Về các điều giới trong đạo Phật

Bình Anson sưu tập


Tham khảo:

1) Hòa thượng Hộ Tông (1966), Luật Xuất gia Tóm tắt.
2) Tỳ khưu Giác Giới (1997), Luật nghi Sa-di.
3) Tỳ khưu Giác Giới (2003), Luật nghi Tổng quát.
4) Tỳ khưu Giác Giới (2006), Cư sĩ Giới pháp.
5) Tỳ khưu Indacanda (2006), Phân tích Giới Tỳ khưu, Tạng Luật.
6) Bhikkhu Ariyesako (1999), The Bhikkhus' Rules: A Guide for Laypeople.
7) Bhikkhu Thanissaro (1996), The Buddhist Monastic Code: The Patimokkha Training Rules.

*

I. Năm giới căn bản

1) Không sát sinh.

2) Không trộm cắp.

3) Không tà dâm.

4) Không nói dối.

5) Không uống rượu và các chất say.

II. Bát quan trai giới:

1) Không sát sinh.

2) Không trộm cắp.

3) Không hành dâm.

4) Không nói dối.

5) Không uống rượu và các chất say.

6) Không ăn trái giờ.

7) Không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn, trang điểm, thoa vật thơm, đeo tràng hoa.

8) Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

III. Giới luật Sa-di:

1) Không sát sinh.

2) Không trộm cắp.

3) Không hành dâm.

4) Không nói dối.

5) Không uống rượu và các chất say.

6) Không ăn trái giờ.

7) Không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn.

8) Không trang điểm, thoa vật thơm, đeo tràng hoa.

9) Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

10) Không thọ nhận vàng và bạc.

IV. Giới luật Tỳ khưu:

Có tổng cộng 227 giới, chia ra làm 8 phần. Xin xem thêm chi tiết, ý nghĩa, và duyên sự của các điều giới nầy trong tạng Luật và các tài liệu liệt kê trong phần Tham Khảo nêu trên. Ở đây, chỉ tóm lược như sau:

A- Giới triệt khai bất cộng trụ (pārājikā): 4

1) Hành động dâm dục.

2) Trộm cắp vật chưa được cho.

3) Cố ý đoạt mạng sống con người, hoặc tìm phương tiện khí giới cho người, hoặc khen ngợi sự chết, hoặc xúi giục chết.

4) Chưa chứng tri mà lại khoe khoang pháp thượng nhân tự thể nhập tương ứng thánh tri kiến.

B- Giới tăng tàn (sanghādisesā): 13

1) Cố ý xuất tinh.

2) Khởi dục, thực hiện việc xúc chạm thân thể với người nữ.

3) Khởi dục, rồi nói với người nữ bằng những lời dâm dật.

4) Khởi dục, đối trước phụ nữ lại ca ngợi sự cung phụng dục lạc cho mình.

5) Làm mai mối cho người nam và người nữ

6) Tự xin vật liệu rồi cho xây dựng cốc liêu dành cho bản thân, không có thí chủ, ở khu đất có điều chướng ngại, nhưng không có khoảng trống xung quanh, hoặc không dẫn các vị tỳ khưu đến để xác định khu đất, hoặc vượt quá kích thước cho phép.

7) Cho xây dựng trú xá lớn, có thí chủ dâng cúng, dành cho bản thân ở khu đất có điều chướng ngại, nhưng không có khoảng trống xung quanh, hoặc không dẫn các vị tỳ khưu đến để xác định khu đất.

8) Sinh tâm xấu xa, sân hận, bất bình vị tỳ khưu khác rồi bôi nhọ vị ấy về tội bất cộng trụ, mà không có nguyên cớ.

9) Sinh tâm xấu xa, sân hận, bất bình vị tỳ khưu khác, rồi nắm lấy sự kiện nhỏ nhặt nào đó thuộc về cuộc tranh tụng có quan hệ khác biệt và bôi nhọ vị ấy về tội bất cộng trụ.

10) Ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ.

11) Ủng hộ, bênh vực vị tỳ khưu có tâm ly khai, chia rẽ hội chúng.

12) Ương ngạnh, cứng đầu, khi được các vị tỳ khưu khác dạy bảo về các điều học thuộc về giới bổn.

13) Có những hành động sai trái, làm hư hỏng các gia đình thí chủ, mà lại ương ngạnh, không nghe theo lời khuyên của các vị tỳ khưu khác.

C- Giới bất định (aniyatā): 2

1) Ngồi cùng với người nữ, một với một, ở nơi che đậy kín đáo, chỗ có thể có hành động quấy.

2) Ngồi cùng với người nữ, mặc dù chỗ ngồi không che kín đáo, chỗ không thể có hành động quấy, nhưng là nơi đủ để nói với người nữ bằng những lời dâm dục.

D- Giới ưng xả đối trị (nissaggiyā-pācittiyā): 30

1) Cất giữ y dư quá thời hạn mười ngày, khi y đã làm xong, hạn Kathina đã xả.

2) Xa lìa tam y, dù chỉ một đêm, khi y đã làm xong, hạn Kathina đã xả, ngoại trừ được cho phép.

3) Giữ vải may y hơn thời hạn một tháng.

4) Sai khiến tỳ khưu ni không phải thân quyến, giặt hoặc nhuộm hoặc vắt xả y cũ.

5) Thọ nhận y từ tay tỳ khưu ni không phải thân quyến, ngoại trừ trao đổi.

6) Xin y nơi nam gia chủ, hoặc nữ gia chủ không phải thân quyến, ngoại trừ trường y bị cướp đoạt hoặc y bị hư hoại.

7) Nhận nhiều hơn một bộ nội ngoại y từ nam gia chủ hay nữ gia chủ không phải thân quyến, khi họ xin dâng tặng nhiều y.

8) Kèo nài nam gia chủ hay nữ gia chủ không phải thân quyến để dành tiền sắm y mình.

9) Kèo nài nam gia chủ hay nữ gia chủ không phải thân quyến để dành tiền sắm y cổ phần mình.

10) Nhận tiền mua sắm y do Ðức vua, quan lại, bà-la-môn hoặc gia chủ gởi cúng dường (tiền nầy chỉ nên giao cho người cận sự quản lý).

*

11) Làm ngọa cụ trộn lẫn tơ tằm.

12) Làm ngọa cụ toàn bằng lông cừu màu đen.

13) Làm ngọa cụ mới mà không lấy lông cừu hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ tư đỏ.

14) Khi đã cho làm ngọa cụ mới, không xài đến sáu năm, mà lại làm ngọa cụ mới khác, ngoại trừ khi được cho phép.

15) Làm tọa cụ mới mà không lấy một mảnh vuông của tấm tọa cụ cũ để hoại sắc.

16) Khi đi đường xa có người cúng dường lông cừu, nếu cần thì nhận; khi nhận rồi, không có người mang giúp, mà tự mình mang đi xa, quá giới hạn ba do-tuần (3 x 16 km).

17) Sai khiến tỳ khưu ni không phải thân nhân, giặt hoặc nhuộm hoặc chải lông cừu.

18) Nhận lấy vàng và bạc, hoặc sai nhận lấy, hoặc vui thích của để dành cho.

19) Dự việc mậu dịch tài sản bằng mọi hình thức.

20) Dự việc thương mãi bằng mọi hình thức.

*

21) Cất giữ bình bát dư quá hạn mười ngày.

22) Bình bát nứt bể chưa tới năm dấu mà tìm bình bát mới khác.

23) Cất giữ thọ dùng quá hạn bảy ngày các thứ thuốc cần dùng dành cho các vị tỳ khưu bị bệnh, như là bơ đặc, bơ tươi, dầu mè, mật ong, nước đường.

