This article is written in Vietnamese, using Unicode Times font
Trước khi có Big Bang (vụ nỗ lớn), vũ trụ ra sao? Ðây là một câu hỏi ngây thơ? Ðúng vậy. Từ khi giả thuyết Big Bang được dùng làm căn cứ cho cộng đồng khoa học, vấn đề đã được giải quyết: trước Big Bang không có gì cả. Ngay cả thời gian, như là một tính chất vật lý, cũng không có mặt. Vì thế đặt câu hỏi về thời gian trước Big Bang không có ý nghĩa gì và chỉ làm các nhà vật lý thiên văn phì cười, Chỉ phì cười, thế thôi!
Từ vài tháng nay vấn đề "Trước Big Bang có gì không?" lại trở thành vấn đề thời sự. Hiển nhiên vấn đề nguồn gốc vũ trụ đã sớm khoác một lý thuyết hoàn toàn khác: có một cái gì đó trước khi vũ trụ bắt đầu giãn nở. Ðó là cái gì? Nhiều giả thuyết tranh cãi ra đời. Ðối với một số người thì không phải chỉ có một Big Bang duy nhất mà có nhiều Big Bang nhỏ. Mỗi Big Bang nhỏ tạo ra một phần của vũ trụ. Vậy luôn luôn có một Big Bang trước một Big Bang. Nói đại khái vũ trụ của chúng ta thường hằng và không ngừng tự tái tạo. Một giả thuyết khác là vũ trụ co bóp (như một quả tim) luân phiên từ giai đoạn co rút. Giữa hai giai đoạn này có một Big Bang. Và vũ trụ có tính cách qui hồi vĩnh cửu.
Trong ngôn ngữ thật sự khoa học, vạn vật được biểu thị dưới dạng các phương trình rõ ràng ít có tính cách tưởng tượng. Trên tổng thể, các lý thuyết gia diễn đạt lý thuyết của mình một cách cực kỳ cẩn trọng khi mà Big Bang vẫn còn là lý thuyết chính thức: rất khó cho những người gièm pha đưa ra được một giả thuyết mới mà sự nghiệp khoa học của họ không bị đặt vào sử hiểm nguy.
Thế thì vụ nỗ lớn hay Big Bang này đến từ đâu? Thật là kỳ lạ là danh từ Big Bang không có cha đẻ chính thức. Tất cả bắt đầu vào năm 1917 khi Einstein, từ thuyết tương đối tổng quát, khai triển một mô hình vũ trụ kín, bất động vì phi thời gian. Năm 1924 Alexandre Friedmann, một người Nga, đề xuất mô hình vũ trụ đang bành trướng và xác định rằng thuyết tương đối thừa nhận cả hai.
Phải đợi đến 1931 mới có một tu viện trưởng người Bỉ là Georges Lemaitre tưởng tượng rằng vũ trụ hình thành từ một hạt duy nhất tức từ sự nổ bừng của một nguyên tử nguyên thủy. Lý luận của Lemaitre vừa có tính cách lượng tử vừa có tính cách nhiệt động lực: nếu người ta tính đến entropi (nói chung không có trật tự) thì trạng thái ban đầu của vũ trụ phải là một trạng thái trật tự tối đa khi vũ trụ bị thu hẹp thành một phần tử duy nhất. Quan niệm Big Bang vừa xuất hiện. Nhưng danh từ Big Bang chỉ ra đời vào năm 1950 sau khi nó được một trong các người công kích xử dụng trong một buổi phát thanh trên đài truyền thanh Anh quốc, nhà thiên văn Fred Hoyle.
Năm 1965 hai nhà thiên văn Arno Penzias và Robert Wilson tình cờ khám phá ra một tia vũ trụ đến từ các vì sao. Hiện tượng này khẳng định giả thuyết Big Bang, cám dỗ và khuyến khích hàng trăm nhà vũ trụ luận tạo ra những giả thuyết mới. Ðề tài tranh cãi chính của họ vẫn là lực hấp dẫn, cơ sở của thuyết tương đối vẫn còn chõi lại một cách mạnh mẽ thuyết lượng tử. Các lý thuyết gia đã tìm cách hòa giải. Sự suy luận của họ dầu đẹp đẽ đến đâu cũng chỉ là giả thuyết không thể kiểm chứng trong các máy gia tốc hạt nhân hiện nay.
