I - Chánh kinh
Ðiều này do Thế tôn và bậc A la hán nói và tôi được nghe.
Các Tỳ kheo, vô minh (1) đi trước, không hổ và không sợ (2) theo sau khiến (con người) phạm tội ác.
Và các Tỳ kheo, minh triết (3) đi trước, hổ và sợ (4) theo sau làm (con người) thành tựu điều lành.
Ðạo lý này Thế tôn đã nói, rồi lại nói như sau :
"Bất cứ ác thú (5) nào trong đời này và đời sau đều do vô minh làm gốc và do tham muốn tạo ra. Bởi kẻ thích điều ác không xấu hổ, không kính nể nên tạo ra tội ác ; do đó đọa vào cảnh khổ.
Vì thế, Tỳ kheo, từ bỏ vô minh, tham muốn mong cầu và có minh triết thì tất cả ác thú đều bị tiêu diệt."
II - Giải thích sơ lược
(*) Tựa đề Kinh do dịch giả đặt ra.
(1) Vô minh (avijjâ) : không sáng, hiểu sai, mê lầm. Vô minh ngăn che tâm trí, làm cho con người không thấy rõ cuộc đời là khổ, vô ngã, vô thường và lẽ đạo Niết bàn ; nghĩa là không thông hiểu 4 chân lý vi diệu, do đó phạm tội ác, gây đau khổ cho mình, cho người, trong hiện tại cũng như tương lai. Vì thế nó được xem như là đi trước trong sự phạm tội ác.
(2) Không hổ không sợ (ahirika-anottapa) : không lấy làm xấu hổ đối với những điều làm cho chúng ta xấu hổ, không xấu hổ khi phạm tội ác ; không sợ hãi đối với những điều đáng sợ hãi, không sợ đạo lý, nhất là nguyên lý nhân quả (mà không phải sợ thần linh). Hai yếu tố tâm lý này đi theo sau vô minh và có mặt trong tất cả các trạng thái tâm lý xấu ác và có khả năng thúc đẩy con người phạm tội ác.
(3) Minh triết (vijjâ) : trí tuệ thông đạt cuộc đời và lẽ đạo. Rõ hơn là sự thông suốt 4 chân lý vi diệu. Trong một nghĩa khác, minh triết chỉ cho 3 minh : Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Nếu nó đi trước và dẫn theo sau hổ và sợ thì người ta sẽ làm lành và được an vui.
(4) Hổ sợ (hirika-ottappa) : ngược lại với 2 yếu tố tâm lý không hổ không sợ và liên hệ với tất cả trạng thái tâm lý tốt lành và có khả năng chận đứng tội ác. An, II, 7 : "Các tỳ kheo, nếu 2 điều trên không che chở cuộc đời thì người ta không kính nể mẹ, vợ của anh em, vợ của thầy ..." . Hai yếu tố tâm lý này được xem như là lương tâm căn bản của con người.
(5) Ác thú (duggati) : đường dữ, cảnh sống đày khổ đau. Có 3 ác thú : địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. 3 ác thú này có thể hiện hữu trong đời này. Ðó là những cảnh sống cực kỳ khổ đau, đói khát bẩn thỉu, ngu si, tàn bạo. Và cũng hiện hữu ở một nơi khác, chờ đón những chúng sanh có nghiệp nhân tương đương.
III - Luận Giải
Bài kinh này rút ra từ Itivuttaka (Phật thuyết như vậy) kinh 40 (Duk, II, 3, Pâli Text Society, tr. 34).
Nội dung kinh nói về những nguyên nhân gần của tội ác và đau khổ. Vô minh đi trước, không hổ không sợ theo sau, thúc đẩy con người phạm tội ác và kết quả là đau khổ trong những cảnh sống đọa đày, trong khi đó, nếu minh triết đi trước, hổ sợ theo sau, thì con người làm việc lành và kết quả là ra khỏi ác thú khổ đau. Như vậy, theo đạo Phật, tội ác, đau khổ do con người gây nên ; mà việc lành an vui cũng do con người tạo ra. Con người là chủ nhân ông trong cuộc sống. Nói cách khác, con người là "tạo hoá" của chính nó. Nó có thể đổi thay cuộc đời bằng ý chí, lý trí và hành động.
Song làm sao cho con người không gây nên cuộc sống đau khổ mà tạo ra cuộc sống an vui. Ấy là vấn đề tu dưỡng, đạo đức trong đạo Phật.
Tu dưỡng là gì nếu không phải là tiêu trừ vô minh và phát triển minh triết. Ðạo đức là gì, nếu không phải là phân biệt thiện ác và tăng cường hổ sợ ? Nói cách khác, nếu có sáng suốt và lương tâm, con người sẽ không tạo tội ác mà ngược lại làm phúc.
Lý tưởng Bồ tát (Bodhisattva) dạy chúng ta phá hủy ác thú và tạo dựng tịnh độ để cho mình và người đều được an vui. Song để lý tưởng này có cơ sở và được thực hiện lâu dài chúng ta trước hết hãy trang bị cho mình đầy đủ minh triết và hổ sợ.
Hầu hết các nền giáo dục nói chung, văn nghệ, nhất là phim ảnh nói riêng, ngày nay không có khả năng khai sáng trí tuệ (khác với trí thức) mà còn làm cho lương tâm, nhất là lòng hổ thẹn và sự sợ hãi tội lỗi của con người bị tàn lụi. Do đó mà bạo động và tội ác càng ngày càng tăng.
Thích Thiện Châu dịch từ Pâli
Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/