Chúng ta đã đi tìm Phật và tìm Pháp, nay phải đi tìm Tăng cho đủ Tam Bảo. Tăng, nói cho đủ là Tăng già, phiên âm chữ Phạn Sangha có nghĩa là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà đi tu, giữ đủ giới luật của Phật đặt ra, với tôn chỉ tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, nhằm mục đích giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Trong đoàn thể Tăng già gồm cả nam lẫn nữ, nam được gọi là Tỳ kheo, nữ gọi là Tỳ kheo ni, nhưng bắt buộc phải sống riêng rẽ trong các chùa hoặc tu viện, chứ không được sống chung dưới một mái chùa. Phật giáo Việt Nam dùng danh từ Tăng để chỉ phái nam xuất gia và Ni để chỉ phái nữ xuất gia, nhưng thật ra thì các vị Ni cũng vẫn ở trong đoàn thể Tăng già (Sangha).
Muốn được gọi là Tăng (cả nam lẫn nữ), điều kiện bắt buộc là phải xuất gia, cạo đầu, mặc quần áo nhà chùa, giữ đủ Cụ Túc Giới: Nam giữ 250 giới, Nữ giữ 348 giới. Khi cát ái ly gia nghĩa là cắt đứt mọi tình yêu tầm thường trong đời và lìa khỏi nhà, từ giã gia đình để vào chùa tu, người con Phật phải hiểu rõ ba ý nghĩa của danh từ xuất gia:
1) Xuất thế tục chi gia: Ra khỏi nhà thế tục, lìa bỏ gia đình, danh lợi trong cuộc sống tầm thường, bỏ luôn cả họ tên để lấy họ Thích và pháp danh do Sư Trưởng đặt cho. Mọi liên hệ gia đình họ hàng từ nay chấm dứt, để tu hành tự giác giác tha, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, không phân biệt thân sơ.
2) Xuất phiền não chi gia: Ra khỏi nhà phiền não đau khổ nung nấu từ khi mới sinh ra, bị trói buộc trong những sợi giây của tiền bạc, danh vọng, nhà cửa, gia đình, vợ con, ăn ngon mặc đẹp, giao dịch... từ nay xin bỏ hết để tìm đường thoát khổ nạn sinh tử luân hồi cho mình và tất cả chúng sinh.
3) Xuất vô minh chi gia: Ra khỏi nhà vô minh tăm tối đã giam hãm chúng sinh trong ba cõi, sáu đường vì tham sân si... nay quyết tâm tu hành, dứt trừ vô minh, để tìm ra ánh sáng của Chân lý, đạt đến chỗ giác ngộ và giải thoát.
Sau khi đã xuất gia thọ giới, một vị Tăng phải nhập Chúng, nghĩa là sống trong chùa, tu viện hoặc Phật học đường, tuyệt đối không được sống trong tư gia của người thế tục và phải tuân theo Lục Hòa:
1) Thân hòa đồng trú: Thân sống hòa thuận tại một nơi cùng các vị Tăng khác.
2) Khẩu hòa vô trách: Miệng nói lời hòa thuận, không tranh cãi, to tiếng, nhiều lời, chỉ nói đúng sự thật.
3) Ý hòa đồng duyệt: Tư tưởng hòa thuận vui vẻ với các bạn đồng tu.
4) Giới hòa đồng tu: Tuân theo các luật cấm của Phật để tu sửa thân tâm trong niềm hòa ái với mọi người, vui vẻ nhắc nhở nhau cùng giữ giới cho thanh tịnh.
5) Kiến hòa đồng giải: Có những hiểu biết chân chính, xác thực về đường lối tu hành thì mang ra giải thích cho các bạn tu cùng nghe và hiểu.
6) Lợi hòa đồng quân: Các mối lợi như tiền bạc, thực phẩm, quần áo, thuốc men, sách vở, chăn nệm... của thí chủ cúng dường thì chia nhau thật đều, cùng hưởng trong sự hòa thuận an vui.
Nói rộng thì người xuất gia phải giữ 250 giới, nhưng tóm lại vẫn không ngoài Ngũ giới và Lục hòa. Người con Phật xuất gia phải giữ giới luật và sống lục hòa, nếu không thì không xứng đáng gọi là Tăng nữa.
