Lược Khảo về Sự Tích và Ý Nghĩa Lễ Vu Lan

Nguyễn Phúc Bửu Tập

Thế Kỷ 21, 09/97, USA


Mỗi năm, sau lễ Phật đản, người Việt Nam thiết lễ Rằm Tháng Bảy rất lớn, còn gọi là lễ Xá tội vong nhân theo câu ca dao "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân." Phật giáo Bắc Tông (Ðại Thừa) thiết lễ Vu Lan; lễ này không thấy trong tập tục Nam Tông. Bài này tìm hiểu sự tích lễ Vu Lan, khởi thủy tại Ấn Ðộ. Lễ Vu Lan theo đạo Phật vào Trung Hoa, đã trở thành một ngày hội lớn từ thành thị đến thôn quê. Tại Ðại Hàn, Ðài Loan và Việt Nam, cho đến bây giờ hàng năm dân chúng không quên ngày Rằm Tháng Bảy. Riêng tại Nhật Bản là nơi các tập tục Phật giáo, cho tới cưới thế kỷ Hai mươi vẫn còn giữ nguyên vẹn truyền thống, lễ Vu Lan được tổ chức rất trọng thể. Kéo dài bốn ngày, bắt đầu ngày mười ba, mãn ngày mười sáu tháng Bảy. Chúng ta sẽ khảo sát các chi tiết của ngày lễ Phật đẹp đẽ này. Chúng ta cũng sẽ tìm cách giải thích nguyên do của buổi lễ tôn giáo đại chúng này trong phần sau bài.

Lễ Bon Vu Lan tại Ấn Ðộ.

Vì sao có lễ Bon Vu Lan? Trước khi Thích Ca khai sáng ra đạo Phật, người Ấn đã thiết lễ Bon, mà người Phật Bắc tông Ðông Á và Ðông Nam Á gọi là lễ Vu Lan. Ðạo Bà La Môn ở Ấn Ðộ tin rằng người chết có nhiều ràng buộc với người đang sống, và bổn phận người sống là phải thờ cúng người đã khuất núi. Vì lẽ đó mà đạo dạy là những kẻ vô thừa tự không sinh con cái nối dõi để tiếp tục thờ cúng tổ tiên, sẽ bị phạt tội rất nặng, bị đày xuống địa ngục. Ngày trước, ở Ấn Ðộ, người Bà La Môn đến tuổi trưởng thành phải đi tu học các nghi lễ cúng tế để phục vụ cộng đồng. Nhưng qua thời kỳ thụ huấn, y phải trở lại gia đình, lấy vợ, sinh con nối dõi. Y phải có con thừa tự, để đến lúc chết khỏi bị đọa đày ở địa ngục.

Lúc Thích Ca dựng lên đạo Phật, tông đồ của ngài đã từng sống trong niềm tin Bà La Môn. Những người từ bỏ gia đình để đi tu theo tăng đoàn phải có một cách để tự thuyết phục đi tu theo đạo Thích Ca không phạm tội vô thừa tự, vì tổ tiên sẽ được cứu rỗi bằng lễ Vu Lan.

Ðịnh nghĩa từ Vu-lan: Cho đến bây giờ các học giả đạo Phật đều thỏa thuận là chữ "vu-lan-bồn," phiên âm từ chữ "ura-bon-e," xuất xứ từ tiếng Phạn Sanskrit "ullambana," một hình thức đọc gọn chữ "avalambana," có nghĩa là treo ngược. Tiếng Trung Hoa dịch nghiã là "đảo huyền," treo ngược chân lên trời, đầu xuống đất, là một hình phạt vô cùng tàn khốc áp dụng cho các tội đồ. Người Trung Hoa phiên âm từ "ura-bon-e" thành từ "vu-lan-bồn," nói tắt là "vu-lan." Lễ Vu Lan trở thành một chức năng của tập tục thờ cúng tổ tiên, rất quan trọng trong nền văn minh của Trung Hoa và các nước lân cận chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa.

Học giả người Nhật Bunyu Matsuda sưu khảo trong đại tập Huyền Anh Diễn Nghĩa là một bộ kinh Phật gồm 25 tập, 449 quyển của đại sư Huyền Anh sống dưới đời Tùy, phiên âm và diễn dịch tất cả từ ngữ trong kinh điển nhà Phật từ tiếng Ấn Ðộ sang tiếng Trung Hoa. Trong tập số 13, chữ vu lan bồn được phiên âm và giải thích cặn kẽ. Ðại sư Huyền Anh viết: từ ura-bon mà ta dịch là vu lan bồn là một hình thức phiên âm sai lạc; phải viết đúng là ullambana mới có nghĩa là "đảo huyền."

Lại nữa, vào đời Thịnh Ðường, ở phủ Khai Phong, đại sư Tông Mật lại đưa ra một nhận định khác, khi ông viết phần Luận của cuốn Vu Lan Bồn Kinh. Ông viết: ullam không hẳn là tiếng Phạn, từ này gốc ở Trung bộ Á châu, nơi đạo Phật theo con đường Lụa hoằng dương vào Trung Hoa. Chữ ullam có thể hiểu và dịch là đảo huyền, nhưng chữ bana phiên dịch ra Hán ngữ là bồn, phải hiểu là một con thuyền hay một tấm ván, tấm bè làm khay, một cái chậu đựng thức ăn. Vậy toàn bộ chữ ullambana dịch sang Hán ngữ, phải được hiểu là "cứu giúp một con thuyền bị lật ngược, hay là quay lại cho ngay một tấm bè hay một cái khay, một cái chậu, bị lật ngược." Ðại sư Tông Mật giải thích là ngay trong bản kinh Ullamba Sutra (Vu-lan-bồn Kinh) cũng có đoạn nói đến cái khay. Ðức Phật dạy muốn báo hiếu chuộc tội cho cha mẹ, phải thành tâm "dâng đầy khay thức uống và hương hoa phẩm vật" cho các bậc tôn trưởng cầu xin họ giúp lời cầu nguyện.

