TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠP TẠNG

BỘ CHƯ TÔNG

SỐ 1971 - TỊNH ĐỘ CẢNH QUÁN YẾU MÔN

Đời nhà Nguyên, truyền giáo tông Thiên thai. Đại sư Hưng giáo, Sa-môn Hổ Khê. Hoài Tắc thuật.


Pháp môn Tịnh độ là con đường quan trọng giúp chúng sinh đời Mạt pháp có cơ duyên ra khỏi sinh tử, là con thuyền vượt qua năm đường, một đời này được sinh về Cực lạc, không bao giờ còn lui sụt. Ở đây họ có thân các vị trời bay đi tự tại, y phục ẩm thực tự nhiên, được tham dự vào hải chúng thanh tịnh, thường được thấy Phật, nghe pháp, mau chứng được Thánh vị. Ở đây không còn sự não hại của các hữu tình như: cọp, sư tử, muỗi mòng, rận rệp..., không còn sự ép ngặt của những việc vô tình như: lạnh, nóng, gió, mưa. Họ được hóa sinh từ hoa sen, tuổi thọ vô lượng. Đã không có các khổ não sinh, già, bệnh, chết, mà còn hưởng được sự sung sướng, nên gọi là thế giới Cực lạc.

Đức Phật vì muốn cho chúng sinh còn mê muội trong cõi Ta-bà được xa lìa các khổ nên Ngài mở ra môn chiết phục. Đó là con đường Đức Di-đà Từ Phụ thị hiện để tiếp độ chúng sinh, cho nên Ngài hết lời căn dặn, khuyên bảo chúng sinh. Riêng khen ngợi Tịnh độ, khuyên tất cả chúng sinh cầu vãng sinh, đó là lý do. Do đó, Thánh hiền, đạo tục ở cõi này muốn sinh về Cực lạc phải tu tập, hồi hướng phát nguyện thì lúc qua đời sẽ thấy Phật, được vãng sinh. Chuyện vãng sinh có ghi đầy đủ trong các sách, không thể tính kể.

Nhưng hàng phàm phu thấp kém lại tham đắm sắc, thanh... thô xấu xa của thế gian, cam tâm chịu nổi trôi trong vòng sinh tử, không cầu ra khỏi. Giống như muốn vào thành, nếu không làm nhà để nghỉ trước, thì đến chiều tối làm sao có chỗ để ngủ, thật đáng thương thay! Nhưng các bậc Thượng thiện chán khổ cầu vui, phát tâm niệm Phật thì nhiều, còn người hiểu biết về quán cảnh thì rất ít. Do đó tôi đặt bút trình bày sơ lược, ngõ hầu khiến cho người tin ưa, nhân đây được vào cửa đạo, không luống uổng công lao tu hành. (Lúc mới vào đạo tràng nên nhớ tưởng đến Tam bảo, tâm sinh cung kính, thương xót chúng sinh, thầm phát nguyện rằng: "Con cùng chúng sinh trong pháp giới cùng một thể tánh với chư Phật, Bồ-tát, chỉ vì con và chúng sinh còn mê, còn chư Phật và Bồ-tát đã ngộ. Nay con khắp vì chúng sinh trong pháp giới cầu sinh về Cực lạc, vào đạo tràng này phúng tụng văn kinh, niệm danh hiệu Phật, như nghi thức bổ trợ).

