TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠNG LUẬT
LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

SỐ 1478 - KINH ĐẠI ÁI ĐẠO TỲ KHEO NI

Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Bắc Lương.

MỤC LỤC

QUYỂN THƯỢNG

QUYỂN HẠ


QUYỂN THƯỢNG

Một thời, Đức Phật ở tại Tịnh xá của dòng họ Thích thuộc thành Ca-duy-la vệ, cùng với chúng đại Tỳ kheo hội đủ. Bấy giờ, Đại Ái-đạo-Kiềuđàm-di đi đến chỗ Đức Phật cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên, chấp tay thưa Phật:

Tôi nghe người nữ tinh tấn thì có thể đạt được bốn đạo quả của Sa môn, nên xin được lãnh thọ pháp luật của Phật. Vì tôi ở nhà có lòng tin và ưa,thích nên muốn xuất gia theo đạo.

Phật bảo:

Thôi đi! Này Kiều Đàm Di! Ta không thích cho người nữ vào trong pháp luật của Ta, mặc y pháp của Ta. Hãy nên suốt đời thanh tịnh tinh khiết, suy xét phạm hạnh, tĩnh ý tự giữ gìn, chưa từng khởi tưởng luôn rỗng lặng như Đạo, không niệm tà dục, tâm thường tịch tĩnh là an lạc.

Khi ấy, Đại Ái Đạo lại tha thiết mong cầu:

Như vậy làm hành giả có thể được chăng? Xin Phật cho phép xuất gia để tôi được đến Niết Bàn.

Thưa như vậy đến ba lần, Đức Phật cũng vẫn không chấp nhận, nên bà lại đến trước Đức Phật đảnh lễ, nhiễu quanh Phật rồi trở về. Đi chưa được bao lâu, Đức Phật cùng với các vị đại Tỳ-kheo đông đủ, từ tinh xá của dòng họ Thích, lần lượt đi vào thành Ca-duy-la-vệ. Lúc này, Đại Ái Đạo nghe

Đức Phật cùng các vị đệ tử đã đi vào trong nước mình, nên tâm vô cùng hoan hỷ, liền đi tới chỗ Phật, chấp tay đảnh lễ nơi chân Phật, rồi lui ra ngồi yên. Sau đấy thì quỳ dài chấp tay, bạch Phật:

Tôi nghe người nữ tinh tấn tức có thể chứng đắc bốn đạo quả Sa môn, nên xin được thọ nhận pháp luật của Phật, khiến đạt được đạo Chánh chân Vô thượng. Tôi do ở nhà có lòng tin và sự ưa thích, hiểu biết về vô thường, như thế nên mong muốn xuất gia tu đạo.

Đức Phật bảo:

Thôi đi, Kiều-đàm-di! Như lai không thích để người nữ vào trong pháp luật của Phật, mặc pháp y của Phật. Hãy nên trọn đời giữ lấy thanh tịnh, tinh khiết nơi bản thân, suy xét về phạm hạnh, tạo ý tịch tĩnh, chưa từng dấy khởi tưởng, rỗng lặng như đạo, không niệm tà dục, tâm thường vắng lặng là an lạc.

Đại Ái Đạo liền tha thiết cầu xin, nói:

Hành giả như vậy là có thể được chăng? Xin Phật cho phép xuất gia để tôi được đến Niết bàn.

Thưa xin đến ba lần, Phật vẫn không chấp nhận. Đại Ái Đạo liền trước sau đảnh lễ, nhiễu quanh Phật rồi lui ra, tự xót xa, thương cảm, hối lỗi, nước mắt đầm đìa, không thể kìm chế, tự nghĩ:

Làm thân người nữ vốn nhiều tội lỗi nên mới như thế. Bà liền phát nguyện lớn:

Nguyện cho các vị Bồ tát, người cùng phi nhơn đùng mang tâm ý như người nữ. Hôm nay ta phải cầu xin Phật, trọn đời không biếng nhác, mệt mỏi.

Bấy giờ, Phật các Đại Tỳ-kheo ở lại nước này ba tháng để tránh mưa, đã may vá y xong, nên mặc y mang bát du hành tới nước khác. Đại Ái Đạo bèn cùng với các bà mẹ đi theo Phật. Đức Phật đi tới huyện Na-hòa, dừng nghỉ bên sông. Đại Ái Đạo liền đến trước Phật cung kính đảnh lễ, đứng qua một bên, rồi thưa Phật như hai lần trước. Đức Phật cũng bảo như trước.

Thưa xin cũng đến ba lần, Phật vẫn không đồng ý, nên Đại Ái Đạo lễ Phật, nhiễu quanh Phật rồi lui ra đứng ở ngoài cửa, áo quần nhàu nát, đầy bụi bặm đứng chân trần, nước mắt như mưa, mặt mày mồ hôi nhễ nhại, thân thể mệt mỏi, khóc than nức nở, không cầm lòng được, tự mình hối tiếc:

"Thân nữ xấu ác, có tám mươi bốn điều làm mê loạn trượng phu khiến mất đạo đức. Phật đã biết rõ nên mới suy xét như vậy. Người nam trong thiên hạ không bị người nữ mê hoặc thì rất khó! Hôm nay ta dùng thân nữ này muốn vào đạo, cần phải giữ mình thanh khiết không dám xao lãng. Chỉ có con mới độ mẹ mà trọn không mất bổn nguyện của con".

Hiền giả A-nan thấy Đại Ái Đạo không vui như thế, liền hỏi:

Này Kiều Đàm Di! Vì sao áo quần nhàu nát, đầy bụi bặm, đi chân không, mặt mày tiều tụy, thân tướng mệt nhọc, buồn bã khóc lóc như vậy?

Đại Ái Đạo đáp:

Hiền giả A-nan! Hôm nay tôi vì là người nữ nên không được lãnh thọ pháp và luật của Phật, do đó nên tôi rất buồn.

Hiền giả A-nan nói:-Không nên buồn nữa! Này Kiều Đàm Di! Đừng nôn nóng và buồn khóc nữa! Đợi tôi vào chỗ Đức Phật sẽ thưa việc ấy cho, để mẹ được an vui.

Đại Ái Đạo nói:

Xin Hiền giả thưa Phật cho chúng tôi được xuất gia.

Hiền giả A-nan liền đi vào chỗ Phật, chắp tay quỳ gối cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật ba lần rồi thưa:

Con nghe Phật dạy người nữ tinh tấn thì có thể đạt được bốn đạo quả Sa môn. Hôm nay Đại Ái Đạo chí tâm mong muốn được lãnh thọ pháp luật của Phật . Vì lúc còn ở nhà, người đã có lòng tin, ưa thích, biết rõ về vô thường, tự xét tâm tánh, hiểu biết sâu xa. Hôm nay muốn xuất gia vào đạo, kính xin Đức Phật chấp nhận. Đức Phật bảo:

Thôi đi! Này A-nan! Ta không thích cho người nữ vào trong pháp luật của Ta làm sa môn. Vì sao? Vì việc ấy tất sẽ làm nguy hại đến các bậc thanh cao. Này A-nan! Ví như trong gia đình tôn quý sanh con nữ nhiều nam ít, nên biết nhà đó sắp suy yếu, không được hưng thịnh, lớn mạnh. Hôm nay, nếu cho người nữ vào trong pháp luật của Ta, chắc chắn sẽ khiến cho phạm hạnh thanh tịnh của Phật pháp không được tồn tại lâu dài. Ví như ruộng lúa đã chín mà gặp thời tiết xấu, làm cho lúa tốt bị hư hại. Hôm nay nếu cho người nữ vào trong pháp luật của Ta, tất sẽ khiến cho Đạo lớn, tức phạm hạnh thanh tịnh của Phật pháp không được trụ lâu. Này A-nan! Ví như đám ruộng tốt lại mọc nhiều cỏ, chắc chắn chúng sẽ làm hư hại ruộng lúa. Hôm nay, nếu cho người nữ vào pháp của Ta thì cũng như vậy, nếu người nữ có mặt trong pháp luật của Ta, khi không có ai thành tựu pháp Phật người nữ sẽ nương vào pháp ấy để hủy hoại phạm hạnh thanh tịnh, khiến rơi vào ái dục, nguồn gốc tạo ra các tội.

Hiền giả A-nan lại thưa:

Đại Ái Đạo đã có rất nhiều thiện ý đối với Phật. Khi Phật mới sanh, bà đã nuôi dưỡng cho đến trưởng thành, đều là nhờ ân đức thiện lạc của Đại Ái Đạo.

Phật bảo:

Này A-nan! Đúng vậy! Đại Ái Đạo có nhiều thiện ý và có ân đức lớn đối với Ta, Ta sanh ra được bảy ngày đã bị mất mẹ, Đại Ái Đạo nuôi dưỡng Ta đến khi trưởng thành. Hôm nay Ta là bậc tôn quý trong khắp cõi Trời người, đã thành Phật, hiệu là Như Lai Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ta vẫn luôn nhớ ân đức sâu nặng của Đại Ái Đạo đối với Ta. Đại Ái Đạo nhờ có ân này nên đã được quy y với Phật, Pháp, Tăng. Lại còn tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, không nghi ngờ về Khổ, không nghi ngờ về Tập, không nghi ngờ về Diệt, không nghi ngờ về Đạo, hiểu rõ về bốn Đế, đã thành tựu Đạo, thành tựu niềm tin, thành tựu được giới cấm, thành tựu được danh tiếng tốt, thành tựu được bố thí, thành tựu được trí tuệ, cũng có thể tự điều phục được việc: Không sát sanh, không trộm cắp của người khác, không dâm dật, không nói dối, không uống rượu say sưa. Như vậy, này A-nan! Giả sử có người trọn đời cung cấp thức ăn uống, áo mặc, giường nằm, thuốc men cũng không bằng ân đức này dù chỉ một phần trong ức trăm ngàn phần.

Này A-nan! Giả sử người nữ muốn làm Sa-môn phải tuân giữ "Bát kính pháp" không được trái vượt, phải trọn đời học tập và thọ trì, tự mình ghi chép biết rõ và chuyên tâm thực hành. Ví như đề phòng nước lũ phải đắp bờ đê, không được để chảy tràn, nếu chấp nhận như vậy thì được nhập vào trong giáo pháp và giới luật của Ta.

