Giới Cụ Túc
(Upasampadà)

Tỳ-kheo Tâm Hạnh


Ðệ tử của đức Phật không luận xuất gia hay tại gia đều thọ trì giới luật. Giới ở đây được hiểu là bao gồm cả Ðịnh và Tuệ - con đường đi đến giải thoát, chứ không chỉ là đạo đức luân lý thế gian thường tình. Trong tám loại luật nghi (Câu Xá luận, phẩm Nghiệp) được truyền thọ từ thời đức Phật đến nay thì chỉ riêng giới cuả Tỳ kheo và Tỳ kheo ni mới được gọi là giới Cụ Túc. Như vậy, thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hay thọ giới Cụ Túc có nghĩa là chính thức bước vào đời sống của bậc thánh, chứ không phải thọ 227 giới (theo Theravàda, Tứ phần có 250 giới, các bộ phái khác có tăng giảm nhiều). Bởi vì, sau khi thành đạo, đến năm thứ 12 đức Phật mới chế định giới luật, và tất nhiên các vị Tỳ kheo trong thời gian này không có thọ giới tướng như hiện nay. Số lượng học giới mà chúng ta thấy trong giới bổn là do thành quả của cuộc kết tập I sau khi đức Phật nhập Niết bàn.

Giới Cụ túc nguyên ngữ Pàli là Upasampadà. Danh từ này là sự kết hợp của hai từ tố: Upa (Upaka) là gần lại, lui tới, lên cao; Sampàda (Sampatti) nghĩa là sự thành tựu, sự an vui, sự giác ngộ. Như vậy, Upasampadà được hiểu là thân cận, bước lên bậc cao thượng. Do đó, trong Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma (Ðại chính, N.1453) Ngài Nghĩa Tịnh dịch là "Cận viên" với ý gần sự giải thoát, trong các bản văn truyền giới Tỳ kheo (Tăng và Ni) thường gọi là tu lên bậc trên, hay...một chút nữa ta sẽ đưa ngươi đến chỗ cao tột... đều xuất phát từ ý nghĩa trên. Như trên đã nói giới Tỳ kheo được gọi là Cụ túc vì thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một vị A La Hán, trong khi đó các loại giới khác chỉ mô phỏng hay thể hiện một phần nhỏ. Ðời sống thanh tịnh này được thể hiện trọn vẹn bằng bốn pháp (Catupàrisuddhi sila) nên gọi là Cụ túc. Ðó là:

1. Biệt biệt giải thoát luật nghi
2. Phòng hộ căn môn luật nghi
3. Phương tiện sinh sống luật nghi
4. Chánh niệm tính giác thọ dụng luật nghi.

Luật nghi, tiếng Pàli gọi là Samvara (Sila) nghĩa là sự hộ trì, sự thu thúc, sự ngăn chặn. Luật nghi này được nguyện giữ trọn đời và không bị hạn chế do năm trường hợp:

1. Giữ giới chỉ với loại hữu tình nào đó,
2. Chỉ giữ một chi phần nào của giới,
3. Chỉ giữ giới ở tại địa phương nào đó,
4. Chỉ giữ giới ở thời gian nào đó
5. Chỉ giữ giới lúc bình thường, trừ chiến tranh.

Nếu giữ giới mà bị hạn chế do một trong năm yếu tố trên thì chỉ gọi là diệu hạnh chứ không phải luật nghi (Câu Xá luận, phẩm Nghiệp). Bốn loại luật nghi còn gọi là bốn thanh tịnh giới là:

I. Biệt biệt giải thoát luật nghi (Pàtimokkha samvarasìla): Biệt biệt giải thoát luật nghi có nghĩa là giữ giới nào thì ngăn chặn hành vi bất thiện ấy, không cho nó len vào tâm và giải thoát được tội lỗi ấy. Ðây là sự hộ trì toàn bộ những điều học được quy định trong giới bổn và thấy sự nguy hiểm trong những tội lỗi nhỏ nhặt nhất. Những điều học (giới) này là khả năng ngăn chận sự ô nhiễm bên ngoài theo các phiền não, nghiệp đạo tràn vào tâm làm cho tâm ô nhiểm. Như vậy, biệt biệt giải thoát luật nghi là sự hộ trì thân và ngữ nghiệp bằng những điều học giới trong giới bổn.