Các quan trắc gần đây đã đánh đổ nhiều mô hình vũ trụ hiện hành. Vấn đề tuổi vũ trụ và khối lượng vật chất bị mất trong vụ nổ Big Bang như đề tài tranh luận sôi nổi.
Patrick Petitjean, nhà thiên văn học tại Viện thiên văn vật lý Paris nói: "Các mô hình vũ trụ bắt đầu rạn nứt khắp mọi chỗ. Chúng tôi không còn biết rõ mình đang ở đâu". Oliver Lefèbre, nhà thiên văn học của Ðài thiên văn Paris-Meudon tiếp lời: "Dần dần các quan sát điều chỉnh lại các mô hình. Chúng tôi chứng kiến sự cáo chung của thời kỳ người ta có thể đề ra những lý thuyết đầy hoang đường mà không bị một quan sát nào hạn chế". Sự thực thì sau hơn 3 năm khi kiếng thiên văn không gian Hubble được sửa chữa và từ khi sử dụng kiếng thiên văn Keck -- có đường kính 10 mét ở Hawaii thì các lý thuyết vũ trụ dần dần bị lay chuyển, báo trước giai đoạn hình thành các mô hình vũ trụ mới.
Mặc dầu ngành thiên văn vũ trụ chưa nói lên được tiếng nói cuối cùng về nguồn gốc cũng như cơ cấu của vũ trụ, chúng ta thấy có những tương đồng giữa thiên văn học và giáo lý nhà Phật.
Vũ trụ quan của nhà Phật còn đưa ra những luận điểm mà khoa học ngày nay không thể bác bỏ, nhưng vẫn chưa có đủ điều kiện để khẳng định một cách sáng tỏ.
Theo nhà Phật, toàn thể vũ trụ là một sản phẩm trong tương quan tâm thức mà không khác biệt với tâm thức. Ngày nay giới khoa học đã biết rằng chủ thể quan sát không thể tách lìa đối tượng quan sát, và tùy theo giai tầng quan sát mà hiện thực mang những bộ mặt khác nhau (thuyết bất định của Heisenberg). Biên giới giữa vật chất và năng lực, do đó giữa thân và tâm của mỗi cá nhân không thể phân định rạch rời như người ta tưởng trước đây. Nhưng đối với một vật cực kỳ lớn và có tuổi dài đến hàng tỷ năm thì khoa học chưa thể xác định.
Nhà Phật còn khẳng định là từ vật hữu hình đến vật vô hình, từ vật nhỏ nhất đến vật lớn nhất đều không có tự tính, nghĩa là hằng hằng biến đổi, trạng thái đến sau không đồng nhất với trạng thái đến trước. Khoa học do vì phát sinh từ lý luận của một cái ngã, cái ngã của một nhà khoa học hay của một thế hệ các nhà khoa học, không sao quan niệm nổi trạng thái vô ngã của vạn vật. Tích cách khách quan trong các quan sát khoa học không hoàn toàn khách quan như họ tưởng, chính vì thế cho nên tuy đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho đời sống, khoa học kỹ thuật vẫn còn là và sẽ là một hiểm họa cho nhân loại khi nhà khoa học hay các người sử dụng nó dùng các phát minh cho tham vọng cá nhân hay dân tộc. Lý thuyết vô ngã của nhà Phật mới là nền tảng đạo đức thật sự cho một xã hội văn minh kỹ thuật trong tương lai.