"Bát kính" là gì? Một là, đối với Tỳ-kheo đã thọ Đại giới, người nữ làm Tỳ-kheo ni phải theo vị ấy lãnh thọ chánh pháp, không được xem thường, không được đùa cợt và nói những điều không cần thiết để tự vui vẻ. Hai là, Tỳ-kheo thọ trì Đại giới nửa tháng trở lên, Tỳ-kheo ni phải đảnh lễ phụng sự vị ấy, không được bảo với Sa-môn mới thọ giới:"Tinh tấn có mệt nhọc không? Hôm nay lạnh, nóng đến như vậy" Nếu nói những lời này sẽ làm loạn tâm của Tỳ-kheo mới học, phải luôn tự cung kính, cẩn thận, sách tấn tu học, khuyên nhủ người mới học, xa lìa ham muốn, tĩnh lặng tự giữ gìn. Ba là, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni không được ở chung, nếu cùng ở chung là không thanh tịnh, là bị dục ràng buộc, không tránh khỏi tội lỗi. Phải kiên trì chế ngự, đoạn trừ dục tình, tĩnh lặng tự giữ gìn. Bốn là, ba tháng ở một chỗ, phải tự trao đổi những điều đã nghe đã thấy, phải tự suy xét. Nếu nghe lời tà thì chỉ nghe mà không đáp, nghe hoặc không nghe, thấy hoặc không thấy, cũng không nên qua lại, im lặng tự giữ. Năm là, Tỳ-kheo ni không được thưa hỏi điều mình đã rõ, nếu Tỳ-kheo đem điều đã nghe đã thấy để hỏi Tỳ-kheo ni, Tỳ-kheo ni liền phải tự mình xem xét lỗi xấu của mình, không được lớn tiếng tỏ ra thái độ, phải tự suy xét, im lặng tự giữ gìn. Sáu là, Tỳ-kheo ni có điều gì thắc mắc trong Đạo pháp thì được thưa hỏi Tỳ-kheo về những điều trong Kinh, Luật, nhưng chỉ được nói về trí tuệ Ba-la-mật, không được cùng nói việc không cần thiết của thế gian, nếu người nào nói việc không cần thiết của thế gian thì biết người này chẳng phải vì Đạo, là người buông lung ở thế gian, phải xem xét kỷ càng, im lặng tự giữ. Bảy là, Tỳ-kheo ni chưa được đắc đạo, nếu phạm giới trong pháp luật, mỗi nửa tháng nên đến chỗ chúng Tăng, tự tỏ bày lỗi lầm và xin sám hối: "Do thái độ kiêu mạn, hôm nay con tự hổ thẹn, tự xem xét sâu xa, im lặng giữ gìn". Tám là, Tỳ-kheo ni tuy đã thọ Giới được một trăm tuổi hạ vẫn ngồi sau Tỳ-kheo mới thọ Đại giới, phải khiêm nhường, cung kính đảnh lễ. Đó gọi là "Bát kính pháp". Ta dạy người nữ, phải tự thâu giữ tâm ý tu học, không được trái vượt, phải suốt đời học và thực hành. Nếu Đại Ái Đạo xét kỷ có thể giữ gìn "Bát kính pháp" này thì mới cho làm Sa-môn.

Hiền giả A-nan nghe lời dạy của Đức Phật rồi, suy nghĩ chín chắn, sâu xa và chấp nhận, liền đứng dậy đảnh lễ lui ra, nói với Đại Ái Đạo:

Này Kiều Đàm Di! Đừng buồn nữa! Đã có lòng tin xuất gia thì sẽ được xuất gia vào đạo, cũng rất an ổn. Đức Phật dạy người nữ làm Sa-môn phải tuân theo "Bát kính pháp" phải trọn đời siêng năng học tập và thực hành, phải giữ tâm như khéo giữ bờ đê ngăn ngừa nước lũ không được để chảy tràn. Lúc ấy, Hiền giả A-nan vì Di mẫu đại Ái Đạo nói lại đầy đủ về "Bát kính pháp" được Đức Phật chỉ dạy. Phải như vậy mới có thể được vào pháp luật của Phật.

Nghe xong, Đại Ái Đạo rất vui mừng nói:

Xin vâng, thưa Hiền giả A-nan! Cho phép tôi nói một điều: Ví như có người nữ thuộc bốn tộc họ, tắm rửa sạch sẽ, xoa hương, mặc y phục và trang điểm đẹp đẽ, vì người nhằm tạo lợi ích, như vậy có được lợi ích an lạc không?

Đáp:

Rất an lạc. Bà lại nói:

Lại dùng hoa thơm ngọc báu kết làm chuỗi ngọc, đem cho người nữ, lúc nào mà họ chẳng ưa thích và đội trên đầu! Hôm nay, Đức Phật chỉ dạy về "Bát kính pháp", tôi cũng quán sát tâm mình, nguyện cúi đầu cung kính lãnh thọ thực hành, toại nguyện được sự nghiệp dù nghìn vạn khó khăn cũng không hối hận.

Bà tự thệ nguyện như vậy và rất vui mừng. Bấy giờ, Đức Phật liền trao mười giới cho Đại Ái Đạo làm Sa-di-ni:

Sa-di-ni giữ giới là đoạn trừ các căn. Không được sát sanh loài cầm thú, côn trùng, chặt cây xanh, làm gãy hoa lá, hoàn toàn không có tâm sát hại. Không được trộm cắp, không được tham lam tài vật của người. Hoặc ham sắc dục, lời ngọt ngào làm người mê loạn: "Tham được bố thí để làm sự nghiệp", điều lợi này bị rơi vào tội tham lam, trộm cắp. Tỳ-kheo ni phải cẩn thận, không được can dự. Bấy giờ, Đại Ái Đạo thọ mười giới làm Sa-di-ni. Những gì là mười Giới:

Một là: Làm bậc Hiền giả hành đạo phải dùng tâm từ bi không khởi tâm độc hại, suốt đời không được giết hại chúng sanh, hoặc làm tổn thương đến người và vật, luôn đem tâm từ nhớ nghĩ đến chúng sanh, tinh tấn hành đạo, muốn độ cho cha mẹ và tất cả mọi người. Cẩn thận không được tranh cãi, tìm hại người khác. Cho đến các loài bò, bay, máy, cựa mỗi mỗi đều không được làm thương tổn, thường muốn cứu giúp, sanh tâm từ, đưa chúng đến với đạo. Nếu thấy giết nên thương xót rơi lệ, nghe giết không ăn, luôn phải thương xót chúng. Tự thề bỏ hẳn dâm dục, mới đạt đến như thế! Làm như vậy thì được như vậy, không phải do người khác. Nếu phạm giới này thì không phải là Sa-di-ni.

Hai là: Sa-di-ni trọn đời không được trộm cắp, không được tham tiền của, mua rẻ, bán đắt, cân già bán non, nhất nhất không được lừa dối người, tâm luôn hướng đến đạo, tĩnh lặng tự giữ. Miệng không dạy người buôn bán nô tỳ, trao đổi khách trẻ, hoặc nếu được ban cho tiền của châu báu và y phục của người nam, nhất nhất không được lấy, nếu thọ nhận là không thanh tịnh, là loạn động. Không được mặc y phục có trang trí châu báu, không được đeo ngọc báu, vòng xuyến, chuỗi anh lạc, không được ngồi giường cao rộng lớn, màn trướng che phủ. Nếu có nghĩ tưởng đến là không thanh tịnh. Áo là để che thân, không nên chuộng màu mè. Cơm là để no bụng, nuôi dưỡng bốn đại chớ đừng tham đắm mùi vị. Tích chứa vật báu là ô uế, được người khác cho cũng không được nhận. Nếu thọ nhận tức không thanh tịnh. Vì người thuyết kinh trước hết phải nói về tai họa của tội ác ở địa ngục. Hiền giả nên biết!-Phước ở cõi trời không thể suy lường, nói trái với việc sanh tử của thế gian. Nếu hiện bày bố thí, mình thà bị chặt tay chứ không lấy của phi pháp. Im lặng tự giữ, kiên trì xa lìa sắc dục. Nếu phạm giới này chẳng phải là Sa-di-ni.

Ba là: Sa-di-ni trọn đời không được dâm dục, không được nuôi chứa chồng con, không được nghĩ đến chồng con, không được nhớ đến chồng con, phòng ở phải xa chỗ người nam, để ngăn ngừa tâm ý, tâm không nghĩ đến dâm dục, miệng không cười đùa, hương thơm phấn sáp không được để gần thân, luôn nghĩ các dục là nhơ uế bất tịnh, tự nghĩ đến dâm có trăm vạn điều xấu ác, thà thịt nát xương tan, thiêu đốt thân thể đến chết cũng không hành dâm. Nếu dâm dục mà được sống cũng bằng trinh khiết mà chết. Trạng thái của dâm dục giống như núi Tu di bị chìm trong biển không khi nào nổi lên, dâm dục thì chết bị chìm vào địa ngục, hơn núi Tu di. Nếu phạm giới này thì chẳng phải là Sa-di-ni.

Bốn là: Sa-di-ni suốt đời có lòng chí thành, lấy tâm ngay thẳng làm gốc, miệng không được nói hai lời, không được nói lời ly gián, nói lời dối gạt, không được dùng lời ác mắng người khác, nói lời dối trá thêu dệt, khen trước mặt chê sau lưng, làm chứng nói người đó phạm tội, không được chê bai người khác, là đúng là sai, là tốt là xấu. Khi nói phải suy nghĩ thật đúng mới nói, không đúng thì không nói, nếu người thuyết pháp thì phải một lòng lắng nghe, suy nghĩ nghĩa lý, tâm vui vẻ. Phàm người ở đời, búa nằm trong miệng, sở dĩ tự giết mình đều do lời nói ác, tự ý buông lung, nói năng vô độ mới bị tai họa. Cẩn thận nơi thân, miệng, ý thì tai họa duyên vào đâu! Người trí đã thấu hiểu nên nhất tâm giữ gìn. Nếu phạm giới này không phải là Sa-di-ni.

