TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX-TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX-TẬP II
Ý KIẾN VỀ BỘ TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM
CÔNG TRÌNH VỚI SỰ ĐÓNG GÓP & CỘNG TÁC CỦA:
I. GIAI ĐOẠN TIỀN CHẤN HƯNG (1900 – 1930)
1. HÒA THƯỢNG THÍCH LIỄU NGỌC (1826 – 1900)
2. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TRUYỀN (1832 – 1911)
3. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN QUẢNG (1862 – 1911)
4. HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ PHÁP (1871 – 1927)
5. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM TỊNH (1868 – 1928)
6. HÒA THƯỢNG TRA AM-THÍCH VIÊN THÀNH (1879 – 1928)
II. GIAI ĐOẠN CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM (1931-1950)
7. HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ HUỆ (1870 – 1931)
8. HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ VĂN (1877 – 1931)
9. HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC CHỮ (1858 – 1940)
10. HÒA THƯỢNG THÍCH BỔN VIÊN (1873 – 1942)
11. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠI TRÍ (1897 – 1944)
12. HÒA THƯỢNG THÍCH HOẰNG KHAI (1883 – 1945)
13. GIẢNG SƯ THÍCH TRÍ THUYÊN (1923 – 1947)
14. HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU ĐĂNG (1904 – 1948)
15. HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC HẬU (1862 – 1949)
16. HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ NHẪN (1899 – 1950)
III. GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN (1951-1956)
17. HÒA THƯỢNG THUBTEN OSALL LAMA MINH TỊNH-NHẪN TẾ (1889 – 1951)
18. HÒA THƯỢNG THÍCH CHÁNH QUẢ (1885 – 1956)
19. HÒA THƯỢNG THÍCH LIỄU THIỀN (1885 – 1956)
IV. PHẬT GIÁO GIAI ĐOẠN ĐẤT NƯỚC BỊ CHIA ĐÔI (1957-1974)
20. HÒA THƯỢNG THÍCH DIỆU PHÁP (1882 – 1959)
21. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN BẢN (1884 – 1962)
22. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THƯỢNG TỌA THÍCH TIÊU DIÊU (1892 – 1963)
23. VỊ PHÁP THIÊU THÂN ĐẠI ĐỨC THÍCH QUẢNG HƯƠNG (1926 – 1963)
24. VỊ PHÁP THIÊU THÂN ĐẠI ĐỨC THÍCH NGUYÊN HƯƠNG (1940 – 1963)
25. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH THANH TUỆ (1946 – 1963)
26. VỊ PHÁP THIÊU THÂN ĐẠI ĐỨC THÍCH THIỆN MỸ (1940 – 1963)
27. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH THIỆN HUỆ (1948 – 1966)
28. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH HẠNH ĐỨC (1948 – 1967)
29. HÒA THƯỢNG THẠCH KÔONG (1879 – 1969)
30. HÒA THƯỢNG THIỆN LUẬT (1898 – 1969)
31. HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN TRƯỜNG (1876 – 1970)
32. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN NGÔN (1894 – 1970)
33. VỊ PHÁP THIÊU THÂN THÍCH THIỆN LAI (1896 – 1970)
34. HÒA THƯỢNG SUVANNA DHAMMA TĂNG SANH (1897 – 1970)
35. VỊ PHÁP VONG THÂN ĐẠI ĐỨC THÍCH THIỆN ÂN (1949 – 1970)
36. HÒA THƯỢNG THÍCH PHÁP LONG (1901 – 1971)
37. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HƯƠNG (1903 – 1971)
38. HÒA THƯỢNG THÍCH CHÍ TỊNH (1913 – 1972)
39. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT THANH (1853 – 1973)
40. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN THUẬN (1900 – 1973)
41. HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ÂN (1891 – 1974)
V. PHẬT GIÁO GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1975-1980)
42. HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ PHÁP (1887 – 1975)
43. HÒA THƯỢNG THÍCH TÔN THẮNG (1879 – 1976)
44. HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TRỰC (1895 – 1976)
45. HÒA THƯỢNG PHÁP VĨNH (1891 – 1977)
46. HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NGUYÊN (1877 – 1980)
47. HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ HÒA (1915 – 1980)
48. HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN (1925 – 1980)
VI. GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM LẦN THỨ 2 (1981-2000)
49. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM AN (1892 – 1982)
50. HÒA THƯỢNG THÍCH TƯỜNG VÂN (1899 – 1983)
51. HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN TẤN (1911 – 1984)
52. HÒA THƯỢNG SUVANNA PANNÀ TĂNG ĐUCH (1909 – 1984)
53. HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN TẾ (1905 – 1986)
54. HÒA THƯỢNG THÍCH ÐẠT HƯƠNG (1900 – 1987)
55. HÒA THƯỢNG THÍCH HOẰNG THÔNG (1902 – 1988)
56. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC TÂM (1828 – 1988)
57. HÒA THƯỢNG THÍCH HOÀNG MINH (1916 – 1991)
58. HÒA THƯỢNG THÍCH VIÊN QUANG (1921 – 1991)
59. HÒA THƯỢNG THÍCH TRỪNG SAN (1922 – 1991)
60. HÒA THƯỢNG INDA PPANNÀ DANH DINL (1908 – 1992)
61. HÒA THƯỢNG THÍCH CHÂN THƯỜNG (1912 – 1993)
62. HÒA THƯỢNG PHÁP MINH (1918 – 1993)
63. HÒA THƯỢNG THIỆN THẮNG (1923 – 1993)
64. HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN ĐẠT (1903 – 1994)
65. HÒA THƯỢNG THÍCH PHÁP LAN (1913 – 1994)
66. HÒA THƯỢNG THÍCH THANH THUYỀN (1914 – 1994)
67. HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC NINH (1915 – 1994)
68. HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU NGỌC (1916 – 1994)
69. HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TẤN (1906 – 1995)
70. HÒA THƯỢNG BRAHMAKESARA OUL SREY (1910 – 1995)
71. HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TÁNH (1924 – 1995)
72. HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG THẠC (1925 – 1995)
73. HÒA THƯỢNG PHÁP TRI (1914 – 1996)
74. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẠT HẢO (1916 – 1996)
75. HÒA THƯỢNG THÍCH BỬU Ý (1917 – 1996)
76. HÒA THƯỢNG THÍCH DIỆU QUANG (1917 – 1996)
77. HÒA THƯỢNG THÍCH KẾ CHÂU (1922 – 1996)
78. THƯỢNG TỌA THÍCH MINH PHÁT (1956 – 1996)
79. HÒA THƯỢNG THÍCH HOÀN KHÔNG (1900 – 1997)
80. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM MINH (1910 – 1997)
81. HÒA THƯỢNG THÍCH TỪ HUỆ (1910 – 1997)
82. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HÀO (1911 – 1997)
83. HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NHU (1912 – 1997)
84. HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ ĐĂNG (1927 – 1997)
85. HÒA THƯỢNG SIÊU VIỆT (1934 – 1997)
86. HÒA THƯỢNG THÍCH HƯNG DỤNG (1915 – 1998)
87. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN CHÂU (1931 – 1998)
88. HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN QUÝ (1897 – 1999)
89. HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ ĐỨC (1909 – 1999)
90. HÒA THƯỢNG THÍCH HOẰNG TU (1913 – 1999)
91. HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ ĐỨC (1915 – 1999)
92. HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM THÔNG (1916 – 1999)
93. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TÍN (1921 – 1999)
94. HÒA THƯỢNG THÍCH KHẾ HỘI (1921 – 1999)
95. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỊNH QUANG (1924 – 1999)
96. HÒA THƯỢNG TĂNG ĐỨC BỔN (1917 – 2000)
97. HÒA THƯỢNG THÍCH MINH THÀNH (1937 – 2000)
98. HÒA THƯỢNG THÍCH DUY LỰC (1923 – 2000)
99. HÒA THƯỢNG THÍCH THUẬN ĐỨC (1918 – 2000)
100. HÒA THƯỢNG THÍCH THANH KIỂM (1920 – 2000)
CƯ SĨ TIỀN BỐI HỮU CÔNG THẾ KỶ XX (04 NHÂN VẬT TIÊU BIỂU)
1. Cư sĩ VĂN QUANG THÙY (1887 – 1967)
2. CƯ SĨ ĐOÀN TRUNG CÒN (1908 – 1988)
3. CƯ SĨ TRÚC THIÊN – NGUYỄN ĐỨC TIẾU (1920 – 1972)
4. CƯ SĨ NGUYỄN ĐĂNG THỤC (1908 – 1999)
Phật giáo Việt Nam cùng với vận mệnh đất nước đã trải qua bao hưng suy thăng trầm của lịch sử. Nếu như nước nhà thời nào cũng có anh hùng thì Phật giáo giai đoạn nào cũng có danh Tăng dựng đạo giúp nước. Đó là những tấm gương sáng giá góp phần tạo nên lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn cận và hiện đại với công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo song song với sự vươn lên của dân tộc.
Công lao của các bậc cao Tăng tiền bối, các vị sứ giả Như Lai, những danh Tăng hộ quốc kiên trì giữ đạo, tịnh tiến tu hành, đã được sưu tầm qua công trình biên soạn bộ Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX này, dù chưa thể gọi là hoàn hảo và còn một số tiểu sử danh Tăng còn thiếu cần sưu khảo thêm, tác phẩm này cũng đã cô đọng được tất cả nét chủ yếu của từng cuộc đời riêng lẻ, từng sự nghiệp đặc thù ở mỗi hạnh nguyện cá biệt để đúc kết thành bối cảnh lịch sử cả một giai đoạn. Bộ sách đã phản ánh được bao nhân cách, chí hướng, tư tưởng có giá trị cho chúng ta học hỏi noi giương. Đó là sự đóng góp có ý nghĩa nhất của tác phẩm vào kho báu văn hóa – lịch sử của Phật giáo Việt Nam.
Trưởng ban văn hóa trung ương GHPGVN
Cư sĩ VÕ ĐÌNH CƯỜNG
---o0o---
Thế kỷ XX vừa mới trôi qua, cũng là thời điểm hoàn tất quyển “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX tập II”. Tuy nhiên ban biên tập vẫn chưa thể kết thúc công việc ở giai đoạn này, còn lại rất nhiều danh Tăng mà chúng tôi chưa sưu tầm được, hoặc có tư liệu nhưng chưa đầy đủ.
Ở quyển Tiểu sử Danh Tăng tập II này, chúng tôi vẫn trung thành với phương pháp khảo cứu và bố cục như tập đầu ra mắt cách đây bốn năm. Qua ý kiến đóng góp của chư tôn đức, các nhà nghiên cứu và độc giả khắp nơi, trong quyển II này chúng tôi có thêm phần mục lục về sinh quán và trú quán của chư danh Tăng, để tiện việc tra cứu theo từng địa phương và để nơi sản sinh ra những danh Tăng làm tư liệu truyền thống.
Như đã nói trên, chúng tôi vẫn theo hệ thống bố cục công trình của quyển I, cho nên tập II giới thiệu các vị danh Tăng vẫn giữ 4 phần biên tập đã có. Ngoài ra chúng tôi đưa thêm chuyên mục thứ 5: “Danh Tăng Giai Thoại” để ghi lại những truyền thuyết, hành trạng thánh hóa của chư Tổ sư được lưu truyền trong các chùa và dân gian, mà theo phương pháp khoa học lịch sử, chúng tôi không thể đưa vào phần chính sử.
Quyển Tiểu sử Danh Tăng tập II ghi lại thân thế và công đức thêm 100 vị danh Tăng tiêu biểu từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 2000, năm bản lề trước thế kỷ XXI. Đặc điểm của quyển này là việc biên khảo khá đầy đủ về chư vị Thánh tử đạo ở giai đoạn pháp nạn đấu tranh của Phật giáo trong thập niên 60 – 70, và thêm một số vị danh Tăng có công hoằng dương đạo pháp ở hải ngoại. Ngoài ra phần phụ lục vẫn là các vị cư sĩ tiêu biểu có công góp phần hiển dương đạo pháp, để lại dấu ấn lịch sử của thế kỷ.
Hy vọng rằng quyển “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập II” này sẽ ít nhiều giúp quí độc giả hình dung được toàn cảnh mạch sống của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX qua những tấm gương tiêu biểu để chúng ta vững vàng tiếp bước đưa Phật giáo Việt Nam đi vào thế kỷ XXI.
Rất mong chư tôn túc giáo phẩm, các nhà nghiên cứu và độc giả xa gần bổ khuyết, chỉ giáo cho những điều chúng tôi chưa biết hoặc còn sai sót trong quá trình biên khảo để chúng tôi tiếp thu điều chỉnh cho lần xuất bản tiếp theo. Đó là sự khích lệ quí báu cho Ban biên tập tiếp tục công trình như đã dự thảo.
Đầu Xuân Tân Tỵ năm 2001
Chủ biên THÍCH ĐỒNG BỔN
HÒA THƯỢNG THÍCH THANH KIỂM
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUẢNG
THƯỢNG TỌA THÍCH GIÁC TOÀN
THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN NHƠN
CƯ SĨ VÕ ĐÌNH CƯỜNG
THÍCH ĐỒNG BỔN
Thích Bảo Nghiêm – Thích Đồng Bổn
Nguyễn Đình Tư – Lê Tư Chỉ
Minh Thông – Minh Ngọc
Dương Kinh Thành
01. HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN TU (TP.HCM)
02. HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỔNG QUÁN (Qui Nhơn)
03. HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ THÔNG (Tiền Giang)
04. THƯỢNG TỌA THÍCH TRÍ SIÊU (TP.HCM)
05. THƯỢNG TỌA THÍCH NGUYÊN PHƯỚC (Qui Nhơn)
06. THƯỢNG TỌA THÍCH QUẢNG THỌ (Long An)
07. THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH (TP.HCM)
08. THƯỢNG TỌA THÍCH PHỔ CHIẾU (TP.HCM)
90. THƯỢNG TỌA THÍCH HẠNH TRÂN (Tiền Giang)
10. THƯỢNG TỌA THÍCH TỊNH THÀNH (TP.HCM)
11. ĐẠI ĐỨC THÍCH LỆ TRANG (TP.HCM)
12. ĐẠI ĐỨC THÍCH MINH ĐẠO (TP.HCM)
13. ĐẠI ĐỨC TĂNG ĐỊNH (TP.HCM)
14. ĐẠI ĐỨC BỬU CHÁNH (Đồng Nai)
15. ĐẠI ĐỨC THÍCH THANH VÂN (Hưng Yên)
16. ĐẠI ĐỨC THÍCH LỆ HƯNG (Đồng Tháp)
17. ĐẠI ĐỨC THIỆN MINH (TP.HCM)
18. ĐẠI ĐỨC THÍCH NHỰT QUẢ (Long An)
19. ĐẠI ĐỨC THÍCH MINH LỰC (TP.HCM)
20. NI SƯ THÍCH DIỆU MINH (PHÁP)
21. NI SƯ THÍCH ĐÀM LAN (Hà Nội)
22. SƯ CÔ THÍCH NỮ CHÚC HUỆ (TP.HCM)
23. SƯ CÔ THÍCH NỮ HUỆ NGỌC (Đồng Nai)
24. GIÁO SƯ MINH CHI (TP.HCM)
25. NHÀ GIÁO LÊ TÚY HOA (TP.HCM)
26. CƯ SĨ QUẢNG TIẾN (TP.HCM)
27. CƯ SĨ TÂM QUANG (Bình Thuận)
28. CƯ SĨ DANH SOL (Kiên Giang)
29. CƯ SĨ GIÁC TUỆ (Khánh Hòa)
30. CƯ SĨ THANH NGUYÊN (TP.HCM)
31. CƯ SĨ VẠNG ANH VIỆT (TP.HCM)
32. CƯ SĨ TÔ VĂN THIỆN (TP.HCM)
---o0o---
Thế kỷ 20 là sự mở đầu giai đoạn mới của các phong trào kháng Pháp, thay thế cuộc kháng chiến Cần Vương của Nho sĩ thành cuộc vận động toàn dân, duy tân xứ sở, cách mạng ở Trung Hoa với tư tưởng mới của Khương Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã làm sáng tỏ thêm ý thức ấy. Sự kiện Nhật Bản duy tân trở thành cường quốc, đã thức tỉnh những chí sĩ yêu nước bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước như Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... với các phong trào Cộng sản; Đông Kinh Nghĩa Thục; Đông du...
Ý thức kháng chiến giành độc lập dân tộc giai đoạn này, không còn là đại diện cho lực lượng, giai cấp nào; mà là tìm sức mạnh trong nhân dân, đặt cơ sở trong quần chúng, nhất là vận động giới Tăng sĩ Phật giáo làm chỗ dựa và chùa chiền làm cơ sở của các phong trào để hội họp hoạt động.
Đó là bối cảnh của giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Các đại biểu của giai đoạn này đều là tinh hoa của thế kỷ trước còn lại, họ đại diện cho một thế hệ đã đi qua, có vai trò đặc biệt là làm cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân lao động với các nhân sĩ trí thức thông qua cửa thiền, để tìm tiếng nói chung và tập hợp sức mạnh toàn dân làm nên những trang lịch sử mới của dân tộc và của Phật giáo.
Đại biểu của giai đoạn này đã sưu tầm được là 12 vị danh Tăng trong đó đã giới thiệu ở Tập I là 6 vị; đến Tập II này là 6 vị.
01. HT. Thích Liễu Ngọc (1826-1900)
02. HT. Thích Tâm Truyền (1832-1911)
03. HT. Thích Thiện Quảng (1862-1911)
04. HT. Thích Huệ Pháp (1871-1927)
05. HT. Thích Tâm Tịnh (1868-1928)
06. HT. Tra Am-Viên Thành (1879-1928)
---o0o---
Hòa thượng pháp danh Liễu Ngọc, tự Phổ Minh, sau cầu pháp với Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh được pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn, nối pháp dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 37. Ngài thế danh là Trần Viên Ngoạn, sinh năm Bính Tuất (1826-đời vua Minh Mạng thứ 7) tại làng Bình Thủy, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (nay là tỉnh Cần Thơ).
Ngài sinh ra trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ngài theo học nho, được thầy bạn khen là thông minh và có nết hạnh tốt. Chẳng may phụ thân mất sớm, Ngài được mẹ già sớm hôm nuôi dưỡng và thường dẫn đi chùa lễ Phật nghe kinh. Do đó căn lành được khơi dậy Ngài quyết chí qui hướng về Tam bảo.
Năm 16 tuổi (1842), Ngài được mẫu thân cho phép xuất gia học đạo với Hòa thượng trụ trì chùa Long Quang, ngôi chùa làng ở quê nhà, được Bổn sư ban pháp danh là Liễu Ngọc. Từ đó, nương mình dưới bóng từ bi, trên nhờ minh sư dạy bảo, dưới cùng pháp lữ tham tầm, sớm chiều làm bạn với hoa đàm, đuốc tuệ, nghiên cứu kinh tạng Phật môn, không bao lâu Ngài đã có được bước tiến rất dài trên đường ngộ nhập.
Năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị thứ 6. Một hôm, nhân thời công phu tịnh độ tại điện Phật, bất chợt nhìn thấy cánh hoa héo rụng trên bàn, Ngài thoát nhiên giác ngộ. Từ biệt bổn sư, Ngài đến Tổ đình Giác Lâm ở làng Phú Thọ, tỉnh Gia Định, thỉnh cầu Hòa thượng Tổ sư Tiên Giác-Hải Tịnh là vị cao Tăng danh tiếng thời bấy giờ, ấn chứng sự tỏ ngộ của mình. Hòa thượng Tổ sư rất hài lòng, bèn truyền Đại giới cho Ngài và đặt pháp hiệu là Minh Ngọc, tự Châu Hoàn. Sau đó, Ngài ở lại chùa Giác Lâm, phụ tá Hòa thượng Tổ sư trong công cuộc hoằng hóa lợi sanh, và để học hỏi thêm giáo điển.
Ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức năm thứ 2 (1849) lúc đó Ngài mới 24 tuổi, được Tổ sư Tiên Giác-Hải Tịnh cử về trụ trì chùa Hội Phước ở rạch Nha Mân, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Nhận thấy ngôi Tam bảo Hội Phước tuy gọi là chùa nhưng thực ra đây là một ngôi thảo am nhỏ bé, không đủ rộng để tiếp Tăng độ chúng và hoằng dương chánh pháp, nên qua năm sau, năm Tự Đức thứ 3 (1850) Ngài khuyến giáo thập phương đóng góp công đức, rồi lên vùng Tây Ninh mua cây gỗ về kiến tạo thành một ngôi phạm vũ huy hoàng. Đến nay, đó vẫn còn có một danh lam thắng cảnh của tỉnh Đồng Tháp.
Năm Mậu Thìn (1868) chùa Phước Lâm ở Mỹ Tho mở Đại giới đàn, Ngài được chư Sơn cung thỉnh giữ chức Giáo thọ A Xà Lê.
Trải bao năm trên cuộc hành trình của một Như Lai sứ giả, Ngài hết lòng vì đạo pháp: nào là khai Hương kiết Hạ, tiếp chúng độ Tăng, nào là xây dựng già lam, trùng tu phạm vũ; đâu có Phật sự cần đến, Ngài sẵn sàng ghé vai chung lo, không quản ngại tuổi già sức yếu. Uy tín và đức độ của Ngài đã cảm hóa biết bao tín đồ tại gia và xuất gia ở vùng Nha Mân-Sa Đéc, rất nhiều vị qui ngưỡng đến xin cầu pháp nương học với Ngài.
Đến năm Canh Tý(1900) ngày mồng 3 tháng 3, Ngài lâm bệnh nhẹ, cho gọi môn đồ đến khuyên bảo tinh tấn tu học, trau dồi giới hạnh, giữ vững đạo mạch, bảo tồn uy danh môn phái. Đoạn Ngài chắp tay niệm Phật rồi an tường thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi đời, 54 tuổi Hạ. Môn đồ pháp quyến xây tháp tôn thờ nhục thân Ngài trong khuôn viên chùa Hội Phước.
Khi đã ngộ ra chân lý khổ, không, vô ngã thì dù hành trạng ít nhiều ở một lần có mặt của một Thiền sư, đều là một dấu son đáng trân trọng. Ở đây, Ngài Liễu Ngọc – Châu Hoàn như cơn gió thoảng qua, làm tươi mát trên đường đời một khoảng thời gian, để lại sự cảm hoài nhè nhẹ mãi vấn vương cho hậu thế. Song đâu phải mục đích là đây và hơn nữa, trước khi giác tha, phải tích lũy thật cao dày sự tự giác. Trường hợp Hòa thượng Liễu Ngọc là một minh chứng ghi lại cho đời.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tâm Truyền, pháp danh Thanh Minh, tự Huệ Văn, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41, tục danh là Đỗ Lương, sinh ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1832) – Minh Mạng thứ 13, tại thôn Tiên Kiên, tổng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị.
Chưa có tư liệu nào về song thân phụ mẫu của Ngài, chỉ biết Ngài sinh ra trong một gia đình nho gia thuần túy, được tiếng tốt khắp vùng, được mọi người quý trọng. Lúc đầu, Ngài theo học nho học, sau đó bỏ nho theo Phật. Nhân một hôm đến chùa Diệu Đế ăn một bữa cơm chay, Ngài cảm thấy ngon và phù hợp với suy nghĩ của mình, bèn có ý muốn xuất gia tu tập. Lúc ấy Ngài vừa tròn 15 tuổi.
Năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852), lúc 20 tuổi, Ngài đến chùa Diệu Đế cầu xuất gia tu học với Hòa thượng Diệu Giác, được Hòa thượng đặt pháp danh là Thanh Minh, tự Huệ Văn, Ngài chuyên cần học hỏi tu tập. Với khả năng nho học sẵn có, Ngài dễ dàng hội nhập giáo điển Đại thừa, được Tăng chúng thương yêu và tôn trọng.
Năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857), khi Hòa thượng Tăng Cang Nhứt Nhơn viên tịch, Bổn sư Ngài được sắc chỉ bổ nhiệm sang trụ trì chùa Báo Quốc vào tháng Chạp, Ngài được cử quản chúng trong khoảng thời gian Bổn sư tìm người thay thế ở chùa Diệu Đế.
Từ đây cho đến năm 1894 là giai đoạn bận rộn nhất của Hòa thượng Bổn sư Ngài; liên tiếp lo trùng tu chùa Báo Quốc, khai mở các giới đàn để chọn Tăng tài, vừa là giai đoạn triều đình Huế có nhiều biến động, thực dân Pháp đã can thiệp vào nội tình Đại Việt.
Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), với tính khiêm cung, đạo lực khả úy, Ngài đã được Bổn sư tin tưởng giao nhiệm vụ cho Ngài đi cung thỉnh chư Tôn nhiều nơi về chùa Báo Quốc khai Đại giới đàn quan trọng (ngụ ý của Hòa thượng Diệu Giác nhân đó chứng tỏ sức sống của Phật giáo với tình hình bất ổn của thời thế lúc bấy giờ). Cho nên một trong những vị có đầy đủ uy đức lớn lao được Hòa thượng Bổn sư quan tâm và nhất quyết phải cung thỉnh cho được là Hòa thượng Từ Mẫn ở chùa Tịnh Lâm ở Phù Cát-Bình Định, bởi sự có mặt của vị Hòa thượng này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn cho giới đàn và thâm ý chung, Ngài được lệnh vào tận Bình Định để làm nhiệm vụ đó.
Tháng 4 cùng năm, Đại giới đàn chùa Báo Quốc được khai mở do chính Hòa thượng Bổn sư Ngài làm Đường đầu Hòa thượng; Hòa thượng Từ Mẫn làm Đệ Nhất Tôn chứng, Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma, Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ.
Cũng tại giới đàn quan trọng này, Ngài vừa là Chủ sự Tăng, vừa là Giới tử thọ Cụ túc giới. Giới đàn khi đã hoàn mãn, Hòa thượng Từ Mẫn dành thời gian rất lớn ở lại bên cạnh và ân cần khuyến dạy riêng Ngài. Hòa thượng còn dạy Ngài phải nhanh chóng cầu pháp với Hòa thượng Bổn sư vì đã thọ Cụ túc giới.
Tháng 11, Hòa thượng Diệu Giác chấp thuận lời cầu thỉnh đó, đã ứng tâm phú pháp cho Ngài:
Minh lai quảng lãng hội long quân
Pháp hiệu Huệ Văn phú nhữ kim
Pháp pháp vô pháp giai thị pháp
Thứ diễm truyền đăng cách khả tầm.
Sau đó ban pháp hiệu cho Ngài là Tâm Truyền.
Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895), Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác viên tịch, Ngài kế thế trụ trì chùa Diệu Đế.
Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896), Ngài lại được bộ Lễ triều đình cử sang chùa Báo Quốc trụ trì.
Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), Ngài phát nguyện chỉ ăn một bữa Ngọ theo luật Phật chế với tâm nguyện đạo lực thêm kiên cố.
Năm Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898) vào tháng 6, Ngài trùng tu chùa Diệu Đế. Vua cấp cho 3.000 xâu tiền hỗ trợ, tiếp đến tháng 7, Ngài lại xin trùng tu chùa Báo Quốc và cũng được vua cấp 600 xâu tiền; nhân đó Ngài xây dãy Ngũ Công Đức Đường (tức nhà hậu chính chùa Báo Quốc).
Năm Kỷ Hợi, Thành Thái thứ 11 (1899), Ngài miễn cưỡng nhận chức Tăng Cang chùa Diệu Đế sau nhiều lần chư sơn môn thiết tha khuyến thỉnh (nhân Tăng Cang lúc đó là Nguyễn Hữu Thiêm đã cao tuổi xin được hồi hưu, mà chưa có người thay thế, triều đình giao cho chư Tăng tuyển chọn và đệ trình Bộ Lễ).
Tháng 7 cùng năm, Ngài cho trùng tu chùa Viên Giác (vị trí tọa lạc phía sau chùa Báo Quốc) do Tổ Liễu Quán khai sơn.
Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900) tháng Chạp, Ngài cho xây dựng lại chùa Viên Thông, trước đó vào tháng 6, Ngài cũng đã tổ chức đại trùng tu chùa Huệ Lâm ở thôn Bình An, tọa lạc phía hữu, gần chùa Vạn Phước (nay không còn).
Năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901), Ngài tổ chức xây dựng “Bích Khê Từ Đường” để thờ Hòa thượng Bổn sư Diệu Giác.
Đó cũng là công việc cuối cùng mang ý nghĩa hết sức to lớn trong đời Ngài: báo đáp thâm ân. Sau đó tất cả đều dừng lại theo nhịp độ thu dần của tuổi già. Thời gian còn lại, Ngài chuyên thực hành bố thí và mỗi ngày đều đặn trì tụng 3 biến công phu và 6 biến tịnh độ gồm Di Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Thí Thực.
Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1911), mùa Hạ tháng 6 (nhuận), Ngài thị tịch vào giờ Tý, thọ 79 tuổi đời, 49 tuổi đạo.
Các đệ tử xây tháp Ngài tôn trí bên hữu chùa Diệu Đế.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Quảng, người mang họ Trần, không rõ tên thật, sinh tại Bến Tre năm Nhâm Tuất (1862) trong một gia đình thuộc hàng trung phú. Thuở ấu thơ, Ngài đã sớm được song thân đặc biệt tin yêu, đặt nhiều kỳ vọng nên đã mời các thầy đồ đến tận nhà trực tiếp chăm lo việc giáo dục học hành và luyện võ nghệ như bất cứ một gia đình có đầy đủ điều kiện khác. Đặc biệt hơn, do song thân có nếp sống đạo hạnh, luôn giúp đỡ mọi người, hòa ái với xóm giềng nên những đức tính cao đẹp đó cũng đã sớm truyền sang nơi Ngài, khiến song thân càng yêu quý hơn.
Năm Nhâm Ngọ (1882), trải qua bao biến thiên thời cuộc, Ngài đã trưởng thành theo bao nhận thức thực tại và qua bao lần trì hoãn ước vọng của song thân, nhất là khi mẫu thân tạ thế, Ngài đành thuận ý phụ thân lập gia đình. Năm đó Ngài vừa tròn hai mươi tuổi.
Năm Ất Dậu (1885), khi phụ thân qua đời, Ngài chăm lo phụng thờ đúng đạo nghĩa cư tang hết mực. Sau đó Ngài thu xếp việc gia đình, giã từ cất bước ra đi thực hiện chí nguyện xuất gia hằng ấp ủ từ thuở ấu thơ của mình. Năm ấy Ngài hai mươi ba tuổi.
Để tránh sự dòm ngó của các thế lực thực dân gây khó dễ trong quá trình tu hành, Ngài tìm sâu vào chốn yên ả có rừng cây vây quanh, tự nỗ lực thực hiện chí nguyện của mình một cách dõng mãnh. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài đã tạo được sự thăng bằng tự tại bản thân, uy đức đã được nhiều người biết và tìm đến xin làm đệ tử hoặc giúp đỡ mọi mặt để tạo thuận duyên cho Ngài vững vàng thêm ý chí.
Năm Ất Mùi (1895), trải qua mười năm tu hành tinh tấn, đạo lực đã ngày thêm kiên cố, từ đó Ngài nuôi ước nguyện mong có ngày đến được nơi đất Phật chiêm bái, trước là để đền ơn Tam bảo, sau nữa là nương thừa chứng tích nguồn cội cho đường tu thêm vững vàng viên mãn. Ngay từ lúc vừa phát khởi tâm nguyện đó, Ngài bắt đầu thực hiện trước mắt hạnh tu khắc khổ như một Đầu đà; từ nay không dùng đến tiền bạc, không ăn cơm mà chỉ ăn toàn rau. Lúc đầu ngày ba bữa dần dà chỉ còn ngày một bữa mỗi bữa chỉ hai tô rau luộc.
Năm Mậu Tuất (1898), đúng ba năm sau, lượng sức mình đã sẵn sàng và nhân duyên tương hợp đầy đủ, Ngài được các đệ tử chu toàn mọi mặt cho chuyến khởi hành sang đất Phật bằng đường thủy với một chiếc thuyền hai cột buồm lớn và lương thực dự trữ mang theo là rau quả, thức uống. Thuyền Ngài ra khơi khi mùa gió nồm Nam đã bắt đầu.
Sau gần ba ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông thì gió lớn sóng to ập đến, đẩy con thuyền Ngài trôi dạt vào bờ biển Nam Thái Lan. Đành tạm dừng chân chờ sóng yên gió lặng sẽ tiếp tục cuộc hải trình. Trong những ngày này khi người dân Thái biết được Ngài là bậc chân tu, nhất là khi rõ thêm những đức hạnh không sử dụng tiền bạc và ăn toàn rau trái, Ngài được tiếp đãi trọng thị đầy tôn kính.
Tiếng lành lan nhanh xa rộng và như không hẹn mà gặp, vì ở đất nước này hiện đang diễn ra một sự kiện lớn là Tổng đốc Ấn Độ M.Curson đem tặng cho Thái Lan một hủ đựng Xá lợi Phật vừa được tìm thấy nơi một ngôi tháp cổ; các phái đoàn Chính phủ các nước Nhật Bản, Tích Lan, Miến Điện hiện cũng đang có mặt để xin Chính phủ Thái chia bớt ngọc Xá lợi Phật; đồng thời đang háo hức xây dựng tháp Kim Sơn (Phu-Khản-Thoong) trong chùa Sa-Kệt ở Băng Cốc để tôn thờ theo lệnh của nhà vua... Do đó, sự có mặt của Ngài khiến người dân Thái cho là một ấn tượng linh thiêng trùng hợp, nên thỉnh Ngài đến ra mắt vua Chu-La-Long-Kon, tức triều đại Ra-Ma V (1868-1910) và đã được vua tỏ lòng kính mộ, cho truyền xây cất chùa riêng để mời Ngài ở lại tu hành.
Trước sự ưu ái đó của nhà vua và tấm thạnh tình của người dân Thái, Ngài không nỡ chối từ, nhưng không vì thế mà ước nguyện sang Ấn Độ của Ngài cũng dừng lại. Chính vì vậy nhà vua chỉ thuận lòng cho Ngài tiếp tục cuộc hành hương sang đất Ấn Độ khi Ngài đã hứa rằng sẽ trở lại đất Thái tiếp tục trụ trì tu hành, vì đây là nơi mà “duyên Phật” đã đưa Ngài đến. Ngài đã ở lại đất Thái được ba năm, thời gian đó cũng đủ để tạo thế thuận duyên hỗ trợ việc hoằng đạo cho Phật giáo Thái Lan.
Năm Tân Sửu (1901) Ngài bắt đầu tiếp tục cuộc hành trình. Lần này nhờ sự giúp đỡ của ba Phật tử người Miến Điện làm hướng đạo và các sự giúp đỡ khác của nhà vua cùng nhân dân Thái, Ngài đi bằng đường bộ, rẽ lên Miến Điện và qua ngõ Tây Tạng để vào đất Ấn Độ. Nhờ vậy đoạn đường đi được rút ngắn đáng kể và đỡ tốn sức lực.
Trong vòng năm tháng ở Ấn Độ, Ngài đi chiêm bái các Phật tích khắp nơi với lòng chân thành hướng về đấng Giác ngộ đã một thời hằn dấu. Có những nơi đã trở thành phế tích do chinh chiến Hồi giáo tàn phá; do sự thờ ơ của chính quyền thực dân thống trị mà cho đến lúc này Ngài mới hiểu hết vì sao hũ Xá Lợi Phật vô giá lại được Tổng đốc Ấn Độ (người Anh) đem sang tặng lại cho vua và nhân dân Thái Lan ba năm trước, may mà họ không tự tay thiêu hủy. Trước những mối cảm hoài đó đã tác động không ít khiến Ngài không thể ở lâu thêm hơn, đành phải ngậm ngùi quay gót. Nhưng để bù đắp lại phần nào tâm nguyện hụt hẫng, Ngài đi sang đất Trung Hoa viếng thăm các danh lam như núi Thiên Thai ở phủ Hàng Châu, nơi giáng tích của Bồ Tát Quan Âm. Sau đó qua Phúc Kiến, đến Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam rồi lại ngược xuống Miến Điện để về lại Thái Lan.
Năm Nhâm Dần (1902) đầu mùa hạ Ngài về đến đất Thái Lan, được vua và Phật tử niềm nở đón tiếp. Để không phụ lòng những người con Phật thiện căn ở xứ này, Ngài chọn ngôi chùa hang Kholẽm làm chốn tu hành. Từ đây tiếng về một “ông Thầy Rau” càng được vang xa và kính trọng hơn. Cũng từ đây cuộc sống tu hành của Ngài đi vào nhịp độ bình lặng, có nhiều thời gian tham cứu thêm kinh điển, Phật học.
Tiếng về một “ông Thầy Rau” vẫn ngày một vang xa khiến nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) và các đồng chí của ông (đã bị Chính phủ Nhật Bản trục xuất sau khi giải tán phong trào Đông du) đang nương náu tại đất Thái chú ý đến và tìm hiểu, sau đó đích thân đến tận nơi tìm gặp và tiếp xúc. Cụ Phan rất kính trọng cung cách tu hành của Ngài, đồng thời cũng vừa tự hào về một người cùng xứ sở đang chung cảnh tha hương. Từ đó dẫn đến mối giao hảo thân tình mà trên hết có tình yêu quê hương đất nước (). Trong những lần gặp gỡ đó, cụ Phan đã không ngại ngần bộc bạch hết cho Ngài rõ các hoạt động của cụ và các đồng chí, sự khốn khổ lưu thân để nuôi ý chí cách mạng nơi đất khách quê người. Mỗi lần nghe cụ Phan nói như vậy, là một người dân Việt Ngài cũng có lòng yêu nước thiết tha tự đáy lòng, là một vị xuất gia Ngài đã không cầm được nước mắt. Hơn nữa nhóm cụ Phan gặp được Ngài như là một cứu tinh sáng chói có thể giúp cụ từng bước trên đường hoạt động cách mạng tại đất Thái.
Do vậy, Ngài đã không ngại ngần nhận lãnh trách nhiệm về lại Nam kỳ Việt Nam vận động tài chánh bằng cách Ngài cứ ung dung thuyết hóa, các mặt tổ chức, tuyên truyền cho chuyến đi, kể cả nhận tài vật quyên góp đều do người của cụ Phan đảm nhận (vì Ngài đã phát nguyện không dùng tiền, không nói đến danh lợi – chính trị), người được cụ Phan phân công làm việc đó được Ngài tạm đặt pháp danh Minh Trai. Chỉ hơn một tháng sau, Ngài đã trở lại Băng Cốc với số tiền trong túi Minh Trai là hai ngàn đồng bạc giấy. Ngài bảo số tiền bạc giấy ấy là của các đệ tử nơi quê nhà tự tay quyên góp lại, chứ chưa thực sự kêu gọi sự đóng góp của quần chúng Phật tử, và hứa là lần sau sẽ thực hiện một chuyến trở về nữa ở lâu hơn, vận động sâu hơn để số tiền có được sẽ lớn hơn.
Năm Tân Hợi (1911), đúng một năm sau Ngài thực hiện lời hứa với cụ Phan, trở về Việt Nam. Nhóm cụ Phan định tổ chức đưa Ngài đi bằng đường thủy, nhưng Ngài sợ bại lộ bởi lúc ấy mật thám đã biết rõ việc làm của Ngài ngay lần đi thứ nhất, nên đề nghị đi đường bộ xuống ngõ Cao Miên rồi xuyên rừng vào đất Tây Ninh.
Khi Ngài vừa đặt chân vào biên giới sau bao ngày băng đèo lội suối thì bị phát hiện ngay, Ngài và Minh Trai cố thoát chạy nhưng cả hai đã không nhanh hơn đường đạn đã sẵn chực chờ bao lâu nay, nên đành “giữa đường ngộ nạn nhuộm máu với giang sơn” (). Năm đó Ngài vừa đúng 50 tuổi đời, 27 tuổi đạo. Tại chùa hang Kholẽm Thái Lan, vẫn còn bia đá tưởng niệm Ngài với hai chữ gần gũi mà kính trọng “Thầy Rau”.
Dựa theo và tham khảo các tài liệu:
-Phan Bội Châu toàn tập (13) Chương Thâu dịch – NXB Thuận Hóa 1990.
-Phan Bội Châu và Thiền sư Thiện Quảng – Đào Nguyên – Báo NG số 11 bộ mới.
-Lịch sử Phật giáo Nam Tông – Tịnh Hải Pháp sư (tài liệu Giáo dục Cao đẳng Phật học)
-Đất Gia Định xưa – Sơn Nam – NXBTP.HCM 1984
---o0o---
Hòa thượng Thích Huệ Pháp, pháp danh Thanh Tú, pháp tự Phong Nhiêu, Ngài họ Đinh, sinh năm Tân Mùi 1871 (Tự Đức thứ 24), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Gia đình Ngài thuộc thành phần nho gia có truyền thống kính tin Phật pháp nhiều đời, thân phụ từng là vị thầy giáo làng được nhiều người kính trọng.
Vốn bản tính tự tin lại được un đúc trong môi trường nho học nên Ngài rất được thân phụ khuyến khích sự lựa chọn, không can thiệp về chí hướng tương lai. Nhờ vậy, Ngài đã đến xin cầu xuất gia với Hòa thượng Tăng Cang – Cang Kỷ tại chùa Từ Hiếu, được Hòa thượng tiếp nhận. Năm đó, Ngài vừa tròn 15 tuổi, nhằm năm Bính Tuất 1886, niên hiệu Hàm Nghi thứ 2.
Khi đã bước chân vào chùa, những cảnh đời dâu bể tiếp tục diễn ra như là sự thách đố, đã tác động không ít đến tư tưởng, nhận thức của Ngài, và thiền môn cũng đang tất bật trong các đợt trùng tu, lại cũng là thời gian Hòa thượng Bổn sư vừa lo tang lễ xong cho đệ tử là Hòa thượng Huệ Đăng được cử trụ trì chưa hơn một năm đã viên tịch. Vì vậy mãi đến năm Nhâm Thìn 1892 (Thành Thái thứ 4), Ngài mới được Bổn sư cho thọ giới Sa di, ban pháp danh là Thanh Tú, tự Phong Nhiêu, hiệu Huệ Pháp. năm đó Ngài 21 tuổi.
Vừa thọ giới xong, Ngài được chọn làm thị giả hầu cận Hòa thượng Bổn sư, vì thế Ngài từng chứng kiến các nhân vật quan trọng có cả vua Thành Thái đến viếng chùa và đàm đạo với Hòa thượng Hải Thiệu.
Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc. Đây là Giới đàn rất quan trọng được tổ chức vào tháng 4 suốt bảy ngày, do Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác làm Đường đầu truyền giới; Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma, Hòa thượng Linh cơ làm Giáo thọ, Bà Hoàng thái hậu Từ Dũ cũng đến Giới đàn này cúng dường và ban tặng các vị Giới sư mỗi vị một bộ y cà sa bảy màu.
Tháng 8 cùng năm, Hòa thượng Bổn sư mở đợt trùng tu chùa Từ Hiếu lần thứ 2 với quy mô lớn, đúc thêm hai tượng Phật, mở rộng chánh điện thông qua nhà trước và hậu điện, bia tháp, giếng nước...
Năm Ất Mùi, Thành Thái thứ 7 (1895), Ngài được đắc pháp qua bài kệ phú pháp của Hòa thượng Bổn sư:
Phong nhiêu thọ pháp truyền
Nội ngoại bổn như nhiên
Phò trì chư Phật Tổ
Kế thế vĩnh niên niên
Năm Bính Thân, Thành Thái thứ 8 (1896), do Phật tử toàn phổ Linh Sơn tại chùa Thiên Hưng đến đảnh lễ Hòa thượng Bổn sư xin được cung thỉnh Ngài về làm tọa chủ dẫn dắt tín đồ; được Hòa thượng chấp thuận, Ngài về chùa Thiên Hưng để phát triển đạo tràng.
Nhận nhiệm vụ mới này, Ngài mới có dịp bộc lộ hết tinh thần vốn đã ấp ủ bấy lâu. Trước hết, Ngài mở các thời khóa tịnh độ, giảng giải kinh điển từ thấp lên cao cho mọi trình độ. Đặc biệt tập trung vào các bộ “Tứ Phần giới bổn”, “Phạm Võng”, “Pháp Hoa”, “Lăng Nghiêm”. Nhờ vậy chùa trở nên sinh động, phát triển nhanh chóng về mọi mặt, được Phật tử khắp nơi tìm đến rất đông, được cả vua Thành Thái biết đến.
Năm Đinh Dậu, Thành Thái thứ 9 (1897), chỉ có vài ngày vua Thành Thái được Nguyễn Hữu Bài phò giá vào Sài Gòn để khoe với vua về những “kỳ công” của thực dân Pháp, thì ở Huế, nhiều ngôi chùa vùng phụ cận, trong đó có chùa Thiên Hưng Ngài đang trụ trì, bị rất nhiều kẻ “tả đạo” đến quấy phá, gây hoang mang trong Phật tử. Với vóc dáng phương phi, kỳ vĩ mà điềm đạm, Ngài đứng ra giảng giải và yêu cầu họ “trở về” cũng như vua rồi cũng sẽ trở về Huế thôi! Đó là khẩu ý mà sau này vua Thành Thái đến thăm chùa Từ Hiếu được Hòa thượng Bổn sư kể lại, đã tấm tắc khen tặng Ngài.
Năm Canh Tý, Thành Thái thứ 12 (1900), trong số các đệ tử đến chùa Thiên Hưng học đạo lâu nay dưới sự dìu dắt của Ngài, có không ít người thi đỗ tại các cuộc thi Hội, thi Đình và hiện đang chuẩn bị kỳ thi Hương ở Quốc Tử Giám. Trong đó có Lê An Du, Nguyễn Thiện Bình, Nguyễn Sanh. Nhưng vua ngăn cản, muốn sung 3 vị đệ tử giỏi của Ngài vào đội cận vệ để có thể liên lạc giữa vua và Ngài sau này. Ngài hiểu được ý vua khi nhận được thâm ý trong câu thơ nhắn: “Tịch mịch tiên triều cung ngoại miếu. Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm” () (lúc này vua đã bị theo dõi do lệnh của Khâm sứ Pháp Rheinard).
Năm Đinh Mùi, Thành Thái thứ 18 (1907), thêm bất mãn trước việc khâm sứ không chi duyệt tiền cho vua đi tuần du Thanh Hóa, vua liền bỏ tiền túi ra chiêu mộ một số phụ nữ để lập đội nữ binh và hằng ngày tự thân vua tập cho họ bắn súng, cỡi ngựa dưới sự hỗ trợ của 3 vị đệ tử của Ngài do vua tuyển chọn. Khi tin tới tai Ngài thì sự thể đã muộn màng khiến Ngài tỏ ra lo ngại, không hài lòng. Và rồi đúng như dự liệu của Ngài, Khâm sứ Pháp vịn vào đó làm bằng cớ cho rằng “nhà vua không thật tâm cộng tác với chính quyền bảo hộ”, và ra lệnh “từ nay nhà vua không còn quyền hành gì nữa và không được ra khỏi nơi ở đã dành cho vua trong nội cung”. Sau đó truất quyền và tiến tới giam giữ vua, sai Trương Như Cương cầm đầu Hội đồng Phụ chánh ra tuyên bố ”...Vì vua Thành Thái mắc bệnh điên”.
Năm Canh Tuất, Duy Tân thứ 4 (1910), Ngài được cung thỉnh vào Quảng Nam khai Đại giới đàn ở chùa Phúc Lâm với ngôi vị Đệ tam Tôn chứng. Lúc này, Ngô Đình Khả dâng tờ sớ buộc Thành Thái thoái vị và vua đã nhanh nhẹn ký vào không chút luyến tiếc.
Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1911), Ngài cho trùng tu chùa Thiên Hưng trong nỗi ai hoài thương tiếc vị vua “bình dân” với ngôi chùa vốn bình dân này đã được vua nhiều lần nhắc nhở. Chính Ngài cũng không hay biết cùng năm này Thành Thái đang bị giam lỏng ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Và rồi vua Duy Tân cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên tiếp nối sự nghiệp kháng Pháp, từng bước đi vào lòng thương mến của nhân dân, chẳng những của riêng Ngài mà là của cả dân tộc.
Năm Kỷ Mùi, Khải Định thứ 4 (1919), vốn từng biết ngôi chùa Thiên Hưng và bản thân Ngài, nên vua Khải Định ban cho Giới đao và Độ điệp, với mong mỏi sẽ cắt đứt sự vọng nhìn của Ngài đang lặng lẽ dõi theo từng bọt biển trùng khơi đưa Thành Thái vĩnh viễn rời khỏi đất mẹ.
Năm Giáp Tý, Khải Định thứ 9 (1924), sau 5 năm vua Thành Thái đã bị đi đày ở đảo Réunion và Duy Tân cũng chung cùng số phận, thì con thuyền Phật giáo vẫn giữ vững trong tư thế bất diệt của mình, tùy thuyền đi vào bao nguồn lạch của khúc sông. Cho nên giai đoạn này tất cả các bổng lộc, danh xưng đối với Phật giáo chỉ còn là đơn nghĩa. Nhận định những sự thật đó, Chư Sơn quyết định tổ chức Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu, ngôi chùa “quan” bao lâu nay để chứng minh cho sức sống Phật giáo. Tại Đại giới đàn này, Ngài được suy cử ngôi vị Giáo thọ Sư.
Năm Bính Dần, Bảo Đại nguyên niên (1926), Ngài tiếp nhận chức vị Tăng Cang chùa Diệu Đế. Từ đó, Ngài ít tiếp xúc với chung quanh, dành nhiều thời gian còn lại chuyên tỉnh thân tâm.
Năm Đinh Mão, Bảo Đại thứ 2 (1927) ngày 24 tháng Chạp, như có nguyện sâu xa nào đó mà tông môn Tăng chúng không ai có thể đoán biết trước, do Ngài trầm tư, ít nói. Sau khi Ngài đi chiêm bái các Tổ đình và viếng thăm các thiện hữu về, lên lễ Phật ở chánh điện rồi về tịnh phòng, Ngài ngồi kiết già trước tượng Phật vẫn với bộ pháp phục và tự châm lửa thiêu thân. Khi đó, Tăng chúng dập tắt ngọn lửa một cách khó nhọc xong, Ngài nhìn khắp thảy và thều thào “Đó là đại nguyện của ta xưa nay, xin Tăng chúng đừng lo lắng”. Rồi sau đó, vị đệ tử Quảng Tu hiệp cùng Tăng chúng xướng tụng kinh Bát Nhã cho Ngài.
Mãi đến ngày mồng 1 tháng Giêng năm Đinh Mão (1927), vào giờ Mão, Ngài thu thần thị tịch, thọ 56 tuổi đời, 33 Hạ lạp.
Tháp Ngài được dựng trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tâm Tịnh, pháp hiệu Tâm Tịnh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, thế danh là Nguyễn Hữu Vĩnh, sinh năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn – 1868), tại Thừa Thiên – Huế. Ngài lớn lên trong thời kỳ triều đình nhà Nguyễn đang dần dần suy yếu, là đệ tử nối pháp thứ năm của Hòa thượng Diệu Giác – Hải Thuận (trụ trì chùa Báo Quốc).
Đồng một thế hệ với Ngài, gồm có Ngài Tâm Khoan (chùa Quang Bảo, chùa Thiên Tôn), Ngài Tâm Thiền (chùa Thiền Tôn), Ngài Tâm Quảng (chùa Báo Quốc), Ngài Tâm Thể (chùa Từ Ân), Ngài Tâm Truyền (chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc), Ngài Tâm An (chùa Thọ Đức), Ngài Tâm Thành (chùa Từ Quang), Ngài Tâm Minh (chùa Ngọc Sơn). Chín vị Tổ này được truyền tụng với danh hiệu “Cửu Tâm” theo cách gọi kính phục của quần chúng nhân dân xứ Huế, và được Hàm Long Sơn Chí ghi là “Nam chi cửu diệp” nghĩa là Cành Nam chín lá hoặc Thiền tông chín ngọn.
Tháng Tư năm Thành Thái thứ 6 (Giáp Ngọ – 1894), Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc. Trong Đại giới đàn này, Ngài Tâm Tịnh đã được Hòa thượng Diệu Giác thế độ và phú pháp cho, bấy giờ Ngài được 27 tuổi. Bổn sư đã ban cho Ngài bài kệ phú pháp như sau:
“Hà thanh ninh mật tứ phương an
Hữu vinh tâm tâm đạo tức nhàn
Tâm tợ Bồ đề khai huệ nhật
Bao hàm thế giới như thị quan”
Tạm dịch:
“Sống trong yên lặng bốn phương an
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn
Tâm tựa Bồ đề soi mặt nhật
Một bầu thế giới ngó muôn vàn”
Sau khi pháp đắc, Ngài kế vị Hòa thượng Huệ Đăng làm trụ trì chùa Từ Hiếu trong nhiều năm. Nơi đây, Ngài một mặt trau giồi Tam học, một mặt hoằng dương đạo pháp, chấn hưng, trùng tu ngôi Tam bảo Từ Hiếu, trở thành một Tổ đình nguy nga, tráng lệ.
Năm Giáp Thìn 1904, sau mười năm kể từ khi trụ trì Tổ đình Từ Hiếu, Ngài truyền giao lại cho Hòa thượng Huệ Minh và tiếp tục sự nghiệp tu hành theo đúng sở nguyện: thích chốn u nhàn tịch mặc để tư duy kiến tánh và giáo hóa đệ tử kế thừa, Ngài lên núi Ngự Bình (Huế), cất một thảo am ở phía Tây Nam và gọi đó là am Thiếu Lâm. Đây cũng là tiền thân của chùa Tây Thiên – một Tổ đình nổi tiếng của đất thần kinh và của cả miền Trung đến nay.
Trong thời gian khai sơn chùa Tây Thiên này, Ngài tiếp tục truyền thụ tâm ấn cho các đệ tử, kế tục truyền thống của Bổn sư có chín vị đệ tử “Cửu Tâm”, còn Ngài thì đào luyện 9 vị đệ tử mang chữ Giác thành “Cửu Giác”. Đó là Hòa thượng Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Hòa thượng Giác Nguyên (kế thừa Tổ đình Tây Thiên), Hòa thượng Giác Nhiên (Tọa chủ Tổ đình Thiền Tôn – Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) Hòa thượng Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Hòa thượng Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Hòa thượng Giác Bổn (trụ trì chùa Từ Quang), Hòa thượng Giác Ngạn (trụ trì chùa Kim Đài), Hòa thượng Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Hòa thượng Giác Thanh tức Hòa thượng Đôn Hậu (trụ trì chùa Linh Mụ) để trở thành những vị lương đống cho Giáo hội về sau.
Với tài đức song toàn, giới hạnh túc nghiêm, uy tín Ngài mỗi lúc một vang xa. Lúc bấy giờ nơi triều đình Huế, vua Khải Định biết đến rất lấy làm tôn trọng và mến mộ. Nhà vua đã cử Ngài giữ trọng trách Tăng Cang chùa Diệu Đế để xiển dương đạo pháp. Tuy vậy, Ngài vẫn ở chùa Tây Thiên chuyên cần lo việc mở lớp giáo huấn các đệ tử xuất gia và tại gia.
Vào đại lễ Phật Đản năm Giáp Tý (1924), Ngài đứng ra tổ chức trọng thể Đại giới đàn tại chùa Từ Hiếu trong bốn ngày: mồng 8, 9, 10 và 11 tháng Tư âm lịch. Phật sự lớn lao đó đã được sự cúng dường, bảo trợ tận tình của chính vua Khải Định. Trong Đại giới đàn này, Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng, số giới tử thọ giới lên đến 450 vị, trong đó có 300 Tăng, Ni thọ Đại giới.
Mùa xuân năm Mậu Thìn, ngày 6 tháng 4 triều Bảo Đại năm thứ ba (nhằm ngày 25 tháng 4 năm 1928), Hòa thượng Tâm Tịnh thị tịch, Ngài trụ thế 60 tuổi, hạ lạp 32 năm.
Hòa thượng Tâm Tịnh đã ra đi, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn còn in đậm trong lòng đạo pháp dân tộc. Ngài đã chỉ đạo, góp phần chỉnh lý Tăng chế và đào tạo nhân tài cùng với quý Hòa thượng tôn túc ở miền Trung. Cả thảy chín vị đệ tử của Ngài (Cửu Giác) đều là các bậc lãnh đạo phong trào Chấn hưng Phật giáo từ những năm 1930 và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện đại.
Thiền sư Viên Thành, chùa Tra Am, một thi sĩ tài hoa lỗi lạc bậc nhất thuở bấy giờ, đã lược nghiệp và bi cảm viết về Ngài như sau:
“Tứ thập nhất đại Lâm Tế chân Thiền Phong, đào chú công thâm, thùy thọ đương đầu hát bổng.
Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim toát thủ hoàn gia”.
Tạm dịch:
“Lâm Tế đời bốn mươi mốt chấn chỉnh Thiền Tông nung đúc công sâu, còn ai trao truyền đánh hét.
Diêm Phù thọ năm mươi chín rõ lòng giáo huấn trí bi nguyện đủ, chừ đây buông thõng về nhà”.
---o0o---
Hòa thượng Thích Viên Thành, pháp húy Trừng Thông, thế danh là Công Tôn Hoài Trấp () sinh ngày ngày 17 tháng 11 năm Kỷ Mão (1879) nhằm năm Tự Đức thứ 32 () tại Kinh đô Huế. Thân phụ là Tĩnh Quy, vốn công tử thứ 38 con của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (1797 – 1863) (), thân mẫu là bà Vũ Thị Dần, con gái ông Vũ Văn Lợi. Như vậy quê nội của Ngài ở huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn quê ngoại ở xã Xuân Mỵ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Là người con trai thứ ba trong một gia đình danh gia vọng tộc và là cháu con của một vị vua đã khai sáng nên cơ nghiệp triều Nguyễn, nhưng tuổi thơ của Ngài không phải theo định kiến tất nhiên như người đời thường nghĩ. Ngược lại, thực tế của cuộc đời đã làm tan tác bao hoài bão tốt đẹp, cuốn phăng sự bình an sinh sống của một gia đình dẫu là thứ dân cũng có được. Ngay từ lúc Ngài chào đời, những sự kiện cuối trào Tự Đức đủ đun nóng tình thế nội triều và đất nước ở thế lửa bỏng dầu sôi, đến nỗi chưa đầy một năm sau đó (ngày 25 tháng Chạp 1880) triều đình đã chính thức sang cầu viện nhà Thanh. Cái nghèo khó là chuyện riêng mang cam chịu, nhưng tình thế đất nước như vậy dù là hàng dòng dõi vua chúa, song thân Ngài cũng không thể dửng dưng, ít nhất là chọn riêng một thái độ rẽ hướng nào đó cho phải đạo.
Năm Quý Mùi (1883) – năm Tự Đức cuối cùng, thân mẫu Ngài qua đời trong cảnh thiếu hụt, để lại nguyên trạng nỗi lo toan vào cội nguồn duy nhất còn lại là phụ thân. Năm ấy Ngài chỉ mới hơn bốn tuổi đầu, hãy còn nhiều ngơ ngác, vô tư. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn để Ngài sớm nhận ra vì sao cuối năm ấy vua Dục Đức (1853 – 1883) chỉ lên ngôi được ba ngày đã phải chết tức tưởi.
Năm Kỷ Sửu (1889), chỉ sáu năm thôi mà bao biến thiên dồn dập với những đời vua nối tiếp nhau: Hiệp Hòa – Kiến Phúc – Hàm Nghi – Đồng Khánh đi vào ngõ tối tăm, tủi nhục, chưa đầy một năm mà ba vua bị giết, trong bốn tháng mà triều đình đổi chủ ba lần. Đâu đâu cũng nghe những lời ví von đầy ẩn ý “Nhất gian lưỡng quốc nan phân thuyết, tứ nguyệt tam vương triệu bất tường” (). Đặc biệt quan tâm là sự kiện kinh thành Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu 1885 và việc vua Hàm Nghi xuất bôn một giờ sáng hôm ấy, đã khiến phụ thân Ngài không khỏi nao lòng, từ đó trí não và sức lực xuôi dần trong tiếng thở dài, và phụ thân Ngài đã ra đi vĩnh viễn – 10 tuổi đầu Ngài đã khóc và tiếc thương cho tất cả.
Là hoàng tộc lại đa thê, cho nên sau khi cha mất, cảnh mạnh ai nấy lo thân là chuyện không có gì tắc trách. Vì thế Ngài đã thật sự bơ vơ ly tán, tạm về núp bóng người dì ruột và cũng là người dì ghẻ (), chấp nhận cảnh sống “cô ai tử” với tâm ý thản nhiên của nghiệp dĩ. Ngay từ lúc ấy, Ngài đã bất đầu ghi khắc vào tâm tư lời trối trăn của thân phụ rằng “thà làm một chúng dân bình thường mà đỡ tủi hổ và quay lưng được với tất cả khổ đau”. Đó là thứ hành trang duy nhất được đặt vào tâm khảm trong trắng tuổi thiếu thời, nuôi sống được Ngài thay cơm gạo.
Năm Canh Dần (1890) lúc 11 tuổi, lần đầu tiên Ngài được đi học, điều đó với Ngài là một bước ngoặt sáng không kém một niềm vui ấu thơ nào. Với người hiểu chuyện thì đó lại là một sự miễn cưỡng còn sót lại nơi người dì ruột dành cho Ngài chứ không là của một gì ghẻ, dù có muộn màng nhưng vẫn là một tình cảm đáng trân trọng.
Đời Ngài lại thêm những nghiệp quả đầy nghịch duyên trái ý, bởi sự phân biệt con em hoàng tộc với đẳng cấp bần hàn luôn được thầy dạy học quan tâm. Bị liệt vào đẳng cấp thứ hai qua lớp áo, cùng tuổi học muộn đã khiến Ngài cảm thấy bị xúc phạm. Để rồi không lâu sau đó, Ngài phải buộc lòng rời bỏ nơi mà những ngỡ rằng cuộc đời sẽ đổi khác, mà tìm đến với những cuộc vui của những đứa trẻ cùng đinh, để vùi lấp bớt nỗi cô đơn, lây lất của mình.
Năm Bính Thân (1896) trong dòng chảy cô đơn lây lất ấy đã dẫn bước chân Ngài đến chùa Ba La Mật, nơi có người anh rể con chú bác là Thanh – Chân – Viên Giác trụ trì (). Đây mới chính là nơi an ổn, cắt đứt được nghiệp trần nghiệt ngã và là nơi thực sự thấm đượm tình yêu thương, mở bước sang trang sau này. Ngài được Sư Viên Giác cho thế độ xuất gia.
Năm Canh Tý (1900) trước khi viên tịch, Sư Viên Giác đã phú pháp cho Ngài bài kệ như sau:
Tào khê nhất phái thủy đông lưu
Bình bát chân truyền bất ký thu;
Giáo ngoại bản lai vô biệt sự;
Viên thành tâm pháp ấn tiền tu.
Năm Canh Tý (1900) Thành Thái thứ 12, Ngài chính thức được thọ giới với pháp danh Viên Thành, húy Trừng Thông thuộc đời thứ 42 dòng Lâm Tế. Và là thế hệ thứ 8 thuộc dòng Thiền Liễu Quán, đủ thuận duyên kế thế trụ trì chùa Ba La Mật theo di huấn của Bổn sư.
Năm Tân Sửu (1901) Thành Thái thứ 13, Ngài thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn ở Phú Yên và đậu thủ Sa di. Ngài được thưởng bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn, một bình bát được làm tại Trung Quốc và một bộ Sô y.
Từ đó Ngài chuyên tâm tu hành phát tấn, vốn bản tính thích gần gũi thiên nhiên, thiền hành phóng khoáng lại chuộng thơ văn nên Ngài đã tạo riêng cho mình một thế giới bao la đạo hạnh rất thư thái và an nhiên.
Năm Quý Hợi (1923), tức 23 năm sau, những tưởng cuộc đời Ngài đã an bày nơi thiền tự giải thoát, nào ngờ các con cháu của Sư Viên Giác (lúc còn là Bố Chánh) giờ đây thấy chùa Ba La Mật rạng rỡ hơn xưa, tranh giành chủ quyền, lấy chính những lối hành thiền, đạo phong của Ngài ra làm nguyên nhân để tìm cách thủ đắc. Với bản chất phóng khoáng, Ngài không khó khăn chi lắm khi ra đi, trả lại chùa cho con cháu dòng họ Nguyễn Khoa.
Ngài tìm đến núi Ngũ Phong, dựng một thảo am nhỏ bên cạnh tháp mộ Bổn sư Viên Giác để tiện việc chăm nom. Đây là vùng đất bằng phẳng với phong thủy hữu tình, phía xa phương Nam có núi Thiên Thai cao ngất, phía Bắc có núi Ngự Bình và phía Đông chính là ngọn núi Ngũ Phong. Năm ấy là năm Khải Định thứ 8, chùa Tra Am đã có mặt từ duyên khởi đầu tiên ấy ().
Năm Giáp Tý (1924) năm Khải Định thứ 9, Ngài được cung thỉnh vào hàng Đệ nhị Tôn chứng ở Giới đàn chùa Từ Hiếu.
Chùa Tra Am ngày một tấn phát, được nhiều người tìm đến tu học và thỉnh giảng. Ngoài ra chùa còn là nơi danh lam được các hàng thức giả, nhà văn thơ trong hai triều Khải Định và Bảo Đại tìm đến ứng vịnh thi pháp, trao đổi đạo tình. Đặc biệt từng đón các cao Tăng như Ngài Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên; Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm; Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng; Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm, Từ Nhẫn ở miền Nam... tìm đến thăm nom và thư đạo. Đáng lưu ý hơn hết về giá trị của chùa Tra Am qua bài “Tra Am Ký” do Mai Tu – Nguyễn Cao Tiêu viết, càng làm tăng thêm danh tiếng lẫn phong cảnh đạo vị nơi này.
Năm Mậu Thìn (1928) năm Bảo Đại thứ 3, Ngài đã an nhiên thị tịch tại chùa Tra Am, thọ 49 tuổi đời, 32 năm xuất gia tu tập, với 27 Hạ lạp.
Tháp bảy tầng của nhục thân Ngài được các đệ tử xây dựng bên phải chùa Tra Am, mặt hướng về phía Tây, nhìn ra dòng Tẩy Bát Lưu.
---o0o---
Phật giáo đã đứng lên phục hồi lại giá trị truyền thống của mình từ giai đoạn này, cũng như đất nước đã có hướng đi bằng con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930.
Phong trào chấn hưng bắt đầu bằng cuộc lặn lội vận động khắp 20 tự viện ở lục tỉnh Nam kỳ của Hòa thượng Khánh Hòa và việc ra mắt tờ Pháp Âm, rồi Phật học tùng thư của Sư Thiện Chiếu năm 1929. Đó là bước khởi đầu cho hằng loạt những sự kiện chấn hưng Phật giáo qua các cột mốc lịch sử:
-Thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học (26.8.1931) và xuất bản tờ bán nguyệt san Từ Bi Âm.
-Thành lập Hội Phật học Trung kỳ, Hội An Nam Phật học (1932) xuất bản bán nguyệt san Viên Âm.
-Thành lập Phật học tùng thư của cư sĩ Đoàn Trung Còn (1932)
-Thành lập Liên đoàn Học xã (29.1.1993)
-Thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông liên hữu hội (19.10.1934) và xuất bản tờ Bát Nhã Âm.
-Thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học (13.8.1934) và xuất bản tạp chí Duy Tâm.
-Thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ (18.11.1934) và xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ và Tiếng Chuông Sớm.
-Thành lập Hội Phật giáo Kiêm Tế (23.3.1937) xuất bản tờ Tiến Hóa.
-Thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục của Hội An Nam Phật học (1940)
-....
Đây là giai đoạn rực rỡ nhất của Phật giáo từ đầu thế kỷ, với công lao của những bậc Danh Tăng làm nên sự nghiệp chấn hưng, phần chủ yếu đã được giới thiệu ở Tập thứ I là 16 vị, ở Tập thứ II này là 10 vị.
07. HT. Thích Phổ Huệ (1870-1931)
08. HT. Thích Từ Văn (1877-1931)
09. HT. Thích Phước Chữ (1858-1940)
10. HT. Thích Bổn Viên (1873-1942)
11. HT. Thích Đại Trí (1897-1944)
12. HT. Thích Hoằng Khai (1883-1945)
13. GS. Thích Trí Thuyên (1923-1947)
14. HT. Thích Bửu Đăng (1904-1948)
15. HT. Thích Phước Hậu (1862-1949)
16. HT. Thích Từ Nhẫn (1899-1950)
---o0o---
Hòa thượng Thích Phổ Huệ người họ Trần sinh năm Canh Ngọ – 1870 tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định (đồng hương với Quốc sư Phước Huệ). Năm 12 tuổi (Nhâm Ngọ – 1882) Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Từ Mẫn, tại chùa Tịnh Lâm, làng Chánh Lộc, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được đặt pháp hiệu là Phổ Huệ.
Sau một thời gian tu học tại chùa Tịnh Lâm, Ngài được Hòa thượng Bổn sư Từ Mẫn cho vào tham học Phật pháp với Hòa thượng Pháp Hỷ, tỉnh Phú Yên.
Đến khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài kế tục trụ trì chùa Tịnh Lâm và kiêm nhiệm trụ trì chùa Bảo Phong (chùa Bảo Phong cách chùa Tịnh Lâm khoảng 03 cây số về phía Đông).
Khoảng năm Mậu Thân – 1908, cũng như Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp), Ngài được triều đình Huế thỉnh vào trong hoàng cung để thuyết pháp. Vì thế, Ngài được tôn xưng là “Pháp sư Phổ Huệ” và là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau thời gian hoằng hóa tại Huế, Ngài trở về chùa Tịnh Lâm, mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp. Vốn là bậc chân tu thạc đức, lại có biệt tài thuyết pháp, nên đạo tràng Tịnh Lâm lúc này rất thịnh vượng, tiếng tăm vang khắp cả Trung kỳ.
Ngoài ra, Ngài còn có biệt tài về thi ca, đã sáng tác nhiều bài thơ, kệ mang đậm ý Thiền, còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Vào năm 1901, Ngài Viên Thành (1879 – 1928) khai sơn chùa Tra Am-Huế có nhân duyên hội ngộ Ngài Phổ Huệ tại Đại giới đàn tỉnh Phú Yên (Ngài Phổ Huệ lúc này làm Giáo thọ Sư tại đây) rất lấy làm cảm phục kiến thức và đức độ của Ngài, ước ao được thân cận để học hỏi, nhưng không được thỏa nguyện, nên Ngài Viên Thành đã làm bài thơ sau đây kính tặng Ngài Phổ Huệ:
“Bình bát truy tùy dĩ hữu niên
Đạo năng thâm khế diệc tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa ưng trụy
Quý phạp Tô Tuân chí học kiên”
Dịch: Y bát bên mình trọn mấy niên
Đạo tình thâm áo cũng tiền duyên
Vân quang thuyết pháp hoa rơi rụng
Thẹn với Tô Tuân chí học bền.
Nguyễn Lang dịch)
Khoảng năm 1926, Ngài Phổ Huệ có viết thư khen Ngài Viên Thành về bài bạt mà Ngài Viên Thành đã đề trong kinh Pháp Bảo Đàn ấn hành tại Huế năm 1925. Cảm động về bức thư này, Ngài Viên Thành liền gửi hai bài thơ vừa được sáng tác, trình bày kiến giải của mình, để cầu Ngài Phổ Huệ ấn chứng. Hai bài như sau:
Bài 1: Tham thiền trực hạ liễu căn nguyên
Thánh giả phàm tinh lưỡng bất tồn
Đại đạo khởi tòng tâm ngoại đắc?
Yếu giao nhất niệm tuyệt phan duyên.
Dịch: Tham cứu cho lên tột cội nguồn
Còn đâu ai thánh với ai phàm
Ngoài tâm, đạo lớn tìm đâu thấy?
Nhất niệm chuyên trì dứt vạn duyên.
Bài 2: Sơn cùng thủy tận chuyển thân lai
Bức đắc kim cương chính nhãn khai
Vạn tượng tòng trung thân độc lộ
Niết bàn, sinh tử tuyệt an bài
Dịch:
Cùng non tột nước gửi thân về
Miễn được kim cương mở mắt ra
Vạn tượng bao la thân hiển lộ
Niết bàn, sinh tử có hề chi?
(Nguyễn Lang dịch)
Khoảng năm 1927, nhân dịp du hóa Nam kỳ, đến Châu Đốc Ngài đã dừng chân một tháng tại chùa Phi Lai. Thấu rõ được nguyên lai và chí nguyện của vị sư trụ trì Thích Chí Thành nên Ngài Phổ Huệ đã làm bài thơ tán thán:
Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn
Chí thành khí sắc cổ phong tồn
Phong lưu bất tẩy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tánh dung
Vân khứ, vân lai vô trụ trước
Hoa khai, hoa tạ tổng thành không
Phong quang hảo cực tư thời tận
Sa nhược linh san lạc bất ưng
Dịch:
Chùa Tổ Phi Lai hương đạo xông
Chí thành nguyện tiếp bước Thiền tông
Phong lưu chẳng xóa tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng cầu tự tánh không
Mây lại, mây qua lòng há vướng
Hoa tàn, hoa nở tổng thành không
Gió thuận, thời lành xe pháp chuyển
Non thiêng cây báu mãi vun trồng
Ngoài bài thơ trên, Ngài còn cảm tác nhiều thi phẩm khác, nhưng hiện nay chưa sưu tập được.
Đệ tử đầu tiên của Ngài là Hòa thượng Huyền Giải, sau kế vị Ngài, trụ trì chùa Tịnh Lâm, và đệ tử kế tiếp tức giảng sư Trí Quang, kế thế trụ trì chùa Bảo Phong.
Năm 1931, Ngài viên tịch tại chùa Tịnh Lâm, trụ thế 61 năm hơn 40 tuổi đạo. Bảo Tháp tôn trí tại chùa Bảo Phong nơi Ngài đã sáng lập để môn đồ pháp quyến tôn thờ, chiêm ngưỡng và ghi mãi công ơn của một bậc Thầy tài năng và đức độ, đã góp phần to lớn, điểm tô nền Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX thêm phần xán lạn rực rỡ, làm tiền đề cho phong trào Chấn hưng Phật giáo sau này.
---o0o---
Hòa thượng Thích Từ Văn pháp hiệu Chơn Thanh, thế danh Nguyễn Văn Tầm, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình sùng kính Tam Bảo. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người quy y Tam bảo. Nhờ ảnh hưởng truyền thống gia đình, năm lên 10 tuổi, Ngài sớm có nhân duyên mến mộ đạo Phật, và được phép song thân cho xuất gia học đạo.
Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại Tổ đình chùa Hội Khánh với Hòa thượng Ấn Long-Thiện Quới vào năm 1887, lúc Ngài chỉ mới tròn 11 tuổi, được Bổn sư ban pháp danh là Từ Văn. Với bản chất thông minh, lanh lợi và tinh tấn công phu bái sám, Ngài đã được Hòa thượng Ấn Long cũng như Tăng chúng trong chùa thương mến. Sau 5 năm học đạo, Ngài thuộc nhiều kinh, luật, Hòa thượng Ấn Long thấy đệ tử Từ Văn thông minh hơn các Tăng chúng trong chùa nên quyết định giới thiệu đến học đạo với Tổ Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm – Thủ Đức.
Sau khi Tổ Huệ Lưu viên tịch năm 1898, Ngài đến dự nhiều khóa Hạ tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn – Gia Định và theo học đạo với nhiều vị cao Tăng nổi danh khác.
Năm 1906, Đại lão Hòa thượng Ấn Long viên tịch, Ngài cùng môn đồ pháp quyến đứng ra tổ chức lễ tang và xây tháp cho Bổn sư. Mến trọng đức độ và tài trí của Ngài, chư sơn Thiền đức và môn đồ pháp quyến Tổ đình Hội Khánh đồng nhất trí công cử Ngài đảm nhiệm trụ trì để điều hành Phật sự. Tiếng tăm và uy đức của Ngài càng được chư sơn thiền đức trong vùng biết đến. Vào năm 1909, Ngài được cung thỉnh Chứng minh để trùng tu lại ngôi tháp Tổ Nguyên Thiều chùa Kim Cang – Biên Hòa.
Năm Quý Sửu (1913), Ngài lại được quý Hòa thượng miền Tây Nam Bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại trường Hương chùa Tam Bảo – Rạch Giá, năm Nhâm Tuất (1922) làm Chánh chủ khảo kỳ thi tại trường Hương chùa Giác Lâm – Gia Định và năm Giáp Tý (1924) là Pháp sư Chúc thọ giới đàn chùa Giác Viên – Gia Định.
Vào năm Canh Thân 1920, tại Thủ Dầu Một nổ ra cuộc đấu tranh của đồng bào yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải có chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp. Đáp lại, nhà cầm quyền Pháp có tổ chức buổi lễ cầu siêu cho các tử sĩ tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Mượn uy tín của hòa thượng Từ Văn, nhà cầm quyền Pháp ở Thủ Dầu Một đã cậy nhờ Ngài sang pháp làm Sám chủ cuộc lễ này. Với năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, nhân dịp này Ngài đã quản lý và chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm. Từ đây, ở cương vị Tăng thống, Ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo nước nhà, các nhà chức trách cũng như Tăng tín đồ đều gọi Ngài là Hòa thượng Cả.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đứng ra mở các lớp đầu tiên dạy giáo lý, qui tụ tất cả các Tăng sĩ Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đến tham dự khóa học. Ngài đã khơi dậy ý thức cho giới Tăng sĩ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và các phong trào đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc. Đặc biệt vào năm 1923, do tiếng tăm và đức độ cũng như tinh thần yêu nước của Ngài, nên cụ Phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú Cúc – Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước, hai vị đã tìm đến Hòa thượng Từ Văn. Cùng chung lý tưởng trên tinh thần yêu nước bảo vệ dân tộc, ba vị đã đứng ra thành lập “Hội danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh. “Hội danh dự yêu nước” chủ trương giáo dục đồng bào sống đúng với đạo lý con người, truyền bá tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm trong đồng bào cũng như Tăng sĩ Phật giáo ở Thủ Dầu Một. Hội hoạt động đến năm 1926 thì bị nhà cầm quyền Pháp giải tán.
Cũng trong năm này (Bính Dần 1926), Ngài được ông bà Hội đồng Lương Khắc Minh đứng ra xây dựng chùa Trường Thạnh ở Sài Gòn đến cung thỉnh trụ trì chùa tại đây. Ngài nhận lời và cử sư Thiện Tòng về trụ trì. Gắn bó, tâm huyết với Phật sự giáo dục Tăng Ni, giữa năm 1926, Ngài làm Pháp sư ở trường Hạ chùa Hội Phước, Mỹ Tho; rồi năm Mậu Thìn (1929), làm Chứng minh tại trường Hương chùa Long Phước.
Năm 1930, Ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh để ấn tống cho khắp cả vùng miền Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay bút tích của Ngài còn lưu lại tại nhiều chùa ở thành phố Hồ Chí Minh như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh...
Hòa thượng là vị cao Tăng thạc đức trọn đời chăm lo hoằng dương Phật pháp và giàu lòng yêu nước xứng danh bậc thạch trụ của thiền lâm. Ngài đã góp phần xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Phật giáo ở Thủ Dầu Một nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung từ đầu thế kỷ XX.
Ngài đã xả bỏ xác thân giả huyễn, an nhiên thị tịch vào lúc 11 giờ ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931). Môn đồ tứ chúng tổ chức tang lễ một cách trọng thể và xây tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh. Tinh thần nhiệt thành vì đạo, vì đời và sự uyên thâm Phật học của Hòa thượng Từ Văn đã được chư Sơn thiền đức khắp vùng và tứ chúng đồng kính ngưỡng, niềm tôn kính bộc lộ rõ nét qua câu đối:
Đinh Sửu Hạ, long thần nhập đạo siêu nhân duy học tử
Tân Mùi Đông, thị tịch qui không tùy Phật chứng vô sanh
---o0o---
Hòa thượng Thích Phước Chữ, pháp danh Thanh Thái, thế danh Nguyễn Huấn, sinh ngày 05 tháng 5 năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11 (1858), tại làng Đa Nghi, tỉnh Quảng Trị, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41.
Thân phụ Ngài là cụ ông Thanh Đức, thân mẫu là cụ bà Võ Thị, gia đình thuộc thành phần trung nông, có lòng tín hướng Phật đà nhiều đời. Ngài là con trai thứ ba trong số 4 người anh em trai ().
Năm Canh Dần, Tự Đức thứ 13 (1860), lúc này giặc Pháp đã thật sự nổ súng và xâm chiếm đất nước từ Bắc chí Nam, các phong trào nghĩa quân nổi lên chống ngoại xâm khắp đó đây. Gia đình Ngài vì có nhiều thanh niên nên bị dòm ngó từ nhiều phía. Phụ thân Ngài phải vào chùa Xuân Tây sống đời ẩn tu và khuyên các anh em Ngài hãy phân tán mỗi người một nẻo. Thân mẫu Ngài từ đó do lo âu, buồn khổ đã qua đời khi Ngài vừa mới hai tuổi.
Tuổi thơ Ngài không có niềm vui, bởi đã sớm chịu màu tang tóc chung của đất nước. Khắp nơi, những lời than oán của tầng lớp sĩ phu, những người quan tâm đến thời thế, trước những bước chân rầm rập và ngày càng gia tăng của đội quân xâm lược Pháp. Sự việc đó luôn ghi đậm vào tâm khảm Ngài khi đã biết suy tư.
Năm Tân Mùi, Tự Đức thứ 25 (1872). Một sáng đầu mùa hè, Ngài đến chùa Diệu Đế với những nỗi băn khoăn ấy, bộc bạch cùng Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác (1806 – 1895), Hòa thượng lắng nghe và nhận ra sự thông minh hiếm thấy nơi Ngài. Bằng những lý giải nhân quả luân hồi, lẽ thịnh suy thế sự, Hòa thượng Diệu Giác đã cảm hóa tâm hồn Ngài ngay ngày đầu gặp gỡ. Sau đó, Ngài cầu xin được xuất gia học đạo. Hòa thượng Diệu Giác nhận lời, nhưng do tình hình đương thời bất ổn nhiều mặt nên Hòa thượng dạy phải ẩn nhẫn hành điệu cho thuần thục luật thanh quy chốn già lam, chờ lúc thời cơ thuận lợi sẽ cho thọ giới, Ngài vui mừng khôn xiết. Năm đó, Ngài vừa đúng 14 tuổi.
Năm Kỷ Mão, Tự Đức thứ 30 (1879), Hòa thượng Diệu Giác gởi Ngài sang Hòa thượng Linh Cơ ở am Tường Vân để tiếp tục tham học và phụ công việc trùng tu. Đây là thời điểm Hòa thượng Linh Cơ đang sát nhập am Tường Vân với chùa Từ Quang. Quang cảnh chung quanh hãy còn u tịch nên Ngài có điều kiện chuyên hành công phu nghiêm mặt và chiêm nghiệm những lời dạy của chư Hòa thượng đã khai mở, nhờ vậy tri kiến của Ngài đã được bước tiến đáng kể.
Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức 35 (1882), Ngài được Hòa thượng Linh Cơ thế độ, ban pháp danh là Thanh Thái, tự Phước Chữ và liền được cử giữ chức tri sự chùa Tường Vân vừa được tân tạo. Tháng bảy cùng năm, nhân Đại giới đàn chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) do Hòa thượng Giác Tánh khai mở và làm Đường Đầu, Ngài được phép Hòa thượng Bổn sư cho vào thọ Cụ túc giới.
Sau khi được thực thụ trở thành vị Tỳ kheo với niềm hỷ lạc, Ngài nhân cơ hội đã đến thăm chùa Phước Lâm ở ngoại ô thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây được Hòa thượng Toàn Nhâm – Vi Ý ân cần khai mở cho Ngài thêm nhiều kiến giải sâu sắc. Sau đó Hòa thượng Vĩnh Gia (kế thế trụ trì) cũng giúp Ngài bằng cách khơi thông các mạch nguồn Phật pháp.
Rời chùa Phước Lâm, Ngài đến chùa Tam Thai ở núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam) được Hòa thượng Bửu Tài ân cần giảng dạy. Nơi đây Ngài còn được nghe nhiều về Ông Ích Khiêm, người bản xứ được tiến cử làm quan từ thời vua Thiệu Trị, rất được nhiều người mến phục về bản tính bộc trực khẳng khái của ông. Từ một người được xem là cao đẹp và cũng nhanh chóng trở thành kẻ nhiều tội lỗi qua sự kiện “Tam Ban Triều điển” ngày 29.11.1883, Ngài càng thấm thía hơn những lời dạy của bậc trưởng thượng nơi các chốn già lam.
Năm Giáp Thân (1884) Ngài mang tâm trạng ấy trở về Huế, đúng vào ngày vua Hàm Nghi làm lễ đăng quang (01-8-1884) sau 55 ngày ký “hòa ước” (06-6-1884). Từ nay Nam triều đã thật sự bước vào đêm dài nô lệ, lễ đăng quang ấy không được Khâm sứ Pháp Rheinart thừa nhận, vì chưa được Nhà nước bảo hộ thông qua. Ngài càng thấy rõ cảnh đời huyễn mộng đổi thay tủi nhục, tự nhủ phải xa lánh để tìm về sự tĩnh lặng của chơn thức bằng con đường thủ hạnh. Một buổi sáng, Ngài viết vội mấy câu thơ lên tường chùa Tường Vân rằng:
Phù sanh huyễn cảnh nhược vi an
Mạt pháp tu trì chuyển thậm nan
Phi thị, thị phi hà nhật liễu
Xả thân cầu Đạo thượng tâm đoan
Rồi Ngài nhắm thẳng hướng Tiêu Sơn lẳng lặng ra đi.
Năm Kỷ Sửu, Thành Thái nguyên niên (1889), Hòa thượng Linh Cơ lui về nhập thất tu niệm, gọi Ngài về để hiệp trợ các công việc Phật sự, nhất là công việc trùng tu chùa Tường Vân. Trong đợt trùng tu này, Ngài cho xây thêm “Lạc Nghi Đường” nối liền chánh điện và hậu điện. Bảng “Sắc Tứ Tường Vân” cũng được lập trong đợt này.
Năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), Hòa thượng Linh Cơ phú pháp cho Ngài qua bài kệ đắc pháp như sau:
Định tâm Phước Chữ tịnh an nhiên
Xử thế tùy cơ liễu mục tiền
Đạo niệm tinh tu tình niệm đoạn
Như kim phó chúc vĩnh lưu truyền
Cùng năm đó, Ngài được cử làm tri sự chùa Từ Hiếu.
Năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 (1912), Ngài được vua ban sắc trụ trì chùa Thánh Duyên (núi Túy Vân).
Năm Nhâm Thân, Bảo Đại thứ 6 (1932), Ngài được sắc ban Tăng Cang chùa Thánh Duyên.
Năm Đinh Sửu, Bảo Đại thứ 12 (1937), Ngài được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế.
Năm Kỷ Mão, Bảo Đại thứ 15 (1940), ngày 17 tháng Chạp, Ngài an nhiên thị tịch, thọ 82 tuổi và sống 58 năm trong đời tu hành. Nhục thân Ngài được các đệ tử nhập tháp trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
---o0o---
Hòa thượng Thích Bổn Viên, pháp tự Chơn Thành, thế danh Nguyễn Văn Hượt, sinh năm Quý Dậu (1873) tại làng Bàng Long, tổng Thuận Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có truyền thống nhân từ phúc hậu, là người con trai út sau hai người chị và hai người anh, nên được cha mẹ chăm nom và thương yêu hết mực. Việc học hành cũng được quan tâm hàng đầu – nên với tư chất thông minh – Ngài đã sớm biết chữ nho lẫn chữ quốc ngữ. Tuy là con út được nuông chìu, nhưng Ngài rất hiếu thảo, luôn vâng lời cha mẹ.
Thời cuộc xã hội từ lúc Ngài sinh ra cho đến khi trưởng thành luôn xao động bất ổn, nhưng ít có gia đình nào hưởng được sự bình an trọn vẹn như gia đình Ngài. Năm Quý Tỵ (1893), khi bốn anh chị được cha mẹ lo cho an bề gia thất, kế đến chuẩn bị tìm người mai mối để xây dựng gia đình cho Ngài; thì cuối năm ấy Ngài âm thầm từ biệt gia đình, ra đi tìm đường học đạo. Năm ấy Ngài vừa tròn 20 tuổi.
Từ năm Giáp Ngọ (1894) đến năm Đinh Mùi (1907) Ngài đến Châu Đốc, vào vùng núi Thất Sơn tìm thầy học đạo, quyết tâm thực hiện chí nguyện xuất gia học Phật của mình. Tuy không chọn pháp môn chuyên tu, nhưng hành trạng của Ngài trong thời gian này như một mật hạnh chuyên cần, rất gần với mật tông, kết hợp với các hiểu biết về thảo dược làm thuốc nam, trị bệnh cho bá tánh quanh vùng rất đạt hiệu quả. Từ đó y thuật của Ngài càng ngày được nâng cao dần với tiếng tốt vang xa. Cuộc sống tu hành của Ngài rất khép kín, ít biểu lộ, nên vẫn chưa rõ Ngài học đạo thọ giới với ai; chỉ thấy Ngài thường hái rau trái và cây thuốc đem ra chợ Nhà Bàn để đổi lấy gạo đem vào hang núi ăn; lo tu thiền, trì chú, nuôi giữ đời phạm hạnh.
Năm Mậu Thân (1908) từ ngọn núi Tà Lơn, Ngài quyết định trở về thăm mẹ sau 15 năm cách biệt. Thời gian cũng đủ để các sự kiện nguôi ngoai và Ngài đã vững bước trên lộ trình tu Phật, không còn trở lực nào cản ngăn. Ngày 12 tháng 7, Ngài đã về đến nhà đúng lúc mẹ Ngài đang lâm bệnh nặng. Ngài dùng hết tài y thuật của mình, tự tay chữa bệnh và hốt thuốc cứu chữa, một mặt lập đàn tràng khấn nguyện, xin được giảm thọ mười năm để mẹ sống thêm với đời mười năm nữa.
Với trí tuệ của người con Phật và với bản chất vốn rất hiếu từ, Ngài cố gắng bằng mọi phương tiện để được gần gũi chăm sóc cũng như hướng dẫn nẽo tu cho mẹ (do thân sinh đã mất lúc Ngài vừa 14 tuổi). Cuối năm ấy các chức sắc trong làng tìm đến thỉnh Ngài đứng ra nhận lấy ngôi chùa Bửu Long vốn bị hoang phế lâu nay. Nhận thấy cơ duyên sớm đưa đến rất vẹn vẻ đôi đàng, Ngài hoan hỷ nhận lời và thu xếp cho mẹ cùng về chùa để tiện việc chăm nom, hướng dẫn tu học. Nhờ công đức tu tập, tiếng thơm hiếu đễ và đặc biệt là tài bốc thuốc chữa bệnh của Ngài, không lâu sau chùa Bửu Long nhanh chóng biến thành chốn già lam hưng thạnh, được nhiều Phật tử đến tu học và lễ bái thường xuyên.
Năm Canh Tuất (1910) nhận thấy trọng trách mai sau đã dần đưa đến và để có thể tiếp Tăng độ chúng đúng giới luật, Ngài đến chùa Phước Linh ở Thạnh Phú, Xoài Hột xin cầu pháp với Hòa thượng Thục Thiện, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Trí Thắng (), được đặt pháp danh là Bổn Viên, pháp tự là Chơn Thành.
Năm Nhâm Tý (1912) trong các khóa Hạ và các trường Kỳ thời gian này, Ngài thường được cung tiến ngôi vị Yết Ma A Xà Lê.
Năm Nhâm Thân (1932) Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu tại trường Kỳ giới đàn chùa Minh Đức, Phú Túc – Bến Tre. Từ đây, Ngài hội lực cùng quý Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Bến Tre), Hòa thượng Thiện Chiếu (Gò Công), Hòa thượng Thiên Trường (chùa Bửu Lâm), Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng)... xúc tiến khởi phát phong trào chấn hưng Phật giáo. Khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn) Ngài tham gia với tư cách là sáng lập viên, cộng tác với báo Từ Bi Âm, tạp chí của Hội.
Năm Đinh Sửu (1937) Ngài cùng với các Hòa thượng trong phong trào chấn hưng, đồng sáng lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh cùng với tạp chí Duy Tâm.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài tổ chức trường Hương tại chùa Bửu Long với quy mô lớn nằm trong chủ trương của phong trào chấn hưng Phật giáo, với sự tham dự của hầu hết danh Tăng lãnh đạo trong vùng. Tuy nhiên, khi gần đến ngày khai mạc thì chánh quyền thực dân tìm cách cản trở, không cho tổ chức vì phong trào cách mạng đang sôi sục khắp nơi.
Ngày 23 tháng 11 cùng năm, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, chùa Bửu Long và Đình Bàng Long trở thành một trong nhiều nơi che giấu cán bộ. Ngài cho xuất bồ lúa của chùa (khoảng 60 giạ) đóng góp cho lực lượng cách mạng. Ngày 2 tháng 12, thực dân Pháp ruồng bố tại Vĩnh Kim, thả bom vào chợ làm chết hơn 40 người và bao vây chùa Bửu Long lẫn đình Bàng Long bắt Ngài đem đi.
Năm Nhâm Ngọ (1942) sau khi được thực dân Pháp thả ra, sức khỏe Ngài suy kiệt do những ngày tháng tù đày và bị tra tấn, cộng vào sức yếu tuổi già, nên lúc 10 giờ ngày 24 tháng Giêng năm ấy, Ngài đã viên tịch tại chùa Bửu Long, hưởng thọ 69 năm, với 32 năm hành đạo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Đại Trí, pháp hiệu Nhơn Duệ, pháp húy Trừng Thông, pháp tự Công Thắng, thế danh là Huỳnh Huệ, sanh ngày 17 tháng 10 năm Đinh Dậu (1897) tại làng Phú Hòa, tổng Hiệp Trung, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều là người đức hạnh, chuyên trì trai giới, tu niệm tại gia.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, Ngài có 4 anh chị, thân sinh và hai người anh cả sớm khuất núi, còn lại thân mẫu và mấy anh chị em đùm bọc thương yêu hòa thuận lẫn nhau.
Thiếu thời, Ngài được thân mẫu đưa đến quy y với Tổ Phổ Xứ tại thảo am Đồng Nẫy, thôn Tân Hưng, huyện Ninh Hòa và được Tổ đặt tên là Huỳnh Huệ. Sau Tổ Phổ Xứ về trụ trì chùa Kim Long và viên tịch tại đây, kế thừa Tổ Phổ Xứ là Tổ Phước Tường (1867-1932).
Lúc này, Ngài vừa lên 6 tuổi, đã sớm phải chịu cảnh xa cách người thân, sư phụ. Dù gặp phải trở duyên, thân mẫu Ngài vẫn giữ nguyên ý nguyện là cho hai người con trai xuất gia theo thầy học đạo.
Năm lên 16 tuổi (1903), Ngài cùng với người anh xuất gia với Tổ Phước Tường – Quảng Đạt. Nhờ tuệ căn minh mẫn, đức tính khiêm cung, chỉ hai năm phụng Phật sự Sư, Ngài đã sớm tỏ rõ thượng căn thượng trí. Thấy vậy, Tổ khuyến khích Ngài vào Ninh Thuận tham học với Tổ Huệ Đạo chùa Trà Bang và chùa Sắc Tứ Tây Thiên. Cũng trong thời gian này, Tổ Phước Tường về làm Hóa chủ Tổ đình Thiên Bửu, làng Điềm Tịnh, huyện Ninh Hòa.
Trong thời gian tu học ở Phan Rang, Ngài chuyên cần nỗ lực tấn tu, nên được Tổ Huệ Đạo phú cho pháp hiệu là Đại Trí. Khi sở học và giới đức đã tạm vừa đủ, Ngài xin phép Tổ được vân du tham cứu giáo điển các nơi để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho việc giáo hóa độ sanh sau này. Tổ rất hoan hỷ thuận tình. Trên bước đường du hóa ở Đà Lạt, Sài Gòn, Ngài luôn luôn thể hiện tấm lòng vô ngã vị tha, tùy duyên bất biến, khiến cho mọi người con Phật ai cũng cảm mến kính phục.
Trong lúc ấy, Ngài nhận được tin bào huynh của Ngài là Hòa thượng Nhơn Nguyện viên tịch ở chùa Linh Quang, trên sườn núi Đại An thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Khi về hộ tang bào huynh Ngài có dịp báo đáp công ơn sanh dưỡng của thân mẫu, vì người chị đã xuất giá theo chồng đồng thời được gần gũi, phụng sự Bổn sư (Tổ Phước Tường), thời gian này kéo dài đến 10 năm.
Năm Nhâm Thân 1932, Tổ Phước Tường xã mãn báo thân, Ngài cư tang trai tuần báo hiếu, cùng lúc ấy người chị ruột trở thành quả phụ, nên Ngài nhờ người chị cung dưỡng mẹ già. Ngài tiếp nối chí nguyện rộng bước vân du hoằng dương đạo pháp, lúc ở Đà Lạt, lúc vào Sài Gòn (ngụ tại chùa Pháp Vân, tục danh chùa Bà Đầm ở Phú Nhuận).
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài trở về lo tròn hiếu sự với Bổn sư tại Tổ đình Thiên Bửu. Một năm sau đó, chư Tăng Phật tử địa phương đã cung thỉnh Ngài khai Hạ an cư và mở Đại giới đàn tại đây năm 1935.
Ngài lần lượt trụ trì chùa Thiền Sơn (thôn Trường Lộc), chùa Linh Quang (thôn Phước Sơn) và chùa Kim Long để hướng dẫn Tăng tín đồ Phật tử Ninh Hòa tu học.
Khoảng năm 1936-1937, thân mẫu Ngài quá cố, Ngài trở về quê lo hiếu sự. Năm 1938 trước tấm lòng tha thiết thỉnh cầu của hàng đệ tử, Ngài đã thuận tình vào làng Phú Lộc, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa để chứng minh công cuộc xây cất chùa Thiên Quang.
Năm Canh Thìn 1940, để phần nào đáp đền hồng ân Thầy Tổ và trang nghiêm chùa cảnh làm nơi nương tựa tu học cho các Tăng tín đồ huyện Ninh Hòa, Ngài đã trùng tu lại chùa Kim Long.
Năm Tân Tỵ 1941, tín đồ Phật tử ở Vạn Giã, huyện Vạn Ninh lại khẩn cầu cung thỉnh Ngài chứng minh khai sơn chùa Di Đà ở thôn Mỹ Long.
Công việc hoằng pháp lợi sanh đã tạm đủ, Ngài trở về chùa Thiên Quang phát nguyện tịnh tu nhập thất 3 năm từ 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Nhâm Ngọ, Tăng ni tín đồ nam nữ hay tin Ngài nhập thất 3 năm, hầu hết phát tâm hoan hỷ và tinh tấn tu niệm, đồng thời từng đoàn về chùa Thiên Quang để đảnh lễ Ngài từ bên ngoài Thiền thất để trượng thừa công đức.
Lúc 12 giờ khuya ngày 18 tháng 7 năm Giáp Thân (1944) trong khi các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia đang làm lễ cầu an trong chánh điện, chờ giờ Thầy mãn nguyện xả thất, thì bỗng nhiên từ thất của Ngài, một ngọn lửa sáng bừng lên cả một vùng, khiến mọi người ai nấy đều kinh hãi và âu lo, nhưng rồi tất cả bùi ngùi cúi đầu đảnh lễ vì biết Ngài đã phát nguyện thiêu thân cúng dường chư Phật, Ngài trụ thế 47 tuổi đời, gần 30 năm tuổi đạo.
Cả cuộc đời của Ngài đã gắn liền với việc tu trì Phật pháp từ thiếu thời cho đến lúc hóa thân, để hồi hướng công đức viên thành Phật quả. Ánh đuốc ấy vẫn lan tỏa mãi ngàn sau, trong lòng mọi người con Phật.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hoằng Khai, pháp danh Hồng Khê, húy Kiểu Đạo, tự Thiện Minh, hiệu Hoằng Khai, thế danh Phạm Văn Tiểng, sinh năm Quý Mùi (1883), tại làng Minh Lễ, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là ông Phạm Văn Hữu, thân mẫu là bà Hồ Thị Thị. Cha mẹ mất sớm khiến Ngài mồ côi từ nhỏ, sống nương nhờ nơi người chú.
Năm 14 tuổi (1897), Ngài vào Nam tạm trú ở vùng Gia Định, vốn giỏi võ, nên Ngài mở trường dạy võ làm kế sinh nhai. Do bản tính hào hiệp, Ngài thường hay cứu giúp những người thế cô, sức yếu, khiến bọn anh chị Sài Gòn – Chợ Lớn đều kính phục tôn xưng Ngài là đại ca và không dám bức hiếp những lương dân trong khu vực ấy nữa. Ngài sớm ý thức được rằng những bất công xã hội không thể cải tạo được bằng vũ lực, cũng như tâm địa xấu xa, độc ác của con người không thể giáo hóa bằng đôi tay. Ngài từ bỏ con đường võ nghiệp và dần chuyển sang cảm hóa bằng lý lẽ và tình cảm, một thể hiện của đạo đức. Ngài tin tưởng rằng, chỉ có đạo đức mới có thể cảm hóa được lòng người và thực sự mang lại công bằng và yêu thương cho xã hội.
Năm 20 tuổi (1902), Ngài đến chùa Bảo An ở Bà Chiểu, xin thế phá xuất gia, được Bổn sư Thiện An đặt pháp danh Hồng Khê (dòng Lâm Tế đời thứ 40). Hòa thượng trụ trì biết lai lịch của Ngài nên lúc đầu có ngần ngại. Về sau, khi đã nhiều phen thử thách, biết được thật tâm cầu đạo của Ngài, Hòa thượng đã hoan hỷ thu nhận làm đệ tử và đặt pháp tự cho Ngài là Thiện Minh. Về sau, Ngài cầu pháp với Tổ Thiên Thai – Huệ Đăng, được Tổ đặt húy là Kiểu Đạo – pháp hiệu Hoằng Khai.
