Giới thiệu:
Niết-bàn là mục đích của đạo Phật và cũng là lý tưởng của những người muốn hết Khổ . Người ta nói nhiều về Niết bàn nhưng không mấy người hiểu Niết bàn một cách đúng đắn. Có người hiểu sai Niết bàn như cõi "hư vô tịch diệt" - cảnh giới không không, chẳng có sự sống giống như hư không trống lặng ở trần thế này. Có người hiểu lầm Niết bàn như cảnh Thiên đàng sung sướng cả tinh thần lẫn vật chất. Và hầu hết nghĩ rằng Niết bàn là phần thưởng kiếp sau của người tu hành theo đạo Phật. Lại có người nghĩ rằngsở dĩ Phật tổ cố ý không nói đến Niết bàn là vì sợ đồ đệ biết rõ Niết bàn là trống lặng sẽ thối chí, rút lui, không tu hành nữa.
Thật là khó cho những người đang sốt rét hiểu biết sự mát mẻ lành mạnh nơi người có sức khoẻ. Cũng vậy, không dễ gì cho chúng sanh đang trôi nổi trong biển luân hồi hiểu biết sự an tịnh nơi A la hán hay Phật.
Chính Phật tổ minh xác rằng có Niết bàn, song người thường không thể hiểu được một cách dễ dàng (xem Udâna, trang 80; Itivuttaka, II, 6). Sự thật, Phật nói rõ về Niết bàn, song không nhiều bằng về con đường đưa đến Niết bàn. Ðiều này thật dễ hiểu bởi vì thầy giỏi bao giờ cũng nói nhiều về những điều làm cho học trò hết dốt mà nói ít về sự hết dốt. Muốn hiểu đúng đắn Niết bàn, trước hết hãy đọc hay nghe những lời Phật dậy về Niết bàn.
Kinh Hai Niết bàn rút từ tập "Phật thuyết như vậy" (Itivuttaka, Pâli Text Society, trang 88). Nội dung kinh là Phật giảng về hai thứ Niết bàn: Niết bàn có dư y (saupâdisesunibbâna) và Niết bàn không dư y (anupâdisesanibbâna).
Trước hết hãy tìm hiểu ý nghĩa của danh từ Niết bàn.
Hiện nay danh từ chữ Sanskrit: Nivrâna thông dụng hơn danh từ Pâli: Nibbâna. Nir + vâ: ngừng thổi, tắt. Gió phiền não hay tham dục không thổi nữa; lửa tham sân si đã bị dập tắt. Lửa nóng tắt thì mát mẻ thể hiện. Niết bàn là chân lý cao cả thứ ba được thực hiện bằng con đường đưa đến Niết bàn, tám chánh đạo, tức là chân lý cao cả thứ tư. Chân lý cao cả thứ ba (Diệt) và chân lý cao cả thứ tư (Ðạo) thuộc về lý tưởng giải thoát trong khi đó chân lý cao cả thứ nhất (Khổ) và chân lý cao cả thứ hai (Nhân Khổ) thuộc về cuộc đời đau khổ.
Niết bàn có thể thực hiện ở đây và bây giờ bằng Ðạo Tám Chánh; nói cách khác giác ngộ giải thoát là kết quả có thể thấy ngay trong đời này. Người tu hành có thể thực hiện Niết bàn lần lần trong quá trình tu dưỡng và đắc đạo từ đạo quả Tu đà hoàn (sotapatti), Tư đà hàm (sakadâgâmi), A na hàm (anâgâmi) và A la hán (anahatta). Chứng A la hán tức là đạt được Niết bàn toàn phần. Khi chứng quả A la hán hay thành Phật, (Phật trong định nghĩa giải thoát là một vị A la hán), các vị này vẫn sống "bình thường" với thân 5 uẩn (kết quả của nghiệp quá khứ), vẫn biết những gì vừa ý hay không vừa ý, vẫn có những cảm giác khổ vui song không còn chịu đau khổ và nhất là không tạo nghiệp mới để phải sống chết trong tương lai, ấy gọi là Niết ban có dư y.
Còn Niết bàn không dư y là Niết bàn khi bậc A la hán hay Phật qua đời, thân 5 uẩn bị tiêu hoại; Lúc bấy giờ tất cả cảm giác không hỷ lạc biến mất hay trở thành mát dịu và sau đó chỉ còn an tịnh của Niết bàn trọn vẹn (parinirvâna).
