TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠP TẠNG

BỘ CHƯ TÔNG

SỐ 1926 - NGHĨA AN LẠC HẠNH TRONG KINH PHÁP HOA

Thiền sư Tư Đại ở núi Nam Nhạc Đời Trần, giảng


Kinh Pháp Hoa là pháp môn Đại thừa đốn giác, không thầy tự ngộ, chóng thành Phật đạo, tất cả thế gian khó tin. Tất cả Bồ-tát mới học, muốn cầu Đại thừa, vượt qua tất cả các Bồ-tát, chóng thành Phật đạo thì phải trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, siêng tu thiền định, chuyên tâm siêng học Tam-muội Pháp Hoa, quán tưởng tất cả chúng sinh đều như Phật, chắp tay lễ bái như kính Thế Tôn, cũng quán tưởng tất cả chúng sinh đều như Đại Bồ-tát, thiện tri thức. Người mạnh mẽ tinh tấn cầu Phật đạo, như hạnh khó, hạnh khổ của Bồ-tát Dược Vương ở trong pháp của Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức đời quá khứ tên là Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến, nghe kinh Pháp Hoa tinh tấn cầu thành Phật, trong một đời được thần thông của Phật; cũng như vua Diệu Trang Nghiêm ở quá khứ, bỏ địa vị vua, giao cho người em. Vua và các quan, phu nhân, Thái tử, quyến thuộc trong ngoại, xuất gia trong pháp của Phật Vân Lôi Âm Vương, tụng kinh Pháp Hoa chuyên cầu Phật đạo, qua tám muôn bốn ngàn năm, một đời đầy đủ các thần thông của Phật, được thọ ký thành Phật. Bấy giờ, người dân tuổi thọ rất dài đến tám mươi chín ngàn tuổi, so với Diêm-phùđề ngày nay tám mươi năm, bốn trăm ngày, với ba thiên hạ tám mươi bốn năm thì người thời nay tuổi thọ ngắn ngủi. Đời ác kiếp trược nhiều khổ ép ngặt, thế nên ở đây cầu đạo dễ được.

Quán tưởng tất cả chúng sinh đều như Phật, như trong phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh nói, siêng tu thiền định như phần đầu phẩm An Lạc Hạnh nói. Vì sao? Tất cả chúng sinh đầy đủ không khác Pháp thân tạng, với Phật. Như trong kinh Phật Tạng nói. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, vắng lặng trong sạch, chúng sinh chỉ vì loạn tâm bị hoặc chướng, sáu căn tối tăm nên Pháp thân chẳng hiện. Như mặt gương bụi dơ, hình ảnh không hiện, cho nên người tu hành siêng tu thiền định, làm sạch các dơ hoặc chướng thì Pháp thân hiển hiện. Cho nên kinh nói: Pháp sư mắt thường do cha mẹ sinh được trong sạch, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng giống như thế. Nếu lúc ngồi thiền chẳng thấy các pháp thường hay vô thường, như trong An Lạc Hạnh nói. Bồ-tát quán tất cả pháp không có thường trụ, cũng không khởi diệt, đó là chỗ gần gũi của người trí.

Muốn cầu đạo vô thượng
Tu học kinh Pháp Hoa
Thân tâm chứng cam lộ
Môn Diệu pháp thanh tịnh
Trì giới, hành nhẫn nhục
Tu tập các thiền định
Được Tam-muội các
Phật Sáu căn tánh thanh tịnh
Bồ-tát học Pháp Hoa
Đầy đủ hai thứ hạnh
Một là hạnh vô tướng
Hai là hạnh hữu tướng
Vô tướng bốn an lạc
Thiền định rất sâu mầu,
Quán sát sáu tình căn
Các pháp xưa nay tịnh
Chúng sinh tánh không dơ
Không gốc cũng không sạch
Chẳng tu hạnh đối trị
Tự nhiên vượt các Thánh
Không thầy tự nhiên giác
Chẳng do thứ lớp hành
Hiểu đồng với chư Phật
Diệu giác tánh vắng lặng
Thượng diệu sáu thần thông
Hạnh an lạc thanh tịnh,
Chẳng đi đường Nhị thừa
Hành tám chánh Đại thừa
Bồ-tát đại Từ bi
Đầy đủ hạnh Nhất thừa
Như Lai tạng sâu xa
Rốt ráo không già yếu
Gọi là Ma-ha-diễn
Tám Chánh đạo Như Lai
Chúng sinh không năm dục
Cũng không dứt phiền não
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Là Đại Ma-ha-diễn
Chúng sinh hành theo giáo
Tự nhiên thành Phật đạo
Thế nào gọi Nhất thừa?
Là tất cả chúng sinh
Đều nhờ Như Lai tạng
Rốt ráo hằng an vui.

Cũng như trong Niết-bàn Sư Tử Hống hỏi Phật Thế Tôn nghĩa thật tánh là một, chẳng phải một Phật đáp Sư Tử Hống:

Cũng một, cũng chẳng một
Chẳng một không chẳng một,
Thế nào gọi là Một?
Là tất cả chúng sinh
Thảy đều là Nhất thừa
Thế nào chẳng phải một?
Chẳng phải là số pháp
Thế nào không chẳng một?
Số cùng với phi số
Thảy đều chẳng Đó là
nghĩa chúng sinh.

Hỏi: Thế nào gọi là kinh Diệu Pháp Liên Hoa? Thế nào gọi là nghĩa Nhất thừa? Thế nào lại gọi là Như Lai tàng? Thế nào gọi là Ma-ha-diễn? Thế nào gọi là Đại Ma-ha-diễn? Như kinh Đại Phẩm nói Ma-ha dịch là Đại, Diễn dịch là Thừa, cũng dịch là Đáo bỉ ngạn. Vì sao lại có Đại Ma-ha-diễn? Vì sao lại có nghĩa chúng sinh?

