Phật nhập Niết Bàn

Maha Thongkham Medivongs

Kỳ Viên Tự, PL. 2505 - DL. 1961


Lời nói đầu

Quyển kinh Mahàparinibbànasutra - Phật nhập Niết Bàn - này, cũng như nhiều quyển kinh khác, đã được dịch ra quốc văn từ lâu, nhưng vì nền tài chánh của bổn đạo chùa Kỳ Viên còn co hẹp, nên chưa được ấn tống ra sớm để phân phát cho hàng Phật Tử, như thường lệ.

Hôm nay vì một cơ hội bất ngờ, quyển kinh này được ra đời, với một ngoại lệ đáng tiếc là, thay vì cho không, lại bắt buộc phải bán để chi phí vào lễ "Cung nghinh Xá Lợi chùa Kỳ Viên".

Dịch kinh để phổ thông Phật Pháp là phận sự của bực Xuất gia. In kinh để ấn tống là bổn phận của hàng Cư sĩ.

Kinh dịch được, mà bổn đạo không đủ sức ấn tống, nhà sư cũng chẳng biết làm sao cho quyển kinh ra đời, vì ngoài ba lá y và một quả bát, nhà sư chẳng còn chi gọi là sự nghiệp.

Thấy bổn đạo đã hy sanh rất nhiều cho ngôi Tam Bảo và các sự phước thiện hằng ngày; lại thấy họ đương bối rối trong hoàn cảnh bẩn chật, chưa biết tính lẽ nào để tổ chức lễ Cung nghinh Xá Lợi, phận xuất gia chỉ biết thương xót là cùng.

Trong một phiên hội họp, một Thiện nam thường trực phát biểu một ý kiến được đại đa số tán thành: - "Xin Ð.Ð. Thông Kham một bổn thảo kinh nào đã dịch ra quốc văn, hạp thời, in ra bán cho đỡ một phần chi phí".

Mặc dầu là khó chịu, vì chưa từng nghe nói đến sự bán kinh, nhưng bần tăng ưng chịu cho ngay một bản thảo sẽ lựa chọn trong các bổn thảo đương nằm trong tủ từ lâu.

Vừa mở tủ soạn các bổn thảo, vừa suy nghĩ. Càng suy nghĩ, càng thỏa thích: Không mong giúp bổn đạo một phần nào trong lễ Cung Nghinh Xá Lợi, mà bây giờ lại được giúp họ một phần công phiên dịch kinh, để hộ rước Thánh Tích Phật Tổ Như Lai về chùa, thì còn hạnh phúc nào hơn nữa?

Thấy quyển "Phật nhập Niết Bàn" phù hạp với cuộc lễ nói trên, vì trong ấy có các lời di huấn tối hậu của Ðức Bổn Sư, lại có một đoạn nói về lịch sử Xá Lợi.

Nên bần tăng không ngần ngại cho Ban Thường Trực trọn quyền xuất bản.

Mong quả phước phát sanh do sự thí Pháp này sẽ thấu đến chúng sanh trong ba giới bốn loài, nhứt là chư thiên và nhơn loại; và cầu xin cho quả phước này sẽ là một duyên lành dắt dẫn chúng sanh mau tiến hóa trên đường Phật Ðạo.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
MAHA THONGKHAM MEDIVONGS


YO VO ANANDA MAYÀ DHAMMO CA VINAYOCA DESITO PANNATTO MAMACCAYENA SATTHÀ SO VO

PHÁP LUẬT NÀO MÀ NHƯ LAI ÐÃ THUYẾT RỒI, ÐÃ TRUYỀN BÁ RỒI, PHÁP LUẬT ẤY LÀ THẦY CỦA CÁC NGƯỜI SAU KHI NHƯ LAI NHẬP DIỆT.

(Bộ DIGHANIKÀYA, Bài Kinh MAHÀPARINIBBÀNASUTRA, Trường Bộ 16)

Sau khi đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội bồ đề, Ðức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Giả thuyết pháp lần đầu tiên gọi là: "Chuyển pháp luân" độ năm thầy Kiều trần Như đắc được Tứ Ðế, lần lần về sau hàng tứ chúng và chư thiên tu theo giáo pháp của Ngài, được thành đạo quả vô số kể.

Trải qua 44 năm dài đằng đẵng, Ðức Phật hết sức tận tụy trong sự hoằng pháp độ sanh. Có lắm lần bị nhục mạ, chưởi mắng thậm tệ, nhưng vị Chánh đẳng Chánh giác chẳng hề nản chí mỏi lòng. Ðến năm thứ 45, một lúc nọ Ðức Thế Tôn ngự tại rừng xoài là rừng Ambalivana của người kỵ nữ tên Ambali đã dâng cúng cho Tăng Bảo. Rời khỏi rừng ấy, Ðức Thế Tôn cùng đi với nhiều vị Tỳ Khưu đến làng Veluvagàma, thuộc về địa phận xứ Vésali. Vì cận ngày nhập hạ, Ðức Thế Tôn định cư ngụ tại làng ấy ba tháng hạ niên, Ngài cho vời chư vị Tỳ khưu đến dạy rằng: Này chư Tỳ Khưu, các thầy được phép đi nhập hạ trong xứ Vésàli theo các bạn quen của các thầy. Còn phần Như Lai, Như Lai định nhập hạ tại làng Veluvagàma này. Các vị Tỳ Khưu bèn chia nhau đi nhập hạ theo ý muốn của mình.

Thình lình giữa hạ, Ðức Thế Tôn thọ bịnh rất nặng. Trong cơn đau Ngài nghĩ rằng lúc này chưa phải lúc nhập Niết Bàn, nên Ngài dùng pháp ghi nhớ và biết mình diệt trừ lần lần căn bịnh, trở lại bình phục như xưa.

Một ngày nọ Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa, dưới bóng mát, ông Ananda vào hầu bạch rằng: Ðệ tử được thấy Ðức Thế Tôn khỏe mạnh lại, và các sự nhẫn nại của Ðức Thế Tôn đệ tử cũng đã thấy rồi, nhưng vì quá lo cho căn bịnh của Ðức Thế Tôn mà thân thể của đệ tử bải hoải, tinh thần rối loạn, không còn phân biệt được hướng nào, cho nên các pháp cũng không có trong tâm. Nhưng đệ tử vẫn chắc ý rằng: Ðức Thế Tôn còn nhiều pháp mầu để giảng dạy và tế độ tăng chúng, chắc Ngài chưa vội nhập Niết Bàn đâu. Sự vững lòng chắc ý của đệ tử như thế ấy.

- Này Ananda! Chư Tỳ Khưu còn mong gì ở Như Lai nữa? Các pháp Như Lai đã thuyết rồi, luôn cả bề trong, bề ngoài. Nắm tay của thầy, là sự bí ẩn trong các pháp Như Lai cũng chẳng có (nghĩa là Ðức Thế Tôn chẳng hề giấu giếm điều gì bí ẩn như vật người nắm trong tay). Như Lai là thầy của chư thiên và nhơn loại; tâm rất trong sạch, giải thoát khỏi tham ái và tà kiến. Như Lai chẳng dạy pháp nào riêng cho một đệ tử mà không đem ra giảng giải lại cho hàng Thinh văn, hoặc cho một vị Thinh văn nào mà không cho các đệ tử khác biết.

Này Ananda, kẻ nào có lòng mong mỏi muốn cai quản chư Tăng nhận làm nơi nương dựa, hoặc trước chư Tăng thốt những lời yêu mến, nhớ tiếc, những điều ấy Như Lai không từng có. Này Ananda! Hiện giờ Như Lai đã già lắm rồi, tuổi của Như Lai sẽ được 80 tuổi vào năm mới này, thân của Như Lai chẳng khác cái xe bò hư chấp bằng tre.

Này Ananda! Lúc nào Như Lai nhập định (Cétosamàdhi) tâm không vọng động, bởi không để ý đến đề mục, vì đã diệt được thọ, nên khi nhập định, tâm của Như Lai được an vui khoái lạc.

Ananda này! Do nhờ diệt thọ tưởng định mà thân của Như Lai được an vui. Các người chỉ có thân là vật nương nhờ; cần phải có pháp để làm nơi nương nhờ. Ngoài pháp của Như Lai chẳng có pháp nào khác làm nơi nương nhờ được.

Thuyết rồi pháp này, Ðức Thế Tôn hội chư Tăng lại giảng giải pháp nương nhờ. Pháp nương nhờ ấy là pháp Ekakàya magga là con đường đi một mình; chính là pháp Tứ niệm xứ [1]

Ðức Thế Tôn ngự tại Veluvagàma, đến ra hạ, đến tháng thứ 3 của mùa Hamanta (mùa lạnh) là tháng Magha [2].

Một buổi sáng nọ, Ðức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vesàli trì bình. Trở về thọ thực xong, Ngài bảo Ananda lấy tọa cụ vào tháp Pàvàlaceliya nghỉ trưa. Ông Ananda dọn chỗ dưới một cây cổ thọ cho Ðức Thế Tôn an nghỉ. Khi an tọa rồi, Ngài kêu Ananda mà phán rằng "Người nào đắc được Iddhipàda [3] có thể sống tới một kiếp, hoặc sống lâu hơn một kiếp như ý muốn". Ðức Thế Tôn phán 3 lượt như thế, mà lúc ấy tâm của Ananda bị mờ ám không hiểu Ðức Thế Tôn muốn nói cái chi, nên làm thinh không hở môi, hỏi đi hỏi lại như thường khi, Ðức Thế Tôn liền dạy Ananda lui ra ngoài để Ngài nghỉ. Ông Ananda vâng lời, ra ngồi dưới một cội cây gần đó.

