TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠP TẠNG

BỘ CHƯ TÔNG

SỐ 1922 - THÍCH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT KINH GIÁC Ý TAM MUỘI

Đại sư Trí Giả ở Thiên Thai đời Tùy giảng. Đệ tử là Quán Đỉnh ghi.

MỤC LỤC

SỐ 1922 - THÍCH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT KINH GIÁC Ý TAM MUỘI

I. PHÂN BIỆT VỀ PHÁP TƯỚNG.

II. GIẢI THÍCH DANH TỪ "GIÁC Ý TAMMUỘI".

III. GIẢI THÍCH HẠNH PHƯƠNG TIỆN CỦA TAM-MUỘI GIÁC Ý:

IV. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI GIÁC Ý VÀ NÓI VỀ TƯỚNG CỦA TÂM.

V. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI GIÁC Ý NHẬP CHÁNH QUÁN MÔN.

VI. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI CHỨNG TƯỚNG MÔN.


I. PHÂN BIỆT VỀ PHÁP TƯỚNG.

Người tu hành muốn vượt qua biển lớn sinh tử, bước lên bờ Niết-bàn, thì phải hiểu thấu nguồn gốc của vọng hoặc; khéo biết chí đạo để ra khỏi.

Gốc của vọng hoặc tức mé thật của ý.

Chí đạo để ra khỏi nghĩa là chiếu soi lại nguồn tâm, mé thật của ý tức là chánh nhân Phật tính, chiếu soi lại nguồn tâm tức là liễu nhân.

Hai nhân đó thâu nhiếp tất cả pháp.

Thí như ánh sáng mặt trời xán lạn chiếu trong bầu trời hư không thanh tịnh, mà mặt trời và bầu trời phi tức phi ly, phi trụ phi bất trụ, mà mặt trời khéo làm duyên lành xua tan bóng tối, hiển lộ sự rỗng không của bầu trời, tuy xua bóng tối, hiển rõ rỗng không, nhưng sự rỗng không chẳng thêm chẳng bớt. Lý đã không hao, sự cũng chẳng tốn. Trừ hẳn bóng tối, tính vẫn không thêm, muôn vật bao hàm trong không giới, thảy đều hiển hiện. Tính của hư không nói tuy là thanh tịnh nhưng nếu không có ánh sáng mặt trời thì bóng tối hiện lên. Vì cái không của hư không tự nó không thể diệt trừ được bóng tối, bóng tối diệt trừ là nhờ ánh sáng mặt trời, nhưng nếu mặt trời không có hư không thì không có ánh sáng, không chiếu được hư không. Nếu chẳng có mặt trời, bóng tối không tự trừ, nhưng tính của bóng tối không đến không đi. Thể tướng của mặt trời cũng không sinh không diệt. Nhưng có mặt trời chiếu hư không thì vũ trụ thấy suốt. Lấy mặt trời Trí Tuệ chiếu tâm tính không, cũng giống như vậy.

1. Như mặt trời chẳng phải tức không, cũng chẳng tách rời hư không. Nếu mặt trời tức là hư không thì làm sao chiếu? Nếu mặt trời tách lìa hư không thì chẳng cần dựa vào bầu trời mà có chiếu. Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy. Chẳng tức là tâm tính không, cũng chẳng lìa tâm tính không. nếu tức tâm tính không thì không nhờ tu mà có chiếu. Nếu lìa tâm tính không thì tu cũng không thể chiếu. 2. Như mặt trời chẳng dính hư không, cũng chẳng phải không dính mắc hư không. Vì không dính mắc bầu trời cho nên chiếu cả bầu trời. Vì chẳng phải không dính mắc bầu trời cho nên không rơi.

Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy, quán một cách sâu xa tính không của tâm tính, nhưng chẳng dính mắc vào cái không của tâm tính, mới chiếu được tất cả không. Vì chẳng phải không dính mắc vào không. Cho nên tuy chiếu tất cả không mà tuệ tâm vẫn không bị lay động, thối lui.

3. Như mặt trời xua tan bóng tối, hiển lộ tướng của hư không. Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy, phá tan bóng tối vô minh, hiển phát tướng thật của tâm.

4. Như mặt trời tuy xua tan bóng tối, hiển bày tướng hư không, mà hư không chẳng thêm chẳng bớt. Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy, xua tan bóng tối vô minh, hiển phát tướng thật của tâm, nhưng đối với cái không của tâm tính chẳng thêm cũng chẳng bớt.

5. Như mặt trời không làm hao tổn bầu trời, cũng chẳng làm lợi ích thêm bầu trời. Có công năng xua tan bóng tối trong hư không, hiểu rõ muôn tướng trong thế giới hư không. Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy, tuy đối với tâm tính không chẳng tổn cũng chẳng ích, nhưng có công năng này làm dứt bặt các phiền não mà thành tựu muôn hạnh, hiển hiện tất cả pháp.

6. Như bầu trời tuy thanh tịnh, nhưng do không có mặt trời, cho nên bóng tối khởi lên. Tâm tính cũng giống như vậy, xưa nay tuy thanh tịnh, vì không có ánh sáng trí tuệ mới có vọng hoặc khởi lên.

Như bầu trời tuy thanh tịnh, nhưng không thể tự xua tan bóng tối. Bóng tối mất là nhờ ánh sáng mặt trời. Tâm tính không cũng giống như vậy. Xưa nay tuy vốn thanh tịnh nhưng không thể tự dứt bỏ vọng hoặc, mà vọng hoặc diệt được là nhờ trí tuệ chiếu soi.

7. Như mặt trời nếu chẳng có bầu trời thì không có ánh sáng, cũng không soi chiếu. Bầu trời nếu chẳng có mặt trời thì bóng tối không bị xua tan. Mặt trời trí tuệ cũng giống như vậy, nếu chẳng có tâm tính không thì làm sao có cái để soi chiếu. Nếu cái tâm tính không mà không tuệ thì vọng hoặc chẳng dứt bỏ được.

8. Như bóng tối không đến không đi, mặt trời cũng không sinh không diệt. Giải hoặc cũng giống như vậy, giả nói là phá hoặc, nhưng tính của vọng hoặc là chẳng thật có, không đến cũng không đi, thực ra chẳng có cái để phá. Trí tuệ tuy chiếu khắp nhưng tính nó thường vắng lặng, không sinh cũng không diệt, rốt ráo chẳng có cái để chiếu.

9. Như mặt trời soi chiếu hư không thì vụ trụ thấy trong suốt, quán trở lại tâm tánh không, thì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian viên hiển rõ ràng. Vì ý nghĩa ấy, nên nói trí tuệ chiếu tâm tính như mặt trời trong hư không. Nếu nghiền ngẫm 10 ví dụ không trung mà mặt trời như trên thì sẽ liễu đạt được các pháp, nhờ đó mà nhập vào biển giác. Trên đây gọi là "phân biệt về các pháp tướng".

II. GIẢI THÍCH DANH TỪ "GIÁC Ý TAMMUỘI".

Hỏi: Vì sao gọi là Tam-muội Giác ý? Ý nghĩa là gì? Bồ tát phải giác ý nầy mới được đầy đủ Tam ma đề hay sao? Vả lại các pháp vô lượng, sao chỉ dùng giác để nói về Tam-muội.

Đáp: Giác gọi là chiếu rõ nghĩa là các tâm, tâm sở. Tam-muội là điều trực định. Khi các tâm, tâm sở của hành giả khởi lên, phản chiếu quán sát, không thấy động chuyển gọi là Tam-muội giác ý. Như đã hỏi, các pháp vô lượng sao chỉ dùng giáo để nói về Tam-muội, không lấy gì khác. Xin đáp: tất cả các pháp tuy là vô lượng nhưng xét cho cùng nguồn gốc, đều có ra từ tâm ý thức, cho nên như thế. Có người nói: con người khác gỗ đá, vừa đối cảnh liền giác biết gọi là tâm. Rồi so lường phân biệt gọi là ý, hiểu biết rõ ràng gọi là thức, đó là sự khác nhau của tâm, ý và thức. Người chấp chặt như vậy thì rời vào tâm điên đảo, tưởng điên đảo, kiến điên đảo.

Nếu rõ biết được trong tâm chẳng có ý, cũng chẳng phải không có ý thì trong tâm chẳng có thức, cũng chẳng phải không có thức. Nếu trong ý chẳng có tâm, cũng chẳng phải không có tâm thì trong ý chẳng có thức cũng chẳng phải không có thức.

Nếu trong thức chẳng có ý, cũng chẳng phải không có ý thì trong thức chẳng có tâm, cũng chẳng phải không có tâm.