Đáp: Diệu là diệu của chúng sinh, pháp là pháp của chúng sinh. Liên Hoa là lời mượn để dụ. Ví như hoa trên đất, dưới nước ở thế gian, mỗi thứ có hoa dại hư lép không quả, cái có quả rất ít. Nếu là hoa sen thì không phải như thế. Tất cả hoa sen đều không có hoa hư lép, có hoa là có quả. Hoa khác kết trái hiển lộ dễ biết, hoa sen kết hạt ẩn hiển khó thấy. Hoa hư lép dụ cho các ngoại đạo, hoa khác kết trái hiển lộ dễ thấy tức là Nhị thừa. Cũng là Bồtát độn căn, thứ lớp hành đạo, hơn kém khác nhau. Dứt bỏ tập khí phiền não cũng gọi là hiển lộ dễ biết. Bồ-tát Pháp Hoa thì chẳng như thế, chẳng tạo hạnh thứ lớp, cũng chẳng dứt bỏ phiền não. Nếu chứng kinh Pháp Hoa rốt ráo thành Phật đạo. Nếu tu hạnh Pháp Hoa, không đi đường Nhị thừa.

Hỏi: Hoa khác, một hoa thành một quả. Hoa sen một hoa thành nhiều quả. Một hoa một quả há chẳng phải Nhất thừa? Một hoa thành nhiều quả há chẳng phải thứ lớp hay sao?

Đáp: Các hoa trên cạn, dưới nước, một hoa thành một quả rất ít, loại rơi rụng không thành rất nhiều. Hoa dại không có quả để nói, một hoa thành một quả là phát tâm Thanh văn thì có quả Thanh văn; phát tâm Duyên giác thì có quả Duyên giác, chẳng được gọi là quả Bồ-tát, Phật. Lại nữa, Bồ-tát độn căn tu hạnh đối trị, thứ lớp vào đạo, lên một địa đầu tiên. Lúc ấy không được gọi là Pháp vân địa. Mỗi địa tu chứng riêng, không phải cùng lúc. Cho nên không gọi là một hoa thành nhiều quả. Bồtát Pháp Hoa thì không phải như thế. Một tâm một học, các quả khắp đủ, một lúc đầy đủ chẳng phải thứ lớp nhập, cũng như hoa sen một hoa thành nhiều quả, một lúc đầy đủ, đó gọi là nghĩa Nhất thừa chúng sinh. Cho nên kinh Niết Bàn chép: Hoặc có Bồ-tát khéo biết từ một địa đến một địa. Kinh Tư Ích chép: Hoặc có Bồ-tát không từ một địa đến một địa. Người từ một địa đến một địa là Nhị thừa Thanh văn và Bồ-tát độn căn, trong đạo phương tiện thứ lớp tu học. Người không từ một địa đến một địa là Bồ-tát lợi căn, chính bỏ ngay phương tiện không tu hạnh thứ lớp. Nếu chứng Tam-muội Pháp Hoa, thì các quả đều đầy đủ.

Hỏi: Thế nào gọi là Diệu của chúng sinh? Thế nào gọi là pháp của chúng sinh?

Đáp: Diệu của chúng sinh là sáu tướng kỳ diệu của tất cả thân người, sáu vua tự tại tánh thanh tịnh. "Sáu tướng" tức là sáu căn. Có người cầu đạo, thọ trì Pháp Hoa, đọc tụng tu hành. Quán pháp tánh không, biết tánh của mười tám giới không thật có, được thiền định sâu, đầy đủ bốn hạnh an lạc mầu nhiệm, được sáu thần thông, mắt thường do cha mẹ sinh ra được thanh tịnh. Lúc được mắt này khéo biết tất cả cảnh giới Phật, cũng biết tất cả nghiệp duyên sắc tâm quả báo của tất cả chúng sinh, sinh tử ra vào, lên xuống, tốt xấu, một niệm đều biết. Đối với nhãn thông được đầy đủ mười lực, mười tám pháp cộng, ba minh, tám giải thoát. Tất cả thần thông đều một lúc đầy đủ trong nhãn thông. Đây há không phải là sự mầu nhiệm của mắt chúng sinh hay sao? Cái diệu của mắt chúng sinh tức là mắt Phật. Vì sao gọi là chủng? Chủng có hai. Một là phàm chủng, hai là Thánh chủng. Phàm chủng là không thể giác liễu, vì mắt thấy sắc sinh tâm tham ái. Ái tức vô minh là ái. Gây ra nghiệp gọi là Hành, theo nghiệp thọ báo các nẻo Trời người, đi khắp sáu đường, nên gọi là Hành. Tương tục không dứt gọi là chủng. Đó là phàm chủng. Thánh chủng là vì thiện tri thức khéo có thể giác liễu. Lúc mắt thấy sắc thì nghĩ rằng: Nay thấy sắc là ai thấy? Nhãn căn thấy? Hay nhãn thức thấy? Hay hư không ánh sáng thấy? Hay là sắc tự thấy ý thức đối? Nếu ý thức đối thì mù lẽ ra phải thấy sắc. Nếu sắc tự thấy cũng giống như thế. Nếu hư không, ánh sáng thấy thì hư không ánh sáng không có tâm, cũng không biết xúc chạm không thể thấy sắc. Nếu nhãn thức có thể thấy thì thức không tự thể mượn nhờ các duyên, các duyên tánh không, không có hợp tan.

Quán kỹ từng thứ, tìm mắt chẳng thật có, cũng không có tên gọi. Nếu mắt thấy được thì người mù lẽ ra cũng phải thấy sắc. Vì sao? Vì căn chẳng hoại. Lúc quán như thế, không mắt, không sắc, cũng không có người thấy, lại không có chẳng thấy, các thân nam nữ v.v.... vốn từ một niệm vô minh không rõ tâm vọng niệm, sinh tâm vọng niệm này giống như hư không, thân như mộng, như bóng, như sóng nắng, như huyễn hóa. Cũng như hoa đốm trong hư không nắm bắt không thể được, không đoạn, không thường. Lúc mắt đối sắc thì không tham ái. Vì sao? Vì hư không chẳng thể tham ái, hư không không dứt vô minh, không sinh ra minh. Khi ấy, phiền não tức Bồ-đề, vô minh duyên hành tức là Niếtbàn, cho đến già chết cũng giống như thế. Nếu Pháp vô sinh thì không già chết. Không dính mắc các pháp nên gọi là Thánh chủng. Phàm chủng, Thánh chủng chẳng phải một chẳng phải hai, minh và vô minh cũng giống như thế, nên gọi là tướng diệu của nhãn chủng. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như thế.