Ananda vừa ra khỏi thì Ma Vương vào chầu Ðức Phật, đãnh lễ xong rồi Ma Vương ngồi lại gần Ðức Phật và nhắc lại câu chuyện xưa rằng: "Trước kia, khi Ðức Thế Tôn vừa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội cây Ajapãlanirodha, tôi có đến thỉnh Ngài nhập Niết Bàn để an nghỉ nơi vô sanh bất diệt. Ngài có phán rằng: chúng sanh còn mê muội, Như Lai cần phải đem giáo pháp của Như Lai ra giảng giải để diệt trừ các mầm mê tín dị đoan, đem sự lợi ích cho nhơn loại và chư thiên; bao giờ chưa có hàng tứ chúng Như Lai chưa vội nhập Niết Bàn đâu". Bạch Ðức Thế Tôn: "Hiện giờ hàng tín đồ và Pháp cao thượng đã đầy đủ theo ý của Ðức Thế Tôn rồi. Vậy cầu xin Ðức Thế Tôn hãy nhập Niết Bàn đi. Lúc này là lúc đáng cho Ðức Thế Tôn nhập diệt lắm vậy. Cầu xin Ðức Thế Tôn nhậm lời".

Ðức Phật mới đáp lại rằng: "Hỡi Ma Vương này! Ngươi nên có sự tri túc, ngày nhập Niết Bàn của Như Lai chẳng còn bao lâu nữa đâu. Kể từ nay đến 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn".

Ðức Thế Tôn vừa dứt lời, thì quả địa cầu phát rung chuyển, lại có những tiếng sấm nổ vang trời, giữa không trung.

Ðức Ananda lấy làm lạ, vào bạch hỏi Phật cho biết nguyên nhân của mấy điềm lạ ấy.

Ðức Thế Tôn mới giải về 8 cái nguyên nhân làm rúng động quả địa cầu cho Ananda nghe:

1. Gió hoạt động mạnh.
2. Người có thần thông, dùng thần thông làm cho quả địa cầu rung động.
3. Lúc Ðại Bồ Tát giáng sanh từ cõi Ðâu Xuất vào lòng mẹ trong kiếp chót.
4. Lúc Ðại Bồ Tát ra đời trong kiếp chót.
5. Lúc Ðại Bồ Tát chứng quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
6. Lúc Ðức Như Lai chuyển Pháp luân.
7. Lúc Ðức Như Lai định nhập Niết Bàn.
8. Lúc Ðức Như Lai nhập Vô Dư Niết Bàn.

Giải rồi Ðức Thế Tôn cho ông Ananda biết rằng Ngài vừa hứa với Ma Vương sẽ nhập Niết Bàn, nên quả địa cầu mới rung động như thế ấy.

Ông Ananda liền quỳ lạy, khẩn cầu: "Xin Ðức Thế Tôn sống cho được một kiếp để tế độ quần sanh, ban bố hạnh phúc và cứu khổ nhân loại, cùng đem sự lợi ích cho chư thiên".

Ðức Phật mới cản rằng: "Ananda này! Ðừng, ngươi đừng yêu cầu Như Lai; giờ này chẳng phải là giờ ngươi yêu cầu Như Lai được".

Ông Ananda vẫn hết lòng khẩn 3 lượt.

Ðức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Này Ananda! Ngươi có tin trí tuệ của quả cao thượng Như Lai chăng?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử tin.

- Ananda này! Nếu ngươi tin, tại sao ngươi làm rộn Như Lai đôi ba lần?

- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử có nghe Ðức Thế Tôn dạy rằng: "Người nào đã thuần thục 4 pháp" "Nguyện vọng pháp mầu" rồi, thì khi hết tuổi thọ người ấy muốn sống thêm cả kiếp, hơn cả kiếp cũng được. Bốn pháp "Nguyện vọng pháp mầu" ấy, Ðức Như Lai đã thuần thục rồi, nếu Ngài muốn sống thêm nữa, cũng có thể sống hết tuổi của kiếp được, hoặc hơn tuổi của kiếp cũng được". Bởi thế nên đệ tử mới yêu cầu đến 3 lượt.

Ðức Thế Tôn phán hỏi thêm rằng: Ananda này! Ngươi có tin thần thông của 4 pháp nhiệm mầu ấy chăng?

- Bạch hóa Ðức Thế Tôn, đệ tử tin.

- Ananda này! Nếu vậy, tại sao khi Như Lai tỏ dấu bằng lời nói, mà Ananda không hiểu, không nài nỉ Như Lai trong lúc trước, là lúc Như Lai có thể hứa ở lại được? Nếu trong lúc ấy, Ananda yêu cầu Như Lai, 1 lần, 2 lần, cho đến 3 lần Như Lai đã nhận lời yêu cầu ấy rồi. Hiện giờ Ananda có yêu cầu cũng muộn rồi. Ananda có nhớ không? Chỗ mà Như Lai tỏ dấu cho ngươi, kể ra là 16 chỗ trong thành Vương Xá (Rajagaha) là:

1. Tại núi Gijjhakùta
2. Tại núi Gotamanigrodha
3. Tại hố Corapatana
4. Tại hang Sattapannagùhà (núi Vibhãrapabbata)
5. Tại hang Kalasilà (núi Isigilipabbata)
6. Tại triền núi Sappisonatikà (rừng Sìtavana)
7. Tại chùa Tapodàràma
8. Tại chùa Veluvana (Trúc Lâm)
9. Tại vườn Jivakambavana
10. Tại rừng Maddakucchionrugàdàyavana

và 6 chỗ nữa trong thành Vesàli (Bĩ tỳ xá lệ) là:

1. Tại tháp Uddenacetìya
2. Tại tháp Gotamacetìya
3. Tại tháp Sattambacetìya
4. Tại tháp Bàhupattacetìya
5. Tại tháp Sarandacetìya
6. Tại tháp Pàvàlacetìya (chỗ Phật đang nói chuyện với Ananda).

Tổng cộng cả thảy là 16 chỗ, là chỗ mà Ananda đáng yêu cầu Như Lai, mà không yêu cầu. Hiện giờ Ananda có nài nỉ cũng vô ích, lỗi ấy là lỗi của Ananda vậy.

Ananda này! Như Lai đã có dạy rằng: "Tất cả chúng sanh, có các pháp hành là vật yêu thương hằng thay đổi và xa nhau, không bền vững theo ý muốn. Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi không khi nào chúng sanh mong được do bởi thân này. Vật chi sanh lên bởi nhân sanh, đều phải tiêu diệt là lẽ thường, dầu có khóc than, mong mỏi, yêu cầu vật ấy đừng tiêu diệt cũng chẳng được đâu. Ðiều ấy Như Lai cũng không thể làm vừa ý muốn ngươi được đâu."

Ananda này! Ðiều gì mà Như Lai đã dứt bỏ rồi, buông bỏ rồi, diệt bỏ rồi, mà Như Lai lại thâu vì một lẽ gì, hoặc vì sanh mạng, Như Lai không bao giờ làm".

Một vì Chánh Ðẳng Chánh giác chẳng hề làm điều chi dư sót và ám muội để cho chúng sanh phải ngờ vực, nên trước ngày Ngài nhập Niết Bàn trong 16 lượt, Ðức Thế Tôn đã có dỉ hơi cho ông Ananda hiểu rằng Ngài có thể dùng thần thông ngăn cản pháp hành không cho làm tiêu hoại xác thân Ngài đến trọn một kiếp cùng nhiều hơn nữa, để coi Ananda có hiểu mà yêu cầu Ngài ở lại thế gian lâu dài không, mà Ananda không để ý chút nào, ấy cũng chẳng qua là nhiệm vụ của Ngài đã trọn đủ, không còn dư thiếu, nên khiến cho ông Ananda tối mê không hiểu ý Phật. Lại nữa, dầu cho có thần thông như Ðức Phật để sống trọn một kiếp, cùng nhiều hơn sự sống ấy, cũng như oai lực thần thông ấy, cũng còn giới hạng, cũng bị luật vô thường chi phối, chỉ có Niết Bàn là bền vững, chắc thật. Bởi thế cho nên, Ðức Thế Tôn để lời thức tỉnh ông Ananda và an ủi cho ông hết còn uất ức, ân hận.

Xong rồi Ðức Thế Tôn ngự đến rừng Mahàvana, hội họp chư Tăng nơi phước xá Kutàgàrasalà và dạy rằng: "Này chư vị tỳ khưu, tại sao các thầy lại có ý mong mỏi cho Như Lai sống lâu? Pháp nào về phần trí tuệ cao thượng mà Như Lai đã giảng giải hầu được đắc đạo quả về sau, dứt bỏ trần cảnh đến nơi thánh giới; các pháp ấy các thầy cố gắng làm theo thuần thục để thâu thập kết quả lợi ích. Ðược như vậy mới gọi là các thầy kính trọng Như Lai.

Ðược như vậy pháp hành [4] cao thượng sẽ được thường tồn và nhơn loại sẽ nhờ đó mà được thoát khổ, tấn hóa, an vui, luôn cả và chư thiên nơi thượng giới. Các pháp mà Như Lai đã thuyết bằng trí tuệ là:

Bốn chỗ niệm (Tứ niệm xứ, Satipatthàna).
Bốn pháp tinh tấn (Tứ chánh cần, Samappadhàna).
Bốn pháp nguyện vọng pháp mầu (Tứ như ý túc, Iddhipàda).
Năm căn (Ngũ căn, Indriya).
Năm lực (Ngũ lực, Bala).
Bảy nhân sanh quả bồ đề (Thất phận bồ đề, Bojjanga).
Tám chánh của con đường giải thoát (Bát chánh đạo, Atthangikamagga).

