Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Dịch:
Hết thảy các người! Thân là gốc khổ, thể chất là nhân nơi nghiệp, nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con.
Các ông nên chín chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được có. Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có. Quên thật quên gốc, hiện giả hiện dối, hoặc nữ hoặc nam, hoặc đẹp hoặc xấu. Trọn là buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về, chạy rong trên đường sanh tử, mất tuốt "bản lai diện mục". Do đó, giương mắt nhìn bên ngoài, ai biết xoay đầu ngó lại bên trong. Khi lại, sanh là hóa sanh; nơi đến, trong mộng nói mộng. Lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, lấy giả làm chân, trái không đến sắc. Ðầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đậy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thúi. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu.
Hết thảy các người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là dáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá. Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt. Luống đua đầu lằng sừng ốc, cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày dồn sức mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng. Chất chứa nghiệp dơ như giếng, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn. Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy, giống như quỉ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sinh hại mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể ví tự nhà xiêu. Hồn phách tuy về cõi quỉ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rửa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì giòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mềm quấn giấu. Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông. Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen. Khi mưa lệ rơi thì mây sầu thê thảm, lúc gió buồn thổi thì trăng sáng hắt hiu. Ðêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nữa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu giậm mãi thành lối mòn. Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng chỉ một lối đi. Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng dội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối.
Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quan, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy tay cắt đứt lưới ái ân. Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần. Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý, hãy trước nương trì giới tụng kinh. Ðến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng. Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật. Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ làm tám tự tại.
Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay!
Hết thảy các người! Chỉ sắc thân này lại làm sao giải thoát? Nếu chưa giải thoát cần phải nghe đây:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng bạch bạch khéo lừa nhau.
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời một núi xanh.
Giảng:
Ngài Trần Thái Tông đối với sắc thân con người có cái nhìn thấu đáo khác hơn người phàm tục chúng ta.
"Hết thảy các người! Thân là gốc khổ, thể chất là nhân nơi nghiệp, nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con".
Ðầu tiên Ngài kêu gọi tất cả chúng ta phải thấy thân này là gốc khổ. Thông thường chúng ta nghĩ khổ từ nơi khác đưa lại, nhưng không biết khổ gốc từ nơi thân. Thí dụ: Như hiện giờ chúng ta làm lụng khó nhọc mới có cơm ăn áo mặc, vậy lo cơm áo làm việc nhọc nhằn là vì có thân, nên nói gốc khổ từ thân mà ra, song ít ai nghĩ tới đều này!
"Thể chất là nhân nơi nghiệp" tức là thể xác này từ nơi nghiệp mà có, do nghiệp đời trước lành hay dữ, nên mang thân hiện tại khổ hay vui; chớ không phải là sự ngẫu nhiên.
"Nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con". Thân do nghiệp tạo mà chúng ta lầm tưởng là thật, đó là chúng ta nhận giặc làm con. Tại sao? Vì thân là tướng vô thường đau khổ. Nếu cho tướng vô thường đau khổ là mình thật, đó là nhận khổ làm mình, cũng như nhận giặc làm con. Ðiều sai lầm này hầu hết chúng ta đều mắc phải. Ai cũng quí tiếc thân, nhưng càng quí tiếc thì càng khổ, vì một ngày nào nó sẽ từ giả mình, lúc đó khổ vô cùng!
"Các ông nên chín chắn xem, chỉ sắc thân này khi chưa vào bào thai thì nơi nào được có". Thử hỏi sắc thân chúng ta khi chưa vào thai thì nó ở đâu? Nó là cái gì? Như người ba mươi tuổi thì hỏi, trước ba mươi mốt năm mình là cái gì? Ở đâu? Ðều không biết! Nếu người sáu mươi tuổi chết rồi, hỏi năm sáu mươi mốt tuổi ở đâu, là cái gì? Thì nói làm sao? Như vậy trước khi chưa có, chúng ta không biết nó ở đâu, sau khi hoại rồi cũng không biết nó ra sao! Thế mà khi có nó thì bắt đầu bám giữ, bảo bọc nó, rốt cuộc càng lo bảo bọc, tạo điều kiện cho nó thỏa mãn, nó hoại càng sớm chớ không đi tới đâu!
"Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có". Chỗ này phải người tu sâu mới hiểu được. Tâm thể chúng ta là trong sạch, thanh tịnh, an ổn, không dao động. "Bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành". Từ niệm khởi lên, theo duyên hội hợp mới kết thành năm uẩn, niệm thiện dấy lên thì sanh cõi lành, niệm ác dấy lên thì sanh cõi ác. Vậy gốc sinh tử là do niệm khởi, nhiều người không hiểu tưởng việc sinh tử do ai áp đặt buộc mình phải nhận. Như vậy cái thân không phải tự có, gốc từ niệm khởi mà thành.
