Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc
(Cūlapanthaka)
Bình Anson
Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc (Cūlapanthaka) là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật. Tàu âm ra nhiều tên khác nhau: Chu-lợi Bàn-đặc, Chu-lợi Bàn-đà-già, Chú-trà Bán-thác-ca, Tri-lợi Mãn-đài, v.v. Trong Tăng chi, Chương Một Pháp, liệt kê các vị Tỳ khưu đại đệ tử, ngài Cūlapanthaka được nhắc đến 2 lần:
- Trong các vị đệ tử Tỳ khưu của Ta, có thể dùng ý hóa thân, tối thắng là Cūlapanthaka.
- Trong các vị đệ tử Tỳ khưu của Ta, thiện xảo về tâm thắng tiến, tối thắng là Cūlapanthaka.
Trong Tăng nhất A-hàm, Chương Một Pháp, thuộc Hán tạng, cũng có đề cập đến ngài:
- Tỳ khưu bậc nhất trong chúng Thanh văn của Ta về tài hay thay hình đổi dạng, tạo mọi thứ biến hóa, chính là Tỳ khưu Chu-lợi Bàn-đặc.
1. Tiểu sử
Một thương gia giàu có ở thành Vương Xá có một cô con gái duy nhất. Cô gái có lòng thương yêu một người đầy tớ, và sợ bị gia đình cấm đoán, cô cùng người yêu trốn nhà ra đi. Chẳng bao lâu, cô mang thai. Khi đứa con trong bụng đã lớn, lo sợ khi phải sinh con ở nơi xa xôi không bà con thân thuộc, cô đề nghị với chồng cùng nhau trở về nhà cha mẹ.
Trên đường đi, cô hạ sinh một bé trai. Vì đứa con sinh ra giữa đường nên được đặt tên là Panthaka, có nghĩa là người đi đường hay lữ khách, Tàu âm là Bàn-đặc. Cả hai quyết định ở lại nuôi con, không quay về Vương Xá. Rồi cô lại mang thai đứa thứ hai, lại diễn tiến như trước, sinh con giữa đường, nên cũng đặt tên là Panthaka. Để phân biệt, đứa đầu gọi là Mahāpanthaka (Đại Bàn-đặc, Ma-ha Bàn-đặc), và đứa sau là Cūlapanthaka (Tiểu Bàn-đặc, Chu-lợi Bàn-đặc). Có sách dịch là Đại Lộ Biên Sinh và Tiểu Lộ Biên Sinh.
Lớn lên, Ðại Bàn-đặc biết ông ngoại mình là một thương gia giàu có ở thành Vương Xá, nên đòi cha mẹ dẫn đến thăm. Ngoài cô con gái, ông bà thương gia không có đứa con nào khác, nên bằng lòng nhận cháu ngoại, còn hai vợ chồng thì được cho tiền để đi nơi khác sinh sống.
Ông bà thương gia thường đến thăm viếng Đức Phật, và Ðại Bàn-đặc đã lớn khôn nên được đi theo ông ngoại nghe Đức Phật thuyết pháp. Một ngày nọ, chàng muốn xuất gia, sống đời tu sĩ. Ông thương gia nghe cháu nhỏ trình hày ý định như vậy, vô cùng hoan hỷ và dẫn chàng đến gặp Ðức Phật.
Ðức Phật chấp nhận cho Ðại Bàn-đặc xuất gia, nhập Tăng đoàn, giao chàng cho một vị Trưởng lão chỉ dạy. Vị tu sĩ trẻ nhận đề mục thiền quán về năm yếu tố đầu tiên cấu tạo thân (tóc, lông, móng, răng, da). Với đề mục này, trong suốt mùa an cư, vị tỳ khưu miên mật tu hành, và do chuyên cần tinh tấn hành thiền, ngài đắc quả vị A-la-hán. Tỳ khưu Ðại Bàn-đặc nghĩ rằng em mình cũng có khả năng chứng nghiệm được Chánh pháp, nên đến gặp ông ngoại xin cho Chu-lợi Bàn-đặc xuất gia. Ông thương gia hoan hỷ chấp thuận.
Chu-lợi Bàn-đặc được gia nhập Tăng đoàn, nhưng đầu óc đần độn, trong bốn tháng cũng không thuộc được bài kệ:
Như hoa sen thắm đượm,
Tròn nở sáng tinh sương,
Ngào ngạt trinh nguyên hương,
Kìa, xin mời chiêm ngưỡng,
Ðấng Thế Tôn chói lọi,
Như mặt trời lừng không.
Hòa thượng Minh Châu dịch như sau:
Như bông sen thơm dịu,
Vào rạng đông buổi sáng,
Hoa được nở toàn diện
Với mùi hương bát ngát.
