Trong 45 năm truyền giảng con đường giải thoát, Ðức Phật thu nhận rất nhiều đệ tử, có người xuất gia theo ngài và lập thành Tăng đoàn (Sangha), có người cũng còn tại gia, gọi là các cư sĩ. Vùng truyền giáo của ngài là vùng Ðông Bắc Ấn Ðộ giáp biên giới xứ Nepal, dọc theo các nhánh sông thượng nguồn sông Gange (Hằng hà) [1, 2, 3].
Ngài thường được gọi là Ðức Phật Cồ-Ðàm (Buddha Gotama). Chữ "Phật" là tiếng gọi tắt của "Phật-Ðà", phiên âm từ chữ Phạn "Buddha" - người bình dân Việt Nam có nơi gọi là ông Bụt - nghĩa là người đã giác ngộ (Giác Giả) . Trong các kinh sách ghi lại, ngài thường tự gọi mình là Tagatatha (Như Lai). Ngài có rất nhiều đệ tử từ các quốc gia trong vùng, gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, lứa tuổi, nam nữ, và từ nhiều nguồn gốc tín ngưỡng khác nhau.
Ðức Phật đã để lại một kho tàng quí giá gồm nhiều bài thuyết giảng (Kinh, Sutta), thường được gọi tổng quát là "tám vạn bốn ngàn" pháp môn, trong nhiều dịp giảng dạy cho hàng đệ tử, bậc thánh thanh văn, cư sĩ, ... Với sự phát triển và bành trướng của Tăng đoàn, Ngài đặt ra nhiều giới luật để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tu tập (Vinaya, Giới). Ngoài ra còn nhiều bài giảng đặc biệt khác mà về sau nầy được đúc kết lại trong bộ A-Tỳ-Ðàm (Abhidhamma).
Ba tháng sau khi Ðức Phật tịch diệt, một đại hội các vị tu sĩ (Tỳ kheo, Bhikkhu) được tổ chức, ngày nay được gọi là Ðại Hội Tăng Già I, tại vùng đồi núi ngoại thành Rajagaha (Vương Xá). Mục đích là để kết tập các bài kinh giảng và các điều luật thành một hệ thống chặt chẻ hơn [4]. Chủ trì phần Luật là Tỳ kheo Upali (Ưu-Ba-Ly), và chủ trì phần Kinh là Tỳ kheo Ananda (A- Nan-Ðà), là người cận sự với Ðức Phật và vì thế có nhiều dịp nhất để nghe và ghi nhớ các bài giảng của Ngài. Ðại hội gồm khoảng 500 vị cao tăng duyệt lại các giới luật và các bài thuyết pháp, sắp xếp thành hai nhóm chính: Luật Tạng và Kinh Tạng. Qua những thu thập lúc đó, Kinh Tạng được phân chia làm 4 Bộ chính: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, và Tăng Chi bộ.
Trong 45 năm hoằng dương đạo pháp, Ðức Phật đã đi nhiều nơi, giảng đạo cho nhiều người và kết nạp nhiều đệ tử. Các đệ tử của Ngài ở rải rác khắp nơi, không thể nào cùng về tham dự Ðại hội đầu tiên. Do đó có thể có một số bài thuyết giảng và giới luật phụ do Ðức Phật đặt ra đã không được kết tập trong kỳ Ðại hội đó [4].
Vì vậy mà khoảng 100 năm sau, năm 383 trước CN, một đại hội kết tập kinh điển được tổ chức, theo yêu cầu của Tăng chúng thành Vesali và Vajji [5]. Sau lần kết tập nầy, Luật Tạng được mở rộng với các giới luật mà các đại biểu cho rằng đã không được kết tập trong kỳ Ðại Hội I, và một số các bài kinh giảng khác chưa kết tập, tạo thành một bộ kinh thứ 5 của Kinh Tạng (Tiểu Bộ).
Sau lần kết tập nầy, Luật Tạng và Kinh Tạng xem như đã thành hình, và các bài giảng có lẽ cũng giống như bài giảng mà chúng ta có được trong bộ Ðại Tạng hiện nay [4].