24) Chưa đến tháng cuối mùa nóng mà tìm kiếm y tắm mưa, chưa đến nửa tháng cuối mùa nóng mà may mặc.

25) Chính mình đã cho y đến vị tỳ khưu khác, rồi giận hờn bất bình mà cướp lại, hoặc sai cướp lại.

26) Chính mình đi xin chỉ vải rồi bảo thợ dệt, dệt thành y.

27) Kèo nài thợ dệt làm vải đặc biệt cho mình, khi có vị nam gia chủ hay nữ gia chủ không phải quyến thuộc bảo thợ dệt y để cúng dường.

28) Còn mười ngày nữa sẽ đến ngày Tự tứ (rằm tháng 9 âl), cất giữ quá hạn kỳ y đặc biệt do thí chủ cúng dường.

29) Trong 1 tháng sau khi mãn an cư, khi trú ngụ trong rừng, nơi nguy hiểm, gởi lại trong xóm một y nào trong tam y, để quá hạn kỳ 6 đêm, ngoại trừ khi được cho phép.

30) Biết rõ lợi lộc đã cúng dường đến hội chúng nhưng lại sang đoạt về mình.

E- Giới ưng đối trị (pācittiyā): 92

1) Cố tình nói dối.

2) Nói lời mắng nhiếc.

3) Nói lời đâm thọc.

4) Dạy pháp thể thơ kệ cho người chưa thọ cụ túc giới, để cùng tụng đọc chung.

5) Ngủ chung với người chưa thọ cụ túc giới quá ba đêm.

6) Ngủ cùng một nhà với phụ nữ.

7) Nói pháp cho người nữ quá năm hay sáu câu, ngoại trừ có người nam có trí chứng kiến.

8) Tiết lộ pháp cao nhân đã thực chứng với người chưa thọ cụ túc giới.

9) Tiết lộ tội lỗi của tỳ khưu với người chưa thọ cụ túc giới, ngoại trừ được phép.

10) Đào bới đất hoặc sai khiến đào bới.

*

11) Phá hại thảo mộc.

12) Nói tráo trở gây khó khăn.

13) Khích bác chỉ trích.

14) Lấy giường của chư Tăng hoặc ghế hoặc nệm hoặc gối trải ra nơi trống hay sai khiến trải ra rồi khi đi khỏi không thu dọn cũng không nhờ thu dọn, hoặc đi không từ giã.

15) Trải dọn chỗ nằm, hoặc sai khiến trải dọn, trong tịnh thất của hội chúng, rồi khi rời khỏi chỗ ấy không thu dọn cũng không nhờ thu dọn, hoặc đi không cáo từ.

16) Biết trong tịnh thất của hội chúng có vị tỳ khưu đã đến trước, vẫn chen vào trải dọn chỗ ngủ, nghĩ rằng ai bực bội thì đi ra.

17) Sân giận bất bình với tỳ khưu khác, rồi kéo lôi hoặc sai kéo lôi ra khỏi tịnh thất của hội chúng.

18) Ngồi hoặc nằm trên giường ghế kê tạm ở gác lửng trong tịnh xá của hội chúng.

19) Trong lúc cho xây dựng trú xá lớn, không đứng ở chỗ không trồng trọt để quyết định phương thức của việc lợp mái hai ba lớp, của việc lắp đặt chốt cửa, của việc trang hoàng các lỗ thông hơi, cho đến khung cửa lớn.

20) Biết rõ nước có sinh vật lại đổ hoặc sai đổ trên cỏ hay mặt đất.

*

21) Chưa được cho phép mà giáo đạo các tỳ khưu ni, phạm ưng đối trị.

22) Mặc dù đã được cho phép nhưng giáo đạo các tỳ khưu ni lúc mặt trời đã lặn.

23) Đi đến ni viện mà giáo đạo chư tỳ khưu ni, ngoại trừ khi tỳ khưu ni bị bệnh.

