Giáo Lý Phật Giáo và Ý Niệm Dân Chủ

Nguyễn Phúc Bửu Tập

(trích báo KHÁNH ANH 04/96)

-oOo-

Sau đệ nhị thế chiến, đối với các nước nhược tiểu vùng Ðông Á và Ðông Nam Á, có hai vấn đề vào bậc nhất là việc giải phóng quốc gia ra khỏi chế độ bốc lột của người cướp nước da trắng, và việc tìm kiếm một đường lối phát triển xã hội vàkinh tế nhằm thực hiện an sinh. Vấn đề thứ nhất hầu như đã đi vào lịch sử: Trong vùng hầu như không còn quốc gia nào làm thuộc địạ Còn lại vấn đề thứ hai, chọn lựa một mô hình canh tân cho phù hợp với khát vọng của con người da vàng ngày nay đang đi vào thế kỷ 21, sống ở thời kỳ hậu ý thức hệ, vươn lên đòi quyền tự do sinh sống, lập nghiệp, nhân quyền - nói rộng và nói chung là đòi thỏa mãn XU TH DÂN CHỦ. Vì môi trường tôn giáo cổ truyền của nhân dân Ðông Á và Ðông Nam Á nặng về đạo Phật - những nước Theravada (Nguyên Thủy) và Tantrayana (Mật Tôn) đã và đang thờ đạo Phật làm quốc giáo như Thái Lan, Miến Ðiện, Cao Mên, Ai Lao, Tây Tạng, Mông Cổ... và những nước Mahayana (Ðại Thừa) nhẹ ràng buộc đức tin nhưng thấm nhuần Phật Giáo trong tiềm thức như Mãn Châu, Nam Bắc Triều Tiên, Ðài Loan, Việt Nam..., và phải kể luôn hai quốc gia Trung Hoa và Nhật Bổn - cho nên trình bày dân chủ tiềm tàng trong giáo lý nhà Phật để ước lượng sức mạnh trì hãm hay phù trợ của đạo Phật trong cuộc canh tân, chắc chắn sẽ cởi mở được nhiều thành kiến và đóng góp được vào việc điều nghiên một số kế hoạch phát triển.

Ðạo Phật tuổi đã 2600, và Ðức Phật đã nói và làm dân chủ từ sinh thời, nhưng ý niệm dân chủ mới thật đến với con người Á Ðông chúng ta từ lúc tiếp xúc với Tây phương. Vậy trước hết, ta thử tìm hiểu người Tây phương quan niệm và hành trì dân chủ như thế nào ? Dân chủ (democracy) gốc ở chữ Phạn Sanskrit "kratu" - luật lệ, biến qua chữ Hy Lạp "kratos", và ghép với chữ Hy Lạp demos tức "nhân dân", thành demokratia - luật lệ của số đông; nói chung là đường lối, phương thức do đa số quyết định. Trên thực tế, bây giờ ta nói đến dân chủ là ta hình dung đến một thể chế chính trịhay một phương thức hành chánh dựa trên số đông.

Từ lúc mới sinh ra đời sống cộng đồng, tại Úc Á sang Âu Mỹ, từ những bộ lạc man rợ tới các tổ chức xã hội văn minh cực thịnh, học gỉa Tây phương phân 3 loại hình thức thể chế dân chủ:

1. Thể chế dân chủ trực tiếp, thấy tại các "quốc gia đô thị" Hy Lạp ngày xưa, một cộng đồng thật nhỏ do tất cả các đàn ông có gia cư trong phố, đến tuổi trưởng thành tham dự việc quản trị hành chánh, đối nội và đối ngoại, và mỗi người đều có quyền bầu bán hay quyết định trực tiếp.

2. Thể chế dân chủ đại diện, cũng như trên, nhưng khác ở điểm là các cư dân trong quận, huyện, đô thị bầu người đại diện sẽ trực tiếp làm chính trị thay cho cư dân.

3. Thể chế dân chủ hiến pháp, dân bầu đại diện và đại diện sinh hoạt chính trị trên quy tắc của một bản hiến pháp được nhân dân đồng ý trước.

Ðời sống quốc gia và quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, nên ngày nay ta thấy xuất hiện thêm một loại thứ tư cũng gọi là thể chế Chính Trị Dân Chủ, nhưng đi rất xa nguyên nghĩa, không còn phù hợp với nguyện vọng của đa số. Ví dụ cụ thể là các thể chế Dân Chủ Cộng Hòa, được thành lập sau các cuộc cách mạng vô sản, trong đó có thể chế hiện tại của nước Việt Nam ta (tuy gần đây có thay đổi danh xưng nhưng thực chất vẫn như trước ).