Năm Giáp Thìn 1904, chùa Khánh Quới, Cai Lậy, Mỹ Tho khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ tam đàn Cụ túc giới. Vốn thông minh lại cần mẫn tu học, nên chẳng bao lâu thiền môn Kinh luận Ngài đều làu thông, phạm tắc uy nghi thảy tường tận. Lại thêm giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm dõng mãnh nên trên được Hòa thượng mến yêu tin cậy, dưới được các vị đồng phạm hạnh ngợi khen.
Khi biết nhân duyên hóa độ của Ngài đã đến, Hòa thượng Bảo An đã cho Ngài đăng đàn giáo chúng tại các trường Hương ở Gia định, Mỹ Tho, Bến Tre. Từ đó tiếng tăm đạo hạnh của Ngài càng lúc càng lan rộng. Nữ tín chủ Tư Diêm, chủ chùa Hội Phước ở xã Tân Thạch, tỉnh Bến Tre, nhân ngưỡng mộ đạo hạnh của Ngài, gặp lúc chùa chưa có thầy hương khói, nên đã đảnh lễ Hòa thượng Bảo An thỉnh Ngài về trụ trì. Hòa thượng hứa khả.
Ngài rời đất Gia Định về trụ trì chùa Hội Phước ở Tân Thạch, Bến Tre và bắt đầu sự nghiệp kế đạo khai lai của mình. Chùa Hội Phước lúc bấy giờ chỉ là một am tranh vách đất, xây cất sơ sài để thờ Phật, lau sậy mọc rậm rạp. Khi về, Ngài đã cùng bổn đạo địa phương trùng tu, dần dần ngôi Bảo tự ngày càng to lớn, khang trang.
Có một giai thoại mà cho đến nay những Phật tử lão thành của chùa vẫn còn truyền tụng: trong lúc thi công kiến thiết chùa, một người thợ tên Ba Lung đang ngồi lợp trên nóc, bỗng cây đòn tay bị gãy và làm ông này rơi xuống, mọi người hoảng hốt, Ngài phóng tới như một mũi tên nhanh nhạy chính xác đỡ ông thợ đứng xuống nhẹ nhàng trên mặt đất. Từ đó mọi người mới biết được Ngài võ nghệ siêu quần.
Đã kính trọng đức độ tu hành, lại thêm ngưỡng mộ võ công tuyệt học nên những thành phần bất hảo ở địa phương dần dần đều quy y với Ngài và trở thành Phật tử đắc lực của chùa. Nhưng cũng với tiếng tăm này mà Ngài gặp phải không ít khó khăn với nhà chức trách đương thời. Lúc ấy, ở An Hóa có một ông quận trưởng mà dân địa phương quen gọi là huyện Trụ, nghe tiếng Ngài là tay anh chị ở đất Gia Định đi tu, thầm nghi Ngài mượn hình thức tôn giáo để hoạt động chính trị, nên cho mời Ngài xuống huyện đường thẩm tra.
Khi gặp Ngài, huyện Trụ biết Ngài là tay bản lãnh thật sự nên ngõ ý muốn kết nghĩa anh em. Nhưng huyện Trụ còn muốn thử xem Ngài có thật tâm quyết chí tu hành hay không, nên ông ta yêu cầu Ngài cho xem những hình xăm trên mình. Ngài bằng lòng và vén tay áo lên cho quan huyện coi. Xem xong, huyện Trụ lại tỏ ý muốn xin Ngài một vài hình xăm. Ngài cũng bằng lòng và bình tĩnh lấy dao lạng những hình xăm trên tay đưa cho huyện Trụ. Trước hành động trầm tĩnh gan dạ của Ngài, huyện Trụ vô cùng kính phục. Biết được thật tâm tu hành của Ngài nên từ đó về sau ông ta để yên cho Ngài hoằng hóa độ sanh.
Phật học uyên thâm, đức hạnh kiêm ưu, lại thêm võ nghệ cao cường, tiếng tăm của Ngài mỗi lúc một lan xa. Tứ chúng bốn phương, Tăng tục mọi miền đều quy ngưỡng, thọ học rất đông. Chính nơi Tổ đình Hội Phước, biết bao lần Ngài khai trường Hương giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử; mở trường Kỳ tiếp dẫn hậu lai, chọn người làm Phật. Biết bao bậc cao Tăng làm lương đống trong Phật pháp đã được đào tạo nơi đây, trong số đó có vị hóa duyên đã mãn, có vị vẫn còn trụ thế độ sinh, có vị tuổi thọ vượt ngoài bách tuế như Hòa thượng Từ Quang ở Bà Chiểu, Hòa thượng Hội Long ở Long An. Ngoài ra, còn có những danh Tăng thạc đức khác mà Tăng, Ni hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đều kính ngưỡng như Hòa thượng Phú Thuận ở Bến Tre (đã viên tịch), Hòa thượng Phật Quang (Bến Tre), Hòa thượng Thiện An (Tầm Vu), Hòa thượng Thiện Bình ở Cai Lậy (đã viên tịch).
Tại đạo tràng Hội Phước, Ni chúng được Ngài hóa độ và đào tạo rất đông. Đã có biết bao danh Ni mà đạo đức xứng đáng làm thiền môn quy cảnh cho Ni chúng truyền đời; như Sư bà Như Hương ở Từ Nghiêm, Sư bà Sắc Tứ ở Soài Hột, Sư bà Phổ Đức ở Tân Hương, Sư bà Vạn Phước ở Kim Sơn...
Có thể nói Tổ đình Hội Phước trong thời kỳ giáo hóa của Ngài là một đạo tràng tu học của Tăng, Ni rất sùng thịnh. Riêng Ngài còn là Pháp sư giảng dạy kinh Pháp Hoa, luật Trường hàng và bộ Qui Nguơn Trực Chỉ.
Năm Bính Dần 1926, Ngài khai trường Hương tại chùa Hội Phước, thỉnh Hòa thượng Từ Văn, chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một làm pháp sư giảng kinh Pháp Hoa. Sau Hòa thượng Từ Văn cử Hòa thượng Thiện Tòng, chùa Khánh Quới, Mỹ Tho thay thế.
Năm Bính Tý 1938, Ngài mở trường Hương, khai trường Kỳ tại chùa Hội Phước. Chính Hòa thượng Hội Long (Long An) thọ Cụ túc giới trong đàn giới này.
Năm Kỷ Mão 1939, ông cả Huy, bác của Sư bà Thiên Phước, Tân Hương thỉnh Ngài về trụ trì chùa Thiên Phước.
Năm Canh Thìn 1940, Ngài khai trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước. Ngài làm chủ hương, Hòa thượng Phước Tường làm thiền chủ, Hòa thượng Khánh anh làm Pháp sư bên Tăng, Sư bà Diệu Kim, Cần Thơ làm Pháp sư bên Ni. Khi mãn đàn giới, Hòa thượng Khánh Anh có tặng cho Ngài một tấm biển: “Hương Phong Giới Nguyệt”, này vẫn còn treo nơi Tổ đình Hội Phước.
Năm Tân Tỵ 1941, do sức khỏe kém, Ngài rời chùa Thiên Phước, trở về Tổ đình Hội Phước để chuyên tu và dưỡng bệnh.
Năm Ất Dậu 1945, Ngài lâm bệnh nặng và vùng Tân Thạch lúc bấy giờ lại loạn lạc không yên, nên hào phú Lâm Tấn Tài ở Vang Quới, Bình Đại, Bến Tre thỉnh Ngài về đây tịnh dưỡng. Ngài đề nghị cất cho Ngài một tịnh thất. Thất đang xây dựng Ngài nói với thị giả: “Thất làm xong chưa? Ta sắp bỏ nó ta đi”. Khi thất làm xong, Ngài vào nhập thất được vài hôm thì viên tịch. Lúc ấy nhằm ngày 11 tháng 11 năm Ất Dậu. Ngài hưởng thọ 63 tuổi, hành đạo 41 mùa Hạ.
---o0o---
Khi kháng chiến giành độc lập bùng nổ, Tùng Lâm Kim Sơn đã vào tình trạng điêu tàn hẳn. Tăng sĩ thì hoặc vào Nam, hoặc tham gia kháng chiến chống Pháp ở khắp các tỉnh, hoặc về Huế để lo củng cố Giáo hội Tăng già và củng cố Phật học đường Báo Quốc. Nhưng lại có một vị Giảng sư trẻ tuổi ở lại Tùng Lâm Kim Sơn, chịu mọi gian lao, đói khát cực khổ vì chiến nạn với dân quanh vùng An Ninh, Lựu Bảo...
Giảng sư đó là Thầy Thích Trí Thuyên, thế danh là Trần Trọng Thuyên, sinh năm Quí Hợi 1923 tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Ở chùa từ thuở bé thơ, Ngài là vị “đồng chơn nhập đạo” xuất gia với Đệ Lục Tổ Thiên Ấn Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang tại chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi.
Với tư chất thông minh khác người, Ngài được Bổn sư gởi đến học lớp gia giáo Phật học tại chùa Long Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Sau một thời gian, Ngài lại đến núi Thình Thình huyện Bình Sơn thọ học ở chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn.
Năm Giáp Tuất 1934, phong trào chấn hưng Phật giáo đang được phát động rầm rộ tại Trung kỳ. Để đào tạo Tăng tài làm trụ cột cho Giáo hội, chư Hòa thượng Giác Tiên và Ngài Mật Khế đứng ra thành lập trường An Nam Phật Học tại chùa Trúc Lâm – Huế, cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ làm chủ giảng. Lớp này chỉ thu nhận 50 học Tăng, Ngài dự thi tuyển và có mặt trong khóa học này cùng các vị Thiện Minh, Trí Quang..., Ngài là một trong 6 vị Tăng sinh ưu tú đỗ cả kỳ thi viết và vấn đáp.
Năm Quý Mùi 1943, sau 9 năm chuyên cần học tập ở Phật học đường, Ngài tốt nghiệp khóa Đại học Phật giáo đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài ở lại Huế tiếp tục nghiên cứu giáo điển và thực tập diễn giảng thuyết pháp.
Năm Giáp Thân 1944, khi Ngài 21 tuổi, được tấn đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Thuyền Tôn-Huế do Hòa thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi lãnh thọ giới pháp, Ngài được chư Hòa thượng trong Giáo hội Tăng Già Thừa Thiên-Huế phân bổ cùng chúng Tăng đến Tùng Lâm Kim Sơn hoằng hóa, tại đây Ngài đã trở thành vị Giảng sư trẻ tuổi được đông đảo tín đồ tín nhiệm.
Năm Ất Dậu 1945, sau cuộc cách mạng giành độc lập vào tháng Tám, người Pháp trở lại tái chiếm Việt Nam, và khủng bố ruồng bắt những ai đã ủng hộ phong trào độc lập không chịu làm tay sai cho chính phủ bảo hộ. Những bài giảng pháp của Ngài luôn mang tính đoàn kết dân tộc, ca ngợi độc lập tự chủ, chống áp bức bóc lột theo tinh thần Bi Trí Dũng của Phật giáo. Với lập luận vững chắc, tư thái đường hoàng, Ngài hướng dẫn tín đồ vào một tương lai tươi sáng của Đạo pháp – dân tộc.
Tinh thần yêu nước, thương đồng bào của Ngài thể hiện rõ nét qua hành động tham gia dạy học chống nạn mù chữ cho nhân dân; tổ chức phong trào từ thiện quyên góp cứu trợ nạn đói kém đang hoành hành đồng bào cả nước bởi cuộc chiến gây ra. Tại Kim Sơn, Ngài đã nhịn bớt phần ăn của mình để lấy gạo nấu cơm phát cho dân nghèo đói, việc đó khiến cho mật thám Pháp theo dõi, cô lập Tùng Lâm Kim Sơn.
Năm Bính Tuất 1946, tất cả Tăng chúng Tùng Lâm Kim Sơn di tản, Ngài tình nguyện ở lại giữ chùa, trường học và kinh sách, cộng với việc không ít Tăng sĩ ở đây tạm xếp áo cà sa thoát ly tham gia kháng chiến khiến cho hồ sơ Tùng Lâm Kim Sơn và bản thân Ngài mỗi lúc thêm nặng nề dưới mắt người Pháp và chính phủ bảo hộ.
Còn lại một mình nơi Tùng Lâm Kim Sơn với những “đêm dài u tối” như vậy, Ngài chẳng hề nao núng, vẫn giữ đúng thanh quy chốn Già lam thường ngày, thể hiện tinh thần một Phú Lâu Na giữa chốn nghịch duyên là nhiệm vụ của người tu hành trước chân lý đã tôn thờ.
Vào chiều chủ nhật ngày mồng 3 tháng 3 năm Đinh Hợi (23-2-1947), thực dân Pháp đóng đồn ở Văn Thánh đã tràn qua mở trận càn quét vùng Lựu Bảo – Kim Sơn. Bọn giặc lên chùa, Giảng sư Trí Thuyên bị chúng bắt. Ngài đã dùng tiếng Pháp nói với bọn chúng để cho Ngài cầu một thời kinh rồi hãy bắn. Ngài ngồi kiết già uy nghi tụng kinh trước họng súng của giặc. Thời kinh vừa xong, Ngài đã ngã gục trước những phát đạn bạo tàn. Một đồng bào người Thiên Chúa giáo ở An Vân, vô tình chứng kiến được cái chết của Giảng sư Trí Thuyên, đã kể lại sự việc với lời bình phẩm: “Tôi chưa bao giờ thấy được cái cảnh tử đạo nào cao cả bi tráng như vậy”.
Năm đó, Ngài vừa đúng 24 tuổi đời, 3 tuổi đạo. Dân trong vùng đã an táng Ngài trong khuôn viên Tùng Lâm Kim Sơn xưa. Ngày nay Giáo hội đã xây lại tháp của Ngài ở trước vườn chùa, bên tay phải chánh điện, bia tháp nhìn về hướng Đông, bên trên khắc chữ “Tăng Già Giáo Hội” ở dòng giữa có sáu chữ lớn “Trí Thuyên Giảng Sư chi tháp”.
Tháp của Giảng sư Trí Thuyên là một nơi chôn giữ dấu tích để phát ra ánh sáng lý tưởng của con người chân quân tử phương Đông: “Uy vũ bất năng khuất” và hơn thế biểu hiện cho phong cách “Sống như Chánh Pháp, chết như Chánh Pháp, nói năng như Chánh Pháp và yên lặng như Chánh Pháp” của đức Từ phụ đã thuyết dạy từ ngàn xưa.
---o0o---
Hòa thượng Thích Bửu Đăng, pháp danh Hồng Lang, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Trần Ngọc Lang, sinh năm Giáp Thìn 1904 tại xã Bình Mỹ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là huyện Củ Chi Tp.Hồ Chí Minh). Thân sinh của Ngài là cụ ông Trần Văn Thểnh và cụ bà Phạm Thị Hoài, gia đình thuộc thành phần nông dân, có truyền thống Phật giáo nhiều đời, vì thế nên Ngài được song thân cho ở chùa từ thuở ấu thời.
Nhờ túc duyên nên chuông sớm mõ chiều nơi cửa thiền thấm nhuần. Ngài lớn lên dưới sự dạy dỗ của Bổn sư là Hòa thượng Chánh Hòa, ở chùa Vạn Đức, quận Gò Vấp, nên đã sớm làu thông chữ nho và kinh kệ Phật gia. Khi tuổi thiếu niên, Ngài đã được Bổn sư cho thế độ xuất gia, đặt pháp danh là Hồng Lang.
Năm Giáp Tý 1924, chùa Giác Viên – Chợ Lớn khai Chúc thọ giới đàn, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới, ban pháp hiệu là Bửu Đăng, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40.
Sau khi thọ đại giới, Ngài ở lại chùa Giác Viên tu học một thời gian. Trở về lại chùa Vạn Đức, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cử chức thủ tọa thay thế Hòa thượng quản lý mọi công việc chùa, Ngài giữ trọng trách này ở chùa đây trong 8 năm.
Năm Nhâm Thân 1932, quan Tri phủ Lương Sơ Khai phát tâm muốn cất một ngôi chùa tại làng Bình Hòa tỉnh Gia Định, cung thỉnh Ngài đứng ra xây dựng và trụ trì ngôi Bảo tự này. Xây dựng xong, Ngài đặt tên chùa là Hải Hội. Ngài ở nơi đây hành đạo trong 9 năm, được chư Sơn trong vùng phong làm Giáo thọ, bởi uy tín qua các trường Hương mà Ngài kiết Hạ.
Năm Tân Tỵ 1941, được sự khuyến trợ của quan Tri phủ Lương Sơ Khai, Ngài làm đơn xin dời ngôi chùa Hải Hội từ làng Bình Hòa lên làng An Hội, tổng Bình Trị Thượng, Gò Vấp cũng trên đất của quan Tri phủ. Ngôi chùa mới lấy hiệu là Linh Sơn Hải Hội vừa rộng lớn và khang trang hơn ngôi chùa cũ, vừa có vườn tược đủ để tự túc kinh tế cho việc tu hành.
Chính nơi đây, Ngài bắt đầu tham gia phong trào kháng Pháp của các nghĩa sĩ yêu nước và tiếp sau là tổ chức cách mạng Việt Minh. Để che mắt chính quyền thực dân, Ngài tổ chức ra Hội Lân chùa Linh Sơn Hải Hội hằng ngày qui tụ thanh niên trai tráng địa phương tham gia tập luyện võ nghệ để chống giặc dướt lốt đội lân. Vì vậy, Ngài được mọi người quen gọi là “Thủ tọa Lân”.
Năm Ất Dậu 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, giặc Pháp quay trở lại chiếm lấy 3 kỳ, lập ra chính phủ bảo hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-8-1946, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ ra đời do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, Ngài được chư tôn đức cử làm Hội trưởng, Hòa thượng Pháp Dõng làm Hội phó, Hòa thượng Bửu Ý làm thư ký, Hòa thượng Thiện Hào làm ủy viên Kinh Tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang xã An Phú Đông.
Năm Đinh Hợi 1947, giặc Pháp chuẩn bị càn quét vào chiến khu An Phú Đông. Tổ chức ra lệnh cho các vị cán bộ nòng cốt di tản để tránh bị giặc bắt. Riêng Ngài vẫn ở lại bám trụ giữ vững cơ sở để làm đầu mối liên lạc và tiếp ứng cho chiến khu, dưới vỏ bọc “Thủ tọa Lân” ở chùa Linh Sơn Hải Hội.
Năm Mậu Tý 1948, ngày 29 tháng 8, trên đường từ trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc ở chùa Tường Quang – An Phú Đông trở về chùa Linh Sơn Hải Hội, do có sự chỉ điểm của mật thám, Ngài bị giặc Pháp phục kích bắt giữ.
Ngày 02 tháng 9, sau 3 ngày bị tra khảo, Ngài vẫn nhất quyết không cung khai bất cứ tin tức gì. Giặc Pháp đem Ngài ra địa điểm cầu Tham Lương – Hóc Môn xử bắn. Sau đó chúng bắn phá xóm làng và đốt cháy chùa Giác Ân – Tân Bình ở gần đó.
Nhục thân Ngài được nhân dân và gia đình vớt từ rạch cầu Tham Lương đem về xây Bảo tháp an táng trong khuôn viên chùa Linh Sơn Hải Hội. Mặt trận Việt Minh và Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định đã làm lễ truy điệu Ngài trọng thể không lâu sau đó.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Ngài đã được Nhà nước truy phong danh hiệu Liệt sĩ và huân chương Độc lập hạng nhì.
Đối với Phật giáo, cuộc đời Ngài có một hành trạng tiêu biểu cho sự gắn bó giữa đạo pháp với dân tộc, hậu thế có một anh hùng Liệt sĩ Phật giáo, được mang tên một con đường ở quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh lưu danh vào lịch sử.
Ngài hy sinh năm 44 tuổi đời và cũng có bấy nhiêu năm sống nơi cửa thiền môn, tròn 20 tuổi đạo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Phước Hậu, pháp húy Trừng Thịnh, pháp tự Như Trung, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42. Ngài thế danh Lê Văn Gia, sinh năm Nhâm Tuất 1862 – nhằm Tự Đức thứ 15, tại xã An Tiêm, huyện Đồng Quan, tỉnh Thái Bình.
Ngài ra đời đúng vào năm quan Kinh lược Phó sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt triều đình Huế ký “hòa ước” với Pháp ngày 5 tháng 6, nhường 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ gồm: Định Tường, Biên Hòa và Gia Định. Đất nước bước vào giai đoạn chịu ách đô hộ của ngoại bang mới.
Do đó, tuổi thơ Ngài không được may mắn sống yên ấm dưới mái gia đình, từng ngơ ngác trên đôi tay mẫu thân chạy lánh nạn cùng hàng vạn người dân khác đến Huế trong những ngày bất ổn.
Như chân lý bao đời không thay đổi, mái chùa vẫn là nơi che chở các số phận đau thương. Ngài ở lại chùa Diệu Đế-Huế, những người khác lần lượt được người thân đến đón về, còn Ngài thì không. Bù vào đó, Ngài được Hòa thượng Tâm Truyền chùa Diệu Đế thương yêu chăm sóc tận tình.
Ngài đã được xuất gia làm Điệu, ngay từ thuở còn thơ ấu dưới bàn tay đùm bọc thương yêu của Bổn sư thế độ Hòa thượng Tâm Truyền ().
Càng lớn lên, Ngài tỏ rõ một phong thái đĩnh đạc, không ỷ lại, mà lúc nào xét đoán mọi việc trước hết đều tự lượng đạo lực của mình, cho nên khi đến tuổi thọ Cụ túc giới, Ngài cứ lần lựa mãi.
Cho đến năm Giáp Ngọ 1894 (Thành Thái thứ 6), do Hòa thượng Bổn sư quyết giáo, Ngài mới vâng lời đến thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Báo Quốc được tổ chức vào tháng 4 năm đó. Đại giới đàn này được mở rộng thu nhận giới tử từ đèo Ngang trở vào nên rất đông giới tử về thọ giới và thời gian diễn ra suốt một tuần lễ. Giới đàn do Hòa thượng Tăng Cang Diệu Giác làm Đường đầu Hòa thượng. Hòa thượng Hải Thiệu làm Yết ma và Hòa thượng Linh Cơ làm Giáo thọ ().
Năm Ất Mùi 1895 (Thành Thái thứ 7), Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền được cử giữ chức trụ trì chùa Diệu Đế sau khi Tăng Cang Diệu Giác viên tịch, nhiệm vụ Ngài trở nên nặng nề hơn. Vào năm sau 1896, Hòa thượng Tâm Truyền lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Báo Quốc. Thế nên ở Diệu Đế mọi công việc lớn nhỏ Ngài phải thay mặt giải quyết như một vị trụ trì thực thụ. Và từ đó, Bổn sư càng tin tưởng phó thác cho Ngài nhiều trách nhiệm quan trọng khác, đáng kể nhất là dạy dỗ bước sơ cơ cho các lớp xuất gia gồm có nghi lễ và Sa di luật.
Năm Mậu Tuất 1898 (Thành Thái thứ 10), Hòa thượng Bổn sư Ngài xin bộ Lễ triều đình trùng tu chùa Diệu Đế theo các báo cáo của Ngài về tình trạng xuống cấp trầm trọng của chùa đã lâu. Công việc được tiến hành vào tháng 6, Ngài phải đứng ra thay mặt Hòa thượng Bổn sư lo liệu trong suốt thời gian trùng tu đó.
Năm Kỷ Hợi 1899 (Thành Thái thứ 11), khi Hòa thượng Bổn sư được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế, Ngài được đề nghị kế thế trụ trì, nhưng Ngài từ chối, chưa dám đảm nhận trách nhiệm bằng danh xưng ấy, muốn được tiếp tục hỗ trợ âm thầm bên cạnh Bổn sư.
Năm Mậu Thân 1908 (Duy Tân thứ 2), Ngài được Hòa thượng Bổn sư phú pháp qua bài kệ dưới đây và ban pháp hiệu Phước Hậu, húy Trường Thịnh, tự Như Trung:
Thuần thành bổn tánh mỹ Như Trung
Tảo tận trần tâm Đạo lý chung
Đức thạnh tự năng mông Phước Hậu
Chơn truyền y bát chấn tôn phong.
Năm Bính Thìn 1916 (Khải Định thứ 1), Ngài được bộ Lễ triều đình sắc ban trụ trì chùa Trường Xuân.
Năm Kỷ Mùi 1919 (Khải định thứ 4) vào tháng 7, Ngài được chư Sơn bảo cử trụ trì chùa Linh Quang.
Năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi nghe bộ Lễ trình tấu quá trình xuất gia đến những thành quả tu học của Ngài được tiếng tốt khắp nơi, vua Bảo Đại sắc phong chức Tăng Cang kiêm trụ trì chùa Báo Quốc.
Sự kiện này, dưới triều Bảo Đại là một việc được xếp vào diện “tế nhị”. Khi đã biết điều đó, chư Sơn môn tỏ ra thờ ơ và bản thân Ngài cũng chẳng mấy thiết tha, nếu không có tiếng nói của Đoan Huy-Từ Thái Hậu (tức đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại) thì cả vua tôi đều lâm vào tình trạng “không nên có”.
Có lẽ, đây là lần phong chức Tăng Cang cuối cùng của triều Nguyễn và người đón nhận đó là Ngài, như đại diện nét chấm phá của luật nhân quả qua một hành động tốt đẹp. Nhờ vậy, trong số rất nhiều bài thơ Ngài sáng tác trong thời gian này, có những bài như:
Tâm thanh thiên hữu nguyệt
Tánh tịnh hải vô ba
Viên minh tàng nhất điểm
Phóng xuất mãn sơn hà
Và với chúng Tăng, Ngài để lại bài thơ nổi tiếng:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như
Năm Kỷ Sửu 1949, ngày 30 tháng 2, Ngài an nhiên thị tịch để lại nhiều luyến tiếc của hậu thế, khi nhìn được lăng kính thời cuộc đã lý giải những lời Ngài hằng dạy. Ngài thọ 87 tuổi đời là cũng ngần ấy tuổi đạo trắng trong với 55 Hạ lạp. Nhục thân được các đệ tử lập tháp tôn thờ bên hữu trong khuôn viên chùa Linh Quang.
---o0o---
Hòa thượng Thích Từ Nhẫn, pháp húy Như Đắc pháp hiệu Từ Nhẫn, nối pháp đời thứ 39 thiền phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, Ngài thế danh Lê Ngọc Thập, sinh năm Kỷ Hợi – 1899 (năm Thành Thái thứ 11) tại làng Long Hậu Tây, tổng Phước Điền Hạ, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân phụ là cụ ông Lê Ngọc Trạch, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hội.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình mà nội ngoại đều chuyên làm việc thiện, vun trồng cội phúc. Ngày nay, trên đường quốc lộ 50 đi từ quận 8 xuống Gò Công, người ta phải qua một cây cầu nổi tiếng từ lâu. Đó là cầu Ông Thìn. Ông Thìn chính là nội Cao tổ của Ngài, húy danh là Lê Công Thìn. Đương thời dân chúng qua lại sông Rạch Cát ở khu vực này phải dùng đò ngang. Gặp những lúc mưa gió, hai bên bờ sông bùn lầy trơn trượt, để tránh cho bà con thoát khỏi cảnh ấy, ông Thìn đã tự xuất tiền của thuê người, mua cây mua vật liệu, bắc một chiếc cầu để cho mọi người qua lại mà không phải dùng đò ngang nữa. Từ đó, cây cầu được mang tên Ông Thìn. Về sau cầu được người Pháp xây bằng xi măng và ngày nay được Nhà nước xây lại kiên cố, nhưng cái tên cầu Ông Thìn vẫn tồn tại mãi với quê hương.
Thân sinh Ngài làm giáo viên trường Cần Giuộc, hết lòng đào tạo lớp hậu tiến, truyền dạy đạo lý làm người, nhất là truyền thống yêu nước của nhân dân ta nói chung, Cần Giuộc nói riêng. Học trò của ông nhiều người thành đạt, có nhân cách. Ngoại Tổ Ngài là bà Huỳnh Thị Sách, là người rất đỗi nhân từ, thương kẻ khó giúp người hiền, cúng chùa chiền, nuôi Tăng chúng, trong lân lý ai cũng quý mến. Đặc biệt bà có lập một bến đò qua sông Rạch Dơi ở làng Long Hậu Tây, để người chèo đò cho dân làng qua lại mà không lấy tiền. Vì vậy, trong làng xóm người ta nói với nhau: “Muốn qua sông thì đến bến đò bà Tổng Sách”.
Nguyên từ lúc 4 tuổi, Ngài đã mồ côi mẹ, được bà ngoại đem về nuôi. Kế thừa hai dòng máu đầy từ tâm ấy, Ngài đã sớm giác ngộ con đường giải thoát của Như Lai ngay từ lúc còn nhỏ tuổi. Năm 14 tuổi, khi đến chùa Giác Hải lễ Phật, Ngài đã được Hòa thượng Như Nhẫn – Từ Phong khuyến tấn khai thị pháp môn niệm Phật.
Nhờ có tiền duyên ấy, Ngài sớm nhận thấy đời người đắm chìm trong kiếp luân hồi sanh tử, nên không lưu luyến cảnh nhà cao, đất rộng, của cải bạc vàng, vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Mão 1915, lúc được 16 tuổi, Ngài rũ bỏ tất cả, âm thầm ra đi tìm thầy học đạo.
Ngài đi đến chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, cầu xin Hòa thượng Chơn Hương – Minh Phương thâu nạp làm đệ tử. Hòa thượng thấy Ngài còn niên thiếu mà đã có lòng mộ đạo, nên chấp nhận thế độ, đặt pháp hiệu là Từ Nhẫn. Từ đó Ngài chuyên cần tu học, sốt sắng công quả hằng ngày, ham tìm học kinh; luật; luận nên Hòa thượng Bổn sư rất thương mến, thường riêng dạy truyền giáo pháp.
Năm Mậu Ngọ (1918), nhân dịp chùa An Lạc ở thôn Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Chánh Hạnh khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư giới thiệu tới nhập Kỳ thọ Sa di giới. Qua năm sau Kỷ Mùi (1919) tại chùa Diệu Giác ở xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Trí Thắng khai trường Kỳ, Ngài cũng được Bổn sư giới thiệu đến nhập Kỳ xin thọ Cụ túc giới. Sau khi thọ giới trở về, Ngài được Bổn sư đặt pháp húy là Như Đắc, nối pháp đời thứ 39 dòng Đạo Bổn Nguyên. Lúc này Ngài vừa tròn 20 tuổi.
Vào ngày 27 tháng 10 năm Canh Thân (1920), nhân có lời thỉnh nguyện của các đạo hữu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, Ngài được Bổn sư cử về đó trụ trì. Khi Ngài về đây thì chùa đã dột nát nhiều, Ngài đứng ra vận động thập phương đóng góp để trùng tu chùa được khang trang, tạo nên cảnh già lam thắng địa nơi thôn dã. Từ ngôi chùa này, Ngài Từ Nhẫn khởi bước hoằng dương chánh pháp, đem lợi lạc đến cho chúng sinh, được nơi nơi biết đến. Sau đây là đơn cử một số công đức của Ngài:
-Năm Canh Thân (1920), Hòa thượng Quảng Phát ở chùa Phú Long làng Phú Nhuận, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, Ngài được thỉnh làm Đệ lục Tôn chứng.
-Năm Tân Dậu (1921) ngày 10 tháng 10 Âm lịch, chùa Thiền Tông ở thôn Bình Thạnh, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tam Tôn chứng. Cùng năm ấy, Hòa thượng Diệu Đại ở chùa Tịnh Độ làng Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ vào ngày 6 tháng Chạp Âm lịch, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng.
-Năm Nhâm Tuất (1922), Hòa thượng Hoằng Nghĩa ở chùa Giác Lâm làng Phú Thọ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch, Hòa thượng Ngộ Thông tại chùa Châu Long làng An Bình Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, mở trường Kỳ thỉnh Ngài làm Đệ nhị Tôn chứng. Tại chùa Tam Bảo làng Vĩnh Thanh Vân tỉnh Rạch Giá, vào tháng 9 Âm lịch, Hòa thượng Trí Thành mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tứ Tôn chứng.
-Năm Quý Hợi (1923), Hòa thượng Minh Giảng chùa Phước Lâm ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ ngũ Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 âm lịch, chùa Sắc Tứ Tập Phước tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ.
-Năm Giáp Tý (1924), Hòa thượng Như Hóa ở chùa Đại Giác làng Nhị Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa mở trường Kỳ, cung thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ. Cùng năm ấy, sau lễ Phật Đản, chùa Khánh Lâm ở làng Tân Sơn Nhất mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Phó Trị sự cùng chúng Tăng ở lại an cư kiết Hạ.
-Năm Ất Sửu (1925) tại chùa Sắc Tứ Phước Quang làng Phước Lộc, tổng Nghĩa Hạ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung, Hòa thượng Tăng Cang mở trường Hương, mời Ngài làm Phó Duy Na cùng chúng Tăng an cư kiết Hạ. Đến ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch mãn Hạ, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Tăng Cang lại mời Ngài làm Thạc đức Giáo thọ.
Tại trường Kỳ này, Ngài gặp được Thiền sư Tra Am-Viên Thành, do mến đức tài đã mời Ngài ra kinh đô Huế dự lễ chúc hộ vua Khải Định tại chùa Sắc tứ Báo Quốc, được Hoàng Thái hậu Khôn Nghi hiệp cùng triều đình ban thưởng ngân tiền, nhà vua xuống chỉ phong Ngài phẩm vị Hòa thượng và biểu ngạch Sắc tứ Thới Bình tự. Thời gian ở Kinh đô Huế, Ngài đã đến hội kiến Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Hải Hội và thường lui tới đàm luận đạo lý với Thiền sư Tra Am-Viên Thành ở chùa Ba La Mật.
Rời kinh đô Huế, Ngài tiếp tục lên đường vân du ra Hà Thành đất Bắc. Do tiếng tăm đạo đức của Ngài vang xa, lại được các nhựt báo đưa tin vua Khải Định sắc phong, nên đi đến đâu Ngài cũng được nghênh tiếp trọng thể. Viếng thăm các Phật tự, danh lam và yết kiến chư Tôn đức xứ Bắc một thời gian, cuối tháng Chạp năm Bính Thìn (1926), Ngài xuống tàu thủy trở về miền Nam. Chuyến đi vân du Trung Bắc của Ngài trải qua 10 tháng.
-Năm Quý Mão (1927) chùa Long Khánh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Thiền gia Pháp chủ Kiếm Bố Tát Hòa thượng. Khi mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Nhơn thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma. Trước đó, nhằm ngày 16 tháng 2, chư Sơn và quan viên, hương chức làng Phước Lại nhất tâm làm tờ thỉnh nguyện, có viên chủ quận Cần Giuộc chứng thực, viên chủ tỉnh Chợ Lớn chuyển đạt lên triều đình chiếu phê tôn tặng Ngài là “Quốc Ân Đại Hòa Thượng”.
-Năm Mậu Thìn (1928) tháng 4 Âm lịch, chùa Hưng Long ở ngã 6 Chợ Lớn mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Minh Đàn Hòa thượng. Đến tháng Bảy mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Huệ Quang thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma.
-Năm Kỷ Tỵ (1929) tháng 4 Âm lịch, chùa Kiến Phước ở làng Vĩnh Kim, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho mở trường Hương, Hóa chủ là Bửu Thông Yết Ma, Chủ hương là Thiện Niệm Yết ma chùa Viên Giác, cùng thỉnh Ngài làm Thiền chủ Hòa thượng, ở lại cùng Tăng chúng an cư kiết Hạ 3 tháng và chưởng quản thiền môn.
-Năm Canh Ngọ (1930) nhằm ngày 19 tháng 2 Âm lịch, tại chùa Sắc tứ Thới Bình có làm lễ lạc thành trùng tu và mở trường Kỳ chúc thọ giới đàn, chư Sơn trong miền hiệp cùng quan viên, hương chức tôn Ngài thăng vị Đường đầu Hòa thượng. Tháng 4 Âm lịch cùng năm, chùa Viên Giác ở Bến Tre mở trường Hương. Chủ Hương là Thiện Niệm Yết ma thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng, đồng thời trường Hương ở chùa An Phước ở Sa Đéc, Chủ Hương là Chánh Tín Yết ma cũng thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng. Điều đó chứng tỏ đạo hạnh và uy tín của Ngài trong chốn thiền lâm rất là cao trọng. Nửa tháng ở Bến Tre, nửa tháng lên Sa Đéc, Ngài phải hành cước khứ lai đem pháp vũ thấm nhuần cho Tăng chúng, khiến trong giới Tăng già hay hàng tứ chúng thảy đều tán thán công đức của Ngài. Đến ngày 20 tháng 10 Âm lịch, chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở núi Điện Bà tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Khâm thỉnh Ngài làm Chứng Đàn Hòa thượng.
-Năm Quý Dậu (1933) vào ngày 12 tháng 3 Âm lịch, chùa Giác Viên ở Chợ Lớn mở trường Kỳ, Hòa thượng Thạnh Đạo thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng. Ngày 8 tháng 4 năm đó, chùa Giác Hoàng ở làng Tân Thới Nhứt, tổng Bình Thạnh Hạ, tỉnh Gia Định (Bà Điểm) mở trường Hương. Chủ Hương là Yết ma Bửu Đạt thỉnh Ngài tái vị Thiền chủ Hòa thượng chưởng quản bên Tăng giới An cư kiết Hạ ba tháng. Đến ngày 11 tháng 8, chùa Sắc tứ Thiên Tôn ở Thủ Dầu Một mở trường Kỳ, Hòa thượng Từ Phong thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng.
Năm Giáp Tuất (1934) chủ chùa Đông Thạnh, ở làng An Đông Xã, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định là Tỳ kheo ni Diệu Thọ hiệp với bà Montel thiết lập thủy lục trai đàn cầu siêu cho những kẻ bạc số chết đuối trên các sông rạch từ Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng, Lộc Giang, Bến Lức, Thủ Thừa, Nhựt Tảo, Bến Ba, Bao Ngược, kinh Nước Mặn, Thủ Bộ, Cần Giuộc, rạch Cát Hạ, Chợ Lớn đến Thị Nghè, cầu Bình Lợi, Gò Vấp, Thủ Dầu Một, Bến Thế, Thủ Thiêm. Vì trai đàn quá lớn, phạm vi cử hành lễ cầu siêu quá rộng, nên phải xin phép và được sự chấp thuận của các viên chủ tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Thủ Dầu Một, chủ quận Hóc Môn, Thủ Đức. Trai chủ đã cung thỉnh Giáo thọ Thiện Huệ chùa Giác Tánh làm chủ sự, Ngài Từ Nhẫn làm Hòa thượng Chứng minh. Trai đàn kéo dài trong 5 tháng 20 ngày, tổng cộng 23 tuần lễ.
-Năm Mậu Dần (1938) chùa Phước Thạnh ở Trảng Bàng mở giới đàn do Giáo thọ Thiện Toàn chủ trì, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Bố tát Hòa thượng.
-Năm Kỷ Mão (1939) chùa Phước Chỉ ở Trảng Bàng, Yết ma Quảng Vân mở giới đàn, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Trị sự Hòa thượng.
-Năm Canh Thìn (1940) chùa Thái Nguyên ở làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định mở giới đàn. Hòa thượng Thiện Huệ làm Chủ Hương, thỉnh Ngài làm Chứng minh Trị sự kiêm Bố tát Hòa thượng.
Trên đây lược kê công đức hoằng pháp độ sinh của Ngài Từ Nhẫn, khắp trên các miền đất nước, từ Thừa Thiên – Huế vào đến miền Đông, miền Tây lục tỉnh. Trong lúc đó Ngài cũng không quên kiến tạo và trùng tu các ngôi Tam bảo để có nơi cho Tăng Ni tu hành và Phật tử chiêm bái tụng kinh, nghe pháp. Ngoài việc trùng tu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại khi Ngài mới tới đây làm trụ trì năm 1923, Ngài còn trùng tu chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, là nơi Ngài xuất gia đầu Phật và là chùa Tổ nơi Bổn sư Ngài hành đạo, đã bị mối mọt xuống cấp nhiều vào năm 1936.
Về khai sơn tạo tự, Ngài đã lập ngôi chùa mới là Chưởng Phước tự tại làng Long Hậu Tây là nơi sinh quán của Ngài vào năm 1935, và chứng minh cho hàng Cư sĩ lập chùa mới Kỳ Viên ở làng Phú Nhuận. Ngài còn lập hai ngôi tịnh thất trong khuôn viên chùa Thới Bình năm 1932 và chùa Chưởng Phước năm 1936, cả hai ngôi tịnh thất này đều được Ngài đặt tên là “Linh Thoại Ứng tịnh thất” và “Từ Tâm tịnh thất” là nơi hàng năm Ngài nhập thất khi không dự các trường Hương.
Năm Canh Dần (1950) sự vô thường sanh tử chợt đến với bậc cao Tăng khả kính giữa lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang nở rộ ở Nam kỳ lục tỉnh. Ngài thị tịch vào ngày 19 tháng 9 năm Canh Dần (1950), trụ thế 52 năm, giới lạp 31 mùa Hạ, để lại bao thương tiếc cho thiền lâm tứ chúng. Bảo tháp của Ngài được dựng tại chùa Linh Nguyên, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Linh vị Ngài được tôn thờ cho đến ngày nay tại Tổ đường chùa Giác Lâm, quận Tân Bình.
Chính do công lao đóng góp của Ngài cho Đạo pháp mà đương thời tên tuổi Ngài được ghi vào thành tích hóa độ cùng với nhiều danh nhân, thượng trí, đại đức trong một cuốn sách nhan đề: “Kim Bửu Thư” với bức chân dung của Ngài phía dưới ghi dòng chữ “Đại Giác Chí Tôn Quốc Ân đại Hòa thượng”.
---o0o---
Đây là giai đoạn đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của Phật giáo, sau bước khởi đầu của phong trào chấn hưng.
Chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn này có nhiều biến động: sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng đấu tranh giữ gìn một Nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên hình thành từ năm 1945, và sự trở lại của thực dân dưới hình thức chính phủ bảo hộ để củng cố quyền lực, đàn áp cách mạng, hạn chế sự phát triển của Phật giáo qua đạo dụ số 10.
Mở đầu cho việc đặt nền tảng là sự kiện Phật giáo Việt Nam trở thành hội viên sáng lập Hội Phật giáo Liên hữu Thế giới tại hội nghị gồm 26 nước tổ chức ở Sri Lanka (Tích Lan), chính thức lấy lá cờ năm sắc làm Phật kỳ (1950) và việc Hội Phật học Nam Việt ra đời tại Sài Gòn (1951), xuất bản tạp chí Từ Quang.
Bước thứ hai, tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước bằng Đại hội Phật giáo toàn quốc tại chùa Từ Đàm ngày 6.5.1951, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, suy cử Hòa thượng Tịnh Khiết làm Hội chủ. Sau đó, các đoàn thể Tăng già ba miền họp tại chùa Quán Sứ – Hà Nội để thành lập Giáo hội Tăng Già toàn quốc (7.9.1952) suy cử Hòa thượng Tuệ Tạng làm Thượng thủ. Cùng năm này là việc ra đời của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.
Ở bước phát triển, Tổng hội Phật giáo Việt Nam làm được các việc: ra mắt tờ bán nguyệt san Phật giáo Việt Nam; thực hiện chương trình phát thanh Phật giáo hàng tuần; cung nghinh xá lợi Phật đến Việt Nam rầm rộ; và sự ra đời hàng loạt Gia đình Phật tử ở khắp nơi, minh chứng cho sức sống quật khởi trong giai đoạn thống nhất Phật giáo đầu tiên.
Tập thứ I đã giới thiệu được 6 vị, đến tập thứ II xin tiếp tục giới thiệu thêm 3 vị Danh Tăng đã viên mãn sự nghiệp ở giai đoạn này.
17. HT. Thích Minh Nhẫn Tế (1889-1951)
18. HT. Thích Chánh Quả (1880-1956)
19. HT. Thích Liễu Thiền (1885-1956)
---o0o---
Hòa thượng Thubten Osall Lama, pháp danh Chơn Phổ, pháp hiệu Nhẫn Tế, nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Sau Ngài cầu pháp với Tổ sư Huệ Đăng, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Ngài thế danh là Nguyễn Tấn Tạo, sanh ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Sửu – 1889, tại làng An Thạnh (thường gọi Búng) Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Lập, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ri, Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu trí thức, nên từ thuở nhỏ đã được song thân cho đi học Quốc ngữ và Pháp ngữ.
Năm Giáp Thìn 1904, khi lên 16 tuổi, Ngài tìm đến chùa Thiên Tôn, một ngôi chùa cổ nổi tiếng trong vùng, xin quy y với Hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện, được pháp danh là Chơn Phổ để nghiên cứu và tham học giáo điển Phật đà. Nhờ có trí tuệ mẫn thiệp và trình độ thế học, Ngài chóng thâm nhập vào áo nghĩa kinh tạng, và có ý muốn một ngày nào đó sẽ thực hiện hạnh giải thoát.
Sau khi học hành thành đạt, Ngài được bổ làm công chức trong ngành Y tế, được một thời gian, Ngài chán cảnh thế gian đầy đua chen danh lợi, cũng như bất mãn trước sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp đối với dân chúng Việt Nam, nên có ý muốn hồi hưu. Nhân mắc phải trọng bệnh trong khi thừa hành công vụ, Ngài xin thôi việc, dứt bỏ trần nghiệp, vân du học đạo khắp mọi nơi, lúc thì tu hạnh đầu đà, khi thì khoác màu nguyên thủy để tìm cho mình hướng đi đích thực trên con đường giải thoát.
Năm Bính Dần 1926, chùa Long Hòa núi Thiên Thai, Bà Rịa mở giới đàn, do Hòa thượng Huệ Đăng làm Đàn đầu truyền giới, Ngài đến đăng đàn thọ Cụ túc giới. Cảm phục đức độ và tư tưởng yêu nước của Tổ sư Huệ Đăng, Ngài xin cầu pháp với Tổ sư, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Đến tháng 8 năm Quý Dậu – 1933, chùa Thiên Tôn mở Đại giới đàn, do Hòa thượng Ngộ Định – Từ Phong làm Đàn đầu truyền giới, Ngài được thọ đại giới lại với Sơn môn, được ban pháp hiệu là Nhẫn Tế, để nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh, chùa Thiên Tôn.
Trải qua thời gian tu hành và tham học, Ngài cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn chí nguyện, muốn tìm về cội nguồn Phật tổ, trước là để chiêm bái đảnh lễ thánh tích, sau là tham cứu học hỏi phương pháp tu trì, mong đạt sở chứng tỏ ngộ bản tâm, thoát ly sanh tử. Vì thế, Ngài rời chùa Thiên Tôn, ra cất một cái am đặt hiệu Thiên Chơn để tu và ngày đêm ấp ủ mộng lớn, chuẩn bị tư lương, học tập thêm Anh ngữ để đợi ngày thực hiện ý định.
Năm Ngài 47 tuổi, hội đủ nhân duyên, Ngài xuống tàu thủy tại Sài Gòn khởi hành sang Ấn Độ vào ngày 17 tháng 4 năm 1935. Trong thời gian trên đất Ấn, tùy thuận phong tục, Ngài đắp y theo xứ Tích Lan và học tiếng Tamil khi ở Nam Ấn, học tiếng Hindu khi ở Bắc Ấn. Lúc đến xứ Bhutan, Tây Tạng, Ngài lại đổi sang pháp phục Lạt Ma và học tiếng Tây Tạng để ứng hợp việc tham cầu giáo pháp.
Ngày 6 tháng 2 năm 1936, Ngài đến xứ Nepal tham lễ chùa tháp. Khi đến Tháp Bodha Nath, Ngài được đảnh lễ chiêm ngưỡng Xá lợi Phật tổ, và cần cầu Thượng tọa quản tháp xin thỉnh được một phần Xá lợi để đem về bổn quốc làm chứng tín cho hàng đệ tử Phật tôn thờ. Ngài là người đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật về Việt Nam.
Ngày 27 tháng 2 năm 1936, Ngài bắt đầu khởi hành đi Tây Tạng theo các vị Lạt Ma trong đoàn chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng khi họ trở về xứ. Đường đi gian khổ vất vả, đi hơn hai tháng mới đến xứ Bhutan, mất một tháng ở lại đây học hỏi ngôn ngữ, phong tục, chờ tuyết tan và đi thêm một tháng nữa mới đến thủ đô Lhasa. Ngài đến xứ Tây Tạng vào ngày 28 tháng 6 năm 1936.
Tại Tây Tạng, Ngài tham học về Kim Cang thừa Mật giáo với Lama Quốc Vương. Để học được pháp môn này, Ngài phải trải qua khảo thí khắt khe nghiêm mật trong cuộc thi tuyển toàn quốc, Ngài là một trong hai người được tuyển chọn cuối cùng. Sau một trăm ngày tu học ở Tây Tạng, Ngài được Lama Quốc Vương ấn chứng sở đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh là Thubten Osall Lama. Thành tựu sở nguyện, ngày 29 tháng 10 năm 1936, Ngài lên đường rời xứ Tây Tạng, mất một tháng để trở lại Ấn Độ. Ngài ở lại đây đi chiêm bái và học hỏi một thời gian nữa, rồi xuống tàu về nước.
Ngày 30 tháng 6 năm 1937, Ngài về đến Việt Nam, kết thúc chuyến tường khảo thánh tích dài 2 năm 4 tháng. Ngài đến chùa Thiên Thai đảnh lễ Tổ sư, dâng cúng ngọc xá lợi lên Hòa thượng để làm biểu tượng chánh pháp tại đây. Về lại trụ xứ Bình Dương, uy tín đạo đức của Ngài lan rộng, bổn đạo làng Phú Cường cung thỉnh Ngài chứng minh trụ trì ngôi chùa Bửu Hương, vốn thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài đổi tên chùa thành Tây Tạng tự, để ghi nhớ nơi Ngài đã đến cầu pháp.
Năm Mậu Dần 1938, Ngài khởi công xây dựng lại ngôi chùa Thiên Chơn ở làng An Thạnh, ngay trên nền cũ của am nơi Ngài ở tu trước khi đi Ấn Độ. Chùa được khánh thành vào năm 1940.
Năm Ất Dậu 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một và được để cử làm Chủ tịch. Tháng 6 năm 1946, Ngài là thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Ngài đã đóng góp nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Dù ước muốn xây dựng lại chùa Tây Tạng, nhưng với tấm lòng yêu nước và ủng hộ kháng chiến, Ngài đã nói: “khi còn chiến tranh thì một viên ngói, một viên gạch cũng không được sử dụng xây chùa...”.
Trong cuộc đời tu học và hoằng đạo, Ngài hóa độ rất nhiều đồ chúng xuất gia và tại gia, đệ tử truyền thừa của Ngài là Hòa thượng Như Trạm-Tịch Chiếu.Ngài có hai tác phẩm lưu lại hậu thế:
-Lăng Nghiêm Tông Thông (1997).
-Nhật Ký Tham Bái Ấn Độ, Tây Tạng (1999).
Ngày 17 tháng 5 năm Tân Mão – 1951, Ngài thâu thần viên tịch tại chùa Tây Tạng, trụ thế 63 năm, giới lạp 25 mùa Hạ. Môn đồ nhập Bảo tháp nhục thân của Ngài tại chùa Thiên Chơn và lập Bảo tháp thờ vọng tại khuôn viên chùa Tây Tạng.
---o0o---
Hòa thượng Thích Chánh Quả, pháp hiệu Ngộ Giác, truyền thừa đời thứ 40 dòng Lâm Tế Đạo Mẫn. Ngài thế danh Phạm Văn Ngưu, sinh năm Canh Thìn 1880 tại làng Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long.
Năm Ất Mão 1915, giác ngộ thế gian vô thường, Ngài tìm đến chùa Giác Hải (Chợ Lớn) xin quy y thế phát với Hòa thượng Tổ Thích Từ Phong, được Tổ cho pháp danh là Chánh Quả, pháp hiệu là Ngộ Giác.
Sau khi xuất gia, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của Tổ Từ Phong, Ngài chuyên tâm tu học kinh luật thiền môn, rèn trau giới hạnh.
Năm Bính Thìn 1916, Ngài được Tổ trao truyền Sa di giới tại chùa Giác Hải. Kế đến, được Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Giác Lâm cùng trong năm này.
Năm Mậu Ngọ 1918, nhờ học lực uyên thâm, giới đức minh tịnh, Ngài được Tổ đề cử giảng bộ Long Thơ Tịnh Độ tại đạo tràng chùa Giác Hải. Từ đó danh tiếng của Ngài được Tăng Ni, tín đồ khắp lục tỉnh biết đến.
Năm Nhâm Tuất 1922, Ngài được cung thỉnh giảng dạy Luật học cho Tăng Ni an cư tại trường Hương chùa Long Phước, Vĩnh Long.
Từ năm Kỷ Tỵ 1929 đến năm 1950, Ngài về trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc). Tại đây, Ngài mở lớp gia giáo giảng dạy kinh luật cho chư Tăng khắp lục tỉnh quy ngưỡng về tu học rất đông. Đạo tràng đào tạo nhiều bậc cao Tăng đã góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo như: Hòa thượng Hành Trụ, Thiện Tường, Thới An, Huệ Hưng, Từ Nhơn...
Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do chư Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Thiên Trường, Bổn Viên... thành lập, Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Ngài được mời làm hội viên sáng lập.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đến năm 1935. Trong thời gian này, Ngài tham gia giảng dạy tại các trường Hương ở miền Tây. Ngoài ra, Ngài cũng cộng tác viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm, tiếng nói của Hội.
Năm Đinh Sửu 1937, khi Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập tại Trà Vinh, Ngài được mời làm Chứng minh và cộng tác viết bài cho báo Duy Tâm, cơ quan ngôn luận của Hội.
Năm Bính Tuất 1946, do Ni chúng theo học rất đông mà chùa Kim Huê chỉ đủ chỗ cho Tăng chúng, Ngài thành lập Phật học Ni viện tại chùa Phước Huệ (Sa Đéc) để tập trung giảng dạy cho Ni chúng.
Năm Mậu Tý 1948, để tục diệm truyền đăng, Ngài khai Đại giới đàn truyền giới cho học Tăng tại Phật học viện chùa Kim Huê, giới tử có Hòa thượng Huệ Hưng, Trí Châu... thọ Cụ túc giới trong đàn giới này.
Đương thời, Ngài là một bậc cao Tăng rất nổi danh khắp miền Tây lục tỉnh Nam kỳ nên Tăng Ni quy ngưỡng tựu về tu học rất đông. Đệ tử xuất gia, cầu pháp với Ngài cũng rất nhiều, đa số đã trở thành trụ cột của phong trào chấn hưng Phật giáo như: Hòa thượng Huệ Hưng, Huệ Phát, Huệ Thông, Huệ Hòa... chư Ni như: Ni trưởng Như Thanh, Như Ngọc, Chí Kiên, Như Hòa, Như Nhẫn, Phước Hiển...
Năm Bính Thân 1956, tuổi hạc đã cao, nhận biết duyên sắp mãn, Ngài thu xếp mọi việc, phó chúc Phật sự cho đệ tử rồi niệm Phật chờ ngày vãng sanh. Vào buổi trưa lúc 12 giờ ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân, Ngài an nhiên thu thần thị tịch tại chùa Kim Huê, trụ thế 76 năm, công hạnh tròn 40 Hạ lạp.
Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp suốt đời của Ngài đã trợ duyên rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Tây Nam bộ, góp phần phát triển Phật giáo rộng khắp ở giai đoạn nửa sau của thế kỷ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Liễu Thiền (còn gọi là Liễu Thoàn), pháp hiệu Tu Trì, thuộc tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đo, sinh năm Ất Dậu (1885), tại làng Mỹ Lệ (Chợ Trạm), huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tín, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Chí.
Gia đình Ngài vốn theo đạo Minh Sư, rất mực nhân nghĩa, đạo đức với đời. Năm lên 8 tuổi, Ngài được song thân cho học với một danh nho nổi tiếng trong vùng. Vốn bản tính thông minh lại thêm siêng năng, hiếu học nên chỉ trong ba năm Ngài đã làu thông các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh Tâm của Nho giáo. Tuy thông minh học giỏi nhưng Ngài lúc nào cũng khiêm tốn, lễ độ, kính trên nhường dưới, hài hòa với bạn đồng học nên được thầy yêu, bạn mến. Trong gia đình, Ngài hết lòng hiếu kính mẹ cha, chia xẻ, gánh vác việc nặng nhọc với anh em, dịu dàng, thân ái với thân quyến xóm làng. Từ bé, Ngài được mọi người yêu thương, quan tâm, chỉ bảo.
Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão kinh hoàng gieo đau thương tang tóc khắp nơi. Hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc bị tàn phá nặng nề, cây ngã, nhà sập, xác người chết đó đây, nhân dân trong vùng đói rét khốn khổ. Thảm trạng này đã đánh động vào tâm thức non trẻ của Ngài, khiến Ngài nhận ra rằng thế gian này vốn vô thường, tạm bợ mà kiếp nhân sinh thì quá đỗi khổ đau. Cũng từ đây một bước ngoặt tâm lý được mở ra. Ngài bắt đầu hướng tâm đến đạo giáo, trường trai giới sát, tu nhân tích đức. Khi thiện duyên chín mùi, Ngài đến chùa Vĩnh Nguyên (đạo Minh Sư) xin xuất gia, thọ giáo với ông Lão Tiễn. Theo đạo Minh Sư, người xuất gia không cắt tóc, chỉ đoạn trừ ân ái, tĩnh lặng dụng công tích phép luyện đơn. Ngài ở đây, dưới sự dẫn dắt của Thầy, chuyên tâm tu tập, khổ hạnh nhiều năm. Khi công hạnh đã tinh thuần, Ngài được điểm đạo và tôn xưng lên ngôi vị ông Lão.
Tháng Giêng năm 1933 (Quý Dậu), do túc duyên nhiều đời với Phật pháp, Ngài cùng phái đoàn bảy người trong đạo Minh Sư sang Trung Quốc, lãnh thọ giới pháp của đức Phật do Tổ Hiển Kỳ nhiếp hóa và khuyến tấn. Phái đoàn được Tổ Hiển Kỳ, Tổ đình Thanh Sơn, cho lưu trú tại bổn viện và trong suốt 15 ngày liền Tổ khai hóa chánh pháp, giảng giải tông yếu của pháp môn cho mọi người. Sau đó, Tổ khai đàn truyền Cụ túc giới cho cả phái đoàn. Đắc giới xong, Ngài được Tổ ban pháp hiệu Liễu Thiền nối pháp tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21, chính thức truyền sang Việt Nam.
Sau đó Ngài cùng phái đoàn trở về Việt Nam. Về lại chốn cũ chùa Vĩnh Nguyên, với tâm nguyện truyền bá chánh pháp lợi lạc quần sanh. Ngài chuyển lối tu từ đạo Minh Sư sang pháp tu của đạo Phật. Lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản, mượn pháp Tam Quán làm phương tiện. Và đây cũng là điểm khởi thủy của Tông Thiên Thai Giáo Quán ở Việt Nam mà Ngài là Sơ Tổ.
Cũng trong thời gian này, ông Lão Tiễn quy tiên, kế đó song thân Ngài cũng lần lượt từ giã cõi đời. Ngài phải lo chu tất việc cúng tế thờ tự cho người thầy đầu tiên của mình, cũng như việc an táng, siêu độ cho song thân, vẹn toàn hiếu hạnh.
Tháng 4 năm 1933 (Quý Dậu), nhận lời thỉnh cầu của ông Cả Tiệm, Ngài về trụ trì chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một đại già lam u tịch, cổ kính, do Tổ Viên Ngộ khai sáng năm 1807. Ngài cho sửa sang lại tự viện, chỉnh đốn tông môn và một năm sau, năm 1934 (Giáp Tuất) Ngài mở Đại trai đàn cầu quốc thới dân an, siêu độ cho thập loại chúng sanh. Cũng trong năm này, Ngài khai Đại giới đàn, cung thỉnh Giới sư tôn túc, truyền bá giới pháp cho hơn 300 Tăng Ni, cư sĩ. Đây là một đàn giới trang nghiêm long trọng nhất ở Long An từ trước đến nay.
Nhằm giúp Tăng chúng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, trong suốt 20 năm (1934 – 1954) trụ trì tại Tổ đình Tôn Thạnh, hàng năm Ngài đều mở khóa An cư kiết Hạ. Kính mộ uy đức của Ngài, Tăng chúng quy ngưỡng về tụ học mỗi lúc một đông hơn. Ngoài ra, Ngài còn có thông lệ, hằng năm vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch, tức ngày vía Bồ Tát Quán Âm, Ngài đều khai đàn truyền giới cho Tăng Ni, Phật tử.
Về phương diện tu tập, Ngài tuân thủ tôn chỉ của tông Thiên Thai, lấy tam pháp quán (Không quán; Giả quán; Trung quán) làm pháp môn chủ yếu. Ngài còn chuyên tâm trì tụng kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang. Về phương diện giáo hóa, Ngài tích cực hiển dương pháp môn Tịnh Độ dạy người niệm Phật cầu vãng sanh. Ngài hành trì giới luật rất tinh nghiêm. Để tu tập thiền quán, Ngài không ăn chiều, không uống sữa bò, đi bộ đường dài trên 20km, nhất quyết không ngồi xe để ngựa kéo. Mến mộ giới đức của Ngài, trong các trường Hương, chư tôn thiền đức thỉnh Ngài giảng dạy Luật tạng. Và trong các lớp gia giáo, Ngài luôn được mời dạy các bộ kinh Đại thừa.
Kính ngưỡng đức hạnh của Ngài, biết bao người xả tục quy chơn. Trong số đệ tử xuất gia của Ngài, đã có biết bao vị trở thành pháp khí Đại thừa làm rường cột trong Phật pháp như: Hòa thượng Đạt Hương, Viện chủ chùa Linh Phong (Tân Hiệp, Tiền Giang), Hòa thượng Đạt Pháp, trụ trì chùa Bồ Đề (Cần Giuộc, Long An), Hòa thượng Đạt Tân, trụ trì chùa Phước Lâm (Củ Chi), Hòa thượng Đạt Đồng, trụ trì chùa Đông Thạnh (Cần Giụôc, Long An). Về Ni giới có Ni trưởng Đạt Lý, Viện chủ chùa Long Nhiễu (Thủ Đức), Ni trưởng Đạt Cung, Viện chủ chùa Pháp Đàn (Gò Đen), Ni trưởng Đạt Thuận, trụ trì chùa Linh Sơn (Bình Chánh)... Rất nhiều thiện nam, tín nữ quy y nơi Ngài đều được Ngài khuyến hóa tu tập theo pháp môn Tịnh độ, và có nhiều người lúc lâm chung chứng nghiệm được điềm lành.
Ngài tận tụy truyền thừa tông chỉ bổn môn nhưng vẫn hòa mình vào đại thể Phật giáo, luôn cùng với các vị tôn túc trưởng lão chung lo Phật sự, hết lòng hết sức, không tị hiềm, không phân chia. Do vậy, Ngài rất được chư tôn thiền đức quý kính. Chùa nào khai Hương, mở Hạ cũng cung thỉnh Ngài chứng minh hoặc làm Thiền chủ. Đàn giới nào cũng thỉnh Ngài ở vị Tam Sư, để truyền trao giới pháp cho đàn hậu tấn.
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo được các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang khởi xướng và phát động mạnh ở miền Nam, các lớp Phật học liên tiếp ra đời để đào tạo Tăng tài, Ngài luôn được quý Hòa thượng mến mộ, cung thỉnh vào ngôi vị:
-Chứng minh Đạo sư Liên Hải Phật Học Đường.
-Chứng minh Đạo sư Hội Phật Học Nam Việt (1955).
-Chứng minh Đạo sư Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (1934).
-Chứng minh Đạo sư Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt.
-Chứng minh Đạo sư Phật Học Đường Nam Việt.
Có thể nói Tổ đình Tôn Thạnh trong thời gian Ngài đương gia khai hóa, thật sự đã biến thành một thánh địa cho Tăng, Ni, Phật tử quy ngưỡng rèn trau giới đức. Trong số đó có 2 vị cao Tăng: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, năm nào các Ngài cũng về đây tịnh tu một thời gian, hoặc để nghiên tầm kinh, luật hoặc để trợ giúp Phật sự với Ngài.
Năm 1950 (Canh Dần), cảm nghĩa ân khai tâm, mở trí của ông Lão Tiễn, vị thầy đầu tiên, Ngài cho khởi công trùng tu lại ngôi chùa Vĩnh Nguyên, chùa được hoàn tất trong năm, khang trang, đẹp đẽ.
Năm 1955 (Ất Mùi), Ngài được gia tộc chùa Pháp Tánh nhường cho một mẫu đất ở xã Tân Kim, huyện Cần Giụôc, tỉnh Long An. Ngài khởi công xây dựng Tổ đình cho tông phái. Chùa được hoàn tất khang trang, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ. Ngài đặt hiệu là Bồ Đề. Từ đây chùa Bồ Đề chính thức là Tổ đình của tông Thiên Thai Giáo Quán, là nơi thờ tự chư tiền bối tông môn mà cũng là chỗ quy ngưỡng của Tăng tín đồ tông phái.
Khi hoàn thành các tâm nguyện, Ngài vui vẻ đi thăm viếng tất cả các già lam, trú xứ mà trước đây Ngài đã ở qua. Sau chuyến đi này, sức khỏe Ngài yếu hẳn, biết trước lẽ vô thường, Ngài gác bỏ vạn duyên để chuyên tâm niệm Phật.
Ngày 21 tháng 4 năm Bính Thân (1956), hóa duyên đã mãn, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 71 tuổi, 23 Hạ lạp. Tang lễ của Ngài được tông môn Thiên Thai cử hành vô cùng trọng thể, dưới sự chứng minh của chư vị tôn túc Giáo hội Phật giáo Tăng Già Nam Việt. Nhục thân của Ngài được nhập tháp tại Tổ đình Bồ Đề.
Hơn 20 năm tấn đạo nghiêm thân, hiển dương tông phái, hoằng pháp độ sanh, công hạnh của Ngài to lớn biết bao! Ngài xứng đáng là Tòng Lâm thạch trụ, khai môn, mở phái, là thiền môn quy cảnh cho tứ chúng đồng soi, là thềm thang lối Phật cho hậu tấn noi theo.
---o0o---
Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ III họp tại Sài Gòn ngày 17.8.1957 và Hội nghị thường niên Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã ra nghị quyết xác định con đường phát triển là đi đến thống nhất toàn diện, xóa bỏ các tổ chức riêng lẻ. Khởi đầu của giai đoạn này là khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ Giả, quy tụ chư Tăng khắp các tỉnh miền Nam tham dự, đào tạo một đội ngũ cán bộ Giáo hội đầu tiên mang tính thống nhất tư tưởng và hành động (năm 1957).
Thế nhưng, cục diện đất nước đi đến bước ngoặt lịch sử, đất nước tạm thời bị chia đôi từ vĩ tuyến 17.
Hoàn cảnh lịch sử này khiến Phật giáo cũng tạm thời gác lại việc tiến hành thống nhất toàn diện. Phật giáo miền Bắc thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam năm 1958, Phật giáo miền Nam gian nan bước vào cuộc đấu tranh chống lại nạn kỳ thị tôn giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đỉnh điểm là năm 1963.
Đây là giai đoạn máu và lửa của Tăng Ni Phật tử miền Nam, nhiều vị đã hy sinh tánh mạng để đánh động lương tri nhân loại trước sự bạo tàn của một chế độ cầm quyền, làm nên một giai đoạn lịch sử đau thương cùng tột của Phật giáo Việt Nam.
Mãi đến năm 1964, miền Nam mới thành lập được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng chẳng bao lâu lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên, sự phát triển như trăm hoa đua nở giữa các tổ chức cũng thật phong phú, làm nên sức sống đặc thù của Phật giáo miền Nam.
Tập thứ I đã giới thiệu 25 vị danh Tăng hoàn thành sự nghiệp ở giai đoạn này. Đến Tập thứ II này xin giới thiệu thêm 22 vị, đặc biệt là các bậc Vị pháp thiêu thân để minh chứng cho giai đoạn lịch sử này.
20. HT. Thích Diệu Pháp (1882-1959)
21. HT. Thích Thiện Bản (1884-1962)
22. TĐ. Thích Tiêu Diêu (1892-1963)
23. TTĐ. Thích Quảng Hương (1926-1963)
24. TTĐ. Thích Nguyên Hương (1940-1963)
25. TTĐ. Thích Thanh Tuệ (1946-1963)
26. TTĐ. Thích Thiện Mỹ (1940-1963)
27. TTĐ. Thích Thiện Huệ (1948-1966)
28. TTĐ. Thích Hạnh Đức (1948-1967)
29. HT. Thạch Kôong (1879-1969)
30. HT. Thiện Luật (1898-1969)
31. HT. Thích Thiên Trường (1876-1970)
32. HT. Thích Thiện Ngôn (1894-1970)
33. TTĐ. Thích Thiện Lai (1896-1970)
34. HT. Tăng Sanh (1897-1970)
35. TTĐ. Thích Thiện Ân (1949-1970)
36. HT. Thích Pháp Long (1901-1971)
37. HT. Thích Thiện Hương (1903-1971)
38. HT. Thích Chí Tịnh (1913-1972)
39. HT. Thích Đạt Thanh (1853-1973)
40. HT. Thích Thiện Thuận (1900-1973)
41. HT. Thích Quảng Ân (1891-1974)
---o0o---
Hòa thượng Thích Diệu Pháp, pháp danh Không Đàm, thế danh là Lê Viễn, sinh năm 1882 (Nhâm Ngọ) tại làng Mỹ Thạnh, tổng Nhơn Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ Ngài là cụ ông Lê Phước Đặng, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Thình, đều là Phật tử thuần thành của chùa Thập Tháp – Bình Định.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho phong. Ngay thuở nhỏ thường theo cha mẹ lên chùa Thập Tháp nghe kinh, giảng đạo. Vốn gieo trồng thiện duyên nhiều đời, nên năm 14 tuổi, Ngài đã xin song thân được xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Phước Huệ trụ trì chùa Thập Tháp, được Bổn sư ban cho pháp danh là Không Đàm.
Năm Canh Tý 1900 (Thành Thái thứ 12), Ngài được 19 tuổi, sau hơn bốn năm khai tâm học đạo, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đi tham học các nơi để tăng tiến đạo nghiệp. Nhân lúc này, có người chú là Hòa thượng Bửu Quang vào Nam, Ngài liền tháp tùng và tiếp tục tu học tại chùa Linh Tuyền nay là chùa Phước Minh, xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Năm Tân Sửu 1901 (Thành Thái thứ 13), Ngài được Tổ Thập Tháp gọi về cho thọ tam đàn Cụ túc giới tại Đại giới đàn tỉnh Phú Yên, do chính Bổn sư làm Đàn đầu Hòa thượng, Ngài được Tổ Thập Tháp ban pháp hiệu là Diệu Pháp.
Sau khi thọ Đại giới được hai năm, Hòa thượng Bửu Quang viên tịch, Ngài kế vị trụ trì chùa Linh Tuyền, để hướng dẫn tín đồ tu học.
Nhận thấy tuổi đời còn trẻ, tuổi đạo lại chưa nhiều, Ngài quyết chí tầm sư học đạo để trau dồi tuệ nghiệp. Ngài liền giao lại chùa cho huynh đệ đồng tu, một mình sang chùa Tuyên Linh, xã Tân Hương, quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cầu học kinh luật với Hòa thượng Khánh Hòa.
Ngài nỗ lực tu hành, nghiêm trì giới luật ở đây hơn 5 năm và đến năm 1910, lúc 29 tuổi, nhân chùa Phước Sơn, xã Cẩm Sơn, Bến Tre khai giới đàn, Ngài đến tu học và nhận chức Tôn chứng sư cho các giới tử.
Năm Tân Hợi 1911, Ngài giao hẳn chùa Linh Tuyền cho vị khác và tiếp nhận chùa làng Long Bình ở tỉnh Trà Vinh, là tiền thân của chùa Long Khánh hiện nay. Từ đây, cuộc đời sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Ngài đã gắn chặt trên mảnh đất này.
Năm Đinh Mão 1927, sau gần 17 năm xây dựng, gắn bó với đồng bào Phật tử chung sức tôn tạo, ngôi chùa mới được hoàn thành. Ngài vâng lời Hòa thượng Bổn sư ở Tổ đình Thập Tháp lấy tên hiệu là chùa Long Khánh.
Năm Kỷ Tỵ 1929, chùa Phụng Sơn ở Chợ Lớn khai trường Kỳ, cung thỉnh Ngài làm Yết Ma tại Đại giới đàn.
Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa và các vị tôn túc, cư sĩ thành lập tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn; Ngài được cung thỉnh làm Hội viên Tăng già sáng lập, và nhận trách nhiệm phát hành tờ Phật Học bán nguyệt san Từ Bi Âm cho Hội tại Trà Vinh cho đến khi Hội giải thể.
Năm Quý Dậu 1933, sau 2 năm hoạt động, do Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học không thực hiện được việc mở Thích học đường; quý Hòa thượng miền Nam, đứng đầu là Hòa thượng Khánh Hòa, lui gót về lục tỉnh sáng lập Liên đoàn Phật Học Xã với mục đích chấn hưng Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài hưởng ứng chủ trương của Liên đoàn, mở trường gia giáo, tập họp hơn 60 vị Tăng trong chùa để giảng dạy nội, ngoại điển. Ngoài ra, Ngài vận động tín đồ Phật tử thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Quốc về chùa để làm tư liệu tham khảo cho Tăng Ni tu học.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài cùng quý tôn túc như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Tâm Quang, Niệm Nghĩa và cùng một số Phật tử giàu đạo tâm thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại chùa Long Phước, ấp Thanh Lệ, Trà Vinh để hoàn thành sứ mạng đào tạo nhân tài, hoằng dương chánh pháp. Cũng trong năm này, Hội Lưỡng Xuyên cho ra đời tờ báo Duy Tâm, khiến thực dân Pháp phải kiêng nể tiếng nói Phật giáo bấy giờ và Ngài giữ chức vụ Phó Tổng Lý trong Ban trị sự.
Từ năm 1945 đến năm 1955, hưởng ứng lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Ngài cùng nhân dân địa phương tạm thời tản cư sang chùa Phước Sơn. Chùa Long Khánh bị giặc Pháp chiếm giữ hơn một năm, sau đó cảm thấy không ổn khi lòng dân và các Phật tử sục sôi đấu tranh quyết liệt, chúng đành phải trả lại cho Ngài.
Những năm sau đó, tuy tuổi già nhưng Ngài vẫn đảm nhiệm mọi Phật sự, đấu tranh chống sự áp bức cường quyền của thực dân Pháp.
Ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1959), biết trước thời duyên đã đến, sau khi dặn dò các chúng tiếp nối Phật sự, truyền thừa Tổ ấn, cũng như việc trà tỳ tang lễ một cách đơn giản, Ngài nhắm mắt thâu thần nhập diệt giữa ba hồi chuông trống Bát nhã tiễn đưa. Ngài trụ thế 77 tuổi đời, hưởng 57 tuổi đạo. Đồ chúng xây dựng Bảo tháp tôn thờ Ngài tại khuôn viên chùa Long Khánh.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Bản (Tổ Cao Đà), pháp danh Thông Đoan, thế danh Hoàng Ngọc Thụ, sinh giờ Dần ngày mồng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1884) tại làng Tử Mặc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân có truyền thống mến mộ đạo Phật. Ngài là con út của cụ Ngô Ngọc Luyện tự Phúc Ứng (truyền thống dòng họ: sinh họ Hoàng, thác theo họ Ngô), cụ bà Nguyễn Thị Xây hiệu Diệu Cao. Chị Ngài là Ni sư chùa Bảo Sái – Yên Tử.
Năm 16 tuổi (Canh Tý – 1900), Ngài từ biệt song thân đến chùa Diên Phúc, thị trấn Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) khất cầu xuất gia, thấy người tuấn tú lễ độ, nhất tâm cầu đạo nên Thầy trụ trì chấp nhận cho tập sự xuất gia. Trước đó, Ngài đã được theo học Nho với cụ Cử trong làng và được cha mẹ dạy bảo giáo lý Phật đạo căn bản, nên ngày 16 tháng 11 cuối năm, Ngài được cầu giới Sa di tại chốn Tổ Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội do Tổ đệ nhị Quảng Gia làm Hòa thượng giới đàn. Cũng từ đây, Ngài được Tổ cho làm thị giả tu học tại trường Phật học chùa Bồ Đề. Năm sau 1901, Ngài được Tổ cho lễ Sư tổ Phổ Tụ – Tế Xuyên tham học đạo thiền, ở đâu Ngài cũng được thầy mến bạn yêu, chuyên trì giới luật, nghiêm thân tiến đạo.
Năm 20 tuổi (Giáp Thìn – 1904), Ngài được nghiệp sư cho đăng đàn cầu Đại giới tại Tổ đình Tế Xuyên ngày 15 tháng 2, theo học đắc pháp nơi tổ Phổ Tụ (đệ tam Tổ chùa Bảo Khám, làng Tế Xuyên) với pháp danh Thông Đoan. Trải qua năm năm nương thừa học đạo, Ngài không rời Thầy nửa bước.
Năm Bính Thìn (1916) mở rộng tầm hiểu, Ngài xin phép Tổ Tế Xuyên du tích tham phương học đạo nơi Tổ Thanh Hanh (Thiền Gia Pháp Chủ Phật Giáo Bắc Kỳ) trải qua 10 Hạ tại chốn Tổ Vĩnh Nghiêm.
Năm Bính Dần (1926) Tổ Phổ Tụ thị tịch, Ngài từ biệt thầy bạn trở về Tế Xuyên thụ tang, đền đáp công ơn giáo dưỡng giới thân tuệ mệnh của Tôn sư.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài nhận lời thỉnh cầu của nhân dân làng Thượng Nông (huyện Lý Nhân, Hà Nam) trụ trì chùa Bảo Khám-Tế Xuyên, trùng tu Bảo điện, Tổ đường nhất nhất trang nghiêm, thiện tín quy y, Tăng Ni cầu pháp tham học vài trăm người.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài giao chùa cho trưởng tử trụ trì, còn Ngài đến trụ trì và xây dựng chùa Bà Hướng (thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Năm sau Tân Mùi – 1931, Ngài cùng nhân dân người hằng tâm, kẻ hằng sản tôn tạo phạm vũ nguy gia tráng lệ như ngày nay (ngôi chùa vốn có từ đời Trần lợp lá, vách đất, với truyền thuyết mẹ con bà Hướng), đồ chúng tham học, kiết Hạ an cư trở thành nơi hội tụ Tăng sinh lớn nhất vùng Nam Xương quận Lý.
Ngài còn trùng tu các chùa: Vạn Thọ (1932); Điện Bàn (1936), Đô Quan (1942). Tuy Phật sự đa đoan nhưng công việc giáo dục Tăng Ni vẫn được Ngài duy trì, ngoài ra còn phụ tá Hòa thượng Doãn Hài (Tổ Tế Cát) duy trì nề nếp Tổ đình Tế Xuyên, mở Hạ an cư hàng năm cho Tăng Ni sơn môn quy tụ. Ngài cũng là bạn đồng hàng tâm đắc với Hòa thượng Tuệ Tạng (Thượng thủ Tăng Già toàn quốc 1952) chung xây dựng Phật học Bắc kỳ. Tờ báo Đuốc Tuệ ra đời, Ngài đóng góp trí tuệ tài năng và vật lực duy trì tiếng nói của Bắc kỳ Phật giáo.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài là Trưởng phái đoàn Phật giáo đến yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội. Cũng năm này, Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam thành lập, Ngài được Hội suy tôn trong Ban Chứng Minh Đạo Sư. Đầu năm 1959, Hòa thượng Doãn Hài viên tịch, Ngài nhận lãnh trách nhiệm thống lãnh sơn môn, làm chủ các khóa Hạ tại Tổ đình Tế Xuyên, làm thầy Hòa thượng các giới đàn của tỉnh Hà Nam.
Giờ Thìn ngày mồng 10 tháng 5 năm Nhâm Dần (1962), sau 2 ngày thị bệnh, Hòa thượng an nhiên xả báo thân, trải qua 79 năm ứng tích Sa bà, 68 mùa kiết Hạ an cư.
Hòa thượng Thích Thiện Bản đã để lại cho môn đồ đệ tử và Tăng Ni hậu học đức tính khiêm cung, tinh thần hiếu học, cần mẫn, nhiệt tình trong mọi công việc. Suốt đời vì sự nghiệp đào tạo Tăng tài, mà kết quả đó thể hiện trong số các đệ tử: Hòa thượng Thích Tâm Tịch (Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam), Hòa thượng Trí Hải; Hòa thượng Tâm Nguyện; Hòa thượng Tâm Thông... Nếu có ai đó qua các ngôi già lam tự viện mà trong cuộc đời Ngài có tác phúc hưng công, dừng gót ngắm cảnh, chiêm ngưỡng Phật đài tham quan kiến trúc, tất cả có lẽ đều khâm phục tài năng kiến trúc nghệ thuật nơi Ngài, thể hiện tinh thần tận tụy đối với công việc phúc quả viên thành. Chính những thành quả đó đã tô thắm cho danh thắng địa phương, góp phần làm phong phú đa dạng nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, pháp danh Tâm Nguyện, tục danh là Đoàn Mễ, sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng An Truyền (tức làng Chuồn), quận Hòa Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế (cách thị xã Huế 10km về hướng Đông Nam).
Gia đình Ngài luôn được kính trọng trong xã hội, rất giàu có nhưng sống khiêm tốn hòa đồng nên được lòng những người chung làng. Ngay từ thời niên thiếu, Ngài đã sớm chuyên cần trong việc trau dồi kiến thức và đã bộc lộ tính chất thông minh qua các cách lý giải thời cuộc, nhận định thế thái nhân tình, khiến những vị khách của thân phụ Ngài trong những dịp đàm đạo, đối ẩm tại tư gia đều khâm phục. Do đó, Ngài được song thân hết sức thương yêu và luôn đặt để nhiều hy vọng mai hậu.
Năm Kỷ Dậu (1909), Ngài phải vâng lời song thân thành lập gia đình khi vừa tròn 18 tuổi. Được vun đắp và thừa hưởng hạnh phúc trong niềm tin tưởng vô biên của một gia đình có truyền thống thuần thành Phật đạo, các người con của Ngài sau này cũng nương thừa phước báu ấy, sống hữu ích cho đời, cho đạo một cách tích cực.
Năm Canh Ngọ (1930), nhận thấy các con đều đã lớn khôn, sau khi sắp đặt các mối liên hệ gia đình đầy đủ và ổn thỏa, Ngài liền đến chùa Tường Vân tại làng Dương Xuân Thượng cầu xin xuất gia với Hòa thượng Tịnh Khiết, được ban pháp danh là Tâm Nguyện, pháp hiệu Tiêu Diêu. Năm đó Ngài ba mươi chín tuổi.
Thời điểm này, việc chấn hưng Phật giáo phát triển khắp ba miền đất nước, tạo thành một phong trào học Phật rầm rộ sau hằng bao năm dài mờ nhạt tiềm tàng bởi thực dân đô hộ.Vì Ngài xuất gia muộn và đã có gia thế riêng nên Hòa thượng Bổn sư đặt pháp danh cho Ngài là “Tâm Nguyện”, đồng thời chấp thuận ước nguyện tự lực phấn đấu tu học, cho đến nào khi tự thân Ngài cảm thấy xứng đáng với tư cách một Tỳ kheo mới xin thọ giới. Đó là phong cách rất đáng trân trọng nơi Ngài.
Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới. Để có thời gian tu học, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư cho lên một nơi thanh vắng ở ngọn đồi sau vườn chùa Châu Lâm, dựng một am tranh nhỏ để tiện nhập thất tu niệm.
Ngài chọn nếp sống khổ hạnh thiểu dục tri túc, mỗi hai ngày mới dùng một bữa ngọ. Ngài không ngại gian lao, thường xuyên theo dự học tại các trường Phật học Tây Thiên, Linh Quang...
Năm Quý Mão (1963), năm mà tất cả những người lương thiện còn chút lòng tự tôn dân tộc và Phật tử thiết tha với đạo pháp đều không thể đứng ngoài cuộc, Ngài quyết định đến chùa Từ Đàm, là trung tâm lãnh đạo phong trào Phật giáo ở Huế để tiện việc dấn thân, tranh đấu cho 5 nguyện vọng Phật giáo đồ Việt Nam. Không một cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực hay cầu an cầu siêu nào cho cuộc đấu tranh và cho những người hy sinh vì đạo pháp mà Ngài không có mặt. Người dân cố đô Huế luôn thấy hình ảnh vị Sư già yếu ấy, có mặt trước tiên và bền bĩ ở khắp mọi nơi có làn sóng biểu thị.
Ngài không quên mình là đệ tử của Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và là đương kim Lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, người đã luôn tích cực dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió, chẳng quản tuổi cao sức yếu. Tấm gương đó không chỉ để Ngài tự hào, mà phải nghĩ đến việc tự thân phải làm sao cho xứng đáng một người đệ tử của bậc cao Tăng khả kính ấy. Đó vừa là cách báo đáp công ơn tiếp độ, vừa thể hiện trách nhiệm người tu sĩ trước vận mệnh tối đen của đạo pháp, dân tộc.
Tình trạng đàn áp Phật giáo đồ khắp mọi nơi của chính quyền Ngô Đình Diệm đã không ngừng mà còn gia tăng khốc liệt. Những tin tức chẳng lành từ khắp nơi liên tiếp đưa về khiến lòng Ngài càng thêm đau buồn lo ngại. Đặc biệt, ngọn lửa hùng lực dũng trí của Hòa thượng Quảng Đức (11.6.1963), tiếp đến là của Đại đức Nguyên Hương (04.8.1963), Đại đức Thanh Tuệ (13.8.1963), Ni cô Diệu Quang (15.8.1963) đã làm chấn động lương tri khắp cả nhân loại yêu công lý, tự do và bình đẳng. Nhưng chỉ riêng gia đình nhà Ngô là vẫn tiếp tục điên cuồng nhắm đến một kế hoạch lớn là thủ tiêu Phật giáo. Thông tư mang tính nhân bản và từ bi của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ngày 14.8.1963 nhằm “kêu gọi Tăng Ni hạn chế tự thiêu cúng dường Tam bảo” vẫn chưa đủ sức hạn chế sự căm phẫn, xót xa của hàng triệu Tăng tín đồ khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, bản thông cáo chung giữa chính quyền và Phật giáo ký kết ngày 26.6.1963 mà người hạ bút ký vào đó không ai khác hơn là Ngô Đình Diệm, nhưng Diệm đã phản bội bản thông cáo chung đó, khiến Phật giáo đồ Việt Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh.
Trong những tháng ngày tuyệt thực, đấu tranh, biểu tình, xuống đường và cả những khi bị bắt bớ giam cầm, Ngài luôn nghĩ phải tìm ra một phương cách phản kháng mạnh mẽ nhất: tự thiêu thân để bày tỏ sự phản kháng của mình, hy vọng làm bừng tỉnh lương tâm những kẻ chủ trương kỳ thị và đàn áp Phật giáo.
Ngày 16 tháng 8 năm 1963, lúc 4 giờ sáng, ngay tại sân chùa Từ Đàm, nơi lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Trung, Ngài tự châm ngọn lửa thiêu đốt thân mình, để soi sáng vô minh và nhắn nhủ hậu sinh về sự kiên cường bất khuất, dũng lực trong mọi nghịch chướng.
Ngài trụ thế 71 tuổi đời, với 32 tuổi đạo, để lại lịch sử đấu tranh của Phật giáo nét son vĩnh cửu của một bậc Vị pháp thiêu thân hiến dâng cho sự nghiệp chung.
---o0o---
Đại đức Thích Quảng Hương, pháp danh Nguyên Diệu, pháp hiệu Bảo Châu, nối pháp dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh Nguyễn Ngọc Kỳ, sinh ngày 28 tháng 7 năm Bính Dần – 1926 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống tu Phật rất thuần thành. Nhờ thế, ngay từ thuở niên thiếu, đã sớm được sống trong sự yêu thương, đùm bọc bởi niềm tin Phật đà cao đẹp đó. Làng xóm quanh vùng cũng qua đó mà quý trọng và xem gia đình Ngài như một mẫu mực tốt để phấn đấu giáo dục con em của mình.
Năm Canh Thìn (1940) càng thuận duyên hơn khi người anh ruột của Ngài được song thân cho xuất gia. Dù mới 14 tuổi, thế nhưng, Ngài đã tỏ quyết tâm mai này sẽ nối gót người anh, nương nhờ phước lực gia đình để tìm cầu Phật đạo, Ngài đã tự cho rằng ngay giai đoạn này mình đã là một vị “xuất gia” chưa mặc áo thiền gia. Điều đó nói lên cách sống thuần thục đạo hạnh mà các kỳ trai giới, các buổi thọ Bát Quan Trai luôn được Ngài tích cực tham dự và giữ gìn nghiêm nhặt.
Song hành với lối sống đó, Ngài còn có duyên trong các công việc từ thiện địa phương, luôn đi đầu ở những nơi hiểm nghèo, khát vọng tình tương thân tương ái. Ngài còn kiêm luôn những công việc của một vị xuất gia là tổ chức, điều hành các Ban Hộ Niệm từ thôn ấp đến tận quận xa; quy tụ rất đông các thanh thiếu niên tham gia tụng niệm và hộ niệm.
Năm Quý Mùi (1943), nhận thấy cơ duyên hộ pháp, thực thi công hạnh qua giai đoạn của một cư sĩ Phật tử đã đạt nhiều thành tựu và đã có các đạo hữu khác kế thừa; ngày 26 tháng 5 năm 1943, Ngài quyết định đến cầu xuất gia với Hòa thượng Minh Lý, trụ trì chùa Quang Sơn, thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được Hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Diệu ().
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài hiệp lực cùng năm vị Đại đức khác thành lập Chi hội Phật học tại thôn An Đức, xã An Thành, huyện Tuy An (). Đây là một địa phương Phật học phát triển chậm nhất trong tỉnh Phú Yên thời bấy giờ và nhờ uy tín vang rộng khiến chư Tăng, Phật tử tại đây phải tìm đến tài tổ chức khéo léo của Ngài.
Năm Kỷ Sửu (1949), lúc 23 tuổi, Ngài cầu pháp và thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Liên Tôn, kế vị trụ trì chùa Quang Sơn, được ban pháp tự là Quảng Hương, hiệu Bảo Châu. Cùng năm ấy, sau khi thọ Cụ túc giới không lâu, Ngài lại được nhận chức Thư ký chi hội Phật học xã An Hiệp.
Năm Canh Dần (1950), do phải điều hành cùng lúc nhiều nhiệm vụ và di chuyển liên tục để trực tiếp điều hành tổ chức, sức khỏe Ngài có chiều hướng suy kiệt trầm trọng. Vì thế, Ngài được khuyến cáo của chư Sơn và Phật tử ân cần khuyên nhủ nên có thời gian tịnh dưỡng để sớm phục hồi sức lực, hầu có điều kiện tiếp tục đạo pháp lâu dài. Sau khi sắp đặt bàn giao các chức trách, Ngài đến Phan Thiết để chữa bệnh.
Tháng 8 năm 1950, tuy chưa bình phục hoàn toàn nhưng Ngài vẫn lo ngại tri thức Phật pháp chưa cao để hy vọng đảm đương các trọng trách mai sau, nên Ngài xin nhập học tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Từ cơ duyên này, sở học Phật pháp của Ngài càng được nâng cao một cách nhanh chóng.
Từ đó, Ngài lại chuyên tâm học tập trở thành một giảng sư và đạt nhiều thành tựu đáng kể, được khắp nơi biết đến. Đó là khoảng thời gian sau chấn hưng, Phật giáo phát triển rất cần nhiều vị pháp sư tài giỏi cả về đức lẫn trí, có tinh thần phóng khoáng và phù hợp; Ngài đã đáp ứng được các tiêu điểm trên một cách rất xuất sắc.
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ – Giám Viện Phật học viện Nha Trang tin tưởng tiến cử làm Giảng sư chuyên trách cho Tỉnh hội Phật giáo Đà Lạt. Như vậy thuận duyên hoằng pháp của Ngài đã mở ra chân trời thành tựu to lớn.
Năm Tân Sửu (1961), Ngài được Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử trụ trì chùa Khải Đoan và kiêm nhiệm Giảng sư tại Tỉnh hội Phật giáo Ban Mê Thuột. Trách nhiệm nặng thêm, nhưng Ngài vẫn tỏ ra vững chãi ý chí, không ngừng vun bồi thêm đạo hạnh. Nhờ vậy hầu hết cư dân Phật tử nơi này càng thêm tin yêu, quý trọng Ngài.
Năm Quý Mão (1963), những tưởng từ nơi trú xứ này sẽ giúp Ngài đạt nhiều thành tựu mới trong việc phục vụ chánh pháp; thế nhưng một đại nạn đã xảy ra với Phật giáo Việt Nam, bởi chánh quyền Ngô Đình Diệm muốn triệt tiêu Phật giáo và loại trừ luôn ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi xã hội Việt Nam – một hành động phi nhân đạo. Họ đã thực hiện với nhiều thủ đoạn từ đe dọa rồi đến cả khủng bố: máu đã đổ, lửa căm hờn đã ngùn ngụt liên tiếp bùng lên, một người như Ngài không thể làm ngơ hay phó mặc sự đời xoay chuyển.
Đã có 5 ngọn lửa đấu tranh chân chính đó được thắp lên bằng chính máu xương của những người con Phật, vốn luôn mong cầu hạnh từ bi và cứu khổ giúp người. Thế nhưng với tham vọng thiển cận, hẹp hòi, u tối, chính quyền Ngô Đình Diệm càng ngoảnh mặt xem thường tất cả, để rồi điên cuồng thực hiện kế hoạch triệt tiêu Phật giáo đồ Việt Nam bằng chiến dịch “nước lũ” vào đêm 20.8.1963, tấn công, phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ và thủ tiêu nhiều vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo.
Sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Văn Mẫu trong nội các của Ngô Đình Diệm xuống tóc, từ chức để phản đối chính quyền ngày 21.8.1963; rồi Đại sứ Trần Văn Chương tại Mỹ do quá xấu hổ về hành vi con gái ông là Trần Lệ Xuân chủ động cùng Diệm – Nhu xúc phạm nghiêm trọng đến Phật giáo, đã lên tiếng “từ con”, bị Diệm-Nhu cách chức ngày 22.8.1963.
Trở về nước, ông Trần Văn Chương và giáo sư Vũ Văn Mẫu đứng ra trực tiếp ủng hộ phong trào sinh viên, học sinh vùng lên chống đối Diệm – Nhu. Trước tiên là thành lập và ra tuyên ngôn đấu tranh của Đại học Y Khoa ngày 23.8.1963 rồi đến các trường Trung học như: Chu Văn An, Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản, Gia Long, Trưng Vương v.v... Ngay cả các trường Pháp như Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Kỹ thuật Cao Thắng, Mỹ thuật Gia Định... cũng nhất tề phản đối và đứng về phía Phật giáo để ủng hộ công cuộc đấu tranh.
Khi nữ sinh viên Quách Thị Trang bị bắn chết trước chợ Bến Thành ngày 25.8.1963 thì làn sóng bãi thị, lãng công càng bùng lên dữ dội và như vậy, Phật giáo đấu tranh cho nguyện vọng bình đẳng tự do lại hóa thành cuộc cách mạng lớn, không còn của riêng ai trước sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Đó là một phần cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ Việt Nam diễn ra tại Sài Gòn khi Ngài đang có mặt tại đây. Sự cảm khái chen lẫn chua xót, bùi ngùi đã dấy lên trong lòng Ngài nhiều trăn trở, thầm mong đóng góp chút phần mình cho Phật giáo trong những tháng ngày tang thương biến động ấy.
Tuy nhiên, ước nguyện dấn thân giúp ích đạo pháp chỉ dừng lại ở việc tham gia các cuộc tuyệt thực, biểu tình chống đối. Trò hề: “bi kịch một mình” của hồi hai cảnh hai, với tên gọi là “Ủy ban Liên hiệp Thuần túy Phật giáo” mà đạo diễn không ai khác hơn là Ngô Đình Nhu. Ngài cảm thấy xấu hổ cho những việc làm đó của họ, trong khi một em nữ sinh 15 tuổi hồn nhiên là Quách Thị Trang mà còn biết xả thân đối mặt với u minh ma chướng trước ánh mặt trời đô thị, góp vào xương máu chung để bảo vệ chân lý Phật giáo.
Do tình hình lúc này các nhà lãnh đạo Phật giáo bị bắt hầu hết, nhưng khắp mọi nơi làn sóng đấu tranh bất bạo động vẫn tiếp tục dâng cao, bởi Phật giáo không còn con đường lựa chọn nào khác. Vì vậy, nỗi lo của Ngài càng lớn hơn thêm lên và tự nhủ phải làm sao nhanh chóng tiếp tục đánh động lương tâm thế giới, góp phần nhỏ vào nỗi đau của đạo pháp và sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam.
Ngày 20.9.1963, khối Á-Phi đưa vấn đề “kỳ thị, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam” ra trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc, song đó mới chỉ là bàn luận, việc thực hiện hãy còn xa. Trong thời gian ấy, biết bao đau thương bất công nữa sẽ còn phủ chụp lên Phật giáo Việt Nam. Thêm vào nữa là thái độ bưng bít mọi thông tin của Ngô quyền càng thêm trầm thống. Do đó Ngài quyết định tự thiêu, vừa để thúc hối, báo động cho Liên hiệp quốc, vừa là để cho ngọn lửa đấu tranh tiếp tục bừng sáng thêm ý chí quyết tâm.
Ngày 5.10.1963, dù chưa rõ Liên hiệp quốc có còn tích cực quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam nữa hay không, nhưng Ngài tin rằng nhất định việc làm của Ngài sẽ góp phần tác động không nhỏ vào tình thế đó. Sau khi để lại huyết thư gởi Tổng thống Diệm và gởi cho toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam với nội dung “đấu tranh cho đến cùng, khi nào quyền tự do căn bản được tôn trọng mới thôi”. Vào lúc 12 giờ 5 phút cùng ngày, Ngài đến trước chợ Bến Thành, nơi mà không bao lâu trước đó, nữ sinh Quách Thị Trang đã ngã xuống trước viên đạn ác nghiệt bạo quyền, tự châm lên ngọn lửa đốt cháy thân mình, thành ngọn lửa thứ 6 của dũng lực, hy sinh thân tứ đại giả hợp này để thành tựu tinh thần bất diệt của hạnh Bồ Tát.
Năm đó, Ngài hưởng 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo, giới lạp trải 14 mùa Hạ.
---o0o---
Đại đức Thích Nguyên Hương, pháp hiệu Đức Phong, thế danh là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm Canh Thìn (1940) tại làng Long Tĩnh, xã Liên Hương, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết), thân phụ là ông Huỳnh Thân, thân mẫu là bà Trương Thị Sang. Ngài là người con duy nhất của ông bà.
Làng quê nơi Ngài chào đời và lớn lên thuộc vùng rừng núi, đời sống của hầu hết bà con nơi đây chỉ dựa vào một ít ruộng khô hạn quanh năm, còn lại thì làm những nghề khác như nung gạch, ngói hoặc các nghề thủ công gia truyền lạc hậu khác; số còn lại thì làm thuê kiếm cơm độ nhật. Gia đình Ngài cũng không ngoài thực trạng chung ấy. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nơi đây thiếu vắng nếp sống cao đẹp, trái lại biết bao là sự hoan lạc, hòa ái, tương thân, nhờ vào khả năng thích nghi với Phật đạo, tạo nên truyền thống tốt đẹp tự bao đời. Nhờ vậy mà cuộc sống vật chất tuy khó khăn, chật vật nhưng vẫn có được niềm tin son sắt và biết nhìn thực tại trong tinh thần lạc quan yêu đời của người dân Long Tĩnh, trong đó có Ngài và song thân.
Gia đình Ngài thừa hưởng một thuận duyên rất lớn là được ở cạnh một ngôi chùa làng thân yêu, do đó ngay từ lúc vừa chập chững bước đi đã được song thân dìu những bước chân đầu đời vào nẽo đạo, nhờ vậy chất đạo thanh thoát ấy đã sớm ươm mầm nhuần thấm và phát triển rực rỡ mai sau.
Năm Bính Tuất (1946), Ngài được song thân nhất trí cho xuất gia làm một chú tiểu hầu thầy khi vừa tròn sáu tuổi, được Hòa thượng Quang Chí, tọa chủ chùa Linh Bửu trong làng, được đặt pháp danh Nguyên Hương.
Cho đến năm Nhâm Thìn (1952), Ngài mới thọ ngũ giới. Từ đó, Ngài chuyên tâm công phu, dốc lòng phụng sự Tam bảo. Thấy người đệ tử có tâm tu, Bổn sư cho theo tập sự hầu hạ chư Tăng an cư tại chùa Linh Quang, trụ sở Giáo Hội Tăng Già ở Huế. Và cứ thế, mỗi năm mùa Hạ lại về, Ngài lại được cơ duyên tập sự tại chùa Phật Quang, Phan Thiết.
Năm Mậu Tuất (1958) 18 tuổi, sau bao năm tháng học hạnh thiền môn, Ngài được Bổn sư cho đến cầu pháp thọ Sa di giới với Hòa thượng Viên Trí tọa chủ chùa Bửu Tích, quận Hòa Đa, Phan Rí Thành. Từ đây cuộc đời tu học của Ngài đều y chỉ vào Bổn sư truyền giới, để chuẩn bị cho giai đoạn được dự vào hàng Thích tử sau này.
Năm Canh Tý (1960) khi vừa tròn 20 tuổi Ngài được thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Bửu Tích và được Bổn sư truyền thụ ban pháp hiệu là Đức Phong.