Nhìn đức Phật chói sáng
Với hào quang chiếu diện,
Như mặt trời rực sáng
Trên bầu trời quang đãng.
Tỳ khưu Ðại Bàn-đặc thấy em mình như vậy, nghĩ rằng không thể đạt cứu cánh tối thượng của người xuất gia, nên có ý muốn cho Chu-lợi giải y, rời khỏi Tăng đoàn. Nhưng Chu-lợi rất tha thiết gắn bó với giáo lý của Đức Phật, không muốn quay về đời sống thế tục.
Một hôm, y sĩ Kỳ-bạt (Jivaka) đến đảnh lễ Đức Phật, rồi đến gặp ngài Đại Bàn-đặc, lúc bấy giờ là vị quản chúng, xin thỉnh mời tất các các vị các Tỳ khưu đến thọ thực tại nhà. Trưởng lão Ðại Bàn-đặc nhận lời mời cả chúng Tỳ khưu, trừ vị Tỳ khưu đần độn không thuộc kinh kệ. Chu-lợi Bàn-đặc thấy anh không đoái hoài đến mình, nên buồn bã, quyết định rời Tăng đoàn, về nhà sống đời cư sĩ. Sáng hôm sau, ông rời tinh xá rất sớm. Cũng sáng sớm đó, Đức Thế Tôn quan sát thế gian, thấy rõ việc này, nên Ngài đến trước cổng chờ Chu-lợi Bàn-đặc.
Khi thấy Đức Phật, Chu-lợi đảnh lễ. Ðược Ngài hỏi đi đâu vào giờ này, ông kể tự sự. Ngài bảo ông:
- Chính Ta thu nhận ông vào Tăng đoàn. Nay anh ông đuổi ông đi, tại sao ông không đến Ta? Ông hoàn tục thì làm được gì? Hãy ở lại với Ta.
Đức Phật cho ông một tấm vải trắng, và nói:
- Này Chu-lợi Bàn-đặc, ông hãy ngồi tại đây, mặt hướng về phía đông, dùng khăn này để lau thân thể và niệm: "Tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn!"
Rồi Ðức Phật hướng dẫn Tăng chúng đến nhà y sĩ Kỳ-bạt để thọ thực, và ngồi xuống chỗ đã dành sẵn.
Về phần Chu-lợi Bàn-đặc, ông vâng lời Đức Thế Tôn, dùng khăn trắng đó vừa lau thân thể vừa niệm thầm: "Tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn!" Chiếc khăn ban đầu trắng sạch, bây giờ nhớp nhúa do mồ hôi và bụi bặm. Từ đó ông nhận ra, vì thân này mà khăn đã mất hết sự sạch sẽ tinh khiết ban đầu và trở thành nhiễm ô cáu bẩn, nên thốt lên: "Các hành quả thật vô thường!" Ngay khi ấy, ông khai mở tuệ sinh diệt.
Tại nhà y sĩ Kỳ-bạt, Đức Phật biết ông đã được đầy đủ phước duyên. Ngài dùng thần thông phóng hào quang hiện thân đến ngồi trước mặt ông và nói:
- "Chu-lợi Bàn-đặc, đừng nghĩ rằng chỉ tấm vải ấy trở thành cáu bẩn, mà ngay trong tâm ông, cũng đầy cấu uế của tham ái, sân hận, và si mê. Ông hãy tẩy sạch chúng". Rồi Ngài đọc bài kệ:
Tham ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ tâm tham.
Các Tỳ khưu, hãy tẩy sạch tham lam.
Và sống đúng pháp của bậc Vô Nhiễm
Sân ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ tâm sân.
Các Tỳ khưu, hãy tẩy sạch hận sân.
Và sống đúng pháp của bậc Vô Nhiễm.
Si ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ tâm si.
Các Tỳ khưu, hãy tẩy sạch mê si,
Và sống đúng pháp của bậc Vô Nhiễm.
Bản dịch khác của Hòa thượng Minh Châu:
Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.
Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.
Nghe xong bài kệ, Chu-lợi Bàn-đặc chứng quả A-la-hán và các thần thông, và đắc được trí tuệ phân tích, thông suốt tất cả các bài giảng của Đức Phật.
Trong khi đó, tại tư gia, y sĩ Kỳ-bạt dâng nước lên Đức Phật. Đức Phật lấy tay đậy bình bát, ngăn lại, và hỏi:
- Này Kỳ-bạt, không còn Tỳ khưu nào ở tinh xá sao?
- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Đại Bàn-đặc đã cho biết là không còn vị Tỳ khưu nào trong tinh xá.