Ý kiến phân giải của đại sư Tông Mật được đại sư Ðạo Thế là người trước tác bộ Pháp Uyển Châu Lâm yểm trợ. Tác phẩm này dày 100 cuốn, là một công trình hệ thống hóa hai mục Kinh và Luận trong Tam tạng kinh điển nhà Phật. Trong phần trích dịch Kinh Ullambana Sutra cũng có đoạn nói tới lời đức Phật dạy phải dâng "đầy khay" hương hoa quả phẩm cho tăng chúng để xin giúp lời cầu nguyện cho tổ tiên được siêu thoát.

Học giả Bunyu Matsuda còn dẫn thêm là tài liệu trong bốn cuốn kinh khác, "Vu-lan-bồn Kinh sơ, Vu-lan-bồn Kinh sơ hiếu hành châm, Thích Thị yếu lãm và Fan-i-ming i-chi (?)", để yểm trợ lời giải thích của Tông Mật. Công trình nghiên cứu bác học của thế hệ mới, đặc biệt là trường Nhật bản sung túc phương tiện trí óc và nhu cụ làm cho ta phấn khởi về tương lai của một nền Phật học hàn lâm. Tuy nhiên nếu đọc thật kỹ tài liệu trình bày hai ý kiến của hai vị đại sư Huyền Anh và Tông Mật cùng giải thích từ ngữ "vu lan bồn," ta có thể kết luận không sợ sai lạc nhiều là hai ý kiến có vẻ không tương phản, mà còn hỗ trợ nhau. Người học Phật bước đầu nghiêng về phía giản tiện, hãy dùng chữ "Vu Lan" để gọi ngày lễ "Rằm Tháng Bảy."

Lễ Vu Lan qua Kinh Phật Ullambana Sutra và một số kinh .

Mandgalyayana (viết theo Sanskrit; Moggallana, Pali; tiếng Hán phiên là Mục Kiện Liên, đọc tắt là Mục Liên, còn gọi là Ðại Mục Kiện Liên) là một nhân vật lịch sử, sống cùng thời với đức Phật. Ông ta là một vị giáo chủ có năm trăm đệ tử, xin quy y theo đức Phật, và được đức Phật xem là người đệ tử "thần thông bậc nhất." Kinh chép khi đắc đạo, trở thành la-hán, ông phóng nhãn quan xuống địa ngục tìm mẹ, thấy mẹ bị đọa đày vì kiếp trước bà mẹ làm lắm điều bất thiện. Ông lấy bình bát của ông đựng đầy cơm dâng mẹ. Bà mẹ cầm lấy ăn, tức thời cơm hóa ra lửa hồng tuôn vào mồm bà mẹ. Ông đau đớn đến trình đức Phật, được dạy là bà mẹ của ông kiếp trước nặng dày nghiệp chướng, phải chờ đến ngày Rằm Tháng Bảy, thiết đại lễ thỉnh đức Phật và tăng giới mười phương đến góp lời cầu nguyện và phù trợ mới có thể giúp mẹ ông giải tội. Ông hỏi lại đức Phật là nếu trong đại chúng ai có lòng hiếu thảo muốn chuộc tội cho cha mẹ có thể thiết lễ xin giải tội cho cha mẹ như ông được chăng. Ðức Phật phán rõ: "Mỗi năm, vào ngày Rằm Tháng Bảy, người con Phật phải tưởng nhớ cha mẹ tổ tiên (...) tìm cách đền công ơn dưỡng dục (...) bằng cách thiết lễ, lập đàn cầu nguyện chư Phật và chư tăng ra ơn cứu độ," thì cha mẹ tổ tiên được cơ hội xóa bỏ bớt tội lỗi từ muôn kiếp trước.

Ông Mandgalyayana làm đúng theo lời Phật dạy, và bà mẹ của ông được siêu thoát. Tăng đoàn và tín đồ Phật giáo noi theo gương ông và từ đó lễ Bon Vu Lan trở thành một lễ Phật.

Kinh điển nhà Phật, ngoài bộ kinh Ullambana Sutra, còn nhiều bộ kinh khác giải thích lễ Bon Vu Lan trong thời kỳ Phật giáo hưng thịnh tại Ấn Ðộ. Theo một số người học Phật, Kinh Mahapari nirvana Sutra, (Kinh Ðại Niết bàn), Quyển 16, kể chuyện đức Phật lúc đi truyền giáo có lần gặp một bộ lạc sống bằng cách giết người ăn thịt. Bộ lạc này được đức Phật cải quy và họ theo Phật quy y, nhưng họ không quen làm việc chăn nuôi, trồng trọt nên sống rất đói khổ. Ðức Phật răn dạy đệ tử trong vùng phải bố thí thực phẩm giúp đỡ họ. Lâu dần thành ra tập tục cúng lễ Bon Vu Lan.