Qua từng giai đoạn, kể từ lúc bước vào cuộc sống thiền gia, Ngài đã được Bổn sư giáo dưỡng, vừa chu toàn kiến thức Phật học, vừa hoàn tất các chương trình phổ thông thế học. Từ đó, Hòa thượng Bổn sư an tâm cho Ngài thực hiện bước vân du học đạo nơi chư tôn đức gần xa. Ngài đã xuôi đến các vùng đất phía Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Trong lúc này, Ngài đã nhìn thấy chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay đàn áp Phật giáo, các phong trào chống đối sự kỳ thị tôn giáo của Diệm khắp nơi nổi lên. Là một tu sĩ Phật giáo, Ngài không khỏi chạnh lòng, bàng hoàng và đau xót, vội quay trở về quê nhà Phan Thiết và đảm nhiệm trụ trì chùa Bửu Tạng.
Năm Quý Mão (1963) khi bao dự án tái thiết và lập chương trình tu học cho Phật tử nơi chùa Bửu Tạng chưa kịp hoàn thành, thì ngày 11.6 ngọn lửa thiêu thân của Hòa thượng Quảng Đức đã thổi bùng, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, nung thêm khí thế của Tăng tín đồ vốn đã từng sôi sục ý chí đấu tranh để bảo vệ chánh pháp. Trong chiều sâu tâm khảm kiếp nhân sinh, đó còn là một ai tín, gây sửng sốt không riêng gì hàng triệu Phật giáo đồ Việt Nam, mà còn cảm động loài người khắp năm châu.
Sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức đã đánh thức lương tri nhân loại và hai từ “Phật Giáo” dù đối với các thế lực chính trị chưa hoặc còn lờ mờ về tôn giáo này, phải được minh định vị trí và tôn trọng. Chính Tổng thống Hoa Kỳ J.Kennedy trước buổi họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngay sau sự kiện Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, đã hỏi một câu rất ngây thơ nhưng cũng không kém phần chua xót rằng “Phật giáo là cái gì?”. Rõ ràng các tập đoàn lãnh đạo Pháp, Mỹ đến xâm lược nước Việt Nam họ rất xem thường hoặc chẳng cần biết đến Phật giáo, một tôn giáo lớn vốn gắn liền như xương với thịt, như máu với linh hồn của dân tộc Việt Nam.
Với Ngài, sự kiện đó vừa làm tăng nỗi đau vừa như dung nạp thêm bao điều bức xúc đã dồn nén bấy lâu. Ngay tại ngôi chùa Ngài đang trụ trì ngày 30.5.1963, đáp ứng lời kêu gọi đấu tranh của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, tổ chức lễ cầu siêu cho Phật tử bị tàn sát tại Huế ngày 8.5.1963, việc này đã bị chính quyền tỉnh Bình Thuận buộc phải giải tán, đe dọa mọi người và bản thân Ngài bị gán cho tội manh động.
Hệ quả đã trở thành thảm trạng: sự lo sợ vu vơ cứ đè nặng trong đầu những người Phật tử chơn chất chân quê; không còn ai dám đến chùa, bàn thờ tổ tiên, thờ Phật ở gia đình cũng phải vội xếp cất! Một số Phật tử có tâm huyết thì gạt nước mắt tạ từ Ngài, giã biệt quê hương; lớp tránh bắt đi cải huấn, lớp tránh bị vu cáo “tay sai cộng sản”; lớp tìm vào Sài Gòn trực tiếp hòa nhập công cuộc đấu tranh sâu rộng hơn.
Riêng Ngài, cũng đã định sẵn cho mình một hình thức đấu tranh, hình thức đó vẫn còn trong ý niệm nếu bản thông cáo giữa Phật giáo và chính quyền không bị biến thành kế hoãn binh của Ngô Đình Diệm, để rồi tiếp theo sau đó là từng bước phản bội, đàn áp. Trong ba vùng Phan Rang – Phan Rí – Phan Thiết những ngày ấy các ngôi chùa trở nên hoang vắng, thê lương. Những đêm vắng tiếng chuông chùa, vắng thời khóa và người qua lại, Ngài thường ngồi bên ngọn đèn dầu lạc cháy leo lét, tâm tư luôn đè nặng bao tấm lòng thiết tha với vận mệnh đạo pháp. Ngài đôi lần đắp y lên chánh điện lễ Phật rồi đi xuống, không đánh một tiếng chuông, thậm chí không một bước đi mạnh, bởi mật vụ lãng vãng chung quanh, chờ có sơ hở để phục bắt Ngài.
Tất cả những diễn biến trên xảy ra chưa đầy sáu tháng của năm 1963, đã đưa Phật giáo Việt Nam đến bước phải khẳng định thế đứng của mình. Thế mà vẫn chưa đủ để Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lúc bấy giờ là Nolting báo cáo về Ngũ Giác Đài với ý đồ xuyên tạc, đánh lừa dư luận và có vẻ khinh thường nỗ lực đấu tranh của Phật giáo Việt Nam, nên ngày 01.8.1963 Hòa thượng Hội chủ gởi Tổng thống Hoa Kỳ một điện văn phản đối về hành động này một cách quyết liệt nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ngài quyết định thực hiện ý nguyện thiêu thân, để chứng tỏ với thế giới rằng ở miền Nam Trung bộ lửa đấu tranh đã bùng cháy. Vấn đề còn lại là chọn ngày giờ và thời điểm, để thực hành chí nguyện tha thiết đó.
Ngày 2 tháng 8 năm 1963, Ngài nhận được tin chư tôn đức khắp nơi và ngay cả Phật tử ở Bình Thuận bị bắt bớ, Ngài cùng Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận quyết định tổ chức cuộc tuyệt thực với quy mô lớn tại chùa Tỉnh hội từ 12 giờ trưa ngày 3 tháng 8 đến 12 giờ trưa ngày hôm sau.
Vào 12 giờ trưa ngày 4 tháng 8 năm 1963 (đúng ngày Rằm tháng 6 Âm lịch), Ngài lặng lẽ một mình tay xách thùng xăng 4 lít, tay mang y thất điều, tiến về Đài Chiến Sĩ đối diện với Tòa tỉnh trưởng Bình Thuận (Phan Thiết) ngồi xuống trong tư thế kiết già sau khi đắp y hậu và quyết ấn, tự đổ xăng và châm lửa. Chỉ trong chốc lát vẫn tư thế kiết già bất động, ngọn lửa đã bùng cao thẳng đứng khi trời trong xanh lặng gió, để làm một chân lý bất diệt: soi sáng u minh.
Ngài đã để lại bức trần tình thư đầy tâm huyết với đạo, với đời thiết tha gửi cho toàn thể Phật giáo đồ:
“Tôi, một chú tiểu quét lá đa nhà chùa, cảm thấy cái trách nhiệm mình đã đến không thể ngồi yên nhìn đạo pháp suy tàn, lý tưởng thiêng liêng bị dày xéo, nên đã phát nguyện tự thiêu thân giả tạm này cho cúng dường mười phương chư Phật, nguyện cầu bản Thông cáo chung được chính phủ thực thi một cách trọn vẹn”.
Năm ấy Ngài vừa đúng 23 tuổi, một tuổi Hạ, 15 tuổi đạo. Xúc động trước sự hy sinh cao cả của Ngài, một thi nhân đã cảm tác:
Trong tìm dân tộc đá vàng
Thiên thu kỷ niệm chưa tàn NGUYÊN HƯƠNG
(Mật Hạnh)
---o0o---
Thầy Thích Thanh Tuệ, tục danh Bùi Huy Chương, sinh năm Bính Tuất 1946, tại thôn Ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thân phụ là ông Bùi Dư, thân mẫu là bà Hoàng Thị Phúc. Ngài là người con thứ tư trong năm anh chị em (2 chị gái, anh trai, Ngài và em út).
Gia đình Ngài thuộc tầng lớp trung nông, có truyền thống tin Phật nhiều đời và hầu hết anh chị em đều được giáo dục cả về mặt trí và đức nên rất được lòng bà con thôn xóm. Những ngày sóc-vọng hoặc các ngày lễ lớn, cả gia đình đều trì trai giới và đi lễ chùa thường xuyên. Do vậy mà anh em Ngài đều sớm có được niềm tin Phật pháp trong sáng, luôn sống hòa thuận, nhường nhịn nhau, trở nên một gia đình gương mẫu về ý nghĩa Phật đạo lẫn xã hội.
Năm Ất Mùi (1955), thân mẫu Ngài qua đời sau cơn bạo bệnh, vốn là một gia đình gương mẫu và vì tình thương dành cho các con nên thân phụ Ngài quyết ở vậy, tiếp tục nuôi dạy các con cho đến khi khôn lớn, gánh nặng lao động đều được anh chị em Ngài tự nguyện chia đều, hầu nhẹ bớt phần lao nhọc của thân phụ. Nhưng không vì vậy mà sức học của Ngài suy giảm. Ngược lại càng tinh tấn thêm hơn do bởi lòng hiếu thảo dành cho thân phụ.
Thời niên thiếu của Ngài tuy cơ hàn nhưng cũng hưởng đầy đủ niềm vui hồn nhiên cùng các bạn đồng lứa, những niềm vui ấy còn là hành trang để mang đi theo suốt cả một đời người. Những buổi trưa hè, Ngài cùng chúng bạn đến chùa học bài, vừa là tiếp cận với Phật pháp bằng những thắc mắc của tuổi hoa niên; nhờ đó lại được thêm các nguồn tình cảm từ nơi quý thầy. Với phụ thân Ngài, đó là những thú vui, những mối giao lưu rất bổ ích, không thể thiếu mà với tâm lành của một người Phật tử, phụ thân Ngài luôn lấy làm hoan hỷ. Từ đó, những dịp cuối tuần hay nghỉ hè, Ngài thường theo thân phụ hoặc các anh chị em vô Huế thường xuyên, vừa để thăm thú các ngôi già lam cổ kính, cũng vừa tìm lại các chú Sa di ngày nào ở thôn làng giờ đã được tu học tại đây. Nhờ đó giữa Huế và làng thôn Quảng Trị chẳng còn cách bao xa.
Năm Canh Tý (1960), với một gia đình như thế, việc đồng ý cho các người con xuất gia đối với thân phụ Ngài quả là điều nan giải, bởi hầu hết ai cũng đều muốn là người trước tiên được vinh dự làm việc ấy. Nhưng với lòng mộ đạo thiết tha tràn đầy, cộng vào tư chất thông minh, cả quyết của Ngài đã chiếm được lòng tin của thân phụ; khiến phụ thân Ngài không còn đắn đo, nhất trí cho Ngài xuất gia học đạo tại chùa Phước Duyên, thôn Hưng Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (gần chùa Linh Mụ – Huế). Năm ấy Ngài vừa tròn 15 tuổi đời, được Bổn sư đặt pháp danh là Thanh Tuệ.
Đạt chí nguyện lớn, lại được ở gần các mối quan hệ đạo tình được vun trồng xưa nay và lại là nơi xứ Huế. Ngài dốc lòng trau dồi kiến thức Phật học lẫn văn hóa phổ thông, nên luôn chiếm được lòng tin yêu của thầy, bạn và các Phật tử lân cận, nhờ đó việc học hành mỗi ngày thêm tinh tấn vượt trội rõ rệt.
Tuy việc tu học và thời khóa chấp tác công phu luôn bận rộn đêm ngày, nhưng với tấm lòng hiếu thảo vô hạn, hằng năm, cứ đến ngày giỗ mẹ, dẫu bận bịu thế nào, Ngài cũng về quê Hải Lăng để trực tiếp tụng kinh cầu siêu cho thân mẫu quá cố. Những dịp như thế, gia đình Ngài trở thành ngày hội với những lời giảng giải Phật pháp bằng nhận thức riêng của Ngài, trước bà con thân quyến và chòm xóm có mặt. Nhiều lúc cha, anh và người thân còn tỏ ý muốn Ngài về nhiều hơn để được nghe con mình, nhìn người thân tiến bộ và kiến giải đạo lý. Có lần Ngài nói một câu tưởng như đùa mà mãi đến sau này đó lại là lời khẳng định rất thật: “Khi con không về nữa, Cậu và các anh chị, bà con chòm xóm đừng buồn, vì như thế có nghĩa là con đã thực sự đi vào nẽo đạo...”.
Năm Quý Mão (1963) tháng 5, Ngài thi đỗ bằng Trung học Đệ nhất cấp, chưa kịp chuẩn bị cho hành trang bước tiếp con đường mở mang kiến thức phổ thông, thì tiếng xích xe tăng và lựu đạn nổ báo hiệu cơn đại họa cho Phật giáo Việt Nam xảy ra: Pháp nạn! Ngài là một trong hàng ngàn dân Huế đầu tiên chứng kiến cảnh chính quyền triệt hạ cờ Phật giáo vào ngày 07.5.1963, để rồi đích thân Ngài có mặt tại Đài phát thanh Huế ở đầu cầu Tràng Tiền lúc 21 giờ 30 ngày 08.5.1963, chứng kiến hành động dã man của cảnh sát, quân cảnh, hiến binh, lực lượng xe thiết giáp, vòi rồng của chính quyền Diệm, ra sức tàn sát những người vốn thờ phụng và thực thi giáo lý từ bi của đức Phật trong tay không một tấc sắt. Ngài chạy thoát được cuộc tàn sát kinh hoàng ấy nhưng cũng kịp ghi vào tâm khảm hình ảnh 8 em oanh vũ gia đình Phật tử ngã gục dưới làn đạn, 4 người khác oằn oại dưới xích xe tăng. Họ chỉ có “cái tội” là đến để đón nghe giờ phát thanh Phật Đản, không biểu tình, không bạo động.
Chư tôn đức Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã từ đó tuyên cáo, đòi hỏi thực thi 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo Việt Nam ban hành ngày 10.5.1963, để rồi ngày 30-5 lại chính thức kêu gọi Tăng tín đồ cả nước hiệp lực đấu tranh, bảo tồn Phật giáo, bởi máu đã đổ, thịt đã nát, xương đã thực sự rơi! Ngày 4 tháng 6 năm 1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo được thành lập. Ngày 11.6.1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn. Như vậy tình thế đã lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng và mặc dầu ngày 17.6.1963 đã có thông cáo chung giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng tội ác của Diệm vẫn lan tràn và khốc liệt rõ nét kỳ thị.
Đến thời điểm này, tình hình tranh đấu của Phật giáo đã diễn ra đều khắp các tỉnh thành. Bàn thờ Phật tại gia còn phải đem giấu huống là hình thức một Tăng sĩ dễ bị theo dõi, gây khó dễ đủ điều và dĩ nhiên thân nhân họ ở gia đình càng là điểm đàn áp cụ thể nữa. Gia đình Ngài là một trong vô vàn nạn nhân ấy, thân phụ Ngài gởi thư tay khuyên Ngài chớ nên về quê vì gia đình đêm ngày bị cảnh sát mật vụ tra hỏi liên tục. Vốn cá tính mạnh mẽ nhưng Ngài không khỏi thốt lên “Phật giáo làm nên tội tình gì?”. Như vậy pháp nạn không chỉ bổ ập vào ngôi chùa, vào quý Tăng sĩ mà đã lan tràn đến từng gia đình, từng ngõ ngách làng thôn quy ngưỡng Phật đạo.
Ngày 04.8.1963 (nhằm ngày Rằm tháng 6 Âm lịch), với bản tính thiết tha yêu đạo, thương đời và một mực chí hiếu với gia đình, đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã, bức xúc như thế; Ngài quyết định về quê Hải Lăng vì ngày đó chính là ngày giỗ thân mẫu, để tận mắt chứng kiến những hư, thực. Kết quả thực tế đã minh chứng cho những thông tin Ngài từng nhận được là hoàn toàn không sai sót, càng tê tái đau lòng hơn khi thực tế ngày giỗ mẹ nhưng gia đình không dám bày cúng như mọi năm. Khi quay gót về chùa Ngài còn văng vẳng nghe tiếng khẩn thiết của phụ thân là chớ nên liều lĩnh về đây nữa! Đêm đó về lại chùa, Ngài lòng sửng sốt hơn khi nhận được tin: Đại đức Nguyên Hương vừa tự thiêu tại Phan Thiết trưa cùng ngày! Từ đó, hằng đêm Ngài thường suy tư và viết vào nhật ký mấy dòng bôi xóa rồi gạch dưới nhóm câu “Máu đã đổ từ Huế (vụ thảm sát đêm 08.5.1963 tại Huế) tràn đi khắp nơi, đến Sài Gòn bùng lên ngọn lửa (Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu ngày 11.6.1963), lửa đã lan tỏa ngược về Nam Trung bộ (Đại đức Nguyên Hương tự thiêu ngày 4.8.1963) và sẽ còn ai nữa tự nguyện thắp lên ngọn đuốc ấy tại nơi đây (Huế)? Là một Tăng sĩ tu học từ các chốn già lam đủ đầy kiến thức, ơn giáo dưỡng của thầy Tổ còn đây, mình phải làm sao?”.
Ngài đã tự trả lời điều đó lúc chưa đầy mười ngày sau, sau khi đã viết 4 bức thư để lại:
-Một gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
-Một gởi cho toàn thể Tăng Ni tín đồ Phật giáo Việt Nam.
-Một gởi cho thầy Bổn sư của Ngài.
-Một gởi cho thân phụ cùng thân quyến.
Như vậy, trước khi tuẫn đạo, Ngài không có một lời nào về mình, người không nghĩ đến mình; chỉ nghĩ lo cho người khác, cho những người còn sống. Đặc biệt về thân phụ, Ngài viết: “... Con chết đi, Cậu sẽ phải đương đầu với mọi đe dọa. Cậu đừng sợ, đừng xiêu lòng khi họ dùng nhiều mánh lới khác, mà Cậu phải hy sinh hoàn toàn cho Phật giáo, dù cho bản thân tứ đại của Cậu phải bị diệt vong...” Lời của Ngài, mặc dù viết cho thân phụ, nhưng cũng chính là viết cho toàn thể Phật giáo đồ chân chính.
Ngày 13 tháng 8 năm 1963, như để sáng ngọn lửa rực chiếu thấu tận cõi u minh. Ngài đã tự thiêu thân vào lúc 01 giờ khuya tại chùa Phước Duyên, thành phố Huế, tuổi đời 18 năm, với 3 tuổi đạo tràn đầy nhiệt huyết Thích tử từ bi.
---o0o---
Đại đức Thích Thiện Mỹ, thế danh là Hoàng Miều, sinh năm Canh Thìn 1940 tại Bình Định trong một gia đình nhiều đời sùng tín Phật đạo.
Ngài được song thân cho vào chùa làng xuất gia từ thuở bé thơ, theo chư Tăng hầu cận thị giả và học tập thời khóa thiền môn để mong khi lớn lên sẽ là bậc Như Lai sứ giả kế tục truyền đăng ánh sáng chánh pháp.
Năm Bính Thân 1956, khi đến tuổi 16, Ngài thọ giới Sa di tại chùa do Bổn sư truyền thụ. Sau khi thọ giới, Ngài được Bổn sư cho theo học tại các Phật học đường của Giáo hội tổ chức ở Tổ đình Thập Tháp và Long Khánh – Qui Nhơn.
Năm Canh Thân 1960, khi tuổi đời đủ 20, Ngài được Bổn sư cho thọ đại giới tại giới đàn chùa Bửu Tích ở Phan Rí Thành, Bình Thuận, do Hòa thượng Thích Viên Trí làm Đàn đầu truyền giới. Đồng khóa giới tử với Ngài là Đại đức Thích Nguyên Hương, cũng là một bậc Vị pháp thiêu thân trong cuộc pháp nạn 1963.
Sau khi thọ đại giới, Ngài bắt đầu du phương tham học hành đạo. Nhận thấy miền cao nguyên sơn cước Phật đạo còn sơ khai, Ngài chọn phương này làm nơi du hóa. Đầu tiên, Ngài ngược con đường từ Tây Sơn – Bình Định lên cao nguyên Đắc Lắc, rồi dần đến cao nguyên Lâm Viên và Ngài dừng chân tại thành phố Đà Lạt để tu học trau giồi Giới Định Tuệ và bước đầu hoằng hóa độ sanh.
Năm Quý Mão 1963, lúc này tại Sài Gòn, phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã lên đến cao trào. Những ngọn lửa thiêu thân thắp sáng vô minh để bảo vệ Phật giáo trước cường quyền của những vị Bồ Tát Quảng Đức, Thượng tọa Tiêu Diêu, Đại đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương... đã đánh thức lương tâm nhân loại.
Đầu tháng 7 năm 1963, trong cuộc đấu tranh đòi thực thi năm nguyện vọng Phật giáo của Tỉnh Giáo hội Tuyên Đức (Đà Lạt), Ngài đã tự chặt ngón tay trỏ trong một cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối chính quyền không thi hành đúng đắn bản thông cáo chung đã ký với Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo.
Ngày 7 tháng 10 năm 1963 tại New York, Đại hội đồng Liên hiệp quốc mở cuộc họp về tình hình Việt Nam. Một phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc gồm 7 người tới Sài Gòn vào ngày 24 tháng 10 năm 1963, mục đích tiếp xúc với Phật giáo để nắm rõ sự vi phạm của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo.
Bức xúc trước cuộc đấu tranh của toàn thể Tăng Ni Phật giáo đồ, Ngài từ thành phố Đà Lạt xuống Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm này, cư trú tại chùa Vạn Thọ – Tân Định để cùng chư tôn đức tham gia cuộc tranh đấu đang đến hồi quyết liệt trước sự quan tâm của thế giới, đang dần đi đến kết quả.
Ngày 27 tháng 10 năm 1963, phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc đã có cuộc tiếp xúc riêng với Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang. Ngài dự định tự thiêu trước chùa Ấn Quang để bằng hành động tỏ với phái đoàn điều tra tâm nguyện của Phật giáo đồ, nhưng vì chính quyền ngăn trở đề phòng, Ngài bèn chuyển bước âm thầm đến ngay trước Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn thực hiện ý định của mình. Vào lúc 10 giờ 30 sáng hôm đó, Ngài ngồi kiết già tự tẩm xăng, châm lên ngọn đuốc cúng dường Tam bảo, cầu nguyện Phật giáo đồ Việt Nam thoát khỏi pháp nạn.
Ngọn lửa thiêu thân của Ngài bùng cháy trước sự chứng kiến của đồng bào Công giáo trong Nhà thờ, đồng bào Phật tử ở gần đấy và các phóng viên ngoại quốc đã được thông tin trước. Họ đã quay phim chụp ảnh cảnh tượng này nhưng bị cảnh sát giật lấy đi. Khi bốn người phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc hay tin đến nơi, thì xe cứu hỏa vẫn còn đang xịt nước hầu xóa đi dấu tích của vụ tự thiêu. Trong khi đó, đồng bào đã tụ họp lại biến thành một cuộc biểu tình để phản đối chính quyền đã cố tình làm ngơ những nguyện vọng của Phật giáo đồ Việt Nam, và để tưởng niệm đến một bậc Vị pháp thiêu thân nữa vừa hiến mình cho sự trường tồn của đạo pháp.
Trước lúc ra đi về cõi tịch diệt, Ngài đã viết bốn bức thư để lại:
-Gửi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm;
-Gửi cho đức Hội chủ Phật giáo Thích Tịnh Khiết;
-Gửi cho ông U-Thant, Tổng thư ký Liên hiệp quốc.
-Gửi cho Phật giáo đồ Việt Nam, kêu gọi hãy tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền tự do bình đẳng của Phật giáo cho đến khi thành tựu.
Ngọn lửa tự thiêu của Ngài Thiện Mỹ cũng là ngọn lửa cuối cùng báo hiệu sự sụp đổ của chế độ bạo quyền kỳ thị tôn giáo đã xảy ra bốn ngày sau đó. Ngài ra đi vào lúc tuổi đời tròn 23 với 3 Hạ lạp.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, quân đội thuộc chánh quyền bấy giờ đã thực hiện cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chấm dứt giai đoạn tăm tối của đêm dài lịch sử pháp nạn Phật giáo ở miền Nam Việt Nam.
---o0o---
Thầy Thích Thiện Huệ tục danh Nguyễn Lang, sinh ngày 05 tháng 5 năm 1948 (Mậu Tý), tại ấp Định Nhiên, xã An Nghiệp, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, thân phụ là cụ ông Nguyễn Cương và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Giã.
Thầy sinh trưởng trong một gia đình thuộc thành phần bần nông nhưng nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của song thân, dựa vào nền tảng đạo lý truyền thống tín ngưỡng Phật đạo nhiều đời, nên đức tính điềm đạm và sự hiểu biết về mọi nghĩa vụ đã sớm được phát triển.
Năm Quý Tỵ (1953), không như những đứa trẻ khác, khi vừa tròn 5 tuổi, Thầy đã được học thẳng vào lớp 5 (lớp Một ngày nay) mà không phải qua các năm vỡ lòng nơi trường làng, đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khâm phục và không ngớt lời ca ngợi sức dạy dỗ của phụ thân Thầy. Từ đó, con em các gia đình chung quanh đều được cha mẹ họ khuyến khích cho chơi thân để phần nào chịu sự ảnh hưởng đáng quý đó nơi Thầy.
Nhờ vào mối quan hệ rộng rãi sớm sủa đó mà trong suốt quảng đời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, Thầy đã huân tập được rất nhiều hiểu biết cần thiết. Những năm trung học là thời gian tìm hiểu Phật học thêm lớn dần theo chí tham cầu học hỏi. Các bạn bè thêm những mối thân mới, nhưng cũng đều gặp nhau trong lý tưởng Phật đà, khiến con đường đến với đạo của Thầy không còn khoảng cách xa nữa.
Năm Quý Mẹo (1963), cùng theo kiến thức Phật học của mình lớn lên với cả một niềm tự hào về một tôn giáo lớn của dân tộc, cũng là nỗi đau khi Phật giáo đang đứng bên bờ vực sự kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã làm Thầy và các bạn bật dậy hành động cùng nhau bãi khóa, xuống đường và tham gia tuyệt thực cùng với hàng ngàn tôn đức Tăng ni, Phật tử toàn tỉnh và miền Nam Việt Nam. Đó là quảng đời đáng nhớ nhất của Thầy và bạn hữu. Càng đáng nhớ hơn là tên tuổi Thầy đã bị mật vụ luôn đón lỏng trước cổng trường để hòng bắt Thầy cùng các bạn. Những lúc như thế, Thầy và các bạn như những con sóc khôn lanh, lòn lách theo bản năng của tuổi trẻ năng động. Khi mối đe dọa đến mức phải tạm lánh xa trường học, gia đình, Thầy cùng các bạn phải sống dưới nhiều dáng vẻ, đến cả làm “lũ hành khất trẻ”, khiến mật vụ không ít phen điên đầu khổ nhọc đối phó.
Năm Giáp Thìn (1964), khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sụp đổ theo tham vọng bạo quyền thì sự an lành tạm đến với Phật giáo, cũng là đến với thời tuổi trẻ của Thầy. Từ đây, Thầy ra sức học hành để bù lại thời gian biến động ấy. Kết quả tiến bộ rõ nét hơn bao giờ hết.
Hình ảnh chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử xả thân vì đạo pháp luôn khắc đậm trong tâm khảm, khiến lòng khâm phục, ngưỡng mộ nơi Thầy thêm rạng rỡ thôi thúc. Đặc biệt các bậc Tử Đạo đã đem thân mình làm đuốc soi sáng nẽo u minh, đã nêu bật lý tưởng về một vị Tăng sĩ ngày thêm cao đẹp nơi Thầy. Từ đây ý nguyện xuất gia đã rạo rực nơi trái tim trẻ trung chân chính của Thầy.
Ngày 18 tháng 4 năm 1964, khi 16 tuổi, Thầy được phép song thân cùng vài bạn hữu khác đến chùa Từ Ân ở Tuy An xin xuất gia, được Thượng tọa Thích Từ Viên, đặt pháp danh là Quảng Trí, pháp tự Thiện Huệ. Nhờ vào căn bản Phật học vốn đã có từ lâu, cộng vào lòng thiết tha với Phật đạo, nên khi đã thọ giới xuất gia Thầy tỏ ra vượt trội hơn bạn đồng tu, khiến thầy Tổ, pháp lữ càng thêm tin tưởng hy vọng.
Năm Ất Tỵ (1965), Bổn sư đã gởi Thầy vào tu học tại chùa Tu Bông, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây sở học của Thầy càng được củng cố và được sự quý mến của Tăng chúng. Tuổi 17 tận dụng sức khỏe đang thời sung mãn, Thầy tự nguyện gánh vác các công việc nặng nhọc thay cho chư huynh đã lớn tuổi hoặc bận học ở cấp cao hơn.
Năm Bính Ngọ (1965), Thầy được phép đăng đàn thọ Sa di giới tại ngôi chùa đang trú xứ. Bổn sư truyền giới cho Ngài là Hòa thượng Thích Thiên Sơn.
Đó cũng là năm Phật giáo đang lâm vào cuộc khủng hoảng mới, Giáo hội cũng đang đi đầu trong cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ lập hiến và vận động chấm dứt chiến tranh, Thầy có đủ nhận thức để nhìn sâu vào cục diện đất nước và Giáo hội hiện thời. Do vậy mà đã không ít lần Thầy phải tự hỏi tại sao Phật giáo – một tôn giáo vốn dĩ thiết tha yêu hòa bình và thực thi hạnh từ bi cao đẹp của nhân loại, lại phải luôn gặp những chướng duyên? Lúc này đây, máu xương Tăng tín đồ lại tiếp tục đổ và đã có không ít ngọn lửa tự thiêu thân làm hồi chuông cảnh tỉnh. Những người vốn thiết tha với tiền đồ chánh pháp sẽ không còn đủ thời gian để tự vấn hoặc đơn lẻ buông mãi lời tiếc than, khi hàng loạt sự kiện đau lòng liên tục đổ ập vào thân phận Phật giáo Việt Nam.
10 giờ 30 phút sáng ngày 1.6.1966, tin Thượng tọa Thiện Minh bị ám sát hụt đã lan nhanh mọi nơi, khiến tất cả những người con Phật đều bàng hoàng sửng sốt, trong đó có Thầy. Và như một động lực mạnh mẽ thôi thúc, Thầy quyết định về Sài Gòn để thực hiện một việc có ý nghĩa. Tiếc rằng ý định đó, Thầy không thể thực hiện được ở đó, vì chính quyền đã chốt chặt mọi nơi để ngăn ngừa, nên ngay buổi trưa hôm ấy, Thầy đến Gò Giếng Nước Nóng tại ấp Tân Phước, xã Vạn Phước, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đã tự châm ngọn lửa thiêu thân, làm ngọn đuốc ngưỡng vọng từ phương xa, gởi chư tôn đức kính yêu và soi đường cảnh tỉnh nẽo u minh mà chính quyền đang bước sâu vào tội ác.
Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng 4 năm Bính Ngọ (1.6.1966) – Phật lịch 2510, Ngài đã hiến dâng tuổi trẻ đầy hoài bão của mình cho chân lý Phật giáo, Thầy hưởng dương 18 tuổi xuân, với 2 tuổi nhập đạo, và hạnh nguyện Vị pháp thiêu thân của Thầy là tín hiệu nhập lưu thánh chủng ở mai sau.
Khi tổ chức lễ an táng của Thầy, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa đã phát hiện ba bức thư Thầy viết tự bao giờ để gửi:
-Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.
-Bổn sư Thích Từ Viên.
-Và gởi cho gia đình.
---o0o---
Thầy Thích Hạnh Đức, thế danh là Trần Văn Minh, sinh ngày mồng 10 tháng 4 năm 1948 (nhằm mùng 2 tháng 3 năm Mậu Tý), tại xã Bình Đức, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Thầy sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp thuần lương, có truyền thống tín ngưỡng Phật đạo lâu xa. Thông minh, hiền hậu, luôn hòa ái để học hỏi, thân cận; nên Thầy rất được lòng với mọi người. Do vậy, Ngài đã sớm có những mối quan hệ đạo tình ngay từ tấm bé, kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp với các bạn cùng trang lứa trong làng cùng nhau đến chùa tụng kinh và nghe giảng.
Ngay từ những năm tiểu học ở trường làng, Thầy đã được xem là tấm gương hiếu học và rất mực lễ độ với thầy, cô và với bạn bè.
Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1959), Thầy được gia đình đồng ý cho xuất gia tu học nơi chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình thuộc hạt Sơn Tịnh, giáp ranh với Bình Sơn) làm đệ tử của Hòa thượng Thích Huyền Đạt. Thầy đã nhanh chóng chiếm được lòng tin yêu của đại chúng, Bổn sư nhận thấy nơi Thầy có tư chất thông minh, nên khuyến khích cố gắng tiếp tục con đường học vấn là việc ưu tiên.
Sau lưng chùa Viên Giác-Thanh Thanh Sơn là cả một vùng đồi thoai thoải thuộc quyền sở hữu Tăng chúng trong chùa, ngoài việc tu học còn phải tham gia công việc trồng tỉa, thực hiện phương châm của Tổ Bách Trượng “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Công tác nông thiền ấy không ngoại trừ bất cứ ai. Thầy tuy chưa đến tuổi phải nhọc sức như các sư huynh vì còn ưu tiên cho việc học, nhưng vẫn xông xáo bằng tất cả những thì giờ rảnh rang để phụ giúp phần nào công việc. Nhờ vậy mà Thầy trông khỏe và vạm vỡ như một thiếu niên.
Năm Quý Mẹo (1963), như bao ngôi chùa khác, chùa Viên Giác cũng hòa mình vào công cuộc đấu tranh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, vì họ đang ra sức tận diệt Phật giáo. Ngày ngày cắp sách để trường quận lỵ xa xôi, nhưng với tuổi 15 nhanh nhẹn ấy, Thầy mang đi mang về những thông tin liên lạc từ chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh với Bổn sư là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.
Những ngày tháng này, trước cảnh đau thương của Phật giáo, đã chuyển biến tâm hồn Thầy trở nên trầm tư trước tuổi, từ đó bao nỗi uẩn khúc khi được bày giải, đã làm ngạc nhiên Bổn sư và chư huynh đệ được nhân lên dành cho Thầy.
Năm Giáp Thìn (1964), sau khi hoàn thành công cuộc đấu tranh giành lại quyền tự do tín ngưỡng và chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời với hiến chương pháp lý. Phật giáo Việt Nam bước sang trang sử mới với quy mô hoạt động rộng rãi, phù hợp với đà tiến hóa của thời đại đó. Từ cơ sở thuận lợi ấy, hàng Tăng sĩ được dịp tiếp cận với thực trạng xã hội để nâng bước phát triển. Chùa Viên Giác tuy ở vùng sâu nhưng là ngôi chùa đi tiên phong đáp ứng các chủ trương của Giáo hội, do Bổn sư Ngài được thỉnh cử làm Đặc ủy Tăng sự của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi, nên Tăng chúng trong chùa được nhờ hồng ân oai đức đó, có điều kiện hòa nhập nhanh chóng. Thầy là một trong những nhân tố được đặt để và giúp đỡ trong sự hòa nhập đó.
Năm Ất Tỵ (1965), trước nhu cầu cấp thiết của Giáo hội là đào tạo Tăng tài có khả năng và trình độ kiến thức để hoằng dương chánh pháp. Thầy được Bổn sư gởi lên chùa Tỉnh hội để tiện việc học ngoại điển nơi trường Trung học Bồ Đề tỉnh, đồng thời có điều kiện gần gũi chư tôn đức tham cầu Phật đạo. Đây là dịp may hiếm có trong đời tu sĩ nên Thầy rất hân hoan lạy tạ Bổn sư y giáo du học.
Năm Bính Ngọ (1966), Thầy đã thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi. Việc học không xao lãng, việc đạo chẳng lìa xa, Thầy đã đi từng bước vững chắc trên lộ trình tiến tu trí đức, mang theo bên mình hoài bão phụng sự chúng sanh cao đẹp và tuân hành lý tưởng Giáo hội một cách thiết tha.
Khi thọ Sa di giới cũng là lúc trình độ nhận thức của Thầy đã trưởng thành. Do vậy, Thầy đã chạm phải một thực trạng đau đớn khác đến với Giáo hội, có bàn tay đối nghịch thâm độc của chính quyền kế sau Diệm. Vết rạn nứt trong lòng Giáo hội đã manh nha từ lâu, nay lại thêm tác động xấu ấy đã trở nên trầm trọng, khiến Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo phải tạm lánh bỏ mảnh đất Việt Nam Quốc Tự của mình về đặt trụ sở tạm tại chùa Ấn Quang.
Chính quyền không chỉ dừng lại ở mức chia rẽ giới lãnh đạo Giáo hội, mà ngấm ngầm hậu thuẫn cho một số tín đồ đã không ngần ngại khiêu khích tính địa phương, biến nơi hòa ái tiến tu trở nên đôi bờ thù hận, chia rẽ Nam-Bắc, khiến cục diện ngày càng trở nên xấu đi. Sự khích động ấy của chính quyền đã gây ra bao đau thương cho trang sử Phật giáo, hình thành ra cái gọi là “Giáo hội Quốc Tự” cùng “Giáo hội Ấn Quang” hết sức đau buồn.
Để hợp pháp hóa “Giáo hội Quốc Tự”, chính quyền tạo ra “Hiến chương 23/67” để phát triển ý đồ công nhận cái mới xóa bỏ cái cũ. Phật giáo đang đứng bên bờ thảm họa mới, chưa biết rồi sẽ đến mưu chước gì nữa trong những ngày tháng tới.
Ngày 11 tháng 9 năm 1967, đức Tăng thống triệu tập các hệ phái đồng sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964, để nêu rõ lập trường của Giáo hội và khẩn trương thành lập ngay Ủy ban Bảo vệ Hiến Chương. Ngày 14-9, Viện Tăng Thống – Viện Hóa Đạo đã gởi thư lên tướng Thiệu với 51 chữ ký của các tỉnh – miền, yêu cầu hủy bỏ “Hiến chương 23/67”. Thế nhưng lời khẩn cầu thiết tha chính đáng ấy đã không được đoái hoài, một thái độ xem thường tổ chức Phật giáo Việt Nam. Từ đó, máu xương Tăng Ni, Phật tử tha thiết vì đạo mầu lại tiếp tục tuôn rơi!
Ngày 31 tháng 10 năm 1967, trước hiểm họa thống hận ấy, Thầy không ngần ngại hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, để bảo vệ Hiến chương Giáo hội bằng ngọn đuốc rực hồng trước sân chùa Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi. Năm ấy, Ngài vừa đúng 19 tuổi đời, 9 năm trau dồi đạo hạnh.
---o0o---
Hòa thượng Brahma Sara, thế danh là Thạch Kôong, sinh năm 1879, nhằm tháng 11 năm Kỷ Mão, tại xóm Som Rôong Êck, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp thuần hậu, thân phụ là cụ ông Thạch Chănh, thân mẫu là cụ bà Sơn Thị Lăm.
Năm 1891, khi lên 12 tuổi, Ngài được cha mẹ dẫn đến chùa Som Rôong Êck (Ông Mẹc), để học chữ Khmer với Hòa thượng Huôi, trụ trì tại đây.
Năm 1896, khi được 17 tuổi, sau 5 năm học hành chữ nghĩa, Ngài xin phép song thân, cho xuất gia đầu Phật, và Ngài Huôi làm Thầy tế độ cho thọ giới Sa di cũng tại ngay chùa này.
Năm 1901, lúc 22 tuổi, Sa di Thạch Kôong được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Som Rôong Êck, do Ngài Huôi làm Thầy tế độ, Ngài Kes trụ trì chùa Pô-thi-vong-sa-ram Chong Top (Bodhi Vansàràma) làm Thầy Yết ma, Ngài Kuch trụ trì chùa Som-Bua-Rit-Thi-Sắc làm Thầy Giáo thọ, Ngài được ban pháp danh là Brahma Sara.
Sau khi thọ đại giới, Ngài tiếp tục ở tại chùa chuyên tâm tu học, phụng Phật hộ Sư trong suốt 5 mùa Hạ. Đến năm 28 tuổi (1907), Ngài xin phép Thầy tế độ đi học pháp môn thiền (Kammatthàna) tại chùa Pháp-nôo Pro Hôth, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, với Thiền sư S-vai. Học khóa thiền được một năm, Ngài trở về bổn tự, tu hành và truyền đạt những điều học được cho các Sư chúng đồng môn, và giảng dạy các đồng bào Phật tử.
Năm 1911, khi Ngài được 32 tuổi, lại xin phép Bổn sư sang nước Cao Miên tiếp tục đi học thiền định (Gandhadhura), tại chùa K-đol, huyện Soong Kêe, tỉnh Bath Đom Boong hết hai năm. Sau đó Ngài chuẩn bị sang Thái Lan học tiếp khóa thiền nâng cao, nhưng gặp được Thiền sư Sao ở chùa Pô-Thi-Lăng-Ka-Ngoài (Bodhi Lanka) tỉnh Xiêm Rệp, Ngài bèn y chỉ vào Thiền sư Sao và về chùa này tu học thiền.
Hơn 8 năm tu học thiền tại đây, nội lực thiền định tăng tiến rất nhanh, Ngài trở thành vị Thiền sư trưởng đoàn hành thiền hạnh Đầu Đà (hành thiền ở chốn rừng núi xa lánh mọi người), nhưng vì lý do an ninh nên mỗi năm Ngài hướng dẫn các thiền sinh vào rừng núi hành thiền chỉ được 2 hoặc 3 tháng.
Ngài phát nguyện hành thiền theo hạnh Đầu Đà được 11 năm, sau đó trở lại chùa Pô-Thi-Lăng-Ka-Ngoài cùng với Thiền sư Sao và các vị trưởng lão hoằng pháp lợi sanh. Trong thời gian ở tại chùa đây, Ngài thường xuyên giảng dạy pháp môn thiền cho các Sư và đông đảo Phật tử. Các Sư ở Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cũng đến thỉnh Ngài về trụ xứ giáo huấn khóa thiền học cho mọi người.
Năm 1932, Ngài đã 53 tuổi, Ngài xin phép Thiền sư Sao để trở về chùa quê xưa, nơi đầu tiên xuất gia với Thầy tế độ là Hòa thượng Huôi. Lúc về, Ngài mang theo 2 phiến đá ở đền Ăng Kôo, và cho thợ tạc thành hai tượng Phật đứng để tôn thờ tại chùa Som Rôong Êck, cho đến nay vẫn còn. Trong năm này, thân phụ Ngài qua đời, Ngài lo việc hiếu lễ một cách chu đáo, sau đó không bao lâu, Ngài lại phải lo tang lễ cho Hòa thượng Huôi trụ trì chùa Som Rôong Êck là Thầy tế độ của Ngài. Sau khi tang lễ xong, Ngài được đồng bào Phật tử đề cử trụ trì chùa Som Rôong Êck, nối tiếp sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Thầy Tổ.
Từ đây, với cương vị trụ trì, lãnh đạo Tăng chúng, Phật tử, Ngài thường tham vấn với Hòa thượng Mé-Kon SumangA-la Silà Sao trụ trì chùa Po-Thi-Lăng-Ka-Ngoài để tiến tu thêm đạo hạnh, và tổ chức hoạt động Phật sự.
Ngài là một vị thầy khả kính, đầy lòng từ bi nhân ái, thường xuyên giúp đỡ mọi tầng lớp dân chúng, khuyến tu cho các hàng đệ tử, trợ giúp xây dựng trường lớp. Ngài đã tạo được một ngôi học đường Pàli, và một ngôi học đường cho các Sư và con em đồng bào Phật tử học chữ Khmer-Pháp. Ngay tại chùa, Ngài tổ chức giới đàn, và cung thỉnh Hòa thượng Thiền sư Mé-Kon Sao làm Thầy Tế độ thay cho Bổn sư Huôi đã viên tịch.
Ngoài ra, Ngài còn xây cất 4 ngôi bảo tháp ở xung quanh chánh điện, một ngôi tháp ở phía dưới và 2 ngôi tháp nằm hai bên sân trước chánh điện cùng tu sửa Tăng xá, Trai đường thêm khang trang. Đặc biệt, Ngài đã viết nhiều quyển sách kinh đọc, kinh học... dày công sao chép nhiều kinh điển bằng lá muôn, như kinh: Mù La, Sùtra, Dhammapada datthakathà, MangA-latthadipanì... và Ngài đã thỉnh bộ Tam tạng bằng Pàli-Khmer ngữ, sung vào tủ kinh sách của chùa.
Năm 1937, lúc này Ngài được 38 tuổi Hạ, 58 tuổi đời, sau khi có văn thư đề bạt của Hòa thượng Mé-Kon Sao gửi đến các vị Đại lão Hòa thượng Nànaranisì Ôok chùa Kh-Tưng và Hòa thượng Visuddhi Vanisà Sơn Ly chùa Bodhisàlaraja Kom Poong, Ngài được các trưởng lão quyết định đề cử lên chức Hòa thượng, đồng thời giao phó cho Ngài thừa kế chức vị Hòa thượng Thiền sư Mé-Kon Sao. Những năm sau đó, Ngài được bầu vào chức Phó Mé-Kon tỉnh Trà Vinh và tiếp tục hoạt động Phật sự cho đến ngày viên tịch.
Trong vòng gần 10 năm cuối đời, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng Ngài vẫn miệt mài làm việc phụng sự đạo pháp và dân tộc không ngừng nghỉ. Ngài luôn khuyên bảo các hàng đệ tử xuất gia và tại gia tiến tu học đạo, mở mang kiến thức Phật pháp và thế pháp, ngõ hầu làm tốt đời đẹp đạo sau này.
Ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 29-12-1969, Ngài đã thu thần nhập diệt, trụ thế 90 năm, tuổi đạo 68 hạ lạp – Lễ tang Hòa thượng phó Mé-Kon Brahma Sara Thạch Kôong, được tổ chức long trọng và trang nghiêm trong 5 ngày đêm tại chùa Som Rôong Êck, xã Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh, và sau đó Lễ trà tỳ được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24 tháng 11 năm Kỷ Dậu trong sự thương tiếc của hàng ngàn Tăng tín đồ Phật tử, xá lợi được cung thỉnh an vị trong Bảo tháp lớn ngay tại bổn tự lúc sinh thời của Ngài.
Hòa thượng Brahma Sara Thạch Kôong đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp vì lợi ích chúng sinh, là một vị Thiền sư mẫu mực, đầy lòng từ bi, nhân ái. Phật giáo Khmer đã mất đi một bậc trưởng lão đức độ, mất đi chỗ dựa tinh thần bi trí vững chắc, và các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ, noi gương tu học của Ngài.
---o0o---
Hòa thượng Thiện Luật, pháp danh VinayaKuSa-la Bhikkhu, thế danh Ngô Bảo Hộ, sinh năm Mậu Tuất 1898 tại Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp. Phụ thân Ngài là cụ Ngô Văn Nghi – vốn là người Triều Châu, do điều kiện sinh hoạt nên đã đưa cả gia đình sang Cao Miên lập nghiệp tại tỉnh Prey-Veng (hay Lò Veng, tức làng Hòa Mỹ theo cách gọi của cộng đồng người Việt xa xứ).
Cụ ông Ngô Văn Nghi tinh thâm Hán văn, giỏi Đông y, Tử vi đẩu số và còn là một Kỳ vương kiệt xuất. Được lớn lên bên một người cha đa tài như vậy, nên từ thuở trẻ Ngài đã sớm hấp thụ những tinh hoa ấy. Ngoài kiến thức lập thân học được từ thân phụ, Ngài còn là một thanh niên được bạn bè nể phục vì bản tính cương liệt, khả năng võ thuật hơn người và ngón đàn độc huyền một thời xao động những đêm trăng vàng ở làng Hòa Mỹ xa xôi kia. Cũng không ít những thanh niên bản xứ của đất nước chùa tháp kia đã từng theo học những ngón nghề của nam tử tài hoa Ngô Bảo Hộ.
Thuận theo thế thường, năm 26 tuổi Ngài lập gia đình cùng bà Lưu Kim Phùng, con gái một gia đình kiều bào cùng sinh sống tại làng Hòa Mỹ. Cuộc sống gia đình chỉ tròn 8 năm thì bà qua đời, để lại cho Ngài 4 người con thơ, 1 trai 3 gái, rồi đến con gái thứ cũng ra đi theo bà. Buồn vì nỗi bất hạnh của gia đình, Ngài được các vị Sư ở chùa làng thuyết giảng, bỗng nhận chân ra lý vô thường, thế là Ngài quyết định chọn cho mình hướng đi giải thoát.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài dẫn theo con trai là Ngô Bửu Đạt đến chùa Prek-Reng, một ngôi chùa ở ven sông xin xuất gia. Hòa thượng trụ trì chấp thuận cho Ngài thọ giới Sa di, ban cho pháp danh là Thiện Luật (VinayaKuSa-la), còn con trai Ngài thì được Hòa thượng nhận làm nghĩa tử, dưỡng nuôi trong chùa hầu cận chư Tăng.
Tu học tại đây một thời gian, Ngài quyết định rời chùa Prek-Reng, đưa con trai đến gởi nơi Niệm Phật đường Thiền Lâm của kiều bào lập nên, do Bác sĩ Lê Văn Giảng quản trị (sau này là Hòa thượng Hộ Tông). Riêng Ngài, đến tu học tại chùa Sùng Phúc ở quận 5, thành phố Phnom-Pênh, cũng là ngôi chùa do kiều bào Việt Nam xây dựng trên đất Cao Miên. Có thể nói đây là cơ sở đầu tiên để hệ phái Phật giáo Nam Tông du nhập vào xã hội người Việt sau này. Chùa đây là nơi phát hành tờ đặc san đầu tiên của Phật giáo Nam Tông Việt Nam, cùng một số kinh sách Nam Tông bằng tiếng Việt.
Năm Đinh Sửu 1937, lúc 39 tuổi, Ngài chính thức thọ giới Tỳ kheo với Thầy Tế độ là Ngài Phó Tăng Thống Cao Miên là Hòa thượng Uttamamuni Um-Su, Thầy Yết ma là Hòa thượng Som Dach Choun Nath (sau là vua Sãi Cao Miên) và Thầy Giáo thọ hướng dẫn Phật học là Ngài Hout-That (sau là Phó Tăng thống, rồi vua Sãi, bị Pôn-Pốt sát hại năm 1975). Ba vị trên đây cùng Hòa thượng Chan-Wang là bốn vị học giả uyên thâm, lừng danh nhất của Cao Miên thời bấy giờ.
Sau khi thọ đại giới Tỳ kheo, Ngài nhập chúng tu học tại chùa Sri Sagor, tại đây có khoảng 25 vị Tăng Việt Nam cùng tu học, Ngài được xem là Sư huynh chăm sóc vấn đề ăn ở cho anh em đồng hương. Ngài bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu Luật tạng, trước là để tu trì, sau là để chuẩn bị cho tâm nguyện hoằng truyền Phật pháp về quê hương, mà Ngài tự cảm nhận mình có phần lớn trách nhiệm gánh vác.
Năm Canh Thìn 1940, sau khi xin phép cho con trai được thọ giới Sa di, Ngài cũng xin phép Hòa thượng trụ trì chùa Sri Sagor cho mình trở về Niệm Phật đường Thiền Lâm để tu học và xây dựng lại vì chùa đổ nát. Về đây, Ngài nhặt nhạnh từng thanh gỗ viên ngói, dốc lòng tái thiết chùa Thiền Lâm khang trang hơn trước. Với tâm nguyện cũ ngày nào vẫn canh cánh bên lòng, Ngài tiếp tục tạo mọi điều kiện nâng đỡ chư Tăng Việt Nam. Một số vị Giáo thọ Sư từ hệ phái Bắc Tông cũng đã tìm đến đây tá túc tầm đạo. Trong đó có Ngài Ấn Lâm, khi mới từ Bắc phái sang Nam truyền (sau là Tăng thống hệ phái Nam Tông Việt Nam) cũng đã một thời cư ngụ tại đây.
Cùng năm này, nhận thấy con đường hành đạo của mình không thể chỉ là những tháng ngày gởi mình nơi đất khách, Ngài bắt đầu nghĩ nhiều về quê hương Việt Nam. Nhân duyên đến lúc chín muồi, được sự động viên của Hòa thượng Choun Nath cùng chư Tăng Phật tử Việt Nam, Ngài về nước thu nhận chùa Bửu Quang ở Gò Dưa – Thủ Đức làm ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam. Cùng đi với Ngài còn có Sư Hộ Tông, Sư Hộ Giác và các Phật tử kiều bào.
Năm Tân Tỵ 1941, do Sư Hộ Giác không quen được với phong thổ mới nên ngã bệnh, buộc lòng Ngài đưa Sư trở lại Phnom-Pênh, Ngài đến ngụ tại chùa Mahàmantrey, và được xem là huynh trưởng của một nhóm chư Tăng Việt Nam mười mấy vị. Ngài ngụ tại chùa Mahàmantrey tiếp tục nghiên cứu Luật tạng cho đến kỳ kiết tập Tam tạng lần thứ 6 năm 1954 tại Miến Điện.
Năm Bính Thân 1956, Ngài được Phật tử Việt Nam thỉnh về chùa Kỳ Viên ở Bàn Cờ – Sài Gòn để thuyết giảng Phật pháp thường kỳ tại đây. Tháng 4 năm 1957, Giáo hội Phật giáo Nam Tông Việt Nam được chính thức thành lập, một Hội đồng Tăng Già Chưởng quản do Ngài Bửu Chơn đảm nhiệm Tăng thống và Ngài làm Phó Tăng thống.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài được Phật tử cung thỉnh về chùa Phổ Minh ở Gò Vấp – Gia Định. Tại đây, Ngài đã thu nhận các đệ tử xuất gia, mở lớp giảng dạy chư Tăng Nam Tông được trên mười vị, hầu hết đều còn trẻ tuổi, đó là lớp chư Tăng Nam Tông đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam, do Ngài và Sư Hộ Giác sau khi tốt nghiệp về nước trực tiếp phụ trách giảng dạy.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài cùng Sư Hộ Giác kiến lập chùa Pháp Quang ở gần cầu Bình Lợi – Gia Định và về đây trụ trì. Chư Tăng Nam Tông từ đó có một Học viện hẳn hoi. Ngôi trường này đã đào tạo nên nhiều Tăng tài phục vụ cho Giáo hội cũng như tu học hoằng truyền Phật pháp trên khắp thế giới.
Năm Quý Mão 1963, chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm được thực hiện khốc liệt với Phật giáo Việt Nam. Trong tư cách một tu sĩ, một vị lãnh đạo tinh thần cho nhiều Tăng Ni Phật tử, Ngài đã có mặt trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của Phật giáo đến khi thành công.
Năm Giáp Thìn 1964, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được suy cử ngôi vị Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hiến chương Phật giáo, và Ngài giữ chức vụ này cho đến cuối đời. Tuy Phật sự nặng gánh nhưng việc tu tập và truyền pháp lợi sanh của Ngài vẫn không hề giảm bớt, như tâm nguyện góp phần tạo nên một hệ phái Phật giáo Nguyên thủy của người Việt ngày càng phát triển vững chắc trong ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam.
Tuổi già sức yếu, Hòa thượng Thiện Luật đã viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 7 năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 21 tháng 8 năm 1969, tại chùa Pháp Quang, thọ thế 71 năm, có 32 tuổi Hạ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiên Trường, pháp danh Như Lý, nối pháp đời thứ 39 dòng Lâm Tế Gia Phổ, Ngài thế danh Nguyễn Văn Hanh, sinh năm Bính Tý 1876, tại quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Thân phụ Ngài là ông Lê Văn Phúc, thân mẫu là bà Huỳnh Thị Quới, quê ở thôn Phú Hội, xã Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho.
Thuở nhỏ, Ngài thường theo mẹ về quê, vào chùa Bửu Lâm lễ Phật. Hòa thượng trụ trì húy Minh Đạt, tự Huyền Dương thấy Ngài tướng mạo thông minh đĩnh ngộ nên rất thương yêu, nhiều lần bảo với mẹ Ngài cho xuất gia. Nhưng bởi duyên trần chưa dứt, năm Nhâm Thìn 1892, song thân định đôi bạn cho Ngài. Vợ chồng có với nhau 3 người con, hai trai một gái. Hai người con trai đều tham gia cách mạng, người con đầu hy sinh; người con thứ hai tên Lê Văn Tỵ làm đại sứ ở Bỉ. Sau ngày giải phóng về nước làm Chủ tịch Mặt trận đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, đã hưu trí. Người con gái tên Lê Thị Mỹ.
Bởi nợ hồng trần không nặng nên người bạn đời của Ngài mạng số ngắn ngủi, sau khi sanh con được ít lâu, bà lâm bệnh nặng và qua đời. Thấm thía lẽ sanh tử vô thường nên Ngài sắp xếp việc gia đình, nhờ mẹ chăm sóc nuôi dưỡng các con. Rồi tháng 7 năm 1898 (Mậu Tuất), Ngài đến chùa Bửu Lâm xin thế xuất gia với Hòa thượng Minh Phước – Tư Trung, nương Hòa thượng Bổn sư tu học được hai năm.
Đến năm 1900 (Canh Tý), Hòa thượng Minh Phước về chùa Bửu Hưng ở Xẻo Vẹt, Sa Đéc, đổi cho Hòa thượng Minh Tông – Nhứt Bổn về trụ trì chùa Bửu Lâm. thế là Ngài lại nương theo Hòa thượng Minh Tông để tu học. Ít năm sau, Hòa thượng Minh Tông viên tịch, Ngài được kế tục trụ trì.
Năm 1904 (Giáp Thìn), sau trận bão lớn chùa Bửu Lâm bị hư sập, Ngài đứng ra trùng tu sửa chữa. Nhưng ít lâu sau, chùa xuống cấp trầm trọng, Ngài cho tháo dỡ xây dựng lại mới hoàn toàn. Đến năm 1907, chùa mới xây cất xong.
Tháng 4 năm 1908 (Mậu Thân), Ngài tổ chức lễ khánh thành chùa và khai trường Hương, chư Tăng các tỉnh miền Tây về nhập Hạ rất đông, trên dưới 200 vị. Trước ngày hưu Hạ Ngài mở trường Kỳ, thỉnh Hòa thượng Hoằng Ân – Minh Khiêm, trụ trì chùa Giác Lâm làm Hòa thượng Đàn Đầu. Về sau, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Hoằng Ân – Minh Khiêm và cất am Viên Giác ở phía sau chùa để Hòa thượng nghỉ lại ở đây dạy đạo.
Ngài duyên may được thọ giáo tu học với 3 vị cao Tăng nên sở học của Ngài thêm uyên thâm, quảng bác. Ngài có làm đôi liễn lấy tên chùa và tên Ngài đối nhau rất hay:
Bửu hòa Thiên địa tam quang chiếu
Lâm thượng Trường hưng tứ chúng tôn.
Năm 1920 (Canh Thân), sau khi Hòa thượng Minh Phước viên tịch, chùa Bửu Hưng ở Sa Đéc không người trông coi, dần dần hoang phế hư hoại nên Phật tử cúng ngôi chùa lại cho Ngài. Ngài phải về trùng tu, sau đó giao cho đệ tử là Hồng Lệ trụ trì.
Từ năm 1925 về sau, Ngài họp sức cùng Hòa thượng Khánh Hòa ở Bến Tre lo vận động phong trào chấn hưng Phật giáo và thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn – Sài Gòn. Nhưng về sau bị ông Trần Nguyên Chấn cản trở không mở được Thích học đường để đào tạo Tăng tài nên các vị Hòa thượng rút về miền Tây. Sau đó, thành lập Liên đoàn Phật Học xã, giảng dạy lưu động, luân phiên mỗi chùa 3 tháng. Liên đoàn này hoạt động được khoảng một năm thì tan rã.
Kế đến, năm 1934 (Giáp Tuất), Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời, đặt trụ sở tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh. Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng là Hội trưởng khóa đầu và Ngài là hội viên sáng lập từ năm 1935 đến năm 1945.
Ngài có tinh thần yêu nước sâu nặng nên vào khoảng thời gian 1920 – 1935, lúc bị giam lỏng tại Mỹ Tho, nhà cách mạng Phan Châu Trinh thường hay tới lui đàm đạo với Ngài rất tâm đắc và sau đó trở thành đôi bạn tâm giao.
Chùa Bửu Lâm vào thời đó tuy nằm gần chợ Mỹ Tho, thuộc Xóm Dầu, một địa phận sầm uất nhưng đường vào chùa cây cối rậm rạp, nên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp các nhà cách mạng lão thành như Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng thường chọn nơi đây làm địa điểm hội họp.
Thời kỳ chống Mỹ, các cán bộ lãnh đạo như Phạm Hùng, Nguyễn Thị Lựu, Huỳnh Hoa... cũng thường gặp gỡ hội họp nơi đây. Chùa có một tủ thờ Hộ pháp rất rộng, có thể chứa đến 15 người khi có động tịnh. Ngoài ra, do có Ngài luôn trông chừng bảo vệ ở bên ngoài nên cán bộ hội họp rất yên tâm.
Năm 1954, hòa bình lập lại, Hội Phật giáo Cứu Quốc giải tán. Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập hoạt động công khai. Ngài được suy tôn làm Đại Tăng trưởng.
Năm 1956, Đoàn Công Dân Vụ và Bình Định Nông Thôn của chính quyền Ngô Đình Diệm đến xin trùng tu lại chùa, nhưng Ngài từ chối. Cũng trong năm ấy, Ngài được mời tham dự Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn, liên tục trong 5 ngày.
Năm 1962 (Nhâm Dần) Đại giới đàn tổ chức tại chùa Giác Lâm, cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đàn Đầu. Ngài lúc này tuổi đã cao (88 tuổi), sức khỏe đã kém, nhưng vì Phật sự nên Ngài vẫn hoan hỷ chống tích quang lâm trợ duyên cho đàn giới được thành tựu viên mãn.
Trong suốt cuộc đời hành hóa, Ngài luôn nhiệt tâm với đạo pháp, không từ nan một Phật sự nào. Ngoài việc giảng dạy gia giáo, Chứng minh Đàn giới, trùng tu tự viện, có thể nói sự nghiệp thế độ xuất gia của Ngài là một công hạnh lớn. Ngài hóa độ rất nhiều đệ tử, trong số có những vị danh tiếng như: Hòa thượng Trí Long chùa Vĩnh Tràng, các Hòa thượng Bửu Đức, Triều Long, An Long, Hồng Lệ, Thiện Căn, Bửu Hưng...
Đóa hoa tứ đại trong suốt một mùa xuân dài tỏa hương sắc tô điểm cho ngôi nhà Phật pháp nay đã đến hồi tàn héo, phân ly. Năm 1970 (Canh Tuất), ngày 24 tháng 4, Ngài viên tịch tại chùa Bửu Lâm, hưởng thọ 94 tuổi, 50 Hạ lạp. Môn đồ pháp quyến cử hành tang lễ rất trọng thể và xây tháp kính thờ trong khu Tháp mộ phía sau chùa Bửu Lâm.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Ngôn, tục danh là Hồ Văn Ngữ, sinh năm Giáp Ngọ (1894) tại tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình khá giả. Vốn sẵn có bản tính hiền hòa, tâm niệm của Ngài luôn hướng về Phật pháp. Lại gặp cảnh mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, thấm thía luật sinh tử, thành hoại của kiếp nhân sinh, Ngài bèn lần vào phương Nam tìm thầy học đạo.
Bước đầu chơ vơ nơi đất khách, Ngài được một đại điền chủ là ông Hội đồng xã Bình Thạnh Tây, quận Lấp Vò, tỉnh Vĩnh Long (nay là tỉnh Đồng Tháp) cảm mến giúp đỡ, nuôi ở trong nhà. Bấy giờ ông Hương Cả ở Đốc Vàng có ý định gá nghĩa tào khang người con gái cho Ngài nhưng Ngài không bằng lòng. Biết rằng ở lại đây lâu ngày sẽ bị rơi vào sự ràng buộc thê nhi, Ngài bèn quyết trốn đi tìm nơi thanh tịnh để lo trau dồi đạo đức.
Đã quen với nếp sinh hoạt của miền Nam, lại tìm hiểu thêm được cảnh trí địa phương, bước đầu Ngài hướng tới núi Thất Sơn, nơi nổi danh huyền bí của miền Tây Nam bộ. Do nhơn duyên từ những thuở nào, nên khi tới linh địa này, Ngài liền gặp Sư ông núi Cấm đang dạy pháp cho khoảng 20 Tăng Ni và đang dịch kinh Pháp Hoa. Ngài đem lòng cảm mộ, phát nguyện quy y Tam bảo và xin được ở lại làm công quả để nương thân học đạo, gieo trồng cội phúc.
Năm 1930, tới khi hội đủ điều kiện xuất gia, Ngài đến xin thế độ với Hòa thượng Thích Chí Thiền, tọa chủ chùa Phi Lai ở làng Tú Tề, tổng Thành Ý, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc An Giang). Được ít lâu sau, năm 1933, Hòa thượng Phi Lai về Tây cảnh, Ngài cùng với một bạn đồng tu là vị trụ trì chùa Thanh Quang giúp nhau tu học.
Năm 1940, tại núi Cô Tô quận Tri Tôn – Châu Đốc, Ngài đã cầu pháp với Hòa thượng trụ trì chùa Thanh Sơn. Trong thời gian thọ pháp tại đây, Ngài phát nguyện nhập thất ba tháng để chiêm nghiệm chân lý giải thoát. Khi mới vào nhập thất tại tầng cấp thứ nhì của núi này, Ngài đã gặp không ít nghịch duyên chi phối việc tu hành. Nhưng với gươm trí tuệ và chí đại hùng, Ngài không sờn lòng nản chí, cương quyết vượt tất cả mọi ma lực. Nhờ vậy, Ngài đã mộng thấy Phật hiện thân chỉ pháp quán. Từ đó Ngài phát nguyện chỉ dùng ngọ trai suốt đời.
Ba tháng nhập thất không tròn đủ, vì có chúng sinh cầu độ. Khi Ngài vừa tỏ ngộ đạo thiền, thì có ông Phủ Hiệp từ Nam Vang tìm đến. Ông thưa đã 60 tuổi rồi mà chưa gặp được minh sư thế độ, nên mới tạo cảnh chùa Đức Quang, thành tâm và tha thiết cung thỉnh Ngài nhận lời tới trụ trì để dìu dắt ông cũng như chúng sinh quanh vùng trên bước đường tu học. Vì lòng từ bi vô lượng, lại thấy thí chủ quá tha thiết cung thỉnh, Ngài quyết định ra thất để thực hiện sứ mạng “trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng”.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cao trào giành độc lập phát khởi. Tiếp đến quân Pháp trở lại, cuộc Nam bộ kháng chiến bắt đầu, chiến tranh lan tràn khắp nơi. Trên núi không còn yên ổn nữa. Tuy nhiên Ngài vẫn nán lại thêm vài năm. Đến lúc tình hình quá căng thẳng, Ngài buộc lòng phải xuống núi với sự bảo hộ của ông Hai Hé chủ hãng xe Đại Phước.
Khi đi đến làng Mặc Cần Dưng, đúng lúc bà mẹ ông Xã Phùng vừa tạ thế. Gặp Ngài ông rất mừng, liền cung thỉnh Ngài ở lại chứng đám tang và lưu trú tại tịnh thất để tu trì. Tống táng xong, đêm đó Ngài trằn trọc mãi, không sao ngủ được, linh tính báo cho Ngài biết có Phật sự đang chờ ở một phương nào đó. Vì thế sáng hôm sau Ngài cảm ơn thí chủ và từ giã ra đi vì có Thiền sư Thiện Đạo cung thỉnh Ngài về chùa Phước Thạnh của Thiền sư tại xã Mỹ Thới quận Châu Thành – Long Xuyên để cúng dường. Tới bất cứ nơi đâu Ngài cũng trì tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng ở đây không có bản kinh bằng tiếng Việt, Ngài bèn cùng Thiền sư Thiện Đạo đáp thuyền tới chùa Thanh Quang ở Vàm Cống, trước là để thỉnh kinh, sau là để thăm lại Tăng hữu cũ xa cách đã quá lâu.
Thuyền vừa cặp bến đúng lúc người Tăng hữu cũ vừa viên tịch, nhục thân còn nằm đó. Gặp Ngài mọi người hết sức mừng rỡ, vì theo lời trước khi viên tịch, thầy trụ trì căn dặn đệ tử đôi ba lần rằng: “giao ngôi Tam bảo này cho vị Đại đức nào từ núi xuống lúc nhục thân Ngài chưa liệm”. Quả do duyên lành đã kết từ lâu nên mới có sự trùng phùng kỳ lạ này. Sau khi an táng vị cố trụ trì xong, hiếu đồ và bổn đạo bèn đảnh lễ và thỉnh Ngài ở lại trụ trì theo như lời di chúc. Thế là Ngài đã ở lại hoằng dương đạo pháp và trùng tu ngôi cổ tự.
Thời gian sau Ngài lại gặp nghịch duyên bởi một số người phe phái ghen ghét, làm chướng căn lành, Ngài bèn ra ở nơi túp lều tranh ngoài đồng vắng tiếp tục tu trì. Thấy như vậy, Cư sĩ Hai Chơi chủ chùa Long Phú bèn cung thỉnh Ngài về trụ trì chùa ấy tại chợ Lấp Vò. Chẳng bao lâu, quân Pháp kéo đến chiếm đóng chùa, chỉ dành lại cho Ngài căn phòng nhỏ. Bấy giờ có tên cai xếp thấy Ngài hàng ngày chỉ độ cơm trưa với tương chao dưa muối đạm bạc, bèn hỏi Ngài tu hạnh gì? – Ngài trả lời:
“Tôi chỉ tu hạnh ăn Ngọ để cầu nguyện cho đất nước sớm thanh bình. Khi nào nhân dân Việt Nam được an cư lạc nghiệp, đất nước được thanh bình thì tôi mới ăn hai bữa”.
Câu trả lời của Ngài đã đánh thức Phật tâm trong người tên cai xếp. Y liền ra lệnh cho bọn lính dưới quyền chùi rửa chùa sạch sẽ, rồi trả lại cho Ngài, vợ chồng y đều xin làm lễ quy y với Ngài. nhờ sự kính nể của y đối với Ngài, nên Ngài đã dùng đức độ đạo hạnh của mình để thuyết phục những kẻ thuộc quyền y. Nếu dân lành có ai bị tình nghi bắt oan, Ngài đều đích thân bảo lãnh và họ được chúng tha ngay. Lòng từ bi và chí nhẫn nại của Ngài đã làm cho những Phật tử trước kia xung khắc với Ngài nay quay về sùng kính nên Ngài lại được cung thỉnh trở lại chùa Thanh Quang.
Kể từ đó, Ngài bắt đầu tiếp Tăng độ chúng rải khắp miền Hậu Giang, Tăng Ni được làm lễ xuất gia hay cầu pháp với Ngài ngày một nhiều. Vì tiền đồ Phật giáo và để có những vị Tăng tài kế vãng khai lai, Ngài đã đem gửi một số Tăng Ni lên Sài Gòn vào học tại một số chùa như: Giác Nguyên, Bình An, Pháp Hội, Ấn Quang, Phật Ấn, Vạn Đức, Huệ Nghiêm, Dược Sư v.v... Với các Tăng ni lớn tuổi, hàng năm Ngài gửi đi nhập hạ an cư 3 tháng tại các chùa trên đây hoặc tại các Tổ đình khắp miền Nam.
Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài sốt sắng tham gia. Khi Hội Phật học Nam Việt được thành lập, Ngài là Tăng già Chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội Long Xuyên. Sau đó Ngài lại giữ chức Trị sự trưởng của Giáo hội Tăng già Long Xuyên. Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được mời làm Cố vấn Chứng minh Ban đại diện Phật giáo tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Được tin Hòa thượng Phước Trung trụ trì chùa Phước Hậu viên tịch, Ngài liền đến đảnh lễ linh quan. Không ngờ Ngài lại được ban chức sự của chùa và bổn đạo cung thỉnh trụ trì chùa này. Nhờ có nguyện lực cao, Ngài bền lòng cố gắng tô bồi sửa chữa từ một ngôi cổ tự u trệ trở nên môt ngôi phạm vũ khang trang.
Hai năm sau, tháng Chạp, ngày 25 năm Kỷ Dậu tức ngày 1 tháng 2 năm 1970, hạnh nguyện hoàn mãn, Phật sự viên thành, Ngài từ giã cõi sa bà một cách an nhiên, thọ 76 tuổi đời với 40 tuổi đạo.
---o0o---
Thầy Thích Thiện Lai, thế danh Bùi Đình Tần, sinh năm Bính Thân 1896, tại tỉnh Nam Định-Bắc Việt.
Thầy sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, Phật Nho thuần hậu. Nhờ vào nền tảng đạo đức gia đình, nên Ngài và anh em luôn sống chan hòa với nhau, được tiếng thơm trong làng thôn.
Tuổi thơ ấu và trưởng thành của Thầy đã đi qua trong hoàn cảnh đất nước loạn ly, chiến tranh tàn phá. Thầy đã chứng kiến hàng vạn đồng bào chết chóc, tang thương vì bom đạn, vì đói khổ bởi giặc ngoại xâm giày xéo quê hương lãnh thổ.
Để tìm kiếm lý tưởng giải thoát cho mình và cho những đồng bào, xóa bỏ hận thù, chung sống hòa bình với nhau,Thầy tìm đến giáo lý Phật đà, lấy từ bi, bác ái làm nền tảng tâm linh, hầu rửa sạch oán thù mê muội. Chính vì vậy, người thanh niên trẻ ấy, đã đi khắp đó đây, dọc miền Nam đất nước, chia sẻ niềm đau, cứu giúp người nghèo bằng tất cả tâm huyết, vật chất gì mà mình có được của một người cư sĩ Bồ Tát tại gia.
Năm Giáp Ngọ (1954), khi đang ở miền Nam Việt Nam thì Hiệp định đình chiến Genève ra đời, chia cắt đôi miền đất nước. Hơn nửa cuộc đời chịu chung cộng nghiệp của dân tộc, gắn bó với sự khổ đau mất mát của kiếp nhân sinh – cũng là thời gian Thầy huân tập chủng tử Như Lai, vun trồng thiện duyên, ngày càng thâm nhập vào chân lý Đại thừa. Thế cho nên, dù tuổi cao, nhưng hoài bão xuất gia và ý chí cứu thế độ sanh không bao giờ chùn bước; Thầy thành tâm cầu thỉnh Hòa thượng Thích Hải Tràng, chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, tỉnh Gia Định tế độ xuất gia và được ban pháp danh Thiện Lai. Năm ấy Thầy 59 tuổi (1955).
Từ lời Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp” khi trở thành một vị tu sĩ, thực hiện được hoài bão cao đẹp của mình, Thầy luôn cố gắng tu học, kiên tâm trì chí nên rất được Hòa thượng Bổn sư hài lòng; Tăng chúng lấy đó làm gương sách tấn lẫn nhau.
Trong lúc này, hoàn cảnh hai miền đất nước vẫn lâm vào cảnh khói lửa chiến tranh càng sâu nặng bi thương; tình hình chính trị xã hội ở miền Nam lại trở nên khủng hoảng trầm trọng – Phật giáo theo đó đã bị ảnh hưởng rất lớn và trở thành mục tiêu quan trọng của các thể chế ở miền Nam lúc bấy giờ, nhằm tiêu diệt, khủng bố.
Con thuyền Phật giáo lại gặp phải phong ba bão táp: hết hạn pháp nạn Phật giáo năm 1963 dưới thời Ngô Đình Diệm, lại đến các chính phủ kế tục thay nhau đàn áp Phật giáo bằng đủ mọi âm mưu thủ đoạn. Họ một mặt gây sức ép với các hoạt động Phật giáo, một mặt ly gián, xé lẻ nội bộ Giáo hội hầu giảm thiểu sức đề kháng chính quyền. Sự kiện “Việt Nam Quốc Tự” là một vết nhơ đau lòng nhất của Tăng tín đồ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Trước những thực trạng đau lòng đó, không ngại tuổi đời đã cao, tuổi đạo chưa nhiều, chỉ vì tấm lòng với đạo không gì so sánh! Thầy đi đến quyết định cuối cùng: dùng ngọn lửa thiêu đốt xác thân huyễn hóa của mình, để cảnh tỉnh chính quyền sửa đổi hành động sai lầm và thực thi đường lối phù hợp với nền hòa bình đạo pháp và dân tộc.
Ngày 11 tháng 6 năm 1970, lúc 4 giờ 15 phút, nhằm ngày mồng 8 tháng 5 năm Canh Tuất, dưới gốc cây Bồ đề chùa Phổ Quang, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định, Thầy đã tịch tọa trong ngọn lửa hồng rực sáng để cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam và đạo pháp trường tồn. Thầy trụ thế 74 tuổi và được 15 tuổi đạo.
Thầy đã để lại 3 bức thư gửi:
1. Dâng lên Hội đồng Viện Hóa Đạo.
2. Dâng lên Hòa thượng Bổn sư Thích Hải Tràng.
3. Gửi Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Sự hy sinh vì đạo pháp và dân tộc của Thầy đã tô đậm thêm nét son trang sử Phật giáo và đất nước. Hình ảnh một vị Tu sĩ dám quên mình tự thiêu, trở thành ngọn đuốc sáng thiêng liêng, bất tử trong lòng các thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng pháp danh Suvanna Dhamma (Thiện Pháp). Thế danh Tăng Sanh, sinh năm 1897 nhằm ngày 6 tháng 4 năm Đinh Dậu, tại làng Gò Đất, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá.
Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân thuần hậu, thân phụ là cụ ông Tăng Keo và thân mẫu là cụ bà Danh Thị Ni. Ngài là người con út trong gia đình, trên Ngài còn có 7 anh chị.
Năm 1905, khi lên 8 tuổi, Ngài được song thân cho vào chùa Bom-Pênh-Chey-Svai, xã Sóc Sơn, huyện Châu Thành học chữ Khmer với Ngài Danh Huôi.
Năm 1909, sau hơn 4 năm học chữ, làm quen nếp sống giải thoát, Ngài xin phép cha, mẹ được cắt ái từ thân, phát tâm xuất gia lúc 12 tuổi và được thọ giới Sa di nơi Hòa thượng Danh Huôi.
Đến năm 19 tuổi, Ngài xin phép Thầy tế độ trở về chùa Gò Đất ở quê của mình theo truyền thống để thăm xóm làng, bái biệt cha mẹ, trước khi chính thức bước vào hàng Tăng lữ.
Năm 1917, khi tròn đủ 20 tuổi, Ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Suvanna Ransì Khlang Ong (Minh Lương, Châu Thành, Kiên Giang). Do Hòa thượng Tăng Phêng làm Thầy tế độ, Ngài Danh Tuôch làm Thầy Giáo thọ và Ngài Tăng Hiên làm Thầy Yết ma. Sau khi thọ Cụ túc giới, Ngài trở về chùa Gò Đất nhập Hạ hết hai năm để trau dồi đạo nghiệp.
Năm 1920, với mong mỏi tiến tu Tam học, Ngài xin phép thầy trụ trì chùa Gò Đất, đến chùa Suvanna Ransì Khlang Ong, là nơi Ngài thọ Đại giới, để được thân cận thầy Tổ phụng Sư học đạo. Nơi đây, Ngài tiếp tục học chữ Khmer, học giáo lý Vini (Vinaya); chẳng bao lâu, với sự nỗ lực, tinh cần, Ngài đã khá tinh thông Phật pháp, thông thạo việc chép kinh điển trên lá muôn. Tiếng tăm của sự tinh thông ấy bắt đầu tỏa sáng; Hòa thượng Trưởng ban Phật giáo tỉnh là Mé-Kon Gana đã mời Ngài cộng tác, giao trách nhiệm là người chuyên chép kinh điển trên lá muôn, soạn thảo tài liệu để học tập và truyền bá Phật pháp.
Năm 1924, thấy Ngài có chí khí hoằng dương đạo pháp, có đức hạnh nhu hòa, khiêm tốn, Hòa thượng Mé-Kon, cùng thầy Tổ đã tấn phong Ngài lên Thượng tọa, và giao phó trách nhiệm làm Phó trụ trì chùa Suvanna Ransì Khlang Ong. Với trọng trách mới, Ngài càng ra sức tu trì, giới luật nghiêm minh, và góp phần sửa sang chùa cảnh, xây dựng thêm liêu, cốc, trai đường, giảng đường làm nơi tu học cho Tăng chúng.
Một thời gian sau, Hòa thượng Tăng Phêng viên tịch, với sự chuyên tâm tu học và chăm phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Ngài được Tăng chúng trong bổn tự, cùng đông đảo đồng bào Phật tử tín nhiệm đề cử lên chức vị trụ trì kế vị.
Năm 1942, nhờ uy tín và đạo hạnh nghiêm minh, Ngài được các hàng giáo phẩm tấn phong lên Hòa thượng. Từ thời gian này trở đi đến cuối đời, Ngài không ngừng làm việc phụng sự đạo pháp. Trong những năm chiến tranh tàn phá, Ngài đã cố công sửa sang lại chùa cảnh, mở rộng khuôn viên đất chùa, để làm nơi cho Tăng chúng tu học và đồng bào Phật tử lui tới sinh hoạt tín ngưỡng. Ngoài ra, với tâm niệm “Tu phải Học”, Ngài cho xây cất trường lớp, mở lớp học phổ cập dạy chữ, dạy kinh để thoát nạn mù chữ cho các Sư và tín đồ dân chúng địa phương.
Năm 1962, qua những năm tích cực hoạt động phụng đạo, ích đời, Ngài được tiến cử chức vị Phó Mé-Kon. Lúc này, tuổi đời đã 65, tuy tuổi cao sức có yếu, nhưng Ngài vẫn cố gắng phục vụ Phật pháp, kêu gọi hướng dẫn đồng bào Phật tử tu học, đặc biệt hướng dẫn các vị trụ trì tiến tu Phật học, song song trau dồi thêm kiến thức thế học, để đủ khả năng truyền bá đạo Phật ở thế gian. Trong thời gian này, Ngài đã kiến tạo một ngôi tháp lớn, để an vị tôn thờ xá lợi của thầy Tổ là cố Hòa thượng Tăng Phêng, và nhiều ngôi tháp nhỏ xung quanh chánh điện của chùa. Sau buổi lễ khánh thành tháp xá lợi tôn sư, ý nguyện đã thành tựu, do bệnh duyên tứ đại hoành hành, Ngài phải nằm bệnh nhưng vẫn khuyên bảo, chỉ dạy các hàng đệ tử xuất gia và tại gia chuyên tâm tu học, đoàn kết phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Đến 9 giờ sáng ngày 16 tháng 01 năm 1970, tức nhằm ngày 09 tháng 12 năm Kỷ Dậu, theo lẽ vô thường có sinh tức có diệt, Ngài đã thu thần thị tịch, về cảnh vô dư thường lạc, trụ thế 73 năm, hưởng 53 tuổi Hạ. Sau 15 ngày đêm tổ chức lễ tang, Kim quan của Ngài được trà tỳ và nhập tháp xá lợi ngay tại chùa, để Tăng chúng tín đồ được chiêm ngưỡng, tôn thờ.
Hòa thượng Suvanna Dhamma Tăng Sanh đã có công lớn trong việc trùng hưng kinh sách, truyền bá đạo pháp và hướng dẫn mọi người thực hành đúng theo phương châm tu hành “duy Tuệ thị nghiệp”, lợi lạc chúng sanh. Ngài để lại sự kính ngưỡng cho Tăng chúng, Phật tử Phật giáo Khmer ở miền Tây Nam bộ.
---o0o---
Đại đức Thích Thiện Ân, thế danh là Lương Hữu Ba, sinh năm Kỷ Sửu (1949) tại xã Nghĩa Hưng, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Phụ thân là ông Lương Châu và thân mẫu là bà Hồ Thị Ngọc.
Gia đình Ngài thuộc thành phần trung lưu, có truyền thống tin Phật nhiều đời. Ngài có tất cả 4 anh chị em, nhờ vào nếp sống thanh nhã của gia đình nên Ngài đã sớm bộc lộ đức tính nhu hòa, luôn hiếu thuận với cha mẹ, anh chị em. Ngoài thời gian đến trường và phụ giúp công việc gia đình, Ngài thường xuyên đến chùa lễ Phật và nghe thuyết pháp. Nhờ vậy, trong Ngài đã un đúc chí nguyện xuất gia. Thời gian này, Ngài như đã sống cuộc đời tập sự xuất gia, được quý thầy tận tình dìu dắt và nhất là được sự trợ duyên đầy hoan hỷ của hai đấng sinh thành.
Năm Mậu Tuất (1958), được sự chấp thuận của song thân, ngày 10 tháng Giêng, Ngài đến chùa Linh Ứng tại Non Nước (Đà Nẵng) cầu xuất gia với Hòa thượng Thích Trí Hữu. Nhờ thời gian tập sự trước đó, Ngài đã nhanh chóng đạt thông các nghi tắc thiền môn, còn tỏ ra thông minh xuất sắc với các môn học ngoại điển.
Năm Canh Tý (1960) nhân ngày vía Đức Quán Thế Âm 19 tháng 2 Âm lịch, Ngài được thọ Sa di giới tại trụ xứ. Do đức tính hiếu học, Ngài được phép Bổn sư gởi cho đi học tại Sài Gòn. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bổn sư, vì e ngại bị tác động bởi nếp sống rộn rã tại nơi đô hội, nên Ngài vâng lệnh Thầy bước đầu đến chùa Thiên Phước tại quận Cai Lậy (Mỹ Tho) để tu học các chương trình tiếp tục. Gần 2 năm tại nơi trú xứ mới này cũng giúp Ngài đạt thêm nhiều điều lợi lạc, bổ sung cho kiến thức Phật học. Thời gian cũng đủ để Ngài thích hợp với phong thổ Nam bộ và tính cách ứng xử đã giúp Ngài thành công trong việc hỗ trợ chư Tăng địa phương công việc hoằng pháp.
Năm Nhâm Dần (1962), Ngài đến Phật học viện chùa Phước Hòa (tỉnh Vĩnh Bình) theo học các khóa huấn luyện cho kiến thức Phật học ngày càng phát triển, hầu có thể đảm đương các nhiệm vụ Phật sự sau này. Sau 3 năm miệt mài cần mẫn, Ngài tốt nghiệp chương trình Phật học sơ trung, được đánh giá vào hạng xuất sắc trong số các học Tăng đồng bằng Nam bộ bấy giờ.
Năm Giáp Thìn (1964) vẫn chưa thỏa nguyện tham cầu Phật học dù đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, Ngài bèn trở lên Sài Gòn đến Phật học viện Quang Minh (Phú Nhuận) để xin tùng học. Người học Tăng trẻ tuổi mà chư tôn đức giảng dạy tại đây đã thường được nghe nhắc tới, nay đã nhanh chóng chiếm được lòng ưu ái ngay tại nơi tham học mới này. Tuy nhiên do tác động thời cuộc, Ngài theo học nơi đây chưa bao lâu đã phải bị gián đoạn và Phật học viện này giải tán.
Năm Bính Ngọ (1966), được nhiều sự ân cần giúp đỡ, Ngài đến Chợ Lớn dự thi vào lớp Trung đẳng phổ thông tại Phật học viện Huệ Nghiêm khi Phật học viện này cũng vừa mở khóa. Thời gian tham học tại Phật học viện danh tiếng này dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giáo hội, Ngài đã có nhiều thuận duyên hơn bao giờ hết để đặt bước tương lai cho mình. Vì vậy, đây là thời điểm quan trọng cho Ngài bước vào khúc quanh lịch sử cuộc đời tu học của mình.
Năm Mậu Thân (1968), biến động thời cuộc đã gây không ít khó khăn cho Giáo hội, lại vừa phải đương đầu với nhiều thế lực. Do đó, tạm thời Phật học viện Huệ Nghiêm phải đóng cửa. Dù vậy, cũng vừa đúng lúc Ngài tốt nghiệp chương trình Trung đẳng tại đây.
Cũng như nhiều học Tăng xa xứ khác, Ngài phải tự tìm nơi ở mới ngay tại Sài Gòn để chờ cơ hội tiếp tục học vươn tới. Ngài đến lưu xứ tại Tăng xá Phước Huệ (Phú Thọ) rồi lại về chùa Vạn Hạnh ở đường Võ Tánh (Gia Định) mong tìm gặp được nhiều pháp lữ có kiến thức lớn để gần gũi hầu không uổng phí thời gian tu học.
Nhờ ý chí hiếu học và trình độ Phật học sớm được rèn luyện, nhiều Phật tử đã có lời thỉnh cầu Ngài đến trực tiếp chỉ dạy tu học. Trong giai đoạn này, có một thuận duyên không nhỏ đã giúp Ngài nhanh chóng quyết định về tọa chủ chùa Tân Long ở xã Tân Quy Đông, Nhà Bè. Tại đây, Ngài lại được Ban huynh trưởng Gia đình Phật tử mời làm Cố vấn Giáo hạnh và Ngài đã hoan hỷ nhận lời.
Năm Kỷ Dậu (1969), khi Phật học viện Huệ Nghiêm tái hoạt động, Ngài đã trở lại tu học và thọ Cụ túc giới tại đây. Tuy sở nguyện được như ý, Ngài vẫn giữ mối liên hệ đạo tình trước nay, đi lại thường xuyên với chùa Tân Long và Gia đình Phật tử Nhà Bè. Sau khi thọ giới, Ngài cũng được nhiều nơi thỉnh giảng, mời làm trụ trì hoặc có Ban đại diện Phật giáo địa phương mời ra làm việc v.v... nhưng Ngài vẫn khiêm cung tự lượng sức mình, bày tỏ chí nguyện tiếp tục ở lại Phật học viện Huệ Nghiêm để khẳng định ý chí và bản lĩnh Thích tử của mình.
Năm Canh Tuất (1970), đây là năm Giáo hội vừa đấu tranh cho hòa bình dân tộc, lại vừa đối phó với thủ đoạn thâm độc của các thế lực đàn áp, chia rẽ nội bộ Phật giáo dẫn đến những hành động đau thương, trái với tôn chỉ từ bi của đạo Phật và đường lối ôn hòa dân tộc mà Giáo hội đang đấu tranh thực thi. Đó là “Vụ thảm sát Việt Nam Quốc Tự”. Nguyên hơn 3 năm trước đó, bằng cái gọi là “Hiến chương Vũng Tàu”, chính quyền Sài Gòn đã lập nên một “Giáo hội” khác và lấy Việt Nam Quốc Tự là cơ sở pháp lý của Giáo hội này. Về phía Giáo hội (khối Ấn Quang) đã nhiều lần đòi hỏi, kể cả thành lập “Ủy ban Bảo vệ Hiến chương” mà chính quyền vẫn không đoái hoài. Ngày 29-11-1967, Giáo hội đã đơn phương tổ chức việc thu hồi lại Việt Nam Quốc Tự nhưng đã bị đàn áp ngay trước chùa Ấn Quang, trụ sở tạm của Viện Hóa Đạo.
Đêm 4 rạng sáng ngày 5 tháng 5 năm 1970, vì quá tin tưởng lời mời trao trả Việt Nam Quốc Tự, chư tôn đức Lãnh đạo Viện Hóa Đạo đã tổ chức cuộc tiếp thu lần thứ hai. Hậu quả là ngay khuya hôm đó, lính Cảnh sát Dã chiến, Võ sinh Nhu đạo Quang Trung và rất đông binh lính nhiều binh chủng đã ồ ạt tràn vào Việt Nam Quốc Tự tàn sát bất kể là ai. Người thầy tu đầu tiên bị trúng đạn ngã gục chính là Ngài mà hơn hai ngày qua đã náo nức tham gia đoàn tiếp thu của Viện Hóa Đạo. Ngài oằn oại trên vũng máu trước cảnh hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Ngài bị viên đạn trúng vào giữa bụng xuyên trổ ra sau lưng. Và câu cuối cùng Ngài nói trong tiếng nấc đứt quãng: “Hãy giao trả Việt Nam Quốc Tự lại cho Giáo hội, xin đừng nhờ thế lực chính quyền để bắn giết những người vô tội...”.
Ngài đã tắt lịm trong lời nói cuối cùng này, lúc đó là 5 giờ sáng ngày 23 tháng 6 năm 1970 tại Bệnh viện Bình Dân. Công hạnh của Ngài sống mãi từ 21 tuổi đời, với 10 tuổi đạo đầy nỗ lực tiến tu, tích phước hậu lai này.
---o0o---
Hòa thượng Thích Pháp Long, pháp danh Quảng Hương, pháp húy Trừng Hinh, pháp tự Pháp Long, pháp hiệu Từ Hội, nối pháp dòng Tế Thượng Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đời thứ 42. Ngài thế danh là Trần Minh Châu, sinh năm 1901 (Tân Sửu) tại làng Mỹ Hạnh Trung, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Thân phụ là cụ Trần Văn Trương; thân mẫu là bà Nguyễn Thị Mùi, gia đình Ngài có tất cả là 10 anh em, và Ngài là người con thứ 5 trong gia đình.
Được sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, tin kính Tam bảo, nên Ngài đã được huân dưỡng tánh đức hiền lương từ tuổi ấu thơ. Năm lên 8 tuổi (1909) một thảm họa lớn đến với Ngài: từ ngày 25 tháng 6, đến mùng 10 tháng 7 trong năm ấy, lần lượt thân mẫu và các người anh em đều từ bỏ cõi đời sau một cơn bệnh dịch oan nghiệt. Sự việc xảy ra quá đột ngột, và hết sức thương tâm này, đã khiến cho Ngài sớm nhận ra đời người là vô thường huyễn hóa.
Từ đó, Ngài sống với cha và ông nội. Năm lên 10 tuổi (1911), ông nội Ngài lại vĩnh biệt dương trần, còn lại hai cha con nương nhau mà sống. Chán ngán cảnh đời đau khổ và mong manh, thoạt có rồi không. Để rồi từ nhân duyên với Phật pháp nhiều kiếp trước phát khởi, Ngài mạnh dạn xin phép phụ thân được xuất gia đầu Phật và đã được chấp thuận.
Ngày mồng 8 tháng 4 năm 1914, Ngài được thân phụ dẫn đến xin xuất gia tại Tổ đình Khánh Quới xã Tân Bình, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang hiện nay) được Bổn sư cho pháp danh là Quảng Hương. Từ đó trở đi Ngài bắt đầu cuộc sống tu hành của người cầu đạo giải thoát.
Ngày 19 tháng 2 năm Ất Mão (1915), thân phụ của Ngài lại qua đời. Trước nỗi đau đó, khi càng buồn thì Ngài càng tinh tấn tu niệm để tưởng nhớ và siêu tiến cho hương linh cố phụ.
Năm 1920 trải qua 4 năm phụng Sư học đạo, nỗ lực tu trì. Hòa thượng Bổn sư của Ngài viên tịch. Từ đây một mình một bóng, Ngài bước đi trên con đường tự độ, hóa tha.
Năm 1923, Ngài được 22 tuổi, nhận thấy muốn thoát khỏi sông mê về bến Giác, cần phải có thầy Tổ làm nơi nương tựa dẫn đường. Cho nên, Ngài tìm đến Tổ Phi Lai ở núi Tượng, Châu Đốc cầu học. Ngài ở nơi đây học đạo một năm, và được Tổ ban cho pháp hiệu là Hồng Hinh, pháp tự Từ Hội.
Năm 1924, Ngài trở về Tổ đình Khánh Quới, phát nguyện nhập thất trì tụng một tạng kinh Di Đà, 3000 biến Kinh Kim Cương và thọ nhất thực (một bữa Ngọ) trong 6 tháng. Sau khi ra thất, Ngài lên núi Điện Bà Tây Ninh tham dự trường Kỳ khóa Luật thọ Tỳ kheo giới. Sau đó vào hang đá tu tập thiền quán, quyết minh tâm kiến tánh. Nhưng tịnh chừng nào vọng nhiều chừng ấy, Ngài bèn đọc sách Quy Nguyên Trực Chỉ, đọc đến Sơn Cư Bách Vịnh có đoạn viết:
“Sơn cư phong cảnh tự thiên nhiên
Đại đạo chỉ triêu tại mục tiền
Bất thức tổ tông thân mật chỉ
Đồ lao niệm Phật dữ tham thiền”.
Nghĩa là:
Phong cảnh núi rừng vốn tự nhiên
Đạo chẳng đâu xa, ở hiện tiền
Nếu không Thầy, Tổ chơn truyền chỉ
Sợ uổng công niệm Phật, tọa thiền!
Ngài chợt tỉnh ngộ, nhận thấy do mình tự tu thiếu Tổ chơn truyền, cần phải tầm Sư chỉ giáo. Ngài tìm đến Hòa thượng Huệ Đăng ở chùa núi Thiên Thai, Long Điền – Bà Rịa xin cầu yếu chỉ. Tổ Thiên Thai nhận thấy Ngài có tuệ căn thông đạt, phước tướng trang nghiêm, có thể là rường cột Phật pháp sau này, nên thâu nhận làm đệ tử, ban pháp húy cho Ngài là Trừng Hinh; pháp hiệu là Pháp Long, với 4 câu kệ rằng:
“Trừng định tinh thần trí tuệ khai
Hinh phong hương thủy tẩy trần ai
Pháp hoa liễu ngộ vô sinh nhẫn
Long đạt tông phong đại biện tài.”
Sau khi nhận lãnh pháp ngữ thầy Tổ, Ngài nhất tâm chuyên trì giới luật, trên cung kính dưới khiêm nhường, khắp nơi ngưỡng mộ tài đức của Ngài theo học rất đông.
Năm 1927, Ngài được tiến cử chức Giáo thọ tại trường Kỳ chùa Thanh Long – Biên Hòa, và sau đó được tấn phong ngôi Yết Ma tại trường Kỳ chùa Khánh Quới – Cai Lậy.
Từ năm 1928 đến 1945, theo bước chân vân du hóa độ, Ngài đã tiếp độ rất nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Trong số rất nhiều các đệ tử, có trưởng tử là Hòa thượng Thích Bửu Huệ nguyên Phó viện trưởng viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, và rất nhiều các Ni sư, Thượng tọa, Đại đức hiện đang trụ trì ở khắp nơi. Ngoài ra, Ngài còn chứng minh, xây dựng, trụ trì nhiều chùa như: chùa Thiên Cơ (Trà Ôn), chùa Tiên Châu (Vĩnh Long), chùa Bửu Long (Vũng Liêm – Vĩnh Long), chùa Thiên Tôn (Bình Khê – Bình Định).
Năm 1945 đến 1954, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Thiện Cảnh tại Vĩnh Long hưởng ứng theo lời kêu gọi của ông Trần Văn Giàu, chủ tịch Nam Bộ kháng chiến và cùng với quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Pháp Tràng, Thích Pháp Dõng v.v... tham gia trong phong trào Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ chống lại thực dân Pháp.
Sau những năm góp sức gìn giữ quê hương, đạo pháp, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu muốn lui về Tổ đình nhập thất tịnh tu, giảng dạy Tăng Ni Phật tử, nhưng Phật sự bên ngoài đã không cho phép. Các huynh đệ cử Ngài cùng với Hòa thượng Pháp Chiếu đi thăm Tổ Huệ Đăng ở Bình Định, đi đến nơi thì nghe tin Hòa thượng Bổn sư vừa viên tịch, đau xót vô vàn, Ngài phải quay về báo tin cùng sơn môn tứ chúng làm lễ truy điệu. Một thời gian sau, để báo đáp thâm ân giáo huấn của Hòa thượng Bổn sư, Ngài lặn lội ra tận Bình Định để xây tháp thờ Bổn sư và trùng tu lại Tổ đình Thiên Tôn, tổ chức ổn định sinh hoạt tín ngưỡng nơi đây.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài được chư tôn đức thỉnh làm Hòa thượng Đàn Đầu cho Đàn giới tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa. Sau đó Ngài trở về chùa Khánh Quới lập một tịnh thất để tĩnh tu an dưỡng và tiếp tục hoằng dương đạo pháp.
Vào năm 1961, do đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, Ngài đã bị bắt và giam tại khám Chí Hòa hơn hai năm. Dù bị tra tấn đánh đập, nhưng lúc nào Ngài vẫn một dạ sắt son với chánh nghĩa, với lý tưởng giác ngộ. Lúc ở trong tù, Ngài đã làm bài thơ:
“Đã ở tù thì lắm cái dơ
Dơ tâm, dơ tánh, thân càng dơ
Tu tâm dưỡng tánh thân tù sạch
Đạo chí bền lòng chẳng để dơ”.
Tháng 11 năm 1963, chính quyền nhà Ngô sụp đổ, Ngài được trả tự do, liền đó Ngài trở về chùa tiếp tục hoạt động Phật sự, giáo dục Tăng Ni, Phật tử. Năm 1966, Ban bảo tự Tổ đình Thiên Thai Thiền Giáo Tông hiệp khai trường Hương tại chùa Thiên Quang (Hóc Môn), Ngài được tiến cử làm Hòa thượng Chủ Hương. Đến mãn Hạ, lập đàn truyền giới, Ban chức sự cung thỉnh Ngài làm Tái thí Đàn đầu Hòa thượng.
Năm 1967, Ngài đến chùa Thiên Minh (Pháp Võ cũ, Chợ Cầu – Hóc Môn) hiệp chúng cấm túc an cư tu học trong 3 tháng. Sau đó, Ngài trụ lại đây cho đến ngày viên tịch.
Những ngày cuối đời, tuy tuổi cao, sức khỏe suy dần, nhưng Ngài vẫn tận tụy giảng dạy, lo cho tiền đồ Phật giáo sau này. Ngày 13 tháng 9 năm Tân Hợi (tức ngày 31 tháng 10 năm 1971), Ngài đã xả báo an tường, thu thần tịch diệt. Ngài trụ thế 70 năm với 47 tuổi đạo.
Suốt cuộc đời Ngài công hạnh vẹn toàn, hiến thân cho đạo pháp và dân tộc không biết mỏi mệt. Ngài là một bậc mô phạm xứng đáng cho hậu học quy ngưỡng.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Hương, pháp danh Như Huệ, pháp hiệu Nhuận Huê, pháp tự Thiện Hương, pháp tự truyền thừa tông môn là Thị Huê, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, thế danh Lê Văn Bạch sanh ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1903), tại làng Tương An, tổng Bình Thổ () tỉnh Thủ Dầu Một (nay là xã Tân An, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Ngài sanh trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo theo Phật giáo Cổ truyền. Thân sinh là cụ ông Lê Văn Đông, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Siêng. Ngài là con cả trong gia đình có 4 anh em gồm 2 trai, 2 gái.
