TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠP TẠNG

BỘ SỬ TRUYỆN

SỐ 2079 - TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG ĐỊNH TỔ ĐỒ

Thời Bắc Tống, Sa-môn Thần Tăng Khế Tung ở Đông sơn, Tầm Tân soạn

MỤC LỤC

SỐ 2079 - TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG ĐỊNH TỔ ĐỒ

LỜI TỰA

1. Thủy Tổ: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni:

2. Tổ thứ nhất: Tôn giả Đại Ca-diếp

3. Tổ thứ hai: Tôn giả A-nan.

4. Tổ thứ ba: Tôn giả Thương-na-hòa-tu

5. Tổ thứ tư: Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa.

6. Tổ thứ năm: Tôn giả Đề-đa-ca.

7. Tổ thứ sáu: Tôn giả Di-giá-ca.

8. Tổ thứ bảy: Tôn giả Bà-tu-mật.

9. Tổ thứ tám: Tôn giả Phật-đà-nan-đề.

10. Tổ thứ chín: Tôn giả Phục-đà-mật-đa

11. Tổ thứ mười: Tôn giả Hiếp Tôn giả

12. Tổ thứ mười một: Tôn giả Phú-na-dạxa

13. Tổ thứ mười hai: Tôn giả Mã Minh.

14. Tổ thứ mười ba: Tôn giả Ca-tỳ-ma-la

15. Tổ thứ mười bốn: Tôn giả Long Thọ

16. Tổ thứ mười lăm: Tôn giả Ca-na-đề-bà

17. Tổ thứ mười sáu: Tôn giả La-hầu-la-đa

18. Tổ thứ mười bảy: Tôn giả Tăng-giànan-đề

19. Tổ thứ mười tám: Tôn giả Già-da-xáđa.

20. Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-ma-lađa.

21. Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-dạ-đa

22. Tổ thứ hai mươi mốt: Tôn giả Bà-tubàn-đầu

23. Tổ thứ hai mươi hai: Tôn giả Ma-noA-la.

24. Tổ thứ hai mươi ba: Tôn giả Hạc-lặcna.

25. Tổ thứ hai mươi bốn: Tôn giả Sư Tử.

26. Tổ thứ hai mươi lăm: Tôn giả Bá-xátư-đa.

27. Tổ thứ hai mươi sáu: Tôn giả Bất-nhưmật-đa.

28. Tổ thứ hai mươi bảy: Tôn giả Bát-nhãđa-la.

29. Tổ thứ hai mươi tám: Tôn giả Bồ-đềđạt-ma.

30. Tổ thứ hai mươi chín: Tôn giả Tuệ Khả.

31. Tổ thứ ba mươi: Tôn giả Tăng Xán.

32. Tổ thứ ba mươi mốt: Tôn giả Đạo Tín.

33. Tổ thứ ba mươi hai: Tôn giả Hoằng Nhẫn.

34. Tổ thứ ba mươi ba: Tôn giả Tuệ Năng.

35. Sa-môn Trúc Đại lực.

36. Sa-môn Phật-đà-bạt-đà.

37. Sa-môn Đàm-ma-ca-la.

38. Sa-môn Tăng Hựu.

39. Sa-môn Chi-cương-lương-lâu.

40. Sa-môn Na-diên-da-xá.

41. Sa-môn Ba-la-phân-đa.

42. Sa-môn Kiện Na.

43. Cư sĩ Bùi Hưu.

44. Cư sĩ Lưu Húc.

 


LỜI TỰA

Bồ-đề-đạt-ma thật là Tổ sư đời thứ hai mươi tám trong giáo pháp dòng họ Thích, cùng như Tôn giả Đại Ca-diếp tương thừa tiếp nối ngay từ Đức Thích-ca Văn Như Lai vậy. Đến khi lưu truyền đến Trung Hoa, trải qua các thế hệ năm tháng dần xa, Phả điệp sai lầm, mà người học ít nhận biết, chẳng thể suy tìm rõ gốc gác. Thật khiến chẳng thể lường xét, lẫn lộn với các dị luận, xưa nay từng vậy. Khế Tung tôi bấy lâu nay lấy đó làm đại hoạn. Vừa khảo xét mọi phải quấy trong đó, chỉnh định Tông tổ đó, sách ấy được lưu xuất, gặp được ban Biểu đồ của Tổ sư truyền pháp trao y trang trải trong thiên hạ, người học Phật tuy đều vinh hạnh đó, như nghe rõ suốt mà chưa hiểu ý Hoàng thượng. Khế Tung tôi rất may mắn đó, lén bảo cùng các bậc thức giả rằng: “Đức Phật chúng ta đem cốt yếu của đại pháp làm thành tông của một đại giáo, đem sự kín nhiệm trao nhận làm Tổ của một đại giáo. Tông ấy là nguồn đạo của Thánh hiền, là gốc diệu của đất trời sinh linh, Tổ ấy là khuôn mẫu của người học giới định tuệ trong muôn đời, là nghiệm thật của mười hai bộ loại giáo thuyết”. Tự sách loạn truyền, mờ mịt vỡ nát, trong thiên hạ nghi ngờ đó có cả ngàn mấy trăm năm. Nay Hoàng thượng Đại Thánh đặc ân ban truyền Biểu đồ để chỉnh định Tông tổ đó, nhưng Thánh nhân dạy đạo, thì hẳn phải là Thánh nhân mới đủ khả năng chỉnh định.

Đó đâu chỉ may mắn lớn của Đồ chúng trong dòng họ Thích, mà cũng là may mắn lớn của sinh linh trong đất trời. Khế Tung tôi nhân chẳng trốn lánh sự giết hại của ngu vọng tiếm việt ấy, dám đương đầu chịu chết dẫn việc xưa cũ, suy diễn ý của Thượng Thánh, ngưỡng mộ sách chua Biểu đồ Tổ sư, cũng như trước nói là Tổ sư truyền pháp trao y vậy. Nhưng mới đầu làm loạn Tông tổ của chúng ta đó tợ như lửa đom đóm làm mờ hoặc người học trong thiên hạ, không gì bằng như bộ “Phú Pháp Tạng Truyện”. Chỉnh định Tông tổ đó và chấm dứt sự tranh cãi của muôn đời, không gì bằng bộ “Thiền Kinh”. “Thiền Kinh” có trước “Phú Pháp Tạng Truyện” trước sau sáu mươi hai hoàn bị, hai mươi tám đời Tổ sư đã thấy rõ trong đời nhà Tấn. Còn “Phú Pháp Tạng Truyện” là sau khi Chân Quân phá hủy Phật giáo, tự nhiên mẻ sứt, chỉ cho là có hai mươi bốn đời Tổ sư, mới thấy ở thời Bắc Ngụy vậy”. Vừa lấy theo “Thiền Kinh” mà kiểm nghiệm, thì” Phú Pháp Tạng Truyện” quả thật là sai nhầm. Nếu Đức Như Lai riêng chỉ đem đại pháp nhãn tạng kín nhiệm truyền trao cho Tôn giả Đại Ca-diếp, thì hiện tại như trong kinh Niết-bàn, luận Đại Trí Độ, Thiền kinh cũng rõ ràng đó. Dùng ý để tìm cầu thì yếu chỉ vi mầu của Phật hiện còn vậy. Hoàng thượng thiên tánh cao diệu, riêng thấu đạt ngoài ngữ ngôn. Đó mới là Thiên Tư Phật ký vậy. Nên phát huy Thiền tổ nhã hợp cùng kinh giáo, nêu duỗi ban cho muôn đời, trọn vì định đoán Tam học, người con Phật kính tuân đó, ngưỡng mộ đó, trong thiên hạ chẳng lại còn nghi ngờ.

