TAM TẠNG PHÁT TRIỂN/TAM TẠNG BẮC TRUYỀN

TẠP TẠNG

BỘ SỬ TRUYỆN

SỐ 2086 - SỰ GHI CHÉP CỦA SA-MÔN HUỆ SINH ĐI SỨ TÂY VỨC Ở THỜI BẮC NGỤY


Tháng mười một năm Thần quy thứ nhất (năm trăm mười tám) thời Bắc Ngụy, Thái Hậu sai Tỳ-kheo Thích Huệ Sinh ở chùa sùng lập cùng Tống Vân người. Xứ Đôn Hoàng đi Tây Vức thỉnh cầu kinh pháp, có được cả thảy một trăm bảy mươi bộ, đều là kinh Điển Đại Thừa. Ban đầu xuất phát từ Kinh Đô theo hướng tây đi suốt bốn mươi ngày đến Xích Lảnh, tức biên cương phía tây của nước Trung Hoa, núi ở đó không có cây cỏ, chim thú đều ở dưới hang. Lại đi theo hướng tây suốt hai mươi ngày đến nước Thổ Cốc Hồn. Lại đi theo hướng tây khoảng ba ngàn năm trăm dặm đến Thành Thiện Thiệu, tiếp tục theo hướng tây đi một ngàn sáu trăm dặm đến Thành Thả Mạt. Tại đó có Lã Quang khi đánh người Hồ tu tạo hình tượng Phật Bồ-tát. Lại tiếp đi theo hướng tây một ngàn ba trăm bảy mươi lăm dặm đến cuối Thành. Lại đi theo hướng tây hai mươi hai dặm đến Thành Hãn Ma, có Tháp cúng dường Phật của Vu Điền, bên cạnh có hàng ngàn ngôi Tháp nhỏ, treo giăng phan lọng có cả vạn muôn. Lại đi theo hướng tây tám trăm bảy mươi tám dặm là đến nước Vu Điền, có một cái bồn úp phù đồ do vua tạo nên. Có giày ủng của Bích Chi Phật, mãi đến nay vẫn không mục nát. Khắp cảnh vực nước Vu Điền từ đông sang tây khoảng ba ngàn dặm.

Đến ngày hai mươi chín tháng bảy năm Thần Quy thứ hai (năm trăm mười chín) thời Bắc Ngụy, vào nước Chu Câu Ba, dân chúng xứ đó ở núi, chẳng lập các nhà giết mổ sát hại, chỉ ăn thịt loài vật tự chết. Phong tục và ngôn ngữ đồng như ở nước Vu Điền. Văn học đồng như Bà-la-môn, bờ cõi của nước đó, đi khoảng năm ngày thì cùng khắp. Đến tháng tám thì vào nước Khát Bàn Đà, men theo hướng tây đi khoảng sáu trăm dặm là lên núi Thông lãnh. Lại theo hướng tây đi ba ngày là đến Thành Bát Mạnh, đi thêm ba ngày nữa là đến ao hồ Rồng độc. Đó là nơi xưa kia Bàn Đà Vương vì Bà-la-môn mà chú nguyện cầu đảo nên rồng dời sang phía tây Thông lãnh. Cách đó khoảng hai ngàn dặm, từ Thông lãnh từng bước đi dần cao lên, như thế đi suốt bốn ngày là đến đỉnh núi, y cứ đó mà ước định thì giữa và dưới thì thật là lưng chừng nữa trời vậy. Nước Khát Bàn Đà ở tại đỉnh núi. Từ Thông lãnh trở về hướng tây, nước đều theo dòng chảy về hướng tây mà vào biển cả. Người đời nói rằng: " Đó là khoảng giữa của đất trời. " Đến trung tuần tháng chín là vào nước Bát Hòa. Tại đó núi cao hang sâu, đường đi hiểm trở như thường, nhân núi làm thành, mặc y phục bằng giạ ở hang, người vật cùng nương ở, gió tuyết rất lắm, có núi tuyết lớn trông nhìn như núi ngọc. Đến thượng tuần tháng mười, vào đến nước Yểm Bát, dân chúng tại đó sống không thành quách, luôn đổi theo cỏ nước, không biết văn tự, năm không có tháng nhuần, cứ mười hai tháng là một năm, chỉ thọ hưởng các nước cống dâng. Phía nam đến tận Diệp La, phía bắc đến tận Thích Lặc, phía đông trùm đến Vu Điền, phía tây đến xứ Ba Tư, có hơn bốn mươi nước đều đến triều cống, rất là lớn mạnh, màn trướng vua chu vi bốn mươi bộ, mọi vật đều dùng bằng bảy báu, không tin Phật pháp, thấy kẻ Bắc Ngụy đến bái nhận chiếu thư, cách kinh Thành hơn hai mươi dặm. Đến tháng mười một thì vào nước Ba Tư, đất đai ở đó rất nhỏ hẹp, đi chỉ bảy ngày là qua khắp, dân chúng sống ở hang núi, tuyết phủ sáng ngời như mặt nhật. Đến trung tuần tháng mười một vào đến nước Xa Di, dần ra khỏi Thông lãnh, ở đó sỏi đá nhọn hoắc hiểm nguy, người ngựa cẩn trọng bước đi, khoá sắt theo lường, dưới không thấy đáy. Đến thượng tuần tháng mười hai, vào đến nước Ô Trường, phía bắc tiếp giáp với Thông lãnh, phía nam nối liền với Thiên Trúc, đất đai khí hậu ôn hòa ấm áp, đồng ruộng tốt tươi người vật hưng thịnh. Vua nước đó chỉ ăn rau quả trường trai, sớm tối lễ Phật, thường ngày sau bữa trưa mới bắt đầu lo việc trị nước. Tiếng chuông vang vang khắp mọi nơi, có các thứ hoa quý lạ để cúng dường, nghe có kẻ sứ từ Bắc Ngụy đến bèn vái chào mà nhận chiếu chỉ. Trong nước có tảng đá là nơi Đức Phật phơi y. Ngoài ra những vết tích của Đức Phật đều rất rõ ràng và đều có xây dựng chùa Tháp che phủ ở trên. Các Tỳ-kheo giới hạnh thanh tịnh khổ tiết.