Năm Mậu Thân 1908, lúc lên 5 tuổi, Ngài được cha mẹ đưa đến chùa Phước Hưng, xã Tân An xin quy y với Hòa thượng Chơn Vị – Minh Vạn, được ban pháp danh là Như Huệ. Từ đó, với nhân duyên gần gũi Tam bảo và công quả sớm hôm, đã giúp Ngài sớm có tâm thành xuất gia tu học.
Năm Ất Mão 1915, khi lên 13 tuổi, đúng vào ngày Rằm tháng Tám, Ngài được cha mẹ đem vào chùa Long Minh xin thế phát xuất gia với Hòa thượng Quảng Long, nên có được 3 năm công phu bái sám, học tập quy tắc Thiền môn.
Năm Mậu Ngọ 1918, Ngài được Bổn sư trao pháp thế độ là Nhuận Huê, tự là Thiện Hương, được cho đi dự khóa luật và thọ giới Sa di tại giới đàn trường Kỳ chùa Long Phước – Tân An. Năm sau (1919), Ngài được theo học khóa giáo lý tại Tổ đình Hội Khánh – Thủ Dầu Một do Pháp sư Từ Văn khai mở và Ngài nhập chúng ở luôn lại đây tu học.
Năm Nhâm Tuất 1922, lúc Ngài 20 tuổi, được Hòa thượng Từ Văn cho đi thọ đại giới tại giới đàn chùa Giác Lâm, Chợ Lớn do Hòa thượng Như Phòng – Hoằng Nghĩa làm đàn đầu truyền giới. Từ đó, Ngài chuyên tâm tinh tấn tu học ở Tổ đình Hội Khánh. Đến năm 1930, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Từ Văn được ban pháp hiệu Chơn Duyên, tự Từ Giác, đồng thời được Hòa thượng và Tăng chúng cử làm Thủ tọa.
Năm Nhâm Thân 1932, Hòa thượng Từ Văn viên tịch. Trưởng lão chùa Từ Ân cùng chư sơn thiền đức đứng ra lập Ban trụ trì chùa Hội Khánh, gồm Hòa thượng Từ Tâm là chánh trưởng tử, sư cụ Giáo thọ Thiện Quới làm trụ trì, Thủ tọa Thiện Hương làm phó nhất trưởng tử. Nhằm để theo thứ tự truyền thừa, Hòa thượng Từ Tâm đặt chữ thế độ cho Ngài là Thị Huê. Lúc bấy giờ mọi công việc Phật sự ở chùa Hội Khánh đều do Ngài quản lý, vì các vị trong Ban trụ trì đều già yếu.
Năm Quý Dậu 1933, Ngài được suy cử lên ngôi vị Yết Ma A xà lê trong đại giới đàn chúc thọ chùa Sắc tứ Thiên Tôn. Năm 1934, Ngài liên tiếp được cung thỉnh vào các chức sự: Phó Pháp sư trường Gia giáo chùa Tân Long (Gia Định); Chánh chủ Kỳ chùa Long Quang (Lái Thiêu); Thư ký trường Kỳ chùa Long Khánh (Thủ Dầu Một); Chủ Kỳ chùa Long Sơn (Thủ Dầu Một). Sang năm 1936, Ngài đứng ra trùng tu lại cổng Tam quan chùa Hội Khánh.
Năm Tân Tỵ 1941, Ngài được Chư sơn thiền đức giáo phẩm trong tỉnh Thủ Dầu Một công cử làm Trụ trì chùa Hội Khánh – sau khi chư Hòa thượng trong ban Trụ trì đã lần lượt viên tịch-Ngài mở khóa gia giáo, kêu gọi Chư sơn thiền đức trong tỉnh nhà có môn đệ hãy gởi đến chùa Hội Khánh tu học. Chính Ngài là Pháp sư giảng dạy cho khóa học, góp phần đào tạo Tăng tài tương lai cho tỉnh nhà.
Năm Ất Dậu 1945, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến giành độc lập nước nhà, Ngài tham gia hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, Hòa thượng Minh Tịnh được bầu làm Chủ tịch, Ngài làm Phó chủ tịch Hội.
Năm Quý Tỵ 1953, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập (31.12.1953), và Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương cũng được thành lập trong ngày này. Ngài được trung ương Giáo hội và toàn thể Tăng tín đồ Bình Dương suy cử lên ngôi vị Hòa thượng, đảm nhận Tăng trưởng Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Đến năm Canh Tý 1960, Ngài được Hội đồng Trưởng lão Giáo hội suy cử Đệ nhất phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng. Ngài đảm nhận danh vị này cho đến cuối đời.
Trong suốt thời gian hành đạo, Ngài đã tham gia nhiều Phật sự cho Phật giáo Bình Dương, góp phần to lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh nhà, Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ kế thừa như: Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Đồng Lưu, Hòa thượng Đồng Nghĩa...
Năm Quý Mão 1963, khi mà cuộc đấu tranh của giới Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đang ở cao trào, thì Ngài lâm bệnh. Tuy thế, Ngài vẫn luôn dõi hướng về cuộc đấu tranh chung qua tin tức, và luôn cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Phật giáo đồ toàn quốc vượt qua cơn sóng gió, đoàn kết chặt chẽ để đấu tranh cho đến thành công.
Rồi đến lúc tùy duyên trở về cùng tứ đại, Ngài nhẹ nhàng xả thân giả huyễn, lúc 17 giờ ngày 10 tháng 5 nhuần năm Tân Hợi, tức ngày 02 tháng 7 năm 1971, thọ thế 68 tuổi, giới lạp 48 năm. Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa Hội Khánh.
Hòa thượng Thiện Hương là một bậc thạch trụ thiền môn của Phật giáo Bình Dương. Cuộc đời Ngài là một tấm gương kiên trì hành đạo, nêu cao hạnh tinh tấn cho hàng hậu học noi theo và là niềm tự hào về một thế hệ danh Tăng nước Việt.
---o0o---
Hòa thượng Thích Chí Tịnh, pháp danh Hồng Căn, thế danh Nguyễn Văn Đại sinh năm 1913 (Quý Sửu) tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Ngài xuất thân trong một gia đình trung nông, có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo lâu đời. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn An, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Điều, vốn là những Phật tử thuần thành chất phác.
Thuở nhỏ, Ngài thường hay đau ốm, khó nuôi nên năm lên 7 tuổi (1920 Canh Thân), thân mẫu Ngài đưa lên chùa Phước Long, xã Phú Phong huyện Châu Thành, Tiền Giang cho xuất gia với Hòa thượng Như Bửu, hiệu Thanh Châu được Bổn sư đặt pháp danh là Hồng Căn. Ngài ở đây hầu thầy, học đạo suốt 13 năm liền. Bản tánh thông minh, lại thêm cần mẫn siêng năng, nên chẳng mấy chốc, thiền môn kinh luật, phạm tắc oai nghi, Ngài đều làu thông. Năm 1930 (Canh Ngọ), thấy Ngài hiếu học, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài học thêm chữ quốc ngữ và xuống chùa Phước Long, xã Kim Sơn học chữ nho và kinh bộ với Hòa thượng Chí Nghĩa.
Năm 1932 (Nhâm Thân), lúc này Ngài vừa tròn 20 tuổi, nhận thấy thiện duyên đã đủ, đạo hạnh đã thuần, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Minh Đức, Phú Túc, Bến Tre và cho pháp hiệu là Chí Tịnh.
Năm 1935 (Ất Hợi), được phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài đến chùa Vạn An, Sa Đéc, tham học giáo lý và thiền môn nghi lễ với Hòa thượng Chánh Thành. Suốt bảy năm Ngài chuyên cần tu học, Phật điển mỗi lúc một uyên thâm, khoa nghi ứng phú mỗi lúc thêm tinh tường.
Năm 1942 (Nhâm Ngọ), giã từ đạo tràng Vạn An, Ngài đến chùa Tuyên Linh, Bến Tre tham học với Hòa thượng Khánh Hòa. Sau đó được Hòa thượng đưa vào nhập học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên.
Trong thời gian tu học ở đây, Ngài được quý Phật tử cảm mến đạo hạnh, cung thỉnh về trụ trì chùa Lạc Thiện ở xã Tân Thạch, Bến Tre. Ở đây Ngài dốc lòng chăm lo Phật sự, trùng tu Tam bảo đến nỗi Bổn sư lâm bệnh nặng Ngài vẫn không hay để về phụng dưỡng.
Năm 1951 (Tân Mão), Hòa thượng Bổn sư viên tịch, di chúc lại cho Ngài kế tục đảm nhiệm ngôi vị trụ trì. Phụng theo di chúc của Thầy, Ngài giao chùa Lạc Thiện lại cho đệ tử lớn là thầy Quảng Mai và về trông coi Tổ đình Phước Long.
Những năm 1951 – 1954, Ngài được mời đi họp ở Đồng Tháp Mười, và cùng Hòa thượng Pháp Tràng tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc, lo vận động đồng bào Phật tử đóng góp tài lực vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1954, hòa bình lập lại, Ngài trở về chùa Phước Long, trùng tu Tam bảo, hướng dẫn thiện tín tu hành. Dù Phật sự đa đoan, năm nào đến mùa an cư, Ngài cũng tham dự kiết Hạ, nhập chúng tu học, khi ở gần, lúc ở xa, khi ở Sài Gòn, lúc ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Sa Đéc v.v...
Năm 1955 (Ất Mùi) Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập. Ở Mỹ Tho, Hòa thượng Quảng Ân được bầu làm Tăng trưởng, Hòa thượng Pháp Tràng làm Tăng giám. Ngài được bầu làm Ủy viên Hoằng pháp. Hòa thượng Nguyên Thanh làm thư ký, Hòa thượng Trí Long làm Ủy viên tài chánh. Hội sở đặt tại chùa Vĩnh Tràng.
Năm 1963 (Quý Mão), chiến tranh lan tràn khốc liệt, ở thôn quê giặc càn quét khắp nơi, ở thành phố thì bị pháp nạn, chùa chiền Tăng Ni bị chính quyền họ Ngô đàn áp, bắt bớ. Ngài thấy không thể hoạt động Phật sự ở chùa Phước Long được nữa nên đã tản cư xuống chùa Chơn Minh (Mỹ Tho). Ở đây, Ngài hợp tác với Hòa thượng trụ trì, Hòa thượng Hiển Pháp mở lớp dạy giáo lý cho chư Tăng quy tụ về tu học rất đông.
Năm 1966 (Bính Ngọ), Ngài được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Phật Ân (thị xã Mỹ Tho). Chùa là cơ sở của Hội Phật học tỉnh Định Tường, nên về đây Ngài hợp tác với Hội mở trường đào tạo Tăng tài, cung thỉnh Hòa thượng Thiền Định cùng quý giảng sư ở Sài Gòn giảng dạy. Hơn sáu năm trụ trì chùa Phật Ân, Ngài đã góp phần đào tạo được một thế hệ Tăng trẻ có tài đức, kế thừa sự nghiệp hoằng pháp ở Tiền Giang.
Năm 1972 (Nhâm Tý), Ngài tham dự khóa an cư kiết Hạ tổ chức ở chùa Sùng Đức, Phú Lâm-Chợ Lớn và được đại chúng bầu làm Chánh chúng trường Hạ. Giữa khóa Hạ, Ngài lâm bệnh nặng nhưng nhất quyết không bỏ Hạ, bệnh tình mỗi lúc một thêm nặng nên đại chúng phải đưa Ngài vào bệnh viện Sùng Chính để điều trị. Tưởng bệnh sơ sài rồi sẽ qua, nào ngờ, ngày mùng 6 tháng 6 năm Nhâm Tý, vào lúc 3 giờ sáng Ngài an nhiên thị tịch, hưởng dương 59 tuổi, tròn 40 Hạ lạp.
Tang lễ Ngài được Ban chức sự trường Hạ tổ chức vô cùng trọng thể trong suốt bốn ngày, Hội đồng Viện Tăng thống do Hòa thượng Huệ Thành và Hội đồng Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Bửu Ý dẫn đoàn giáo phẩm về trường Hạ làm lễ truy điệu và truy tặng Ngài một “Anh dũng Phật chương”. Sau đó, Tăng Ni, Phật tử trường Hạ cung tiễn Kim quan Ngài lên xe tang đưa về chùa Chơn Minh (Mỹ Tho). Sau đó đưa về chùa Phước Điền, xã Long Bình Điền – Chợ Gạo, nhập Bảo tháp.
59 năm trụ thế, 40 năm tu học phụng đạo, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đức tánh khắc kỷ, lợi tha, tinh thần vì đạo quên thân của Ngài luôn là một tấm gương sáng cho môn đồ hậu tấn noi theo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu là Như Bửu, tục danh là Võ Minh Thông, sau đổi là Võ Bửu Đạt, sinh năm Quý Sửu (1853), triều Tự Đức năm thứ 6, tại làng Tân Thới Tây, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
Ngài sinh trong một gia đình trung lưu Nho học, kính tin Tam bảo. Thân sinh của Ngài là cụ ông Võ Văn Kiển, pháp danh Thiện Tim, thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tông, pháp danh Diệu Nho. Ngài có 7 anh em trai. Người anh cả là ông Võ Văn Bường, một liệt sĩ cách mạng, bị thực dân Pháp sát hại trong cuộc kháng chiến năm 1947 tại quê nhà. Các em của Ngài có 2 người xuất gia. Một vị làm trụ trì chùa Phước Tường ở Thủ Đức, một vị làm trụ trì chùa Long Thạnh ở Bà Hom.
Ngày chào đời của Ngài có một đàn bồ câu không biết từ đâu bay đến đậu chật kín cả nóc nhà nhảy nhót, gù gáy hoan hỷ. Thân phụ cho đó là điềm lành, thiết bàn thờ giữa sân cúng tạ trời đất và cầu cho Ngài được mọi sự an lạc. Kể từ đó song thân Ngài phát nguyện trường trai, thực hiện hạnh bố thí, thiết lập bàn thờ Phật trong nhà, hằng đêm tụng kinh trì chú.
Vốn là một nhà nho uyên thâm, thân phụ Ngài hết lòng dạy bảo. Sẵn có tư chất thông minh lại chăm chỉ học hành, nên chẳng bao lâu Ngài học hết và thông hiểu nghĩa lý các sách Minh Tâm, Tứ Thư, Ngũ Kinh.... vùng Bà Điểm là lò dạy võ, nên Ngài cũng được theo học võ, tài nghệ được xếp hàng đầu trong số thanh niên biết võ của liên xã. Tuy văn võ vào hàng ưu tú như thế, nhưng Ngài luôn khiêm nhường không kiêu căng ngạo mạn. Hàng ngày ngoài việc học hành, giúp đỡ cha mẹ các việc trong nhà, Ngài thường xuyên chăm lo nhang đèn nơi bàn thờ Phật.
Năm lên 12 tuổi, Ngài theo song thân đi lễ Phật ở chùa Linh Nguyên làng Đức Hòa, hôm đó, nhân vía Địa Tạng Bồ tát, chùa tổ chức lễ cầu siêu Bạt tiến rất long trọng. Đàn tràng uy nghi Tăng Ni, Phật tử các nơi quy về dự lễ rất đông. Ngài và song thân ở lại suốt ba ngày đêm, tham dự các khóa lễ. Khi ra về, Ngài luôn mang theo hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh giải thoát của chốn thiền môn những ngày qua. Một tháng sau, Ngài xin phép song thân cho được xuất gia tại chùa Linh Nguyên như nguyện ước trong thâm tâm.
Điều mong ước ấy không mấy khó khăn, vì song thân Ngài cũng đã có ý hướng để Ngài xuất gia cho hợp với điềm lành khi Ngài chào đời và phù hợp bản tính nhân từ, đôn hậu bẩm sinh của Ngài. Sau đó, Ngài được song thân đưa tới chùa Linh Nguyên, cầu xin Tổ Minh Phương – Chơn Hương thâu nhận làm đệ tử.
Trải hai năm chuyên cần tu học, Ngài đã thông suốt các nghi thức thiền môn. Tổ Minh Phương thấy ở Ngài có túc căn tài trí, không thể chỉ học đến như thế là đủ, nên dẫn Ngài đến chùa Giác Lâm là ngôi cổ tự lâu đời để học thêm kinh điển dưới sự giáo huấn của Tổ Minh Vi – Mật Hạnh. Trải qua 6 năm học tập tại đây, Ngài được xếp vào diện hạng ưu, thì vừa lúc Bổn sư của Ngài là Tổ Minh Phương viên tịch (1877).
Sau khi về thọ tang Bổn sư, Ngài trở lại chùa Giác Lâm tu học. Vào thời điểm đó, khoa nghi ứng phú đạo tràng rất thịnh hành ở đây. Tăng chúng phải tham gia các “đám cúng” mất nhiều thì giờ, không còn rảnh rang để nghiên cứu kinh điển. Vì vậy, Ngài xin qua chùa Giác Viên để tu học đúng theo sở nguyện. Tại đây, Ngài được sự tận tâm dạy bảo của các vị giáo thọ như Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm, Như Nhãn-Từ Phong... Sẵn tư chất thông minh, làu thông nho học, lại gặp được thầy giỏi, nên Ngài sớm trở thành một danh Tăng đương thời.
Năm 1879, Ngài được tứ chúng Tổ đình Linh Nguyên công cử kế vị trụ trì, thay tổ Minh Phương – Chơn Hương đã viên tịch.
Sau khi Ngài xuất gia, song thân Ngài cải tạo ngôi nhà từ đường thành một ngôi Tam bảo, mở rộng cửa cho Phật tử quanh vùng đến tụng kinh lễ Phật. Đến năm 1919, thân phụ Ngài qua đời, Ngài giao nhiệm vụ trụ trì chùa Linh Nguyên lại cho Ngài Như Đạt – Thiên Cang (huynh đệ đồng sư với Ngài) rồi trở về lo việc cư tang báo hiếu, đồng thời trùng tu lại ngôi chùa do song thân lập ra. Năm 1921, việc trùng tu xây dựng ngôi chùa đã xong, Ngài tổ chức lễ khánh thành, có đông đảo tín đồ và chư Sơn đến dự. Trong buổi lễ trang trọng này, ngôi chùa được Tổ Như Nhãn – Từ Phong đặt tên hiệu là Long Quang Tự. Đặc biệt trong dịp lễ khánh thành và đặt tên chùa, nông dân trong vùng đào ao, phát hiện một pho tượng Phật bằng đá không rõ có từ niên đại nào. Họ thỉnh đến chùa giao cho Ngài thờ phụng, Ngài tôn trí pho tượng nơi bàn Tổ lưu giữ cho đến nay.
Vào đầu thập niên 1920 tổ chức Thiên Địa Hội, một tổ chức yêu nước của những người dân yêu nước ở Nam kỳ hoạt động khắp nơi. Mạnh nhất là vùng Đức Hòa – Hóc Môn – Chợ Lớn. Trong số những người tham gia tổ chức này có nhiều Tăng sĩ như: Sư Lồng (Huỳnh Văn Lồng); Sư Ký Đời; Sư Ký Nhàn; Sư Ký Hạp ở Đức Hòa; Sư Phát Ấn; Thiện Tòng; Thành Đạo v.v... ở vùng Chợ Lớn – Gia Định và trong đó có Ngài (gia nhập năm 1926). Sau một thời gian hoạt động, tổ chức Thiên Địa Hội bị thực dân Pháp đàn áp, nhiều hội viên bị bắt và đày Côn Đảo, Ngài cũng chịu chung số phận.
Gần 4 năm trời, Ngài sống cuộc sống lao tù khổ sai trên hải đảo, nhưng vẫn giữ phong cách của vị tu hành, ăn cơm với muối, bận áo nâu sồng. Năm cuối cùng Ngài được đi lên rừng đốn củi, đốt than. Tại nơi làm việc, Ngài kết thân với một số bạn tù, tổ chức kết bè vượt ngục. Sau thời gian 2 tháng, bè đã kết xong. Ngài cùng một số bạn tù gồm 7 người lên bè ra khơi trong đêm tối.
Trong ngày đầu trời tốt, thuận gió, bè lướt nhanh. Khi trông thấy ánh sáng mặt trời xuất hiện ở phương Đông thì bè cũng đã rời xa Côn Đảo. Nhưng nỗi vui mừng chưa qua đi, sự lo âu đã cận kề. Một trận cuồng phong từ phương Đông thổi tới. Chiếc bè gập ghềnh, chao đảo trên những ngọn sóng kinh hồn. Chiếc bè bị đứt làm đôi, phía kia có 4 người ngồi trên đó, chỉ qua vài đợt sóng, mảng bè đã bị xé nát, 4 người lần lần mất dần trong sóng nước.
Đương lúc thập tử nhất sinh, trên nửa bè kia có Ngài và hai người nữa tưởng chỉ còn chờ đến phiên mình làm mồi cho cá. Hai người kia nhắm mắt chờ chết. Riêng Ngài vẫn ngồi xếp bằng, hai tay níu chặt thân bè để sóng khỏi hắt xuống nước, miệng trì niệm tâm kinh. Giây phút trôi qua, gió lặng sóng yên, trời quang mây tạnh, chiếc bè lặng lẽ trôi đi theo làn gió nhẹ.
Ba ngày hai đêm, bè bồng bềnh trên mặt biển, chung quanh là trời nước mênh mông, chẳng thấy đâu là bờ. Ba người ngồi trên bè chỉ còn biết phó thác cho duyên nghiệp. Bỗng từ xa một chiếc thuyền buôn xuất hiện, căng buồm rẽ sóng lướt về phía chiếc bè.
Sự vui mừng xen lẫn lo âu, mừng vui vì sắp được cứu sống nếu gặp người tốt bụng. Lo âu nếu gặp quân lính hay kẻ tham danh vọng bắt đem nạp cho nhà chức trách. Nhưng dù sao thì cũng phải lên thuyền. Những người làm trên thuyền bu quanh ba người hỏi chuyện. Bỗng từ sau buồng lái một người xăm xăm bước tới, mọi người dang ra. Người ấy nhìn chăm chú vào Ngài rồi cất tiếng hỏi:
-Có phải ông là nhà sư chăng?
-Thưa phải. Ngài đáp.
Nghe đáp thế, người kia chắp tay xá, rồi mời Ngài vào trong khoang hàn huyên tâm sự. Người ấy chính là một thương gia tên là Lê Trung Cận, quê Quảng Ngãi vào lập nghiệp ở Rạch Giá. Ông Cận là một Phật tử thuần thành, bàn thờ Phật tại nhà ông không khác gì một “tiểu già lam”. Ông hết lòng cung phụng vào bảo bọc cho Ngài được an tâm trong thời gian lưu trú trong nhà ông. Đối lại, Ngài cũng đem trình độ hiểu biết sâu rộng về Phật pháp ra truyền đạt cho ông. Từ đó ông coi Ngài như bậc sư phụ và tìm cách hợp thức hóa cái tên giả Võ Bửu Đạt thay cho tên thật Võ Minh Thông để che mắt nhà cầm quyền Pháp.
Không dám trở về chùa cũ và quê xưa, với tấm căn cước mang tên Võ Bửu Đạt, suốt gần mười năm trời, Ngài đi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ – tới đâu Ngài cũng đem giáo pháp của đức Như Lai ra truyền dạy cho Phật tử, và có lúc Ngài cũng phải sử dụng môn Khoa Nghi ứng phú đạo tràng để làm phương tiện hoằng hóa chúng sinh và thu phục nhân tâm. Trên bước đường vân du, có một thời gian Ngài dừng chân tá túc ở chùa Châu Long ở Châu Đốc. Ngôi chùa này do Ngài Như Hiếu – Thuần Hạnh sáng lập. Nơi đây chúng Tăng biết Ngài thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đồng tông phái, nên Ngài được tiếp đón như hàng tôn túc.
Năm 1949, cái án tù vượt ngục không còn ngăn cản sự tự do hành đạo của Ngài nữa, Ngài mới chính thức trở lại Sài Gòn, nhưng chưa an trụ một nơi nào, khi thì ở chùa Trường Thạnh, chùa Tịnh Độ, chùa Giác Hải, khi thì ở chùa Giác Viên, Giác Lâm, Bình Hòa, Chưởng Thánh, Long Phước, Sùng Đức v.v... Đến cuối năm đó, mến mộ tài đức đạo hạnh của Ngài, thầy Trí Hữu (tức Đội Hữu) thỉnh Ngài về trụ trì chùa Giác Ngộ tại ngã sáu Vườn Lài.
Qua năm sau, 1950 Ngài chính thức mở trường Kỳ tại chùa Giác Ngộ do Ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1951, Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Ngài được suy tôn ngôi vị Pháp chủ. Từ đó, giới Tăng già cũng như Cư sĩ tôn kính Ngài là một trong các bậc cao Tăng của miền Nam. Khắp các chùa trong lục tỉnh mỗi khi có thiết đại lễ đều thỉnh Ngài đến chứng minh.
Sau thời gian ba năm phục vụ cho Giáo hội, nhận thấy tuổi già sức yếu, nên tại Đại hội Giáo hội họp ngày 08-3-1953, Ngài xin cáo lui, trao ngôi vị Pháp chủ cho Hòa thượng Huệ Quang. Ngài trở về chùa Long Quang ở Xuân Thới Thượng an dưỡng, nhưng vẫn là bậc Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Tăng Già Việt Nam, của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Từ khi Ngài bị bắt tù đày Côn Đảo, ngôi chùa Long Quang trong tình trạng hoang phế, có lúc thực dân Pháp dùng làm nơi đóng đồn bót để đàn áp lực lượng kháng chiến. Sau hiệp định Genève 1954, người Pháp rút khỏi miền Nam, họ mới chịu trả chùa lại cho nguyên chủ. Sau khi thôi giữ ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, lưu về đây an dưỡng, Ngài bắt tay vào công việc trùng tu, đến năm 1956 mới hoàn thành. Cảnh chùa lại tấp nập, đông vui hơn ngày xưa.
Ngài về đây an dưỡng chưa được bao lâu thì cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam lại bùng nổ. Vùng Bà Điểm, Hóc Môn là căn cứ cách mạng, bom đạn của địch trút xuống ngày càng ác liệt. Lại một lần nữa Ngài phải xa chùa, lánh cư nơi khác. Năm 1956, có Phật tử tên là Phạm Thị Phương, chủ nhà in Văn Hóa ở Sài Gòn, phát tâm xây dựng một ngôi chùa tại Bình Trị, cạnh Phú Lâm lấy hiệu là Long Nguyên, thỉnh Ngài về an trụ. Ngài luôn được các đệ tử trụ trì các nơi cung thỉnh về chùa mình để phụng dưỡng cho đến hết năm 1972.
Đầu năm 1973, sức khỏe của Ngài thực sự suy kém, mặc dầu tinh thần vẫn sáng suốt, Ngài được các đệ tử đưa từ chùa Chưởng Thánh về chùa Long Quang ở Bà Điểm. Sáng mồng 1 Tết Quý Sửu, Ngài được dìu lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Sau đó, Ngài bảo kê chiếc đơn cạnh bàn thờ Tổ cho Ngài nằm. Suốt 11 ngày, Ngài chỉ uống nước. Đến sáng ngày 11, Ngài bảo nấu nước các hoa thơm để tắm rửa và bảo Sa di Thiện Hạnh đi báo cho các đệ tử của Ngài từ các nơi như Biên Hòa, Thủ Đức, Tây Ninh, Long An, Định Tường và Sài Gòn về gặp Ngài trong ngày 12 Âm lịch.
Đúng 12 giờ, mọi người đã tề tựu đông đủ, Ngài bảo đỡ dậy ngồi tựa lưng vào bàn thờ Tổ, dùng pháp âm ngõ lời trước đông đảo môn nhơn về luật vô thường, không có gì phải bi thống. Đoạn Ngài đọc một bài kệ 8 câu cho đệ tử ghi chép (rất tiếc lâu ngày bài kệ này đã bị thất lạc). Sau đó, Ngài bảo tất cả mọi người lên chánh điện tọa thiền nhập từ bi quán để chư Phật tiếp dẫn giác linh Ngài.
Đến 15 giờ 30, Ngài bảo đánh trống Bát Nhã đến khi nào Ngài bảo thôi mới thôi. Đến 16 giờ, Ngài an nhiên thị tịch trên tay vẫn nắm chặt xâu chuỗi Thập Bát. Ngài thọ được 120 tuổi đời, 99 Hạ lạp. Môn nhơn pháp quyến, môn đồ tứ chúng vô cùng thương tiếc, nhưng nhớ lời Ngài đã di huấn, nên đều không dám để rơi nước mắt. Kim quan của Ngài được quàn tại chùa Long Quang 5 ngày. Sau đó, đi đến chùa Trường Thạnh lưu 5 ngày. Đến ngày 22 tháng Giêng Âm lịch lại quy hoàn chùa Long Quang làm lễ nhập tháp.
Sinh thời, Ngài sáng tác, phiên dịch rất nhiều kinh sách, phần lớn bị thất lạc hoặc mối mọt làm hư hao. Nay chỉ còn lại một bộ Lục Vân Tiên tân truyện viết bằng chữ Nôm, một bộ Du Đà Đại Khoa, một bộ Vu Lan Thích Nghĩa. Tất cả đều lưu trữ tại chùa Long Quang, Bà Điểm.
Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương trí dũng của người con Phật, làm nên công đức cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Hành trình hoằng pháp lợi sanh của Ngài suốt trên một thế kỷ quả là ít có ai sánh được. Ngài đã để lại sự kính ngưỡng muôn thuở cho hàng hậu bối tôn vinh học tập.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Thuận, pháp húy Nhật Dần, thế danh là Lê Văn Thuận, sinh năm Canh Tý (1900) tại Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Xúy và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Biền, thuộc thành phần trung nông và là một gia đình có truyền thống tu Phật nhiều đời. Nhờ vậy ngay từ tấm bé, Ngài đã sớm thấm nhuần nếp sống đạo đức và tỏ ra thương yêu loài vật một cách đặc biệt, được song thân quý mến và làng xóm thương yêu.
Thời gian này đất Gia Định tuy vẫn còn râm ran đó đây các phong trào đấu tranh nổi dậy tự phát, nhưng thực dân pháp đã ổn định về mọi sự áp đặt của họ. Phật giáo vẫn còn bị kềm chế đó đây, cuộc sống tu hành của Tăng sĩ gặp nhiều khó khăn. Trong tình cảnh đó, hiếm có được ngôi chùa nào còn sót lại ngay trung tâm Gia Định và vùng Bến Nghé. Vì vậy cung cách giữ gìn truyền thống và tu tập của gia đình Ngài trong hoàn cảnh này thật đáng quý.
Năm Canh Tuất (1910) Ngài thường xuyên cùng song thân đi hành hương lễ Phật các chùa quanh vùng. Theo như mong ước của Ngài, đó còn là dịp để song thân tìm được nơi tin tưởng hầu có thể gởi gắm Ngài tu học sau này. Tiếc rằng do ảnh hưởng chung của thời thế, hiện trạng Phật giáo chịu chung vận mệnh đất nước bị suy thoái, nên mục đích cao đẹp là chơn giải thoát chỉ còn là hình tướng lễ bái mà thôi.
Năm Giáp Dần (1914) trên chuyến xe ngựa đầu xuân, vó ngựa gõ đều trên mặt lộ hướng về phía Đông Bắc, trong những bạn hàng buôn chuyến sớm, có song thân và Ngài đang thực hiện hoài bão cao cả hằng ấp ủ bấy lâu: Hòa thượng Hồng Hưng-Thạnh Đạo ra đến cổng Tam Quan chùa Giác Lâm hoan hỷ đón đợi Ngài cùng song thân như để báo rằng hoài bão của gia đình và bản thân Ngài giờ đây đã thành hiện thực.
Ở Gia Định thời ấy chỉ có ba ngôi chùa tạm được gọi là lớn và có quy trình tu học, đào tạo Tăng Ni được khắp nơi biết đến là chùa Giác Lâm, Giác Hải và Long Thạnh. Từ Cần Giuộc xa xôi gia đình Ngài không quản thời gian tìm đến và quyết định cho Ngài xuất gia tu học tại đây. Rằm tháng Tư âm lịch năm ấy, khi vừa đến tuổi 15, Ngài chính thức được Hòa thượng Hồng Hưng-Thạnh Đạo cho làm lễ xuất gia và đặt pháp danh là Nhật Dần, hiệu Thiện Thuận, thuộc đời thứ 41 dòng Đạo Bổn Nguyên, Tông Lâm Tế.
Năm Canh Thân (1920) Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại trường Kỳ chùa Phú Long – Phú Nhuận, do Hòa thượng Quảng Phát làm Đàn đầu truyền giới. Sau khi thọ giới, Ngài được cử giữ chức hương đăng chùa Giác Lâm, Ngài chuyên cần chấp tác mọi công việc của chùa, dù cho đó là công việc của Sa di, vì vậy Ngài đã tạo ra mối gắn bó tu học gần gũi trong Tăng chúng. Không lâu sau, nhận thấy sở học của Ngài luôn phát tấn, cần được nâng cao để có thể đảm đương các Phật sự quan trọng mai sau, nên Bổn sư đã gởi Ngài đi tham học nhiều nơi; trong đó đáng kể nhất là thời gian Ngài được tu học với Hòa thượng Thanh Ấn, húy Như Bằng-Từ Hòa ở chùa Từ Ân (Phú Lâm). Ngài đã cầu pháp với Hòa thượng, được ban pháp hiệu là Từ Hiền-Chơn Dần.
Năm Kỷ Mão (1939) Ngài trở về Giác Lâm và giữ trách nhiệm điển tọa. Thời gian này Hòa thượng Bổn sư đã già yếu, Ngài luôn cận kề chăm sóc và thực hiện những đạo lệnh quan trọng nhằm củng cố và phát triển Tăng đoàn nơi Giác Lâm.
Năm Kỷ Sửu (1949) Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài tuân thủ di chúc, được đại chúng suy tôn kế thế trụ trì chùa Giác Lâm. Với bản tính điềm đạm, ít nói, nhu hòa, đã giúp Ngài thực hiện trọng trách, được lòng tất cả Tăng chúng và Phật tử gần xa.
Trụ trì ngôi đại già lam này, Ngài đạt nhiều công hạnh tốt, nhưng cũng là thời gian ít có vị trụ trì nào như Ngài, đã chứng kiến một thực trạng mang tính lịch sử: Tăng chúng ngày một giảm đi, không phải vì suy vi đạo nghiệp hay trở lực chướng duyên nào, mà họ đã nghe theo tiếng gọi của Hội Phật giáo Cứu quốc, tạm xếp Tăng bào, lên đường kháng chiến cứu nước cứu dân. Chùa Giác Lâm còn là nơi nuôi giấu cán bộ và là nơi hội họp của nhiều cấp ủy một thời.
Năm Nhâm Thìn (1952), tình hình có vẻ lắng dịu, các vị ra đi ấy đã có nhiều vị trở về, tiếp tục hợp sức với Ngài chuyên lo Phật sự. Từ đây, Ngài có một quyết định mang tính lịch sử: tham gia vào tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, cùng Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng làm nơi bồi dưỡng, đào tạo Tăng tài, lấy tên là “Trường Lục Hòa”. Cũng nơi đây, thành lập cơ sở in ấn “Phật học tạp chí”, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhưng tạp chí ra mắt được vài số thì đình bản vì không đủ nhân lực tài lực.
Năm Quý Tỵ (1953) Ngài hiến cúng mẫu đất trước khuôn viên chùa Giác Lâm, dùng làm nơi xây tháp để tôn trí ngọc Xá lợi Phật do Đại đức Narada từ Tích Lan mang sang tặng, vào ngày 24.6.1953, và trồng một cây Bồ đề được chiết cành từ nơi đất Phật.
Năm Đinh Dậu (1957), Ngài được tấn phong Hòa thượng nhân Đại giới đàn tại chùa Trường Thạnh, lễ Khai Bằng Giáo Phẩm được tổ chức trọng thể tại trường Lục Hòa-chùa Giác Viên.
Năm Nhâm Dần (1962) Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền – Biên Hòa) được suy tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng. Từ đây, Ngài vẫn tích cực ủng hộ Giáo hội, nhưng do đa đoan bổn tự nên Ngài âm thầm với cuộc sống chuyên tu nhiều hơn. Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng cũng vì bảo vệ tôn chỉ, mục đích Lục Hòa, nên đứng ngoài các đấu tranh về chính trị, xã hội.
Năm Canh Tuất (1970) Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử được hợp nhất, đổi tên thành Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Ngài được suy cử vào thành viên Hội đồng Viện Tăng Thống.
Năm Nhâm Tý (1972) Ngài được đề cử chức vụ Viện trưởng Viện Hoằng Đạo và Hòa thượng Thích Huệ Thành giữ ngôi vị Tăng Thống.
Năm Quý Sửu (1973) Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 26 tháng 3 âm lịch, thọ 73 tuổi đời, giới lạp 53 mùa hạ. Môn đồ pháp quyến đã xây tháp thờ Ngài trong khuôn viên chùa Giác Lâm.
---o0o---
Hòa thượng Thích Quảng Ân, pháp húy Nguyên Đồ, pháp hiệu Quảng Ân (), nối đời thứ 44 dòng Lâm Tế Chánh Tông, thế danh Lê Văn Bảy, sinh năm 1891 (Tân Mão) tại xã Mỹ Phước, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang).
Thân phụ Ngài là cụ Lê Văn Chung, một nhà nho uyên thâm, tinh tường cả Nho, Y, Bốc, Số; Thân mẫu Ngài là bà Nguyễn Thị Thiệt, một người nhân từ mộ đạo. Ngài là con út trong một gia đình đông con. Thuở nhỏ Ngài được phụ thân cho theo Nho học, vốn thông minh, hiếu học lại được cha rèn cặp nên mới 12 tuổi, Ngài đã làu thông Tứ thư, Ngũ kinh.
Năm 13 tuổi (1903), nhân một lần chứng kiến cái chết của người chị dâu, Ngài cứ băn khoăn, thao thức: “Tại sao người ta lại phải chết”. Hình ảnh người chị nằm bất động, chung quanh là những tiếng than khóc não nề, cùng câu hỏi ấy cứ dấy lên ám ảnh tâm trí Ngài. May sao về dự tang lễ có thầy Thiện Trung, một người anh của Ngài đã xuất gia ở chùa Khánh Quới. Ngài đem ý nghĩ của mình ra thưa hỏi, thầy Thiện Trung giảng giải lý sanh tử vô thường của kiếp người cho Ngài rõ. Sau khi nhận thức được rằng thế gian chỉ là huyễn mộng, kiếp người vốn dĩ khổ đau, muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi triền miên đó, chỉ có một con đường là tu Phật.
Từ đấy ý tưởng xuất gia nhen nhúm trong Ngài. Sau bao đêm nung nấu, cuối cùng Ngài đem tâm nguyện của mình thưa cùng thân mẫu. Biết được ý con, bà không muốn rời xa người con út. Thế nhưng chí nguyện đã quyết ngay trong năm này (1903), dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của thầy Thiện Trung, Ngài đã đến chùa Khánh Quới (Cai Lậy), cầu xin xuất gia với Hòa thượng Phước Chí (húy Tâm Ba – còn gọi là Tổ Tâm Bờ). Được Hòa thượng thu nhận làm đệ tử và cho pháp danh là Thiện Chiên. Thế là từ đây Ngài theo hầu hạ và học tập đạo lý với Tổ Tâm Bờ, Hòa thượng thấy Ngài tuổi trẻ mà ý chí vững vàng, đạo hạnh siêng năng, mẫn tiệp nên hết lòng thương yêu dạy bảo.
Năm 1904 (Giáp Thìn), tháng 3, một trận cuồng phong thổi đến, cây cối nghiêng ngả, nhà cửa sập đổ, tróc nóc, duy chùa vẫn được bình an. Đêm rằm tháng Tư, Hòa thượng khai trường Hương, dẫn đến ngày hưu Hạ, lại mở trường Kỳ, lập đàn truyền giới. Thấy Ngài mới xuất gia nhưng học hành kiêm ưu, chí nguyện vững vàng nên Hòa thượng cho Ngài thọ giới Sa di.
Đàn truyền giới vừa xong, kế đến tháng 10, Hòa thượng Tâm Bờ họp chúng, cử thầy Trí Ân lên thay làm trụ trì, rồi Hòa thượng giã từ môn nhơn, lên núi Trà Sư ẩn tu.
Năm 1905 (Ất Tỵ), Hòa thượng Phước Chí viên tịch trên núi Trà Sư. Hay tin, Ngài vô cùng buồn khổ, kế mẹ già lại tha thiết yêu cầu Ngài trở về nhà để mẹ con sớm hôm được đoàn tụ, thương mẹ nên Ngài không nỡ từ chối. Thế nhưng về nhà được ít lâu, Ngài lâm trọng bệnh thuốc thang bao nhiêu cũng vô hiệu, cả nhà đang cơn tuyệt vọng, thì Ngài nằm mộng thấy Hòa thượng Tổ bảo phải trở vào chùa tu niệm. Biết túc duyên của con với Tam bảo sâu dày nên mẹ Ngài phát nguyện cho Ngài tiếp tục tòng Sư tu Phật. từ đó không cần thuốc thang mà bệnh cứ thuyên giảm dần, hết bệnh Ngài trở về chùa, được thầy trụ trì Trí Ân giao cho chức vụ Thư ký.
Tháng 7 năm 1907 (Đinh Mùi), Hòa thượng Thanh Ẩn, trụ trì chùa Sắc tứ Từ Ân (Chợ Lớn), khai gia giáo dạy kinh luật Đại thừa. Ngài xin phép thầy trụ trì và đại chúng để lên tham dự khóa học. Ngài đã nhập chúng tu học ở đây cho đến khi mãn khóa.
Tháng 4 năm 1909 (Kỷ Dậu), Ngài cùng sư huynh là Hòa thượng Thiện Tòng đến an cư kiết Hạ tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn). Sau lại đến chùa Linh Nguyên của Hòa thượng Chơn Hương nghe kinh Kim Cang Chư Gia. Trong suốt sáu năm trời viễn du tham học (1909 – 1912), không một trường Hương một lớp gia giáo nào mà Ngài vắng mặt. Vì vậy đạo hạnh Ngài mỗi lúc một tinh nghiêm, Phật học ngày càng thêm sâu rộng.
Năm 1912 (Nhâm Tý), lúc bấy giờ Ngài đã được 22 tuổi, chú Ngài là cụ Từ Hòa, cùng với các vị hương chức làng thỉnh Ngài về trụ trì chùa Linh Phước (chùa Phật Đá) ở thôn Bà Bèo. Đây là một ngôi chùa cổ có từ thời vua Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1772), do các mục đồng dựng lên. Trải một thời gian không người trông coi nên chùa bị hoang phế. Năm 1897, Hương chức làng thỉnh cụ Từ Hòa về ở để giữ gìn, hương khói cho chùa và cụ Từ Hòa đã ở đây cho đến lúc Ngài về đảm nhiệm chức vụ trụ trì.
Năm 1914 (Giáp Dần), Ngài thọ giới Tỳ kheo tại trường Kỳ chùa Khánh Đức, kế sau được suy tôn làm Giáo Thọ. Năm 1915 (Ất Mão), Ngài cho trùng tu lại ngôi chánh điện chùa Linh Phước.
Năm 1917 (Đinh Tỵ), Sở Trường Tiền cho xáng múc kinh Bà Bèo quá gần vuông chùa, nên Ngài họp bổn đạo cho dời chùa đến một khu đất hoang, cách nền chùa cũ khoảng 500m. Và một ngôi chùa Phật Đá mới, bốn nóc cao rộng, khang trang được dựng lên ở đây cho đến ngày nay.
Năm 1919 (Kỷ Mùi), Ngài tổ chức lễ Lạc thành chùa mới, thỉnh chư tôn đức về tham dự rất đông. Sau khi chùa chiền an ổn, Ngài bắt đầu việc hoằng hóa độ sinh, tiếp Tăng giáo chúng. Lúc trường Hương này thỉnh giảng dạy, khi trường Kỳ nọ thỉnh chứng minh, tiếng tăm Ngài mỗi lúc một vang xa. Lại thêm truyền tích vị Phật Đá ở chùa cảm đức hạnh Ngài nên mỗi lúc lại linh thiêng hơn, nhiều người đau bệnh nan y, hiểm nghèo về đây lễ bái cầu nguyện đều được chữa lành, nên bổn đạo gần xa quy ngưỡng chùa này ngày càng thêm đông.
Năm 1927 (Đinh Mão), Ngài trùng tu chánh điện chùa Linh Phước cao rộng hơn, để có thể dung chứa đủ thập phương thiện tín về lễ bái. Năm 1929, Sư huynh là Hòa thượng Thiện Tòng, trụ trì chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) về chùa Long Phước (Cai Lậy) lập Chúc thọ Giới đàn, thỉnh Hòa thượng Sắc tứ Long Hoa (Gò Vấp) làm Hòa thượng Đàn Đầu và thỉnh Ngài làm Giáo Thọ.
Năm 1939, vị trưởng tử của Ngài là Hoằng Thông húy Quảng Châu, trụ trì chùa Sắc tứ Long Hội mở trường Kỳ cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới.
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Khánh Hòa, năm 1931, Ngài tham gia làm hội viên sáng lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học.
Năm 1947, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, làng mạc tan hoang, chùa chiền bị thiêu rụi, Ngài phải cùng các đệ tử vào rừng ẩn náu, rồi đến tạm trú chùa Linh Quang của Đại đức Quảng Cơ. Tuy gian nan, vất vả, Ngài vẫn mỉm cười: “Tăng vô nhứt vật”.
Năm 1949 (Kỷ Sửu), Ngài cùng các đệ tử lại phải tản cư ra nương náu nơi Linh Ẩn Viện ở Nhị Bình lần thứ nhứt.
Năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập, đại chúng thỉnh Ngài làm Tăng trưởng, từ chối nhiều lần không được, Ngài đành phải hứa khả. Trong thời gian phục vụ vì công việc quá nhiều nên mắt Ngài mờ dần, mãi đến năm 1960 mới sáng trở lại. Dầu vậy Ngài vẫn không xao lãng Phật sự, vẫn đi chứng minh đó đây, giảng dạy gia giáo khắp các đạo tràng.
Năm 1955, khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt, Ngài cùng đồ chúng trở về trùng tu lại ngôi chùa Linh Phước. Chùa chiền vừa được sửa sang xong chưa bao lâu thì chiến tranh nữa lại nổi lên, khói lửa phủ mờ thôn xóm.
Năm 1961, Ngài cùng đồ chúng lại phải rời bỏ mái chùa thân yêu, tản cư ra nương náu nơi am Linh Ẩn – Nhị Bình lần thứ hai. Năm 1964, Ngài lại tản cư lưu trú nhiều chùa ở Mỹ Tho suốt hai năm.
Năm 1966, ông bà Phán Bổn, một bổn đạo tín tâm, thấy Ngài tuổi đã cao mà còn vất vả, lận đận nơi ăn chốn ở nên đã hiến cúng cho Ngài một miếng đất ở Mỹ Tho. Ngài cùng đồ chúng về đây dựng lên ngôi Linh Phước thứ hai, và trụ ở đây cho đến viên tịch.
Năm 1967, Ngài viết bảng Thanh quy trao quyền trụ trì cho đệ tử là Đại Đức Nhuận Quang để Ngài chuyên tâm tu trì và thuyết pháp độ sanh.
Năm 1974 (Giáp Dần), thấy sức khỏe mình đã suy yếu lắm, Ngài họp các môn nhơn đệ tử dặn dò, phó chúc những việc phải làm sau khi Ngài viên tịch. Ngày mùng 5 tháng 10 năm 1974, Ngài thong thả đọc bài kệ:
Ngàn thu an giấc khỏe thân ôi!
Cái nợ trầm luân đã phủi rồi
Thẳng tới Niết bàn theo cõi Phật
Thầy trò từ giã kiếp này thôi.
Sau đó Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 84 tuổi, 60 Hạ lạp. Môn nhơn đệ tử xây tháp an táng nhục thân Ngài trong khuôn viên trước chùa Linh Phước.
---o0o---
Thống nhất đất nước, một mơ ước lớn nhất của dân tộc và của Phật giáo đồ hai miền Nam Bắc. Vận hội này là cơ sở để thực hiện thống nhất Phật giáo toàn quốc thực sự được mở ra, tiếp nối công việc mà lần thống nhất Phật giáo trước chưa làm được.
Tuy nhiên, còn bao vấn đề khác biệt tồn tại giữa hai miền do hoàn cảnh lịch sử tạo thành từ cuộc chiến để lại, chủ yếu là Phật giáo miền Nam. Giai đoạn này nổi bật là việc thành lập Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước ở các tỉnh thành (1976), kế đến là thành lập Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1979).
Cả nước có tất cả 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham gia vào tiến trình vận động thống nhất:
1. Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc).
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (miền Nam).
3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
4. Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
5. Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam
6. Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước Tây Nam bộ.
7. Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam
8. Thiên Thai Giáo Quán Tông
9. Hội Phật học Nam Việt (cư sĩ)
Ở giai đoạn này, Tập thứ I đã giới thiệu 13 vị danh Tăng. Tập thứ II xin giới thiệu 6 vị mãn duyên khi đã nhìn thấy được ngày đất nước thống nhất.
42. HT. Thích Huệ Pháp (1887-1975)
43. HT. Thích Tôn Thắng (1879-1976)
44. HT. Thích Minh Trực (1895-1976)
45. HT. Pháp Vĩnh (1891-1977)
46. HT. Thích Giác Nguyên (1877-1980)
47. HT. Thích Huệ Hòa (1915-1980)
48. HT. Thích Thiên Ân (1925-1980)
---o0o---
Hòa thượng Thích Huệ Pháp, thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi 1887, tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Thân sinh là cụ Nguyễn Vĩnh, một bậc lão nho tinh thông cả Dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của Người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam, em gái út lập gia đình.
Thiếu thời Ngài học chữ nho của thân sinh. Ngài thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo; Ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ môi trường này, Ngài được gặp và tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.
Năm Kỷ Dậu 1909, lúc 22 tuổi Ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.
Năm Tân Hợi 1911, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Thủ Sa di tại giới đàn này. Năm ấy Ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tự là Đạo Thông. Sau khi đắc giới, Ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.
Năm Giáp Dần 1914, Ngài đi vào Bình Định để tham học với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, Ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho Ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học.
Năm Đinh Tỵ 1917, Ngài được chư Sơn thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác, Tuy Phước, Bình Định. Uy tín và đạo hạnh của Ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, Ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ 1918.
Năm Giáp Tý 1924, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát, Bình Định. Đến năm Bính Dần 1926, Giới đàn chùa Phước Quang, Quảng Ngãi cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê.
Năm Đinh Mão 1927, Ngài được thỉnh làm Chánh Ký trường Hương chùa Long Khánh, Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ Sư cùng quý Ngài: Trí Hải chùa Bích Liên; Như Phước chùa Liên Tôn; Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền Chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật học đường miền Nam thỉnh Ngài vào làm Chủ giảng, Ngài đã cho Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay Ngài.
Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết Ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước.
Năm Giáp Thân 1944, tức năm Bảo Đại thứ 19, Ngài được triều đình Huế sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cang và sắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.
Năm Ất Dậu 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Đinh Hợi 1947, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn, Bình Định.
Năm Đinh Dậu 1957, tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phương – Nha Trang, Ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Cùng năm, Hội Phật giáo Tịnh độ Tông thỉnh Ngài ngôi vị Chứng minh Đại Đạo sư Trung phần.
Năm Kỷ Hợi 1959, Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung phần.
Năm Nhâm Dần 1962, chư Sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới.
Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết Ma A Xà Lê và Đường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung, Nam phần.
Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện. Đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội. Đệ tử tại gia của Ngài có đến hàng vạn người.
Một phần ba cuộc đời của Ngài tuy có nhiều ảnh hưởng chính trị trong công cuộc chống thực dân Pháp giành độc lập, nhưng nhờ giáo lý Phật đà thấm sâu, Ngài đã hiến trọn vẹn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp.
Công hạnh viên mãn, tâm ý hoan hỷ, thân không bệnh tật, Ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão 1975, thế thọ 89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp. Tháp tàng nhục cốt của Ngài ở hướng Nam chùa Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tôn Thắng, pháp danh Trừng Kệ, pháp tự Như Nhu, Ngài thế danh là Dương Văn Minh, sinh ngày 29 tháng 2 năm Kỷ Sửu – 1889 (năm Thành Thái nguyên niên) tại làng Hà My, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thân phụ là ông Dương Văn Hiếu và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tiện.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học và Phật học chuẩn mực và được nuôi dạy theo khuôn mẫu, nên buổi thiếu thời Ngài đã sớm được tiếp cận với kinh sách thánh hiền.
Năm Giáp Thìn (1904), lúc lên 16 tuổi, Ngài được phép mẫu thân đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tâm Truyền, Tăng Cang chùa Báo Quốc và được Hòa thượng ban pháp danh là Trừng Kệ. Đó là năm đáng nhớ nhất cuộc đời Ngài: năm nhiều tỉnh miền Bắc bị mất mùa, đói kém và hình ảnh cao đẹp nữa về vị vua mà Ngài ngưỡng mộ lại phải thân hành ra tận miền Bắc để thăm hỏi, cứu trợ, ghi thêm một nét đẹp nữa cho Ngài.
Năm Bính Ngọ (1906), Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới và được ban pháp tự là Như Nhu. Ngay sau đó, vua Thành Thái truyền lệnh cho bộ Lễ sung Ngài vào ngạch Tăng chùa Diệu Đế (Gia Hội – Huế).
Năm Canh Tuất (1910), khi hay tin và qua thời gian chiêm nghiệm về sự kiện vua Thành Thái bị khâm sứ Trung Kỳ Lévêque bắt buộc thoái vị, nhường ngôi cho vua Duy Tân (1907). Ngài được phép Bổn sư cho tạm rời xa kinh thành Huế, dạt vào Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận để cầu tham học. Ngài trụ lại thị xã Đà Nẵng, lập thảo am trú xứ tại làng Thạch Châu tu tập.
Năm Quý Sửu (1913), Ngài trở về Huế thọ tang Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền đã viên tịch. Tăng môn đại chúng cung thỉnh Hòa thượng Tâm Khoan kế vị trụ trì chùa Báo Quốc và Ngài được Hòa thượng cử làm tri sự.
Năm Mậu Ngọ (1918), sau một chuỗi sự kiện làm chạnh lòng người dân đế đô, nổi cộm nhất là sự kiện cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại (1916), Ngài lại một lần nữa trở vào Đà Nẵng. Nơi đây Ngài khai sơn chùa Phổ Thiên tại làng Bình Thuận (nay là chùa Phổ Đà, cơ sở của trường Cơ bản Phật học Quảng Nam – Đà Nẵng).
Năm Quý Hợi (1923), năm Khải Định thứ 7. Lúc này Ngài 34 tuổi mới thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Quang, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Hoằng Tịnh làm Đàn đầu truyền giới.
Năm Giáp Tý (1924), Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Phước Trí chùa Tam Thai, núi Ngũ Hành, Quảng Nam được Hòa thượng phú pháp với Pháp hiệu là Tôn Thắng.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được cung thỉnh làm Trị sự tại Đại giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng do Hòa thượng Quảng Hương làm Đàn đầu.
Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài được mời làm Dẫn Lễ Sư tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm – Hội An, do Hòa thượng Phước Trí làm Đàn đầu.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài đảm đương trụ trì chùa Phổ Thiên, đồng thời được Giáo hội Tăng Già Đà Nẵng cung thỉnh giữ chức vụ Kiểm Tăng.
Năm Nhâm Thân (1932), hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên ở khắp ba miền đất nước, Ngài đứng ra sáng lập Đà Thành Phật học Hội và cung thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Phổ Thiên và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo làm cơ quan ngôn luận chính thức của Hội trong việc hoằng dương chánh pháp.
Năm Ất Hợi (1935), Ngài vào khai sơn chùa Tịnh Độ tại thị xã Tam Kỳ, nay là chi nhánh trường Cơ bản Phật Học của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Năm Bính Tý (1936), để phát triển việc hoằng hóa Ni giới, cũng tại làng Bình Thuận – Đà Nẵng, Ngài lại khai sơn chùa Diệu Pháp để làm Phật Học Ni Viện.
Năm Mậu Dần (1938), Ngài được cung thỉnh vào ngôi Tôn Chứng tại Đại giới đàn chùa Tịnh Quang, làng Ái Tử – Quảng Trị, do Hòa thượng Phước Huệ làm Đàn đầu.
Năm Kỷ Mẹo (1939), tại Đại giới đàn chùa Liên Trì, Khánh Hòa, Ngài được mời làm Yết Ma A-Xà-Lê, giới đàn cũng do Hòa thượng Phước Huệ làm Đàn đầu.
Năm Tân Tỵ (1941), Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu tại Đại giới đàn chùa Bình Quang Ni Tự tại tỉnh Bình Thuận.
Năm Nhâm Ngọ (1942), việc hóa đạo khắp nơi đã khởi sắc do sự đóng góp tích cực của Ngài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng Ngài cũng không quên nghĩ về quê hương bản sở. Do đó, sau bao nhiêu năm trời xa cách Ngài về lại Quảng Trị, việc đầu tiên là Ngài thành lập ngay Phật học đường tại chùa Hội Quán và làm Giám đốc trong 3 năm.
Năm Ất Dậu (1945) do biến chuyển lớn của thời cuộc, Ngài lại trở vào Đà Nẵng tiến hành trùng tu các chùa Phổ Thiên, Tịnh Độ và chùa Hội Quán.
Năm Bính Tuất (1946) ý thức về tiền đồ Phật giáo mai sau, Ngài quyết định hiến cúng chùa Phổ Thiên (sau là chùa Phổ Đà) cho Giáo hội để mở Phật học viện có tầm vóc quy mô – chi nhánh Phật học viện Trung phần ở Trung Trung bộ.
Năm Giáp Thìn (1964), Ngài được tiến cử làm Chứng minh Đạo sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thị xã Đà Nẵng.
Năm Bính Ngọ (1966), Ngài được tiến cử vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm Canh Tuất (1970), Ngài làm Chánh chủ Đàn tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, được tổ chức tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng (chùa Phổ Thiên trước đây). Từ đó đến năm Bính Thìn (1976) Ngài được thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ngày 16 tháng 3 năm Bính Thìn (1976), Ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 87 năm, giới lạp 53 tuổi Hạ, môn đồ pháp quyến lập Bảo tháp Ngài tại chùa Tịnh Độ – thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
---o0o---
Hòa thượng Thích Minh Trực, pháp húy Chơn Như, thế danh là Võ Văn Thạnh, tự Trương Văn Học, sinh năm Ất Mùi (1895), tại xã Phước Vân, tổng Lộc Thành Thượng, tỉnh Chợ Lớn (cũ), nay là xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ Ngài là cụ ông Trương Văn Bền, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Mai, pháp danh Bất Phàm tự Diệu Giác. Cả hai đều là cư sĩ Phật tử thuần thành. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.
Ngài xuất thân trong một gia đình thuộc thành phần trung nông, thân phụ mất sớm, cụ bà lo nuôi dưỡng ăn học. Thuở nhỏ, Ngài được thân mẫu dẫn đến quy y Tam bảo ở chùa Mỹ Phước, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Sau đó, Ngài tiếp tục lên Sài Gòn học Nho học và Tây học cho đến khi đỗ đạt. Do có túc duyên với Phật pháp nhiều đời, nên ngoài kiến thức thế gian, Ngài còn thường xuyên gần gũi các bậc cao Tăng thạc đức, các giới học giả trí thức, để tham cứu kinh sách Tam giáo, và quyết định chọn cho mình một con đường để đi, đó là Phật giáo.
Năm 29 tuổi (1924), Ngài xuất gia tại chùa Tam Tông (Sài Gòn) rồi cùng các cụ Minh Chánh, Minh Giáo, Minh Truyền, Minh Đàm, Minh Thiện sáng lập Tam Tông Miếu – Minh Lý Thánh Hội tại quận Ba, Sài Gòn. Trong thời gian tu học ở đây, Ngài thiết lập thiền thất chuyên nghiên cứu Phật học và cùng với các vị tôn túc danh Tăng: Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Đạt Thanh; Hòa thượng Từ Quang, Thành Đạo, Thiện Hòa, Thiện Hoa... học hỏi, trao đổi giáo lý Phật đà. Ngoài ra, Ngài quan hệ và tham gia các phong trào chấn hưng Phật giáo: Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật Học, Giáo hội Lục Hòa Tăng, Giáo hội Tăng Già Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt để mở rộng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh sau này.
Năm 1948 (nhằm ngày 5 tháng 1 năm Mậu Tý), sau hơn 20 năm tu học tinh tấn, thân cận các bậc Thiện tri thức, Ngài khai sơn Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng. Ngài hiển dương pháp môn Thiền Tịnh song tu và được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.
Theo Ngài, muốn nhiếp hóa đồ chúng dễ dàng, phải kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả đốn lẫn tiệm. Về thiền, Ngài căn cứ vào yếu chỉ kinh tạng Đại thừa đốn ngộ: Duy Ma Cật, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn... Về Tịnh độ, Ngài y cứ vào kinh Di Đà Đại Bổn, Thiền Môn Nhựt Tụng mà Ngài diễn dịch rất chu đáo để hướng dẫn đồ chúng trên đường tu học.
Vốn có căn bản về Nho học lẫn Tây học, lại thêm sự thấu đạt nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, nên từ năm 1948 đến cuối đời, Ngài đã để hết tâm trí miệt mài dịch kinh, viết sách để truyền đạt tư tưởng giáo lý của Phật Tổ, vừa phát huy được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tụng kinh tiếng Việt. Những bộ kinh được Ngài dịch ra Việt ngữ như: Nhựt Tụng, Pháp Bảo Đàn, Duy Ma Cật, Đại Viên Giác, Đốn Ngộ Nhập Đạo, Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Bát Nhã Tâm Kinh và sáng tác Lễ Bổn, Tham Thiền Bửu Sám, Thiền Tịnh Chơn Ngôn, Xuân Di Lặc và một số các thi kệ, liễn đối ở các tự viện.
Năm 1952, Ngài là một trong quý Hòa thượng lãnh đạo các Giáo phái Phật giáo Nam Bộ cung nghinh ngọc xá lợi Phật Tổ do Phái đoàn Phật giáo Tích Lan thỉnh theo, trên đường đi Hội nghị Phật giáo ở Nhật Bản quá cảnh Sài Gòn, cũng trong năm này, Hội Phật học Định Tường suy tôn Ngài làm Pháp chủ của Hội.
Năm 1953, Ngài đã cùng Hòa thượng Đạt Thanh và phái đoàn sang hóa đạo tại nước Cao Miên.
Năm 1955, Ngài đã tham gia cùng phái đoàn miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Bang Đung tại Nam Dương (Indonesia) và tại Nhật Bản. Ngài từng là Pháp sư trong các lễ hội do Giáo hội bạn tổ chức.
Năm 1963, Ngài là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, lãnh đạo giáo phái Thiền Tịnh Đạo Tràng đứng chung với 11 tổ chức Phật giáo miền Nam, đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 22.8.1963, Ngài và toàn bộ Tăng chúng Tổ đình đã bị chính quyền Diệm bắt giam tại Rạch Cát cùng chung với các vị lãnh đạo Ủy ban Liên phái.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài là thành viên của Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống. Sau đó, vì có quan điểm khác nhau, nên một số tổ chức Phật giáo đã đứng ra ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được chư tôn Hòa thượng lãnh đạo Tổng Giáo hội suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ.
Trên bước đường hành đạo, Ngài trải bao gian khổ qua các bước quan san hẻo lánh khó khăn, Ngài đã cùng môn đệ xây dựng thêm nhiều cảnh chùa thuộc Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng, cùng mang tên Phật Bửu tại Quảng Ngãi, Bình Định, Châu Đốc, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và các quận huyện ở thành phố như: Quận 4, Bình Thạnh, Hóc Môn. Và năm 1974, thêm một ngôi chùa Phật Bửu tại Long Hải được ra đời.
Năm 1975, vì tuổi già sức yếu và thọ bệnh, Ngài cho xây tháp tại Phật Bửu Tự Hóc Môn và di huấn cho đệ tử lo việc tu học, điều hành môn phái.
Thế sự vô thường, có sinh có diệt. Ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Thìn (2.6.1976), Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 20 giờ sau thời kinh Di Đà. Ngài trụ thế 82 tuổi, hưởng 52 tuổi đạo. Sau khi trà tỳ, xá lợi Ngài được tôn trí vào các bảo tháp ở Tổ đình Phật Bửu ở quận 3, Phật Bửu Tự Hóc Môn và Phật Bửu Tự Phước Vân.
Suốt cuộc đời tu hành, Ngài đã có nhiều cống hiến cho công cuộc hoằng hóa lợi sanh. Ngài đã kết hợp “Thiền Tịnh song tu” và xây dựng nhiều chùa cảnh làm nơi truyền bá đạo pháp cũng như phiên dịch kinh tạng giúp cho hậu thế thuận đường tu học. Ngài xứng đáng là một Trưởng lão tôn túc của Phật giáo miền Nam và toàn thể Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Pháp Vĩnh, pháp danh Dhammasàro, thế danh Nguyễn Thức sanh năm Tân Mão 1891 (Thành Thái năm thứ 3) tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nề nếp, thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Biểu. Song thân Ngài đều là những cư sĩ mộ đạo thuần thành.
Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra thông minh có ý chí hướng thượng, được song thân cho quy y Tam bảo làm người Phật tử thuần thành tại chùa Khánh Vân tỉnh Bình Định. Đã nhiều lần, Ngài có ý định xuất gia tu Phật, nhưng vốn dĩ sống trong gia đình có truyền thống Nho học chuẩn mực, vả lại Phật cũng đã từng dạy: “Phụng sự cha mẹ là cúng dường Như Lai”, nên đành giữ trọn chữ hiếu, một lòng chờ đợi duyên lành.
Mãi đến năm 1945, xả bỏ hết mọi trần duyên thế sự để bước vào con đường giải thoát thanh cao. Ngài quyết định xuất gia theo giáo đoàn Khất sĩ Minh Đăng Quang với pháp danh là Thiện Ngộ, làm người sứ giả Như Lai đi khắp nơi truyền bá đạo mầu.
Trên bước đường hóa duyên truyền đạo, một duyên may chợt đến, Ngài được gặp các vị Tăng sĩ của Phật giáo nguyên thủy (Theravàda). Qua trao đổi kinh nghiệm tu tập và giáo lý, Ngài mới nhận ra rằng: tu học Phật pháp có nhiều phương tiện, nhiều con đường để đi về một điểm cuối, nên người tu hành tùy hợp căn cơ, vừa sức của mình mà thực nghiệm. Do đó, một lần nữa, Ngài tạm biệt các huynh đệ đồng tu ở giáo đoàn khất sĩ, đến cầu pháp thọ giới bên giáo đoàn Phật giáo Nguyên thủy. Vào dịp này, có các giới tử theo Hòa thượng Thiện Luật sang Campuchia tu học đạo pháp, Ngài liền tháp tùng đi theo, tinh cần tu tập.
Mùa xuân năm 1950, Ngài được Hòa thượng Vĩsuddhiransĩ làm Thầy tế độ thọ giới Tỳ khưu, dưới sự tuyên ngôn của vị Thầy Yết ma Candavijira và chư Tăng tham dự rất đông. Hòa thượng tế độ ban cho Ngài pháp danh Dhammasàro tức là Pháp Vĩnh. Sau khi thọ giới Tỳ khưu, Ngài chú tâm hành đạo và làm tròn phận sự của một đệ tử đối với Thầy Tổ.
Năm 1955, sau 5 năm tu học ở nước ngoài, Ngài được phép trở về quê hương hoằng dương đạo pháp và được mời làm thành viên trong Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam, khi Giáo hội được thành lập vào năm 1957.
Cuối năm 1957, Giáo hội cử Ngài về quê hương Bình Định để hoằng pháp. Nơi đây, từ trước đến giờ chưa có Phật giáo Nguyên thủy, nên có thể nói Ngài là vị Tổ đầu tiên đem sắc thái Nam truyền, giáo lý Phật giáo Nguyên thủy về mảnh đất này, mở rộng công việc giáo hóa độ sanh. Vốn là người sống trong địa phương này từ nhỏ đến lớn, Ngài rất thấu hiểu các phong tục tập quán, nên việc truyền bá giáo pháp không gặp nhiều trở ngại. Đi đến đâu, dân chúng, Phật tử đều nhiệt tâm ủng hộ, quy thuận theo lời giảng dạy của Ngài.
Năm 1958, đức hạnh của Ngài càng được nhiều người biết đến, tín đồ khắp nơi ngưỡng mộ rất đông. Trước nhu cầu đó, Ngài cùng Phật tử kiến tạo chùa Phước Quang tại thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để tiện việc giáo hóa và phụng sự tín ngưỡng.
Những năm sau đó, Ngài tiếp tục duy trì sứ mạng hoằng dương chánh pháp ngay tại địa phương, đồng thời mở mang thêm các chùa cảnh trong tỉnh. Năm 1964, Ngài thành lập Niệm Phật đường ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước – Bình Định. năm 1965, thành lập chùa Huệ Quang, số 16 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn – Bình Định.
Lúc này, tuổi Ngài đã cao, thân tứ đại suy yếu dần, nhưng Ngài vẫn thường xuyên giảng dạy đệ tử, thuyết pháp cho tín đồ. Nhiều giới tử xuất gia được Ngài tế độ, dìu dắt nay trở thành những bậc Tăng tài của Giáo hội trong và ngoài nước.
Đã đến lúc duyên cõi này trọn phước, quả cõi khác đón chờ. Ngài an nhiên thị tịch vào lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 12 năm Đinh Tỵ 1977, trụ thế 86 tuổi, với 32 năm xuất gia hành đạo.
Cuộc đời và sự nghiệp tu hành phổ độ chúng sinh của Ngài thật bình dị trong sáng, một niệm vì quê hương, đất nước, vì đạo pháp, con người. Ngài đã có công lớn trong việc khai phá, phát triển Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy ở tỉnh Bình Định, góp phần bồi đắp cho mảnh đất này sắc thái đa dạng của ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam ngày thêm phong phú.
---o0o---
Hòa thượng Thích Giác Nguyên, pháp danh Trừng Văn, pháp tự Chế Ngộ, pháp hiệu Giác Nguyên. Ngài thế danh Đặng Văn Ngộ, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thân phụ là cụ ông Đặng Văn Gần, thân mẫu là cụ bà Cù Thị Tộ thuộc gia đình nhân đức hiền lương.
Ngài sinh ra trong một gia đình đạo đức truyền thống lâu đời. Năm lên 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, Ngài phải nương tựa dưỡng phụ là một vị quan Thái giám thời bấy giờ tên là Nguyễn Đình Huề (Hữu).
Lúc còn nhỏ, Ngài thường theo dưỡng phụ lên chùa Từ Hiếu, một nơi ký tự hương hỏa của các vị Thái giám triều đình, để thắp hương, lễ Phật. Như có duyên lành từ nhiều kiếp, Ngài cảm thấy mến mộ cảnh thiền môn, và xin phép dưỡng phụ được xuất gia học đạo. Dưỡng phụ Ngài vui lòng chấp thuận và tích cực hỗ trợ cả tinh thần vật chất cho Ngài trên bước đường tu học.
Mùa xuân năm Tân Mão (1891), Ngài xin thế độ xuất gia với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu. Sau 5 năm học đạo, năm Bính Thân (1896), Ngài chính thức được Hòa thượng Tâm Tịnh hứa khả làm trưởng tử và được thọ giới Sa di với pháp danh Trừng Văn, tự Chí Ngộ. Những pháp đệ của Ngài là quý Hòa thượng Giác Viên; Giác Tiên; Giác Nhiên (đệ nhị Tăng Thống giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất); Giác Hạnh; Giác Hải; Giác Bổn; Giác Thanh (Hòa thượng Đôn Hậu).
Năm Quý Mão (1903), Hòa thượng Tâm Tịnh nhường chùa Từ Hiếu lại cho môn phái, Ngài theo Bổn sư đến lập thảo lư mang tên Thiếu Lâm Am trên ngọn đồi phía Nam-đàn Nam Giao thuộc thôn Thuận Hòa, xã Thủy Xuân để tịnh tu đạo nghiệp.
Năm Canh Tuất (1910), Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An do Tổ Vĩnh Gia làm Đường đầu Hòa thượng, được đắc pháp lúc 33 tuổi hiệu là Giác Nguyên. Tăng chúng đương thời đã suy tôn Ngài làm Thủ tọa chùa Tây Thiên, đến khi Hòa thượng Tâm Tịnh viên tịch, Ngài được kế thừa chức trụ trì để hưng long Phật pháp và hướng dẫn đồ chúng. Với trách nhiệm mới, Ngài luôn luôn cần mẫn, giới đức tinh nghiêm làm gương mẫu trong đại chúng.
Năm Ất Sửu (1925) do đức độ và uy tín của Ngài mỗi lúc thêm cao, cảm hóa được trên từ vua, quan; đến hàng bao tín đồ Phật tử. Tất cả đã hỗ trợ Ngài xây dựng ngôi thảo am thành một ngôi chùa trang nghiêm “Tây Thiên Tự” để hoằng dương đạo pháp. Năm sau, được sự yểm trợ của nhà vua, Ngài xây dựng và an vị tượng đức Phật A Di Đà uy nghi lộng lẫy. Đến đầu niên hiệu Bảo Đại (1926), chùa được ban hiệu là Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự.
Trên bước đường tu tập, Ngài nổi tiếng là bậc giới đức thanh tịnh, bình dị, khiêm cung và không xao lãng việc giáo hóa độ sanh.
Năm Canh Ngọ (1930), với mục đích đào tạo Tăng tài, truyền thừa Tổ ấn mai sau, Ngài cùng với một số tôn túc, pháp hữu cùng chung chí hướng thiết lập trường Cao đẳng Phật học tại chùa Tây Thiên và cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp-Bình Định làm Thượng thủ Giáo thọ. Những vị được đào tạo tại đây sau này đều trở thành trụ cột của Giáo hội như Hòa thượng Bích Phong, Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Thiện Trí... đều ở trong hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.
Là một trụ trì của Tổ đình, Ngài luôn luôn nêu cao tấm gương đạo hạnh sách tấn hàng Tăng Ni, Phật tử noi theo. Tuy Ngài là vị có vốn học chưa thể so với các bậc đồng tu khác, nhưng lại có trí tuệ minh mẫn, và công phu chuyên trì giới định nghiêm mật. Hàng năm, ngoài ba tháng hạ an cư, Ngài còn kiết Thất tu niệm trong những tháng Thu Đông. Từ năm Kỷ Sửu (1949) đến năm Giáp Ngọ (1954), Ngài phát nguyện liên tục lễ bái “Hồng danh Vạn Phật” và trì tụng Tam Bảo kinh, mặc dù lúc ấy tuổi Ngài quá thất tuần.
Năm Quý Mão (1963) và năm Bính Ngọ (1966), Ngài đã cùng các vị cao Tăng xuống đường tuyệt thực để hướng dẫn cuộc đấu tranh bất bạo động chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của gia đình nhà Ngô và các chánh quyền kế tiếp. Ngoài ra, Ngài còn làm Giới sư, Chứng minh sư trong các Đại giới đàn cũng như các đại hội Phật giáo toàn quốc tại Sài Gòn lúc bấy giờ.
Phật Đản năm Đinh mùi (1967), Ngài đứng ra lập Tịnh nghiệp đạo tràng Tây Thiên, với sự hỗ trợ và chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên và miền Vạn Hạnh.
Mặc dù tuổi già sức yếu, hàng ngày Ngài vẫn tinh tấn tu hành, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tấn tu huệ học. Các đệ tử của Ngài như Hòa thượng Thích Thiện Hỷ, Nhật Liên, Thiện Châu đều là những bậc pháp khí Đại thừa, hiển dương chánh pháp cho đến ngày nay. Đối với tín đồ, Ngài ân cần chỉ bảo thực hành pháp môn trì danh niệm Phật để được vãng sanh tịnh độ.
Đệ tử của Ngài nhiều lần định tổ chức lễ thượng thọ để báo đáp công ơn dạy dỗ trong muôn một, nhưng Ngài đều từ chối và bảo “Hãy dùng số tịnh tài ấy để đúc tượng, sửa chùa, bố thí cho những người nghèo khổ”.
Cuộc đời Ngài cho đến lúc trăm tuổi, không lúc nào không nghĩ đến việc tu hành và lợi lạc quần sanh. Nếp sống giản dị khiêm tốn, tâm hồn trong sáng thanh cao, khiến khắp nơi từ lãnh đạo Giáo hội, các bậc tôn túc Trưởng lão cùng thời, đến hàng tứ chúng môn đồ ai ai cũng đều cảm kích, tôn phục.
Ngày mồng một tháng Giêng năm Canh Thân, tức ngày 16 tháng 2 năm 1980, nhằm ngày đầu năm Tết Nguyên Đán, vào lúc 01 giờ sáng, Ngài đã an nhiên thị tịch, đi về cảnh Phật. Ngài trụ thế 103 tuổi, giới lạp 70 tuổi Hạ.
Hòa thượng Thích Giác Nguyên, sau hơn một thế kỷ làm bậc “xuất trần Thượng sĩ” với sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và phục vụ nhân sinh to lớn. Một bậc chân tu đạo hạnh, một bậc tôn sư từ ái, thường che chở, sách tấn Tăng Ni, Phật tử trên bước đường tu học, vẫn luôn được kính ngưỡng trong lòng mọi người giữa chốn Tùng lâm Phật địa.
---o0o---
Hòa thượng pháp danh Niệm Hòa, pháp tự Hồng Từ, pháp hiệu Huệ Hòa. Ngài thế danh là Huỳnh Văn Nhành, sinh năm Ất Mão (1915) tại xã Bình Chánh, Tam Bình, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang), thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Kiện, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Khuê. Ngài là con thứ mười trong gia đình có nhiều anh em. Gia đình Ngài nhiều đời hấp thụ Nho giáo, hiền lương rất mực, trong gia tộc Ngài có hai vị xuất gia tu Phật.
Thuở nhỏ Ngài thường theo mẹ đến chùa Hưng Long, xã Phú Quý lễ Phật nghe kinh, cũng từ đấy thiện căn sẵn có dần dà kết nụ. Năm 16 tuổi (1929 – Kỷ Tỵ), Ngài phát tâm xuất gia với Hòa thượng Huệ Tiên, chùa Hưng Long, được Hòa thượng hứa khả thế phát và cho pháp danh là Niệm Hòa.
Năm 1932 (Nhâm Thân), lúc này Ngài vừa tròn 17 tuổi, Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ Sa di giới tại trường Kỳ chùa Minh Đức, xã Phú Túc, Bến Tre.
Năm 1933 (Quý Dậu), Ngài sang Mỹ Tho nhập chúng học kinh luật tại chùa Vĩnh Tràng dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Quảng Ân, tọa chủ chùa Linh Phước – Phật Đá.
Năm 1934 (Giáp Tuất), Ngài sang Sa Đéc cầu pháp với Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An, được Hòa thượng cho pháp hiệu là Huệ Hòa, húy Hồng Từ. Sau đó Ngài ở lại đây tu học, cũng trong năm này Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Năm 1936 (Bính Tý), bổn đạo chùa Hưng Lâm xã Giao Long (Bến Tre) thỉnh Ngài về trụ trì. Ở đây được một năm, Ngài tiến cử Thầy Quảng Tăng thay thế đảm nhiệm ngôi vị trụ trì chùa Hưng Lâm, còn Ngài sang Mỹ Tho, đến chùa Linh Phong Cổ tự nhập chúng tu học, đạo tràng này do Hòa thượng Kiểu Lợi làm Pháp sư.
Năm 1944 (Giáp Thân), trường gia giáo Linh Phong mãn duyên. Ngài trở về Bến Tre nhập chúng tại trường Phật học Phước Duyên. Trường này do Hòa thượng Hiển Pháp mở ra và Hòa thượng Pháp sư Kiểu Lợi đảm trách giảng dạy, ở trường này, Ngài được bầu làm chánh Duy Na.
Năm 1945 (Ất Dậu), ông bà Hồ Văn Vàng ở xã Phú Nhơn, Bến Tre phát tâm cất một ngôi chùa, kiến trúc cây lá đơn sơn, lấy tên Vạn Phước. Mến mộ đạo hạnh của Ngài, hai ông bà đến chùa Phước Duyên thỉnh Ngài về trụ trì và Ngài đã về đây hóa duyên cho đến lúc cuối đời.
Với đạo đức cao dầy, Phật học uyên thâm, tánh tình hòa nhã, hoan hỷ nên Ngài được bổn đạo gần xa cảm mến quy ngưỡng rất đông, ngôi chùa Vạn Phước ngày càng hưng thịnh. Năm 1959 (Kỷ Hợi), Ngài cho tiến hành tái thiết lại ngôi Tam bảo Vạn Phước, mái ngói nền gạch cao rộng, khang trang.
Mặc dù công việc trụ trì có đa đoan nhưng Ngài vẫn đáp lại lòng kỳ vọng của Tăng Ni tỉnh nhà, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội giao phó.
Từ năm 1947 đến năm 1955, Ngài giữ chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Tăng Già tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1966 đến năm 1971, Ngài lại đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.
Năm Nhâm Tý 1972, Ngài được Tăng Ni suy cử làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Mỹ Tho.
Ngoài những công tác thuần túy Phật sự ra, Ngài còn là người có tinh thần yêu nước rất cao. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ, Ngài luôn âm thầm trợ giúp cách mạng, bằng nhiều hình thức, hoặc tiếp tế lương thực, thuốc men, hoặc bảo mật cơ sở, hoặc che dấu cán bộ v.v... Nhiều cán bộ cao cấp như Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Pháp Tràng, trong thời kỳ hoạt động kháng chiến từng được Ngài che dấu, giúp đỡ.
Ngoài ra, còn biết bao thanh niên trong lứa tuổi quân dịch được Ngài cưu mang dưới lớp áo tu sĩ, trợ giúp để họ khỏi phải cầm súng chống lại đồng bào, Ngài làm mọi việc với tinh thần vô ngã, từ bi của nhà Phật, nên việc nào Ngài cũng tận tâm tận lực.
Năm 1980 (Canh Thân), Ngài về Tổ đình Hưng Long (Nhị Quý, Mỹ Tho) dự lễ Kỵ Tổ. Lúc trở về, gần đến chùa Linh Phước (Mỹ Tho), Ngài gặp tai nạn xe, nên phải nằm viện một thời gian. Từ đây, sức khỏe Ngài suy yếu dần.
Trong giai đoạn đang nằm dưỡng bệnh ở chùa, Ngài thấy ngôi Giảng đường hư mục quá nhiều, không đành lòng, Ngài sai đệ tử kêu thợ tới tu sửa. Môn nhơn đệ tử thương Ngài nên xin hoãn lại, chờ khi bệnh Ngài thuyên giảm hãy thi công, nhưng Ngài không bằng lòng, nói rằng: “Thân này đau mạnh, đi ở, là chuyện thường. Chùa hư thì phải sửa, sửa rồi ai ở cũng được”.
Thế là Ngài cương quyết thực hiện ý nguyện của mình. Ngày 16 tháng 10 khởi công, được gần một tháng, ngôi Giảng đường sắp sửa hoàn thành, thì Ngài thâu thần thị tịch, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 11 tháng 11 năm Canh Thân (tức ngày 17 tháng 12 năm 1980), Ngài thọ thế 65 năm, giới lạp trải qua 32 mùa Hạ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.
Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...
Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.
Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.
Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.
Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.
Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.
Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.
Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.
Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói: “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm:
-Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả)
-Trao đổi văn hóa Việt – Nhật
-Buddhism and Zen in Vietnam.
Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ.
---o0o---
Đất nước thống nhất từ năm 1977, nhưng phải mất bốn năm sau Phật giáo mới chính thức thống nhất trọn vẹn từ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc họp tại thủ đô Hà Nội, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tháng 11 năm 1981), thực sự chấm dứt sự phân ly, thành tựu về một mối như ý nguyện của chư tôn đức tiền bối hoài bão từ giai đoạn chấn hưng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, đại diện cho tất cả tổ chức hệ phái, giáo phái cả nước; có pháp nhân, hiến chương, chương trình hoạt động được Nhà nước chấp thuận, đại diện cho giới Phật giáo Việt Nam trên tất cả các mặt sinh hoạt tín ngưỡng trong nước và hợp tác quốc tế. Ban lãnh đạo trung ương Giáo hội có hai hội đồng: Hội đồng Chứng minh, đứng đầu là ngôi vị Pháp chủ và Hội đồng Trị sự, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Trị sự, mỗi nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm.
Từ năm 1982 trở đi, là sự hình thành các Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố ở địa phương với cơ cấu thống nhất và phải mất một thời gian dài để hoàn tất công việc này.
Đây là thành quả của một quá trình dài lâu, hơn 3/4 thế kỷ Phật giáo cùng đồng hành với vận mệnh đất nước theo những bước thăng trầm lịch sử, và là giai đoạn sang trang mới để Phật giáo Việt Nam hội nhập phát triển, lợi lạc nhân sinh, xây dựng đạo đức xã hội, cùng nhân loại tiến bước vào kỷ nguyên thứ 21.
Tập thứ I đã giới thiệu 34 vị danh Tăng góp công một đời làm nên sự nghiệp Phật giáo Việt Nam. Tập thứ II xin giới thiệu thêm 52 vị đã hoàn thành tâm nguyện trong thế kỷ 20 này.
49. HT. Thích Tâm An (1892-1982)
50. HT. Thích Tường Vân (1899-1983)
51. HT. Thích Huyền Tấn (1911-1984)
52. HT. Tăng Đuch (1909-1985)
53. HT. Thích Huyền Tế (1905-1986)
54. HT. Thích Đạt Hương (1900-1987)
55. HT. Thích Hoằng Thông (1902-1988)
56. HT. Thích Đức Tâm (1928-1988)
57. HT. Thích Hoàng Minh (1916-1991)
58. HT. Thích Viên Quang (1921-1991)
59. HT. Thích Trừng San (1922-1991)
60. HT. Danh Dinl (1908-1992)
61. HT. Thích Chân Thường (1912-1993)
62. HT. Pháp Minh (1918-1993)
63. HT. Thiện Thắng (1923-1993)
64. HT. Thích Huyền Đạt (1903-1994)
65. HT. Thích Pháp Lan (1913-1994)
66. HT. Thích Thanh Thuyền (1914-1994)
67. HT. Thích Phước Ninh (1915-1994)
68. HT. Thích Bửu Ngọc (1916-1994)
69. HT. Thích Trí Tấn (1906-1995)
70. HT. Oul Srey (1910-1995)
71. HT. Thích Minh Tánh (1924-1995)
72. HT. Thích Quảng Thạc (1925-1995)
73. HT. Pháp Tri (1914-1996)
74. HT. Thích Đạt Hảo (1916-1996)
75. HT. Thích Bửu Ý (1917-1996)
76. HT. Thích Diệu Quang (1917-1996)
77. HT. Thích Kế Châu (1922-1996)
78. TT. Thích Minh Phát (1956-1996)
79. HT. Thích Hoàn Không (1900-1997)
80. HT. Thích Tâm Minh (1910-1997)
81. HT. Thích Từ Huệ (1910-1997)
82. HT. Thích Thiện Hào (1911-1997)
83. HT. Thích Giác Nhu (1912-1997)
84. HT. Thích Tuệ Đăng (1927-1997)
85. HT. Siêu Việt (1934-1997)
86. HT. Thích Hưng Dụng (1915-1998)
87. HT. Thích Thiện Châu (1931-1998)
88. HT. Thích Huyền Quý (1897-1999)
89. HT. Thích Trí Đức (1909-1999)
90. HT. Thích Hoằng Tu (1913-1999)
91. HT. Thích Trí Đức (1915-1999)
92. HT. Thích Tâm Thông (1916-1999)
93. HT. Thích Thiện Tín (1921-1999)
94. HT. Thích Khế Hội (1921-1999)
95. HT. Thích Định Quang (1924-1999)
96. HT. Tăng Đức Bổn (1917-2000)
97. HT. Thích Minh Thành (1937-2000)
98. HT. Thích Duy Lực (1923-2000)
99. HT. Thích Thuận Đức (1918-2000)
100.HT. Thích Thanh Kiểm (1921-2000)
---o0o---
Hòa thượng họ Đào, pháp danh Tâm An, pháp hiệu Từ Tuệ, sinh giờ Tuất ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thìn (1892) trong một gia đình nông dân nghèo vùng quê Nam Định. Năm 16 tuổi mồ côi cha, Ngài vừa lao động kiếm tiền nuôi mẹ, vừa chăm lo đèn sách dùi mài kinh sử, ngõ hầu tiến xa trên bước đường khoa cử.
Năm 19 tuổi Ngài được người bạn Nho học mộ đạo Phật, hướng dẫn đầu Phật xuất gia tại chùa Phổ Quang – Hà Đông. Ngài nhập môn học đạo chưa bao lâu, nghe tin mẹ đau nặng không ai phụng dưỡng. Ngài hiểu rằng: “Phụ mẫu tại đường như chư Phật tại thế” phải làm tròn chữ hiếu, nên xin phép sư trưởng về quê, từ đó ngoài giờ làm việc bảo đảm cuộc sống mẹ con, Ngài vẫn ấp ủ hoài bão xuất gia học đạo báo ơn cha mẹ.
Năm Quí Sửu – 1913, lúc Ngài 22 tuổi, huyên đường quy ẩn tổ tiên. Sau khi lo lễ tang chu tất, Ngài tạm biệt xóm làng, họ hàng đến chùa Vân Mai tỉnh Nam Hà xin sống cuộc đời phạm hạnh, được Hòa thượng Thích Khai Quyền chấp thuận, sớm tối hầu thầy học đạo, chuyên tâm tu tập noi gương tiên hiền cổ đức.
Năm Giáp Dần – 1914, với trí thông minh, cùng sự cố gắng tinh cần nên năm 23 tuổi, Ngài được cầu Sa di thập giới tại chùa Vân Mai với Hòa thượng Thích Khai Quyền. Tiếp đó năm 24 tuổi, nhân ngày khánh đản đức Phật A Di Đà (17-11 Ất Mão – 1915) Ngài được thụ giới Cụ túc tại giới đàn Tế Xuyên – Bảo Khám, do Sư tổ Phổ Tụ làm Đường đầu truyền giới.
Từ đây Ngài chuyên trì giới luật, tiến đạo nghiêm thân, luôn theo hầu Sư tổ Phổ Tụ – Tế Xuyên, bậc danh Tăng mà hương đức hạnh tỏa khắp Bắc kỳ lúc đó, được Sư tổ cho chuyên học luật tạng, tham học nơi các bậc cao Tăng ở các khóa Hạ an cư như trường: Tế Xuyên – Hà Nam, trường Quế Phương – Nam Định.
Năm Canh Thân – 1920 (29 tuổi), nhờ trình độ Nho học giỏi, chữ viết tốt, tính cẩn thận, cần mẫn; phụng mệnh Sư tổ Tế Xuyên, Ngài tới chùa Vĩnh Nghiêm, Đức La – Bắc Giang, chép bộ “Hoa Nghiêm sớ kinh” để Sư tổ cho khắc ván ấn hành. Tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Ngài được Sư tổ Thích Thanh Hanh truyền thụ “Bồ Tát giới” để viên mãn hạnh nguyện.
Năm Nhâm Tuất – 1922, sau khi cùng huynh đệ sao chép xong bộ Hoa Nghiêm sớ kinh, Ngài lại phụng mệnh Sư tổ Vĩnh Nghiêm, đến viện Viễn Đông Bác Cổ sao chép “Phẩm Phổ Hiền”, vì lúc này kinh điển Phật giáo bị người Pháp thu đem về lưu trữ tại viện Viễn Đông Bác Cổ – Hà Nội. Sang năm 1923 sao chép kinh “Đại Bảo Tích” và luật “Trùng Trị”; đến đầu năm 1924 sao chép bộ “Tỷ Khưu Ni Sao”.
Năm Giáp Tý – 1924, phụng mệnh Sư trưởng sắp đặt, Ngài bắt đầu với công việc “trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, nhận chùa Quốc Sư, thị xã Hưng Yên, nơi có phố Hiến nổi tiếng một thời “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” chính là ngôi cổ tự Ngài trụ trì.
Năm Ất Sửu – 1925, tiếp tục nhận lời mời của Sư tổ Thông Toàn, chùa Bà Đá – Hà Nội, Ngài trở về tổ đình sao chép kinh “Đại Bảo Tích” và “Thức Xoa giới bản” để khắc ván ấn hành, công việc kéo dài 3 năm; tiếp đến là sao chép bộ “Tỷ Khưu Ni Sao” tới năm 1939 mới hoàn tất.
Năm Bính Tý – 1936, Nghiệp sư Ngài viên tịch tại chùa Quốc. Ngoài việc chăm lo phục vụ tín ngưỡng, Ngài đã qui tụ hàng trăm Tăng Ni trong tỉnh về mở trường dạy học. Ngài chú trọng tới môn luật học, lo cho Phật pháp mai sau thiếu luật, kỷ cương lỏng lẻo. Khi đến mùa Hạ an cư, Ngài được mời tham dự các trường Gia Hòa – Nam Định; Tế Xuyên, Cao Đà – Hà Nam. Đến đâu Ngài cũng được mời làm Duy Na cương lĩnh trong chúng. Trong các giới đàn tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Quán Sứ – Hà Nội, Ngài đã ứng thỉnh ngôi Giới sư, Tuyên luật sư.
Năm Mậu Tuất – 1958, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời, Ngài được mời tham gia Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo. Qua đến các nhiệm kỳ sau, Ngài được cử chức vụ phó Hội trưởng kiêm trụ trì chùa Quán Sứ – Hà Nội. Với cương vị giáo phẩm cao cấp, Ngài đã cùng quý Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Đức Nhuận và cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám chèo lái con thuyền Phật giáo vượt qua khó khăn trở ngại thời kỳ chiến tranh đánh phá miền Bắc. Thời gian này tuy không mở được trường chính quy, song chư Tăng Ni sinh vẫn đến theo học với Ngài, kể cả những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc. Ngài cùng quý Hòa thượng cao cấp khác đã sơ tán về chùa Mía – Sơn Tây và việc dạy Tăng Ni học tập vẫn tiếp tục duy trì.
Năm 1963, Ngài được cử làm trưởng đoàn giáo phẩm cao cấp sang Trung Quốc dự hội nghị do Hội Phật giáo châu Á tổ chức, để ủng hộ miền Nam Việt Nam chống Mỹ Diệm.
Về mặt đối ngoại, Ngài đã đóng góp phần quan trọng trong việc mở rộng tầm quan hệ giao lưu với quý Hòa thượng miền Nam và Phật giáo quốc tế. Về việc xã hội, Ngài lại càng cố gắng mặc dầu Phật sự đa đoan. Với đạo đức, học thức uyên thâm, Ngài đã được nhân dân tín nhiệm bầu trúng cử Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa 2, 3, 4 và 5.
Năm Kỷ Dậu – 1969, Trung ương Hội mở trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá – Hà Nội, Ngài được đề bạt làm phó Hiệu trưởng phụ trách giảng dạy môn luật tạng.
Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài đề xướng in bộ Nhị khóa hợp giải, để Tăng Ni có sách học, bộ này do Hòa thượng Trí Độ giảng dạy, Ngài dạy chư Tăng luật Tứ Phần, Yết Ma Chỉ Nam, Yết Ma Huyền Ty.
Trong các khóa Hạ tại chùa Quán sứ, Ngài liên tục được thỉnh vào ngôi vị Đường chủ lãnh đạo Tăng chúng an cư.
Các năm 1970, 1972, 1974, Ngài cùng Hòa thượng Thích Trí Độ, Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Hào dự hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Mông Cổ và Liên Xô. Ngài là thành viên tích cực của Hội Phật giáo ABCP tại các Hội nghị. Ngài đã tham luận nhiều vấn đề bảo vệ hòa bình trên tinh thần giáo lý đức Phật.
Năm Giáp Dần – 1977, Trung ương Hội chiêu sinh khai giảng trường “Trung Tiểu Học Phật Giáo” thời gian 4 năm, tuy tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, Ngài hoan hỷ nhận lời thỉnh cầu của Trung ương Hội đảm trách nhiệm vụ Hiệu trưởng, làm Bồ đề đại thụ cho hậu học nương nhờ.
Ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Tuất (29.10.1982), lúc 13 giờ thuận lý vô thường, thân tứ đại có sinh có diệt, Ngài đã an nhiên thị tịch tại thiền sàng Quán sứ. Thế thọ 91 tuổi, trải qua 66 mùa Hạ an cư, trong sự nghiệp “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh”.
Ngày nay nhìn lại Hán tạng Kinh Luật Luận đang được lưu truyền tại các Tổ đình, tự viện; càng tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ngài. Suốt hơn nửa thế kỷ vì Phật giáo Việt Nam mà Ngài đã tận tụy phục vụ, cũng như công đức đào tạo Tăng Ni cho Giáo hội mà Ngài đã dày công vun đắp, tên tuổi Hòa thượng mãi mãi được lưu truyền cùng lịch sử Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tường Vân, pháp danh Nguyên Hương, nối hệ đời 42 dòng Lâm Tế Trí Thắng Bích Dung. Ngài thế danh Lê Quát, sinh năm Kỷ Hợi (1899), nhằm năm Thành Thái thứ 10 – tại làng Hội An, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Ngài sinh ra và thừa hưởng sự giáo dục trí đức bằng tinh thần Nho học chuyên chính và Phật học cao đẹp. Nhờ đó, Ngài sớm có được phong thái đỉnh đạc và nhận định mọi lẽ mạch lạc từ song thân truyền đạt.
Năm Giáp Dần (1914), đây là khoảng thời gian Ngài được tăng bổ những nhận thức về thời cuộc, vì luôn được phụ thân nhờ Ngài liên lạc mời các cụ đến nhà bàn bạc thi, lễ và thời sự. Ấn tượng đáng nhớ trong Ngài lúc này là nghe các cụ trò chuyện với phụ thân về hành động yêu nước của một thanh niên 18 tuổi, tự xưng là hậu duệ của vua Hàm Nghi, đó là Phan Xích Long, người thành lập “Hội Kín” chủ trương đánh Pháp. Khi tổ chức này bị phát hiện và Pháp đã bắt được vị này ngay tại quê hương Bình Thuận, trên đường lánh mặt, trước đó một năm (1913).
Trong một lần đi liên lạc cho phụ thân, nhờ nhân duyên đưa đẩy, Ngài đã đến xin quy y với Hòa thượng Tâm Hiền, Tổ khai sơn chùa Long Đoàn, núi Trà Cú, được Hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Hương.
Cũng trong năm này, đại chiến thế giới thứ I bùng nổ (1914 – 1918), song thân Ngài ra vào các xứ Thuận Quảng như con thoi, một phần cũng để tìm lại số thân bằng quyến thuộc đang lâm vào cảnh loạn ly bởi thời cuộc. Thêm vào đó, hàng loạt sự kiện liên tiếp xảy ra, như cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, Trần Cao Vân, Thái Phiên đã lan tràn xuống các tỉnh phía Nam mà vùng đất Bình Thuận luôn là nơi tạm lánh của không ít sĩ phu yêu nước. Trong bối cảnh đó, Ngài nguyện xả thân thực hiện các công việc xã hội, đóng góp xoa dịu nỗi đau chung và cũng để vâng lời thầy tổ hằng khuyên bảo.
Năm Kỷ Mão (1939), nhận thấy cuộc đời ít vui nhiều khổ mà con người cứ mãi say đắm lăn lộn, thậm chí gây khổ cho nhau, Ngài chiêm nghiệm chỉ có đạo pháp là con đường thoát khổ duy nhất, Ngài dứt khoát rủ bỏ tất cả, đến cầu xuất gia với Hòa thượng Vĩnh Sung, chùa Bửu Long, xã Phú Long, được Hòa thượng ban pháp hiệu là Tường Vân.
Sau khi xuất gia, Ngài vân du khắp nơi trong tỉnh Bình Thuận để cầu tham học với các tổ, các pháp lữ, đồng thời đem kiến thức Phật học phổ biến khắp nơi. Sâu thẳm trong mục đích cuộc vân du đó còn có ý muốn dò la trong các thân hữu của phụ thân Ngài trước kia, để có thể tìm lại và biết được tường tận, chính thức hoạt động kháng Pháp của phụ thân Ngài.
Trong quá trình đó, ngay tại huyện đảo Phú Quý, Ngài thành lập Hội Tịnh độ và đã quy tụ rất đông Phật tử tìm đến thọ pháp, tu học.
Năm Tân Tỵ (1941), Ngài được sơn môn cung thỉnh làm Giáo Thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Xuân Quang (Hòa thượng Thiện Tường chùa Vạn Thọ – Sài Gòn đã thọ Tỳ kheo tại giới đàn này).
Năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài được thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Xuân Quang.
Năm Giáp Thân (1944), Ngài làm Yết Ma kiêm Hóa chủ tại giới đàn chùa Linh Sơn, đảo Phú Quý, và khai sơn chùa Liên Hoa.
Từ đây, Ngài trở về chuyên tu mật hạnh và nhiếp hóa đồ chúng tại những nơi Ngài có trách nhiệm đảm đang. Thời gian 20 năm này cũng một phần do chiến cuộc, thời thế và những biến đổi sâu sắc của đất nước. Một số pháp lữ sơn môn và không ít đệ tử, Phật tử của Ngài tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc cũng như các việc xã hội khác. Ngài cũng có không ít hoạt động cả đạo lẫn đời, rồi việc thân phụ Ngài qua đời v.v... Nhưng tiếc rằng do mật hạnh của Ngài, đến ngày nay chưa có dữ kiện nào trong thời gian này được lưu lại.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài được đồ chúng cung thỉnh trụ trì chùa Liên Thành – Phú Long.
