TẠP TẠNG
SỐ 1977 - TỊNH ĐỘ NGHI BIỆN
LỜI BẠT SAU BIỆN GIẢI MỐI NGHI VỀ TỊNH ĐỘ.
Thiền sư Liên Trì trước tác Tịnh độ nghi biện để nay ngã cột kiêu ngạo, phá vỡ lưới si. Như trong tăm tối có ngọn đèn, như nghèo cũng được của báu, thật sự là con thuyền từ đưa qua biển khổ, tức là luận của Ngài Vĩnh Minh tông Thiên thai, chưa có luận nào tinh thuần, tha thiết và rõ ràng như vậy. Người tu Tịnh độ rất cần tiếp thu nó. Nếu nghi ngờ, phóng ý dối bàn sẽ bị quả báo khổ đến đời vô tận, nói vậy chẳng có gì là quá. Tôi nói chẳng có gì là quá vì từng nghiên cứu việc Phòng Chửa đời nhà Đường chết đột ngột xuống âm phủ gặp Minh vương. Vương rằng: Án của ông mỏng vì ông từng khuyên một người già niệm Phật đã sinh về Tịnh độ, ông nay nhờ phước ấy cũng được sinh Tịnh độ. Rồi bèn tha cho về. Sư nói rằng: Hạng Xiển-đề không tin có Tây phương nên không tu lại chướng ngại người khác tu sẽ vào địa ngục như tên bắn.
Phàm một khẩu nghiệp, nếu khuyên người niệm Phật thì cũng khiến được sinh Tịnh độ, chướng ngại người niệm Phật thì vào địa ngục như tên bắn. Do vậy kẻ buông thả khẩu nghiệp thật đáng sợ, cho nên nói lời của Thiền sư Liên Trì chẳng có gì là quá đáng.
Dự Chương Vi Hưu của sĩ thuật, Sở Uẩn soạn.
Có người hỏi: Nói về Tịnh độ là bởi làm sáng tỏ pháp thôi. Người trí phải trực ngộ thiền Tông, mà nay chỉ tán thán Tịnh độ, đó có phải là chấp trước sự tướng mà mê mờ lý tính không?
Đáp: Quay về nguồn tánh vốn không hai, phương tiện có nhiều cửa, hiểu được ý này thì Thiền tông và Tịnh độ tuy khác đường mà chung cội. Mối nghi của ông ngay đó liền tan biến. Người xưa ngay điểm này nối nhau xiển dương thật là nhiều. Như Đại sư Trung Phong nói: Thiền là Thiền của Tịnh độ, Tịnh độ là Tịnh độ trong Thiền, mà người tu nhất định phải chọn một cửa để vào. Những lời này là định luận vạn thế. Cho nên Bồtát Đại Thế Chí có lời sau khi đắc pháp môn niệm Phật Tam-muội: Nhờ niệm Phật mà tâm chứng nhập Vô sinh nhẫn. Bồ-tát Phổ Hiền nhập vào giải thoát bất khả tư nghì trong hội Hoa Nghiêm liền phát nguyện khi lâm chung được vãng sinh An dưỡng. Hai vị đại sĩ này, một làm thị giả cho Đức Giáo chủ cõi Ta-bà, một vị hầu cận Đức Đạo sư cõi An dưỡng. Mỗi vị chứng nhập mỗi môn nhưng lại hòa hợp viên dung, hai pháp không ngại nhau. Đây là điều mà người ta thường thấy nghe hay biết, sao còn chấp trước mê lầm. Còn như ông nói Tịnh độ là biểu pháp. Tại sao không nghĩ nhờ tâm tịnh thì mới có Tịnh độ, rồi lại có thế giới thất bảo, thì cũng sẽ cho rằng tâm thiện là thiên đàng rồi lại có Dạma, Đao lợi, thì ác tâm chính là địa ngục, rồi lại có dao kiếm chảo dầu. Tâm ngu si chính là súc sinh lại có cảnh mang lông đội sừng. Vả lại ông thích bàn về lý tánh mà không ưa nói đến sự tướng cũng là vì muốn làm sáng tỏ Ta là dòng dõi cao quý mà không thông lý tánh thì sợ người chê cười. Than ôi! Nếu quả thật là