Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Cũng ngày trăng tròn của tháng Tư này cách đây hơn 25 thế kỷ, một bậc vĩ nhân đã xuất hiện ở Ấn Ðộ. Sự ra đời của đức Thế Tôn như một tin mừng cho nhân loại. Ðạo giác ngộ của Ngài như vầng thái dương xuất hiện, xua tan những tăm tối triền miên của số kiếp con người. Uy danh của đức Ðạo sư không phải chỉ vang dội lúc đương thời, mà đạo hạnh của Ngài vẫn còn lưu truyền suốt cả chiều dài lịch sử. Bao giờ con người chưa trừ hết tham, sân, si, mạn, và xã hội chưa thực sự đem lại thanh bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người, thì giáo pháp của Ngài vẫn tồn tại như những giá trị bất diệt.
Hôm nay, chúng ta làm lễ kỷ niệm Ðản sinh lần thứ 2541 của đức Phật, thiết tưởng cũng nên ôn lại đôi nét những công hạnh cao cả mà suốt đời Ngài đã cống hiến để giải thoát cảnh thống khổ của nhân sinh.
1. Ý nghĩa cuộc đời
Mỗi khi bàn đến thân phận của kiếp người, chúng ta thường đặt những câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sinh ra đời để làm gì? Rồi từ đây chúng ta sẽ đi đâu? Ðó là những câu hỏi đã dược đặt ra từ nghìn xưa. Ðức Phật quả thật vì muốn giải quyết vấn đề trọng đại đó mà xuất hiện. Ở đây, chúng ta hảy đứng trên quan điểm nhân sinh để thảo luận về giá trị cuộc đời.
Khi đề cập đến cuộc đời, một nhà văn Anh đã nêu lên hình ảnh: "Con người sinh ra đời cũng như người đi qua một cây cầu, mà cây cầu đó hoàn toàn chìm trong sương mù. Nhìn vào tình trạng của những người qua cầu: hoặc có người vừa đặt chân lên đầu cầu đã ngã và chìm trong sương mù, hoặc có người đến giữa cầu thì đột nhiên trợt chân mà té; cũng có người cố dò dẫm và phải khó khăn lắm mới qua được; hoặc cũng có một số rất ít ngay từ đầu đến cuối đã dũng cảm vượt qua dễ dàng; tình trạng thật thiên sai vạn biệt. Nhưng bất luận là người mới đặt chân lên đầu cầu, hay đã đến giữa cầu, hoặc đã cố gắng vượt qua; ai ai cũng ở trong một tình trạng là chìm ngập trong lớp sương mù dày đặc. Ðó là vận mệnh chung của thân phận con người."
Nói theo kinh nghiệm, cuộc đời là một ảo ảnh, đúng như quan niệm của nhà văn Anh trên đây, nhưng nó không phải hoàn toàn vô nghĩa. Mặc dù những kẻ qua cầu phải lần mò, dò dẫm, có thể bị trợt chân té lúc nào không biết, nhưng ít ra bản thân của mỗi người qua cầu cũng có một giá trị độc lập. Tuy chẳng nhìn rõ phía trước phía sau, nhưng chính những người qua cầu là thực tại, chứ không phải ảo ảnh.
Như vậy, phải theo tiêu chuẩn nào để định giá cuộc đời cho có tính cách phổ biến? Nếu nói một cách nghiêm túc thì đây là một vấn đề rất lớn lao. Nhưng, nếu nhìn vào trước mắt thì chúng ta thường thấy có hai quan điểm nổi bật là xem cuộc đời hoặc khổ, hoặc sướng; có thể nói đó là đề mục phổ biến hơn cả.
2. Những mâu thuẩn của cuộc đời
Là con người, chúng ta phải đứng giữa hai cái thế rất mâu thuẩn và bất khả tư nghì, một mặt phải nhờ thiên nhiên để sống còn. Vì, nhìn bề ngoài, con người cũng là một hiện tượng thiên nhiên; cho nên, dù bất cứ ở đâu, con người đều không thoát khỏi cái quy luật tất yếu của thiên nhiên. Nếu không có thiên nhiên, con người không thể sống còn. Vì thế, theo một ý nghĩa nào đó, thiên nhiên có thể được coi là người dưỡng dục chúng ta, vì thế ta không thể không tỏ lòng biết ơn.
