Quán
Niệm Hơi Thở
(Anapana Sati)
Bình
Anson
Ghi chú: Các đoạn chính của bài nầy được
trích dịch từ một quyển cẩm nang tu thiền của ngài thiền sư U Acinna, người
Miến Điện ("Light of Wisdom", W.A.V.E., Malaysia, 1996).
-ooOoo-
Các bạn có thể bắt đầu pháp quán niệm
hơi thở (anapana sati, a-na-pa-ná sa-tị) bằng cách định tâm vào hơi thở
vào, hơi thở ra tại lỗ mũi hay ở môi trên. Có người hỏi là ta nên định tâm
vào hơi thở hay sự chạm xúc của hơi thở ? Câu trả lời là chỉ nên định
tâm vào hơi thở. Hơi thở chạm xúc vào lỗ mũi hay môi trên là nơi dễ
theo dõi nhất. Sự chạm xúc là một đề tài thiền quán khác biệt, thuộc về pháp
môn quán danh (quán danh-sắc). Đó là pháp quán Xúc giới và các tâm sở có liên
quan. Ở đây, chúng ta chỉ quán niệm vào hơi thở, hơi thở có chạm xúc, mà
không quán vào sự chạm xúc. Quán niệm hơi thở nầy cần có một chánh niệm vững
mạnh và tuệ giác tri.
Bây giờ ta đem tâm vào hơi thở, hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu thiền sinh
không thể chú tâm vào hơi thở sau một vài buổi thiền, thì có thể tập đếm
hơi thở. Việc nầy để giúp họ phát triển định lực. Thiền sinh đếm số
sau mỗi hơi thở, như sau: "thở vào ... thở ra ... một", "thở
vào ... thở ra ... hai", "thở vào ... thở ra ... ba", ... cho
đến "thở vào ... thở ra ... tám". Có thể đếm từ năm đến mười, rồi
trở lại số một. Tuy nhiên, thiền sinh nên đếm đến số tám rồi trở lại từ đầu.
Số tám là để nhắc nhở chúng ta về Con Đường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo) mà
chúng ta đang cố gắng hành trì để giác ngộ. Các bạn cần phải cương quyết
không để phóng tâm, tâm lang thang chỗ nầy chỗ kia, trong khi đếm hơi thở. Chỉ
chú tâm theo dõi hơi thở và đếm số, từ 1 đến 8 rồi trở lại 1 ... Qua việc chỉ
chú tâm vào đếm hơi thở như thế, tâm sẽ trở nên an định hơn. Thông thường thì
cần phải thực hành như thế trong một giờ để tâm được an định và vững chắc.
Sau đó, khi tâm an định, bạn có thể bỏ lối đếm hơi thở và chuyển sang giai
đoạn kế. Nếu bạn thở vào một hơi dài, bạn biết đó là một hơi
dài. Nếu bạn thở ra một hơi dài, bạn biết đó là một hơi dài. Tương tự, nếu bạn
thở vào một hơi ngắn, bạn biết đó là một hơi ngắn. Nếu bạn thở
ra một hơi ngắn, bạn biết đó là một hơi ngắn. Ở đây, dài hay ngắn là gì ? Đó
là khoảng thời gian. Nếu cần một thời gian dài để thở thì đó là hơi thở dài.
Nếu cần một thời gian ngắn để thở thì đó là hơi thở ngắn. Tuy nhiên, phải thở
bình thường mà không cố gắng ép hơi thở. Không nên đặt tên nó là
"dài" hay "ngắn". Nếu cần phải đặt tên thầm trong tâm,
thì đặt tên nó là "thở vào, thở ra" mà thôi. Chỉ cần biết nó là hơi
dài hay ngắn, nhưng lúc nào cũng phải chú tâm vào luồng hơi đang chạm xúc vào
lỗ mũi hay môi trên. Không nên đem tâm đi theo luồng hơi vào trong thân thể
hay chạy ra ngoài thân thể. Nếu thiền sinh để tâm theo dõi luồng vào trong
thân hay ra ngoài thân thì sẽ không thể làm hoàn hão sự định tâm. Cần phải
chú tâm ghi nhận hơi thở đang chạm xúc lỗ mũi hay môi trên trong một, hai, hoặc
ba giờ.