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật ghi: Nếu có người thành tâm muốn sinh về Cực lạc, trước nên quán Phật Di-đà cao một trượng sáu trong ao sen. Như trước đã nói thân lượng Phật cao lớn vô biên, tâm phàm phu chẳng thể lường biết được, vì thế tám vạn tướng tốt, ở địa vị Thập tín mới thấy được, phàm phu mới phát tâm quán cảnh giới chẳng thể biết được cho nên khiến quán thân Phật cao trượng sáu, còn về ba mươi hai tướng tốt thì không thể quán cùng khắp. Vì thế nên từ quán một tướng tốt mà vào. Chúng ta chỉ cần quán sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày thì ba mươi mốt tướng còn lại tự nhiên xuất hiện. Nếu quán thuần thục, không thay đổi cách quán thì quán các tướng khác của thân Phật đều được. Nếu quán tướng này rõ ràng thì tướng sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày trắng như ngọc, như tuyết, dài một trượng năm thước, chu vi năm tấc, bên ngoài có tám góc, bên trong bộng, xoáy về bên phải, chiếu rõ kim nhan của Phật. Ánh sáng trong suốt, chiếu soi cùng khắp không thể lấy gì ví dụ được. Muốn quán tướng này trước phải hiểu "Muôn Pháp duy tâm, tất cả duy thức". Cho nên trong kinh ghi: "Tâm bao trùm hư không, thân cùng khắp sa giới." Lại nói tâm như người thợ vẽ, tạo ra các thứ năm ấm. Tất cả những gì trên thế gian này đều do tâm tạo. Vì vậy cây báu, đất báu, ao báu ở thế giới Cực-lạc là y báo, thân ba mươi hai tướng tốt là chánh báo của hải chúng Diđà, tất cả đều có sẵn trong tâm ta, đều do tâm tạo ra, không từ nơi khác mà có được, không từ bên ngoài mà đến. Người hiểu rõ điều này mới có thể nói về tức tâm quán Phật, cho nên nói rằng: "Duy tâm Tịnh độ, bản tánh Di-đà." Cho nên kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi: "Chư Phật Như lai là thân pháp giới, nhập vào trong tâm tưởng của chúng sinh, cho đến tám mươi vẻ đẹp."

Đại sư Thiên Thai dùng hai nghĩa để giải thích vần đề này:

1. Giải thích theo đạo cảm ứng giao nhau.

2. Giải thích theo giải nhập tương ưng.

Nếu không có giải thích thứ nhất thì quán chẳng phải quán Phật.

Nếu không có giải thích thứ hai thì ngoài tâm có Phật, cho nên giải nhập tương ưng là tức tâm, đạo cảm ứng giao nhau là quán Phật. Cho đến giải thích tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nói theo tu quán thì gọi là "Tâm tác", nói theo sẵn có thì gọi là "Tâm là". Văn này rút trong "Tượng quán nghĩa biến sơ hậu" thứ tám. Như vậy thí dụ hợp với điều này, nói tâm này làm mặt trời, tâm này là mặt trời, tâm này làm Thế Chí, tâm này là Thế Chí. Cho đến trong chín phẩm, tùy theo cảnh mà quán thì không có gì chẳng cảm ứng. Nhưng tức tâm quán Phật cũng gọi là ước tâm quán Phật. Ước tâm thì nói theo nương gá vào Phật, tức tâm là nói theo sẵn có, vì đầy đủ nên gọi là tức. Mỗi trường hợp nêu lên một nghĩa, ý bao gồm cả hai. Nói về quán cảnh này tuy nhiều nhưng chưa thấy đích đáng. Nay trước tiên phải dẫn thuyết xưa để bình luận việc này, rồi sau đó chính thức nêu ra ý này. Pháp tịnh giác tức là nhiếp Phật quy tâm, sau đó dùng quán gọi là quán Phật. Ở đây cho rằng muốn quán tưởng cảnh Cực lạc mà quán tại cảnh Đông độ là sai, nhờ đâu mà sinh về Cực lạc, cũng là trực quán tâm. Pháp sư Quảng Trí cho rằng: "Nhiếp tâm quy Phật gọi là quán Phật, đây là trực quán Phật." Tại sao các Tổ sư gọi quán tâm là Tông? Nếu căn cứ theo cách nhìn của hai Ngài, thì trước phải hiểu rõ "Muôn pháp duy tâm" mới có thể quán tâm, muôn pháp duy Phật mới có thể quán Phật. Ở đây đồng với thường ngồi trực quán Tam đạo (phiền não đạo, nghiệp đạo, khổ đạo). Ấy là trực quán tâm, trực quán Phật. Hai Ngài tranh chấp không thôi, bèn cần sự quyết đoán của Tổ sư Tứ Minh. Tổ sư tiếp nhận ý kiến của hai Ngài, không phải là nhiếp Phật quy tâm, không phải là nhiếp tâm quy Phật, mà là ước tâm quán Phật. Vì sao? Vì Tịnh độ Di-đà vốn đã sẵn đủ trong tâm ta. Cho nên nhờ vào ba mươi hai tướng tốt của Phật để huân tập pháp thân tánh thể vốn sẵn có trong tâm ta. Nếu quán trí thành tựu thì tự nhiên sẽ rõ ràng. Cho nên Diệu Tông nói: "Chúng sinh nhờ nương vào y chánh của Phật Diđà mà huân tập tâm tánh". Tâm tánh dễ phát khởi tức là nghĩa này.

