1. Một thời Thế Tôn ở ...
2. Ở đấy, Thế Tôn gọi các tỳ kheo:
3. Có pháp môn nào, do pháp môn ấy, tỳ kheo, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp (àkaraparitakka), ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận (ditthinshanakhanti), có thể xác chứng chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
4. -- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5. Có một pháp môn, nầy các tỳ kheo, do pháp môn ấy, tỳ kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, ... không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
6. Pháp môn ấy là gì, do pháp môn ấy... không còn trở lui trạng thái nầy nữa?
7. Ở đây, nầy các tỳ kheo, tỳ kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta có tham sân si", hoặc nội tâm không có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta không có tham sân si". Này các tỳ kheo, khi mắt thấy sắc hoặc biết rõ nội tâm có tham sân si, hoặc biết rõ nội tâm không có tham sân si. Này các tỳ kheo, sự biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin, hay do ưa thích, hay do lắng nghe, hay do suy tư về phương pháp, hay do kham nhẫn, hay do thích thú biện luận được hiểu biết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Có phải các pháp nầy, do thấy chúng với trí tuệ, nên được hiểu biết?
-- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
-- Ðây là pháp môn, này các tỳ kheo, do pháp môn nầy, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận ... không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
8-11. Lại nữa, này các tỳ kheo, tỳ kheo khi tai nghe tiếng..., khi mũi ngửi hương..., khi lưỡi nếm vị..., khi thân cảm xúc...
12. Lại nữa, nầy các tỳ kheo, tỳ kheo khi ý biết pháp, hoặc nội tâm có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta có tham sân si", hoặc nội tâm không có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta không có tham sân si". Này các tỳ kheo, khi ý biết pháp hoặc biết rõ nội tâm có tham sân si, hoặc biết rõ nội tâm không có tham sân si. Này các tỳ kheo, sự biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin, hay do ưa thích, hay do lắng nghe, hay do suy tư về phương pháp, hay do kham nhẫn, hay do thích thú biện luận được hiểu biết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
-- Có phải các pháp nầy, do thấy chúng với trí tuệ, nên được hiểu biết?
-- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
13. Ðây là pháp môn, này các tỳ kheo, do pháp môn ấy tỳ kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về pháp môn, ngoài kham nhẫn, ưa thích biện luận, có thể xác chứng với chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
oOo
"Có Pháp Môn Nào" là bài kinh thuộc hệ thống Nguyên thủy (Tương Ưng Bộ Kinh) rất hệ trọng đối với đường lối tu của Thiền viện. Phật nói có pháp môn, nhưng tại sao không đặt tên là pháp môn gì? Nếu thiền sinh không học, không nắm vững bài kinh nầy, khi nghe phê phán Biết Vọng là một lối tu do người sau đặt ra, không phải Phật dạy thì sẽ hoang mang không vững lòng tin để tu tập. Ngược lại, nếu học hiểu kinh nầy chín chắn thông suốt, chúng ta sẽ thấy đường lối tu của Thiền viện có căn bản, có nguồn gốc rõ ràng.
Có pháp môn nào? Có nghĩa là không có phương pháp nào hết.
Có pháp môn nào, do pháp môn ấy, tỳ kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng chánh trí. Vị ấy biết rõ: " Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
Phật nói có một pháp môn vượt ngoài tín ngưỡng tôn giáo, không tin Phật, không tin pháp, không tin Bồ tát, La hán, vượt ngoài sự ưa chán Ta bà Cực lạc, vượt ngoài sự lắng nghe học hỏi, vượt ngoài tư duy quán sát, vượt ngoài kham nhẫn tu tập, vượt ngoài thích thú biện luận. Nhưng pháp môn ấy có thể xác chứng chánh trí và chứng quả A la hán. Như vậy, đó là pháp môn gì? Có phải pháp môn đó không lệ thuộc tín ngưỡng giáo điều của tôn giáo là phải tin Tam bảo, phải ăn chay, phải lạy Phật cho có phước? Pháp môn đó không phải kham nhẫn để tu hành, không phải khởi tâm chán ngán cõi Ta bà, ưa thích và cầu sanh về Tịnh độ, không phải ráng nghe ráng học để thâm nhập lý đạo, không phải tư duy giản trạch giáo nghĩa cho hay cho rõ. Tất cả những điều nêu trên đều không liên hệ với pháp môn mà Phật nói ở đây. Vậy mà, pháp môn nầy có thể xác chứng được chánh trí và chứng quả A la hán.
