TẠNG LUẬT
LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH
SỐ 1499 - VĂN YẾT-MA GIỚI BỒ TÁT
(BỒ TÁT DI LẶC NÓI)
Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Nếu các Bồ tát muốn học ba tụ Giới thanh tịnh của Bồ tát, hoặc tại gia, hoặc xuất gia, thì trước hết đối với Bồ đề Vô thượng, nên phát nguyện rộng lớn, phải thưa hỏi kỹ lưỡng để thỉnh cầu Bồ tát đồng pháp, là người đã phát nguyện lớn, có trí tuệ, có năng lực, đối với lời nói biểu thị nghĩa lý, có thể truyền dạy, có thể khai mở. Đối với vị Bồ tát đầy đủ công đức hơn mình như thế, trước hết, nên đảnh lễ nơi hai chân vị ấy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay, cung kính thưa:
"Xin Đại đức đoái thương, con tên là… đến chỗ Đại Đức xin thọ tất cả các giới thanh tịnh của Bồ tát. Cúi xin Đại Đức , trong giây lát, không từ mệt nhọc, thương trao truyền cho con" Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy: Nói lên lời thỉnh cầu rõ ràng như vậy xong, sửa áo bày vai phải, cung kính lễ lạy, cúng dường chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời, đã đạt quả vị lớn, đắc trí tuệ lớn, chứng thần thông lớn. Các chúng Bồ tát hiện tiền chuyên niệm về các công đức ấy, khởi tâm thanh tịnh sâu xa. Nếu các Bồ tát khi muốn truyền giới Bồ tát cho Bồ tát thì trước hết phải vì họ nói pháp tạng Mađát-lý-ca, tướng các giới của Bồ tát và những trường hợp phạm giới để họ nghe nhận, dùng trí tuệ quán sát sự ưa thích của chính họ, có thể suy tư chọn lựa khi thọ giới Bồ tát, chẳng phải do người khác khuyên, chẳng phải vì hơn người khác. Nên biết đó là Bồ tát kiên cố, có thể thọ giới và luật nghi thanh tịnh của Bồ tát, vì người thọ giới pháp mà trao truyền đúng đắn và thích hợp. Người thọ giới Bồ tát, nếu có trí, có năng lực thì ở chỗ Bồ tát hơn mình, phải khiêm hạ, cung kính, quỳ gối sát đất; ở trước tượng Phật chấp tay cầu thỉnh:"Cúi mong Đại đức xót thương, trao cho con giới thanh tịnh của Bồ tát ". Thỉnh như thế rồi, chuyên tâm chánh niệm, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh:"Chẳng bao lâu nữa, con sẽ đắc kho tàng công đức to lớn, Vô thượng, vô lượng, vô tận." Rồi im lặng an trú trong ý nghĩa tư duy như thế.
Bấy giờ, Bồ tát có trí lực, đối với Bồ tát thực hành chánh hạnh kia, với tâm không loạn động, hoặc ngồi hoặc đứng, nói như thế này:"Ngươi đúng là thiện nam. Có phải ngươi là Bồ tát chăng?" Vị ấy đáp:"Dạ, Đúng vậy!" hỏi:"Phát nguyện Bồ đề chưa?" Đáp:"Dạ, Phát rồi". Từ nay về sau nên nói thế này:"Ngươi đúng là thiện nam. Nay cho ngươi ở chỗ ta, thọ tất cả học xứ của các Bồ tát, thọ tất cả giới thanh tịnh của các Bồ tát, đó là giới luật nghi, giới bao gồm các pháp lành và giới làm lợi ích cho hữu tình. Học xứ như thế, giới thanh tịnh như thế, tất cả Bồ tát quá khứ đã đầy đủ, tất cả Bồ tát vị lai sẽ đầy đủ, tất cả Bồ tát hiện tại trong mười phương đang đầy đủ. Học xứ ấy, tịnh giới ấy, tất cả Bồ tát quá khứ đã học, tất cả Bồ tát vị lai sẽ học, tất cả Bồ tát hiện tại đang học. Ngươi có thể thọ chăng?" Đáp:"Dạ, Có thể thọ".
