Trong kho tàng kinh điển Ðại Thừa, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh được truyền bá rất sớm và rất rộng rãi, đã từng là bộ kinh cơ bản cho tông Thiên Thai tại Trung Hoa và tông Nhật Liên tại Nhật Bản.
Các vị thiền sư Việt Nam đời Lý Trần cũng thường chú trọng trì tụng giảng dạy kinh Pháp Hoa song song với kinh Viên Giác, Kim Cang. Hai thiền sư Bảo Tịnh và Minh Tâm dưới đời Lý (khoảng năm 1034) suốt 15 năm trì tụng kinh Pháp Hoa chưa từng trễ nải. Thiền sư Thông Biện, vị thiền sư thông thái đời Lý Thánh Tông, từng trả lời Phù Thánh Cảm linh nhân hoàng hậu về các câu hỏi liên quan lịch sử truyền bá Phật Giáo tại Việt Nam, Ngài thường dùng kinh Pháp Hoa dạy người sửa mình, nên người bấy giờ gọi sư là Ngộ Pháp Hoa. Thiền sư Chân Không (tịch năm 1100) lúc 18 tuổi, tầm sư học đạo, nhân đến hội giảng của Thảo Nhất tại Chùa Tĩnh Lư núi Ðông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa, bỗng nhiên tỏ ngộ. Sau đó Ngài được vua Lý Nhân Tông mời vào đại hội giảng kinh Pháp Hoa. Bấy giờ Thái Úy Nguyễn Thường Kiệt (tức Lý Thường Kiệt) và thứ sử Lạng Châu là tướng quốc Thân Công càng thêm kính trọng.
Và ngày nay, trong hiện tại việc trì tụng kinh Pháp Hoa rất lan rộng trong giới Phật tử, giúp họ rất nhiều trên bước tu tâm hành thiện theo đạo giác ngộ.
Trong kinh Pháp Hoa có một câu dạy rất đặc biệt, nêu lên mục đích ra đời của mười phương chư Phật, câu đó là ‘Các đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì khai ngộ cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật’.
Như vậy kinh Pháp Hoa chính là kinh nêu rõ mục đích ra đời của Chư Phật, mà dưới đây là đại cương của kinh.
Thiên kinh vạn quyển Phật nói ra cùng với những pháp môn tu hành trong đó như quán sổ tức, quán bất tịnh, tham thiền, trì trai giới, an cư kiết hạ... đều chỉ đưa đến mục đích làm Phật. Có kinh nói rộng, có kinh nói đơn giản. Nhưng tựu trung, chẳng có pháp môn nào dễ dàng để tu thành Phật. Pháp môn nào cũng khó. Quán bất tịnh phải quán thật sâu xa, kỹ càng chứ không phải quán qua loa mà thành được. Sổ tức cũng không phải dễ, không cứ chỉ thở vô thở ra vài hơi là xong. Tham thiền, trì trai giới, các môn tu khác cũng đều khó như vậy cả. Vậy mà theo kinh Pháp Hoa, thì việc thành Phật quả dễ.
‘Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, Nhất xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo’. (Nếu người tâm tán loạn, đi vào trong tháp Phật, niệm một lần ‘ Mô Phật’, cũng đủ thành Phật đạo).
Hoặc chỉ chắp tay hay cúi đầu trước tượng Phật, cho đến trẻ con chơi cát đắp thành tháp Phật mà cũng thành Phật được. Một quyển kinh Ðại Thừa cao nhất là Pháp Hoa, rốt cuộc dạy một chuyện dễ dàng như vậy, thì hà tất phải tham thiền, giữ giới, kiết hạ an cư ? Cho nên ngài Thường Bất Khinh đã chọn một cách để làm Phật. Ngài không sổ tức, không nhập định, không quét nhà, làm đường, chỉ đi gặp ai cũng nói câu: ‘Tôi không dám khinh Ngài, vì Ngài hành Bồ Tát đạo, Ngài sẽ thành Phật’. Ngài Thường Bất Khinh là một vị Bồ Tát Tỳ Kheo, sống giữa chúng Tỳ Kheo tăng thượng mạn có thế lực dưới thời tượng pháp của đức Phật Oai Âm Vương trong quá khứ. Ngài chỉ làm mỗi một việc là đến nơi mọi người, chắp tay cung kính xướng câu: ‘Tôi không dám khinh Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật’.
