TẠNG LUẬT
LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH
SỐ 1480 - KINH BÍ SÔ CA THI CA THẬP PHÁP
(KINH MƯỜI PHÁP CA THI CA CỦA TỲ KHEO)
Hán dịch: Đại sư Pháp Thiên đời Triệu Tống.
Một thuở nọ, Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, ở tại nước Xá-vệ cùng với chúng các Tỳ-kheo. Khi đó vì chúng người, Trời trong hội hiện tại và những người ở đời vị lai, Đức Phật giảng nói về các phép tắc của người làm thầy.
Bấy giờ, đức Như Lai bảo Tỳ-kheo:
-Tỳ-kheo phải đầy đủ mười pháp mới được độ người xuất gia thọ giới, là Tỳ-kheo được phép suốt đời không y chỉ, được làm Thầy y chỉ. Những gì là mười? Một là biết hổ thẹn, ưa thích giới'. Hai là nghe học nhiều về giáo pháp. Ba là thông hiểu giới luật. Bốn là có oai lực của chánh hạnh, không phạm giới, nương vào chánh hạnh của pháp và giới luật. Năm là được oai lực của chánh hạnh, không phạm các tội, tà kiến, tà hạnh, nương vào chánh hạnh pháp và luật. Sáu là được oai lực của chánh hạnh, nuôi bệnh được an ổn. Bảy là được oai lực của chánh hạnh, ưa thích pháp định và pháp luật, tự mình giảng nói, khiến cho người khác giảng nói. Tám là được oai lực của chánh hạnh, giảng nói về tự thân thực hành giới. Chín là được oai lực của chánh hạnh, giảng nói về giới xuất gia phạm hạnh. Mười là được mười tuổi hạ, đủ mười tuổi hạ, hơn mười tuổi hạ. Này Tỳ-kheo! Đây là mười pháp phải đầy đủ.
Tỳ-kheo biết hổ thẹn được ưa thích giới như thế nào? Nghĩa là Tỳ-kheo đạt được tâm như vậy: Vì sao ta chưa đạt được các giới, không nhanh chóng đạt được các giới như pháp như luật mà làm Tỳ-kheo?" Đó là biết hổ thẹn, ưa thích giới.
Tỳ-kheo học rộng hiểu nhiều về giáo pháp như thế nào? Nghĩa là Tỳ-kheo đã được giảng nói về tạng pháp, được giảng nói về học rộng hiểu nhiều, có năng lực hiểu biết được pháp, giảng nói đầy đủ và giản lược về bốn Thánh đế. Này Tỳ-kheo! Đó là được học rộng hiểu về giáo pháp.
Tỳ-kheo được học rộng hiểu nhiều về luật như thế nào? Nghĩa là Tỳ-kheo đã được thuyết giảng về hai loại giới luật, về cách tụng niệm hai loại giới, quán sát vi tế về đi, đứng, nằm, ngồi, miệng, tâm… Này Tỳ-kheo! Đó là được học rộng hiểu nhiều về luật.
Tỳ-kheo được oai lực của chánh hạnh không phạm giới, nương vào chánh hạnh của pháp và luật như thế nào? Nghĩa là Tỳ-kheo nhận biết thế nào là phạm giới, thế nào là không phạm giới, biết giới khinh, giới trọng, biết tội là nghiệp nhân, biết tội không phải là nghiệp nhân, biết tội giữa, biết tội trước, biết tội sau, biết tội đã khởi, biết tội chưa khởi, biết rõ tất cả các tội đã khởi. Này Tỳ-kheo! Đó là được oai lực của chánh hạnh, nương vào pháp, nương vào luật của chánh hạnh.
Tỳ-kheo đạt được oai lực của chánh hạnh không phạm tội tà hạnh, tà kiến, nương vào pháp, nương vào chánh hạnh của luật. Này Tỳ-kheo! Đạt được oai lực của chánh hạnh ấy, nghĩa là giảng nói đầy đủ và giản lược về duyên sanh. Do Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Tử, Ưu Bi Khổ Não. Hiểu rõ toàn bộ đại khổ uẩn nhóm họp như vậy.
Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão, Tử, Ưu Bi Khổ Não diệt. Diệt như vậy thì toàn bộ Đại Khổ uẩn diệt
Này Tỳ-kheo! Đó là được oai lực của chánh hạnh không phạm tội tà hạnh, tà kiến, nương vào pháp, nương vào chánh hạnh của luật.
Tỳ-kheo được chánh hạnh, nuôi bệnh an ổn như thế nào? Này Tỳ-kheo! Được oai lực của chánh hạnh, nuôi bệnh được an ổn, này nghĩa là tùy theo bệnh tật mà cho thuốc, vừa ý với phòng ở của mình, không có ganh ghét. Này Tỳ-kheo, đó là được oai lực của chánh hạnh, nuôi bệnh được an ổn.
Tỳ-kheo được oai lực của chánh hạnh, ưa thích pháp định và luật, tự giảng nói, khiến người khác giảng nói như thế nào? Này Tỳ-kheo! Được oai lực của chánh hạnh ấy, nghĩa là ưa thích pháp tướng chẳng phải tướng, tự giảng nói, khiến cho người giảng nói và ưa thích giảng nói. Này Tỳ-kheo! Đó là được oai lực của chánh hạnh ưa thích pháp định và luật, tự giảng nói, khiến cho người giảng nói.
Tỳ-kheo được oai lực của chánh hạnh giảng nói thân hành giới như thế nào? Này Tỳ-kheo, được oai lực của chánh hạnh này, nghĩa là quán sát kỹ để thấy được lỗi lầm mình đã phạm, nghĩa là thấy oai nghi khi mặc Tăng-già-lê và cầm bát thọ nhận thức ăn, cho đến nói năng, ưa thích v.v… Này Tỳ-kheo, đó là được oai lực của chánh hạnh nói về thân hành giới.
Tỳ-kheo được oai lực của chánh hạnh để giảng nói về giới phạm hạnh, để không phạm tội như thế nào? Này Tỳ-kheo, được oai lực của chánh hạnh này nghĩa là được bốn Niệm Xứ, bốn Chánh Cần, bốn Như Ý Túc, bốn Tâm Vô Lượng, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh Đạo, Xa-maTha, Vi-bát-xá-na, niệm về giới, không có phiền não, vô ngã. Như vậy, này Tỳ-kheo đó là được oai lực Tâm chánh hạnh giảng nói về giới phạm hạnh. Tỳ-kheo được mười tuổi hạ, đủ mười tuổi hạ, hơn mười tuổi hạ như thế nào? Này Tỳ-kheo, đủ mười tuổi hạ như vậy, gọi là cụ túc.
Này Tỳ-kheo! Được mười pháp đầy đủ này, thì Tỳ-kheo được độ người xuất gia thọ giới, suốt đời được lìa y chỉ, được làm Thầy y chỉ cho người khác. Nếu Tỳ-kheo không đầy đủ mười pháp này mà độ người xuất gia thọ giới, lại lìa y chỉ và làm thầy y chỉ cho người khác thì giới của người ấy càng ngày càng tổn giảm. Nếu Tỳ-kheo ấy thiếu mỗi pháp trong các pháp ấy thì đều phạm tội, giới của vị ấy càng ngày càng tổn giảm.
Này Tỳ-kheo! Người thọ giới mười năm phải kính tin, tôn trọng giữ gìn ba pháp và nhất tâm thực hành. Những gì là ba? Nghĩa là độ người, y chỉ và không y chỉ.
Lúc đó, Đức Thế Tôn Ứng cúng Chánh Đẳng giác giảng nói về mười pháp và báo ứng của sự phạm giới rồi, các Tỳ-kheo trong hội chúng đều hoan hỷ phụng hành, đảnh lễ Phật rồi lui ra.