Khi Phật nêu lên vấn đề đó thì các tỳ kheo bạch:
-- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
Các thầy tỳ kheo bạch Phật rằng Thế Tôn là nguồn mạch của giáo pháp, xin Phật chỉ dạy, chứ các tỳ kheo không thể biết pháp môn đặc biệt đó là pháp môn gì?
Phật dạy:
-- Có một pháp môn, nầy các tỳ kheo, do pháp môn ấy, tỳ kheo ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, ... không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
Pháp môn ấy là gì? Do pháp môn ấy... không còn trở lui trạng thái nầy nữa.
Ở đây, nầy các tỳ kheo, tỳ kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta có tham sân si", hoặc nội tâm không có tham sân si biết rõ: "Nội tâm ta không có tham sân si". Này các tỳ kheo, khi mắt thấy sắc hoặc biết rõ nội tâm có tham sân si, hoặc biết rõ nội tâm không có tham sân si.
Phật dạy có một pháp môn vượt ngoài lòng tin, vượt ngoài ưa thích, vượt ngoài kham nhẫn, vượt ngoài nghe học, vượt ngoài biện luận, tư duy. Pháp môn ấy là khi mắt thấy sắc, nơi tâm có khởi tham sân si biết rõ ràng tâm có tham sân si, nếu tâm không có tham sân si cũng biết rõ là tâm không có tham sân si.
-- Này các tỳ kheo, sự biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin, hay do ưa thích, hay do lắng nghe, hay do suy tư về phương pháp, hay do kham nhẫn, hay do thích thú biện luận được hiểu biết?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Phật dạy nhìn thẳng vào tâm: Khi căn tiếp xúc với trần, tham sân si có mặt hay không có mặt, phải thấy biết một cách rõ ràng. Nghĩa là khi mắt thấy sắc có niệm tham, niệm sân, niệm si dấy khởi thì biết có tham sân si, nếu không có niệm tham, niệm sân, niệm si dấy khởi thì biết không tham sân si. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị... có tham sân si dấy khởi thì biết có tham sân si, không có tham sân si dấy khởi thì biết không có tham sân si. Thấy biết rõ ràng, không cần thêm sự kiện gì khác. Thấy biết như thế là tu. Ðó là pháp môn gì?
Ở đây, tôi hướng dẫn các thiền sinh trong mọi sinh hoạt hằng ngày khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng... có niệm dấy khởi chạy theo ngoại trần liền biết không theo, niệm không khởi cũng biết, đó là tu. Vậy, pháp mà chúng ta đang tu và pháp mà Phật dạy tu trong kinh nầy có khác không? Trong kinh, Phật nói theo lối xưa ngắn gọn, chỉ nói tâm có tham sân si thì biết tâm có tham sân si, không tham sân si thì biết không tham sân si. Về sau được triển khai rõ hơn: biết niệm tham, niệm sân, niệm si là hư dối không chạy theo tham sân si, chớ không phải biết có tham sân si mà chạy theo tham sân si. Biết để mà không theo, thì cái biết đó mới có giá trị. Cái Biết đó là Trí. Trong văn kinh Phật khẳng định rất rõ: "Pháp môn nầy không thuộc tín ngưỡng tôn giáo, không do học hỏi, không cần cố gắng kham nhẫn, không do suy tư... chỉ dùng trí tuệ mà biết".
Sau đây, Phật lại nhấn mạnh thêm:
-- Có phải các pháp nầy, do thấy chúng với trí tuệ, nên được hiểu biết?
-- Thưa phải, bạch Thế Tôn.
-- Ðây là pháp môn, này các tỳ kheo, do pháp môn ấy, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa".
