TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬT
LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

SỐ 1447 - CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÌ CÁCH SỰ

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN HẠ


QUYỂN THƯỢNG

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó ở trong thôn Bà-sáchca có một trưởng giả tên là Lực quân (Bà-la-tiên) giàu có như Tỳ sa môn thiên vương, tuy cưới vợ đã lâu nhưng vẫn chưa có con, ông buồn rầu suy nghĩ: "Nay ta giàu có nhiều tài bảo nhưng lại không có con, không có người thừa kế, sau khi ta qua đời gia sản ắt bị vua tịch thu", một người thân quen bảo ông nên cầu khẩn thần linh, trưởng giả nghe lời tìm đến các miếu thờ thiên thần, quỷ thần ở khắp nơi để cầu khẩn nhưng vẫn không có con. Nhiều người thấy vậy liền nói: "Nếu cầu khẩn thiên thần mà có được con thì người trên thế gian đến cầu khẩn có tới cả ngàn người con khác nào vua Chuyển luân". Thật ra phải có đủ ba điều kiện mới có thể có con: Một là cha mẹ giao hội, hai là người mẹ đúng vào thời kỳ có thai, ba là thân trung ấm hiện tiền. Thời gian sau có một hữu tình ở cõi khác qua đời thác thai nơi vợ của trưởng giả, nếu là người nữ minh huệ thì có năm loại trí đặc biệt khác với người nữ bình thường, đó là biết người nam có tâm dục, biết thời tiết, biết từ người nào để được thọ thai, biết là nam và biết là nữ. Nếu thai là con trai thì nằm bên hông phải, nếu là con gái thì nằm hông bên trái. Lúc đó người vợ trưởng giả vui mừng báo cho chồng biết là mình có thai và thai chắc là con trai vì nằm ở hông bên phải, trưởng giả nghe rồi hết sức vui mừng cười nói rằng: "Ta đã trải qua thời gian dài cầu khẩn thiên thần mới có được con, sau này sẽ gánh vác khó nhọc cho ta, trông coi gia nghiệp cho ta, việc gì ta chưa làm được nó sẽ làm thay ta, kế thừa gia nghiệp làm cho hưng thạnh. Sau khi ta chết, nó sẽ truy phước cho ta, xưng tên ta và cầu nguyện cho ta được sanh vào cõi lành, nay ta được toại nguyện rồi". Lúc đó trưởng giả sắp xếp cho vợ ở trên lầu cao để chăm sóc tùy thời nóng lạnh, ăn uống thích nghi, trang sức cho vợ bằng các chuỗi anh lạc trang nghiêm như thiên nữ… tai không nghe tiếng xấu, mắt không nhìn sắc xấu… đủ ngày tháng đến kỳ sanh nở sanh được một bé trai dung mạo đoan nghiêm, ai nấy đều yêu mến, vừa sanh ra trên lỗ tai đã có đeo khoen báu, tự phát ra tiếng. Trưởng giả liền cho mời vị chuyên gia về vật báu đến để định giá trị của vòng tai báu này, vị chuyên gia nói: "Không thể định giá được, nhưng thông thường một vất báu vô giá đều định lượng khoảng chừng một câu chi". Trải qua hai mươi mốt ngày trưởng giả hội họp thân tộc để ăn mừng và đặt tên cho bé, thân tộc nói: "Hài nhi từ trong Văn tinh sanh ra, lại có đeo vòng tai báu vô giá, vậy nên đặt tên cho bé là Văn-câu-chi-nhĩ (Ức nhĩ)". Ngay trong ngày sanh Ức nhĩ, tỳ nữ trong nhà trưởng giả cũng sanh hai con trai: một tên là Nô (Đà-sáchca), một tên là Ủng hộ (Ba-lạc-ca). Trưởng gia giao Ức nhĩ cho tám bà vú nuôi: Hai bà lo việc bú mớm, hai bà lo việc bồng giữ, hai bà lo việc tắm rửa, hai bà cùng vui đùa. Ức nhĩ được nuôi dưỡng bằng các loại thức ăn ngon bổ như sữa, tô, lạc, đề hồ… nên mau lớn như bông sen lên khỏi mặt nước. Đến tuổi trưởng thành học thông các môn học và các kỹ nghệ, trưởng giả cho xây ba tòa nhà thích hợp với ba mùa đông hạ và thu cho Ức nhĩ ở, lại cho làm ba khu vườn cho ức nhĩ vui chơi. Bản thân trưởng giả trông coi hết mọi việc trong nhà rất vất vả, Ức nhĩ thấy thế liền hỏi tại sao cha lại khổ nhọc như vậy, trưởng giả nói: "Con còn trẻ chỉ biết hưởng thụ nên cha phải khổ nhọc như vậy, nhưng không bao lâu nữa khổ nhọc này sẽ chấm dứt", Ức nhĩ nghe rồi liền nói với cha: "Nếu vậy xin cha cho con ra biển tìm châu báu"… Trưởng giả khuyên can không được, biết con đã quyết chí nên bằng lòng cho con đi, sau đó trưởng giả cho rung chuông bố cáo: "Những người cư trú nơi đây hãy nghe: Nay con ta muốn ra biển tìm châu báu, nếu ai chịu đi theo thì trên đường đi khỏi phải đóng thuế và nên tự sửa soạn hành trang để cùng lên đường". Lúc đó có năm trăm thương nhơn đến muốn cùng đi theo, trưởng giả thiết đãi họ ăn no đủ rồi dặn dò: "Các người hãy yêu con ta như ta đã yêu nó, nếu nó làm việc bất thiện không lợi ích thì nên khuyên can", các thương nhơn nhận lời; trưởng giả lại nói với con: "Con phải nghe theo lời các thương nhơn nhắc nhở, trên đường đi con không được đi trước cũng không được đi sau, vì sao?, vì nếu gặp cướp mạnh bạo, chúng sẽ tấn công những người đi trước; nếu gặp cướp sức yếu, chúng sẽ tấn công những người đi sau. Nếu vị thương chủ bị tổn thì các thương nhơn cũng bị tổn", người con vâng lời cha dạy bảo; trưởng giả lại gọi hai nô bộc trong nhà đến bảo rằng: "Hai ngươi không được rời xa con ta", hai nô bộc vâng lời. Dặn dò đâu đó xong xuôi, trưởng giả chuẩn bị xe lừa và mọi thứ cần dùng đầy đủ cho con lên đường. Lúc đó người con đến từ giã mẹ, người mẹ nghe rồi liền ngất xỉu và can ngăn con đừng đi vì sợ không biết bao giờ gặp lại, người con tức giận nói: "Gặp lại nhau trong cõi ác", người mẹ nói: "Con nói ra lời thô ác như vậy là không tốt, con nên sám hối cho tội nhẹ bớt", người con nghe rồi liền đối trước mẹ sám hối, sám hối xong rồi lên đường, mọi người tiễn đưa đều cầu chúc an lành.

Đoàn thương nhân gồm có thương chủ là người con của trưởng giả và năm trăm thương nhơn tuần tự trải qua nhiều thôn xóm cuối cùng tới cửa biển, thương chủ đem năm trăm tiền vàng thuê thuyền và năm người giỏi về đi biển gồm có một người cầm lái, một người biết phương hướng, một người biết sữa chữa thuyền, một người biết phân biệt và một thuyền trưởng. Sau khi cầu nguyện xong, thuyền xuất phát đến đảo châu báu, lấy được nhiều báu vật rồi trở về được an ổn. Lên bờ thương chủ cùng hai nô bộc ở riêng một nơi trên bãi cát, sau đó bảo một nô bộc: "Này Đà-sách-ca, ngươi hãy đền xem các thương nhơn đang làm gì?", nô bộc này đến nơi thấy các thương nhơn đều đang ngủ nên cũng nằm ngủ theo. Thương chủ sau đó lại bảo nô bộc thứ hai đến xem các thương nhơn đang làm gì, nô bộc này đến nơi thì thấy các thương nhơn đang chuẩn bị lên đường. Lúc đó Đà-sách-ca bảo Ba-lạc-ca đi báo cho thương chủ biết thì Ba-lạc-ca lại bảo Đà-sách-ca đi báo, cuối cùng Cả hai đều không đi báo mà đi cùng các thương nhơn. Sáng hôm sau tìm khắp nơi không thấy thương chủ đâu mới hỏi các thương nhơn, người đi sau nói là ở trước, người đi trước nói là ở sau, nhưng trước sau đều không tìm thấy, các thương nhơn nói với nhau: "Chúng ta bỏ thương chủ lại là trái đạo lý, phải quay lại tìm". Một thương nhơn nói; "Đường đi rất nguy hiểm, nếu quay trở lại tìm e cũng không tìm được, chúng ta đành phải phương tiện, khi trở về đến nơi nếu người cha hỏi về thương chủ thì người đi trước nên nói là ở phía sau, nếu hỏi người đi sau thì nên nói là ở phía trước, không được nói là chúng ta đã bỏ rơi thương chủ". Nhất trí với nhau rồi các thương nhơn tiếp tục lên đường trở về thôn Đà-sách-ca, trưởng giả Bà-la-tiên nghe tin vui mừng ra đón và hỏi về con mình, họ đều trả lời như đã bàn tính trước, trưởng giả nghe rồi suy nghĩ: "Những người này dối gạt ta, con ta đã chết hay là bị lạc mất". Cho là con mình đã chết nên trưởng giả đau khổ tuyệt vọng, thân quyến và những người đến thăm đều buồn khóc, vợ chồng trưởng giả vì thương khóc con nên hai mắt bị mù. Trưởng giả đem tất cả vật dụng mà người con đã dùng trước kia như y phục giày dép… đem để trong miếu thờ và viết lên trên đó: "Nguyện cho con tôi nếu còn sống thì ở chỗ nào cũng được bình an, nếu đã chết thì được sanh về cõi lành".