"Thể mạo vọng sanh, hình dung giả có". Hình dung tướng mạo do vọng khởi thành hình, nên hư giả không thật. Trong nhà Phật nói khi chết nếu chúng ta khởi niệm thiện được sanh cõi lành, khởi niệm ác phải sanh đường dữ, nếu khởi niệm tịnh thì sanh về cõi tịnh. Vậy niệm khởi là duyên để sanh ở đời sau, khi gần chết niệm nào mạnh sẽ dẫn mình đi về cõi đó.
"Quên thật quên gốc, hiện giả hiện dối, hoặc nữ hoặc nam, hoặc đẹp hoặc xấu". Quên thật quên gốc tức là quên bản thể thanh tịnh sáng suốt, rồi dấy niệm. Từ dấy niệm mới hiện ra tướng giả dối nên có thân nam thân nữ, hoặc đẹp hoặc xấu. Thế nhưng tất cả chúng ta khi mang thân nào, lại bám vào thân đó cho là thật, rồi tự hào khi thấy mình đẹp, hổ thẹn khi thấy mình xấu, bao nhiêu khổ vui do đó mà sanh nên phải trầm luân mãi mãi. Thân này do niệm khởi hiện ra là tướng động, vì động nên vô thường sinh diệt. Mang thân vô thường sinh diệt mà tự hào mình đẹp mình xinh, quả thật là vô minh tăm tối.
"Trọn là buông tâm chạy đi, toàn không một bước trở về, chạy rong trên đường sanh tử, mất tuốt bản lai diện mục". Trọn ngày chúng ta buông tâm chạy đi, tức là quên tâm thể thanh tịnh, lại giong ruổi chạy theo vọng niệm duyên hợp sáu trần. "Toàn không một bước trở về" là không có một niệm nào hướng về tâm thể thanh tịnh, suốt ngày mải duyên theo sắc, thanh, hương, vị... Sáng sớm thức dậy tìm thức ăn ngon là chạy theo vị, thích nhìn hoa đẹp là chạy theo sắc, muốn nghe lời hay là duyên theo tiếng... Như vậy chúng ta chạy theo sáu trần, không một bước trở về, không bao giờ quay lại tìm xem tâm thể thanh tịnh mình ở đâu, còn hay mất. Sáu trần là tướng vô thường sinh diệt, đuổi theo sáu trần tức là "chạy rong trên đường sinh tử". Ði trên đường sinh tử thì "mất tuốt bản lai diện mục". Bản lai diện mục là mặt thật ngàn thuở xưa nay, đây chỉ là tâm thể thanh tịnh chưa động, chưa bao giờ sinh diệt. Vì dấy niệm chạy theo sáu trần, tức chạy theo cái sinh diệt nên mất đi bản lai diện mục của mình. Ðến đây chúng ta thấy Ngài Trần Thái Tông nếu không phải là người ngộ đạo thì không làm sao nói được những câu như thế này!
"Do đó, giương mắt nhìn bên ngoài, ai biết xoay đầu ngó lại bên trong". Vì chúng ta chạy theo sáu trần, giong ruổi trên đường sinh tử, nên cả ngày giương mắt nhìn tướng hư dối bên ngoài, ít biết xoay đầu ngó lại bên trong, tức là ngó lại cái thật của chính mình.
"Khi lại, sanh là hóa sanh; nơi đến, trong mộng nói mộng". Chúng ta có mặt trên cõi trần này đó là khi lại, "sanh là hóa sanh" tức là sự sanh do duyên hợp hóa ra chớ không có thật (không phải hóa sanh như chư thiên trên các cõi trời). Nơi đến tức là cõi chúng ta ở, "trong mộng nói mộng", bởi vì chỗ mình đang ở đối với chúng ta là một thế giới vững chắc vô cùng, nhưng với con mắt của những vị đạt đạo, thế giới này cũng là tướng vô thường. Vì thế Phật bảo thế giới chúng ta đang ở có bốn tướng: Ban đầu mới tạo dựng là Thành, ở một thời gian lâu gọi là Trụ, rồi nó hư hoại từ từ gọi là Hoại, cho đến một ngày tan nát ra là Không. Như vậy đối với chúng ta tuổi thọ thế giới dài, tuổi thọ con người ngắn, nên thấy thế giới là lâu bền, nhưng thật sự nó cũng là giả dối tạm bợ. Chúng ta giữ thân cũng là thân mộng, giữ cảnh cũng là cảnh mộng, không có cái gì bền lâu chắc thật.
"Lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng, lấy giả làm chân, trái không đến sắc". Cả ngày chúng ta người nào cũng lăng xăng lộn xộn! Sáng sớm vội vàng ăn một ít cơm, rồi vác cuốc đi làm, đến trưa nghe đánh kiểng vội vác cuốc ra về, tắm rửa ăn trưa, rồi vội vàng đi ngủ. Cứ như thế mà lăng xăng suốt ngày, không có lúc nào là bình an tỉnh táo! Nhất là ở thế gian, sáng vừa thức dậy hấp tấp sửa soạn ăn rồi đi làm, mãn giờ ở sở gấp gấp chạy về bất kể nguy hiểm, đến nhà sửa soạn ăn và nghỉ, thức dậy lại vội vàng đi đến sở, cứ như thế lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng!
"Lấy giả làm chân, trái không đến sắc". Mang thân giả, chấp cảnh giả, tưởng đó là thật. Trăm người như một cho rằng ta là thật, cảnh bên ta là thật, trong nhà Phật danh từ chuyên môn gọi là ngã và ngã sở, cho đó là thật nên nói "lấy giả làm chân". "Trái không đến sắc" tức là trái với thể thanh tịnh không tướng mạo, rồi đến với hình sắc có tướng mạo. Hình sắc là duyên hợp, vô thường, duyên hợp là giả dối, vô thường là tạm có, lại cho đó là thật, nên nói là "trái không đến sắc".
Ðến phần này Ngài Trần Thái Tông nói về sự trau giồi trang sức trên thân người.
"Ðầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đậy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thúi".
"Ðầu sọ khô cài hoa giắt ngọc" tức là trên đầu ai cũng là một lớp da tóc bao bọc xương sọ, nếu lột lớp da ra thì chỉ là một cái sọ khô! Thế mà trên tóc lại cài hoa giắt ngọc làm đẹp để dễ coi. "Túi da hôi ướp xạ xông hương", vì mang túi da hôi hám nên kiếm xạ hương xông ướp cho thơm để dễ ngửi một chút, đó là cách đánh lừa thiên hạ, gạt lỗ mũi người. Nếu túi da mình thơm mùi hoa sen thì khỏi phải xông ướp xạ hương, vì nó đã tự thơm rồi. Nhưng vì túi da hôi hám nên buộc lòng phải ướp thêm hương. Thí dụ như sáng thức dậy, chúng ta phải rửa mặt súc miệng đánh răng cho sạch sẽ để bớt đi mùi hôi. Biết thân mình là một đãy da tanh hôi cho nên "cắt lụa là che đậy máu tanh", vì máu để ra ngoài thì có mùi tanh nên phải kiếm lụa là che đậy lại cho kín đáo. "Giồi son phấn át thùng phân thúi", thân là thùng phân thúi cần thoa son giồi phấn để che khuất cho dễ coi.
Ðọc đoạn này chúng ta mới cảm nhận được tinh thần của Ngài Trần Thái Tông. Trong triều đình nhất là trong thâm cung có biết bao nhiêu là cung phi mỹ nữ trang sức lộng lẫy, nào là cài hoa giắt ngọc, ướp xạ xông hương, nào là mặc lụa là giồi son phấn..., thế mà Ngài thấy tận gốc chỉ là đầu sọ khô, túi da nhớp, máu tanh hôi, thùng phân thúi, chớ không có gì đẹp đẽ mỹ miều! Thấy hiểu như vậy Ngài có còn đắm mê những tướng giả dối đó hay không? Chắc là Ngài đã chán đã tởm lắm rồi! So lại chúng ta ngày nay lại tìm những thứ trang sức đẹp đẽ, kiếm những hương thơm để xông ướp, thật là quá mê muội!
"Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu". Các thứ trang sức đều là để che đậy thân nhớp nhúa thôi, không có gì là quí. Biết rõ bản chất thân người dơ xấu gớm ghê như vậy phải tìm cách che đậy nó lại, sao không biết hổ thẹn, lại còn tự hào mến yêu nó nữa, thật là mê lầm quá đáng.