Toàn cả 37 pháp chia làm 7 phần gọi là pháp về trí tuệ hiểu cao thượng (Abbimmàdessanàdhamma). Những pháp Như Lai để lại toàn là có lợi ích và sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho chư thiên và nhân loại. Các thầy nên ghi nhớ mà thật hành trong tâm".

Kế đó Ðức Thế Tôn thuyết về kệ động tâm và pháp không dễ duôi:

- "Chư Tỳ khưu này! Như Lai nhắc các thầy hiểu rằng: Pháp hành là vật của các pháp cấu tạo, có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên, các thầy nên tìm điều lợi ích cho mình và cho người bằng sự không dễ duôi. Trong 3 tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết Bàn. Tất cả hạng người dầu trẻ hay già, trí tuệ nhiều hay ít, giàu hay nghèo, đều có sự chết về ngày vị lai. Cũng như đồ bằng đất của thợ gốm, dầu lớn nhỏ, sống chín, chẳng luận thứ nào đều bị bể là sự cuối cùng, chẳng khác nào sanh mạng của tất cả chúng sanh phải bị sự chết là nơi cuối cùng vậy. Tuổi của Như Lai đã già rồi, sự sống của Như Lai càng thâu ngắn lại. Như Lai sẽ xa các thầy, sự nương nhờ của Như Lai các thầy đã nương nhờ rồi, Như Lai đã làm xong rồi.

Này các thầy Tỳ khưu! Các thầy chẳng nên dễ duôi, nên có trí nhớ và trì giới cho nghiêm, nên có sự suy nghĩ lành và gìn giữ tâm cho trong sạch. Người nào là người không dễ duôi ở trong pháp luật, người ấy sẽ diệt trừ được nguồn sanh tử luân hồi."

Một buổi sáng kia Ðức Thế Tôn đắp y mang bát, vào thành Vesàli khất thực. Khi trở về, ra khỏi thành, Ðức Thế Tôn ngảnh mặt nhìn về thành Vesàli và kêu ông Ananda mà nói rằng: "Này Ananda! Như Lai thấy Vésãli lần này là lần cuối cùng. Ananda này! Ta đi về làng Bhandugàma, vào chùa Bhandugàma rồi, Ðức Thế Tôn hội chư Tăng lại giảng pháp giới định huệ và giải thoát.

Chư Tỳ Khưu này! Vì bởi không đắc thánh pháp, không rõ 4 pháp là: giới, định, huệ và giải thoát, nên Như Lai và các thầy đã luân hồi trong các cảnh giới một thời gian vô cùng tận. Si mê che đậy không cho phát sanh trí tuệ thông thấu trong 4 pháp ấy, là nhân dắc dẫn trong luân hồi.

Này các thầy Tỳ Khưu! Hiện giờ đây, giới, định, huệ và giải thoát là thánh pháp, ta và các thầy đã thông thấu rồi. Tham ái là nhân đưa vòa các cảnh giới, ta và các thầy đã diệt rồi. Tham ái là pháp dắt dẫn luân chuyển trong cảnh giới như sợi dây cột chơn con quạ đã đứt rồi, không còn tạo một cảnh giới nào khác nữa. Hiện giờ sự sanh của ta và của các thầy không có nữa".

Lúc ngự tại Bhandugàma, Ðức Thế Tôn dạy về giới định huệ nhiều hơn các pháp. Rồi Ngài giảng về quả báo của giới:

- "Này chư Tỳ khưu! Giới là chỗ của các pháp cao thượng (là định huệ và đạo quả) ví như quả địa cầu mà người nương nhờ, ở làm công việc bằng sức mạnh được. Giới một khi được trong sạch rồi, làm cho có định, định được quả bao cao thượng. Khi có định cao thượng thì có trí tuệ, trí tuệ có đặc ân cao thượng. Một khi trí tuệ cao thượng dạy bảo, đào luyện tâm; tâm ấy được giải thoát khỏi những thụy miên phiền não là: Kàmàsava (thụy miên phiền não về tình dục), Bhàvàsava (thụy miên phiền não về vô minh). Tam học là pháp hành của giải thoát. Giải thoát là kết quả cuối cùng (lõi) của pháp luật. Ðệ tử thông hiểu, được giải thoát là bởi hành đúng đắn theo Tam Học".

Ở tại chùa Bhandugàma thuyết pháp độ sanh một thời gian rồi Ðức Phật ngự lần lần qua làng Hutthìgàma, Ambagàma, Jambugàma, sang qua xứ Bhoganagara, tạm ngụ trong tháp Anandacetìya, Nơi đây Ngài thuyết kinh Mahàpadesa (4 xứ lớn) dạy chúng đệ tử phân biệt đâu là pháp luật, là lời kim ngôn của Ðức Giáo chủ, đâu là điều lầm lộn, là lời bịa đặt, nghĩa là khi nghe pháp nào mà người ta nói pháp của Phật, chẳng nên tin vội và bỏ vội. Nghe rồi phải suy xét coi pháp ấy có đúng theo chơn lý cùng không đúng, hoặc tìm kiếm coi pháp ấy có đúng theo kinh và luật chăng. Nếu không phù hạp theo chơn lý, cùng không giống lời kim ngôn của Ðức Giáo chủ thì pháp ấy, là pháp bịa đặt. Ðây là lý tóm tắt của kinh Mahàpadesa.

Ở tại Bhoganagara cho đến gần ngày nhập diệt, Ðức Thế Tôn và chư vị Tỳ khưu sang qua xứ Pavà, tạm ngụ trong vườn xoài của con một người thợ bạc tên là Cunda. Khi hay tin có Phật ngự trong vườn xoài của mình, chàng Cunda đến làm lễ Phật; được Ðức Thế Tôn dạy cho thấu hiểu nghiệp quả và khuyên làm các điều lành theo chánh pháp. Sáng ngày Cunda thỉnh Phật và chư Tăng đến nhà thọ thực. Ðến nơi, Ðức Phật gọi Cunda dạy rằng. "Này Cunda! Món thịt lợn nào mà người sắm sanh để cúng dường, ngươi chỉ nên cúng dường đến một mình Như Lai, còn những món khác ngươi nên đem dâng cho chư vị Tỳ khưu Tăng". Sau khi thọ thực xong, Ðức Thế Tôn gọi Cunda lại bảo phải đem đi chôn vật thực Ngài dùng còn dư. Rồi Ngài thuyết pháp chỉ sự tu hành đúng theo chánh pháp cho Cunda nghe thấu rõ mọi lẽ, để hành theo cho có kết quả tốt đẹp.

Bữa thọ thực này là bữa thọ thực cuối cùng của vì Chánh đẳng Chánh giác, để qua ngày sau là ngày rằm tháng Visàkha [5], Ngài nhập vô lượng thọ Niết Bàn. Nên sau bữa cơm ấy, Ngài thọ bịnh kiết lỵ rất nặng. Nhờ oai lực thần thông và pháp nhẫn nại, Ðức Thế Tôn đè nén bịnh ấy được, rồi cùng chư đệ tử kíp lên đường qua xứ Kusinàrà. Giữa đường Ðức Thế Tôn thấy mình mệt nhọc vô cùng, nên tạm nghỉ dưới cội cây, bảo Ananda trải y tăng già lê 4 lớp cho Ngài ngồi và bảo kiếm nước cho Ngài dùng, vì Ngài khát lắm. Ông Ananda mới bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, có cả 500 cỗ xe bò vừa mới đi qua, nước trong con sông rất ít, bị bánh xe làm nổi cặn bùn, không thể uống được. Phía trước cách chẳng bao xa, có con sông Kudhãnadĩ, nước trong trẻo, xin thỉnh Ðức Thế Tôn nghỉ cho khỏe rồi đến đó giải khát và tắm luôn thể. Ðức Thế Tôn phán rằng: "Không được đâu Ananda, Như Lai khát nhiều không thể chờ đợi, Ananda cứ đi múc nước cho Như Lai dùng. Ði đi, Ananda đi đi".

Ananda nghĩ rằng bậc Chánh đẳng Chánh giác chẳng bao giờ nói lời vô lý; nên ông ôm bát ra đi múc nước. Dòng nước đang đục, trở nên trong trẻo tinh anh. Chừng ấy Ananda mới hiểu rõ oai lực thần thông của bậc Chánh đẳng Chánh giác và lời nói của Ðức Phật khi nãy rất hữu lý. Ông Ananda đem nước về dâng cho Ðức Phật dùng.

Kế có Hoàng tử xứ Malla, tên Pukakusa, là đệ tử của đạo sĩ Alara, từ xứ Kusinàrà qua xứ Pàvà, giữa đường gặp Ðức Thế Tôn, nên vào lễ bái, Ðức Thế Tôn thừa dịp thuyết pháp cho Hoàng tử Pukakusa nghe được phát tâm trong sạch, mới đem dâng 2 cây vải Singivanna cho Phật và bạch rằng: Bạch hóa Ðức Thế Tôn! Hai bức vải này rất nhuyễn, màu như vàng thiệt, đệ tử sắm để dùng khi có đại lễ, là vật rất quý giá. Xin Ðức Như Lai đem lòng từ bi thọ lãnh 2 bức vải này của đệ tử. Ðức Phật mới dạy rằng: "Vậy thì Hoàng tử nên để cho ta dùng đắp một bức và cho Ananda dùng đắp một bức". Hoàng tử Pukakusa làm y theo lời dạy của Ðức Thế Tôn, rồi bái tạ ra đi. Ông Ananda đem dâng cho Phật 2 bức vải ấy, Phật lấy bức của Ngài mặc vào. Ananda lấy bức vải của ông đắp thêm cho Phật. Hai bức vải Singivanna ấy nhờ hào quang trong thân Ðức Thế Tôn chiếu rọi ra, trở thành như đống lửa than vàng hực phi thường. Ananda mới ca tụng: màu da Ðức Thế Tôn thật là sáng rạng đẹp đẽ vô cùng.