Bởi tâm, ý, thức đó chẳng phải một, cho nên đặt ra 3 tên gọi khác nhau. Bởi chẳng phải ba cho nên nói nó là một tính. Nếu tên gọi chẳng phải là tên gọi thì tính cũng chẳng phải là tính. Bởi chẳng phải tên gọi cho nên không ba, bởi chẳng phải tính cho nên không một. Bởi chẳng ba cho nên không hợp. Bởi chẳng một cho nên chẳng tán. Bởi chẳng hợp cho nên không có, bởi chẳng tán cho nên bất không, bởi chẳng phải có cho nên bất thường. Bởi chẳng phải không cho nên bất đoạn. Do vậy, tâm ý thức không đoạn, cũng không thường. Nếu không thấy đoạn, thường thì cuối cùng cũng không thấy một, khác. Do đó nói ý thì nhiếp luôn cả nghĩa âm, thức, tất cả pháp cũng vậy. Nếu quán sát tâm một cách sâu xa, phá vô minh của ý, thì các si sử khác cũng đều diệt theo. Các pháp tuy nhiều, nhưng chỉ nêu giác ý để nói về Tam-muội. Ý nghĩa vẫn bao trùm tất cả.

Lại nữa, như trong kinh chép: "Sao gọi là Tammuội giác ý? Bởi đắc được bảy giác ý trong các Tam-muội cho nên gọi là Tam-muội giác ý". Cái gọi là "các Tam-muội"; tất cả pháp đều là Tam ma đề. Bởi các pháp vốn thường vắng lặng bất động.

Lại nữa, Tam ma đề nói tóm gồm có 3 loại:

1. Tam Ma Đề thế gian.

2. Tam Ma Đề xuất thế gian.

3. Tam Ma Đề xuất thế gian thượng thượng.

Tam Ma Đề thế gian là: Thập đại địa định, tánh dục giới định, Bốn Thiền, Bốn tâm Vô Lượng, bốn định vô sắc trong tám tâm cõi dục.

Tam Ma Đề xuất thế gian là: Bối xả thắng xứ. Mười nhất thiết xứ, chín định thứ đệ, các hạnh sư tử phấn tấn siêu việt. Hạnh quán luyện huân tu thiền. Cho đến các Tam-muội của 37 phẩm của tuệ hạnh. Ba môn giải thoát, bốn đế, 12 nhân duyên.

Tam Ma Đề xuất thế gian thượng thượng là: Mười lực chủng tánh Tam-muội, 108 Tam-muội thuộc Thủ lăng nghiêm, cho đến số Tam-muội nhiều như bụi trần trong các thế giới ở khắp 10 phương.

Đó là 3 loại Tam Ma Đề, gồm nhiếp tất cả pháp, vì tức là tất cả pháp cho nên gọi là "các Tammuội".

Sao gọi là "bảy giác ý"?

Bảy giác ý gồm: 1. Trạch giác; 2. Tinh tấn giác; 3. Hỷ giác; 4. Trừ giác; 5. Xả giác; 6. Định giác; 7. Niệm giác. Đó là Bảy giác. Nghĩa của Bảy giác rất nhiều. Tóm lại chẳng ngoài 6 loại:

1. Thất giác nhờ nghe.

2. Thất giác nhờ tu hành.

3. Thất giác nhờ hội lý.

4. Thất giác nhờ khởi phương tiện thất giác.

5. Thất giác nhờ nhập pháp môn.

6. Thất giác viện cực.

1. Nhân Văn Thất Giác:

Tất cả pháp, tính vốn vắng lặng. Rốt ráo thanh tịnh. Nhưng các chúng sinh không thể biết được. Nếu gặp các Đức Phật, Bồ tát và thiện tri thức nói "Tất cả các pháp vốn vắng lặng", người ấy nghe rồi liền đạo tính ngộ. Nhờ vậy mà liễu đạt tâm và tất cả tam ma đề của các pháp. Rốt ráo thanh tịnh, không chẳng thật có, được thất giác chi. Bởi người ấy nhờ nghe mà phát, nên gọi là "Nhân Văn Thất Giác".

2. Thất Giác Nhờ Tu Hành:

Người tu hành tuy biết tâm và tất cả tam ma đề của các pháp là không, vô sinh diệt, mà tư tưởng điên đảo vẫn cứ khởi lên, hễ niệm khởi lên thì thường bảy giác điều đình cho thích hợp, liền thoát nhiên giác liễu, tâm và tất cả Tam Ma Đề của các pháp từ xưa đến nay vốn không sinh không diệt, như Đại Niết-bàn, đó gọi là Thất giác tu hành "Thất Giác Nhờ Tu Hành".

3. Thất Giác Nhờ Hội Lý: Nếu người nhờ nhân duyên hai hạnh tín, pháp đó mà ngộ tâm và tất cả Tam Ma Đề của các pháp, lý cùng một chân như mà biết, chân như cũng chẳng phải chân như. Nếu giác ngộ chân như thì trong lý chân như đủ cả bảy ý. Ấy là dùng thực tế không trụ chân như mà tác chứng, gọi là "Thất Giác Nhờ Hội Lý"

4. Thất Giác Nhờ Khởi Phương Tiện:

Nếu hành giả đắc Lý nhưng không nhập chứng, thương xót tất cả chúng sinh, khởi tâm thực hành muôn hạnh, hành theo những hạnh thuộc phạm trù Hữu, nhưng vẫn biết các hạnh đó đều vẫn vắng lặng diệt. Tuy biết rằng vô trụ, vô hạnh nhưng vẫn dùng bảy giác khéo léo tu tất cả hạnh Tam Ma Đề tự lợi lợi tha. Như trồng cây trong hư không, ấy gọi là "Thất giác nhờ khởi phương tiện".

5. Thất Giác Nhờ Nhập Pháp Môn:

Nếu Bồ tát có thể như thế không dựa vào tâm và tất cả các Tam Ma Đề của các pháp, hoặc chân hoặc tục, tức là có đủ cả quán của Nhị không được nhập vào Trung đạo, song chiếu hai đế, tùy theo ý muốn của tâm thì tự nhiên sinh ra các Tam-muội của tất cả thập lực chủng tính. Nhưng cũng không đắc tướng của các Tam-muội. Vì sao? Vì tướng của các đà la ni là không, tướng của các Tam-muội là không, cho nên tâm không trụ trước vào trí tuệ công đức của tất cả Đà la ni Tam-muội. Cứ như vậy Bồ tát viên hiển từng phần bảy giác. Cho nên gọi là Nhập pháp môn thất giác. Cũng gọi là Khai Phật tri kiến, nếu khai được tri kiến Phật thì tâm tâm vắng lặng, tự nhiên chảy vào trong Thập trú, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và trong Đẳng giác thanh tịnh thiền, cho nên gọi là "Thất giác nhờ nhập pháp môn".

6. Thất Giác Viên Cực:

Nếu Bồ tát Ma ha tát trú trong Kim cương Tammuội Thanh tịnh thiền. Đại ngộ, rõ ràng, đắc một niệm tương ứng với tuệ, vắng lặng viên chiếu, tất cả rõ ràng phân minh, gọi là thất giác viên cực, còn gọi là vô thượng diệu giác, còn gọi là Vô học thất giác.

Với những ý nghĩa bảy giác như trên, Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến lúc cực quả, tất cả các pháp môn quán hạnh của Bồ-tát đều gọi chung là Thất giác ý, cũng gọi là Quán tâm tướng, còn gọi là phản chiếu thức, các thứ tên gọi, vô lượng Tammuội như thế, đời Tần dịch là Điều trực tâm, Thường tịch định, như gương sáng bất động, nước lặng không sóng, chiếu soi mọi vật đều hiện, tâm cũng như vậy. Tính tuy sáng trong nhưng bởi niệm động thì không chiếu được. Tu tập trên "Liễu nhân" liền được niệm vô động chuyển, khắp hiện pháp môn. Đắc được Định đó rồi, tâm không tà vạy, gọi là Tam-muội. Bởi thế gọi là "Giác ý Tammuội".

III. GIẢI THÍCH HẠNH PHƯƠNG TIỆN CỦA TAM-MUỘI GIÁC Ý:

Hỏi: Đã biết Danh và Nghĩa của Tam-muội

Giác ý: Hành giả thực hành phương tiện gì để đắc Tam-muội đó? Với các Tam-muội đó mà được bảy giác ý, nhập pháp tánh sâu xa, đến Đại Niết-bàn, đạt được Thường Lạc Ngã Tịnh. Vì tất cả chúng sinh mà làm chỗ nương gá vô thượng?

