This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chúng Ta Cùng Một Thân Thể

Thích Nhất Hạnh

Trích "An Lạc Từng Bước Chân", NXB Lá Bối, 1995


Có hàng triệu người chơi thể thao trên thế giới. Khi ta xem một trận đá bóng, ta thường theo phe này hoặc phe kia, có thể ta mới có thể theo dõi trận đấu một cách hứng thú. Khi cầu thủ phe ta đá bóng thì ta cũng muốn đưa chân ra để đá theo. Khi phe ta thắng thì ta cũng nhảy nhót mừng rỡ, khi phe ta thua, ta cũng thất vọng não nề.

Trong chiến tranh cũng vậy, ta cũng ưa thích theo phe. Ta thường bênh vực phe bị áp bức. Ta tranh đấu bằng cách la ó phẫn nộ; ít khi ta chịu vượt lên trên những tranh chấp để nhìn cho rõ, như một bà mẹ nhìn đàn con đang đánh nhau.

Việt Nam có câu tục ngữ: gà một nhà bôi mặt đá nhau. Vì ta bôi mặt nên ta mới không thấy rõ nhau, tưởng người kia là người lạ. Vì vậy ta mới bắn vào người kia. Chỉ khi nào ta thấy được mọi người là anh em một nhà, mỗi người là một phần của thân thể thì ta mới có thể nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, mới có thể hòa giải.

Trong cuộc đời, ta phải tự nhủ là mình may mắn khi ta gặp được những người biết yêu thương cả loài vật và cây cỏ. Có những người dù sống trong an bình vẫn không quên hàng triệu người đang đói khổ, bệnh tật. Những người đó đã thấy được sự liên hệ mật thiết của mọi loài mọi sự với nhau. Họ hiểu rằng những nước giàu có không thể nào sống sót nếu không có những nước kém mở mang và nghèo khổ. Sự nghèo khổ thiếu thốn, sự áp bức bóc lột đưa đến chiến tranh. Trong thời đại chúng ta, khi chiến tranh xảy ra, tất cả các nước đều cảm thấy đang lâm chiến. Số phận của nước này dính líu tới số phận của nước kia.

Ðến khi nào thì gà nhà mới hết bôi mặt để đá nhau? Ðến khi nào chúng ta mới thấy rõ chúng ta là anh em, là một phần của thân thể? Có lẽ mỗi ngày chúng ta phải nhìn nhau mà nói rằng: "Tôi là em của anh. Tôi là chị của em. Chúng ta đều là con người. Chúng ta chỉ có một cuộc sống."

Hòa Giải

Ta phải làm gì khi ta gây tổn thương cho người khác và khi họ trở thành kẻ thù của ta? Người đó có thể là một người thân trong gia đình hay là một người bạn. Ta chẳng cần phải làm gì nhiều.

Ðiều trước tiên là ta phải có thì giờ để xin lỗi. Ta nói: "Tôi rất tiếc về việc đã xảy ra. Tôi thành thật xin lỗi. Tôi đã thiếu sáng suốt, thiếu hiểu biết. Tôi sẽ cố gắng thay đổi. Sẽ không bao giờ tôi nói và làm như vậy nữa". Nhiều khi ta không cố tình làm cho người khác buồn và giận, nhưng vì thiếu chánh niệm hoặc vì vụng về nên ta đã làm thế. Cho nên chánh niệm rất cần thiết trong đời sống hàng ngày. Có chánh niệm ta tránh được những lỡ lầm trong khi nói và làm.

Ðiều thứ hai là ta biết khai triển phần hoa trong ta và chuyển hóa phần rác. Khi ta trở nên nhẹ nhàng tươi mát và dễ thương, người kia từ từ sẽ thấy và sẽ hiểu rằng ta đã thay đổi. Lúc đó ta chẳng cần nói gì thêm. Người ấy đã thấy và đã tha thứ cho ta. Cho nên hãy nói bằng chính cuộc sống của mình chứ không chỉ bằng lời nói.