Lúc đó thương chủ ngủ quên trên bãi cát đến sáng hôm sau, mặt trời chiếu lên người mới tỉnh dậy, nhưng không biết đường đi vì gió cát thổi mất hết dấu vết. Thương chủ không biết các thương nhơn đã đi về hướng nào nên cứ cỡi lừa đi về phía trước, con lừa biết lạc đường nên đi từ từ, thương chủ thấy lừa đi chậm nên dùng roi đánh, lừa bị đánh đau không thể đi được nữa. Thương chủ suy nghĩ: "Ai lại ở trong cảnh khốn khổ này không có tâm từ bi đánh lừa như thế", nghĩ rồi liền bỏ lừa đi bộ về phía trước thì thấy có một thành sắt, tường vách cao ngất. Thương chủ đến cửa thành thấy có một trượng phu thân hình cao lớn, bộ dạng đáng sợ liền hỏi: "Thưa ông trong thành có nước không?", người này không nói nên thương chủ đi vào thành tìm khắp nơi vẫn không thấy có nước, vì quá khát nên thần trí mệt mỏi gào lên: Nước, nước. Lúc đó bỗng có năm trăm ngạ quỷ thân hình như cây gỗ cháy, tóc xõa che thân, cổ nhỏ như kim, bụng to như núi lớn, lửa từ chi phần phun ra trở lại đốt thân, cùng đến chỗ thương chủ xin nước, thương chủ nói: "Tôi vì quá khát nên mới vào đây tìm nước", ngạ quỷ nói: "Đây là thành của ngạ quỷ làm gì có nước, chúng tôi ở đây đã mười hai năm chưa hề nghe đến nước", thương chủ hỏi: "Các vị tạo nghiệp gì mà sanh vào thành này?", ngạ quỷ nói: "Người ở châu Thiệm-bộ phần nhiều ít tin, dù tôi có nói ông cũng không tin", thương chủ nói: "Chính tôi thấy ngay trước mắt, làm sao không tin", ngạ quỷ nói kệ:

"Tôi từng mắng chửi, thường sân hận,
Bỏn xẻn tiếc của, không cho người,
Cũng chưa bao giờ hành bố thí,
Do nghiệp này sanh làm ngạ quỷ".

Lúc đó thương chủ sanh tâm nhàm lìa phiền não vội chạy ra khỏi thành, gặp trượng phu đứng ở cửa thành khi nảy liền nói: "Nếu hồi nảy ông nói đây là thành của ngạ quỷ thì tôi đã không vào", trượng phu nói: "Há thương chủ không nghe thấy người nào đã vào trong thành ngạ quỷ thì không thể trở ra được hay sao? Vì ông có đại phước đức nên mới thoát ra được, hãy rời khỏi nơi đây nhanh lên". Thương chủ nghe rồi vội đi nhanh về phía trước, trời về chiều mới thấy phía trước có một thiên cung, trong đó có một Thiên tử và bốn thiên nữ đang cùng nhau hoan lạc. Thiên tử từ xa thấy thương chủ đi đến liền hỏi có khát không, đáp là rất đói, Thiên tử bảo thương chủ đi tắm rửa rồi bảo dọn các món ăn ngon ra cho ăn rồi bảo ngủ lại đêm. Sáng hôm sau mặt trời vừa mọc thì thiên cung liền biến mất, bốn thiên nữ biến thành chó đen đè Thiên tử úp mặt trên giường sắt nóng đỏ rồi ăn thịt trên lưng của Thiên tử. Đến khi trời vừa sụp tối thì cảnh đó liền biến mất, thiên cung và bốn thiên nữ hiện trở lại như cũ. Thương chủ nhìn thấy rồi lấy làm quái dị liền hỏi Thiên tử: "Người đã tạo nghiệp gì mà sanh vào nơi này?", Thiên tử nói: "Người ở châu Thiệm-bộ phần nhiều ít tin, dù tôi có nói ông cũng không tin", thương chủ nói: "Chính tôi thấy ngay trước mắt, làm sao không tin", Thiên tử nói kệ:

"Xưa kia ban ngày hại mạng người,
Ban đêm trì giới siêng tu hành,
Do nhân duyên này sanh ở đây,
Thọ lấy nghiệp quả thiện ác này".

Thương chủ hỏi: "Bài kệ này có nghĩa gì?", Thiên tử nói: "Xưa kia tôi ở trong thôn Bà-sáchca làm người đồ tể thường giết dê bán thịt để kiếm sống. Lúc đó có Thánh giả Ca-đa-diễn-na khuyên tôi cải hối, đừng tạo nghiệp này nhưng tôi không nghe theo, Thánh giả lại khuyên tôi ban đêm nên trì giới tu hành, tôi liền vâng theo. Do nhân duyên này nên ban ngày chịu khổ báo, ban đêm được hưởng quả báo diệu lạc. Thương chủ nếu có đến thôn kia nên nói cho con trai con gái của tôi biết: Cha các người đang chịu quả báo đau khổ, các người nên cải hối đừng làm nghiệp sát này nữa". Thương chủ nói: "Như người đã nói người ở châu Thiệm-bộ khó tin", Thiên tử nói: "Thương chủ nói với con tôi rằng: Ngay dưới đất chỗ giết dê có một bình vàng, nó hãy đào lên lấy dùng tùy ý và nên thường cúng dường Thánh giả Ca-đa-diễn-na, vị ấy là phước điền của trời người đáng cúng dường, khi cúng nên xưng tên tôi và nguyện cho tôi tội được tiêu diệt", Thương chủ nhận lời rồi tiếp tục đi về phía trước, lại thấy một thiên cung trong đó có một Thiên tử và các thiên nữ đang vui thú, Thiên tử từ xa thấy thương chủ đến liền hỏi có đói không, đáp là đói, Thiên tử bảo đi tắm rửa rồi cho dọn lên các món ăn ngon, thương chủ ăn xong rồi đi nghỉ, đến chiều tối thiên cung bỗng biến mất, Thiên nữ biến thành con rắn lớn quấn quanh người Thiên tử rồi ăn lấy não, đến trời sáng thiên cung lại hiện ra và Thiên nữ hiện hình lại như cũ. Thương chủ cũng như lần trước hỏi Thiên tử:

"Người đã tạo nghiệp gì mà sanh vào nơi này?", Thiên tử nói: "Người ở châu Thiệm-bộ phần nhiều ít tin, dù tôi có nói ông cũng không tin", thương chủ nói: "Chính tôi thấy ngay trước mắt, làm sao không tin", Thiên tử nói kệ:

"Đêm ngủ với vợ người,
Ban ngày hộ Thi la,
Chính do nghiệp quả này,
Nên thọ báo thiện ác".

