This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font


Một Cách Nhìn

Thích Giác Viên


Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, ở một mục nhỏ của phần Quán thân trên thân, đức Phật hướng dẫn ta tiếp xúc với các chi tiết của thân như tóc, lông, móng, răng... - đây, chúng ta thử trao đổi cho nhau một vài cảm nghĩ qua lời dạy ấy của Ngài.

Theo lời Ngài dạy, và có lẽ ai cũng đồng ý là, ta thương ta nhất trên đời. Tâm lý ấy rất người và rất dễ thương. Nhưng trong thực tế, có mấy ai chịu sắp xếp thời gian, chịu hướng năng lực về, để chiêm ngưỡng những bộ phận của thân, đem lòng ưu ái, chấp nhận, thấy rõ tận tường, từ đó, săn sóc, vỗ về, đáp ứng cho thân thực sự an lạc hạnh phúc chưa? Hay phần lớn, ai cũng bận theo đuổi cái này cái nọ, nhân danh vì thân, mà thực sự ra rất hờ hững với thân, tiếp xúc với thân một cách hời hợt, lấy lệ mà thôi. Chẳng hạn xúc tiếp với miệng của ta, để thấy miệng chúng ta cần gì thực sự. Miệng thì cần tươi như một đóa hoa, cần ái ngữ, cần chánh ngữ, cần ta chấp nhận hoàn toàn v.v. Nếu ta không mỉm cười, không ái ngữ, không chánh ngữ, không chấp nhận hoàn toàn, thì ta chưa thực sự xúc tiếp, chưa thực sự chấp nhận cái miệng của ta, dù hằng ngày ta lau rửa, ta tỉ mỉ chạy những đường son trên môi.

Nếu sống mà chẳng đoái hoài, chẳng chấp nhận thân, thì ta chạy trốn, quên lảng thân ta. Ta rơi vào sự khinh khi, hủy hoại thân ta, mọi lúc mọi nơi mà chẳng rõ. Ðó là nếp sống vong thân, thất niệm. Ta chưa biến ước mơ ý niệm "ta thương ta nhất" thành sự sống hiển bày. Ðối với mọi người, dù là người rất thân, hay với mọi loài, với thiên nhiên, ta cũng thường sống với, chỉ bằng ý niệm mà thôi. Nên dù rất thương, rất muốn được thương, ta vẫn đau khổ, cô đơn.

Do vậy, Ngài dạy ta trở về thực sự xúc tiếp với thân. Như ta ý thức rõ ta có đôi mắt, theo dõi hơi thở, ta mỉm cười, vậy thôi. Lúc này, ta chẳng bận theo bất cứ một cái gì. Nếu bất chợt có một niệm nào xuất hiện trong tâm, ta mỉm cười ghi nhận rồi thông qua, vẫn duy trì ý thức rõ rệt về đôi mắt. Như thế là ta đang có mặt thực sự với đôi mắt, với thân ta. Giờ phút ấy, ta chấm dứt sự sống lãng quên, ta có chánh niệm, sống với bây giờ và ở đây. Ðiều này giản đơn mà quan trọng và kỳ diệu vô cùng.

Giả sử, ta rất cần một người có mặt bên ta, để ta cảm thấy ấm cúng, để lắng nghe, hiểu rõ ta mà giúp đỡ. Người ấy có ngồi một bên, song tâm hồn đang bị một cái gì đó hớp mất, người ấy có làm cho ta thất vọng lắm không? Người ấy có giúp gì được cho ta, hay chỉ cho ta thêm vướng bận, tủi buồn? Ðôi mắt của ta, thân ta cũng vậy, chỉ khi nào ta có mặt thực sự, ta mới có thể chăm sóc, chữa trị, mến thương, điều mà mắt, tức thân thể ta, đang tha thiết đợi chờ. Ta chẳng đoái hoài ta, thử hỏi còn chờ ai đoái hoài cho ta nữa?

