This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font
Bảy Ðức Tính của Phật Pháp
Thích Từ Nghiêm.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy: "Ta vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện ở đời, đó là làm cho chúng sanh mở mắt, nhìn thấy, tỉnh ngộ và bước vào tri kiến của Phật." (Ngã vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế, vị linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến). Với nhân duyên vĩ đại ấy, Ðức Bổn sư của chúng ta đã từ bỏ tất cả những quyền quý cao sang của ngôi vị đế vương, giả từ vòng tay thương yêu của người vợ hiền và đứa con thơ dại, để lại cho vượng phụ và hoàng triều nỗi niềm thương nhớ, ra đi tìm con đường để đưa chúng sanh ra khỏi sự trói buộc của bóng tối si mê, của đau khổ tử sanh bất tận. Rồi không từ gian khổ, Ngài đã nỗ lực tu tập, và cuối cùng sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài phá vỡ được bức thành kiên cố của sự chấp trước, bước thẳng vào đỉnh cao giác ngộ và tìm thấy con đường thoát khổ. Con đường ấy được Phật tuyên thuyết và được truyền bá cho đến ngày nay. Con đường ấy được gọi là Ðạo Phật, là giáo pháp của Phật và giáo pháp ấy có bảy đức tính hay bảy đặc điểm thường được đức Phật dạy trong kinh Trung bộ.
1. Thiện thuyết: Với trí tuệ siêu tuyệt, đức Phật đã thấy được chân lý và căn cơ chúng sanh, nên Ngài đã trình bày một cách khéo léo để mọi căn cơ có thể thâm nhập. Ðó là giáo lý của Khế Lý và Khế Cơ. Khế lý vì nó trình bày đạo lý nhân duyên - đạo lý của sự tương tức tương nhập - rằng cái này có là vì cái kia có, cái này không là vì cái kia không, khổ đau có là vì có vọng tưởng, vọng tưởng không cho nên khổ đau không... Khế cơ là vì nó được trình bày dưới nhiều dạng như 5 giới, 10 thiện, 4 đế, 12 nhân duyên v.v... Những giáo lý ấy thích hợp với mọi căn cơ, đáp ứng được nhu cầu của người nghe, giúp họ giải thoát được những buộc ràng của Tham, Sân, Si v.v...
2. Hiện thân thọ chứng: Tu tập theo lời Phật dạy, chúng ta sẽ được lợi lạc ngay trong thân này và ngay trong giờ phút tu tập. Giáo lý ấy không dự kiến cho một hứa hẹn tương lai hay cứu chuộc cho tội lỗi quá khứ. Như người nếm nước biển, thấy ngay được vị mặn, cũng vậy, bước vào cữa ngõ của chánh pháp chúng ta được ngay sự giải thoát, an lạc.
3. Xa lìa nhiệt não: Giáo pháp của Phật là giáo pháp ly dục. Chúng ta thường bị thiêu đốt bởi những dục vọng không bến bờ, những dục vọng ấy tạo cho chúng ta vô lượng khổ não. Ðến với giáo pháp là đến với sự xa lìa những nhiệt não ấy, là đến bến bờ của sự thanh lương.
4. Vượt thoát thời gian: Vì là một giáo lý trình bày chân lý của nhân sinh vũ trụ, nên giáo pháp Phật là giáo pháp vượt thời gian. Giáo pháp ấy luôn hiện hữu trong mọi thời và luôn đem lại sự vững chãi, bình an, tự do cho con người ở mọi thời, mọi lúc và mọi lứa tuổi. Nó không bị lỗi thời, không bị xóa bỏ bởi thời gian và hiện tại nó đang được cả thế giới tìm về bởi giá trị vĩnh cữu ấy.
5. Ðến để mà thấy: Ðến với giáo pháp của Phật, chúng ta sẽ thấy rằng một đức tin mù quáng sẽ vô nghĩa với chánh pháp. Chánh pháp chỉ có giá trị khi thực hành, và thực hành thì sẽ thấy ngay lợi ích. Như người mở bàn tay ra để thấy viên ngọc ở trong, cũng vậy, giáo pháp Phật là giáo pháp không có sự che dấu, giáo pháp ấy chỉ bày rõ ràng về khổ, nguyên nhân của khổ, sự thoát khổ và con đường đưa đến sự thoát khổ.
6. Dẫn đạo đi lên: Tu tập theo giáo pháp của Phật, chúng ta sẽ đi lên mãi cho đến quả vị tột cùng là thành Phật như Phật.
7. Tự mình thông hiểu: Trong chánh pháp, đức Phật chỉ là người chỉ đường, còn ta là người thực hành. Muốn thực hành thì phải thông hiểu, cho nên đối với giáo pháp, chúng ta cần nỗ lực tu học. Nỗi khổ là của chính ta, nếu chính ta không hiểu được nỗi khổ của mình thì không có cách gì thoát được nỗi khổ ấy. Muốn thoát khổ phải thông hiểu và giáo pháp giúp chúng ta có sự thấu hiểu ấy.
Với bảy đặc điểm trên, giáo pháp của Phật đã được truyền bá sâu rộng, và mặc cho bao nhiêu biến đổi, giáo pháp ấy vẫn hiện hữu để giúp chúng sanh tìm về an lạc vì không có nơi nào, không có thời gian nào mà nỗi khổ trên thế gian vắng mặt. Mà hễ còn khổ thì giáo pháp còn, vì nó là phương thuốc kỳ diệu để đối lại khổ não. Do đó, chúng ta thật may mắn được tắm mát trong dòng sữa pháp của Phật. Như lời người xưa tán thán:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện hiểu Như Lai chơn thật nghĩa
Tạm dịch:
Pháp vi diệu thâm sâu vô lượng
Trăm ngàn ức kiếp thật khó gặp
Nay con may mắn thọ lãnh được
Nguyện xin hiểu ý thật của Phật.
Ý thật ấy không có gì khác hơn là bảy đức của chánh pháp đã nói trên. Bảy ý nghĩa ấy giúp ta tu tập đúng đắn, sớm vượt thoát sanh tử, mau đến bờ giác ngộ và cuối cùng bước vào tri kiến Phật, không phụ bản hoài mà Phật đã tuyên thuyết trong kinh Pháp Hoa.