Đức Phật bảo:
- Này Kỳ-bạt, còn có Tỳ khưu đấy!
Y sĩ Kỳ-bạt lập tức cho người đến tinh xá xem còn vị Tỳ khưu nào không, để thỉnh mời đến nhà.
Do thiên nhĩ thông, Chu-lợi Bàn-đặc nghe như thế, nên dùng thần thông biến ra hằng ngàn Tỳ khưu trong vườn xoài, người may y, kẻ nhuộm y, người khác tụng đọc kinh, v.v., không người nào giống người nào. Khi gia nhân của y sĩ Kỳ-bạt đến đó, thấy rất đông Tỳ khưu, liền quay về, trình báo:
- Thưa gia chủ Kỳ-bạt, con thấy còn rất nhiều vị Tỳ khưu ở tinh xá.
Ðức Phật bảo gia nhân trở lại tinh xá nói Đức Thế Tôn gọi Chu-lợi Bàn-đặc đến thọ thực. Khi người ấy đế khu vườn xoài và gọi tên Chu-lợi, cả ngàn Tỳ khưu đồng thanh trả lời "Ta là Chu-lợi Bàn-đặc". Người ấy ra về thưa lại. Đức Phật bảo hãy trở lại tinh xá lần nữa, và nắm tay vị Tỳ khưu đầu tiên nói "Ta là Chu-lợi Bàn-đặc", và thỉnh vị ấy đi thọ thực, những vị còn lại sẽ biến mất tức khắc. Sự việc xảy ra đúng như lời Đức Phật, và anh ta trở về tư gia y sĩ Kỳ-bạt với ngài Chu-lợi Bàn-đặc.
Sau buổi thọ thực, Đức Phật dạy y sĩ Kỳ-bạt thỉnh Trưởng lão phúc chúc. Thay mặt chư Tăng, ngài Chu-lợi có một thời giảng xuyên suốt, và phúc chúc gia đình Kỳ-bạt, âm vang như tiếng rống của loài sư tử.
2. Tiền kiếp
2.1) Trong một kiếp trước, Chu-lợi Bàn-đặc là một vị vua. Có lần trong một buổi lễ đi tham quan quanh thành, mồ hôi tươm ướt trán, ông lau trán với một chiếc khăn sạch, và khăn trở nên lem luốt. Vị vua nhận ra thân thể nhơ bẩn của mình đã khiến chiếc khăn trước sạch sau dơ, và sau đó thấy được tính vô thường trong đời sống. Nhờ có phước trí hiểu rõ tính vô thường này, trong kiếp hiện tại, quán xuyên suốt về đề mục tẩy sạch ô nhiễm đã giúp ông giác ngộ.
2.2) Vào thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa), Chu-lợi Bàn-đặc rất thông minh, nhưng khi vào Tăng chúng, ông đã chế nhạo một Tỳ khưu kém trí. Vị này vì bị làm trò cười nên xấu hổ, không học thuộc, thậm chí không lặp lại được lời kinh. Do quả báo của nghiệp bất thiện này, ông tái sinh thành người đần độn. Học xong câu sau, câu trước đã quên mất.
2.3) Vị Thầy lỗi lạc và chàng trai trẻ ngu độn
Chú giải Pháp Cú có ghi một câu chuyện tiền kiếp mà Đức Phật đã từng giúp đỡ ngài Châu-lợi Bàn-đặc. Đức Phật kể một chuyện tiền kiếp như sau:
Ngày xưa, một chàng trẻ tuổi ở Ba-la-nại đi đến thành Hoa Thị để học nghề với một vị thầy rất lỗi lạc. Anh làm hết mọi việc, phục vụ tận tụy cho thầy. Nhưng anh lại đần độn, không thuộc nhớ một điều gì. Dù vị thầy thấy anh rất đắc lực, cố gắng dạy nghề cho anh nhưng chỉ mất công vô ích. Qua một thời gian lâu, anh ta vẫn không thuộc được một lời dặn dò nào. Chán nản, anh muốn bỏ về nhà.
Vị thầy thấy anh ta hết lòng hầu hạ mình, nên ông dạy cho anh một câu chú. Ông bắt anh học thuộc câu: "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết hết cả rồi!" Vất vả lắm anh ta mới học thuộc câu chú. Rồi ông cho chàng một số tiền làm lộ phí và dặn dò:
- Bây giờ anh hãy đi kiếm sống bằng câu chú này. Anh không được quên, phải luôn luôn nhắc đi nhắc lại.
