Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode Times font
Các bạn thân mến,
Ðem tâm tình mình viết ra không phải để khuyên nhủ bạn vào Ðạo của mình. Tôi không bao giờ có ý nghĩ như thế. Bạn cứ giữ và vững tin nơi Ðạo của mình - vì các Ðạo giáo có thể ví như những bông hoa tư tưởng muôn sắc, muôn hương. Chỉ xin bạn ưu ái mở rộng tầm nhìn và tìm hiểu một đạo giáo khác là Ðạo Phật cũng là một điều bổ ích. Có lẽ muộn chăng khi tôi đã tìm hiểu triết lý của Ðạo Phật và vào đạo. Tôi không ước mong đạt được thành quả Tu Ðà Hoàn...A La Hán, Bồ Tát hoặc quả vị Phật mà chỉ tìm chút an lạc trong một xã hội Tây Phương náo nhiệt, tràn đầy vật chất này.
Nhớ xa xưa, khi còn ở quê nhà, tại xã tôi, có một ngôi chùa tọa lạc tại xã Xóm Dầu, cạnh sông nhánh Tam Quan. Những ngày mồng một, rằm, ba mươi, quý cụ, nhất là quý bà, quý cô mang hoa quả đến chùa cúng Phật. Vị trụ trì già chỉ hành lễ, các bà các cô cúng bái, khấn vái, khẩn cầu. Với tính cách không phải là một Phật tử, bước vào chùa lần đầu tiên, trước những nghi thức lễ bái sùng kính có khi quá mức, tôi cảm thấy e dè và nghĩ rằng hình thức cúng kiến, sùng bái tượng gỗ đã đưa đến mê tín dị đoan. Ngày xưa lúc ở quê, lúc ở Biên Hòa, ở Sài Gòn rất hiếm có được nghe các vị danh sư thuyết pháp tại các chùa nên tôi có ý nghĩ lầm lạc như thế.
Tỵ nạn qua Tây Ðức, sống trong một xã hội Tây Phương, một xã hội tràn đầy vật chất, quay cuồng với truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, báo chí, tạp chí đầy quảng cáo, hình ảnh sex, tin tức bạo lực, tôi cảm thấy bất an vì nhan nhản hằng ngày xảy ra những cảnh cướp của, giết người, hiếp dâm cả trẻ con, những cảnh phi luân như cha mẹ ly dị nhau, rồi vì thất vọng giết con thơ ấu, những cảnh loạn luân xảy ra thường xuyên đăng trên một số báo giữa cha mẹ và con cái. Tôi bàng hoàng và tự hỏi "Một xã hội văn minh mà như thế sao?"
Nhớ lại, khi còn trẻ đọc "Ðông Chu Liệt Quốc", xã hội ly loạn như vậy mà suốt cả thế kỷ chỉ có một câu chuyện loạn luân trong cung cấm giữa anh và em gái thôi. Tôi ít gặp những tâm hồn thanh thản, sống tỉnh thức mà thường là những tâm trạng khắc khoải, lo âu cuộc sống. Nhất là ở xứ Mỹ này. Ai cũng cố "cày" và lo trả góp tiền nhà trong vòng 20 hoặc 30 năm. Một số lo không biết một ngày đẹp trời nào đó, chủ hãng có thể trao cho mình một tờ giấy, trân trọng báo tin rất làm tiếc không thể cùng nhau làm chung lâu dài. Job mất, nhà cũng khó bảo toàn. Thật vậy, xã hội tư bản mà Hoa Kỳ là đại diện đã thành công về kỹ thuật, phì nhiêu, giàu có, đạt những kiến thức khoa học cao nhất, tổ chức đời sống tiến bộ nhưng thoái hóa về tinh thần... Rõ ràng ta đang chứng kiến đà phát triển vĩ đại của kỹ thuật (về Computer, không gian v.v...) trong khi đó lĩnh vực tinh thần không theo kịp đà phát triển, khiến con người mất hướng, phải cắm đầu chạy theo phương tiện vật chất, biến mình thành công cụ của thế lực vật chất.