"Sáu vua tự tại, tánh thanh tịnh": Một là vua mắt, do mắt thấy sắc sinh tâm tham ái, ái tức là vô minh. Tất cả phiền não đều thuộc về tham ái. Ái vô minh này không người mà có khả năng chế phục, tự tại như vua. Tánh thanh tịnh là như trong nghĩa quán mắt ở trên nói, dùng tuệ Kim Cương biết rõ tâm ái tức là không vô minh, không già chết. Tuệ Kim Cương này mạnh nó rất lớn gọi là định Thủlăng-nghiêm, ví như vị tướng có sức mạnh nhiếp phục được kẻ thù, giúp cho thế giới bốn phương thanh tịnh. Trí tuệ Kim Cương này cũng giống như thế, quán sát tham ái vô minh các hành tức là Bồđề Niết-bàn Thánh hạnh. Vô minh tham ái tức là trí tuệ Kim Cương Bồ-đề. Vua mắt tự tại tánh vốn thường thanh tịnh không gì có thể làm ô nhiễm. Cho nên Phật nói: Mắt thường do cha mẹ sinh được thanh tịnh, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như thế. Cho nên kinh Bát-nhã nói sáu vua tự tại tánh thanh tịnh. Bồ-tát Long Thọ nói: Nên biết sáu tướng mầu nhiệm của thân người. Thân người tức là thân chúng sinh. Thân chúng sinh tức là thân Như Lai. Thân chúng sinh đồng một Pháp thân không biến đổi. Cho nên trong Hoan Hỷ địa của kinh Hoa Nghiêm nói: Tánh này xưa nay vắng lặng không sinh diệt, xưa nay rỗng không, không hề có các phiền não. Biết rõ các pháp như thế, vượt lên thành Phật đạo. Nếu phàm phu biết pháp thật của các Ấm này, như trong kinh Niết Bàn, Ca-diếp hỏi Phật: Cái gọi là Chữ, nghĩa này thế nào? Phật bảo Ca-diếp: Có mười bốn âm gọi là nghĩa chữ. Cái gọi là "chữ" gọi là Bồ-đề, vì thường nên không trôi chảy, nếu không trôi chảy tức là vô tận, hễ là vô tận tức là thân Kim Cương của Như Lai.

Hỏi: Vì sao gọi là "thường" nên không trôi chảy?

Đáp: Mắt thường nên gọi là "không trôi chảy", thế nào là Thường?

Vì vô sinh cho nên Thường.

Hỏi: Thế nào là vô sinh?

Đáp: Mắt không sinh. Vì sao? Vì lúc mắt thấy sắc và quán nguồn gốc của mắt, tìm mắt chẳng thật có, tức không tình thức cũng không có sắc. Nhãn giới không, tức vô đoạn-thường, cũng chẳng phải trung đạo, nhãn giới tức là pháp giới của chư Phật, giác biết mắt này không khởi đầu, cũng không chỗ đến, cũng không có vô thì, giống như hư không chẳng thuộc ba đời. Như trong kinh Bát-nhã, Bồtát Đàm-vô-kiệt nói với Tát-đà-ba-luân rằng: Này người thiện nam, pháp Không chẳng đến chẳng đi. Pháp Không tức là Phật. Pháp Vô sinh không đến không đi, pháp Vô sinh tức là Phật. Pháp Vô diệt không đến không đi, pháp Vô diệt tức là Phật. Cho nên phải biết nhãn giới là không, không tức là thường, vì mắt là không cho nên thường. Mắt tức là mắt Phật không tham ái. Ái là trôi chảy, trôi chảy tức là sinh mắt. Không tham ái thì không lưu động. Nếu không lưu động thì không có sinh mắt. Vì không sinh nên không đến không đi. Không sinh tức là mắt Phật. Đã không sinh thì không có diệt, diệt gọi là tận, mắt đã không diệt nên biết không tận. Mắt đã chẳng phải tận, không đến không đi cũng không có chỗ trụ. Mắt không tận tức là Phật. Bồ-tát dùng trí tuệ Kim Cương này biết các pháp như, không sinh không tận. Các pháp như mắt v.v.... như tức là Phật nên gọi là Như Lai. Thân Kim Cương biết các pháp như nên gọi là Như Lai. Chẳng riêng Như Lai thân mầu vàng, được trí như thật nên gọi Như Lai. Được nhãn sắc như thật trí; nhĩ-thanh, tỉ-hương, thiệt-vị, thân-xúc, ý-pháp như thật trí nên gọi là Như Lai. Thân Kim Cương như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà nói. Như là Vô sinh, lai là Vô diệt, Phật là Như Lai, không còn đi nữa, đi đường như thật nên gọi Như Lai.

Hỏi: Phật ở trong kinh nào nói các pháp như mắt v.v.... như gọi là Như Lai?

Đáp: Trong kinh Đại Cường Tinh Tấn, Phật hỏi Ương-quật-ma-la: Thế nào gọi là một học? Ươngquật-ma-la đáp lời Phật: một học gọi là Nhất thừa. Thừa là nghĩa năng độ, cũng gọi là vận tải. Ươngquật-ma-la đáp lời Phật mười loại, một đáp có hai loại, đủ hai mươi đáp. Nay hãy nói lược về Ươngquật-ma-la, trong câu đáp thứ năm cho đến câu đáp thứ sáu. Vì trong hai chỗ bốn loại đáp này nói chung mắt v.v.... là nghĩa Như Lai.