Một cách giải thích khác lễ Bon Vu Lan là ông A Nan Ðà, người cháu và người đệ tử trung kiên nhất của đức Phật. Ông A Nan Ðà thường tiếp xúc với một ngạ qủy đói khát, bị phạt nuốt than lửa trong miệng, nên mỗi khi xin được thực phẩm trong bình bát, ông đem thực phẩm chia cho quỷ đói. Người đời sau bắt chước phép hành thiện của ông A Nan Ðà mà có lễ Bon Vu Lan.

Một nguyên nhân khác nữa giải thích lễ Bon Vu Lan tại Ấn Ðộ lấy dẫn chứng trong bổn Luật kinh Vinaya của trường Sarvastivada (Nhất thiết hữu bộ). Kinh ghi rõ lời dạy của đức Phật cho tì kheo đương thời là mỗi khi đi xin thực phẩm trở về chùa phải để dành một bát đầy thực phẩm cúng cho loại vong hồn Hariti. Hariti là một con quỷ cái chuyên giết người hút máu, bị kẻ thù rượt chém nên đánh lạc đứa con trai. Ðức Phật cứu đứa bé, dấu vào áo và đem trả cho người mẹ. Harati cảm kích, lại được Phật cảm hóa, bèn xin quy y, xin bỏ lệ giết hại người và xin chịu đói khát để đền tội. Phật dạy phải lấy lòng từ bi cấp dưỡng, và do đó có lệ Bon Vu Lan.

Lễ Vu Lan tại Trung Hoa

Phật giáo Ðại thừa ở Trung Hoa bắt đầu thiết lễ Vu Lan dưới thời Nam Bắc triều vào thế kỷ thứ Sáu. Tài liệu cũ nhất tìm thấy trong Phật Tổ thống chí ghi là lễ được thiết vào ngày Rằm Tháng Bảy năm 538 TL. Vua Vũ đế nhà Lương đến lễ Phật tại Ðông Ðài Tự và dâng lễ Vu Lan. Nhưng lễ Vu Lan ngày đó chỉ dành cho vua chúa và qúy tộc thiết lễ trong các ngôi chùa lớn, chưa phải là một dịp hội hè của dân gian. Phải chờ đến hai trăm năm sau, dưới triều Ðường Thái Tôn mới thấy trong Thích Thị ký cổ lược ghi rõ ngày lễ Vu Lan, tháng Bảy năm 766 TL, được thiết trong triều có lễ rước Kiệu Phật vào cung đình, và sau đó đem trưng bày Xá lợi tại Quảng An Môn cho dân chúng chiêm ngưỡng. Từ ngày đó lễ Vu Lan mới thành ra một ngày lễ cho đại chúng tham gia. Ðồng thời, ý nghiã của ngày Vu Lan cũng thay đổi như ta sẽ thấy ở sau.

Khoảng giữa thế kỷ thứ Tám, vào đời Ðường, có một vị pháp sư Ấn Ðộ tên là Amoghavajra, tinh thông giáo lý nhà Phật, muốn đạo Phật tập quán nhiều hơn vào truyền thống xã hội Trung Hoa tôn trọng việc thờ cúng tổ tiên, nên thay đổi ý nghĩa của ngày Vu Lan, làm thành ngày lễ hướng về tất cả vong hồn những người đã chết vì loạn lạc, chiến tranh, chết không có con cái thờ tự, chết vì nghèo đói; danh từ Phật gọi chung là ngạ quỷ. Cũng vào thời kỳ này gọi là Thịnh Ðường, đạo Phật trở nên cực kỳ hưng thịnh, cho nên cách thiết lễ Vu Lan cũng đổi thay. Ðến rằm tháng Bảy, trong mọi gia cư và tại chùa, dân gian xây đàn, làm chay để cúng vong hồn; đồng thời ngoài cộng đồng, nơi các chùa lớn lại có tục lệ tổ chức chưng bày các bảo vật thờ tự đức Phật, như là di tích của đức Phật (ví dụ, Xá lợi là di vật nhục thân của đức Phật đựng trong bình đá, bình ngọc) đem từ Ấn Ðộ sang, hoặc là các bổn kinh chép bằng chữ Sanskrist hay Pali, khắc trên đá, đẽo trên gỗ, chép trên lá cót, lá gồi...) cho dân chúng được phép chiêm ngưỡng. Ðồng thời nhà chùa lại khuyến khích các gia đình giàu có tham gia cuộc triển lãm bằng cách chưng bày các của riêng trân châu dị bảo cho khách thập phương từ xa đến thưởng ngoạn. Khách đi xem trong tỉnh, ngoài tỉnh đến dựng lều ở trên đất chùa, và tổ chức các buổi ca vũ, hát tuồng, thi đua tranh tài võ nghệ, thi đua khoe tài nấu nướng các món chay làm lễ cúng Phật và thết đãi người đồng đạo. Từ đó mà có ý nghĩa thiêng liêng "Ðại hội Vu Lan," xá tội cho những linh hồn chết bị nghiệp đày đọa và cởi mở cho những linh hồn sống vui tươi, hành thiện.