"Hết thảy các người! Giống hệt con rối, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là dáng chết". Như con rối chúng ta cho nó nhảy múa là do kéo rút sợi dây ở bên trong, chớ thật ra nó không có nhảy múa chi hết. Nếu buông sợi dây ra thì nó đứng xuôi xị, không còn cử động nữa thật như dáng chết. Thân của chúng ta cũng giống như con rối vậy, nghĩa là thân này còn tinh thần nương tựa vào thì nó nhảy múa làm đủ động tác, đến khi tinh thần rời ra thì thể xác cứng đờ như khúc gỗ, không có nghĩa gì. Cuộc sống lăng xăng của chúng ta chẳng qua là do duyên hợp của cơ thể, giống như cái máy, khi ấn nút thì chạy nhảy lăng xăng, khi buông nút thì dừng lại. Thân chúng ta là kết tụ cả thể xác lẫn tinh thần làm tất cả các hoạt động, khi tinh thần rời thể xác, lúc đó như khúc cây khô, không nghĩa lý gì. Thân này còn gọi là cơ thể tức là máy thân, nó hoạt động như một cái máy vậy. Thí dụ như máy xe cần có xăng nhớt mới chạy được, không đòi hỏi xăng nhớt hảo hạng. Máy thân của chúng ta cũng vậy. Khi bao tử trống hoạt động không nổi, lúc đó chỉ cần vài chén cơm hay một khúc bánh mì bỏ vào bao tử là máy chạy rồi, giả sử như cơm nguội hay bánh mì khô cũng được, không đòi hỏi thức ăn thơm ngon bao tử mới chấp nhận. Sở dĩ chúng ta cực khổ làm thức ăn ngon đủ mùi vị là do cái lưỡi, đó chẳng qua là thỏa mãn cảm giác nhỏ mọn tầm thường, chớ không phải là điều cần thiết.
"Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá". Chúng ta tính toán lăng xăng, tất cả đều do lục tặc công phá. Lục tặc tức là sáu căn, khi tiếp xúc với sáu trần sanh ưa thích, như mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon v.v... nên các lo toan tính toán hằng ngày của chúng ta đều do sáu tên giặc này phá phách không cho chúng ta yên ổn.
"Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt". Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích đắm theo sắc đẹp, tiền bạc rượu thịt. Cả ngày chỉ lo có bao nhiêu việc đó mà quên đi cái già bệnh chết đã chờ chực một bên mình.
"Luống đua đầu lằng sừng ốc, cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày dồn sức mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng". Luống đua những việc nhỏ nhoi như đầu con lằng, con nhặng (con ruồi xanh), sừng con ốc sên. Ðây là chỉ chúng ta chạy theo những chuyện rất tầm thường nhỏ mọn, rồi cam chịu sự buộc ràng của danh lợi chớ không có ích gì! Trọn ngày cứ mong cầu hết điều này đến điều khác, mong cầu nhiều mà chưa được toại nguyện, nên tối ngủ những điều mơ ước biến thành cảnh mộng.
"Chất chứa nghiệp dơ như giếng, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn". Nghiệp xấu chứa chất nhiều như giếng sâu bao nhiêu cũng chưa đầy, không nhớ trên đầu tóc đã bạc như sương, tức cái già đã đến, mà chỉ nhớ tạo nghiệp thôi. Tất cả chúng ta thấy cái mê muội của con người thật quá lắm, già chết đuổi gấp bên mình mà không bao giờ thức tỉnh, chỉ tạo nghiệp mãi mãi không dừng. Ðến khi gặp cơn bệnh nặng nằm liệt trên giường không thể tới lui đi đứng được nữa, mới biết "trăm năm trọn về mộng lớn". Những tưởng tuổi thọ được trăm năm, nhưng khi sắp chết ôn lại cuộc đời giống như giấc mộng đêm qua. Những gì mình đã tạo, bao nhiêu danh lợi, bao nhiêu thân bằng quyến thuộc v.v..., khi sắp lâm chung nhớ lại đâu còn gì, chẳng qua là một giấc mộng lớn mà thôi.
"Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy, giống như quỉ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sinh hại mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể ví tự nhà xiêu". Ðây tả cơn bệnh nặng, tim gan hành hạ mình giống như oán thù, muốn cắt bỏ nó đi. Thân thể gầy ốm nằm liệt trên giường, giống như quỉ đói. Lại đi hỏi thầy bùa thầy pháp cầu cho hết bệnh, phải làm bò làm trâu cúng thì họ sẽ trị cho. Muốn được sống dai lại còn giết hại sinh mạng, đó là điều rất trái với lẽ thật. Chỉ mong đời sống của mình bền vững lâu dài như cây tùng cây bá sẽ xanh tươi mãi mãi; đâu ngờ thân thể khi sắp tàn ví tựa nhà xiêu, chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ sập rồi.