Hỏi: Ước tâm quán Phật chỉ là sở quán, cảnh cũng bao gồm quán năng quán ư?

Đáp: Một chữ "quán" tức là quán năng quán, hai chữ "tâm Phật" là cảnh sở quán.

Hỏi: Nếu vậy thì cảnh sở quán là vọng hay chân?

Đáp: Sở luận của một nhà nêu ra quán cảnh khác hẳn với các thuyết. Trực quán chân tâm, chân Phật chỉ thuộc về cảnh giới Phật. Cho nên hễ nói quán tâm, quán Phật đều thuộc cảnh vọng. Nhưng hiểu được vọng tức là chân, thì không cần phá vọng, sau đó hiển chân. Các nhà trực quán chân thì vọng cần phải phá, chân lý mới hiển bày. Đây chính là nghĩa duyên theo lý đoạn cửu (cửu kết). Đó là phá tánh ác của chín cõi, hiển bày tánh thiện của cõi Phật, là pháp đoạn diệt. Ấy chính là "Thiên về Biệt giáo" ở trước, chẳng phải là "Viên đốn diệu quán".

Hỏi: Đã nói ước tâm quán Phật, Phật là quả nhân, tại sao nói là vọng? Nếu là vọng thì Đức Phật Di-đà là phàm phu sao?

Đáp: Hành giả sơ phát tâm thì đối với ngoại cảnh chưa thể quên được, dẫn đến thấy có Phật khác. Tất cả đều quên, cũng chính là từ ấm bên ngoài mà vào, cho nên biết lỗi là tại ta, đâu có liên quan gì đến Phật.

Hỏi: Cảnh sở quán không ngoài trong ngoài. Tâm thuộc bên trong, Phật thuộc bên ngoài. Nay nói ước tâm quán Phật chẳng phải trong ngoài đều quán. Nếu vậy phải ngửa mặt quán. Phật, cúi đầu chiếu soi tâm. Như bước qua bậc cửa còn lưỡng lự, rốt cuộc phải làm thế nào?

Đáp: Ở đây càng khó được thích đáng, nay lược nêu ra lỗi của một người, sau nêu ra chính nghĩa.

Nghĩa đầu: Các bậc tiền bối nói: Cảnh thuộc bên ngoài, quán thuộc duy tâm, nên biết lời nói này có hai lỗi:

1. Rơi vào lỗi trong, ngoài đều quán.

2. Quán thuộc duy tâm, có lỗi quá lạm chân tâm.

Bởi vì hành giả mới phát tâm nên theo vọng tâm mà quán ứng thân Phật Di-đà, khi nào hiển bày Phật thể chân thật mới tránh khỏi lỗi này. Tổ sư tuy có nói duy tâm mà quán lập, chính là chỉ đối với cảnh do vọng tâm tạo ra phải dùng ba quán để thể nghiệm nó. Nếu quán thành tựu thì chân Phật mới hiển bày. Nên biết thuyết này rất sai lầm.

Nêu lên chính nghĩa: Nên biết tâm ta không hạn cục nơi chốn, như trước đã có dẫn văn kinh, cho nên Ngài Kinh Khê nói: "Nói duy tâm đâu chỉ là chân tâm, nên biết rằng tâm phiền não trùm khắp. Ông còn không biết tâm phiền não trùm khắp, làm sao rõ biết sinh tử sắc biến sắc, vì sao biến sắc tức tâm?" Nếu vậy không cần nhiếp Phật quy Đông độ, quán sát-năm ấm, cũng không cần ngửa mặt quán Phật, cúi đầu chiếu soi tâm, mới gọi là ước tâm quán Phật. Ở đây dứt nghi rằng: "Khẳng định cảnh thuộc bên ngoài, cảnh chính là tâm nên không cần nhiếp Phật quy tâm, mới gọi là ước tâm quán Phật. Như thế đã rõ lỗi, lại thâm đắc ý Phật, cũng là vượt khỏi thường tình. Huống chi từ miệng vàng của Đức Phật dẫn dụ? Như cầm gương sáng tự thấy mặt mình, hình trong gương ở ngoài há có thể "Nhiếp quy" thân ta mới là hình ta sao?