Một trăm ba mươi năm sau đó, năm 253 trước CN, vua Asoka (A-Dục) của Ấn Ðộ cho triệu tập Ðại hội lần thứ III. Tiểu Bộ của Kinh Tạng lại được mở rộng và kết tập thêm nhiều bài kinh giảng khác. Quan trọng hơn hết là việc Ðại hội đã đúc kết các bài giảng về tâm lý, thể tính và sự tướng của vạn pháp, tạo thành Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma, A-Tỳ-Ðàm, Vi Diệu Pháp, Luận Tạng).
Khoảng năm 20 trước CN, 500 năm sau ngày Phật nhập Ðại Niết Bàn, vua Vattagamani của Tích Lan (Sri Lanka) triệu tập Ðại Hội Tăng Già IV tại Aluhivihara -- gần thành phố Kandy ngày nay [1], kết tập lại các phần Kinh, Luật, và đúc kết phần Thắng Pháp Tạng [6]. Ðể gìn giữ các bài giảng của Ðức Phật dù đã kết tập nhưng chỉ truyền khẩu trong 500 năm qua, ba tạng kinh điển được cho viết lại trên một loại giấy bằng lá bối-đa khô [4, 10]. Từ đó Tam Tạng Pali được thành hình, và không còn thay đổi nào khác.
Trong thời kỳ gần đây, Miến Ðiện có tổ chức hai kỳ kết tập khác: kết tập lần thứ V, năm 1870, và lần thứ VI, năm 1954. Tuy nhiên các kỳ kết tập nầy chỉ để làm sáng tỏ các điểm chính trong kinh, nhưng không thay đổi gì trong bộ Tam Tạng [5].
"Tạng" hay "Tàng" là giỏ chứa, chổ chứa, tiếng Pali gọi là Pitaka. Ngày xưa tại các chùa lớn thường có một thư viện gọi là "Tàng Kinh Các" để lưu trữ các bộ kinh quí. Tam Tạng theo tiếng Pali gọi là Tipitaka, Ba Giỏ Chứa (The Three Baskets), gồm có Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Kinh Tạng (Sutta Pitaka), và Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka, còn gọi là Vi Diệu Pháp, hay Luận Tạng). Sau đây là sơ lược về các tạng nầy:
1. Luật Tạng (Vinaya Pitaka)
Tạng nầy bao gồm các giới luật và nghi lễ cho nam tu sĩ (Bhikkhu, Tỳ Kheo) và nữ tu sĩ (Bhikkhuni, Tỳ Kheo Ni), cách thức gia nhập tăng đoàn, truyền giới luật, sinh hoạt tăng chúng, cách hành xử trong các trường hợp vi phạm giới luật, vv. Tạng nầy thường được chia làm 5 bộ [1, 7]:
1. Ba-la-di (Parajika),
2. Ba-dật-đề (Pacittiya),
3. Ðại Phẩm (Mahavagga),
4. Tiểu Phẩm (Cullavagga), và
5. Toát Yếu (Parivara).
2. Kinh Tạng (Sutta Pitaka)
Gồm 5 bộ chính (Nikaya): Trường Bộ (Digha Nikaya), Trung Bộ (Majjhima Nikaya), Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), và Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaya). Trong hệ Sanskrit (Bắc Phạn), tương ứng với 5 bộ nầy được là 4 bộ A-Hàm (Agamas). Tuy nhiên, các bộ A Hàm nguyên thủy đã bị thất lạc và chỉ còn tìm thấy các bản kinh tiếng Sanskrit rời rạc, mà hiện nay chỉ còn các bộ Hán dịch từ nhiều nguồn gốc bộ phái và qua nhiều đời khác nhau [6].
Trường Bộ là tập hợp các bài kinh dài, gồm 34 bài kinh, đã được dịch sang Việt ngữ, trong đó có hai quyển phổ thông nhất: Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn (Maha Parinibanna Sutta) và Kinh Ðại Quán Niệm (Maha Satipattana Sutta). Ngoài các bài thuyết giảng của Ðức Phật, Bộ nầy cũng có các bài giảng của Ðại Ðức Sariputta (Xá-Lợi-Phất), vị đệ tử hàng đầu có tài thuyết giảng hùng biện nhất thời đó, và các vị đệ tử nỗi tiếng khác.