24) Tuyên bố: "Chư tỳ khưu giáo đạo tỳ khưu ni vì nhân lợi lộc".

25) Cho y đến tỳ khưu ni không phải quyến thuộc, ngoại trừ trao đổi.

26) May hoặc nhờ may y cho tỳ khưu ni không phải quyến thuộc.

27) Rủ vị tỳ khưu ni cùng hành trình chung một đường dài, thậm chí dù chỉ qua một khoảng xóm, ngoại trừ con đường cần đi thành đoàn, có điều nghi ngờ, có sự nguy hiểm.

28) Rủ vị tỳ khưu ni cùng ngồi chung một thuyền, đi xuôi hoặc đi ngược dòng, trừ khi băng đò ngang sông.

29) Biết rõ mà vẫn ăn thực phẩm do tỳ khưu ni sắp đặt, trừ khi gia chủ chuẩn bị trước.

30) Cùng với tỳ khưu ni, một với một, ngồi chỗ vắng vẻ.

*

31) Dù không bị bệnh, nhưng dùng thức ăn tại phước xá hơn một lần.

32) Thọ thực dâng chung nhóm, ngoại trừ các trường hợp: lúc bị bệnh, lúc lễ dâng y, lúc bận làm y, lúc đi đường xa, lúc đi thuyền, lúc đại hội, lúc tu sĩ thí thực.

33) Thọ thực hậu thỉnh, ngoại trừ các trường hợp: lúc bị bệnh, lúc lễ dâng y, lúc bận làm y.

34) Thọ nhận quá hạn hai hay ba bát đầy, khi đi đến tư gia, có người yêu cầu để cúng dường bánh hoặc lương khô.

35) Khi đã ăn xong, đã ngăn thực, lại ăn hoặc thưởng thức vật thực loại cứng hay loại mềm phi tàn thực.

36) Nài ép dâng cho tỳ khưu đã ăn xong và ngăn vật thực rồi, bằng thức ăn loại cứng hay loại mềm phi tàn thực, bảo rằng: "Này tỳ khưu hãy ăn, hãy thọ dùng", rồi chỉ trích sau khi vị đó ăn xong.

37) Nhai ăn hoặc thọ dùng vật thực loại cứng hay loại mềm trong phi thời.

38) Nhai ăn hoặc thọ dùng vật thực loại cứng hay loại mềm đã được tích trữ.

39) Không bị bệnh mà lại xin những thức ăn thượng vị như bơ tươi, bơ đặc, dầu mè, mật ong, đường, cá, thịt, sữa tươi, sữa đông.

40) Đưa vào miệng ăn thứ vật thực chưa được cho, ngoại trừ nước lả và tăm xỉa răng.

*

41) Tự tay cho thức ăn loại cứng hoặc loại mềm đến tu sĩ lỏa thể hay nam du sĩ ngoại đạo hay nữ du sĩ ngoại đạo.

42) Nói với tỳ khưu khác như sau: "Này hiền giả hãy đi, chúng ta sẽ vào làng hay thị trấn để khất thực"; nhưng rồi khi đã bố thí cho vị ấy hoặc chưa bố thí lại xua đuổi về: "Hãy đi đi, này hiền giả, nói chuyện với ông hay ngồi lại với ông, tôi không thoải mái, thà tôi nói chuyện một mình hay ngồi một mình mà an vui hơn".

43) Xen vào ngồi trong gia đình đôi vợ chồng.

44) Ngồi trong chỗ che dừng kín đáo với người phụ nữ.

45) Ngồi khuất vắng với người phụ nữ, một với một.

46) Được mời thỉnh nhận đi thọ thực, nếu chưa từ giả vị tỳ khưu đang có mặt, lại đi thăm viếng các gia đình khác trước hoặc sau thời ngọ trai, ngoại trừ các trường hợp: lúc lễ dâng y, lúc đang làm y.