Đáp: Hành giả vì thành tựu đại bi độ chúng sinh cho nên cầu đạo chí chân vô thượng bồ đề. Trước hết phải lập thệ nguyện rộng lớn, phát tâm chí thành để thề nguyền; "Nếu sở học tôi không thành, sẽ không bao giờ nửa chừng sinh tâm lui sụt bỏ dở". Khi đó tâm tin tưởng một cách chắc chắn như Kim cương. Biết các pháp hoàn toàn vắng lặng. Vì không xả bỏ vô biên chúng sinh. Cho nên tu các hạnh. Thế nào là tu? Nếu hành giả rõ biết tâm và tất cả pháp đều hoàn toàn không thật có, bất sinh bất diệt, vắng lặng thanh tịnh. Nhưng lại có thể khéo dùng phương tiện sáu độ để tự điều phục tâm luống dối, vọng tâm đã dứt, Tam-muội sẽ tự phát.

Sáu Độ là gì? Nếu hành giả biết tâm và vật như Mộng, chấp trước đều không có thật, do đó đều có thể xả bỏ, tất cả những gì mình có, thường tự giác biết. Khiến các tư tưởng tiếc nuối dính mắc không khởi lên. Cũng nên lấy tâm xả bỏ thanh tịnh đó thí khắp chúng sinh. Khi đó gọi là tu tâm tịnh thí. Vì nhờ tâm đó mới có thể hướng đến đàn Ba-la-mật.

Nếu hành giả biết tâm như huyễn. Các pháp ác ở bên ngoài đều không thật có, tuy vẫn ứng đối với nhiều hoàn cảnh nhưng thường tự giác biết, không để cho tâm nghĩ ác sinh ra khi ấy gọi là tu tâm tịnh giới, nhờ tâm đó mà hướng đến Thi Ba-la-mật.

Nếu hành giả biết tâm như ngọn lửa, rỗng không chẳng có cội gốc, 8 pháp bên ngoài cũng đều không thật. Bởi thế thường biết rõ về lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, không sinh ái nhuế, đó gọi là tu "kiên cố nhẫn", nhờ tâm đó mà hướng đến sằn đề Ba-la-mật.

Nếu hành giả biết tâm như hóa, thường tự giác rõ biết quán hạnh nối nhau, không để cho tâm buông lung biếng nhác sinh ra. Khi ấy gọi là Tu tâm tinh tấn. Nhờ tâm đó mà hướng đến Tỳ lê gia Ba-la-mật. Tất cả các pháp sở duyên đều chẳng thật có. Loạn tưởng không khởi trong 4 uy nghi đi đứng, nằm ngồi. Giả sử nhất niệm, liền giác biết. Do đó sóng vọng niệm không khởi, tâm thường vắng lặng. Khi ấy gọi là tu tâm định thanh tịnh. Nhờ tâm ấy mà hướng đến thiền Ba-la-mật.

Nếu hành giả rõ biết tâm như hư không. Các pháp bên ngoài bên trong duyên khởi sáu thức đều chẳng thật có. Rốt ráo vắng lặng, khéo dùng tâm vô sở đắc phá các điên đảo, không được tất cả pháp, không đắm tất cả, thấu đạt tất cả pháp. Khi ấy gọi là tu tâm chánh tuệ. Nhờ tâm đó mà hướng đến Bát-nhã Ba-la-mật.

Nếu hành giả không tu 6 thứ tâm thanh tịnh để hướng đến đạo như trên thì không chịu đựng nổi

Tam-muội sâu xa. Do đó muốn tu Tam-muội giác ý, thì phải khéo học phương tiện sáu độ như trên, 6 phương tiện đó thâu nhiếp tất cả phương tiện. Nếu có thể khéo dùng để điều phục 6 tâm thô tệ, khiến ý được nhu nhuyến. Sau đó xét theo đế lý. Cẩn thận quán sát nhập vào chánh tuệ môn, ấy gọi là tu học phương tiện sơ tâm Tam-muội sâu xa.

IV. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI GIÁC Ý VÀ NÓI VỀ TƯỚNG CỦA TÂM.

Hỏi: Hành giả muốn nhập Tam-muội đó, phải quán sát mấy tâm tướng?

Đáp: Bàn về tâm tướng trong các kinh luận, mỗi sách nói mỗi cách khác nhau, nay không đưa ra hết các điều nói trong kinh luận, chỉ tóm lược thành 4 loại tâm tướng làm quán cảnh, 4 loại tâm tướng ấy là:

1. Chưa niệm; 2; Sắp niệm; 3. Đang niệm; 4. Niệm rồi. Chưa niệm thì tâm chưa khởi lên với cảnh.

Sắp niệm thì tâm sắp khởi lên duyên với cảnh. Đang niệm là tâm duyên với cảnh đã đầy đủ.

Niệm rồi là tâm duyên với cảnh đã đầy đủ và đã diệt rồi.

Hỏi: Tâm tướng rất nhiều, sao chỉ lấy 4 vận tâm tướng đó?

Đáp: 4 vận tâm tướng đó thâu nhiếp tất cả các tâm, như duyên với pháp ác gồm có: chưa nghĩ về pháp ác, sắp nghĩ về pháp ác, nghĩ về pháp ác, nghĩ về pháp ác xong rồi.

Như duyên với pháp lành thì: Chưa nghĩ về pháp lành, sắp nghĩ về pháp lành, nghĩ về pháp lành, nghĩ về pháp lành rồi. Duyên với sáu trần và ba độc tham, sân, si. Tất cả phiền não cho đến đi đứng nằm ngồi, nói năng ăn uống, tất cả các hành động việc làm đều có 4 tướng của tâm như trên, duyên với tất cả pháo thế gian và xuất thế gian đều có 4 tướng của tâm như vậy. Do đó chỉ nói 4 loại tướng để làm cảnh quán mà nhiếp tất cả.

Hỏi: Thế nào là tướng?

Nắm rõ và có thể phân biệt gọi là Tướng, pháp của tâm, thức đã không hình chất. Nếu không y cứ vào 4 vận của niệm mà phân biệt thì khó mà biết được. Nếu không biết được thì không thể quán sát. Do đó trước phải dùng 4 tướng phân biệt. Nếu quán sát thấu đạt rõ ràng tướng ấy chẳng phải tướng, thì nhập vào nhất tướng bình đẳng.

Hỏi: Quán 2 vận tâm tướng "sắp niệm" và "niệm" thì có thể như thế, nhưng "chưa niệm", chưa khởi lên là vô tâm. Mà đã là vô tâm thì không có tướng để phân biệt. Còn "niệm rồi" thì đã diệt mất, cũng chẳng khác gì với vô tâm. Vô pháp tức vô tướng, làm sao quán được?

Đáp: Chưa niệm tuy khởi lên nhưng chẳng phải tuyệt đối không có tâm. Vì sao? Vì như người chưa làm, hễ có việc liền làm. Vì chưa làm mà cho rằng không có người, hoặc chắc chắn không có người thì sau này ai làm. Bởi có người chưa làm, cho nên sau có người làm. Tâm tướng cũng như vậy. Vì "chưa niệm" cho nên "sáo niệm". Nếu không có tâm của chưa niệm làm sao có tâm sắp niệm. Do đó chưa niệm tuy chưa khởi không thể nói là tuyệt đối không có. Ông nói: niệm rồi, tâm đã diệt thì không thể quán, cũng không đúng. Niệm rồi tuy đã diệt, cũng có thể quán sát. Thí như người đã làm xong việc, không thể nói là không có người. Nếu chắc chắn không có người thì sau này ai làm nữa. Niệm rồi, tâm diệt cũng giống như vậy, không thể nói diệt mất không có tâm. Nếu cho rằng tâm đã diệt rồi, diệt mất hẳn là đoạn kiến. Do đó niệm rồi tuy diệt nhưng vẫn có thể quán.

Hỏi: Ông quán tâm gì? Nếu quán tâm quá khứ thì tâm quá khứ đã qua. Nếu quán tâm vị lai thì tâm vị lai chưa đến. Nếu quán tâm hiện tại, tâm hiện tại không dừng nghỉ. Nếu lìa tâm ba đời thì không có tâm nào khác. Còn quán tâm gì nữa?

