Tiểu Bộ - Thiên Cung Sự
Một thời Ðức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá Vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Sau khi vua Pasenadi (Ba Tư Nặc), nước Kosala (Kiều Tát La), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với Ðức Phật đứng đầu, nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày để phù hợp với lễ vật của nhà vua; và đại đệ tử nữ, cư sĩ Visàkhà (Tỳ Xá Khư) cũng cúng dường đại lễ vật như thế, tin đổn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm Phù Ðề) : "Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình ?". Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn bảo :
-- "Không phải chỉ do hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và thấm nhuần khắp nơi".
Thiên chủ Sakka đã nói như vầy :
-- "Nếu có tín tâm, thì không một vật cúng dường nào có thể nói là không quan trọng, khi nó được dâng lên Ðức Như Lai, Chánh đẳng giác hay vị đệ tử của Ngài". Bấy giờ, chuyện này được phỗ biến khắp cõi Diêm Phù Ðề. Quần chúng tùy theo phương tiện của họ bố thí, cúng dường Sa môn, Bà la môn, du sĩ lữ hành và hạng người cùng khỗ; họ cung cấp nước uống trong sân nhà hoặc để ghế ngổi ở cỗng ra vào.
Thời ấy có một Tỷ kheo đầy đủ hảo tướng oai nghi, đến khất thực đúng thời trước một nhà kia. Tại đó, vị thiện gia tín nữ chào đón vị ấy, cung kính đảnh lễ và trải một tấm vải vàng được ủi thẳng trên sàng tọa của bà rồi đem lại dâng vị ấy.
Bà cúng dường món ăn mà bà có thể sắm được và quạt hầu vị ấy. Vốn tâm tín thành, bà suy nghĩ : "Nay vừa phát sinh một phước điền vô thượng dành cho ta".
Khi vị Tỷ kheo đã thọ thực xong, vị ấy thuyết pháp về sự cúng dường sàng tọa và thực phẩm v.v... rồi ra đi. Khi bà ấy nghĩ về việc bố thí của bà và bài pháp thoại, tâm bà lập tức rung động với niềm hoan lạc và bà cúng dường vị Tỷ kheo cả chiếc sàng tọa ấy nữa.
Ít lâu sau, bà mắc bệnh từ trần và được tái sinh vào cõi Trời Ba Mươi Ba trong một lâu đài bằng vàng dài mười hai do tuần (dặm). Bà có một đoàn tùy tùng hầu cận gổm một ngàn tiên nữ. Vì trước kia bà cúng dường sàng tọa, nên tại đấy xuất hiện cho bà một chiếc sàng tọa bằng vàng dài một do tuần, du hành thật nhanh qua bầu trời, giống như một ngôi nhà có nóc nhọn. Vì thế nó được gọi là "Lâu đài có sàng tọa". Vì chiếc sàng tọa đước cúng dường trước kia có phủ tấm vải vàng, nên lâu đài này bằng vàng, chứng tỏ sự tương tự giữa nghiệp và quả. Vì sàng tọa đã được cúng với tâm hoan hỷ mãnh liệt, nên lâu đài di chuyển rất nhanh. Vì lễ vật được cúng dường với sự thích thú của người xứng đáng nhận nó, nên lâu đài có thể di chuyển tùy theo sở thích của bà. Vì hiệu quả tín tâm hoan hỷ của nữ nhân kia, nên lâu đài rực rỡ và sáng chói.
A) Duyên khởi của tập Chuyện Thiên cung (trích từ Sớ giải)
Một hôm, ý tưởng này khởi sanh trong trí Tôn giả Mahà Moggallàna (Ðại Mục Kiền Liên) khi Tôn giả đang độc cư thiền định : "Vào thời này nhiều người tuy chưa đầy đủ về căn cơ và phước đức, song đạt đến tâm an tịnh, vẫn được tái sanh vào cõi Thiên sau khi làm các phước nghiệp và thọ hưởng thiên lạc huy hoàng. Giả sử nay ta du hành lên cõi Thiên và hỏi trực tiếp chư Thiên do phước nghiệp gì mà bây giờ chư vị thọ hưởng quả vị ấy? Rồi nếu ta trình vấn đề lên Ðức Thế Tôn, Ngài có thể thuyết pháp dựa trên các chuyện Thiên cung này. Việc ấy sẽ đem đến lợi ích, an lạc, hạnh phúc của chư Thiên và loài người". Tôn giả trình lên Ðức Thế Tôn những việc Tôn giả muốn làm, và Ngài chấp nhận. Ngay sau đó, lúc nhập Tứ thiền, y cứ vào các thắng trí do thần thông lực, Tôn giả lập tức đến cõi Tam thập tam Thiên và hỏi chư Thiên này về phước nghiệp. Chư vị kể lại với Tôn giả. Rổi khi trở về cõi người, Tôn giả trình Ðức Thế Tôn những việc đã xảy ra. Bậc Ðạo Sư chấp nhận và thuyết pháp cho hội chúng, lấy sự kiện này làm đề tài.
B) Nhận xét chung
Vì an lạc của chư Thiên và loài người. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông lực du hành lên Thiên giới để tìm hiểu tương quan giữa nghiệp và quả qua các trường hợp cụ thể và sau đó Ðức Phật dùng đề tài ấy để thuyết pháp cho giới đệ tử tại gia.
Bố thí, trì giới, các cõi Trời, là những bài học đầu tiên Ngài dành cho những người có tín tâm bước vào đạo. Bố thí và trì giới đem lại hạnh phúc, an lạc thiết thực với người cho lẫn người nhận ở đời này và còn sinh kết quả tốt đẹp ở đời sau.
Bài kinh khởi đầu bằng sự kiện đại bố thí của một số thí chủ danh tiếng khiến quần chúng thời ấy tự hỏi ý nghĩa thực sự của bố thí, và họ được Ðức Phật xác nhận: kết quả của bố thí tùy thuộc vào tín tâm hoan hỷ của người cho và phước điền của người nhận. Vì vậy sự bố thí khiêm tốn cũng có thể đem lại kết quả lớn như những lễ vật cao sang. Bài kinh còn nêu rõ sự tương quan giữa nghiệp và quả trong từng chi tiết. Bố thí tùy khả năng phương tiện là điều được nhấn mạnh. Chư Thiên (Devà) theo nguyên nghĩa là "những vị có hào quang". Hào quang ấy cùng các thiên lạc mà vị Thiên ấy thọ hưởng nhiều hay ít đều tùy thuộc vào công đức mà vị ấy đã tạo khi còn ở cõi người.
Do vậy, chư Thiên được hưởng một cuộc sống lâu dài, dung sắc siêu phàm cùng các thiên lạc cao quý hơn loài người. Tuy thế, chư Thiên vẫn ở trong vòng luân hổi sanh tử, cho nên trong các chuyện Thiên cung, nhiều vị thiên nam thiên nữ luôn tỏ lòng tôn kính Ðức Phật cùng chư Tăng; và qua nhiều chuyện, một số lớn các vị Thiên ấy vẫn trình bày nguyện vọng tu tập tinh cần theo Phật pháp để có thể chứng đạt những thành quả cao hơn trên con đường đi đến giải thoát giác ngộ hoàn toàn
GS.Trần
Phương Lan
Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 02- 1999
Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net/index.shtml