Với tâm trạng ấy, tôi có nhân duyên đến với Phật Giáo qua chùa Viên Giác, được nghe Thượng Tọa trụ trì Thích Như Ðiển giảng đạo và tìm sách báo Phật giáo tìm hiểu thêm. Tôi mới nhận thấy rằng Ðạo Phật vừa là một triết lý thâm sâu, vừa là một đạo giáo thấm nhuần tinh thần dân tộc. Những ý kiến sai lầm lúc còn ở Việt Nam cho rằng hình thức cúng bái, sùng bái tượng không còn nữa vì Phật Giáo là một tôn giáo khoan hồng và có tính dân tộc. Phật Giáo không phủ nhận và bác bỏ những hình thức kính mộ về bề ngoài ấy vì nó cần thiết cho nhu cầu của đại chúng. Do thái độ tôn kính ấy, đức tin càng tăng trưởng. Người Phật tử chân chính quỳ lạy trước tượng Phật để tỏ lòng kỉnh mộ đối với lý tưởng mà pho tượng ấy biểu hiện.
Mục tiêu tối hậu của Phật Giáo đối với thời đại này là làm sao cho con người thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào vật chất để tiến lên, hướng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc phục vụ con người như hạn chế và giảm thiểu việc tàn phá môi sinh. Và đích thực con người mới là cứu cánh của kinh tế chứ không phải kinh tế quyết định như chủ nghĩa duy vật chủ trương. Chỉ có vậy, thế giới mới hòa bình, xã hội mới hết bất công, sinh hoạt chính trị mới không lầy lội trong tội lỗi, kỹ thuật khoa học mới không quay lại tiêu diệt nhân loại (như nguy cơ tàn phá môi sinh và tàn phá lớp ozon), các nước lớn mới không xem các nước nhỏ là món hàng để trao đổi quyền lợi.
Tôi đến với Phật Giáo trong tâm trạng như thế. Tôi nghĩ rằng có lẽ chỉ có Ðạo Phật mới có thể đem lại quân bình cho cuộc sống và hòa bình cho nhân loại chăng?
Lục tổ Huệ Năng (về Thiền tông) đã nói: "�ng quán pháp giới tánh Nhứt thiết duy tâm tạo" (Nghĩa là: quán tưởng tánh của Pháp giới đều bởi do tâm và tạo tác). Và Ðức Phật đã dạy: "Tâm bình, thế giới bình". Giáo lý đặc biệt chú trọng về Tâm và bài kệ sau đây có thể tóm lược giáo lý của Phật:
"Chư ác mạc tác": Chớ làm các điều ác
"Chúng thiện phụng hành": Gắng làm các điều lành
"Tự tịnh kỳ ý": Giữ tâm ý trong sạch
"Thị chư Phật giáo": Ấy lời chư Phật dạy
Ðạo Phật chú tâm về và đặt nền tảng trên những chân lý sau đây:
1. Lý vô thường: Tất cả các Pháp - danh từ Phật học chỉ vạn vật sự vật có hình tướng hoặc không hình tướng - đều biến đổi qua 4 giai đoạn: "Sinh, trụ, hoại, diệt", không có pháp nào trường tồn vĩnh cửu.
2. Lý nhân quả: Vạn vật đều hình thành từ nhân đến quả, có những trường hợp vì nhân quá nhỏ, quá xa theo thời gian khiến ta khó thấy, khó nhớ mà biến thành khó hiểu. Nhân quả bao gồm tất cả mọi tạo tác, mọi hành động của mọi loài - trong đó có loài người - Những động tác về thân, miệng, ý của ta tạo ra nghiệp lành hoặc nghiệp dữ. "Gây nhân lành, được quả lành, tạo nhân dữ bị quả dữ". Nhưng cũng có những trường hợp dường như ngoại lệ mà thực không phải. Ðó vì nhân chưa chín mùi mà thân ta đã bị hoại, nhưng nhân ấy sẽ còn tiếp tục theo thời gian chớ không mất. Hệ luận của lý nhân quả sinh ra lý luân hồi. Nghiệp lực lôi cuốn chúng sinh đi thọ quả báo, thọ quả báo lại tạo nghiệp, mãi mãi không ngừng.