Năm Canh Tý (1960), để góp sức tiếp tục thổi bùng làn gió chấn hưng Phật giáo đang thời kỳ phát triển mạnh. Ngài chủ súy chấn hưng triệt để Phật giáo tỉnh Bình Thuận, củng cố sơn môn Tăng Già, trang nghiêm Phật giáo. Việc trước mắt là Ngài hiệp lực cùng chư Hòa thượng: Phước Nhàn, Phước Như, Vĩnh Thọ đứng ra tạo lập Tòng Lâm Vạn Thiện – Phan Thiết – để làm cơ sở tu học cho chư Tăng, Ngài được sơn môn cử giữ chức Đệ nhất trụ trì Tòng Lâm này.
Năm Quý Mão (1963), Ngài kêu gọi Tăng tín đồ tỉnh nhà đáp ứng hiệu triệu của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết, đứng lên đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo trước nạn đàn áp kỳ thị của chế độ Ngô Đình Diệm.
Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được cử đảm nhiệm chức Đặc ủy Tăng sự tỉnh Bình Thuận.
Năm Canh Tuất (1970), ý thức trước trách nhiệm phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, Ngài đích thân vận động thành lập Phật học Viện Nguyên Hương có tầm vóc và ý nghĩa nhiều mặt. Ngài lại được tín nhiệm giao trọng trách Giám Viện. Theo Ngài, bất kỳ một vị Sứ giả Như Lai nào có hoài bão thiết tha với vận mệnh của Phật giáo, thì cũng đều dành hết thời gian tâm, trí, lực cho trọng trách này.
Năm Tân Dậu 1981, sau khi Phật giáo hai miền Nam – Bắc đã thống nhất, Ngài được cung thỉnh ngôi vị Chứng minh Đạo sư cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.
Năm Quý Hợi 1983, tuổi cao sức yếu, Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 12 giờ ngày mùng 03 tháng 02 năm Quý Hợi, thọ thế 84 năm, giới lạp 44 mùa Hạ. Nhục thể của Ngài được nhập bảo tháp tại Tòng Lâm Vạn Thiện.
---o0o---
Hòa thượng Thích Huyền Tấn, pháp danh Như Chánh, pháp hiệu Huyền Tấn, tự Giải Trực, thế danh là Lê Nghiêm, sinh vào ngày 19 tháng 02 năm Tân Hợi (1911), tại làng Mỹ Lai, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu, thuần kính Tam Bảo, thân phụ là cụ Lê Văn Tuyên, pháp danh Chơn Phúc, hiệu Phước Thông, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Thẩn. Song thân Ngài đều quy y Phật, thọ lãnh pháp danh và hành trì thập thiện, Ngài là anh trưởng của 4 em trai và 1 em gái. Sau này Ngài cũng đã dìu dắt 2 em trai bước vào con đường giải thoát giác ngộ, đó là Thượng tọa Giải Lợi, thế danh Lê Quý và Đại đức Hạnh Giám thế danh Lê Bình.
Thuở thiếu thời, Ngài đã sớm thấm nhuần tư tưởng Phật đà, có chí hướng tu hành để hoằng pháp độ sanh, nên năm 14 tuổi (1924), Ngài đến xin quy y và xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang (Đệ lục Tổ sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn) – một vị cao Tăng thạc đức lúc bấy giờ.
Từ đó, Ngài tinh tấn tu hành, trau giồi giới luật. Năm Tân Mùi 1931, Đệ lục Tổ sư khai đàn trao Sa di giới cho Ngài và đặt pháp tự là Giải Trực. Bốn năm sau vào ngày mồng 4 tháng 4 Giáp Tuất (1934), khi 23 tuổi Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Thạch Sơn, do Hòa thượng Hoằng Thạc làm Đường đầu truyền giới, chính thức dự vào hàng Tăng Bảo với pháp hiệu là Huyền Tấn.
Vốn là người thông minh, lại có lòng hiếu học, cầu tiến nên sau khi đắc pháp, Ngài tham phương học đạo ở các Phật học đường Bảo Lâm (Quảng Ngãi), Báo Quốc (Huế). Đồng là học Tăng với Ngài lúc bấy giờ có các Hòa thượng: Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Tịnh... là những bậc lương đống của Phật pháp sau này. Đến đâu Ngài đều được thầy yêu, bạn nể về tu học và giới hạnh uy nghiêm của mình.
Năm 1943, nhận thấy Ngài thật là một pháp khí Phật tự, nên Tổ sư Đệ lục bổ nhiệm Ngài về trụ trì chùa Kim Liên ở Quảng Ngãi để hoằng pháp lợi sanh. Thời điểm này đến Cách mạng mùa Thu 1945 thành công, Ngài vừa lo Phật sự tham gia phát triển An Nam Phật học Chi hội Quảng Ngãi, vừa góp sức bảo vệ đất nước qua các phong trào Phật giáo liên lạc, Phật giáo Cứu quốc thuộc liên khu 5.
Ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi (1955), môn đồ đệ tử Tổ đình Thiên Ấn cử Ngài giữ trọng trách trụ trì ngôi Tổ đình này, kế thừa Đệ lục Tổ sư, nối dòng thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh đời 41 để hoằng truyền tổ ấn, tiếp dẫn hậu lai.
Nơi Tổ đình này, Ngài tích cực hoạt động Phật sự, đấu tranh bảo vệ quyền lợi Phật giáo cùng với tín đồ Phật tử. Ngài đã tổ chức trọng thể lễ cung nghinh Phật tượng, pháp khí bị di tản từ chùa Khánh Vân về Tổ đình Thiên Ấn vào ngày 01 tháng 3 năm Bính Thân (1956). Đồng thời với cương vị Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Quảng Ngãi, Ngài đệ đơn trình bày những đòi hỏi công bằng về quyền lợi của Tổ đình lên Tòa Hành chánh tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 11 tháng 11 năm 1958, Tòa đại biểu chính phủ tại Trung Nguyên, Trung Phần đã phải thực hiện công văn số 211 nội dung: Giao chùa Thiên Ấn về Giáo hội Tăng Già tỉnh Quảng Ngãi quản lý và trùng tu.
Sau khi nhận lãnh trách nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn, Ngài ra sức hoằng dương Phật pháp. Ngày 06.8.1959, lễ đặt viên đá trùng tu ngôi Tam Bảo được diễn ra trước sự hân hoan của đông đảo Tăng Ni Phật tử và đồng bào các giới. Ngày 4.3.1961, sau gần 2 năm thi công khẩn trương, công trình trùng tu được hoàn thành. Ngài cùng hàng vạn Tăng Ni, tín đồ Phật tử cung thỉnh Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Giáo hội Tăng Già Trung Phần và Thượng tọa Trị sự trưởng Thích Mật Nguyện quang lâm về trụ xứ, chứng minh công đức và cắt băng khánh thành ngôi Tổ đình Thiên Ấn đã được trùng tu tái thiết.
Ngoài ra, Ngài cũng chứng minh hưng công khai sáng ngôi Tam Bảo Kim Tân và trùng tu các tự viện lớn như Kim Liên, Long Sơn...
Những năm 1961 – 1963, trước nạn kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng khắc nghiệt, xô đẩy Phật giáo vào bước đường phải đứng lên đấu tranh. Với tư cách là Trị sự trưởng, được sự chỉ đạo của Giáo hội Trung Phần, Ngài lãnh đạo Tăng Ni, tín đồ tỉnh Quảng Ngãi cùng với phong trào Phật giáo cả miền Nam kiên quyết đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng trên cơ sở đường lối bất bạo động.
Sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, ngày 06 tháng 4 năm 1964, Đại hội khoáng đại của nhiều Hệ phái Phật giáo để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Ngài được Hội đồng Viện Hóa Đạo công cử vào cương vị Chánh đại diện Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Đầu năm 1967, do tuổi cao sức yếu, Ngài xin từ nhiệm không đảm nhận công việc trụ trì cũng như việc Giáo hội nữa, để chỉ tập trung vào nghiên cứu, tu trì, làm hình bóng một vị đạo sư mẫu mực cho Tăng Ni Phật tử noi theo.
Theo sự tuần hoàn sanh diệt, tứ đại đến thời hoại không, Ngài lâm bệnh nhẹ rồi an nhiên thị tịch vào lúc 6 giờ sáng ngày 07 tháng 12 năm Giáp Tý 1984, trụ thế 73 tuổi đời, Hạ lạp 50 tuổi đạo.
Hòa thượng Thích Huyền Tấn xứng đáng là một vị đệ tử tài đức vẹn toàn nối tiếp dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41, là một vị cao Tăng đã có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo. Ngài đã hoạt động liên tục không phút nghỉ ngơi. Nhờ đó, Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi được khởi sắc từ công hạnh của Ngài góp phần tạo nên, nối tiếp cho mai hậu vững bền tỏ rạng.
---o0o---
Hòa thượng thế danh Tăng Đuch, pháp danh Suvanna Pannà, sinh ngày 24 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1909) nhằm ngày 6 tháng 4 Âm lịch tại làng Chak-Toô-Tưng thuộc xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân, thân phụ là ông Tăng Sô và thân mẫu là bà Neang Thị Tum. Ông bà sinh hai người con trai duy nhất, người anh lớn chính là Ngài và người em là Tăng Soi.
Giai đoạn Ngài ra đời giữa lúc vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng có nhiều diễn biến chính trị phức tạp liên hệ mật thiết đến đời sống người nông dân. Lúc này thực dân Pháp đã áp đặt xong nền hành chính đô hộ để bóc lột, làm giàu nhờ chính lúa gạo của nông dân làm ra. Trong khi đó cuộc khẩn hoang lập ấp vẫn đang còn ở quá trình tìm phương cách định hình. Đó cũng là hoàn cảnh xã hội và gia đình trong suốt quãng đời ấu thơ của Ngài. Nhờ vào truyền thống tu đạo của gia đình, nên phần lớn người Khmer vẫn giữ được phong thái sinh hoạt riêng, mà ở đó tất cả ý nghĩa đời sống đều không nằm ngoài phạm vi mái chùa.
Năm Tân Dậu (1921), song thân Ngài nương thừa truyền thống tu đạo người Khmer, muốn gia đình có một người đứng vào hàng Tăng sải để thể hiện ước vọng cao xa, đã dẫn Ngài đến chùa H.Luông Ba-Sắc Bay-Chhao (đọc tắt là: chùa Bay-Chhao) ở Bãi Sào, Sóc Trăng để bước đầu học làm giới tử và học chữ Khmer với Ngài trụ trì Ariya Ghosà Lý Ănh. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó do ảnh hưởng sau thế chiến thứ I, các thế lực thực dân trở lại ra sức củng cố, hồi phục quyền lực chủ điền người ngoại quốc, khiến tình hình làng thôn có phần xáo trộn; cộng vào đó do lần đầu tiên xa nhà nên Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được trở về thăm cha mẹ ít lâu rồi sẽ trở lại chùa chuyên tâm tu học.
Năm Ất Sửu (1925), khi tình hình đã tạm ổn và trải qua bốn năm dài phụ lực song thân công việc đồng áng, cũng như nhận thấy tuổi đã đủ sức tiếp thu kinh điển, Ngài được song thân khuyên nhủ và trực tiếp đưa Ngài trở lại chùa Bay-Chhao. Hòa thượng Bổn sư hoan hỷ đón nhận Ngài trở lại và nhanh chóng cấp đặt thời khóa học để bù lại thời gian gián đoạn vừa qua. Nhờ sự nỗ lực lớn, không lâu sau Ngài đã viết thạo chữ Khmer, đọc được Satrà kinh Khmer-Pàli (kinh viết trên lá muôn).
Năm Đinh Mẹo (1927), nhận thấy Ngài chuyên cần tinh tấn và đã có thể xuất gia thọ giới Sa di, nên Hòa thượng Bổn sư đã cho phép Ngài về nhà xin phép song thân (theo luật của Phật giáo Khmer). Năm ấy Ngài vừa tròn 19 tuổi, không lâu sau đó, nhờ vào thuận duyên tác trợ và sự chuẩn bị chu đáo của song thân, lễ tế độ xuất gia cho Ngài được tổ chức tại chùa Bay-Chhao do chính Hòa thượng Bổn sư truyền giới Sa di.
Năm Mậu Thìn (1928), nhờ vào sự nỗ lực sách tấn, Ngài được thọ giới Tỳ kheo do Hòa thượng Bổn sư làm Thầy tế độ và thỉnh Ngài Pannà Visàlatthera Lâm-Pêen làm thầy tuyên ngôn, Ngài Lâm Sóc làm thầy Yết Ma tại giới đàn Khuôn Sì Mà chùa Bay-Chhao, chính thức là Tỳ kheo với pháp danh Suvanna Pannà.
Năm Nhâm Thân (1932) Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư sang nước Cao Miên học thiền với thiền sư Vipassanà Dhura ở chùa Prêk Kôoi, huyện Roô-Ka-Koông, tỉnh Kom-Pong-Cham.
Năm Quý Dậu (1933), Ngài xin phép được trở về Việt Nam truyền bá thiền học và đã được thiền sư Vippassanà-Dhura đồng ý tác trợ. Sau khi về Việt Nam đảnh lễ Hòa thượng Bổn sư, Ngài nhận thấy điều kiện phát triển thiền học vẫn chưa đủ nhân duyên, nên đến tham học thiền tiếp tục với Thiền sư Gandhànura ở chùa Th-Lôk (Tro Loôk) ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Năm Giáp Tuất (1934), Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đến chùa Th-Kâu ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh để nhập Hạ và được tiếp tục tham học kinh điển, nâng cao kiến thức Phật pháp hầu có thể đảm đương trách nhiệm hoằng hóa mai sau. Nơi đây, ngoài kiến thức nội điển lẫn kinh tạng Nam Tông ra, Ngài còn học viết và đọc được chữ phổ thông. Thời gian tham học tại đây, Ngài luôn tỏ ra vượt trội khiến Hòa thượng Thạch Lước ngõ ý muốn lưu giữ Ngài lại chùa để có thể kế thế mai sau khi Hòa thượng viên tịch. Trước tấm thạnh tình đó Ngài rất cảm động nhưng tự nghĩ bản thân còn non hạ lạp, tuổi còn trẻ mà con đường mở rộng kiến thức Phật pháp hãy còn dài trước mắt, nên Ngài đã xin được từ chối để tham phương cầu học.
Khi vừa kết thúc khóa Hạ tại chùa Th-Kâu, Ngài đảnh lễ Hòa thượng trụ trì Thạch Lước và quay trở lại chùa Toh-Lôk để tiếp tục học thiền với Thiền sư Mahà Kim lần nữa. Chưa đầy hai tháng lưu học tại đây thì lại một lần nữa Ngài lâm bệnh nặng đành xin trở lại chùa Bay-Chhao tại quê nhà điều dưỡng.
Năm Ất Hợi (1935) sau khi trở về chùa được bốn tháng, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư được đến chùa Tonl-Sa-Lien An ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng để học thiền Pariyattidhamma với Thiền sư Sơn-Nôong. Trên bước đường tham học cầu đạo, nơi đây Ngài đã đạt đến đỉnh điểm cao nhất trong suốt sáu năm dài cư trú tu học, cũng như hoàn thành chương trình Pàli cùng bộ kinh Khuddaka Nikàya bằng tiếng Pàli; từ đó Ngài có thể dịch và đọc thuộc lòng ra tiếng Khmer mà không cần xem qua mặt chữ.
Năm Tân Tỵ (1941) Ngài đảnh lễ thiền sư Sơn-Nôong xin phép được trở về chùa Bay-Chhao.
Thời gian 5 năm ở tại chùa Bay-Chhao, Ngài đã hỗ trợ đắc lực cho Hòa thượng Bổn sư trong công việc hoằng hóa và trong các mặt hoạt động xã hội giữa chùa và cộng đồng. Nhờ vậy uy tín của Ngài đã được khắp nơi biết đến.
Năm Bính Tuất (1946), chư Tăng và Phật tử ở chùa Seri-Sukhama-Sangama-Men-Chey Sà-Lôn (đọc tắt là: chùa Sà-Lôn) nhận thấy sau khi Hòa thượng trụ trì Thạch-Chea viên tịch không có vị nào cao tuổi Hạ để đảm đương trách nhiệm kế thế trụ trì. Vì thế đã đến xin Hòa thượng Bổn sư tiến cử Ngài đến để tân nhậm trụ trì hướng dẫn chư Tăng và Phật tử tu học. Ngài hoan hỷ nhận lời nhưng Ngài muốn năm sau khi tròn 39 tuổi mới chính thức đến đảm nhiệm.
Năm Đinh Hợi (1947) Ngài đến chùa Sà-Lôn tân nhậm trụ trì, trở thành vị trụ trì thứ 9 của ngôi cổ tự này () ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Sà-Lôn tọa lạc giữa trục quốc lộ liên tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu, rất thuận lợi cho việc hoằng hóa độ sanh.
Năm Canh Dần (1950) Ngài tự tay vẽ bản thiết kế và chỉ đạo việc xây cất Tăng xá bằng bê tông cốt thép cao 2 tầng dài hơn 20 mét, nằm ở phía Tây sau chánh điện. Công trình này hoàn tất sau 5 năm xây dựng, được Phật tử, khắp nơi ủng hộ.
Năm Ất Mùi (1955) Ngài đã bắt đầu đề xướng việc trùng tu, tôn cao chánh điện đã xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh cộng vào tài chánh eo hẹp nên công việc chỉ dừng lại ở mức tôn cao phần nền. Mãi đến năm Kỷ Dậu (1969) mới đổ được hàng cột và từ đó công việc cứ tiến hành cầm chừng theo thời cuộc nhiễu nhương. Cho đến năm Tân Dậu (1981) toàn bộ công trình mới hoàn tất theo sở nguyện. Tuổi đời của Ngài cũng bị cuốn hút vào công trình đại nguyện ấy, lúc ngoảnh lại đã 73 tuổi. Do đó Ngài nhanh chóng hội bàn cùng Tăng chúng và Phật tử tổ chức ngay lễ Kết giới Simà để khánh thành công trình.
Thời gian thúc bách bên hông bên Ngài ra sức kiến tạo thêm các cơ sở hạng mục chung quanh chùa như giếng nước, tráng nhựa đường vào chùa, bên cạnh công việc giảng dạy thiền hành, kinh Pàli... liên tục không một ngày dừng nghỉ tạo nên cảnh tu học sinh động ở tại chùa Sà Lôn đã khởi sắc này, cũng từ đó Ngài luôn được suy cử làm Hòa thượng đàn đầu cho các Giới đàn tại đây, tế độ cho nhiều thế hệ xuất gia làm Sa di và Tỳ kheo giới.
Năm Ất Sửu (1985) giữa lúc công cuộc hoằng hóa và bao dự định tu học, trùng hưng khác chưa thực hiện được, thì Ngài thọ bệnh để rồi không lâu sau đó, Ngài thị tịch vào lúc 22 giờ ngày 6 tháng 9 (nhằm ngày 22 tháng 8 Âm lịch) thọ 77 tuổi đời, 58 tuổi Hạ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Huyền Tế, pháp danh Như Long, pháp hiệu Huyền Tế. Ngài sanh vào ngày Rằm tháng Bảy – nhân lễ Vu Lan Thắng Hội năm Ất Tỵ (1905), tại làng Sung Tích (nay là xã Sơn Hội), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thân phụ Ngài là một Phật tử tại gia thuần thành quy y với Hòa thượng Diệu Quang đệ lục Tổ sư Thiên Ấn với pháp danh Như Tiếp, tự là Giải Đạo. Ngài xuất thân trong một gia đình trung lưu khá giả, là người con thứ 10 trong gia đình.
Từ thuở ấu thời đến khi trưởng thành, Ngài được rèn luyện, học tập triết lý Nho gia và cũng thường đến học Phật tại Tổ đình Thiên Ấn, thỉnh giáo kinh sách với Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang để mở mang trí tuệ.
Vào ngày 19 tháng 6 năm Quý Hợi (1-8-1923), khi vừa tròn 18 tuổi, Ngài chí thành cầu thỉnh Tổ sư đệ lục xin xuất gia đầu Phật, được Tổ đặt pháp danh Như Long, nhờ chí tâm tu học, nỗ lực ngày đêm; không bao lâu sau Ngài đã trở thành một học Tăng xuất sắc ở Tổ đình Thiên Ấn.
Năm Đinh Mão 1927, sau 4 năm chuyên cần tu tập dưới sự dìu dắt tận tình của Tổ sư đệ lục, Ngài được thọ giới Sa di tại Đại giới đàn chùa Từ Hiếu được tổ chức chung cho các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định và đắc pháp với pháp tự là Giải Thuyền.
Năm Canh Ngọ 1930, thiện duyên đã đến lúc 25 tuổi, Ngài được Bổn sư tuyển chọn cho đi thọ giới Tỳ kheo tại giới đàn chùa Bảo Lâm, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và đắc pháp với pháp hiệu là Huyền Tế.
Suốt 8 năm tu học, với đức độ khiêm cung, học lực uyên thâm, giới hạnh trang nghiêm, tánh tình hòa nhã, năm 1931, Ngài được Tăng chúng, huynh đệ và tín hữu đề cử làm tri sự kiêm Duy Na tại Tổ đình Thiên Ấn.
Năm Nhâm Thân 1932, nhận thấy lòng hiếu học cầu tiến và đức độ khiêm cung của Ngài, Tổ sư đệ lục cho phép Ngài vào miền Nam tham học, nghiên cứu kinh luật giáo lý Đại thừa. Cuối năm 1934, được lệnh Bổn sư Ngài trở ra Bình Định vào chùa Thập Tháp thọ giáo cầu pháp thêm ở Hòa thượng Phước Hưng, một vị đức độ tài ba, uy tín ở miền Trung lúc bấy giờ.
Đầu năm Bính Tý 1936, do nhu cầu Phật sự, Ngài được chư Sơn và môn phái triệu về giao cho chức vụ Trị sự trưởng, để cải tổ và trùng hưng lại chùa Quang Lộc ở Quảng Ngãi.
Năm Mậu Dần 1938, Hòa thượng Vĩnh Thừa có việc Phật sự phải về Huế, Ngài được Tổ sư đệ lục và chư Tăng tín đồ đề cử làm trụ trì chùa Bảo Lâm thuộc làng Vĩnh Lại (Mỹ Khê), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài đã trùng tu chánh điện, kiến lập trai đường, Tăng xá để phục vụ cho sự sinh hoạt tu học và tín ngưỡng của đông đảo Tăng Ni, Phật tử, để tiếp tục duy trì mạng mạch Phật pháp, lợi lạc quần sanh.
Năm Bính Tuất 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) một số Tăng sĩ trẻ đã “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Cảnh chùa trống vắng, tín hữu thất lạc, Ngài đã cùng quý Hòa thượng Khánh Tín, Huyền Đạt, Huyền Ấn, Huyền Tịnh, Huyền Tấn vượt các gian lao, quyết tâm sắt son giữ gìn Tam Bảo cho đến ngày hòa bình lập lại năm 1954.
Năm Ất Mùi 1955, sau 10 năm hoạt động Phật sự bị ngừng trệ do chiến tranh, Ngài đã tổ chức lại khóa Hạ đầu tiên tại chùa Bảo Lâm cho Tăng Ni trong tỉnh và ngoài tỉnh đến an cư tu học.
Thời kỳ pháp nạn 1963, thời điểm mà các nhà tu hành Phật giáo chân chính, các tín đồ Phật tử thuần thành không ai không ưu tư, hành động. Ngài ở tận miền thôn dã, cũng đã phát động những phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp kỳ thị Phật giáo của chính phủ nhà Ngô, bất chấp mọi sự đe dọa của chính quyền sở tại. Ngài vẫn sát cánh với quý Hòa thượng lãnh đạo ở Tỉnh hội tranh đấu, buộc chính quyền đương thời phải thỏa mãn những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ Việt Nam.
Năm Ất Tỵ 1965, Ngài và chư Tăng, Phật tử phải tạm trú tại chùa Hội Phước trong thị xã Quảng Ngãi một thời gian, vì chùa Bảo Lâm nằm trong vùng có chiến sự lan rộng.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài vận động đạo hữu, tín đồ đóng góp xây dựng chùa Bảo Linh tại Bàu Cả làm nơi đào tạo Tăng tài, để các Tăng sĩ trẻ có nơi tu học, nhiều vị hiện nay đang phục vụ cho Giáo hội các tỉnh như: Thượng tọa Thích Hạnh Diên, Hạnh Trình, Hạnh Trân, Đại đức Trí Thắng...
Những năm 1967-1969, Ngài được Giáo hội cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Quảng Ngãi.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài được đề cử chức vụ Cố vấn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi và là thành viên trong Hội đồng Trưởng lão Viện Hóa Đạo.
Đến năm Tân Hợi 1971, đại hội Phật giáo cử Ngài làm Đặc ủy Tăng sự suốt nhiệm kỳ, và tham dự các cuộc họp quan trọng trong Hội đồng Trưởng lão Trung ương. Ngoài ra, mỗi năm Ngài còn làm Thiền chủ cho các khóa Hạ ở Tăng học đường Tích Sơn; Trúc Lâm, ở chùa Bảo Kinh và ở Tỉnh Giáo hội Quảng Ngãi.
Những năm cuối đời, Ngài vẫn hoạt động Phật sự, không phút nào ngơi nghỉ. Dù tuổi già sức yếu, nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn, lúc nào cũng lo cho Phật pháp.
Hàng bao lớp Tăng Ni thành tài phụng sự cho Giáo hội, hàng vạn tín đồ Phật tử được Ngài dạy dỗ, khuyến tu đều trở thành những người hộ đạo đắc lực. Trong số đó, có đạo hữu Huỳnh Dương đã phát tâm phụng cúng ngôi chùa Giác Lâm ở Sung Tiếp, Sơn Tịnh – Quảng Ngãi cho Ngài cùng môn phái trùng tu, quản lý và hoằng truyền Phật đạo.
Năm Bính Dần 1986, Ngài chấm dứt báo thân, siêu thoát về cõi vô dư tịch diệt. Ngài trụ thế 81 năm, có 56 Hạ lạp.
Hòa thượng Thích Huyền Tế trải qua một đời tu hành công hạnh viên minh, Ngài đã kiến tạo nhiều ngôi Tam bảo, Thiền chủ các trường Hạ, tích cực đào tạo Tăng tài, đóng góp rất nhiều công đức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài xứng đáng là bậc Minh sư được truyền tụng và nhớ mãi trong tâm khảm những người con Phật đất Quảng Ngãi.
---o0o---
Hòa thượng Thích Ðạt Hương pháp hiệu là Tánh Ðàn, pháp danh là Ðạt Hương, thuộc dòng Thiên Thai Giáo Quán Tông, đời thứ 22, thế danh Lưu Văn Ngưu, sanh năm 1900 (Canh Tý) tại xã Thanh Hà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Ngài sanh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu theo Nho học, có truyền thống đạo đức, song thân Ngài giáo dục con cái rất nghiêm. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã bộc lộ tánh nết ôn hòa, cương nghị, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, chân tình với bạn bè, nên xóm giềng ai nấy đều quí mến.
Lớn lên, vâng lời cha mẹ Ngài lập gia đình, làm ăn lương thiện. Nhưng vốn có tinh thần yêu nước, thương dân nên năm 1930 Ngài tham gia Hội Kín, bí mật hoạt động chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào ác bá dựa thế lực Pháp đàn áp nhân dân.
Nhân một lần, Hội phát động phong trào “diệt ác phá kềm”, Ngài lãnh nhiệm vụ lên núi đốt cây pháo lệnh để tấn công. Nhưng cây pháo do cất giấu lâu ngày ẩm ướt, đốt không nổ, nên lệnh tấn công phát xuất không đồng loạt. Phong trào mau chóng bị đàn áp, dập tắt, bị giặc Pháp truy lùng, Ngài phải trốn lánh vào vùng núi Thất Sơn (Châu Ðốc).
Trên đường tìm chỗ trú thân, bỗng nghe văng vẳng tiếng chuông chùa lâng lâng siêu thoát, Ngài lần theo tiếng chuông tìm đến chùa Phi Lai. Hòa thượng trụ trì sau khi biết thân phận, đã cho phép Ngài lưu lại. Ở đây Ngài được Hòa thượng giảng dạy giáo pháp, lần hồi câu kinh tiếng kệ thâm nhập, giúp Ngài nhận chân được thế sự vô thường, các pháp là giả không, nên ý hướng xả tục xuất gia bắt đầu nhen nhúm trong Ngài.
Một năm sau (1931), tình hình lắng dịu, Ngài trở về Long An, tìm đến chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, xin quy y thế phát với Hòa thượng Liễu Thiền. Hòa thượng hoan hỷ hứa khả, đặt cho Ngài pháp danh là Ðạt Hương, nối pháp Thiền phái Thiên Thai Giáo Quán Tông đời thứ 22. Năm ấy Ngài vừa tròn 31 tuổi.
Sau khi xuất gia, Ngài được Hòa thượng Bổn sư ân cần dạy bảo, vốn siêng năng tinh tấn lại thêm quyết chí tu hành, nên dầu xuất gia hơi muộn nhưng sự tu học của Ngài không vì thế mà thua sút bạn đồng môn, lại thêm uy nghi vững vàng, đạo hạnh tinh nghiêm nên năm 1938, Hòa thượng Bổn sư khai đàn truyền Cụ túc giới cho Ngài và truyền trao y bát kế thừa pháp hệ. Từ đây về sau, hằng năm Ngài đều tham dự khóa An cư kiết Hạ để thúc liễm thân tâm, tăng trưởng đạo nghiệp.
Năm 1957 (Ðinh Dậu), Ngài tham dự khóa đào tạo Như Lai sứ giả do Giáo hội Tăng Già mở tại chùa Pháp Hội. Pháp lữ của Ngài còn có Hòa thượng Ðạt Hảo, Hòa thượng Ðạt Pháp, Hòa thượng Ðạt Ðồng...
Năm 1958, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cử về trụ trì chùa Phước Lâm, xã Phước Lý, tỉnh Ðồng Nai. Tại đây, Ngài lo trùng tu Tam bảo, xây dựng lại ngôi chùa Phước Lâm thêm khang trang, đẹp đẽ, tín đồ quy ngưỡng về quy y thọ giới tu học rất đông, chùa trở nên sùng thịnh từ đấy cho đến năm 1965.
Năm 1963, ông Hội Thông ở Tân Hiệp (Châu Thành – Tiền Giang) dâng cúng chùa Linh Phong cho Hòa thượng Liễu Thiền. Hòa thượng giao lại cho Ngài trụ trì. Về chùa Linh Phong, Ngài ra sức trùng tu ngôi Tam bảo này. Mỗi năm Ngài đều mở khóa An cư kiết Hạ. Tăng chúng quy tụ về tu học rất đông mỗi kỳ trên dưới 30 vị. Ngài thực hiện Phật sự này đều đặn cho đến ngày miền Nam được giải phóng.
Năm 1964, Ngài được đề cử vào Hội đồng Trưởng lão Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ở cương vị này, nhiều nơi tổ chức Ðàn giới khóa Hạ đều cung thỉnh Ngài làm Chứng minh.
Năm 1970, Ngài đứng tên xin phép chánh quyền thành lập Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông do Ngài làm Tông trưởng, Hòa thượng Ðạt Hảo làm Trị sự trưởng.
Ngài vốn có lòng yêu nước mạnh mẽ, nên trong thời kỳ kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1975, Ngài bí mật nuôi giấu nhiều cán bộ tại chùa Linh Phước do Ngài dựng lập, thuộc xã Thanh Hà, huyện Bến Lức, Long An, và đóng góp tài chánh để ủng hộ Cách mạng.
Sau ngày miền Nam được giải phóng (1975), Ngài đã hiến điền thổ và mười bảy căn nhà cho Nhà nước để cấp lại cho dân. Năm 1981, trong Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1986 (Bính Dần), Ngài lúc này tuổi đã cao, sức khỏe đã kém. Tháng 4 năm 1987, nhận thấy thân tứ đại đã đến kỳ hư hoại, nên Ngài phát nguyện tịnh cốc trong 49 ngày. Trong thời gian này, sức khỏe của Ngài rất yếu, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, và luôn tinh tấn niệm Phật. Sắp đến ngày vía Ðịa Tạng Bồ Tát, Ngài nhẹ nhàng rời bỏ nhục thân, thu thần tịch diệt vào lúc 12 giờ ngày 28 tháng 7 năm Ðinh Mão (1987), hưởng thọ 87 tuổi, 49 Hạ lạp.
Hơn 50 năm cống hiến tâm lực cho đạo pháp; cho dân tộc, cánh hoa tứ đại dầu đã rụng xuống cõi vô thường nhưng gương đạo hạnh của Ngài vẫn muôn đời chiếu soi dấu chân hàng pháp lữ Thiên Thai Giáo Quán Tông.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hoằng Thông pháp danh Quảng Châu, pháp hiệu Hoằng Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 45. Ngài thế danh là Phạm Ngọc Thạch, sanh năm Nhâm Dần – 1902 tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thân phụ là ông Phạm Văn Ngàn, thân mẫu là bà Mạch Thị Báu.
Thuở nhỏ, Ngài thường đau ốm nên thân mẫu cho xuống chùa Linh Phước, thuộc xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ở học đạo với Hòa thượng Quảng Ân. Sau một thời gian tìm hiểu tánh hạnh, nhận thấy Ngài thiện duyên sâu dày, tuệ căn mẫn tiệp lại thêm ý chí mạnh mẽ nên năm 1914, Hòa thượng đồng ý thế phát xuất gia cho Ngài, đặt pháp danh là Quảng Châu. Lúc này Ngài vừa tròn 14 tuổi.
Sau khi xuất gia, dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ của Hòa thượng Bổn sư, Ngài dốc tâm tu học, rèn trau giới đức nên chẳng bao lâu kinh, luật cơ bản Ngài đều thông suốt, thiền môn nghi tắc lại thêm vững vàng. Năm 1919, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Hội Khánh.
Năm 1921, nhân chùa Từ Ân mở Đại giới đàn, Hòa thượng Bổn sư đã cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc. Và sau đó, Ngài được phép Bổn sư cho đi tham học khắp nơi. Hằng năm Ngài đều đến các tòng lâm lớn ở miền Nam để an cư kiết Hạ.
Năm 1925, Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Thanh Ẩn chùa Từ Ân và được Hòa thượng cho pháp hiệu là Hoằng Thông.
Suốt gần mười năm du phương học đạo, trải khắp các tòng lâm danh tiếng tham học với các bậc cao Tăng thạc đức, với tuệ căn mẫn tiệp sẵn có, chẳng bao lâu Ngài đã khế ngộ được nguồn giáo lý uyên thâm của Phật đà và nhanh chóng trở thành một Pháp sư nổi tiếng, biện tài vô ngại, rất được Tăng chúng và Phật tử đương thời ngưỡng mộ.
Năm 1927, duyên hóa đạo sớm đến, ban hội tề làng Tân Hòa Thành đến chùa Linh Phước cần cầu Hòa thượng Quảng Ân xin thỉnh Ngài về đảm nhiệm ngôi trụ trì chùa Long Hội. Xét thấy Ngài đạo lực đã vững vàng, học hạnh lại kiêm ưu, có thể tuyên dương chánh pháp nên được Hòa thượng Bổn sư bằng lòng.
Chùa Long Hội do dân làng mới tạo dựng còn rất thô sơ, vườn tược ít oi, lau cỏ rậm rạp, bổn đạo thưa thớt, quang cảnh quạnh hiu. Ngài về đây đêm công phu thọ trì, ngày bồi mương dọn cỏ, trồng cây sửa kiểng tôn trí lại ngôi bảo tự càng lúc càng khang trang đẹp đẽ. Chùa không đạo chúng, nhứt Tăng nhứt Tự, Phật sự đa đoan, lại thêm ban hội tề khó khăn mọi lẽ; thế nhưng Ngài vẫn kiên trì nhẫn nại chu tất mọi công việc. Dần dà tiếng lành đồn xa, kẻ Tăng, người tục mến mộ đức hạnh của Ngài về quy ngưỡng mỗi lúc một đông.
Năm 1929, xét thấy thiện duyên đã đủ, Ngài cho khởi công trùng tu lại ngôi Bảo điện và hậu Tổ chùa thêm khang trang, rộng rãi, kiên cố hơn.
Năm 1939, Ngài khai trường Kỳ, cung thỉnh chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng khắp nơi về khai đàn truyền giới cho chúng Tăng. Ngài cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư làm Hòa thượng Đàn đầu. Đại chúng suy tôn Ngài lên chức vị Hòa thượng chủ Kỳ. Lúc ấy Ngài vừa tròn 38 tuổi.
Và cũng nhân dịp ra kinh đô Huế xin phép Triều đình mở trường Kỳ, Ngài được gặp Từ Cung Thái Hậu và vua Bảo Đại. Đức vua phê chuẩn đơn xin, đồng thời ban hiệu cho chùa là Sắc Tứ Long Hội tự. Năm 1941, sắc phong được gởi về và từ đó chùa có tên là Sắc Tứ Long Hội.
Năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng thành lập tại Sài Gòn, Ngài được mời đi dự Đại hội và được suy tôn vào Ban chức sự Trung ương Giáo hội.
Năm 1964, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) thành lập Tỉnh Giáo hội, Hòa thượng Quảng Ân được suy tôn làm Tăng trưởng, Ngài được bầu làm Tăng Giám.
Đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, Ngài cũng có nhiều đóng góp. Trong thời kỳ chiến tranh năm 1972, chùa Long Hội nằm trong vùng giải phóng. Ngài luôn tham gia đóng góp công sức cùng nhiều tài vật cho cách mạng, ngoài ra còn vận động đồng bào Phật tử tham gia ủng hộ.
Năm 1974, Hòa thượng Quảng Ân tịch, Ngài được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Định Tường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1981, Ngài được mời đi dự Hội nghị thống nhất Phật giáo tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Trong đại hội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I.
Song song với sự nghiệp đạo pháp – dân tộc, Ngài vẫn không quên việc trùng tu, sửa sang lại ngôi Long Hội tự, mặc dù Ngài lúc này tuổi đã già, sức khỏe yếu kém rất nhiều.
Năm 1983, Ngài lâm bệnh nặng, đôi chân yếu ớt nằm một chỗ, không đi lại được, nhưng tinh thần còn minh mẫn. Tăng Ni, Phật tử đến thăm Ngài luôn nhắc nhở việc tu hành, khuyên Tăng, Ni trẻ phải nỗ lực hành trì giới luật để Phật pháp được trường tồn.
Rằm tháng Bảy năm Mậu Thìn – 1988, lúc 10 giờ đêm Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 86 tuổi, giới lạp 66 năm. Tang lễ được Ban Trị sự Tỉnh hội và Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành đứng ra tổ chức theo di chúc của Ngài, nhục thân được môn đồ nhập tháp tại bản tự.
Ngài là một bậc cao Tăng có nhiều công lao đóng góp vào công cuộc chấn hưng Giáo hội tỉnh nhà, suốt đời phụng sự Phật pháp rất được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Tiền Giang kính ngưỡng.
---o0o---
Hòa thượng Thích Đức Tâm, pháp danh Nguyên Tánh, pháp hiệu Đức Tâm, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh Trần Hoài Cam, sanh ngày 12 tháng 10 năm Mậu Thìn (1928) tại làng Hồi Thành, xã Hương Lưu, tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc phường Vĩ Dạ – Huế, thân phụ là cụ bà Nguyễn Thị Lượng. Ngài là con trai độc nhất của gia đình thâm tín Tam bảo.
Bởi là con một, nên cha mẹ một mực thương yêu và kỳ vọng Ngài nối dõi tông đường mai hậu. Thời niên thiếu Ngài được theo Nho học và sau đó chuyển qua tân học để trau dồi kiến thức thế gian, ngõ hầu phục vụ tốt hơn cho gia đình – xã hội.
Thế nhưng, như có túc duyên Phật pháp sâu dày nên mới 14 tuổi, Ngài đã có chí nguyện xuất gia học đạo. Buổi đầu khai tâm học Phật, Ngài được thọ giáo với Hòa thượng Thích Trí Thủ, một cao Tăng lúc bấy giờ tại chùa Ba La Mật – Huế, sau này là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1943, sau một năm xuất gia, Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới, pháp danh Nguyên Tánh, pháp tự Đức Tâm. Từ đó, Ngài tinh tấn tu học, thúc liễm thân tâm và được theo học tại trường Sơn môn Phật Học Linh Quang và Phật Học đường Báo Quốc – Huế.
Năm 1948, Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại giới đàn Tổ đình Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đàn đầu truyền giới. Năm ấy, Ngài vừa tròn 20 tuổi. Sau khi đắc pháp, dự nhập vào hàng Tăng bảo, Ngài lại càng gia công khổ luyện tu học; để mau chóng vận dụng sở tu, sở học của mình phụng sự chúng sanh, báo đáp Tổ đức, Bổn sư.
Khởi đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi snah, Ngài đã cùng quý tôn túc sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam; đồng thời cùng với Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Thiên Ân, Thầy Chơn Trí biên soạn cuốn Phật pháp để làm cơ sở hướng dẫn giáo dục cho Phật tử.
Năm 1954, Ngài 26 tuổi, được cử giữ chức vụ Tổng thư ký nguyệt san Liên Hoa, một cơ quan ngôn luận hoằng pháp nổi tiếng của Phật giáo Trung phần lúc bấy giờ. Cũng năm này, Ngài làm Giảng sư cho Tổng hội Phật giáo Trung phần; Giáo sư tại Phật học đường Báo Quốc và các trường Trung học Bồ Đề – Huế.
Năm 1958, Ngài được Giáo hội Tăng Già Thừa Thiên giao trách nhiệm Phó trụ trì Quốc Tự Diệu Đế – Huế.
Năm 1964, Ngài đứng ra tu tạo lại chùa Diệu Minh sau đổi lại hiệu là Pháp Hải. Cũng chính năm này, Ngài dẫn đầu đoàn đại biểu Tổng hội Phật giáo Trung phần tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn. Sau đại hội, tại tỉnh nhà Ngài được đề cử làm Đặc ủy hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 1965, Ngài được mời làm Tổng thư ký Đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu – Huế.
Nhằm mục đích phát huy tinh thần đạo pháp với dân tộc, Phật giáo với tư tưởng hòa bình cho nhân loại, trung tâm văn hóa Liễu Quán-Huế ra đời và Ngài được giữ trọng trách làm Giám đốc trung tâm.
Song song với việc vun bồi trí tuệ cho hàng hậu tấn, Ngài còn quan tâm đến đời sống của Tăng Ni, Ngài xây dựng mở rộng Châu Hoằng liên xã ở Lại Bằng trong việc khai hoang Đồng Chàm để canh tác trồng trọt hoa màu.
Năm 1972, Ngài được cung cử chức vụ Phó đại diện kiêm Đặc ủy hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1973, Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang tổ chức, Ngài được giữ chức vụ Phó Chủ khảo. Cũng năm này, Ngài được Bổn sư Thích Trí Thủ trao kệ đắc pháp với pháp hiệu Hải Tạng.
Năm 1978, Ngài được chư tôn đức trong sơn môn cử làm Trưởng môn phái Tổ đình Từ Hiếu.
Năm 1981, sau khi đất nước được thống nhất, và trong sự thống nhất Phật giáo cả nước, Ngài là một trong số 165 đại biểu tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội.
Năm 1982, với tinh thần xây dựng Giáo hội, phụng sự quê hương xứ sở, Ngài được đắc cử giữ chức vụ Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên liên tiếp 2 nhiệm kỳ.
Đầu xuân năm 1987, Ngài lâm bệnh nặng, linh cảm nhân duyên hoằng pháp sắp mãn, mùa đông năm Đinh Mão (1987), Ngài đã đến tham yết các chốn Tổ đình, các vị tôn túc, pháp hữu trước khi trở gót về Tây phương.
Ngài đã an nhiên thị tịch lúc 9 giờ 45 phút ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn tức 29 tháng 2 năm 1988. Ngài trụ thế 60 tuổi đời và 40 tuổi đạo.
Cả cuộc đời tu học và hoằng pháp của Ngài là một tấm gương sáng cho tất cả thế hệ mai sau. Ngài vun trồng trí tuệ cho đàn hậu học, thắp sáng đuốc tuệ cho cả nhân sinh và nỗ lực đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung của Giáo hội. Pháp thân tuệ mạng của Ngài vẫn còn thắm đượm mai sau.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hoàng Minh, pháp danh Tâm Huệ, thuộc đời thứ 43 dòng Tế Thượng Chánh Tông (Thiên Thai), thế danh Nguyễn Châu Thình, bí danh là Minh Châu, sinh ngày 21 tháng 10 năm Bính Thìn (1916) tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang).
Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Đề, thân mẫu là bà Châu Thị Danh. Gia đình Ngài sống thuần phác theo nông nghiệp, mẫu mực lễ giáo nho phong, mấy đời kính tin Tam bảo. Nội tổ là đại thí chủ chùa Tân Long, Gò Lức. Ngài là con thứ sáu trong một gia đình đông con, mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, được kế mẫu dưỡng dục.
Năm 10 tuổi (1925), Ngài được thân phụ cho vào chùa Tân Long (Gò Lức) tục gọi chùa Mục Đồng thế phát quy y với Hòa thượng Chí Thiện và được ban pháp danh là Tâm Minh.
Năm 13 tuổi (1928), Ngài được Bổn sư cho đến học đạo với Hòa thượng Pháp Hội chùa Long Thoàng, xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, được pháp hiệu là Thiện Kim, Ngài ở đây tu học được 5 năm.
Cũng tại đây, năm 18 tuổi (1933), Ngài học đạo với Hòa thượng Pháp Đạt. Được Hòa thượng thế độ, đặt pháp danh là Tâm Huệ, hiệu Hoàng Minh. Và cho đi thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Thanh Long, Biên Hòa.
Năm 1935 (Ất Hợi), Ngài 20 tuổi, được Hòa thượng Pháp Đạt cho đi thọ giới Cụ túc tại trường Kỳ chùa Thiên Ân (Thủ Dầu Một).
Năm 1938 (Mậu Dần), Ngài tham dự trường Hương chùa Phước Hựu, xã Vĩnh Viễn, huyện Gò Công Tây. Trong trường Hương này, Ngài được tấn phong Đệ nhất Giáo thọ, kiêm Giám khảo Luật học.
Năm 1939 (Kỷ Mão), Ngài theo học tại đạo tràng của Hòa thượng Huệ Đăng (Thiên Thai – Bà Rịa). Sau hai năm tu học ở đây, với tuệ căn mẫn đạt, Ngài thấu suốt lý kinh, tận tường nghĩa luật, nên đã được Tổ Huệ Đăng truyền tâm pháp ngày 15 tháng 8 năm 1940 cùng với Hòa thượng Pháp Lan, chùa Khánh Hưng (Sài Gòn).
Năm 1941 (Tân Tỵ) được tin nội tổ và thân phụ đau nặng, Ngài xin phép về quê để lo phụng dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành cho đến khi nội và cha già đều lần lượt qua đời.
Năm 1945 (Ất Dậu), sau khi đã mãn cư tang nội tổ và thân phụ, Ngài trở về chùa Long Thoàng và được bà đại thí chủ Huỳnh Thị Diệu thỉnh trụ trì Tổ đình này để kế tục sự nghiệp tiếp Tăng, độ chúng của thầy Tổ.
Năm 1947 (Đinh Hợi), Ngài với bí danh Minh Châu gia nhập đoàn thể Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gò Công của Mặt trận Việt Minh và được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban hành chánh tỉnh Gò Công, Chủ tịch là Hòa thượng Pháp Hoa.
Năm 1951, Ngài được cử đi chiến khu Lý Nhơn để tập huấn. Ngài đã viết và ký một ngàn tờ truyền đơn, nội dung kêu gọi đoàn thể tôn giáo chống chế độ thực dân Pháp và bù nhìn Bảo Đại.
Năm 1952 (Nhâm Thìn), Ngài bị giặc bắt, đày qua Lào, rồi đưa về giam ở ngục Hỏa Lò – Hà Nội. Đến năm 1954 (Giáp Ngọ), sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Ngài được trao đổi tù binh ở Gia Lai (Kontum).
Năm 1955 (Ất Mùi) Ngài trở về quê nhà và được bà đại thí chủ Lâm Tố Liêng (cùng phái Thiên Thai) xây chùa Thiêng Liêng và thỉnh Ngài về trụ trì.
Năm 1956 (Bính Thân), Ngài triệu tập Tăng Ni tỉnh Gò Công, thành lập Ban Trị sự Giáo hội Tăng Già lâm thời của tỉnh. Ngài được Đại hội bầu làm Trưởng ban Hoằng Pháp. Ba khóa sau, Ngài giữ chức Trưởng ban Tài chính Kiến thiết.
Năm 1957, Ngài dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ Giả ở chùa Pháp Hội, Chợ Lớn do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức.
Năm 1959, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Gò Công tổ chức khóa An cư kiết Hạ tại chùa Thanh Trước, Ngài được mời làm Phó chủ Hương kiêm Thủ bổn và Giáo thọ đảm trách luật học.
Năm 1962, bà Lâm Tô Diệm phụng cúng cho chùa Thiêng Liêng 24 mẫu ruộng để làm điền tự, phục vụ việc tiếp Tăng độ chúng. Nhờ duyên đó, Ngài thế độ được 5 đệ tử xuất gia nối tiếp mạng mạch Phật pháp.
Năm 1964 (Giáp Thìn), Giáo hội được cải tổ, Ngài được bầu làm Phó ban đại diện Phật giáo tỉnh Gò Công suốt 3 nhiệm kỳ.
Năm 1970 (Canh Tuất), Ngài được Giáo hội khối Việt Nam Quốc Tự, mời làm cố vấn liên tiếp 5 năm. Trong thời gian này, Ngài kiến thiết được 3 ngôi chùa: Linh Châu, Linh Sơn, Thiên Trường và xây dựng một ký túc xá từ thiện để giúp đồng bào tỵ nạn chiến tranh và giúp học sinh ở quê ra tỉnh học có nơi cư trú.
Năm 1971 (Tân Hợi), Ngài tổ chức khóa An cư kiết Hạ tại chùa Thiêng Liêng và thuyết giảng Phật học phổ thông về kinh, luật, luận.
Năm 1975, Ngài hiến 15 mẫu đất hương hỏa của chùa cho Công ty Hải sản Gò Công Đông. Năm 1976 (Bính Thìn), Ngài là thành viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước huyện Gò Công Đông. Năm 1978, được đề cử làm thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gò Công Đông và năm 1982, là thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang.
Mùa hạ năm 1982, chùa Huệ Quang khai trường Hương, Ngài được mời vào Ban chức sự và thỉnh giảng các môn kinh, luật. Cũng trong năm này, Ngài cùng Hòa thượng Huyền Quý chùa Liên Hoa – Gò Công Đông tổ chức xây tháp Bảo Đồng, thờ linh cốt chư Tăng Ni, Phật tử chùa Tân Long (Gò Lức) và trong khu vực.
Năm 1986 (Bính Dần), Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc tấn phong Hòa thượng và cung thỉnh vào Ban Chứng minh Phật giáo tỉnh nhà.
Năm 1987, trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần II, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tháng 3 năm 1991 (Tân Mùi), Ngài nhuốm bệnh. Ngày 16 tháng 4 năm 1991, chư vị tôn túc trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni các tự viện trong huyện Gò Công Đông và môn đồ pháp quyến tổ chức hội lễ sanh tiền. Vào lúc 20 giờ 10 phút ngày mùng 2 tháng 5 năm Tân Mùi (tức 13 tháng 6 năm 1991) Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, hưởng thọ 76 tuổi, giới lạp 56 mùa Hạ.
Suốt một đời gắn bó với đạo pháp và dân tộc, không một Phật sự nào mà Ngài từ nan, không một nghĩa vụ nào mà Ngài không hoàn tất. Ngài là tấm gương thiệp thế () cho Tăng lữ thời mạt pháp vây.
---o0o---
Hòa thượng Thích Viên Quang, pháp danh Nguyên Minh, pháp tự Công Huệ, húy Minh Tự – Thiện Hòa, thuộc dòng Thiền Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 44. Ngài thế danh là Trương Trọng Cửu, sinh ngày mùng 8 tháng 12 năm Tân Dậu 1921 (năm Khải Định thứ 5) tại thôn Phú Hội, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nhiều đời, thân phụ là cụ ông Trương Khoa Cử, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Phiên.
Năm Ất Hợi 1935 (năm Bảo Đại thứ 10) với túc duyên sẵn có, khi vừa tròn 15 tuổi, Ngài đến cầu xuất gia với Hòa thượng Vạn Đạo, chùa Thiên Sơn, Phú Yên nhân ngày vía Phật Di Đà 17 tháng 11, được Hòa thượng ban pháp danh Nguyên Minh, tự Công Huệ.
Năm Bính Tý (1936), Ngài được Hòa thượng Bổn sư gởi đi học luật nghi với Hòa thượng Hưng Từ, chùa Pháp Hội, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Năm Kỷ Mẹo (1939) theo đúng luật, sau thời gian 3 năm chấp tác, hành điệu và sách tấn trau giồi luật nghi nghiêm mật, Ngài được thọ tam đàn Cụ túc giới đàn Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ do Hòa thượng Vĩnh Sung làm Đàn đầu truyền giới.
Năm Tân Tỵ (1941), Ngài đến cầu học pháp môn Du Già khoa nghi với Hòa thượng Xuân Quang, chùa Liên Trì trọn một năm.
Năm Quý Mùi (1943), nhận thấy chưa thông đạt trọn vẹn tâm pháp cầu học, Ngài thiết tha xin Hòa thượng Bổn sư cho trở lại chùa Liên Trì tiếp tục trau giồi, sách tấn và để bước đầu thực hiện công việc hoằng hóa nương tựa vào oai đức của Hòa thượng Xuân Quang.
Năm Ất Dậu (1945), vua Bảo Đại thoái vị, tình cảnh đất nước lại đang lâm vào nạn đói khủng khiếp. Ngài xin được phép trở về Phú Yên, và đảm nhận trụ trì chùa Long Phú. Trong thời gian này, Ngài chuyên hành mật hạnh và phụng dưỡng mẫu thân đang già yếu, đồng thời dìu dắt, dạy dỗ em trai mình ().
Tuy vậy, Ngài cũng không quên những nơi đã un đúc cho mình trở nên hàng Tỳ kheo đạo hạnh, giữa lúc thời buổi chiến tranh loạn lạc, Ngài tiếp tục tham học nên bất chấp khó khăn trở ngại, Ngài thường lui tới các Tổ đình Liên Trì, Cổ Vân, Thiên Long, Kim Cang, Thiên Tứ (Ninh Hòa). Đó còn là những nơi Ngài đều đặn tham dự các khóa An cư kiết Hạ thường niên.
Nhờ vào các chuyến vân du lui tới những nơi như thế, ngoài những thầy Tổ và các bạn lữ trong tông môn đại gia đình Tăng bảo, Ngài còn được tiếp xúc với rất nhiều những tư tưởng lớn ngoài xã hội, giữa lúc đất nước còn đau khổ (sau khi Nhật đầu hàng đồng minh ở thế chiến thứ II, thực dân Pháp trở lại). Do đó, hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, Ngài cũng như một số Tăng lữ tạm thời xếp lại công việc hoằng hóa để tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc do Hòa thượng Hưng Từ và các bậc danh Tăng lãnh đạo, nhằm hỗ trợ cho Mặt trận Việt Minh kháng Nhật, kháng Pháp.
Năm Giáp Ngọ (1954), một nửa đất nước được an lành nhưng còn một nửa tiếp tục lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Nơi quê hương trú xứ của Ngài nằm lại một nửa sau. Tuy vậy, tình thế không đến nỗi gắt gao như trước nên các Ngài trở về phục hưng lại ý chí, trùng tuyên Phật pháp và tinh tấn chuyên tu.
Năm Quý Mão (1963), sau hằng chục năm trời từ khi ách thực dân đô hộ đã lùi xa, Phật giáo lại một lần nữa đương đầu trước nạn kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, một tôn giáo lớn của nhân loại và đối với dân tộc đã là nếp sống gắn bó tự bao đời. Trước tình cảnh thúc bách đó, Ngài cùng toàn thể Phật giáo đồ tỉnh Phú Yên đứng lên đấu tranh, chung sức giành lại vị trí cao cả của Phật giáo Việt Nam đi vào lòng dân tộc hơn 20 thế kỷ.
Năm Ất Tỵ (1965), Ngài trở lại Bình Thuận để tiếp tục hoằng dương chánh pháp, trụ trì chùa Thiền Lâm-lúc này là chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận.
Những năm 1970 – 1973, Ngài giữ chức Phó Giám viện kiêm Giám học Phật học viện Nguyên Hương, Bình Thuận.
Từ năm 1972 đến năm 1976, Ngài được tiếp tục suy cử giữ chức trụ trì chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận.
Năm Quý Sửu (1973), Ngài khai sơn tịnh thất Long Thiền thuộc xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, để chọn nơi nghiêm trì tịnh nghiệp.
Năm Nhâm Tuất (1982), Ngài được Ban Trị sự Tỉnh hội cử giữ chức trụ trì Tòng lâm Vạn Thiện, đồng thời đảm nhiệm Ủy viên Nghi lễ, Ủy viên Giáo dục Tăng Ni và là Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.
Năm Đinh Mão (1987) Ngài trùng hưng lại chùa Long Phú đã xuống cấp theo thời gian vì hoàn cảnh chiến tranh.
Năm Tân Mùi (1991), trước dự kiến thành lập trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Thuận để theo kịp đà phát triển chung của Phật giáo đương đại Ngài được đề bạt làm Hiệu trưởng. Thế nhưng, Ngài cảm thấy sức khỏe dần kém do tuổi đã cao, nên ngày 14 tháng 3, Ngài cho triệu tập tất cả Tăng chúng lại, dặn dò phó chúc những Phật sự cần thiết và mong mỏi hàng đệ tử hết lòng phụng sự chánh pháp, giúp ích dân tộc.
Sang ngày Rằm tháng 3 năm Tân Mùi (nhằm ngày 19 tháng 4 năm 1991), Ngài an nhiên thâu thần thị tịch tại tịnh thất Long Thiền, thọ thế 71 năm, Hạ lạp 51 mùa an cư.
Cảm niệm ân đức sâu dày của Ngài, đồ chúng đã xây Bảo tháp bảy tầng để tôn thờ nhục thể Ngài tại Tòng lâm Vạn Thiện, Phan Thiết.
---o0o---
Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, pháp hiệu Hải Tuệ, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế chánh tông, thế danh là Nguyễn San (sau đổi là Trần Văn Lâu). Ngài sinh năm Nhâm Tuất 1922, tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, thân phụ là cụ ông Nguyễn Lợi, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Tý, đều là Phật tử thuần thành, thâm tín Tam bảo.
Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống nhiều đời tin Phật. Vốn có túc duyên Phật pháp sâu dày, nên năm 8 tuổi, Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tu học. Buổi đầu khai tâm, Ngài được Hòa thượng Phổ Hiện, chùa Khánh Long, Diên Khánh thu nhận làm đệ tử. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài y chỉ với vị kế thế trụ trì là Hòa thượng Chánh Ký. Đặc biệt, Ngài được cả hai vị Bổn sư và Y chỉ sư trực tiếp truyền dạy Du già nghi pháp và đến năm 20 tuổi, Ngài đã làu thông.
Năm Quý Mùi 1943, Ngài được Hòa thượng y chỉ sư cho đến thọ giáo tu học với Hòa thượng Giác Phong, trụ trì chùa Hải Đức, Nha Trang.
Mùa đông, năm 1945 (Ngài được 23 tuổi), đất nước lâm vào cảnh điêu linh vì giặc ngoại xâm. Ngài đã phải ứng cơ độ thế, tham gia vào lực lượng Việt Minh chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Sau một thời gian hoạt động Cách mạng, Ngài đã bị địch bắt giam ở nhà ngục Kon Tum suốt 7 năm trường.
Mãi đến mùa hè năm 1953 (Ngài được 31 tuổi), từ ngục tù Kon Tum trở về, Ngài lại tiếp tục cuộc sống tu hành ở Phật học đường Nha Trang (vừa được thành lập tại chùa Long Sơn, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa).
Năm Đinh Dậu 1957, hai Phật học đường Báo Quốc và Nha Trang được sát nhập thành Phật học viện Trung phần, đặt cơ sở tại chùa Hải Đức, Nha Trang, Ngài là một trong những thành viên đầu tiên của Phật học viện này. Cũng từ đó, cuộc đời tu hành của Ngài đã gắn chặt vào công tác đào tạo Tăng tài của Phật học viện Trung phần, với bao nỗi thăng trầm, biến chuyển cho mãi đến ngày mãn duyên cõi tạm.
Cuối năm 1957 (35 tuổi), Ngài được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn đầu tiên của Phật học viện Trung phần do Hòa thượng Giác Nhiên (chùa Thiền Tôn – Huế) làm Đàn đầu truyền giới. Trong giới đàn này Ngài là Thủ Sa di.
Năm Kỷ Hợi 1959, do nhu cầu Phật sự quá cấp thiết, Ngài được Phật học viện đề cử vào trụ trì chùa Thiên Bình, xã Hòa Tân, Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau một thời gian, Ngài được Phật học viện Trung phần gọi về tham gia công tác quản lý tại đây.
Năm Ất Tỵ 1965, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, được ban cho pháp hiệu là Hải Tuệ và được truyền bài kệ phú pháp như sau:
“Hải tánh nan tư nghì
Thừa đương nhân tự tri
Không hoa do nhãn ế
Sanh, Phật tất giai phi”
Cũng vào năm này, Giáo hội thống nhất cơ cấu tổ chức Phật học viện toàn quốc, Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám sự Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Đồng thời, Ngài được mời giữ chức Giám viện Phật học viện Trung đẳng Linh Sơn, Nha Trang.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài chứng minh sáng lập “Y vương niệm Phật đường” tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.
Năm Canh Tuất 1970, Ngài kiêm nhiệm trụ trì chùa Diên Thọ, trụ sở Giáo hội huyện Diên Khánh, và chùa Linh Phong (chùa Núi) Vĩnh Thái – Nha Trang.
Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Tăng sự trong Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Phú Khánh cho đến đại hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ I năm 1991 (sau khi tách tỉnh).
Cuộc đời của Ngài, từ lúc trưởng thành cho đến khi già yếu, đã hòa nhập vào những bước thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. Từ kháng chiến gian khổ, ngục tù khắc nghiệt, cho đến cuộc sống tu hành nghiêm tịnh chốn thiền môn công tác Phật sự liên tục dồn dập, Ngài vẫn không từ nan phục vụ, không tránh né khó khăn; ở đâu cần thì Ngài đến, Phật sự nào được giao phó Ngài đều chu toàn.
Do sự cống hiến quên mình ấy, nên sức khỏe của Ngài đã dần dần giảm sút theo tháng năm, tuổi tác. Cho đến năm 1988 Ngài yếu hẳn và trọng bệnh phát sinh. Trong thời gian tịnh dưỡng ở chùa Long Sơn, măïc dù xác thân tứ đại hoành hành não bệnh, nhưng Ngài vẫn không xao lãng công phu tu niệm.
Một hôm, như biết trước cơ duyên sắp mãn, Ngài nhờ môn đồ chở đi thăm viếng hầu hết các cảnh chùa trong huyện Diên Khánh. Đây là lần thăm viếng quê hương cuối cùng của Ngài.
Đêm 21 tháng 11 năm 1991 (tức ngày Rằm tháng 10 năm Tân Mùi), trước số đông pháp hữu, pháp quyến đến thăm Ngài, đang nằm trên giường bệnh, Ngài tỉnh táo hỏi: “Hôm nay là ngày mấy?” quý pháp hữu trả lời bằng ngày Dương lịch, Ngài nói: “Không, ngày Âm lịch kia”. Sau khi nghe trả lời, Ngài im lặng mỉm cười!
Đến lúc 10 giờ sáng ngày 22 tháng 11 năm 1991 (16 tháng 10 năm Tân Mùi) hóa duyên đã mãn, Ngài đã an nhiên xả bỏ báo thân, thu thần nhập diệt trụ thế 70 năm, hưởng 35 tuổi đạo.
Ngài đã nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng phục vụ chúng sanh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp chung của đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng thế danh là Danh Dinl – pháp danh là Inda Ppannà, sinh năm Mậu Thân 1908 tại làng Ngang Dừa, Chương Thiện, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, thân phụ là cụ ông Danh Chea, thân mẫu là cụ bà Neang Thị Sư, Ngài là người thứ hai trong gia đình có 4 anh em.
Ngài có tư chất thông minh. Năm 14 tuổi, cha mẹ dẫn đến cho học chữ Khmer với Hòa thượng Đuông trụ trì chùa Khlăng, thị xã Sóc Trăng. Ngài học ở đây đến năm 17 tuổi, thì xin trở về nhà phụng dưỡng cha mẹ.
Năm Canh Ngọ 1930, lúc 22 tuổi, Ngài xin phép song thân được phát tâm xuất gia tại chùa Peang-Som-Ritch, xã Phú Ninh (nay là huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Liền sau đó, Ngài được thọ Cụ túc giới, với Hòa thượng Phân, trụ trì chùa Tro Nup làm Thầy tế độ, Hòa thượng SinL chùa Com-Poong-Trop làm Thầy tuyên ngôn và Hòa thượng Danh Pik chùa Peang-Som-Ritch làm Thầy Yết ma, được Hòa thượng tế độ ban cho pháp danh là Inda Ppannà.
Năm Quý Dậu 1933, sau khi thọ giới 3 năm, Ngài xin phép Thầy tế độ sang nước Cao Miên để học chữ Pàli ở chùa Girivansa tỉnh Kom-Pôoth hết 3 năm. Sau đó Ngài lại xin phép Thầy trụ trì qua chùa Prêk-Tà-Têen huyện Kom-Poong-H.Luông, tỉnh Kom-Poong-S.Pư để học tiếp kinh tạng Pàli trong 2 năm nữa. Tiếp tục, Ngài qua chùa Prash-Putch-Meanl-Punn, thành phố Phnôm Pênh để học lớp nâng cao Pàli và thi đậu bằng Pàli-Roông (Trung cấp Pàli ngữ).
Năm Kỷ Mão 1939, sau 8 năm ở Cao Miên, Ngài thấy vẫn chưa thỏa mãn sở học, nên ở lại nhập Hạ tại chùa Lăng-Ka thành phố Phnôm Pênh để bổ túc thêm luật tạng Pàli ngữ.
Năm Canh Thìn 1940, Ngài nhận lời thỉnh mời của chư Tăng và Phật tử, đến ở chùa Konl-Đâng, tỉnh Bath-Đom-Boong, làm giảng sư Pàli ngữ hết một năm.
Từ năm 1941-1944, Ngài trở lại chùa Lăng-Ka tại thành phố Phnom-Pênh tiếp tục theo học lớp cao cấp Pàli tại Trường Cao cấp Phật học của hội trí thức Phật học Campuchia. Sau khi đậu Diplôme Pàli ngữ, Ngài bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, truyền bá đạo pháp.
Năm Ất Dậu 1945, Ngài nhận lời thỉnh mời của chư Tăng và Phật tử đến ở chùa H.Luông huyện Ba-Kanl, tỉnh Pô-Sath. Năm 1946, Ngài được thỉnh làm giảng sư dạy trường Cao cấp Pàli-Phật học tại chùa S.Konl tỉnh Kom-Poong-Cham. Năm 1947, Ngài dạy Pàli ngữ cho chư Tăng và Phật tử ở chùa Dhamma-Kêr tỉnh Prêy-Vêng. Sang năm 1948, Ngài dạy Pàli ngữ ở chùa S-Vay-Mes tại Pô-Chienh-Tông, tỉnh Konl-Đal.
Năm Kỷ Sửu 1949, Ngài về Việt Nam, trở lại chùa Sirì Muni Varisà-Peang-Som-Ritch xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng và tiếp tục dạy Pàli ngữ cho chúng Tăng ở đây. Thời gian này, Ngài đã vận động đồng bào Phật tử ủng hộ xây dựng thêm liêu, cốc và chỉnh trang lại chùa cảnh.
Năm Canh Dần 1950, chư Tăng và Phật tử chùa Ph-Noôr-R-Ka xã Phú Tâm, Sóc Trăng thỉnh Ngài qua dạy chữ Pàli hết một năm.
Năm Tân Mão 1951, với chí nguyện học trọn vẹn tam tạng giáo điển Pàli ngữ, Ngài lại sang Cao Miên lần thứ hai, đến chùa Jotanàràma tỉnh Kom-Poong-Cham để học Abhidhamma (luận tạng) và giảng dạy Pàli ngữ, sau đó Ngài vào rừng Tua-S-Lêeng tu hạnh Đầu đà suốt 3 tháng.
Năm Quý Tỵ 1953, Ngài đến ở Xứ-Tứk-Voôl (Takh-Mao) trung tâm Thiền học làng Nirodha (Trung tâm thiền học Điền Trung) tỉnh Konl-Đal trong 7 năm. Từ đó trở đi, Ngài tiếp tục công việc giảng dạy Pàli ngữ cho khắp các chùa trong tỉnh.
Đến năm Giáp Dần 1974, Ngài trở lại Việt Nam, về chùa Siri Muri Varisà-Peang-Som-Ritch, xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng để dạy kinh, luật, luận và thiền cho chư Tăng.
Năm Đinh Tỵ 1977, Ngài được chư Tăng và đồng bào Phật tử tín nhiệm đề cử Ngài giữ chức vụ trụ trì chùa Siri Muri Vansà-Peang-Som-Ritch với sự quyết định bổ nhiệm trụ trì của Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo và Ban dân tộc tỉnh Hậu Giang.
Năm Canh Thân 1980, ngoài việc giảng dạy Giáo lý cho chúng Tăng và đồng bào Phật tử khắp nơi tu học. Ngài còn xây dựng thêm một lò thiêu, giảng đường, Tăng xá, trang trí bày biện, an vị các tượng Phật thờ trên chánh điện cho thêm phần tôn nghiêm tướng hảo. Đặc biệt, Ngài đã xây dựng một ngôi học đường quy mô, để các Sư và đồng bào Phật tử thường xuyên lui tới tham dự các lớp giáo lý Phật pháp, Pàli ngữ và Khmer.
Tuổi cao lão bệnh, theo định luật vô thường, Ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 8 giờ 45, ngày 23 tháng 08 năm 1992, nhằm ngày 25 tháng 07 năm Nhâm Thân. Ngài trụ thế 84 năm, hưởng 62 tuổi đạo.
Suốt một đời vì đạo pháp, vì văn hóa giáo dục, Hòa thượng Indappnnà – Danh Dinl đã nêu cao đuốc tuệ cho các hàng đệ tử mai sau noi theo. Xá lợi của Ngài được tôn thờ ngay tại chùa Peang-Som-Ritch, để các hàng hậu học gần xa chiêm ngưỡng và ghi nhớ mãi mãi.
---o0o---
Hòa thượng Thích Chân Thường, pháp húy Bản Như, pháp hiệu Chân Thường, thế danh là Trần Đức Ký, sanh năm Nhâm Tý 1912 (niên hiệu Duy Tân thứ 5) tại làng Trà Trung, tổng Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngài sinh trưởng trong một gia đình am tường Nho giáo, cũng là một gia đình nhiều đời theo đạo Phật. Thân phụ Ngài là cụ Trần Đức Huấn tự Chất Lượng, thân mẫu là cụ Trần Thị Chắt, hiệu Diệu Trinh. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có 3 trai, 3 gái.
Năm Ất Hợi 1935, khi 23 tuổi Ngài vâng lệnh song thân lập gia đình để giữ tròn đạo hiếu người con trai, nối dõi tông đường và sống đời cư sĩ thờ Phật, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy sống trong nhà thế tục với người vợ hiền và 3 con: hai gái một trai, nhưng Ngài luôn hướng tâm về con đường giác ngộ – giải thoát, mong một ngày nào có thể, sẽ xuất trần nhập đạo.
Vốn bản tính nhân hậu lại giàu lòng thương người nên Ngài rất ham thích làm những việc từ thiện xã hội. Ngài thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó, phụ trách công việc làng về các việc tế lễ, hộ niệm và thường phát tâm đóng góp tài vật để tu bổ chùa chiền Phật sự; đặc biệt là công trình xây dựng cảnh chùa Hương Tích ở Hương Sơn – Hà Tây, Ngài và gia đình đã có rất nhiều công đức...
Năm Canh Thìn 1950, với ý chí xuất trần đã được hun đúc từ lâu, gần nửa cuộc đời sống ở trần gian làm tròn bổn phận tình nhà lẫn hiếu hạnh. Năm 38 tuổi Ngài quyết định cắt ái từ thân, xuất gia đầu Phật với Tổ Trà Trung – Linh Ứng. Cùng vào năm này, Ngài được Tổ cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại bản tự, sau đó sang tham học luật Tỳ Ni tại chốn Tổ Tuệ Tạng, chùa Vọng Cung, Nam Định.
Tuy xuất gia tuổi trugn niên, nhưng Ngài đã vượt qua mọi ngoại cảnh trần duyên để nỗ lực tinh tấn tu hành, ngõ hầu hoằng dương Phật pháp. Việc đầu tiên là Ngài cảm hóa gia đình cùng hướng nẽo thiện, hai người con gái đầu đã đi theo bước chân giải thoát của Ngài, thế phát xuất gia với Ni trưởng Tịnh Nguyệt. Nay là Ni sư Diệu Tâm, trụ trì chùa Hải Ninh – Hải Phòng và Ni sư Diệu Minh trụ trì chùa Quán Âm – Paris (Pháp Quốc), người con trai út là Trần Đức Vinh cũng là Phật tử thuần thành tôn kính Tam bảo.
Năm Giáp Ngọ 1954, thuận theo hoàn cảnh khách quan của đất nước. Ngài rời gót vân du vào miền Nam, trụ nơi đất Sài Gòn, chuyên tu pháp môn Tịnh độ và bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh ở đây.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài đã cùng một số Phật tử nhiệt tâm kiến tạo ngôi tịnh xá An Lạc, tiền thân của chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão, quận Nhất, Sài Gòn. Ngài khuyến hóa tín đồ ấn tống kinh sách Phật học nhiều loại để biếu tặng cho các nơi xa xôi thiếu thốn chánh pháp.
Trong hành trình vân du hiển dương Phật pháp, ấn tống kinh sách và khuyến tu Tịnh độ, Ngài đã vận động kiến tạo thêm 2 ngôi chùa, một ở Biên Hòa và một ở Thủ Dầu Một để giúp Phật tử những nơi này có chỗ lễ bái tụng niệm. Sau này, Ngài giao lại cho Phật tử địa phương tiếp tục trông coi giữ gìn ngôi Tam bảo.
Để trau giồi thêm kiến thức Phật học, cũng như tìm hiểu về Phật giáo ở các nước. Năm 1961, Ngài sang nước Cao Miên nghiên cứu giáo lý Theravàdà (Nguyên Thủy Phật giáo) một thời gian, rồi tiếp tục sang Lào hành đạo và học hỏi ở xứ này.
Năm Giáp Thìn 1964, vì nhu cầu Phật sự và đáp lời thỉnh nguyện của Cư sĩ Trần Đình Quế – Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Linh Sơn ở châu Âu, Ngài lên đường sang Pháp để hành đạo, hóa duyên và Ngài cũng chính thức khai sáng chùa Linh Sơn, trụ trì nơi này một thời gian rồi giao lại cho Hòa thượng Thích Huyền Vi kế nhiệm.
Năm Mậu Thân 1968, từ nước Pháp Ngài sang Ấn Độ chiêm bái Phật tích, rồi trở lại Pháp để tiếp tục con đường hoằng pháp của một sứ giả Như Lai, Ngài đã tìm mua một khu đất tại vùng Champigny, ngoại ô Paris và khai sáng chùa Quán Âm cùng thành lập Hội Phật giáo Quán Âm Paris, đó cũng là trụ xứ hoằng đạo của Ngài trên đất Pháp cho đến lúc cuối đời.
Ngoài sự nghiệp khai sáng 2 ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp ra, Ngài còn đặt trọng tâm vào việc hướng dẫn các hàng Phật tử tu học, cùng ra sức phiên dịch, ấn tống các loại kinh sách để phổ biến cho Phật tử trong và ngoài nước. Các tác phẩm Ngài đã dịch và ấn hành gồm:
Chư kinh Nhật tụng,
Kinh A Di Đà,
Kinh Đại phương tiện Phật báo ân,
Kinh Đại bát Niết Bàn,
Kinh Pháp Hoa Huyền Tán,
Thế giới An Lập Đồ,
Kinh Địa Tạng,
Kinh Phổ Môn,
Kinh Vô Lượng thọ,
Phổ Đà sơn dị truyện,
Và cuối cùng là Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Ngài còn tu hạnh phước thiện, cúng dường, bố thí cho các nơi thiếu thốn cần giúp đỡ dù gần hay ở xa, khi có thỉnh cầu thì đều được Ngài phát tâm tùy hỉ công đức. Những năm cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng Ngài vẫn nhiệt tâm chăm lo Phật sự, cũng như giúp đỡ tinh thần, vật chất cho các hội đoàn từ thiện, cứu trợ trẻ em tị nạn, mồ côi... và trùng tu kiến tạo lại ngôi chùa Quan Âm ngày một khang trang tú lệ như ngày nay tại ngoại ô thủ đô Paris – Pháp quốc.
Đây phải chăng là nơi viên mãn quả nguyện cuối cùng của Ngài, để lưu dấu biết bao công đức và đạo hạnh. Ngài viên tịch lúc 6 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1993 (tức ngày 6 tháng 11 năm Quý Dậu), trụ thế 82 tuổi đời và có 42 tuổi đạo.
Ngài là một trong những vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên có công đem Phật giáo truyền bá tại thủ đô Paris – nước Pháp. Suốt đời Ngài tận tụy với trách nhiệm làm xương minh Phật đạo nơi đất khách quê người, với hoài bão nên cao ánh đuốc Từ bi đến cho chúng sinh mọi nơi quy ngưỡng.
---o0o---
Hòa thượng Pháp Minh, pháp danh Vijjàdhamma Mahàthera, thế danh là Nguyễn Văn Long, sanh ngày 15 tháng 3 năm Mậu Ngọ – 1918, tại làng Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tài, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Minh. Song thân Ngài đều là người hiền lành, đức độ và thuần kính Tam bảo.
Ngài xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, có đạo đức truyền thống lâu đời. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã chú trọng việc học, nhất là các môn ngoại ngữ, nên Ngài đã nhanh chóng thi đậu Diplôme (Diplôme d’ Etudes primaires supérieures – Cao đẳng Tiểu học).
Cuộc sống trôi nhanh, cái sở học thế gian không thỏa mãn được một người có đầu óc hướng thượng, Ngài đã tìm đến giáo lý Phật đà, một ý thức hệ thực tiễn, hoàn thiện – một sự giải thoát tâm linh vi diệu, đó là nhân duyên ban đầu đến với Phật pháp của Ngài, hạt giống thiện được Ngài gieo trồng, chắt chiu từng ngày từng tháng, chỉ chờ có thuận duyên là đâm chồi, nảy nhánh... Ngày 7 tháng 2 năm 1965 (nhằm ngày 6 tháng Giêng, Ất Tỵ), Ngài được Hòa thượng Bửu Chơn, thọ ký làm Sa di tại chùa Phổ Minh – Gò Vấp – Gia Định. Lúc này Ngài đã 47 tuổi đời.
Ý niệm “Vô thường là việc lớn” đã thúc giục Ngài vững chí, tiến bước nhanh trên con đường giải thoát. Chỉ ba năm sau, Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo nơi Hòa thượng Giới Nghiêm làm Thầy tế độ, tại chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho.
Từ xuất gia cho đến ngày thọ Đại giới, Ngài đã lần lượt tham phương, học đạo ở khắp nơi. Từ những vùng lân cận như chùa Phổ Minh, chùa Phước Hải – Vũng Tàu; Tịnh xá Ngọc Phương, Thủ Dầu Một đến những nơi xa xôi như Tịnh xá An Lạc – Bắc Mỹ Thuận, Tổ đình Bửu Quang – Gò Dưa; chỗ nào Ngài cũng lưu lại hình bóng tôn nghiêm của một sứ giả Như Lai tự độ, độ tha.
Cuối năm 1969, sau khi du hóa mọi nơi, Ngài tạm dừng chân ở Tổ đình Bửu Quang – Gò Dưa để tiếp tục sự nghiệp tu hành.
Tháng 12 năm 1974, Ban quản trị thắng tích Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu thỉnh Ngài về tham gia công việc quản lý trụ xứ và hoằng dương chánh pháp. Ngài ở lại đây tu học được một năm và lại tiếp tục vân du khắp nẻo.
Năm 1975 – 1976, Ngài đi lần đến vùng Tô Châu ở Hà Tiên – Rạch Giá để hành đạo theo hạnh Đầu Đà Sau đó trở lại Tổ đình Bửu Quang – Gò Dưa lập cốc Bình Thủy để an cư thiền định và dịch kinh, viết sách. Vốn có sở học thế gian, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Thái Lan, Khmer, Pàli... cộng thêm có trí tuệ thông minh hơn người, nên Ngài miệt mài soạn dịch rất nhiều kinh sách như các bộ:
-Chú giải Kinh Pháp Cú
-Cậu Kim Hòa
-Đại đức Hộ Mù
-Tỳ kheo Korambì... và trước tác rất nhiều tác phẩm mà hiện nay còn là bản thảo như:
1-Sổ Tức Quán thực tập
2-Cổng vào Niết bàn
3-Lâm Tuyền pháp
4-Chiến sĩ thượng thặng
5-Ba cách làm phước
6-Siêu pháp tiết chế tình dục
7-Việc tập tâm
8-Bốn Oai nghi
9-Hạnh nguyện Bồ Tát
10-Thiền Luận
11-Tùy bút Pháp hành
12-Kệ tụng Pàli
Ngoài ra, Ngài còn am hiểu nhiều về một số lĩnh vực khoa học, nghệ thuật cho nên tín đồ Phật tử càng ngày càng quy tụ đông, đa phần họ đều là những người có trí thức. Đối với bản thân, Ngài kiên trì tu hạnh Đầu đà khất thực, hạnh không nằm và xiển dương pháp “Thiền quán” cho các đồ chúng noi theo.
Thế nhưng, “Thế gian vô thường, sanh tử hữu hạn”. Vào lúc 9 giờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993), Ngài ngồi kiết già, an nhiên thị tịch, trụ thế 75 tuổi đời, hưởng 28 tuổi đạo.
Hòa thượng Pháp Minh, tuy đến với Phật pháp không sớm như các vị tôn túc khác, nhưng thành quả đạt đạo, và sự nghiệp truyền bá chánh pháp thật đáng trân trọng – Đức hạnh Đầu đà tinh nghiêm cho đến ngày viên tịch và những di sản trí tuệ kinh sách, đã góp phần khơi nguồn làm cho đạo pháp sáng soi khắp nẽo, khắc đậm dấu ấn trong lòng Tăng tín đồ Phật tử Hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thiện Thắng, thế danh là Lê Văn Nhỏ, sinh năm Quý Hợi – 1923 tại tỉnh Tây Ninh, thân phụ là cụ ông Lê Văn Chí, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Châu. Song thân Ngài nguyên quán tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đều là Phật tử thân tín Tam bảo, hiền lương, đạo đức.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời, nên từ thuở nhỏ Ngài đã được huân tập hạt giống Phật pháp, sớm hoài vọng chí nguyện xuất gia.
Năm lên 8 tuổi (1931), Ngài có cơ duyên được vào chùa Pháp Hải (Bình Tây, Chợ Lớn) theo truyền thống Hệ phái Bắc Tông để tu tập quen dần với lối sống giải thoát vị tha. Từ đó, Ngài chuyên cần học tập kinh điển, theo thời gian vân du khắp nơi và thường độc cư thiền định tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh trong nhiều năm liền.
Năm 1954, Ngài được 31 tuổi, nhận thấy Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sanh mà cảm ứng, Phật giáo cũng có nhiều hệ phái tùy theo sở hạnh, sở trí và sở nguyện của mỗi người. Thế là Ngài chuyển hướng hội nhập vào Hệ phái Nam Tông và được thọ giới Sa di nơi Hòa thượng Suvanna Khippapanne tại chùa Giác Quang (Bình Đông – Chợ Lớn), Ngài được ban cho pháp danh Thiện Thắng. Kể từ đây, Ngài cất bước tham học nhiều nơi. Ở đất nước Cao Miên, nơi người dân có truyền thống Phật Giáo Nam Tông, Ngài đã đến đây tu học và được truyền Đại giới Tỳ kheo tại chùa Bhibhe-Taramsìyá, Thầy Tế độ là Hòa thượng Dhammappannõ, Thầy Yết ma là Hòa thượng Khippapanne.
Sau khi thọ Đại giới, Ngài đã để hết tâm trí và thời gian vào việc tu học, nghiên cứu kinh Tạng Pàli, và tu tập thiền định để khi trở về nước có thể hoằng dương Phật pháp ở quê hương mình. Qua một thời gian, Ngài đã thông suốt Kệ kinh tạng Pàli – Phật giáo Nam Tông, nhất là đạo hạnh ngày càng uy nghi, đức độ.
Năm 1976, trở về quê hương sau nhiều năm tham phương cầu đạo ở đất nước chùa Tháp; Ngài về chùa Tam Bảo (Đà Nẵng) để hoằng pháp lợi sanh.
Năm 1978, Hệ phái Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, quyết định bổ nhiệm Ngài chính thức trụ trì chùa Từ Quang, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ có kinh nghiệm truyền giáo thu thập ở nước bạn, vừa có giới hạnh uy nghi, nên Tăng Ni, Phật tử quy tụ về chùa ngày một đông để nương tựa Ngài tấn tu đạo nghiệp. Trong các nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo Hệ phái Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam từ 1976 – 1988, Ngài luôn luôn tham gia tích cực và được suy cử làm Ủy viên Kiểm soát, Cố vấn hệ phái.
Năm 1989, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề bạt Ngài làm Cố vấn trợ lý cho Hòa thượng Siêu Việt, Tăng trưởng Hệ phái Nam Tông, điều hành Phật sự trong hệ phái.
Năm 1993, Ngài được mời làm thành viên Ban Chứng minh của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù tuổi đời đã cao, thân tứ đại đã cỗi, nhưng Ngài vẫn luôn hành đạo xả thân vì Đạo pháp, vì chúng sinh. Lúc ở miền Nam, khi đến miền Tây, rồi ra miền Trung... ở đâu cũng có dấu chân hoằng pháp của Ngài bước đến. Trong suốt cuộc đời hoằng đạo cho đến ngày viên tịch, Ngài đã tế độ nhiều đệ tử xuất gia, cư sĩ tại gia ở nơi bản tự và nhiều chùa khác trong Hệ phái Nam Tông. Ngoài ra, Ngài còn để tâm biên soạn, trước tác kinh sách cho hàng hậu học sau này, như bộ Ngũ Uẩn Vấn Đáp... và một số tác phẩm Phật học khác.
Những ngày cuối đời, tuy tuổi già sức yếu, nhưng Ngài luôn luôn nêu cao nếp sống đạo hạnh của một bậc cao Tăng nghiêm trì Giới, Định, Tuệ. Ngài thường nhắc nhở đồ chúng: “Sự nghiệp tu hành quí ở chỗ hồi quang phản tỉnh, tự giác, giác tha, chứ không phải hào nhoáng hình thức chùa, tháp, lễ nghi, cúng bái”.
Trong mùa Vu Lan 1993 – Phật lịch 2537, Ngài lâm bệnh nặng, và theo định luật vô thường, có sinh tức có diệt, ngày 24 tháng 8 năm 1993 (tức mùng 7 tháng 7 năm Quý Dậu) vào lúc 6 giờ 30, Ngài đã xả báo an tường, thu thần thị tịch, trụ thế 70 năm, hơn 40 năm hành đạo.
Hòa thượng Thiện Thắng là một bậc Tòng lâm mô phạm cho hậu thế kính ngưỡng noi gương. Cái chân chất thanh thoát, mộc mạc của một Thiền sư, cái thành quả đóng góp cho Giáo hội, cho Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam đã lan tỏa và truyền khắp tất cả hàng đồ chúng ngày nay và mãi mãi sau này.
---o0o---
Hòa thượng Thích Huyền Đạt, pháp danh Như Lợi, pháp tự Giải Lý, thế danh là Trương Thế Kiên, sinh năm Quý Mão (1903) tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo, thân phụ là cụ ông Trương Thế Long, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Kim Phụng. Song thân Ngài sinh được 2 người con, Ngài là con trưởng.
Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã được thân phụ cho theo học Nho đạo, Khổng kinh để mong sau này nối nghiệp gia phong. Thế nhưng, với túc duyên Phật đạo sâu dày, Ngài không thích cảnh đời ô trược, trói buộc trong luân hồi, nên Ngài phát tâm xuất gia quy y đầu Phật. Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài may mắn gặp được minh sư là Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang, đệ lục Tổ Thiên Ấn thâu nhận làm đệ tử. Năm ấy, Ngài mới 14 tuổi (1917).
Sau bốn năm thử thách mùi thiền ý đạo, Ngài được thọ giới Sa di tại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn do chính Bổn sư của Ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Tiếp theo đó, Ngài được theo học tại Phật học viện gia giáo chùa Bảo Lâm thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Vĩnh Thừa làm trụ trì giảng dạy.
Cho đến năm 22 tuổi (1925), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Bảo Lâm, do Hòa thượng Vạn Thọ làm Đường đầu truyền giới. Từ đây, Ngài xin phép Bổn sư cất bước vân du khắp nhiều nơi để tham cầu học Phật.
Năm 1928, Ngài vào Nam tu học tại chùa Viên Hoa tỉnh Bến Tre. Năm 1930, Ngài lại đến tu học tại chùa Tân Thành, tỉnh Biên Hòa, rồi chùa Tây An, Núi Sam – Châu Đốc. Lòng hiếu học cầu tiến thúc đẩy Ngài sang tận Nam Vang nước Cao Miên để tu học và nghiên cứu thêm giáo lý Phật đà. Ngài ở lại đây được 2 năm, sau đó trở về nước đến Nha Trang nhận lãnh trách nhiệm Giáo hội Phật giáo Nha Trang đề bạt: làm trị sự chùa Hội Phước và trụ trì chùa Linh Phong Cổ tự (chùa Núi) vào năm 1933.
Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công, Ngài trở về quê hương và được cử làm tri sự Tổ đình Thiên Ấn, kiêm Giám tự chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình thuộc huyện Bình Sơn). Từ đó, Ngài tham gia phong trào kháng Pháp của Hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5.
Năm 1955, Ngài là thành viên Giáo hội Tăng Già Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1963, Ngài là Cố vấn cho Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964 – 1965, Ngài làm Đặc ủy Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1966, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn Trúc Lâm (Tăng học đường thuộc thị trấn Sơn Tịnh – Quảng Ngãi).
Năm 1968, Tăng Ni tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi suy cử Ngài làm Viện chủ Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn cho đến khi viên tịch, và giữ trọng trách Thượng thủ Hội đồng Trưởng lão dòng Lâm Tế Tổ đình Thiên Ấn.
Năm 1972, Ngài lại được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Bảo Linh (thị xã Quảng Ngãi).
Dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không sao lãng việc đạo – đời, Ngài vào miền Nam vận động lòng tín tâm của các thiện nam tín nữ phát tâm cúng dường tài vật để trùng hưng các chùa như: chùa Tích Sơn (Tịnh Long, Sơn Tịnh), chùa Trúc Lâm (Tăng học đường thị trấn Sơn Tịnh), chùa Viên Giác Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình, huyện Bình Sơn) và nhất là trụ xứ Tổ đình Thiên Ấn, mà ngày nay chùa đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa của dân tộc, và là đệ nhất danh thắng trên đất Quảng Ngãi miền Trung Việt Nam.
Ngoài ra, Ngài còn đảm nhiệm nhiều Phật sự quan trọng của Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi sau khi thống nhất đất nước, thống nhất Phật giáo; đóng góp nhiều công sức trong phong trào bảo vệ và xây dựng đất nước, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”.
Tuổi tác càng cao, sức khỏe càng yếu, Ngài an nhiên thị tịch vào hồi 5 giờ 15 phút ngày 12 tháng 1 năm 1994, tức ngày mồng 1 tháng Chạp năm Quý Dậu, tại Tổ đình Thiên Ấn, Ngài trụ thế 91 tuổi, Hạ lạp 70 năm.
---o0o---
Hòa thượng Thích Pháp Lan, pháp húy Trừng Tâm, pháp tự Thiện Hảo, thế danh là Lê Hồng Phước, sinh năm Quý Sửu (1913) tại làng Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ Ngài là cụ ông Lê Chuẩn, mất năm 1928, thân mẫu là cụ bà Đinh Thị Sen, mất năm 1955. Ngài là con trưởng trong gia đình có 4 anh em: 3 nam, 1 nữ.
Ngài xuất thân trong một gia đình đạo đức Nho phong, kính tín Tam bảo. Ngay thuở ấu thời mới lên 8 tuổi, Ngài đã được song thân cho theo học chữ Nho với cụ đồ Huyền Lý nổi tiếng trong làng. Nhờ tư chất thông minh lại hiếu học nên Ngài đã sớm trở nên người giỏi văn thơ. Nhưng, như đã có căn duyên túc kiếp; tuy tuổi đời còn nhỏ, mà Ngài đã sớm nhận thức thế gian là huyễn mộng, phù du...
Đến năm Bính Dần 1926, ý chí xuất gia thúc đẩy Ngài ly hương dấn bước vào Nam, lần đến nơi chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh Cố – Bà Rịa. Duyên lành đã đến, Ngài được Hòa thượng Huệ Đăng thu nhận làm đệ tử và thế độ xuất gia ban cho pháp danh là Trừng Tâm. Năm ấy, Ngài vừa tròn 14 tuổi.
Sau 3 năm đầu thử thách mùi thiền ý đạo ở chùa Long Hòa, là Tổ đình của chùa Thiên Thai ở phía trước núi, Ngài đã được Hòa thượng Tổ sư rất lấy làm tâm đắc, và cho phép thọ giới Sa di tại Tổ đình Long Hòa, ban pháp tự là Thiện Hảo, nối đời thứ 42, thuộc dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Năm Quý Dậu 1933, khi đến 21 tuổi, nhận thấy Ngài có pháp khí Đại thừa, một triển vọng tốt cho Phật pháp sau này, nên Tổ sư đã cho đăng đàn thọ Tỳ kheo và Bồ Tát giới tại giới đàn chùa Thanh Long, Bình Trước, Biên Hòa, và ban cho Ngài pháp hiệu là Pháp Lan, qua bài kệ phú pháp:
“Trừng thần định tánh quán Như Lai
Tâm địa quang minh đại biện tài
Pháp pháp dung hòa giai Phật pháp
Lan hoa phúc úc thượng Liên Đài”()
Năm Canh Thìn 1940, Tổ Huệ Đăng mở trường Phật Học gia giáo để đào tạo Tăng tài phục vụ cho Đạo pháp. Ngài cũng được tham dự cùng với quý pháp hữu lúc ấy như: Hòa thượng chùa Thiên Quang, Hòa thượng chùa Thiên Ân, Hòa thượng chùa Long Thiền (Gò Công), Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào... và sau đó Ngài tiếp tục theo học 2 năm tại chùa Long An (Chợ Lớn).
Với căn bản Nho học vững chắc và đức tính siêng năng cầu tiến, nên Ngài nhanh chóng thâm nhập giáo lý Đại thừa. Vì vậy, đến năm 1945, Ngài đã trở thành một vị Pháp sư nổi tiếng ở các trường Hương, trường Gia Giáo... khắp miền lục tỉnh Nam kỳ.
Năm Đinh Hợi 1947, để có một trụ xứ yên tâm hành hóa độ sanh, Ngài được Phật tử cung thỉnh về trụ trì chùa Khánh Hưng ở Chí Hòa – Hòa Hưng – Sài Gòn. Năm đó Ngài 35 tuổi.
Từ năm 1951 – 1956, Ngài thành lập trường Gia giáo Sơ-Trung học Lục Hòa Tăng tại bản tự để giảng dạy chư Tăng các nơi về tu học. Theo học khóa này, có các Tăng sinh ưu tú sau này như: Thượng tọa Huệ Lạc, Chơn Nghĩa, Quảng Tường... đảm đương Phật sự trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong thời gian này, Ngài một mặt tiếp tục công việc tiếp dẫn hậu lai, một mặt tham gia hoạt động bí mật của Cách mạng chống thực dân Pháp, Ngài được giao phụ trách An ninh Khu 4 – Mỹ Tho và giữ chức vụ Chủ tịch Lực lượng Phật giáo Cách Mạng Sài Gòn– Gia Định.
Năm Quý Tỵ 1953, Ngài được đề cử làm Tổng Thư ký Tăng Đoàn Liên Tông Việt Nam.
Năm Quý Mão 1963, Ngài đã cùng chư tôn Giáo phẩm, tham gia trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Năm Giáp Thìn 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được cử làm Vụ trưởng Đoàn Phật tử vụ, thuộc Tổng vụ Cư sĩ và Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Gia Định, rồi thành viên Hội đồng Giáo phẩm Viện Hóa Đạo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, kiêm Chủ tịch Tổng Đoàn Thanh niên Tăng Ni Việt Nam.
Năm Kỷ Dậu 1969, được tin Hồ Chủ tịch qua đời ở miền Bắc Việt Nam, Ngài đã làm 2 câu đối và tổ chức lễ truy điệu tại ngay chùa Khánh Hưng:
“Nam Bắc toàn dân quy thượng Chính
Á Âu thế giới kính tu mi” ()
Năm Canh Tuất 1970, Ngài đảm nhận chức vụ Cố vấn Ủy ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam.
Năm Quý Sửu 1973, Ngài được đề cử Chủ tịch Ủy ban Phật giáo vận động phóng thích tù nhân. Và tham gia nhiều phong trào đấu tranh khác của các giới trí thức, sinh viên, học sinh... ở Sài Gòn – Gia Định.
Năm Ất Mão 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, đại gia đình Phật giáo Bắc-Trung-Nam, từ từ quy về một nhà. Ngài tích cực tham gia phong trào vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, và kiêm các chức vụ như: Trưởng ban Liên lạc Phật giáo yêu nước quận 3; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
Năm Tân Dậu 1981, Đại hội đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước được tổ chức tại chùa Quán sứ – Hà Nội. Ngài được suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ (1981-1992).
Năm Nhâm Tuất 1982, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Ngài nhận trách nhiệm Phó ban Trị sự Thành hội Phật giáo trong 3 nhiệm kỳ (1982 – 1998) và năm 1989, Ngài kiêm Trưởng ban Kiểm Tăng cho đến ngày viên tịch.
Đối với đất nước, Ngài được mời tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh 2 nhiệm kỳ (1986 – 1993) để góp phần cùng các hội đoàn, các giới xây dựng đất nước phồn vinh, độc lập.
Năm 1992, tại Đại hội kỳ 3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày mãn duyên.
Vào những năm cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng Ngài vẫn đóng góp cho đạo cho đời bằng tất cả tâm nguyện vô ngã vị tha: giảng dạy Tăng Ni Phật tử, chứng minh các khóa an cư kiết Hạ và trùng tu ngôi Tam bảo “Khánh Hưng” thêm trang nghiêm, tú lệ.
Lộ trình phụng sự đạo pháp – dân tộc, trang nghiêm Giáo hội, tiếp dẫn hậu côn của Ngài đã viên mãn. Sau cơn suy tim đột ngột, Ngài xả báo an tường thu thần thị tịch lúc 2 giờ 30 phút ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Tuất, nhằm ngày 01 tháng 3 năm 1994, tại trụ xứ chùa Khánh Hưng. Ngài trụ thế 81 năm, Hạ lạp trải qua 59 mùa An cư kiết Hạ.
Hơn 50 năm hóa đạo, Hòa thượng Thích Pháp Lan đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết, tài đức cho đạo pháp – dân tộc và lịch sử đấu tranh, phát triển nền hòa bình, độc lập, thống nhất chung cả đời và đạo. Một hình bóng cao cả của bậc Sứ giả Như Lai, tận tụy giảng dạy Tăng Ni – Phật tử; quên mình vì sự nghiệp chung của đất nước, đã khắc đậm trong tâm trí của hàng hậu bối, của bao tầng lớp Phật tử Việt Nam.
Hòa thượng THÍCH THANH THUYỀN
1914-1994
---o0o---
Hòa thượng Thích Thanh Thuyền, pháp danh Hoằng Chí, pháp hiệu Nguyện Tây, thuộc Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế. Ngài còn có pháp tự là Kim Tế, nối pháp đời thứ 50, thiền phái Tào Động.
Ngài thế danh là Khưu Hàn Cảnh, sinh ngày 19 tháng 2 năm Giáp Dần 1914 (năm Dân Quốc thứ 3), tại thôn Hiểu Ốc, huyện Liên Giang, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Gia đình Ngài chuyên nghề nông trang, cha là ông Khưu Tình Phúc, mẹ là bà Hồ Từ Kiều, Ngài là người con còn lại duy nhất trong gia đình.
Năm lên 8 tuổi, song thân Ngài lần lượt qua đời. Ngài được bà ngoại đem về nuôi dạy. Bà ngoại Ngài là người kính tin Tam bảo, lại thêm người cậu của Ngài là cư sĩ Minh Tánh, một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm, đã tận tình hướng dẫn Ngài đến với Phật pháp từ thuở niên thiếu, đó là nhân duyên ban đầu phát Bồ đề tâm, để Ngài ước nguyện khi lớn lên quyết sẽ trở thành Thích tử xuất gia.
Năm Nhâm Thân 1932, khi được 18 tuổi, Ngài tìm đến Di Sơn Tây Thiền Tự, đảnh lễ Hòa thượng Ngưỡng Tham xin thế độ xuất gia, được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh là Hoằng Chí, nhập chúng tu học thiền môn qui tắc.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được Bổn sư cho thọ tam đàn giới pháp tại giới đàn Di Sơn Tây Thiền Tự, đắc giới nơi Hòa thượng Viên Thông, được ban pháp tự là Thanh Thuyền. Ngài tinh tấn hành trì pháp môn Tịnh độ và học tập kinh luật trải qua 10 năm nơi Tổ đình Trường Khánh, thiền phái Lâm Tế.
Năm Giáp Thân 1944, theo sự thỉnh cầu của Hội đồng hương Phúc Kiến tại Việt Nam, Ngài vâng lệnh Hòa thượng Giám viện-Y chỉ sư là Diễn Ngộ-Chứng Lượng, phái Ngài sang hoằng đạo tại Việt Nam, cùng đi với Ngài có 2 đệ tử xuất gia là Pháp sư Ninh Hùng và Diệu Hoa.
Sang đến Việt Nam, Ngài và đệ tử bước đầu tạm trú tu hành ở Nhị Phủ miếu và Quan Âm miếu, cũng là Hội quán Phúc Kiến, tọa lạc trên đường Lão Tử, Chợ Lớn. Được một thời gian, Ngài thấy nơi đây không thuận tiện cho việc hành đạo, nên khuyến giáo bổn đạo người Hoa để lập nên một ngôi chùa nhỏ, lấy tên là Nam Phổ Đà Tự, tọa lạc trên đường Lục Tỉnh, Chợ Lớn (nay là đường Kinh Dương Vương, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh). Đây là ngôi chùa của Phật giáo Hoa Tông đầu tiên tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn thời bấy giờ.
Năm Mậu Tý 1948, việc hoằng pháp ngày càng thuận lợi, Ngài bắt đầu hưng công xây dựng lại ngôi Nam Phổ Đà Tự, để trở thành một ngôi Tùng lâm Phạm Vũ xứng đáng tầm vóc của Phật giáo Hoa Tông, sánh với các Đền, Phủ, Miếu, Từ... theo tín ngưỡng dân gian truyền thống trước đó của người Hoa.
Năm Tân Mão 1951, sau 3 năm trùng tu, ngôi bảo tự Nam Phổ Đà được khánh thành, Ngài trở về Trung quốc cung thỉnh nhị vị Bổn sư Ngưỡng Tham, Y chỉ sư Chứng Lượng sang Việt Nam dự khánh thành và ở lại đây trụ trì hoằng dương Phật đạo, còn Ngài chỉ đảm nhận chức Giám viện.
Năm Đinh Dậu 1957, trước khi Bổn sư viên tịch, Ngài được truyền thừa Tổ ấn kế thừa Tổ đình Trường Khánh tại Việt Nam, và được phó chúc trụ trì Nam Phổ Đà Tự. Đến khi các vị tiền bối đã viên tịch, Ngài xây Bảo tháp tôn thờ ở khuôn viên chùa. Sau đó, Ngài sang Tân Gia Ba (Singapore) cầu pháp với Hòa thượng Cao Tham-Đằng Tánh, được ban pháp hiệu Kim Chí, kế thừa thiền phái Tào Động, đời thứ 50.
Ngài lãnh trọng trách hoằng dương chánh pháp ở Nam Phổ Đà Tự được 28 mùa An cư kiết Hạ. Cơ duyên Phật giáo Hoa Tông ở Việt Nam ngày càng phát triển, chùa cảnh thêm nhiều, đệ tử xuất gia – tại gia thêm đông, việc tu học và truyền bá Phật đạo đã có lớp kế thừa vững chắc. Ngài phó chúc chùa Nam Phổ Đà lại cho đệ tử lớn là Pháp sư Ninh Hùng quản lý trụ trì cùng 2 đệ tử Trì Hùng, Thánh Hùng, còn Ngài chuyên tâm lo việc tu niệm và vân du chiêm bái thắng tích.
Năm Nhâm Tuất 1982, nhận lời thỉnh cầu của Hội trưởng Hội Phật giáo Ca Châu (California) tại Mỹ quốc là cư sĩ Tạ Mãn Căn, Ngài được phép xuất dương sang Hoa Kỳ để lãnh đạo và phát triển Phật giáo Hoa Tông. Sang đến nơi, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Nặc Na kiêm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Ca Châu – Mỹ Quốc để dẫn dắt tín đồ hoằng pháp lợi sanh tại đây.
Năm Quý Hợi 1983, nghĩ tưởng đến song đường sớm khuất bóng mà Ngài chưa có dịp báo đáp công ơn sinh thành như lời Phật dạy, Ngài trở về cố hương Trung Quốc xây tháp báo ân cho cha mẹ, lập Trai đàn thí thực thỉnh chư Tăng gia trì Pháp hội, siêu tiến song đường tại Tổ đình Trường Khánh – núi Di Sơn. Đó cũng là tâm nguyện cuối cùng của Ngài trong cuộc đời xuất gia và nguyện báo tứ trọng ân.
Trở lại Mỹ Quốc, như đã thỏa nguyện độ sanh báo đức, Ngài chỉ còn chuyên tâm tu niệm, hành trì pháp môn Tịnh độ mong xả báo thân. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày mùng 7 tháng 5 năm Giáp Tuất (15.6.1994), Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Nặc Na, trụ thế 80 năm, trải qua 60 mùa an cư kiết Hạ. Môn đồ pháp quyến trà tỳ nhục thân, chia xá lợi làm 3 phần, xây dựng Bảo tháp ở 3 nơi để thờ phụng là: Di Sơn Tây Thiền Tự (Trung Quốc). Nam Phổ Đà Tự (Việt Nam), Nặc Na Tự (Mỹ Quốc).
Trong cuộc đời hoằng hóa độ sanh của Thanh Thuyền – Kim Chí thượng nhân, Ngài đã thế độ xuất gia trên 20 vị, đa phần ở tại Việt Nam, hiện đang tiếp nối sự nghiệp phụng sự Phật giáo Hoa Tông trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài đã kiến tạo nên ngôi Tùng lâm Nam Phổ Đà trang nghiêm tráng lệ, để lại dấu ấn là người khởi nguyên cho nền móng Phật giáo Hoa Tông tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn.
Hòa thượng THÍCH PHƯỚC NINH
1915 – 1994
---o0o---
Hòa thượng Thích Phước Ninh, pháp danh Thị Niệm, pháp tự Hành Đạo, pháp hiệu Phước Ninh, nối pháp dòng Lâm Tế – Chúc Thánh đời thứ 42. Ngài thế danh là Hồ Văn Kỷ, sinh Ất Mẹo 1915, tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Trong một gia đình trung nông, nề nếp Nho phong, có lòng kính tin Phật pháp, thân phụ là ông Hồ Văn Tửu, thân mẫu là bà Lê Thị Bật.
Năm Bính Dần (1926), khi đã đúng 12 tuổi, Ngài được song thân chấp thuận và đích thân đưa đến cầu xuất gia tu học với Tổ Thiền Phương tại Tổ đình Phước Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài đã nhanh chóng hội nhập nếp sống thiền gia, từ công việc chấp tác cho đến những giờ giấc tu học, Ngài luôn giữ thời khóa rất nghiêm mật, nên được Bổn sư cảm khái và đồng môn quý mến.
Năm Tân Mùi (1931) khi đã được 17 tuổi, Bổn sư cho Ngài vào tòng học tại Phật học đường Gia giáo Tây Thiên (tỉnh Ninh Thuận) do Hòa thượng Trí Thắng và Hòa thượng Phúc Hộ trực tiếp giảng dạy.
Năm Ất Hợi (1935) Ngài trở về Phú Yên tiếp tục tham học giáo pháp tại chùa Bảo Sơn, huyện Tuy An. Nơi này do Hòa thượng Phúc Hộ chuyên phần chủ giảng về giới luật.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài được Tổ Thiền Phương cho thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Thái Nguyên, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Bình Trưng, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh).
Năm Đinh Hợi (1947), lúc này Ngài đã 28 tuổi, được Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn, huyện Tuy An do Hòa thượng Vạn Ân làm Đường đầu truyền giới.
Từ năm Ất Dậu (1945) đến năm Giáp Ngọ (1954), trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngài tích cực tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Phú Yên và được cử giữ chức vụ Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc huyện Đồng Xuân.
Từ năm Bính Thân (1956) cho đến năm Quý Mão (1963), Ngài được chư tôn đức đề cử giữ chức Hội trưởng Phật giáo huyện Tuy An.
Năm Đinh Dậu (1957), Ngài được đề cử trụ trì Tổ đình Bảo Sơn, thôn Phong Thăng, xã An Định, huyện Tuy An. Trước đó, Ngài cũng được Giáo hội Tăng Già tỉnh Phú Yên tiến cử trụ trì chùa Linh Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu; kế đó là chùa Trường Gia, thôn Chí Thạnh, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Năm Tân Sửu (1961), Ngài vận động thiện tín khắp nơi ủng hộ trùng tu Tổ đình Bảo Sơn thành ngôi bảo tự uy nghiêm tráng lệ cho đến ngày nay.
Năm Mậu Thân (1968), do ảnh hưởng của chiến tranh, các đệ tử thỉnh cầu Ngài tạm rời khỏi Tổ đình để theo bước tản cư lánh nạn, Ngài được chư huynh đệ đồng môn thỉnh vào trú xứ nơi đất Sài Gòn. Nơi đây nhờ nhân duyên kết tụ, Ngài khai sơn chùa Từ Phong tại xã An Khánh, quận 9, Sài Gòn (nay là quận 2, thành phố Hồ Chí Minh). Không lâu sau đó chiến sự lắng yên, Ngài trở về lại Tổ đình Bảo Sơn, phó chúc cho đệ tử là Ni sư Tịnh Giám thay mặt Ngài trụ trì chùa Từ Phong.
Năm Nhâm Tý (1972), Ngài đã góp phần thực hiện nhiều nhiệm vụ hoằng hóa của Giáo hội Phật giáo tại tỉnh nhà, song song với công việc hướng dẫn Tăng chúng và Phật tử tu học.
Năm Nhâm Tuất (1982), sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được cử trụ trì chùa Bảo Tịnh thuộc phường 3, thị xã Tuy Hòa, đây còn là văn phòng của Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên. Ngài còn được Tỉnh Giáo hội cử giữ chức Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy An, trụ trì tại chùa Cảnh Phước cho đến ngày viên tịch tại đây.
Cho đến khi cuối đời, Ngài luôn sống vị tha, dung dị, lúc nào cũng ân cần với người lầm lỗi, luôn giúp đỡ kẻ sa cơ, nghèo khó; bản thân Ngài vẫn hành theo ý niệm Thiểu dục Tri túc trong sinh hoạt hằng ngày.
Ngày 20 tháng 4 năm Giáp Tuất, nhằm ngày 30 tháng 5 năm 1994, Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Cảnh Phước, trụ thế 79 tuổi đời và có 47 Hạ lạp. Ngài là vị Tổ trụ trì đời thứ 6 của Tổ đình Bảo Sơn.
Hòa thượng THÍCH BỬU NGỌC
1916 – 1994
---o0o---
Hòa thượng Thích Bửu Ngọc, pháp húy Hồng Diệp, pháp hiệu Bửu Ngọc, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Lê Văn Nghiệp, sinh năm Bính Thìn 1916, tại làng Ích Thạnh, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là quận 9 Tp. Hồ Chí Minh), thân phụ là cụ Lê Văn Khứ – pháp danh Hồng Cảnh, thân mẫu là cụ Lê Thị Tân – pháp danh Hồng Tiến. Ông bà có 5 người con, 3 nam 2 nữ, Ngài là người con thứ trong một gia đình hết lòng sùng tín Tam bảo.
Sinh ra và lớn lên từ truyền thống gia đình như thế, như sẵn gieo trồng hạt giống Bồ đề nhiều kiếp trước, nên Ngài đã sớm đến với cửa thiền vào năm vừa tròn 10 tuổi (1926) tại chùa Long Thạnh, nay là chùa Phước Thạnh, xã Phước Thạnh, huyện Thủ Đức, tập làm chú tiểu công quả sớm hôm.
Duyên lành đã đến khi Tổ Pháp Ấn, trụ trì chùa Phước Tường một hôm đến hóa duyên tại địa phương, nhận thấy Ngài sau sẽ là bậc pháp khí Đại thừa, có thể làm đống lương cho Phật pháp, nên Tổ hướng dẫn Ngài về chùa Phước Tường thế độ xuất gia và ban cho pháp danh là Hồng Diệp.
Năm Giáp Tuất 1934, khi Phật học đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh, do chư Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Từ Phong chủ xướng khai giảng, Ngài được Bổn sư giới thiệu đến nhập chúng tu học. Cùng năm này Phật học đường mở đàn giới, Ngài đã được đăng đàn thọ giới Sa di, do Hòa thượng Khánh Hòa làm Đàn đầu truyền giới.
Sau bốn năm Ban giám đốc Phật học đường Lưỡng Xuyên tổ chức một kỳ thi tuyển chọn những Tăng sinh xuất sắc, giới thiệu ra Huế tham học, Ngài đã được chấm đậu thủ khoa, được Ban giám đốc và Phật tử đài thọ tất cả chi phí trong suốt thời gian theo học tại Huế.
Năm Mậu Dần 1938, trước khi lên đường ra Huế dự học, Ban giám đốc Phật học viện đã tổ chức Đàn giới. Ngài được thọ Tỳ kheo giới, chính thức dự vào hàng Tăng bảo. Lúc này Ngài được 22 tuổi.
Sau khi thọ giới, Ngài cùng chư pháp hữu: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Chí Thiện, Giác Tâm, Hiển Thụy, Hiển Không... lên đường ra Huế nhập chúng ở Phật học đường Tây Thiên do Hòa thượng Giác Nguyên làm giám đốc, Quốc sư Phước Huệ làm pháp sư chủ giảng.
Năm Canh Thìn 1940, khi chương trình Trung đẳng Phật học ở Phật học viện Tây Thiên vừa kết thúc, Quốc sư Phước Huệ trở vào Bình Định giảng dạy tại chùa Bạch Sa, Ngài và chư pháp hữu cũng theo vào học với Hòa thượng một năm. Sau đó, Ngài trở ra Huế tiếp tục theo học ở Phật học đường Báo Quốc do Pháp sư Trí Độ làm Đốc giáo.
Năm Quý Dậu 1943, Ngài hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo tại Huế, ở lại Tùng lâm Kim Sơn cùng chư học Tăng tiếp tục trau dồi Phật học. Thời gian này, thực dân Pháp bắt đầu nghi ngờ bố ráp những người kháng chiến, Tùng lâm Kim Sơn không còn được yên ổn, chư Tăng phải giải tán đi các nơi. Năm 1944, Ngài cùng pháp lữ Thiện Hòa lên đường ra Bắc tham học tại chùa Quán Sứ – Hà Nội với Tổ Cồn, Tổ Bằng Sở, Tổ Đồng Đắc...
Đầu năm Tân Hợi 1945, Ngài trở lại miền Nam về Phật học đường Lưỡng Xuyên, được chư Tổ Huệ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh giao phó giảng dạy lớp gia giáo, số học Tăng theo học rất đông. Ngài còn được giao phụ trách Chủ bút tạp chí Duy Tâm, tiếng nói chính thức của Hội Lưỡng Xuyên Phật học lúc bấy giờ. Hoạt động một thời gian thì chiến tranh bùng nổ, lớp học giải tán, Tạp chí Duy Tâm đình bản. Lúc này Ngài cùng chư tôn túc Giáo phẩm tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc, hoạt động tích cực ở Mỹ Tho và Đồng Tháp trong công tác vận động các tầng lớp ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm Đinh Hợi 1947, Hòa thượng Pháp Ấn, Bổn sư của Ngài viên tịch, Ngài rời miền Tây trở về chùa Phước Tường cư tang Bổn sư và được giao kế nghiệp trụ trì ngôi Tổ đình, đồng thời chăm lo thêm cho các ngôi chùa thuộc Sơn môn: chùa Bửu Sơn; Thanh Sơn; Hội Sơn; Tân Hưng; Huê Nghiêm; Long Nhiễu; Sùng Đức; Phước Thạnh và Thiên Quang.
Ngài trở về Tổ đình vừa hoằng dương đạo pháp, vừa tiếp tục hoạt động cho kháng chiến trong Hội Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn – Gia Định do Hòa thượng Minh Nguyệt; Pháp Dõng; Thiện Hào lãnh đạo. Ngài được phân công làm Thư ký của Hội trong những năm 1950 – 1960.
Năm Quý Mão 1963, phong trào Phật giáo đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Tăng Ni, Phật tử miền Nam chống chế độ kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm lan rộng, Ngài đã tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, và bị bắt giam tại Rạch Cát cùng chư với tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong đêm pháp nạn 20 tháng 8 năm 1963. Đến sau ngày 1 tháng 11 năm ấy, khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, Ngài mới được thả ra cùng chư tôn đức Giáo phẩm trong Ủy ban Liên phái.
Năm Ất Mão 1975, đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Với tinh thần vì đạo pháp và dân tộc, Ngài đã tham gia vào Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước huyện Thủ Đức.
Năm Quý Hợi 1983, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, rồi các Ban trị sự Phật giáo tỉnh thành, và đến các Ban đại diện Phật giáo quận huyện, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức cho đến ngày viên tịch.
Năm Nhâm Thân 1992, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III tổ chức ở Hà Nội, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Qua hơn 50 năm thừa hành Phật sự, giáo hòa độ sanh, Ngài đã thế độ cho hơn 100 đệ tử xuất gia, nhiều vị trong số đó tiếp nối sự nghiệp của Ngài là rường cột Phật pháp, phụng sự Giáo hội. Ngài còn tổ chức nhiều Đàn giới, làm Giới sư để truyền trì mạng mạch Phật pháp, và được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới của nhiều giới đàn như: chùa Thập Phương – Rạch Giá; chùa Phước Lâm – Tây Ninh; chùa Cửu Thiên – Thủ Đức...
Ngày 25 tháng 11 năm Quý Dậu, nhằm ngày 06 tháng 01 năm 1994, Hòa thượng xả báo thân an tường viên tịch vào lúc 15 giờ 30 phút tại Tổ đình Phước Tường, xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài trụ thế 82 năm, Hạ lạp trải qua 60 mùa An cư kiết Hạ. Môn đồ pháp quyến xây Bảo tháp tôn trí nhục thân Ngài nơi khuôn viên Tổ đình.
Hòa thượng THÍCH TRÍ TẤN
1906 – 1995
---o0o---
Hòa thượng Thích Trí Tấn, pháp danh Nhật Quân, pháp tự Nhất Bổn, thế danh Huỳnh Văn Xông, sanh ngày 15 tháng 2 năm Bính Ngọ – 1906, tại làng Dư Khánh, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa – nay là ấp 2, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và tôn kính Tam bảo. Thân phụ Ngài là cụ đồ Nho Huỳnh Văn Bẩm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nghe. Ngay tuổi ấu thơ Ngài đã được học chữ nho với cha, cho đến năm 12 tuổi, một hôm theo cha lên chùa Hưng Long lễ Phật, như có nhân duyên từ bao kiếp trước, Ngài nảy sinh ý định xuất gia, và được Hòa thượng Thôi Biện, trụ trì chùa thu nhận làm đệ tử.
Năm Canh Thân – 1920, Ngài chính thức được thế phát xuất gia, nhận pháp danh là Nhật Quân, pháp tự Nhất Bổn, sau hai năm tập sự tu học.
Năm Quý Hợi – 1923, Ngài được thọ giới Sa di tại chùa Hưng Long với Hòa thượng Bổn sư và hai năm sau (1925), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Hưng Long do Đại lão Hòa thượng Tái Khai làm Đàn đầu truyền giới. Năm đó Ngài tròn 20 tuổi.
Năm Đinh Mão – 1927, Hòa thượng Bổn sư của Ngài viên tịch, sau khi tang lễ xong, Ngài đứng ra vận động xây dựng tháp bảy tầng, an trí linh vị Bổn sư rồi sắp xếp công việc Phật sự giao lại cho huynh đệ đồng môn, tiếp tục tham phương học đạo.
Với quyết tâm cầu tiến, Ngài đã đến cầu pháp với Hòa thượng Tâm Thường tại chùa Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, và được Hòa thượng đặt pháp húy Nhựt Tinh, pháp hiệu Trí Tấn.
Năm Tân Mùi – 1931, Ngài được Tổ đình Long Thiền, Biên Hòa mời về làm tri sự, vừa tu học, vừa hoằng bá đạo pháp nơi đây.
Năm Ất Hợi – 1935, Ngài được chư Sơn thiền đức và các huynh đệ đề cử trụ trì chùa Hưng Long nơi mà trước đây Ngài đã xuất gia học Phật. Với đức độ và uy tín ngày càng cao, nên trong mùa An cư kiết Hạ và khai giới đàn năm Canh Thìn – 1940, Ngài được suy cử Giáo Thọ A Xà Lê tại chùa Long Hưng, Long Thành, Biên Hòa.
Năm Ất Dậu – 1945, Ngài là Tổng thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc miền Đông Nam Bộ. Ngài động viên 4 tu sĩ ở chùa Hưng Long tham gia kháng chiến chống Pháp, và quý vị này đã hy sinh năm 1947.
Năm Đinh Hợi – 1947, Ngài hưởng ứng phong trào “tiêu thổ kháng chiến” của cách mạng đề xướng, cho đốt chùa Hưng Long để chống sự chiếm đóng của quân Pháp.
Năm Đinh Dậu – 1957, Ngài được tôn cử làm Yết Ma A Xà Lê tại trường Hạ – Chúc thọ giới đàn chùa Long Sơn, Thới Hòa – Tân Uyên – Biên Hòa.
Năm Mậu Tuất – 1958, Ngài được Giáo hội suy cử làm Tăng Giám tỉnh Biên Hòa thuộc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Từ năm 1959 – 1975, trong thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm và thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Ngài đã yểm trợ, nuôi giấu rất nhiều các chiến sĩ giải phóng được bảo toàn bí mật công tác.
Năm Canh Tuất – 1970, Ngài được mời làm Pháp sư giảng luật và làm Chánh chủ kỳ trường Hương chùa Thanh Long, Đức Tu – Biên Hòa.
Năm Tân Hợi – 1971, Ngài được chư Sơn đề cử đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng, tỉnh Biên Hòa.
Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài được toàn thể chư Sơn thiền đức đề cử lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Bửu Phong, núi Bửu Long, Biên Hòa và cử làm chánh Thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng Việt Nam.
Năm Ất Mão – 1975, sau khi đất nước thống nhất, Ngài được mời tham gia Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé. Ngài ở chức vụ này đến năm 1983.
Năm Canh Thân – 1980, Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu tại giới đàn chùa Long Vân, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Năm Tân Dậu – 1981, Ngài làm Trưởng đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng, tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I tại thủ đô Hà Nội. Cũng trong đại hội này, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.
Năm Quí Hợi – 1983, tại Đại hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ I, Ngài được suy cử làm Trưởng ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé cho đến năm 1995.
Suốt trong bốn nhiệm kỳ từ năm 1983 – 1994, Ngài đều được tín nhiệm trọng trách này. Trong thời gian này, Ngài đã tổ chức được 3 lần Đại giới đàn và làm Hòa thượng Đàn đầu ban truyền giới pháp cho nhiều giới tử, môn đồ.
Trong Đại hội kỳ III Giáo hội Phật giáo Việt Nam tháng 11 năm 1992, Ngài được Hội đồng Chứng minh và Trị sự của Giáo hội tín cử làm Chủ tọa cho phiên họp bầu Ban thường trực của hai hội đồng. Ngoài ra, với phương châm đời sống: đạo pháp – dân tộc, nên suốt đời Ngài dành trọn vẹn để chu tất cho cả trong đạo lẫn ngoài xã hội.
Ngày 13 tháng 12 năm Giáp Tuất – 1995, Ngài xả báo an tường, thu thần thị tịch, trụ thế 89 năm, hưởng 69 tuổi đạo. Bảo tháp của Ngài được an trí tại khuôn viên chùa Hưng Long để Tăng Ni, Phật tử chiêm bái thờ phụng.
Hòa thượng OUL SREY
1910 – 1995
---o0o---
Hòa thượng Brahmakesara (Phạm Trang), thế danh là Oul Srey, sinh ngày Rằm tháng 4 năm Canh Tuất (1910), nhằm Phật lịch 2453 tại làng On Đôn Pô, huyện Rô Mex Heik, tỉnh Svai Riêng, nước Cao Miên.
Thân phụ Ngài là cụ ông Phôk Oul, thân mẫu là cụ bà Dey Pou, Ngài là con thứ hai trong một gia đình có bảy người con.
Thuở nhỏ, Ngài sống với gia đình. Năm 13 tuổi (1922), cha mẹ Ngài cho đi học ở chùa On Đôn Pô với Hòa thượng trụ trì RôsKhuôl. Trong thời gian theo học, Ngài luôn ngoan ngoản, siêng năng, học tập chăm chỉ, siêng năng, giỏi dắn, nên rất được Hòa thượng RôsKhuôl yêu mến.
Năm 1926, Ngài phát tâm muốn xuất gia đầu Phật, song thân Ngài rất hoan hỉ. Ông bà đưa Ngài đến chùa On Đôn Pô, thỉnh Hòa thượng Suddhammappanno – Lâc Som làm Thầy tế độ. Sau khi xuất gia, thọ giới Sa di, Ngài luôn nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu học để xứng đáng là đệ tử Phật.
Năm 1930, ngày Rằm tháng 4 – Phật lịch 2474, Ngài thọ giới Cụ túc tại giới đàn chùa On Đôn Pô. Hòa thượng Suddhammappanno – Lâc Som (Thiện Pháp Trí – Lâc Som) làm Thầy tế độ, Thượng tọa Candatthero-Rum Su (Nguyệt Viên Rum Su) làm Thầy Giáo thọ, Thượng tọa Dhammaràmo-Tia Ton (Pháp Hỷ Tia Ton) làm Thầy Yết ma. Và trong đàn giới, Ngài được Thầy tế độ cho pháp danh là Brahmakesara (Phạm Trang).
Thọ đại giới xong, Ngài tiếp tục tu học giáo lý tại chùa với Bổn sư được hai Hạ. Đến Hạ thứ ba, thứ tư, Ngài xin phép Bổn sư đến thọ học giáo lý tại chùa Khsam, thuộc tỉnh Kom-Poong-Chnăng. Hạ thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, Ngài đến chùa Kom-Poong-Siêm thọ học pháp môn thiền với Thiền sư Pănh Thai. Hạ thứ tám, Ngài trở về chùa On Đôn Pô và được Hòa thượng Bổn sư giao trách nhiệm hướng dẫn chúng Tăng và Phật tử bổn tự tu học thiền.
Năm 1944, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư đến thủ đô Phnom Pênh để tiếp tục trau dồi kiến thức Phật học với Hòa thượng Lâm Em tại chùa Sàràvant Tejo.
Năm 1947, Phật tử Sài Gòn thỉnh Hòa thượng Lâm Em và Ngài cũng một số chư Tăng về dự lễ Chôl Chnăm Thmây (). Nhân dịp này, Phật tử ở đây kính trình nguyện vọng lên chư Tăng, mong muốn dựng lập một ngôi chùa theo hệ phái Theravàda ở Sài Gòn, để làm nơi tôn nghiêm thờ phượng Phật, Pháp, Tăng, cũng như có chỗ cho chư Tăng, con em Phật tử Khmer ở các nơi đến dừng chân tu học. Nhận thấy đây là nguyện vọng thiết yếu hợp tình, hợp lý nên Hòa thượng Lâm Em và Ngài nhất trí. Sau đó, hai Ngài cùng một vài vị Sư khác hướng dẫn Phật tử tìm đất dựng chùa.
Cuối cùng, một cái cốc nhỏ được dựng lên bên bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc vùng Tân Định. Nhưng không bao lâu sau, với sự quyết tâm của chư Tăng, cũng như sự trợ duyên tích cực của đồng bào Phật tử, ngôi cốc nhỏ trên bãi đất đầm lầy, đầy ô rô, cỏ dại đó đã hình thành một ngôi chùa uy nghi, đồ sộ, mang đậm kiến trúc văn hóa Khmer. Chùa được đặt tên là Candaransi (Chăn-Ta-Răng-Sây), có nghĩa là ánh sáng trăng (Nguyệt Quang). Ánh trăng soi sáng cho đêm vô minh trần thế mà cũng là ánh trăng soi sáng cho chư Tăng, Phật tử thi công xây dựng không kể ngày đêm, không quản gian lao để hoàn thành ngôi bảo tự.
Năm 1948, sau khi chùa khánh thành, Ngài được chư Tăng và quý Phật tử bầu làm Phó trụ trì. Từ đây, Ngài cùng Hòa thượng Lâm Em ra sức tu tạo và phát triển chùa Chăn-Ta-Răng-Sây ngày càng hưng thịnh, khang trang hơn.
Năm 1963, trong cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, Ngài cùng Hòa thượng Lâm Em đại diện cho giới Tăng sĩ Phật giáo Khmer đứng chung hàng ngũ đấu tranh của Phật giáo đồ. Ngài 3.6.1963, cùng chung số phận với các chùa bị lệnh phong tỏa, chùa Chăn-Ta-Răng-Sây cũng bị chính quyền Diệm bao vây gắt gao, bởi Hòa thượng Lâm Em tham gia trong Ban cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Sau cuộc tuyệt thực tại chùa Xá Lợi ngày 15.7.1963, do Ủy ban đề xướng để cầu siêu cho Đại đức Nguyên Hương tự thiêu, Ngài cùng các Tăng sĩ Khmer đã bị bố ráp đàn áp và bắt nhốt rại Rạch Cát 4 ngày.
Năm 1979, Hòa thượng Lâm Em viên tịch, Ngài lên kế vị quyền trụ trì. Trong thời gian này, Ngài góp phần xây dựng chùa chiền, tôn tạo Phật tượng cho nhiều tòng lâm, tự viện khác như: chùa Ka Ôk, chùa Choong Ruk (Tây Ninh), chùa Sa Đo v.v...
Ngày 30 tháng 6 năm 1992, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ nhiệm Ngài chính thức trụ trì chùa Chăn-Ta-Răng-Sây.
Mặc dù, Ngài tuổi đã cao, sức khỏe đã kém, nhưng vì lòng thương đạo mến đời, vì sự nghiệp hoằng hóa độ sinh cao cả nên Ngài cố gắng tận dụng thời gian ít ỏi còn lại của mình để hoàn tất Phật sự, kiện toàn liêu xá, trang nghiêm Phật điện, sửa sang khuôn viên chùa, hầu trợ duyên cho chúng Tăng an cư tu học.
Vào lúc 18 giờ 45 phút, ngày 27 tháng 6 năm 1995 (Ất Hợi), Phật lịch 2539, Ngài viên tịch trong nỗi thương tiếc vô hạn của bao môn đồ, pháp quyến. Ngài hưởng thọ 87 tuổi, có 65 Hạ lạp.
---o0o---
Hòa thượng Thích Minh Tánh, pháp húy Nguyên Chơn, pháp hiệu Minh Tánh, thuộc dòng Lâm Tế-Liễu Quán đời thứ 44, Ngài thế danh Từ Phước Thạnh, sinh năm Giáp Tý (1924) tại xã Minh Hương, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Thân phụ của Ngài là ông Từ Thanh Huy, thân mẫu là bà Lê Thị Bông. Ngài là con thứ 9 trong gia đình có 9 anh em. Gia đình Ngài từ nhiều đời, vốn có truyền thống kính tin Tam bảo và yêu nước nồng nàn.
Năm Canh Ngọ (1930), khi lên 7 tuổi, Ngài theo thân phụ đến công quả, học đạo ở chùa Từ Quang (Huế). Đó là nhân duyên ban đầu phát khởi thiện tâm để làm bậc xuất gia sau này.
Năm Canh Thìn (1940), lúc 17 tuổi, Ngài xin xuất gia với Hòa thượng Tâm Thông – Quảng Nhuận, trụ trì chùa Từ Quang. Được Hòa thượng Bổn sư hứa khả và cho vào làm lễ thế phát tại chùa Linh Quang (Đà Lạt).
Sau đó, Hòa thượng Bổn sư gởi Ngài vào học ở Phật học đường Tây Thiên (Huế). Kế đến là Phật học đường Báo Quốc (Huế). Ngài đã trải 8 năm theo học tại hai trường Phật học danh tiếng nhất ở kinh đô thời bấy giờ.
Năm Mậu Tý (1948), lúc này đã 25 tuổi, nhận thấy Ngài học hành tạm đủ. Hòa thượng Bổn sư cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đàn giới “Hộ Quốc Đàn”, tổ chức tại Phật học đường Báo Quốc, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hòa thượng Đàn đầu.
Sau khi tốt nghiệp Phật học đường Báo Quốc, từ năm 1948 – 1959, Ngài được bổ nhiệm làm Giảng sư, giảng dạy tại các Phật học đường Trung Phần; làm trụ trì chùa Tỉnh hội Bình Thuận; trụ trì chùa Linh Quang (Đà Lạt).
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài vào Nam, trụ trì chùa Nguyên Thủy tại thị xã Tân An, tỉnh Long An. Nơi đây, Ngài mở lớp dạy gia giáo, mở trường tư thục Bồ Đề. Tăng Ni Phật tử theo học rất đông.
Năm Giáp Thìn (1964), sau pháp nạn 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được Tăng Ni, Phật tử suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Long An, và Ngài đảm nhiệm chức vụ này liên tiếp nhiều nhiệm kỳ.
Năm Tân Dậu (1981), khi Phật giáo ba miền thống nhất các hệ phái, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài cùng quý vị Giáo phẩm địa phương tích cực vận động để thống nhất Phật giáo tỉnh Long An.
Năm Quý Hợi (1983), Ban trị sự Phật giáo Tỉnh hội Long An được thành lập, Ngài được Tăng Ni suy cử làm Phó Ban thường trực Phật giáo tỉnh Long An.
Năm Kỷ Tỵ (1989), Ban trị sự Phật giáo Long An mở Đại giới đàn đầu tiên của Tỉnh hội, Ngài được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê.
Năm Canh Ngọ (1990), trong nhiệm kỳ III của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Long An, Ngài đảm trách chức vụ Phó Ban thường trực và được đề cử kiêm nhiệm Ủy viên Tăng sự.
Năm Tân Mùi (1991), Ban trị sự Phật giáo Long An khai Đại giới đàn làn thứ hai của Tỉnh hội, và Ngài lại được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê.
Năm Nhâm Thân (1992), trường Cơ bản Phật học tỉnh Long An được thành lập, Ngài được Tăng Ni thỉnh cầu đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Năm Quý Dậu (1993), trong Đại hội Phật giáo tỉnh Long An nhiệm kỳ IV (1994-1998), Ngài tiếp tục được suy cử làm Phó ban Thường trực kiêm Ủy viên Tăng sự.
Đầu năm 1995, chiếc xe tứ đại sau những năm tháng dài truyền đăng tục diệm, kế thế khai lai, nay đã bắt đầu rệu rã phân ly, Ngài lâm trọng bệnh. Đến ngày 09 tháng 8 năm Ất Hợi (1995), Ngài thâu thần thị tịch hưởng thọ 72 tuổi, 47 Hạ lạp. Tang lễ Ngài được Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Long An tổ chức vô cùng trọng thể, nhục thân Ngài nhập Bảo tháp trong khu tháp mộ chùa Thiên Khánh (Tân An – Long An).
Suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh, Ngài luôn là tấm gương sáng thiết tha với tiền đồ đạo pháp, tận tụy với công việc. Đời sống thanh bần, giản dị, từ bi yêu thương, luôn chăm lo nhắc nhở đàn hậu tấn, Ngài như đóa Ưu Đàm trong vườn hoa Phật giáo, xứng đáng cho hậu thế noi theo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Quảng Thạc, pháp danh Quảng Thạc, đạo hiệu Tuấn Đức, thế danh Dương Đức Thắng, sinh năm Ất Sửu (1925), tại làng Quần Phương Hạ, xã Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ Ngài là cụ Đỗ Văn Khôi, hiệu Đa Sĩ, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khuyến hiệu Diệu Phương. Ngài là người con út trong gia đình gồm 6 anh chị em, 3 trai, 3 gái.
Vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nho học, trải nhiều đời gia tộc đều quy ngưỡng cửa thiền, nên song thân Ngài một lòng thuần kính Tam bảo. Lúc Ngài còn nhỏ, trong gia đình đã có người chị cả xuất gia – quy y nơi Sư cụ chùa Nghĩa Xá, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là Ni trưởng Thích Nữ Đàm Soạn.
Năm lên 16 tuổi (1941), Ngài sớm nhận thấy cuộc đời ảo mộng, sanh, lão, bệnh, tử nên một lòng xin phép song thân cho xuất gia đầu Phật.
Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài được Hòa thượng Thích Trí Hải trụ trì chùa Mai Xá, tỉnh Hà Nam, một vị cao Tăng đức độ lúc bấy giờ thu nạp làm đệ tử và trao cho giới phẩm Sa di. Vốn có sẵn Phật tâm ngay từ thuở nhỏ và có tư chất thông minh, Ngài đã nhanh chóng tinh thông căn bản giáo lý Đại thừa.
Năm Canh Dần 1950, Hòa thượng Thích Trí Hải đưa Ngài lên chùa Quán Sứ tiếp tục chương trình Cao đẳng Phật học để nâng cao kiến thức tam tạng giáo điển và trau dồi giới hạnh. Suốt 3 năm tinh cần tu tập, Ngài luôn được biểu dương là một học Tăng gương mẫu, rường cột Phật giáo sau này.
Năm Quý Tỵ 1953, Ngài tháp tùng Hòa thượng Bổn sư về thành phố Hải Phòng, kiến tạo ngôi chùa lấy hiệu là chùa Phật Giáo để phát triển sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tại đây (nay là chùa Nam Hải).
Năm Giáp Ngọ 1954, khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh Việt Pháp, nhận thấy Ngài có pháp khí Đại thừa nên Hòa thượng Bổn sư quyết định cho phép Ngài di cư vào miền Nam đểõ tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp. Vào đến nơi, bước đầu Ngài trú tại chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh – Gia Định để tu học dưới sự dẫn dắt của chư tôn đức cùng di cư vào Nam hoằng đạo.
Năm Ất Mùi 1955, Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam ra đời, chùa Giác Minh được thành lập. Nhân dịp này chư tôn đức trong sơn môn miền Bắc tổ chức Đàn giới cho Ngài được lãnh thụ Đại giới, do Tổ Thanh Thạnh làm Hòa thượng Đàn đầu, Tổ Thanh Thái làm Yết ma và Tổ Yên Bình làm Giáo thọ A-Xà-Lê. Cũng trong năm này, Ngài được đề cử về trụ trì chùa Giác Hoa, tỉnh Gia Định để giáo hóa độ sanh.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài đến tham học tại Phật học đường Giác Nguyên, quận Tư – Sài Gòn và tái thụ giới pháp nơi Hòa thượng Thích Hành Trụ, được Hòa thượng tác chứng để hành trì đạo pháp.
Năm Canh Tuất 1970, Hòa thượng Thích Chân Thường vì Phật sự mới ở hải ngoại, đã giao lại cho Ngài trụ trì ngôi chùa An Lạc ở quận Nhất-Sài Gòn. Nhận thấy chùa còn nhỏ hẹp, Ngài đã vận động tín đồ đóng góp xây dựng lại ngôi Tam bảo bằng tâm huyết và ý tưởng của mình với tâm niệm “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Đến năm 1973 chùa mới hoàn thành một cách uy nguy tráng lệ, khi bước vào cảnh chùa, mọi người có thể chiêm ngưỡng một cảnh quan Phật địa, an lành hạnh phúc tại thế gian này.
Song song với công việc Phật sự, giáo hóa độ sanh, nghiêm tầm Phật điển, Ngài còn nổi tiếng tinh tường về thư pháp, thi ca. Bằng những dòng thơ đạo, những câu đối thiền với nét bút tài hoa, khắp các đạo tràng trong chốn thiền lâm, nơi nơi đều có dấu ấn bút pháp của Ngài ghi đậm. Sự nghiệp sáng tác của Ngài còn có một số tác phẩm hơn 200 câu đối, thi vịnh Phật giáo (chưa xuất bản).
Năm Kỷ Dậu 1979, sau khi đất nước được thống nhất, Ngài đã cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư Thích Trí Hải vào miền Nam thăm viếng các chốn Tổ và để được chăm sóc, báo đáp thâm ân giáo dưỡng Bổn sư sau thời gian dài xa cách. Như đã mãn nguyện, sau khi trở về miền Bắc, Hòa thượng đã viên tịch.
Năm Canh Thân 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo được thành lập, Tổ Hòe Nhai – Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã vào miền Nam để vận động và lưu trú tại chùa Vĩnh Nghiêm-thành phố Hồ Chí Minh, Ngài đến khất cầu giới pháp và được Hòa thượng truyền trao Bồ Tát giới, ban cho pháp hiệu là Tuấn Đức.
Vào cuối năm Ất Hợi (1995), Ngài lâm trọng bệnh, và thị tịch vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 25 tháng 01 năm 1996, nhằm ngày 06 tháng 12 năm Ất Hợi tại chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng trụ thế 70 năm. Hạ lạp 40 tuổi đạo.
Trước khi thị tịch vài ngày, Ngài sai đệ tử lấy giấy bút để viết chữ đại tự “ Phật” và dặn dò các đệ tử câu kệ mà Ngài tâm đắc nhất lúc bình sinh:
Luyện tính bất dung văn vũ hỏa
Tham thiền tu thế lợi danh quan
Tạm hiểu:
Luyện tính tu tâm ấy đạo mầu
Võ văn lửa dữ gắng qua mau
Tham thiền yếu lý thường tu niệm
Cửa ải lợi danh chớ lún sâu.
Bằng tất cả trí tuệ, tài năng và sức lực, Ngài đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp tu hành. Với văn chương; bút pháp, Ngài không những khẳng định sự giác ngộ tâm linh sở tu, sở chứng, mà còn góp phần không nhỏ cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Pháp Tri, pháp danh là Dhammmannu Bhikkhu, thế danh là Nguyễn Thiên Tri, sanh năm Giáp Dần (1914) tại xã Phú An, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Xuyến, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Hoa. Song thân Ngài đều thuần kính Tam bảo.
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nếp sống nho phong, lễ giáo. Thuở còn ấu thơ, Ngài chăm chỉ học hành, tánh tình nhu mì, hiền hậu và thường hay cứu giúp mọi người. Đến tuổi trưởng thành, Ngài lại càng khác hẳn với mọi người ở thế gian, thích xem kinh sách giáo lý Phật đà, thường xuyên lui tới cảnh thiền môn và không màng danh lợi trần tục như những người trang lứa cùng thời.
Thời gian trôi nhanh, Ngài như một người gieo hạt, cứ kiên trì chờ đợi hạt giống nảy mầm. Cho đến một ngày cơ duyên đã đến, Ngài quyết định từ bỏ gia đình thế tục bước lên con đường giải thoát. Ngài xin nhập môn tu hành theo Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Theravada Việt Nam (hệ phái Nam Tông), là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Bính Thân 1956, Ngài được thọ Tỳ kheo giới tại chùa Kỳ Viên, do Hòa thượng Hộ Tông làm Thầy tế độ. Nhận thấy Ngài có đủ năng lực truyền trì mạng mạch Như Lai, rường cột Phật giáo sau này, nên Hòa thượng ban cho Ngài pháp hiệu là Pháp Tri (Dhammannu Bhikkhu). Năm ấy Ngài 42 tuổi.
Sau khi thọ giới, Ngài càng tinh tấn tu hành, thực hành đúng đắn theo giới luật Phật chế, chuyên tâm nghiên cứu kinh tạng Pàli, nỗ lực thiền định, nên được Phật tử quý mến, chư Tăng nể trọng lấy làm gương sách tấn.
Song song với việc tu trì, Ngài bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hội đồng Chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam tín nhiệm đề cử Ngài đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Kiến thiết của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài còn tham gia tích cực các công tác từ thiện xã hội.
Năm Quý Mão 1963, Ngài là Thành viên xuất sắc trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đấu tranh chống lại nạn kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm để bảo vệ sự bình đẳng tôn giáo.
Năm Giáp Thìn 1964, chính quyền nhà Ngô sụp đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được suy cử giữ chức Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo suốt 3 nhiệm kỳ. Thời gian này Ngài làm việc không ngơi nghỉ, vừa lo việc Phật sự của Giáo hội, vừa tham gia ủy lạo, ủng hộ từ thiện xã hội cho đồng bào bị thiên tai lũ lụt...
Năm Kỷ Dậu 1969, Hòa thượng Thiện Luật, Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất viên tịch, Ban chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam, cung thỉnh Ngài về trụ trì chùa Pháp Quang, quận Bình Thạnh để tiếp tục hoằng pháp lợi sanh.
Năm Nhâm Tý 1972, Giáo hội nhận thấy Ngài có năng lực đối ngoại, kiến thiết chùa cảnh, nên đã thỉnh Ngài nhận lãnh trọng trách xây dựng Bảo tháp tôn thờ xá lợi Phật, và kiến tạo đài hỏa táng tại ấp Vĩnh Thuận, xã Long Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, lấy tên là Xá Lợi Phật Đài. Nơi đây, Ngài đã bỏ công sức tài trí rất nhiều, từ một mảnh đất hoang sơ cằn cỗi, cỏ dại um tùm trở nên một tu viện có thắng cảnh xanh tươi hùng vĩ. Mỗi khi đến địa phận Thủ Đức để đi Biên Hòa, mọi người đều ngang qua ngọn đồi Bác sĩ Tín, sẽ thấy một Xá Lợi Phật Đài nguy nga đồ sộ với một rừng cây thuốc Nam phong phú, giúp ích thiết thực cho đời và đạo.
Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, tuổi già sức yếu, Ngài bàn giao Phật sự, lui về trụ hẳn nơi Xá Lợi Phật Đà để tịnh tu, nhưng vẫn được Ban Đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức cung thỉnh Ngài làm Cố vấn Chứng minh cho Ban đại diện.
Từ tháng 4 năm Canh Ngọ 1990, Ngài nhuốm bệnh nặng, không còn đi lại được, tuy nằm trên giường bệnh, nhưng tâm trí Ngài vẫn sáng suốt nhất tâm chánh niệm. Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa hôm sớm, Ngài đều chắp tay thầm niệm hồng danh đức Thế Tôn.
Nhưng vô thường là định luật chung, không ai tránh khỏi, nên vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày Rằm tháng 10 năm Bính Tý, nhằm ngày 25 tháng 11 năm 1996, giữa tiết trời đông cuối mùa dâng y Casa Kathi-na, Ngài đã thu thần thị tịch, trụ thế 82 tuổi, hưởng 40 tuổi đạo.
Hòa thượng Pháp Tri trải qua một đời tu hành công hạnh lưỡng toàn. Ngài đã tham gia rất nhiều công tác từ thiện, nhất là giai đoạn đấu tranh của Phật giáo, Ngài có công kiến tạo Xá Lợi Phật Đài, góp phần cải thiện đạo đức, nhân sanh, nêu cao tấm gương trí dũng phục vụ chúng sanh tức cúng dường Tam bảo của một bậc Sứ giả Như Lai.
---o0o---
Hòa thượng Thích Đạt Hảo, pháp húy Tánh Tướng, thế danh Nguyễn Văn Bân, sinh năm 1916 (Đinh Tỵ), tại ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ Ngài là ông Lê Văn Bộn, pháp danh Tánh Từ, tự Đạt Bi; thân mẫu là bà Ngô Thị Cờ, pháp danh Tánh Niệm, tự Đạt Phật. Ngài có tất cả 6 anh em, 2 trai, 4 gái. Ngài là con út trong một gia đình sùng tín Tam bảo, cả 6 anh em đều quy y, xuất gia tu hành theo đạo Phật.
Năm 1921, khi vừa lên 6 tuổi, Ngài được thân phụ dẫn đến chùa Pháp Minh (Giồng Dứa – xã Đức Hòa Thượng), lễ Phật nghe kinh, quy y Tam bảo. Sau đó một thời gian, Ngài được Hòa thượng Liễu Lạc làm lễ thế phát xuất gia, ban cho pháp húy là Tánh Tướng, tự Đạt Hảo nối pháp dòng Thiên Thai Giáo Quán tông, đời thứ 22.
Năm 1933 (Ất Hợi), dưới sự dạy dỗ của Hòa thượng Bổn sư, thêm căn lành vốn sẵn nên chẳng bao lâu kinh, luật sơ cơ Ngài đều làu thông, thiền môn nghi tắc Ngài đều vững chải. Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Pháp Hoa (Vĩnh Long).
Năm 1935, Ngài được Bổn sư chấp thuận cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc) do Hòa thượng Liễu Thiền làm Đàn Đầu truyền giới.
Sau khi thọ giới xong, được phép của Bổn sư, Ngài bắt đầu du phương tham học. Trải khắp các chốn tòng lâm, nghe đạo tràng nào có các bậc cao Tăng thiền đức xiển dương khai hóa, thì Ngài đều tìm đến cần cầu học hỏi như: Tổ Từ Phong chùa Giác Hải (Phú Lâm), Tổ chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), Tổ Huệ Đăng chùa Thiên Thai (Bà Rịa)...
Năm 1938, vâng lệnh Hòa thượng Bổn sư, Ngài về xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An kiến tạo ngôi chùa lấy hiệu là Pháp Vân và trụ trì chùa này trong một thời gian dài.
Năm 1940, Ngài trở lại quê nhà thực hiện việc cải gia vi tự, lập thành chùa Pháp Bảo ở huyện Đức Hòa, Long An.
Năm 1942, Ngài cùng với Sư bà Đạt Đạo (chị Hai của Ngài) khởi công xây dựng chùa Pháp Quang ở chân cầu Nhị Thiên Đường, quận 8, trên một mảnh đất hoang dã, bùn lầy. Ngày 02.5.1955, chùa bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến tranh giặc Bình Xuyên.
Năm 1957, Ngài cùng các pháp lữ: Hòa thượng Đạt Pháp, Hòa thượng Đạt Đồng, Hòa thượng Đạt Hương tham dự khóa đào tạo trụ trì Như Lai Sứ Giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội (Chợ Lớn).
Năm 1963, trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Ngài đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tích cực đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, cùng Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đưa sự nghiệp chung đến thành công và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1964, Ngài khởi công tái thiết lại chùa Pháp Quang. Đến năm 1966 chùa xây dựng hoàn tất, Ngài tổ chức lễ khánh thành vô cùng trọng thể dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Hành Trụ, thành viên Hội đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống và Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Năm 1967, Ngài đảm nhận công tác trùng tu chùa Châu Hưng (Thủ Đức) và sau đó giao lại cho Sư đệ là Hòa thượng Đạt Đồng trụ trì, kế đến là đệ tử của Ngài, Thượng tọa Tắc Lãnh kế tục trụ trì ngôi Tam bảo này. Ngoài những chùa trên, từ năm 1966 – 1996, Ngài còn trùng tu, xây dựng thêm nhiều chùa khác như: chùa Quảng Tế (Long Xuyên), chùa Pháp Hưng (Long Thành), chùa Pháp Thạnh (Đức Hòa), chùa Pháp Giới (Cầu Tre), chùa Linh Phước (Quận 8)...
Năm 1968, Ngài được Viện Hóa Đạo đề cử làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quận 8.
Năm 1970, Ngài mở Phật học viện Pháp Giới, nội trú cho 70 chư Tăng tu học do Ngài làm Giám viện, theo chương trình giảng dạy của Hội đồng Trị sự Thiên Thai Giáo Quán Tông.
Năm 1971, Ngài tổ chức Đại hội bầu Ban Trị sự Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán và được Đại hội suy cử làm Phó Ban Trị sự, Hòa thượng Tắc Nghi làm Trị Sự trưởng.
Năm 1973, Đại hội nhiệm kỳ II, Ngài được suy cử làm Trị Sự trưởng Thiên Thai Giáo Quán Tông cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Ngài được đề cử làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố, kiêm Trưởng Ban liên lạc Phật giáo quận 8.
Bên cạnh những Phật sự đa đoan do Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố ủy nhiệm, Ngài còn được đề cử làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc quận 8 nhiệm kỳ I (1976 – 1978).
Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được tham gia thành viên, đại diện cho Tông Thiên Thai Giáo Quán trong 9 tổ chức hệ phái Phật giáo, đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Cuối năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Ngài được Đại hội suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ I và Ngài ở ngôi vị này suốt 3 nhiệm kỳ cho đến ngày viên tịch.
Năm 1982, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, Ban Đại diện Phật giáo quận 8 ra đời. Ngài được Tăng Ni Phật tử quận nhà cung thỉnh vào Ban Chứng minh.
Từ năm 1984, thực hiện chương trình mở khóa An cư kiết Hạ cho Tăng Ni thành phố, Ban đại diện Phật giáo quận 8 chọn chùa Pháp Quang là trú xứ của Ngài làm điểm An cư kiết Hạ trong suốt 10 năm liền và cũng trong suốt thời gian này, Ngài luôn được cung thỉnh làm Chứng minh và làm Thiền chủ, Hóa Chủ trường Hạ.
Năm 1987, Ngài được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ II và III (1987 – 1997) đề cử làm Ủy viên ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài những Phật sự kể trên, Ngài còn luôn được Tăng Ni quy ngưỡng là bậc Tòng lâm mô phạm, nên suốt bốn thập niên từ năm 1956 – 1996, hầu hết Đàn giới, trường Hương, khóa Hạ nào cũng đều cung thỉnh Ngài làm Giới sư truyền giới, hoặc làm Pháp sư giáo đạo cho giới tử. Đã biết bao giới tử từ nơi Ngài mà giới thể được châu viên, tuệ mạng được thành tựu, trở thành pháp khí Đại thừa, lợi đạo tốt đời.
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động Phật sự, Ngài còn tham gia những công tác từ thiện xã hội, cứu trợ thiên tai bão lụt, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi khuyết tật, vận động đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa v.v...
Hơn thế nữa, Ngài còn là một công dân yêu nước nồng nàn, đã góp phần xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được Nhà nước trao tặng thưởng huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Ngoài ra, trong giai đoạn xây dựng đất nước sau chiến tranh, Ngài cũng được Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố và quận 8 tặng nhiều bằng khen và giấy khen.
Nửa thế kỷ cống hiến tâm lực cho đạo pháp và dân tộc, thân tứ đại đến lúc hoàn nguyên. Ngày 09 tháng 8 năm 1996 (Bính Tý), lúc 14 giờ, tay quyết ấn cam lồ, Ngài an nhiên xả bỏ báo thân, hưởng thọ 80 năm, có 60 Hạ lạp.
Ngài đã trở về cõi Niết Bàn tịch tịnh, nhưng công đức và đạo nghiệp của Ngài luôn là tấm gương sáng về hoằng pháp lợi sanh cho môn đồ, tử đệ noi theo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Bửu Ý, pháp húy Hồng Đạo, pháp tự Thiện Đắc, thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 03 tháng 3 năm 1917 (nhằm ngày mồng 8 tháng Giêng năm Đinh Tỵ) tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn – nay là tỉnh Long An, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Tây, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Khéo. Ngài là người con thứ 3 trong gia đình có 9 anh chị em, 5 trai, 4 gái.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung nông, giàu lòng sùng kính Tam bảo. Trong thân tộc có người cậu ruột xuất gia hành đạo tại chùa Linh Bửu, xã Mỹ Hạnh quê nhà, nên thuở nhỏ Ngài thường theo thân mẫu lên chùa lễ Phật tụng kinh, gieo nhân tích phước sau này.
Vốn là người thông minh hiếu học, lại có chí hướng thượng, nên năm 7 tuổi (1924), Ngài theo học tại trường Tiểu học Đức Hòa, Chợ Lớn, liên tục đến năm 1934, Ngài đã tốt nghiệp bằng Certificat d’Étude Primaire Indigène. Ngưỡng cửa thế gian đang rộng mở để cho Ngài bước lên danh vọng và sự nghiệp như bao lứa tuổi đương thời, nhưng Ngài đã dừng lại và chọn lựa lý tưởng giải thoát khi nhìn thấy cảnh áp bức, lầm than do giặc Pháp gây ra tại quê hương Ngài – vốn là căn cứ khởi nghĩa Tràm Lạc do ông Nguyễn Văn Hóa đề xướng ngày 17.12.1883 trước đây – lại càng thúc đẩy tâm nguyện của Ngài đến gần với Phật pháp hơn nữa.
Năm 1934, khi được 17 tuổi thì hạt giống Bồ đề đã đến kỳ đâm chồi nảy lộc, Ngài xin phép song thân, xuất gia đầu Phật tại chùa Long Thạnh, xã Tân Tạo, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn; (nay là huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài được Tổ Quảng Chơn, trụ trì chùa thu nhận làm đệ tử và đặt pháp danh là Thiện Đắc và cho thọ giới Sa di tu học, hành đạo tại chùa. Với tư chất thông minh đĩnh ngộ, tánh nết khiêm cung hòa nhã, Ngài đặc biệt được Tổ ân cần chỉ dạy, chẳng bao lâu đã làu thông Nho học, nắm vững giáo lý Phật đà và được cử làm Giám chúng, để hướng dẫn lại Tăng chúng trong chùa.
Nhận thấy Ngài có Tăng phong-Pháp khí Đại thừa có thể xiển dương Phật pháp sau này, Tổ Quảng Chơn đã gởi Ngài xuống chùa Phước Long ở Nha Mân-Sa Đéc tham học một thời gian với Tổ Bửu Sơn – một vị đệ tử xuất sắc của Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ đời thứ 38 thuộc Tổ đình Long Thạnh.
Khi đến chùa Phước Long tu học, Ngài lại càng tỏ rõ tài đức song toàn, giới hạnh trang nghiêm, nên rất được Thầy yêu bạn mến. Sau khi được sự chấp thuận của Tổ Quảng Chơn, Ngài xin y chỉ cầu pháp nơi Tổ Bửu Sơn và được thọ ký pháp hiệu là Bửu Ý, húy Hồng Đạo.
Từ đây, Ngài chuyên cần tấn tu tuệ nghiệp đến ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Mão (1939), Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo tại chùa Phước Long, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Sau đó, Ngài tiếp tục tham học với các bậc cao Tăng thiền đức khắp nơi như Tổ Từ Phong, Bửu Sơn, Vạn An, Hồng Hưng... và bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh.
Trong thời gian này, khắp nơi nổi lên các phong trào kháng chiến chống Pháp. Tổ Quảng Chơn cũng là một Thiền sư yêu nước trong phong trào Thiên Địa Hội, bị Pháp bắt tra tấn tù đày nên mang nhiều bệnh duyên. Do đó cuối năm 1940, Ngài phải về chùa Long Thạnh để thay Bổn sư đảm nhận công việc sinh hoạt tại chùa.
Năm 1943, Tổ Quảng Chơn thấy sức khỏe yếu dần, nên đã phó chúc lại cho Ngài trụ trì chùa Long Thạnh tiếp tục xướng minh đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, Tổ viên tịch vào ngày mồng 6 tháng 8 năm Quý Mùi.
Năm 1944, sau khi đảm nhận chức vụ trụ trì và kế thừa truyền thống “phụng sự đạo pháp – dân tộc” của chư Tổ căn dặn, Ngài đã mở trường Phật học tại Tổ đình Long Thạnh, để truyền dạy Phật pháp cho Tăng Ni. Trải qua 6 khóa học, trên 300 Tăng Ni thành tài tại đây, nhiều vị trở thành lãnh đạo Phật giáo sau này.
Tháng 8 năm 1945, Ngài tham gia Ủy viên Mặt trận Việt Minh xã Tân Tạo, huy động Tăng Ni, Phật tử cùng chư Hòa thượng ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định với danh nghĩa Việt Nam Phật giáo Tổng hội, tổ chức biểu tình ngày 25.8.1945 để giành chính quyền về tay nhân dân. Ngoài ra, Ngài đã dùng chùa Long Thạnh làm cơ sở hậu cần cho cách mạng, cuối cùng bị giặc phát hiện phá nát cảnh chùa, chúng bắt Ngài tra tấn, giam cầm; nhưng Ngài kiên quyết không khai báo, chúng phải thả về.
Năm 1947, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ được thành lập, Ngài được cử làm Ủy viên Ban chấp hành phụ trách Tăng Ni thiện tín Sài Gòn-Chợ Lớn, trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ đóng tại chùa Thiên Kim, Tháp Mười.
Năm 1949, theo xu hướng chuyển hoạt động Phật giáo vào thành thị, Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc tự giải tán, Ngài lại trở thành Ủy viên Ban chấp hành sáng lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và hoạt động đến năm 1954.
Năm 1954, hòa bình lập lại, Ngài khôi phục Tổ đình Long Thạnh và trùng tu Tăng đường để thuyết giảng Phật pháp làm nơi tu học cho Tăng Ni đồ chúng.
Năm 1956, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn tổ chức tại chùa Linh Nguyên – Đức Hòa để truyền pháp cho các giới tử.
Năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam chính thức thành lập, Ngài được suy cử làm Phó Tổng thư ký và sau đó là Tổng Thư ký thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hào đi nhận nhiệm vụ khác. Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Phật Ấn, nhà in và trường học Lục Hòa đặt tại chùa Giác Viên.
Đầu năm 1963, Giáo hội Lục Hòa Tăng đã tập hợp Tăng Ni, Phật tử dưới sự lãnh đạo của Ngài, cùng với các đoàn thể tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Đến năm 1969, Ngài vận động chư tôn giáo phẩm thuộc hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hiệp nhất thành Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, cùng thiết lập các trường Phật học Lục Hòa ở các chùa Giác Lâm, Giác Viên, Thiên Tôn, trường Tiểu học Lộc Uyển, Thiên Trường quận 8 để đào tạo Tăng tài, truyền thừa đạo mạch.
Năm 1971, sau khi Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng Đạo viên tịch, Ngài được Giáo hội tín nhiệm suy cử làm Phó Viện trưởng, cùng với Hòa thượng Thiện Thuận, Viện chủ Tổ đình Giác Lâm làm Viện trưởng.
Năm 1973, Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch, Ngài được Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền đề bạt làm Viện trưởng Viện Hoằng Đạo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tổ quốc được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, tháng 8 năm 1975, Ngài được giao trọng trách Phó chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố và tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố trong nhiều nhiệm kỳ. Tháng 10 năm 1979, Ngài tham gia phong trào vận động thống nhất Phật giáo và làm Trưởng đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc.
Tháng 11 năm 1981, Ngài dự Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho tới ngày viên tịch.
Với giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn Tùng lâm, nên trong các Đại giới đàn năm 1984, 1988, 1991 do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tổ chức, Ngài luôn được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê, Pháp sư để truyền pháp cho các giới tử. Ngoài ra, Ngài còn giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình tại Mông Cổ, Liên Xô vào các năm 1982, 1984, 1991.
Trong những năm cuối đời, Ngài làm việc không lúc nào ngơi nghỉ, lúc thì đăng đàn thuyết pháp giáo hóa độ sanh, dạy dỗ Tăng Ni, Phật tử, khi thì tích cực tham gia Phật sự Giáo hội, các phong trào đoàn thể xã hội, tận lực phục vụ cho đạo và đời ngày càng tốt đẹp.
Những tưởng trên lộ trình phụng sự đạo pháp, bóng đại tùng lâm còn che mát cho thế gian lâu hơn nữa, nào ngờ Ngài đã theo lẽ vô thường, xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 23 giờ ngày 29 tháng 11 Ất Hợi (nhằm ngày 19-1-1996). Ngài trụ thế 80 năm, hưởng 56 mùa An cư kiết Hạ.
Hòa thượng Thích Bửu Ý là một bậc cao Tăng thạc đức, một Thiền sư yêu nước nồng nàn, trọn đời sống cho lý tưởng phụng sự đạo pháp – dân tộc. Ngài đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng Bằng tuyên dương công đức, được Nhà nước ghi nhận công lao “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” và hơn nữa đã tô đậm nét hào hùng cho lịch sử Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn chấn hưng của thế kỷ 20.
---o0o---
Hòa thượng Thích Diệu Quang, pháp danh Tâm Chuẩn, pháp tự Thiện Pháp, thế danh Huỳnh Phê, sinh năm 1917 tại thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thân sinh của Ngài là cụ ông Huỳnh Lương Phương, pháp danh Thị Ninh và cụ bà Lê Thị Đậu, pháp danh Tâm Cơ. Ngài là người con thứ 7 trong gia đình.
Xuất thân trong một gia đình trung lưu Nho giáo và thâm tín Tam bảo. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra thông minh hiếu học, chí khí hơn người. Khi lớn lên, Ngài càng uyên thâm nho học, ham thích văn chương, thi phú và tâm tính thuần hậu.
Năm 12 tuổi, thân phụ Ngài chẳng may bị bệnh nặng qua đời. Trước cảnh sinh ly, tử biệt, cốt nhục chia lìa, Ngài đau buồn khổ não và nhận thức rõ hơn cuộc sống tụ tán vô thường, khổ đau không dứt.
Mãn tang cha, Ngài được mẹ đưa đến Hòa thượng Vạn Ân, Tổ đình Khánh Long để học chữ Hán và kinh điển giáo lý Phật đà. Bẩm tính của Ngài vốn hiền lành, đức độ nên Hòa thượng Vạn Ân hết sức mến thương, dốc tâm dạy dỗ cho Ngài nên người hữu dụng.
Năm 14 tuổi (1931), trải qua những năm tháng gần gũi tôn sư, cơ duyên đến với Phật pháp ngày càng chín muồi, Ngài quyết tâm xin phép mẫu thân xuất gia đầu Phật. Buổi ban đầu khai tâm nhập đạo, Ngài thọ giới quy y Hòa thượng Vạn Ân, với pháp danh Tâm Chuẩn.
Đến năm 19 tuổi (1936), Ngài được Hòa thượng Bổn sư truyền giới Sa di và đặt pháp tự là Thiện Pháp. Nhờ kiên tâm khổ hạnh, tu trì Giới Định Tuệ. Chẳng bao lâu, Ngài được Bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Thiên Đức, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Huệ Chiếu làm Đường đầu truyền giới. Từ đây, Ngài nhận pháp hiệu là Diệu Quang. Năm ấy, Ngài 27 tuổi (1944).
Sau khi đắc pháp, Ngài lại càng nỗ lực tấn tu tinh nghiêm giới luật, khiến cho Bổn sư càng tin yêu, bạn bè thêm mến mộ. Ngoài ra, Ngài còn tham học kinh, luận với các Hòa thượng danh tiếng đương thời và được Hòa thượng Bổn sư truyền thừa pháp môn Du Già tâm ấn để làm phương tiện trong việc hoằng hóa độ sanh.
Năm 28 tuổi (1945), Ngài tạm đủ khả năng “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” nên được kế thừa trụ trì Tổ đình Khánh Long do Bổn sư Vạn Ân giao phó để hoằng pháp độ sanh.
Từ năm 1945 trở đi, Ngài chăm lo Phật sự, công tác từ thiện xã hội, đóng góp phong trào chấn hưng Phật giáo, làm Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc, hoằng dương chánh pháp, tiếp Tăng độ chúng. Nhờ đức độ cảm hóa nên Tăng chúng, thiện nam tín nữ quy tụ tu học ngày càng nhiều.
Trong những năm pháp nạn 1963, Ngài tích cực tham gia phong trào bảo vệ Phật giáo, chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Năm 1964, do chiến tranh ngày càng khốc liệt, Ngài rời Tổ đình Khánh Long về trụ trì chùa Bảo Tịnh, thị xã Tuy Hòa, Phú Yên.
Năm 1965, Ngài được Giáo hội suy cử trụ trì chùa Ân Quang, thị trấn Phú Lâm, Hòa Thành, Phú Yên. Cũng trong thời gian này, Ngài kiêm nhiệm chức vụ Chánh đại diện Phật giáo quận Hiếu Xương (huyện Tuy Hòa ngày nay).
Năm 1967, Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài nối tiếp thiền phái Liễu Quán, dòng Lâm Tế đời thứ 43 tiếp tục kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ ấn.
Năm 1973, Ngài kiêm nhiệm trụ trì thêm cảnh chùa Hồ Sơn tại thị xã Tuy Hòa.
Năm 1975, đất nước hòa bình độc lập, Ngài quyết định trở về trùng tu Tổ đình Hương Tích và trụ trì cho đến ngày viên tịch.
Sức khỏe theo tuổi tác suy yếu dần, nhưng việc Phật sự Ngài không xao lảng. Ngài được Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên cung thỉnh vào hàng Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội.
Ngày 18 tháng 8 năm Bính Tý 928-10-1996) vào lúc 5 giờ sáng, nhân căn bệnh nhẹ, Ngài đã an nhiên thị tịch, trụ thế 80 năm. Hạ lạp 55 tuổi đạo.
Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài là một tấm gương sáng, một bậc Giáo phẩm tôn kính đã khai dẫn dòng thiền Lâm Tế Phật giáo Trung phần và Phật giáo Việt Nam chảy mãi không ngừng. Trên đường hoằng hóa chánh pháp, Ngài còn xây dựng, trùng tu 8 ngôi chùa: Long Thạnh, Bửu Ân, Cảnh Thái, Ân Quang, An Sơn, Đông Quang, Thanh Hương và Hương Tích. Chính nơi Tổ đình Hương Tích là nơi dừng chân an nghỉ cuối cùng của Ngài.
Công đức và hạnh quả của Ngài thật xứng đáng để Tăng Ni, Phật tử học tập và ghi thêm một nét son đậm trên trang sử Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thích Kế Châu, pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất 1922 tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền sư Trí Diệu, học hạnh kiêm toàn, trụ trì và tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.
Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều thông suốt, thế học; y học và võ thuật cũng đều thông suốt. Ngài sớm hiểu được lý đạo qua kinh điển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời, và phát ý chí xuất trần vững mạnh. Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, Ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, được Quốc sư ban pháp danh là Không Tín.
Kể từ đó, Ngài chăm lo học tập thiền môn, dốc chí tu trì Phật pháp. Vốn sẵn tính thông minh hiếm có học một hiểu mười, nên khi nghe Quốc sư lên lớp giảng dạy những bộ kinh Đại thừa, có đoạn Ngài đọc thuộc lòng không cần nhìn sách. Ngài còn trau giồi thêm Hán học: Tứ thư; Ngũ kinh; Thi văn; điển cố; thảy đều làu thông, và còn viết thạo cả bốn thư pháp: chân; thảo; lệ; triện, có thể sánh vai với các nhà bút thiếp lừng danh của Trung Quốc xưa nay.
Năm Nhâm Ngọ 1942, Ngài được phép đăng đàn thọ Đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu truyền giới. Ở giới đàn này, Ngài là Vĩ Sa di.
Năm Quý Mùi 1943, sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn sư là Quốc sư Phước Huệ truyền pháp phái Sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.
Năm Đinh Hợi 1947, với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giáo sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Canh Dần 1950, Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng, và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài được chư tôn đức cử làm Giám đốc Phật học đường thuộc Giáo hội Tăng Già Bình Định. Cảm mến tài đức của Ngài, Hòa thượng Quy Thiện đã tặng Ngài bài thơ nhân lễ nhậm chức Giám đốc Phật học viện, trong đó có câu:
Bảo khí kết thành sơn thượng ngọc
Kim luân tự hữu kế trung châu
Cùng thời gian này, Ngài khai sơn chùa Bảo Châu, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó Ngài giao lại cho đệ tử trụ trì.
Năm Quý Mão 1963, Ngài tham gia phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm và được mời vào Ban lãnh đạo Phật giáo Bình Định.
Năm Ất Tỵ 1965, khi Hòa thượng Thích Huê Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp – pháp huynh của Ngài viên tịch, chư tôn đức trong Sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đấy, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.
Cùng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định. Và từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.
Năm Đinh Mùi 1967, Tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới sự hướng dẫn của Ngài mỗi lúc càng thêm khởi sắc. Vì thế Ngài bắt tay xây dựng lại khu Đông đường làm nơi tiếp khách thập phương về chiêm bái Tổ đình và làm nơi giảng dạy cho Tăng chúng khắp nơi quy tụ về học tập.
Năm Mậu Thân 1968, để kế vãng khai lai, tục Phật huệ mạng, Ngài tổ chức khai Đại giới đàn tại chùa Long Khánh, thành phố Qui Nhơn. Ngài làm Chánh chủ đàn trong giới đàn này.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài đứng ra trùng tu khu vườn tháp Tổ, theo thời gian và do chiến tranh đã dần bị hư hoại. Sau đó, Ngài cho xây dựng tường rào bao bọc toàn bộ khuôn viên Tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.
Năm Canh Tuất 1970, Ngài thành lập Phật học viện Phước Huệ chuyên khoa Trung đẳng Phật học tại Tổ đình Thập Tháp, do Ngài làm Giám viện. Tăng chúng các nơi trong và ngoài tỉnh tựu về tu học hơn 100 vị. Ban Giáo thọ gồm chư vị: Hòa thượng Giác Tánh, Tâm Hoàn, Giác Ngộ, Bửu Quang; chư Thượng tọa: Đồng Từ; Tâm Hiện. Trường hoạt động cho đến năm 1975 thì giải tán.
Năm Nhâm Tuất 1982, sau khi Phật giáo cả nước thống nhất về một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được toàn thể Tăng Ni, Phật tử suy cử vào chức Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình.
Năm Đinh Mão 1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Kỷ Tỵ 1989, nhằm tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp. Ngài cùng chư tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại giới đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn chủ giới đàn này.
Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Long Khánh, Qui Nhơn.
Năm Ất Hợi 1995, Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài sau một cơn bệnh nhẹ, đã thu thần viên tịch vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp. Trước khi viên tịch, Ngài có chấp bút đề một bài kệ phú pháp để lại cho môn đồ đệ tử như sau:
Pháp tánh bổn lai tịch
Diệu dụng thỉ kiến công
Ngã kim phú pháp nhữ
Pháp pháp tự tánh trung.
Trong suốt quảng đời hành đạo, Ngài đã có công khai sơn những ngôi chùa: Thừa Ân ở Pleiku, Viên Thông ở Tây Sơn-Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn-Bình Định; Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Khánh-Đồng Nai.
Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài.
Ngài còn để lại cho cuộc những tác phẩm:
-Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền sư (dịch và tác thơ)
-Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ)
-Long Bích thi tập I và II
-Kim Cang Nghĩa Mạch (dịch)
-Kim Cang Trực Sớ (dịch)
-Di Đà Giảng Thoại (dịch)
---o0o---
Thượng tọa Thích Minh Phát, pháp danh Nguyên Đức, thế danh Lê Nhựt Nguyên, sinh ngày 20 tháng 06 năm Bính Thân 1956 tại Chợ Lớn (nay là quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), thân phụ là cụ ông Lê Thành An, mẫu thân là cụ bà Trương Thị Ba, song thân đều đã từ trần. Thượng tọa là người thứ tư trong gia đình, có bảy anh chị em.
Được sinh ra trong một gia đình nhân hậu, nhiều đời kính tin Tam bảo và sẵn túc duyên, nên khi vừa biết ăn uống là Thượng tọa đã ăn chay; lại gia đình may mắn ở gần chùa nên Thượng tọa thường theo mẹ sang chùa lạy Phật. Nhờ đó mà hạt giống Bồ đề ngày càng phát triển.
Năm Giáp Thìn 1964, Thượng tọa được song thân cho xuất gia học đạo với Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Viện chủ Tổ đình Ấn Quang – Giám đốc Phật học đường Nam Việt. Kể từ đó, hôm sớm kệ kinh siêng năng hành đạo, Thượng tọa cùng sư huynh Minh Thành giữ chức thị giả hầu cận Hòa thượng Bổn sư; Nhờ gần gũi chư vị cao Tăng tôn đức nên chủng trí vô sư nhiều đời huân tập nhân đây mà tăng trưởng.
Năm Tân Hợi 1971, Thượng tọa được thọ giới Sa di lúc 15 tuổi với Hòa thượng Thích Trí Thủ tại giới đàn ở Tu viện Quảng Đức (Thủ Đức).
Năm Ất Mão 1975, với hạnh nguyện sâu dầy, oai nghi đĩnh đạc, đáng làm pháp khí Đại thừa, Thượng tọa được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát tại giới đàn chùa Pháp Giới (Cầu Tre – Tân Bình) do Hòa thượng Thích Hành Trụ làm Đường đầu Hòa thượng.
Năm Bính Thìn 1976, khi Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc được thành lập, Thượng tọa được cử giữ chức phó Tổng quản sự, kiêm chức tri khố Tổ đình Ấn Quang, chăm lo công việc ăn ở cho đại chúng một cách chu toàn.
Năm Đinh Tỵ 1977, vâng lệnh Hòa thượng Bổn sư và theo sự tha thiết thỉnh cầu của Phật tử chùa Viên Giác, Thượng tọa kiêm nhận chức trụ trì chùa Viên Giác, quận Tân Bình; đây cũng là nơi thế độ chúng đệ tử Ưu Bà Tắc xuất gia của Thượng tọa.
Năm Mậu Ngọ 1978, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Thượng tọa được cử làm chức Phó giám đốc Đại Tòng Lâm Phật giáo ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng năm này, Thượng tọa xây dựng chùa Viên Dung ở xã Linh Đông, huyện Thủ Đức trên phần đất do Phật tử Diệu Hạnh dâng cúng, là nơi tiếp nhận chúng đệ tử Ưu Bà Di xuất gia.
Năm Nhâm Thân 1992, theo lời thỉnh cầu của Hòa thượng Phước Quang – trụ trì chùa Phụng Sơn. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm Thượng tọa kiêm nhiệm trụ trì chùa Phụng Sơn (chùa Gò) ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
Năm Quý Dậu 1993, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ III, rồi Đại hội Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, Thượng tọa được mời làm Ủy viên Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Tiểu ban Từ thiện Xã hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và Ủy viên Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo quận 10.
Năm Quý Dậu 1993, Hòa thượng Minh Hạnh, Tổng quản sự Tổ đình Ấn Quang viên tịch. Là một trong bốn vị lãnh đạo của Tổ đình Ấn Quang, Thượng tọa đã đảm nhận chức phó Ban quản trị kiêm trị sự, điều hành mọi sinh hoạt của Tổ đình.
Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, bậc mô phạm chốn tòng lâm, nơi quy hướng cho Tăng Ni, Phật tử, trong những thập niên 1975 – 1995, Thượng tọa đã từng đảm nhận các chức vụ Phó ban Kiến Đàn, Dẫn Thỉnh sư trong các Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho các giới tử. Qua đó từng hàng lớp giới tử đạo thể trang nghiêm trở thành người hữu ích cho đạo pháp và cho xã hội.
Trong sự nghiệp kế thừa đạo mạch, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Thượng tọa đã thế độ cho hơn một trăm Tăng Ni xuất gia tu học và hàng ngàn Phật tử quy y Tam bảo, thực hiện hạnh nguyện lợi tha, tu tâm hành thiện, đẹp đạo tốt đời. Ngoài trọng trách vận động tài chánh, ẩm thực cho trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, Ni viện Thiện Hòa, Thượng tọa còn nỗ lực yểm trợ cho các trường Cơ bản Phật học các tỉnh, thành tại một số đại phương, góp phần đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội và cho các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo trong cả nước.
Bằng công đức trang nghiêm Tam bảo là trang nghiêm tịnh độ của chư Phật, Thượng tọa đã kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng Bổn sư, nỗ lực vận động tài chánh trùng tu Tổ đình Ấn Quang (quận 10), chùa Long Triều (Bình Chánh), kiến thiết Đại Tòng Lâm Phật giáo (Bà Rịa-Vũng Tàu), chùa Huệ Nghiêm (Phú Lâm), chùa Dược Sư (Bình Thạnh), chùa Viên Giác (Tân Bình), chùa Phụng Sơn (quận 11) và chùa Khánh Đức (Sông Bé), làm trang nghiêm đạo tràng xứng đáng là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và Phật tử. Ngoài ra Thượng tọa còn ủng hộ công tác trùng tu, xây dựng một số lớn cơ sở tự viện tại các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước.
Nêu cao tinh thần vô ngã vị tha, từ bi cứu khổ của đạo Phật, Thượng tọa đã thể hiện tinh thần ưu thời mẫn thế, hạnh nguyện từ bi vô hạn, qua các mặt công tác từ thiện xã hội trên khắp mọi miền đất nước; nơi nào có thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, bệnh tật, đói khát là nơi đó có hình ảnh và tài vật cứu trợ của Thượng tọa. Có thể nói Ngài là biểu hiện của tình thương, là sự vui sống của người đau khổ, trong ý nghĩ và hạnh nguyện của một vị Bồ tát hiện thân.
Qua phúc đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, hạnh nguyện kỳ diệu, năng lực phi thường, Thượng tọa còn là Y chỉ sư của số đông Ni giới trị ngộ. Ngôn từ thanh nhã, cử chỉ nhẹ nhàng, tâm hồn thuần hậu, Thượng tọa đã làm tất cả người diện kiến đều được an lạc, thỏa mãn mong cầu và phước lành thêm lớn từ diệu lực thù thắng bất khả tư nghì của Phật đạo.
Ngoài ra, Thượng tọa còn dành một số thời gian để biên soạn những tác phẩm, gồm có:
-Đời sống Đức Điều Ngự.
-Xuân Vô Năng Thắng.
-Giai thoại nhà Thiền.
-Các Nghi thức tụng niệm và chúc tán.
-Khoa cúng Tổ Kiều Đàm Di Mẫu.
-Tu chỉnh Giới Đàn Ni.
-Các tập thi phú v.v...
Với tinh thần hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, hơn nửa cuộc đời phụng sự đạo pháp và nhân sinh. Thượng tọa đã được Giáo hội, Thành hội Phật giáo, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc thành phố và quận 10 tặng bằng Tuyên dương công đức, các bằng khen và giấy khen.
Từ cuối năm Giáp Tuất 1994, sức khỏe Thượng tọa kém dần theo chứng bệnh nan y, nhưng Người vẫn tỉnh giác chánh niệm an nhiên tự tại, sinh hoạt bình thường với ý niệm sinh tử nhàn nhi dĩ.
Sau một cơn bệnh tái phát, Thượng tọa đã xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 6 giờ 49 phút ngày 21 tháng 3 năm Bính Tý (nhằm ngày 8 tháng 5 năm 1996), trụ thế 41 năm, Hạ lạp trải qua 21 mùa An cư kiết Hạ.
Thượng tọa đã quảy gót về Tây vĩnh viễn, bỏ lại các pháp hữu vi giả tạm, trên đường phụng sự nhân sanh còn nhiều hạnh nguyện chưa tròn. Công đức của người đã cống hiến cho đạo pháp và nhân sinh sẽ còn được lưu mãi trong tâm tư những người con Phật và trong pháp giới viên dung vô ngại, qua những kiếp lai sinh cho đến khi chứng quả Bồ đề.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hoàn Không, thế danh Phạm Tùng Minh, sinh năm Canh Tý 1900 tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình trung nông. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Lê, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nga. Ngài là con út trong gia đình có 8 anh chị em, người anh thứ 3 của Ngài xuất gia đầu Phật từ nhỏ.
Thiếu thời, Ngài thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, thăm anh. Nhân duyên với Tam bảo buổi đầu chỉ có thế, nào ngờ câu kinh tiếng kệ đượm thắm tâm thiền, hoa giác ngộ dần dần kết nụ. Năm 20 tuổi (1919-Kỷ Mùi), rũ bỏ trần duyên, Ngài vào chùa Sắc tứ Linh Thứu (Mỹ Tho) xin xuất gia với Ngài Thiện Huệ – Giáo thọ chùa Sắc tứ.
Năm Kỷ Tỵ 1929, Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam, đến năm 1930 (Canh Ngọ), Hòa thượng kiêm trụ trì cả hai chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre) và Sắc tứ Linh Thứu, đặt trụ sở cho tạp chí Pháp Âm tại chùa Sắc tứ, và nơi đây cũng là trụ sở báo Dân Cày của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Không khí cách mạng, đấu tranh giành độc lập hòa quyện với cao trào chấn hưng Phật giáo đang bừng bừng khí thế, lôi cuốn tầng lớp thanh niên nhiệt huyết nhập cuộc và Ngài cũng tham gia cách mạng, cơ sở hoạt động đặt ngay tại chùa. Tháng 2 năm 1930, cơ sở bị mật thám Pháp phát hiện bao vây chùa. Ngài phải bỏ trốn sang Bến Tre.
Năm Giáp Tuất 1934, Hòa thượng Khánh Hòa cùng chư vị tôn túc thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, Ngài về đây nương chư Tổ để tu học. Được một thời gian, chư tôn đức cử Ngài về trụ trì chùa Long Hội (Ấp Long Thạnh, xã Huyền Hội, huyện Càng Long). Trong thời gian trụ trì ở đây Ngài luôn âm thầm giúp đỡ cách mạng, tiếp tế lương thực, thuốc men... lại bị địch phát hiện, Ngài rời chùa, ra tham gia kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Liên xã Tân An – Huyền Hội, huyện Càng Long.
Sau hiệp định Genève (1954), Ngài trở về xã Tân An, làm công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo sau chiến tranh, và trở lại cửa thiền như bản nguyện ban đầu.
Đầu năm Quý Mão 1963, Ngài được Hòa thượng trụ trì chùa Phước Thanh (xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang-Trà Vinh) mời về trợ giúp Phật sự và Ngài An cư kiết Hạ tại đây. Cuối năm 1963, Ngài được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phật Bửu, xã Huyền Hội, huyện Càng Long.
Năm Đinh Mùi 1967, chùa Phật Bửu bị chiến tranh thiêu rụi, Ngài được Giáo hội mời về chùa Phước Hòa, thị xã Trà Vinh để cùng quý tôn túc điều hành Phật học viện Phước Hòa.
Năm Nhâm Tý 1972, Ngài được chư Sơn thiền đức cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phước Thanh. Sau khóa Hạ này, Ngài được cung thỉnh ở lại nhận chức trụ trì chùa Phước Thanh.
Năm Quý Sửu 1973, uy tín và đức độ ngày một tăng cao, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ khóa An cư kiết Hạ tại chùa Phật Tâm (xã Phước Hảo).
Năm Giáp Dần 1974, Ngài lại được cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phổ Quang (xã Long Thới).
Đầu năm Ất mão 1975, Ngài được Hòa thượng Thích Hoàn Thông, Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Vĩnh Bình mời về trụ trì chùa Long Khánh, trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo tại thị xã Trà Vinh. Và cũng trong năm này, Ngài được Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Vĩnh Bình thay cho Hòa thượng Hoàn Thông bị bệnh duyên.
Năm Bính Thìn 1976, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 7. Ngài được mời dự Đại biểu chính thức đơn vị Trà Vinh. Do đường xá trắc trở, và muốn thể hiện tấm lòng vì đạo pháp của mình, Ngài đã thực hiện chuyến đi về dự Đại hội bằng xe đạp với cả ý chí ở độ tuổi 76, và Ngài đã đến đích đúng ngày khai mạc Đại hội tại chùa Ấn Quang, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.
Năm Tân Dậu 1981, Phật giáo ba miền đất nước được thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I. Sau đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh được thành lập, Ngài được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội cho đến ngày viên tịch.
Năm Canh Ngọ 1990, tuổi cao sức kém và thường hay đau bệnh, Ngài được đệ tử là Thượng tọa Thích Lệ Sỹ, trụ trì chùa Phước Thanh cung thỉnh Ngài về chùa để phụng dưỡng.
Ngày mùng 6 tháng 2 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 14 tháng 3 năm 1997, vào lúc 15 giờ 30 phút, Ngài an nhiên thị tịch tại chùa Phước Thanh, trụ thế 98 tuổi đời, với gần nửa thế kỷ dành cho đạo pháp.
Một đời đem hết tâm lực vừa phụng sự đạo pháp – vừa cống hiến cho đất nước dân tộc. Ngài là tấm gương phương tiện thể nhập tự tại, để cho Tăng bảo được trùng hưng trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tâm Minh, pháp danh Tâm Minh, pháp hiệu Thông Đạt, thế danh là Đặng Văn Tiến, sinh năm Canh Tuất-1910, tại thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học và thuần tín Phật giáo, thân phụ là cụ Đặng Văn Năm, thân mẫu là cụ Phan Thị Thanh. Ngài là con thứ hai trong gia đình.
Năm Tân Dậu 1921, như đã có căn duyên với Tam bảo từ thuở thiếu thời, nên đến năm 11 tuổi, Ngài được song thân cho phép đến xuất gia cửa Phật, theo hầu Sư tổ Thích Thông Tụng, trụ trì Tổ đình Liên Phái, phố Bạch Mai-Hà Nội. Trải qua những năm đầu khai tâm học đạo, Ngài luôn siêng năng chấp tác hành đạo, hiếu học kinh luật, nghi tắc thiền môn.
Năm 17 tuổi (Đinh Mão – 1927), Ngài được Sư tổ truyền thụ Sa di giới tại Tổ đình Liên Phái, tiếp tục trau dồi đức hạnh để tiến tu đạo nghiệp.
Năm 20 tuổi (Canh Ngọ – 1930), Ngài được đăng đàn thụ giới Cụ túc tại Tổ đình Liên Phái, do Sư tổ làm Đàn đầu truyền trao giới pháp, Sư tổ ban cho Ngài pháp tự là Thông Đạt, để chính thức bước vào hàng Tăng bảo.
Sau khi đắc pháp, Ngài nỗ lực tu hành, thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Nhận thấy Ngài có tư chất học Phật, những mong phát túc siêu phương, nghiên tầm giáo điển, nên Sư tổ đã cho Ngài đến tham học nơi chốn Tổ Bằng Sở, một đạo tràng đào tạo Tăng tài danh tiếng lúc bấy giờ do Hòa thượng Thích Trung Thứ giảng dạy. Ngài theo học nơi đây trong nhiều năm liền.
Đến năm Giáp Thân – 1944, sau 14 năm hầu cận bên Thầy, Ngài được Sư tổ cùng chư Tăng trong Sơn môn cử về trụ trì chùa Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giai đoạn này; một mặt Ngài lo hoằng dương Phật pháp, cùng với tín đồ trùng tu lại ngôi chùa cho Tăng Ni, Phật tử tu học; một mặt vận động Phật tử và nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến giành độc lập của Tổ quốc.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Ngài đã tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân vừa thành lập. Năm 1947, Ngài được bầu vào Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc huyện Khoái Châu và vận động cứu tế, quyên góp ủng hộ cho trung đội Tăng Già cứu quốc của huyện.
Từ năm này cho đến năm 1965, Ngài đã đóng góp công sức rất nhiều cho đất nước qua các công tác đảm nhiệm: Ủy viên Mặt trận Liên Xã (1949); Chủ tịch Mặt trận xã Ông Đình (1953-1955); Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Khoái Châu (1956), Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện (1962-1965); xây dựng đội Phụ lão trồng cây gây rừng trong 9 năm, trở thành lá cờ đầu của tỉnh Hưng Yên (1962), đúng như tinh thần Phật giáo: “Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Năm Mậu Thân – 1968, khi tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương hợp nhất, Ngài được chư Tăng Ni suy cử giữ chức Hội phó Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hải Hưng; đồng thời suy tôn Ngài đảm lãnh chức vị trụ trì chốn tòng lâm Côn Sơn.
Tại chùa Đông Thuần, nơi trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo ở thị xã Hải Dương. Ngài đã vận động trùng tu Tam bảo, tôn tạo chính điện, Tăng viện, trai đường trở nên khang trang tráng lệ như ngày nay.
Năm Bính Thìn – 1976, Ngài được đề bạt chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Hưng. Đồng thời, Ngài được bầu vào Hội đồng Nhân dân thị xã Hải Dương liên tiếp từ khóa 5 đến khóa 12.
Năm Tân Dậu 1981, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh vào Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giữ chức vụ Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hải Hưng.
Là một vị cao Tăng cống hiến trọn đời cho đạo pháp và dân tộc, Ngài luôn giữ truyền thống sinh hoạt Phật giáo nghiêm mật, hàng năm đều đặn tổ chức khóa Hạ an cư, trực tiếp giảng dạy cho Tăng Ni hậu học và truyền trao giới pháp cho hàng trăm giới tử được ân triêm pháp nhũ.
Là một bậc tôn sư đã dày công dìu dắt hàng ngàn môn đồ Phật tử và hàng trăm Tăng Ni, Cư sĩ; trong đó có nhiều vị đã trưởng thành, noi theo gương sáng của Ngài, bền vững đạo tâm, tinh nghiêm giới hạnh, hoằng dương chính pháp.
Thế nhưng, tuổi càng cao, xác thân tứ đại đến lúc hoàn nguyên, Ngài đã thu thần thị tịch vào lúc 13 giờ ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Sửu (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 1997), Hòa thượng trụ thế 87 năm, với 50 tuổi đạo.
---o0o---
Hòa thượng Thích Từ Huệ (Tăng tín đồ thường gọi là Sư Cả), thế danh Tạ Văn Phụng, sinh năm Canh Tuất – 1910, tại làng Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), thân phụ là cụ Tạ Văn Phi và thân mẫu là cụ Thiều Thị Nữ.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân nhân hậu có nề nếp nho phong. Thân mẫu mất lúc Ngài mới hơn 3 tháng tuổi, nên được bà nội trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Như mọi người trong cuộc sống đời thường, năm 21 tuổi Ngài vâng lời bà nội, làm tròn bổn phận người con trai là nối dõi tông đường, trả hiếu dưỡng cho gia tộc.
Năm 23 tuổi (1933), Ngài quy y thọ giới với Hòa thượng Thích Hoằng Thông – chùa Long Hội ở xã Phú Mỹ. Từ đây Ngài trải qua đời sống của người cư sĩ tu học tại gia, vừa mưu sinh phụ giúp gia đình, mà tâm niệm lúc nào cũng suy tư về lý đạo.
Năm 36 tuổi (1946), duyên lành đã đến, một buổi sáng đi chợ Mỹ Tho, tình cờ Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang đang du hành khất thực, giáo hóa độ sanh, ý tưởng xuất gia đã từ lâu ấp ủ, nay càng được thôi thúc. Trở về, Ngài bèn lập một ngôi tịnh thất ở gần nhà, để tự mình tịnh tu học đạo, cũng là cách thoát ly dần cõi đời uế trược.
Sau một lần nghe Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp tại chùa Linh Bửu, xã Phú Mỹ nhân dịp lễ Vu Lan Thắng Hội. Ngài tha thiết cầu thỉnh Tổ sư về nơi tịnh thất của mình, để ân triêm pháp nhũ, tham vấn đạo mầu. Lần gặp gỡ này là khởi điểm đầy thiện duyên cho cuộc đời đạo nghiệp sau này. Ngài trở thành một thiện nam cận sự của chùa Linh Bửu và của Tổ sư.
Hơn một năm sau, nhân duyên hội đủ, Ngài xin phép Tổ sư cho xuất gia nhập đạo, và trở thành một trong những vị Tăng xuất gia đầu tiên trong hàng đệ tử của Tổ sư. Năm ấy, Ngài tròn 37 tuổi (1947).
Bước đầu sự nghiệp tu tập, Ngài được tập sự hành đạo tại Tân An, Mỹ Tho, Gò Công rồi ngược lên Tây Ninh, Bình Dương hơn ba tháng. Sau đó, Ngài lại trở về chùa Linh Bửu để thỉnh giáo và phụng sự Tổ sư.
Năm 1948, Ngài lại được Tổ sư cho phép đi hành đạo, hóa duyên tiếp tục. Lúc ở Mỹ Tho, lúc qua Bến Tre, ban ngày khất thực, ban đêm giảng kinh thuyết pháp cho bá tánh quanh vùng. Thời gian này, các tịnh xá chưa thành lập, nên Ngài phải thường tá túc ở miễu hoang, đình vắng như hạnh Đầu đà.
Vốn xuất thân từ giai cấp bình dân, lại thêm tính tình ôn hòa, chính trực, nên đi đến đâu thuyết pháp giảng kinh, Ngài cũng thường dùng những lời lẽ bình dị, đơn giản nhưng thấm sâu vào lòng những tín đồ Phật tử đến với Ngài.
Tháng 7 năm Canh Dần (1950), Ngài được các Phật tử cúng dường một ngôi tịnh thất để an tâm tu học, hoằng pháp lợi sanh. Người có công lao trong việc dâng cúng đất cho Ngài là cô Chín Thanh, một nữ Phật tử về sau cũng xuất gia theo Tổ sư với pháp danh là Hậu Liên. Tịnh thất được thành lập với tên là Tịnh xá Mỹ Đức.
Từ đây trở về sau, Ngài hành đạo nhiều nơi và mở mang thêm nhiều đạo tràng, tịnh xá nên các tín đồ Phật tử mến mộ tài đức, quy tụ về rất đông học đạo tu tập.
Bước vào năm 1952, để thuận tiện cho việc du hóa các nơi, Ngài xin phép Tổ sư được tách giáo đoàn, lập thân hành đạo theo tôn chỉ Khất sĩ hoằng truyền giáo pháp, lợi lạc nhân sinh. Ngài được Tổ sư thuận tình hứa khả.
Đến đầu năm 1954, trong một lần ghé thăm tịnh xá Mỹ Đức (Mỹ Tho) trước khi về tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), như đã cảm nhận được nhân duyên hành đạo sắp mãn, Tổ sư đã gọi Ngài đến một bên trao lời giáo huấn nhắn nhủ: “Từ Huệ ở lại ráng tinh tấn tu học, lần này tôi đi, chắc lâu lắm mới gặp lại”, đây cũng là di huấn cuối cùng của Tổ sư trước khi ra đi mãi mãi.
Sau khi Tổ sư vắng bóng, các vị đại đệ tử chia nhau lập thân hành đạo rộng khắp hai miền Nam Trung Việt Nam. Riêng Ngài nỗ lực tu trì, hoằng dương đạo pháp theo hạnh nguyện của mình, lần lượt thành lập được các ngôi đạo tràng tịnh xá như sau:
1. Tịnh xá Mỹ Đức, Mỹ Tho vào năm 1950.
2. Tịnh xá An Đức, Bến Tre vào năm 1951.
3. Tịnh xá Bồ Đề, Mỏ Cày, Bến Tre vào năm 1951.
4. Tịnh xá Thành Đức, Thành Thới (Thơm), Mỏ Cày vào năm 1952.
5. Tịnh xá Long Đức, Trung Lương, Mỹ Tho vào năm 1969.
6. Tịnh xá Bình Phước, Hàm Luông, Bến Tre vào năm 1970.
7. Tịnh xá Ngọc Hiệp, Bình Dương vào năm 1972.
8. Tịnh xá Ngọc Chung, Tân Bình, Sài Gòn vào năm 1972.
9. Tịnh xá Ngọc Bình, Phan Thiết vào năm 1973.
10. Tịnh xá Phước Tu, Long Thành, Đồng Nai vào năm 1974.
11. Tịnh xá Trúc Lâm, Long Thành, Đồng Nai vào năm 1968.
12. Đạo tràng chùa Phước An Cổ Tự, Giồng Tre, Ba Tri, Bến Tre (do Phật tử hộ tự hiến cúng, thỉnh Ngài về hành đạo từ năm 1956).
Năm 1951, khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, Ngài được mời tham gia Giáo hội Tăng Già Nam Việt, rồi là thành viên Giáo hội Tăng Già toàn quốc. Ngài đại diện cho hệ phái Khất sĩ hòa nhập cùng Tăng Ni các tôn phái chung sức phát triển ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, tiếp nối phong trào chấn hưng trước đó.
Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập, Ngài là Thành viên Tỉnh hội Phật giáo Mỹ Tho cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Ngài quan tâm thiết thực đến đời sống tu học của các đệ tử xuất gia và tại gia, nên chủ trương “tự lực cánh sinh” đứng ra tổ chức làm ruộng, xin cấp thẻ tín đồ cho Phật tử, lo việc hoãn dịch cho chư Tăng trong những năm trước 1975.
Đặc biệt, Ngài còn thành lập nghĩa trang tại ấp Long Hưng, xã Long An, huyện Châu Thành, Mỹ Tho chôn cất miễn phí cho đồng bào, Phật tử nghèo; và xây dựng một lò thiêu cũng miễn phí tại khuôn viên chùa Pháp Bảo, dưới sự trợ giúp của Hòa thượng Pháp Lạc và Sư cô Hiếu Liên.
Đối với xã hội, Ngài thành lập Hội từ thiện tại thành phố Mỹ Tho, làm Chủ tịch danh dự của Hội, và mở phòng thuốc Nam trị bệnh miễn phí cho tất cả mọi người.
Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập từ 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước tại thủ đô Hà Nội, Ngài được mời làm Thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang.
Năm 1988, do công lao đóng góp công sức cho cách mạng trong giai đoạn kháng chiến, Ngài được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo Tòan quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong hàng đệ tử xuất gia, có những vị đã trưởng thành nối chí của Ngài trên đường phụng sự đạo pháp và dân tộc như các vị: Thượng tọa Giác Toàn (Tp. Hồ Chí Minh); Thượng tọa Huệ Tâm (Mỹ Tho); Thượng tọa Huệ Tấn, Huệ Ngộ (Bến Tre); Đại đức Minh Thuấn (Bình Dương)...
Những năm cuối đời, Ngài vẫn một lòng lo cho đạo pháp và xã hội mặc dù tuổi già sức yếu. Ngài dành hết thời gian cho việc dạy dỗ Tăng chúng, Phật tử; hốt thuốc chữa bệnh cho mọi người. Ngài biên soạn và ấn tống bộ sách “Thuốc Nam gia truyền” (trọn bộ 3 tập, dày hơn 3.000 trang), cùng ấn tống các kinh sách đọc tụng phổ thông đến các Phật tử ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Ngày 27 tháng 6 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 31.7.1997, vào lúc 12 giờ 30 phút, Ngài xả bỏ nhục thân thu thần tịch diệt, trụ thế 88 tuổi, giới lạp 50 năm.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Hào thế danh là Trương Minh Đạt, sinh ngày 15 tháng 2 năm Tân Hợi 1911 tại làng An Phú Đông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định – nay là quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Thân phụ Ngài là cụ Trương Minh Phát, hiệu Đạt Vinh, thân mẫu là cụ Đinh Thị Cang, Ngài là con một trong gia đình.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tin Phật, và như đã có sẵn hạt giống xuất trần từ nhiều kiếp, nên Ngài sớm nhận thức được cõi đời là giả tạm, thế sự phù vân, chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh. Năm 1927, Ngài xin phép song thân được xuất gia đầu Phật với Tổ Huệ Đăng nơi chùa Thiên Thai – Bà Rịa, được Tổ ban pháp danh Trừng Thanh, năm ấy Ngài vừa tròn 16 tuổi. Sau khi xuất gia Ngài đã nỗ lực tinh cần tu học, dũng mãnh vượt xa các bạn đồng môn, được Bổn sư và huynh đệ vô cùng yêu mến.