Đáp: Ông hỏi chẳng đúng, nếu quá khư đã diệt thì tuyệt đối không thể biết. Sao các bậc Thánh lại có thể biết tất cả các tâm quá khứ. Nếu tâm vị lai chưa đến, chưa đến thì không có. Không có thì không thể biết. Sao các bậc Thánh lại biết tất cả các tâm vị lai. Nếu tâm hiện tại vô trụ thì không thể biết, sao các bậc Thánh có thể biết tất cả chúng sinh mười phương bây giờ đang nghĩ về việc gì. Như quỷ thần ở thế gian còn tự biết tâm 3 đời của mình, cũng có thể biết tâm 3 đời của người khác. Là người thực hành Phật pháp sao lại khởi lên kiến chấp đoạn diệt, cho rằng tâm ba đời không có như lông rùa sừng thỏ, không thể biết được. Nên biết tâm ba đời tuy chẳng chắc thật nhưng vẫn có thể biết được. Cho nên kệ nói rằng:

Những điều các Phật nói Tuy không cũng bất đoạn Nối nhau cũng bất thường Tội phước cũng không mất.

Ông đừng đoạn kiến, trú vào vô sở tri, không tu quán hạnh, cũng như người mù, tuy đứng trước các sắc mầu mà chẳng thấy gì, ông cũng vậy. Đối với Phật pháp, không có mắt chánh quán, không đạt được gì.

V. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI GIÁC Ý NHẬP CHÁNH QUÁN MÔN.

Hỏi: Đã biết 4 vận tâm tướng thân nhiếp tất cả tâm, hành giả làm sao quán sát tâm đó, thông đạt thực tướng, viên chiến phân minh rõ ràng các Tammuội, đủ thất giác ý?

Đáp: Hành giả trước hết phải lấy thệ nguyện rộng lớn để trang nghiêm, khéo tu pháp môn sáu độ như trên để điều tâm đó, tin biết các pháp tuyệt đối vắng lặng, như vì ta bị vô minh che lấp nên chưa hiểu biết quán triệt, cần phải siêng tu chánh quán, hành đến liền biết, há lại có thể hư tâm hiểu sai mà tự làm hại mình, đã có thể khéo tự điều hòa. Rồi sau đó tùy theo tâm sinh khởi, lấy tâm không dính mắc gì cả để phản chiếu sát tướng của chưa niệm, sắp niệm, đang niệm, niệm rồi, khi ấy quán kỹ "Tâm chưa niệm diệt".

"Tâm sắp niệm" sinh.

"Tâm chưa niệm" là bất diệt.

"Tâm sắp niệm" sinh.

"Tâm chưa niệm" là vừa diệt vừa bất diệt.

"Tâm sắp niệm" sinh.

"Tâm chưa niệm" là chẳng phải diệt, chẳng phải bất diệt.

"Tâm sắp niệm" sinh.

Như trong bốn cú của "chưa niệm", Quán "tâm sắp niệm" sinh ra, đều không thật có. Nếu "tâm sắp niệm" không thể sinh được thì cũng không thể không sinh. Liền ở ngay tâm tính mà được giải thoát.

Thế nào gọi là quán "tâm sắp niệm" sinh ra không thật có trong bốn câu "chưa niệm"?

1. Trước hết y cứ vào đầu của "chưa niệm để quán" tâm sắp niệm sinh ra không thật có.

Nếu cho rằng "tâm chưa niệm" diệt rồi mới có "tâm sắp niệm" sinh ra. "Tâm chưa niệm" đã diệt rồi thì "tâm sắp niệm" ở đâu sinh ra. Là ngay lúc "chưa niệm" diệt mà sinh ra, hay là tánh lìa khỏi sự diệt mất của "chưa niệm" mà sinh ra? Nếu ngay lúc "chưa niệm" diệt mà sinh ra "tâm sắp diệt", pháp diệt thì không thể sinh, bởi tính tướng của sinh và diệt trái ngược nhau. Nếu cho rằng ngay trong diệt có sự sinh ra thì sinh và diệt không trái ngược nhau, như thế không đúng, như trong vỏ quá chín có hạt. Vỏ nứt hạt rơi ra. Vỏ chẳng là hạt, hạt chẳng là vỏ. Làm sao vỏ lại là hạt được? Tâm pháp cũng như vậy. Ngay nơi diệt không thể có sự sinh được. Do đó ngay chỗ tâm chưa niệm diệt, "tâm sắp niệm" sinh ra không thể được.

Nếu cho rằng lìa sự diệt mất của "tâm chưa niệm" mà có "tâm sắp niệm" sinh ra, là không có nhân mà có sinh. Việc ấy không đúng. Vì vô sinh mà có sinh. Việc ấy không đúng. Vì sinh không từ đâu sinh thì không thể gọi là sinh. Như hư không chẳng từ đâu sinh ra. Cho nên hư không chẳng gọi là sinh. Nên biết lìa sự diệt của "chưa niệm" mà "sắp niệm" sinh ra là không thể được, hành giả cũng giống như vậy, trong sự tách lìa, quán "tâm chưa niệm" diệt rồi, "tâm sắp niệm" sinh ra, tuyệt đối rốt ráo không thể được.

2. Lấy câu thứ hai của "chưa niệm" để quán "tâm sắp niệm" sinh không thể được. Nếu cho rằng "tâm chưa niệm" không diệt, mà "tâm sắp niệm" sinh ra, tức là bất diệt sinh ra, hay là lìa sự bất diệt mà sinh ra. Nếu ngay nơi bất diệt sinh ra thì bất diệt đã sinh, sinh ấy làm sao sinh. Nếu sinh ấy có thể sinh ra sinh này. Lại lẽ ra có sinh, sinh thì có sự vô cùng. Nếu sinh này sinh sinh thì việc đó không đúng. Nếu trong cùng một thể sinh ra một thì không có nhiều sinh. Như trong một ngón tay thì không có nhiều ngón tay. Nếu là khác thể mà sinh thì không nên gọi là sinh, sinh do thể sinh khác nên không thể sinh nhau, cho nên như Đào và Lê, khác thể, Đào không sinh Lê, Lê không sinh Đào. Do đó tức "tâm chưa niệm" bất diệt "tâm sắp niệm" sinh không thể được. Nếu cho rằng lìa sự bất diệt của "tâm chưa niệm" mà có "tâm sắp niệm" sinh ra thì "tâm sắp niệm" sinh ra từ đâu? Nếu cái được sinh ra mà không có nơi sinh ra nó, tức là vô nhân sinh. Nếu đã vô nhân sinh thì chẳng phải sinh. Chẳng phải sinh mà nói là sinh, việc ấy không đúng, vì rơi vào lỗi không có nhân quả. Như nói: "con của cô gái bất dục", "con của hoàng môn". Nên biết lìa "chưa niệm" bất diệt mà có "tâm sắp niệm" bất diệt, "tâm sắp niệm" sinh, rốt ráo không thể được.

3. Lấy câu thứ ba của "chưa niệm": để quán "tâm sắp niệm" sinh không thể được.

Nếu cho rằng "tâm chưa niệm" vừa diệt vừa bất diệt mà có "tâm sắp niệm" sinh ra. Nếu "vừa diệt" đã sinh ra rồi, cần gì "vừa bất diệt". Nếu "vừa bất diệt" đã sinh rồi, thì cần gì "vừa diệt". Vì Nhân bất định không thể có quả định. Người không có gốc người thì không thể sinh ra đứa con có gốc người. Nếu cho rằng vì vừa diệt vừa bất diệt. Thể là một chẳng khác, cho nên có "tâm sắp niệm" sinh, việc ấy không đúng, mà này vừa diệt chẳng phải vừa bất diệt, vừa bất diệt chẳng phải vừa diệt, vì tánh và tướng đều trái ngược. Cho nên không phải thể là một, không khác mà sinh ra "tâm sắp niệm" được. Như người gốc bất định có 2 gốc thể chẳng phải một. Cho nên không thể sinh ra một con. Nếu cho rằng thể của vừa diệt vừa bất diệt khác nhau, mỗi thứ đều có thể sinh "tâm sắp diệt" thì Thể đã khác tức lại là Định diệt, Định bất diệt, sao lại gọi là vừa diệt vừa bất diệt. Nếu định diệt và định bất diệt, mỗi thứ đều có thể sinh "tâm sắp niệm" thì phải có hai "tâm sắp niệm" sinh ra, nay thực không phải vậy. Nếu cả hai đều không sinh thì "tâm sắp niệm" không sinh ra. Khi hành giả quán như vậy, "tâm chưa niệm" vừa diệt vừa bất diệt, sự sinh ra "tâm sắp niệm" tuyệt đối rốt ráo không thể được.

Tiếp đến là lấy câu thứ tư của "chưa niệm" để quán sự sinh ra "tâm sắp niệm" là không thật có.