Trong việc làm đơn giản đó, tuy nhiên, cần phải có một lòng tin mãnh liệt rằng ‘Tất cả chúng sanh đều là Phật’ thì mới làm nổi. Lòng tin ấy nếu không có trí tuệ của Bồ Tát thì không thể có được. Ðó là Bát Nhã ba la mật; và Ngài làm việc ấy không phải một hai lần mà làm thường xuyên, không phải đối với một hai người mà đối với tất cả mọi người, đó là Tinh Tấn Ba la mật. Trong khi Ngài làm như vậy, có người nghe thì hoan hỷ, vì cho là một lời chúc tụng giá trị nhất, chúc làm vua cũng không bằng; nhưng cũng có người dửng dưng vì không hiểu Ngài muốn nói gì, rồi cũng có người nổi sân vì cho Ngài chọc tức mình, nên xua đuổi đánh đập. Vậy mà Ngài vẫn giữ một thái độ bình thản đối với cả ba hạng người ấy, đó là Nhẫn Nhục Ba la mật. Và mỗi khi đối trước ai nói lên câu: ‘Tôi không dám khinh người...’ là nói với một lòng kính cẩn tập chú chứ không phải cuồng loạn hời hợt, hình thức đó là Thiền định Ba la mật.
Như vậy, ta thấy một việc làm ngó đơn giản song gom đủ ý nghĩa của Bồ Tát hạnh và sức mạnh của một lòng tin kiên cố: Tin mình là Phật và tất cả chúng sanh đều là Phật. Chúng ta đã có ai dám tự tin mình là Phật chưa? Huống nữa là tin người khác là Phật ? Thật khó tin mà tin nổi một kẻ vừa nói láo, vừa mắng chửi cộc cằn kia là Phật được. Phải như một vị đại lương y, đứng trước một con bịnh có những triệu chứng ghê gớm: Thổ tả, mê sảng, sốt mặt đỏ gay... Nhưng qua sự bắt mạch thấy rõ ba bộ thốn, quan, xích, đều đi hữu lực mà biết được tánh mạng người đó chưa hề gì, và bảo con bịnh: ‘Ông không chết’. Sự quả quyết đó của lương y tạo cho người bịnh một lòng tin tưởng, một sức mạnh, một niềm hy vọng phấn khởi để vươn lên mà sống. Ngài Thường Bất Khinh nói với chúng sanh: ‘Các Ngài là Phật’, cũng trong ý nghĩa đó. Nếu chúng sanh vì tự thấy mình là chúng sanh, cam phận chúng sanh, nên cứ mặc tình trầm luân tạo nghiệp. Vì đã là chúng sanh vô phương cứu chữa, thì tội chi mà không trầm luân, tội chi mà không lăn lóc trụy lạc: Thân lươn bao quản lấm đầu ? (đã làm thân con lươn thì có ngại gì cái đầu bị lấm bùn lầy) đã thấy mình thấp thỏi tầm thường thì không còn việc ác gì không làm, vì con người như thế, không tin rằng còn chút phẩm giá nào để vươn lên toàn thiện toàn giác được. Bây giờ, khi nghe nói rằng mình là Phật, có cơ trở thành bậc toàn thiện toàn giác thì trừ phi những người không muốn, ai cũng phải mừng rỡ, và nhờ đó các thói xấu cống cao ngã mạn, nhỏ nhen, bần tiện... khó mà nổi lên được. Có bao giờ một người, khi tự tin mình là Phật, mà lại cứ nhắm mắt sống theo thói ăn cắp, nói láo, kiêu mạn, tật đố, sân si ? Cho nên tự tin mình là Phật thì ngay khi đó mình là Phật. Quán kinh dạy: ‘Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật’. Tâm đó là Phật, tâm đó làm Phật, không tâm nào khác hơn. Ngài Thường Bất Khinh thấu hiểu lý ấy trong Kinh Pháp Hoa, nên Ngài chỉ hành Pháp Hoa mỗi một cái hạnh ‘bất khinh’ ấy, tức là không khinh người và không tự khinh mình.