Năm Canh Ngọ 1930, Ngài được Tổ cho đặc cách thọ tam đàn Cụ túc giới tại giới đàn chùa Giác Hoằng-Bà Điểm-Hóc Môn, và được ban pháp tự Pháp Quang, pháp hiệu Thiện Hào, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Từ năm 1931 đến năm 1939, Tổ mở trường Gia giáo tại Tổ đình Thiên Thai, Ngài đã cùng với các pháp huynh: Hòa thượng Minh Nguyệt, Pháp Dõng, Pháp Lan, Minh Tâm, Pháp Hội v.v... tu học ở đây trong một thời gian gần 10 năm.
Trong thời gian tu học tại Tổ đình Thiên Thai, ngoài những thời khóa tu học, Ngài còn được gần gũi, hầu cận bên Tổ sư Huệ Đăng. Qua đó, Ngài đã nghe được nội dung những buổi tọa đàm giữa Tổ và cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Hồ Chủ tịch về tình hình đất nước. Từ ấy, Ngài đã bắt đầu có ý thức về tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, giải phóng quê hương và có dự hướng cho tương lai khi đủ điều kiện.
Năm Canh Thìn 1940, Ngài trở về quê nhà, xây dựng ngôi chùa Tường Quang tại xã An Phú Đông, do Ngài làm trụ trì và cùng Pháp huynh là Hòa thượng Pháp Dõng chung lo phát triển ngôi Tam bảo này.
Năm Ất Dậu 1945, Ngài tham gia hoạt động cách mạng khi Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ ra đời do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Hội trưởng. Kế tiếp, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định được thành lập, ban lãnh đạo gồm có Hòa thượng Bửu Đăng làm Hội trưởng, Hòa thượng Pháp Dõng làm Phó Hội trưởng, Hòa thượng Bửu Ý làm Thư ký và Ngài làm Ủy viên Kinh tài, trụ sở đặt tại chùa Tường Quang, xã An Phú Đông.
Năm Đinh Hợi 1947, do giặc Pháp càn quét, để bảo toàn lực lượng Ngài phải lánh sang chùa Long Huê-Gò Vấp, rồi đến tá túc tại chùa Thiên Phước-Cầu Kho-Sài Gòn, đồng thời được Hòa thượng Thiên Phước giới thiệu Ngài theo học tại trường Phật học Giác Nguyên ở Khánh Hội do Hòa thượng Hành Trụ chủ giảng.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài đến nhập chúng nơi trường Hạ chùa Hưng Long-Chợ Lớn, do Hòa thượng Huệ Chánh làm Chủ Hương.
Năm Kỷ Sửu 1949, Ngài được Hòa thượng Pháp sư Kiểu Lợi mời về giảng pháp tại trường Hương chùa Linh Quang – Mỹ Tho.
Năm Canh Dần 1950, uy tín lan rộng sau khóa An cư ở Mỹ Tho, Ngài được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phước Nguyên – Bến Tre và cuối năm 1950 về trụ trì chùa Bửu An – Mỹ Tho.
Năm 1951 đến năm 1954, khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, Ngài được chư Sơn thiền đức suy cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già tỉnh Mỹ Tho.
Trong thời gian hoạt động tại Mỹ Tho và Bến Tre, Ngài đã có nhân duyên hội kiến với các bậc cao Tăng thạc đức, giàu lòng cách mạng và yêu nước lãnh đạo Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Bến Tre như Hòa thượng Thái Không, Phước Chí, Thành Lệ, Niệm Nghĩa v.v...
Năm Nhâm Thìn 1952, Ngài được Hòa thượng Minh Nguyệt, Ủy viên Mặt trận Liên Việt mời dự Đại hội Liên hoan Tôn giáo Dân tộc tại chiến khu Đồng Tháp Mười và theo học chương trình 3 tháng về chính sách của Đảng Lao Động Việt Nam để tham gia công tác tôn giáo vận.
Năm Ất Mùi 1955, Ngài được tổ chức điều trở về hoạt động tại vùng Sài Gòn-Gia Định. Trở về Sài Thành, Ngài trú xứ tại chùa Giác Ngạn-Phú Nhuận.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài đã được Tăng Ni Phật tử suy cử làm Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử. Trụ sở Giáo hội đặt tại chùa Long Vân – Bình Thạnh.
Năm Kỷ Hợi 1959, chư Sơn thiền đức suy cử Ngài làm Hội trưởng Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử.
Giữa năm 1960, một cơ sở cách mạng bị lộ khiến nhiều người bị bắt, Ngài phải rời chùa Giác Ngạn lánh về miền Tây và được Hòa thượng Pháp Tràng liên lạc với tổ chức đưa Ngài vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Đồng thời năm này, Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập, Ngài được mời làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ.
Năm Tân Sửu 1961, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 1, Ngài được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Năm Nhâm Dần 1962, Ngài chủ trì Đại hội Tăng Ni tỉnh Bến Tre đạt kết quả thành công tốt đẹp.
Năm Quý Mão 1963, Ngài tham dự Đại hội Phật giáo Châu Á tại chùa Quảng Tế-Bắc Kinh. Tại Đại hội, Ngài đã tố cáo chính sách đàn áp tôn giáo của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam. Toàn thể Đại hội đã vô cùng cảm động và chú ý theo dõi lời phát biểu của Ngài, đồng thời nhiệt tình ủng hộ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại miền Nam trong đó có Phật giáo. Sau đó, Ngài đi thăm một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Đại hội Phật giáo Châu Á kết thúc, Ngài trở về Hà Nội và đến yết kiến Hồ Chủ Tịch lần đầu tiên. Một tháng sau, Ngài lên đường đi thăm các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm Giáp Thìn 1964, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 2, Ngài được tái cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm Mậu Thân 1968, tại Đại hội Quốc Dân, thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh-tỉnh Bình Long, Ngài được cử làm Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài tháp tùng phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc và yết kiến Hồ Chủ tịch lần cuối cùng.
Năm Nhâm Tý 1972, Ngài dự kiến tham gia Đại hội Phật giáo Châu Á tại Nhật Bản nhưng không thành. Sau đó, Ngài đã đi thăm một số nước: Ấn Độ, Népal, Mông Cổ và Liên Xô và trở về nước trong thời điểm hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết ở Paris.
Năm Quý Sửu 1973, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hơn phân nửa, văn phòng và nhà khách Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại Cam Lộ, Ngài được cử làm Ủy viên Thường trực để đón tiếp các phái đoàn khách quốc tế đến thăm Chính phủ và văn phòng.
Cuối năm 1973, Ngài được cử làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Tù chính trị miền Nam Việt Nam để đôn đốc việc thi hành Hiệp định Paris về tù binh.
Năm Ất Mão 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Ngài trở về thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách công tác dân vận về tôn giáo của Chính phủ. Tháng 8 năm 1975, Ngài tích cực vận động thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ tịch. Đến năm 1977, Ngài được suy cử bổ sung làm Phó chủ tịch Thường trực Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1976, Ngài là đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo châu Á lần thứ 4 được tổ chức tại Nhật Bản.
Giữa năm 1976, trong cuộc bầu cử Quốc hội chung cả nước, Ngài đã đắc cử đại biểu Quốc hội khóa VI, đồng thời được cử làm Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo Dục, Ủy viên Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội.
Cuối năm 1976, Ngài tham dự Hội nghị Hiệp thương thống nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình thành một tổ chức thống nhất là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Ngài được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ.
Năm Canh Thân 1980, Ngài được tái đắc cử làm Ủy viên Thường vụ Quốc hội.
Cùng năm, trong bối cảnh đất nước được thống nhất, giang sơn nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà, để đáp ứng nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của Tăng Ni Phật tử cả nước, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, gồm chư tôn giáo phẩm của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; Ngài được cử làm Ủy viên Thường trực của Ban vận động.
Năm Tân Dậu 1981, Ngài làm Trưởng đoàn đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại Hà Nội. Tại Đại hội, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vào năm 1982, Đại hội thành lập Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức. Ngài được Đại hội suy cử làm Phó Ban thường trực và Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban Trị sự.
Năm Giáp Tý 1984, theo sự thỉnh cầu của Ban Quản trị và Phật tử chùa Xá Lợi; Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm Ngài làm Viện chủ chùa Xá Lợi-quận 3 cho đến ngày viên tịch.
Năm Đinh Mão 1987, Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ II được tổ chức. Tại Đại hội, Ngài được suy cử làm Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày xả bỏ báo thân.
Năm Nhâm Thân 1992, tại Đại hội Phật giáo tòan quốc lần III, Ngài được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày trở về cõi Phật.
Năm Quý Dậu 1993, sau khi Giáo hội tiếp nhận cơ sở Quảng Đức, văn phòng 2 Trung ương Giáo hội được dời từ chùa Xá Lợi về trụ sở mới – Thiền viện Quảng Đức-quận 3, Ngài đã được Giáo hội bổ nhiệm làm Viện chủ Thiền viện Quảng Đức.
Trong những năm từ 1983 đến 1990, Ngài được Thành hội Phật giáo cử làm Thiền chủ các khóa Hạ do Thành hội tổ chức tại chùa Xá Lợi và Vĩnh Nghiêm để hướng dẫn chư Tăng tu học và làm Trưởng Ban chỉ đạo An cư kiết Hạ hàng năm.
Từ năm 1985, sau khi Hòa thượng Thích Minh Nguyệt viên tịch, Ngài đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Báo Giác Ngộ – Cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cho đến năm 1997.
Từ năm 1987 đến 1997, Ngài luôn được cử làm Trưởng Ban Tổ chức các Đại giới đàn do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, để truyền trao giới pháp cho Tăng Ni tu học và hành đạo.
Đối với Tổ đình Thiên Thai, Ngài đã cùng với môn hạ, Tăng Ni, Phật tử nỗ lực trùng tu ngôi Tổ đình và tái thiết ngôi Thiên Bửu Tháp, là dấu ấn của Tổ Huệ Đăng đã dày công xây dựng; công trình được thành tựu viên mãn trở thành thắng cảnh trang nghiêm, xứng đáng vị trí ngôi Tổ đình lịch sử. Qua đó hàng năm đều mở khóa An cư kiết Hạ để Tăng Ni tựu về tu học, đồng thời thành lập trường Sơ cấp Phật Học để đào tạo Tăng Ni tài đức của Phật giáo tại địa phương.
Từ năm 1981 đến năm 1996, Ngài luôn luôn là bóng cây đại thụ che mát Tăng Ni Phật tử, thường xuyên tham dự và Chứng minh các Đại hội, các Lễ hội cũng như sinh hoạt Phật sự tại các tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước, góp phần xây dựng phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.
Với công đức cao dày đã hiến dâng cho đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng các huân chương cao quý:
-Huân chương Hồ Chí Minh.
-Huân chương Độc Lập hạng Nhì.
-Huân chương Kháng Chiến hạng Nhất.
-Huy chương Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân.
Năm Bính Tý 1996, Ngài lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù cơn bệnh hoành hành, nhưng Ngài vẫn sáng suốt và nhất niệm, nhớ kỹ và nhớ rõ tất cả Phật sự, thường xuyên nhắn nhủ chư tôn Giáo phẩm, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong Giáo hội, Thành hội Phật giáo và môn hạ hãy hòa hợp đoàn kết phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam, góp phần làm tốt đạo đẹp đời.
Sức khỏe của Ngài càng lúc càng giảm dần như dầu hết, đèn tắt. Ngài xả báo thân và an tường thị tịch vào lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1997 (nhằm ngày 16 tháng 6 năm Đinh Sửu) tại chùa Xá Lợi, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Ngài trụ thế 86 năm, Hạ lạp trải qua 66 mùa An cư kiết Hạ.
Hòa thượng Thích Thiện Hào, là một hình ảnh biểu hiện trọn vẹn sự gắn bó hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc. Một chuỗi đời hành đạo hy sinh, phục vụ vị tha vô ngã, một nhân cách lớn của Tăng sĩ Việt Nam, đã thắp sáng truyền thống yêu nước, trí dũng bất khuất của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thích Giác Nhu, thế danh Phạm Văn Nên, sinh ngày Rằm tháng 11 năm Nhâm Tý (1912) tại xã Tân Thạnh Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên; nay là xã Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Hớn, thân mẫu là bà Trần Thị Tiễn, Ngài là người con thứ ba trong gia đình có 5 anh em.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân, tánh tình chơn chất thuần hậu. Năm lên 7 tuổi, Ngài được cha mẹ cho vào trường học chữ, nhưng gặp thời buổi loạn ly, nên phải nghỉ học ở nhà giúp việc đồng áng ruộng nương, đỡ đần cha mẹ.
Đến năm 18 tuổi, như có căn duyên nhiều đời nhiều kiếp, Ngài thường xuyên lui tới cảnh chùa, gặp các bậc hiền sĩ đương thời để hỏi han đạo pháp. Và đã có lần Ngài phát tâm Bồ đề xin ông bà, cha mẹ cho xuất gia cầu đạo, nhưng gia đình nhất quyết ngăn cản. Vì thế, Ngài phải vâng lời cha mẹ giữ tròn đạo hiếu làm con, và thực hành nếp sống tu tập cư sĩ tại gia.
Gần 40 tuổi đời, duyên lành Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ khai sơn hệ phái Khất Sĩ tại Việt Nam đi ngang qua hành đạo thuyết pháp, càng thôi thúc hoài vọng xuất gia từ lâu của Ngài.
Năm Nhâm Thìn 1952, được sự chứng minh của Tổ sư, Trưởng lão tri sự Giác Như làm Thầy Tế độ, thu nhận Ngài xuất gia học đạo, thọ ký pháp danh là Giác Nhu. Ngày Rằm tháng 7 cùng năm, Ngài được thọ Y Bát, giới Sa di. Hai năm sau, cũng vào ngày này, nhân đại lễ Tự tứ, Ngài được thọ Đại giới Cụ túc, làm Tỳ kheo Khất sĩ du phương hành đạo. Năm ấy Ngài 42 tuổi.
Sau khi đắc giới pháp, biết mình sức học kém cỏi, lại mỏng túc duyên cho nên mỗi ngày, buổi sáng Ngài đi khất thực hóa duyên, buổi chiều học đạo nghe kinh, buổi tối hành trì thiền định, quán chiếu tâm linh, gột rửa nghiệp căn nhiều kiếp.
Từ những năm 1954 đến 1960, khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ngài luôn luôn kề cận giúp sức đệ Nhị tổ Trưởng lão Giác Chánh và Trưởng lão tri sự Giác Như, thừa truyền dẫn dắt hành đạo suốt miền Nam, miền Trung, đến tận vùng cao nguyên hẻo lánh; và Ngài còn là một thành viên tinh tấn, đức hạnh của đoàn Du Tăng.
Trong những năm này, các Giáo đoàn Du Tăng do chư vị tôn túc đại đệ tử của Tổ sư phân công được thành lập, để đền ơn thầy Tổ, quảng bá chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của bá tánh cư gia, ở hai miền Nam-Trung và cao nguyên... Ngài được giao trọng trách làm Giáo thọ sư, trụ trì các tịnh xá đạo tràng thuộc Giáo đoàn I, ở các vùng như Long Xuyên, Thốt Nốt, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Gia Định v.v... để hoằng hóa độ sanh.
Năm Giáp Thìn 1964, do sự vận động của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Ngài và Thượng tọa Giác Tường cùng đứng đơn sáng lập viên xin phép thành lập “Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam” có pháp nhân, pháp lý mà từ khi đức Tổ sư khai sơn đến nay vẫn chưa có. Mãi đến năm 1966, mới được công nhận và ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên (1966 – 1968), Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử làm Tổng thư ký suốt ba nhiệm kỳ.
Đến năm 1972, Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam thay đổi danh xưng, Ban Trị sự Trung ương trở thành Viện Hành Đạo, Ngài giao lại cho thế hệ kế thừa và lui về vị trí Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam cho đến ngày đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất (1975).
Trong thời gian từ 1976 đến 1980, Ngài thường lui tới hành đạo ở các tịnh xá Ngọc Hương, Ngọc Quý (Vũng Tàu) và tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa).
Đầu năm Canh Thân 1980, hưởng ứng việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Viện Hành Đạo Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam đã cung thỉnh Ngài về làm Chứng minh Đạo Sư tại tịnh xá Trung Tâm, trụ sở của Giáo hội – Hệ phái.
Đầu tháng 11 năm 1981, Ngài làm Trưởng đoàn hệ phái Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam, tham dự Hội nghị Đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam, để thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị, Ngài được Ban Tổ chức cung thỉnh vào Đoàn Chủ tọa và với tư cách Trưởng phái đoàn Đại biểu hệ phái Khất Sĩ, Ngài đã ký tên vào Hiến chương, văn bản mang dấu ấn lịch sử thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Hội nghị đã đề cử Ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981-1987).
Qua nhiệm kỳ II (1987-1992) và nhiệm kỳ III (1992-1997), Ngài được Giáo hội suy tôn vào ngôi vị phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Tuổi đời, tuổi đạo của Ngài mỗi ngày mỗi tăng cao. Với tư cách là vị Đạo sư Chứng minh hệ phái Khất Sĩ Việt Nam từ trước ngày thống nhất Phật giáo Việt Nam cho đến sau này khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đa phần các giới đàn hệ phái truyền giới Tỳ kheo và Sa di đều do Ngài làm Đường đầu truyền giới pháp.
Trong gần mười năm cuối đời, mặc dù sức khỏe ngày mỗi suy yếu, nhưng tấm lòng tha thiết hộ trì, hiển dương Phật pháp nơi Ngài không hề suy giảm. Tất cả các lễ hội: An Vị Phật, Khánh thành, Trùng tu hoặc những buổi lễ truyền Bát Quan Trai giới, Tam quy Ngũ giới cho Phật tử tại gia ở các miền tịnh xá dù gần hay xa; khi được cung thỉnh, Ngài đều hoan hỷ quang lâm, trực tiếp chủ trì, truyền dạy hướng dẫn tín đồ Phật tử.
Bắt đầu qua năm 1995, sức khỏe Ngài thật sự suy yếu, Ngài phải vào bệnh viện điều trị, cho đến cuối tháng 7 năm Đinh Sửu 1997, Ngài an nhiên thị tịch lúc 10 giờ 30 phút ngày 2 tháng 10 năm 1997 (nhằm ngày mùng 2 tháng 9 năm Đinh Sửu) tại tịnh xá Trung Tâm, phường 5, quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh. Trụ thế 85 tuổi, xuất gia tu học 45 năm, Hạ lạp 43 năm.
Hòa thượng Thích Giác Nhu là một tấm gương đạo hạnh, một bậc Trưởng lão tôn túc, một người thầy khả kính đã trọn cuộc đời hoằng dương chánh pháp, lợi lạc nhân sinh.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tuệ Đăng, pháp húy Thanh Thuần, đạo hiệu Tuệ Đăng, thế danh Nguyễn Đức Nhung, sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm Đinh Mão (1927), nhằm ngày vía Phật Thích Ca xuất gia; tại làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (nay là xã Khánh Hải, huyện Tam Điệp).
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo mẫu mực, thân phụ là cụ Nguyễn Đức Du, hiệu Lạc Đạo, vừa dạy học chữ nho, vừa giữ chức sắc trong làng; thân mẫu là cụ Vũ Thị Tơ, pháp danh Diệu Từ, một lòng tề gia nội trợ, đức hạnh kiêm toàn. Ngài là người con thứ ba trong gia đình có 7 anh em.
Năm lên 6 tuổi (1932), Ngài học chữ quốc ngữ tại trường làng Yên Ninh và học thêm nho học với các cụ Đồ trong làng, với tư chất thông minh hơn chúng bạn nên Ngài đã thu thập rất nhanh. Chỉ 3 năm sau, Ngài đậu bằng Sơ học yếu lược, am tường các bộ sách Nho căn bản như Tam Tự Kinh, Ngũ Ngôn Thi, Minh Tâm Bửu Giám...
Khi vừa tròn 10 tuổi (1936), như đã có thiện duyên nhiều đời nhiều kiếp sớm phát lộ, Ngài một dạ cầu xin phụ mẫu cho phép xuất gia học đạo, noi theo lý tưởng Phật đà, ngưỡng mong giải thoát cho mình và chúng sinh.
Bước đầu học Phật, Ngài được song thân đưa đến quy y xuất gia với Hòa thượng Thích Quảng Thân, trụ trì chùa Phúc Sanh, còn gọi là chùa Bến, thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, Hòa thượng thế độ và ban pháp danh là Thanh Thuần, đạo hiệu Tuệ Đăng. Ngài dốc lòng tu học Phật và nghiên cứu nho học Tứ thư, Ngũ kinh ngày thêm sâu xa.
Năm 14 tuổi (1940), tức sau 4 năm tu Phật, Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại chùa Thanh Mai, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi đắc giới, Ngài lại được Sư cụ chùa Thanh Mai cho tiếp tục học thêm văn hóa phổ thông, đến năm 17 tuổi Ngài đã đậu bằng Thành Chung.
Năm 1944 Ngài đến tham học thiền và nho với các bậc tiền bối tại các chốn Tổ Bối Giang, Gia Xuyên (Kiến An), Chính Đại (Thanh Hóa)...
Năm 20 tuổi (1946), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chùa Đông Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương do Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Hương, làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương là Đàn đầu truyền giới. Sau đó, Ngài được Hội Phật giáo đề bạt chức vụ Giám đốc kiêm Thư ký lớp Bình Dân học vụ của Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.
Năm Canh Dần 1950, Ngài được tỉnh Giáo hội đề cử giữ chức Thư ký Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, lúc ấy Ngài được 24 tuổi.
Năm Nhâm Thìn 1952, Ngài vừa làm việc cho Giáo hội, vừa nỗ lực tu học thêm nơi chốn Tổ Chính Đại và Đồng Đắc. Cũng dịp này, Ngài cầu pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Đức Nhuận, trụ trì chùa Kim Liên, làng Đồng Đắc, tỉnh Ninh Bình (bấy giờ Hòa thượng làø Hội trưởng Phật giáo tỉnh Ninh Bình) để nương theo giới đức của Tổ và trau giồi giáo lý kinh điển.
Từ năm 1953 đến 1954, sau khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, Ngài được tiến cử giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Phật giáo Tăng Già Bắc Việt, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Ngài còn viết bài cho báo Đuốc Tuệ – cơ quan ngôn luận của Tăng Ni, Phật tử miền Bắc lúc bấy giờ.
Năm Giáp Ngọ 1954, sau hiệp định Genève, Ngài vào Nam để hoằng dương Phật pháp. Buổi đầu Ngài được một số Tăng Ni, Phật tử cung thỉnh giữ chức Giám viện chùa Giác Hoa – Gia Định.
Năm Bính Thân 1956, thể theo sự thỉnh cầu của ông bà chủ chùa Văn Thánh-Thị Nghè, Ngài về trụ trì tại đây, vừa lo Phật sự, vừa đi dạy Hoa ngữ tại trường Đức Trí (Chợ Lớn), vừa tiếp tục học hết chương trình văn hóa. Ngài thi đậu Tú tài toàn phần và năm 1958, rồi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm-Ban Hoa Ngữ năm 1962.
Năm Quý Mão 1963, Ngài cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử miền Vĩnh Nghiêm tích cực đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Diệm – Nhu cho đến ngày thành công.
Năm Giáp Thìn 1964, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài được chư tôn đức miền Vĩnh Nghiêm cử làm Giám đốc Phật học viện Vĩnh Nghiêm, và tiếp nhận chùa Kim Cương làm cơ sở Phật học viện cho Tăng Ni miền Bắc tu học (chùa này do Hòa thượng Thích Thanh Thạnh hiến cúng) Ngài đã vận động tín đồ Phật tử mua thêm đất, nhà cạnh chùa để kiến lập thành ngôi Tùng lâm thắng địa, làm cơ sở đào tạo Tăng tài.
Từ năm 1979 đến năm 1986, Ngài đã giảng dạy Phật học và Nho học ở khắp các Phật học viện trước đây như: Ấn Quang, Từ Nghiêm, Dược Sư, Vĩnh Nghiêm và ngay tại bản tự Ngài đang trụ trì. Những bộ kinh như: Kim Cương, Tứ Thập Nhị Chương kinh; những bộ luật-luận như Tứ phận luật, Thiền Lâm Bảo Huấn; Nho học như: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử... đều được Ngài giảng dạy tường tận cho các Tăng Ni, Phật tử tòng học.
Về sự nghiệp văn chương, Ngài còn là một ngòi bút xuất sắc, đóng góp nhiều bài vở như làm Bỉnh bút báo Đuốc Tuệ-xuất bản tại chùa Giác Minh (Sài Gòn) do Hòa thượng Thanh Cát làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Nghiệp làm chủ bút; và tờ Nhật báo Miền Nam do ông Trần Đình Thân làm chủ nhiệm.
Về tác phẩm, Ngài còn để lại một số biên khảo và phiên dịch:
-Kinh Vô Lượng Thọ (dịch).
-Phật học Khóa bản (biên soạn).
-Phật giáo với Khoa học (dịch).
-Tại Gia Phật Học Pháp yếu, (những bài giảng pháp).
-Nhận định và so sánh Phật giáo với Cơ đốc giáo (dịch).
-Phật giáo với văn chương Việt Nam (biên khảo).
Năm Giáp Tuất 1994, tuy tuổi già sức yếu, nhưng Ngài vẫn đáp lời cung thỉnh tham gia Ban giảng huấn, giảng dạy Tăng Ni sinh trường Cao cấp Phật Học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ-Hà Nội.
Thế nhưng, vô thường vội đến với huyễn thân tứ đại. Ngài đã an nhiên thị tịch vào sáng ngày 25 tháng 11 năm Bính Tý, tức ngày 3 tháng 1 năm 1997, trụ thế 70 năm, hành đạo 50 Hạ lạp.
Hòa thượng là một bậc tôn sư khả kính với nếp sống thanh bần lạc đạo, vô ngã vị tha. Ngài luôn lấy việc giáo dục, đào tạo thế hệ kế thừa làm sứ mạng trọng đại của đời mình, và đó là ân trọng đối với hàng hậu học mai sau khi nhớ đến bậc “ Thành nhân chi Mỹ”.
---o0o---
Hòa thượng Siêu Việt, pháp danh Ulàro Mahàthera. Ngài thế danh là Trần Siêu Việt, sinh năm Giáp Tuất (1934) tại quận Trà Bek, tỉnh Prey Veng, nước Cao Miên, thân phụ là cụ Trần Văn Lũy; thân mẫu là cụ Dương Thị Hoa. Ngài là con trưởng trong gia đình có 6 anh chị em.
Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân nhân hậu, có truyền thống đạo Phật lâu đời và lớn lên tại đất nước chùa tháp-một đất nước chọn Phật giáo làm quốc giáo. Sống trong một gia đình đạo đức, cộng thêm môi trường xã hội kính tín Tam bảo, là nguồn vốn tinh thần quý giá cho Ngài bước đến ngưỡng cửa Từ bi.
Năm 13 tuổi (1947), theo truyền thống gia tộc và tập tục đất nước Cao Miên, Ngài vâng lệnh song thân vào chùa Preypasarì làm giới tử Sa di để rèn luyện kỷ cương đạo đức làm người, ngõ hầu phục vụ gia đình, xã hội mai sau. Thế nhưng, như có túc duyên sâu dày đối với Phật pháp, Ngài quyết chí chọn đời sống xuất gia theo con đường giải thoát của đức Bổn sư.
Hơn 6 năm tinh tấn tu học, phụng Phật sự Sư tại chùa Preypasarì, Ngài thông suốt được Pàlì ngữ và Kinh Tạng Pàli, trở thành một vị Sa di có học hạnh ø khiêm cung được thầy yêu, bạn quý.
Năm 20 tuổi (1954) do tinh tấn tu học, giới hạnh trang nghiêm, nên Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới nơi Hòa thượng Tế độ Pavaraveti, và hai vị Thầy Yết ma: Dhammathera và Indathera, cùng với 21 vị Tỳ kheo chứng minh tại chùa Sirisagar, quận Tràbek. Ngài nhận pháp danh là Ulàro Bhikkhu (nghĩa là Tỳ kheo Siêu Việt).
Sau khi thọ đại giới, Ngài được Thầy tế độ giới thiệu lên thủ đô Phnôm Pênh tu học. Nơi đây, Ngài vừa trau dồi giáo lý, vừa hướng dẫn người Việt ở Cao Miên tu hành theo Nguyên thủy Phật giáo. Không bao lâu, Ngài trở thành vị Pháp sư lỗi lạc được chư Tăng Phật tử Việt Nam và Cao Miên kính trọng. Đồng thời trong giai đoạn này, Ngài hướng dẫn phái đoàn chư Tăng và Phật tử Việt-Khmer sang hành hương Ấn Độ, chiêm bái Phật tích...
Năm 1970, Ngài trở về Việt Nam cùng với Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm... truyền bá giáo lý Nguyên thủy, Ngài đem theo một bộ Tam tạng kinh bằng tiếng Pàli-Khmer và cư ngụ tại chùa Giới Minh-Thủ Đức. Bộ Tam tạng kinh này, Ngài đã cúng lại cho Giáo hội Phật giáo Campuchia (Cao Miên) khi đất nước này được hồi sinh sau quốc nạn Pôn Pốt năm 1979.
Vài năm sau, Ngài được chư Tăng Phật tử cung thỉnh về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam để điều hành Phật sự và hoằng dương giáo pháp tại đây (nay là chùa Nam Tông-Bình Chánh).
Năm 1979, do đạo học uyên thâm, đức hạnh trang nghiêm nên uy tín của Ngài vang dội không những ở Việt Nam mà còn ở đất nước Campuchia (Cao Miên). Ngài được chư Tăng tín nhiệm, thỉnh cử chức vụ Phó Tăng thống Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam, và là thành viên trong phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Bửu Chơn làm Trưởng đoàn sang Campuchia (Cao Miên) phục hồi Tăng tướng cho chư Tăng ở nước này. Đồng thời, Ngài làm Yết ma truyền giới cho 7 giới tử Tỳ kheo đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Campuchia (Cao Miên) lúc bấy giờ.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ngài được đề cử chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1982, Ngài được bầu làm Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1987, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ II, Ngài được đề cử đảm nhận liên tiếp các công việc Giáo hội giao phó như:
-Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
-Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông.
-Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
-Phó Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
-Phó Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cuối năm 1987, Ngài được Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Kỳ Viên, trụ sở Trung ương của hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam.
Năm 1988, Ngài được mời tham gia làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 1990, Ngài nhận lại thánh tích Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) về cho Phật giáo Nam Tông và được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội quyết định cử Ngài kiêm trụ trì cơ sở Phật giáo này.
Trong những năm này, Ngài làm việc Phật sự không ngưng nghỉ, lúc giảng dạy Tăng Ni tại các trường Hạ Phật giáo Bắc Tông, lúc thuyết pháp giáo lý cho các lớp học chư Tăng Nam Tông, Ngài còn hướng dẫn giáo lý cho các tín đồ Phật tử ở các tự viện như: Ấn Quang, Xá Lợi, Kỳ Viên... Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy Tăng Ni sinh trường Cao cấp Phật học Việt Nam Khóa I, cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngài cũng để tâm nâng đỡ các tu nữ trong cộng đồng Phật giáo Nam Tông. Về giáo điển, Ngài thành lập Ban Tu thư tại chùa Nam Tông và chỉnh đốn lại Tạng Vi Diệu Pháp của Hòa thượng Tịnh Sự, cũng như làm Đàn đầu Hòa thượng rất nhiều giới đàn tại chùa Kỳ Viên.
Tuổi Ngài càng cao, công việc Phật sự gánh vác càng nhiều, sự nỗ lực hy sinh cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Ngài càng thêm quý giá và đáng trân trọng. Sứ mệnh của một sứ giả Như Lai là vô tận, nhưng báo thân huyễn hóa cõi người là hữu hạn. Ngài đã dừng chân hóa đạo ở cõi Sa bà, thân thần tịch diệt tại chùa Nam Tông, vào lúc 3 giờ 32 phút ngày 2 tháng 9 năm Đinh Sửu (nhằm ngày 2 tháng 11 năm 1997), Ngài trụ thế 64 năm và được 44 tuổi Hạ.
Hòa thượng Siêu Việt – một vị cao Tăng Phật giáo Nam Tông đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp Giáo hội và lý tưởng hoằng pháp độ sanh. Ngài là một vì sao tỏa sáng trên bầu trời Phật giáo Việt Nam ở cuối thế kỷ XX.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hưng Dụng pháp danh Trừng Hóa, pháp tự Lương Bật, nối pháp đời thứ 42 dòng thiền Lâm Tế. Ngài thế danh Đào Ngọc Thố, sinh ngày mùng 8 tháng 8 năm Ất Mão 1915, tại làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Song thân là cụ ông Đào Văn Độ và cụ bà Đỗ Thị Phấn. Ngài là con trưởng trong gia đình có 6 anh em.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam bảo. Ngài lớn lên với tuổi thơ bên dòng sông Thạch Hãn, với tiếng chuông của ngôi cổ tự Linh Quang trong làng, ngôi chùa đã un đúc nên các bậc cao Tăng, chính là nhân duyên sớm thuyết phục đưa Ngài vào chốn không môn.
Năm 12 tuổi (1926), nhân đi xem lễ khánh thành chùa Linh Quang, nhìn uy phong của Ngài Tăng Cang chùa Diệu Đế là Hòa thượng Tâm Khoan về dự lễ, thiện duyên này đã đưa Ngài hướng tâm theo gót Hòa thượng. Sau khi khẩn khoản xin phép, Ngài được song thân cho rời gia đình vào Huế, đến đồi Hàm Long vào chùa Báo Quốc bái yết Hòa thượng Tăng Cang xin xuất gia học đạo.
Năm Mậu Thìn 1928, trải qua những tháng ngày hành điệu tinh cần, với bản chất đôn hậu, chất trực, Ngài được Bổn sư trao truyền Sa di giới tại Tổ đình Báo Quốc để tiếp tục tu học thiền môn kinh luật.
Năm Giáp Tuất 1934, nhận thấy Ngài có tư chất pháp khí Đại thừa, nên khi Đại giới đàn chùa Sắc tứ Thạch Sơn ở Quảng Ngãi khai mở, Hòa thượng Bổn sư cho phép Ngài được đặc cách miễn tuổi, thọ Cụ túc giới lúc 19 tuổi. Giới đàn này do Hòa thượng Hoằng Thạc làm đàn đầu truyền giới. Sau khi đắc giới, Ngài được Bổn sư trao truyền pháp kệ:
Trừng thần quán tưởng định chơn hương
Tuệ nhật Hưng Dụng đạo mạch trường
Vạn pháp bản lai chơn thị pháp
Hỏa đăng kế mỹ mích uy vương.
Từ đây, Ngài bắt đầu tham phương tu học và hành đạo nơi các đạo tràng Phật học khắp xứ kinh kỳ đang nở rộ từ phong trào chấn hưng Phật giáo, cho đến khi các trường lớp đình giáo do phong trào kháng chiến chống Pháp bùng nổ khắp nơi, khiến thực dân Pháp trở lại càn bố vì nghi ngờ chùa chiền, Tăng Ni là cơ sở của kháng chiến.
Đầu năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chính thức bùng nổ, chư Tăng cũng phải theo đồng bào đi tản cư trước sự tái chiếm của quân Pháp. Ngài trở về quê nhà tạm ở trong gia đình ẩn náu khói lửa chiến tranh, cùng phụ giúp cha già trồng tỉa ruộng vườn một thời gian. Trong tình cảnh ấy, Ngài vẫn một lòng chay tịnh giữ giới thanh nghiêm.
Cuối năm 1946, Ngài được Giáo hội Tăng Già Trung Việt cử giữ chức trụ trì Hội quán Phật học tỉnh Quảng Trị. Giai đoạn này chiến tranh ngày càng khốc liệt, nhân sự Giáo hội Quảng Trị thiếu thốn, công việc Phật sự của Ngài phải tùy duyên trước những khó khăn mọi bề. Từng bước, Ngài xây dựng hạ tầng cơ sở Giáo hội từ những vùng đồi núi cao xa như Ba Lòng, Khe Sanh đến tận các vùng duyên hải Gia Đẳng, Gia Độ... đến đâu Ngài cũng chủ trì đặt đá xây dựng Niệm Phật Đường. Từ chỗ vài chục Niệm Phật Đường trong thị xã, đã nhân rộng lên vài trăm đơn vị khắp các địa phương, tạo cho Phật giáo Quảng Trị một bộ mặt khá vững vàng sánh cùng Phật giáo các tỉnh bạn, góp phần cho sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam.
Nét nổi bật và chuyên nhất của đời Ngài là sự nhiệt tâm tinh cần, tôn trọng học hỏi với bất cứ người nào hơn mình dù lớn hay nhỏ. Không năm nào Ngài không rời trú xứ để trở về Tổ đình Báo Quốc nương tựa các bậc cao đức an cư kiết Hạ. Với hoài bão đào tạo thế hệ kế thừa, Ngài khuyến khích dìu dắt những bước đầu cho nhiều Phật tử xuất gia, khuyến hóa Phật tử hỗ trợ tài chánh cho chúng điệu được Ngài gởi theo học tại các Phật học đường ở Huế, Nha Trang. Một số vị Tăng Ni đã thành đạt như ý nguyện của Ngài.
Năm Giáp Thìn 1964, Sư huynh Ngài là Hòa thượng Thích Hưng Mãn, trú trì Tổ đình Kim Tiên viên tịch. Ngày 21 tháng 6 năm nầy, chư tôn đức trong môn phái Báo Quốc họp cung cử Ngài kế nhiệm trú trì. Dù một cảnh hai quê khó khăn, Ngài cũng tuân thủ tôn ý môn phái, dần dần giao phó Phật sự ở Quảng Trị cho đệ tử lớn là Thượng tọa Thích Chánh Trực đảm nhận, để Ngài làm tròn trách nhiệm ở Tổ đình Kim Tiên.
Năm Ất Tỵ 1965, Ngài được cung thỉnh làm Đệ thất Tôn chứng trong Đại giới đàn Vạn Hạnh tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu.
Năm Canh Tuất 1970, Ngài được cung thỉnh làm Đệ lục Tôn chứng trong Đại giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại Đà Nẵng.
Tại hai giới đàn tổ chức ở Tổ đình Báo Quốc vào năm 1977 và 1981, Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhị Tôn chứng.
Năm Mậu Thìn 1988, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê trong giới đàn Tổ đình Báo Quốc.
Năm Nhâm Thân 1992, trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ III tại Hà Nội, Ngài được cung cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc.
Ngài là vị cao Tăng đức độ khả kính, là Y chỉ sư của Tăng Ni Phật giáo Thừa Thiên-Huế cho đến khi tuổi già sức yếu. Đời Ngài là cuộc sống bình dị rất thân gần quần chúng Phật tử tại gia ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Hàng Tăng Ni đệ tử xuất gia của Ngài đã trưởng thành rất đông, nhiều vị đã đóng góp công sức tài năng cho sự nghiệp Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1998, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 12 giờ ngày mùng 7 tháng 11 năm Mậu Dần giữa tiếng niệm Phật của chư Tăng Ni Phật tử. Ngài trụ thế 84 năm, trên 70 năm tu tập với 65 Hạ lạp.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Châu, pháp danh Tâm Thật, thế danh là Hồ Đắc Cư, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 (nhằm ngày 7 tháng 11 năm Tân Mùi) tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho phong nề nếp, thuần kính Tam bảo, thân sinh là cụ ông Hồ Đắc Phách, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Cần. Song thân Ngài đều là người đức độ, hiền lương.
Tuổi còn nhỏ, Ngài đã bộc lộ sự thông minh đĩnh ngộ và có ý chí hướng thượng, khác hẳn với chúng bạn. Ngoài việc học chữ nghĩa theo trường lớp ở thế gian, Ngài còn thường xuyên lui tới Tổ đình Tây Thiên để tụng kinh và nghe quý thầy thuyết giảng giáo lý Phật đà.
Năm 1947, như đã có căn duyên túc trí sâu dày với Phật pháp, đến năm 16 tuổi, Ngài xin phép song thân phát tâm xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên, một danh Tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo, tại Tổ đình Tây Thiên Huế, được Hòa thượng thế độ, truyền giới Sa di và ban pháp danh là Tâm Thật.
Năm 1952, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ kheo tại Đại giới đàn chùa Thiên Bửu-Bình Định, dự lãnh vào hàng Tăng bảo, truyền trì mạng mạch chánh pháp của Như Lai, nối tiếp dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán thuộc đời thứ 43.
Sau đó, Ngài được Bổn sư gởi đến tham dự khóa đào tạo tại Phật học đường Báo Quốc từ năm 1948 đến năm 1958 với một căn bản về Phật học và Hán văn. Do sở học uyên bác, sở tu nghiêm mật, thêm biện tài thuyết pháp, Ngài lần lượt được cử làm giảng sư tại các tỉnh thành Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Phan Thiết và cuối cùng là Sài Gòn, nơi chùa Xá Lợi do cư sĩ Mai Thọ Truyền thân thỉnh. Các buổi thuyết pháp của Ngài thường được đông đảo đồng bào Phật tử dự nghe và tôn kính, Ngài được mệnh danh là: “Ngôi sao sáng Phật học Việt Nam” lúc bấy giờ.
Năm 1961, Ngài được Giáo hội giới thiệu du học tại Viện Đại học Phật giáo NA-landa, bang Bihar, Ấn Độ.
Năm 1963, Ngài tốt nghiệp cử nhân Pàli (Pàlyacharya); đến năm 1965, Ngài tốt nghiệp cử nhân Anh ngữ về triết học Phật giáo.
Từ năm 1965 đến năm 1967, Ngài được Đại đức Shangharahshita, người Anh, mời sang Luân Đôn làm việc cho Giáo hội Tăng già Anh Quốc và nghiên cứu tại trường Đông Phương và Phi Châu học (School of Oriental and African Studies) thuộc Viện Đại học Luân Đôn.
Năm 1967, Ngài sang Pháp tiếp tục nghiên cứu Phật học với Giáo sư André Bareau, tại Collège de France-Paris; đảm nhận chức Chủ tịch Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại, chi bộ Pháp, và hướng dẫn tu học cho Liên đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam tại Âu châu.
Ngài là một trong các vị Tăng sĩ Việt Nam hoằng pháp tại châu Âu và có đông đảo đệ tử trong giới sinh viên, trí thức, kiều bào tại Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ...
Năm 1968, song song với việc phát hành tờ báo Gió Nội do liên đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam tại Pháp đảm trách, là phương tiện đấu tranh cho Hòa bình tại Việt Nam; Ngài còn ra thêm tờ “Tôn Phật” chuyên về giáo lý phổ thông cho các Phật tử trung và cao niên. Hai tờ báo này do Ngài chỉ đạo tư tưởng và chịu trách nhiệm lưu hành.
Năm 1971, Ngài đỗ Tiến sĩ Triết học (Docteur 3è cycle – Sorbonne) với luận án “Le Traité des Trois Lois Tridharmaka Sastra”.
Năm 1972, Ngài trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).
Năm 1975, Ngài là chủ tịch sáng lập Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, phụ trách điều hành tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại và xuất bản tờ báo Hương Sen.
Năm 1977, Ngài đỗ Tiến sĩ quốc gia về Văn học và Khoa học nhân văn (Docteur d’ E’tat ès lettres et sciences humaines) với luận án “La LittérA-ture des personnalistes (PudgA-lavàdin) dans le Boudhisme ancien” tại Viện Đại học Sorbonne-Paris. Cùng năm này, Ngài và Ni sư Mạn Đà La tổ chức quyên góp xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên đất Pháp, làm một kiểu mẫu biểu tượng cho văn hóa truyền thống Việt Nam tại Pháp.
Năm 1980, Ngài khởi công xây dựng Trúc Lâm Thiền Viện, một ngôi chùa Việt Nam tại hải ngoại, với diện tích 600m2, trên sườn đồi Hoàng Vân Sơn (Villebon sur Yvette, vùng ngoại ô Paris). Một công trình kiến trúc Việt Nam, với sắc thái thanh thoát, thạch động, vườn hoa, tượng Phật lộ thiên, thật là một cảnh y báo trang nghiêm, thanh tịnh.
Từ năm 1981 đến 1998, Ngài là Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, kiêm các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế, và là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong thời gian này, Ngài vừa là Giáo sư thường được mời đi thuyết giảng tại các Viện Đại học các nước trên thế giới; vừa là Pháp sư giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, cùng tham dự các hội nghị Phật giáo quốc tế.
Những năm cuối đời, Ngài vẫn không ngừng hoạt động Phật sự, giáo hóa chúng sanh. Đệ tử tại gia trong giới trí thức của Ngài rất đông, hằng năm có trại mùa hè, mùa đông tại Pháp, Đức và các buổi đại lễ Phật giáo, có cả hàng ngàn người Việt tham dự.
Những tưởng Ngài còn trụ ở cõi đời làm ngọn đuốc trí tuệ soi sáng lâu thêm ít nữa. Nào ngờ ngày 5 tháng 10 năm 1998 (ngày Rằm tháng Tám năm Mậu Dần) vào lúc 11 giờ 30 phút, Ngài đã trở về cõi vĩnh hằng tịch tịnh tại trụ xứ Thiền viện Trúc Lâm – Paris, trụ thế 68 tuổi đời với 46 Hạ lạp.
Ngài ra đi đã để lại sự kính tiếc của hàng vạn Tăng tín đồ Phật tử trong và ngoài nước đối với một bậc thầy khả kính, trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp Phật tuệ phục vụ chúng sanh.
Di sản tinh thần của Ngài là một kho tàng tác phẩm quý báu giúp cho đoàn hậu tấn làm kim chỉ nam tu học sau này:
* Về trước tác:
-Đường về xứ Phật, viết chung với Hòa thượng Minh Châu – Sài Gòn 1964
-Nghi thức lễ Phật – 1968.
-Vài lá Bồ Đề – Paris 1972.
-Le Traité des Trois Lois, Sorbonne – Paris 1971.
-La LittérA-ture des Personnalistes dans le Boudhisme Ancien – Sorbonne 1977.
-Kinh Pháp Cú (Dhammapada) dịch từ Pàli – Paris 1980.
-Dictionnaire des Philosophies đồng soạn giả – 1988.
-Tìm đạo, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp.HCM – 1996.
-The LiterA-ture of the Personalists of larly Buddhism VBRI-–TPHCM – 1997.
-The Philosophy of the Milirdapânhâ (chưa in).
-Phật tử (đã in lần thứ 10).
* Về khảo cứu:
-Những khảo cứu quan trọng về Nghiệp và Nhân bản Phật giáo Ấn Độ cổ xưa, qua hai bộ Kinh do Ngài Huyền Trang thỉnh và dịch ra chữ Hán thế kỷ thứ VII.
-... và nhiều bài viết đăng trên Gió Nội, Hương Sen, Tập văn PGVN, Giác Ngộ...
* Về phiên dịch:
Dịch từ Sanskrit, Pàli, chữ Hán sang tiếng Việt như:
-Kinh Chuyển Pháp Luân.
-Kinh Vô Ngã Tưởng
-Kinh Từ Bi.
-Kinh Chân Hạnh Phúc
-Kinh Cửa Bại Vong
-Kinh Cảm Ứng về Niết Bàn của Phật
-Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt
-Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm
-Kinh Nhất Dạ Hiền Giả
-Tâm Kinh Đại Trí Tuệ Siêu Việt
---o0o---
Hòa thượng Thích Huyền Quý, pháp danh Trừng Châu, pháp hiệu Hoằng Huệ thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42; Ngài thế danh Dương Văn Châu, sinh năm Đinh Dậu 1897 tại xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là cụ Dương Văn Khoa, thân mẫu là bà Trần Thị Thêm, Ngài là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em.
Được sinh trưởng trong một gia đình nho học, sùng kính đạo Phật, hiếu thảo với mẹ cha, thiếu thời Ngài rất chăm học, thông thạo cả Pháp ngữ lẫn chữ Nho, Ngài thường suy tư về số phận con người và tìm hiểu về đạo học, nên lúc 20 tuổi, Ngài tự lập am tu niệm.
Năm Kỷ Mùi 1919, lúc 22 tuổi, Ngài lên Sài Gòn làm việc cho tờ báo L’Opinion của người Pháp, và tự tu pháp môn Tịnh độ trải qua 6 năm, do lúc này chánh pháp đạo Phật chưa được truyền bá rộng rãi.
Năm Canh Ngọ 1930, nhờ đọc tạp chí Từ Bi Âm, biết được Hòa thượng chùa Tuyên Linh – Bến Tre là Lê Khánh Hòa lúc này đang vận động chư tôn đức từ Nam ra Bắc để chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Quyết chí xuất gia tìm đường học đạo, Ngài đi bộ từ Gò Công qua Bến Tre tìm đến chùa Tuyên Linh xin xuất gia thọ giới Sa di với Hòa thượng Khánh Hòa, được Hòa thượng đặt pháp danh là Trừng Châu, pháp tự là Huyền Quý.
Năm Giáp Ngọ 1954, Ngài đến cầu pháp và thọ Đại giới với Hòa thượng Hải Tràng chùa Phổ Quang, Phú Nhuận, được Hòa thượng đặt pháp hiệu Hoằng Huệ.
Năm 1955 – 1956, lần lượt Ngài tham học kinh luật với Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thiện Tường qua các khóa An cư kiết Hạ tại chùa Giác Nguyên, quận 4 và chùa Vạn Thọ, quận 1, Sài Gòn.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, quận 10, Sài Gòn. Khóa học này quy tụ đại diện Tăng Ni 16 tỉnh Nam Việt tham dự, là những vị trụ trì trụ cột của Phật giáo tương lai gồm 36 vị, Ngài được cử làm Liên chúng trưởng.
Sau khi tham dự khóa đào tạo trở về, cuối năm 1957, Ngài vận động thành lập Giáo hội Tăng Già tỉnh Gò Công và được chư Sơn thiền đức cử làm Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già tỉnh Gò Công.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài được Giáo hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Phật Học – Cần Thơ, sau đó về làm trụ trì chùa Xá Lợi – Sài Gòn (mỗi khóa trụ trì là 3 tháng). Đến năm 1959, Ngài được cung thỉnh làm Phó chủ Hương kiêm Thiền chủ trường Hạ chùa Thanh Trước tại thị xã Gò Công.
Năm Canh Tý 1960, Ngài được cung thỉnh về làm trụ trì chùa Thái Bình, Gò Công. Sang năm 1961, Ngài được Giáo hội Tăng Già Nam Việt cử vào Giảng sư Đoàn đi giảng dạy ở các nơi: chùa Phật Học – Biên Hòa; chùa Phổ Quang – Phú Nhuận; chùa Thanh Trước – Gò Công; chùa Thới Hòa, chùa Giác Thiện – An Nhơn; chùa Thiên Phước – Gò Vấp v.v...
Năm Nhâm Dần 1962, nhờ uy tín và đức độ của Ngài tỏa rộng, có Phật tử tục gọi là ông chủ Sáng, hiến cúng cho Ngài ngôi nhà từ đường của ông ở Gò Công. Ngài nhận lãnh và vận động Phật tử quyên góp tu chỉnh thành ngôi chùa lấy hiệu là Liên Hoa, làm nơi tu hành và hóa đạo đồ chúng.
Sau thời kỳ pháp nạn năm 1963, đưa đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập năm 1964, Ngài được đề cử làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Gò Công. Ngài ở chức vụ này cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1975).
Năm Đinh Mùi 1967, Ngài được tỉnh Giáo hội suy cử Ngài làm Cố vấn cho Ban Giám hiệu trường Bồ Đề tỉnh Gò Công.
Năm Nhâm Tuất 1982, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Giác Sanh. Từ năm 1984 đến 1999, Ngài được Tỉnh hội Phật giáo suy cử vào Ban Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang.
Song song với việc phát huy đạo pháp, làm cho Tổ ấn trùng quang, Tông phong vĩnh chấn, Ngài còn góp nhiều công lao trong việc nỗ lực trùng tu trang nghiêm các ngôi già lam ở tỉnh nhà như: chùa Thái Bình, Tân Long, Liên Hoa, Linh Sơn, Huệ Quang, Bồ Đề... Về tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Ngài đã đào tạo giáo dưỡng thành nhân rất nhiều đệ tử xuất gia có đạo lực để tiếp nối hoằng truyền Phật đạo.
Gần nửa thế kỷ hoằng hóa độ sanh, phục vụ đạo pháp, sức khỏe của Ngài đã dần suy yếu. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 01 tháng 11 năm 1999, tức ngày 24 tháng 9 năm Kỷ Mão, Ngài an nhiên thâu thần thị tịch tại chùa Liên Hoa, trụ thế 102 năm, giới lạp trải qua 45 mùa An cư kiết Hạ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Trí Đức, pháp húy Hồng Phước, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Hai, sinh năm Kỷ Dậu – 1909 tại làng Linh Trung, huyện Thủ Đức tỉnh Gia Định, (nay là thành phố Hồ Chí Minh).
Ngài xuất thân trong một gia đình có căn lành gieo trồng Phật pháp nhiều đời, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Bồi, thân mẫu là bà Đặng Thị Khoai. Gia đình có cả thảy năm anh em, Ngài là con thứ ba, cả nhà đều có nhân duyên quy y Tam bảo với Hòa thượng Tổ pháp húy Như Bằng, trụ trì chùa Huê Nghiêm-Thủ Đức và Sắc tứ Từ Ân-Chợ Lớn.
Vốn sống trong gia đình thấm nhuần giáo lý Phật đà, nên đến năm 11 tuổi, Ngài quyết chí xin được xuất gia học Phật với Hòa thượng Tổ trụ trì chùa Huê Nghiêm.
Năm Mậu Thìn 1928, trải qua 8 năm tu tập Phật học căn bản và Nho học, năm 19 tuổi, Ngài được Bổn sư giới thiệu tòng chúng nhập Hạ và thọ giới Sa di tại chùa Giác Hoàng – Bà Điểm. Hòa thượng Bổn sư lại cho phép Ngài được cầu pháp với Hòa thượng Đạt Thanh ở chùa Long Quang – Bà Điểm, là một bậc cao Tăng thạc đức đương thời.
Tổ Long Quang nhận thấy căn khí của Ngài sau này có thể phò trì Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, nên đã tiếp nhận và giáo dưỡng. Để đáp lại công ơn, Ngài càng tinh tấn, dũng mãnh tu hành và phát nguyện năm năm nhập thất trì kinh Pháp Hoa để huân dưỡng đạo nghiệp.
Năm Giáp Tuất 1934, đến khi 25 tuổi, Ngài được Tổ cho phép thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Bảo An, Bến Gỗ-Biên Hòa. Trên bước đường tìm cầu tham học các bậc cao Tăng thạc đức, Ngài lại có phước duyên được Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai-Bà Rịa truyền cho pháp lạy Ngũ hối () và trì chú Chuẩn Đề.
Năm Ất Hợi – 1935, Ngài về trụ trì chùa Từ Ân, xã Phước Long, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Nơi đây, Ngài được dân chúng địa phương quý mến khâm phục, quy ngưỡng tài chẩn mạch hốt thuốc, chữa trị lành bệnh cho nhiều người trong suốt mười năm.
Năm Ất Dậu – 1945, cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ, thể hiện truyền thống yêu nước bất khuất của Phật giáo Việt Nam, Ngài tham gia phong trào cứu quốc, chống thực dân Pháp với chức vụ Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc huyện Long Thành.
Năm Bính Tuất – 1946, Ngài lại thành lập chi hội Phật giáo Cứu quốc xã Phú Mỹ. Lúc này, Ngài trụ trì chùa Bửu Thiền ở núi Thị Vải, cũng là cơ sở hoạt động tiếp tế, nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng.
Đến năm Quý Tỵ 1953, nhận lời khẩn cầu của các Phật tử, Ngài về trụ trì chùa Long Nhiễu, huyện Thủ Đức. Trong thời gian giáo hóa ở trụ xứ Long Nhiễu, Ngài đã hướng dẫn Phật tử tu pháp môn Tịnh độ, mở đạo tràng chuyên niệm hồng danh đức Phật A Di Đà cầu vãng sinh cực lạc.
Năm Đinh Dậu 1957, trước sự tha thiết cầu thỉnh của Phật tử Ban hộ trì Tam bảo Tổ đình Huê Nghiêm, Ngài trở về trụ trì ngôi Tổ đình, nơi ghi dấu bước chân đầu tiên xuất gia cầu đạo của Ngài.
Đạo hạnh của một bậc chân tu đã cảm hóa Tăng Ni, Phật tử xa gần, nên mặc dù Ngài trở về dừng chân hành đạo ở Tổ đình Huê Nghiêm sau hơn 20 năm, đi tiếp độ khắp nơi, hàng Phật tử vẫn thiết tha hiến cúng cho Ngài thêm hai ngôi chùa Bửu Lộc và Phước Hưng ở Long Thành.
Năm Ất Tỵ – 1965, Ngài ra sức trùng tu hoàn tất toàn bộ Tổ đình Chánh điện, nhà Hậu, nhà Khách, Tăng xá trở thành một ngôi đại già lam khang trang, thanh tịnh, khả dĩ tiêu biểu cho một Tổ đình đã có quá trình lịch sử lâu dài trên hai thế kỷ, và cũng là nơi xuất thân của các vị Tổ từng làm rạng danh Phật giáo như Tổ Huệ Lưu.
Liên tiếp ba năm 1970 – 1971 – 1972, Ngài được chư tôn giáo phẩm cung thỉnh vào hàng Chứng minh Đạo sư và đương vi Hòa thượng truyền giới tại các giới đàn được tổ chức ở các nơi.
Năm Nhâm Tý 1972, tiếp nối công lao của thầy Tổ, Ngài lại mở rộng thêm một dãy nhà hai tầng bên cạnh chùa để làm trường Sơ Trung đẳng Phật học, mang tên Phật học viện Huệ Lưu.
Năm Ất Mão 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Ngài được mời làm cố vấn Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước huyện Thủ Đức. Đến giai đoạn chuyển sang hình thành Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức, Ngài vẫn giữ vai trò cố vấn trong hàng Chứng minh cho Ban đại diện.
Năm Đinh Mão 1987, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần II, Ngài được suy tôn là Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Mậu Thìn 1988, trong mùa Phật Đản-Phật lịch 2532, Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng trong Đại giới đàn của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang – quận 10.
Với đức tính hiền hòa, giản dị, khiêm cung... luôn luôn thể hiện trên gương mặt cởi mở, vui tươi của Ngài đã sưởi ấm tâm hồn những người được phước duyên tiếp cận, và ít ai thấy được trên gương mặt Ngài lộ vẻ bất bình, phiền muộn.
Trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, các đệ tử của Ngài nương vào sự un đúc và dạy dỗ, trở thành những vị hữu dụng cho Phật giáo, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Quảng, là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm nổi bật khác trong nếp sống tu hành của Ngài, là luôn tinh tấn gia công vun bồi đạo hạnh không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn chuyên trì kinh Pháp Hoa và lạy sám Ngũ hối.
Cơ duyên hành đạo ở cõi Ta Bà đã viên mãn, Ngài thu thần thị tịch vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 8 tháng 3 năm 1999 (tức 21 tháng Giêng năm Kỷ Mão). Ngài trụ thế 91 năm, hưởng 65 Hạ lạp.
---o0o---
Hòa thượng Thích Hoằng Tu, pháp tự Tông Tế, pháp hiệu Kim Tế, xuất gia thuộc dòng Lâm Tế, sau nối pháp đời thứ 50 dòng Tào Động.
Ngài thế danh Từ Khải Niên, sinh giờ Ngọ, ngày mùng 4 tháng Chạp năm Quí Sửu 1913 (nhằm Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 2) tại thôn Tú Thủy, làng Thang Khanh, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, thân phụ là cụ Từ Thể Nhạc, thân mẫu là bà Sô Thị. Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân, nhiều đời sùng kính Tam bảo, giàu lòng nhân ái.
Tuổi ấu thơ của Ngài sống trong bối cảnh đất nước Trung Quốc sau cuộc cách mạng Tam Dân, và lớn lên trong thời ly loạn bởi sự xâm lăng của quân phiệt Nhật chiếm đóng tỉnh Quảng Đông, nên Ngài sớm thấy rõ cảnh đời là vô thường, khổ không. Nhờ sống trong sự dạy dỗ của một gia đình thuần thành Phật đạo, Ngài có dịp gần gũi Tam bảo, thấm nhuần giáo lý từ bi, là nhân duyên để hạt giống Phật đà trong Ngài được nẩy mầm tăng trưởng.
Năm Kỷ Tỵ – 1929, lúc lên 16 tuổi, Ngài xin phép song thân đến xuất gia tại chùa Thái Bình, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, được Hòa thượng Bổn sư húy Tập Cảnh thế độ, ban cho pháp danh là Hoằng Tu, pháp tự Tông Tế, nối pháp dòng Lâm Tế. Với đức tính cần mẫn siêng năng, Ngài nỗ lực công phu học đạo với Bổn sư trong suốt sáu năm, luôn được Tăng chúng kính mến.
Năm Ất Hợi – 1935, Ngài được Bổn sư cho thọ Tam đàn đại giới tại Trấn Quốc Thiền Tự, thuộc trấn Khai Nguyên, phủ Triều Châu, do Ngài Phúc Lai Luật sư làm Hòa thượng truyền giới. Sau đó, Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Cao Tham-Đằng Tánh, được ban pháp hiệu là Kim Tế, nối pháp dòng Tào Động Chánh Tông đời thứ 50.
Năm Ất Dậu – 1945, người Trung Quốc ở hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến di cư sang Việt Nam lập nghiệp làm ăn khá đông, nhất là tập trung ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Cùng theo đó, là nền văn hóa tín ngưỡng bản địa Đền, Từ, Miếu, Phủ được lần lượt kiến tạo ở các cộng đồng dân cư người Hoa. Dần dà, cuộc sống ổn định và trù phú, nhu cầu về tôn giáo được phát triển lên, Phật giáo Hoa Tông được mời từ Trung Quốc sang để hoằng hóa đáp ứng nhu cầu những Hoa kiều ở đây.
Năm Đinh Hợi – 1947, nhận được lời thỉnh cầu của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn, Ngài là một trong số bốn Tăng sĩ Trung Quốc sang Việt Nam thời kỳ đầu tiên: Thanh Thuyền (1944); Diệu Duyên; Lương Giác; Hoằng Tu (1947). Lúc đầu mới sang, các Ngài đều ở tạm nơi Quan Âm Miếu, cũng là Hội quán Phúc Kiến nằm trên đường Lão Tử-Chợ Lớn.
Các Ngài thấy vùng đất này có đủ nhân duyên phát triển Phật giáo lâu dài, nên mỗi vị mỗi hướng tìm nơi tạo lập chùa cảnh để hoằng hóa lợi sanh và tu hành giải thoát. Hòa thượng Thanh Thuyền lập chùa Nam Phổ Đà; Hòa thượng Diệu Duyên lập chùa Thảo Đường; Hòa thượng Lương Giác lập chùa Quan Âm Tử Trúc Lâm; còn Ngài chọn khu đất vốn là vườn rau Bình Thới, quận 11-Chợ Lớn, lập một am nhỏ bằng nhà sàn, làm nơi dừng chân tu hành suốt 10 năm trường, sống đời đạm bạc của bậc chân tu thạc đức.
Năm Đinh Dậu – 1957, với sự thỉnh cầu và ủng hộ của đàn na tín chủ khắp nơi trong cộng đồng người Hoa, Ngài đứng ra khai sáng và tạo dựng ngôi Tam bảo Từ Ân Thiền Tự, một phạm vũ trang nghiêm tráng lệ của Phật giáo Hoa Tông mà Ngài dành trọn cuộc đời vừa tu hành vừa xây dựng, phải mất 35 năm để hoàn thành tâm nguyện. Chùa được hoàn thành vào ngày mùng 4 tháng Chạp năm Canh Thân 1992, và cũng là lần sinh nhật thứ 79 của Ngài.
Trong sự nghiệp tiếp Tăng độ chúng, Ngài đã đào tạo nhiều vị đệ tử xuất chúng phụng sự cho hệ phái Phật giáo Hoa Tông và trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam như: Hòa thượng Duy Lực, Duy Nhật, Ngộ Chân...
Về công hạnh, Ngài là một bậc cao Tăng giàu lòng từ mẫn, vô ngã vị tha trong công tác từ thiện. Hầu hết các ban, hội, phong trào cứu tế, cứu trợ, đều được Ngài chứng minh, kêu gọi lòng hảo tâm của tín đồ người Hoa, và tự mình Ngài toàn sức toàn ý ủng hộ giúp đỡ.
Bằng kinh nghiệm trong cả cuộc đời tu hành của mình, Ngài đã trích dẫn những ý chỉ tâm đắc biên soạn thành tập sách “Thiền môn Chư kinh Yếu chỉ” (cảo bản), mà mãi đến sau khi Ngài khuất bóng mới tìm thấy trong hành trang để lại.
Từ năm 1993 đến năm 1997, Ngài được suy cử làm Chứng minh Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trải qua 2 kỳ đại hội lần IV và lần V.
Năm Đinh Sửu 1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ V ở thủ đô Hà Nội, Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Năm Kỷ Mão 1999, cảm thấy tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh duyên, vô thường sắp đến, Ngài phó chúc việc Tam bảo lại cho môn đồ trông nom điều hành Từ Ân Thiền Tự. Ngài lui về nhập thất hành trì tịnh nghiệp, cùng dưỡng bệnh đợi ngày mãn duyên.
Vào lúc 18 giờ ngày 30 tháng 7 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 9 tháng 9 năm 1999), Ngài nhẹ nhàng xả bỏ báo thân, thân thần về cõi tịch tịnh, trụ thế 87 mùa đông, giới lạp 64 mùa hạ. Môn đồ pháp quyến trà tỳ nhục thân, xây Bảo tháp tôn thờ trong khuôn viên Từ Ân Thiền Tự.
Cuộc đời tu hành của Hòa thượng thật đơn sơ mà đức độ, thế nhưng việc làm mà Ngài để lại là công đức vô cùng: một đời kiến tạo nên ngôi Từ Ân Thiền Tự trang nghiêm tráng lệ còn mãi với đời, cùng dấu ấn lớp người đầu tiên hoằng khai Phật giáo Hoa Tông tại miền đất này và tỏa rộng muôn nơi.
---o0o---
Hòa thượng Thích Trí Đức, pháp danh Hồng Phương, pháp hiệu Huệ Phước, pháp húy Chơn Bảo, nối dòng Lâm Tế đời thứ 40, thế danh là Nguyễn Thuần Nam, sinh năm Ất Mão (1915) tại Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, sau dời về xã Vĩnh Hưng, nay thuộc huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thuần Hậu, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thanh.
Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em, với truyền thống nho phong nề nếp. Năm lên 8 tuổi, cha lìa trần. Ngài theo mẹ vào chùa Châu Viên (xã Châu Thới – Bạc Liêu) làm lễ kỳ siêu cho hương linh thân phụ; tiếng mõ, hồi chuông, câu kinh, lời kệ làm Ngài từ đó tâm niệm muốn xuất gia và được Hòa thượng cho thọ tam quy, pháp danh là Hồng Phương.
Năm 10 tuổi, đạo tâm càng phát, Ngài được mẹ cho phép thế phát xuất gia tại chùa Châu Viên và được Hòa thượng Bổn sư trụ trì húy Tâm Viên, tự Ngộ Chỉ thu nạp làm đệ tử.
Sau 3 năm chấp tác, phụng Phật sự Sư, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đi tham học với Hòa thượng Giác Thiên (Sài Gòn) một năm và sau đó tham học nơi Hòa thượng Phổ Huệ – người kế tục trụ trì chùa Châu Viên. Còn Hòa thượng Bổn sư chuyển về chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) để hoằng hóa độ sanh. Lúc ấy, tuy là thị giả nhỏ tuổi, nhưng Ngài đã tỏ rõ tư cách đạo phong khả kính, được cử làm trưởng tràng trong số huynh đệ môn sinh, và được Hòa thượng Phổ Huệ ban cho pháp hiệu là Huệ Phước.
Năm Quí Dậu (1933), Ngài thọ giới Sa di tại chùa Vĩnh Hòa và được Hòa thượng Phổ Huệ (chùa Châu Viên) gởi đi y chỉ nơi Hòa thượng Quảng Sơn chùa Giác Hoàng (Bà Điểm). Hai năm sau, Ngài đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Giác Lâm (Phú Thọ) do Hòa thượng Hoằng Nghĩa làm Đường đầu truyền giới (Ất Hợi – 1935).
Từ đó, Ngài vân du tham học và hành đạo, đầu tiên Ngài ở chùa Giác Linh (Tân Hòa-Sa Đéc) một năm. Nơi đây, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của đại thí chủ là bà Ban Xoàn để chứng minh chủ trì khai hội Pháp Hoa.
Năm Mậu Dần 1938, Ngài trở về chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) và được Hòa thượng Bổn sư Thích Tâm Viên truyền pháp ấn, ban pháp húy là Chơn Bảo và dự vào hàng Đệ tứ Tôn chứng tại trường Hương của chùa. Năm sau, Ngài xin phép Bổn sư đi trùng tu chùa Long Phước, nay thuộc xã Hội An Đông (Đồng Tháp) và làm trụ trì nơi này.
Năm Tân Tỵ 1941, Ngài được tứ chúng đề cử làm Giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Phước Hội, xã Hội An (An Giang).
Từ năm 1945 đến 1954, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến, một mặt vừa tu học, hoằng dương đạo pháp, một mặt Ngài tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngài là Ủy viên Ban vận động phong trào Phật giáo Cứu quốc tỉnh Long Châu Sa. Sau đó, Ngài được cử làm Chủ tịch Liên Việt huyện Lấp Vò; do vì lấy trụ xứ chùa Long Phước làm cơ sở hoạt động cách mạng, nên đã bị thực dân Pháp và tay sai hai lần đốt phá chùa.
Năm Canh Dần 1950, Ngài được cử làm Tuyên luật sư tại Đại giới đàn Phước Hòa Ni Tự (Thốt Nốt, An Giang).
Năm Giáp Ngọ 1954, Ngài làm Giáo thọ sư tại trường Hương chùa Khánh Sơn (Sóc Trăng).
Năm Tân Sửu 1961, thể theo di chúc của Hòa thượng Bổn sư, Ngài được cử làm Phó trưởng tử, truyền đăng đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế, kế thế tông môn, nối truyền Tổ ấn làm trụ trì chùa Vĩnh Hòa (Bạc Liêu) cho đến ngày viên tịch.
Năm Nhâm Dần 1962, Ngài được cử làm Yết ma A Xà Lê tại giới đàn chùa Vạn Phước (Sóc Trăng) và là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già quận Vĩnh Lợi (lúc đó còn thuộc tỉnh Sóc Trăng).
Năm Giáp Thìn 1964, Ngài được suy cử làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu cũ, liên tục các nhiệm kỳ đến năm 1976. Trong những năm này, Ngài tích cực hoạt động trong Phật sự và ngoài xã hội, Ngài sửa sang, kiến thiết lại chùa Vĩnh Hòa, xây dựng thêm Tăng xá làm nơi tu học cho Tăng Ni Phật tử. Ngoài ra, hàng năm khai giảng các khóa An cư kiết Hạ, khai đàn truyền giới, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Năm Ất Tỵ 1965, song song với việc hoằng pháp tại trụ xứ, Ngài còn ứng cơ độ thế, lập ký nhi viện, trường mẫu giáo Vĩnh Hòa. Năm 1968, sáng lập trường Trung học Bồ Đề giáo dục học sinh theo tinh thần “trí đức dũng nhân” của đạo pháp và dân tộc.
Vào các dịp lễ truyền thống Phật giáo lớn như Vu Lan, Phật Đản, tết Nguyên đán, Ngài còn đi thăm viếng ủy lạo các trại tập trung cải huấn tỉnh Bạc Liêu đa phần là tù chính trị trước giải phóng, và các bệnh viện, trại dưỡng lão, cô nhi... thể hiện tấm lòng Từ bi cứu khổ của một vị Bồ tát giáo hóa chúng sanh.
Năm Tân Hợi 1971, Ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn chùa Quan Âm (Cà Mau) do Giáo hội tổ chức và hàng năm được mời dự vào hàng Tam sư truyền giới tại giới đàn các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Năm Quý Mão 1973, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Từ năm Canh Ngọ 1990, dù tuổi cao sức yếu nhưng khi Giáo hội cần cầu, Ngài vẫn hoan hỷ nhận nhiệm vụ Chứng minh Ban trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải, kiêm chánh đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu.
Năm Đinh Sửu 1997, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức Ngài được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Đầu năm Kỷ Mão 1999, nhận thấy tứ đại suy yếu trần duyên sắp mãn, Ngài đã cho họp tứ chúng công bố đề cử Ban trưởng tử kế thừa truyền đăng tông môn chùa Vĩnh Hòa và dặn dò, nhắc nhở chúng thường trụ tinh tấn tu trì, đóng góp cho đạo pháp và dân tộc nhiều hơn.
Ngày 26 tháng 5 năm Kỷ Mão, nhằm ngày 09 tháng 6 năm 1999, vào lúc 19 giờ, Ngài đã an nhiên thị tịch trong sự kính tiếc của môn đồ pháp quyến và toàn thể Giáo hội địa phương. Ngài trụ thế 84 tuổi đời, với 64 Hạ lạp.
Hòa thượng Thích Trí Đức là một bậc cao Tăng thạc đức, giới hạnh uy nghi, phúc tuệ vẹn toàn. Ngài là Tôn chứng sư tại các Đại giới đàn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... ấn chứng thọ giới cho biết bao giới tử, môn đồ phục vụ cho đạo pháp và dân tộc cho đến nay. Cả cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, công hạnh viên minh thật đáng để hàng hậu tấn noi gương, và ghi nhớ một bậc danh Tăng đức độ của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX.
---o0o---
Hòa thượng Thích Tâm Thông, thế danh là Nguyễn Văn Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm Bính Thìn – 1916 tại thôn An Ninh, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngài là con thứ hai của một gia đình có truyền thống lễ giáo và kính tín Tam bảo, nên đã sớm chịu ảnh hưởng cuộc sống thiền gia thanh đạm.
Năm Tân Mùi – 1931, lúc 15 tuổi, Ngài xin phép từ biệt song thân xuất gia đầu Phật, đến cầu pháp với Sư tổ Thích Thanh Lịch trụ trì chùa Lam Cầu, tỉnh Hà Nam. Sư tổ xét thấy Ngài có tư chất thông minh, tính tình hòa nhã, diện mạo khôi ngô nên đã hứa khả.
Năm Giáp Tuất – 1934, sau ba năm tu học, Ngài được thụ giới Sa di tại giới đàn chùa Đông An, huyện Xuân Thủy, do Tổ sư Thích Quảng Lãm làm Hòa thượng Đàn đầu.
Năm Kỷ Mão – 1939, Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, trụ sở Hội Phật giáo, cùng với 50 vị giới tử khác trúng tuyển sau kỳ khảo hạch giới đàn về lễ sám 21 ngày do Hòa thượng Thích Tố Liên làm chủ sám. Trong giới đàn này, sư tổ Trung Hậu là Hòa thượng Đàn đầu cùng chư vị giới sư cao thiền thạc đức trong các sơn môn lớn ở miền Bắc chứng đàn. Từ đây Ngài thực sự dự vào hàng Tăng bảo, là Sứ giả của đức Như Lai với trọng trách: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.
Sau khi thụ đại giới, với đức tính khiêm cung, chăm chỉ hiếu học, Ngài đã tu học ở các chốn Tổ Tế Xuyên (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), trường Phật học Quán Sứ – Hà Nội, chốn Tổ Trung Hậu, chốn Tổ Cao Phong (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Cồn (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Ở đâu Ngài cũng được thầy thương, bạn mến bởi sự hiền hòa, chân thật, nghiêm trì giới luật.
Năm Nhâm Ngọ – 1942, Ngài được Hội Phật giáo Chấn hưng cử vào Huế tu học tại Phật học đường Báo Quốc-Huế. Đến năm 1945 lại trở về chùa Quán Sứ – Hà Nội, bắt đầu dấn bước trên con đường phụng sự đạo pháp-dân tộc.
Năm Bính Tuất – 1946, Ngài về chùa Lam Cầu làm Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc, tham gia công tác bình dân học vụ và cô nhi viện ở chùa Lam Cầu, huyện Lý Nhân.
Năm Đinh Hợi – 1947, Ngài bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà giam Nam Định, đến năm 1948 trốn thoát và về công tác tại chùa Cồn, nơi Tổ Tuệ Tạng trụ trì.
Năm Kỷ Sửu – 1949, giặc Pháp tiến công chiếm đánh Nam Định, Ngài lại trở về chùa Quán Sứ. Thời gian này, Ngài được Hội Phật giáo cử về chùa Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tham gia giảng dạy Phật pháp cho Tăng Ni Phật tử và vận động nhân dân tham gia cứu quốc.
Năm 1951, khi Tổ Tuệ Tạng – Thượng thủ Giáo hội Tăng Già Việt Nam nhận lãnh trụ trì chùa Vọng Cung, tỉnh Nam Định, Ngài trở về phụng sự Tổ và được giữ chức vụ Giám viện.
Với cương vị trên, Ngài luôn tinh tiến trong mọi công việc phụng sự Tam bảo, giúp dân, giúp nước, đã cùng với chư Tăng trụ xứ kế thừa đức nghiệp lớn lao của sư tổ truyền lại. Dù trải biết bao thăng trầm của đất nước Ngài luôn nghiêm trì phạm hạnh, tiến tu Tam vô lậu học, giữ gìn thanh quy môn tự như ngày chư Tổ còn tại thế.
Từ đức độ và uy tín ấy, Ngài luôn được suy cử nhiều chức vụ và tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong Phật giáo và ngoài xã hội. Năm 1959, sau khi thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ở miền Bắc, Ngài được cử làm Ủy viên Thường trực Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Nam Định và là Ủy viên Liên lạc Mặt trận Tổ quốc thành phố Nam Định.
Năm Nhâm Tý – 1972, Ngài được suy cử làm Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (miền Bắc). Cũng trong thời gian này, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, bom giặc Mỹ đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa Vọng Cung nơi Ngài trụ trì trước đây thành đống gạch vụn. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Ngài đã khuyến hóa Phật tử trong cũng như ngoài tỉnh cùng với chư Tăng trong trụ xứ dốc lòng xây dựng lại ngôi Tam bảo. Công việc tái thiết bắt đầu từ năm 1972 cho đến năm 1988 thì hoàn tất như ngày nay, và chùa Vọng Cung trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của thành phố Nam Định.
Năm Tân Dậu – 1981, tại Hội nghị thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Đinh Mão – 1987, Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài đã đảm đương chức vụ này 2 khóa cho đến Đại hội Đại biểu lần thứ IV.
Năm Kỷ Tỵ – 1989, Ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử làm Phó đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm và làm việc với Hiệp hội các tông phái Phật giáo Nhật Bản, Ngài cũng được phía bạn đón tiếp nồng hậu và kính trọng, đã để lại trong lòng Phật giáo Nhật Bản một ấn tượng đẹp đẽ về vị cao Tăng Việt Nam và thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Ngài còn có nhiều đóng góp trong công tác quốc tế của Phật giáo, đón tiếp nhiều đoàn Phật giáo quốc tế của nhiều nước đến thăm và làm việc với Phật giáo Việt Nam. Trong các buổi tiếp xúc làm việc, Ngài luôn làm cho bạn bè quốc tế hiểu được về Phật giáo Việt Nam.
Năm Canh Ngọ – 1990, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử Ngài tham dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Ulanbator – Mông Cổ. Sau hội nghị, Ngài cùng phái đoàn thăm hữu nghị Liên Xô.
Năm Quí Dậu – 1993, Ngài tham dự Hội nghị giải trừ quân bị do Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tổ chức tại Hà Nội.
Trong quá trình hoạt động Phật sự, Ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử giữ chức Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, và giữ chức Phân viện Phó Phân viện Nghiên cứu Phật học.
Ngoài việc tham gia Phật sự ở trung ương Giáo hội, Ngài còn quan tâm đến Phật giáo ở địa phương, trực tiếp làm Phó ban rồi Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh cho đến khi viên tịch. Trong Phật sự tại tỉnh nhà, Ngài cũng chăm lo đào tạo Tăng tài kế vãng khai lai bằng việc mở trường Cơ bản Phật học và trực tiếp làm Hiệu trưởng.
Trong mấy mươi năm qua, tại các khóa Hạ an cư của Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài luôn là bậc Thiền chủ mô phạm, là ngôi Chủ hạ của trường Hạ chùa Cả – trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Nam Định, bậc đạo đức khả kính của Tăng Ni Phật tử trên con đường tu thân hành đạo.
Tháng 11 năm Đinh Sửu – 1997, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài những trọng trách mà một vị sứ giả của Đức Phật phải đảm nhận, Ngài còn tham gia Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh nhiều khóa và nhiều hoạt động xã hội khác để góp phần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Để tuyên dương những công lao to lớn mà Ngài đã cống hiến, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao tặng cho Ngài: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, Bằng khen hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tuổi cao lão bệnh, Ngài đã thị tịch vào lúc 4 giờ 30 phút, ngày 25 tháng 8 năm 1999 (nhằm ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Mão) tại Hà Nội, trụ thế 84 năm, 60 Hạ lạp. Nhục thân Ngài được đưa về nhập Bảo tháp tại Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định.
Cả cuộc đời Ngài, từ buổi sơ tâm cho đến lúc hóa duyên mãn tận là một tấm gương sáng, lấy việc nghiêm trì giới luật làm thân giáo để sách tấn hàng môn đồ, Phật tử. Ngài là một trong những vị cao Tăng giới hạnh tinh nghiêm, tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hậu thế quy ngưỡng.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thiện Tín, pháp húy Nhựt Trí, pháp tự Thiện Tín, pháp hiệu Phổ Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41. Ngài thế danh Lê Văn Điệp, sanh ngày 02 tháng 02 năm Tân Dậu (1921) tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thân phụ là cụ ông Lê Văn Nghĩnh, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trừu, Ngài là người con thứ 5 trong gia đình có 10 anh em.
Song thân Ngài vốn theo nghề nông nhưng rất chú trọng đến văn hóa, nên thuở nhỏ Ngài được cha mẹ chăm lo việc học chữ một cách chu đáo. Năm lên 7 tuổi Ngài bắt đầu vào học tại trường Tiểu học Tân Thạch – Bến Tre. Sáu năm hết chương trình Tiểu học, năm 13 tuổi(1933), Ngài thi vào trường Trung học tỉnh Mỹ Tho, thi đậu nhưng do học xa, chi phí nhiều, gia đình không đủ tài chánh nên Ngài đành bỏ dở việc học.
Thuở ấy gần nhà có một ngôi chùa tên Hội Phước, Hòa thượng trụ trì là một vị cao Tăng đương thời, đạo cao đức trọng nên Tăng Ni, Phật tử gần xa quy ngưỡng về tu học rất đông. Đương cơn thất chí thấy cảnh chùa sùng thịnh thanh thoát, Ngài tìm đến những mong khuây khỏa nỗi lòng. Ngày qua ngày câu kinh tiếng kệ dần dà tỉnh thức túc duyên. Như người du tử sau bao năm tháng lìa bỏ quê nhà nay trở lại chốn cũ. Ngài đã thấy thân quen từng bờ cây, bụi cỏ, người xuất gia sao mà hiền hòa dung dị, chư Phật Bồ Tát sao mà từ bi, yêu thương, giáo pháp sao mà cao siêu mầu nhiệm, đời sống phạm hạnh sao mà nhẹ nhàng thanh thoát, Ngài thật sự cảm nhận đây chính là nhà của mình và ý hướng gắn bó đời mình với chốn này ngày càng mãnh liệt.
Cuối cùng khi thiện duyên chín muồi, Ngài xin phép gia đình cho được xuất gia, song thân tuy biết con đường này là đúng đắn nhưng nghĩ đời sống tu hành gian khổ, thương con nên không muốn cho Ngài đi tu. Thế nhưng chí đã quyết, duyên đã hội, cha mẹ Ngài dẫu cố níu kéo nhưng vẫn không sao ngăn nỗi ý hướng xuất trần của Ngài.
Năm Bính Tý 1936, lúc Ngài vừa tròn 15 tuổi, được sự chấp thuận của song thân, Hòa thượng Tổ Hội Phước đã chính thức làm lễ thế phát, truyền trao giới pháp và ban pháp danh là Nhựt Trí.
Duyên trần dứt bỏ, nẽo đạo tầm tu, Ngài nương tựa Hòa thượng Bổn sư dốc tâm nghiên cứu kinh luật, rèn trao giới hạnh. Bản tính thông minh lại thêm cần mẫn siêng năng nên chẳng bao lâu hai thời công phu khóa lễ Ngài đều làu thông, phạm tắc oai nghi thảy đều thuần thục.
Năm Kỷ Mão 1939, nhận lời cầu thỉnh của chư Ni chùa Thiên Phước, Hòa thượng Bổn sư về trụ trì chùa Thiên Phước-Tân Hương, Ngài cũng theo về đây tu học.
Năm Canh Thìn 1940, Hòa thượng khai trường Hương – trường Kỳ tại chùa Thiên Phước, Tăng Ni quy tụ về tu học có cả trăm vị. Hòa thượng làm chủ Hương, Hòa thượng Phước Tường làm Thiền Chủ, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư và Sư bà Diệu Kim (Cần Thơ) làm Pháp sư Ni giới, Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới trong đàn giới này.
Đàn giới hoàn mãn, thấy sức khỏe mình suy kém nên Hòa thượng giao chùa lại cho Ni sư Thiên Phước rồi lui về chùa Hội Phước an dưỡng. Ngài cũng theo Thầy trở lại bản tự, ít lâu sau Ngài lại xin phép Bổn sư cho đi du phương tham học.
Năm Tân Tỵ 1941, Ngài đến chùa Long An, Đồng Đế, Trà Ôn học bộ Luật Giải với Hòa thượng Khánh Anh.
Năm Nhâm Ngọ 1942, Hòa thượng Khánh Anh trụ trì chùa Phước Hậu, Trà Ôn. Ngài theo Hòa thượng về đây học bộ Di Đà Sớ Sao và Bộ Lục Ly Hiệp Thức.
Năm Quý Mùi 1943, Hòa thượng Khánh Anh dẫn chúng về Phật học đường Lưỡng Xuyên. Ngài lại theo Hòa thượng về đây tu học, ở đây Ngài được học các bộ: Bách Pháp Minh Môn Luận, Thập Thiện, Bát Đại Nhân Giác, Duy Thức đích khoa học, Lăng Nghiêm Chánh Mạch v.v... và cũng trong năm này Ngài đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đàn giới chùa Lưỡng Xuyên, lúc ấy Ngài vừa tròn 22 tuổi.
Năm Giáp Thân 1944, giặc giã, chiến tranh nổi lên khắp nơi, Phật học đường Lưỡng Xuyên phải ngừng hoạt động, Ngài trở lại Tổ đình Hội Phước.
Năm Ất Dậu 1945, Hòa thượng Bổn sư bệnh nặng phải dời về nhà Phật tử Lâm Tấn Tài ở Vang Quới – Bình Đại an dưỡng, Ngài cũng theo về đây để phụng sự, chăm sóc cho Hòa thượng, trong thời gian này, Hòa thượng sai đệ tử dựng một thảo am trong vuông đất của cư sĩ Lâm Tấn Tài để tịnh dưỡng và Hòa thượng đặt tên am là Bửu Tháp. Khi am tranh vừa hoàn tất thì Hòa thượng viên tịch. Nhục thân của Hòa thượng được nhập tháp trong khuôn viên ngôi Bửu Tháp này.
Sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã trụ lại đây suốt 12 năm để cư lư, hương khói thờ Thầy. Trong thời gian cư lư Ngài đã chánh thức biến am Bửu Tháp thành chùa và mở lớp dạy gia giáo cho Tăng Ni trẻ trong vùng, vì thế mà tiếng tăm chùa Bửu Tháp ngày càng được nhiều người biết đến, đạo tràng nhờ đó mà mỗi lúc một thêm hưng thịnh. Có một vị danh Tăng trong thời kỳ này cũng đến đây tịnh tu, đồng thời trợ duyên giáo hóa với Ngài, đó là Hòa thượng Thiền Tâm, Hòa thượng chuyên tu Tịnh độ, cất một tịnh thất gần chùa, hiển dương pháp môn niệm Phật.
Năm Đinh Dậu 1957, nhận lời thỉnh cầu của Phật tử Trần Kim Tính, Ngài về trụ trì chùa Phật Quang ở thị xã Bến Tre.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài tham dự khóa Như Lai sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn.
Năm Canh Tý 1960, Ngài trùng tu lại Tổ đình Hội Phước, do đã hư hoại sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch.
Năm Tân Sửu 1961, Hội đồng xã An Hội-tỉnh Bến Tre cúng chùa Viên Minh cho 3 vị: Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Huyền Vi và Ngài. Hai vị kia vì công tác Giáo hội nên không có mặt thường xuyên, Ngài chịu trách nhiệm thường trực trụ trì, ít lâu sau đó do nhu cầu Phật sự quá đa đoan nên Ngài thỉnh Hòa thượng Thích Hiển Pháp về làm Phó trụ trì, phụ giúp trông coi việc xây cất trường Bồ Đề.
Hoạt động Phật sự đang hồi phát triển tốt đẹp, Ngài cùng quí Hòa thượng tôn túc đang dốc hết tâm lực mở mang Phật giáo tỉnh nhà, thì kế đến năm 1963 chính quyền Ngô Đình Diệm với chế độ độc tài đàn áp Phật giáo khiến cho Tăng Ni, tín đồ phải lao đao khổ sở. Trong giai đoạn pháp nạn này, Ngài bản tính vốn hiền hòa, nhưng trước hoàn cảnh bị áp bức, chèn ép nên đã tham gia cùng Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đấu tranh đòi quyền tự do tín ngưỡng.
Năm Giáp Thìn 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ra đời, Ban Đại diện Phật giáo các tỉnh được thành lập. Ngài được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bến Tre tín nhiệm bầu làm Chánh đại diện Phật giáo tỉnh và Ngài đảm nhiệm Phật sự này suốt 3 nhiệm kỳ liền, cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm Ất Mão 1975, đất nước thống nhất, với lòng mến đạo thương đời, Ngài tích cực tham gia vào mọi công tác xã hội, đóng góp công sức tài vật cho những nhu cầu thiết thực của quần chúng và nhân dân.
Năm Đinh Tỵ 1977, Ngài được mời làm Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre.
Năm Nhâm Tuất 1982, Ngài được đề cử làm Trưởng tiểu ban Phật giáo tỉnh Bến Tre, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử liên hệ sinh hoạt Phật sự với chính quyền, Mặt trận các cấp.
Năm Kỷ Tỵ 1989, tỉnh Bến Tre thành lập Ban đại diện Phật giáo lâm thời, Ngài được bầu làm Chánh đại diện.
Năm Nhâm Thân 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre được thành lập, Ngài lại một lần nữa được Tăng Ni tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ I.
Ngài làm việc được 3 năm, đến năm 1994 sức khỏe ngày càng suy kém, thường hay đau yếu, thấy không còn đủ khả năng đảm trách Phật sự nên Ngài xin nghỉ về tịnh dưỡng và tu niệm.
Năm 1996 Ngài cho trùng tu lại Hậu tổ chùa Bửu Tháp. Sang năm 1997 Ngài được suy cử vào Ban Chứng minh Phật giáo tỉnh, đến năm 1998 Ngài trùng tu lại Tháp của Hòa thượng Bổn sư.
Ngoài những công tác Giáo hội kể trên Ngài còn Chứng minh rất nhiều Đàn giới, được thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu trong nhiều giới đàn quan trọng của Giáo hội tỉnh. Ngài cũng góp phần rất lớn trong việc đào tạo những bậc Tăng tài rường cột của Phật pháp, đệ tử xuất gia, cầu pháp với Ngài nhiều người đã thành danh hiện đang công tác cho Giáo hội tỉnh, hoặc giảng dạy ở các trường Phật học, hoặc trụ trì các tòng lâm, tự viện.
Ngài sống giản dị, không thị giả, tự mình làm tự mình ăn, không phiền lụy đến ai. Trong những năm tháng khó khăn Ngài không nỡ thọ nhận sự cúng dường của Phật tử, nên tự mình nuôi giấm, làm kinh tế để độ nhật, rồi lấy tiền đó giúp đỡ cho những người nghèo thiếu khác. Nhiều Phật tử đến thăm thấy Ngài tuổi già, đơn chiếc mà lại vất vả, thương quá không cho Ngài làm nữa. Nhưng Ngài nói: “Chúng sanh khổ thì Thầy đâu có vui; chúng sanh khó khăn, túng thiếu thì sao Thầy có thể ngồi không thọ nhận được. Thầy vốn còn khỏe, quý Phật tử cứ để cho Thầy làm. Tổ đức xưa có dạy: “Một ngày không làm thì một ngày không ăn”. Nay Thầy xét mình công đức tu hành chưa có được là bao mà lại làm phiền đến người khác Thầy thật không muốn như vậy”.
Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe rất yếu, đi lại khó khăn nhưng tinh thần Ngài vẫn luôn minh mẫn, xâu chuỗi trên tay vẫn được đều đặn lần từng hạt, từng giờ chánh niệm, nếu có ai đến thăm vẫn thấy Ngài hiền hòa, giản dị như bấy lâu, vẫn tự mình làm hết mọi việc lặt vặt không thị giả, mặc dù đệ tử của Ngài rất nhiều người tình nguyện phụng dưỡng, nhưng Ngài đều từ chối.
Tâm nguyện cuối cùng của Ngài là trùng tu lại chùa Phật Quang, bản vẽ đã xong, giấy phép đã ký chỉ còn đợi ngày khởi công, thế nhưng một sớm ngày 17 tháng 11 năm 1999, như thường lệ, sau khi điểm tâm Ngài đi tưới hoa kiểng quanh chùa, vô tình té ngã và vĩnh viễn rời xa đồ chúng, Ngài sống giản dị mà ra đi cũng giản dị, không phiền lụy đến ai.
Ngài hưởng thọ 79 tuổi, với 57 Hạ lạp – tang lễ được môn đồ pháp quyến tổ chức vô cùng long trọng nhưng cũng rất giản dị. Nhục thân Ngài nhập tháp trong khuôn viên chùa Phật Quang với sự thương tiếc của Tăng Ni Phật tử gần xa
---o0o---
Hòa thượng Thích Khế Hội, pháp danh Nguyên Chơn, tự Thiện Minh, hiệu Trí Thành; Ngài họ Nguyễn, húy Khế Hội, sinh năm Tân Dậu 1921, tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Chốn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Chữ. Song thân Ngài đều thâm tín Phật pháp, hai cụ có 7 người con, Ngài là con thứ 7 trong gia đình; tư chất thông minh, hiếu học.
Nhờ truyền thống tín ngưỡng Phật đạo trong gia đình, và nhờ Hòa thượng Phúc Hộ, một vị danh Tăng của đất Phú Yên, cũng là cậu ruột của Ngài, đã khuyến tấn hướng dẫn Ngài sơ phát tâm xuất gia từ năm 13 tuổi (1931), tại Tổ đình Sắc Tứ Phước Sơn, Đông Tròn, Phú Yên.
Sau đó, Ngài đắc duyên thọ học với Hòa thượng húy Tâm Đạo hiệu Từ Nhân, trụ trì Tổ đình Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã Tự tại thôn Phú Mỹ, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được Hòa thượng thâu làm đệ tử.
Năm 14 tuổi (1932), Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho ra Thuận Hóa tham học tại Phật học đường Báo Quốc kinh đô Huế.
Suốt mười năm miệt mài đèn sách, Ngài đã thâm nhập giáo điển cơ bản từ khóa tu học và tốt nghiệp Đại học Phật giáo tại Tổ đình Báo Quốc, Huế năm 1944. Vừa tròn 24 tuổi, Ngài đã phải ra trường vì nhu cầu cấp bách cho Phật sự. Hòa thượng Bổn sư chỉ có một mình Ngài là đệ tử xuất gia, nên Ngài phải từ giã mái trường Báo Quốc, để trở về lo báo ân Thầy Tổ.
Năm Đinh Hợi 1947, Ngài thọ tam đàn Cụ túc giới nơi Đại giới đàn tổ chức tại chùa Bảo Sơn, Đồng Tre thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, do Hòa thượng Thích Vạn Ân, trụ trì chùa Hương Tích, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, làm đàn đầu truyền giới.
Ngài đã trưởng thành trong bối cảnh Phật giáo cả nước đang trong thời kỳ chấn hưng và quốc dân đang vùng lên giành độc lập thống nhất giang sơn từ tay người Pháp thống trị. Hội Phật giáo Cứu quốc Phú Yên được thành lập và Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch của Hội.
Năm Bính Tuất 1946, Hòa thượng Chủ tịch Thích Hưng Từ xin thôi chức vụ vì lý do sức khỏe, Ngài được cử lên thay, điều hành công tác Phật sự cho đến khi Hiệp định Genève được ký.
Sau năm 1954, phong trào chấn hưng Phật giáo lại được tiếp nối mạnh mẽ khắp Trung Nam. Giáo hội Phật giáo Trung Phần ra đời, Phật giáo Phú Yên là một thành viên trong tổ chức này và Ngài là một trong nhiều tu sĩ trí thức trẻ của đất Phú Yên được giao phó nhiều trọng trách.
Song song với việc đối phó chế độ kỳ thị tôn giáo, độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, cũng như Dụ số 10... Ngài đã chuẩn bị nhân sự kế thừa cho tương lai Phật giáo Phú Yên bằng các phương án:
-Mở rộng việc tiếp Tăng độ chúng để có đội ngũ kế thừa.
-Mở trường Bồ Đề để giáo dưỡng con em Phật tử, tài bồi nhân sự để tích cực hộ trì chánh pháp sau này.
-Mở Phật học viện, gởi Tăng học sinh Phú Yên đến các trường Phật học để được đào tạo. Kết quả hôm nay nhiều vị đã thành đạt và đang giữ nhiều trọng trách chủ chốt trong Giáo hội.
Cuối năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, cuộc đấu tranh của Phật giáo thành công, dẫn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập từ năm 1964. Ngài được Đại hội đại biểu Phật giáo Phú Yên cung tôn làm Chánh đại diện Phật giáo Tỉnh hội.
Năm Tân Dậu 1981, tất cả 9 giáo phái, hệ phái Phật giáo cả nước họp tại chùa Quán sứ, thủ đô Hà Nội đồng lòng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được bầu làm Thành viên trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội.
Năm Nhâm Tuất 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Khánh ra đời, Ngài là một trong bốn vị Phó Trưởng ban Trị sự phụ trách Phật giáo cánh Bắc (Phú Yên ngày nay).
Sau khi tách tỉnh, tháng 7 năm 1989, từ nhiệm kỳ đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên được thành lập (1991) cho đến ngày viên tịch, Ngài được Đại hội Đại biểu Phật giáo khắp toàn tỉnh Phú Yên suy cử làm Trưởng ban Trị sự.
Với chức vụ đứng đầu Phật giáo tỉnh Phú Yên, Ngài được lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên suốt 3 nhiệm kỳ (từ khóa V, VI, VII).
Trong cuộc đời hoằng pháp độ sanh, Ngài đã truyền cao ngọn đuốc chánh pháp của riêng mình cho hơn 20 vị đệ tử: Thượng tọa Quảng Hiển, Quảng Phát, Quảng Đàm, Quảng Mẫn, Quảng Niệm, Quảng Định... tùy duyên phổ hóa trải dài từ vùng đất Phú Yên tới thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu... Và trùng tu, xây dựng những ngôi già lam: Bảo Tịnh, Bát Nhã, Từ Quang... thành nơi cảnh trí trang nghiêm, cơ ngơi kỳ vĩ.
Vào ngày 14 tháng 6 năm 1999, tức mùng 1 tháng 5 năm Kỷ Mão, hóa duyên đã mãn, Ngài thâu thần thị tịch, với 78 năm trụ thế, có 52 Hạ lạp.
Trên 40 năm tận tụy phục vụ đạo pháp – nhân sinh, khơi thông mạng mạch, thắp sáng nguồn thiền, công đức của Hòa thượng thật mênh mông rộng lớn, làm rạng danh Phật giáo Phú Yên cho đương thời và hậu thế.
---o0o---
Hòa thượng Thích Định Quang, pháp danh Nhựt Kiến, pháp hiệu Không Tâm, nối đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Ngài thế danh Trần Văn Chỉnh, sinh ngày 25 tháng Giêng năm Giáp Tý (1924) tại ấp Bình Phú, xã Tân Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên. Nay thuộc ấp Bình Phú Quới, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thân phụ là ông Trần Văn Sự và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Quơn. Ngài là người con thứ 7 trong một gia đình có 8 anh em, gia thế trung nông phúc hậu.
Trưởng thành trong gia phong uyên thâm về y học, nho học và có truyền thống sùng mộ Phật pháp. Song thân của Ngài đã xây dựng chùa Phước Long trên phần đất của gia tộc, duyên xưa nay gặp lại, hạt giống Bồ đề có dịp trưởng thành. Năm 1941, khi được 17 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia tại chùa Phước Long với Hòa thượng Hồng Phước, trụ trì chùa Từ Quang, được Bổn sư ban pháp danh là Nhựt Kiến, hiệu Không Tâm.
Tu học được một thời gian, Bổn sư nhận thấy đã đủ yếu tố cho thọ giới nên năm 1944, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa di tại chùa Giác Hoa, Chợ Mới, Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Sau đó, Ngài đến tham học kinh luật thiền môn và hầu cận Bổn sư tại chùa Từ Quang.
Ngài tinh tấn tu học Phật pháp, đạo hạnh trang nghiêm và để viên mãn tam đàn giới pháp, vào năm 1945, Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Giác Hoa, Chợ Mới, Long Xuyên.
Năm Mậu Tý 1948, việc tu học đang tiến triển đều đặn, hầu mong nối chí thầy Tổ thì Bổn sư của Ngài viên tịch. Trong thời điểm này, thực dân Pháp trở lại xâm lược lục tỉnh Nam kỳ, lòng người căm phẫn, những phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc nổi lên khắp nơi. Trước cảnh nước mất nhà tan và nỗi đau vắng bóng thầy Tổ nhưng không bàng quang trước thời cuộc, Ngài đã tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ.