Phải chăng chỉ có người phương Tây mới biết quan niệm dân chủ? Ta tìm câu trả lời từ công trình nghiên cứu của hai học gỉa Tây phương. G.T.Garrett, chuyên khảo về văn minh Trung Ðông và Ấn Ðộ, viết là hình thức Dân Chủ Trực Tiếp đã có từ thời văn minh Vệ Ðà (trước hay đương thời với các "quốc gia đô thị" Hy Lạp). Ðến thời Ðức Phật, bộ lạc nhỏ đã biến thành cộng đồng lớn, cho nên hình thức Dân Chủ Ðại Diện xuất hiện. Hầu tước Marquess of Zetland, Phó Vương Ấn Ðộ, cũng là một nhà chuyên khảo về văn minh Ấn Ðộ và Phật Giáo, viết cuốc sách Legacy of India nhấn mạnh là muốn hiểu rõ hơn hình thức sinh hoạt của các cộng đồng được quản trị bằng thể chế dân chủ đại diện, ta phải khảo sát trong kinh điển nhà Phật. Garrett và Zetland dẫn chứng những phương thức tổ chức các cộng đồng Tăng Già của đạo Phật. Dưới thời Thích Ca, nước Ấn Ðộ sống trong cơn sốt về triết lý và tôn giáo. Lũ lượt từng lớp khất sĩ samana (Sa môn), kết hợp thành từng đoàn nhỏ sangha (Tăng Già), do một thầy cả guru hướng dẫn, lang thang trong rừng núi, đi tìm ý nghĩa sự sống. Ðức Phật đến và tổ chức họ thành Tăng Già (sau này gọi là Tăng đoàn) của đạo Phật.

Việc kết nhập và ly khai với Tăng đoàn rất giản dị và dân chủ. Người thanh niên muốn đi tu chỉ cần đến trước Ðức Phật, hoặc là một nhóm tối thiểu mười tỳ kheo, cầu xin được xuất giạ Nếu y hội đủ điều kiện (trên 15 tuổi, có phép cha mẹ, có đủ sức khỏe để tu học) là được chấp nhận phát nguyện. Muốn rời bỏ Tăng đoàn cũng rất dễ dàng, đương sự chỉ bỏ y bát và trở lại đời sống cũ. Ðược nhận vào tăng đoàn, người tuyển sinh sramanera (Sa di) chờ đến năm 21 tuổi, nếu đã theo được kỷ luật tu hành, trở thành tỳ kheo (bhikkhu). Mỗi người tu sĩ là một thành viên, hưởng mọi quyền lợi của cộng đồng sangha: tất cả đều tự do và bình đẳng, không ai lớn, không ai nhỏ, trừ lúc tu tập phải theo Ðức Phật là các vị giảng sư; mọi vấn đề trong đời sống phải giải quyết tập thể trong các buổi hội mỗi tháng hai lần gọi là uposattha (Bố Tát), trong đó mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến, tán thành hoặc chống đối những điểm thảo luận. Ta thấy rõ là một hình thức sinh hoạt cộng đồng như vậy có đủ quy tắc lý tưởng của thể chế dân chủ trực tiếp.

Ðạo Thích Ca lớn mạnh trên khu vực sông Gangas (sông Hằng). Ðời sống Tăng sĩ phải thay đổi: cần có chổ ở nhất định để đi về; cần có nơi sinh hoạt tập thể trong các tháng mưa; cần có nơi cất giữ, nấu nướng và phân chia thực phẩm; cần có giờ giấc và cách ăn, cách mặc, khi nghỉ, khi hành trì... bao nhiêu vấn đề đã đến vì có phát triển. Quan trọng hơn nữa là các vấn đề thế sự xảy ra ngoài khung viên chùa: ví dụ, định vị thế và việc hành trì cho người cư sĩ đến với đạo, chấp nhận người đàn bà đến xin xuất giạ.. Những vấn đềnày phải giải quyết cấp bách mà Ðức Phật không thể thực hiện vào mỗi lúc, ở tận mọi nơi, nên phải đi tới việc là có người tỳ kheo đại diện cho cộng đồng (được bầu ra vì kinh nghiệm và tuổi tác) đến họp với Ðức Phật trong các buổi uposattha. Như vậy thể chế dân chủ trực tiếp trong các Tăng đoàn nhỏ bé lúc nguyên thủy đã chuyển thành thể chế dân chủ đại diện vì Tăng đoàn phát triển.