47) Không bị bệnh mà lại nhận vật dụng yêu cầu quá thời hạn bốn tháng, ngoại trừ có lời yêu cầu tiếp tục hay được yêu cầu vĩnh viễn.

48) Đi xem quân đội diễn tập.

49) Khi có duyên cớ phải đến trại gia binh, mà đến ngụ lại trong trại gia binh quá hai hay ba đêm.

50) Khi đang cư ngụ tại trại gia binh hai hay ba đêm rồi đi đến chỗ tập trận, chỗ đóng quân, chỗ tập hợp quân hoặc chỗ duyệt binh.

*

51) Uống rượu ngâm, rượu cất.

52) Chơi thọc cù lét.

53) Giỡn nước.

54) Có thái độ bất cần.

55) Hù nhát tỳ khưu khác.

56) Không bị bệnh, mà lại đốt lửa muốn sưởi ấm hoặc sai khiến đốt lửa.

57) Chưa tới nửa tháng mà tắm, ngoại trừ các trường hợp: còn một tháng rưỡi cuối mùa nóng, tháng đầu của mùa mưa, đó là hai tháng rưỡi thời gian oi bức; thời tiết nực nội; bệnh hoạn; làm việc nhọc; đi đường xa; mưa gió.

58) Nhận được y mới mà không làm hoại sắc bằng một trong ba màu tối, là màu xanh, màu bùn hay màu đen.

59) Tự mình ký gởi y cho tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni hoặc học nữ hoặc sa-di hoặc sa-di ni, chưa rút lời mà lại sử dụng.

60) Cất giấu hoặc bảo cất giấu bình bát của Tỳ khưu, hoặc y hoặc tọa cụ hoặc ống đựng kim hoặc dây lưng.

*

61) Cố ý đoạt mạng sống sinh vật.

62) Biết rõ nước có sinh vật mà vẫn sử dụng.

63) Biết rõ vụ kiện tụng đã được xử theo pháp, mà vẫn khơi dậy để xử lại.

64) Biết rõ, mà lại che giấu tội xấu xa của tỳ khưu.

65) Biết rõ người chưa đủ hai mươi tuổi mà truyền cụ túc giới.

66) Biết rõ mà rủ nhau hành trình chung đường dài cùng với bọn đạo tặc.

67) Rủ nhau hành trình chung đường dài với người phụ nữ.

68) Xuyên tạc lời giảng của Đức Phật, nhưng vẫn không chịu sửa sai khi được khuyên bảo.

69) Biết rõ, mà vẫn ăn chung hoặc ở chung hoặc ngủ chung với tỳ khưu nói quấy, không hành theo pháp, không bỏ tà kiến ấy.

70) Biết rõ một sa-di đã bị tẩn xuất, nhưng lại dụ dỗ hoặc sai phục dịch hoặc ăn chung hoặc ngủ chung với sa-di ấy.

*

71) Khi được chư tỳ khưu nhắc bảo đúng pháp, lại nói như sau: "Nầy chư hiền cho đến khi nào tôi chưa hỏi vị tỳ khưu khác thông thạo trì luật thì đến chừng ấy tôi vẫn chưa chịu học tập điều học đó".

72) Có thái độ chê bai học giới khi giới bổn được thuyết tụng.

73) Không chú tâm, không khéo tác ý khi giới bổn được thuyết tụng.

74) Sân giận bất bình vị tỳ khưu khác rồi đánh đập.

75) Sân giận bất bình vị tỳ khưu khác rồi giá tay dọa.

76) Vu cáo vị tỳ khưu với tội tăng tàn vô căn cớ.

77) Cố tình gây áy náy, bất an cho một tỳ khưu khác.

78) Trong khi các tỳ khưu xung đột cãi vã tranh luận, lại đứng rình rập, nghe lén

79) Khi đã đưa lời thỏa thuận trong vụ tăng sự đúng pháp, về sau lại hiềm trách.