Thương chủ hỏi: "Kệ này có nghĩa gì?", Thiên tử nói: "Trước đây tôi ở thôn Bà-sách-ca, thường hành dâm dục với vợ và con gái của người. Sau đó Thánh giả Ca-đa-diễn-na khuyên tôi nên từ bỏ nghiệp ác đã tạo nhưng tôi không nghe theo, vì thế Thánh giả bảo tôi ban ngày nên giữ giới, tôi vâng theo. Do nghiệp quả này nên nay ban ngày tôi hưởng diệu lạc, còn ban đêm phải chịu khổ báo. Thương chủ nếu có đến thôn kia nên nói với con tôi rằng: Cha ngươi do đời trước đã dâm với vợ và con gái của người, do tạo nghiệp này nên nay chịu khổ nơi địa ngục", thương chủ nói: "Người ở châu Thiệm-bộ khó tin, làm sao họ tin tôi nói", Thiên tử nói: "Thương chủ nói với nó rằng: Khi tôi còn sống, ngay dưới đất nơi lò tế lửa có hai bình vàng, nó hãy đào lên lấy dùng tùy ý và nên thương cúng dường Thánh giả Ca-đa-diễn-na, là bậc trời người tôn kính, khi cúng dường nên xưng tên tôi, nguyện cho tôi tội được tiêu diệt, sanh vào cõi lành". Thương chủ nhận lời rồi tiếp tục đi về phía trước, lại thấy có một khu vườn, trong vườn có tòa sư tử, trên tòa có một phụ nữ đang ngồi, dung mạo đoan nghiêm; dưới bốn chân ghế có bốn ngạ quỷ. Phụ nữ này từ xa thấy thương chủ đi đến liền hỏi có đói không, đáp là đói, phụ nữ này nói: "Khi ta đưa thức ăn thức uống cho ngươi, ngươi hứa là không được cho bốn ngạ quỷ này", thương chủ bằng lòng, phụ nữ này liền dọn thức ăn thức uống ra rồi ẩn mình trong phòng, lúc đó bốn ngạ quỷ cầu xin thương chủ bố thí thức ăn thức uống, thương chủ động lòng thương xót nên đưa thức ăn thức uống cho bốn ngạ quỷ. Ngạ quỷ thứ một được thức ăn, thức ăn liền biến thành cục sắt nóng; ngạ quỷ thứ hai vừa được thức ăn, thức ăn liền biến thành cám; ngạ quỷ thứ ba vừa được thức ăn, thức ăn liền biến thành máu mủ bất tịnh; ngạ quỷ thứ tư vừa được thức ăn, thức ăn biến thành máu thịt của mình. Ngạ quỷ thứ một vừa nuốt hòn sắt nóng thì thân liền bị cháy tỏa ra mùi hôi thối, phụ nữ nghe mùi liền bước ra lớn tiếng nói với thương chủ: "Ngươi không nên cho chúng ăn uống", thương chủ nói: "Họ cầu xin khiến tôi động lòng thương xót nên đưa cho", phụ nữ nói: "Lòng từ bi của ta còn hơn ngươi, bốn ngạ quỷ này, thứ một là chồng ta, thứ hai là con trai ta, thứ ba là con dâu ta, thứ bốn là người ở", thương chủ hỏi: "Các vị đã tạo nghiệp gì mà sanh vào nơi này?", phụ nữ nói: "Người ở châu Thiệm-bộ phần nhiều ít tin, dù ta có nói ngươi cũng không tin", thương chủ nói: "Chính tôi thấy ngay trước mắt, làm sao không tin", phụ nữ nói: "Trước kia ta sống ở thôn Bà-sách-ca là nữ Phạm chí, vào ngày lễ Tuế tinh ta đang sửa soạn thức ăn thì có Thánh giả Ca-đa-diễn-na đến khất thực, ta vui mừng sớt thức ăn đầy bát cho Thánh giả. Lúc đó ta bảo chồng ta nên sanh tâm tùy hỉ cúng dường, chồng ta tức giận nói: Chưa cúng dường cho Bà-la-môn, sao lại cúng dường cho sa môn trọc đầu, sao không cho họ ăn cục sắt nóng. Ta khuyên chồng không được nên khuyên tới con ta, nó lại nói: sao không cho ông ta ăn cám. Sau đó ta sai người ở mang thức đến cho thân quyến, không ngờ trên đường nó ăn hết thức ăn ngon, khi nó trở về ta gạn hỏi thì nó thề: Nếu tôi có ăn thì đời sau tôi sẽ ăn máu mủ của mình. Sau đó thân quyến cho người mang thức ăn tới cho ta, con dâu ta lại ăn hết, khi ta gạn hỏi thì nó thề là nếu có ăn thì đời sau sẽ ăn thịt của mình. Thương chủ, bốn ngạ quỷ này chính là chồng, con, dâu và người ở của ta, do nghiệp nhơn đó nên nay thọ thân ngạ quỷ. Ta nhờ cúng dường Thánh giả Ca-đa-diễn-na đáng lẽ được sanh lên cung trời Đế-thích, vì ta phát nguyện ác rằng: Nếu các người thọ quả báo, ta sẽ tận mắt nhìn thấy, nên nay ta cũng đọa vào nơi này. Thương chủ nếu có đến thôn Bà-sách-ca, hãy nói với con gái của tôi là dâm nữ ở trong thôn ấy rằng: Cha mẹ anh, chị dâu và người ở của cô đang đọa trong cõi ngạ quỷ chịu khổ báo, cô nên cải hối, đừng nên làm việc xấu này nữa", thương chủ nói: "Người ở châu Thiệm-bộ khó tin, sẽ không nghe lời tôi nói", phụ nữ này nói: "Ngươi nên nói với nó rằng: Ngay dưới giường trước đây ta nằm có chôn bốn bình vàng, một cây gậy vàng và chậu rửa bằng vàng, nó đào lên tùy ý lấy dùng và nên cúng dường Thánh giả Ca-đa-diễn-na, là bậc người trời đều biết, khi cúng dường nên xưng tên ta, nguyện cho ta tội được nhẹ bớt". Thương chủ nhận lời rồi đi vào phòng ngủ, lúc đó bốn ngạ quỷ nói với nhau: "Đợi thương chủ ngủ say, chúng ta mang anh ta trở lại thôn Bà-sách-ca, để trên linh sáng của anh ta". Đến sáng hôm sau thương chủ thức dậy thì thấy chung quanh mình có đầy đủ vật dụng, tư cụ, trên đó có ghi tên họ của mình với hàng chữ: "Tôi nay bố thí những vật dụng này nguyện cho con tôi nếu còn sống thì sớm trở về, nếu đã chết thì sanh vào chỗ nào những vật dụng này đều theo con tôi". Thương chủ xem xong liền suy nghĩ: "Cha mẹ cho là ta đã chết, vậy ta cần gì ở lại, ta nên đến chỗ Thánh giả Ca-đa-diễn-na cầu xuất gia tu phạm hạnh", nghĩ rồi liền đi đến chỗ Thánh giả Ca-đa-diễn-na, Thánh giả từ xa thấy thương chủ đi đến liền hỏi: "Này thương chủ, nay ngươi đã thấy họa hoạn của sanh tử chưa?", đáp: "Con đã thấy, xin Thánh giả cho con xuất gia, tu phạm hạnh đoan trừ dâm nộ si", Thánh giả nói: "Ngươi hãy đi truyền đạt lại những lời mà họ đã nhờ ngươi, sau đó đến đây xuất gia cũng không muộn". Thương chủ vâng lời liền đi đến chỗ người giết dê nói nói lại lời vị Thiên tử thứ nhất đã dặn, người giết dê nghe rồi nói rằng: "Cha tôi chết đến nay đã mười hai năm, lẽ nào lại nhắn lời như thế ở trong cõi khác, thương chủ nghe người khác nói hay là chính mắt thấy?", thương chủ nói: "Nếu ông không tin thì cha ông có nói rằng: Ngay dưới đất chỗ giết dê có chôn mười bình vàng… giống như đoạn văn trên", người giết dê nghe rồi liền đào lên, quả nhiên có chôn mười bình vàng mới tin là sự thật. Thương chủ lại đi đến chỗ con của Thiên tử thứ hai, truyền đạt lại lời của Thiên tử đã dặn, người con này nghe rồi liền nói: "Cha tôi chết đến nay đã mười hai năm, lẽ nào lại nhắn lời như thế ở trong cõi khác, thương chủ nghe người khác nói hay là chính mắt thấy?", thương chủ nói: "Nếu ông không tin thì cha ông có nói rằng: Ngay dưới lò tế lửa có chôn hai bình vàng… giống như đoạn văn trên", người con nghe rồi liền đào đất lên, quả nhiên có chôn hai bình vàng mới tin là sự thật.