Lòng tin ‘Tất cả chúng sanh là Phật’ nó dễ kết hợp mọi người lại với nhau như nước tìm đến nước. Nước với lửa mới chống trái nhau, còn nước với nước thì dù có nước ở bất cứ nơi nào, sông, ngòi, ao, hồ, mương, lạch, dù trong đục, sạch dơ, đều tìm về biển. Tất cả mọi người có được lòng tin mình là Phật cũng thế, cũng tìm về với nhau trong biển cả Ðại Giác. Ðó là điểm chính, là cốt tủy, cho nên trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký cho tất cả hàng Thanh Văn đều thành Phật. Trước đó đối với hàng Thanh Văn, Phật chỉ dạy pháp Tứ Ðế, 12 nhân duyên. Ðến hội Pháp Hoa, Phật mới thọ ký Thanh Văn thành Phật. Ðây là điểm đặc biệt của Pháp Hoa hội. Mặc dù có nhiều kinh điển khác đều nói đến Phật tánh, nói tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, nói đến trí tuệ và mục đích ra đời của Chư Phật, nhưng chỉ nói chung chung. Như trong kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Phật chỉ thọ ký cho hàng Bồ Tát, còn đối với hàng Thanh Văn thì dạy cho các pháp tu để thành Bích Chi La Hán, chứng nhập Niết Bàn. Những người này tu theo các pháp môn Phật dạy, được chứng quả Thanh Văn liền cho rằng đã viên mãn, nên đến hội Pháp Hoa khi Phật sắp sửa nói, Ngài lại muốn thôi, chính vì nghĩ đến hạng tăng thượng mạn này: ‘Chỉ chỉ bất tu thuyết, ngã pháp diệu nan lư, chư tăng thượng mạn giả, văn tất bất kính tín.’ (Thôi thôi chẳng nên nói, Pháp ta vi diệu khó lường, những kẻ tăng thượng mạn nghe sẽ không kính tin). Ngài Xá Lợi Phất phải cầu xin năn nỉ đến lần thứ ba, Phật mới dạy rằng: ‘Ông đã ba phen cầu thỉnh, chẳng lẽ Ta không nói’. Khi Ngài sắp sửa nói thì năm ngàn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, nam nữ cư sĩ đảnh lễ Phật mà lui ra, vì cho rằng tất cả pháp Phật dạy, mình đã tu, đã đắc cả rồi còn gì để nói, còn gì để nghe nữa ? Sau khi những người này bỏ đi, Phật dạy rằng: ‘Lui đi cũng tốt’ (thối diệc giai hỷ). Câu nói của Phật nghe tuồng như phũ phàng, tuồng như đối với năm ngàn người này lòng từ bi của Ngài không phổ cập đến.
Trong khi ở hội Hoa Nghiêm, chỉ có hàng Bồ Tát lãnh hội được ý chỉ của Phật dạy, còn hàng Thanh Văn ngồi đó mà như đui như điếc; vậy mà Phật không đuổi ra, họ cũng không bỏ ra đi. Ở hội Pháp Hoa thì Phật nói: ‘Lui ra cũng tốt’ có phải phũ phàng xua đuổi không ? Không phải, bởi vì ở hội Hoa Nghiêm những vị Thanh Văn tuy không hiểu mà không có lòng tăng thượng mạn, không cho mình đã chứng đắc, nên cứ ngồi đó. Ngồi mà không khinh, không khiếp, không sợ. Còn ở hội Pháp Hoa, những vị Thanh Văn này lại tăng thượng mạn, chưa chứng đắc viên mãn mà tự cho đã chứng đắc viên mãn. Có tâm tăng thượng mạn như thế, mà cứ ngồi lì ở đó, hay nếu Phật bảo ‘cứ ngồi đó đi’ thì thật là không ích gì cho chính bản thân họ mà còn gây chướng ngại cho những người nghe pháp. Và sở dĩ những người này tăng thượng mạn là vì họ chưa tin nổi rằng ‘Tất cả chúng sanh đều là Phật’, họ chỉ tin rằng mình đã đắc quả A La Hán và chẳng những không tin chúng sanh là Phật, họ còn không tin nổi ‘ chính mình là Phật’, do đó mà họ đã bỏ ra đi, và Phật dạy rằng họ lui ra cũng tốt.
Thành thử kinh Pháp Hoa có nghĩa ‘ Hội tam quy nhất, thọ ký thành Phật’. Trước kinh Pháp Hoa, Phật dạy nhiều pháp môn, mỗi pháp môn chứng một quả vị khác nhau như tu Tứ đế pháp đắc quả A La Hán, tu 12 nhân duyên đắc Bích Chi, tu Lục độ làm Bồ Tát... đến hội Pháp Hoa, khi sắp nhập Niết Bàn, Phật mới dạy những gì mà trước đó ngài chưa dạy được, đó là ‘ những pháp môn mà ngài dạy bấy lâu chỉ là những phương tiện để bước lên Nhất thừa. Trước kia Thanh Văn đã cho đó là pháp thật, quả thật, nên chăm chỉ tu, chứng và chấp thủ các quả vị đã chứng. Bây giờ Phật mới nói rằng Nhị thừa, Tam thừa đều không thật đều là phương tiện chỉ có Nhất thừa mới là thật, mới là cứu kính.
