Giới thiệu tổng quát về hệ thống Luận tạng của Phật giáo Bắc truyền

Đào Nguyên


Cũng giống như phần Kinh tạng, Đại tạng kinh Đại Chính tân tu (ĐTK/ĐCTT) đã dùng khái niệm Bộ - chỉ cho sự tập hợp các luận cùng loại hoặc đồng dạng - làm đơn vị để phân toàn bộ hệ thống Luận tạng của Phật giáo Bắc truyền (Hán tạng) ra làm năm bộ như sau:

- Bộ Thích Kinh luận
- Bộ Tỳ Đàm
-
Bộ Trung Quán
-
Bộ Du Già
-
Bộ Luận tập

1. Bộ Thích Kinh luận: gồm tập 25 và 1/3 tập 26, từ số hiệu 1505 đến 1535. Bộ này tập hợp giới thiệu các luận với nội dung là giải thích kinh: Hoặc giải thích tóm lược, hoặc giải thích theo hướng quảng diễn, là sự phát triển mang tính logic trong quá trình hoằng hóa chánh pháp, được thực hiện do các vị Luận sư nổi tiếng của Phật giáo Bắc truyền như Long Thọ (Nàgàrjuna) Đề Bà (Deva) Vô Trước (Asanga) Thế Thân (Vasubandhu)..., mở đường cho công việc sớ giải, giảng luận về Kinh, Luật, Luận do các nhà Phật học nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc đảm trách, tạo nên sắc thái cực kỳ phong phú cho Hán tạng.

Nổi bật nhất trong bộ Thích Kinh luận này là luận Đại Trí Độ (Mahàprajnàramitásastra), số hiệu No. 1509, tập 25.

Với số lượng gồm 100 quyển (Hán dịch), tác giả là Đại sĩ Long Thọ, một gương mặt Luận sư vào hàng kiệt xuất của Phật giáo Phát triển, luận Đại Trí Độ từ lâu đã được xem là bộ luận vĩ đại bậc nhất của Phật giáo Bắc truyền. Tuy bản thân của luận chỉ là giải thích kinh Đại Phẩm Bát Nhã (No. 223, 27 quyển, ĐTK/ĐCTT T8), do Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn. Kinh này tương đương với hội thứ hai, từ quyển 401-478 nơi kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 600 quyển, do Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn. ĐTK/ĐCTT, No. 220, tập 5, 6, 7), nhưng dung lượng của luận lại hết sức bao quát, đề cập tới nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, khối lượng tư liệu được nêu dẫn cũng vô cùng phong phú, đáng tin cậy, tất cả đã gộp lại để nâng giá trị của tác phẩm lên tầm cao của một bộ bách khoa toàn thư về Phật học.

Luận Đại Trí Độ được Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn vào đầu thế kỷ V TL, và đã có một ảnh hưởng rất lớn trong quá trình phát triển của Phật học Trung Hoa. Nhiều tông phái Phật giáo đã dùng bộ luận ấy làm nền tảng cho sự lập giáo. Tông Tam Luận chẳng hạn, ngoài ba bộ luận căn bản là Trung luận, Thập Nhị Môn luận, và Bách luận (hai luận trước do Bồ tát Long Thọ viết, luận sau là tác phẩm của Bồ tát Đề Bà, cả ba đều được Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn. ĐTK/ĐCTT, No. 1564, 1568, 1569, T30), đã gồm luôn luận Đại Trí Độ vào phần lập giáo của tông mình, nên còn gọi là tông Tứ Luận.

Ở Việt Nam, luận Đại Trí Độ đã được giới Phật học quan tâm khá sớm. Chúng ta đã có bản Việt dịch của Sư bà Diệu Không, của HT.Trung Quán, và gần đây là bản Việt dịch công phu, có giá trị hơn hết của HT.Thích Thiện Siêu (gồm 5 tập).

Ngoài luận Đại Trí Độ, bộ Thích Kinh luận của ĐTK/ĐCTT còn có nhiều tác phẩm luận thích tiêu biểu khác như:

* Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa (Dásabhùmika-vibhàsà-sàstra) của Bồ tát Long Thọ (No. 1521, T26, 17 quyển, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hán văn) nội dung là giải thích phẩm Thập Địa nơi kinh Hoa Nghiêm.

* Luận Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh (Vajracchedikàprajnàpàmitopadesa) của Bồ tát Vô Trước (No. 1510, T25, 3 quyển, Đại sư Đạt Ma Cấp Đa dịch ra Hán văn) nội dung là giải thích kinh Kim Cương.

* Luận Kim Cương Tiên của Luận sư Kim Cương Tiên (No. 1512, T25, 10 quyển, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi dịch ra Hán văn), nội dung là chú giải tác phẩm "Luận Kim Cương Bát Nhã", 3 quyển (No. 1511, T25) của Đại sĩ Thế Thân.