Năm là: Sa-di-ni suốt đời không được uống rượu, không được nếm rượu, không được ngậm rượu, không được bán rượu, lấy rượu cho người uống, không được nói "Đây chỉ là rượu thuốc", không được đến quán rượu, không được cùng bàn luận với người uống rượu. Rượu là thuốc độc, rượu là nước độc, rượu là chất độc, là nguồn gốc của những sự mất mát, là căn bản của các điều ác, hủy phá Hiền Thánh, làm bại hoại đạo đức, vì xem thường tai họa nên phạm giới căn bản, bốn đại hao mòn, bỏ phước chuốc họa, không gì không làm. Thà uống nước đồng sôi chứ không uống rượu. Vì sao? Vì uống rượu sẽ khiến cho con người tâm trí mê loạn, điên cuồng, khiến con người không còn biết gì nên bị đọa vào Địa ngục. Cho nên phải đề phòng rượu, nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Sáu là: Sa-di-ni suốt đời không được đi xe, cưỡi ngựa, đi kiệu, tâm ham thích, ý buông thả, miệng mắng chửi nguyền rủa. Không được cười giỡn với bé trai năm tuổi, không được xúc chạm vào loại súc sanh đực, không được ôm ẵm loại súc sanh đực, không được xúc chạm cơ quan sinh dục của súc sanh đực, tĩnh tâm tự giữ nhớ nghĩ về kinh đạo, luôn dùng sự vắng lặng tạo an lạc. Đối với tất cả các chúng sanh đều không được mong muốn cho họ chết, nếu muốn mua thịt, có năm loại tịnh nhục mới được phép ăn, thường tự hổ thẹn, không ưa bất tịnh, luôn sám hối, có tâm từ, thương xót khắp nơi. Nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Bảy là: Sa-di-ni suốt đời không được họa vẽ sặc sỡ, không được dùng sợi tơ bằng vàng, tơ đủ năm màu, không được dệt vải cho người khác, không được ngồi trên giường cao, ngồi giường có màn che, không được soi gương nhìn ngắm hình tướng đẹp xấu, không được bày quần áo trên giường, không được ngồi xoạc chân trên giường ngâm nga. Không được nói cười lớn tiếng, không được cao giọng quát tháo, khi nói luôn phải nói giọng nhỏ nhẹ. Không được đánh đờn chơi các nhạc cụ, không được múa hát lắc uốn thân thể. Không được liếc ngó mà đi, không được nhìn không chân chánh mà đi. Không được mua bán đổi chác, tranh cãi hơn thua với mọi người, làm cho người phỉ báng. Nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Tám là: Sa-di-ni trọn đời không được học tập theo thầy đồng bóng, không được làm thuốc độc khiến người uống, không được nói ngày tốt ngày xấu, coi tướng điềm lành điềm dữ, thay đổi được, mất, nhựt thực nguyệt thực, tinh tú biến đổi, núi lở, động đất, mưa gió, hạn hán, tính toán năm tháng lạnh nóng, có nhiều bệnh tật,... nhất nhất đều không được biết. Không được bàn luận về chính sự quốc gia, nước kia mạnh, nước nọ yếu, người nước kia giỏi, người nước nọ dở, có thể xuất quân đi đánh, chiến trận thắng thua, có thể đạt được tiền của dùng làm sự nghiệp. Không được bàn nói nhà kia giàu có, nhà kia nghèo khổ, không được nói người này giàu người khác nghèo, không được tự tay chặt đốn cây để tu sửa nhà ở của mình, không được tự tay bẻ hoa non để rải cúng dường trên Phật. Nếu có người đem hoa đến dâng Phật thì nên nhận, phải chú nguyện cho họ ba lần, phải thường thương xót mọi người: "Hoa này chỉ là hoa biến hóa mà thôi, không hiện hữu lâu, tất cả mọi người cùng đều như vậy, đều từ người nữ sanh ra, không tồn tại mãi, khổ sở ràng buộc, sanh già bệnh chết, khóc nhau thảm thương, lo buồn loạn tâm, thiện thần tránh xa, tà quỷ quấy nhiễu, thân lại sẽ chết, do đấy như biến hóa không hề chắc bền. Nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Chín là: Sa-di-ni trọn đời nam nữ phải riêng biệt, không được ở chung trong chùa, bước đi không tìm theo dấu vết của người nam, không được cùng với người nam đi chung thuyền, xe, không được cùng với người nam mặc y phục cùng màu, không được ngồi cùng chiếu với người nam, không được ăn cùng bát với người nam, không được cùng nhuộm màu sắc sặc sỡ với người nam, không được cắt may y phục với người nam, không được giặt giũ quần áo với người nam, không được xin đồ qua lại với người nam. Nếu người nam cho đồ vật tốt, phải cẩn thận xem xét, phải thận trọng tránh xa tiếng xấu về chê trách nghi ngờ. Không được thư từ qua lại, nếu ai nhờ mang đi cho vật gì cũng không nên nhận, nếu muốn đi, phải đi với người lớn tuổi, cẩn thận không được đi một mình. Khi đi phải nhìn thẳng, nếu nhìn mà thấy có sắc thì không thanh tịnh, không được đi riêng. Phải một mình ngủ trong nhà. Nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Mười là: Sa-di-ni suốt đời thân không làm việc ác, miệng không nói lời ác, tâm không nghĩ điều ác, nói và làm phải tương ứng, chẳng phải bậc Hiền thì không kết bạn bè, chẳng phải bậc Thánh thì không tôn thờ. Vì sao "chẳng phải bậc Hiền thì không kết bạn bè": Vì phàm là bậc Hiền, tâm không sanh diệt. Vì sao "chẳng phải Bậc Thánh thì không tôn thờ"? Vì phàm là bậc Thánh thì không bị trói buộc nơi sắc, không còn lệ thuộc vào dòng họ, tham dục cấu uế đã dứt sạch. Những người con không biết tổ tông, không hiếu thảo với cha mẹ, những kẻ đồ tể, giặc cướp, ham thích rượu chè, tâm khởi tà vạy, ngu si, hành vi hung ác, phải nên thận trọng đừng giao du qua lại, nếu qua lại với những người uế trược làm tổn hại đạo hạnh. Phải kiến cố tự giữ gìn, không được cười giỡn lớn tiếng. Không được chạy đi trước mặt bậc tôn túc. Không được ngước đầu mà đi, không được luôn qua lại gặp gỡ với quốc vương. Nếu trên đường đi có âm nhạc, không được đi sát tường để xem nghe, không được dựa vào vách mà nhìn. Không được ngồi tréo chân, không được ngồi dang chân. Không được ngồi trên tòa cao mà nói, phải luôn hổ thẹn về tánh xấu của người nữ. Nếu phạm giới này, không phải là Sa-di-ni.

Bấy giờ Tỳ-kheo ni Kiều Đàm Di thọ mười giới của Phật, nhất nhất không lỗi lầm, thực hành mười giới như vậy, không hề thiếu sót. Bà luôn ở gần Phật, suốt ba năm như thế, trí tuệ sáng suốt, thông hiểu các Kinh, hoan hỷ không tán loạn, ý chí như núi lớn, tâm đoan nghiêm, ý ngay thẳng, không tà vạy, thường tự thương mình và tất cả mọi người, cũng như các loài côn trùng nhỏ bé, không loài nào là không thương xót. Bà luôn khuyến hóa pháp lành, hoàn toàn xa lìa phiền não. Trong ba năm chưa từng sai lầm, bà lại đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, sám hối tất cả các lỗi lầm, thưa:

Đức Phật từ bi trí tuệ đã chỉ dạy cho con thấu các tội lỗi, dùng chánh kiến thoát khỏi những điều sai lầm, vạn lần con không hề oán hận, chỉ xin được thưa một điều: Mười giới con đều giữ gìn, lại có những điều ngoài mười giới ra thì rất ít, không đủ giữ tâm, kính xin đức Thế Tôn chế thêm giới để giữ tâm tinh cần, chúng con xin học hỏi không dám biếng nhác, và sẽ như pháp luật thực hành hạnh Bồ tát.

Đức Phật bảo Sa-di-ni Kiều Đàm Di:

Người hãy thực hành mười giới đúng như pháp! Có Đại giới gọi là Cụ túc, thực hành chân đế mau được thành Phật, gồm có năm trăm sự việc cốt yếu, nếu chỉ thực hành mười giới là đã có thể đạt đến đến đạo tràng. Nếu không thực hành thì không thể đạt đến được, hoàn toàn không thể đắc Đại giới Cụ Túc này.

Khi ấy, nghe Đức Phật nói như vậy, Kiều Đàm Di rất vui mừng, bà cúi đầu cung kính đảnh lễ nơi chân Phật, rồi quỳ gối chắp tay bạch Phật:

Con đã được nhận ân huệ, lại được thọ mười giới. Đức Phật bảo Sa-di-ni:

Đã làm Sa-di-ni, nương theo pháp luật phụng hành mười điều, có thể mau được đắc đạo. Những gì là mười?

Một là luôn có tâm từ, trong ngoài đều thanh tịnh không có tâm hại người. Hai là luôn nghĩ bố thí không ưa keo kiệt, không cất giữ của rơi, không có tâm trộm cắp. Ba là thường tự thanh tịnh tinh khiết, tĩnh ý giữ gìn, không có tà dâm. Bốn là thường phải chí thành, miệng không nói khác. Năm là tự mình thanh tịnh, suốt đời không uống rượu, không say sưa làm tâm loạn. Sáu là luôn giữ chí nguyện, không dùng lời thô ác mắng người. Bảy là luôn luôn khiêm tốn, không cao ngạo, ngồi trên giường báu rộng lớn. Tám là thường giữ trai giới, đúng ngọ mới ăn. Chín là gìn tâm bình đẳng không có ý ganh ghét. Mười là phải luôn đối với Bồ tát và chư Tăng cung kính xem như Phật, tâm luôn nhu hòa, không được giận dữ. Đó là mười điều pháp luật của Sa-di-ni. Sa-di-ni lại có mười pháp. Những gì là mười? Một là phải cung kính Đức Phật, chí tâm không tà vạy, cúi đầu đảnh lễ, thường tự sám hối tội ác đời trước. Hai là thường cung kính pháp, chú tâm nơi Đạo, từ hiếu với kinh. Ba là thường cung kính Tăng, tâm luôn bình đẳng, không từ bỏ, chí thành tin tưởng. Bốn là ngày đêm hầu thầy như hầu Phật, tâm không mệt mỏi. Năm là xem tất cả chúng sanh, tâm đều bình đẳng xem như thầy mình. Sáu là đối với các Sa-di-ni, tâm thương kính xem như cha mẹ. Bảy là dùng tâm bình đẳng đối với tất cả xem như anh em chị em. Tám là đối với tất cả cầm thú, tâm từ bi thương xót, xem như con cái. Chín là đối với tất cả cỏ cây, tâm thương mến xem như thân mình. Mười là phải nhớ nghĩ đến các loài côn trùng bò, bay, máy, cựa, có nhiều sự khổ không thể nói hết trong thiên hạ khắp mười phương. Đó là mười điều pháp luật của Sa-di-ni.

Sa-di-ni hầu Thầy, có mười việc: Những gì là mười? Một là phải cung kính đối với Thầy, thường phải gần gũi, hành trì đúng như pháp, đúng như luật. Hai là phải nghe theo lời dạy của Thầy, thường phải hòa thuận. Ba là thường phải dậy sớm đừng dậy sau thầy, tự cảnh tỉnh tâm mình, không nên để thầy gọi. Bốn là thường thành tín đối với thầy, lòng ngay thẳng thật thà. Năm là phải từ hiếu đối với Thầy, tâm luôn ở bên thầy, không rời bữa ăn, giấc ngủ. Sáu là khi đi trong nước thấy việc kỳ lạ thì phải thưa hỏi với thầy sự kỳ lạ ấy. Bảy là theo thầy học kinh, phải nghiêm chỉnh tâm trí, cùng tột chân thật, thân, tâm, miệng, ý không sai sót một mảy may như lông tóc nào. Tám là nếu Thầy bảo đi đến chỗ nào phải nên đi mau về mau, nếu có người hỏi: Sa-di-ni! Thầy của cô còn không?" thì nên im lặng đi thẳng, không được trả lời cho họ biết. Chín là giả sử có phạm lỗi, liền đến bên Thầy thú tội, nói ra rồi thì không còn tội nữa. Mười là hoàn toàn phải tin tưởng nơi Thầy, nếu nghe người nói lỗi của Thầy, thì liền trách họ thôi đi!

Đó là mười điều pháp luật của Sa-di-ni. Thực hành thì đạt đến đạo. Đức Phật dạy:

Ta đã giảng nói mười giới của Sa-di-ni rồi, lại nói phải thực hành mười điều cho thật trọn vẹn, không sai sót dù chỉ bằng một sợi tóc, phải theo ý Thầy không thêm không bớt, một lòng hành trì.

Lúc ấy, Sa-di-ni Kiều Đàm Di liền cúi đầu đảnh lễ sát đất rồi lui ra.

Bấy giờ, Kiều Đàm Di, tự mình quán sát phụng trì thực hành mười giới, không thiếu sót một điều gì, trong các điều ấy luôn nhất tâm thực hành, hoàn toàn không sai lầm, tâm không thối lui, luôn tinh tấn, thật thà, đúng thời. Đức Phật biết Sa-di-ni rất chí thành tin hiểu. Đức Phật nói với Hiền giả Anan:

Ông thấy Sa-di-ni này giống như hoa Ưu Đàm có trăm con chim hầu xung quanh không? Hiền giả A-nan thưa:

Đó là nhờ ân đức của Phật.

Lúc này, Sa-di-ni lại đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Giây lát sau, bà đến trước, chắp tay đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:

Bạch đức Thế Tôn! Phật đạo từ bi đã cho con xuất gia học đạo, trước đây con đã được thọ mười giới của Phật, làm Sa-di-ni, thứ đến thực hành đầy đủ mười điều, không biết con thực hành như vậy là đúng không.

Đức Phật dạy:

Đại Ái Đạo! Người phải biết điều đó là rất tốt đẹp. Đại Ái Đạo lại bạch Phật.

Bạch đức Thế Tôn! Mạng người vô thường, chỉ trong giấy lát, như đoàn Đại Ái Đạo chúng con, một mai cũng sẽ qua đời, sợ không gặp được thời có Phật, kính xin Đức Phật từ bi thương xót, truyền Đại giới, cho con đạt được sự giác ngộ vô thượng, tất cả đều mong Ngài cứu độ!

Đức Phật bảo Sa-di-ni Kiều Đàm Di:-Người muốn thọ giới Cụ túc là rất tốt.