Ngài Thiên Thai Trí Giả cho đó là ‘ khai quyền hiển thật, khai cận hiển viễn’ mở phương tiện ba thừa để hiển bày cái chân thật là Nhất thừa Phật đạo. ‘Khai quyền’ là chỉ rõ tất cả các pháp môn Phật nói trước kinh Pháp Hoa đều chỉ là phương tiện để đi đến giáo lý thật của Pháp Hoa là ‘Tất cả chúng sanh đều là Phật’. Ðiều mà mười phương chư Phật đều làm: ‘xuất hiện ra ở đời để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến’. Ðiều này, đức Thích Ca Bổn Sư cũng không làm khác với chư Phật 10 phương. Một mặt vì tất cả chúng sanh đều là Phật, một mặt vì bản hoài của tất cả chư Phật ra đời vì một mục đích duy nhất là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, một mặt vì trí tuệ chư Phật thậm thâm đủ cả hai mặt căn bản trí và quyền trí, thấu hiểu cùng tận được thật tướng các pháp nên mới khai quyền hiển thật được. Thật tướng đó là 10 ‘ như’ ‘: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạc cứu cách. Mười ‘ như ‘ này là tướng sai biệt của thật tướng các pháp. Ngài Thiên Thai lấy mười ‘như’ đó phối hợp, với mười ‘giới’ (gọi là thập pháp giới) với năm ấm, hữu tình thế gian và khí thế gian mà thành ‘ bách như ‘ ‘thiên như ‘...Thiên Thai tông có danh từ ‘ Tam thiên nhất niệm; nhất niệm tam thiên’ là để chỉ cái lý chân thật mà chư Phật đồng chứng như nhau, đó là ba điểm sau đây:
1. Thật trí, quyền trí chư Phật đồng nhất.
2. Phật tánh chúng sanh cùng đồng nhất.
3. Bản hoài chư Phật cũng đồng nhất, nên Phật chỉ dạy mỗi một đạo lý duy nhất,
đó là đạo Nhất thừa.
Nhưng trước khi khai thị để đưa chúng sanh về Nhất thừa, Phật phải nói loanh quanh gọi là phương tiện, để đến Pháp Hoa Ngài mới nói rõ Bản hoài của chư Phật. Do đó là kinh Pháp Hoa cao điểm của giáo lý Phật nên mới là Diệu Pháp. Ngài Thiên Thai chia hai thứ ‘ diệu’ là tương đối diệu và tuyệt đối diệu. Những pháp môn Phật dạy trước đây tuy diệu nhưng chưa tuyệt đối, như khi phân thành Thanh văn, Duyên giác thừa và Ðại thừa, thì Ðại thừa là diệu, nhưng chỉ diệu tương đối với Thanh văn, Duyên giác, chưa phải diệu thật sự tuyệt đối. Ðến hội Pháp Hoa thì không còn đối đãi với Thanh văn, Duyên giác mà gồm chung tam thừa vào nhất thừa, nên mới thật là diệu pháp. Pháp Hoa nói thật tướng các pháp, thật tướng đó là: Tất cả pháp đều là Phật Pháp, tướng tánh bất nhị. ‘Thế gian tướng thường trụ’. Tất cả pháp, bởi thế, đều là diệu pháp (nhứt sắc nhứt hương vô phi trung đạo).
Diệu pháp đó ví như hoa sen với những điểm:
1. Sinh ra trong bùn mà không nhiễm bùn.
2. Khi hoa nở thì tỏa hương thanh khiết nhẹ nhàng.
Nghĩa là những pháp mà Phật nói ở trong Diệu pháp Liên hoa cũng phát xuất từ tam thừa pháp, ví như hoa sen vẫn sinh từ bùn. Cái hoa diệu pháp từ trước bị vùi lấp trong bùn kiến chấp của tam thừa, đến hội Pháp Hoa thì hoa sen từ bùn nở ra mà không dính bùn, lại tỏa hương vi diệu. Ðạo Phật quả là đạo hoa sen. Phật ra đời đi bảy bước cũng đi trên bảy hoa sen (có nghĩa: Sáu hoa trước chỉ cho sáu đức Phật quá khứ là Tì Bà Thi, Thi Khí, v.v...Hoa thứ bảy là Phật Thích Ca vậy. Cũng có nghĩa khi mới phát tâm đức Thích Ca đem 7 hoa sen dâng cúng đức Phật Nhiên Ðăng, nên khi Ngài sắp thành Phật có 7 hoa sen đỡ chân ngài). Khi thành đạo, Ngài quan sát căn cơ chúng sanh qua hình ảnh những hoa sen trong hồ: Có hoa đã vươn lên khỏi mặt nước, có hoa còn chìm, có hoa chưa ra khỏi bùn, nhưng tất cả đều là hoa sen và đều lên khỏi mặt nước tỏa hương khi gặp ánh sáng mặt trời.