Đến trung tuần tháng tư năm Chánh Quang thứ nhất (năm trăm hai mươi) vào đến nước Càn Đà La, bị nước Yểm Đát phá diệt bèn lập thành Thích Lặc làm vua. Dân chúng trong nước đều là Bà-lamôn, vì theo pháp điển của nước Yểm Đát, mà vua rất ưa thích giết hại, chẳng kính tin Phật pháp, tranh giành cảnh vức với nước Kế Tân trải suốt nhiều năm tranh đấu. Các bậc thầy già bị dân oán ghét, ngồi mà nhận chiếu thư, hung bạo khinh mạn vô lễ, đưa kẻ sứ đến ở nghỉ trong một ngôi chùa, tiếp đãi rất lạnh nhạt. Lại theo hướng tây đi đến dòng sông lớn tên là Tân Đầu. Lại theo hướng tây đi mười ba ngày đến Thành Phật Sa Phục. Thành quách ở đó rất ngay thẳng, suối rừng tươi tốt, đất đai lắm thứ quý báu, phong tục thuần thiện. Các bậc Danh Tăng đức tuyền đạo hạnh cao lạ, tôn tượng đá trang nghiêm, khắp thân phết bằng vàng mỏng, có vết tích của Đức Phật Ca Diếp Ba. Lại theo hướng tây đi một ngày, nương thuyền vượt qua dòng sông sâu hơn ba ngàn bộ. Lại theo hướng tây nam đi sáu mươi dặm đến Thành Càn Đà La.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn khoảng hai trăm năm có vua Ca Di Ca tạo dựng Tháp Tước Ly cả thảy mười hai tầng cách đất cao bảy trăm thước, nền móng rộng hơn ba trăm bộ, đều dùng đá vân làm thềm cấp, trong Tháp có Phật sự, ngàn muôn biến hóa, mâm vàng sáng rỡ, chuông báu reo vang. Đó là ngôi Tháp đứng hàng đầu ở Tây Vức. Lại theo hướng tây bắc vượt qua một dòng sông là đến nước Na Ca La, nơi đó có cốt xương đảnh đầu của Đức Phật, và bài minh tự tay Đức Phật viết bằng phạm tự nơi Tháp đá.

Ngài (Huệ Sinh) ở lại tại nước Ô Trường hai năm. Đến năm Chánh Quang thứ hai (năm trăm hai mươi một) thời Bắc Ngụy, ngài trở về lại kinh đô của Trung Hoa.

 


[Đầu trang][Mục lục bộ Sử Truyện][Mục lục tổng quát]