TẠP TẠNG
SỐ 1933 - VĂN THỆ NGUYỆN CỦA THIỀN SƯ NAM NHẠC TƯ ĐẠI
Tôi nghe như vầy, trong kinh Bổn Khởi phẩm Thích-ca Mâu-ni Phật Bi Môn Tam Quán Chúng Sinh chép: Phật nhập khai từ ngày mùng bảy tháng bảy năm Quý Sửu, đến ngày mùng tám tháng tư năm Giáp Dần thì hạ sinh, đến ngày mùng tám tháng hai năm Nhâm Thân thì ngài mười chín tuổi xuất gia, ngày mùng tám tháng chập thành đạo, ngày mười lăm tháng hai phương tiện nhập Niếtbàn.
Chánh pháp trong khoảng thời gian từ năm Giáp Tuất đến năm Giáp Tỵ chỉ trụ trọn vẹn 500 năm. Tượng pháp trong khoảng thời gian tứ năm Giáp Ngọ đến năm Quý Dậu chỉ trụ trọn vẹn một ngàn năm. Mạt pháp trong khoảng thời gian từ năm Giáp Tuất đến năm Quý Sửu chỉ trụ trọn vẹn một muôn năm. Vào thời Mạt pháp trải qua 9800 năm sau, Bồ-tát Nguyệt Quang đến mười chân Đan nói pháp Độ các chúng sinh, mãi 52 năm sau nhập vào Niết-bàn, đến kinh Thủ-lăng-nghiêm Bàn chu Tam-muội diệt đầu tiên không còn, rồi các kinh khác thứ lớp diệt, kinh Vô Lượng Thọ về sau trụ được một trăm năm, Độ các chúng sinh sau đó diệt đến đời cực ác. Nay ta thề nguyện thọ trì khiến cho không bị diệt, giáo hóa chúng sinh cho đến lúc Phật Di-lặc ra đời. Đức Phật sau khi nhập Niết-bàn từ năm Quý Dậu, đến đầu kiếp ở vị lai Hiền, khi Dilặc thành Phật năm trăm mười sáu ức muôn năm, ta ở đời mạt pháp mới bắt đầu lập thệ nguyện rộng lớn, tu tập khổ hạnh. Như thế trải qua năm trăm mười sáu ức muôn năm, nguyện ấy chắc chắn đầy đủ công đức Phật đạo gặp Phật Di-lặc. Như trong nguyện nói lý do nhập đạo đều vì hạnh nguyện, sớm tu thiền nghiệp ít huấn tập rộng kinh, trong khoảng đó có nhiều chướng duyên ách nạn. Lược đi bổn nguyện vừa phát thệ nguyện và soạn hai bộ kinh điển bằng chữ vàng.
Cúi đầu đảnh lễ chư Phật mười phương Cúi đầu đảnh lễ mười hai bộ kinh.
Cúi đầu đảnh lễ các đại Bồ-tát, bốn mười hai bậc các Hiền Thánh Tăng.
Cúi đầu đảnh lễ tất cả Duyên giác, Thanh văn, chúng Hữu học, Vô học.
Lại nữa, cúi đầu đảnh lễ Trời Phạm Vương, Đế Thích, Bốn vị Thiên Vương, tám bộ trời rồng, Minh Không Thiện Thần, Hộ Pháp đại Tướng. Tuệ Tư tự nghĩ, vốn có thần thức này từ vô thỉ đến nay, không gieo trồng gốc lành vô lậu, cho nên thường bị ái kiến lôi kéo, vô minh che lắp làm cho luống dối, sinh tử khổ não mỗi ngày thêm nhiều, trôi lăn chưa từng ngừng nghỉ, qua lại trong năm đường, khiến sáu thức luân hồi trong sáu đường, cho đến không gặp Phật Thích-ca ra đời, sau lại chưa hề trông mong gặp Di-lặc ba hổi, sống tứ đầu đến cuối trong các nạn, lại nương nhờ chút oai lực gốc lành xưa. Đức Thích-ca về sau được thân tướng tốt, nương nhờ thánh giáo các Phật quá khứ đã giảng nói. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trụ thế nói pháp hơn tám mươi năm, dẫn dắt làm lợi lạc chúng sinh, hóa duyên xong bèn diệt độ. Sau khi ngài diệt độ, chánh pháp trụ thế khoảng 500 năm, chánh pháp diệt rồi tượng pháp trụ thế khoảng 1000 năm, tượng pháp diệt rồi mạt pháp trụ thế khoảng một vạn năm, Tuệ Tư ta chính là năm 812 đời mạt pháp. Tôi sinh vào ngày 11 tháng 11 năm Ất Mùi, niên hiệu Thái Tuế, ở huyện Võ Tân, quận Nhữ Dương, châu Nam Dự, đến năm mười lăm tuổi xuất gia tu học, tụng kinh Pháp Hoa và các kinh Đại thừa, tinh tấn tu khổ hạnh. Đến năm hai mươi tuổi thấy chúng sinh sinh già bệnh chết vô thường, liền tự nghĩ rằng: Thân này vô thường, khổ, không, không có ngã, thường không được tự tại, sinh diệt bại hoại, các khổ không ngừng, thật đáng kinh sợ. Pháp luật thế gian có lại khó tin, người chấp ái kia thì bị phiền não lửa dữ thiêu đốt, còn người nào xả bò thì đến được Niết-bàn, vô vi vui mừng, tất cả chúng sinh do mê muội đánh mất chánh đạo, tâm mãi bị lu mờ. Ta vì chúng sinh và vì thân ta mà cầu giải thoát, nên phát tâm bồ-đề mà lập thệ nguyện rộng lớn, mong cầu đạt được tất cả thần thông của Như Lai, nếu không tự mình chứng thì làm sao độ được người. Trước học rồi chứng sau đó thực hành, tự cầu đạo quả là độ vô lượng chúng sinh mười phương, vì đoạn các phiền não của tất cả chúng sinh mười phương, nên khiến vô lượng chúng sinh mười phương thông đạt tất cả các pháp môn. Vì muốn thành tựu đạo bồ-đề của vô lượng tất cả chúng sinh mười phương, nên cầu đạo vô thượng, thực hành Thủ-lăng-nghiêm trải qua khắp các nước, học các đại Thiền sư và Đại thừa, ngài thường ở nơi núi rừng hoang vắng ngồi thiền, kinh hành. Năm ngài ba mươi bốn tuổi, luận bàn nghĩa Đại thừa ở châu Duyện, Hà Nam, bị các Tỳ-kheo xấu lấy thuốc độc cho Tuệ Tư ăn, toàn thân bại hoại, lục phủ ngũ tạng như thiêu đốt, giữa lúc sắp chết mà ngài không chết được. Ý ban đầu muốn qua sông tham vấn khắp các Thiền sư, nhưng giữa đường gặp nạn thuốc độc này, lại biết có người muốn hại, ngài liền giả trang một người khác trở về Tín châu không qua sông nữa, nhất tâm chuyên niệm vào trong rừng sâu. Giữa lúc muốn bỏ đi thì khi ấy Thứ Sử Tín châu, cùng các cận vệ muốn dừng bớt cái khổ, lập ra Thiền trai, nói nghĩa Đại thừa, trải qua ba mươi năm chua từng ngừng nghĩ.