Trong các buổi họp uposattha đầu tuần và cuối tuần trăng, đại diện cộng đồng từ phương xa lại trình với Tăng đoàn sự việc đã xảy ra nơi địa phương. Sự việc được đem ra thảo luận, quyết định theo đa số, và khi được Ðức Phật chấp thuận tối hậu sẽ thành ra luật (vinaya), do chính Ðức Phật công bố trước Tăng đoàn. Văn thư ngày đó chưa dùng, Tăng sĩ học thuộc lòng để truyền tụng, gọi là Luật Kinh (Vinaya Pitaka). Những điều căn bản trong Kinh Luật, áp dụng vào đời sống hằng ngày của đạo, được tóm lược trong mục patimokkha (có nghiã là thắt, cột lại), gọi là "Luật Kinh Yếu Lược". Một hình thức của Bản Hiến Pháp quen thuộc với ta ngày nay. Căn cứ trên bản patimokkha của Ðức Phật công bố, mỗi Tăng đoàn tùy theo hoàn cảnh địa phương lại có quy luật Sanghakamma, ngày nay ta gọi là bản Nội Quy, gồm những điều lệ quy định cách thức phải thảo luận và giải quyết những điều bất thường trong đời sống cộng đồng: túc số trong buổi họp (quorum), cách thức đưa kiến nghị, lập tiểu ban phụ trách (task force), cách thức tương thuận, bầu cử, tuyên bố kết quả. Gần 3000 năm trước, lý thuyết của Ðạo Phật đã dân chủ, mà cách áp dụng đã là một gương mẫu dân chủ. Nhìn vào quá trình, sinh hoạt của Tăng già đã đi xa hơn một bước nữa, đã sát với thể chế dân chủ hiến pháp ta quan niệm ngày nay.

Nghiên cứu quá trình tổ chức Tăng đoàn cho phép ta nhận ra được mối tương đồng giữa những đổi thay trong lề lối chỉ đạo của Ðức Phật và những đổi thay của những thể chế chính trị trong lịch sử. Câu hỏi kích thích việc tìm hiểu của ta bây giờ là trong những hình thức sinh hoạt Tăng đoàn đã trải qua, hình thức nào phù hợp nhất với quan điểm lãnh đạo của Ðức Phật. Nói nhẹ hơn và rõ hơn, trong tổ chức Tăng đoàn và ngoài cấu trúc xã hội, Ðức Phật ngày xưa đã chọn hình thức lãnh đạo chuyên chế (ví dụ như một thể chế quân chủ, phong kiến, quân phiệt, độc tài, v.v...) hay là hình thức lãh đạo tập đoàn (chẳng hạn như một nền cộng hòa ...)?

Trên thực tế, lúc Ðức Phật mới đứng ra lập Tăng đoàn, giáo chúng như "con tê ngưu một mình đi giữa rừng già". Trong hoàn cảnh vô tổ chức và vô kỷ luật như vậy, chắc chắn là phải dùng phương thức trói buộc để trói buộc để áp đặt đời sống tập đoàn. Lại nữa, Ðức Phật xuất thân từ giai cấp Ksatriya (qúy tộc), con một vị vua, sinh ra để trị vì, chắc chắn là qua niệm hành trì phải hướng về một thể chế áp đặt kỷ luật bằng uy quyền.

Thế nhưng tư tưởng và giáo lý của Thích Ca lại buộc Ngài phải nghĩ và làm khác với thân thế của Ngài và lý lẽ thông thường của người đời. Ngoài ra cũng không dể gì mà áp đặt kỷ luật lên những con người tu hành ngày đó, họ đã tự ý từ bỏ tất cả để đi tìm giải thoát. Họ đã ăn rễ cây để sống, cột lá che thân, không còn giữ một hệ lụy gì với tiện nghi vật chất và đời sống xã hộị Như vậy chắc chắn họ không còn biết sợ hãi hình phạt bất cứ loại nào, và cũng không có một loại kỷ luật nào trói buộc được họ.

Phương cách còn lại Ðức Phật đã dùng là Ngài thu hút họ bằng nhân cách đặc biệt của Ngàị Ngài dùng kỷ luật tự giác để kiềm hãm, chế ngự thói quen phóng túng của họ. Khi đã đem được họ vào đời sống tập thể, Thích Ca dùng trí thức siêu quần bạt tụy của Ngài để giữ họ lại trong cái lưới tinh thần là giáo lý giải phóng đã được đề xướng. Như vậy, mục đích tối hậu là hướng dẫn giáo chúng về tu tập để giải thoát, và phương tiện là việc Tự Giác, không áp đặt. Ðến đây, ta còn phải giải đáp thẳng câu hỏi là Ðức Phật chuộng thể chế quân chủ phong kiến hay nghiêng về một nền cộng hoà dân trị ?

Jean Przylusky (1885-1944), người Pháp gốc Ba Lan, đã đem chính trị và xã hội học vào việc sưu tầm và nghiên cứu đạo Phật, viết là lúc Ðức Phật sinh thời, có vua Ajatasattu (A Xà Thế) đã giết cha là vua Bimbisara (Tần Bà Xa Ra) để đoạt ngôi. Vương quốc của ông nằm cạnh một "cộng đồng sáu nước cộng hòa" Vajjian. Vua A Xà Thế muốn khởi binh xâm chiếm lãnh thổ Vajjian bèn cho người đến thăm dò ý Ðức Phật. Ngài trả lời gián tiếp, phát biểu ý kiến là "nền cộng hòa Vajjian phát triển mạnh nếu (chánh phủ cộng hoà) sớm biết thành lập các quy chế an sinh xã hội" cho nhân dân. P.V. Bapat, tác giả tuyển tập "2500 Years of Buđhism" 1976, nhắc lại sự kiện này rõ ràng hơn và khẳng định là Ðức Phật đã có khuynh hướng cộng hòa từ ngày thành lập Tăng đoàn.