Trung Bộ gồm có 152 bài kinh sắp xếp trong 15 phẩm, theo từng chủ đề. Bộ kinh nầy rất phổ thông trong giới Phật tử sử dụng Anh ngữ và cũng đã được dịch sang Việt ngữ. Bản dịch Anh ngữ được hiệu chỉnh nhiều lần, và bản dịch mới nhất đã được hội Buddhist Publication Society, Tích Lan, xuất bản năm 1995. Các bài kinh quan trọng thường có liên quan đến phép hành thiền quán niệm (Satipattana Sutta), chánh kiến (Sammaditthi), cách tịnh tâm (Kakacupama), cuộc đời Ðức Phật (Ariyaparyesana), tứ diệu đế (Mahahatthipadopama), không tính (Culasunnata), quán niệm hơi thở (Anapanasati), vv... Có thể nói đây là một bộ kinh quan trọng nhất, bao gồm các bài giảng thiết yếu trên đường tu tập, thực hành lời Phật dạy.
Tương Ưng Bộ gồm 2,889 bài kinh ngắn, chia làm 5 chương và 56 phẩm. Ðây là tập hợp các bài kinh có chủ đề giống nhau về một điểm thảo luận, hoặc về một nhân vật nào đó trong thời Ðức Phật. Có những bài giảng quan trọng về 12 nhân duyên và về 37 phần bồ đề (37 phẩm trợ đạo).
Tăng Chi Bộ là bộ kinh dựa theo cách sắp xếp số học (pháp số), từ các chủ đề có liên quan đến 1 phần tử, 1 yếu tố, dần dần lên đến các chủ đề có 11 phần tử hay yếu tố. Vì vậy, bộ kinh được chia làm 11 chương, gồm 2,308 bài kinh.
Tiểu Bộ thật ra không phải là bộ sách nhỏ, mà là tập hợp 15 bộ sách nhỏ:
1. Tiểu Tụng, Khuddaka Patha
2. Pháp Cú, Dhammapada
3. Phật Tự Thuyết, Udana
4. Như Thị Ngữ (Phật Thuyết Như Vậy), Itivuttaka
5. Kinh Tập, Sutta Nipata
6. Thiên Cung Sự, Vimana Vatthu
7. Ngạ Quỷ Sự, Peta Vatthu
8. Trưởng Lão Tăng Kệ, Theragatha
9. Trưởng Lão Ni Kệ, Therigatha
10. Bổn Sanh, Jataka
11. Nghĩa Thích, Niddesa
12. Vô Ngại Giải Ðạo, Patisambhida
13. Thí Dụ, Apadana
14. Phật Sử, Buddhavamsa
15. Sở Hành Tạng, Cariya Pitaka
3. Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka)
Còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng, đây là tập hợp các bài giảng của Ðức Phật về thể tính và sự tướng của vạn pháp, phân giải triết học và tâm lý học. Thắng Pháp Tạng gồm có 7 quyển:
1. Pháp tụ (Dhammasangani)
2. Phân biệt (Vibhanga)
3. Giới thuyết (Dhatukatha)
4. Nhân thi thiết (Puggala Pannatti)
5. Biện giải (Kathavathu)
6. Song luận (Yamaka)
7. Nhân duyên thuyết (Patthana).
4. Các thánh điển trọng yếu khác:
Ngoài Tam Tạng Kinh Ðiển còn có các bộ Chú Giải và Phụ Chú Giải Kinh Ðiển, và một số các tác phẩm Pali quan trọng khác cũng được học tập và lưu truyền cho đến ngày nay:
- Ðảo sử (Dipavamsa)
- Ðại sử (Mahavamsa)
- Tiểu sử (Culavamsa)
- Mi-Lan-Ða vấn đạo (Milindapanha)
- Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga)
- Thắng Pháp tập yếu luận (Abhidhammattha Sanghaha)
Mặc dù Phật Giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam và đã có mặt lâu đời tại đất nước ta trên 18 thế kỷ, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một bộ Tam Tạng đầy đủ bằng chữ Việt. Ðiều nầy đã được ghi nhận từ đầu thập niên 1950 [5], mà đã 40 năm qua, công tác dịch thuật vẫn chưa hoàn tất. Thật ra, công trình dịch thuật sang chữ quốc ngữ từ các kinh điển Hán tạng bắt đầu trong thập niên 1930 với nhiều vị danh tăng và học giả trong các phong trào phục hưng Phật Giáo và chấn hưng Phật học [11].