Khi ấy, Đại Ái Đạo liền sửa y phục, chắp tay đảnh lễ Phật, đi nhiễu quanh Phật mười vòng rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật liền truyền Đại giới cho Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di. Bà làm Tỳ-kheo ni phụng hành pháp luật, liền chứng đạt đạo A-la-hán, lại thấy được nguồn gốc của sanh tử, thấy rõ chân lý, mắt có thể nhìn thấu triệt, tai có thể nghe thông suốt, mũi có thể đạt hơi thở Thiền (tỉnh thức), tâm biết được ý nghĩ của người khác, thân có thể bay đi. Sau đó, Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo cùng các Tỳ-kheo ni trưởng lão đến chỗ Đức Phật gặp Hiền giả A Nan, thưa:

Thưa Hiền giả A-nan! Các Tỳ-kheo ni Trưởng lão này thọ đại giới đã lâu rồi, siêng tu phạm hạnh đã được kiến đế. Thưa Hiền giả! Vì sao lại bảo chúng tôi đảnh lễ Tỳ-kheo nhỏ tuổi mới thọ đại giới?

Hiền giả A-nan nói:

Hãy đợi một tí! Tôi sẽ thưa điều đó.

Trong giây lát Hiền giả A-nan liền đi vào chỗ Phật cúi đầu đành lễ nơi chân Phật, thưa:-Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo nói: Các Tỳ-kheo ni trưởng lão này tu phạm hạnh đã lâu, đã đạt kiến đế vì sao phải đảnh lễ Tỳ-kheo nhỏ tuổi mới thọ đại giới?

Đức Phật nói:

Thôi đi! Thôi đi! Này A Nan, phải cẩn thận nơi lời này, không được nói! Chỗ hiểu biết của Thầy rõ ràng là mỏng ít? Thầy còn chưa biết một làm sao có thể biết hai? Sự hiểu biết của Thầy làm sao bằng sự thấy biết đúng như thật của Ta. Nếu không cho người nữ vào đạo của Ta làm Sa-môn, các Phạm chí ngoại đạo và các cư sĩ đều dâng y phục để cúng dường, cung kính đảnh lễ sát đất cầu xin đối với các Sa-môn. Họ đều nói: "Hiền giả tâm nguyện về giới thanh tịnh, kính xin quý vị bước đi trên y phục của chúng con, khiến chúng con trong đêm dài sanh tử có được phước đức, tâm không thể tính kể suy lường, để chúng con đạt được ước nguyện và được chứng đạt như quý vị". Nếu không cho người nữ vào đạo của Ta làm Sa-môn, mọi người trong thiên hạ đều sẽ dâng tóc trải đất, cúi đầu cung kính, dốc cầu đối với các Sa-môn, đều nói: Hiền giả có các hạnh về giới, văn và tuệ thanh tịnh, xin trải tóc này để quý vị đi, khiến cho chúng con trong cuộc sanh tử thân thể được an ổn, phước đức vô lượng. Nếu không cho người nữ không vào Đạo của Ta làm Sa-môn, thì dân chúng trong thiên hạ đều sẽ cúng dường đầy đủ các y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men để trị bệnh: "Kính xin các Sa-môn tự đến thọ nhận, khiến cho dân chúng trong nước con không còn khóc than khổ não. Nếu không cho người nữ vào Đạo của Ta làm Sa-môn thì dân chúng trong thiên hạ sẽ phụng sự các vị Sa-môn, như thờ mặt trời, mặt trăng, như phụng thờ thiên thần, vượt trên tất cả các ngoại đạo, Sa-môn cũng thanh tịnh, không thể nhiễm ô, như ngọc Ma ni. Nếu trong nước có Sa-môn thì nước ấy luôn được an ổn hơn các nước khác. Nếu không cho người nữ vào đạo của Ta làm Sa-môn, thì chánh pháp của Phật sẽ trụ ngàn năm, lưu truyền hưng thịnh khắp, khiến tất cả đều được độ thoát. Hôm nay, vì người nữ ở trong giáo pháp của Ta làm Sa-môn, nên tuổi thọ của chánh pháp sẽ suy giảm năm trăm năm. Vì sao? Này A-nan! Vì người nữ có năm điều không được làm Sa-môn. Những gì là năm? Người nữ không được làm Như Lai Chí chân đẳng chánh giác. Người nữ không được làm Chuyển luân thánh vương. Người nữ không được làm Phạm Thiên vương cõi trời thứ bảy. Người nữ không được làm trời Đế Thích. Người nữ không được làm Ma Vương. Năm điều như vậy, chỉ có bậc trượng phu tôn quý mới làm được, bậc trượng phu mới chứng đắc thành Phật, được làm Chuyển Luân Thánh vương; được làm trời Đế Thích, được làm Ma Vương, được làm Trời Phạm Vương; được làm Vua trong loài người.

Như thế này Hiền giả A-nan! Những người nữ ví như rắn độc, tuy đã bị người bắt giết, đánh ở thân thì nó sống lại ở đầu. Rắn này đã chết, có người thấy, tâm vẫn rất sợ hãi. Người nữ cũng vậy, tuy được làm Sa-môn nhưng tính xấu vẫn còn, tất cả những người nam đều bị họ lay chuyển, vì vậy có thể khiến cho mọi người không chứng đắc đạo.

Phật dạy:

Người nữ như thế, giả sử làm Sa-môn giữ giới Cụ túc, đến một trăm năm cho tới đã chứng quả A-la-hán cũng phải đảnh lễ Sa-di tám tuổi. Vì sao? Vì Sa-di hoàn toàn cũng có thể chứng đắc A-la-hán, trong thân có thể phát ra nước, lửa, dùng ngón chân đè ngọn núi Tu di thì ba ngàn đại thiên thế giới đều bị chấn động đủ sáu cách. Do vậy, tuy người nữ đã đắc đạo A-la-hán, không thể làm lay động, dù là một cây kim chỉ bằng sợi lông. Vì sao, này Hiền giả A-nan! Người nữ hiện bày sự cao ngạo, dùng thân bất tịnh mà đòi vượt hơn người nam, vì thế, không thể đắc đạo.

Đức Phật dạy:

Ngày đêm không học, mắt không nhìn thấy, cử động là phạm tội lỗi, lún sâu dần dần, tự làm mất thể tánh của mình. Những người ấy, đắng cay đã qua mà không khỏi tội bị đọa địa ngục, Thái Sơn, khó có thể chịu nổi. Lúc còn sống không học thì chết phải chìm vào vực sâu, già mà không dừng dâm dục ở đời, hơi thở mà ngưng thì làm gì có được đầy đủ thứ quý cho mình. Chỉ có thể tự sửa lỗi, hối hận, giữ gìn thân chân chánh, đời này hết tội thì đời sau được lại, có của cải không chịu đem bố thí thì đời đời chịu cảnh nghèo khổ, thường bị nhiều bệnh tật, sắc diện vàng vọt, đứng đi, ngồi, nằm đều không yên, mới có thể tự hối một cách chân thật, sâu xa. Hôm nay đã được vào trong pháp luật của Ta, được thân người trọn vẹn, vô số kiếp sau cũng được như vậy.

Bấy giờ Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo cùng các Tỳ-kheo ni trưởng lão nghe Đức Phật giảng nói như vậy, đều rất lo buồn, không vui, nước mắt như mưa, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật, thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Người nữ như thế là không thể độ được chăng?

Đức Phật bảo:

Nếu người nữ làm Sa-môn, tinh tấn giữ gìn giới luật đầy đủ, không thiếu sót, không bị phạm dù một mảy may như sợi tóc, đời hiện tại sẽ chuyển hóa thành thân người nam, liền đạt được vô lượng công đức, mau chóng đắc thành Phật, không còn chướng ngại, làm gì cũng được tùy ý, nếu đã mong cầu có thể đạt được.

Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di lại thưa Phật:

Người nữ không thể so sánh được chăng? Phật dạy:

Có vào thời Phật quá khứ, có người nữ đem hoa bằng vàng rải trên Phật, Phật liền thọ ký, trải qua Hằng hà sa số kiếp sau sẽ được thành Phật, hiệu là Phật Kim Hoa. Người nữ đó tên là Ưu bà di Hằng Kiệt, được thọ ký rồi nên rất vui vẻ, bay giữa hư không, hóa thành thân người nam. Lúc đó, Ta đang ngồi trên năm cánh hoa sen của tòa đức Phật ấy, đức Phật ấy cũng thọ ký cho ta, vô số kiếp về sau sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Văn, chính là thân Ta hôm nay. Khi Ta thành Phật Thích Ca Văn. Ưu bà di Hằng Kiệt sanh vào nước của Ta, làm thân người nữ, hiệu là Tu Ma Đề. Ai có thể xứng đáng đối với trí tuệ này? Đó là Văn Thù Sư Lợi ứng hiệu, hóa thành người nam, làm Sa-di tám tuổi. Đã rõ ràng như vậy, nên hãy siêng năng tinh tấn để có thể đạt đến đạo Chánh chân Vô thượng.

Đức Phật nói:

Lại còn sáng rõ hơn nơi đức Phật Ca Diếp ở quá khứ. Nhà vua có bảy người con gái, từ nhỏ đến lớn, không thích trang sức, sáu tình đoạn dứt, không còn các dục cấu uế, thực hành pháp quán sát thây người chết, phân biệt những thứ xấu ác trong thân, lo buồn không vui, thấu suốt đến Phạm Thiên.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân đến thăm hỏi:

"Muốn cầu nguyện gì, tôi đều có thể đáp ứng". Bấy giờ, bảy người nữ đều nói ra ước nguyện của mình chính là nguyện về Đại thừa không thể nghĩ bàn. Lúc đó, Thích Đề Hoàn Nhân không thể đáp ứng được nguyện này.

Thiên thần nói: "Đức Phật Ca Diếp ở gần đây, hãy đến đó để thưa hỏi". Bảy người nữ liền cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật. Thích Đề Hoàn Nhân chắp tay thưa Phật:-"Nguyện của bảy người nữ như vậy, con không thể đáp ứng được, xin Phật khai mở chỉ bày khiến cho họ được an ổn".

Đức Phật dạy:

"Khi bảy người nữ này còn ở đời Phật quá khứ, đời đời họ đã tạo công đức. Hôm nay được sanh vào nhà quốc vương, sẽ được thọ ký. A-lahán, Phật Bích Chi còn không thể biết được, huống là chư Thiên, Đế Thích".

Lúc này, bảy người nữ hết sức vui mừng, bay lên giữa hư không hóa thành thân người nam, đời sau cũng sẽ được thọ ký sẽ được thành Phật.

Hôm nay, đoàn của Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo thường thực hành đại từ đại bi, đời sau cũng sẽ thành người nam, được thọ ký thành Phật. Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo nghe đức Phật nói lời này, cúi đầu đảnh lễ sát đất, rồi lui ra.

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Đại Ái Đạo và các Tỳ-kheo ni trưởng lão, nói với Hiền giả A-nan:

Đức Phật đã thọ ký cho chúng ta như vậy rồi xin đức Phật truyền trao pháp luật cho chúng tôi, vào ra trong phòng, bước đi oai nghi, nơi chốn dừng ở, pháp nhận sự thỉnh nhận cúng dường thức ăn của đàn việt, tuệ nhập vào thiền định, những giới lớn, nhỏ chúng tôi đều ưa muốn nghe và sẽ phụng hành.

Hiền giả A-nan nói:

Hãy đợi giây lát để tôi vào trong thưa.

A-nan đi vào chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật rồi thưa:

Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di cùng các Tỳ-kheo ni trưởng lão nói: "Đức Phật đã thọ ký cho chúng con rồi, vì ân đức vô lượng, xin Phật truyền trao pháp luật cho chúng con, ra vào trong phòng, đi đứng có phép tắc oai nghi, nơi chốn dừng ở, pháp nhận sự thỉnh mời ăn của đàn việt, tuệ nhập vào thiền định, các giới lớn, nhỏ đều nguyện ưa muốn nghe và sẽ phụng hành".