Nếu cho rằng "tâm sắp niệm" chẳng diệt chẳng bất diệt, mà có "tâm sắp niệm" chẳng diệt chẳng bất diệt mà có "tâm sắp niệm" sinh ra. Nếu nhân chẳng diệt sinh thì không cần chẳng bất diệt. Cả hai phi mỗi thứ mỗi khác, không thê đều lấy làm nhân, cũng vì nhân của chúng trái ngược nhau, nên không cùng có một quả, như nước và lửa. Nhân của chúng khác nhau, cùng phủ định nhau không thể sinh ra một quả ở trong ấy. Nếu cho rằng nhân ở cả 2 đều phi sinh mà có sinh thì việc ấy không đúng. Nếu ở nơi cả 2 đều phi, mỗi nơi đều có Hữu thì 2 Hữu vẫn phải sinh ra 2 sinh. Nay thực không phải vậy. Nếu nơi 2 phi mỗi đều là vô, thì vô không thể sinh. Làm sao sinh ra cáo sở sinh? Nếu không thể sinh ra sở sinh, thì sinh không thể gọi là sở sinh, vì cái mới sinh không có nơi sinh ra. Hành giả quán chẳng diệt chẳng bất diệt như vậy, "tâm sắp niệm" rốt ráo không thể được.

Lại nữa, hành giả đã có thể quán "tâm sắp niệm" sinh không thể được trong bốn câu của vận đầu tiên "chưa niệm" như vậy rồi. Vẫn nên lấy bốn câu của "tâm sắp niệm" diệt không thể được. Quán như thế nào? Là "tâm sắp niệm" sinh thì "tâm chưa niệm" diệt. Làm "tâm sắp niệm" bất sinh "tâm chưa niệm" diệt. Là "tâm sắp niệm" vừa sinh vừa bất sinh "tâm chưa niệm". Là "tâm sắp niệm" chẳng sinh chẳng bất sinh. "Tâm chưa niệm" diệt. Như vậy vẫn y cứ bốn câu trong "sắp niệm" để suy tìm "tâm chưa niệm" diệt. Rốt ráo không thể được. Nếu hành giả không được sự sinh diệt của "tâm chưa niệm" và "tâm sắp niệm" thì cũng không được bất sinh diệt, vừa sinh diệt vừa không sinh diệt, chẳng sinh diệt chẳng bất sinh diệt, nhưng vì vọng tưởng điên đảo của phàm phu. Đối với "chưa niệm", "sắp niệm" và tất cả chẳng phải sinh diệt, chẳng phải bất sinh diệt. Luống dối không thực, đều không thể được, chỉ có danh tự. Pháp của danh tự không ở trong ngoài, không ở giữa, cũng không thường tự có, tức là vô danh tự. Nếu không được danh tự bốn câu sinh diệt thì cũng không được vô danh tự. Bởi không được danh tự cho nên "chẳng phải giả". Bởi không đắc vô danh tự cho nên "chẳng phải không". Bởi không đắc "giả" cho nên "chẳng phải tục". Bởi không đắc "không" cho nên "chẳng phải chân". Bởi bất đắc "tục" cho nên "phi thế gian". Bởi bất đắc "chân" cho nên "chẳng phải xuất thế gian". Vì không được "thế gian" cho nên "chẳng phải lậu". Vì không được "xuất thế gian" cho nên "chẳng phải hữu lậu". Vì không được "hữu lậu" cho nên "chẳng phải sinh tử". Vì không được "vô lậu" cho nên "chẳng phải Niết-bàn". Khi hành giả quán "chưa niệm", "sắp niệm" như vậy. Nếu không được hai kiến thì không chấp hai bên, nếu không chấp hai bên thì hông chấp hai bên mà khởi lên các kết nghiệp. Nếu không bị các kết nghiệp của hai bên che chướng thì tâm của CHÁNH QUÁN như hư không trong ánh sáng thanh tịnh. Nhờ chánh tuệ của trung đạo, mở phát sáng tỏ. Song chiếu hai đế, tâm tâm vắng lặng, tự nhiên chảy vào biển đại Niết-bàn. Nếu quán "chưa niệm" như "sắp niệm" các niệm khác và tất cả các tâm pháp khác đều cũng quán như vậy thì cũng có thể biết được. Đó là nói lược về tướng của chánh quán.

Lại nữa, tu Chánh Quán có 2 loại: 1. Quán chung;

2. Quán riêng.

1. Quán chung:

Nếu hành nhân chưa có năng lực phương tiện rộng lớn, không thể quán sát thật tướng trong tất cả các nơi chốn, vì vậy trước hết nên chiếu liễu tâm ý trong khi ngồi, đó gọi là quán chung tâm ý.

2. Quán riêng:

Nếu hành nhân thường dụng tâm được trong tất cả các nơi chốn, là quán riêng ở tâm ý.

Lại nữa, hành giả muốn tu Tam-muội, trước hết phải ngồi mà quán tâm ý. Sau đó cũng nên quán tâm ý trong tất cả các nơi chốn. Vì sao? Vì trong 4 uy nghi, chỉ có khi ngồi, thân tâm mới an ổn, không trầm không phù, bởi không có các duyên khác thì tâm xét theo đế lý dễ có quán pháp, cho nên kinh chép: "ngồi thẳng niệm thật tướng, ấy gọi sám bậc nhất". Do đó hành giả trước hết nên ở trong tịnh thất thanh vắng mà tu Tam-muội.

Thế nào là người tu hành? Là người phải khéo kéo tự điều hòa thân tâm, mọi việc làm đúng như đã nói trong cách ngồi Thiền, nói chi tiết là hành giả đã khéo tự điều hòa thân tâm rồi. Trong lúc đang ngồi thiền, chánh niệm quán sát ý nghĩa 4 vận của tâm, ý, thức đều không thật có. Quán hạnh phá chiết đều đã nói như trên. Khi ấy gọi là tu hành Tam-muội trong ngồi thiền. Hành giả cứ như vậy biết tâm ý thức không thấy không đắc. Lại nên tùy theo có sở tác, mỗi mỗi quán kỹ tâm trong ngoài. Tâm ngoại gọi là tác giả. Tâm trong gọi là thọ giả. Trong kinh Đại Tập nói về tác giả, thọ giả, hành nhân quán ở tác giả thường có 6 việc để quán, với thọ giả cũng có 6 loại, trong ngoài đều quán gồm có 12 loại, ấy là cảnh Tam-muội có thể sinh ra Tam-muội. Hành giả nên tùy theo nơi sở khởi lên mà quán sát nó, 6 tác bên ngoài là: Đi, đứng, nằm, ngồi làm việc và nói năng. 6 sự thọ nhận bên trong là: mắt thọ nhận sắc, tai thọ nhận âm thanh, mũi thọ nhận mùi thơm, lưỡi thọ nhận mùi vị. Thân thể thọ nhận sự va chạm cọ xát và ý duyên theo pháp, các khái niệm. Nếu khi đi, nên quán trong lúc đi, thông đạt các tâm tướng; chưa đi, sắp đi, đang đi, đi rồi, đều không thật có, song chiếu rõ ràng như đã nói trên. Lại nghĩ rằng: đi như vậy là do tâm vận động nên mới có đi, quán lại tâm đi, không thấy có nơi chốn, không có tất cả các tướng mạo sinh diệt, mới biết đi là rốt ráo vắng lặng.

Thứ hai là khi đứng, nên quán tâm tướng lúc chưa đứng, sắp đứng, đang đứng, đã đứng đều không thật có. Song chiếu rõ ràng. Như trên đã nói. Lại nghĩ rằng: đứng như thế là do tâm chế ngự thân thẳng đứng yên, nên gọi là đứng, quán trở lại tâm đứng không thấy nơi chốn, huống gì là có tất cả tướng mạo sinh diệt, mới biết đứng là rốt ráo vắng lặng.

Thứ ba là nếu khi ngồi, nên quán kỹ các tâm tướng chưa ngồi, sắp ngồi, đang ngồi, đã ngồi đều không thật có. Song chiếu rõ ràng như trên đã nói. Lại nghĩ rằng: ngồi như vậy là do tâm hồi chuyển co chân an thân, nên gọi là ngồi. Quán trở lại tâm ngồi không thấy sinh diệt, cũng chẳng trong ngoài, mới biết ngồi là rốt ráo vắng lặng.

Thứ tư là khi nhắm mắt ngủ, thì nên quán kỹ tâm tướng của chưa ngủ, sắp ngủ, đang ngủ, đã ngủ đều không thật có. Song chiếu rõ ràng, như trên đã nói. Lại nghĩ rằng: do tâm mệt nhọc, bèn thả lỏng thân thể nằm duỗi. Cho nên gọi là ngủ, quán trở lại không thấy tướng mạo của tâm ngủ, mới biết ngủ rốt ráo vắng lặng.