Ðức Thế Tôn mới đáp rằng: "Ananda này! Thân hình của Như Lai phóng hào quang đẹp đẽ, sáng rỡ, thật y như lời Ananda ca tụng. Thân hình ta có 2 lần sáng rỡ là: trong khi mới đắc đạo quả dưới cội bồ đề và trong đêm sắp nhập Niết Bàn. Ananda này! Ðiềm ấy cho biết rằng trong đêm nay Như Lai sẽ nhập diệt giữa 2 cội cây Sãla, tại rừng Salãvana của xứ Kusinàrà này. Vậy thì ta cùng nhau lần đến con sông Kakudhà".

Ðến nơi Ðức Phật tắm rửa rồi ngự vào một vườn xoài nọ tạm nghỉ, và gọi Ananda lại bảo rằng: Này Ananda! có một chuyện sẽ có là chàng Cunda sẽ bị bực tức, nóng nảy do những lời khiển trách rằng tại gã dâng vật thực đến Như Lai nên Như Lai phải thọ bịnh mà nhập Niết Bàn. Người ta sẽ nói với Cunda rằng: "Này Cunda! Ngươi đã làm một việc bất lợi, một việc chẳng lành, Ðức Phật nhập diệt vì thọ thực của ngươi".

Này Ananda! trái lại Cunda làm một sự đại lợi, một cái lành cao cả.

Ananda này! Ngươi sẽ dạy Cunda rằng chính ngươi đã nghe Như Lai bảo: "Có hai sự bố thí vật thực bằng nhau, có kết quả bằng nhau và quý báu hơn các sự bố thí vật thực khác: Ðại Bồ Tát thọ thực nơi nào rồi được chánh quả Chánh đẳng Chánh giác là một. Vì Chánh đẳng Chánh giác thọ thực nơi nào rồi nhập Niết Bàn là một. Cả hai nơi dâng cúng vật thực ấy có quả báo đồng nhau và tốt đẹp hơn các tài thí khác. Nghiệp lành phát sanh cho thí chủ là: sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền quới và thiên đàng. Cunda! Ngươi đã đào tạo duyên lành như thế ấy rồi vậy.

Ananda này! Ngươi nên mau giải cho Cunda nghe như vậy, để giụt tắt điều bực tức nóng nảy cho người đi".

Rồi đó Ðức Thế Tôn và chư vị Tỳ khưu qua sông Hirannàvati trực chỉ đến Kusinàrà, vào rừng Salà bảo Ananda: "Ananda này! Ngươi hãy trải chỗ nằm, day đầu về hướng Bắc, ở giữa khoảng 2 cây Salã, ta đã mệt mỏi lắm rồi". Ananda dọn xong chỗ nằm, Ðức Thế Tôn an ngọa mình nghiêng phía tay mặt, đầu day hướng Bắc, mắt nhìn phương Tây.

Mùa ấy chẳng phải là một mùa bông, mà hai cây Salà lại đơm bông tươi tốt từ dưới gốc lên trên ngọn và tuôn rơi trên mình Ðức Thế Tôn như tỏ ý cúng dường. Lại còn có những bông mạng thù lớn, bông mạng thù nhỏ, từ trên hư không rớt xuống mình Phật vô số. Thêm cả tiếng nhạc trời tiêu trổi trên không trung cúng dường Phật Tổ Như Lai, Ðức Thế Tôn kêu ông Ananda lại cho biết đó là sự cúng dường của chư thiên và Ngài tiếp giải rằng: "Ananda này! Như Lai chẳng phải là một bực để cho chúng sanh chiêm ngưỡng cúng dường như thế này! Ananda này! Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Thiện nam, Tín nữ hạng nào hành đúng theo pháp của Như Lai tùy theo sức mình, hạng ấy mới là hạng cúng dường Như Lai bằng cách hành đạo chơn chánh vậy. Như Lai là bậc Pháp Vương hằng dạy đệ tử cúng dường bằng cách hành đạo cao thượng quý báu. Ðược như thế, giáo pháp của Như Lai mới được bền vững lâu dài và chúng sanh nhờ tư cách hành đạo chơn chánh ấy mới giải thoát khỏi khổ."

Lúc ấy có một vị Ðại Ðức tên Upavàna đứng quạt hầu trước mặt Phật. Ngài mới phán với vị Ðại Ðức ấy rằng: Này thầy Apavàna! thầy hãy đi tránh nơi khác đi, chẳng nên đứng trước mặt Như Lai. Ông Ananda nghe vậy lấy làm lạ, mới nghĩ rằng Ðại Ðức Upavàna là người hầu của Phật từ lâu, tại sao tới giờ cuối cùng mà Phật lại đuổi đi nơi khác, không cho hầu quạt Ngài? Ông Ananda mới bạch hỏi Phật, Phật dạy rằng: "Này Ananda! Chư Thiên cả Ta bà thế giái hợp lại rất nhiều mong thấy mặt Như Lai. Ananda này! Xứ Kusinàrà, vườn Salàvana chu vi 12 do tuần, trong 12 do tuần ấy, mỗi một khoảng nhỏ bằng hột cát có một vị Thiên quyền lực lớn, biến hình đứng chen nhau chật nức. Ananda này! Tất cả chư thiên đã phiền trách rằng: "Chúng ta từ xa đến, mong được thấy mặt Ðức Thế Tôn rất ít có trong đời, và sắp nhập Niết Bàn trong đêm nay mà vị Tỳ khưu trưởng thượng này lại đứng trước mặt Ðức Thế Tôn". Chư thiên phiền trách như thế ấy, nên Như Lai mới dạy thầy Upavàna lui ra.

Ông Ananda mới hỏi qua lai lịch của các vị Thiên chúng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Hạng chư Thiên thế nào? Tâm họ ra sao? Ðức Phật đáp: Hạng chư thiên lấy hư không làm mặt đất, có hạng lấy địa cầu làm mặt đất, mỗi người xõa tóc, ôm đầu gối ngồi khóc; có vị nằm lăn trên đất khóc kể rằng: Ðức Thế Tôn nhập diệt trong đêm nay! Hỡi Ðức Thế Tôn, sao Ngài vội nhập Niết Bàn sớm quá? Hỡi Ðức Thế Tôn sao Ngài nhập diệt sớm quá! Con mắt thế gian đã đui hết rồi. Riêng về phần chư thiên nào đã dứt được lòng tham ái, là bậc chứng quả Anahàm; các vị thiên ấy có trí nhớ, biết mình, nhẫn nại trước sự hối tiếc bằng cách động tâm như vầy: "Các pháp hành thật không bền vững. Ðiều mà chúng sanh đang mong mỏi, không sao mong mỏi được, vì tại nơi chúng sanh còn mang cái xác thân".

Ông Ananda bạch hỏi thêm Phật như vầy: "Thuở giờ, chư Tỳ khưu nhập hạ ở các nơi đúng theo luật là ba tháng ra hạ, trở về hầu Ðức Thế Tôn. Sau khi Ðức Thế Tôn nhập diệt rồi, chúng đệ tử sẽ làm thế nào? Và có được phép đến gần học hỏi nơi các vị Tỳ khưu cao thượng, hành pháp minh sát, cũng như chúng đệ tự đến thỉnh pháp nơi Ðức Thế Tôn chăng"?

Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: "Sau khi Như Lai diệt độ rồi, chúng đệ tử còn 4 chỗ nên coi, nên thấy, gọi là 4 chỗ động tâm:

1. Là chỗ của Ðức Như Lai sanh ra khỏi lòng Phật mẫu.
2. Là chỗ của Như Lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
3. Là chỗ của Như Lai chuyển Pháp luân.
4. Là chỗ của Như Lai nhập Vô dư Niết Bàn.

Bốn nơi ấy là nơi đáng coi, đáng thấy, làm cho tín đồ phát sanh động tâm, tinh tấn tu hành. Trong hàng tứ chúng, người nào có đức tin đến bốn nơi động tâm ấy và nhớ tưởng rằng: Ðây là nơi Ðức Thế Tôn giáng sanh; đây là nơi Ðức Thế Tôn thành đạo Vô thượng Bồ Ðề; đây là nơi Ðức Thế Tôn chuyển Pháp luân; đây là nơi Ðức Thế Tôn nhập vô lượng thọ Niết Bàn. Ananda này! Người nào hằng đi tới bốn nơi động tâm ấy luôn, là người có đức tin trong Phật giáo sau khi chết sẽ được sanh về cõi Trời".

Nghĩ về tư cách của thầy Tỳ khưu đối đãi với hàng phụ nữ, ông Ananda liền bạch hỏi rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, chúng đệ tử phải đối đãi với hàng phụ nữ như thế nào"?

- Này Ananda! sự không thấy và không nhìn là phận sự của các ngươi.

- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu bắt buộc phải thấy, chúng đệ tử phải làm sao?

- Này Ananda! Khi trông thấy rồi không nên nói chuyện.

- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu khi cần phải nói, chúng đệ tử phải làm sao?

