Hạnh độc cư lý tưởng

Thích Nữ Trí Hải


Kinh Theranàmo (Trưởng Lão Danh) trong Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya, II, 2827) kể chuyện một vị tỷ kheo luôn luôn sống một mình và khuyên người khác nên sống như vậy. Như nhan đề kinh, vị ấy được các tỷ kheo gọi là trưởng lão, chúng ta không rõ vì họ tôn trọng ý muốn dấu tên của ngài hay nó có tính cách biếm xích khi những bạn đồng tu của ngài có xã hội tính hơn. Chúng ta gần như có được một bức hoạt họa về vị tỷ kheo ấy trong những câu sau đây trích từ kinh văn:

“Bấy giờ có một vị tỷ kheo được gọi là trưởng lão, vị ấy là một người độc cư, và tán thán hạnh độc cư. Một mình vị ấy đi vào làng khất thực; một mình, vị ấy trở về; một mình, vị ấy ngồi thiền; một mình, vị ấy kinh hành.

“Một số tỷ kheo đồng học có lẽ thấy lối sống của ông ta hơi quái dị, nên đến bạch Phật. Phật cho gọi trưởng lão ấy đến. Ông ta cũng xác nhận lời đồn đại về sự ưa thích độc cư của ông. Khi Phật hỏi ông hiểu thế nào về độc cư và thực hành nó như thế nào là đúng, ông giải thích cho Ngài nghe thói quen thường nhật của ông như trên:

“- Bạch Thế Tôn, một mình con vào làng khất thực, một mình con trở về, một mình con thiền định và, một mình con kinh hành. Bạch Thế Tôn, như vậy con là một kẻ độc cư và tán thán hạnh độc cư.”

Lời dạy của Phật về thái độ ấy không hẳn là một lời lên án cũng không ca ngợi vô điều kiện. Ngài dạy: “Này trưởng lão, quả có hình thức độc cư như vậy, Ta không phủ nhận. Nhưng trưởng lão, Ta sẽ nói cho ông nghe cách thức độc cư hoàn hảo nhất trong mọi chi tiết của nó. Hãy chú ý lắng nghe.” Rồi Ngài tiếp tục giải thích như sau:

“- Trong sự độc cư này, trưởng lão, cái gì đã qua được bỏ qua. Cái gì chưa đến được gạt bỏ. Tham dục đối với những tâm sở hiện tại được chế ngự. Này trưởng lão, thế gọi là lý tưởng độc cư được hoàn thành trong mọi chi tiết.”

Để nêu rõ rằng người độc cư lý tưởng kiện toàn những điều kiện trên đây chính là bậc A la hán, Phật tóm tắt lời dạy bằng bài kệ:

Vượt trên tất cả, biết tất cả
Bậc thánh không nhiễm ô đối với tất cả
Được giải thoát vì từ bỏ mọi sự
Khi dục vọng không còn
Người như thế Ta sẵn sàng tuyên bố
Là một người độc cư thật sự.

Lý tưởng độc cư nêu trong Trưởng Lão Danh Kinh dường như được lập lại trong những bài kệ tóm tắt kinh Bhaddekaratta. Ta có thể so sánh định nghĩa của Phật về người độc cư toàn hảo trong kinh Trưởng Lão với những dòng sau đây ở kinh Bhaddekaratta:

“Đừng theo dấu quá khứ
Hay khát vọng tương lai
Cái gì đã qua được bỏ lại đàng sau
Và với cái hiện tại
Dùng tuệ giác soi chiếu.”