người thông suốt lý tánh thì nên biết rằng ngoài sự không có lý, ngoài tướng không có tánh, hai thứ đó vốn đan xen nhau, đâu cần bỏ sự cầu lý, bỏ tướng tìm tánh ư. Hơn nữa cõi được phân làm bốn loại mà ông lại nói chỉ có cõi Tịch quang chứ không có các cõi Thật báo trang nghiêm... ư. Nếu chỉ luận suông về vô tướng mà cho là cao thì lợi ích tư lương rất ít. Xem được vài quyển kinh luận, nhớ được mấy tắc công án mà cho là giỏi thì đâu đủ để vấn nạn. Ông cho rằng mình đã liễu triệt tùy xứ Tịnh độ thì tôi thử hỏi ông, ông có dám vào chuồng súc ở chung với các loài bò heo ngựa chó, ăn cùng máng với chúng không. Có dám vào gò mả để ngủ chung với những thi hài rữa nát không? Có dám tắm rửa, giặt giũ, chăm sóc cho những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo hết năm này đến tháng nọ không? Từ những chuyện này mà hoan hỷ tình nguyện thì không còn gì để nói. Và cho phép ông nói về những nơi đất bằng núi cao đều là Tây phương. Đối với cảnh ngoài thì gắng gượng, bên trong khởi hiềm nghi, thì cảnh uế tịnh chưa không, tình yêu ghét vẫn còn, thế mà mở miệng nói về cảnh giới cao siêu của Thánh nhân, gạt bỏ không có Phật quốc. Miệt thị vãng sinh, đáng gọi là kẻ khi trời dối người cam lòng tự muội, khổ thay! Khổ thay! Vả lại, nếu ông có sức lớn, có nguyện lớn, nguyện lăn lộn trong biển sinh tử hành đạo Bồ-tát mà không khiếp sợ, thì sinh về Tịnh độ ta không ép ông. Ông lại lo rằng không làm chủ được trong cảnh giới to lớn này, rồi lại lo chư Phật ra đời khó gặp gỡ để tu tập, lo sức nhẫn chưa chắc không thể ở trong ba cõi hiểm nguy này độ thoát chúng sinh, lo hết báo thân này chưa thể đoạn sinh tử và phải thọ thân sau, mà đường trước thì mịt mờ chẳng biết về đâu mà lại bỏ Tịnh độ không chịu sinh về thì sự tổn thất ấy rất lớn. Pháp môn Tịnh độ này dường như cạn mà sâu, dường như gần mà xa, dường như khó mà dễ, tợ dễ mà khó, ngày đó ông sẽ tự hiểu. Nay ông tham thiền niệm Phật, có thể thâm nhập bất cứ pháp môn nào, chỉ kịp nhận mạt làm vàng, được ít cho là đủ, thì cũng giống như sự hiểu biết cạn cợt mà dối bàn cao siêu, không thông hiểu Tịnh độ, dụ như đứa con si cuồng mắng chửi cha mẹ, cha mẹ xót thương tuy không quở trách nhưng lý trời không dung, pháp ma không tha. Kẻ vọng ngữ, quả báo cũng như vậy. Thật đáng thương thay! Thật đáng thương thay!
Cư sĩ Vi Hưu kêu gọi nền Đạo học nơi Tĩnh gian, có phong thái thong dong tự tại, đã rất hăng hái trong việc khắc bản kinh Hoa Nghiêm từ bản tiếng Phạm sang bản hoa ngữ để tiện đọc học. Ông còn rộng khen Tịnh độ, khắc bản nghị biện là trước tác của tôi (tác giả-n.d) và lưu hành rộng rãi. Ông còn có chí hướng đối với mười huyền môn, gởi thần nơi cõi Cửu liên, có thể nói là khế hợp sâu xa với nguyện vương của Phổ Hiền, là bậc diệu nhập Tỳ-lô tánh hải. Đáng tiếc ông mất sớm, không để cho Tào Lỗ Xuyên được gặp.