Sự xếp đặt trong Biểu đồ này là từ Đức Phật Thích-ca Văn, Tôn giả Đại Ca-diếp lần lượt cho đến Thiền sư Đại Giám-Tuệ Năng; Tổ thứ sáu ở Trung Hoa, có cả thảy ba mươi bốn vị. Lại đem các bậc Hiền sĩ trong Nho giáo Thích giáo nói đến tông tổ chúng ta, vốn có chứng cứ là mười vị xếp đặt sau chư Tổ, kính cẩn cùng theo sách “Truyền Pháp Chánh Tông Ký” đưa đến cung quyết tấu dâng, phiền cảm Thượng hoàng, chẳng mặc kinh hoàng lo sợ rất lắm.

Kính cẩn đề tựa.

1. Thủy Tổ: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni:

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện đản sinh tại nước xứ Trung Ấn Độ, làm con của vua Tịnh Phạn. Về sau, xả bỏ ngôi vị Chuyển luân Thánh vương, xuất gia, thành đạo Vô thượng, Chuyển đại pháp luân. Đến lúc bảy mươi chín tuổi, sắp nhập Niếtbàn, mới đem Đại pháp ấn giao cho đệ tử cao túc là Tôn giả Đại Ca-diếp và bảo Tôn giả A-nan làm phó thị truyền thừa hoằng hóa. Lại đem pháp y Tăng-già lê bằng kim tuyến bảo Tôn giả Đại Cadiếp chuyển trao cho Đức Phật bổ xứ trong tương lai là Phật Di-lặc. Xong bàn nói bài kệ tụng rằng:

“Pháp vốn pháp vô pháp
Pháp vô pháp cũng pháp
Nay lúc trao vô pháp
Pháp pháp nào từng pháp”.

2. Tổ thứ nhất: Tôn giả Đại Ca-diếp

Tôn giả Đại Ca-diếp vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn, ở nước Ma-kiệt-đà. Hình tướng sắc màu vàng ròng. Mới đầu, Tôn giả xả bỏ thế tục vào núi, dùng pháp Đầu đà tự tu. Đến lúc gặp Đức Phật ra đời, Tôn giả bèn quy hướng tôn làm thầy, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Tôn giả mới nhóm tập chúng A-la-hán cùng nhau kết tập pháp tạng. Sau đó, Tôn giả gìn giữ pháp y của Phật vào núi Kê túc nhập định để chờ đợi Đức Phật Di-lặc ra đời. Mới đem pháp ấn truyền trao cho A-nan và nói bài kệ tụng rằng:

“Các pháp, pháp xưa nay
Không pháp, không phi pháp
Tại sao trong một pháp
Có pháp, có phi pháp”.

3. Tổ thứ hai: Tôn giả A-nan.

Tôn giả A-nan, vốn chủng tộc Sát-đế-lợi, con vua Hộc Phạn, là con thúc bá với Đức Thích-ca Như Lai. Do kính mộ Đức Phật nên xuất gia làm thị giả. Tôn giả là bậc được tôn xưng Tổng trì đệ nhất, truyền trao các pháp do Phật giảng nói như nước rót vào bình chưa từng quên mất sai quá. Đến lúc sắp muốn nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem Đại pháp truyền trao cho đệ tử là Thương-na-hòa-tu và dặn dò cùng Mạt-điển-để-ca. Tôn giả nói bài kệ tụng rằng:

“Xưa nay trao có pháp
Trao rồi nói không pháp
Mỗi mỗi phải tự ngộ
Ngộ rồi không không pháp”.

4. Tổ thứ ba: Tôn giả Thương-na-hòa-tu

Tôn giả Thương-na-hòa-tu, cũng còn có tên gọi là Xá-na-bà-tư, vốn người thuộc chủng tộc Tỳ-xáđa, ở nước Ma-đột-la. Tôn giả ở trong thai mẹ suốt sáu năm mới sinh, có y phục tự nhiên theo thân mình mà lớn dần. Tôn giả xuất gia làm đệ tử Tôn giả A-nan, nhận lời Phật ghi ở chùa Ưu-lưu-trà. Trước tiên nhiếp phục hai con rồng lửa tại xứ đó sau mới lãnh chúng cùng ở. Đến lúc sắp nhập Niếtbàn, Tôn giả mới đem Đại pháp truyền trao cho đệ tử là Ưu-ba-cúc-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Phi pháp cũng phi tâm
Không tâm cũng không pháp
Lúc nói tâm pháp ấy
Pháp ấy phi tâm pháp”.

5. Tổ thứ tư: Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa.

Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, vốn người thuộc chủng tộc Thủ-đà-la ở nước Tra-lợi. Tôn giả nương theo thầy là Tôn giả Thương-na-hòa-tu xuất gia đắc đạo. Do có vết tích khác thường nên được tôn xưng là Phật không tướng hảo, độ người rất đông nhiều, thẻ ghi số người ấy chất đầy cả thất đá. Đến lúc sắp nhập diệt, Tôn giả đem đại pháp truyền trao cho đệ tử là Đề-đa-ca. Nói bài kệ tụng rằng:

“Tâm tự tâm xưa nay
Bản tâm chẳng có pháp
Có pháp có bản tâm
Chẳng tâm chẳng bản pháp”.

6. Tổ thứ năm: Tôn giả Đề-đa-ca.

Tôn giả Đề-đa-ca, vốn người nước Ma-già, chưa rõ thuộc dòng họ gì. Mới đầu, nương theo Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa mà xuất gia, hành hóa đến xứ Trung Ấn Độ, gặp Đại tiên Di-giá-ca tự nói nhân duyên xưa trước cầu xin làm đệ tử. Mãi đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Di-giá-ca, và nói bài kệ tụng rằng:

(1)...

7. Tổ thứ sáu: Tôn giả Di-giá-ca.

Tôn giả Di-giá-ca, vốn người xứ trung Ấn Độ, chưa rõ thuộc dòng họ gì. Mới đầu nhàm chán tiên thuật, cầu xin theo Tôn giả Đề-đa-ca xuất gia học Phật. Sau khi đã chứng quả hành hóa đến xứ Bắc Thiên trúc, gặp được Bà-tu-mật con người kỳ đặc, bèn vì nói xưa trước Đức Phật từng dự ghi. Ông sẽ tiếp nối ngôi vị Tổ sư, và liền nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Bà-tu-mật, và nói bài kệ tụng rằng:

“Không tâm không thể được
Nói được, chẳng gọi pháp
Nếu rõ tâm phi tâm
Mới hiểu tâm, tâm pháp”.

8. Tổ thứ bảy: Tôn giả Bà-tu-mật.

Tôn giả Bà-tu-mật vốn người thuộc chủng tộc Phả-la-đọa ở nước xứ Bắc Thiên trúc. Mới đầu thường mặc y phục sạch sẽ, mang theo bình rượu thần khí tự nhiên, mọi người đều không thể lường biết. Đến lúc gặp Tôn giả Di-giá-ca nêu bày nhân duyên xưa trước, Tôn giả bèn vất bỏ bình rượu, nương theo cầu xin xuất gia, chứng đạo thọ giới, hành hóa đến nước Ca-ma-la dùng luận nghị nhiếp phục Phật-đà-nan-đề nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn. Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Phật-đà-nan-đề, và nói bài kệ tụng rằng:

“Tâm đồng như hư không
Dạy pháp bằng hư không
Lúc chứng đắc hư không
Không pháp phải, pháp quấy”.