Trên đây ta thấy kinh Trưởng Lão trình bày lý tưởng đích thực của độc cư trái hẳn với quan niệm thông thường về độc cư: lý tưởng đích thực được mô tả là một sự “độc cư” của tâm thức bằng cách bỏ hết mọi sự thuộc quá khứ và tương lai, và chế ngự dục vọng đối với những tâm sở hiện tại. Những câu kệ kết luận cho thấy rõ người độc cư lý tưởng không bị ô nhiễm đối với mọi hiện tượng và được “giải thoát, vì từ bỏ tất cả”. Điều này nhắc ta nghĩ đến danh từ upadhiviveka (sự giải thoát mọi sở hữu) ám chỉ Niết bàn, sự độc cư tâm linh cao nhất (citta viveka), và mọi nỗ lực độc cư của thân xác phải được gắn liền vào nó một cách thích hợp. Về sự độc cư thân xác, quan niệm thông thường là ở một mình. Nó đem lại cho tâm thức nhà khổ hạnh cái viễn tượng bình an vì xa lánh được đám đông điên cuồng. Dĩ nhiên sự độc cư thân xác này thường được đức Phật đề cao xem như một điều kiện tiên quyết để giải thoát. Bởi thế ở cuối một đoạn văn hùng hồn ca ngợi hình thức độc cư này, Ngài thú thật với thị giả Nàgita một cách hồn nhiên rằng Ngài rất thoải mái ngay cả khi đại tiểu tiện mà không thấy ai ở đằng trước hay sau mình, hoàn toàn một mình: “Khi không thấy ai đằng trước hay đằng sau, Ta hoàn toàn thoải mái khi ở một mình trong rừng núi.”

Cũng như sự độc cư thể xác có nghĩa là sự thỏa thích vì không thấy người nào ở trước hay sau mình, sự độc cư tâm linh cũng thế, được định nghĩa là sự vắng bóng ngoái nhìn quá khứ hay trông ngóng tương lai trong tâm trạng lo âu. Vì đã từ bỏ những gì thuộc vị lai, ta không còn lo nghĩ về tương lai. Quan niệm thời gian về quá khứ và tương lai trong sự độc cư tâm linh tương ứng với không gian trước và sau trong sự độc cư thể xác. Tuy nhiên sự giải thoát khỏi hai yếu tố ấy tự nó không đem lại sự “thoải mái” vốn là lý tưởng của sự độc cư, còn có một yếu tố thứ ba cần phải loại bỏ: ấy là ta phải “vôâ ưu lự” dù trong sự độc cư thể chất hay tâm linh. Do đó bất cứ sự bám víu nào đối với sở hữu của mình- thuộc vật chất hay tinh thần- chính là yếu tố thứ ba làm hỏng sự độc cư. Khi đã điều phục hoàn toàn dục vọng đối với những tâm sở hiện tại, với tuệ giác người ta biện biệt rõ ràng những pháp hiện tại và thấy nó vô thường, khổ, vô ngã.

Hai kinh Trưởng Lão Danh và Bhaddekaratta như vậy phối hợp để diễn tả một quan điểm về một sự độc cư siêu việt xa hẳn ý nghĩa thông thường. Ngoài ra những chỗ khác của tạng Pàli cũng nói ý ấy, ví dụ:

Không nhảy quá xa, cũng không lùi lại
Đã siêu việt được tâm thức tán loạn
Vị tỷ kheo xả bỏ những pháp bên này bên kia
Như con rắn bỏ cái vỏ đã khô cằn
(Sn.V,8)

Không có gì ở trước mặt hay sau lưng
Cũng không có gì ở trung gian gọi là của mình
Kẻ nào không sở hữu gì, không bám víu gì
Kẻ ấy ta gọi là một người thanh tịnh
(PC 421)

“Buông bỏ cái gì đã qua- buông bỏ cái gì chưa tới- buông bỏ luôn tất cả cái trung gian- siêu việt mọi hiện hữu, với một tâm thức giải thoát mọi sự như thế, ngươi sẽ không bao giờ trở lại trong sanh tử.”