80) Giữa cuộc xét xử đang tiến hành trong tăng, chưa đưa lời thỏa hiệp mà đứng dậy khỏi chỗ ngồi bỏ đi.

81) Khi Tăng hòa hợp giao y rồi mà về sau lại hiềm trách rằng: "Chư tỳ khưu theo pháp vị thân mà cưỡng đoạt lợi lộc của hội chúng".

82) Biết rõ lợi lộc được dâng hiến thuộc về hội chúng, lại cưỡng đoạt cho một cá nhân.

*

83) Chưa báo tin trước mà lại đi vào hậu cung của vua Sát-đế-lỵ đã được tôn vương, khi vua và hoàng hậu chưa ngự ra ngoài.

84) Nhặt lấy hoặc sai khiến nhặt lấy báu vật hay vật được định là của báu, ngoại trừ trong chùa hoặc nơi cư ngụ để chủ đến nhận lảnh.

85) Chưa từ giã tỳ khưu hiện diện, mà đi vào xóm lúc phi thời, trừ phi có việc cấp thiết chính đáng .

86) Nhờ làm ống đựng kim bằng xương, hoặc bằng nanh, hoặc bằng sừng.

87) Nhờ làm giường hay ghế mới lớn hơn kích cỡ quy định.

88) Nhờ làm giường hay ghế lót nệm gòn.

89) Nhờ làm tọa cụ lớn hơn kích cỡ quy định.

90) Nhờ làm băng rịt ghẻ lớn hơn kích cỡ quy định.

91) Nhờ làm choàng tắm mưa lớn hơn kích cỡ quy định.

92) Nhờ may y bằng cỡ y của Ðức Phật hoặc rộng hơn.

F- Giới ưng phát lộ (pātidesanīyā): 4

1) Tự tay nhận lãnh vật thực từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến đã đi vào xóm nhà, rồi nhai hoặc ăn.

2) Khi được thỉnh mời thọ thực ở các gia đình, lại thọ nhận sự phục vụ của các vị tỳ khưu ni.

3) Tự tay nhận lãnh vật thực ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học.

4) Khi trú ngụ ở trong rừng có sự nguy hiểm mà không cho các thí chủ biết sự nguy hiểm ấy, lại còn thọ lãnh vật thực từ nơi các vị ấy.

G- Giới ưng học pháp (sekhiyā): 75

Những điều cần phải học tập:

1) Vận y tề chỉnh.

2) Choàng y tề chỉnh.

3) Mặc kín đáo đi giữa xóm nhà.

4) Mặc kín đáo ngồi giữa xóm nhà.

5) Khéo thu thúc đi giữa xóm nhà.

6) Khéo thu thúc ngồi giữa xóm nhà.

7) Đi vào xóm nhà mắt nhìn xuống.

8) Ngồi trong xóm nhà mắt nhìn xuống.

9) Đi trong xóm nhà không vén y lên.

10) Ngồi trong xóm nhà không vén y lên

11) Đi giữa xóm nhà không cười giòn.

12) Ngồi trong xóm nhà không cười giòn.

13) Nhỏ tiếng khi đi giữa xóm nhà.

14) Nhỏ tiếng khi ngồi giữa xóm nhà.

15) Không uốn éo người khi đi giữa xóm nhà.

16) Không uốn éo người khi ngồi giữa xóm nhà.

17) Không múa tay chân khi đi giữa xóm nhà.

18) Không múa tay chân khi ngồi giữa xóm nhà.

19) Không lắc đầu khi đi giữa xóm nhà.

20) Không lắc đầu khi ngồi giữa xóm nhà.

21) Không chống nạnh khi đi giữa xóm nhà.

22) Không chống nạnh khi ngồi giữa xóm nhà.

23) Không trùm đầu khi đi giữa xóm nhà.

24) Không trùm đầu khi ngồi giữa xóm nhà.