Phật bảo:

Này A-nan! Pháp luật này rất quan trọng, rất khó! Người có thể hành trì thì tự nhiên trở thành thân người nam, có thể thành Phật.

Hiền giả A-nan liền đi ra, nói với Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo:

Đức Phật nói pháp luật ấy rất quan trọng, rất khó, rất khó! Nếu hành trì thì mau thành người nam, có thể thành Phật.

Đại Ái Đạo vui mừng, liền đảnh lễ Hiền giả Anan rồi lui ra. Đức Phật bảo Tỳ-kheo ni:

Xuất gia cầu đạo, diệt trừ các dâm: ấm khí đã dứt, đã dõng mãnh, tinh tấn tạo lập Đại thừa, tu tập đạo đức, tinh tấn thọ trì giới của Phật, đi như Phật đi, đứng như Phật đứng, nhìn như Phật nhìn, không có hư ngụy, dứt trừ lưới thế tục, tu hành tinh tấn chơn chánh, gắng hết sức của thân người nữ để thọ nhận ý chí như kim cương, tạo phước một ngày thì được vô lượng công đức, không tự ý trau chuốt đẹp đẽ, sửa sang sắc đẹp làm mê hoặc người nam, tự trói buộc tội, chìm trong sanh tử, không nghĩ đạo pháp, chuyên tạo tội lỗi, hãy suy nghĩ kỷ đừng nên dâm dật, tích chứa công đức có thể được thân trọn vẹn. Đó là pháp căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni đã xuất gia vào chánh pháp, phải thực hành đúng như pháp, phải tạo lập công đức đúng như pháp, lập chí đúng như pháp, lập hạnh đúng như pháp, dứt trừ tình dục, tâm ý thường thanh tịnh, diệt trừ mê hoặc, thể nhập giáo pháp vi diệu sâu xa, trở về với pháp lớn, hoặc có thể tự phân biệt được nguồn gốc, của Bổn tế, cắt đứt hoàn toàn các sắc dục. Đó gọi là căn bản của việc tạo lập pháp nơi Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni đã xuất gia lập chí, trừ bỏ tật xấu, thường tự hổ thẹn, vì tội lỗi phải bị thọ thân người nữ, không được tự ý làm mê hoặc mọi người, nếu muốn phá hoại tâm Đạo thì sẽ bị luân hồi trong sanh tử, thọ nhận các tội; phải tự xét tánh xấu, không khỏi họa khổ này, nhân đó nhổ bật gốc rễ tội lỗi, dốc cầu thể tánh kim Cang, trừ bỏ hẳn thân người nữ, cầu được trí thanh tịnh. Cho nên xuất gia tu hành làm Sa-môn, dứt trừ các tội ác, xa lìa hoạn nạn. Đó là căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni đã thọ giới Cụ túc, có ba pháp: Những gì là ba: Một là thường cúng dường chư Phật, không được biếng nhác mệt mỏi, luôn dùng tâm đại từ, đại bi cứu vớt chúng sanh. Hai là thường cung kính thuận theo pháp, thực hành oai nghi tế hạnh, lời nói ngay thẳng, thành thật rõ ràng, nương theo pháp luật, không còn kiêu mạn. Ba là luôn đối với Tỳ-kheo tăng cung kính xem như Phật, chí tâm cung kính như là Tam Bảo. Cung kính như vậy sẽ đắc đạo, hoàn toàn xa lìa phiền não, không bị đọa nơi ba đường ác, tự nhiên sanh Thiên, luôn luôn lìa dục được phước đức hoàn toàn an vui. Đó là căn bản để tạo lập công đức của Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc, có ba việc. Những gì là ba? Một là tự suy nghĩ về sự không thanh tịnh của thân nữ. Hai là tự nghĩ do đa dục làm mê hoặc tất cả mọi người, đều làm cho tâm tán loạn. Ba là tự suy nghĩ về tâm tánh buông lung làm nhiễu loạn chánh pháp, khiến cho hủy hoại, tự cho mình là người xinh đẹp vô song trong thiên hạ, không biết tội lỗi sắp trói buộc nơi thân. Đó là sự quán sát về nguồn gốc các dục của Tỳ-kheo ni.

Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trai phải thực hành đúng như pháp, phải ăn đúng như pháp, có ba việc: Một là, không được cùng ngồi trong hội ăn với Tỳ-kheo tăng. Hai là không được cùng ngồi trong hội ăn với Ưu-bà-tắc. Ba là không được tham lấy thức ăn cho Ưu-bà-tắc trẻ tuổi ăn. Đó là pháp thọ thực của Tỳ-kheo ni.

Nếu Tỳ-kheo ni được đàn-việt mời thọ trai, không được nhận lời mời cách đêm. Vì sao? Vì có cách đêm sẽ khởi tư tưởng về đêm. Nhận lời mời phải đi liền, không được để lâu, nếu quá một giờ thì không nên đi, người đi trái thời là phạm tội ăn trộm, là phạm pháp cấm, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Nếu Tỳ-kheo ni đi đến nhà đàn-việt, phải cùng nhau đi theo thứ tự lớn nhỏ, phải cúi đầu đi thẳng, không được liếc ngó hai bên và cười giỡn lúc đi, luôn phải đi thẳng. Nếu trên đường đi gặp Tỳ-kheo lớn hoặc là Sa-di phải xem bình đẳng, đều phải đảnh lễ rồi mới đi. Không được ngắm nhìn sắc đẹp, nếu nhìn sắc đẹp thì tâm không thanh tịnh. Cũng không được hỏi han chỗ ở, muốn đến chỗ nào, nếu thăm hỏi thì chắc chắn có tình ý khởi lên. Vì sao? Vì dùng tâm, ý, thức để nhớ nghĩ, tuy không được kết bạn nhưng tâm ấy vẫn tán loạn. Chính vì vậy cả hai đều bị đọa, nếu phạm chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trại, trước hết phải giữ tâm thanh tịnh, không có phiền não, tĩnh tu trai giới, không thiếu sót một mảy may nhỏ, tâm luôn tư duy về kinh Đạo, không được biếng nhác, phải tự thanh lọc tâm không có tâm sanh diệt, luôn có tâm Từ, không nên giận dữ. Đó là Tỳ-kheo ni vì thực hành đại từ mà thọ thực, nếu phạm thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Nếu Tỳ-kheo ni nhận lời đàn-việt mời thọ trai nên ăn đúng như pháp, nếu đùng thời thì nên ăn. Từ Thượng tọa nên bảo các hạ tọa đều đứng dậy, kêu đàn việt đến thắp hương xong, lễ Phật ba lần rồi trở về chỗ ngồi. Đàn-việt dâng khăn lau tay rồi dâng thức ăn, tất cả đều phải bình đẳng chú nguyện mà ăn, không được ăn ra tiếng, không được liếc nhìn hai bên, không được ngậm cơm giỡn cười, không được ngậm cơm nói chuyện. Nếu phạm không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni thọ thực nơi nhà đàn-việt rồi Thượng tọa phải dạy cho hạ tọa đi ra rửa tay, súc miệng xong trở lại chỗ ngồi, đều nói một bài kệ xong mới từ giã ra về. Khi đi phải cúi đầu nhìn xuống đất, không nhìn trước quá ba thước, miệng tụng chú nguyện, từ từ thanh thản mà đi. Không được leo trên đất mà đi, không được nhảy trên đất mà đi, không được chụm hai chân nhảy mà đi, không được đi một chân, không được lắc đầu mà đi, không được lắc mình mà đi, không được vừa đi vừa lắc hai tay, không được vừa đi vừa lắc mông, không được đi nghiêng mình, không được vừa đi vừa nói cười, không được vừa đi vừa nói chuyện với người nam, không được vừa đi vừa cười với người nam, đi phải như Phật đi, đứng phải như Phật đứng, nhìn phải nhìn như Phật, nói phải nói như Phật, không được giở chân cao mà đi, không được đi nhanh, không được đi lâu, không được đi mà kéo lê, đi phải giở chân lên cách đất ba tấc rưỡi, nên đi ba tấc một bước. Trở về tháp, chùa phải lễ Phật, đảnh lễ Phật rồi trở về phòng, đảnh lễ kinh tượng, tự sám hối những việc xấu bất tịnh: "Hôm nay đã ăn thức ăn của nhà đàn việt kia, nguyện cho mọi người và phi nhân trong thiên hạ khắp mười phương không còn tánh xấu của người nữ, nhà đànviệt đời hiện tại được an ổn, mau được thành Phật, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẽ đẹp, đầy đủ mười Lực, tất cả chúng sanh trong mười phương đều được cứu độ, được phước vô lượng, phát tâm Đại thừa chánh đẳng giác". Phát nguyện như vậy, mới gọi là Tỳ-kheo ni. Nếu phạm, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni thọ thức ăn ở nhà đàn-việt xong, trở về phòng, tĩnh tu kiểm đức, học sáu pháp Ba la mật, cùng nhau sách tấn dứt hẳn dục tình, không có nhiễm ô, tâm luôn rỗng lặng, không còn trói buộc, chí thanh tịnh như vậy, có thể mau chứng đắc đạo quả, nếu không có ai thỉnh mời, tự mình làm thức ăn cũng không lo sợ. Ngày nay, không ăn không phải đạo thì không nói, không ăn phi thời, không ăn sau giờ ngọ, không được đi vào trong chợ, sau giờ ngọ không được ăn lại, ở trong phòng kín đáo phải kinh hành đúng như pháp. Nếu phạm những điều ấy, chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni vào phòng có mười ba pháp? Những gì là mười ba pháp: Một là thường tự suy nghĩ về sự xấu bất tịnh, mê hoặc mọi người, là gốc trói buộc tội, không thể tránh khỏi. Hai là thường tự suy nghĩ về lỗi lầm xấu ác không thể tự trở lại. Ba là thường suy nghĩ về nguồn gốc tạo tội, sâu xa không thể tự thoát ra. Bốn là thường tự nghĩ về mình tâm tánh nhiều dâm dục, không thể tự thanh tịnh. Năm là thường tự suy nghĩ về dâm dục làm tán loạn tâm đạo thanh tịnh, không thể tự dứt. Sáu là thường tự suy nghĩ về sự phá hoại tâm đạo, không thể xa lìa. Bảy là thường tự suy nghĩ về tâm đa dục, như thuyền đi trên sông chở nhiều người, bất ngờ bị lật chìm trong nước, mọi người bị chết không thể an toàn; tám là thường phải suy nghĩ về miệng lưỡi ngọt ngào là mê hoặc tâm người, tâm tán loạn, ý mê mờ, không còn nhìn thấy gì. Chín là luôn phải suy nghĩ về thân thể là cái túi gấm nhiều màu, dùng đựng đồ xú uế nhưng bên ngoài rất đẹp đẽ, người thích nó, gần nó chắc chắn bị nhiễm ô, bất tịnh chảy tràn hôi thối không thể chịu nổi. Mười là phải suy nghĩ về tánh xấu ưa đẹp, sửa soạn dáng dấp yêu kiều, tự cao ngạo, muốn làm loạn động tâm người khác. Mười một là luôn tự nghĩ mình có tật xấu ưa tỏ ra yếu ớt, để mong được người thương xót, không thể tự dừng. Mười hai là thường phải suy nghĩ về việc thọ thân người nữ bị tánh tham dục ràng buộc nên không thể tự giải thoát. Mười ba là luôn phải suy nghĩ do tánh xấu ưa nhờ cậy, hiển bày bất tịnh nên không thể tự hiểu rõ. Đó là mười ba pháp khi vào phòng.