Ðến bây giờ ta chỉ tìm hiểu quan niệm dân chủ của Ðức Phật qua công việc Ngài tổ chức Tăng đoàn. Quan niệm này có phù hợp với những điều dạy trong kinh điển Ðức Phật đã để lại hay không?

Tưởng cũng cần phải sơ lược giải thích kinh Phật với các bạn trẻ ngày nay it' quen thuộc với sách Phật. Nhất là với hy vọng những giòng này vượt qua được những giới hạn ý thức hệ để đến tay các bạn trẻ bên nhà đã hoàn toàn xa lạ với tôn giáo, thì việc giải thích tưởng lại phải cần hơn. Kinh điển nhà Phật gồm hai hệ thống chính: Kinh Bắc Tông Sanskrit và kinh Nam Tông Pali. Kinh Bắc Tông vô cùng phong phú. Kinh Nam Tông có hệ thống chặt chẽ, phần chính gọi là kinh Ðại Tạng (tipikata), gồm ba bộ: Kinh (sutta), Luật (Vinaya) và Luận (Abhidhamma). Kinh ghi chép những lời Phật dạy, lại gồm có 5 sưu tập, quan trọng nhất là tập Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), thu góp 34 bài giảng rất dài, đã được dịch ra tiếng Anh, công trình của hội The Pali Text Society, London, mà ta có thể tìm đọc.

Nói sơ lược, khi Thích Ca sáng lập ra đạo Phật, Ngài làm một cuộc cách mệnh chống lại đạo Bà La Môn đang áp chế tàn khốc trên tư tưởng và sinh hoạt của dân Ấn Ðộ. 3000 năm trước đạo Phật, có giống người Arya da trắng, từ các cánh đồng Urals ở trung bộ châu Âu tràn xuống chinh phục các bộ lạc Dravidian sống trên đồng bằng sông Indus và sông Gangas. Dân bản xứ có màu da ngâm đen cháy nắng, bị dân Arya khinh ghét: đó là nguồn gốc kỳ thị (chủng tộc ở xứ này). Dù vậy người Arya dần dần đồng hóa với dân bản xứ, lập ra một nền văn minh mới (văn minh Vệ Ðà), và một tôn giáo mới (đạo Bà La Môn). Ðạo Bà La Môn dựa trên 5 giáo điều:

1. Vũ trụ do Thượng Ðế Brahma điều ngự

2. Chính Brahma tạo ra hoàn vũ.

3. Giáo huấn của Brahma ghi trong kinh Vệ Ðà.

4. Ðời sống của xã hội phải theo nghi lễ của tu sĩ Bà La Môn hướng dẫn.

5. Phải tuân hành chế độ giai cấp do chính Brahma thiết lập.

Như vậy, điều thứ tư nhấn mạnh uy quyền của tu sĩ Bà La Môn, cho họ ngự trị trong đời sống của nhân dân. Ðiều thứ 5 đặt địa vị người tu sĩ Bà La Môn trên nấc thang cao nhất của xã hội, giai cấp Brahamana trên giai cấp thượng võ Ksatriya (Sát Ðế Lợi), trên giai cấp làm ruộng và đi buôn (nông thương) Vaisya (phệ xá); và cuối cùng là lớp người nô tỳ (đi ở, làm tôi đòi) sudra (thủ đà). Ngoài 4 giai cấp trên, là lớp người bần cùng, khốn khổ pariah, không được chung đụng với người thường.

Triết lý xã hội của đạo Phật về vấn đề dân chủ được trình bày rõ ràng trong nhiều bổn kinh mà ta sẽ tìm dẫn một số chính yếu với các luận đề liên hệ. Căn bản của dân chủ là việc bình đẳng của con người, là việc loại trừ kỳ thị giữa các giai cấp trong xã hội. Cuốn kinh số 3 trong Trường Kinh Bộ gọi là kinh Ambattha Sutta, cách đây 26 thế kỷ - trong một xã hội và thời cực kỳ phong kiến Bà La Môn - đã đặt dứt khoát vấn đề là con người sinh ra hoàn toàn bình đẳng và giai cấp chỉ là một sản phẩm của người mạnh đặt ra để ăn hiếp kẻ yếu.

Ambattha là tên của một người BàLa Môn muốn trực diện với Ðức Phật để dò xem ngài có xứng đáng được quý trọng chăng. Người trẻ tuổi rất tự kiêu, xem rẻ Tăng đoàn và ngay cả Ðức Phật. Phật tiếp rất lễ độ. Trước hết, Ngài giảm hào thế của ý bằng cách dẫn chứng là tổ tiên của y xuất thân từ một người đàn bà làm tôi đòi cho giòng họ Sakya, cho nên y không có lý do gì để tự đắc. Kế tiếp, từng điểm một, Phật đả phá cái triết lý, truyền thống và tập tục kỳ thị giai cấp. Phật dẫn chứng là thảo mộc và cầm thú chia ra làm nhiều loài, nhiều loại, duy chỉ có con người là sinh vật đồng nhất. Theo quy ước mà người ta gọi kẻ qúy phái, người nô bộc. Bỏ quy ước (chức phận, tiền tài, ăn mặc,v.v...) còn lại "máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn". Ðức Phật chấp nhận là ngoài đời có kẻ hèn người mạnh, kẻ nghèo người giàu, nhưng cái cách biệt này đã xảy ra là vì lý do thế lực, lý do kinh tế..., chứ không phải vì bẩm sinh.