Chúng sanh cũng vậy, ở trong đống bùn phiền não mà cũng không dính bùn, vì chưa ra khỏi phiền não mà gọi là chúng sanh, đến khi gặp được mặt trời diệu pháp của Phật soi đến thì cũng đều nở. Ngài Huyền Trang khi đi thỉnh kinh, trong lúc chờ đợi cấp giấy đi đường, một đêm mộng thấy một ngọn linh sơn giữa biển. Ngài nhảy xuống biển liền có hoa sen đỡ đưa Ngài lên núi. Và trước khi thị tịch, Ngài cũng thấy hoa sen.
Nhưng đó là hoa sen trong nước, còn thứ sen trong lửa như lời Thiền sư Ngộ Ấn ( Việt Nam):
Diệu tánh hư vô bất khả phân
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị căn.
Hay của Ðộng Sơn Lương Giới, Sư Tổ phái Tào Ðộng:
Lưỡng kiếm giao phong bất tu tị
Hảo thủ do như hỏa lý liên
Ám chỉ rằng ở trong cái lò lửa là thân ngũ uẩn uế trược đầy lửa phiền não của chúng sanh, hoa sen Phật tính vẫn tươi như thường.
Chân Nguyên Thiền Sư Việt Nam cũng có câu:
"Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh trạm viên
Bao hàm trời đất dưới trên cùng bằng
Hậu học đã biết hay chăng
Tâm hoa ứng nguyện nói năng mọi lời."
Do đó mà kinh Pháp Hoa lấy dụ hoa sen.
Trên đây là ý nghĩa tóm tắt kinh. Bây giờ để bổ túc, sẽ nói qua về bố cục kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Bố cục kinh pháp hoa:
Kinh này là một kinh dịch ra Hoa văn rất sớm, vào năm 286 TL do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch đề là Chánh Pháp Hoa Kinh (10 quyển). Trước đó không lâu vào năm 256 TL tại Giao Châu có Ngài Chi Cương Lương cũng dịch lấy tên là Pháp Hoa Tam Muội (6 quyển), nhưng hiện trong Tạng chỉ có một quyển Pháp Hoa Tam Muội do Trí Nghiêm đời Lưu Tống dịch. Ðời Ðao Tần, Ngài La Thập dịch vào năm 404 lấy tên Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển). Ðời Tùy năm 601 TL hai Ngài Xà Na và Cấp Ða cũng dịch lấy tên là Thiên Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển). Bộ Pháp Hoa thường được nghiên cứu học hỏi là bộ do Ngài La Thập dịch 7 quyển 28 phẩm. Thiên Thai tông chọn kinh này làm bản kinh chính yếu để lập tông, và chia 28 phẩm ra làm hai phần: Phần đầu gồm 14 phẩm trước, gọi là tích môn tích hóa, gọi tắt là tích môn, phần sau gồm 14 phẩm sau, gọi là bản môn bản hóa, gọi tắt là bản môn (môn dạy không phải là cửa mà là phương diện).
Sự hóa độ của đức Phật có dấu tích, biểu hiện ra giữa trần gian cho chúng ta nghe được thấy được rõ ràng, thì gọi là tích môn. Tích phải có gốc từ đó nó phát sanh, cái gốc đó là bản môn. Ðức Phật Thích Ca hiện ra nơi đời tất phải từ một đức Phật Vô Lượng Thọ, và giáo pháp Ngài giảng nói cũng là pháp Ngài đã chứng từ vô lượng kiếp, gọi là bản môn. Như ánh trăng chiếu trên sông hồ, khi có khi không, khi còn khi mất, do nước có đầy vơi trong đục mà ra, nhưng trăng trên trời, thì luôn luôn có. Bản môn tức thọ mạng của Phật và giáo pháp của Ngài, sự giáo hóa của Ngài là vĩnh cửu, song tích môn thời Phật tùy giai đoạn, căn cơ, nghiệp lực chúng sanh mà có nơi hiện nơi không. Nói thế để biết, sự nhập Niết Bàn của Phật tại rừng Sa La là sự Niết Bàn của Tích môn, không phải của bản môn, đó là sự vắng bóng của trăng trong nước. Sự hiện sinh của Phật ở vườn Lâm Tỳ Ni cũng thế, chỉ là sự hiện diện của tích môn. Còn Ðức Phật của Bản Môn thì không sinh không diệt, như trăng trên trời. Chúng hội trong tích môn là chúng hội ở thế giới ta bà uế độ này, tại Kỳ Viên Tịnh Xá; còn chúng hội trong bản môn, ngay từ phẩm 11 trở đi, là chúng hội siêu thời gian không gian, không phải như ở trong tích môn có người ở ta bà nghe kinh và Kỳ Viên là nơi chốn. Nay hãy đi vào chi tiết.
