cho yết-ma xuất tội thì cho xuất tội; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng badật-đề, thì bảo người bị ngăn như pháp sám hối; rồi thuyết giới. Nếu vì các việc khác [909a1] để ngăn, thì sám hối như pháp rồi thuyết giới.
3. Bấy giờ có trú xứ nọ khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Tỳ-kheo bệnh suy nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu tỳ-kheo bệnh nào ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới, thì các tỳ-kheo khác nên nói rằng, ‘Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh, cần phải chờ cho bệnh của Trưởng lão lành, và tỳ-kheo bệnh kia cũng lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp. Tỳ-kheo kia cũng nên nói như pháp.’ Nên nói như vậy rồi thuyết giới.” Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo không bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói, ‘Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Người bệnh không nên ngăn thuyết giới. Cần chờ cho bệnh lành rồi sẽ nói như pháp. Vị kia cũng nên như pháp nói.’ Nên nói như vậy rồi thuyết giới.”
Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo không bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói: “Này Trưởng lão, đức
Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh. Cần phải chờ bệnh lành rồi hỏi như pháp. Tỳ-kheo kia cũng nói như pháp.’ Nên nói như vậy rồi thuyết giới.”
4. Có trú xứ nọ số đông tỳ-kheo, ngày thuyết giới nghe có tỳ-kheo trú xứ kia ưa đấu tranh mạ lỵ, phỉ báng nhau, miệng tuôn ra lời như gươm giáo, muốn đến đây thuyết giới: “Chúng ta nên làm thế nào?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu có việc như vậy khởi lên thì nên làm hai, ba cách bố-tát như sau: Nếu thường xuyên thuyết giới ngày mười lăm thì nên thuyết ngày mười bốn. Nếu thường thuyết giới ngày mười bốn thì nên thuyết ngày mười ba. Nếu nghe ngày nay họ đến thì nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ để bố-tát. Nếu nghe họ đã đến trong giới thì nên ra ngoài giới để bố-tát. Nếu họ đã vào trong Tăng-già-lam thì nên quét, lau sửa soạn nhà tắm, ghế ngồi tắm, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, bình nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, bùn, hỏi Thượng tọa rồi nhen lửa. Khi khách tỳ-kheo vào trong nhà tắm để tắm thì tất cả tìm cách ra ngoài giới để thuyết giới.
Nếu khách tỳ-kheo gọi cựu tỳ-kheo cùng thuyết giới thì nên nói là ‘Chúng tôi đã thuyết giới rồi.’ Nếu cựu tỳ-kheo đã thuyết giới, khách tỳ-kheo ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Nếu khách Tỳ-kheo đang thuyết giới, cựu tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thành ngăn. Nếu có thể làm như vậy được thì tốt. Bằng không, tác bạch hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay không thuyết giới, đến tháng tối trăng [909b] sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.”
Nên bạch như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu tỳ-kheo khách đợi chứ không đi, thì tỳ-kheo nên tác bạch lần thứ hai để hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay Tăng không thuyết giới, đến tháng có trăng sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.”
Nên bạch lần thứ hai như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu khách tỳ-kheo không đi, đến tháng có trăng thì nên như pháp cưỡng khách tỳ-kheo cùng vấn đáp.”[283]
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có nhân duyên nên chúng Tăng tập hợp. Đề-bà-đạt-đa[285] từ chỗ ngồi đứng dậy, hành xá-la:
“Các Trưởng lão nào chấp thuận năm việc[286] này là pháp, là tỳ-ni, là lời dạy của Phật thì rút một thẻ.”
Bấy giờ có năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí[287] rút thẻ. Lúc ấy Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy lấy uất-đa-la-tăng khoác vào một bên, nói như vầy:
“Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì lấy uất-đa-la-tăng khoác qua một bên.” Trong đó có sáu mươi trưởng lão tỳ-kheo lấy uất-đa-la-tăng khoác qua một bên. Bấy giờ Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo rằng:
“Này các trưởng lão, chúng ta không cần Phật và chúng Tăng.
Chúng ta cùng nhau tác pháp yết-ma thuyết giới.”
Họ liền đến trong núi Già-da.[288] Đề-bà-đạt-đa đến trong núi Già-da, rời bỏ Phật và Tăng, tự tác yết-ma thuyết giới.
Bấy giờ có số đông tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
“Trong thành Vương-xá, do có nhân duyên nên chúng Tăng hội họp. Đề-bà-đạt-đa từ chỗ ngồi đứng dậy hành trù, nói: ‘Các trưởng lão nào chấp thuận năm việc này là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy thì rút thẻ.’ Trong số đó năm trăm vị tỳ-kheo tân học vô trí liền rút thẻ. Trưởng lão A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy uất-đa-la-tăng khoác qua một bên, nói: ‘Các trưởng lão nào chấp thuận năm pháp này là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, thì xả uất-đa-la-tăng mặc một bên.’ Bấy giờ có sáu mươi Trưởng lão tỳ-kheo xả uất-đala-tăng, khoác qua một bên. Đề-bà-đạt-đa nói với các tỳ-kheo: ‘Chúng ta có thể xả Phật và Tăng, tự mình tác yết-ma thuyết giới.’ Rồi liền đến trong núi Già-da, xả Phật và Tăng tác yết-ma thuyết giới.”
Đức Phật dạy: “Kẻ si phá Tăng này, [909c] có tám điều phi chánh pháp[289] trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bà-đạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê[290] một kiếp, không thể cứu được. Tám điều phi chánh pháp ấy là gì? Lợi, không lợi, khen, không khen, cung kính, không cung kính, ác tri thức, ưa bạn ác.[291] Có tám điều phi chánh pháp như vậy trói buộc, che lấp, tiêu diệt thiện tâm, Đề-bàđạt-đa đã hướng đến phi đạo trong nê-lê một kiếp, không thể cứu được. Nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, thì Ta đã không ghi nhận và nói ‘Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong nê-lê một kiếp không thể cứu được.’ Do Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được thiện pháp bằng sợi lông, sợi tóc, nên Ta mới ghi nhận và nói, ‘Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong nê-lê một kiếp không thể cứu được.’ Thí như một người chìm trong hố xí. Có người muốn kéo nó ra. Nhưng không thấy ở nơi nó có chỗ sạch nào bằng sợi lông, hay sợi tóc để dùng tay nắm nó kéo ra. Nay quán sát Đề-bà-đạt-đa cũng lại như vậy, Ta không thấy có một bạch pháp nào bằng sợi lông, hay sợi tóc. Bởi vậy Ta nói, ‘Đề-bà-đạt-đa sẽ ở trong nê-lê một kiếp không thể cứu được.’”
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-liên đi đến trong núi Già-da. Có tỳ-kheo thấy vậy, than khóc sướt mướt, và đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng: “Đệ tử hạng nhất của đức Thế Tôn cũng đến núi Già-da.” Đức Phật bảo:
“Này tỳ-kheo, ngươi đừng lo sợ. Xá-lợi-phất và Mục-liên đến trong núi Già-da là vì việc lợi ích.”
Đề-bà-đạt-đa ở trong núi Già-da cùng vô số chúng vây quanh đang nói pháp, từ xa thấy Xá-lợi-phất và Mục-liên đến, ông liền nói:
“Thiện lai! Các thầy là đại đệ tử. Tuy trước đây không chấp thuận mà nay đã chấp thuận. Tuy có muộn nhưng tốt.”
Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đến nơi, trải chỗ ngồi mà ngồi.
Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa ở trước đại chúng, làm như thường pháp của Phật, bảo Xá-lợi-Phất vì chúng Tăng nói pháp, nay ta đau lưng tạm nghỉ khỏe một chút.
Khi ấy Đề-bà-đạt-đa cũng làm giống như đức Thế Tôn, tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, nằm nghiêng bên hữu như con sư tử. Bỗng nhiên, nghiêng về phía tả như con dã can, nằm ngủ ngáy. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Mục-liên rằng:
“Nay thầy có thể thị hiện cho đại chúng, khiến sanh tâm yểm ly.” Trưởng lão Mục-liên nghe Xá-lợi-phất nói vậy, liền dùng thần thông bay lên hư không, hoặc hiện hình nói pháp, hoặc ẩn hình mà nói pháp, hoặc hiện nửa hình mà nói pháp, hoặc ẩn nửa hình mà nói pháp, có lúc tuôn ra khói, có lúc tuôn ra lửa, có khi [910a] phần dưới thân tuôn ra lửa, phần trên thân tuôn ra nước, hoặc có khi phần trên thân tuôn ra lửa, phần dưới thân tuôn ra nước, có khi cả thân thành ngọn lửa cháy, mà từ lỗ chân lông tuôn ra nước. Trưởng lão Xá-lợi-phất biết Đại Mục-liên đã thị hiện cho đại chúng này, khiến sanh tâm yểm ly rồi, liền nói pháp tứ đế Khổ-Tập-Tận-Đạo. Khi ấy các tỳ-kheo liền từ nơi chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Bấy giờ trưởng lão Xá-lợi-phất, Mục-liên bảo các tỳ-kheo:
“Ai là đệ tử của đức Thế Tôn hãy theo tôi trở về.”
Xá-lợi-phất, Mục-liên cùng năm trăm tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên ra đi chưa bao lâu, Tam-văn-đạt-đa[292] lay ngón chân của Đề-bà-đạt-đa và nói với Đề-bà-đạt-đa:
“Thức dậy! Thức dậy! Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm Tỳ-kheo rời chỗ ngồi ra đi rồi.”
Đề-bà hoảng hốt thức dậy, máu nóng nổi lên, từ mặt và lỗ chân lông tiết ra. Các tỳ-kheo thấy trưởng lão Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về, vui mừng đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch Phật: “Xá-lợi-phất và Mục-liên đã dẫn năm trăm tỳ-kheo trở về rồi!” Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Đây không phải là lần thứ nhất Xá-lợi-phất phá Đề-bà-đạt-đa mà là lần thứ hai Xá-lợi-phất phá Đề-bà-đạt-đa.”
Đời quá khứ xa xưa, có niên thiếu bà-la-môn tên là Tán-nhã,[293] đến chỗ người thầy dạy bắn, thưa: “Con muốn học nghệ thuật bắn.” Ông thầy dạy bắn nói, “Được!” Tán-nhã theo học bắn bảy năm. Qua bảy năm rồi liền nghĩ: “Nay ta học bắn, đến khi nào mới xong?” Rồi liền đến chỗ ông thầy thưa: “Con phải học nghệ thuật bắn này với thời gian bao lâu?” Ông thầy liền bảo lấy cây cung, kéo dây cung ra, đặt mũi tên vào và nói:
“Ta có nhân duyên vào thôn. Đợi ta trở về sẽ bắn.”
Ông thầy ra lệnh như vậy rồi đi vào thôn. Khi ấy Tán-nhã nghĩ: “Tại sao thầy của ta bảo ta kéo dây đặt tên vào, rồi lại đợi thầy về mới bắn? Nay ta cứ bắn thử xem có việc gì xảy ra?”
Trước mặt Tán-nhã có cây sa-la to lớn. Khi mũi tên được bắn ra xuyên qua cây ấy rồi cắm sâu xuống đất, không thấy. Ông thầy vào thôn, xong việc trở về, đến chỗ Tán-nhã hỏi: “Ngươi chưa bắn chứ?” Tán-nhã trả lời:
“Bắn rồi.” Vị thầy nói:
“Ngươi làm điều không tốt. Nếu ngươi không bắn mũi tên thì sẽ là bậc đại sư tối thượng trong cõi Diêm-phù-đề. Nay ta là đại sư bậc nhất. Nếu ta qua đời, thì sẽ có ngươi.”
Vị thầy liền trang điểm cho đứa con gái của mình và đem năm trăm mũi tên, luôn cả [910b] một cỗ xe ngựa, cho người học trò. Tánnhã nhận rồi, trên đường đi phải trải qua vùng hoang mạc. Tán-nhã liền để vợ yên ổn trên xe, mang theo năm trăm mũi tên này để qua vùng hoang mạc. Bấy giờ, có bọn cướp gồm năm trăm người đang ăn nơi vùng hoang vu. Tán-nhã nói với vợ: “Em đến chỗ bọn cướp để xin thức ăn.” Người vợ liền đến nói với bọn cướp:
“Tán-nhã bảo tôi đến đây xin thức ăn.”
Khi ấy thủ lĩnh của bọn giặc quan sát, rồi nói:
“Xem người được sai này, biết kia không phải là người tầm thường. Hãy cho thức ăn.”
Trong khi đó, một tên giặc có ý nghĩ: “Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?” Tán-nhã liền bắn một mũi tên, tên giặc đó bị trúng tên, chết. Tên giặc khác lại cũng đứng dậy nói: “Chúng ta để người này sống mà chở vợ đi à?” Tán-nhã lại cũng bắn một mũi tên. Tên giặc đó bị trúng tên, chết. Cứ như vậy, từng đứa một đứng lên, đều bị trúng tên mà chết. Lúc bấy giờ Tán-nhã còn một mũi tên. Chỉ còn thủ lĩnh của bọn cướp, chưa có sơ hở để buông tên. Tán-nhã liền nói với vợ.
“Em hãy cởi áo để xuống đất.”
Người vợ liền cởi áo. Tên giặc sơ ý. Tức thì mũi tên được bắn ra, giết chết.
Đức Phật bảo các tỳ-kheo.
“Các ông có biết chăng, năm trăm tên giặc trước kia chính là năm trăm tỳ-kheo hiện nay. Thủ lĩnh bọn cướp là Đề-bà-đạt-đa. Tán-nhã bà-la-môn đâu phải ai khác, mà là Xá-lợi-phất. Như vậy, trước kia
Xá-lợi-phất đã phá, nay lại phá lần thứ hai.”
Khi ấy Xá-lợi-phất và Mục-liên dẫn năm trăm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật: “Năm trăm tỳ-kheo này tùy thuận Đề-bà-đạt-đa tạo thành biệt chúng. Nay có cần phải thọ đại giới lại?” Đức Phật bảo Xá-lợi-phất và Mục-liên:
“Tỳ-kheo tùy thuận Đề-bà-đạt-đa trước kia đã có giới. Nay chỉ nên hướng dẫn họ tác pháp sám hối thâu-lan-giá mà thôi.” Tôn giả Mục-liên bạch Phật rằng:
“Đức Thế Tôn khi ở giữa vô số chúng bảo Xá-lợi-phất: ‘Ông hãy nói pháp. Nay Ta đau lưng cần nghỉ một chút.’ Đề-bà-đạt-đa cũng bắt chước y như vậy. Tự xếp Tăng-già-lê thành bốn lớp, rồi nằm nghiêng phía bên tả, giống như con dã can, nằm ngủ và ngáy.” Đức Phật bảo Mục-liên:
“Chẳng phải ngày nay Đề-bà-đạt-đa bắt chước Ta để rồi phải bị khổ. Mà đây là lần thứ hai, vì bắt chước ta mà phải bị khổ não.
“Này Mục-liên, đời quá khứ xa xưa về trước, bên tả của núi chúa Tuyết sơn có một ao nước lớn, một con voi lớn sống bên ao. Voi lớn kia xuống [910c] ao nước tắm rửa, uống nước, rồi dùng vòi nhổ lấy gốc sen, rửa sạch ăn. Khí lực dồi dào, hình thể tươi sáng. Một con voi nhỏ thường đi theo voi lớn. Voi nhỏ bắt chước voi lớn, xuống ao tắm, rồi nhổ lấy gốc sen, không rửa sạch bùn mà ăn. Do ăn gốc sen không sạch kia nên khí lực không đầy đủ, hình thể không tươi sáng, bèn sinh bệnh.”
Thế Tôn nói kệ:
Chúng ta không ham muốn.
Ăn sen rất thanh tịnh.
Voi nhỏ ăn bùn tạp;
Học đòi khiến phải bệnh.
Thây chết có hơi thối.
Ăn tiêu, ợ tự hết.
Người nào hành phi pháp,
Đêm dài khí không dứt,
Tham dục, sân nhuế, si.
Trượng phu có ác tâm.
Người si tự làm hại.
Như trái nhiều, nhánh gãy.
Cây chuối, lột bẹ, chết.
Trúc lau, cũng như vậy.
Người khốn, lợi dưỡng hại.
Con lừa mang thai chết.
Đức Phật bảo Mục-liên:
“Voi lớn tức là Ta. Voi nhỏ là Đề-bà-đạt-đa.” Đức Phật nói:
“Đây là lần thứ hai, Đề-bà-đạt-đa bắt chước Ta mà phải chịu khổ não.”
Các tỳ-kheo liền nghĩ: ‘Hy hữu thay, Đề-bà-đạt-đa, đệ tử đức Thế Tôn mà lại bội ân làm việc phi pháp, đem tà giáo phá hoại năm trăm đệ tử như vậy.’
Đức Thế Tôn biết tâm các tỳ-kheo nghĩ như thế, liền bảo các Tỳ-kheo : “Đề-bà-đạt-đa chẳng phải chỉ ngày nay mới phá hoại đệ tử của Ta.”
Thuở quá khứ, có hai vua Diêm-phù-đề. Một người tên là Nguyệt. Người thứ hai tên là Nguyệt Ích. Người sanh ngày mười bốn đặt tên là Nguyệt. Người sanh ngày mười lăm gọi là Nguyệt Ích. Hai vị thuận hòa với nhau không có sự hiềm khích. Trong cõi Diêm-phùđề có một con sông tên là Tu-la-tra. Mỗi bên bờ sông đều có bốn mươi hai ngàn thành. Quốc độ rộng rãi, bằng phẳng, trang nghiêm tốt đẹp. Nhân dân giàu có, của cải phong phú, thức ăn dồi dào.
Thời bấy giờ bên bờ sông Tu-la-tra của vua Nguyệt Ích có cái thành cũng mang tên là Tu-la-tra, đông tây mười hai do-tuần, nam bắc bảy do-tuần. Hai vua hứa hẹn nhau, ‘Tôi sanh con trai sẽ cưới con gái của bạn. Bạn sanh con trai sẽ cưới con gái của tôi.’ Bấy giờ, vua Nguyệt Ích không có con cái. Vì muốn cầu [911a1] có con nên đến các miễu, am thần nước để lễ kính, thờ cúng chư thiên, như Mãn thiện thiên, Bảo thiện thiên, mặt trời, mặt trăng, Thích, Phạm, thần đất, thần lửa, thần gió, Ma-hê-thủ-la thiên, thần vườn, thần rừng, thần đồng trống, thần chợ, thần quỷ tử mẫu, thần thành quách… làm phước các nơi với hy vọng sẽ có con.
Khi ấy bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Bấy giờ, thần sông tâu với vua rằng: “Bên kia sông Tu-la-tra có hai vị Tiên nhân đắc ngũ thông. Nếu vị Tiên kia ước nguyện sanh làm con vua thì vua sẽ có con.” vua Nguyệt Ích liền đến bên bờ sông, tuần tự đi tìm đến chỗ Tiên nhân, nói với tiên nhân rằng: “Tiên nhân biết chăng, nhà tôi không có con. Nếu các ngài ước nguyện sanh nơi nhà tôi thì khi mạng chung sẽ được sanh. Nếu sanh vào nhà tôi thì ngũ dục đầy đủ, tiêu dùng khoái lạc, không khi nào thiếu thốn.” Tiên nhân trả lời: ‘Có thể được.’ vua Nguyệt Ích vui mừng, trở về nhà.
Sau bảy ngày, một Tiên nhân mạng chung. Liền khi ấy đệ nhất phu nhân có thai. Người nữ có ba loại trí: biết khi có thai, biết do đâu mà có, biết đàn ông có ý ham muốn. Phu nhân tâu với vua:
“Vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.”
Nhà vua nói: “Ta rất sung sướng.”
Nhà vua tăng gia việc cúng dường[294] nhiều hơn gấp bội. Khi ấy Tiên nhân thứ hai, sau bảy ngày lại mạng chung. Liền khi đó đệ nhị phu nhân có thai. Phu nhân tâu với nhà vua:
“Nhà vua có biết chăng? Nay thiếp đã có thai.”
Nhà vua lại tăng thêm sự cung cấp, như trên. Bấy giờ, vua sai người đến bên bờ sông Tu-la-tra tìm xem có bao nhiêu Tiên nhân chết. Sứ giả liền đến xem, thấy hai tiên nhân đã chết, trở về tâu với vua: hai Tiên nhân đã chết. Vua tự nghĩ: ‘Hai Tiên nhân kia mạng chung, thọ thai vào hai phu nhân của ta.’
Sau chín tháng, phu nhân sanh con trai, tướng mạo đoan chánh. Đệ nhất phu nhân của vua sanh con trai, bấy giờ, những điều tốt lành tự thể hiện đến. Có năm trăm người khách buôn đến. Năm trăm khách buôn này lấy châu báu từ biển trở về. Năm trăm mỏ quý đều tự xuất hiện. Năm trăm người tử tù từ ngục được thả. Khi ấy vua Nguyệt Ích tự tư duy rằng: ‘Nên đặt hài nhi này tên gì?’ Theo quốc pháp của nước này, khi một nam nhi mới sanh thì hoặc cha mẹ hay sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Nhà vua tự nghĩ: ‘Cần gì sa-môn, bà-lamôn đặt tên. Ngày sanh hài nhi này có nhiều điều lành xuất hiện, nên đặt tên là Thiện Hành.’ Nhà vua liền trao cho bốn bà mẹ để chăm sóc: một bà bồng ẵm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba [911b] cho bú, bà thứ tư giúp vui, bằng voi, ngựa, xe cộ, làm các kỹ nhạc, các thứ vui chơi, lại cầm cái đuôi con chim công đứng phía đằng sau; trang nghiêm những thứ vui chơi như vậy.
Vương tử Thiện Hành tuổi lên tám, chín, được dạy các thứ kỹ nghệ, thư số, ấn họa, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, các môn cưỡi ngựa, cưỡi voi, xe cộ, bắn cung, thuộc loại chiến đấu cũng được dạy. Tất cả các bộ môn vương tử đều được dạy.
Khi đệ nhị phu nhân của vua sanh con thì có nhiều việc xấu ác tự khởi lên. Như con dã can kêu. A-tu-la nắm mặt trời.[295] Năm trăm người đáng tội chết lại đi đến. Theo quốc pháp của nước này, nếu hài nhi mới sanh nên mời sa-môn, bà-la-môn đến đặt tên, nhưng nhà vua tự nghĩ: ‘Đâu có phiền sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Ngày hài nhi này sanh có nhiều việc xấu ác xuất hiện thì nên đặt tên là Ác Hành.’ Nhà vua cũng giao cho bốn bà mẹ chăm sóc: một bà bồng ẵm, bà thứ hai tắm rửa, bà thứ ba cho bú, ba thứ tư giúp các trò vui, voi ngựa, xe cộ làm các kỹ nhạc, các loại vui chơi, cho đến dạy các bộ môn chiến đấu.
Bấy giờ, Thiện Hành được vua rất yêu mến, và các vương tử, phu nhân, đại thần thị tùng, tất cả nhân dân tiểu quốc khác, không một người nào không ái niệm. Trong khi đó, vương tử Ác Hành không được nhà vua yêu mến, và tất cả mọi người cũng không yêu mến. Vương tử Ác Hành khởi lên ý nghĩ: ‘Vương tử Thiện Hành được nhà vua và tất cả nhân dân rất yêu mến. Còn ta thì không những chỉ nhà vua không yêu mến mà bao nhiêu người khác cũng không yêu mến. Ta phải tìm cách nào để dứt mạng nó?’
Bấy giờ, đệ nhất phu nhân của Nguyệt vương lân quốc sanh được con gái. Vua nước đó liền sai sứ đến chỗ vua Nguyệt Ích thông báo: ‘Đệ nhất phu nhân của tôi sanh được con gái, sẽ làm vợ của Thiện Hành, con của ông bạn.’
Một hôm, vương tử Thiện Hành nghĩ: ‘Chúng sanh trong cõi Diêmphù-đề đều nhiều nghèo khổ. Ta nên vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh trong Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.’ Thiện Hành liền đến chỗ vua cha thưa:
“Chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề đều nhiều nghèo khổ. Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu để khiến chúng sanh nơi Diêm-phù-đề thoát khỏi sự nghèo khổ.” Vua cha liền nói:
“Cha có rất nhiều vàng bạc, bảy báu, vô số kho tàng, cái nào cũng đầy dẫy. Con có thể tùy ý lấy cho.” Thiện Hành trả lời:
“Không thể được! Con muốn vào trong biển cả tìm lấy ngọc như ý châu, khiến cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải nghèo khổ.” Vua cha nói:
“Tùy ý con.”
Khi ấy vương tử Ác Hành liền có ý nghĩ: “Nay chính là [911c] lúc ta có dịp để dứt mạng nó.”
Ác Hành liền đến chỗ vua thưa:
“Thiện Hành là người anh mà con rất trọng. Nay anh con muốn vào trong biển cả, nếu con không có mặt, sợ anh con có thể táng thân mất mạng. Nay con muốn cùng anh con đi vào biển cả.”
Vua cha nói: “Tùy ý con.”
Sau khi từ biệt vua và phu nhân, cùng quyến thuộc rồi, Thiện Hành đến trong thành Tu-ba-la rung chuông rao:
“Ai có thể rời xa cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và các thân quyến, muốn cầu vàng bạc trân bảo vô giá bảo châu, thì theo tôi vào biển. Tất cả mọi nhu cầu ăn uống, mọi thứ để trang sức, tôi sẽ cung cấp.”
Bấy giờ, có năm trăm khách buôn liền đến tập hợp chỗ đó. Thiện Hành cùng năm trăm khách buôn đều đến thành Tu-ba-la để mua thuyền và tìm thuyền sư. Thuyền sư cho biết trong biển có các nạn như: nạn sóng thần, nạn nước xoáy, nạn đại ngư... Chuẩn bị thuyền xong, rao truyền như trên lần thứ hai, rồi thả thuyền ra biển. Nhờ phước đức của Thiện Hành nên thuyền được thuận buồm xuôi gió đến chỗ bãi thất bảo. Thiện Hành nói với các thương nhân rằng:
“Nay đã đến chỗ bãi báu vật. Nên cột thuyền cho chắc. Rồi tùy ý thu nhặt của báu cho vừa đầy thuyền. Đừng để bị chìm đắm.”
Các thương nhân vâng lời, thu lấy của báu. Thiện Hành dạy bảo các thương nhân rồi, lại đến chỗ khác. Bấy giờ, vương tử Ác Hành dùng ác ngôn nói với các thương nhân rằng:
“Nếu vương tử Thiện Hành mà an ổn trở về, thì sẽ đoạt hết của báu của các người. Ngay bây giờ chúng ta nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi đi.
Ác Hành nói với năm trăm thương nhân như vậy. Họ nhận lời nên nhận chìm thuyền của Thiện Hành rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên thuyền bị gió đánh vỡ, năm trăm thương nhân bị chết chìm. Còn vương tử Ác Hành bám được một miếng ván của thuyền, nên được gió thổi từ từ vào trong bờ. Giờ đây, Ác Hành sống trong một xóm nghèo nàn nơi bờ biển; hằng ngày khất thực từng nhà để sống.
Khi Thiện Hành trở lại chỗ cũ không thấy các thương nhân, cũng không thấy thuyền, liền đấm ngực khóc than áo não vì sợ các thương nhân bị ác quỷ La sát hại. Khi ấy vị thần nơi bãi của báu nói với Thiện Hành rằng: “Năm trăm thương nhân chẳng phải bị ác quỷ la sát hại. Mà do lời nói ác của vương tử Ác Hành phá hoại. Năm trăm thương nhân bị xúi, họ đã nhận chìm thuyền của ông rồi bỏ đi. Do quả báo bạc phước của họ nên bị gió đập bể thuyền, năm trăm thương nhân đều bị chết chìm trong biển. Còn vương tử Ác Hành thì bám được miếng ván của thuyền nhờ gió thổi đã trôi đến bờ, đang sống bên bãi biển bằng cách xin ăn hàng ngày.”
Thiện Hành tự [912a1] nghĩ: ‘Nay ta hãy đến trước cung của Hải Long vương xin ngọc như ý châu.’ Nghĩ xong, theo lộ trình tiến đến bãi của La sát. Năm trăm nữ La sát ra tiếp đón. Vừa thấy từ xa, họ liền nói lên lời chào:
“Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?”
Thiện Hành trả lời: “Chúng sanh nơi Diêm-phù-đề bần cùng khổ sở. Tôi muốn đến nơi cung của Hải Long vương để xin ngọc như ý bảo châu, khiến cho chúng sanh ở Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.”
La sát hỏi: “Ông muốn dùng loại xe nào?” Thiện Hành nói: “Tôi muốn dùng loại xe lớn.” La sát nữ nói:
“Lành thay, nếu ông thành Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm đệ tử của ông.”
Thiện Hành nói: “Có thể được.”
Thiện Hành từ xa thấy thành bằng vàng. Trong thành có một cái giường bằng vàng, Long vương đang ngồi trên chiếc giường đó. Vương tử Thiện Hành liền đến nơi thành bằng vàng, chỗ của Long vương ngồi. Long vương từ xa thấy liền nói lên lời chào hỏi: “Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?” Thiện Hành trả lời:
“Long vương biết chăng, chúng sanh nơi cõi Diêm-phù-đề đều nghèo khổ khốn cùng. Tôi muốn đến nơi cung của Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, khiến cho người nơi Diêm-phù khỏi phải nghèo cùng khốn khổ.” Long vương liền nói:
“Cung của Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội nước, thường đến đầu gối. Bảy ngày lội nước đến rốn. Bảy ngày lội nước đến nách. Bảy ngày bơi qua. Bảy ngày đi trên bông sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn độc. Sau đó, mới đến cung của Hải Long vương. Nay người hãy thôi đi. Tôi có bảo châu, có khả năng mưa bảy món báu xuống phương đông hai ngàn do-tuần. Nay tôi biếu cho người.”
Thiện Hành trả lời:
“Không thể được. Dầu sao, tôi phải đến cung Hải Long vương.” Long vương hỏi:
“Người cần lấy thứ xe nào?”
“Tôi cần lấy loại xe lớn.”
Long vương nói: “Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia, làm người đệ tử trí tuệ đệ nhất của người.”
Thiện Hành liền bỏ thành bằng vàng ra đi. Từ xa thấy thành bằng bạc, trong đó có Long vương đang ngồi trên giường bằng bạc. Vương tử Thiện Hành đến thành bạc, chỗ của Long vương. Long vương từ xa thấy liền nói lên lời chào: “Thiện lai, Đồng tử! Người muốn đến đâu?” Thiện Hành nói:
“Long vương biết chăng, chúng sanh cõi Diêm-phù-đề đều bần cùng khốn khổ. Tôi muốn đến cung Hải Long vương lấy ngọc như ý châu, để khiến cho người nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ.”
Long vương nói:
“Cung Hải Long vương khó có thể đến được. Bảy ngày lội nước thường đến đầu gối. Bảy ngày đến rốn. Bảy ngày đến nách. Bảy ngày bơi qua. Bảy ngày đi trên hoa sen. Bảy ngày đi trên đầu rắn độc. Sau đó, mới đến cung của Hải Long vương. Nay người hãy thôi đi. Tôi có [912b] bảo châu có khả năng mưa bảy món báu xuống phương nam bốn ngàn do-tuần. Tôi sẽ biếu cho người.” Thiện Hành nói:
“Tôi không lấy. Dầu sao, tôi phải đến cung của Hải Long vương.”
Long vương hỏi: “Người muốn lấy loại xe nào?” “Tôi muốn lấy thứ xe lớn.” Long vương lại nói:
“Nếu người thành bậc Tối Chánh giác tôi sẽ xuất gia làm đệ tử thần túc đệ nhất của người.”
Thiện Hành liền bỏ thành bạc ra đi, lại thấy có thành lưu ly, và các Long vương đang ngồi... như trên... Tôi biếu cho người như ý châu có khả năng mưa bảy món báu sáu mươi ngàn do-tuần xuống phương tây.”
Thiện Hành nói: “Tôi không lấy. Tôi phải đến cung của Hải Long vương.”
Long vương lại hỏi: “Người cần lấy loại xe gì?”
“Tôi cần lấy thứ xe lớn.” Long vương nói:
“Nếu người thành bậc Tối Chánh giác, tôi sẽ xuất gia làm người đệ tử đa văn đệ nhất của người.”
Khi ấy Thiện Hành bắt đầu lội nước bảy ngày đến đầu gối, cho đến bảy ngày đi trên bông sen, cho đến chỗ rắn độc. Thiện Hành nghĩ: ‘Do làm nhân gì mà quả báo sanh trong loài rắn độc? Há không phải đây là quả báo do đời trước sân nhuế? Cần phải dùng pháp gì để hàng phục nó? Duy chỉ có lòng từ.’ Thiện Hành liền tư duy từ tâm tam-muội. Khi ấy các con rắn độc đều cúi đầu xuống. Thiện Hành đi qua, đi đến chỗ cung của Hải Long vương. Khi ấy Hải Long vương từ xa thấy liền ân cần thăm hỏi:
“Thiện lai, Đồng tử! người muốn điều gì?”
“Nay tôi muốn được hạt như ý bảo châu nơi búi tóc của ngài.” Hải Long vương nói:
“Các người đời sống ngắn ngủi. Hạt châu này giá trị rất lớn. Chẳng phải là ta không cho. Ta sẽ cho ngươi với điều là khi nào ngươi gần qua đời thì đem hạt châu này trả lại.”
Nói vậy xong, Hải Long vương liền cởi hạt châu trao cho Thiện Hành, và sai hai con rồng sau này sẽ mang hạt châu về lại. Thiện Hành cầm hạt châu cầu nguyện:
“Nếu đây là ngọc như ý thì bỗng nhiên đưa tôi về đến thành Tu-bala.”
Thiện Hành vừa nghĩ trong ý muốn, thì liền trong chốc lát về đến thành Tu-ba-la.
Bấy giờ, vương tử Ác Hành nghe vương tử Thiện Hành từ biển cả an ổn trở về liền đến chỗ Thiện Hành nói:
“Anh có biết chăng. Nay em ở tại xóm bần cùng. Tìm sự sống bằng cách xin ăn từng nhà. Anh từ biển cả an ổn trở về, thu hoạch được gì?”
Thiện Hành nói:
“Anh nhận được ngọc như ý bảo châu đem về đây.” Thiện Hành nói tiếp: “Hiện tại anh đang mệt mỏi. Muốn nghỉ một chút.” Thiện Hành liền gối đầu nơi đầu gối của Ác Hành mà ngủ. Khi ấy
Ác Hành liền lấy gai cây khư-đà-la[296] đâm vào hai tròng con mắt của Thiện Hành rồi lấy hạt châu đi. Thiện Hành bị tổn thương hai con mắt, máu chảy ướt cả thân, sờ soạng, sợ hãi, đi khắp nơi mà không thấy đường. Bất chợt đến trong vườn của Nguyệt vương. Khi ấy bà già giữ vườn có hai đứa con nhỏ. Từ xa bà thấy [912c] một người đi đến, máu dính đầy người, không thấy đường đi, động lòng thương, hỏi: “Vì lý do gì ông đi tới đi lui trong vườn của vua Nguyệt, với dáng điệu sờ soạng sợ hãi, không thấy đường như vậy?”
Thiện Hành kể lại đầy đủ nhân duyên cho bà lão nghe. Bà lão nói:
“Ta có hai đứa con có thể cùng anh vui chơi. Nay anh có thể ở đây, như con của ta vậy.”
Bấy giờ, Ác Hành liền trở lại thành Tu-la-tra, đi đến chỗ vua Nguyệt Ích, tâu với vua rằng:
“Vua nên biết, con ở trong biển cả gặp gió lớn đánh bể thuyền. Năm trăm thương nhân đều bị chết chìm dưới biển. Chỉ có một mình con trở về an ổn.”
Nhà vua nói: “Con từ biển cả trở về an ổn. Con có tìm được những thứ gì không?” Ác Hành thưa:
“Con tìm được như ý bảo châu đây.”
Nhà vua liền hỏi: “Ngọc châu này có công dụng thế nào?”
Ác Hành thưa: “Không biết.”