Ðại sư Amoghavajra hiểu rõ là đạo Phật từ Ấn Ðộ vào Trung Hoa phải vượt qua cái điều chướng ngại căn bản là truyền thống luân lý Trung Hoa từ lúc mới khai sáng, dựa trên nền tảng hiếu đạo: Nguyên thủy, đạo Phật dạy xuất thế, từ chối gia đình để hướng tới giải thoát nghiệp. Từ chối vợ con tức là chối bỏ cái sứ mệnh nối dõi giòng họ để cúng giỗ; từ chối gia đình tức là bỏ cha mẹ không nuôi dưỡng. Người Trung Hoa khó lòng mà chấp nhận giáo lý nhà Phật chủ trương như vậy.

Ðể giải quyết chướng ngại đó, đạo Phật phải tập quán vào xã hội vĩ đại của Trung Hoa bằng ba phương cách. Thứ nhất là dịch thuật và diễn giải các bộ kinh Phật liên hệ đến chữ hiếu, đã có sẵn rất nhiều trong kinh điển Sanskrist và Pali vừa mới du nhập vào nước Tàu, để chứng minh là giáo lý Phật cũng nặng chữ hiếu không kém truyền thống Trung Hoa. Phương cách thứ hai là thiết lập một số kinh điển mới do các đại sư Ấn Ðộ và Trung Hoa rút ý trong kinh điển nhà Phật viết ra, chú trọng vào hiếu để. Phương cách thứ ba còn siêu việt hơn nữa. Chữ hiếu cổ truyền của người Trung Hoa chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình: cha mẹ ông bà. Chữ hiếu của nhà Phật bao gồm người sống và người chết: những người đã chết trong bao nhiêu đời trước (tổ tiên), rộng hơn nữa là những người đã chết cô quả không người cúng tế, và chính ngay những người đang sống vì trả nợ kiếp trước. Chữ hiếu theo quan niệm nhà Phật bỏ cái quan niệm cá nhân và gia đình để bao trùm hoàn vũ, lại còn đi vào chiều sâu thời gian. Ý niệm hiếu để của đạo Phật vượt lên bậc siêu đẳng, đáp ứng với nhu cầu hướng thiện và hướng linh của con người.

Ta thử lược qua kinh điển để dẫn chứng cụ thể những điều nói trên. Ðời Hậu Hán, An Thế Cao (An Shih-Kao) dịch trước tiên hai bộ kinh liên hệ đến chữ hiếu: Kinh Thi-Ca-Việt Lục Phương Lễ, và kinh Phụ Mẫu Ân Nan Báo. Tiếp theo đời Ngũ đại, đại sư Tân Pháp Tư dịch bộ kinh Phật Thuyết Thiện Sinh Tử. Hai bộ kinh căn bản của trường Phật giáo Nguyên thủy là Trường A Hàm và Trung A Hàm, được dịch ra Hán văn từ thế kỷ Bốn và Năm cũng nhắc lại lời dạy của đức Phật về chữ hiếu.

Thế nhưng muốn đề cập đến vấn đề hiếu để trong đạo Phật, ta phải đọc đến hai bộ kinh căn bản là bộ Kinh "Bồ Tát Thiện Tử" nói đến một người con có hiếu tên là Thiện Tử và bộ Kinh "Vu Lan Bồn" do đại sư Pháp Phong dịch dưới đời Tây Tấn, nói đến sự tích Mục Kiện Liên, một vị đại đệ tử của đức Phật.

Kinh Bồ Tát Thiện Tử do một nhà sư vô danh dịch ra Hán văn dưới đời Tây Tấn, được chùa Trung Hoa xem là bổn kinh, nhưng thật sự là trích ra trong Truyện Tiền Thân của đức Phật (Jataka). Thiện Tử (Sanskrit là Syama; Pali, Sama) là một vị bồ tát đã tình nguyện đầu thai làm con một cặp vợ chồng đui mù đã phát nguyện từ bỏ đời sống phù du nơi thành thị, đến ở một hang núi để tu tập. Ðứa con lớn lên rất có hiếu với cha mẹ và đem cha mẹ vào ở trong một hang núi để thực hiện điều nguyện ước. Một hôm Thiện Tử đội chiếc áo da nai xuống suối lấy nước. Nhà vua đi săn qua đó, tưởng lầm là thú, bắn mũi tên độc vào chàng trai. Thiện Tử nằm chờ chết, không oán hận nhà vua, cho là mình chết vì nghiệp, nhưng tiếc thương vì còn cha mẹ già không ai nuôi dưỡng. Ông và bà cụ già mò đến xác Thiện Tử. Người cha ôm đầu con truyền hơi thở, người mẹ đặt miệng vào vết thương cố hút chất độc ra. Trong cơn đau đớn họ nguyện cầu đức Phật cứu độ. Tức thì Phật Quán Thế Âm hiện ra, chữa lành vết thương cho Thiện Tử, và đồng thời cứu cha mẹ Thiện Tử khỏi mù loà. Cuốn kinh kết luận bằng lời dạy của đức Phật là hiếu để sẽ thắng mọi điều khổ ải. Câu chuyện này rất phổ thông trong dân gian Trung Hoa. Chuyện Thiện Tử còn được nhắc lại trong hai bổn kinh là "Lục Ðộ Thập Kinh" và "Pháp Uyển Châu Lâm." Thầy Huyền Trang (Ðường Tam Tạng) cũng có thuật lại chuyện Thiện Tử trong sách "Ðại Ðường Tây Vực Ký".