Thương chủ lại tìm đến chỗ dâm nữ là con gái của người phụ nữ kia và truyền đạt lại lời của bà ta đã dặn, người con gái nghe rồi nói rằng: "Thân quyến của tôi chết đến nay đã mười hai năm, lẽ nào lại nhắn lời như thế ở trong cõi khác, thương chủ nghe người khác nói hay là chính mắt thấy?", thương chủ nói: "Nếu cô không tin thì mẹ cô có nói rằng: Ngay dưới giường ngủ của bà có chôn mười bình vàng, một cây gậy vàng và một chậu rửa bằng vàng… giống như đoạn văn trên", người con gái nghe rồi đào lên, quả nhiên có chôn bình vàng… mới tin là sự thật. Lúc đó thương chủ cười nói: "Mọi người chỉ tin vàng, không tin lời tôi nói", người con gái thấy thương chủ cười lộ hàm răng có một cái răng vàng, liền nhận ra thương chủ là con của trưởng giả Bà-la-tiên liền hỏi: "Ông có phải là con của trưởng giả Bà-la-tiên không?", đáp phải, người con gái này liền chạy đến nhà báo tin cho trưởng giả biết. Hai vợ chồng trưởng giả nghe còn đang chưa tin thì thương chủ vào nhà, cất tiếng tằng hắng, trưởng giả nghe tiếng liền nhận biết là con mình, ôm lấy con khóc lớn. Hai vợ chồng trưởng giả trước đây vì khóc con nên bị mù, nay thấy con trở về vui mừng khóc lớn khiến cho màng mắt tiêu trừ mà sáng mắt trở lại, được thấy mặt con. Lúc đó thương chủ nói với cha mẹ: "Con muốn xuất gia, xin cha mẹ cho phép", trưởng giả nói: "Chúng ta vì khóc con mà bị mù, nay con đã trở về, khi cha mẹ còn sống thì con không được xuất gia, đợi khi chúng ta chết con được tùy ý". Ức nhĩ thương cha mẹ nên ở lại nhà nhưng vẫn đọc tụng kinh điển và chứng được quả Dự lưu, sau đó nói cho cha mẹ nghe bốn chân đế, cha mẹ nghe pháp xong cũng chứng được quả Dự lưu. Thời gian sau cha mẹ qua đời, Ức nhĩ sau khi bố thí tu các phước nghiệp hồi hướng cho cha mẹ xong, liền đến chỗ Thánh giả Ca-đa-diễn-na cầu xin xuất gia, Thánh giả cho Ức nhĩ xuất gia làm cầu tịch, sau đó Ức nhĩ lại chứng được quả Nhất lai. Vì nơi Ức nhĩ ở là biên địa ít có Bí-sô, không đủ túc số để truyền thọ cụ túc cho Ức nhĩ nên Ức nhĩ chỉ làm Cầu-tịch, đối với các hành pháp của Cầu-tịch Ức nhĩ đều đã học thông, sau đó lại chứng thêm quả Bất hoàn. Thường pháp của chư Phật là mỗi năm có hai kỳ đại hội, tất cả Bí-sô đều tụ hội về, lúc đó các Bí-sô ở những nơi khác an cư xong tuần tụ du hành đến thôn Bà-sách-ca, thấy đủ túc số Thánh giả Ca-đa-diễn-na liền cho Ức nhĩ thọ cận viên rồi dạy cho Ức nhĩ những luật hạnh của Bísô, không bao lâu sau ức nhĩ đoạn các phiền não chứng quả A-la-hán. Lúc đó các Bí-sô bạch với Ca-đa-diễn-na: "Đại đức, chúng con ở đây đối với pháp sự nên làm đều đã làm xong, nay chúng con muốn đi yết kiến Thế tôn", Thánh giả nói: "Lành thay, tùy ý", các Bí-sô liền chấp trì y bát đi đến thành Thất-la-phiệt, Ức nhĩ cũng rời khỏi chỗ ngồi sửa y phục chắp tay bạch rằng: "Ô-ba-đà-da, con từ trước đến nay chỉ thấy Ô-ba-đà-da nhưng chưa gặp Thế tôn, tuy con thấy được pháp thân nhưng chưa thấy được sắc thân, cúi xin Ô-ba-đà-da cho phép con đi yết kiến Thế tôn", Thánh giả nói: "Chư Phật Như lai khó được thấy, thời gian lâu xa mới được gặp như hoa Ưu đàm, con nay muốn đi thì cứ tùy ý. Khi con gặp Thế tôn, con hãy thay mặt ta đảnh lễ Thế tôn và thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng có thơ thới và an vui không. Con cũng nên bạch Thế tôn năm việc như sau: Thôn Bà-sách-ca là biên địa, có người muốn thọ cận viên nhưng khó tìm đủ túc số mười người; người ở biên quốc thường dùng nước tắm giặt để làm tịnh; đất nơi đó cứng, trên đường đi có dấu chân của trâu bò nên không bằng phẳng như đất ở các nơi khác; người nước phương Đông dùng các ngọa cụ bằng da dê đen, da nai, da bò…; nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi y đến nhưng chưa nhận vào tay, quá mười ngày sợ phạm Xả-đọa, không biết phải làm sao. Con bạch Phật năm việc này rồi, Phật dạy như thế nào ta cũng sẽ cung kính phụng hành". Ức nhĩ nhất tâm ghi nhớ rồi từ giả thầy sáng hôm sau lên đường du hành đến thành Thất-la-phiệt, trải qua nhiều thôn xóm mới đến nơi, sau khi cất y bát, rửa tay chân xong Ức nhĩ liền đến đảnh lễ Phật. Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho bốn chúng và các chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, Quốc vương, Đại thần…, từ xa thấy Ức nhĩ đến, Phật liền bảo A Nan-đà: "Thầy nên sắp xếp giường nằm ngọa cụ cho Ức nhĩ", A Nan-đà vâng lời sắp xếp xong liền bạch Phật biết thời, Phật rửa chân xong vào phòng, nằm nghiêng bên hông phải khởi tưởng quang minh, chánh niệm tác ý nhớ giờ thức dậy. Lúc đó Ức nhĩ cũng rửa chân rồi vào phòng, nằm nghiêng bên hông phải… đến đêm sắp qua Ức nhĩ ngồi dậy kiết già phu tọa, thân thẳng định ý, chánh niệm hiện tiền. Phật bảo Ức nhĩ: "Này Ức nhĩ, thầy hãy tụng kinh luật mà ta đã giảng nói sau khi thành đạo", Ức nhĩ tụng kinh xong, Phật liền khen ngợi: "Lành thay, thầy tụng kinh rất thanh tịnh vi diệu", Ức nhĩ suy nghĩ: "Ô-ba-đà-da bảo ta bạch Phật, bây giờ là đúng lúc nên bạch", nghĩ rồi liền rời chỗ ngồi đảnh lễ Phật bạch rằng: "Thế tôn, con ở trú xứ A-thấpbà-lan, nước Đức già, thôn Bà-sách-ca, thân giáo sư của con là Thánh giả Ca-đa-diễn-na bảo con đảnh lễ Phật thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não… và có năm việc bạch Thế tôn như sau: Thôn Bà-sách-ca là biên địa, có người muốn thọ cận viên nhưng khó tìm đủ túc số mười người; người ở biên quốc thường dùng nước tắm giặt để làm tịnh; đất nơi đó cứng, trên đường đi có dấu chân của trâu bò nên không bằng phẳng như đất ở các nơi khác; người nước phương Đông dùng các ngọa cụ bằng da dê đen, da nai, da bò…; nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi y đến nhưng chưa nhận vào tay, quá mười ngày sợ phạm Xả-đọa, không biết phải làm sao", Phật nói: "Này Ức nhĩ, những điều thầy vừa bạch bây giờ là chưa đúng lúc, thầy nên ở trong Đại chúng bạch, lúc đó ta sẽ giải đáp cho thầy". Sáng sớm Phật đến trong chúng ngồi vào tòa ngồi xong, Bí-sô Ức nhĩ liền rời khỏi chỗ ngồi sửa y phục chắp tay bạch Phật: "Biên quốc ở phương Đông tại thôn Bà-sách-ca có Thánh giả Ca-đa-diễn-na là thân giáo sư của con, bảo con đảnh lễ Phật thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng có thơ thới và an vui không và có năm việc bạch Thế tôn như sau: Thôn Bàsách-ca là biên địa, có người muốn thọ cận viên nhưng khó tìm đủ túc số mười người; người ở biên quốc thường dùng nước tắm giặt để làm tịnh; đất nơi đó cứng, trên đường đi có dấu chân của trâu bò nên không bằng phẳng như đất ở các nơi khác; người nước phương Đông dùng các ngọa cụ bằng da dê đen, da nai, da bò…; nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi y đến nhưng chưa nhận vào tay, quá mười ngày sợ phạm Xả-đọa, không biết phải làm sao", Phật do nhân duyên này bảo các Bí-sô: "Từ nay về sau, ta khai cho các Bísô ở Biên phương năm Bí-sô trì luật được truyền thọ Cận viên; nơi Biên phương đất cứng, ta khai cho mang giày da một lớp đế, không được hai lớp hay ba lớp, đế giày nếu lủng rách được vá hay thay; nếu có Bí-sô gởi y đến cho Bí-sô khác, tuy nghe gởi đến nhưng chưa nhận y thì quá mười ngày không phạm Xả-đọa". Lúc đó Ưu-ba-ly ở trong đại chúng rời chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật: "Thế tôn khai cho ở Biên phương đủ năm Bí-sô trì luật được truyền thọ Cận viên, con không biết bắt đầu từ chỗ nào trở đi thì gọi là Biên phương?", Phật nói: "Từ phương Đông này có rừng Bôn-trà, nơi đó có dòng sông tên là Bôn-trà, từ chỗ đó trở ra gọi là Biên phương. Phương Nam có nước tên là Nhiếp-phạt-la-Phật-để, nơi đó có dòng sông tên là Nhiếp-phạt-la Phật để, từ đó trở ra ngoài gọi là biên phương. Phương Tây có nước tên là Tốt-thổ-nô, nơi đó có thôn tên là Ô-ba-tốthổ-nô, từ đây trở ra ngoài gọi là Biên phương. Phương Bắc có núi tên là Ôn-thi-la, ngoài phạm vi núi này gọi là biên phương." Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: "Thế tôn, Bí-sô Ức nhĩ đã từng làm hạnh nghiệp gì mà được sanh trong nhà đại phú quý, còn ở trong thai mẹ trên lỗ tai đã có đeo khoen báu trị giá vô lượng, lại được xuất gia thọ Cận viên, tuy chưa gặp Thế tôn đã đoạn trừ phiền não, đắc quả vô học?", Phật bảo các Bí-sô: "Bí-sô Ức nhĩ này đối với những hạnh nghiệp đã làm đời trước, nay nhân duyên hội ngộ trở lại tự thọ quả báo, không phải đất nước gió lửa có thể làm hoại quả báo", Phật liền nói kệ:

"Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo".

"Các thầy lắng nghe: Quá khứ trong Hiền kiếp khi con người sống thọ hai vạn tuổi có đức Phật ra đời hiệu là Ca-nhiếp-ba có đầy đủ mười hiệu, ở trong rừng Thi-lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ nước Bani tư có vua Ngật-lý-già. Vua dùng pháp trị nước nên dân chúng sống phồn thịnh, ẩm thực đầy đủ không có thiếu thốn, trong nước không có họa tai, giặc cướp. Vua có con trai tên là Thiên sanh được lập làm Thái-tử, lúc đó Phật Ca-nhiếp-ba nhân duyên hóa độ đã mãn nên nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt. Vua Ngật-lý-già dùng gỗ thơm làm lễ trà tỳ, rưới sữa bò dập tắt lửa, thu xá-lợi đựng trong bốn bình báu rồi xây tháp bảy tầng nơi ngã tư đường để thờ xá-lợi Phật, tất cả vật cống hiến của nước phương Đông đều đưa vào trong tháp cúng dường. Thời gian sau vua Ngật-lý-già qua đời, Thái-tử lên ngôi muốn cùng các đại thần kiểm lại quốc khố, các đại thần thấy những vật cống hiến từ nước phương Đông đều đưa vào trong tháp cúng dường nên tâu vua rằng: "Những vật cống hiến ấy có nên lấy lại hay không?", vua nói: "Những việc mà Tiên vương đã làm như vua trời Đế-thích, phạm thiên, ta làm sao dám lấy lại". Các đại thần này vốn không tín kính Phật pháp nên bàn với nhau: "Ta nên làm phương tiện để lấy lại những vật cống hiến ấy", bàn rồi họ liền cho đóng cửa thành phía Đông và có cống hiến vật gì cũng không được đưa vào trong tháp. Thời gian sau tháp bị hư hoại, lúc đó ở phương Bắc có một thương chủ dẫn các thương nhơn đến nước này dừng lại nghỉ bên tháp, thương chủ vào tháp kính lễ mới thấy tháp bị hư hoại, lại thấy có một người nữ đang quét tháp, người nữ này vốn đã gặp được Phật Ca-nhiếp-ba và đã ở chỗ Phật phát tâm thọ học. Thương chủ hỏi người nữ là tháp của ai, người nữ đáp là tháp của Phật Ca-nhiếp-ba, thương chủ nghe rồi sanh tâm Hoan-hỉ tháo đôi khoen tai đưa cho người nữ bán lấy tiền để tu bổ tháp và nói: "Nếu tôi trở lại sẽ cúng dường thêm", người nữ sau khi bán được tiền bèn tu bổ lại tháp. Thời gian sau, thương chủ trở lại chiêm ngưỡng tháp xong lại phát tâm cúng dường thêm lọng báu, tràng phan và phát nguyện: "Nguyện nhờ công đức cúng dường tháp này, ở đời vị lai sanh ra nơi nào đều được phú quý cao sang, ở chỗ Phật vị lai tôi sẽ được xuất gia, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán".

Này các Bí-sô, thương chủ xưa kia nay chính là Bí-sô Ức nhĩ, nhờ cúng dường tháp của Phật Ca-nhiếp-ba nên đời đời thường sanh trong nhà phú quý, còn ở trong thai mẹ trên lỗ tai đã có đeo khoen tai báu. Lại do nguyện đời vị lai được xuất gia đoạn phiền não chứng quả vô học nên nay được như lời phát nguyện. Chỉ vì ở trước bà mẹ đã nói ra lời thô ác nên phải trải qua các địa ngục trên, cho nên các Bí-sô, hễ tạo nghiệp đen thì cảm quả báo dị thục đen; tạo nghiệp trắng thì cảm quả báo dị thục trắng, tạo nghiệp xen tạp thì cảm quả báo xen tạp. Các thầy nên xa lìa nghiệp xen tạp và nghiệp đen, nên tu nghiệp trắng, đây là lời ta dạy, các thầy nên học như thế."

Các Bí-sô nghe Phật dạy xong đều Hoan-hỉ phụng hành.

QUYỂN HẠ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-Nan-đà mới xuất gia được chia cho một chiếc giường rất cũ, mỗi khi động thân giường bèn phát ra tiếng nên Ô-baNan-đà nằm trên giường không dám xoay trở, sợ kêu ra tiếng bèn suy nghĩ: "Nếu ta không xin làm chiếc giường mới khác thì ta không gọi là Ô-baNan-đà". Sáng hôm sau Ô-ba-Nan-đà đến gặp vua Thắng-quang, vua thăm hỏi có an không, Ô-baNan-đà nói: "Tuy tôi nằm ngủ nhưng tâm thường lo sợ. Đại vương cũng biết, khi tôi chưa xuất gia nằm ngủ trên giường tám lớp nệm, nay tôi xuất gia vì tuổi hạ nhỏ nên được chia cho chiếc giường rất cũ, mỗi khi động thân liền kêu ra tiếng nên tôi không dám xoay trở, sợ nó hư sập nên rất khổ sở, làm sao ngủ yên được", vua nói: "Phật có cho nằm trên giường nệm tám lớp không?", đáp: "Có chỗ nào Phật chế nằm trên giường nệm tám lớp đâu", vua nói: "Nếu Phật không chế thì tôi cúng dường chiếc giường ấy cho thầy, thầy tùy ý mang đi", Ôba-Nan-đà nói: "Tôi làm sao dám mang vật của vua đi, vua nên cho người mang đến chùa, tôi sẽ nhận". Vua liền sai tám người, bốn người khiêng giường, bốn người khiêng nệm tám lớp, Ô-baNan-đà vui vẻ đi theo sau. Trên đường đi có Bàla-môn, người tục thấy khiêng giường nệm liền hỏi là của ai, đáp là của vua cho, lại hỏi: "Vua cho giường này rồi vua ngủ ở đâu?", đáp: "Vua ngủ trong cung còn giường nệm này cho tôi", họ nghe rồi liền chê trách: "Sa môn trọc đầu lại chứa dùng ngọa cụ hành dục như vậy". Ô-ba-Nan-đà về đến trong chùa quét dọn sạch sẽ trong phòng rồi để giường nệm gần cửa, thấy Phật đi đến liền khoe: "Thế tôn, hãy xem giường nệm này", Phật nhìn giường nệm rồi im lặng, sau đó tập họp Tăng già bảo các Bí-sô: "Nếu người nào nằm ngồi trên giường cao rộng lớn thì các lỗi từ đó sanh ra, từ nay về sau, Bí-sô nào nằm ngồi trên giường cao rộng lớn thì phạm tội Việt pháp".