"Hồn phách tuy về cõi quỉ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rửa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm". Khi tắt thở hồn phách đi về cõi quỉ, bởi vì khi sống không tạo duyên lành, không tạo nghiệp tốt, nên khi chết phải đi vào cõi quỉ hay cõi địa ngục. Khi hồn phách đi rồi thi hài vẫn còn ở nhân gian, chất cứng như tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, còn chất nước như đàm dãi máu me đều chảy ra trước. Nếu thân chết chưa kịp chôn thì sẽ rữa nát, máu mủ chảy trào, hôi hám xông trời xông đất, ai đi qua cũng phải bịt mũi đi mau, da đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Giả sử sắc đẹp như Tây Thi mà chết năm ba hôm chưa chôn, cũng chỉ là cái thây ma hôi thúi. Khi sống dường như thân thuộc ruột rà, lúc chết lại sợ không dám đến gần nhìn kỹ, như vậy tình nghĩa gì, chỉ là tạm bợ mà thôi.
"Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì giòi đục tửa sinh, hoặc ném ra đường quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mềm quấn giấu". Dù giàu hay nghèo ai ai rồi cũng chết, nếu để trong nhà thì giòi đục tửa sinh, nếu bỏ ra ngoài đường thì quạ ăn, chó xé, không được toàn thây. Mùi hôi thúi xông lên, người đi ngang không chịu nổi phải bịt mũi, con hiếu thảo thương xót kiếm mền chiếu quấn kỹ che kín lại.
"Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đóm lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông". Khi chôn cất xong rồi thì đêm đến thấy lửa ma trơi lốm đốm nơi hoang dã, mả mồ để mặc nằm đó không ai lui tới, một năm trở lại thăm một lần, đó là hiếu để lắm rồi.
"Khi xưa tóc đen má ửng, ngày nay xương trắng tro đen. Khi mưa lệ rơi thì mây sầu thê thảm, lúc gió buồn thổi thì trăng sáng hắt hiu". Ðây mới ôn lại, khi xưa tóc đen nhánh, má ửng hồng, ngày nay thì xương trắng tro đen, xưa nay khác nhau biết là bao nhiêu! Nắm mồ nằm giữa đồng hoang gặp lúc mưa rơi như lệ, thì mây sầu buồn thảm vô cùng, khi gió buồn thổi, thì trăng sáng hắt hiu cô quạnh. Khi sống con cháu đầy nhà, chết rồi ra nằm ngoài đồng vắng một mình, không ai lai vãng ngó ngàng, phó cho gió táp mưa sa.
"Ðêm vắng thì quỉ khóc thần sầu, năm dài thì ngựa giày trâu đạp. Lửa đom đóm lập lòe trong đám cỏ xanh, tiếng dế ngâm nỉ non cạnh hàng dương liễu. Bia ghi nữa chìm, rêu xanh phủ, tiều phu giậm mãi thành lối mòn". Khi đêm vắng nghe những âm thanh buồn bã như tiếng quỉ khóc thần sầu. Trải qua nhiều năm tháng, mồ mả bị ngựa giày trâu đạp, vì các chú mục đồng thả trâu ngựa đi ăn trong đám mộ. Trong đám cỏ xanh rậm rạp chỉ thấy lửa đom đóm chớp chớp lập lòe, hoặc nghe tiếng dế ngâm nỉ non dưới hàng dương liễu. Tấm bia ghi tên họ người mất lâu ngày bị chìm hết phân nữa dưới đất, phân nữa trên còn lại bị rêu xanh che phủ. Các chú tiều phu vạch cỏ đi, giậm mãi thành lối mòn cho người qua lại.
"Dầu cho văn chương cái thế, giả sử tài sắc nghiêng thành, chung cuộc đâu có đường khác, cuối cùng chỉ một lối đi". Dù cho văn chương cái thế ai nghe cũng quí trọng, dù cho sắc đẹp nghiêng thành ai nhìn cũng mến cũng yêu, nhưng rốt cuộc rồi đi tới đâu, cuối cùng chỉ đi đến cái chết, không có con đường nào khác!