Về sau, Hứa Xương Lương Châu lại đến thỉnh ngài, Thứ Sử Tín châu lại cũng muốn mở cửa đưa tiễn ngài đi. Khi sắp về đến quận Nghiệp, Tuệ Tư ý nhất quyết không muốn về phương Bắc, trong lòng muốn đi về phương Nam, ngài liền lìa chúng mà đi, hướng về Hoài Nam rồi, dừng nghỉ trong núi. Từ năm hai mươi đến năm ngài ba mươi tám tuổi, luôn ở Hà Nam học tập Đại thừa, gần gũi cúng dường các Đại Thiền sư, du hành các châu, lưu trú nhiều chỗ. Lúc bấy giờ, nhà vua ban sắc kêu gọi tất cả các Thiền sư trong nước vào cung cúng dường. Tuệ Tự nghĩ tự lượng mình ngu muội không đức độ, không chịu vâng sắc phương tiện lánh đi, qua Hoài Nam vào trong núi. Đến năm ngài ba mươi chín tuổi là năm 120 thời mạt pháp. Thứ Sử Vĩnh Châu Hoài Nam và Lưu Hoài Bảo cùng dạo trong núi Vĩnh Châu mời ngài ra giảng về nghĩa Đại thừa. Khi ấy, lấy nghĩa ra mà đối đáp với nhau, nên có một số Pháp sư rất tức giận. Trong số đó có năm luận sư ác lấy Sinh Kim Dược để vào thức ăn cho Tuệ Tư ăn. Nên chỉ có một ngày đã có đến ba người ăn Sinh Kim Dược chết, riêng Tuệ Tư bấy giờ thân thể rất khốn đốn, và cầm cự được đến ngày thứ bảy thì hơi thở cũng cạn dần, bên bờ sắp chết ngài nhất tâm chắp tay hướng về chư Phật mười phương sám hối, niệm Bát-nhã-Ba-la-mật-đa và nói rằng: Nếu không được Tha tâm trì thì không nói pháp. Cứ niệm như vậy, lúc bấy giờ thuốc độc Sinh Kim, liền được tiêu trừ, bình phục lại như cũ, từ đó về sau bị rất nhiều lần như vậy. Đến năm ngài bốn mươi tuổi tức là năm 121 thời mạt pháp, ngài đến trụ chùa Khai Nhạc ở Quang Châu, bà con của 500 ngôi nhà và Thứ sử Quang Châu, thỉnh ngài giảng một bài kinh Đại thừa Bát-nhã-ba-la-mật-Đa. Đến năm ngài bốn mươi mốt tuổi tức năm 122 đời mạt pháp, ngài trụ trong núi Đại Tô ở Quang Châu, giảng một bài về nghĩa Đại thừa. Đến năm ngài bốn mươi hai tuổi tức là năm 123 đời mạt pháp, ngài đến trụ chùa Quán Ấp ở phía tây Thành Quang Châu, lại giảng một bài về nghĩa Đại thừa. Khi ấy có nhiều luận sư xấu ác, sinh tâm ghen ghét tranh nhau đến quấy nhiễu, họ đều muốn giết hại ngài và hủy hoại nghĩa Bát-nhã-Ba-la-Mật. Lúc đó, ta khởi tâm đại Bi nghĩ về các luận sư xấu ác liền phát thệ nguyện mà nói như vầy: Thệ nguyện tạo kinh Ma-ha-Bát-nhã và các kinh Đại thừa bằng chữ vàng, chất đầy trong hòm báu lưu ly, hiện vô lượng thân ở các cõi nước mười phương giảng nói kinh này, khiến cho các luận sư xấu ác, đều có được lòng tin, trụ không lui sụt.