Sau đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, A-Nan-đà đến nhà xem xét trước thấy trưởng giả sắp đặt tòa ngồi cao liền bảo dẹp cất, lúc họ đang dẹp cất thì Phật đến, thấy dẹp cất liền hỏi nguyên do, A Nan-đà đáp là tòa ngồi phi pháp, Phật nói: "Ta không chế không được ngồi tòa cao ở các nơi, nếu ở nhà cư sĩ thì khai cho ngồi, nếu ở trong Tỳ ha la ngồi nằm thì phạm tội Việt pháp".

Lúc đó ở phương Nam có một Bí-sô đi đến thành Thất-la-phiệt để yết kiến Thế tôn, ngoài ba y còn có một tấm phu cụ bằng da. Ô-ba-Nan-đà thấy rồi liền đi theo, chờ vị đó nghỉ ngơi rồi liền hỏi xin: "Thầy có thể cho tôi tấm phu cụ bằng da này không, tôi muốn mang theo tùy thân du hành đến các chùa tháp lễ bái", vị đó hỏi: "Nếu tôi cho thì thầy có thể mang theo tùy thân phải không?", đáp: "Mấy tấm còn mang được huống chi là một tấm", vị đó nghe rồi liền nói: "Nếu vậy thì tôi không cho nữa". Ô-ba-Nan-đà nghe rồi ôm lòng tức giận, suy nghĩ: "Người chăn bò của vua Thắng-quang tên Bà trá trước đây là thân hữu của ta, trong nhà người ấy có da ta nên đến xin", nghĩ rồi liền đến nhà Bà trá. Lúc đó con bò mẹ vừa sanh được một con bò nghé rất dễ thương, Ô-ba-Nan đà đến thấy con nghé liền đưa tay vuốt ve, Bà trá nhìn thấy liền hỏi: "Thánh giả cần sữa bò phải không?", đáp: "Tôi không cần sữa, nếu được da của con nghé này dùng làm phu cụ để lót thân ngồi thì an ổn hành đạo", Bà trá nói: "Tôi đã hiểu ý, Thánh giả tạm về". Ô-ba-Nan-đà đi chưa bao lâu thì Bà trá sai người giết con nghé, người kia vâng lời ở trước bò mẹ giết nghé lột da để mang đến cho Ô-ba-Nan-đà. Bò mẹ thương con nên chạy theo tấm da, người kia mang tấm da vào trong rừng Thệ-đa, bò mẹ đứng ở ngoài cửa kêu rống lên, Thế tôn nghe biết nhưng cố ý hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật nghe rồi suy nghĩ: "Do dùng da làm phu cụ nên có lỗi này sanh", nghĩ rồi liền đến trong Tăng bảo các Bí-sô: "Ô-ba-Nan-đà ngu si vô trí, vì muốn dùng da làm phu cụ mà làm việc không phải pháp sa môn, từ nay về sau các Bí-sô không được dùng da làm phu cụ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp".

Duyên khởi ở tạo thành Vương-xá, lúc đó cụ thọ Tất-lân-đà bà ta từ khi xuất gia thường bị bịnh, quyến thuộc đến thăm nghe cụ thọ thuyết pháp rồi về nhà nói với vợ: "Thánh giả Tất-lân-đà-bà-ta thuyết pháp, giọng ngọt như mật vì sao em không đến nghe?", người vợ nói: "Quả báo của anh thành thục nên gặp Phật ra đời được nghe diệu pháp, nếu Thánh giả đến nhà thuyết pháp thì em sẽ nghe". Người chồng nghe rồi liền đến bạch với cụ thọ Tất-lân-đà-bà-ta: "Thánh giả, con nghe pháp được lợi ích vô cùng, vợ con là phụ nữ ngại đến đây nghe pháp nhưng lại rất muốn nghe, nếu Thánh giả từ bi đến nhà thuyết pháp thì vợ con mới được nghe", Tất-lân-đà-bà-ta nói: "Ta từ khi xuất gia đến nay thân thường bị bịnh, không thể đi đến được", người chồng nói: "Chúng con sẽ mang kiệu đến khiêng thầy đi", Tất-lân-đà-bà-ta nói: "Thế tôn chưa cho phép". Người chồng đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật suy nghĩ: "Ta nên vì các Bí-sô già bịnh khai cho được đi kiệu", nghĩ rồi liền tập họp tăng rồi bảo các Bísô: "Từ nay khai cho các Bí-sô được đi kiệu". Lúc đó Lục chúng Bí-sô thấy Tất-lân-đà-bà-ta đi kiệu cùng các thị giả đến nhà trưởng giả thuyết pháp, liền làm kiệu bằng vật báu và trang hoàng đẹp đẽ để đi đến nhà thế tục, các Bà-la-môn thấy hỏi tại sao lại đi kiệu, liền đáp là Thế tôn khai cho đi, mọi người nghe rồi liền chê trách: "Sa môn các người bị dục bức bách". Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: "Nếu đã có lỗi này thì các Bí-sô không nên đi kiệu. Có hai duyên được đi: Một là gầy yếu, hai là già bịnh. Nếu không có hai duyên này mà đi kiệu thì phạm tội Việt pháp". Có một Bí-sô du hành trong nhân gian gặp sông không thể tự mang y bát lội qua, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: "Các Bí-sô nên tập học bơi lội". Lúc đó Lục chúng Bí-sô ở trong sông bơi qua bơi lại, thấy có một cô gái đứng ở bờ sông chờ thuyền qua sông, liền nói với cô gái: "Chúng tôi bơi đưa cô qua sông", cô gái thấy là người xuất gia nên tin tưởng, không ngờ Lục chúng đến giữa dòng sông liền xúc chạm chi phần trên thân cô, qua đến bờ kia lại nói với cô gái: "Lượt về chúng tôi cũng sẽ đưa cô qua sông", cô gái liền mắng chửi: "Kẻ trọc đầu các ngươi trong lòng gian ác, phu chủ của ta cũng không xúc chạm đến ta như thế". Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ: "Do xúc chạm thân nữ nên có lỗi này", nghĩ rồi liền bảo các Bísô: "Lục chúng Bí-sô ngu si có nhiều hữu lậu, đã làm điều không phải pháp sa môn, đã làm việc không tùy thuận, bất tịnh là xúc chạm thân phần người nữ. Từ nay trở đi không được chạm thân người nữ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp".