Thế nào gọi là năm? Cái gọi là năm căn kia là Thanh văn thừa, không phải nghĩa Như Lai. Thế nào là nghĩa Như Lai? Cái gọi là nhãn căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng thấy đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là nhĩ căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng nghe đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là tỉ căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng ngửi đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là thiệt căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng nếm đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là thân căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng xúc chạm đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là ý căn kia ở các Như Lai thường quyết định, rõ ràng biết đầy đủ không thêm bớt.

Thế nào gọi là sáu? Cái gọi là sáu nhập xứ thì là Thanh văn thừa, không phải nghĩa Như Lai. Cái gọi là nhãn nhập xứ, ở các Như Lai thường thấy rõ, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là nhĩ nhập xứ, ở các Như Lai thường nghe rõ, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là tỉ nhập xứ, ở các Như Lai thường ngửi rõ, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là thiệt nhập xứ, ở các Như Lai thường nếm rõ, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là thân nhập xứ, ở các Như Lai thường xúc chạm rõ, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cái gọi là ý nhập xứ, ở các Như Lai thường quyết định, biết rõ ràng, niềm tin thanh tịnh, đến cửa vào đầy đủ không thêm bớt. Cho nên các Bồ-tát mới học, vừa phát tâm phải khéo quán cội nguồn của mắt, rốt ráo không sinh diệt. Tánh của tai, mũi, lưỡi, thân, ý từ xưa nay không đoạn cũng chẳng thường, lặng lẽ không sinh diệt, tánh sắc là không, là giả, không biến mất cũng không hiện ra, tánh thanh tịnh bình đẳng, chân thật. Như rốt ráo không sinh diệt. Thanh, hương, vị, xúc, pháp từ xưa đến nay là không, chẳng sáng cũng chẳng tối, vắng lặng vô sinh diệt. Căn trần đã vắng lặng, sáu thức tức vô sinh. Ba thứ sáu tánh như như, mười tám giới không có tên gọi, chúng sinh và Như Lai cùng chung một Pháp thân thanh tịnh nhiệm mầu không gì hơn, gọi là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Cho nên trong Đại Tập, Phật bảo vua Tịnh Thanh: Ông tên là Tịnh Thanh, nên làm sạch cõi nước của chính ông. Cõi của mình nhãn giới là không tức trì giới thanh tịnh. Nhãn giới vắng lặng tức là đất Phật thanh tịnh. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý tánh rốt ráo vắng lặng. Đó gọi là nghĩa Các Đức Như Lai tu tập Tịnh độ.

Hỏi: Thế nào gọi là hạnh an lạc? Thế nào gọi là bốn an lạc? Thế nào gọi là hai hạnh: Một là hạnh vô tướng, hai là hạnh hữu tướng?

Đáp: Trong tất cả pháp, tâm không động nên nói là an, đối với tất cả pháp không thọ Ấm nên là lạc. Tự lợi lợi tha nên gọi là hạnh. Lại nữa, bốn hạnh an lạc: Thứ nhất gọi là hạnh an lạc chánh tuệ lìa chấp trước, thứ hai gọi là hạnh an lạc không khen chê vội vàng, còn gọi là hạnh an lạc chuyển các Thanh văn giúp cho được trí Phật. Thứ ba gọi là hạnh an lạc không phiền não, bình đẳng, cũng gọi là hạnh an lạc kính thiện tri thức. Thứ tư gọi là hạnh an lạc Từ bi dắt dẫn, cũng gọi là hạnh an lạc trong mộng thành tựu đầy đủ thần thông, trí tuệ, Phật đạo, Niết-bàn.

Lại nữa, hai thứ hạnh. Vì sao gọi là hạnh vô tướng? Hạnh vô tướng tức là hạnh an lạc. Trong tất cả pháp tâm tướng vắng lặng rốt ráo chẳng sinh, nên gọi là hạnh vô tướng. Thường ở trong tất cả thiền định sâu mầu, đi đứng nằm ngồi, ăn uống nói năng, tất cả oai nghi tâm thường định. Các thiền định khác ba cõi thứ lớp, từ Dục giới địa, Vị đáo địa, Sơ thiền địa, Nhị thiền địa, Tam thiền địa, Tứ thiền địa, Không xứ địa, Thức xứ địa, Vô sở hữu xứ địa, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ địa. Thứ lớp như thế có mười một địa khác nhau không đồng. Pháp hữu pháp vô, hai đạo là khác, là Thánh hạnh tạp tâm, thuộc A-tỳ-đàm. Thiền định sâu mầu trong hạnh an lạc thì không phải như thế. Vì sao? Không y chỉ cõi Dục, không trụ Sắc, Vô sắc, thực hành thiền định như thế là Bồ-tát hành khắp, rốt ráo không có tâm tưởng nên gọi là hạnh Vô tướng.

Lại nữa, hạnh hữu tưởng. Đây là trong phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát, tụng kinh Pháp Hoa tán tâm tinh tấn, những người như thế không tu thiền định, không nhập Tam-muội, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, nhất tâm chuyên niệm văn tự Pháp Hoa, tinh tấn chẳng nằm như cứu lửa cháy đầu. Đó gọi là hạnh văn tự hữu tướng. Hành giả này không đoái hoài thân mạng, nếu hạnh thành tựu liền thấy Phổ Hiền với sắc thân kim cương cưỡi voi đầu đàn sáu ngà đứng trước người ấy, dí chày kim cương vào mắt hành giả, tội chướng tiêu diệt, nhãn căn thanh tịnh được thấy Phật Thích-ca và bảy Đức Phật, lại thấy chư Phật ba đời mười phương, hết lòng sám hối. Ở trước Phật năm vóc gieo sát đất, đứng lên chắp tay được ba môn Đà-la-ni. Một là Tổng Trì Đà-la-ni, nhục nhãn thiên nhãn Bồ-tát đạo tuệ. Hai là Trăm ngàn muôn Ức Triền Đà-lani đầy đủ Bồ-tát đạo chủng, pháp nhãn và tuệ nhãn thanh tịnh. Ba là Pháp Âm Phương Tiện Đà-la-ni, đầy đủ tất cả hạt giống Bồ-tát, tuệ nhãn và Phật nhãn thanh tịnh. Lúc ấy, liền được đầy đủ tất cả Phật pháp ba đời. Hoặc một đời tu hành được đầy đủ, hoặc hai đời được, trễ lắm là ba đời liền được. Nếu đoái hoài thân mạng, tham bốn vật cúng dường, chẳng thể siêng tu, suốt kiếp chẳng được, cho nên gọi là hữu tướng.