Bồ tát truyền giới lần thứ hai, lần thứ ba, cũng hỏi như vậy. Bồ tát thọ giới, lần thứ hai, lần thứ ba, cũng đáp như vậy. Thọ giới như thế rồi, Bồ tát thọ giới chẳng rời chỗ ngồi; Bồ tát truyền giới ở trước tượng Phật, và chư Phật, chư Bồ tát hiện tại trong khắp mười phương, cung kính cúng dường, đảnh lễ hai chân, nói thế này:" Ngưỡng bạch chư Phật, chư Bồ tát trong các thế giới khắp mười phương vô biên, vô tế, nay ở nơi đây, hiện có Bồ tát tên là… ở chỗ con là Bồ tát tên là…, đã ba lần xin thọ giới Bồ tát. Con đã làm chứng cho vị ấy. Cúi xin chư Phật, Bồ tát trong các thế giới khắp mười phương vô biên, vô tế, là những bậc Thánh chân chánh bậc nhất, hoặc hiện, hoặc không hiện trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, nhưng vì tất cả hữu tình đều hiện là bậc giác ngộ, hiện nay kính xin quý vị cũng vì Bồ tát thọ giới mà chứng minh cho. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy. Như vậy là yết-ma thọ giới đã hoàn tất. Từ đó, liên tục, trước chư Phật hiện trú trong các thế giới vô biên vô tế ở mười phương và trước các Bồ tát đã chứng các địa, tướng "pháp nhĩ" hiện ra, do đó rõ ràng. Như vậy là Bồ tát đã thọ giới thanh tịnh mà Bồ tát phải thọ.
Bấy giờ, Chư Phật, Bồ tát ở mười phương đều thấy tướng pháp nhĩ của Bồ tát nên đều sanh khởi sự ghi nhớ. Do ghi nhớ nên chuyển vận trí tuệ và tri kiến chân chánh; do chuyển vận trí tuệ và tri kiến chân chánh nên giác tri như thật, ở trong thế giới đó, có Bồ tát tên... đó ở chỗ Bồ tát đó mà thọ giới thanh tịnh. Tất cả đối với Bồ tát thọ giới này, quý vị nhớ nghĩ thương yêu như con, như em, bà con thân quyến. Do Phật, Bồ tát thương yêu nhớ nghĩ nên khiến cho sự mong cầu pháp lành của Bồ tát ấy càng thêm tăng trưởng, không bị thối chuyển. Như vậy mới gọi là thỉnh cầu vị chứng minh thọ giới Bồ tát. Nếu các Bồ tát an trú trong giới luật nghi thì có bốn pháp Tha thắng xứ. Những gì là bốn? Nếu các Bồ tát vì tham dục mà cầu lợi dưỡng, cung kính, khen mình chê người thì đó là pháp Tha thắng xứ thứ nhất. Nếu các Bồ tát hiện có của cải, nhưng vì tánh keo kiệt nơi của cải nên vẫn bị khổ, bị nghèo, không nơi nương tựa, không ai cây nhờ. Khi có người đến trước mặt xin của cải, chẳng khởi lòng thương xót bố thí cho họ. Khi có người đến trước mặt cầu pháp, vì tiếc pháp nên tuy là hiện có pháp nhưng không ban cho; đó gọi là pháp Tha thắng xứ thứ hai. Nếu các Bồ tát nuôi lớn các loại nóng giận ràng buộc vì nhân duyên ấy không chỉ nói lời thô ác mà còn than thở. Do nóng giận ngăn che nên lại dùng tay, chân, đất, đá, đao, gậy, đánh, đập làm thương tổn, não hại chúng sanh. Trong lòng luôn luôn giận dữ mạnh mẽ nên có người xúc phạm đến xin lỗi thì không chấp nhận, không bỏ oán kết; đó là pháp Tha thắng xứ thứ ba. Nếu các Bồ tát hủy báng tạng Bồ tát mà ưa thích giảng nói, khai mở kiến lập chánh pháp tương tợ, rồi đối với pháp tương tợ này hoặc tự tin hiểu, hoặc truyền cho người khác; đó là pháp Tha thắng xứ thứ tư. Như vậy gọi là bốn pháp Tha thắng xứ của Bồ tát. Bồ tát đối với bốn pháp Tha thắng xứ mà phạm một hay tất cả thì không thể ở trong pháp hiện tại, tăng trưởng và giữ gìn tư lương Bồ đề to lớn của Bồ tát; lại chẳng thể ở trong pháp hiện tại ưa thích thanh tịnh. Đó gọi là tương tợ Bồ tát, chẳng phải Bồ tát chơn thật. Nếu Bồ tát do triền cái bậc trung vi tế phạm bốn pháp Tha thắng xứ, thì không bỏ giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát; do triền cái bậc thượng mà hủy phạm thì gọi là xả giới. Nếu các Bồ tát luôn luôn biểu hiện sự hủy phạm bốn pháp Tha thắng xứ, hoàn toàn không biết hổ thẹn ưa thích sâu đậm, mắc vào tình trạng ấy, thì nên biết, đó là phạm vào triền cái bậc thượng, chẳng phải là Bồ tát. Chỉ một thoáng biểu hiện pháp Tha thắng xứ, liền bỏ giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát. Như các Bí sô phạm pháp Tha thắng tức là xả giới biệt giải thoát. Nếu các Bồ tát do phạm các pháp này là xả giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát thì ở trong pháp hiện tại có thể thọ lại, chẳng phải là không thể. Còn như Bí sô an trú giới biệt giải thoát mà phạm pháp Tha thắng thì trong pháp hiện tại không thể thọ lại.
Như vậy, giới thanh tịnh mà Bồ tát đã thọ đối với tất cả các giới khác đã thọ là tối thắng, Vô thượng, vô lượng, vô biên, là chỗ nương theo của kho tàng công đức lớn, là nơi phát khởi sự ưa thích tâm thiện tối thượng bậc nhất, có khả năng diệt trừ hết tất cả các hạnh ác của chúng sanh. Tất cả luật nghi Biệt giải thoát đối với luật nghi giới này của Bồ tát không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần kể, phần đếm, phần tính, phần dụ, cho đến một phần cực vi cũng không bằng, vì nó tóm thâu tất cả công đức lớn.
Như vậy là đã làm các việc yết-ma thọ giới Bồ tát, Bồ tát trao, Bồ tát thọ đều đứng dậy cúng dường, cung kính đảnh lễ sát đất chư Phật, Bồ tát trong các thế giới vô biên, không cùng tận trong khắp mười phương, rồi lui ra.
Lại các Bồ tát nào không theo tất cả các Bồ tát thông tuệ cầu thọ giới thanh tịnh phải thọ của Bồ tát thì đó là hạng không có lòng tin thanh tịnh không nên cho thọ, nghĩa là đối với Giới thanh tịnh phải thọ như vậy, ban đầu không tin hiểu thì không thể vào được. Đối với người không tư duy kỹ có sự tham lam, keo kiệt, người bị tham lam, keo kiệt che lấp, người có dục lớn, người không biết đủ, thì không nên cho thọ; đối với người hủy giới thanh tịnh, người đối với các học xứ không cung kính, người đối với giới luật nghi bê trễ, thì không nên cho thọ; đối với người có sân hận, đối với người phần nhiều không nhẫn, đối với người bị người khác xúc phạm không thể chịu đựng, thì không nên cho thọ; đối với người lười nhác, người biếng trễ, phần nhiều ham mê ngủ ngày ngủ đêm, ưa nương tựa, ưa nằm, ưa giao du với bạn bè, ưa đùa giỡn, thì chẳng nên cho thọ; người tâm thần tán loạn cho đến người không thể trụ tâm tu tập việc thiện trong khoảng thời gian ngắn nhất thì không nên cho thọ; người u mê, người ngu si, người có tâm thấp kém, người phỉ báng Tạng Kinh và Tạng Luận của Bồ tát thì không nên cho thọ.
Lại nữa, các Bồ tát đối với pháp tắc thọ giới luật nghi của Bồ tát tuy đã đầy đủ, thọ trì rốt ráo nhưng đối với người hủy báng tạng Bồ tát, là hữu tình không lòng tin, thì đừng bao giờ chỉ bày khai ngộ. Vì sao? Vì do nghe rồi, không thể tin hiểu, họ bị chướng vô tri to lớn che lấp, liền sanh phỉ báng; giống như Bồ tát trụ giới luật nghi thanh tịnh, thành tựu Tạng công đức lớn vô lượng, người hủy báng ấy, do sự hủy báng nên cũng cuốn theo tạng nghiệp lực to lớn vô lượng, cho đến tất cả lời nói ác, tri kiến ác, tư duy ác chưa vĩnh viễn dứt bỏ thì không bao giờ thoát khỏi.