Kinh điển không những diễn tả mặt "tiêu cực" của Niết bàn như: "Niết bàn là sự tiêu diệt của tham, sân, si" (Sn, IV, 251) mà cũng có nói đến mặt "tích cực" của Niết bàn như: mát mẻ (nibutti), tĩnh lặng (santi), thanh tịnh (visuđhi), bình an (santa), giải thoát (mokkha), bất tử (amata), tuyệt đối (kevala), cát tường (siva) v.v... (Sn, IV, 357) và một hình ảnh rất quen thuộc mà ý nghĩa là sự an toàn cũng được dùng để chỉ cho Niết bàn: hòn đảo (d�pa):
"Thế Tôn nói Kappa
Những ai đứng giữa nước mạnh
trong giòng nước chẩy
Giữa sợ hãi lớn lao
Ta nói ngươi hòn đảo
Cho những ai đang bị
Già và chết chinh phục
Hòn đảo vô song này
Không sở hữu chấp trước
Ta nói ngươi Niết bàn
Già chết được đoạn diệt
Biết vậy giữ chánh niệm
Hiện tại đạt mát lạnh
Không rơi vào ma lực
Không tùy tùng theo ma" (Kinh tập 1903 - 1905)
Niết bàn là an lành tuyệt đói, vượt lên trên sự vui khổ tương đối của cuộc đời.
Có an lành là có cảm thọ, song cảm thọ nơi A la hán và Phật là tâm lý đặc biệt
như tôn giả Sâriputta trả lời cho tôn giả Udây�:
"Hiền giả, dù nơi đó không có cảm thọ song vẫn là an lành"
(An.IV.414)
Có thể nói an lành của Niết bàn là sự chứng nhiệm bản thân:
"Có ăn chanh mới biết chanh chua
Có đi chùa mới biết chùa vui"
Niết bàn là an lành được thể hiện nơi bản thân của mỗi hữu tình giác ngộ giải thoát. Vì thế, cuộc sống xây dựng bởi những hữu tình giác ngộ sẽ là cuộc sống an lành không bóc lột, giết hại và tối tăm. Ðiều này thật là rõ ràng. Ví dụ một cư sĩ chứng được đạo quả thứ hai - Tư đà hàm (nghĩa là không tàn bạo, tham lam, không mê tín dị đoan, có đạo đức và không có quan niệm sai lầm về cái ta) là người đạt được một phần an lành và cũng là người tốt, có ích cho một xã hội hòa bình thịnh vượng. Như vậy, Niết bàn có mặt trong đời này mà cả đời sau. Niết bàn trong đời này, chúng ta có thể nói và hiểu được phần nào, song Niết bàn không-dư-y thì người thường khó mà nói và hiểu được bởi vì ý niệm và ngôn ngữ tương đối không thể nhận thức và diễn tả thực tế tuyệt đối:
"Với người đến tận cùng
Không thể còn ước lượng
Với gì nói đến đó
Không còn có cái ấy
Khi tất cả Pháp
Ðã được nhổ hẳn lên
Mọi con đường nói phô (!)
Ðược nhổ lên sạch hết" (Kinh tập, 1076)
Nói tóm lại, qua kinh Hai Niết bàn, chúng ta hiểu được Niết bàn là an lành, có mặt trong cuộc sống hiện tại và cũng thể hiện trong tương lai sau khi thân này tan rã.
Chánh Kinh
Tôi nghe điều này do chính Thế Tôn và A la hán nói:
Các Tỳ Kheo, có hai thứ Niết bàn (nibbânadhâtu). Những gì là hai? Niết bàn có dư y và Niết bàn không dư y. Các Tỳ kheo, thế nào là Niết bàn có dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm , đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Nơi vị ấy, 5 căn vẫn tồn tại; Vì bản thân không bị tiêu hoại nên vị ấy lý giải điều vừa ý và điều không vừa ý, và cảm giác vui khổ. Các Tỳ kheo, nơi vị ấy tham hết, sân hết, si hết, ấy gọi là Niết bàn có dư y.
Các Tỳ kheo, thế nào gọi là Niết bàn không dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm, đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Các Tỳ kheo, ở đây, nơi vị ấy, tất cả cảm giác không hỷ lạc (sabbavedayitâni anabhinanditâni) đều mát dịu; Các Tỳ kheo, ấy gọi là Niết bàn không dư y.
Các Tỳ kheo, đây là hai thứ Niết bàn.
Sau khi Thế tôn nói lên ý nghĩa này, Ngài nói lại điều ấy như sau:
"Như thế, trong hai thứ Niết bàn không sở y do bậc có mắt thuyết minh: một thứ thuộc đời hiện tại, có dư y, sức dẫn đến sanh hữu bị diệt hết.
Không dư y lại thuộc đời sau, ở đó tất cả sanh hữu đều hoại diệt. Như vậy những ai, với chánh trí, biết con đường vô vi, chứng tâm giải thoát, sức dẫn đến sanh hữu bị diệt hết sẽ đạt được gốc lõi các pháp, hoan hỷ trong sự diệt hết, sẽ từ bỏ tất cả sanh hữu"
Ý nghĩa này được Thế tôn nói đến và tôi được nghe.
Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/