Nhưng nếu coi thiên nhiên là một vị đại ân nhân là một điều rất sai lầm; vì, một mặt thiên nhiên tuy có giúp cho sự sinh tồn của con người, nhưng mặt khác, thiên nhiên cũng là một ma lực thường đe dọa sự sống còn của nhân loại. Hãy tưởng tượng từ xưa đến nay, đã biết bao nhiêu người chết vì thiên tai, địa chấn, ta sẽ thấy thiên nhiên đáng sợ như thế nào. Nói cho công bằng thì thiên nhiên chẳng qua chỉ xoay vần theo định luật riêng của nó, con người biết thích ứng được định luật đó thì sống còn, nhưng nếu đi ngược lại, tất sẽ không tránh khỏi sự đe dọa khủng khiếp.
Con người sở dĩ khác với muôn vật là vì con người có một cuộc sống tinh thần rất đầy đủ, có ý chí tự do, có thể dời non, lấp biển, dùng ý chí và trí tuệ bắt thiên nhiên phải khuất phục trước mình. Ðó là tinh thần đặc biệt chỉ có trong loài người. Lại nữa, con người sanh ra tất phải có già, chết, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng con người cứ muốn trẻ mải không già, sống hoài không chết. Tóm lại, con người, không nhiều thì ít, đều muốn khống chế thiên nhiên để thực hiện cái ý chí tự do triệt để của chính mình.
Như vậy, một mặt con người bị luật thiên nhiên ràng buộc, mặt khác lại muốn thoát khỏi định luật đó mà kiến tạo một thế giới tự do của mình. Sự sống mâu thuẩn nầy mới thật là nguồn gốc đau khổ của con người. Cái yêu cầu tự do của con người càng mạnh bao nhiêu thì cái uy lực thiên nhiên càng tăng bấy nhiêu. Sống giữa cái thế giằng co đó, con người phải âm thầm chịu đựng. Ðó là chân tướng của cuộc đời.
3. Chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan
Căn cứ vào thực tế mà nhận xét thì cuộc đời có khổ, có sướng; sướng, khổ giao thoa. Nhưng, nếu chỉ quan sát thế thôi thì vấn đề có vẻ thường thức. Cho nên phải tiến thêm một bước nữa mà khảo sát xem cuộc đời vốn lấy khổ làm bản chất, hay lấy sướng làm bản chất? Ðây có thể nói là vấn đề nhân sinh quan tối sơ. Những người chủ trương bản chất của cuộc đời là vui sướng, dĩ nhiên thuộc phái theo chủ nghĩa lạc quan. Chủ nghĩa nầy rất được tôn sùng tại Tây phương. Ngược lại, những người cho bản chất của cuộc đời là khổ, hay ít ra, khổ nhiều hơn sướng, tất nhiên là những người theo chủ nghĩa bi quan. Bên Tây phương chủ nghĩa nầy cũng rất thịnh hạnh. Tại nước Ðức, rất nhiều nhà triết học có tư tưởng yếm thế, mà Schopenhauer là một trong những nhà triết học trứ danh đó. Ông từng nói: "Ngủ dĩ nhiên là hay, nhưng nếu chết đi đừng sanh ra nữa thì lại càng hay biết chừng nào! ". Ý nghĩa của câu nói trên đây mới nghe qua, tuy phảng phất như nhân sinh quan của Phật giáo, nhưng cái tinh thần của nó thì khác biệt vô cùng.