Đến đây, định tướng (nimitta, ni-mít-tá) sẽ phát
sinh. Nếu định tướng không phát sinh thì bạn có thể chuyển sang hành trì như
sau: thiền sinh để tâm ghi nhận toàn luồng hơi liên tục từ đầu đến cuối.
Bạn không nên đặt tên là: "chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối". Nếu
cần phải đặt tên thầm trong tâm, thì đặt tên nó là "thở vào, thở
ra" mà thôi. Trong lúc đó, nhận biết toàn luồng hơi từ đầu đến cuối,
đang chạm xúc tại một nơi cố định (lỗ mũi hay môi trên), và tuyệt đối không
theo dõi nó vào bên trong thân thể hay ra bên ngoài. Nếu thiền sinh hành trì
như thế trong một hay hai giờ thì định tướng có thể sẽ phát sinh.
Bây giờ, cho dù định tướng có hiện ra hay không, thiền sinh tiếp tục sang
giai đoạn kế. Trong giai đoạn nầy, bạn tạo một ước nguyện trong tâm: "Nguyện
cho hơi thở của tôi được nhu nhuyễn". Từ từ, hơi thở sẽ tự nó trở
nên dịu dàng, nhẹ nhàng, nhu nhuyễn. Bạn không nên cố tình ép hơi thở để nó
nhẹ nhàng. Bởi vì nếu làm như thế thì chẳng bao lâu, bạn sẽ bị hụt hơi và tạo
mệt nhọc. Khi hơi thở tự nó trở nên nhẹ nhàng và tâm an định theo nó, qua thiền
lực, hầu hết các thiền sinh sẽ cảm thấy lâng lâng, như thể là họ không có đầu,
không có mũi, không có thân nữa, mà cảm thấy chỉ có hơi thở vào ra nhẹ nhàng
và một cái tâm đang theo dõi nó. Lúc nầy, bạn cảm thấy là không có
"tôi", mà cũng không có "nó". Bây giờ, chỉ còn có một tâm
đang gắn chặt vào hơi thở. Nếu tâm được an định và chăm chú vào đó trong một
giờ, thì trong thời gian nầy, tâm không còn liên hệ đến các chuyện thế tục nữa.
Tâm đang ở trong trạng thái thiện (kusala), và trạng
thái thiện nầy rất gần đến trạng thái cận định (upacara
samadhi).
Đến đây, tùy theo giới hạnh của từng cá nhân, định tướng sẽ
hiện ra. Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có những định tướng khác nhau. Dù đang nhắm
mắt, theo dõi hơi thở, dần dần thiền sinh sẽ thấy định tướng hiện ra, có khi
như là một làn chỉ trắng, một luồng ánh sáng trắng, một ngôi sao, một cụm mây
hoặc một nhúm bông gòn. Nó có thể rất to, trùm cả khuôn mặt, hoặc như mặt
trăng, mặt trời, hoặc một viên ngọc thạch, một viên ngọc trai. Nó hiện ra
trong các hình sắc khác nhau là vì nó do tưởng uẩn (saññā)
tạo ra.
Lúc ban đầu, định tướng có thể giống như có màu khói xám. Dần dần, nếu giữ
tâm được an định vào hơi thở, hơi thở và màu khói xám trở thành đồng nhất với
nhau, không khác biệt. Sau đó, nếu tâm được an nhẹ và chỉ chú mục vào hơi thở,
màu sắc đó trở thành trắng đục. Mặc dù là màu trắng, nhưng nếu bạn chỉ chú mục
vào hơi thở, hơi thở sẽ trở thành định tướng và định tướng chính là hơi thở.
Nếu hơi thở và định tướng là một, không khác biệt, khi bạn chú mục vào hơi thở
thì bạn cũng chú mục vào định tướng, và khi bạn chú mục vào định tướng thì bạn
cũng chú mục vào hơi thở. Và như thế, bạn hành thiền tốt và nghiêm túc.