* Luận Thập Địa Kinh của Bồ tát Thế Thân (No. 1522, T26, 12 quyển, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi dịch ra Hán văn) nội dung là chú giải kinh Thập Địa - là một biệt dịch của phẩm Thập Địa nơi kinh Hoa Nghiêm.

* Diệu Pháp Liên Hoa kinh Ưu Ba Đề Xá (Saddharma-pundarikasàstra, Saddharma-pundarika-upadesa) của Bồ tát Thế Thân (No. 1519, T26, 2 quyển, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi và Đàm Lâm Hán dịch). Ưu Ba Đề Xá (Upadesa) là từ phiên âm, dịch ý là Hiển thị, Tuyên thuyết, Luận nghị, Chú giải về chương, câu nơi kinh..., là một trong mười hai thể loại được sử dụng để nêu giảng kinh. Ở đây, được tác giả dùng theo nghĩa "Chú giải..." và là tác phẩm mở đầu cho công việc sớ giải, luận giảng về kinh Pháp Hoa hết sức dồi dào, phong phú về sau này trong Phật học Trung Quốc, nhất là nơi các tác giả thuộc tông Thiên Thai.

Tất cả các bộ luận thích kể trên... cần được dịch ra Việt văn.

2. Bộ Tỳ Đàm: gồm 2/3 tập 26, các tập 27, 28, 29, mang số hiệu từ 1536 đến 1563.

Tỳ Đàm là nói gọn từ A Tỳ Đàm, còn gọi là A Tỳ Đạt Ma (Phạn: Abhidharma, Pàli: Abhidhamma), dịch ý là Đối pháp, Đại pháp, Vô tỷ pháp, Thắng pháp, Luận. "Đối có hai nghĩa: Một là đối hướng Niết bàn. Hai là đối quán Tứ đế. Pháp cũng có hai nghĩa: Một là thắng nghĩa pháp tức Niết bàn. Hai là pháp tướng pháp tức Tứ đế". Đại pháp, Vô tỷ pháp, Thắng pháp đều mang ý nghĩa so sánh, đề cao. Luận tức cùng với kinh, luật vẫn thường hợp xưng là Tam tạng Thánh điển. Tuy nhiên, trong toàn cảnh của Luận tạng theo Phật giáo Bắc truyền thì A Tỳ Đạt Ma được hiểu ngầm là Luận tạng của Phật giáo Nam truyền.

"Bộ Tỳ Đàm" là phần chiếm số lượng nhiều nhất nơi Luận tạng theo ĐTK/ĐCTT (2/3 tập 26 và ba tập 27, 28, 29), ở đây, ngoài việc giới thiệu các bộ luận tiêu biểu của Hữu bộ, được viết từ thời Phật còn tại thế và sau Phật nhập Niết bàn khoảng 100-300 năm, như:

* Luận A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc (Abhidharma-samgiti-paryàyàpàda): Tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử (No. 1536, T26, 20 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* Luận A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc (Abhidharma-skandha-pàda): Tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên (No. 1537, T26, 12 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* Luận Thi Thiết (Prajùapti-sàstra): tác giả là Tôn giả Ca Chiên Diên (?) (No. 1538, T26, 7 quyển, Đại sư Pháp Hộ dịch ra Hán văn).

* Luận A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc (Abhidharma-vijnàna-kàyapàda): Tác giả là Tôn giả Đề Bà Thiết Ma (sinh sau Phật nhập Niết bàn khoảng 100 năm) No. 1539, T26, 16 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn).

* Luận A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc (Abhidharma-dhàtu-kàyapàda): Tác giả là Tôn giả Thế Hữu (No. 1540, T26, 3 quyển, Pháp sư Huyền Tráng dịch ra Hán văn). Cùng một tác phẩm, nhưng bản Hán dịch được thực hiện sớm hơn, do hai Đại sư Cầu Na Bạt Đạ La và Bồ Đề Da Xá dịch vào đời Lưu Tống (420-478) mang tên "Luận Chúng Sự Phần A Tỳ Đàm" (No. 1541, T26, 12 quyển).

* Luận A Tỳ Đạt Ma Bát Kiền Độ: tác giả là Tôn giả Ca Chiên Diên Tử (No. 1543, T26, 30 quyển, Đại sư Tăng Già Đề Bà và Trúc Phật Niệm dịch ra Hán văn). Đây là bản dị dịch (và dịch trước) tác phẩm luận "A Tỳ Đạt Ma Phát Trí" (Abhidharma-jnànaprasthàna). Chữ Kiền độ (Skandha) là từ phiên âm, dịch ý là Tụ (Tích tụ).

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 16-05-2003