- Này Ananda, khi cần phải nói để giảng đạo hay thuyết pháp các người phải dùng trí nhớ quan sát, không nên để cho tham ái lẫn vào tâm. Không nên để cho cử chỉ và lời nói vượt khỏi phạm hạnh của một vị Sa Môn.

Kế đó, ông Ananda hỏi qua cách thức sắp đặt cuộc hành lễ hỏa táng thi hài của Phật. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng đệ tử phải làm thế nào với thi hài của Ðức Thế Tôn?

- Này Ananda! Các người thuộc về hạng xuất gia, chẳng nên lo đến công việc an táng thi hài của Như Lai. Như Lai khuyên các thầy rán vun bồi cái tương lai cho tốt đẹp, là sự lợi ích của các thầy, chẳng nên dễ duôi trong sự lợi ích ấy. Nên có sự tinh tấn thiêu đốt phiền não và các pháp đê tiện, phải có sự mong mỏi nơi sự cùng tột của pháp cao thượng trong mọi oai nghi. Ananda này! Có các hàng vua chúa, và Bà la môn trong sạch sùng bái Như Lai nhiều. Những hạng trí thức thuộc về phái tại gia cư sĩ, nhứt là vua chúa, sẽ lo công việc an táng thi hài của Như Lai.

Lời của Phật làm ông Ananda bối rối. Ông suy nghĩ rằng: thoảng như các nhà vua và Bà La Môn đến hỏi ta là bực học rộng, lại là đệ tử hầu cận Phật, cách thức an táng thi hài của Phật, không lẽ ta sẽ trả lời rằng công việc ấy chẳng phải phận sự của hàng xuất gia, nên ta không bạch hỏi trước Ðức Phật. Nếu trả lời như thế ấy thật, là không xứng đáng với cái tên gọi là đại đệ tử có trí nhớ hơn hết. Vậy ta cứ nài hỏi Phật, nếu Phật không dạy bảo, ấy chẳng phải là lỗi tại ta; không ai trách được. Suy nghĩ rồi, ông Ananda nài nỉ xin Phật dạy lẽ nào để trả lời cho hàng vua chúa và Bà La Môn. Bạch Ðức Thế Tôn! Hàng trí thức, nhứt là vua chúa phải an táng thi hài Ðức Thế Tôn bằng cách nào?

- Ananda này! Nghi lễ an táng Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương thế nào, thì nghi lễ an táng thi hài của Như Lai cũng như thế ấy.

- Bạch Ðức Thế Tôn, đối với thi hài Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương, người ta phải làm thế nào?

- Ananda này! Người ta liệm bằng lụa trắng 1.000 cây, rồi để vào hòm vàng, ướp nước thơm, đậy nắp lại để trên hỏa đài, thiêu đốt bằng toàn cây có mùi thơm. Khi hỏa táng xong, lượm lấy xương còn lại để trong tháp, xây nơi ngã tư đường, cho hàng tín đồ chiêm ngưỡng hằng ngày, trong khi đi lại từ 4 phương, hầu tâm được trong sạch, phước báu lâu dài. Các tháp ấy là vật quý báu cao thượng, sẽ đem sự lợi ích cho đoàn hậu tấn.

Ðức Thế Tôn dạy có 4 bậc đáng cho nhân loại xây tháp chiêm bái

1. Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
2. Phật Ðộc Giác.
3. Thinh Văn Duyên Giác.
4. Vua Chuyển Luân Thánh Vương.

Hỏi xong mọi việc, Ông Ananda lui ra ngoài kiếm chỗ dựa rồi than khóc rằng: "Ta là kẻ phải làm phận sự chưa kết quả. Ðức Thế Tôn là thầy tế độ ta, và Ngài sắp nhập Niết Bàn. Ta biết lấy ai nương nhờ", vừa than thở vừa rơi lụy.

Thấy vắng Ananda, Ðức Thế Tôn mới kêu chư vị Tỳ khưu hỏi Ananda ở đâu? Chư Tỳ khưu đáp rằng: Ananda vào Vihàra níu lấy ngạch cửa đang khóc kể, than tiếc. Ðức Phật cho gọi vào mà dạy rằng: "Này Ananda ơi! Ngươi chớ buồn rầu khóc than. Như Lai có dạy từ trước rằng những điều sanh lên phải có biệt ly, thay đổi, không sao tránh được. Ananda này! Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi, chúng sanh không thể mong mỏi được do nơi pháp hành đâu. Vật phát sanh bởi nguyên nhân cấu tạo phải có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên. Ananda này! Người được hầu hạ Như Lai cả thân khẩu ý, bằng tấm lòng từ bi vô hạng, đã lâu rồi ngươi là người đã làm việc lành, ngươi sẽ là người không còn phiền não rất mau, ngươi sẽ đắc được quả A la hán".

Ðức Phật liền gọi chư tăng mà dạy rằng "Các thầy Tỳ khưu này! Các vị Chánh đẳng Chánh giác đã nhập diệt rồi từ đời quá khứ đều có mỗi vị một thầy Tỳ khưu hầu hạ rất tốt các vị Tỳ khưu ấy cũng chỉ bằng Ananda, là người hầu hạ Như Lai hiện đây. Những vị Tỳ khưu hầu hạ các vị Chánh đẳng Chánh giác trong đời vị lai có tốt cũng chỉ bằng Ananda của Như Lai hiện giờ thôi.

Này các thầy Tỳ khưu! Ananda là người thức thời biết lúc nào nên để cho vua chúa hoặc kẻ ngoại đạo vào hầu Như Lai; biết chia thì giờ cho hàng tứ chúng vào hầu Như Lai theo thứ tự, Ananda còn có 3 đức tánh rất ít có:

a) Khi nào Tỳ Khưu, Tỳ Khưu ni, thiện nam tín nữ vào gần trông thấy Ananda thoát nhiên phát tâm trong sạch.
b) Nếu Ananda thuyết pháp thì càng vui thích trong pháp, không biết chán, không biết nhàm.
c) Khi Ananda dứt lời giảng thì hàng tứ chúng lại muốn nghe thêm, ví như Vua Chuyển luân dạy các hàng Vua chúa, Bà La Môn, Phú hộ và Sa môn.

Khi được lời tặng khen, ông Ananda liền thừa dịp yêu cầu Ðức Phật đi nhập diệt nơi xứ lớn. Bạch hóa Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn đừng nhập diệt tại xứ nhỏ này. Nơi các xứ lớn khác như xứ: Campà, Ràjagaha (Vương Xá), Savatthi (Thất la phiệt), Saketa, Kosambì (Kiều đàm di), có nhiều vua chúa quan liêu, Bà La Môn và đại phú gia sùng bái Ðức Thế Tôn; họ sẽ lo lễ an táng Ðức Thế Tôn xứng đáng trọng thể.

- Này Ananda! Ngươi đừng nói xứ này nhỏ. Thuở xưa kia nơi đây đã có Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương ra đời tên Mahàsudasana là bậc có quyền lực rất lớn, lấy 4 bể cả làm ranh giới. Ngài thắng kẻ thù bằng pháp, không cần dùng khí giới. Ngài có 7 thứ ngọc báu. Xứ Kusinàrà này thuở ấy có kinh đô tên là Kusàvati, là hoàng thành của vua Chuyển luân Thánh Vương Sudasana, bề dài từ hướng Ðông tới hướng Tây 12 do tuần, bề ngang từ hướng Nam đến hướng Bắc 7 do tuần. Xứ Kusinàrà là xứ giàu có, dân chúng đông dày, vật thực dễ kiếm, phong cảnh tốt đẹp, kèn trống, âm nhạc ngày đêm không dứt, không thua cảnh trời Tứ đại Thiên Vương.

Sau khi giải rõ lịch sử phi thường của xứ Kusinàrà cho ông Ananda và chư Tăng nghe rồi, Ðức Phật bèn biểu ông Ananda vào yết kiến vua Malla để tỏ cho vua hay sự tình: Ananda này! Như Lai định nhập diệt nơi đây mà vua Malla chưa hay, chưa biết. Vậy ngươi kíp vào hoàng thành tỏ ý định của Như Lai cho vua rõ, để ngày sau vua khỏi phiền trách và hối tiếc, không được yết kiến Như Lai trong giờ cuối cùng.

Ông Ananda vội vã vào đền, gặp giữa lúc vua và hoàng tộc đương hội yến đông đầy. Ông Ananda xin yết kiến đức vua Malla và tỏ rằng: "Bần tăng vâng lịnh Ðức Thế Tôn đến đây báo tin cho Bệ hạ rõ rằng Ngài vừa ngự đến vườn Salàvana, và định nhập Niết Bàn tại đó nội trong đêm nay, vào canh chót". Khi nghe được tin ấy, vua và hoàng tộc đều cảm xúc rơi lụy và hối tiếc sao Ðức Như Lai vội nhập Niết Bàn sớm quá. Rồi đồng nhau đến rừng Salàvana xin vào yết kiến Ðức Thế Tôn. Vì quá đông người không thể vào một lượt, nên ông Ananda sắp đặt cho vua, hoàng hậu, mỗi gia đình của các vị hoàng, và của quan viên thay phiên vào yết kiến Ðức Phật, cho đến cuối canh đầu mới dứt.