Các bạn, tôi tin vào thuyết luân hồi vì chỉ có thuyết này mới giải thích các hiện tượng thần đồng và các bậc sao siêu xuất chúng như Khổng Tử, Homère. Platon, Shakespeare, Nguyễn Trãi v.v... Vài nhân vật tăm tiếng trong y khoa giải thích hiện tượng thần đồng phát sinh do việc phát triển khác thường những hạch tuyến. Tuy nhiên nếu chỉ một vài hạch tuyến phát triển khác thường làm sao Chistian Heineken có thể nói chuyện được ngay vài tiếng đồng hồ sau khi sanh, đọc lại nhiều đoạn Thánh kinh lúc lên một, trả lời những câu hỏi địa dư lúc lên hai, nói được tiếng Pháp và La Tinh lúc lên ba và khi lên bốn đã theo học lớp triết. Nếu chỉ vì một vài hạch tuyến phát triển khác thường thì làm sao John Stuart Mill có thể đọc chữ Hy Lạp lúc lên 3, làm sao Macaulay có thể viết Thế Giới Sử lúc vừa 6 tuổi, làm sao William James Sidis đọc và viết rành tiếng Anh lúc mới lên 2 và đã nói được tiếng Pháp, Anh, Ðức và chút ít tiếng La Tinh, Hy Lạp khi lên 8, làm sao Mozart có thể viết những bản nhạc bất hủ lúc lên 6. Cho nên nguyên nhân sự phát triển khác thường ấy nhất định là do Nghiệp quá khứ.
3. Lý duyên sinh: Các Pháp đều do duyên chung hợp mà thành. Vật thể không tự có mà phải do nhiều nguyên tố hay phân tử chung hợp. Cái bàn, cái nhà v.v...tự thể hay thật thể không có mà do nhiều duyên chung hợp (như gỗ, sắt, thợ v.v...) tạo ra. Cho nên Phật nói rằng: "Các Pháp duyên sinh, tự thể là không". Từ lý duyên sinh có hệ luận là lý vô ngã. Quán chiếu kỹ, con người không có tự ngã, tức là không có "cái ta thật". Con người gồm có hai phần: thể xác và tinh thần, danh từ Phật gọi là Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) (1). Xét từng Uẩn (nhóm), không có uẩn nào đơn thuần mà đều do duyên hợp cả. Cho nên Phật nói trong kinh Bát Nhã: "Ngũ Uẩn giai không". "Không" đây không phải là không có gì hết mà có nghĩa là không có tự thể hay tự tánh. Ðối với vạn Pháp cũng thế. Ta phải quán chiếu lý vô ngã để dần dần giảm thiểu sự chấp ngã (cho rằng có cái ta thật) và sự chấp Pháp (cho rằng có vạn vật thật). Có chỉ là giả có, huyển có mà thôi... Phá được chấp ngã và chấp pháp, ta diệt trừ được tam độc: tham lam, giận hờn và si mê gây cho ta biết bao nhiêu phiền não trong cuộc đời này.
Trình bày cùng các bạn các chân lý căn bản, tôi e rằng chưa đủ, xin nêu thêm những đặc điểm khác. Ðứng ngoài Ðạo Phật, có lẽ các bạn cho rằng Ðạo Phật chỉ dành riêng cho các bậc già nua tuổi tác, nhờ câu kinh, tiếng kệ an ủi ngày tàn, hoặc kẻ bị tình đời đen bạc hay người nhiều phen vấp ngã vòng danh lợi, về nương tựa cửa thiền, hoặc những cô nàng thất vọng về tình nhờ giọt nước cành dương rưới dịu sầu hận hoặc những người đau ốm, tật nguyền cảm thấy cô đơn, thừa thãi ngoài xã hội, về núp bóng từ bi để đỡ phần cơ cực... Quan niệm ấy đã ăn sâu trong tâm não của dân ta nên khi bạn thấy một thanh niên hay thiếu nữ cạo tóc xuất gia, bạn có lẽ cho là chán đời, bi quan, trốn nợ xã hội.