II. Phòng hộ căn môn luật nghi (Indriya samvarasila - phòng hộ căn môn): Kiểm soát các giác quan, nơi mà sự ô nhiểm len lén đi vào tâm ý. Khi mắt tai... sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Tỳ kheo luôn kiểm soát sự sinh diệt của các cảm thọ (thọ), quán sát sự hoạt động của căn và trần (nội ngoại thân), quán sát sự sinh diệt của tâm ý khi ý căn tiếp thu đối tượng pháp - trần (tâm), quán sát sự hoạt động của tưởng và hành khi tiếp thu các đối tượng (pháp) (Trung bộ kinh, tập I, trang 25 và 132, lược.). Như vậy, trọn đời, bất cứ lúc nào vị Tỳ kheo cũng phải an trú trên bốn niệm xứ.

III. Phương tiện sinh sống luật nghi (Ajìva pàrisùddhisìla): Nuôi sống bằng các phương tiện trong sạch nghĩa là sống theo bốn truyền thống của chư Phật trong mười phương ba đời, gọi là bốn Thánh chủng. Thánh chủng nghĩa là dòng họ hay dòng dõi cao quý. Dòng Bà la môn sống bằng cúng bái, xem ngày giờ, thiên văn địa lý, bói toán...dòng Sát đế ly cầm quyền, sống bằng cách chiến đấu với vũ khí, dòng Phệ xá sinh sống bằng các nghề buôn bán, gieo trồng, làm thợ; dòng Thủ đà la sống bằng các nghề làm thuê...;nhưng dòng họ của chư Phật không sinh sống theo các hình thức mang tính chất cạnh tranh và áp bức người khác hay bị người khác áp bức.

Cho nên, trong dòng họ chư Phật có bốn sự truyền thừa: đó là che thân bằng ba tấm y do bố thí; nuôi lớn nhục thân bằng cách khất thực với một cái bình bát; ở dưới gốc cây, rừng vắng hay hang động; trị bệnh bằng các loại thuốc dễ tìm. Nói cách khác, đó là truyền thống sống không gia đình, hoàn toàn không tư hữu, ngoài y và bát cần thiết như hai cánh chim, bay đến và đi bất cứ nơi nào (trích Yết Ma Yếu Chỉ, HT. Thích Trí Thủ dịch và soạn, trang 106, lược).

IV. Chánh niệm tỉnh giác thọ dụng luật nghi (Paccaya sannissitasìla): Ðời sống thanh tịnh do chánh niệm tỉnh giác trong bốn cử chỉ đi đứng ngồi nằm. Khi nói gì, hành động gì điều biết rõ mình đang nói gì và làm gì như Phật dạy: ... này các Tỳ kheo, khi bước tới, lui, mặc y, mang bát, ăn, uống, nhai nếm, đại tiểu tiện, ngủ, thức, im lặng... đều biết rõ việc mình làm... (Trung Bộ kinh, tập I, trang 134, lược). Niệm thanh tịnh này còn chỉ cho sự chánh niệm quán sát và thọ dụng đúng pháp bốn món vật dụng cần thiết (y phục, thực phẩm, chỗ ở, thuốc trị bệnh). Do học tập và thực hành bốn sự thanh tịnh ấy cho đến ba ngàn uy nghi, tám vạn tế hạnh nên giới của Tỳ kheo được gọi là giới cuả Cụ túc.

Như vậy, thọ Tỳ kheo không chỉ là thọ 227, 250, 348 giới tướng, mà chính là nhận lấy giới thể do chư Tăng yết ma truyền như pháp. Giới thể ấy do đức Phật truyền từ vườn Nai và kế tục đến nay, được bốn sự thanh tịnh bảo vệ làm cho một người phàm phu xây dựng nhân cách của một bậc thánh. Chỉ có giới thể Cụ túc vô lậu ấy mới đủ năng lực đưa ta và người khác đến giải thoát giác ngộ. Cho nên, có thọ giới Cụ túc mới được dự vào hàng Tăng bảo. Nếu đoàn thể nào, tập thể nào không có truyền và thọ giới Cụ túc này thì cũng chỉ là tập thể, đoàn thể thế gian (Tăng - Sangha - nghĩa là đoàn thể) chứ không phải là Tăng bảo, một trong ba ngôi báu.

Tỳ kheo Tâm Hạnh

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 21-07-2002