9. Tổ thứ tám: Tôn giả Phật-đà-nan-đề.

Tôn giả Phật-đà-nan-đề vốn người thuộc dòng họ Cù-đàm ở nước Ca-ma-la. Vừa mới sinh mà trên đảnh đầu Tôn giả có nhục kế, bẩm tánh rất thông minh, có khả năng chỉ một lần xem qua thì ghi nhớ tất cả. Lúc Tôn giả bốn mươi tuổi, gặp Tôn giả Bà-tu-mật đến nước đó, mới kính mộ giáo pháp bèn xin nương theo xuất gia. Sau khi đã đắc đạo thọ giới, Tôn giả cũng du phương giáo hóa, đến nước Đề-già, gặp được Phục-đà-mật-đa là người kỳ đặc bèn nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niếtbàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Phục-đà-mật-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Hư không chẳng trong ngoài
Tâm pháp cũng như vậy
Nếu hiểu rõ hư không
Là Đạt lý chân như”.

10. Tổ thứ chín: Tôn giả Phục-đà-mật-đa

Tôn giả Phục-đà-mật-đa vốn người thuộc chủng tộc Tỳ-xá-la ở nước Đề-già. Lúc đã gần năm mươi tuổi mà Tôn giả chưa từng mở miệng nói một lời, chân chẳng giẫm một bước. Gặp lúc Tôn giả Phật-đà-nan-đề đến nơi nhà, song thân mới dẫn ra thấy gặp. Vừa trông thấy, bỗng nhiên Tôn giả mở miệng nói và rảo bước đến trước, liền xin nương theo xuất gia. Về sau cũng thành đạo, thọ giới xong, Tôn giả bèn du phương giáo hóa đến xứ Trung Ấn Độ, gặp được người con của Trưởng giả Hương Cái tức là Hiếp Tôn giả, Tôn giả bèn nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả bèn đem đại pháp truyền trao cho Hiếp Tôn giả và nói bài kệ tụng rằng:

“Chân lý vốn không tên
Nhân tên bày chân lý
Nhận được pháp chân lý
Chẳng chân chẳng chẳng ngụy”.

11. Tổ thứ mười: Tôn giả Hiếp Tôn giả

Tôn giả Hiếp Tôn giả vốn người xứ Trung Ấn Độ. Ở trong thai mẹ mười sáu năm mới sinh, nhân đó mà gọi tên Tôn giả là Nan Sinh. Tôn giả có nhiều điềm vết kỳ đặc. Gặp lúc Tôn giả Phục-đàmật-đa đến nước đó giáo hóa thân phụ là Hương cái dẫn Tôn giả xin nhận làm đệ tử. Sau khi đã thọ giới Tỳ-kheo, Tôn giả tu hành thanh khiết tinh khổ suốt đêm ngày lưng chưa hề dính chiếu, nên được xưng gọi là Hiếp Tôn giả. Tôn giả du hóa, đến nước Hoa Thị, trước tiên hiện bày điềm tướng tốt lành, sau đó quả nhiên gặp được Phú-na-dạ-xa xin xuất gia làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Phú-na-dạ-xa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Thể thật tự nhiên thật
Nhân thật nói có lý
Lãnh được pháp thật thật
Không đi cũng không dừng”

12. Tổ thứ mười một: Tôn giả Phú-na-dạxa

Tôn giả Phú-na-dạ-xa vốn người thuộc dòng họ Cù-đàm ở nước Hoa Thị. Vừa mới sinh mà đã có đạo tánh, Tôn giả tự dự biết sẽ gặp được bậc thầy Thánh nhân. Đến lúc Tôn giả Hiếp Tôn giả đến nước đó, Tôn giả mới đến dự nơi pháp hội, mở lời luận bàn cùng khế hợp, bèn xin nương theo xuất gia. Sau khi đắc đạo, Tôn giả du phương giáo hóa, đến nước Ba-la-nại gặp được Mã Minh, bèn nhận làm đệ tử. Chánh hợp với lời dự ghi của Đức Phật xưa trước nên đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Mã Minh, và nói bài kệ tụng rằng:

“Mê ngộ như ẩn hiển
Tối sáng chẳng lìa nhau
Nay trao pháp ẩn hiển
Chẳng một cũng chẳng hai”.

13. Tổ thứ mười hai: Tôn giả Mã Minh.

Tôn giả Mã Minh vốn người nước Ba-la-nại, chưa rõ dòng họ là gì? Mới đầu, nương theo Tôn giả Phú-na-dạ-xa cầu xin xuất gia, đắc giới. Tôn giả Phú-na-dạ-xa từng vì nói nhân duyên xưa trước là “xưa trước, ông từng cảm hóa người của một nước thân mình trần truồng như ngựa, và người đó buồn kêu bởi luyến mến đức hạnh của ông, nhân đó mà xưng gọi tên ông là Mã Minh vậy”. Tôn giả vân du giáo hóa, đến nước Hoa Thị, bèn nhiếp hóa Đại ma Ca-tỳ-ma-la và nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Ca-tỳ-ma-la, và nói bài kệ tụng rằng:

“Ẩn hiển vốn pháp này
Tối sáng nguyên không hai
Nay trao pháp liễu ngộ
Chẳng lấy cũng chẳng bỏ”.

14. Tổ thứ mười ba: Tôn giả Ca-tỳ-ma-la

Tôn giả Ca-tỳ-ma-la, người nước Hoa Thị, chưa rõ biết dòng họ là gì. Mới đầu là một ngoại đạo có sức huyễn thật lớn, nhân đến nơi Tôn giả Mã Minh đấu pháp nhưng không hơn, bèn xin làm đệ tử. Sau khi đắc đạo thọ giới rồi, Tôn giả cũng vân du giáo hóa đến xứ Tây Thiên trúc nhiếp phục rồng lửa lớn, nhân đó gặp được Long Thọ, liền nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Long Thọ, và nói bài kệ tụng rằng:

“Pháp không ẩn không hiển
Nói là cạnh chân thật
Ngộ pháp ẩn hiển ấy
Chẳng ngu cũng chẳng trí”.

15. Tổ thứ mười bốn: Tôn giả Long Thọ

Tôn giả Long Thọ, vốn người nước xứ Tây Thiên trúc, chưa rõ thuộc dòng họ gì. Bẩm tánh rất tinh thông, các pháp thế học, không gì chẳng rành rẽ. Tại nước đó có núi tên là Long thắng, trước kia, núi đó có rồng thần ở nơi có cây lớn có thể phủ che lắm nhiều rồng. Đến lúc Tôn giả cảm ngộ, có ý muốn xuất gia, bèn vào núi đó nương cây mà tu hành. Khi đã có khả năng vì đàn rồng giảng nói Phật pháp, Tôn giả Ca-tỳ-ma-la nghe biết tên Tôn giả, bèn đến thấy gặp. Tôn giả liền kính lễ tôn xưng làm thầy, thọ giới. Sau đó vân du giáo hóa, đến xứ Nam Thiên trúc, Tôn giả gặp được Ca-na-đề-bà nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Ca-na-đề-bà và nói bài kệ tụng rằng:

“Để rõ pháp ẩn hiển
Mới có lý giải thoát
Với pháp, tâm không chứng
Không mừng cũng không sân”.

16. Tổ thứ mười lăm: Tôn giả Ca-na-đề-bà

Tôn giả Ca-na-đề-bà vốn người thuộc dòng họ Tỳ-xá-la ở nước xứ Nam Thiên trúc, gặp Tôn giả Long Thọ đến nơi cửa nhà, mới đầu bảo đem bát nước đầy để trước mặt, Ca-na-đề-bà liền đem cây kim thả vào trong nước, và bèn theo Tôn giả cầu xin xuất gia làm đệ tử cao túc. Về sau, Tôn giả hoằng hóa đến nước Ca-tỳ-la, gặp La-hầu-la-đa bèn nhận đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho La-hầu-la-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Trước đời người truyền pháp
Vì nói Lý giải thoát
Với pháp, thật không chứng
Không chung cũng không thủy”.