Sau đó có vị chủ thành đưa quyến thuộc dạo chơi nơi thắng cảnh có vườn cây và ao hồ, trong số quyến thuộc có một người nữ mang bình đến sông lấy nước thấy có một Bí-sô đang lượt nước ở gần đó nên đi đến một chỗ khác xa hơn, khi vừa muốn nhấc bình nước lên không may trượt chân ngã xuống sông bị nước cuốn trôi. Bí-sô thấy muốn nhảy xuống cứu nhưng lại sợ chạm thân phần người nữ thì phạm tội Việt pháp, nên bỏ đi không xuống cứu. Lúc đó quyến thuộc của người nữ thấy đi lâu không trở lại, thấy Bí-sô đi đến liền hỏi thăm, Bí-sô nói: "Tôi thấy cô ấy ngã xuống sông bị nước cuốn đi rồi", quyến thuộc nghe rồi liền hỏi: "Thánh giả thương xót hữu tình nên lượt nước xem trùng, tạo sao thấy người nữ chết đuối lại bỏ đi không xuống cứu?", Bí-sô nói: "Thế tôn chế không được xúc chạm thân người nữ", mọi người nghe rồi đều chê trách. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: "Nếu có người gặp nạn chết thì nên cứu, họ có thể tự cứu bảo buông thì buông". Lúc đó có Bí-sô vì cứu người, khi ôm giữ liền sanh tâm nhiễm, Phật nói: "Nên quán người nữ mà mình đang cứu như mẹ hoặc như chị em gái". Lại có người được cứu lên vì uống nước quá nhiều nên không hồi tỉnh được, Phật nói: "Nên đặt họ nằm sấp trên cát", lúc đó Bí-sô đặt họ nằm sấp trên cát rồi bỏ đi nên họ bị kên kên, chó sói xé ăn, Phật nói: "Không nên bỏ đi, phải coi chừng họ". Lại có Bí-sô vì coi chừng ở gần một bên liền sanh tâm nhiễm, Phật nói: "Không nên ở gần một bên, tùy lúc nhớ chừng trông coi". Lại có Bí-sô vì coi chừng nên qua ngọ không ăn được nữa, Phật nói: "Sắp đến giờ ăn nếu thấy có người chăn bò chăn dê thì nên nhờ họ trông coi giùm. Sau giờ ăn cũng nên thường trông coi họ còn sống hay chết". Lúc đó Lục chúng Bí-sô tắm giặt bên bờ sông A thị đa, có con bò sữa của một trưởng giả lội qua sông, Lục chúng nắm đuôi bò bơi theo qua sông khiến cho bò bị ngưng sữa. Trưởng giả mắng người chăn bò, người chăn bò kể lại sự việc, trưởng giả liền chê trách, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: "Các Bísô không nên nắm đuôi bò bơi theo qua sông, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp". Sau đó có nhiều Bí-sô muốn qua sông nhưng không có thuyền để qua, bạch Phật, Phật nói: "Có năm vật có thể nương theo để qua sông, đó là voi, ngựa, bò nghé, bò đực và phao nổi". Lục chúng nương phao nổi có vẻ hình nam nữ để qua sông, các Bà-la-môn cư sĩ nhìn thấy đều chê trách rằng: "Sa môn trọc đầu bị dục nhiễm bức bách", các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: "Không được dùng phao nổi có vẻ hình nam nữ, nên dùng hai loại phao: Một là màu tối, hai là phao nhỏ".

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô trên đường đi gặp rắn nên Phật cho các Bísô mang guốc gỗ. Sau đó trưởng giả Cấp-cô-độc vừa làm xong giảng đường mới, trang hoàng đẹp đẽ rồi thỉnh các Bí-sô đến thuyết pháp và tụng kinh, lúc đó có Bí-sô mang guốc gỗ đi vào đạp lên nền đất mới làm cho hư nền. Trưởng giả sáng hôm sau đến thấy nền đất có dấu guốc đạp lồi lõm liền chê trách, do nhân duyên này nên Phật chế không được mang guốc gỗ, nếu trái lời phạm tội Việt pháp. Lại có Bí-sô an cư cư ba tháng ở nhà cư sĩ, dép da bị hoại, bạch Phật, Phật nói: "Nếu ở nhà thế tục, đi guốc gỗ không phạm". Lại có một trưởng giả tín tâm cúng dường guốc gỗ cho các Bí-sô nhưng các Bí-sô không nhận, trưởng giả nói: "Khi Phật chưa ra đời, ngoại đạo là phước điền. Nay Phật ra đời, các Bí-sô là phước điền, xin thương xót nhận sự cúng dường này", các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: "Nên nhận, nhận rồi đặt bên cạnh nhà xí để dùng".

Nhiếp tụng:

Lá tre, cỏ, dây đan,
Hộ khai cho Ức nhĩ,
Từng mang, đoạt dép da,
Mang vớ, để vật lót.

Lúc đó Phật chế các Bí-sô không được mang guốc gỗ, nên dùng lá tre đan dép, các Bí-sô mang dép lá tre lại sanh lỗi, Phật lại chế không được mang dép lá tre, nên dùng cỏ bồ đan dép, lại sanh lỗi, Phật lại chế không được mang dép cỏ bồ, nên dùng dây đan dép, lại sanh lỗi nên Phật chế không được mang dép dây đan. Sau đó các Bí-sô bị phù thủng, hai bắp vế đều đau nhức, do thường đắp nước nên dép da hư hoại, Phật lại chế nên mang dép dây đan.

Lúc đó đồng tử Ức nhĩ do quả báo đời trước thành thục nên thân thể mềm mại, dưới lòng bàn chân có lông vàng dài bốn ngón tay. Lục chúng thấy rồi cùng nhau phê bình: "Đồng tử này xuất gia trong phật giáo có thể làm được việc gì", đồng tử nghe được lời này trong lòng không vui, đến chỗ A Nan-đà bạch rằng: "Tôn giả, một bề siêng tu cầu hành tam ma địa như thế nào?", A Nan-đà nói: "Như Phật đã dạy kinh hành là tối thắng". Đồng tử nghe rồi đến trong rừng vắng quét don một khu đất để kinh hành, do kinh hành nhiều nên lông vàng dài bốn ngón tay dưới lòng bàn chân bị rụng, hai chân sưng nứt, máu chảy dinh đầy chỗ kinh hành. Thường pháp của chư Phật là thường đi đến các nơi xem xét, lúc đó Phật đi đến chỗ Ức nhĩ kinh hành, thấy máu chảy dinh khắp nơi, tuy biết nhưng vẫn hỏi A Nan-đà: "Bí-sô nào đang một bề siêng tu cầu thắng Tam ma địa?", đáp là Bí-sô Ức nhĩ, Phật nói: "Nay ta khai cho Ức nhĩ được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác. Mang dép da này để an ổn hành đạo". A Nan-đà liền đến chỗ Ức nhĩ truyền đạt lại lời Phật, Ức nhĩ bạch rằng: "Thế tôn cho phép tất cả Bí-sô hay chỉ khai cho riêng con được mang?", A Nan-đà nói: "Thế tôn thấy chỗ thầy kinh hành dính máu khắp nơi nên khai riêng cho thầy được mang", Ức nhĩ bạch: "Nếu Thế tôn chỉ khai riêng cho một mình con được mang thì các vị phạm hạnh khác thấy sẽ nói: Con từ bỏ địa vị gia chủ và các quyến thuộc, cung điện và tài bảo xuất gia nên Phật mới khai riêng cho con mang dép da. Nếu Thế tôn khai cho tất cả Bí-sô Tăng đều được mang thì con cũng y theo lời Phật dạy mà mang; nếu không như thế thì một mình con không dám mang". A Nan-đà trở lại bạch Phật, Phật nói: "Từ nay ta khai cho các Bí-sô Tăng già đều được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác". A Nan-đà đến trong tăng truyền đạt lại, lúc đó có một Ma-ha-la mang dép da đến chỗ Phật kinh hành, Phật thấy rồi liền bảo: "Đừng mang dép đến trước mặt ta", sau đó Phật bảo các Bí-sô: "Nếu ta đang ở chỗ người thế tục thì các Bísô được phép mang dép da đến gặp ta, nếu ta một mình ở chỗ khác hay ở trong chúng Thanh văn thì không được mang dép da đến gặp ta". Lúc đó có một Bí-sô muốn rửa chân nhưng bình đựng nước rửa chân bị bể, Bí-sô này liền rửa chân trong chậu nước sạch, sau đó ngậm nước đầy miệng không dám nuốt và đi lắc lư. Lục chúng thấy liền hỏi: "Tại sao múa nhảy mà không ca hát?", nói rồi liền huýt sáo theo nhịp đi của Bí-sô đó, các Bí-sô thấy liền hỏi: "Tại sao các thầy trạo cử cười đùa như thế?", Lục chúng nói: "Thầy há không thấy Bí-sô này múa nhảy mà thiếu âm nhác hay sao?". Các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi nguyên do, Bí-sô này đáp: "Con vì muốn ngọa cụ không bị dơ", Phật nói: "Nếu vì hộ ngọa cụ thì không có lỗi, nay ta khai cho các Bí-sô vì hộ ngọa cụ được mang dép da một lớp đế, không được hai, ba lớp, nếu đế bị hư rách, được vá hay thay đế khác".