Ý niệm bình đẳng này còn được trình bày trong một cuốn kinh khác, Vasettha Sutta, thuộc hệ thống Nam Tông, viết bằng chữ Sanskrit (một số kinh Nam Tông hệ thống Pali vẫn được truyền lại bằng tiếng Sanskrit). Cũng như trong cuốn kinh trên, Ðức Phật nhắc lại các lý giải về cơ thể, sinh lý, xã hội, kinh tế và môi trường,v.v... để chứng minh là con người không ai khác ai. Ðặc biệt ở đây, vấn đề bình đẳng giữa nam phái và nữ phái được đặt ra, nhằm về mặt hiệu thế giải phóng. Từ nguyên thủy, Tăng đoàn đã gồm hai hệ thống, nam và nữ. Trong bản sắp hạng Etadagga Vagga; 74 người đại đệ tử thuần thành nhất của Ðức Phật, Tỳ Kheo Mahapajapati Gotami người được thâu nhận trước hết vào nữ Tăng đoàn, đứng dẫn đầu ngang với ông Sariputta (Xá lợi Phất), bên hàng nam giới.

Nhưng trực tiếp nói về quan niệm chính trị và lập trường dân chủ của Ðức Phật, ta phải nói tới 3 cuốn kinh Dasa Raja Dharma Sutta, Cakkavattisihanđa Sutta và Agganna Sutta.

Dasa Raja Dharma Sutta có bản dịch Hán văn từ Sanskrit là Thập Ðiều Vương Ðức Kinh, nghĩa Nôm là 10 điều tâm niệm của một ông vua đang trị vì, nói rõ quan niệm của Ðức Phật về phương thức trị hành trong chế độ quân chủ. Luật Pháp của xã hội Vệ Ðà, từ mấy ngàn năm trước đạo Phật, dựa trên lý thuyết Matsya Nyaya, gọi là Luật Cá hay hiểu cho đúng thực tế là Luật Rừng (Law of Jungle). Ðời sống thiên nhiên trên hoàn vũ theo luật tự nhiên là cá lớn nuốt cá bé. Con người ta, lúc sơ khai, không thoát khỏi luật thiên nhiên tức luật rừng. Và muốn ngăn chận bất công, hiếp đáp, người ăn thịt người (matsya nyaya) chỉ có một cách là dùng hình luật khắt khe để áp đảo thú tính.

Thích Ca là người đầu tiên tại Ấn Ðộ lên tiếng chối bỏ luật rừng. Kinh Thập Ðiều Vương Ðức trong hoàn cảnh xã hội quân chủ phong kiến ngày đó dạy nhà vua 10 phương châm hành thiện để tạo hạnh phúc cho dân:

1. hành thiện (dana)

2. hành đức (sila)

3. hiếu nghĩa (pariccaga)

4. chính trực (ajavan)

5. nhân từ (majjavan)

6. tự kềm chế ham muốn (tapam)

7. khoan dung (akkhodo)

8. bất bạo động (avihimsa)

9. nhẫn nhục (khanti)

10. hữu nghị (avirohata)

Nghĩ cho kỹ, lời khuyên của Ðức Phật rất giản dị, là chính trị phải đặt trên căn bản tình thương và đạo đức.

Kinh Cakkavattisihanđa Sutta, đánh số 26 trong Trường Bộ Kinh, trực tiếp nói rõ quan điểm nhà Phật trong mối tương quan giữa các yếu tố chính trị, xã hội, kinh tế, đạo đức. W.G. Weeraratne, học gỉa Tích Lan chuyên khảo về kinh Pali thuật là Ðức Phật ngồi dưới một gốc cây bên vệ đường thuyết giảng kinh cho hành tỳ kheo và các cư sĩ. Ðức Phật lấy sự tích vua Dalhameni ngày xưa biết dùng đạo đức trị dân nhờ thế dân giàu nước mạnh. Ngôi vua truyền được ba đời, tới người cháu nội không còn giữ được kỷ luật đạo đức, quốc gia trở thành loạn lạc.