Nếu các Bồ tát muốn thọ giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát mà không gặp người đầy đủ công đức thì khi ấy nên ở trước tượng Như lai tự thọ giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát. Nên thọ thế này, sửa áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, nói:" Con tên là… ngưỡng bạch tất cả các đức Như lai, các chúng Bồ tát đã nhập Đại địa trong mười phương, hôm nay, con muốn ở chỗ tất cả Như lai, Bồ tát trong mười phương thề thọ tất cả học xứ của Bồ tát, thề thọ tất cả giới thanh tịnh của Bồ tát, đó là Luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Học xứ như thế, giới thanh tịnh như thế, tất cả Bồ tát quá khứ đã đủ, tất cả Bồ tát vị lai sẽ đủ và tất cả Bồ tát hiện tại trong mười phương có đủ. Đối với học xứ ấy, đối với giới thanh tịnh ấy, tất cả Bồ tát quá khứ đã học, tất cả Bồ tát vị lai sẽ học, và tất cả Bồ tát hiện tại trong khắp mười phương thế giới đang học. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như thế. Nói rồi đứng dậy. Còn lại, nên biết, tất cả đều như trước.
Nếu các Bồ tát theo những vị khác chính thức thọ giới luật nghi rồi, do ý muốn cầu học thanh tịnh, ý muốn giác ngộ, ý muốn làm lợi ích tất cả hữu tình, nên khởi sự tôn trọng cung kính cùng cực, ngay từ đầu chuyên tinh, không nên vi phạm; nếu có vi phạm thì nên cấp tốc như pháp sám hối trừ diệt, khiến trở lại thanh tịnh. Như thế, tất cả vi phạm của Bồ tát, nên biết, đều thuộc về Ác tác, nên hướng đến người tu Tiểu thừa, Đại thừa đối với nghĩa lý có thể hiểu biết, có thể trao truyền mà phát lồ sám hối diệt trừ. Nếu các Bồ tát vì triền cái (Các thứ buộc che) bậc thượng mà vi phạm pháp Tha thắng xứ như trên thì mất giới luật nghi, phải thọ lại. Nếu vì triền cái bậc trung mà phạm pháp Tha thắng xứ như trên đối với ba người, hay hơn số đó, phải như pháp phát lồ trừ Ác tác; trước hết phải nói lên tên của việc đã phạm, nói thế này:" Thưa Trưởng lão,(hay) Thưa Đại đức! Tôi tên là… đã vi phạm pháp luật của Bồ tát, đúng như sự việc đã trình bày, phạm tội Ác tác, giống như các Bí sô khác đã phát lồ sám hối diệt trừ pháp tội Ác tác." Nên nói như thế. Vì triền cái bậc hạ mà vi phạm pháp Tha thắng xứ như trên và các vi phạm khác thì phải đối với một người mà phát lồ sám hối như trước, nên biết. Nếu không có người tùy thuận để có thể đối diện phát lồ sám hối trừ diệt điều đã phạm thì khi ấy Bồ tát đem ý mong muốn trong sạch khởi tâm tự thệ:"Con nhất quyết phòng hộ, trong vị lai không bao giờ tái phạm. Như vậy, đối với việc vi phạm, trở lại thanh tịnh.
Nói lược, do hai nhơn duyên xả bỏ các giới luật nghi thanh tịnh của Bồ tát. Một là, xả bỏ đại nguyện Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Hai là, hiện hành thượng phẩm triền (trói buộc), phạm pháp Tha thắng xứ.
Nếu các Bồ tát tuy chuyển thân ở khắp mười phương thế giới, tại chỗ sanh ra, không xả bỏ giới thanh tịnh luật nghi của Bồ tát, do đó Bồ tát không bỏ đại nguyện Bồ đề Vô thượng thì cũng không hiện hành triền cái bậc thượng, phạm pháp Tha thắng xứ.
Nếu các Bồ tát chuyển thọ các đời khác, quên mất bổn niệm, do gặp gỡ bạn lành vì muốn nhắc nhở nhớ lại giới Bồ tát, thì tuy là thọ, nhưng chẳng phải là mới thọ, cũng chẳng phải là mới đắc.