Một vị Tăng còn phải sống một cuộc đời hy sinh dứt bỏ, coi tiền bạc như rắn độc, danh lợi như đôi dép rách, sắc đẹp như cạm bẫy, ăn ngon mặc đẹp như xiềng xích buộc ràng; một vị Tăng phải sống Tam Thường Bất Túc. Nghĩa là ăn, mặc, ngủ nghỉ không được sung túc, đầy đủ. Ăn chay xong việc thì thôi, miễn là khỏe mạnh để tu hành. Áo mặc thì đủ tam y, không rách ruới bẩn thỉu là được. Ngủ nghỉ là để giữ gìn sức khỏe, miễn là có nơi an tĩnh, không ồn ào để tiện việc ngồi thiền, không đòi hỏi phải chăn êm, nệm ấm. Một vị Tăng có sống trong sự Bất Túc mới thông cảm nỗi khổ với người nghèo, mới thao thức nội tâm để tìm đường cứu khổ cho chúng sinh. Con ngựa ăn no không chạy nhanh kéo khỏe, một vị Tăng ăn ngon, mặc đẹp thì dễ lười biếng, khó thiền định, tụng kinh, niệm Phật.
Khi ăn cơm, một vị Tăng phải Tam Ðề, Ngũ Quán: Bắt đầu bữa phải ăn ba miếng cơm nhạt, khi nhai miếng thứ nhất phải nguyện không làm điều ác, khi nhai miếng thứ hai phải nguyện chỉ làm việc lành, khi nhai miếng thứ ba phải nguyện cứu độ tất cả chúng sinh. Ðó là Tam Ðề, nhắc nhở phải giữ giới, tu thiền, tự giác, giác tha. Còn Ngũ Quán là trong khi bưng bát cơm ăn phải quán sát năm công ơn mà mình đang thọ hưởng: Công ơn Phật giáng trần cứu độ chúng sinh, công ơn Sư trưởng dạy dỗ, công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, công ơn thí chủ cúng dường, công ơn mọi người trong xã hội làm lụng khó nhọc mới có gạo ăn, vải mặc... Phải quán sát rõ ràng mấy bát cơm này do đâu mà có, rồi phát tâm tinh tấn tu hành để báo đáp lại mọi công ơn mà mình đang hưởng thụ. Ðó là Ngũ Quán mà các vị Tăng phải thực hành trong suốt bữa ăn, không được chuyện trò vô ích; vì vậy trong bữa ăn, các vị Tăng đều yên lặng để thực hành Ngũ Quán, nếu nói cười lăng xăng thì làm sao mà quán sát cho được.
Ðức Phật dạy: Nếu thiếu Tam đề, Ngũ quán thì thức ăn không tiêu, nghĩa là mắc nợ chồng chất, nghiệp chướng đầy rẫy, phải trả quả nặng nề khổ sở. Ðức Phật dạy các vị Tăng không được ăn quá giờ Ngọ, vì ăn cơm chiều thì nặng bụng khó ngồi thiền, tĩnh tâm, lại làm các quỷ đói nghe tiếng động của bát chén mà thèm ăn uống.
Như vậy rõ ràng là hưởng sự cúng dường của thí chủ rất là khó khăn và đáng sợ, ai phí phạm của Thường trụ là phải trả quả báo nặng nề, đừng tưởng của chùa muốn sao cũng được. Các cụ Việt Nam thường dạy con cháu: Của chùa lấy một, đền mười. Các vị Tăng cần phải quán tâm về sự hưởng thụ và phải tinh tấn tu hành để đáp lại công ơn của thí chủ, nếu không thì sẽ chịu quả báo như câu chuyện Thạch nữ sau đây:
Hoàng hậu vợ vua Ba Tư Nặc (Ấn Ðộ) đi nghe Phật thuyết pháp, thường ngồi kiệu do bốn Thạch nữ khiêng (Thạch nữ là người ái nam, ái nữ, không có dục tính, tâm tình thô bạo, thân thể cứng như đá). Phật dạy: "Một kiếp nọ có bốn vị Bà La Môn xuất gia nhưng lười biếng chẳng chịu tu hành; họ mưu mô với nhau, ba người ngồi dưới gốc cây giả dạng thiền định, còn người thứ tư vào thành nói rằng có ba vị A La Hán đã đắc quả, ai cúng dường thì được nhiều phước báu. Họ cứ thay phiên nhau mà loan truyền như vậy, dân chúng kéo đến cúng dường rất đông, do đó bốn người được no đủ. Trong số thí chủ có một bà già nghèo khổ, làm lụng khó nhọc mới có đủ cơm ăn, nhưng ngày nào cũng nhịn một bát cơm để cúng dường bốn vị này, nhận mấy vị này làm Thầy, hầu hạ, quét dọn với một tâm ý hoàn toàn thanh tịnh. Do phước báu tốt đẹp, kiếp này bà sinh làm Hoàng hậu, giầu có xinh đẹp. Còn bốn vị Bà La Môn tu hành giả dối thì tái sinh làm Thạch nữ khiêng kiệu hầu bà để trả nợ tiền căn." Nghe Phật nói xong, Hoàng hậu sợ quá, không dám bắt bốn vị Thầy cũ của mình ở kiếp trước phải khiêng kiệu, hầu hạ cực nhọc, mà cho họ được tự do, thoát vòng nô lệ. Nhưng được tự do, bốn người Thạch nữ lại không sao kiếm được miếng ăn, vì dân chúng chẳng ai muốn mướn họ. Bị đói khát, họ lại đến xin Hoàng hậu cho tiếp tục khiêng kiệu như trước.
