Giới thiệu: Ðây là một bài kinh quan trọng giảng về bốn bậc thiền hữu sắc và bốn bậc thiền vô sắc để tiến tới giải thoát.
-oOo-
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá Vệ) tại Jetavana (Kỳ đà Lâm), tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: " Này các Tỷ Kheo". " Thưa vâng, bạch Thế Tôn", các Tỷ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ Kheo, Sariputta(Xá Lợi Phất) là bậc Hiền Trí (pandita: Thông suốt, thiện xảo hay sáng suốt.); này các Tỷ Kheo, Sariputta là Bậc Ðại Tuệ (mahapannà: Ðại Tuệ như đối với giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, tứ đế, 37 phẩm trợ đạo); này các Tỷ Kheo, Sariputta là bậc Quảng Tuệ (như Ðại Tuệ); này các Tỷ Kheo, Sariputta là bậc Hỷ Tuệ (hasupanna: hỷ lạc khi thành tựu giới luật, hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống ...); này các Tỷ Kheo, Sariputta là bật Tiệp Tuệ (javanapanna: vị ấy biết một cách mau chóng rằng các uẩn là vô thường); này các Tỷ Kheo, Sariputta là bậc Lợi Tuệ (tikkhapanna: Sariputta cắt mau lẹ các kiết sử và đoạn trừ các bất thiện pháp); này các Tỷ Kheo, Sariputta là bật Quyết Trạch Tuệ (nibbedhikapanna). Này các Tỷ Kheo, cho đến nửa tháng, Sariputta quán bất đoạn pháp quán (Sariputta chứng A La Hán sau 2 tuần). Này các Tỷ Kheo, đây là do bất đoạn pháp quán của Sariputta.
Ở đây, này các Tỷ Kheo, Sariputta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Và những pháp thuộc về Sơ Thiền như tầm, tứ, hỷ, lạc, và nhất tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt". Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu; sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái (anupaya), không chống đối, độc lập (anissita: đối với ta kiến và ái), không trói buộc (apatibađha: đối với tham và dục,) giải thoát (vipanutta: giải thoát khỏi dục lạc), không hệ lụy (visamyatta: khỏi 4 ách của kiết sử), an trú với tâm không hạn chế (vimariyàdikatena cetasà: không có hạn chế vì những gì đã được đoạn trừ). Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú Ðệ Nhị Thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh, nhứt tâm. Và những pháp phụ thuộc về Nhị Thiền như nội tỉnh, hỷ, lạc, và nhất tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỳ Kheo, Sariputta ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ của mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Ðệ Tam Thiền. Và những pháp thuộc về Ðệ Tam Thiền, như xả, lạc, niệm, tỉnh giác, và nhất tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Ðệ Tứ Thiền, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Và những pháp phụ thuộc về Ðệ Tứ Thiền, như : xả, bất khổ bất lạc thọ, vô quán niệm tâm, thanh tịnh nhờ niệm, và nhất tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý với các dị tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên," chứng và trú Không Vô Biên Xứ. Và những pháp thuộc về Không vô biên xứ như hư không, vô biên xứ tưởng và nhứt tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên," chứng và an trú Thức Vô Biên Xứ. Và những pháp thuộc về Thức vô biên xứ như Thức vô biên xứ tưởng và nhứt tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì," chứng và trú Vô Sở Hữu Xứ. Và những pháp phụ thuộc về Vô sở hữu xứ như vô sở hữu xứ tưởng và nhứt tâm; xúc, thọ, tưởng, tư, và tâm; dục, thắng giải, tinh tấn, niệm, xả, và tác ý; các pháp ấy được Sariputta an trú bất đoạn. Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi chúng an trú, được Sariputta biết đến khi chúng đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta vượt lên hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Với chánh niệm, Sariputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sariputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Còn có sự giải thoát hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, còn có nhiều việc phải làm hơn thế nữa."
Lại nữa này các Tỷ Kheo, Sariputta vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và an trú Diệt Thọ Tưởng (định). Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với chánh niệm. Sariputta xuất khỏi định ấy. Sau khi với chánh niệm xuất khỏi định ấy, Sariputta thấy các pháp ấy thuộc về quá khứ, bị đoạn diệt, bị biến hoại: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt." Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không hạn chế. Sariputta biết: "Không có sự giải thoát nào vô thượng hơn thế nữa. Ðối với Sariputta, không có việc phải làm nhiều hơn thế nữa".
Này các Tỷ Kheo, nếu nói một cách chơn chánh, một người có thể nói về người ấy như sau: "Người này được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Giới; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Ðịnh; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Tuệ; được tự tại,được cứu cánh trong Thánh Giải Thoát". Nói một cách chơn chánh về Sariputta, người ấy có thể nói như sau: "Sariputta được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Giới; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Ðịnh; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Tuệ; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Giải Thoát".
Này các Tỷ Kheo, nếu nói một cách chơn chánh, một người có thể nói về người ấy như sau: "Người ấy là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ ngực, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất". Nói một cách chơn chánh về Sariputta, người ấy có thể nói như sau: "Sariputta là con chánh tông của Thế Tôn, sanh ra từ ngực, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành, thừa tự Chánh pháp, không thừa tự vật chất".
Này các Tỷ Kheo, Sariputta tiếp tục chơn chánh chuyển pháp luân vô thượng vốn đã được Như Lai chuyển vận".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ Kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy .
Trung
Bộ Kinh, bài kinh số 111
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Sài Gòn, 1992.
Ghi chú: Các bạn có thể tham khảo thêm bản dịch Anh ngữ với các chú giải chi tiết:
Anupada Sutta: One by One As They Occurred . The Middle Length Discourses of the Buddha - A New Translation of the Majjhima Nikaya. Bhikkhu Nanamoli and Bhikkhu Bodhi. Wisdom Publications, 1995. ISBN 955-24-0121-6
Chân thành cảm ơn anh TABTT đã có thiện tâm đánh máy lại bài kinh nầy