17. Tổ thứ mười sáu: Tôn giả La-hầu-la-đa

Tôn giả La-hầu-la-đa, vốn người thuộc dòng họ Phạm-ma ở nước Ca-tỳ-la. Sau khi đã gặp Tôn giả Ca-na-đề-bà, được rõ duyên nấm cây nơi vườn nhà, bèn liền cầu xin nương theo xuất gia, tỏ ngộ chánh pháp, có điềm tích kỳ đặc. Về sau, Tôn giả thống lãnh Đồ chúng vân du giáo hóa, đến thành Thất-la-phiệt, theo lời dự ghi của Đức Phật xưa trước nêu phỏng tìm Tăng-già-nan-đề, sau đó cũng gặp được bèn nhận cho xuất gia làm đệ tử. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Tăng-già-nan-đề, và nói bài kệ tụng rằng:

“Nơi pháp, thật không chứng
Chẳng lấy cũng chẳng lìa
Pháp chẳng tưởng có-không
Trong ngoài do đâu khởi”.

18. Tổ thứ mười bảy: Tôn giả Tăng-giànan-đề

Tôn giả Tăng-già-nan-đề, vốn người thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi ở nước Thất-la-phiệt, là con của vua nước đó. Tiền thân Tôn giả là Phật Bà-lavương xưa trước thị hiện sinh vào trong nhà vua, bèn xuất gia xuống tóc thọ giới tại cung vua. Sau ra nơi một thạch thất ở núi có tiếng tăm tại nước đó tu tập thiền pháp, gặp Tôn giả La-hầu-la-đa đến nơi Tôn giả đang hành thiền, nhân đó, Tôn giả kính phục thỉnh cầu pháp yếu. Tôn giả La-hầu-la-đa liền đem đại pháp trao cho. Về sau, Tôn giả đến nước Ma-đề, tìm người mà Tôn giả La-hầu-la-đa dự ghi sẽ nối dõi dòng pháp, Tôn giả mới gặp được Giàda-xá-đa. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Già-da-xá-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Đất tâm vốn không sinh
Nhân đất theo duyên khởi
Giống duyên chẳng ngại nhau
Hoa quả cũng như thế”.

19. Tổ thứ mười tám: Tôn giả Già-da-xáđa.

Tôn giả Già-da-xá-đa, vốn người thuộc dòng họ Uất-đầu-lam ở nước Ma-đề. Thuở bình sinh, Tôn giả có lắm điều kỳ đặc, gặp Tôn giả Tăng-giànan-đề đến nơi nhà tìm kiếm. Nhân đó, Tôn giả bèn xin nương theo xuất gia thọ giới. Sau khi được truyền trao đại pháp Tôn giả bèn du phương giáo hóa, đến nước Nguyệt Chi, gặp Cưu-ma-la-đa, bèn vì giảng nói về duyên rất kỳ đặc của nước đó, và nguyên nhân điềm mộng tốt lành, Cưu-ma-la-đa liền xin nương theo xuất gia. Đến lúc sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Cưu-ma-la-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Có giếng có đất tâm
Do duyên hay nẩy mầm
Với duyên không ngăn ngại
Đáng sinh, sinh chẳng sinh”.

20. Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-ma-lađa.

Tôn giả Cưu-ma-la-đa vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn, ở nước Nguyệt Chi. Xưa trước xưng là người không thể lường biết, theo duyên mà thọ sinh đến đây. Về sau được gặp Tôn giả Già-daxá-đa, bèn cầu xin xuất gia và được truyền trao đại pháp. Tôn giả vân du hành hóa, đến nước xứ Thiên trúc, gặp Xà-dạ-đa bèn nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Xà-dạ-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Trên tánh vốn không anh
Vì đối người cầu nói
Với pháp, đã không đắc
Sao nghĩ quyết chẳng quyết”.

21. Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-dạ-đa

Tôn giả Xà-dạ-đa, vốn người xứ Bắc Thiên trúc, chưa rõ biết dòng họ là gì. Gặp lúc Tôn giả Cưu-ma-la-đa đến nước đó, nhân nghe giảng nói nghiệp thông cả ba đời, bèn cảm ngộ, cầu xin xuất gia, được truyền trao đại pháp. Tôn giả mới vân du giáo hóa các nước, đến thành La-duyệt, gặp Bà-tubàn-đầu, bèn nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Bà-tubàn-đầu, và nói bài kệ tụng rằng:

“Nói bày hợp không sinh
Đồng với tánh pháp giới
Nếu hay hiểu như thế
Thông đạt lý sự xong”.

22. Tổ thứ hai mươi mốt: Tôn giả Bà-tubàn-đầu

Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu, vốn người thuộc chủng tộc Tỳ-xá-khư, ở nước La-duyệt. Lúc Tôn giả còn trong thai mẹ, từng có vị Thánh Tăng đem nhân duyên xưa trước báo cùng song thân của Tôn giả. Đến lúc sinh Tôn giả có các điềm khác lạ vừa lớn, Tôn giả bèn theo La-hán Quang Độ cầu xin xuất gia, lại kinh mộ pháp tu của Ẩn Quang nên chuyên hành hạnh Đầu-đà. Về sau, gặp Tôn giả Xà-dạ-đa và được truyền trao đại pháp Tôn giả vân du giáo hóa, đến nước Na-đề, gặp Ma-noa-la, bèn nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Ma-noa-la, và nói bài kệ tụng rằng:

“Bọt huyễn đồng không ngại
Cớ sao chẳng liễu ngộ
Đạt pháp tại trong đó
Chẳng nay cũng chẳng xưa”.

23. Tổ thứ hai mươi hai: Tôn giả Ma-noA-la.

Tôn giả Ma-noa-la, vốn người thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi, ở nước Na-đề, là con vua nước đó. Tôn giả có sức Thần lớn, được Phụ vương cho nương theo Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu xuất gia. Sau khi đã đắc giới truyền trao đại pháp, Tôn giả vân du giáo hóa. Từ xứ Tây Thiên trúc, dùng sức thần tự đến nước Nguyệt Chi, gặp Tỳ-kheo Hạc-lặc-na, Tôn giả liền nhận làm đệ tử. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem truyền trao đại pháp, và nói bài kệ tụng rằng:

“Tâm theo muôn cảnh chuyển
Nơi chuyển thật sâu mầu
Theo dòng nhận được tánh
Không mừng cũng không lo”.

24. Tổ thứ hai mươi ba: Tôn giả Hạc-lặcna.

Tôn giả Hạc-lặc-na, vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn ở nước Nguyệt Chi. Từ khi còn ở trong thai mẹ đến lúc sinh luôn có các điềm vết khác lạ. Về sau, Tôn giả nương theo vị Tỳ-kheo La-hán cầu xin xuất gia thọ giới, thường nương náu trong rừng trì tụng kinh. Do nhân duyên xưa trước nên cảm có đàn chim hạc đến nương tựa, mới có danh xưng như vậy. Sau đó, nhân đắc pháp từ Tôn giả Manoa-la, Tôn giả bèn vân du giáo hóa, đến nước Trung Thiên trúc, gặp Tỳ-kheo Sư Tử, liền nhận. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Sư Tử, lại căn dặn rằng: “Ông đến nước khác giáo hóa, ở nước đó có nạn mà liên lụy đến thân ông. Ông phải cẩn trọng sớm truyền trao đại pháp chớ khiến tuyệt dứt”. Và nói bài kệ tụng rằng:

“Lúc nhận được tâm tánh
Mới nói chẳng nghĩ bàn
Rõ ràng không chỗ được
Lúc được không nói biết”.