Khi căn tiếp xúc với trần, biết có niệm dấy khởi chạy theo ngoại trần hay không niệm dấy khởi chạy theo ngoại trần, cái Biết đó là Trí Tuệ.
Bài kinh nầy xác định rõ ràng pháp tu Biết Vọng mà thiền viện đang hướng dẫn thiền sinh tu tập là dùng trí tuệ nhìn lại tâm mình, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần có khởi niệm chạy theo ngoại trần hay không khởi niệm chạy theo ngoại trần. Nếu có khởi niệm thì biết nó là vọng tưởng chợt hiện chợt mất, hư giả, không theo. Nếu không khởi niệm thì tâm lặng lẽ, tuy lặng lẽ mà vẫn tỉnh giác không mờ mịt. Nhìn lại để thấy hành trạng của tâm mình, đó là pháp môn gì? Không có một phương pháp thứ lớp trước sau để thực hành mà vẫn có tu, nên tạm gọi là "biết vọng".
Vậy, Phật dạy tu trong kinh nầy cũng như Biết Vọng mà thiền viện đang chủ trương, không có một phương pháp thứ lớp trước sau để thực hành mà vẫn có cách tu là dùng trí nhìn lại hành trạng của tâm mình để dừng mọi vọng niệm, đó là giải thoát.
Kinh Viên Giác thuộc hệ thống Ðại thừa cũng dạy: "Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện; ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ ". Nếu biết huyễn thì lìa huyễn, không có phương tiện pháp môn nào; mà lìa huyễn là giác, không có thứ lớp trước sau. Thấy vọng niệm khởi là huyễn hóa không thật nên không theo, không theo tức là lìa vọng niệm, mà lìa vọng niệm là giác là giải thoát. Ðó là sự nhất quán giữa Nguyên thủy, Ðại thừa và Thiền tông.
Ngài Thần Quang trải qua bao nhiêu lần thử thách mới được Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma
nhận làm đệ tử. Tuy được Tổ nhận làm đệ tử, nhưng Ngài vẫn còn mang trong lòng
nỗi bất an. Một hôm, Ngài rón rén thưa:
-- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con phương pháp an
tâm.
Tổ nhìn thẳng vào mặt Thần Quang, bảo:
-- Ðem tâm ra ta an cho.
Ngài Thần Quang cũng như chúng ta, đòi có một phương pháp để nương theo đó mà thực hành. Nhưng Tổ dạy như vậy là phương pháp gì ?
Ngài Thần Quang lòng tin đã đặt trọn vẹn nơi Thầy, nên Tổ dạy sao làm vậy.
Ngài bèn nhìn lại để tìm tâm, tìm thật kỹ mà chẳng thấy tướng trạng của tâm như
thế nào, Ngài thật thà thưa rằng:
-- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
-- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Tổ bảo như thế là nói thật hay nói dối? Tổ dùng pháp gì để an? Và an bao giờ?
Lời Tổ nói mới nghe qua, thấy như nói đùa nhưng đó là một tiếng sét làm chấn động tâm não Thần Quang, khiến Ngài hốt nhiên tỉnh ngộ thấy được cách an tâm, và tâm Ngài từ đó được an.
Chủ trương "Không có một pháp cho người" của Thiền tông và "Có pháp môn nào?" mà Phật dạy trong bài kinh nầy có trái nhau không? Người Trung Hoa đầu tiên (Thần Quang) được tiếp nhận yếu chỉ Thiền từ Ấn Ðộ sang (Bồ Ðề Ðạt Ma), đó là pháp môn nào ?
Các Thiền sư thuộc dòng Lâm Tế từ đời Tống tùy theo căn cơ của người, dùng câu thoại đầu lập thành pháp môn để dạy tu. Thế mà người sau không biết, chấp pháp môn tu của mình là trên hết, bèn bài bác pháp tu Mặc chiếu, Tri vọng là tà. Người truyền đạo như thế, mang nặng tinh thần ức dương, bài bác phủ nhận tất cả để còn lại một pháp môn của mình, thật là một việc làm vô trách nhiệm, không thông suốt được nguồn gốc. Phật đã tùy căn cơ của chúng sanh, dùng rất nhiều pháp môn giáo hóa để độ khắp. Thế mà người sau lại bài bác tất cả để còn lại một pháp môn của mình, đó là một việc làm đưa đạo Phật đến chỗ tiêu diệt mà người truyền đạo không thấy cái họa lớn đó.