"Mắt bị sắc dẫn trèo lên cây kiếm; tai theo tiếng lôi tiến lên núi đao; lỗ mũi ngửi toàn mùi hôi hám; trong lưỡi ăn sắt nóng nuốt hoài; thân khiếp sợ nước đồng sôi nóng dội; ý chua cay vạc dầu sôi nung nấu. Nhân gian trọn một trăm năm, trong địa ngục mới là sáng tối". Hằng ngày mắt chúng ta đắm đuối nhìn theo sắc đẹp, nên khi nhắm mắt sức mê sắc đẹp dẫn chúng ta trèo lên cây kiếm, bị lưỡi kiếm cắt da xẻ thịt; tai mê đắm tiếng hay, nên khi chết nghiệp lôi trèo lên ngọn núi đao; mũi dính mùi nên nó lôi mình đến chỗ tanh hôi nhơ nhớp; lưỡi thích vị ngon nên phải ăn những hoàn sắt nóng; thân thích những xúc chạm vừa ý thì bị nước đồng sôi dội lên thân; còn ý ưa cay nghiệt với mọi người sẽ bị vạc dầu sôi nung nấu. Ðây là nói các họa do sáu căn đắm luyến sáu trần, kết quả phải chịu những khổ đau như vậy! Ở nhân gian sống được một trăm năm chỉ bằng một ngày một đêm trong địa ngục chịu những khổ đau dồn dập, ở địa ngục cả ngàn năm thì bằng ở nhân gian cả triệu năm, chịu khổ sao cho thấu. Nếu chúng ta đắm mê theo sáu trần tạo nghiệp hung dữ ác độc, thì phải đọa địa ngục chịu đau khổ không biết là bao lâu, nên cái vui quá ngắn mà cái khổ quá dài. Thế mà người đời đâu có sợ đâu có tỉnh, cứ đua tìm cho được những gì vui thích, quên đi cái khổ lâu dài phải chịu ở ngày mai.
Ðoạn văn trên Ngài Trần Thái Tông diễn tả đời người chúng ta từ khi mới sinh ra đến lúc già bệnh rồi kết cuộc là chết. Sau khi chết sẽ chịu đau khổ như thế nào, Ngài đều diễn tả đầy đủ cho chúng ta thấy rõ. Ðến đây Ngài mới đánh thức chúng ta:
"Nếu người tác gia đủ mắt, cần phải sớm gấp hồi quan, chuyển thân nhảy khỏi vòng sanh tử, khoảng khảy móng cắt đứt lưới ái ân". Nếu là người tác gia đủ con mắt sáng, tác gia là người có trí tuệ thấy rõ được lẽ thật, có thể hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, đủ con mắt sáng tức là đủ con mắt trí tuệ; "cần phải sớm gấp hồi quan", hồi quan là xoay lại xem xét chính mình, chữ hồi quan có giá trị rất sâu đậm trong Phật giáo. Bởi vì chúng ta sống mà đuổi theo sáu trần, là chúng ta lệ thuộc bên ngoài, chạy theo cái vô thường sinh diệt. Khi bị lệ thuộc ngoại trần rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi những tâm niệm tham sân si. Ðuổi theo được là tham, không được thì lòng sân nổi dậy; rồi từ cái mê muội không thấy được lẽ thật, đuổi theo nắm bắt sáu trần, chúng ta gây tạo không biết bao nhiêu tội nghiệp. Phải chịu bao nhiêu cảnh khổ ở ngày mai. Thế nên nếu là người trí tuệ sáng suốt, phải xoay lại nhìn xem thân này là thật hay giả, kế đến nhìn lại xem những tâm niệm mình là thật hay giả. Thấy rõ được bản chất không thật của thân và những tâm niệm rồi, chúng ta mới tìm được cái chân thật không niệm dấy khởi của mình, đó là cái chân thật bất sanh bất diệt, mà trong nhà Thiền gọi là "bản lai diện mục"; trở về nơi đó chúng ta mới thoát được vòng sanh tử. Vậy nếu chúng ta muốn nhảy khỏi vòng sanh tử, phải nhanh như khoảng khảy móng tay cắt đứt hết lưới ái ân. Aĩi là yêu mến, là quyến luyến, ràng buộc giữa người này với người kia, cho nên có yêu mến là có buộc ràng! Giả sử có hai người làm bạn với nhau, nếu mến yêu nhiều tức có sự buộc ràng. Huống nữa hai người khác phái yêu nhau, lại thêm con cái trói buộc làm sao gỡ nổi! Vậy nếu chúng ta quyết tâm nhảy khỏi vòng sanh tử thì phải cắt nhanh cho đứt hết lưới ái ân.
"Dù là nam hay nữ thảy đều tu được; dẫu rằng trí hay ngu trọn đều có phần". Dù là người nam hay người nữ ai cũng tu được, dù là người trí hay người ngu cũng đều có phần, việc tu không dành cho riêng ai. Trên đường tu cửa mở rộng, ai cũng có thể tiến vào, nhưng với điều kiện là phải can đảm nhìn rõ lại mình, rồi phải cắt đứt hết những sợi dây ân ái buộc ràng.
