Kinh Cứu La Đàn Đầu
(Kinh số 23, Trường A Hàm)
Thích Thiện Tấn
A- Giới thiệu:
Đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ rất coi trọng việc cúng tế, coi đây là một pháp tu, cho nên họ thường xuyên tổ chức các cuộc tế đàn rất lớn, giết hại nhiều trâu dê để tế lễ mà cho là có công đức lớn. Đức Phật không bài bác việc tế lễ nhưng hướng dẫn một lối tế lễ không có sát hại sinh vật, với từ tâm bình đẳng. Kinh Cứu La Đàn Đầu sau đây là kinh số 23 trong kinh Trường A Hàm sẽ đề cập vấn đề trên đây.
B- Tóm lược nội dung:
Một thời Đức Phật tại nước Câu-tát-la cùng với 1.250 vị đại Tỳ-kheo đi du hành khắp nơi, đến trú tại rừng Thi-xá-bà phía bắc thôn Khư-nậu-bà-đề. Đại danh của Phật đồn khắp thiên hạ. Có nhiều Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ cùng đi đến thăm hỏi Sa-môn Cù-Đàm. Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu là người thông tuệ có 500 đệ tử, biết được tin này cùng với Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ rũ nhau đến yết kiến Đức Phật vì Ngài thành tựu các công đức sau đây:
1. Cha mẹ bảy đời của Sa-môn Cù-Đàm đều chân chính, không bị người khác khinh hủy.
2. Sa-môn Cù-Đàm xuất thân từ dòng Sát-đế-lợi, dung mạo đoan chính.
3. Sa-môn Cù-Đàm sinh trong nhà giàu sang phú quý lại đi xuất gia.
4. Sa-môn Cù-Đàm đầy đủ trí tuệ, dòng họ chân chính.
5. Sa-môn Cù-Đàm sinh trong nhà giàu sang, có oai lực lớn, lại xuất gia tu đạo.
6. Sa-môn Cù-Đàm đầy đủ giới hạnh hiền thánh, đạt được trí tuệ.
7. Sa-môn Cù-Đàm khéo léo trong lời nói, dịu dàng hòa nhã.
8. Sa-môn Cù-Đàm là bậc Đạo sư của đại chúng, chúng đệ tử rất đông.
9. Sa-môn Cù-Đàm vĩnh viễn diệt trừ ái dục, không còn dao động, lo sợ... khéo giảng về nghiệp báo, không hủy báng Đạo khác.
10. Được vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa lễ kính, cúng dường, được các đại danh Bà-la-môn cung kính cúng dường.
11. Sa-môn Cù-Đàm được các đệ tử Thanh văn tôn kính cúng dường. Lại được chư Thiên, quỷ thần, các dòng họ tôn phụng Ngài.
12. 13. 14. Sa-môn Cù-Đàm truyền Tam quy ngũ giới cho vua Ba-tư-nặc và vua Bình-sa, cho Bà-la-môn Phất già La-sa-la, cho đệ tử, cho chư Thiên, dòng họ Thích, cho Mạt-lê v.v...
15. Sa-môn Cù-Đàm đi đến đâu cũng được hết thảy mọi người cung kính cúng dường.
16. Sa-môn Cù-Đàm đến các thành quách thôn ấp nào thì mọi người nô nức cung kính cúng dường.
17. Sa-môn Cù-Đàm đi đến đâu thì các loại phi nhân, quỷ thần không dám quấy phá.
18. Sa-môn Cù-Đàm đi đến đâu thì người dân nơi đó thấy ánh quang minh, nghe được thiên nhạc.
19. Sa-môn Cù-Đàm đi đến đâu, hễ Ngài rời nơi ấy thì mọi người mến mộ, khóc lóc tiễn đưa.
20. Sa-môn Cù-Đàm lúc mới xuất gia, cha mẹ thân quyến khóc lóc thương tiếc.
21. Sa-môn Cù-Đàm xuất gia khi còn trẻ, xả bỏ các thứ trang sức, ngũ dục, anh lạc v.v...
22 Sa-môn Cù-Đàm xả bỏ ngôi vị của bậc Chuyển Luân Thánh Vương mà xuất gia tu đạo.
23. Sa-môn Cù-Đàm hiểu rõ pháp của Phạm Thiên, có thể giảng dạy cho người, cũng có thể cùng Phạm Thiên lui tới đàm luận.
24. Sa-môn Cù-Đàm hiểu rõ 3 cách tế tự và 16 thứ lễ vật mà các vị kỳ túc của Bà-la-môn không thể biết được.
25. Sa-môn Cù-Đàm đầy đủ 32 tướng tốt.
26. Sa-môn Cù-Đàm có trí tuệ thông đạt, không có khiếp nhược.
Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu thưa hỏi Đức Phật về 3 cách tế tự và 16 loại tế vật, được Đức Phật giảng như sau:
"Về thuở quá khứ có một vị vua có đất nước hùng mạnh, dân chúng giàu có, muốn lập lễ tế đàn để được quả báo lớn nên triệu tập Đại thần để hỏi về cách thức tế lễ.