25) Không đi nhón gót giữa xóm nhà.

26) Không ngồi bó gối giữa xóm nhà.

*

27) Thọ nhận thực phẩm một cách nghiêm trang.

28) Thọ nhận thực phẩm, tưởng nhìn ngay bát.

29) Thọ nhận thực phẩm canh cơm bằng nhau.

30) Thọ nhận thực phẩm vừa đủ dùng.

31) Thọ thực một cách nghiêm trang.

32) Thọ thực chỉ tưởng nhìn trong bát.

33) Thọ thực cho đều.

34) Thọ thực cơm canh vừa nhau.

35) Thọ thực không đùa cơm vun lên.

36) Không lấy cơm che lấp canh hoặc thức ăn vì ý muốn được nhiều thêm.

37) Nếu không bị bệnh, không xin canh hoặc cơm cho chính mình ăn.

38) Không nhìn ngó bát của vị khác có ý tìm lỗi.

39) Không làm vắt cơm quá lớn.

40) Vắt vật thực tròn đều.

41) Không há miệng khi vắt cơm chưa đưa tới.

42) Không đút trọn các ngón tay vào miệng khi đang ăn.

43) Không nói chuyện khi miệng còn vật thực.

44) Không ăn bằng cách tung hứng vắt cơm.

45) Không ăn bằng cách cắn vỡ vắt cơm.

46) Không ăn độn cơm phình má.

47) Không ăn rảy búng ngón tay.

48) Không ăn làm rơi đổ cơm.

49) Không ăn thè lưỡi ra.

50) Không ăn chép miệng thành tiếng.

51) Không ăn húp thành tiếng.

52) Không ăn liếm tay.

53) Không ăn liếm bát.

54) Không ăn liếm môi.

*

55) Không cầm đồ đựng nước với tay dính vật thực.

56) Không đổ nước rửa bát có cặn thức ăn ra ngoài đất trống.

57) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh tay cầm dù.

58) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh tay cầm gậy.

59) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh tay cầm dao.

60) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh tay cầm vũ khí.

61) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh mang dép.

62) Không thuyết pháp đến người mang giày.

63) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh đi trên xe thuyền.

64) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh mà nằm.

65) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh ngồi bó gối.

66) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh đầu đội khăn nón.

67) Không thuyết pháp đến người khỏe mạnh đầu trùm kín.

68) Khi ngồi trên đất trệt, không thuyết pháp đến người khỏe mạnh ngồi trên chỗ trãi.

69) Khi ngồi trên chỗ thấp, không thuyết pháp đến người khỏe mạnh ngồi trên chỗ cao.

70) Không đứng thuyết pháp đến người khỏe mạnh ngồi.

71) Không đi phía sau thuyết pháp đến người khỏe mạnh đang đi phía trước.

72) Không đi phía lề đường thuyết pháp đến người khỏe mạnh đi chính giữa đường.

*

73) Nếu khỏe mạnh, không đứng đại tiện hoặc tiểu tiện.

74) Nếu khỏe mạnh, không đứng đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ trên thảo mộc xanh tươi.

75) Nếu khỏe mạnh, không đại tiện hoặc tiểu tiện hoặc khạc nhổ trong nước sạch.

H- Giới diệt tranh (adhikarana-samathā): 7

Những vụ tố tụng cần phải giải quyết:

1) Với sự hiện diện của Tăng chúng, của các đương sự, theo đúng Pháp và Luật.

2) Để làm rõ đương sự thật ra không phạm lỗi.

3) Để làm rõ đương sự ở trong tình trạng mê ám khi phạm lỗi.

4) Để xử trị theo lời thú tội của đương sự.

5) Theo ý kiến của đa số chư Tăng.

6) Để xử trị theo mức tội phạm của đương sự.

7) Để đưa đến sự tương nhượng, hài hòa, khi đôi bên có những tranh chấp gay gắt.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 25-08-2007