Khi thấy được người kia đang đau khổ là ta đã bắt đầu có sáng suốt. Và khi trong tâm ta nẩy nở ý muốn làm vơi bớt nỗi khổ của người kia là ta đã bắt đầu có tình thương chân thật. Nhưng hãy cẩn thận. Ðôi khi ta tưởng là ta đã vững vàng rồi. Muốn biết chắc, ta nên tìm đến người kia, nghe người kia nói thì ta mới biết rõ là ta đã thật sự thương người kia chưa. Nếu chỉ ngồi đó mà nghĩ rằng mình đã hiểu và thương người kia thì đôi khi đó chỉ mới là sự tưởng tượng.

Hòa giải không có nghĩa là ký kết một hiệp ước với dã tâm và sự thiếu lương thiện. Nếu còn có tham vọng, còn có chủ tâm chia phe chia nhóm thì đó không phải là hòa giải. Phần lớn chúng ta vẫn còn muốn theo phe này hay phe kia khi có tranh chấp. Chúng ta vẫn còn ưa thiên lệch, phán đoán đúng sai căn cứ trên những tin đồn nhiều khi thất thiệt, vẫn còn muốn nuôi dưỡng căm thù để làm động lực hành động. Lòng bất nhẫn tuy tốt nhưng vẫn không đủ. Xã hội này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động. Xã hội này cần những người có từ tâm, không phe phái, thấy được sự thật một cách toàn diện. Khi nào ta thấy được một em bé Uganda chỉ còn da và xương là chính bản thân ta, khi nào ta thấy sự đói khổ đó là sự đói khổ của chính ta, khi ấy ta mới hiểu được thế nào là tình thương vô phân biệt. Lúc ấy ta mới thao thức tìm đủ mọi cách để làm vơi bớt nỗi khổ của muôn loài.

Hãy Gọi Ðúng Tên Tôi

Ở Làng Hồng, mỗi tuần chúng tôi nhận được hàng trăm bức thư từ các trại tỵ nạn gửi về, những bức thư tràn ngập những đau buồn tủi nhục, đọc mà rớt nước mắt. Chúng tôi thật sự không biết làm cách nào để làm vơi bớt những đau thương dù chúng tôi cố gắng hết lòng. Người ta kể rằng rất đông những người vượt biển đã bỏ thây trên biển cả. Số còn lại lên được bờ thì sống lây lất qua ngày trong những trại tỵ nạn.

Không những phụ nữ mà cả một số các em bé gái cũng bị hải tặc hãm hiếp. Liên Hiệp Quốc và chính quyền Thái Lan đã cố gắng can thiệp nhưng nạn hải tặc vẫn hoành hành trên biển. Có một bức thư kể chuyện một em bé mười hai tuổi bị hải tặc hãm hiếp phải nhảy xuống biển tự tử.

Khi nghe tin này, ai mà chẳng tức giận và chỉ muốn xách súng bắn chết tên cướp biển. Nhưng nếu nhìn sâu hơn ta sẽ thấy nhiều điều cần thấy. Ta thử đặt mình vào địa vị tên hải tặc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ ở ven biển Thái Lan, không được dạy dỗ, không được đi học, cha đi biển về chỉ biết uống rượu say, suốt ngày lêu lổng theo bạn bè xấu, lớn lên trong hoàn cảnh đó chắc ta cũng sẽ trở thành hải tặc mà thôi. Hàng ngày ở vịnh Thái Lan có hàng trăm em bị sinh ra trong hoàn cảnh tương tự và nếu chúng ta, những nhà chính trị, xã hội và giáo dục không lo tìm cách để thay đổi hoàn cảnh các em thì hai mươi năm sau, các em đó cũng sẽ trở thành hải tặc. Do đó, nếu ta xách súng bắn những em đó tức là chúng ta bắn chính chúng ta vì ta là người có trách nhiệm về tình trạng này.

Bài thơ "Hãy Gọi Ðúng Tên Tôi" có ba nhân vật: em bé gái, tên hải tặc và tôi. Chúng tôi nhìn nhau mà chúng tôi có nhận ra nhau không? Hãy gọi đúng tên tôi. Tôi có nhiều tên lắm. Chỉ cần gọi ra một tên là tất cả đều lên tiếng một lần.