Năm Canh Dần 1950, nhân duyên hội đủ, Ngài xin cầu pháp với Hòa thượng Chơn Thành, chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang) để được hướng dẫn trên bước đường tu học và hành đạo.
Ngài giã từ Tổ đình Từ Quang ra đi cầu học, đã trải qua các ngôi già lam như: Linh Thứu, Bình An, Phước Ân, Phong Hòa, Tân Long... bất cứ ở đâu, Ngài cũng đều phát tâm công quả, chăm sóc tu bổ những ngôi già lam mỗi ngày một khang trang hơn để đáp đền ân giáo dưỡng và ân đàn na tín thí.
Năm Đinh Dậu 1957, Ngài lên Sài Gòn tham dự khóa huấn luyện trụ trì Như Lai Sứ giả do Giáo hội Tăng Già Nam Việt tổ chức tại chùa Pháp Hội, Chợ Lớn.
Năm Kỷ Hợi 1959, lúc này Ngài 35 tuổi, được bổn đạo cung thỉnh về trụ trì chùa Huỳnh Kim, là ngôi chùa của gia tộc họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Sắc hiến cúng. Từ đây, Ngài dừng bước tại trụ xứ này để thực hiện công hạnh một đời hành đạo của mình như ước nguyện.
Với mục đích đào tạo Tăng tài, và giáo hóa Phật tử, Ngài đã không ngại gian truân, thiếu hụt trong cảnh lau cỏ hoang vu, vừa tu sửa chùa cảnh, vừa xây dựng tạm một ngôi nhà lá để có nơi tu tập, đồng thời mở phòng thuốc Nam, xem mạch bốc thuốc giúp đỡ người hoạn nạn. Một hành trạng để hướng dẫn mọi người đến với Phật pháp bằng thân giáo và tâm nguyện từ bi.
Năm Canh Tý 1960, Ngài đến y chỉ cầu pháp với Hòa thượng Minh Đức, trụ trì chùa Thiên Tôn, quận 5, Chợ Lớn, được Hòa thượng ban pháp húy là Tâm Chỉnh, hiệu Định Quang nối pháp đời thứ 43 dòng Tế Thượng Chánh Tông – thuộc môn phái Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Năm Tân Sửu 1961, Ngài khởi công xây dựng lại chùa Huỳnh Kim trên nền của ngôi chùa cũ và thêm hai dãy đông lang, tây lang, tạm hoàn thành phần cơ bản.
Sau pháp nạn 1963, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo miền Nam thành công, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã được thành lập, Ngài được Giáo hội cử đảm nhiệm nhiều Phật sự qua các chức vụ:
-Phó Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp.
-Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh Kiến thiết.
-Đặc ủy Tăng sự tỉnh Gia Định.
-Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Gia Định (nhiệm kỳ I).
Để đóng góp thiết thực cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, Ngài đã thành lập Phật học viện Huệ Quang do Ngài làm Giám viện tại chùa Huỳnh Kim, giảng dạy chương trình Sơ đẳng đến Trung đẳng Phật học chuyên khoa. Từ năm 1964 đến 1975, trường đào tạo được 3 khóa.
Năm Kỷ Dậu 1969, Ngài tiến hành xây dựng trường Bồ Đề Huệ Quang bên cạnh Phật học viện, gồm tầng trệt và tầng lầu với 10 phòng học, giành cho các lớp Tiểu và Trung học đệ nhị cấp, đệ nhất cấp. Ngài được đề cử giữ chức vụ Giám đốc trường Trung tiểu học Bồ Đề Huệ Quang cùng với Ban giám hiệu điều hành sinh hoạt nhà trường.
Năm Ất Mão 1975, đất nước thống nhất. Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập do quý Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào, Bửu Ý... lãnh đạo. Ngài được phân công là Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11, văn phòng đặt tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn.
Năm Kỷ Mùi 1979, sau khi Hòa thượng Bửu Chơn phụ trách quận Gò Vấp viên tịch, Ngài được phân công trở lại quận nhà để đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận Gò Vấp cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981.
Mặc dù có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu của thành phố sau khi thống nhất đất nước, nhưng Ngài vẫn tiếp tục mở Đạo tràng tu Bát Quan Trai và thuyết giảng Phật pháp để Phật tử có nơi nương tựa tu học, huân tập thiện căn.
Năm Nhâm Tuất 1982, tại Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất, Ngài được cử làm Ủy viên Tài chánh trong Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố trong suốt 3 nhiệm kỳ, đồng thời được Tăng Ni, Phật tử quận Gò Vấp cung thỉnh làm Chứng minh cho Phật giáo quận và tiếp theo là Chánh đại diện Phật giáo quận Gò Vấp. Trong nhiệm kỳ 4 của Thành hội Phật giáo, Ngài đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Kiểm soát và Trưởng Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Năm Canh Ngọ 1990, Ngài cùng Hòa thượng Thiện Hào-Chứng minh Ban thừa kế Tổ đình Thiên Thai, khởi công trùng tu chùa Thiên Bửu Tháp tại núi Thiên Thai – Bà Rịa và Tổ đình Thiên Tôn cùng Tháp Tổ tại Bình Khê – Bình Định, là hai di tích cuối cùng của Tổ sư Huệ Đăng. Ngoài ra, Ngài còn đứng ra vận động Phật tử góp công, góp của xây dựng lại chùa Linh Sơn Hải Hội tại phường 12. Gò Vấp do Hòa thượng Bửu Đăng khai sơn, là một Liệt sĩ có bia tháp tôn thờ tại đây.
Năm Quý Dậu 1993, Ngài đã tổ chức trùng tu Chánh điện chùa Huỳnh Kim. Nhờ công đức của Ngài và sự tùy hỷ hiến cúng của Phật tử, ngôi chánh điện chẳng bao lâu đã được hoàn thành và trang nghiêm như ngày nay.
Cuối năm 1993, sau khi trùng tu các công trình cơ sở của chùa Huỳnh Kim hoàn tất, Ngài mở lớp học tình thương tại cơ sở để giúp đỡ các cháu thiếu nhi nghèo, mồ côi không có điều kiện đến trường được thoát nạn mù chữ.
Năm Giáp Tuất 1994, Ngài được các nhà hảo tâm tài trợ học bổng hàng tháng, đủ cung cấp cho khoảng 150 cháu học sinh nghèo khó. Đồng thời ngoài các lớp học chương trình chính khóa, Ngài còn mở thêm hai lớp sinh ngữ Anh, Pháp văn và phụ cấp toàn bộ lương tháng cho giáo viên, nhân viên liên quan đến lớp học.
Lo ngày mai cho lớp trẻ có tương lai tươi sáng, Ngài cũng không quên những người tuổi già bóng xế. Cũng trong năm 1994, Ngài được chính quyền địa phương cho phép thành lập Hội Tương tế Kim Quang, với số hội viên gần 5.000 người, không phân biệt thành phần tôn giáo, nhằm tương trợ lúc về già, bằng cách tự nguyện đóng góp khi trong Hội có người từ trần.
Năm Đinh Sửu 1997, tại Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, Ngài được cử làm Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, kiêm Chứng minh Ban đại diện Phật giáo quận Gò Vấp.
Cuối tháng 11 năm 1997, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Ngài được Đại hội suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương.
Sau khi Hòa thượng Thiện Hào, Chứng minh Ban Thừa kế Tổ đình Thiên Thai viên tịch, Ngài được chư tôn đức môn hạ Tổ đình Thiên Thai suy cử làm Trưởng Ban thừa kế để duy trì và phát triển chốn Tổ.
Ngoài công việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn tham gia các công tác đoàn thể xã hội và từ thiện như: Đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ quận Gò Vấp trong nhiều khóa.
Do công đức và sự nghiệp phục vụ cho đạo pháp – dân tộc, Ngài được Nhà nước trao tặng:
-Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
-Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân.
-Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh và nhiều bằng khen của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và địa phương...
Năm Kỷ Mão 1999, Ngài kết hợp với Ban đại diện Phật giáo quận Gò Vấp, mở lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Huỳnh Kim cho trên 60 Tăng Ni sinh trong quận ghi danh theo học. Dự kiến lớp học sẽ khai giảng vào ngày 19 tháng 9 Âm lịch, nào ngờ sau một cơn bệnh, Ngài đã theo định luật vô thường, xả báo thân thu thần thị tịch vào lúc 16 giờ 30 ngày mùng 7 tháng 9 Âm lịch, nhằm ngày 15. 10. 1999 tại trú xứ chùa Huỳnh Kim, trụ thế 76 năm, Hạ lạp 51 mùa An cư kiết Hạ.
Với một đời hành đạo không biết mỏi, quyết tâm đào tạo Tăng tài cho Phật pháp, xây dựng tòng lâm Phạm vũ và phát huy lòng yêu nước trong sáng nồng nàn trước sau như một, nhất là trên cương vị một sứ giả Như Lai, Hòa thượng là một tiêu biểu cho thế hệ Tăng lữ Việt Nam ở giai đoạn thống nhất đất nước và Phật giáo ở cuối thế kỷ.
---o0o---
Hòa thượng Tăng Đức Bổn, đạo hiệu Tôn Nguyên, nối pháp thiền phái Tào Động đời thứ 53, thế dang là Tăng Đức Bổn, sinh ngày 04 tháng Giêng năm 1917, nhằm ngày 11 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, tại làng Lâm Hồ, huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thân phụ là cụ ông Hứa Thế Phương, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị. Ngài là trưởng nam trong gia đình có 2 anh em trai.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình thế gia vọng tộc, nội tổ từng làm quan của triều đình, gặp thời buổi nhiễu nhương nên treo ấn từ quan, xa lánh thế cuộc ẩn danh tu hành, nên từ nhỏ Ngài được song thân thường dẫn lên chùa thăm viếng và lễ Phật. Từ đó, Ngài đã gieo duyên Tam bảo, sẳn có hạt giống xuất trần, nên đã sớm có ý xuất gia đầu Phật.
Năm Canh Ngọ 1930, nhận thấy cảnh trần gian ảo mộng, “cuộc thế phù vân, giả huyễn vô thường”, lúc 13 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia đầu Phật, thế độ với Tổ Giác Tín – trụ trì chùa Tây Thiền – huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Tổ sư là một bậc danh Tăng trong hàng Tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ. Sau khi xuất gia, Ngài được Tổ khai đàn truyền giới Sa di. Từ đó, Ngài tinh tấn trau dồi kinh luật, hằng ngày chấp lao phục dịch thiền môn, gần gũi thầy hiền bạn tốt.
Năm Tân Mùi 1931, khi 14 tuổi, Ngài được Tổ Giác Tín cho tham học tại trường Phật học Nam Phổ Đà, một đại già lam cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến, nơi đào luyện nhân tài của Phật giáo Trung Quốc. Sau ba năm tu học tại đây, Ngài quen biết và kết thân với quý Hòa thượng Lương Giác, Thanh Thuyền, Diệu Hoa....
Năm Giáp Tuất 1934, lúc Ngài 17 tuổi thì thân phụ từ trần, còn lại thân mẫu tuổi già chiếc bóng, một mình sống tại quê nhà với bao nỗi vất vả. Để hết lòng kính dưỡng cho tròn hiếu hạnh, Ngài xin phép Bổn sư đưa thân mẫu về sống chung với Ngài tại Tây Thiền Tự, sớm hôm được gần gũi trông nom. Ngài phụng dưỡng được sáu năm thì thân mẫu qua đời.
Năm Ất Hợi 1935, Tổ Giác Tín nhận thấy Ngài là bậc pháp khí Đại thừa, xứng đáng ngôi long tượng của Phật pháp tương lai, nên quyết định cho Ngài thọ giới Cụ túc để viên mãn tam đàn giới pháp, tại giới đàn chùa Tây Thiền do Tổ sư làm Đàn đầu Hòa thượng.
Từ năm 1936 đến 1940, với hoài bão “hoằng pháp vi gia vụ”, Ngài dành hết tâm trí phụ giúp Tổ sư liên tiếp khai mở các lớp gia giáo Phật học để đào tạo Tăng tài, kế truyền mạng mạch Như Lai, được Tổ sư giao cho chức vụ Chánh Đô Giám, quản lý việc sinh hoạt tu học của 1200 Tăng chúng trong chùa.
Năm Đinh Sửu 1937, xảy ra cuộc chiến tranh Trung – Nhật và sau đó là nội chiến ở Trung Quốc. Với ý nguyện “lợi sanh vi sự nghiệp”, được phép của Bổn sư, Ngài cùng các huynh đệ thành lập đội cứu tế Tây Thiền, vận động tài vật giúp đỡ nhân dân đi lánh nạn từ các vùng chiến sự.
Do cuộc chiến ngày càng kéo dài và lan rộng, nhân dân ngày càng lầm than và khổ sở, số nạn nhân cần trợ giúp ngày càng thêm nhiều, hoạt động của đội cứu tế phải phát triển mạnh mới có đủ tài vật giúp đỡ. Ngài phải bôn ba khắp nơi, tiếp xúc nhiều giới để vận động quyên góp. Những việc làm của Ngài đã khiến cho chính quyền thân Nhật lúc bấy giờ nghi ngờ để ý. Nhân có sự kiện chư Tăng môn phái Thiếu Lâm cùng Nghĩa quân nổi lên chống giặc bị thất bại, lính Nhật ra tay khủng bố hàng Tăng lữ, bắt bớ tra khảo, Ngài phải tha phương lánh nạn: năm 1943 vân du xuống vùng Sáng Dầu-Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông; đầu năm 1944 tháp tùng đoàn thuyền buôn men theo bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng của Việt Nam; tháng 12 năm 1944, Ngài đến Cù Lao Phố-Biên Hòa, một vùng đất mà 300 năm trước những cư dân người Hoa đầu tiên đến lập nghiệp và định cư. Tại đây, Ngài vận động đồng bào người Hoa xây dựng chùa Phụng Sơn.
Tháng 3 năm 1945, Ngài đến Sài Gòn và ở tại chùa Ông Bổn-Chợ Lớn, Ngài cùng các huynh đệ sớm hòa nhập vào cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam, hàng ngày giữ nếp sinh hoạt thiền gia của một hành giả Như Lai, đem giáo lý Phật đà truyền bá cho cộng đồng người Hoa sinh sống ở Sài Gòn-Chợ Lớn và các vùng lân cận.
Năm Đinh Hợi 1947, Hội đồng hương Phúc Kiến Sài Gòn kiến tạo kiến tạo nên ngôi chùa Phụng Sơn ở chợ Dân Sinh – quận Nhất, thỉnh Ngài về trụ trì, và Ngài đã dừng chân tại trú xứ tại đây cho đến cuối đời.
Năm Giáp Ngọ 1954, Hòa thượng Thanh Thuyền khởi công xây dựng chùa Nam Phổ Đà, để kỷ niệm một Đại già lam của Phật giáo Trung Quốc và cũng để có nơi tu học của chư Tăng người Hoa tại Việt Nam. Với tình pháp lữ và nghĩa đồng tông, Ngài nhận lời tham gia trong ban kiến thiết, tích cực vận động tài lực ủng hộ. Sau khi khánh thành chùa Nam Phổ Đà, Ngài được thỉnh cử vào chức Giám viện tại đây.
Năn Canh Tý 1960, Ngài hợp lực cùng Hòa thượng Diệu Hoa kiến tạo chùa Vạn Phật tại An Đông-Chợ Lớn để hoằng hóa đạo pháp tại vùng này.
Năm Giáp Thìn 1964, Ngài thành lập Ban Từ thiện Cứu tế chùa Phụng Sơn Sài Gòn, để cứu trợ giúp đỡ dân nghèo trong khu vực.
Năm Kỷ Dậu 1969, Hội đồng hương Phúc Kiến thỉnh Ngài Chứng minh cho Ban Bảo trợ Bệnh viện Phúc Kiến, sau này đổi tên là bệnh viện Nguyễn Trãi.
Năm Tân Hợi 1971, Ngài sáng lập và khởi công xây dựng tịnh xá Di Đà trên phần đất của Bệnh viện Phúc Kiến hiến tặng.
Năm Quý Sửu 1973, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Hoa Tông Việt Nam, Ngài được đại hội tấn phong Hòa thượng và suy tôn làm Chứng minh cố vấn của Hội.
Tháng 8 năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hoa Tông tiến hành Đại hội bất thường và bầu lại Ban điều hành mới. Ngài được suy cử làm Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Hoa Tông, cùng với Chủ tịch là Hòa thượng Phước Quang lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử người Hoa tham gia hoạt động các phong trào công ích xã hội.
Năm Kỷ Mùi 1979, Ngài kiến tạo Bảo tháp Hòa Đồng trong khuôn viên chùa Nam Phổ Đà để phụng thờ xá lợi các Trưởng lão tiền bối từ Trung Quốc sang Việt Nam hành đạo, cùng tạc dựng văn bia lưu truyền hậu thế về đạo hạnh và công lao khai sáng của chư tiền bối.
Năm Mậu Thìn 1988, sau khi Hòa thượng Phước Quang viên tịch, Ngài được Tăng Ni hệ phái Hoa Tông suy tôn làm Tăng trưởng Phật giáo Hoa Tông. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng bổ nhiệm Ngài làm Chánh đại diện Phật giáo quận 5.
Năm Kỷ Tỵ 1989, Ngài được mời làm Ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc quận 5, nhiệm kỳ 4.
Năm Nhâm Thân 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài ở ngôi Giáo phẩm này liên tiếp hai nhiệm kỳ đến cuối đời.
Năm Đinh Sửu 1997, ở Đại hội kỳ 5 Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được suy tôn trong ban Chứng Minh của Ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.
Ngài là bậc cao Tăng thạc đức, trọn cuộc đời phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh, là ngọn thiền đăng dẫn dắt Tăng Ni, Phật tử Hoa Tông trên đường tu học giải thoát.
Ngày 28 tháng 8 năm Canh Thìn, tức ngày 25 tháng 9 năm 2000, Hòa thượng xả báo an tường, thâu thần thị tịch. Ngài trụ thế 85 năm, giới lạp 66 mùa Hạ, để lại lòng kính tiếc vô hạn cho Tăng Ni, Phật tử Hoa Tông tại Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thích Minh Thành, pháp danh Nhựt Sanh, pháp tự Thiện Xuân, thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Ngài thế danh là Hà Văn Xin, sinh ngày 4 tháng 8 năm Đinh Sửu 1937, tại làng Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang); thân phụ là cụ Hà Văn Chính, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Lê pháp hiệu Thích nữ Như Quả. Ngài là người con thứ 7 trong gia đình có 6 anh chị, gồm 2 trai 3 gái.
Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân phúc hậu, có truyền thống kính tin Tam bảo. Năm 1941, khi lên 6 tuổi, thân phụ qua đời, Ngài được mẹ dẫn đến chùa Long Khánh, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú-Châu Đốc để sớm hôm kinh kệ cầu siêu cho cha. Nhờ duyên lành này với túc duyên sẳn có, khiến Ngài mến cảnh thiền môn, nên mẹ Ngài cho phép xuất gia đầu Phật với Hòa thượng trụ trì Thích Huệ Pháp, húy Hồng Phó, được ban pháp danh là Nhựt Sanh.
Năm 1947, sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài lên vùng núi Thất Sơn-Châu Đốc tầm phương học đạo. Đầu tiên, Ngài đến tham học với Sư Chú chùa Định Long ở núi Sam. Năm 14 tuối (1950), Ngài sang núi Cấm tu học với pháp huynh là Thiện Huệ tại Vồ Bồ Hông. Một năm sau, Ngài xuống núi đến cầu pháp với Hòa thượng Thiện Ngôn, thuộc sơn môn Thiên Thai Thiền Giáo Tông, trụ trì chùa Phước Hậu-Long Xuyên, được Hòa thượng đặt pháp tự là Thiện Xuân. Hòa thượng cho Ngài theo học trường Phật học gia giáo mở tại chùa Bình An-Châu Đốc.
Năm 1952, sau khi học xong lớp sơ cấp, Ngài được Hòa thượng Y chỉ sư cho lên Sài Gòn theo học tại Phật học đường Giác Nguyên-Khánh Hội, do Hòa thượng Lê Phước Bình chủ giảng. Cùng trong năm này, Ngài được đăng đàn thọ giới Sa di trong giới đàn của Phật học viện tổ chức, do Hòa thượng Hành Trụ-Phước Bình làm Đàn đầu truyền giới.
Năm 1956, được Hòa thượng Thiện Huyền giới thiệu, Ngài đến nhập chúng tu học theo chương trình trung đẳng tại Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang, Chợ Lớn do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc kiêm trụ trì. Nhân duyên đã đến tại đây, Ngài xin cầu pháp với Hòa thượng Thiện Hòa, được Hòa thượng đặt pháp hiệu là Minh Thành. Từ đó, Ngài ở lại chùa Ấn Quang phụ giúp cho Hòa thượng Giám đốc trong các Phật sự của trường và Tam bảo.
Năm 1957, Hòa thượng Đốc giáo Thiện Hoa mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội-Chợ Lớn, Ngài được đặc cách tham dự khóa học này.
Năm 1962, sau khi mãn khóa trung đẳng Phật học, Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới trong giới đàn do ban Giám đốc Phật học viện tổ chức. Giới đàn này do Hòa thượng Thiện Hòa làm Đàn đầu truyền giới. Tốt nghiệp trung đẳêng và viên mãn giới pháp xong, Ngài được phân công đi thuyết giảng giáo lý ở các trường Bồ Đề, các lớp sơ đẳng Phật học ở Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Năm 1963, trong phong trào chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Ngài đã tích cực tham gia cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo cho đến khi thành công.
Năm 1964, sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài tham gia công tác tổ chức các Ban đại diện Phật giáo Sài Gòn-Gia Định và được cử làm Chánh đại diện Phật giáo phường Yên Đỗ – quận Ba. Phật đản Phật lịch 2508, Ngài cùng Ban đại diện Phật giáo quận Ba tiến hành xây dựng Niệm Phật đường Minh Đạo tại phường Yên Đỗ, tiền thân của chùa Minh Đạo sau này, và Ngài đã trụ trì ở đây cho đến năm 1992.
Năm 1965, Ngài xây dựng Niệm Phật đường Pháp Vân tại phường Trương Minh Giảng, quận Ba, là tiền thân của chùa Pháp Vân sau này. Với chí nguyện về giáo dục, Ngài đứng ra thành lập trường tiểu học Bồ Đề Pháp Vân và làm Hiệu trưởng đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1969, Ngài được cử làm Giám đốc trường trung tiểu học Bồ Đề Chợ Lớn tại chùa Giác Ngộ. Trường hoạt động đến năm 1975 thì trả cơ sở lại cho chùa. Cũng tại cơ sở này, Ngài lại mở phòng Y tế từ thiện Phật giáo do Ngài làm trưởng ban, điều hành hoạt động tại đây hơn 10 năm.
Năm 1971, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm được thành lập do Hòa thượng Trí Tịnh làm Giám đốc, Ngài được theo học đến mãn chương trình Cử nhân Phật học (1975) và Cao học Phật học (1977).
Năm 1976, theo tôn ý Hòa thượng Thiện Hòa khi lâm trọng bệnh, Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang được thành lập do Hòa thượng Huệ Hưng làm Tổng lý, Ngài được cử làm Phó Tổng thư ký, có nhiệm vụ quản trị Tổ đình và các cơ sở trực thuộc.
Năm 1979, Tổ đình Ấn Quang khai giảng Phật học viện Thiện Hòa, Ngài được cử làm Giám đốc Phật học viện và các cơ sở trực thuộc tại Ấn Quang, Giác Ngộ, Giác Sanh. Phật học viện hoạt động đến năm 1984 thì kết thúc để chuyển sang chương trình giáo dục mới do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Năm 1981, Ngài là thành viên đoàn Đại biểu Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc, tổ chức tại thủ đô Hà Nội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau đại hội, Ngài được mời giữ chức Thư ký Ban Hoằng pháp Trung ương suốt 2 nhiệm kỳ đến năm 1997.
Năm 1982, tại Đại hội thành lập Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được chư tôn đức tín nhiệm cử làm Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo nhiệm kỳ I.
Năm 1988, trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh được thành lập; Hòa thượng Từ Thông làm Hiệu trưởng, Ngài làm Hiệu phó, phụ trách điều hành và giảng dạy tại đây hơn 10 năm.
Năm 1992, ở Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài được cử làm Phó ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với chí nguyện hoằng pháp độ sinh, giáo dục Tăng Ni hậu duệ, Ngài đã dành nhiều thời gian đi giảng dạy Phật pháp tại các giảng đường, các lớp Phật học ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.
Năm 1993, khi Hòa thượng Minh Hạnh, tổng Quản sự Tổ đình Ấn Quang viên tịch, Ngài được cử làm Trưởng ban Quản trị Tổ đình (gồm 4 vị: Hòa thượng Minh Thành, Trí Quảng; Thượng tọa Nhật Quang, Minh Phát) kiêm Giám đốc Đại Tòng Lâm Phật giáo ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tháng 3 năm 1997, tại Đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được cử là Ủy viên Hướng dẫn Phật tử. Đến tháng 11 cùng năm, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV ở Hà Nội, Ngài được tái tục giữ chức Phó ban Hướng dẫn Phật tử trung ương kiêm Trưởng phân ban Cư sĩ. Khi Ban Hướng dẫn Phật tử thành phố được thành lập, Ngài là Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1998, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định bổ nhiệm Ngài làm Phó ban Quản trị Đại Tòng Lâm Phật giáo, tiếp tục quản lý điều hành cơ sở Đại Tòng Lâm Phật giáo, di tích của cố Hòa thượng Thiện Hòa dày công sáng lập. Ngài đã phát động chương trình trùng tu, dự trù kiến tạo một Đại Tòng Lâm có quy mô và tầm vóc xứng đáng. Ngài dồn hết tâm sức vào việc xây dựng cơ sở, củng cố đạo tràng và đi khắp nơi vận động tài chính để thực hiện công trình này.
Bằng giới đức trang nghiêm, đạo hạng kiêm ưu, Ngài được cung thỉnh làm Giới sư, Luật sư truyền giới trong các Đại giới đàn ở khắp nơi.Có hàng ngàn giới tử đã từ nơi Ngài được thành tựu giới pháp, tiếp nối sự nghiệp “tục Phật huệ mạng, lưu truyền chánh pháp thường tại thế gian”.
Trong sự nghiệp trước tác, Ngài đã biên soạn nhiều giáo trình cho các trường Phật học. Tác phẩm được in thành sách của Ngài gồm có:
-Phật học Đức dục
-Luật học Cơ bản
-Tỳ ni – Sa di Yếu giải
-Oai nghi – Cảnh sách Yếu giải
-Bồ Tát giới Yếu giải
-Tỳ kheo giới Yếu giải
-Bồ Tát Ưu Bà Tắc giới kinh
-Kỷ yếu 50 năm Tổ đình Ấn Quang (đồng soạn)
Những tưởng trên bước đường phụng sự đạo pháp-nhân sinh Ngài còn đóng góp lâu dài hơn nữa; sau một phút vô thường chợt đến, Hòa thượng đột ngột ra đi về cõi Phật vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 15 tháng 1 năm 2000, tức ngày mồng Chín tháng Chạp năm Kỷ Mão, tại Tổ đình Ấn Quang, trụ thế 63 năm, giới lạp trải 38 mùa an cư kiết Hạ.
---o0o---
Hòa thượng Thích Duy Lực, pháp danh Duy Lực, pháp tự Giác Khai, nối pháp thiền phái Lâm Tế. Ngài thế danh La Dũ, sinh ngày 5 tháng 5 năm Quý Hợi 1923, nhằm Trung Hoa Dân quốc thứ 12, tại làng Long Yên, huyện Phong Thuận, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; thân phụ là cụ ông La Xương, thân mẫu là cụ bà Lưu Thị. Ngài sinh trưởng trong một gia đình chuyên nghề nông trang, quy kính Tam bảo.
Năm Mậu Dần 1938, Ngài được 16 tuổi, vừa học xong tiểu học thì phải lên đường theo cha sang Việt Nam sinh sống. Khi mới sang, gia đình Ngài dừng chân ở Cần Thơ lập nghiệp; trong những lúc rỗi rảnh Ngài thường tranh thủ tự học thên Hoa văn và quốc ngữ Việt Nam.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thi đậu bằng giáo viên Hoa Văn và được mời dạy các trường tiểu học ở tỉnh Tà Keo, nước Cao Miên (Campuchia), rồi đến trường Khải Trí ở Cần Thơ; trường Cái Vồn ở Vĩnh Long. Ngài dạy học ở miền Tây trải qua 10 năm.
Năm Mậu Tuất 1958, Ngài thi lấy bằng Đông y cấp I và làm Đông y sĩ tại nhà thuốc Tế Ngươn Đường ở thị xã Cà Mau. Được một thời gian, Hội Phật học Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ở Cần Thơ mời Ngài về phòng khám của Hội để khám bệnh miễn phí cho nhân dân, Ngài làm việc ở đây trong thời gian 8 năm.
Chính khi làm việc ở đây, nhân duyên với Phật pháp của Ngài được có cơ hội phát triển. Trong tủ sách của Hội Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm có bộ Tục tạng kinh gồm 150 quyển; lúc đầu Ngài định sẽ đọc hết toàn bộ, trải qua một năm Ngài đọc được 7 quyển, và quyết định chỉ xem phần Thiền Tông.
Cảm nhận được ý chỉ thiền học ứng hợp với căn cơ của mình, Ngài tìm đến pháp sư Diệu Duyên – Kim Phật, trụ trì chùa Thảo Đường ở Chợ Lớn, là vị đã có nhiều năm thân cận thiền sư Lai Quả và thiền sư Hư Vân, để tham học về Tổ sư thiền.
Ngày mồng 8 tháng 2 năm Quý Sửu 1973, lúc này đã 50 tuổi, Ngài gát bỏ mọi duyên trần, tìm đến chùa Từ Ân, quận 11-Chợ Lớn, xin thế phát xuất gia với Hòa thượng Hoằng Tu và ở lại đây tu học thiền môn quy tắc. Đến tháng 5 năm 1974, Ngài được Bổn sư cho đi thọ tam đàn Cụ túc giới tại giới đàn mở tại chùa Cực Lạc-nước MA-laysia.
Trải qua nhiều năm, Ngài chuyên tâm tham cứu câu thoại đầu: “ Khi chưa có trời đất, ta là cái gì?”. Một hôm, nhân đọc đến quyển Trung Quán Luận, Ngài ngộ được ý chỉ diện mục của tánh không mà chư Tổ đã diễn đạt. Từ đó, đọc đến đâu Ngài thông suốt được diệu ý của các kinh và bắt đầu lấy pháp môn Tổ sư thiền làm căn bản hướng dẫn cho môn đồ theo học.
Ngày mồng 2 tháng 4 năm Đinh Tỵ 1977, được sự chứng minh của Hòa thượng Bổn sư, Ngài chính thức ra hoằng dương pháp Tổ sư thiền tại chùa Từ Ân, đường Hừng Vương, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm sau, thiền sinh người Việt và người Hoa theo tu học ngày càng đông, mỗi thiền thất đều có đến hai, ba trăm người tham dự.
Tháng 2 năm Kỷ Tỵ 1989, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phật tử Hoa Tông ở hải ngoại, được Nhà nước cho phép sang định cư tại Mỹ Quốc. Tại đây, Ngài sáng lập Từ Ân Thiền Đường ở thành phố Los Angeles, bang California để hoằng dương thiền học. Đến tham học tại đây, có Phật tử người Tây Âu, Á châu và đông nhất là kiều bào người Việt Nam.
Những năm sau đó, uy tín và đạo lực của Ngài vang xa; Ngài được cung thỉnh đến các nước như: Cannada, Australia, Hong Kong, Đài Loan và các thiền đường tại Mỹ để giảng dạy pháp Tổ sư thiền. Tuy nhiên, Ngài vẫn thường xuyên trở về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp thiền học mà Ngài đã gầy dựng và truyền bá, cùng giảng dạy ở các tự-viện Phật giáo trong thành phố Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện mở thiền thất thỉnh cầu.
Năm Bính Tý 1996, Ngài về nước thành lập một trang trại trồng rau sạch không dùng phân bón và thuốc sát trùng tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để làm kinh tế tự túc cho thiền đường. Lần lượt Ngài được mời thỉnh đi đến các tỉnh thành như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh... để thuyết giảng thiền học.
Năm Mậu Dần 1998, Ngài được chư tôn túc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời làm Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, chính thức là Giảng sư của Giáo hội, được phân công thuyết giảng tại các khóa bồi dưỡng Hoằng pháp do Giáo hội tổ chức tại các tỉnh thành.
Năm Kỷ Mão 1999, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, Ngài quyên góp từ các Phật tử ở hải ngoại, về Việt Nam thành lập phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân tại xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài các Phật sự và giảng dạy, Ngài còn để thời gian trước tác và dịch thuật trên 20 tác phẩm-dịch phẩm các loại về kinh điển, ngữ lục thiền học... đã được xuất bản cùng tái bản nhiều lần:
-Kinh Lăng Nghiêm
-Kinh Lăng Già
-Kinh Pháp Bảo Đàn
-Kinh Viên Giác
-Kinh Duy Ma Cật
-Phật Pháp với Thiền Tông
-Đại Huệ Ngữ Lục
-Tham Thiền Cảnh Ngữ
-Thiền Thất Khai Thị Lục
-Góp nhặt lời Phật Tổ Thánh Hiền
-Công án của Phật Thích Ca&Tổ Đạt Ma
-Bá Trượng Quảng Lục và Ngữ Lục
-Truyền Tâm Pháp Yếu
-Cội Nguồn Truyền Thừa
-Danh từ Thiền học
-Chư Kinh Tập Yếu
-Tín Tâm Minh tịch nghĩa giải
-Vũ Trụ Quan thế kỷ 21
-Yếu chỉ Trung Quán Luận
-Yếu chỉ Phật Pháp....
Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài tùy duyên hóa độ, tận tụy với sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Ngài ứng hiện ở đời làm nên bao công hạnh, để rồi khi hóa duyên đã mãn, Ngài ra đi về cõi tịch tĩnh mà không chi bận lòng...
Ngày 07 tháng 1 năm 2000, tức ngày mồng Một tháng Chạp năm Kỷ Mão; Ngài thâu thần thị tịch tại California, Mỹ Quốc, trụ thế 77 năm, hành đạo 25 mùa Hạ. Môn đồ pháp quyến trà tỳ nhục thân Ngài, phân chia xá lợi, xây Bảo tháp tôn thờ ở Từ Ân Thiền Đường-Mỹ Quốc và ở chùa Từ Ân-Việt Nam.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thuận Đức, thế danh Nguyễn Thanh Đễ, sinh ngày mùng 3 tháng 9 năm Mậu Ngọ 1918 tại thôn Quần Lạc, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân yêu nước thuần thành Phật giáo. thân phụ là cụ Nguyễn Văn Hạ, thân mẫu là cụ Phạm Thị Ty, Ngài là con út trong gia đình có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái.
Năm lên 8 tuổi (1926), Ngài được song thân hướng cho đi xuất gia đầu Phật tại chùa làng (chùa Quần Lạc) hiệu Khánh Minh tự, ở với Sư cụ Thích Tâm Quán và được Sư cụ cho đi học văn hóa, học Hán văn và học thiền gia Phật pháp.
Năm 13 tuổi (1931), Ngài được Bổn sư đưa sang chốn Tổ Kim Sa (chùa Lãng Lăng) để Ngài sơ tâm cầu pháp Sư tổ Thích Quảng Lãm, được Tổ tế độ và đưa về chùa Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường để tu học. Với đức hạnh khiêm tốn, siêng năng và ham học hỏi, Ngài luôn được Sư tổ thương yêu và hy vọng sẽ có một ngày đạo pháp huy hoàng, sơn môn pháp phái nhờ Tam bảo gia ân mà vững bền phát triển.
Năm 15 tuổi (1933), Ngài được Sư tổ Lãng Lăng cho đăng đàn thụ Sa di giới tại chùa Đông An. Sau khi thụ giới, Ngài chuyên cần học tập kinh luật thiền môn, làm nền tảng cho đại giới sau này.
Năm 18 tuổi (1936), Ngài trở về chùa Lãng Lăng để phụng Phật sự Sư và cũng để được gần thầy giáo dưỡng dạy bảo truyền bá pháp nhũ của chư Phật.
Ngày mùng 2 tháng 9 năm Mậu Dần 1938, khi tuổi đời đã đủ 20, tâm Bồ đề đã đơm bông trí tuệ ứng thụ Cụ túc. Ngài được Sư tổ cho đăng đàn thụ Tỳ khưu giới tại chốn Tổ Lãng Lăng (Kim Sa tự) xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. giới đàn này gồm các Hòa thượng: Thích Quy Minh, chùa Trà Bắc; Thích Tâm Tịnh, chùa Bộ La-Thái Bình; Thích Chính Nghiễm, chùa Phú Ninh; Thích Thanh Nghị, chùa Thanh Khiết và Thích Thanh Lãm, chùa Lãng Lăng làm giới sư truyền thụ. Từ đây Ngài thực thụ trở thành Như Lai sứ giả, gánh vác Phật sự giáo hóa quần sinh và tuyên dương Phật pháp.
Noi gương và phát huy truyền thống hiếu học của các Đại lão thiền sư tiền bối. Ngài chăm chỉ tiếp thu và trau dồi tam vô lậu học để nâng cao trí lực và thiền lực nhằm lợi lạc quần sinh.
Do có nhiều thành tích đóng góp Phật sự cho Giáo hội, năm 1945 Ngài được bầu làm Thư ký Phật giáo Cứu quốc huyện Xuân Trường.
Năm 1947, Ngài được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang thời loạn lạc, Ngài đã “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong một thời đại đầy biến động xã hội và chiến tranh do thực dân Pháp gây nên. Tâm Bồ đề ngát tỏa giới hương thành sự thành tâm yêu nước, thương dân đã đưa Ngài từ địa vị của nhà tu hành thành một nhà yêu nước chân chính. Đó là nội dung tôn giáo hòa quyện đạo đời. Trong thời gian này, Ngài vẫn ở chùa Lãng Lăng và đến đầu năm 1950, Ngài giữ trọng trách Bí thư Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định.
Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, Phật giáo các tỉnh phía Bắc vận động để thống nhất thành một tổ chức Phật giáo chung. Ngài là thành viên Ban Vận động, đến đầu năm 1958 tại Đại hội thống nhất Phật giáo miền Bắc thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc), Ngài được bầu vào Ban Trị sự Trung ương Hội, kiêm chánh Thư ký chi hội Phật giáo Nam Định cho đến ngày thống nhất Phật giáo cả nước.
Năm 1980, Ngài tham gia Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đến tháng 11 năm 1981, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở thủ đô Hà Nội, Ngài được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1985, Ngài được Sơn môn cung thỉnh về trụ trì chùa Cổ Lễ, một danh thắng lịch sử văn hóa Phật giáo ở huyện Trực Ninh, Nam Định.
Tháng 11 năm 1987, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được bầu vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1991, Ngài lại được kiêm Trụ trì chùa Đại Bi, huyện Nam Trực và chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Năm 1992, Ngài được cử làm Đại biểu tham gia Hội nghị Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Mông Cổ, nhân dịp này đoàn đã sang thăm hữu nghị Hội Phật giáo Liên Xô.
Tháng 12 năm 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài lại được tái cử Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1997 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được suy tôn và suy cử vào Hội đồng Chứng minh Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương – Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định.
Cuối năm 1999, Ngài tham gia đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam sang thăm Phật giáo Trung Quốc với tư cách là Phó Trưởng đoàn.
Tháng 4 năm 2000, Ngài được bầu giữ chức vụ Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nam Định.
Đối với Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài đã tận tâm tận lực cùng với Cố Hòa thượng Trưởng ban Thích Tâm Thông xây dựng trường Trung cấp Phật học của tỉnh, Ngài luôn giáo hóa quần sinh “minh tâm kiến tánh”, ứng dụng thích nghi vào sự nghiệp đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ có đức có tài, đáp ứng với sự nghiệp phát triển của xã hội hiện đại và nhu cầu phát triển Phật giáo Việt Nam. truyền thống ấy chính là pháp môn thực hành Tam vô lậu học, là tiến trình giác ngộ, giải thoát tri kiến.
Trong các sinh hoạt Tăng đoàn, an cư kiết Hạ hằng năm. Ngài cùng Ban Thường trực Tỉnh hội đã lãnh đạo và động viên Tăng Ni vân tập an cư đông đủ, hướng dẫn Tăng Ni tiếp thu giáo lý của chư Phật nhằm trưởng dưỡng đạo tâm, tu tập giới hạnh, kiên trì nhẫn nại của người xuất gia để tuệ lực và thiền lực ngày một tăng trưởng, có đủ điều kiện để duy trì chánh pháp và phục vụ tínn gưỡng cho nhân dân. Nhiều mùa an cư Ngài là Thiền chủ trường Hạ tại chùa Cổ Lễ và trường Hạ chùa Cả.
Trong kháng chiến chống Pháp, Ngài là Ủy viên Mặt trận Việt Minh huyện Xuân Trường. Từ năm 1954 đến cuối đời là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh, rồi Nam Hà đến Nam Định và Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiều khóa.
Do có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, Ngài đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huy hiệu Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân và nhiều huy hiệu cao quý khác.
Hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp và tế độ quần sinh của Ngài đã viên mãn. Luật vô thường đã đưa Ngài về Tây phương kiến Phật vào hồi 12 giờ 35 phút ngày 14 tháng 11 năm 2000, nhằm ngày 19 tháng 10 năm Canh Thìn, trụ thế 82 năm, Hạ lạp 59 năm.
Dù bất cứ công việc gì trong đạo hay ngoài đời, Ngài đều coi đó là một Phật sự và là một phương tiện để hoằng dương Phật pháp. là một danh Tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Ngài đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc phụng sự đất nước. Ngài là một bậc tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng trăm môn đồ đệ tử đã trưởng thành, noi gương tự giác giác tha của Ngài để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội.
---o0o---
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23 tháng Chạp năm Canh Thân – 1920, tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Vũ Văn Khánh, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Thịnh, Ngài là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái.
Năm Bính Dần – 1926, khi lên 6 tuổi, Ngài được song thân cho theo học chữ nho với các cụ đồ ở địa phương. Nhờ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống sùng kính Tam bảo, có người chị gái đã xuất gia đầu Phật, (sau này là Ni Trưởng Đàm Hữu), nên hạt giống xuất trần cũng đã sớm nảy mầm trong Ngài từ thuở ấu thời.
Năm Ất Hợi – 1935, nhân duyên hội đủ với Ngài khi tuổi 15, được song thân chấp thuận, vào ngày mồng 9 tháng Chạp Ngài xin thế phát xuất gia với Sư cụ chùa Liên Đàn, xã Linh Đường, huyện Thanh Trì, Hà Đông. được Sư cụ thế độ, một năm sau đó, gửi Ngài đến y chỉ nơi Hòa thượng Thích Thanh Khoát, trụ trì chùa Bạch Chữ, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phú) để cầu pháp học đạo.
Năm Mậu Tý – 1938, Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Tây Thiên, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên, do Hòa thượng Thích Thanh Khoát truyền trao giới pháp.
Năm 19 tuổi (1939), một năm sau khi thọ giới Sa di, để mở mang kiến thức Phật học, làm tư lương tiến tu hành đạo, Ngài lần lượt du phương tham học nơi trường Phật học ở các chốn Tổ: Bằng Sở, Trung Hậu, Hương Hải, Cao Phong...
Năm Nhâm Ngọ – 1942, lúc 22 tuổi, để viên mãn tam đàn giới pháp, Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Linh Ứng, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên do Hòa thượng Thích Trừng Thanh làm Đàn đầu truyền giới.
Thời gian từ 1942 đến 1950, phong trào chấn hưng Phật giáo đã lan rộng khắp 3 miền, các lớp Phật học để đào tạo Tăng tài làm rường cột cho Phật giáo được mở ra tại chùa Quán Sứ và Bồ Đề ở Hà Nội, do các bậc thạc đức của Hội Bắc Kỳ Phật giáo như Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ và các Hòa thượng Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên... trực tiếp đào tạo giảng dạy. Ngài đã tham dự các khóa học này và đã hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học cùng với huynh đệ đồng môn là Hòa thượng Thích Tâm Giác.
Năm Tân Mão – 1951, Giáo hội Tăng Già toàn quốc được thành lập từ Giáo hội Tăng Già ở 3 miền đất nước hợp lại. Riêng với Giáo hội Tăng Già Bắc Việt (là hậu thân của Giáo hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do Hòa thượng Thích Tố Liên đã dày công khởi xướng vận động từ năm 1949), Ngài được đề cử làm Thư ký Giáo hội Tăng Già Bắc Việt, kiêm Giảng sư thay thế cho Hòa thượng Tố Liên đảm nhận chức Tổng thư ký Giáo hội Tăng Già toàn quốc.
Năm Quý Tỵ – 1953, trong chương trình đào tạo Tăng tài cho Phật giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tại cuộc họp liên hội giữa Hội An Nam Phật học và Giáo hội Tăng Già Bắc Việt, đã cử Ngài cùng Hòa thượng Tâm Giác du học tại Nhật Bản.
Năm Giáp Ngọ – 1954, Ngài đến Nhật Bản lưu học tại Đại học đường Rissho, hai vị đều kiên tâm trì chí, chuyên tu chuyên học về cả Phật học lẫn thế học. Ngài đã lần lượt hoàn tất các chương trình:
Năm 1959, tốt nghiệp chương trình Cử nhân Phật học.
Năm 1961, tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Phật học.
Năm Nhâm Dần – 1962, sau 8 năm du học, Ngài trở về quê hương để phục vụ đạo pháp. Lúc này, do hoàn cảnh lịch sử (sau hiệp định Genève năm 1954), Ngài ở lại miền Nam, cùng với các pháp lữ và chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham gia cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963.
Năm Giáp Thìn – 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được Giáo hội cử làm Vụ trưởng phiên dịch, thuộc Tổng vụ Hoằng pháp (Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng vụ trưởng) kiêm Giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn (1964 – 1973).
Từ năm này đến năm 1971, Ngài đã cùng Hòa thượng Tâm Giác và chư Tăng Ni, Phật tử Miền Vĩnh Nghiêm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nỗ lực xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm để làm trụ sở cho Miền và môn phái. Chùa đã hoàn thành hết sức trang nghiêm tú lệ như ngày nay.
Năm Quý Sửu – 1973, sau khi Hòa thượng Tâm Giác – Chánh đại diện Phật giáo Miền Vĩnh Nghiêm-trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, Ngài đã được Giáo hội, Miền cũng như môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chánh đại diện Miền kiêm trụ trì Tổ đình cho đến ngày viên tịch.
Năm Ất Mão – 1975, đất nước thống nhất, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài được cử làm Ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch.
Năm Canh Thân – 1980, để tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, Ngài là thành viên Ban Thông tin Tuyên truyền, phục vụ cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Năm Tân Dậu – 1981, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời, Ngài được cử làm Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Nhâm Tuất – 1982, các tổ chức Phật giáo địa phương lần lượt hình thành. Trong đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I (1982) và lần thứ II (1987), Ngài được đại hội cử làm Ủy viên Kinh tế Nhà chùa và từ thiện xã hội.
Năm Ất Sửu – 1985, Ngài được mời làm Giáo sư trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II tại Thiền viện Vạn Hạnh thành phố Hồ Chí Minh.
Năm Mậu Thìn – 1988, khi trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh (nay là trường Trung cấp Phật học) được thành lập tại chùa Vĩnh Nghiêm, Ngài được cử làm Hiệu phó đặc trách Giám luật và Ngài giữ trọng trách này đến khi viên tịch.
Năm Canh Ngọ – 1990, sau khi Hòa thượng Thích Huệ Hưng (Trưởng ban Phật giáo chuyên môn thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) viên tịch, Ngài được Hội đồng điều hành Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mời làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn đến năm 1997.
Tại đại hội Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ III tổ chức vào hai ngày 20 và 21.4.1990 ở chùa Xá Lợi, Ngài được suy cử làm Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo.
Năm Tân Mùi – 1991, Ngài được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, phụ trách hiệu đính và chú thích về luật tạng.
Năm Nhâm Thân – 1992, tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài được suy cử làm Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời kiêm nhiệm Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương; Phó ban Phật giáo Quốc tế của Trung ương Giáo hội.
Năm Giáp Tuất – 1994, khi Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập tại Hà Nội, Ngài được mời làm Phó ban Tư tưởng Văn hóa đạo đức Phật giáo.
Năm Đinh Sửu – 1997, sau đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được suy cử làm Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương kiêm Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Và tại đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, Ngài được cử làm Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên Phật giáo quốc tế, rồi Trưởng ban Phật giáo quốc tế Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Với trình độ quán thông tam tạng giáo điển và triết học Đông Tây cổ kim, Ngài đã từng tham gia công tác giảng dạy, giáo dục và đào tạo Tăng tài cho Phật giáo như: Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, trường Cao cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam; trường Cơ bản Phật học nay là trường Trung cấp Phật học thành phố Hồ Chí Minh, mà Ngài đã dày công xây dựng và duy trì từ hơn 10 năm qua.
Qua giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn tòng lâm, nên từ những thập niên 60 đến 90, Ngài đã được Giáo hội thỉnh làm Giới sư, Tôn chứng sư, Chứng minh sư trong các giới đàn như:
-Tôn chứng Tăng Già Đại giới đàn Quảng Đức (1964, 1977)
-Giáo thọ A Xà Lê Đại giới đàn Vĩnh Nghiêm (1967, 1972)
-Tuyên Luật sư kiêm Giáo thọ Đại giới đàn Thiện Hòa; giới đàn Thiện Hào do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (1984, 1988, 1991)
-Tôn chứng Tăng Già Đại giới đàn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa,tỉnh Đồng Nai (1990)
-Yết ma A Xà Lê Đại giới đàn Thiện Hòa, Đại Tòng Lâm, tỉnh Đồng Nai (1992, 1995, 1999)
-Yết ma A Xà Lê Đại giới đàn Linh Giác, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (1994)
-Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn chùa Khánh Quang, tỉnh Cần Thơ (1997)
-Tuyên Luật sư kiêm Yết ma A Xà Lê Đại giới đàn tỉnh Lâm Đồng (năm 1998)
-Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (năm 2000)
Trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Ngài đã dày công biên soạn nhiều tác phẩm văn hóa, giáo dục, Phật học được in thành sách lưu lại hậu thế như:
-Diễn Thuyết Tập, Hà Nội, 1951
-Phật Pháp Sơ Học, Hà Nội, 1952
-Nghiên Cứu Về Tư Tưởng Bản Giác Của Phật Giáo, Nhật Bản
-Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc, Sài Gòn, 1967
-Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Sài Gòn, 1969
-Thiền Lâm Bảo Huấn, Sài Gòn 1972
-Sách Dạy Cắm Hoa, Sài Gòn, 1973
-Đại Cương Luật Học, Tp. Hồ Chí Minh 1990
-Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Tp. Hồ Chí Minh, 1991
-Kinh Viên Giác, Tp. Hồ Chí Minh, 1992
-Pháp Hoa Yếu Lược, Tp. Hồ Chí Minh, 1994
-Luận A Tỳ Đàm – Câu Xá, Tp. Hồ Chí Minh, 1995
-Khóa Hư Lục, Tp. Hồ Chí Minh, 1996
Và nhiều bài viết có giá trị đăng trên các báo Phật giáo như: Phương Tiện, Đuốc Tuệ, Vạn Hạnh, Lửa Từ Bi, Giác Ngộ, Tập Văn, Phật Giáo, Tạp Chí Phật Học Hà Nội...
Bằng tinh thần giới luật, qui củ tòng lâm, từ năm 1983 đến 1989, Tổ đình Vĩnh Nghiêm được Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh chọn làm nơi mở Hạ an cư cấp Thành phố, Ngài luôn luôn được cử làm Hóa chủ để chuyên lo về việc tu học, tứ sự cho chư Tăng, góp phần thành tựu các khóa kiết Hạ của Thành phố. Từ năm 1990 trở đi, Ngài làm Thiền chủ kiêm Hóa chủ các khóa Hạ do Tổ đình Vĩnh Nghiêm và trường Cơ bản Phật học tổ chức, cho Tăng Ni sinh cùng chư Tăng trong môn phái vân tập về tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới-Định-Tuệ đều nương nhờ phần lớn công đức của Ngài.
Để đền đáp công ơn Sư trưởng nơi chốn Tổ xưa từng nương thân học đạo, Ngài đã cùng Sơn môn pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phú được hoàn thành trang nghiêm tú lệ. Ngài còn chăm lo xây dựng Bảo tháp Cộng đồng; Thiền đường; Thanh trai đường tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh, để xứng đáng là cơ sở Phật giáo tiêu biểu tại địa phương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với công đức đã cống hiến một đời cho đạo pháp và nhân sinh, xã hội, Ngài được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Huy chương “Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân” và nhiều Huy chương, bằng khen, giấy khen khác trong đó có bằng “Tuyên dương Công đức” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngày 30 tháng 12 năm 2000, nhằm ngày mùng 5 tháng Chạp năm Canh Thìn, vào lúc 1 giờ 30 phút, thuận lý vô thường, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch, trụ thế 80 năm, 58 Hạ lạp. Môn đồ pháp quyến xây bảo tháp an trí nhục thân Ngài trong khuôn viên Tổ đình Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đời Ngài là một mẫu mực tài đức vẹn toàn, một bậc Chân sư chốn thiền lâm, danh tiếng Ngài cả 3 miền đất nước đều kính ngưỡng. Đạo hạnh ấy vẫn đọng mãi trong lòng Tăng Ni hậu tấn một hình bóng cao quý để tôn thờ và noi gương học tập.
---o0o---
TUỆ NHUẬN - VĂN QUANG THÙY (1887 – 1967)
Cư sĩ Văn Quang Thùy sinh ngày 17 tháng 3 năm Đinh Hợi 1887, tại tỉnh Hải Dương, thân phụ là cụ Văn Đức Khiêm. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán. Người ta kể lại rằng ông chăm học, không lúc nào rời cuốn sách, đến nỗi trong xóm có vụ cháy nhà, mọi người đổ xô đi coi, ông vẫn ngồi yên học.
Sau khi việc thi cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ, ông quay sang học tiếng Pháp và thi đỗ làm Thông phán tại Nha quan thuế Hà Nội.
Năm 1928, cụ thân sinh thất lộc, ông suy tư về kiếp sống vô thường, bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu kinh điển đạo Phật. Bẩm tính thông minh, lại thêm có vốn Hán học vững vàng, ông thâm nhập giáo lý Phật đà một cách nhanh chóng và uyên thâm, trở nên một cư sĩ Phật tử thuần thành.
Thời bấy giờ, sách báo thuộc loại tân thư như phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa và Nhật Bản thâm nhập vào nước ta qua đường dây của thương nhân Hoa kiều đã tác động vào tư tưởng của giới trí thức cựu học và các vị tôn túc Phật giáo Việt Nam. Do đó, phong trào chấn hưng Phật giáo ở trong nước cũng được khởi động khắp nơi. Đi tiên phong cho phong trào là Phật giáo Nam kỳ với các Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Phật học Kiêm tế; rồi đến Trung kỳ với Hội An Nam Phật học. Các hội này hoạt động rất mạnh, mở nhiều Phật học đường đào tạo Tăng Ni, xuất bản báo chí để phổ biến giáo lý Phật đà và tuyên truyền vận động cho phong trào ấy.
Hòa cùng nhiệt tình và nguyện vọng của đồng đạo Nam, Trung; các Hòa thượng Trí Hải, Mật Ứng, và Tâm Bảo cùng với nhà văn Sở Cuồng Lê Dư triệu tập một cuộc họp tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, có sự tham dự của chư tôn đức trong hàng giáo phẩm và các vị trí thức tên tuổi ở thủ đô như các ông Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Văn Quang Thùy, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh v.v... Hội nghị đồng ý thành lập một tổ chức đặt tên là “Bắc Kỳ Phật Giáo hội” do ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Cư sĩ Văn Quang Thùy và ông Nguyễn Văn Minh được cử làm Phó thư ký.
Từ đó, ông dành nhiều thời gian ngoài giờ công vụ, hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc. Ngoài việc tham gia giảng dạy giáo lý ở các trường Gia giáo của các chùa và các Phật học đường của Hội, ông còn đi giảng kinh cho đồng bào Phật tử tại chùa Quán Sứ, chùa Hòe Nhai và các chùa nhỏ quanh vùng Hà Nội. Chẳng những ở Hà Nội, mà các chùa ở tỉnh xa như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng cũng thường mời ông đến giảng pháp, ông đều vui vẻ đáp ứng.
Mùa xuân năm Canh Thìn 1940, một phái đoàn Tăng sĩ Trung Hoa sang thăm Việt Nam, trong đó có hai Pháp sư Thái Hư và Đế Nhàn. Với Pháp sư Thái Hư, tuy đây là lần đầu tiên tới Việt Nam, nhưng pháp danh Ngài thì rất quen thuộc đối với Phật giáo Việt Nam trong mấy chục năm trước đó. Trong khi phái đoàn nghỉ tại khách sạn, Cư sĩ Văn Quang Thùy tìm đến cầu pháp tu thiền với Pháp sư Thái Hư. Pháp sư liền nói: “Tôi thấy Việt Nam toàn tu Tịnh độ, cư sĩ nên vâng theo”.
Sau đó, Pháp sư trao giới Bồ Tát cho ông, ban pháp danh là Tuệ Nhuận và tặng một mảnh giấy có hai câu thơ để làm kỷ niệm:
Nhập Như Lai tạng
Văn tự Quang minh Thùy vũ trụ
Phật ngôn Tuệ trạch Nhuận sinh linh.
Thời tại Canh Thìn niên xuân
Tam nguyệt nhị thập lục nhật
Lữ Hà Nội – Thái Hư
Từ năm 1935, ông xin nghỉ việc, dành trọn thời giờ để phụng sự Tam bảo. Ông đã dịch rất nhiều kinh sách bằng chữ Hán sang tiếng Việt. Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền mang tên ông vẫn đang được lưu hành cho đến nay.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và mặt trận Hà Nội vỡ năm 1947, các hoạt động của Phật giáo ngưng trễ khắp nơi. Đến năm 1949 các Tăng sĩ và Cư sĩ mới lần lượt tập họp lại để thành lập Hội “Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt” và Hội “Việt Nam Phật giáo” tại chùa Quán Sứ và Hội “Phật tử Việt Nam” tại chùa Chân Tiên.
Về Hội “Phật tử Việt Nam” ở chùa Chân Tiên có sự đóng góp tích cực của Cư sĩ Văn Quang Thùy. Hội thường tổ chức diễn giảng tại chùa Chân Tiên, trong số các diễn giả có cư sĩ Văn Quang Thùy. Hội còn thành lập Ban Hoằng kinh để xuất bản các kinh sách Phật giáo, đặt trụ sở tại số 56 phố Hàng Trống, Hà Nội. nhân dịp này hai bộ kinh lớn là Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp do ông phiên dịch ra quốc ngữ cũng được xuất bản.
Ngoài ra, ông đã cùng với các bạn đồng chí hướng xuất bản tờ bán nguyệt san Bồ Đề để phổ biến Phật học. Báo này ra số đầu vào ngày 22 tháng 4 năm 1949, báo quán tại số 108 đường Boret Hà Nội, do ông làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo xuất bản liên tục đến tháng 5 năm 1954, đất nước bị chia đôi mới đình bản. Trên các trang báo này, ông đích thân phiên dịch, chú giải luận Duy Thức Tam Thập Tụng, Thập Mục Ngưu Đồ và viết nhiều bài giáo lý căn bản giúp cho việc học Phật của đọc giả. Cộng tác với ông có nhiều cây bút vững vàng như Nguyễn Xuân Chữ, Lê Văn Giáp, Hồng Liên, Đế Châu, Vũ Đình Mẫn, Trì Dung, Thanh Vân, Lê Văn Lương v.v.... Đặc biệt cây bút vui trẻ Cát Tường Lan đã chinh phục được sự mến chuộng giới độc giả trẻ tân học. Cô đã khéo dùng các kiến thức khoa học để chứng minh và giảng dạy Phật pháp, khiến lập luận được sáng tỏ và đầy thuyết phục.
Sau hiệp định Genève 1954, Cư sĩ Tuệ Nhuận-Văn Quang Thùy vào miền Nam, xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Từ đó ông lấy việc chuyên tu làm chính.
Ông mất năm Đinh Mùi 1967 tại Sài Gòn, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho kho tàng kinh sách Phật học Việt Nam nhiều tác phẩm dịch thuật giá trị.
---o0o---
Cư sĩ Đoàn Trung Còn pháp danh Hồng Tai, sinh năm Mậu Thân (1908) tại làng Thắng Nhì, thị xã Vũng Tàu, nay là thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lúc nhỏ ông theo học trường Pháp Việt tại Vũng Tàu, sau lên học ở Sài Gòn, do đó ông rất thông thạo tiếng Pháp. Vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và tín ngưỡng Phật giáo, nên sau khi thôi học ở nhà trường ông chuyên tâm tự học chữ Hán để có trình độ cần thiêt cho việc nghiên cứu Tam tạng kinh điển nhà Phật.
Vốn là người sinh sống ở Nam bộ, ông tiếp xúc với các Sư sãi người Khmer và Phật giáo Nam Tông thường xuyên. Kinh sách ở đây chép bằng chữ Bắc Phạn (Sanscrit) hoặc chữ Nam Phạn (Pàli) nên thôi thúc ông để tâm nghiên cứu, học hỏi hai loại văn tự này. Chính vì vậy mà ông có một căn bản khá vững chắc về Hán học và Phạn học, đủ giúp ông đi sâu vào nghiên cứu kinh điển nhà Phật.
Ngoài việc nghiên cứu giáo lý của đức Phật để biết đường tu hành, ông còn để tâm truyền bá chánh pháp đến các tầng lớp nhân dân như bổn phận một vị xuất gia, góp công rất lớn cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo và phổ biến Phật học vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
Năm 1932, ông sáng lập Phật Học Tòng Thơ để xuất bản các sách ông biên khảo về Phật giáo và các bộ kinh căn bản do ông phiên âm và dịch nghĩa. Song song đó, ông sáng lập thêm Trí Đức Tùng Thư để xuất bản các bộ sách quan trọng của Nho giáo do ông phiên âm và dịch nghĩa, với mục đích là duy trì nền đạo học chân chính, hầu giúp cho lớp hậu tiến biết cách tu thân, tề gia và trị quốc. Mục đích tôn chỉ của hai tùng thư này đã được ông minh thị trong lời bố cáo như sau:
“Những kinh sách của bổn quán xuất bản, hoặc in có chữ Hán, hoặc in toàn chữ Việt, đều được nghiên cứu và nhuận sắc rất kỹ lưỡng, vì mục đích của bổn quán là muốn truyền bá Phật pháp, cho nên chẳng ngại công cán và thì giờ.
“Vậy mong rằng kinh sách ấy sẽ bổ ích cho độc giả thiện tâm trên đường tu học.
“Vì sau này giấy đắt công cao, vậy bổn quán yêu cầu những vị đã thỉnh kinh sách, khi coi rồi thì nên cho bà con quen biết mượn coi, đó là quý vị phụ lực với bổn quán mà truyền bá đạo lý vậy.
“Và bổn quán cũng yêu cầu những vị “hằng tâm hằng sản” nên thỉnh kinh sách Phật mà ấn tống, thì phước đức vô lượng. Những nhà từ tâm bố thí có lẽ cũng dư biết rằng, trong các việc bố thí, chỉ có việc thí Pháp là có công đức hơn hết”.
Từ đó cho đến ngày ông qua đời, ông đã đơn thân độc mã, làm việc tất lực đã in được gần 40 tác phẩm trong Phật Học Tùng Thư và 12 cuốn trong Trí Đức Tùng Thư. Các sách của Phật Học Tùng Thư đã xuất bản là:
1. Truyện Phật Thích Ca
2. Du lịch xứ Phật
3. Đạo lý nhà Phật
4. Chuyện Phật đời xưa
5. Văn minh nhà Phật
6. Triết lý nhà Phật
7. Lịch sử nhà Phật
8. Pháp giáo nhà Phật
9. Tăng đồ nhà Phật
10. Các tông phái đạo Phật
11. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
12. Một trăm bài kinh Phật
13. Na Tiên Tỳ Kheo Kinh
14. Mấy thầy tu huyền bí
15. Tam bảo văn chương
16. Pháp Bảo Đàn Kinh
17. Vô Lượng Thọ Kinh
18. Quán Vô Lượng Thọ Kinh
19. Địa Tạng Kinh
20. Di Lặc Kinh (thượng sanh hạ sanh)
21. Bồ Tát giới kinh
22. Quy Nguyên trực chỉ
23. Sự tích Phật A Di Đà
24. 48 lời nguyện của Phật A Di Đà
25. A Di Đà Kinh
26. Kinh Tam bảo (Di Đà-Hồng Danh-Vu Lan-Phổ Môn-Kim Cang và pháp nghi Tịnh độ)
27. Phật Pháp vỡ lòng
28. Khuyên tu Tịnh độ
29. Thành Đạo
30. Học Phật chánh pháp
31. Quan Âm Thị Kính
32. Nước Ấn Độ trước hồi Phật giáng
33. Kim Cang Kinh (âm chữ Hán và giảng nghĩa)
34. Yếng Sáng Á Châu
35. Đại Bát Niết Bàn Kinh
36. Duy Ma Cật Kinh
37. Sách nấu đồ chay
Các sách do Trí Đức Tùng Thư đã xuất bản gồm có
1. Truyện Đức Khổng Tử
2. Nhị thập tứ hiếu (Hán và Việt)
3. Hiếu Kinh (Đức Khổng Tử giảng về đạo hiếu – Phụ trương: Khổng Tử lược sử)
4. Tam Tự Kinh (Hán và Việt: âm và nghĩa)
5. Đại học (Hán và Việt: âm và nghĩa)
6. Trung Dung (Hán và Việt: âm và nghĩa)
7. Luận ngữ (Hán và Việt: âm và nghĩa)
8. Tam Thiên Tự (3 cuốn: 1 cuốn Hán và Việt, 1 cuốn theo lối tự điển Việt-Hán-Pháp, 1 cuốn Pháp-Việt-Hán)
9. Minh Đạo gia huấn (Hán và Việt: âm và nghĩa)
10. Ngũ Thiên Tự (Hán và Việt: âm và nghĩa)
11. Mạnh Tử (Hán và Việt: âm và nghĩa)
12. Học chữ Hán một mình
Sách của ông được viết với lối hành văn mộc mạc, dùng từ bình dân, đọc lên ai cũng hiểu, không chỉ được phổ biến khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà còn đưa ra cả ngoài miền Trung, miền Bắc. Thư quán phát hành là hiệu sách số 143 đường Đề Thám, quận Nhất, Sài Gòn.
Trong công việc trước tác và dịch thuật của ông, công trình to lớn nhất đóng góp cho kho tàng sách Phật giáo là bộ “Phật học từ điển” gồm 3 cuốn với một số lượng từ chưa có sách nào sánh kịp lúc bấy giờ. Sách được biên soạn rất công phu, xếp theo mẫu tự La tinh. Mỗi mục từ được chú thích thêm các thứ tiếng Pháp, Hán, Tạng, Sanscrit, Pàli rất rõ, giúp độc giả có điều kiện tham khảo từ các sách được viết bằng các ngoại ngữ trên.
Ngoài việc biên soạn và xuất bản sách, ông còn cùng với các Sư thuộc phái Lục Hòa Tăng thành lập một tông phái mới vào năm 1955 gọi là Tịnh độ Tông Việt Nam với mục đích khuyến giáo Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ. Lúc mới thành lập, trụ sở của Hội đặt tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm, Chợ Lớn, sau dời về chùa Liên Tông ở đường Đề Thám.
Cư sĩ Đoàn Trung Còn là người có công lớn đối với công việc hoằng dương chánh pháp. Vào thời điểm mà kinh sách về Phật giáo viết bằng chữ quốc ngữ phổ thông còn rất hiếm hoi, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật trong đại đa số quần chúng Phật tử còn mờ mịt; thì ông là người cư sĩ không chỉ biết tu hành hướng thiện cho bản thân, mà còn đem cả tâm huyết nghiên cứu, học hỏi để viết sách, dịch kinh phổ biến cho mọi người cùng tu học; chúng ta có thể nói rằng những Phật tử sống vào nửa đầu thế kỷ 20 nâng cao sự hiểu biết Phật pháp của mình, ngoài những buổi nghe các bậc Giảng sư thuyết pháp ở chùa, một phần khác cũng đã nhờ đọc những cuốn sách của ông.
Ông mất ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 3 năm 1988) hưởng thọ 80 tuổi với trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp phụng sự đạo pháp
---o0o---
Cư sĩ Trúc Thiên tên thật là Nguyễn Đức Tiếu, sinh ngày 12 tháng 4 năm Canh Thân (1920) tại làng Tân Mỹ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình truyền thống hiếu học và tin Phật nhiều đời.
Ngay từ thuở thiếu thời, Cư sĩ nhờ vào truyền thống quý báu đó của gia đình nên đã tỏ ra am tường các sở học mà một người cùng lứa ít khi đạy được. Trong khi đó, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ thường không được an ổn bởi các tranh chấp và các phong trào nổi dậy của các sĩ phu Văn thân cũng như làn gió Cần Vương, còn là dư âm đã có sức ảnh hưởng rất lớn. Bộ máy cầm quyền thực dân cũng không chịu nhường bước, càng ra sức đàn áp, khủng bố khắp nơi, gây nên bối cảnh xáo trộn nặng nề, nhất là đối với đàn ông và đặc biệt là các thanh thiếu niên mới lớn.
Năm Ất Hợi (1935) ông đã hoàn tất chương trình trung học một cách xuất sắc, được giới cầm quyền lúc bấy giờ chú ý, muốn đào tạo ông trở nên người có đủ đầy kiến thức tân học mai sau phục vụ cho chính họ. Vì thế một kế hoạch lớn, lâu dài được vạch ra để thực hiện bằng cách trao một học bổng tại nước Pháp cho ông. Tuy ông cũng có phần muốn nương nhân duyên đó để tiến thân, vì so với thanh niên thời ấy chuyện du học là một vinh hạnh, tự hào rất lớn, có điều kiện tiếp cận nền văn minh xứ người; nhưng điều đó không lớn hơn tinh thần dân tộc cao đẹp mà truyền thống gia đình và hình ảnh các phong trào yêu nước đang diễn ra khắp mọi nơi, cộng vào cảnh đàn áp của thực dân bản địa... đã góp phần không nhỏ để ông đi đến quyết định dứt khoát: từ chối niềm vinh hạnh đó.
Để bù đắp lại, ông nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi qua các sách vở cả Đông lẫn Tây để không lạc hậu với thời thế, mà vẫn bảo toàn được giá trị quyết định chính đáng của mình và gia đình. Đối với chính quyền, đó là một thất bại lớn nên thực dân đã dùng đủ mọi áp lực để đe dọa bản thân ông và gia đình, khiến tình thế lại trở nên nặng nề.
Năm Bính Tý (1936), sau khi bàn bạc với gia đình và được sự khuyến khích của bạn bè cùng chí hướng, ông quyết định rời Nha Trang vào Sài Gòn sinh sống. Đó là quyết định sáng suốt vì nơi đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để ông ươm mầm cho bao dự định của mình.
Kể từ đây là một quảng thời gian dài phấn đấu nhiều mặt và còn là bước rẽ ngoặc lớn đối với cuộc đời của ông. Từ chuyện lo sinh kế, tự học và tạo ra các mối liên kết rộng rãi để bổ sung sở học, cho đến việc ổn định đời sống và thành lập gia đình. Đặc biệt cũng thời gian đó ông đã đến với tri thức Phật giáo như một sự trở về tất yếu, vì Phật giáo còn là một phần lý tưởng đã giúp ông có nhiều quyết định sáng suốt trong cuộc đời. Tư tưởng Phật giáo đã thể hiện nơi con người ông là sự hiền hòa – dung dị – ít nói và sống rất thanh đạm.
Từ năm Ất Dậu (1945), ông bắt đầu bước vào lãnh vực văn học Phật giáo, và trở thành một ngòi bút không thể vắng mặt trong các tạp chí Phật học ngay từ buổi sơ khai.
Về biên khảo dịch thuật, ông đã có những tác phẩm được nhiều người biết đến như: “Hiện tượng KRISNAMURTI”; “ Đường vào hiện sinh”; “Sáu cửa vào động thiếu thất”; “Ngữ lục”; “Cốt tủy của đạo Phật”; “Thiền luận (tập I)” v.v...
Về thơ văn, ông đã có nhiều tập thơ được xuất bản rất được hâm mộ như “Chuyển một hướng say”; “Thơ chết” v.v... đặc biệt là bài “Trường ca KALINGA”, thuật lại cuộc đánh chiếm xứ KALINGA của bạo chúa bách chiến bách thắng ASOKA, sau này lại trở nên một vị chuyển luân vương và tích cực hộ trì chánh pháp.
Từ năm Canh Dần (1950), tài năng của ông được biết đến không chỉ riêng về nghiên cứu, sáng tác thơ văn Phật học; mà cả trên lãnh vực kiến thức pháp luật của ông cũng được trọng thị, do vậy ông được mời làm việc một thời gian dài ở Bộ Tư pháp chính quyền Sài Gòn.
Năm Đinh Dậu (1957), ông gia nhập Hội Phật học Nam Việt khi chùa Xá Lợi, trụ sở của Hội được khánh thành. Ông được Cư sĩ Hội trưởng Chánh Trí-Mai Thọ Truyền mời viết bài và biên tập cho tạp chí Từ Quang, cùng tham gia vào Ban Quản trị Hội Phật học.
Năm Giáp Thìn (1964), sau pháp nạn Phật giáo năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được hình thành, ông được mời tham gia ở hai Tổng vụ giáo dục và văn hóa. Khi Đại học Vạn Hạnh được thành lập, ông cũng được mời giảng dạy ngay những ngày đầu tiên.
Năm Canh Tuất (1970), ông lại được mời tham gia vào Giám sát Viện, là một cơ quan quan trọng của ngành tư pháp.
Tất cả những đóng góp của ông cho văn hóa Phật giáo lẫn các mặt hoạt động xã hội, được biểu hiện một cách tích cực ở góc độ cuộc đời bản thân mình mà qua những lời tự bạch khiêm nhường trong “Chuyển một hướng say” đã viết như sau:
“Trúc Thiên, đó là người làm thơ thơ hỏng, viết văn văn hỏng, dịch sách sách hỏng. Bằng tất cả cái hỏng ấy, người lội qua hai ngọn trào văn hóa với lời thơ cao ngạo trên môi: Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu.
Rồi một ngày nào đó người nhận chân con người của chính mình, không thể là gì khác hơn một con số 0! Không to tướng: Không dĩ vãng, không tương lai, không kỷ niệm sau lưng, không thiên đường trước mặt, không thân thế, không tiểu sử, không tuổi không tên, không là gì hết!
Lớn và ngu, người mang tất cả một tấm lòng trịnh trọng đối với đời, biết ơn tất cả, cả đau thương và bệnh tật, chấp nhận tất cả, cả cái chết và hư vô...”
Bàng bạc trong những dòng ấy là cả một không gian tri thức Phật học lớn lao, nói lên được giá trị của một người làm văn hóa Phật giáo đúng nghĩa, đáng để cho đời sau noi gương.
Năm Tân Hợi (1971,) căn bệnh nan y đã khép lại cuộc đời tài ba của Cư sĩ vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 4 năm 1971 một cách âm thầm tại nhà riêng ở đường Cô Bắc-Sài Gòn, hưởng dương 54 tuổi.
Cư sĩ mất đi đã để lại cả một gia tài văn học của cuộc đời mình cho văn đàn nghệ thuật, cũng là để lại những đóng góp cho văn học Phật giáo nhiều tác phẩm biên khảo dịch thuật có giá trị muôn thuở cho người học Phật.
---o0o---
Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục sinh ngày 19 tháng 9 năm 1908 (có sách ghi ngày 14.6.1909) tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và khoa bảng. Thuở nhỏ ông học tiểu học ở trường làng, cấp trung học ở trường Albert Sarraut-Hà Nội.
Năm 1927 ông sang du học ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Năm 1928-1929 ông đậu tú tài I và II ban Triết học và Toán học, được xếp hạng giỏi tại trường Marseilles – miền Nam nước Pháp. Sau đó ông theo học ngành kỹ nghệ và khoa học tại L’ École Nationale des Arts (Trường Quốc gia Mỹ thuật) và Đại học Lille ở Roubais ở miền Bắc nước Pháp và đã tốt nghiệp Kỹ sư hóa học.
Năm 1934, ông trở về nước. Năm 1935 cùng với các ông Bùi Ngọc Ái và Vũ Đình Di xuất bản tờ báo L’ Avenir de la Jeunesse (tương lai của tuổi trẻ) tại Hà Nội. Năm 1937, ông làm bỉnh bút cho tờ Le travail (Lao Động), nhưng được ít lâu tờ báo này bị đình bản. Ông quay về với nghề chuyên môn đã học là ngành kỹ nghệ, nhận làm kỹ sư hóa học cho Nhà máy dệt Nam Định (S.F.A.T).
Vốn đã được thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh do truyền thống gia đình nên ông rất thích môn triết học Đông Phương, trong thời gian du học ở Pháp, ông thường đi dự thính các buổi thuyết trình về triết học tại Đại học Sorbonne của các Giáo sư danh htiếng. Trong thời gian làm việc ở Nam Định, ông đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu về văn hóa Á Đông và đã viết hai tác phẩm “Bình giải sách Đại học” và “Tinh thần khoa học và đạo học”. Năm 1944, ông xuất bản tạp chí “Duy Nhất” tại thành phố Nam Định với chủ trương dung hòa văn hóa Đông-Tây.
Năm 1945, thời thế thay đổi, ông thôi việc tại Nhà máy dệt Nam Định, về làng Thụy Khê gần hồ Tây – Hà Nội mở nhà máy riêng và tham gia các hoạt động văn hóa. Sau Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến toàn quốc, ông làm kỹ sư cho công binh xưởng Liên khu 3. Năm 1948, ông làm giám đốc học vụ Trường Dân Huấn Vụ. Năm 1949, hồi cư về Hà Nội và qua năm sau, ông được mời dạy bộ môn Triết học Đông Phương tại trường Đại học Văn Khoa Hà Nội, và làm chủ bút tờ “Văn hóa Tùng Biên”.
Năm 1954 ông vào Sài Gòn, sáng lập và làm Chủ tịch Hội Việt Nam Nghiên cứu và Liên lạc Văn hóa Á Châu, đồng thời làm giảng sư tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Từ năm 1961 đến năm 1965, ông được mời làm Khoa trưởng Khoa Văn học Việt Nam tại trường này. Ông còn đảm trách chủ nhiệm tạp chí văn hóa Á Châu và Trưởng tiểu ban văn hóa của tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam.
Từ năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ông được mời làm Khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn kiêm giảng sư môn Triết học Đông phương. Năm 1964 – 1965, ông cùng một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tại Sài Gòn ký một bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Sài Gòn trực tiếp thương thuyết với Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Do đó ông bị chính quyền Phan Huy Quát cách chức và buộc thôi dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Năm 1973, ông được Trường Đại học Vạn Hạnh trao văn bằng Tiến sĩ danh dự, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập trường.
Ông mất ngày 3 tháng 6 năm 1999 tại thành phố Hồ Chí Minh, thượng thọ 92 tuổi. Ông để lại cho cuộc đời nhiều tác phẩm rất có giá trị về triết học Đông phương, trong đó đóng góp rất lớn của ông cho triết học Phật giáo qua các tác phẩm:
-Đại học (1940)
-Triết lý nhân sinh Nguyễn Công Trứ (1950)
-Tinh thần khoa học Đạo học (1953)
-Dân tộc tính (1956)
-Triết lý văn hóa khái luận (1956)
-Triết học Đông phương nhập môn (1958)
-Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á (1961)
-Lịch sử triết học Đông Phương, 5 tập (1956-1962)
-Tư tưởng Việt Nam (1964)
-Lịch sử tư tưởng Việt Nam, gồm 4 tập (1967 – 1970)
-Thiền học Việt Nam (1967)
-Democracy in traditional Vietnamese society (1962)
-Asian Culture and Vietnamese Humanism (1965)
-Thiền học Trần Nhân Tông (1971)
-Khóa Hư lục của Trần Thái Tông (dịch và chú thích 1973)
-Lý hoặc luận của Mâu Bác (dịch và chú thích 1974)
... và nhiều tác phẩm khác chưa xuất bản.
Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục là một nhà giáo trọn đời tận tụy với sứ mạng trồng người, nhất là về phương diện đào tạo nhân cách. Học trò của ông đã có nhiều người thành đạt vẫn luôn luôn kính trọng ông là người thầy mẫu mực. Đối với Phật giáo ông có công lớn trong việc truyền bá và thuyết giảng giáo lý cao siêu của đức Phật lồng trong các bài thuyết giảng về triết lý Đông Phương. Đối tượng ngồi nghe ông nói về triết học Đông Phương trong đó có triết học Phật giáo, đều là những người có trình độ trí thức, đủ sức nhận định, phân tích, phê phán và lãnh hội để tự chiêm nghiệm. Hiệu quả của những gì đứng trên giảng đường của ông thật là lớn lao. Các tác phẩm của ông để lại cho chúng ta, cho hậu thế đều là những bài thuyết pháp hữu ích mãi mãi.
---o0o---
SINH QUÁN PHÁP HIỆU TRÚ QUÁN
1 HÀ NỘI
HT.THÍCH TÂM MINH Hải Dương
2 THỪA THIÊN HUẾ
HT.THÍCH TÂM TỊNH T.T.HUẾ
HT.TRA AM-VIÊN THÀNH T.T.HUẾ
HT.THÍCH ĐỨC TÂM TT.HUẾ
TTĐ.THÍCH TIÊU DIÊU TT.HUẾ
HT.THÍCH THIÊN ÂN MỸ QUỐC
HT.THÍCH THIỆN CHÂU PHÁP QUỐC
3 TP.HỒ CHÍ MINH
HT.THÍCH THIỆN HÀO TP.HCM
TT.THÍCH MINH PHÁT TP.HCM
HT.THÍCH BỬU ĐĂNG TP.HCM
HT.THÍCH BỬU NGỌC TP.HCM
HT.THÍCH TRÍ ĐỨC TP.HCM
4 LONG AN
HT.THÍCH TỪ NHẪN LONGAN
HT.THÍCH LIỄU THIỀN LONG AN
HT.THÍCH ĐẠT HƯƠNG LONG AN
HT.THÍCH THIỆN THUẬN TP.HCM
HT.THÍCH BỬU Ý TP.HCM
HT.THÍCH ĐẠT HẢO TP.HCM
HT.THÍCH ĐẠT THANH TP.HCM
HT.THÍCH MINH TRỰC TP.HCM
5 CẦN THƠ
HT.THÍCH LIỄU NGỌC ĐỒNG THÁP
6 QUẢNG TRỊ
HT.THÍCH TÂM TRUYỀN TT.HUẾ
TTĐ.THÍCH THANH TUỆ TT.HUẾ
HT.THÍCH TÔN THẮNG ĐÀ NẴNG
HT.THÍCH HOẰNG KHAI TIỀN GIANG
HT.THÍCH PHƯỚC CHỮ TT.HUẾ
HT.THÍCH HUỆ PHÁP TT.HUẾ
HT.THÍCH HƯNG DỤNG TT.HUẾ
7 BÌNH ĐỊNH
HT.PHÁP VĨNH BÌNH ĐỊNH
HT.THÍCH DIỆU PHÁP TRÀ VINH
HT.THÍCH GIÁC NGUYÊN TT.HUẾ
HT.THÍCH PHỔ HUỆ BÌNH ĐỊNH
HT.THÍCH PHÁP LAN TP.HCM
HT.THÍCH KẾ CHÂU BÌNH ĐỊNH
TTĐ.THÍCH THIỆN MỸ LÂM ĐỒNG
8 PHÚ YÊN
TTĐ.THÍCH QUẢNG HƯƠNG TP.HCM
TTĐ.THÍCH THIỆN HUỆ KHÁNH HÒA
HT.THÍCH KHẾ HỘI PHÚ YÊN
HT.THÍCH DIỆU QUANG PHÚ YÊN
HT.THÍCH PHƯỚC NINH PHÚ YÊN
HT.THÍCH VIÊN QUANG BÌNH THUẬN
9 BÌNH THUẬN
TTĐ. T.NGUYÊN HƯƠNG BÌNH THUẬN
HT.THÍCH TƯỜNG VÂN BÌNH THUẬN
10 QUẢNG NGÃI
TTĐ.T.HẠNH ĐỨC QUẢNG NGÃI
HT.THÍCH HUYỀN ĐẠT QUẢNG NGÃI
HT.THÍCH HUYỀN TẤN QUẢNG NGÃI
HT.THÍCH HUYỀN TẾ QUẢNG NGÃI
TTĐ.THÍCH THIỆN ÂN TP.HCM
HT.THÍCH MINH TÁNH LONG AN
HT.THÍCH THIỆN NGÔN AN GIANG
GS.THÍCH TRÍ THUYÊN TT.HUẾ
HT.THÍCH HUỆ PHÁP BÌNH ĐỊNH
11 TIỀN GIANG
HT.THÍCH BỔN VIÊN TIỀN GIANG
HT.THÍCH QUẢNG ÂN TIỀN GIANG
HT.THÍCH HOẰNG THÔNG TIỀN GIANG
HT.THÍCH HUYỀN QUÍ TIỀN GIANG
HT.THÍCH PHÁP LONG TP.HCM
HT.THÍCH HOÀNG MINH TIỀN GIANG
HT.THÍCH CHÍ TỊNH TIỀN GIANG
HT.THÍCH HOÀN KHÔNG TRÀ VINH
HT.THÍCH HUỆ HÒA TIỀN GIANG
HT.THÍCH TỪ HUỆ TIỀN GIANG
12 ĐỒNG THÁP
HT.THIỆN LUẬT TP.HCM
HT.THÍCH ĐỊNH QUANG TP.HCM
HT.THÍCH GIÁC NHU TP.HCM
13 CAMPUCHIA
HT.SIÊU VIỆT TP.HCM
HT.OUL SREY TP.HCM
14 AN GIANG
HT. PHÁP TRI TP.HCM
HT.THÍCH MINH THÀNH TP.HCM
15 BẾN TRE
HT.THÍCH THIỆN QUẢNG THÁI LAN
HT.THÍCH THIÊN TRƯỜNG TIỀN GIANG
HT.THÍCH THIỆN TÍN BẾN TRE
16 TRUNG QUỐC
HT.THÍCH HOẰNG TU TP.HCM
HT.THÍCH THANH THUYỀN TP.HCM
HT.THÍCH DUY LỰC TP.HCM
HT.TĂNG ĐỨC BỔN TP.HCM
17 BÌNH DƯƠNG
HT.MINH TỊNH-NHẪN TẾ BÌNH DƯƠNG
HT.THÍCH TỪ VĂN BÌNH DƯƠNG
HT.THÍCH TRÍ TẤN BÌNH DƯƠNG
HT.THÍCH THIỆN HƯƠNG BÌNH DƯƠNG
18 NAM ĐỊNH
TTĐ.THÍCH THIỆN LAI TP.HCM
HT.THÍCH THIỆN BẢN NAM ĐỊNH
HT.THÍCH CHÂN THƯỜNG PHÁP QUỐC
HT.THÍCH QUẢNG THẠC TP.HCM
HT.THÍCH TÂM AN HÀ NỘI
HT.THÍCH TÂM THÔNG NAM ĐỊNH
HT.THÍCH THUẬN ĐỨC NAM ĐỊNH
HT.THÍCH THANH KIỂM TP.HCM
19 BÀ RỊA-VŨNG TÀU
HT.PHÁP MINH TP.HCM
CS.ĐOÀN TRUNG CÒN TP.HCM
20 KIÊN GIANG
HT.TĂNG SANH KIÊN GIANG
21 NINH BÌNH
HT.THÍCH TUỆ ĐĂNG TP.HCM
22 QN.ĐÀ NẴNG
HT.THIỆN THẮNG TP.HCM
23 KHÁNH HÒA
HT.THÍCH ĐẠI TRÍ KHÁNH HÒA
HT.THÍCH TRỪNG SAN KHÁNH HÒA
CS.TRÚC THIÊN TP.HCM
24 BẠC LIÊU
HT.DANH DINL SÓC TRĂNG
25 VĨNH LONG
HT.THÍCH CHÁNH QUẢ ĐỒNG THÁP
HT.THÍCH TRÍ ĐỨC BẠC LIÊU
26 THÁI BÌNH
HT.THÍCH PHƯỚC HẬU TT.HUẾ
27 TRÀ VINH
HT.THẠCH KÔONG TRÀ VINH
28 SÓC TRĂNG
HT.TĂNG ĐUCH SÓC TRĂNG
29 BẮC NINH
GS.NGUYỄN ĐĂNG THỤC H.NỘI-TP.HCM
30 HẢI DƯƠNG
CS.TUỆ NHUẬN H.NỘI-TP.HCM
---o0o---
-Tiểu sử Ngài Như Đắc – Từ Nhẫn-bản chép tay của Thiện Sĩ – Chơn Thanh, tủ sách chùa Vạn Đức-Bình Thạnh, Gia Định 1943
-Tưởng niệm chư Thánh Tử Đạo-tài liệu Ronéo, Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN ấn hành, Sàigòn 1964
-Lược sử phái Thiền Tôn-bản in nội bộ, tủ sách chùa Linh Nguyên, Đức Hòa 1964
-Tạp chí Đuốc Thiêng – bản Ronéo, Tổng vụ Tăng sự GHPGVNTN ấn hành, Sàigòn 1970
-Các “Giáo hội Phật giáo” dưới chiêu bài xé lẻ của chính quyền-tài liệu ronéo; tổng hợp từ báo chí năm 64-68, Sàigòn 1972
-Lịch sử Phật giáo dưới các triều đại cầm quyền-bản thảo đánh máy, nhiều tác giả, tủ sách Dương Kinh Thành, TP.HCM 1985
-Cội Nguồn và Lễ Bái – Đỗ Văn Rỡ; bản đánh máy, Ban quí tế Lăng Ông Bà Chiểu, Sàigon 1992
-Lịch sử chùa Long Khánh-bản in nội bộ, tủ sách T.Đồng Huệ, Trà Vinh 1993
---o0o---
-Phật giáo Tranh Đấu Sử-Quốc Oai, Sàigòn 1963
-Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử – Tuệ Giác; Hoa Nghiêm xb, Sàigòn 1964
-50 năm chấn hưng Phật giáo – Thích Thiện Hoa; Sen Vàng xb, Sàigòn 1971
-Văn học Sử Phật giáo – Cao Hữu Đính; Minh Đức xb, Sàigòn 1971
-Lược khảo Phật giáo Sử Việt Nam – Vân Thanh; Các Phật Học Viện xb. Sàigòn 1974
-Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc – Phạm Khắc Hòe; NXB Hà Nội 1983
-Huế giữa chúng ta – Lê Văn Hảo; NXB Thuận Hóa 1984
-Đất Gia Định xưa – Sơn Nam; NXB Tp.HCM 1984
-Phật giáo Việt Nam Sử luận, tập III – Nguyễn Lang; Lá Bối xb lần thứ I, Paris 1985
-Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn – Phạm Khắc Hòe; NXB Thuận Hóa 1989
-Phan Bội Châu toàn tập, tập 3 – Chương Thâu dịch; NXB Thuận Hóa 1990
-Những Danh sĩ miền Nam – Hồ Sĩ Hiệp – Hoài Anh; NXB Tiền Giang 1990
-Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn – nhiều tác giả; NXB Khoa học xã hội 1991
-Lịch sử Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Tài Thư chủ biên; Viện Triết học & NXB Khoa học xã hội 1991
-Việt Sử giai thoại thế kỷ XIX – Nguyễn Khắc Thuần; NXB Giáo dục 1994
-Đường phố nội thành TP.HCM – Nguyễn Đình Tư; Chi cục Bản đồ & NXB TP.HCM 1994
-Tôn giáo & Chính trị Phật giáo 1963 – 1967-Chính Đạo; Văn hóa xb. Houston-Texas 1994
-Lịch sử Phật giáo Đàng Trong – Nguyễn Hiền Đức; NXB TP.HCM 1995
-Vua Hàm Nghi; Phan Trần Chức, NXB Thuận Hóa 1995
-Tâm thư Đỗ Mậu – Tác giả; Đa Nguyên xb. Houston-Texas 1995
-Danh nhân Bình Trị Thiên, tập 1 – Nhiều tác giả, NXB Thuận Hóa 1996
-Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1 – Thích Đồng Bổn chủ biên; NXB TP.HCM 1996
-Thế thứ các triều Vua Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần; NXB Giáo dục 1998
-Những gương mặt trí thức, toàn tập – Nhiều tác giả; NXB Văn hóa thông tin 1998
-Nhật ký tham bái Ấn Độ – Tây Tạng – Nhẫn Tế Thiền sư; chùa Tây Tạng ấn hành, Bình Dương 1999
-Danh Mục Tự Viện tỉnh Khánh Hòa – Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa xb, Nha Trang 1999
-Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 – Lê Cung; NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội 1999
-Sơ thảo Phật giáo Bình Dương – Thích Huệ Thông; NXB Mũi Cà Mau 2000
---o0o---
-Cultures et Religions de L’indochine Annamite, G.Coulet; Saigon 1929
-La Lumière de L’Asie – L.Sorg; Editions Adyer. 1931
-History of Buddhist Thought; E.J.Thomas, London 1933
-La Doctrine Secrète, H.P.Blavatsky; Paris 1946
-The Central Philosophy of Buddhism, R.V.Murti; London 1955
-Les Merveilles du Monde – Hachette; Paris 1957
-Le Bouddhisme au Vietnam, Mai Thọ Truyền; Saigon 1962
-World Religions, John Bowker; London 1993
-Historical Dictionary of Buddhism, Charles S. Preblish; Delhi-India 1993
-The Wakenning of The West; Stephen Bathchelor; California – USA 1994
---o0o---
-Tạp chí Bác Nhã Âm; các số từ năm 1935 đến 1942, Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội xb, Bà Rịa 1943
-Nguyệt san Liên Hoa, từ số 1-12; Giáo hội Tăng Già Toàn quốc xb. Huế 1961
-Tuần báo Hải Triều Âm; số 17, bài của Trần Đông Phương, xb ngày 13.8 Sàigòn 1964
-Tập san Sử Địa – nhiều tác giả; từ số 9-12, Khai Trí xb, Sàigòn 1968
-Tạp chí Quan hệ quốc tế; số 05, Viện Quan hệ quốc tế xb, 1995
-Nhật Báo Sài Gòn Giải Phóng; Thành Thái – người điên đầu thế kỷ, Thái Vũ, số ra ngày 13.3.1995
-Tuần báo Tivi VICTORIA, tr.32, số tháng 11. Sydney 1996
-Tạp chí Hương Sen; bài của Từ Phương, số 10, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp xb, Paris 1996
-Tập Văn Phật giáo; bài của Hà Xuân Liêm, số 37-39, Ban Văn hóa Trung ương xb, 1997
-Tuần báo Giác Ngộ; các số từ năm 1995 – 1999 Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành
-Kỷ yếu Tang lễ Hòa thượng Thích Tâm Thông, Tổ đình Vọng Cung, NXB Tôn Giáo 2000
-Web side Đạo Phật Ngày Nay, Thích Nhật Từ chủ biên; Ấn Độ 2000
---o0o---
-Hán Việt Tự Điển – Thiều Chửu; Đuốc Tuệ xb. Hà Nội 1942
-Hán Việt Từ Điển – Đào Duy Anh; Trường Thi xb Sàigòn 1957
-Lịch thế kỷ XX – Hoàng Minh Hùng; NXB Thanh Hóa 1992
-Từ điển Việt Pháp – Lê Khả Kế – Nguyễn Lân; NXB Khoa học xã hội 1994
-Từ điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam – Hữu Ngọc chủ biên; NXB Thế Giới 1995
Từ Điển Minh Triết Phương Đông – Lê Diên dịch; NXB Khoa học xã hội 1997
---o0o---
Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập II này là một phần của công trình sưu tầm biên soạn về “Chư Tiền Bối Hữu Công” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Công trình này được bắt đầu thực hiện từ năm 1990, đến năm 1995 thì hoàn tất Tập thứ nhất, xuất bản vào năm 1997. Ngay sau đó chúng tôi bắt đầu biên khảo Tập thứ hai trong 5 năm, hoàn thành cảo bản vào tháng 4 năm 2001.
Khi mới bắt đầu, toàn bộ công trình dự kiến chia thành 4 phần chuyên biệt, nhưng trong quá trình sưu tầm chúng tôi thấy cần bổ sung thành 5 phần như sau:
-Phần thứ I: Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX
-Phần thứ II: Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XVII-XIX
-Phần thứ III: Chư Ni tiền bối hữu công
-Phần thứ IV: Cư Sĩ tiền bối hữu công
-Phần thứ V: Danh Tăng giai thoại
Tập sách thứ hai này nằm trong Phần thứ I (gồm 3 cuốn). Nội dung sách giới thiệu tiểu sử 100 vị danh Tăng tiêu biểu được sắp xếp theo 6 giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ này. Cuối sách có thêm phần Phụ lục 04 vị Cư sĩ có đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung, và Mục lục về sinh quán – trú quán của các danh nhân Phật giáo.
Trong tập II này, chúng tôi cố gắng giới thiệu thêm các Bậc tử đạo – Vị pháp thiêu thân trong giai đoạn tranh đấu của Phật giáo miền Nam trước năm 1975 và các vị danh Tăng có công trong việc truyền bá Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.
Biên soạn công trình này là một Ban biên tập gồm 7 vị do Đại đức Thích Đồng Bổn làm chủ biên và một Hội đồng Cố vấn 5 thành viên gồm những bậc tôn túc Giáo phẩm, Cư sĩ, Giáo sư có uy tín và có học vị khoa học.
Là một biên khảo khoa học, công trình này không phân biệt hệ phái, tông môn, địa phương, cũng như quan điểm, chính kiến. Chúng tôi chú trọng trước hết tới tất cả các vị có công lao đóng góp vào sự nghiệp chung của lịch sử Phật giáo Việt Nam là tiêu điểm quyển sách này.
CHỦ BIÊN CÔNG TRÌNH
---o0o---
The book “Biographies of Prominent Vietnamese Monks in the 20th century, volume 2” is a part of a research and editing work on Monks of distinguished services to Vietnamese Buddhism. The work began in 1990 and the first book (Biographies of Prominent Vietnamese Monks in 20th century, volume 1) was completed in 1995 and published in 1997. After that, we immediately sought for documents for this second volume for 5 years. It was completed in April 2001.
The whole work was originally arranged in four particular parts; but while treating the documents, we realized that it had better be added another part, as follows:
Part 1: Prominent Monks in the 20th century.
Part 2: prominent Monks from the 17th century to the 19th century
Part 3: Nuns of distinguished services to Vietnamese Buddhism.
Part 4: Buddhists of Eminent services to Buddhism.
Part 5: Anecdotes of prominent Monks.
This book, the second of the first part (consisting of three books), contains biographies of a hundred Monks who were regarded as outstanding representations of their periods. These biographies are arranged in accordance with six periods of Buddhist history in the 20th century.
This book has an annex to introduce four Buddhist merilorious laic followers who dedicated their efforts to Vietnamese Buddhism. And, finally, there’s a table of contents listing places of birth and residence of Buddhist celebrities.
This book also introduces some martyrs – the ones who burned themselves for the Dharma – in the Stage of the Buddhist struggle before 1975 and Buddhist missionaries who propagated Vietnamese Buddhism overseas.
The author of this book is a seven-member editorial board headed by Venerable Thích Đồng Bổn and a five-member advising committee including respectful Monks, Buddhist scholar and excellent University professors.
As a scientific research, this work doesn’t discriminate against or in favor of anyone due to their various sects, schools, as well as points of view or political opinions. We are mainly concerned about everyone who had great contributions to Vietnamese Buddhism. That’s the main goal of this book.
THE CHIEF AUTHOR
Le volume 2 du livre “Biographies des moines bouddhistes vietnamiens célèbres au XX ième siècle” est une partie d’une oeuvre de recherche globale ayant le titre général “Les Ancêtres emérites dans l’histoire du Bouddhisme vietnamien”. La rédaction de cette oeuvre globale a debuté en 1990, pour avoir le premier volume terminé en 1995 et publié en 1997. Immédiatement après nous commenccions la redaction du deuxième volume durant cinq ans, qui fut pratiquement terminé au mois d’avril 2001.
Au commencement, nous envisagions notre oeuvre, come divisée en quatre parties specialisées, cependant, au cours de nos recherches, cette conception quatripartite fut reviseé et supplementée par une cinqième partie:
-Première partie: Moines bouddhistes vietnamiens émérites au XXème siècle.
-Deuxième partie: Moines bouddhistes vietnamiens émérites de la periode allant du XVIIème siècle – XIXème siècle.
-Troisième partie: Bonzesses vietnamiennes émérites
-Quatrième parite: Laics bouddhistes émérites
-Cinquième partie: Histoires édifiantes concernant certains moines célèbres.
Le présent livre est le deuxième volume de la première partie, comprenant trois volumes. Il relate les biographies de 100 moines bouddhistes émérites représentatifs, répartis sur 6 étapes historiques du Bouddhisme vietnamien au siècle actuel. À la fin du livre, est ajouté un appredice, relatant la vie de 04 laics bouddhistes remarquables pour leurs éminentes contributions à l’oeuvre commune, et un deuxième apprendice spécifiant les lieux de naissance des personages bouddhistes célèbres.
Dans ce deuxième volume, nous avons essayé de présenter en addition la vie des martyrs bouddhistes par le feu au cours de la lutte des bouddhistes vietnamiens avant 1975, et aussi la vie des moines bouddhistes qui se sont illustrés par leurs contributions à l’oeuvre de propagation du bouddhisme vietnamien à l’étranger.
---o0o---
HẾT