Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Thời tiết Úc Châu thật là khác biệt so với các quốc gia ở trong cùng một thời đạo hoặc trong các thời đạo kế cận như : Nam Dương, Thái Lan và Việt Nam. Mùa Vu Lan, ở miền Bắc Việt Nam là tiết thu, nắng vàng, gió heo may. Mùa này là mùa của thi ca và âm nhạc : hơi thu đã thấm đượm trong văn học, nghệ thuật của người Việt khá sâu đậm, chan chứa những cảm tình thanh cao, man mác, tuy có thoáng buồn nhưng thật là thơ mộng. Ở Úc Châu, dù ở Tây Úc là miền tương đối ấm áp hơn các tiểu bang miền Ðông, nhưng mùa Vu Lan khí hậu cũng khá lạnh giá; chẳng bao giờ có cơ hội được nhìn thấy hình ảnh :
... Trận gió thu phong rụng lá vàng,
Lá bay tường bắc là bay sang...
trong thơ của Thi sĩ Tản Ðà; hoặc:
... Em không nghe rừng thu?
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Ðạp trên lá vàng khô.
trong thơ của Thi Sĩ Lưu Trọng Lư.
Bây giờ những con nai biệt xứ, nhất là những con nai cao niên đã rụng gạc, tuy không đạp lá vàng khô trong rừng thu, nhưng vẫn khó lòng thích ứng với trào lưu sinh hoạt của Tây Phương: vẻ bên ngoài thì cũng nhiều lúc vui cười rộn rã góp với niềm vui của thế hệ con em; nhưng về nội tâm thì quả thực càng ngày càng ngơ ngác hơn, trong môi trường sinh hoạt thật là dị biệt so với môi trường sinh hoạt của quê hương.
Ðôi khi, tôi tự hỏi, cái gì làm cho tôi luyến tiếc giải đất đầy những kỷ niệm thương đau và sót xa ấy? Tôi cũng cố gắng tự trả lời mình một cách trung thực, nhưng hình như tâm hồn của con người, không những chỉ chịu ảnh hưởng của các biến cố sinh hoạt mà còn luôn luôn tự trôi dạt theo ảo giác của những ước vọng bất thành trong cả dĩ vãng lẫn hiện tại... cho nên những giải đáp của tôi chẳng bao giờ làm cho tôi thỏa mãn chút nào cả, vì trước sau nó chỉ là sự cô đọng của luận lý chứ không phải sự cô đọng của ảo giác.
Càng suy tư thì ý thức càng vọng động, làm cho có lúc tôi đã chợt hoài nghi cả cái tâm tư thầm kín của mình, ngờ vực rằng cảm tình hoài hương của tôi, phải chăng, cũng chỉ là một thứ ảo giác phát khởi từ những sự kiện đã vuột khỏi tầm tay; vì trong những ngày tháng chờ xuất cảnh sang Úc Châu đoàn tụ với con cái, tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra nổi cái thi vị của đời sống tại quê nhà, mà chỉ thấy đó là một môi trường sinh hoạt khủng khiếp, càng rời bỏ sớm được ngày nào càng tốt thôi. Tôi cũng tự hỏi mình rằng, giả dụ như tôi có cơ hội trở về sống tại Việt Nam thì tôi có chấp nhận về quê nhà hay không? và nhất là khi về Việt Nam trở lại thì tôi có còn giữ được cái thi vị phát khởi từ hoài bão hiện tại của tôi không? hay lúc bấy giờ tôi lại lựa chọn cuộc sống xa xứ, hoặc tôi trở về quê nhà nhưng lại cảm thấy không xứng ý, vừa lòng bằng cứ ở nguyên tại Úc Châu này?
Khi ngoài sáu mươi rồi tôi mới khẳng định được một điều là sự không xứng ý toại lòng chỉ thật sự là không xứng ý toại lòng khi nó trở thành hiện thực. Cho nên trong ảo giác của những ước vọng bất thành hoặc chưa thể hiện, người ta chỉ hình dung ra được cái thi vị của những ước vọng bất thành hoặc chưa thể hiện đó chứ chẳng bao giờ chịu nhìn vào mật trái của cái thi vị đó bao giờ cả. Cũng vì vậy, tôi rất thông cảm với thế hệ con em là thế hệ trẻ trung mà các sự không xứng ý toại lòng trong đời sống thực tế chưa làm cho chúng có kinh nghiệm bản thân để ý thức cả hai mặt, phải và trái, của các vấn đề đối diện ngõ hầu chịu cho lý trí được dự phần trong sinh hoạt tự thân, mà cứ quen sống theo cảm tính và ảo giác thôi.
Cuộc sống tại Úc Châu, có thể nói là khá an vi, ngoài hệ thống an sinh xã hội và hệ thống yểm trợ y tế khá rộng rãi, nếp sống tại đây tương đối không có bon chen, đua đòi quá độ như nếp sống tại Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt tại Tây Úc là một cộng đồng hiền hòa, nên kiều bào tại đây thỉnh thoảng cũng có cơ hội gập gỡ nhau một cách thân ái. Thành phố Perth có ba ngôi chùa Việt Nam, gia đình tôi thường lui tới Quán Thế Âm Ni Tự, vì chùa tọa lạc gần nơi tôi cư trú. Gia đình tôi luôn luôn có mặt trong các buổi lễ chính trong năm, tổ chức tại chùa, như : Tết Nguyên Ðán, Thượng Nguyên, Phật Ðản, Lễ Vu Lan và Hạ Nguyên v... v...