4. Quan niệm cuộc đời theo Phật giáo
Như vật Phật giáo theo phái nào, lạc quan hay bi quan? Ðiều nầy tưởng không cần nhắc lại, Phật giáo, ít ra cũng từ điểm xuất phát, dĩ nhiên là đứng trên lập trường thừa nhận cuộc đời là khổ. Nhưng, cách đối phó với cái khổ đó như thế nào, đó chính là vấn đề trung tâm của Phật giáo. Ở đây có điều chúng ta cần phải lưu ý là đừng hiểu lầm cái khổ mà Phật giáo muốn nói, với cái khổ do giác quan trực tiếp cảm nhận. Vì, trên phương diện cảm giác, chúng ta vừa có khổ, vừa có sướng, và cũng có trạng thái không khổ, không sướng. Ðiều nầy trong tâm lý Phật giáo phân tích rất rõ ràng. Phật giáo cho cuộc đời là khổ, ngoài cảm giác ra, nó còn xuất phát từ một ý nghĩa sâu xa hơn. Ðó là cái bản chất mâu thuẩn cố hữu của cuộc đời do lý trí con người phát hiện.
Phật giáo tuy một mặt cho rằng cuộc đời là khổ; nhưng, đồng thời mặt khác, đứng trên lập trường tôn giáo và đạo đức, lại thừa nhận cuộc đời có một ý nghĩa rất cao cả. Chính vì lý do đó mà Phật giáo cấm ngặt vấn đề tự sát. Không những thế, Phật giáo còn cho rằng người ta được sanh ra cũng như con rùa mù gặp được khúc gỗ nổi. Ðó là "ngàn năm một thuở"; cho nên trong kinh Phật thường nói: "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan phùng" (thân người khó được, Phật pháp khó gặp), để nói lên cái cơ duyên hi hữu và thù thắng đó. Còn một điều thích thú hơn nữa, là Phật giáo cho rằng được sinh vào một thế giới nhiều khổ đau có giá trị và ý nghĩa hơn là sinh vào một thế giới nhiều khoái lạc. Do đó mà cõi Nam Thiệm Bộ Châu mà chúng ta đang sống được yêu chuộng hơn là cảnh giới Bắc Câu Lư Châu. Mặc dù Bắc Câu Lư Châu tựa hồ một quốc gia mà nhân dân sống hoàn toàn khoái lạc tương đương như Bồng Lai Tiên Cảnh. Ấy thế mà Phật giáo lại cho rằng sinh vào quốc độ đó là một điều bất hạnh. Tại sao? Vì nơi nào không có khổ đau thì nhân cách con người không có đưòng tiến bộ, còn nơi nào có khổ đau thì con người mới nổ lực phấn đãu để mở ra một thế giới giải thoát mới. Chính vì thế mà Nam Thiệm Bộ Châu có giá trị hơn Bắc Châu Lư Châu.
Như vậy, một mặt tuy nhấn mạnh về sự khổ đau của thế giới, nhưng mặt khác lại chính trong khổ đau đó mà thừa nhận giá trị cuộc đời. Ðó là nhân sinh quan đặc thù và là lập trường trung tâm của Phật giáo. Bởi thế, nếu thấy Phật giáo thừa nhận cuộc đời là khổ, mà cho rằng Phật giáo giống như chủ nghĩa bi quan (Pessimisme) của Tây phương là một điều hết sức sai lầm. Vì chử Pessimisme hoàn toàn diễn tả sự thất vọng về cuộc đời, thậm chí còn đưa đến tình trạng tâm lý muốn tự sát là khác. Quan niệm của Phật giáo tuy nhìn nhận chân tướng của cuộc đời khổ, nhưng không phải vì thế mà chán nản, không muốn sống; mà ngược lại, nhìn thẳng vào khổ đau và nổ lực khắc phục nó để tìm đường giải thoát. Chính vì thế mà cuộc đời trở thành có ý nghĩa.
Người Phật tử chân chính nhờ thấu triệt được chân tướng cuộc đời, cho nên tuy sống trong khổ đau mà không bị khổ đau chi phối. Trái lại, vẫn ung dung thanh thản và mạnh tiến trên con đường tu dưỡng để chinh phục hoàn toàn khổ đau.
Thích Phước Sơn
Sài Gòn, mùa Phật Ðản 2541 (1997)
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Duy Hùng đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy