Trung Bộ Kinh, Kinh số 115
Trung Bộ Kinh (Kinh 115, Bahudhatuka Sutta) chép (tóm tắt):
Ngài A Nan Ðà bạch Phật:
-- Bạch Thế Tôn! Cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: "Vị Tỳ Kheo thiện xảo về duyên khởi".
-- Ở đây này A Nan Ðà, vị Tỳ Kheo nên biết như sau:
Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sanh, cái kia sanh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt, tức là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, do duyên Sanh, Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi.
Như vậy, này A Nan Ðà là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng do diệt trừ, sự diệt trừ, sự ly dục hoàn toàn của chính Vô Minh này, các Hành diệt, do các Hành diệt Danh Sắc diệt. Do Danh Sắc diệt Lục nhập diệt. Do Lục nhập diệt Xúc diệt. Do Xúc diệt Thọ diệt. Do Thọ diệt Ái diệt. Do Ái diệt Thủ diệt. Do Thủ diệt Hữu diệt. Do Hữu diệt Sanh diệt. Do Sanh diệt Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não đoạn diệt. Như vậy là đoạn diệt hoàn toàn của khổ uẩn này. Cho đến như vậy này A Nan Ðà là vừa đủ để nói vị Tỳ Kheo thiện xảo về Duyên khởi.
(Dựa theo bản dịch Việt của HT Minh Châu)
Bình giảng:
Phật chỉ nguyên nhân đưa con người vào đường sanh tử và mối manh giải thoát sanh tử một cách rõ ràng là 12 nhân duyên. Sự liên quan của 12 nhân duyên rất mật thiết, như sợi dây xích có 12 vòng... Khởi đầu của 12 vòng đó là Vô minh. Bởi một niệm bất giác nên hiện có Vô minh. Từ Vô minh nên có khởi niệm sanh diệt tạo nghiệp tức là Hành. Bởi do Hành thúc đẩy Thức đi thọ sanh tức là Thức. Thức là sắc chất hòa hợp thành bào thai gọi là Danh Sắc (vật chất và tinh thần). Do có Danh Sắc nên có Lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Bởi có Lục nhập nên có Xúc, có Xúc nên sanh cảm Thọ. Vì cảm thọ nên có thọ vui hoặc thọ khổ. Nếu thọ khổ thì sanh tắng (ghét), thọ vui thì sanh Ái (ưa). Do Ái nên muốn bảo vệ vật mình yêu thích tức có Thủ. Bởi chấp thủ nên mới có thân sau là Hữu. Do có thân sau nên mới có Già, Bệnh, Chết, Ưu, Bi, Khổ, Não. Ðó là theo chiều lưu chuyển (sanh diệt) tức là theo chiều thuận của sanh tử.
Trái lại, nếu trí huệ quán sát dứt si mê điên đảo, tức là phá vô minh. Vô minh hết thì niệm sanh diệt cũng hết, tức là dứt hành. Hành diệt thì thức cũng hết (thức diệt). Thức hết thì danh sắc cũng hết. Danh sắc hết thì lục nhập cũng không, lục nhập không nên không có xúc, xúc không thì thọ cũng không, thọ không thì ái cũng không, ái không thì thủ cũng không, thủ không thì thân sau cũng dứt, thân sau dứt, sự già, chết, lo buồn, khổ não cũng theo đó đoạn dứt. Tu tập quán sát như thế gọi là "quán hoàn diệt". Nghĩa là quán ngược chiều sanh tử để được giải thoát.
Tóm lại, nhìn vào 12 nhân duyên chúng ta thấy vô minh là chủ động đầu mối sanh tử, tiêu diệt vô minh là giải thoát sanh tử. Bởi đầu mối còn thì chi mạt ngọn ngành tiếp nối sanh trưởng, đầu mối diệt thì chi mạt ngọn ngành theo đó hết sạch.
Vậy nên người tu tập phải quán triệt lý nhân duyên của Phật dạy và dùng thanh kiếm trí tuệ sắc bén, thẳng tay chặt đứt sợi dây vô minh ràng buộc chúng ta trong nhiều kiếp để ra khỏi ngục tù sanh tử.
Thích
Thanh Từ
(Trích "Nhặt lá bồ đề", Tập 3)