Những năm đầu tiên đón nhận bông hồng trắng trong ngày lễ Vu Lan, tôi chỉ hoài niệm công ơn của các bậc sinh thành; năm nay, trong niềm xúc cảm mỗi ngày một già dặn và thành khẩn hơn, tôi mới thực sự bình tâm để kiểm điểm lại bổn phận làm con của mình. Trước đây, tôi không có thì giờ rỗi rãi để tìm hiểu tường tận về nền luân lý cổ truyền cho nên mặc dầu xuất thân từ một gia đình nho học có phong thể sinh hoạt rất mực nghiêm cẩn, tôi vẫn chỉ có một ý niệm khái quát chứ thật chưa hiểu biết đến nơi đến chốn các sắc thái điển thường của truyền thống sinh hoạt kế tồn.
Trên mặt hiếu đạo, tôi chỉ quen hiểu là biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ và đừng bao giờ làm cho cha mẹ buồn về mình. Với ý niệm đinh ninh đơn giản như vậy, trong suốt thời gian cha mẹ còn sinh tiền, tôi đã không bao giờ cãi lời cha mẹ, và cố gắng tạo dựng một gia đình chỉnh đốn để cha mẹ tôi được yên tâm và hãnh diện về tôi. Tôi đã thể hiện chu đáo tâm nguyện này, nên cha mẹ tôi đã khá hài lòng khi thấy gia đình tôi êm ấm, các con tôi lại ngoan ngoãn và học hành tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, ngoài những việc đó, tôi không phụng dưỡng gì được cha mẹ tôi trong lúc tuổi già cả. Bây giờ tôi chỉ còn có thể biểu hiệu hiếu đạo qua sự cầu nguyện cho hương linh của các người được siêu sinh tịnh độ thôi.
Nhìn lại, quá trình làm con của mình, trên mặt tiêu cực có thể nói tôi đã không phụ lòng giáo dưỡng của cha mẹ, nhưng trên mặt tích cực thì tôi chưa hề đền ơn đáp nghĩa gì qua sự phụng dưỡng. Khi cha mẹ tôi còn sinh tiền thì tôi thường lấy nê rằng mình bận lo cho con cái nên khá sao nhãng trong việc sớm hôm thăm hỏi; vì sau khi mất miền Nam, nhà tôi phải đi cải tạo, quả thực tôi đã phải vô cùng vất vả mới lo cho con cái tiếp tục học hành được.
Nhưng có những việc, nếu không làm trong ngày hôm nay, thì trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, sẽ không có bao giờ có cơ hội để làm nữa. Một trong những việc đó là việc phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già vậy. Bây giờ cha mẹ tôi đều đã qua đời, tôi cũng đã đủ chín chắn để thành khẩn kiểm điểm mình nên không hổ thẹn gì để nhìn lại chân diện mục cái đạo làm con của chính mình.
Tôi tự hỏi, ngay cả trong thời gian tôi cực kỳ vất vả là từ năm 1975 cho đến năm 1984, nếu tôi nhiệt thành chăm sóc cha mẹ thì tôi có thể làm được việc đó không? Tôi không thể tự dối mình, dối Trời, dối Phật được nữa, mà phải thú nhận rằng thái độ sơ suất của tôi đối với cha mẹ chỉ do ở sự thiếu nhiệt tâm : lúc tôi rất vất vả tôi không thể sớm hôm tới lui chăm sóc cha mẹ, nhưng không phải vì thế mà thỉnh thoảng tôi không thể bỏ ra nửa tiếng đồng hồ để ghé thăm cha mẹ được; lúc tôi nghèo tôi không thể hiến dâng sơn hào hải vị cho cha mẹ, nhưng không phải vì thế mà thỉnh thoảng tôi không thể quà cáp đôi chút lấy thảo để biểu thị sự kính yêu của mình được! Cho nên có những điều trước đây mình thắy không có gì sai quấy mà bây giờ lại thấy là sai quấy. Nếu không có sự trưởng thành về ý thức thì không thể nào có sự trưởng thành về thành nhân, nhất là trên phương diện đạo đức và luân lý cả.
Sự thành tâm kiểm điểm của tôi, ngày hôm nay, như một bông hồng nở muộn. Ðiều làm tôi vô cùng hối tiếc không hẳn là tại bông hồng đã nở muộn trong tâm tư tôi, mà chỉ là bông hồng nở muộn đó đã vĩnh viễn mang mầu trắng chứ không bao giờ còn có thể nhuốm lại mầu đỏ thắm được nữa.
Tôi thành tâm kiểm điểm không phải nhằm mục đích vị kỷ, đánh động ý thức về hiếu đạo trong các con tôi, mà chỉ mong rằng kể từ mùa Vu Lan năm nay, tất cả những ai còn may mắn mang trên áo bông hồng mầu đỏ, hãy thể hiện một phần nào những gì nên làm đối với cha mẹ ngay trong ngày hôm nay đi. Một khi đã lỡ để cho cát bụi trở về với cát bụi rồi, thì cái cảm niệm hối tiếc, trước sau cũng vẫn chỉ là cảm niệm, ngoài việc day dứt tâm tư thật chẵng đem lại được ích lợi thiết thực gì cho cả những người đã khuất cũng như cho chính bản thân mình nữa.
Tôi xin quý vị cho phép tôi được khấn nguyện một vài lời: "Trước bàn thờ Phật và trong khói hương của ngày lễ Vu Lan, con xin cha mẹ tha thứ cho những sơ sót trong đạo làm con của con. Con cũng xin thành tâm cầu nguyện hương linh cha mẹ sớm được về an lạc nơi cõi Phật"
Tín nữ Diệu Chân.
Ðặc san Quán Thế Âm
Tây Úc, mùa Vu Lan 1997