Hỏi: Thế nào gọi là đối với tất cả pháp tâm không động là an. Đối với tất cả pháp không thọ Ấm là lạc, tự lợi lợi tha là hạnh?

Đáp: Tất cả pháp, cái gọi là ba độc, bốn đại, năm Ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, đó gọi là tất cả pháp.

Bồ-tát đối với tất cả pháp này dùng ba nhẫn tuệ. Một là chúng sinh nhẫn, hai là pháp tánh nhẫn, ba là pháp giới hải thần thông nhẫn.

Chúng sinh nhẫn gọi là Sinh nhẫn, pháp tánh nhẫn gọi là Pháp nhẫn, pháp giới hải thần thông nhẫn gọi là Đại nhẫn. Hai thứ nhẫn trước gọi là Nhẫn phá vô minh phiền não, cũng gọi là nhẫn Thánh hạnh. Chỗ thực hành của bậc Thánh nên gọi là Thánh hạnh. Phàm phu thức hành được liền nhập địa vị Thánh. Đó là Thánh hạnh. Đại nhẫn, là đầy đủ năm thông và thông thứ sáu, đầy đủ bốn Như ý túc. Đối diện với chư Phật mười phương và các Thiên vương, đối diện nói chuyện, một niệm có thể giác tất cả phàm Thánh nên gọi là Đại nhẫn. Đối với thần thông tâm bất động, Thánh đạo đầy đủ gọi là Thánh nhẫn. Ba nhẫn tức là hạnh an lạc chánh tuệ lìa chấp trước.

Hỏi: Thế nào gọi là Sinh nhẫn, lại gọi là Chúng sinh nhẫn? Tại sao gọi là bất động nhẫn, lại gọi đó là an?

Đáp: Sinh nhẫn gọi là nhân, Chúng sinh nhẫn gọi là quả. Nhân là nhân chúng sinh, quả là quả chúng sinh. Nhân là vô minh, quả là thân hành. Chính tuệ quán ở nhân phá vô minh, dứt tất cả phiền não. Tất cả pháp rốt ráo không hòa hợp, cũng không tướng nhóm họp, cũng không thấy ly tan. Bồ-tát này biết tuệ tập Thánh đế mầu nhiệm, đó gọi là Sinh nhẫn. Nếu không hòa hợp, không động, không trôi chảy thì không có sinh. Chúng sinh nhẫn gọi là các thọ thân hành. Thọ là khổ, thọ có ba: thọ khổ, thọ vui, thọ bất khổ bất lạc. Vì sao? Lúc bị đánh mắng quán khổ thọ. Đánh là thân khổ, mắng là tâm khổ. Ăn uống, áo quần trơn mịn cúng dường gọi là thân lạc, và các thứ vuốt chạm cũng gọi là thân lạc, đề cao khen ngợi gọi là tâm lạc. Cuối cùng được bố thí tốt, mắt thấy chưa thọ nhận và đã thọ rồi cũng gọi là tâm lạc. Quán vô minh thọ này và khổ vui. Lúc thọ khổ, khởi nhẫn nhục Từ bi, không sinh tâm sân. Lúc thọ vui, quán tâm lìa thọ, không tham đắm. Lúc thọ không khổ không vui, xa lìa xả tâm không sinh vô minh. Tất cả các thọ rốt ráo vắng lặng, không sinh diệt. Nên ba thọ này từ một niệm vọng tâm sinh. Bồ-tát quán sự cúng dường, đánh mắng, khen ngợi, hủy báng này, người cho và người nhận như mộng, như huyễn hóa, ai đánh, ai mắng, ai nhận, ai vui, ai sân. Người cho, người nhận đều là vọng niệm. Quán vọng niệm này, rốt ráo vô tâm, vô nhân, vô ngã. Trong sắc thân nam nữ, oán thân, sáu phần như đầu người, v.v... như bóng, như hư không, chẳng thật có, gọi là bất động. Như trong Tam-muội Tùy Tự Ý chép: Bồ-tát tự ở trong mười tám giới, tâm không sinh diệt, cũng dạy chúng sinh không sinh diệt. Bắt đầu từ sinh tử, cuối cùng đến Bồ-đề. Tất cả pháp tánh rốt ráo bất động. Chỗ nói nhãn tánh, sắc tánh, thức tánh. Tánh tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cho đến tánh thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nhĩ thức nhân duyên sinh các thọ tánh, các thứ Tỷ-thiệtthân-ý, nhân duyên sinh các thọ tánh, không tự không tha, rốt ráo không, gọi là bất động. Tự giác giác tha gọi là an, tự dứt ba thọ sinh, rốt ráo vắng lặng không có ba thọ, các thọ rốt ráo vô sinh gọi là lạc. Trong tất cả pháp tâm không chỗ hành, cũng dạy chúng sinh đối với tất cả pháp tâm không chỗ hành. Tu thiền không dứt, cùng trì Pháp Hoa nên gọi là hành. Như trong Ương-quật-ma-la Nhãn Căn Nhập Nghĩa nói, cũng như trong Phật Tánh Như Lai tàng ở kinh Niết Bàn nói. Nghĩa An lạc hạnh rất nhiều chẳng phải một. Nay lại nói sơ lược. Tất cả phàm phu trong Ấm giới nhập, vô minh tham ái khởi thọ, nhớ nghĩ đắm trước, thuần tội khổ hành, không thể tự an, sinh tử chẳng dứt, cho nên không vui, gọi là khổ hành. Tất cả Nhị thừa, các vị Thanh văn đối với Ấm, giới, nhập có thể quán đối trị. Pháp quán bất tịnh có thể dứt tham dâm. Pháp quán Từ bi có thể dứt tức giận. Pháp quán nhân duyên có có công năng dứt trừ ngu si. Tên khác gọi là bốn Niệm xứ. Bốn Niệm xứ này có ba mươi bảy tên gọi khác gọi là Đạo phẩm. Quán thân bất tịnh và rõ biết thân bất tịnh này là vô minh căn bản, là không, chẳng chỗ sinh. Pháp quán bất tịnh có công năng phá bỏ thân kiến yêu ghét của nam nữ, và người trung gian trở về vắng lặng. Đó gọi là phá phiền não ma. Pháp quán mười tám giới ba thọ, ngoài khổ thọ Ấm, trong khổ thọ Ấm, biết khổ thọ Ấm này, chỗ hành của thân tâm, chỗ thọ nhớ nghĩ mê đắm tất cả đều khổ, xả bỏ không dính mắc. Trong lạc thọ, ngoại lạc thọ, trong ngoài lạc thọ. Quán lạc thọ này vì tâm tham đắm nên sẽ gây ra nhân khổ, bỏ đi không thọ. Biết lạc thọ tất cả đều không. Hai quán khổ vui có công năng phá bỏ thế đế, tâm trụ chân đế. Ban đầu xả khổ vui, liền được chẳng khổ, chẳng vui. Do tham đắm nên lại là vô minh. Rồi lại quán thọ chẳng khổ chẳng vui này, không chỗ nương tựa, vô thường biến hoại. Vì sao? Vì bỏ khổ vui, được không khổ vui, hai quán khổ, vui đã không chỗ sinh cũng không chỗ diệt, rốt ráo vắng lặng thì không khổ không vui từ chỗ nào sinh. Lúc quán như thế, là không, chẳng có chỗ được, cũng không thể bỏ. Đã không thể bỏ cũng lại không được phép không thể bỏ. Nếu không có thế đế thì không có chân đế. Chân giả đều vắng lặng. Lúc đó là phá ma Ấm, nhập, giới. Quán tâm vô thường, sinh diệt chẳng dừng. Quán sát tâm này vốn từ đâu sinh. Lúc quán như thế, không thấy tâm cũng không sinh diệt, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, chẳng trụ Trung đạo. Quán như thế rồi tức là không có ma chết. Trong pháp niệm xứ, quán tất cả pháp, hoặc pháp lành, hoặc pháp chẳng lành, hoặc pháp vô ký, đều như hư không, chẳng thể chọn lựa. Đối với các pháp, rốt ráo tâm chẳng động, cũng không trụ tướng, được Tam-muội bất động, tức không có ma trời. Vì xả ba thọ được giải thoát này, gọi là hạnh khổ vui. Nhân quả đều gọi là Thanh văn, chẳng phải đạo Bồ-tát. Bồ-tát độn căn cũng do quán này mà không lấy không bỏ là khác. Vì sao? Vì ba thọ sắc tâm rốt ráo vô sinh, không có mười tám giới nên không có thọ lấy trong ngoài.