25. Tổ thứ hai mươi bốn: Tôn giả Sư Tử.

Tôn giả Sư Tử, vốn người thuộc chủng tộc Bàla-môn ở nước xứ Trung Thiên Trúc. Thuở thiếu thời, Tôn giả đã xuất gia tập học Thiền định, về sau lại nương theo Tôn giả Hạc-lặc-na và được truyền trao đại pháp. Tôn giả đến giáo hóa ở nước Kế Tân, mới đầu chuyển hóa chỉnh định tông chỉ của người khác như Tỳ-kheo Đạt-ma-đạt v.v... rất đông nhiều. Về sau, gặp Tư Đa con của ông Trưởng giả, giải bày nhân duyên cầm nắm hạt châu trong tay. Tư Đa bèn xin xuất gia, vì nhân duyên đặc biệt xưa trước, nên Tôn giả mới đặt gọi thêm tên là Bá-xátư-đa, sau khi Bá-xá-tư-đa đã thọ giới, Tôn giả mới bảo: “Ta vừa quán xét ở nước này sắp có hoạn nạn gây đến Ta, Ta không thể miễn khỏi, mà đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai do ta hoằng truyền, nay giao phó cho ông, ông nên phụng trì, đi ngay đến xứ khác chuyên việc hoằng hóa. Nếu có người nghi ngờ thì đem pháp y Tăng-già-lê của Ta để làm chứng tín”. Và nói bài kệ tụng rằng:

“Ngay lúc nói tri kiến
Tri kiến đều là tâm
Chánh tâm tức tri kiến
Tri kiến tức hiện nay”.

26. Tổ thứ hai mươi lăm: Tôn giả Bá-xátư-đa.

Tôn giả Bá-xá-tư-đa, vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn, ở nước Kế Tân (vì phương ngôn chẳng đồng bản truyện, có đến ba từ nêu tên Tôn giả). Vừa mới sinh đã có các vết tích khác thường. Khi đã gặp Tôn giả Sư Tử giải bày cho rõ nhân duyên xưa trước, Tôn giả mới xin theo làm đệ tử. Tôn giả Sư Tử tự biết sắp có hoạn nạn, bèn đem đại pháp truyền trao cho Tôn giả. Ngay lúc đó, Tôn giả liền ra đi trải qua các nước xứ Trung Thiên trúc rồi đến xứ Nam Thiên trúc. Nhưng nơi Tôn giả đến giáo hóa đều có những kỳ đặc. Tôn giả gặp được con của vua nước xứ Nam Thiên trúc tên là Bất-tri (Như?)-mật-đa, bèn nhận làm đệ tử cùng dẫn đưa về nơi giáo hóa trước. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Bất-như-mật-đa, và nói bài kệ tụng rằng:

“Thánh nhân nói tri kiến
Ngay cảnh không phải quấy
Nay tôi ngộ tánh ấy
Không đạo cũng không lý”.

27. Tổ thứ hai mươi sáu: Tôn giả Bất-nhưmật-đa.

Tôn giả Bất-như-mật-đa, vốn người thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi, ở nước xứ Nam Thiên Trúc. Tôn giả cũng là người có nhiều điềm tích lạ thường, là vị Thái tử, nương theo Tôn giả Bá-xátư-đa cầu xin xuất gia tu hành đắc quả. Về sau theo Tôn giả Bá-xá-tư-đa ra khỏi cung vua và được truyền trao đại pháp. Tôn giả vân du giáo hóa đến nước xứ Đông Thiên Trúc, gặp Thánh Đồng tử Anh Lạc liền nhận cho xuất gia làm đệ tử đổi tên là Bát-nhã-đa-la, và xưng gọi đó là Bồ-tát Đại Thế Chí ứng hiện nơi đời. Đến lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem truyền trao đại pháp cho Bát-nhã-đa-la, và nói bài kệ tụng rằng:

“Kho tâm địa chân tánh
Không đầu cũng không đuôi
Theo duyên cảm hóa vật
Phương tiện gọi là trí”.

28. Tổ thứ hai mươi bảy: Tôn giả Bát-nhãđa-la.

Tôn giả Bát-nhã-đa-la vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn nước xứ Đông Thiên trúc. Mới đầu là một trẻ nhỏ, gặp Tôn giả Bất-như-mật-đa, được rõ bày Thánh tích bèn nương theo cầu xin thọ giới. Sau khi được truyền trao pháp ấn, Tôn giả du phương giáo hóa đến nước xứ Nam Thiên trúc, gặp con vua nước đó tên là Bồ-đề-đa-la bèn nhận làm đệ tử cải đổi tên là Bồ-đề-đạt-ma. Sau hơn bốn mươi năm, lúc sắp thị tịch, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Bồ-đề-đạt-ma, và nói bài kệ tụng rằng:

“Đất tâm sinh các giống
Nhân sự lại sinh lý
Quả đầy Bồ-đề tròn
Hoa nở thế giới bày”.

29. Tổ thứ hai mươi tám: Tôn giả Bồ-đềđạt-ma.

Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma (về niên hiệu của Tôn giả, được xưng gọi chẳng đồng như “Đạt-ma-đa-la v.v... có đến ba-bốn tên), vốn người thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi ở nước Nam Thiên trúc, là con vua nước đó. Nương theo Tôn giả Bát-nhã-đa-la mà xuất gia, được truyền trao đại pháp, và bảo: “Tôn giả tức là Bồ-tát Quán Thế Âm ứng hiện nơi đời”. Qua sau sáu mươi bảy năm, Tôn giả mới đem đại pháp vân du theo hướng Đông đến nước Chấn Đán (Trung Hoa). Tôn giả là vị chuyên truyền pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, chẳng nương nhờ văn tự”. Mới đầu đến Nam Lương vì có duyên ở đó không khế hợp, Tôn giả mới đến Bắc Ngụy dừng nghỉ tại Tung sơn suốt chín năm mới gặp Tuệ Khả đến nương theo cầu đạo. Về sau, Tôn giả mới đem đại pháp truyền trao cho Tuệ Khả, và trao cả pháp y bình bát để làm chứng tín. Tôn giả là vị Sơ Tổ hoằng truyền giáo pháp tại xứ này. Sau đó, Tôn giả rời bỏ xứ Thiếu lâm mà hiện tướng thị tịch. Tôn giả truyền trao bài kệ tụng rằng:

“Ta vốn đến xứ này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành”.

30. Tổ thứ hai mươi chín: Tôn giả Tuệ Khả.

Tôn giả Tuệ Khả, vốn người dòng họ có ở xứ Võ Lao. Năm ba mươi tuổi mới vất bỏ sử sách thế tục, xuất gia, sau đó được thọ giới. Năm ba mươi hai tuổi, nhân cảm điềm mộng khác thường Tôn giả mới rời xa thầy mình, lẫn lộn trong trần tục đến Kinh lạc, gặp Đại sư Đạt-ma, bèn đứng dưới tuyết, chặt cánh tay khẩn cầu pháp ấn. Quả nhiên được Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma truyền trao cho. Nhân đó cải đổi tên, bèn làm nơi đại chúng quy hướng nương tựa. Về sau, gặp Tăng Xán, liền nhận làm đệ tử và trao truyền đại pháp. Tôn giả đến ở Nghiệp đô, đền trả ương lụy xưa trước. Tôn giả nói bài kệ tụng truyền pháp rằng:

“Xưa nay duyên có đất
Nhân đất, giống hoa sinh
Xưa nay không có giống
Hoa cũng chẳng thể sinh”.