Nhà vua liền lấy ngọc châu giao cho người giữ kho cất. Khi ấy Ác Hành liền sai sứ nói với Nguyệt vương lân quốc rằng: ‘Thiện Hành cùng năm trăm thương nhân vào trong biển cả để lấy vật báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Nay vua có thể gả con gái cho tôi.’ Nhà vua liền trả lời: ‘Đợi ta hỏi ý kiến của con gái ta đã.’ Nhà vua liền kêu con mình hỏi:
“Thiện Hành cùng năm trăm thương nhân vào trong biển lấy của báu, bị nước nhận chìm chết rồi. Ác Hành trở về an ổn. Nay muốn cưới con làm vợ. Ý con thế nào?” Con gái của vua Nguyệt trả lời:
“Không thể được! Con muốn chính con đi tìm chồng của con.” Nhà vua liền ra lệnh mọi người trong nước tập trung lại để sửa soạn cho con gái mình. Cô đi ra ngoài tìm chồng khắp mọi nơi.
Bấy giờ, Thiện Hành đang sử dụng cây đàn với âm điệu du dương trầm bổng, đang có mặt trong vườn. Người con gái của vua thưởng thức âm thanh du dương đó. Liền đến tâu với vua cha rằng: “Vua cha biết chăng, con muốn lấy người này làm chồng.” Vua cha nói:
“Người này là người mù kia mà.” Người con gái vua nói:
“Điều đó không can gì.”
Khi ấy vua Nguyệt liền kêu Thiện Hành nói: “Này Đồng tử, ngươi là người ở đâu?” Thiện Hành thưa:
“Nhà vua biết cho, tôi là đệ nhất Thái tử của vua Nguyệt Ích, tên là Thiện Hành.”
Nhà vua hỏi: “Tại sao hai con mắt bị mù như thế?”
Thiện Hành liền đem nhân duyên trên trình bày rõ ràng cho nhà vua. Nhà vua nói:
“Nếu ngươi là con của vua Nguyệt Ích thì nay ngươi sẽ phát nguyện khiến cho con mắt bình phục lại.” Thiện Hành liền phát nguyện:
“Tôi vì chúng sanh cõi Diêm-phù-đề nghèo khổ nguy khốn nên vào biển cả để tìm cầu ngọc như ý bảo châu. Vì muốn cho chúng sanh nơi Diêm-phù-đề khỏi phải bần cùng khốn khổ. Vương tử Ác Hành đã dùng ác ngôn để phá hoại, khiến năm trăm thương nhân bỏ tôi đi về, lại dùng gai cây khư-đà-la đâm vào hai con mắt tôi, lấy ngọc như ý của tôi đi. Tôi đối với Ác Hành không hề có ác tâm. Nếu lời tôi là chân thật [913a1] không hư dối thì xin cho hai con mắt tôi được bình phục lại.”
Lời phát nguyện vừa xong, hai con mắt đều bình phục lại. Nhà vua liền ra lệnh trang điểm cực đẹp cho con gái mình để gả cho Thiện Hành. Nhà vua sai sứ báo tin cho vua Nguyệt Ích rằng: ‘Ngài có biết chăng, vương tử Thiện Hành từ biển trở về an ổn. Nay tôi đã trang điểm cực đẹp con gái tôi để gả cho Thiện Hành. Giờ ngài nên đến thành Tu-la-tra.’ vua Nguyệt Ích liền ra lệnh cả nước trang hoàng các thứ.
Vương tử Thiện Hành đi đến thành Tu-la-tra, đảnh lễ sát chân vua rồi, trình bày đầy đủ nhân duyên cho nhà vua nghe. Nhà vua liền ra lệnh giết Ác Hành. Thiện Hành tâu với vua cha rằng:
“Xin vua cha không nên giết.”
Vua Nguyệt Ích ra lịnh trục xuất Ác Hành ra khỏi nước. Thiện Hành thưa vua cha: “Ác Hành đem ngọc châu về. Nay ngọc châu để ở đâu?”
Vua cha nói: “Hiện cất trong kho.”
Thiện Hành yêu cầu vua cha cho đem ngọc châu ra. Thiện Hành liền tắm rửa sạch sẽ, mặc áo trắng mới, sạch, lấy ngọc châu cung trí nơi đầu trụ cờ, để trên điện cao đẹp rồi phát nguyện:
“Nếu quả đúng đây là ngọc như ý bảo châu thì nên mưa xuống cơn mưa báu xuống đầy cõi Diêm-phù-đề. Trong cõi Diêm-phù-đề, có người nào bệnh, hãy khiến cho được lành.”
Thiện Hành phát lời nguyện vừa xong, trong khoảng khắc liền có trận mưa bảy món báu đầy cả Diêm-phù-đề. Sau đó một thời gian vua Nguyệt Ích qua đời. Thiện Hành kế vương vị. Khi ấy vương tử Ác Hành đến chỗ Thiện Hành thưa:
“Nay em sống ngoài nước, xin ăn từng nhà để sống.”
Vua nói: “Nếu em có thể bảo vệ cái đầu của anh thì anh sẽ đảm bảo sự sống của em.”
Ác Hành trả lời: “Vâng.”
Sau đó, khi nhà vua nằm ngủ, Ác Hành nghĩ rằng: ‘Nay ta có thể dứt mạng nó.’ Khi vừa rút dao để chém, tức thì cánh tay của Ác Hành tự nhiên bị rơi xuống, nó liền la lên:
“Đại họa!”
Nhà vua liền tỉnh dậy, hỏi:
“Tại sao Đồng tử gọi là đại họa?” Ác Hành trả lời: “Trời tạo ra nghiệp này.” Nhà vua nói: “Tại sao vậy?
Ác Hành đem nhân duyên này trình bày với vua, vua nói: “Thật sự là do ngươi tạo ra nghiệp này.” Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Vua Nguyệt Ích không phải là ai khác mà là Tịnh Phạn vương. Đệ nhất phu nhân nay là Ma-da. Vua Nguyệt là Chấp Trượng Thích chủng. Con gái của vua Nguyệt nay là Cù-di. Bà già giữ vườn là Tỳ-kheo -ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Hai đứa nhỏ nay là Nan-đà và A-nan. Thiện Hành chính là Ta. Ác Hành là Đề-bà-đạt-đa vậy. Năm trăm thương nhân [913b] tức năm trăm tỳ-kheo hiện nay đó. Xưa kia Đề-bà dùng lời ác để xúi dục, phá hoại mọi người, nay cũng lại dùng lời ác dạy và phá hoại vậy.”
Bấy giờ Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là phá Tăng? Với số người bao nhiêu mới đủ gọi là phá Tăng? Ai là người phá hòa hiệp Tăng?”[297]
Đức Phật bảo Ưu-ba-ly: “Có hai sự việc phá Tăng: Vọng ngữ, tương tợ ngữ. Do hai việc này nên gọi là phá Tăng.
“Này Ưu-ba-ly, lại có hai sự việc phá Tăng: tác yết-ma, hành xá-la.
“Này Ưu-ba-ly, một tỳ-kheo không thể phá Tăng, tuy cầu phương tiện cũng không thể phá Tăng. Cũng chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni phá Tăng, tuy cầu phương tiện phá Tăng cũng không thể phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, chúng này một tỳ-kheo, chúng kia một tỳ-kheo, họ làm việc phá Tăng, hành xá-la, tác yết-ma như vậy cũng không thể phá Tăng, chỉ khiến cho Tăng trần cấu[298] mà thôi. Hai người, ba người cũng vậy. Này Ưu-ba-ly, nếu chúng này bốn người hoặc hơn, chúng kia bốn người hoặc hơn, làm việc phá Tăng hành xá-la, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, với số người như vậy được gọi là phá Tăng. Như vậy gọi là phá hòa hợp Tăng.”
Ưu-ba-ly lại hỏi: “Phá hòa hợp Tăng mắc những tội gì?”
Đức Phật dạy: “Phá hòa hợp Tăng thọ tội trong nê-lê một kiếp không thể cứu chữa được.”
Ưu-ba-ly lại hỏi: “Tăng bị vỡ rồi, người nào làm cho hòa hợp lại được những phước gì?”
Đức Phật dạy: “Được nhận sự an lạc nơi cõi Phạm thiên một kiếp.”
Phật nói kệ:
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp không tranh cãi.
Hòa hợp thì có pháp,
Thường được siêng năng tu.
Làm cho Tăng hòa hợp,
Sống vui một kiếp trời.
Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Tất cả người phá Tăng đều đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ phải không?”
Đức Phật nói với Ưu-ba-ly rằng: “Tất cả những người phá Tăng không phải chỉ đọa địa ngục để thọ khổ một kiếp mà hết đâu.
“Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo, phi pháp mà nói là pháp, chấp chặt pháp này phá hòa hợp Tăng. Kẻ kia tự biết, phá Tăng với tưởng phi pháp,[299] bèn nói như vầy với ý tưởng phi pháp: ‘Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.’ Bằng kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, mà hành xá-la[300] để phá Tăng.[301] Này Ưu-ba-ly, kẻ phá Tăng này một kiếp thọ khổ nơi Nê-lê không thể cứu được.
“Nếu tỳ-kheo [913c] phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phương tiện phá Tăng, biết rằng trong sự phá Tăng là phi pháp, nói rằng, ‘Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời Phật dạy.’ Rồi hành xála phá Tăng, tác yết-ma. Này Ưu-ba-ly, người phá Tăng như vậy một kiếp thọ khổ nơi nê-lê không thể cứu được.
“Phá Tăng với tưởng pháp, bèn với tưởng phi pháp mà nói,[302] cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, nếu tỳ-kheo phi pháp nói là pháp, chấp chặt việc này, phá hòa hợp Tăng, có ý tưởng là pháp để phá, tưởng là pháp nói: ‘Đây là pháp, đây là tỳ-ni, đây là lời dạy của Phật,’ kiến giải không khác, chấp nhận không khác, hành xá-la, tác yết-ma như vậy để phá Tăng. Này Ưu-ba-ly, người này không đọa địa ngục một kiếp để thọ khổ.”
Nghi, không nghi bốn vế cũng như vậy.[303] Tưởng phi pháp nghi bốn vế cũng như vậy. Như vậy cho đến thuyết không thuyết cũng như vậy.[304]
[913c19] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Ca-lưu-đà-di cùng nhóm sáu tỳ-kheo đến tắm trong sông A-di-la-bạt-đề.[306] Ca-lưu-đà-di tắm xong, lên bờ khoác y của nhóm sáu tỳ-kheo mà không xem, tưởng là của mình. Khoác xong rồi đi. Nhóm sáu tỳ-kheo tắm xong lên bờ, không thấy y của mình lại thấy y của Ca-lưu-đà-di, liền nói: “Ca-lưu-đà-di ăn trộm y của ta.” Khi ấy người không hiện tiền mà họ tác yết-ma diệt tẫn.[307]
Ca-lưu-đà-di nghe chuyện, có sự nghi, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên trên bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn hỏi: “Ngươi lấy y với tâm gì?” Ca-lưu thưa:
“Con nghĩ là y của con nên lấy. Chứ không có ý nghĩ ăn trộm.” Đức Phật dạy:
“Như vậy thì không phạm tội. Nhưng không nên không xem y mà mặc. Cũng không nên khi người vắng mặt mà tác yết-ma như yết-ma ha [914a1] trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử tội, yết-ma diệt tẫn. Nếu tác yết-ma, không thành lại mắc tội đột-kiết-la. Từ nay về sau Ta vì các Tỳ-kheo kết hiện tiền tỳ-ni diệt tránh.[308] Nên nói hiện tiền tỳ-ni như vậy.”
Đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bấy giờ Đạp-bà-ma-la Tử[309] không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá mà các tỳ-kheo đều nói là phạm trọng tội nên hỏi: “Thầy có nhớ là phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?” Vị ấy không nhớ phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời: “Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy.” Rồi Đap-bà-ma-la Tử nói các tỳ-kheo rằng: “Các Trưởng lão, đừng cật vấn tôi mãi.” Các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi. Vị ấy nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay về sau cho phép vì tác pháp ức niệm tỳ-ni[310] cho Đạp-bàma-la Tử bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Pháp thức như sau : Đạp-bà-ma-la Tử nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, Đạp-bà-ma-la Tử, không phạm trọng tội. Các tỳ-kheo nói tôi phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi tôi, ‘Thầy nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thisa, thâu-lan-giá không?’ Tôi không nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời, ‘Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy. Các trưởng lão không nên luôn luôn nạn vấn tôi.’ Nhưng các tỳ-kheo cứ nạn vấn tôi mãi. Nay tôi không ức niệm, đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi ức niệm tỳ-ni. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‘Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?’ tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‘Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các trưởng lão chớ có cật vấn tôi.’ Nhưng các Tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. [914b] tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‘Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?’ tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‘Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các Trưởng lão chớ có cật vấn tôi.’ Nhưng các tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. Tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Đạp-bà-ma-la Tử pháp ức niệm tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.”
Lần thứ hai, lần thứ ba, cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho Đạp-bà-ma-la Tử yết-ma ức niệm rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
“Từ nay về sau, cho các tỳ-kheo kết ức niệm tỳ-ni để diệt tránh.
Nên thuyết ức niệm tỳ-ni như vậy.”
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có tỳ-kheo tên là Nan-đề,[311] điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp samôn, nói năng không chừng mực; tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Khi tâm được bình phục trở lại, các tỳ-kheo nói vị ấy phạm trong tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề: “Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?” Vị ấy liền trả lời: “Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, vào ra, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố làm như vậy, mà là do điên cuồng. Các Trưởng lão đừng nên gạn hỏi việc ấy mãi.” Nhưng các tỳ-kheo cố ý gạn hỏi mãi không chịu thôi. Tỳ-kheo kia khởi lên ý nghĩ: “Ta nên làm thế nào?” Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép, Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni[312] bằng pháp bạch tứ yết-ma, theo diễn tiến như sau: tỳ-kheo Nan-đề nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo Nan-đề, điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Sau đó bình phục lại. Các tỳ- kheo [914c] hỏi tôi, ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?’ Tôi trả lời, ‘Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố ý làm mà là do tâm điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng nên gạn hỏi tôi mãi.’ Nhưng các tỳ-kheo cứ gạn hỏi tôi không chịu thôi. Nay tôi hết si, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi bất si tỳ-ni. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội bala-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?’ Vị ấy liền trả lời, ‘Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.’ Nhưng các Tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Đây là lời tác bạch. “Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội bala-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?’ Vị ấy liền trả lời, ‘Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.’ Nhưng các Tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy”
Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết bất si tỳ-ni để diệt tránh. Nên nói bất si tỳ-ni như vậy.
Thế Tôn ở tại thành Chiêm-bà, bên ao Già-cừ.[313] Bấy giờ đức Thế [915a1] Tôn bố-tát vào ngày mười lăm có trăng. Chúng Tăng ngồi vây quanh Ngài chỗ đất trống. Đầu đêm đã qua, tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.”
Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan liền trở về lại chỗ ngồi. Giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Kính bạch đức Thế Tôn, giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin Thế Tôn thuyết giới.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.”
Tôn giả A-nan im lặng, trở về lại chỗ ngồi. Khi ấy trưởng lão Mụcliên nghĩ: ‘Trong chúng có vị nào không thanh tịnh nên đức Như Lai mới nói, trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.’
Bấy giờ trưởng lão Mục-liên tự suy nghĩ, quán sát trong chúng bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy tỳ-kheo không thanh tịnh kia ngồi cách Phật không xa. Vị ấy phi sa-môn tự nói là sa-môn, phi tịnh hạnh tự nói là tịnh hạnh, là kẻ phá giới làm các điều ác, bất tịnh, không có bạch pháp, tà kiến, che giấu các ác đã phạm, như cái cây bộng ruột, tuy bên ngoài có nhánh lá mà bên trong trống không, không chắc thật. Mục-liên thấy rồi, liền nghĩ: ‘Đức Thế Tôn thấy tỳ-kheo này nên mới nói, trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.’ Khi ấy trưởng lão Mục-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ tỳ-kheo kia nói: “Tại sao thầy không chịu đứng dậy? Thế Tôn đã biết thầy, đã thấy thầy. Thầy nên đứng dậy, đi ra khỏi chỗ này! Thầy không nên ngồi nơi đây.”
Khi ấy Mục-liên nắm tay tỳ-kheo kia kéo ra ngoài cửa, rồi trở vô bạch Phật: “Trong chúng đã thanh tịnh rồi. Cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.”
Đức Phật bảo: “Này Mục-liên, không nên làm như vậy. Vào lúc khác cũng không nên làm như vậy. Này Mục-liên, phải khiến cho người kia phục tội, sau đó mới kết tội. Người kia không phục tội mà kết tội thì không nên. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kết tự ngôn trị để diệt tránh. Nên nói tự ngôn trị[314] như vậy.”
Khi đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ, thì bấy giờ các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau, chúng Tăng tìm kiếm tội như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy.
Bấy giờ Thế Tôn ở tại Xá-vệ. Các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng truy cứu tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Khi ấy, Phật nói với các tỳ-kheo:
“Nên tìm kiếm tội bởi nhiều người; căn cứ theo lời của đa số biết pháp để nói. [915b] Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh đa nhân ngữ.[315] Nên nói như vậy, dùng đa nhân ngữ.”
Đức Thế Tôn ở tại Thích-sí-sấu. Tỳ-kheo tên là Tượng Lực,[316] ưa luận nghị cùng ngoại đạo. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong chúng, cố ý nói dối. Bấy giờ, các ngoại đạo đều cùng nhau cơ hiềm rằng: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, chỉ làm việc vọng ngữ, mà tự nói mình biết chánh pháp. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Khi ở trong chúng bị hỏi, thì trước sau nói nghịch nhau, cố ý vọng ngữ. Như vậy có gì là chánh pháp?” Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tượng Lực Thích tử rằng: ‘Sao thầy cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau?’ Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, do nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo khiển trách Tượng Lực Thích tử:
“Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp samôn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện khiển trách Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo: “Nên trao cho tỳ-kheo kia tác tội xứ sở,[317] bằng pháp bạch tứ yết-ma.”
Pháp thức như sau: Tập Tăng. Tập Tăng rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi kết tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‘Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.’ Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng [915c] ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‘Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.’ Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.”
Lần thứ hai lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kết làm pháp diệt tránh bằng tội xứ sở. Nên nói như vậy, kết tội xứ sở.
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ cùng nhau tranh cãi. Các tỳ-kheo phần đông phạm giới, chẳng phải pháp samôn, ai cũng làm, ai cũng nói, ra vào không chừng mực. Sau đó các tỳ-kheo tự nghĩ: ‘Chúng ta phần đông phạm các giới, chẳng phải pháp sa-môn, ai cũng làm ai cũng nói, ra vào không chừng mực. Nếu chúng ta không tự mình khéo hỏi việc này, hoặc giả tránh sự này càng sâu thêm, càng nặng thêm. Trải qua năm tháng mà không thể như pháp như luật, như lời Phật dạy để diệt trừ tránh sự được, khiến cho Tăng không được an lạc.’ Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên diệt tránh sự này bằng cách như cỏ che đất.[318]
“Từ nay về sau, vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh như cỏ che đất.
Nên nói như vậy, như cỏ che đất.”
Thế Tôn ở Câu-thiểm-di. Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di tranh cãi nhau. [319] tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với Tỳ-kheo -ni. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các Tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn do nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách các tỳ-kheo:
“Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, [916a1] làm việc không nên làm. Này các tỳ-kheo Câu-thiểm-di, sao Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo -ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với Tỳ-kheo -ni?”
1. Bằng vô số phương tiện để khiển trách rồi, đức Phật bảo các Tỳ-kheo :
“Có bốn tranh chấp:[320] ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.[321]
Thế nào là ngôn tránh?[322]
Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau, đưa đến mười tám tránh sự: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, cho đến thuyết, bất thuyết.[323] Nếu do tướng trạng như vậy, tranh cãi nhau về ngôn ngữ, dẫn đến chỗ hai bên tranh chấp nhau, đó gọi là ngôn tránh.
Thế nào gọi là mích tránh?[324] tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tìm tội nhau, bằng vào ba sự kiến-văn-nghi để cử, phá giới, phá kiến, phá oai nghi, cùng nhau tìm tội như vậy, không vọng cầu phe cánh thế lực, an ủi ý người, hoặc cử tác ức niệm hoặc an việc này không an việc này, không si không thoát, đó gọi là mích tránh.
Thế nào gọi là phạm tránh?[325]
Phạm bảy loại tội: ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, cho đến ác thuyết, đó gọi là phạm tránh.
Thế nào gọi là sự tránh?[326]
Việc cần làm trong ngôn tránh, việc cần làm trong mích tránh, việc cần làm trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh.[327]
2. Gốc rễ của ngôn tránh là gì?
Tham, nhuế, si là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới[328] là gốc rễ. Nhân (người) là gốc rễ. Sáu tránh[329] là gốc rễ. Mười tám sự phá Tăng là gốc rễ. Đó gọi là căn của ngôn tránh.
Gốc rễ của mích tránh là gì? Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhân (người) là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Đó gọi là căn của mích tránh.
Gốc rễ của phạm tránh là gì? Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhân (người) là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Chỗ khởi của sáu phạm[330] là gốc rễ. Đó gọi là căn của phạm tránh.
Gốc rễ của sự tránh là gì?
Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng làm là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhân (người) là gốc rễ. Đó là căn của sự tránh.
3. a. Ngôn tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Ngôn tránh hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.
Thế nào gọi ngôn tránh là thiện?
Tỳ-kheo cùng với tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm thiện, nói pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Cùng nhau tranh cãi như vậy, cả hai đều tranh cãi nhau với thiện tâm, cho nên gọi ngôn tránh là thiện.
Thế nào gọi ngôn tránh là bất thiện?
Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm bất thiện, nói pháp hay phi pháp, cho đến [916b] thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh cãi lời lẽ với nhau dẫn đến xung đột. Đó là ngôn tránh là bất thiện.
Thế nào gọi ngôn tránh là vô ký?
Tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm vô ký, dẫn mười tám việc, pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Tranh cãi lời lẽ với nhau về những sự việc như vậy, đó là ngôn tránh là vô ký.
3.b. Mích tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Mích tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký.
Thế nào gọi mích tránh sự thiện?
Trong đây, tỳ-kheo với tâm thiện cùng nhau tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong có năm pháp khiến người ấy được xuất tội, trở thành không phạm, thanh tịnh không cấu uế, không khiến cho người ấy có tiếng xấu lan đi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự.
Tại sao gọi mích tránh sự không thiện?
Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo bằng tâm bất thiện tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong không có năm pháp, không muốn khiến người này được xuất tội, mà muốn cho người này phạm tội, cấu uế không thanh tịnh, muốn khiến cho người này có tiếng tăm bất thiện lan tràn. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội; cùng thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn, không làm cho người kia an tâm, khi bị tác cử, khi bị tác ức niệm, an việc này không an việc này, si mê không thoát tội. Đó gọi là mích tránh sự bất thiện.
Thế nào gọi là mích tránh sự vô ký?
Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo với tâm vô ký tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự. Đó gọi là mích tránh sự vô ký.
3.c. Phạm tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Phạm tránh hoặc bất thiện hoặc vô ký.
Sao gọi phạm tránh là bất thiện?
Sự phạm tội cố ý của phàm phu, hoặc học nhân[331]. Đó gọi là phạm tránh là bất thiện.
Sao gọi phạm tránh là vô ký? Sự phạm tội không cố ý của phàm phu hoặc học nhân; sự phạm không cố ý của bậc vô trước.[332] Đó gọi là phạm tránh vô ký.
3.d. Sự tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Sự tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký.
Sao gọi sự tránh là thiện? tỳ-kheo với thiện tâm mà tác sự[333] trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. [916c] Đó gọi là sự tránh thiện.
Sao gọi sự tránh là bất thiện? Với tâm bất thiện mà tác sự trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh không thiện. Vô ký cũng như vậy. Nếu bằng tâm vô ký mà làm tức là sự tránh vô ký.
4. Ngôn, ngôn tránh, ngôn tránh và ngôn, ngôn tránh và tránh ngôn.[334]
Hoặc có ngôn tức ngôn tránh, hoặc có ngôn chẳng phải ngôn tránh, hoặc có ngôn tránh tức là ngôn, hoặc có ngôn tức là tránh, hoặc có ngôn chẳng phải tránh, hoặc có tránh tức là ngôn, hoặc có tránh chẳng phải ngôn.
Thế nào là trường hợp có ngôn tức ngôn tránh?
Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là có ngôn tức là ngôn tránh.[335]
Thế nào là trường hợp có ngôn chẳng phải ngôn tránh?[336]
Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau.[337] Đó gọi là có ngôn chẳng phải ngôn tránh.[338]
Thế nào là có ngôn tránh tức là ngôn?
Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là có ngôn tránh tức là ngôn.[339]
Thế nào là có ngôn tức là tránh?[340]
Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là ngôn tức là tránh.[341]
Thế nào là ngôn chẳng phải tránh?[342]
Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau.[343] Đó gọi là có ngôn mà chẳng phải tránh.
Thế nào là có tránh tức là ngôn?[344]
Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là có tránh tức là ngôn.[345]
Thế nào là có tránh chẳng phải ngôn?
Trừ ngôn tránh, các tránh sự khác như mích tránh, phạm tránh, sự tránh thì gọi là tránh mà chẳng phải ngôn.
Mích và mích tránh, mích tránh và mích, mích tránh và tránh mích.
(Bốn vế này giải thích chéo như bốn vế ngôn tránh trên không khác, nên không chép ra. Tức nói rằng: mích tức là mích tránh. Phạm tránh, sự tránh, cũng giải thích chéo như vậy)[346]
[917a1] Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, hay để tẫn xuất, nhưng là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, mà vị kia lại nói: ‘Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, hãy nên chấp hành.’ Tránh sự được diệt như vậy là phi pháp diệt tránh, phi pháp tương tợ hiện tiền tỳ-ni.
Một tỳ-kheo trước mặt hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy.
Hai tỳ-kheo trước một tỳ-kheo trước hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy.
Ba tỳ-kheo trước một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy. Hoặc Tăng vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba Tỳ-kheo , vì Tăng cũng phải như vậy.
Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‘Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận’ Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni.
Trong đây, thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, và người.[347]
Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh.
Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh.
Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị.
Nếu tránh sự diệt rồi, tỳ-kheo nào khơi lên lại, phạm ba-dật-đề.[348] Nếu tỳ-kheo mới đến sau, hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh,[349] nếu phát khởi trở lại, phạm ba-dật-đề.
Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba Tỳ-kheo , vì Tăng cũng như vậy.
Tăng vì một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‘Đây là pháp, là tỳni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.’ Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni. Thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, người, Tăng và giới.[350] Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh.
Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh.
Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị.
Thế nào là Tăng hiện tiền? Đồng một yết-ma, hoà hợp tụ hội một chỗ, người không đến thì chúc thọ, người có mặt đủ tư cách ngăn mà không ngăn.
Thế nào là [917b] giới hiện tiền? Yết-ma tại trong cương giới được qui định.
Nếu tránh sự đã được chấm dứt, vị nào khơi lên lại phạm ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo mới đến sau hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh, mà phát khởi lên lại, thì phạm ba-dật-đề. Vị nào dữ dục rồi sau hối hận, phạm ba-dật-đề.[351]
Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.
1. Bấy giờ, tôn giả A-nan[352] từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:
“Kính bạch đức Thế Tôn, có bao nhiêu pháp để diệt ngôn tránh?”
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Ngôn tránh được diệt bằng hai pháp: Diệt bằng hiện tiền tỳ-ni, dùng đa nhân ngữ.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Có trường hợp nào ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, mà không dùng đa nhân ngữ hay không?” Đức Phật bảo A-nan: “Có.” A-nan hỏi: “Đó là trường hợp nào?” Đức Phật dạy:
“Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‘Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.’ Như vậy tránh sự được diệt. Này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, không dùng đa nhân ngữ.” Hiện tiền: nghĩa như trên.
Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.
Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Tăng vì một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‘Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.’ Này A-nan, tránh sự này nhờ vậy mà được chấm dứt. Đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, chứ không dùng đa nhân ngữ.
Hiện tiền: nghĩa như trên.
Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.
Đức Phật lại bảo A-nan:
“Vị tỳ-kheo tranh cãi kia không thể chấp nhận Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh, nghe trú xứ nọ có chúng Tăng giỏi, Thượng tọa giỏi, là người trí tuệ. Vị tỳ-kheo tranh cãi kia do sự tranh cãi này nên đến nơi trú xứ kia. Hoặc giả trên đường đi gặp được người có thể chấm dứt sự tranh cãi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳni, chứ không dùng đa nhân ngữ. Chữ hiện tiền ở đây cùng có nghĩa như trên.”
2. Tỳ-kheo tranh cãi kia trên đường đi không gặp được vị có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt sự tranh cãi thì vị tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến nơi chúng Tăng đó, trước Thượng tọa có trí tuệ, [917c] thưa như vầy:
“Tránh sự này của tôi khởi lên như vầy, do bởi nguyên nhân thật sự là như vậy. Tăng tác pháp như vậy để diệt. Tôi không thể chấp nhận, cho nên tôi đến Trưởng lão. Lành thay! Trưởng lão vì tôi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Trưởng lão có thể vì chúng tôi chấm dứt sự tranh cãi này như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, chúng tôi sẽ đối trước Trưởng lão xả bỏ tránh sự này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, chúng tôi sẽ tự tại tranh chấp, khiến cho tội trạng càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.”
Tỳ-kheo tranh cãi kia nên ở trước Tăng xả bỏ việc tranh cãi như vậy. Tăng nên nói với vị tỳ-kheo tranh cãi kia rằng:
“Này Trưởng lão, tránh sự nếu khởi lên như vậy, do nguyên nhân thật sự là như vậy mà khởi lên, và chúng Tăng ở kia đã chấm dứt việc tranh cãi như vậy. Nếu có thể nói như thật, thì chúng tôi sẽ tự lượng có thể chấm dứt tránh sự này hay không. Nếu tránh sự này của Trưởng lão khởi lên như vậy, nguyên do sự thật như vậy mà khởi lên, Chúng Tăng kia đã diệt tránh như vậy, mà không được thuyết minh như thật, thì, này Trưởng lão, tránh sự này càng ngày càng sâu nặng, phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Tránh sự này không được chấm dứt, các tỳ-kheo sẽ không sống được an lạc.” Tăng nên thụ lý tránh sự như vậy. Thụ lý rồi nên quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là Hạ tọa thì nên nói: ‘Thầy ra ngoài một chút để chúng tôi cùng nhau bình đoán việc này cho được như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy.’ Nếu tỳ-kheo tranh cãi ấy là bậc Thượng tọa thì Tăng nên tự tránh đến chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này cho như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Chúng Tăng nên suy nghĩ như vầy, ‘Nếu chúng ta ở trong Tăng bình đoán việc này, thì sợ sẽ có các việc khác xảy ra, khiến cho hai bên lời thiện lời ác không thôi. Chúng ta hãy cùng với các vị có trí tuệ tập hợp riêng một chỗ để cùng nhau bình đoán việc này.’” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
Bấy giờ, Tăng nên tác bạch bình đoán việc này như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tập hợp các vị có trí tuệ cùng nhau bình đoán riêng việc này. Đây là lời tác bạch.”
“Nên tác bạch như vậy rồi cùng nhau bình đoán.”
Tỳ-kheo có mười pháp nên sai để bình đoán riêng việc này.[353] Mười pháp là: 1. Trì giới đầy đủ, 2. Đa văn, 3. Tụng hai bộ tỳ-ni thuộc lòng, 4. Lý giải rộng [918a1] nghĩa của Luật, 5. Khéo léo xử dụng ngôn từ, biện luận rành mạch, đủ khả năng vấn đáp khiến cho vị kia hoan hỷ, 6. Nếu tránh sự khởi lên phải có khả năng chấm dứt, 7. Không thiên vị, 8. Không giận hờn, 9. Không khiếp sợ, 10. Không si mê. Có mười pháp như vậy thì nên sai cùng nhau họp riêng để bình đoán sự. Trong số tỳ-kheo đoán sự, có vị nào không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, cho nên không nói theo chánh nghĩa, mà nói lời phi pháp, thì Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo kia tên là... không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, bỏ nghĩa chánh, nói lời phi pháp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.”
Tác bạch như vậy rồi khiến người ấy ra. Đức Phật bảo Tôn giả Anan:
Trong số tỳ-kheo đang ngồi đoán sự kia có vị tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan, Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo đoán sự này đi xa. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là... tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.”
Tác bạch như vậy rồi khiến vị ấy ra. Nếu trong số tỳ-kheo đoán sự có vị pháp sư[354] ngồi dự. Vị kia bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn át. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo pháp sư này tên là... bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn áp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.” Nên bạch như vậy rồi khiến vị ấy đi ra.
Nếu trong các tỳ-kheo đang ngồi đoán sự, có vị tụng giới, tụng tỳni, thuận chánh nghĩa, nói đúng như pháp. Đức Phật bảo A-nan, Tăng nên như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy tán trợ tỳ-kheo này. Nếu tránh sự kia được Tăng ở kia diệt không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, thì nay Tăng ở đây nên diệt tránh sự ấy như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật. Nếu chúng Tăng ở kia đã như pháp, như tỳni, như lời Phật dạy diệt tránh sự ấy rồi, thì nay Tăng ở đây cũng hãy chuẩn nhận việc này. Tức thời, Tăng ở đây nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‘Nếu Tăng ở kia đã như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này rồi, [918b] thì ở đây chúng tôi cũng nhẫn khả sự việc này là diệt tránh như pháp. Bây giờ, chúng tôi cũng sẽ tác pháp diệt tránh y như vậy thôi.’
Nếu làm như vậy mà chấm dứt được việc tranh cãi, thì này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhân ngữ.
Nghĩa hiện tiền: pháp cho đến giới, cũng như trên.
Nếu tránh sự như pháp diệt rồi, sau đó vị nào khơi động lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
3. Tỳ-kheo tranh cãi kia không thuận tòng Tăng thứ hai tác pháp như vậy để diệt tránh. Nghe trú xứ nọ có số đông tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di. Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di. Tỳ-kheo kia đang trên đường đi mà có thể chấm dứt tránh sự, thì này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhân ngữ.
Trong đây nói hiện tiền tỳ-ni. Thế nào là hiện tiền? Đó là pháp, tỳni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên.
Như pháp chấm dứt việc tranh cãi rồi, sau đó ai phát khởi lên lại phạm ba-dật-đề, cũng như trên.
Trường hợp nếu tỳ-kheo tranh cãi kia, giữa đường không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự, thì tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ số đông tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Madi kia nói như vầy: “Thưa Trưỡng lão, việc tranh cãi này của tôi do nguyên nhân như vậy, phát khởi như vậy. Sự thật, nhân bởi đó mà phát khởi. Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tăng thứ hai cũng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tôi không thuận tòng, nên đến Trưởng lão. Lành thay, Trưởng lão có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này. Tôi sẽ đối trước Trưởng lão bỏ việc tranh cãi này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này thì chúng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, khiến cho tội lỗi càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để diệt tránh sự này, thì các Tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.”
Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến trước số đông tỳ-kheo để xả bỏ việc tranh cãi này.
Số đông tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo tranh cãi này rằng:
“Nếu Trưởng lão thuyết minh một cách như thật tránh sự này đúng như đã phát khởi, với nguyên nhân thật sự như vậy mà phát khởi, như Tăng thứ hai đã diệt tránh chấm dứt tranh cãi. Thuyết xong, xả tránh. Chúng tôi sẽ tự lượng xem có khả năng diệt tránh sự này hay không. Nếu Trưởng lão không nói đúng sự thật, thì việc tránh sự sẽ tiếp tục, khiến cho tội càng thêm sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi thì các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.”
“Này A-nan, số đông tỳ-kheo kia nên tác pháp [918c] như vậy để thụ lý việc tranh cãi.”
Thụ lý việc tranh cãi rồi quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là hạ tọa thì nên nói với vị ấy rằng:
‘Thầy ra ngoài chờ một chút. Chúng tôi cần bình đoán sự việc.’ Nếu vị ấy là Thượng tọa, thì chúng nên tự tránh đi chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này. Nếu Tăng ở kia không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi, và Tăng thứ hai cũng không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi này, thì số đông tỳ-kheo nên như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Tăng kia như pháp diệt tránh, Tăng thứ hai cũng như pháp diệt tránh, thì số đông Tỳ-kheo cũng nên chấp nhận việc này, và nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‘Như Tăng thứ hai kia diệt tránh chúng tôi cũng chấp nhận.’
“Này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhân ngữ.”
Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người; nghĩa cũng như trên. Như pháp chấm dứt tranh cãi rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại thì phạm ba-dật-đề, như trên.
Đến chỗ hai tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di cũng như vậy. Đến chỗ một tỳ-kheo trì Pháp, cho đến trì Ma-di cũng như vậy.
Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi. Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng chấm dứt tránh sự. Họ nghe trú xứ kia, như trên. Số đông tỳ-kheo, cũng như trên. Hai tỳ-kheo, một tỳ-kheo cũng như trên.
Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng nơi Xá-vệ chấm dứt tránh sự, cho đến một tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: “Các ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ngươi, những người ngu si, Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi mà sao không chấp nhận? Cho đến một tỳ-kheo chấm dứt tranh cãi cũng không chấp nhận?”
1. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các Tỳ-kheo nên chấm dứt tranh cãi này bằng đa nhân ngữ, bằng pháp hành xá-la. Sai người hành xá-la bằng pháp bạch nhị yết-ma. Vị nào có năm pháp sau đây không nên sai hành xá-la: có thiên vị, hay giận hờn, khiếp sợ, có si, không biết đã hành hay không hành. Có năm pháp như vậy không nên sai hành xá-la. Không thiên vị, không hay giận hờn, không hay khiếp sợ, không si, biết đã hành hay không hành.
[919a1] Người có năm pháp như vậy nên sai hành xá-la.
Trong chúng nên sai người có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận, Tăng sai tỳ-kheo tên... hành xála. Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo... hành xá-la. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo tên... hành xá-la, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo... hành xá-la rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
2. Có ba cách hành xá-la, một là công khai, hai là kín, ba là rỉ tai.[355]
a). Thế nào gọi là bỏ phiếu công khai?
Các tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‘Trong chúng, tỳ-kheo phi pháp nhiều, song Hòa thượng A-xà-lê của họ đều là như pháp.’ Nên cần công khai hành xá-la.
Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‘Trong chúng, phần nhiều là người phi pháp mà Thượng tọa là người trí, trì Pháp, trì Tỳ-ni, trì Ma-di đều là những người nói như pháp.’ Nên cần công khai hành xá-la.
Các tỳ-kheo nghĩ: ‘Không biết trong tránh sự này là người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song Hòa thượng A-xàlê của họ đều là như pháp.’ tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la.
Các tỳ-kheo nghĩ: ‘Không biết trong tránh sự này, người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song bậc Thượng tọa là người có trí, trì Pháp, trì Tỳ-ni, trì Ma-di đều như pháp nói.’ Tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la.
Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‘Trong tránh sự, này người nói đúng pháp nhiều.’ Nên công hai hành xá-la.
Thể thức thực hành như sau: nên làm hai loại xá-la, một loại chẻ hai, một loại để nguyên. Làm xá-la rồi nên tác bạch: ‘Vị nào nói như thế này, thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như thế kia, thì rút thẻ chẻ.’ Hành xá-la xong, đến chỗ khác để kiểm. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều thì vị chủ trì công bố kết quả để chấm dứt việc tranh cãi. Nếu số tỳ-kheo như pháp ít thì vị ấy nên tác lễ[356] rồi đứng dậy ra đi.
Sau đó sai người nhắn tin đến trong Tăng của trú xứ tỳ-kheo, bạch rằng: ‘Trú xứ kia tỳ-kheo phi pháp nhiều. Lành thay, Trưởng lão hãy đến đó. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều, tránh sự kia được chấm dứt, được nhiều công đức.’ tỳ-kheo này nghe vậy, nên đến. Nếu không đến, sẽ như pháp trị.
“Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt thì gọi là ngôn tránh được diệt bằng hai pháp để diệt: hiện tiền tỳ-ni, [919b] dùng đa nhân ngữ.”
Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người, giới, Tăng. Nghĩa như trên.
Trong đây, Thế nào là dụng đa nhân ngữ? Căn cứ lời nói nhiều người, là những người trì Pháp, trì Tỳ-ni, trì Ma-di.
Nếu tránh sự đã được diệt như pháp rồi, sau đó vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
b). Thế nào gọi là hành xá-la kín?
Các tỳ-kheo nghĩ: ‘Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều mà Hòa thượng A-xà-lê của họ không như pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, sợ các tỳ-kheo tùy theo Hòa thượng A-xà-lê rút xá-la.’ tỳ-kheo kia hành xá-la kín.
Có vị nghĩ: ‘Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều. Nhưng trong chúng kia có Thượng tọa tiêu biểu cho người trí, trì Pháp, trì Tỳ-ni, trì Ma-di mà lại trụ phi pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, thì các tỳ-kheo tùy thuận theo vị Thượng tọa trong chúng, người tiêu biểu về trí mà trụ phi pháp kia rút xá-la.’ Cho nên Tỳ-kheo nên hành xá-la kín. Hai vế không biết cũng như trên. Nên hành xá-la như vậy.
Từ hai cách, cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi trở lại mắc ba-dật-đề, như trên, trong mục công khai hành xá-la.
c). Thế nào là hành xá-la rỉ tai?
Tỳ-kheo kia nghĩ, như pháp tỳ-kheo nhiều, nhưng Hòa thượng Axà-lê của họ lại nói phi pháp, vị kia nên rỉ tai hành xá-la. Vị Tỳ-kheo kia khởi lên ý nghĩ, việc tranh cãi này tỳ-kheo như pháp nhiều mà vị Thượng tọa trong chúng là người tiêu biểu có trí, trì Pháp, trì Tỳ-ni, trì Ma-di, lại trụ nơi phi pháp, nên tỳ-kheo kia rỉ tai hành xála. Hai vế không biết cũng như trên.
Nên làm hai loại xá-la một loại chẻ, một loại nguyên, tuyên bố. ‘Vị nào nói như vầy thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như vầy thì rút thẻ chẻ.’ Khi hành xá-la nên bố trí ngồi cách khoảng, có thể một người đi chen vào giữa che khuất người kia để rỉ tai, nói: ‘Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức của thầy đã rút xá-la... Lành thay, thầy cũng nên rút xá-la... Từ mẫn cố! Nếu như pháp tỳ-kheo nhiều, tránh sự được chấm dứt thì được công đức nhiều.’
Hành xá-la rồi, qua một bên để kiểm. Từ đây cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
Có mười cách rút xá-la không như pháp: 1. Không hiểu rõ mà bốc xá-la. 2. Không theo đồng bạn tốt mà bốc xá-la. 3. Muốn [919c] khiến cho người phi pháp nhiều mà bốc xá-la. 4. Biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà bốc xá-la. 5. Muốn khiến chúng Tăng bị phá vỡ nên bốc xá-la. 6. Biết chúng Tăng sẽ bị phá vỡ mà bốc xá-la. 7. Phi pháp bốc xá-la. 8. Biệt chúng bốc xá-la. 9. Do một vi phạm nhỏ mà bốc xá-la. 10. Không đứng theo sở kiến mà bốc xá-la.
Thế nào là không hiểu rõ mà rút xá-la?
Đối với tránh sự này không nắm vững, không hiểu rõ, không biết là pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không hiểu rõ mà rút xá-la.
Thế nào là không cùng bạn lành mà rút xá-la?
Không đồng bạn với tỳ-kheo đa văn, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di, pháp hay phi pháp cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không cùng với bạn lành rút xá-la.
Thế nào là khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la?
Tỳ-kheo kia nghĩ: ‘Trong tránh sự này có nhiều tỳ-kheo như pháp. Nay ta nên rút xá-la theo phi pháp, khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều.’ Như vậy gọi là khiến tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la.
Thế nào gọi là biết nhiều tỳ-kheo phi pháp mà rút xá-la?
Tỳ-kheo kia nghĩ: ‘Trong tránh sự này tỳ-kheo phi pháp nhiều. Đồng bạn với phi pháp rút xá-la.’ Như vậy gọi là biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la.
Thế nào gọi là muốn khiến Tăng phá vỡ rút xá-la?
Vị kia khởi ý nghĩ: ‘Tránh sự này tỳ-kheo như pháp nhiều, nay ta rút xá-la theo phe phi pháp khiến cho chúng Tăng bị phá vỡ.’ Như vậy là muốn khiến chúng Tăng phá vỡ mà rút xá-la.
Thế nào gọi là biết Tăng vỡ mà rút xá-la?
Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo phi pháp nhiều, vì bạn bè phi pháp mà rút xá-la, như vậy gọi là biết Tăng sẽ bị vỡ mà rút xá-la.
Thế nào gọi là phi pháp rút xá-la? Bạch nhị, bạch tứ yết-ma mà bạch khác, yết-ma khác. Như vậy gọi là phi pháp rút xá-la.
Thế nào gọi là biệt chúng rút xá-la? Đồng một cương giới, khi yết-ma không tập hợp hết, người đáng chúc thọ không chúc thọ, người hiện tiền đáng ngăn, ngăn. Như vậy gọi là biệt chúng rút xá-la.
Thế nào gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la?
Hoặc nghĩ phạm tội, hoặc không cố phạm, hoặc phát tâm làm như vậy mà rút xá-la. Như thế gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la.
Thế nào là không đúng như sở kiến mà rút xá-la?
Kiến giải khác, nhẫn khả khác mà rút xá-la. Như vậy là không đúng như sở kiến mà rút xá-la.
Đó gọi là mười cách phi pháp rút xá-la. Lại có mười cách như pháp rút xá-la. (Ở đây tức là ngược lại [920a1] mười điều không như pháp rút xá-la trên).[357]
Có năm loại bình đoán nhân:[358] có người thân không làm mà khẩu làm, có người khẩu không làm mà thân làm, có người thân không làm khẩu không làm, có người thân làm khẩu làm, có người không ái không nhuế không bố không si.
Thế nào là người thân không làm mà khẩu làm? Nghĩa là người thân không hiện tướng mà miệng có nói năng sai bảo, đó là người thân không làm mà miệng làm.
Thế nào là người miệng không làm mà thân làm?
Là người thân hiện tướng mà miệng không nói năng sai bảo, đó là người miệng không làm mà thân làm.
Thế nào là người thân không làm, khẩu không làm?
Là người thân không hiện tướng, miệng không nói năng sai bảo, đó là người thân không làm, miệng không làm.
Thế nào là người miệng làm thân làm? Là người thân hiện tướng, miệng nói năng sai bảo, đó là người thân làm miệng làm.
Trong số này, người không ái, không nhuế, không bố, không si, là người bậc nhất hết sức tôn quý. Sữa cho ra lạc, lạc cho ra tô, tô cho ra đề hồ là tối thắng, không có thứ gì so sánh được. Cũng như vậy, người không ái, không nhuế, không bố, không si là rất tôn quý thù thắng không ai so sánh được. Đây là năm hạng người bình đoán.[359]
1. Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Bạch đức Thế Tôn, mích tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?” Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Mích tránh được diệt bằng bốn pháp. Đó là, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni và tội xứ sở.”
2. Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Có trường hợp nào mích tránh được diệt không phải bằng hai pháp tức bất si tỳ-ni và tội xứ sở tỳ-ni hay không?”[360] Đức Phật trả lời:
“Có.”
Tôn giả A-nan lại hỏi: “Đó là trường hợp nào?” Đức Phật dạy:
“Này A-nan, nếu tỳ-kheo không [920b] phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo nói:[361] ‘Thầy có nhớ phạm bala-di, tăng tàn, thâu-lan-giá hay không?’ Vị ấy không nhớ nên trả lời, ‘Tôi không nhớ phạm ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.’ tỳ-kheo kia cố gạn hỏi không thôi. Này, A-nan Tăng nên trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.”
Có ba trường hợp phi pháp trao ức niệm tỳ-ni. Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo kia nói: ‘Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?’ Tỳ-kheo phạm trả lời: ‘Tôi không nhớ phạm. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi.’ Nhưng tỳ-kheo cố gạn hỏi không thôi. Tỳ-kheo phạm đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho tác pháp ức niệm tỳ-ni tức là phi pháp.
Tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các Tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên các tỳ-kheo khác hỏi: ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá không?’ tỳ-kheo phạm trả lời: ‘Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tội nhỏ, sẽ như pháp sám hối. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.’ Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo kia đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni là phi pháp.
Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các Tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội không?’ Người ấy nói: ‘Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tiểu tội, đã như pháp sám hối. Các Trưởng lão đừng đến gạn hỏi tôi mãi.’ Các tỳ-kheo cố nạn hỏi không thôi. Người ấy đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni, tức là phi pháp.
Đó là ba loại trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. Có ba loại trao ức niệm tỳ-ni như pháp (tức ngược lại ba vế trên).[362]
Có năm trường hợp không như pháp trao ức niệm tỳ-ni: không hiện tiền, không tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp, biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao ức niệm tỳ-ni.
Có năm cách như pháp trao ức niệm tỳ-ni: hiện tiền, [920c] tự ngôn, thanh tịnh, pháp, hòa hợp. Đó là năm như pháp trao ức niệm tỳ-ni.
“Này A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, tức là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, không bằng bất si tỳ-ni và tội xứ sở.”
Trong đây, cái gì hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên.
Trong đây, ức niệm tỳ-ni như thế nào?
Tội ấy của tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm. Nếu tỳ-kheo đã như pháp chấm dứt sự tranh cãi rồi, mà sau đó vị nào phát khởi lên trở lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
3. Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, mà không dùng ức niệm tỳ-ni và tội xứ sở hay không?”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Có.”
Tôn giả A-nan thưa: “Trường hợp đó là thế nào?” Đức Phật dạy:
“Trường hợp có tỳ-kheo điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, sau đó bình phục trở lại. Các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, hay không?’ Vị đó không nhớ phạm trọng tội nên trả lời: ‘Tôi không phạm trọng tội, ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Khi ấy tôi bị điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội. Đây chẳng phải là cố ý, mà là do tôi điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.’ Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi, không thôi.
Vị ấy nghĩ: ‘Ta nên làm thế nào?’ Rồi bạch các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật.
Đức Phật dạy:
“Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo này bất si tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.”
Có ba phi pháp trao bất si tỳ-ni:
Tỳ-kheo không si giả làm si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo nói tỳ-kheo ấy phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi: ‘Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?’ Người ấy trả lời: ‘Khi ấy tôi cuồng si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp samôn. Chẳng phải tôi cố ý làm, mà là do cuồng si cho nên làm. Các Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.’ Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo đó đến Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, là phi pháp. (Đây là vế đầu. Kế đến vế thứ hai cũng như trên. Chính người ấy nói, ‘Tôi nhớ nhiều lần phạm tội như người trong mộng làm vậy.’ Kế đến vế thứ ba cũng như trên. Chính người ấy nói, ‘Tôi nhớ nhiều lần phạm các tội, như người từ trên núi cao rớt xuống chỉ nắm được vật nhỏ, tôi cũng như vậy.’).[363] Đó là ba phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có ba như pháp trao bất si tỳ-ni (ngược lại với [921a1] ba vế trên là như pháp).[364]
Có năm phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có năm như pháp trao bất si tỳ-ni như trên.
“Này A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, đó là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, không dùng ức niệm tỳ-ni, tội xứ sở. Trong đây, nghĩa của hiện tiền như trên.”
Thế nào gọi là bất si tỳ-ni?
Tội này của tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm vậy. Tỳ-kheo kia đã như pháp chấm dứt tránh sự, sau đó ai phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
4. Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở, mà không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni không?” Đức Phật dạy: “Có.”
A-nan thưa: “Trường hợp ấy là thế nào?”
Nếu tỳ-kheo ưa luận nghị cùng ngoại đạo,[365] khi bị hỏi gắt thì lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau. Khi ở trong chúng được hỏi, cũng lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau, cố ý nói dối. Này A-nan, Tăng nên trao cho tỳ-kheo này tội xứ sở, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.
Có ba phi pháp trao tội xứ sở tỳ-ni: không tác cử, không tác ức niệm, không tác tự ngôn. Đó gọi là ba.
Lại có ba: không phạm, tội phạm không thể sám, phạm tội đã sám.
Lại có (những nhóm) ba: không tác cử, phi pháp, biệt chúng. Không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng. Không tác tự ngôn, phi pháp, biệt chúng. Không phạm tội, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội không thể sám, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội nhưng đã sám, phi pháp, biệt chúng. Không hiện tiền, phi pháp, biệt chúng. Đó gọi là (những nhóm) ba phi pháp trao tội xứ sở.
Lại có ba như pháp trao tội xứ sở (ngược lại với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra là như pháp vậy).[366] Đó là có ba như pháp trao tội xứ sở.
Có năm phi pháp trao tội xứ sở: Không hiện tiền, không tác tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao tội xứ sở.
(Lại có năm vế như pháp ngược với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra).[367]
Nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy thì đó là tránh sự được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở; không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni. Nghĩa của hiện tiền như trên.
Thế nào là tội xứ sở?
Với tội này, tỳ-kheo kia bị tác cử, bị tác ức niệm.
Tỳ-kheo kia, nếu tránh sự đã như pháp chấm dứt rồi, sau đó phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề, như trên.
1. Tôn giả A-nan lại thưa:
“Phạm tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?
Phật dạy tôn giả A-nan:
“Phạm tránh được [921b] diệt bằng ba: hiện tiền tỳ-ni, tự ngôn trị, thảo phú địa.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng thảo phú địa hay không?” Đức Phật dạy: “Có.” A-nan lại thưa:
“Trường hợp đó là thế nào?” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
Tỳ-kheo phạm tội, nếu muốn đến trước một tỳ-kheo để sám hối thì nên đến chỗ một tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, nói rõ tên tội, nói chủng loại của tội, như sau:
“Trưởng lão nhất tâm niệm, tôi tỳ-kheo tên... phạm... tội, nay đến Trưởng lão để sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì an lạc, không sám hối không an lạc. Tôi nhớ nghĩ có phạm nên phát lồ, biết mà không dám che giấu. Trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh bốtát.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Vị thọ sám nên nói:
“Thầy nên tự trách tâm mình, nên sanh tâm yểm ly.” Trả lời:
“Vâng.”
“Này A-nan, nếu làm như vậy mà việc tranh cãi được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng như thảo phú địa.”
Trong đây, nghĩa của hiện tiền, pháp, tỳ-ni, như trên. Người hiện tiền tức là người thọ sám.
Thế nào gọi là tự mình nói tên tội, nói chủng loại tội?
Tức là sám hối vậy.
Thế nào gọi là trị?
Là ‘Hãy tự trách tâm của ngươi, sanh yểm ly.’ Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề. Trừ thọ dục rồi, ngoài ra như trên.
Nếu muốn đến hai tỳ-kheo sám hối thì nên đến chỗ hai tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay nói tên tội, nói chủng loại tội, tác pháp sám hối như trên.
Vị thọ sám, trước hết nên hỏi vị tỳ-kheo thứ hai rằng: ‘Nếu Trưởng lão cho phép tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo... thì tôi sẽ nhận.’
Vị thứ hai nên nói: “Đồng ý.”
Nếu muốn đối với ba vị tỳ-kheo để sám hối cũng như vậy. Hay muốn sám hối đối với Tăng thì nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên... phạm... tội, nay đến Tăng xin sám hối.”
Thưa xin như vậy ba lần. Vị thọ sám nên tác bạch rồi sau mới nhận sám của vị kia. Văn tác bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo kia tên là... phạm...[921c] tội, nay đến Tăng xin sám hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo... Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy rồi nhận sám. Vị thọ sám nên nói:
“Thầy nên tự trách tâm mình; sanh tâm yểm ly.”
Tỳ-kheo sám hối nên thưa:
“Vâng.”
“Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, chứ không dùng như thảo phú địa.”
Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, cho đến giới, như trên.
Thế nào là tự nói tên tội, nói chúng loại tội? Tức sám hối vậy.
Thế nào là tự trị? là ‘Tự trách tâm ngươi; sanh tâm yểm ly.’ Tránh sự được như pháp diệt rồi, sau đó ai phát khởi lại, thì như trên.
2. Tôn giả A-nan lại thưa:
“Bạch Đại đức, có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và như thảo phú địa chứ không dùng tự ngôn trị hay không?”
Đức Phật dạy: “Có.”
Tôn giả hỏi: “Trường hợp đó thế nào?”
Đức Phật dạy: Trong tránh sự này, trong đó các tỳ-kheo đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Các tỳ-kheo nghĩ:
‘Trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các tỳ-kheo không sống an lạc.’ Này Anan, trong một chúng kia có tỳ-kheo trí tuệ có khả năng, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: “Bạch các Trưởng lão, trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các Tỳ-kheo không sống an lạc. Nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như cỏ che đất đối với tội này.” Chúng thứ hai cũng nói như vậy.
“Này A-nan, các tỳ-kheo kia nên tác bạch pháp sám như cỏ che đất, như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng vì việc tranh cãi này tác pháp sám hối như thảo phú địa. Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy rồi, tác pháp sám hối như thảo phú địa.
“Này A-nan, trong một chúng kia có vị trí tuệ, có khả năng, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, [922a1] đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Thưa các Trưởng lão, nay tôi, trong tránh sự này, nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như thảo phú địa đối với các tội đã phạm, trừ trọng tội, và yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.” Chúng thứ hai cũng nói như vậy.
“Này A-nan, nếu tránh sự do thế mà được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tỳ-ni và như thảo phú địa để chấm dứt, chứ không dùng tự ngôn trị.” Hiện tiền, nghĩa như trên.
Thế nào gọi là thảo phú địa?
Không nói tên tội, tên chủng loại của tội để sám hối.
Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó có ai phát khởi lên lại, cũng như trên.
Tôn giả A-nan lại thưa:
“Sự tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?”
Đức Phật dạy: “Tùy theo tội phạm, bằng tất cả pháp để chấm dứt.
1. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-ba-ly, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật:
“Tác tự ngôn trị, tất cả đều như pháp hết phải không?”
Đức Phật dạy: “Này Ưu-ba-ly, tự ngôn trị không phải tất cả đều như pháp.
“Trong đây, tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho ba-la-di để trị. Này Ưu-ba-ly, đó là tự ngôn trị phi pháp.
“Này Ưu-ba-ly, trong đây tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao cho tội tăng tàn để trị. Này Ưu-ba-ly, như vậy là trao cho tự ngôn trị phi pháp.”
Cho đến, tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Các Tỳ-kheo không tác cử, không tác ức niệm.
Tỳ-kheo kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo trao cho pháp ba-ladi để trị. Như vậy gọi là tự ngôn trị phi pháp.”
“Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Các Tỳ-kheo không tác cử, không tác ức niệm. Tỳ-kheo kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo trao cho pháp tăng tàn để trị. Đó là trao tự ngôn trị phi pháp.” Trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn, tự nói phạm ba-dật-đề, cho đến ác thuyết cũng như vậy.
Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-dật-đề tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy.
Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-đề đề-xá-ni, tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Thâu-lan-giá cho đến ác thuyết cũng như vậy. Đột-kiết-la cho đến ác thuyết cũng [922b] như vậy. Ác thuyết mà tự nói phạm ba-la-di, trở lại đến ác thuyết cũng như vậy.
2. “Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia tác cử, tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho pháp ba-la-di để trị. Đó là tác tự ngôn trị phi pháp.”
Cho đến tự nói phạm ác tác, bảy vế xen nhau làm đầu mối cũng như trên.
“Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị. Như vậy là tự ngôn trị phi pháp.”
Cho đến tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn, tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-la-di để trị. Như vậy là phi pháp trao tự ngôn trị. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn. Tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-dật-đề. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-dật-đề để trị. Tức là phi pháp tự ngôn trị.
Cho đến tự nói phạm ác thuyết xen nhau làm đầu mối cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm, bèn nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị.” Cho đến ác thuyết xen nhau làm thành vế cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn trị phi pháp.”
3. Ưu-ba-ly lại hỏi:
“Thế nào là tự ngôn như pháp trị?” Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền vì vị ấy tác tội ba-la-di để trị. Như vậy là trao tự ngôn như pháp trị.” Cho đến ác thuyết cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho tội ba-la-di để trị. Tức là trao tự ngôn như pháp trị.” Cho đến ác thuyết cũng như vậy.
“Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn như pháp trị.”
4. Bấy giờ, có tỳ-kheo nói với các tỳ-kheo rằng: “Tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.” Tỳ-kheo kia nói:
“Nên biết đúng thời.”
Tỳ-kheo kia rời đi. Ưu-ba-ly kinh hành cách đó không xa nghe, đến chỗ tỳ-kheo kia hỏi:
“Các vị vừa bàn nói việc gì?”
“Vị kia nói, tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.” Ưu-ba-ly hỏi:
“Thầy phạm cùng [922c] người nào?”
“Tôi phạm cùng với vợ cũ.” Ưu-ba-ly hỏi:
“Vợ cũ, ở chỗ nào?”
“Vợ cũ ở tại nước Ưu-thiền.” Ưu-ba-ly hỏi:
“Thầy đến đó à?” “Tôi không đến đó.” Ưu-ba-ly hỏi:
“Người ấy đến đây à?” “Người ấy không đến đây.” Ưu-ba-ly hỏi:
“Vậy, thầy phạm bằng cách nào?”
“Tôi phạm ở trong mộng.” Ưu-ba-ly nói:
“Thôi, đủ rồi! Kể cả tội đột-kiết-la, thầy cũng không phạm.”
[922c7] Thế Tôn ở vườn Ni-câu-luật[369] tại Thích-sí-sấu.[370] Bấy giờ, Ma-ha Ba-xà-ba-đề[371] cùng năm trăm người nữ Xá-di,[372] đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, cúi xin đức Thế Tôn cho phép người nữ được xuất gia hành đạo ở trong pháp của đức Phật.”[373]
Đức Phật dạy:
“Thôi đi, Cù-đàm-di,[374] đừng nói lời ấy nữa. Tôi chưa muốn cho người nữ xuất gia hành đạo. Tại sao vậy? Cù-đàm-di, nếu người nữ xuất gia hành đạo trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho pháp
Phật không lâu dài.”[375]
Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, đến trước Ngài kính lễ sát chân rồi nhiễu quanh, cáo lui.
Rồi Thế Tôn từ Thích-sí-sấu cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử du hành trong nhân gian đến nước Câu-tát-la; từ nước Câutát-la trở về lại tinh xá Kỳ-hoàn nước Xá-vệ.
Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe Phật đang ở tại tinh xá Kỳ-hoàn, bèn cùng năm trăm người nữ Xá-di cạo tóc, mặc áo ca-sa, đến tinh xá Kỳhoàn, nước Xá-vệ, đứng bên ngoài cửa. Vì đi bộ nên chân bà bị lở, bụi đất bẩn cả thân, nước mắt chảy đầm đìa. Tôn giả A-nan thấy vậy, liền ra hỏi Cù-đàm-di:
“Vì sao Dì cùng năm trăm người nữ Xá-di cạo tóc, mặc áo ca-sa, đi bộ, gót chân bị lở, bụi đất dính cả người, đứng nơi đây than khóc thế này?”
Cù-đàm-di trả lời: “Chúng tôi là người nữ không được đức Phật cho phép xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Ngài.” Tôn giả A-nan nói:
“Thôi đừng khóc nữa, tôi vì các Bà đến chỗ đức Phật cầu xin điều này.”
Tôn giả A-nan liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, đức Thế Tôn, nguyện xin cho phép người nữ được xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của đức Phật.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Thôi đi, đừng có ý muốn cho người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật. Vì sao vậy? Nếu người nữ xuất gia thọ đại giới [923a1] trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài.
“Này A-nan, giống như có nhà ông trưởng giả con trai ít, con gái nhiều, thì nhà ông trưởng giả kia sẽ bị suy vi.[376] Cũng như vậy, này A-nan, nếu người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài.
“Lại cũng như ruộng lúa đang tốt mà bị sương móc,[377] tức thời phải hư hoại. Cũng như vậy, này A-nan, nếu cho người nữ xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật, thì sẽ khiến cho Phật pháp không lâu dài ngay.”
Tôn giả A-nan bạch Phật: “Ma-ha Ba-xà-ba-đề đối với Phật có ân lớn. Phật mẫu qua đời, Người đã nuôi dưỡng đức Thế Tôn khôn lớn.” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Cù-đàm-di đối với Ta có ân lớn. Mẹ Ta qua đời, Cù-đàm-di đã nuôi dưỡng Ta, khiến Ta khôn lớn. Ta đối với Ma-ha Ba-xà-ba-đề cũng có ân lớn. Nếu người nào nhờ kẻ khác để biết được Phật Pháp Tăng, thì ân này khó trả; chẳng phải bằng áo mặc, cơm ăn, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men, mà có thể trả được. Ta ra đời cũng lại như vậy; đã khiến cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề biết được Phật Pháp Tăng.”
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Nếu có người nào nhờ kẻ khác mà tin Phật Pháp Tăng thì ân này khó trả, chẳng phải bằng cơm ăn áo mặc, giường nằm ngọa cụ, thuốc men mà có thể trả được. Ta ra đời khiến cho Ma-ha Ba-xàba-đề tin ưa Phật Pháp Tăng cũng lại như vậy.” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Nếu có người nào nhờ kẻ khác được quy y Phật Pháp Tăng, thọ trì năm giới, biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Đạo. Đối với Khổ, Tập, Tận, Đạo không có hồ nghi, đắc quả Tu-đà-hoàn, đoạn các ác thú, quyết định được vào chánh đạo, ra vào bảy phen sanh tử liền hết gốc khổ. Này A-nan, ân đối với người như vậy khó có thể trả được. Chẳng phải bằng cơm ăn, áo mặc, giường nằm ngọa cụ, thuốc men mà có thể trả được. Ta ra đời khiến cho Ma-ha Ba-xà-ba-đề thọ ba quy y, cho đến quyết định được vào chánh đạo cũng như vậy.”
Tôn giả A-nan bạch Phật: “Người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ giới có thể đạt được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán hay chăng?”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan rằng: “Có thể chứng được.” Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Nếu người nữ ở trong Phật pháp xuất gia thọ đại giới mà chứng được quả Tu-đà-hoàn, cho đến A-la-hán, thì cúi xin Phật cho phép người nữ xuất gia thọ đại giới.” Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
“Nay Ta sẽ vì người nữ mà chế tám pháp suốt đời không được vượt qua.[378] Nếu nữ nhân có thể phụng hành tức là thọ giới. Tám pháp ấy là:
“1. Tỳ-kheo-ni tuy một trăm tuổi, nhưng thấy tỳ-kheo mới thọ giới, phải đứng dậy đón chào, lễ bái, trải chỗ mời [923b] ngồi.[379] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“2. Này A-nan, tỳ-kheo-ni không được mạ lỵ, ha trách tỳ-kheo, không được phỉ báng (tỳ-kheo), nói: phá giới, phá kiến, phá oai nghi.[380] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“3. Này A-nan, tỳ-kheo-ni không được tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn đối với tỳ-kheo; không được ngăn người (tỳ-kheo) khác tìm tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ.[381] tỳ-kheo-ni không được quở Tỳ-kheo , mà tỳ-kheo được quyền quở tỳ-kheo-ni. Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“4. Thức xoa-ma-na học giới rồi đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới.[382] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tan thán, trọn đời không được vượt qua.
“5. Tỳ-kheo-ni phạm tội tăng tàn phải ở trước hai bộ Tăng, nửa tháng hành ma-na-đỏa. Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“6. Tỳ-kheo-ni nửa tháng đến Tăng xin cầu giáo thọ.[383] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“7. Tỳ-kheo-ni không được hạ an cư chỗ không có tỳ-kheo.[384] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“8. Tỳ-kheo-ni, Tăng an cư rồi, nên đến trong Tăng tỳ-kheo cầu ba việc tự tứ, kiến-văn-nghi. [385] Pháp này phải được tôn trọng, cung kính, tán thán, trọn đời không được vượt qua.
“Này A-nan, nay Ta nói tám pháp không được vượt qua này, nếu người nữ nào có thể phụng hành tức là thọ giới.
“Thí như có người bắc cầu trên dòng nước lớn để đi qua. Này Anan, cũng như vậy, nay Ta vì người nữ nói tám pháp không được vượt qua này, nếu người nữ nào có thể phụng hành được tức là thọ giới.”
Tôn giả A-nan nghe đức Thế Tôn dạy như vậy rồi liền đến chỗ Maha Ba-xà-ba-đề nói: “Người nữ đã được phép xuất gia thọ đại giới trong giáo pháp của Phật. Đức Thế Tôn vì nữ nhân chế tám pháp không thể vượt qua, nếu người nữ nào có thể phụng hành tức là thọ giới.”
Tôn giả A-nan vì những người nữ nói lại tám pháp như trên. Ma-ha Ba-xà-ba-đề nói: “Nếu đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua này rồi, thì tôi và năm trăm nữ Xá-di sẽ cùng nhau cúi đầu thọ nhận. Thưa tôn giả A-nan, giống như những thiếu niên nam hay nữ, thanh khiết, trang sức đẹp đẽ. Có người tắm rửa xong rồi, đứng trên lầu cao, cầm tràng hoa ưu-bát-la, hoa a-hyvật-đa, tràng hoa chiêm-bà, tràng hoa tô-man-na, [923c] tràng hoa bà-sư[386] trao cho người kia. Người kia liền nhận, và quàng ngay lên đỉnh đầu. Cũng như vậy, này A-nan, đức Thế Tôn vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua, tôi và năm trăm người nữ Xádi sẽ cùng nhau cúi đầu nhận lãnh.”
Tôn giả A-nan liền đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói tám pháp không thể vượt qua. Ma-ha Ba-xà-ba-đề và các bà nghe rồi, đã cúi đầu thọ lãnh. Giống như những thiếu niên nam hay nữ, thanh khiết, trang sức đẹp đẽ. Có người tắm rửa xong rồi, đứng trên lầu cao, cầm tràng hoa ưu-bát-la, hoa a-hy-vật-đa, tràng hoa chiêm-bà, tràng hoa tô-manna, tràng hoa bà-sư trao cho người kia. Người kia liền nhận, và quàng ngay lên đỉnh đầu. Như vậy, này A-nan,[387] Ma-ha Ba-xà-ba-đề và năm trăm người nữ đã được thọ giới.”
Đức Phật bảo tôn giả A-nan: “Nếu người nữ không xuất gia ở trong Phật pháp thì Phật pháp sẽ được lâu dài năm trăm năm.”[388]
Tôn giả A-nan nghe vậy, lòng không vui, ôm sự hối hận, buồn rầu khóc kể, nước mắt dầm dề, đến trước đức Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh, rồi cáo lui.
Bấy giờ, có những người nữ khác muốn thọ giới, tỳ-kheo-ni kia dẫn đến chỗ đức Phật, nửa đường gặp giặc. Giặc toan hủy nhục, trêu ghẹo. Các tỳ-kheo-ni thưa với các tỳ-kheo; các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Từ nay về sau, cho phép tỳ-kheo-ni cho người nữ khác xuất gia thọ đại giới, theo thể thức sau đây:
“Nếu muốn cạo tóc trong chùa tỳ-kheo-ni thì phải bạch Tăng, hoặc thưa từng vị một được biết, sau đó mới cạo tóc. Văn bạch như sau:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... muốn cầu tỳ-kheo-ni... cạo tóc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận vì người tên... cạo tóc. Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy rồi, sau đó mới cạo tóc.
Nếu muốn xuất gia trong chùa tỳ-kheo-ni thì nên bạch Tăng hoặc thưa từng vị một để biết. Văn bạch như sau:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Tỳ-kheo -ni... xuất gia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người tên... xuất gia. Đây là lời tác bạch.”
Nên tác bạch như vậy rồi cho xuất gia. Bạch như vậy cho xuất gia rồi, nên dạy người cầu xuất gia, mặc áo ca-sa, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, hướng dẫn cho họ thưa:
“Thưa A-di![390] Con tên là... quy y Phật, Pháp, Tăng. Nay con theo Phật xuất gia. Hòa thượng hiệu là... Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
“Thưa A-di! Con tên là... đã quy y Phật, Pháp, Tăng rồi. Nay con đã theo [924a1] Phật xuất gia. Hòa thượng hiệu là... Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác là Thế Tôn của con.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy, rồi trao giới.
1. Trọn đời không sát sanh là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
2. Trọn đời không được ăn trộm là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
3. Trọn đời không được dâm dục là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
4. Trọn đời không được nói dối là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
5. Trọn đời không được uống rượu là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
6. Trọn đời không được đeo tràng hoa, thoa hương thơm vào mình là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được .
7. Trọn đời không được ca múa xướng hát, cũng không được cố ý nghe-xem là giới của sa-di-ni. Nếu giữ được thì trả lời là giữ được.
8. Trọn đời không được ngồi nằm trên giường cao rộng lớn là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
9. Trọn đời không được ăn phi thời là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
10. Trọn đời không được cầm nắm sanh tượng, vàng bạc, vật báu là giới của sa-di-ni. Nếu có thể giữ được thì trả lời là giữ được.
Mười giới sa-di-ni như vậy trọn đời thọ trì không được phạm.