Đã không thọ thì không thể xả. Quán hạnh tuy đồng nhưng không có giữa ba thọ, xảo tuệ phương tiện sẽ đầy đủ, gọi là hạnh An lạc. Trong hạnh an lạc, quán không phải như thế. Bỏ thẳng phương tiện, chỉ nói đạo Vô thượng. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Các Bồ-tát này ở đời ác trước sau này, làm sao nói được kinh này? Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: nếu Đại Bồ-tát ở đời được ác sau nấy muốn nói kinh này, nên an trụ vào bốn pháp. Một là an trụ chỗ thực hành, và chỗ giữ gìn của Bồ-tát thì sẽ vì chúng sinh giảng nói kinh này. Thế nào gọi là chỗ thực hành của Bồ-tát? Nếu Đại Bồ-tát trụ ở đất nhẫn nhục, nhu hòa khéo thuận mà không lăng xăng, tâm cũng không kinh sợ. Lại nữa, đối với pháp không chỗ hành mà quán tướng như thật của các pháp. Cũng không thực hành không phân biệt, đó là chỗ thực hành của Đại Bồtát.

* Thế nào gọi là trụ đất nhẫn nhục? Nói lược có ba thứ nhẫn:

- Chúng sinh nhẫn

- Pháp nhẫn

- Đại nhẫn, cũng gọi là Thần thông nhẫn.

1. Chúng sinh nhẫn. Có ba ý:

a. Ý thứ nhất là Bồ-tát bị người đánh mắng khinh chê hủy nhục. Lúc ấy, nên chịu đựng mà không đáp trả. Nên quán rằng: Vì ta có thân mới bị đánh mắng, ví như có đích thì mới trúng tên, nếu ta không có thân thì ai đánh được. Nay ta nên siêng tu tập quán không, quán không nếu thành thì không có người nào đánh giết tà mạng được. Nếu lúc bị mắng, nên chánh niệm nghĩ rằng: Tiếng mắng này nữa phút lên liền diệt, trước sau khác nhau. Quán sát kỹ lưỡng cũng không sinh diệt, như tiếng vang trong hư không, ai mắng ai nhận? Âm thanh chẳng chạy vào tai, tai không đến nhận tiếng. Quán như thế xong chẳng sân cũng chẳng mừng.

b. Ý thứ hai là Bồ-tát đối với tất cả chúng sinh không đánh mắng, thường dùng lời êm dịu để giúp ý họ, muốn dẫn dắt họ. Với sự đánh mắng, tâm an định chẳng loạn, đó là Chúng sinh nhẫn. Nếu chúng sinh thấy Bồ-tát nhẫn liền phát tâm Bồ-đề. Vì Chúng sinh nên gọi là chúng sinh nhẫn.

c. Ý thứ ba là ở chỗ chúng sinh ngang tàng hung ác, để điều phục khiến họ đổi tâm, nên dùng lời thô chê bai nhục mạ khiến họ xấu hổ phát lành gọi là Chúng sinh nhẫn. Thế nào gọi là Nhục? Điều không thể chịu đựng được thì gọi là Nhục, không còn có pháp nào khác.