Hãy gọi đúng tên tôi

đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
làm đọt lá trên cành xuân
làm con chim non cánh mềm
chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá

tôi còn tới để khóc để cười
để ước mong để lo sợ
sự xuất nhập của tôi là hơi thở
nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần
của hàng triệu trái tim

tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
tôi là con ếch bơi trong hồ thu
và cũng là con rắn nước trườn đi
tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
tôi là em bé nghèo Uganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra,
hai bàn chân bằng hai ống sậy
tôi cũng là người chế tạo bom đạn
để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi

tôi là em bé mười hai, bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
tôi là người đảng viên cao cấp cầm quyền sinh sát trong tay
và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân
đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo

nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu

hãy nhớ gọi đúng tên tôi
cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười
cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
hãy nhớ gọi đúng tên tôi
cho tôi giật mình tỉnh thức
và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
cánh cửa xót thương

Khổ Ðau Là Chất Liệu Nuôi Dưỡng Tình Thương

Ở Việt Nam, trong bốn mươi năm qua, đạo Phật đã đi vào cuộc đời. Trong chiến tranh, chúng tôi không thể chỉ ngồi thực sự thực tập thiền tọa và tụng kinh trong chùa. Chúng tôi thực tập thiền ở khắp nơi, nhất là những nơi có khổ đau, chết chóc.

Tiếp xúc với những khổ đau trong chiến tranh, ta có thể chữa lành những khổ đau của riêng mình, những khổ đau từ một đời sống hời hợt, thiếu ý nghĩa. Khi phải đối diện với chết chóc, với thương tích, với máu chảy, ta nhận ra rằng ta có thể là nguồn an ủi cho những kẻ đang khổ đau, ta có thể giúp họ bằng tình thương, bằng niềm vui, ta không phải là một kẻ vô ích. Cho nên ngay giữa những khổ đau tột cùng, giữa những gian lao nguy hiểm, ta vẫn thấy có một niềm vui lớn khi hiểu được rằng thế nào là thực tập tình thương. Một mùa đông kia, tôi đã cùng một vài người bạn đi thăm một trại tỵ nạn ở Hong Kong. Ở đó chúng tôi chứng kiến rất nhiều điều thương tâm. Có những em bé mới một hay hai tuổi đã phải theo cha mẹ vượt biển ra đi, trong chuyến đi các em đều mất cả cha lẫn mẹ. Thế mà bây giờ người ta sắp sửa trả các em về nước vì người ta cho là các em đã ra đi một cách bất hợp pháp. Khi chính mình tai nghe mắt thấy những cảnh tượng thương tâm này, ta thấy những đau khổ của bạn bè ta ở Âu châu hay Mỹ châu thật chẳng đáng kể.

Sau mỗi chuyến cứu trợ trở về, tôi thấy thành phố Paris thật là xa lạ, như ở trong mơ. Tôi thấy hai thế giới sao mà cách biệt nhau quá, một bên khổ đau tràn ngập, một bên phù phiếm xa hoa. Tôi tự hỏi tại sao ở đây người ta có thể sống được như vậy trong khi tình trạng bên kia quá thê thảm? Nếu bạn chỉ ở Paris suốt mười năm không tiếp xúc gì hết với thế giới bên ngoài thì bạn sẽ thấy ở Paris người ta sống như vậy là điều tự nhiên.

Thực tập thiền là để tiếp xúc. Ðôi khi không cần phải đến tận nơi có khổ đau mới tiếp xúc được. Ta chỉ cần ngồi yên một chỗ, theo dõi tình hình đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là ta có thể hiểu và thấy được tất cả. Ta để tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh, nên ta có thêm hiểu biết, thêm yêu thương và ta bắt tay hành động ngay tại nơi ta ở mà chẳng cần phải đi đâu xa.

Thích Nhất Hạnh (1995)


Chân thành cám ơn Chị Dương Kim Nguyệt đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (06/97)