Ðể kết luận vấn đề "Trước Big Bang có cái gì?", khoa học còn tiếp tục tìm kiếm những giả thuyết hợp lý hơn dựa vào sự quan sát và suy luận. Nếu khoa học đặt câu hỏi: "Trước khi khai thiên lập địa có cái gì?" Thì nhà Phật lại đặt câu hỏi đó dưới một dạng khác nhân bản hơn, thực tiễn hơn: "Trước khi có cha mẹ, ta là ai?" Ðể trả lời câu hỏi này, con người phải quay lại nhìn mình, quan sát mình trong mối tương giao của con người với con người, với xã hội, với tự nhiên, với vũ trụ xét về mặt không gian cũng như thời gian. Các tương đồng này có tính cách định tính và tổng quát, vì giáo lý của đức Phật nhắm vào vấn đề then chốt là giải thoát sinh linh ra khỏi vòng đau khổ. Trong khi trình bày phương pháp diệt khổ, tuy Phật vẫn hằng nhắc nhở nên lánh xa các suy niệm siêu hình vì chúng không có liên quan gì đến sự an lạc hạnh phúc chân thật, đức Phật vẫn đề cập sơ lược đến vũ trụ như là cơ sở lý luận cho việc tu tập của các môn đệ. Ngài không thể mô tả chi tiết vũ trụ vì trình độ của nhân loại lúc ấy còn thấp, không đủ khả năng để hấp thụ những tri thức khoa học. Ngay cả những danh từ mà Ngài đã dùng, đối với những môn đồ chưa tâm chứng, không khỏi mang một vài nét nghĩa có tính cách siêu hình, chỉ khi đạt được giác ngộ, họ mới nắm được toàn bộ chân nghĩa của chúng. Cho nên từ trước đến nay giáo lý của Phật được xem như là một phương pháp tu tâm, khía cạnh gợi ý về mặt khoa học ít được lưu ý. Gần đây một số học giả và nhà khoa học phương Tây đã nghiên cứu thấy trực giác của các hiền triết phương Ðông, đặc biệt là đức Phật, có nhiều điểm tương đồng thậm chí đi trước các quan điểm của khoa học vật lý lượng tử.
Về nguồn gốc vũ trụ, thật đáng kinh ngạc! Ðức Phật, một người bằng xương bằng thịt đã sống cách đây 2500 năm, đã không có một khí cụ kỹ thuật nào đã thị kiến được những điều mà khoa học hiện đại mới khám phá gần đây.
1. Vũ trụ hợp thành do nhiều tiểu thiên, trung thiên, đại thiên thế giới, tức những dòng thiên hà ... trong thuật ngữ thiên văn.
2. Vũ trụ hay các thế giới trong vũ trụ hằng biến chuyển theo định luật vô thường. Chúng cũng sinh trụ dị diệt như bất cứ một vật thể nào khác trong thế giới hiện tượng. Ðiều này tương ứng với giả thuyết có nhiều Big Bang nhỏ, sau mỗi Big Bang vật chất lại được tạo lập theo một cơ cấu khác, có những định luật khác.
3. Vũ trụ vô thỉ vô chung.
4. Vũ trụ không do một cá nhân nào tạo lập v.v... và còn rất nhiều vấn đề cụ thể mà đức Phật đã dạy về vũ trụ và nguồn gốc của nó.
Do đó, trong giáo lý nhà Phật, nhà khoa học có chỗ đứng nào không? Tất nhiên là có! Những tìm tòi phát kiến của họ có giá trị tiếp tay vào công cuộc giải thoát con người, dù chỉ là về mặt vật chất. Nhưng trước hết, giới khoa học cần phải phản tỉnh; có như thế, họ mới không là thủ phạm hay đồng lõa, một cách có ý thức hay không có ý thức trong tình trạng bất ổn hiện nay trên toàn thế giới. Mới đây một nhà lý thuyết vật lý Capra hỏi một nhà hiền triết Ấn Ðộ rằng nếu ông theo học Ðạo với Ngài thì ông có phải từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học không. Nhà hiền triết trả lời một cách đơn giản: "Trước hết ông phải là con người thật sự, trước khi là một nhà chuyên môn". Giáo lý nhà Phật là một trong những khoa học đúng nghĩa nhất để tạo nên những người an lạc hạnh phúc và tự do trong một vũ trụ đích thực là vũ trụ, tức vũ trụ mà trong đó, yếu tố tham sân si không phải là động lực chủ đạo.
(NSGN, 12/96)
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm đánh máy lại bài viết nầy.