Hỏi: Đánh mắng mà không sân, Từ bi dùng lời êm dịu được gọi là Nhẫn. Chỗ chúng sinh ngang tàng ác độc, lúc đó Bồ-tát không thể chịu đựng được, dường như tức giận, đánh tát, nhục mạ để dẹp trừ người ác, khiến họ chịu khổ. Làm sao gọi là nhẫn nhục được?

Đáp: Đánh mắng không đáp trả, đây là cái nhẫn oai nghi bên ngoài của giới thế tục, cùng quán nội không, âm thanh v.v... là không, thân tâm vắng lặng không khởi oán ghét. Đây là Bồ-tát mới học dứt sự chê bai của đời, tu giới-định-tuệ, phương tiện nhẫn nhục, chẳng phải đại Bồ-tát. Vì sao? Vì nếu các Bồ-tát quán chúng sinh có lợi ích thì liền điều phục, vì giữ gìn Đại thừa, giữ gìn chánh pháp, chẳng cứ Từ bi lời nói êm dịu. Trong kinh Niết bàn chép: Ví như ngày xưa, vua nước Tiên Dự hộ trì kinh Phương đẳng, giết chết năm trăm Bà-la-môn, nên bị đọa vào địa ngục A-tỳ phát tâm Bồ-đề. Đây há chẳng phải đại Từ, đại Bi tức là Đại nhẫn? Kinh Niết-Bàn lại nói đức của vua Hữu Đức ủng hộ pháp sư Giác Đức cùng giữ gìn chánh pháp nên giết người tội ác phá giới trong một nước, khiến Pháp sư Giác Đức thực hành được chánh pháp. Sau khi vua băng hà, liền sinh về trước Phật A-súc ở phương Đông, làm đại đệ tử thứ nhất. Binh lính, các quan cũng sinh về trước Phật A-súc làm đệ tử thứ hai, thứ ba. Những người ác phá giới chết đi đều đọa địa ngục A-tỳ. Ở trong địa ngục tự biết tội mình, nên nghĩ rằng: Vì ta não hại Pháp sư Giác Đức, quốc vương giết ta. Mỗi người liền sinh niệm phát tâm Bồ-đề. Từ địa ngục ra, lại sinh chỗ ở Pháp sư Giác Đức và quốc vương Hữu Đức, làm đệ tử cầu đạo vô thượng. Đây là phương tiện nhẫn lớn của Bồ-tát, Bồ-tát nhỏ không thể làm, tại sao lại nói không phải nhẫn nhục? Pháp sư Giác Đức là Phật Ca-diếp, quốc vương Hữu Đức là Phật Thíchca. Bồ-tát hộ pháp cũng nên thực hành như thế. Tại sao chẳng gọi là Đại nhẫn nhục? Nếu có Bồ-tát thực hành nhẫn của thế tục, chẳng trị tội người ác, khiến ho làm ác mãi, làm bại hoại chánh pháp. Bồtát này tức là ác ma, chẳng phải Bồ-tát, cũng chẳng được gọi là Thanh văn. Vì sao? Vì cầu nhẫn của thế tục thì chẳng thể giữ gìn chánh pháp, ngoài tuy dường như nhẫn mà toàn thực hành nghiệp ma. Nếu Bồ-tát tu đại Từ, đại Bi, đầy đủ nhẫn nhục, dựng lập Đại thừa và ủng hộ chúng sinh chẳng được chấp trước nhẫn thế tục. Vì sao? Vì nếu có Bồ-tát giúp đỡ người ác, không chịu trị phạt, khiến họ làm ác mãi, não loạn người lành, bại hoại chánh pháp. Người này thật sự là sai trái, bên ngoài giả vờ như đúng, thường bảo rằng: Ta thực hành nhẫn nhục. Người này chết rồi cùng các người ác đều đọa địa ngục, nên không được gọi là Nhẫn nhục, làm sao gọi là trụ đất nhẫn nhục? Bồ-tát nhẫn nhục sinh ra tất cả công đức Phật đạo. Ví như mặt đất sinh ra và nuôi lớn tất cả môn vật thế gian, nhẫn nhục cũng giống như thế. Bồ-tát tu hành pháp Đại nhẫn nhục, hoặc có lúc tu Từ bi nói lời mềm mỏng, đánh mắng không trả thù, hoặc có lúc lại nói năng thô ác, đánh đập chúng sinh cho đến chết. Hai loại nhẫn này đều vì giữ gìn chánh pháp, điều phục chúng sinh, người mới học chẳng thể làm được, gọi là nhẫn đầy đủ.

2. Pháp nhẫn. Có ba ý:

a. Ý thứ nhất: Tự tu Thánh hạnh, quán tất cả pháp đều vắng lặng, vô sinh vô diệt cũng không đoạn thường, nghĩa là tất cả pháp, quán nhãn căn là không, tai mũi lưỡi thân-ý là không. Nhãn sắc là không, thanh-hương-vị-xúc-pháp đều không. Quán nhãn thức là không, tai, mũi, lưỡi, thân-ý thức là không; vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô tạo tác, vô thọ giả. Quả báo thiện ác như hoa đốm trong hư không. Các đại, Ấm, giới, nhập đều không. Ba lần sáu là mười tám, không danh hiệu, không đầu, không cuối, không ở giữa. Bản tánh xưa nay thường vắng lặng, đối với tất cả pháp tâm không động. Đó là Bồ-tát tu pháp nhẫn.

b. Ý thứ hai: Bồ-tát pháp nhẫn thảy đều đầy đủ, cũng dùng pháp này dạy dỗ chúng sinh quán căn thượng-trung-hạ khác nhau, dùng phương tiện chuyển cho trụ Đại thừa. Thanh văn, Duyên giác cho đến Bồ-tát, ba thứ quán hạnh hợp lại đồng nhất, sắc tâm Thánh hạnh không khác nhau. Nhị thừa, phàm Thánh từ xưa đến nay đồng một Pháp thân, tức là Phật.

c. Ý thứ ba: Đại Bồ-tát dùng trí tự tại quán chúng sinh, phương tiện đồng sự điều phục họ. Hoặc hiện trì giới, thực hành tế hạnh, hoặc hiện phá giới không có oai nghi, vì thệ nguyện chính đầy đủ nên hiện thân trong sáu đường để điều phục chúng sinh. Đó là Bồ-tát thực hành pháp nhẫn phương tiện đầy đủ, giáo hóa chúng sinh.