Weeraratne phân tích hai bài học trong kinh áp dụng trực tiếp vào đời sống chính trị và pháp luật. Thứ nhất, về phương diện cá nhân, hành trì đạo đức là con đường duy nhất để trở thành A La Hán, và việc thành tựu hoàn toàn tùy thuộc vào sự cố gắng của chính mình. Thứ hai, về phương diện xã hội, một chính quyền có quân đội mạnh, có cơ quan cảnh sát hữu hiệu cũng không thể bảo đảm trật tự an ninh nếu không lập được "một nền kinh tế hợp lý làm cho nhân dân ăn no mặc đủ". Cũng trên phương diện xã hội, bản kinh nhắc lại một điểm vô cùng quan trọng là luật pháp phải quan niệm cá nhân là một thành phần bất khả phân của xã hội. Ðã đành là mỗi cá nhân phải trực tiếp chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng vì xã hội luôn luôn chi phối hành động của cá nhân cho nên "nếu cá nhân phạm lỗi, xã hội phải liên đới trách nhiệm".

Nhìn vậy, ta thấy rõ là đến đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa Karl Marx mới đề ra lý thuyết kinh tế quyết định, trong khi 25 thế kỷ trước Ðức Phật đã nói rõ là "không thể cải cách chính trị và xã hội nếu tiên khởi không hoàn chỉnh kinh tế" để bảo đảm cho đời sống của nhân dân. Một mặt khác, ta cũng thấy rõ là luật phát Tây phương về quyền lợi cá nhân dựa trên mô hình La Mã cũng đã đến sau quan niệm luật pháp của nhà Phật, "đặt quyền lợi và hình phạt cá nhân trong tương quan xã hội.

Kinh Agganna Sutta, số 27 trong Trường Bộ Kinh, tầm nguyên có nghiã là việc giải thích các vấn đề tự nguồn gốc, tiếp nối các bộ kinh trước, trực tiếp đặt vấn đề quan niệm dân chủ của nhà Phật đối với chính trị quốc gia và đối với luật pháp nói chung. Nếu ta đem so sánh với kinh điển đạo Cơ Ðốc, kinh Agganna Sutta có thể ví với cuốn kinh đầu tiên trong bộ kinh Cựu Ước, gọi là sách Cội Nguồn (Book of Genesis), giải thích việc cấu tạo vũ trụ và giòng giống con người.

Ngày đó, Ðức Phật lưu ngụ tại thành phố Savatthi tiếp hai người thanh niên thuộc quý tộc. Bà La Môn và chuẩn bị cho họ gia nhập Tăng đoàn. Quyết định rất quan trọng đối với hai người trẻ tuổi, phải từ khước quyền lợi qúy tộc để sống cuộc đời tu hành. Vì vậy, Ðức Phật phải giải thích cho họ thật cặn kẽ nguồn gốc của vũ trụ, của trái đất, của cộng đồng xã hội, của tổ chức chính trị và tổ chức luật pháp.

Thoạt tiên, Ðức Phật trình bày lý thuyết cấu tạo vũ trụ và cấu tạo trái đất trước khi có con ngưòi. Thực vật sinh ra trên trái đất cùng với nước làm thức ăn cho động vật. Sự sống tiến hóa mãi cho đến khi con người thành hình, từ một nguồn gốc genetic mà ra cho nên không có giai cấp sắc tộc, người sang kẻ hèn. Nhưng con người tranh đấu để sinh tồn, bắt đầu nghĩ đến quyền tư hữu, do đó mà có thù nghịch nên sinh ra chém giết. Muốn bảo vệ đời sống cộng đồng, mới đặt ra luật pháp (bước đầu của khế ước xã hội trong quốc gia). Muốn thi hành luật pháp phải có chính phủ (là bước đầu của khế ước hành chánh hay chánh trị). Lúc ban sơ, cấp lãnh đạo được đồng hóa với thần lihn và điều này ta thấy rõ trong mọi nền văn minh cổ: vua là con Thượng Ðế; ở Trung Hoa, vua là Thiên tử, tức con trờị Ðức Phật chối bỏ ý niệm này, xem vua chúa là người thường như mọi người. Vua là người được quần chúng chọn để lãnh đạo nhà và nước, theo ý nguyện chung. Ðức Phật gọi người được chọn là bậc Ðại Tôn (maha samata), lý tưởng của việc chọn lựa là thuyết phục làm sao cho mọi người đồng thanh (unanimity), cố tránh cách chọn lựa theo đa số (majority), [L.perera, Encyclopaedia of Buddhism, Tập IV, trang 367].

