Thiền và Thắng Trí.

HT Thích Thanh Từ


Kinh Thiền và Thắng Trí trong Tương Ưng Bộ thuộc hệ Pàli và kinh 1142 trong Tạp A Hàm thuộc hệ Sanskrit đều có chung nội dung: "Phật xác nhận tâm hạnh của Tôn giả Ma Ha Ca Diếp trước chúng tỳ kheo, là người có công đức và trí tuệ thù thắng". Hôm nay, chúng ta nghiên cứu qua hai kinh nầy xem Phật xác nhận tâm hạnh tôn giả Ma Ha Ca Diếp như thế nào?

oOo

Kinh 1142, Tạp A Hàm

Một hôm, Phật ở nước Xá Vệ, rừng cây Kỳ Ðà, vườn ông Cấp Cô Ðộc, tôi nghe như vầy:

Lúc đó, tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã ở lâu tại nước Xá Vệ chỗ sàng tòa vắng vẻ, râu tóc dài thượt, mặc chiếc y kết bằng vải rách đi đến chỗ Phật. Lúc đó vây quanh Thế Tôn đại chúng đông vô số, Phật đang nói pháp, chư tỳ kheo thấy Ma Ha Ca Diếp từ xa đi đến, liền khởi tâm khinh mạn nói:

-- Ðây là tỳ kheo gì mà y phục xấu xa, không có nghi dung, đi chậm rải đến.

Thế Tôn biết tâm niệm các tỳ kheo, liền gọi Ma Ha Ca Diếp:

-- Ca Diếp đến đây! Ðây còn nửa tòa nhường ông. Ta đã biết ai xuất gia trước: Ông chăng? Ta chăng?

Các tỳ kheo kia tâm sinh kinh hãi, lông dựng ngược cùng nói với nhau:

-- Kỳ thay, tôn giả Ma Ha Ca Diếp kia đại đức đại lực, Thế Tôn mời ngồi nửa tòa.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp chấp tay bạch Phật:

-- Thế Tôn là thầy, con là đệ tử.

Phật bảo Ca Diếp:

-- Như thế, như thế! Ta là thầy, ông là đệ tử, ông hãy tùy chỗ ngồi.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy, Thế tôn muốn tỉnh ngộ các tỳ kheo, lại do tôn giả Ma Ha Ca Diếp đồng được công đức thù thắng quảng đại với mình, vì chúng hiện tại nên bảo các tỳ kheo:

-- Ta lìa dục lìa pháp ác bất thiện, có giác có quán, trụ sơ thiền cụ túc, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm. Ma Ha Ca Diếp cũng như ta, lìa dục lìa pháp ác bất thiện, cho đến trụ sơ thiền cụ túc hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm. Ta muốn trụ đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền cụ túc, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm; Ma Ha Ca Diếp cũng lại như thế. Ta tùy muốn trụ từ bi hỷ xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, cảnh giới thần thông thiên, nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí cụ túc hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm; Ma Ha Ca Diếp cũng lại như thế.

Khi ấy, Thế Tôn ở trong đại chúng số đông vô lượng khen ngợi Ma Ha Ca Diếp công đức thắng diệu, quảng đại đồng với mình rồi, chư tỳ kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.

oOo

Kinh Thiền và Thắng Trí, Tương Ưng Bộ

1.

2. Trú ở Savatthi.

3. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ...
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ...

4. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm.

5. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú thiền thứ ba.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú thiền thứ ba.

6. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

7. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Ta nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng đạt và an trú Không Vô Biên Xứ.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, chứng đạt và an trú Không Vô Biên Xứ.

8. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta vượt lên mọi không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên", chứng đạt và an trú Thức Vô Biên Xứ.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi không vô biên xứ, chứng đạt và an trú Thức Vô Biên Xứ.

9. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta vượt lên mọi thức vô biên xứ, nghĩ rằng: "Không có vật gì", chứng đạt và an trú Vô Sở Hữu Xứ.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi thức vô biên xứ, chứng đạt và an trú Vô Sở Hữu Xứ.

10. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta vượt lên mọi vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi vô sở hữu xứ, chứng đạt và an trú Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

11. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta vượt lên mọi phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt Thọ Tưởng Ðịnh.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng vượt lên mọi phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt Thọ Tưởng Ðịnh.

12. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta chứng đạt các loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình biến hình đi ngang qua vách qua tường qua núi như đi ngang hư không, độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền, ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng chứng đạt các loại thần thông ... tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

13. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên và loài người, xa và gần.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng: chư Thiên và loài người, xa và gần.

14. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, ta có thể biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân, tâm không sân biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si, tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú, tâm không chuyên chú biết là tâm không chuyên chú. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm, không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng, tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định biết là tâm thiền định, tâm không thiền định biết là tâm không thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát."
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, Kassapa cũng có thể biết như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham ... tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát."

15. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại thành kiếp; ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế nầy, giòng họ như thế nầy, giai cấp như thế nầy, thọ khổ lạc như thế nầy, tuổi thọ đến mức như thế nầy. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế nầy, giòng họ như thế nầy, giai cấp như thế nầy, thọ khổ lạc như thế nầy, tuổi thọ đến mức như thế nầy. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây. Như vậy, ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết".
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời ... và các chi tiết.

16. Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, ta với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy các chúng sanh. Ta biết rõ ràng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Những chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân ngữ và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người nầy sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân ngữ và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người nầy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời nầy. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người nay mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng.
Tùy theo mong muốn, này các tỳ kheo, Kassapa cũng với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy các chúng sanh ... đều do hạnh nghiệp của chúng.

17. Và, này các tỳ kheo, ta với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.
Này các tỳ kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.

oOo

Giảng:

Kinh 1142 trong Tạp A Hàm (tập 3, trang 151, ấn bản 1995) thuộc hệ Sanskrit và kinh Thiền Và Thắng Trí trong Tương Ưng Bộ (tập 2, trang 363, ấn bản 1993) thuộc hệ Pàli có mối liên hệ với Thiền tông đáng lưu ý mà người tu thiền chúng ta không thể bỏ qua.

Từ lâu có sự ngờ vực về việc Phật truyền tâm ấn cho ngài Ma Ha Ca Diếp. Ðọc các kinh không thấy nói mà trong Sử Thiền tông lại có ghi sự truyền thừa từ trước tới sau. Hôm nay, chúng ta học qua hai kinh nầy xem ngài Ma Ha Ca Diếp có xứng đáng để thừa kế Phật không?

Lúc đó, tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã ở lâu tại nước Xá Vệ chỗ sàng tòa vắng vẻ, râu tóc dài thượt, mặc chiếc y kết bằng vải rách đi đến chỗ Phật. Lúc đó vây quanh Thế Tôn đại chúng đông vô số, Phật đang nói pháp, chư tỳ kheo thấy Ma Ha Ca Diếp từ xa đi đến, liền khởi tâm khinh mạn nói: - Ðây là tỳ kheo gì mà y phục xấu xa, không có nghi dung, đi chậm rải đến.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật, chuyên tu hạnh đầu đà. Ngài ở một mình nơi vắng vẻ, râu tóc ra dài không người cạo. Mặc thì lượm từng miếng vải bỏ kết lại thành y, nên y xấu và thô. Ngài đến với đức Phật trong lúc chúng tân tỳ kheo đang nghe pháp. Họ là những người đến sau nên không biết Ngài, với tâm thiển cận đánh giá người qua lớp áo bên ngoài nên khởi tâm khinh mạn chê Ngài ăn mặc thô xấu dung nghi không tươi đẹp.

Thế Tôn biết tâm niệm các tỳ kheo, liền gọi Ma Ha Ca Diếp:

-- Ca Diếp đến đây! Ðây còn nửa tòa nhường ông. Ta đã biết ai xuất gia trước: Ông chăng? Ta chăng?

Thế Tôn biết các vị tân tỳ kheo đang khởi tâm kiêu mạn, khinh chê xem thường tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Ðể cảnh tỉnh họ, Thế Tôn bèn kêu Ngài lại nhường cho nửa tòa ngồi. Nếu thực chất đức hạnh và trí tuệ của tôn giả Ma Ha Ca Diếp còn kém, dù cho Phật có muốn cảnh tỉnh răn dạy hàng tân tỳ kheo, Phật cũng không thể làm như vậy được, vì làm như thế không đúng ý nghĩa, mà Phật thì không nói hay làm một điều gì vô nghĩa. Chính vì Phật đã thấy trí tuệ và đức hạnh của tôn giả Ma Ha Ca Diếp xấp xỉ với Phật, nên mới kêu lại ngồi cùng tòa. Ðọc lại những bài kinh nói về những vị đệ tử lớn của Phật, chúng ta không thấy vị nào được Phật kêu ngồi cùng tòa, chỉ có bài kinh nầy Phật kêu tôn giả Ma Ha Ca Diếp nhường cho nửa tòa ngồi. Ðiều nầy chứng minh rằng khả năng của tôn giả Ma Ha Ca Diếp đủ sức kế thừa mạng mạch Phật pháp về sau.

Các tỳ kheo kia tâm sinh kinh hãi, lông dựng ngược cùng nói với nhau:

-- Kỳ thay, tôn giả Ma Ha Ca Diếp kia đại đức đại lực, Thế Tôn mời ngồi nửa tòa.

Thấy Phật xử sự với tôn giả Ma Ha Ca Diếp như vậy, các vị tân tỳ kheo hốt hoảng, bàn với nhau không biết tôn giả đó là ai, ắt phải có khả năng, có trí tuệ vĩ đại mới được đức Thế Tôn quí trọng mời ngồi chung tòa.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp chấp tay bạch Phật:

-- Thế Tôn là thầy, con là đệ tử.

Phật bảo Ca Diếp:

-- Như thế, như thế! Ta là thầy, ông là đệ tử, ông hãy tùy chỗ ngồi.

Tuy được đức Phật xử sự ngang hàng với Phật nhưng tôn giả Ma Ha Ca Diếp vẫn thủ lễ của một người trò, không nhân cơ hội Phật ưu đãi mà sanh tâm cậy thế cầu cao. Phật thấy tôn giả Ma Ha Ca Diếp giữ lễ, mới bảo: Nếu ông thấy ông là đệ tử thì thôi tùy ý ông muốn ngồi đâu thì ngồi.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp cúi đầu lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy, Thế tôn muốn tỉnh ngộ các tỳ kheo, lại do tôn giả Ma Ha Ca Diếp đồng được công đức thù thắng quảng đại với mình, vì chúng hiện tại nên bảo các tỳ kheo:

-- Ta lìa dục lìa pháp ác bất thiện, có giác có quán, trụ sơ thiền cụ túc, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm. Ma Ha Ca Diếp cũng như ta, lìa dục lìa pháp ác bất thiện, cho đến trụ sơ thiền cụ túc hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm. Ta muốn trụ đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền cụ túc, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm; Ma Ha Ca Diếp cũng lại như thế. Ta tùy muốn trụ từ bi hỷ xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, cảnh giới thần thông thiên, nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí cụ túc hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trọn ngày đêm; Ma Ha Ca Diếp cũng lại như thế.

Khi ấy, Thế Tôn ở trong đại chúng số đông vô lượng khen ngợi Ma Ha Ca Diếp công đức thắng diệu, quảng đại đồng với mình rồi, chư tỳ kheo nghe Phật nói hoan hỷ phụng hành.

Phật cảnh ngộ để cho các tỳ kheo hiểu rõ công đức trí tuệ của tôn giả Ma Ha Ca Diếp thù thắng quảng đại, có thể tương đương với Phật:

Phật đã lìa dục, lìa các pháp bất thiện, có giác có quán, tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng lìa dục, lìa các pháp bất thiện, có giác có quán. Phật chứng tứ thiền (sắc giới), tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng chứng tứ thiền. Phật trụ tứ vô lượng tâm, tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng trụ tứ vô lượng tâm. Phật nhập tứ định (vô sắc giới), tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng nhập tứ định. Cho đến lục thông và tứ trí, Phật chứng tới đâu thì tôn giả Ma Ha Ca Diếp chứng tới đó. Phật nói giữa chúng như thế là công khai thừa nhận tôn giả Ma Ha Ca Diếp có khả năng, có trí tuệ thù thắng, gần tương đương với Phật. Trước Phật mời tôn giả Ma Ha Ca Diếp ngồi chung tòa với Phật, kế Phật nói thể trạng tu chứng của Phật đến đâu là tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng tu chứng đến đó. Giả sử không có những bài kinh nói về việc truyền pháp cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp, nhưng qua lời xác chứng của Phật trong bài kinh nầy, chúng ta thấy tôn giả Ma Ha Ca Diếp là người xứng đáng kế thừa Phật, cho nên Phật mới nói như vậy.