Thứ năm là: Nếu khi làm việc thì nên quán kỹ tâm tướng của chưa làm, sắp làm đang làm, đã làm, đều không thật có. Song chiếu rõ ràng như trên, lại nghĩ rằng: Nay vận động tay chân để làm các việc, đưa tay buông tay đều do tâm hồi chuyển, các việc mới thành, do đó gọi là tác, quán trở lại tâm tác, không thấy động chuyển mới biết sự làm, rốt ráo vắng lặng.

Thứ sáu, hành giả khi nói năng đọc tụng thì phải quán kỹ tâm tướng của chưa nói, sắp nói, đang nói, đã nói đều không thật có, song chiếu rõ ràng như trên. Lại nghĩ rằng: âm thanh như vậy, có hơi nói là do tâm giác quán, cổ động hơi thở sinh vào 6 nơi: cổ, họng, môi, lưỡi, rằng, hàm. Cho nên có sự nói năng đó. Quán trở lại tâm của lời nói không thấy dấu vết, âm thanh trụ không. Mới biết lời nói là rốt ráo vắng lặng. Đó là hành giả quán 6 việc ở ngoài tâm, đều biết là vắng lặng, không thấy sự làm có một thật tướng nhất định. Do đó Bồ-tát tu hành Tam-muội trong tất cả các việc.

Trong Kinh Bát-nhã, Phật bảo Tu bồ đề: "Nếu Bồ-tát Ma ha tát khi biết đi, cho đến khi ngồi biết ngồi, lúc nằm, lúc nói năng, khi thân mặc tăng già lê đều biết là không thật có, cho nên là Bồ-tát ma ha diễn tát".

Lại nữa, hành giả quán ở nội tâm có 6 thứ thọ nhận biết là không có sự thọ nhận, vì sao? Vì các sự thọ nhận tuy là không, nhưng nếu không quán sát, có thể tạo ra vô lượng nhân duyên phiền não sinh tử, cho nên hành giả nên tùy theo các căn khi thọ nhận sáu trần, mỗi mỗi quán sát:

Thứ nhất: khi mắt thấy sắc, hành giả liền quán kỹ 4 vận tướng: chưa thấy sắc, sắp thấy sắc, đang thấy sắc, đã thấy sắc đều không thật có, song chiếu rõ ràng như trên. Lại nghĩ rằng: Thấy như vậy, tức không có tướng thấy, vì sao? Vì trong căn, trần, không, minh kia, mỗi mỗi đều không có cái thấy, cũng không có sự phân biệt, do Nhân duyên hòa hợp mà sinh ra nhãn thức, nhân duyên nhãn thức mà sinh ra ý thức, khi ý thức xuất ra thì có thể phân biệt các sắc, cũng dựa vào ý thức mới có nhãn thức, nhãn thức nhờ duyên mới thấy được sắc, rồi sinh ra tham đắm, do đó phải Quán trở lại Tâm Niệm Sắc. Khi quán như vậy, không thấy tâm đó từ ngoài nhập vào vừa sinh ra sự thu nạp, cũng không thấy tâm từ trong ra mà sinh ra sự phân biệt. Vì sao? Vì nếu bên ngoài vào thì đối với ta vô sự, nếu tự có thì chẳng cần nhân duyên mới biết sự thọ nhận rốt ráo vắng lặng. Cho nên Bồ-tát Tịnh Danh nói: "Sở kiến sắc bình đẳng với mù".

Thứ hai: khi hành giả tai nghe âm thanh liền phải quán kỹ 4 vận tướng: chưa nghe âm thanh, sắp nghe âm thanh, đang nghe âm thanh, đã nghe âm thanh rồi, đều không thật có, song chiếu rõ ràng như trên, lại nghĩ rằng: Âm thanh như vậy, không có tự tính, nhưng từ căn và trần hòa hợp mà sinh ra. Vì ý thúc tưởng phân biệt những điều đã nghe mà sinh ra các phiền não và ác nghiệp. Tức phải quán trở lại tâm thức duyên theo âm thanh, không thấy thể tính mới biết cái nghe rốt ráo vắng lặng. Cho nên Bồ-tát Tịnh Danh nói: "Âm thanh được nghe bình đẳng với tiếng dội".

Thứ ba: khi hành giả mũi ngửi mùi thơm liền quán kỹ tâm của 4 vận tướng: chưa ngửi mùi, sắp ngửi mùi, đang ngửi mùi, đã ngửi mùi đều không thật có, song chiếu rõ ràng như trên, lại nghĩ rằng: Mùi đó là pháp vô tri, tất cả tị căn cũng vốn vô tri, hòa hợp lại mà sinh ra thức, mượn đó gọi là tri, được sự thân nạp bởi ý thức luống dối mà sinh ra sự phân biệt, khởi lên các nghiệp hạnh sinh tử phiền não. Liền quán trở lại ý thức, không thấy tướng mạo và cội nguồn của nó, mới biết sự lãnh thọ là rốt ráo vắng lặng. Vì vậy Bồ-tát Tịnh Danh nói: "ngửi mùi hương bình đẳng với gió".

Thứ tư là: khi hành giả lưỡi thọ nhận mùi vị, liền quán kỹ lưỡng của 4 vận: chưa thọ nhận mùi vị, sắp thọ nhận mùi vị, đang thọ nhận mùi vị, đã thọ nhận mùi vị đều không thật có, song chiếu rõ ràng, lại nghĩ rằng: Sự thọ nhận mùi vị như vậy, thực ra không có tự tính. Vì sao? Vì 6 mùi vị bên ngoài vốn vô phân biệt, gốc lành bên trong vốn vô tri, chỉ do từ nhân duyên hòa hợp mà sinh ra thiệt thức. Thức đó cũng không nhất định tại bên trong, bên ngoài, giữa hai bên. Bởi trong ấy Tâm ý gượng chấp lấy tướng của vị mà sinh ra sự dính mắc phân biệt, cho nên mới có tất cả các sự phiền não, khi ấy phải liền quán trở lại, chẳng thấy nơi chốn của những tâm, ý, thức dính mắc vào mùi vị, huống gì là có tất cả tướng mạo sinh diệt, cho nên biết sự phân biệt mùi vị rốt ráo thanh tịnh. Vì vậy Bồ-tát Tịnh Danh nói: "Mùi vị thức ăn không phân biệt".

Thứ năm là khi thân hành giả giác xúc. Liền quán kỹ tưởng của 4 vận: chưa giác xúc, sắp giác xúc, đang giác xúc, đã giác xúc đều không thật có, song chiếu rõ ràng lại nghĩ rằng: giác như vậy không từ trong sinh, cũng chẳng từ ngoài đến. Vì sao? Vì nóng lạnh trơn láng đều chẳng phải bên ngoài đến, lìa sự lạnh nóng, chẳng có "pháp nào khác đến". Thân, đầu và tay chân cũng chẳng phải là "pháp sinh", lìa thân, đầu, tay chân cũng không có "pháp sinh". Ki hai pháp đó hòa hợp lại thì thân thức sinh ra, bèn gọi là "giác" mà tính của thức đó ở trong ngoài không có chỗ dựa vào, chỉ vì tâm ý gượng phân biệt, thọ nhận các xúc, rồi sinh ra tưởng khổ, vui, mới có tất cả phiền não yêu ghét. Lúc ấy liền quán không thấy nơi chốn của tâm thức duyên với xúc. Huống nữa là có tất cả tướng mạo sinh diệt của chúng sao? Mới biết năng giác xúc rốt ráo vắng lặng. Vì vậy Bồ-tát Tịnh Danh nói: "Thọ nhận các xúc như đèn trí".