Qua thiền tập chánh niệm, dù chỉ phút chốc thôi, và dù bao tồn đọng khổ đau muôn đời còn đó, nhưng nếu ta có mặt, thì tâm ta vẫn an lạc nhẹ nhàng. Mắt ta, thân ta được vỗ về, chữa trị một cách tự nhiên. Ðôi mắt chợt sáng lên, tươi ra, tỏa rạng yêu thương, nhìn mà như cười vậy, và cho ta thấy sự sống rõ ràng hơn, đẹp hơn nhiều lắm.

Nhờ sự xúc tiếp chánh niệm ấy, ta còn khám phá ra nhiều điều khác nữa. Như biết ăn gì cho mắt tốt hơn, đeo loại kính nào để hổ trợ thêm. Hoặc ta tự nhiên chấm dứt ngay cách sống làm tổn thương mắt, như bỏ trò chơi điện tử, không đọc, viết lúc thiếu ánh sáng, chẳng xem những gì có nội dung thô bạo, say đắm, thấp hèn. Cho mắt tiếp xúc thiên nhiên: nụ hoa, khóm trúc, đám mây. Ðể thời gian ngắm nhìn người thân với sự có mặt thực sự, để mà chăm sóc vỗ về và thương yêu. Chánh niệm còn cho ta hay, mắt mong manh lắm, ta càng quý trọng, nên càng tăng thức ăn dinh dưỡng cho mắt qua các cách nhìn trong sáng, hồn nhiên vừa nói. Ta còn thấy, mắt chỉ là một hợp thể, luôn luôn tự phủ nhận mình, hoàn toàn tùy thuộc vào cái điều kiện gần xa, thay đổi triền miên. Cho nên ta hết lòng với mắt mà chẳng hề vướng bận. Ta tự do mà mắt cũng tự do. Ta lại chợt tĩnh ra rằng, có nhiều lúc thương mắt quá mà do chẳng hiểu, ta đã làm cho mắt thêm lệ thuộc, chóng biến chất và tàn tạ, thật là oan uổng cho nhau. Ta không thể xoay lưng lại, hay đối nghịch với mắt mà có được an lạc. Có mặt thực sự, mắt cho ta sự sống mầu nhiệm tột cùng.

Như vậy, có đôi mắt là một hạnh phúc lớn. Biết trở về với mắt, hạnh phúc lớn hơn nhiều: vừa được chăm sóc, vừa được thảnh thơi. Sống được với mắt như thế, thì ta sống được với toàn thân, với người thân, và với tất cả cũng đều được như thế. Yêu thương thực sự mà an lạc hoàn toàn. Có đôi mắt thôi mà đã thấy mầu nhiệm quá chừng. Huống chi ta còn có rất nhiều, nào tim, gan, ruột, phổi và hằng khối thứ khác trong ngoài, quả ta là người giàu sang bậc nhất. Ta thường ít biết tới nguồn hạnh phúc vô tận đó. Ta hăm hở lo cái gì đâu, và chỉ biết than thở thôi, chẳng khác nào người chết khát bên sông.

Trở về được với thân, ta có ngay nguồn an lạc hạnh phúc tuyệt vời, sung mãn, sẵn đấy xưa nay, nơi ta cũng như nơi những gì chung quanh ta. Tất cả đều kỳ diệu. Tất cả đang chờ đợi sự có mặt thực sự của ta. Phép lạ là sự có mặt thực sự ấy thôi: đức Phật đã hướng dẫn. Lòng thương và cái thấy của Ngài đã tỏa ra. Phần đón nhận là ở phía chúng ta.

Ước mong chúng ta đón nhận được gia bảo ấy, thể hiện ngay trong sự sống hằng ngày, mọi lúc, mọi nơi. Sự kiện ấy hoàn toàn ở trong tầm tay của mỗi một chúng ta.

Thích Giác Viên