3. Đại nhẫn gọi là Thần thông nhẫn. Thế nào gọi là Thần thông nhẫn? Bồ-tát lúc mới phát tâm thề độ tất cả chúng sinh trong mười phương, siêng tu pháp độ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đạo phẩm thừa, tất cả trí tuệ, được chứng Niết-bàn, đi sâu vào thật tế, trên chẳng thấy chư Phật, dưới chẳng thấy chúng sinh; liền nghĩ: Ta vốn thề độ tất cả chúng sinh, nay đều chẳng thấy tất cả chúng sinh, sẽ trái với thệ nguyện xưa của ta. Lúc nghĩ như thế, tất cả chư Phật hiện tại trong mười phương liền hiện sắc thân, đồng thành Bồ-tát này rằng: Lành thay! Lành thay! Người thiện nam, nhớ thệ nguyện xưa, chớ bỏ chúng sinh. Chư Phật của chúng ta lúc mới tu học phát thệ nguyện lớn rộng độ chúng sinh, siêng tâm học đạo, đã chứng Niết-bàn, vào sâu thực tế, chẳng thấy chúng sinh, nhớ lại thệ nguyện xưa bèn sinh tâm hối hận, đoái nghĩ chúng sinh. Bấy giơ, liền thấy chư Phật mười phương đồng thanh khen ngợi: Ta cũng như ông nhớ thệ nguyện xưa, chớ bỏ chúng sinh. Lúc chư Phật mười phương nói lời này, Bồ-tát nghe lời chư Phật lòng rất vui mừng, liền được thần thông, ngồi trong hư không thấy hết tất cả chư Phật mười phương, đầy đủ tất cả trí tuệ của chư Phật. Một niệm biết hết tâm chư Phật ở mười phương, cũng biết tâm số của tất cả chúng sinh. Một niệm đều có khả năng quán sát khắp, một lúc muốn độ tất cả chúng sinh, vì tâm rộng lớn nên gọi là Đại nhẫn. Vì đầy đủ pháp đại nhân của chư Phật nên gọi là đại nhẫn. Vì độ chúng sinh sắc thân trí tuệ đối với các căn cơ khác nhau, nên trong một niệm tâm hiện tất cả thân. Một thời nói pháp, một âm thanh có thể tạo vô lượng âm thanh, vô lượng chúng sinh cùng lúc thành đạo. Đó gọi là Thần thông nhẫn.

* Nhu hòa khéo thuận:

1. Tự làm mềm mỏng tâm mình

2. Làm mềm mỏng chúng sinh.

Hòa là tu sáu hòa kỉnh, trì giới tu thiền trí và chứng pháp giải thoát. Cho đến điều phục sân nhuế của chúng sinh, và nhẫn nhục, trì giới và hủy giới đều đồng là tướng Niết-bàn.

Sáu hòa kỉnh là: Ý hòa, thân hòa, khẩu hòa, giới hòa, lợi hòa và kiến hòa.

Khéo thuận là khéo biết căn tánh chúng sinh, thuận theo điều phục gọi là "đồng sự thuộc về sáu thần thông".

Nhu hòa gọi là pháp nhẫn, khéo thuận gọi là đại nhẫn.

* Không gấp gáp: là lúc học Phật pháp không vội vàng, gấp gáp thủ chứng, bên ngoài thực hành oai nghi và giáo hóa chúng sinh cũng giống như thế.

* Tâm không kinh động: kinh là động, vội vàng gấp gáp là kinh động. Tiếng lành, tiếng dữ cho đến sấm sét, các cảnh giới xấu ác và sắc tượng lành, tai nghe mắt thấy tâm đều chẳng động. Vì hiểu "pháp không" nên rốt ráo vô tâm gọi là chẳng kinh.

* Lại nữa, đối với pháp không chỗ hành là đối với các pháp phiền não trong năm Ấm, mười tám giới, mười hai nhân duyên, rốt ráo là không nên không có tâm không có chỗ. Lại đối với trong pháp thiền định giải thoát, không trí không có tâm, cũng không chỗ hành.

* Mà quán tướng như thật của các pháp là năm Ấm, mười tám giới, mười hai nhân duyên đều là chân như thật tánh. Không gốc ngọn, không sinh diệt, không phiền não, không giải thoát.

* Cũng không hành, không phân biệt: Sinh tử và Niết-bàn chẳng phải, một chẳng phải khác. Phàm phu và Phật không có hai pháp giới nên chẳng thể phân biệt, cũng chẳng thấy không phải hai nên chẳng hành chẳng phân biệt. Tướng chẳng phân biệt chẳng thật có.

* Nên Bồ-tát trụ trong Tam-muội vô danh này, tuy không chỗ trụ mà có công năng phát ra tất cả thần thông không cần phương tiện. Đó gọi là hành xứ của Đại Bồ-tát. Vừa vào Thánh vị liền bình đẳng. Đây là Pháp thân chân thường bất động, không phải là Pháp thân phương tiện duyên hợp, cũng được gọi là chứng Như Lai tạng cho đến ý tạng.

Nghĩa An Lạc Hạnh trong kinh Pháp Hoa

(Hết).


[Đầu trang][Mục lục bộ Chư Tông][Mục lục tổng quát]