Nếu định tướng trở nên vững bền và nếu bạn chỉ chú tâm vào định tướng của
hơi thở (anapana nimitta), mà không chú tâm vào hơi thở nữa, tâm bạn
trở nên tập trung vào định tướng lúc đó. Trong giai đoạn nầy, điều quan trọng
là thiền sinh không nên tìm cách chuyển hóa định tướng. Bạn không nên tìm
cách đẩy nó đi xa, hoặc làm cho nó thay đổi hình dạng. Nếu làm như thế, định
lực của bạn sẽ không phát triển, và định tướng có thể sẽ biến mất.
Tuy nhiên, nếu định tướng hiện ra quá xa đối với lỗ mũi thì thiền sinh
chưa có đủ lực để chuyển sang mức thiền định hơi thở (anapana jhana
samadhi). Tại sao? Bởi vì đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc
quán niệm hơi thở. Bản luận giải có đề cập rằng việc luyện tâm thiền định
niệm hơi thở (anapanasati samadhi bhavana) chỉ hoàn tất khi nào
tâm quán niệm được giữ tại nơi mà hơi thở chạm xúc với cơ thể. Khi thiền sinh
chú định vào bên ngoài, xa lìa nơi chạm xúc, thì rất khó mà đạt vào tầng thiền
định. Do đó, khi định tướng còn ở xa, thì thiền sinh không nên chú tâm vào
nó, mà phải chú tâm vào hơi thở tại một nơi cố định. Từ từ, định tướng sẽ đến
gần và hòa nhập vào hơi thở.
Khi định tướng có màu khói xám thì đó là sơ tướng (parikamma
nimitta) trong trạng thái sơ định (parikamma samadhi). Nếu nó trở
thành màu trắng như một nhúm bông gòn, đó là học tướng (uggaha
nimitta). Đây là một trạng thái định khá cao. Nếu màu trắng nầy được vững
bền, thiền sinh phải an định tâm và chú mục vào đó. Trong giai đoạn nầy, bạn
không nên chú ý đến màu sắc của nó, mà chỉ chú tâm vào đó như là một loại định
tướng mà thôi.
Thí dụ như một ly nước và có một hạt ngọc trai trong đó. Ta chỉ nhìn hạt
trai, như thể đem tâm vào định tướng. Không nên điều tra, trạch vấn về Khổ,
Vô thường, Vô ngã. Không cần biết nó nóng hay lạnh, cứng hay mềm, mà cũng
không cần phân tích màu sắc của nó. Chỉ cần giữ tâm an định và chú mục vào định
tướng. Làm như thế, dần dần định tướng sẽ chuyển từ màu trắng đục sang một
màu chói sáng. Đây là tợ tướng (patibhaga nimitta). Nếu tâm vẫn
giữ an định và chỉ chú mục vào định tướng khoảng 1 đến 2 giờ, hầu hết các thiền
sinh đều có thể nhận rõ 5 thiền chi (jhananga) rất dễ dàng nếu
họ phân tích chúng lúc đó. Năm thiền chi đó là:
1. Tầm
(vitakka): đem tâm hướng về định tướng,
2. Tứ
(vicara): bám sát vào định tướng,
3. Hỷ
(pity): ưa thích định tướng,
4. Lạc
(sukha): cảm giác an lạc, sung sướng khi tiếp xúc với định tướng,
5. Nhất
tâm (ekaggata): tập trung tâm về một điểm (đó là định tướng)
Cũng cần biết thêm ở đây là có khi thiền sinh không thể nhận rõ được năm
thiền chi trên, là vì lúc đó, thiền sinh vẫn còn bị các triền cái
(nivarana) ngăn che. Đó là:
1. Tham
dục (kamachanda)
2. Sân
hận (vyapada)
3. Hôn
trầm (thiramiddha)
4. Trạo
cữ (udhaccakukucca)
5. Nghi
ngờ (vicikiccha)
Thiền sinh phải duyệt xét từng triền cái một, để xem chúng còn vương vấn
trong tâm trong lúc hành thiền hay không. Chúng cần phải được loại bỏ thì việc
đắc thiền mới thành tựu.