Sang đời Tống, chuyện Thiện Tử được hoàn toàn Trung Hoa hóa, trở thành một trong hai mươi bốn mô hình của Nhị Thập Tứ Hiếu và Thiện Tử được đổi tên là Yến Tử, chi tiết câu chuyện được đặt vào một cảnh vực Trung Hoa hơn.

Chuyện hiếu của Mục Liên tả trong kinh Vu Lan Bồn lại càng phổ thông hơn trong các nước Á Ðông theo Phật giáo Ðại Thừa. Kinh Vu-lan-bồn do đại sư Ấn độ Pháp Phong (Dharmaraksha, Ðàm-ma-la-sát, phiên âm chữ Nho) dịch vào cuối đời Tây Tấn. Bổn kinh này liên hệ trực tiếp với lễ Vu Lan, nội dung của bổn kinh lại còn trình bày rõ ràng hơn quan niệm của đạo Phật về chữ hiếu, ta đã nói ở đoạn trên.

Ý niệm xuất thế của đạo Phật, bỏ nhà đi tu, không trọn hiếu đạo với cha mẹ, được Kinh Vu Lan giải tỏa và người Trung Hoa cùng với các dân tộc khác ở Á Ðông đã nồng nhiệt chấp nhận phương cách giải thích như vậy. Ở Trung Hoa ngày đó, sự tích Mục Kiện Liên được phổ cập quanh năm trong nhân gian, không những trong chùa vào ngày lễ lạc, mà ở khắp mọi nơi, trong nhà thành câu hát ru em, ngoài chợ thành bài vè cho người hát xẩm, tạo nên một loại văn chương gọi là biền văn. Ðầu thế kỷ Hai mươi, khi khám phá ra các động thờ Phật tại Ðôn Hoàng (Tân Cương) ngừơi ta tìm được nhiều bổn biền văn này, như là "Mục Kiện Liên biền văn," "Mục Kiện Liên Lục Khởi" và bộ "Ðại Mục Kiện Liên Minh Cứu Mẫu Kiến Văn tịnh độ." Các tài liệu này đều được trước bạ trong sách "Ðôn hoàng trích yếu lục" của chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc ấn hành tại Bắc Kinh năm 1931. Các bổn chánh đã bị người Âu châu chiếm đoạt, đem giữ tại Bibliothèque Nationale de Paris và British Museum.

Sự tích Mục Liên được kể rõ với đầy đủ chi tiết trong ba tài liệu nói trên, và từ ngày đó làm đề tài cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật tại Trung Hoa. Quan trọng hơn hết là một tác phẩm nghị luận (được kinh điển nhà Phật xếp vào bộ Luận) của đại sư Tông Mật. Nơi đây ta cần nói rõ hơn là ông xuất thân từ quý gia vọng tộc, từ nhỏ học đạo Khổng rất uyên thâm, và trở thành một bậc chân tu theo đạo Phật. Ông dựa trên Kinh Vu Lan để lập luận, so sánh chữ hiếu giữa đạo Khổng và đạo Phật. Theo ông, đạo Phật không khác đạo Khổng, đặt vấn đề hiếu đạo lên hàng đầu. Kinh Phật từ Ấn Ðộ sang "gồm có Kinh (là lời dạy của đức Phật) và Luật là giới hạnh của người tu Phật. Kinh đề ra nguyên tắc và trí huệ; Luật đề ra phép tắc để hành trì. Luật có cả hàng vạn điều, nhưng điều căn bản là hiếu đạo." Ông dẫn chứng bổn kinh Phạm Võng (được xem là kinh Luật căn bản của Phật giáo Ðại thừa): "Khi đức Phật giác ngộ dưới cây Bồ đề, Ngài công bố luật Pratimoskha (tùy thuận giải thoát) cho người tu đạo bồ-tát, và luật này dựa trên nền tảng hiếu đạo."

Tông Mật cho rằng Nho giáo dạy chúng ta sống xứng đáng để thanh danh lại cho con cháu đời sau, nhưng chính Phật giáo lại dạy ta điều nhập thế là truyền bá lòng từ bi nhân ái cho thế hệ hiện tại đang sống chung quanh ta. Nho giáo dạy lễ nghi, chẳng hạn ngày giỗ ngày Tết phải sát sanh để làm giỗ tổ tiên; đạo Phật hiếu sinh hơn, dạy ta cầu nguyện nhưng không sinh sát. Tông Mật còn đi xa hơn, đề quyết là đức Phật ngày xưa bỏ ngôi đi tu chính là vì "muốn báo hiếu cho cha mẹ, không muốn cha mẹ kiếp kiếp bị trầm luân."

Lập luận dựa trên kinh Vu Lan để trình bày quan điểm của đạo Phật đối với chữ hiếu, như Tông Mật và các nhà học Phật thời bấy giờ chắc chắn đã tháo gỡ được rất nhiều các mối dè dặt của giới nho sĩ đối với đạo của Thích Ca. Do đó mà vào đời Thịnh Ðường, lúc đạo Phật thâu hút toàn bộ nhân dân Á Ðông và Trung Hoa, người ta đã thiết lễ Vu Lan như là một ngày hội chánh, đầy ý nghiã tôn giáo và xã hội.

Lễ Vu lan và lễ Trung nguyên.