Đến năm Tuệ Tư bốn mươi ba tuổi tức là năm 124 đời mạt pháp, ngài ở Châu Nam Đinh, Thứ sử châu này thỉnh giảng một bài về nghĩa Đại thừa. Lúc bấy giờ, có rất nhiều chúng luận sư xấu ác, khởi tâm ác độc, tranh nhau đến làm đại não loạn. Lại còn bày biện các thứ phương tiện ác độc, ngăn cản các đàn việt không cho cúng dường thức ăn. Trải qua năm mươi ngày ngài chỉ sai đệ tử đi hóa duyên để nuôi thân. Khi ấy, ngài phát nguyện rằng: Ta làm những việc này là vì tất cả chúng sinh, nguyện bộ Đại thừa Bát-nhã-ba-là-Mật, dùng bảy báu lưu ly thanh tịnh đựng kinh, làm các tòa báu cao và bảy báu cờ phướn, long báu, màn che kết nối nhau giăng, hương hoa anh lạc mỗi thứ đều đầy đủ, cúng dường Bát-nhã-Ba-la-Mật. Sau đó, ta hiện khắp vô lượng sắc thân trong mười phương sáu đường, không kể kiếp số cho đến khi thành bồ đề. Sẽ vì tất cả chúng sinh trong mươi phương, giảng nói kinh Bát-nhã-Ba-la-Mật. Cho nên, trong khoảng thời gian đó nếu làm Pháp sư thì như mây không cùng tận, nếu làm đệ tử cầu pháp thì như Tát-đà-ba-luân, sau khi phát nguyện các Tỳ kheo ác đều lui ra. Ngài phát nguyện này xong thì lại giáo hóa và nói như vầy: kinh Ma-ha-bát-nhã-Ba-la-mật bằng chữ vàng là do ta làm.
Đến năm Tuệ Tự bốn mươi bốn tuổi tức là năm 125 đời mạt pháp, cũng là năm Mậu Dần niên hiệu Thái Tế, ngài về trụ núi Đại Tô ở Quang Châu và nói với khắp nơi, ta muốn soạn kinh Ma-ha-Bátnhã-ba-la-mật bằng chữ vàng, này cần tựa đề kinh ai có thể soạn được. Bấy giờ, có một Tỳ kheo tên là Tăng Hợp bỗng nhiên đến, nói rằng: Tôi có thể tạo đề tên kinh Bát-nhã chữ vàng. Sau có được tựa đề kinh, ngài liền giáo hóa khắp các châu, Thứ Sử và dân chúng tăng tục ở Quang Châu, mang tiền của mình có được mua vàng tạo kinh dùng.
Từ ngày 15 tháng 1 ngài giáo hóa đến ngày 11 tháng 11, trụ chùa Tề Quang ở huyện Quang Thành, Thành đô ở phía Nam Quang châu.
Mới được tự thân báo đáp thành tựu tâm nguyện trước. Phụng tạo đề mục kinh Ma-ha-Bátnhã-Ba-la-mật chữ vàng, và tạo hòm báu lưu ly để đựng. Lúc bấy giờ phát thệ nguyện rộng lớn: Nguyện kinh Ma-ha-Bát-nhã-ba-la-mật chữ vàng và hòm bảy báu này, nhờ đại nguyện, nên tất cả các ma, các tai nạn duyên ác không thể hủy hoại. Nguyện vào đời vị lai Phật Di-lặc Thế Tôn xuất hiện ở đời, phổ biến cho tất cả vô lượng chúng sinh. Khi ấy, nói kinh Bát-nhã-ba-la-mật này:
Nay ta thệ nguyện
Oai lực chữ vàng
Nên khiến Di-lặc
Trang nghiêm thế giới
Sáu thứ rung chuyển
Đại chúng sinh nghi
Cúi đầu hỏi Phật
Có nhân duyên gì
Mặt đất rung chuyển?
Cúi mong Thế Tôn
Mở bày nói cho.
Bấy giờ, Di-lặc
Bảo các đệ tử
Các ông phải nên
Nhất tâm chắp tay
Lắng nghe cho kỹ
Quá khứ có Phật
Hiệu là Thích-ca
Xuất hiện ở đời
Nói kinh Bát-nhã
Ba-la-mật này
Rộng độ chúng sinh
Phật, Thế Tôn kia
Sau khi diệt độ
Chánh pháp, tượng pháp
Điều đã qua đi,
Pháp còn ở đời,
Chỉ là mạt pháp
Bấy giờ đời ác
Năm trược lẫy lừng
Mạng người ngắn ngủi
Không trọn trăm năm.
Gây mười nghiệp ác
Giết hại lẫn nhau.
Khi ấy, Bát-nhã
Ba-la mật kinh,
Hưng thạnh ở đời.
Lại có Tỳ-kheo
Tên là Tuệ Tư
Tạo kinh Ma-ha
Ba-la mật này
Chữ bằng vàng ròng
Hòm báu lưu-ly
Đựng kinh điển này
Phát thệ nguyện rông
Ta sẽ độ thoát
Vô lượng chúng sinh,
Kiếp Hiền vị lai
Di-lặc ra đời,
Nói kinh Ma-ha Bát-nhã-ba-la.
Kinh Ba-la-mật
Ta dùng thệ nguyện,
Kinh vàng hòm báu.
Nhờ oai thần lực
Nên khiến Di-lặc
Thế giới bảy báu
Rung chuyển sáu cách
Đại chúng sinh nghi
Cúi đầu hỏi Phật
Nguyện xin nói cho
Vì sao đất rung?
Bấy giờ, Thế Tôn
Bảo các đại chúng
Các ông nên biết
Do Tỳ-kheo kia
Nguyện lực nhân duyên
Kinh vàng hôm báu
Nay muốn hiển bày.
Đại chúng bạch Phật
Cúi xin Thế Tôn
Dùng sức thần thông
Cho con được thấy
Kinh vàng hôm báu.