Tích môn: 14 phẩm trước.
Trong phần tích môn, thì phẩm Tựa đầu tiên bao gồm nhiều ý nghĩa tổng quát. Từ phẩm thứ 2 là phẩm Phương tiện đến phẩm thứ 9 Thọ Ký, đặc biệt là nói về Tích môn, mà phẩm Phương tiện là chủ yếu, còn 7 phẩm kế tiếp kia chỉ là diễn rộng đạo lý ở phẩm này cho hàng căn cơ chậm hiểu. Thiên Thai chia phần tích môn ra Tam châu Thuyết pháp (châu có nghĩa là toàn vẹn). Trong việc khai quyền hiển thật, thì phẩm Phương tiện là pháp thuyết châu chỉ có hàng Thanh văn thượng căn mới hiểu, như Ngài Xá Lợi Phất, được Phật thọ ký ngay. Lần thứ hai, Phật phải giải thích bằng ba thí dụ gọi là dụ thuyết châu nghĩa là thay vì nói thẳng điều cần nói như ở phẩm Phương tiện, ở đây Ngài dùng ba thí dụ là thí dụ ba cõi như nhà lửa, đứa con khốn cùng và cây thuốc, để cho hàng trung căn tín giải và được thọ ký trong lần này như bốn vị: Tu Bồ Ðề, Mục Kiền Liên, Ca Diếp và Phú Lâu Na. Ở phần dụ thuyết châu này gồm bốn phẩm là phẩm Thí dụ, Tín giải, Dược thảo, Thọ ký. Lần thứ ba gọi là Nhân duyên thuyết châu gồm phẩm Hóa Thành Dụ, Ngũ bách đệ tử, Thụ học vô học ký. Ở đây Phật nhắc lại cho các đệ tử Thanh Văn nhớ lại nhân tu của họ trong quá khứ. Họ đã từng gặp Phật, phát tâm Ðại thừa mà nay bị quên đi, nên Phật nhắc cho họ nhớ bản nguyện để phục hồi cái tâm hướng Ðại thừa của họ. Lần này rất đông người ngộ giải và được thọ ký. Tuy đề phẩm là ‘ Ngũ bách thọ ký’ nhưng kỳ thực là 1250 vị, nhưng năm trăm vị này danh tiếng mà thôi. Lần này, chẳng những hàng vô học La Hán được thọ ký, mà cả hạng hữu học cũng được. Ðây là hàng hạ căn đắc ký.
Ðối tượng thuyết pháp Phật nhắm đến là hàng Thanh văn hồi tiểu hướng đại, khiến họ đi vào Nhất thừa. Nói rộng ra, là thọ ký cho tất cả chúng sanh. Có hai lối thọ ký: biệt thọ ký và thông thọ ký. Biệt thọ ký là thọ ký từng người, từng nhóm người sẽ thành Phật ở thế giới tên gì, Phật hiệu gì, v.v... Hàng Thanh văn được thọ ký trong hội Pháp Hoa là biệt thọ ký. Nhưng về sau, có những thọ ký chung cho những người tu sau khi Phật đã Niết Bàn.
Bởi vì trong một hội chúng nghe pháp, bao giờ cũng có bốn hạng người là:
1. Chúng khải thỉnh, những Ngài thưa thỉnh để Phật nói pháp cho mọi người khác nghe. Ðó là những vị Bồ Tát đã ngộ, nhưng phương tiện thưa hỏi vì chúng sinh. Hoặc là những người ‘đương cơ’ mà lợi căn biết đặt câu hỏi.
2. Chúng đương cơ, đối tượng chính của buổi thuyết pháp. Phật nhắm ngay hạng này mà nói, vì hạng này có thể lãnh hội lời Phật dạy. Trong hội Pháp Hoa, chúng đương cơ là hàng Thanh văn hồi tiểu hướng đại, được Phật dùng phương tiện dắt dẫn lên Nhất thừa.
3. Chúng tán dương, là những Bồ Tát đã được thọ ký, đã nghe kinh này rồi, nhưng vẫn ngồi đó để tán dương Phật, Pháp, tán dương sự nói pháp và người nghe pháp.