Anh ta lên đường trở về Ba-la-nại sống với mẹ. Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại khởi tâm muốn đi khắp hoàng thành để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của dân chúng về sự cai trị của nhà vua. Đêm đó, vua cải trang ra khỏi cung điện, đi đến nhà dân. Có bọn trộm đang đào một đường hầm giữa hai nhà để chui vào, trong đó có nhà của chàng trai trẻ. Vừa đúng lúc, chàng trai thức giấc, nhớ lời dặn của thầy, chàng ôn lại câu chú, miệng đọc: "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết hết cả rồi!" Bọn trộm nghe qua, rất kinh sợ vì tưởng là đã bị phát giác, liền tháo chạy. Vua đang ở gần đó, thấy bọn trộm chạy vì nghe chàng trai đọc thần chú, nên sáng hôm sau, khi về hoàng cung, ngài ra lệnh đòi chàng trai đến để để truyền dạy câu chú cho ngài. Anh ta đồng ý và được vua ban cho một ngàn đồng vàng.
Viên tướng chỉ huy quân đội thời đó muốn soán ngôi nên âm mưu với anh thợ cạo để giết vua. Ðến ngày cạo râu cho vua, anh thợ cạo vào hoàng cung, thấm ướt râu vua với nước hoa, mài dao cạo cho bén để cắt cổ vua. Lúc ấy, nhà vua sực nhớ đến câu chú vừa học, nên ngài đọc ôn lại cho thuộc: "Ngươi đang âm mưu, ngươi đang âm mưu! Tại sao ngươi làm thế? Ta biết hết cả rồi!" Anh thợ cạo kinh sợ khi nghe câu đó, vì nghĩ rằng vua đã biết âm mưu của mình. Anh ta ném dao, quỳ mọp sát chân vua, run rẩy. Vua đoán ngay việc gì xảy ra nên ra vẻ giận dữ, bảo:
- Tên ngu xuẩn kia! Ngươi nghĩ rằng ta không biết gì sao?
- Tâu bệ hạ, xin tha mạng cho thần!
- Được. Hãy nói hết đầu đuôi cho ta nghe.
Nghe xong, vua gọi viên tướng đến, trục xuất khỏi vương quốc, và giao chức thống lãnh quân đội cho chàng trai trẻ để đền ơn.
Đức Phật kết thúc câu chuyện:
- Trong tiền kiếp, chàng trai trẻ là Chu-lợi Bàn-đặc, và vị thầy lỗi lạc là Ta.
Ngài kết luận:
Người khôn ngoan thông minh,
Có thể nâng đời mình,
Lên địa vị cao sang
Bằng chút ít tài sản,
Như thổi ngọn lửa nhỏ,
Gây nên đám lửa to.
2.4) Chuyện Tiểu Triệu Phú:
Một hôm, khi nghe các Tỳ khưu bảo Đức Thế Tôn là nơi nương tựa cho Chu-lợi Bàn-đặc. Đức Phật kể thêm chuyện quá khứ Tiểu Triệu Phú (Cūlasetthi), được trong kinh Bổn sanh:
Thuở xưa, tại nước Kasi, trong thành Ba-la-nại, ngài Bồ-tát sinh ra trong một gia đình triệu phú và được gọi là Tiểu Triệu phú. Ngài có trí thông minh, học rộng, nhiều kiến thức. Một hôm, trong khi đi đến hầu vua, giữa đường thấy một con chuột chết, ngài nói:
- Người nào có mắt, chỉ cần nhặt con chuột này lên, có thể xây dựng sự nghiệp lớn.
Bấy giờ có một chàng trai đang bị túng thiếu, nghe triệu phú nói vậy, suy nghĩ: "Vị triệu phú này rất thông minh, có lẽ ông ấy biết điều gì đó nên mới nói như vậy". Anh ta bèn nhặt con chuột, bán được một xu cho một người mua về cho mèo ăn. Với đồng xu ấy, chàng mua đường mật và lấy nước uống với một cái bình. Gặp những người làm tràng hoa, chàng cho mỗi người một ít đường, mật và nước uống. Đáp lại, những ấy cho chàng một nắm hoa. Chàng mang ra chợ bán.
Hôm sau, với số tiền bán hoa ấy, chàng lấy đường, mật, một ghè nước rồi đi đến vườn hoa. Tại đó, các người làm tràng hoa cho chàng những cành hoa đã hái còn sót lại. Chàng mang hoa ấy ra chợ bán. Không bao lâu với phương cách này, chàng có được tám đồng tiền vàng.
Rồi vào một ngày mưa gió, trong vườn của vua có rất nhiều cành cây khô và lá bị gió làm rụng xuống, người giữ vườn không biết cách nào để quét cho sạch. Chàng đề nghị với người giữ vườn sẽ giúp ông ta quét sạch vườn này, với điều kiện là củi và lá này thuộc về của chàng.