Cho phép đồng nữ mười tám tuổi, học giới hai năm, tuổi đủ hai mươi, thọ đại giới trong tỳ-kheo-ni Tăng. Nếu mười tuổi đã từng có chồng, cho hai năm học giới, tuổi đủ mười hai cho thọ giới.[391] Cho thọ hai năm học giới theo thể thức sau[392]:
Sa-di-ni nên đến trong tỳ-kheo-ni Tăng để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Con là sa-di-ni tên... đến xin
Tăng hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Cúi xin Tăng từ mẫn, cho con hai năm học giới.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa xin như vậy. Nên bảo sa-di-ni đến chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Sa-di-ni này tên là... nay đến Tăng xin hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho sadi-ni tên là... này hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch.
“Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Sa-di-ni tên là... này nay đến Tăng xin hai năm học giới, [924b] Hòa thượng ni hiệu là... Nay Tăng trao sa-di-ni tên... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng cho sa-di-ni tên... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.” Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận cho sa-di-ni tên là... hai năm học giới, Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Tiếp theo trao cho sa-di-ni sáu pháp như vầy:
“Này sa-di-ni, hãy lắng nghe! Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác đã nói sáu pháp không được phạm.
1/ Bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Nếu thức-xoa-ma-na nào hành pháp dâm dục, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau là phạm giới, cần phải thọ giới lại.[393] Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được.
2/ Không được trộm cắp, cho đến một cọng cỏ, một lá cây. Nếu thức-xoa-ma-na nào lấy của người năm tiền hoặc hơn năm tiền, hoặc tự mình lấy, hoặc dạy người lấy, hoặc tự mình làm đứt hoặc dạy người làm đứt, hoặc tự mình phá hoặc dạy người phá, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm cho hoại sắc, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Nếu lấy dưới năm tiền thì phạm giới, phải thọ lại.[394] Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được.
3/ Không được cố tâm đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu thức-xoa-ma-na nào cố ý tự tay mình đoạn mạng người, tìm dao trao cho người, bảo chết, khuyên chết, khen chết, hoặc cho người uống thuốc độc, hoặc làm đọa thai, rủa nộp chú thuật, tự mình làm, dạy người làm, thì chẳng phải thức-xoa-ma-na, chẳng phải Thích chủng nữ. Nếu đoạn mạng loài súc sanh không thể biến hóa thì phạm giới, phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được.
4/ Không được nói dối, cho đến nói vui chơi. Nếu thức-xoama-na nào không chân thật, thật sự mình không có mà tự xưng là tôi được pháp thượng nhân, đắc thiền, đắc giải thoát, đắc định, đắc chánh thọ, đắc Tu-đà-hoàn, cho đến Ala-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi, thì không phải là thức-xoa-ma-na, không phải là Thích chủng nữ. Nếu ở trong chúng cố ý nói vọng là phạm giới, phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được.
5/ Không được ăn phi thời. Nếu thức-xoa-ma-na nào ăn phi thời tức là phạm giới phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là [924c] được.
6/ Không được uống rượu. Nếu thức-xoa-ma-na nào uống rượu là phạm giới phải thọ lại. Trong đây, trọn đời không được phạm. Nếu có thể giữ được thì trả lời là được.
Thức-xoa-ma-na nên học tất cả giới của tỳ-kheo-ni, trừ việc trao thức ăn cho tỳ-kheo-ni,[395] tự lấy thức ăn để ăn.[396]
Nên cầu Hòa thượng, với văn cầu thỉnh như sau:
“Đại tỷ nhất tâm niệm! Con tên là... nay cầu A-di làm Hòa thượng, cúi xin A-di vì con làm Hòa thượng. Con nương nơi A-di để được thọ đại giới.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng cầu thỉnh như vậy. Vị Hòa thượng nên trả lời: “Được.”
Thức-xoa-ma-na nào đã có học giới rồi, tuổi đủ hai mươi, hoặc đủ mười hai, nên cho thọ đại giới bằng pháp bạch tứ yết-ma, theo diễn tiến sau đây:
Dẫn người thọ giới đến đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong khi ấy giới sư nên sai một vị giáo thọ, bạch như sau:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... đến Hòa thượng ni hiệu là... cầu thọ đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tỳ-kheo-ni... làm giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.”
Vị giáo thọ nên đến chỗ người thọ giới nói:
“Này cô, đây có phải là an-đà-hội, uất-đa-la-tăng, tăng-giàlê; đây có phải là tăng-yết-chi, phú kiên y; đây có phải là bình bát; đây có phải là y bát của cô không? Cô lắng nghe, nay chính là lúc cần nói đúng sự thật. Nay tôi hỏi cô, có cô nói có, không cô nói không. Cô tên gì? Hòa thượng cô hiệu gì? Cô đã đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát có đủ không? Cha mẹ hoặc phu chủ có cho phép cô không? Cô không mắc nợ của ai chăng? Cô không phải là tôi tớ chăng? Cô có phải là người nữ không? Người nữ có các bệnh hủi trắng, ung thư, can tiêu, điên cuồng, hai căn, hai đường hiệp lại, đại tiểu tiện thường rỉ chảy, đàm dãi thường tiết ra. Cô có các chứng bệnh như vậy không?”
Nếu người thọ giới trả lời đúng cách thì nên nói:
“Như tôi vừa hỏi, chút nữa trong Tăng cũng sẽ hỏi như vậy, cô cũng trả lời đúng như vậy.”
Vị giáo thọ sư hỏi xong, trở lại trong Tăng với oai nghi bình thường, chỗ có thể đưa tay đụng các tỳ-kheo-ni, đứng nơi đó tác bạch:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... để thọ đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã giáo thọ xong, cho phép gọi vào. Đây là lời tác bạch. “
Vị kia nên bảo gọi vào, vào rồi để y bát xuống, dạy kính lễ sát chân tỳ-kheo-ni Tăng, rồi quỳ trước mặt giới sư chấp tay bạch:
“Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Con tên là... theo Hòa thượng ni hiệu... cầu [925a1]thọ đại giới. Nay, con tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Cúi xin chúng Tăng tế độ con. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Khi ấy, giới sư nên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu là... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, cho phép tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.”
Giới sư nói:
“Cô lắng nghe, nay chính là lúc cần nói đúng sự thật. Nay tôi hỏi cô, có thì nói có, không nói không. Cô tên gì? Hòa thượng cô hiệu gì? Cô đã đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát có đủ không? Cha mẹ hoặc phu chủ có cho phép cô không? Cô không phải là người mắc nợ chăng? Cô không phải là tôi tớ? Cô là người nữ phải không? Người nữ có các chứng bệnh hủi trắng, ung thư, can tiêu, điên cuồng, hai căn, hai đường hiệp lại, đại tiểu tiện thường rỉ chảy, đàm dãi thường tiết ra. Cô có các chứng bệnh như vậy không?”
Nếu trả lời đúng cách thì nên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, y bát đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch.
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hoà thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đã đủ hai mươi, y bát có đủ. Nay Tăng trao cho người này tên là... đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho người tên... đại giới, Hòa thượng ni hiệu... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.” Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Người thọ giới cùng tỳ-kheo-ni Tăng đến trong Tăng tỳ-kheo kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu sát đất, chấp tay bạch:
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Con tên là... nay đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Cúi xin Tăng tế độ [925b] con. Từ mẫn cố.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy (giới sư nơi đây cũng hỏi như cách hỏi trên) Hỏi rồi, nên hỏi tiếp:
“Cô đã học giới chưa? Cô có thanh tịnh không?”
Nếu nói đã học giới thanh tịnh thì nên hỏi các tỳ-kheo-ni khác rằng:
“Cô này đã học giới chưa? Có thanh tịnh không?”
Nếu trả lời: ‘Đã học giới và thanh tịnh.’ Thì nên tác bạch liền:
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hòa thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay, người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này tên là... nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đời đã đủ, y bát đã có, đã học giới thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... cầu Hoà thượng ni hiệu... thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Người này tên là... nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đời đã đủ, y bát đã có, đã học giới thanh tịnh. Nay Tăng vì người tên là... này cho thọ đại giới, Hoà thượng ni hiệu... Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni hiệu là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã chấp thuận trao đại giới cho người có tên... Hòa thượng ni tên... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Giới sư gọi:
“Thiện nữ nhân lắng nghe: Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, nói tám pháp ba-la-di, nếu tỳ-kheo-ni phạm thì chẳng phải là tỳ-kheo-ni nữa, chẳng phải là người con gái của dòng họ Thích.
“1. Không được làm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Tỳ-kheo-ni nào làm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng loài súc sanh, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“2. Không được trộm cắp, cho đến cọng cỏ, lá cây. Tỳ-kheo -ni nào lấy của người năm tiền hoặc hơn năm tiền, hoặc tự mình lấy hoặc dạy người khác lấy, hoặc tự làm đứt hoặc bảo người khác làm đứt, hoặc tự phá hoặc bảo người khác phá, hoặc đốt hoặc chôn, hoặc làm hoại sắc, thì chẳng phải tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“3. Không được đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Tỳ-kheo-ni nào tự tay đoạn mạng người, cầm dao đưa cho người, hướng dẫn cách chết, khen sự chết, khuyên cho chết, cho uống thuốc độc, làm đọa thai, nguyền rủa, ếm thư chú thuật, [925c] hoặc tự làm, phương tiện bảo người làm, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ của dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“4. Không được nói dối, cho đến nói giỡn. Tỳ-kheo-ni nào không chân thật, chẳng phải tự mình có mà nói: ‘Tôi đắc pháp thượng nhân, đắc thiền, đắc giải thoát, tam muội chánh thọ, đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi’, thì vị ấy chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“5. Không được hai thân xúc chạm nhau, cho đến cùng với loài súc sanh. Tỳ-kheo-ni nào với tâm nhiễm ô cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau, từ nách trở xuống từ đầu gối trở lên, hoặc xoa hoặc đẩy, vuốt xuôi, vuốt ngược, hoặc kéo, hoặc xô, hoặc bồng lên, hoặc để xuống, hoặc nắm chặt hay lỏng, thì vị ấy không phải Tỳ-kheo -ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“6. Không được phạm tám việc, cho đến cùng với loài súc sanh. Tỳ-kheo-ni nào có tâm nhiễm ô chấp nhận tâm nhiễm ô của nam tử, nhận sự nắm tay, nắm y, đứng nơi chỗ vắng, cùng đứng, nói chuyện nơi chỗ vắng, cùng đi, hai thân kề nhau, cùng hẹn, phạm tám việc này, thì chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải là người nữ dòng họ Thích. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“7. Không nên che giấu trọng tội của người, cho đến độtkiết-la, ác thuyết. Tỳ-kheo-ni nào biết tỳ-kheo-ni phạm bala-di, không tự cử cũng không bạch Tăng, không nói với ai, sau đó vào một thời gian khác tỳ-kheo-ni này thôi tu, hoặc bị diệt tẫn, hoặc bị ngăn không cùng làm Tăng sự, hoặc vào ngoại đạo. Vị ấy nói như vầy: ‘Trước đây tôi biết người này phạm tội như vậy như vậy,’ thì vị ấy chẳng phải Tỳ-kheo -ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích, vì che giấu trong tội của người khác vậy. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“8. Không được nói theo tỳ-kheo bị cử, cho đến sa-di. Tỳ-kheo -ni nào biết tỳ-kheo bị Tăng cử tội như pháp, như tỳni, như lời Phật dạy, phạm oai nghi chưa sám hối, không tác pháp cộng trú, mà tùy thuận theo tỳ-kheo kia, cùng nói chuyện. Các tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni này rằng: ‘Đại tỷ, tỳ-kheo kia bị Tăng cử tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, phạm oai nghi chưa sám hối, [926a1] không tác pháp cộng trú, cô đừng tùy thuận theo tỳ-kheo kia, cùng nói chuyện.’ Khi các tỳ-kheo-ni can gián tỳ-kheo-ni này kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni nên can gián cho đến ba lần để bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián bỏ thì tốt, không bỏ thì vị này không phải tỳ-kheo-ni, không phải người nữ dòng thọ Thích vì đã tùy thuận kẻ bị cử. Trong đây, trọn đời không được phạm. Cô có thể giữ được không? Trả lời: Được.
“Này Thiện nữ nhân, hãy lắng nghe! Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác nói pháp tứ y. Tỳ-kheo-ni y nơi đây xuất gia thọ đại giới. Đó là pháp của tỳ-kheo-ni:
“1. Y nơi áo phấn tảo xuất gia thọ đại giới là pháp của Tỳ-kheo -ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không?” Trả lời là: Được.
“Nếu được của lợi đàn-việt cúng y cắt rọc may thành thì nên nhận.”
“2. Y nơi khất thực xuất gia thọ đại giới là pháp của Tỳ-kheo -ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không?” Trả lời là: Được.
“Nếu được của lợi hoặc Tăng sai thọ thực, hay đàn-việt dâng thức ăn vào những ngày chay, mồng tám, mười lăm, mồng một, hoặc thường thực của chúng Tăng, hay đàn-việt mời thì nên nhận.”
“3. Y nơi dưới gốc cây để ngồi, xuất gia thọ đại giới là pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không? Trả lời là: Được.
“Nếu được của lợi người cho phòng riêng, nhà có nóc nhọn, phòng nhỏ, hang đá, hai phòng có một cửa thông thì không nên nhận.”
“4. Y nơi hủ lạn dược, xuất gia thọ đại giới, là pháp của Tỳ-kheo -ni. Trong đây, trọn đời cô có thể giữ được không? Trả lời là: Được.
“Nếu được của lợi như tô, dầu, sanh tô, mật, thạch mật thì nên nhận.”
“Cô đã thọ giới rồi. Bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu, đúng cách. Hòa thượng như pháp. A-xà-lê như pháp. Hai bộ Tăng đầy đủ. Cô nên khéo thọ giáo pháp, nên siêng năng giáo hóa, làm việc phước đức, tu bổ tháp, cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Hòa thượng A-xà-lê dạy bảo những điều như pháp, cô không được chống trái. Nên học vấn tụng kinh, cố gắng cầu phương tiện ở trong Phật Pháp để đạt được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-lahán, thì sơ tâm xuất gia của cô mới không bị uổng phí... Những gì chưa biết cô nên hỏi Hoà thượng A-xà-lê.” Khi giải tán, bảo người thọ giới đi trước.
Bấy giờ, những người thọ giới bằng bạch tứ yết-ma nêu[398] lên với các tỳ-kheo-ni Xá-di Câu-lê rằng:
“Đức Thế Tôn có nói như vầy, ‘Thọ đại giới phải bạch tứ yết-ma.’ Chúng tôi đắc giới, còn các bà không đắc giới.”
Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề [926b] nghe vậy, trong lòng hoài nghi, bèn bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề và các tỳ-kheo-ni Xá-di cũng đều đắc giới.”
Bấy giờ, có người đứng cầu xin giới. Cư sĩ bạch y thấy nói: ‘Cô ấy đứng ở đây là muốn chờ đàn ông đấy.’ Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không được đứng cầu xin giới. Nên quỳ thẳng gối để xin giới.”
Có người ngồi xổm[399] để xin giới nên bị té, lộ hình, hổ thẹn, không thể xin giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo-ni khác nên thay thế để bạch.”
Các tỳ-kheo-ni Xá-di Câu-lê dẫn người muốn thọ đại giới đến Tăng-già-lam. Trên đường đi gặp cướp, hủy phạm tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép nhờ người thay thế đến thọ giới. Cho phép nhờ một Tỳ-kheo -ni thanh tịnh không có chướng nạn. Tăng bạch nhị yết-ma để sai.”[400]
Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên là... làm sứ giả vì tỳ-kheo-ni tên... đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới. Đây là lời tác bạch.
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo-ni tên... làm sứ giả, vì tỳ-kheo-ni tên... đến Tăng tỳ-kheo cầu thọ đại giới. Các đại tỷ nào đồng ý, Tăng sai tỳ-kheo-ni tên... làm sứ giả, vì tỳ-kheo-ni... đến trong Tăng tỳ-kheo cầu thọ đại giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã đồng ý sai tỳ-kheo-ni... làm sứ giả rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Trường hợp nếu đi một mình không bảo đảm thì nên sai hai, ba Tỳ-kheo -ni cùng đi. Tỳ-kheo-ni sứ giả nên đến trong Tăng tỳ-kheo, kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người nữ tên là... theo Tỳ-kheo -ni hiệu...[401] cầu thọ đại giới. Nay người nữ kia tên..., từ Tăng xin cầu thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu...[402] Cúi xin Tăng từ mẫn cứu vớt.”[403] Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Tăng tỳ-kheo nên hỏi “Người nữ kia tên gì? Hòa thượng ni là vị nào? Đã học giới chưa? Có thanh tịnh không?” Nếu trả lời: “Đã học giới thanh tịnh rồi”, thì nên hỏi tỳ-kheo-ni bạn rằng:
“Vị ấy đã học giới thanh tịnh chưa?” Nếu trả lời “đã học giới và thanh tịnh”, trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! (Tỳ-kheo-ni)[404] tên là... này, theo [926c] (Hòa thượng ni) hiệu... thọ đại giới. Nay vị này tên là... từ Tăng xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Vị này tên là... đã học giới thanh tịnh, tuổi đã đủ, y bát có. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng cho người có tên... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... Đây là lời tác bạch.
“Đại đức Tăng, xin lắng nghe ! Người này tên là... theo Tỳ-kheo -ni hiệu... cầu thọ đại giới. Nay người này tên là... đến Tăng tỳ-kheo xin thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... vị này tên là... nói là thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đã đủ, y bát có, đã học giới thanh tịnh. Nay Tăng cho vị này tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... các Trưởng lão nào chấp thuận cho vị này tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.”
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã đồng ý cho người tên là... thọ đại giới, Hòa thượng ni hiệu... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Vị sứ giả kia trở về lại trong chùa của tỳ-kheo-ni, nói:
“Đại tỷ, cô thọ đại giới rồi.”[405]
Đức Thế Tôn cho phép nhờ người thọ đại giới. Vị kia chỉ có chút ít nhan sắc cũng nhờ người thọ giới. Đức Phật dạy:
“Người nữ có chút ít nhan sắc không nên nhờ người thọ đại giới.”
Có vị trao đại giới cho người thường rỉ máu,[407] bẩn cả thân, cả y, cả ngọa cụ.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người thường rỉ máu.”
Đức Thế Tôn dạy không nên trao đại giới cho người nữ thường rỉ máu.
Có vị liền trao đại giới cho người không có nguyệt kỳ. Người thọ giới kia buông lung tình dục. Các tỳ-kheo bạch Phật.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người không có nguyệt kỳ (thủy).” Có vị trao đại giới cho người nữ không có vú.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người không có vú.” Có vị trao đại giới cho người chỉ có một vú.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người nữ chỉ có một vú.” Có vị trao đại giới cho người hai đường bị lở lói.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người hai đường bị lở lói.” Có vị trao đại giới cho người hai đường bị lở thối. Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người hai đường bị lở thối.” Có vị trao đại giới cho người hai căn.
Đức Phật dạy:
“Không nên trao đại giới cho người hai căn.”[408]
1. Bấy giờ, các tỳ-kheo tụ hợp lại một chỗ, cùng nhau tụng pháp tỳni. Các tỳ-kheo-ni khởi lên ý nghĩ: Chúng ta có nên tụng pháp tỳ-ni hay không?
Đức Phật dạy: “Nên tụng.”
Các vị không biết thọ trì giữa ai để tụng. Đức Phật dạy: “Nên thọ trì giữa tỳ-kheo để tụng.”
Các tỳ-kheo nghĩ: “Chúng ta được phép cùng [927a1] tỳ-kheo-ni tụng các câu kệ hay chăng?”[409]
Đức Phật dạy: “Cho phép tụng.”
Tỳ-kheo ngồi ngay trước mặt dạy học tụng, ni hổ thẹn. Phật dạy:
“Nên trải chỗ ngồi ở sau lưng tỳ-kheo mà học tụng. Hoặc dùng một trong mười thứ y làm màn ngăn để học tụng.”
2. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni vì nhân duyên nhỏ mọn nổi giận hờn, bất mãn, bèn xả Phật Pháp Tăng và nói:
“Đâu phải chỉ có sa-môn Thích tử mới có thể tu phạm hạnh, các samôn, bà-la-môn khác cũng có. Nay tôi cũng có thể đến đó để tu phạm hạnh.”[410]
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu tỳ-kheo-ni khi nổi giận mà nói xả giới, không thành xả giới.”
3. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni làm việc mê hoặc và dạy người làm.[411] Đức Phật dạy:
“Không được như vậy.”
4. Nhóm sáu tỳ-kheo tác yết-ma chống nhóm sáu tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo -ni kia tùy thuận ngôn giáo, không dám trái nghịch, xin giải yết-ma. Các tỳ-kheo ấy không chịu giải. Các cư sĩ thấy nói: “Tại vì các cô không chìu ý nên mới làm như vậy.” Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo không nên tác yết-ma đối với tỳ-kheo-ni.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni tác yết-ma trao cho tỳ-kheo-ni. Phật nói:
“Cho phép, tỳ-kheo-ni tác yết-ma trao cho tỳ-kheo-ni. Nếu tỳ-kheoni không biết thì cho phép đến bên tỳ-kheo tụng yết-ma cho, rồi sau đó tác yết-ma.”[412]
5. Khi ấy có tỳ-kheo muốn thôi tu, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề biết mà sợ không dám đến can ngăn vì đức Thế Tôn có dạy: “Tỳ-kheo -ni không được ha trách tỳ-kheo.”
Khi ấy tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Phải chăng tất cả các trường hợp tỳ-kheo-ni không được ha trách tỳ-kheo?”
Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni nhất thiết không được ha trách tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni không được mắng tỳ-kheo, không được ha trách tỳ-kheo, không được phỉ báng tỳ-kheo. Nếu tỳ-kheo phá giới phá kiến phá oai nghi, cũng không nên ha trách như vậy. Nhưng này Cù-đàm-di, nếu nhằm mục đích giúp tỳ-kheo trì tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng trí, học vấn tụng kinh; vì những việc như vậy thì nên làm.”
6. Các tỳ-kheo-ni tóc đã dài. Đức Phật dạy:
“Cho phép nhờ cạo, hay tự cạo.”
Bấy giờ, có người thợ cạo trẻ tuổi cạo tóc cho tỳ-kheo-ni trẻ tuổi. Khi tiếp xúc với làn da mịn màng, dục ý khởi, thợ cạo muốn phạm đến tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni lớn tiếng kêu la: “Đừng làm vậy! Đừng làm vậy!” Tỳ-kheo-ni khác nghe, hỏi:
“Sao cô lớn tiếng kêu la, đừng làm vậy, đừng làm vậy?”
Cô ấy trình bày lại đầy đủ mọi việc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Khi cạo tóc cần phải [927b] có bạn. Biết người có dục ý thì không nên nhờ họ cạo.”
Có cô nhờ đàn ông hớt lông mũi, đức Phật dạy:
“Không được nhờ đàn ông hớt lông mũi.” Cô kia nhờ đàn ông cắt móng tay. Đức Phật dạy:
“Không được nhờ đàn ông cắt móng tay.”
7. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni đang ở trong nhà bạch y. Có tỳ-kheo đến khất thực. Tỳ-kheo-ni kia không dám nói, tại sao vậy? Sợ tỳ-kheo nói là tỳ-kheo-ni giáo hóa để có thức ăn.[413] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép nói để chủ nhà biết, chứ không nên khen ngợi.” Tỳ-kheo-ni đang ở trong nhà bạch y. Có tỳ-kheo đến, cô không đứng dậy.[414] Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Nên đứng dậy. Nếu tỳ-kheo-ni hành nhất tọa thực, hoặc không ăn lại dù tác pháp dư thực, hoặc bệnh, hoặc ăn đủ rồi, thì cho phép nói, “Thưa Đại đức, tôi có nhân duyên như vậy, nên không đứng dậy được.’”
Có tỳ-kheo-ni, tại nhà bạch y, không xin phép tỳ-kheo mà tự tiện ngồi.[415] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni, tại nhà bạch y không được ngồi mà không xin phép tỳ-kheo.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo sáng sớm khoác y, bưng bát, đến nhà bạch y. Trong nhà này có tỳ-kheo-ni thường đến giáo hóa. Tỳ-kheo -ni thấy tỳ-kheo đến, liền đứng dậy thưa hỏi:
“Thưa Đại đức, tôi được phép ngồi không?”
Tỳ-kheo nói: “Đừng ngồi.”
Tỳ-kheo-ni kia đã quen sung sướng, không đứng lâu nổi, nên bị té xuống và bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nên xem chừng người phía trước, nếu ngồi được thì ngồi.
8. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo cùng đi chung một tuyến đường. Hoặc đi trước, hoặc vừa nói vừa đi, hoặc khi đi trước khi đi sau, hoặc lật ngược y, hoặc quấn cổ, hoặc phủ đầu, hoặc choàng hai vai, hoặc mang dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không được như vậy. Nên trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đi sau tỳ-kheo.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni có việc Phật Pháp Tăng, hoặc có tỳ-kheo-ni bệnh cần sự chăm sóc, mà không dám đi trước tỳ-kheo. Đức Phật dạy:
“Cho phép bạch tỳ-kheo rồi mới đi.”
Có vị bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, cẩn thận không dám không thưa để đi (trước tỳ-kheo). Đức Phật dạy:
“Nếu có các nạn sự như vậy, thưa hỏi hay không thưa hỏi vẫn được phép đi.”
Có tỳ-kheo-ni trên đường đi thấy tỳ-kheo mà không tránh đường. Đức Phật dạy:
“Nên tránh đường,”
Có tỳ-kheo-ni trên đường đi thấy tỳ-kheo bèn tránh đường. Trời mưa, cô trượt chân té xuống đất, mắc bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Có nhân duyên như vậy, tỳ-kheo-ni [927c] nên nghiêng mình một chút, chắp tay thưa: ‘Đại đức thứ lỗi cho, vì đường hẹp.’”
9. Bấy giờ, có đàn-việt thỉnh hai bộ Tăng. Mời tỳ-kheo-ni ăn trước, tỳ-kheo ăn sau, bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không nên mời Tăng tỳ-kheo-ni ăn trước mà nên mời Tăng Tỳ-kheo dùng trước rồi sau đó mới mời tỳ-kheo-ni Tăng.
Có đàn-việt mời hai bộ Tăng, nghĩ như vầy: “Đức Phật có dạy nên mời Tăng tỳ-kheo trước rồi sau đó mới mời Tăng tỳ-kheo-ni.” Người ấy mời Tăng tỳ-kheo ăn xong thì quá ngọ, bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu thì giờ gần quá ngọ thì nên mời một lượt.”
Có cư sĩ mời Tăng tỳ-kheo-ni sáng sớm thọ thực. Nửa đêm, cư sĩ chuẩn bị các thức ăn ngon bổ xong, sáng ngày đến mời. Các Tỳ-kheo -ni khoác y, bưng bát, đến nhà kia. Các vị hỏi nhau về tuổi tác để ngồi theo thứ tự, nên quá ngọ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Nếu gần quá ngọ, cho phép tám tỳ-kheo-ni thượng tọa theo thứ tự ngồi, còn bao nhiêu vị khác thì tùy tiện cứ ngồi.”
10. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni đến trong Tăng-già-lam của tỳ-kheo, đức Phật cho phép cho họ chỗ ngồi. Tỳ-kheo-ni có nguyệt thủy, rỉ chảy bẩn nệm, giường dây, giường cây, ngọa cụ, rồi đứng dậy đi về. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên ngồi trên nệm, giường dây, giường cây.”
Trường hợp đến trong Tăng-già-lam cầu giáo thọ, hoặc thọ thỉnh, hoặc nghe pháp, không có chỗ ngồi. Đức Phật dạy:
“Cho phép ngồi trên đá, trên ngói, trên gạch, trên đầu cây, trên cỏ, trên lá, trên bục đất cứng.”
Tỳ-kheo-ni không đủ sức chịu khó khổ nên sanh bệnh. Đức Phật dạy:
“Nên nói với tỳ-kheo-ni rằng, nếu họ có thể giữ gìn tốt tọa cụ thì nên cho ngồi.”[416]
11. [928a7] Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Các tỳ-kheoni thọ thực rồi, thức ăn còn dư, các vị liền nghĩ, “Thức ăn còn dư này của chúng ta có được phép cho tỳ-kheo hay không?” Đức Phật dạy:
“Được phép cho.”
Các vị lại nghĩ, “Chúng ta có được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo hay không?” Đức Phật dạy:
“Được phép trao.”
“Thức ăn cách đêm của chúng ta, trao cho tỳ-kheo có được tịnh hay không?” Đức Phật dạy:
“Được tịnh.”
Bấy giờ, các tỳ-kheo thọ thực rồi, còn thức ăn dư, suy nghĩ, “Thức ăn này của chúng ta được phép cho tỳ-kheo-ni hay không?” Đức Phật dạy:
“Được phép cho.”
“Được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo-ni hay không?” Đức Phật dạy:
“Được phép trao.”
Bấy giờ, có thức ăn cách đêm; các tỳ-kheo nghĩ, “Đem cho Tỳ-kheo -ni, có được tịnh hay không?” Đức Phật dạy:
“Được tịnh.”
12. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni ở nơi a-luyện-nhã, sau đó tại a-luyện-nhã có sự việc xảy ra.[417] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên ở nơi a-luyện-nhã.”[418]
Tỳ-kheo-ni sống trong nhà bạch y,[419] thấy phu chủ của người, cùng vợ hôn hít, âu yếm, sờ mó nơi thân thể, bóp vú. Tỳ-kheo-ni niên thiếu thấy vậy sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép, vì tỳ-kheo-ni làm trú xứ riêng biệt.”
Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật, dạy người kỹ thuật.[420] Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật.” Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt bán rượu.[421] Đức Phật dạy:
“Không nên ở trú xứ riêng biệt bán rượu.”
Có tỳ-kheo-ni nọ cho dâm nữ ở trong trú xứ. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
13. Có vị cất chứa hương hoa, đồ trang sức.[422] Đức Phật dạy:
“Không nên làm như vậy.”
14. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni đứng nơi đường hẻm, ngã tư, đường cái, trong chợ, đứng bên các đống rác. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, chê trách mắng nói:
“Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không có tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, [928b] mà đứng những chỗ như vậy, giống như dâm nữ, có gì là chánh pháp?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên đứng những chỗ như vậy.”
15. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng răng thú,[423] xương xoa chà thân cho tươi sáng.[424] Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng bột mịn xoa chà thân cho tươi sáng.[425] Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị xoa chà lông nơi thân cho nó quắn lại. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị cắt lông nơi thân. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có tỳ-kheo-ni nọ lấy y quấn nơi eo lưng, muốn làm thon đẹp.[426] Đức
Phật dạy: “Không được làm như vậy.”
Có tỳ-kheo-ni nọ mặc y phục của người nữ. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có tỳ-kheo-ni nọ mặc y phục đàn ông. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy. Cho phép tỳ-kheo-ni khoác y của Tỳ-kheo -ni.”
Có tỳ-kheo-ni dùng nhiều y quấn nơi ngực[427] cho lớn ra. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị quấn y không kỹ, khiến cho hở hang. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị thắt tai con chim nơi đầu sợi dây lưng. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị làm sợi dây lưng bằng mạn-đà-la. Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị cất chứa dây lưng tì-lâu.[428] Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị cất chứa dây lưng sa.[429] Đức Phật dạy:
“Không được làm như vậy.”
Có vị dùng chỉ rời làm dây lưng để buộc. Đức Phật dạy:
“Cho phép tỳ-kheo-ni bện hay dệt thành dây lưng quấn quanh lưng một vòng. Nếu dệt tròn thì cho phép hai vòng.”
16. Tỳ-kheo-ni đến chỗ có người nữ tắm.[430] Khi tắm, tặc nữ, dâm nữ nói với tỳ-kheo-ni rằng:
“Các cô tuổi còn nhỏ, nách mới mọc lông, làm sao tu phạm hạnh được? Nay cô phải kịp thời hành dục lạc, đừng để sau này hối hận, khi già rồi hãy tu phạm hạnh. Như vậy cả hai đều không mất.” Khi ấy tỳ-kheo-ni niên thiếu nghe bèn sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên tắm ở chỗ của người nữ.”
Tỳ-kheo-ni khi tắm chỗ gần bạch y nam tử. Các cư sĩ thấy cơ hiềm:
“Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại tắm bên cạnh bạch y nam tử, như tặc nữ, dâm nữ không khác?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không được tắm bên bạch y nam tử.”
Bấy giờ, có người phụ nữ, chồng đi vắng, gian dâm với người khác, có thai. Người ấy tự phá thai rồi, đến nói với vị tỳ-kheo-ni thường giáo hóa rằng: “Chồng con đi vắng. Con có thai với người khác. [928c] Con đã phá thai. Cô có thể đem vất giùm cho?”
Cô ni trả lời: “Được.”
Tỳ-kheo-ni kia liền đựng nó trong một bát, đậy kín, lấy một bát khác úp lên, rồi bỏ vào đãy, đem ra ngoài đường để vất.
Bấy giờ, có trưởng giả Xá-vệ thường phát nguyện: Nếu không cúng dường cho người xuất gia trước thì ta không ăn. Cốt yếu là cúng dường trước rồi sau đó mới ăn. Sáng sớm trưởng giả có việc cần đến nơi khác, liền sai người đi, nói:
“Ngươi ra ngoài ngã tư hay nơi đường hẻm thấy có người xuất gia mời về đây.”
Người được sai vâng lời, ra ngoài đường tìm. Thấy tỳ-kheo-ni, vội thưa:
“Thưa A-di, mời A-di vô đây có người cúng thức ăn.” Tỳ-kheo-ni nói:
“Thôi! Thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.”
Người kia nói: “Không được. Cô phải vô để tôi cúng thức ăn.” Tỳ-kheo-ni nói:
“Thôi! Thôi! khỏi phải cúng.”
Người kia cưỡng bức dẫn tỳ-kheo-ni vào trong nhà. Vào nhà xong, nói:
“Sư cô đưa bát đây, con xin được bỏ bát.” Tỳ-kheo-ni kia nói:
“Thôi! Thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.”
“Cô đưa bát đây, tôi sẽ cúng thức ăn cho.”
Cô ni kia cũng lại nói: “Khỏi phải cúng.”
Người ấy liền cưỡng đoạt lấy bình bát. Thấy trong bát có cái bào thai mới bị phá.
Trưởng giả thấy vậy, rồi liền cơ hiềm:
“Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tự mình phá thai rồi đem bỏ như dâm nữ tặc nữ không khác.” Các tỳ-kheo-ni bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Nhà bạch y có người chết, tỳ-kheo-ni không nên đem đi bỏ giùm.[431] Nếu tỳ-kheo-ni ở trong thôn thấy tỳ-kheo khất thực, nên mở bát ra để tỳ-kheo xem.” [432]
17. Bấy giờ, có bạch y bệnh đến trú xứ của tỳ-kheo-ni nhờ chăm sóc. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép tìm cách đuổi đi. Nếu người ấy là kẻ tin ưa tán thán Phật Pháp Tăng thì tỳ-kheo-ni theo khả năng của mình nhờ người chăm sóc.”
Sau đó người kia qua đời. Các tỳ-kheo-ni e ngại không dám đem chôn. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép vì làm sạch trú xứ nên đem chôn.”
Bấy giờ, nơi biên quốc của vua Ba-tư-nặc, nhân dân làm phản loạn. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni du hành nhân gian, đến nơi có sự nghi ngờ khủng bố. Các người làm phản thấy, bèn nghĩ, ‘Các tỳ-kheo-ni này được vua Ba-tư-nặc kính ái. Chúng ta chớ nên đùa giỡn.’ Các cư sĩ thấy cơ hiềm:
“Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Sao lại du hành nhân gian nơi nghi có sự khủng bố, giống [929a1] như tặc nữ, dâm nữ không khác?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên du hành trong nhân gian ở vùng biên quốc, nơi có sự nghi ngờ.”[433]
18. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni có trú xứ nơi a-lan-nhã, tỳ-kheo có trú xứ nơi tụ lạc, muốn cùng trao đổi bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép trao đổi.”
Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni có trú xứ a-lan-nhã; cư sĩ có trú xứ nơi tụ lạc. Muốn cùng trao đổi. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Cho phép, sai tịnh nhân trao đổi.”