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả riêng đối với một Bí-sô khất thực sanh tâm tín kính, khi thấy Bí-sô này vào thành khất thực không mang dép nên chân nứt nẻ liền hỏi: "Thầy không có dép da để mang phải không?", đáp là không có, trưởng giả liền dẫn Bísô đến chỗ làm dép bảo người làm dép rằng: "Hiền thủ, hãy đo theo chân của Bí-sô này, làm cho thầy một đôi dép da một lớp đế", người làm dép đo cỡ chân xong liền suy nghĩ: "Sa môn Thích tử chỉ trả tiền bằng lời, ta nên hẹn thời gian lâu để không được dép mang, lúc đó ta sẽ đòi tiền dép". Vì thế nên Bí-sô này nhiều lần đến hỏi dép đều nói là chưa xong, Bí-sô liền không đến hỏi nữa, vẫn không mang dép đi khất thực, trưởng giả thấy liền hỏi tại sao, đáp là chưa được dép, trưởng giả cùng Bí-sô đến chỗ làm dép, người làm dép nói: "Không có dép da một lớp đế, chỉ có loại nhiều lớp, nếu cần thì tùy ý lấy mang", Bí-sô nói: "Phật chế không được mang dép da nhiều lớp đế", trưởng giả nói: "Thầy mang về tách ra bớt và giữ lại một lớp đế để mang". Bí-sô đành phải nhận lấy mang về trú xứ, vừa muốn tách ra thì Thế tôn trông thấy liền hỏi nguyên do, Bí-sô đem việc trên bạch Phật, Phật nói: "Đừng tách ra như thế", liền suy nghĩ: "Các Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả tín tâm cúng dường dép da nhiều lớp đế, ta cũng nên khai cho các Bí-sô được mang", nghĩ rồi liền tập họp các Bí-sô bảo rằng: "Nay có trưởng giả cúng dường cho Bí-sô này dép da nhiều lớp đế, Bí-sô này muốn tách ra bớt còn lại một lớp đế. Ta nhân việc này khai cho các Bí-sô, nếu có trưởng giả cúng dường cho các Bí-sô dép da nhiều lớp đế đã từng mang qua thì được nhận lấy để mang". Ưuba-ly bạch Phật: "Như Phật đã dạy là khai cho các Bí-sô được thọ dép da nhiều lớp đế mà cư sĩ đã mang qua, không biết như thế nào gọi là đã từng mang qua?", Phật nói: "Nếu cư sĩ mang dép da ấy đi chừng bảy, tám bước đều gọi là đã từng mang qua".

Duyên khởi ở thành Quảng-nghiêm, lúc đó trong thành có bán nhiều loại dép da, có loại dép da khi mang vào bước đi liền kêu ra tiếng, lại có nhiều loại dép nhiều màu sắc, nhiều hình vẽ rất đẹp, giá bán là năm tiền vàng. Lục chúng Bí-sô thấy mọi người mang các loại dép ấy liền vứt bỏ dép da của mình, dùng chân đạp lên dép của họ làm cho họ té ngã để đoạt lấy dép rồi nói: "Nhờ bố thí dép da này, nguyên cho các vị ở đời vị lai thường được mang dép báu, hưởng diệu lạc ở cõi trời", các Bà-la-môn cư sĩ đều hiềm trách và chê cười, từ đó khắp nơi lan truyền Sa môn Thích tử đoạt dép của người. Lúc đó có một Bà-la-môn vừa mua một đôi dép da đẹp khi đưa cho con rể nói rằng: "Con hãy giữ kỹ đôi dép đẹp này, chớ để cho Sa môn Thích tử đoạt lấy", người con rể ghi nhớ lời dạn bảo này nên sáng hôm sau khi mang dép này ra đường, thấy một Bí-sô khất thực theo thứ lớp từng nhà, người con rể liền lo lắng trong lòng nên bước tránh vào một nhà khác, không ngờ Bísô khất thực đến trước nhà đó, người con rể liền bước ra khỏi nhà muốn đến một nhà khác và nói rằng: "Thánh giả đừng theo sau tôi, tôi không cho dép đâu", Bí-sô khất thực nói: "Hiền thủ, tôi đi khất thực, không phải theo lấy dép của người". Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật suy nghĩ:

"Do mang dép da có màu sắc và hình vẽ nên có lỗi này sanh", nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: "Lục chúng thấy người khác mang dép da đẹp nên theo cưỡng đoạt khiến các Bà-la-môn cư sĩ hiềm trách chê cười, từ nay các Bí-sô không được mang dép da có màu sắc và hình vẽ, nếu mang thì phạm tội Việt pháp".

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật khai cho mang giày da, các Bí-sô vì mang giày da bị ma sát nên chân bị trầy, các Bà-la-môn cư sĩ thấy liền hỏi nguyên do rồi nói: "Vì sao không mang thêm vớ", đáp là Phật chưa khai cho mang. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: "Nay khai cho các Bí-sô mang giày da và vớ".

Duyên khởi ở thành Vương-xá, lúc đó các Bísô lên núi Linh-thứu, có Bí-sô bị mụt nhọt nơi ngón chân… Phật khai cho mang giày da nhiều lớp đế. Sau đó các Bí-sô xuống núi bị thương ở chân… Phật lại khai cho để hai miếng lót hai bên ở bên trong giày da.

Nhiếp tụng:

Giày cỏ, giày vải và ủng,
Tuyết lạnh được mang giày ống,
Thợ săn cúng thí da gấu,
May giày được chứa dùi dao.

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó trời mưa dầm mà các Bí-sô lại mang giày cỏ xanh đi khất thực nên dưới chân mọc những hạt nhỏ như hạt cải, các Bà-la-môn cư sĩ hỏi nguyên do rồi nói: "Tại sao không mang giày vải?", các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do việc này bảo các Bísô: "Từ nay khai cho các Bí-sô được mang giày vải". Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt, ven đường đi có cỏ mọc cao tốt, các Bí-sô khi đi chân đạp lên cỏ này bị thương… Phật lại khai cho các Bí-sô được mang Ủng. Lúc đó Thái-tử Ác sanh vì ngu si mê hoặc nên giết hại Thích chủng ở thành Kiếptỷ-la, có người chạy thoát về hướng Tây, có người chạy thoát vào nước Nê-bà-la. Những người chạy thoát vào nước này đều là quyến thuộc của tôn giả A Nan-đà, gặp các thương nhơn mang hàng hóa từ thành Thất-la-phiệt đến nước Nê-bà-la liền nói: "Chúng tôi đang nguy khốn ở nơi đây, lẽ nào Thánh giả A Nan-đà lại không đến thăm chúng tôi". Sau đó các thương nhơn khi trở về thành Thất-la-phiệt liền đem việc này nói cho A Nan-đà biết, A Nan-đà nghe rồi trong lòng rất đau buồn vội đi đến nước Nê bà la. Lúc đó ở nước này tuyết rơi lạnh buốt khiến cho tay chân của A Nan-đà đều bị nứt nẻ, khi trở về lại thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô thấy liền hỏi nguyên do rồi hỏi: "Nếu trời giá lạnh như vậy quyến thuộc của thầy ở đó như thế nào?", đáp: "Họ có mang bao tay và giày ống", lại hỏi: "Tại sao thầy không mang?", đáp: "Thế tôn chưa khai cho mang", các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: "Nếu ở nơi có tuyết lạnh thì khai cho mang bao tay và giày ống". Ưu-ba-ly bạch Phật: "Như Phật đã dạy ở nơi có tuyết lạnh khai cho mang bao tay và giày ống, không biết như thế nào gọi là tuyết lạnh?", Phật nói: "Nếu nước đựng trong chén đông lại thì gọi là xứ có tuyết lạnh".

Lại có một thợ săn gặp Bí-sô sanh tâm tín kính nên đem tấm da gấu cúng cho Bí-sô, Bí-sô không nhận nên người thợ săn này đi theo sau Bí-sô, Phật thấy rồi liền hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà hỏi Bí-sô nguyên do rồi bạch Phật, Phật nói: "Hiếm khi có thợ săn khởi tâm tín kính, vì dù có giáo hóa ngàn cách họ cũng không chịu bỏ nghiệp sát sanh này. Nay khai cho các Bí-sô nhận da gấu, nhận rồi nên để ở gần cửa của phật đường hoặc dưới chân tòa ngồi, vì da gấu có thể làm cho mắt sáng và trị được bịnh trĩ".

Lại có một Bí-sô đế dép bị rách nên mang tới chỗ làm dép để vá lại, trải qua khá lâu mà họ không đưa lại, các Bí-sô nói: "Sao thầy không tự vá?", đáp: "Tôi tuy biết vá đế giày nhưng Thế tôn chưa khai cho tự làm", các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: "Nếu người nào biết vá đế thì nên đến chỗ khuất tự vá", các Bí-sô trở lại nói cho Bí-sô kia biết, Bí-sô kia nghe rồi liền nói: "Muốn vá đế giày dép cần phải có dùi, dao nhỏ, miếng da…", các Bí-sô bạch Phật, Phật nói được chứa dùi, dao nhỏ, miếng da… để vá đế giày dép không phạm.


[Đầu trang][Mục lục luật tạng][Mục lục tổng quát]