Cũng như dẫn tâm hướng Cực-Lạc làm nhân vãng sinh. Tuy tâm không có nơi chốn nhưng do mê mờ mà có hạn cục. Nay dùng cách giải trừ khéo léo để hóa giải tâm hạn cục này. Nhưng đối với Phật sẽ thành ba đế, ba quán. Vì thế "gương" dụ cho pháp quán, "Cầm" dụ cho tu quán, "Thấy hình" dụ cho quán thành tựu, tức là thấy bổn tánh Phật. Nếu quán chưa thành thì hình ở ngoài. Ví dụ ở tâm cần gì "Nhiếp quy" thân mình? Ở đây hiển bày rõ ràng nhưng người đời không thể đạt được.

Hỏi: Ước tâm quán Phật, khẳng định cảnh bên ngoài thuộc về luống dối, nghĩa này rõ ràng không có gì đáng nghi ngờ. Dùng ba quán thể nghiệm cảnh luống dối này thành ba đế, xin chỉ bày tướng này?

Đáp: Như quán sợi lông trắng giữa hai đầu chân mày, một lòng, một ý, chuyên tưởng không dời đổi, rõ ràng phân minh thì có thể hiểu được cảnh này. Các pháp đầy đủ, tướng này là từ thân ta mà được, là từ tâm ta mà được. Còn Phật không từ thân ta mà được, không từ tâm ta mà được. Không từ thân ta mà được tâm Phật, không từ tâm ta mà được sắc Phật. Cái nào nếu là tâm thì Phật không có tâm, nếu là sắc thì Phật không có sắc, nên không thể dùng sắc, tâm để cầu Tam-Bồ-đề. Cảnh sở quán đã không thì quán năng quán cũng diệt. Năng sở đều mất, không rơi vào suy nghĩ thường tình. Không tuy không thật có, nhưng tùy theo niệm liền thấy. Như kính chiếu soi thì mặt mình hiện ra trong đó. Lại như Tỳ-kheo quán xương khởi lên các thứ ánh sáng. Ở đây không có người đem đến, cũng không có xương này, tất cả đều do ý làm ra, đều giả dối như huyễn hóa. Phật vốn không hề đến, ta cũng không đi. Tâm không tự biết tâm, tâm không tự thấy tâm, tâm còn suy nghĩ si mê, không còn suy nghĩ là Niết-bàn. Pháp này không thể chỉ bày, đều do nhớ nghĩ tạo nên. Dù cho có nhớ nghĩ (niệm) cũng không phải tất cả đều không.

Trong ba quán thì nói theo năng quán, trong ba đế thì nói theo "Sở hiển". Đế, quán không hai, năng, sở là một. Nên Tổ Sư nói: "Ba đế, ba quán, ba phi, ba ba, một một, tam vô sở ký, đế quán gọi là thể riêng biệt." Ở đây cũng giống như vậy, cho nên năng sở chỉ là một.

Hỏi: Một tâm ba quán, ba đế một cảnh, không trước không sau, mới là viên đốn Tam-muội. Theo điều đã nói trên thì dường như nghĩa thứ lớp của tâm?

Đáp: Tuy nói trước sau nhưng dùng trong một lúc, lại như quán chiếu sợi lông trắng này tức là tâm ta. Ngoài tâm không có pháp, pháp pháp không thật có tức là "Không". Tướng này rõ ràng là "Giả", giả tức là cảnh, "Không" tức là quán. Rõ ràng thông đạt không bị cảnh làm nhiễm ô mà quên "Giả", rõ ràng thông đạt không bị trí làm thanh tịnh mà quên "Không". Chẳng nhiễm chẳng tịnh, cảnh quán đều dứt, năng sở đều quên. Đó tức là Trung đạo, đâu còn có trước sau! Nếu nói về giả quán cũng như vậy. Sợi lông trắng rõ ràng như xương chiếu ra ánh sáng là "Giả", tướng này không thể nắm bắt được là "Không", không có người đem đến, cũng không có xương này là "Trung". Nếu nói về trung quán, hiểu rõ sợi lông trắng này chẳng phải "Không", chẳng phải "Giả", nếu tâm vọng tưởng thì si mê, dứt vọng tưởng thì Niết-bàn. Pháp này không thể chỉ bày, vì nó đều do suy nghĩ, việc làm không còn vướng vào hai bên. Hai cái này mất thì hai cái kia chiếu, do hai cái kia chiếu nên