Khi năm thiền chi đều cùng hiện diện đầy đủ, thiền sinh sẽ thấy ngay là
mình đang vào tầng thiền thứ nhất (đệ nhất thiền), với tợ tướng là đề
mục trong tâm, có tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tiếp tục hành trì trong Nhất
Thiền như thế khoảng 1 đến 2 giờ, rồi xuất thiền và duyệt lại năm thiền chi
cho tường tận.
Trong các buổi thiền kế tiếp, thiền sinh tiếp tục ôn tập, và hành trì thuần
thục trong tầng thiền thứ nhất. Có năm loại thuần thục:
1. Thuần
thục phân biệt: phải thuần thục trong việc phân biệt các thiền chi sau
khi xuất thiền
2. Thuần
thục nhập định: phải thuần thục nhập thiền bất cứ lúc nào mà mình muốn
3. Thuần
thục quyết tâm: phải thuần thục giữ mức thiền trong suốt thời gian mà
mình đã định trước
4. Thuần
thục xuất định: phải thuần thục xuất ra khỏi tầng thiền mỗi khi mình muốn
5. Thuần
thục xét duyệt: phải thuần thục xét duyệt các thiền chi. Tương tự như mục
số 1.
Thiền sinh nên nhận thức rằng tầng thiền thứ nhất rất gần với năm triền
cái - tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cữ, và nghi ngờ. Thiền sinh cũng nên
nhận thức rằng các thiền chi Tầm và Tứ trong tầng thiền thứ nhất làm cho tầng
thiền nầy không an định bằng tầng thiền thứ nhì. Vì thế, từ ước muốn rời bỏ
hai thiền chi nầy và chỉ còn giữ thiền chi Hỷ, Lạc, Nhất Tâm, thiền sinh tiếp
tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng
thiền thứ nhì, vốn chỉ còn ba thiền chi: Hỷ, Lạc, và Nhất Tâm. Sau khi
vào được Nhị Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như
trên.
Sau đó, thiền sinh nhận thức rằng Hỷ cũng không đem lại an định, nên có ước
muốn bỏ Hỷ, chỉ còn giữ lại Lạc và Nhất Tâm, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào
tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng thiền thứ ba,
vốn chỉ còn hai thiền chi: Lạc, và Nhất Tâm. Sau khi vào được Tam Thiền, thiền
sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như trên.
Sau đó, thiện sinh nhận thức rằng nếu cứ duy trì Lạc thì lại là một hình
thức tham thủ vào cảm giác vui sướng. Cho nên, với ý định bỏ Lạc, thiền sinh
tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng
thiền thứ tư. Lúc đó, hai thiền chi mới sẽ sinh ra: Xả và Niệm, thay thế
Nhất Tâm. Lúc bấy giờ, thiền sinh ở trong trạng thái "xả niệm thanh tịnh",
không còn câu chấp vào các cảm giác, và hơi thở trở nên nhẹ nhàng, hầu như
tan biến. Tợ tướng trở nên rõ ràng, tròn sáng, quen thuộc, gần gũi, không xa
lạ, và thiền sinh chú mục vào đó một cách nhẹ nhàng, bình thản. Sau khi vào
được Tứ Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như trên.
Thiền sinh nên tìm đọc bộ Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi Magga) của
Ngài Buddhaghosa, nhất là phần Niệm Hơi Thở trong chương VIII. Sau cùng, thiền
sinh cũng cần nên biết rằng công phu hành thiền để đắc bốn tầng thiền như
trên chỉ là một giai đoạn sơ khởi, tạo định lực bền vững, dùng đó để
làm cơ sở phát triễn tuệ minh sát và tiến đến giải thoát. Trong tiến trình tu
học, thiền sinh không nên dừng ở đó, mà cần phải tiếp tục nỗ lực hành trì các
giai đoạn kế tiếp, như quán từ bi, quán niệm ân đức Phật, quán tứ đại, quán
các sắc pháp, quán thân thể (32 bộ phận), quán các danh pháp, quán lý duyên
sinh và các giai đoạn thanh lọc tâm.
Bình
Anson trích dịch,
Perth, Tây Úc, tháng 12-1997
|