Một nghiên cứu tỉ giáo về hai kinh nêu trên sẽ cho thấy rõ rằng cả hai kinh đề cập cùng một vấn đề. Nhưng làm sao để giải thích đúng từ ngữ bí hiểm Bhaddekaratta? Trong mạch lạc của sự thỏa luận về đề tài độc cư của chúng ta, yếu tố nổi bật nhất của ẩn ngữ dường như là tiếng ở giữa “eka” (một, đơn độc). Vì tính cách khá thông dụng của danh từ này mà ý nghĩa của nó thường bị xem thường. Do đó có khuynh hướng xem từ Bhaddekaratta như một khiếm từ (chưa đủ nghĩa). Từ đơn “eka” hầu như bị vài học giả xem như một phiếu trắng, cần phải thêm vào những danh từ khác như “đêm” hay “sự gắn bó với cô độc” để làm cho nó đủ nghĩa. Nhưng ta có thể chứng minh rằng danh từ eka có một vị trí ưu thắng trong thuật ngữ kinh tạng Pàli, nó là một biểu tượng có ý nghĩa lớn đối với những người có khuynh hướng khổ hạnh. Đối với họ, nó không có gì là khó hiểu vì nó mang tất cả những hàm ẩn gắn liền với ý tưởng độc cư của nhà khổ hạnh. Đối với họ, rõ ràng không có gì lạ không có gì khó hiểu trong từ “eka”, và bởi thế chúng ta tìm thấy từ này lập lại trong suốt kinh Khaggavisàna (Sn.vv.35-75) trong điệp ngữ “eko care khaggavivànakappo” (lang thang một mình- như một con tê giác?) Kinh Mâu Ni (Muni sutta) cũng sử dụng từ eka trong ý nghĩa “đi một mình” ấy: “ekani carantami munimappamattam” (bậc Thánh tinh tấn đi một mình- Sn v.213). Từ eka cũng được tìm thấy đến 6 lần trong bài kệ của Trưởng lão Ekavihàriya (Trưởng Lão Kệ câu 537-546). Được “ở một mình không có người thứ hai” (ekàkiyo adutiyo- câu 541) trong rừng sâu, đấy là niềm khát vọng của ngài, và do đó ngài đã được đức Thế Tôn ca ngợi trong bài kệ sau:

Ekàsanam ekaseyyam
Eko caram atandito
Eko danayam attànam
Vanamte ramito siyà - (Dhp.305)

Một chỗ ngồi đơn độc- một giường nằm đơn độc
Và đi một mình không mệt mỏi
Một mình tự hàng phục, ông ấy có thể tìm thấy khoái lạc trong sự độc cư ở núi rừng. (PC.305)

Những khó khăn về từ nghĩa của tiếng "eka" như vậy đã được vượt qua, bây giờ ta có thể bàn đến tương quan của nó với từ "ratta" tiếp sau đó. Từ "ekaratta" đã được giải thích theo truyền thống là "một đêm" và ta đã thấy Nànamoli và I.B. Horner chứng minh ở trên rằng lối giải thích ấy không ổn. Đại đức Nànamoli đã gợi ý một cách chính xác rằng ratta có thể là một từ phát xuất từ ngữ căn vranji (mong muốn, bám víu). Nhưng ông đã ngần ngại không theo dõi hết những hàm ẩn của giả thuyết ông, có lẽ vì gặp phải khó khăn ở danh từ "eka". Trên đây chúng ta đã lột được ý nghĩa của từ này, nên có thể tiếp tục khai thác sự gợi ý của đại đức đến chỗ toàn vẹn. Sự "yêu thích độc cư" (xem bài kệ trên) được xem như một loại "khát vọng lợi lạc"- nếu ta có thể dùng từ ngữ này một cách dè dặt. Chẳng hạn, trong kinh Nàlaka (Sn.) chúng ta tìm thấy một sự phê chuẩn rõ rệt đối với một "bám víu" hay "thích thú" như vậy:

Esànassasikkhetha- samanopàsanassa ca ekattam monamakkhàtam eko ce abhira-missasi atha bhàsisi dasa disà.
Sutta Nipàta (Sn. 718-719)