31. Tổ thứ ba mươi: Tôn giả Tăng Xán.

Tôn giả Tăng Xán, không rõ biết vốn người xứ nào. Mới đầu là một xử sĩ thấy gặp Tôn giả Tuệ Khả, chẳng xưng họ tên. Nhân hỏi pháp mà tỏ ngộ, mới nương theo xuất gia. Tôn giả Tuệ Khả bèn đặt cho pháp danh như hiện nay và cho thọ giới. Sau khi được truyền trao đại pháp, Tôn giả đến ẩn cư tại núi Hoàn công suốt ba mươi năm, mới vì làm nơi đại chúng quy hướng nương tựa. Sau đó gặp Đạo Tín là vị Sa-di nương theo Tôn giả. Khi Đạo Tín đã thọ giới Cụ túc, Tôn giả bèn trao truyền đại pháp cho Đạo Tín. Về sau, chợt nhiên, Tôn giả đến ở núi La-phù. Tôn giả nói bài kệ tụng truyền pháp rằng:

“Hoa trồng tuy nhân đất
Từ đất giống hoa sinh
Nếu không người gieo giống
Hoa đất sẽ không sinh”.

32. Tổ thứ ba mươi mốt: Tôn giả Đạo Tín.

Tôn giả Đạo Tín, vốn người thuộc dòng họ Tư Mã, ở Kỳ dương. Tôn giả là người thông minh dĩnh ngộ, đắc pháp từ Tôn giả Tăng Xán. Khoảng đầu thời Tiền Đường, Tôn giả đến ở núi Song phong thuộc Kỳ dương, giữa đường gặp một đứa trẻ kỳ đặc, bèn nhận làm đệ tử và đặt tên là Hoằng Nhẫn. Về sau, Tôn giả đem đại pháp và y bát của Tổ sư xưa trước truyền trao cho Hoằng Nhẫn, mới nhập Niết-bàn. Tôn giả nói bài kệ tụng truyền pháp rằng:

“Giống hoa có tánh sống
Nhân đất, hoa nảy mầm
Duyên lớn cùng tín hợp
Đáng sinh, sinh chẳng sinh”.

33. Tổ thứ ba mươi hai: Tôn giả Hoằng Nhẫn.

Tôn giả Hoằng Nhẫn, vốn người dòng họ Chu, ở xứ Hoàng mai, Kỳ dương. Lúc vừa mới sinh, Tôn giả đã có hình tướng đặc thù. Có vị Hiền giả trông thấy mà bảo rằng: “Đứa bé này có đủ tướng Đại nhân, chỉ thua kém Đức Như Lai bảy vẽ đẹp thôi vậy”. Tôn giả nương theo Tôn giả Đạo Tín xuất gia thọ giới, về sau được truyền trao đại pháp nối tiếp ở núi Phá đầu (tức núi Song phong) giáo hóa rất hưng thạnh. Khoảng trong niên hiệu Hàm Hanh (670-674) thời Tiền Đường, gặp có vị khách tức cư sĩ dòng họ Lô tự xưng tên là Tuệ Năng từ Lãnh nam đến dự trong pháp hội, Tôn giả rất mến quý, vì trình kệ tụng, nên truyền trao đại pháp và y bát cho cư sĩ Tuệ Năng, và nói bài kệ tụng rằng:

“Hữu tình đến gieo giống
Nhân đất, quả lại sinh
Vô tình đã không giống
Vô tình cũng không sinh”.

34. Tổ thứ ba mươi ba: Tôn giả Tuệ Năng.

Tôn giả Tuệ Năng, vốn người dòng họ Lô, ở xứ Tân hưng, Tân châu. Mới đầu là người rất chí hiếu dưỡng nuôi thân mẫu, vì nhà nghèo khó nên phải bán củi làm kế sống. Nhân nghe có người khách buôn tụng kinh, mới biết Tôn giả Hoằng Nhẫn truyền Phật tâm ấn, Tôn giả bèn chuẩn bị đầy đủ lương thực cho thân mẫu. Xong, xin giả từ đến Hoàng Mai để cầu pháp ấy. Vừa thấy gặp Tôn giả Hoằng Nhẫn liền cùng khế hợp, Tôn giả lén giữ hình tướng cư sĩ mà lãnh thọ đại pháp, sau đó theo hướng Nam trở về Quảng châu, xuống tóc tại chùa Pháp tánh. Sau khi thọ giới Cụ túc, Tôn giả đến ở khe Tào Hầu, vì bốn chúng làm nơi quy hướng nương tựa, mới đem đại pháp truyền trao chung cả, còn pháp y bình bát của Tổ sư xưa trước thì lưu lại tại chùa nơi Tôn giả ở. Sau đó, Tôn giả nói bài kệ tụng chỉ dạy đại chúng để hiển bày pháp ấy rằng:

“Đất tâm ngậm các giống
Mưa khắp thảy đều sinh
Hoa đốn ngộ đượm tình
Quả Bồ-đề tự thành”.

35. Sa-môn Trúc Đại lực.

Sa-môn Trúc Đại lực là đệ tử của Tôn giả Hạclặc-na tổ thứ hai mươi ba. Khoảng trong đời vua Hiến Đế (Lưu Hiệp 190-220) thời Đông Hán, Trúc Đại Lực đến Lạc ấp, sau đó vào đất Đông Ngô, gặp Sa-môn Khương Tăng Hội từng hỏi: “Thầy của Nhân giả là ai?” Trúc Đại Lực đáp: “Thầy tôi là Tôn giả Hặc-lặc-na”. Khương Tăng Hội tiếp hỏi: “Đệ tử của Tôn giả Hặc-lặc-na có khả năng như nhân giả được bao nhiêu người?” Lại có người nào thành đạt quá hơn không? Trúc Đại Lực đáp: “Tương tợ như tôi, có ba ngàn vị. Còn dĩnh ngộ xuất chúng chỉ một thượng nhân tên là Tỳ-kheo Sư Tử. Vì đó kính nhận Chánh pháp nối dõi kế thế thầy tôi vừa đến xiển dương hoằng hóa tại nước xứ Bắc Thiên trúc”.

36. Sa-môn Phật-đà-bạt-đà.

Sa-môn Phật-đà-bạt-đà, người xứ Thiên trúc. Vốn thuộc dòng họ Thích-ca, là con cháu của vua Cam-lồ-phạn. Mới đầu có Sa-môn Trí Nghiêm người đất Tần đến nước Kế Tân, khẩn thiết thỉnh mời. Phật-đà-bạt-đà cùng đến Trung Hoa truyền trao thiền pháp. Lúc đầu đến ở Trường an, sau đó Phật-đà-bạt-đà mới chuyển dời đến Lô sơn, đưa ra các thiền kinh cùng Sa-môn Tuệ viễn đồng dịch, phiên dịch hoàn tất, Sa-môn Tuệ Viễn đề lời tựa. Phật-đà-bạt-đà thường nói cùng Sa-môn Tuệ Viễn rằng: “Chư vị Tổ sư truyền pháp ở Tây vức, từ Tôn giả đại Ca-diếp lần lượt kế thừa đến nay có cả thảy hai mươi bảy vị. Tổ sư thứ hai mươi sáu vừa mới viên tịch gần đây tên là Bất-như-mật-đa, vị ấy lưu xuất một người đệ tử nối dõi dòng pháp tên là Bátnhã-đa-la, vừa đang ở tại nước xứ Tây Thiên trúc xiển dương giáo hóa”. (Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma chưa nối dõi làm Tổ, nên chưa nêu xưng). Nên trong thiền kinh đề rằng: “Sau khi Đức Phật diệt độ, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả A-nan v.v... cho đến Tôn giả Bất-như-mật-đa, các người trì pháp dùng đèn tuệ này lần lượt tương truyền. Nay tôi với điều rõ biết mà nói nghĩa ấy. Có nghe rằng Tôn giả Đạt-ma-đa-la, sau sẽ làm Tổ thứ hai mươi tám”. Nên trong lời tựa, Sa-môn Tuệ Viễn đề rằng: “Đạtma-đa-la là người tuấn kiệt ở Tây vức, làm chủ chỉ dạy thiền pháp”. Theo trong “Truyện Bảo Lâm” nói Sa-môn Phật-đà-bạt-đà từng cùng Sa-môn Tuệ Viễn nói về số đời các tổ sư nối dõi truyền pháp xét nghiệm đồng với Thiền kinh.

