This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font


Gia tài của Bụt

Thích Nhất Hạnh

Giới thiệu: Trích từ quyển sách "Nói với người xuất gia trẻ tuổi", Nhà xuất bản Lá Bối, Hoa kỳ, 1996. Ðây là một quyển sách mỏng, 70 trang, ghi lại các bài pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh dành cho các tu sĩ trẻ, tại Làng Mai, Pháp Quốc, vào tháng 5-1996. Tuy là dành cho tu sĩ, những ý tưởng trong bài nầy cũng có nhiều ích lợi cho các cư sĩ.

oOo

Là người xuất gia, là những người con gần gũi nhất của Bụt, em phải biết thừa hưởng gia tài của Bụt. Phải thực tập cho được những pháp môn căn bản để có hạnh phúc. Phải nắm vững các pháp môn thiền tọa, thiền hành, quán niệm hơi thở, quán chiếu vô thường, quán chiếu vô ngã, quán Từ, quán Bi, nhận diện và chuyển hóa khổ đau, xây dựng tăng thân và làm hạnh phúc cho đời.

Khi học kinh, nên luôn luôn tự hỏi: những tư tưởng nầy của kinh có dính líu gì tới đời sống hằng ngày của ta hay không, có giúp ta chuyển hóa khổ đau và tạo thành an lạc không? Cố nhiên là các kinh lớn như Kim Cương, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bảo Tích ... chứa đựng nhiều tư tưởng siêu việt, nhưng mục đích học kinh không phải là để thưởng thức triết lý thâm uyên, lặp lại những tư tưởng ấy và đi tìm sự thỏa thích trong khi giải bày những tư tưởng ấy. Phật pháp là chiếc bè đưa ta qua sông; em phải sử dụng được chiếc bè để qua tới bến bờ của chuyển hóa và an lạc.

Mục đích của người xuất gia không phải là để trở thành nhà Phật học hay nhà triết học, mà là trở thành một người an lạc, giải thoát, một đạo sư đích thực có khả năng độ đời. Cho nên em phải tránh con đường chất chứa kiến thức. Phải theo nguyên tắc thực học, thực tu, thực chứng. Em phải thấy được vô thường, vô ngã, từ, bi ... là những dụng cụ để chuyển hóa khổ đau, chứ không phải là những lý thuyết. Nếu em biết cách quán chiếu vô thường, vô ngã, từ và bi, em sẽ phá được những nhận thức sai lầm (vọng tưởng) của em trong đời sống hàng ngày, trở nên hiểu biết và bao dung hơn, và tình thương trong em ngày càng lớn.

Có tình thương thì cuộc đời ta mới có hạnh phúc. Những người chỉ có trách móc hận thù trong tâm là những người đau khổ. Chừng nào em thấy chất liệu của Từ và Bi lớn lên trong em, chừng nào em nhận thấy em đã bắt đầu biết nhìn người khác bằng con mắt từ bi (từ nhãn thị chúng sinh), không còn khắt khe, không còn oán trách, thì em biết lúc đó em đã bắt đầu có nhiều hạnh phúc. Ðây là một chuyển hóa lớn của người tu.

Tôi đã từng đi trên 30 quốc gia trên thế giới, tổ chức những khóa tu học cho người bản xứ. Có những khóa tu kéo dài được ba tuần, nhưng cũng có những khóa tu rất ngắn, chỉ kéo dài có bốn hôm. Ấy vậy mà có những thiền sinh và gia đình họ sau bốn ngày tu tập đã được chuyển hóa và đã tìm lại được sự tha thứ, thương yêu và hài hòa trong lòng họ và trong gia đình họ. Người xuất gia không nên quên rằng mình có cái may mắn là được thường trú trong khung cảnh tu học. Nếu để tháng ngày đi qua mà không hạ thủ công phu thì uổng phí cuộc đời xuất gia của mình.

Người nông phu sau khi thí nghiệm một loại hạt giống, một loại phân bón hoặc một phương pháp canh tác mới mà không thành công thì chắc chắn sẽ thay đổi hạt giống, phân bón hoặc phương pháp canh tác ấy. Chúng ta cũng vậy. Nếu tu tập từ ba tới sáu tháng mà không thấy hoặc chưa thấy có chuyển hóa gì, ta phải biết là có một cái gì không đúng trong phương pháp tu học. Ta phải lập tức tìm thầy và bạn để tham vấn, tìm ra những pháp môn thích hợp và hữu hiệu cho ta.

Tôi thấy có những người tu suốt mấy mươi năm mà nhận thức, cách sống và tập khí khổ đau vẫn không hề thay đổi. Thật là uổng phí cho họ và cho chính ta.

Thích Nhất Hạnh, 1996