Bài kinh nầy nếu nằm trong Hán tạng thì có thể bị nghi ngờ là do các Tổ Trung Hoa gầy dựng, gây niềm tin cho người. Nhưng bài kinh nầy chỉ có trong kinh Nguyên thủy, thuộc tạng Pàli mà không có trong Hán tạng. Như vậy, chư Tổ Thiền tông dạy "Không Có Pháp Môn", đâu chẳng phải không căn cứ từ cội nguồn Phật pháp. Giáo lý Nguyên thủy đã có từ thời đức Phật, từ miệng Phật nói ra. Vậy, hệ thống truyền thừa từ Phật đến Tổ Huệ Khả và chư Tổ Thiền tông sau nầy không phải là chuyện ngẫu nhiên vô căn cứ.
Biết lại tâm mình, trong kinh nầy chính đức Phật đã dạy, sau chư Tổ tiếp tục dạy, không phải mới bịa đặt ra sau nầy. Vì từ lâu, người tu quen dùng phương tiện như sổ tức, niệm Phật, trì chú... để buộc tâm, bây giờ nói "không có pháp môn" thì sanh nghi, nào biết lối tu nầy phát nguồn từ đức Phật dạy. Như vậy, pháp môn tu không cần một phương pháp, chỉ cần nhìn thẳng tâm mình nên gọi là "Trực Chỉ". Nếu còn nương một pháp như quán sổ tức, quán bất tịnh, khán thoại đầu... để tu thì không thể gọi là trực chỉ. Căn bản của Thiền tông là chỗ "không có một pháp" để dạy người, nếu có một pháp thì Thiền sư đã nói, đã dạy, đâu cần đánh hét làm gì. Bởi không có một pháp, nên các Ngài khéo dùng thuật chỉ thẳng ngay đó khiến người nhận ra tâm mình, nên nói "trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật" là vậy. Kinh nầy không nói thành Phật mà nói thành A la hán. Kinh Nguyên thủy thường gọi Phật là bậc A la hán chánh đẳng chánh giác. Vậy, qua bài kinh nầy chúng ta đã thấy rõ nguồn gốc pháp tu "Tri Vọng" mà thiền viện đang chủ trương phát xuất từ đâu rồi.
Qua bài kinh nầy, tôi xin xác nhận lại hai điều:
Phật dạy tu mà không có một phương pháp thứ lớp trước sau cho người thực hành, chỉ dùng trí tuệ để thấy rõ hành trạng của nội tâm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Trong kinh dùng chữ tham sân si, chư Tổ thì nói tất cả mọi vọng niệm. Hai cách nói tuy khác nhau nhưng ý nghĩa không khác. Vì mắt thấy sắc đẹp khởi niệm ưa thích, đó là tham. Tai nghe lời thô tục khởi niệm bực bội, đó là sân. Ðối cảnh tâm ngơ ngơ không biết gì, chấp cảnh là thật, đó là si. Vậy, tất cả mọi ý niệm dấy khởi chạy theo trần cảnh đều là tham sân si.
Khi thấy biết vọng tưởng, vọng tưởng lặng, cái Biết đó là Trí Tuệ. Vì khi mê, cho vọng tưỏng là tâm mình nên bị nó dẫn chạy ngược chạy xuôi rồi phiền não khổ đau. Bây giờ, biết bản chất của nó là không thật, là vọng tưởng nên không chạy theo nó nữa. Không theo nó thì tham sân si dừng, tham sân si dừng thì hết phiền não khổ đau. Người không phiền não khổ đau là người trí. Vậy, biết vọng tưởng, cái biết đó là trí tuệ; đừng lầm mà nghi ngờ cái biết đó cũng là vọng tưởng. Phải thấy cho thật rõ điều nầy. Nên biết, thấy được vọng niệm, đó là trí tuệ và từ trí tuệ đó sẽ đi tới giải thoát. Vì biết vọng niệm nên không theo, không theo nên không nhiễm, không nhiễm là giải thoát. Ðó là trọng tâm tu hành mà Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đã chỉ thẳng: "Ðem tâm ra ta an cho".