Bấy giờ, có hai cư sĩ tranh nhau về trú xứ. Một trong hai cư sĩ đem cúng cho tỳ-kheo-ni Tăng. Tỳ-kheo-ni Tăng liền nhận. Cư sĩ kia cơ hiềm nói: “Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Nhận nhiều mà không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Trú xứ đang bị tranh chấp nhau, một người đem cúng, sao lại nhận? Người thí tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết tri túc chứ!”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Trú xứ đang tranh chấp, không nên nhận.”
Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, trong vườn vua có trú xứ tỳ-kheo-ni, muốn hạ an cư nơi đó, nhưng e ngại không dám, vì đức Thế Tôn có dạy: “Tỳ-kheo-ni không được ở nơi a-lan-nhã. Song trú xứ của tỳ-kheo-ni trong vườn vua thì kiên cố.[434] Không biết thế nào?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Trừ trú xứ tỳ-kheo-ni trong vườn vua, ngoài ra các chỗ a-lan-nhã khác thì không nên ở.”
19. Có tỳ-kheo-ni không đến chỗ giáo thọ. Bạch Phật. Đức Phật dạy: “Phải đến.”[435]
Có tỳ-kheo-ni có việc Phật Pháp Tăng, hoặc đang chăm sóc Tỳ-kheo -ni bệnh. Bạch Phật. Phật dạy: “Cho phép dữ dục.”
20. Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di mắng, đánh tỳ-kheo-ni. Hoặc nhổ nước bọt, hoặc ném hoa, tạt nước, nói lời thô tục, nói lời dối trá, nói lời dụ dỗ.
Mắng: là như nói, ‘Cầu cho âm đạo của cô bị hư nát, lở lói, để cho con lừa nó giao.’
Đánh: là dùng tay, dùng gậy dùng đá để đánh.
Nói thô tục: như nói hai đường tốt xấu.
Nói dối trá: như nói, ‘Nếu đàn ông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm thoa vào mình, lấy lược chải tóc, đeo tràng hoa, chuỗi anh lạc trang điểm thân, cầm lọng bằng lông chim công, không có gì đẹp hơn những việc này. Hoặc nói về người nữ cũng như vậy.
Khuyến dụ: như nói, ‘Này Đại tỷ, cô hãy còn nhỏ, mới mọc lông nách, tại sao cô phải làm như vậy? Cô phải kịp thời, đừng tu phạm hạnh nữa, mà hưởng ngũ dục lạc đã. Khi nào tuổi về già sẽ tu phạm hạnh.’
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni niên thiếu sanh tâm yểm ly, không ưa Phật Pháp. [929b] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đàdi rằng: ‘Tại sao thầy đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói lừa dối khuyến dụ?’
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Bấy giờ, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách Ca-lưu-đà-di: ‘Sao ngươi mạ nhục đánh mắng Tỳ-kheo -ni, cho đến dùng lời nói hư dối khuyến dụ?’
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp không kính lễ đối với Ca-lưuđà-di, bằng pháp bạch nhị yết-ma.”
Tác pháp như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh chửi tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tác yết-ma không kính lễ đối với Ca-lưu-đà-di. Đây là lời tác bạch.
“Đại Tỷ Tăng xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nay Tăng làm pháp yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào chấp thuận, Tăng tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đàdi thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã chấp thuận tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đàdi rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng cầu giải yết-ma không kính lễ. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nếu tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng, không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Tỳ-kheo-ni Tăng nên giải bằng pháp bạch nhị yết-ma.” Giải như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận Tỳ-kheo -ni Tăng không dám trái nghịch, nay đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải yết-ma không kính lễ. Đây là lời tác bạch.
“Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni
Tăng tác yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nay Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào đồng ý, Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ [929c] thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
“Tăng đã đồng ý vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.”
21. Nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với nhóm sáu Tỳ-kheo -ni ở chung, lại cùng nhau đùa giỡn, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Cho phép ngăn cản.” Các tỳ-kheo-ni bèn ngăn hết không cho ai vào trú xứ tỳ-kheo-ni. Đức Phật dạy: “Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn chỗ nào náo loạn.
Nếu cả trú xứ đều bị náo loạn thì ngăn hết.”
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trú xứ Tăng tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo ở chung, lại cùng nhau đùa giỡn, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, bạch Phật. Đức Phật cho phép ngăn. Các vị lại ngăn tất cả, đức Phật dạy:
“Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn những nơi nào náo loạn. Nếu cả trú xứ đều náo loạn thì mới ngăn hết.”
Sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với sa-dini, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng ở chung, lại cùng nhau đùa giỡn, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni ngồi thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Nên kêu đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên tác yết-ma bất kính lễ đối với Hòa thượng
A-xà-lê của sa-di kia.”
Sa-di-ni, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trong chùa cùng với sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo cùng ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, làm náo loạn các tỳ-kheo tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: “Nên kêu họ đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên vì Hòa thượng, A-xà-lê của sa-di-ni kia, tác yết-ma xả giáo thọ.”[436]
22. Bấy giờ, cách trú xứ của tỳ-kheo-ni không xa có một lạch nước chảy. Tỳ-kheo-ni hứng lấy dòng nước ngược, cảm thấy khoái lạc, nghi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không phạm ba-la-di mà phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni không nên hứng lấy dòng nước ngược như vậy.”
Tỳ-kheo-ni Nan-đà đến dưới cây hoa, chỗ đi kinh hành, có tên cướp dẫn đi dâm lộng. Cô ni có sự nghi, đem nhân duyên ấy bạch Phật. Đức Phật hỏi:
“Này Nan-đà, cô có cảm thấy khoái lạc không?” Nan-đà thưa: “Giống như sắt nóng áp vào thân.” Đức Phật dạy:
“Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên một mình đến chỗ kinh hành như vậy.”
23. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc[437] kinh hành nơi a-lan-nhã. Tỳ-kheo-ni [930a1] này nhan sắc xinh đẹp, có Bà-la-môn niên thiếu thấy, sinh luyến ái cô ni, liền nắm tay muốn xúc phạm, tỳ-kheo-ni nói:
“Buông tôi ra. Tôi sẽ đến chỗ đó. Chàng ta thả tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc ra và đến chỗ đó. Vừa đến nơi, cô ni liền dùng phấn uế bôi nơi mình. Bà-la-môn nổi giận, lấy đá đánh vào đầu, khiến hai con mắt lòi ra. Lúc ấy Liên Hoa Sắc không nhớ mình có thần thông. Sau đó mới biết, liền dùng sức thần túc bay đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói:
“Tỳ-kheo-ni này có tín, hai con mắt sẽ trở lại như cũ.”
Đức Phật nói xong, tức thì hai con mắt cô ni liền trở lại như cũ. Tỳ-kheo -ni này sanh lòng nghi, đức Phật dạy:
“Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên đến chỗ a-lan-nhã như vậy.”
24. Tỳ-kheo-ni phá giới, có thai. Đang ngồi đại tiểu tiện trên cầu xí treo[438] thì bị trụy thai, rơi xuống hầm xí. Người dọn vệ sinh thấy, cơ hiềm, mạ nhục, nói:
“Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Đọa thai nơi hố xí, như tặc nữ, dâm nữ không khác.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên đại tiểu tiện trên cầu xí treo.”
Tỳ-kheo-ni kia nghi, không dám đại tiểu tiện trên nước. Đức Phật dạy: “Được phép.”
25. Tỳ-kheo-ni ngồi kiết già, huyết bất tịnh tiết ra bẩn gót chân.[439] Khi đi khất thực trùng bám nơi chân. Các cư sĩ thấy chê cười. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo-ni không nên ngồi kiết già.”
Có vị nghi,[440] không dám ngồi bán già. Đức Phật dạy:
“Cho phép ngồi bán già.”
26. Đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni nhìn vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói:
“Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tại sao nhìn vào trong nhà người ta qua lỗ hổng giống như tặc nữ, dâm nữ vậy?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: “Tỳ-kheo-ni không nên dòm vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng như vậy.”
27. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, A-nan cùng với năm trăm vị đại Tăng tỳ-kheo đều ở Ma-kiệt-đề[441] du hành trong nhân gian. Tôn giả A-nan có sáu mươi người đệ tử, tuổi đều còn nhỏ nên muốn xả giới hoàn tục. Tôn giả A-nan khi đến thành Vương-xá, trưởng lão Ma-ha Ca-diếp từ xa thấy A-nan đến, nói:
“Chúng này muốn thối thất. Ông con nít, không tri túc.”[442]
A-nan nói: “Bạch Đại đức,[443] [930b] đầu con đã hiện tóc bạc. Sao vẫn không tránh khỏi bị Ngài Ca-diếp kêu là con nít?” Ca Diếp trả lời:
“Ông cùng tỳ-kheo niên thiếu đều không khéo đóng kín các căn; ăn không biết tri túc; đầu đêm, cuối đêm không chịu siêng tu, đi rảo khắp mọi nhà, ăn uổng cơm. Chúng của ông sẽ thối thất. Ông là Tỳ-kheo con nít,[444] không tri túc.”
Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nghe câu nói ấy nổi giận, không vui, nói:
“Ma-ha Ca-diếp vốn là ngoại đạo, sao dám mắng A-nan[445] là con nít, khiến cho A-nan không vui?”
Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan:
“Ông hãy xem, tỳ-kheo-ni này sân hận mắng tôi như vậy đó. Này A-nan, chỉ trừ đức Thế Tôn, tôi không nhớ ngoài Phật pháp ra tôi còn tôn thờ ai khác.”[446] A-nan nói tiếp:
“Bạch Đại đức, con xin sám hối sự vô tri của người nữ.”
Ma-ha Ca-diếp nói ba lần như vậy. A-nan cũng ba lần nói sám hối như vậy.
Đêm vừa qua khỏi, sáng sớm Ma-ha Ca-diếp khoác y, bưng bát, đến thành Vương-xá khất thực. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà thấy, bèn thoá mạ.[447] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-lan-nanđà rằng:
“Sao lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?” tỳ-kheo-ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật do nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà rằng:
“Sao cô lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?”
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các tỳ-kheo:
“Cho phép tỳ-kheo gọi tỳ-kheo-ni đến khiển trách trị phạt. Nếu một tỳ-kheo gọi một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Một tỳ-kheo gọi hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hay Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.
Hai tỳ-kheo gọi một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Hai tỳ-kheo gọi hai tỳ-kheo-ni, hoặc ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.
Ba tỳ-kheo gọi một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Ba tỳ-kheo gọi hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.
Tăng gọi một tỳ-kheo-ni thì phải đến, không đến sẽ như pháp trị. Tăng gọi hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.”
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe nói như vậy, họ nói như vầy:
[930c] “Chúng ta muốn gọi tỳ-kheo-ni thì họ liền phải đến, muốn bảo họ làm gì thì họ phải làm, tại sao vậy? Vì Thế Tôn có dạy: Một tỳ-kheo gọi một tỳ-kheo-ni thì phải đến, không đến sẽ như pháp trị. Cho đến Tăng cũng như vậy.”
Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
“Nên nhận xét đối tượng, không nên đến thì đừng đến.”
[930c7] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ có khách tỳ-kheo không hỏi cựu tỳ-kheo mà vào trong phòng trống, rắn từ trên rớt xuống, bèn la lớn: ‘Rắn! Rắn!’ tỳ-kheo ở phòng bên cạnh nghe hỏi: “Cái gì mà la lớn vậy?”
Vị kia nói rõ nhân duyên. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tỳ-kheo khách, rồi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khách:
“Ngươi làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Trước khi vào phòng trống, sao không nói cho cựu tỳ-kheo biết, để cho rắn từ trên rớt xuống, rồi la lớn, ‘Rắn! Rắn!’ là sao?”
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: “Từ nay về sau, Ta quy định chế pháp khách tỳ-kheo cho tỳ-kheo khách. Tỳ-kheo khách nên tùy thuận theo pháp khách tỳ-kheo.”[449] Phải tùy thuận như vầy: Nếu khách tỳ-kheo muốn vào trong chùa, nên biết có tháp Phật, tháp Thanh văn, hay Thượng tọa, thì nên cởi dép xách nơi tay.
Có vị không đập giũ dép, nên khi xách làm bẩn tay. Đức Phật dạy:
“Không nên không đập giũ mà xách. Nên đập giũ.”
Đức Thế Tôn bảo đập giũ, vị kia đem đập giũ nơi gốc cây. Thọ thần hiềm trách. Đức Phật dạy:
“Không nên đập dép nơi gốc cây. Nên đập nơi hòn đá, hoặc nơi đầu khúc cây, hoặc nơi bờ rào, hay hai chiếc đập với nhau.”
Vị khách đến cửa, nên lấy tay đẩy cánh cửa ra. Cửa nếu có then khóa, thì nên mở. Nếu mở không được thì nên gõ thong thả khiến cho người bên trong nghe. Nếu họ không nghe thì nên gõ mạnh. Nếu không mở được thì nên giao y bát cho tỳ-kheo thứ hai cầm, rồi đến nơi tường rào tìm chỗ trèo vào bên trong để mở cửa.
Vị kia đi bên tả của tháp, vị thần bảo hộ tháp giận. Đức Phật dạy:
“Không nên đi bên tả, [931a1] mà nên đi bên hữu của tháp.”
Vị khách tỳ-kheo đến trong chùa phải máng y nơi trụ cột, móc ngà voi, hay giá của y. Hoặc để y bát bên khe nước, nơi cây, nơi cục đá, hay trên cỏ, rồi đến chỗ rửa chân. Nếu không có nước thì hỏi, chỗ nào có nước. Tùy theo vị kia nói chỗ nào có nước thì đến đó để lấy.
Nên hỏi: “Nước có trùng hay không?”
Nếu nói có trùng, mà loại trùng lớn thì làm chao động nước để nó tránh đi, rồi lấy bình múc.
Vị kia không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm.
Đức Phật dạy:
“Không nên không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Cho phép lấy hai cánh tay ôm ngang bụng của bình hay lấy chéo y xâu qua quai bình.”
Vị kia đến chỗ có nước, nên rửa tay cho sạch, và lấy đầy nước để rửa chân. Vị kia dùng tay rửa chân nhúng vào nước, tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy:
“Không nên làm như vậy. Nên lấy một tay tạt nước, một tay rửa chân.”
Vị kia rửa chân bên hữu trước, bên tả sau. Đức Phật dạy:
“Nên rửa chân bên tả trước, rửa chân bên hữu sau.”
Vị ấy không lau dép mà mang nên làm bẩn y. Đức Phật dạy:
“Không nên không lau dép mà mang. Phải lau rồi mới mang.” Vị kia không đợi chân khô, mang dép vào nên bị hư mục. Phật dạy: “Không nên làm như vậy! Phải đợi chân khô nước rồi mới mang dép.”
Khách tỳ-kheo nên hỏi: “Tôi có chừng ấy tuổi hạ. Có phòng dành cho tôi không?”
Vị tri khách nên trả lời: “Có.”
Vị khách hỏi: “Phòng này có người nào ở hay chưa?” Nếu nói không có người ở thì nên hỏi: “Có ngọa cụ hay không?” Nếu nói có thì nên hỏi: “Có chăn hay không có chăn?” Nếu nói có thì nên hỏi:
“Có lợi dưỡng hay không?” Nếu nói có lợi dưỡng thì nên hỏi:
“Có đồ dùng hay không?” Nếu nói có thì hỏi:
“Có y của phòng hay không?” Nếu nói có thì hỏi:
“Có phước nhiêu[450] hay không?”
Nếu nói có, mà cần lấy thì nên nói: “Tôi muốn lấy.”
Vị kia đến phòng, nên đẩy cánh cửa ra. Nếu có then khoá, thì nên mở. Vị kia mở cửa rồi tay nên cầm hai má cửa, thò đầu vào trong phòng xem coi có rắn, có độc trùng hay không? Nếu có thì đuổi nó ra chứ đừng để.
Vị kia khi vào trong phòng rồi thì nên trải giường nệm, ngọa cụ, gối, chăn chiên trải trên đất. Nếu trải trên gỗ, trên ván, hay trên đất thì nên biết rõ mặt trong, mặt ngoài. Quét sạch phòng. Dọn rác và đất. Trước hết nên tìm chỗ nào bỏ được thì bỏ. Nếu lượm được kim, chỉ dao con, hoặc đồ hư cũ, cho đến một viên thuốc, nên để vào một chỗ, nếu có chủ biết, họ sẽ đến lấy.
Vị kia nên lau quét những nơi như khe cửa, cây trụ, móc ngà voi, [931b] giá máng y. Nếu vách bị lở hư, hoặc hang chuột, nên trét thì trét. Nếu nền đất không bằng phẳng thì nên dùng bùn đất tu bổ cho bằng, rưới nước cho sạch.
Lấy đồ trải dưới đất, đập giũ phơi khô rồi đem vào phòng. Trước đây trải không tốt thì nên trải lại. Nếu trước đã trải tốt thì trải lại như cũ. Đem đồ kê giường ra lau chùi cho sạch, rồi đem vào. Quét giường cho sạch, đập giũ, rồi đem vào trong phòng, để lên trên đồ kê. Lấy ngọa cụ, gối, chăn chiên đập giũ cho sạch, trải lên trên giường dây.
Y thường mặc, y không thường mặc, vị kia để chung một chỗ. Khi lấy y thường để mặc, nhầm lẫn với các y khác. Đức Phật dạy:
“Y thường mặc nên để riêng một chỗ.”
Vị kia dùng cái đãy đựng bát, đãy đựng dép, ống đựng kim chỉ, đồ đựng dầu, để chung chỗ. Các tỳ-kheo khác gớm. Đức Phật dạy: “Không nên để chung như vậy. Mỗi thứ nên để chỗ riêng.”
Trước khi vào phòng, nên coi khung cửa cao hay thấp rồi hãy đóng. Khi ra khỏi phòng nên xem coi bốn phía vách có đất bụi hay không. Nếu có đất bụi, nên dội nước quét dọn, rồi mới đi. Nên lấy cái ghế rửa sạch. Nên chuẩn bị đủ bình nước sạch, bình rửa, đồ đựng nước uống.
Nên hỏi: Chỗ nào là chỗ đại tiện? Chỗ nào là chỗ tiểu tiện? Chỗ nào là tịnh địa? Chỗ nào bất tịnh địa? Tháp Phật là tháp nào? Tháp nào là tháp Thanh văn? Phòng nào là phòng đệ nhất Thượng tọa? Phòng nào là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa? Vị kia nên kính lễ tháp của Phật trước, rồi lễ tháp của Thanh văn, bốn Thượng tọa tùy theo thứ tự mà kính lễ.
Vị kia nắm cẳng chân mà lễ. Không nên nắm cẳng chân mà lễ. Có vị nắm đầu gối mà lễ. Không nên nắm đầu gối kính lễ. Có vị lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm đầu, dùng y phủ cả hai vai, mang dép mà hành lễ.
Đức Phật dạy: “Những kiểu như trên không nên làm.”
Từ nay về sau, quy định, để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, đầu gối bên hữu chấm đất, nắm hai gót chân, nói như vầy:
“Thưa Đại đức, con xin kính lễ.”
Bốn vị Thượng tọa tư duy trong phòng, nên tùy theo cấp bực mà kính lễ.
Vị kia nên hỏi: Chỗ nào là chỗ đại thực, tiểu thực của chúng Tăng? Chỗ nhóm họp, chỗ thuyết giới ở đâu? Vị nào được Tăng sai đi thọ thực? Đàn-việt có dâng thức ăn vào ngày mồng một, mồng tám, mười lăm[451] không? Đàn-việt có thỉnh theo thứ tự [452] đến chỗ nào thọ thực không?
Lại hỏi: Ngày mai có đàn-việt nào mời chúng Tăng thọ đại thực hay tiểu thực không? Có đàn-việt nào bị Tăng tác pháp phúc bát[453] không? Nhà nào là học gia?[454] Chỗ nào có chó dữ? Chỗ nào là có người tốt? Chỗ nào là có người xấu?
“Từ nay về sau, Ta quy định phép tắc cho khách tỳ-kheo. Khách Tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận nên như pháp trị.”
“Từ nay về sau [931c] Ta quy định phép tắc cho cựu tỳ-kheo.[455] Cựu tỳ-kheo phải tùy thuận.” Phải tùy thuận như vầy:
Cựu tỳ-kheo nghe có khách tỳ-kheo đến, nên ra ngoài nghinh đón, rước y bát, rồi đem để hoặc có nhà tắm, trên gác, hoặc chỗ đi kinh hành.[456] Mời khách tỳ-kheo ngồi. Đưa nước rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân. Xách giùm dép để phía bên trái, đừng để dính bùn bẩn. Nếu dính bùn bẩn, nên dời đến chỗ khác.
Vị kia vì khách tỳ-kheo rửa chân rồi, nên thu dọn đồ rửa chân để lại chỗ cũ, và nên hỏi: “Trưởng lão có uống nước không?”
Nếu nói cần uống nước thì vị kia nên đem bình lấy nước. Vị kia không rửa tay mà cầm bình, các tỳ-kheo gớm. Nên hai tay ôm bình, hay lấy chéo y móc vào cái quai. Đến chỗ múc nước, rửa tay cho sạch. Nếu là nước ao, nước dòng, thì nên lấy tay khỏa bỏ nước trên mặt, múc nước sạch ở dưới.
Vị kia gánh nước giữa trưa, nước bị nóng. Đức Phật dạy: “Nên lấy cỏ hay lá cây phủ lên trên rồi gánh đi.” Vị kia không rửa sạch lá bằng nước. Đức Phật bảo nên rửa sạch.
Vị kia uống rồi không rửa tách, mời người uống. Mời tỳ-kheo, Tỳ-kheo gớm. Phật dạy: “Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.” Vị kia vừa đưa nước vừa nói, nước miếng văng vào trong nước. Đức Phật dạy: “Không nên vừa bưng nước vừa nói như vậy.” Nếu cần nói, nên quay mặt đi mà nói.
Vị kia không rửa đồ mà đem cất. Các tỳ-kheo thấy gớm. Phật dạy:
“Không nên như vậy.”
Vị kia nên hỏi: “Đại đức Trưởng lão bao nhiêu tuổi?”
Nếu khách tỳ-kheo nói: “Tôi chừng ấy tuổi”, thì nên theo đó mà chỉ dẫn:
Thầy nghỉ phòng này. Đây là giường dây, giường cây, nệm, gối, chăn chiên, đồ trải dưới đất. Đây là ống nhổ. Đây là đồ tiểu tiện, đây là chỗ đại tiện. Đây là chỗ tiểu tiện, đây là tịnh xứ, đây là bất tịnh xứ, đây là tháp Phật. Đây là tháp Thanh văn. Đây là phòng của đệ nhất Thượng tọa. Đây là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa. Đây là chỗ đại thực tiểu thực của chúng Tăng. Đây là chỗ ban đêm họp. Đây là chỗ bố-tát, Tăng sai thọ thực. Cho đến, chỗ nào đàn-việt nào thỉnh Tăng thọ đại thực tiểu thực vào sáng mai; nhà nào Tăng tác pháp phúc bát, nhà nào là học gia, nhà nào có chó dữ, chỗ nào tốt, chỗ nào xấu.
“Nay ta vì cựu tỳ-kheo quy định phép tắc. Cựu tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì nên như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá.
Bấy giờ tại Xá-vệ có bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo, rất nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, nên dùng [932a1] cỏ sắc bén lau chùi, thương tổn thân thể, sanh ghẻ, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường. Các tỳ-kheo hỏi: “Trưởng lão có bệnh gì?” Vị kia nói rõ nhân duyên.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách bà-la-môn xuất gia làm Tỳ-kheo rằng: ‘Tại sao lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, dùng cỏ sắc bén để lau chùi, làm thương tổn thân thể, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?’ Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem việc này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo kia rằng:
“Ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp samôn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo, sao ngươi lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của mình, dùng cỏ sắc bén chùi, gây tổn thương thân thể, chảy máu mủ bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?”
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo: “Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo quy định pháp đến nhà xí. Các Tỳ-kheo nên tùy thuận pháp này.” Nên tùy thuận như vầy:
Không nên nín lâu đại tiểu tiện. Khi đi nên cầm cỏ để chùi.
Có vị là Hạ tọa đi trước Thượng tọa, hoặc vừa nói vừa đi, hoặc đi trước hoặc đi sau, lật ngược y, hoặc quấn y nơi cổ, hoặc lấy trùm đầu, hoặc mang dép. Đức Phật dạy: “Không được như vậy.”
Nếu đi trước thì được phép đi trước. Đến bên ngoài nhà xí, nên búng tay hay tằng hắng để cho có người hay phi nhân biết. Đến nhà xí, chỉ mặc áo lót bên trong. Y máng nơi trục cây, cọc ngà voi, giá móc y, hoặc bên bờ nước, cỏ cây, đá, có cỏ thì để y nơi đó. Nếu sợ mưa ướt thì nên để chỗ không mưa. Nếu bị mưa, gió tạt ướt y thì cho phép cầm y nơi tay theo chiều dọc, đừng để vướng nơi hố xí. Đặt gót chân vững chắc hai bên. Trước khi lên hố xí, nên xem có rắn, rít, bò cạp... Nếu có thì đuổi ra.
Có vị chưa ngồi xong, vén y lên lộ hình. Đức Phật dạy:
“Không nên làm như vậy. Nên vừa ngồi xổm vừa từ từ vén y.”
Ngồi xổm xong, nên xem kỹ lại, đừng để bàn chân trước gần hai bên, khiến đại tiểu tiện hay khạc nhổ bẩn lỗ xí.
Có vị rặn lớn tiếng, khiến các tỳ-kheo nghe cảm thấy gớm. Đức
Phật dạy: “Không nên rặn như vậy.”
Có vị, khi đại tiện bất ngờ phát ra tiếng, nghi có tội. Phật dạy:
“Không phạm.”
Có vị, khi ở trong hố xí nhăm dương chi,[457] hoặc ngủ, hay nhập định. Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy.”
Có vị nghi, không [932b] dám trên nước trong hố xí, đại tiểu tiện. Đức Phật dạy:
“Không phạm.”
Có vị không dùng cỏ để chùi mà đứng dậy bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy:
“Nên dùng cỏ để chùi, sau đó mới đứng dậy.” Đức Thế Tôn dạy tiếp:
“Cho phép dùng cỏ để chùi.”
Có vị dùng cỏ quá dài để chùi. Đức Phật dạy:
“Không nên dùng cỏ quá dài. Dài nhất là một gang tay mà thôi.”
Có vị dùng cỏ xoa-kỳ-xí,[458] lá cây tạp, vỏ khô, cục phân bò để chùi. Đức Phật dạy:
“Không nên dùng như vậy.”
Có vị dùng cỏ ngắn quá để chùi nên bẩn tay. Phật dạy:
“Không nên dùng cỏ quá ngắn như vậy. Ngắn lắm là phải dài bằng bốn ngón tay.”
Có vị dùng cỏ không đập giũ, nơi cỏ dính phân. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy: “Không nên dùng như vậy.”
Có vị để thứ cỏ dùng rồi và chưa dùng chung một chỗ, khi lấy bị bẩn tay. Phật dạy: “Nên để riêng.”
Có vị vừa chùi xong liền đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy: “Không nên đứng dậy gấp như vậy. Nên đứng dậy từ từ và hạ y xuống.”
Khi đến chỗ tẩy tịnh, nên búng ngón tay, khiến cho người hoặc phi nhân biết. Đến chỗ tẩy tịnh phải xem coi nếu có rắn, rít, độc trùng nên đuổi nó ra.
Có vị vén y trước sau đó mới ngồi, bị lộ hình. Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy.”
Có vị rửa trong đồ chứa nước. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.”
Có vị dùng nước rửa, khua động có tiếng, tỳ-kheo khác nghe gớm.
Đức Phật dạy: “Không nên như vậy.” Có vị dùng hết nước. Đức Phật dạy:
“Không nên dùng hết như vậy. Phải để lại ít nhất vừa đủ một người rửa.”
Có vị rửa rồi không đứng lui, đứng ngay trên nước, bẩn y bẩn thân. Đức Phật dạy:
“Không nên đứng như vậy. Nên đứng cách chỗ nước. Lấy tay, hoặc lá, hay đồ cũ chùi. Nếu tay bị thối nên rửa. Nếu dùng đất bủn, tro, bùn, phân bò để rửa mà vẫn thối thì nên mài trên đá, hoặc vách tường, hay bột tháo đậu để rửa.”
Có vị không xổ y xuống mà đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy. Nên từ từ hạ y xuống rồi mới đứng dậy.” Có vị thấy đồ đựng nước rửa hết nước mà không múc nước đổ vào. Phật dạy:
“Không nên không múc nước đổ vào.”
Có vị trước nhà xí thọ kinh, tụng kinh, kinh hành, may y, trở ngại sự đại tiểu tiện của các tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy: “Không nên làm như vậy.”
Có vị ở bên hố xí tụng kinh, thọ kinh, kinh hành, may y. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy: “Không nên làm như vậy.”
Có vị thấy trên hố xí có rác rưới mà không dọn dẹp. Đức Phật dạy:
“Thấy rác rưới nên dọn dẹp. Nay ta vì các tỳ-kheo quy định pháp đại tiểu tiện. Các tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một tỳ-kheo khất thực, tuổi còn nhỏ, [932c] không hiểu biết, không xem hình tướng của cửa ngõ, vội bước vào trong nhà có người nữ đang ngủ.[459] Người nữ kia lộ hình, đang nằm ngửa ngủ, vật không sạch tiết ra nơi nữ căn. Tỳ-kheo thấy, hổ thẹn, sợ hoảng liền bỏ chạy trở ra lại. Tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng từ ngoài về nhà, thấy vợ mình lộ hình nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, liền khởi lên ý nghĩ: “Vợ ta nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, mà Tỳ-kheo kia từ trong nhà gấp gáp chạy ra, chắc là đã phạm đến vợ ta.” Ông liền đuổi theo tỳ-kheo và hỏi: “Ông phạm vợ tôi rồi chạy phải không?” Tỳ-kheo kia nói:
“Cư sĩ đừng nói lời như vậy. Tôi không hề làm chuyện ấy.” Cư sĩ nói:
“Ông từ trong nhà tôi đi ra, tại sao nói không làm chuyện ấy?” Cư sĩ liền đánh tỳ-kheo đến gần chết.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo khất thực kia: “Tỳ-kheo khất thực, tuổi trẻ không biết gì. Sao không để ý hình tướng cửa ngõ, lại vào trong nhà người, có nữ nhân đang ngủ?”
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ với đức Phật. Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khất thực:
“Ông làm điều phi pháp, phá oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này tỳ-kheo khất thực, tuổi nhỏ không biết gì, sao không xem xét tướng cửa ngõ, vào trong nhà người, có nữ nhân đang ngủ?” Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo khất thực chế định phép tắc khất thực.”
Tỳ-kheo nên tùy thuận như vầy:
Nếu tỳ-kheo khất thực, vào thôn khất thực, thì sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay dở y lên, một tay kéo lấy, trương y ra, đập giũ, xem coi đừng để rắn rít ở trong ấy. Sau đó mới khoác vào, buộc dây lưng. Tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng, cũng trương ra đập giũ rồi khoác. Xếp tăng-già-lê đội lên đầu, hoặc phủ trên vai. Rửa sạch bát để vào trong đãy; hoặc dùng khăn tay gói, hay để trong đãy đựng bát. Cất áo lót, rửa chân, cất dép, chăn chiên. Lấy guốc dép đi đường.
Tỳ-kheo nên cầm then cửa đi ra khỏi phòng, đóng cửa lại, xô thử, nếu không chắc thì đóng lại. Nếu chắc, thì buộc dây phía trong, rồi nhìn xung quanh, không có người thì giấu cái móc khóa. Nếu có người thấy thì cầm đi, rồi tìm chỗ chắc chắn để cất.
[933a1] Trên đường đi, thường tư duy thiện pháp. Gặp người nên hỏi chào: ‘Thiện lai!’ Nếu gần đến tụ lạc, thì tạm đứng qua một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ, sau đó mới mặc. Bên cạnh thôn, nếu có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ thuyền, thì cởi guốc dép đi đường gởi nơi đó.
Khi vào xóm, nên xem xét tình hình ngõ hẻm, nơi chỗ trống, nơi nhóm chợ, nơi cổng chợ, hình tướng của xóm làng. Khi vào nhà bạch y thì nên để ý hình tướng của cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy.
Có tỳ-kheo khất thực, vào trong nhà người, gió thổi y tuột khỏi vai. Vị kia sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy: “Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ mà phải quay vào vách.” Có tỳ-kheo khất thực, tay bên hữu bưng bát, tay bên tả nắm cây gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy. Nên bưng bát tay bên tả, còn tay bên hữu nắm gậy.”
Có tỳ-kheo khất thực đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh đường. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh?” Các tỳ-kheo bạch Phật.
Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo khất thực không nên đứng giữa đường.” Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, có vị lại đứng chỗ vắng.
Đức Phật dạy: “Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.”
Có tỳ-kheo khất thực đến nhà người, chủ nhà đem thức ăn ra, liền vội bước đến trước để nhận. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Bước tới vội vã để nhận thức ăn, giống như chết đói?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo khất thực không nên nhận thức ăn như vậy. Hoặc có người nữ, người bệnh, người có thai, người bồng con, hoặc trời mưa, hoặc người ấy hai tay cầm đồ vật, hoặc đất bị bùn nước, nên gọi tỳ-kheo đến, tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận.
Đức Phật dạy: “Nếu họ gọi thì nên đến để nhận.”
Có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm khô, bột bánh, thịt, cá để chung một chỗ. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:
“Không nên để chung lại một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một cái bát thì nên dùng lá cây hay vỏ cây hoặc lá mía ngăn ra. Hoặc dùng bát kế hay bát nhỏ để đựng. Bột bánh thì nên lấy khăn tay gói lại.” Có tỳ-kheo khất thực đến nơi đại gia khất thực. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không biết yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. [933b] Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến đại gia khất thực, tợ như lúc mất mùa đói kém?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Không nên lựa đại gia (nhà giàu) mà khất thực. Nên theo thứ tự mà xin. Không được lựa chọn như vậy.”
Có tỳ-kheo khất thực, nài nỉ xin cho được mới đi. Các cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người cưỡng ép xin cho được mới đi, giống như lúc cơm gạo khan hiếm?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: “Không nên làm như vậy. Nếu biết sẽ được, thì nên đợi.”
Tỳ-kheo khi quay về, nên để ý cửa thứ nhất, cho đến tướng của đống rác. Ra khỏi thôn, đến lấy đôi guốc đi đường để mang. Để bình bát bên đường, xếp tăng-già-lê, vắt lên vai hoặc đội trên đầu. Khi đi đường nên tư duy thiện pháp. Nếu gặp người nên nói: ‘Thiện lai!’ để chào hỏi.
Tỳ-kheo khất thực kia, đối với chỗ thường ngồi để ăn, nên đến quét cho sạch, rưới nước, đồ đựng nước, đồ đựng thức ăn thừa, ghế ngồi, hòn đá rửa chân, vật chùi chân, khăn lau đâu vào đó. Thấy Tỳ-kheo khất thực khác đến nên đứng dậy ra ngoài đón rước, bưng bình bát, để vào chỗ để bát, hay treo lên, lấy y trương ra xem, đừng để đất bụi, bùn, chim làm bẩn. Nếu có bẩn cần lau thì phải lau, cần vuốt thì vuốt, cần đập giũ thì đập giũ, cần giặt thì giặt; giặt rồi vắt nước phơi khô để trên giường dây, giường cây.
Vị kia nên mời tỳ-kheo khất thực ngồi, đưa đồ đựng nước, đưa nước, đưa đá rửa chân, khăn lau chân, lấy guốc dép để bên tả, đừng để chỗ bùn bẩn, nước văng. Nếu có nước văng nên dời đến chỗ khác.
Vị kia vì tỳ-kheo khất thực rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, các vật hoàn lại chỗ cũ. Nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch rồi trao nước cho tỳ-kheo khất thực, kế đó trao thức ăn cho họ.
Khi vị ấy ăn nên cung cấp các thứ cần dùng. Nếu có nước sữa đông, nước sữa trong, giấm, hoặc muối hay rau thì nên trao cho vị ấy. Nếu trời nóng thì nên quạt, cần nước nên đưa nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng ăn.
Tỳ-kheo khất thực ăn rồi nên lấy bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, còn thừa thức ăn nên cho người, hoặc phi nhân, hoặc đổ chỗ đất không có cỏ, hay chỗ nước không trùng. Rửa đồ đựng thức ăn dư, để lại chỗ cũ. Nên để ghế ngồi, ghế rửa chân, đồ đựng nước, các vật trở lại chỗ cũ, quét dọn chỗ ngồi ăn cho sạch.
