Thiên cung sự (Vimanavatthu) và Ngạ quỷ sự (Petavatthu) là hai tập 6 và 7 của Tiểu Bộ kinh (Khuddàka Nikàya). Hai tập kinh này được xếp thành một đôi vì cách trình bày hình thức lẫn nội dung đều tương tự. Cả hai tập kinh đều đề cập đến sự tương quan giữa nghiệp và quả (Kamma - Vipàka) giữa đời này và đời sau.
Tập Vimanavatthu gồm bảy chương, trong đó có 4 chương miêu tả các lâu đài trên Thiên giới dành cho các nữ nhân và 3 chương dành cho nam nhân. Tất cả các vị này đều đã sống đời đạo hạnh, hành trì Ngũ giới và Bát quan trai giới cùng các việc thiện khác, tùy theo phương tiện khả năng của mình.
Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục kiền liên) tường trình lên Ðức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Ðức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.
Ở tập kinh này, chúng ta được dịp thưởng thức các vần thi kệ miêu tả đầy đủ mọi chi tiết về các kỳ quan trên thiên giới mà ta chưa từng gặp trong các tập kinh trước đây của 5 bộ Nikàya. Các vần kệ đầy thi vị hòa lẫn đạo vị ấy nói lên tính cách phong phú trữ tình của văn học Pàli được chư Tỷ kheo sáng tác với mục đích khuyến giáo sự tu tập của giới Phật tử tại gia.
Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu) là tập kinh song hành với tập chuyện Thiên cung, miêu tả cảnh giới đau khổ của những người đã tạo ác nghiệp từ Tăng chúng cho đến giới cư sĩ tại gia. Các loài quỷ (Peta) trong các chuyện này gồm hai loại: một loại Ngạ quỷ hoàn toàn chịu khổ đau mọi mặt, và một loại quỷ thần được hưởng một phần hạnh phúc do một số thiên nghiệp đã làm và một phần khổ đau do ác nghiệp đời trước.
Tuy nhiên một số quỷ này được hưởng phước báo khi may mắn gặp thân nhân hay một vị Tỷ kheo thương xót nhận làm các thiện sự, bố thí, cúng dường v.v... rồi hồi hướng công đức về chúng để mong chúng được thoát khổ cảnh. Ở đây ta gặp những vần kệ miêu tả sự tương phản giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và thần tiên của các loài quỷ.
Qua hai tác phẩm trên, tôi hy vọng chư vị Phật tử và độc giả thưởng thức những công trình văn học Pàli đầy tính cách đạo dức khuyến dụ mọi giới Phật tử một nếp sống đạo hạnh chân chánh để được hưởng hạnh phúc ở đời sau, nếu chưa được giác ngộ giải thoát hoàn toàn theo lý tưởng Phật giáo.
(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, 01-1999)