"Nếu chưa đạt được Phật tâm, Tổ ý hãy trước nương trì giới tụng kinh. Ðến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, thì giới gì trì, kinh nào tụng". Nếu chúng ta chưa ngộ được tâm Phật, chưa thấu suốt được ý Tổ, thì trước phải ráng giữ giới và tụng kinh. Ðến lúc Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải, đó là chính là lúc nhận ra "bản lai diện mục" tức là mặt thật xưa nay của mình. Ðã là mặt thật xưa nay của mình thì đâu phải là của Tổ, đâu phải là của Phật, nói của Phật là trật, nói của Tổ là sai, cho nên nói: "Phật cũng chẳng phải, Tổ cũng chẳng phải", mà chính là bản là bản lai diện mục của mình. Sống được với cái đó rồi thì nói gì trì giới, nói gì tụng kinh. Tại sao? Vì sống với bản lai diện mục thì không có niệm khởi, không niệm khởi thì đâu có phạm giới. Có niệm, thì có niệm thương niệm ghét, niệm danh niệm lợi, không có niệm thì còn gì phải trì giới. Còn tụng kinh là nhắc lại lời Phật để tỉnh giác, nếu đã sống với cái tỉnh giác thì nhắc lại lời Phật cũng là dư, cho nên tới đó rồi thì còn kinh gì mà tụng. Vì thế chúng ta phải hiểu thật rõ, đừng hiểu lầm, chưa tới chỗ mà không cần trì giới, không cần tụng kinh, đó là nói sai không đúng lẽ thật. Khi nào chúng ta hằng sống được với bản lai diện mục rồi, chừng đó cũng không phải Phật, cũng không phải Tổ, nói gì là trì giới tụng kinh.
"Nơi sắc huyễn cũng là chân sắc, ở thân phàm cũng là thân Phật". Khi ấy ngay trong sắc uẩn này cũng là chân sắc, ngay nơi thân phàm tục này cũng là thân Phật. Tại sao? Vì mê, tưởng huyễn là thật, nên bị huyễn mê hoặc, khi tỉnh rồi biết là huyễn, từ sắc huyễn thấy được cái chân thật nên gọi là chân sắc. Còn ngay thân phàm mà chúng ta tưởng là thật, nên thân này hoại diệt chúng ta đau khổ. Nếu ngay thân phàm này, chúng ta nhận ra bản lai diện mục, thấy đó là thân Phật, chớ không có đâu khác.
"Phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ làm tám tự tại". Khi ngộ rồi thì phá sáu thức làm sáu thần thông. Như sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, do thức duyên theo sáu trần nên thành lục tặc. Khi sáu căn không còn vọng thức duyên theo sáu trần, thấy nghe mà không dính mắc đó là phá lục tặc thành lục thông, hay là phá sáu thức làm sáu thần thông.
"Dạo tám khổ làm tám tự tại", tám khổ là sanh, già, bịnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc và ngũ ấm xí thạnh khổ, tức là thân năm ấm này là khổ. Khi chúng ta mê thì có bốn cái khổ của thân: Vô thường, khổ, không, vô ngã và bất tịnh. Trong Kinh Niết Bàn dạy, khi ngộ được pháp thân thì được bốn tự tại là thường, lạc, ngã, tịnh. Còn đối với tám khổ, được tám tự tại, Kinh Niết Bàn dẫn tám tự tại là:
1. Một thân hiện nhiều thân như số vi trần.
2. Một thân vi trần ở khắp cõi đại thiên.
3. Thân Phật lớn đến cả các thế giới.
4. Phật hiện vô số thân.
5. Sáu căn hỗ dụng.
6. Phật đạt được tất cả pháp mà không như được.
7. Phật thuyết pháp một bài kệ trải vô số kiếp.
8. Thân khắp nơi như hư không.
Ðây là tám tự tại khi đạt được pháp thân.
Ðoạn khác nói về Pháp giới thứ đệ, có tám tự tại là:
1. Ngay từ lớn mà thu nhỏ.
2. Hay từ nhỏ mà hóa ra lớn.
3. Hay nhẹ nhàng vượt đi trong hư không.
4. Hay tự tại, nghĩa là tùy muốn đi trong không, xuống nước hay vào đất đều tự
tại.
5. Hay có chủ tức là mình làm chủ tự tại đối với tất cả những cái bên ngoài.
6. Hay đến xa tức là vừa nghĩ là đến.
7. Hay động tức là mình làm cả thế giới chuyển động gọi là lục chủng chấn động,
đó đều là do sức thần thông của mình.
8. Tùy ý tức là tùy ý muốn làm gì cũng được.
Như vậy nếu chúng ta khéo tu thì từ lục tặc biến thành sáu thần thông, từ tám khổ biến thành tám tự tại. Ðó là tự mình chuyển chớ không ai thay cho mình mà chuyển được, điều này hết sức rõ vậy.