Một điều thường gây thắc mắc cho người học Phật là sự trùng hợp giữa lễ Vu Lan và lễ Trung Nguyên. Xã hội nông nghiệp Trung Hoa buộc người nông dân lam lũ suốt năm trừ ra ba dịp nghỉ ngơi giải trí: đầu năm có lễ Thượng Nguyên, giữa năm có lễ Trung Nguyên, và cuối năm lễ Hạ Nguyên. Một số nhà nghiên cứu về văn minh Trung Quốc khẳng định nguồn gốc của ba buổi lễ trên xuất từ đạo Lão, hướng mọi hoạt động nhân sinh về thiên nhiên. Vào dịp đầu năm, người nông dân vui sống hội hè đình đám suốt tháng giêng; vào cuối năm lại nô nức nghênh tiếp năm mới. Người Tàu thiết lễ Hạ Nguyên vào rằm tháng Mười. Giữa tháng Bảy là thời kỳ nắng bức nhất trong năm, cũng là lúc nông dân gặt hái mùa màng vừa xong, nên có cơ hội tổ chức hội hè đình đám làm lễ Trung Nguyên. Khí trời nắng ấm, người Tàu đi từ làng này sang thôn khác thăm viếng họ hàng và bạn bè, biếu xén qùa cáp. Lễ Trung Nguyên thành ra một cơ hội thắt chặc đời sống gia tộc và cộng đồng.

Lúc đạo Phật vào Trung Hoa, sẵn có tính cách linh động tập quán, lại gặp môi trường thuận tiện là người Trung Hoa rất chuộng thực tế, ghép ba buổi lễ trên thành ra ba ngày lễ Phật: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Lễ Vu Lan thành ra trùng hợp với lễ Trung Nguyên. Nhà chùa ngày đó rất giàu có, cung cấp cảnh trí cho sinh hoạt cộng đồng trong dịp Trung Nguyên, và vào ngày rằm thiết lễ Phật nơi chánh điện. Tập tục này từ Trung Hoa theo đạo Phật sang Nhật Bổn, ngày Trung Nguyên gọi là Chugen, lễ cúng cô hồn, ta sẽ nói ở sau.

Lễ Vu Lan có từ Ấn Ðộ hay xuất khởi tại Trung Hoa?

Ðọc kỹ những tài liệu ở trên về gốc tích lễ Vu Lan ở Ấn Ðộ và Trung Hoa do các học giả mới của trường Ấn Ðộ và trường Nhật Bổn trình bày, người học Phật như chúng ta không thể tự kiềm chế để đặt câu hỏi là lễ Vu Lan đã thật có tại Ấn Ðộ từ ngày xa xưa trước Thích Ca chăng, hay là lễ Vu Lan chỉ là một sản phẩm do nhu cầu hoằng dương đạo Phật lúc đạo Phật vào Trung Hoa. Vế thứ nhất của câu hỏi "trước Thích-ca có lễ Vu-lan không" có lẽ rất hợp lý, vì tại các quốc gia sống trong văn minh Ấn Ðộ và cùng thờ đạo Phật như Miến Ðyện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Nam Dương... không thấy thiết lễ Vu Lan. Tuy nhiên điều thắc mắc này dễ giải đáp. Tập tục thờ cúng người khuất vãn đã có trong kinh Vệ Ðà, trước đức Phật cả nghìn năm, tất nhiên phải được tiếp tục trong thời Phật giáo ở Ấn Ðộ, và vẫn tồn tại cho đến ngày nay tại Ấn Ðộ.

Vế thứ hai của câu hỏi, ta thử đặt lại cho gọn và dễ hiểu: Kinh Ullambana Sutra do đức Phật thuyết, được dịch qua tiếng Hán, hay chỉ là sản phẩm của tín đồ đức Phật khi đi truyền giáo sang Trung Hoa?

Nếu ta căn cứ trên bổn tài liệu về thư mục quan trọng nhất của kinh điển Phật giáo do đại sư Bunyo Nanjio soạn thảo Catalogue Chinese Translation of The Buddhist Tripitaka, Oxford 1883, Kinh Ullambana Sutra được ghi là đã chép qua văn tự dưới thời Phật giáo Nguyên thủy và sau, được dịch qua Hán ngữ. Nhưng có ba điểm nghi vấn mà các học giả trường Ðại thừa Nhật Bổn nêu lên, đề nghị phải nghiên cứu lại. Thứ nhất là về niên lịch và xuất xứ của cuốn kinh và cá nhân của dịch giả. Kinh điển nhà Phật được tổng kê vào nhiều bổn tổng thư mục (catalogue), và cuốn kinh Ullambana Sutra được tìm thấy trong bổn tổng thư mục Xuất Tam tạng Ký tập, Quyển IV, ấn hành vào khoảng thời gian 445-518 TL. Không có tên dịch giả, chỉ ghi đơn sơ một giòng: "Không thấy danh tánh dịch giả." Cuốn tổng thư mục tiếp theo Lịch đại tam bửu ký ghi cuốn kinh, lại có tên người dịch là đại sư Dharmaraksa (Ðàm-ma-la-sát, còn gọi là Pháp Phong), sống dưới đời Tây Tấn. Chỉ một tín hiệu là hai bổn tổng thư mục gần như đương thời mà một bổn có tên dịch giả, một bổn không, cũng đủ để cho đời sau nghi ngại.