Không, Ðạo Phật là một đạo tích cực và thiết thực nhất cho cuộc sống có ý nghĩa. Hãy xem gương Ðức Phật xưa kia, một Thái Tử vinh quang tột đỉnh, vợ đẹp con xinh, thế mà Ngài từ bỏ cung điện ra đi vì một hôm khi dạo ngoài thành, trực diện đau khổ của con người, Ngài quyết tìm con đường cứu khổ chúng sinh. Tu khổ hạnh 6 năm trời không đạt cứu cánh, Ngài ra đi, tham thiền nhập định 49 ngày dưới cội Bồ Ðề và đã tìm ra được con đường giải thoát. Suốt 45 năm Ngài cùng đoàn Tăng già đi khắp mọi nơi, hoằng dương chánh Pháp. Bài giảng đầu tiên của Ngài là "Tứ Diệu Ðế" (bốn sự thật huyền diệu). Trong thế giới trần tục này khắp mọi nơi đều khổ đau: nào, "sinh, lão, bệnh, tử", nào buồn chia ly xa cách, vào mong cầu bất đắc v.v... Nguyên nhân đau khổ là lòng Ái Dục, lòng ham muốn của con người không bao giờ biết đủ (tri túc). Cho nên muốn diệt khổ phải diệt lòng Ái Dục bằng con đường "Bát Chánh Ðạo" (2) gồm có 8 phần: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Bốn sự thật ấy hiển nhiên, có lẽ bạn không chối cãi được, nên hành trì để tâm hồn được thanh thản, không có con đường nào khác.
Nhưng không có sự giải thoát được khổ đau nào được thực hiện nếu không có cố gắng cá nhân. Phật Giáo không chủ trương van vái, nguyện cầu, mà thay vào đó phải dùng trí huệ chỉ quán, tham thiền để tự kiểm soát, thanh lọc và giác ngộ. Một tôn giáo như thế mà gọi là thụ động và tiêu cực ư? Tùy căn cơ và tánh khí của mỗi người, Ðức Phật chỉ dạy nhiều pháp môn, ta có thể học hỏi và tu tập theo Tịnh Ðộ tông, Thiền tông hay Mật tông. Ðức Phật đã thực nghiệm và vạch con đường. Phần chúng ta là noi theo con đường ấy để tự thanh lọc. Hiểu một cách khác, người Phật Tử chân chính là một chiến sĩ can đảm phải chiến đấu, không phải bằng súng đạn mà bằng: "Giới, Ðịnh, Huệ" (3). Họ phải chiến đấu với chính họ vì con người là kẻ thù tệ hại nhất của con người. Tâm là địch thủ nguy hiểm nhất và cũng là người bạn tốt nhất vì trong ta có vọng tâm mà cũng có chân tâm.
Có bạn lại cho rằng Phật giáo đề cập đến những việc hoàn toàn ngoài thế gian, không thực tế chút nào! Thưa các bạn, Phật giáo lấy Nhân Bản làm trung tâm thay vì lấy Thần Linh hay Thượng Ðế làm trung tâm như một vài tôn giáo khác. Phật giáo hướng nội và nhằm giải thoát từng cá nhân, giải thoát đau khổ, phiền não bằng cách tiêu diệt nguồn gốc của nó và vạch ra con đường để ai muốn, có thể chấm dứt sanh tử, luân hồi và nếu chúng sanh nào có hạnh nguyện lớn có thể thành Bồ Tát hoặc Phật. Tôi nghĩ rằng Ðạo Phật không phải là một tôn giáo yếm thế, xa lánh cuộc đời mà nhập vào đời để chuyển hóa cá nhân và xã hội. Hết sức khó khăn và phải trí dũng mới thắng được tam độc (tham, sân, si). Nã Phá Luân, nhà quân sự đại tài cũng đã nói: "Chiến thắng ngoài mặt trận không khó bằng chiến thắng chính mình".
Ðạo Phật là đạo hòa bình, luôn luôn kêu gọi: "từ bi, hỷ xả" thương người như thương mình, vui mà xả bỏ những phiền não do kẻ khác gây ra. Suốt 25 thế kỷ và lịch sử Phật giáo không hề có những cuộc đổ máu vì muốn đạo mình phát triển. Hãy xem các đạo giáo khác. Ðạo Islam (Hồi giáo) luôn luôn muốn đạo mình độc tôn nên đã sản xuất ra Khomeni và Saddam Hussein. Giữa Ky tô và Tin lành đã xảy ra biết bao nhiêu xung đột, máu đổ dằng dai cả hơn thế kỷ này tại đảo Ireland. Lịch sử Pháp cũng có những cuộc chiến tranh về tôn giáo 30 năm...
Ðạo Phật cũng là một đạo hết sức dân chủ, bình đẳng và công bình. Tinh thần dân chủ không phải phát xuất từ thế kỷ 18 với Rousseau. Montesquieu tại Pháp mà đã triển khai cách đây 25 thế kỷ với cái nhìn và cách đối xử của Ðức Phật. Lúc bấy giờ xã hội Ấn chia ra 4 giai cấp rất rõ rệt: giai cấp Bà La Môn được ưu đãi nhất và giai cấp hạ tiện (Paria) bị khinh bỉ và đối xử tàn tệ nhất. Ưu Bà Li, một dân hạ tiện đến với Ðức Phật, Ngài cho vào đoàn Tăng già, được chấp nhận làm Tỳ Kheo. Một ông hoàng nguyên trước kia theo đạo Bà La Môn, cũng xin quy y, Ðức Phật bắt ông hoàng phải đảnh lễ Ưu Bà Li vì ông là người vào đoàn sau. Ðó là điều hết sức cách mạng vào thời đại phong kiến tại Ấn Ðộ vì lúc bấy giờ giai cấp Paria không được phép đi tu, nhưng Ðức Phật nói: "Là con người ai cũng máu đỏ, mồ hôi mặn thì chẳng có gì khác nhau".
Bình đẳng và công bình vì Phật giáo dạy chúng sanh cao sang hay bần hàn phải nhận chịu dưới sự điều động của Nghiệp lực, không thêm không bớt. Không ai có thể thoát cán cân quả báo tương xứng công bình của Nghiệp lực. Ðức Phật không bao giờ cho Ngài là độc tôn, duy nhất phải thôn thờ. Ngài thường nói: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành". Mọi người đều có khả năng đạt quả vị Phật vì chúng sanh cũng như Phật, tất cả đều có Phật tánh hay Chân tâm nhưng bị che lấp như tấm gương bị màn bụi phủ đầy. Nhưng khi chúng ta lau sạch bụi, phá tan màn vô minh, không còn vọng tưởng, không còn tâm phân biệt và từ bi hỷ xả thì ta sẽ thành Phật không khác gì Phật Thích Ca. Hiện nay sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật là do sự sai biệt giữa giác ngộ và mê lầm. Tôi hết sức khó khăn vì đã sống trong cõi Ta Bà này, đã huân tập nhiều thói hư tật xấu, đắm nhiễm "Ngũ dục" (4), để sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý) buông lung chạy theo và đắm nhiễm sáu trần (5) coi trọng nhiều "cái ta" và "cái của ta" nghĩa là còn chấp ngã và chấp pháp.