Người giữ vườn chấp thuận. Chàng đi đến sân chơi của bọn trẻ, cho chúng đường mật, và nhờ chúng dọn sạch củi, lá. Chẳng bao lâu, chúng chất thành đống trước vườn. Khi ấy, người thợ đồ gốm đi tìm củi để đốt nung chén bát cho nhà vua, thấy đống củi ấy tại cửa vườn hoa, ông ta mua ngay và tự tay mang củi đi.
Nhờ thế, chàng có được mười sáu đồng tiền, ghè bình và năm cái bát. Chàng nghĩ đến một kế hoạch, đặt một ghè nước không xa cửa thành và đem nước cho năm trăm người cắt cỏ uống. Họ nói:
- Anh giúp chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi phải làm gì để đền ơn?
Chàng trả lời:
- Khi nào tôi có việc cần, tôi sẽ nói cho các anh biết.
Chàng làm quen với một thương buôn trên bộ và một thương buôn trên biển. Vị thương buôn trên bộ báo tin cho chàng biết ngày mai sẽ có người buôn ngựa đến tại thành này với năm trăm con ngựa. Nghe vậy, chàng nói với những người cắt cỏ:
- Hôm nay, mỗi người hãy cho tôi một bó cỏ, và không bán cỏ của các anh cho đến khi tôi bán xong cỏ của tôi.
Họ bằng lòng và đem đến nhà chàng năm trăm bó cỏ. Người lái buôn ngựa không tìm được cỏ trong thành phố, nên phải tìm đến chàng để mua cỏ, với giá một ngàn đồng tiền. Với số tiền đó, chàng sắm một chiếc nhẫn vàng.
Vài ngày sau, người thương buôn trên biển báo tin cho chàng biết sẽ có một chiếc tàu lớn cập bến. Chàng nghĩ đến một kế hoạch khác. Chàng thuê một cỗ xe trang bị đầy đủ, đi đến bến cảng với vẻ rất uy nghi bệ vệ. Sau khi đưa chiếc nhẫn làm bảo chứng, chàng đặt mua toàn thể hàng hóa trên tàu, rồi dựng một lều gần đó, và dặn những người làm công như sau:
- Khi có các người lái buôn từ ngoài đến, hãy báo cho ta biết qua ba người giới thiệu.
Khi nghe tin có tàu đến, khoảng một trăm thương buôn từ Ba-la-nại đến để mua hàng. Họ được cho biết là hàng không thể lấy được vì phải để dành cho người lái buôn ở tại chỗ ấy, và hàng đã có bảo chứng. Họ nghe vậy liền đi đến gặp chàng. Những người hầu, như đã được dặn trước, báo tin họ đến, qua ba người giới thiệu.
Một trăm người lái buôn ấy, mỗi người góp cho chàng một ngàn đồng để hùn vốn trên tàu và góp một ngàn đồng nữa để lấy phần hàng hóa của mình. Do đó, chàng ta có được hai trăm ngàn đồng tiền và trở về Ba-la-nại.
Ðể bày tỏ lòng biết ơn đối với Tiểu Triệu phú, chàng đến thăm ông, đem theo một trăm ngàn đồng vàng. Tiểu Triệu phú hỏi chàng đã làm gì để được số tiền này, chàng tường thuật tất cả câu chuyện, từ khi nghe lời ông, nhặt con chuột chết, và xây dựng tài sản... Tiểu Triệu phú rất hoan hỷ, gả con gái cho chàng. Khi ông qua đời, chàng thừa hưởng gia tài, trở thành vị triệu phú của thành Ba-la-nại.
Sau bài pháp thoại này, Đức Phật nói lên bài kệ:
Bậc trí với ít vốn,
Bậc có mắt, ít hàng,
Tự xây dựng cho mình
Tài sản lớn như vậy,
Như dùng hơi thở mình
Thổi lớn đám lửa nhỏ.
Tiếp theo, Ngài nói:
- Này các Tỳ khưu, trong tiền kiếp, Tiểu Triệu phú ấy chính là Ta và chàng trai trẻ kia là Chu-lợi Bàn-đặc. Nhờ Ta chỉ dạy, Chu-lợi ngày nay đạt được quả tối thượng trong các pháp, cũng như ngày xưa đã đạt được tài sản to lớn.
3. Các chuyện khác
3.1) Chú giải kinh Pháp Cú
Một hôm, tại tinh xá Kỳ Viên, các Tỳ khưu nhắc lại chuyện Chu-lợi Bàn-đặc:
- Trong bốn tháng, Chu-lợi Bàn-đặc không thuộc nỗi một câu kệ. Nhưng vì trong tâm ông vẫn nung nấu ý nguyện không hề lơi lỏng nên ông đã chứng A-la-hán, và giờ đây đang làm chủ tài sản xuất thế gian.