Vị Đại thần thưa rằng: "Nhà Vua không nên dùng quyền lực để giết chóc trừng phạt mà nên chu cấp cung phụng thức ăn cho các quan lại để họ khỏi tham nhũng. Cung cấp tài sản cho những người buôn bán, cấp trâu bò, hạt giống cho người nông dân để họ doanh, sinh sống, không làm tổn hại lẫn nhau.
I/- 3 Tế pháp và 16 tế vật:
Vua hỏi các vị Đại thần về cách thức tế lễ. Các vị Đại thần cố vấn tế lễ tâu với vua rằng: Cần nên phải thực hành 3 tế pháp và 16 tế vật.
1/ Tế pháp thứ nhất: Vua muốn tế lễ cần phải báo cho nội cung biết, báo cho Thái tử, Hoàng tử, Đại thần, Tướng sĩ biết để 4 chúng này tán thành và cung cấp vật tế.
2/ Tế pháp thứ hai: Gồm 8 đức tánh của Vua và 4 đức tánh của Bà-la-môn chủ tế.
* 8 Đức tánh của Vua:
1- Bảy đời cha mẹ của Vua đều chân chính, không bị người khác khinh hủy.
2- Có dung mạo đoan chính, thuộc dòng Sát-đế-lợi.
3- Có giới đức tăng thịnh, trí tuệ đầy đủ.
4- Thành thạo các khoa kỹ thuật, các pháp cưỡi voi, dùng đao, cung, tên...
5- Có đại oai lực, nhiếp phục các Tiểu vương.
6- Thiện xảo về ngôn ngữ, lời nói nhu nhuyến.
7- Có nhiều tiền bạc của báu, nhiều kho lẫm.
8- Có mưu trí dũng cảm, không yếu kém sợ hãi.
* 4 Đức tánh của Bà-la-môn chủ tế:
1- Bảy đời cha mẹ của Bà-la-môn đại thần đều chân chính.
2- Đọc tụng thông thuộc ba bộ Phệ Đà, hiểu rõ các thứ kinh thư.
3- Thiện xảo về ngôn ngữ.
4- Có mưu trí dũng lược, không yếu kém sợ hãi.
3/. Tế pháp thứ 3: Không hối tiếc khi làm lễ tế đàn.
Nhà Vua không nên hối tiếc nói rằng vì ta đã lập tế lễ lớn, đang lập tế lễ lớn và sẽ lập tế lễ lớn mà hao tốn tài sản báu vật. Vị Đại thần chỉ bày hướng dẫn cho nhà Vua hoan hỷ không khởi tâm hối tiếc.
4/- Mười sáu loại tế vật:
Các vị Bà-la-môn đại thần nói rõ 16 điều cao quý mà nhà Vua và Đại thần đã đạt được, không bị khinh hủy, không bị ô danh để cho vua không còn nghi ngại. 16 loại tế vật đó là 8 đức tánh cao quý của vua Sát-đế-lợi; sự chấp thuận của 4 thành phần: nội cung, Thái tử, Hoàng tử, Đại thần,Tướng sĩ và 4 đức tánh cao quý của các Đại thần.
II/- Bố thí từ tâm bình đẳng:
Bố thí bình đẳng đối với 10 hạng người như người sát sanh, không sát sanh, người trộm cắp, người không trộm cắp v.v...
Khi vua Sát-đế-lợi làm lễ bố thí thì có các phu nhơn, thể nữ, Thái tử, Hoàng tử, Đại thần, Tướng sĩ đều mang các báu vật đến xin trợ giúp cho vua tế lễ. Khi tế lễ nhà vua không giết trâu dê và các sanh vật... mà chỉ dùng bơ sữa, dầu mè, mật, đường. Trong lúc tế lễ và sau khi tế lễ, mọi người đều hoan hỷ nên gọi là thành tựu pháp tế.
Vị vua Sát-đế-lợi làm lễ tế đàn chính là tiền thân của Đức Phật.
III/-Những tế đàn khác có lợi ích lớn hơn:
Đức Phật dạy rằng ngoài 3 pháp tế tự và 16 thứ tế vật ấy còn có việc làm sau đây đem lại công đức nhiều hơn, như thường xuyên cúng dường chư Tăng, xây cất Tăng phòng, Tăng đường, quy y Tam bảo, từ tâm đối với chúng sanh, xuất gia tu hành.
IV/- Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu quy y Tam bảo:
Qua câu chuyện tế đàn đã được Đức Phật khéo thuyết giảng làm cho Bà-la-môn Cứu-la-đàn-đầu tỏ niềm tịnh tín, trọn đời quy y Tam bảo.
C- Kết luận:
Đạo Bà-la-môn ở Ấn Độ xem việc tế lễ là một pháp tu quan trọng, họ giết hại nhiều sanh vật để cúng tế.Đức Phật không phủ nhận hẳn việc tế lễ nhưng hướng dẫn họ tổ chức một tế đàn chay thanh tịnh, không có sát sanh, các tế vật là các đức tánh cao quý của những người tổ chức tế lễ. Đức Phật cũng hướng dẫn cho họ làm các việc công đức, quy y Tam bảo, xuất gia, tu giải thoát. Nhân dịp này, Đức Phật cũng gián tiếp trình bày quan niệm về cách trị nước an dân để đất nước được thanh bình.
-ooOoo-
Source: Quảng Đức, http://www.quangduc.com
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 05-03-2005