4. Chúng kết duyên, lại có hạng người nghe mười câu mà chỉ hiểu một, nghe sau quên trước, nhưng đó vẫn là một cách kết duyên để sau này được hiểu Phật và làm Phật vậy.
Nói thế để hiểu rằng, chúng đương cơ trong kinh Pháp Hoa là hạng người nào, để hiểu được tinh thần kinh.
Trên đây là tóm tắt ý nghĩa chín phẩm trước.
Từ phẩm mười (Pháp Sư ) đến phẩm mười bốn (An lạc hạnh) là bổ túc cho tám phẩm trước là những phẩm chính của tích môn tích hóa. Trong phẩm mười này Phật thọ ký chung tất cả những ai có nghe kinh niệm Phật. Vì vậy đạo lý Pháp Hoa là một đạo lý cần được tuyên dương hoằng hóa, và người nói kinh này cần thành tựu ba việc để sự nói kinh được viên mãn, đó là nhập Như Lai thất, trước Như Lai y, tọa Như Lai tòa (vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai).
Phẩm Hiện bảo tháp thứ mười một, một bảo tháp của Phật Ða Bảo từ dưới đất vọt lên khen ngợi. Ý nghĩa ở đây là: Phật vốn bất diệt. Ðức Phật Ða Bảo diệt mà bất diệt, để hiện thị Ðức Thích Ca sanh mà không sanh. Hai Ngài ngồi chung một tòa, bởi vì cùng bất sanh bất diệt như nhau. Lại nữa, Ða Bảo còn là biểu thị Phật tánh sẵn có trong đất phiền não khi gặp được kinh Pháp Hoa thì hiển lộ.
Phẩm Ðề Bà Ðạt Ða thứ mười hai, trong những kinh khác, Ðề Bà là một người tạo đủ các tội lỗi, nghiệp chướng nặng nề. Nhưng đến kinh này, thì phật cho biết vô lượng kiếp về trước, Ðề Bà đã là thiện tri thức giúp Ngài thành Phật qua việc ông đã nói lại kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Chứng tỏ năng lực kinh này đã làm cho Phật thành Phật và cũng làm cho một người ác như Ðề Bà mà cũng thành thiện tri thức được nhờ nói lại kinh Pháp Hoa. Lại còn có chuyện Long nữ thành Phật, làm cho Ngài Xá Lợi Phất phải ngạc nhiên: đã làm súc sinh, lại mang thân nữ, ở đời coi như vậy là hết chỗ đứng, vậy mà vẫn thành Phật được, chứng tỏ những chúng sinh nào tin được kinh này thì đều thành Phật, và chứng đắc đạo lý Phật tính bình đẳng của Pháp Hoa là không phân biệt nam nữ trời rồng, người hay súc sinh. Thật là một sự bình đẳng tuyệt đối.
Phẩm An lạc thứ mười bốn, muốn nói kinh Pháp Hoa ở đời ngũ trược khỏi bị chướng ngại, phải an trụ bốn hạnh là không tích hạnh, ly kiêu mạn hạnh, ly tật đố hạnh và từ bi hạnh. (Hay thân an lạc hạnh, khẩu an lạc hạnh, ý an lạc hạnh, và an lạc thệ nguyện).
Bản môn bản hóa: Từ phẩm 15 cho đến hết.
Phẩm Tùng Ðịa Dõng Xuất thứ 15, từ phẩm này trở đi toàn nói đến những cảnh giới vượt ngoài tầm hiểu biết thông thường của người phàm. Từ dưới đất trồi lên vô số Bồ Tát, như ở phẩm 11 Tháp Ðức Ða Bảo cũng từ đất vọt lên, phẩm này cùng với phẩm 16 là:
Phẩm Như Lai Thọ Lượng: Cả hai phẩm 15, 16 này là phần chính của Bản môn. Phật nói: ‘Ta vốn ở trong Ta Bà Thế Giới này từ vô lượng kiếp chứ không phải mới sinh’. Bản môn này là gốc, từ đó mà có ra tích môn, là sự đản sinh của Phật tại Lâm Tỳ Ni vậy.
Tiếp đến, Phật phân biệt công đức của Người trì kinh ở phẩm Phân Biệt Công Ðức. Phẩm Tùy Hỷ Công Ðức là Tùy hỷ với người nghe kinh, khuyến khích người khác nghe Pháp Hoa (mặc dù mình không nghe) cũng được có công đức thuộc hạ phẩm. Phẩm Pháp Sư Công Ðức thứ 19 là chỉ cho trung phẩm công đức nhờ nghe, đọc tụng diễn nói kinh này.