Có vị dùng bát đựng thức ăn dơ bị loại bỏ. Tỳ-kheo khác thấy thảy đều [933c] gớm. Đức Phật dạy:
“Không nên dùng bát để loại bỏ đồ dơ. Nên dùng cái mâm để rửa hay lau quét. Bình bát thì để cho thanh khiết thọ trì.”
Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo khất thực cùng ăn chung một chỗ. Có con chó có chửa, thấy đồ ăn muốn ăn mà ăn không được, vì đói nên thai bị trụy. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
“Khi ăn, nếu có người hay phi nhân, nên cho ăn. Cho đến dù chỉ một vắt cơm. Nay ta vì tỳ-kheo khất thực qui định pháp thức nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì sẽ như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá.
Bấy giờ có tỳ-kheo a-lan-nhã, lười biếng, không sở hữu bất cứ một thứ gì, không có đồ đựng nước, không có vật rửa chân, cũng không để lại thức ăn dư. Cách trú xứ không xa, có một số đông bọn cướp đang đi ngang qua đây. Một người trong bọn nói với các người khác rằng: “Thường pháp của sa-môn Thích tử là có đồ đựng nước, đồ rửa chân. Cũng có thức ăn dư. Chúng ta hãy đến đó, nếu được thức ăn thì cùng ăn.” Bọn giặc đến hỏi:
“Ông có nước không?”
“Không.”
“Có đồ rửa chân không?”
“Không.”
“Có thức ăn dư không?”
“Không.”
Bọn giặc nói: “Ông ở tại chỗ a-lan-nhã mà không có nước, không có đồ rửa chân, không còn thức ăn hay sao?”
Bọn giặc liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo a-lan-nhã rằng: “Thầy biếng nhác. Tại sao ở chỗ alan-nhã mà không có nước, không có đồ đựng nước, không có thức ăn dư?”
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật vì nhân duyên tập hợp Tăng tỳ-kheo ha trách tỳ-kheo a-lannhã kia:
“Ngươi làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao nhác nhớm, ở chỗ a-lan-nhã mà không có đồ đựng nước, cho đến không có thức ăn dư?”
Dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo a-lan-nhã rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp chế, tỳ-kheo a-lan-nhã phải tùy thuận.”
Nên tùy thuận như vầy: “Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã vào xóm khất thực,[460] sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay đỡ y, một tay kéo y, lấy y trương ra và đập giũ, xem coi, đừng để có rắn, trùng, rồi mới mặc, cột dây lưng. Lấy tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ xem, xếp [934a1] tăng-già-lê đội lên đầu hay vắt trên vai, rửa bình bát cho sạch, bỏ vào trong đãy, hay dùng khăn tay gói lại. Nếu đãy của bình bát đầy rồi. Cất áo lót, rửa chân. Cất guốc dép, chăn chiên. Lấy guốc đi đường, gậy phá sương móc.
Tỳ-kheo nên cầm khóa cửa ra ngoài phòng, đóng cửa, xô thử xem đã chắc chưa; nếu chưa chắc thì khép hai cánh cửa lại cho chắc, kéo cái dây bỏ bên trong. Nhìn xung quanh, nếu không thấy có người thì nên giấu cái móc khóa. Nếu thấy có người thì nên cầm theo, tìm chỗ nào chắc chắn thì cất.
Trên đường đi luôn luôn tư duy pháp lành. Nếu gặp người nên nói: ‘Lành thay!’ để chào hỏi. Nếu đến gần tụ lạc thì nên đứng tạm một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ xem, sau đó mới mặc. Nếu gần bên thôn có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ, thì nên cởi guốc đi đường, gậy phá sương móc, gởi nơi đó.
Khi vào trong thôn, nên để ý xem tình hình đường hẻm, nơi chỗ trống, chợ búa, cửa ngõ, đống rác. Vào nhà bạch y nên để ý xem tướng trạng cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy.
Tỳ-kheo a-lan-nhã đến trong nhà người, bị gió thổi, y rớt xuống. Vị sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy:
“Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Nên quay vào vách.”
Tỳ-kheo a-lan-nhã dùng tay bên hữu bưng bát, tay bên tả cầm gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy: “Không nên cầm như vậy, nên dùng tay bên hữu cầm gậy, tay bên tả bưng bát.”
Tỳ-kheo a-lan-nhã đứng giữa đường, khiến cho người nam kẻ nữ phải tránh qua một bên. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán biết đủ, mà tự nói là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đứng giữa đường đi khiến người nam kẻ nữ phải tránh bên đường?” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đứng giữa đường.”
Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, thì có vị lại đứng chỗ vắng. Đức Phật dạy:
“Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.”
Tỳ-kheo a-lan-nhã thấy người ta đem thức ăn ra, liền bước đến trước họ nhận. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: “Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi nhận thức ăn vội vàng bước tới như lúc lúa gạo khan hiếm vậy?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đến trước người đón nhận thức ăn vội vàng như vậy.”
Trường hợp người nữ có thai, hay đang bồng con, hoặc lúc trời mưa, hoặc hai tay cầm [934b] đồ vật, hay đất có bùn nước, họ gọi tỳ-kheo đến. Tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận. Đức Phật dạy: “Nếu họ gọi thì nên đến.”
Có tỳ-kheo a-lan-nhã nhận được cơm khô, bột bánh, cá, thịt, để chung một chỗ, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:
“Không nên tập trung để một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một bát thì nên dùng vật ngăn lại, như lá cây, vỏ cây, hoặc lá mía, hoặc cái bát kề, hoặc cái bát nhỏ. Bột bánh thì nên lấy khăn tay bao lại.” Có tỳ-kheo a-lan-nhã đến đại gia khất thực, các cư sĩ thấy cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi lựa đại gia đến khất thực như lúc cơm gạo khan hiếm vậy?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên lựa nhà giàu đến khất thực. Nên khất thực tuần tự chứ không nên lựa chọn.”
Có tỳ-kheo a-lan-nhã nài nỉ xin cho kỳ được mới đi. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người nài nỉ xin cho kỳ được mới chịu đi, giống như lúc gạo cơm khan hiếm vậy?”
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên nài nỉ như vậy.
Nếu biết sẽ nhận được thì nên chờ.”
Khi vị kia nhận được thức ăn, suy nghĩ như vầy: “Đây là giặc. Tự mình ăn thức ăn này!”
Khi ra về, nên để ý tướng trạng cửa thứ nhất cho đến tướng đống phân. Nếu ra khỏi thôn thì nhớ lấy lại đôi guốc đi đường, cây gậy phá sương móc,[461] rồi đứng tạm bên đường, để bát xuống đất, xếp tăng-già-lê lại, vắt trên vai hay đội trên đầu.
Khi đi, nên luôn luôn tư duy thiện pháp. Nếu thấy người nên nói: ‘Thiện lai!’ để chào hỏi. Vị tỳ-kheo a-lan-nhã kia thường thọ thực nơi chỗ nào thì nên đến đó quét dọn cho sạch sẽ, nước phải đầy đủ, đồ rửa, đồ đựng thức ăn dư, giường ghế ngồi nên đủ, đá rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân.
Nếu thấy vị a-lan-nhã khác đến phải đứng dậy ra ngoài xa nghinh đón, rước lấy bình bát, chân đế của bát, dụng cụ của bát, lấy y trương ra xem, đừng để đất, bùn, bụi, hay phân chim làm nhơ bẩn. Nếu có bẩn, nên lau thì lau, nên vuốt thì vuốt, nên đập giũ thì đập giũ, nếu cần giặt thì giặt. Giặt rồi nên vắt khô nước rồi phơi để nơi giường dây, giường cây. Tỳ-kheo nên mời tỳ-kheo a-lan-nhã ngồi, mời nước, mời rửa chân, đưa khăn lau chân, đem đôi guốc để phía bên tả, đừng để chỗ nước làm văng bẩn, nếu có bùn bẩn thì nên dời.
Vị kia vì tỳ-kheo a-lan-nhã phục vụ rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, và các [934c] đồ vật để lại chỗ cũ. Vị kia nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch, rồi để riêng thức ăn dư nơi chỗ tịnh khiết.
Nếu có cướp đến thì mời ngồi. Trao nước cho tỳ-kheo a-lan-nhã. Kế đó mời khách tỳ-kheo ăn. Khi khách tỳ-kheo ăn, nên cung cấp những thức cần dùng. Nếu có nước lạc tương, nước thanh lạc tương, giấm, muối, rau thì mời khách tỳ-kheo; nếu trời nóng thì quạt, cần nước thì đưa nước.
Nếu gần quá giữa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo a-lan-nhã ăn xong nên vì họ thu bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, nếu thức ăn còn thừa thì nên cho người hay phi nhân, hoặc bỏ chỗ đất không có cỏ, hay trong chỗ nước không trùng, rửa đồ đựng thức ăn dư.
Giường ghế, đá rửa chân, đồ đựng nước, các thứ nên để lại chỗ cũ, rồi quét dọn chỗ ngồi ăn. Vị kia dùng bình bát đựng đồ nhơ bẩn để đem đổ. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy: “Không nên dùng bình bát đựng đồ nhơ. Nên dùng cái mâm bàn để đựng hay dọn quét, bình bát thì nên để cho tinh khiết mà thọ trì.”
Nếu có bọn giặc đến thì nên nói: “Đây là nước, đây là vật rửa chân, đây là thức ăn, vì quý vị nên chúng tôi lưu lại riêng một cách sạch sẽ, nếu cần ăn thì ăn.”
Bọn giặc hỏi a-lan-nhã: “Bấy giờ là canh mấy của đêm?”
Tỳ-kheo kia không thể trả lời được nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã nên khéo biết thời tiết của đêm.”
Bọn giặc hỏi a-lan-nhã: “Đây là phương nào?”
Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tướng của phương hướng.”
Bọn giặc hỏi tỳ-kheo: “Ngày nay sao gì?”
Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời. Các tỳ-kheo bạch Phật.
Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tinh tú.”
Tỳ-kheo a-lan-nhã ưa thích nằm ngủ. Các tỳ-kheo bạch Phật đức Phật dạy: “Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên sống như vậy. Đầu đêm, cuối đêm, nên cảnh tỉnh tâm tư duy. Nay Ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp tắc của a-lan-nhã. Tỳ-kheo a-lan-nhã nên như pháp mà tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm đó sắm sửa đủ các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo cáo là giờ ăn đã đến. Các tỳ-kheo khi thọ thực một cách lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. [935a1] Đàn-việt không biết vị nào đã ăn, vị nào chưa ăn. Các cư sĩ đều cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, không biết đủ, tự nói, Tôi biết chánh pháp. Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho Đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn.” Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn vì nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách các tỳ-kheo thọ thỉnh kia rằng:
“Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn?”
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo quy định pháp thức của bữa ăn.” Các tỳ-kheo nên tùy thuận pháp thức khi thọ thực.
Pháp thức như sau:
Nếu tỳ-kheo muốn đến chỗ thọ thỉnh thì nên đến chỗ chúng Tăng thường tiểu thực hay đại thực, mà đứng nơi dễ thấy. Khi đàn-việt đến báo giờ thọ thực thì Thượng tọa phải theo thứ tự đi trước như đàn nhạn.[462] Nếu Thượng tọa bận đại tiểu tiện thì phải đợi.”
Vị hạ tọa kia đi trước, vừa nói chuyện vừa đi, hoặc trước hoặc sau, hoặc lật ngược y, hoặc y quấn cổ, hay trùm đầu, hay phủ cả hai vai, hoặc mang dép. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy, nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ dép, và đi sau.”
Nếu có bận việc Phật, việc Pháp, việc Tăng hay chăm sóc tỳ-kheo bệnh; đức Phật dạy: “Bạch Thượng tọa, rồi đi trước.”
Có vị có mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhưng e ngại không dám thưa hỏi để đi. Đức Phật dạy: “Nếu có nạn sự như vậy, thưa hỏi hay không thưa hỏi, cho phép được đi.”
Có vị đến chờ thọ thực, tụ họp đứng lộn xộn. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy, nên theo thứ tự.”
Thượng tọa ngồi rồi, nên [935b] xem trung tọa, hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không như pháp, không khéo che thân, nên búng ngón tay cảnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết để họ ngồi đúng pháp. Trung tọa ngồi rồi nên xem Thượng tọa hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không đúng pháp, không khéo che thân thì nên búng ngón tay cảnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết, để họ ngồi đúng pháp. Hạ tọa ngồi rồi cũng như vậy.
Đến bữa ăn, tỳ-kheo không có bát, nên mượn bát để ăn. Có tỳ-kheo đến bữa ăn không rửa bát, bị rắn phun nọc độc trong bát, tỳ-kheo ăn xong mắc bệnh. Đức Phật dạy: “Không nên không rửa bát trước khi ăn. Nên rửa sạch rồi mới ăn.”
Nhóm sáu tỳ-kheo ham muốn sự cung kính nên đến sau, khiến các tỳ-kheo thấy phải đứng dậy. Nếu vị nào chưa đến thì cho phép vị ngồi gần kéo chiếc ghế ấy ra.
Nếu đàn-việt dâng trái cây cho Thượng tọa thì nên hỏi trái cây này đã tác tịnh[463] chưa? Nếu nói chưa tịnh, thì Thượng tọa nên khiến họ làm tịnh. Nếu nói đã tác tịnh rồi thì nên hỏi: ‘Thí chủ đem đến cho vị nào?’ Nếu nói đem đến cho Thượng tọa thì Thượng tọa tùy ý sử dụng. Nếu nói đem đến cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết. Nếu đàn-việt dâng Thượng tọa các thứ canh thì nên hỏi: ‘Đem đến cho ai?’ Nếu nói cho Thượng tọa, thì tùy ý xử dụng. Nếu nói cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết.
Tỳ-kheo nào không nhận được thức ăn, cho phép tỳ-kheo ngồi sát cạnh hỏi giùm. Nếu hỏi mà không có, vị ngồi cạnh ấy sớt phân nửa phần ăn của mình để cho.
Các tỳ-kheo nhận vừa được thức ăn, liền ăn. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm: “Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi nhận được thức ăn liền ăn, giống như lúc gạo cơm khan hiếm đói khát?” Các vị bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy. Nên xướng lên để cùng ăn một lần.”
Nhóm sáu tỳ-kheo chỉa cùi chõ lên để ăn, trở ngại vị ngồi gần. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy: “Không nên chỉa cùi chõ lên mà ăn. Nên khép cùi chõ lại mà ăn.”
Nhóm sáu tỳ-kheo ho khạc lớn tiếng, văng nước miếng trúng vị ngồi gần. Các tỳ-kheo gớm, bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên ho khạc như vậy. Nên từ từ khạc nhổ.”
Khi ăn, trái cây hay rau còn thừa, vị ấy bỏ bừa bãi bẩn đất. Đức
Phật dạy: “Không nên bỏ như vậy. [935c]Thức ăn còn thừa đáng bỏ thì nên gom lại gần bên chân. Đến khi đi ra, đem ra ngoài bỏ.” Có vị bỏ lung tung, đổ nước rửa bát bẩn đất. Đức Phật dạy: “Không nên đổ nước như vậy. Nên dùng cái thau để chứa rồi đem ra ngoài đổ.
Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo đến trong nhà bạch y, cùng ngồi trên một cái ghế dài để ăn. Một trong nhóm sáu tỳ-kheo đứng dậy mà không nói với vị ngồi cạnh biết nên cái ghế bị ngã xuống đất, khiến mọi người đều bị té, lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên đứng dậy như vậy. Nên nói cho các người khác biết để đề phòng.”
Có tỳ-kheo ăn xong, im lặng bỏ đi.[464] Cư sĩ không biết thức ăn có ngon hay không ngon, ăn có đủ hay không đủ. Các cư sĩ cơ hiềm nói: “Các ngoại đạo đều khen ngợi sự bố thí, tán thán đàn-việt, mà sa-môn Thích tử ăn rồi im lặng bỏ đi, khiến cho chúng tôi không biết ăn ngon hay không ngon, ăn đủ hay không đủ.” Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên ăn rồi im lặng mà đi. Nên vì đàn-việt nói công đức bố thí, cho đến nói một bài kệ.
Nếu vì lợi nên thí,
Lợi đây chắc sẽ được.
Nếu vì lạc nên thí,
Sau chắc được khoái lạc.
Khi đức Thế Tôn dạy, nên nói công đức cúng dường, bấy giờ mọi người đều cùng nói, tạo nên sự ồn ào. Đức Phật dạy:
“Không nên loạn thuyết như vậy. Chỉ có vị Thượng tọa nói mà thôi. Nếu Thượng tọa không thể nói thì vị nào có khả năng nói được thì nói. Nếu Thượng tọa không nói thì phạm đột-kiết-la. Nếu Thượng tọa nói được mà không nói cũng phạm đột-kiết-la.
Khi vị kia nói công đức bố thí, các vị khác đều bỏ đi. Có vị an tọa, hoặc chỗ vắng, hoặc chỗ khuất; hoặc cùng người nữ, tại chỗ không có người nam quen biết nói pháp quá năm, sáu lời với người nữ lẳng lơ,[465] nên bị người cơ hiềm, chê trách nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
“Khi nói công đức bố thí, các tỳ-kheo không nên bỏ đi. Nếu có việc gấp thì bốn Thượng tọa nên đợi nhau, các vị khác có thể đi. Nếu vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh nên bạch cho biết rồi sau đó mới đi, hay sai tỳ-kheo khác đi. Nếu đàn-việt muốn nói pháp bố thí thì nên khen ngợi sự bố thí. Nếu muốn nói pháp đàn-việt thì nên khen ngợi pháp đàn-việt. Nếu muốn nói pháp cõi trời thì nên khen ngợi cõi trời. Nếu muốn nghe việc quá khứ của tổ phụ thì nên khen ngợi tổ phụ quá khứ. Nên vì đàn-việt khen ngợi sự bố [936a1] thí, tán thán đàn-việt, khen ngợi Phật Pháp Tăng với đàn-việt. Từ nay ta vì các tỳ-kheo nói về pháp thức ẩm thực.[466] Các tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.”
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ các tỳ-kheo mặc y để bẩn, đức Phật cho phép dùng đất phèn,[467] hoặc tro hay đất, hay phân bò để giặt. Có vị dùng đá hay các vật thô nhám để giặt nên y bị rách. Đức Phật dạy:
“Không nên dùng đá hay vật thô nhám để giặt y, mà nên dùng loại đá mịn để giặt. Nếu y bị bay màu thì nên nhuộm lại. Hoặc nhúng bùn, hay dùng vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-malặc,[468] hoặc dùng gốc cây, hay cỏ thiến[469] để nhuộm.
Có vị ngâm nước để ngoài nắng chờ cho nóng để nhuộm. Không đủ kiên nhẫn chờ lâu. Đức Phật dạy: “Không nên ngâm như vậy, mà nên nấu.”
Có vị không biết nấu thế nào. Đức Phật dạy: “Nên dùng cái nồi hay cái cấm-mãn,[470] cái bình đồng, cái vạc để nấu.”
Bấy giờ có vị nấu, vì miếng vỏ cây lớn quá bỏ không lọt. Đức Phật dạy: “Dùng búa chẻ nhỏ ra.”
Nếu nước sôi trào ra thì lấy cây đè xuống.
Có vị không biết chín hay chưa. Đức Phật dạy: “Nên lấy hai, ba giọt nhểu vào nước lạnh. Nếu chìm, tức là chín. Rồi lược lấy nước.”
Có vị không biết lược để chỗ nào. Đức Phật dạy: “Lược vào trong bồn.”
Nếu xuống luôn cả nước và cặn, thì nên lấy cái chổi ngăn. Nếu chổi yếu, thì lấy cây phụ.
Khi lọc có vị vừa lọc vừa bưng bồn, nhọc mệt. Đức Phật dạy:
“Không nên như vậy. Nên một người lược, một người bưng bồn. Nếu nóng thì dùng đồ cầm cho khỏi nóng.”
Có vị để nước lạnh, nước nóng chung lại một chỗ, nên nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy: “Không nên để như vậy. Nước lạnh, nước nóng nên để riêng. Làm cho nguội rồi mới hòa lại.”
Có vị bỏ luôn vào nước nhuộm để nhuộm. Nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy: “Không nên nhuộm như vậy. Nên lấy riêng ra một ít để nhuộm.”
Có vị nhuộm xong trải dưới đất, bị hư màu. Đức Phật dạy: “Không nên làm như vậy.”
Có vị lại trải trên cỏ, khiến cho cỏ bị hư. Có vị trải trên rơm trên lá khiến cho màu sắc không đều. Đức Phật dạy: “Không nên trải như vậy. Nên trải trên y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, hoặc trên cù lâu,[471] hoặc lấy một trong mười chiếc y trải lên trên đất, rồi trải chiếc y nhuộm lên, hoặc phơi trên dây. Có vị cần dây. Phật cho phép sắm dây. Cần thẻ cho làm thẻ. Có vị cần cái móc kết vào đầu y. Phật cho phép làm các móc. Nếu nước nhuộm không đều thì phải trộn cho đều.
Bấy giờ, có tỳ-kheo đang nhuộm y, vì có việc cần nên quay lưng về phía khác, khiến thuốc nhuộm y không đều. Có tỳ-kheo nọ thấy vậy mà không nói vì trước đó có sự bất bình với tỳ-kheo này, vì vậy khiến cho y kia bị hư hoại. Các tỳ-kheo [936b] bạch Phật. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy. Người thấy, nên trộn giùm hay nói cho vị kia biết.”
Tỳ-kheo kia nhuộm y rồi không dọn dẹp nồi, cấm-mãn, bình đồng, bồn vạc, búa, dây, thẻ, y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, bèn bỏ đi. Đức Phật dạy: “Không nên không dọn dẹp mà bỏ đi. Nên dọn dẹp rồi sau đó mới đi. Nếu người khác cần thì nên cho.”
Có vị nhộm y rồi, không quét dọn chỗ nhuộm y, khiến cho đất không sạch. Đức Phật dạy: “Không nên như vậy. Nên quét dọn rồi mới đi.”
Có vị mặc y mới mà quét đất khiến cho y bị bẩn. Đức Phật dạy:
“Không nên mặc y mới, nên mặc y cũ để quét. Nếu không có y riêng thì nên mặc y của Tăng.”
Có vị quét ngược gió, bụi bay bẩn thân. Đức Phật dạy: “Không nên quét như vậy. Nên quét thuận theo chiều gió.”
Có năm cách quét đất không được phước đức lớn: Không biết nghịch gió, thuận gió mà quét; không quét hết dấu chân; không trừ hết rác; không để chổi lại chỗ cũ. Quét đất có năm pháp như vậy, không được phước đức lớn.
Có năm pháp được phước đức lớn: Biết nghịch gió, thuận gió để quét; trừ hết dấu chân; trừ hết rác; để chổi lại chỗ cũ. Năm pháp như vậy được phước đức nhiều. Nếu Thượng tọa đứng dưới đuôi gió, nên nói: ‘Xin Ngài tránh qua một chút. Con cần quét đất.’ “Nay Ta vì các tỳ-kheo nói pháp nhuộm y. Phải tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.”[472]
[1] Đây chỉ năm loại chánh thực, hoặc âm là bồ-xà-ni, Pāli: bhojana, chỉ thức ăn mềm. Xem Phần I, Ch. v, ba-dật-đề 32, cht. 201; ba-dật-đề 35 & cht. 228, 236.
[2] Mị mễ [序-予+禾]米. Cf. Nhất thiết kinh âm nghĩa 59 (T54n2128 tr.703c24): “Lã thị xuân thu nói, cơm loại ngon thì có thứ gạo tế 穄 của Dương sơn. Cao Dụ nói, người Quan tây gọi là lúa mị. Người Ký châu gọi là lúa tế 穄.”
[3] Câu-bạt-đạt-la phạn 俱跋陀羅飯.
[4] Khứu 糗. Pāli: kummāsa (Skt. kulmāsa) cháo chua.
[5] Tu-bộ 修步. Pāli (Skt.): sūpa, nước thịt; súp thịt.
[6] Lạc 酪. Pāli (Skt.): dadhi, sữa đông, sữa chua.
[7] Lạc tương 酪漿. Pāli (Skt.): dadhi-maṇḍaka, nước sữa chua; sữa chua chắt phần đông, phần lỏng còn lại gọi là lạc tương hay lạc thuỷ; toan nhũ chi.
[8] Kiết-la 吉羅. Pāli: khīra, sữa tươi. Sữa nói chung.
[9] Man-nâu 蔓㝹. Pāli (Skt.): maṇḍa, váng của các loại ngũ cốc đun sôi; phần tinh chất, thượng vị, đề hồ.
[10] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pāli (Skt.): khādaniya, thức ăn cần phải cắn; thức ăn cứng; đạm thực, ngạnh thực.
[11] Thạch mật 石蜜. Pāli (Skt.) phāṇita, mật mía, đường mía; đường thẻ hay đường cát thô.
[12] Hủ lạn dược 腐爛藥. Pāli: pūti-mutta (Skt. pūti-mukta-bhaiṣajya), cũng dịch là trần khí dược. PTS định nghĩa: nước tiểu của gia súc được dùng làm thuốc.
[13] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pāli (Skt.): harītaka, harītakī, một loại trái chua, tên khoa học Myrobalan vàng, dùng để nhuộm màu vàng hay để xổ.
[14] Hoạn phong 患風. Skt. vāyvādhika, chứng thống phong, bệnh gút.
[15] Tì-hê-lặc 鞞醯勒. Pāli (Skt.): vibhītaka, quả xuyên luyện 川練, dùng làm thuốc.
[16] A-ma-lặc 阿摩勒. Pāli: amba (Skt. āmra), quả xoài.
[17] Tô-la [卄/(麩-夫+生)]羅. Có lẽ Pāli (Vin.i. 201): sulasī, cây húng quế.
[18] Quả dược 果藥.
[19] Đại ngũ chủng căn dược 大五種根藥.
[20] Tiểu ngũ chủng căn dược 小五種根藥.
[21] Chất-đa-la dược 質多羅藥.
[22] Kế-sa dược 罽沙藥. Skt. kesara (?): nhụy hoa, râu hoa, hương tu.
[23] Sa-lê-sa-bà dược 娑梨娑婆藥.
[24] Thức-cừ 式渠.
[25] Đế-thố (nậu?) 帝菟/㝹. Phụ chú trong bản: đọc là “để thổ” 底吐.
[26] Tất-bạt 蓽茇, loại cỏ, trổ hoa trắng mùa xuân; quả như quả dâu. Gốc từ Ba-tư. (Từ nguyên)
[27] Tế mạt dược 細末藥. Dược sự 1 (T24n1448, tr.2a13): 5 loại sáp dược 澀藥, trị ghẻ. Skt. kaṣāya. Pal (Vin.i. 201): kasāva. Phật cho phép dùng các loại sáp dược: nimbakasāva, kuṭajakasāva, paṭolakasāva, phaggava-kassāva, nattamalakasāva.
[28] Mã nhĩ 馬耳. Từ nguyên không thấy ghi. Có lẽ nguyên Skt. aśva-karṇa, loại cây có lá hình tai ngựa; tên khoa học Vatica Robusta.
[29] Xá-ma-la 舍摩羅. Skt. śālmala (?), một loại cây bông gòn (để dệt lụa), mộc miên.
[30] Tượng nha dặc 象牙杙; các phần trước gọi là long nha dặc. Tức gạc nai dùng để máng đồ.
[31] Mahāvagga vi. Vin.i. 202, năm loại muối: sāmuddaṃ (muối biển), kāḷaloṇaṃ (muối đen), sindhavaṃ (muối đá), ubbhidaṃ (muối ăn), bilaṃ (muối đỏ). Dược sự 1 (tr.1b27), năm loại muối: ô diêm 烏鹽; xích diêm 赤鹽; bạch thạch diêm 白石鹽; chủng sanh diêm 種生鹽; hải diêm 海鹽.
[32] Các loại muối: minh diêm 明鹽, hắc diêm 黑鹽, hoàn diêm 丸鹽, lâu-ma diêm 樓鹽. Skt. romaka, muối của người La-mã (nhập); chi-đầu-bệ diêm 支頭鞞鹽, lỗ diêm 鹵鹽, hôi diêm 灰鹽; tân-đà-bà diêm 新陀婆鹽, saindhava, muối biển, đặc biệt vùng Shindu; thi-lô-bệ diêm 施盧鞞鹽, hải diêm 海鹽. So sánh, Mahāvagga vi; Dược sự 1, xem cht. 31 trước.
[33] Hôi dược 灰藥. Các loại hôi dược: tát-xà 薩闍; (Skt.sarja), tân-na 賓那; ba-lama 波羅摩. Skt. kṣāra, tinh chất lấy được từ chưng cất hay đốt thành tro; Dược sự 1, có năm loại: tro vỏ trấu (Skt. yavakṣāra), tro râu lúa (Skt. yavāṣūkakṣāra), tro dầu mè (tilakṣāra), tro từ cỏ ngưu tất (sarjikākṣāra), tro lá cây bà-sa (vāsakākṣāra), một loại hương liệu, tên khoa học Gendarussa Vulgaris hay Adhatoda Vasica.
[34] Xà-bà dược 闍婆藥. Dược sự 1 (tr.1b21): niêm dược 黏藥, dược liệu lấy từ nhựa cây. Năm loại: a-ngụy 阿魏, ô khang 烏糠, tử khoáng 紫礦, hoàng lạp 黃蠟, tất hương 悉香. Pāli, ibid., jatūni bhejjāni, nhựa cây dùng làm thuốc: hiṅgu, hiṅgu-jatu , hiṅgu-sipātika, taka, takapatti, takapaṇṇa. Mūla Vinay.i. 2: hiṅgu, hưng cừ hay a-ngụy; sarjarasa, nhựa cây sa-la (ô khang); taka, nhựa tử khoáng để nhuộm màu tía; takakarṇī: hoàng lạp (sáp vàng), lấy từ sáp ong (sikthaka): tadāgata, tất hương, nhựa của các loại cây khác.
[35] Các loại thuốc bà-xà (Skt., Pāli: jatu: nhựa cây): hinh-ngưu 馨牛, (hiṅgu); hinh-nga-bà-đề 馨莪婆提 (hiṅguvatī?), thi-bà-lê-đà 尸婆梨陀, (Skt.śivāṭikā); bộ-thê-dạ-bà-đề 步梯夜婆提, tát-xà-la-sa 薩闍羅 婆. (Skt. sarjarasa). Xem cht. 34 trước.
[36] Nhãn dược 眼藥. Dược sự, năm loại thuốc chữa mắt (an-thiện-na 安繕那, Skt. añjana): hoa (Skt. puṣpa); nước cốt (rasa); bột (cūrṇa); viên (guṭikā); cháo chua, (sauvīraka: tao-tì-la thạch, một loại đá của người Sauvīra?). Tứ phần, có hai: đàbà-xà-na 陀婆闍那, Skt. (?); kỳ-la-xà-na 耆羅闍那, Skt. gairāñjana, thuốc chữa lấy từ một loại đất đỏ
[37] Bạch ế 白翳.
[38] A-nậu 阿耨. Pāli: Anotatta (Vô nhiệt trì), 1 trong 7 ao lớn trên Tuyết sơn.
[39] Y-la-bà-ni 伊羅婆尼; Pāli: Erāvaṇa, con voi của Thiên-đế.
[40] Xem Phần I, Ch. v ba-dật-đề 35.
[41] Hán: thủy để hành nhân 水底行人, chỉ thợ lặn, hay người đánh cá.
[42] Chính xác, nên hiểu là thịt rắn. Cf. Mahāvagga vi, Vin.i.220.
[43] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pāli, Vin.i. 219, Supassa. Hán đọc là Sudassa(na). Ngũ phần 22 (T22n1421,148c26): Thiện Tự Tại Long vương.善自在龍王。
[44] Ngũ phần, đã dẫn: “Hoặc khi có thể con rắn đó là rồng.” Thập tụng 26 (tr.186c29): “Rắn và rồng, đều cùng một giống cả.”
[45] Tô-tỳ 蘇卑. Pāli, Vin.i. 216ff. Suppiyā.
[46] Da-thâu-già 耶輸伽. Pāli, Vin.i. 239, Yasoja.
[47] Xem phần III ch. i. mục 3. Da-xá (tr. 789b).
[48] Tống thực 送食: mang thức ăn đến chùa cho tỳ-kheo.
[49] Mồng một, tính theo tháng 15 ngày; kể thêm ngày 16, nếu tính tháng 30 ngày.
[50] Thính dữ phòng tiền 聽與房錢; chưa hiểu ý. Có lẽ các đoạn trên gọi là phước nhiêu.
[51] Phòng y 房衣: các thứ y (vải) dùng trong phòng?
[52] Nhân duyên, đã kể trong Phần I, Ch.iv. Ni-tát-kỳ 26. Truyện kể, Cf. Vin.i. 199:
mùa thu, các tỳ-kheo bệnh, ăn cháo và các thứ vật thực, đều ói ra cả.
[53] Tham chiếu Pāli, Vin. i. 199: bhesajjāni ceva bhesajjasam-matāni ca lokassa āhāratthañ ca pharanti na ca oḷāriko āhārako paññāyati, “Đây là những thứ mà thế gian xem là thuốc, có thể sung làm thức ăn, nhưng không được kể như là thức ăn chính.”
[54] Tô, du, mật, sanh tô, thạch mật 酥油蜜生酥石蜜. Pāli: sappi, navanaṃ, telaṃ, madhu, phāṇitaṃ.
[55] Phạn khứu pháp 飯糗法.
[56] Trong bản: thất-thủ-ma-la 失守摩羅; Pāli: suṃsumāra; Skt. śiśumāra. Trên kia, Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26, cht. 153, thay thất-thủ-ma-la bằng cá ma-kiệt.
[57] Tư-ha-tỳ-la 私呵毘羅. Truyện đã kể trên, xem Phần I, Ch.IV. Ni-tát-kỳ 26.
Trong đó, người lái buôn tên là Tư-ha tỳ-la-trà.
[58] Hắc thạch mật 黑石蜜; đường chưa tinh luyện. Pāli: gula. Phân biệt với thạch mật, tức mật mía. Pāli: phāṇita.
[59] Thiên bức luân tướng 千輻輪相.
[60] Kế-ny 罽尼; có lẽ Pāli: kiṇṇa (Skt. kiṇva), bột lên men, hay men. Hoặc. Skt. kṣāra (Pāli: chārika), tro, xem cht. 33 trước. Cf. Vin.i. 210: người ta bỏ bột và tro vào trong mật đường (gule piṭṭhampi chārikampi pakkhipanti)
[61] Nhuyến hắc thạch mật, đường mía ở dạng lỏng.
[62] Hắc thạch mật tương 黑石蜜漿. Nước đường, tức mật đường pha với nước. Pāli (Vin.i. 226): gulodaka.
[63] Ma xan trí 磨餐緻.
[64] Bạch thạch mật 白石蜜.
[65] Ô-bà-đà-phả-ni 烏婆陀頗尼.
[66] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Truyện kể, xem Phần i, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26.
[67] tỳ-kheo, ni-tát-kỳ 26.
[68] Xem đoạn trước.
[69] Phả-ni 頗尼.
[70] Thời dược 時藥, chỉ thực phẩm chính, ngũ cốc và cá, thịt, không được trữ dùng sau đứng bóng.
[71] Phi thời dược 非時藥, được trữ dùng sau ngọ. Tứ phần, gồm 5 thứ: tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật. Ngũ phần và Thập tụng, chỉ có 4, bỏ sanh tô.
[72] Thất nhật dược 七日藥; thuốc chỉ được phép trữ dùng trong vòng bảy ngày.
[73] Tận hình thọ dược 盡形壽藥; thuộc trữ dùng cho đến hết đời.
[74] Hoạn pháo 患皰. Bong da, giộp da.
[75] Chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la 栴檀畢陵祇伽羅㝹婆. Cf. Dược sự 3 (tr.10a): “bệnh nhiệt rất nặng, dùng ngưu đầu chiên đàn (Skt. gośṛiṅga-candana) thoa vào mình.”