"Tuy nói thế ấy, mà mỗi người vào trong sắc thân rồi, bỏ đó thật khó thay". Tuy giảng nói như vậy, nhưng trên sự thật khi mang sắc thân này rồi muốn bỏ nó là chuyện không phải giản đơn, thật là cay đắng.
"Hết thảy các người! Chỉ sắc thân này lại làm sao giải thoát? Nếu chưa giải thoát cần phải nghe đây". Mỗi người chúng ta phải giải thoát sắc thân này, nhưng làm sao giải thoát? Nếu chưa được giải thoát, cần phải nghe bài kệ sau đây:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng bạch bạch khéo lừa nhau.
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời một núi xanh.
Bốn câu kệ này rất là thâm thúy: "Vô vị chân nhân" là từ củaTổ Lâm Tế. Một hôm Tổ Lâm Tế ở trước hội chúng nói: "Các ngươi hãy nghe, nơi trước mặt các ngươi có vô vị chân nhân thường ra vào". Vô vị chân nhân là con người chân thật không có ngôi vị, không có chỗ nơi, vô vị chân nhân cũng tức là tên khác của bản lai diện mục, từ trong cửa mặt của chúng ta ra vào. Như vậy ai cũng có vô vị chân nhân, từ khác là tâm thể thanh tịnh. Tâm thể này không tướng mạo, nên không chỗ nơi, không ngôi vị, đó là chân nhân, con người chân thật. Chân nhân ở ngay nơi thân thịt đỏ au này, nơi thân thịt máu mủ này không phải tìm kiếm nơi nào khác.
"Hồng hồng bạch bạch khéo lừa nhau". Hồng là đỏ, bạch là trắng. Ngay nơi thân thịt có những hình sắc hoặc đỏ hoặc trắng, đừng có lầm nó, nghĩa là đừng mắc kẹt ở khối thịt đỏ au, mà phải thấy được vô vị chân nhân ở trong đó. Nếu thấy khối thịt đỏ mang màu sắc trắng hồng rồi có yêu có ghét đó là lầm, rồi chìm đắm trong cái lầm mà phải khổ.
Ðến hai câu kết:
Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh,
Sương biếc bên trời một núi xanh.
Có ai biết rằng khi mây cuốn hết chỉ có hư không hoàn toàn trong sạch. Bên trời mù sương đã tan, chỉ còn bầu trời trong, lúc đó ngọn núi xanh hiện sừng sựng trước mắt chúng ta.
Trong bài kệ trên, hai câu đầu chủ yếu Ngài Trần Thái Tông muốn cho chúng ta hiểu rõ ngay nơi thân thịt hôi hám bẩn thỉu của chúng ta có một cái chân thật sẵn ở trong ấy. Chúng ta đừng lầm những màu sắc của thân thịt này để rồi phải tạo nghiệp chịu khổ. Khi chúng ta hết lầm thân này, những ý niệm đen tối đã tan vỡ, lúc đó giống như mây bị cuộn đi chỉ còn một khoảng hư không trong sạch. Chúng ta nhìn nơi vùng sương mù đã tan rồi một ngọn núi xanh hiện ra rõ ràng. Ngọn núi xanh để chỉ cái gì? Sương mù để nói cái gì? Sương mù có thể là hình dáng của khối thịt đỏ au, hay của thân tứ đại, hay những tâm niệm cuồng loạn của chúng ta. Khi những tâm niệm cuồng loạn đã lặng yên rồi, chúng ta sẽ thấy ngọn núi bất động sừng sựng trước mắt. Ngọn núi là chỉ bản lai diện mục sẵn có tự thuở nào của chúng ta, hay nói cách khác là chỉ vô vị chân nhân sừng sựng ở trước mắt.
Qua bài "Nói rộng sắc thân" chúng ta có cái nhìn rất thấu đáo, Ngài diễn tả đầy đủ về con người phàm tục mà chúng ta đang mê đắm. Ngài tuần tự chỉ cảnh sanh già bịnh chết của con người và cuối cùng chỉ ra một lối đi, một lẽ thật để chúng ta biết mà tu, hầu vượt khỏi mọi mê muội lầm lẫn. Thoát khỏi các mê muội lầm lẫn chúng ta sẽ đến chỗ giác ngộ an lành thanh tịnh.
Ðọc bài này chúng ta thấy Ngài Trần Thái Tông tuy là vua ngồi trên ngai vàng mà Ngài có cái nhìn tường tận về bản chất con người, không bị tài sắc danh lợi quyến rủ đến phải mờ mịt như những vị vua khác.
Thích Thanh Từ
(trích trong "Khoá Hư Lục Giảng Giải",
Thiền Viện Thường Chiếu ấn hành, 1996)