KINH PHÁP ẤN
Thi Hộ đời Tống dịch từ Phạn ra Hán
Thích Nhất Hạnh từ Hán ra Việt
I.
Hồi đó Phật đang ở nước Xá Vệ với đầy đủ quý vị trong cộng đồng khất sĩ.
Một hôm Ngài nói với đại chúng: "Có pháp ấn mầu nhiệm, quý vị có biết
không? Hôm nay tôi muốn phân tích và diễn giải pháp ấn này cho quý vị nghe. Quý
vị hãy đem nhận thức thanh tịnh ra để nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, khéo
léo xử dụng tâm ý đề ghi nhớ mà hành trì."
Các vị khất sĩ bạch Phật: "Hay quá, thưa đức Thế Tôn! Xin người chỉ dạy cho, chúng tôi muốn được nghe."
II.
Phật dạy:
"Tự tính của Không là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến . Tại sao thế? Vì tự tính của Không không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ từng sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được và thoát ly mọi sự nắm bắt. Vì thoát ly đượcmọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt.
"Cái thấy ấy là cái thầy chân chính và xác thực. Quý vị khất sĩ! Quý vị nên biết rằng không những tự tính của Không như thế mà tất cả các pháp cũng đều như thế. Ðó gọi là pháp ấn.
"Quý vị khất sĩ! Pháp ấn này chính là ba cánh cửa đi vào giải thoát, là giáo lý căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là chỗ đi về của chư Phật. Vì vậy quý vị nên nghe cho kỹ, tiếp nhận cho thấu đáo, để ghi nhớ mà tư duy và quán chiếu ngay trong lòng thực tại.
III.
"Quý vị khất sĩ! Người tu hành nên tìm nơi tĩnh mịch như vào rừng,
ngồi dưới gốc cây để thực tập quán chiếu về tự thân thực tại. Phải thấy mọi sắc
là khổ, là không và là vô thường để thoát ly cho được sự bám víu vào hình sắc
và trở về an trú trong cái thấy bình đẳng không phân biệt đối với hình sắc. Ðối
với cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức cũng thế: người ấy nên quán chiếu rằng
chúng là khổ, là không và là vô thường đề có thể thoát ly cho được cái thấy có
tính cách sai lạc về cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức để đại tới cái thấy
bình đẳng không phân biệt về chúng. Này quý vị khất sĩ, các uẩn vốn là không, vốn
được sinh khởi từ tâm, khi tâm không còn hiện hành thì uẩn cũng không còn tác dụng.
Thấy biết được như thể tức là đạt được giải thoát chân chính. Giải thoát chân
chính rồi thì thoát được mọi tri kiến. Phép quán sát này được gọi là KHÔNG,
cánh cửa giải thoát thứ nhất.
IV.
"Lại nữa, an trú trong định mà quán sát các đối tượng thì hành giả
thấy các đối tượng hình sắc đều tan biến hết và người ấy thoát ly được tính
cách hư ảo của tri giác về hình sắc. Các đối tượng khác là thanh, hương, vị,
xúc và pháp cũng đều tan biến hết và hành giả thoát ly được tính cách hư ảo của
mọi tri giác về thanh, hương, vị, xúc và pháp. Pháp quán sát này gọi là VÔ TƯỚNG,
cửa giải thoát thứ hai. Vào được cánh cửa giải thoát này rồi thì tri kiến sẽ được
thanh tịnh; và vì tri kiến đã thanh tịnh nên hành giả diệt trừ được hết các phiền
não tham, sân, si. Tham, sân, và si đã tận diệt thì hành giả an trú được trong
cái thấy bình đẳng. An trú được trong cái thấy này thì lìa được những cái thấy
về TA và về CỦA TA, nghĩa là chấm dứt được mọi cái thấy sai lầm. Cái thấy này
không còn cơ hội và căn cứ đề sinh khởi nữa.
V.
"Lại nữa, các vị khất sĩ! Thoát ly được cái thấy về ta rồi thì không
còn cho rằng những sự vật mà ta thấy, nghe, cảm và biết là những sự vật có thật
ngoài nhận thức nữa. Vì sao thế? Vì nhận thức cũng chính là do nhân duyên mà
phát sinh. Nhận thức và các nhân duyên làm phát khởi ra nhận thức đều biến
chuyển vô thường, mà vì thức vô thường cho nên ta cũng không nắm bắt được.
Thức uẩn đã không như bất cứ hiện tượng nào khác thì còn có gì cần được tạo tác
nữa đâu? Pháp quán sát này được gọi là VÔ TÁC, cửa giải thoát thứ ba. Vào được
cửa giải thoát này rồi thì thấy được chân tướng các pháp một cách triệt để,
không còn bị kẹt vào một pháp nào nữa và thể nghiệm được tính cách tịch diệt của
các pháp."
VI.
Phật bảo quý vị khất sĩ:
"Pháp ấn mầu nhiệm là như thế. Ðó là ba cánh cửa đi vào giải thoát. Quý vị khất sĩ, nếu quý vị tu học theo pháp ấn này thì chắc chắn là sẽ đạt được tri kiến thanh tịnh."
Toàn thể các vị khất sĩ nghe pháp nãy đều tỏ ra sung sướng. Họ làm lễ Phật sau khi đã tiếp nhận giáo pháp này để hành trì.
Ghi chú:
KINH PHÁP ẤN (Phật thuyết Pháp Ấn Kinh) thuộc về kinh bộ A Hàm, là kinh số 104 của Ðại Tạng Tân Tu. Trong Ðại Tạng còn có hai kinh cũng nói về đề tài Pháp Ấn: đó là Kinh Phật Thuyết Thánh Pháp Ấn (kinh số l03) và kinh thứ 80 của bộ Tạp A Hàm (kinh số 99 của Ðại Tạng Tân Tu. Kinh này do thiền sư Câu Na Bạt Ðà La dịch, cũng vào đời Tống).
Trong kinh tạng Pàli, đề tài Pháp Ấn - được gọi là Tam Giải Thoát Môn, ba cửa giải thoát - được nói đến trong kinh số 43 và 44 của Trung Bộ, kinh số 33 của Trường Bộ, và trong quyển Vô Ngại Giải Ðạo (Patisambhida-magga) thuộc Tiểu Bộ. Ngoài ra, ba cửa giải thoát cũng được bàn luận trong tập Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi-magga), trong bộ Pháp Tụ của tạng Thắng Pháp, và trong các bộ Chú giải .
-- (Bình Anson)
-ooOoo-
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 21-07-2002