Một chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh Việt Nam đã được tiến hành trở lại từ năm 1989, dựa trên các bộ chữ Pali và chữ Hán. Ðến nay (2000), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đã phát hành Trường Bộ (và Trường A-Hàm), Trung Bộ (và Trung A-Hàm), Tương Ưng Bộ (và Tạp A-Hàm), Tăng Chi Bộ (và Tăng Nhất A-Hàm) bằng Việt ngữ, cùng với các quyển trong Tiểu Bộ: Kinh Tập, Pháp Cú, Như Thị Ngữ, Phật Tự Thuyết, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, Bổn Sanh, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, v.v.
Hệ phái Nguyên Thủy (Nam Tông) Việt Nam đã ấn hành các bộ Vi Diệu Pháp do Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Luật cơ bản đã được dịch từ các bản chữ Hán (Luật Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, HT Hành Trụ dịch). Các quyển Thanh Tịnh Ðạo (Ni sư Trí Hải dịch), Thắng Pháp Tập Yếu Luận (HT Minh Châu dịch) và Mi-Lan-Ða Vấn Ðạo (Mi-Tiên Vấn Ðáp, HT Giới Nghiêm dịch) cũng đã được xuất bản trong những năm gần đây.
-oOo-
[1] Narada Mahathera (1980), The Buddha and His Teachings, Buddhist
Publication Society, Sri Lanka (Ðức Phật và Phật Pháp, bản dịch Việt ngữ của Phạm
Kim Khánh)
[2] Thích Nhất Hạnh (1992), Ðường Xưa Mây Trắng, Lá Bối, France
[3] Sister Vijira and Francis Story (1988), The Maha Parinibbana Sutta,
Buddhist Publication Society, Sri Lanka
[4] Bodhesako (1984), Beginnings: The Pali Suttas, Buddhist Publication
Society, Sri Lanka
[5] Thích Ðức Nhuận (1983), Phật Học Tinh Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế, USA
[6] Christmas Humprhey (1962), Buddhism, Penguin Books, UK
[7] Russell Webb (1991), An Analysis of The Pali Canon, Buddhist Publication
Society, Sri Lanka
[8] Thích Chơn Thiện (1991), Tăng Già Thời Ðức Phật, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam, Vietnam
[9] Phạm Kim Khánh (1997), Hành Hương Xứ Phật, Trung Tâm Narada, Seatle, USA
[10] H.W. Schuman, The Historical Buddha (Ðức Phật Lịch Sử, bản dịch Việt ngữ của
Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học, Sài Gòn, 1997).
[11] Nguyễn Lang (1985), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 3, Lá Bối, France.
Bình Anson,
Mùa Phật Ðản 1995, Perth, Western Australia
Bổ sung: tháng 8-2000
Phụ chú:
-oOo-
Kinh điển Ðại Thừa xuất hiện về sau nầy, vào khoảng đầu Công nguyên (CN) -- 300 đến 700 năm sau ngày Phật nhập Ðại Niết bàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều giả thuyết khác nhau, không biết do ai kết tập vào thời kỳ nào, ban đầu là vài bộ kinh ngắn rồi dần dà xuất hiện các bộ lớn hơn với văn phong không đồng nhất, và ngày nay cũng không còn nguyên bản trọn vẹn. Một số đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng qua nhiều thời kỳ khác nhau bởi nhiều dịch giả thuộc những tông phái khác nhau, và được lưu truyền đến ngày nay. Một số kinh điển Hán tự khác thì lại không có nguồn gốc rõ ràng, mặc dù lấy danh là lời Phật dạy nhưng có lẽ đã được trước tác tại Trung Hoa trong thời kỳ Phật giáo mới được phát triển tại đó.