Thứ sáu: khi ý hành giả duyên với pháp, liền quán kỹ tâm tướng của 4 vận: chưa niệm pháp, sắp niệm pháp, đang niệm pháp, đã niệm pháp, đều không thật có, song chiếu rõ ràng như trên, lại nghĩ rằng: Ý thức như vậy duyên với các pháp đều là hư giả, không có việc thực. Vì sao? Vì pháp là huyễn hóa, tính nó không thực. Vì tâm như dương diệu không dừng. Vì pháp không có tính chất nhất định, không thể duyên tâm, không có chỗ trú, thì ai là năng duyên. Nếu lìa năng duyên và sở duyên, không còn có duyên nào khác mới biết chỉ vì luống dối nhớ tưởng gượng phân biệt pháp ấy rồi sinh ra các kiến chấp, tất cả các hạnh nghiệp sinh tử phiền não, nối nhau không dứt, do đó hành giả vì để phá luống dối điên đảo tưởng, khi tùy duyên tùy cảnh, liền phải quán trở lại, quán cội nguồn căn của tâm ý thức, khi quán kỹ tâm thì không thấy chỗ trú của tâm và tất cả pháp tướng sinh diệt của nó. Nếu tâm không có chỗ nơi, các tướng sinh diệt, mới biết tâm đó là không thật có, tâm còn không thật có huống gì là pháp tâm sở. Nếu không có tâm sở thì tất cả các pháp còn dựa vào đâu? Do đó kinh nói: "ngã tâm tự không, tội phước vô chủ", tất cả pháp cũng giống như vậy, vô trú vô hoại, khi hành giả quán tâm ý như vậy, thì không được tất cả pháp, mới biết pháp phan duyên rốt ráo vắng lặng, vì vậy ngài Tịnh Danh nói: "Biết các pháp tướng như huyễn, vô tự tính, vô tha tính, vốn tự như thế, nay thì không diệt". Lời nói ấy rất có ý nghĩa.

Trước đã phá tâm chưa niệm, tâm sắp niệm chánh quán tương ưng trong 12 sự, đáng lẽ phải phân biệt nói rõ mỗi sự khi hành giả quán sát như vậy, cũng nên biết có 3 thứ tâm: 1. Quán loạn tâm, 2. Quán định tâm, 3. Quán ở quán tâm. Thế nào gọi là Quán loạn tâm?

Trong các việc nói trên, hành giả mới học, chưa hiểu các pháp ở cảnh giới ấy đều có loạn khởi. Nhất tâm quán kỹ, không thấy tâm tướng thì không có loạn. Tâm đó an ổn, đi đứng nằm ngồi, thân tâm vắng lặng, điềm nhiên bất động tức là Định tâm, ở định tâm ấy, nếu không quán sát, phần nhiều sinh ra đắm nhiễm. Như Bồ-tát Tịnh Danh nói: "Tham đắm thiền vị, là sự trói buộc của Bồ-tát". Vì vậy nên quán định tâm không thật có, không có tâm định ở đâu cả mới biết định ấy là điên đảo mà sinh ra. Khi quán như vậy, không thấy định và chẳng định, không còn sinh ra tham đắm, nên được thoát khỏi sự trói buộc bởi định. Vì vậy Kinh Tịnh Danh chép: "dùng phương tiện sinh, là Bồ-tát giải" ấy gọi là quán định tâm. Quán định tâm rồi, hành giả vẫn chưa ngộ lý, hoặc cho rằng quán tâm được. Do đó không thấy có tướng của định, loạn. Nến biết diệu tuệ như vậy là tốt đẹp nhất, dính mắc vào quán tuệ ấy, bèn tự cao, cho rằng người khác không thể hiểu được như mình, khi nghĩ như vậy gọi là trí chướng, giống với đạo kia. Vì vậy "Thích Luận" chép: "các ngoại đạo ấy, ưa đắm quán trí tuệ thuộc phạm trù "Không", chẳng được giải thoát". Hành giả đã biết, cho rằng có cái quán là chướng ngại lớn, không hiểu Niết-bàn, bèn quán trở lại tâm năng quán, không thấy chỗ ở của nó, cũng chẳng thấy sự khởi diệt của nó, mới biết rốt ráo chẳng có quán và chẳng phải quán. Đã không có quán thì ai quán các pháp, không có quán tâm, tức lìa quán tưởng. Vì vậy "Thích Luận" chép: "Niệm tưởng quán rồi, dứt tâm hý luận, diệt trừ vô lượng các tội, thanh tịnh tâm thường nhất, người tôn diệu như vậy, sẽ thấy được Niết-bàn". Ấy gọi là quán ở tâm tính, vì vậy kinh Đại Tập cũng chép:

"Quán ở tâm". Tâm là ba quán, tức 3 Tammuội. Vì sao? Vì trong quán đầu tiên phá được tất cả các loại hữu tướng, không thấy trong ngoài tức "KHÔNG Tam-muội".

Trong Quán thứ hai, Hoại được "KHÔNG TƯỚNG", đó gọi là Tam-muội VÔ TƯỚNG.

Trong Quán thứ ba, không thấy tác giả, đó gọi là VÔ TÁC Tam-muội, khi Bồ-tát thực hành Tammuội này cùng thì phá hoại ba đảo ba độc, tướng của tâm, ý, thức và dòng chảy ba cõi, cũng hàng phục được 4 thứ ma oán. Vì sao? Vì các phiền não đều là loạn hoặc, quán không vậy, hiểu được tính phiền não không động chuyển, tức là Bồ đề. Vì vậy Kinh Chư Pháp Vô Hành chép: "Tham dục tức là đạo, Nhuế si cũng như thế". Trong 3 pháp ấy đủ tất cả Phật pháp. Nếu phiền não là Bồ đề, sao lại dùng Bồ đề mà não Bồ đề. Nếu biết phiền não tướng không tức là Bồ đề, độ ma phiền não, 3 ma khác cũng như vậy. Sở dĩ như thế là như Kinh Tư Ích chép: "Ngu ở Ấm giới nhập, muốn cầu Bồ đề Ấm giới nhập, tức là lìa cái ấy thì không có Bồ đề", nên mới biết quán không tức độ Ấm ma. Như kinh Tư Ích lại chép: "Sinh tử là Niết-bàn, sống không lui sụt, mới biết quán không tức độ ma chết.

Kinh Thủ lăng nghiêm chép: "Ma giới tức là Phật giới Như, Ma giới như, Phật giới như. Như một không hai, do đó không ra khỏi Ma giới mà đắc Phật giới. Nên mới biết quán không tức độ Tha hóa thiên tử ma. Bồ-tát thực hành chánh quán ba không liền không còn sợ hãi bốn ma, cũng bất đắc bốn ma mà độ được bốn ma. Vì vậy "Thích Luận" chép: "Ngoài thực tướng các pháp, tất cả đều là việc ma". nếu khéo tu được thật tướng thì không có việc ma. Do đó hành giả khéo quán ý đó tu hành Tam-muội, sẽ không có việc ma. Vì vậy "Thích Luận" chép: "Nếu phân biệt nhớ tưởng tức là mạng lưới Ma", bất động bất phân biệt ấy gọi là pháp ấn. Lại nữa, hành giả khéo tu 3 quán như trên, sẽ phá tất cả pháp, tâm không còn dính mắc. Tuy biết chúng sinh không tướng nhưng thường nhớ nghĩ đại bi, không xả bỏ tất cả chúng sinh, học các Ba-la-mật, khởi được 10 năng lực, quán sát các pháp môn trong pháp giới, nuôi lớn tất cả các công đức lành.

VI. GIẢI THÍCH TAM-MUỘI CHỨNG TƯỚNG MÔN.

Khi hành giả thực hành như vậy rồi, chắc chắn sẽ nhập vào NGOẠI PHÀM VỊ. Nhờ giai vị nầy mà được nhập vào NỘI PHÀM SƠ PHÁT TÂM TRÚ.

Thế nào là NGOẠI PHÀM VỊ?

Ngoại phàm là Thiết Luân Bồ-tát, đủ tính phiền não, biết được tạng bí mật của Như Lai, cũng gọi là Ngoài phạm thập trụ, tên gọi là gì? 1. Tín tâm.

2. Niệm tâm. 3. Tinh tiến tâm. 4. Tuệ tâm. 5. Định tâm.

6. Bất thối tâm. 7. Hồi hướng tâm. 8. Hộ tâm.

9. Giới tâm. 10. Nguyện tâm.

Hành giả khéo tu 3 thứ quán. Quán sát ở các pháp. Nếu khi tâm an trụ ở Niệm tưởng, tâm dừng, hoặc ở nhập quán, hoặc trụ trong thiền, hoặc xuất ra trong bốn uy nghi. Khi ấy tự giác thân tâm hoát nhiên vắng lặng như hình bóng không thực. Bên ngoài thấy các pháp như mây trôi, cũng như huyễn hóa, thì chắc sẽ ở đó mà sinh ra phương tiện tuệ giải và biết các pháp bất sinh bất diệt. Sinh tử Niếtbàn, chẳng có chia cách thành hai bờ mé. Nếu nghe 12 bộ kinh, cũng tự khai giải được tuệ đó. Tự biết tạng bí mật trong thân. Với cùng một thể Tam bảo, không khác với Phật, cũng khéo nói được pháp yếu của ba thừa, ngôn ngữ vô tận không bao giờ hết, tuy chưa chứng chân, nhưng tuệ lực nương tựa rõ ràng vô ngại, chứng được cái ấy, gọi là "Tín".