Theo phàm ngu Khế Tung tôi khảo xét thời gian phiên dịch “Thiền Kinh” chỉ trước “Truyện Phú Pháp Tạng” sáu mươi hai năm mà thôi, nhưng đã có hai mươi tám đời Tổ sư phú pháp truyền trao. Còn “Phú Pháp Tạng Truyện” lưu xuất sau thời Bắc Ngụy phá hủy Phật pháp mà chỉ liệt bày hai mươi đời Tổ sư, vọng xén cắt người tương thừa phú pháp đến đó bèn dứt tuyệt. Trái với Thiền kinh. Há, đó muốn có sự khinh thường ư? Trong “Chánh Tông luận”, kẻ ngu Khế Tung tôi thường nêu chỉ các điều không rõ trong truyện ấy (Phú Pháp Tạng truyện). Đó là sách sai lầm, rất đáng đốt bỏ vậy.

37. Sa-môn Đàm-ma-ca-la.

Sa-môn Đàm-ma-ca-la, người xứ Trung Ấn Độ. Khoảng năm Nhâm dần (222) tức năm Hoàng Sơ thứ ba thời Tiền Ngụy, đến Hứa Xương. Tại Hứa Xương có Sa-môn Quang Xán từng hỏi rằng: “Ở các nước Tây vức có bậc thầy ưu thắng nào chăng, và dùng pháp gì để trú trì?” Đàm-ma-ca-la đáp: “Ở Tây vức có hai vị Đại sĩ: Một vị tên là Manoa-la (Tổ thứ 22), một vị tên là Hạc-lặc-na (Tổ thứ 23) đều hoằng truyền chánh pháp, dùng pháp mà trú trì. Đó là một đóa hoa ở xứ Tây Ấn Độ, một đóa hoa tại Trung Ấn Độ”.

38. Sa-môn Tăng Hựu.

Sa-môn Tăng Hựu vốn người xứ đất Tề, đến ở đất Lương, là bậc Trì Luật rất có tiếng tăm. Từng trước thuật bộ “Xuất Tam Tạng Ký”, trong phần mục lục thừa truyền của Tát-bà-đa-bộ: “Tôn giả Bà-la-đa-la (Bà-xá-tư-đa) (Tổ thứ 25), Tôn giả Phất-nhã-mật-đa (Bất-như-mật-đa) (Tổ 26), Tôn giả Bất-nhã-đa-la (Bát-nhã-đa-la) (Tổ thứ 27), Tôn giả Đạt-ma-đa-la (Bồ-đề-đạt-ma) (Tổ thứ 28)”. Về sau, Sa-môn Tăng Hựu thị tịch tại đất Lương.

39. Sa-môn Chi-cương-lương-lâu.

Sa-môn Chi-cương-lương-lâu, người xứ Trung Thiên trúc, khoảng trong Trần Lưu Vương (Nguyên Đế-Tào Hóa 260-265) thời Tiền Ngụy, đến Lạc dương cùng các Sa-môn Đàm Đế, Khương Tăng Khải v.v... phiên dịch kinh điển. Nhân đó, Chi-cương-lương-lâu nói cùng các Sa-môn rằng: “Xưa trước, lúc ở Tây vức, tôi từng đến nước Kế Tân, tới cao nguyên Thông Đồ, vào núi Tượng bạch thấy gặp Tôn giả Đạt-ma-đạt tuổi đã rất cao, tự nói là đắc pháp từ thầy, tức Tôn giả Sư Tử (Tổ thứ 24) bị vua Di-la-quật gây nạn giết hại. Trước lúc mắc nạn đã dự biết nên Tôn giả Sư Tử đem tâm ấn diệu pháp của Phật được từ Tôn giả Đại Ca-diếp lần lượt truyền thừa mà trao cho đồng học (đồng học với Đạt-ma-đạt) tên là Bà-xá-tư-đa (Tổ thứ 25), và trao cả pháp y để làm chứng tín. Khi ấy liền bảo Bà-xá-tư-đa đến hoằng hóa ở nước xứ Nam Thiên trúc”. Chi-cương-lương-lâu tự bảo: “Tôi cũng từng biết Tôn giả Bà-xá-tư-đa” và sự tích của chư Tổ sư từ bảy Đức Phật thời quá khứ trở lại đến Tôn giả Bà-xá-tư-đa; Tổ thứ hai mươi lăm là do Sa-môn Chi-cương-lương-lâu biên dịch thành.

40. Sa-môn Na-diên-da-xá.

Sa-môn Na-diên-da-xá, người nước Kế Tân, khoảng trong đời vua Hiếu Tỉnh Đế (Nguyên Thiện Hiện 534-550) thời Đông Ngụy, đến Nghiệp đô. Mới đầu cùng xử sĩ Vạn Thiên Ý phiên dịch “kinh Tôn Thắng Đà-la-ni “. Sau, nhân đó Nadiên-da-xá bảo cùng Vạn Thiên Ý rằng: “Chư Tổ sư ở Tây vức cả thảy hai mươi bảy vị cũng thọ trì kinh này, vị Tổ thứ hai mươi bảy tên là Bát-nhãđa-la, lưu xuất đệ tử nối dõi dòng pháp tên là Đạtma-đa-la trước kia trong năm Chánh Quang thứ nhất (520) trong đời vua Hiếu Minh Đế (Nguyên Hủ 516-528) thời Bắc Ngụy, đã có đến Lạc dương, vị ấy cũng vui thích kinh này”. Vạn Thiên Ý hỏi: “Với Đại sĩ ấy tôi cũng nghe đang là bậc Tổ sư hoằng truyền chánh pháp của Phật, chẳng hẳn sau đó có người nối dõi dòng pháp chăng?” Na-diênda-xá dùng kệ tụng mà đáp, lời nói đều ngầm ẩn.

Nhưng việc chư Tổ truyền nhận từ bảy Đức Phật thời quá khứ cho đến Tôn giả Bát-nhã-đa-la; tổ thứ hai mươi bảy, Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma; Tổ thứ hai mươi tám là do chính Na-diên-da-xá đây biên dịch thành.

