This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font


Học Phật Cần Có Chân Tâm

Hoà Thượng Tuyên Hóa


Học Phật Pháp mình cần phải có tâm chân thật, nhất cử nhất động, nhất ngôn hạnh đều phải chân thật. Ðừng nên như kẻ thế tục, một nửa chân một nửa giả. Nói năng thì lúc có chút thiệt thà; lúc lại đầy giả dối. Người tu đạo lúc nào cũng phải nói thiệt, làm chuyện thiệt; không được nói láo. Mỗi một ý niệm, phải bỏ đi điều lỗi lầm; trừ cái tập khí trong vô lượng kiếp và ráng cải đổi nó đi. Cái tội lỗi mình đã làm trong vô lượng kiếp phải sám hối cho hết sạch. Tại sao có kẻ học Phật lâu năm như vậy mà không có một chút linh ứng nào cả? là bởi vì mình còn bao che cái lỗi lầm của mình, không chịu đem tâm chân thật ra mà tu hành. Cho nên thời gian trôi qua uổng phí mà mình không khai được trí huệ chân chính. Không được định lực chân chính. Thời gian trôi qua oan uổng mà mình đạo nghiệp chẳng được thành tựu, đó là điều thật là đáng tiếc thay.

Sống trong chùa, mình cần phải tiết kiệm tất cả những thứ vật chất, người ta nói rằng:

"Ái tích thường trụ vật,
như hộ nhãn trung châu"

nghĩa rằng mình quý cái vật thường trụ giống như thử là mình bảo vệ con ngươi trong mắt mình vậy. Ðồ vật của chùa như gạo dầu, tương hay chao, mình đều phải quý nó, không được lãng phí bừa bãi. Cho đến những cái mà mình dùng, một đầu ngọn cỏ, một cành cây, một trang giấy mình cũng phải biết quý, biết tiếc nó. Nếu ở cái chỗ nầy mình không cẩn thận, chẳng biết tiếc cái phước của mình thì mình làm tiêu hao công đức biết bao. Cho nên cái điều mình tu thì không bằng cái tội nghiệp mình tạo, cái điều mình đắc thì không bằng cái điều mình thiếu khuyết. Thêm một điều nữa là nhất cử nhất động nhất ngôn nhất hạnh mình cần phải không được tổn hại đến người khác. Khi nói thì phải dùng lời lẽ đức độ; không được nói lời ỷ ngữ, lời thêu dệt, lời dối trá, lời ác ôn hay lời hai đằng. Cái miệng là cái mà mình cần phải chú ý đặc biệt; thân thì không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, ý thì không được phạm tham sân si; đừng nên coi trọng tấm thân thịt da hôi hám nầy, tâm tâm niệm niệm đừng tìm kiếm áo quần trang sức cho cái thân thịt hôi hám nầy, mỗi tâm mỗi niệm đừng có tìm cách để cái thân thể nầy hưởng thụ, khoái lạc thêm chút nữa; đó đều là điên đảo! Mình phải nghĩ làm sao mà xuất ly tam giới (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh), thoát ra khỏi cái lục đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, A tu la, người và trời) luân hồi nầy, làm sao cải biến sửa đổi tập khí của mình, làm sao mà cái tình ái của mình hết đi, không còn nữa thì lúc đó mình mới toại tâm mãn nguyện thành tựu cái đạo quả Bồ-đề được.

Khai Thị I
(Tỳ Kheo Thích Hằng Trường dịch)