Trốn tránh việc làm thật sự là tội rất lớn, nếu có người nữ dũng mãnh sách tấn, quán sát về Dục cũng không lìa được, chỉ có bậc Kiến Đế, tư duy sâu xa mới có thể đoạn trừ dục, tự mình dứt sạch, thực hành đạo, thực hành giới, nương vào pháp luật oai nghi để an vui, nói đúng oai nghi, có thể sớm làm được thân người nam. Thức từ đời trước nên còn, cộng thêm sự khuyến giúp chấm dứt các tư tưởng, có thể đạt được đạo Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi. Nếu không thủ chứng, thì trong vô số kiếp cũng sẽ được thành Phật.

Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn pháp. Những gì là bốn: Một là phải tự điều phục tâm, tâm không sanh diệt, chú tâm nơi đạo: Hai là phải xem xét tâm mình, luôn giữ thúc tâm, tu tập chí hướng nơi pháp: Ba là phải tự nghĩ mình có căn tánh xấu, muốn diệt trừ tâm xấu ác, tâm không buông lung hạn chế việc ngủ nghỉ, siêng năng, sách tấn tu thân không nên cao ngạo, tự ngăn chặn giữ gìn: Bốn là phải tạo lập giới pháp, khiến cho mọi người an vui, không nương tựa và chấp thủ giáo pháp của Phật để buông lung tâm mình, tham đắm sắc dục, mê hoặc các đạo sĩ thanh tịnh, hoặc trang điểm đẹp đẹp để mong cầu danh tiếng, khiến cho người bị đọa đày, gặp phải tai họa. Phải tự cẩn thận, tự hộ trì, đạt được an lạc lớn. Nếu phạm điều này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni. Pháp Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn việc. Những gì là bốn? Một là phải cúi đầu đi về phía trước, không được nhìn ngó hai bên có đối tượng so sánh: Hai là không được khạc nhổ trên đất sạch cùng bốn vách tường trong phòng. Ba là không được nằm sải chân trên giường, không được nằm sát mép giường, không được nằm phục xuống trên giường, không được nằm bẹp trên giường: Bốn là không được đứng dựa lưng vào tường, không được đứng quay lưng vào kinh tượng, không được đứng quay lưng vào lửa. Đó là bốn việc vào nhà của Tỳ-kheo ni, tự xem xét kỹ thì có thể đạt được an nhiên. Nếu phạm những điều ấy không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni vào phòng, có bốn việc. Những gì là bốn? Một là đảnh lễ kinh tượng và sắp xếp gọn gàng trên giường. Hai là ngồi yên suy nghĩ về tâm tánh của mình rất nhiều điều đáng hổ thẹn. Ba là phải tụng kinh, tu hành, không được biếng nhác, phải luôn luôn đoạn trừ các tà niệm. Bốn là im lặng giữ gìn thân, miệng, ý như vậy, luôn nghĩ đến việc từ bỏ tai họa của thân nữ xấu ác này. Đó là bốn pháp, nếu phạm những điều này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni vào phòng lại có bốn việc. Những gì là bốn? Một là luôn ngồi ngay thẳng, không được nằm dựa nhìn ra. Hai là phải im lặng tĩnh tâm nhớ nghĩ về Kinh điển. Ba là phải hộ trì mắt, mũi, tai, miệng, thân và ý đặt tâm trong hư không. Bốn là phải kiên cố tự giữ gìn, không được buông lung tâm ý, đang nằm liền ngồi dậy, giở áo ra gãi, để lộ thân thể và các cấu uế bất tịnh, khiến cho quỷ thấy, nếu để thần nhìn thấy họ sẽ không kính lễ. Đó là bốn điều, nếu phạm bốn pháp này, không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni vào phòng có bốn việc. Những gì là bốn? Một là phải nhìn thẳng phía trước, tâm ngay thẳng, không nghĩ điều tà vạy. Hai là phải ngồi ngay thẳng, không được lắc thân thể, không được lắc đầu lắc tay, không được lắc chân. Nếu lắc thân, tâm động chắc chắn khởi dục tình. Ba là phải giữ ý chí, giữ mắt, giữ tai, giữ mũi, giữ miệng, giữ thân, giữ ý, giữ tâm, giữ tám điều này có thể đạt đến đạo quả. Bốn là không được cùng với đám bạn bè kêu nhau, cười giỡn bàn luận, nói việc không cần thiết của thế gian, nói nhỏ cười lớn làm loạn động tâm đạo thanh tịnh, thường phải luôn tự trọng, không vọng động ra khỏi cửa ba thước, thì tội từ đâu mà có! Nếu phạm những điều này chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni ra khỏi phòng, đi đại tiểu tiện phải lắc chuông báo cho thầy biết, liền sai hai vị Sa-di-ni đến sửa y phục, giữ áo cà sa. Khi đi ra khỏi phải đảnh lễ thầy mới đi, đi không được chậm. Đi đến chỗ thầy, không được thiếu sót, đảnh lễ thầy rồi lui ra, về đến nơi phải khảy móng tay ba lần. Sa-di-ni đến chỗ Thầy ngồi phải đi kinh hành. Đó là pháp ra khỏi phòng của Tỳ-kheo ni, nếu phạm những điều này thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni sau khi ra khỏi nhà, có mười việc: Một là muốn đại tiểu tiện phải đi liền, không được tự chịu khó tích chứa trong thân. Hai là khi đi đại tiểu tiện, không được liếc ngó hai bên và tự nhìn thân mình. Ba là khi đi đến nhà xí, phải khảy móng tay ba lần. Bốn là trước hết phải hỏi Sa-di-ni: "Ở đây không có người phải không?" Sa-di-ni nói "không" thì mới đi tới, nếu có người thì không được đến hối thúc. Năm là đã vào nhà xí, phải khảy móng tay ba lần, đi đại tiểu tiện xong, lại khảy móng tay ba lần mới đi xuống. Sáu là không được khạc nhổ to tiếng. Bảy là không được cúi đầu xuống ngắm chỗ kín của mình. Tám là không được ngắm nghía đào đất trên nhà xí. Chín là không được đem nước rửa tạt vào vách tường. Mười là đã rửa tay, tay chưa ráo thì không được cầm đồ vật. Nếu phạm những điều trên thì không đúng pháp. Tỳ-kheo ni nếu đi tiểu tiện xong phải rửa tay, súc miệng xong mới đảnh lễ kinh tượng, tự mình sám hối và đảnh lễ giường tòa, rồi trở về chỗ ngồi kinh hành, suy nghĩ tra cứu nghĩa lý cốt yếu đúng như pháp, tự mình thực hành. Nếu phạm những điều trên thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Tỳ-kheo ni ra khỏi phòng có ba việc nên ra: Những gì là ba: Một là đến chỗ Thầy để thọ học kinh điển. Hai là nếu có người muốn đến xin gặp, được thầy cho phép, phải di ra đảnh lễ thầy rồi mới được gặp, không được cách xa thầy hai trượng, ba là thọ trai xong phải đứng dậy, đảnh lễ thầy. Đó là ba việc nên ra khỏi phòng, nếu phạm thì không phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Pháp ra khỏi phòng của Tỳ-kheo ni, có ba việc.

Những gì là ba: Một là ra khỏi cửa, phải cúi đầu đi thẳng, không được ngước đầu nhìn ngó bốn phía. Hai là phải im lặng mà đi, không được tự ý khạc nhổ to tiếng. Ba là phải thong thả đi ra, phải biết tự hổ thẹn "Mình thọ thân nữ xấu ác, bất tịnh, bị tâm dục và oán thù khiến lo chán, khổ đau. Người nữ như vậy rất khó tu tập". Nếu phạm thì chẳng phải là Hiền giả Tỳ-kheo ni.

Đã nói pháp ra vào phòng có ba mươi chín việc. Như ban đầu, từ tháng này đến tháng nọ, thọ trì giới pháp không để sai sót, im lặng hành trì, theo thứ tự giảng nói mà phụng hành, khiến cho người mau chứng đắc Đạo.

Hiền giả A-nan chắp tay quỳ gối ở trước Phật, thưa:

Đức Phật đã giảng nói pháp luật cho Tỳ-kheo ni đều đã đầy đủ. Các vị ấy đều được độ, e sau khi Phật nhập Niết bàn, nếu có người nữ làm Sa-môn, thì Tỳ-kheo ni có thể làm thầy được không?

Đức Phật nói:

Này A-nan! Nếu Tỳ-kheo ni trưởng lão đầy đủ giới pháp cũng có thể được, nhưng phải do Tỳ-kheo tăng, nếu Tăng chúng chấp nhận nhưng chỉ một Tỳ-kheo không bằng lòng thì không được làm Sa-môn.

Tôn giả A-nan liền bạch Phật:

Nếu như vậy, phải được Tỳ-kheo Tăng chấp nhận mới thành Sa-môn nữ phải không? Đức Phật nói:

Đúng vậy! Này A-nan! Vì sao? Vì người nữ phần nhiều buông lung, chỉ muốn mê đắm theo các sắc, muốn nuôi nhiều đệ tử mà không muốn học hỏi, chỉ biết việc trong giây lát, nên phải nhờ Tỳ-kheo Tăng.

Hiền giả A-nan thưa Phật:

Phải tôn Tỳ-kheo làm thầy hay sao?" Phật dạy:

Không phải. Phải tôn đại Tỳ-kheo ni làm thầy, nếu không có Tỳ-kheo ni, thì Tỳ-kheo tặng có thể nhận.

Hiền giả A-nan bạch Phật:

Xin đức Phật giảng nói Sa-môn nữ bao nhiêu tuổi mới được thọ đại giới, bao nhiêu tuổi hạ mới làm thầy của Sa-di-ni, bao nhiêu tuổi hạ mới làm Hòa thượng của Sa-di-ni, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm Tiểu A xà lê, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm đại A Xà Lê, bao nhiêu tuổi hạ mới được làm Hòa thượng, bao nhiêu tuổi hạ mới được nhận lời đàn việt mời thọ trai, được làm chỗ ở và được ở trong chùa, tháp?

Đức Phật dạy:

Này A-nan! Ông đã thưa hỏi rất nhiều điều sâu xa về sự hóa độ.

Hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, Ta sẽ giảng nói đầy đủ cho ông.

Hiền giả A-nan thưa:-Con xin lắng nghe, lãnh thọ và ghi nhớ kỹ. Bấy giờ, Tôn giả A Nan, các Tỳ-kheo ni trưởng lão và Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, tất cả Tỳ-kheo ni đều một lòng chắp tay lắng nghe. Phật bảo Hiền giả A-nan:

Đã nhận người nữ cho làm Sa-môn, nhờ nhân duyên đó, đời sau cũng có người nữ làm Sa-môn. Hôm nay Ta sẽ vì ông giảng nói pháp Sa-di-ni, để chỉ dạy truyền trao cho những người mới phát tâm ở đời vị lai muốn làm Sa-môn phải suy nghĩ đến việc vượt thoát các Dục, xa lìa tội lỗi, phải đủ chúng Tỳ-kheo Tăng gồm năm mươi người, Tỳ-kheo ni ba mươi người, nếu chúng Tỳ-kheo ni không đủ số, thì đến chỗ thầy thỉnh chúng Tỳ-kheo tới ngồi trong hội. Người nữ đảnh lễ rồi, chắp tay đứng lui ra. Thầy bảo người nữ cạo tóc xong, có đủ cà sa, giày dép, thì trao mười giới làm Sa-di-ni, xong phải đảnh lễ chúng Tăng, không được cách chúng, phải ở gần thầy, tuổi đủ bảy mươi mới gọi là đầy đủ. Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc năm năm, mới được làm A xà lê cho Sa-di-ni.

Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười năm, mới làm Hòa thượng cho Sa-di-ni.

Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười năm, mới đầy đủ giới đức để làm thầy A xà lê về oai nghi.

Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc mười lăm năm, mới đầy đủ giới đức, làm đại A xà lê. Tỳ-kheo ni thọ giới Cụ túc hai mươi năm, mới đầy đủ giới đức, làm Hòa thượng.

Đức Phật dạy:

Giả sử Tỳ-kheo ni tuổi hơn bảy mươi, có ngần ấy việc không được thọ giới Cụ túc. Những gì là có ngần ấy việc không được thọ giới Cụ túc? Tình dục chưa đoạn dứt, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích giận dữ, không được thọ giới Cụ túc; còn ham đi lại, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích ăn uống ngon, không được thọ giới Cụ túc; ưa thích cao ngạo, gọi to nói lớn, không được thọ giới Cụ túc. Có thể tự giữ gìn đúng như pháp luật, mau được chuyển thân thành người nam và sẽ được thành Phật.

Hiền giả A-nan lại hỏi:

Như vậy là rất khó. Đức Phật nói:

Không khó. Chính là người nữ tự làm chướng ngại. Hiền giả A-nan lại thưa đức Phật:

Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di có ý chí như vậy, có thể ở bên gốc cây trong núi, ở trong hang đá không? Hay là nên ở chốn gò mả, ở trong nhân gian hoặc ở chốn chùa chiền? Nên nhận lời thọ trai ở nhà đàn-việt không? Nên chữa trị tất cả bệnh cho mọi người không? Kính xin đức Phật giảng nói tất cả những điều cốt yếu ấy khiến tạo được gốc của sanh tử, khiến chúng sanh đời sau đều được nghe biết việc thành lập pháp lớn như khi Phật còn ở đời, tất cả đều được hóa độ.

Đức Phật bảo:

Này A-nan! Lại có mười hai nhân duyên, hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ! Như Lai sẽ nói đầy đủ cho ông, hãy khéo giữ gìn trong tâm. Nếu Tỳ-kheo ni, dựa cậy vào giáo pháp của ta, do đó, không thể tự hoàn thiện, hoặc ở nơi gốc cây, trong núi, cây liền khô chết, hoặc ở trong hang đá, toàn bộ đá đều cháy rụi, cây cỏ khô cháy, cầm thú đói khát, nước suối cạn kiệt, các ma làm nhiễu loạn. Nếu ở trong rừng sâu, các cây đều không ra quả. Nếu ở trong gò mả, chết chóc càng khác nhau, trời đất bị loạn động. Nếu ở trong nhân gian, cõi nước không an ổn, giặc cướp lộng hành, binh lính không buông khí giới, dân chúng kêu la, đều bị đói khổ. Nếu ở trong chùa, khiến các Sa-môn mê hoặc nơi sắc, tham lam tiền của, uống rượu ăn thịt, thân mặc lụa là phô bày đẹp đẽ, tạo điều tà vạy, trau chuốt, quên mất kinh đạo lại khinh chê rồi gây, phiền phức lẫn nhau. Nếu nhận thức ăn của đàn-việt mời, thì đànviệt không được phước đức, lại nhiều bệnh tật, tiền của tiêu hao. Nếu trị bệnh cho người, quỷ thần càng thêm hưng thịnh, tai họa ngày càng tăng. Vì sao? Vì dựa vào hai tội này, người bệnh làm sao khỏi hẳn? Cho nên Tỳ-kheo ni Kiều Đàm Di và các Tỳ-kheo ni vào trong giáo pháp của Ta, làm cho chánh pháp giảm năm trăm năm. Thế nên, này Hiền giả A-nan! Tội lỗi tai họa do người nữ như vậy, ông hãy nghe và suy xét cho kỹ.

Hiền giả A-nan lại quỳ gối chắp tay bạch Phật:

Rất đáng kinh sợ, kinh sợ thay! Vì sao? Vì tội của Tỳ-kheo ni lại đến mức như vậy. Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

Đây là Ta chỉ nói một phần nhỏ. Người nữ có tám vạn bốn ngàn thứ tánh xấu: Bên trong mê hoặc đạo sĩ thanh tịnh, khiến họ bị đọa vào địa ngục, trải qua vô số kiếp không thể thoát khỏi, nhưng tánh xấu bên ngoài thì có tám mươi bốn điều, làm loạn tâm đạo sĩ thanh tịnh, làm cho họ bị các dục mê hoặc, quên mất kinh đạo. Phàm người bị người nữ mê hoặc, đều bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc, sanh.

Bấy giờ, nghe đức Phật nói như vậy, Hiền giả A-nan rất kinh hãi, không nói lời nào, cúi đầu buồn bã, nước mắt như mưa. Phật bảo A-nan:

Đừng quá lo sợ! Ta sẽ vì ông mà giảng nói, để ông được hiểu rõ và đạt đến Niết bàn. Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

Nếu Tỳ-kheo ni ở trong hang núi bên gốc cây thì cây liền bị khô chết. Nghĩa là: Người nữ tánh tình buông lung, tối tăm, chỉ lo ngắm nghía má phấn môi son, có ngồi bên gốc cây đi nữa cũng nhớ không nghĩ gì về đạo, chỉ nghĩ đến việc làm đẹp, để mê hoặc người khác, phá hoại tâm thiện của người, khiến họ điên cuồng quên mất đạo đức, cho nên mới nói: "Cây chết không mọc". Nếu Tỳ-kheo ni ở trong hang núi, toàn bộ đá núi đều khô cháy, cây cối khô héo, cầm thú đói khát, nước suối cạn kiệt, ý nói : Người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, mê hoặc ngu si, không suy nghĩ đến đạo, chỉ nghĩ đến việc dâm dục, tâm không an ổn, kêu la khóc lóc, tỏ vẻ như tha thiết đối với đạo, bên ngoài thì giảng nói nghĩa lý Kinh điển, nhưng trong tâm thì chỉ có tình dục, có dịp thì than thở, đó là sự thấy biết của người ngu. Phàm là người trí thì sẽ hiểu biết sâu xa là người nữ này chẳng nghĩ về đạo lớn, mà chỉ nghĩ về người nam. Cho nên nói là cây cỏ chết cháy, nước suối khô cạn, cây cối không sanh. Nếu Tỳ-kheo ni ở trong chốn rừng sâu thì cầm thú trong rừng ấy ăn thịt lẫn nhau, cỏ cây gai gốc đều chết khô không mọc. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, chỉ chuyên lo làm đẹp để mê hoặc, từ đứng, ngồi, suy nghĩ đều lo về việc ấy, nếu tâm ý đó khởi lên thì không bao giờ có thể thấy đạo, quên mất sự nghiệp tu hành của mình, bị dục trói buộc. Tâm niệm xấu xa một khi đã khởi lên thì mắt không còn nhìn thấy gì, tất cả các ma thảy đều tạo mọi loạn động, vì vậy nói: "Khiến cho cây cối hoa cỏ khô chết, không mọc được. Nếu Tỳ-kheo ni ở trong gò mả, người chết trong mả đều ngồi dậy, đánh xô cho cây tùng, cây bách bên mả bị chết khô. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, không nhớ nghĩ về đạo, chỉ nghĩ đến sắc dục, tâm dục vừa khởi lên, trời đất đều chấn động, quỷ thần, cầm thú thảy đều sợ hãi. Vì thế nên nói: "Cây tùng bách nơi gò mả bị chết, không mọc được".

Nếu Tỳ-kheo ni ở trong nhân gian thì ở nơi cõi nước không an, nhiều giống trùng sâu phá hại sinh ra, trộm cắp khởi lên, binh lính canh gác không ngừng, dân chúng than thở, đều bị đói khát. Vì sao? Vì người nữ tâm tánh phần nhiều dâm dục, tham đắm sắc dục, cấu uế dâm dục, chỉ muốn khiến cho người khác cung phụng mình, không hề nghĩ đến đạo, chỉ nghĩ về hình tướng đẹp xấu của người nam, người nam kia cường tráng, người nam nọ không cường tráng, ban ngày thì cười nói, chiều tối đứng nằm đều suy nghĩ đến việc đó, cho nên bảo: Khiến cho dân chúng nghèo cùng khốn khổ, không được an ổn.

Nếu Tỳ-kheo ni ở chùa riêng, làm cho các Samôn mê say các sắc, tham đắm tiền của, vật báu, uống rượu, ăn thịt, thân mặc áo lụa, muốn phô bày làm đẹp, lo trau chuốt, làm điều tà vạy quên mất kinh đạo, lại chê bai nhau, gây phiền não cho nhau. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, cũng không tụng kinh hành đạo, chỉ giả nói tiếng nhỏ nhẹ để mê hoặc người nam, khiến cho tâm họ loạn động, vì họ chưa đắc đạo nên tâm ý bị rối loạn. Lại cùng dòm ngó những điều xấu của nhau, xem những điều đó thì thấy rõ tất cả, tâm lại vui thích, tham lợi một giờ, liền bị đọa vào nẻo sanh tử, trong mười lăm kiếp sẽ làm huỳnh môn, vì vậy nói: "Làm cho Tỳ-kheo ghét nhau".

Nếu Tỳ-kheo ni nhận thức ăn của đàn-việt mời, thì đàn việt không được phước đức, tiền của càng ngày hết, lại bị nhiều bệnh tật. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều tâm tánh buông lung, ăn không đúng như pháp, chỉ tự ý làm, muốn cho người nhìn thấy, cũng không để ý về mùi vị thức ăn, chỉ lo nghĩ nơi hình tướng đó có vợ hay là chưa có vợ? Vì vậy, đàn việt muốn bố thí làm phước mà càng tăng thêm tội. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ni ăn không đúng như pháp, chỉ ăn bằng tâm dục, nên khiến cho đàn việt không được an ổn. Nếu Tỳ-kheo ni trị bệnh cho người khác thì không qua khỏi, khiến cho quỷ thần càng hưng thịnh, tai họa cũng ngày càng tăng thêm. Vì sao? Vì người nữ phần nhiều buông lung, tâm không thể tự mình ngay thẳng, làm sao có thể làm cho tâm người khác ngay thẳng? Mình không thể tự độ làm gì độ được người khác. Mình ở trong tội lỗi làm gì giải tội cho người khác được. Vì sao? Vì nhiều ham muốn, nhiều mong cầu, do vậy, không thể trị khỏi bệnh cho người, lại khiến cho quỷ thần rối loạn.

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

Trong giáo pháp của Ta hôm nay có Tỳ-kheo ni, sẽ bị giảm tuổi thọ năm trăm năm. Sau khi Ta nhập Niết bàn, sẽ có ba ngàn Tỳ-kheo ni và một ngàn tám trăm Tỳ-kheo, phụng giữ pháp luật này, đều là bậc A-la-hán. Đời sau sẽ có tám vạn Tỳ-kheo ni, trong đó có bảy trăm sáu mươi Tỳ-kheo ni đều là bậc A-la-hán, giữ gìn pháp luật ấy, các vị còn lại sẽ phụng trì pháp luật ấy một trăm ba mươi kiếp về sau, đều là bậc A-la-hán.

Bấy giờ, Hiền giả A-nan hỏi đức Phật:-Bạch đức Thế Tôn! Tỳ-kheo ni phải thực hành như thế nào để đắc Đạo, phải dùng pháp gì để thực hành?

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

Phàm trong thiên hạ, dâm dục cấu uế rất nặng, nếu có thể đoạn trừ tâm tánh này thì có thể đắc đạo. Thân người nữ ví như ngọc báu, hình ấy rất đẹp không được đứng nhìn lâu, vì như vậy sẽ mê loạn đạo đức, bỏ mất thân người. Vì sao? Vì muốn có được viên ngọc quý phải vào trong biển cả, tìm kiếm không ngừng, thân chết rất mau. Người nữ cầu đạo, chỉ do tám mươi bốn tâm tánh xấu, trở lại tự trói buộc thân. Người rơi vào trong tám mươi bốn điều ấy như chìm nơi biển sâu, chắc chắn bị chết đuối. Nếu có thể dứt trừ tám mươi bốn điều này thì liền đắc A-la-hán.