Hồi xưa, đọc qua chỗ nầy mấy lần, tôi vẫn không hiểu. Vì tôi quan niệm tu là phải có một phương pháp hẳn hoi, nên tìm hoài không được, sanh nản lòng. Không ngờ Tổ đã tuyên bố "Trực Chỉ" thì còn có pháp môn gì nữa? Bây giờ thì thấy rất rõ, chỉ cần nhìn lại hành trạng của nội tâm, vừa có niệm khởi liền biết vọng niệm không theo, không vọng niệm cũng biết, đó là tu. Như vậy, ngay khi vọng niệm hết thì chân tâm sáng suốt tự hiện, mà chân tâm sáng suốt đó là Giác, là Phật. Thế mà chúng ta muốn thấy ông Phật hào quang rực rỡ với những tướng khác lạ, chớ không chịu nhận ông Phật hằng sáng hằng giác sẳn có nơi mình. Tánh giác dụ như cái gương sáng, bên ngoài có vật thì hiện bóng trong gương, bên ngoài không vật thì gương không bóng, nhưng mặt gương vẫn trong sáng. Cũng vậy, tánh giác khi không có vọng niệm thì thanh tịnh sáng suốt, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, các căn vẫn hoạt động không mê mờ, cũng không có cái lanh của điên đảo. Một giờ niệm không khởi là một giờ tâm sáng suốt thanh tịnh, là Phật hiện tiền.
Vì không biết Phật là tánh giác sẳn có nơi tự tâm mình, nên người đời tưởng tượng rồi chạy theo hình tướng tô điểm vẽ vời tượng Phật môi son má phấn lòe loẹt. Phật đã không cho đệ tử dùng hương hoa, phấn sáp trang điểm thân hình, bây giờ chúng ta lại dùng son phấn tô điểm tượng Phật, làm một điều hết sức trái ngược! Ðức Phật từ giả nếp sống xa hoa lộng lẫy ở hoàng cung, đi vào rừng sống một đời sống đơn giản bình dị. Vậy mà, ngày nay người học Phật quá thiển cận, cứ chạy theo cái lòe loẹt xảo trá bên ngoài, nên đạo càng ngày càng xa. Cái thật hiện hữu trước mắt thì không chịu nhận. Chúng ta có thể ngồi chơi, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe tất cả âm thanh sắc tướng bên ngoài mà không khởi một niệm, tâm thanh tịnh lặng lẽ khoảng 5 phút, 10 phút..., ngay khi đó tâm bình an là Phật hiện tiền. Nói tâm bình an là Phật hiện tiền thì thấy quá dễ nên mọi người không dám tin. Song, đó là một lẽ thật không thể phủ nhận. Phật không xa, chỉ vì mình đem tâm tìm kiếm thành ra xa cách, rồi tự than: Ta sanh vào thời mạt pháp, cách Phật quá xa, nên khó tu! Nếu nắm được then chốt rồi thì sự tu hành không khó, gần với đạo vô cùng, ai cũng có thể làm được. Chỉ cốt đối duyên xúc cảnh, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe... không khởi niệm chạy theo trần cảnh, tâm hằng lặng lẽ sáng suốt đó là hợp đạo, là sống với trí tuệ, là Phật.
Bài kinh nầy giúp cho chúng ta thấy rõ đường lối tu của Thiền viện là dùng trí tuệ nhìn lại hành trạng của nội tâm mình; đó là một cách tu có căn bản, có nguồn cội, để chúng ta vững lòng tin, không hoang mang nghi ngờ, không sợ việc tu của mình bị sai lạc mà nỗ lực tu tập.