Phật bảo các ông
Phải nên nhất tâm
Lễ Phật quá khứ
Thích-ca Mâu-ni,
Cũng nên nhất tâm
Chuyện niệm Bát-nhã
Kinh Ba-La-mật
Phật nói vậy rồi
Khắp mặt đất lại
Rung chuyển sáu cách
Phát ra rực rỡ
Chiếu khắp mười phương
Vô lượng thế giới
Hương thơm mầu nhiệm
Hơn cả chiên đàn
Trăm ngàn muôn lần
Chúng sinh ngửi hương
Phát tâm Bồ-đề
Hòm báu lưu ly
Hiện trước đại chúng
Chỉ bằng mắt thấy
Không thể khai mở
Bấy giờ, đại chúng
Hớn hở vui mừng
Đều bạch Phật rằng:
Nguyện xin Thế Tôn
Làm sao thấy được
Văn kinh Bát-nhã.
Phật Di-lặc nói:
Người tạo kinh kia
Có thệ nguyện lớn
Các ông phải nên
Nhất tâm niệm ngài
Xưng danh hiệu Ngài
Thì sẽ thấy được.
Khi nói lời ấy
Tất cả đại chúng
Xưng danh hiệu ta,
Nam mô Tuệ Tư.
Khi ấy, bốn phương
Từ đạt vọt lên
Khắp cả hư không
Thân mầu vàng ròng
Ba mươi hai tướng
Vô lượng ánh sáng
Đều từ xa xưa.
Người tạo kinh này
Dùng thần lực Phật
Hòm báu tự mở
Phát âm thanh lớn
Rung chuyển mười phương
Tất cả thế giới.
Khi ấy, kinh vàng
Phát sáng rực rỡ
Vô lượng sắc mầu.
Như đám mây lớn
Lan khắp mười phương
Tất cả thế giới.
Mỗi mỗi âm thanh
Cáo khắp chúng sinh,
Lại có hương thơm
Tâm chúng ưa thích.
Khi ấy, chúng sinh
Nhờ thần lực ta
Thấy được đất rung
Lại thấy ánh sáng
Nghe tiếng hương bảo
Được chưa từng có.
Thân tâm vui thích.
Thứ như Tỳ-kheo
Nhập đệ Tam thiền
Ngay trong khi đó
Đều được đầy đủ
Ba thừa thánh đạo,
Cho đến đầy đủ
Trí nhất thiết chủng
Nguyện này không tròn
Không thành Diệu Giác.
Lại nguyện mười phương
Chư Phật, Thế Tôn
Nói hội Bát-nhã
Ba-la-mật này
Tất cả đều như
Đại hội Di-lặc.
Nếu khiến mười phương
Vô lương chư Phật
Cùng lúc nói pháp,
Cũng nguyện kinh này
Một lúc đều được.
Hiện khắp trước mặt
Mỗi một tướng tốt
Đại hội chư Phật
Đẳng độ chúng sinh
Mỗi Đức Thế Tôn
Đều xưng Thích-ca
Và tên của ta.
Cũng như Di-lặc
Đại hội vô lượng
Nếu không như vậy
Không thành Diệu Giác.
Lại nguyện vị lai,
Cõi nước mười phương
Hòm và kinh quyển
Vô lượng tên gọi
Tùy theo cõi nước
Lượng người lớn nhỏ:
Đối thân người lớn
Hòm và kinh quyển
Văn tự cũng lớn,
Đối thân người nhỏ
Hòm và kinh quyển
Văn tự cũng nhỏ.
Tùy cõi nước ấy
Các báu tinh anh.
Người nào quý nó
Với sức Niết-bàn
Hòm và kinh quyển
Văn tự biến thành
Châu báu quý giá
Mãi không thường làm
Lưu ly chữ vàng.
Giấy của sách kinh
Làm toàn Kim cương
Không thể hư hoại.
Đến đời vị lai
Vô lượng kiếp số
Không thể nghĩ bàn,
Thế giới mười phương
Có Phật ra đời
Nói kinh Bát-nhã.
Ba-la-mật này,
Cũng giống như vậy
Nếu không như thế
Không thành Diệu Giác.
Nguyện ở vị lai
Cõi nước mười phương
Chư Phật các cõi
Đều xưng danh hiệu
Thích-ca Như Lai
Kinh vàng hòm báu
Và tên của con.
Cho nên âm thanh
Khắp đến mười phương
Tất cả thế giới
Chúng sinh đều nghe
Đều được vào đạo.
Nếu có chúng sinh
Không thể vào đạo
Bằng mọi phương tiện
Thần túc biến hóa
Mà điều phục được
Thì sẽ đắc đạo,
Nếu không như vậy
Không thành Diệu
Giác Lại nữa phát nguyện
Nay con vào núi
Sám hối tất cả
Chướng đạo tội nặng
Ngồi thiền kinh hành
Nếu được thành tựu
Năm thông thần tiên
Và sáu thần thông
Thầm tụng Như Lai.
Mười hai bộ kinh
Và tụng ba tạng
Tất cả sách ngoài
Tụng nghĩa Phật pháp
Phân thân vô lượng
Bay trong hư không
Vượt sắc rốt ráo
Đến Phi phi tưởng
Nghe các vị trời
Nói cho pháp môn
Ta cũng ở đó
Nói cho các trời
Chỗ trì kinh Phật.
Trở về Diêm-phù
Vì người nói rộng,
Lại vào ba đường
Đến mé Kim cương
Nói cách trì pháp.
Biến khắp ba ngàn
Thế giới đại thiên
Cõi nước mười phương.
Cũng giống như vậy
Cúng dường chư Phật
Hóa độ chúng sinh
Biến hóa tự tại
Một lúc đều hành
Nếu không như vậy
Không thành Diệu giác.
Chiên đàn thượng diệu làm tòa cao
Các tia sắc mầu để trang nghiêm,
Bảy báu quý giá để giăng che
Các báu trang nghiêm phát ánh sáng
Vàng phù-đề đàn làm chữ kinh
Lưu ly thủy tinh làm hòm kinh.