"Không", "Giả" rõ ràng. Vong chiếu đồng thời nên không có trước sau. Như thế một "Không" thì tất cả đều "Không", Ba quán cũng "Không", một "Giả" tất cả "Giả", ba quán cũng "Giả", một "Trung" tất cả "Trung", ba quán cũng "Trung", không trước không sau, dứt bặt nghĩ bàn.

Hỏi: Y chánh Tịnh độ ở ngoài mười muôn ức cõi, tại sao nói "Duy tâm Tịnh độ, bản tánh Di-đà"? Lại trong kinh ghi: Phật A-di-đà ở cách đây không xa?"

Đáp: Nghĩa này phải y cứ theo ba đế, ba quán đã nói thì nghi này mới giải được. Người nào thành tựu không mất tự thể thì Đông, Tây như nhau, ngại gì cõi Tịnh độ ngoài mười muôn ức cõi. Đó tức là cái giả nhiệm mầu. Cùng một thể tánh không ngăn cách một mảy may nào. Đó là cái không nhiệm mầu. Hai tướng bất nhất, bất dị không còn. Đó tức là cái trung nhiệm mầu. Cũng là một là tất cả nên không ngại xa, tất cả là một nên không ngại gần, chẳng phải một, chẳng phải tất cả nên không xa không gần. Ví dụ: Lấy bỏ không lấy không bỏ, hợp tan không hợp không tan v.v... không pháp nào không như vậy, như trong sáu chương trước của chỉ quán đã nêu, nương theo Tu-đa-la (kinh) để mở rộng, giải thích, nói thẳng bổn chân của các pháp, đều là ba đế diệu pháp. Do lý này đầy đủ mới có sự dụng. Vì "Giả" nên không mất tự thể nên dù gần hay xa cũng vãng sinh về Cực lạc. Lại do "Không" nên đồng một thể tánh, nhờ năng lực Phật, năng lực Tam-muội, nên một niệm có thể thấy. Tâm ở trong định, như khoảng thời gian búng ngón tay, không gần mà gần, thật không vãng sinh. Hai điều này chẳng phải là hai bên. Sự chẳng phải vãng sinh, chẳng phải không vãng sinh, đã tức lý thì chính là diệu sự. Nhưng Đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sinh đưa ra một việc lại bao gồm cả ba, cho nên kinh Tiểu Di-đà thiên về nói xa, kinh Thập Lục Quán thiên về nói gần. Gần xa cùng chiếu thì gần xa đều vắng lặng. Vì thế gần, xa chẳng phải gần chẳng phải xa, sinh tức là vô sinh, vô sinh tức là sinh, chẳng phải sinh, chẳng phải bất sinh. Người đời nay thường chạy theo lời nói sinh ra kiến giải, chấp vào một bên, không thể giải thích đầy đủ được. Nên luận Thập Nghi chép: "Người đời nay nghe nói sinh liền nghĩ là sinh, nghe nói không sinh liền nghĩ là không sinh, chính là rơi vào lỗi này, thật đáng thương thay!"

Nếu không theo lý đầy đủ của ba pháp mà luận về sự-dụng của ba pháp thì mắc lỗi từ tâm sinh, lại vời lấy sự chê bai của duyên lý đoạn cửu, há là pháp môn viên đốn? Nếu không như vậy, vì sao Diệu Tông đưa ra ba năng lực trong kinh Ban-chu Tam-muội để Tam-muội làm chứng?

1. Phật lực.

2. Tam-muội lực.

Hai năng lực này chẳng phải sự dụng chăng?

3. Bổn công đức lực. Đây chẳng phải là lý sẵn có ư?

Song người đời Mạt pháp muốn lập hạnh tu hành nên chọn pháp môn nhập lý làm nơi chốn để khởi các quán, vì chúng sinh còn mê mờ chưa ngộ được lý. Cho nên đến phần thứ bảy trong chương chánh tu, mới nói về chọn lựa sở quán trong mười cảnh. Ở đây cũng giống như vậy, như trước đã nói. Bởi ở đây không thấy ý này há không cảm ứng chăng?