Ðiểm nghi vấn thứ hai do chính cuốn kinh tạo nên. Từ ullambana được dịch là vu-lan-bồn. Ullam có nghiã là đảo huyền, treo ngược, phiên âm thành vu-lan, nhưng từ chữ bana qua chữ bồn (là chiếc thuyền, chiếc khay đựng thực phẩm) tuy có lời giải thích của đại sư Tông Mật và những điểm dẫn chứng, ta vẫn thấy khó thỏa mãn được điều đòi hỏi suy luận duy lý.

Ðiểm nghi vấn quan trọng hơn hết là nội dung bổn kinh. Ngoài bổn Vu Lan Bồn Kinh do Dharmaraksa dịch, ta còn tìm thấy trong đại tập Pháp Uyển Châu Lâm một bản dịch thứ hai với tựa đề Báo Ân Phụ Mẫu Kinh, không có tên dịch giả. Phần đầu của hai bổn dịch không thấy điểm nào khác nhau. Duy phần kết của bổn dịch hai Báo Ân Phụ Mẫu Kinh chấm dứt ở chỗ ông Mục Kiện Liên sau trai giới vào hạ ba tháng (từ rằm tháng Tư cho đến rằm tháng Bảy), dâng thực phẩm hương hoa cho tăng đoàn xin giúp lời cầu nguyện, và nhờ vậy bà mẹ được xóa tội đọa đày. Bổn dịch thứ nhất, Kinh Vu Lan bổn Kinh, dài hơn bổn thứ hai, có thêm đoạn ông Mục Kiện Liên cầu xin đức Phật cho tất cả cha mẹ tổ tiên của chúng sinh đang bị đọa đày, nếu có con cái hiếu thảo biết dâng lễ Vu Lan cầu xin chuộc tội, cũng sẽ được xóa tội. Ðức Phật đã phán quyết y theo lời xin.

Như vậy, các dữ kiện vừa trình bày trên dẫn đến kết luận là Kinh Vu Lan Bồn nhất định đã được đức Phật thuyết vào thời kỳ nguyên thủy. Vì nhu cầu hoằng pháp phải thích ứng vào bổn tính chuộng thiết thực của người Trung Hoa, phần phụ lục chi tiết ở đoạn sau đã được thay đổi khi phiên dịch tại Trung Hoa.

Lễ Vu Lan tại Nhật Bổn

Nước Nhật Bổn ngày nay đứng vào hàng đầu trong kỷ nguyên văn minh hậu kỹ nghệ, được sắp hạng tối ưu trong các lãnh vực tiền phong như điện toán, tín hiệu... Và cũng không có một dân tộc nào như người Nhật, đi mau và đi trước nhưng vẫn giữ tối đa nếp sống cổ truyền đã có từ mấy nghìn năm trước.

Lễ Vu-lan tại Nhật gọi là lễ Bon, viết tắt chữ urabon, còn viết là urambon. Trước Thế-chiến II, Vu-lan Bon là ngày lễ công lập, công sở và trường học đóng cửa, nhân công được nghỉ việc ăn lương. Hai ngày lễ quan trọng nhất trong năm là ngày Nguyên đán và ngày Vu Lan Bon. Tưởng cần nhắc lại là nước Nhật đang dùng dương lịch nhưng vài địa phương và trong các chùa vẫn giữ âm lịch. Tục lệ khuyến khích những người đi làm ăn xa gia đình trong dịp Nguyên đán và Vu Lan phải trở về nhà sum họp và dâng lễ cúng tổ tiên. Vì vậy mà vào hai dịp lễ lớn đó các phương tiện chuyên chở tư nhân hay công cộng đều tấp nập kèn kẹt từ cuối tháng Sáu cho đến giữa tháng Bảy.

Cho đến ngày nay, trong các cộng đồng truyền thông đặc biệt ở vùng quê, dân chúng chuẩn bị lễ Vu Lan Bon từ ngày mồng một tháng Bảy. Trong mỗi gia cư người Nhật đều có một bàn thờ Phật gọi là Budsudan. Ðầu tháng Bảy, người ta đặt trước bàn thờ Phật một chiếc bàn vong Shoryodana, trên bàn vong đặt bài vị để đón tiếp hương linh người qúa vãn. Ngày mồng Bảy gọi là ngày Nanoka Bon, gia chủ hay người trưởng tộc đi mở cửa mả (tức là quét dọn, làm cỏ) và làm lễ tại ngôi mộ gia tiên, và từ ngôi mộ về đến nhà trải một giây vải trắng gọi là bommichi để chỉ lối cho người chết trở lại nhà. Trên lối đi nhiều nơi còn treo đèn lồng ở mỗi khúc rẽ cho vong hồn khỏi lạc, và mỗi gia cư tứ bề thắp đèn lồng treo quanh máng xối. Nhiều gia đình ý tứ hơn, đem cúng cả ngựa, cả xe kết bằng rơm, hoặc bằng giấy, bằng hoa quả để cho người chết dùng làm phương tiện trở lại nhà. Ngày 13 gọi là ngày "đón vong hồn" (Mukac Bon), ngoài mộ và trên bàn vong chưng đầy hoa đẹp gọi là Bonbana. Lúc xế chiều, đốt đèn ngoài cửa tiếp đón vong hồn. Lửa này giữ cho đến ngày 16, gọi là ngày "tiễn đưa vong hồn" (Okuri Bon). Tại một vài địa phương lại còn có tục lệ nhảy múa Vu Lan gọi là Bon odori, chào mừng tổ tiên trở lại nhà sum họp với con cháu mỗi năm một lần. Sau Thế chiến II, để phát triển kỹ nghệ du lịch, lệ nhảy múa Bon odori được tổ chức rất đẹp và trọng thể.