Kính chư Phật pháp xong cúng dường
Rồi sau nói pháp độ chúng sinh
Không trước, không sau, không khoảng giữa
Một niệm trong tâm một lúc hành.
Nay ta vào núi học là thế
Chẳng vì huyễn hoặc dối chúng sinh.
Thành tâm sám hối
Từ vô thỉ kiếp
Đến thân ngày nay,
Gây nhiều tội lỗi
Nhân duyên não người
Thấy người làm lành
Gây sự trở ngại.
Hoại việc lành người
Không tự hay biết
Tự trì chủng tánh
Nhiều năm buông lung
Cậy thế lấn người
Không nghĩ đạo lý
Tin chấp tà đảo
Thờ thầy ngoại đạo.
Đối với Tam bảo
Gây nhiều khó dễ
Tội chứa lâu ngày
Nghiệp báo thân này.
Cho nên cúi đầu
Thành tâm sám hối
Chư Phật mười phương
Tất cả hiền thánh
Phạm, Thích, tứ vương,
Tám bộ trời rồng
Hộ pháp thiện thần,
Minh không u hiển,
Xin chứng minh cho:
Trừ tội chướng đạo
Thân tâm thanh tịnh
Từ nay về sau
Việc làm tốt lành
Không có chướng ngại.
Nguyện ở núi sâu
Suy nghĩ Phật đạo.
Nguyện được sâu xa
Các thiền giải thoát,
Được sức thần thông
Báo ân chư Phật,
Thệ với thân này
Được trí bất thoái,
Nếu không như vậy
Thệ không thành Phật.
Lại nguyện tất cả mười phương cõi nước, nếu có bốn chúng Tỳ kheo và các bậc trí khác, thọ trì, đọc tụng kinh Ma-ha-Bát-nhã-ba-la-mật. Như ở nơi núi rừng đồng vắng yên tĩnh, thành ấp xóm làng, vì các đại chúng mở bày giảng nói, lại có các chúng ma tranh nhau đến não loạn, phá hoại kinh Bát-nhã-ba-la-mật, người ấy nhất tâm chắp tay xưng danh hiệu con, thì được vô lượng thần thông. Bấy giờ con cũng hóa làm người trong chúng ấy, hiện làm quyến thuộc, xưng là đệ tử của vị ấy, hàng phục các chúng ma, phá các ngoại đạo, khiến cho bậc trí kia được nổi tiếng. Khi ấy, con lại hóa thành bốn chúng, núi rừng xóm làng nới nơi đều hiện làm hộ vệ, hoặc làm Đại Lực Quỷ Thần Vương, hoặc làm Sa-môn, hoặc làm Cư sĩ, hoặc làm vua chúa, Đại thần, Tể tướng, sắc ban trong nước trị phạt tất cả người ác phá giới. Nếu có người ngang bướng tâm không sửa đổi, hoặc khiến họ hiện vào địa ngục A-tỳ, chịu mọi thứ bức bách để sửa đổi tâm, trở về quy phục rồi nói pháp cho họ nghe, đến khi họ cúi đầu cầu xin làm đệ tử thì mới buông tha, khiến các việc ác biến thành tốt đẹp, nếu không như vậy, thì không thành Diệu giác. Con từ lúc phát tâm có bao nhiêu phước nghiệp đều ban bố hết cho chúng sinh, đến đời vị lai khi Phật Di-lặc ra đời, đầy đủ mười địa nhập Vô Cấu vị. Ở trong số người thọ ký, con là người thứ nhất, ở đời vị lai trải qua bao kiếp số khi thành Phật đạo, không thể nghĩ bàn, Tam thiên đại thiên thế giới làm một cõi Phật, vượt hơn mười phương thế giới thanh tịnh. Ngoài các cõi này ra còn có một cõi uế, nhờ nguyện lực của con khiến các chúng sinh tuy trụ ở một chỗ thấy mỗi mỗi khác nhau, điều phục kẻ ác phát tâm Bồ-đề. Lại phát tâm rồi thấy các uế ác tất cả đều thanh tịnh, bảy báu hoa quả khác. Đã trụ cõi nước thuộc trời, người thì cùng một mầu vàng, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đầy đủ sáu món thần thông giống như Phật, trừ những vị Phật trí tuệ thì không thể biết được, nếu không như vậy thì không thành Diệu Giác.
Nếu con được thành Phật, tất cả chúng sinh mười phương phát nguyện sinh về nước con, tất cả đầy đủ đạo Phổ Hiền, tùy theo bổn nguyện của mọi người ngắn dài đều tự tại, sắc thân tướng tốt, trí tuệ thần thông, giáo hóa chúng sinh v.v... không có sự khác nhau, ăn uống y phục nghĩ đến liền hóa hiện không cần tạo tác, nếu không như vậy thì không thành Diệu Giác.
Nếu con được thành Phật, chúng sinh mười phương nghe tên con, trì giới tinh tấn, tu hành sáu Độ, thọ trì nguyện con, xưng danh hiệu con, nguyện thấy thân con, tu hành trong bảy ngày, cho đến hai mươi mốt ngày, liền được thấy con và tất cả các nguyện lành đầy đủ, nếu không như vậy thì không thành Diệu Giác.
Nếu con được thành Phật, các thế giới mười phương nếu có chúng sinh, đầy đủ năm tội nghịch đáng đọa địa ngục, khi sắp qua đời gặp được thiện tri thức dạy xưng danh hiệu con, người mắc tội ấy nghe rồi, chắp tay xưng từng câu từng câu không dứt, trải qua khoảnh khắc mười niệm, khi sắp qua đời, liền được thấy con, và con nói cho họ nghe pháp Đại thừa, người ấy nghe pháp rồi đắc pháp nhẫn Vô sinh, không bao giờ lui sụt, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu con được thành Phật, thế giới thanh tịnh không có ba đường ác cũng không có người nữ, tất cả chúng sinh đều hóa sinh, ba mươi hai tướng bay đi tự tại, ánh sang chiếu khắp không có mặt trời, mặt trăng, bảy báu cõi nước không có uế ác, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu có chúng sinh ở địa ngục lớn, nghe danh hiệu con liền được giải thoát, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu có chúng sinh đọa vào loài ngạ quỷ, trăm ngàn muôn kiếp cho đến không nghe nói cơm nước, luôn bị đói khát, lửa hừng hực đốt, chịu khổ não, dữ dội, nghe danh hiệu con liền được no đủ, đắc lực chánh niệm, bỏ thân ngạ quỷ sinh lên cõi trời, cõi người, phát tâm Bồ-đề đến chỗ không lui sụt, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác. Nếu có chúng sinh vì nghiệp ác, nên đọa vào loài súc sinh, chịu các thứ khổ, nghe đến tên con thì các khổ không còn, liền được thân xinh đẹp trời người, lại nghe chánh pháp, đầy đủ thánh đạo, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu có chúng sinh lao ngục giam cầm roi vọt đánh đạp đau đớn, xưng danh hiệu con, phát tâm Bồ đề, mà được giải thoát, các thương cũng hết, do đó phát tâm trụ không lui sụt, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu có chúng sinh bị trói buộc, gặp tai họa, nếu có tội hoặc không có tội, khi sắp hành hình mà xưng gọi tên con, thì những thứ dao gậy xiềng xích gông cùm khóa kia, đều gãy vụn liền được giải thoát, rồi phát tâm Bồ-đề trụ không lui sụt, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Tất cả vô lượng chúng sinh, ở mười phương trăm ngàn bệnh khổ cho đến nghiệp chướng các căn không đủ, xưng danh hiệu con chấp trì không quên, chánh niệm suy nghĩ, bệnh khổ liền hết, các căn đầy đủ đều được binh phục, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu có Tỳ-kheo ở trong núi rừng, đọc tụng kinh Bát-nhã và các kinh Đại thừa, tu học thiền định và năng lực thần thông, vì tội chướng xưa nên tu không được, trong mỗi ngày đêm nên ba thời xưng danh hiệu Phật mười phương và danh hiệu con, thì tâm người ấy nguyện cầu những gì đều được đầy đủ, nếu không như vậy thì không thành Diệu giác.
Nếu con được thành Phật, sáu đường chúng sinh ở các thế giới nghe mười phương tên con, liền phát tâm Vô thượng Bồ-đề, trụ không lui sụt, nếu không như nguyện thì con không thành Diệu giác.
Khi con được thành Phật, vô lượng ánh sáng thường chiếu tất cả, nếu trong bốn chúng có người nào cầu Phật đạo, nghe tên con, tu hành hạnh nguyện của con, khi ấy liền đắc Thập địa, đầy đủ trí tuệ, vào hàng Như Lai. Nếu không như nguyện thì con không thành Diệu giác.
Nếu con được thành Phật, các thế giới ở mười phương tất cả chư Phật đều xưng dương, nói bổn nguyện của con và công đức của chư Phật. Chúng sinh nào nghe được bổn nguyện và công đức ấy liền được thọ ký, nguyện này không viên mãn con thì không thành Diệu giác.
Khi con ở đời vị lai thành Phật, vì đại chúng nói Bát-nhã-ba-la-mật, các thế giới ở mười phương rung chuyển, kinh vàng hòm báu hiện ra trước mặt. Con vì đại chúng nói nhân duyên bổn nguyện, giống như chư Phật trong hội không khác, nếu không như nguyện thì con không thành Diệu giác.
Như các lời nguyện cầu Phật đạo của con vừa nêu trên không thể kể số siêng tu phương tiện, học tập mọi thứ pháp môn mầu nhiệm, vì chúng sinh nên khởi tâm đại Bi thường không mệt mỏi, công đức trí tuệ thảy đều đầy đủ. Như các nguyện trên chắc chắn như vậy, không luống dối, nếu không như nguyện thì con không thành Diệu giác.
Con thệ ở đời này được sáu món thần thông của bậc Đại tiên, mỗi mỗi biến hóa sắc thân, hiện khắp trong sáu đường ở mười phương cùng lúc nói pháp, chúng sinh nào nghe đều được không lui sụt, mau chóng thành Bồ-đề. Nếu không như nguyện thì con không thành Diệu giác.
Theo sau nguyện kinh chữ vàng hòm báu lưu ly là nói về bảy thứ báu: cờ phướn, long báu, vàng, bạc, chuông, lưới, tòa báu, và tất cả các dụng cụ cúng dường. Nếu có người xấu ác khi ấy tâm đau đớn buồn bực mãi không thôi, hoặc lại nói lời điên cuồng và tội của mình. Với tâm xấu dùng tay chạm vào vật đó thì tay liền bị gãy; với đôi mắt xấu ác nhìn thì hai mắt liền bị mù; với lời hung ác hủy báng thì liền khiến miệng người ác ấy bị câm không nói được; nếu với tâm ác đến muốn làm não loạn vào gây ra các điều chướng ngại, thì hai chân liền gãy; hoặc lại bệnh hủi, hoặc đọa vào địa ngục A-tỳ, phát ra tiếng cực ác truyền khắp bốn phương, để cho các người ác đều thấy việc này, khiến cho pháp tồn tại lâu dài mà hộ trì chánh pháp, hóa độ chúng sinh, nên mới phát nguyện như vậy. Con không có tâm xấu ác, cũng không có lòng ganh ghét, Hiền Thánh mười phương tự sẽ chứng biết, vì muôn nói lại ý nguyện, nên nói kệ rằng:
Nguyện chứng được thân tâm
Bát-nhã-ba-la-mật
Đầy đủ vô lượng nghĩa
Nói rộng chúng sinh nghe.