Hỏi: Duy tâm của duy tâm Tịnh độ và bản tánh Di-đà so với duy tâm trong duy sắc duy tâm của mười môn bất nhị giống và khác nhau thế nào?

Đáp: Duy tâm Tịnh độ là ấm cảnh sở quán, bản tánh Di-đà là pháp môn sở hiển, cũng là pháp quán năng quán. Mỗi bên nêu lên ý của mình để hiển bày lẫn nhau. Nếu mười môn bất nhị y theo ba đế, diệu sắc diệu tâm mà nói về duy tâm, thì nên nói rằng: Chẳng phải sắc, chẳng phải tâm là "không", sắc, tâm là "giả", duy sắc tâm là "trung". Đây chính là thẳng đến trung đạo, còn gì đợi luận bàn! Gọi là diệu sắc diệu tâm há cùng với tâm Tịnh độ, ấm tâm sở quán cùng một lúc mà bàn được?

Nếu quán thân tướng của hai Bồ-tát giống nhau thì nên chọn ra những điểm riêng khác. Như trong kinh ghi: Chỉ cần quán tướng đầu thì biết là Bồ-tát Quán Thế Âm hay là Bồ-tát Đại Thế Chí.

Tướng đầu ấy thế nào? Trên đỉnh đầu Ngài Quán Âm có nhục kế như hoa sen chưa nở, hồng tươi trong suốt thanh tịnh. Trên nhục kế của Ngài Thế Chí có bình báu chứa đầy ánh sáng. Nếu lúc niệm danh hiệu hai vị Bồ-tát này thì nên quán tướng này. Nếu khi niệm hải chúng thanh tịnh nên tưởng nhớ đến các vị trời trong Tam Thừa vây quanh Phật và hai vị Bồ-tát.

Đã nói về tướng quán cảnh, tất cả các ví dụ trên đều có thể biết được. Nếu không chọn lựa kỹ càng làm sao gọi là viên tu, cho nên không thể đạt được. Dùng bút ghi lại, nhưng lão già này mắt đã mờ, chưa kịp xem lại văn, nên phần nhiều có thiếu sót, mong người xem lượng thứ cho.

Ngày 18 tháng 12, niên hiệu Chí Đại năm thứ

3. Lời tựa của Tịnh độ hoặc vấn.

Tham thiền hay niệm Phật đều không bỏ. Thiền chủ yếu là thấy tánh, niệm Phật thì lìa trần. Trộm nghĩ pháp môn niệm Phật thật là con đường qua lại chung của Thiền và Giáo, là con đường tắt dạo chơi của sĩ thứ. Điều này không đáng tin sau khi ở đời những học giả tham thiền thì có bệnh thiện, làm Phật sự thì có ma sự, chỉ do cách xa thời Thánh hiền, nhánh nguồn khác biệt, đâu đâu cũng có điều này, ai có thể ngăn dứt? Như Ngài Thiên Như đời Nguyên là một thiền sư thông suốt vả tông thuyết và quy tắc trời người; như kiếm lìa hộp báu để chém sự bất bình, thuốc ra khỏi bình vàng để trị bệnh trầm kha, Ngài đã ở nơi không có gì đáng nghi ngờ mà khéo đặt ra nghi tình, chỗ không có gì để hỏi mà nêu câu hỏi nên gọi là "Tịnh độ hoặc vấn" gồm cả thảy hai mươi sáu điều hỏi đáp để khơi nguồn mở lối người hiểu biết. Nếu tin tưởng thì tịnh niệm văn này. Như còn chấp trước, hiểu sai, không phân biệt xấu đẹp, giữa ban ngày lạc đường, nên đi đến phương Bắc lại quay về phương Nam thì nay có đệ tử đức đại Từ bi lưu hành bản văn này khắp nơi chứ chẳng phải chỉ dành riêng cho người tu Tịnh nghiệp, hầu có thể làm một lời khuyên cho kẻ không tin.

Giảng chủ ba tông-Thủ Ngu Ngộ cần thức.


[Đầu trang][Mục lục bộ Chư Tông][Mục lục tổng quát]