[76] Tám Long vương: Tỳ-lâu-lặc-xoa 毘樓勒叉, (Pāli: Virūḷhaka, Skt. Virūḍhaka) Già-ninh 伽寧, Cù-đàm-minh 瞿曇冥, Thí-bà-di-đa-la 施婆彌多羅, Đa-xa-y-labà-ny 多奢伊羅婆尼, Già-tỳ-la-thấp-ba-la 伽毘羅濕波羅, Đề-đầu-lại-thác 提頭賴託, (Pāli: Dhataraṭṭha, Skt. Dhṛtarāṣṭra). Viṇ. ii. 110, bốn gia tộc của vua rắn (cattāri ahirājakulāni): Virūpakkha (Tỳ-lâu-lặc-xoa), Erāpatha (Y-la-bà-ni), Chabyāputta (Già-tỳ-la-thấp-ba-la), Kaṇhāgotamaka (? Hắc Cù-đàm).
[77] Tham chiếu, Vin.ii. đã dẫn.
[78] Đoạn văn thiếu mạch lạc. Nên hiểu đây nói về cách lấy độc rắn khi bị rắn cắn.
[79] Bệnh độc 病毒; có lẽ ngộ độc. Cf. Vin.i. 206, tỳ-kheo uống nhằm chất độc (visaṃ pītaṃ hoti), Phật dạy, cho uống phân bò (gūthaṃ pāyetuṃ) hoà với nước.
[80] Hủ lạn dược 腐爛藥. Đây chỉ lấy nước tiểu trâu bò làm thuốc.
[81] Nghĩa là, trâu bò đã tiểu xuống đất. Chứ không phải hứng, khi chúng đang tiểu.
[82] Tư-ha tướng quân 私呵將軍. Pāli, Vin.i. 233, Sīhasenapati; vị tướng quân người Licchavī (Lê-xa), ở Vesāli; đệ tử của Nigaṇṭha (Ni-kiền). Xem Trung Ahàm 4, kinh số 18 “Sư Tử” (T1, tr.440c); Pāli, A.viii.12 Sīha.
[83] Đoán sự đường 斷事堂, chỗ xử án, xử lý việc công.
[84] Nguyên Hán: tác pháp 作法. Tham chiếu. Trung A-hàm 4 (T1n26 tr.441a1): “Sa-môn Cù-đàm chủ trương bất khả tác 不可作.” Cf. Vin.i. 233: akiriyavādaṃ samaṇaṃ gotamaṃ, Sa-môn Cù-đàm chủ trương “Không được làm.”
[85] Đoạn diệt pháp 斷滅法. Pāli: ucchedavādo samaṇo gotamo, Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt (hư vô luận).
[86] Uế ác pháp 穢惡法. Pāli: jegucchī, chủ trương khổ hạnh kinh tởm.
[87] Điều phục pháp 調伏法. Pāli: venayika, chủ trương tự chế ngự, khắc kỷ.
[88] Diệt ám pháp 滅闇法. Pāli: tapassī, chủ trương nhiệt hành (khổ hành). Bản Hán hiểu là tamo (bóng tối) thay vì tapo (sức nóng).
[89] Đoạn dưới nói rõ: không nhập thai nữa. Pāli: apagabbo, chủ trương không nhập thai (không tái sinh).
[90] Vô úy pháp 無畏法. Pāli: assattha, sự tĩnh chỉ, tô tức pháp.
[91] Bạt-đề 跋提. Pāli: Bhaddiya, thành phố thuộc vương quốc Aṅga (Ương-già).
[92] Mân-trà 旻茶. Pāli, Vin.i. 240, Meṇḍaka, phú hộ ở Bhaddiya, vương quốc Aṅga; là ông nội của bà Visakhā; là một trong 5 đại thần của vua Bimbisāra. Không thấy nói ông là đệ tử của Pūraṇa-Kassapa (Bất-lan Ca-diếp). Nhưng có một người đầy tớ tên Puṇṇa.
[93] Bất-lan Ca-diếp 不蘭迦葉. Pāli: Pūraṇa-Kassapa, một trong sáu tông sư ngoại đạo.
[94] Đa-ha-lâu-chi 多呵樓支. Theo truyện kể DhA.iii.363, Phật hiệu Vipassī (Tỳbà-thi).
[95] Như đoạn trước. Xem tr. 13.
[96] Nhũ 乳, lạc 酪, sanh tô 生酥, thục tô 熟酥, đề hồ 醍醐. Pāli: khīra, sữa tươi; dadhi, sữa đông, sữa chua; takka, sữa bơ, bơ lỏng với ¼ nước, do đun dadhi rồi quậy; navanīta, bơ tươi hay bơ sống, chế biến từ takka; sappi, bơ lỏng hay bơ trong, do đun bơ sống lên, thành chất dầu ăn..
[97] A-mâu-đa-la 阿牟多羅. Pāli: Aṅguttarāpā, nước ở phía bắc sông Mahī. Đối ngạn là Aṅga.
[98] A-ma-na 阿摩那. Pāli, Vin. i. 245, Āpaṇa, một thị trấn trong xứ Aṅguttarāpa. Từ đây, Phật đi lên Kusinārā để nhập Niết-bàn.
[99] Sí-nậu 翅㝹. Pāli: Jaṭila Keniya.
[100] Vô sở trước và Ứng cúng, cả hai đều dịch từ một từ: A-la-hán.
[101] Để bản: thanh lâm, rừng xanh. TNM: tĩnh lâm, rừng tĩnh.
[102] Tám thứ nước, Pāli: ambapāna, nước quả xoài; jambupāna, nước quả hồng đào; cocapāna, nước dừa; mocapāna, nước chuối; madhūkapāna, mật; muddikapāna, nước nho; sālūkapāna, nước ngó sen; phārusakapāna, không rõ. Dược sự (tr. 1a27): tám thứ nước: chiêu-giả tương 一招者漿; 2. mao-giả tương 毛者漿; 3. cô-lạc-ca tương 三孤洛迦漿; 4. a-thuyết-tha quả 阿說他果; 5. ôđàm-bạt-la 烏曇跋羅; 6. bát-lỗ-sái 鉢魯灑; 7. miệt-lật-trụy tương篾栗墜漿; 8. khát-thọ-la tương 八渴樹羅漿.
[103] Ma-la 摩羅. Pāli: tên bộ tộc, và vương quốc cùng tên. Kusinārā là một thủ phủ của nước này.
[104] Ba-bà 波婆. Pāli: một thị trấn của người Malla, song đôi với Kusinārā.
[105] Lô-di 盧夷. Pāli: Roja; bạn thân của A-nan. Trên kia, phiên âm là Lâu-diên. Xem Phần III, Ch. vi. Y, mục iii.10 & cht. 75
[106] A-đầu 阿頭. Pāli: Ātumā, thị trấn nằm giữa Kusinārā và Sāvatthi.
[107] Một người cha làm nghề hớt tóc, có hai người con. Cha sau đi tu.
[108] A-lậu-di, na-lậu-tỉ, na-lậu-đề, bà-đàn, lư-càn-lậu, tư-la-lậu, 阿漏彌那漏比那漏提婆檀盧乾漏私羅漏 không đoán ra nguyên Phạn được. Dược sự 1, thuốc chế từ rễ: phụ tử (Skt. musta) xương bồ (Skt. vaca), hoàng khương hay nghệ (haridra), sanh khương hay gừng (ārdraka), phụ tử trắng (? Skt. ativiṣā: mạch đông). Danh sách Pāli, Vin.i. 201: halidda (củ nghệ), siṅgivera (gừng), vaca (xương bồ hay rễ diên vĩ), vacattha (xương bồ trắng), ativisa (mạch đông), kaṭukarohiṇi (hồ liên cay), usīra (hương căn), bhaddhamutta (cát tường thảo).
[109] Dược sự 1: tận thọ dược, gồm thuốc được chế từ rễ, lá, hoa và quả.
[110] Bản Hán, hết quyển 42.
[111] Tịnh địa 淨地; Pāli, Mahāvagga vi, Vin.i. 239, kappiyabhūmi, khu đất được dành riêng. Hành sự sao 10 (tr.119b14) giải: “Nghiệp là uế, nên nói là bất tịnh.” Nhưng chữ Hán nói là tịnh trong tịnh trù, tịnh khố, tác tịnh, đều dịch ý tiếng Phạn kalpa (Pāli: kappa), nghĩa chính là “tư duy phân biệt” (Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt), theo đó, vật tịnh, hay được tác tịnh, là vật được chỉ định (hợp thức hoá) cho sử dụng đặc biệt nào đó. Chữ tịnh như vậy không liên quan gì đến ô uế hay thanh tịnh như Hành sự sao giải thích.
[112] Magāvagga vi, có ba thứ tịnh địa: 1. ussāvanantika, tịnh địa do công bố, như cắm cọc, đặt đá, chỉ định riêng. 2. gonisādi, tùy cơ, cần thiết tại đâu thì làm tại đó, như bò nghỉ ở đâu thì làm chuồng ở đó. 3. gahapati, do thí chủ chỉ định khi dựng chùa.
[113] Tự hái trái cây mà ăn.
[114] Tham chiếu Pāli, Viṇ ii. 109, pañcahi samaṇakappehi phalaṃ paribhuñjitum, ăn trái cây với 5 điều hợp thức của sa-môn: aggiparicitaṃ (đã bị lửa phạm), satthaparicitaṃ (đã bị dao phạm), nakkhaparicitaṃ (đã bị móng tay phạm), abījaṃ (không có hạt mầm), nibbattabījaṃ (hạt mầm đã hỏng).
[115] Sang tịnh 瘡淨; mụt nơi trái cây.
[116] Tự hái rau mà ăn.
[117] Tự mình cầm lên rồi đưa cho người khác.
[118] Phép thọ, xem cht. 121& 122 sau.
[119] Được phép để qua đêm.
[120] Người khác nấu cho mình.
[121] Tức tác pháp thọ: Thức ăn để xuống đất. Tịnh nhân mang lại đưa cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận lại, bằng cách “ngửa tay” mà nhận. Cf. Hành sự sao (tr.123c02).
[122] Ngũ phần: (…) không thọ thức ăn, mà ăn; đồng nghĩa với sự lấy của không cho. Cf Hành sự sao (tr.123b03).
[123] Phi đào 椑桃; một loại thị (Từ nguyên).
[124] Vật được dời, bị tay người dời chạm đến, không còn thuộc chủ cũ, nên không còn tịnh. Chủ cũ muốn dùng, phải tác pháp thọ trở lại. Người di chuyển, có ác ý, phạm đột-kiết-la.
[125] Hoạn thấp 患濕;
[126] Đậu khứu 豆糗. Khứu: gạo lúa mạch rang khô, hay cơm khô, hay lương khô (Khang Hy). Xem các cht. liên hệ trên.
[127] Khứu liêm 糗签. Viết đúng là 奩; Hành sự sao 10 (tr.126c19)
[128] Mộc đảng 木欓. Khang Hy: đảng, thùng bằng gỗ.
[129] Thuộc về thực phẩm chính, tức năm loại chánh thực hay bồ-xà-ni. Các thức ăn này liên hệ các điều luật về thọ thỉnh và túc thực.
[130] Xem ba-dật-đề 35 (Phần I, Ch.v).
[131] Cộng túc diêm 共宿鹽; muối ngủ chung, muối được phép để cách đêm. Muối ăn được; thức ăn không ăn được. Cố ý trộn hai thứ để làm thức ăn, ăn được.
[132] Pāli, Kathinakkhando, Vin.i. 253: có 30 tỳ-kheo, là những vị sống a-lan-nhã, ở nước Pāvā.
[133] Công đức y 功德衣. Pāli: kaṭhina. Mahāvagga vii, Vin. i. 254.
[134] Ni-tát-kỳ 1: súc trưởng y.
[135] Ni-tát-kỳ 2: ly y túc.
[136] tỳ-kheo, ba-dật-đề 33: biệt chúng thực.
[137] tỳ-kheo, ba-dật-đề 32: triển chuyển thực. Ngũ phần, Tăng kỳ, như Tứ phần. Pāli (Vin.i. tr.254) thay điều này bằng: nơi nào nhận được y, Tăng nơi đó chia (yo ca tattha cīvaruppādo so nesaṃ bhavissati). Y chỉ phân chia cho các tỳ-kheo trong trú xứ an cư cùng dự phần ca-thi-na. Khi cần chia cho các tỳ-kheo trú xứ khác đến, phải xả ca-thi-na. Luật Căn bản, Kiết-sỉ-da sự, có hai nhóm lợi. Nhóm một, 5 điều lợi: 1. chứa y quá 10 ngày; 2. chứa y quá 1 tháng; 3. không phạm ly y túc; 4. du hành nhân gian chỉ cần hai y; 5. tùy ý chứa y dư nhiều ít. Nhóm hai, 5 điều: 1. biệt chúng thực; 2. sác sác thực; 3. tục gia không mời vẫn có thể đến thọ thực; 4. được phép tùy ý xin y nhiều ít; 5. từ khi thọ, trong vòng năm tháng, mọi tài vật có được đều thuộc lợi dưỡng kiết-sỉ-na.
[138] tỳ-kheo, ba-dật-đề 42.
[139] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 60.
[140] Đây nói y (vải) cũ, dùng làm y ca-thi-na.
[141] Nạp, tức làm thành nạp y; cắt y (vải) cũ thành từng mảnh rồi khâu lại.
[142] Xem đoạn dưới: y xả đọa không tác tịnh, không thành thọ.
[143] Đại sắc 大色, chỉ bốn màu chính.
[144] Văn thọ y mà từng tỳ-kheo một nói ba lần trước kia.
[145] Văn thọ y trên chia thành ba thời nói riêng. Mỗi thời nói ba lần.
[146] Được thọ năm việc phóng xả tức nới lỏng. Xem trên.
[147] Y mất hiệu lực đối với cá nhân tỳ-kheo trong 8 trường hợp.
[148] Bước chân ra khỏi cương giới trú xứ, nơi thọ y ca-thi-na.
[149] Y bất cánh 衣不竟. Kiết-xỉ-na sự: bất quyết định. Tỳ-kheo ra ngoài giới để tìm cầu y. Khi ra khỏi, có ý không trở về; nếu may y, ca-thi-na liền xả khi y chưa may xong.
[150] Ngũ phần, 8 trường hợp xả: 1. Hết thời hạn. 2. Y bị mất. 3. Nghe (Tăng) đã xả. 4. Đi xa. 5. Mất hy vọng (được y). 6. Y ra khỏi giới. 7. Người ra khỏi giới. 8. Bạch nhị yết-ma xả.
[151] Câu-thiểm-di 拘睒彌, Thập tụng: Câu-xá-di 俱舍彌. Phiên âm thường gặp: Kiêu-thưởng-di 憍賞彌. Skt. Kauśāmbī. Pāli: Kosambī, thủ phủ của vương quốc Vaṃsa (Skt. Vatsa).
[152] Thập tụng: tác yết-ma bất kiến tẩn 不見擯, đuổi đi vì không chịu nhận tội. Pāli: āpattiyā adassane ukkhipiṃsu, xả trí (gạt tỳ-kheo ấy qua một bên) vì không chịu nhận tội. 3 Thập tụng: tỳ-kheo bị đuổi là vị giỏi pháp, giỏi luật, nổi tiếng, có thế lực, được nhiều người hỗ trợ. Pāli, Vin.i. 337: nói như Thập tụng.
[153] Tùy cử tỳ-kheo 隨舉比丘 : tỳ-kheo tùy thuận với tỳ-kheo bị cử. Pāli: ukkhitānuvattaka bhikkhu. Những hình thức xả trí (Vin.i. 339): không mời, không yết-ma chung, không ngồi chung, không ở chung phòng…
[154] Thập tụng: Một số tỳ-kheo được tỳ-kheo bị đuổi thuyết phục. Số khác vẫn giữ quan điểm. Tăng chia thành hai bộ, tranh chấp nhau.
[155] Biệt bộ thuyết giới yết-ma 別部說戒羯磨; sự phá Tăng đã thành hình.
[156] Vin.i. 340: tỳ-kheo bị cử tác yết-ma thuyết giới trong giới, yết-ma như pháp; trong khi đó, tỳ-kheo cử tội ra ngoài giới tác yết-ma thuyết giới; yết-ma như pháp. Cả hai đều hợp pháp, vì tác pháp yết-ma trong hai trú xứ khác nhau.
[157] Bất kiến phạm 不見犯, bất sám hối 不懺悔, bất xả ác kiến 不捨惡見: đều thuộc yết-ma xả trí. Hình thức xả trí, xem cht. 4 trước.
[158] Thập tụng: Tự tác cộng trú…, tỳ-kheo bị tẫn xả bộ chúng kia, về lại bộ chúng này.
[159] Không ngồi gần nhau quá để có thể đấu khẩu hay đánh lộn. Vin.i. 341: bhinne saṅghe adhammiyāyamāne asammodikāya vattāmānaya ettāvatā na… hatthaparāmā-saṃ karissāmā ti āsane nisīditabbaṃ, “Tăng bị vỡ dẫn khởi phi pháp, bất hoà… ngồi xuống sao cho ‹chúng ta không vói tay đến nhau.›”
[160] Pāli, ibid., bhinne saṅghe dhammiyāyamāne… āsanantarikāya nisīditabbaṃ, “Khi Tăng vỡ, nhưng như pháp, hoà hợp, hãy ngồi sát nhau (không gián cách).”
[161] Các hình thức xả trí đối với tỳ-kheo bị yết-ma xả trí.
[162] Phạm Thí 梵施. Truyện kể, xem Trung A-hàm 17, kinh số 72 “Trường Thọ vương bản khởi” (No. 26. 72); Tăng nhất A-hàm 16, No.125 (24.8). Pāli: Brahmadatta; Cf. M. 128 Upakkilesa; Vin.i. 342.
[163] Già-xa 伽奢. Pāli: Kāsi; trong thời Phật, là 1 trong 16 đại quốc, thủ đô là Bārāṇasī (Ba-la-nại); được sáp nhập vào Kosala (Câu-tát-la) do Pasenadi cai trị.
[164] Trường Sanh 長生. Trung A-hàm, đã dẫn: Trường Thọ. Pāli: Dīghīti.
[165] Để bản: Phú-lô-hê-xỉ 富盧醯侈. Đa, chép nhầm là xỉ. Pāli: purohito brahmaṇo, bà-la-môn tư tế của vua. Chức vụ chứ không phải tên. Quốc sư của vua Brahmadatta.
[166] Trường 長. Bản Minh: Trường Ma-nạp (phiên âm của māṇava: thiếu niên). Pāli: Dīghāvu.
[167] Chỉ vua chúa, sống bằng đao kiếm.
[168] Trung A-hàm: “Bằng đủ thứ ngôn ngữ, phá vỡ Chúng tối tôn.”
[169] Trung A-hàm: “Khi phá hoại Thánh chúng, không ai ngăn cản được.”
[170] Cf. Pháp cú Pāli, Dhp. 3-6.
[171] Cf. Pháp cú Pāli, Dhp. 11-12.
[172] Cf. Pháp cú Pāli. Dhp. 32-330.
[173] Trung A-hàm 17 (tr.535c18): Thế tôn đến thôn Sa-lâu-la, sau đó đến Hộ lâm. Cf. Vin.i. 350: đến thôn Bālakaloṇakara. Sau đó đi đến Pārileyya. Cuối cùng, trở về Sāvatthi.
[174] Thập bát phá Tăng sự. Thập tụng 30 (tr.216a23): “Nếu tỳ-kheo, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, luật…, phi luật,… phạm, phi phạm, trọng, khinh, tàn, vô tàn, thường sở hành, phi thường sở hành, thuyết, phi thuyết…” Cf. Vin. i 354: aṭṭhārasahi vatthuhi adhammavādī: 18 cơ sở ngôn thuyết phi pháp dẫn đến phá Tăng: adhammaṃ dhammoti dīpeti (phi pháp mà nói là pháp), dhammaṃ adhammoti dīpeti (pháp nói là phi pháp), avinayaṃ (phi luật)…vinayaṃ (luật)…abhāsitaṃ alapitaṃ tathāgatena (điều này không phải Như Lai nói), bhāsitaṃ lapitaṃ tathāgatena (điều này được Như Lai nói), anāciṇṇaṃ tathāgatena (điều này không phải là thường hành bởi Như Lai), āciṇṇaṃ tathāgatena (điều này được thường hành bởi Như Lai), apaññattaṃ tathāgatena (điều không được Như Lai chế), paññattaṃ tathāgatena (điều được Như Lai chế định), anāpattiṃ (không tội), āpattiṃ (tội), lahukaṃ āpattiṃ (tội nhẹ), garukaṃ āpattiṃ (tội nặng), sāvasesaṃ āpattiṃ (tội hữu dư), anavasesaṃ āpattiṃ (tội không dư tàn), thullaṃ āpattiṃ (tội thô trọng), athullaṃ āpatti (tội không thô trọng)…
[175] Vin.i. 356: vivittaṃ senāsanaṃ dātabbaṃ, cho họ chỗ nằm riêng biệt.
[176] Pāli, ibid., “Tất cả thọ hưởng bình đẳng.” (sabbesa samakaṃ bhājetabbaṃ)
[177] Xem cht. 10 & 11 trước.
[178] A-nan-bân-đê 阿難邠坻. Phiên âm, tức ông Cấp Cô Độc. Pāli: Anāthapiṇḍika.
[179] Tránh sự 諍事; cơ sở nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Có bốn tránh sự: tranh chấp lời nói, tranh luận về giáo giới, bất đồng về luận tội, tranh cãi về phận sự phải làm. Pāli, Vin.ii.88: cattārīmāni bhikkhave adhikaraṇāni vivādādhikaraṇaṃ, anuvādādhikaraṇaṃ, āppattādhikaraṇaṃ, kiccādhikaraṇaṃ.
[180] A-nậu-bà-đà 阿㝹婆陀. Pāli: anuvāda, phi nạn, chỉ trích, buộc tội người khác.
[181] Xem phần trên, Phần III, Ch. iv (An cư), mục 2. cầu thính.
[182] Bản Hán, hết quyển 43.
[183] Chiêm-ba 瞻波. Pāli: Campā, thủ đô của vương quốc Aṅga. Xem Ch.v. Da thuộc, truyện Thủ-lung-na; cht. 2.
[184] Già-thi 伽尸; trên kia, âm là Già-xa. Xem Ch. ix, mục 4, truyện Trường Sanh & cht. 14.
[185] Bà-sa-bà tụ lạc 聚落 婆娑婆. Lưu ý cách đọc theo bản Hán về các địa danh này: tại Chiêm-ba thành, Già-thi quốc, Bà-sa-bà tụ lạc 在瞻波城伽尸國婆娑婆聚落. Tham chiếu Pāli, Vin.i. 312: ... Campāyaṃ viharati... tena kho pana samayena Kāsīsu janapade vāsabhagāmo hoti, “Phật trú tại Campā. Bấy giờ, tại quốc cảnh Kāsi, có một thôn tên là Vāsabha.”
[186] Thập tụng 30, tỳ-kheo này có tên là Cộng Kim 共金. Pāli, Vin.i. 312: Kassapagotta. Ngũ phần 24 (tr.161a14): tỳ-kheo họ Ca-diếp, là Ma-ma-đế.
[187] Có lẽ tương đương Pāli: tantibaddho, Horner dịch là “người gắn liền với tục lệ cổ truyền (attached to the tradition)”, tức gắn chặt với các phận sự phải làm theo truyền thống của trú xứ đó. Bản Hán dịch Nam truyền dịch là “người chấp sự” và chú thích, là người quản lý các sự việc trong trú xứ, như Ma-ma-đế hay Đế-đếđà-la. Bản Hán hiểu tanti (sợi dây ràng buộc) theo nghĩa tượng hình là “sự liên tục như giòng suối!”
[188] Vị lai khách tỳ-kheo 未來客比丘; Tham chiếu Pāli: kinti anāgatā ca pesalā bhikkhū āgaccheyyuṃ, “làm sao để tỳ-kheo khả ái chưa từng đến có thể đến đây?”
[189] Vô sự vô duyên 無事無緣. Pāli: avatthusmiṃ a kāraṇe, không dựa trên cơ sở nào, không vì nguyên nhân gì.
[190] Bản Hán dịch thiếu chính xác. Cần sửa lại, bốn loại yết-ma: phi pháp biệt chúng, (như) pháp biệt chúng, phi pháp hòa hiệp, (như) pháp hoà hiệp. Pāli, Vin.i. 316: cattāri kammāni: adhammena vaggakammaṃ (phi pháp biệt chúng), adhammena samagga-kammaṃ (phi pháp hòa hiệp), dhammena vaggakammaṃ (như pháp biệt chúng), dhammena samaggakammaṃ (như pháp hòa hiệp).
[191] Pāli, ibid. chỉ một yết-ma được phép: dhammena samagga-kammaṃ, như pháp hòa hiệp. Ngũ phần: “Ta (Phật) không chấp nhận ba loại yết-ma kia, mà chỉ thừa nhận yết-ma như pháp hòa hiệp.”
[192] Nguyên Hán: mãn số 滿數.
[193] Trùng tác yết-ma 重作羯磨.
[194] Mahāvagga ix, Có 5 Tăng, 4 Tăng như Tứ phần. Thứ năm: Tăng trên 20 Tỳ-kheo . Ngũ phần: 5 hạng Tăng. Hạng thứ năm: vô lượng tỳ-kheo Tăng.
[195] Pāli: āpatti daṭṭhabbā, loại tội cần được thấy; tội mà tự mình phải thấy (phải thừa nhận).
[196] Pāli, Vin.i. 322: āpattiyā adassane ukkhipati, yết-ma xả trí vì không nhận tội.
[197] Pāli: āpatti paṭikātabbā, loại tội cần được sám hối.
[198] Pāli: āpatti daṭṭhabbatā, xem cht. 13 trước.
[199] Ha 呵; tức chỉ trích. Thập tụng: già 遮; nghĩa là ngăn. Ở đây có nghĩa là ngăn không cho tiến hành yết-ma. Pāli: saṅghamajjhe paṭikkosanā, sự phi nạn (phủ quyết) giữa Tăng.
[200] Mahāvagga ix, Vin.i. 328: tỳ-kheo ưa gây tranh tụng (bhaṇḍaka-bhikkhu), bị Tăng cho yết-ma khiển trách (tajjanīyakamma, yết-ma ha trách).
[201] Mahāvagga ix, ibid., tỳ-kheo bị khiển trách đến trú xứ khác, Tăng ở đây biết yết-ma khiển trách này không được làm đúng, muốn làm lại cho đúng.
[202] tỳ-kheo bị khiển trách lại đi đến trú xứ khác.
[203] 13 trường hợp được kể trong già nạn thọ cụ túc. Xem Chương thọ giới.
[204] Tham chiếu Cullavagga 1 Kammakhandhakaṃ, Vin. ii. 1. Thập tụng 31, về khổ thiết yết-ma 苦切羯磨. (Pāli: tajjanīyakamma)
[205] Trí Tuệ 智慧 và Lô-hê-na 盧醯那. Thập tụng 31: Bàn-trà 般茶 và Lô-già 盧伽. Ngũ phần 24: Bàn-na 盤那 và Lô-hê 盧醯. Vin.ii.1: Paṇḍuka-lohitaka, một nhóm các tỳ-kheo dẫn đầu bởi Paṇḍuka (Hán đọc là Paṇḍita) và Lohitaka.
[206] Ha trách 呵責; tức khiển trách. Thâp tụng: khổ thiết yết-ma 苦切羯磨. Pāli: tajjanīya-kamma.
[207] Diễn tiến của tác pháp: tác cử 作舉, ức niệm 憶念, dữ tội 與罪, tác bạch 作白. Diễn tiến theo Pāli, Cūḷavag i (Vin.ii. 2): codetabba, nêu tội danh; sāratabba, làm cho nhớ lại (xác nhận); āpattiṃ āropetabba, quyết định tội; ñāpetabba, cáo bạch (công bố biện pháp trừng phạt).
[208] Dị ngữ 異語; xem Phần I, Ch.v ba-dật-đề 12.
[209] Những điều thuộc 7 pháp diệt tránh
[210] Phục thủ tội 伏首罪, khuất phục nhận tội. Pāli: āpattiṃ āropetvā, quyết định tội.
[211] Pāli: adesanāgāmaniyā āpatti, tội không dẫn đến việc phải sám hối.
[212] Trên kia nói là “không phục thủ tội.” Xem cht. 7.
[213] Đối tượng yết-ma không hiện diện. Pāli: asammukhā kataṃ.
[214] Các nhóm ba, không nhắc lại câu “Lại có…” Nghĩa là, đủ 3 yếu tố: tác ức niệm, yết-ma như pháp, Tăng hòa hợp.
[215] Tức đã có vi phạm những quy định nêu trên.
[216] Ki-li-na 羈離那. Trên kia, âm là Kỳ-liên. Xem Phần I, Ch.ii. Tăng-già-bà-thi-sa 12. Thập tụng: Hắc sơn quốc 黑山國. Pāli, Vin.ii. 9, Kiṭāgiri, núi Kiṭā.
[217] A-thấp-tỳ, Phú-na-bà-sa. Truyện hai tỳ-kheo này, xem Phần i, Ch.ii. tăng-giàbà-thi-sa 12. Thập tụng: Mã Tú và Mãn Tú 馬宿滿宿. Pāli: Assaji-Punabbasuka.
[218] Tẫn yết-ma 擯羯磨. Thập tụng: khu xuất yết-ma 驅出羯磨. Cūḷavag. i (Vin. 11. 10): pabbājjaniyakamma, yết-ma đuổi đi.
[219] Như yết-ma ha trách trước.
[220] Hán: trừ dư chúng trung thuyết giới 除餘眾中說戒. Không có điều khoản như vầy trong yết-ma ha trách trên. Nhưng có điều khoản tương tự: không được thuyết giới; nếu trong Tăng có hỏi nghĩa tỳ-ni thì không được đáp.
[221] Xem yết-ma ha trách.
[222] Không được trở lại nơi đã đuổi đi.
[223] Tăng-sô 僧芻. Thập tụng: Thi-việt 施越. Vin.ii. 7, Seyyasaka.
[224] Y chỉ yết-ma 依止羯磨; Thập tụng 31: ba đối tượng cần cho y chỉ: phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Vin.ii. 8: Nissayakamma.
[225] Xem yết-ma ha trách.
[226] Chỉ định địa phương y chỉ.
[227] Pāli, Vin. ii. 8: nissāya te vatthabban ti.
[228] Mật lâm 密林. Thập tụng: Ma-xoa-chỉ-đà 磨叉止陀. Pāli: Macchikāsaṇḍa, thị trấn trong nước Kāsi.
[229] A-ma-lê 阿摩梨. Ngũ phần: rừng A-ma-lặc 菴摩勒林. Pāli: Ambāṭakārāma.
[230] Chất-đa-la cư sĩ 質多羅居士. Pāli: Cittagahapati. Nguyên chủ nhân của vườn Ambāṭaka, sau đó cúng cho Tăng.
[231] Thiện Pháp. Pāli: Sudhamma. Thập tụng: Uất-đa-la 欝多羅.
[232] Hồ ma chỉ 胡麻滓. Thập tụng: hồ ma hoan hỷ hoàn 胡麻歡喜丸. Ngũ phần: hồ ma bính 胡麻餅. Pāli: tilasaṅgulikā, bánh hay kẹo làm bằng hạt mè (vừng). Luật sớ Pāli: vì nhà Citta vốn làm nghề sản xuất kẹo vừng, nên tỳ-kheo này nói biếm nhẽ.
[233] Hán: ô kê 烏雞.
[234] Thập tụng: hạ ý yết-ma 下意羯磨: khiến phải xin lỗi cư sĩ Vin.ii. 18: paṭisāraṇīyakammaṃ - gahapati khamāpetabbo, như Thập tụng.
[235] Thập tụng 31 (tr.225a05): Trước khi làm yết-ma hạ ý, xét lời cư sĩ có thật không? tỳ-kheo có khả năng làm việc ấy không? tỳ-kheo này có chịu hạ ý không?
[236] Vin.ii. 18: cố tình làm cư sĩ mất lợi (alābhāya); cố làm cho mất của (anatthāya); cố làm cho mất nhà (anāvāsāya); mắng nhiếc cư sĩ (akkosati); chia rẽ cư sĩ với cư sĩ (gihī ghīhi bhedeti).
[237] Pāli, ibid., gihīnaṃ dhammikaṃ paṭissavaṃ na saccāpeti, không thực hiện lời hứa như pháp đối với cư sĩ.
[238] Xem mục yết-ma ha trách.
[239] Thập tụng: Nếu cư sĩ nhận lời, bảo đi ra chỗ mắt thấy, tai không nghe. Rồi Tỳ-kheo phạm sám đột-kiết-la với tỳ-kheo Tăng sai, cho cư sĩ thấy.
[240] Thập tụng: Nếu cư sĩ không chịu; Tăng sai hai tỳ-kheo. Bấy giờ nếu cư sĩ chịu, cũng bảo đi như trên, rồi tỳ-kheo phạm sám đột-kiết-la với hai tỳ-kheo Tăng sai cho cư sĩ thấy.
[241] Thập tụng: Nếu cư sĩ vẫn không chịu, Tăng bảo tỳ-kheo đó tránh đi trú xứ khác; nếu cư sĩ có thế lực quan quyền.
[242] Bản Hán, hết quyển 44.
[243] Xiển-đà, xem Phần I, Ch. ii, Tăng-già-bà-thi-sa 13.
[244] Bất kiến tội cử 不見罪舉; cử ở đây được hiểu là xả trí (Pāli: ukkhepanīya). Thập tụng: bất kiến tẫn 不見擯 . Pāli (Vin.ii. 20): āpattiyā adassane ukkhepanīya, bị xả trí (bỏ mặc) vì không chịu nhận tội.
[245] Bất sám hối tội cử 不懺悔罪舉. Thập tụng: bất tác tẫn yết-ma 不作擯羯磨. Pāli, ibid. (25): āpattiyā appaṭikamme ukkhepanīya, bị xả trí vì không chịu sám hối tội.
[246] Xem yết-ma ha trách.
[247] A-lợi-tra 阿利吒. Trên kia, âm là A-lê-tra. Xem Phần I, Ch.v. ba-dật-đề 68.
[248] Sào quật 巢窟; xem cht. 62, Phần III, Ch. i Thọ giới.
[249] Bất xả ác kiến cử 不捨惡見. Thập tụng: ác tà bất trừ tẫn 惡邪不除擯. Pāli: pāpikāya diṭṭhiyā appaṭinissage upekkhanīya, xả trí vì không từ bỏ ác kiến.
[250] Xem yết-ma ha trách.
[251] Tham chiếu Pāli, Cullavagga ii. Pārivāsikakkhandhakaṃ, Vin. ii. 31. Ngũ phần 23, Phần IV. Ch.ii. Pháp yết-ma; Tăng kỳ 26, Tạp tụng bạt cừ; Thập tụng 32, Tăng tàn sám hối.
[252] Tùy theo số ngày phú tàng mà cho số ngày biệt trụ tương ứng. Xem Thập tụng 32 (tr.232c8); Vin.ii. 40; Ngũ phần 32 (tr.136c29).
[253] Thập tụng, nói rõ tội danh: “Tôi tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di, cố ý xuất tinh, phạm tăng-già-bà-thi-sa này một tội phú tàng.”
[254] Trong văn thỉnh của Pāli, có nói rõ số ngày che giấu để xin. Nếu một ngày che giấu (Vin. ii. 40): (…) sohaṃ, bhante, saṅghaṃ ekisā āpattiyā sañcetanikāya sukkavisaṭṭhiyā ekāhappaṭicchannāya ekāhaparivāsaṃ yācāmi, “…Vì vậy, thưa các Đại đức, tôi xin Tăng một ngày biệt trụ cho một tội cố ý xuất tinh một ngày phú tàng.” Nếu năm ngày che giấu (Vin.ii. 42): … pañcāhappaṭic-channāya pañcāhaparivāsaṃ yācāmi, “tôi xin năm ngày biệt trú cho năm ngày phú tàng.” Thập tụng 32 (tr.233a09): “… tuỳ theo số ngày phú tàng, xin Tăng pháp biệt trụ.” Ngũ phần 32 (tr.137a12): “… một đêm phú tàng, nay xin Tăng một đêm pháp biệt trụ.”
[255] Các luật đều nói: “xin biệt trú.” Tức xin thi hành ba-lợi-bà-sa 波利婆沙. Hành sự sao 8: “Ba-lợi-bà-sa, hoặc dịch là phú tàng.” Không đúng. Ba-lợi-bà-sa là phiên âm từ Skt. (Pāli): parivāsa. Từ này cũng áp dụng cho ngoại đạo xuất gia, gọi là “bốn tháng biệt trú” (Pāli: cattaro māse parivāso), không liên hệ gì đến ý nghĩa “phú tàng.”