Chỉ mới sơ tín tâm mà công đức đã như vậy. Huống gì là công đức của 9 tâm sau. Có thể nói là bắt đầu từ nơi nhân duyên của Tín, cho nên mới bết thực tướng của pháp là nghĩa đệ nhất, là gốc của muôn hạnh, là nguồn của các điều linh thiêng. Do đó, bất cứ lúc nào, thường nghĩ nhớ vô sinh, phá hoại mọi thứ tà kiến vọng chấp, thành tựu chánh niệm. An tâm nhất tướng, trong lý Như Như, vì không có sự lấy, bỏ nên gọi là Niệm tâm thành tựu, siêng năng thực hành ba tuệ, tướng thú hướng về Bồ đề không biếng nhác, gọi là Tâm Tinh tiến, tinh tiến siêng năng thực hành văn, tư, tu, nhờ vậy mà đạt được chánh trí tuệ, giác ngộ tất cả pháp, tâm ấy càng sáng, bởi nhập được thật tướng mà không dính mắc, cho nên gọi là tuệ tâm, nhờ năng trí tuệ, phá các loạn hoặc, an tâm ở lý tánh, nhập vào Tammuội sâu xa, cho nên gọi là Định tâm. Nhờ nhân duyên thiền định cùng giúp Chánh tuệ được vững chắc, vừa nuôi lớn gốc lành Đại từ, gọi là Tâm Bất Thối. Tâm lực tiến mạnh, hiểu khắp các pháp, đều nhập vào vô sinh. Khi ấy có làm gì đều hướng về Bồ đề, trang nghiêm muôn hạnh, thí khắp chúng sinh, gọi là Hồi hướng tâm.

Khéo léo mở bày, siêng năng nuôi lớn. Không để cho các lỗi lầm nhập vào làm tổn hại gốc lành, gọi là Hộ tâm. Đã khéo ngăn chặn được điều sai quấy bên trong, lại nghiêm phòng điều xấu bên ngoài. Vì phòng ngừa điều xấu ác, cho nên tu hai thứ giới, đó là Tánh trọng, ngăn dứt sự chê bai của người đời, điều nhỏ nhặt cũng không phạm, gọi là giới tâm. bên trong đã phòng ngừa được các lậu, bên ngoài dùng giới tự trang nghiêm. Khi ấy tâm không còn bị che đậy, trí tuệ của tập lý vượt lên trở thành sáng tỏ. Khi đã hiểu rõ Lý vô sinh quán thì thật chẳng thấy có chúng sinh để độ, phiền não để dứt bỏ pháp môn để nhập, Phật đạo để thành. Khi ấy Bồ-tát e mất đại bi, rơi vào Nhị Thừa Địa, bèn nghĩ rằng: Đối với các pháp không, thì lẽ ra là không có chúng sinh và quả Phật, nhưng đối với pháp thế tục chẳng phải là không có chúng sinh cho đến Phật đạo, mà tất cả chúng sinh vì chẳng biết không, cho nên trôi lăn trong năm đường, ấy thật đáng thương. Ta phải vì chúng sinh luống dối ấy, khởi thệ nguyện rộng lớn, tăng tâm Bồ đề, phát lời nguyện rằng: nguyện khi được Vô Sinh Nhẫn, biết chúng sinh không và bất không, cho đến Bồ đề Phật đạo cũng giống như vậy. Vì biết không, cho nên phát thệ nguyện rộng lớn mà thành tựu, trụ trong địa ấy, vì biết được không cho nên vượt quá phàm phu Địa, bởi biết bất không cho nên vượt quá Thanh văn Địa, nếu chẳng trú không, chẳng trú bất không, gọi là Trung đạo. Bởi thực hành Trung đạo chân chính nguyện, cho nên gọi là Nguyện tâm.

Bồ tát trụ 10 tâm ấy gọi là Thiết Luân Vị, gọi là Ngoại Phàm, người ấy có đủ phiền não, biết được Tạng bí mật của Như Lai, được trí tuệ Trung Đạo Tương tự, Trụ tự tính thiền, bởi khéo tu 10 thứ tâm như vậy, cho nên tâm được phát mở, hoát nhiên ý giải, thấy Như Lai tạng, ngộ tất cả pháp, đạt được Vô Sinh Nhẫn, khi ấy mới bắt đầu nhập được Phát tâm trụ, an trú trong giai vị này liền nhập Nội Phàm, gọi là Đồng Luân Vị, cũng gọi là Văn tuệ Cụ túc, còn gọi là Nhập chủng tính, cũng gọi là Phục Nhẫn. Cũng gọi là Thập Nguyện, còn gọi là Phát Thú, còn gọi là Đạo tuệ, còn gọi là Bất Sinh

Sinh, còn gọi là Khai Phật Tri Kiến, vô lượng tên gọi khác nhau như vậy. Sở dĩ đầu tiên gọi là Phát Tâm trụ. Vì hành nhân mới bắt đầu phát tâm về sau tuy có Đại Từ Đại Bi, thiền định trí tuệ, vô lượng công đức, nhưng chưa đắc được thật tướng Bátnhã, chỉ gọi là phát tâm, chưa gọi là trụ. Nhờ bắt đầu ở vị đó mới tương ưng với Lý, mới được gọi là Trụ. Kinh Anh Lạc chép: "Nhập Lý Bát-nhã gọi là Trụ". Lại nói rằng: "Phát Tâm Trụ là: phát nghĩa là khai phát, Trụ là nơi được an nghỉ. Là bắt đầu khai phát được lý của Như Lai tạng, đắc được nơi vô sinh an chỉ, có đủ hai ý nghĩa đó cũng gọi là Phát Tâm Trụ". Lại nữa, Bồ-tát trụ trong vị ấy, đủ tất cả Thiền và Nạn thiền, vì sao? Vì tất cả Thiền có ba loại:

1- Lạc pháp lạc trụ thiền:

Sơ vị có khả năng dứt bỏ tất cả phiền não của ba cõi, hết hẳn phiền não, không còn có phiền não dư sót, cho nên không có sự ái ưa đắm dính mắc các pháp, tất cả các thiền định không sinh ra ái kiến, vô vi tự tại.

2- Xuất sinh Tam-muội thiền:

Nhập vào sơ trụ vị, có công năng sinh ra vô lượng các Tam-muội của 10 Lực chủng tánh.

3- Lợi ích chúng sinh thiền:

Nhập trong giai vị này, được gặp các Đức Phật ba đời trong mười phương, có Đại tổng trì, biện tài vô ngại, vì lạm lợi cho chúng sinh, hoặc được sáu thần thông, đồng sự độ thoát.

Đó gọi là sơ trụ, đủ ba loại nhất thiết nghĩa thiền, khi đắc Nan thiền, cũng có ba loại:

1. Nhập vào giai vị đó, khi bỏ thân này, tuy không có kết nghiệp sinh tử, nhưng có thể khởi pháp tính sinh thân, hiện khắp các loại thân thuộc phạm trù 25 hữu.

2. Nhập vào giai vị đó, chắc chắn vượt qua các sở chứng của ba thừa, tất cả pháp môn.

3. Khi nhập giai vị đó, trong từng niệm, có tất cả công đức gì đều hướng về Bồ đề. Kinh Anh Lạc chép: "Bồ-tát Tam Hiền, tự nhiên lưu nhập vào biển lớn Diệu Giác".

Đó gọi là đầy đủ ba loại nan thiền trong sơ phát tâm trụ.

Bồ-tát có đủ Tự tính thiền. Nhất thiết nghĩa thiền là bậc hiền chân Sơ Trụ nhập Lý. gọi là "Ở trong Thánh thai, được vô sinh nhẫn" cũng biết tất cả pháp môn Thượng Địa, trong một tâm có đủ muôn hạnh vô lượng công đức không bao giờ cùng tận 9 trụ và Thập hạnh, Thập kim cương, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác là cảnh giới của chư Phật, là Sở Tri của các Bồ-tát. Thức phàm phu của chúng ta không thể đo lường được.

Trên đây là nói lược về tu hành cảnh giới đầu tiên của Tam-muội Giác ý. Hành giả nên khéo giữ lấy ý nghĩa trong đó, siêng năng thực hành.

Thích ma ha Bát-nhã Ba-la-mật kinh giác ý Tam-muội.

(Hết).


[Đầu trang][Mục lục bộ Chư Tông][Mục lục tổng quát]