Thiết tưởng câu chuyện này đáng được nhiều người suy gẫm, các vị xuất gia phải tu hành sao cho xứng đáng là Tăng, còn các Phật tử tại gia hãy suy xét, cúng dường những vị Tăng chân chính.
Ðức Phật luôn luôn nhắc nhở các vị Tăng phải tu hành tinh tấn, trên cầu đạo giải thoát, dưới cứu khổ chúng sinh, sống cuộc đời dứt bỏ, coi danh lợi như mớ tóc đã cạo ngày xuất gia, ngày đêm nhớ luật vô thường, nắm lý vô ngã, cần tu hành như lửa cháy đầu, đêm đặt mình xuống giường không biết sáng mai còn thở nữa không? Quỷ vô thường đến gọi lúc nào không báo trước, và cũng không hẹn phút giây.
Trên đây chỉ là phác họa những định nghĩa, giới luật và lý tưởng của một vị Tăng. Nếu ai đã có đủ những điều kiện này, thì đó là một vị Tăng chân chính, đúng là con Phật, chúng ta cần quỳ lễ lạy, thân cận học hỏi và cúng dường. Ðó là chúng ta đã tìm thấy Tăng, đúng nghĩa chân thật của người con Phật "Chúng Trung Tôn", nghĩa là người đáng được tôn kính trong Tăng chúng. Nhưng trái lại, nếu thấy một vị Tăng nào, cũng ở chùa, giữ chức tước này nọ mà không theo được phần nào những điều kiện tối cần trong việc tu hành, thì đó không phải một vị Tăng chân chính, không xứng đáng là con Phật, chúng ta cần phải lánh xa, đừng vin vào câu "Thờ Phật thì trọng Tăng", kẻo vô tình làm hại các vị đó kiếp sau phải trả quả cực nhọc như các Thạch nữ.
Tìm thấy Tăng qua hình bóng của một vị xuất gia giữ giới tu hành chân thật, mới là đứng về mặt Sự mà thôi. Còn cao hơn một bậc nữa nếu đứng về Lý thì Tăng là sự Thanh Tịnh, Hòa Hợp, Nhu Nhuyễn, tượng trưng cho một đời sống thanh cao, an tĩnh, huyền diệu, tất cả những gì thanh thoát nhẹ nhàng, nâng cao con người hướng về nẻo thiện, quay về Chân lý, như làn gió mát đồng quê, như bản nhạc êm dịu, như ánh trăng trong sáng xuyên qua bóng tối chập chờn, như tiếng chuông chùa văng vẳng buổi hoàng hôn... tất cả những gì nhắc nhở chúng ta phải bỏ lòng ích kỷ, mở rộng tình thương, phải sống cho muôn loài, phải giúp ích xã hội cùng tiến trên con đường làm lành lánh dữ, tự giác giác tha... đó chính là Tăng, là lý tưởng của cuộc đời giải thoát.
Tìm biết lý tưởng tu hành, sống với lý tưởng, đạt được lý tưởng, thì chúng ta đã tìm thấy Tăng, là đức tính thanh tịnh sẵn có trong Tâm. Ðừng vọng ngoại tìm cầu, vị Tăng thanh tịnh lúc nào cũng có sẵn trong Tâm; hãy lắng lòng mà quay về bên trong thì sẽ trông thấy Tăng, nghe thấy Tăng và học hỏi với Tăng, đây mới chính là vị Thầy chân chính, cao quý hơn hết, đây mới chính là vị Thầy sẽ hướng dẫn chúng ta đến chỗ giác ngộ và giải thoát. Chúng ta cần quy y với vị Tăng trong Tâm chúng ta, một vị Thầy không bao giờ sai lầm, ngài sẵn sàng dạy dỗ chúng ta như mẹ hiền thương con, miễn là chúng ta biết quay về với ngài, đó là vị Tăng thanh tịnh, đó chính là Chân Tâm, Phật Tánh.
oOo
Ghi chú:
(1) Trích: Minh Tâm, "Tìm Phật Ở Ðâu?", NXB Văn Nghệ, California,
Hoa Kỳ
(2) Chân thành cảm tạ anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm đánh máy lại
bài nầy.