"Hãy tập luyện ngồi một mình ở nơi thích hợp cho một ẩn sĩ. Sự độc cư được gọi là thánh hạnh, và nếu người nào vui thích trong hạnh độc cư, người ấy sẽ chiếu sáng cả mười phương"

Hoặc chỗ khác trong kinh Xá Lợi Phất, ta thấy từ ratta (thích thú, bám víu, khát khao) được sử dụng trong nghĩa nêu trên, nói đến sự yêu thích độc cư của Phật và sự từ bỏ của Ngài:

Sabbam - tamam-vinodetvà-elo'va rati majjhagà (Sn.v 956)

"Đã xua tan mọi bóng tối- Ngài tìm thấy khoái thích trong hạnh độc cư."

Tất cả dẫn chứng trên đi đến kết luận rằng ekaratto trong từ Bhaddhekaratto
có nghĩa là "con người bám lấy hạnh độc cư" hay “con người yêu thích độc cư". Bây giờ chúng ta coi lại hình dung từ "Bhadda" (lành, tốt, cao cả). Như đã nói trong phần luận về kinh Trưởng Lão Danh ở trên, sự ở một mình về phương diện thể xác mà thôi cũng không phải là tất cả của hạnh độc cư mà Phật tán thán. Ta cũng nên nhớ rằng Ngài rất dè dặt khi phẩm bình về lời của vị trưởng lão nói về thói quen thường nhật của ông, và sau đó Ngài tiếp tục giảng dạy ông cách thức độc cư toàn hảo trong mọi chi tiết là như thế nào. Về điểm này ta có thể so sánh với kinh Migajàla (Tương Ưng bộ IV 357) trong đó Ngài định nghĩa hai từ ekavihàri và sadutiyavihàri.

"Này Migajàla, có những hình sắc do mắt nhận biết, thích thú, dễ chịu, đáng ưa, khoái lạc, liên hệ đến khoái lạc giác quan và đầy cám dỗ. Nếu một tỷ kheo thích thú đối với chúng, xác nhận và bám lấy chúng, thì khi ấy, vì ông thích thú, xác nhận và bám víu chúng, sự thích thú phát sinh (nandi). Khi có sự thích thú, vị ấy khát khao, và khi khát khao thì có sự trói buộc. Một người bị trói buộc bởi xiềng xích của sự thích thú, hỡi Migajàla, thì ta gọi là "một người ở với (kẻ) thứ hai" (sadutiyavihàri) (nghĩa là không còn độc cư).

Sau khi giảng giải tương tự về các đối tượng của các giác quan khác, Phật tóm tắt bằng những lời sau đây:

"Hỡi Migajàla, một tỷ kheo sống như vậy, thì dù vị ấy có đi đến những nơi xa xôi nhất trong núi rừng nơi không có tiếng động, không ồn ào, nơi vắng bặt bóng người, nơi không bị người phiền nhiễu- những nơi thích hợp cho sự độc tọa tư duy- mặc dù vậy, vị ấy vẫn được gọi là "người ở với một (pháp) thứ hai". Vì sao? Bởi vì dục vọng là "kẻ thứ hai" (bạn) của vị ấy và vị ấy không bỏ được dục vọng. Do đó, vị ấy được gọi là "Người ở với một kẻ thứ hai"

Người độc cư (ekavihàri) khi ấy được định nghĩa là vị tỷ kheo không thích thú, không xác nhận hay bám víu vào những đối tượng của sáu giác quan và như vậy giải thoát khỏi trói buộc xiềng xích của sự thích thú. Sự tóm tắt của Phật trong trường hợp này không kém phần hùng biện hơn nhận xét kết thúc của Ngài trong kinh Nàgita- sự mâu thuẫn giữa chúng chỉ là bề mặt, nếu ta xét kỹ mạch văn.