Phẩm Thường Bất Khinh thứ 20, là nói đến Thượng phẩm công đức của Ngài Thường Bất Khinh, tức công đức hành hạnh Pháp Hoa, như đã nói trên.
Nói xong phẩm này, Phật hiện thần lực (phẩm 21) để chứng minh thêm công đức đó, và Chúc lụy (phẩm 22) rằng kinh này nên được lưu truyền rộng rãi.
Từ phẩm 23 đến cuối có thể gọi là phần lưu thông, sự hoằng kinh Pháp Hoa do những vị Bồ Tát, hoằng kinh bằng những khổ hạnh của mình như phẩm Dược Vương, Diệu Âm, hoằng kinh do sự cứu khổ nạn cho chúng sinh như phẩm Quán Thế Âm ( Phổ Môn) hay bằng thần chú lực hộ trì cho người đọc tụng diễn nói Pháp Hoa như phẩm Ðà La Ni 26...
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương (phẩm 27) kể một ông vua tà kiến, nhưng có bà vợ và hai con trì kinh Pháp Hoa đã tìm đủ cách để cải hóa cha, cuối cùng vua chịu đi nghe kinh Pháp Hoa mà trở thành Bồ Tát. Ðây là nói lúc hộ trì của kinh, có năng lực cải tà quy chánh.
Phẩm 28 là phẩm Phổ Hiền, khuyến khích hoằng kinh.
Ngài Trí Khải cho 14 phẩm sau này là bản môn bản hóa, nhưng chủ yếu bản môn chính thức là chỉ có 2 phẩm 15 và 16.
Vị trí kinh Pháp hoa:
Theo sự phân giáo của Ngài Thiên Thai và Cát Tạng (Thiên Thai tông và Tam Luận tông) có 5 thời kỳ thuyết pháp của Phật là Hoa Nghiêm, A Hàm, Bát Nhã, Phương Ðẳng và Pháp Hoa, Niết Bàn. Trong đó lại chia ra ba giai đoạn chuyển pháp luân (tam pháp luân) là:
1. Căn bản pháp luân: Kinh Hoa Nghiêm, khi Phật nói kinh này chỉ một số rất ít người hiểu, nên Ngài mới tùy phương tiện nói ra ba thừa đó là:
2. Chi mạt pháp luân: Trước hết là thời A Hàm, nhưng vì hàng Thanh văn thiên chấp kinh này, nên Phật lại nói hai thời giáo kế tiếp là Bát Nhã và Phương Ðẳng để đưa lên Ðại thừa. Nhưng Ðại thừa này chưa rốt ráo, vì mới chỉ thọ ký cho hàng Bồ Tát thành Phật, chưa thọ ký cho Thanh Văn. Do đó giáo pháp ở các thời này vẫn còn là chi mạt (cành ngọn). Ðến giai đoạn thứ ba:
3. Nhiếp mạt quy bổn Pháp luân: Mới là pháp luân rốt ráo của Phật, đó là thời giáo Pháp Hoa gồm hết những chi mạt về căn bản. Mở đầu là Hoa Nghiêm, kết thúc là Pháp Hoa, đấy là thủy chung của một thời giáo hóa mang cùng một ý nghĩa nhưng hai phương pháp khác nhau: Hoa Nghiêm thì nói thẳng nên chỉ có một số Bồ Tát giải ngộ được mà thôi, còn Pháp Hoa thì dùng nhiều cách nói để đưa người đến giác ngộ, tùy căn cơ chúng sanh Phật đã nói những kinh khác, cho đến Pháp Hoa thì Phật gồm tất cả giáo lý 45 năm đã nói.
Vì tính cách quan trọng đó của kinh này mà Ngài Trí Khải đã căn cứ để lập ra Thiên Thai tông rất thịnh hành. Khi truyền qua Nhật Bổn, đến năm 1222 có sư Nhật Liên dựa vào Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Ngài Trí Giả mà lập ra Nhật Liên Tông đến nay vẫn thịnh hành. Ðấy là chưa kể trước đó 6,7 thế kỷ, Thánh Ðức Thái Tử ( Shotaku-taishi) người có công lớn du nhập và truyền bá Ðạo Phật ở Nhật, ông nhiếp chánh những năm 593-622, sau khi chú giải kinh Duy Ma, Thắng Man và Pháp Hoa, ông đã dựa vào đó để soạn thảo và công bố bản Hiến Pháp 17 điều đầu tiên của Nhật, mà tinh thần của nó đến nay vẫn còn giá trị.
From: Phat Hoc Buddhist Magazine, http://www.win.net/phathoc/