Khi vua và hoàng hậu cùng triều thần ra về, thì có một người ngoại đạo tên Subhadda đến yêu cầu xin ra mắt Ðức Thế Tôn. Ông Ananda ngăn cản không cho vào, vì thấy Ðức Thế Tôn không được khỏe. Subhadda nài nỉ đôi ba lượt. Ðức Thế Tôn hay được mới bảo Ananda cho vào. Subhadda vào lễ bái Ðức Thế Tôn rất cung kỉnh và hỏi thăm sức khỏe của Ngài, rồi khởi đầu cật vấn Ðức Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn, các vị Lục sư ngoại đạo là Puranakassapa, Makkhalikosala, Ajilakesakanibala, Pakuddhakaccayana, Sanjayavelatthaputta, Nigaranathana caputta, là bậc có tín đồ rất nhiều, tự cho là cao thượng và trí tuệ. Chẳng hay cả 6 Lục sư ấy đắc trí tuệ, hay có vị đắc, có vị chưa đắc"?

- Subhadda này! Thôi điều ấy hãy bỏ đi. Ðể Như Lai giải một vài pháp cho ngươi nghe, ngươi rán chăm chỉ nghe rồi hành theo, sẽ được kết quả tốt đẹp. Subhadda vâng lời cung kính lóng nghe Phật thuyết. - "Subhadda này! Ðạo là pháp hành có 8 chi là con đường rất quý báu, đưa người đến nơi tận diệt phiền não. Con đường ấy có trong giáo pháp nào rồi, thì Samôn là người diệt được hết phiền não thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thứ tư sẽ có trong giáo pháp ấy. Subhadda này! Ngoài đạo của Như Lai, chẳng có vị Samôn nào đắc được chơn lý, dầu có thực hành theo giáo lý nào đi nữa, cũng chẳng có 4 hạng Samôn ấy. Subhadda này! Nếu có người hành đúng theo giáo pháp của Như Lai, thì trong cõi đời này vẫn còn có bực Alahán. Subhadda này! Kinh luật của Như Lai là phương pháp đem chúng sanh ra khỏi khổ, là nơi phát sanh các bậc Samôn cao thượng, là 4 bực thánh nhân, Subhadda này! Năm 29 tuổi Như Lai xuất gia để tầm kiếm thiện pháp. Như Lai đã xuất gia được 51 năm rồi. Vì Samôn là người hành pháp xuất thế gian, ngoài giáo pháp của Ta chẳng có. Vị Samôn thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, ngoài giáo pháp của Như Lai không có. Subhadda này! Nếu có người hành đúng theo giáo pháp của ta, thì chẳng hề mất đạo quả Alahán trong cõi đời này".

Nghe được giáo pháp rồi, Subhadda lấy làm trong sạch với pháp bảo, xin quy y làm thiện nam rồi tiếp hỏi về kinh luật Bạch hóa Ðức Thế Tôn, Ðệ tử sẽ là người xuất gia trong tôn giáo của Ðức Thế Tôn.

- Subhadda này! Người nào trước khi là ngoại đạo lại muốn xuất gia theo tôn giáo của Như Lai, người ấy phải chịu phạt cấm phòng 4 tháng. Sau 4 tháng, nếu người ấy được dứt bỏ hoàn toàn, không có tin tưởng theo ngoại đạo nữa, chư vị Tỳ khưu mới cho xuất gia.

Subhadda vì tâm quá trong sạch, liền bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu là ngoại đạo phải bị phạt cấm phòng 4 tháng, đệ tử xin chịu phạt cấm phòng 4 năm. Sau 4 năm rồi, xin chư Ðại đức Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho đệ tử". Nghe vậy, Ðức Phật mới gọi Ananda bảo rằng:

"Ananda này! Nếu vậy, ngươi hãy cho Subhadda xuất gia đi".

Ông Ananda vâng lời, làm lễ xuất gia cho subhadda trước mặt Ðức Thế Tôn.

Xuất gia xong rồi, thầy Tỳ khưu Subhadda, là đệ tử chót của Phật, kiếm chỗ thanh vắng, cố tham thiền nhập định, trong giây lát đắc đạo quả Alahán. Ngài được gọi là Sakkhisàva nghĩa là thấy Ðức Thế Tôn sau chót hết:

Ðức Thế Tôn kêu ông Ananda lại dạy rằng:

Yo vo Ananda mayà Dhammo ca vinayo ca.
Desito pannatto so vo Mamaccayena satthà.

Này Ananda! Sau khi Ta nhập diệt có đệ tử tin như vầy: Lời kim ngôn của Ðức Như Lai đã qua rồi. Vị Bổn sư của ta không còn. Ananda này! Các người chớ nghĩ như thế. Pháp luật nào mà Như Lai đã thuyết rồi, đã truyền bá để lại rồi, pháp luật ấy là thầy của các ngươi, sau khi Như Lai nhập diệt.

Ananda này! Hiện giờ đây chư Tỳ Khưu kêu gọi nhau bằng tiếng Àvuso (Hỡi thầy, nè thầy, thầy ôi), chẳng luận già trẻ nhỏ lớn. Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, các thầy chẳng nên gọi nhau như thế nữa. Vị Tỳ Khưu lớn hơn kêu tên của vị Tỳ Khưu nhỏ hoặc kêu Avuso (Này thầy) cũng được. Còn phần vị Tỳ Khưu mới tu, hoặc thấp hạ hơn, nên kêu vị Tỳ Khưu lớn bằng tiếng Bhante (Bạch Ngài) hoặc tiếng Ayasmà (Bạch Ðại Ðức), tùy theo trường hợp.

Ananda này! Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, nếu chư Tăng đồng lòng nhau muốn rứt bỏ một điều học nhỏ nào, thì được phép rứt bỏ, sau khi thỏa thuận giữa cuộc hội hợp công đồng. Ananda này! Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, chư Tăng nên phạt Xa nặc (Chunna) bằng pháp Brahmadanda (làm tội theo Phạm Thiên), ông Ananda mới hỏi: "Bạch Ðức Thế Tôn! Phạt bằng pháp Brahmadanda, là làm thế nào?"

- Này Ananda! Xa nặc muốn nói gì, chư Tăng cứ để nói tự ý và đừng nói đến Xa nặc, như thế gọi là pháp Brahmadanda [6].

Ðức Thế Tôn sang qua nói với các thầy Tỳ Khưu "Chư Tỳ Khưu này! Nếu các thầy có điều nào nghi ngờ trong Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo hoặc trong sự hành đạo, các thầy cứ hỏi đi để khỏi hối tiếc về sau". Chư vị Tỳ Khưu lặng thinh, không trả lời. Ðức Thế Tôn hỏi đủ 3 lượt, chư Tỳ Khưu cũng lặng thinh. Ông Ananda bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn, điều này rất lạ và đệ tử lấy làm thỏa thích mà thấy rằng trong tất cả chư Tỳ Khưu nơi đây, chẳng có một vị nào có chút nghi ngờ trong Tam Bảo, đạo quả và pháp hành.

- Ananda này! Trong 500 vị tỳ Khưu này, những vị có cái đặc ân nhỏ hơn hết là bực đã đắc đạo quả Tu đà Hườn. Các vị ấy chắc chắn sẽ hoàn toàn ngộ đạo trong ngày vị lai. 500 vị Tỳ Khưu đây không có vị nào là phàm nhơn cả.

Nói rồi Ðức Thế Tôn kêu tất cả chư vị Tỳ Khưu dạy lời di giáo tối hậu rằng: "Handadàni bhikkhave amantayãmi vo vayyadhammã sankhãrã appamãdena samàdetha: Này chư vị Tỳ Khưu! Như Lai xin nhắc các thầy nên ghi nhớ rằng: Các pháp hành có sự tiêu diệt, sự hư hoại là lẽ cố nhiên. Các thầy nên làm sự lợi ích cho mình và cho người được kết quả mỹ mãn chẳng nên dễ duôi".

Ðức Thế Tôn gồm cả lời giáo huấn trong 45 năm vào một câu là "không dể duôi" để nhắc nhở chư Tỳ Khưu trong giờ cuối cùng.

Từ giờ ấy trở đi, Ðức Thế Tôn không còn nói một câu gì nữa. Ngài mới đem Niết Bàn làm đề mục gọi là Anupubbivihàra có 9 điều, mà chú giải dạy rằng:

Ðức Thế Tôn khởi nhập sơ thiền, ra sơ thiền, nhập vào nhị thiền, ra nhị thiền, nhập vào tam thiền, ra tam thiền, nhập tứ thiền, ra tứ thiền (bốn thiền này gọi là thiền hữu sắc).

Khi xuất ra tứ thiền rồi, Ngài nhập vào thiền vô sắc là Không vô biên, xuất ra khỏi Không vô biên, nhập vào Thức vô biên, xuất ra khỏi Thức vô biên, nhập vào Vô sở hữu, xuất ra khỏi Vô sở hữu rồi nhập vào Phi tưởng Phi Phi tưởng, xuất ra khỏi Phi tưởng Phi Phi tưởng rồi nhập vào Diệt Thọ Vô tưởng định.

Chín bực thiền định này gọi là 9 điều Anupubbivihàra nghĩa là sự ở có thứ tự.

Khi ấy ông Ananda mới hỏi Ðại Ðức Anuruddha rằng: "Bạch Sư huynh, vậy chớ Ðức Thế Tôn nhập diệt chưa?" - Chưa Ananda à! Ðức Thế Tôn chưa nhập diệt. Ngài nhập vào Diệt thọ Vọ tưởng định. Kế đó Ðức Thế Tôn ra khỏi Diệt thọ Vô tưởng định nhập vào Tứ thiền Vô sắc là Phi tưởng Phi phi tưởng, xuất ra khỏi Phi tưởng Phi Phi tưởng rồi nhập vào Tam thiền Vô sắc là Vô sở hữu, xuất ra khỏi Vô sở hữu, nhập vào Nhị thiền Vô sắc tức là Thức vô biên, nhập vào Sơ thiền vô sắc là Không vô biên, xuất ra khỏi Không vô biên rồi nhập vào Tứ thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Tứ thiền hữu sắc, nhập vào Tam thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Tam thiền hữu sắc rồi nhập vào Nhị thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Nhị thiền hữu sắc rồi nhập vào Sơ thiền hữu sắc. Rồi từ Sơ thiền hữu sắc, xuất nhập theo thứ tự trở lên tới Tứ thiền hữu sắc, Ðức Thế Tôn nhập diệt luôn.