[256] Trùng phạm 重犯, phạm lại tội cũ. Tham chiếu Pāli, Vin.ii. 43: Udāyī đang hành biệt trụ vì 5 ngày phú tàng tội cố ý xuất tinh, lại tái phạm tội cũ mà không phú tàng. Tăng cho hành bản nhật trị không phú tàng. Sau đó (Vin.ii. 48), phạm tội cố ý xuất tinh, nửa tháng hành biệt trụ vì 15 ngày phú tàng. Trong khi hành biệt trụ, lại tái phạm, lại phú tàng 5 ngày. Tăng hiệp cả hai lần phú tàng trước sau thành pháp hiệp nhất biệt trụ (samodhānaparivāsa).
[257] Thập tụng, đã dẫn: tái phạm tội cũ, một ngày không phú tàng, cho bản nhật trị.
[258] Bổn nhật trị 本日治. Pāli: mūlāyapaṭikissanā, kéo trở lại gốc.
[259] Cf. Vin.ii. 43: tỳ-kheo đang hành biệt trụ về tội cố ý xuất tinh, tái phạm tội cũ, khi xin yết-ma, nói rõ tội cũ: (…) sohaṃ parivasanto antarā ekaṃ āpattiṃ āpajjiṃ sañcetanikaṃ sukkavissaṭṭhiṃ appaṭicchanaṃ. Sohaṃ, bhante, saṅghaṃ antarā ekissā āpattiyā sañcetanikāya sukkavissaṭṭhiyā appaṭicchannāya mūlāya paṭikassanaṃ yācāmi’ti. “Tôi trong khi đang hành biệt trụ, trung gian phạm một tội có ý xuất tinh, không che giấu. Nay tôi, thưa các Đại đức, xin Tăng cho tôi bản nhật trị cho trung gian một tội cố ý xuất tinh không che giấu.”
[260] Ma-na-đỏa 摩那埵. Pāli: mānatta; PTS Dict. nói, từ nguyên không rõ. Giả thiết do māna “đo lường,” nên có thể có nghĩa “thi hành biện pháp.” Từ nguyên, theo BSK: mānāpya, “làm cho hài lòng.” Hán dịch thông dụng là ý hỷ.
[261] Xuất tội 出罪. Ngũ phần, Tăng-kỳ: a-phù-ha-na 阿浮呵那. Pāli: abbhāna, sự phục hồi.
[262] Thập tụng 32 (tr.236b22): “Lần thứ nhất, cố ý xuất tinh, phạm một tăng-già-bàthi-sa, một đêm phú tàng. Thứ hai, xúc nữ (tăng tàn 2), hai đêm phú tàng, thứ ba… cho đến, lần thứ 13, lệ ngữ (tăng tàn 13), 13 đêm phú tàng. Cho người đó 13 đêm biệt trụ.” Nghĩa là, chọn ngày phú tàng lớn nhất cho tất cả các tội phú tàng, chứ không phải làm phép toán cộng. Tăng kỳ 26 (tr.436c26): phạm tội thứ nhất 10 đêm phú tàng, tội thứ hai 10 đêm, cho đến tội thứ mười 10 đêm phú tàng. Họp lại làm thành 10 đêm biệt trụ. Ngũ phần 22 (tr.157c04): “Phạm 1 đến nhiều tội tăng-già-bà-thi-sa, phú tàng từ 2 đến nhiều đêm; chỉ tính số đêm phú tàng lâu nhất. Theo số đó mà cho biệt trụ.”
[263] Bản Hán, hết quyển 45.
[264] Tham chiếu Pāli, Cūḷavagga 2. Pārivāsakkhandhaṃ, Vin. ii. 31. Ngũ phần 28, “Biệt trụ pháp” (tr.181b); Thập tụng 33, “Tăng tàn hối pháp” (tr.236c).
[265] Từ đây trở xuống, xem mục đệ tử hầu Hoà thượng trong chương Thọ giới.
[266] Tham chiếu, Thập tụng 33 , “Già pháp” (tr.239b); Ngũ phần 28, “Già bố-tát pháp” (tr.180c).
[267] Cầu thính, xem Phần III. Ch. iv. Tự tứ, mục 2. Cầu thính. Pāli okāsakata, dành cho cơ hội, hay cho phép. Cf. Mahāvagga ii (Vin.i. 114): okāsaṃ kārāpetvā āpattiṃ codetuṃ, sau khi xin phép (yêu cầu cho cơ hội) rồi cử tội.
[268] Pāli, ibid., karotu āyasmā okāsaṃ, ahaṃ taṃ vattukāmo, (trước khi cử tội, phải nói) “Mong Trưởng lão cho tôi cơ hội nói chuyện với ngài.”
[269] Tác tự ngôn 作自言; có lẽ Pāli: paṭiññātakaraṇa, đồng nhất với tự ngôn trị trong 7 diệt tránh. paṭiññā (tự ngôn, hay tự xưng), cũng có nghĩa là sự hứa hẹn.
[270] Nhận lời hứa của người sẽ nhận cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn.
[271] Tự mình hứa với người sẽ đến cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn.
[272] Tác 作; ở đây được hiểu là nguyên nhân hay lý do. Pāli: kāraṇa.
[273] Vô căn 無根, Pāli: avatthu (không cơ sở) Cf. Thập tụng 33: vô căn già thuyết giới 無根遮說戒. Trong năm thiên tội, không dẫn được bằng chứng nào cho một tội để ngăn thuyết giới. Ở đây, thuyết giới bị ngăn, vì cho rằng trong chúng có tỳ-kheo phạm tội mà chưa sám hối. Nhưng người ngăn không nêu được bằng chứng phạm tội.
[274] Vô căn tác bất tác 無根作不作.
[275] Thập tụng 33: tỳ-kheo phạm ba-la-di, nhưng chưa được Tăng nêu tội. Nghĩa là, chưa bị buộc tội là phạm ba-la-di.
[276] Thập tụng 33: Tùy thuận Tăng sự như pháp.
[277] Thập tụng 33: Không khinh Tăng, tức không chống đối các quyết định như pháp của Tăng.
[278] Đoạn văn này bị thiếu, nên dẫn Thập tụng để thêm vào: “Tăng chuẩn bị đề xuất ba-la-di sự đối với một tỳ-kheo. Trong lúc đang kiểm hiệu, một trong tám nạn sau đây xảy ra… Sự việc chưa được quyết đoán, Tăng phải rời chỗ mà đi. Về sau, khi Tăng bố-tát, trước hết phải quyết đoán sự việc của tỳ-kheo này…”
[279] Tăng đang phân xử tại trú xứ này trước khi thuyết giới, gặp nạn sự dời qua trú xứ khác bố-tát, tại đó, tiếp tục phân xử.
[280] Xem cht. trên.
[281] Xem mục Già Tự tứ, Phần III, Chương Tự tứ.
[282] Tăng-già-bà-thi-sa 8, “Vu khống bằng ba-la-di không căn cứ.”
[283] Đại bộ phận đoạn ngăn thuyết giới này tương tự với ngăn tự tứ. Xem Chương Tự tứ, mục “Già Tự tứ.”
[284] Tham chiếu Pāli, Cūḷavagga 7 Saṅghabhedakakkhandhaṃ. Vin. ii. 179. Ngũ phần 25 “Pháp tăng pháp” (tr.164a); Thập tụng 36, “Tạp tụng, Điều-đạt sự” (tr.257a); Căn bản phá tăng sự, 20 quyển, (tr.99).
[285] Xem Phần I, Ch. ii, tăng-già-bà-thi-sa 10, phá Tăng luân.
[286] Xem Phần I, Ch. ii, tăng-già-bà-thi-sa 10, cht. 119.
[287] Vin. ii. 199: 500 tỳ-kheo Bạt-kì Tử (Vajjiputta).
[288] Già-da sơn 伽耶山. Vin.ii. 196: Gaya-sīsa.
[289] Tám phi chánh pháp 八非正法. Cũng gọi là 8 thế gian pháp, hay 8 ngọn gió. Xem Tập dị 18 (tr.442c28). Pāli: aṭṭha-lokadhamma, Cf. Saṅgīti, D. iii. 260.
[290] Nê-lê 泥犁; tức địa ngục. Pāli (Skt.) niraya.
[291] Xem Tập dị, dẫn trên: đắc, bất đắc, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Pāli, đã dẫn: lābho (đắc), alābho (thất), yaso (danh dự), ayaso (sỉ nhục), nindā (chê), pasaṃsā (khen), sukhaṃ (sướng), dukkhaṃ (khổ).
[292] Đồng bạn của Đề-bà-đạt-đa, xem Phần i, Ch. ii. tăng-già-bà-thi-sa x & cht. 142; Ch.v Ba-dật-đề 33 & cht. 205.
[293] Tán-nhã 散若.
[294] Phần lớn chữ “cúng dường” trong bản Hán, có nghĩa là “hầu hạ,” hay phục dịch. Ở đây, vua gia tăng sự chăm sóc cho bà vợ.
[295] Hiện tượng nhật thực.
[296] Khư-đà-la 佉陀羅木刺. Skt. khadira; tên một loại cây, cho gỗ rất cứng.
[297] Tham chiếu, Vin. ii. 202: “Upāli hỏi, cho đến mức nào thì Tăng nứt mà không vỡ? Cho đến mức nào thì Tăng nứt và vỡ?” (kittāvatā … saṅgharāji hoti, no ceva saṅghabhedo? Kittāvatā ca pana saṅgharāji ceva hoti saṅghabhedo ca?)
[298] Tăng trần cấu 僧塵垢. Tăng bẩn vì bụi. Bản Hán đọc là saṅgharaja (Tăng bị bụi bẩn), thay vì saṅgharāji (Tăng bị nứt rạn). Xem cht. 14 trên.
[299] Phi pháp tưởng phá 非法想破: Phi pháp, biết đó là phi pháp; và tuyên bố phi pháp với ý tưởng đó là phi pháp. Tỳ-kheo phá Tăng biết rằng, sự phá Tăng này sẽ đưa ra giáo pháp khác với chánh pháp. Tham chiếu Pāli, Vin.ii. 205: tasmi adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, trong đây có phi pháp. Trong sự phá Tăng này là phi pháp.
[300] Bốc thăm, lấy ý kiến.
[301] Tham chiếu Pāli: “Tỳ-kheo thuyết minh phi pháp là pháp, biết trong đây là phi pháp, trong sự phá Tăng này là phi pháp, mà kiên trì kiến giải dị biệt, xu hướng dị biệt, sở thích dị biệt, đề nghị rút thăm, nói rằng: Đây là Pháp, đây là Luật, đây là giáo thuyết của Đạo sư.” (bhikkhu dhammaṃ dhammoti dīpeti. tasmiṃ adhamma-diṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi, vinidhāya diṭṭhiṃ, vinidhāya khantiṃ, vinidhāya ruciṃ, vinidhāya bhāvaṃ, anussāveti, salākaṃ gāheti, ayaṃ dhammo, ayaṃ vinayo, idaṃ satthusāsanaṃ…).
[302] Tức là, phi pháp mà tưởng là pháp, rồi tuyên bố với ý tưởng đó là phi pháp. Xem cht. 16 & 18 trên.
[303] Tức là, pháp nghi là pháp, phi pháp nghi là phi pháp; pháp không nghi là pháp, phi pháp không nghi là phi pháp. Tứ cú theo Cūḷavagga vii: tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá cũng thấy là phi chánh pháp); tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede dhammadiṭṭhi (trong đây thấy là phi chánh pháp, trong Tăng phá thấy là pháp), tasmiṃ adhammadiṭṭhi, bhede vematiko (trong đây thấy là phi pháp, trong Tăng phá thì nghi), tasmiṃ dhammadiṭṭhi, bhede adhammadiṭṭhi (trong đây thấy là pháp, trong Tăng phá thấy là phi pháp).
[304] Bản Hán, hết quyển 46.
[305] Tham chiếu Pāli, Cūḷavagga 4 Samathakkhandhakaṃ, Vin. ii. 73. Ngũ phần 23, “Diệt tránh pháp” (tr.153c); Thập tụng 35, “Tránh sự pháp” (tr.251a). Trung Ahàm, kinh 196 (Châu-na), bảy pháp chỉ tránh: diện tiền chỉ tránh luật 面前止諍律, ức chỉ tránh luật 憶止諍律, bất si chỉ tránh luật 不癡止諍律, tự phát lồ chỉ tránh luật 自發露止諍律, quân chỉ tránh luật 君止諍律, triển chuyển chỉ tránh luật 展轉止諍律, như khí phấn tảo chỉ tránh luật 如棄糞掃止諍律.
[306] A-di-la-bạt-đề 阿夷羅跋提. Pāli: Aciravatī, con sông ở Kosala, chảy qua trước cung điện của vua Pasenadi.
[307] Kết tội ba-la-di.
[308] Hiện tiền tỳ-ni diệt tránh 現前毘尼滅諍. Pāli: sammukhāvinayo, chiết phục bằng sự hiện diện. Cf. Cūḷavagga iv (Vin.ii. 73).
[309] Xem Phần i, Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8 & 9.
[310] Ức niệm tỳ-ni 憶念毘尼. Pāli: sativinayo, chiết phục bằng sự hồi ức. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 74)
[311] Trên kia nói là tỳ-kheo Na-đề(-do). Thập tụng: tỳ-kheo Thi-việt 施越 .
[312] Bất si tỳ-ni 不癡毘尼. Pāli: amūhavinayo, chiết phục bằng sự bất si. Cf. Cūḷavagga iv (Vi. ii. 80).
[313] Già-cừ 伽渠; các phần trước, nói là Già-già. Pāli: Gagga.
[314] Tự ngôn trị 自言治. Pāli: paṭiññātakaraṇa, phán quyết bằng sự tự nhận. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 83)
[315] Dụng đa nhân ngữ 用多人語. Căn cứ ý kiến đa số. Thập tụng: mích tội tướng. Pāli: yebuyyasikā, sự quyết định theo đa số. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 84).
[316] Xem Phần I, Ch. v, ba-dật-đề 1.
[317] Tác tội xứ sở 作罪處所. Ngũ phần: bản ngôn trị 本言治. Thập tụng: mích tội tướng. Pāli: tassapāpiyyasikā. Cf. Cūḷavagga iv (Vin. ii. 85)
[318] Như thảo phú địa 如草覆地 . Ngũ phần: thảo bố địa 草布地 . Pāli: tiṇṇavatthārako.
[319] Xem Chương Câu-thiểm-di trên.
[320] Tránh 諍. Thập tụng: sự 事. Tránh tức sự; hai từ cùng một gốc trong tiếng Phạn. Pāli: adhikaraṇā. Cf. Cūl. iv (Vin.ii. 88): vấn đề được thảo luận, được tranh cãi; chủ điểm hay trung tâm của sự tranh chấp.
[321] Bốn tránh sự: các giải thích và cht. dưới.
[322] Ngôn tránh 言諍. Thập tụng: đấu tránh sự 鬥諍事. Pāli: vivādādhikaraṇa, tranh chấp do bất đồng về lời lẽ.
[323] Xem trước, cht. 25, Ch. ix Câu-thiểm-di.
[324] Mích tránh 覓諍. Ngũ phần: giáo giới tránh 教誡諍. Thập tụng: vô căn sự 無根事. Pāli: anuvādādhikaraṇa, tranh chấp về sự giáo giới, về lời lẽ buộc tội.
[325] Phạm tránh 犯諍. Thập tụng: phạm tội sự 犯罪事. Pāli: āpattādhikaraṇa, tranh chấp về tội danh.
[326] Sự tránh 事諍. Thập tụng: thường sở hành sự 常所行事. Pāli: kiccādhikaraṇa, tranh chấp về nghĩa vụ.
[327] Ngũ phần 23 (tr.154a25): tranh cãi về các pháp tác yết-ma, những phận sự thường ngày, là sự tránh. Thập tụng 35 (tr.251b16): thường sở hành sự, tranh cãi về các loại yết-ma, về bố-tát, tự tứ, các phận sự hằng ngày của Tăng.
[328] Giới 界, chỉ cương giới.
[329] Lục tránh 六諍. Thập tụng: lục đấu tránh bản 六鬥諍本. sáu gốc rễ của sự tranh cãi. Pāli, ibid., cha vivādamūlāni: kodhano (sân hận), makkhī (ngụy thiện), issukī (tật đố) (maccharī), saṭho (giảo hoạt), pāpiccho (ác dục), sandiṭṭhiparāmāsī (bảo thủ quan điểm). Cf. Tập dị môn 15 (tr. 431a16): lục tránh bản.
[330] Tham chiếu Pāli, Vin. ii. 90, cha āpattisamuṭṭhānā, sáu đẳng khởi của tội: tội khởi chỉ từ thân, khởi chỉ từ miệng; từ cả thân và miệng, cả thân và ý; từ cả miệng và ý, từ cả thân và miệng và ý.
[331] Bảy hạng học nhân, tức bảy bậc Thánh giả hữu học, từ Dự lưu hướng, cho đến A-la-hán hướng.
[332] Chỉ A-la-hán quả, thuộc hàng Thánh giả vô học.
[333] Tham chiếu Pāli, Vin. ii. 91: Tăng tác yết-ma với thiện tâm, đây gọi là sự tránh thiện (kiccādhikaraṇaṃ kusalaṃ).
[334] Bốn vế, quan hệ chéo giữa ngôn và tránh sự. Pāli (Vin.ii. 91): vivādo vivādādhikaraṇaṃ (ngôn tức ngôn tránh), vivādo no adhikaraṇaṃ (ngôn không phải tránh), adhikaraṇaṃ no vivādo (tránh không phải ngôn), adhikaraṇañceva vivādo ca (vừa tránh vừa ngôn).
[335] Pāli, ibid., vivādo vivādādhikaraṇaṃ.
[336] Pāli: vivādo no adhikaraṇaṃ, tranh luận mà không phải là tránh sự.
[337] Pāli, ibid., sahāyopi sahāyena vivadati, bạn cãi với bạn.
[338] Những người này cãi nhau, không dẫn đến xung đột, nên không thành tránh sự. Thập tụng: đấu tránh nhưng không phải tránh sự: tỳ-kheo tranh cãi nhau, nhưng chưa thành xung đột.
[339] Giống như trường hợp một: ngôn tức ngôn tránh. Thập tụng và Pāli không tách riêng với trường hợp đầu.
[340] Pāli, ibid., không đề cập.
[341] Giống như trường hợp đầu. Pāli và Thập tụng không tách riêng.
[342] Pāli: vivādo na adhikaraṇa, tranh luận không phải tránh sự.
[343] Giống như trường hợp thứ hai. Thập tụng không tách riêng.
[344] Pāli: adhikaraṇaṃ no vivādo: đó là tránh sự về giáo giới, tránh sự về phạm tội, tránh sự về tác sự.
[345] Như các trường hợp một và ba.
[346] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[347] Ba yếu tố hiện tiền.
[348] tỳ-kheo, ba-dật-đề 66.
[349] Chỉ tránh sự được diệt mà mình không có mặt, do đó không chấp nhận.
[350] Bốn yếu tố hiện tiền.
[351] tỳ-kheo, ba-dật-đề 76.
[352] Ngũ phần, Thập tụng: Ưu-ba-ly hỏi.
[353] Tham chiếu Pāli, Vin. ii. 95: bhikkhu ubbāhika, tỳ-kheo đoán sự thành tựu 10 pháp. Thập tụng 35 (tr.252c15): tỳ-kheo thành tựu 5 pháp được lập làm người đoán sự, gọi là Ô-hồi-cưu-la 烏迴鳩羅.
[354] Pāli, Vin. ii. 96: dhammika, vị pháp sư không am hiểu Luật tạng.
[355] Ba loại hành trù, như Pāli, Vin.ii.98: tayo salākaggāhe gūḷhakaṃ, sakaṇṇajappakaṃ, vivaṭakaṃ.
[356] Bản Minh: tác lễ. Bản Cao Ly: tác loạn 作亂. Bản Tống: tác loạn lễ.
[357] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[358] Hán: bình đáng nhân 平當人. Thập tụng 35 (tr.252c10): Ô-hồi-cưu-la 烏迴鳩羅. Pāli: ubbāhika. Xem cht. 50 trước.
[359] Bản Hán, hết quyển 47.
[360] Tức diệt bằng hai pháp: hiện tiền và ức niệm.
[361] Trường hợp vô căn báng, vu khống không căn cứ. Xem Phần I, Ch.ii tăng-giàbà-thi-sa 8.
[362] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[363] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[364] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[365] tỳ-kheo Tương Lực, xem Phần I, Ch.v, ba-dật-đề 1. Xem mục I. 6 “Tội xứ sở”.
[366] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[367] Tiểu chú trong nguyên bản Hán.
[368] Tham chiếu Pāli, Cūḷavagga 10, Bikkhunikkhandhakaṃ, Vin. ii. 252.
[369] Ni-câu-luật viên 尼拘律園 . Pāli: Nigrodhārāma, vườn cây đa, gần Kapilavatthu.
[370] Thích-sí-sấu 釋翅瘦; phiên âm của Śākyeṣu (Skt.) hay Sakkesu (Pāli): giữa những người họ Thích-ca (không phải địa danh).
[371] Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提. Các đoạn trên kia dịch là Đại Ái Đạo. Pāli: Mahāpajāpati.
[372] Xá-di nữ 舍夷女; chỉ con gái họ Thích.
[373] Tham chiếu, Trung A-hàm 28, kinh 116 “Cù-đàm-di“, Cūḷavagga x, Vin. ii. 253. A. viii. 51 Dhammika. T24n1478, Đại Ái Đạo tỳ-kheo-ni kinh.
[374] Cù-đàm-di 瞿曇彌; Pāli: Gotamī, người nữ của dòng họ Gotama.
[375] Vin. ii. 256: Phật chỉ nói điều này sau khi đã chấp nhận người nữ xuất gia. Có thể do Phật không nói điều này nên Cù-đàm-di và A-nan khẩn khoản xin.
[376] Vin.ii. 256: dễ bị phá hoại bởi bọn cướp. Tất cả những điều được Phật nói chỉ sau khi đã chấp nhận cho người nữ xuất gia.
[377] Trong bản: sương bạc, sương và mưa đá 霜雹. Pāli, ibid., ruộng lúa bị chứng bệnh gọi là sương muối (setaṭṭikā nāma rogajāti).
[378] Bất khả quá pháp 不可過法. Trung A-hàm: tôn sư pháp. Ngũ phần: bất khả việt pháp 不可越法. Tăng kỳ, Thập tụng: kỉnh pháp. Pāli: garudhamma.
[379] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 175.
[380] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 145. Thập tụng thay điều này bằng ba-dật-đề 172.
[381] Thập tụng, điều 8: tỳ-kheo-ni không được nói các tội thấy, nghe, nghi của Tỳ-kheo .
[382] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 124.
[383] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 141. Pāli, pháp thứ 3: Mỗi nửa tháng đến tỳ-kheo Tăng có hai việc: hỏi ngày Bố-tát (uposathapucchakaṃ) và xin giáo giới (ovādūpasaṅkammaṃ). Thập tụng 47: Mỗi nửa tháng, đến tỳ-kheo nhận tám kỉnh pháp.
[384] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 143.
[385] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 142.
[386] Các loại hoa: ưu-bát-la 優缽羅 (Pāli: uppala, sen hay bông súng xanh), a-hyvật-đa 阿希物多 (Pāli: atimuttaka, hoa thiện tư), chiêm-bà 瞻婆 (Pāli: campaka, một loại hoa vàng), tô-man-na 蘇曼那 (Pāli: sumanā, tố hương), bà-sư 婆師.
(Pāli: vassika, hạ sinh hoa).
[387] Trong bản, có sự nhầm lẫn, vì truyền khẩu theo quán tính.
[388] Dịch sát. Ngũ phần 29 (tr.186a14): “Chánh pháp của Phật tồn tại ở đời một nghìn năm. Nay cho nữ xuất gia, giảm mất năm trăm năm.”
[389] Tham chiếu, Phần II. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 121.
[390] A-di 阿姨, phiên âm từ Pāli: ayye, Skt.: ārya, āyya, xưng hô với người nữ, người nhỏ thưa trình người lớn.
[391] Xem Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 125. Tham chiếu, Thập tụng 45 (tr.325c25), tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 190.
[392] Tham chiếu Thập tụng 45, nt., văn thọ sáu pháp. Văn thọ Pāli, xem Vin. ii.319 (Bhikkhuni, pāc. 63).
[393] Xem trên, Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 123: Nếu thức-xoa-ma-na phạm dâm thì phải diệt tẫn. Nếu có tâm nhiễm ô cùng với nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm tức khuyết giới, phải thọ lại.
[394] Xem Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 123, nt.: trộm 5 tiền trở lên, diệt tẫn. Dưới 5 tiền, khuyết giới, phải thọ lại.
[395] Nguyên Hán: quá thực. Xem Phần II. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 121: trừ điều tự tay lấy thức ăn, trao thức ăn cho người.
[396] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 26.
[397] Tham chiếu Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 124.
[398] Hán: cử 舉, thường dùng theo nghĩa cử tội, tức buộc tội. Nhưng đây không thuộc ba cử tội thấy-nghe-nghi, nên không nói là cử tội.
[399] Tốn 蹲; theo phong tục, cách ngồi được xem là cung kính của đàn ông. Pāli:
ukkuṭika; Skt. utkuṭuka.
[400] Thọ sứ cụ túc. Thập tụng 41 (tr.295b), 56 (tr.410a11): người nữ tên Bán-ca-thini 半迦尸尼 nhờ người đại diện đắc giới cụ túc. Pāli: dūtena upasampāda. Vin. ii. 277: Kỹ nữ Aḍḍhakāsī, xuất gia, muốn về Sāvatthi để thọ cụ túc. Bọn vong mạng hay tin, tổ chức chặn đường để cướp. Cô biết được, không dám đi. Phật cho phép nhờ sứ giả thọ giới. Trong Câu-xá 14, đây là trường hợp của tỳ-kheo-ni Pháp Thọ (Skt. Dharmadinnā, Pāli, Dhammadinnā).
[401] Nguyên văn bản Hán: thử mỗ giáp tỳ-kheo-ni tùng mỗ giáp cầu thọ đại giới 此某甲比丘尼從某甲求受大戒. Văn cú đảo trang, cần chỉnh lại để đọc cho đúng nghĩa.
[402] Tham chiếu văn bạch đại diện xin giới theo Pāli, Vin. ii. 277: (...) itthannāmā, ayyā, itthannāmāya ayyāya upasampadāpekkhā ekato-upasampannā bhikkhunisaṅghe, visuddhā. sā kenacideva antarāyena na āgacchati. itthannāmā, ayyā, saṅgha upasampādaṃ yācati. ullumpatu taṃ ayyā saṅgho anukampaṃ upādāya “… Người nữ mỗ giáp, theo người nữ mỗ giáp khất cầu giới cụ túc. Người nữ ấy đã thọ một phần cụ túc giữa tỳ-kheo-ni Tăng. Người nữ ấy thanh tịnh. Người nữ ấy vì một chướng ngại như vậy không đến đây được. (Bạch chư Đại đức) Người nữ mỗ giáp khất cầu Tăng cho giới cụ túc. Nguyện Tăng thương tưởng cứu vớt người nữ mỗ giáp ấy.” Tham chiếu văn bạch Thập tụng 41, đã dẫn.
[403] Để bản: bạt tế ngã 拔濟我. Các bản khác, không có chữ ngã 我.
[404] Trong nguyên bản. Đề nghị sửa lại: “Người nữ...” Vì chưa đắc giới, nên không thể gọi là tỳ-kheo-ni. Bản Hán bị chép nhầm. Tham chiếu Pāli (Vin.ii. 277) dẫn trên, cht. 34.
[405] Pāli (Vin. ii. 278): Tăng tỳ-kheo, sau khi chỉ dẫn cách đo bóng mặt trời, định mùa, tính ngày tháng, rồi dặn, bảo cho tỳ-kheo-ni ấy biết ba y chỉ (tayo nisaya, ni bất trụ lan-nhã: na bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ, nên chỉ truyền ba y chỉ) và tám phi sự (aṭṭha akaraṇīyāni, tức 8 ba-la-di).
[406] Cf. Vin. ii. 271: 24 già nạn cho nữ thọ tỳ-kheo-ni (catuvīsati antarāyike dhamme pucchituṃ).
[407] Hán: huyết xuất 血出; đây chỉ kinh nguyệt. Ngũ phần, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 178: độ người nữ thường ra nguyệt thủy. Tứ phần, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 165, thay điều này bằng, “độ người nữ mà đường đại và tiểu tiện thường chảy đàm dãi.”
[408] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 166.
[409] Xem Phần I, tỳ-kheo, ba-dật-đề 6.
[410] Xem Phần II, tỳ-kheo-ni, tăng-già-bà-thi-sa 16.
[411] Tác cổ đạo 作蠱道. Cf. Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 117 & 118.
[412] Tham chiếu Pāli, Vin.ii. 161: tỳ-kheo định pháp yết-ma, hay định tội của Tỳ-kheo -ni, rồi uỷ nhiệm cho Tăng tỳ-kheo-ni tác yết-ma và xử trị.
[413] tỳ-kheo, ba-dật-đề 29.
[414] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 175.
[415] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 84, thay tỳ-kheo bằng chủ nhân.
[416] Bản Hán, hết quyển 48.
[417] Vin.ii. 278: Các tỳ-kheo-ni sống tại trú xứ a-lan-nhã, bị bọn xấu làm nhục.
[418] Cf. Vin.ii. 279: tỳ-kheo-ni sống ở a-lan-nhã, phạm đột-kiết-la (na bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ).
[419] Xem tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 99.
[420] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 169 & 170: không được học kỹ thuật thế tục (nghề nghiệp), và dạy cho người khác để kiếm sống.
[421] Cô tửu 酤酒. Thập tụng 41 (tr.297c18): tác tửu 作酒, làm rượu.
[422] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, các điều 150-155, 157.
[423] Răng thú, hoặc ngà voi.
[424] Vin.ii. 266: tỳ-kheo-ni lấy xương đùi của bò để xoa chà tay, chân, lưng, mặt… (aṭṭhillena jaghanaṃ ghaṃsapeti).
[425] Xem, tỳ-kheo-ni, các ba-dật-đề 150, 151.
[426] Vin.ii. 266: dùng sợi đai dài quấn quanh eo (dīghāni kāyabandhanāni dhārenti).
[427] Triền thể 纏體.
[428] Tì-lâu 鞞樓. Pāli: viḷīva, được làm bằng tre (?), Cf. Vin.ii. vilīvena paṭṭena phāsukā nāmenti, các cô quấn dây thắt lưng làm bằng tre.
[429] Sa yêu đái 娑腰帶. Không rõ. Cf. Pāli. ibid., colapaṭṭena, thắt dây lưng bằng vải cola (Skt. cola hay coḍa; các từ điển Skt. và Pāli không cho biết rõ đây là loại vải gì).
[430] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 101.
[431] Phong tục thời đó: Nô lệ chết, chủ không chôn mà đem vất xác ngoài bãi tha ma.
[432] Vin. ii. 269.
[433] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 97.
[434] Vương viên 王園. Thực chất, đây là khu rừng của vua, trong đó có khu a-lannhã.
[435] tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 140.
[436] Xả giáo thọ 捨教授. Cf. Vin. ii. 263: ovādaṃ ṭhapetuṃ, ngưng giáo giới. Tỳ-kheo -ni bị ngưng giáo giới, không được dự bố-tát (na ovādaṭṭhapitāya bhikkhuniyā saddhiṃ uposatho katabbo).
[437] Truyện Liên Hoa Sắc, xem Phần I, Ch. iv, Ni-tát-kỳ 4.
[438] Huyền xí 懸廁. Pāli, Vin.ii. 280: vaccakuṭī, nhà xí, làm theo kiểu nhà sàn.
[439] Cf. Vin. ii. 280: pallaṅkena nisīdanti paṇhīsamphassaṃ sādiyanti, “ngồi kiết già, để cho chúng nó (?) sờ vào hai gót chân.” Bản dịch Anh hiểu chúng nó là “những người khác (other people).” Bản Hán có lẽ hiểu chúng nó là huyết bẩn.
[440] Vin.ii. ibid.: có tỳ-kheo-ni bệnh, cần ngồi kiết già mới an ổn.
[441] Ma-kiệt-đề, những chỗ khác âm là Ma-kiệt-đà.
[442] Nhữ niên thiếu bất tri túc 汝年少不知足. Xem câu trả lời của A-nan tiếp theo để hiểu rõ ý nghĩa của lời trách mắng này. Tạp A-ham 41 (tr.303a06): Ca-diếp mắng A-nan, “Ông trẻ con, không biết lượng sức” (nhữ thị đồng tử, bất tri trù lượng 汝是童子不知籌量). A-nan trả lời như trên. Cf. Pāli, S.ii. na vāyaṃ kumārako mattamaññāsi, “Cậu bé này không biết lượng sức.”
[443] Trong các kinh Pāli, Ca-diếp xưng hô với A-nan là āvuso, hiền giả (hay ông bạn). A-nan luôn luôn xưng hô với Ca-diếp là bhante, bạch Đại đức, như xưng hô với Phật. Vì tôn kính Ca-diếp như là Hòa thượng của mình.
[444] Hán: niên thiếu tỳ-kheo.
[445] Pāli, ibid., “…mắng Thánh giả A-nan, vị ẩn sĩ thông thái (ayyo Ānando vedehamuni).
[446] Pāli, ibid., Ca-diếp nói, “… từ khi Ta xuất gia đến nay, Ta chưa gọi ai là Thầy, ngoại trừ Thế Tôn.”
[447] Thóa chi 唾之, nhổ nước bọt.
[448] Tham chiếu Pāli, Cullavagga 8, Vattakkhandhakaṃ, Vin.ii. 206. Ngũ phần 27, “Oai nghi pháp.”
[449] Thập tụng 41 (tr.300a17): Khách tỳ-kheo nghi pháp 客比丘儀法 ; 57 (tr.420a24): Khách pháp. Cf. Tăng kỳ 35 (tr.507b4). Vin. ii. 307: āgantukavatta.
[450] Phước nhiêu 福饒. Chưa rõ thứ gì. Ngũ phần 27 (tr.179a20), tỳ-kheo khách hỏi: “Phòng này có thức ăn không?” Thập tụng 57, nt., hỏi: “Tăng phòng này có tiền thực hậu thực không?” Ngũ phần 27, nt., cũng hỏi như Thập tụng.
[451] Tháng 30 ngày thì kể luôn ngày 23, 29, 30.
[452] Thỉnh thực thứ 請食次, tức Tăng thứ thỉnh; xem Phần III, Ch.i (Thọ giới, 3. Da-xá), cht. 97.
[453] Yết-ma phúc bát 覆鉢羯磨, xem Phần IV. Ch. ii. 27. Úp bát.
[454] Xem Phần I, Ch. vi. Ba-la-đề đề-xá-ni, điều 3 (thọ thực nhà học gia).
[455] Vin. ii. 210: āvāsikavatta.
[456] Kinh hành xứ 經行處. Có lẽ kinh hành đường đúng hơn. Pāli: caṅkamana-sāla. Nhà để đi kinh hành khi trời mưa. Cũng thường dùng làm nhà khách, phòng hội.
[457] Tức xỉa răng.
[458] Xoa-kỳ-xí thảo 叉奇廁草.
[459] Vin. ii. 215: tỳ-kheo này nhầm buồng trong với cửa ngoài.
[460] Quy định như pháp khất thực, đoạn trên.
[461] Đả lộ trượng 打露杖.
[462] Để bản: tượng hàng 象行, như đàn voi. Bản TNM: như nhạn hàng, bầy nhạn.
[463] Năm pháp tác tịnh trái cây, xem trước, Chương vii, về thuốc.
[464] Pāli, Vin.ii. 212: bhattagge na anumodanti, ăn xong, không tụng tùy hỷ.
[465] tỳ-kheo, ba-dật-đề 9.
[466] Thực thượng pháp 食上法. Pāli: bhattaggavattaṃ.
[467] Lỗ thổ 鹵土, đất mặn, đất có vị muối.
[468] Các loại cây: đà-bà 陀婆, bà-trà 婆茶, kiền-đà-la 揵陀羅, tất bát 蓽苃, a-malặc 阿摩勒:
[469] Thiến thảo 茜草; loại cỏ dùng để nhuộm.
[470] Cấm-mãn 禁滿; Pāli (Skṭ) kumbha (?), cái ghè.
[471] Xem Chương về da thuộc.
[472] Bản Hán, hết quyển 49. Hết phần iii.