Như trên đã nói, người Trung Hoa theo tập tục Ấn Ðộ thiết lễ Vu Lan, biến đổi thành ra buổi lễ chuộc tội cho tổ tiên riêng mỗi gia đình. Về sau, ý niệm từ bi của đạo Phật phát triển mạnh, lễ Vu Lan hướng về người chết nói chung, không riêng trong gia đình.

Người Nhật đem lễ Vu Lan vào nước Nhật dưới thời nữ hoàng Suiko và phát huy rõ hơn cái ý niệm từ bi hiếu sinh của đạo Phật. Chồng của nữ hoàng Suiko là Thánh Ðức Thái Tử trị vì từ năm 574 tới năm 622 TL. Ông là người phát huy đạo Phật lớn mạnh tại Nhật, đưa Phật giáo lên làm quốc giáo. Năm 606, nữ hoàng chỉ dụ cho tất cả chùa chiền trong nước thiết lễ Vu Lan, và tiếp tục mỗi năm. Người Nhật cũng theo đạo Phật Trung Hoa thiết lễ Trung Nguyên, gọi là Chugen, nhưng biến đổi có quy tắc hơn. Tại Nhật, lễ Vu Lan Bon được phân biệt hai phần: lễ cúng tổ tiên trong gia đình, và lễ cúng cô hồn. Lễ cúng cô hồn có tên là Segaki-e, có nghiã là dâng thực phẩm cho linh hồn bị phiêu bạt đói khát, là một ngày lễ Phật riêng biệt, thường không có ngày nhất định, nhưng về sau thiết vào dịp Vu Lan, lấy một ngày trong bốn ngày urabon làm lễ.

Giữa thế kỷ Mười chín, Thiên hoàng Minh Trị canh tân nước Nhật. Công cuộc duy tân và kỹ nghệ hóa buộc phải giản dị hóa các hội hè đình đám, nên lễ urabon và sagaki-e ngày nay biến thành lễ chung.

Nước Nhật phú cường hiện tại có khuynh hướng trở lại đời sống tinh thần và tôn giáo. Ta hãy nghe giáo sư Kenneth Chen, viện Ðại học Princeton, nói về lễ Vu Lan tại Nhật ngày nay ("Buddhism, The Light of Asia," Barron, New York 1978, người viết phỏng dịch trang 263). "Trong mỗi gia đình, dân chúng chưng dọn bàn thờ, dâng cúng hoa quả và thức ăn đặc biệt cho vong hồn. Chiếu trải ra giữa sân, đặt các món ăn như mì sợi, chè kê, canh bí ngô, canh dưa gang, cá hấp. Ðúng ngày mười ba, lại cúng một món chè trôi nước đặc biệt để tiếp đón khách vong hồn mới về. Ngày hôm sau mười bốn, cúng chè khoai và cà hấp trộn mè. Ngày mười lăm hay mười sáu cúng tiễn, có cơm đùm lá sen, và chè bọc nhân đậu. Mỗi ngày, hương đèn trên bàn thờ không để lụi, luôn luôn châm thêm hương hoa trà nước. Vào ngày mười ba, khi bắt đầu lễ, người trong nhà đi viếng và thắp đèn trên mộ, đồng thời thắp đèn ở cổng nhà, hàm ý dẫn đường cho vong hồn biết lối trở lại nhà hưởng cúng phẩm. Ngày mười lăm cúng tiễn, cũng thắp đèn gọi là đèn tạm biệt tiễn đưa vong hồn. Tại các làng xóm gần sông lạch và hồ biển, thường có người chết vì sông nước, lại có lệ sắm các thuyền bé tí hon, đặt cúng phẩm lên trên và thắp đèn đem thả xuống giòng nước. Cái hình ảnh đèn thắp trên cổng nhà, tiếp với ánh sáng le lói trên con thuyền tí hon dưới sông trôi xa theo ngọn nước, tiêu biểu cho cái ý niệm gắn liền người sống thực tại với người đã ra đi vào cõi hư vô."

Bài sưu khảo nhỏ bé này chỉ hoàn tất khi bổ túc được việc tìm hiểu lễ Vu Lan tại Việt Nam. Nếu chúng ta thử đặt qua bên cái mặc cảm sô-vanh, chúng ta phải nhận thức là các tài liệu nghiên cứu xã hội và tôn giáo của quê hương ta rất nghèo nàn. Suốt một thế kỷ sống dưới sự đô hộ của người Pháp, tiếp theo là một cuộc chiến tranh huynh đệ triền miên, có mấy đủ phương tiện và thì giờ để tìm học cặn kẽ những sinh hoạt tôn giáo như vấn đề nhỏ nêu ra ở đây là lễ Vu Lan. Ở Hà Nội hiện nay có một viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội (chắc phải có phần cho tôn giáo), ở ngoài nước các phương tiện chất xám và vật chất càng đầy đủ hơn, ta hy vọng trong tương lai sẽ được đọc và học một tác phẩm khảo cứu tường tận về lễ Vu Lan Việt Nam.

Nguyễn Phúc Bửu Tập
Thế Kỷ 21, 09/97, USA


[Trở về trang Thư Mục]