"Này Migajala, một vị tỷ kheo sống như vậy thì dù vị ấy có ở trong làng mạc, ở giữa các tăng ni, thiện nam, tín nữ, vua chúa, đình thần, ở giữa những bậc thầy và đồ đệ các tôn giáo khác, vị ấy vẫn được gọi là kẻ độc cư. Vì sao? Vì dục vọng là kẻ "thứ hai" của vị ấy đã bị loại bỏ. Do đó, vị ấy được gọi là một người độc cư."

Loại độc cư lý tưởng được tán dương trong hai kinh Trưởng Lão Danh và Migajàla cũng là đề tài của các kinh Bhaddekaratta. Ở đấy phần tóm tắt và lược giải liên hệ đến vị Bhaddekaratta mà bây giờ ta có thể dịch là "Người yêu sự độc cư lý tưởng" sự phân biệt của Đức Phật giữa tình trạng độc cư thể xác và độc cư tâm linh là bằng chứng dồi dào biện minh sự sử dụng tĩnh từ bhadda, và câu kệ kết thúc, quả vậy, đã cho thấy lời tán dương ấy là của chính đức Phật.

Evamvihàrim àtàpim- ahorattam atan ditam
Tam ve bhaddekarattoti-santo àcikhate muni

"Một người an trú như vậy một cách tinh tấn
Ngày đêm không mệt mỏi
Người ấy bậc tịnh thánh đã gọi là
"Kẻ yêu thích sự độc cư lý tưởng"

Ý tưởng của nhan đề tuy không phải là điểm duy nhất đáng chú ý trong kinh Bhaddekaratta; cả hai phần tóm tắt và luận giải mặc dù ngắn ngủi, có thể đại biểu cho cốt tủy của chánh pháp trong tất cả chiều sâu và ý nghĩa của nó. Chẳng hạn trong phần tóm tắt có hai từ ngữ khó "asamhiram-asamkuppam" có ý nghĩa riêng của nó. Những điểm này sẽ được đề cập trong phần chú giải, vì tốt nhất nó phải được thẩm định trong ánh sáng của chính bản kinh.

-ooOoo-

KINH ĐỘC CƯ LÝ TƯỞNG

Như thế này tôi đã nghe. Một thời, đức Thế tôn ở nước Xá vệ trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc. Ở đấy, Ngài bảo các vị tỷ kheo: “Này các tỷ kheo”- “Dạ, bạch đức Thế Tôn,” các vị tỷ kheo trả lời Phật. Đức Thế Tôn dạy: “Các tỷ kheo, ta sẽ giảng cho các ông tóm lược và luận giải về người yêu thích sự độc cư lý tưởng. Hãy lắng nghe, ta sẽ nói.” - “Bạch Thế Tôn, chúng con xin nghe.” Các vị tỷ kheo trả lời đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

“Đừng theo dõi dấu vết quá khứ
Hay khát vọng tương lai chưa đến
Cái gì đã qua được bỏ lại đằng sau
Cái chưa đến thì chưa đạt được
Nhưng cái gì thuộc hiện tại, ngươi hãy quán sát
Bằng tuệ giác khi nó xảy đến
Bất động- không sân
Trong trạng thái ấy người trí nên tăng trưởng
Ngay hôm nay hãy nỗ lực
Vì ngày mai cái chết có thể đến- ai biết?
Chúng ta không thể nào điều đình
Với cái chết đã thu hút vô số người
Nhưng kẻ nào an trú như trên một cách tinh tấn
Ngày đêm không mệt mỏi
Thì kẻ ấy bậc Thánh gọi là
“Người Yêu Thích Hạnh Độc Cư Lý Tưởng.”

Lại nữa, này các tỷ kheo, người theo dõi dấu vết quá khứ là như thế nào? Vị ấy nghĩ: “Tôi có sắc như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có thọ (cảm giác) như vậy trong quá khứ” vị ấy thích thú nghĩ về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có tưởng (tri giác) như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có hành như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có thức như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó. Như vậy, này các tỷ kheo, là người ấy theo dõi dấu vết quá khứ.