Kinh Thiền và Thắng Trí trong Tương Ưng Bộ tập 2 trang 241 (tập 2, trang 363, ấn bản 1993) do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch không có giai thoại Phật mời tôn giả Ma Ha Ca Diếp ngồi nửa tòa. Song, Phật xác nhận với chúng tỳ kheo là, tùy theo mong muốn Phật lìa dục, lìa các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú từ sơ thiền cho đến tứ thiền ở sắc giới, tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng tùy theo mong muốn chứng từ sơ thiền cho tới tứ thiền. Phật chứng đạt tứ thiền ở vô sắc giới thì tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng chứng tứ thiền ở vô sắc giới. Phật an trú diệt thọ tưởng định, chứng sáu thắng trí, tôn giả Ma Ha Ca Diếp cũng an trú diệt thọ tưởng định, chứng sáu thắng trí. Ðức Phật xác định khả năng trí tuệ của tôn giả Ma Ha Ca Diếp rất rõ ở đoạn 16:

-- Và, này các tỳ kheo, ta với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.
Này các tỳ kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú.

Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rõ ràng đức Phật thừa nhận tôn giả Ma Ha Ca Diếp có khả năng như Phật. Ðó là lý do mà các thiền sư nói Phật truyền tâm ấn cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Tuy ở kinh không nói truyền tâm ấn mà Phật xác nhận khả năng chứng đắc của tôn giả Ma Ha Ca Diếp trước chúng tỳ kheo, thì có khác gì truyền tâm ấn. Vì truyền tâm ấn là một lối xác nhận thầy chứng đắc tới đâu, trò chứng đắc tới đó.

Thiền tông thường đề cập việc tôn giả Ma Ha Ca Diếp được Phật truyền tâm ấn ba lần.

Lần nổi bật nhất là ở hội Linh Sơn trên núi Kỳ Xà Quật, Phật cầm cành hoa sen đưa mắt nhìn khắp chúng, cả hội dều ngơ ngác. Chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp nhìn thấy chúm chím cười. Phật bảo: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ngươi, ngươi khéo gìn giữ, truyền trao mãi đừng cho dứt mất, đến sau sẽ truyền cho A Nan".

Phật ở trên nhìn xuống, tôn giả Ma Ha Ca Diếp ở dưới nhìn lên, tâm Phật tâm tôn giả Ma Ha Ca Diếp khế hội nhau, thông cảm nhau nên được Thiền tông coi sự kiện đó là truyền tâm ấn.

Lần thứ hai ở tháp Ða Hòa, như kinh 1142 hay kinh Thiền và Thắng Trí mà chúng ta vừa đọc qua. Bài kinh tuy Phật nhắm phá tâm ngã mạn của chúng tỳ kheo xem thường tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Nhưng dưới mắt Thiền tông thì đức Phật đã khen ngợi tôn giả Ma Ha Ca Diếp có đầy đủ công đức và trí tuệ thù thắng cũng như đức Phật đã có và xứng đáng cho Phật nhường nửa tòa ngồi.

Theo Thiền tông, truyền tâm ấn là việc xác chứng thầy chứng đắc tới đâu trò cũng chứng đắc tới đó. Như vậy, không phải truyền tâm ấn là gì?

Lần thứ ba, tại đền Makuta Bandhana, thành Kusinàrà, khi Thế Tôn nhập diệt, nhục thân được liệm vào kim quan và đưa lên giàn hỏa để trà tỳ, châm lửa thiêu ba lần mà vẫn không cháy. Trong khi hai vị đệ tử lớn là Anuruddha và Ananda có mặt tại đó mà không làm cho lửa cháy được. Mãi đến khi tôn giả Ma Ha Ca Diếp từ núi Kỳ Xà Quật đến, đi nhiễu quanh kim quan ba vòng rồi cởi mở chân và cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thế Tôn. Khi tôn giả Ma Ha Ca Diếp đảnh lễ Thế Tôn xong, thì giàn hỏa tự bắt lửa cháy.

Sự kiện vừa nêu đã nói lên sự tương quan cảm thông rất lớn giữa Phật và tôn giả Ma Ha Ca Diếp ở giờ phút cuối cùng. Dưới mắt Thiền tông, sự tương quan cảm thông đó là truyền tâm ấn.


[Trở về trang Thư Mục]