Nguyện chứng đắc thân tâm
Bát-nhã-ba-la-mật
Kiếp Hiền vị lai
Được gặp Phật Di-lặc.
Trong số người thọ ký
Danh hiệu cao tột nhất
Đầy đủ các thiền định
Thần thông Ba-la-mật
Nguyện con từ đó sinh
Tu tất cả khổ hạnh.
Vì muốn cầu Phật đạo,
Nên quên cả thân mình,
Qua năm mươi ức muôn
Trong số kiếp như vậy.
Vì tu đạo khổ hạnh
Lại qua sáu ức muôn
Rồi mới đến kiếp Hiền
Được gặp Phật Di-lặc
Đủ tất cả chủng trí
Thọ ký cao tột nhất.
Quyết thệ kiếp Hiền sau
Đủ sáu Ba-la-mật
Sức thần thông tự tai
Ngang bằng Phật mười phương.
Thệ ở đầu kiếp Hiền
Nói pháp độ chúng sinh
Đem sức thệ nguyện này
Xoay bánh xe vô thượng
Trụ thọ vô lượng kiếp
Thường trụ không Niết-bàn
Ứng hóa khắp mười phương
Chịu khổ vì chúng sinh.
Thế giới đều thanh tịnh
Chúng sinh đều hóa sinh
Không có ba đường ác
Cũng không có người nữ,
Trời, người đồng một loài
Tướng tốt như Thế Tôn
Đều đủ như ý thông
Trí tuệ cũng đồng vậy.
Sinh ra liền bay được
Cũng đầy đủ các thiền
Ngang bằng Phật, Bồ-tát
Không Thanh văn, Nhị thừa.
Trong thế giới mười phương
Các cõi uế bất tịnh
Ba chướng chúng sinh ác
Không nghe tên Tam Bảo
Đem sức thệ nguyện lớn
Từ bi bình đẳng độ
Chuyển uế thành tịnh độ
Chúng sinh cũng ngang bằng
Trời, người đều như nhau
Bay đi phát ánh sáng
Người Nữ biến thành nam
Dứt tên ba đường ác.
Địa ngục lớn mười phương
Con đều đi trong đó
Giáo hóa các người tội
Khiến đều sinh trời, người,
Liền bằng bậc Bồ-tát
Không làm người Nhị thừa
Súc sinh và ngạ quỷ
Chuyển báo cũng như vậy
Trong thế giới mười phương
Nếu có một cõi nước
Chúng sinh không như thế
Thệ không thành Chánh Giác.
Trong thế giới mười phương
Nếu có cõi nước ác
Chúng sinh đều tà kiến
Ngang bướng, tâm bất thiện
Con dùng sức thệ nguyện
Thần thông hàng phục họ
Mọi thứ khổ ép ngặt
Khiến quy về Tam bảo.
Hoặc trước đồng việc họ
Dùng phương tiện dẫn dắt
Rồi làm họ vui lòng
Quay về nhập Phật đạo.
Trong thế giới mười phương
Chúng sinh ác ương ngạnh,
Ba đường và tám nạn,
Điều nghe được tên con
Dễ độ và hết khổ
Ắt hẳn nhập Phật đạo.
Hoặc trước thuận ý họ
Sau khiến dứt phiền não.
Trong thế giới mười phương
Nếu có nạn binh đao
Các nước giết hại nhau
Nhân dân đều mất mùa.
Hoặc hiện làm tướng mạnh
Hàng phục khiến an hòa
Ngũ cốc đều đầy đủ,
Lòng muôn dân an ổn.
Hoặc lại phương tiện độ
Làm trời, rồng, quỷ, thần,
Phương tiện trị vua ác
Và dân ác của vua.
Trải khắp cõi nước ác
Tùy bổn nguyện con hành
Hàng phục Nhất-xiển-đề
Đều phát tâm Bồ đề.
Trong thế giới mười phương
Tịnh độ các Như Lai
Đều ở trong đại chúng
Khan ngợi danh hiệu con
Nơi các Phật, Thế Tôn
Con đều đến nơi đó
Cúng dường và vâng giữ
Không trước, sau, khoảng giữa.
Ở trong một niệm tâm
Hiện tất cả sắc thân
Dâng tất cả cúng dường.
Cúng dường các Thế Tôn
Thọ trì tạng Phật pháp
Và hóa độ chúng sinh,
Cúng dường các Bồ-tát
Và cúng dường Thanh văn
Nhờ sức phương tiện này
Nguyện mau thành Bồ-đề
Đầu kiếp Hiền vị lai
Gặp Di-lặc Thế Tôn.
Thệ nguyện trong kiếp hiền
Đủ ba mươi bảy phẩm
Được sức thần thông lớn
Ở trong số kiếp hiền
Con từ mới phát tâm
Cho đến đắc Bồ-đề
Ở trong khoảng giữa ấy
Vì đạo học khổ hạnh
Bỏ tiếng tăm lợi dưỡng
Lìa tất cả quyến thuộc
Thường ở trong núi sâu
Sám hối tội chướng đạo
Nếu đắc sức thần thông
Báo ân Phật mười phương
Nguyện trì pháp Như Lai
Thường trụ không diệt tận
Đến Di-lặc ra đời
Độ chúng sinh không dứt
Thệ sinh là ở đây
Tiên sống lâu năm thông
Tu tập các thiền định
Học thần thông thứ sáu
Đầy đủ các pháp môn
Thành tựu bậc Đẳng giác
Diệu Giác thường sáng sủa
Dùng đó độ chúng sinh
Chư Phật không hơn kém
Hành chỉ theo bổn nguyện
Tùy chư Phật phương tiện
Thị hiện các tên gọi.