Hiền giả A-nan chắp tay quỳ gối thưa đức Phật:

Những gì là tám mươi bốn tánh xấu khiến cho người không chứng được đạo, xin đức Phật dùng oai thần giảng nói, hiện oai đức đáng kính để chúng con được nghe hiểu, tin nhận ưa thích nghĩa lý ấy, suốt ngày tu tập thấu tỏ, thoát khỏi tội lỗi, đạt được chánh chơn và đều được an vui, vào đời vị lai đều được tỏ ngộ.

Phật bảo Hiền giả A-nan:

Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ và ghi nhớ kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng nói đầy đủ. Này A-nan! Hãy lắng nghe và phụng trì, Ta vì các Tỳ-kheo ni đời quá khứ, vị lai và hiện tại mà giảng nói pháp cốt yếu, khiến họ phụng trì. Nếu ai thực hành đúng như pháp thì sẽ mau đắc đạo.

Đức Phật nói:

Người nữ có tám mươi bốn điều xấu, làm mê hoặc người khác, khiến họ không đắc đạo. Những gì là tám mươi bốn điều xấu? Một là người nữ ưa thích trang điểm sắc đẹp. Hai là người nữ ưa thích chải tóc mượt mà. Ba là người nữ ưa thích son phấn để mê hoặc người nam. Bốn là người nữ ưa thích việc nhỏ nhen, dòm ngó. Năm là người nữ thích môi son, má phấn. Sáu là người nữ thích đeo hoa tai. Bảy là người nữ thích đeo chuỗi anh lạc bằng vàng ngọc ở cổ. Tám là người nữ thích mặc áo lụa là quý giá. Chín là người nữ thích mang giày. Mười là người nữ thích đi mà vung tay. Mười một là người nữ thích liếc ngó. Mười hai là người nữ thích nhìn trộm. Mười ba là người nữ muốn nhìn người, thấy họ rồi đi lùi lại. Mười bốn là người nữ thấy người nam đi muốn nhìn sau lưng họ. Mười lăm là người nữ muốn người nam, nhìn thấy lại cúi đầu không nói. Mười sáu là người nữ thích đi lắc đầu, lắc mình. Mười bảy là người nữ khi ngồi thích lắc đầu lắc mình. Mười tám là người nữ thích ngồi cúi đầu, mân mê móng tay. Mười chín là người nữ thích ngồi vừa nói vừa cười mỉm. Hai mươi là là người nữ thích nói tiếng nhỏ nhẹ êm ái. Hai mươi mốt là người nữ thích sờ hai mí mắt.Hai mươi hai là người nữ ưa ngồi lớn tiếng mắng chó mèo. Hai mươi ba là người nữ thấy người nam đến, bên ngoài tỏ ra rất giận dữ, nhưng trong lòng thì vui mừng. Hai mươi bốn là người nữ cao ngạo, tự đại, hay ganh ghét người khác. Hai mươi lăm là người nữ muốn được chồng thương chìu mà giả vờ giận dữ. Hai mươi sáu là người nữ thấy chồng, giả vờ giận dữ, nếu chồng bỏ đi thì lại buồn rầu hối hận. Hai mươi bảy là người nữ thấy người nam đến giả vờ giận dữ mắng chửi nhưng trong tâm rất vui mừng. Hai mươi tám là người nữ thấy người nam bỏ đi, miệng thì nói xấu nhưng trong lòng rất thương nhớ. Hai mươi chín là người nữ luôn miệng mắng chửi bảo đi mau nhưng chắc chắn là không đuổi. Ba mươi là người nữ thích bướng bỉnh, chẳng cần biết người khác sai hay mình sai. Ba mươi mốt là người nữ kinh thường người cô độc, yếu đuối, dùng sức để tỏ ra hơn người. Ba mươi hai là người nữ ỷ có thế lực lấn lướt nói hơn. Ba mươi ba là người nữ mượn không nhớ trả lại, vay không nhớ trả lãi. Ba mươi bốn là người nữ thích cho người khác là quanh co, cho mình là ngay thẳng, người xấu, còn mình là tốt. Ba mươi lăm là người nữ thích cho người khác ngu si, bất thường, còn mình là người hiền. Ba mươi sáu là người nữ cho mình hiền, điều ác là của người khác. Ba mươi bảy là người nữ lấy công của người khác làm công của mình, tự cho là mình giỏi. Ba mươi tám là người nữ tự mình mệt thì than thở, người khác mệt thì mình lại vui vẻ. Ba mươi chín là người nữ thích cho việc thật là giả dối, thích nói lỗi của người khác. Bốn mươi là người nữ ỷ giàu sang, kiêu căng, mắng nhiếc người. Bốn mươi mốt là người nữ nghèo nên ghét người giàu, vì hèn hạ nên ghét cao quý. Bốn mươi hai là người nữ thích gièm pha người khác, dùng sắc đẹp để tự vinh hiển. Bốn mươi ba là người nữ thích phá sự thành công, hủy hoại đạo đức của người khác. Bốn mươi bốn là người nữ thích làm tán loạn chánh đạo. Bốn mươi lăm là người nữ hay ganh ghét, cau có, chê bai. Bốn mươi sáu là người nữ hay bình luận, chê bai và hơn thua với người khác. Bốn mươi bảy là người nữ bàn chánh đạo của học sĩ thanh tịnh, khiến cho họ rối loạn. Bốn mươi tám là người nữ thích giữ điều hay dở của người khác, mê hoặc đàn ông. Bốn mươi chín là người nữ thích đem vật cho người khác rồi mong đáp lại. Năm mươi là người nữ thích cùng bố thí với người khác, sau hối tiếc trách mắng người khác ham tài giỏi. Năm mươi mốt là người nữ thích oán thù, hay mắng chửi súc sinh. Năm mươi hai là người nữ thích làm đẹp để mê hoặc khiến người khác chán bỏ đạo. Năm mươi ba là người nữ ghét người giỏi, đẹp hơn mình, muốn làm cho họ chết sớm. Năm mươi bốn là người nữ thích đem thuốc độc trộn trong thức ăn của người, tâm không bình đẳng. Năm mươi lăm là người nữ thích nghĩ điều xấu đã qua luôn ray rứt mãi trong lòng. Năm mươi sáu là người nữ thích tự ý, tự dụng, không thích được người khác can gián, hay thích dua nịnh. Năm mươi bảy là người nữ thích, bên trong thì sơ, bên ngoài thân, che giấu sự việc, nhưng lại rêu rao ở xóm làng bên cạnh. Năm mươi tám là người nữ thích tỏ ra mình mạnh mẽ; không muốn phiền hà, hay kinh thường, không cần người nam. Năm mươi chín là người nữ thích tự kiêu căng, đánh đập vô lý, tự giận tự vui khiến cho người khác sợ. Sáu mươi là người nữ thích những việc làm tham dục, đi đứng tự do, muốn khiến cho người nam làm trái chánh pháp. Sáu mươi mốt là người nữ thích tham dâm, luôn luôn ganh ghét, nghi nhiều tin ít, oán ghét sát đất. Sáu mươi hai là người nữ thích giận dữ, ngồi duỗi chân vô lễ cho là đúng pháp. Sáu mươi ba là người nữ thích nói điều xấu ác, không kiêng nể người thân. Sáu mươi bốn là người nữ thích kiêu mạn, tự buông lung, khinh chê già trẻ, không biết trên dưới. Sáu mươi lăm là người nữ thích tâm tánh xấu của mình, oán giận, nói năng không có thứ tự. Sáu mươi sáu là người nữ thích nghiện ngập, không sợ pháp cấm. Sáu mươi bảy là người nữ thích cấm cản người nam, không cho cùng cười giỡn với người khác. Sáu mươi tám là người nữ thích quanh co, tự dụng, khinh chê người nam là không cẩn thận. Sáu mươi chín là người nữ thích người khác gặp nạn còn mình thì an ổn, lấy đó làm vui thích. Bảy mươi là người nữ thích lấy những điều xấu tệ để làm thương tổn bậc Hiền sĩ, dua nịnh giả dối, làm điệu bộ mê hoặc đạo đức. Bảy mươi mốt là người nữ thích dối trá dua nịnh, cho là người khác không biết. Bảy mươi hai là người nữ thích tham chuyện được mất, được thì sung sướng, mất thì buồn rầu, kêu than oán trời trách móc nặng lời. Bảy mươi ba là người nữ thích nguyền rủa mưa gió ở hướng ấy, chú nguyện cho điều xấu sanh, điều tốt diệt, không có tâm từ. Bảy mươi bốn là người nữ thích bảo người khác phá thai, không muốn họ sanh con. Bảy mươi lăm là người nữ thích nhìn trộm lỗ hổng để xem điều tốt xấu của người khác và xem người họ có tiền của hay không. Bảy mươi sáu là người nữ thích đùa giỡn để làm mê hoặc lòng người.Bảy mươi bảy là người nữ thích dự trữ nhiều của cải tham chất chứa không chán. Bảy mươi tám là người nữ thích khêu gợi làm nhiễu loạn người nam, khiến họ tâm tánh thay đổi, không thể tự chủ. Bảy mươi chín là người nữ thích nạo thai mổ hình, nhìn xem chỗ xấu; Tám mươi là người nữ thích cười nhạo những người mù, điếc, câm, ngọng, đi khập khiễng, thích thú với sự xấu xí của người khác. Tám mươi mốt là người nữ thích bảo người bỏ vợ, muốn cho người đau khổ. Tám mươi hai là người nữ thích bày cho người phá đánh nhau, hai bên đều mang họa. Tám mươi ba là người nữ thích chỉ bày cho người làm điều xấu, tranh cãi kiện tụng, kiện đến cửa quan, bị nhốt vào tù ngục. Tám mươi bốn là người nữ thích gây tai họa, dẫn đến điều sai quấy, thấy người điên cuồng thì cười lớn, rồi sanh lòng ham muốn, lợi dụng người điên ấy mà chiếm đoạt vật của người, khiến cho họ kêu than nói: "Người nữ rất đáng sợ". Phải biết rõ đây là tám mươi bốn điều. Những người nữ có thể đoạn trừ được tám mươi bốn tánh xấu này, đều được giải thoát, được đắc đạo, đều được thành Phật. Hiền giả A-nan bạch Phật:

Người nữ tánh dâm dục như vậy, có thể đoạn trừ không? Phật bảo Hiền giả A-nan:

Tánh đó nếu người nữ đã làm được thì tự diệt được, rất có thể được diệt. Người diệt trừ được tánh ấy, chính là bậc A-la-hán ở đời hiện tại.

Hiền giả A-nan lại bạch Phật:

Trên trời, dưới đất đều thông suốt, mọi loài, mọi người điều được độ thoát, nguyện xin đức Thế Tôn giảng nói cách diệt trừ các tánh xấu dâm dục này, để Tỳ-kheo ni Đại Ái Đạo và các Tỳ-kheo ni đều được hiểu rõ. Đức Phật dạy:

Lành thay! Này A-nan! Hãy lắng nghe! Ta sẽ nói rõ cho ông, hãy suy nghĩ và ghi nhớ kỹ, phụng hành đúng như chánh pháp tức là báo đáp ơn Phật, không làm đúng như pháp là điều cực khổ cho người nữ. Hãy lắng nghe! Lắng nghe!

Hiền giả A-nan và các Tỳ-kheo ni trưởng lão đồng thanh thưa vâng, rồi lãnh thọ, suy nghĩ, vui vẻ chắp tay lắng nghe.


[Đầu trang][Mục lục luật tạng][Mục lục tổng quát]