Ðức Phật đã vạch ra con đường và khuyến khích mọi người theo dấu chân Ngài để làm được như Ngài, đạt quả vị chánh đẳng, chánh giác. Ðức Phật không bao giờ muốn ta tin tưởng Ngài như Ðấng Thần Linh, một Thượng Ðế, cũng không muốn ai tôn thờ Ngài bằng một niềm tin cuồng si mà không hiểu Ngài. Một cách khiêm tốn Ngài nói: "Ta chỉ là một Ðạo sư hay lương y thôi. Nghe lời ta hay không, chịu dùng Pháp được hay không là tùy quyền các người."
Tóm lại Ðạo Phật là đạo của con người giác ngộ và giải thoát. Con người khổ đau thì phương pháp giải thoát khổ đau của Ðạo lại cầu viện tới cho đến khi nào chúng sanh hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, chừng đó Ðạo Phật hết sứ mệnh với nhân thế. Giáo lý Ðạo Phật như một chiếc bè đưa qua sông Ðau Khổ. Ðại nguyện của Ngài là sớm thấy chúng sanh quẳng chiếc bè bên bờ giác ngộ.
Các bạn mến, tôi đến với Ðạo Phật chỉ vì không muốn cắm đầu chạy theo phương tiện vật chất. Tôi thích đạo giáo này vì mục tiêu tối hậu của nó trong thời đại vật chất này mà người tỉnh thức nào cũng muốn thoát khỏi ràng buộc và lệ thuộc. Tôi luôn luôn suy gẫm câu: "Nhứt thiết duy tâm tạo".
Thân ái chào các bạn với niềm tin trong tương lai.
(Trích từ Ðặc san Lại Giang)
Phụ chú về danh từ:
1. Ngũ Uẩn: là 5 nhóm gồm có: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. --Sắc là thân xác do tứ đại hợp thành (đất, nước, gió, lửa). --Thọ: Cảm giác vui, buồn hay vô ký (không vui không buồn). --Tưởng: Suy nghĩ, tưởng tượng. --Hành: Trạng thái tâm lý. --Thức: Năng lực trí tuệ nhận biết và phân biệt. Uẩn đầu là thân, 4 uẩn sau là tâm.
2. Bát Chánh đạo: con đường gồm 8 phần: --Chánh kiến: sự thấy biết chân chính, đúng sự thật. --Chánh tư duy: suy nghĩ chân chính, ý nghĩ về tình thương không phân biệt, về bất bạo động. --Chánh ngữ: lời nói chân chánh, nói ôn hòa, không nói dối. --Chánh nghiệp: làm những việc chân chính nhằm phát sinh hành vi hợp đạo đức. --Chánh mạng: sự sinh sống chân chính, từ bỏ nghề mang thiệt hại cho mình và kẻ khác. -- Chánh tinh tấn: cố gắng chân chính, ý chí mạnh làm thiện bỏ ác. --Chánh niệm: nhớ tưởng chân chính, chú ý về hoạt động của thân và tâm. --Chánh định: tập trung chân chính, đưa đến 4 tầng thiền.
3. Giới, Ðịnh, Huệ: --Giới là điều ngăn cấm, đón giữ tà niệm, vọng tâm. Người cư sĩ tại gia phải giữ 5 giới, người tu sĩ 250 giới. --Ðịnh là phép làm thân tâm định tĩnh (tham thiền, nhập định). Ðịnh như ly nước để yên, làm cho bao nhiêu cáu bẩn đều lắng xuống đáy ly. --Huệ là soi sáng, sự phát trí sáng với diệu dụng của nó, làm kẻ tu hành biết rõ được thật tướng của nhân sinh và vũ trụ, nguồn gốc khổ đau và con đường giải thoát.
4. Ngũ dục gồm có: Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy (ngủ).
5. Sáu trần cũng được gọi là 6 cảnh bên ngoài: Sắc trần (màu sắc), Thanh trần (giọng, tiếng nói), Hương trần (hương vị). Vị trần (mùi vị), Xúc trần (va chạm với bên ngoài), Pháp trần (các pháp, vạn vật sự vật). Thường được gọi là 6 trần cảnh ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) ./.
Source: Phat Hoc Magazine, 1997, Kentucky, USA
http://www.win.net/phathoc/