Nay con vào núi tu tập khổ hạnh, sám hối tội nặng phá giới chướng đạo, sám hối tất cả tội thân này và thân trước, nguyện các vị Hiền Thánh giúp đỡ con, được thuốc hay và Đan sa linh nghiệm, điều trị bệnh chúng sinh dứt đói khát, thường được kinh hành tu tập các thiền. Con nguyện ở trong núi sâu vắng vẻ, đầy đủ thuốc Đan sa mới tu nguyện này, ngoài mượn oai lực Đan sa, trong tu luyện Đan sa. Vì muốn an ổn chúng sinh nên trước tự an ổn mình, thân mình còn trói buộc thì làm sao mở trói buộc cho người, nếu mở là điều vô lý.
Nhờ sức thệ nguyện cầu đạo này
Làm tiên sống lâu gặp Di-lặc
Không tham thân mạng phát nguyện này
Đã là phàm phu chưa đắc đạo
Đêm rằng xả thân sinh đường khác
Luân hồi sáu nẻo chướng đạo tu
Tánh tướng các pháp tuy vắng lặng,
Hành nghiệp thiện ác có quả báo.
Thệ nguyện vào núi học thần tiên
Đắc lực trường thọ, cầu Phật đạo
Nếu đắc nguyện này nhập Long Cung
Thọ trì kinh bảy Phật Thế Tôn
Quá khứ, vị lai, chư Phật nay
Tất cả kinh tạng con đều trị
Trong tất cả thế giới mười phương
Nếu chỗ có Phật pháp sắp diệt
Con nguyện trì tụng khiến không diệt
Vì người cõi nước kia nói rộng.
Tỳ kheo ác thế giới mười phương
Cho đến người tục ác tà kiến
Thấy người hành pháp ganh quấy nhiễu
Con sẽ giúp đỡ hàng phục họ
Khiến người nói pháp được an ổn,
Hàng phục người ác độ chúng sinh
Cúi lạy Phật mười phương hiện tại
Bồ-tát, Duyên giác và Thanh văn
Phạm Vương, Đế-thích, Bốn Thiên Vương
Hộ pháp Đại Tướng và Kim cương,
Tiên Năm thần Thông và thần đất
Lục Trai Sứ Giả và Minh quan
Tất cả Hộ pháp các Thiện thần.
Nay con sám hối tội chướng đạo
Xin chứng minh cho dứt lồi lầm
Vì cầu đạo nên sớm thành tiên
Tuyên dương nói rộng pháp Thích-ca
Không kể kiếp số báo ân Phật
Vì giữ chánh pháp phát nguyện này
Nên tạo kinh Bát-nhã chữ vàng
Vì Đại thừa nên vào núi sâu
Nguyện mau thành tựu Đại Tin
Nhân Mạng thọ dài lâu đủ thần thông
Cúng dường các Thế Tôn mười phường
Kiếp Hiền vị lai Phật Di-lặc
Nói kinh Bát-nhã cho chúng nghe,
Nhờ sức thần thông thệ nguyện con
Kinh vàng hòm báu hiện trước chúng
Từ đất vọt lên trụ hư không
Mặt đất rung chuyển phát ánh sáng,
Chiếu khắp các thế giới mười phương
Mọi thứ diệu âm bảo chúng sinh
Xưng dương, khen ngợi pháp Thích-ca
Ba đường, tám nạn đều giải thoát
Hội Di-lặc trước hiện việc này
Phật mười phương trước cũng như vậy.
Nguyện các Thế Tôn nói nguyện con
Dùng nhân duyên này độ chúng sinh
Phát thệ nguyện lớn tu hạnh này.
Nguyện mau thành tựu Nhân Đại Tiên
Vì giữ chánh pháp cầu nguyện này.
Xin Phật thương xót giúp mau thành
Chư Phật, Thế Tôn đồng chứng biết,
Phạm, Thích, Tứ Vương chứng minh cho
Mặt trời, trăng sao và tinh tú
Kim cương Đại sĩ và Thần tiên
Năm núi, bốn biển và danh Sơn
Các Đại Thánh vương cũng chứng minh
Nguyện dùng Từ bi ủng hộ con
Để nguyện này sớm được thành tựu.
Nên thường niệm bổn nguyện xả bỏ các việc hữu vi, danh vọng, lợi dưỡng, đệ tử ác trong ngoài đều phải xả bỏ. Chuyên cầu bốn Như Ý, tám thứ: tự tại ngã, năm nhãn (mắt thịt, mắt trời, mắt trí tuệ, mắt pháp, mắt Phật) và chủng trí. Vì Nhất thiết trí Phật nên khởi đại tinh tấn, đầy đủ năng lực thần thông, có khả năng hóa độ chúng sinh. Lại nên niệm biển trí tuệ của Phật và các Đại sĩ mười phương. Tất cả thế gian có đạo tục ân cần thỉnh giảng cúng dường, cho đến nài thỉnh khiến người giảng kinh. Hàng đạo tục này chẳng phải là thiện tri thức mà là ác trí thức. Vì sao? vì đều do ác ma đã khiến, ban đầu giả làm kẻ có lòng tốt ân cần giúp đỡ, sau đó lại khởi phẫn nộ. Hai ma thiện ác chẳng phải là kẻ tốt để tôn thờ, từ nay về sau không nên tin vào đó nữa, chỗ có học sĩ cũng giống như vậy, đều không đáng tin, như kẻ thù giả làm thân thuộc. Khổ thay! Khổ thay, không thể nghĩ bàn, ở các nơi vua Sát-lợi cũng đều như vậy, không biết phân biệt chọn lựa sao đây?