Dĩ nhiên lời lẽ trong kinh có tính cách giáo huấn nhiều hơn là mô tả sự kiện, vì quá trình diễn tiến trong lịch sử loài người, trước và sau thời đại của Ðức Phật vẫn dực trên mê tín quá khích và dựa trên bạo lực. Bởi lẽ đó mà có phân chia giai cấp. Kinh Agganna Sutta xác định lại một lần nữa quan niệm dân chủ của Ðức Phật chối bỏ giai cấp. "Lúc ban sơ, con người hoàn toàn giống nhau, và mỗi ngày mối cách biệt dần hiện đến. Ðức Phật chấp nhận các mối cách biệt này, vì những yếu tố sinh hoạt, nhưng "mối cách biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác dầu có lớn tới mấy, do tập qúan, môi sinh, và nhiều hơn nữa là do nghiệp (được nói ở đoạn sau) tạo ra thì nhu cầu căn bản, thuộc vật chất, tâm lý hay hướng linh luôn luôn vẫn đồng thể, đồng nguyên". Triết gia Ðông phương, K.N. Jayatilleke, nghiên cứu các khía cạnh xã hội và luật pháp của đạo Phật, trong sách the Principles of International Law in Buđhist Doctrine (Nguyên Tắc Công Pháp Quốc Tế Trong Giáo Lý Nhà Phật, Leiden 1967) viết là vào thời Thái cổ đã có nhiều xã hội chấp nhận tư tưởng bình dẳng giữa con người, như trong các "quốc gia đô thị Hy Lạp". Tuy nhiên, quan niệm dân chủ đó vẫn còn hạn chế, ví dụ như phụ nữ và giai cấp nô bộc bị loại ra ngoài sinh hoạt chính trị. Chỉ từ lúc Ðức Phật đến, "quyền bình đẳng tuyệt đối của con người, trên mọi phương diện, mới được nhìn nhận trong tư tưởng và trên thực hành". Jayatilleke viết thêm, tóm lược như sau: Trên thực tế việc tổ chức Tăng đoàn, cũng như trên lý thuyết ta đọc được trong kinh điển, vào thời Ðức Phật, đã bộc lộ rõ hai khuynh hướng chuyên chế và cộng hòa (dân chủ), mặc dù vào thời kỳ nguyên thủy của đạo Phật, việc lãnh đạo đượm nhiều màu sắc qúy tộc (phong kiến) hơn. Nhu cầu phát triển buộc phải thay đổi, nhưng rõ ràng là Ðức Phật đã chọn thể chế dân chủ trực tiếp. Và Jayatilleke kết luận: "Lịch sử (loài người) phải biết công ơn Ðức Phật đã sáng lập ra thể chế Cộng Hoà, đem lại lợi ích cho mọi người trong đoàn thể (Tăng đoàn), cũng như lợi ích chung cho nhân loại, vì thể chế (tốt đẹp) này bây giờ còn tồn tại sau khi Ðức Phật đã nhập diệt".

Ở trên ta hiểu được quan niệm dân chủ của Ðức Phật qua hành động tổ chức Tăng đoàn. Ðức Phật đã nhìn thấy dân chủ như một phương tiện kêu gọi hợp đoàn và mọi phương tiện làm cho đời sống Tăng đoàn hấp dẫn. Cái nhìn đó dựa trên lập trường chánh trị và xã hội của ngài, được diễn tả rõ trong một số kinh điển ta vừa trích dẫn. Thế nhưng Phật giáo không phải thuần túy là một nền triết học, chính trị học hay xã hội học. Ta phải tìm xa hơn để thấy là quan niệm dân chủ của Ðức Phật phát xuất từ căn bản đạo đức và hướng linh của tôn giáo Ngài sáng lập. Nói một cách khác, muốn hiểu được tường tận quan niệm dân chủ của Ðức Phật, phải tìm hiểu lý thuyết của nền đạo đức mà giáo lý nhà Phật đã dựng lên.

Ðạo Phật đặt con người trong khung cảnh luân hồi (samara). Ðời sống của sinh vật (trong đó có con người) không phải chỉ khởi đầu khi âm dương phối hợp để sinh sản; đời sống này cũng không chấm dứt khi cơ thể tan rã, hủy diệt. Cho đến khi con người được khai phóng giải thoát khỏi vòng luân hồi, đời sống vẫn luôn luôn tiếp nối như một ngọn triều xô đẩy không ngừng. Trong chuổi dài vô tận của luân hồi, đời sống hiện chỉ là một mấu, một khúc nhỏ. Và con người trong đời sống hiện tại không những bị chi phối bởi các yếu tố cơ sinh lý, xã hội, kinh tế, môi sinh, v.v... mà còn bị chi phối bởi một yếu tố muôn vạn lần quan trọng hơn, đó là yếu tố tâm lý vô hình ta gọi là Nghiệp (Karma).

Nghiệp theo người như bóng với hình, và bởi lẽ con người (thông thường) không thoát khỏi nghiệp nên đạo Phật dạy là phải tạo cho con người (ta phải tạo cho chính ta) những điều kiện tốt đẹp nhất để thoát Nghiệp. Ðạo đức của Phật giáo bắt đầu từ điểm này.

Ðiều kiện độc nhất để thoát được Nghiệp là sống hành thiện. Vun trồng một nếp sống phù hợp với luân lý là đi sát với đạo luật Bát Chánh Ðạo của Ðức Phật dạỵ Lại nữa, hành thiện không những có ích cho mình mà còn ảnh hưởng đến đời sống tha nhân: Ðạo Ðức Riêng Của Cá Nhân Trở Thành Ðạo Ðức Của Xã Hội. Trên bình diện thực tế, đạo đức xã hội quan niệm như vậy sẽ chi phối đời sống kinh tế - cày sây cuốc bẫm, lao động chân tay (lao lực), lao động đầu óc (lao tâm), để cùng chia mặc chia ăn. Ðến đó thì tôn giáo không còn là một ý niệm suông của những người sợ sệt, yếu tinh thần, "bị ép phải hút á phiện"; tôn giáo sẽ thấm nhuần hành động trong đời sống hàng ngày, hành động lấy Bát Chánh Ðạo, lời dạy của Phật, làm kim chỉ nam.