Đức Phật nghe như thế, bèn dạy rằng:
- Này các Tỳ khưu! Một Tỳ khưu khi nỗ lực hết sức mình tuân giữ giới luật thì không thể nào không làm chủ tài sản xuất thế gian.
Và Ngài nói câu kệ sau (Hòa thượng Minh Châu dịch):
Nỗ lực, không phóng dật
Tự điều, khéo chế ngự,
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn. (Pháp Cú, 25)
Hòa thượng Nārāda giải thích:
- Một hòn đảo nổi cao trên mặt nước không thể nào bị ngập lụt. Một hải đảo như thế là nơi an toàn cho tất cả. Cũng như thế, bậc thiện trí nỗ lực tu học, phải tự biến mình thành hải đảo, bằng cách thành tựu đạo quả A-la-hán. Khi ấy, sẽ không còn bị lôi cuốn trong dòng của bốn loại lụt là ái dục (kāma), tà kiến (diṭṭhi), hữu ái (bhava-tanha), và vô minh (avijjā).
Các bản dịch khác:
a) Tỳ khưu Giới Đức:
Sống không phóng dật, kiên trì,
Tự điều, tự chế thường khi mới là!
Chí người thiện trí cao xa
Xây hòn đảo lớn, quê nhà trú thân!
b) Cư sĩ Tâm Minh Ngô Tằng Giao:
Luôn luôn cố gắng nhiều bề,
Lại thêm hăng hái, không hề buông lung,
Tự mình khắc chế mọi đường,
Những người hiền trí vô cùng tinh anh.
Tạo ra hòn đảo cho mình,
Vượt trên sóng nước vây quanh thét gào,
Não phiền theo ngọn sóng trào,
Dễ gì quấy nhiễu dâng cao ngập tràn.
c) Giáo sư Tịnh Minh:
Nhờ nhiệt tâm cố gắng,
Tự chế, sống nghiêm trang,
Người trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.
3.2) Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ - Udāna 5.61)
Một ngày nọ, khi Đức Thế Tôn trú ở tinh xá Kỳ Viên. Lúc bấy giờ, Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc ngồi gần Ngài, tư thế kiết già, lưng thẳng, nghiêm trang để niệm trước mặt. Thấy thế, Đức Phật nói lên lời cảm hứng để khen ngợi:
Với thân, tâm an trú,
Ðứng, ngồi hay nằm xuống,
Tỳ khưu an trú niệm,
Trước sau được thù thắng,
Vượt tầm mắt ác ma.
3.3) Phân tích giới Tỳ khưu, Chương Ưng đối trị
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự tại tinh xá Kỳ Viên. Các tỳ khưu trưởng lão thay phiên giảng dạy các tỳ khưu ni. Ngày nọ, khi đến phiên Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc, ngài đọc đi đọc lại bài cảm hứng này, để dạy các tỳ khưu ni:
Tâm hướng thượng, chẳng lười,
hiền triết tu trí đạo,
vị ấy không ưu sầu,
an tịnh, luôn chánh niệm.
Các tỳ khưu ni không tin tưởng nơi ngài, nên không lắng tâm chú ý nghe. Vì thế, họ không thông hiểu, và sinh tâm chán nản. Thấy vậy, ngài trổ thần thông bay lên không trung, rồi đi kinh hành trên bầu trời, rồi đứng lại, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống, rồi biến thành khói, rồi cháy rực lên, rồi biến mất. Các tỳ khưu ni kinh ngạc, thán phục, phát tâm chú ý đến các lời giảng của ngài và lãnh hội rất nhanh.
Sau đó, đại đức Chu-lợi Bàn-đặc giảng dạy các tỳ khưu ni ấy cho đến khi trời tối hẳn, rồi mới giải tán. Khi ấy, cửa thành đã đóng nên các tỳ khưu ni ấy phải trú lại bên ngoài thành cho đến sáng sớm, rồi mới đi vào thành phố. Dân chúng thấy thế, phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Các tỳ khưu ni này không còn phạm hạnh; họ đã ở lại qua đêm với các tỳ khưu trong tu viện, và bây giờ mới đi vào thành phố.
Các vị tỳ khưu khác khi nghe được lời phàn nàn, phê phán, chê bai ấy, bèn trình báo lên Đức Phật. Ngài gọi Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc đến và hỏi:
- Này Chu-lợi Bàn-đặc, nghe nói thầy giảng dạy các tỳ khưu ni ngay cả khi mặt trời đã lặn, có đúng thế không?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn khiển trách rằng:
- Này Chu-lợi Bàn-đặc, vì sao thầy lại giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn như thế? Này Chu-lợi Bàn-đặc, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, họ đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng các tỳ khưu ni này không còn phạm hạnh, các tỳ khưu ni này đã ở lại qua đêm với các tỳ khưu trong tu viện, bây giờ mới đi vào thành phố.
Và này các tỳ khưu, các thầy nên phổ biến điều học như sau: "Nếu vị tỳ khưu nào giảng dạy tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn thì vị ấy phạm tội ưng đối trị (pācittiya)."
3.4) Trưởng lão Tăng kệ
Trong Trưởng lão Tăng kệ, có ghi lại các dòng kệ cảm hứng của Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc, sau khi ngài đắc quả Thánh giải thoát, như sau (bản dịch của Hòa thượng Minh Châu):
Ta chậm chạp, tiến chậm,
Trước ta bị khinh miệt,
Anh ta đuổi ta đi:
Nay, ngươi hãy về nhà.
Ta bị đuổi như vậy,
Tại cửa chính Tăng xá,
Sầu khổ, đứng tại đấy,
Vọng luyến lời Phật dạy.
Tại đấy, Thế Tôn đến,
Ngài sờ trên đầu ta,
Với cánh tay, nắm ta,
Dắt ta vào Tăng xá.
Ðạo Sư thương xót ta,
Cho ta khăn lau chân;
Hãy an trú tâm tư,
Vào vật thanh tịnh này.
Và ngồi xuống một bên,
Tâm tư khéo an trú.
Ta nghe lời Ngài dạy,
Sống hân hoan Chánh pháp,
Ta thực hành thiền định,
Ðể đạt đích tối thượng.
Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
Pan-tha-ka hóa hiện,
Dưới hàng ngàn hình thức,
Ngồi vườn xoài xinh đẹp,
Chờ đợi thời phát hiện.
Rồi Ðạo Sư giữ ta,
Một sứ giả báo thời,
Ðúng thời được báo hiệu,
Ta đến, ngang hư không.
Ðảnh lễ chân Ðạo Sư,
Một bên ta ngồi xuống.
Biết ta đã ngồi xuống,
Bậc Ðạo Sư chấp nhận.
Bậc nhận đồ tế vật,
Cả toàn thể thế giới,
Là phước điền loài người,
Ngài chấp nhận cúng dường.
-- (Trưởng lão Tăng kệ, 557-566)
3.5) Chu-lợi Bàn-đặc trong sự tích Thập bát La-hán
Sự tích 16 vị La-hán (từ chữ A-la-hán) được chép trong sách Pháp Trụ Ký (Fachu-chi). Sách này do ngài Nan-đề Mật-đa-la (Nandimitra - Khánh Hữu) soạn ra, và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Ngài Nan-đề-mật-đa-la là người Tích Lan, ra đời khoảng 800 năm sau khi Đức Phật tịch diệt. Pháp Trụ Ký trình bày danh tánh, trú xứ và sứ mạng của 16 vị La-hán, trong đó có hai anh em ngài Bàn-đặc.
Về sau, người ta thêm tôn giả Khánh Hữu thành La-hán thứ 17 và tôn giả Tân-đầu-lô thành La-hán thứ 18 (nhưng không biết ai là tác giả đầu tiên của con số 18 này). Thật ra, tôn giả Tân-đầu-lô chính là Tân-đầu-lô Bạt-la-đọa-xà (Pindola Bharadvaja), vị La-hán thứ nhất trong 16 vị. Có lẽ do không am tường kinh điển và không thông hiểu tiếng Phạn mà thành lầm lẫn như thế.
Trong số các La-hán này, có vị không thấy ghi trong kinh điển, có vị không sống cùng thời với Đức Phật. Thí dụ như La-hán Na-tiên (Nagasena), thật ra, chỉ được đề cập trong bộ sách "Vua Milinda Vấn Đạo" (trong Hán tạng, có kinh "Na-tiên Tỳ khưu"), được soạn ra vào khoảng 300-400 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Sự kiện về đề mục tu quán của ngài Chu-lợi Bàn-đặc cũng không thống nhất. Có sách ghi ngài đắc quả A-la-hán khi quét dọn sân vườn, có sách ghi khi ngài lau chùi giày dép của chư Tăng.
Thêm vào đó, cũng thấy xuất hiện nhiều tài liệu và hình tượng ghi tên vị La-hán thứ 16 và 17 khác nhau, chẳng hạn:
- Ngài Trương Huyền, vào khoảng năm 900-1000 ở Trung quốc, khi vẽ hình 18 vị La-hán, diễn tả vị thứ 17 và 18 là tôn giả Ca-diếp và Quân-đề Bát-thán.
- Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, ngoài 16 vị trên, người ta thêm Đạt-ma Đa-la (Pháp Tăng) và Bố Đại Hòa thượng; hoặc thêm hai tôn giả Hàng Long và Phục Hổ; hoặc thêm Ma-da Phu nhân và Di-lặc để thành ra 18 vị.
4. Kết luận
Qua các câu chuyện về Trưởng lão Chu-lợi Bàn-đặc, xin đóng góp vài nhận xét thô thiển sau đây:
1) Đề tài thiền quán có thể là những sự việc thông thường trong đời sống, không cần phải tìm kiếm xa xôi. Trong trường hợp ngài Chu-lợi Bàn-đặc, chúng ta thấy Đức Phật biết được căn cơ của ngài, nên khuyên ngài quán sát tấm khăn trắng dùng để lau thân thể, để thấy được đặc tính vô thường và công phu tẩy sạch tham sân si. Trong trường hợp ngài Đại Bàn-đặc, vị thầy đã cho ngài đề mục “tóc lông móng răng da” để quán soi sự bất tịnh của thân xác.
2) Chúng ta không nên có thái độ kiêu ngạo, chê bai, khinh thường những người đầu óc chậm chạp, thiếu trí thông minh. Có thể đó là quả báo do nghiệp bất thiện họ tạo ra trong các kiếp trước. Với sự nỗ lực tinh tấn tu học, và khi phước duyên tròn đủ, các vị ấy vẫn đạt được đạo quả giác ngộ giải thoát.
3) Công phu tu học cần phải được huân tập nhiều đời, nhiều kiếp, qua sự tinh tấn nỗ lực không ngừng. Đức Phật lúc nào cũng khen ngợi những người có lòng tin, có giới đức, và có sự tinh tấn hành trì.
4) Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã tế độ cho nhiều hạng người, từ trẻ đến già, cả nam lẫn nữ, từ hạng cùng đinh, nghèo khổ cho đến hàng thương gia, nghệ sĩ, vua quan. Tùy theo nghiệp duyên của họ, Ngài có những lời khuyên thích hợp để khích tấn sự tu tập.
5) Chúng ta phải biết tùy thời, tùy duyên, khéo léo sử dụng nhiều phương cách khác nhau để tu tập cho mình, và giúp đỡ bạn đồng tu.
6) Giới luật tu sĩ đặt ra là do các duyên sự khởi sinh khi thành lập Tăng đoàn, và có những điều giới đặt ra để giúp giữ gìn thanh danh, tác phong của các tu sĩ, tránh sự hiểu lầm, đàm tiếu, dị nghị của dân chúng.
7) Chúng ta cần lưu ý vấn đề "tam sao thất bản". Những gì được lưu truyền hay trình bày trong các tài liệu sách báo thời nay cần phải được đối chiếu với kinh điển. Không nên tin theo một cách mù quáng, nhất là các truyền thuyết không có cơ sở vững chắc, không có nguồn gốc rõ ràng. Người xưa có câu: "Nói có sách, mách có chứng". Lúc nào cũng nên áp dụng tinh thần trạch pháp để tìm hiểu những gì được truyền tụng.
Bình
Anson
Tây Úc, tháng 9-2007
*
Tham khảo:
- Tích truyện Pháp Cú, E. W. Burlingame (Thiền viện Viên Chiếu dịch).
- Kinh Pháp Cú, Hòa thượng Narada (Phạm Kim Khánh dịch).
- Trưởng lão Tăng kệ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Chuyện Tiền thân Đức Phật, Tập I, Tiểu bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Kinh Phật Tự thuyết (Cảm hứng ngữ), Tiểu bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Tăng chi bộ, Chương Một Pháp, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.
- Tăng nhất A-hàm, Chương Một Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch.
- Phân tích giới Tỳ khưu, Chương Ưng đối trị, Tỳ khưu Indacanda dịch.
- Sự tích Thập bát La-hán, Hòa thượng Thích Phước Sơn.
- Thập bát La-hán, Lâm Thế Mẫn (Thích Đạo Luận dịch).
- Dictionary of Pali Proper Names, G. P. Malalasekera.
- The Dhammapada Commentary, Department of Pali, University of Rangoon.
- The Dhammapada Stories, Daw Mya Tin, Burma Pitaka Association.
- Buddhist Monastic Code, Part I, Chapter 8: Pacittiya, Bhikkhu Thanissaro.
-ooOoo-
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 15-09-2007