Và này các tỷ kheo, thế nào là người không theo dõi dấu vết quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Tôi có sắc như vậy trong quá khứ” nhưng không thích thú về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có thọ như vậy... có tưởng như vậy... có hành như vậy... Vị ấy nghĩ, “Tôi có thức như vậy trong quá khứ” nhưng không thích thú về nó. Ấy gọi là vị ấy không theo dõi dấu vết quá khứ.

Và này các tỷ kheo, thế nào vị ấy khát vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: “Tôi có thể có sắc như vậy trong tương lai” và thích thú về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có thể có thọ... có tưởng... có hành ... vị ấy nghĩ, “Tôi có thể có thức như vậy trong tương lai” và thích thú về nó. Ấy gọi là vị ấy khát vọng tương lai.

Và này các tỷ kheo, thế nào là vị ấy không khát vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: “Tôi có thể có sắc như vậy trong tương lai” nhưng không thích thú nghĩ về nó. Vị ấy nghĩ: “Tôi có thể có thọ như vậy... tưởng như vậy... hành như vậy... Vị ấy nghĩ, “Tôi có thể có thức như vậy trong tương lai” nhưng không thích thú về nó. Ấy gọi là vị ấy không khát vọng tương lai.

Và thế nào gọi là bị lôi kéo vào những pháp hiện tại? Ở đây, này các tỷ kheo, một người phàm phu không được học hỏi, không gần gũi những bậc Thánh, không khéo giải pháp của bậc Thánh, không luyện tập pháp của bậc Thánh, không gần gũi thiện nhân, không khéo giải pháp của thiện nhân, không được tu tập pháp của thiện nhân, chấp “sắc là ngã, ngã có sắc”, chấp “sắc ở trong ngã hay ngã ở trong sắc”. Người ấy chấp thọ là ngã, thọ có ngã, chấp thọ ở trong ngã hay ngã ở trong thọ. Người ấy chấp tưởng là ngã, tưởng có ngã, chấp tưởng ở trong ngã, chấp ngã trong tưởng. Người ấy chấp hành là ngã, ngã có hành, chấp hành ở trong ngã hay ngã ở trong hành. Người ấy chấp thức là ngã, chấp ngã có thức, chấp thức ở trong ngã hay ngã ở trong thức. Ấy gọi là bị lôi kéo vào những pháp hiện tại.

Và hỡi các tỷ kheo, thế nào một người không bị lôi kéo vào những pháp hiện tại? Ở đây, hỡi các tỷ kheo, một người môn đệ có học, theo lời dạy của bậc Thánh, khéo giải pháp của bậc Thánh, luyện tập pháp của bậc Thánh, theo lời dạy của những thiện nhân, khéo giải pháp thiện nhân, luyện tập pháp thiện nhân, nên không chấp sắc là ngã hay ngã có sắc, không chấp sắc trong ngã hay ngã ở trong sắc. Vị ấy không chấp thọ là ngã ... không chấp tưởng là ngã... không chấp hành là ngã... không chấp thức là ngã, ngã có thức, thức trong ngã hay ngã trong thức. Ấy gọi là không bị lôi kéo vào những pháp hiện tại.

Hãy đừng theo dõi dấu vết quá khứ
....
Người ấy bậc Tịnh thánh đã gọi là
Kẻ yêu thích hạnh độc cư lý tưởng

Chính để ám chỉ điều này mà ta nói: “Này các tỷ kheo, Ta sẽ giảng cho các ông tóm lược và luận giải về kẻ yêu mến hạnh độc cư lý tưởng.”

Đức Thế Tôn nói như vậy, và các vị tỷ kheo hoan hỉ tín thọ lời Ngài đã dạy.

-ooOoo-

Source: Thư Viện Hoa Sen, http://www.thuvienhoasen.org


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-08-2005