Ngài nhập diệt giữa khoản Thiền hữu sắc và Vô sắc, vì thế nên Ma Vương không biết nơi đâu là chỗ Ngài nhập diệt.

Liền khi ấy quả địa cầu rung động và tiếng nhạc tiêu trổi rền trời giữa khoảng không trung.

Lúc ấy trời vừa rạng đông (sáng rằm qua 16). Trời Phạm Thiên Sahampati ngâm câu kệ động tâm rằng: Tất cả chúng sanh không sót giống nào trên thế gian này đều phải bỏ thân lại trên mặt quả địa cầu. Ðức Thế Tôn là đấng trọn lành, đấng Giáo chủ có đặc ân cao dày như thế này, không một ai sánh bằng, Ngài là đấng có hùng lực hơn cả Thần lực, lại không bền vững được, còn phải diệt độ. Ta nên chán nản lắm vậy. Ðức Ðế Thích tiếp ngâm câu kệ động tâm rằng: Ô! Các pháp hành không bền vững, có sanh diệt là thường, phải sanh phải diệt không bền vững lâu dài. Sự giụt tắt được pháp hành, danh sắc, ngũ uẩn, không cho sanh lên nữa được, đem lại sự an vui và không còn dưới quyền chi phối của sự già, sự chết.

Ðại đức Anuruddha ngâm thêm hai câu kệ động tâm rằng: Tâm của Ðức Phật rất vững chắc trong pháp thế gian cả 8 điều. Tâm Phật không rung động, hơi thở ra vô đã dứt rồi. Ðức Ðại Thế Chí chẳng hề hoảng hốt vì sự chết. Ngài chỉ lấy pháp thanh tịnh là Niết Bàn làm đề mục. Ngài nhập diệt bằng cách quá sức hiểu của chúng sanh. Tâm của Ðức Thế Tôn không hề phóng túng, kinh sợ, hoảng hốt trước khi chết. Ngài nhẫn nại với sự đau khổ bằng sự ghi nhớ và biết mình. Sự giải thoát đến Vô dư Niết Bàn, ví như ánh sáng của ánh đèn tắt mất.

Ðại Ðức Ananda nói rằng: Khi Ðức Chánh Biến tri là đấng có đủ đức hạnh tốt lành đã nhập Niết Bàn rồi, một sự phi thường phát sanh là khi ấy ai ai cũng có tâm rung động, kinh sợ và rùng mình mọc óc.

Sau khi Ðức Phật viên tịch rồi, trời chưa sáng, nên 2 Ðại đức Anuruddha và Ananda thay phiên nhau thuyết về pháp động tâm, làm cho ai ai cũng chán nản về các pháp hữu vi là pháp sanh diệt chia lìa, đau khổ triền miên, và tự nguyện tinh tấn thực hành y theo giáo pháp của Ðức Thế Tôn di truyền, để mong có ngày ra khỏi vòng cương tỏa của luật vô thường, siêu sanh về cõi an vui tuyệt đối.

Sáng ngày Ðại đức Anuruddha sai Đại đức Ananda vào đền cho vua Malla hay tin Ðức Phật đã nhập Niết Bàn rồi. Ðến nơi thấy vua và triều thần hội nhau bàn tán về ngày cuối cùng của vị Chánh đẳng Chánh giác, quên lo tới việc triều chánh. Ðại đức Ananda vừa báo tin Phật đã diệt độ, thì cả vua chúa quần thần đều chan hòa giọt lệ, mến tiếc và ca tụng ân đức của đấng trọn lành.

Ðức vua liền ra chiếu chỉ cho quần thần và các lớp dân chúng trong xứ Kusinàrà đem bông hoa, nước thơm và nhạc lễ đến rừng Salàvana, và dạy nội ngày ấy cất rạp cho xong để thiết đại lễ cúng dường Phật Tổ.

Công việc tẩn liệm thi hài Ðức Thế Tôn, vua làm y theo lời chỉ bảo của Ðại đức Ananda: lấy 1.000 cây lụa trắng bao bọc thi hài, ướp đủ các thứ nước thơm hảo hạng, để vào hòm vàng. Toàn cả xứ Kusinàrà thiết lễ long trọng cúng dường Ðức Phật. Cuộc lễ kéo dài đến 6 ngày đêm. Qua ngày thứ 7 là ngày đức vua định hành lễ hỏa táng. Theo chương trình thì hòm vàng của Ðức Thế Tôn sẽ được thỉnh đi chung quanh thành Kusinàrà một vòng, rồi thỉnh vào thành nội làm lễ hỏa táng. Ðúng giờ phát hành, 8 lực sĩ của vua, sắc phục nghiêm trang vào động quan. Tám vị lực sĩ ấy chuyển cả sức lực khiên hòm lên mà hòm vẫn nằm y một chỗ không lay động. Vua Malla ngạc nhiên đến hỏi Ðại đức Anuruddha, thì Ngài dạy rằng: Các vị Trời muốn cho Bệ hạ thỉnh thi hài Ðức Thế Tôn qua hướng Bắc ra cửa thành hướng Ðông, thẳng đến tháp Makutabandhana Cetiya ở phía Ðông thành Kusinàrà và làm lễ hỏa táng tại đó.

Vua buộc lòng phải làm theo ý muốn của chư thiên. Chừng ấy 8 vị lực sĩ thỉnh hòm ra đi nhẹ nhàng. Trong lúc ấy các vị Trời ca tụng và cúng dường Ðức Phật bằng cách rải bông mạng thù từ không trung xuống cùng khắp xứ Kusinàrà, mùi thơm bát ngát. Trên không trung và dưới đất chư thiên, vua và dân chúng ca tụng và trổi âm nhạc rền trời. Ðến tháp Makutobandhana Cetiya, để hòm vàng lên hỏa đài, 4 vị quốc sư của Vua từ 4 hướng cung kính đem lửa mồi châm vào 4 góc hỏa đài. Lửa không cháy, Vua Malla đến bạch hỏi Ðại đức Anuruddha, thì Ngài dạy rằng: Hàng Thiên chúng muốn để chậm chậm một chút, cho Ðại đức Maha Ca diếp sắp về gần tới. Cuộc lễ hỏa táng cũng phải ngưng lại.

Nói về Ðại đức Maha Ca diếp từ xứ Pava khởi hành qua Kusinàrà với 500 đồ đệ cho kịp gặp Ðức Thế Tôn, vì đường xa nên chậm trễ. Ði gần tới nơi, nhưng vì mệt mỏi, nên Ngài cùng chư đệ tử tạm dừng nghỉ bước dưới cội cây. Ngài chợt thấy một thầy tu theo đạo lõa thể đi qua, trên tay có cầm một cái bông mạng thù, Ngài liền kêu hỏi thăm: Này thầy ôi! Thầy có hay tin Ðức Samôn Cù Ðàm ra thể nào chăng? Vị đạo sĩ ấy trả lời: Ông Samôn Cù Ðàm đã nhập Niết Bàn 7 ngày rồi. Bông mạng thù này tôi lượm tại chỗ ông Samôn Cù Ðàm nhập diệt đây.

Vừa nghe tin ấy, các thầy Tỳ Khưu chưa dứt tình dục ré lên khóc thảm thiết. Trong đoàn lại có một vị Tỳ Khưu Subhadda, là người bán thế xuất gia mới thốt rằng: Các thầy khóc lóc mà làm chi! Từ nay chúng ta được hoàn toàn giải thoát khỏi ông Samôn Cù Ðàm rồi. Ông cứ dạy điều này phải, điều kia quấy; nếu ta làm quấy thì tội lỗi. Bằng hành theo, rất khó khăn cho ta. Từ nay ta muốn làm gì thì tùy ý, không còn ai cản nữa.

(Ðây là cái mầm làm cho Phật giáo suy đồi. Ðức Thế Tôn mới nhập diệt có 7 ngày, mà đã có hạng người đê tiện muốn phá hoại Phật pháp, bằng cách khinh thường lời giáo huấn của Tổ sư, huống hồ về sau nữa, và cho đến ngày nay, trách sao trong Tăng già có lắm phần tử trụy lạc, quên mình, dễ duôi, lợi dụng sắc phục Như Lai dối thế gạt đời, làm cho nền Phật giáo, càng ngày càng lu mờ xiêu đổ).

Ðại đức Maha Ca diếp đã nghe những lời đê tiện của thầy Tỳ Khưu Saubhadda. Ngài giả lơ, nhưng để dạ lo âu. Ngài cùng 500 đồ đệ lên đường, trực chỉ thành Kusinàrà. Vừa đến tháp Makutabandhana Cetiya, Ngài đi ngay lại hỏa đài, khoát y chừa vai trái, chấp tay lễ bái rồi đi quanh vòng quan đài 3 lượt, lại ngay giữa cúi đầu lạy Ðức Thế Tôn, năm trăm vị Tỳ Khưu cũng tiếp theo làm như thế.