Sinh hoạt cá nhân và xã hội theo mực thước đạo đức đưa ta trở lại cuộc biện luận ở phần trên, thể chế độc tài hay dân chủ, mô hình Chuyên Chế hay Cộng Hòa. Căn cứ trên giáo lý xuất từ kinh điển nói về đạo đức, ta có hai nhận xét mới:

· Một là, như ta đã thấy, Ðức Phật chọn rõ ràng thể chế dân chủ và mô hình Cộng Hoà, thế nhưng giáo lý nhà Phật bao dung không chấp nê, nên bất kỳ thể chế hay mô hình nào cũng có thể tập quán với quan niệm chánh trị của nhà Phật, miễn là thể chế hay mô hình tạo được cho con người "bị trị" một đời sống cá nhân và xã hội nhằm đi tới giải Nghiệp.

· Hai là, vì hành động trong đời sống con người gây ra Nghiệp, cho nên hành động phải nhằm theo khuôn thước đạo đức và khuôn thước này áp dụng cho cả hoàn vũ, gọi là Pháp (Dharma). Không một ai, không một tổ chức xã hội nào (thể chế hay chánh phủ) được giữ uy quyền tuyệt đỉnh. Uy quyền tối thượng phải là Pháp (Dharma), nguyên lý của đạo đức.

Ðiểm đặc biệt nhất cần phải quán triệt là lý thuyết đạo đức của nhà Phật trở lại nằm yên trên nền móng dân chủ. Lý thuyết gia (triết gia) tiên phong của (chủ nghĩa) dân chủ Tây phương là Jean Jacques Rouseau đã đặt căn bản "giao kèo xã hội" trên bản tính toàn thiện của cá nhân. Rousseau viết rằng: "Không có một cá nhân nào, nếu đã không phạm tội làm cho mình mất nhân cách, mà lại không có quyền tham gia vào sinh hoạt căn bản chánh trị". Lý thuyết đạo đức của nhà Phật tin tưởng tuyệt đối vào năng tính hướng thiện của con người (chúng sanh là những vị Phật sắp thành), "tư tưởng con người ví như vàng ròng, bị sắt, đồng, thiếc, chì, ba-c pha trộn, nhưng khi vào lửa, chất vàng tinh túy sẽ hiện ra rực rở" (kinh Agganna Sutta). Cùng một ý nghĩ như vậy, 24 thế kỷ sau, Rousseau lập lại lời dạy của Ðức Phật, chỉ thế thôi.

Nhất là vào thời kỳ hiện đại, lịch sử cho thấy chánh trị thế giới hướng về thể chế đại nghị của nước Anh làm khuôn vàng thước ngọc: "trọng quyền tối thượng của tư tưởng dại nghị, và tư tưởng này lại được quan niệm trên căn bản luân lý đạo đức nhiều hơn là căn bản pháp lý" (the idea of parliamentary sovereignty, conceived in moral rather than in legal terms, Encyclopaedia Britannica, quyển 7, trang 182). Quan niệm dân chủ của Ðức Phật: trọng quyền quyết định của cá nhân, trọng thuyết phục để đến đồng tình hơn là áp đặt với hình phạt, và hoàn toàn đặt trên nền tảng luân lý, đạo đức - ethica summum bonum - thật đã đi trước và đi xa hơn cái mô hình sinh hoạt dân chủ được cho là lý tưởng vừa nói trên.

oOo

Tài liệu tham khảo:

1. Encyclopaedia Britannica, Vol VI.

2. Encyclopaedia of Buddhism, Vol IV.

3. The Encyclopaedia of Philosophy, Vol VI_

4. Encyclopaedia of Religion and Athics, Vol IX.

5. P.V. Bapat: "2500 years of Buddhism", Delhi 1956.

6. K.N. Jayatilleke: "The Principles of International Law in Buddhism Doctrine", Leiden 1967.

7. J. Przyluski: "Le concile de Rajagrha", Paris 1926.

8. T.W. Rhys Davis: "Dialogues of the Buddha", Sacred Books of the Buddhists", Vol I.

9. A. Wijesekera: "Buddhism and Society", Colombo, 1952.

oOo

Copied from:

Subject: [religion] Gia'o ly' Pha^.t Gia'o va` y' nie^.m da^n chu?
Date: Thu, 02 May 1996 09:17:51 GMT
From: bxd@itea.ntnu.no (BXD)
Organization: ITEA-DESK, NTNU
Newsgroups: soc.culture.vietnamese

oOo


[Trở về trang Thư Mục]