41. Sa-môn Ba-la-phân-đa.

Sa-môn Ba-la-phân-đa, vốn người xứ Trung Thiên trúc. Khoảng năm Gia Bình thứ hai (250) trong đời vua Phế Đế thời Tiền Ngụy. Ba-la-phânđa đến Lạc dương. Đến năm Thái Thủy thứ ba (267) thời Tây Tấn, có vị đệ tử là Ma-già-đà lại đến. Nhân đó, Ba-la-phân-đa hỏi: “Lúc ở Tây trúc, ông từng đến Bắc Thiên trúc chăng? Có người nói Tôn giả Sư Tử không tội mà bị vua nước ấy làm hại, việc ấy có thật chăng? Nay lại có người truyền pháp cùng kế thừa nối dõi từ Tôn giả Sư Tử chăng?” Ma-già-đà đáp: “Thật đúng vậy. Tôn giả Sư Tử bị giết chết đến nay đã hai mươi ba năm. Có Sa-môn tên Bà-xá-tư-đa vốn người nước Kế Tân, trước khi hoạn nạn xảy ra, đã được Tôn giả Sư Tử truyền trao đại pháp và y bát. Và ngay ngày ấy liền ra đi, đến nước xứ Trung Ấn Độ hoằng dương hưng thạnh Phật sự”. Ba-la-phân-đa bảo: “Ta cũng có nghe vậy, nhưng lấy theo lời ông nói để làm chứng nghiệm”. Khi ấy có người khéo việc liền biên ghi lưu lại tại chùa Bạch mã. Về sau, có Pháp sư Huyền Lãng thấy gặp tại chùa ấy mới lưu truyền nơi đời.

42. Sa-môn Kiện Na.

Sa-môn Kiện Na, không biết vốn là người nước nào ở Tây vức, và cũng không rõ đã đến Trung Hoa từ lúc nào. Chỉ biết khoảng trong niên hiệu Thiên Bảo (742-756) thời Tiền Đường, cùng gặp Hà Nam Duẫn Lý Thường. Lý Thường hỏi: “Thiền tông ở Thiên trúc có bao nhiêu Tổ sư?” Kiện Na đáp: “Từ Tôn giả Đại Ca-diếp đến Tôn giả Bát-nhã-đa-la là có cả thảy hai mươi bảy đời Tổ sư (ở đây không nói Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma, vì là làm Sơ tổ ở Trung Hoa, nếu để ở Tây vức mà nói thì có hai mươi tám đời Tổ sư). Nếu bắt đầu từ Tôn giả Sư Tử (Tổ thứ) lưu xuất nối dõi dòng pháp gần kề, thì trong đời thứ tư sau đời Tôn giả Đạt-ma-đạt (đệ tử Tôn giả Sư Tử), có hai mươi hai vị. Như vậy cả thảy có bốn mươi chín tổ sư. Nếu tính từ bảy Đức Phật thời quá khứ đến đời Đâu-suất Tăng Xán đây (khi ấy là trong dịp trai hội mừng có được xá-lợi của Tôn giả Tăng Xán), không gồm các chi phái thì có ba mươi mốt đời Tổ sư”. Lý Thường lại hỏi một vị Tăng khác rằng: “Tôi thấy biểu đồ chư Tổ, hoặc có thuyết nêu dẫn có hơn năm mươi đời Tổ sư, cho đến chi phái thì sai khác, Tông tộc không nhất định. Hoặc chỉ có tên không, cớ sao như thế nào?” Khi ấy có vị đệ tử của tổ thứ sáu ở Trung Hoa là Thiền sư Trí Bản đáp rằng: “Đó bởi trong thời Hậu (Bắc) Ngụy, Phật pháp bị phế hủy, khi ấy có Samôn Đàm Diệu trong lúc vội vàng chỉ riêng viết danh mục chư Tổ, không rảnh biên ghi đầy đủ toàn bộ, nghĩ nhớ mất nơi núi Cốc. Sau hơn ba mươi năm, đến thời vua Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoành 471-

450) thời Bắc Ngụy, Sa-môn Đàm Diệu đưa ra cùng mọi người biên ghi, làm thành bộ “Phú Pháp Tạng Truyện”. Sự sai lầm, mất sự thật ấy do chính Sa-môn Đàm Diệu tạo nên vậy”.

Theo Khế Tung kẻ phàm ngu tôi thường khảo xét. Sa-môn Đàm Diệu cùng đồng bạn làm nên bộ “Phú Pháp Tạng Truyện”, văn ấy thật thuộc loại đơn lục. Từ Tôn giả Di-già-đa-la đến La-hán Sư Tử, cả thảy bảy đời Tổ sư rất khuyết thiếu, và không có gốc ngọn. Cũng tợ như điều mà Lý Thường nói trong biểu đồ chư Tổ, có vị chỉ có tên không thôi, tức là đây vậy.

43. Cư sĩ Bùi Hưu.

Cư sĩ Bùi Hưu, tự là Công Mỹ. Từ trong khoảng niên hiệu Hội Xương (841-847) thời Tiền Đường, làm Binh Bộ Thị Lang Ngự Sử Bình Chương Sự, hiệu là Danh Tướng, soạn thuật bia văn truyền pháp của Sa-môn Tông Mật ở Khuê phong, viết rằng: “Đức Thích-ca Như Lai sau cùng đem đại pháp nhãn tạng truyền trao cho Tôn giả Đại Ca-diếp, khiến Tổ Tổ tương truyền xếp hàng nơi đời, chẳng riêng Tôn giả Đại Ca-diếp, mà ngoài có cả người, trời, Thanh văn, Bồ-tát. Từ Tôn giả Đại Ca-diếp đến Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma, có cả thảy hai mươi tám đời Tổ sư. Tôn giả Bồ-đề-đạtma truyền trao Tuệ Khả, Tôn giả Tuệ Khả truyền trao Tôn giả Tăng Xán, Tôn giả Tăng Xán truyền trao Đạo Tín, Tôn giả Đạo Tín truyền trao Hoằng Nhẫn, Tôn giả Hoằng Nhẫn truyền trao Tôn giả Tuệ Năng làm Tổ thứ sáu ở Trung Hoa”.

44. Cư sĩ Lưu Húc.

Cư sĩ Lưu Húc, tự là Diệu Viễn, vốn người xứ Quy nghĩa, Trác châu. Trong khoảng niên hiệu Thiên Hựu (904-907) thời Tiền Đường, mới vì Quân sự nha suy cử làm quan. Đến đầu niên hiệu Khai Vận (944) thời Hậu Tấn trong thời Ngũ Đại, mới giám định chỉnh tu Quốc Sử, nên soạn thuật bộ “Đường Thư Thần Tú Truyện”. Viết rằng: “Xưa kia, cuối thời Hậu Ngụy có Sa-môn Đạt-ma, vốn con vua nước Thiên trúc, vì hộ trì nước nhà nên xuất gia, vào Nam hải, được Diệu pháp Thiền tông, từ Đức Thích-ca Như Lai tương truyền có y bát làm chứng ký, đời đời truyền trao. Mới đầu đến Nam lương, gặp vua Võ Đế (Tiêu Diễn 502-550), vua đem các việc hữu vi thưa hỏi, Sa-môn Đạt-ma không vui thích, mới giả từ đi đến Bắc Ngụy ẩn cư tại chùa Thiếu lâm ở Tung sơn và thị tịch tự đó. Cũng trong năm đó, quan sứ Bắc Ngụy là Tống Vân lại thấy gặp Sa-môn Đạt-ma tại Thông lãnh, sau đó môn đồ khai quật tháp mộ thì chỉ thấy áo giày mà thôi. Sa-môn Bồ-đề-đạt-ma truyền trao cho Tuệ Khả, Tuệ Khả truyền trao cho Tăng Xán, Tăng Xán truyền trao cho Đạo Tín, Đạo Tín truyền trao cho Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn truyền trao cho Tuệ Năng và Thần Tú”. Về sau, Lưu Húc qua đời trong khoảng niên hiệu Thái Bảo (1) thời Bắc Tống.

 


[Đầu trang][Mục lục bộ Sử Truyện][Mục lục tổng quát]