Khi Ðại đức Maha Ca diếp và 500 vị Tỳ Khưu vừa làm lễ xong thì hòm vàng đựng thi hài của Ðức Thế Tôn phóng hào quang sáng rỡ làm cho ai ai cũng kinh ngạc. Ấy là lửa thần thông của Ðức Thế Tôn thiêu lấy thi hài của Ngài. Phần nào thuộc về da, thịt, gan, đều tiêu mất hết, không còn một chút tro tàn nào cả. Phần xương, tóc, móng, răng còn lại ở trong một cái đẩy làm vật đựng Xá Ly. Sau khi hỏa táng xong, có một lằn nước tự hư không chảy xuống và 2 lằn nước từ trong cây Sala xẹt ra dập tắt hỏa đài. Ðức vua Malla cũng lấy nước thơm lại tưới hỏa đài.

Xong xuôi đức vua thỉnh Xá Lỵ về đền làm lễ cúng dường bằng tràng hoa và nước thơm, và làm rào kiên cố chung quanh đền ấy, ngoài thành thì trấn thủ quân binh, tu bổ hào thành dường như sắp có trận giặc xảy đến. Vua xứ Kusinàrà nghĩ sợ các nước lân bang hay tin đến chiếm đoạt Xá Lỵ Phật mất đi.

Hẳn thật như sự tiên đoán của vua Malla, 6 vị sứ thần của:

- Vua A-xà-thế (Ajatasatru), xứ Magadha thành Vương xá.

- Vua Sakya, dòng Thích Ca tại thành Ca-bì-la-vệ.

- Vua Licchava, xứ Vesali.

- Vua Thuliya (hoặc Pali), xứ Allakappa.

- Vua Koliya xứ Ramagama.

- Vua Malla xứ Pava.

và vị Bà La Môn Mahabrahma, thủ lãnh xứ Veddhadipaka

Tất cả 7 đại diện đến yết kiến vua Malla xứ Kusinàrà tỏ rằng: "Chúng tôi hay tin Ðức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn trong xứ Ðại vương, vì Ðức giáo chủ Thích Ca là vị cao thượng, chúng tôi đây cũng thuộc giòng cao thượng, nên đến xin Ðại vương chia cho một phần Xá Lỵ để đem về lập đền thờ cúng chiêm ngưỡng hằng ngày, mong Ðại vương nhận lời".

Bảy vị sứ thần bề ngoài tỏ ý khiêm tốn, nhưng dạ cương quyết bố trí binh mã ngoài thành, chờ coi vua Malla định lẽ nào.

Vua Malla nhứt định bát lời yêu cầu của các sứ thần; nhưng các vị này cũng không nản chí, cứ nài nỉ xin chia mãi.

(Hàng trí thức nên hiểu rằng: Ðức Phật định nhập diệt tại xứ Kusinàrà, là một xứ nhỏ không đủ lực lượng tranh đấu, có lẽ để ngừa sự xung đột về sau, do sự phân chia Xá Lỵ với cường quốc lân bang, nên Ngài không chịu nhận lời yêu cầu của Ðức Ananda muốn cho Ðức Thế Tôn đi diệt độ nơi một trong các cường quốc ấy).

Về phần vua xứ Kusinàrà, trước sự nhẫn nại và cương quyết của các sứ thần, ngài suy nghĩ rằng: sức mình yếu kém, không đủ ngăn chống hùng binh, và nếu chia Xá Lỵ cho những xứ này, mai kia còn những xứ khác đến xin chia nữa, còn đâu mà chia, chừng ấy sẽ còn xung đột nữa. Vả lại Ðức Thế Tôn là bậc Thiên nhơn Sư, thông hiểu quá khứ hiện tại, vị lai, mỗi việc làm của Ngài đều đem lại sự lợi ích lâu dài cho chúng sanh. Ngài nhập Niết Bàn tại xứ ta để lại hạnh phúc cho ta, ban bố Xá Lỵ cho ta; những Xá Lỵ này cũng không bền vững lâu dài bằng sự phụng hành giáo lý của Ngài để lại hầu tránh khỏi sự giết hại lẫn nhau. Không lẽ các cường quốc này lại muốn khai chiến với ta. Nghĩ như vậy. Vua Malla càng có đức tin mạnh nơi oai lực của Phật hộ trì, nhứt định không chia Xá Lỵ và tinh tấn làm lễ cúng dường Xá Lỵ để ngăn ngừa tai hại cho xứ Kusinàrà.

Các sứ thần cũng chẳng chịu nhượng bộ, quyết khai chiến với vua Malla.

Khi ấy có vị Bà La Môn tên Dona, là quốc sư của vua Malla, là bực trí tuệ và nhiều kinh nghiệm, xin đứng ra làm tài phán phân giải. Ông Dona nói rằng: Thưa các ngài, các Ngài nên hiểu rằng Ðức Thế Tôn chẳng phải là quyến thuộc của chúng ta, chúng ta muốn có Xá Lỵ, chẳng qua là chúng ta đã công nhận Ðức Thế Tôn là một vị giáo chủ, chúng ta có lòng ái mộ, muốn phụng thờ và hành theo chánh giáo của Ngài, vì sự sùng bái mà khai chiến với nhau, là một việc không phải lẽ và làm mất sự thân thiện lẫn nhau, vả lại Ðức Thế Tôn xưa kia chẳng hề khi nào dạy chúng ta gây chiến tranh cùng nhau, trái lại Ngài chỉ dạy chúng ta nhẫn nại, từ bi, hòa hợp dứt bỏ điều oán kết, sự giết hại lẫn nhau. Lại nữa khi Thế Tôn còn tại thế, các tín đồ hằng được gặp, được thấy, được cúng dường Ngài khắp mọi nơi. Giờ đây Ðức Thế Tôn, đã nhập diệt rồi, Xá Lỵ được phân chia trong các xứ tiện bề cho tín đồ chiêm ngưỡng lễ bái hằng ngày, thì đại chúng lấy làm hân hạnh biết bao. Còn như ngày sau có xứ nào đến xin Xá Lỵ, dễ cho đức vua Malla trả lời rằng cuộc phân chia Xá Lỵ đã có các Quốc Vương triệu tập đại hội phân chia đầy đủ cho mỗi xứ rồi, không còn nữa. Và lại hiện giờ các xứ lân bang lớn nhỏ đều có đại diện nơi đây, nếu chúng ta đem Xá Lỵ ra chia nhau mỗi xứ mỗi phần bằng nhau, thì tình thân thiện càng kết chặt giữa các Quốc Vương, thì ai ai cũng vui mừng tránh khỏi tai hại về chiến tranh. Các Xá Lỵ được đem về thờ cúng ở các nơi, người phát tâm trong sạch nơi Phật Bảo, và hành theo Kinh luật di truyền, xa lánh các điều ác, tạo thêm nghiệp lành, thì kết quả của sự nhẫn nại và hòa thuận hôm nay là sự đoàn kết giữa các lân bang để cùng nhau tiến bước trên đường Phật đạo, diệt tận những điều thù oán, giết hại lẫn nhau; như thế ấy mới xứng đáng làm đệ tử của Ðức giáo chủ Cồ Ðàm là đấng Từ bi cứu khổ.

Vua Malla và các sứ thần nghe được lời phải lẽ của ông Dona, đồng lòng giao cho ông lãnh trách nhiệm phân chia Xá Lỵ cho các xứ. Ông Dona dùng cân bằng vàng, cân 8 phần Xá Lỵ bằng nhau, giao cho đại diện các xứ, luôn cả phần của Vua Malla. Rồi ông xin cây cân bằng vàng về phần ông. Ông được như ý nguyện.

Sau khi chia Xá lỵ rồi, có giòng vua Moriya xứ Pipphali phái người đến xin lãnh một phần Xá Lỵ, vua Malla trả lời rằng: Ngài lấy làm tiếc, vì Xá Lỵ đã chia đồng đều cho các lân bang và cho Sứ thần một mớ than đem về thờ, thay thế cho Xá Lỵ.

Sự tích của Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ Ngài nhập Vô lượng thọ Niết Bàn đáng cho ta ghi nhớ để chán nản, động tâm, không dám dễ duôi. Bực trí thức nên nghiêng mình lễ bái, kính trọng Phật tổ Như Lai, cho được thấy rõ lẽ cố nhiên của pháp hành là pháp Vô thường, không bền vững lâu dài. Thân ta đây có thọ tưởng, hành, thức đều phải dưới quyền của pháp già, đau, chết. Không một ai vượt qua khỏi Vô thường ấy được. Dầu cho Ðức Chánh biến tri là đấng giáo chủ rất cao thượng trong vũ trụ này còn phải bỏ tấm thân tứ đại để nhập Niết Bàn thay. Vậy hàng tín đồ yêu mộ Phật giáo chẳng nên dễ duôi, cố gắng tu học mãi mãi cho đến ngày giải thoát vào cõi vô sanh bất diệt đại Niết Bàn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Dịch giả: Maha Thongkham Medivongs

-ooOoo-

Ghi chú:

[1] Ðã được Ðại Ðức Hộ Tông phiên dịch ra Việt ngữ và ấn tống từ năm 1942.

[2] Ðại Ðức Hộ Tông âm là tháng Miệt, nhầm tháng giêng âm lịch.

[3] Iddhipàda là 4 pháp nguyện vọng pháp mầu.

[4] Pháp hành đối với pháp học, khác với pháp hành là những pháp vô thường biến đổi như ngũ uẩn, tứ đại v.v.

[5] Nhằm tháng tư âm lịch.

[6] Ðể cho Xa-nặc suy xét sửa mình vì có tính cường ngạnh ỷ mình là người có công đưa Bồ Tát trốn đi xuất gia.

-ooOoo-

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 11-03-2003