Kinh điển Ðại Thừa là một tập hợp các bài giảng của Ðức Phật, các luận giải của tăng sĩ, và ngữ lục của các tổ sư. Ngoài tạng Luật -- trên cơ bản rất tương tự với tạng Luật Pali, còn có tạng Kinh gồm có các bộ A Hàm -- dịch thuật từ nhiều nguồn khác nhau -- và các kinh điển mới, và tạng Luận gồm các tác phẩm chú giải và luận thuyết của các vị tăng sĩ Ðại thừa về sau nầy. Có thể nói tính đa dạng và phong phú của kinh điển Ðại thừa là kết quả của một sự dung nạp hỗn độn, không có hệ thống và tiêu chuẩn rõ ràng, các tài liệu về Phật giáo -- hoặc có vẻ mang tính cách Phật giáo nhưng lại pha trộn các giáo thuyết khác -- xuất hiện rãi rác trong các thế kỷ đầu Công nguyên trong thời kỳ hình thành tông phái nầy.
Dưới đây là liệt kê sơ lược danh sách kinh điển Phật Giáo Ðại Thừa [a,b]:
1. Trước thời Long Thọ (Nagarjuna, sơ tổ của Ðại thừa Phật giáo, thế kỷ III CN):
Kinh Ðại phẩm Bát Nhã
Kinh Tiểu phẩm Bát Nhã
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Kinh Hoa Nghiêm
Kinh Ðại Vô Lượng Thọ
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội
Kinh Duy Ma Cật
Trước tác của Ngài Mã Minh (Asvaghosa, đầu Công nguyên):
Phật sở hạnh tán
Ðại Trang Nghiêm luận
Thập Bất thiện nghiệp đạo
Lục thú luân hồi
Sự sư pháp Ngũ thập tụng
Ni Kiền Tử vấn vô ngã nghĩa
Ðại tôn địa huyền văn bản luận
Ðại Thừa khởi tín luận
2. Thời Long Thọ (Nagarjuna), Ðề-Bà (Deva), Bạt-Ðà-La (Bhadra):
2.1 Ngài Long Thọ trước tác nhiều bộ luận, nhưng dịch sang Hán gồm:
Trung quán luận
Bồ đề tâm ly tướng luận
Thập nhị môn luận
Hồi tránh luận
Ðại trí độ luận
Phương tiện tâm luận
Thập trụ Tỳ Bà Sa luận
Khuyến phát chư vương yếu kệ
Thập bát Không luận
Tán pháp giới tụng
Ðại thừa phá hữu luận
Quảng đại phát nguyện tụng
Bồ đề tư lương luận
2.2 Ngài Ðề-Bà trước tác:
Bách luận
Bách tự luận
Quảng bách luận
2.3 Ngài Bạt-Ðà-La trước tác:
Chú thích Trung luận
3. Sau thời Long Thọ:
Kinh Thắng-Man
Kinh Giải Thâm Mật
Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn (Ðại thừa Niết-Bàn)
Kinh Lăng-Già
4. Thời Vô Trước (Asanga, thế kỷ IV-V CN):
4.1 Trước tác của Ngài Di-Lặc (Maitreya):
Du-Già Sư Ðịa luận
Ðại Thừa Trang nghiêm kinh luận
Thập địa kinh luận
Trung biên phân biệt luận
4.2 Trước tác của Ngài Vô Trước (Asanga):
Hiển dương Thánh giáo luận
Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh luận
Nhiếp Ðại thừa luận
Thuận Trung luận
Ðại Thừa A-Tỳ-Ðạt-Ma tạp luận
4.3 Trước tác của Ngài Thế Thân (Vasubandhu) thì rất nhiều, nhưng các bộ sau đây đã dịch sang Hán:
A-Tỳ-Ðạt-Ma Câu-Xá luận
Nhiếp Ðại Thừa luận thích
A-Tỳ-Ðạt-Ma Câu-Xá bản tụng
Thập địa kinh luận
Duy thức Tam thập tụng
Diệu Pháp Liên Hoa kinh Ưu-Bà-Ðề-Xá
Duy thức Nhị thập tụng
Vô Lượng Thọ kinh Ưu-Bà-Ðề-Xá
Ðại Thừa Bách pháp Minh môn luận
Chuyển Pháp luân Ưu-Bà-Ðề-Xá
Ðại Thừa Ngũ uẩn luận
Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật kinh luận
Phật tính luận
Lục môn giáo thọ tập định luận
(Bình Anson, tháng 12-1998)
[a] Giác Ngộ, số 126, tháng 08-1998.
[b] Thích Thanh Kiểm, 1995. Lược sử Phật giáo Ấn độ.